Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

Trần Quang Lộc (1949 _ 2020)
















Trần Quang Lộc
(1949 - 2020)
Nhạc sĩ
Hưởng thọ 72 tuổi


Ca khúc tiêu biểu

"Chợt nghe em hát", "Có phải em mùa thu Hà Nội", "Về đây nghe em",








Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh năm 1949, tại Quảng Trị, theo học âm nhạc tại Trường Quốc gia âm nhạc Huế năm ông 20 tuổi. Ông bắt đầu sáng tác vào cuối thập niên 1960. Tuyển tập đầu tiên của ông Hát trong dòng sông xưa được xuất bản năm 1970.

Trần Quang Lộc viết và phổ nhạc những bài hát mang sắc thái tình người, tình quê hương, như bản "Về Đây nghe em", "Em còn nhớ Huế không", "Có phải mùa thu Hà Nội", "Chợt nghe em hát", "Định mệnh"...

Các tác phẩm của ông được biết đến nhiều nhất và thành công nhất qua tiếng hát của ca sĩ Hồng Nhung và Thu Phương

Bản nhạc nổi tiếng nhất của Trần Quang Lộc có lẽ là bài "Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội?" hoàn tất năm 1972, phổ từ thơ của Tô Như Châu. Bài bát được đón nhận nồng nhiệt từ các ca sĩ cũng như thính giả, vì lời nghe lãng mạn, mơ màng của mùa thu, lồng trong một khung cảnh cổ kính của Thăng Long xưa với lịch sử của "hồn Trưng Vương sông Hát"...Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ Từ độ người đi thương nhớ âm thầm...Có phải em là mùa thu Hà Nội Ngày sang thu anh lót lá em nằm Bên trời xa sương tóc bay...

Cũng là bài thơ phổ nhạc, nhạc phẩm "Về Đây nghe Em" rút từ bài thơ của A Khuê. Tác phẩm này ra đời năm 1967 nhưng bị vùi quên sau năm 1975 và mãi đến năm 1990 mới được phổ biến ở Việt Nam. Lời hát nghe mộc mạc, gần gũi với bất cứ một ai đã từng sinh ra và lớn lên tại Việt Nam...Về đây nghe em, về đây nghe em Về đây mặc áo the, đi guốc mộc Kể chuyện tình bằng lời ca dao Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu...Để hận thù người người lắng xuống Và tìm nhau như tìm xót xa Trong lúc lệ đã đầy vơi

Ca dao, guốc mộc, nồi ngô khoai thì còn gì Việt Nam hơn? Ai lớn lên mà không nghe câu ru ầu ơ của những bà mẹ giữa trưa hè, rồi tiếng guốc của những nàng áo trắng trên vỉa hè, và củ khoai sáng là món quà hàng ngày trước khi đến trường. Vì thế bài hát đã được rất nhiều ca sĩ trong và ngoài nước đón nhận. Qua quá trình lịch sử Việt Nam thì quả xót xa thật, chiến tranh bao nhiêu năm làm anh em một nhà, như gần, như xa. Và tùy mỗi thế đứng bên này hay bên kia bờ đại Dương, mà bài hát vẫn thích hợp cho người Việt trong nước lẫn người Việt hải ngoại.

















Tác phẩm








Áo hoa







Có phải em mùa thu Hà Nội?
(1972)

Lời bài hát

Tháng tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ?
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm
Có phải em mùa thu xưa?
Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn
Một ngày về xuôi chợt ghé Thăng Long buồn
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay.
Thôi thì có em đời ta hy vọng
Thôi thì có em sương khói môi mềm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghe đâu đây lá úa và mi xanh
Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông hát
Có chắc mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi
Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghìn năm sau ta níu bóng quay về
Ơi mùa thu của ước mơ. 













Chỉ cần









Cho tôi lại từ đầu







Chợt Nghe Em Hát







Em còn nhớ Huế không







Em đã xa tôi







Ngày nào







Quê hương xa vời







Về đây nghe em
(1967)

Lời bài hát

Về đây nghe em, về đây nghe em!
Về đây mặc áo the, đi guốc mộc...
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai...
Và về đây nghe lại tiếng xưa
Để nhớ trong tiếng vỡ bờ.
Về đây nghe em, về đây nghe em!
Về đây thoả ước mơ đi hát dạo
Để chào đời bằng hạt sương mai
Để bằng lòng ngọt ngào hấp hối
Và hận thù người người lắng xuống
Và tìm nhau như tìm xót xa
Trong lúc lệ đã đầy vơi.
Này hồn ơi lên cao lên cao
Đem ánh sáng hân hoan trên trời
Rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương
Này thịt xương ta chưa mang theo
Khi ngã xuống mê man tủi hờn
Này về đây nghe nhau thở dài trong đêm.
Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây cùng khóc trên sông nước buồn
Chở lòng người trở về quê hương
Chở hồn người vào dòng suối mát
Chở thật thà vào lòng dối trá
Và nhạc hoa xin tạ chút ơn
Hoang phế khi đã gặp nhau.













Võng đưa tình cũ





















Nhạc Sĩ Trần Quang Lộc
VNTV Tác Giả & Tác Phẩm












MỘT CHIỀU LẠ VỚI TRẦN QUANG LỘC
Lê Thanh Trường


Một chiều Sài Gòn khoảng 8, 9 năm trước, tôi đến thăm gã bạn thơ. Trong căn phòng yên ắng khan khan vài ly rượu đưa hứng, giữa câu chuyện văn nghệ lai rai, bạn tôi bật máy mở nhạc: "Mày nghe thử bài này, mới!"

Và tôi nghe... "Đã hết rồi... những giấc mơ đầu, chiều hoàng hôn hoa khế rụng đầy sân..." - giọng hát Thanh Lam day dứt... - "có những chiều nghe rất lạ, một mùi hương xa vắng ngày xưa, quyện vào hồn thơm những đêm mưa..."

Tôi ngạc nhiên thật tình. Ngày đó Làn sóng xanh đã bắt đầu "bỏ rơi" Hà Nội, đang đi sâu vào lối "thị trường", một bài "hot" đứng đầu bảng xếp hạng tuần này, qua tuần sau đã không ai còn nhớ... Vậy mà tự dưng trên kệ đĩa xuất hiện một tâm trạng tế nhị và đầy đặn đến thế...

Trước vẻ ngơ ngáo của tôi, gã bạn buông gọn: "Trần Quang Lộc!"

- À, thì ra là Trần Quang Lộc!

Nhắc tới nhạc sĩ Trần Quang Lộc, lớp trung niên sẽ nhớ ngay đến "Về đây nghe em" - một bài hát đã được hát đi hát lại từ những thập niên 1960 với những giọng ca hàng đầu: Thái Thanh, Ý Lan, Quỳnh Giao, Tuấn Ngọc... và được hàng triệu người yêu thích vì lời gọi mộc mạc mà tha thiết về với những giá trị dân dã ngọt ngào. Còn giới trẻ hơn lại thường nghĩ đến ca khúc "Có phải em mùa thu Hà Nội" - bài hát được xếp vào top 10 ca khúc hay nhất viết về Hà Nội và từng được Hội nhạc sĩ Việt Nam trao giải. Hai ca khúc của nhạc sĩ Trần Quang Lộc nổi tiếng cách nhau gần 30 năm thực ra đều được viết trong thời gian rất gần nhau, khi tác giả đang ở tuổi 18, 20...

Có lần nghe tin nhạc sĩ Trần Quang Lộc chuyển về sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu và sinh hoạt trong Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh này. Một ngày tháng 9, tôi có dịp về ngang Vũng Tàu, bèn đi tìm ông. Đi tìm mà trong tay không có một dòng địa chỉ. Hôm ấy lại nhằm ngày thứ bảy, các cơ quan đều nghỉ làm việc, chỉ còn cách gọi 1080. Hỏi trụ sở Hội VHNT, trả lời: không có thông tin. Hỏi địa chỉ và điện thoại nhạc sĩ Trần Quang Lộc, vì không biết ông ở phường nào xã nào, nên nhận được 8 số điện thoại của 8 ông có cùng tên trên toàn tỉnh. Đành nhắm mắt cầu may, bấm từng số hỏi thăm coi ông nào là nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Lần này thì may thật. Gọi số thứ nhất: không liên lạc được. Số thứ hai. Bắt máy là một giọng phụ nữ thuần Huế: "Đúng rồi em, đây là nhà nhạc sĩ Trần Quang Lộc!"

Sau khi trình bày ý định đến thăm nhạc sĩ, tôi được phu nhân của ông (người tiếp điện thoại) hướng dẫn tỉ mỉ đường đến nhà. Té ra, nhà ông ở tuốt một góc xa của phường Long Toàn, thị xã Bà Rịa, cách TP. Vũng Tàu ngót 30 km.

Cơn mưa chiều vừa xong, cây lá mới được tắm gội, nắng ngả hồng vàng tở mở... Đến Long Toàn, sau một hồi tới lui lẫn lộn và gọi thêm mấy cuộc điện thoại, cuối cùng tôi cũng vào đến nhà nhạc sĩ - căn nhà nhỏ nằm cuối một nhánh đường xương cá, sát bên vườn cây ngậm bóng chiều còn nặng trĩu nước mưa.




Nhạc sĩ đón tôi bằng nụ cười giản dị. Tôi sẽ không nói Trần Quang Lộc là một vị "trung cận lão niên" tuổi U60 có hàng ria mép bạc, hơi đậm người và bước đi hơi nghiêng, vì ông đã từ chối khi tôi xin phép chụp hình, "thôi, mình già rồi, không đẹp đâu, đừng chụp!"

Căn nhà nhỏ xíu dành hẳn một gian ngoài cho mấy hàng bàn ghế như một lớp học, những cây guitar treo dọc tường và những giá để nhạc đủ gây một không khí văn nghệ nhẹ nhàng. Nhạc sĩ mở lớp dạy đàn cho bọn trẻ tại địa phương. Những đứa nhỏ đến học và chơi đùa với "thầy Lộc" có lẽ không biết, không ngờ những tác phẩm của thầy đã được hát và được yêu thích hàng chục năm qua, từ trong nước đến hải ngoại. Chúng học đàn với "thầy" để chơi những bài nhạc trẻ, đại khái "chiều hôm qua em đã cất bước ra đi nơi xa bởi vì em không còn yêu anh nữa"... đương nhiên nhạc của thầy phải xa lạ và... khó nghe!

Cuối phòng khách là một bàn mix và ô cửa kính ngăn một phòng thu nhỏ xíu. Trần Quang Lộc sở hữu cái studio tí hon này "để lâu lâu thu chơi vài bài cho vui!" - như ông giải thích.

Vào cuối thập niên 1960, Trần Quang Lộc đang học trung học Phan Chu Trinh, Đà Nẵng, sinh hoạt trong nhóm sinh viên, học sinh và tập tành sáng tác. Ban đầu chỉ viết những bài hát để "hát cho bạn bè nghe". Trong số những bài ông viết đoạn này có "Gõ đàn hát chơi", chỉ cần ngồi gõ thùng đàn giữ nhịp và hát. Bài hát viết cho những người không biết đàn, viết mà chơi cho đã cơn phấn hứng tuổi trẻ, nhưng đã mang những ý tứ già dặn, có thể nói là "bất quy tắc", như một định mệnh của người "du ca" không chịu được khuôn khổ ràng buộc: "Ta mua cho ta một phận nghèo, thương thay thương thay nợ áo cơm... Về ngồi trên đồi cao, gõ đàn hát chơi... chân nhảy nhót một mình, bên chiếc bóng lung linh... bên nấm mồ xanh xanh..."

"Về đây nghe em"cũng ra đời từ những ngày tuổi trẻ ấy, rồi thoát khỏi khuôn khổ "hát cho nhau nghe", trở nên quen thuộc với nhiều lớp người nghe gần 40 năm qua. "Về đây nghe em... về đây mặc áo the đi guốc mộc... chở hồn mình trở về quê hương, chở thật thà vào lòng dối trá..."

Vài năm trước, báo chí và dư luận ồn ào một dạo về tác quyền của phần lời "Về đây nghe em". Những chuyện không vui tưởng chẳng nên nhắc lại. Có điều là trong những lần xuất bản sau 1975, Trần Quang Lộc đã châm chước lại vài đoạn cho phù hợp với yêu cầu của cơ quan văn hóa, chẳng hạn câu "này thịt xương ta chưa mang theo, khi ngã xuống miên man tủi hờn, và về đây nghe nhau thở dài trong đêm..." được thay bằng "nụ cười tươi trên môi em thơ, là tiếng hát hân hoan cho đời, và về đây cho nhau nụ cười tương lai...", những lời trơn tru hơn, đẹp đẽ hơn nhưng thiếu mất cái tự nhiên của tuổi trẻ vốn nhiều tưởng tượng và ham muốn dấn thân...

Nhạc Trần Quang Lộc thường có những biến đổi bất ngờ, khiến cho cảm xúc không xuôi chiều mà luôn ngầm chứa những mầm mống nổi loạn, phá cách. Nhưng những bất ngờ ấy không gây náo động, có lẽ vì bản tính nghệ sĩ thường xúc cảm nhiều hơn hành động. Dù sao, nghe những bài hát của chàng học sinh trung học Trần Quang Lộc thuở ấy, người ta có thể nhận ra cái tài hoa đang nảy nở, và quả thật nó đã tạo ra một tên tuổi rất riêng trong nền tân nhạc Việt Nam thời bấy giờ và những năm sau này.

Nói về bài hát khiến tôi "rắp tâm" tìm ông - "Có những chiều rất lạ" - Trần Quang Lộc tâm sự giản dị như một chiều "đốt thuốc nghe mình". Cái tuổi trẻ một đi không về với những yêu ghét trong trẻo của nó bao giờ cũng gây thương nhớ trong con người, chỉ khác nhau là người này thương mến lắng nghe, người khác rộn ràng không để ý... Và những phút, những niềm cô đơn khó bày tỏ cứ tích tụ, rồi một buổi chiều xuất thần, thấy tất cả dồn lên hối hả, và nhạc, và lời... Cho nên những chiều lạ vì không giống mọi chiều khác, khi con người được sống trọn vẹn với hoài niệm và ý thức tình yêu đời! Vì vậy bài hát nghe vừa thiết tha tiếc nuối vừa yên ổn dịu dàng, một tâm thế vững chãi và đầy cảm xúc.

Ca khúc "Có phải em mùa thu Hà Nội", được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ năm 1972 ở Đà Nẵng từ bài thơ của người bạn Tô Như Châu. Nhưng bài hát cũng chỉ được truyền tụng trong bạn bè với nhau, mãi đến khi "Làn sóng xanh" dậy lên giữa thập niên 1990 với hàng loạt bài hát về Hà Nội, người yêu nhạc mới được nghe qua giọng hát ngọt ngào của Hồng Nhung, sánh cùng những "Hoa sữa" của Hồng Đăng, "Chiều phủ Tây hồ" của Phú Quang ... những bài hát đều được viết từ thập niên 1970. Rồi được Hội nhạc sĩ trao giải A cho ca khúc viết về Hà Nội hay nhất, năm 1997. Điều đặc biệt là ngày ấy, cả nhà thơ Tô Như Châu và nhạc sĩ chưa ai từng đặt chân đến Hà Nội. Theo lời bộc bạch của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, thời ấy trong xóm nhà ông bên bờ biển Sơn Trà, Đà Nẵng có nhiều thiếu nữ Hà Nội di cư. Các chàng trai mới lớn như Tô Như Châu và Trần Quang Lộc vì hâm mộ các giai nhân nói giọng Hà Nội mà mơ tưởng đến thủ đô ngàn năm văn hiến thanh lịch. Vả lại, tên thu Hà Nội mà cảnh thu thì rõ ràng là bờ dương trút lá ven biển Sơn Trà đẹp và đầy chất thơ, những lớp lá dương "mùa thu sang anh lót em nằm" đã làm rung động hàng triệu trái tim của người yêu nhạc thời bấy giờ ...

Sau 1975, nhóm bạn bè văn nghệ như Trần Quang Lộc đều đang tuổi thanh niên mới vào đời, tứ tán bốn phương. Phải nói đây là thế hệ chịu khủng hoảng tư tưởng sâu sắc nhất của một thời bom đạn vừa đi qua. Người viết nhạc tiếp tục viết nhạc, người làm thơ vẫn làm thơ, nhưng cơ hội họp nhau chia sẻ những sáng tác mới không còn nhiều. Năm 1981, nhà thơ Vũ Hữu Định người được biết đến nhiều qua bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc"Còn chút gì để nhớ" - "Phố núi cao phố núi đầy sương... em Plây-cu má đỏ môi hồng..." - bị tai nạn chết ở Đà Nẵng. Trần Quang Lộc viết bài khóc bạn "Mộ trăng": "Đêm không trăng của phố núi cao, em Plây-cu má đỏ môi hồng, có thật đã ngủ yên trên ngọn núi cao kia?... Đêm không trăng đào mộ chôn, giữa chập chùng sương hoa đỏ, linh hồn xa đời nhưng lòng chẳng kêu van, trong bóng tối ôi lạnh quá đôi chân trần..." Bài hát tỏ một nỗi riêng tư trên âm hưởng cồng chiêng Tây Nguyên, nơi nhà thơ Vũ Hữu Định rất yêu mến và nhiều năm gắn bó với phố núi cao này. Nhiều người vẫn quen nghe những bài hát Tây Nguyên hoang dại và mạnh mẽ, nhưng âm hưởng ấy lại phản chiếu vào trong khúc hát tế bạn của Trần Quang Lộc một cách tha thiết và đau thương, qua giọng hát dã dượi của tác giả, nghe càng u uẩn như linh hồn khuất lấp tâm sự giữa sương núi gió rừng...


Trần Quang Lộc viếng thăm mộ của nhà thơ Vũ Hữu Định 


Trần Quang Lộc còn viết rất nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca 3 miền. Những năm gần đây trong các album của ca sĩ Hương Lan, Ngọc Sơn, Quang Linh, Vân Khánh, Quang Dũng... vẫn xuất hiện đều đặn các sáng tác của ông. Nhạc sĩ cho biết, con số ca khúc của ông đã lên đến trên 600 bài. Cũng như bất cứ nghệ sĩ nào, ông viết như là nghiệp dĩ, như con tằm có tơ phải nhả. Ông không quan niệm quá cầu kỳ trong việc trau chuốt ca từ, nên tâm sự cứ tuôn theo ý nhạc. Dù thế, nếu nghe kỹ thì trong các bài hát của Trần Quang Lộc, phần ca từ vẫn có nét tao nhã riêng, ít nhiều không bị lẫn lộn với "thị trường lời nhạc" hơi bị cẩu thả bây giờ. Có lẽ cái riêng ấy cũng từ quan niệm sáng tác của ông: cảm xúc không thật - không viết! Và có lẽ từ một nguyên do nữa: các nhạc sĩ lớp trước sử dụng ca từ "chuẩn mực" hơn những người trẻ hôm nay.

Trong buổi chiều gặp gỡ, Trần Quang Lộc mở cho tôi nghe một số ca khúc ông tự thu ở studio của mình, những bài quen thuộc và cả những bài chưa từng nghe, quả thật ông có một giọng hát rất ngọt, rất ấm và tràn trề những cảm nghiệm khó diễn tả. Giọng hát không phải rèn luyện bằng kỹ thuật mà được tôi luyện qua thời gian và những thăng trầm trong cuộc sống, những chuyện ông "không muốn kể lại làm gì"...

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc bây giờ sống nhẹ nhàng và lặng lẽ như một ẩn sĩ với người bạn đời cũng lặng lẽ nhẹ nhàng, với vài đứa học trò và một phòng thu tí hon. Tuy vậy, trong câu chuyện rả rích lúc ngày tàn, hơn một lần nhạc sĩ đã bày tỏ ý muốn ngày nào đó sẽ tự mình thực hiện một album tuyển những ca khúc đắc ý nhất. Cũng là lẽ thường vậy thôi, một người sáng tác dù đã lui về vui với mấy cây huệ góc vườn, dù đã mệt mỏi bao nhiêu với những chen lấn thời cuộc, thì cái khao khát trình bày những đứa con tinh thần của mình trước công chúng vẫn không hề suy giảm. Trần Quang Lộc là một trong số ít nhạc sĩ có thể hát rất hay những bài hát của mình, thì việc ấy không phải quá khó. Vấn đề có lẽ chỉ là khi nào cái "ca hứng" đủ lớn để lôi ông bước ra khỏi chốn ẩn cư nhàn hạ, xa cách thị phi này, để người yêu nhạc được thỏa lòng thưởng thức những bài hát trải dài 40 năm cuộc đời, với giọng ca chất chứa cũng chừng đó thời gian nỗi niềm của người sáng tạo.

Lê Thanh Trường

* Đã đăng trên Tạp Chí Đàn Ông số tháng 11-2007






















Nhạc sĩ Trần Quang Lộc: Vẫn nằm mộng thấy quê hương

Từ Kế Tường



Trong số những nhạc sĩ mà tôi quen biết, Trần Quang Lộc là người để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất...

Chàng nhạc sĩ, ca sĩ tài hoa này còn khiến tôi đi đến sự đồng điệu vì anh có một nhân cách sống khá đặc biệt: tác phong nhà giáo, không ồn ào, ăn nói nhỏ nhẹ, chừng mực, gần như khiêm tốn trước đám đông và trong những bữa rượu bốc trời với bạn bè.

Trần Quang Lộc ít tranh cãi, anh thường ngồi một góc trong chiếu nhậu, bàn tiệc, góc quán vỉa hè ôm cây đàn, rải những hợp âm do chính anh soạn rồi tự đệm cho mình hát, cái giọng khàn đục, hơi nhừa nhựa…

Những lúc đó tưởng chừng anh tách khỏi đám đông để đắm hồn mình theo những lời tình tự không chỉ với yêu đương trai gái mà còn với cả một quê hương sâu nặng anh vẫn luôn đi tìm và luôn nằm mộng để thấy, để trở về.

Nhạc sĩ của quê nghèo

Trần Quang Lộc sinh năm 1945 tại mảnh đất nghèo Gio Linh, Quảng Trị, đây là địa đầu của dải đất miền Trung khắc nghiệt mưa trắng, nắng lửa, gió Lào và chiến tranh khốc liệt.

Anh sinh ra và lớn lên với tuổi ấu thơ gian khó, đầu trần khét nắng, chạy trốn bom đạn, xiêu dạt cả làng quê, xa lìa cha mẹ để mưu sinh, lập thân và học hành. Trong lúc cha mẹ anh bỏ làng mà đi, chạy trốn chiến tranh, vào sinh sống ở Đà Nẵng thì Trần Quang Lộc ra Huế học Quốc gia âm nhạc Huế.

Khi còn là sinh viên, đang theo học tại trường Quốc gia âm nhạc Huế, Trần Quang Lộc đã chớm phát tài năng, anh cho ra đời 2 ca khúc Về đây nghe em và Có phải em mùa thu Hà Nội, là 2 ca khúc phổ thơ. Ca khúc đầu phổ thơ A Khuê, ca khúc sau phổ thơ Tô Như Châu.

Thời điểm công bố 2 ca khúc này, Trần Quang Lộc chỉ mới là cậu sinh viên 20-21 tuổi. Và quả thật, những năm đó Trần Quang Lộc đã cho ra mắt tuyển tập ca khúc Hát trong dòng sông xưa, xuất bản năm 1970.

Đặc biệt ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội gây được cảm xúc mạnh, tiếng vang lớn, khẳng định tài năng của chàng nhạc sĩ trẻ lúc bấy giờ mang đậm hồn vía Hà Nội nhưng tác giả của nó lại chưa từng đặt chân tới Hà Nội.




Về đây nghe em với ca từ mộc mạc, đơn giản, rất đời thường và giai điệu nhẹ nhàng, chậm rãi như kể chuyện nhưng ngay khi được ca sĩ Thanh Thúy hát đã nổi lên như một hiện tượng, ca khúc đã vang xa như dấu hiệu của một tài năng trẻ sớm bộc lộ.

Có phải em mùa thu Hà Nội cũng theo nhịp kể chuyện, ca từ cũng đơn giản nhưng mượt mà hơn, lãng mạn hơn nhờ nguyên gốc của thơ, nhưng nhạc sĩ đã nâng lời thơ lên bằng đôi cánh của âm nhạc và sự sáng tạo khúc thức của mình.

Nếu ca khúc Về đây nghe em của Trần Quang Lộc phổ thơ A Khuê, sau khi ra đời số phận may mắn, suôn sẻ giúp tác giả khẳng định được tên tuổi thì Có phải em mùa thu Hà Nội dù được danh ca Thái Thanh với chất giọng cao vút, thánh thót chấp thêm đôi cánh để bay cao hơn nhưng lại gặp số phận không may, kể cả tác phẩm lẫn tác giả.

Do đây là ca khúc viết về Hà Nội, lại là Hà Nội mùa thu với những ca từ dễ gợi nhớ tới “Mùa thu tháng Tám” lịch sử của dân tộc và dễ suy diễn theo chiều hướng quy chụp nên sau khi được phổ biến và nổi tiếng một thời gian thì bị chính quyền chế độ cũ cấm hát, cho thu hồi cả bản ghi âm, ghi hình.

Đồng thời, tác giả Trần Quang Lộc cũng bị gọi lên “chỉnh đốn” vì cho là “thân cộng”.

Cả 2 ca khúc Về đây nghe em và Có phải em mùa thu Hà Nội, sau năm 1975 một thời gian đã được phổ biến trở lại với những giọng ca thuộc hàng sao của các ca sĩ miền Bắc như Thanh Lam, Hồng Nhung, Thu Phương, đặc biệt thành công nhất là Thu Phương, cũng chính ca sĩ Thu Phương đã đưa ca khúc này lên sân khấu ca nhạc hải ngoại, thu băng, thu dĩa CD phát hành với số lượng lớn.

Gia tài âm nhạc đồ sộ và số phận không may

Kể từ 2 ca khúc đầu tay Về đây nghe em và Có phải em mùa thu Hà Nội sáng tác năm 20-21 tuổi, đến nay trên 50 năm, gia tài âm nhạc của Trần Quang Lộc đóng góp cho công chúng và xã hội khá đồ sộ. Anh đã có trên 500 ca khúc và 27 album viết trước và sau năm 1975, cho tới tận hôm nay, trong đó có nhiều ca khúc phổ từ thơ khá thành công.

Ngoài ra, Trần Quang Lộc và ca sĩ Thu Phương còn đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc nhờ ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội như Giải Video hay nhất qua album Ngủ ngoan nhé ngày xưa, Giải Người hát hay nhất và Nhạc sĩ hay nhất, bài hát đoạt giải nhất của Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam năm 1980 và hàng chục giải thưởng trong các cuộc thi ca nhạc, hội diễn. Đặc biệt, ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội đã được chọn biểu diễn khai mạc Lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội...

Giữa lúc sự nghiệp sáng tác của Trần Quang Lộc đang ở đỉnh cao thì cách đây khoảng 3 năm anh phát hiện mình mang chứng bệnh quái ác: Ung thư bàng quang. Trần Quang Lộc đã sang Mỹ chữa bệnh nhưng không khỏi. Sau một thời gian, anh trở về nước và quyết định “ẩn cư”, tránh mọi tiếp xúc để vừa chữa bệnh, dạy nhạc tại gia và sáng tác.

Chính trong giai đoạn này có thông tin lan truyền trên cộng đồng mạng là nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã mất vì bạo bệnh, thậm chí có cả những lời chia buồn của bạn bè. Nhưng thật ra anh vẫn sống, vẫn chống chọi với căn bệnh nan y. Nơi “ẩn cư” của Trần Quang Lộc là căn nhà cấp 4, đường Trương Hán Siêu, phường Long Toàn, thị xã Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu.

Thời gian gần đây, căn bệnh nan y tái phát nghiêm trọng khiến Trần Quang Lộc phải rời bỏ nơi “ẩn cư” để về Bệnh viện Bình Dân TP HCM điều trị bệnh. Anh đã giải phẫu 4 lần để cắt bỏ khối u trong bàng quang và chuẩn bị giải phẫu lần thứ năm để cắt bỏ khối u di căn qua phổi. Không chỉ sức khỏe giảm sút nghiêm trọng sau 4 lần giải phẫu mà chi phí thuốc men, điều trị cũng rất lớn.

Hiện nhạc sĩ Trần Quang Lộc đang lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, ngoài số tiền tác quyền ít ỏi thu được từ các ca khúc thỉnh thoảng mới nhận được, Trần Quang Lộc và vợ anh, chị Nguyễn Thị Thuận ngày đêm túc trực ở bệnh viện nuôi chồng hầu như đã khánh kiệt, chỉ còn trông cậy vào lòng hảo tâm của bạn bè, những người hâm mộ nhạc sĩ, tác giả của các ca khúc nổi tiếng Về đây nghe em, Có phải em mùa thu Hà Nội quan tâm, giúp đỡ.

Ca sĩ Thu Phương, người từng gắn bó với nhiều ca khúc của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, khi biết tin anh mắc bệnh nan y đã chuyển 100 triệu đồng về giúp người nhạc sĩ mà mình chịu ơn để có điều kiện chữa bệnh.

Trong lúc chờ ca phẫu thuật thứ năm, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã rất xúc động trước nghĩa cử của ca sĩ Thu Phương, đối với gia cảnh gần như trắng tay, 100 triệu đồng là số tiền khá lớn, nhưng với chứng bệnh nan y của Trần Quang Lộc thì lại chỉ như một mảnh vá trên chiếc áo có quá nhiều chỗ rách khoác lên số phận nghèo lại không may lâm bạo bệnh của người nhạc sĩ.

Chút kỉ niệm bạn bè

Tôi chơi thân với Trần Quang Lộc sau năm 1975. Thời bao cấp, mọi thứ còn rất khó khăn, bạn bè ai cũng thiếu thốn nhưng lại rất vui vì tính hào sảng, nghĩa khí của anh.

Những năm thiếu thốn đó, chúng tôi thường gặp nhau ở nhà của họa sĩ, kiêm nhạc sĩ lẫn ca sĩ tài tử Nguyễn Trọng Khôi. Ngôi nhà trọ của Nguyễn Trọng Khôi nằm trong con hẻm nhỏ đường Đinh Tiên Hoàng Q.1 (TP HCM), gần sát sân vận động Hoa Lư.

Căn nhà nhỏ, có cái đi-văng vừa làm chỗ ngủ, vừa là nơi tiếp khách, vừa trải chiếu nhậu. Nhóm bạn cũng chỉ có mấy người, thường xuyên có chủ nhà Nguyễn Trọng Khôi, Trần Quang Lộc, Hoàng Yên Di và tôi.

Hồi đó ai cũng đi xe đạp nhưng Trần Quang Lộc đạp xe mới tội nghiệp làm sao, chân anh vốn khập khiễng, còn xe đạp thì thuộc loại cà tọc, cà tàng, hì hụi mãi mới đạp tới nhà Khôi, mồ hôi mồ kê đổ ra ướt đẫm lưng áo. Nhưng nụ cười của Trần Quang Lộc thì thật hồn nhiên khi gặp bạn bè.

Hồi đó có gì mà nhậu. Rượu thì Cây Lý, sang lắm thì mấy lít bia hơi, mồi miếc thì bạ gì cũng nhậu được, cóc, ổi, mía ghim cũng là bén. Chủ yếu anh em gặp nhau, đưa chút hơi cay để lấy trớn ca hát, văn nghệ văn gừng cho vui.

Nếu không ở nhà Nguyễn Trọng Khôi thì mấy quán cà phê cóc, rượu cóc ngoài khu vực hồ Con Rùa, không thì lên sân thượng nhà văn hóa Q.4 nơi tôi làm việc hoặc chịu khó đi xa qua “Đào hoa đảo” của Hoàng Yên Di mãi bên Q.7. Nhớ buổi trưa hôm đó ở nhà Nguyễn Trọng Khôi, trong lúc say say, Trần Quang Lộc ôm đàn hát ca khúc anh mới sáng tác, có ý khoe với bạn bè, đó là bài Tình cờ gặp nhau.

Bài hát mới của Lộc rất lạ, khác hẳn những bài trước với làn điệu mới, luyến láy theo âm hưởng của điệu lý trong dân ca.

“Tình cờ gặp người quen/ Dường như lâu lắm rất xa nhau/ Gặp lại nhau mắt vương niềm đau/ Gặp lại nhau lúc sắp xa nhau/ Gặp lại nhau tóc xanh phai màu/ Hỏi người, người dìa đâu/ Đường đi ai biết (chứ) nông sâu/ Gặp lại nhau lúc sắp xa nhau/ Gặp lại nhau trước khi qua cầu...”.

Trần Quang Lộc hát thì không hay (ít có nhạc sĩ nào hát hay), nhưng cái giọng của Lộc hôm ấy thì quá buồn, có thể vì có chút men và tôi nghe Lộc hát trong lúc xỉn, với những câu thấm đậm tâm can như vậy không những chỉ mình Lộc giọng chùng xuống, rưng rưng nước mắt mà anh em trong chiếu nhậu hôm ấy, kể cả tôi, mắt đều ngân ngấn lệ.

Trần Quang Lộc hát xong, cả chiếu nhậu im phắc, không khí lắng đọng lẫn xúc động. Lộc bảo tôi ca khúc này anh chỉ mới viết lời 1, nhờ tôi đặt lời 2. Và tôi đã nhận lời.

Phải đến gần 20 năm sau, tôi mới gặp lại Trần Quang Lộc trên Facebook, giữa lúc tin đồn anh mất vì bạo bệnh ở bên Mỹ. Hôm đó, Lộc từ nơi “ẩn cư” ở Bà Rịa - Vũng Tàu vào thăm tôi ở tòa soạn nhân việc đi chữa bệnh, tái khám bệnh gì đó ở Bệnh viện Bình Dân.

Hôm ấy Lộc trông khỏe mạnh, hồng hào, bàn chuyện sẽ ra album và làm CD phổ thơ tôi vì trước đó Lộc đã phổ thơ tôi những 4 bài, tự phối âm và tự hát rồi thu clip đưa lên YouTube. Lộc bảo chỉ mấy bài đó thôi thì không đủ, phải phổ thêm và kéo Nguyễn Trọng Khôi tham gia vì Khôi cũng đã phổ của tôi mấy bài, hiện cũng đã đưa lên YouTube.

Và rồi Lộc từ giã, quay về Vũng Tàu và... không trở lại. Không ngờ mấy hôm nghe tin anh trở bệnh nặng và phải nằm viện. Bây giờ thì ngay sinh mệnh của Trần Quang Lộc không biết sẽ ra sao sau 5 ca phẫu thuật đều thuộc dạng đại phẫu, 5 ăn 5 thua, thì dự án cùng ra album, CD coi như xếp xó.

Đời người vốn đã hữu hạn mà rủi may diễn ra rất vô thường, trong tích tắc của định mệnh và số phận mỗi người. Tôi và những người ái mộ, yêu thương Trần Quang Lộc không chỉ bằng tấm lòng của những người bạn mà còn là những người thưởng thức âm nhạc của anh qua những ca khúc thấm đậm chất liệu cuộc sống, tình tự quê hương mà ai cũng luôn hoài vọng.

Vì thế nên chúng tôi rất mong anh sẽ qua khỏi, vượt thoát được căn bệnh hiểm nghèo để về với những sáng tác, những dự định mà anh còn bỏ dở.

(5-12-2017)

(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn)









Thái Thanh & Trần Quang Lộc























Trở về















MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.











Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2019

Vũ Trọng Quang














Vũ Trọng Quang

Quê quán : Tam Kỳ - Quảng Nam
Sinh 1951 theo giấy khai sinh
Bút danh: Quít (biếm họa), Nhị Ka, Ngọc, Vũ Thị Phù Sa…



Khởi viết từ 1967
Cộng tác văn học cho một số báo trong nước và trên các trang mạng








Bài thơ tên: Cái Miệng như Cái Mồm
Ý tưởng: Vũ Trọng Quang
Thiết kế: Lê Ký Thương








Tác phẩm đã ấn hành





1
Những năm tuổi trẻ
(1969)








2
Nỗi buồn của chúng ta
(Nxb Động Đất,1971)








3
Thơ Vũ Trọng Quang
(Nxb Động Đất, 1973)








4
Đã hết giờ của Lọ Lem
(An Giang,1994)








5
Chủ biên Tuyển tập Văn Chương, Văn Tuyển

(Sau 1975)








6
Thơ tự do
(Nxb Trẻ, 1999)








7
Thơ hôm nay
(Nxb Đồng Nai, 2003)








8
Hôm qua Hôm nay Hôm sau
(Nxb Đà Nẵng, 2006)








9
Bông & Giấy
(Nxb Lao Động, 2010)








10

kháT/kháC 
18 Tác giả
(Nxb Hội nhà văn, 2019)









Bởi em rớt xuống bao người
Tay không che nổi trận cười đàn ông
3/2017


















Thơ Vũ Trọng Quang





NGÔI NHÀ
Một tay ôm con một tay ôm đàn
không còn tay nào mẹ vẫy chào khu rừng lãng mạn khói lửa
tôi bắt đầu tôi dưới chân cầu
thở mùi tanh của cá
tắm dòng sông nước đen
từ tiếng rao bán báo tôi lớn lên
từ tiếng gõ vào thùng đánh giầy tôi lớn lên
em dậy thì bên kia sông
tôi tỏ tình bằng im lặng.

Cha tôi bỏ xác trên rừng
mẹ ngồi đan áo mũi kim đâm vào đầu ngón tay
nước mắt rơi xuống hai chữ anh hùng
tôi tiếp tuc đi ngược chiều dài của núi
mở khóa an toàn bắn chỉ thiên
cuộc chiến khốc liệt cuối cùng đã kết thúc
mỗi chúng ta chưa có hoà bình
tôi và em bày ra một xung đột khác

Mẹ không còn ngồi đan áo
ngón tay còn nhỏ máu
ngón tay bấm vào dây đàn
nốt nhạc rơi xuống hai chữ anh hùng.

Con tôi vẽ chân dung tôi
không rõ nét.


NGƯỜI CŨ
Nỗi nhớ rủ tôi tìm lại dấu vết cơn địa chấn
lâu rồi tiếng dương cầm vẫn nhịp nhanh tức giận
mùa đông ngủ triền miên trong ngôi nhà có em khóa cửa

Chiều tím ấn tôi ngồi xuống vỉa hè với ly rượu cùng đợi chờ sám hối
tiếng cầu kinh vây quanh đây
hình như em còn đội khăn đẹp cho cuộc tình đã chết

Một lần tay chạm mạnh vào mặt nhau
bao năm chưa phai vết hằn ê ẩm
một lần lời nặng nề với nhau
bao năm chưa nguôi ngoai cơn giận

Men say xui tay gõ cửa liên hồi
trái tim xưa vẫn đóng



Đ i K H Ô N G Đến
Xin lỗi vầng trăng khuyết vẫn đợi hai ta cuối đường về
cà khu vườn tàn phai những đóa hoa trộm hái
cả lời thề khắc trên cây cao hơn tầm tay với

xin lỗi chim Quyên chậu cá lia thia
cái tát tai câu ca dao chết điếng
ly tách âm vang
chỗ nằm động đất
bao lâu rồi giấc ngủ ngược đầu nhau
bao lâu rồi giấc ngủ bạc đầu mau

xin lỗi cánh cửa căn phòng xa lạ với ban mai
đôi đũa những bữa cơm đơn lẻ
lá thư đầu bày tỏ mất bao giờ trong ngăn tủ
tay cầm tay bối rối học trò
biển xanh phai màu mắt

xin lỗi cốc rượu va chạm nhau tối trời chủ nhật
ngày thứ hai ra vành móng ngựa vụn vỡ
lẽ nào kéo dài tuổi thọ tình yêu
bằng trái tim thực vật

thưa quí tòa
tôi đánh mất một điều không có






GIÂC MƠ HOA
đêm qua qua mơ thấy hoa mơ thấy
người đi qua đời tôi không nhớ gì sao *
người không nhớ gì sao
người hoa khôi tinh khôi đẹp y
như thế kỷ trước
người kỳ lạ kỳ ảo y
như thế kỷ trước
qua gặp lại hoa trên thảo nguyên cỏ mọc tới chân
trời
nghiêng mình bẻ mình bẻ dòng vắt dòng vắt giò
lên cổ
tay qua mân mê tham do thám tới rốn
tay hoa tay đẩy tay đây
đừng anh đừng anh đừng anh đừng anh anh
chân qua chân ải chân ai

hoa em hoa em hoa em em em

gà gáy gọi gấp gáp
giật mình tuổi con rồng siết chặt
giật nình giấc mơ hoa bừng con mắt
dậy thấy mình tỉnh
ra
giật mình không phải cái gọi tân hình thức không
không phải tân hình thức

(*) Thơ & Nhâc Trần Dạ Từ & Phạm Đình Chương
-qua: có thể là hôm qua băng qua đi qua, có thể là anh là tôi
-cổ: có thể là cái cổ, có thể là cô ấy


BÔNG ĐIÊN ĐIỂN VÀ…
Bông điên điển & bầy cá linh cứu mùa nước nổi
& màu mỡ phù sa bồi đắp cứu mùa nước nổi
em cứu tôi những trăng rằm
trộm nhìn tóc buông ngực thở

Điên hỏi điển thơ hỏi thở
điên hỏi điển có điên
chờ mãi thôn nữ thờ ơ thơ
áo bà ba tài tử vướng câu Dạ cổ hoài lang trôi trên sông
một chấm nhỏ bồng bềnh sóng xa hút
xua tôi mất khả năng chạm tới

Lớp lớp cá linh bày trên bàn thù tạc
hy sinh thân xác dậy mùi ngọt ngào khứu giác
xèo xèo bánh giòn vàng điên điển hấp dẫn đầu lưỡi
bông rực rỡ héo úa tội nghiệp

Tôi yêu triều dâng cùng nước ròng dòng chảy
giá trị của lụi tàn vươn tới
đổi thay tiếp tục mầm mống
khởi điểm chu kỳ mùa vàng nhú vàng tràn bờ





HÀNH TRÌNH CỦA TÓC
Tóc chỏm mời tay kẹo
tóc xanh thần thoại bay lên trời
tóc đen dồi dào tình dục
tóc muối tiêu suy tư
tóc trắng đồng lõa với răng long gốc con người

Tất cả thời của tóc
tất cả không thời nào của tóc
tóc nhuộm lừa trăm năm
tóc hanh nắng mùa hè cháy
tóc vàng rụng mùa thu chết
tóc đỏ mùa Xuân Tóc Đỏ
tóc xấu máu sơn dương sàm sỡ
mỗi ngày tiễn đưa những người
và tiễn đưa trái đất

Hành trình sinh Nguyệt
hành trình sinh nhật
giao thừa mùa tóc
giao thừa mặt trăng
giao thừa mặt trời
lung linh một chỗ những đêm sau



MỘT CHÚT NGƯỜI
siêu thực tiếp sức đĩ ngựa cưỡi mèo
ám ảnh giấc mơ thỏ playboy
( một giấc mơ khác của chuột & người )
hiện thực thực hiện phi thực

ly rượu chát – chúa men say tiếp sức cưỡi ngựa gỗ
ôi! những kẻ tự hào phi nước đại cố định
ôi! những người khóc lòi le một mình
cực sướng trên chiếu dời đô-la

hiện thực người vẫn cưỡi người
ám ảnh vết hằn trên lưng
tiếng rên của sự cởi lột
tiếng kêu không được nghe thấy

hôm qua hôm nay hôm sau gặp kẻ đi ngược đường
chạm bảng cấm những một mùa địa ngục (*)
tâm hồn tiếng cười thả vào lòng bàn tay
truyền xuống chân sa bẩy cái chông bật tiếng nấc

bao lâu rồi giấc ngủ mở mắt
nhìn rõ đám mây chuẩn bị mưa-
-rào chỗ đám đông đang hét
toan tính cơn mưa acid
nơi lòng bàn chân chảy máu

(*) Tựa tập thơ của Rimbaud



MƯỢN LỜI TẦM XUÂN 
Cái thời
cây bưởi hái hoa
ca dao
bước xuống vườn cà
lâng lâng
nhúng chàm
một nụ tầm xuân
trăm năm rơi ngược thời gian đợi chờ

lời ru ở chỗ đong đưa
nở ra xanh biếc
cho vừa mênh mông
ầu ơ mãi tiếng sắc không
diêu bông tìm được
lấy chồng tiếc thay.



NGUYÊN VẸN khóc NGUYÊN VẸN 
Niềm kiêu hãnh của nước mắt
tuôn trào vô thức những mảnh vỡ nuôi dưỡng nguyên vẹn
hơi thở mảnh vỡ không đổ vỡ
hơi thở với tay réo gọi rạn vỡ
hơi thở chồng chất lên môi ngộp thở không ngộp thở
hơi thở mùi hôn đánh bật swingum
sự vỡ kết tinh kết dính hôn giây phút giờ hôn ngày đêm mê miết
rộng châu thổ cao núi đồi chạm đáy thung lũng vô thiên lủng
hôn gần hôn xa remote
hôn chưa từng
tập hợp hôn giấu giếm trong thủy tinh ký ức ném ra biển
trôi châu thân

Căn phòng kín che đậy dịu ngọt & mạnh mẽ chiều
đóng cửa sự hư hỏng cần thiết
mầm đau đẹp nở hưng phấn
hoa
mầm đau mềm run hưng khoái
cảm
rìa mép đầu giường
phôi sản sinh từ nụ hôn phối

Sự chân thật của nước mắt
nguyên vẹn tuôn trào hữu thức nuôi dưỡng những mảnh vỡ
hãy bảo trọng
tiếng khóc nụ hôn


Mêmuội
Nàng-ngồi cafe trước đám cháy muốn lao vào lửa
nàng-đứng trên cầu mong ước cái chết trôi sông
nàng-đã lưỡi lam cắt cổ tay toan tự sát
trầm cảm là một thái độ

Không ủng hộ trầm cảm trăng đi tìm thái độ
trăng đi tìm nguyệt
trăng tìm không thấy cuối chân trời có chữ i vô cực
trăng không tìm thấy giữa nguyệt có chữ y
thời gian một giá trị hy vọng

Thái độ tiễn nguyệt về quê
chuyến đi bay đêm
trăng phóng với theo
khuya gần chỗ tiệm cận

Có lần trăng đưa nguyệt về cuối đất
ở đó nguyệt ngủ trên cao
ở đó trăng thức dưới đáy

Trăng vẫn đi tìm nguyệt
bằng sự mất ngủ
& bài thơ bất lực




Vũ Trọng Quang



TIẾP VIÊN 


Anh đến nhà không gặp em có thể giờ này cơn mưa đã chận bước em về có thể giờ này khói thuốc đã chận bước em về có thể giờ này ly bia sủi bọt đã chận bước em về

và cũng có thể giờ này cánh cửa của căn phòng xa lạ đã chận bước em về

Anh sẽ mồi thuốc cho em hút có nghĩa là anh chấp nhận những gì em đang hít thở
có nghĩa là anh bằng lòng trả bóng tối lại cho em
có nghĩa là anh sẽ xa em

Anh sẽ xa em có nghĩa là anh không có sức mạnh của đôi tay Từ Hải để kéo em ra khỏi vũng lầy có nghĩa là chuyện cơm áo thường ngày đã đánh gục điều lo lắng của anh

Em có thể là Bé Ba có thể là Út Nở có thể là Đoan Trang có thể là Diễm Phượng thì em vẫn bình thường như những người phụ nữ khác bởi anh mang sự hèn hạ Thúc Sinh nên chối từ chọn lựa

Anh sẽ xa em anh hiểu đó là điều tàn nhẫn nhưng vô cùng cần thiết
anh không phải là nhà chính trị cương quyết với đường lối của mình
nhưng trong tình yêu phải có điều suy nghĩ

Anh yêu em chăng?
em yêu anh chăng?
cứ cho là chúng ta yêu nhau đi
thì tình yêu nên để ở trong lòng

Anh đánh mất em chăng?
em đánh mất anh chăng?
cứ cho là chúng ta đánh mất nhau đi
thì chia tay không có gì hối tiêc

Rồi em sẽ quên anh cũng giống như bao nhiêu người đàn ông vãng lai khác nếu nhớ chỉ là sự thống kê còn anh không bao giờ quên em được bởi vì trong đời anh có lần dành tình yêu cho một trường hợp lạ kỳ

Thôi anh vẫy tay chào em
vẫy tay chào mái tóc em dài
vẫy tay chào đôi môi em ngọt
vẫy tay chào những lần ái ân cuồng nhiệt
vẫy tay chào em anh buồn biết mấy

Anh đưa em về ngã bảy
ngã bảy chia làm bảy ngả
nhưng ngả em về không phải ngả của đôi ta


TIẾP VIÊN 2
Mai anh không muốn đến nhà
Bởi em có nghĩa nay là cuộc vui
Bởi em rớt xuống bao người
Tay không che nổi trận cười đàn ông

QUỲNH
Ngỡ như em phát ra tín hiệu
Đêm qua đêm thức đợi hoa quỳnh
Nụ vừa nở tay vừa chạm liễu
Chỗ hương thơm đã hóa mông mênh














Thơ Vũ Trọng Quang phổ nhạc 





Tiễn Em Nghìn Trùng
Bằng Kiều



Lời thơ: Vũ Trọng Quang


Em đánh cắp của anh giấc ngủ
đêm không cà phê đêm tự tử
ly rượu muốn say sao không say 
Em đã xa và đã xa thật
chuyến bay mang vội một lời thề 
anh ngơ ngác em đâu mất hút
nửa đời còn lại …hòn vọng thê.
mai xa còn đó mùi hương cũ
Phi trường mây trôi ngàn cây số
áo em phần phật tiếng gió hú
mắt em lấm tấm một chút mưa
lòng anh cồn cào cơn bão dữ


Chuyển thành ca khúc:
Lã Văn Cường


Em lấy mất của anh giấc ngủ
đêm không cà phê đêm ngừng thở
ly rượu muốn say mà không say
mai xa còn đó mùi hương cũ

Phi trường mây trôi ngàn cây số
áo bay lồng lộng tiếng gió hú
mắt em lấm tấm một chút mưa
lòng anh ầm ào cơn bão dữ

Em đã xa và đã thật xa

chuyến bay mang vội một lời thề
anh choàng tỉnh em đâu mất hút
giữa đời còn lại …hòn vọng thê
Em đã xa và đã rời xa
Em đã xa và đã rời xa









Đã Hết Giờ Của Lọ Lem

















Tản Văn








MÓN NGON SÀI GÒN
Vũ Trọng Quang

Học giả người Trung Hoa Lâm Ngữ Đường (1895-1976) lý luận về ẩm thực: “Khổng Tử hiểu rõ thiên tính của con người, cho nên chỉ kể có hai ham muốn lớn nhất của con người là danh dưỡng và sinh dục, tức nói nôm na là ăn uống và trai gái. Nhiều người đã khắc chế được sắc dục nhưng chưa có vị thánh nào khắc chế được ẩm thực quá bốn năm giờ liền…”

Đến một lúc nào đó sắc dục sẽ hết pin, nhưng ẩm thực gần như đeo ta đến cuối đời. Ngày xưa khó khăn ta chấp nhận ăn no mặc ấm, bây giờ thì khác phải ăn ngon mặc đẹp; về mặc đẹp đâu cần phải là hoa hậu người mẫu diễn viên mà người bình thường thời trang cũng nâng cấp hơn khi đi làm khi bát phố khi đi chợ. Cái ăn đứng đầu trong tứ khoái, vậy ăn uống phải chọn lựa cái ngon cái vừa miệng.

Bài viết không nêu địa chỉ cụ thể, để người đọc hiểu lầm là quảng cáo cho quán. Đề cặp về những món ăn ngon, có thể còn thiếu sót, dĩ nhiên người viết có tính chủ quan, nhưng tôi tin khẩu vị mình tương đối.

PHỞ

Trước hết phải kể đến tiệm phở cách đây 60 năm cuộc đời: phợ Dậu, Ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, có từ năm 1958, người chủ bây giờ đã 70 tuổi vẫn nối nghiệp gia đình, phờ có nước lèo (nước dùng) có vị riêng, ăn dễ bị “ghiền”, chủ quán cho biết không nêm bột ngọt, nhưng tôi nghĩ phải có chút chút, sợi bánh tự làm bằng gạo ngon không dùng bánh phở hàng chợ, không có giá không có rau thơm cho đúng hương vị Bắc, chỉ có dĩa hành tây khách tự trộn với tương ớt do quán điều chế, có nhiều khách còn kêu thêm hai ba dĩa, khi ăn bỏ từ từ vào tô phở; tô phở không bỏ nước béo dầu khách không yêu cầu, cho cảm giác đợ bị ngậy, ai cần thì xin thêm béo; rau giá rau thơm không có cũng làm buồn lòng không ít thực khách khoái phụ bản này. 

Quán chỉ bán buổi sang, rất đông khách, nhất định không mở thêm đại lý.

Ngày xưa ông Nguyễn Cao Kỳ thường kêu lính mua về dinh thự thưởng thức, sau 1975 khoảng năm 2000 bà Tuyết Mai vợ ông Kỳ mở quán phở hương vị phở Dậu đường Lê Quý Đôn, nhưng không thành công và thanh lý quán.

Gần đây ở đường Trương Định mở quán phở 1954 cũng giông giống phở Dậu, nhưng giá mềm hơn, theo đánh giá của tôi thì chưa bằng. Bây giờ vẫn còn phở Tàu Bay, tiếng tăm từ trước 1975, nhiều Việt Kiều nhớ hương vị xưa vẫn thường tìm đến.

Có một tiệm phở rất lâu trước 1975 đó là phở Cao Vân đường Trần Cao Vân, tô phở bành ky với slogan “lấy công làm lời” giá vừa phải, thực khách mọi tầng lớp từ cao sang đến bình dân. Ở đây ông chủ rất ái mộ bài thơ Phở đức tụng của cụ Tú Mỡ:

Trong các món ăn quân tử vị
Phở là qủa đáng quý nhất trên đời 
Một vài xu nào đắt đỏ mấy mươi
Mà đủ vị ngọt, bùi, thơm, béo, bổ

Phở còn chế biến nhiều món khác như phở cuốn, phở nhiều màu ở quán Hai Thiền đường Bùi Viện.

Thành phố có những quán phở được nhiều người biết đến như: phở Hòa, phở Quỳnh, phở Thìn, phở Phú Gia, phở Ngân, phở Ngô Vương, phở Nam Định, phở đuôi bò ông Cả v.v… 

Mới đây ngày 12/12/2018 báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Công ty CP Acecook Việt Nam tổ chức Ngày của phở với các hoạt động hội thảo, triển lãm chuyên đề tại White Palace để vinh danh phở. Ngày này sẽ được tổ chức hằng năm. 

BÚN BÒ

Đúng ra phải gọi là bún bò giò heo, nhưng để cho gọn người ta kêu bún bò. Nếu nói ở Sài Gòn bún bò ở đâu ngon nhất thì hơi khó, bún bò đúng nghĩa phải có mùi ruốc, không có ruốc không ra Huế; tương đối có quán Hương Giang ở đường Võ Văn Tần, nữ chủ quán người Huế trung niên xinh đẹp sang trọng (nhưng nhớ là đến ăn bún chứ không đến ngắm chính chủ). Quán lịch sự vệ sinh, món rau chủ lực là bắp chuối do quán mua về thái sợi to hơn bắp chuối hàng chợ; quán Bún Bò đường Ngô Đức Kế, hai vợ chồng chủ cùng người Huế, nước lèo liều lượng ruốc khá đậm. Quán bún bò ở đường Trần Quốc Thảo tên Bún Bắp Bò nghĩa là bắp bò là chính. Chợt nhớ đến bún bò của quán Ngự Bình gần cầu Nguyễn Văn Trỗi, quán tương đối yên tĩnh sang trọng không khí cung đình; món bún không kèm rau, thực khách miền Nam thường hay cằn nhằn, món ăn chắc dành cho vua chúa thưởng lãm có liều lượng vừa phải, đặc biết món bánh Khoái tuyệt hảo, các món bánh ướt tôm chấy, bánh ướt thịt nướng, bánh bột lộc, bánh nậm…nói chung hấp dẫn; cung đình giá cao không dành cho giới cùng đinh. Ở Sài Gòn có tới 3 quán bún bò Xưa cùng một chủ, đặc biệt có xương bò chặt từng khúc cho vào tô bún. Quán bún bò ở đường Nguyễn Thiện Thuật cũng khá đông khách với 2 tiệm gần nhau.

Ở quận 9 có tiệm bún bò Ngọc Dung, quán rộng người đông, như một cái chợ, có thể xem như quán bún này lớn nhất Sài Thành, khách đi du lịch thường ghé ngang điểm tâm; hương vị hơi hơi ngọt đường phù hợp với mọi người. 

Riêng tôi lại khoái bún bò gánh của mấy mệ ngoài Huế, kêu một tô ngồi chồm hổm vừa ăn vừa trò chuyện với mệ, lần nào ra Huế tôi thường tìm đến các gánh.

Ở đường Bùi Thị Xuân có quán bún bò kiểu dành cho người miền Nam, vị ngọt đường, khẩu vị thích hợp cho những ai hảo ngọt. 

MÌ QUẢNG

Khác đặc trưng của phở chỉ dung thịt bò, bún bò thì chủ lực là thịt bò và thịt heo &giò heo; mồi của mì Quảng thì đa dạng, có phải vì câu “Quảng Nam hay cải” mà thành phần chính cũng đa dạng: có thể là gà, heo, sườn heo bò, có khi là thịt vịt. Bây giờ lại có thêm mì Quảng ếch, chắc sáng tạo từ cháo ếch Singapore, mùi mì cũng có mùi ngũ vị hương của cháo ếch, chủ quán quả quyết đây là món ngon nên “phải thử”. Ở đường Mạc Thị Bưởi có tiệm mì Quảng Quảng Ngãi, tiệm này trước đây của người Quảng Ngãi thuê mặt bằng đứng bán, sau người ấy về quê, người chủ mới có lẽ là chủ nhà tiếp tục kinh doanh, ở đây chỉ dùng thịt heo & sườn heo, nước lèo màu hồng của củ sắn thái nhỏ vị ngọt theo vị của người chủ miền Nam, ăn kèm với bắp cải sắt mỏng, thường có thêm nước me thay chanh.

Nói Sài Gòn mì quảng ở đâu ngon thì hơi khó, đáng kể thì có mì quảng Mỹ Sơn, có đến hai ba tiệm, sạch sẽ vệ sinh máy lạnh, sợi mì không phải màu vàng của hàng chợ mà sợi trắng hoặc ngà như gạo lức, ăn kèm với bắp chuối và cải mầm lá nhỏ, nếu thích chả Huế thì gọi thêm, chả khá ngon ít bột. Kế đến là mì quảng Ba Anh Em cũng mở ba quán (dầu từ miền Trung vào không lâu). Để ý là mì Quảng trong các quán ăn miền Trung bán đủ món miền Trung thường không ngon, do không chuyên biêt.

Có một quán Mì Quảng ở trong hẻm đường Trần Quang Diệu quận 3, rất đông khách, đặc biệt vị ngọt đường rất hợp với người Nam bộ, có phải vì cái mùi đặc trưng này hấp dẫn thực khách vùng đất này chăng? Một gánh mì Quảng cuối đường Nguyễn Đinh Chiểu gần kênh Nhiêu Lộc bán buổi chiều giá rẻ nên khách cũng rất đông, thường chỉ bán trong 2 giờ là hết. 

HỦ TIẾU CÁ

Hủ tiếu phổ biến của người Hoa, gần như đường phố nào Sài Gòn cũng thấy từ bình dân đến cao cấp máy lạnh. Hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Sa Đéc, hay hủ tiếu Nam Vang như Nhân Quán (cũng có nhiều tiệm), hay hủ tiếu Ti Lum đường Nguyễn Trãi cũng khá ngon. Cái ghi nhận ở đây là hủ tiếu cá, trong hẻm đường Tôn Thất Tùng (hẻm có hai quán: một hủ tiếu phổ thông một hủ tiếu cá); một quán chỉ duy nhất là cá, rất chuyên biệt; sợi bánh là sợi khô, còn cá thì cá phi-lê được quán làm riêng từng người một trong một cái son nhỏ, rồi đổ ra tô, tô có bánh riêng tô có cá riêng, nên ăn kèm với giá sống hoặc giá trụng, như vậy mới hòa giải được sợi khô của bánh. Quán bán buổi sáng rất đông khách, có khi phải chờ nửa tiếng, thứ bảy chủ nhật lại càng đông. Có một tiệm chuyên bán hủ tiếu cá Nam Lợi khá ngon ở Chợ Cũ, trước đây bán chung với hủ tiếu bò kho, nhưng món hủ tiếu cá khách dùng nhiều, nên tiệm dẹp luôn hủ tiếu bò kho. Do khuynh hướng kiêng mỡ thịt nên món hủ tiếu cá được ưa chuộng.

BÁNH ƯỚT

Xe bánh ướt bình dân trên vỉa hè đường Nguyễn Cư Trinh, có buổi sáng đến không gặp là do trật tự lòng lề đường quận một không cho bán, xe bánh này do đạo diễn Trần Quang Đại xúi ăn; bánh ướt ở đây gợi nhớ một hàng xe bánh ướt trước trường Tân Văn đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) gần quán nhậu 138 Võ Văn Tần, xưa đi học bạn bè hay rủ rê “ê ăn bánh ướt Trần Quý Cáp mậy”, giá bình dân hợp với túi tiền học sinh, bây giờ bánh ướt Nguyễn Cư Trinh giá có cao hơn một chút nhưng chấp nhận được, xe chỉ có bánh ướt không có bánh cuốn, có bánh tôm khô và chả, các loại chả tuyển loại ngon, nước mắm pha lạt theo khẩu vị người miền Nam, tôi gốc miền Trung thường dung mắm mặn (mắm nguyên), nhưng riêng với tôi nước mắm xe này tôi chấp nhận được, đặc biệt là tương ớt tự chế, chủ để trong chai 650 cc, khi ăn thì đổ vào dĩa bánh, mùi cay rất hợp với người thích nồng độ cay cao. Tôi đến vì cái ngon và hoài niệm thời đi học. 

CƠM 

Khi tôi về thăm quê ở Đà Nẵng, mấy người em tôi nói khi bọn em vào Sài Gòn, anh nhớ đưa bọn em ăn cơm tấm Sài Gòn, nói như vậy để thấy thương hiệu cơm tấm Sài Gòn bay ra tận miền Trung, xa hơn nữa ở nước ngoài, nên mới có danh từ riêng Cơm Tấm Cali. Còn ở thành phố này có nhiều quán cơm tấm nổi tiếng như Cơm Tấm Thuận Kiều, Cơm Tấm Kiều Giang, Cơm Tấm Cây Điệp (gốc Long Xuyên) v..v.; đặc biệt có Cơm Tấm Bãi Rác gần bãi rác ở chợ Xóm Chiếu quận 4, một nơi không được vệ sinh lắm, giá rất cao, anh chị em văn nghệ sĩ thường đến thưởng thức, chỉ bán từ chiều tối đến khuya. Riêng tôi, tôi lại thích tiệm cơm tấm không tên ở ngõ hẻm Nguyễn Trãi, chủ tên Lan, gia truyền từ người mẹ trước năm 1975; tiệm chỉ bán ba món sườn bì chả, riêng chả thì bá cháy, chả được làm bằng hỗn hợp: trứng bún tàu và cua; do liều lượng cua khá nhiều nên ăn rất ngon, bà xã tôi có làm thử nhưng chính vợ tôi công nhận không ngon bằng. Mấy đứa con tôi ghiền ăn từ lớp một đến đại học và tới khi lập gia đình, vẫn thường xuyên ghé tiệm.

Ngoài ra có một tiệm cơm Bà Cả Đọi ở trong hẻm đường Nguyễn Huệ rất nổi tiếng đồ ăn đặc trưng miền Bắc như thịt đông cải chai, canh cua rau đay, đậu hủ mắm tôm, lòng heo luộc, món bung đậu hủ thịt chuối chat, thực khách có thể lên phản gỗ ngồi quay quần xếp bằng dung bửa, tiệm bán món Bắc nhưng người Sài Gòn cũng hay lui tới. Sau này tiệm mở thêm tiệm cơm Nhân Quán đường Trương Định.

Ở đường Huỳnh Khương Ninh có quán cơm chay Hoa Đăng, thiết kế sang trọng bậc nhất Sài Gòn, tập trung đầu bếp chuyên nấu món chay. Ở đây có món gỏi Hoa Đăng giả gỏi gà, y chang thịt gà xé phai có điểm ít miếng da gà; món bít-tết không thua gì thịt bò; bông cải xào tôm, phần giả tôm giống như tôm; bánh ướt chả lụa; món kho tộ kiểu miền Nam; canh khổ qua thịt bằm; lại có cơm Shusi Nhật Bổn; v.v.. 

Ôi thôi nói đến cơm thì nhiều lắm, từ sang trọng đến bình dân: cơm Niêu, cơm gà, cơm canh chua cá kho tộ…và cả cơm chùa nữa.

BÁNH MÌ

Không ai có thể thống kê được có bao nhiêu tiệm bánh xe bánh mì trong mọi ngõ ngách thành phố, nhưng tôi chắc chắn rằng nó có số lượng nhiều nhất nước, từ sang trọng đến bình dân, đó là chưa kể mạng lưới xe máy xe đạp điện bán dạo “ bánh mì nóng giòn đây bánh mì đặc ruột đây “. Có thể xem Sài Gòn là nơi phát triển số một món“cơm tay cầm”, rất đại chúng và phổ biến do tính ăn nhanh tiện lợi.

Những tiệm bánh có thể nhắc ở đây: bánh mì Như Lan ở đường Hàm Nghi trước đây đông khách bây giờ cũng thưa thớt, có phải là do bán thêm nhiều thứ khác; bánh mì Hà Nội, bánh mì chả bò, bánh mì Sáu Minh đường Võ Văn Tần, bánh mì Ngân ở quận nhất cũng dạng tương tự, tất cả các tiệm này đều bán cả ngày, ngoài ra còn có bánh mì du nhập từ nước ngoài (?) như bánh mì Kobe bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ. Bánh mì chuyên biệt Hòa Mã ở đường Cao Thắng, gia truyền từ trước 1975, chỉ bán buổi sáng, rất đông, thực khách ngồi lè tè dùng tại chỗ, bàn ghế nhỏ bày bên hẻm , có phần ăn dành cho một người hai người ba người và nhiều hơn nữa, phần bánh mì gồm chả dăm-bông pa-tê, thịt nguội v.v.. kèm với đồ chua hấp dẫn. Tiệm bánh mì Huỳnh Hoa của chị Hoa son phấn (do chị trang điểm đậm), cách đây mấy năm bán ở đầu đường Bùi Thị Xuân ngã 6 Phù Đổng Thiên Vương, bị đuổi gắt gao vào thuê trong nhà, tiệm có cả hệ thống phục vụ, người sắt thịt, người sắt chả người lo dăm-bông pa-tê, người lo đồ chua, đứng bán chính là chị Hoa, người tính tiền thu tiền, quán chỉ bán buổi chiều, khách đến mua phải chờ mười lăm hai mươi phút, có khi chờ lâu quá khách nản bỏ về.

Ở quận 4 trên đường Hoàng Diệu chưa đầy 100m có 3 tiệm bánh mì Minh Châu của 3 anh em bán gần nhau, 2 tiệm trong nhà, 1 tiệm chỉ một chiếc xe, công thức 3 tiệm như nhau, tiệm chiếc xe giá cao hơn; cả 3 đều đông khách, có những xe bánh mì hàng nhái của 3 tiệm kia; lại có hai tiệm bánh mì Lúa chen giữa các tiệm. Ngon nhất là chả lụa Minh Châu, anh em lai rai có thể mua vài lạng đến nửa ký dùng trong buổi nhậu. Những ngày cận Tết tiệm nghỉ bán bánh, chỉ duy nhất kinh doanh chả lụa cho khách mua về dự trữ ba ngày vui xuân, chả nóng ra tới đâu bán tới đó.

Trong tiểu thuyết “Cám ơn em đã yêu anh” của nhà văn Duyên Anh có quảng bá:

Em yêu đừng có lầm lỳ
Đây nè, cầm lấy, bánh mì, ăn đi
Bánh mì Tân Định khỏi chê
Dăm-bông xúc-xích pa-tê hành ngò

Ngày xưa khu Đa Kao, Tân Định rất nổi tiếng mặt hàng bánh mì, bây giờ chỉ còn vang bóng một thời.

Nếu kể thêm thì còn nhiều nữa như: bánh mì bì, bánh mì thịt quay, bánh mì xíu mại v.v…

Ở Thành phố Hội An có tiệm Bánh mì Sài Gòn rất đông khách, đến mua phải xếp hang. Nói Sài Gòn là thủ đô của bánh mì thật không ngoa.

BÒ VIÊN

Bò viên là đặc sản của người Hoa, nên chủ bò viên ở trong hẻm đường Nguyễn Thiện Thuật là không ngoại lệ; bò viên ở đây có thể xem ngon nhất nhì thành phố, chính chủ của cái xe nho nhỏ được truyền qua nhiều đời, viên bò viên với liều lượng thịt bò nhiều hơn bột, cục bò viên mềm không chai cứng như những nơi khác, nước lèo ngọt thanh không ngấy ngán mùi mỡ bò; ăn riêng bò viên hay chung với bánh hủ tiếu đều ngon, có người con mua riêng ổ bánh mì hoặc bánh quẩy chấm với nước lèo, xe bán buổi chiều tối, giá cả vừa phải ăn tại chỗ hoặc đem về nhà, lấy nước lèo làm canh ăn với cơm cũng hết sẩy. 

Cố nhà văn Vũ Bằng, một trong ba chàng họ Vũ cùng thời với Vũ Trọng Phụng, Vũ Đình Chí (bút danh Tam Lang), khi ở miền Nam, thương nhớ khôn nguôi Hà Nội, cự ly địa lý thì xa cự ly con đường ẩm thực thì gần, con đường ấy đánh thức khơi mở đến năm giác quan, hoài niệm những miếng ăn ngon nên ông có ký Miếng ngon Hà Nội. Có thực mới vực được đạo, có thực mới có nội lực trở thành người làm văn hóa văn chương.

Thành phố là đất thánh cho món ăn tứ xứ hội tụ về trở thành hiện hữu của Sài Gòn, nói Sài Gòn: trung tâm ẩm thực của cả nước, về chất lượng cũng như chất số lượng thật cũng đúng. Thí dụ như bún Suông xuất xứ từ Sóc Trăng, Bạc Liêu nhưng vào chợ Bến Thành thành món bún Suông đặc biệt, rất được các người sành ăn ưa thích, bún gồm con Suông dài hơn 10 cm màu hơi hồng nhạt, ngoằn ngoèo, đi kèm với nước mắm me; mới đây tôi đi một chuyến miền Tây, có người bạn nhà thơ đưa đến quán bún Suông mà bạn ấy nói ngon nhất tỉnh Sóc Trăng, giá chỉ 25.000 đồng ( chợ Bến Thành giá 80.000 đồng), nhưng tôi thấy không ngon bằng Sài Gòn, con Suông thì nhỏ hơn không bắt mắt, với lại hỗn hợp để tạo thành Suông thì bột nhiều hơn cá thác lác 

Món bánh xèo Mười Xiềm từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long được báo chí ngoài ca ngợi, vào Sài Gòn phát triển thêm nhiều quán rất hoành tráng lệ; cua ghẹ chắt thịt của Vũng Tàu tập trung vào các nhà hàng Sài Gòn nhiều hơn thành phố biển v.v...

Thành phố còn rất rất nhiều món ngon khác: Các món lẩu (lẩu mắm, lẩu Thái, lẩu dê, lẩu bò, lẩu nấm v.v..), bánh bao bà Cả Cần. bánh canh cua, trừu nướng, cháo gỏi vịt Thanh Đa, bún mắm, cơm gà Thượng Hải, bánh xèo Đinh Công Tráng, bột chiên, gà xé dầu hào Nguyễn Tri Phương & Lão Mã Đại Thế Giới, Don Quảng Ngãi, bánh tầm bì, bún thịt nướng, chả cá Lã Vọng, bánh khọt Vũng Tàu, bánh căn cũng một dạng của bánh khọt (khi đi Phan Rang cùng bạn bè, tôi tách nhóm vào làng Chăm, thèm, tìm bánh căn nghèo lề đường, ngồi ăn ngon lành, ăn xong về tôi kể lại với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, ông ấy nói “sao không rủ tôi”, nhưng khi ấy chúng tôi đã chuẩn bị lên tàu về lại Sài Gòn), món gỏi cá Bàn Cờ, bánh tráng trộn v.v…nhưng trong phạm vi chiều dài & diện tích của trang sách không thể tải hết được, hẹn một ngày khác.

Vũ Trọng Quang















Tham khảo thêm về nhà thơ Vũ Trọng Quang








THÁNG CHẠP SẦU ĐỜI BÊN NÚI LẠNH



(Tặng Vũ Trọng Quang)



Nằm ngửa cặt ở bên trời lận đận
Ta và ngươi, hai gã cóc cần đời
Đời mạt pháp, con người mạt hậu
Có một tấm lòng, rồi cũng chỉ rong chơi

Quân tử thất thời nằm gãi háng
Thuyền quyên lỡ hội bỏ đi tu
Tiếng chuông em gõ bên chùa cổ
Mà sao lạnh điếng cõi sương mù

Sương mù, sương mù, ừ sương mù
Khuya về trăng mọc ngọn mù u
Cầm ống sáo đồng gõ vào vách núi
Tráng sĩ hề! Lạnh thấu thiên thu

Ta lạnh còn em đâu có ấm
Tiếng tụng kinh, là tiếng chim rơi
Để ta tụng bài thơ thiên cổ
Thơ là kinh Phật đó mình ơi!!!

Em ni cô ta là thi sĩ
Có lúc thần tiên, lúc ngạ quỷ
Cầm kinh Địa tạng ở trong tay
Mà uống rượu sầu say bí tỉ?

Mười năm nằm đọc Hoa Nghiêm kinh
Cảm ơn cõi Phật thật lung linh
Cảm ơn Ngài Cựu Ma La Thạp
Cảm ơn Bùi Giáng dạy cho mình

Về núi mang theo Kinh Kim Cương
Dăm cuốn thơ tình đẫm phong sương
Nửa đêm tụng chú mà rơi lệ
Nơi thanh lương địa mà sao lòng mình chưa thanh lương

Tụng Hoa Nghiêm, Đại Bi rồi Chuẩn Đề
Sao lòng mình cũng vẫn lạnh tê
Hai thằng ra suối luộc hột vịt
Làm luôn một chai Ngũ Gia Bì

Nhảy tòm xuống suối giỡn trăng khuya
Hát khúc vọng tình khúc nhớ quê
Quê Nhà xa tít và xa tắp
Non nước cháy hương chẳng chịu về

Bát cơm Hương tích Phật
Thọ dụng suốt đời vẫn thấy dư
Nhưng thiếu tình yêu và tình bạn
Làm sao cho khỏi ngất ngư.











NHÀ THƠ VŨ TRỌNG QUANG VÀ TÔI 



Tôi và Vũ Trọng Quang quen từ thời còn học Trung học đệ nhất cấp trường Trung học Nguyễn Văn Khuê đường Phan Văn Trường , quận nhì ( bây giờ là quận Một – Sài Gòn ) qua văn nghệ. Sau cuộc đảo chánh năm 1963 của một số tướng lãnh lật đổ Tổng Thồng Ngô Đình Diệm, trường Nguyễn Văn Khuê đổi tên thành Trường trung học Bồ Đề. Sang năm đệ nhị cấp, tôi ( học ban C - Văn chương ) , chung lớp với Lâm Quốc Trung ( nhà văn Trúc Quân – Chủ trương biên tập tuần san Tinh Hoa Nữ Sinh do nhà văn Nguyễn Thạch Kiên làm Chủ nhiệm – tôi làm Thư ký toàn soạn ) quen với Nguyễn Hữu Đức ( hiện nay là P. Giáo sư, Tiến Sĩ ) cùng làm bích báo ở trường. Nguyễn Hữu Đức là họa sĩ - học cùng lớp với Vũ Trọng Quang ( ban B- ban Toán). Khi còn học đệ nhị cấp. Vũ Trọng Quang chủ trương thi văn đoàn Vùng Lên và làm bích báo Vùng Lên- tôi Trưởng nhóm Văn nghệ Hoa Đông Phương . viết bích báo tờ Động Đất.Thời điểm này chúng tôi đã bắt đầu viết cho các báo phát hành tại thủ đô Sài Gòn. Đầu thập niên 70, tôi và Vũ Trọng Quang cùng chủ trương cơ sở Văn nghệ Động Đất – Sài Gòn lấy địa chỉ nhà 104/23 đường Bác sĩ Yersin – quận Nhì ( sau 1975 là quận Một ) làm trụ sở .Và xuất bản tác phẩm đầu tiên là tập thơ “ Kỷ Vật Cho Em “của tôi , nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc “ Kỷ Vật Cho Em “ một thời xôn xao giới yêu nhạc yêu thơ thời bấy giờ. Tiếp theo là thơ của VTQ và một số hội viên của cơ sở.. Nguyễn Hữu Đức hồi ấy có hoa tay của một họa sĩ, nhiều tranh minh họa do Đức thực hiện Thường thường những khi tôi về phép ( lúc này tôi đã vào quân ngũ ) , tôi hay ở nhà Vũ Trọng Quang là trụ sở cơ sở văn nghệ. Tuy số nhà tưởng dễ ợt, nhưng khó tìm vì ở trong Khu Dân Sinh ( bây giờ là chợ Dân Sinh ) mà Phạm Duy Nghĩa ( cháu của cố nhạc sĩ Phạm Duy –sĩ quan phòng đặc san Sóng Thần của BTL/ SĐ.TQLC ) đi tìm tôi , cũng như anh Thiện Mộc Lan – ký giả nhật báo Đuốc Nhà Nam đã viết trong bài phỏng vấn tôi : “ Số nhà ghi thật đơn giản 104/23 đường Yersin, tưởng đâu dễ tìm, nhưng ở đây gặp nhằm vi trí đặc biệt ở khu Cầu Ông Lãnh nên phải “ hụt hơi “ mới tìm được…Mà những ai tìm tôi đều gặp nhà thơ Vũ Trọng Quang trước tiên. Tôi và Vũ Trọng Quang chơi thân như anh em ruột thịt trong nhà, bất cứ giờ phút nào . dù có hay không có VTQ, tôi cũng ở nhà hắn. ăn cơm, ngủ như nhà mình. Nhà VTQ lúc đó gồm : Vũ Trọng Tuấn ( em VTQ ) đang là sinh viên , Hương ( em gái Quang ) phụ trách nấu cơm cho cả nhà. Đi đâu tôi và Quang như hình với bóng, ít khi rời nhau. Thường thường Vũ Trọng Quang chở tôi trên chiếc xe Suzuki màu đỏ của hắn đi uống cà phê Quán Hạnh đường Đỗ Thành Nhân ( bây giờ là đường Đ.V.Bơ ). - quận Tư – Sài Gòn. Hay qua Tôn Đản – quận Tư ( trước 1975 nổi tiếng là nơi cát cứ các tay anh chị giang hồ ) tư gia nhà thơ Ngọc Thùy Giang hoặc Trần Kim Ngọc. Chính vì đi đâu cũng đủ cặp VTQ và tôi, nên Cô Sáu ( thân mẫu VTQ ) nói đùa hai thằng tôi là “ pê-đê “ . Năm 1972, chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, nhất là vùng giới tuyến Quảng Trị, tôi không về Sài Gòn nữa,. Từ năm này tôi hoàn toàn mất liên lạc cùng nhà thơ Vũ Trọng Quang và bạn bè văn nghệ ở thủ đô. Đầu thập niên 80, qua bao thăng trầm dâu bể, từ Sài Gòn vất vả kiếm sống nơi cuối miền đất nước-. Tôi và VTQ mới biết tin nhau qua người bạn là Phan Bảo Quân – Phó đoàn cải lương Sài Gòn 3 khi đoàn lưu diễn ở Cà Mau ( Phan Bào Quân trước 1975 là ký giả kịch trường của các tờ nhật báo, tuần bào trước 1975. Anh tên Vũ Ngọc Đức- Trưởng nhóm Hồn Trẻ Hai Mươi- Ba Xuyên ). Lúc này. Vũ Trọng Quang là chủ quán Trống Đồng số 5 đường Lê Quý Đôn – quận Một – Sài Gòn. Thương bạn nối khố nghèo làm thuê, làm mướn nơi xứ lạ quê người, VTQ lo tất cả chi phi cho tôi lên Sài Gòn chơi, gặp lại bạn bè cũ ngày xưa. Vũ Trọng Quang đã có một thời làm đủ nghề kiếm sống như : bán chợ trời, làm cửa hàng kinh doanh . quán nhậu Trống Đồng…như hai câu thơ của anh : " Tôi kiếm ăn bằng nhiều nghề khác làm thơ để được nhẹ lòng mình ". Tôi đã viết về bạn tôi trong một tập thơ " HÔM QUA, HÔM NAY & HÔM SAU " của anh : “ …Vũ Trọng Quang rất thực lòng với bạn bè trước những thăng trầm của cuộc sống – vinh nhục của cuộc đời để đứng vững vàng “ " Vượt qua, vượt qua, vượt qua mãi mãi "( Yết đế, yết đế, ba la yết đế ) để được tồn tại. Thơ Vũ Trọng Quang cũng thế, luôn luôn có sự tìm kiếm, sáng tạo và khai phá Có thể nói – thơ Vũ Trọng Quang được hình thành qua 3 giai đoạn : Quá khứ - hiện tại và tương lai , song song với cuộc sống – cuộc đời và thơ. Tôi và Vũ Trọng Quang làm bạn với nhau hơn nửa thế kỷ : bạn học – bạn văn nghệ với bao thăng trầm dâu bể từ thuở học trò đến bây giờ - tuổi đã “ thất thập cổ lai hy “. Chúng tối vẫn giữ được tình bạn thời tóc xanh rồi bạc tóc mái đầu, dù cuộc sống mỗi người mỗi người mỗi khác- hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, mỗi người một dòng thơ không giống nhau. Nhưng ở Vũ Trọng Quang và tôi vẫn còn nặng lòng mình’ nặng lòng cùng thi ca, nặng lòng lắm từ thuở mới tập tễnh làm thơ cho đến nay đã hơn nửa thế kỷ - chúng tôi vẫn say mê như thời trẻ rất xa…rất xa. 










Tư duy thể nghiệm trong Tập thơ Hôm qua, hôm nay và hôm sau(*) của Vũ Trọng Quang

Hoài Anh


Nếu trong các thứ tư duy, ngoài tư duy hình tượng, còn có tư duy thể nghiệm, tư duy lô-gic đa trị, mơ hồ (fuzzy logic) mang những yếu tố vô thức và trực giác, thì phải nói Vũ Trọng Quang là nhà thơ rất mạnh về tư duy thể nghiệm. Chỉ trong vòng mười năm, anh đã đi từ thơ tượng trưng, siêu thực, ấn tượng... đến thơ Hậu hiện đại (post-modern).

Thơ Hậu hiện đại gợi ra một cách tiếp cận mang tính thử nghiệm đối với sáng tác, cũng như một thế giới quan tự đặt mình tách ra khỏi nền văn hóa chủ lưu và chủ nghĩa tự chiêm ngưỡng, tính duy tình, sự tự biểu hiện đời sống cá nhân trong sáng tác. Thơ Hậu hiện đại là thuật ngữ bao quát nhất cho các kiểu thử nghiệm đa dạng ở phương Tây từ Thế chiến II, đi từ thơ đọc miệng của nhóm Beat và các thứ thơ trình diễn (peformance poetry) đến tác phẩm mang tính của người viết nhiều hơn của Trường New York và thơ ngôn ngữ (language poetry).

Ở nước ta, hiện nay rất khó xác định thơ của nền văn hóa chủ lưu là gì ? Nhưng căn cứ vào đại đa số tác phẩm của các nhà thơ trẻ hiện nay, thấy thơ của họ bề ngoài viết theo thể tự do không vần, nhưng cái cốt lõi của nó vẫn là thơ lãng mạn trá hình, nhiều bài viết theo phong cách thơ tự do tự thú (confessional free verse) đã được nhiều cây bút nữ trẻ khai thác đến cạn kiệt, đó cũng chính là chủ nghĩa tự chiêm ngưỡng, tính duy tình, sự tự biểu hiện đời sống cá nhân trong sáng tác mà thơ hậu hiện đại phản ứng lại.

Một trong những biểu hiện của thơ Hậu hiện đại là thơ Tân hình thức (New Formalism). Đặc điểm của chủ nghĩa Tân hình thức là sự hồi sinh của thơ tính truyện cho phép những nhà thơ trẻ nói lên được vài vấn đề chung của văn hóa rộng lớn hơn, dẫn dắt họ trở lại với thể luật thơ. Trước hết, nó cho họ một phong cách văn chương bao hàm, tuy không được những lý thuyết gia hàn lâm ưa chuộng, nhưng lại hấp dẫn đến ngay lập tức lớp độc giả không chuyên nghiệp của tiểu thuyết và truyện ngắn. Thứ hai, truyện kể cung cấp cho các nhà thơ trẻ một thể loại tránh được chủ nghĩa tự yêu trong phong cách tự thú, và cho phép họ viết trực tiếp về những tình huống cảm xúc cao độ (Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam cũng nói : sau khi đọc những bài thơ rất những anh anh, em em. "Đọc thơ Trần Huyền Trân ông tự tìm thấy cái thú của người đi đổi gió" huống chi từ Thi nhân Việt Nam đến nay, thơ chỉ nói rặt về chuyện yêu đương đã nhiều có khi quá tải, ). Thứ ba, nó cho họ cơ hội cách tân vì thơ tính truyện lâu nay đã không được khai thác tích cực. Sau cùng và cũng là xảo diệu nhất - thơ tính truyện lấp đầy khoảng trống để lại bởi sự dần dần biến mất của bối cảnh văn hóa thông thường (đối với lớp trẻ hiện tất cả những bài "Thơ Mới" của Xuân Diệu cũng đầy điển tích, chữ cổ, phải là người có tu dưỡng về văn học cổ mới hiểu được). Theo định nghĩa, một câu truyện tạo nên bối cảnh riêng trong lúc diễn biến. Những bối cảnh tâm lý, xã hội và văn hóa kín đáo mà tiểu thuyết cấu tạo trong tâm trí độc giả cho phép truyện kể thắt lại ở những chổ nào đó mà đạt tới thời điểm luyến láy mạnh mẽ - epiphanies - tiêu biểu cho hiệu quả thi vị tinh túy. Sự nghèo nàn về văn hóa đại chúng khiến cho khó mà đạt được những nối kết liên tưởng trong thơ trữ tình mà không giới hạn trong nhóm ưu tú. Bằng cách cấu tạo bối cảnh của riêng mình trong bài thơ tính truyện, nhóm Tân hình thức theo đuổi thứ epiphanies tưởng tượng như thế trong phương thức tiếp cận rộng rãi hơn.

Vũ Trọng Quang đã thử nghiệm thơ tính truyện của chủ nghĩa Tân hình thức trong bài Hớt tóc :

Những người thợ hớt tóc ôi những người thay đổi đầu tóc
khách hàng nhưng không đưa tông đơ tự hớt đầu mình được
Mỗi lần hớt tóc là mỗi lần tôi thay người khác
Như đọc một bài thơ khác
Có khi đẹp có khi không ra gì có khi lỡ tay trọc lóc tựa
nhà sư mù mờ kinh kệ
Hay mẹ bảo thấy hay hay đẹp vợ ca khen đèm đẹp
trẻ con vổ tay tung hô tre trẻ bạn bè cà phê bàn nhậu
ê có thể kiếm thêm bồ nhí
Xấu mẹ quở dở tệ hơn thời ba vá vợ chê quê quê kỳ
kỳ con i à a giống y phù thủy
Kẻ này khen kẻ kia nói khó coi xấu đẹp tùy người
đối diện
Dầu gì thì dầu, giầu đâu mà giầu v.v...


Bài thơ trên đã tạo được rất nhiều luyến láy (epiphanies), đã dân chủ hóa đàm luận văn chương (mỗi lần hớt tóc là mỗi lần tôi thay người khác. Như đọc một bài thơ khác...), đã viết về những đặc ngữ đại chúng và như thế vừa làm sống động, vừa tiêu hủy huyền thoại phê bình (xấu mẹ quở dỡ tệ hơn thời ba vá vợ chê quê quê kỳ kỳ con í à a giống y phù thủy...) và nhất là sự trở lại với thể thơ tính truyện làm thay đổi những khái niệm truyền thống dùng lại quá khứ bằng khái niệm "truyền thống tiện dụng" (chữ của Dane Gioia trong cuốn sau chủ nghĩa Tân hình thức) bằng cách hồi sinh những khả thể đang trong giấc ngủ đông trong thơ Việt Nam (như đã từng biểu hiện trong thơ Hàn Mạc Tử, Bích Khê, thơ Xuân Thu Nhã 

Tập...) trong việc sử dụng tư duy ảo bằng những yếu tố vô thức và trực giác.

Trong bài thơ, Vũ Trọng Quang đã sử dụng lối thơ sắp đặt (Installation) và Trình diễn (Performance).

Performance Art (Nghệ thuật trình diễn) có khả năng phản ánh thực tế, cảm xúc cao độ và đa dạng mang tính đại chúng, tính tiết kiệm nguyên vật liệu, tính cơ động trong di chuyển tác phẩm, tính không áp đặt và thực nghiệm cao, tính dân chủ luôn luôn mở ra khả năng giao tiếp và thực nghiệm giữa tác giả (nghệ sĩ) và người xem bằng cách ứng biến (improvisation) . Sắp đặt, trình diễn cho người xem cơ hội tham dự vào tác phẩm bằng tất cả các giác quan từ nhiều chiều, mà không chạy theo thị trường và thị hiếu phàm tục.

Qua việc "triển lãm" các kiểu đầu tóc, với đủ mọi kiểu bình luận khác nhau. Vũ Trọng Quang để thể hiện được tâm thế luôn biến động của thời đại với góc độ cảm nhận của đủ mọi loại người : Khi hớt tóc cao cấp máy lạnh, khi hớt tóc bên vệ đường, khi hớt tóc cho căng tin sinh viên sĩ tử, khi gọi người hớt tóc dạo... có được cảm thụ từ nhiều điểm xuất phát riêng tư nhất. Không riêng hình thức, ngay cả đề tài và nội dung thơ cũng nói về sự thể nghiệm.

Trong phần Hôm sau, Vũ Trọng Quang thể nghiệm lối thơ kiểu thư đồ (Calligranmes) như bài Giấc mơ hoa, Design, lối thơ cụ thể (concrete poetry) hay thơ nhìn (poetry-visiva) như bài Ký hiệu liên tưởng, Nhiễm virus, với sự biến tấu của các từ thông qua liên tưởng; thơ âm (audio-poems) như bài Đánh vần; thơ tranh ảnh (picture poems) như bài Phía bên dưới, Tự hủy; thơ ngôn ngữ (language poetry) những áp dụng kỹ thuật cắt dán (collage) ghép những câu thơ trích từ thơ của nhiều nhà thơ, giữa những câu thơ có khoảng trống mang ý nghĩa "vừa liên tục vừa đứt quãng" do hiệu ứng nghĩa rung (sens tremble) theo cách nói của Roland Barthes hay hiệu ứng "nhòe nghĩa" chữ kiểu vật lý, có thể đọc ở dạng liên tục như một mệnh đề mà cũng có thể đọc ở dạng gián đoạn trong đó từng từ có thể phát nghĩa riêng, như trong bài Đạo tr(ch)ích đùa với cái gọi là tân hình thức. Ở đây có sự hòa điệu cổ kim, làm cho những câu thơ cổ mặc một nghĩa mới mà câu thơ kim lại có một dư vị cổ điển...

Như Vũ Trọng Quang đã khép tập thơ bằng :

Chịu khó lên mạng không suy nghĩ lại tiếp tục hướng tới
phía trước xem như thêm nhiên liệu chơi game thì ngồi
xuống Hôm sau, thấy mỗi trang là màn hình không xem
được coi như nhiễm virus cứ delete đi
& xin nhắc lại
có thể xóa từng phần
tiếc thời gian là vàng... bạc thì [Off] hết thấy nếu cho
nó cà khịa cà chớn cà lăm cà lăm
không sao đâu
mong lắm... không thay


Trước thái độ "chịu chơi hết mình" của một người mở sự khởi đầu: "Tôi kiếm ăn bằng nhiều nghề khác, làm thơ để được nhẹ lòng mình". Tôi xin tạm rút lui kính mời bạn đọc thanh ký đồng điệu ở lại dự cuộc trình diễn (performance) mà tác giả đã sắp đặt chữ, từ, câu, nét, hình khối như trong một Vườn Đá Tảng Nhật Bản để vừa cảm nhận được tổng lực (total) vừa ngộ ra được cái Chân không (Vacuum) của nó. Lần này thì khác với tác giả tôi mong lắm mà có thay.

HOÀI ANH

(*) Nhà xuất bản Đà Nẵng 
Bìa: Họa sĩ Lê Ký Thương trình bày theo phong cách sắp đặt với biểu tượng đồng hồ cát tượng trưng thời gian chờ đợi, tựa tập thơ từ bìa trước kéo tới bìa cuối.

Background là hàng hàng lớp lớp dãy số 01010101 biểu diễn cho thời kỳ phát triển kỹ thuật số.















(Một hành trình văn chương bị kết thúc) 

TẬP SAN VĂN SỐ CUỐI CÙNG TRƯỚC THÁNG 4/1975

Vũ Trọng Quang

Tôi và nhà thơ Trần Hữu Dũng hiện lưu giữ khoảng 200 số tập san Văn, nói không phải “khoe”, đó là một số lượng không phải nhỏ. Có người gạ mua với giá cao, nhưng tôi không bán, bạn tôi tiến sỹ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu yêu đồ cổ nói bán làm gì; dĩ nhiên có thể copy lại để lưu giữ, tuy vậy đọc bản chính vẫn sướng hơn.

Với số lượng tập san nhiều như thế, sẽ không điểm hết, nên tôi chọn số phát hành 26/3/1975 ( tập san này không có số thú tự, vì thời điểm ấy chế độ miền Nam, chỉ cho xuất bản Giai Phẩm ); trước để biết dấu ấn về tọa độ thời gian, sau tò mò xem các tác giả bày tỏ gì trong thời điểm ấy; đây là số cuối cùng mà Văn đã bị làm xong nhiệm vụ lịch sử. Bìa 1 trình bày toàn chữ rất đơn giản rõ ràng, màu thời gian tác động lên bìa sách chữ còn chữ mất, chữ đỏ phần đặc biệt Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Ở Hải Ngoại khiêm nhường, không biết cố ý phong cách hay dự báo vội vã.

Nơi bìa trang 2 ghi : Sáng lập : NGUYỄN ĐÌNH VƯỢNG; Chủ trương: MAI THẢO; Quản lý: NGUYỄN THỊ TUẤN (lúc này nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng thôi làm thư ký tòa soạn). Ở phần mục lục: Phần Đặc Biệt về Văn Học Nghệ Thuật VN ở Hải Ngoại: Phỏng vấn giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, nữ ký giả Minh Đúc Hoài Trinh, nữ sỹ Mộng Tuyết, họa sỹ Trần Đình Thụy; Phần Văn Xuôi có văn của Mai Thảo, Võ Phiến, Trùng Dương, K.T. Mohamed, Lê Huy Oanh, Mường Mán; Phần Thơ có thơ của Nh. Tay Ngàn, Bùi Đức Long, Trần Hồng Châu, Ngô Cang, Tạ Hiền (tôi chú ý tới tay viết mới này); và các phần Sinh hoạt văn nghệ, Hộp thư, Ấn phẩm mới. Ở phần văn xuôi là Nhật Ký của Mai Thảo ghi mềm mại những sự việc từ 15.2.75 đến 20.3.75, đọc lại bùi ngùi, bút pháp đằm thắm đầy lãng mạn, xin trích phần cuối của nhật ký “…Đêm vẫn còn là nhiều so với thời kỳ giới nghiêm sau tết Mậu Thân. Hệ thống kẽm gai cấm đường ném chi chit trên những mặt nhựa Sài Gòn hồi đó từ 6 giờ chiều. Phố xá vắng ngắt lúc chưa tàn nắng…”. còn Võ Phiến tiếp tục loạt bài Chúng Ta Qua Tiếng Nói với tiêu đề Tiếng Nói, Một Phương Tiện ? Võ Phiến bao giờ cũng vậy, kỹ lưỡng, câu chữ chắc chắn chi tiết chắt lọc; nhà văn Trùng Dương có truyện ngắn Ngoài Bãi, bây giờ nữ văn sỹ đã ở “ngoài bãi" bên kia Thái Bình Dương; nhà văn Ấn Độ K.T. Mohamed với truyện ngắn Đôi Mắt Mùa Xuân do nhà thơ Hoàng Trúc Ly chuyển ngữ; nhà văn Lê Huy Oanh nhận định Bùi Gáng Nguồn Cảm Hứng trong Thơ Việt (sau khi đã nhận định hai cõi thơ Nguyên Sa và Nhã Ca ): “ Bùi Giáng đập phá bằng cách đùa cợt những tư tưởng cổ truyền, bằng cách đùa cợt chính ông, bằng cách bôi lem thơ, làm xô lệch ngôn ngữ…”; và truyện ngắn Mùa Sẽ Còn Dài của “nhà văn trẻ “ Mường Mán, bây giờ nhà văn không còn trẻ nữa ấy vẫn tiếp tục cầm bút lại cầm thêm cọ vẽ kiêm chủ quán món Huế tại Phú Nhuận. Ở Phần Thơ thì khởi đầu là thơ của Nh. Tay Ngàn trải những bài thơ tự do dài viết ở Paris, vẫn ám ảnh hình bóng Liên Mà thương quá em Liên, năm 1988 Phạm Công Thiện viết cuốn Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất nói bạn tôi (tức Nh. Tay Ngàn) mất tháng 1/1978 tại Paris, bây giờ sau 33 năm Thiện cũng ra đi khỏi trần ai, không biết có “Đi cho hết một đêm hoang trên mặt đất “ tại thế để vào cõi khác không? Có thể rời Ngày Sanh Của Rắn tiến hóa ngự trên mình Rồng vu vi vào cõi vô thường thời gian không? Ngày 8/3/2011 Phạm Công Thiện đi, tôi có mấy dòng:

Tự nhận thiên tài đôc nhất của Việt Nam
không ai cạnh tranh
dám giao cấu mặt trời thủ dâm thượng đế
đám đông mở toang cánh cửa háo hức đứng nhìn
đập vỡ đôi kính cận thầy mô phạm khoa bảng
đọc Heidegger bằng máu và nước mắt
ta bà qua sông tìm vô ngã
bảy mươi mốt tuổi trẻ không về
bởi đó Phạm Công Thiện


(Thi Vũ cũng cho biết Tay Ngàn mất vào tháng năm ấy, có làm bài thơ tiễn : Tay Ngàn/Khua nhịp về đâu/Rừng thiêng vỡ một/ngấn/sầu/rụng/hai/Nay theo bước nhỏ còn ai/Ta hơ tro cũ/tay dài dìu em, không biết nơi vô cùng Ngàn có ngàn trùng đi tìm Nỗi Liên đen tối vô cùng không?), kế đến là mười câu thơ lục bát của Bùi Đức Long, bài thơ này sau được tác giả chọn vào tập thơ in riêng; còn Trần Hồng Châu là một bài tự do dài đầy nhịp điệu liên kết với thơ vần, mang dáng dấp cổ phong Em đi đến uyển chuyển mộng vân đài; với Ngô Cang (nhà thơ gốc Huế) cũng mười câu lục bát; và sau hết là một giọng thơ mới TẠ HIỀN, giới thiệu sáu bài thơ tự do, tôi rất thích và đồng ý với nhận định lời mở rất trân trọng của nhà văn Mai Thảo dành cho người viết mới: Những người trẻ tuổi bắt đầu làm thơ nên bắt đầu ngay bằng thơ tự do.Nghĩa là một bắt đầu mạnh bạo, đường hoàng, ở ngoài mọi kiến trúc tiền chế, hay là do tôi làm thơ tự do nên đồng cảm, không biết Tạ Hiền ở đâu (bây giờ tôi biết Tạ Hiền chính là Đỗ Khiêm, người chủ trương Tạp chí Thơ); xin trích một bài trong số sáu bài thơ:

THỊ DÂM

(Ai nhìn phụ nữ mà ước ao phạm tội thì đã tà dâm trong lòng rồi – Matthieu )

Buổi trưa chuông nhà thờ âm a
Ly la ve phù du sùi bọt hiện ngã
Người con gái co quắp một phần tư quần lót

Ta nhắm mắt cơn say lên đến óc
Ghế bàn chồm tới đòi làm quen
Người con gái vẫn hở hang một góc

Buổi lễ dâng lên cặp đùi hồng mơn trớn
Em kiêu căng biểu dương thịt da

Rồi
Các linh mục hiền hòa thiển cận
Những tín đồ đi nhà thờ ngoạn cảnh
Cũng như em đang đưa phía trên đùi ra
Tất cả sẽ không bao giờ hiểu
Tác dụng của hơi men trên ta
Hay nỗi tuyệt vọng của những tinh trùng
Chạy đua trong cõi tối

( Tạ Hiền )


Phần Sinh hoạt văn nghệ: Thông tin Trùng Dương viết truyện phim; triển lãm tranh Đinh Cường tại Viện Văn Hóa Pháp Sài Gòn; đề cập đến cuốn Quần Đảo Gulag của nhà văn Nga Solzenitsyn bị trục xuất khỏi đất nước mình, và hồi ký của tướng độc nhãn Do Thái Moshe Dayan hồi ức chiến thắng cuộc chiến 6 ngày tại Trung Đông tháng 6-1967; tường thuật việc Duyên Anh, Hoài Bắc, Mai Thảo ra Đà Nẵng; giới thiệu đêm nhạc và thơ tại Cần Thơ. Phần Hộp thư, chú ý thấy dòng trả lời bạn mình “ Trần Hữu Dũng: sẽ đăng một phần “, nhưng cái gọi một phần ấy không bao giờ xuất hiện, vì sau cái ngày cuối tháng 4/75 tạp chí Văn không hiện hữu; mới đây hỏi Trần Hữu Dũng có giữ bài thơ làm kỷ niệm chăng ? Dũng nói mất rồi; ngược lên trên thấy câu trả lời “ Trần Hoài Thư : Nhận được báo và nhuận bút rồi chứ ? Mùa Luân Lạc đã tới”, nhưng luân lạc tới đâu rồi hở Trần Hoài Thư ? Trong Phần giới thiệu Ấn Phẩm Mới thấy có giới thiệu Tập san văn nghệ Vỡ Đất do hai nhà thơ Nguyễn Thái Dương và Ban Bội Bỗng (tức Bùi Bá Bổng, bạn cùng khóa Đại học Nông Lâm với tôi) chủ trương, số 2 và đương nhiên là số cuối cùng, với sự góp mặt của nhiều tên tuổi : Trần Hoài Thư, Lương Thái Sỹ, Mang Viên Long, Đặng Tấn Tới, Mịch La Phong…Giới thiệu Vỡ Đất chợt nhớ ở mục Ấn Phẩm Mới số tháng 3/1973 có giới thiệu: “ THƠ VŨ TRỌNG, thơ của Vũ Trọng Quang, Văn Nghệ Động Đất xuất bản, sách dày 50 trang, không ghi giá “ nghĩ hồi ấy mình hồn nhiên sáo ngữ và sáo rỗng, lấy tên xuất bản cho kêu, giờ bàng hoàng thảm họa động đất sóng thần vừa qua ở đất nước mặt trời, khủng khiếp quá. Và ủa lạ vậy ? tại sao chỉ có Thơ Vũ Trọng mà thiếu chữ Quang, không biết do người phụ trách sơ sót viết thiếu hay do thợ sắp chữ sắp đặt lơ đễnh lơ là: thấy cũng vui vui.

Từ giai phẩm Văn trước tháng 4/1975 tôi lại lan man chuyện nọ xọ chuyện kia suy nghĩ hội tụ về hiện tại, dòng sông thời gian đời sống có thể dài dòng thời gian mặc định toán học tích tắc, kéo theo dòng chảy chuyển biến lịch sử , nhớ câu thơ của Chinh Yên “ Cách nhau mỗi ngày là mỗi lạ ”; có những việc không tưởng tượng nổi trục trái đất chao đảo trong vũ trụ giật mình, thảm họa mọi nơi trên thế giới; văng vẳng câu nói của Jean Paul Sartre “ Trước cái đói của trẻ em Phi Châu, cuốn Buồn Nôn của tôi vô nghĩa ”; trước sự việc địa chấn chấn động thế kỷ, những dòng này hạt cát nhỏ bé, rất vô cùng nhỏ bé.

Vũ Trọng Quang 









Vũ Trọng Quang
Thơ và những khoảng cách vô tận...

Trần Hữu Dũng


Nhiều lần ngồi quán cà phê trò chuyện cùng Vũ Trọng Quang, tôi nhớ đến câu thơ anh tự giới thiệu về mình: “Tôi kiếm ăn bằng nhiều nghề khác / Làm thơ để được nhẹ lòng mình”. Thật ra cuộc đời anh là một bài thơ dài, mẹ người Bắc di cư, cha gốc Huế, liệt sĩ thời chống Pháp, anh sinh ra ở Quảng Nam. Tuổi thơ anh trôi nổi ở Sài Gòn, sống ở chân cầu, đánh giầy, bán báo, rồi lớn lên mưu sinh chợ trời Dân Sinh...lắm lúc lại mơ mộng: “Em dậy thì bên kia sông / Tôi tỏ tình bằng im lặng”.

Anh làm thơ rất sớm, thời học sinh, sinh viên, cùng hoạt động văn nghệ với hai người bạn nối khố là nhà thơ Linh Phương và dược sĩ Nguyễn Hữu Đức. Năm
1971 anh ra mắt tập thơ đầu tiên Nỗi buồn của chúng ta, do Văn Nghệ Động Đất xuất bản.

Sau năm 1975 anh in tập thơ Đã hết giờ của Lọ Lem, Văn Nghệ Châu Đốc, xuất bản năm 1994; kế tiếp Thơ tự do NXB Trẻ, năm 2000; Thơ hôm nayNXB Đồng Nai, năm 2003; Thơ Hôm qua, hôm nay & hôm sau, NXB Đà Nẵng năm 2006...Anh còn là người vẽ biếm họa trên các báo thành phố ký tên Quít, viết
tản văn, nhận định văn học với bút danh Nhị Ka.

Tôi còn nhớ thời ra mắt tập thơ Đã hết giờ của Lọ Lem nhà văn Đoàn Thạch Biền trong bữa nhậu cà giỡn bảo: “...thơ về bia ôm của VTQ là số một... Bởi em rớt xuống bao người / Tay không che nổi trận cười đàn ông”. Nói thế để hình dung thơ anh khoảng thời gian nầy còn nặng về âm điệu mượt mà, sâu lắng, dễ quyến rũ lòng người.

Tiêu biểu là bài thơ Ngôi nhà của anh như một ký sự thơ, ghi lại chính cuộc đời
mình:

     Một tay ôm con một tay ôm đàn
     không còn tay nào mẹ vẫy chào khu rừng lãng mạn khói lửa
     tôi bắt đầu tôi dưới chân cầu
     thở mùi tanh của cá
     tắm dòng sông nước đen
     từ tiếng rao bán báo tôi lớn lên
     em dậy thì bên kia sông
     tôi tỏ tình bằng im lặng

     Cha bỏ xác trên rừng
     mẹ ngồi đan áo mũi kim đâm vào đầu ngón tay
     nước mắt rơi xuống hai chữ anh hùng
     tôi tiếp tục cầm súng đi dọc chiều dài của núi
     mở khóa an toàn bắn chỉ thiên
     cuộc chiến khốc liệt rồi ra đã kết thúc
     tôi và em bày ra xung đột khác

     Mẹ không còn ngồi đan áo

     ngón tay nhỏ máu
     ngón tay bấm vào dây đàn
     nốt nhạc rơi xuống hai chữ anh hùng

    Con tôi vẽ chân dung tôi 
    không rõ nét

Đến tập thơ Hôm qua, hôm nay & hôm sau, lại là bước chuyển tiếp, nhiều tâm huyết, gian nan tìm tòi cái mới như anh từng viết: “...Thơ hiện đại vượt qua mọi lời giải thích...Nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng: Thi ca là bước vận động biện chứng đi tới và sáng tạo vượt qua. Nhà thơ là kẻ thất bại trên hành trình từ khởi điểm nầy đến khởi điểm khác, là ý thức về đỉnh cao chứ không thể chạm đến đỉnh cao...”. Trong tập thơ nầy họa sĩ Lê Ký Thương vẽ “ăn ý” với anh, trình bày biểu tượng đồng hồ cát biểu trưng thời gian cạn dần, bìa 1 và bìa 4 hình nền là hàng loạt con số nhị phân lập trình 01010101 của thời kỹ thuật số. Độc đáo hơn là anh thực hiện loại thơ cụ thể (concrete poetry) qua một số bài Eros, Design, Ký
hiệu liên tưởng... như sau:

Design
chính em từ chối thơ tôi khó chịu
chính em từ chối thơ tôi khó
chính em từ chối thơ tôi
chính em từ chối thơ
chính em từ chối
chính em từ
chính em
chính
chín
chí
ch
c

Chính điều nầy lại gây hiểu lầm tai hại khi nhiều nhà phê bình gắn tên anh vào phong trào thơ Tân hình thức, nhà thơ Cao Thoại Châu tinh tế khi nhận ra: “Nếu chỉ nhìn vào ngôn ngữ ký hiệu hóa thì có thể nói rằng VTQ đang thể nghiệm cái gì đó, nhưng theo tôi, không có một sự thể nghiệm nào cả, chỉ là một nhà thơ với hệ thống của riêng mình và...làm thơ cho người đọc, khi thì “đọc”, lúc cần giải mã.
Thế thôi! Thói quen “vạch một chân trời” không cần trong một thời đại có rất nhiều chân trời như hiện nay”
(Trích “Vớt lá ven sông-NXB Hội Nhà Văn, 2010).

Thơ Vũ Trọng Quang luôn gần gũi với nhịp sống hiện đại, qua cách chơi chữ, nói lái, giễu nhại, đôi khi pha lẫn vào tư duy những yếu tố trực giác và vô thức, tiêu như bài Ngày của Malala (Malala Yousafzai đoạt giải Nobel Hoà bình 2014)
như sau:
Khi em phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc
nhân loại đứng sau lưng
trường học cây bút sách vở dứng sau lưng
Tổng thư ký đứng sau lưng
mùa xuân phía trước đứng sau lưng

Cô gái tròn trăng mười sáu
dũng cảm nhất hành tinh 
viên đạn bay vào đầu không ở lại
quay ngược vào cực đoan hung hãn
Cái đẹp của chiếc khăn choàng hồng nhạt
cái đẹp mảnh mai mạnh mẽ
cái đẹp sau cái chết Benazir Bhutto không run sợ
nữ tính & nữ quyền
Một ngày của Malala
mọi ngày của Malala
hôm qua hôm nay và hôm sau của Malala
Em vừa đoạt giải Nobel hòa bình
điều đó cần thiết cho một tiếng nói
biểu tượng nền văn minh
tốt đẹp đẩy lùi tàn độc

(*) Vào ngày 9/10/2012 Malala Yousafzai, người Pakistan, bị một tay súng Taliban bắn vào đầu, để trừng trị em cổ xúy cho trẻ em và phụ nữ được đi học

Có một thời quán Trống Đồng mở ở đường Nguyễn Du, rồi dời về đường Lê Quí Đôn, nơi tụ tập anh em văn nghệ tứ xứ. Ông chủ quán Vũ Trọng Quang từng
tán thán: “...Người ta kiếm tiền để vào quán nhậu. Còn tôi nhậu với khách để kiếm tiền”. Nghe sao sầu não quá thể!. Ở quán Trống Đồng còn có vô số câu chuyện “huyền thoại phố phường” lưu lại như cô nhà thơ trẻ L. Hà Nội từng bảo: “...Chán đời quá em muốn chết”, nhà văn A. buột miệng nói: “Tao thấy mầy chết từ lâu rồi”.
Hay nhà thơ C. than van: “...Chắc em nghỉ làm thơ luôn, thời bát nháo, vàng thau lẫn lộn...”, nhận được cái gật đầu nhiệt tình của đàn anh: “ Ồ, tao ủng hộ mày hết mình”.
Trong tạp bút Rimbaud – Tâm hồn nào không lẫn lộn, viết về quyển Rimbaud
Toàn tập, Huỳnh Phan Anh dịch, NXB Văn hóa Sài Gòn, anh từng viết: “Giật mình bàng hoàng trước sứ mệnh “Nhà thơ là kẻ trộm lửa”, đóng lại cánh cửa “Lúc ba giờ khuya, thời khắc của nhà thơ và kẻ cướp”, bóng tối khép lại Toàn Tập mở ra vùng chóa mắt khác, có cảm giác chơi vơi chới với, hoang mang giữa cõi thực phi thực không gian phi không gian thời gian phi thời gian, vô thức bừng vỡ sản sinh từ áp lực ý thức dồn nén”. Tôi có cảm tưởng anh rút ruột viết về Rimbaud, về các nhà thơ sáng tạo lẫm liệt, trong đó có bóng dáng bi thương của các nhà thơ trên đất nước hình cong chữ S nầy!.
Nhà thơ Paul Celan viết: “...Mỹ học vì thế đòi hỏi sự ẩn giấu và tưởng thưởng nó, đạo đức học lại đòi hỏi sự công khai và trừng phạt sự ẩn giấu...Thơ ca đích thực thì phản-tiểu-sử. Quê hương của nhà thơ chính là bài thơ của hắn và thay đổi từ bài thơ này sang bài thơ khác. Những khoảng cách là những khoảng cách lâu năm, vĩnh cửu: vô hạn như vũ trụ, trong đó mỗi bài thơ nỗ lực khẳng định mình như một ngôi sao (nhỏ xíu)..”. Tôi nghĩ có lẽ thơ Vũ Trọng Quang đang lặng lẽ đi trên con đường mà Paul Celan suy tưởng, nơi mà “Nào có thể phục chế những linh hồn / đang mở mắt”. Tất cả là phía trước, khung trời thi ca đang rộng mở ra bát ngát...










PHẠM CÔNG THIỆN:

THIÊN TÀI ĐỘC NHẤT 
CỦA VIỆT NAM?

Vũ Trọng Quang

Phạm Công Thiện??? Gọi ông là gì đây? Nhà thơ chăng? Vì ông có làm thơ, đã có hai tập thơ được in ấn, một “Ngày Sinh Của Rắn” do nhà An Tiêm xuất bản năm 1966, hai “Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im” do nhà Viễn Thông xuất bản năm 2000 tại nước ngoài; và có hai câu thơ rất nổi tiếng mang dấu ấn Phạm Công Thiện: “Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn. Cây khế đồi cao trổ hết bông”(*). Gọi ông là dịch giả chăng? Vì ông biết nhiều thứ tiếng, dịch nhiều sách, đặc biệt là dịch Krishnamurti. Gọi ông là nhà nghiên cứu chăng? Vì ông có viết nghiên cứu, trong đó nhiều sách nói về Phật Giáo. Gọi ông là nhà triết học được chăng? Cái này thì không ổn, dầu ông đề cập nhiều về lãnh vực triết học nhưng không đưa một học thuyết triết lý nào cả. Ông viết mọi đề tài mọi thể loại. Vậy cuối cùng gọi ông là gì? Hay gọi ông là “thiên tài độc nhất của Việt Nam” như chính ông tự phong trong bài viết đề cập đến cá nhân mình như sau:

“Sinh vào năm rắn, bên dòng sông Cửu Long, vì tranh luận học vấn với giáo sư, nên bỏ học trường lúc 13 tuổi, viết sách lúc 14 tuổi; làm giáo sư sinh ngữ ban tú tài từ lúc 16 tuổi đến 20 tuổi tại những trường ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Đà Lạt, Nha Trang; quyển sách khảo luận đầu tiên được xuất bản vào năm 16 tuổi; viết quyển Ý Thức mới trong văn nghệ và Triết học vào lúc 20 tuổi; học Triết lý tại trường Đại học Yale, đệ trình tiểu luận Ý niệm về chân lý trong tư tưởng Platon và Heidegger tại Hội thảo Triết lý ở Yale; tiếp tục học Triết lý tại trường Đại học Columbia, khinh bỉ giáo sư và bỏ học bổng của Viện Giáo Dục Quốc Tế, bị viện mời đi gặp bác sĩ phân tâm học, được mời khéo vào nhà thương điên, lại tranh luận với bác sĩ phân tâm học về giá trị và giới hạn của phân tâm học hiện đại, chỉ trích đời sống nông cạn của Mỹ quốc, sống lang thang lây lất ở xóm nghệ sĩ Greenwich Village tại New York; đã gặp Henry Miller, văn hào bậc nhất của Mỹ, tại Pacific Palisades ở California, được Henry Miller nhận là Rimbaud đầu thai lại ở thế kỷ XX, sau đó được một văn sĩ Do Thái cho tiền để trốn qua Paris không giấy tờ, không hành lý, sống bơ phờ tại vùng Bretagne, học văn chương tại trường Đại học Rennes, khinh bỉ giáp sư, rồi lại bỏ đi và sống lang thang lây lất khắp hang cùng ngõ hẻm ở Paris, làm clochard đi ăn mày, ngủ dưới cầu, ngủ trên vỉa vè, đói lạnh long đong và bỏ làm luận án tiến sĩ tại Pháp, được Henry Miller gửi tiền nuôi sống và được Henry Miller cho tiền lìa bỏ Paris để sống lang thang giang hồ tại Thụy Sĩ, Ý Đại Lợi, Ba Tư, Hy Lạp, Thái Lan… Lúc ở Paris thì nhập bọn với nhóm nghệ sĩ trẻ ở Popoff, la cà vất vưởng ở xóm Saint Séverin và Saint Germain des Prés, đã gặp Krishnamurti hai lần tại Square Rapp. Hiện đang sống chờ đợi điên và chờ đợi chết, triệt để đứng ngoài tất cả ý thức hệ chính trị, đứng ngoài mọi sự tranh chấp tôn giáo, khinh bỉ tất cả văn hóa nhân loại, thù ghét tất cả mọi tổ chức xã hội, vô cùng kiêu hãnh, chỉ đi một mình và tự nhận là thiên tài độc nhất của Việt Nam”. (*) 

Có phải vì cho rằng mình là “thiên tài độc nhất của Việt Nam” nên ông dám thực hiện hành vi dục tính độc nhất…vô nhị đối với đấng tối cao và thái dương mà từ trước tới nay chưa ai từng nghĩ đến:

“tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng
tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người”(*)

Các hậu duệ thơ chắc phải chào thua thôi.
Sau khi giao cấu với em mặt trời xong, ông có hành động : “viết là đâm nổ mặt trời”(**)

Sở Khanh cũng chào thua luôn.

Vũ Trọng Quang

(*) Trong tập thơ “Ngày Sinh Của Rắn”
(**) Trong một bài viết của PCT








Thơ Vũ Trọng Quang Trên
Tiền Vệ














..... VTQ, Tô Vũ, Trần Văn Khê (ngồi)















Ngồi: Nguyễn Đạt, Lê Thị Kim, Trương Gia Vy, Nguyễn Thị Hoàng
Đứng: Nguyễn Xuân Hoàng, Vũ Trọng Quang, Đỗ Trung Quân








Sơn Nam, Vũ Trọng Quang







Vũ Trọng Quang, Nguyễn Bắc Sơn






Vũ Trọng Quang & Nguyễn Đông Thức







Thiên Hà, Nguyễn Ngọc Tư, Vũ Trọng Quang, Lê Thanh My






Du Tử Lê, Linh Phương, Vũ Trọng Quang








Phan Nguyên, Vũ Trọng Quang, Trần Hữu Dũng









Lê Thánh Thư, Hồ Hữu Thủ, Phan Nguyên, Vũ Trọng Quang, Phạm Văn Hạng









Vũ Trọng Quang & Phan Nguyên
06. 2019













Trở về











MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.