Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

Phạm Anh Dũng

 







Phạm Anh Dũng
(1949 .....)

Nhạc sĩ


Phạm Anh Dũng sinh năm 1949,tại Duyên Hà, Thái Bình là bác sĩ chuyên khoa gia đình tại Santa Maria, California. Anh có lẽ là người y sĩ sáng tác nhạc được nhiều người biết đến nhất, không những vì nhạc hay, sáng tác nhiều mà còn vì những hoạt động văn nghệ rất sinh động trên Internet.

Phạm Anh Dũng bắt đầu sáng tác nhạc từ lúc còn rất trẻ, năm 1965. Anh sở trường về Guitar và đây cũng là nhạc cụ anh đã dùng để sáng tác. Anh đã viết được hơn 350 ca khúc , khoảng 50 bài viết cả nhạc lẫn lời, 300 bài kia là thơ phổ nhạc.





Phạm Anh Dũng đã có 14 CD được phát hành:





1
Tình Khúc Hồi Hương
(Phạm Anh Dũng tự hát)




2
Đưa Người Về Phương Đông





3
Tình Bỗng Khói Sương
(thơ Phạm Ngọc)




4
Quên
(thơ Vương Ngọc Long)




5
Nắng Mùa
(thơ Phạm Ngọc)




6
Dạ Quỳnh Hương





7
Với Quỳnh
(thơ Phạm Ngọc)




8
Nghiêng




9
Mùa Xuân Thung Lũng Hoa Vàng
(chung với nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm)




10
Nhạc Phổ 9 Bài Thơ Lưu Vong
(Tiếng Hát Xuân Thanh 1 )




11
Tình Là Hư Không
(Tiếng Hát Xuân Thanh 2)




12
Đường Về
(Tiếng Hát Xuân Thanh 3)




13
Khúc Tình Ca Của Biển
(thơ Sóng Việt Đàm Giang)




14
Dòng Sông Đứng Lại
(chung với nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm)






Một CD đã thu xong nhưng chưa có phát hành là Quỳnh Ca đặc biệt gồm 12 bài nhạc viết về Hoa Quỳnh. Những CD trên thường rất nhiều thơ phổ nhạc nhưng CD đang thực hiện là Mẹ Và Em, khoảng 15 bài, đáng nói vì tất cả do chính Phạm Anh Dũng viết cả lời lẫn nhạc.

Ngoài những CD thuần túy chỉ có nhạc Phạm Anh Dũng ra còn có nhiều bài nhạc đơn lẻ được thu thanh trong nhiều CD khác nhau. Phổ thông nhất là

“Đêm Đông, Trần Thái Hòa,”
 “Nửa Hồn Thương Đau, Y Phương,” 
“ Yêu Em Và Yêu Em, Vương Đức Hậu,”
 “Tháng Bảy Chưa Mưa, Tuấn Ngọc,”
 “Tình Là Hư Không, Julia Thủy Volume 1...”

Bài nhạc được thính giả ưa chuộng nhất là bài “Dạ Quỳnh Hương” do anh phổ thơ của Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, một thi sĩ, họa sĩ và cũng là một y sĩ, một nhạc sĩ. Bài nhạc này đã có một con số kỷ lục về người nghe và khen ngợi. Bài này cũng có một con số kỷ lục về số ca sĩ đã thâu CD nhạc Phạm Anh Dũng. Trần Thái Hòa đã thâu âm bài này trong CD “Đêm Đông” của Trung Tâm Thúy Nga, và trên website của Trần Thái Hòa, anh đã bộc lộ rằng bài này là một trong hai bài anh thích nhất từ trước đến nay. “Dạ Quỳnh Hương” cũng đã lôi cuốn được 5-6 ca sĩ khác thâu âm, từ Mỹ Châu, đến Âu Châu và Á Châu.

Bài nhạc “Gọi Mùa Thu Mơ,” lời và nhạc Phạm Anh Dũng do Duy Trác hát đã một thời được phát đi phát lại mãi trên các đài phát thanh Việt Nam ở Houston, Texas và Little Sài Gòn, Nam California.

Bài nhạc “Tình Là Hư Không,” lời và nhạc của Phạm Anh Dũng cũng là một trong những Top Hits của anh.

Phạm Anh Dũng tỏ ra có rất nhiều khả năng trong sáng tác. Những tác phẩm đầu tiên của anh nghe như nhạc tiền chiến, sau này lại thấy anh viết nhạc Blues. Bản nhạc “Nghiêng” (thơ Thơ Thơ) nghe rất nghiêng và rất Blues (lời một thính giả trên internet). Một lần khác anh lại cho trình làng một lọat nhạc …Huế ! Những bài như “ Huế Buồn Chi “ (thơ Hoàng Xuân Sơn) “ Bài Thơ Tôn Nữ “ (thơ Phạm Ngọc) “ Huế Tình Xanh Muôn Thuở “ (thơ Vương Ngọc Long)… được rất nhiều thính giả tán thưởng! Một điều làm nhiều người ngạc nhiên nữa là anh còn viết được nhạc có âm hưởng Quan Họ Bắc Ninh ! Đó là bản nhạc “Quên” (thơ Vương Ngọc Long).

Phạm Anh Dũng bận rộn về đời sống hằng ngày của một y sĩ, lại nhiệt tình với những hoạt động văn nghệ trong cộng đồng, vậy mà anh vẫn hăng say sáng tác, vì theo anh, sáng tác là tình cảm được viết thành nhạc và gửi gấm đến tri âm.

Nguyên Bích
Houston, Texas
Tháng 1, 2010







Thi Ca Bốn Mùa trong nhạc Phạm Anh Dũng


Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng sinh quán tại Duyên Hà, Thái Bình, hiện là Bác sĩ Y Khoa gia đình, đang hành nghề tại thành phố Santa Maria thuộc tiểu bang California. Là một tên tuổi quen thuộc trong làng nhạc Việt ở hải ngoại, qua các tác phẩm đã được phổ biến trên các trang web Hồn Quê, Văn Nghệ Net, Phan Châu Trinh, Ðặc Trưng, Trinh Nữ, Trưng Vương, và qua các bài viết giới thiệu của giới văn nghệ sĩ ký giả trên các báo chí Người Việt, Ðặc san Y Sĩ, Tạp chí Văn Nghệ, và qua các CD's Tình ca Phạm Anh Dũng đã phát hành trong thời gian gần đây. Trên Nguyệt san Dân Chúng (số tháng 6-1992), nhà thơ Nguyên Sa đã nhận định: "Phạm Anh Dũng hội tụ được cả yếu tố âm thanh, phối âm, hòa âm, nhạc khúc, lời ca và cảm xúc, tình tự của giọng ca".

- Mời nghe:
Mùa Hè Tới (Thái Hiền), nhạc và lời Phạm Anh Dũng

Anh đã xuất bản tập nhạc đầu tay trong năm 1991, với tựa đề Tình Khúc Hồi Hương, gồm 12 ca khúc đặc sắc, trong đó có 6 nhạc bản phổ từ thơ của các thi sĩ trong gia đình Y Khoa như Ðinh Tuấn, Phạm Thế Trường... Hình bìa và phụ bản của họa sĩ Mùi Quý Bồng, với lời đề tựa giới thiệu của nhạc sĩ Phạm Duy, đặc biệt là với phần soạn hòa âm cho tây ban cầm của nhạc sĩ Duy Cường.

Nhạc sĩ Phạm Duy trong bài viết "Cảm Tưởng Của Phạm Duy Khi Nghe 12 Tình Khúc Phạm Anh Dũng", tại Thị Trấn Giữa Ðàng, đã ghi lời cảm nhận về giòng nhạc Phạm Anh Dũng qua CD Tình Khúc Hồi Hương: "12 tình khúc của Phạm Anh Dũng, phần nhiều là thơ phổ nhạc, ra đời vào đầu thập niên 90 này, cho tôi cảm tưởng có sự quay về với nhạc tính lãng mạn quý báu sau đúng nửa thế kỷ lạc loài".

Giòng nhạc Phạm Anh Dũng, là của thi ca bốn mùa, của tháng bảy chưa mưa, của gió hè hoàng hôn, của cung đàn đêm thâu, của tiếng gọi thu mơ, của nắng xuân xưa, của mưa đông lạnh, của hư ảo trăng, của sông ngọc… trong CD đầu tay "Ðưa Người Về Phương Ðông", với phần hòa âm và phối khí của nhạc sĩ Duy Cường, qua các tiếng hát của các ca sĩ tên tuổi ở hải ngoại như Duy Trác, Mai Hương, Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Thái Hiền, Quỳnh Giao... Nhà thơ Du Tử Lê, trong một bài viết đăng trên Tạp chí Văn Nghệ (số tháng 6-1993) đã cảm nhận về CD đầu tay của Phạm Anh Dũng: "Hơn ai hết, họ Phạm không chỉ trân trọng với tác phẩm của mình mà ông còn trân trọng với thi ca, với những tiếng hát mà ông cho rằng, nếu không có, cuộc đời ta sẽ buồn tẻ bao nhiêu!".

- Mời nghe:
Nắng Xuân Xưa (Lệ Thu), nhạc và lời Phạm Anh Dũng

Viết nhạc, phổ thơ vào nhạc, đối với anh, là cái đam mê yêu thích nhất mà anh đã miệt mài trong suốt một thập niên qua. Những tác phẩm đầu tay của anh đã được trân trọng giới thiệu đến giới yêu âm nhạc Việt qua 4 CD's đã trình làng - CD Ðưa Người Về Phương Ðông, với 12 sáng tác lời của anh và từ thơ của các thi sĩ Nguyên Sa, Du Tử Lê, Y Dịch, Bích Huyền, Cung Vũ - CD Tình Khúc Hồi Hương, với 12 sáng tác đầu tay của anh, phổ từ thơ của nhiều thi sĩ hải ngoại, qua tiếng hát của chính anh - CD Tình Bỗng Khói Sương, với các tình khúc đặc sắc phổ từ thơ của thi sĩ Phạm Ngọc.

- Mời nghe:
Trẩy Nhánh Sương Mù (Mỹ Tâm), nhạc Phạm Anh Dũng, thơ Phạm Ngọc

Và gần đây nhất, anh vừa cho phát hành CD mới nhất, chủ đề Quên, gồm 12 tình khúc phổ từ thơ của thi sĩ Vương Ngọc Long, với các tiếng hát của Bảo Yến, Quang Minh, Nhã Phương, Hạnh Nguyên, Ðoan Trang, Tấn Ðạt, với phần hòa âm và phối khí của nhạc sĩ Quốc Dũng, trong đó có 5 nhạc bản Quỳnh Ca.

- Mời nghe:
Cho Ban Sơ, và Gió, Nắng, Tình Cờ (Ðoan Trang), nhạc Phạm Anh Dũng, thơ Vương Ngọc Long

Trong suốt hơn một thập niên vừa qua, anh đã cho ra đời trên 200 ca khúc về tình yêu và quê hương, với nhạc và lời của chính anh, với nhiều nhạc khúc rất đặc sắc phổ từ thơ của các thi sĩ tên tuổi và tài tử quen biết trong giới văn nghệ báo chí và trên mạng lưới. Nếu nói, Trịnh Công Sơn với nhạc về thân phận con người, Ngô Thụy Miên với ngữ tình ca và mùa thu yêu đương, Vũ Thành An với những bài Không Tên bất hủ, Võ Tá Hân với giòng nhạc quê hương rất Huế, thì Phạm Anh Dũng là miền thi ca của bốn mùa, và đặc biệt ở Phạm Anh Dũng, là những tác phẩm rất độc đáo và rất riêng trong nét tình "thi mộng" mà anh đã viết về Hoa Quỳnh, là "nhạc Quỳnh" của chỉ ở riêng Phạm Anh Dũng, là những tình ca rất thi vị, của quyện hương yêu nồng nàn, của hư ảo ngất ngây đêm, của trùng trùng lệ ngấn mi em, của luyến thương chan hòa đê mê, của "Quỳnh Em ơi ở mãi trong Anh"… được phổ từ thơ của các thi sĩ Vương Ngọc Long, Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, Phạm Ngọc… qua các nhạc bản Dạ Quỳnh Hương, Quỳnh Lệ, Quỳnh Lan, Quỳnh Thi, Ðêm Nguyệt Quỳnh… với các tiếng hát của các ca sĩ nổi tiếng trình bày.

- Mời nghe:
Gọi Mùa Thu Mơ (Duy Trác), nhạc và lời Phạm Anh Dũng

Thi ca bốn mùa trong giòng nhạc Phạm Anh Dũng, là những "cung điệu tình xuân" dịu êm từ giọt nắng vàng xa xưa nơi quê nhà, là âm vang của tiếng gọi mùa thu mơ mộng, là dạo khúc tự tình của mùa hè sang, là mưa rơi trên cung đàn đêm đông… Trong đó, nhạc bản "Ðêm Ðông Lạnh Trời Mưa Xuống", của ngàn lá rụng trong mưa, của gió lạnh căm căm về, của từng phím nhạc reo buồn, từ CD Ðưa Người Về Phương Ðông, có thể nói, là một trong những tác phẩm tuyệt vời nhất trong giòng nhạc Phạm Anh Dũng. Với âm điệu nhẹ lướt như hoa tuyết rơi trong đêm, với réo rắc lâng lâng của mưa nhòa trên lá khuya, với nhịp ru êm dìu dặt của dương cầm lẻ loi, của "ai đàn trong gió", với "âm điệu buồn xóa nhòa vần thơ", để ngơ ngẩn "rũ tóc buồn" đan kín đôi vai, của "con thuyền không bến" và "tiếng hát lênh đênh" trên sóng tình trên biển đời... Âm vang như vẫn còn reo mãi dư điệu buồn trong tim hồn người thưởng thức. Một tác phẩm tuyệt vời, giá trị, về cung điệu, về ca từ, với tiếng hát ru người của nữ ca sĩ Thiên Phượng. Từng giọt du dương rơi trên cung đàn, của lệ đêm, của mưa đông, của vạt sóng tình sầu, của tóc buồn phủ kín vai… như vẫn còn thầm thì nhỏ hạt trong tâm tư đời… trong trái tim người… của cái ngậm ngùi đầy thi vị từ cơn mộng đã chìm vào mưa… từ gió đông sương mù viễn xứ… từ cuối trời phiêu lãng quạnh hiu… từ dư âm về của những cuộc tình vỡ lỡ xa xưa thuở nào…

- Mời nghe:
Ðêm Ðông Lạnh Trời Mưa Xuống (Thiên Phượng), nhạc và lời Phạm Anh Dũng

Trường Ðinh
















Tình Khúc Mùa Đông [Phạm Anh Dũng] Y Phương hát Sĩ Đan ...







Thời Mộng Du (B.H., nhạc Phạm Anh Dũng) ca sĩ Ngọc Quy ...






Đá Vàng [thơ Hồng Khắc Kim Mai - nhạc Phạm Anh Dũng ...






Tình Ca Phạm Anh Dũng - CD Dạ Quỳnh Hương (MHCD 440 ...






Dạ Khúc - Bài Nhạc Quỳnh Cuối Cùng [Phạm Anh Dũng] Lệ ...






Dạ Quỳnh Hương [Phạm Anh Dũng] Nam Trân hát (4K ...






Không Còn Trẻ Nữa [nhạc Phạm Anh Dũng, lời PAD & Mỹ ...







Thời Mộng Du [Nhạc Phạm Anh Dũng, Thơ B.H.] Ngọc Quy ...






Đừng trở lại Saigon - Z (Phạm Anh Dũng - Lâm Dung ...






Thì Thầm [Phạm Anh Dũng] Hiếu Tâm (4K) - YouTube







Dạ Khúc - Bài Nhạc Quỳnh Cuối Cùng [Phạm Anh Dũng] Ý ...










https://phamanhdung.wordpress.com/











Trở về














MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.








Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

Lưu Công Nhân (1930 - 2007)

 







Lưu Công Nhân
(17/8/1930 Phú Thọ - 21/7/2007 Đà Lạt)

Họa sĩ 

Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Kháng chiến Việt Bắc, niên khóa 1950 - 1953 (Còn gọi là Khóa Mỹ thuật Kháng chiến chống Pháp, do Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên ký thành lập trường). Danh họa Tô Ngọc Vân là Hiệu trưởng. 22 học viên được tuyển chọn qua hai kì thi, cùng một số sinh viên từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương về theo học.











 TRANH 
Lưu Công Nhân





















































































































































































































































































































































































































































Họa sĩ Lưu Công Nhân thực sự rời giá vẽ vào chiều 21/7, khép lại một sự nghiệp mỹ thuật ở tuổi 78.


Những họa sĩ khác tính tác phẩm bằng số lượng bức tranh, còn Lưu Công Nhân tính tác phẩm bằng số lượng rương tranh. Năm 1996, tôi có ghé thăm họa sĩ tại nhà riêng sau 10 năm ông định cư tại thành phố cao nguyên sương mù, ông chỉ bốn chiếc rương lớn: “Mỗi rương cỡ 1.000 bức tranh đấy!”. Vì vậy, tôi đoán rằng, nếu tính cả cuộc đời sáng tạo thì Lưu Công Nhân vẽ hơn một vạn bức tranh.

Họa sĩ Lưu Công Nhân múa cọ mọi thể tài, từ tranh tuyên truyền cho đến tranh tĩnh vật, từ tranh chân dung cho đến tranh khỏa thân. Thế nhưng, ông chỉ chia tác phẩm của mình ra làm hai loại “tranh nghiêm nghị” và “tranh lả lơi”. Tôi hỏi dựa vào tiêu chí nào để chia. Ông cười rung cả cái kính trên sóng mũi: “Chỗ nào có bóng dáng đàn bà là… lả lơi thôi!”. Dù “nghiêm nghị” hay “lả lơi” thì từng màu từng nét đều phô diễn rõ ràng bút pháp Lưu Công Nhân không lẫn vào đâu được!

Họa sĩ Lưu Công Nhân từng có một loạt tranh vẽ phố cổ Hội An làm nức lòng người hâm mộ. Minh chứng rõ nhất cho chuyện này là bài thơ Hội An của nhà thơ Chế Lan Viên với lời đề tặng trân trọng: “Nhân xem các tranh Lưu Công Nhân vẽ về cao lâu Hội An, tôi tặng riêng anh bài này. Cũng là tấm lòng tôi mến anh và tài năng anh”. Từ năm 2000 đến khi qua đời, họa sĩ Lưu Công Nhân vẽ rất nhiều tranh thiếu nữ và làng quê. Ông thuê hẳn một người mẫu cho mình, mỗi tháng trả lương đúng ngày đàng hoàng. Tôi từng chứng kiến cô người mẫu ấy ngồi trước mặt Lưu Công Nhân với một chiếc áo choàng rất mỏng manh. Tôi tò mò đi vòng phía sau lưng ông để nhìn trộm, thì thấy ông đang chăm chút vẽ… đôi bàn tay. Cặp mắt tinh đời của Lưu Công Nhân liếc ngang phát hiện thằng tôi tò mò, bèn giải thích: “Đôi tay cũng có thể nói hết vẻ đẹp và số phận một con người đấy! Chỉ có những họa sĩ bất tài mới sao chép những đường cong giới tính vào tranh một cách sống sượng!”

Dù cô người mẫu được họa sĩ Lưu Công Nhân thuê để lấy cảm hứng vẽ, nhưng ông không bao giờ giấu giếm sự đa tình. Nói về khao khát yêu thương khi đã quá tuổi cổ lai ly, tôi nghĩ hai họa sĩ Hoàng Lập Ngôn và Lưu Công Nhân ngang bằng nhau. Mỗi khi bắt gặp một dáng thục nữ thì cặp mắt hai ông tưng bừng như lễ hội. Mỗi khi hẹn hò với người đẹp thì đôi chân hai ông hào hứng như thanh niên. Và hai ông sẵn sàng khóc hu hu vì… thất tình. Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn tán gái bằng cách nào thì tôi không rõ, nhưng tôi biết họa sĩ Lưu Công Nhân có hẳn một lá thư tình viết sẵn. Khi cô đơn, ông lấy lá thư “mẫu” ra, chép lại và gửi cho… hàng chục phụ nữ mà ông quen. Có lần, trong một triển lãm, các họa sĩ nữ tại TP HCM ai cũng khoe mới nhận được thư của Lưu Công Nhân và cuối cùng tất cả té ngửa ra khi biết lá thư người này chỉ khác những người kia ở… cái tên người nhận! Tuy nhiên, không ai giận Lưu Công Nhân, vì trong lá thư ấy không chỉ ngập tràn nhớ nhung mong đợi mà còn không ít dòng bày tỏ quan niệm mỹ thuật của ông, nên người nhận có quyền nâng niu như một quà tặng quý giá!

Đầu năm 2007, họa sĩ Lưu Công Nhân xuống Sài Gòn khám bệnh. Bác sĩ kết luận ông bị ung thư phổi, nhưng người thân giấu thông tin đáng sợ kia, nên ông nói với bạn bè: “Tớ bị tràn dịch màng phổi. Vài tháng sẽ khỏi!”. Dự định lớn nhất của ông là tổ chức hai cuộc triển lãm, một triển lãm tranh khỏa thân và một triển lãm tranh khổ lớn. Tranh khỏa thân của Lưu Công Nhân thì nhiều vô số, còn tranh khổ lớn được ông vẽ bằng ký ức về những ngày kháng chiến, mà bức Bình dân học vụ đã hoàn thành có kích thước 3m x 4 m. Tôi tin rồi đây lịch sử mỹ thuật Việt Nam sẽ dành hẳn một chương về họa sĩ Lưu Công Nhân, sau những tên tuổi như Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm…



LÊ THIẾU NHƠN















HỌA SĨ LƯU CÔNG NHÂN - NGƯỜI TRỒNG CỘT CÂY SỐ CUỘC ĐỜI MÌNH

NGUYỄN THAM THIỆN KẾ


nh cổng tre mở hé, mái vòm đan kín lá cành hoa dâm bụt, người đàn ông tóc trắng, da hồng, ngoại sáu mươi kính cổ kiểu John-Lennon, sơ-mi cộc ca-rô cổ ngắn vạt dài vạt ngắn buông lõng thõng quá gối, quần soóc túi hộp. Đó đây trên áo quần, bắp tay, ống chân ông là chấm màu mới cũ. Nụ cười im im đủ để nhếch cái miệng duyên, Lưu Công Nhân như người đạo diễn đang tác nghiệp, nghiêng người mở tay về phía ngõ sâu hút um tùm bóng cây vườn. Giọng trầm, mềm được tôi luyện kỹ thuật cộng minh, họa sĩ cong ngón cái chỉ qua vai vu vơ.

- Ơ thế mà đúng giờ đấy nhỉ. Ông vào đi, chị Phụng ở trong nhà. Mình đang giở tay...

Họa sĩ đưa tay gạt những tay tre ngà nhánh cây ổi vươn xòa ngang mặt, cúi cúi bước vội. Cũng lạ, Lưu Công Nhân khom mà trông vẫn khụng khịnh, tự tin khác thường.

Ngón cái chỉ vu vơ, kỹ thuật nhả tiếng, áo quần lôi thôi, ơ thế mà đúng giờ đấy nhỉ....tất cả những thứ ấy tỏa mùi sân khấu tạo thành show hoàn hảo. Tuy ấm ức việc Lưu Công Nhân tỏ vẻ ngạc nhiên về sự đúng giờ của mình tôi vẫn cười thầm, hẳn họa sĩ đang bận vẽ có người mẫu.

Hoa chuối rừng le lói ven lối ngõ không quá hẹp, không quá dài với một căn nhà ba gian xây gạch đỏ, tiện nghi khép kín quay lưng ra con lộ nhựa lên núi Tam Đảo. Vuông sân tráng xi-măng lăn phăn lá khô kê bộ ghế gỗ lửng. Mảnh vườn sỏi hỗn độn đủ loại cây, hình như người trồng chỉ để lấy màu xanh. Buổi sáng trung du yên tĩnh lạ lùng. Đâu đó vẳng lên tiếng gà gô cuối bờ tre.

Từ ngày Lưu Công Nhân về mở xưởng vẽ ở Vĩnh Yên, vợ ông tháng tháng bay hoặc Đà Lạt hoặc Sài Gòn vào ra mua sắm thực phẩm xếp tủ lạnh và tìm thuê người mẫu cho chồng. Người đàn bà hiền thục lặng lẽ thau ấm, pha nước, đi lại ý tứ, lịch sự mời tôi ngồi đợi, thì thào ái ngại dường như sợ mình nói hơi to cũng sẽ cản trở đến công việc sáng tác của chồng.

Có lần tôi thắc mắc, tại sao Lưu Công Nhân không về hẳn làng Lâu Thượng cật ruột trên Việt Trì mở studio mà lại chọn ki-lô-mét số 3 Vĩnh Yên - Tam Đảo lửng lơ giữa Việt Trì - Hà Nội, nơi không nhiều họ hàng và bạn. Hoạ sĩ khì một cái nhẹ không, nhấp mấy giọt cognac trong chiếc ly pha lê nặng trĩu. Có lẽ ông thất vọng vì tôi cũng giống như bao người dại khờ khác.

- Thứ nhất tôi thích cái cột cây số ở ven đường. Mỗi khi nhìn cột cây số đơn độc bên đường, tôi biết mình vừa được và vừa bị khấu trừ… Nên mới mua cố lô đất này. Thứ hai là Vĩnh Yên không quá xa Hà Nội, gần sân bay. Khi cần tôi có thể phóng xe máy xuống Hà Nội thăm bạn hoặc bay về trong kia cũng không vất vả, nóng quá thì taxi lên núi. Và nếu có việc lên Việt Trì thăm con cháu hoặc các ông cũng dễ dàng. Người già như tôi mà gần con cháu quá suốt ngày, chỉ tiếp họ hàng thì làm sao mà làm việc...

Một buổi cày - Tranh sơn dầu - 1960Quả thật khi đất nước chưa đổi mới mà Lưu Công Nhân đã đổi mới. Ông đã nhìn ra chỗ mình cần phải ở để sáng tác tương thích nhất dù chỉ 4 năm như một nhà đầu tư chiến lược. Khi thấy tôi quan sát căn nhà được xây chất lượng cao cho cái sự ở của mình, Lưu Công Nhân chỉ gật gù. Kiểu nhà đơn giản, một phòng vẽ, một phòng khách, một phòng ngủ liền kề nhà bếp và khu phụ. Ngồi bất cứ vị trị nào trong căn nhà cũng với tay tới tiện nghi tiêu dùng. Một khoảng tường trống bất kỳ đều có tranh đẹp treo. Ngay cả trước mặt chỗ ngồi đi nặng, đi nhẹ cũng treo bức tranh thuốc nước thiếu nữ khỏa thân. Những bức tranh có cây xoan, lô cốt, có lau trăng, có trâu, bò và những cụ ông, cụ bà, gái quê, những cánh buồm đơn độc... và cột cây số ngu ngơ cạnh khúc cong bên con đường thẳm...

Một chút Pháp trong ngoại vi đô thị Việt. Một chút quý tộc Hà thành thuộc địa trong không gian nông dân Bắc bộ. Những phong vị ấy hoàn nhuyễn với nhau không một vệt gợn sạn. Quả là Lưu Công Nhân thừa tiền chơi trội.

- Anh chỉ làm việc có bốn năm ở đây mà sao xây cất kỹ lưỡng thế này cho tốn tiền. Dù anh không thiếu tiền. Sáu mươi mét vuông với ba sào đất là cả một gia tài của người nông dân giàu có ở ta hiện nay...

Đẩy cao chiếc kính 150 năm tuổi gọng vàng của Anh lên sống mũi cho thêm bề cao ngạo, Lưu Công Nhân mở chiếc hộp gỗ đàn hương nhót ra nửa điếu xì gà La Habana, và rất nhanh sập nắp hộp lại, cắm vào chiếc píp cán ngà, quệt que diêm Thụy Điển qua cạnh bàn, hoa hoa vòng tròn ngọn lửa diêm cho nhạt bớt phốt pho. Châm lửa. Ông rít ba hơi vừa vừa, phì khói ra tức thì. Có lẽ họa sĩ cũng không nghiện ngập gì.

- Đây là thứ thuốc lá Picaso, Hemingway đã từng hút. Sở dĩ nó đắt nhất thế giới, vì nó được lựa từ những tàu lá thuốc tốt nhất, trên cây thuốc tốt nhất của giống thuốc lá tốt nhất.

Lưu Công Nhân ghé sát tôi nói nhỏ vẻ quan trọng rồi hinh hích cười như gã thanh niên mới lớn - Và nó được se cuốn trên những bắp đùi non của những trinh nữ lại da đen vùng Caraïbe. Ông có cảm nhận được mùi hương trinh nữ ấy qua mồ hôi thấm trong lá thuốc không?

Dường như thấy tôi đã bị nốc-ao, hoạ sỹ mới vê cằm.

- Tớ đã bán căn nhà này ngay khi vừa xây xong cùng với toàn bộ thiết bị của nó, trừ những hòm tranh.

Tôi ớ ớ ngớn cổ lên:

- Vừa xây xong đã bán ngay, thì anh định bỏ Bắc về Nam à?

- Bỏ là thế nào. Tớ bán với giá thành thực tế, mua đất hết bao nhiêu, xây dựng hết bao nhiêu, trừ tủ lạnh, bếp điện, bếp ga sẽ khấu trừ phần trăm hư hao sau 4 năm sử dụng. Bán nhưng sau 4 năm nữa tớ mới giao nhà, đã thỏa thuận có công chứng, tiền tớ nhận đủ ngay, gửi ngay vào nhà băng lấy lãi tiêu hàng tháng ở đây rồi.

Trời đất quả là sự siêu tính kinh tế. Cách bán nhà này thì người mua cũng thích vì sự trượt giá phi mã, người bán cũng lợi, không phải lo bảo trì duy dưỡng hàng ngày, không bị mất gốc, tự dưng được ở không mất tiền. Hơn nữa việc bán nhà đất dù có rẻ ôi lúc cần kíp cũng không dễ. Đúng ngày giờ là đóng thùng tranh, xách va-li going home. Tôi chỉ còn biết thán phục, xoa xuýt.

- Anh khôn thật, đúng là Lưu Công Nhân...

- Thì có ai bắt các ông phải ngu lâu đâu nào...

Sao mà ông nói có lý làm vậy. Chẳng ai bắt chúng ta ngu lâu. Và, ông trở thành Lưu Công Nhân hôm nay chẳng nhờ sự may mắn nào. Là người luôn biết mình muốn gì, hướng thượng, quảng giao, nhưng tinh lọc, Lưu Công Nhân luôn có nhu cầu bạn bè. Đàn em như tôi cũng được đối xử trên tinh thần dân chủ, bình đẳng một cách hợp lý. Studio cây số 3 Vĩnh Yên mỗi lần chỉ đón tiếp từ một đến hai suất khách. Lưu Công Nhân sợ ồn ào. Nhưng khi xuất hiện ở chỗ ồn ào thì bao giờ ông cũng phải trở thành sao thì mới chịu, dù cách này hay cách khác. Lưu Công Nhân không bao giờ mời ai mà không có lý do thỏa đáng cho cả hai phía. Tiền và thời gian là hai thứ không bao giờ ông chi phí vô lối. Hơn nữa ông đã mời thì người được mời khó có thể từ chối. Lý do được mời bao giờ cũng rất hấp dẫn, tràn trề đặc ân. Lưu Công Nhân mời kia mà.

Và, hôm tôi được ông mời một mình tới Studio cây số 3 cũng có lý do đặc biệt. Đặc biệt như lời ông nói dõng dạc trước đám đông trong hội trường của Hội VHNT Vĩnh Phú khi mời tôi:

- Cognac Pháp 25 năm tuổi. Trứng cá hồi, pho-mát Hà lan. Bánh mỳ đen. Xalát Nga. Ký tặng một cái tranh thuốc nước vẽ Hạ long. Một bản vựng tập tranh mới ra lò, bản đề tặng là bản thứ 68....và một nửa buổi sáng. Đó là những thứ - Tôi - Lưu Công Nhân này có thể mang đến cho ông vào chủ nhật này Thiện Kế ạ.

Tôi đã nhận lời sốt sắng để không ngu lâu. Và gì thì gì Lưu Công Nhân cũng đã ra mở cổng đón tôi rồi vội trở vào phòng vẽ...

Ông vào đó không phải để vẽ tiếp mà là dẫn ra một người mẫu, cao, mảnh, rắn chắc như vận động viên thể dục nghệ thuật, thân thể chỉ có hai mảnh vai che và tấm khăn choàng lụa trắng lượt thượt. Cô người mẫu rơi cái nhìn vô cảm vào tôi một thoáng. Tôi hay một ai khác, trong mắt cô người mẫu ấy cũng chỉ như con chó đá đang ngồi chẫu hẫu dưới khóm hoa giềng kia thôi. Vợ ông tiến lui bày đồ tiếp khách lên bàn ngoài sân. Tất cả đều đúng y chang như lời mời. Cognac hai ly nhỏ, trứng cá hồi mươi lần nhón, pho mát một hộp, bánh mỳ đen hai lát, xalát mươi thìa canh. Tùng tiệm và thòm thèm. Tranh thuốc nước, vựng tập...

Nhưng đặc biệt là cách ông ký tặng. Bà vợ đưa bút, chiếc bút hiệu Waterman. Ông đặt cuốn vựng tập lên đùi cặp đùi cô người mẫu hoa bút ký trước trong không khí một lượt.

- Cái bút này có tuổi bằng tuổi ông và tuổi tôi cộng lại đấy... Đấy ông xem, đồ vật mà mang tính văn hóa, thì ý nghĩa giá trị tinh thần của nó tự nâng nó lên đồng thời nó nâng cả con người sở hữu nó, dùng nó...

- Nếu anh không là một Lưu Công Nhân hẳn sẽ là một Vương Hồng Sến...

Ông hứ một tiếng không rõ nghĩa, hơi luờm tôi một cái.

Ông hướng dẫn tôi đi xem tranh. Nhìn sự thoải mái phóng khoáng trên mỗi vết cọ lưu mặt tranh, đủ để cảm giác về tay nghề thượng thừa. Dĩ nhiên để có được điều ấy thì chẳng ai được bước trên hoa hồng rải lối. Lưu Công Nhân là người lúc nào cũng tổng kết, cũng đúc rút, hy vọng một mình mở một đường, đánh dấu lộ giới, trồng cột cây số báo đường. Dịch chuyển thường xuyên. Đi. Vẽ. Đi. Vẽ. Những đường cong gọi mời nhưng thanh khiết , những sắc màu rực lên huyền ảo nhưng có thật. Có lẽ Lưu Công Nhân là một phiên bản của Tô Ngọc Vân về tài hoa trời phú, yêu sự cẩn thận, niêm nót mà vẫn phóng khoáng, điệu đàng nhưng đủ sự quý phái. Ông về tiếp quản trường mỹ thuật Đông Dương đồng thời tiếp nhận và lĩnh hội luôn cái sang trọng quý tộc của tinh hoa hội họa Đông Dương thuộc Pháp nhưng lại thổi được chất tưng tửng phơi phới lạc quan thô mộc kháng chiến vào tranh mình giai đoạn đó.

Rồi những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, tinh thần công nông binh lên cao ngút thì ông cũng trở thành ngôi sáng chói của thế hệ mình với một loạt tác phẩm vè nông dân trên phông nền thôn quê, trong diện mạo con người mới. Tôi mê cây xoan gầy run run trong gió nhẹ đủ thổi xiêu ngọn khói. Yêu cột cây số ngu ngơ bên lề đường như đứa trẻ con đang lụi cụi ngồi chơi. Tôi cũng là người hễ đi tới đâu là thích đứng bên cột cây số để chụp ảnh, nhưng sau biết được mình chỉ là kẻ đi sau Lưu Công Nhân thì cảm thấy thú đó bỗng nhạt hoẹt. Chẳng phải vô tình Lưu Công Nhân mê cột cây số. Cột cây số ở trong tranh đã đành. Nhà ở Đà Lạt, ở Vĩnh Yên ông đều lựu chọn ở gần một cột cây số. Gần cột cây số thì dễ chỉ đường cho bạn, và bạn dễ tìm đến nhà. Đến đâu đó thì đứng bên cột cây số nó, làm chứng cho sự có mặt của ông. Cột cây số, chỉ số hiển thị những chặng đường ông qua, đã làm gì. Lưu Công Nhân, người đã vẽ và đếm không biết bao nhiêu cột cây số trong suốt mấy chục năm không ngừng nghỉ.

Hình ảnh anh lính khăn mặt buông vai, mồ hôi ướt đẫm ngồi nghỉ bên lau trắng, đó cũng chính là ông là tôi một thuở, hình ảnh của biết mấy thế hệ thanh niên Việt hiền đẹp suốt ba mươi năm chiến trận. Nhìn người lính đang sống mà thấy nao buồn nghĩ đến lớp lớp người khuất mặt đã nằm yên đâu đó trong đất, trong rừng thẳm, trong sình lầy.

Những năm bảy mươi thế kỷ trước, Lưu Công Nhân được Tỉnh ủy Yên Bái xây cho cả cái nhà sáng tác ở hòn đảo giữa lòng hồ Thác Bà. Ông Lê Đức Thọ mỗi lần đi đàm phám Paris về cũng ghé lên xem Lưu Công Nhân vẽ tranh trừu tượng , siêu thực, và để nghe họa sĩ nói về mỹ thuật. Một lần người cố vấn đặc biệt ấy đã thích thú kêu lên khi xem tranh:

- Ông Nhân ơi, tôi sang Pháp thì tôi cũng chỉ thấy họ vẽ như ông đang vẽ thôi. Bên ta thế mà cũng có kém cạnh gì bọn họ đâu. Chỉ có điều...

Vị cố vấn nói đến đấy thì im, khiến Lưu Công Nhân đến tận bây giờ không biết ông Lê Đức Thọ ấy định nói tiếp câu sau là câu gì? Nhưng đôi khi ông Lê Đức Thọ ấy cũng mượn một vài bức của Lưu Công Nhân mang đi đâu đó một thời gian rồi lại bất thình mang trả.

Thế nhưng một ngày kia, Lưu Công Nhân lặng lẽ bỏ siêu thực, bỏ trừu tượng. Ai hỏi thì ông lắc đầu đáp nó không phải của ta. Đó cũng như là một lời khuyên của bậc trưởng lão với lớp trẻ. Động rồi tĩnh, ông sử dụng mực tàu vẽ tranh khỏa thân, vẽ phong cảnh theo lối thiền. Vợ, con, cháu, bạn, và tất nhiên là cả những người mẫu làm đắm đuối bất kỳ người đàn ông nào. Và, tất cả những thân yêu quen thuộc của ông lại hiện lên qua sắc màu, hình khối hằn nổi vệt bút với trực giác và bản năng hội họa đã được tinh luyện không còn phụ thuộc vào kỹ thuật. Trên tranh tràn trề sự duy mỹ thuần túy được vẽ từ sâu thẳm bên trong con người ông đã được ý thức đến vô thức như một phản xạ săn mồi khi sư tử thấy linh dương. Và tia mắt sư tử thì lúc nào cũng soi thấu tâm can linh dương.

Một vệt bút một cánh buồm, một vệt bút một bóng cây, một vệt bút một hòn đảo cô độc cao ngạo trên vịnh biển, một vệt bút một con người khòm lưng chờ đợi. Đã hơn một lần ông nhìn tranh của mình và nói:

- Chỉ thơ và hội họa này là chứa đựng được cả vũ trụ trong một câu, trong một nét vẽ thôi ông Thiện Kế ạ. Mà tranh của tôi có những loại được vẽ bằng thứ sơn dầu hảo hạng của Anh, Pháp, Hà Lan, đến cái đinh cũng được đóng bằng đinh không gỉ nhập khẩu...Ông nghiệm mà xem, không phải ai cũng đủ tự tin để đặt nét vẽ lên tấm toan quý đâu...

Với tranh tĩnh vật thì Lưu Công Nhân dù vẽ cái bình đất nung, bình vôi, bông hoa, con chó đá, vậy mà tôi vẫn thấy ở đám vật tĩnh ấy sống động như có hồn người, đường đi của nét bút như uốn lượn theo đường cong đàn hồi...

Cứ nhìn khách đến thăm Studio Lưu Công Nhân ở cây số 3 Vĩnh Yên cũng đủ biết ông giao tiếp chắt lọc với cả người cùng giới. Đó là những người cùng thế hệ với mình và đã thành danh. Và hầu như cũng bất cứ một họa sĩ chân chính nào, Lưu Công Nhân khoái chơi với cánh nhà văn nhà thơ và nhạc sĩ hơn cả. Trong các câu chuyện thì ông thường nhắc đến các danh họa và các nhà văn nhiều nhất. Chẳng thế mà trong vựng tập của ông có cả đề từ chụp nguyên nét chữ Tô Hoài: Lưu Công Nhân, người của dọc đường kháng chiến và bình yên.

Tôi chứng Lưu Công Nhân gặp lại Sao Mai sau 43 năm xa cách. Hai người từng là bạn chơi trong kháng chiến. Ngỡ cả hai sẽ chầm lấy nhau vồ vập. Tôi đã thất vọng vì không có show đó. Khi thấy nhau, Sao Mai ngồi yên hút thuốc lào, khẽ giơ tay lên chào. Lưu Công Nhân, gật lừ đừ đi vào phòng hạ xuống chiếc ghế người nào đó đã nhường. Ông ngồi như là vừa mới đi ra ngoài mấy phút rồi trở vào. Sao Mai hỏi:

- Thế nào..

- Chẳng thế nào cả...vì nhìn quanh vẫn thế...

- Ư thì tất cả vẫn như vầy vậy thôi...

Lưu Công Nhân rút bút mở cặp ký họa. Mười phút sau một sau Sao Mai, khắc khổ, hồn nhiên như Đông Kihôtê hiện lên giấy. Thuốc lào và cognac. Lưu Công Nhân chẹp miệng:

- Đàn ông tôi chỉ chơi với những người tài nhất thế giới. Nếu không thì thà chơi với người đàn bà xấu nhất thế giới họ còn có nhiều thứ để chơi cùng ta hơn...

Đã nói xong câu nói tầm cỡ của một ngôi sao, ngồi loáng thoáng mươi phút Lưu Công Nhân lặng lẽ dắt chiếc xe máy cồng kềnh chằng buộc những túi, những cặp, nháy với ai đó cùng cánh hẩu chuồn ra một cái quán thanh sạch nào đó nhâm nhi một vài chai bia Hà Nội. Thường thường nếu ở Việt Trì là tôi, Ngô Kim Đỉnh, Quang Thái...Còn ở Vĩnh Yên là Vũ Khánh, Võ Huy Cát, Hoàng Trúc... còn ở...

Tôi biết bất cứ đâu ở nước Việt, Lưu Công Nhân cũng có những người yêu quý một cách hoàn toàn, không vì một lý do gì, ngoài một lý do ông là Lưu Công Nhân. Và, cũng không hiếm lắm người già người trẻ ghen tỵ khó chịu vì thái độ bất cần quá tự tin của ông.


Khi rời hẳn quê trở về Nam, mỗi lần nhớ quê thì ông hay viết thư trên một mảnh ký họa bất kỳ, thường thường là hình cái cổng nhà ông ngoại ở Lâu Thượng, gửi cho tôi như là một cái cớ.

“Bòi Thiện Kế ơi, (bòi - là từ cổ của Phú Thọ chỉ đàn ông) cố mà đi chơi đi. Chẳng lẽ cứ làm văn nghệ công chức mãi ư . Đất nước này lạm phát dạng văn nghệ ấy rồi. Dọc đường Nam tiến, tới chỗ nào cũng có "tay sai" của tôi đón tiếp ông chu đáo, tính toán gì nữa..."

Cái chữ tay sai của Lưu Công Nhân hay thật. Nhiều lần đọc thư ông tôi cũng nghĩ thầm: Hừ thì mình cũng là một thứ tay sai mất rồi. Nhưng mỗi lần làm tay sai cho Lưu Công Nhân là một lần tôi nhận ra được một cái mới ở ông. Lang thang cùng ông trong các quán còm, nơi chợ quê ven Việt Trì thì tôi như một thằng cha xe ôm còn ông như một gã Nhật gã Hàn đi bụi. Chiếc túi đeo trước bụng ông căng phồng như một tổng kho dự trữ tiền lẻ của kho bạc quốc gia. Mua bất cứ thức gì, từ hai chiếc kẹo bột, chiếc bánh đá vừng, chiếc nõ điếu, chiếc chày giã cua gỗ nhãn, chiếc rế bện từ dây rừng, mấy miếng đất nung cho đàn bà ngén ăn… ông đều có đủ tiền lẻ trả ngay chính xác đến đơn vị xu. Tôi ngạc nhiên. Ông thủng thẳng:

- Người nông dân vốn ngay thẳng, họ có thể lấy lãi, nhưng khi đã thuận mua vừa bán thì họ không muốn nợ ai dù một xu. Không trả lại được cho anh một hai xu đó có thể làm họ mất vui...

Dù Lưu Công Nhân cao ngạo tự tin đến đâu nhưng một lần tôi cũng đã khiến ông sợ hãi thực sự. Sau khi xem tranh xong, tôi nhìn quanh gian phòng giống như một phần của cái resort:

- Anh không đề phòng sao? Tranh thì toàn tiền tỉ, trộm mà vào nẫng hết thì dễ ợt? Tiền thì khỏi nói, nhưng có những bức tranh anh chẳng còn bao giờ vẽ lại được như trước nữa... Anh lạ gì tình trạng mất tranh trên thế giới nữa...

Hồi đó Lưu Công Nhân đã chớm Packinson. Nghe thấy vậy ông bỗng run lẩy bẩy, kéo vạt áo thấm mồ hôi vã toát kín mặt, hổn hển:

- Lấy thế quái nào được, đã có công an có chính quyền, chính quyền ta rất mạnh, trừng trị nghiêm khắc bọn trộm chứ lỵ...

Nhưng buổi chiều ấy Lưu Công Nhân hủy ngay chuyến đi dã ngoại. Mươi hôm sau tôi trở lại thì những bức tranh ông yêu quý nhất đã được đóng hòm sắt gửi máy bay vào Nam. Trên tường chỉ còn những bức thuốc nước. Lưu Công Nhân vẩn vơ đi lại bên khoảng tường trống vắng có lẽ là thương nhớ những bức tranh.

Cách đây không lâu tin trên mạng thất thanh: Lưu Công Nhân bị mất trộm 100 tranh khổ nhỏ tại xưởng vẽ ở 209 bis Nguyễn Văn Thủ, Quận I, Hồ Chí Minh City. Gọi vào Đà Lạt, Lưu Công Nhân nằm bệt. Bà Phụng vợ ông vui vẻ thông báo: Thất thiệt thôi. Tại anh Nhân dạo này lãng trí, thi thoảng sắp xếp lại tranh vào các thùng sắt khác nhau. Tranh thì nhiều không bán, số thùng này lẫn với số thùng kia, tưởng mất nên anh đã kêu khóc rầm rĩ em à.

Không có lẽ chàng Hoàng tử của lớp Mỹ thuật Kháng chiến đã đến độ ấy ư? Những người bạn của ông ở ngoài Bắc, Tô Hoài cũng đã bước run, đi chầm chậm. Sao Mai ngồi yên lặng một chỗ nơi góc rừng, thấy khách đến khách về là nước mắt rơi rơi. Với một người sớm trở thành nhân vật của báo chí, hào hoa lịch duyệt do học thức, duyên dáng cao lớn do cha mẹ, thông minh và tài hội họa trời cho, lao động nghề như một nông phu, không phụ thuộc tiền bạc, Lưu Công Nhân có quá nhiều cơ hội lựa chọn tương lai.

Vậy mà Lưu Công Nhân chỉ chọn bản thân mình. Chọn sự chơi rong nhọc nhằn. Làm và chơi. Đùa mà thật. Ruổi rong vẽ tự do. Tự do mà trói buộc cả đời vào cái đẹp. Giao tiếp với chính khách. Thù tạc bạn bè, vỗ về đàn em. Quả thật hiếm có người họa sĩ nào ở Việt Nam trong thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI lại hội tụ đủ tất cả những điều kiện để trở thành danh họa tầm cỡ thế giới như Lưu Công Nhân. Vẽ tranh để chơi, để mình ngắm chơi sau cất kỹ và thi thoảng cho thiên hạ ngắm chơi, không phải bán và không cần bán...

Về vẽ ở quê Lưu Công Nhân cũng có ý định xây dựng bảo tàng tranh riêng tại Việt Trì, nhưng rồi không hiểu sao ông không còn tha thiết nữa. Có lẽ ông là người luôn được người ta tìm đến, mà nay lại phải tìm đến những cánh cửa khác nhau gõ còng cọc xin xỏ quả là một thách thức quá lớn. Hy vọng rằng, ý định tốt đẹp này bây giờ vẫn còn chưa nguôi trong ông...

Một lần mải xem ông vẽ tôi buột miệng dại dột của một kẻ ngoại đạo:

- Đáng lẽ ra Lưu Công Nhân phải được tất cả các họa sĩ và những người yêu hội họa trên thế giới biết đến. Tại sao Lưu Công Nhân không có những bức tranh vĩ đại khái quát đời sống Việt với nhiều thành phần nhân vật nhỉ...

Buột rơi bút ông nhìn tôi cười nhếch. Phải chăng tôi mắc bệnh kì vọng quá nhiều về người mình yêu quý nhỉ? Mỗi tài năng, mỗi con người đều đã được số phận khoanh định vùng miền với lằn ranh du di không lớn. Thực ra ông đã làm được quá nhiều cho hội họa nước nhà. Thử hình dung xem, nếu trong nền hội họa kháng chiến, rồi xây dựng CNXH công nông binh làm chủ, mở cửa đổi mới không có một Lưu Công Nhân như Lưu Công Nhân cống hiến, như con người Lưu Công Nhân đã từng sống thì nền hội họa ấy ra sao. Vị trí trưởng thượng ngất ngưởng của Lưu Công Nhân không thể thay thế, không thể đắp bù trong nền hội họa Việt Nam hiện đại. Ông là một trong những người có công làm sang trọng, thăng hoa và mềm mại cho nền hội họa cách mạng và phần nào cho nó được phong phú, đậm đặc thêm cá tính bằng cách chiếm một chỗ trang trọng đặt dấu ấn cá tính của chính mình.

Trước khi rời quê lần chót, một chiều sậm tối, Lưu Công Nhân đèo vợ trên xe máy dừng trước cổng nhà tôi. Đêm đó vợ chồng ông nghỉ lại trong gian phòng khách, sàn gỗ cập kênh. Bốn giờ sáng vợ chồng ông đã thu màn, gấp chăn, chằng buộc gọn gàng sau xe. Tôi hầu trà ông ngoài sân dưới gốc khế mà chẳng thể nói thêm điều gì. Một già. Một trẻ. Tiếng muỗi bay. Ông trầm ngâm, nhưng không tĩnh lặng.

Mấy hôm sau nhận thư ông tôi biết. Ông đưa vợ đi thăm lại nơi xưa đã từng học thầy Tô Ngọc Vân ở thủ đô Văn nghệ kháng chiến khu 10. Thăm lại những nơi đã in dấu chân ông và bạn bè trong lớp mỹ thuật hơn sáu mươi năm trước. Thăm lại những cây cột số ông đã từng đứng bên chụp ảnh, từng vẽ vào tranh...

Bây giờ nơi xa, chắc ông vẫn mơ về những cột cây số và những cột cây số cũng vẫn mơ và chờ đợi ông trở lại trên mỗi cung đường...


N.T.T.K - 2007






















Trở về













MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.