Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Hoàng Tích Chù (1912 - 2003)
















Hoàng Tích Chù
(1912 - 20 tháng 10 năm 2003) Hà Bắc
Thọ 91 tuổi
Hoạ sĩ











Bùi Xuân Phái, Võ An Ninh, Hoàng Tích Chù







Tiểu sử

Ông sinh năm 1912 tại Hà Bắc[1], quê ở làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là con trai thứ hai của Hoàng Tích Phụng - một nhà Nho từng làm tri phủ và tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục. Anh trai ông là nhà báo Hoàng Tích Chu, các em là nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, bác sĩ Hoàng Tích Tộ, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ[2].

Năm 1929, ông theo học lớp dự bị trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông học ngắt quãng, phải thi nhiều lần cho đến năm1936, Hoàng Tích Chù mới thi đỗ vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương[3], học cùng khoá 11 với Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Trang Chước... Tốt nghiệp năm 1941, ông mở xưởng vẽ tại phố Hàng Khoai, và là một trong bốn hoạ sĩ đầu tiên mở xưởng sơn mài Hà Nội[2]. Ông tham dự Salon Unique cũng như các cuộc triển lãm của FARTA. Năm 1944, ông tham gia Ban kịch Đông Phương, làm trưởng ban, phụ trách phần hóa trang của ban.

Sau Cách mạng tháng 8, ông trở thành một trong những giảng viên đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (1945-1946)[2]. Trong liên hoan "Tuần lễ vàng", ông gửi bày bức tranh sơn dầu khổ lớn "Đêm hoa đăng" (sau thuộc về Bảo tàng Đức Minh). Toàn quốc kháng chiến, ông cùng gia đình về quê, tham gia hoạt động trong Hội Liên Việt Kháng chiến. Ít lâu sau, Hoàng Tích Chù chuyển lên Khu 12, tham gia vẽ tranh tuyên truyền và dạy các lớp học ngắn hạn trong quân đội[3]. Năm1947, trong một chiến dịch càn của quân Pháp, ông cùng gia đình bị kẹt lại, phải trở về Hà Nội. Thời gian này, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam[2], tham gia hoạt động bí mật trong thành và sau bị bắt giam (1953)[4].

Sau khi hòa bình lập lại, Hoàng Tích Chù giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1956-1969)[1]. Ông cộng tác cùng Nguyễn Đức Nùng và Nguyễn Văn Tỵ viết giáo trình trang trí và riêng ông tự viết giáo trình sơn mài. Ông là hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trong năm 1957 - 1960, ông giành được 3 giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc và nhận được Bằng khen tại triển lãm quốc tế ở Đức, Ba Lan và Ấn Độ[1]. Năm 1960, ông phụ trang trí Hội trường của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 3 và được cử đi dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc[4]. Ông là Viện trưởng Viện Mỹ nghệ Hà Nội từ năm 1970 cho tới lúc nghỉ hưu.

Hoàng Tích Chù mất ngày 20 tháng 10 năm 2003, hưởng thọ 93 tuổi. Thi hài ông được đưa về chôn tại làng Phù Lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh quê ông[2].



Tác phẩm

Được xem là một bậc thầy trữ tình trong hội họa sơn mài, bút pháp nghệ thuật của Hoàng Tích Chù thay đổi qua nhiều hoàn cảnh lịch sử như: cổ điển (trước 1945, tiêu biểu bình phong Phong cảnh chùa Thầy ), hiện thực (sau 1954, Tổ đổi công, Bác Hồ chơi với thiếu nhi), tượng trưng (những năm cuối, Hòa bình trên các vì sao, Nhịp điệu). Ông chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật dân gian qua thi ca và không gian văn hóa hơn là trực tiếp từ nghệ thuật tạo hình cổ, kết hợp với sự yêu thích nghệ thuật hiện đại và đồng thời ngưỡng mộ phong cách hội họa giàu tính dân tộc của các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân[4].



Tổ đổi công, sơn mài, 76x100cm, 1958

Bức tranh nổi tiếng nhất của ông là Tổ đổi công, vẽ năm 1958. Đây là một trong những tác phẩm sơn mài đầu tiên sử dụng bảng màu phong phú, đặc biệt là màu xanh bổ sung cho những màu truyền thống son - then - vàng - bạc, đã thể hiện thành công hình ảnh thiên nhiên và con người Việt Nam một cách sống động tự nhiên[2].

Ông có tranh trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Phương Đông ở Moskva và một số bộ sưu tập tư nhân[1].









Tác phẩm chính





Phong cảnh chùa Thầy (1944)







Tổ đổi công miền núi (1958)








Gánh lúa (1961)








Đêm hậu cứ (1966)








Hòa bình trên các vì sao
(1989)
















Giáng Sinh (vẽ cùng họa sĩ Nguyễn Tiến Chung)
















Tham khảo

^ a ă â b “Hoang Tich Chu”. Commie Travel. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2009.
^ a ă â b c d Thuận Thiên (ngày 24 tháng 10 năm 2003). “Vĩnh biệt hoạ sĩ Hoàng Tích Chù - người thầy của nghệ thuật sơn mài”. Lao động. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2009.
^ a ă Quang Việt (2008). Từ điển họa sĩ Việt Nam. Nhà xuất bản Mỹ thuật. tr. 47.
^ a ă â Quang Việt (2008). Từ điển họa sĩ Việt Nam. Nhà xuất bản Mỹ thuật. tr. 49.







Tham khảo thêm vê họa sĩ Hoàng Tích Chù







HỌA SĨ SƠN MÀI HOÀNG TÍCH CHÙ


Ngày 18 tháng 2 năm 2002, lão hoạ sĩ vừa tròn 90 tuổi. Nhưng gia đình ông đã quen mừng thọ theo âm lịch, theo đó thì ông ra đời đúng ngày mồng một Tết, cho nên mồng một Tết năm Tân Tỵ vừa rồi, đại thọ cửu thập niên của lão hoạ sĩ Hoàng Tích Chù đã được cử hành trọng thể tại tư gia ở 43 Nguyễn Như Đổ, gần Quốc Tử Giám Hà Nội. Tôi đến chúc thọ ông chậm ngày, được thấy hình ông mặc áo đỏ đội mũ vàng theo đúng nghi thức cổ. Thật hiếm có dịp “song lễ trùng lai” như thế ở đời: lễ mừng thọ cũng là lễ mừng ông được “ơn vua lộc nước” rất to: giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhưng với tôi thì ông không muốn nói chuyện ấy, mà muốn khoe cái khác kia: ông bảo cụ bà dìu ngay qua phòng vẽ mới xắp xếp ít lâu… Ông vẫn còn vẽ ư? Cụ bà Hoàng Tuyết Trinh (85 tuổi) bảo ông nằm liệt cả năm rồi, trước hôm đi nhận giải thưởng HCM bỗng nhiên ông đứng lên đi được. Ông quyết định lập phòng vẽ để phục chế tranh cũ, hướng dẫn con trai là KTS Hoàng Tích Chí thực hiện. Cái đầu tiên đang lên là “Tổ đổi công miền núi”, bản đang để ở bảo tàng Mỹ thuật bị hỏng rồi! Tôi chợt nhớ mấy năm trước, khi ông còn ở TPHCM với người con gái là giảng viên sơn mài của trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, sau khi bị đục thủy tinh thể một con mắt, lão hoạ sĩ đứng ngồi không yên. Có hôm ông đi xích lô tới nhà tôi hỏi: “Cháu có cầm của bác bức phác thảo cảnh dân Phù Lưu chạy tản cư hồi năm 1946 không? Mấy hôm nay mắt bác khá hơn, bác muốn lên tranh cái ấy quá!”…

Cuộc đời lao động nghệ thuật gắn liền với lịch sử sơn mài VN của hoạ sĩ Hoàng Tích Chù thế là đã kéo dài trên 65 năm. Ông đi vào nghệ thuật như một bông hoa trổ từ cái cây có gốc rất sâu. Quê ông, làng Phù Lưu, tức Chợ Giàu, một cái làng văn hiến nổi tiếng của đất Kinh Bắc. Họ Hoàng nhà ông là một họ lớn, công tích về văn hoá còn lưu hình khắp làng. Riêng gia đình ông là cả một lò tên tuổi: anh cả, Hoàng Tích Chu, chủ bút tờ Đông Tây hiện đại hoá ngôn ngữ báo chí VN, rồi các em: nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, nhà viết kịch điện ảnh Hoàng Tích Chỉ. Cụ huyện Phụng, thân sinh các ông, bị hồi hưu sớm vì dính với Đông Kinh Nghĩa Thục, nên chi tộc Hoàng Tích nghèo. 
Sau khi có bằng thành chung (diplome, tức hết bậc trung học cơ sở), không có điều kiện học lên nữa, chính ông anh Chu đã giới thiệu ông đi học lớp vẽ của ông Nam Sơn, người đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau đó ông theo các cua của trường Mỹ thuật. Vừa học vừa làm nghề (làm cliché cho nhà in Lê Văn Tân mỗi tháng cũng được trăm rưởi, đủ ăn học). Ông thi vào trường rất vất vả, trượt năm năm liền, nên lúc được vào học (năm 1936) mới có biệt danh “Chù già”. Cái duyên khiến Hoàng Tích Chù đến với sơn mài cũng lại do sự thúc đẩy của hoàn cảnh kinh tế. Cùng lúc sơn mài VN bắt đầu được khẳng định nhờ “cụ I” (hoạ sĩ Inguimberty, theo cách gọi của cố hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí) mở lối và tài năng Nguyễn Gia Trí chứng tỏ, tổ chức Cooperative des Artistes Indochinois (Hợp tác xã các họa sĩ Đông Dương) ra đời do Inguimberty lãnh đạo và Trần Văn Cẩn điều hành, hướng các hoạ sĩ và học viên mỹ thuật vào việc sản xuất mỹ nghệ, thì Hoàng Tích Chù đang làm con nuôi một người Hoa. Với óc thực tiễn của dân tộc mình, ông bố nuôi đã quyết định hướng anh con nuôi vào việc mở xưởng sơn mài. Thế là thợ sơn mài mỹ nghệ được thuê tới làm, và nhờ vậy ông đã học được rất nhiều về kỹ thuật tinh vi khó khăn của nghề này (theo trí nhớ của lão hoạ sĩ lúc tôi hỏi chuyện ông vào năm 1996, thì ông thợ này người làng Bình Đà, huyện Thanh Trì, Hà Đông. Thanh Trì cũng là quê ông “phó Thành”, người đã cùng các học viên trường Mỹ thuật sáng tạo nên nền “sơn rửa”, tức sơn mài VN). Nhắc tới chuyện này, lão hoạ sĩ khẳng định với tôi: “Hoạ sĩ mà không trải qua thực tế làm sơn mài, thì không thể nắm được tếch – nich của nó, như nhiều hoạ sĩ bây giờ vẽ sơn mài y như vẽ sơn dầu. Tôi may mắn có cái gốc làm nghề, nên học trò tôi dạy không người nào không biết làm sơn mài”. Tuy nhiên, kỹ thuật sơn mài phải được con mắt tinh tường của người hoạ sĩ hướng đạo. Đó là điều ông Chù học được ở các thầy Tây. Ông thường kể đi kể lại câu chuyện “gật, lắc” của thầy Inguimberty. “Cụ I” không học vẽ sơn mài, cụ chỉ đứng quan sát và gật hoặc lắc, học viên phải hiểu ý mà điều chỉnh, “cụ” lắc đến lần thứ ba thì bức tranh coi như… vứt.

Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật năm 1941, đứng thứ nhì sau Nguyễn Văn Tỵ, ông mở xưởng ở phố Hàng Khoai, làm sơn mài theo “com măng” của Cooperative des Artistes. Lúc ấy cả Hà Nội chỉ có bốn xưởng: Phạm Hậu, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Văn Tỵ và Hoàng Tích Chù.

Trong kháng chiến chống Pháp, cuộc đời ông lắm gian truân. Từ quê nhà lên Việt Bắc, ông hai lần bị du kích bắt vì “nghi là việt gian”, trước khi gặp tướng Nguyễn Sơn, rồi cùng Trần Văn Cẩn vẽ tranh tuyên truyền và lập các lớp hoạ trong quân đội. Nhưng dấu ấn nổi bật nhất của thời kháng chiến lại là hoạt động trong lòng Hà Nội tạm chiếm. Nhà ông nuôi cán bộ nội thành. Bà “buôn lậu” diêm trắng muối trắng ra chiến khu làm thuốc mìn. Ông tuyên truyền kháng chiến trong giới văn nghệ. Ông vừa được kết nạp Đảng thì bị bắt do cơ sở khai ra, bị bắt tại nhà cùng với tài liệu và bức tranh cổ động đả kích Bảo Đại, chống bắt lính đang vẽ dở. Bị tra tấn dã man, gãy cả hai hàm răng, đến nay còn di hại trong cơ thể. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động.

Sau hoà bình 1954, ông đóng góp cho sơn mài VN rất nhiều ở cương vị người phụ trách tổ thực nghiệm sơn mài rồi giảng viên chính khoa sơn mài trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Với kinh nghiệm một thời lăn lộn thực sự trong nghề sơn mài và lòng tận tụy của người thầy, ông được sinh viên yêu quí và được coi là người chuyển giao hiệu quả nhất những bí quyết của nghệ thuật sơn mài truyền thống. Ông bảo: “Bí quyết sơn mài nằm ở chỗ sâu sa và hài hoà của màu dân tộc. Sơn mài không vẽ theo nature (tự nhiên), cũng không phải decoratif (trang trí).” Tập giáo trình đánh máy ông biên soạn về sơn mài và nghệ thuật trang trí qua hơn 40 năm vẫn còn là một tài liệu quí có tính căn bản. Tôi đã gặp nhiều hoạ sĩ thuộc những thế hệ khác nhau tự hào nhận mình là học trò “cụ Chù”. Cả những học trò nước ngoài nữa. Hoạ sĩ Thái Đắc Chấn, hiện là phó chủ tịch hiệp hội sơn mài Trung Quốc, đã gửi tặng ông tập sách tranh của mình với những lời cảm kích về người thầy tận tâm và chu đáo.
Nhưng rồi bản tính thẳng thắn nó hại ông. Ông Chù bị “trù”, không được dạy nữa. Chuyển sang phụ trách Viện Mỹ nghệ Hà Nội, ông lại tiếp tục đóng góp cho sơn mài ở cương vị chỉ đạo nghệ thuật các hợp tác xã thủ công mỹ nghệ trong toàn thành phố, cho đến khi về hưu.

Con đường sáng tạo của Hoàng Tích Chù thực sự rộng mở từ sau cách mạng tháng tám. Tác phẩm đầu tiên của ông được nhắc đến nhiều là bức sơn dầu “Đêm hoa đăng”: bốn cô gái Hà Nội nét đẹp cổ điển với những chiếc đèn lồng toả ánh sáng tưng bừng. Tháng 7 năm 1946, hoạ sĩ ở trong ban tổ chức Tuần lễ Vàng ở Hà Nội. Sau một đêm liên hoan đèn đuốc rực rỡ, ông hào hứng phác thảo ngay bức tranh. Kháng chiến bùng nổ, bức phác thảo tưởng thất lạc. Nhưng sau khi ông vào thành, em ông là Hoàng Tích Linh từ kháng chiến gửi vào. Nhà tư sản Bùi Đình Thản (tức nhà sưu tập Đức Minh), một cơ sở hoạt động của ông, trông thấy, liền đưa tiền để ông thực hiện bức tranh. Tranh vừa treo lên, một chủ ngân hàng người Pháp đã hỏi mua lập tức và bị từ chối. (Hiện nay bức tranh thuộc về một nhà sưu tập Hà Nội sau khi con trai ông Đức Minh “bán mớ” mấy bao tải tranh của người cha để lại). 
Bất cứ tuyển tập tranh hiện đại nào của VN đều không thể bỏ qua tác phẩm “Tổ đổi công miền núi” của Hoàng Tích Chù vẽ năm 1958. Đây là một trong những tác phẩm sơn mài đầu tiên sử dụng bảng màu phong phú, đặc biệt là các màu xanh bổ sung cho mấy màu son – then – vàng – bạc truyền thống, thể hiện thành công thiên nhiên và con người VN trong vẻ sống động tự nhiên. Sau khi đoạt giải ba Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, bức tranh được đưa đi triển lãm 12 nước XHCN, đoạt thêm hai giải quốc tế và được lưu giữ tại Bảo tàng Phương Đông của Liên Xô cũ. (Có điều không biết giữa bản ấy và bản lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật VN, cái nào là bản thật?). Ông Chù kể: bức này được thực hiện từ một ký hoạ tình cờ. Năm 1957, sau khi đi thăm và nghỉ ở Trung Quốc một năm, trên đường trở về Hà Nội, trong lúc ngồi đợi tàu ở một ga xe lửa thuộc tỉnh Lạng Sơn, ông đã ghi được cảnh cấy lúa rộn ràng của một tổ đổi công giữa bối cảnh núi non xinh tươi.

Những năm vào tuổi 80, lạ thay, trong con người hoạ sĩ lại bùng lên một sức trẻ trung bất ngờ. Ngỡ như ông mới phát hiện ra cái đẹp sôi nổi, đầy sức sống của các cô tiên múa hát, của các cô gái quê nô giỡn tắm ao trên những tấm xà ngàn năm đình làng Bắc bộ, và rủ rê các cô vào những bức sơn mài gợi cảm của mình. “Nhịp điệu vũ trụ” hay còn gọi là “Tiếng hát hoà bình trên các vì sao”: hầu như chỉ hai màu son và vàng cổ truyền nhưng tươi sáng, các đường viền xám bạc làm nổi hình hai cô khoả thân vừa đàn hát vừa múa giữa các vì sao bay tán loạn – hai “cô tiên” phốp pháp hồn nhiên mà mấy chục năm trước ta có thể rình xem qua bụi tre bên ao làng, hay là hai “con đĩ đánh bồng” trong hội làng đã thăng thiên? Đến thăm ông ở TPHCM dịp tết năm Giáp Tuất, tôi thấy ông đang mải mê với cô gái mười bảy nửa đêm thả nghé trong chuồng ra đuổi. Cả một đêm trăng, đêm của sơn mài nên không đen mà lại màu son, trăng vàng, mây bạc, con nghé xám, nổi bật cô gái quê trong bộ cánh thiên nhiên sẵn đúc đang chạy… “Động cỡn mà!” Ông cười. Tinh thần khoẻ khoắn lành mạnh dân dã của bức tranh thật ăn ý với tiếng cười hồn hậu có ánh lên chút nghịch ngợm của ông già 84 đẹp lão.

Hoạ sĩ Hoàng Tích Chù quả là đẹp lão trong vẻ phúc hậu, tròn đầy, ánh mắt hiền lành nhưng không kém tinh nhanh. Ông thường nói với tôi: “Đời tôi toàn là không may thôi anh ạ!” nhưng giọng ông chả có gì chứng tỏ là ông thật sự tin như vậy. Bây giờ, ở tuổi cửu thập, ông đã toại nguyện với danh phận, với sự thành đạt của con cái, riêng lòng thương nhớ anh con trai liệt sĩ thì không bao giờ nguôi. Nhắc đến anh, bao giờ ông cũng bảo: “Thằng Minh nhà tôi với Thành Chương con ông Kim Lân là hai đứa giỏi nhất trường. Nếu nó còn sống…”

(Báo Lao Động 2002)

Tin mới về tranh Hoàng Tích Chù:
Tại phiên đấu ngày 28/5/2017 có tên Asian 20th Century Art của nhà Christie's vừa kết thúc ở Hong Kong, tác phẩm sơn mài La Moyenne Région (Miền trung du, sơn mài, 100 cm x 150 cm, 1942) của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung đã được bán với giá thuộc hàng cao nhất. Điểm đặc biệt nữa, tác phẩm này là sự kết hợp sáng tạo của Hoàng Tích Chù (1912-2003) và Nguyễn Tiến Chung (1914-1978) - hai danh họa có kỹ thuật sơn mài đặc biệt của Việt Nam.

Ảnh: HS Hoàng Tích Chù (Phan Nguyên) - Hai tác phẩm trước 1945 - Tổ đổi công và Đuổi nghé - Miền trung du (HTC-NTC) 







Họa sĩ Hoàng Tích Chù và người mẫu đầu tiên


Người phụ nữ đầu tiên ngồi làm mẫu vẽ cho họa sĩ Hoàng Tích Chù cũng chính là người vợ đã gắn bó cả cuộc đời với ông. Bà là Hoàng Diệu Trinh, một người đẹp ở phố Hàng Bạc xưa...


Hoàng Diệu Trinh (trái) qua nét vẽ của họa sĩ Hoàng Tích Chù.


Hoàng Diệu Trinh sinh năm 1917, là con gái út của một gia đình khá giả ở phố Hàng Bạc. Bà gặp Hoàng Tích Chù qua sự mai mối của hoạ sĩ Nguyễn Tiến Chung và Bùi Trang Chước. Khi ấy, Hoàng Tích Chù còn là anh học trò nghèo xứ Kinh Bắc đang theo học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Quen nhau chưa được bao lâu, Trinh "bị" thuyết phục làm mẫu vẽ cho Hoàng Tích Chù vì anh Chù nghèo quá, học tới 9 năm (một khóa học của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là 6 năm) mà chưa tốt nghiệp được vì không có tiền thuê mẫu vẽ. Thương cảnh anh học trò nghèo, Trinh đã đồng ý ngồi làm mẫu cho anh 20 ngày. Trang phục của mẫu, Trinh cũng tự bỏ tiền sắm.

Năm 1940, bài tốt nghiệp của Hoàng Tích Chù được điểm cao thứ hai trong trường. Sau buổi lễ tốt nghiệp, ông thày người Pháp ngỏ ý muốn mời Trinh làm mẫu nên nhờ anh Chù giới thiệu. Nhưng Hoàng Tích Chù đã khéo léo từ chối vì sợ ông "quyến rũ" mất người trót "gây thương nhớ" cho anh. Thế rồi ít ngày sau, anh Chù đến thẳng nhà Trinh đặt vấn đề muốn lấy cô làm vợ để... "trả ơn" cô đã ngồi mẫu không công cho anh.

Thời gian cô Trinh trở thành bà Hoàng Tích Chù trùng vào những năm toàn quốc kháng chiến. Lương của chồng không được bao nhiêu, một nách sáu con nhỏ, khó khăn đủ bề, buộc cô phải xoay ra làm đủ nghề để chồng con không bị đói.

Trong tình hình khó khăn khi ấy, ông Nguyễn Bích đã vận động bà Hoàng Diệu Trinh đi buôn gạo lấy lãi. Sau đó ông Bích lại bày cho bà cách mua diêm trắng và muối chở lên chiến khu. Thời chiến, hàng chục chuyến xe từ Hà Nội ra Bần - Yên Nhân (Hưng Yên), không ít lần bị giặc Pháp bắt lại tra hỏi nhưng nhờ tài ứng đối nhanh nhẹn, khôn ngoan, bà Trinh đều thoát nạn. Rồi những giai đoạn khó khăn sau này, tưởng người bình thường không thể vượt qua được, nhưng bà vẫn vững vàng chèo lái. Lương của ông không khi nào bà cầm được một đồng nhưng gia đình vẫn sống đàng hoàng, no đủ nhờ tài xoay xở tháo vát.

Đến nay, dù đã qua cái tuổi "thất thập cổ lai hy", bà Hoàng Diệu Trinh vẫn sống độc lập không dựa vào con cái về tài chính. Hàng ngày, rảnh rỗi, bà giúp con trai làm tranh sơn mài. Triết lý sống của bà rất giản dị: "Người phụ nữ nào mà không biết hỗ trợ cho sự nghiệp của chồng con thì người ấy... thiệt!".

(Theo Gia Đình & Xã Hội) 






Trở về 






MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả. 
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua. 










Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

Nguyễn Quang Tấn













Nguyễn Quang Tấn
(1949 - .... )
Nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ






Nguyễn Quang Tấn sinh năm 1949, theo gia đình di cư vào Nam khi còn bé, hiện sống và sáng tác tại Sài Gòn. 
Ông làm thơ, viết văn, viết ca khúc từ khi còn rất trẻ. 
Đã xuất bản một tập thơ gồm 106 bài có tên chung là Dạo Khúc 







NGUYỄN BÍNH VÀ YÊU QUÁ MẤT RỒI
Nguyễn Quang Tấn


Những người sáng tác, và cả những nhạc công đều đồng ý với nhau: Kỹ thuật càng phức tạp, thì tính biểu cảm của tác phẩm càng bị giới hạn. Tư tưởng, tình cảm của người sáng tạo thì bát ngát mà cứ phải co cụm trong cái rọ của những khuôn này phép nọ, niêm với luật, vần với điệu… Vì thế, nẩy sinh ra những phá cách, phá thể. Thơ tự do ra đời có lẽ là do suy nghĩ ấy, và trường phái Hậu Hiện Đại với chủ trương: Mọi bảng cấm đều được hạ xuống, mọi ngôn từ đều bình đẳng, và nhóm Dada với khẩu hiệu ngộ nghĩnh: Những gì nghệ sĩ khạc nhổ ra đều là nghệ thuật.

Nguyễn Bính chỉ làm thơ lục bát và thất ngôn, và không những ông tuân thủ triệt để niêm luật của loại thơ này, ông còn làm khó chính ông bằng cách tự đan cho mình những cái rọ. Thử đọc một đoạn trong bài “Viếng Hồn Trinh Nữ”:

Có một chiếc xe màu trắng đục
Hai con ngựa trắng xếp hàng đôi
Đem đi một chiếc quan tài trắng
Và những vòng hoa trắng lạnh người
Theo bước những người khăn áo trắng
Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi…

Nguyễn Bính ra lệnh cho chính ông: Mỗi câu đều phải dùng một từ trắng, và từ này khiến cho người đọc liên tưởng tới màu trắng của những bức tường bệnh viện, nhà xác, màu trắng của khăn liệm, màu trắng của những hàng thập tự trong nghĩa trang. Có thể nói đùa rằng đây là bài thơ không dành cho những người yếu bóng vía hoặc ghi chú: Thơ đọc vào lúc 0 giờ. Ta không biết người nằm trong áo quan là ai nhưng ta lại có cảm giác đau buồn như đang theo bước những người khăn áo trắng, đưa tiễn một người thân yêu của mình vào nơi an nghỉ sau cùng. Trong cái rọ chật hẹp như thế, Nguyễn Bính vẫn có thể tung tăng múa lượn như ở giữa một cánh đồng, hay như một cao thủ võ lâm, dù bị trói nhưng vẫn thi triển được những tuyệt chiêu. Ông còn bắt mình đếm ngược:

Nhà em cách bốn ngọn đồi
Cách ba con suối cách đôi cánh rừng
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy, anh đừng yêu em…

“Em van anh đấy, anh đừng yêu em” câu này nếu đứng độc lập sẽ là một câu thơ rất “ỏn ẻn”, rất “sến” nhưng nằm trong ngữ cảnh của toàn bài, ta lại thấy nó như những tiếng đàn làm trẻ lại những tâm hồn đã già cỗi, đã khô cằn. Em nói anh đừng yêu em nhưng thật ra, em lại muốn anh hãy yêu em nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Tiếng lòng em mời gọi.

Có người hỏi nhạc sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn rằng, ngoài âm nhạc ra ông có lưu tâm đến những bộ môn nghệ thuật nào khác không, ông trả lời, đại ý: “Nếu chỉ lưu tâm đến nhạc không thôi thì cái nhạc ấy không thể nào bốc lên cao được, cứ loẹt quẹt mãi ở tầng trệt.” Thật vậy, nếu một người chơi nhạc F. Chopin hoặc F. Tarrega mà không bằng tâm hồn của một nhà thơ thì sẽ chơi không đạt, không ra được cái hồn của tác phẩm. Chưa ai nghe Nguyễn Bính nói gì về hội họa, nhưng hãy xem một bức tranh của ông:

Có lần tôi thấy một mẹ già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng in bóng xuống sân ga …

Đoạn thơ không nói gì đến thời gian, nhưng ta lại thấy lúc đó trời vừa tối, sân ga vắng vừa lên đèn, ánh đèn hắt bóng người mẹ gầy gò xuống sân ga, đôi mắt già nua nhìn theo con tàu khuất ở cuối chân trời…

Và một bức tranh khác:

Sao đêm còn có đêm quên mọc
Anh chẳng đêm nào không nhớ em…*

Trời đêm như một tấm nhung đen gắn những hạt sao lấp lánh, trong cái huyền ảo đó, tình nhân đang nhớ tình nhân… Tình và Cảnh hòa quyện với nhau rất kỳ diệu. Trong thơ Nguyễn Bính, những hình tượng như thế nhiều lắm. Nhan nhản. Nguyễn Bính không vẽ tranh bằng cọ, và có lẽ ông cũng không am hiểu gì về hội họa, nhưng chắc chắn, ông phải có cái Tâm của một họa sĩ thì mới có thể vẽ được những bức tranh bằng chữ gây xúc động lòng người đến vậy. Những bức tranh này đôi khi nó lại chuyển động như trong một đoạn phim:

Hôm qua trên bến dưới đò
Nhìn nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu cánh buồm nâu cánh buồm…

Người sành văn chương thì cho rằng câu cuối cùng là tài hoa, là xuất thần, nhưng người đang mang trong lòng nỗi niềm thì chỉ thấy một cánh buồm đang nhỏ dần… nhỏ dần trên sóng, nhỏ dần rồi mất hút…Cánh buồm mang đi cả một quãng đời tươi đẹp, quãng đời ta sống bên nhau. Có nhà phê bình cho rằng chỉ với bốn câu lục bát, Nguyễn Bính đã lay động được hồn người, khác với những bài thơ ngồn ngộn những chữ mà chẳng có tác dụng gì (Nguyễn Hưng Quốc).

Có người thoáng đọc Nguyễn Bính vội vã đưa ra nhận xét “Thơ như thế này thì có gì…” (Hoài Thanh – Thi nhân hiện đại ). Điều này đúng. Nhìn vào một ly thủy tinh đầy nước lọc: Không có gì thật. Không đường, không muối, không phẩm màu, không vi trùng, vi khuẩn, không tạp chất, nhưng để có được một ly nước như thế, kẻ làm ra nó đã phải tốn không biết bao nhiêu công sức để xử lý, để thanh lọc. Và điều lạ lùng, cái loại nước trong veo, trong vắt không men rượu ấy lại làm ta say, làm ta vui buồn. Đọc lại một đoạn thơ quen thuộc, ai cũng biết:

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi…!

Chắc chắn là những ai lần đầu đọc bốn câu thơ này cũng phải cười, không cười ra tiếng cũng phải cười mỉm hay cười thầm. Nàng thì lượt là nhung lụa như tiểu thư con quan tể tướng. Còn mình, một gã trai làng áo rách vai, quần có hai miếng vá, làm gì mà không khổ! Đấy là những câu thơ vui, còn những câu thơ làm người ta buồn thì vô kể:

Rồi có đêm mưa nơi quán trọ
Đầu tôi lại gối cánh tay tôi *

Quán trọ không phải là nhà, cánh tay tôi chứ không phải cánh tay người tình, mưa đêm thì ray rứt…
Trong bài thơ “Lỡ Bước Sang Ngang”, Nguyễn Bính vào vai một người chị dặn dò em gái trước khi đi lấy chồng:

Em ơi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường đắng cay…

Đã có người phê bình: “Thơ này chỉ có đàn bà mới thích”. Nhưng thông tin dưới đây chứng tỏ là nhận định ấy sai lầm:

Vào thập niên 40 (không nhớ năm nào) Thủ tướng chính phủ Nam Kỳ Tự Trị Nguyễn văn Thinh ra thông báo: “Ai mời gọi được Nguyễn Bính, tác giả Lỡ Bước Sang Ngang về với Quốc Gia sẽ được thưởng 1000 đồng.” Rồi máy bay lượn trên bầu trời Kiên Giang, vùng Nguyễn Bính đang sống rải truyền đơn kêu gọi ông, nhưng ông vẫn gia nhập mặt trận Việt Minh chống Pháp. Khi ông gia nhập, tướng Trần Văn Trà căn dặn thuộc hạ phải đối xử với ông thật chu đáo. Nguyễn Bính không những chinh phục đàn bà mà cả đàn ông, kể cả đàn ông thủ tướng và đàn ông tướng lãnh. Với lại, chỉ chinh phục đàn bà không thôi thì đã chinh phục được nửa thế giới rồi còn gì. Có đàn ông nào mà lại không thích chinh phục đàn bà?

Sau khi tập kết ra Bắc, Nguyễn Bính vẫn làm thơ, nhưng hình như ông không có năng khiếu về cái loại thơ làm theo lệnh trên nên những gì ông viết ra đều rất miễn cưỡng.

Cách đây nhiều thập niên, ở miền Nam Việt Nam có phong trào thơ Thiền. Một nhà thơ muốn được xem là hiện đại, trong thơ anh ta buộc phải có chất Thiền. Vì thế, những người làm thơ đều nhồi nhét cho kỳ được những thuật ngữ Phật giáo Thiền tông vào thơ của mình, cho dù, đôi khi cả tác giả lẫn độc giả đều hiểu rất lờ mờ những thuật ngữ ấy. Đến khi phong trào thơ Thiền tàn lụi, các nhà thơ này cũng biến mất, biến không tăm tích. Biến sạch Còn người nặng tâm huyết với văn học nước nhà thì kêu lên cay đắng: Những mùa văn học mất trắng. (Nguyễn Hưng Quốc) Tiếp theo phong trào thơ Thiền là phong trào thơ Tráng Sĩ (tạm gọi như thế vì không biết gọi là gì). Hình như những người theo phong trào này chỉ mong sao cho tác phẩm của mình được trở thành bản sao của bài thơ “Hồ Trường”. Vì thế, trong thơ của họ đầy rẫy những từ: Uống Rượu, Múa Gươm, Kinh Kha, Sông Dịch … Tiếc một điều là sau khi đã cạn mấy Hồ Trường rồi chẳng có tráng sĩ nào dám qua sông cả. Trốn biệt.

Sau ngày 30 Tháng Tư, cùng với mốt mặc quần hở rốn, nữ sĩ viết truyện tình dục, một mốt thơ khác lại bắt đầu. Phong trào này không biết gọi là gì. Đương đại? Hiện đại? Hậu hiện đại? Các nhà thơ của phong trào này lại nỗ lực đưa vào tác phẩm của mình những thuật ngữ cùa ngành giải phẫu như Dương v..., Âm h..., tinh dịch, bao cao su, con này cái nọ. Nhưng bây giờ, những từ ngữ ấy đã trở nên những sáo ngữ, đã mòn vẹt, nhàm chán. Loại văn thơ này đã tàn mùa. Có người còn cho rằng đọc những câu thơ, câu văn chứa những từ này nghe còn sến, còn lạc hậu hơn cả những câu: Ngắt nụ hoa vàng biết mình đã yêu… Em đi trong mưa… mưa rơi…mưa ướt đôi vai gầy… vv… Chúng đã chung số phận với những bài thơ Thiền, thơ Tráng Sĩ : Bị Đào Thải.

Lại một mùa văn học mất trắng nữa chăng?

Nguyễn Bính cũng theo mốt. Mốt ấy là: Chỉ dùng những từ thuần Việt, ngôn ngữ đặc thù của giới quê mùa, bình dân. Khó lòng mà tìm thấy trong thơ ông những từ hàn lâm, kinh viện. Nhưng không phải cứ đi theo con đường này là sẽ thành công đâu. Nhiều người đã bị loại ra khỏi cuộc chơi lắm rồi, may mà còn sót lại được vài người như Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, nhưng thành quả của các vị này cũng rất giới hạn. Nguyễn Bính vượt trội hẳn bởi vì tác phẩm của ông nhiều mầu sắc, khả năng chiếm lĩnh, chinh phục người đọc của ông rất cao. Tóm tắt: Ông là người có tài, có thực tài. Cách sử dụng ngôn ngữ bình dân của Nguyễn Bính như thế nào? Như thế này:

Lòng Mẹ

Gái nhớn ai không phải lấy chồng
Can gì mà khóc, nín đi không?
Nín đi mặc áo ra chào họ,
Rõ quý con tôi, các chị trông!

Ương ương, dở dở quá đi thôi,
Cô có còn thương đến chúng tôi,
Thì đứng lên nào, lau nước mắt,
Mình cô làm khổ mấy mươi người

Này áo đồng lầm, quần lĩnh tía
Này gương, này lược, này hoa tai
Muốn gì tôi sắm cho cô đủ
Nào đã thua ai, đã kém ai?

Ruộng tôi cày cấy, dâu tôi hái,
Nuôi dạy em cô tôi đảm đương
Nhà cửa tôi coi, nợ tôi giả
Tôi còn mạnh chán, khiến cô thương?!

Đưa con ra đến cửa buồng thôi,
Mẹ phải xa con khổ mấy mươi
Con ạ, đêm nay mình mẹ khóc,
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi...

Suốt bài thơ chỉ là một tràng kể lể của một bà già nhà quê lắm miệng mồm, không liên quan gì đến thơ phú cả. Thế mà nó lại làm cho người ta cảm động với những câu: "Nhà cửa tôi coi, nợ tôi giả." Nợ nần chồng chất, nhưng mẹ vẫn cố chạy ngược chạy xuôi cho con manh quần tấm áo, đôi hoa tai trong ngày cưới để được bằng chị bằng em. Và đoạn sau cùng làm ta thấm thía nỗi đau của người mẹ khi nhìn đứa con mình đứt ruột đẻ ra đi làm con người khác, không biết nơi nó đến đục trong, sướng khổ thế nào. Thật ra, chỉ có những người dân hoặc những người đã sống nhiều năm ở miền Đồng Bằng Bắc Bộ mới hiểu được trọn vẹn cái hay của bài thơ và tài năng của tác giả, một tiếng thơ đứng vững trên thi đàn hơn 70 năm.

Suy cho cùng, dù thành công hay thất bại, lưu danh hậu thế hay rơi vào quên lãng cũng chỉ vì lòng yêu thơ quá đấy thôi. Yêu lắm…

Thế nghĩa là yêu quá mất rồi! *
____________________________________
Nguyễn Quang Tấn

* Viết theo trí nhớ, nên có thể sai một vài từ.

** Thế nghĩa là ghen quá đấy thôi / Thế nghĩa là yêu quá mất rồi. (Ghen)

Được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ảnh lập trường hay quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ.








Thầy Thuốc và Bệnh Nhân. 
Nguyễn Quang Tấn. 


Ông bác sĩ già cúi xuống gần mặt mình, ân cần:
- Anh là người có đạo, bây giờ chỉ nên tin vào lời cầu nguyện thôi, đừng trông mong gì vào thuốc men thế gian nữa.
- Dạ, cám ơn bác sĩ. Tôi cũng không sợ chết lắm đâu. Xin bác sĩ cứ nói thật.Tôi còn sống được bao lâu nữa?
Ông bác sĩ ngập ngừng:
- Khoảng 6 tháng nữa, nhưng nếu có tiền thì cũng còn thêm được lai rai ...
Nghe hai tiếng “có tiền” mình nghĩ ngay đến những đồng bạc gầy còm đang nằm buồn rầu trong túi áo, nhưng nghe hai tiếng “lai rai” thì mình buồn cười quá, không nín được. Ông bác sĩ vừa ngạc nhiên vừa khó chịu:
- Tôi nói thật, sao anh cười?
Mình hiểu ngay, vội nói:
- Xin lỗi bác sĩ. Tôi cười là vì tôi đang nghĩ đến một câu thơ của Bùi giáng.
- Bùi giáng? Đó là một nhà thơ danh tiếng. Câu thơ ấy như thế nào?
- Như thế này: - Cũng đành lỡ một lầm hai. Người còn thì của cũng lai rai còn ...
Ông bác sĩ cũng cười. Thế đấy. Hai chân đã bước vào áo quan rồi nhưng mặt vẫn quay về trần gian tiếc nuối vùng trời diễm ảo thi ca. Ông bác sĩ nói tiếp:
- Mai anh xuất viện, dù sao cũng cố vui lên. Đặt niềm tin vào Chúa đi. Kinh Thánh có câu: Đức tin có thể dời một quả núi từ nơi này đến nơi kia...
- Dạ. Cám ơn bác sĩ.
Nói vậy chứ mình không nghĩ gì đến quyển Kinh Thánh vì đang bận nghĩ đến quyển tiểu thuyết võ hiệp Tiếu ngạo giang hồ, cũng không nghĩ đến Chúa vì đang bận nghĩ đến kiếm khách Lệnh hồ xung. Ngày mai mình từ giã ông bác sĩ hiền hậu này rồi ra khỏi bệnh viện cũng giống như Lệnh hồ xung từ giã các nhà sư rồi ra khỏi chùa Thiếu lâm, thân mang trọng bệnh, lưng không kiếm, túi không tiền, trước mặt là con đường xa thăm thẳm không biết dẫn về đâu ...
______________
Nqt.









Những Vần Thơ Trầm Tích
Mai Sơn







Ít người biết đến những bài Dạo khúc của thi sĩ Nguyễn Quang Tấn cho đến khi hay tin ông vừa trải qua một cơn bạo bệnh. Tập thơ 106 dạo khúc (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) ra đời đánh dấu không chỉ niềm vui của tác giả và bạn bè ông mà còn giúp hòa điệu một giọng thơ rất riêng vào đời sống thơ ca.

106 dạo khúc như một “khối tình trầm tích” lắng đọng trong cuộc đời tác giả Nguyễn Quang Tấn. Ông sống khép kín, sáng tác trong thầm lặng, không bộc lộ bản thân và cả “khối tình” ấy, mà dùng thơ như một phương tiện độc thoại nội tâm. Ông không công bố thơ của mình trong một thời gian dài. Tập thơ đầu tay với những bài Dạo khúc được đánh số đã mang đến một ấn tượng lạ lùng đáng kinh ngạc:

tôi cháy lên ngọn lửa dị thường
ánh sáng bảy màu che khuất vết thương.

Một số nhà thơ cho rằng thơ Nguyễn Quang Tấn đa phần là thơ tình. Điều đó chính xác vì chính tác giả đưa ra thông điệp:

trong lớp học trần gian chúng ta biết tất cả mọi điều
nhưng vị thầy cao cả nhất
đã cho ta biết mặt tình yêu.

(Dạo khúc 2)

Nhiều bài Dạo khúc nhân danh “tôi” viết cho “em”, nâng niu tình yêu như một kho báu của chốn trần gian, coi tình yêu như cứu cánh để bay thoát khỏi hữu hạn đời thường. Song đây là một tình yêu sang trọng, thuần khiết và dường như không có tham vọng chiếm hữu:

ngày xưa bầu trời xanh quá đỗi
yêu em một trời mây trắng thôi...
...gặp em một trời xanh như ngọc
xa em một trời mây nát tan.

(Dạo khúc 50)

Tình yêu gần với sự vô ngôn, như nhiên ấy dường như chạm vào sự quán tưởng, chạm đến Thiền. Khi Nguyễn Quang Tấn nhắc đến thanh xuân, đến ước mơ, đến giấc mộng vàng hay đôi mắt thần nhìn vào vũ trụ... ta thấy ở đó có sự minh triết và những cảm nhận tối giản của cuộc sống.

như khổ đau
hạnh phúc cũng làm ta kinh hoàng như khổ đau
tôi đẫm mình trong hoan lạc
tôi cháy một đêm thâu
như khổ đau
hạnh phúc cũng chôn vùi ta như khổ đau
tôi mệt nhoài trên sóng
tôi trôi mất về đâu...

(Dạo khúc 91)

Dạo khúc của Nguyễn Quang Tấn gần với thơ ý niệm, vì vậy thơ ông dường như xa rời thế sự, một mình một “tháp ngà” riêng. Có người cho rằng thơ ông có chất tôn giáo. Song có lẽ đó là những biểu hiện của một sự khao khát giao cảm và thấu hiểu:

phải đứng trên đỉnh cao ta mới nhìn thấy vực sâu
phải lặng yên mới nghe được tiếng gió gào
nhưng trong cõi nhân gian nào mấy kẻ
nghe những lời ta nói với nhau.

(Dạo khúc 96)

Giữa cái không gian nghệ thuật rất lạ ấy, mỗi Dạo khúc là một chuyến lãng du bằng tâm tưởng. Và 106 khúc như những đoản ca đưa ta đi hết miền hiện thực này sang cõi say đắm kia. Soi trong câu chữ dường như không có gì khác cái “Thật” và cái “Đẹp”, được nối kết bằng ngôn từ ngắn gọn, cô đọng và rất gợi. Đó là chất trầm tích có được từ một hồn thơ chân thật, không dụng ý làm thơ mà “đãi cát tìm vàng”, tinh lọc từ đời sống, từ cảm xúc, và từ chính mình để tìm cái điều đáng nói, cần nói (giữa các chiều kích vô hạn của vũ trụ). Vậy nên thơ ông đủ sức ngân nga trong lòng người và có một chỗ đứng riêng:

đêm mơ người gù lưng gánh gồng ác mộng
tiếng rao hàng gió lộng bờ sông.

(Dạo khúc 71)

Rất lâu rồi thi đàn mới xuất hiện một tập thơ lay động lòng người sâu xa như vậy. Nhưng chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên nếu biết 106 dạo khúc của Nguyễn Quang Tấn được tác giả nghiền ngẫm từ rất lâu, thơ ông được nhiều người yêu thích, thuộc lòng trước khi được Nhà xuất bản Hội Nhà văn công bố. Đây cũng là một kỳ tích của làng văn chương, nhờ vào tấm lòng và sự hỗ trợ của bè bạn và những người yêu mến thơ ông. Tác giả sinh năm 1949, vốn là giáo viên nghèo nhiều năm sống ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Đặc biệt, ông là người từng “dạy chung một trường, ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu”, và được nhà văn Nguyễn Trí (tác giả của Bãi vàng, đá quý, trầm hương) thân thương gọi là “Hoàng tử bé”!

Mai Sơn















Tác phẩm tiêu biểu







Dạo Khúc 40



Tôi sẽ không nói với ai về nỗi buồn này
Cho dù đêm nay trầm hương đã cháy
Và linh hồn ướt đẫm rượu say…

Tôi sẽ không nói với ai
Về những gì tôi đã nhìn thấy
Sau chuyến viễn du dài
Tới miền xa khơi
Mắt xưa vời vợi
Không lời…

Tôi không để cho ai nhặt được
Bông hoa úa tàn
Kẻ nào để lại
Trong lòng dĩ vãng
Dĩ vãng nào cũng đẹp như vàng…

Tôi sẽ không kể cho ai nghe chuyện tình dị kỳ
Công chúa Bạch Vân và tài hoa thi sĩ
Dù biết rằng bầy ma và lũ quỉ
Chẳng bao giờ lấy được mối tình đi

Tôi không cho ai nghe tiếng khóc lạc loài
Của con nai rất nhỏ – rất thơ ngây
Đêm qua lạc mẹ
Xa bầy…
Rừng thiên thai lửa cháy ngập trời…

Đêm nay trầm hương tan nát khói
Chén rượu này tôi uống chỉ mình tôi

Nguyễn Quang Tấn
















Trò Chơi Của Một Hạt Bụi.
Truyện rất ngắn

Nguyễn Quang Tấn

- Từ một kẻ rất mực tầm thường, gã bỏ quá nhiều thì giờ và công sức để trở thành một kẻ hết sức phi thường.Thế rồi từ một kẻ hết sức phi thường, gã lại bỏ quá nhiều thì giờ và công sức để trở thành một kẻ rất mực tầm thường, rồi từ một kẻ rất mực tầm thường gã lại bỏ quá nhiều thì giờ và công sức để ... Cứ mỗi lần đổi thay như thế, gã lại nhỏ đi một chút. Đến hôm nay gã đã nhỏ như một hạt bụi nhỏ.
Hạt bụi nhỏ vẫn tiếp tục trò chơi của mình cho đến khi trở thành hạt bụi rất nhỏ. Hạt bụi rất nhỏ lại tiếp tục trò chơi đến khi trở thành một hạt bụi mờ ...

Không ai bỏ quá nhiều thì giờ và công sức để tìm hiểu xem hạt bụi mờ trong góc nhà kia là hạt bụi rất mực tầm thường hay là hạt bụi hết sức phi thường.
____________
nqt. (những ngày sau hết ở thế gian.)












d ạ o k h ú c

Nguyễn Quang Tấn

tâm hồn tôi đêm nay sẽ hào hoa như cơn mưa xuân đầm ấm
nước ngọt thơm mang tặng khắp trăm miền
nếu em về ngập ngừng kể chuyện
tình vu vơ tưởng quên nhưng vẫn nhớ
tình hững hờ vẫn nhớ ngỡ là quên ...

tâm hồn tôi đêm nay sẽ mỉm cười - nụ cười phật tổ
vô lượng từ tâm
khi khói hương mờ tỏa đóa sen hồng
nếu em về làm gốc bồ đề giải thoát
bóng đổ dài đổ suốt phương đông

tâm hồn tôi đêm nay phiến đá già nghìn tuổi
từ ghềnh cao nhìn xuống biển khơi
nếu em về trên chiếc bè chìm nổi
bờ cát dài mong đợi dấu chân ai.

tâm hồn tôi đêm nay
tâm hồn tôi đêm mai ...

nqt.









Để Làm gì Với Vài Giây 
Nguyễn Quang Tấn.


Con trâu dẫm phải mìn, banh xác, bốn vó chổng lên trời, ruột đổ ra, lòng thòng máu. Đứa bé gái chăn trâu đứng khá xa nhưng vẫn bị hơi mìn hất văng lên, rơi xuống hàng dây kẽm gai và cọc sắt của một trại lính bỏ hoang. Không chết, nhưng mất một mắt và thọt một chân.

Người ta thuê cô làm việc vặt trong nhà, nhưng vì chân cô cà nhắc, đi lại khó khăn, và chỉ còn một mắt, làm việc gì cũng chậm nên người ta cho cô làm cái việc mà cô quen làm từ nhỏ: Chăn trâu.

Công việc chăn trâu đối với một người dù tàn tật thì cũng không vất vả gì lắm. Sáng dậy sớm, mang theo cơm trưa, dắt trâu đi tìm bãi. Mùa mưa thì đi gần, mùa nắng thì đi xa, buổi chiều ra sông cho trâu tắm trước khi về. Cô làm công việc này gần mười năm sau khi trâu dẫm phải mìn. Năm nay cô hai mươi mốt tuổi.

Gần tết, con trai bà chủ từ nước ngoài về thăm nhà. Cậu đẹp trai lắm. Nghe nói trước khi đi du học cậu đã từng làm người mẫu cho công ty thời trang nào đó trên thành phố. Một buổi sáng, cô gái chăn trâu trèo lên cái thang để lấy sợi dây thừng trên gác bếp, nửa chừng, cái thang bất ngờ gẫy một chân rồi đổ nhào sang một bên, cậu chủ nhà đứng ngay đấy. Phản ứng tự nhiên, tay phải cậu đỡ lấy cái thang, tay trái cậu đỡ lấy cô gái. Cô mất thăng bằng ngã vào lòng cậu, mặt cô úp vào ngực cậu. Sự việc diễn ra trong khoảng vài giây. Chỉ vài giây thôi.

Buổi sáng hôm ấy trời mưa. Để mặc con trâu nhai cỏ, cô vào ngồi co ro trong chiếc lều nhìn mưa phủ bạc trắng cánh đồng. Cô gom cỏ khô lại rồi châm lửa. Ngọn lửa ấm áp reo vui như lòng cô lúc bấy giờ. Cô tưởng tượng ra cậu chủ đang ngồi bên cô, bên ngọn lửa và nói với cô những lời ngọt ngào. Cô hồi tưởng lại lúc cái thang gẫy, cô ngã vào lòng cậu, tay trái cậu ôm chặt lấy cô che chở, tay phải cậu giữ cái thang không cho nó đập vào đầu cô, vả mùi hương cô ngửi thấy khi úp mặt vào ngực cậu. Chỉ vài giây thôi, nhưng cô biết rằng mùi hương ấy sẽ theo cô suốt đời. Cô bỏ thêm cỏ khô vào đống lửa và ước gì ngọn lửa không bao giờ tàn và trời thì cứ mưa.

Tết đã hết, sáng nay cậu chủ ra đi tiếp tục việc học. Cô gái chăn trâu vội dắt trâu đi thật sớm vì cô sợ, cô sợ cậu chủ chào từ biệt tất cả mọi người mà quên mất cô. Cô ra ngoài đồng, vào lều ngồi, nhìn vào chỗ cô đốt lửa ngày hôm ấy: Một đám tro ướt lạnh.

Từ ngày cậu chủ đi, cô thấy mọi người và mọi sự chung quanh không còn liên quan gì tới mình nữa, cô cũng không bận tâm xem mình vui hay buồn, sướng hay khổ, cô chỉ mong ngày chấm dứt và đêm bắt đầu. Khi đêm xuống, trong chiếc chăn cũ rách, cô bắt đầu giấc mơ lộng lẫy của mình. Cô mơ thấy mình không tật nguyền, cùng chàng đi trên một con đường ngập nắng, xa tăm tắp, hai bên là cánh đồng lúa chín vàng, không phải con đường có mìn và những sợi kẽm gai giăng trên những cọc sắt. Mỗi tối, cô sẽ làm cho chàng những món ăn mà chàng thích, và bên ngọn đèn có những tua rũ màu xanh, cô sẽ đan đôi tất cho đứa con sắp chào đời bằng len mầu hồng. Trước khi giấc ngủ đến đón cô về những miền hoan lạc, cô còn nghe thấy tiếng rắc của cái chân thang bị gẫy và mặt cô úp vào ngực chàng chỉ có vài giây.

Có những vài giây cho một đời người kia à! Sao mà nhiều quá vậy?

nqt.













Từ Những Giấc Mơ 
Nguyễn Quang Tấn 

Vượt biên hụt, ở tù xong, nhà bị tịch thu, tôi không nhà cửa, không vợ con, không nghề nghiệp. Ban ngày đi làm thuê làm mướn vặt, bữa có bữa không, tối đến vào rẫy người bạn lục nồi xin cơm nguội, xin ngủ nhờ. Đường vào rẫy, từng đêm tôi phải đi xuyên qua một cánh rừng cao-su rộng mịt mù, tối như một biển bóng tối, vừa đi vừa phải nhìn lên những mảnh trời sáng lộ ra sau những tàn lá để định hướng. Chỗ này có hình người đàn bà ôm con thì rẽ phải, chỗ kia có hình người lính bồng súng thì rẽ trái, chỗ nào có hình chiếc thuyền buồm là sắp đến nơi. Nếu lạc hướng thì có đi đến sáng cũng không tìm thấy lối ra.
Đêm ấy tôi đi lạc.

Khi tôi vào đến giữa rừng thì trời chuyển động. Có tiếng sấm ì ầm từ xa. Tôi lo lắm, trời mà mưa thì có thể lạc giữa rừng, chết vì đói và lạnh. Trong bóng tối, tôi chạy, chạy nhưng mắt vẫn phải nhìn lên trời để tìm người đàn bà ôm con, người lính bồng súng. Hy vọng nhìn thấy chiếc thuyền buồm trước khi trời đổ mưa. Nhưng không kịp rồi, những giọt mưa đầu tiên đã quất xuống những tàn lá những tiếng rào rào. Một phút sau, nhìn lên cũng chỉ thấy một màu đen kịt. Trên dưới, phải trái chỉ là một màu đen. Mưa, mưa xối xả như những lời nguyền rủa tuôn ra từ một cái miệng khổng lồ tối như hang sâu. Tôi cùng đường rồi, đưa hai cánh tay ra phía trước, chân lò dò đi từng bước, tôi sờ được một thân cây ướt sũng, vuốt mặt, tôi ngồi xuống dưới gốc, đầu gục xuống giữa hai đầu gối, hai tay ôm lấy cẳng chân. Tôi thấy tôi gầy quá. Tôi nhớ đến những người bạn tù của tôi đang còn nằm lại trong nhà giam. Dù sao bây giờ chúng nó cũng được ăn no và ngủ bên nhau ấm áp. Còn tôi đang đói và rét run lên trong cái địa ngục bao la của tự do này. Cơn đói buổi chiều bây giờ đã biến thành cơn đau bụng. Tôi cắn nhẹ vào môi dưới, không có cảm giác gì. Ướt và lạnh đã làm tôi tê dại. Mưa vẫn mưa. Mưa phủ kín đất trời, phủ kín khu rừng, phủ kín tôi. Tôi bắt đầu nghĩ đến sự chết. Sự chết hẳn là dịu dàng và êm ái lắm. Sáng mai, khi những công nhân đi làm sớm ắt hẳn sẽ thấy một xác chết trong tư thế ngồi dựa lưng vào gốc cây, mặt gục giữa hai đầu gối. Đầu óc bắt đầu hoảng loạn, tôi sắp ngất đi... nhưng trước khi ngất, tôi vẫn còn nghĩ: Nếu bây giờ mình yêu một người nào đó với mối tình tuyệt vọng thì hẳn là mình sẽ lên được tới đỉnh cao nhất của khổ đau.

Nhưng rồi mưa cũng tạnh, còn tôi vẫn chưa ngất đi. Trái lại, tôi còn thấy dễ chịu, đói và lạnh cũng dịu đi. Có ai nói rằng khi khổ quá, con người ta sẽ tự phát sinh những lực đề kháng chưa từng có. Tôi nhìn lên trời. Không biết người đàn bà ôm con, người lính bồng súng, chiếc thuyền buồm bây giờ nằm ở đâu, chỉ có ánh trăng chiếu qua những khoảng trống lá rừng. Đêm nay tôi nhớ là đêm rằm. Tôi cởi quần áo, vắt thật ráo nước, mặc vào, rồi lại đi, dù chẳng biết đi về hướng nào nhưng chẳng lẽ cứ đứng đấy. Cứ đi đến sáng thế nào cũng ra khỏi rừng.

Có âm thanh từ rất xa, mơ hồ... Tôi dừng lại, lắng nghe. Tiếng vĩ cầm. Sao lại là tiếng vĩ cầm? Hay chỉ là tiếng gió reo trên ngọn cây? Tiếng vĩ cầm thật. Giữa rừng vắng, tiếng đàn chìm nổi bồng bềnh trong ánh trăng. Đất trời tinh khôi như một dải lụa trắng. Thân xác, linh hồn tôi được cơn mưa rừng tắm gội, được tiếng đàn trang điểm. Đau buồn dĩ vãng, lo âu tương lai như biến sạch. Hồn tôi nhẹ như mây. Bây giờ tôi biết tôi phải đi về hướng nào. Về hướng phát ra tiếng đàn. Nơi đó không tượng đài kỷ niệm, không chủ nghĩa, không lập trường, chính sách, quan điểm, không nhà tù. Nơi đó người ta đối xử với nhau như bạn bè, như tình nhân và những kẻ lỡ đường đều được ăn no và sưởi ấm. Nương theo tiếng đàn, tôi đi ...

Tiếng đàn im hẳn, còn tôi đang đứng trước cửa căn phòng của một ngôi nhà lớn. Ngôi nhà nửa như trang trại nửa như biệt thự. Đứng dưới thềm, tôi do dự không biết có nên gõ cửa hay không thì cánh cửa đã mở. Một người đàn bà từ trong vùng ánh sáng chạy ra, chạy hối hả xuống thềm cầm cánh tay tôi dắt lên, giọng Bắc trầm, ấm áp:

- Ông vào đi!

Tôi thấy tim mình đập mạnh, bước theo nàng, trong lòng áy náy vì đôi giày vải đầy bùn, chiếc áo độc nhất rách một miếng lớn ở vai. Nhưng bà chủ nhà có vẻ không để ý.

- Mời ông ngồi, ông bị lạnh đấy, ông lại ngồi gần đây cho ấm. Để tôi cho thêm củi vào lò sưởi.

Tôi không biết gọi chủ nhà là bà hay cô vì gương mặt nàng nửa già nửa trẻ. Tôi ngồi xuống, ấp úng:

- Cám ơn bà.

Người ta gọi mình là ông thì mình cũng nên gọi người ta là bà.

- Ông dùng cà-phê nhé!

- Dạ! cám ơn bà.

- Ông ngồi chơi, tôi vào bếp pha cà-phê.

- Dạ.

Nàng đứng dậy, dáng đi yêu kiều.

Tôi ngượng ngùng quá, không quen biết, sao lại được đối xử quá nồng hậu thế này. Căn phòng nhỏ sang trọng, hơi bừa bộn, sự bừa bộn có chủ ý. Chiếc áo thổ cẩm vắt hững hờ trên thành ghế, quyển sách mở rơi dưới chân bàn, bông hoa rơi giữa lối đi... Một dạng mỹ thuật cao cấp. Nhưng vật làm tôi chú ý nhất là cái vĩ cầm nâu thẫm nằm trên chiếc salon đỏ rực. Hình như người chơi đàn đặt nó xuống đấy để vội vã chạy ra mở cửa. Tôi cầm cây đàn lên. Hàng chữ Stradivarus kim nhũ mờ mờ ở đầu cây đàn làm tôi giật mình. Tôi đang cầm một báu vật. Chủ nhà đi ra, trên tay là một khay lớn. Mùi cà-phê làm tôi tỉnh táo. Tôi hỏi:

- Bà chơi violon?

- Dạ, nhưng chưa được ngọt, vẫn còn chua lắm! Mời ông dùng bánh mì và cà-phê.

Tôi nhìn vào chiếc khay bà chủ nhà vừa đặt xuống bàn, ngoài cà-phê, bánh mì còn có rượu và mấy đĩa đồ ăn mà tôi biết rằng chỉ có ở các nhà hàng sang trọng. Tôi nói:

- Bà làm tôi ngại quá! Tôi chỉ là kẻ lạc đường... chúng ta chưa quen biết nhau...

Chủ nhà nhìn tôi bằng ánh mắt nghiêm trang, ngắt lời:

- Tôi và ông chưa hề gặp nhau, nhưng những giọt máu trong huyết quản của ông và của tôi, chúng nó là bạn bè thân thiết đấy!

Câu nói đánh trúng vào tâm can tôi. Từ lúc gặp nàng tôi có cảm tưởng mơ hồ rằng người này là mẹ tôi, vợ tôi, em gái tôi hay người tình của tôi. Gương mặt nàng sao tôi thấy thân yêu quá, dù chưa biết nàng là ai, chưa gặp lần nào.

Ngọn lửa trong lò sưởi bên cạnh tôi vẫn cháy. Áo tôi đã khô. Cà-phê, bánh mì, rượu và những món ăn đã làm tôi tỉnh táo và dạn dĩ hẳn. Bà chủ nhà vẫn ngồi đấy, cúi mặt nhìn cây đàn để trên đùi. Bóng lửa nhảy múa làm gương mặt nàng lúc già, lúc trẻ, lúc xa lạ, lúc thân quen.

Nàng búng khẽ mấy sợi dây đàn, âm thanh rộn rã vui. Tôi hỏi:

- Bà mua được cây đàn này ở đâu vậy?

Nàng nhìn lên:

- Làm sao tôi mua được! Tôi hái nó từ một giấc mơ đấy.

Tôi không hiểu nàng nói gì.

Nàng nói tiếp:

- Bánh mì, rượu, cà-phê và những thứ ông vừa dùng cũng hái từ những giấc mơ.

Nhìn mắt nàng, tôi biết nàng không nói đùa. Tôi hỏi tiếp:

- Nhưng sao lại từ những giấc mơ? Giấc mơ gì? Sao lại hái?

- Ông không hiểu. Nghề chuyên môn của tôi là ươm trồng những giấc mơ.

- Tôi chưa bao giờ được nghe nói về nghề này. Bà có thể cho tôi biết chút ít không?

- Khá rắc rối đấy! Trước hết là phải tìm cho ra hạt giống. Chắc ông biết dụ ngôn người gieo giống trong Kinh Thánh chứ? Phải tìm được những hạt giống mà chim trời đã mang đi. Khi ươm hạt, phải theo đúng quy trình công nghệ. Không phải công nghệ hiện đại mà là công nghệ đã thất truyền. Nếu không đúng, những mầm xanh sẽ chết trước khi ra đời. Tôi may mắn có được loại công nghệ này do tổ tiên truyền lại. Điều khó khăn nữa là không được cho cây nghe những loại âm thanh không thích hợp.

- Thưa bà, loại âm thanh nào cây không thích nghe?

- Nhiều lắm, Nhưng tối kỵ là tiếng rên rỉ của những người thua cuộc, tiếng hò reo của những đoàn quân chiến thắng, tiếng tung hô muôn năm những vị anh hùng, những bài ca suy tôn các nhà ái quốc. Nghe phải những thứ này cây sẽ vĩnh viễn không đơm hoa kết trái.

-Thế còn vấn đề chăm bón? Bà bón cho cây bằng loại phân gì?

- Bằng những vần thơ.

- Những vần thơ? Thơ gì? Thơ của ai?

- Đủ loại thơ, thơ của nhiều người, nhưng phần lớn là của ông...

Tôi kịp giữ cho mình không đứng vụt dậy, mắt tôi trợn trừng nhìn người đối diện:

- Bà đọc thơ của tôi bao giờ?

- Tôi bỏ nhiều năm để tìm đọc các thi sĩ nổi danh trên thế giới, nhưng không tìm được nhiều loại thơ thích hợp để bón cây. Nhưng khi tìm trong số những thi sĩ vô danh, tôi gặp ông. Thơ của ông đúng là mặt hàng tôi cần.

- Bà bón cây bằng thơ như thế nào? Chôn thơ ở dưới gốc?

- Không! Tôi phải học thuộc lòng rồi đọc cho cây nghe. Chẳng hạn, tôi đến bên cây và đọc một đoạn thơ của ông:

Tiếng đàn thi sĩ vô danh
Cánh chim rơi giữa mối tình
Ta buồn nỗi buồn cung nỏ
Cung nào em bắn trúng anh...
Những câu thơ này bình thường, không hay lắm. Nhưng chỉ trong vài ngày, cây xanh tươi lên hẳn.

Sự tò mò của tôi lên đến độ cao nhất:

- Ngoài bà ra, còn ai làm công việc này không?

- Cũng có, nhưng họ trồng theo qui trình công nghệ hiện đại. Loại công nghệ này tôi cũng biết nhưng không thích.

-Bà không thích công nghệ hiện đại?

-Vâng. Đối với tôi, càng hiện đại càng tầm thường, đôi khi còn dơ bẩn và nguy hiểm nữa.

- Vì sao lại tầm thường?

- Vì trồng cây theo loại công nghệ này dễ dãi quá, chỉ cần cho cây nghe những bản tuyên ngôn, những lời xưng tụng, những tiếng la hét, khóc than là được. Những cái này dễ kiếm thôi.

- Loại cây này có phải bón bằng thơ không?

- Ồ không! Đơn giản hơn nhiều! Bằng máu. Máu thì ở đâu mà chẳng có. Lúc nào cũng có. Gánh máu về, đổ lênh láng dưới gốc cây, không phải tìm kiếm vất vả như thơ.

- Người ta hái được những gì từ những cây loại này?

- Cũng lại mấy cái tầm thường. Chẳng hạn như hai quả bom ở Nagasaki và Hiroshima, lò thiêu người của Đức Quốc Xã, vụ thảm sát tại Thiên An Môn... Toàn mấy cái lặt vặt!

Tôi rùng mình, nhưng vẫn hỏi mà không giấu được niềm tự hào:

- Nhưng thưa bà, vì sao bà biết rằng nếu được bón bằng thơ của tôi, cây sẽ cho bánh mì, cà-phê, rượu và thức ăn?

Bà chủ nhà cười thành tiếng:

-Tôi biết nhiều về ông, nhiều lắm. Tôi biết ông chẳng mấy khi được ăn no, và mới đây thôi, ông suýt chết vì đói và lạnh ở trong rừng, chết theo tư thế ngồi dựa lưng vào gốc cây, mặt gục giữa hai đầu gối.

Nụ cười đẹp quá, tôi muốn hôn vào nụ cười ấy, nhưng đôi mắt lấp lánh tia nhìn chế giễu làm tôi xấu hổ. Nàng nhìn ra cửa sổ, thở dài:

- Đêm sắp hết rồi. Không biết đến bao giờ mới được gặp lại ông.

Chủ nhà đã đuổi khách. Tôi đứng dậy, luyến tiếc nhìn ngọn lửa cháy trong lò:

- Cám ơn bà. Mong có ngày được gặp lại bà.

Nàng mở cửa, tiễn tôi xuống dưới thềm nhà. Trời vẫn chưa sáng hẳn.

Lấy hết can đảm, tôi hỏi:

- Xin bà thứ lỗi, bà có thể cho tôi biết bà là ai không?Tôi thấy bà quen lắm nhưng không nhớ...

Bất ngờ, nàng đến sát cạnh tôi, hai bàn tay nàng cầm lấy hai bàn tay tôi, đắm đuối nói trong hơi thở:

- Em chỉ là hình bóng của mối tình xa xưa, mối tình mà anh đã nói chẳng thể nào quên...

nqt.






Dạo Khúc 2


I.
Người ta xua đuổi tôi ở khắp nơi
Khi mưa đêm trút hờn căm xuống mặt phố dài
Ai đến bên tôi mắt như lửa ấm
Theo em về bên ấy đi thôi...

II.
Chỉ còn lũ tù nhân và tên chúa ngục
Sau bức tường có đôi mắt quầng đen
Dưới mưa tầm tã
Chỉ còn anh sao chẳng còn em...

III.
Tôi cháy lên ngọn lửa dị thường
Ánh sáng bảy màu che khuất vết thương...

IV.
Trong lớp học trần gian chúng ta biết tất cả mọi điều
Nhưng vị thầy cao cả nhất
Đã cho ta biết mặt tình yêu.






Dạo Khúc 20


Người gọi ta chi về bờ vực khói mờ
Nhìn bông hoa nở
Vách đá rêu xanh
Chênh vênh đôi cành cổ thụ

Người còn rung chi đôi tiếng đàn rời
Khi lòng đã hết rồi mong đợi
Chén đời dốc cạn buồn vui
Trong âm thanh bóng một đàn chim nhạn
Buổi đông tàn nhớ biển cạn về xuôi

Hoa rụng
Vực thẳm kia khép kín mãi rồi
Gọi nhau chi nữa
Gọi nhau chi nữa người ơi...






Dạo Khúc 32


Cuốn đi cuốn đi đời ta
Cuốn đi ơi làn sóng cả
Cuốn vào biển xanh ngập nắng
Đảo hoang là đấy quê nhà

Cháy lên cháy lên rừng già
Khói về bốn phía trời xa
Đêm qua tình thành tro bụi
Sáng nay lòng bỗng khóc òa

Đón lấy đón lấy nàng ơi
Hương trong gió đưa lần cuối
Đêm qua chim về báo mộng
Hồn hoa thoát kiếp lên trời.






Dạo Khúc 33


Khi sương chưa tan
Cô gái môi đỏ hái những trái chín vàng
Đặt nhẹ nhàng lên thảm cỏ xanh

Nhưng chỉ có mình em hái được
Một nỗi buồn chín giữa hồn anh






Dạo Khúc 39


Ở dưới một tháp chuông cao
Là chùm bông phượng đỏ
Ở giữa đôi môi nhỏ
Là một nhánh cỏ úa mầu

Linh hồn tôi là một giếng sâu
Lung linh hoài một tháp chuông cao
Rùng chùm bông phượng đỏ
Thương đôi môi nhỏ
Ngậm một nhánh cỏ úa mầu






Dạo Khúc 50


Ngày xưa tôi là người ít nói
Yêu em tôi thành kẻ nhiều lời
Ngày xưa bầu trời xanh quá đỗi
Yêu em trời đầy mây trắng thôi

Ngày xưa tôi chẳng hề uống rượu
Yêu em tôi thành gã tỉnh say
Ngày xưa bầu trời xanh biết mấy
Yêu em trời đầy mây trắng bay

Ngày xưa tôi là người trầm lặng
Yêu em tôi thành gã ba hoa
Ngày xưa bầu trời xanh xanh quá
Yêu em trời đầy mây thiết tha

Ngày xưa tôi là người lễ độ
Yêu em tôi tứ xứ ngang tàng
Gặp em một trời xanh như ngọc
Xa em một trời mây nát tan







Dạo Khúc 51


Ở giữa mối tình vừa bắt đầu
Có ai đào cả một biển sâu
Bên này anh ra khơi giăng lưới
Bên kia em nghe sóng bạc đầu

Ở giữa hai người quen biết nhau
Có ai xây một bức tường cao
Bên này em xé bông hoa nhỏ
Bên kia anh làm đổ máu đào

Ở giữa hai người xa cách nhau
Có ai rắc những giọt mưa mau
Mưa vỡ trên mặt người tiều tụy
Mưa rót vào hồn người xanh xao









Nguyễn Bính – Yêu quá mất rồi
Nguyễn Quang Tấn





Thi sĩ Nguyễn Bính (1918-1966)



Những người sáng tác, và cả những nhạc công đều đồng ý với nhau: Kỹ thuật càng phức tạp, thì tính biểu cảm của tác phẩm càng bị giới hạn. Tư tưởng, tình cảm của người sáng tạo thì bát ngát mà cứ phải co cụm trong cái rọ của những khuôn này phép nọ, niêm với luật, vần với điệu… Vì thế, nẩy sinh ra những phá cách, phá thể. Thơ tự do ra đời có lẽ là do suy nghĩ ấy, và trường phái Hậu Hiện Đại với chủ trương: Mọi bảng cấm đều được hạ xuống, mọi ngôn từ đều bình đẳng, và nhóm Dada với khẩu hiệu ngộ nghĩnh: Những gì nghệ sĩ khạc nhổ ra đều là nghệ thuật.

Nguyễn Bính chỉ làm thơ lục bát và thất ngôn, và không những ông tuân thủ triệt để niêm luật của loại thơ này, ông còn làm khó chính ông bằng cách tự đan cho mình những cái rọ. Thử đọc một đoạn trong bài “Viếng Hồn Trinh Nữ”:

Có một chiếc xe màu trắng đục
Hai con ngựa trắng xếp hàng đôi
Đem đi một chiếc quan tài trắng
Và những vòng hoa trắng lạnh người
Theo bước những người khăn áo trắng
Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi…

Nguyễn Bính ra lệnh cho chính ông: Mỗi câu đều phải dùng một từ trắng, và từ này khiến cho người đọc liên tưởng tới màu trắng của những bức tường bệnh viện, nhà xác, màu trắng của khăn liệm, màu trắng của những hàng thập tự trong nghĩa trang. Có thể nói đùa rằng đây là bài thơ không dành cho những người yếu bóng vía hoặc ghi chú: Thơ đọc vào lúc 0 giờ. Ta không biết người nằm trong áo quan là ai nhưng ta lại có cảm giác đau buồn như đang theo bước những người khăn áo trắng, đưa tiễn một người thân yêu của mình vào nơi an nghỉ sau cùng. Trong cái rọ chật hẹp như thế, Nguyễn Bính vẫn có thể tung tăng múa lượn như ở giữa một cánh đồng, hay như một cao thủ võ lâm dù bị trói nhưng vẫn thi triển được những tuyệt chiêu. Ông còn bắt mình đếm ngược:

Nhà em cách bốn ngọn đồi
Cách ba con suối cách đôi cánh rừng
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy, anh đừng yêu em…

“Em van anh đấy, anh đừng yêu em” câu này nếu đứng độc lập sẽ là một câu thơ rất “ỏn ẻn”, rất “sến” nhưng nằm trong ngữ cảnh của toàn bài, ta lại thấy nó như những tiếng đàn làm trẻ lại những tâm hồn đã già cỗi, đã khô cằn. Em nói anh đừng yêu em nhưng thật ra, em lại muốn anh hãy yêu em nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Tiếng lòng em mời gọi.

Có người hỏi nhạc sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn rằng, ngoài âm nhạc ra ông có lưu tâm đến những bộ môn nghệ thuật nào khác không, ông trả lời đại ý: “Nếu chỉ lưu tâm đến nhạc không thôi thì cái nhạc ấy không thể nào bốc lên cao được, cứ loẹt quẹt mãi ở tầng trệt.” Thật vậy, nếu một người chơi nhạc F. Chopin hoặc F. Tarrega mà không bằng tâm hồn của một nhà thơ thì sẽ chơi không đạt, không ra được cái hồn của tác phẩm. Chưa ai nghe Nguyễn Bính nói gì về hội họa, nhưng hãy xem một bức tranh của ông:

Có lần tôi thấy một mẹ già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng in bóng xuống sân ga …

Đoạn thơ không nói gì đến thời gian, nhưng ta lại thấy lúc đó trời vừa tối, sân ga vắng vừa lên đèn, ánh đèn hắt bóng người mẹ gầy gò xuống sân ga, đôi mắt già nua nhìn theo con tàu khuất ở cuối chân trời…

Và một bức tranh khác:

Sao đêm còn có đêm quên mọc
Anh chẳng đêm nào không nhớ em… *

Trời đêm như một tấm nhung đen gắn những hạt sao lấp lánh, trong cái huyền ảo đó, tình nhân đang nhớ tình nhân… Tình và Cảnh hòa quyện với nhau rất kỳ diệu. Trong thơ Nguyễn Bính, những hình tượng như thế nhiều lắm. Nhan nhản. Nguyễn Bính không vẽ tranh bằng cọ, và có lẽ ông cũng không am hiểu gì về hội họa, nhưng chắc chắn, ông phải có cái Tâm của một họa sĩ thì mới có thể vẽ được những bức tranh bằng chữ gây xúc động lòng người đến vậy. Những bức tranh này đôi khi nó lại chuyển động như trong một đoạn phim:

Hôm qua trên bến dưới đò
Nhìn nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu cánh buồm nâu cánh buồm…

Người sành văn chương thì cho rằng câu cuối cùng là tài hoa, là xuất thần, nhưng người đang mang trong lòng nỗi niềm thì chỉ thấy một cánh buồm đang nhỏ dần… nhỏ dần trên sóng, nhỏ dần rồi mất hút…Cánh buồm mang đi cả một quãng đời tươi đẹp, quãng đời ta sống bên nhau. Có nhà phê bình cho rằng chỉ với bốn câu lục bát, Nguyễn Bính đã lay động được hồn người, khác với những bài thơ ngồn ngộn những chữ mà chẳng có tác dụng gì (Nguyễn Hưng Quốc).

Có người thoáng đọc Nguyễn Bính vội vã đưa ra nhận xét “Thơ như thế này thì có gì…” (Hoài Thanh – Thi nhân hiện đại). Điều này đúng. Nhìn vào một ly thủy tinh đầy nước lọc: Không có gì thật. Không đường, không muối, không phẩm màu, không vi trùng, vi khuẩn, không tạp chất, nhưng để có được một ly nước như thế, kẻ làm ra nó đã phải tốn không biết bao nhiêu công sức để xử lý, để thanh lọc. Và điều lạ lùng, cái loại nước trong veo, trong vắt không men rượu ấy lại làm ta say, làm ta vui buồn. Đọc lại một đoạn thơ quen thuộc, ai cũng biết:

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi…!

Chắc chắn là những ai lần đầu đọc bốn câu thơ này cũng phải cười, không cười ra tiếng cũng phải cười mỉm hay cười thầm. Nàng thì lượt là nhung lụa như tiểu thư con quan tể tướng. Còn mình, một gã trai làng áo rách vai, quần có hai miếng vá, làm gì mà không khổ! Đấy là những câu thơ vui, còn những câu thơ làm người ta buồn thì vô kể:

Rồi có đêm mưa nơi quán trọ
Đầu tôi lại gối cánh tay tôi *

Quán trọ không phải là nhà, cánh tay tôi chứ không phải cánh tay người tình, mưa đêm thì ray rứt…

Trong bài thơ “Lỡ Bước Sang Ngang”, Nguyễn Bính vào vai một người chị dặn dò em gái trước khi đi lấy chồng:

Em ơi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường đắng cay…

Đã có người phê bình: “Thơ này chỉ có đàn bà mới thích”. Nhưng thông tin dưới đây chứng tỏ là nhận định ấy sai lầm:

Vào thập niên 40 (không nhớ năm nào) Thủ tướng chính phủ Nam Kỳ Tự Trị Nguyễn văn Thinh ra thông báo: “Ai mời gọi được Nguyễn Bính, tác giả Lỡ Bước Sang Ngang về với Quốc Gia sẽ được thưởng 1000 đồng.” Rồi máy bay lượn trên bầu trời Kiên Giang, vùng Nguyễn Bính đang sống rải truyền đơn kêu gọi ông, nhưng ông vẫn gia nhập mặt trận Việt Minh chống Pháp. Khi ông gia nhập, tướng Trần Văn Trà căn dặn thuộc hạ phải đối xử với ông thật chu đáo. Nguyễn Bính không những chinh phục đàn bà mà cả đàn ông, kể cả đàn ông thủ tướng và đàn ông tướng lãnh. Với lại, chỉ chinh phục đàn bà không thôi thì đã chinh phục được nửa thế giới rồi còn gì. Có đàn ông nào mà lại không thích chinh phục đàn bà?

Sau khi tập kết ra Bắc, Nguyễn Bính vẫn làm thơ, nhưng hình như ông không có “năng khiếu” về cái loại thơ làm theo “lệnh trên” nên những gì ông viết ra đều rất miễn cưỡng.

Cách đây nhiều thập niên, ở miền Nam Việt Nam có phong trào thơ Thiền. Một nhà thơ muốn được xem là hiện đại, trong thơ anh ta buộc phải có chất Thiền. Vì thế, những người làm thơ đều nhồi nhét cho kỳ được những thuật ngữ Phật giáo Thiền tông vào thơ của mình, cho dù, đôi khi cả tác giả lẫn độc giả đều không hiểu những thuật ngữ Phật giáo cho lắm. Đến khi phong trào thơ Thiền tàn lụi, các nhà thơ này cũng biến mất, biến không tăm tích. Còn người nặng tâm huyết với văn học nước nhà thì kêu lên cay đắng: Những mùa văn học mất trắng. (Nguyễn Hưng Quốc) Tiếp theo phong trào thơ Thiền là phong trào thơ Tráng Sĩ (tạm gọi như thế vì không biết gọi là gì). Hình như những người theo phong trào này chỉ mong sao cho tác phẩm của mình được trở thành bản sao của bài thơ “Hồ Trường”. Vì thế, trong thơ của họ đầy rẫy những từ: Uống Rượu, Múa Gươm, Kinh Kha, Sông Dịch … Tiếc một điều là sau khi đã cạn mấy Hồ Trường rồi chẳng có tráng sĩ nào dám qua sông cả.

Sau ngày 30 Tháng Tư, cùng với mốt mặc quần hở rốn, nữ sĩ viết truyện tình dục, một mốt thơ khác lại bắt đầu. Phong trào này không biết gọi là gì. Đương đại? Hiện đại? Hậu hiện đại? Các nhà thơ của phong trào này lại nỗ lực đưa vào tác phẩm của mình những thuật ngữ cùa ngành giải phẫu. Nhưng bây giờ, những từ ngữ ấy đã trở nên những sáo ngữ, đã mòn vẹt. Loại văn thơ này đã tàn mùa. Có người còn cho rằng đọc những câu thơ, câu văn có những từ này nghe còn sến, còn lạc hậu hơn cả những câu: Ngắt nụ hoa vàng biết mình đã yêu… Em đi trong mưa… mưa rơi…mưa ướt đôi vai gầy…vv… Chúng đã chung số phận với những bài thơ Thiền, thơ Tráng Sĩ: Bị Đào Thải.

Lại một mùa văn học mất trắng nữa chăng?

Nguyễn Bính cũng theo mốt. Mốt ấy là: Chỉ dùng những từ thuần Việt, ngôn ngữ đặc thù của giới quê mùa, bình dân. Khó lòng mà tìm thấy trong thơ ông những từ hàn lâm, kinh viện. Nhưng không phải cứ đi theo con đường này là sẽ thành công đâu. Nhiều người đã bị loại ra khỏi cuộc chơi lắm rồi, may mà còn sót lại được vài người như Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, nhưng thành quả của các vị này cũng rất giới hạn. Nguyễn Bính vượt trội hẳn bởi vì tác phẩm của ông nhiều mầu sắc, khả năng chiếm lĩnh, chinh phục người đọc của ông rất cao. Tóm tắt: Ông là người có tài, có thực tài. Cách sử dụng ngôn ngữ bình dân của Nguyễn Bính như thế nào? Như thế này:

Lòng Mẹ

Gái nhớn ai không phải lấy chồng
Can gì mà khóc, nín đi không?
Nín đi mặc áo ra chào họ,
Rõ quý con tôi, các chị trông!

Ương ương, dở dở quá đi thôi,
Cô có còn thương đến chúng tôi,
Thì đứng lên nào, lau nước mắt,
Mình cô làm khổ mấy mươi người

Này áo đồng lầm, quần lĩnh tía
Này gương, này lược, này hoa tai
Muốn gì tôi sắm cho cô đủ
Nào đã thua ai, đã kém ai?

Ruộng tôi cày cấy, dâu tôi hái,
Nuôi dạy em cô tôi đảm đương
Nhà cửa tôi coi, nợ tôi giả
Tôi còn mạnh chán, khiến cô thương?!

Đưa con ra đến cửa buồng thôi,
Mẹ phải xa con khổ mấy mươi
Con ạ, đêm nay mình mẹ khóc,
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi…

Suốt bài thơ chỉ là một tràng kể lể của một bà già nhà quê lắm miệng mồm, không liên quan gì đến thơ phú cả. Thế mà nó lại làm cho người ta cảm động với những câu: Nhà cửa tôi coi, nợ tôi giả. Nợ nần nhiều lắm, nhưng mà mẹ vẫn cố chạy ngược chạy xuôi cho con manh quần tấm áo, đôi hoa tai trong ngày cưới để được bằng chị bằng em. Và đoạn sau cùng làm ta thấm thía nỗi đau của người mẹ khi nhìn đứa con mình đứt ruột đẻ ra đi làm con người khác, không biết nơi nó đến đục trong, sướng khổ thế nào. Thật ra, chỉ có những người dân hoặc những người đã sống nhiều năm ở miền Đồng Bằng Bắc Bộ mới hiểu được trọn vẹn cái hay của bài thơ và tài năng của tác giả, một tiếng thơ đứng vững trên thi đàn hơn 70 năm.

Suy cho cùng, dù thành công hay thất bại, lưu danh hậu thế hay rơi vào quên lãng cũng chỉ vì lòng yêu thơ quá đấy thôi. Yêu lắm…

Thế nghĩa là yêu quá mất rồi! **


Nguyễn Quang Tấn
* Viết theo trí nhớ, nên có thể sai một vài từ.
** Thế nghĩa là ghen quá đấy thôi / Thế nghĩa là yêu quá mất rồi. (Ghen)







Dạo khúc 24

Từ cửa sổ nhìn ra nghĩa trang
Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại
Kể cả những người đàn bà quên trang điểm trước giờ hấp hối
Hay những thai nhi – chưa sinh ra – đã lìa đời.

Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại
Kể cả những tình nhân chết đêm vượt biển
Xác đàn ông nằm im dưới đáy
Xác đàn bà chẳng biết trôi đâu
Ngày sau sống lại – sẽ tìm nhau.





Dạo Khúc 58

Những lời hai kẻ yêu nhau chưa kịp nói với nhau
Thì ngày đã tắt
Nắng đã phai mầu
Thời gian phơi thành muối trắng
Rơi xuống vũng sâu
Biển đã mặn lại càng thêm mặn
Bầy cá ngỡ ngàng chẳng hiểu vì đâu…

Những lời em nói bên anh trong lần gặp gỡ ban đầu
Bây giờ biêng biếc ánh sao
Đêm hè xanh ngắt
Muốn rơi như nước mắt em ngày nào
Lòng anh chẳng hiểu vì đâu…







DẠO KHÚC 7


Chỉ có những kẻ mộng mơ là còn sống sót
Sau cơn hồng thủy kinh hồn
Hát ca lên trên con thuyền diễm phúc
Vinh dự này tôi xin ghé môi hôn.







DẠO KHÚC 15


Đời như kho báu
Ta phung phí đời đã được bao lâu
Đêm nay gác đời trăng chiếu
Gió mở trang đời
Trang cuối là đâu…







DẠO KHÚC 4


Ngọn gió trùng khơi
Theo chân thủy thủ
Ngập tràn quán rượu đông người
Thuyền về đỗ bến
Rượu trăm bình ướt vạn đôi môi…

Bàn chân kẻ nào huyên náo đời tôi
Đẹp biết bao giai điệu cuộc đời
Hồn tôi hoang vắng
Sao như là quán đông người…

Ngày mai thủy thủ đi rồi
Chân ai chìm trong gió bụi
Linh hồn lữ quán
Đêm về ngập gió trùng khơi…




Dạo khúc 27

Ở chỗ mà chúng ta buông tay rơi vỡ chiếc bình
long lanh giọt nước tình duyên
nơi đó sau này thành sông thành biển
ai đã chèo thuyền vào cõi vô biên

ở chỗ mà hương thơm của làn hơi thở
làm nở bừng tất cả những bông hoa
chiều nay là mây viễn xứ
một mai là gió giang hà

ở chỗ mà chiếc chìa khóa vàng
rơi từ đỉnh tháp xuống mù tăm
tôi một mình cúi xuống
từ vực sâu lời gọi âm thầm

ở chỗ mà chúng ta buông tay rơi vỡ chiếc bình
long lanh giọt nước tình duyên
nơi này thành sông thành biển…

nơi này anh đã yêu em.







Dạo khúc 31

Vì sao đẹp nhất trong tất cả những vì sao của bầu trời
đêm nay xuống cõi đời và nói yêu tôi
con nai hiền nhất trong tất cả những con nai trong bầy
sáng hôm nay đã vào cánh đồng hoa cỏ nhảy nhót đùa vui
đây là màu nhiệm tuyệt đối
không thể nói bằng tiếng nói loài người

dòng sông xanh đêm qua đã dâng nước tràn bờ
và cuốn đi tất cả những âm thanh trên những phím ngà
rồi nói lời từ giã
rồi tuôn vào bao la
đây là điều kì lạ
đây là điều không ngờ
mà chúng ta chỉ gặp trong sương khói những trang thơ ...

tôi vẫn nhớ một đêm đôi mắt em nhìn tôi đăm đăm
mắt hươu nai
mắt sông dài
mắt như vì sao đẹp nhất bầu trời đêm nay xuống cõi đời và nói ...
yêu tôi.








Dạo khúc 43


Hãy cứu lấy hoàng hôn
trong giờ sau hết
trong chiều tận diệt

hãy cứu lấy ánh sáng lạ lùng tỏa rạng
vầng trán mây bay
môi người lửa cháy
cứu đi giọt rượu
đất trời mờ mịt cơn say

hãy cứu lấy tuyệt diệu âm thanh
dù đàn xưa đã vỡ tan tành
hãy cứu lấy tất cả
gió hung tàn và hoa rất mong manh

hãy đỡ lấy giọt sương buổi sáng
hãy ân cần màu nắng giữa chiều
ơi bàn tay mong nhớ…

xin em cứu lấy tình yêu.











Tập Thơ DẠO KHÚC Của Nguyễn Quang Tấn

Tãn Mạn Về Một Ấn Tượng

Nguyễn Phước Nguyên



Ở chỗ mà chúng ta buông tay rơi vỡ chiếc bình
Long lanh giọt nước tình duyên
Nơi này thành sông thành biển...

Nơi này anh đã yêu em.

Nguyễn Quang Tấn
(trích Dạo Khúc 27)



MỞ

Thói quen của tôi khi vừa nhận được một cuốn sách mới là để nó vào tủ sách. Không đọc ngay. Với tôi, ấn tượng đầu tiên về một tác phẩm là ấn tượng sâu đậm và bền lâu nhất. Tôi vẫn thường chờ đến khi tập thơ trên tủ sách đó trở thành một mời gọi từ tốn, không náo nức, không vội vàng.

Tập thơ Dạo Khúc của Nguyễn Quang Tấn (NQT) cũng thế. Nhận được, tôi để qua một bên. Cách đây vài hôm, một đêm khi chỉ còn mình tôi thức giấc, tôi mở Dạo Khúc ra . Và hòa mình vào từng giòng thơ trong đó. Đọc xong, đi ngủ. Không suy nghiệm. Không kết luận.

Đêm sau, tôi đọc Dạo Khúc lần thứ nhì. Đọc xong, tôi gấp sách lại, và lặng tim nghe cảm nhận mình. Tôi buông hồn lao theo những xúc động kéo tôi lên cao, những trầm niệm dìu tôi xuống thấp. Và sau đó là lắng đọng. Từ lắng đọng đó, tôi viết những giòng chữ này, như là một sẻ chia.

I

NQT đang ở Việt Nam. Anh làm thơ, làm nhạc. Chỉ chia sẻ với bạn bè. Tập thơ thành hình do sự đóng góp của bạn bè và những người yêu thơ văn nghệ thuật.
Thơ từ trái tim anh thoát ra, đi vào những trái tim khác, và được săn sóc cho nên hình nên vóc từ sự đón nhận đó. Ở thời buổi vàng thau lẫn lộn này, nghệ thuật được phân phối và thưởng thức bằng lý trí và trực giác nhiều hơn là linh hồn và trái tim. Đây là nét đẹp đầu tiên của Dạo Khúc. Không phải tại NQT mà có. Nét đẹp này, từ NQT trao tim cho thơ, trao thơ vào người.
Và người, dù chỉ là một vài, đã cửa hồn rộng mở.

II

Cuộc đời mỗi chúng đều trải qua nhiều thăng trầm khác nhau. Không thể nói ai thăng trầm hơn ai, ai kinh nghiệm hơn ai.

Thi sĩ, ở một góc nhìn nào đó, vả chăng chỉ là kẻ chọn ngôn ngữ để ghi lại, để phản ảnh những rung động của mình khi đi qua những thăng trầm đó. Của nổi sôi hiện tại. Của bất ngờ tương lai. Hay tịnh mặc quá khứ.

Cái khác của mỗi nhà thơ là phương cách họ chọn để ghi nhận những cảm xúc của mình. Đó là phần kỷ thuật. Nhà thơ đã sống thật trọn vẹn với xúc động của mình khi sáng tạo bài thơ hay không, là phần tâm huyết.

Có khi, ngay sau đọc xong một tập thơ, tất cả đã được xóa nhòa - kỷ thuật, tâm huyết. Và chính cả tác giả, cũng chân diện xóa nhòa.
Bởi tất cả phải nhường lại ánh sáng cho vỡ òa mặc tưởng, cho ngây ngất trầm tư.

Dạo Khúc của NQT là một tập thơ như thế. Ít ra, với tôi. Trong đó, NQT đã sống trọn vẹn từng cảm nhận mình về tình yêu, về cuộc sống, về nhân sinh, về chiến tranh, về hy vọng. Và về chính trái tim anh, trong từng ngăn đời đó. Có khi là cao đỉnh. Có lúc rất vực sâu.

Và tôi đã là người đồng hành một cách thật vô hình chung. Thật tự nhiên. Thật miệt mài. Ngay cả sau khi tập thơ được khép lại.

III

62 Dạo Khúc. Dài, ngắn khác nhau.
Có làm nên một nhà thơ?
Có làm nên một tác phẩm nghệ thuật?
Có được ồn ào đón nhận hôm nay?
Có được nhịp đều nhắc đến mai sau?
Điều nay, tôi nghĩ, với Nguyễn Quang Tấn, không thành vấn đề. Bởi chắc chắn, Không phải vì thế mà anh đến với thơ. Không phải vì thế mà bạn bè anh, và những người yêu nghệ thuật, góp sức lại để in thành sách. 
Bởi NQT là thơ, nên Dạo Khúc mới thành thơ. Sự thành hình của nó, từ khi NQT chép thơ bằng tay trên giấy trắng, gửi đi cho bạn bè, cho đến hình vóc bây giờ, Là một bài thơ khác. Bài thơ rất đẹp. Mà hương thơm, Tôi vẫn còn đang say.

KẾT

Tôi biết nếu có người đọc những giòng chữ này, sẽ cho rằng tôi
thiếu thốn khi viết về một tập thơ mà không trích ra thật nhiều những đoạn thơ tiêu biểu của tác giả.

Tôi cho rằng điều này không cần thiết. Bởi nếu những ấn tượng tôi chia sẻ nơi đây về Dạo Khúc của Nguyễn Quang Tấn có trở thành một động lực để bạn tìm đọc tập thơ này, thì tôi tin bạn sẽ không thất vọng.

Khi tim đã sẵn, thì thơ sẽ sẵn.

Tôi mở đầu bài viết này bằng một đoạn thơ của NQT. Tôi muốn kết bằng một đoạn thơ của anh. Tất cả những gì bạn đọc chính giữa, chỉ là những gì ở lại trong tim tôi, sau khi tập thơ đã được hai lần khép lại.

Vẫn biết rằng sầu kia chẳng thể nói cùng ai
Giữa ngựa xe phố xá đông người
Nhưng từng đêm trong vườn khuya vắng lặng
Nỗi buồn này ta kể với hàng cây

Nguyễn Quang Tấn
(trích Dạo Khúc 62)

Nguyễn Phước Nguyên

--------------------------------

DẠO KHÚC
Tập thơ Nguyễn Quang Tấn
Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng xuất bản
Phạm Chi Lan
P.O. Box 452512
Garland, TX 75045 - USA
E-mail: vhnt@saomai.org









Truyện ngắn

Những Con Mắt Loài Bò


Nếu bạn gặp một con bò, hãy nhìn vào mắt nó, bạn sẽ thấy đôi mắt ấy rất đẹp và buồn. Ngày xưa, để đánh số một con bò người ta dùng những thanh sắt uốn theo hình những con số, nung đỏ rồi áp vào lưng nó. Con bò rống lên đau đớn, như tiếng thét, hai chân trước dựng lên trời, hai chân sau chạy lảo đảo. Tiếng rống của nó ở âm vực cao, the thé, không giống như tiếng rống bình thường của loài bò, trầm đục. Nhưng dù đau đớn đến đâu, bò cũng không bao giờ dám phản ứng lại sự ác độc của thằng người tay roi tay thừng đứng cạnh nó. Nó đổ quỵ hai chân trước xuống rồi gượng dậy, chạy. Từ đó, nó mang trên lưng một con số, mang đến khi vào lò sát sinh. Cũng vậy, kẻ vô hình nào đã in vào lưng tôi một con số cũng vô hình, và tôi phải mang con số ấy cho đến giờ sau hết.

Tôi như con bò đực
Mang dưới háng một quả cà
Và trên lưng một dấu sắt nung…*

Ngày ấy tôi mười tuổi, sống ở vùng ven Đà nẵng. Sau đêm xem bộ phim Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ được đoàn chiếu phim lưu động chiếu miễn phí ở bãi cỏ sân trường, tôi và những đứa bé trong xóm đứa nào cũng sắm cho mình một thanh kiếm gỗ. Còn khi xem bộ phim Ngũ Quỉ Miền Viễn Tây, thì đứa nào cũng có một cái mũ cao bồi, một cây súng nhựa. Loại súng bắn bằng dây thun và đạn giấy. Với cây súng này, tôi đã bắn cô bé Hà con ông hàng xóm. Viên đạn giấy trúng mặt làm thành một vết ửng đỏ trên gò má. Cô bé im lặng, nhìn tôi không nói gì, nhưng đôi mắt cô đẫm nước. Mười tuổi mà tôi đã thấy đôi mắt cô rất đẹp và buồn. Mười tuổi mà tôi đã biết ăn năn.

Súng thì có rồi, nhưng làm sao để có ngựa cho đủ bộ đây? Thế là chúng tôi rủ nhau đến chuồng bò. Không ngựa thì cưỡi bò cũng được. Chuồng bò là một khoảng đất rộng hơn nửa sân bóng đá, nằm cạnh rừng cao su, tường xây bao quanh, nhốt mấy chục con bò. Khi chúng tôi nhảy lên lưng, có con lồng lộn tìm cách hất xuống, có con sải chân chạy huỳnh huỵch. Có con bình thản, vung đuôi đuổi ruồi. Tôi thích những con thuần tính, hiền lành. Có khi may mắn xí phần được con mang số 33. Con bò vàng khoang trắng này hễ có người nhảy lên lưng là nó chạy lon ton từng bước ngắn, rất êm, dễ điều khiển. Tôi ôm súng, rạp mình trên lưng nó hò reo đùng đoàng. Ngoài khoảng đất rộng cho bò đi lại, chuồng bò còn có một dãy nhà xây, chia thành từng ngăn nhỏ để chứa cỏ và nhốt những con bò đau ốm. Ông Tây ở trong căn phòng cuối dãy chuồng đó. Ở một mình.

Ông cao và gầy, cao hơn những người cao nhất trong vùng cả cái đầu. Nếu chỉ nghe ông nói, không ai biết ông là người ngoại quốc. Ông nói tiếng Việt giỏi như một người Việt sống ở miền Bắc, ngoài cái giọng hơi cứng, hơi ngọng ra thì cách sử dụng từ và phát âm rất chuẩn. Mỗi lần ông ra chợ, nhiều người tò mò dừng tay để nghe ông nói. Đôi mắt xanh, cái mũi lõ, mái tóc vàng nhưng miệng thì nói: “Gớm, sao mà đắt thế, nói thách vừa vừa thôi bà ạ. Bớt đi…” Nghe cũng là lạ. Các thứ ông thường mua là bánh mì, khoai lang và chuối. Toàn bộ con người ông toát ra một cái gì ẩm mốc, nhàu nát và cũ kỹ như bộ đồ ka-ki ông thường mặc. Đến bây giờ tôi cũng không biết ông là chủ những con bò hay là có phần hùn trong vùng đồn điền khai thác cao-su ở đây. Ông còn đạp xe đến nhà dạy tiếng Pháp cho vài người trong vùng, trong số đó có bố tôi. Những lúc đó các học trò ông, nhiều người có chức quyền, vẫn kính cẩn gọi ông là thầy. Ông sống thanh đạm, nghèo nàn. Người ta đồn rằng ông thất tình, buồn tình hay bị vợ bỏ gì đó, đăng lính qua Việt Nam, giải ngũ rồi xin ở lại, không về Pháp nữa. Người ta cũng không thấy ông có một người đàn bà nào. Âm thầm, cô quạnh.

Một buổi chiều, lũ trẻ đang đùng đoàng trên lưng bò thì trời mưa, mưa lớn. Vùng này hay có những cơn mưa rừng xối xả như thế. Trong màn nước giăng mù mịt, những ngọn cao-su vật vã trong gió, tiếng cây gãy, tiếng đất trời thịnh nộ. Chúng tôi “xuống ngựa” mang súng ống chạy vào nấp dưới mái hiên phòng ông Tây.

Căn phòng ẩm và tối, thoang thoảng mùi phân bò. Ở góc phòng là cái bếp dầu, cái ấm, đồ đạc lỉnh kỉnh, vài quyển sách mất bìa. Gần cửa ra vào, có một sợi dây thừng, một đầu buộc trên xà nhà, đầu kia đang ngún lửa. Đó là cách giữ lửa của ông Tây, sợi dây thừng cháy âm ỉ suốt ngày đêm, cháy hết sợi này thì thay sợi khác mà không cần bật lửa. Ông Tây ngồi trên cái ghế bố vải nhà binh, tay cầm tẩu thuốc nhưng không hút. Ông ngồi im lặng, không nhìn bọn trẻ con co ro ướt át, không nhìn cơn mưa trắng lạnh. Ông cứ nhìn mãi vào đốm lửa ở đầu sợi giây thừng, như thể nhìn vào đấy sẽ làm ông đỡ lạnh hơn. Trong phim, tôi thấy những ông Tây đẹp như những vị thần mặc áo ghi-lê, đội mũ cao, hút ống tẩu, cầm tay những bà đầm mặc váy hoa, tóc vàng óng như rơm, đi trên những đường phố thênh thang sáng láng như thiên đàng. Còn ông Tây nhàu nát, cũ kỹ, ẩm mốc này hẳn là một vị thần phạm tội, bị trời đầy xuống thế gian làm kiếp chăn bò. Trẻ con nghĩ thế. Ông Tây ngồi im lặng nhìn đốm lửa suốt cơn mưa. Đôi mắt ông đẹp và buồn như mắt loài bò, như mắt cô bé Hà bị tôi bắn đạn giấy vào mặt. Và đôi mắt ấy đã lấy đi của đứa bé một chút ngây thơ.

Mấy mươi năm trôi qua, tưởng rằng đạn bom máu lửa, áo cơm đã làm tôi quên mất ông Tây, cô bạn nhỏ và những con bò trong ký ức. Nhưng có hôm tôi về thăm anh bạn cũ ở Bù Đăng. Anh bạn kể có nuôi hai con bò, một đực một cái. Túng thiếu, anh bán mất con cái. Người mua dắt nó đi xa lắm, mãi bên kia ngọn đồi, sau cánh rừng bạch đàn.
Buổi chiều, tôi và anh bạn dắt con bò đực còn lại ra cánh đồng sau nhà cho ăn cỏ. Đang trò chuyện, tôi thoáng nghe mơ hồ một tiếng bò rống vọng đến từ rất xa. Tôi nghĩ mình nghe lầm, nhưng con bò trước mặt tôi ngừng gặm cỏ. Nó quay nhìn về phía có tiếng rống, chăm chú nghe ngóng. Bỗng dưng nó cũng rống lên rồi lao đầu chạy. Bạn tôi nắm kịp sợi dây, giữ lại. Anh cười: ‘Tiếng ái tình gọi đấy.’ Con bò không gặm cỏ nữa. Nó đứng im nhìn mãi về ngọn đồi xa, phía sau cánh rừng bạch đàn. Đôi mắt nó đẹp và buồn. Ô! Đôi mắt Ông Tây. Đôi mắt cô bé Hà bị tôi bắn đạn giấy vào mặt.Trong bóng chiều, dĩ vãng lũ lượt ùa về…
Buổi chiều mưa trong rừng cao-su.
Những cành cây gãy.
Đôi mắt đẫm nước của cô bé Hà.
Đốm lửa leo lét đầu sợi dây thừng.
Giống, giống hệt.
Giống như một cuốn phim cũ có những đoạn trầy xước tạo thành những vệt sáng lăng quăng…

Nguyễn quang tấn.
______________________
* Thơ Tây ban nha. Không nhớ tên tác giả.
















Trở về

MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.