Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

Lê Vượng















Lê Vượng
(26/3/1952 - .......) Sài Gòn
Hoạ sĩ














Kính tặng A. Hs Phan Nguyên
16/1/2023








Họa sĩ Lê Vượng sinh năm 1952 tại Sài Gòn. Anh học Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định từ năm 1970. Từ năm 1978 đến 1980, anh là giảng viên tại Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM và Trưởng Trang trí Mỹ thuật Đồng Nai.
Sau một thời gian dài ngưng nghỉ, từ năm 1993 anh bắt đầu sáng tác trở lại và từ đó đến nay, anh là một trong những họa sĩ được người thưởng ngoạn và giới sưu tập tranh ưa thích.









Lê Vượng tự hoạ



1970 - Học trường Quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Gia Định
1973 - Tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định
1977 - Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Gia Định
Giáo viên trường Đại học Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh và Trung học Trang trí Đồng Nai.
Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam – Hội viên Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh

1980 - Tham gia triễn lãm Mỹ thuật toàn quốc.
1986 - Triễn lãm chung tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
1992 - Triễn lãm hai người tại Art Gallery 55 Đồng Khởi.
1996 - Tham gia triễn lãm Quốc tế - nghệ thuật Đương đại Á Châu tại Nhật Bản.
1997 - Bằng khen giải thưởng Mỹ thuật Việt Nam của Công ty Philip Moris.
1998 - Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Tham gia triễn lãm Quốc tế Nghệ Thuật Đương Đại Á Châu tại Bão tàng Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh.

Triễn lãm hai người tại Gallery Xuân

1999 -  Triễn lãm chung “Yellow Apricot” tại Art Gallery Vĩnh Lợi TP. Hồ Chí Minh.
triễn lãm chung ở Hong Kong tại Parkview, Anda and Laurie Limited.

2001 - Triễn lãm chung tại Singapore.
2004 - Triễn lãm hai người tại Pháp.

Có tranh trong Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và sưu tập cá nhân tại Châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Nam Á












Ánh Sáng và Bóng Tối









Thế Giới Đồ Vật Của Lê Vượng




Có người nói tranh tĩnh vật là một hình thức biểu hiện thuần túy nhất trong hội họa. Ở tranh tĩnh vật, với những đồ vật bất động, người ta có thể tạo dựng được một thế giới riêng biệt đầy sức sông, làm cho những vật vô tri vô giác có được một tình cảm riêng; người nghệ sỹ có thể thể hiện tâm trạng của mình một cách trực tiếp hơn, ít bị cái đẹp bề ngoài chi phối như ở tranh chân dung hay phong cảnh, do đó có thể đi sâu trực tiếp vào thực tại của sự vật hơn.

Có lẽ vì thế mà xem tranh Lê Vượng, hầu hết là đề tài tĩnh vật, người ta thấy cảm nhận được một cách dễ dàng con người của anh hơn. Đó là một thế giới đặc biệt với những ấm đất thô mộc, những tô chén đã chịu nhiều thử thách của thời gian, những vật dụng hằng ngày như chiếc ghế đẩu, chiếc đèn dầu cũ kỹ. Thậm chí có vật tầm thường đến nỗi không biết dùng để làm gì như gốc cây già đã chết chẳng hạn...

Những đồ vật ấy không chỉ có ý nghĩa như vật làm mẫu để vẽ mà lâu ngày, đã trở thành bè bạn thân thiết, "mỗi ngày một gần gũi hơn", như lời anh tâm sự.

Những đồ vật ấy tìm thấy sức sống của mình qua bàn tay của người bạn họa sỹ của chúng nhờ cách phôi trí màu sắc - phần nhiều là nâu sậm, nâu đỏ, màu thổ hoàng, thỉnh thoảng điểm xuyết một màu xanh lục hoặc màu đỏ sáng - và ánh sáng - thường được phân phối từ vùng bóng tối để cuôl cùng tới một vùng đỉnh cao rực sáng - một thủ thuật, một nghệ thuật ta thường thấy ở các bậc thầy Âu châu thế kỷ 17. Trong một không gian u ám bỗng xuất hiện một luồng ánh sáng lan tỏa ra khắp nơi, vấp phải những đồ vật nằm rải rác đâu đó, chia sẻ cho mỗi vật ấy một phần không đều nhau. Rồi như có một sự thiên vị nào đó, cái ánh sáng ấy bỗng dừng lại ở một nơi mà nó cảm thấy là xứng đáng - một chén men sứ trắng chẳng hạn - và dốc hết những gì mình có vào nơi ấy.

Trong hội họa, đôi khi cách tô màu và bố trí ánh sáng cho ta một cảm nhận về âm nhạc. Cái không khí âm nhạc của Lê Vượng vẳng lên từ một không gian thâm - u - tịch - mịch, một hòa âm trầm trầm rồi bỗng vút cao, có lẽ được phát ra từ cái chén chói chang ánh sáng kia. Còn những chiếc ấm đất khiêm tốn và thường được "phát" cho một lượng ánh sáng cũng khiêm tốn cũng có vai trò phụ họa đáng kể cùng với những đồ vật bằng gỗ hay tre nứa trong "dàn nhạc" này!

Trong một vài bức tranh thì âm thanh không còn được gợi trong trí tưởng tượng của người xem nữa. Như ở bức tranh vẽ ba chiếc ấm đất vây quanh một gốc cây xù xì, đã chết và đã không còn bất cứ một giá trị nào hết trong đời thường, hoặc cũng có thể nói chỉ còn giá trị củi lửa, nhưng trong lúc này đây nó đã được lên ngôi, đứng sang trọng giữa vòng bảo vệ của các đồ vật bằng đất. Sự sang trọng của nó còn được tôn lên bằng mảnh vải đỏ, chỉ một mảnh nhỏ, nhưng cũng thấy nó cần thiết biết bao nhiêu! Ở đây, nếu có âm thanh thì đó là một loại âm thanh cô tịch, chưa kịp phát ra. Một hòa âm của gỗ và đất...

Không phải bởi vì ông đã vẽ những đồ gốm cổ mà ta có một tình cảm trân trọng. Ngược lại trong một vài tranh mô tả tỉ mỉ đồ men sứ xanh trắng, ta có cảm giác như một sự bày hàng, một sự phô trương cứng nhắc. Trong khi đó những chiếc ấm đất, nồi đất, bình đất, những chiếc đèn dầu cũ kỹ và những đồ vật không giá trị khác mới thật sự là những người bạn của ông, mà ông đã vẽ với tất cả tình yêu của mình. Cũng ở đó ta có cảm tưởng như ông rất nhiều lần mân mê, nâng niu chúng, thuộc lòng từng chỗ thô ráp, từng cái lỗi kỹ thuật của người thợ đã làm ra chúng. Bằng tình yêu đó, ông sắp xếp chúng lại, tạo một không khí cho chúng thở. Chúng là những cái cớ để cho ông mặc sức tung hoành cái thủ pháp trông bề ngoài rất hiền hoà ấy.

Nhưng điều quan trọng hơn và cũng là điều đã quyết định cuộc đời sáng tạo của ông có lẽ là "càng vẽ càng muốn làm sao có thể đi sâu hơn, nhuyễn hơn trước". Và một điều nữa, quan trọng hơn gấp bội, là "rốt cuộc chưa bao giờ thấy thỏa mãn".

Đây là một con người đang tự đi tìm mình. Mỗi ngày ông ung dung tận hưởng cái hạnh phúc làm công việc đó. Và mỗi ngày, từ những đồ vật mà ông yêu thương và có thể nói là dựa dẫm vào, ông lần bước để đi tìm gặp cái bản thể của chính mình.

Ghi chú: Những dòng chữ trong ngoặc kép là lời nói của họa sỹ Lê Vượng.

Tp. Hồ Chí Minh, tháng 12 năm 2003

Nguyễn Trung


























Tác phẩm tiêu biểu


























































































































































































































Phía sau sự im lặng bình dị

Nguyên Hưng


"Tôi yêu thích sự im lặng, sự bình dị. Tôi cảm nhận mọi sự im lặng đều có ý nghĩa chứa đựng, và mọi sự bình dị đều có ý nghĩa bao dung. Tôi tìm thấy trong thế giới tĩnh vật ở chung quanh, trong những không gian tranh tối, tranh sáng... nơi trú ngụ của tâm hồn mình...". (LV)

Tôi hơi bất ngờ khi đọc những dòng trên. Có lẽ đó là một trong những "tuyên ngôn" về cách sống cũng như về nghệ thuật của Lê Vượng - sự trầm lắng của nó có vẻ trái ngược với tính cách Lê Vượng trong đời sống hàng ngày - đơn giản đến mức xuề xòa...

Nhưng rồi xem nhiều, xem đi, xem lại tranh Lê Vượng, tôi cảm nhận, con người ta giữa cái dáng vẻ bên ngoài với cõi nội tâm không phải bao giờ cũng đồng nhất. Tôi tin rằng, tranh anh là cõi nội tâm anh phơi bày, và sự tự ý thức của anh thể hiện trong "tuyên ngôn" là trung thực. Hai lần trung thực - trung thực khi vẽ và trung thực khi nói...

Lê Vượng chuyên vẽ tranh tĩnh vật, chỉ vẽ tĩnh vật. Đối tượng trong tranh anh chỉ là những lọ gốm, tảng đá, bình vôi, ấm trà, tách nước, chiếc ghế tre, một nhánh cây khô, một mảnh vải... nói chung là những đồ vật bình dị trong thế giới thân quen. Tranh Lê Vượng, từ tác phẩm này sáng tác phẩm khác, khác nhau ở những nhóm đồ Vật và cách sắp xếp, nhưng đó không phải là điều quan trọng. Anh đã không áp dặt cho mỗi đồ vật một nội dung mang tính chất tượng trưng hay hiểu tượng nào. Giá trị độc lập của mỗi tác phẩm Lê Vượng là ở phối cảnh không, ở góc độ này, thoạt trông, người xem dễ có cảm tưởng là mọi tác phẩm của Lê Vượng đều giống nhau. Tất cả đều chìm trong một không gian tranh tối, tranh sáng. Sự thật thì không đơn gỉan như vậy. Cách bố cục đồ vẩ khác nhau với nhịp điệu biến hóa, cách phối cảnh ánh sáng khác nhau từ góc độ, liều lượng đến cường dộ, sự hòa họp của nhũng bảng màu khác nhau, v.v... trong từng cấu trúc chỉnh thể hình thức nhất định đã khiến cho mỗi tác phẩm của Lê Vượng có một tinh thần riêng biệt. Rất khó đơn giải cái tinh thần này bằng chữ nghĩa, lời nói. Tất cả tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cảm nhận. Có thể có người không yêu thích tranh Lê Vượng, tuy nhiên, cần Xác nhận, đó chỉ là sự không gần gũi về quan niệm nghệ thuật, về "gu" thẩm mỹ... còn tranh Lê Vượng, tự thân mỗi tác phẩm đều hàm chứa một sức sống, đều có riêng một tình ý...

Có một vài người trong và ngoài ngành mỹ thuật vần hay so sánh tranh Lê Vượng với tranh Đỗ Quang Em, và có khuynh hướng phủ nhận cái riêng Lê Vượng trong hội họa, xem hội họa Lê Vượng chỉ là phiên bán của hội họa Đỗ Quang Em, v.v... Đó là một ngộ nhận.

Hội họa cửa Lê Vượng, thực tế, nếu có giống hội họa Đỗ Quang Em thì cùng kim chỉ ở phương pháp. Cả hai đều tá thực đến chi li, cả hai đều nhắm đến cái đặc dị của chất liệu với sự chân xác chọn lọc, cả hai đều dùng đến phép phối cảnh ánh sáng, không khí, cả hai có tông màu gần giống nhau và có cùng một kỹ pháp sơn dầu, v.v... nhưng, về mặt tinh thần, thể hiện qua nghệ thuật cấu trúc, thì giữa Lê Vượng với Đỗ Quang Em khác nhau một trời, một vực. Đỗ Quang Em thực chất là một họa sĩ biểu hiện - ông hướng đến các cảm súc trữ tình siêu hình - cách sắp xếp đồ vật và phối cảnh không gian trong tranh ông hoàn toàn chủ định, phép phối cảnh ánh sáng trong tranh ông là sự phối hợp nhiều nguồn, nhiều khi nguồn sáng không xác định như sự phát sáng của bản thân sự vật... do dó, không khí trong tranh ông có tính chất siêu thực nhiều hơn. Nhìn chung, thế giới đồ vật trong tranh Đỗ Quang Em chỉ là cái cớ, ông biểu hiện sự (tịnh tĩnh của một tinh thần tự tại... Còn Lê Vượng vẫn là một họa sĩ tả thực với cảm xúc trữ tình hồn nhiên bình dị - không gian trong tranh anh vẫn là không gian hiện thực, ánh sáng trong tranh anh thường là ánh sáng một nguồn, do đó, không khí trong tranh anh gần gũi với tự nhiên. Tinh cảm Lê Vượng trong tranh là tình cảm trân quí đối với thế giới đồ vật gần gũi... Lê Vượng khác xa Đỗ Quang Em trong tinh thần hội họa. Đỗ Quang Em tinh tế, thâm trầm, còn Lê Vượng, hết sức bình dị, hiền hòa.

Nghệ thuật là thế giới của linh hồn. Sự thành công của một họa sĩ là lột tả được, tâm hồn mình trong những khoảnh khắc khác nhau của cuộc đời. Trong cách nhìn dó, có thể nói, Lê Vượng là một họa sĩ thành công. Còn trong môi trường xã hội, mỗi họa sĩ có nhận được một sự đồng cảm nào đó hay không, âu cũng là số phận. Riêng Lê Vượng, ở góc độ này, anh đang là người may mắn.


Nguyên Hưng


























Cảm nhận cuộc triển lãm tranh Lê Vượng ở Pháp.

Tôi đã khám phá ra Lê Vượng, người nghệ sĩ lớn ấy từ lần đầu viếng thăm một phòng trưng bày tranh ở Sài gòn.

Ông khiến tôi nghĩ ngay đến một Georges de La Tours hiện đại, không vẽ những nhân vật thuộc thời đại mình mà vẽ những đồ vật, thường là đồ xưa, được làm nổi bật lên bằng một không gian tối và trần trụi, tương phản với một thứ ánh sáng kỳ ảo.

Cũng như La Tours, tranh của ông là một cái gì trần trụi nhất. Ông khẳng định ngay mình có lối vẽ riêng, và ông sẽ chối bỏ cái chi tiết vô ích, tranh của ông không kể lể, giảm nhẹ chủ đề để chỉ đưa ra cái cốt lõi.

Ông cô đúc tranh mình thành những dữ kiện đơn giản nhất của nó, từ đó sáng tạo ra một không khí có tính nghịch lý, vừa tĩnh lặng vừa nồng ấm.

Trong những cảnh trí thường là ban đêm, ánh sáng cô đọng những hình khối thành những mặt phẳng hình học trong một gam màu nâu, đỏ và xanh lục. Ông điều khiển cái tối mịt mùng, cái tối bình thường và cái tranh tối tranh sáng. Những đồ vật của ông có ánh sáng theo chiều sâu và nồng ấm trong tâm hồn. Chúng trở nên sống động và phi thời gian tính.

Trong khát vọng hoàn thiện về tính thơ, ông đã chọn đêm, thuận tiện cho việc thuần khiết hóa, cho việc giản lược và cô đọng. Nghệ thuật mà ông lao vào cực điểm của thực tại, nơi đó các đồ vật cũ kỹ, sống lại từ quá khứ, hoàn toàn trần trụi. Lê Vượng đẩy hội họa tới tận đường biên của nó, tới bờ của sự ẩn lánh, của tầm nhìn cũng như của đời sông trong một khát vọng đạt tới cái tuyệt đỉnh.

Paris, tháng 12 năm 2003

Paul Derly
Tổng giám đốc
Ylang Telecom


























Phan Nguyên & Lê Vượng 



























Photo PN 













Trở về








MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.














Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2023

Nguyễn Đức Tùng
















Nguyễn Đức Tùng
(1956 - ......) Quảng Trị

Nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học, Bác sĩ y khoa
















Thơ đến từ đâu
đến từ buổi sáng
8/3/2023





Sinh tại Quảng trị, lớn lên đi học tại Quảng trị và Huế. Thuyền nhân, định cư tại Canada. Tốt nghiệp y khoa tại đại học McMaster, nội trú đại học Toronto, thường trú đại học UBC, làm việc tại một bệnh viện ở BC, Canada. 
Làm thơ, dịch thuật, viết truyện, viết phê bình. 
Có bài đăng trên các báo Chủ đề, Làng văn, Sông Hương, Talawas, Da màu, Diễn đàn thế kỷ, Văn Việt, Văn chương Việt, Viết và Đọc và nhiều báo khác.














 Tác phẩm đã in:




1
26 nhà thơ đương đại (in chung)
(In chung) 2002
















2
Với Du Tử Lê 














3
Thơ đến từ đâu















4
Thơ cần thiết cho ai














5
Đối thoại văn chương














6
Cuộc đời yêu dấu (Alice Munro, dịch)














7
Bốn mươi năm thơ Việt hải ngoại














8
 Thư gởi con trai














9
Thơ buổi sáng














10
Bầy Chim Di Trú
















Thật vui mừng

Thật vui mừng
Khi anh ngồi xuống bên em
Sương bay mờ hồ Gươm
Anh cứ tưởng Hà nội không còn hồ Gươm

Thật ấm lòng
Đi qua Đại nội
Đâu còn thấy ngọn cờ nào bay phấp phới
Chỉ có sen hồng sen hồng
Thật vui mừng
Ngồi quán bên đường
Trước tô bún bò bốc khói
Đặt ba lô lên bàn
Trước khi ăn cúi lạy một lạy
Trong ba lô là nắm đất nhỏ
Trong nắm đất một người về quê cũ.

Nguyễn Đức Tùng













Nguyễn Đức Tùng với 'Thơ đến từ đâu'
07/01/2010 




Chiều 06/1, Trung tâm Văn hoá Pháp ngữ- Đại sứ quán Pháp tại VN đã mở màn cho các hoạt động văn hoá 2010 bằng buổi hội thảo bàn tròn giới thiệu cuốn sách của tác giả Nguyễn Đức Tùng: “Thơ đến từ đâu”. Đây là cuốn sách hiện đang thu hút sự quan tâm của giới độc giả Việt Nam. Xin giới thiệu cảm nhận về cuốn sách qua bài viết của nhà văn Đặng Thân.



“QUITE CONNECTS”



1.

“He quite connects.” là lời khen tuyệt vời nhất mà Bill Clinton đã giành cho George Bush khi ông trả lời các nhà báo, sau chuyến viếng thăm Nhà Trắng lúc vừa mới đắc cử tổng thống của Bush vào cuối năm 2000. Tôi muốn dùng câu này để nói về thành công của Nguyễn Đức Tùng với Thơ đến từ đâu, một hình thức phỏng vấn đặc biệt, đã không những tạo dựng nên chân dung của 24 (cùng với tác giả - nhà thơ/nhà phê bình/bác sỹ Nguyễn Đức Tùng - một cách gián tiếp, nữa là 25) nhà thơ Việt Nam khắp trong và ngoài nước từ những “miền” thơ khác nhau mà còn là khả năng khái quát cao đối với nền thơ Việt Nam hiện đại. “Connect” - có thể nói đây là một từ chính xác nhất để nói về tác giả với ấn phẩm đầy tính liên kết, liên đới, liên chi hồ điệp, liên danh, liên hiệp, liên hoàn, liên lụy, liên minh, liên ngành, liên tưởng, và đặc biệt là LIÊN TÀI này.

Đầu năm 2009 cũng có sự xuất hiện một ấn phẩm tương tự về mặt hình thức của tác giả Cát Khuê, cuốn Café với người nổi tiếng. Có điều phải chăng vì Cát Khuê là nhà báo nên cuốn sách đó mang nặng tính báo chí, còn Nguyễn Đức Tùng là nhà thơ, nên Thơ đến từ đâu rất “nên thơ”, rất có tính thơ, rất văn chương.

Có thể thấy nhiều chiều kích văn học trong Thơ đến từ đâu: tính báo chí, tính thơ, tính lý luận, tính phê bình, tính sáng tạo, tính kịch, tính phi hư cấu, tính chính trị, tính văn hóa, tính truyền thống, tính đương đại…

2.

Trong các nhân vật được phỏng vấn tất nhiên không có tên Nguyễn Đức Tùng. Thế nhưng chỉ với vai trò người phỏng vấn mà trong mắt các thi sỹ, văn nhân và người đọc đã hiển hiện lên chân dung:

- một Nguyễn Đức Tùng “có một ‘phông’ văn hóa thâm hậu, đặc biệt là văn hóa thơ, lại càng phải thâm hậu hơn nhiều lần” (Nguyễn Thụy Kha)

- một Nguyễn Đức Tùng “là cây bút hiếm hoi rất chuyên nghiệp bởi kiến văn của [mình] và bởi khả năng nhận định, phân tích, diễn giải”, “có giọng điệu phê bình hiện đại, vừa thẳng thắn khách quan vừa nghiêm cẩn sâu sắc, […] dày công tìm đọc và tìm hiểu” (Trung Trung Đỉnh)

- một Nguyễn Đức Tùng “khổ luyện” với “tình yêu thiết tha riết róng với thơ” để “đi qua những sắc nhọn, để nâng những phỏng vấn cụ thể thành cuộc đàm đạo về thơ nói riêng, rộng hơn là ăn hóa trên tầm vóc mới” (Đà Linh)

- một Nguyễn Đức Tùng với cuốn sách của “vẻ đẹp sắc bén và say mê […] khiến cho người đọc có thể quên hết nỗi buồn lo riêng hay dồn ép của đời sống bên ngoài”, “người đã biến thể loại báo chí trở thành phương thức văn chương đặc sắc, cho thấy người ta có thể đi xa đến đâu trong việc kiếm tìm những vi mạch của sáng tạo” (Khánh Phương)

- một Nguyễn Đức Tùng với cuốn sách “có khả năng mang con người lại với nhau, làm cho khoảng cách giữa nhà thơ và người đọc gần lại, […] có khả năng nâng đám đông lên cao hơn cái tầm vốn có của họ, về mặt tâm hồn” (Trần Thị Trường)

- một Nguyễn Đức Tùng “đang đặt ra cho thơ Việt những câu hỏi vừa hấp dẫn vừa khó khăn”, là “một người phỏng vấn văn chương độc đáo đương thời” với “vẻ thanh cao”, với “những bày tỏ nhã nhặn” để làm ra cuốn sách “chứa đựng tinh thần ‘hóa giải’ này” qua “những phỏng vấn vừa nặng tính chất học thuật vừa đầy cảm xúc cá nhân, các nhà thơ trong nước có dịp hiểu kỹ hơn các nhà thơ hải ngoại và ngược lại” giúp cho “dân tộc chúng ta sẽ có một ngày, một cơ hội ‘hóa giải’ cho chính mình” (Nguyễn Thụy Kha)

- một Nguyễn Đức Tùng đã tạo ra “cả một sự thách thức về trí tuệ và sự khác biệt cần phải vượt qua” đã làm nên “một cuốn sách chứa trong nó nhiều cuốn sách: một cuốn sách về thơ, một cuốn sách về nhân cách của nhà thơ, một cuốn sách về văn hoá, một cuốn sách về sự hoà giải và tha thứ, một cuốn sách về Tình yêu nước Việt” (Tạ Duy Anh)

- một Nguyễn Đức Tùng “là một tài thơ”, “đã dùng thủ pháp gieo hạt cho một mùa gặt lớn” để “đem đến cho đời sống văn học chúng ta một giá trị, vượt ra ngoài những câu hỏi… […] làm cho chúng ta thấy rằng thơ quan trọng trong đời sống. Không có thơ, không biết đến thơ, con người chỉ sống có nửa… đời”, để người đọc thấy “rõ hơn chiều kích của một nhà thơ cụ thể…, thấy được bức tranh toàn cảnh của các nền thẩm mỹ, của xã hội và lịch sử làm nên cái chiều kích ấy… [và] sẽ còn đọc đi đọc lại các bài phỏng vấn có giá trị văn học này nhiều lần… [mà] cái mạch chuyện trong mỗi cuộc phỏng vấn cho thấy người đặt câu hỏi đã khích lệ được cái vốn đã có, nằm sâu trong tâm thức người trả lời… […] làm nên những câu chuyện vô cùng sinh động, đầy tính chân thực, khiến cho người đọc như sờ thấy cuộc sống”, làm nên một cuốn “biên niên sử một thời kỳ, thời chúng ta đang sống”, đem đến cho chúng ta “một cuốn sách hết sức hấp dẫn”, “có có khả năng đưa chúng ta, những người Việt yêu thơ và yêu quê hương từ khắp năm châu bốn biển, bất chấp những khác biệt do lịch sử và hoàn cảnh, đến gần với nhau hơn” (Trần Thị Trường)

- một Nguyễn Đức Tùng “khi thì mềm mỏng tử tế, khi thì […] rất ác liệt”, “khá khoan dung và rộng rãi” (Nguyễn Thị Hoàng Bắc)

- một Nguyễn Đức Tùng biết cách kể chuyện “thật cảm động”, người con hiếu tha hương của đất Việt “vẫn cất công tìm về cội nguồn” bởi “một cái gì đó được ký gửi trong máu huyết…”, biết cách đưa ra những nhận xét “rất quan trọng”, “rất đúng và rất mới” khiến cho người đối thoại dù đang mệt mấy cũng “muốn nói chuyện lâu với anh…” (Hoàng Cầm)

- một Nguyễn Đức Tùng biết đúng lúc tung ra “[câu] hỏi ‘khó’”, “câu hỏi chẳng ‘vô tư’ tí nào” khiến người trả lời “khác nào… để một bàn chân bên bờ vực, chân kia thì đạp vào cái cõi chưa ai dám bàn với cái ảo tưởng nắm bắt được câu trả lời cho câu hỏi…” (Nam Dao)

(Tôi thích nhất câu hỏi mà Nguyễn Đức Tùng giành cho Dương Tường (tr. 478): “… một phong cách trí thức như thế làm lợi hay làm hại cho thơ?”)

- một Nguyễn Đức Tùng “phỏng vấn… rất tốt, rất có ích cho những người làm thơ và yêu thơ”, “giỏi lắm” (Lê Đạt)

- một Nguyễn Đức Tùng có “ý tưởng phỏng vấn và nhiều câu hỏi rất hay”, “tôn trọng các tác giả” (Nguyễn Thế Hoàng Linh)

- một Nguyễn Đức Tùng với bề dầy kiến thức đầy tham bác của mình có khả năng “đưa ra nhiều định nghĩa, khái niệm” (Lê Vĩnh Tài)…

Theo tôi, cuốn sách của Nguyễn Đức Tùng này là vô cùng giá trị đối với đại chúng, với số đông người đọc (như một bộ sách giáo khoa văn học phổ thông được soạn công phu chẳng hạn) và toàn bộ giới văn chương Việt. Và tôi thực sự hy vọng anh sẽ tiếp tục được công việc phỏng vấn này như ước nguyện; các tập 2 tập 3 sẽ tiếp tục ra đời và “giữ được phong độ như hiện nay” [1].

3.

Thơ đến từ đâu đem đến một số chân dung thơ chưa từng có đối với văn học “chính thống”. Đó là Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Đỗ Kh., Dương Tường, Khải Minh, Nguyễn Viện, Nguyễn Đăng Thường.

Thực sự:

Làm thơ như kiểu Đỗ Kh. làm “Thánh nữ trong phòng vệ sinh công cộng” thì quả là có một không hai.

Dương Tường viết Đàn thì quả kỳ lạ. Dẫu vẫn nghe “thi trung hữu họa” nhưng mà “họa” đến thế thì cũng gần “tai”. Tôi cũng thích cái thuật ngữ “thư đồ thi” mà Châu Diên giành cho Đàn, chỉ mong đừng ai hiểu nhầm là “chữ chở xác chết”, để biết tới cách “biểu đạt siêu ngôn ngữ (meta-language)” [2] của ngôn ngữ thơ.

Còn là một Khải Minh với lối thơ đầy ký tự, ký hiệu và những lý thuyết thơ dị thường.


Cùng với những “chưa từng có” còn là những chân dung vạm vỡ của Đỗ Quyên, Hoàng Cầm, Trần Nghi Hoàng, Inrasara, Luân Hoán, Lê Đạt…

Ấn tượng lắm với Đỗ Quyên của 16 cái trường ca mà cái nào cũng có thể là một kỷ lục.

Còn là một Luân Hoán “xuất khẩu thành chương” trong phỏng vấn.



25 chân dung ấy cũng thực sự muôn mầu muôn vẻ lắm.

Nhưng, chỉ cần nghe thoáng qua các cuộc phỏng vấn thì cái kiếp nạn như thể phổ quát phủ lên số phận các nhà thơ của chúng ta là nỗi cơ đơn và cô độc. Than ôi… lại nhưng:

… Em ơi em có biết "cô đơn" là tật ách của thiên tài… Với anh cô đơn là fải đến tận cùng triệt để toàn fần mới thống khoái, mới sinh năng lượng [3]. Thế rồi thời thế ẩm ương cánh chim thiên tài fải gặp cảnh thiên tai. Em chan nước mắt nhìn anh ái ngại. Em ơi hãy đi đi cho khuất, cho khuất những nợ đời. Ai cũng nói Thơ là Ngôi Lời, nhưng ôm nàng chỉ thấy đời toàn lỗ. Vì Thơ ơi người thơ toàn một lũ jở hơi không biết bơi, jữa bể khổ anh chỉ còn mình em làm fao cứu hộ. Chính nghịch cảnh đã làm anh đốn ngộ, rằng cuộc đời rặt một lũ bất nhân, kể cả những người thân. Yêu "cái đẹp" nên fải đi cải tạo, thích "nhân văn" mà gặp đời tàn bạo, nên em ơi muốn làm người thì hãy yêu cái xấu. Thậm chí em còn fải jao cấu với bọn xấu nếu em muốn ngày mai em vẫn có khẩu fần… Thương lắm áo jài ơi. Anh biết em thích mặc áo jài, bởi vì em là hoa thài lài... [4]


4.

Cái đọng lại lớn nhất trong tâm trí tôi sau khi đọc Thơ đến từ đâu chính là tính giai thoại.

Từ thuở niên thiếu cho đến suốt mấy chục năm lịch sử đáng kinh ngạc đến nay thế hệ chúng tôi cũng thường quan tâm đến văn chương và các tác giả tên tuổi của dân tộc, vì quả thật nước ta là một “nước thơ” như mọi người thường nói (tất nhiên, khi nói “nước ta là nước thơ” tôi không hề có ý định ám chỉ lịch sử nước ta thuộc loại thể sử “fiction” [hư cấu]).

Chúng tôi đã đọc và được học về những Anh Thơ, Bà Huyện Thanh Quan, Bùi Giáng, Bùi Huy Phồn, Bút Tre, Bằng Việt, Cao Bá Nhạ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Chính Hữu, Chế Lan Viên, Diệp Minh Tuyền, Du Tử Lê, Dương Khuê, Đặng Đình Hưng, Đinh Hùng, Đỗ Minh Tuấn, Giang Nam, Giản Chi, Hoàng Cầm, Hoàng Nhuận Cầm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Trung Thông, Huy Cận, Huỳnh Văn Nghệ, Hàn Mặc Tử, Hằng Phương, Hồ Chí Minh, Hồ Dzếnh, Hồ Xuân Hương, Hữu Loan, Inrasara, Kiên Giang, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Anh Xuân, Lê Quý Đôn, Lê Thánh Tông, Lê Đạt, Lưu Quang Vũ, Lưu Trọng Lư, Mãn Giác, Mường Mán, Mộng Tuyết, Nam Trân, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Duy, Nguyễn Bính, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Ngu Í, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Siêu, Nguyễn Tất Nhiên, Ngân Giang, Ngô Thì Nhậm, Nhã Ca, Phan Huy Vịnh, Phan Khôi, Phan Văn Trị, Phan Đình Phùng, Phùng Cung, Phùng Quán, Phùng Ngọc Hùng, Phạm Công Thiện, Phạm Huy Thông, Phạm Hổ, Phạm Thiên Thư, Phạm Tiến Duật, Phạm Đình Hổ, Quang Dũng, Quách Đình Bảo, Sương Nguyệt Anh, T.T.Kh, Tchya, Thanh Tâm Tuyền, Thu Bồn, Thâm Tâm, Thích Tuệ Sỹ, Thế Lữ, Trương Hán Siêu, Trần Dần, Trần Nhân Tông, Trần Tuấn Khải, Trần Tế Xương, Trần Đăng Khoa, Trần Mạnh Hảo, Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương, Tú Mỡ, Tản Đà, Tế Hanh, Tố Hữu, Tử Phác, Văn Cao, Vũ Cao, Vũ Hoàng Chương, Vũ Đình Liên, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Yến Lan… Nhưng mà, thử tự hỏi mình có nhớ nổi bài thơ bất hủ nào của một đại tác gia nào không nhỉ.

Tôi thấy những tác gia được nhớ tới thường đi kèm với những giai thoại khó quên về cuộc đời của họ, chứ không phải chỉ vì thơ. Ấy mà rồi qua bao năm tháng hầu như nhiều người hiếm khi nhớ được bài thơ hay đoạn văn của tác gia nổi tiếng nào, cái ăn sâu mãi vào tâm trí có chăng chỉ còn là những GIAI THOẠI về họ.

Người ta đã định nghĩa giai thoại là “mẩu chuyện lý thú được lưu truyền rộng, có liên quan ít nhiều tới nhân vật có thật trong xã hội, trong lịch sử” [5]; và như vậy “mẩu chuyện lý thú” làm người ta nhớ ấy không nhất thiết chỉ là những “câu chuyện đẹp đẽ hay ho”, nhưng chắc chắn là thú vị. Chẳng hạn như:

Ngoài những câu/bài thơ hay và lạ thì tất nhiên Bùi Giáng được người ta cứ nhắc mãi vì bị coi là điên khùng và có đời sống/tình yêu kỳ dị lại được tôn là Bồ Tát;

Bút Tre đã thường bị đồn thổi là điên, hâm;

Bằng Việt được nhắc đến vì cuộc đời ông luôn có nhiều may mắn đến kỳ lạ cùng quá nhiều giải thưởng;

Bùi Huy Phồn được nhớ nhiều nhờ cái bút danh “Đồ Phồn” nghe rất là “ồn”;

Cao Bá Quát luôn được nhớ tới vì “cái mũi vô duyên”, cái vụ bỡn cả thơ của vua (Tự Đức) và bị triều đình chém ngang lưng;

Chế Lan Viên ngoài thơ thì còn được nhớ tới nhờ sự quá sắc sảo và tính “biển lận”;

Dương Khuê được nhớ tới nhờ ca trù;

Đặng Đình Hưng còn nhờ đã sinh ra Đặng Thái Sơn “như sao Bắc Đẩu cõi này” [6];

Đinh Hùng được nhớ nhiều về cái khoản ăn chơi và hút thuốc phiện;

Đỗ Minh Tuấn nhờ đoạt các giải thưởng về thơ quá dễ dàng và công khai tham vọng đoạt Nobel trước bàn dân thiên hạ, với lại anh còn nhiều chuyện với điện ảnh và phê bình nữa;

Giang Nam được nhớ mãi nhờ “Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm”;

Hoàng Cầm nhờ “dính” Văn nhân-Giai phẩm và cái “lá diêu bông”;

Hoàng Nhuận Cầm được nhớ nhờ là con của Hoàng Giác và vai diễn hài Bác sỹ Hoa Súng trên truyền hình;

Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn được nhắc đến vì những chuyện xưa thời Mậu Thân;

Huy Cận nhờ đã nhiều năm làm bộ trưởng, thứ trưởng và mối quan hệ đặc biệt với Xuân Diệu;

Hàn Mặc Tử còn là vì nhờ bị hủi và ra đi trong độ xuân xanh;

Hồ Dzếnh còn nhờ cái mẫu tự “z” trong tên mình, cái từng làm cho các nhân viên sắp chữ ở các tòa báo trước đây rất khổ sở;

Hồ Xuân Hương thì nhờ cái mà ai cũng biết;

Hữu Loan nhờ cái khí khái bỏ đời (công danh) đi đập đá;

Lâm Thị Mỹ Dạ nhờ được Trần Quang Đạo vinh danh, coi bằng “nửa tỉnh Quảng Bình”;

Lê Quý Đôn còn nhờ những chuyện “cởi truồng đố chữ”, bài thơ “Rắn” và vụ “chạy điểm cho con vào đại học”;

Lưu Quang Vũ & Xuân Quỳnh được nhắc đến mãi còn là nhờ cái chết bất thường của họ;

Nguyễn Trãi ngoài “Bình Ngô đại cáo” còn là vì bị tru di tam tộc;

Nguyễn Công Trứ còn nhờ cái tính ngông, hay đi “karaoke” và em út;

Nguyễn Duy còn nhờ cái tài biết “phơi thơ lên mẹt” và làm “thơ lịch”;

Nguyễn Khoa Điềm còn nhờ làm tới UVBCT và Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa;

Nguyễn Đình Chiểu còn nhờ bị mù;

Nguyễn Đình Thi còn nhờ chuyện “tay lào mà lịnh thế” (vụ “dù chỉ là những hạt bụi”);

Nguyễn Trọng Tạo thêm khét tiếng với vụ tự tử và vụ “cá mương”;

Nguyễn Siêu nhờ xây Tháp Bút;

Nguyễn Tất Nhiên còn là vì cái khắt khe khó khăn trong nết ăn nết ở;

Ngân Giang nhờ được Hồ Chủ tịch khen “lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu”;

Ngô Thì Nhậm còn do những lời đối đáp và bị Đặng Trần Thường đánh chết;

Phan Khôi là cháu của Tổng đốc Hoàng Diệu, và (cũng như Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng) nhờ vụ Nhân văn-Giai phẩm;

Phạm Công Thiện nhờ được coi như một thiền sư, và cũng như Bùi Giáng ông được tôn là Bồ Tát;

Phạm Huy Thông ngoài “Tiếng địch sông Ô” thì là khả năng “sát thủ tình trường” cùng cái chết đầy oan nghiệt;

Trần Đăng Khoa còn nhờ nhận xét bất hủ “Ngu xuẩn nhất nhì / là tổng thống Mỹ” và về “phim nước mình”;

Trần Mạnh Hảo nhờ có “vợ của chúng tôi là Tôn Nữ Giáng Tiên” và các trận “đấu súng” với Đỗ Minh Tuấn hay Trần Nghi Hoàng;

Thanh Tâm Tuyền còn nhờ vụ lình xình với cái poster trên sân Văn Miếu;

Tố Hữu thì có quá nhiều chuyện ngoài văn chương;

Xuân Diệu thì là tác gia quá hiếm hoi ở Việt Nam là “bóng lộ”;

vân vân.

Với các giai thoại, các nhà thơ nhà văn đã trở nên “đáng yêu” và “dễ thương” hơn rất nhiều và càng làm cho họ được nhớ mãi.

Xét trên cái ý nghĩa ấy tôi cũng tìm thấy ngoài câu chuyện khá hấp dẫn về thơ khá nhiều những giai thoại trong Thơ đến từ đâu. Phải chăng những giai thoại này rồi cũng sẽ đi vào văn học sử nước nhà. Tôi không muốn thống kê các giai thoại mới ấy ra đây vì cầu xin quý vị hãy đọc cuốn sách này đi, tôi đảm bảo rằng từ cuốn sách này sẽ có nhiều giai thoại về các nhà thơ Việt đi ra đời sống. Tôi nhận thấy nhà thơ nào trong tập sách này của Nguyễn Đức Tùng đều mang đến giai thoại, có những chân dung hiện lên 5-6 giai thoại chứ đừng nói là hiếm.

5.

Một chút short-coming:

Trong khi được/bị phỏng vấn, Đỗ Quyên ít nhất là ba lần muốn “chửi thề”, chứng tỏ Nguyễn Đức Tùng còn có những câu hỏi khá máy móc, gây “ức chế” đối với người nghe linh mẫn (tất nhiên, tôi không loại trừ rằng đó cũng là một thủ pháp của người phỏng vấn).

Sau một số câu hỏi Nguyễn Đức Tùng cũng gặp ngay phải những lời đáp bốp chát như của Ngô Tự Lập (“Đây cũng lại là một quan niệm kỳ quặc khác”, “Chúng ta không nên cường điệu vai trò của thơ”, “Dùng từ ‘degrading’ liệu có đúng với ngôn ngữ không”), Nguyễn Thế Hoàng Linh (“Phải dè chừng với khái niệm ‘thơ mộng’”), Khải Minh (“Tìm thơ thôi, nếu tìm thêm các thứ khác như thân thể nhà thơ nữa thì e không được hào hoa [như anh chẳng hạn!]”, “Xin anh dễ tính thêm một lần nữa với vấn đề người sáng tác và người đọc”), Lê Vĩnh Tài (“Có vần quan trọng lắm không, anh?”)… Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy sự tự phơi trần của tác giả với mọi người về bản thân mình, ẩn cùng với thông điệp: cái gì hay thì anh cứ học, cái gì dở thì anh cũng nên lấy tôi làm bài học mà tránh. Đây lại là ý nghĩa positive phái sinh ra từ những gì negative.

Cách đặt nhan đề, tiêu đề còn có những vết gợn rất “phản thơ”. Có lẽ tác giả không giống tôi, một người miền Bắc đã trải qua một thời gian dài của cái “văn hóa hợp tác xã”, nên không cảm nhận thấy cái giọng giống như tên của một vở dân ca, chèo hay tuồng “cải biên” theo tinh thần công-nông-binh trong những năm 1960-70-80 của cái tiêu đề “Mừng vui còn có hôm nay” [7]. Tôi thấy nếu bỏ đi hai chữ “mừng vui” thì sẽ có một cái title đầy biểu cảm!

Lối khen tặng nhau trong các cuộc đối thoại còn làm người Bắc Hà nghe thấy hơi bị thô (hay “phô”). Kiểu như “anh dịu dàng, ấm áp”, “ung dung, thanh thoát”, “đậm đà, say mê”… Trong bối cảnh sử dụng ngôn ngữ giao tiếp hiện nay của người Việt, những cách khen như thế thường làm cho người nghe hiểu đó là câu mỉa mai hay xỏ xiên gì đó đối với người khác.

Một điều khá là cốt yếu khác là ý kiến của dịch giả Cao Việt Dũng: “Điều tôi phê phán Thơ đến từ đâu là nó không có một bài viết nêu lên chủ đích và cách thức làm việc của tác giả, có được như vậy thì ý nghĩa nghiên cứu sẽ lớn hơn rất nhiều.” [8] Tuy nhiên, về vấn đề này nhà thơ/nhà văn Đỗ Quyên cho rằng Thơ đến từ đâu không phải là một cuốn luận văn, vả lại Nguyễn Đức Tùng cũng đã có cách thức riêng trong việc thể hiện với cuốn sách này nên một bài viết như vậy là không cần thiết.

Và, để tránh cái tiếng mà Nguyễn Huy Thiệp từng nói về một “đám giặc già lăng nhăng thơ phú” thiết nghĩ tập (hay “bộ” trong tương lai) sách này cần có tiếng nói của thêm nhiều các nhà thơ trẻ thuộc các dòng thơ khác nhau hơn nữa, cho thêm sắc mầu của “bức tranh [sô?] vân cẩu”, hầu chiều lòng được hơn nữa những hiệp khách khó tính của thi ca.

6.

Trong bài “Tú Xương & những con giòi [bò trong… tủy]” tôi có viết:

Trong sáng tác văn chương Tú Xương từng mắng bọn lang băm:

Văn chương nào phải là đơn thuốc

Chớ có khuyên xằng, chết bỏ bu!

Tôi nhắc đến chuyện Tú Xương vì Nguyễn Đức Tùng cũng là một bác sỹ. Thế nhưng, vị bác sỹ này cũng đã thực sự làm cho người đọc:

- “bốc lửa” với tình yêu nước Việt, hòa giải và khoan dung, mong muốn có đổi mới thực sự trong văn học…

- “chẩy nước” với tình thơ, tình người và sự hy sinh…

tập hợp thành cái mà nhà văn Đà Linh gọi là “hòa điệu mới” [9]!

Đến đây, Thơ đến từ đâu lại làm tôi nhớ tới bài thơ mình viết nhân kỷ niệm 30 năm hậu chiến, xin được chép ra đây một đoạn để chia sẻ với tấm lòng ưu thời mẫn thế của nhà thơ/nhà phê bình/bác sỹ Nguyễn Đức Tùng và các bạn thơ: vết thương dài
nửa vòng trái đất một phần ba thế kỉ
…..


khói da cam quyện khói lam chiều

những dáng giao chỉ vẹo xiêu dở cộng dở kiều

uống thuốc liều đi tiếp nhịp cầu tiêu lịch sử

những cây mạ mọc lên trên xác rạ

những hồn ma vẫn ăn uống hát ca

những chúng ta phải chết đi từng ngày

để sống [10]

Hà Nội

26.12.09 - 04.01.10

(Phongdiep.net)



[1] Thơ đến từ đâu (tr. 565).
[2] Sđd (tr. 478).
[3] Quan điểm về “cô đơn” của nhà thơ Đặng Đình Hưng.
[4] Đặng Thân, Từ điển thi x/x loại [chúng sinh] - vần D.
[5] Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt (tr. 387).
[6] Thơ đến từ đâu (tr. 80-81).
[7] Sđd (tr. 504).
[8] Nhị Linh, “Phát biểu và trao đổi”.
[9] Đà Linh, “Thơ đến từ… hòa điệu mới”.
[10] Đặng Thân, “Tam thập niên nghiệt ngã lắm oh time”.

------------------

(*) Tập sách Thơ đến từ đâu của Nguyễn Đức Tùng, Nxb Lao Động, Hà Nội - quý IV 2009






Vườn Chiều


Em đến thăm anh trong tổ chim

Chúng ta ngồi im lặng bên nhau

nghe gió thổi ào ào qua khóm lá

 

chúng ta ngồi hết cả buổi chiều

nếu chúng ta ngồi bên nhau đủ lâu

em sẽ nhìn thấy trăng lên

 

và nếu ngồi bên nhau đủ lâu

em sẽ nghe tiếng khóc

của một người đến dưới gốc cây

 

chúng ta cầm tay nhau hỏi thăm

chuyện ngày xưa cũ êm đềm

và em cười phá lên

 

chúng ta có bên nhau một ngày hạnh phúc

trong tổ chim, cho đến khi một đứa trẻ trèo lên

và chia đôi chúng ta thêm lần nữa.



NĐT



Mặt trời nguội đi

Mặt trời nguội đi
Trái đất giá lạnh
Loài người văn minh dời đến một nơi xa

Một hành tinh bên kia các thiên hà
Nơi ánh sáng mất hai triệu năm để tới
Các nhà khoa học thế giới
Tìm cách đi xuyên qua lỗ sâu
Như cách các con sâu xuyên qua một trái táo
Táo bạo vượt qua
Giới hạn của tốc độ ánh sáng
Đưa nhân loại đến vùng đất mới
Có không khí và nước

Họ mang đi trước các thiên tài
Các giống lúa
Và các nghệ sĩ ưu tú
Họ mang theo những đứa trẻ ngậm vú mẹ
Những đứa trẻ thông minh
Và cả những đứa chậm chạp
Họ mang đi hết những người già, những người tàn tật
Các nhà tu hành, và các nhà cách mạng
Nhưng họ đành bỏ lại
Các giấy tờ lộn xộn
Những diễn văn hỗn độn
Những hồi ký chiến tranh
Họ đành bỏ lại
Những bức thư tình
Chưa kịp dán tem
Họ đành bỏ lại các phiên tòa lem nhem
Giấy nợ nhà
Bill điện thoại

Họ đành bỏ lại
Bến đò chiều mưa
Nụ hôn bên bờ liễu
Họ đành bỏ lại
Chỗ ngồi của anh và em
Dưới cội cam vàng.


NĐT







Nguyễn Đức Tung trên trang Du Tử Lê















Chùm thơ viết ở sài gòn (1)
Nguyễn Đức Tùng






THÔI MIÊN
tặng dân tộc tôi

Cô nhấc không nổi
Một vật nặng như non

Cô 50 cân

Khi cô choàng tỉnh giấc
Cuộc đọ sức đã qua rồi

Trong tay cô chỉ là chiếc muỗng mà thôi










TRÊN VỈA HÈ SÀI GÒN
tặng Nguyễn Văn Trị, Nguyễn Đặng Mừng


Ba lần ánh mắt gặp nhau
Từ bàn bên kia

Một lần ngẫu nhiên
Một lần dò hỏi
Một lần ngạc nhiên

Ba lần ánh mắt gặp nhau
Ba lần ngã đầu lên
Hòn đá trên đường.










TRONG BỆNH VIỆN

Nghe tin em sinh con đầu lòng
Anh mang đến tặng mười hai hoa hồng

Có lúc đang đùa ta bỗng lặng thinh
Lắng nghe đều đều nhịp thở sơ sinh

Khi anh đứng lên nói lời từ biệt
Một con kiến bò ra từ bó hoa mới cắt

Một con kiến vàng
Bò lang thang qua giường nệm trắng


Nguyễn Đức Tùng














Ngồi: Nguyễn Thuỵ Kha, Du Tử Lê
Đứng: Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Đức Tùng



















Tổng số tác phẩm: 134

























Câu thơ lục bát (tiểu luận)

Cây Sài Gòn (tạp văn)


Chiếc Radio cũ (truyện ngắn)








Cô dâu (truyện ngắn)



Con mèo của Takashi (truyện ngắn)












Halloween (tạp văn)










Mao ở Vũ Hán (truyện ngắn)















Nồi Bánh Tét (truyện ngắn)











tạp bút 2 (tạp văn)

























Trái tim (truyện ngắn)






Trưa Hoàng lan (truyện ngắn)







Xập xòe én liệng (truyện ngắn)




Đêm Ukraine (điểm sách)





























NHỮNG KẺ TRA TẤN

Những kẻ tra tấn cũng khóc
Khi bị bỏ rơi
Chúng cũng mỉm cười
Với người hầu bàn mang rượu tới
Nhưng chúng thích hơn
Ngồi trong bóng tối
Đạp vào ngực chúng ta
Bất ngờ từ xa
Dí dao điện vào chỗ kín
Của một người đàn bà
Khi ngủ, chúng thở dịu dàng
Bàn tay xòe ra như trẻ con
Bước vào giấc mơ của chúng ta
Không ai biết, ngồi xuống giữa chúng ta
Nằm lên giường
Giữa vợ và chồng
Chúng thì thầm kiên nhẫn mỗi ngày
Vào tai chúng ta:
Số phận đã gõ cửa
Hãy mở cửa ra
Hãy quì xuống đi nào
Và chúng ta quì xuống
Những kẻ tra tấn không cần ăn uống
Nhiều ngày, không ngủ
Nhiều đêm, đi nhón gót như mèo
Trên tường, rình rập nỗi sợ hãi
Gói chúng lại, như thịt mỡ, mang đến vợ con của bạn
Khả năng đi xuyên tường là vô tận
Những kẻ tra tấn cũng thích nước hoa
Nếu chúng là đàn bà.












NGÀY SẼ ĐẾN

Khi ngày ấy đến
Chớp lòa trong một phút
Thời gian đi qua đập cửa
Lịch sử ùa vào
Cuối cùng sau cơn mưa
Tầm tã, mặt trời
Sáng lóa chân mây
Chiếu khắp mặt đất này, khi bọn chúng bỏ chạy
Tán loạn, vứt hết ngọc ngà, vương miện
Thành tích, chiến công
Nhảy cửa sổ, trèo tường
Phá cổng mà đi, khi cuối cùng trẻ con reo hò
Người lạ ôm nhau trên đường, nước mắt
Nghẹn ngào nhỏ xuống từ trái tim, khi tình yêu
Thống trị ngày và đêm, chị sẽ đến, chậm rãi
Dịu dàng, nhưng sẽ đến
Thắp nhang trước mộ anh, đặt bức ảnh
Viền đen trong khung kính
Dưới mặt trời tháng giêng lấp lánh, thay mặt
Chúng ta. Người thanh niên
Bị bẻ ngoặt cổ tay, kéo ngược dây
Trần nhà, dập nát tinh hoàn, hai năm sau ngày cưới
Người đàn ông bị đạp xuống dòng nước tối
Bẻ răng, bịt miệng, chết tức tưởi
Chúng ta sẽ nhớ mãi, không phải bằng lòng hận thù
Và chia rẽ, mà bằng nỗi xấu hổ, và nguôi ngoai, và nguôi ngoai hơn nữa, về những
Người đàn bà đau khổ, đã tha thứ cho chúng ta.












ĐÀN ÔNG

Một số người luôn đến đúng giờ
Một số người thường xuyên lỗi hẹn
Một số người mở vết thương ra
Một số người khâu nó lại
Một số người để chùm cỏ dại
Một số người đặt viên kim cương
Một số người không làm gì cả
Khi em đi qua
Lần thứ ba khẽ chạm vào tay.












LÀNG QUÊ

Khi anh trở về
Người vợ đã chết
Vết máu khô trên ngực
Trong bụi tre cú rúc liên hồi
Tiếng thứ nhất: anh không nghe
Tiếng lần thứ hai: anh dừng lại
Tiếng thứ ba: anh lờ mờ nhận ra
Anh đặt thang thuốc bắc lên thềm nhà
Cúi đầu, lùi lại
Rồi nhổ sào
Rời bến.












NHỮNG NGƯỜI DŨNG CẢM

Những người dũng cảm thật hiếm hoi
Những người thông minh còn hiếm hoi hơn nữa
Và những người tử tế còn hiếm hơn gấp bội
Và tất cả những thứ ấy cộng lại
Bạn chỉ gặp một người một lần một đời
Như bạn đi dưới trời mưa tầm tã
Không mũ, không giầy, sấm chớp đì đùng, một chiếc xe hơi
Tấp vào lề, cửa mở
Bạn không có thì giờ lựa chọn
Nhìn trước nhìn sau, lắc đầu
Nó chạy vụt đi, bạn tiếp tục bước, mưa ngày một mau, bạn nghĩ thầm
Thế rồi bạn đi mãi, một mình, suốt buổi chiều
Đôi khi
Bạn gặp một người thông minh nhưng không dũng cảm
Một người dũng cảm nhưng không tử tế
Một người tử tế nhưng không thông minh
Như những chiếc xe hơi chạy vù qua, có khi quá nhanh
Như kẻ bận rộn, có khi tà tà quá chậm
Như kẻ lạc đường, lớ ngớ chờ bạn giúp đỡ, chứ không phải
Ngược lại, và bạn cứ một mình dưới trời mưa đi mãi.












THẬT VUI MỪNG

Thật vui mừng
Khi anh ngồi xuống bên em
Sương bay mờ hồ Gươm
Anh cứ tưởng Hà nội không còn hồ Gươm
Thật ấm lòng
Đi qua Đại nội
Đâu còn thấy ngọn cờ nào bay phấp phới
Chỉ có sen hồng sen hồng
Thật vui mừng
Ngồi quán bên đường
Trước tô bún bò bốc khói
Đặt ba lô lên bàn
Trước khi ăn cúi lạy một lạy
Trong ba lô là nắm đất nhỏ
Trong nắm đất một người về quê cũ














Nhá thơ Hoàng Hưng & Nguyễn Đức Tùng












Vợ chồng Nguyễn Đức Tung & Cố thi sĩ Du Tử Lê













Đứng: Nguyễn Đức Tùng, nv Ngô Thị Kim Cúc, ...., Việt Yến Lê, Nguyễn Phú Yên
Ngồi: Phan Nguyên, nb Lưu Trọng Văn



























Trở về











MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.