Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022

Phan Nhật Nam

 







Phan Nhật Nam
tên thật Phan Ngọc Khuê
(9/9/1943 - ......)
Người lính viết văn

cựu Thiếu tá Binh chủng Nhảy dù Việt Nam Cộng hòa.







“Tôi là kẻ sống sót sau một cuộc chiến tranh dài hơn trí nhớ.”
Phan Nhật Nam








Sự thật lớn nhất là Cái Chết
Đã giáp mặt rồi
không sợ gì hết

Phan Nhật Nam
25/7/2019








Tiểu sử


Phan Nhật Nam cũng là bút hiệu, Rốc là tên gọi ở nhà; sinh ngày 9/9/1943, tại Phú Cát, Hương Trà, Thừa Thiên, Huế; nhưng ngày ghi trên khai sinh 28/12/1942, chánh quán Nại Cửu, Triệu Phong, Quảng Trị
Cha ông là Phan Văn Trình gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng bị loại bỏ vì tội "tiểu tư sản, gia đình hào lý...". 
Vì sư kiện này lý lịch/danh tính của Phan Ngọc Khuê được đổi thành Phan Nhật Nam.
Ông là một nhà văn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Năm 1963, ông tốt nghiệp khóa 18 Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt với cấp bậc Thiếu uý và được chọn vào Binh chủng Nhẩy Dù.
Trước biến cố 30 tháng 4 năm 1975, ông đã mang cấp bậc Đại úy nhiệm chức của Binh chủng này.

Sau 1975, ông bị bắt giam vào trại tập trung cải tạo 14 năm (1975-1989). Trong nhiều lần bị biệt giam hàng năm trời trong hầm tối, ông cũng làm ra nhiều bài thơ.
Tuy sau ông được thả, nhưng lại bị quản thúc tại gia ở Lái Thiêu, Bình Dương.










TÁC PHẨM




Trước 1975






1
Dấu Binh Lửa
(1969)





2
Dọc Đường Số Một
(1970)





3
Ải Trần-gian
(1970)





4
Mùa Hè Đỏ Lửa
(1972)





5
Dựa Lưng Nỗi Chết
(1973)





6
Tù Binh và Hòa Bình
(1974)


 Những tác phẩm của ông đều lấy Chiến tranh Việt Nam làm bối cảnh. Giữa những ngày tháng tư đen năm 1975, sách của ông bị nhà cầm quyền đốt trên đường phố Sài Gòn tuy nhiên một số ít vẫn được giữ lại cho tới nay vẫn còn lưu hành tại Mỹ và một số gia đình ở Việt Nam vẫn đang giấu giếm chưa thể công khai.

Năm 1993 ông sang Mỹ định cư và cho ra mắt những tác phẩm:




Sau 1975



7
Những Chuyện Cần Được Kể Lại
(Nxb Tú Quỳnh, California 1995)



8
Đường Trường Xa Xăm
(Nxb Tú Quỳnh, California 1995)



9
Đêm Tận Thất Thanh
(Tác giả xuất bản, Houston 1997)



10
Những Cột Trụ Chống Giữ Quê Hương
(Nxb 1997)



11
Mùa Đông Giữ Lửa
(Tác giả xuất bản, Houston 1997)



12
Chuyện Dọc Đường
(Nxb Sống, California 2013)



13
Phận Người, Vận Nước
(Nxb Sống, California 2014)






Sách đã in sau 1975


















Gặp lại Phan Nhật Nam trên Quốc Lộ 1

Trần Vũ: thực hiện qua điện thư 
(2008)




Những ngày 11, 12 tuổi, vào những năm 73-74, tôi say mê Phan Nhật Nam. Anh trở thành thần tượng của tuổi thơ, với những ngày dài trên quê hương, những ngày bi thảm, những ngày thê lương, những ngày gẫy vụn, trong nỗi sợ khốn cùng. Nỗi sợ trái lựu đạn đã bật kíp. Nỗi đau vô hình của đồng ruộng ẩn chứa triệu trái mìn. Nỗi đau thắt ruột của người cha xếp xác con, trên đoạn đường từ Quảng Trị về Huế. Trong bất mãn của người lính trước một hậu phương vô ơn. Của người lính miền Nam phải tự vệ giữa một thế giới làm ngơ những thảm sát tập thể ở bãi Dâu, ở trường tiểu học Cai Lậy. Khác những nhà văn quân đội khác, tính chất bi tráng của một xã hội dân sự thời chiến phủ trùm lấy bút ký của Phan Nhật Nam, vượt lên trên các trận đánh. Không phải Mùa hè đỏ lửa, mà Tù binh và Hòa bình, Dọc đường số 1, Dấu binh lửa mới thực sự ghi lại suy nghĩ của một quân nhân trong chiến tranh. Bên cạnh, nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc chỉ là những tiểu xảo của những sản phẩm được biên tập. Khác những nhà văn quân đội khác, tính chất bi tráng của một xã hội dân sự thời chiến phủ trùm lấy bút ký của Phan Nhật Nam, vượt lên trên các trận đánh. Tôi gặp Phan Nhật Nam trên trang giấy này, tôi quyết định hỏi tất cả những gì đã chất chứa trong đầu mình cho đến bây giờ gần 34 năm sau bại trận, những câu hỏi vẫn bám lấy, không rời, từ buổi sáng 30 tháng 4 chứng kiến những người lính tháo vội vã nón sắt, áo giáp, vất tung thẻ bài, chạy vào hẻm chật. Buổi sáng của tuyệt vọng. Lần gặp này, tôi muốn anh trả lời - 
Trần Vũ.

***
Trần Vũ: Tôi không còn nhớ rõ ngày tháng, thời gian, nhưng vẫn nhớ buổi sáng theo cha đến khách sạn Continental dự buổi ra mắt sách của Phan Nhật Nam. Buổi sáng đó tôi đã trông thấy anh lần đầu tiên. Kể từ hôm đó, những ngày sau, tôi sống với anh cho đến bây giờ. Đúng hơn, tôi sống với những người lính Cộng Hòa trong tác phẩm của anh đến tận bây giờ. Tại sao anh ra mắt sách, anh đã muốn ru ngủ chúng tôi, những người dân ở thị thành, hãy tiếp tục tin vào sức mạnh của quân lực đang bảo vệ an nguy của thủ đô? Các tập bút ký ghi lại nhiều chiến thắng của Quân lực VNCH, mà ngay cả khi thất bại, như trong trận Đồng Xoài hay khi bị tràn ngập trên đồi Charlie, đều được mô tả dưới góc độ bi hùng. Nhưng anh không nhắc đến trận Ấp Bắc và không nói đến Hạ Lào.

Phan Nhật Nam: Trận Ấp Bắc cuối 1962, đầu 1963 tôi chưa ra trường; trận Hạ Lào (2/1971), tôi chuyển đi làm sĩ quan văn phòng ở tiểu khu Bà Rịa (Phước Tuy). Chiến dịch nầy quá lớn nếu có trình bày cũng không thể viết dưới dạng bút ký – phải viết theo cách nghiên cứu, liệt kê tài liệu quân sự. Bernard Fall không thể viết Un coin d’enfer theo kỹ thuật lịch sử tiểu thuyết như La Quán Trung kể trận Xích Bích với Chu Du, Khổng Minh… nhưng sau nầy, cũng đã có Phan Hội Yên (tiểu đoàn 3 Dù) kể trận đánh Đồi 30, Phạm Văn Tiền (tiểu đoàn 2 TQLC) nói về lần triệt thoái tàn khốc khỏi căn cứ Delta của Lữ đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến VNCH trong trận chiến Hạ Lào. Hai người bạn nầy không phải là cây viết chuyên nghiệp, nhưng diễn tiến chiến trường họ viết ra chính xác và hay hơn bất cứ chuyện kể (về chiến trận) nào của người miền Bắc như Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh… Văn phong và cách đặt tiêu đề thôi cũng thấy hơi hám của “Thép đã tôi thế đấy” của Liên-Xô. Tiểu thuyết Nga vĩ đại do đã dựng nên những nhân vật tiểu thuyết đặc trưng bởi Dostoievsky, Tolstoy chứ đâu từ anh trẻ tuổi Pavel làm cách mạng xã hội với chân trần đứng xúc tuyết.

Tìm đâu ra trong chiến tranh miền Nam một du kích ở Quảng Ngãi chỉ với vũ khí tự chế bắn hạ máy bay trực thăng, đánh tan một đại đội bộ binh Mỹ như trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm? Và tìm đâu trong thực tế mà tiểu thuyết được quảng bá rùm beng của Bảo Ninh đã mô tả về “thằng giặc Mỹ xâm lược bạo tàn” sau hiệp định Paris 1973; “thằng ngụy dù” với chiếc nón đỏ mắc ở cầu vai khi đi hành quân! Người thường trực sống, chết nơi chiến trường đọc những nội dung tuyên truyền tầm phào nầy không khỏi đỏ mặt vì ngượng, thấy mình bị coi thường, đánh lừa bởi những kẻ ngây ngô, thô thiển. Lính biệt kích miền Nam hoạt động nhảy toán phải áp dụng một tiêu lệnh tối thượng: Tuyệt đối tránh đụng độ / Xóa sạch dấu tích, sinh hoạt / hiện diện... Thế thì làm sao lại đi hiếp dâm, cắt đầu vú, vạch nát cửa mình nữ bộ đội trên đường giây giao liên như trong Tiểu thuyết Vô đề Dương Thu Hương đã mô tả? Thế nên, vì không muốn phải mang lỗi viết dối nên tôi không viết về Ấp Bắc, Hạ Lào như đã sống – Chỉ có thể viết về những chiến trận nầy như đã đọc mà thôi nên đã viết tiểu luận quân sự Hạ Lào...

Trần Vũ: Giống hầu hết các thiếu niên thành thị, tôi không biết miền Nam đang chiến tranh. Thủ đô Sàigòn với đường Nguyễn Du êm dịu, đường Duy Tân thơ mộng, đại lộ Nguyễn Huệ thênh thang, đại lộ Lê Lợi sầm uất, đánh lừa tôi là đất nước rất yên bình. Dạo đó tôi đã bắt đầu say mê chiến tranh, những trận đánh của Rommel, Hoth, Kesselring, Guderian, von Kleist, von Manstein của tủ sách Adolf Hitler của nhà xuất bản Sông Kiên, các hồi ký Thái Bình Dương của Saburo Sakai, Tameichi Hara... Phải đến Phan Nhật Nam, phải sau khi đọc Dọc đường số 1, Dấu binh lửa, Mùa hè đỏ lửa, tôi mới bất chợt khám phá chiến tranh ở Long Thành, ở Trảng Bom, ở Dầu Tiếng, ở đồn điền Xa Cam cách nơi mình sinh sống không đầy trăm cây số. Hơn một khám phá chiến tranh, tôi khám phá chân dung của người lính Cộng Hòa mà tôi thực sự tin vào những điều anh viết. Chân dung của người lính miền Nam, cao cả, bình lặng, bi tráng trên một đất nước điêu linh, trầm thống. Và người lính đó với 50 ký lô xương thịt, với tất cả bất công của cuộc chiến, cong oằn xuống dưới sức nặng của 35 ký đạn dược, chăn mùng mền, thực phẩm đã tồn tại như một phép lạ nhiệm mầu. Tôi chỉ lập lại những điều anh viết. Hôm nay, đã bại trận, anh còn tin vào những điều mình đã viết? Có thật nhiệm mầu, khi nhiệm mầu không xảy ra, đã chấm dứt. Anh có cường điệu, đã tô vẽ thái quá hình ảnh của người lính Cộng Hòa hay không? Và phẩm chất tác chiến của người lính Cộng Hòa có thật sự như anh viết trong bút ký? Tôi muốn một câu trả lời thật.

Phan Nhật Nam: Không điều gì phải cường điệu, hoặc nói quá nếu sự thật không phải là như thế. Tôi viết về hạ sĩ Toản mang máy truyền tin đại đội phải đào ngũ vì gia đình ngoài Trung lâm cùng cảnh tan tác; binh nhất Huệ tự tử khi đứng gác do buồn phiền chuyện người vợ… Nhưng chính những người lính gầy gò, khắc khổ, phải tình cảnh tội nghiệp kia của sáu tiểu đoàn nhảy dù đã đánh trận Đồi 1062, tại Thường Đức, Quảng Nam với cách thức cá nhân tác chiến, cắn từng bụi cỏ, bám đá núi để xông lên cận chiến chiếm mục tiêu đối phương cố thủ từ tháng 8/1974. Những mục tiêu được phòng thủ cực độ vững chắc với thân cây rừng đặt sâu trong lòng núi mà bom và pháo binh không thể phá hủy được. Đánh từ tháng 8 đến tháng 11, mất đi, chiếm lại từng thước đất, đã có lúc bị trung đoàn 24 của Sư đoàn 304 CSBV dùng hỏa công thiêu đốt như trận đánh ngày 29/10/74. Chiếm lĩnh, kiểm soát được toàn bộ các cao độ 1235, 1062 quanh quận Thường Đức để rồi tháng 3-1975 được lệnh rời bỏ những vị trí đã đánh đổi bởi mạng sống của bao đồng đội, máu của bản thân... Hãy nhớ, lính và sĩ quan những đơn vị tổng trừ bị (Dù, TQLC, Biệt Động); kể cả những sư đoàn diện địa như Sư đoàn 1 Bộ Binh (Trị-Thiên); các đại đội thám sát tỉnh...
Trước 1975, những người lính kể trên không một lời tán thán. Không một lần đòi được đền bù, báo ân. Và những giờ phút đầu tiên của ngày 30/4/1975, họ là những người bị bắn ngay trên giường bệnh viện Đỗ Vinh, bệnh viện 3 Dã Chiến Sàigòn nếu có lời chống cự, không di chuyển được do thương trận từ những ngày chiến trận tàn cuộc...

Trần Vũ: Trưa 30 tháng 4, tôi hãy còn nhớ, sau khi đầu hàng, trong lòng tôi giận dỗi các anh vô cùng. Gia đình chúng tôi đã tin vào quân đội đến cùng, thầy tôi nhất quyết không di tản vì muốn sát cánh cùng quân đội. Tôi muốn biết vì sao người lính Cộng Hòa đầu hàng dễ dàng như vậy, trong một buổi trưa, trong vài giờ đồng hồ. Còn Phan Nhật Nam? Nếu bây giờ đi lại trên quốc lộ 1, cùng với Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù cũ của anh, đi đầu đại đội 72 mà anh từng làm đại đội trưởng, nhận lệnh buông súng, anh phản ứng ra sao?

Phan Nhật Nam: Bản thân tôi không cố ý làm ra điều văn vẻ, trầm tư để viết nên văn chương chữ nghĩa khi trả lời câu hỏi nầy... Nhưng chẳng cần đợi đến sáng 30 tháng Tư, 1975 mà tôi đã viết đủ trong “Ngày Thật chết với quê hương” – Cái Chết thật ra đã hiện diện với những báo trước rất cụ thể từ trận Đồng Xoài (6/1965); từ Mậu Thân (1968)... Hằng đêm từ đồi Căn Cứ Nguyễn Huệ (hậu cứ Lữ đoàn 2 Dù) nhìn ra Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa... Và gần nhất là đêm tối 15/3/1975 tại Pleiku khi Quân đoàn II bắt đầu lần rút bỏ cao nguyên; chiều 25/3 trên đèo Hải Vân (địa giới Thừa Thiên-Quảng Nam) khi Lữ đoàn 1 Dù bàn giao vị trí cho Tiểu đoàn 8 TQLC; trong ngày 30/3, khi toàn thành phố Nha Trang câm lắng xuống để nghe tiếng sóng đập vào bờ qua dãy xác chết lắt lay trên bãi cát… Cũng cần nói thêm một chuyện có thật: Khi ngồi trong toa chở súc vật trên chuyến tàu lên Yên Bái đêm 22/6/1976: Coi như đất nước thanh bình (được) đi chuyến tàu lên Miền Bắc! Có người đàn ông dáng thanh lịch dẫu áo quần rách vá, vẻ hư hao, tiều tụy (cung cách của người Hà Nội trước 1954 rất dễ nhận) đi với cô con gái mặt đẹp như ngọc, đầu trần chân đất, quần rách lai tơi tả, sữa non con so thấm ướt ngực áo mỏng theo đoàn tù mót lúa rớt trong buổi sáng đầu xuân sương mù giá rét miền núi đất Bắc... Người đàn ông trầm giọng nói trong tiếng khóc bị nén: Các ông tội nặng lắm... Con tôi từ năm 1954 đến giờ không có được chén cơm trắng, cháu ngoại tôi từ ngày sinh chỉ uống nước cháo loãng pha muối cầm hơi... Mấy mươi năm chờ đợi các ông từ trong Nam ra với hy vọng được sống cho ra dạng người thế mà cớ sự lại như thế nầy đây! Bạn ta ơi Miền Nam không thể thắng được vì họa chung của cả dân tộc đã nên hình. Tôi không quá mê tín, nhưng ngày 28/3/75 khi đi trên đoạn đường Nha Trang-Cam Ranh dẫm lên cây số đường dài sâu bọ bung lên tự lòng đất nên đã hiểu ra điều: Cơn hấp hối, tận diệt quê hương đã thành sự thật! Bản thân người lính làm gì? Họ lại là người chết trước tiên.

Trần Vũ: 15 năm sau vượt biên tôi đi lại quốc lộ 1. Gần như để đối chất cảnh vật với những gì anh viết. Những địa danh, những thước đất hiện ra, lớp đất vàng khè chen giữa những bãi cát xám bên này dẫy Trường Sơn. Dọc quốc lộ từ Hải Lăng lên đến cầu Hiền Lương là những nghĩa trang liệt sĩ san sát. Vết tích chiến tranh chưa mất. Nhà thờ La Vang tan nát. Phố chính Quảng Trị lỗ chỗ đạn. Khu tập thể tiêu điều ở Thạch Hãn, Cồn Thiên, Cam Lộ… Tất cả ngập dưới cái nóng điên người. Tôi cảm được điều anh đã viết: Nỗi quặn đau dai dẳng không chấm dứt. Rồi tôi tự hỏi: Phan Nhật Nam làm gì trong suốt bao năm ấy, từ lúc ra tù, anh có đi lại quốc lộ 1 lần nào chưa? Tôi muốn biết anh nghĩ gì, sinh sống ra sao, trong một miền Nam đổi khác, sau khi đi tù về. Anh có phản cảm với tuổi trẻ không biết đến quá khứ. Trước khi sang Mỹ, anh giao tiếp với xã hội như thế nào. Tôi muốn nghe anh kể về những ngày hậu chiến này.

Phan Nhật Nam: Sau 30 tháng 4, 1975 tôi đi dọc đường số 1 một lần. Lần độc nhất với đôi mắt khép lại để khỏi nhìn. Để đừng thấy. Tôi không nói quá – Lần trở về Nam ngày 29 tháng 5, 1988 sau mười-hai năm lưu đày đất Bắc. Tàu vào địa giới Miền Nam, qua Đông Hà, Ái Tử, Quảng Trị, La Vang... lúc trời mờ sáng. Tôi biết rõ tàu đang chạy qua những chốn nào. Vốn người gốc Quảng Trị, năm 1966-1967 hành quân từ Thừa Thiên ra Quảng Trị, tôi dẫn quân đi dọc Phá Tam Giang không cần xem bản đồ. Một thoáng ngắn, tôi nhìn ra cửa sổ toa tàu, hướng núi Ngự Bình, nơi có phần mộ mẹ tôi và những người trong gia tộc. Lòng trống rốc. Mắt ráo hoảnh. Lúc tàu rời ga Nam Định tối hôm trước, tôi muốn được bật nên tiếng khóc nhưng khóc không nổi. Qua đèo Hải Vân, trong đầu loáng thoáng những câu thơ “Tôi về Hải Vân thân áo tù. Mười mấy năm dài nhục thấm dư. Nghe lạ đất trời lạnh vụng biển. Quê nhà còn không cơn mộng du…

Đến Đà Nẵng vào buổi trưa, tàu đổi toán phục vụ (toán người Nam)… Cán bộ áp tải tù ra lệnh đóng cửa sổ toa tầu vì“sợ dân phẫn nộ ném đá”... Tầu ngừng khá lâu để xoay đầu máy ra hướng Huế. Dưới sân ga có những tiếng hoan hô… “Hoan hô tướng Lê Minh Đảo... Hoan hô lính Việt Nam Cộng Hòa… Hoan hô… hoan hô...” Một người trong toán phục vụ có lẽ do thấy tôi tương đối trẻ so với những người trong đám tù, thấp giọng thân mật: “Chú cấp bậc gì mà giờ nầy mới về? Đại úy! Trời đất, đại úy người ta về từ mười năm trước. Chú muốn ăn, uống chi... Con đem tới...” Tôi uống hết một két mười hai chai bia cho đến chiều tàu tới ga Hàm Tân. Được tháo cùm tay, bước xuống xiêu ngã trên sân ga, nhìn chung quanh chập chờn… Cây cao su của tiểu đoàn 7 Dù, lối lên Hố Nai, ngã ba Tân Hiệp, Biên Hòa... Rừng cao su đặc thù của miền Nam mà tôi ngắm nhìn mê mải ngây ngất từ toa xe lửa.
Với tâm cảnh như thế, ra tù 1989... Chỉ định cư trú về ở ấp Bình Nhâm, Lái Thiêu, Bình Dương, tôi dựng căn nhà tranh 4x4 thước giữa vườn cây măng cụt, nhà, đất do gia đình, bạn bè ở ngoài gởi về.... Tôi thường đi quanh quẩn trong vườn măng cho dù nửa đêm về sáng, nằm võng ngủ trước hiên nhà. Cứ thế, tôi sống từng ngày qua đi không mấy khó khăn so với hơn 8 năm trong bóng tối hầm giam chờ đem đi bắn. Với tâm trạng nầy tôi đi Mỹ… Tôi đi Mỹ cứ như hắt cặn nước. Tôi đi Mỹ nhẹ tênh vất điếu thuốc. Cứ như thế tôi ở Mỹ đến năm thứ mười-lăm, đi gần hết các tiểu bang, lên thấu Alaska. Bạn còn muốn hỏi gì nữa hay chăng?

Trần Vũ: Tôi còn muốn hỏi thêm nhiều nữa, nhưng trước khi chấm dứt, tôi muốn nhắc lại ảnh hưởng mà các tập bút ký chiến trường của anh đã để lại trong tôi. Chúng ám ảnh tôi đến mức tôi nóng ruột khoác lên người sự “nhiệm mầu” của người lính Cộng Hòa mà anh mô tả. Thế giới của người lính ngồi trên sườn đồi uống bia không đá nhìn xuống con sông bốc mờ sương lam… Tôi thuộc từng tên nhân vật, từng cấp bậc, từng thâm niên của từng người... Tôi cảm giác những trang bút ký của anh thời ấy giúp tôi sống với mọi người, cảm giác chúng truyền vào người mình nỗi đau của cả một miền đất nước, từ những tàn phá đến giận dữ. Có cái gì đó thật con người, cực kỳ cô độc lặng lẽ giữa sắt thép hỗn độn ầm vang trong thế giới của anh mà bây giờ phải đọc lại mới hiểu thấu hết tất cả những oan khiên của cuộc chiến vừa rồi.

Anh mang trách nhiệm này, anh đã dẫn tôi đi qua những thước đất của quê hương ngập tràn tai ương. Đáng lẽ tôi không nên đọc anh để dễ dàng thỏa hiệp với thực tại bây giờ, phải không? Muộn mất rồi. Tôi đã theo anh đi dọc đường số 1.

Phan Nhật Nam: Bạn ơi, tôi trả lời sao đây? Tôi đi đâu nữa? Viết cái gì mới nữa? Cám ơn bạn đã đọc kỹ, đã hỏi thật. Thế là đủ vì ít ra chữ nghĩa không đến nỗi vô ích. Một người không cũng đủ. Rất cảm ơn.










PHAN NHẬT NAM DỰA LƯNG NỖI CHẾT

Đào Vũ Anh Hùng


Lần cuối cùng, tôi gặp Phan Nhật Nam, vào một sáng Chủ nhật, đâu khoảng hơn tháng trước ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản. Nam đang đứng nói chuyện với nhà văn Vũ Bằng và nhà văn Mặc Thu trên lề đường trước nhà ông Chu Tử và vợ chồng Đằng Giao, 104 đường Công Lý. Thấy Nam trẻ trung tươi sáng trong bộ quân phục Nhảy dù vải kaki vàng thẳng cứng nếp hồ với đầy đủ lon lá, huy chương và sợi giây Bảo quốc rực rỡ, tôi thoáng ngạc nhiên vì lần gặp gỡ trước Nam đã nói với tôi rằng vừa giải ngũ. Tôi hỏi đùa:

― Bạn tôi quân cách rềnh ràng đi lãnh thưởng ?

Tôi có ý trêu Nam về số tiền một triệu ông Chu Tử đề nghị báo Sóng Thần tặng Nam về tác phẩm " Tù Binh Và Hoà Bình " để bỉ thử giải Văn học Nghệ thuật bần tiện của Thiệu. Nam cười lớn:

― Cái giải thưởng của bố già cậu sài mẹ nó hết rồi, có cụ Vũ Bằng biết đấy !

Rồi Nam tự giải thích khi thấy tôi hóm hỉnh nhìn Nam với bộ quân phục:

― Cậu Nam giải ngũ nhưng cậu Nam vẫn là lính Nhảy dù hợp lệ ! Nhưng mà giải ngũ rồi chán quá mi ơi. Buồn cóc biết làm gì và thèm mặc lại quân phục?

Xong Nam dịu giọng nói như than thở:

― Có lẽ tao lại phải làm đơn xin tái ngũ. Giải ngũ mà tao có cảm tưởng xấu hổ như một thằng đào ngũ !

Tôi có chuyện cần, vội gặp ông Chu Tử nên không nán lại góp chuyện với ba người và tìm hiểu chuyện Nam giải ngũ là đùa hay thật. Tôi chào và leo lên gác. Lúc trở xuống thì Nam đã không còn đấy nữa, và đó là lần cuối cùng tôi gặp Phan Nhật Nam, cho đến ngày di tản và cho đến bây giờ là sáu năm chia biệt.

Gặp Nguyên Vũ ở Fort Chaffee, gặp Lê Văn Mễ và một số bạn trong và ngoài binh chủng Nhẩy dù thân biết Phan Nhật Nam, tôi đều hỏi thăm và rõ chắc Nam cùng vợ con kẹt lại. Tôi rất buồn và lo lắng cho Nam cùng các bạn văn không di tản được. Nhưng tôi nghĩ nhớ và lo lắng cho số phận Phan Nhật Nam nhiều nhất. Là bởi, lần ra Hà Nội quan sát vụ trao trả tù binh, Nam đã ngông nghênh ôm theo cả một lô sách " Mùa Hè Đỏ Lửa " ký tặng các văn nghệ sĩ miền Bắc. Đó là tác phẩm để đời của nhà văn chiến trường số Một của miền Nam viết về cuộc chiến khốc liệt mùa hè 72, đầy rẫy lời thống mạ chủ nghĩa và tập đoàn lãnh đạo miền Bắc, phơi bầy thực chất phi lý bi thảm của cuộc nội chiến và toàn vẹn bộ mặt bất lương đốn mạt của " anh Hồ cộng sản " - thứ " nhân tài chết tiệt của dân tộc " - mà Nam đem đến tận nơi, dí vào mắt chúng. Tôi thật phục Nam. Tôi vẫn muốn có dịp hỏi thăm Nam về chuyến theo phái đoàn Ủy ban Liên hiệp Quân sự ra Hà nội và khi trở về, Nam đã viết cuốn " Tù Binh và Hoà Bình mà tôi chưa được đọc ".

Đối với tôi, Nam đã chiếm giữ một cảm tình đặc biệt. Tôi yêu cái văn chương bốc lửa của Nam, thích cái con người tàng tàng ngạo nghễ của Nam. Kỷ niệm tôi có với Phan Nhật Nam không nhiều nhưng đủ để tôi và Nam coi nhau như bạn thiết. Tôi đọc tác phẩm đầu tay của Nam, cuốn " Dấu Binh Lửa " nhân một kỳ nghỉ dưỡng sức trên Đà Lạt và đã say mê cuốn hút, cảm phục văn tài, vô cùng thú vị với những dòng thể hiện sống động mạnh mẽ, hiên ngang, đậm sũng tình người, chứa chan lòng yêu quê hương đất nước ... Phan Nhật Nam, ngôi sao mới hiện nhưng đã chói lọi trong giới quân nhân cầm bút. Nam hiện thực đời mình, phổ diễn tâm tình, cảm nghĩ của một người vững chắc lập trường quốc gia nhân bản, hiện thực tấn thảm kịch đầy bi phẫn đau thương của cả một thế hệ trong đó có Nam vừa thủ diễn vừa là chứng giả. Nam đã nói lên được tiếng lòng thầm kín cùng khát vọng chung của những người cầm súng. Nam là gạch nối giữa những người lính chiến và dân thành thị. Nhờ có tác phẩm của Phan Nhật Nam, dân thành phố ngụp lặn trong bình yên hưởng thụ mới giật mình biết đến và biết rõ mức độ thảm khốc của chiến tranh cùng sự hy sinh quá lớn của người lính. Điều rõ rệt nhất là Nam đã nói lên được cho nhân loại hiểu về cái chính nghĩa của cuộc đấu tranh để tự tồn. Rằng những người lính Việt Nam Cộng Hoà cầm súng và chiến đấu không phải vì bản năng hiếu sát hay yêu thích chiến tranh, mà là chiến đấu để tồn tại. Cho chủ nghĩa Quốc gia tồn tại và nền Tự do Dân chủ của miền Nam tồn tại.

Trong các thiên bút ký chiến trường, Phan Nhật Nam đã cực tả được độ cao cùng tột của chiến tranh tàn khốc, hiện thực được cả một trời đất mênh mang thống hận trong lòng người dân Việt trước cảnh tương tàn đẫm máu, đã vẽ ra một thiện thân sừng sững của người lính Nhảy dù chiến đấu hào hùng và chết rất hào hùng. Những đời trai trẻ quên bỏ hạnh phúc, tình yêu, tương lai, sự nghiệp cùng những vui riêng để bước vào chốn cùng hung cực hiểm, đầy rẫy gian lao khổ nhọc và bị vô ơn bạc đãi nhưng vẫn lầm lì chịu đựng và dũng cảm xông pha trận mạc, trực diện kẻ thù, đổ mồ hôi, xương máu lao thẳng vào đạn lửa, phóng mình vào nỗi chết cho giải đất miền Nam được tồn tại và người dân miền Nam được sống còn.

Phan Nhật Nam là một nhà văn có chân tài. Ngôn ngữ xử dụng trong văn chương Phan Nhật Nam là thứ ngôn ngữ hừng hực như lửa, mạnh mẽ như gió bão, vững chắc như thành đồng, tha thiết, nồng nàn, chứa chan nhân tính ...

Tôi gặp Nam lần đầu do Thế Phong đưa lại chơi nhà Nam ở đường Trần Nhật Duật, Tân Định. Nhưng biết nhiều về Nam thì qua bạn cùng khoá với Nam là Võ Ý. Tôi nhớ lần đó Nam nói khoái tôi vì bài bút ký " Dakseang Gối Mỏi Lưng Đồi " tôi viết trên tuần báo Đời và ký tặng tôi cuốn " Mùa Hè Đỏ Lửa " với vỏn vẹn mấy chữ Tặng ông, bạn tôi làm Thế Phong cười ngất :

― Nó là nhà văn đang lên, sách bán có tiền nên hà tiện chữ nghĩa cho bạn bè !

Sau này tôi mới nói cho Nam biết cái thằng bay chiếc C&C cho tướng Hậu nửa đêm vào Tân Khai trong trận bão Mannie, giữa mưa đạn phòng không Việt cộng mà Nam nằm dưới đất nhìn thấy khi theo chiến đoàn trung tá Cần vào giải vây An Lộc rồi viết trong " Mùa Hè Đỏ Lửa " chính là tôi, Nam có vẻ thống khoái vì sự ngẫu nhiên ấy, cười khà khà và phán một câu:

― Thấy chiếc máy bay, tao thương quá. Những thằng Không quân chân hổng giữa trời, chết mà không biết thằng khốn nạn nào " chơi " mình thì " lỗ " quá! Thực tình tao " rét " mày ạ, chết dưới đất vững hơn ... Ai ngờ lại là mày bay cho ông Hậu ! Hà hà ! ... Mày rơi đêm đó là tao lại có tí đề tài " viết cho một người nằm xuống " !

Trong những ngày bôn ba chiến trận, thỉnh thoảng tôi có gặp Nam vác máy hình theo quân Dù đi làm phóng sự. Nhưng thường là những lúc tôi về Saigon cùng Nam và một vài bạn văn nghệ ghé La Pagode bù khú. Đó là những lần tôi có dịp thán phục khoa đấu láo của Nam. Cái giọng oang oang nửa Huế, nửa Quảng Nam, pha tí Bắc kỳ, một khi mở máy là nói liên miên đủ thứ đề tài ... Có thể nói khoa tán phét của Nam vô địch ! Nam có khả năng nói thao thao hàng giờ không ngưng nghỉ và thật lôi cuốn, có duyên, ba hoa châm biếm bất cần thiên hạ.

Tôi nhớ nhất một lần đang đấu vung vít với chúng tôi, Nam bất chợt để ý thấy một cô gái ngồi uống nước một mình ở bàn bên cạnh. Cô gái mặc đồ đầm, có nét đẹp kiêu kỳ sang cả của một thứ kiều nữ con nhà giàu học trường đầm, châm hút điếu Salem. Thế là Nam kêu lên:

Tại hạ xin có ý kiến: Người đẹp mà hút Salem là không đúng sách vở !

Thế là Nam bỏ mặc câu chuyện dở dang với chúng tôi, kéo ghế qua bàn cô gái. Tôi không nhớ Nam hút thuốc gì nhưng cũng là một thứ thuốc lá đầu lọc và Nam bô bô quảng cáo cho hiệu thuốc của mình với những lời dẫn chứng theo sách vở, theo kinh nghiệm, theo thống kê, theo lời " Khổng Tử xổm tọa chi viết " , theo lời khuyên của bác sĩ này, nhà sản xuất nọ và Nam đem luôn chính trị, kinh tế, quân sự và cả truyện chưởng Kim Dung vào bài hát nói! Nam nói một cách trơn tru hữu lý. Trong cái hoạt kê quấy nhộn ấy, tôi thấy khẩu tài của Nam vượt xa miệng lưỡi dẻo kẹo của những anh giang hồ bán thuốc Sơn Đông. Những tay mãi võ láu cá vặt đó, hay những lời tuyên truyền của mấy cậu mợ cộng sản nhà quê không thể duyên dáng bay bướm trí thức như Nam được. Cô gái cuối cùng phải bỏ nét mặt lạnh lùng kênh kiệu, bật cười phì và nhận điếu thuốc Nam mời. Bài tán láo của Nam dài gần nửa tiếng đồng hồ và hai tay ăn tục nói phét có hạng trong mấy chúng tôi hôm đó là Thế Phong và Dương Hùng Cường cũng phải chào thua Nam.

Đó là một vài trong những kỷ niệm tôi có với Phan Nhật Nam. Tôi yêu và phục Nam không chỉ có văn tài và và khoa đấu hót. Nam thông minh, hiếu động, tính tình thẳng trực, ngang tàng khí phách, đôi khi hành động như một thứ " cao bồi văn nghệ " nhưng không nhố nhăng lố bịch. Cái ngông nghênh tự phụ của Nam, đối với tôi không có gì quá đáng. Tâm hồn Nam sâu sắc, nhiều tình cảm và rất tốt với bạn bè. Nam bị kẹt lại vì ngày 30-4 dắt vợ con vào nhà tướng Kỳ nhưng không thấy ông tướng râu kẽm, bèn chạy qua DAO. Trước cảnh chen lấn cùng ám ảnh một đảo Guam không hơn gì các trại đón dân tị nạn miền Trung, Nam chán nản đưa vợ con trở về. Cộng sản tiếp thu Saigon, Nam như con chuột mắc nạn trong bẫy xập, cuống cuồng sợ hãi vì tin cộng sản sẽ lùng giết. Phan Nhật Nam, đại úy Nhảy Dù, nhà văn chống cộng lẫy lừng tên tuổi, thành viên đối nghịch to mồm nhất trong Ủy ban Liên hợp Quân sự? phải là thành phần Ngụy số một " có nợ máu với nhân dân ! " Nam hơn ai hết, hiểu rõ bản chất đê tiện của cộng sản, biết rõ những gì đang chờ đợi mình và Nam tìm chỗ ẩn thân. Nam bỏ Saigon về Long Khánh làm rẫy trước khi cộng sản có chương trình lùa dân đi kinh tế mới. Nhưng Nam biết trước sau gì cũng không thể lẩn trốn được cái mạng lưới công an tinh vi cộng sản một khi chúng cố tình lùng kiếm và vì Phan Nhật Nam quá nổi. Ngày 22-6-75, Nam ra trình diện học tập và bị giam tại trại Long Giao. Chính tại đây, Nam đã viết trong bản tự khai, " Trong đời tôi, tôi chỉ có một điều ân hận là có ông bố hành nghề cộng sản ! "

Bố Nam theo kháng chiến từ năm Nam 7 tuổi, hiện là một nhân vật cao cấp trong Chính trị bộ Hà nội, tên Phan Văn Trình. Mẹ Nam là bà Ngô Thị Phương Dung, chết năm Nam 18, học trường Phan Chu Trinh, Đà nẵng. Nam sinh ngày 10-9-43 tại Huế nhưng lớn lên tại Quảng nam. Sinh viên Sĩ quan Võ bị Quốc gia Đà Lạt khoá 18, ra trường năm 1963, tình nguyện đi binh chủng Nhảy dù. Năm 1968 ra khỏi binh chủng và thời gian sau Hiệp định Paris, Phan Nhật Nam là thành viên VNCH trong Ủy ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên cho đến ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản.

Những năm tại ngũ, Phan Nhật Nam từng tham dự hầu hết các chiến trường sôi bỏng ở quốc nội (1963-1973). Từ những địa danh nổi tiếng như Khe Sanh, Cồn Tiên, đến những làng nhỏ ở Cửa Việt, Diễm Hà Trung, Diễm Hà Nam, cho đến nững hóc hiểm hoang vu ở cuối thung lũng sông Kim Sơn; từ tây vực quận Hoài Ân, Bình Định, tới làng Mã Tây, vv? nơi nào Nam cũng tới và đã tham chiến, chỉ trừ chiến dịch Hạ Lào. Quãng đời binh nghiệp bôn ba đã cho Phan Nhật Nam quá nhiều chất liệu phong phú để dựng thành tác phẩm. Khởi nghiệp viết văn từ 1969 và đã nổi tiếng với tác phẩm đầu tay " Dấu Binh Lửa " .Sau này văn tài Phan Nhật Nam chói sáng hơn với tập bút ký chiến trường " Mùa Hè Đỏ Lửa " nói đến cuộc chiến khốc liệt cùng tinh thần chiến đấu hào hùng tuyệt vời của người lính Việt Nam Cộng Hoà trong những trận đánh rúng động thế giới ở Quảng Trị, An Lộc ... vào mùa hè binh biến 1972.

Ngoài những bài phóng sự, những truyện ngắn đăng rải rác trên các nhật báo, tuần báo, đặc san Saigon, Phan Nhật Nam chỉ trong 5 năm từ ngày khởi nghiệp, đã có một số lượng tác phẩm đáng kể xuất bản và tạo được tên tuổi, chỗ đứng riêng biệt trong làng văn : Dấu Binh Lửa ( Đại Ngã, 1969, Hiện Đại tái bản 1974 ) - Dọc Đường Số Một ( Đại Ngã, 1970 ) - Mùa Hè Đỏ Lửa ( Sáng Tạo, 1972, tái bản 2 lần, 1973, 1974 ) - Ải Trần Gian ( Đại Ngã, 1970 ) - Dựa Lưng Nỗi Chết ( Hiện Đại, 1973 ) - Tù Binh và Hoà Bình ( Hiện Đại, 1974 ).

Những tác phẩm Phan Nhật Nam dự định xuất bản nhưng không thực hiện được vì biến cố 30-4-75 gồm: " Những Ngày Hè Cuối Cùng - Đá Nát Vàng Phai - và Mặt Trận Quảng Trị " ( còn có tên Trên Giòng Đá Đổ Mồ Hôi ).

Chưa hết, Phan Nhật Nam hiện đang ở trong trại tù cộng sản nhưng vẫn còn cầm bút. Hơn cả Phùng Quán với " Giấy bút tôi ai cướp giật đi, tôi vẫn dùng dao viết văn lên đá ... " Phùng Quán khi viết những câu thơ phẫn hận ấy, trên vai vẫn còn mang quân hàm của chế độ, không ở trong tù, vẫn còn phương tiện để mà viết và còn có được cơ hội phổ biến là tờ Nhân Văn Giai Phẩm.

Phan Nhật Nam bị đưa ra Bắc từ 22-6-76, qua những trại tù kinh khiếp nằm sâu trong rừng núi thượng du Bắc Việt nước độc giết người: Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Hoàng Liên Sơn và cuối cùng hiện ở trại tù số 5 Thanh Hoá thuộc hệ thống Trại Đầm Đùn, hay trại tù Lý Bá Sơ khủng khiếp bậc nhất trong hệ thống tù cộng sản. Nhưng Phan Nhật Nam vẫn viết. Viết trong những điều kiện trăm phần khốn cực hơn Phùng Quán. Viết lén lút phập phồng dưới nắng lửa, mưa dầm, trong tối tăm đói lạnh, vây quanh bởi những cặp mắt nham hiểm rình mò cú vọ của một bầy lang sói. Suốt năm năm tù tội đọa đầy, Nam đã dựng khung hai tác phẩm trường thiên " Đá Nát Vàng Phai " và " Luyện Ngục Rực Lửa " cùng những trang nhật ký gửi vợ con yêu dấu. Hai tập dàn bài Nam dấu cất đã bị khám phá và tịch thu. Nam bị chúng đánh đập, cùm xiềng, giam vào hầm đá biệt lập tối tăm lạnh buốt, chịu đựng đói khát cực khổ suốt ba mươi nhăm ngày đêm thảm nhục và cuối cùng Nam đã sống còn như một nhiệm mầu. Nam còn hơi thở nghĩa là còn nghị lực, còn vững vàng ý chí để phấn đấu, để tin yêu và hy vọng, không quên mình là một Hướng đạo sinh " Vui Vẻ Trong Mọi Khó Khăn ", không quên mình là lính Nhảy Dù " Cố Gắng " , không quên mình là một chiến sĩ có thêm nặng trên vai thiên chức Nhà Văn! Nam thể hiện nỗi thảm thương khổ nạn của kiếp tù đầy nhục nhã của chính mình và chung của hàng trăm ngàn bạn bè chiến hữu đồng cảnh ngộ vào những trang nhật ký đầm đìa máu lệ gửi cho vợ con, như một tiếng kêu thương bi thiết gửi cho người thế giới bên ngoài.

Những trang nhật ký này, coi như tác phẩm mới nhất của nhà văn Phan Nhật Nam viết trong lao tù cộng sản và tôi đang có trong tay.

Do một người bạn cùng khoá với tôi và là bạn chung của tôi và Nam gửi cho, khoảng trung tuần tháng 10-80, với lời nhắn " Nam nhờ tôi trao cho bạn, để làm cách nào vận động cứu Nam, nếu không nó chết." Bạn tôi là Đại úy hoa tiêu Không lực, rất thân với Phan Nhật Nam, ra trình diện cùng ngày, chung chuyến tầu ra Bắc và đôi ba lần cách khoảng bị giam chung với Nam cùng một trại tù. May mắn cho Nam là Chử Quân Anh trước ngày được cộng sản phóng thích nhờ bao công lao tốn phí vận động của người vợ có quốc tịch Pháp, đã vì bạn, mưu mô lén dấu giúp Nam đem ra được tập nhật ký và mang qua Pháp an toàn. Quân Anh cho tôi biết Nam bị liệt vào thành phần tù chính trị ngoan cố và chúng đã dành sẵn cho Nam bản án tử hình. Nếu không, nhẹ nhất cũng khổ sai chung thân vì Phan Nhật Nam cương ngạnh vô phương cải tạo. Quân Anh còn cho tôi biết thêm rằng tình trạng sức khoẻ của Nam hiện tại rất là thê thảm. Cái thân hình vốn gầy gò mảnh khảnh của Nam " bây giờ tiều tụy suy nhược, ông không thể nhận ra đâu ..." Lao động quá sức và ăn đói, bệnh tật không thuốc men đã khiến Nam chân run không đứng vững. Đầu váng, mắt hoa, lúc nào cũng nghe tiếng ve u u trong óc. Phổi hư, răng mục nguyên hàm, tóc rụng từng mảng vì nhiều thứ bệnh tù: bệnh thiếu dinh dưỡng, bệnh ghẻ ngứa, bệnh tê thấp, bệnh đau dạ dày, bệnh trĩ nội xuất huyết hậu môn ngày hàng lít máu ... Thế mà vẫn phải khổ dịch lao tác mỗi ngày. Phá rừng, xẻ núi, còng lưng đập đá, oằn người bấu những ngón chân bật máu đẩy từng xe đá hay kéo vần khối gỗ nặng trên cả sức người khoẻ mạnh vượt hai cây số đường đèo trơn trượt ... Thế mà vẫn phải chỉ một buổi sáng cúi xuống, nhấc lên, khuân 670 tảng bùn nước nặng trung bình 10 kilô hay 6 tấn 7 cho một thân tù ốm yếu? Thế mà trời đông hàn vẫn phải trần truồng ngâm mình dưới dòng sông giá buốt đẩy từng bè củi, lội ngược con nước về trại cách xa 4 giờ đường bộ trong trong cái lạnh cắt da của 7 độ centigrade !

Tôi mềm nhũn cả lòng. Những dòng chữ nhỏ kín đầy hai mặt những trang giấy xé ra từ quyển vở học trò tồi tàn phẩm chất sản xuất từ cái gọi là xã hội chủ nghĩa miền Bắc đúng là nét chữ cứng cỏi thân quen của Phan Nhật Nam. Cái văn chương ngôn ngữ kết đọng thành khối đau thương thống hận vô cùng đó đúng là thứ văn chương ngôn ngữ chỉ một Phan Nhật Nam có được.

Định mệnh nào đã đưa Nam vào con đường khổ nạn đắng cay nhường ấy ? Định mệnh nào cay nghiệt đã khiến cha con Nam đối đầu chủ nghĩa, để rồi ngày trùng phùng trong nghịch cảnh, Nam chỉ biết u oán nhìn cha thinh lặng qua chấn song tù, nước mắt khổ đau tủi hận chan chứa tuôn rơi ?... Ba mươi năm đi làm cách mạng để đổi lấy một ngày " chiến thắng " trở về thấy cảnh gia đình ly tán. Để thấy đứa con trai tù tội. Để chứng kiến cái chết u uất của đứa con gái. Em gái Nam có chồng học tập, tuyệt vọng hủy đời xuân sắc trước cặp mắt ngỡ ngàng đau đớn của người cha cộng sản .

Còn Nam, Phan Nhật Nam đã như một anh hùng ngã ngựa, hiên ngang bước vào lò luyện ngục với nụ cười khinh mạn. Hiên ngang nhận chịu những ngón đòn thù đê tiện và cực cùng độc ác. Để chứng tỏ đởm lược của một chiến sĩ Nhảy dù, chứng tỏ hào khí của người lính quốc gia, chứng tỏ phong thái bất khuất của một nhà văn hữu hạng miền Nam, Nam đã chối bỏ những lời dụ hoặc để làm tờ khai tự thú theo ý muốn cộng sản, chối bỏ đặc ân từ ảnh hưởng chức vụ người cha và bởi thế, vợ Nam mới bị ngăn cấm liên lạc với chồng. Những lá thư gửi vào trại tù, vợ Nam phải dùng tên khác, gửi cho người khác nhờ chuyển đến Nam lén lút. Và bởi thế, bố Nam không thể làm gì cưỡng chống mệnh lệnh đảng can thiệp cho Nam. Trong suốt 5 năm tù tội, Nam chỉ được vợ con thăm nuôi một lần duy nhất, nhưng không phải là một cuộc thăm tù chính thức. Vợ Nam phải chạy vàng hối lộ cho bọn công an bộ đội để có giấy tờ mạo danh, dắt hai con thơ lặn lội đường trường ra Bắc thăm chồng.

Đó là lần gặp gỡ ngắn ngủi, cực cùng chua xót và cảm động vào tháng 5-79 mà Nam đã viết trong trang đầu nhật ký. Những dòng máu lệ đầm đìa thương tủi ấy, tôi đọc mà rúng động. Tôi nhìn thấy cảnh tủi mừng đau đớn của cuộc trùng phùng thực hư ảo mộng giữa cha con chồng vợ trên bờ đê lộng gió. Tôi thấy những giọt nước mắt thảm sầu thánh thót rơi trên những gương mặt khổ đau thống hận. Và nghe, và cảm nhận được tất cả nỗi u oán uất nghẹn không thốt thành lời trên những đôi môi khô héo, trong những tia nhìn chĩu nặng tủi hờn. Thật tội thương Nam. Thật hết sức đáng yêu và vô vàn cảm phục. Quân Anh nói với tôi nhiều chuyện về Nam và khẳng định một điều rằng trong tù Nam sống không hèn. Tôi biết Phan Nhật Nam vững vàng bản ngã, đầy ắp tình người, tình yêu thương đồng loại. Cao cả biết bao nhiêu khi nghe Nam nói đến cái chết của đứa bé gái con " em Lợi " . Nói đến những người tù nữ, đến những đứa trẻ tuổi măng thơ sinh ra và lớn lên trong đói khổ trại tù, lây lất, bơ vơ ... " Những đứa bé da nhăn như người già vì thiếu dinh dưỡng " !

Đọc những dòng diễn tả trong nhật ký, tôi nhận ra Nam vẫn nguyên tròn bản chất. Một Phan Nhật Nam vui tếu tàng tàng. Một Phan Nhật Nam người hùng Mũ đỏ. Một Phan Nhật Nam trọng danh dự và nhất ngôn. Cái tinh thần Hướng đạo Nam hằng ôm giữ, cái châm ngôn " Vui Vẻ " chỉ nam cho đời sống, Nam đã tận tụy thi hành ngay cả trong những giây phút Nam đang " Dựa Lưng Nỗi Chết " ! Tôi đã mỉm cười trong nước mắt ngậm ngùi ... Thân xác Nam rũ liệt nhưng tinh thần Nam còn vững thẳng với bao gắng gượng, dưỡng nuôi nghị lực để sống còn cho hy vọng mãnh liệt có một ngày về mà Nam gọi đó là sự " Phục Sinh Mầu Nhiệm ", bằng vào niềm tin nơi Thiên chúa, bằng vào tình yêu vợ thương con quá mạnh. Tôi bồi hồi cảm động khi thấy Nam viết say sưa về cái mộng ra tù cầm bút viết văn trở lại, kiêu hãnh, nồng nàn khoe với vợ con về tập bản thảo của hai cuốn trường thiên viết trong tù ngục? Lại còn cái ước ao có được chiếc khẩu cầm để thổi te te trước giờ lên võng mỗi đêm. Lại còn đỏm đáng chuốt trau nhân dáng, dù cho tàn tạ cũng là nét tàn tạ rất " hùng " của một Sĩ quan Cộng Hoà xuất thân Võ Bị, hỏi xin cái nón rộng vành che nắng lửa trời hè lao động nhưng nhất định không phải là thứ nón tai bèo của mấy chú Vi-Xi ! ... Thật tội thương Nam, dù trong khổ nạn vẫn cố đem vui sống cho đời, dù trong đầy đọa cũng không đánh rơi nhân phẩm và chịu đồng hoá với bầy ác thú.

Tháng 3-80, vợ con Nam đã vượt biên bằng đường bộ tới Thái Lan và đến nay khi tôi viết những dòng chữ này (tháng 2-81), ba mẹ con vẫn long đong cơ cực sống trong trại tị nạn Sikew. Phải hiểu một khi quyết định rời bỏ miền đất quê hương chẳng biết dung người ấy, chị Nam đau đớn thế nào và Nam ngẩn ngơ rúng động thế nào khi biết vợ con mình từ nay đã xa cách nghìn trùng, để lại bên trời khổ nhục mình Nam với nỗi cô đơn trầm thống. Phải mất một thời gian dò tìm liên lạc, tôi mới có địa chỉ viết thư xin ý kiến chị Phan Nhật Nam về việc phổ biến tập nhật ký. Bởi vì dầu sao những trang nhật ký này Nam viết riêng cho vợ con và là báu vật thiêng liêng chỉ riêng vợ con Nam có quyền tư hữu. Hơn thế nữa, việc công bố nhật ký làm sao tôi dám tự chuyên vì ảnh hưởng rất lớn tới nỗi an nguy của Nam. Tôi nghĩ tới trường hợp nhà văn Doãn Quốc Sĩ cùng những lời hy vọng của Nam đã viết và ủy thác Chử Quân Anh trao tập nhật ký cho tôi, việc trước tiên tôi có thể làm được là liên lạc với anh Trần Tam Tiệp, tổng thư ký Văn Bút Việt nam Hải ngoại nhờ vận động với Văn Bút Quốc Tế cùng các cơ quan quyền lực quốc tế can thiệp cho Nam được tự do.

Anh Trần Tam Tiệp đã sốt sắng lo liệu. Phan Nhật Nam có tên trong danh sách tù nhân văn nghệ sĩ được hội Văn Bút Quốc tế trực tiếp can thiệp. Hơn thế nữa, Phan Nhật Nam còn được ghi tên dự một giải văn chương quốc tế với tác phẩm là tập nhật ký này. Ủy ban Ân Xá Quốc Tế cũng lấy tên và địa chỉ trại tù để gửi quà tặng cho Nam. Tôi báo tin và chị Nam viết trả lời, " Nếu anh thấy việc công bố nhật ký của Nam nhất thiết phải làm thì anh cứ tùy tiện. Cũng như anh, tôi hơi lo không biết việc ấy có lợi hay hại cho Nam song đành vậy. Tôi rất mừng khi biết Pen Club gửi quà tặng cho Nam. Những món quà của Pen Club có một giá trị tinh thần đáng kể. Nam sẽ phấn khởi và hy vọng hơn khi biết có sự chú ý của bên ngoài đối với mình. Nghị lực cũng giống như vốn liếng, để không ăn dần cũng suy mòn hao hụt đi, rất cần sự tiếp sức ... "

Tôi chỉ chụp một trang nhật ký của Nam gửi cho chị đọc. Chị đau đớn viết cho tôi, " Những ngày trong trại tị nạn này cũng là những ngày tôi cảm thấy gần gũi Nam nhất trong suốt mấy năm nay. Có cái hạn chế của thực phẩm để cảm thông một phần nào cái đói. Có se da vì chăn Hồng Thập Tự phát quá ngắn không chùm kín đầu để cảm được cái lạnh của người đốn cây xẻ đá giữa buốt giá của mùa đông miền Bắc ... Tôi biết Nam là người yêu đời sống rất mãnh liệt, thế mà Nam đã ai oán kêu lên Thà rằng ta chết cho xong! thì đủ biết Nam bi phẫn tuyệt vọng đến nhường nào. Lòng tôi tan nát ..."

Tôi không thể chờ đợi lâu hơn để hoàn tất việc chuyển dịch tập nhật ký sang Anh ngữ phổ biến đồng loạt cùng bản văn Việt ngữ. Công việc này quả thực quá khả năng tôi vì văn chương ngôn ngữ Phan Nhật Nam vô cùng khó dịch, dù tôi có bỏ ra hàng ngàn giờ và dốc toàn vốn liếng cũng không thể chuyển ra ngoại ngữ trung thực và trọn vẹn mức độ bi thương thảm thiết chứa trong từng lời, từng chữ mà Nam đã viết bằng máu lệ đời mình. Tôi không thể để lâu hơn. Vì Nam đang quằn quại mỏi mòn ngóng đợi từng ngày, từng giờ. Vì những điều Quân Anh kể về tình trạng sức khoẻ của Nam và lời nhắn " làm thế nào vận động cứu Nam, không nó chết " ám ảnh tôi lo lắng bồn chồn.

Tôi xin gửi đến các báo chí Việt ngữ trên toàn thế giới, kính nhờ quý vị phổ biến rộng rãi trong mọi giới đồng bào tị nạn. Xin gửi đến các hội đoàn quốc gia tranh đấu chống cộng sản và tranh đấu cho nhân quyền. Gửi chung những bằng hữu thân biết Phan Nhật Nam, các nhà văn, nhà báo, các chiến hữu của Nam? với lời khẩn thiết kính xin quý vị tiếp tay phổ biến tài liệu này và vận dụng mọi phương tiện tranh đấu buộc cộng sản trả tự do cho nhà văn Phan Nhật Nam. Tiếng kêu thương của Phan Nhật Nam cũng là tiếng kêu thương đứt ruột của hàng trăm ngàn người Việt Nam của chế độ Tự do đang bị cộng sản giết dần mòn trong các trại tù cải tạo.

Tập nhật ký này nếu được các vị dịch giả thừa khả năng ngoại ngữ dịch ra Anh văn và Pháp văn, phổ biến cho nhân loại toàn cầu biết đến cái thảm trạng kinh hoàng của hệ thống lao tù cộng sản, phải là một công trình văn hoá lớn lao, không riêng gì Phan Nhật Nam cùng vợ con mang ơn quý vị, mà tất cả những người chống cộng trên thế giới đều biết ơn.

Đào Vũ Anh Hùng














Phan Nhật Nam

Năm em tôi lên ba
Ðã chịu đời xa bố
Mẹ tất tả thân mòn
Nuôi con bao vất vả

Ðời thiếu nữ lớn lên
Ðắng cay thêm tủi hổ
Áo vá bạc vai gầy
Tuổi thơ sôi cuồng nộ.

Mẹ mất năm mười-ba
Thảm thiết sao kể xiết
Cố nuôi em từng ngày
Khốn khó dài biền biệt.

Bạn học những tỵ hiềm
Thầy, cô nặng trì siết
Em vây chặt buồn phiền
Tuổi học trò thua thiệt

......

Tôi đi làm lính chiến
Trôi nổi chốn trận tiền
Em một mình côi cút
Ðâu được ngày đoàn viên.

Mong em sau lớn lên
Tình duyên nên mãn nguyện
Cầu em đời bình yên
Quên xóa ngày uất nghẹn.

Nào đâu buổi sụp vỡ
Cảnh nước mất tan nhà
Lâm thân sơ, thất sở
Vây quanh khốn mù sa.

Long Thành, chồng tập trung
Anh ngục tù lấm nhục
Trên quê hương lưu đầy
Rừng rực lửa địa ngục.

Bốn con thơ khốn cùng
Sức người căng vượt sống
Tư trang bán sạch dần
Cây rừng khô lá rụng.

......

Tôi đi lên miền Bắc
Thân kiệt cùng thậm ngặt
Nhớ thương em dãi dầu
Nơi quê nhà bằn bặt

Rừng núi trời vào thu
Tù leo đồi đốn nứa
Bên đường đèo nghỉ đỡ
Nghe chuyện buồn thương tâm

"..Người chồng đi tập trung
Vợ ở nhà chết thảm
Bốn con nhỏ khốn cùng
Quay quắt bên thây cứng!!"

Những tưởng nghe nhầm tai
Giật mình gào hỏi lại
Ôi xiết bao kinh hãi
Ðúng tên chồng em gái?!

Chuyện những Ðồi Hoa Sim
Nay một lần lập lại
Không chết người ngục tù
Một mình em oan trái!

Tôi bật khóc trên đồi
Nhìn khoảng không vần vũ
Có còn không.. Ðất, trời!!
Mây mang mang kéo lũ

Rừng chập chùng lá đổ
Sương dầy vây khói xanh
Thật hay không đấy hở?!
Tạo Hóa nghiệt cùng đành!

Cháu tôi ai nuôi đây?
Bé nhất chưa biết nói
Chịu sao nổi đọa đày
Giữa trùng vây khổ đói

......

Năm năm ngày giỗ em
Cấm phòng ngồi gục mặt
Nhói đau trũng ngực nặng
Em chết thật sao Khanh?

18/03/1983
Ngục tối Trại Lam Sơn, Thanh Hóa
Không biết ngày chết. Nhớ ngày em tôi đã có trong đời




Em Tôi

Viết dựa theo cuộc đời và bài thơ "Bé" trong tập thơ "Đêm Tận Thất Thanh" của Phan Nhật Nam.

Lang Lê



Năm em lên ba, bố tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ lên đường tập kết.

Tôi hơn em sáu tuổi. Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm, tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi, tôi đã biết mình là người nam độc nhất trong gia đình, đã biết ẵm bồng đút cơm cho em và vỗ về em mỗi khi em khóc. Chín tuổi, tôi đã biết tắm rửa, thay áo thay quần cho em, cõng em đi chơi và dỗ cho em ngủ. Mỗi ngày, trời sập tối mẹ mới gánh hàng về, ba mẹ con ngồi ăn cơm bên ngọn đèn dầu, tôi và em hỏi han, an ủi mẹ. Mẹ kể cho chúng tôi nghe chuyện chợ búa như đang nói chuyện với người lớn, tôi ngồi nghe, nhìn đôi vai gầy của mẹ, nhìn mái tóc và đôi bàn tay khô của mẹ, mà thấy thương mẹ vô cùng.

Tôi phải bỏ học ở nhà hai năm để trông chừng em. Mẹ có một sạp bán rau cải ở chợ Cồn. Gọi là sạp chứ thực ra chỉ là một ô đất nhỏ, sáng mẹ ra đi thật sớm, lúc trời còn mờ sương, buổi trưa mẹ về nhà lo cho chúng tôi ăn, nằm nghỉ ít phút rồi trở dậy sửa soạn cho chuyến chợ chiều. Một tuần bảy ngày, mẹ đi đi về về trong nỗi cô đơn.

Năm em vừa tròn năm tuổi thì mẹ cho em vào mẫu giáo, tôi cũng trở lại trường, đám bạn cũ của tôi nay đã hơn tôi hai lớp, ngồi xung quanh tôi bây giờ là những khuôn mặt lạ, kém tôi hai, ba tuổi. Tôi là học trò lớn nhất và học khá nên được làm trưởng lớp. Gần cuối năm học lớp nhì, tôi nói với mẹ lên xin thầy Hiệu Trưởng cho tôi được thi nhảy tiểu học. Thầy bằng lòng. Tôi cắm cúi học luyện thi và kết qủa là tôi đã đổ được bằng tiểu học năm đó.

Vào lớp đệ thất trường Phan Châu Trinh, tôi tiếp tục học ngày, học đêm, năm đệ ngũ tôi thi nhảy một lần nữa lấy bằng Trung học. Đến niên học đệ tam thì tôi đã bắt kịp đám bạn cũ, tôi hân hoan nhập bầy chung với đám bạn ngày xưa. Đây là giai đoạn mà tôi cần tiền để mua sách học và may thêm quần áo, thời tiểu học và trung học đệ nhất cấp thì mặc sao cũng được, nhưng bây giờ đã lên đệ nhị cấp rồi, đã bắt đầu biết đỏ mặt khi nhìn những đứa con gái trường nữ, thỉnh thoảng đã biết theo bạn tập uống cafe, phì phà điếu thuốc. Tiền mẹ cho không đủ, tôi bắt đầu công việc kèm trẻ tư gia để kiếm thêm tiền. Học trò của tôi là mấy cô cậu đệ thất đệ lục, nghĩa là cũng chỉ thua tôi vài tuổi.

Ba mẹ con tôi vẫn ngày ngày đi về căn nhà nhỏ, căn nhà vẫn không thay đổi một chút nào từ ngày bố bỏ mấy mẹ con để ra đi .

Hết năm đệ tam, tôi nộp đơn thi Tú Tài phần nhất. Tôi đậu bình thứ. Một lần nữa, mọi người ngạc nhiên, nhưng tôi biết sức học của mình, tôi biết mẹ buôn bán tảo tần, tôi thấy những năm tháng gần đây mẹ trở bệnh hoài, mỗi sáng mẹ lục đục dậy thật sớm nấu cơm để dành cho anh em tôi, rồi lặng lẽ mang đôi quang gánh lên vai, những tối ngồi trầm ngâm bên ánh đèn dầu nhìn anh em tôi học bài và những đêm khuya mẹ trở mình húng hắng ho. Tôi thương mẹ và em đến ứa nước mắt, và càng thương mẹ thương em, tôi càng học như điên, như cuồng. Tôi ước gì Bộ Giáo dục cho tôi thi hai bằng tú tài cùng một lúc. Nhìn mái tóc mẹ đã lớm chớm sợi bạc, nhìn lưng mẹ mỗi ngày mỗi như còng xuống, nhìn hai vai gầy của mẹ mà lòng quặn đau, và cứ thế, tôi vùi đầu vào sách vở...

Em đã bắt đầu tuổi lớn, đã bắt đầu tuổi mộng mơ con gái, đã bắt đầu bước vào "tuổi ngọc", nhưng tội nghiệp, biết nhà mình nghèo, biết mẹ mình buôn thúng bán bưng, biết anh mình vẫn chiều chiều đi kèm trẻ kiếm thêm tiền và cặm cụi học đốt giai đoạn cho chóng thành tài. Biết thế nên em ít khi nào xin mẹ, xin anh tiền may áo mới, hai chiếc áo dài trắng đủ cho em thay đổi. Em lớn lên thiếu tình của bố, nên tôi "quyền huynh thế phụ". Nhiều lúc nhìn mẹ, nhìn em, tôi vẫn không hiểu tại sao bố lại đành đoạn dứt áo ra đi.

Tôi thi đỗ Tú Tài toàn phần năm 18 tuổi, và ra Huế học Đại học Văn khoa. Mẹ ở một mình với em ở Đà Nẵng. Mỗi cuối tuần, tôi theo xe đò về thăm mẹ và em, đến sáng thứ hai trở lại trường. Ở Huế, tôi tiếp tục công việc kèm trẻ tư gia. Với số tiền nhỏ nhoi kiếm được, tôi phụ mẹ nuôi em.

Qua sinh nhật thứ 13 của em mấy tháng, một chiều mẹ bỏ buổi chợ, về nhà than nhức đầu, tưởng là cảm nhẹ, mẹ sai em cạo gió và nấu cho mẹ bát cháo hành. Khuya đó mẹ lên cơn sốt, lảm nhảm nói mê, sáng hôm sau em nghỉ học chở mẹ vào nhà thương và nhờ người nhắn tin ra cho tôi ở Huế.

Lật đật trở vào Đà Nẵng bằng chuyến xe đò chót. Trời tối đã lâu, không kịp ăn uống, từ bến xe tôi đi thẳng đến bệnh viện. Trong căn phòng nhỏ, dưới ánh đèn vàng mờ đục, mẹ nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, còn em đang ngồi ngủ gà ngủ gật cạnh giường. Đứng yên lặng nhìn mẹ xanh xao bất động, và khuôn mặt thơ dại của em, trong giấc ngủ hai khóe mắt vẫn còn long lanh giọt lệ, tôi nghe lòng mình quặn thắt.

Đánh thức em dậy, em ngơ ngác dụi mắt vài giây. Nhận ra tôi, em nhào tới ôm chầm và òa lên khóc, em cho hay là từ lúc đưa mẹ vào đây, mẹ chỉ tỉnh lại một vài phút vào khoảng giữa trưa, sau đó mẹ hôn mê trở lại. Tôi an ủi em, rồi cùng em ra văn phòng bệnh viện. Cô y tá trực cho hay mẹ bị đứt một tĩnh mạch ở đầu. Tôi bàng hoàng như bị ai nện một nhát búa vào ngực. Cô y tá bùi ngùi nhìn em, đôi mắt xót xa.

Tối đó, anh em tôi cùng ở lại với mẹ, em mệt mỏi, nên chỉ một thoáng là đã ngủ say. Trong giấc ngủ mệt nhọc, thỉnh thoảng em ú ớ mẹ ơi, mẹ ơi rồi nức lên mấy tiếng. Tôi nghe như dao cắt trong lòng. Suốt đêm không ngủ, tôi cứ ngồi nhìn mẹ nằm im lìm và bên chân mẹ em ngủ chập chờn. Tôi tự nhủ thầm với mình đừng khóc, đừng khóc .... nhưng sao nước mắt vẫn cứ trào ra, một tay ve vuốt bàn tay xanh xao của mẹ, một tay nắm lấy bàn tay nhỏ bé của em, tôi để mặc cho hai dòng nước mắt chảy nhạt nhòa trên má.

Mẹ thở hơi cuối cùng lúc năm giờ sáng, mẹ không tỉnh lại để trăn trối với hai con một lời gì. Mẹ đi trong yên lặng. Tôi nắm bàn tay mẹ và thấy tay mẹ lạnh dần. Tôi đánh thức em dậy. Hai anh em hôn lên trán mẹ giã từ. Em vuốt mắt mẹ. Mắt mẹ nhắm hờ. Em ôm chặt hai tay mẹ, ủ vào lòng mình miệng kêu lên nho nhỏ: mẹ ơi, mẹ ơi... Em khóc lặng lẽ, áp mình vào ngực mẹ nước mắt em tuôn ràn rụa làm ướt đẫm cả vạt áo me bạc màu. Những tiếng kêu nghẹn ngào của em như những viên đạn bắn thẳng vào tim, tôi ngồi bất động nhìn mẹ, nhìn em, lòng đau như muối xát. Tội nghiệp mẹ tôi, tội nghiệp em tôi. Em mới mười ba tuổi ...

Chôn mẹ xong, tôi bỏ học. Còn lòng dạ nào mà học nửa. Nhưng em thì phải trở lại trường.

Bán đi căn nhà nhỏ xiêu vẹo và gom tóm tất cả vốn liếng của mẹ để lại, tôi đưa hết số tiền cho mẹ của Minh, một người bạn thân tôi . Minh có Hân, cô em gái cùng tuổi , cùng lớp với em. Tôi gửi em đến đó ở và đi học với Hân, cũng may, bố mẹ Minh coi anh em tôi như con. Tôi dặn dò em đủ điều. Số tiền tôi gởi cho mẹ Minh đủ để trả tiền ăn ở của em trong hai ba năm. Tôi còn đưa thêm cho em một ít để em mua sách vở, may áo quần, tiêu vặt. Tôi ôm em và hứa với lòng, hứa với vong hồn mẹ là sẽ lo lắng, sẽ bảo bọc em cho đến trọn đời.

Tôi vào trường Võ Bị Đà Lạt năm 20 tuổi, lương sinh viên sĩ quan ít ỏi, tôi tiết kiệm không dám xài nhiều, để dành gởi về cho em mỗi tháng. Tôi dặn em viết thư mỗi tuần kể cho tôi nghe chuyện học hành. Tôi bắt em hứa là không bao giờ dấu tôi một điều gì dù nhỏ bé. Em ngoan ngoãn vâng lời. Mỗi năm tôi được về phép một lần, hai anh em quấn quýt không rời. Tôi đưa em đi thăm mẹ. Chúng tôi lặng yên cầm tay nhau quỳ bên mộ mẹ, nước mắt lưng tròng.

Em lớn lên và ngày càng giống mẹ. Cũng khuôn mặt và cái nhìn nhẫn nhục, cũng đôi mắt xa xăm buồn hiu hắt. Bình thường em rất ít nói, có lẽ không cha, mồ côi mẹ quá sớm và anh lại ở xa đã làm em rụt rè. Cũng may, bên cạnh em vẫn còn có Hân. Lễ mãn khóa của tôi, em và Hân cùng lên tham dự, lúc này, em đã thi đổ vào trường Sư Phạm Qui Nhơn, hai năm nửa em sẽ trở thành cô giáo, tôi hãnh diện giới thiệu em và Hân với các bạn mình. Nhìn dáng em thẹn thùng e ấp, tôi thấy lòng mình rạt rào thương em. Tôi thầm gọi mẹ, mẹ ơi, hai con của mẹ đã trưởng thành và đã nên người.

Ra trường, tôi chọn binh chủng nhảy dù, có lẽ cũng chỉ vì tôi thích màu mũ đỏ. Em vào học và ở nội trú trong trường sư phạm. Tôi thấy mình yên tâm hơn. Mỗi tháng, tôi vẫn gửi về cho em một nửa tiền lương lính của mình để trả tiền phòng, tiền ăn. Tôi biết con gái cần nhiều thứ hơn con trai, như áo quần, son phấn... Em vẫn viết thư cho tôi mỗi tuần như em đã làm trong mấy năm qua. Em kể chuyện học hành, chuyện bạn bè, em lo sợ là tôi đi tác chiến nhỡ có ngày bố con gặp nhau ở chiến trường, làm sao nhận ra nhau, em không nói thêm, nhưng tôi cũng hiểu, tên đạn vô tình, nếu nhỡ.

Hai năm em học Sư Phạm trôi qua thật nhanh. Em bây giờ đã là một cô giáo trẻ. Em được đổi về dạy tại một trường tiểu học gần thị xã Phan Rang. Em thuê nhà chung với hai cô giáo khác. Mỗi ngày ba cô giáo ngồi xe lam đi đến lớp, chiều về cả ba cùng quây quần nấu nướng. Em viết thư cho tôi và khoe có quen với Tuấn, một Sĩ quan Hải quân đồn trú ở Phan rang. Em khen Tuấn hiền lành, ít nói. Em kể thêm là Tuấn chỉ còn có mỗi một mẹ già.

Chiến tranh ngày thêm khốc liệt, đơn vị tôi hành quân liên miên, có khi cả năm chúng tôi mới được về hậu cứ một lần. Tôi bị thương hai lần trong cùng một năm. Tôi dấu em, không cho em biết sợ em lo lắng. Trong những tuần lễ nằm bệnh viện và ở hậu cứ dưỡng thương, tôi bắt đầu viết bài đăng trên các báo và tạp chí. Tôi kể lại những trận đụng độ kinh hoàng giữa đơn vị tôi và giặc Cộng, tôi kể lại những "kỳ tích " của bạn tôi, của Mễ, của Lô ....

Sau một lần bị thương nhẹ ở tay, tôi lấy mấy ngày phép ra Phan Rang thăm em. Em mừng rỡ ôm lấy anh, nhưng khi thấy cánh tay băng bột em xót xa bật khóc. Tôi an ủi em là biết đâu sau chuyến bị thương này tôi sẽ được về làm việc hậu cứ. Ngày hôm sau, nghe tin, Tuấn đến thăm. Thoạt nhìn, tôi đã có cảm tình với Tuấn, đúng như em nói, Tuấn trông rất hiền lành. Trong suốt tuần lễ ở Phan rang, em vẫn phải đi dạy, nhưng may là có Tuấn, mỗi ngày Tuấn tới chở tôi đi ăn sáng, trưa Tuấn và tôi lang thang ra chợ bạ gì ăn đó đợi giờ ba cô giáo đi dạy học về. Buổi tối, em đi ngủ sớm, Tuấn ngồi lại nói chuyện với tôi cho tới khuya. Bên ly cafe, tôi kể cho Tuấn nghe chuyện của mình. Những hình ảnh yêu dấu, xót xa như một cuộn phim củ quay chầm chậm. Tôi rưng rưng kể lại ngày mẹ mất. Tuấn lấy tay chùi mắt, trong đêm tối , tôi thấy mắt Tuấn long lanh ...

Bảy ngày phép cũng trôi nhanh. Tôi trở về Saigòn, lòng cảm thấy vui và nhẹ nhàng vì đã có dịp gặp Tuấn. Tôi tin Tuấn sẽ không làm khổ em. Ba tuần sau, tôi nhận được thư Tuấn, trong thư Tuấn kể về gia đình (mặc dù tôi đã nghe em kể trong các lá thư). Tuấn muốn tiến tới với em. Tuấn xin phép được đưa mẹ Tuấn đến gặp tôi. Tuấn hứa là sẽ săn sóc và thương yêu em. Đọc thư Tuấn tôi ứa nước mắt vì mừng. Mừng cho em may mắn không gặp những trắc trở trên đường tình ái, mừng cho em gặp được một người chồng hiền hậu. Tôi viết thư cho em và Tuấn, bảo hai em lo thế nào cho tiện, chỉ cố làm sao cho giản đơn vì cả hai đứa cùng nghèo.

Bốn tháng sau, Tuấn và em làm đám cưới, nhà gái ngoài tôi còn có thêm mấy thằng bạn trong đơn vị, ông hiệu trưởng, thầy cô giáo và rất đông học trò. Nhà trai ngoài mẹ Tuấn, mấy gia đình anh chị họ còn thêm một số bạn bè Hải quân cùng đơn vị. Nhìn em xúng xính trong bộ đồ cưới, tươi cười đứng bên cạnh Tuấn, tôi gọi thầm mẹ ơi, mẹ ơi, về đây dự đám cưới của em.
Tôi theo đơn vị lội thêm hai năm nửa ở vùng giới tuyến, thì "tai nạn" xảy ra. Trong một lúc nóng giận vì thấy ông xếp của mình sao ngu và bẩn quá, tôi không giữ được lời và đã xúc phạm đến ông, kết qủa là tôi bị đưa ra hội đồng kỷ luật và tống ra khỏi binh chủng nhảy dù.

Sau một thời gian ba chìm bảy nổi, tôi đổi về cục Tâm lý Chiến, thời gian này tôi đã khá nổi tiếng, những bút ký chiến trường về Tết Mậu Thân, Bình Long. An Lộc ... đã làm vinh danh binh chủng củ của tôi. Tôi được giải thưởng văn học với bút ký "Mùa Hè Đỏ Lửa". Tiền thưởng và tiền bán sách tôi gửi hết cho em. Tuấn và em dùng tiền này mua được một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Phan rang, gần trường em dạy.

Mới ngày nào đó còn thẹn thùng nấp bên vai Tuấn mà bây giờ em đã mấy con. Mỗi dịp rảnh rỗi, tôi lại ra Phan rang ở chơi với em, với cháu. Tôi ôm cháu, hôn vào hai má phúng phính, hít vào phổi mùi thơm của trẻ thơ mà thấy lòng mình dịu lại, những cay đắng, cực nhọc của đời theo tiếng cười lanh lảnh giòn tan của cháu mà bay xa, bay xa. Tôi nhìn hai vợ chồng em, nhìn bầy cháu nhỏ lẫm chẫm quây quần bên chân mẹ mà lòng vừa vui mừng vừa hãnh diện. Tôi ao ước mẹ tôi nhìn thấy được cảnh này .

Biến cố tháng 4 /75 tới như một định mệnh oan nghiệt, cả Tuấn và tôi đều phải ra trình diện cải tạo. Em ở lại một mình với một bầy con nhỏ, đứa lớn nhất chưa đầy sáu tuổi và đứa nhỏ nhất còn nằm trong bụng mẹ. Trong trại, tôi cứ đứt ruột nghĩ về em và bầy cháu nhỏ. Mẹ của Tuấn đã quá già, làm sao lo phụ với em đây. Rồi em còn phải lo lắng về số phận chồng, số phận anh. Tôi quay quắt như ngồi trên đống lửa, tôi nghĩ đến lời hứa với vong hồn mẹ hôm nào mà lòng đau như xé, con đã thất hứa với mẹ, mẹ ơi, con đang ở đây tù tội thì làm sao lo được cho em ...

Năm 76 tôi bị đưa ra Bắc. Tôi mất liên lạc với em và Tuấn từ tháng 5/75. Làm sao em biết tôi ở đâu mà thư từ thăm gửi. Không biết em có biết Tuấn ở đâu không, trại tù mọc lên như nấm từ Nam ra Bắc. Hồi còn ở trong Nam, từ Trảng lớn, qua Suối máu, đâu đâu tôi cũng cố dò hỏi tin Tuấn nhưng vô hiệu. Tù nhân đông quá ...

Trại cải tạo Sơn La, sau đợt cho viết thư về gia đình đầu tiên, ba tháng sau tôi nhận được thư em. Thư em đến tay tôi vào giữa năm 77. Hơn 2 năm 1 tháng tôi mới nhìn lại nét chữ của em. Run run bóc thư, mắt tôi cay nồng, nhạt nhòa. Em cho hay là Tuấn đang cải tạo ở Long Thành, Tuấn có thư về và cho biết vẫn bình an, mẹ Tuấn dạo này yếu lắm vì cụ đã quá già, em vẫn đi dạy, hai cháu nhỏ ở nhà với bà nội, hai cháu lớn theo mẹ vào trường, em cho hay đứa con gái út em đặt tên Tâm, Trần thị Minh Tâm, cháu sinh ngày 12 tháng 9 năm 75, gần 4 tháng sau ngày bố cháu và bác cháu vào tù.

Gần cuối thư, em báo tin là bố còn sống và hồi đầu năm 76 có tìm đến gặp em, làm sao bố tìm ra địa chỉ thì em không biết, nhưng hôm ấy bố đến, bố tự giới thiệu tên mình. Em ngỡ ngàng, ngày bố ra đi em mới tròn ba tuổi, hơn hai mươi năm sau gặp lại làm sao em nhận được, bố xoa đầu đám cháu ngoại đang trố mắt nhìn người đàn ông lạ, bố hỏi về anh, về Tuấn, khi em hỏi lại bố là làm sao để biết anh và Tuấn đang bị giam giữ ở trại cải tạo nào, bố lắc đầu không nói gì. Bố cho hay là bố đang có gia đình ở Bắc, ngoài ấy bố có thêm hai trai và hai gái. Đứa trai lớn nhất thua em bốn tuổi.

Bố mang vào cho em hai mươi ký gạo và một chục cam. Bố ở chơi một ngày rồi trở về Hà nội. Lúc bố về em có tặng bố cái radio-cassette của anh cho ngày nào. Bố thích lắm, bố hứa sẽ đến thăm anh trong trại tù. Từ hồi trở ra Bắc dến giờ bố chưa liên lạc lại với em, và em cũng không có địa chỉ của bố ở ngoài ấy.

Tôi đọc thư lòng thấy phân vân, tôi cũng như em, không hình dung ra nổi bố tôi hình dáng mặt mũi ra sao, hai mươi mấy năm, tôi tưởng bố tôi đã chết.

Tháng 12 năm 77, tại trại cải tạo Sơn La, bố đến thăm tôi.

Đứng trong văn phòng viên sĩ quan trưởng trại một người đàn ông trung niên, tóc muối tiêu và gương mặt xương. Bộ áo quần dân sự khá thẳng thớm, và sự lễ phép của tên đại úy trưởng trại tiết lộ về địa vị không nhỏ của người này. Thấy tôi vào, viên trưởng trại quay qua nói nhỏ một câu gì đó rồi bước ra ngoài. Tôi im lặng đứng nhìn người đàn ông xa lạ.

Bố đến bắt tay tôi, tự xưng tên mình, bố gọi tôi bằng anh, bố kể là đã gặp em ở Phan rang, bố hỏi tôi học tập thế nào, bố không hề nhắc đến mẹ, có lẽ ông đã biết về cái chết của mẹ. Bố nói là có đọc văn tôi. Tôi ngồi yên nghe bố nói, sau cùng, bố đứng dậy, móc trong xách ra một gói nhỏ bảo đó là đường và thuốc lá, trao cho tôi, khuyên tôi cố gắng học tập tốt để sớm được khoan hồng. Tôi nhìn vào mắt bố, lòng thấy dửng dưng. Tôi bắt tay bố rồi về lại lán mình.

Đó, cuộc hội ngộ của bố con tôi sau hơn hai mươi năm là thế đấy. Chắc cuộc tái ngộ giữa bố với em cũng tẻ nhạt như thế. Có cái gì đó ngăn cách, có cái gì đó phân chia, có cái gì đó tôi không hiểu và không diễn tả được. Bây giờ tôi hiểu vì sao cái tin quan trọng đến thế mà em lại chỉ đề cập một cách ngắn ngủi ở cuối thư.

Lần đó là lần đầu và cũng là lần duy nhất tôi gặp bố trong suốt 13 năm lang thang trong các trại tù biệt giam miền Bắc.

Tháng 12/78, chuyển trại lên Yên Bái, tôi nhận thêm được hai lá thư của em, trong bức thư gần nhất, em viết vào tháng 8/78. Em cho hay tình trạng rất khó khăn, phụ cấp đi dạy không đủ nuôi một mẹ già và bốn con thơ, em đã bán lần mòn hết những đồ trang sức và luôn cả những đồ vật trong nhà. Em vẫn chưa đi thăm nuôi Tuấn được một lần nào. Không thể để bốn cháu nhỏ ở nhà cho bà nội vì cụ bây giờ đã quá yếu, mỗi buổi ăn, Uyên, cháu lớn phải đút cho bà. Ngoài ra, mỗi tối, từ lúc chạng vạng em và Hoàng, hai mẹ con phải ra đầu ngõ, ngồi bán bắp nướng đến khuya để kiếm thêm tiền đong gạo. Em than là dạo này mất ngủ, sức khỏe yếu lắm, em sợ nhỡ có mệnh hệ nào ...

Tôi thẫn thờ cả buổi vì bức thư em, ngày xưa tôi chỉ lo cho có mỗi mình em, còn bây giờ em phải lo cho bốn đứa con thơ và một mẹ già, kể luôn người chồng và ông anh đang tù tội là bảy, bảy cây thập giá đời đang đè nặng lên đôi vai gầy guộc, nhỏ bé của em. Tôi viết thư về an ủi, khuyên em cố gắng, tôi vỗ về em là có thể Tuấn sẽ được tha về sớm với em, với cháu, vì Tuấn đi hải quân và lon còn thấp, không có tội với cách mạng nhiều. Rồi tôi viết thêm cho em hai ba lá thư nửa mà vẫn không thấy hồi âm. Lòng tôi cồn cào, nóng như lửa đốt, những ngày dài tù tội, tôi không nghĩ đến cái đói, cái khổ của mình mà chỉ nghĩ đến em và mấy cháu, không biết giờ này, em và bốn cháu thơ dại đang có gì ăn ?

Tháng 6/79, một sáng trên đường lên rừng đốn nứa, tôi nghe loáng thoáng câu chuyện giữa các bạn tù. Họ nghe từ các bà vợ đi thăm nuôi kể lại, rằng ở Phan Rang có một chị có chồng đang đi cải tạo, chị chết đi, để lại bốn con thơ, đứa bé nhất mới lên ba, còn đứa lớn nhất chưa đầy chín tuổi . Tội nghiệp, họ hàng nội ngoại không có một ai. Tôi bỗng dưng thấy lạnh toát cả sống lưng, lại gần hỏi thêm thì người bạn tù cho hay là nghe nói chị ấy làm nghề cô giáo, có chồng sĩ quan hải quân đang đi tù cải tạo ở đâu đó trong Nam. Người chồng, trung úy hải quân trước cũng đóng ở Phan Rang. Trần Nguyên Tuấn, hải quân trung úy Trần nguyên Tuấn.

Tôi thấy đất trời đảo lộn, tôi thấy mặt trời nổ tung trong óc, tôi hụt hơi, miệng há hốc đứng như trời trồng giữa núi rừng Yên Bái, bên cạnh tôi tiếng người nói lao xao. Tôi không nghe gì hết, tai tôi lùng bùng, mắt tôi mờ đi, tôi đang nhìn thấy xác em nằm co quắp trên manh chiếu, bốn đứa cháu của tôi, cháu Minh Tâm chưa đầy ba tuổi đang lấy tay lay lay xác mẹ, cháu lớn Thu Uyên chưa đủ chín tuổi đang ôm chân mẹ khóc lóc ủ ê, hai đứa kia, Hoàng và Châu ngơ ngác đứng nhìn. Trời tháng 6 mùa hè Yên bái mà sao tôi thấy thân mình lạnh buốt. Tôi tê dại, tôi hóa đá, tôi không còn cảm xúc, tôi muốn hét lên cho tan vỡ cả vũ trụ này. Trong lung linh màu nắng vàng buổi trưa Yên Bái, tôi thấy bóng em nhập nhòa, chập chờn. Em của tôi, đứa em côi cút của tôi ...

Mũi súng AK thúc vào cạnh sườn, người vệ binh chắc cũng ngạc nhiên không hiểu sao bỗng dưng tôi đứng như trời trồng giữa lộ. Anh quắc mắt nhìn tôi dò hỏi, tôi không nói gì, im lặng nhập vào dòng tù. Nước mắt chảy dài trên hai má hóp, tôi bước đi như kẻ mộng du ...











Tham khảo thêm về tác giả Phan Nhật Nam














Ngô Thế Vinh & Phan Nhật Nam







Phan Nhật Nam:
Võ Phiến – Một mình, Mưa Đêm Cuối Năm..



I-Thân Thế

Nhà văn Võ Phiến tên thật là Đoàn Thế Nhơn, sinh Ngày 20 Tháng 10, 1925 tại Làng Trà Bình, Huyện Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định. Bút hiệu Võ Phiến do từ khuê danh của hiền nội, Bà Võ Thị Viễn Phố. Thời gian viết Bách Khoa ông còn ký bút hiệu Tràng Thiên trong văn phẩm chính luận hoặc biên khảo. Năm 1942 ra Huế học trường Thuận Hóa và bắt đầu viết văn. Bài tùy bút đầu tiên Những Đêm Đông viết năm 1943 đăng trên báo Trung Bắc Chủ Nhật ở Hà Nội, ký tên Đắc Lang. Vào thời điểm 1945, trong tình thế nhiễu nhương hỗn loạn trước, sau lần Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, khi Nhật đầu hàng đồng minh nơi mặt trận Châu Á trong ngày 2 Tháng 9, cũng như phần đông nếu không nói là hầu hết thanh niên người Việt cùng lứa tuổi, Võ Phiến gia nhập bộ đội Việt Minh. Đây là tổ chức cộng sản do Hồ Chí Minh thủ lãnh với chiêu bài đánh Nhật, giành độc lập dân tộc. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ra khi thấy ra mưu định không thực của Việt Minh, 1946 ông rời bỏ hàng ngũ ra Hà Nội tiếp học trường Văn Lang. Cuối năm 1946, ông trở về lại Bình Định tham gia kháng chiến chống Pháp khi chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ vào ngày 19 tháng 12, 1946 từ Hà Nội.

Năm 1948, ông kết hôn với cô Võ Thị Viễn Phố, dạy học ở trường trung học bình dân Liên Khu V (Theo phân định hành chánh của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thành hình ngày 2 tháng 9, 1945 tại Hà Nội) bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên do bộ đội Cộng Sản Việt Minh kiểm soát phần lớn, Tuy nhiên, các thành thị, thị xã vẫn dưới quyền cai quản của giới chức hành chánh-quân sự Quốc Gia Việt Nam (1949-1955). Sau Hiệp Định Genève 20 tháng 7, 1954, vùng Nam-Ngãi-Bình-Phú trở về thuộc quyền kiểm soát của chính quyền quốc gia, cuối năm 1954, ông ra Huế làm việc tại Nha Thông Tin ít lâu rồi xin chuyển vào Quy Nhơn.

Tại Quy Nhơn, ông tự xuất bản hai tác phẩm đầu Chữ Tình (1956) và Người Tù (1957), gửi bài đăng trên hai tạp chí Sáng Tạo và Bách Khoa tại Sài Gòn. Từ tác phẩm thứ ba, Mưa Đêm Cuối Năm xuất bản năm 1958 tại Sàigòn, Võ Phiến dần giữ chỗ đứng hàng đầu trong văn giới Miền Nam với văn nghiệp sáng chói thể hiện tâm thức nhân ái, nhân bản. Ông cộng tác thường xuyên với các tạp chí Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Văn, Khởi Hành… Cùng với Nguyễn Hiến Lê, ông là một trong những cây bút trụ cột của Báo Bách Khoa, Chủ Bút Lê Ngộ Châu tập san văn học quan trọng của văn và báo giới Miền Nam cho đến 30 tháng 4, 1975. Năm 1962, Võ Phiến lập nhà xuất bản Thời Mới phần lớn in sách của ông.

II- Sự Nghiệp

Với sự nghiệp văn hóa lớn dài theo 21 năm của VNCH, chứng thực ý thức chính trị-xã hội nhân bản, tự do, khai phóng, Võ Phiến bị giới cầm quyền cộng sản Hà Nội kết án là “Nhà văn chống cộng số Một của miền Nam- Danh tính ông được (đúng ra là bị) nêu lên đầu bảng những nhà văn sẽ bị hành quyết ngay sau khi lực lượng cộng sản chiếm đóng Sài Gòn. Những danh tính khác gồm các nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Chu Tử…Dẫu chỉ là hàng hậu bối, tên anh cũng được (bị) xếp vào hàng thứ 6. Bản danh sách khai tử nầy không biết do từ đâu mà có, và dẫu không được thi hành toàn vẹn, nhưng chẳng có ai thuộc thành phần văn nghệ sĩ miền Nam trong danh sách kia được an toàn sau 30 Tháng 4, 1975. Chu Tử Chu Văn Bình chết trên đường di tản; Nguyễn Mạnh Côn chết vào năm thứ hai tại trại tù; Hồ Hữu Tường, Vũ Hoàng Chương được đưa khỏi trại để về chết tại nhà.. Những văn nghệ sĩ thuộc thành phần quân đội như Đại Tá Phạm Văn Sơn trưởng Khối Quân Sử/Bộ Tổng Tham Mưu/QLVNCH; Thiếu Tá Nhà Thơ Thục Vũ, Đại Úy Nhạc Sĩ Minh Kỳ.. chết nhiều cách khác nhau do bị bức hại tại trại tù; những người thủ đắc sức chiến đấu từ chữ nghĩa như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên chịu án khổ sai trên dưới 10 năm; Nhà Văn Thảo Trường, Thiếu Tá Trần Duy Hinh chịu án tù lâu nhất ngang với hàng tướng lãnh (1975-1991).. Thế nên, từ kinh nghiệm sống/chết trong hàng ngũ cộng sản trước 1954, Võ Phiến phải tồn tại để tiếp tục cuộc chiến đấu trên mặt trận văn hóa mà lần thất trận quân sự 30 Tháng 4, 1975 chỉ là một chuyển tiếp bất khả kháng.. Võ Phiến rời khỏi nước một tuần trước ngày Sài Gòn bị chiếm đóng. Đến Mỹ thoạt tiên gia đình ông ở Minnesota, xong định cư và làm công chức thuế vụ tại Los Angeles. Tiếp tục xử dụng chữ, nghĩa như một vũ khí, Võ Phiến là một trong những người đầu tiên xây dựng nền văn học Việt Nam Hải Ngoại, chủ trương tập san Văn Học Nghệ Thuật từ 1978 đến 1979, tiếp theo từ 1985 đến 1986. Tờ Văn Học Nghệ Thuật do Võ Phiến chủ biên là nguyệt san văn học có uy tín, mở đầu cho một trào lưu văn học đích thực mà sau này trở thành Văn Học Việt Nam Hải Ngoại.

Tác Giả Võ Phiến là một nhà văn hàng đầu của Miền Nam trước 1975, của Văn Học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp của ông kéo dài hơn nửa thế kỷ từ Thế Kỷ 20 qua 21, gồm 18 tác phẩm sáng tác văn học được phân loại như sau. Tiểu thuyết: Giã Từ (Bách Khoa, Sàigòn, 1962); Một Mình (Thời Mới, Sàigòn 1965), Đàn Ông (Thời Mới, Sàigòn 1966); Nguyên Vẹn (Người Việt, CA, 1978).

Tác phẩm truyện ngắn: Chữ Tình (Bình Minh, Quy Nhơn, 1956); Người Tù (Bình Minh, 1957); Mưa Đêm Cuối năm (Tự Do, Sàigòn, 1958); Đêm Xuân Trăng Sáng (Nguyễn Đình Vượng, Sàigòn 1961); Thương Hoài Ngàn Năm (Bút Nghiên, Sàigòn 1962); Về Một Xóm Quê (Thời Mới, Sàigòn 1965); Truyện Thật Ngắn (Văn Nghệ, California, Sàigòn 1991). Thể loại tùy bút: Thư Nhà (Thời Mới, Sàigòn 1962); Ảo Ảnh (Thời Mới, Sàigòn 1967); Phù Thế (Thời Mới, Sàigòn 1969); Đất Nước Quê Hương (Lửa Thiêng, Sàigòn 1973); Thư Gửi Bạn (Người Việt, CA, 1976); Ly Hương (in chung với Lê Tất Điều, Người Việt, CA 1977); Lại Thư Gửi Bạn (Người Việt, CA 1979); Quê (Văn Nghệ, CA 1992).

Bốn tác phẩm dịch thuật gồm: Hăm-bốn Giờ Trong Đời Một Người Đàn Bà (Stéfan Zweig, Thời Mới, Sàigòn 1963); Các Trào Lưu Lớn Của Tư Tưởng Hiện Đại (André Maurois, Thời Mới, Sàigòn 1964); Truyện Hay Các Nước (Hai tập cùng dịch với Nguyễn Minh Hoàng, Thời Mới, Sàigòn 1965); Ông Chồng Muôn Thuở, Dostoyevsky, Sàigòn 1973).

Tác Phẩm Tiểu Luận: Tiểu Thuyết Hiện Đại (Ký Tràng Thiên, Thời Mới, Sàigòn 1963); Văn Học Nga Xô Hiện Đại (Thời Mới, Sàigòn 1965); Tạp Bút (Ba tập, Thời Mới, Sàigòn 1965-66); Tạp Luận (Trí Đăng, Sàigòn 1973); Chúng Ta Qua Cách Viết (Giao Điểm, Sàigòn 1973); Viết (Văn Nghệ, CA 1993); Đối Thoại (Văn Nghệ, CA 1993).

Biên khảo: Văn Học Miền Nam Tổng Quan (Văn Nghệ, CA 1986), Văn Học Miền Nam, 6 tập gồm 3 tập về Truyện; 1 Ký; 1 Kịch – Tùy Bút; và 1 tập Thơ (Văn Nghệ, CA 1999).

Toàn bộ tác phẩm Võ Phiến được in lại trong Võ Phiến Toàn Tập gồm 9 cuốn (Văn Nghệ, CA 1993).

Năm 2010, Võ Phiến cho in Cuối Cùng, gồm tạp bút, và thơ mới viết của ông. Hóa ra đây là tác phẩm cuối cùng của Tác Giả Võ Phiến thật như tựa đề của cuốn sách

Đánh giá văn nghiệp của tự thân trong toàn cảnh chung của Miền Nam trước 30 tháng 4, 1975, Võ Phiến đã có kết luận chung quyết: Trước và sau thời 1954-75 ở Miền Nam, không thấy ở nơi nào khác trên đất nước ta, văn học được phát triển trong tinh thần tự do và cởi mở như vậy. Bởi thực tế 70 năm tính từ khi tổ chức nhà nước gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thành hình tại Hà Nội vào ngày 2 tháng 9, 1945; tiếp giai đoạn cầm quyền từ 1954 trên nửa nước Miền Bắc; và cả nước sau 1975.. Đánh giá của Võ Phiến quả có một giá trị không thể phủ nhận được. Và nền văn học gọi là xã hội chủ nghĩa rốt cuộc chỉ sản xuất nên một thứ loại văn học (cũng đúng đối với tất cả những loại hình văn hóa-xã hội khác) đồng dạng, tầm phào, thô thiển.. khiến Phan Khôi, thủ lãnh Nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm, Hà Nội (1956-1957) đã đánh giá như một loại hoa vạn thọ. Đúng ra, chỉ là một loại hoa vạn thọ bằng giấy hàng mã rẻ tiền.

III-Kết Từ

Những ngày đơn độc trong bóng tối hầm giam suốt giai đoạn thăm thẳm (1981-1988) của 12 năm lưu đầy trên đất Bắc Việt, cũng như sau nầy vào những đêm mùa Đông nghe rõ từng âm động lách tách của hạt tuyết kết tụ hay vỡ tan trong vùng giá lạnh, yên tỉnh tột cùng nơi Minnesota.. Anh không có một cách thế sống nào khác trong hoàn cảnh “sống tận cùng/với cái chết” giăng giăng im lìm siết chặt bằng cách cho tâm trí rời ra khỏi thên xác để trở về nơi miền Nam với gia đình, với bằng hữu gần xa.. Nhưng cũng không cần phải nại đến với người thiết thân tại một cảnh sống tại một thời đểm không thể nào quên mà anh có thể sống lại với toàn thể đời sống Miền Nam không sai một chi tiết, không thiếu một cảm xúc, không quên một phản ứng, không bỏ sót một cảm xúc.. Anh nhớ/sống lại cảnh tượng cậu con út (sinh 1972) vừa bó vừa liếm đất nơi căn nhà mang số 27 Đường Trần Nhật Duật.. Nhìn con bò anh có xúc động lạ kỳ về ĐẤT để nên hiểu mối bàng hoàng tê liệt thần trí sau nầy – Giờ thật chết với Quê Hương/Buổi mất Đất/Mất Nước – Con tên Ly/Ly tan/Ly biệt. Từ hoài niệm về con, anh dẫn dắt tâm cảnh trở lại những ngày trước 30 tháng 4, 1975.. Từ nhà ở, góc đường Nguyễn Hùynh Đức/Trần Quang Diệu, anh đi đến Trần Quang Diệu nối dài, tới nhà Ông Hai (Phân biệt với Ông Cả, Nhà văn niên trưởng Doãn Quốc Sỹ) để nghe ra nhắn nhủ.. Phải đi thôi! Anh phải đi thôi! Lần đầu tiên anh nghe Ông Hai có âm nói cao hơn bình thường dẫu ánh mắt vẫn giữ nét trầm tĩnh, bình thản.. Vâng anh, chắc em phải đi thôi!

Những ngày nơi bóng tối, trong đơn độc anh nhớ rất đủ về Ông Hai trong hệ thống hoài niệm/sống/chết nầy. Và từ bóng tối, từ đêm thâu, từ mưa đêm cuối năm.. Tự nhiên anh nghĩ ra những lời..

Mưa Đêm Cuối Năm nhớ thương ai (1)

Sợi ngắn, sợi dài..

Sợi tóc mai (2)

Sống/chết tìm gì nơi Viễn Phố

Người Tù, Một Mình ngồi đơn côi!

Hay quá! Hóa ra Ông Hai đã tiên tri đủ cho mình! Hôm ấy, một đêm mưa lạnh trong bóng tối hầm giam Trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa cuối năm 1986, anh bật cười trong bóng tối với nước mắt chảy xuống khi nào không hay. Sau nầy đến Mỹ, anh được biết, Võ Phiến đã khóc hai lần: Một lần ở toà soạn Báo Bách Khoa trên đường Phan Đình Phùng, lần thứ hai trên tàu Messenger khi rời đảo Phú Quốc, giã từ quê hương..

Vâng, có những Đàn Ông đã bật khóc Một Mình khi Giã Từ chứ đâu phải riêng một Người Tù như anh trong Mưa Đêm Cuối Năm (1)

Kính tưởng ngày Ông Hai về cõi Phật

Cali 28/9/2015

Phan Nhật Nam

(1) Italic, các đầu sách của Võ Phiến
(2) Tóc mai sợi ngắn, sợi dài..
Lấy nhau không đặng.. Thương Hoài Ngàn Năm
Ca dao, Võ Phiến lấy làm đề tựa cho sách của ông.













Võ Phiến & Phan Nhật Nam






Phan Nguyên & Phan Nhật Nam













Trở về










MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.