Thứ Ba, 15 tháng 12, 2020

Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989)

 











Nguyễn Minh Châu
(1930 - 1989)
Nhà văn







Nguyễn Minh Châu (20/10/1930 - 23/1/1989) là một nhà văn có ảnh hưởng quan trọng đối với văn học Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam và thời kỳ đầu của đổi mới.














Tiểu sử


Nguyễn Minh Châu sinh năm 1930, quê ở làng Văn Thai, tên nôm là làng Thơi, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Theo lời kể của vợ ông, bà Nguyễn Thị Doanh, tên khai sinh của Nguyễn Minh Châu là Nguyễn Thí. Chỉ tới khi đi học, bố mẹ mới đổi tên cho ông thành Minh Châu. Trong những ghi chép cuối cùng, Ngồi buồn viết mà chơi ông viết trong những ngày nằm viện ở Bệnh viện Quân y 108, Nguyễn Minh Châu tự nhận xét về mình: "Từ lúc còn nhỏ tôi đã là một thằng bé rụt rè và vô cùng nhút nhát. Tôi sợ từ con chuột nhắt cho đến ma quỷ. Sau này lớn lên, đến gần sáu chục tuổi, đến một nơi đông người tôi chỉ muốn lẻn vào một xó khuất và chỉ có như thế mới cảm thấy được yên ổn và bình tâm như con dế đã chui tọt vào lỗ".

Năm 1945, ông tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Huế với bằng Thành chung. Tháng 1 năm 1950, ông học chuyên khoa trường Huỳnh Thúc Kháng tại Nghệ Tĩnh và sau đó gia nhập quân đội, học ở trường sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn. Từ năm 1952 đến 1956, ông công tác tại Ban tham mưu các tiểu đoàn 722, 706 thuộc sư đoàn 320. Từ năm 1956 đến 1958, Nguyễn Minh Châu là trợ lý văn hóa trung đoàn 64 thuộc sư đoàn 320. Năm 1961, ông theo học trường Văn hóa Lạng Sơn. Năm 1962, Nguyễn Minh Châu về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội, sau chuyển sang tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam năm 1972.

Nguyễn Minh Châu qua đời ngày 23 tháng 1 năm 1989 tại Hà Nội, thọ 59 tuổi.



Sự nghiệp văn học

Năm 1960, Nguyễn Minh Châu viết truyện ngắn đầu tay Sau một buổi tập. Trong sự nghiệp sáng tác kéo dài ba thập kỷ (1960-1989), khép lại với chuyện vừa Phiên chợ Giát viết năm 1989, ông để lại 13 tập văn xuôi và một tiểu luận phê bình. 









Tác phẩm




1
(tiểu thuyết, 1967)





2
Những vùng trời khác nhau
(tập truyện ngắn, 1970)





3
Dấu chân người lính
(tiểu thuyết, 1972)





4
Miền cháy
(tiểu thuyết, 1977)





5
Lửa từ những ngôi nhà
(tiểu thuyết, 1977)





6
Những người đi từ trong rừng ra
(tiểu thuyết, 1982)





7
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành
(tập truyện ngắn, 1983)





8
Bến quê
(tập truyện ngắn, 1985)





9
Mảnh dất tình yêu
(tiểu thuyết, 1987)





10
Chiếc thuyền ngoài xa
(tập truyện ngắn, 1987)





11
Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ


Nguyễn Minh Châu

Là một người sáng tác, chắc tôi cũng giống như nhiều anh em sáng tác khác, có thói quen vừa viết vừa tự quan sát, nhìn theo cái ngòi bút của mình có lúc đầy hào sảng có lúc lại đầy đắn đo hồi hộp lẫn e ngại chạy trên mặt tờ giấy định mệnh.

Chao ôi, để bụng không nói ra thì thôi chứ nói ra cái chuyện này nó vui lắm, mà nó cũng buồn lắm, có đôi khi buồn đến thối ruột! Thú thật chừng ba bốn năm trở lại đây tôi cứ nổi lên nhũng cơn ngán giấy bút, hay so sánh mình với những anh em bạn bè cầm bút một cách suôn sẻ bình thản, được trời đất ban cho một cái tạng nhà văn luôn luôn sẵn sàng thích nghi với mọi thứ lý luận và luật lệ văn học, họ thật sướng, viết ra trang giấy mà trong bụng chẳng bao giờ có điều gì phải sợ sệt, lo lắng, như một người bao giờ cũng sống đĩnh đạc, cứ thẳng đường chính rộng lớn mà đi; còn mình thì y như một kẻ gian phi lúc nào cũng như đang lén lút thu giấu cái gì quốc cấm trong cạp quần hay dưới áo. Nghĩ mà buồn quá, nghề giấy bút nó chẳng nuôi gì được mình mà chỉ thấy nó hành mình.

Có lúc – nói ra thật lẩm cẩm – tôi lại hay đem so sánh mình với các nhà văn của những đất nước hàng trăm năm bình ổn, các nhân vật của họ phải chịu đựng nỗi đau khổ dằn vặt thật là sang trọng, chứ đâu như cái đám nhân vật của mình, không những cái đau khổ, hoạn nạn mà cả cái vui, cái hạnh phúc của họ nó cũng nhem nhuốc, nhớn nhác, tội nghiệp quá! Hỡi ôi, bao giờ nhân vật của mình mới được sang trọng, để cho mình cũng sang trọng lây!

Có lúc tôi lại đem công việc của chúng ta so sánh với công việc của các nhà tiền chiến cầm bút trước cách mạng, gọi là các nhà văn hiện thực phê phán. Ví dụ như ông Nam Cao chẳng hạn. Có lần ông ấy la lối, hô hoán ầm lên rằng thiên hạ bít hết lối của ngòi bút ông ấy. Viết cây chuối hay con chó hoặc kẻ say rượu đều phạm húy, đều có người đe đánh, đe đốt nhà. Bị o ép đến vậy tưởng không viết được gì, thế mà cuối cùng, cả một đời cầm bút của Nam Cao trước cách mạng số năm có là bao nhiêu đâu, vậy mà đủ để lại khá nhiều, nhất là có thể có cái quyền viết rất thực, bao nhiêu lẽ đời, sự đời, bao nhiêu khuôn mặt người đời thực đến thế. Chí Phèo thực đến thế. Thật là vừa được viết vừa được nói. Chứ như đám chúng tôi, từ nhà văn trẻ đến lớp nhà văn già được chăm sóc chăn dắt kỹ lưỡng quá đi mất. Sao lại như vậy nhỉ, sau bốn chục năm nhìn trở lại những nhà văn tiêu biểu của nền văn học phần đông nếu không phải là tất cả, đều có tì vết trong lịch sử đời cầm bút? Rồi thì từ đấy bắt buộc sinh ra một cái thói quen không biết bắt đầu từ lúc nào mà tôi nghĩ nó rất thảm đối với tư cách của một người nghệ sĩ, hễ cầm bút là phải nghĩ đến né tránh, che chắn, rào đón, đối phó. Có vẻ tuồng như mỗi nhà văn mỗi khi ngồi trước trang giấy là cùng một lúc phải cầm hai cây bút: một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc. Mà cái ngòi bút thứ hai này – buồn thay – các nhà văn cầm lâu ngày để tự bảo vệ mình cho nên cũng lắm kinh nghiệm, mà cũng tài hoa lắm!

Quả thật tôi không có tài rào đón, che chắn nhưng cầm bút viết văn đến một lúc ngồi nghĩ lại cũng tự nhiên sinh ra giận mình đến phát chán mình, chán cả cho đồng nghiệp, bè bạn. Điều đáng buồn nhất là những người phải xoay trở, vặn vẹo cây bút, phải làm động tác giả nhiều nhất là những nhà văn có tâm huyết, có tài, muốn văn học phải có cái gì của văn học, chứ không muốn văn học chỉ là một sự minh họa. Trong khi đó những cây bút minh họa, những tác phẩm minh họa hoặc ca ngợi một chiều thì lại thoải mái, người viết cầm bút thoải mái mà chẳng có gì phải luồn lách, phải đắp đậy, rào đón, chỉ phải cái nó công thức và sơ lược, nó nhạt, và càng ngày người đọc càng thấy nó giả, mỗi ngày người đọc càng thấy rõ ở những tác phẩm minh họa và ca ngợi một chiều một sự giả dối không thể nào bào chữa nổi, đắp đậy nổi, so với cuộc đời thực bên ngoài.

Tôi không hề nghĩ rằng mấy chục năm qua nền văn học cách mạng – nền văn học ngày nay có được là nhờ bao nhiêu trí tuệ, mồ hôi và cả máu của bao nhiêu nhà văn – không có những cái hay, không để lại được những tác phẩm chân thực. Nhưng về một phía khác, cũng phải nói thật với nhau rằng: mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động, và do nhiều lý do từ những ngày đầu cách mạng, các nhà văn cũng tự nguyện tự giác thấy nên và cần làm như thế (thậm chí có phần nào các nhà văn mới đi theo cách mạng và kháng chiến còn coi đó là cái mới, là hoàn cảnh “lột xác”). Từ đấy rồi trở thành thói quen. Thói quen của một người vốn quen đi trong một hành lang hẹp, vừa hẹp vừa thấp. Lần lượt bắt đầu là các nhà văn tiền chiến rồi hết lớp người cầm bút này đến lớp người cầm bút khác, với một khả năng thích nghi hết sức ghê gớm, các nhà văn đã thích nghi với văn học minh họa như thích nghi với cách sống gian khổ, thiếu thốn trong chiến tranh. Những nhà văn tuy đều cảm thấy thiếu thốn và bức bối nhưng lại tự dụ dỗ mình và khuyên nhủ lẫn nhau tự bạt chiều cao cho thấp đi khỏi chạm trần, tự ép khuôn khổ chiều ngang lại để khỏi kềnh càng, để đi lại được thoải mái trong cái hành lang kia.

Tuy vậy, cứ mỗi lần hết chiến tranh chuyển sang hòa bình hoặc cứ lâu lâu sau một số năm, đường hướng minh họa và tình hình mất dân chủ trong văn nghệ lại làm dấy lên những vụ này vụ khác. Những người “lính gác” lại có dịp “khép lại” và không rời mắt khỏi từng người, đặc biệt là những người có tài hay có tật và không ngừng thuyết phục với tất cả cũng như với từng người rằng cái hành lang kia là tất cả thế giới của văn nghệ cách mạng. Không khí để thở, bầu trời để ngắm, đất dưới chân để đi lại chỉ có thế và đấy là tất cả thế giới minh họa, ở trong đó nhà văn tha hồ vùng vẫy, sáng tạo và phát huy tài năng. Trong nghệ thuật hội họa châu Âu chẳng đã từng để lại những tác phẩm danh họa về lịch sử tôn giáo và đời các thánh, thực sự những tác phẩm hội họa cổ điển sẽ sống đời đời ấy là những tác phẩm minh họa. Tôi nghĩ rằng đường lối chính sách của Đảng, kể cả những cái sáng suốt đúng đắn cũng như cái sai lầm đang được điều chỉnh trong từng thời kỳ bao giờ cũng có thể soi rọi, giúp nhà văn nhìn thấy những vấn đề thực tế rất sâu xa của đất nước, gợi ý cho nhà văn những suy nghĩ, chiêm nghiệm quý báu. Nhà văn như một người trinh sát cuộc đời, vậy thì việc tìm hiểu sự hình thành những đường lối chính sách chính là sự tìm hiểu việc đời từ trong quá trình.
Ý nghĩa tác dụng của đường lối, chính sách đối với văn nghệ là như vậy. Tôi nghĩ rằng khi nhà nghệ sĩ đứng trước một sự vật, nảy ra ý tưởng minh họa khi tìm thấy ở nó tràn ngập cảm xúc về cái chân lý và cái đẹp.

Thất thiệt to lớn nhất của văn nghệ minh họa của ta là từ đấy những nhà văn đánh mất cái đầu và những tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng, – nghĩa là những tư tưởng mới và độc đáo mang tính khái quát cuộc đời của riêng từng nhà văn. Như một người đánh mất phần hồn chỉ còn phần xác, hoặc chỉ còn cái phần hồn do nhà nước bao cấp. Chúng ta không thiếu những nhà văn có lòng và có thực tài nhưng cũng không vì thế hàng chục năm qua có khi họ phải ôm hai thứ đó trong người như hai thứ tội nợ, vì thế mà đâm ra sợ chính mình. Sau một vài lần viết ra bị vấp váp, bị thổi còi, bị phê phán trên báo, được tập thể góp ý xây dựng, nhà văn ngồi một mình giữa vắng vẻ ngâm nga: “Chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa“, nhưng làm sao mà chừa được. Con người nghệ sĩ là thế đấy, dù cho rằng anh ta hèn đớn vẫn không chừa được thói quen khao khát sáng tạo, lời nói thật và chút lòng với đời. Nó như một thứ bản chất thiên phú, hay một thứ bản chất giời đày?

Rồi vẫn được viết, vẫn cầm bút, vừa muốn phô diễn tư tưởng, chõ miệng ra giữa hai hàng chữ để cảnh tỉnh với đời một cái điều gì đó tiên cảm thấy trong đời sống nhưng lại muốn giấu đi, gói nó trong bao lần lá, rào nó sau bao tầng chữ. Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn. Vì thế mà từ xưa tới nay có bao nhiêu nhà văn nhà thơ đã đi ở ẩn ngay trong tác phẩm? Chúng ta vắng thiếu những cây thông đứng sừng sững. Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: “Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!”, nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng. Có người cầm bút đến lúc sắp bước sang thế giới bên kia vẫn chưa dám thốt lên một lời nói thật tự đáy lòng, không dám viết hồi ký thực, vì sợ để liên lụy đến đời con cái. Có người lại biến cái sợ cái hèn thành một thứ vật trang sức và thách thức, vật biểu hiện của sức sống dai dẳng. Giữa chồng sách trước mặt tôi lúc này là hai tập Các nhà thơ cổ điển Việt Nam của nhà thơ Xuân Diệu. Một nhà thơ lớn như Xuân Diệu làm một công việc rất công phu là bình giá và giải thích những giá trị văn học cổ điển của nước nhà, mà sao Xuân Diệu phải rào đón, dựng lên bao nhiêu là lớp phên giậu để tự che chắn? Sao mà khổ vậy? Rồi thì dù không muốn tôi cũng phải nói rằng sự độc đoán và chế áp của lãnh đạo văn nghệ trong nhiều năm qua đã khiến cho những nghệ sĩ chân chính luôn luôn gắn bó với cách mạng, với Đảng, suốt đời cảm thấy phạm tội.

Cũng trong một con người cầm bút, có khi cái phần bất tài nhảy lên bục tao đàn để múa may, còn cái phần tài năng thì trùm chăn nằm chờ ngày xuống mồ!

Con đường của một cây bút trẻ hăm hở phấn đấu hết mình để trở thành nhà văn cũng là con đường phải giết đi cái phần nhà văn trong con người mình, con đường tự mài mòn đi mọi cá tính và tính trung thực trong ngòi bút!
Chúng ta phải nhìn lại kỹ càng cái hành trình văn học đã đi qua bằng con mắt thông minh, không phiến diện và thực sự cầu thị, để một mặt không phủ định tất cả, một mặt khác, với một tinh thần tự phê phán thấy cho được rằng: có thể đôi khi với động cơ tốt chúng ta đã trói buộc lẫn nhau trong một thời gian hơi quá dài của mấy lớp người cầm bút, trong khi lại đòi hỏi phải có những tác phẩm lớn. Thật là mâu thuẫn. Chả khác nào trói lại rồi bảo đố mày bay lên!

Muốn có tác phẩm lớn, nhưng liệu chúng ta có chấp nhận nổi những tính cách ngòi bút của một nghệ sĩ với tầm tư tưởng lớn mà tôi nghĩ bao giờ nó cũng quá chói sáng, với những điều nói thật không phải bao giờ cũng dễ nghe, thậm chí có thể làm đảo lộn mọi quan niệm với những nỗi dằn vặt, băn khoăn lớn chung quanh cái bề mặt nhãn tiền và tận chín tầng đất sâu của cuộc sống con người trên dải đất này.

Và tác phẩm lớn là gì?

40 triệu dân của đất nước Tây Ban Nha được nhân loại biết đến và kính trọng bằng một lão gàn vĩ đại vì mang trên mình tất cả tính ảo tưởng muôn đời của toàn thể nhân loại.

Và gần một tỷ người của đất nước Trung Hoa được nhân loại thấu hiểu sâu sắc bằng một anh chàng nông dân A.Q.

Cả Don Quichotte lẫn A.Q chẳng hề làm xấu Tây Ban Nha lẫn Trung Quốc, mà làm đẹp cho cả hai đất nước này.

Tài năng, nhất là những thiên tài bao giờ cũng như là của bắt được, của trời cho, ai mà biết được bao giờ thì họ đến, nhưng cũng như một Nguyễn Du, họ đến cũng trong khắc khoải nhân sinh, chỉ có điều đau đớn hơn mọi chúng ta, và cũng trong lầm lũi cát bụi cuộc đời thường. Nhiệm vụ của chúng ta là chuẩn bị bầu không khí cho họ thở, cho họ sống, đừng giết chết họ, đừng ghen tỵ với họ, đừng làm họ sống dở chết dở mà vẫn phải nở nụ cười, đừng làm cho họ thui chột trí tuệ lẫn tình cảm, đừng khiến họ cuối cùng trở thành chúng ta.

Công việc chuẩn bị cho thế hệ trẻ của Hội Nhà văn hôm nay không phải là chuẩn bị cái lò ấp hàng trăm hàng ngàn quả trứng gà trứng vịt, mà là chuẩn bị cho những tư cách nghệ sĩ và tài năng lớn ra đời.

Nói thế có bốc đồng chăng, cao vọng quá chăng? Nhưng chúng ta phải đốt lên ngọn lửa cao vọng! Chẳng lẽ mãi mãi thế hệ nhà văn Việt Nam chúng ta vẫn cứ yên tâm sản xuất ra toàn những sản vật không bao giờ được ngó đến trong nền văn học thế giới. Chẳng lẽ Việt Nam ngày nay chỉ hưởng của thiên hạ mà không làm ra được cái gì góp vào của chung của thiên hạ? Chẳng lẽ các nhà văn Việt Nam đi ra ngoài mãi mãi chỉ có chung một cái tên riêng là nhà văn Việt Nam? Để rồi quay trở về, con hát mẹ khen hay? Và đàn con cứ mãi mãi suốt đời tự hào được người mẹ ở trong nhà khen ngợi!?

Tôi nghĩ rằng trước hay sau, ai cũng trở thành bảo thủ, lạc hậu, cũ kỹ cả. Bảo thủ về già là một quy luật. Trong khoa học, đến một bộ óc mới mẻ như Einstein về già còn bảo thủ cơ mà! Cái mới nào mà chả cũ đi, – trên dòng thác biến đổi qua thời gian? Cái chính là chúng ta biết cười xòa chợt nhận ra mình đã sai lầm, đã bảo thủ. Chúng ta sẽ trở nên sáng suốt hơn sau cái tiếng cười ấy. Bởi vì sau đó chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ giơ tay ngăn cản cái mới, cái tiến bộ, mà sẽ xuất hiện một quyết tâm làm mới lại mình với thái độ chân thành, xởi lởi, cởi mở, để cùng nhau xây dựng một giai đoạn văn học và văn nghệ mới.

Vừa qua chúng ta có in lại tuyển tập của các nhà văn đàn anh. Giở những bản tổng kết những đời văn như còn đẫm mồ hôi ấy, điều khôn ngoan cuối cùng rút ra là không chừa một ai, tất cả chúng ta phải biết lễ phép trước quy luật đào thải. Những cái gì đích thực văn chương thì nó còn, không tái bản, không tuyển tập, báo chí không đề cao lên nó cũng còn. Nó còn như đất cát, cây cỏ, như ca dao, tục ngữ, như cuộc sống bình dị và bền vững luôn luôn còn đó. Còn những gì phe phẩy, ưỡn ẹo hoặc cứ nhảy cẫng lên thì ngược lại, nó mất, cát sỏi lại trở về cát sỏi. Tôi đọc những tuyển tập thấy rất tiếc cho những tài năng. Giá mấy chục năm qua văn nghệ không chủ yếu lấy minh họa làm đường hướng, đừng có cái hành lang hẹp và thấp ấy, cả cái bầu không khí nghi ngờ lơ lửng trên đầu các văn nghệ sĩ, mà chủ trương khuyến khích cá tính, khuyến khích sáng tạo và chấp nhận đa dạng, chấp nhận sáng tối, hoàn toàn đặt lòng tin vào lương tri của các nhà văn, không nửa tin nửa nghi ngờ và đề phòng, để cho văn nghệ một khoảng đất rộng rãi hơn nữa thì các nhà văn và những nghệ sĩ sáng tạo đến nay đã đầu bạc phơ, kẻ còn người mất, họ còn để lại cho chúng ta nhiều hơn thế này. Và không khéo những cái gì và những người mà lâu nay chúng ta kêu ca, lên án hoặc cố tình quên đi lại là những cái, những người còn lại, còn để lại.

Sự còn lại mất đi của số phận những tác phẩm văn học cũng như những đời văn trong độ lùi thời gian bao giờ cũng ngầm chứa đựng một sự lựa chọn đầy huyền diệu và công bằng.

Hình như nhân dân, cái nhân dân Việt Nam đầy trầm tĩnh và kỳ tài mà hình ảnh đã được nghệ thuật điêu khắc từ hàng trăm năm nay chạm khắc lên khối gỗ thành bức tượng ngàn mắt ngàn tay, đến hôm nay vẫn không ngừng sáng suốt lựa chọn giúp cho chúng ta những cái gì đích thực của nghệ thuật, giữa những đồ giả, để bỏ vào cái gia tài văn hóa của đất nước để lại từ Đinh, Lê, Lý, Trần. Và cũng nhân dân, cái nhân dân Việt Nam dũng cảm sau mỗi lần đánh giặc xong lại lặng lẽ và lầm lụi làm ăn đang giơ bàn tay chai sạn vẫy chúng ta lại, kể cho chúng ta nghe về cái nhất thời ở trong cái muôn đời, cái độc ác nằm giữa cái nhân hậu, cái cực đoan nằm giữa tinh thần xởi lởi, cởi mở, cái nhẩy cẫng lên lấc láo giữa cái dung dị, thái độ bình thản chịu đựng và tinh thần trách nhiệm đầy suy nghĩ.

Nguồn: Báo Văn nghệ, Hà Nội, số 49 & 50 (5-12-1987)







12
Phiên chợ Giát
(truyện vừa, 1988)





13
Cỏ lau
(truyện vừa, 1989)





14
Nguyễn Minh Châu toàn tập
(Nhà xuất bản Văn Học, 2001)





15
Di cảo Nguyễn Minh Châu
(Nhà xuất bản Hà Nội, 2009)







Tham khảo

Phạm Thành Chung (19 tháng 4 năm 2009). “Nhà văn Nguyễn Minh Châu: Tên thực ứng với đời thực?”. Công an nhân dân.


Liên kết ngoài

Nguyễn Trung Thu (4 tháng 3 năm 2008). “Nhà văn Nguyễn Minh Châu: Sâu sắc và hồn nhiên”. Công an nhân dân.
Nguyễn Trung Thu (25 tháng 1 năm 2008). “Nhà văn Nguyễn Minh Châu như thế đấy…”. An ninh thế giới.






Tiểu thuyết 



1966

1972

1977

1977

1982

1987





Truyện vừa 

1989

1989


Truyện ngắn 

1970

1985

2005

2006





Toàn tập 

2001





Bình luận 

Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu



 Tác phẩm và lời bình 
2007



Nguyễn Minh Châu
Tác phẩm và lời bình
2011



Nguyễn Minh Châu từ dấu chân người lính đến lão Khúng ở quê 
2011







Phim chuyển thể 

1993



1994



2003







Tham khảo thêm về nhà văn Nguyễn Minh Châu






NGUYỄN MINH CHÂU – MẢNH TRĂNG CUỐI TRỜI
Trần Đồng Minh


Lúc buồn tôi thường hay nhớ người bạn vong niên, nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930- 1989). Buồn dễ nhớ đến ông vì sinh thời khuôn mặt Nguyễn Minh Châu trông cứ khắc khổ, nhầu nhĩ thế nào ấy. Dần dần tôi hiểu ra ông hay buồn, lo cho kiếp người, lẽ đời, cho nghiệp cầm bút. Ông lo buồn cho thói quen “rất thảm đối với tư cách của một người nghệ sĩ, hễ cầm bút là phải nghĩ đến né tránh, che chắn, rào đón, đối phó”. (Nguyễn Minh Châu toàn tập, tập 5, tr.118, Nxb. Văn Học). Ông nung nấu tâm sự: “Bây giờ đi đâu, tôi cứ muốn né né tránh tránh đi. Không muốn giơ mặt ra làm gì”. Và: “Buồn cũng phải nói. Thà làm cho người ta buồn, hơn là cho người ta vui một cách giả tạo” (Trò chuyện với Nguyễn Minh Châu – Vương Trí Nhàn). Có những lúc đến nhà riêng thăm ông, thấy ông ngồi “đóng đinh vào ghế” nơi bàn viết, đăm đắm nhìn bức tường hẹp trước mặt, tôi cảm tưởng Nguyễn Minh Châu đã “thập niên diện bích” bóng in hằn trên tường như cổ nhân ở phương Đông, lại có vẻ như đang muốn làm “người đi xuyên tường” như trong truyện của phương Tây. Cảm giác là trong đời và trong văn không mấy khi Nguyễn Minh Châu cười dù ông chẳng thiếu óc hài hước, vui đời. Về điểm này có lẽ ông giống nhà văn Nam Cao – nhà văn mà ông hằng yêu quý. Nguyễn Minh Châu tương tự các cây bút tâm huyết, trách nhiệm cao với nghiệp sáng tác, không thể sống và viết một cách nông nổi, hời hợt, điệu đà. Hầu hết các truyện của ông đều “gieo vấn đề”, hoặc “có vấn đề” như cách người ta thường nói. Tiểu luận phê bình của ông càng hay “có vấn đề” và đã từng gây sóng gió trong đời văn Nguyễn Minh Châu. “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”. (Trang giấy trước đèn. Nxb Khoa học Xã hội – 2002) quả là xôn xao một thời. Bài viết mang tâm huyết một nhà văn trung thực, biết tôn trọng trang giấy và cây bút, tôn trọng “nhân dân đầy trầm tĩnh và kỳ tài” – chữ của Nguyễn Minh Châu. Ngay cả truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng đẹp như một thi phẩm trữ tình, như một ánh trăng lãng mạn của thời đại mới, từng được đưa vào sách giáo khoa trung học phổ thông, cũng không thuần chỉ toát lên chất thơ và cảm xúc dịu ngọt nhẹ nhàng. Đồng thời với chủ đề khẳng định bom đạn tàn bạo của kẻ thù có thể đánh sập những công trình vật chất kiên cố như chiếc cầu đá xanh nhưng không thể làm đứt được “cái sợi chỉ xanh óng ánh của tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống” trong tâm hồn chúng ta, Nguyễn Minh Châu đã đặt vào trong tác phẩm ấy ít nhất là ba vấn đề rất đời, rất thú vị. Thứ nhất là cái đẹp của tình cảm, tình yêu, của dung mạo, của lòng dũng cảm; nghĩa là vẻ đẹp ngoại hình, vẻ đẹp nội tâm con người – ngay cả những người bình thường, vẫn luôn hiện hữu bên ta. Chỉ một chút vô tâm, một chút sao nhãng, một chút khó tính là ta không nhận ra, có khi bỏ qua một cách đáng tiếc. Thứ hai là đừng xem nhẹ phụ nữ, đừng khó tính khó nết, đừng vội đánh giá, suy nghĩ không tốt về người khác. Thứ ba: Trong thời chiến, trong hoàn cảnh đặc biệt hoặc ác liệt có thể làm ta gặp trắc trở, lỡ cơ hội, khó toại nguyện, nhưng cần biết bền bỉ, tin tưởng ở tình cảm, tình yêu con người. Rồi trong tiểu thuyết Dấu chân người lính dày hơn 500 trang, nhà văn quân đội này cũng ngầm nêu vấn đề ở cuối truyện rằng chuyện vẫn chưa thật kết thúc, vẫn còn là một ẩn số. Người đọc thích các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu cũng là vì thế. Bao nhiêu lần tôi dán mắt vào những dòng chữ của các truyện Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa, Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát… càng đọc càng ngẫm ngợi thêm nhiều ý tưởng mới, vấn đề mới. Truyện ngắn Bến quê có vẻ đơn giản tưởng như chẳng nói gì mới lạ cả nhưng thật ra cái câu chuyện đượm vị buồn của nhân vật Nhĩ bệnh trọng, đau nhức, sắp rời cõi thế, chỉ còn ở trong căn phòng hẹp bên bờ sông Hồng mà nhìn đời qua cửa sổ ấy mang một lời nhắc nhở, kêu gọi vô cùng cấp bách khẩn thiết là hãy khẩn trương đi sang bờ bến mới. Phải nhanh chân lên mau lẹ rời cái bờ bến cũ rất quen thuộc, thân thiết đã và đang xói lở này. Đừng để “trễ mất chuyến đò” cuối trong ngày đưa sang bãi bồi bờ bên kia tiềm ẩn sự giàu có và vẻ đẹp.

Tác giả Dấu chân người lính, Mảnh trăng cuối rừng… còn để lại nhiều trang bản thảo, sổ tay ghi chép. Những di cảo quý này chị Doanh – người bạn đời của nhà văn – đang lưu giữ. Chị cho biết có điều kiện thuận lợi sẽ dần dần đưa di cảo của anh Châu ra mắt bạn đọc. Chị Doanh cũng sưu tập cẩn thận những bài mà các nhà phê bình văn học, các bạn bè gần xa viết về nhà văn Nguyễn Minh Châu. Một tập sách bao gồm những trang viết ấy được ra đời, đó là tâm nguyện tha thiết của bạn đời và bạn đọc yêu mến con người, cây bút tài năng, tâm huyết Nguyễn Minh Châu.

Cảm phục người cầm bút một đời mặc áo lính dám “bước khỏi lối mòn”, nhà thơ Ý Nhi đã viết bài thơ Nhà văn Nguyễn Minh Châu với những lời thật kiệm và hay:

Tự thức tỉnh

Điều chỉ có nơi một lương tâm trong sạch



Tự bước khỏi lối mòn

(cái lối mòn từng dẫn tới vinh quang)

Điều chỉ xảy ra với một tài năng



Bừng sáng

giữa bao nhiêu ràng buộc tối tăm

Bừng sáng

Giữa bao nhiêu hiềm khích

Bừng sáng

Gương mặt người kêu gọi.

Nghĩ tới Nguyễn Minh Châu, tôi cứ nghĩ đến hình ảnh mảnh trăng cuối trời. Nhà văn như một mảnh trăng treo cuối trời, khi sáng khi mờ, lúc hiện lúc ẩn nhưng luôn vẫn in dấu, in ánh không phai trong con mắt và tâm trí nhiều thế hệ bạn đọc thân yêu.




























Trở về








MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.