Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Phạm Viêm Phương

















Phạm Viêm Phương
(1955 - ......) Long Xuyên
Dịch giả, Nhà văn











Buổi sáng, quá giang Nguyễn Đạt đến NgH
( Ấn bản do Trần Thị NgH thực hiện)






"Theo tôi, lười đọc là do lười suy nghĩ, mà người lười suy nghĩ là do thiếu một nền tảng triết học"

(PVP trã lời phỏng vấn trên Việt Báo) 




*




Học Đại học sư phạm Sài Gòn, khoa sử địa năm 1973. 
Tốt nghiệp Đại học sư phạm TP/HCM năm 1977. 
Có 3 năm dạy sử ở trung học. Bắt đầu làm dịch thuật chuyên nghiệp từ 1986. 
Hơn 50 dịch phẩm đã được xuất bản, phần lớn là dịch thuê theo đơn đặt hàng của các đơn vị sản xuất.
Từ khoảng 2005 mới thực sự chuyên dịch văn học. Hiện sống ở Sài Gòn với vợ và hai con, dịch thuật suốt ngày, từ Anh sang Việt hoạc ngược lại, trừ những buổi bia bọt với bạn hữu.




*



"Dịch văn học là đi trên một lằn ranh mỏng manh: Tôn trọng văn phong, không khí của tác phẩm và chuyển ngữ để bạn đọc hiểu được và hài lòng.
Mà không phải lúc nào củng đạt được cả hai"
PVP







Dịch phẩm trong đời Phạm Viêm Phương



1
Cô gái thông minh, tập truyện cổ tích nước ngoài, 
Văn Học Nghệ Thuật Cửu Long, 1986


2
Nhiều tác giả, Tình nhân của nàng
tập truyện nước ngoài, dịch chung với Nguyễn Thị Hồng Mai
Văn Học Nghệ Thuật Cửu Long, 1987


3
Federick Forsyth, Hồ sơ Odessa
(Odessa File)
tiểu thuyết hình sự, Văn Học Nghệ Thuật Cửu Long, 1988


4
Sontra J. Dahmer & Kurt W. Kahl, Sổ tay hướng dẫn phục vụ nhà hàng
(The Waiter and Waitress Training Manual)
sách dạy nghề, dịch chung với Huỳnh Văn Thanh và Nguyễn Trung Anh, Trẻ, 1992


5
Marc Olden, Lưỡi gươm khát máu (Dai-sho)
tiểu thuyết hình sự, Lao Động, 1993


6
Irving Wallace, Tài liệu R
(The R Document)
tiểu thuyết hình sự, Công An Nhân Dân, 1993


7
Nhiều tác giả, Nụ hôn thần chết
tập truyện hình sự, dịch chung với Nguyễn Trung Anh, TP.HCM, 1993


8
James Hadley Chase, Dã tràng xe cát
(You’ve Got It Coming), 
tiểu thuyết hình sự, Văn Nghệ TPHCM, 1993 (bản in không đề tên dịch giả)
Văn Hóa Sài Gòn tái bản 2009


9
Ken Folett, Kẻ độc hành không mỏi
(Big Needle)
tiểu thuyết hình sự, Văn Học, 1993


10
Ken Folett, Yêu trong nỗi chết
(Lie Down with Lions)
tiểu thuyết hình sự, Đồng Nai, 1995


11
Maureen Dean, Trong mê cung quyền lực
(Capitol Secret)
tiểu thuyết hình sự, Đồng Nai, 1996


12
Ernest Hemingway, Tuyết trên ngọn Kilimanjaro và những truyện ngắn khác
dịch chung với Huy Tưởng, Văn Nghệ TPHCM, 1997


13
Richard Osborne, Bản năng gốc
(Basic Instinct)
tiểu thuyết hình sự, Đồng Nai, 1996
Văn hóa Thông Tin và Văn Hóa Sài Gòn cùng tái bản 2008


14
John Steinbeck, Rời nẻo đường quen
(The Wayward Bus)
tiểu thuyết, Văn Nghệ TPHCM, 1999


15
H. Keith Melton, Sách tra cứu về nghề gián điệp
(The Ultimate Spy Book)
Công An Nhân Dân, 1999


16
Lý Quang Diệu, Hồi ký
(Singapore Story) 
dịch chung với Huỳnh Văn Thanh (bản in ghi nhầm Huỳnh Văn Thành), 
TPHCM, 2000; Thế Giới tái bản 2017; Thế Giới tái bản 2023


17
 Lý Quang Diệu, Hồi ký 1965-2000
(From Third World to First)
dịch chung với Huỳnh Văn Thanh, Văn Nghệ TPHCM, 2001


18
John H. Jackson, Hệ thống thương mại thế giới
(The World Trading System)
 dịch chung với Huỳnh Văn Thanh, 2001


19
Nhiều tác giả, Cuộc hẹn lúc nửa đêm, 
tập truyện hình sự, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, Công An Nhân Dân, 2001


20
Alfred W. McCoy, Nền chính trị ma túy ở Đông Nam Á 
(The Politics of Heroin in Southeast Asia)
dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, Công An Nhân Dân, 2002


21
 John Grisham, Thân chủ
(A Time to Kill)
tiểu thuyết hình sự , Văn Nghệ TPHCM, 2002


22
Nhiều tác giả, Sabrina, cô phù thủy nhỏ
(10 tập; Sabrina: The Teenage Witch)
Hội Nhà Văn, 2002


23
Gregory K. Ericksen, 12 Nữ doanh nhân Mỹ thành đạt
(Women Entrepreneurs Only: 12 Women Entrepreneurs Tell the Stories of Their Success)
dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, Phụ Nữ, 2003


24
Edward Lee & Bradley O’Leary, Cái chết của những ông vua chiến tranh lạnh
(The Deaths of the Cold War Kings),
dịch chung với Mai Sơn, Công An Nhân Dân, 2003; Công An Nhân dân tái bản 2019


25
Katherine Paterson, Chiếc cầu vào xứ tuổi thơ
(Terabithia),
Kim Đồng, 2003


26
Nhiều tác giả, Truyện ngắn phân tích, PVP dịch và chú giải,
Văn Nghệ TPHCM, 2003


27
Guinness, Những kỷ lục thế giới
(Book of World Records),
dịch chung với Nguyễn Trung Anh và Ngô Được, Văn Hóa Thông Tin, 2004


28
Betty Root, Từ điển đầu tiên của tôi: Dành cho lứa tuổi từ 4 trở lên
(My First Dictionary), Tổng hợp TP HCM, 2004


29
Mortimer J. Adler, Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại
(Great Ideas from the Great Books)
dịch chung với Mai Sơn, Văn Hóa Thông Tin, 2004


30
Colin Powell, Hành trình nước Mỹ của tôi (My American Journey)
dịch chung với Phan Thanh Toàn, Công An Nhân Dân, 2004


31
Trịnh Bửu Hoài, Words of Stone
(Lời của đá)
bút ký, Văn Nghệ Châu Đốc, 2005


32
Nhiều tác giả, Những phóng sự về chiến tranh Việt Nam
Trẻ, 2005, Trẻ tái bản 2015


33
Robert Kiyosaki & Sharon Lechter, Ai đã lấy tiền của tôi?
(Who Took My Money?)
dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, Tổng hợp TP.HCM, 2005, bản in này không ghi tên tác giả ngoài bìa, trong ruột chỉ ghi “Biên dịch: Phạm Viêm Phương & Huỳnh Kim Oanh” có lẽ vì muốn tránh né chuyện tác quyền


34
Hà Quang Chẩn et al., History of the Ba Chua Xu Temple
(Lịch sử Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam)
Văn Nghệ Châu Đốc, 2006


35
USIS, Lược sử nước Mỹ
(An Outline of American History)
dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, Tổng Hợp TPHCM, 2006


36
Moi Ali et al., Cẩm nang quản trị kinh doanh
dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, Thống K, 2006


37
Bernard Malamud, Chiếc thùng ma thuật
(The Magic Barrel)
tập truyện, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, Văn Học, 2006


38
Nhiều tác giả, Tuyển tập truyện ma cà rồng
(2 tập), tập truyện, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, Văn Học, 2006


39
Nhiều tác giả, Tình lỡ quay về
tập truyện ngắn Mỹ, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, Văn Học, 2007


40
Joseph J. Ellis, Ngài George Washington
(His Excellency George Washington)
dịch chung với Huỳnh Văn Thanh, Công An Nhân Dân, 2007


41
Ohran Pamuk, Tên tôi là Đỏ
(My Name Is Red)
tiểu thuyết, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, Văn Học, 2007
(giải thưởng dịch thuật của Hội nhà văn Việt Nam 2008) (tái bản 2013)


42
Mary Somers Heidhues, Lịch sử phát triển Đông Nam Á
(Southeast Asia: A Concise History)
biên khảo, dịch chung với Hùynh Kim Oanh, Văn Hóa Thông Tin, 2007


43
Harper Lee, Giết con chim nhại
(To Kill a Mocking Bird)
tiểu thuyết, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, Văn Học 2008 (tái bản 2013)


44
Gary Shteyngart: Cộng hòa Phi lý
(Absurdistan)
tiểu thuyết, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, Văn Học 2009


45
Don DeLillo, Nghệ sĩ hình thể
(The Body Artist)
tiểu thuyết, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, Văn Học 2010


46
Anne Enright, Họp mặt
(The Gathering)
tiểu thuyết, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, Văn Học 2012


47
Hành trình Mitt Romney, Thời Đại 2012
tiểu sử, lược dịch chung với Nguyễn Hoàng Phong từ The Real Romney của Michael Kranish & Scott Helman, nhưng công ty xuất bản ghi là “Phạm Viêm Phương & Nguyễn Hoàng Phong biên soạn” để tránh né chi phí và thủ tục tác quyền.


48
Pat Farmer, Từ Cực Bắc tới Cực Nam: Một người, 20 triệu bước chân
(Pole to Pole - One Man, 20 Million Steps)
bút ký hành trình, dịch chung với Nguyễn Thành Nhân và Nguyễn Hoàng Phong, Thông Tấn, 2012


49
Nhiều tác giả, Trổ tài thám tử
tập truyện hình sự, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, Thời Đại, 2012


50
68 cuốn sách doanh nhân nên đọc nhất
Thời Đại, 2013, biên soạn từ nhiều nguồn


51
Nguyễn Viết Ngoạn (chủ biên), Di sản Sài Gòn: Saigon Heritage
tập ảnh Sài Gòn xưa
song ngữ, Thời Đại, 2014


52
John Updike, Rabbit ơi, chạy đi
(Rabbit, Run)
tiểu thuyết, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, Văn Học, 2014


53
Eric T. Jennings, Đỉnh cao đế quốc: Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp (Imperial Heights: Dalat and the Making and Undoing of French Indochina)
biên khảo, dịch chung với Bùi Thanh Châu, Hồng Đức, 2015; Đà Nẵng tái bản 2022


54
 Nguyễn Một, Journey Against the Sun
(Ngược mặt trời)
tiểu thuyết, dịch chung với Nguyễn Hoàng Phong, Sống Publishing, CA (Mỹ), 2015


55
 Samuel Smiles, Tinh thần tự lực: Những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì
(Self-Help: With Illustrations of Conduct and Perseverance)
biên khảo, Hồng Đức, 2016; Hồng Đức tái bản 2016 và 2018; Tổng hợp TPHCM tái bản 2021, 2022, 2023


56
 Harper Lee, Hãy đi đặt người canh gác
(Go Set a Watchman)
tiểu thuyết, Văn Học, 2016.


57
John Updike, Kẻ khủng bố
(The Terrorist)
tiểu thuyết, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, Hội Nhà Văn, 2017


58
Don DeLillo, Tạp âm trắng
(White Noise)
tiểu thuyết, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, Hội Nhà Văn, 2017.


59
Viet Thanh Nguyen, Người tị nạn
(The Refugees)
tập truyện Hội Nhà Văn, 2017


60
Lý Đợi (chủ biên), Lê Văn Xương, Drawing with Serenity - 
Lê Văn Xương, Vẽ với lòng thanh thản (song ngữ), Mỹ Thuật, 2017


61
Thomas Paine, Lẽ thường
(Common Sense)
tiểu luận, Văn hóa Văn nghệ, 2019


62
Philip Roth, Vết nhơ của người
(The Human Stain)
tiểu thuyết, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, Hội Nhà Văn, 2019


63
Mortimer J. Adler, Cùng suy nghĩ về những ý niệm lớn
(How to Think about the Great Ideas)
tập tiểu luận, dịch chung với Mai Sơn, Hồng Đức, 2019


64
Joseph Ratner (biên tập), Triết học Spinoza
(The Philosophy of Spinoza)
biên khảo, Tri Thức, 2020


65
Will Durant, Triết học và vấn đề xã hội
(Philosophy and the Social Problem)
biên khảo, Tri Thức, 2020


66
William James, Chủ nghĩa thực dụng
(Pragmatism)
biên khảo, Đà Nẵng, 2021


67
Will Durant, Thời đại Voltaire
(The Age of Voltaire)
4 tập, biên khảo, Khoa học Xã hội, 2022


68
Will Durant, Thời đại Đức tin
(The Age of Faith)
5 tập, biên khảo, Khoa học Xã hội, 2022


69
 Nguyễn Một, Heaven and Earth in Turmoil (Đất trời vần vũ)
tiểu thuyết, dịch chung với Đoàn Khương Duy, Sống Publisher, 2022


70
J.M. Roberts & O.A. Westad, Lịch sử thế giới 
(The Penguin History of the World)
5 tập, biên khảo, Khoa học Xã hội, 2023













Dịch phẩm Phạm Viêm Phương










Vài dịch phẩm tiêu biểu:










John Steinbeck. Rời Nẻo Đường Quen 
(The Wayward Bus) tiểu thuyết










Edward Lee & Bradley O'leary. Cái Chết Của Những Ông Vua Thời Chiến Tranh Lạnh 

(The Deaths Of The Cold War Kings) 
biên khảo, dịch chung với Mai Sơn












Colin Powell. Hành Trình Nước Mỹ Của Tôi
(My American journey)
 hồi ký, dịch chung với Phan Thanh Toàn











Bernard Malamud. Chiếc Thùng Ma Thuật
(The Magic Barrel)
 tập truyện, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh











Orhan Pamuk. Tên Tôi Là Đỏ
(My Name Is Red) 
tiểu thuyết, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh











Harper Lee. Giết Con Chim Nhại 
(To Kill a Mocking Bird) 
 tiểu thuyết, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh










Don Dellilo. Nghệ Sĩ Hình Thể 
(The Body Artist) 
 tiểu thuyết, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh











Cung Tích Biền. The Smell Of Monsoon 
(Mùi Của Gió Mùa)




Kinh Dương Vương. Paths Of Ants 
(Đường Kiến)




Kinh Dương Vương. A Disaster 
(Tai Ương)














Tham khảo thêm về dịch giả Phạm Viêm Phương:

















- Gần đây ở Hà Nội và TP HCM diễn ra các đêm giới thiệu sách "Chúa tể những chiếc Nhẫn" bản dịch mới, thu hút nhiều độc giả và người trong giới văn học tham dự. Ông cũng là một trong số khách mời. Ông thấy độc giả đón nhận bộ sách kinh điển ra sao? 

- Tôi rất mừng vì đại đa số bạn đọc tham dự các buổi giao lưu đều là những bạn trẻ. Hôm đó, khi đến Nhã Nam thư quán để trò chuyện, tôi thấy có nhiều bạn đến từ rất sớm, uống cà phê, xem sách và chờ đến giờ giao lưu.





Dịch giả Phạm Viêm Phương (thứ hai từ phải qua) phát biểu tại một tọa đàm về dịch thuật.


- Ông có ấn tượng gì về bộ "Chúa tể những chiếc Nhẫn" mới được xuất bản?
- Tôi biết bộ này Nhã Nam làm trong sáu năm, nên chắc kỹ lưỡng hơn tụi tôi rất nhiều (Nguyễn Nam ngày xưa mua bản quyền xong là dịch, xong chương nào in ra sách ngay chương đó). Bản dịch mới được in ấn, tiếp thị… cũng tốt hơn, nên đã gây tiếng vang. So với bản Nguyễn Nam, theo tôi, bản dịch mới này chính quy hơn, đầy đủ hơn (Nguyễn Nam không dịch “Phi lộ”, không tham khảo “Chỉ dẫn tên riêng” do Tolkien soạn, và để nguyên các nhân danh địa danh đó như bản tiếng Anh). Ấn tượng của tôi trước bản dịch mới là thích thú vì đọc được (dù tôi chưa đọc hết) một dịch phẩm được thực hiện kỹ lưỡng, chu đáo, tuy chưa thể xác định là hay hoặc chuẩn xác vì việc này cần nhiều thời giờ hơn.

- Ở bản dịch mới, bộ sách có một lời nói đầu rất dài giải thích về quá trình dịch cũng như nhóm dịch đã tiếp thu từ “Guide to the Names in The Lord of the Rings” của chính Tolkien biên soạn. Nhưng nhiều bạn đọc vốn thích xem phim đã quen với tên Frodo Baggins, The Shire, hay Rivendell… lại thấy bỡ ngỡ và khó quen với những cái tên như Frodo Bao Gai, Quận, Thung Đáy Khe trong bản dịch vừa ra mắt. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?
- Theo tôi, người dịch nên theo “Chỉ dẫn” đó vì: 1: Tolkien soạn “Chỉ dẫn” này sau nhiều lần đọc các bản dịch cho tác phẩm của ông chứ ông không soạn sẵn từ đầu, nghĩa là các bản dịch đã khiến ông thấy không hài lòng đến độ phải lên tiếng để giảm bớt những bực mình về sau khi các bản dịch cứ làm hại tác phẩm của ông; 2: Tác giả luôn là nguồn thẩm quyền cao nhất về tác phẩm của họ và ta nên tôn trọng thẩm quyền đó; và 3: Bản dịch Nguyễn Nam trước đây, cũng như các phim ảnh ăn theo, đều là những cố gắng đưa tác phẩm này đến với đông đảo bạn đọc như một tác phẩm giải trí và không muốn làm mệt óc người đọc với những phân tích, chú giải dài dòng. Trong khi đó, bản dịch mới của Nhã Nam cố gắng đưa tác phẩm tới bạn đọc như một tác phẩm văn học, nghĩa là tôn trọng nguyên tác đến hết sức, và giúp bạn đọc tiếp cận càng sâu càng tốt được những ý nghĩa thâm trầm, tinh tế, của tác phẩm này cũng như nền văn hóa dân gian Âu châu.

Do đó, tôi nghĩ, để thưởng ngoạn một tác phẩm văn học, người đọc phải tự thay đổi, hay rõ hơn, nâng cấp thói quen đọc của mình. Họ phải chọn một trong hai thái độ: yêu cầu tác giả, hoặc bản dịch, phải viết cho họ có thể hiểu dễ dàng; hoặc tìm hiểu và suy nghĩ để hiểu tác phẩm. Người dịch và nhà xuất bản cũng phải lựa chọn một trong hai: lôi tác phẩm xuống cho vừa tầm đại chúng; hoặc khuyến khích và giúp đỡ người đọc vươn lên ngang tầm tác phẩm.




Bìa bản dịch mới, phần một, tác phẩm "Chúa tể những chiếc Nhẫn".





- Hệ thống tên tuổi trong "Chúa tể những chiếc Nhẫn" của Tolkien rất phức tạp, đầy rẫy những cái tên như: Daddy Twofoot, Proudfoot, Hornblower… nhóm dịch đã dịch thành “Bố Hai Chân”, “Bàn Chân Oách”, “Rúc Tù Và”, rồi những địa danh như: Willowbottom, Weathertop, Withywindle River… họ dịch thành “Đáy Liễu”,“Đỉnh Gió”, "sông Liễu Gai Quấn Quýt”… Ý kiến phản biện cho rằng tên riêng thì giữ nguyên, còn dịch nghĩa làm gì. Giống như không ai dịch George Bush sang thành “George Bụi Rậm”, hay Nguyễn Văn Minh thành “Civilization Nguyễn”.

Nhưng nhóm dịch và các biên tập viên tác phẩm này lại nói rằng đây đơn thuần không phải là nguyên tắc cứ tên riêng là không dịch, mà với hàng nghìn cái tên quá đỗi phức tạp do tác giả dụng công xây dựng mang ý nghĩa thẩm mỹ độc đáo, có dụng ý rõ ràng về thế giới Trung Địa của ông, sau được chính Tolkien quy định cái gì dịch, cái gì không dịch. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

- Những tranh cãi trên, theo tôi, là sự cố ngoài dự kiến của đơn vị thực hiện cuốn sách và các dịch giả. Họ chỉ nghĩ “mình phải tuân thủ ý muốn của tác giả” (mà điều này chắc cũng là một ràng buộc khi ký hợp đồng mua bản quyền). Tác giả muốn họ dịch mọi tên riêng bằng tiếng Anh (chứ không phải bằng các thứ tiếng khác do Tolkien bịa ra) thì họ cứ dịch thôi, và phải dịch ngắn gọn trong vài ba âm tiết cho mỗi tên, và tôi thấy họ đã làm hết sức rồi.

Tôi cho rằng đơn vị thực hiện cuốn sách chắc cũng nghĩ đây là vấn đề đơn giản nên họ chỉ trình bày sơ lược ở phần cuối của “Mấy lời cùng bạn đọc”. Tôi tán đồng cách làm của nhóm dịch thuật vì ta phải thuận theo ý của tác giả.

Muốn giải quyết cuộc tranh cãi này, có lẽ đơn vị thực hiện sách đành phải tốn tiền để dịch và in cả 30 trang “Chỉ dẫn tên riêng” của Tolkien thôi.



Dịch giả Phạm Viêm Phương.





- Với một cuốn sách tầm cỡ như "Chúa tể những chiếc Nhẫn", theo ông, việc một phụ lục tên tuổi, thuật ngữ, hay là gài thật nhiều chú thích bên dưới... có ý nghĩa thế nào?

- Những ý tôi trình bày ở trên đã trả lời câu hỏi này: nhà xuất bản và người dịch phải chọn một trong hai: làm tác phẩm giải trí hay tác phẩm văn học; và đưa bạn đọc đến với tác phẩm hay đưa tác phẩm đến với người đọc (ý hay ho này tôi học được từ cuốn Dịch thuật và tự do của Hồ Đắc Túc do Đại học Hoa Sen và NXB Hồng Đức xuất bản, chứ chẳng phải của tôi đâu).

- Mấy năm gần đây, xảy ra hiện tượng “ném đá” một số bản dịch và dịch giả trên các diễn đàn. Cũng xảy ra hiện tượng chê bai dè bỉu tràn lan bất chấp thực tế, biện luận. Điển hình là vụ chê ông Dương Tường dịch "Lolita" sai từ dòng đầu sai đi, tuy rằng một năm sau bản dịch vẫn được giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội.

Là một người dịch từng đoạt giải thưởng Hội nhà văn VN (cuốn "Tên tôi là Đỏ" của Orhan Pamuk), ông thấy tình hình phê bình dịch thuật, và phản hồi từ công chúng hiện nay ra sao?
- Tôi nghĩ, có làm thì tất có sai; và trong vài trăm, thậm chí vài nghìn, trang bản dịch thì sai là chuyện không thể tránh. Là người dịch, tôi thực hiện bản dịch, lãnh tiền thù lao, lại có được tên tuổi, thì tôi phải chịu trách nhiệm về bản dịch của mình, và đón nhận lời khen cũng như tiếng chê một cách bình tĩnh và duy lý, không chịu ảnh hưởng cảm tính. Mọi phê phán (ngoại trừ vì động cơ lệch lạc như “tư thù” hay “hám danh”) đều đáng hoan nghênh vì nó chứng tỏ người đọc quan tâm tới bản dịch và họ đang đòi hỏi người dịch phải làm việc có trách nhiệm hơn; và nó cũng khiến đời sống văn học trở nên lành mạnh hơn. Trong văn học nghệ thuật cũng như khoa học, không nên có những khái niệm như “cây đa cây đề”, “đại thụ” hay “lão làng” mà chỉ nên tôn trọng cái “đúng” hoặc “hay.”

Còn về “phê bình dịch thuật”, tôi chờ đón những công trình phân tích nghiêm túc và trọn vẹn cho toàn tác phẩm, dựa trên những lý thuyết dịch thuật, mà thứ này tôi e rằng còn hiếm, thậm chí là chưa có ở ta. Còn những bài mà mọi người vẫn gọi là “ném đá” thì tôi thấy mới là những ý kiến “bắt lỗi” hoặc “góp ý”. Các ý kiến chỉ giáo trên rất đều rất đáng quý cho người dịch chúng tôi, nhưng khó mà gọi đó là “phê bình dịch thuật” lắm. Nhiều bài thậm chí còn được viết ra trước khi tác giả đọc hết bản dịch, cũng như lời nói đầu, lời bạt, lời giới thiệu… của những người làm sách.

Để đời sống văn học lành mạnh hơn, và cũng để tỏ lòng tôn trọng người đọc (những người đã nuôi sống mình), người dịch và người xuất bản có bổn phận phải trả lời những ý kiến phản hồi ấy trên bất kỳ kênh thông tin nào tùy mức thuận tiện, chứ không nên để xảy ra tình trạng “sự im lặng đáng sợ” được.

- Ông từng dịch "Chúa tể những chiếc Nhẫn" của Tolkien trước đây. Vì sao sau đó bộ sách bị dừng lại?
- Năm 2001-2002, tôi cộng tác với Hoàng Phong, con trai nhà thơ Ý Nhi, lấy bút hiệu chung là Nguyễn Nam để dịch bộ này. Sách được phát hành hằng tuần dưới dạng từng tập mỏng (như Doreamon hay Harry Potter thời nay). Và rồi sau tập I dự án này đành ngưng lại vì bán ế, không cạnh tranh được trên thị trường.

- Ông nhận thấy độc giả thời nay có gì khác với thời ông lần đầu bước vào công việc dịch thuật?
- Hồi 10 năm trước, tôi không có dịp gặp gỡ bạn đọc vì nhà xuất bản chưa có thói quen tổ chức buổi ra mắt sách như gần đây, nên tôi chỉ biết được một số độc giả ít ỏi qua thư từ mà họ gửi về nhà xuất bản hoặc phát hành. Độc giả hiện nay năng động hơn, sẵn sàng phát biểu ý kiến hơn (một phần cũng nhờ Internet và các diễn đàn), do đó họ làm công việc thẩm định, giám sát, phê phán… mạnh mẽ hơn.



Các tác giả Phạm Viêm Phương từng chuyển thể tác phẩm sang tiếng Việt:

- Don DeLillo (The body artis / Nghệ sĩ hình thể, NXB Văn học 2010)
- Harper Lee (To Kill a Mocking Bird / Giết con chim nhại, dịch chung với Huỳnh Kim Oanh, NXB Văn học 2008)
- Orhan Pamuk (My name is Red / Tên tôi là Đỏ, NXB Hội nhà văn 2007, giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2008)
- John Steinbeck (The Wayward Bus/ Rời nẻo đường quen), NXB Văn nghệ TPHCM, 1999
- Ernest Hemingway (Tuyết trên ngọn Kilimanjaro và những truyện ngắn khác, dịch chung với Nguyễn Huy Tưởng, NXB Văn nghệ TP HCM, 1997).
- Philip Roth (The human stain, chưa xuất bản)
- John Updike (Rabit, run; chưa xuất bản)
- George Orwell (1984, chưa xuất bản)
- Cùng hơn 30 đầu sách dịch khác.








Cái mới của người khác là cơ duyên làm mới của ta


Bước vào bất cứ hiệu sách nào hiện nay, chúng ta sẽ nhận ra sự thay đổi trong công nghệ làm sách của Việt Nam: sách được in và trình bày rất đẹp, cả một khu vườn văn hóa đầy màu sắc với đủ loại nội dung. Bên cạnh sách của tác giả Việt Nam, sách dịch đem lại cho độc giả những bổ sung cần thiết từ những tác giả nước ngoài. Cuộc trò chuyện dưới đây với dịch giả Phạm Viêm Phương cho thấy những quan niệm và kinh nghiệm về dịch thuật của một người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này. 

* Đặt trường hợp anh là một người đọc, anh có thể nói gì về việc văn học dịch đang tràn ngập thị trường? 
- Thị trường tràn ngập văn học dịch là điều đáng hoan hỉ vì: 1, tôi, người đọc, có nhiều cơ hội lựa chọn và thưởng thức văn chương thế giới, và 2, sách văn học vẫn được xuất bản và vẫn có người mua. Nhưng bảo rằng văn học dịch “tràn ngập” thì hơi lạc quan khi mà mỗi tác phẩm chỉ in được một hai ngàn bản và bán chủ yếu ở hai trung tâm TP.HCM và Hà Nội. Nhìn đi nhìn lại chỉ Công ty Nhã Nam chuyên làm sách văn học dịch, còn những NXB hay công ty văn hóa khác, văn học dịch chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Là người đọc, tôi hơi thất vọng vì có ít thông tin về tác giả và tác phẩm trên mỗi dịch phẩm, lại càng ít bài viết phân tích, giải mã, để giúp người đọc thưởng thức tác phẩm trọn vẹn hơn. 

* Còn với tư cách một dịch giả, anh có thể nói gì? - Nếu sách văn học dịch bán chạy thì tôi 
- người dịch, sẽ vui sướng chứ sao. Vì tôi có thêm nhiều cơ hội dịch văn học, lĩnh vực tôi yêu mến hơn các lĩnh vực khác. Nhưng hình như có một điều vô lý ở xứ mình: người ta cho rằng chỉ dịch văn học mới là dịch giả, còn dù có dịch cả trăm cuốn ở nhiều lĩnh vực khác, thì vẫn chưa được coi là dịch giả, trong khi dịch sách nghiên cứu cũng đòi hỏi lắm công phu. Dịch sách triết chẳng hạn, đâu phải chuyện chơi! Tôi nghĩ cần có sách báo chuyên nghiên cứu văn học và lịch sử văn học thế giới... để cung cấp kiến thức nền cho người đọc. Nếu không, sách văn học dịch chỉ dừng lại ở việc thỏa mãn nhu cầu giải trí, không được gắn kết lại một cách hệ thống, để từ thông tin biến thành kiến thức. 

* Thời trẻ, anh đã chịu tác động của văn học dịch thế nào? 
- Thời trẻ, tôi cũng bạ đâu đọc đó như bạn trẻ ngày nay thôi. Thế hệ chúng tôi chưa bị tràn ngập bởi những phương tiện nghe nhìn, nên chúng tôi thích đọc, và cả thích viết, ngay từ thời trung học. Dần dần văn học trong nước không thỏa mãn nhu cầu đọc nên chúng tôi tìm đến văn học nước ngoài. 
Văn học luôn gắn liền với tư tưởng, sau đó là triết học. Điều này rất rõ trong văn học nước ngoài. Và tôi tiếp xúc với triết học qua cửa ngõ văn học, chứ tôi không học triết chính quy qua trường lớp. Những kiến thức rời rạc ấy lại giúp tôi hiểu tác phẩm văn học kỹ hơn, và đến nay vẫn hữu ích cho tôi. Việc đọc lan man như thế dẫn tôi đến với sử học, bộ môn dạy tôi hoài nghi mọi sự thật dù nó đã được công nhận, dạy tôi phải luôn đặt lại vấn đề, không bằng lòng với chân lý có sẵn. 

* Có hay không, khía cạnh tiêu cực trong văn học dịch? 
- Văn học, cũng như mọi sản phẩm khác từ nước ngoài, đều có khía cạnh hay hoặc dở, tốt hoặc xấu, tích cực hoặc tiêu cực..., tùy người nhận định. Nhưng văn học, tôi tin chắc, luôn đem lại điều mới. Không gì thú vị bằng biết được cái mới trong tư tưởng hay đời sống của người khác, là cơ duyên để ta làm mới chính mình. 

* Anh có thể phân tích cả hai khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực của văn học dịch đối với văn hóa Việt Nam? 
- Văn học dịch chắc chắn có nhiều khác biệt, nhiều cái mới đối với văn hóa Việt Nam. Vấn đề là văn hóa Việt mà cụ thể là mỗi người trong chúng ta có đủ bản lĩnh và lương thiện để chấp nhận cái mới hay không. Đừng viện lý do “nếu mở cửa thì cả không khí trong lành lẫn bụi bặm sẽ tràn vào nhà” để đóng cửa kín mít hoặc thỉnh thoảng mới hé ra một tí. 

* Nếu là nhà quản lý văn hóa, anh sẽ có những chủ trương thế nào? 
- Tôi chưa từng và không hề muốn làm một nhà quản lý ở bất kỳ lĩnh vực nào. Nói ngắn gọn thế này: nếu tôi là một nhà quản lý văn hóa, tôi sẽ chẳng có chủ trương gì cả, và chỉ làm một việc duy nhất: từ chức. (Mách nhỏ với bạn: Mỹ là nước “vô văn hóa” nhất thế giới, vì không có Bộ Văn hóa). 

* Tiêu chuẩn chọn tác phẩm để chuyển ngữ của anh? 
- Công việc của tôi là làm thuê, ai đặt cuốn nào tôi dịch cuốn đó. Tự chọn tác phẩm rồi bỏ thời gian để dịch cũng được, nhưng nếu không ai mua bản thảo đó thì gia đình tôi lấy gì để sống? Thời hoàng kim mà dịch giả được quyền tự chọn tác phẩm chắc còn ở tương lai. 

* Theo anh, khuynh hướng đọc của độc giả Việt Nam hiện nay ra sao? 
- Độc giả tức là thị trường. Tôi luôn tin rằng người đọc, tức đa số thầm lặng, luôn có những khía cạnh giỏi hơn người viết hay người dịch, và họ luôn biết tìm được sách hay hoặc hữu dụng cho họ. 

* Anh nhìn nhận thế nào về lớp độc giả trẻ Việt Nam? 
- Chuyện này báo chí bàn nhiều rồi, toàn những điều than thở, nào là lớp trẻ bị cuốn theo các phương tiện nghe nhìn, chạy theo những tác phẩm thời thượng... Tuy nhiên, vẫn còn đó những sóng ngầm. Lang thang vào những blog của giới trẻ, thấy cũng còn những người trẻ đọc sách và tranh cãi với nhau về sách, tuy con số này ít so với cư dân mạng. 

* Theo anh, dịch thuật liệu có thể là sự nghiệp của một con người? - Gọi là sự nghiệp thì hơi ghê, nhưng nghề nghiệp thì chắc chắn hơn. Muốn gọi là sự nghiệp, người dịch phải chuyên môn hóa, chỉ dịch một lĩnh vực, một nền văn học, một tác giả, một trào lưu, một thời kỳ... Tức là, độ chuyên môn càng hẹp càng tốt, để có được những dịch phẩm mang tính chung quyết, đời sau khỏi phải dịch lại, như Đoàn Thị Điểm đã làm với Chinh Phụ Ngâm Khúc vậy. 

* Anh có thể nói gì với những người muốn sở đắc một ngoại ngữ? 
- Ngoại ngữ là cánh cửa mở vào một thế giới khác hẳn thế giới ta đang sống. Đằng sau mỗi ngôn ngữ là cả một nền văn hóa, văn minh đã hình thành và phát triển, nhất là những cách suy nghĩ và cách sống khác hẳn. Ở thời mở cửa kinh tế này, bạn có thể sở đắc ngoại ngữ để kiếm việc làm, nhưng ngoại ngữ còn là phương tiện để bạn tiến xa trong lĩnh vực của mình, vì mọi công việc đều đòi hỏi ta phải học liên tục để có thể tồn tại trong thời kỳ đầy cạnh tranh này. Năm 1974, khi tôi là sinh viên khoa Sử năm thứ nhất, thầy tôi, giáo sư Nguyễn Thế Anh, ngay giờ giảng đầu tiên, đã thông báo rằng cuối năm sinh viên phải thi vấn đáp với câu hỏi bằng “tiếng Anh hoặc Pháp, tùy anh chị chọn”. Nên thế hệ chúng tôi thời đó đứa nào cũng cong lưng học sinh ngữ, vì thi rớt là phải đi lính, phải ra chiến trường. Tôi kể chuyện này để bạn thấy, có một thời, sinh ngữ đã trở thành điều kiện bắt buộc đối với sinh viên, những người nghiên cứu trong tương lai. Tôi mong có ngày sẽ được thấy lại điều đó. 

Ngô Thị Kim Cúc Việt Báo (Theo_Thanh Niên ) 

------------








Song Chi: Trò chuyện với dịch giả Phạm Viêm Phương




"Tôi học cách đọc văn xuôi"





*

























Dịch giả Huỳnh Kim Oanh & Phạm Viêm Phương
































YÔÔÔ !!!










Phan Nguyên & Phạm Viêm Phương 2016






Phan Nguyên & Phạm Viêm Phương 2024






Hiện sống và làm việc tại Sài Gòn (Việt Nam)










Trở về 



MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.