Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

Thận Nhiên




















Thận Nhiên

Tôn Thất Thiện Nhân
Bút danh khác: Nam Đan
(1962 -.......) Đồng Nai
Nhà thơ, Nhà văn, Dịch giả









                                                                                                                        
Chút mặt trời qua kẽ tay... SG 2010





Sang Mỹ năm 1990. Từ năm 2003, phần lớn thời gian sống ở Mỹ và Sài Gòn, dịch sách, viết báo, cộng tác với các tạp chí : Hợp Lưu, Việt, Văn, Văn Học, Chủ Đề, Tạp Chí Thơ, Talawas, Tiền Vệ, Da Màu, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, Radio CACR, Saigon City Life, Thể Thao và Văn Hóa...














Sáng tác mới








CỦA ĐẤT NƯỚC MÌNH

Câu chuyện này do ông nội tôi kể lại. Hình ảnh Việt Nam được tái hiện lại trong tôi qua những câu chuyện như thế này. Tôi biết chúng không hoàn toàn được kể lại một cách chính xác, mà nhiều phần chúng bị ông nội và cha tôi sắp xếp lại theo thiên kiến của họ.

Ông nội tôi căm ghét cộng sản như hầu hết những người Việt trong cộng đồng, những người đã bỏ nước ra đi bằng nhiều cách, nhiều đợt khác nhau, nhưng hầu hết đều có chung tâm trạng thất vọng với cái giá của hòa bình mà họ phải trả, cũng như những kinh nghiệm cay đắng với chế độ cầm quyền khi còn sống trong nước. Ông cho rằng cộng sản là nguyên nhân của mọi thất bát của cuộc đời ông; xa hơn nữa, sự thất bát và xuống dốc của gia tộc; xa hơn nữa, sự đổ vỡ, tan nát của cả đất nước; cộng sản là nguyên do mà ông, và những người như ông, phải bỏ nước ra đi. Ông thấy mình có bổn phận truyền nỗi căm phẫn ấy xuống cho cha tôi, cha tôi truyền xuống tôi, và tôi sẽ truyền xuống các đời sau.

Ông chưa bao giờ kể với tôi về chiều dài lịch sử Việt Nam xa hơn thời điểm 1945. Ông chỉ khuyến khích tôi tự tìm hiểu lấy bằng cuốn Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim, cuốn sách mà có lẽ ông mua lại từ hiệu sách cũ ở Sài Gòn hay đâu đó, rồi đưa cho tôi trong dịp Tết, năm tôi lên 15 tuổi, khi mẹ tôi đưa đến thăm ông.

Cuốn sách bìa cứng, dày, được bọc bằng vải xanh, với nhan đề và tên tác giả mạ vàng. Giấy mỏng, màu vàng ngà, cổ kính.

Khi tôi đứng vòng tay kề bên, ông nắn nót viết ở trang đầu, “Tặng Quân, cháu của ông. Đây là câu chuyện của đất nước mình”, rồi ông trao cho tôi.

“Cháu giữ lấy mà đọc. Chuyện đất nước của mình ở trong đó.”

Tôi cảm động và thấy được sự nghiêm trang khác thường ở cử chỉ và giọng nói.

Khi nói “đất nước”, tất nhiên là ông nói đến cái đất nước xa xôi, bé tí, được in trên mô hình quả địa cầu trong phòng ngủ của ông. Những năm trước ông thường đố tôi tìm ra dấu vết của cái đất nước châu Á đó trên quả cầu, một màn đố vui có thưởng. Và “của mình” tức là của ông, và của tôi – của thằng cháu chưa từng đặt chân lên Việt Nam, mảnh đất mà ông gọi là quê hương ấy.

Khi lớn lên, tôi mơ hồ cảm nhận được nỗi mong ước và kỳ vọng mà ông đặt vào tôi — đứa cháu đích tôn — nhiều hơn là lên những đứa cháu khác, qua những trao truyền về dòng dõi và huyết thống, rằng phải bảo tồn những gì đang có và khôi phục những gì đã mất.

Tiếng Việt của tôi phát triển tốt nhờ cuốn sách này và những cuốn sách văn học miền Nam được in lại ở Cali mà tôi tìm mượn ở thư viện, những tạp chí Văn học, Hợp lưu, Thế kỷ 21... mà ông đặt mua hằng tháng, những băng ca nhạc Thúy Nga Paris, những phim bộ Hồng Kông xem ở nhà mấy đứa bạn, những tờ báo mẹ tôi nhặt ở các chợ địa phương, và những buổi học với hai vị sư trụ trì chùa Báo Ân — một ngôi chùa Việt ở trong vùng.

Tôi theo học tiếng Việt ròng rã suốt hơn 4 năm, mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi 3 giờ. Sau này, khi đã khá, tôi vừa học vừa tham gia vào nhóm giáo viên dạy thiện nguyện cho trẻ em ở đó và ở một nhà thờ Việt khác, như một cách trả lại món nợ mà mình đã vay.

Tiếng Việt có thành ngữ “người mù sờ voi”. Theo ý nghĩa của thành ngữ này thì tôi là một thằng mù đang rị mọ sờ sẫm từng phần cái cội nguồn, cái căn cước văn hoá và chủng tộc của mình, cố gắng tạo dựng những ý niệm về hình hài tổng thể của nó. Ông tôi rất khuyến khích chuyện này. Ông bảo tôi nên làm vậy, vì đó là “về nguồn”, là “tìm về nguồn cội”, để khỏi “mất gốc”. Cội nguồn là những từ có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng với ông. Sống ở Mỹ lâu rồi, nhưng tôi thấy ông vẫn tỏ vẻ khinh miệt với những kẻ vì nỗ lực hội nhập vào vùng đất sống mới mà xao lãng với cái nơi mà họ từ đó ra đi. Ông khinh, bất kể kẻ đó thuộc sắc tộc nào: Á hay Phi hay Âu hay Nam Mỹ, bất kể hắn có địa vị gì.

Tôi thì, tôi thấy mình sờ voi.

Tôi không sờ trúng ngà voi.

Tôi không sờ trúng vòi voi.

Tôi không sờ trúng tai voi.

Nhiều khi tôi ngờ rằng mình sờ trúng đít voi.

Một cái đít chỉ đầy cứt là cứt!

*

“Hồi đó ông nội còn là một đứa bé 9 tuổi, tham gia trong đội Thiếu niên Tiền phong ở trong làng, còn ông cố chỉ là anh nông dân, không làm một chức vị gì cả, thậm chí dân quân cũng không, vì có cha bị cách mạng thanh trừng. Làng của gia tộc mình nằm bên con sông, ở khúc hẹp, rộng chừng hơn 100 mét, bên kia là đồn Tây.”

“Vì sao gọi là Tây vậy ông?”

“Tây là Tây phương. Người ta gọi Pháp là Tây vì họ từ phương Tây tới.”

Qua lời ông kể, tôi cố gắng tưởng tượng mình là ông, nhập vai vào tình huống và bản thân ông, qua những tình tiết của câu chuyện sau đây.

“Tờ mờ sáng, tôi choàng dậy cùng lúc với những người trong nhà khi nghe tiếng mõ bất ngờ vang lên cuối làng. Có tiếng ai la lớn:

“Trâu ăn lúa, trâu ăn lúa...!”

“Trâu ăn lúa” là quy ước của dân quân để báo rằng lính Tây đi bố ráp. Còn “Bò ăn khoai” là báo lính bảo an.

Mạ tôi lay, “Dậy mau con, dậy... Tây đi lùng! Tây đi lùng!”

Tôi choàng dậy. Bà tôi xua tay, nói với cha mẹ tôi, “Hai đứa bây chạy mau đi, ra phía cánh đồng sau làng với họ. Tao lo cho thằng Bái được, cứ yên tâm.”

Bà ra dấu cho cha mẹ tôi chạy thoát thân trước, cùng với vài người hàng xóm, còn mọi việc ở nhà để bà lo.

Cha mẹ tôi vơ vội nón tơi. “Tụi con chạy ra đồng trước, chiều êm thì về, mạ hỉ?”

Nói xong, hai ông bà bước vội ra ngõ, mưa nhoè nhoẹt con đường làng.

Tiếng mõ đã dứt, có lẽ người ta đã chạy xa rồi, không còn cần báo nữa.

Có tiếng chó nhà ai sủa. Tiếng súng nổ. Con chó ẳng lên một tiếng rồi im bặt.

Bà lôi tôi xuống bếp, dúi ngồi xuống kề bên. Bếp lửa còn cháy âm ỉ dưới cái kiềng, trên bắc nồi cháo nấu từ đêm qua. Bà giở nắp nồi, vơ đũa bếp quậy lên, rồi múc ra lưng một bát cho tôi. Bà bốc nắm tro thả lên đầu tôi, cái đầu húi trọc vì chứng cứt trâu. Bà quẹt lọ nghẹ dưới đít nồi, bôi lên mặt tôi, lên người tôi, để ngụy trang. Tôi đã được dặn bài học này từ trước. Tôi sẽ đóng vai một thằng bé nhem nhuốc, đói ăn, và đang bị bệnh. Cha mẹ đi làm ăn xa không có nhà, không biết họ ở đâu. Chỉ có hai bà cháu sống với nhau. Một thằng bé côi cút bệnh hoạn và một bà già lú lẫn.”

Tôi chỉ có thể dẫn mình theo câu chuyện ông kể tới đây thôi, một cách khó khăn. Tôi không thể hình dung được thêm những chi tiết khác. Những hình ảnh như một đoạn phim bị đứt mất giữa chừng.

Chứng “cứt trâu” là chứng gì mà người ta phải cạo trọc đầu? Có phải do bị ghẻ? Tôi thắc mắc nhưng không dám hỏi vì ngại làm đứt đoạn dòng hồi tưởng của ông.

Hai ông cháu đang ngồi ngoài vườn. Hôm nay thứ Bảy, mọi người đã ra khỏi nhà đi shopping hay đi chợ mua thực phẩm cho tuần sau.

Ông nhả từng bụm khói lớn sau mỗi lần bập bập, rồi gõ cái ống vố vào thành ghế đá cho tàn lửa bên trong rơi ra. Trời vẫn còn ấm trong nắng cuối thu. Một con ong nhỏ cứ bay vo ve lẩn quẩn mãi bên hai ông cháu.

“Rồi sao nữa ông?”

“Rồi lính Tây được xe tải chở đến đầu làng và tràn vào ruồng bố thật nhanh. Mọi người không kịp chạy trốn. Dù đóng vai thằng bé bẩn thỉu và bệnh hoạn, ông cũng không được chúng tha. Ông bị chúng lùa theo đám trẻ con ra sân làng, bắt đứng một bên. Bên kia là đám người lớn bị bắt khi cố chạy băng qua cánh đồng. Ông không thấy mẹ, nhưng thấy cha đang đứng cùng với số nông dân trong làng. Chúng lùa mọi người ra để nhận diện và phân loại.”

“Nhận diện và phân loại để làm gì vậy ông?”

“Để quyết định giết hay không. Nếu không giết thì đánh cho sợ để không theo Việt minh nữa. Hoặc bắt vào nội thành giam hay làm tạp dịch cho chúng.”

“Việt minh là ai vậy ông? Ông có theo Việt minh không?”

“Việt minh là Việt cộng. Lúc đó nhà mình đang sống trong vùng quê, vùng hoạt động của Việt cộng.”

“Cháu hỏi là ông có theo Việt minh không?”

“Không, ông không theo Việt minh.”

“Vậy ông theo Tây?”

“Không, ông cũng không theo Tây.”

“Vậy ông theo ai?”

“Ông không theo ai cả. Lúc đó ông chỉ là một đứa bé, nhỏ hơn cháu bây giờ.”

“Còn cha của ông? Ông ấy theo ai?”

“Ông ấy cũng không theo ai cả. Ông ấy chỉ là một anh nông dân.”

“Vậy Việt minh với Việt cộng là một hả ông? Có phải Việt cộng là người Việt theo cộng sản không ông?”

“Ừ, Việt cộng là người Việt theo cộng sản. Việt minh với Việt cộng ban đầu là hai thứ khác nhau, nhưng rồi là một. Việt minh là Việt cộng. Chuyện này dài và phức tạp lắm.”

“Ông có thể giải thích cho cháu không?”

“Không, ông không thể. Cháu tự tìm đọc tài liệu để hiểu lấy. Cháu muốn nghe ông kể tiếp chuyện Tây đi lùng không?”

“Muốn chứ. Ông kể tiếp đi.”

“Vậy thì đừng cắt lời ông.”

“Vâng.”

“Sau đó, những người đàn ông bị trói quặt hai tay ra sau lưng, đứng bên nhau sắp thành hàng ngang. Đàn bà thì chạy theo than khóc đứng chung quanh nhìn chồng và con mình đang trong bàn tay may rủi của số mệnh. Ông tuy nhỏ cũng phải đứng chung với đám con nít cùng lứa, nhưng đám này không bị trói.

Một người trùm kín đầu bằng bao bố, chiếc bao có khoét hai cái lỗ cho hai mắt nhìn ra, được bọn lính dắt ra. Nhiệm vụ của hắn là nhận diện và chỉ điểm những ai tham gia cách mạng. Hắn lần lượt đi ngang qua từng người, thỉnh thoảng gật cái đầu trùm bao trước một kẻ xấu số thì kẻ ấy bị lôi đi. Có mấy kẻ bị hắn cho rằng theo Việt minh. Lính Tây lôi những người này ra ngoài đồng bắn bỏ. Một số khác thì chúng nện một trận đòn chí tử bằng báng súng và lưỡi lê, rồi mang vào đồn để tiếp tục điều tra.

Thằng trùm bao bố đứng lại trước mặt cha của ông, ngần ngừ giây lát lâu hơn khi đứng trước những người khác. Rồi bước qua. Nhưng khi qua đám con nít thì hắn lại gật đầu với ông.

Ông nghe tiếng mẹ rú lên kinh hoàng.

Thằng sĩ quan Tây hỏi ông có phải là đội viên thiếu niên hay không. Ông gật đầu. Nó xáng cho ông hai bạt tai xính vính. Ông khóc nức nở. Không hiểu sao nó đứng ngần ngừ một thoáng khi thấy ông khóc dữ quá, rồi móc túi lấy ra một thỏi kẹo sô-cô-la đưa ông, xua tay ra dấu thả cho ông đi. Ông chạy qua với bà rồi đứng lỳ lại không chịu về, dù bà lôi đi. Ông vùng ra, len vào đám đông xúm xít để xem cảnh chúng bắn bốn người theo Việt Minh ở ngoài đồng, cách một khoảng xa.

Không phải Tây bắn. Một gã lính người Việt bắn. Gã xô họ quỳ xuống bờ ruộng rồi bắn vào gáy ở tầm gần. Vừa bắn vừa nốc rượu. Sau mỗi phát đạn, gã bước lại lật xác lên xem nạn nhân đã chết chưa. Máu của họ vấy lên áo lính và mặt gã.

Bọn lính Tây rút về, lôi theo những người tình nghi bị trói lại thành xâu, trong đó có ông Đoàn, dượng của ông. Lúc đó, người ta mới ra mang xác bốn người này về đặt ở sân làng.

Chập choạng tối, ông tham gia cùng đội thiếu niên. Họ tổ chức cuộc mít-tinh đả đảo bọn thực dân xâm lược, rồi lập kế hoạch phản công làm tiêu hao lực lượng và tinh thần bọn Pháp theo lời chỉ dẫn của một anh đoàn viên du kích. Ông cùng đi với người anh bà con là Kiên, tên ở nhà gọi là Chó Anh. Hai anh em đi đâu cũng có nhau, ông là Chó Em, vì nhỏ tuổi hơn Chó Anh. Chó Anh là con trai duy nhất của O Toan và ông Đoàn — người dượng đã bị bắt đưa về đồn.

Mười ba đứa cả thảy, mang theo nồi, thùng sắt, hay bất cứ thứ vật dụng gì mà gõ vào có thể phát ra tiếng kêu. Ông có cái trống múa lân nhỏ. Cả bọn nằm phục trong vạt cỏ rậm và vườn chuối bên bờ sông, quan sát động tĩnh ở đồn Tây bên kia sông trong ánh hoàng hôn mờ mờ hơi sương chiều. Rồi theo hiệu lệnh của anh du kích, cả bọn đồng loạt vừa hò reo vừa gõ nồi, trống... liên hồi. Bọn Tây trong đồn tưởng là bị bộ đội chủ lực của Việt Minh tấn công, bèn hốt hoảng chĩa súng bắn xối xả qua phía làng bên kia sông, chúng bắn suốt cả giờ, cho tới khi trời tối hẳn. Ông và các chiến sĩ cách mạng chạy thục mạng vào làng trốn. Bọn Tây cũng sợ, chúng không dám vượt qua sông để truy kích.

Kết cục, quân ta toàn thắng, vì đã làm tiêu hao một cơ số đạn đáng kể của địch và làm cho chúng sống trong nỗi hoang mang lo sợ, suy sụp tinh thần. Thiệt hại của phe cách mạng trong làng thì chỉ hai con heo, vài con gà, 2 cái chuồng heo bị trúng đạn cháy nham nhở nhưng đã được dập tắt sau khi địch ngừng bắn.

Khi lính Tây ngừng bắn, ông không thấy Chó Anh đâu, hỏi trong đám bạn cùng chạy về thì không ai biết. Cả bọn hào hứng kéo nhau vào làng nấu nồi khoai để ăn liên hoan mừng chiến công, rồi ai về nhà nấy. Cho tới khuya vẫn chưa thấy Chó Anh về, cả nhà lo sợ nhưng không thể đốt đuốc đi tìm xa. O Toan vừa lo cho chồng bị bắt chưa có tin tức, vừa lo cho đứa con thất lạc. O đi loanh quanh trong mấy thửa vườn, vừa đi vừa thất thanh gọi con, ‘Kiên ơi...! Chó Anh ơiiii!’.

Mờ sáng hôm sau, ông theo cha và mấy người làng quay lại bờ sông. Khi đến đoạn cả bọn nằm phục kích chiều hôm qua thì ông thấy Chó Anh nằm bên vồng khoai, tay bíu lấy dây khoai, một viên đạn phá tan lồng ngực. Chắc Chó Anh không chết ngay, anh ấy giẫy giụa, đạp nát cả một khoảng cỏ. Ông thất thần, cúi xuống nhìn vào cái lỗ toang hoác trên ngực người anh mình. Những dẽ xương sườn gãy chìa ra. Máu còn trào ri rỉ. Chó Anh không chịu nhắm mắt, cho dù ai vuốt, cho tới khi được mang về cho chính tay O Toan vuốt mắt. O khóc không thành tiếng, không còn nhận biết gì nữa. O thất thần, trở nên bất bình thường và không có con nữa trong suốt quãng đời còn lại. Người ta mang xác Chó Anh về, đặt nằm kề bên bốn cái xác của những người đã bị lôi ra đồng bắn ngày hôm qua.

Với ông, ngày hôm đó chưa bao giờ hết, vì nó còn nằm mãi và trở lại nhiều lần trong ký ức. Chiều xuống, tiếng mõ thê thiết, rờn rợn trên ngọn lúa cháy.

Người ta thắp đuốc tổ chức truy điệu những người bị giết trong trận càn và Chó Anh, người đội viên tuổi trẻ anh hùng. Rồi những cái xác được mang đi chôn. Ông chưa kịp chia với Chó Anh thanh kẹo sô-cô-la, nó bắt đầu mềm oặt, chảy ra nhão nhoét. Ông ăn nửa thanh kẹo, gói phần còn lại trong miếng lá chuối, rồi bỏ lại ở ngôi mộ mới, cho kiến ăn.

Ông và các bạn nhỏ được chính quyền cách mạng tuyên dương lòng yêu nước. Nhưng sau đó ông lại bị bà và mẹ đánh cho một trận lê lết không phải vì tội yêu nước, mà vì tội đã góp phần làm cho cháu Chó Anh của họ phải chết.

Vài tháng sau, ông Đoan, cha của Chó Anh, được lính Pháp thả về. Ông gầy rộc, xơ xác. Ông và vợ — O Toan — thành một đôi thảm hại, như hai con ma thất thểu, không ra dáng dấp con người. Một ngày nọ, ông bị dân quân phát hiện có giữ một chiếc gương nhỏ và mảnh vải xanh trong túi. Chính quyền cách mạng cho rằng ông giả điên giả tỉnh, nhưng thật ra để dấu tung tích nhận làm gián điệp của Pháp, dùng hai vật này để làm tín hiệu báo tin mật cho chúng. Họ quyết định sẽ khử ông, bất chấp sự việc ông là gia đình liệt sĩ, có con hi sinh cho kháng chiến. May sao tin này lọt đến tai gia đình. Mọi người thấy tình hình quá nguy ngập, lén bàn với nhau rồi quyết định trốn vào nội thành. Chuyến vượt sông vào thành trót lọt. Phải mất một thời gian để phòng Nhì — cơ quan an ninh của Pháp — điều tra, xác minh lại lý lịch. Chuyến đi mở ra một vận mệnh mới cho gia tộc mình.

Sau này, nghiệm lại, ông thấy rằng vận mệnh của con người, hay của cả một đất nước, đều ở những chuyến đi, những cuộc chạy trốn.”

“Như chuyện vượt biển của ông, hả ông?”

“Ừ, như chuyện vượt biển.”

Ông không kể nữa. Ông nhồi thêm thuốc vào chiếc tẩu, đốt hút. Tôi ngồi im theo, thở thật nhẹ theo từng bụm khói của ông. Tôi không muốn phá cái không khí hoài niệm mà ông đang chìm vào đó.

Tôi thấy mình chìm vào câu chuyện. Vào cái không gian ở một miền Trung Việt nắng gió, nghèo xơ xác. Có Tây đen, Tây trắng. Có trâu ăn lúa, bò ăn khoai. Có Việt minh, Việt cộng. Có Chó Anh, Chó Em. Có vết thương trên ngực đứa trẻ trạc tuổi tôi, mở ra toang hoác lộ những dẽ xương, rỉ máu.

“À, cái mõ là cái gì? Nó kêu như thế nào, ông hả?”

“Con tra tự điển đi. Ông quên rồi.”

Tôi nói ra thành tiếng. Cố gắng phát âm cho đúng. “mmmm... oooo... mooo... mõ”. Rồi lắng nghe từng âm thanh của danh từ, của động từ, của tính từ, âm thanh của một thứ ngôn ngữ vừa xa lạ vừa gần gũi mà tôi mới học được ngân vang trong đầu.

Tôi thấy mình đứng trước một con voi. Mắt bị bịt lại bằng một dải khăn đen, hai tay lần mò quờ quạng thân nó. Con voi ngó xuống tôi, cái thằng người nhỏ bé và tội nghiệp.

Tôi không hiểu hết những chuyện được kể, nhưng thấy chúng quá buồn, và thật kỳ cục. Chúng như những chuyện viễn tưởng ở một thế giới xa xôi nào, một thế giới nằm ngoài không gian và thời gian của địa cầu, của trí tưởng tượng. Chúng khác với những cuộc chiến tranh mà tôi được xem trong phim. Khác với cuộc chiến ở chiến trường Trung Đông hằng đêm tôi thấy trên ti-vi. Khác với những cuộc giết chóc man rợ ở châu Phi. Tôi tự nhắc mình rằng chúng là những câu chuyện xảy ra ở Việt Nam. Những câu chuyện có tuổi thọ đã gần 100 năm. Tính đến bây giờ thì 100 năm là dài lắm, thuộc về thế kỷ trước, ở một thiên niên kỷ khác.

Thật vậy, Việt Nam là một xứ sở ở một thiên niên kỷ khác.

Ở một thế giới khác.



(Trích đoạn tiểu thuyết NHỮNG GHI CHÉP Ở TẦNG THỨ 14)








ĐÊM PHỐ TÂY

Sài Gòn cuối tháng Sáu đôi khi có mưa nhưng vẫn còn nóng lắm. Bạn có thể làm quen dần với nhiều điều kiện môi trường sống nhưng khó mà thoả hiệp được với cái nhiệt độ hầm hập và thứ tiếng ồn kinh dị của thành phố này.

Tôi đón taxi về khu Tây ba-lô, một khu nằm ở trung tâm thành phố, theo chỉ dẫn từ cuốn Lonely Planet mà tôi mang theo. Ở đó là khu dành cho những kẻ như tôi, bọn du lịch bụi bờ, bọn người bị mẹ tôi cho rằng là mọi thành phần rác rưởi mà thế giới văn minh đã từ chối, nhưng bà cũng dư biết rằng cái bọn bụi đời ấy cũng khinh rẻ và chán ngán cái thế giới trật tự văn minh của bà và chúng không chịu thoả hiệp với nó. Và, điều quan trọng là cậu con trai duy nhất của bà lại lăm le muốn trở thành một thành viên của cái đám ấy. Bà biết và không đồng ý, rồi cảm thấy bất lực vì không thể lái tôi theo cái hướng tương lai mà bà hoạch định và kỳ vọng. Ban đầu bà khuyên răn tôi. Khuyên răn không xong, bà phản đối. Phản đối không ăn thua, bà dùng biện pháp chế tài, cắt giảm tiền allowance. Rồi, khi tôi đã 20 tuổi thì bà mặc kệ.

Giá phòng trong các nhà nghỉ ở khu này tương đối là rẻ so với các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á, chừng 10 đô-la cho tới 20 đô-la / một đêm, có thể trả giá thấp hơn và không phải đặt chỗ trước.

Ở đây, nếu bạn không quá khó tính thì lúc nào cũng có chỗ để đặt lưng xuống qua đêm. Nhưng tôi không muốn trải qua những ngày đầu tiên trong một căn phòng tồi tàn. Tôi muốn có một chỗ nằm tươm tất với ga trắng sạch sẽ, máy lạnh mát rượi, và các tiện nghi của một khách sạn chứ không phải ở căn phòng trọ hẹp, bẩn, ngột ngạt, không cửa sổ. Tôi cũng cần một cái hiên nhỏ có tầm mắt khoảng khoát để nhìn xuống thành phố, để cái không khí nhiệt đới hầm hập từ từ thẩm thấu vào các lỗ chân lông và làn da còn tươm mùi của thế giới tư bản; như lời cha tôi dặn, một cách hơi cường điệu và văn hoa không cần thiết: “Hãy sẵn sàng cải tạo chính mình và hội nhập vào phần đất hiếm hoi còn lại của thế giới.” Riêng điều này, một trong những điều hiếm hoi, tôi đồng ý với ông. Thêm nữa, tôi muốn chụp hình nơi mình đang ở, gởi qua e-mail cho mẹ, để trấn an bà rằng quý tử của bà vẫn đang được cuộc đời đối xử không tệ.

Liên Hiệp Quốc loan báo rằng chính thức coi việc tự do truy cập Internet là một quyền cơ bản của nhân loại: Tất cả mọi người, không phân biệt tầng lớp, tôn giáo, giới tính, độ tuổi, dân tộc... đều có quyền được truy cập Internet và tự do thể hiện suy nghĩ, quan điểm, góc nhìn của bản thân họ trên mạng thông tin toàn cầu này.

Làm thế nào để xác quyết rằng mình đang sống trong một đất nước cộng sản hay tư bản ư? Tôi bắt đầu có kinh nghiệm về điều đó. Bạn cứ lên mạng, gõ facebook.com, nếu bạn có thể đăng nhập vào một cách nhanh chóng và dễ dàng thì bạn đang ở Texas hay Toronto hay Tokyo, còn nếu không vào được, thì bạn đang ở Bắc Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc, Việt Nam hay Pakistan...; tức là bạn đang ở một trong những đất nước độc tài hay cộng sản còn sót lại của thế giới.

Tôi chỉ lên mạng được để gởi e-mail cho mẹ, nhưng đếch vào facebook được.

Tôi đang ở Sài Gòn.

Thêm một kinh nghiệm nữa, khi tôi mở Ipad, bấm vào chương trình để xem phim của Netflix, một công ty cung ứng phim cho khách hàng xem trên mạng, thì được bọn ấy trả lời bằng dòng chữ: “We haven’t reached to this part of the world.” [1] Thế mới thấy cái bọn tư bản ấy phân biệt một cách chó đểu không chứ!

Tôi được bọn giang hồ vặt trên mạng cho biết rằng, không náo nhiệt như ở Bangkok hay Kalua Lumpur, nhưng Sài Gòn luôn có chỗ để bạn ngồi đến 3 giờ sáng với một chai bia 333, một loại bia địa phương khá ngon, và nhấm nháp từng hạt đậu phộng rang đựng trong đĩa nhựa, tán gẫu với một cô gái có số ngữ vựng tiếng Anh vừa đủ để hiểu nhau trong các đề tài thông thường. Tuyệt nhất là có thể phì phèo phun khói thuốc lá vào đám đông chung quanh mà không hề bị phản đối hay kỳ thị. Tôi không hút thuốc nên tôi sẽ không được hưởng cái khoái cảm tự do đó.

Khách sạn này nằm ở góc đường Đề Thám và Bùi Viện ở quận 1, nó có tên là “Murderers’ nightmare”.

Tôi chưa từng giết người. Thỉnh thoảng tôi cũng có ác mộng với bàn tay nhỏ máu ròng ròng. Thường thì trong các giấc mơ khi gần sáng ấy tôi bị giết bằng một cách nào đó, thật dã man, bởi một kẻ mà tôi chưa hề quen biết. Những cơn ác mộng có vài tình huống cứ lặp đi lặp lại. Thường thì tôi bị cắt mất một hay hai bộ phận trên thân thể trước khi bị xô xuống từ một tầng lầu cao, hay từ một chiếc máy bay đang bay. Ngoài những khi bị giết bởi kẻ lạ, thì cũng có khi tôi bị cha tôi xô, khi thì bị mẹ tôi xô. Tôi thức giấc trước khi thấy mình chết hẳn; nằm một lúc định thần cho tỉnh, tôi sung sướng đến ngạt thở vì thấy mình còn sống. Có khi sung sướng quá vì còn được sống tiếp, tôi phải la hú lên thật lớn, cười sằng sặc, đập chân đập tay lên nệm ầm ầm. “Chúa ơi, con sướng quá!”

Tôi muốn thuê căn phòng trên lầu ba, phòng số 317.

Google cho tôi biết vào nhiều năm trước một vụ án mạng đã xảy ra trong chính căn phòng này. Một gã du khách gốc Thái Lan đã giết rồi chặt xác nạn nhân ra thành nhiều mảnh, bỏ vào bao rác, nhét xuống ngay dưới cái gầm giường mà tối nay tôi sẽ nằm. Lý do tôi muốn ở căn phòng này là tôi hi vọng cái không gian đó sẽ kích thích tôi, hay ít ra cũng gợi cho tôi một cái gì khác thường để tạo hứng cho trí tưởng tượng, hay tạo hứng cho việc viết.

Bà chủ khách sạn đồng ý giảm cho tôi 50% giá phòng khi tôi cho bà biết rằng tôi cũng biết cái thông tin kinh dị đó. Bà xuýt xoa tỏ vẻ khâm phục cái kiến thức có từ Google của tôi. Bà nói:

“Tôi thừa nhận là căn phòng đó có vấn đề bất thường, nhưng anh xem kìa, không phải chung quanh chúng ta chẳng có gì là bình thường cả sao? 22 đô-la là giá đặc biệt chỉ dành cho anh thôi đấy.”

Tôi nhìn vào tấm gương đối diện, bà chỉ hiện diện trong đó với một cánh tay phải, một nửa phần cái đầu bên trái được chẻ dọc bằng một lát cắt rất phẳng.

Tôi đưa bà tờ 50 đô-la cho 2 ngày đặt trước, với cuốn hộ chiếu, rồi lấy lại tiền dư, chìa khoá và hai cái điều khiển, một cho máy lạnh và một cho ti-vi, rồi kéo va-li vào thang máy.

Trong hộc bàn hay trên cái bàn nhỏ ở đầu giường trong các phòng khách sạn ở Việt Nam không có cuốn Thánh Kinh như khách sạn của Mỹ thường có. Tôi chưa đi châu Âu và châu Phi nên không biết các nơi đó như thế nào. Dù sao, tôi nghĩ Thượng Đế cũng nên hiện diện một cách cụ thể và công bằng ở khắp mọi nơi, nhất là các nơi như thế này, ít ra là cho những kẻ độc hành như tôi. Với những kẻ du hành cô độc thì một cuốn Thánh Kinh còn quan trọng và hữu dụng hơn chai dầu gió và thuốc tiêu chảy cộng lại. Không sao, tôi có mang theo trong túi xách một cuốn Tân Ước khổ nhỏ bằng bàn tay.

Tắm xong, tôi ngủ một giấc ngắn, cố làm quen với mùi thuốc xịt phòng gây gây, xốc lên mũi.

*

Tôi thức giấc nhưng chưa thoát ra khỏi trạng thái mê mệt khi nghe một tiếng nổ lớn rồi ngay sau đó đèn tắt phụp. Tôi để máy lạnh nên đã đóng hết cửa sổ và kéo màn lại. Căn phòng kín bưng và tối om. Tiếng động rì rì của máy lạnh và cái tủ lạnh im bặt, im bặt cùng lúc với tiếng nhạc dội lên từ dưới phố. Tôi có cảm giác căn phòng đang rơi trong một giấc mơ. Tôi nằm im lắng nghe tiếng tim mình đập. Tôi mở mắt ra, không thấy gì, nhắm lại. Khi nhắm mắt, dù có ánh sáng hay không, tôi vẫn thấy dễ chịu hơn là mở mắt. Việc nhắm mắt, không phải chú mục vào một gương mặt hay vật thể nào, cho tôi cảm giác yên bình. Nhắm mắt và lắng nghe một cách lơ đãng là trạng thái dễ chịu nhất, nhất là khi nằm bên người tình. Tôi đọc được điều này ở trong một cuốn sách mà không còn nhớ là cuốn gì, nhân vật chính có thói quen khi nằm bên người tình thì hắn không bao giờ mở mắt. Những kẻ nằm bên nhau mà mở mắt nhìn nhau thì trước sau gì cũng phải xa nhau nếu không muốn giết nhau. Vậy mà hắn liên tục phải xa rời hết người tình này đến người tình khác. Ở đoạn kết của cuốn sách, tác giả cho gã nhân vật bỏ được thói quen nhắm mắt, lúc này hắn luôn mở mắt và ngó mãi cái trần nhà hết đêm này đến đêm khác vì bên cạnh hắn không còn một ai.

Tôi ngửi thấy mùi khét của điện cháy. Có tiếng sấm dội lại từ đâu đó rất xa. Hình như có mùi nước mưa len vào từ cửa sổ. Một hai tiếng sột soạt thật nhỏ từ góc xa của căn phòng, có lẽ tiếng móng của một con gián cào lên mặt giấy.

Tôi cố nhớ lại, căn phòng này có hai giường được đặt song song, cách nhau chừng sải tay. Giường gỗ, có thành giường sát tận mặt đất, như khung của một cái hộp. Trên mỗi giường trải ga trắng, có hai gối kê, một gối ôm cũng được bao bằng vải trắng, một tấm chăn trắng mỏng, và cái khăn tắm cũng màu trắng được gấp lại dưới chân.

Lúc này, một ý nghĩ bật ra trong đầu: khi giết cô gái ấy xong, thì gã người Thái chặt xác ra làm nhiều phần, bỏ vào bao rác, nhét xuống gầm giường, nhưng gầm giường nào? Cái giường kề bên cửa sổ mà tôi đang nằm hay cái giường nằm gần nhà vệ sinh kia? Tôi hình dung ra mớ chăn gối, khăn đều màu trắng ướt sũng máu.

Tôi mở mắt, cố với tay ra mặt bàn đầu giường mò tìm, hi vọng bắt được bao diêm hay cái quẹt ga, nhưng không thấy gì cả, chỉ sờ tay đụng vào cái đế đèn ngủ bằng kim loại, lạnh ngắt. Mắt tôi tập làm quen với bóng tối. Một ánh chớp loé lên thật nhanh từ khe cửa sổ. Tôi thấy được những hàng số trên cái điện thoại bàn nhá lên chút ánh sáng.

Tiếng xe máy đột ngột rú lên. Không phải chỉ một chiếc, mà nhiều chiếc cùng rú máy. Tôi không muốn nằm im trong cảm giác chịu đựng và bất lực nữa. Tôi gượng ngồi dậy, dựa lưng vào tường. Tôi đang không mặc gì cả. Da lưng tôi cạ vào vách gai gai. Một giọt nước rơi trúng vào sống mũi lạnh buốt làm tôi giật mình. Mất vài giây tôi mới nghĩ được rằng có lẽ nước từ máy điều hoà nhỏ ra. Tôi hít sâu vào rồi thở ra thật chậm, dè sẻn từng chút không khí trong buồng phổi. Tiếng nước nhỏ từng giọt chậm trong phòng tắm. Từ vòi nước xuống cái xô. Hay từ vòi xịt bên bồn cầu xuống sàn nhà. Ban chiều, tôi đã ngạc nhiên khi thấy cái vòi xịt này, tôi chưa từng thấy nó bao giờ, rồi hiểu ra công dụng của nó khi nhấc lên xịt thử, một vòi nước bắn ra thật mạnh. À, ở đây ngoài giấy vệ sinh thì người ta còn dùng cái vòi nước này để rửa đít, tôi chưa thấy cái hình thái văn minh này ở Mỹ và các nước bên đó. Bạn thấy nó kỳ cục ư? Rồi bạn sẽ quen, tôi tin rằng tôi cũng sẽ làm quen với nó. Một cách thân thiện.

Cha tôi được kể rằng trong một hội nghị về văn hoá ở nước ngoài, một diễn giả Việt kiều tâm tình với cử toạ người ngoại quốc rằng thuở thiếu thời, khi ông ấy còn ở Việt Nam, chưa vượt biên ra khỏi nước, ông thường chùi đít bằng những viên đá ông nhặt được dọc theo đường rầy xe lửa gần nhà, ở một tỉnh miền Trung. Một cách tự nhiên, ông thường có lại cảm giác quen thuộc ở hậu môn, thấy dấy lên nỗi nhớ những viên đá ấm nóng được nung trong nắng trưa thời thơ ấu, nhớ da diết, mỗi khi đứng trước quầy hàng có hàng chục loại giấy vệ sinh mịn xốp và thơm tho. Hàng trăm người im lặng lắng nghe ông nói, rồi tiếng vỗ tay vỡ bùng lên khắp khán phòng khi ông dứt lời. Tôi muốn khóc khi nghe câu chuyện đó.

Trước đó, tôi không ngạc nhiên mấy khi thấy một cái hộp gỗ như cái tủ nhỏ, có mái che, bên trong có bức ảnh một ông râu dài mặt đỏ bên những hàng chữ Hoa, và hiểu ra đó là cái bàn thờ. Cái bàn thờ giống thế này thì tôi đã thấy trong các tiệm người Hoa ở các khu China-town bên Mỹ. Khác biệt là ở bên đó những cây nhang là đồ giả, sáng đỏ, lập loè, được làm bằng bóng điện như những con mắt nhỏ tí, còn ở đây người ta thắp nhang thật, mùi gây gây nồng khó chịu.

Mưa bắt đầu rơi lên kính cửa. Tôi quyết định ra khỏi phòng để tìm người hỏi vì sao cúp điện và khi nào thì có lại. Ít ra tôi cũng nên tìm cho mình một ít ánh sáng.

Đúng lúc đó, tôi thấy “nó”.

Thật ra, tôi không thấy, nhưng tôi cảm nhận được sự hiện diện của “nó”, ngay trong căn phòng này, ngay bên dưới cái giường tôi. Tôi không thấy “nó” bằng mắt, nhưng cảm nhận “nó” bằng tất cả mọi giác quan còn lại. Tôi cảm nhận cái mùi tanh tanh trong không khí; mơ hồ thấy cái vật thể tròn, to như một thân người, không đầu, không chân tay, lăn lướt nhẹ êm, chuyển động thật nhanh từ gầm giường tôi sang gầm giường bên kia, rồi lăn trở ngược lại; cảm nhận được cái chất nhơn nhớt “nó” để lại trên mặt sàn nhà như một vệt lân tinh sáng lên rồi từ từ tắt dần. Tôi cứng người vì sợ. Tôi không có gì để che chắn. Tôi nghe mình thét lên, một tiếng thét câm không thành tiếng:

“Chúa ơi!”

“Nó” bắt đầu đổi hướng, không theo lộ trình từ bên này sang bên kia giữa hai giường nữa. “Nó” như ngập ngừng phân vân, rồi dừng lại ở cuối chân giường tôi, chỉ cách chân tôi chừng một mét. Tôi thét lên, lần này tôi nghe tiếng mình thét, tay chân vùng đạp kinh hoảng.

“Nó” biến mất.

Tôi cảm thấy “nó” vụt biến mất thật nhanh như chưa từng hiện hữu nơi này, như một ngọn đèn tắt phụt. Tôi vơ cái gối, ném vào dưới chân giường, hướng “nó” đã có mặt. Cái gối rơi phịch xuống sàn nhà trống. Tôi mở căng mắt cố nhìn về hướng đó, không dám rời mắt, sau một lúc không thấy gì, rồi nhìn quanh căn phòng. Không có gì bất thường, mọi vật vẫn y nguyên như trước khi tôi chìm vào giấc ngủ mê mệt, ngoài cái gối nằm dười sàn nhà. Tôi ngồi yên, hít một hơi dài để trấn tĩnh.

Tôi xuống giường, mở cửa khi nghe tiếng người bồi phòng gõ khẽ. Ba người khách trọ cùng tầng lầu mở cửa phòng họ, ló đầu nhìn rồi bước hẳn ra hành lang nhờ nhờ sáng. Anh bồi cầm đèn pin, chìa ra mớ nến cho mọi người chia nhau, anh đưa tôi 2 cây nến, cố giải thích và xin lỗi lý do mất điện. Ngay lúc đó đèn bật sáng, có điện lại.

Tôi thấy mình đứng tồng ngồng trước cửa phòng, thân hình trắng bệch hiện ra trên tấm kính lát tường, tay cầm 2 cây nến, trông thật luống cuống ngớ ngẩn. Một cô gái đứng ở cửa phòng số 313 ngó tôi mỉm cười, rồi thật nhanh, nàng nheo mắt, đưa tay lên ra dấu như chĩa súng bắn. Tôi ôm ngực, vờ trúng đạn, loạng choạng ngã bật ra sau, ngã vào trong khung cửa phòng mình, đá cánh cửa đóng sầm lại.

Vài phút sau, bà chủ khách sạn gọi điện thoại hỏi thăm, đề nghị rằng tôi có thể đổi sang phòng khác nếu muốn, mà giá thuê không thay đổi, bà sẽ cho người lên thu dọn giúp. Tôi phân vân vài giây, rồi cám ơn và từ chối.

Tôi lấy trong va-li ra quyển Tân Ước, đặt lên bàn ngủ. Tôi đặt tay lên cuốn sách, thì thầm đọc bài kinh Lạy Cha, đọc đi rồi đọc lại 3 lần. Lạy Cha là bài kinh mà tôi thích nhất trong các bài kinh mà tôi biết. Mỗi khi đọc lên, đọc rất chậm, tôi cảm nhận được ý nghĩa của từng chữ thấm dần vào mạch máu mình, nó giúp tôi hồi sinh, giúp tôi thấy rằng mình nhỏ bé, yếu đuối dường nào nhưng luôn được bảo vệ trong tình yêu của Thượng Đế. Đó là cách tôi gõ cửa Thượng Đế. Mẹ tôi luôn dặn, “Con phải làm như vậy mỗi khi con có nhu cầu tìm đến sự an ủi và che chở của Cha Trên Trời.” Bà ít khi gọi Thượng Đế là God, hay Lord, mà bà trang trọng gọi Người là Our Father in heaven.

Vì sao tôi không muốn đổi phòng?

Tôi tin rằng mình sẽ làm quen và vượt qua được vụ này, sự việc không đến nổi sẽ trở nên quá tệ. Tôi sẽ làm bạn với “nó”. Sẽ từ tốn giải thích cho “nó” hiểu rằng tôi hoàn toàn có thiện chí, không hề có ý muốn xâm phạm vào không gian của “nó” với ý xấu. Và phần nào, tôi thấy việc rút lui khỏi căn phòng này sẽ như là dấu hiệu của sự thua cuộc, sự hèn nhát, của mình. Ngoài ra, đây mới là lý do chính. Tôi muốn gặp lại cô gái ở phòng 313, vì tò mò. Tôi muốn được nàng bắn mình thêm lần nữa. Lần này, tôi nhất định sẽ ngã về phía trước, phía nàng đứng. Nàng không phải là ma. Nàng không phải là người/ma. Tôi thấy nàng khá rõ, nguyên vẹn thân thể con người, từ chân tới đầu. Nàng rõ là người. Và rất quyến rũ.


(Trích đoạn tiểu thuyết NHỮNG GHI CHÉP Ở TẦNG THỨ 14)










DÉP

Tôi xin được chân dạy Anh văn cho một trung tâm sinh ngữ trong thành phố. Mỗi ngày ba lớp, mỗi lớp hai giờ. Tôi không có nhiều nhu cầu nên chỉ với số tiền lương thì cũng tạm đủ sống mà không tiêu lậm vào số tiền mang theo từ Mỹ về. Ngoài hai lớp ban ngày, còn một lớp phải dạy vào buổi tối từ 7 giờ đến 9 giờ. Dạy xong, có khi tôi chạy thẳng về nhà, có khi ghé lại ăn tối hay la cà ở một quán nào đó, thường là ở khu Tây ba-lô, uống chai bia và tán nhảm với bọn khách du lịch bụi đến khuya mới về.

Những đêm mưa, ngà ngà say, dưới vòm cây, cành lá trĩu nước hạ xuống thật thấp, tôi trùm kín áo mưa, người và chiếc xe từ từ lún vào con đường sâu hun hút không đèn. Thỉnh thoảng những chiếc xe tải lớn chạy sát rạt kề bên vượt qua mặt, nước ngập từ dưới mặt đường bắn xối lên nhòa tròng kính, tôi loạng choạng. Khi đó, thời gian chờ cho chiếc xe tải chạy vượt qua hẳn dài vô tận, như cú rơi dài vô tận trong cơn mơ. Cái chết thật gần và dễ dàng quá, tôi lẩm nhẩm trong đầu bài kinh Lạy Cha.

Một đêm nọ, sau khi dạy xong, ghé lại quán quen ăn tối và uống ly rượu, trên đường về nhà, tôi gặp người phụ nữ ấy.

Cây cầu sơn đỏ, cao và dài, bắc qua con rạch lớn, bên dưới dập dềnh bèo rác, nước đêm cường triều dâng cao.

Tôi thấy cô từ xa dưới ánh đèn đường. Có lẽ là một cô gái trẻ. Khác với những cô gái điếm đứng lấp ló dưới tán cây trong vệ đường vẫy tay mời khách, cô ngồi chênh vênh trên thành cầu, mái tóc thả ngang lưng xoay về hướng lòng đường, mặt quay ra khoảng không tối đen dưới cầu. Giờ này đã khuya, đường vắng ngắt, sao có người còn ngồi đây, tôi ngạc nhiên.

Tôi giảm tay ga, khi còn cách cô chừng 50 mét, và cẩn thận chạy xe lấn ra giữa lòng đường. Tôi được dạy rằng vào ban đêm đừng dừng xe lại khi đường vắng dù có thấy điều khác thường, vì có thể trở thành nạn nhân của một màn kịch của bọn cướp. Khi còn cách nhau chừng 20 mét, tôi thấy người phụ nữ quay lại nhìn tôi, rồi đột nhiên cô chống tay chồm dậy rồi đứng thẳng người lên thành cầu, hai tay dang ra chệnh choạng trong tư thế lấy thăng bằng. Có vẻ như cô đang nói to một điều gì đó, với tôi, nhưng gió thổi bạt đi. Cô muốn đi nhờ xe chăng? Không phải, người xin đi nhờ xe sẽ không làm như vậy.

Cô muốn tôi chứng kiến điều sắp làm? Đúng vậy, người phụ nữ này đang muốn tôi chứng kiến điều cô sắp làm.

Tôi thắng xe lại. Chỉ còn cách nhau chừng bảy mét. Tôi chưa kịp hiểu ra.

Điều này không có thật, không thể có thật. Người phụ nữ đứng trên thành cầu kia không thể có thật. Tôi đã say rồi. Trước mắt tôi là một ảo ảnh, phi lý và hoang đường, dứt khoát là vậy.

Tôi nhắm mắt lại, định thần. Tin rằng mình nhầm. Tin rằng đây không phải là sự thật. Tin rằng mình chỉ hoa mắt. Tin rằng khi mở mắt ra thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy, cơn hoa mắt chấm dứt, ảo ảnh trước mắt sẽ biến mất.

Tôi mở mắt ra thật nhanh.

Biến mất!

Sau thành cầu là một khoảng trống, tối đen, gió lùa hun hút. Không còn ai ở đó, không một bóng dáng con người nào trước mắt tôi.

Không còn gì cả ngoài một đôi dép bị để lại ngay dưới vệ đường.

Tôi rùng mình. Một cơn ớn lạnh làm tôi tê liệt. Không thể quyết định nên làm gì, xuống xe hay chạy luôn. Tôi gạt chân chống. Cả hai đầu cầu vẫn chưa có ai chạy lên. Tôi xuống xe, bước lại, nhìn xuống, ánh sáng quá yếu không đủ soi xuống dòng nước sâu bên dưới. Tối đen, tôi không thể thấy gì cả. Tôi gào lớn, “Cô ơiiiiiiiii…! Cô ơiiiiiii….” Tôi nghe tiếng gọi của mình chìm mất vô tăm tích.

Người rơi từ đây xuống thì còn sống không? Cô ấy còn sống không?

Tôi không nghĩ rằng cô có thể còn sống. Từ thành cầu xuống đến mặt nước là một khoảng cách lớn. Tôi nhớ bên dưới có những mố cầu bằng bê-tông và khung thép. Tôi không nghe một tiếng động nào của sự sống từ bên dưới vọng lên ngoài tiếng nước chảy róc rách.

Vẫn chưa có ai lên cầu. Vắng ngắt. Chỉ mình tôi đứng đây. Và đôi dép.

Tôi cúi nhìn. Hai chiếc dép nằm song song bên nhau, mũi hướng ra đường. Có lẽ cô gái đã ngồi nhìn vào lòng đường trước khi đổi thế ngồi nhìn ra khoảng tối. Chúng là loại dép nhựa, loại quai kẹp thông thường, màu xanh dương, có in những ô nhỏ bằng những màu vàng sáng, và còn mới. Nếu không có đôi dép thì hẳn là tôi không tin rằng chuyện này có thật.

Một người vừa tự tử ngay trước mắt tôi. Mà có phải cô ấy tự tử hay không? Hay đây là một tai nạn. Hay đây là một tai nạn? Cô chỉ đứng lên thành cầu vì một lý do gì đó và tôi chính là nguyên nhân làm cho cô hoảng sợ mà té ngã.

Mình phải làm gì đây? Dường như có một thứ linh khí kỳ dị, một thứ hơi lạnh, tỏa ra từ hai chiếc dép làm tôi không dám nhìn lâu. Chúng là di vật. Là dấu vết còn lại của một con người. Cái con người mà cách đây dăm phút còn sống, còn thở, còn vui buồn, còn đau khổ, ở ngay tại đây, ngay trước mắt tôi, rồi biến mất.

Tôi mong sao có một ai đó chạy lên cầu. Tôi sẽ chặn họ lại, thông báo mọi chuyện, và xin một lời khuyên tôi phải làm gì. Rồi tôi hiểu ra rằng mình không cần lời khuyên đó. Cái tôi cần là sự chia sẻ, sự làm chứng, cho lương tâm tôi bớt day dứt vì ý nghĩ mình vừa tham gia vào việc kết thúc sinh mệnh của một con người.

Tôi bần thần lúc lâu. Vẫn chưa có ai chạy lên cầu. Sẽ có người chạy lên cầu vào giờ này hay không? Sao lâu vậy? Tôi ngoái nhìn cả hai chiều. Hai bên, dưới dốc cầu, vẫn hun hút sâu, không một ánh đèn xe.

Cô gái có tự tử hay không? Hay là một tai nạn mà tôi là nguyên nhân? Những câu hỏi bật ra trong đầu tôi. Tôi chỉ dừng xe lại thôi mà. Tôi hoàn toàn không có một chủ ý gì cả. Tại sao tôi không vặn tay ga, tăng tốc, chạy thẳng luôn, mặc mọi chuyện? Tại sao cô không “biến mất” trước một người nào khác thay vì trước tôi? Tôi chỉ nhắm mắt rồi mở mắt thôi mà. Tại sao cô không mang luôn đôi dép theo mà để chúng lại dưới thành cầu làm chi? Nếu không có sự hiện hữu của đôi dép thì dễ dàng cho tôi quá, tôi sẽ tin ngay rằng cô chỉ là một ảo ảnh, là tôi bị chứng ảo giác dưới tác động của men rượu, và tôi sẽ quên mọi chuyện ngay. Như quên một con ma. Như mọi sinh linh trên đất nước này. Mọi sinh linh trên đất nước này đều là những vong linh dật dờ chưa siêu thoát.

Cây cầu vẫn vắng ngắt. Tôi phải chờ bao lâu nữa đây? Liệu sẽ có ai lên cầu hay không? Liệu họ có dừng lại nghe tôi nói hay không? Tôi sẽ nói với họ như thế nào? Họ có tin lời tôi không? Nếu họ nghĩ rằng đây là án mạng, cô gái là một cô điếm, tôi là khách tìm hoa, và vì không thỏa mãn với nhau về giá cả hay thỏa thuận gì đó mà tôi ra tay giết cô ấy rồi đặt chuyện thì sao? Liệu sẽ có ai biết được sự hiện diện của tôi, sự chứng kiến của tôi, trước cái chết của cô không?

Và sau cùng, nếu bây giờ tôi giả vờ như không có điều gì xảy ra cả, và chạy về nhà, và quên đi mọi chuyện thì sao?

Tôi có nên làm như vậy hay không?

Bất giác, tôi cúi xuống lần nữa. Tôi nhặt đôi dép lên. Thật ra, tôi nhón hai quai dép lên bằng đầu ngón tay.

Tôi có cảm giác như đang nhặt lên hai sinh vật chứ không chỉ là hai vật thể bằng nhựa. Chúng trơn, nhơn nhớt. Chúng đang phập phồng thở, thở nhè nhẹ. Chúng là hai sinh vật còn sống, và có linh hồn.

Tôi trở lại xe, bỏ đôi dép vào ba-lô, khoác lên vai, nổ máy, phóng xuống dốc cầu. Tôi cố chạy với một tốc độ bình thường. Con đường vẫn vắng ngắt. Cách cầu một cây số là đồn công an xã còn để sáng đèn. Tôi giảm tốc độ lại khi chạy ngang, nhưng không dừng lại. Tôi chạy thẳng về chung cư.

(Trích đoạn tiểu thuyết NHỮNG GHI CHÉP Ở TẦNG THỨ 14)






CHUYỆN QUANH “CÁI CHỮ”


1. Thờ chữ
Gia đình bên nội tôi ở Huế lâu đời, đến đời ba tôi thì vào Nam. Theo lời ba tôi kể lại thì ông Cố tôi là một nhà Nho nghèo, lỡ vận, còn bà Cố tôi không biết chữ, hay chỉ biết một ít chữ Nôm, nhưng bà là người rất rành rẽ sự đời và quý trọng ‘cái chữ’. Ngày tôi còn bé bà Cố vẫn còn sống, đã trên 90 và mắt thì lòa, nhưng còn rất minh mẫn và sạch sẽ. Năm đó tôi học mẫu giáo, có những buổi lười khóc, không chịu đi học, thì bà dỗ dành, “Đi học cho biết chữ cháu à, chữ quý lắm.” Để minh chứng cho việc ‘chữ quý’ như thế nào, bà kể rằng ngày xưa ở ngoài quê những ngày lễ tết thì luôn có người trong làng đến xin Cố tôi cho chữ mang về nhà treo.

2. Chữ của ngày xưa

Thập niên 60, ba mẹ tôi đi dạy ở Long Khánh. Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ tôi đi dạy về, bà đang có thai, mặc áo dài vàng hoàng yến, khoác áo bầu voan trắng bên ngoài, theo sau là một anh học trò lớp nhất - khoảng 15, 16 tuổi vì đi học trễ - gánh một gánh lặc lè. Một quày chuối, hai trái mít, cả chục trái đu đủ. Anh bỏ các thứ ra, cố gắng mấy cũng không thể để gọn được, chúng cứ lăn lóc ở góc nhà. Anh thưa thật to một hơi rõ dài, giọng miền Trung, không nghỉ lấy hơi, có đệm những tiếng ‘a’ giữa các từ: “Thưa thầy a thưa cô a ba mạ con a sai con a gánh mấy thứ a cây nhà a lá vườn ra a biếu thầy cô a thời lấy thảo a thưa thầy a thưa cô a cho phép con về a kẻo đường xa mà a trời sắp túi rồi…” Vú tôi trao anh ly nước lọc, anh đón lấy tu một hơi, quẹt tay áo lau miệng, vòng tay chào ba mẹ tôi lần nữa rồi quảy gánh không đi về. Dăm bữa nửa tháng, nhà tôi lại được một gánh quà như thế, lúc anh học trò này lúc chị học trò kia mang tặng, có khi là thúng gạo mới, có khi là mấy con cá thu còn tươi, có khi là một thau lươn hay một miếng thịt đùi heo rừng. Giản dị, chân chất nhưng nồng ấm. Những người học trò đó giờ cũng đã gần 60. Qua thời chiến, có người vô khu lên núi, có người đăng lính, tản mát khắp nơi. Sau này ba mẹ tôi có dịp về lại Long Khánh vẫn có người nhận ra chạy tới vòng tay thưa chào. Món quà con của họ tặng thầy cô trong ngày nhà giáo hôm nay chắc không như món quà họ đã gánh đến tặng cha mẹ tôi ngày xưa, những món quà bất ngờ không do một dịp lễ lạc đặc biệt nào cả, là tấm lòng thành đối với người dạy dỗ, người cho mình ‘cái chữ’.

3. Lên chùa học tiếng của mình
Mười năm trước tôi sống ở tiểu bang Washington, vùng Tây Bắc nước Mỹ. Vùng này có khá đông người mình sinh sống; có hẳn một khu phố và chợ của cộng đồng người Việt gần bên China town.

Mỗi tuần, sau năm ngày cày cuốc, vào ngày thứ bảy tôi nhận một chân giáo viên dạy tiếng Việt thiện nguyện ở một ngôi chùa nhỏ. Học sinh của tôi không đồng nhất về tuổi tác; có nhiều em đã lớn, đang học trung học, nhưng lại bắt đầu học chữ Việt, nói thì chưa rành; lại có em còn nhỏ nhưng mới ở Việt Nam qua, nói tiếng Việt lanh như sáo nhưng lại chưa nói được tiếng Anh. Với một hỗn hợp học sinh như vậy thì việc dạy rất là khó, nhưng thật là vui, và cảm động. Các bậc phụ huynh dành thì giờ chở con lên chùa học, họ nói học chữ-của-mình. Thầy trò chúng tôi trao đổi với nhau bằng một thứ sinh ngữ lạ thường, ba rọi nửa Việt nửa Anh, nhưng ưu tiên cho tiếng Việt nhiều hơn, khi nào bí quá thì mới dùng tiếng Anh. Tôi hỏi khó Charles, một cậu học trò 10 tuổi, Này Charles, nói cho thầy biết quê hương là gì, ở đâu? Nó đáp, My quê hương là my country, nó ở Việt Nam. Thằng bé bần thần một thoáng, rồi nói tiếp, với lại, nó cũng ở America nữa.

Vậy đó, quê hương ở đâu vậy? Xin thưa, lúc này quê hương không là một không gian địa lý, nhưng quê hương trong tiếng nói, tiếng nói của con người.

4. Xin chữ cho con

Tôi dạy Anh văn vỡ lòng cho trẻ em nghèo cũng ở một ngôi chùa ở quận 8 Sài Gòn, chùa Liên Hoa. Hôm nọ, đang dạy thì có khách. Một người đàn ông dáng vẻ bặm trợn dắt thằng bé là học sinh của lớp tôi dạy, đứng chờ ở cửa lớp. Thì ra ông bố mang con đến trường xin phép cho nó vào học. Thằng bé trốn học mấy hôm rồi, nay không dám vào lớp một mình nên khẩn khoản cha dắt tới.

Ông bặm trợn rụt rè lễ phép xin tôi, “Thưa anh… dạ, thưa thầy, em xin phép thầy cho thằng Kỉnh dô học lại. Má nó chìu nó quá nên nó hư, em oánh nó thì hổng có nỡ, mà bả la, vợ chồng xào xáo goài. Xin thầy thương. Nhà em ở cuối cái hẻm này. Bữa nào dạy xong em mời thầy tới nhà chơi, lai rai vài chai nha thầy, em mời thiệt tình.”

Tôi đồng ý cho Kỉnh vào học, ông bố chào ra về. Tất nhiên rồi, bữa nào tôi sẽ ghé nhà ông lai rai. Còn bây giờ tôi hỏi thằng Kỉnh, “What is your father?”, nó trả lời theo sách giáo khoa “He is a doctor.”

Mấy đứa nhóc trong lớp la lớn, “Hổng phải đâu thầy, ba của bạn Kỉnh hổng phải là doctor đâu thầy, ổng là dân giang hồ nổi tiếng mà thầy. Giang hồ tiếng Anh là gì vậy thầy.”

Giang hồ tiếng Anh là gì? Vụ đó dễ rồi. Nhưng giang hồ còn là ba thằng Kỉnh. Trời, học trò tôi có tinh thần nhân dân cảnh giác với ‘bọn xấu’ cao quá, thiệt là kẹt và buồn gì đâu!

5. Giá chữ

Báo đăng, có mấy ông bỏ ra 17 ngàn đô-la để mua được tấm bằng PhD. PhD, ba mẫu tự, tính ra là gần 6 ngàn đô cho mỗi mẫu tự. Tính theo tiếng Việt thì giá còn cao hơn, vì hai chữ TS (viết tắt của ‘tiến sĩ’) sẽ thành ra giá mỗi chữ là 8.5 ngàn đô-la.

Có tiền là mua được hết chăng? Kể cả mua chữ.

Tiền trao là chữ múc. Dễ ợt vậy sao?

Không! Chữ chưa bao giờ rẻ. Cái mua được đó không phải là chữ, mà chỉ là tấm bằng, tấm bằng dởm, vậy thôi!



NAM ĐAN











Tác phẩm đã in
  






Đa Giác 
(tập thơ)







Vực Và Gió
(tập thơ in chung)







26 Nhà Thơ Việt Nam Đương Đại
(tập thơ in chung)








Những Con Mắt Cư Xá
(tạp bút)








Cười Cho Hết Hàm Răng
(tạp bút)








Tôi nhìn thế giới
Thận Nhiên


Tôi ở hành tinh Heurtinoladi. Hành tinh này cách địa cầu rất xa, khoảng cách không chỉ tính bằng nhiều ngàn năm ánh sáng, mà thật ra, nó nằm ngoài biên giới trí tưởng tượng của mọi sinh vật. Vì vậy, mọi nỗ lực nối kết giữa hành tinh này và một thực tại nào đó trên địa cầu đều là những nỗ lực đáng tội nghiệp.

Ở Heurtinoladi chúng tôi không có khái niệm về khoảng thời gian tính từ sau thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, khoảng thời gian mà có nơi gọi là tuổi thơ, tuổi ngọc, tuổi ô mai… nhăng nhít gì gì đó. Chúng tôi chỉ có một thời làm nhi đồng, kể từ khi ra đời đến năm bảy tuổi thì chấm dứt, có khi chấm dứt sớm hơn. Sau bảy tuổi là khoảng thời gian không đáng kể, chúng tôi tiến thẳng lên thành sinh viên, công nhân, chiến sĩ, hay lãnh tụ, vân vân… Các loại tình cảm rối rắm như tình mẫu tử hay tình phụ tử hay tình huynh đệ hay tình bằng hữu hay tình đồng chí hay tình yêu trai gái hay tình yêu tổ quốc là những điều chưa hề được đặt ra một cách chính thức trên các văn bản hoặc được áp dụng một cách công khai vào đời sống thật. Nhưng không phải vì thế mà chúng tôi không có các loại tình cảm ấy, chỉ có điều chúng được tính toán kỹ lưỡng khi sử dụng và hoàn toàn không nhòe nhoẹt sướt mướt như ở các nơi có sự sống khác trong vũ trụ. 

Tôi là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, kịch sĩ, đạo diễn… bí danh của tôi là K1HF6Q2T6589I. 


Mẹ tôi chỉ có một con mắt. Tôi ghét bà thậm tệ. 

Gia đình tôi là một thảm họa của sự đổ vỡ, nếu có thể gọi hai con người sống dưới cái mái tôn mục nát ấy, mẹ và tôi, là một gia đình. Tôi không có cha. Tôi không biết cha tôi là ai. Mẹ không bao giờ nhắc gì đến người đàn ông đó, và cũng không hề đoái hoài gì đến bất cứ người đàn ông nào khác. Mà cũng đúng, sau này khi lớn lên có lần tôi nghĩ, một người đàn bà gần bốn mươi tuổi, nghèo kiết xác, không có nhan sắc đã đành lại chột một mắt, và có cả một thằng con gầy gò, èo uột làm của hồi môn, thì có tay đàn ông nào muốn tìm đến để chia sớt hạnh phúc cơ chứ. 

Tôi không biết vì sao mẹ lại mất đi con mắt trái ấy. Nó là một lỗ trống, nhăn nhíu da với con mắt giả là một hòn bi vô hồn. Thỉnh thoảng tôi tình cờ thấy bà len lén lấy nó ra chùi rửa bằng khăn sạch trong một bát nước nhỏ vào ban đêm. Có lẽ bà thấy việc đó là một hành vi kỳ quặc, và bà luôn giấu tôi những việc kỳ quặc đại loại như thế, tôi biết vậy. 

Có lần tình cờ tôi bắt gặp bà ngồi trước máy truyền hình sụt sịt khóc. Bà rên lên khe khẽ “Ôi, sao lại thế! Đừng, đừng nào. Ôi, chết chửa. Khốn nạn thân mày chưa…”, tay thì vừa vuốt ve vừa che chắn một cách tuyệt vọng cho một con nai đang bị đàn sư tử xé xác trên màn hình. Từ khi bắt đầu có trí khôn, tôi chấp nhận những việc ngớ ngẩn ấy như một sự hiển nhiên và kết luận rằng mẹ tôi là một người đàn bà không bình thường. Và hẳn là tôi đúng, vì những kẻ có hai mắt như tôi thì hơn kẻ có một mắt một con mắt minh triết, phải không nào? 

Tôi hỏi vì sao mẹ mất con mắt, có khi bà trả lời là do tai nạn khi đi xe đạp, có khi bà trả lời là do chiến tranh- bao nhiêu năm nay chúng tôi không còn chiến tranh (?, !) - rồi nhất quyết không tiết lộ gì thêm. 

Hai mẹ con tôi đổi chỗ ở không biết bao nhiêu lần, tôi không thể nhớ hết. Khu xóm nghèo ở vùng tỉnh lẻ này có lẽ là lần sau cùng. Tôi mong vậy. Tôi học trường tiểu học ở đây đã hai năm. 

Mẹ có cái sạp nhỏ bán đủ thứ đồ lăng nhăng ở khu chợ trời. Khi thì quần áo cũ, khi thì các thứ đồ gia dụng hư cũ, những thứ sứt tay gãy gọng, từ cái phích nước tróc sơn cho đến cái ghi-đông xe đạp. Thậm chí có khi bà mua đi bán lại cả những thứ đồ đồng nát hay đồ của bọn ăn cắp vặt. Không ít lần bà bị rắc rối với cảnh sát hoặc chủ của các món bị mất cắp. Thời bấy giờ hành tinh còn nghèo nên đó là tình cảnh chung. Ai mà biết được mấy mươi năm sau có ngàyHeurtinoladi trở nên một hành tinh phát triển bề thế như thế này. Mà thôi, tôi sẽ vắn tắt cho đỡ mất thì giờ của bạn đọc. 


Tôi lên bảy, theo học lớp hai ở ngôi trường tiểu học gần nhà. Ngay ngày đầu tiên đi học tôi đã từ chối mẹ dắt đi, tôi tự đi bộ đến trường mỗi sáng, chiều tan trường cũng tự đi bộ về nhà. Trong thâm tâm trẻ dại, tôi mơ hồ thấy mẹ mình quá xấu xí so với những bà mẹ khác. Tôi phát ngượng mỗi khi có ai hỏi về bà, hay bắt gặp tôi đi với bà, một nỗi mặc cảm thật tệ hại. Tôi giấu tất cả bạn bè và thấy điều đó là tự nhiên. Con đi học, mẹ đi mua bán, chuyện ai nấy lo. Mà bà không học hành gì mấy, khả năng chữ nghĩa của bà chỉ đủ để đọc và viết giấy ghi nợ, nên cho dù bà có muốn cũng không thể giúp đỡ gì tôi trong việc học. Bà chỉ nhắc chừng tôi gắng học để lớn lên đỡ khổ, không phải thừa kế nghiệp chạy chợ trời của bà. Việc chạy tiền đóng học phí cho tôi làm bà mệt đuối. 


Buổi sáng hôm đó tôi không mang theo tiền đóng học phí. Không phải do tôi quên, mà là do mẹ không có tiền, bà bảo chưa xoay ra đủ. Tôi đã khất với văn phòng thu phí nhiều lần rồi. Thật ra tôi không biết nói năng gì với viên thư ký thu tiền khi bị kêu lên văn phòng vào mỗi sáng cùng những đứa khác cùng hoàn cảnh. Tôi chỉ đứng ngớ mặt ra, miệng lí nhí không thành tiếng, rồi cả bọn được ông thư ký xua tay đuổi về lớp. Những lần sau cũng diễn ra y như vậy, chỉ có điều càng ngày những đứa chưa đóng tiền càng thưa dần đi, cho đến sáng hôm qua thì chỉ còn lại có ba đứa, tôi và hai thằng khốn khổ khác. Tôi tự nhủ, nếu chiều nay mà mẹ không xoay ra tiền để đóng thì từ ngày mai tôi sẽ bỏ học. 


Mẹ đến. 

Bà đứng ở cửa lớp với người coi cổng trường. Tôi thấy bà ngay. Tôi còn nhận ra bà đang mặc bộ đồ tươm tất nhất, bộ đồ mà tôi chưa từng thấy bà mặc bao giờ. Cái quần tây màu xanh đen và chiếc sơ-mi vải phin trắng ấy còn quá mới, có lẽ bà mới mua của một người kẹt tiền nào đó bán lại, nhưng rủi thay nó không ăn với vóc dáng và các cử chỉ rụt rè quê kệch của bà chút nào. 

Thầy giáo bước ra nói gì đó với bà rồi kêu tôi ra cửa gặp mẹ. Cả lớp cùng rộ lên tiếng cười nói. Tôi không nghe được gì cả. Chỉ duy nhất một ý nghĩ vang vang trong đầu. “Mày có một bà mẹ chột mắt! Cả thế giới đang nhìn mẹ con mày. Thảm hại quá!” 

Mẹ trao tôi một nắm tiền. Tôi vùng vằng không lấy. “Con ơi, mãi đến giờ mẹ mới chạy hàng được. Đủ tiền cho con đóng học kỳ này. Chắc dư được bát miến đấy. Tối mẹ về trễ đừng chờ nhé. Nào, vào học đi. Mẹ về…” Bà nhét nắm tiền vào túi quần sọt của tôi rồi tất tả quay đi. Bà bước thật nhanh. Bọn nhóc trong lớp rú lên, “Bà chột, bà chột…!”, “Mẹ mìn chột mắt!” 

Tôi tê dại điếng người, hết quay nhìn mẹ đang đi khuất dần rồi lại nhìn bọn bạn học trong lớp. Những chiếc khăn đỏ của chúng như lửa táp vào mặt tôi. Không, chúng không phải là bạn. Tôi muốn giết hết bọn chúng. Giết luôn thầy giáo. Giết luôn mẹ. Giết luôn tôi! Tôi căm ghét cái hành tinh ác độc này. Tôi muốn nó nổ tung ra thành vạn mảnh vụn, muốn nó sụp ầm xuống địa ngục, nếu có một địa ngục tệ hại hơn nơi này. Muốn tất cả mọi người đui mù đi. Chúng không chỉ mất một mắt như bà mẹ khốn khổ của tôi, mà mất cả hai mắt. Cả một nhân loại mù lòa dắt díu nhau đi thì tôi mới thỏa lòng căm giận. 

Tôi muốn khóc. Vậy mà tôi không khóc. 

Tôi đi lên văn phòng đặt cả nắm tiền lên bàn ông thư ký. 


Sau hôm ấy, tôi trở thành một trò vui cho bọn học trò mỗi khi chúng không có trò gì để phá phách. Một thằng giả vờ ân cần hỏi, “Mày có hỏi mẹ mày thấy mày đẹp trai không? Tao cam đoan là bà chỉ thấy một nửa của gương mặt mày.” Rồi cả bọn cười ồ lên. 

Đại loại là những trò đểu như vậy. Tôi đánh một thằng, đánh hai thằng. Thậm chí tôi còn mang cả dao vào trường đòi đâm chúng lòi ruột. Nhưng tôi không thể chơi lại cả bọn, và ngày nào cũng đều có trò đểu như thế. Tôi thua. Rốt cục, mỗi khi bị chơi đểu tôi chỉ lẳng lặng bỏ đi hoặc tìm cách chơi lại chúng bằng cách chọc vào những khuyết điểm của chúng. Ai mà không có những điểm nhược chết người? Tôi cũng nanh nọc thua kém gì chúng. 

Nhưng tôi căm ghét mẹ tôi. Vì sao bà lại làm như thế với tôi? Vì sao bà chột mắt? Vì sao lại bày con mắt chột và hình dáng thảm hại đó ra? Tôi ước gì bà biến mất khỏi thế giới này, và ngay chiều đi học về tôi nói ra điều đó. “Tại sao mẹ làm mất con mắt đi? Mẹ làm cho bọn chúng cười con. Chẳng thà không có mẹ còn hơn là có…” Bà không trả lời tôi. Tôi vừa cảm thấy mình thật tệ khi nói ra những lời cay đắng như vậy, nhưng đồng thời cũng tự biện rằng tôi đã nói ra được điều mình nghĩ, điều mình muốn nói. Tôi nói ra sự thật. Không phải là cả thế giới này đòi được nói ra sự thật hay sao? 

Vậy mà bà không la mắng hay trừng phạt tôi. Bà chỉ cau mày nhìn tôi rồi xua tay bảo tôi đi ra. 

Tôi nghĩ rằng mình đúng. Khi người khác không phản ứng lại điều mình buộc tội họ tức là họ có tội, họ chấp nhận điều đó. Mà mình đúng thì họ không tổn thương, hay không có quyền cảm thấy bị tổn thương. Tôi an tâm với kiểu suy luận đơn giản đó. 

Đêm đó, tôi thức giấc đi xuống bếp định lấy ly nước uống. Mẹ tôi đang ngồi khóc ở đó. Khóc thật lặng lẽ. Như thể bà sợ làm tôi thức giấc. Tôi đứng yên nhìn đôi vai bà run run. Tôi không lấy nước. Tôi rón rén quay lại phòng nằm thao thức đến sáng. 

Một điều gì đó làm tôi đau nhói trong tim. Tuy vậy, tôi vẫn ghét bà ghê gớm. Tôi hình dung nước mắt của bà chỉ chảy ra ở một con mắt còn lại. Tôi tự hỏi không biết con mắt kia có chảy ra nước mắt không. Tôi hứa với lòng rằng mình sẽ lớn dậy, sẽ trở nên giỏi giang, sẽ trở nên giàu có, sẽ bỏ đi thật xa. Đúng vậy, bỏ đi thật xa. Vì tôi căm ghét bà mẹ chột mắt và tình cảnh nghèo khó tuyệt vọng của mình. Thật là quái gỡ khi người ta cứ mang vẻ nhọc nhằn thảm hại của bà mẹ để gán cho, để làm thành biểu tượng, của nơi chốn mà mình ra đời và lớn dậy. 

Bà mẹ hành tinh ư? Thật là thảm hại, điên rồ và mê muội! 


Tôi dồn hết sức vào việc học, học để chứng minh sự tồn tại của mình, học để đè đầu tất cả chúng nó, để chứng minh sự đần độn, dốt nát của chúng nó, và để thỏa mãn lòng căm hận đối với đời sống. Tôi học như một con vẹt tham lam và chuyên cần học nói. Tôi học rất giỏi. Hết lớp này đến lớp khác. Hết tiểu học, lên trung học, rồi đại học. Tôi cũng làm đủ thứ việc để kiếm thêm tiền: bán vé số, đánh giày, bưng bê, chỉ trừ ăn cắp vặt và dắt gái là những thứ tôi chưa kịp làm. 

Tình cảnh đời sống của hai mẹ con tôi vẫn không khá hơn, tình cảm giữa hai mẹ con cũng vậy. Lớn lên, tôi nghĩ có lẽ câu chuyện hồi bé ở tiểu học là mình sai, nhưng một nguyên do tối tăm nào đó ngăn tôi nói lời xin lỗi bà hay bày tỏ tình cảm của mình. Tôi lạt lẽo nguội lạnh. Bà chạm vào tôi là chạm vào một bức vách đất, không chút hồi âm. Suốt thời thơ ấu và tuổi trẻ của tôi là một cơn mê dài vô tận. Nhưng, như đã nói, chúng tôi không có khái niệm về tuổi thơ hay thời thơ ấu, đó là khoảng thời gian không đáng kể, không đáng để ghi nhận lại trong đời sống con người, sẽ lặng lẽ biến đi, biến mất tăm, ai cũng tin như vậy. Tôi còn biết những điều tệ hại như thế không chỉ xảy ra với riêng mình mà thôi, và nó chẳng phải là bi kịch bi kiếc gì đối với ai cả. 

Tôi bỏ tỉnh lẻ và mẹ để lên Heurtino học. Tôi được nhận vào trường đại học Heurtino, vừa học vừa làm đủ thứ việc để kiếm sống, với tất cả nghị lực và tâm sức mà tôi có. Tôi không quay về hay liên lạc gì với mẹ. Tôi quyết định, đó là phần đời xa lạ mà tôi không muốn mình có mặt. Chấm hết. Chấm dứt. Đoạn tuyệt. Cắt đứt. Một năm. Hai năm. Ba năm. Năm năm. 

Vĩnh viễn. 

Thỉnh thoảng tôi có nghe loáng thoáng đâu đó tin tức về mẹ. Lòng tôi nhói đau khi nghĩ đến bà. Tôi biết bà vẫn sống, có lẽ là bình an, tôi thật lòng mong như vậy. Sau khi tôi đi, bà có nhận một đứa cháu gái con của một người bà con xa về làm con nuôi. Đời sống dường như bớt phần cơ cực. 


Tôi học xong, có được việc làm tốt. Cuộc đời có vẻ như đang đền bù cho tôi. Tôi lấy vợ, mua nhà, có con, và hạnh phúc. Tôi thích đời sống văn minh và tiện nghi ở Heurtino. 

Ngoài những điều đó ra, chẳng những Heurtino không nhắc nhở gì đến, mà nó còn giúp tôi phần nào quên lãng đi nơi chốn tôi có bà mẹ và đoạn đời khốn khổ nghèo khó kia. Thật ra, tôi không muốn chỉ quên lãng thôi, mà tôi muốn quên hẳn. Thậm chí, tôi nói với vợ mình rằng tôi mồ côi, không còn họ hàng thân thích nào trên cõi đời này, đi không ai biết chết không ai hay, và cô tin như thế. 

Nhưng như thế vẫn chưa đủ, mục tiêu của tôi là sẽ đến một nơi cư ngụ khác, một trong những hành tinh khác. Chỉ tồn tại ở một nơi hoàn toàn cách biệt và xa lạ mới có khả năng giúp tôi xóa hết dấu vết của nhân thân mình, và may ra xóa được cả những nếp hằn mặc cảm nằm sâu kín đâu đó trong tôi. Tôi biết không chỉ riêng mình tôi nghĩ vậy, mà dường như đó là mục tiêu của mọi sinh vật có khả năng suy nghĩ trên hành tinh này. Nếu điều này thành hiện thực thì nó sẽ là một cuộc di dân khổng lồ, một cuộc di dân không phải vì lý do chính trị hay kinh tế, mà là cuộc di dân vì một khát khao nghe ra có vẻ kỳ quặc: chối bỏ lịch sử, gốc tích, nhân thân của cá nhân mình, của cộng đồng mình. Cho dù là bất định nhưng tương lai con người phải ở ngoài kia, ngoài vũ trụ, xán lạn và mịt mờ. Chúng tôi xác tín điều đó. 

Đời sống ngày càng suôn sẻ và cứ thế trôi chảy mãi. Tôi thành công rồi. Tôi có đủ tiền tài và có ngày sẽ có danh vọng. Tôi gần như quên mất gương mặt mẹ mình, thậm chí không nhớ mình từng có một bà mẹ. Cái tôi không xóa được trong một góc nào đó của trí nhớ là một hốc mắt nhíu da và trống không, từ đó không thể nhỏ ra giọt nước mắt nào. 


Một hôm, mẹ đến tìm tôi. Bà đi với cô con nuôi, cô dắt tay bà. Không hiểu làm sao mà cả hai đi được vào đến tận trong phòng khách. 

Tôi nhận ra bà ngay. Tôi còn thấy con mắt còn lại của bà cũng đã lòa. Đứa con gái tôi khóc thét vì sợ khi thấy bà già chột mắt đứng ở ngưỡng cửa, nó bỏ chạy vào phòng trốn. Vợ tôi ở sau bếp. Tôi choáng lạnh rợn người. 

Tôi ném tờ báo xuống bàn. “Bà là ai? Bà cần gì? Sao bà dám đến đây dọa con gái tôi. Đi ngay!” Tôi nói như thể tôi không biết bà là ai, như thể đó là một sự thật. 

Mẹ tôi khựng lại, lắp bắp, “Tôi xin lỗi. Tôi nhầm… Tôi nhầm địa chỉ… cậu ạ.” Bà chấp nhận ngay cái sự thật mà tôi vừa nói ra. 

Mẹ tôi lặng người đứng đó. Nước mắt bà ứa ra thành dòng. Lần này thì tôi thấy rồi. Tôi thấy thật rõ. Tôi thấy nước mắt bà chảy ra từ cả hai con mắt, nếu có thể gọi cái hốc bên trái đó là một con mắt. Đúng vậy, nước mắt trào ra cả bên cái hốc có con mắt giả bên trái. Bên mà tôi nghĩ rằng nó không còn tuyến lệ, hay tuyến lệ đã bị hỏng. 

Đột nhiên, tôi chỉ muốn nói, Không, mẹ không nhầm địa chỉ, mẹ chỉ sanh nhầm ra con thôi. Nhưng tôi kịp nhớ ra rằng mình là một người bình thường. Cổ tôi nghẹn, tôi hành xử trong tình huống này như một người bình thường, tôi ghìm, không nói lời nào. Cô em nuôi kéo mẹ lùi ra. Tôi bước theo. 

Khi cả ba ra đến cổng, mẹ tôi đứng lại, bà lấy tay áo lau nước mắt rồi điềm tĩnh nói, “Con ơi, mẹ sống thế cũng đã đủ rồi. Mẹ biết con không nhầm, con chưa quên mẹ. Mẹ sẽ không lên đây nữa đâu. Con yên tâm. Mẹ cũng không mong rằng có ngày con về thăm mẹ. Dù chỉ một lần. Mẹ nhớ con lắm. Năm nào mẹ cũng lên nhưng không dám vào thăm con, chỉ đứng xa xa mà ngó. Lần này mẹ đánh bạo, lần cuối mà. Mẹ mừng vì thấy con thành đạt và hạnh phúc như thế này. Mẹ biết cháu gái của mẹ kháu lắm tuy rằng mẹ không nhìn nó rõ. Mẹ ân hận cái ngày mẹ đến tìm con ở trường, cái ngày mà con buồn giận vì mẹ chỉ có một con mắt. Vậy mà đã bao nhiêu năm rồi. Mẹ mù lòa may mà có con nhìn thay mẹ cái trần gian này. Con ở lại thương vợ thương con con nhé. Con nhìn thế giới thay cho mẹ. Mẹ về…” 


Tôi ở địa cầu. 

Tôi đang sống trong một đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc. Chính xác là căn biệt thự mặt tiền ở số 163 phố Hàng Voi. Tôi là nhà văn. 

Câu chuyện trên là do một bà cụ ăn xin lòa mắt tôi gặp ở quán cà phê mà tôi hay ngồi kể lại. Theo lời kể, bà lưu lạc từ hành tinh Heurtinoladi đến đây, bị cuốn theo một cuộc di dân ngoài ý nguyện của mình. 

Bà là người ăn xin duy nhất còn sót lại ở thủ đô đã mở rộng ra từ mười năm nay. Ăn xin là một nghề đang bị xã hội chúng tôi xóa đi rất nhanh, chẳng bao lâu nữa nó sẽ mất chỗ trong các cuốn tự điển. Đơn giản là chúng tôi dứt khoát không móc túi lấy bạc lẻ ra thì nghề ăn xin biến mất. Có lẽ những người hành nghề này đã chuyển sang hành tinh nào khác để sống. Chúng tôi rất tỉnh táo. Chúng tôi đã mất thói quen mua trả góp cho linh hồn mình một chỗ ngụ ở bất cứ hành tinh xa xôi nào khác, kể cả những nơi có lúc được gọi là Nước Trời hay Miền Cực Lạc hay Thế Giới Đại Đồng… huống hồ gì là một hành tinh có tênHeurtinoladi xa lạ vớ vẩn nào đó. 

Ban đầu, tôi định cho bà cụ làm nhân vật chính kể lại câu chuyện. Nhưng rồi tôi đổi ý, quyết định cho nhân vật tôi là người con trai của bà, mà không do một duyên cớ nào cả. Giờ này chắc hắn vẫn miệt mài thực hiện khát vọng di dân của mình trong một thứ tâm thức vừa mặc cảm vừa hãnh tiến. Chúc lành cho hắn, và cả nhân loại của hắn. 

Câu chuyện quá nhạt nhẽo, tôi không biết phải viết tiếp đoạn kết như thế nào. Bịa ra cho nó có hậu thì cũng hỏng mà không có hậu cũng chẳng ra làm sao. Chỉ mừng rằng mình không sống ở Heurtinoladi, mà đang sống ở địa cầu, trong một đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc. 

Chính xác là ở căn biệt thự mặt tiền ở số 163 phố Hàng Voi. 

Tôi là nhà văn, nhà báo, nhà thơ, đạo diễn, kịch sĩ và nhiều thứ chức danh khác. Bí danh của tôi là… mà thôi, bạn không cần biết điều ấy đâu. 

© 2008 talawas 



Thận Nhiên tên thật là Tôn Thất Thiện Nhân, sinh năm 1962, tại Long Khánh, Đồng Nai. Nguyên quán Huế. Sang Mỹ năm 1990, ở nhiều nơi, làm nhiều nghề. Từ năm 2003 phần lớn thời gian ở Sài Gòn, kiếm sống bằng việc dịch sách, viết báo. Thường ký bút hiệu: Thận Nhiên, Nam Đan. Cộng tác với các tạp chí và diễn đàn: Hợp Lưu, Việt, Văn, Văn Học, Chủ Đề, Tạp Chí Thơ, talawas, Tiền Vệ, Da Màu, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, Radio VACR, Saigon Citylife, Thể Thao & Văn Hóa…

Tác phẩm: Đã xuất bản: Đa giác (tập thơ), Vực & Gió (tập thơ in chung), 26 Nhà thơ Việt Nam đương đại (tập thơ in chung), Những con mắt cư xá (tạp bút), Cười cho hết hàm răng (tạp bút). Tác phẩm dịch: David Bergen, Ở lưng chừng thời gian (The time in between); Michel Foucault, Triết học nhập môn; John Kotter và Holger Rathgeber, Tảng băng tan (Our Iceberg Is Melting); Bradley S. O’Leary và Edward Lee, Jade (Jade).











THÁO ĐẦU ĐẶT LÊN TỦ*



* trích từ tập truyện ngắn “Tháo Đầu Đặt Lên Tủ”
 nxb Con Rùa, 2011. 





(minh hoạ của HN-T)


Tôi tháo đầu của mình ra khỏi cổ rồi đặt nó lên cái tủ nhỏ ở đầu giường.

Những kẻ vĩ đại thường làm như vậy khi trong đầu của họ chẳng còn gì để tiếp tục suy nghĩ. Tôi để nó đó, cho nó suy nghĩ hoặc không suy nghĩ tuỳ thích, rồi nằm xuống giường.

Khi đầu không còn nữa thì những cái gối trở nên vô dụng. Tuy nhiên, hình như là do tiện tay, tôi vớ một cái gối ôm rồi ôm vào lòng.

Khi đầu rời khỏi cổ thì nó thường nghĩ đến những điều bất tử. Một bài thơ bất tử hay một thế giới bất tử hay một tình yêu bất tử, nhưng nó không còn điều khiển được thân thể. Ví dụ, dù muốn lắm nhưng nó không bảo được cái tay nhấc lên gãi vào bên mông trái vừa bị muỗi chích. Ở sự bất khiển dụng đó, tôi tấy lên một vết đỏ, ngứa ngáy.

Bây giờ, đầu tôi ngự trên mặt tủ ngó xuống thân thể tôi nằm trên giường.

Thân thể trần truồng không có đầu, của một gã đàn ông 47 tuổi, hai tay ôm một cái gối ôm, thì nhìn thật buồn cười. Mọi thứ đều có vẻ không cân đối, và kỳ cục; bất xứng với hình hài mà Thượng Đế tạo ra từ hình ảnh của ngài.

Nó có vẻ cô độc. Và buồn.

Thứ nỗi buồn tiết ra từ những lỗ chân lông, trong suốt, sền sệt, như một loại chất dẻo không mùi, và dính dáp.

Khi đầu rời khỏi cổ thì nhu cầu về dưỡng khí và sự tuần hoàn của máu không còn thúc bách. Những thứ nhu cầu khác, tính từ cổ trở xuống, cũng vậy.

Căn hộ tôi ở bị nghiêng, nhưng không phải chỉ riêng một mình nó, mà tổng thể cả cái chung cư nghiêng, nên nó phải nghiêng theo. Khu chung cư này xây cách đây 22 năm, nghiêng đến nỗi nếu để cái quạt lên mặt bàn, chăm chú quan sát một lát, thì sẽ thấy nó chầm chậm trượt đi. Căn hộ nghiêng làm phòng ngủ nghiêng, làm cái giường nghiêng, tất nhiên ảnh hưởng tới thế nằm của thân thể.

Khi thân thể nghiêng thì nó trượt dần, dù thật chậm, rồi một lúc nào đó nó sẽ rơi khỏi giường, khi chạm đất, nó sẽ tạo ra một chấn động nhỏ, làm cái tủ khẽ rung lên một chút, một chút thôi.

Cái tủ nghiêng, khiến tất cả những ý nghĩ trong cái đầu đặt trên tủ cũng nghiêng, dốc về một phía, theo một mức độ nào đó.

Cái đầu tôi trượt dần về phía những ý nghĩ nghiêng, về phía mép tủ, những ý nghĩ trong nó bắt đầu tê dại vì bất lực.

...

Nó rơi.


Sg, 15/9/2009












Dịch Phẩm






Ở Lưng Chừng Thời Gian 
(The Time In Between. David Bergen)






Triết Học Nhập Môn 
(Michel Foucault)






Tảng Băng Tan 
(Our Iceberg Is Melting. J,Kotter & Rathgeber)











Thận Nhiên: Trả lời phỏng vấn
Hội luận Văn học Việt Nam




11- Anh/chị muốn hay không muốn nêu danh tính?
+ Tôi là Thận Nhiên.

12- Anh/chị tiếp cận ít hay nhiều với văn chương ở trong nước (đọc các tạp chí văn học, đọc trên mạng, quen biết giao lưu với những người cầm bút, v.v…)?
+ Khá nhiều.

13- Anh/chị có tác phẩm in ấn hoặc đóng góp với các tạp chí, báo mạng ở trong nước không?
+ Có.

14- Anh/chị có tiếp cận với những tác phẩm của những nhà văn trong nước in hoặc phát hành ở hải ngoại không? Trong trường hợp có, anh chị đánh giá những đóng góp đó thế nào?
+ Có. Tôi cho rằng đây là những nỗ lực đáng trân trọng. Nhiều phần những người viết này là các tác giả không nằm trong dòng văn học chính thống được sự ủng hộ của các diễn đàn báo chí và hội đoàn trong nước. Ngoài ra còn hai yếu tố dễ nhận thấy là nhiều phần họ thuộc lớp trẻ và sống ở miền Nam, cụ thể nhiều phần là ở Sài Gòn, và một số cây bút ở miền Bắc có ra sống hay du học ở nước ngoài trở về. Hiện nay nhiều người cho rằng đây là dòng văn học ngoài luồng, hay còn gọi là dòng văn học vỉa hè. Họ có những điểm khác biệt so với số người cầm bút còn lại trong nước như sau:

a/ Ý thức cấp tiến; dung nạp và sử dụng những kỹ thuật, ý niệm, trào lưu mới của thế giới.

b/ Nhiều phần tác phẩm của họ xuất hiện trên mạng.

c/ Ý thức về tự do. Không chấp nhận sự chỉ đạo, định hướng của bất cứ một tổ chức nào. Không có mưu cầu kiếm sống, kiếm danh qua sự thỏa hiệp với các cơ quan, diễn đàn nào.

d/ Ý thức và tham gia vào các sự kiện xã hội, chính trị. Không theo đuôi, không thờ ơ với thực trạng đời sống đang diễn ra chung quanh mình. Ví dụ rõ nhất là phản ứng của những cây bút này trong vụ hai quần đảo Trường Sa-Hoàng Sa mới đây bị Trung Quốc chiếm. Có thể theo dõi sự tham gia của họ ở các diễn đàn như Tiền Vệ, Da Màu, Talawas và trên các blog cá nhân. Thái độ này trái ngược với thái độ câm lặng, tê liệt, chờ gió của cả ngàn cây bút trong các Hội Nhà Văn, Hội Nhà Báo, Hội Văn Nghệ từ trung ương đến địa phương đã chọn.

15- Văn chương ở hải ngoại đã đóng góp gì, hoặc có thể đóng góp gì, vào văn hóa Việt Nam nói chung?

+ Đương nhiên là có, nhiều nữa là khác. Vấn đề này xin để những người có nghiên cứu nghiêm túc trình bày thì xác đáng hơn là tôi - một người chuyên về sáng tác. Nhưng sự đóng góp chỉ có ý nghĩa tích cực khi nó được đón nhận và đối xử công bằng, và điều này chưa được thực hiện một cách đúng nghĩa ở mặt bằng văn hóa-văn nghệ ở Việt Nam hiện nay.

16- Vì dễ tiếp cận với trào lưu thế giới, những người cầm bút ở hải ngoại có thể đóng góp thế nào (viết, dịch…) về mặt lý thuyết và lý luận văn học với trong nước?

+ Như câu trả lời trên.

17- Những cơ quan chính thức trong nước như Hội Nhà Văn ở trung ương, các thành phố và địa phương có vai trò gì trong vấn đề hội nhập trong-ngoài không? Và nếu có, họ phải làm gì để thúc đẩy?

+ Có chứ. Vai trò đúng đắn và tích cực nhất của các hội này, ví dụ Hội Nhà Văn chẳng hạn, là hãy giải thể/giải tán nó đi, và thay vào đó là một hình thức hội đoàn mang ý nghĩa hòa hợp-hội nhập như: Liên hội nhà văn Việt Nam trong nước và hải ngoại chẳng hạn. (Hội này nên được chủ trì bởi các vị nhà văn nhà thơ giàu tâm huyết như quý vị khởi xướng cuộc Hội Luận này.) Hoặc ít ra là họ - các hội đoàn - nên thay ý thức cơ hội và nô bộc cho chính trị, bằng ý thức xiển dương sự tự do trong văn nghệ.

18- Những nhà xuất bản trong nước có vai trò gì trong vấn đề hội nhập trong-ngoài không? Và nếu có, họ phải làm gì để thúc đẩy những việc in ấn, phát hành, v.v…?

+ Có chứ. Vai trò của nhà xuất bản là xuất bản các sách có giá trị. Vai trò của họ trong vấn đề hội nhập trong-ngoài là in ấn và phát hành các tác phẩm có giá trị của những người viết ở hải ngoại. Những tác phẩm này phải được xem xét qua góc độ văn học, học thuật chứ không phải qua góc độ chính kiến. Hiện nay các nhà xuất bản trong nước vẫn in lai rai sách của các tác giả hải ngoại, nhưng chỉ là những cuốn có nội dung an toàn, vô thưởng vô phạt, kiểu xa quê hương nhớ mẹ hiền, hoặc với bối cảnh của tác phẩm nằm ở những thời đại xa xưa chứ không là bối cảnh của xã hội Việt Nam hiện nay…

Hiện nay nhiều phần các nhà xuất bản chỉ chạy theo lợi nhuận, phục vụ cho các mục đích thương mại, chính trị, và giải trí. Tiêu chí đầu tiên là phải mang lại lợi nhuận và an toàn. Vì sự an toàn họ không dám mạo hiểm với các tác phẩm gai góc hay khác biệt về chính kiến, nhất là tác phẩm của các người viết hải ngoại – những người có nhân thân và chính kiến nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Độ mở rộng nhất của các nhà xuất bản hiện nay là dục tính trong văn chương, và chỉ đến đó là hết mức.

Họ - các nhà xuất bản - nên có phương thức nào đó để vượt qua sự sợ hãi và thành kiến để chấp nhận các tác phẩm đến từ bên ngoài, và nhất là sự khéo léo để thoát khỏi sự kiểm duyệt của các cơ quan văn hóa.

19- Những nhà văn ở hải ngoại ứng xử thế nào để thích ứng với khâu kiểm duyệt và in ấn trong nước?

+ Vấn đề ứng xử thế nào cho thích ứng này tùy thuộc vào suy nghĩ riêng của mỗi người. Hẳn nhiên khi muốn in ấn, xuất bản tác phẩm của mình theo đường chính thống trong nước thì người viết hải ngoại phải chấp nhận một mức độ thỏa hiệp nào đó đối với việc tác phẩm của mình bị/được kiểm duyệt, trước hết bởi chính mình, và sau đó bởi các cơ quan quản lý về văn hóa. Tuy nhiên, ngày nay không chỉ có một hình thức xuất bản duy nhất là qua các nhà xuất bản chính thống và phải chịu sự kiểm duyệt. Người viết còn có thể chọn cách phổ biến tác phẩm của mình trên mạng. Ngoài ra còn có các nhà xuất bản do chính người viết tự lập và in ấn qua hình thức photocopy trong nước. Với kỹ thuật làm sách hiện nay, các bản photocopy này cũng có hình thức rất đẹp, lại khá rẻ, nhanh chóng…

Vấn đề còn lại là họ cần xác định đối tượng người đọc của mình là ai để chọn phương cách tối ưu cần có để thực hiện và phổ biến. Việc có sách của mình nằm trên kệ của nhà sách không còn là nhu cầu hay là phương cách duy nhất để xác định sự có mặt và vị thế của nhà văn.

20- Anh/chị chắc chắn có những suy tư về vấn đề hội nhập nói trên: xin anh/chị trình bày những suy tư đó, và những biện pháp để trong-ngoài có điều kiện gầy dựng một nền văn hóa Việt Nam, không phân biệt văn chương ở hải ngoại hay văn chương trong nước.

+ Tôi hiện sống ở Sài Gòn, đã hơn năm năm nay. Vì thế, với riêng mình, gọi là nhà văn hải ngoại cũng đúng mà là nhà văn trong nước cũng không phải là sai, có lẽ tôi thuộc loài lưỡng cư chăng ☺.

Tôi thấy vấn đề hội nhập trong ngoài không phải là vấn đề cấp thiết, và chừng như là một vấn đề không có vấn đề, một chuyện cũ và dài và dai, mãi từ thời tạp chí Hợp Lưu đã khởi xướng và giải quyết phần nào trong thế kỷ trước. Sự cần thiết của nó chỉ nằm trong giai đoạn đó, khi mà các suy nghĩ, các thành kiến, các chính sách… còn ngăn sông cấm chợ, và nhất là khi người ta chưa có phương tiện kỹ thuật để tìm đến với nhau một cách nhanh chóng và hiệu quả; việc đi về, gặp gỡ còn trắc trở khó khăn.

Hôm nay, tôi nghĩ, hội nhập hay không hội nhập thì chẳng ảnh hưởng gì mấy đến việc viết lách của mình, đến giá trị tác phẩm của mình, thậm chí đến những cái ngỡ là lớn lao hơn nhưnền văn hóa Việt Nam, trong thời đại mà internet có thể lấp đầy và xóa nhòa những khoảng cách không gian.

Thật ra, vấn đề hội nhập của Việt Nam với thế giới thì quan trọng và thực tế hơn là vấn đề hội nhập hay giao lưu giữa giới cầm bút trong nước và ngoài nước.

Còn về ý thức chính trị thì thế hệ của tôi, và thế hệ trẻ hơn, hầu như không muốn mang vác những gánh nặng, ân oán mà các thế hệ đi trước để lại. Nhưng, tôi ý thức rất rõ về thực trạng xã hội và thực trạng văn hóa hiện thời của người Việt hôm nay, trong cũng như ngoài nước, và muốn tác động tích cực lên nó bằng chính khả năng của mình. Thật là buồn cười khi người trong nước cũng hô hào hòa giải, hòa hợp, hội nhập; người ngoài nước cũng hô hào những nội dung y chang như thế, mà sao hai bên đều thấy việc này có vẻ như chưa từng xảy ra?

Thật ra, khoảng cách nếu có thì nó là khoảng cách về chính kiến chứ không phải khoảng cách về không gian trong nước và hải ngoại. Muốn giải quyết nó thì phải làm việc với cáinguồn tạo ra khoảng cách về chính kiến đó. Cái khoảng cách ấy, nằm trong đầu mỗi con người, thì tự chính bản thân hắn phải đối mặt để giải quyết, và chiến đấu nếu thấy cần thiết. Vũ khí ư? Nó chính là con chuột và bàn phím máy vi tính.

Tôi đọc được một đoạn ý kiến ngắn thú vị của tác giả Trần Trọng Hoàng Bách trên Talawas như sau:

“Giữa người văn nghệ với người văn nghệ, ai phục tài ai, ai cảm mến đức độ nhân cách ai, ai khoái tính khí ai, ai chia sẻ số phận ai, ai cùng "kênh" với ai, hoặc ai không có việc gì hay ho hơn là la cà đàn đúm với bất kì ai cũng không có việc gì hay ho hơn để làm như mình… thì chẳng cần chính sách, chủ trương, chẳng cần kêu gọi hô hào bỏ qua vượt qua cái gì cả, vẫn tự có các mối giao lưu. Còn ai chỉ sẵn sàng “giao lưu” khi đã được chính sách, chủ trương bật đèn xanh từ "Trên" thì đó chẳng qua là một sự vui vẻ cho có lệ, cho có phong trào mà thôi. Giao lưu kiểu ấy, tiếng ta gọi là tiếng chào đầu lưỡi. Giá trị như thế nào thì ai cũng hiểu.”

Tôi hiện sống ở Sài gòn và cảm thấy rất thoải mái với các bạn văn nghệ ở Việt Nam lẫn hải ngoại, gần như không có rào cản về không gian nào giữa tôi với họ. Thích ai thì nhậu nhẹt vui chơi với nhau, không thích thì thôi, không cần phải gặp nữa nếu thấy chán, phiền. Chơi (giao lưu), hoặc không chơi, với người nào là hoàn toàn vì thiện cảm riêng đối với người ấy, chứ không vì họ là người trong nước hay ngoài nước, miền Bắc hay miền Nam. Nếu việc hòa hợp có vấn đề thì nó là vấn đề giữa những cá nhân với nhau hơn là giữa cộng đồng này với cộng đồng khác. Ngoài ra, nếu có vấn đề, thì đó là vấn đề có từ chính sách về văn hóa-văn nghệ của nhà nước hơn là từ giữa các cá nhân hay giữa các nhóm văn nghệ với nhau.

Tôi nghĩ ngày nay sự cách biệt về giao lưu là một vấn đề/vấn nạn ảo, không có thật, hoặc bị cường điệu hóa. Nếu có thì nằm ở cách nghĩ của từng cá nhân và chỉ từng cá nhân ý thức và giải quyết nó theo phương cách của mình. Biện pháp tốt nhất cho mọi vấn đề của một nghệ sĩ là hãy sống đàng hoàng trung thực và làm việc có hiệu quả trong lãnh vực của mình.

Hiện nay các website văn chương nghệ thuật như Tiền Vệ, Da Màu, Talawas… đã góp phần rất lớn trong việc tạo sân chơi và cơ hội cho mọi người viết trong nước-hải ngoại tham gia và tìm đọc lẫn nhau, nhận diện nhau rõ hơn. Đây là một việc làm tích cực và hiệu quả nhất. Trong nước cũng có một số website văn nghệ nhưng không được người viết hải ngoại thú vị tìm đọc và tham gia, nguyên nhân có lẽ là do chúng chưa đủ thoáng, chưa đủ tinh thần tự do cần thiết chăng?



Thận Nhiên

















Tham khảo thêm về tác giả Thận Nhiên:







Thận Nhiên & Hoàng Khởi Phong









Hoàng Hưng & Thận Nhiên










Thận Nhiên & Dương Nghiễm Mậu 
Ảnh: Phan Nguyên









Dương Nghiễm Mậu, Quế Sơn, Phan Nguyên, Thận Nhiên









Thận Nhiên & Phan Nguyên 
và tranh Bửu Chỉ




















Trở về 


MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.