Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Bùi Suối Hoa

 








http://phannguyenartist.blogspot.com/


Bùi Suối Hoa

(1957 - .......) Hà Nội

Họa sĩ











Khoảnh khắc trong thiên nhiên
Sg 2/2014








"Tôi muốn nắm bắt cái đẹp trong khoảnh khắc, tạo dựng nó trong tôi, qua cái nhìn của tôi mà tồn tại thành của Riêng tôi"

Bùi Suối Hoa














Tác phẩm tiêu biểu







Sân Khấu Chèo
































































































Họa sĩ Bùi Suối Hoa và cảm hứng từ sân khấu chèo
 05/05/2013


(HNM) - Ba mươi năm sống ở Hà Nội, cũng ngần ấy năm hoạt động nghệ thuật với gần 500 bức tranh được bán ra khắp thế giới, Bùi Suối Hoa đã trở thành một họa sĩ tên tuổi cả trong nước và quốc tế. Chị có hàng trăm bức tranh với cảm hứng từ sân khấu chèo…

Sinh năm 1957 tại Hà Nội, họa sĩ Bùi Suối Hoa, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1985. Đến với hội họa như một cái duyên tiền định, chị bắt đầu vẽ tranh từ khi mới 12 tuổi. Năm 1981, tranh của chị được chọn in trong tuyển tập tranh đương đại Việt Nam đầu tiên do Plum Blossoms, một gallery tại Hồng Kông, nơi sau này chuyên giới thiệu tranh của các họa sĩ nổi tiếng tại Việt Nam, thực hiện. Tranh chị còn được Christie's, nơi chuyên bán đấu giá tranh cùng với tranh của Lê Phổ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… "chấm".



Họa sĩ Bùi Suối Hoa trong phòng tranh của mình.



Vào TP Hồ Chí Minh định cư năm 1988, chị chia sẻ: "Dù sống ở TP Hồ Chí Minh nhưng phần lớn sự nghiệp của tôi đều gắn bó với miền Bắc, gắn bó với Hà Nội". Đối với chị, khoảng cách địa lý không quan trọng. Cái quan trọng là con người cụ thể nào, nhân cách sống nào để mình quan tâm và quý trọng. Do đó, dù sống ở miền Nam nhưng hình ảnh về miền Bắc, về Hà Nội luôn hiện ra trước mắt chị. Phần lớn tranh của chị lấy cảm hứng từ sân khấu chèo, chợ quê miền Bắc, con người Hà Nội, góc phố Hà Nội… Hà Nội, nơi chị sống suốt thời thơ ấu, luôn in đậm trong tâm hồn chị. Có lẽ vì thế mà những bức tranh chị vẽ về con người, không gian Hà Nội luôn có thần, đem đến cho người thưởng thức ấn tượng rất riêng.

Hẹn gặp họa sĩ Bùi Suối Hoa không phải dễ, bởi chị không có nhiều thời gian và không phải ai chị cũng tiếp. Khi chúng tôi giới thiệu là PV Báo Hànộimới, thật may mắn là chị nhận lời gặp ngay. Nhà chị ẩn sau một khu vườn khá rộng trong một con hẻm trên đường Vườn Lài (quận Tân Phú). Vừa bước vào cửa, phòng vẽ như một gallery nhỏ hiện ngay trước mắt - nơi chị hằng ngày cần mẫn sáng tác và ngắm nghía những đứa con tinh thần của mình. "Có khi cả tuần tôi tập trung sáng tác, không ra khỏi nhà, chỉ liên lạc với bạn bè qua điện thoại, email, nhìn thế giới qua truyền hình cáp. Đây là nơi tôi sẽ sống suốt đời. Tôi còn mơ ước sẽ xây dựng một bảo tàng mỹ thuật tư nhân ở đây. Đã đi qua nhiều nơi, trải nghiệm nhiều, thế giới với tôi giờ thu lại trong thế giới riêng của chính mình…" - Họa sĩ Bùi Suối Hoa tâm sự.

Nhìn quanh "bảo tàng tranh", đồng thời là phòng vẽ của chị, nhiều bức tranh vẽ về sân khấu chèo được treo ở những vị trí trang trọng và nổi bật. Chị bảo: "Qua sân khấu chèo, tôi vẽ sân khấu cuộc đời với tất cả tham, sân, si hay hỷ, nộ, ái, ố". Đối với chị, con người không có biên giới, không có giới hạn. Đề tài về con người mênh mông, vô tận, không khai thác hết. Mỗi bức tranh của chị là một mảng của đời sống. Chị thủng thẳng: "Vẽ là sự sống của tôi. Khi anh gieo cái gì, anh sẽ gặt đúng cái ấy. Cái tôi quan tâm nhất trong sự nghiệp, trong những bức tranh của tôi là phần linh hồn, phần người trong mỗi bức tranh. Trong tranh, phải có sự sống, phải có tình người, phải có nhân bản. Tôi sợ sự lạnh lẽo, vô hồn, vô cảm".

Họa sĩ Bùi Suối Hoa rất may mắn khi được bố, cố nhà thơ Huyền Kiêu, hướng đến hội họa ngay từ khi chị còn nhỏ. Hội họa là niềm say mê lớn của ông. Do thời cuộc, ông không thực hiện được giấc mơ của mình. Không phụ lòng người cha, họa sĩ Bùi Suối Hoa đã tạo lập được chỗ đứng của mình trong hội họa. Tháng 2-1996, chị đến Paris dự triển lãm tranh theo lời mời của Trung tâm Văn hóa Pháp - Việt. Một năm sau đó (tháng 3-1997), chị đến New York (Mỹ) dự triển lãm tranh theo lời mời của French Institute Alliance Francaise. Trong năm nay, chị sẽ tổ chức triển lãm 25 bức tranh tại Vin Gallery (Thảo Điền, quận 2) về đề tài sân khấu chèo và trừu tượng.



Nguyễn Lê








Biển











































































Tĩnh vật































































Con Người Và Thiên Nhiên













































































Trừu Tượng












































































Phòng Tranh của Hoạ sỹ











































































Sách Tuyển Tập Tranh của Hoạ sỹ
2015

















Tham khảo thêm về tác giả Bùi Suối Hoa









Nói chuyện với suối hoa và khoảnh khắc trong thiên nhiên(*)




Bùi Suối Hoa và Đinh Ý Nhi, hai nữ họa sĩ ở Việt Nam hiện nay mà tôi rất thích. “Nghệ thuật là một cái gì thuần khiết và mãnh liệt, bình dị và chân thật… và tôi yêu những hình thức nghệ thuật thô mộc. Nó đẹp kinh khủng.” Như Ý Nhi phát biểu. Còn Suối Hoa thì “Tôi may mắn được cha mẹ cho đi học vẽ từ nhỏ và cầm bút vẽ tôi đã yêu vẽ. Trong cuộc sống thực tế, có nhiều điều tôi không có, không đạt được. Trong tranh tôi có được nhiều hơn, vẽ là cuộc sống của tôi, là người bạn đời tuyệt diệu nhất của tôi…Tôi muốn tranh của tôi là ngọn lửa nhỏ chất chứa bao khát khao sự sống…”


Tháng Hai năm ngoái Bùi Suối Hoa qua bầy tranh tại Paris và năm nay tại Mỹ. Chị đã bầy tranh tại Alliance Française, New York, tại Dallas, Texas và tại McLean, Virginia, tháng 8, 1997.

Suối Hoa sinh năm 1957 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội 1985. Năm 1991, tranh chị được chọn in trong tuyển tập tranh đương đại Việt Nam đầu tiên do Plum Blossoms, một Gallery tại Hồng Kông, có trước Gallery Lã Vọng, nơi sau này chuyên giới thiệu tranh của các họa sĩ nổi tiếng tại Việt Nam, và làm giá tranh của các họa sĩ lên cao. Tranh chị còn được Christie’s, nơi chuyên bán đấu giá tranh vừa bán đấu giá trong năm nay tại Singapore cùng với tranh của Lê Phổ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm…

Tranh Suối Hoa có những mảng màu bạo, chồng chất lên nhau, xô đẩy nhau trong một đắm say sáng tạo. Không quằn quại như Soutine mà gần với Vlaminck. Quê hương miền Bắc, nơi chị sống suốt đời thơ ấu, vẫn là dấu ấn in đậm vào tâm hồn chị. Cũng có thể là cái không gian thơ mộng mà thân phụ chị đã để lại cho: Suối Hoa (là con gái út của nhà thơ Huyền Kiêu, nổi tiếng với những bài thơ như “Tương biệt dạ”, “Bốn mùa”… đã đăng trên tạp chí Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn, những năm 1940…).

Virginia, nơi vẫn có những họa sĩ ghé qua rồi đi… Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Suối Hoa là một họa sĩ chân thật. Chị đã để lại một ngọn lửa nhỏ đủ ấm cho bạn bè, cho nghệ thuật.

ĐINH CƯỜNG

_____________________



(*) Suối Hoa, triển lãm tranh sơn dầu mới vẽ tại Virginia mang chủ đề “Khoảnh khắc trong thiên nhiên,” tháng 8, 1997.



*



- Suối Hoa. Một chút về “thân thế sự nghiệp” chăng?

- Tôi tốt nghiệp ĐHMTVN 1985. Hiện sống và làm việc tại Sài Gòn, là họa sĩ tự do.

- Do đâu chị đến Paris năm ngoái, và năm nay ở Mỹ. Chị có thể nói qua về hai chuyến đi và nhận xét qua về hai nơi mà chị đã đến, đã sinh hoạt.

- Năm ngoái tôi đến Paris triển lãm tranh theo lời mời của Trung Tâm Văn Hóa Pháp – Việt tháng 2, 1996.
Và năm nay tôi đến Mỹ triển lãm theo lời mời của French Institute Alliance Française tại New York vào tháng 3, 1997.
Lần đầu tiên đến Paris, tôi đã thực sự xúc động. Được đứng trong dòng người xếp hàng vào bảo tàng Louvre, được tận mắt nhìn thấy những bức tranh của các danh họa bậc thầy thế giới, với tôi đó là một hạnh phúc lớn lao.
Đến New York, choáng ngợp trong những ngôi nhà cao tầng, và trong dòng người qua lại tấp nập, một sức sống thật mãnh liệt, trẻ trung, thu hút… Cuộc sống nơi đây quá khác biệt mảnh đất nơi tôi đang sống.

- Ở Việt Nam, tôi chú ý đến Đinh Ý Nhi, nữ họa sĩ, còn trẻ, tranh Đinh ý Nhi đã chọn cái hình thức “mãnh liệt, bình dị và chân thật”, tôi rất thích người họa sĩ này. Chị có nhận xét gì, và có quen biết Đinh Ý Nhi không? Chị nói qua cho biết thêm về những nữ họa sĩ ở Việt Nam hiện nay.

- Cũng như anh, tôi rất thích tranh Ý Nhi. Tôi thích sự sống động, cái hồn người trong tranh của chị.
Tôi nghĩ, người nghệ sĩ có thể vẽ bất cứ cái gì, bất cứ bút pháp nào. Nhưng bạn chỉ thực sự thành công khi tìm ra cái riêng của mình.

- Chị thường nói “Vẽ là sự sống của tôi, và giờ đây như một nông dân tôi có thể nói rằng : Khi anh gieo cái gì, anh sẽ gặt đúng cái ấy.”
Chị đã gieo và gặt đúng cái mình hài lòng chưa?

- Cái tôi quan tâm nhất trong sự nghiệp của tôi, trong những bức tranh của tôi là phần linh hồn, phần người trong mỗi bức tranh. Trong tranh phải có sự sống, phải có tình người, phải có nhân bản, tôi sợ sự lạnh lẽo, vô hồn, vô cảm.
Nghệ thuật thức tỉnh con người, đem đến cho con người tình yêu cuộc sống.
Có lẽ, tôi đã có được phần nào, những gì tôi muốn.

- Chị kể qua về nhà thơ Huyền Kiêu, thân phụ của chị, mà tôi tin rằng cái tên Suối Hoa do ông cụ đặt, có một định mệnh: Chị vẽ như Suối Hoa…

- Hội họa là niềm say mê lớn của bố tôi khi ông còn trẻ, do thời cuộc loạn ly, ông không thực hiện được giấc mơ của mình, tôi là đứa con tinh thần của ông. Ông đã dành cho tôi tất cả.
Đi học vẽ từ năm 11 tuổi, cầm bút vẽ, tôi đã yêu và vẽ ngay, và cây cọ đã không bao giờ rời tôi nữa. Vẽ là sự sống là niềm đam mê lớn nhất trong tôi. Cuộc sống thực sự có ý nghĩa.

- Chị có thích họa sĩ nào và chị có ảnh hưởng ai? Bùi Xuân Phái vẽ chèo, chị cũng vẽ chèo, chị có thực sự sống với quan họ, với chèo không?

- Tôi thích Bùi Xuân Phái, Nguyễn sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, tôi được sống với không khí chèo, nghệ thuật chèo từ nhỏ. Đó là một nghệ thuật cổ truyền mà tôi yêu thích.
Tôi mong có được một nghệ thuật của riêng tôi và có dấu ấn của dân tộc tôi trong nghệ thuật thế giới bao la.

- Chị thích vẽ người thật, đời sống thật. Chị nghĩ gì về Chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật?

- Hiện thực bao giờ cũng phong phú và sâu sắc, tôi muốn qua cái hiện thực, biểu hiện cái tâm, cái khát vọng sống của con người… Nhiều khi rất nhỏ nhoi, bình dị nhưng thực là lớn lao.
Con người trong cuộc sống đời thường, và con người trong thế giới rộng lớn, mênh mông. Đó là điều tôi quan tâm.

- Nghê thuật, văn chương là trừu tượng rồi, nói về hội họa trừu tượng e thừa, nhưng chị cũng kể qua kinh nghiệm về trừu tượng của chị, tôi rất thích tranh vẽ khổ nhỏ trừu tượng của chị.

- Trừu tượng chính là thế giới rộng lớn mênh mông mà người nghệ sĩ đắm mình trong đó, mặc sức tưởng tượng, mặc sức phá phách, tha hồ sáng tạo như người nghệ sĩ xiếc đi trên dây, mỗi người tìm ra một sự thăng bằng riêng. Nghệ thuật riêng, con đường riêng.

- Chị làm việc như thế nào?
Thấy chị say sưa sáng tác, tranh nhiều, bán nhiều, theo chị là thành công?

- Tôi dành cho công việc, tất cả khoảng thời gian mà tôi có thể.
Trong cùng một không gian, thời gian, mỗi người nghệ sĩ nhìn thấy, cảm nhận một cuộc sống khác nhau.
Điều mà tôi quan tâm nhất : sống chân thật và hãy là chính mình.

- Chị diễn tả không gian như thế nào?

- Nhiều khi chỉ là vô thức… Hội họa dẫn dắt ta đi, họa khác với văn thơ không nói bằng ngôn ngữ mà nói bằng màu sắc, hình thể.
Qua hình, màu người họa sĩ nói cái mà người ta chỉ cảm thấy.
Không gian của tôi là sự sống động, là linh hồn người, thông qua một vật cụ thể trừu tượng.

Chất liệu sơn?
Hình như chị thường dùng màu nguyên chất.
Chị có thích trường phái dã thú (Fauvisure).

- Tôi yêu tranh Van Gogh, Chagall, Henri Rousseau … Tôi yêu sự riêng biệt của mỗi họa sĩ, họ đã cho tôi thấy một thế giới thực khác lạ, thực hấp dẫn…
Cuộc sống muôn hình, muôn vẻ, được đắm chìm trong đó vui chơi và đau khổ, đó là ý nghĩa cuộc sống.

- Chị tốt nghiệp ĐHMT Hà Nội. Chị có thích nền hội họa Nga. Đặc biệt như họa sĩ trẻ Nga sau thời Cộng sản sụp đổ?

- Hội họa Nga đã từng có những tên tuổi rất lớn. tôi đặc biệt yêu văn học Nga, những tên tuổi như L. Tolstoy, Dostoevsky, Pautopski, Pushkin … đã gắn liền với tuổi thơ đầy đam mê của tôi.
Về họa sĩ trẻ Nga, chúng tôi được biết rất ít tư liệu.

- Chị có lưu tâm về chính trị, âm nhạc, văn chương? Có đọc Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài? Thích nhạc ai? Ca sĩ nào?

- Chính trị, âm nhạc, văn chương tác động rất lớn đến cuộc đời nghệ sĩ. Thăng trầm là lẽ thường của cuộc đời.
Tôi thích văn Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài…
Con người chỉ sống có một lần, và mỗi người có một cách lựa chọn, sử dụng thời gian của mình sao cho có ý nghĩa nhất. Tôi chọn hội họa và sống với nó.

- Qua Mỹ, có dịp đọc một số sách, báo, chị có nhận xét gì thoáng qua không?

- Tôi mong ước một cuộc sống tự do dân chủ thực sự, trong đời sống cũng như trong nghệ thuật.
Chỉ có trong tự do con người mới có thể phát triển hết khả năng tiềm tàng của mình, khả năng vô cùng vô tận…
Nước Mỹ cho tôi thấy một năng lực lớn lao, phi thường, con người đã làm việc hết mình và hưởng thụ cũng vậy. Họ thực vĩ đại trong thế kỷ này.

- Ở Pháp và ở Mỹ chị được tiếp đón như thế nào? Chị có thể kể qua mỗi lần bày tranh tại Pháp, tại Mỹ…

- Hai cuộc triển lãm tại Pháp và Mỹ của tôi, đã có rất đông bạn bè Việt, Pháp, Mỹ tới dự. Có thể nói Hội họa VN còn quá mới mẻ đối với họ. Họ đã thực sự ngạc nhiên, thích thú…
Tôi mong có nhiều hơn nữa những cuộc bày tranh như vậy, để cuộc sống và con người Việt Nam được mở mang, được phát triển theo kịp thế giới đại đồng. Dù muộn màng, ít ỏi vẫn hơn là không.

- Chị từ Hà Nội vào ở hẳn Sài Gòn từ năm 1988, chị có nhận xét gì về các họa sĩ trong Nam?

- Trong quan niệm của tôi, vấn đề địa lý không mấy quan trọng. Cái quan trọng là con người cụ thể nào, nhân cách sống nào để mình quan tâm và quý trọng.
Giới hạn trong một miền, một vùng hay một đất nước là thiển cận, tự trói buộc mình, tự làm nghèo đi thế giới tinh thần của mình.
Mảnh đất miền Nam, nơi tôi đang sống với cái khoáng đạt, nồng nhiệt của mình, đã cho tôi rất nhiều trong cuộc sống.

- Hình như chị còn trẻ, chị nói gì thêm…

- Tháng 11, 1997, sẽ có một cuộc triển lãm Hội họa của các họa sĩ tại Việt Nam tại bảo tàng Meridian, Washington DC, trong ba tháng và tại một số bảo tàng khác khắp nước Mỹ trong suốt hai năm, tôi được mời tham gia ba bức. Đó sẽ là một sự kiện lớn, sự mở mang lớn cho nền hội họa Việt Nam đi vào thế giới.
Ngoài ra vào tháng 6, 1998 tôi cùng hai người bạn được mời làm việc ở Trung tâm Sáng tác Quốc tế Griffis Art Center trong 6 tháng tại Connecticut.
Tôi mong muốn một ngày nào đó không xa, con người VN, đất nước VN được hòa đồng với thế giới bên ngoài, thế giới văn minh không còn quá nhiều sự cách biệt như hiện nay.


Nguồn: Tạp chí Hợp Lưu số 38
(Chân thành cám ơn Đèn Biển đã giúp đánh máy)










"Ngoài tầm nhìn của đàn ông, chúng tôi càng vui và lành mạnh"







Suối Hoa, thế giới ngoài trọng lực





Nghệ thuật hội họa Suối Hoa giàu âm sắc, nhưng đặc tính nổi bật, nét nhất quán, là tạo dựng nên một thế giới ngoài trọng lực : con người và vật thể thường bay bổng. Quá trình sáng tạo của chị vẽ lên một đường bay càng ngày càng rõ nét.

Trọng lực là định luật vật lý : vạn vật đều bị thu hút về trung tâm trái đất, lá rụng về cội, nước chảy về chỗ trũng ; nhưng người và cảnh trong tranh Suối Hoa lắm khi không vâng theo định luật tự nhiên ấy, mà muốn bứt phá, vượt thoát, vươn lên, ngửa nghiêng, bay bổng.

Ví dụ mảng tranh Chèo chiếm tỷ lệ cao trong toàn bộ họa phẩm. Chèo hiểu theo nghĩa rộng là làn điệu múa hát dân gian, không nhất thiết theo quy định chật chội trên chiếu sân đình. Chèo, ở đây là tâm thức dân gian, là toàn bộ âm thanh, màu sắc, chuyển động, tuồng tích, hẹn hò, gặp gỡ tạo nên giấc mơ dân dã. Chèo tự nó đã là một thế giới ngoài trọng lực, hiểu theo nghĩa ẩn dụ. Người dân quê, nhất là người phụ nữ, trong khoảnh khắc xé tọac màn hiện thực, chằng chịt những tháng những ngày ảm đạm.

Trái với ý nghĩ thông thường, không mấy khi người họa sĩ tự chọn đề tài ; đề tài thường tự đến, tự áp đặt mình vào nhu cầu người vẽ, có khi cưỡng chiếm khung vải. Cảnh tượng Chèo chắc cũng đến với Suối Hoa như vậy qua nhiều động cơ : lý do kỹ thuật, vì màu sắc hóa trang, son phấn, xiêm y, động tác, không khí. Nhu cầu tinh thần : điển tích, ước mơ của con người và xã hội; và cuối cùng là hoài niệm riêng tư, bềnh bồng trên ký ức hay vùi sâu trong vô thức. Có thể nói: cô đào chèo giải phóng bút lực Suối Hoa, và nền vải làm chiếu sân đình cho cây cọ tung tăng múa hát. Đặc trưng tranh chèo của Suối Hoa là cô đào bay nghiêng bay ngửa, uốn lượn mềm mại, thân thể uyển chuyển trong xiêm y hóa trang phất phới, rỡ ràng. Bay theo cô còn có thêm cây đàn, cái quạt, mặt nạ, mảnh trăng, hay chiếc lá, nhất là chiếc lá. Nội dung tranh không duy lý, mà siêu nhiên. Từ đó, màu sắc ngân vang trống chiêng, sênh phách, linh lung ánh sáng và động tác hư huyền. Vẽ chèo, Suối Hoa tạo được một không gian, không khí, trong và ngoài sân khấu, trước mắt và trong giấc mơ của người xem.

Vai nữ trên sân khấu Chèo, ngoài đào chín, đào thương, đào lẳng…, còn có đào điên như Phương Cơ hay Súy Vân ; nhân vật của Suối Hoa gần với đào điên xỏa tóc, tay cầm chiếc lá. Có lần chị tự hỏi : lá gi? Lá bồ đề hay lá diêu bông? Thoạt nhìn, nó vừa là họa tiết thảo mộc thường có trong tranh, vừa là « yếu tố bay » trong cấu trúc sáng tạo của tác giả. Nhưng biết đâu nó chẳng bắt rễ từ một địa tầng sâu thẳm hơn, như chiếc lá đề trong nghệ thuật trang trí thời Lý, biểu tượng cho đức Phật, cho tuệ giác hay Thiền đạo mà Suối Hoa ao ước đạt tới, mà chị thể hiện phần nào khi sáng tác tranh trừu tượng.

Đề tài Chèo đã chiếm một tỷ lệ cao trong tranh Bùi Xuân Phái (1920-1988). So sánh Suối Hoa với bậc đàn anh tài danh, không phải là để đánh giá, mà để nói rõ ý « thế giới ngoài trọng lực » nơi tranh Suối Hoa. Rõ ràng là trong tranh Chèo Bùi Xuân Phái, con người ngồi hay đứng đều ở tư thế tự nhiên, đầu đội trời, chân đạp đất, tranh luôn luôn được cấu trúc chững chạc theo những trục thẳng đứng làm cơ bản, nghĩa là tuân theo chiều trọng lực. Tranh Suối Hoa không thế : nhân vật đảo điên nghiêng ngã, nhưng vận động vẫn theo hai trục chính, hai trục chéo tạo trung điểm đối xứng ngay chính giữa bức tranh.

Không ai chối cãi ý kiến này của Thái Bá Vân viết năm 1994 : « Bùi Xuân Phái đã nhìn thấy nó (thân phận người nông dân Bắc Bộ) không phải trên sân khấu, mà đằng sau sân khấu. Ở đây, nơi hậu trường, có những vùng tối và vùng sáng đối chọi nhau thật là cảm động”. Suối Hoa không thế, chị nhìn chèo từ tiền trường và nhìn bằng đôi mắt, tưởng tượng hay hoài niệm. Tranh Chèo Bùi xuân Phái tài hoa trong vẻ hóm, thực, sắc ; Suối Hoa phóng túng, lãng mạn, hoang tưởng, chị dễ bay bổng hơn là vì vậy. Chèo của Phái là thế giới khép, lắng đọng, như giọt nước đông thành muối, Chèo nơi Suối Hoa là thế giới mở, là trần thế phôi pha, như hạt muối tan trong nuớc. Dù rất tự do, nét bút Bùi xuân Phái vẫn hàn lâm, duy lý. Suối Hoa duy tâm hơn, lối tạo hình siêu nhiên có lúc nhắc tới tranh Chagall, với con người và sự vật bay bổng, hóa thân, đầu xuôi đuôi ngược.

Trong thể loại tranh hình dung, bên cạnh đề tài Chèo, Suối Hoa còn vẽ tĩnh vật và nhiều tranh phong cảnh : chợ búa, quán xá, cảnh bên đường, đồng ruộng, thuyền biển ; nhân vật thường là phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc, cảnh mẹ địu con trong y phục cổ truyền miền núi. Khái niệm « ngoài trọng lực » áp dụng vào loạt tranh này vẫn đúng, dù không rõ nét. Ruộng lúa, tàng cây, sóng biển, đều muốn tự giải phóng ra khỏi trọng lực, bứt vượt lên cao.

Suối Hoa còn vẽ nhiều tranh trừu tượng, dĩ nhiên là khác với tranh hình dung, nhưng vẫn mang dấu ấn riêng, dễ nhận ra : những tảng màu lớn, nguyên chất, đỏ son hay vàng thắm tương phản với xanh non, nâu sẫm. Trừu tượng là lối vẽ phương Tây mới du nhập vào Việt Nam, nhưng tranh trừu tượng Suối Hoa kỳ lạ tạo được không khí Á Đông. Có lẽ do nhát cọ lớn , sắc, dũng mãnh như trong thư pháp, thậm chí trong kiếm pháp. Họa sĩ trừu tượng thường dụng công gò gẫm họa tiết, chấm phá hoa văn, giũa mài uyển sắc, trong khi Suối Hoa ào ạt tung hoành trên nền vải một bút lực tập trung, mà tâm thế vẫn hồn nhiên, thư thái. Dường như năng lượng tinh thần dồn dập chuyển nội lực vào cây cọ, mà vẫn gìn giữ được rung cảm tinh vi, đã tạo nên ấn tượng vừa mãnh liệt vừa thanh thoát của thần trí đông phương trong những họa phẩm trừu tượng của Suối Hoa, người vẽ có phong cách không giống ai.

Nhìn chung, Suối Hoa ưa dùng gam màu đơn giản, mà hội họa phương Tây gọi là màu cơ bản, và dân gian ta xếp thành ngũ sắc ; và chị đẩy chúng đến cực độ gay gắt : xanh thẫm, đỏ rực, vàng chói, những tảng màu trắng cuồn cuộn xô đẩy nhau, gối lên nhau, ào ào như sóng. Những đợt màu thơ ấu tuôn trào, chồm lên, chồng lên nhau, trực tiếp, không qua môi giới của đường nét viền vè vẽ vời. Màu sắc như những thôi thúc gấp gáp của nội tâm, tông cửa thiên nhiên để òa vỡ thành hình, hiện thể thành tranh. Suối Hoa chưa thỏa mãn với gam màu dù rực rỡ, với ánh sáng, dù chang chang trong tranh, dù sao chỉ mới là thị giác. Chị muốn tạo cả xúc giác, bằng chất liệu sơn dày, cộm lên trên khung vải, có thể sờ lên được. Đặc tính tranh Suối Hoa là nguồn sinh lực vỡ bờ, nội tâm mùa lũ vỡ đê vào một ngày nắng hạ. Hội họa Suối Hoa hiện đại, phá vỡ con đê dân tộc để đến với thế giới từ chỗ ấy ; xé toạc nữ tính để đến với nhân tính cũng từ một chỗ ấy. Nếu xếp riêng ra loạt tranh trừu tượng, thì họa phẩm Suối Hoa dù vẽ cảnh hay người cũng không hiện thực, có hình dung mà lại phá hình dung. Một loại nghệ thuật riêng, siêu nhiên và siêu hình dung.

Cảm hứng sung mãn ùa ào vào tranh, cuốn theo làn sóng nhục thể - dù không có gì là dục tính. Suối Hoa lao mình, trao mình vào tranh bằng những nhát cọ đắm say và phóng khoáng, chị thực thi tự do – và nữ quyền – trên nền vải, thể hiện hạnh phúc trên những khối màu lớn quyện vào nhau, trườn lên nhau, cùng reo vui cuộc sống làm bằng ánh sáng. Tranh Suối Hoa sống đời sống mãnh liệt, tự tin, tự quyết, thậm chí cực đoan. Ở Suối Hoa ít có nét đậm nhạt huyền ảo, mờ mờ tỏ tỏ như phong cách tranh lụa, mà thường nhắc đến màu sắc khỏe khoắn, tươi tắn nơi tranh dân gian Đông Hồ.

Vẽ gì đi nữa thì họa sĩ cũng chỉ tự vẽ mình : Văn Cao từng nói vậy. Năm 1946, Chagall vẽ một đầu ngựa màu đỏ cầm pa-lét, và đặt tên là Chân dung tự họa. Bùi Xuân Phái cũng có một chân dung như thế dưới dạng hề chèo. Tranh Suối Hoa cũng vậy, khai phóng nội tâm : những ước mơ không lưỡng lự đợi chờ, như bức Nấu Vàng (2004 ?) kỷ niệm không hắt hiu nuối tiếc, như bức Nhà Tôi (1991), trầm tư không khắc khoải lê thê như bức Mênh Mông giữa Trời và Đất ( năm?). Tâm giới trong sáng, nên Suối Hoa chuộng gam màu tươi, tươi vui và tươi sáng, ngời lên niềm tin và hoan ca sự sống. Chị có lần nói : đời tôi đã chứng kiến lắm buồn đau, nên vẽ tranh, tôi muốn tạo nên một nguồn hạnh phúc . « Chứng kiến » là một uyển ngữ, vì chị không muốn kể lể đời tư khi nói chuyện nghệ thuật ; kỳ thật đời chị đã trãi qua nhiều đau khổ sâu xa, mà chúng tôi không nhắc tới nơi đây..

Nghệ thuật là một nghịch lý : chuyển hóa đau thương thành hạnh phúc. Jacques Prévert có bài thơ tả người học trò dốt :

với những viên phấn đủ màu,
trên tấm bảng đen bất hạnh
nó vẽ lên chân dung hạnh phúc.

Tranh Suối Hoa cũng vậy : vẽ hạnh phúc bằng những bất hạnh.

Mà chẳng cứ gì một Suối Hoa . Van Gogh, vào những năm cuối , giữa hai cơn khủng hoảng tâm thần, từ đáy vực đau thương, đă vẽ lên cho đời, để lại cho đời những thanh sắc nồng nàn tráng lệ nhất trần gian.

Nghệ thuật là hạnh phúc của loài người sau khi khắc phục nghịch cảnh, số phận và định mệnh. Nghệ thuật là khúc khải hoàn trước định mệnh.

Hạnh phúc trong tranh Suối Hoa, tranh trừu tượng hay phong cảnh , là hoài niệm, là khát vọng hay là ảo tưởng, đều nằm trên cùng một đường bay của tranh Chèo ở chỗ bứt cảnh, vật và người ra khỏi trọng lực thiên nhiên hay xă hội, dù vận động này nhiều khi chưa rõ nét bằng nơi tranh Chèo.

Khái niệm ngoại trọng lực không phải là ý tưởng mới mẻ, hay khám phá của riêng tôi. Cách đây hàng thế kỷ đã có người nhận xét hiện tượng này qua tranh Kandinsky. Và nhà thơ Aragon nhiều lần mượn lại ý này để giới thiệu tranh Chagall. Aragon từng làm nhiều thơ tặng bạn. Năm 1964, Chagall trang trí bức trần nhà Kịch Hát Paris, và Aragon có vịnh đợt tranh này :

Đôi chim bay, đâu cần cánh mà bay
Gió xoáy ngược chiều, mưa ngược lên mây

(...)

Bạn vẽ trần gian ngoài trọng lực
Thời gian lạc đường thìa là thơm nức
Màu trong tôi linh hiển ngất tầng trời
Bạn trên sông hoài niệm ngược dòng bơi.
(Ca khúc cho một bức trần - Madrigal pour un plafond)

Thơ Aragon tặng Chagall thì không can cớ gì đến Suối Hoa. Nhưng dường như ứng nghiệm vào nghệ thuật Suối Hoa, nhất là loạt tranh Chèo.

Âu là kỳ ngộ và là niềm vui chung, chứng tỏ nghệ thuật chân chính phát nguyên từ nhiều địa lý khác nhau, trường phái, thời đại hay tác giả khác nhau, vẫn có cơ đồng quy về một trọng điểm, là cái Đẹp.

Nhưng nói đến trọng điểm, là mặc nhiên thừa nhận trọng lực. Nghị luận về nghệ thuật phải biết trầm giọng, ở nơi lưng chừng tương đối.




(Orléans, 10.6.2007)















Bùi Suối Hoa:


Vẽ trừu tượng với tôi là một giải thoát










Nữ họa sĩ Suối Hoa là thứ nữ nhà thơ tiền chiến Huyền Kiêu (1915-1995), tác giả hai bài thơ nổi tiếng “Tình sầu” và “Tương biệt dạ”, sau tháng 5-1975, bị “tai nạn nghề nghiệp” khi làm bài thơ “Gặp người thương binh cụt tay trên cầu Bình Triệu”.



Một buổi sáng mát mẻ và yên tĩnh trong phòng vẽ Suối Hoa.Tiếng nhạc cổ điển thoang thoảng và ngoài vườn những cành lá đu đưa.



Nhật Tuấn :
“Tôi tìm trên tường không thấy bức tranh nào chị vẽ “giai nhân”.Vậy có phải cây cọ cuả chị đứng về phiá người nghèo ?

Suối Hoa :
“Không hẳn vậy,đơn giản chỉ vì các cô người mẫu thời trang không gây cho tôi cảm hứng nào , tôi lại không thể vẽ khi không cảm hứng.

“Cảm hứng ? Nó từ đâu tới ?”

“ Từ cuộc sống ngổn ngang lo toan,vui buồn, sung sướng và khổ đau, chính nó dã gieo mầm vào sáng tác .”

“ Nhưng giả dụ một doanh nhân đặt chị vẽ một bức tranh với số tiền rất lớn…

“Nếu không cảm hứng cũng chịu , không vẽ được.Có lần có người hỏi mua một bức tranh cuả tôi,tiếc thay tôi đã bán ,tôi thử vẽ lại nhưng không được, cái việc chép tranh dẫu là tranh cuả chính mình không hề gây nên một cảm hứng nào,đành phải bỏ …

“Tôi có anh bạn Việt kiều khoe mua được một bức tranh cuả một hoạ sĩ trẻ khá nổi tiếng ở trong nước,vài tháng sau trở lại Việt Nam anh phàn nàn có người bên đó cũng mua được một bức y như thế và cũng do chính hoạ sĩ đó vẽ.Như vậy anh bạn hoạ sĩ kia có “phạm luật” không ?

“Chưa có luật nào quy định chuyện đó, nhưng tôi cho rằng tác phẩm hội hoạ thường là ‘độc bản”, nhân cách nghệ thuật không cho phép “phôtô” thành nhiều bản như thế."

“Vậy cốt lõi vẫn là cảm hứng, phải chăng cảm hứng càng lớn thì nghệ thuật càng cao ?Ví dụ bức tranh “Tan vỡ” chị vẽ năm 1992 sau “sự cố gia đình” : một ngôi nhà đổ nát,một ngưòi đàn bà nằm sõng soài xung quanh những vệt đỏ tung toé như máu và bên ngoài cưả sổ một mảnh trăng nhìn vào như một con mắt lạnh…”

“ Trường hợp này lại khác,lúc đó sự đau khổ dâng cao,con người muốn bùng vỡ,tôi vẽ hối hả,vội vã như một giải thoát,quả nhiên sau khi vẽ xong,tôi lắng lại,cân bằng để bình thản đón nhận biến cố như một tất yếu cuả đời sống."

“Những bức tranh đầy kịch tính như thế chị vẽ có nhiều không ?

“ Năm 1991 tôi vẽ bức “barie” .Vào thời bao cấp,tranh chưa bán được, sinh hoạt rất khó khăn, túng thiếu, tôi vẽ những hàng rào bít kín từ trái sang phải như những phiền muộn lớp lớp cuả đời sống.Tôi sử dụng chuyển động cuả màu và cuả nét không giống nhau tạo nên cảm giác vùng vẫy,muốn thoát ra khỏi cảnh ngộ.Năm 1992 tôi vẽ bức “Ngôi nhà dang dở” sử dụng bố cục rất táo bạo bằng những khoảng trắng đè xuống khoảng đen.Năm 1993 vẽ “Phận đàn bà” với cô gái ngồi bên con thuyền mắc cạn, trời, mây, nước ngổn ngang,tan tác.Rồi “Những đưá trẻ không nhà” đi lang thang giưã trời mưa,ven đường có một con chim chết…

“Như vậy liệu có thể nói “vẽ nỗi đau” phải chăng là cái tạng cuả chị ?

“ Không phải,tôi chẳng có cái tạng nào hết,tôi sống trong đời sống một cách chân thành,say mê,quyết liệt và khi cảm hứng tôi vẽ."

“ Và chị vẽ cái “cảm hứng “ đó ?

“Tôi không vẽ “cảm hứng”,tôi vẽ cái hồn cuả những con người, những vật thể tôi nhìn thấy vào khoảnh khắc đó…

“ Phải chăng đó cũng là ý nghiã cuả triển lãm “Khoảnh khắc trong thiên nhiên “ chị đã trưng bày ở Washington DC (Mỹ) năm nào ?
“Đúng thế,những bức tranh đó tôi vẽ ngay ở bên ấy và triển lãm ngay sau đó.

“ cầm cọ bên xứ người chị có thấy khác khi cầm cọ ở quê nhà ?

“ Tôi không thấy khác bởi lẽ tôi vẽ trong một thời gian không dài,sức lực,cảm hứng có sẵn từ nhà,phần lớn lại vẽ mẫu trong phòng.Tuy nhiên nếu ở hẳn bên đó thì chắc là không vẽ được bởi vì sống bên đó tôi cảm thấy lạc lõng,cô đơn…

“ vậy nhưng như nhà văn Mỹ Henry Miller đã viết : “cô đơn là điều kiện thiết yếu để sáng tạo” ?

“ Không,tôi chỉ cần sự cô đơn trong lúc suy nghĩ ,sáng tác thôi,còn trong đời thường vẫn cần có bạn bè, gia đình, làng xóm…không, tôi không sống ngoài đất nước mình được… 

“ Nghe nói sống ở Mỹ tốn tiền lắm,vậy mà chị đã từng sống được những…6 tháng,đó là bằng tiền túi hay có ai tài trợ ?

“Những chuyến đi triển lãm ở nước ngoài tôi đều được mời bởi Trung tâm sáng tác quốc tế và trung tâm bảo tàng. Sau thời gian "được mời" tôi thường ở lại một tháng hoặc có khi tới 6 tháng bằng "hợp tác" với bạn bè theo phương thức : “ Bên A bao ăn ở,sơn,toan,chi phí triển lãm.Bên B vẽ.Khi bán được tranh chia đôi…”

“Những “người bên B “ như chị trong giới hội hoạ có nhiều không ?
“Tôi không rõ,chắc là không nhiều .”

“Chị có thấy các hoạ sĩ cuả ta, nhất là hoạ sĩ trẻ đang bị dẫn dắt bởi mãi lực cuả thị trường ?

“ Tôi không quan tâm tới nhiều người,tôi thích tranh cuả Nguyễn Thân (TP Hồ Chí Minh),Đặng Việt Hoà (Hà Nội)…và tôi thấy họ chẳng bị dẫn dắt bởi cái gì ngoài ý thích cuả chính họ.

“ Nhưng họ vẫn là những người bán được nhiều tranh…"

“Sự thực cao giá nhất vẫn là các tiền bối trong trường phái “Mỹ thuật Đông Dương” như Nguyễn Gia Trí,Bùi Xuân Phái v…v…Sotheby là hãng buôn tranh lớn nhất thế giới đã bắt đầu để mắt tới tranh Việt Nam, hãng Christie‘s đã tổ chức bán đấu giá tranh Việt Nam ở Singapore trong đó có tranh cuả Lê Phổ,Suối Hoa…Tranh cuả Lê Phổ đã bán được tới giá 40 ngàn USD.

“Ở trong thơ,có lúc,có người đã đòi “chôn’ thơ mới,đòi “đổi gác”,”chuyển giao thế hệ”,thế còn trong hội hoạ ? Liệu có xảy ra chuyện đó ?

“Theo tôi thì không,mỗi hoạ sĩ là một gương mặt riêng,một thế giới riêng ,song hành với nhau,chẳng ai muốn “chôn” ai và cũng chẳng ai nghĩ tới “đổi gác” hoặc chuyển giao “thế hệ’cho ai…

“ Vậy nhưng khi nhắc tới thế hệ “mỹ thuật Đông Dương” người ta có thể nhắc tới hàng loạt những tác phẩm tiêu biểu ,chẳng hạn “Hoa huệ” cuả Tô Ngọc Vân,”Chơi ô ăn quan” cuả Nguyễn Phan Chánh,”Chiều Tây Bắc “ cuả Phan Kế An,”Kết nạp Đảng ‘ cuả Nguyễn Sáng,”Đêm giao thưà” cuả Nguyễn Tư Nghiêm….Thế còn các hoạ sĩ trẻ hiện nay , liệu ta có thể chọn ra những tác phẩm còn lại với thời gian như thế ?”

“Cái đó xin giành cho các nhà phê bình mỹ thuật…

“ Các nhà phê bình mỹ thuật ? Chị có đọc một số bài viết “phê bình mỹ thuật” trong đó “mỹ thuật” chẳng thấy đâu,chỉ thấy các “mỹ tự” ?

“ Có,tôi có đọc vài bài,chỉ thấy rối mù những từ ngữ ‘nội quan””ngoại giới’’phóng chiếu”…tôi là người trong nghề đôi khi cũng chẳng hiểu họ viết cái gì,nên thôi chẳng đọc …

“ Tất nhiên tôi không phải là nhà phê bình mỹ thuật ,bởi thế chị có thể cho tôi biết những tranh tiêu biểu cuả chị chứ ?

“ Tôi chỉ có thể kể những bức tranh tôi thích .Trước hết tôi phải nói với anh rằng tôi không vẽ con người chung chung,con ngưòi “phạm trù” mà vẽ con người cụ thể đang sống trong khoảnh khắc cụ thể.Lúc đó tôi chìm đắm trong vẻ đẹp bình dị cuả họ và tôi vẽ.Mấy năm trước tôi vẽ “Khoảnh khắc trong thiên nhiên”,”Những mảnh đời thường”,”Cuộc sống bình dị”. Những năm trước nữa ,tôi thích “Người miền núi” (1991), “Đi cấy”(1992) rồi tới loạt tranh chèo.Anh thử nhìn những người nữ trong tranh chèo cuả tôi,ai cũng như bất an,xô dạt,nghiêng ngưả,thăng trầm…tôi vẽ “người đó đang biểu diễn trên sân khấu ” và tôi cũng vẽ “người đó đang sống trong đời ”.Một phóng viên Pháp đã nhận xét hai bức “Sân khấu” (1994)”Tiếng đàn Trương Chi” (1995) cuả tôi :”Cô ấy đã kết hợp một cách tài tình nghệ thuật cổ truyền cuả người châu Á với nghệ thuật hiện đại cuả châu Au…”.

“ Thế còn tranh trừu tượng ?

“Có chứ,tôi đã vẽ hàng trăm bức và có những bức tôi thích chứ.Vẽ trừu tượng với tôi là một giải thoát khỏi những bức bối gây nên do giới hạn cuả hình hoạ.Lúc đó đầu óc buông thả,không dự tính gì,tràn đầy tinh thần ,tôi như bị cây cọ dẫn dắt nên những nét bâng quơ không định trước,lúc đó có thể nói “tôi không dùng màu mà chính là màu nó…dùng tôi”.Vì thế tranh trừu tượng của tôi thưòng gây bất ngờ,chông chênh,bất ổn…”bắt mắt” người xem đòi họ phải dừng chân ngắm nghiá ,nghĩ ngợi và tưởng tượng.”

“ Nghe nói chị đã đưa tranh trừu tượng thành tranh “nhạc trừu tượng “?

“ Tôi đã vẽ 10 bức theo hướng đó. Và tôi đang nghĩ tới…một loại tranh ” tình yêu trừu tượng”

“ Tình yêu trừu tượng ! Vậy chắc phải thánh thiện kiểu tình yêu Platonic ?”

“ Chưa biết, phải vẽ đã rồi mới biết nó ra sao ?”

“ Tranh của chị ngoài trong phòng này, còn ở đâu nữa ?”

“ Phần lớn tranh tôi đã được bán đi,có bức hiện nằm ở Bảo tàng Thuỵ Sĩ,Bảo tàng nghệ thuật hiện đại châu Á Singapore….”

“ Nghệ thuật hiện đại châu Á ? Thế còn ở Mỹ, chị thấy cái “hiện đại” ấy,nó ra sao ?

“Tôi may mắn có dịp vào thăm nhà bảo tàng nổi tiếng Guggenheim ở Newyork.Toàn bộ 6 tâng lầu chỉ trưng bày tác phẩm có một người : hoạ sĩ Robert Rauschenberg,năm đó 70 tuổi,thực ra gọi ông ta là nhà tạo hình thì đúng hơn bởi lẽ ông trưng bày đủ thứ : tranh,tượng,nghệ thuật xếp đặt (installation),điện ảnh v…v..Tóm lại đó là một thứ tổng hợp nhiều thể loại.Có “bức tranh’ bằng đồng to bằng cả bức tường chỉ khi người đi qua mới thấy hiện lên (chắc được các thiết bị điện tử điều khiển) những…chiếc ghế,có cái giống như bể cá luôn sục sôi,cuộn chảy một thứ dung dịch gì đó màu gris xám…Tôi cảm phục về sự đồ sộ,khoẻ khoắn,rất Mỹ cuả nhà nghệ sĩ hiện đại này…

“Thăm bảo tàng châu Âu chị đã có ý nghĩ :”hãy trở thành chính mình , thế còn thăm bảo tàng Mỹ ,chị có ý nghĩ gì ?

“Tôi chỉ thấy buồn vì trong tất cả các bảo tàng lớn trên thế giới chưa nơi nào có tranh cuả người Việt Nam.

“ Theo chị tới bao giờ chúng ta sẽ có mặt ở đó ?

“ Làm sao tôi biết được,tôi nhớ có một nhà sưu tầm tranh Malayxia đã từng đi tìm tranh khắp thế giới,khi tới nước ta,ông nhận xét :” Ở Việt Nam có hai thứ đặc sản : một là hội hoạ và hai là …trái Thanh Long.Tranh Việt Nam vưà phong phú,đa dạng lại…quá rẻ,quả Thanh Long vưà đẹp mắt vưà ăn lạ miệng.” Bằng vào nhận xét đó ta có thể tin vào tương lai hội hoạ Việt Nam.”

“ Cảm ơn Suối Hoa”






A life in the Arts











  


Khúc Hoan Ca - Họa sĩ Bùi Suối Hoa












Trường Mỹ Thuật Hà Nội  1972







Trường Mỹ Thuật Hà Nội 1972
























Notre Dame de Paris










Triển lãm Bùi Suối Hoa tại Paris 1996





















Nhật Tuấn, Bùi Suối Hoa, Lê Minh Quốc, Nga Phan











...., Ngọc Dũng, Bùi Suối Hoa, Đinh Cường

























Sàigòn tháng 3/2014












Phan NguyênPhan Vũ, Bùi Suối Hoa 
Sàigòn 2014










Phan Nguyên & Bùi Suối Hoa 
Studio PN 2014


















Trở về

MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.