Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Nguyễn Thị Minh Ngọc















Nguyễn Thị Minh Ngọc
(1953 ........) Bà Rịa -Vũng Tàu

Nhà văn. Đạo diễn sân khấu. Kịch tác gia
















Nguyễn Thị Minh Ngọc tốt nghiệp Đại Học Sân Khấu TPHCM. 
Nguyên là giảng viên tại trường Sân Khấu và Điện Ảnh TPHCM. Chủ nhiệm trường đào tạo Diễn viên nhà hát Trần Hữu Trang. 
Hội viên của các Hội Nhà văn, Sân khấu, Điện ảnh; đồng sáng lập CLB Đạo Diễn Thể Nghiệm (1985). 
Đã dựng trên 30 vở và viết trên 70 vở kịch truyền thống và đương đại, hàng trăm kịch bản cho phim truyền hình và nhiều công trình nghiên cứu về nghệ thuật Sân khấu và Cải lương. 
Đã dự nhiều liên hoan, hội thảo, sáng tác và nghiên cứu giáo dục về sân khấu trong và ngoài nước .
Nguyễn Thị Minh Ngọc hiện đang định cư tại Hoa Kỳ.








"Tất cả những nghành nghệ thuật khác như phim ảnh, hát, múa, xiếc, văn học, hội họa ... đều có thể giao lưu tức thời trực tiếp hoặc gián tiếp với những trào lưu - tác phẩm nghệ thuật hiện đại của thế giới qua Internet, băng đĩa. Riêng sân khấu Việt Nam gần như bị nhốt kín trong bốn bức tường.
Người làm nghề trong nước đã không biết được tác phẩm diễn trên sân khấu thế giới ra sao, mà cũng chẳng biết được người ta đang viết những kịch bản như thế nào."
(NTMN trả lời báo Pháp Luật. 2010)



















Tác phẩm đã xuất bản







1
Ngọn Nến Bên Kia Gương

(tập truyện ngắn, nxb Trẻ 1992-1994) 






2
Một Mình Bước Tới

(tập truyện ngắn, nxb Văn Nghệ, 1994-1995)






3
Trinh Tiên
(truyện vừa, nxb Trẻ, 1995)






4
Năm Đêm Với Bé Su

truyện Vừa, nxb Kim Đồng 
(1995, 1996, 2000, 2003)





5
Người Mẫu

(tập truyện ngắn, nxb Văn Học, 1996)






6
Cạn Duyên

(tập truyện ngắn, nxb Hội Nhà Văn, 1996)





7
Vì Sao Con Ra Đời

(truyện vừa, nxb Kim Đồng, 1998)






8
Dẫu Lìa Ngó Ý

(tập truyện ngắn, nxb Trẻ, 1999)






9
Đồng Sàng

(tập truyện ngắn, nxb Hội Nhà văn, 2002)





10
Chờ Duyên

(tập truyện ngắn, nxb Trẻ 2004)





11
Chân Trần Trên Lửa Đỏ

(dịch sách Nhật Bản)
 bộ truyện tranh thiếu nhi 6 cuốn.
(nxb Tổng Hợp Đồng Nai 2002)







12
Ký Sự Người Đàn Bà Bị Chồng Bỏ
(tiểu thuyết, nxb Hội Nhà Văn, 346 tr  2007)








13
100 Câu Hỏi Đáp về Sân Khấu Cải Lương 

(Biên khảo, nxb Văn hóa Sài Gòn, 2007)








14
Pearls of The Far East

tập truyện ngắn được chuyển ngữ sang tiếng Anh.
(nxb Hội Nhà văn, 2012)



























Truyện ngắn tiêu biểu



Trăng Huyết
Đêm Diễn Cuối Cùng
Ngưu Lang
Đám Cưới
Gọi Hồn Ta Đó
Gói Cẩm Lệ 










Thơ




Cuộc Chơi Không Công Bằng




Tranh Tứ Bình (một: Sanh)


























Vết Xăm Của Thịnh























Phim






Pearls of the Far East
Đạo Diễn: Cường Ngô

Phim được chuyển thể từ sáu truyện ngắn của nhà văn 
Nguyễn Thị Minh Ngọc




Với 7 áp phích tượng trưng cho 7 diễn viên chính











Nguyễn Thị Minh Ngọc










Như Quỳnh










Ngô Thanh Vân










Phương Quỳnh










Kiều Chinh










Hồng Anh










Trương Ngọc Ánh
















Triển lãm ảnh Nguyễn Á
"Tâm và tài - Họ là ai?"
















Kịch 







Khi Nàng "Thúy" Trở Về
(phóng tác)



Đứng Giữa Đồi Cao 
(1985)
(Giải thưởng kịch toàn quốc)




Một Nửa Của Tôi Đâu 
(1993)




Người Đàn Bà Thất Lạc




"Người đàn bà thất lạc" sang Mỹ









Người hảo tâm thành Tứ Xuyên
Bertolt Brecht



Đạo Diễn:
Nguyễn Thị Minh Ngọc

Sân khấu IDECAF











Chúng Tôi Là
We Are
Vở kịch được diễn liên tục 12 đêm tại Nhà hát Liên Á 


(New York, Mỹ)











Nguyễn Thị Minh Ngọc

Những người không có mặt
trong vở kịch
“Ba Chị Em”
của Thanh Tâm Tuyền.



Trong vở “Ba chị em” của Chekhov, người vắng mặt là cha mẹ đã mất của họ, là gã tình nhân của người chị dâu, được mụ rước vào nhà, hủy hoại cuộc sống của họ, ỳ để là một trong những nguyên nhân khiến giấc mơ được trở về Moskva yêu dấu của ba chị em cuối cùng bị tắt ngóm.

Trong “Ba chị em” của Thanh Tâm Tuyền có hai người luôn lởn vởn quanh họ thì lại là hai hồn ma: người mẹ đã mất cùng gã người yêu chung của cả ba chị em mà họ cùng gọi đó là “thằng khốn nạn”. Và chính hai bóng ma không xuất hiện trong vở này đã khiến xung đột của vở vận hành, chuyển động.

Thu, Nguyệt, Hương là ba chị em của ba ông chồng khác nhau của mẹ. Họ có lúc ghét nhau, khinh nhau và thậm chí thù nhau; thái độ của từng người đối với mẹ cũng khác hẳn nhau: Thu khinh mẹ, Hương thương mẹ còn Nguyệt chỉ mong được kề cận mẹ.

“Thằng khốn nạn” là chồng của Thu, tình nhân của Hương và là nguời quỳ dưới chân để van xin tình yêu của Nguyệt. Hắn vừa bị Thu giết thì ba chị em đều lần lượt trở về ngôi nhà xưa của mẹ.

Lớp cuối Hương châm lửa đốt cỏ khô vây chặt quanh nhà để trước khi về với mẹ họ còn có thể một lần cuối, soi tỏ mặt nhau.

Mẹ có như thế nào thì họ vẫn không thể xóa đi điều này: họ đã từng nằm trong một vòm quê nhà - tử cung và cùng chui ra từ chiếc cửa vào đời của chung một mẹ.

Nhưng còn “Thằng khốn nạn”? Liệu họ có thoát được sự lệ thuộc vào nó không khi mấy chị em phải rơi vào cảnh huống chia chồng? Nguyệt trở về đây những tưởng sẽ xử dụng “thằng khốn nạn” để báo thù thì khí giới ấy đã bị Thu bẻ gãy ngay đầu vở kịch: Thu giết chồng để được tiếng thuỷ chung. Sự báo thù ấy cũng rơi vào khoảng không khi chạm phải sự dững dưng bình thản của Hương, thà thiêu đốt tất cả để xoá luôn thù hận giữa ba chị em, đồng thời giữ được sự độc lập của riêng mình.

“Huynh đệ như thủ túc, phu thê như y phục”.

Anh em như thể tay chân,

Vợ chồng như thể áo quần cỡi ra.

Ở đây lại là loại “tay chân” chung máu mẹ nhưng khác máu cha - chung vỏ bọc thai nhi nhưng khác hạt giống gieo mầm - nếu họ yêu thương nhau nhau thắm thiết mới là chuyện lạ.

Tác gỉa không đi sâu vào “màu” của ba người cha và các loại hoàn cảnh đã đẩy người mẹ phải nhuộm hồng, vàng, xanh, xám hay tím, lục, chàm, nâu.

Và cũng không cho biết thêm người tình chung “khốn nạn” kia có gieo thêm hạt giống mới nào ố chưa biết sẽ “khốn nạn” hay không- vào vòm tử- cung ố quê-nhà của ba chị em.

Nếu có, chúng ta sẽ có thêm vài nhân vật nữa, không có mặt nhưng vẫn tác động đến hành động kịch của ba chị em trong vở này.

Hình bóng MẸ nơi đây có thể gợi người ta liên tưởng đến thịt da đất nước như thơ Thanh Tâm Tuyền vẫn gợi nỗi nhức đau về những phần thân thể bị băm cắt trong truyện, thơ ông.

Vậy “thằng khốn nạn” gợi nhớ điều gì?

Hãy nghe ba chị em nói về hắn.

THU:

-“..Người đàn bà phải chung thủy với một người. Tôi đã chọn lầm người để chung thủy, lỗi ở tôi, tôi gánh chịu nhưng tôi không phản bội chân lý tôi tìm thấy.” ( “Ba chị em”- cảnh thứ Hai- độc thoại của Thu)


NGUYỆT:
“ Thấy không mẹ, Thu, đứa dám khinh mẹ, đối với thằng khốn nạn chỉ là một con chó đói đáng tởm và thằng khốn nạn đối với con chỉ là bãi đờm thôi. Vậy mà con vẫn một mực kính yêu mẹ, con xứng đáng là con của mẹ chứ ?” ( “Ba chị em”- cảnh thứ Ba- độc thoại của Nguyệt )

HƯƠNG:
- “Tôi muốn người ta không thể bắt tôi sống theo ý nghĩ cố định của người ta, dù phải trả giá đắt, cái chết, tôi vẫn làm...
.. Con phản bội chồng, tưởng tìm thấy mình, nhưng con lầm. Con chẳng tìm thấy gì cả. Người yêu cũ không còn. Con gian díu với một thằng khốn nạn. Cuộc đời không phải là nơi thí nghiệm để người ta gây lại những hiện tượng đã mất chỉ xảy ra một lần.... ( “Ba chị em”- cảnh thứ Nhất - độc thoại của Hương )

Phải chăng loại “áo quần” như “thằng khốn nạn” là thứ Chân Lý (dù thật hay ảo) đã khằn sâu trong da thịt, khi gở ra có nghĩa phải cởi cả máu xương?
Nhúng tay vào việc điều động cuộc tử sinh của mình và những người liên quan, những người phụ nữ Việt Nam của Thanh Tâm Tuyền yếu đuối với nữ tính mong manh của họ nhưng cũng mạnh mẽ biết bao khi cần bày tỏ một thái độ sống, chấm dứt những hệ lụy khi không thể trút lỗi cho định mệnh hay nghiệp chướng được nữa. So ra với những chị em Angtigone thời Bi kịch Cổ đại giữa suy nghĩ cá nhân, tình gia tộc và các loại quy ước tập thể, những Nora bỏ chồng, lià con, những “Ba chị em” của Chekhov, sau khi vỡ tan ước mơ vẫn thụ động mơ tiếp một ngày mai tươi đẹp hơn, “Ba chị em” của Thanh Tâm Tuyền cho thấy ý thức độc lập gần như bẩm sinh của Tây phương hoà nhập chung sống với tình cảm nhân văn Ðông phương trong cách thức giải quyết vấn đề của những phụ nữ này.


Những người khao khát cái mới nhưng không sổ toẹt những nền tảng văn hoá của các thế hệ đi trước, những người đã yêu Thanh Tâm Tuyền với “Bài ngợi ca Tình Yêu”, “Lệ Ðá Xanh”, “Bao giờ” với “Bếp Lửa”, “Cát Lầy” sẽ vẫn tiếp tục yêu mến ông hơn khi chạm vào được những phụ nữ đầy niềm kiêu hãnh, tự trọng và yêu cuộc sống này tha thiết, cho cả khi họ quyết định cắt ngang sự sống của mình và cả những người thân để truyền lại ngọn lửa bùng cháy khát vọng độc lập - và cả tự do - của chính mình.




Nguyễn Thị Minh Ngọc



Kịch bản Ba Chị Em của Thanh Tâm Tuyền được in lại trên Tạp chí Văn, California, tháng 5 & 6.2006 ( số đặc biệt về Thanh Tâm Tuyền). Bản "Những người không có mặt trong vở kịch “Ba Chị Em” của Thanh Tâm Tuyền" trên gio-o.com có sự đồng ý của tác giả và tạp chí Văn.
© 2006 gio-o
























Tham khảo thêm về tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc:






Mỗi tuần một nhân vật



Phạm Điền: Người nữ giữ lửa Văn nghệ Sài Gòn ba mươi năm qua: Nhà văn, Nhà soạn kịch Nguyễn Thị  Minh Ngọc



Song Chi: Nguyễn Thị Minh Ngọc: Tồn tại giữa các ranh giới vô hình



Lâm Hạnh: Nguyễn Thị Minh Ngọc - dì ghẻ tử tế



Bầu quốc doanh lắm khi cũng rất nhẫn tâm!



Nguyễn Thị Minh Ngọc: "Tôi cảm ơn những người ghét mình"



Nguyễn Thị Minh Ngọc: Trò chuyện giữa Ea Sola và Hoa Hạ



Ngô Hương Sen: Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: 
Sau những tàn phai



Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ - "Vết thương" dằn vặt hàng đêm, nhưng cố sống!



Tin tổng hợp



Finding Our Voice



Chung một ngôn ngữ mẫu tính



Nguyễn Đạt: NTMN: Nữ sĩ đa tài



Nguyễn thị Minh Ngọc: Những vấn đề của sân khấu Bắc Mỹ




IMDB : Minh Ngọc Nguyễn














Những bài viết mới nhất







"Tôi không còn thời gian!"











Tháng 8, ngày 4, 2013, có dịp ghé San Jose, dự định đến nơi diễn xong là biến ngay, tưởng không có giờ để gặp cả hai. Nàng rao trước, vì nhiều lý do, có thể không đến nơi chúng tôi biểu diễn được. Bất ngờ, màn chưa mở, cô gái ấy đã đến, cho hay: “Anh Hoàng kêu em phải tới giúp con N.”

Thử coi, 18 ngày trước buổi diễn, cái rạp trên 600 chỗ ở Santa Clara bán được có 15 vé. Thiên hạ đồn nhau chương trình này lãnh 4 đứa VC sang, chính là 4 ca sĩ khuyết tật của chúng tôi. Ban tổ chức sau đó tung vé đi mời, giờ chót bạn tôi muốn mua thì hết nhẵn cả vé. Nàng cùng với một cô bạn bưng hai thùng quyên góp tiền đi dọc xuống khán giả trước giờ quy định vì Nàng nói với tôi: không để Chàng nằm một mình ở nhà lâu được. Nếu không có Nàng, chúng tôi khó đủ trang trải vì nhiều người lên sân khấu đưa check, ghi người nhận là Pearl of Heart, sau đó mới biết họ tặng cho một ngôi trường nuôi trẻ mồ côi ở Việt Nam. Diễn xong, lên xe về ngay Orange County, tôi không hề biết Chàng bệnh nặng đến độ ngày hôm sau, bạn bè khắp nơi loan truyền báo động. Còn gọi Nàng hỏi chắc là tin vịt, Nàng nói, ai dám bịa chuyện động trời như vậy và cho hay đang tự đến bác sĩ cho mình, còn Chàng thì bịnh viện vừa khuyên nên đưa về nhà vì sợ chàng không kham sự đau đớn không cần thiết của cuộc giải phẫu.

Sáu tiếng từ SJ về OC, tôi nằm mơ mòng giữa tiếng hát chúc mừng sinh nhật tôi của các chàng ca sĩ khiếm thị mà một trong số đó là Nguyễn Đức Đạt, người vừa được nhắc đến hai tháng trước đây trên blog’s Nguyễn Xuân Hoàng. Rồi bỗng nhiên những chi tiết sống giữa chúng tôi cách đây gần 40 năm bỗng trở về như mới. Mà nhớ lại quá khứ, không có nghĩa lôi ra chuyện riêng tư giữa chỉ Chàng, Nàng và Tôi mà còn lôi bật kéo nhau ra theo một nùi dính chùm, những khuôn mặt cuộc đời chết sống ở thời điểm tiền và hậu chiến, với cái mốc ngặt nghèo 1975.

Đầu tiên, tại sao tôi quen Nàng, thật tình không nhớ. Chỉ nhớ như in, ngày thân phụ của nàng đứng ở vườn hoa trước Nam Thạnh Lầu thị xã Phan Thiết nói chuyện với cử tri. Ông là dân biểu Trương Gia Kỳ Sanh, hiệu Trúc Viên của tỉnh Bình Thuận, thuộc dòng dõi của nhân vật lịch sử Trương Gia Mô – người đã gieo mình xuống chân núi Sam vì nỗi đau đời, Tại Hạ Viện, ông còn có biệt danh FM Đầu Bạc. Hình như ông có đụng độ với nhóm cầm quyền lúc đó nên đã bị mấy người trà trộn trong đám đông cầm lọ mực xanh tạt vào chiếc áo trắng tinh. Mẹ tôi đang đi chợ, thấy vậy, quẳng chiếc giỏ cho tôi, nhảy lên diễn đàn chiếm micro la rầy những kẻ thất lễ với một nhân sĩ trí thức như thầy Trúc Viên, người mà bà biết đã có lúc lập gánh hát với Nam Nam, cô đào chính có nhan sắc và giọng hát mê hồn.

Lúc đó, thỉnh thoảng có dịp từ Phan Thiết vào Sài Gòn, tôi ghé lãnh báo biếu của tờ Tuổi Ngọc. Tờ tuần san này nằm chung nhà với bán nguyệt san Văn, nên tôi thử viết gửi cho Văn, không những được đăng, mà lại còn có nhuận bút. Sau đó, tôi mới biết cô bạn văn ký tên Trương Gia Vy chính là Trương Gia Diệu Trữ, ái nữ của thầy Trúc Viên, và cũng là nàng thơ của X, một nhân vật văn hay chữ tốt ngoài Phan Thiết của tôi. Tôi cũng đọc được những chuyện Chàng viết, về Nàng, và cho Nàng đăng trên Tuổi Ngọc. Truyện ngắn “Đồi Cát” của tôi có phần mượn chi tiết từ ba người viết mà tôi quen là Chàng, Nàng và X.

Có hôm tôi vào Sài Gòn trùng với ngày mai là đám dạm của Nàng với X. Chàng nghe tin Nàng chống cuộc hôn nhân này bằng cách … muốn làm Juliet, đoạn gần kết kịch. Thế là trên chiếc xe đò chạy thẳng ra Phan Rí Cửa năm đó có tôi cùng Romeo – Chàng. Gần đến nhà Juliet, phải giấu Romeo ngồi ở một quán ven Quốc lộ Một, riêng tôi đến nhà nàng, với tư cách con gái của người đàn bà đã nhào lên cướp micro mắng lũ trẻ trâu bênh thầy Trúc Viên, rủ nàng đi dạo một vòng để họ hội ngộ nhau trong vòng non tiếng. Còn nhớ khuôn mặt trẻ thơ của Trữ khi kể lại thắc mắc của cha: “Thằng X ngon như vậy, sao con không ưng?” Ngay sau đó nàng cười hắc hắc: “Con người mà thầy biểu ngon lắm, làm như canh chua, cá kho tộ không bằng.” Sau khi trả Juliet về với gia đình, tôi đi kiếm một cái hotel gần bờ sông Cà Ty cho Romeo vì lúc đó đã chiều, còn mình thì lang bạt bạn bè để sáng hôm sau đến đón Chàng cùng về lại Sài Gòn.

Lúc đám cưới cặp này, tôi không dự vì hình như lúc đó tôi ra Huế thi chơi vào lớp dự bị y khoa, ai dè đỗ, phải ra đó học. Khi rời Huế về Sài Gòn, thăm họ ở căn nhà gần thành Ô Ma và rạp Quốc Thanh thì Romeo-Chàng và Juliet-Nàng đã có hai nhóc. Diệu Trữ phong tặng tôi ngay hỗn danh Tào Thị để cân xứng với tiểu gia đình của họ có đủ Phạm Công, Cúc Hoa cùng Tấn Lực, Nghi Xuân.

Trong những bạn chung của chúng tôi sau 1975, có anh Lưu Quang Vũ mà Chàng có đưa ít nhiều vào cuốnBụi và Rác với tên Lâm Quốc Vũ. Ngày anh Vũ mất, ở Sài Gòn, tôi được đề nghị viết vài dòng đọc trong lễ tang anh. Khi tôi viết những dòng nầy, cũng sắp là ngày giỗ của anh. Chưa kể đến tâm và tài của anh Vũ, điều khiến cả Chàng và tôi đều thấy dễ gần người thi sĩ, kịch tác gia tài hoa này là nỗi đau đời của một người Việt trong anh, cùng sự trân trọng chúng tôi là những người viết của miền Nam mà anh Vũ có cơ hội đọc trước khi gặp mặt. Trong cuốn tiểu thuyết có tựa Ký Sự Người Đàn Bà Bị Chồng Bỏ, tôi không thể không nhắc đến anh Vũ cùng cái chết oan khiên của cả nhà anh.

Suốt thời gian Chàng, Nàng cùng gia đình sang Mỹ định cư, bạn bè khi nhắc đến Chàng đều nói điệp khúc của anh ấy từ bên kia đại dương vọng về thường là: Sao Muốn Chết Quá! Trong ngôn ngữ kịch nghệ của chúng tôi, đỉnh cao của Bi là Hài và ngược lại. Y như khi Khuất Nguyên kêu cô học trò theo mình 15 năm: “Đi lấy chồng đi!” trong vở Hồn Xuân Thu, tôi đã nghe ra đó là một lời tỏ tình đau đớn.Có thể dịch hai chữ “muốn chết” của Chàng ra là Tiếng kêu bầy của Người-vô-cùng -tha-thiết-với-Cuộc-Đời-này.

Từ bấy đến nay, chúng tôi vẫn có dịp thoáng chốc gặp nhau, hoặc Nàng về công tác hay làm từ thiện, hoặc tôi sang với những dự án bên sân khấu. Chàng chỉ về đúng một lần và có vẻ không hào hứng việc về lần thứ hai. Những lần gặp nhau, tôi như được gặp … tri âm, cứ tuôn ào ào những nỗi bi phẫn của mình—Người-Cứ-Tưởng-Là-Sẽ-Nói Giùm-Được-Những-Người-Không-Nói-Được–hóa ra ngay chính mình cũng đã nói hết được những gì cần nói đâu. Tôi không thể hào sảng như cô bạn đạo diễn của tôi đã vang danh là Người Đàn Bà Đức Hạnh. Trong buổi chuẩn bị 2 giờ chiều duyệt vở kịch cùng tên, chúng tôi còn loay hoay với đoạn kết dự kiến cho Cô Đào Hát Điên và toàn thể diễn viên chỉ mặt khán giả cười ngất, cậu producer đang sợ vở bị cấm, rón rén đến nhờ tôi khuyên cô gái ấy kìm chế bớt, tôi lắc đầu kêu cậu tự nói, sau đó cả không chỉ khán phòng mà cả Trung Tâm Văn Hóa Pháp đều nghe tiếng nói trong micro có echo: “Đ.M. tao đã hèn rồi, tên bầu nầy còn hèn hơn cả tao”.

Chàng nghe, miệng tủm tỉm cười, ít ra thì cũng tạm nguôi ngoai cơn thèm chết trước cơn điên trút rác của tôi, rồi sẽ sàng hỏi: Ở Việt Nam, còn sôi sục bức bối kiểu như em nãy giờ, có nhiều không? – Lặng một chút, nhớ ra, và đếm thử, thấy cũng còn kha khá. Như dịp kỷ niệm Sài Gòn 300 năm, có ba con “nữ tặc” bỗng dưng xuống tóc, đứa đội tóc giả đi diễn (như Phương Hồng Thủy), đứa phơi cái sọ đẹp đi dựng (như Hoa Hạ), đứa quấn khăn đi dạy (như tôi). Ngoài Bắc, có người đồn ba con tỏ thái độ với lãnh đạo sân khấu. Nhưng sự thật thì cũng như Chàng Đi Trên Mây, một lúc nào thấy Mù Sương hay Bụi và Rác nhiều quá, thì tìm cách phủi bớt bụi trần, để còn có thể tiếp tục lơ lửng ở một tầng mây giữa hai bờ Sinh và Tử. Vậy thôi!

Một MC mới gặp Chàng lần đầu, ghi trên facebook: “He said years ago, he could not understand why some famous writer like Ernest Hemingway [or] a famous painter like Van Gogh … wanted to kill themselves… Now he does understand …. Scary, I would appreciate every single moment of life now.”

Rồi trên đường kiếm chồng cho em gái, tôi lập gia đình ở tuổi 50. Năm ngoái suýt chết trong một tai nạn xe trên xa lộ liên bang. Cứ nhủ mình phải cố viết và làm gì cho xứng với phần số của một người vừa thoát chết. Sau đó, đi diễn “chùa” cho một cái chùa ở San Jose, gặp nhau ở một buổi biểu diễn ca nhạc có khá nhiều ca sĩ hạng A, đa phần từ Hà Nội sang mà Nàng có tham gia tổ chức, Chàng ngồi hàng ghế VIP còn kể chuyện mới té ngã gãy xương trong chuyến sang Pháp thăm thân nhân, còn kêu không hiểu nổi tuổi trẻ nghĩ gì mà vẫn có những cô bé liều lĩnh muốn xin được “kết bạn” với Romeo trên bẩy mươi này, bất chấp tất cả. Vẫn thấy sự sống và tình yêu tràn trề trong cả hai người dù Juliet ôm căn bệnh ác hơn chục năm nay.

Và bây giờ thì đến lượt Romeo. Tôi nói qua phôn, nè sao giống bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” quá vậy, nhưng không “tiêu” người trai khói lửa, mà “tiêu” người gái nhỏ … Nàng vẫn cười dòn, như tiếng cười năm nào khi so sánh câu của cha mình khen X ngon với canh chua, cá kho tộ. Mày biết Phạm Công của mày, vốn dĩ đã rất trầm cảm, nay lại nghe tin dữ này, chỉ biết mình nên làm gì một cái gì đó để gầy cho Chàng niềm vui sống. Những trang viết thư từ thăm hỏi Chàng sau đó có lẽ đều với mục đích này.

Tôi tẳn mẳn đọc gần hết những bài của bạn bè viết về Chàng, và dĩ nhiên không thể thiếu bóng Nàng. Tôi thích cái ý tưởng của Đinh Từ Bích Thúy nói về V của Chàng. “Vy” của ông, V/Vi/y (tiếng Anh) hoặc “Vê” trong tiếng Pháp, chính là văn hóa, văn chương Việt Nam–một vũ trụ phức tạp, tinh vi và dễ méo bẹp như cái hộp chứa con cừu tí hon của chàng hoàng tử bé trong truyện của St. Exupéry.” (Mà biết đâu, V cũng là Việt Nam, như vở kịch “V come Việt Nam” của nhà viết kịch Pháp Armand Gatti?)

Cái ông Trương Gia Mô có liên hệ máu thịt với V. kia, đã nghĩ gì trước khi trèo lên tháp cao của Pháo đài trên núi Sam rồi thả rơi mình vào khoảng không? Cho dù hiện tại vẫn có trường và đường mang tên ông ở Việt Nam, nhưng theo tôi, đó là giây phút hạnh phúc nhất đời ông, chứ không phải những lúc làm bạn với Phan Chu Trinh hay lang bạt lúc Huế, khi Thuận Khánh, Hà Tiên, càng không phải lúc ngây thơ gởi bản điều trần cho vua gồm các các điều: dạy ngoại ngữ để mở mang dân trí, chấn hưng công nghệ thực nghiệp, khẩn hoang, chữa bệnh dân nghèo, cách chức quan tham, loại bỏ thư lại vô dụng, lập nghị viện, mở báo quán để rộng đường dư luận, đẩy mạnh giáo hóa trong xã hội, ngăn ngừa sự đồi bại. Ít ra ông được sống như chính mình trong giây phút đó, không còn những ngộ nhận, phản trắc chập chùng của một đời bão giông nhiệt huyết.

Trong hai bàn tay bệt cà phê nâu ngào đường trên trang web của bạn bè dành cho mình, Chàng ghi: “Tôi không còn thời gian!

Chẳng thời gian nào đủ cho những người viết Việt trong lúc này. Nơi mà hơn lúc nào hết, cả trong lẫn ngoài nước, cuộc sống như cơn triều cường không mưa bão báo trước, cứ từ dưới đất, cống, trồi lên cùng bao bùn, rác, bụi cuốn trôi đi những son sắt thuở mới vào đời.


Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trương Gia Vy, Nguyễn Xuân Hoàng

Chỉ định ghi lại đây một cái gì đó về Chàng và Nàng để họ đều còn có thể đọc được, hay Nàng đọc cho Chàng nghe, trước khi quá muộn. Và tôi biết, cả hai còn có thể hiểu được nhiều điều nữa, đằng sau những giòng chữ nầy. Sau bao biến thiên của đời, ít ra cũng còn một điều gì đó chung giữa chúng ta. Ví dụ như Nỗi Ám Ảnh Không Rời về Những Người Đã Chết. Mình đã mơ muốn Nói Giúp Họ, Những Người Việt Nam… đã chết, oan hay ưng, chết trước hay sau cái mốc nghiệt ngã 1975, chết biển, chết rừng, chết sông, chết suối .… “chết tình cờ, nằm chết như mơ.” Để rồi ngó lại, còn, và mãi còn, bao nhiêu khúc khuất trong chính mình, vẫn dang dở đến giây phút tạm gọi là cuối, của cơn triều cường cuộc đời, vĩnh viễn không xứng hợp được với phần sống được trời – nếu có - bonus thêm.

Bismarck, ND Aug 22 2013 
Nguyễn Thị Minh Ngọc

















Nguyễn Thị Minh Ngọc & Kiều Chinh










































 Nguyễn Thị Minh Ngọc với mẹ và chị em
(NTMN ngồi bên phải)



















Trở về



MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.