Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Phạm Thiên Thư









Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
(01/01/1940 - .........) Hải Phòng

Nhà thơ












Lòng như bát ngát mây xanh

Thân như sương tụ trên cành tâm mai

Tặng Phan Nguyên


1/9/2014

Phạm Thiên Thư 









Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long, sinh ngày 01- 01-1940

Quê cha: Thái Bình
Quê mẹ:  Bắc Ninh
Sinh quán: Lạc Viên, Hải Phòng
Trú quán: Trang trại Đá Trắng, Chi Ngãi, Hải Dương (1943-1951)
Sài Gòn, TPHCM (1954- đến nay) 

Từ 1964-1973: Tu sĩ, làm thơ

Năm 1973, đoạt giải nhất Văn chương toàn quốc với tác phẩm Hậu Kiều - Đoạn Trường Vô Thanh.
Từ 1973 - đến nay: Nghiên cứu, sáng lập và truyền bá môn dưỡng sinh Điện công Phathata (Pháp-Thân-Tâm)

Trong bài Phạm Thiên Thư, Người Thi Hóa Kinh Phât, Hà Thi viết: "Nhà thơ họ Phạm tuy xuất hiện khá muộn (1968), nhưng cũng đã đóng góp vào văn học khá nhiều tác phẩm, đặc biệt là những thi phẩm ở dạng khá độc đáo: thơ đạo!

 Một số thơ của ông được phổ thành ca khúc đã mang lại một số đông công chúng yêu thích thơ ông: Em Lễ Chùa Này, Ngày Xưa Hoàng Thị, Động Hoa Vàng, Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu...
Thơ Phạm Thiên Thư cứ vấn vít nửa đời nửa đạo thật khác thường, làm cho độc giả ngẩn ngơ, bất ngờ... Thế giới thi ca Phạm Thiên Thư giúp chúng ta khám phá thêm những cửa ngõ mới lạ, phong phú về tôn giáo, tình yêu và thiên nhiên." 
Phạm Thiên Thư từng là một tu sĩ Phật giáo, Pháp danh Tuệ Không, ông viết Động Hoa Vàng những ngày đầu ngấm giáo lý nhà Phật và thực sự đã làm nên tên tuổi Phạm Thiên Thư với những tác phẩm thi hóa các Kinh Thơ, Kinh Hiếu, Kình Hiền Ngu, Kinh Kim Cương. Những tác phẩm đẹp và hiếm trong văn học Việt Nam.

Ông nói: " Tôi tu theo cách của mình, tu để sống cuộc đời của mình, nuôi dưỡng lối tư duy và trí tuệ của mình"


Đợi nhau tàn cuộc hoa này

Đành như cánh bướm đồi tây hững hờ
Tìm trang lệ ố hàng thơ
Chữ xưa quyên giục bây giờ chim đi...





























Buồn buồn tôi hỏi cái tôi

Cái vừa đến - Cái đi rồi - Lạ nhau!

1-9-2014
Phạm Thiên Thư










Tác phẩm đã in






1
Thơ Phạm Thiên Thư


(chưa tìm thấy bìa sách)
(1968)






2
Kinh Ngọc

(Thi hóa Kinh Kim Cương)






3
Động Hoa Vàng

(thơ 1971)













Phạm Duy phổ nhạc
thơ Phạm Thiên Thư 






Đạo Ca 1







Đạo Ca 2







Đạo Ca 3






Đạo Ca 4







Đạo Ca 5







Đạo Ca 6









Đạo Ca 7






Đạo Ca 8






Đạo Ca 9






Đạo Ca 10

















4
Hậu Kiều - Đoạn Trường Vô Thanh

(1972)
Giải thưởng Văn học toàn quốc. 
(miền Nam Việt Nam. 1973)







5
Kinh Thơ

Suối Nguồn Vi Diệu







6
Kinh Hiền

 
(Thi hóa Kinh Hiền Ngu)
gồm 12.000 câu lục bát







7
Quyên Từ Độ Bỏ Thôn Đoài

(thơ)







8
Ngày Xưa Người Tình









9
Trại Hoa Đỉnh Đồi

(thơ. 1975)







10
Vua Núi Vua Nước








11
Huyền Ngôn Xanh









12
Từ Điển Cười


24.000 bài tứ tuyệt Tiếu Liệu Pháp
Kỷ Lục Việt Nam:
Người đầu tiên viết từ điển cười bằng thơ. 2007









13
Hát Ru Việt Sử Thi









Nhân Gian


Thơ







15
Những Lời Thược Dược
2007






16
Từ Điển Đời
2013
















Phạm Thiên Thư
Phạm Cung ký họa









Ngày Xưa Hoàng Thị

Thơ Phạm Thiên Thư
Nhạc Phạm Duy
Tiếng hát Đức Tuấn




Ngày Xưa... Hoàng Thị




Em tan trường về
đường mưa nho nhỏ

Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng
Bước em thênh thang
Áo tà nguyệt bạch 
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài
Anh đi theo hoài
Gót giày thầm lặng
Ðường chiều úa nắng
Mưa nhẹ bâng khuâng
Em tan trường về
Cuối đường mây đỏ
Anh tìm theo Ngọ
Dáng lau lách buồn
Tay nụ hoa thuôn
Vương bờ tóc suối
Tìm lời mở nói
Lòng sao ngập ngừng
Lòng sao rưng rưng
Như trời mây ngợp
Hôm sau vào lớp
Nhìn em ngại ngần
Em tan trường về
Ðường mưa nho nhỏ
Trao vội chùm hoa
Ép vào cuốn vở
Thương ơi! vạn thuở
Biết nói chi nguôi
Em mỉm môi cười
Anh mang nỗi nhớ
Hè sang phượng nở
Rồi chẳng gặp nhau
Ơi mối tình đầu
Như đi trên cát
Bước nhẹ mà sâu
Mà cũng hòa mau....
Tưởng đã phai màu
Ðường chiều hoa cỏ
Mười năm rồi Ngọ
Tình cờ qua đây
Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng dáng đỏ
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mấy màu
Chân theo tìm nhau
Còn là vang vọng
Ðời như biển động
Xoá dấu ngày qua
Tay ngắt chùm hoa
Mà thương mà nhớ
Phố ơi! muôn thuở
Giữ vết chân tình
Tìm xưa quẩn quanh
Ai mang bụi đỏ
Dáng ai nho nhỏ
Trong cõi xa vời
Tình ơi!...Tình ơi...










Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng

Thơ Phạm Thiên Thư
Nhạc Phạm Duy
Tiếng hát Duy Quang



Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng


Lên non tìm động hoa vàng nhớ người
Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau
Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi
Sông này đây chẩy một giòng thôi
Mấy đầu sông thẵm khóc người cuối sông

Nhớ xưa em chưa theo chồng
Mùa Xuân may áo áo hồng đào rơi
Mùa Thu em mặc áo da trời
Sang Đông lại khoác lên người áo hoa

Rằng xưa có gã từ quan 
Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau 
Thôi thì em chẳng còn yêu tôi 
Leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng 
Thôi thì thôi mộ người tà dương 
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi

Nhớ xưa em rũ tóc thề 
Nhìn trăng sao nỡ để lời thề bay 
Đợi nhau tàn cuộc hoa này 
Buồn như cánh bướm đồi Tây hững hờ

Rằng xưa có gã từ quan 
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say 
Thôi thì thôi để mặc mây trôi 
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan 
Thôi thì thôi chỉ là phù vân 
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi

Chim ơi chết dưới cội hoa 
Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà 
Mai ta chết dưới cội đào 
Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu.








Em Lễ Chùa Này
Thơ Phạm Thiên Thư
Nhạc Phạm Duy
Tiếng hát Thái Thanh




Em Lễ Chùa Này

Đầu Mùa Xuân cùng em đi lễ
Lễ chùa này - vườn nắng tung bay
Và ngàn lau - vàng màu khép nép
Bãi sông bay - một con bướm đẹp

Mùa Hạ qua cùng em đi lễ
Trái mơ ngon - đồi gió mơn man
Từ lò hương - Làn trầm nghi ngút
Khói hương thơm - bờ tóc em rờn

Rồi Mùa Thu cùng em đi lễ
Có con chim đậu dưới gác chuông
Hòa lời ca - vào làn sương sớm
Gió heo may - rụng hết lá vàng

Vào mùa Đông - cùng em đi lễ 
Lễ chùa này- một thoáng mưa bay 
Và ngoài sân- vài cành khô gẫy 
Gió lung lay một cánh lan gầy

Tàn Mùa Đông vào chùa bỡ ngỡ 
Tiễn đưa em trong áo quan này 
Từng cội hoa - Trầm lặng thương nhớ 
Tóc em xưa - tơ óng như mây

Vườn chùa đây - vào nằm trong đất 
Nép bên hoa - ôi những hoa vàng 
Vườn đào tơ chập chờn cánh bướm 
Bướm khua râu - ngơ ngác bay ngang

Mộ của em - mộ vừa mới lấp 
Có con chim - nào hót trên cây 
Lời của chim - chìm vào tiếng suối 
Suối xanh lơ - buồn khóc ai hoài

Rồi từ đây - vườn chùa thanh vắng 
Đến thăm em - ngày tháng qua mau 
Một nụ mai - vừa nở trong nắng 
Hỡi em ơi - mây đã qua cầu 








Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu

Thơ Phạm Thiên Thư
Nhạc Phạm Duy
Tiếng hát Vũ Khanh









Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu



Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn
Áo nhuộm hoàng hôn
Áo nhuộm hoàng hôn
Bóng ai cắp rổ cắp rổ lên cồn
Lên cồn hái dâu hái dâu

Tiếng nàng hát vọng đôi câu
Hát vọng đôi câu, hát vọng đôi câu
Dừng tay viết mướn ối a lòng sầu
Lòng sầu vẩn vơ vẩn vơ sầu

Lều tranh còn ủ trăng mơ
Còn ủ trăng mơ, còn ủ trăng mơ
Mối tình làm một bài thơ vô đề
Ẩn Lan ơi, ơi mái tóc thề

Ẩn Lan ơi, ơi mái tóc thề
Mùa xuân nay làn gió có về
Vỗ về hương xưa đêm nao học dưới
Học dưới trăng mờ giòng chữ hững hờ

Thoảng nghe tiếng hài của em
Tiếng hài của em, tiếng hài của em
Như sương lắng đọng lắng đọng trên thềm
Trên thềm ngõ sau ngõ sau

Em cười đem lại cho nhau
Đem lại cho nhau, đem lại cho nhau
Sợi tơ mớ tóc ối a buộc vào
Buộc vào với hoa, hoa ngâu vàng

Ngủ quên trên sách mơ màng
Tập sách thơm ngoan
Áp má mê man gió lùa tỉnh dậy
Mùi Lan chập chờn ẩn Lan ơi
Em dỗi em hờn

Ẩn Lan ơi em dỗi em hờn
Ẩn Lan ơi như những cơn buồn
Nỗi buồn thơm lâu em ơi gọi em
Là đóa hoa sầu là Đóa Hoa Sầu










Vết Chim Bay


Nhạc Cung Tiến
Tiếng hát Camille Huyền



Ngày xưa tôi đón em
Nơi gác chuông chùa nọ
Con chim nào qua đó
Còn để dấu chân in
Tôi một mình gọi nhỏ:
"Chim ơi biết đâu tìm."

Mười năm tôi qua đó
Còn vẫn dấu chân chim
Tôi một mình gọi nhỏ:
"Em ơi biết đâu tìm."

Ngày xưa tôi đón em
Trên gác chuông chùa nọ
Bây giờ tôi qua đó
Còn thấy chữ trong chuông.

Tôi khoác áo nâu sồng
Em chân trời biền biệt
Tên ai còn tha thiết 
Trong tiếng chuông chiều đưa.

Ngày xưa em qua đây 
Cho tình tôi chớm nở
Như chân chim muôn thuở
In mãi bực thềm rêu.

Cõi người có bao nhiêu
Mà tình sầu vô lượng
Còn chi trong giả tướng
Hay một vết chim bay 






Phạm Thiên Thư 
Phạm Văn Hạng ký họa 










Bùi Giáng 

viết tặng Phạm Thiên Thư


Chạy quanh khu vực thần tiên

Mỗi chân mười ngón kết liên bốn mùa
Vườn cây trái ngọt trái chua
Mù sương hấp dẫn về chùa ngủ quên



*




Phạm Thiên Thư 

viết tặng Bùi Giáng

Ta với anh - cùng Dế Đá Trời

Thượng đế cầm râu ngoáy ngoáy chơi
Chọi với hư vô đầu trụi tóc
Tìm trong đá tảng - cái chơi vơi.


















 Phạm Thiên Thư nói về Nhạc sĩ Phạm Duy













Võ Phiến 
Phạm Thiên Thư

Nguyễn Du có Đoạn trường tân thanh, ông có Đoạn trường vô thanh; Nguyễn Du có thơ Chiêu hồn, ông cũng có Chiêu hồn ca. Mặt khác, Phật có kinh Kim Cương, kinh Hiền Ngu, ông cũng phỏng soạn Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ v.v… Rồi sau tháng 5-1975 nghe nói có một độ ông toan vung bút làm sáng tỏ cách mạng giải phóng. Đời ông từng bị thu hút ngược xuôi nhiều hướng. Nhưng Phạm Thiên Thư làm văn nô không thành văn nô, làm sư cũng không hẳn ra sư. Con vạc bờ kinh nó ghẹo ông:

“Hỏi con vạc đậu bờ kinh
Cớ sao lận đận cái hình không hư
Vạc rằng: Thưa bác Thiên Thư
Mặc chi cái áo thiền sư ỡm ờ.”
(Động hoa vàng)

Phạm Thiên Thư chỉ đóng trọn vai tuồng xuất sắc khi ông trở về với chính mình, tức một tu sĩ đa tình. Và trong vai tuồng ấy ông thật tuyệt vời, đáng yêu hết sức.

Thử tưởng tượng: Nếu Phạm Thiên Thư sớm tối miệt mài kinh kệ, một bước không ra khỏi cổng chùa, không biết tới chuyện hẹn hò, không hề lẽo đẽo đưa em này đi rước em nọ về v.v… thì nền thi ca của chúng ta thiệt thòi biết bao. Lại thử tưởng tượng Phạm Thiên Thư quanh năm suốt tháng chỉ những em này em nọ dập dìu, nhớ thương ra rít, mà không màng tới kinh Hiền kinh Ngọc, không biết chuông biết mõ gì ráo, thì trong kho thi ca tình ái của ta cũng mất hẳn đi một sắc thái đặc biệt chứ.

Cho nên ông cứ ỡm ờ thế lại hay. Có tu mà cũng có tình. Cái tình của một người tu nó khác cái tình của người không tu, nó có nét đẹp riêng. Thật thế, khi yêu đương có lần ông kêu than vì một dáng hình mất hút:

“dáng em nho nhỏ
trong cõi xa vời”
(‘Ngày xưa Hoàng thị…’)

“Dáng em nho nhỏ” là hình ảnh quen thuộc của phần đông các cô gái trong thơ ca, là chỗ gặp gỡ chung của mọi thi nhân đa cảm. Nhưng “trong cõi xa vời” là khung cảnh riêng của Phạm Thiên Thư, là cái không khí yêu đương riêng biệt của ông. Tu sĩ đa tình, ông làm cho thế giới yêu đương phong phú hẳn lên.

Xưa nay có ai mê gái mà kêu “tình ơi tình ơi”? Họa chăng chỉ có Phạm đại đức. Ông thù thì thủ thỉ, ông kêu khe khẽ những lời ân tình tha thiết không chịu được. Tình yêu của ông thật tội nghiệp. Không phải nó tội nghiệp nó đáng thương vì ông bị hất hủi, bị bạc tình, bội phản, vì ông gặp cảnh tuyệt vọng v.v… Không phải thế. Tội nghiệp là vì bên cạnh các mối tình vời vợi của ông lúc nào cũng thấp thoáng cái ám ảnh của kiếp sống mong manh, của cuộc thế vô thường, của cảnh đời hư ảo. “Dáng em nho nhỏ” cứ như lúc nào cũng chập chờn “trong cõi xa vời”, đáng thương là thế.

Nhớ thuở nào lá vàng rơi trên áo người yêu phơi trước gió thu, bây giờ người yêu không còn nữa:

“nay áo đã cuốn về thiên cổ
lá vàng bay lạnh nỗi niềm không.”
(‘Áo thu’)

Nhớ thuở nào người yêu đan áo tặng mình, áo chưa đan xong thì bỗng:

“rồi bỏ đó em vào thiên cổ
anh một đời ngóng áo thiên thanh.”
(‘Đan áo’)

Trong trường hợp tình nhân mất tình nhân, kẻ khác vật vã đau đớn, thì Phạm Thiên Thư lặng đi trước Không Hư. Ở đây không chỉ mất đi một người tình, một mối tình; ở đây là tan biến hết thảy, sự tan biến nó làm cho ta không buồn vật vã nữa mà thấy hụt hẫng, ngẩn ngơ.

Vả lại không phải chờ đến một cái chết mới đối diện Hư Vô, ngay cả khi đôi trẻ hãy còn đủ trên đời ông vẫn ý thức rõ ràng cái nhỏ bé chơi vơi của tình yêu:

“Cõi người có bao nhiêu
Mà tình sầu vô lượng
Còn chi trong giả tướng
Hay một vết chim bay.”

Đáng thương biết mấy cái cảnh:

“Anh một mình gọi nhỏ
Chim ơi biết đâu tìm.”
(‘Vết chim bay’)

Không phải chỉ thương vì tìm chim biền biệt vốn khó; chính thương nhất là vì tình sầu vô lượng chẳng qua chỉ như một vết chim bay mà thôi. Ngay khi nói chuyện yêu đương đã nghe “lạnh nỗi niềm không”! Cái biệt sắc của tu sĩ đa tình nó hay là thế.

Vừa rồi trót buột ra mấy chữ “ân tình”, “tha thiết”, có thể gây sự hiểu lầm. Nói thế không phải có ý bảo ông Phạm có tài tán tỉnh giỏi giang hay ho. Ông không sở trường về khoa ấy. Tóm tắt, có lẽ ông không sở trường về khoa ái tình nào cả: nói năng, tí toáy, mánh lới quyến rũ mê hoặc v.v… đều không. Trông ông lành lắm, cổ điển lắm. Ông không có phát kiến nào trong lãnh vực yêu đương. Xuất hiện trước ông một thập niên kỷ, Nguyên Sa tỏ ra “mới mẻ” hơn nhiều: từ lời ăn tiếng nói khóe mắt đầu mày cho tới hoạt động tay chân bên cạnh người yêu đều linh hoạt tân kỳ.

Còn người tình lớp trẻ, lớp đàn em, là Phạm Thiên Thư lại hiền khô. Trong mối tình nổi tiếng nhất người ấy chỉ lẽo đẽo “gót giày thầm lặng” đi theo sau người yêu vậy thôi, trong bụng cũng muốn “tìm lời mở nói” nhưng mà cứ ngập ngừng cứ ngại ngần hoài. Mãi mới dám “trao vội chùm hoa”, thế rồi là… hết!

“trao vội chùm hoa
ép vào cuối vở.”
(‘Ngày xưa Hoàng thị…’)

là tuyệt đích cuối cùng. Rồi trong những mối tình đậm đà táo bạo sau này cũng chỉ đến chỗ “dan díu bàn tay” mà thôi.

Đã có ai bắt gặp cái hôn nào trong tình yêu của Phạm Thiên Thư chưa nhỉ. Ái tình ở đây cơ hồ không nhằm mưu cầu hạnh phúc. Yêu nhau như thể không vì hoan lạc mà chỉ để cùng thấm thía cái tính cách bọt bèo của kiếp người. Ái tình không đưa tới hạnh phúc, cũng không đưa tới những quằn quại, ghen tuông, khổ đau, sầu não v.v… Nó chỉ đưa tới sự ngẩn ngơ. Ngẩn ngơ trước mênh mông, vắng lặng. Trước Phạm Thiên Thư lâu rồi, vào thời kỳ văn học lãng mạn, nghĩa là thời kỳ của tình cảm dạt dào cao khiết, khi yêu đương Xuân Diệu liền bám sát: “sát đôi đầu, kề đôi ngực, trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài”, rồi “quấn riết đôi vai”, rồi “gắn chặt đôi môi” v.v… Vậy mà ông cứ kêu “Thế vẫn còn xa lắm”. Trong tiếng thơ tưởng nghe được cả hơi thở hổn hển. Nhà thơ cắn vào món ăn trần gian (nourriture terrestre), cắn mạnh dữ đa!

Sau này về già, Xuân Diệu trầm tư chín chắn, vẫn giữ một lập trường về thân xác:

“Không nền, sao dựng lầu thơ?
Không thân thể, chỉ bâng quơ cái hồn.”
(‘Thân em’)

Về già, Vũ Hoàng Chương gặp lại giai nhân trong giấc mơ cũng nằn nì:

“Em nhé!…, chiều anh, gần chút nữa
Cho anh tìm thấy chính em xưa.”

Khi em đã gần và anh đã tìm thấy, anh liền lính quýnh:

“Ớ, Chính em mà! Tất cả em
Đã về… Ôi trận gió nào đem!”
(‘Giấc mơ tái tạo’)

Tất cả em, tức là đủ cả nền thơ lẫn lầu thơ đấy, tức là không bâng quơ đâu. Các lão thi nhân không chịu cái bâng quơ nhé, ngay cả trong giấc mơ.

Nhưng trước nữa, trước xa, cách chúng ta hơn nghìn năm, ngót mười hai thế kỷ, tại quê hương đức Khổng, thì một vị tiến sĩ phong nhã như ông Bạch Cư Dị coi kỹ cũng khiếp lắm, không sao? Lúc thất thế sa cơ ông tư mã Giang Châu mặc áo xanh đêm khuya nghe đàn vẫn cốt cách ra gì, còn khi đắc ý ông làm thượng thư tại triều thì áo mũ cân đai, đường đường chính chính, uy nghi biết mấy. Vua trên trông xuống, muôn dân trông vào. Thế mà nói đến gái họ Dương, ông không ngại nói luôn tới cái lúc người ta đang tắm rửa kỳ cọ:

“Xuân hàn tứ dục Hoa Thanh trì
Ôn tuyền thủy hoạt tẩy ngưng chi”

Ông nói đến cả chuyện da thịt người ta trắng thế này thế nọ. Đứa xấu nết đọc tới dám bấn lên lắm.

Những bậc đàn anh, những bậc tiền bối và cổ tiền bối ấy, giá họ có dịp xem qua thơ tình của chàng thanh niên thời nguyên tử, thời hiện sinh, cái thời từng bị vu là sa đọa! Thơ tình của chàng là thứ thơ tình không có nụ hôn. Người tình của chàng là thứ người tình không da thịt. Đố thiên hạ tìm ra trong thơ chàng một nụ hôn, tìm ra những cặp môi mọng như quả nho, gò má ửng hồng như trái đào, những sóng mắt đắm đuối, ngực tròn phập phồng v.v…, đố như thế là đố khó quá. Thường thường chỉ có nón bài thơ, có hoa cài đầu, có áo hồng áo xanh v.v… Kẻ hăm hở xông tới cũng có thể bắt gặp môi, tóc và một bàn tay chẳng hạn. Bàn tay (cái phần rất ít thân xác trong thân xác), bàn tay vậy thôi, cũng như tóc như tai vậy thôi. Không mọng đỏ, không no tròn, không phập phồng, không đắm đuối, không long lanh v.v… Ồ, những chữ nghĩa ấy hàm ý thưởng thức, cái ý quá sỗ sàng đối với chàng. Thành thử em Ngọ, em Tí, gái gác chuông, gái giàn hoa, gái lều thơ, gái chong đèn v.v…, tất cả chỉ là một cái tên hay một bóng dáng. Tuyệt nhiên không thịt da. A! Gái nguyên tử này với trai hiện sinh nọ, xứng chưa!

Thân xác ư? Chẳng qua những tấm thân mảnh dẻ, mong manh, như liễu, như tơ, như sương. Những thân xác như thế không chịu được sự cận kề. Gái như thế họ chập chờn xa xa , họ ở chỗ “xa vời”, họ thường mất hút hoặc trong quá khứ, trong thời gian mịt mù, hoặc trong không gian diệu vợi, hoặc trong hư vô, trong “niềm không” buốt lạnh…

Mới vừa rồi lại trót nói Phạm Thiên Thư không xuất sắc về kỹ thuật ái tình nào, nói ái tình ở đây không có hôn hít, người tình ở đây không có xác thân háo hức v.v…, nói vậy lại e có sự hiểu lầm khác nữa. Như vậy hoặc có thiếu nữ nào đó ngờ rằng Phạm lang có phần lạnh nhạt hờ hững chăng? Không đâu. Trái lại. Con chim con thú không lời nói, chúng vẫn có linh tính để phân biệt kẻ dữ người lành, để biết rõ ai là kẻ thương yêu nó. Người tình họ Phạm không tỏ ra bạo dạn nồng nàn, nhưng nghe giọng thủ thỉ của ông chúng ta tin ngay là ông yêu đương chân thành. Chân thành chắc chắn không kém lòng ông mến đạo. Những mối tình chay tịnh của ông chẳng những là tình chân thành lại còn là tình tha thiết. Mà tình càng tha thiết thì cái chới với của nó trong kiếp phù du chỉ càng thấm thía.

Ðáp lời tạp chí Bách Khoa trong một cuộc phỏng vấn, Phạm Thiên Thư bảo ông cần có ba thứ trợ hứng cần thiết: thiên nhiên, sự yên lặng, và những quán cà-phê (Bách Khoa, số ra ngày 18-5-1974). Một cách thức trợ hứng vất vả: thiên nhiên phải đi với các quán cà-phê, sự yên lặng cũng phải đi đôi với các quán cà-phê, không khó khăn quá sao?

Nhưng khi đã có đủ ba trợ hứng cần thiết rồi thì ta thấy nhà thơ tha hồ phóng bút làm thơ liên hồi về ba (lại ba) đề tài: tôn giáo, tình yêu, thiên nhiên. Đó là những đề tài chính yếu của thơ Phạm Thiên Thư. Đáng tiếc, tôi không có sự hiểu biết để nói về tôn giáo. Đáng tiếc hết sức, vì nó rất là quan trọng. Tôn giáo tỏa ảnh hưởng lên tình yêu, lên thiên nhiên, trong thơ Phạm Thiên Thư. Tôn giáo tạo cho thi sĩ một phong cách yêu đương riêng, và một phong cách riêng trước thiên nhiên.

Nếu khi tôn giáo cặp với ái tình nó có làm cho người đời ngỡ ngàng đôi chút, thì khi tôn giáo đi với thiên nhiên, cái thế hòa hợp thật là thoải mái. Mà chắc chắn trong trường hợp này chính Phạm Thiên Thư cũng thấy thoải mái nữa. Cho nên ông nói đến cái sức trợ hứng của thiên nhiên mà không đề cập đến sức trợ hứng của ái tình, mặc dầu sức ấy đâu phải không đáng kể.

Thiên nhiên trong thơ họ Phạm thật đẹp. Khi sảng khoái nhà thơ lên nương, và:

“Cắp theo cái nậm khô bầu
Ta ra múc nước bên cầu suối xanh
Vào bầu mây cũng xô nhanh
Ngẩn ngơ cảm thấy không đành bước đi.”
(‘Nhớ trang trại hồng’)

Khi ngậm ngùi, ông trông ra một cảnh chợ xưa:

“Đêm đêm bầy đóm xanh từng chiếc
Tụ giữa nền hoang nhóm lửa sầu.”
(‘Đom đóm’)

Trang trại hồng đẹp mà động hoa vàng cũng đẹp, mây chảy vào bầu đẹp mà đom đóm tụ về nền chợ cũ cũng lại đẹp nữa. Có con mắt nhìn ra cảnh đẹp đã quí, mắt Phạm Thiên Thư trông cảnh chẳng những thấy đẹp lại còn thấy ra đạo. Thế rồi trong cảnh chẳng những “trông” thấy đạo, ông lại “nghe” thấy đạo. Ngày thì:

“Trang kinh mây nổi trước hiên nhà.”
(‘Kinh mây’)

Tối đến lại:

“Đêm nghe lau lách thầm thì
Họp nhau từng khúc kinh gì nửa khuya.”
(‘Nhớ trang trại hồng’)

Nhưng cứ đi nhặt nhạnh chỗ này chỗ kia những câu nói về kinh kệ, về tiếng chuông tiếng mõ v.v… để cho rằng thiên nhiên trong thơ ông nhuốm mùi đạo thì dễ dãi quá. Những câu những chữ như thế chỉ là cái để phô ra; ông Phạm không cần phô ra: đạo nó đã thấm vào tâm hồn ông, nhập vào từng cảnh vật thiên nhiên quanh ông. Tôi đã gặp ở ông những bài ngũ ngôn tứ tuyệt cực hay, kể chuyện tang thương dâu bể chuyện nghìn đời đau thương, trong những khung cảnh hoang phế điêu tàn, mà lời lẽ vắn tắt, ý tình kín đáo, không hề quá độ bi thảm. Tôi cũng gặp ở ông những buổi mai sáng lạn diễn bằng lời nhẹ nhàng khoan thai. Ở đây niềm vui không cuống quít, nỗi buồn không não nề.

Giữa một thời ác liệt đầy âm thanh và cuồng nộ, ông giữ được quân bình an lạc trong tâm hồn: Do đạo đấy chăng? Như thế hà tất dõi theo tiếng chuông tiếng mõ trong thơ ông làm chi.

Thành thử Phạm Thiên Thư có tu lại có tình, nhưng không phải tí ti l’amour tí ti la foi. Không phải thế. Ở đây tình yêu thì tha thiết, niềm tin thì chí thành. Không tí ti.

Phạm Thiên Thư xuất hiện muộn ngưng bút sớm, mà sự nghiệp thi ca của ông vẫn đồ sộ. Năm 1975, mới ba mươi lăm tuổi ông đã có ngót chục vạn câu thơ. Phong phú là một đặc điểm của thế hệ văn nghệ sĩ bấy giờ. Riêng ông Phạm, ông từng dùng đến những tiếng: vơi óc, ốm người, mửa máu v.v… để nói về sự cố gắng của mình (Tạp chí Bách Khoa, số vừa dẫn); tuy nhiên người ta thấy có những trường hợp không có lý do để cố gắng ông vẫn làm thơ rất nhiều rất nhanh. Cuốn Kinh Hiền mười hai nghìn câu ông viết trong một năm rưỡi: việc đạo phải nỗ toàn lực nên thế. Còn cuốn Quyên từ độ bỏ thôn đoài gồm 111 bài thơ ông cũng chỉ làm xong trong vòng hăm ba ngày. Mỗi ngày năm bài thơ, đều đều. Lý do gì vậy?

Không ai đi trách một người… làm quá nhiều thơ. Duy không biết có phải cái lượng đã hại cái phẩm chăng. Vì trong cái lượng đồ sộ nọ số dở khá nhiều. Trong lắm bài có những câu thật hay lạc vào giữa các câu dở làm ta tiếc ngẩn tiếc ngơ.

Võ Phiến
11 – 1986
(Võ Phiến, Văn học Miền Nam, nxb. Văn Nghệ, California 1999)


















Đặng Tiến: 

Ngày Xuân Tìm "Động Hoa Vàng" 




Nhà thơ Phạm Thiên Thư là một tác gia dồi dào, đã in ra hằng vài ba trăm ngàn câu thơ, có lẽ là kỷ lục về số lượng trong nền văn chương tiếng Việt, vượt xa Bùi Giáng.



Nhưng câu thơ được biết nhất, trước sau vẫn là:



rằng xưa

có gã từ quan

lên non tìm động hoa vàng ngủ say



Câu thơ trích từ đoạn 41 trong trường ca Động hoa vàng, gồm 100 đoạn 4 câu, làm theo thể lục bát cổ điển, nhưng qua hàng lên xuống theo nhiều dạng khác nhau. Tác phẩm in năm 1971, không ghi nhà xuất bản; bài thơ nổi tiếng nhờ Phạm Duy phổ nhạc nhiều đoạn dưới tên Đưa em tìm động hoa vàng cùng một lần với nhiều bài thơ khác của tác giả: Ngày xưa Hoàng thị, Em lễ chùa này… Phạm Thiên Thư nổi danh từ đấy.



Thơ lạ, nhạc hay, đã đành. Nhưng còn thêm lý do tâm lý quần chúng: những bài thơ tình này là của một nhà sư có pháp danh Tuệ Không, tu tại Thiền viện Pháp Vân 1964 - 1975, Sài Gòn. Cùng thời điểm này, hay trước đó, tu sĩ Tuệ Không đã chuyển ngữ Kinh Phật Kim Cương ra thơ Việt, dưới tên Qua suối mây hồng, xuất bản 1971, kèm theo hai tùy bút văn xuôi, Ngã pháp mây nổi và Hiện hóa pháp, viết 1969, giúp ta hiểu thêm tâm tưởng Phạm Thiên Thư, hơn là những bài thơ đôi khi trầm bổng qua vần điệu.



Động hoa vàng chứng tỏ tài hoa của tác giả, nhưng ít người quan tâm đến nét thâm trầm của những câu thơ, nói chung là diễn tả giấc mơ thoát tục của con người trong một giai đoạn nhiễu nhương, đồng thời niềm hoài vọng hướng về quá khứ xa xưa của dân tộc, nhớ nhung nhiều kỷ niệm cũ càng, có thật hay hư tưởng, từ quê hương thôn dã, một thuở thanh bình đã phôi pha.


Rằng xưa
có gã từ quan…

Chúng ta tìm hiểu câu thơ. Muốn từ quan thì phải làm quan, thường là quan to, bậc khoa bảng, thành phần giai cấp quyền lực. Tác giả đã hạ giá danh vọng bằng từ “gã” bình dân, thân mật. Bình thường không ai gọi ông quan bằng “gã”. Và “gã” đây là ai? Suốt tập thơ Động hoa vàng, bốn trăm câu, ta không biết. Muốn biết, ta phải đọc Đoạn trường vô thanh, phổ biến năm sau, nhưng có lẽ sáng cùng lúc. Câu 621:

Học đòi theo gã Từ quan
Bên chùa cởi áo chuộc nàng dưới hoa 
Mái chèo lãng đãng yên ba
Thần Phù xõa tóc la đà rong chơi

Rõ là chuyện Từ Thức trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, học trò giỏi của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thời Mạc. Từ Thức làm quan tri huyện, có hôm đi chùa xem hội hoa. Một cô gái trẻ, lỡ làm gãy hoa, bị bắt đền, Từ Thức đã “cởi áo cừu gấm trắng” để chuộc lỗi cho người con gái. Người xưa “khen quan huyện là người hiền đức”(1). Ngày nay ta gọi là hào hoa, thậm chí bay bướm. Sau đó, không chịu sự ràng buộc của quan trường, Từ “bèn cởi trả ấn tín, bỏ quan mà về”, rồi don buồm chơi cửa bể Thần Phù, lạc vào động tiên, gặp lại cô gái vốn là tiên, tên Giáng Hương, cưới làm vợ, rồi trở về trần. Trong động tiên cũng có “hoa vàng” lọt vào cửa sổ:

Một đêm gió thổi nguyệt đầy non
Rèm cuộn hoa vàng lọt cửa son
(Trúc Khê dịch)

Trở lại câu thơ “tìm động hoa vàng ngủ say”. Lên đến hang động heo hút mà chỉ để “ngủ say” thôi ư? Trong lối hiểu thông thường, thì ngủ say đây là cách quên công danh, những hệ lụy công danh, mà cũng là cách quên đời. Người xưa có lúc lấy giấc ngủ làm hạnh phúc, như trong bài thơ Khúc ca thích ngủ, cũng trong Truyền kỳ mạn lục, nhắc lại giấc ngủ của danh nhân như Khổng Minh, Trần Đoàn, Đào Tiềm, Chu Liêm Khê(2). Biết điển cố này ta hiểu sâu sắc hơn hai câu thơ, cùng trong đoạn 41:

ta về rũ áo mây trôi
gối trăng
đánh giấc bên đồi dạ lan
rằng xưa
có gã từ quan…

“Ngủ” là trạng thái thụ động có tính cách phủ định. “Đánh giấc” là động từ, chủ động, niềm vui của tư duy khi ý thức nghỉ ngơi. Giấc ngủ là giai đoạn ý thức nhất thời chuyển mình vào cõi vô thức mà không tự hủy. Trong tùy bút Ngã pháp mây nổi, 1969, Phạm Thiên Thư đã ca ngợi: “Giấc ngủ say, giấc ngủ mệt thiếp, giấc ngủ chết lịm, giấc ngủ của đạo gia. Giấc ngủ của kẻ đau nhừ thất bại và hoan hỷ trong sự thành công mỹ mãn nhất (…); một giấc ngủ không tham vọng, không chấp chặt vì tất cả đều thất bại (…). Một giấc ngủ không tịch, gối đầu, duỗi chân trên hai đỉnh tuyệt vô cùng”(3).

Dĩ nhiên, giá trị của giấc ngủ chỉ hiển hiện sau khi chúng ta đã tỉnh dậy và nhận thức, như trong thơ vua Trần Nhân Tông, vị tổ sư của phái Thiền Việt Nam:

Thụy khởi khải song phi
Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi

Dịch:

Thức giấc mở song mây
Xuân về, lòng chưa hay
Song song đôi bướm trắng
Phất phới lấn hoa bay

Đồng thời chúng ta cũng không quên giấc ngủ vô tội, hồn nhiên của trẻ thơ, có lẽ là khoảng tịch lặng đẹp nhất trần đời.

*
Nói chung Động hoa vàng là bài ca siêu thoát, giữa xã hội và thời sự đảo điên, những lời thơ chấp chới đào vong vào một giấc mơ dài, kết nối nhiều hình ảnh thi vị của một trần gian xa cách. Quê hương thanh bình, con người an vui, trong một nền văn hóa đã quá khứ. Hạnh phúc đơn sơ:

ngày xưa trên giậu vàng hoa
chiều chiều kê chõng nằm ra ngó trời
(…)
gây giàn
thiên lý vàng hoa
lên non cắt cỏ lợp nhà tụ mây
xuống đầm tát cá xâu cây 
bới khoai vùi lửa
nằm dài nghe chim.

khách xa
nhớ đến nhau tìm
lên đồi trẩy một giỏ sim làm quà
hứng nước suối
thết bình trà
hái bầu nấu bát canh hoa
cười khàn
(Khúc 89 - 97 - 98)

Đây chỉ là cảnh tưởng tượng mà thôi. Thực tế chưa bao giờ thi vị, nhất là lý tưởng như thế. Người xưa có thể kê chõng, gây giàn thiên lý, cắt cỏ, tát cá, bới khoai vùi lửa… nhưng khó bề nằm dài nghe chim…

Hình tượng có vẻ là thực tế đơn giản, tuy thật sự hão huyền, nhưng giấc mơ thì có thật trong lòng người. Nó không xâu chuỗi thành hệ thống vần vè như vậy, nhưng rời rạc vẫn ẩn hiện trong tâm thức mỗi người Việt, ít ra trong một thế hệ nào đó: Chiều chiều kê chõng… nằm dài nghe chim.

Hình ảnh có lúc tách ra khỏi phong cảnh bình dị, cụ thể của nông thôn. Mộng mơ thì vốn không biên giới, có khi vươn đến cõi bờ siêu thực:

mùa xuân
mặc lá trên ngàn
mùa thu
mặc chú bướm vàng tương tư
động Nam hoa có thiền sư
đổi kinh
lấy rượu tâm hư
uống tràn

Rượu tâm hư là rượu gì, không ai biết. Nhưng rượu gì cũng là rượu. Câu thơ thú vị chỗ đó: vừa chính thống, vừa dí dỏm. Nét hóm hỉnh tạo không khí thoáng nhẹ, niềm vui thầm lặng, cho toàn tập thơ, một không khí “thiền”.

Người đọc, nhất là người nghe nhạc, chú ý đến những câu thơ tình. Ái tình ở đây chỉ làm đề tài cho thơ hồi tưởng. Những cô áo hồng, áo xanh phơ phất, cho dù có mang một ít sắc màu ký ức, cũng chỉ là đề tài thi ca, kết hợp nhuần nhuyễn với toàn bộ tập thơ. Tình yêu ở đây là mơ mộng, trắc trở, xa cách, nhớ nhung.

Có lúc chàng kể:
ngày xưa em chửa theo chồng
mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
mùa thu áo biếc da trời
sang đông em lại đổi dời áo hoa

Hồi khác chàng lại kể:
từ hôm em bỏ theo chồng
áo trắng em cất áo hồng em mang

Thì không ai biết cô nàng mặc áo màu gì. Thậm chí nàng có thực hay không, hoặc nàng chỉ là ảo ảnh của thiên nhiên, thường xuyên thay áo.

Khi tình yêu chỉ là điển cố văn chương, như mượn ý ca dao, Phạm Thiên Thư vẫn có thể làm được câu thơ hay:

thôi thì em chẳng yêu tôi,
leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng 

Có lúc chữ nghĩa gây nên tình cảm thê thiết:
thì
thôi
tóc ấy phù vân
thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
thì thôi
mù phố xe đường
thôi thì thôi nhé
đoạn trường
thế
thôi

Ý thơ dàn trải, không có gì cao siêu. Nhưng lời thơ da diết chỉ vì những thì thôi, thế thôi, luyến láy, dằn vặt.

*
Phạm Thiên Thư sử dụng nhuần nhuyễn thể lục bát trong hình thái cổ điển nhất. Và những tứ thơ siêu thoát cũng không mới lạ, vì ta đã từng gặp từ thời Nguyễn Trãi; nhưng đến 1970 thì không mấy ai còn nhớ. Do đó Động hoa vàng khi xuất hiện vẫn làm mới thi ca.

Vào thịnh thời của Thơ Mới, 1940, hay thơ Tự do tại Sài Gòn 1960, không ai làm những câu:

con chim chết dưới cội hoa
tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao
(...)
đợi nhau
tàn cuộc hoa này
đành như cánh bướm đồi tây hững hờ

Hình ảnh lạ lẫm, nhưng lời thơ dân dã, thuận chiều theo lô-gíc:
đất nam
có lão trồng hoa
mùa
hoàng cúc nở
ướp trà uống đông 
lại đem bầu ngọc ra trồng
bầu khô
cất nậm rượu hồng
uống xuân

Ý tứ tân kỳ, nhưng câu chữ không cầu kỳ. Lời thơ ý nhị, dí dỏm, diễn tả được nhu cầu siêu thoát. Nó hiện đại hóa một tứ thơ có từ Nguyễn Trãi:

Bẻ cái trúc hòng phân suối 
Quét con am để chứa mây.

Thời đại cho phép một ngôn ngữ mới, ngông nghênh, phóng túng hơn. Nhưng đại thể vẫn vậy.

Đánh giá một tác phẩm, cần đặt nó vào thời điểm xuất phát. Khoảng 1970, chiến tranh lan tràn khốc liệt, xã hội đảo điên. Thịnh hành là lối thơ thân phận, nói lên tâm trạng, hoàn cảnh tang tóc, bi thương. Không ai làm thơ chơi chơi, khơi khơi, như Phạm Thiên Thư:

có con
cá mại cờ xanh
bơi lên nguồn cội
tắm nhành suối xuân
nửa giòng
cá gặp phù vân
hỏi sao
mây bỏ non thần xuống chơi

Dĩ nhiên người ta có thể thích hay không thích, chấp nhận hay không chấp nhận một lối sáng tác “vô lập trường” như thế.

Ngày nay ta thường dùng từ phản ánh theo nghĩa thông thường: quy chiếu lại hình ảnh của thực tại, theo phép hiện thực hay cách điệu. Nhưng ta có thể dùng ngược lại: phản ánh là quy chiếu những cảm nghĩ trái chiều với thực tế, như bề mặt, bề trái, của một đồng tiền. Như giấc mơ thanh bình đối lập với thực tại bom đạn.

một đêm
nằm ngủ trong mây
nhớ đâu tiền kiếp có cây hương trời 
cây bưởi trắng
ngát hương đời
nụ là tay Phật
chỉ người qua sông

Trong một đoạn hồi ký, Phạm Duy có nhắc lại giai đoạn này, với kỷ niệm chính xác về Phạm Thiên Thư. Thời đó, 1970, để phản ứng lại với cái “dung tục, trâng tráo” của xã hội, đã xuất hiện khuynh hướng “về nguồn, với con người Việt Nam, cây nhà lá vườn.”

“Đối với tôi lúc đó, hình ảnh thiền, chùa, động hoa vàng, thật là mát mẻ và rất cần thiết (...) Gặp tu sĩ Tuệ Không kiêm thi sĩ Phạm Thiên Thư là tôi như thoát xác, vượt ra khỏi những đắng cay, chán chường và bế tắc (...). Từ đó tôi luôn luôn tìm đọc thơ của Phạm Thiên Thư để phổ thành những bài hát thanh cao nhất của thời đại”(4).

Nhạc phẩm Phạm Duy đúng là những thành tựu nghệ thuật lớn lao, được đón nhận nồng nhiệt ngay. Ngày nay, bốn mươi năm sau, vẫn còn nhiều thính giả nghe lại và yêu chuộng.

*
Bài này chỉ đóng khung vào trường ca Động hoa vàng: nguồn gốc thi hứng, giá trị tư tưởng, nghệ thuật, và xã hội của nó.

Tác giả Phạm Thiên Thư còn sáng tác nhiều thi phẩm khác, nhưng không thành công bằng tập Động hoa vàng. Có lẽ tác giả đã vơi nguồn thi hứng đích thực, bớt khả năng cô đúc tình cảm, tập trung tư duy sáng tạo, cho nên những thi phẩm về sau - rất dồi dào - phải nép vào ngôn ngữ tài hoa. Mà tài hoa thì không đảm bảo được một hành trình sáng tạo lâu dài. Nhưng chỉ một thi tập Động hoa vàng cũng đánh dấu một thời đại trong thi ca, đồng thời thăng hoa khả năng thẩm mỹ và diễn đạt diệu vợi của thể thơ lục bát cổ truyền.

Đánh giá toàn bộ tác phẩm Phạm Thiên Thư là việc khó khăn, chưa kể có kẻ lạm quyền đã đánh giá cuộc đời chìm nổi của nhà thơ, qua lắm bể dâu.

Nói ít, nhưng khá đầy đủ về Phạm Thiên Thư, có mấy câu thơ Bùi Giáng tặng ông:

Chạy quanh khu vực thần tiên
Mỗi chân mười ngón kết liên bốn mùa
Vườn cây trái ngọt trái chua
Mù sương hấp dẫn về chùa ngủ quên.

Orléans, 12/10/2011- Noel 2013
Đ.T
(SH300/02-14)

....................................................
1. Nguyễn Dữ, Truyền kỳ mạn lục, tr. 106-119, Nxb. Văn Học, 1971, Hà Nội.
2. Phạm Thiên Thư, Qua suối mây hồng, 1971, tr. 72-73, tái bản, Nxb. Văn Nghệ, 2006, TPHCM.
3. Phạm Duy, Nhớ, hồi ký, tr.191, Nxb. Trẻ, 2005 (?), TPHCM.
4. Phạm Duy, Nhớ, hồi ký, tr.191, Nxb. Trẻ, 2005 (?), TPHCM.
























Đọc Thơ Phạm Thiên Thư





































































Phạm Thiên Thư & Phạm Duy








Trần Thoại Nguyên, Phan Nguyên, Phạm Thiên Thư









Phạm Thiên Thư & Phan Nguyên
Sài gòn 2014









Phạm Thiên Thư 
ảnh: Phan Nguyên 2014










Dưỡng sinh Điện công Pháp-Thân-Tâm












Trở về 


MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.