Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Cổ Ngư Nguyễn Linh Quang

 



Cổ Ngư
(1963 - .........)  Sài Gòn
Tên thật: Nguyễn Linh Quang
Nhà Văn, Nhà Thơ, Nhạc sĩ












Bàn tay này: tình duyên, gia đạo ...
Bàn tay kia: cào ngướu lòng, đời !







Cổ Ngư sinh năm 1963 và lớn lên tại Sài Gòn. 
Sau khi 'bị' học cầm bút và cầm đũa anh học mandoline và guitare, mê vẽ từ bé và bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 26 tuổi.
Hiện sống cùng vợ, hai con và làm việc trong ngành điện toán tại Paris (Pháp). 
Đã có nhiều truyện ngắn, thơ, tùy bút, biên khảo đăng trên các tạp chí văn học, nhật báo, báo liên mạng người Việt hải ngoại và Việt Nam.
Các nhạc phẩm đã được trình bầy trong các chương trình giới thiệu ca khúc mới và đã thu âm qua nhiều tiếng hát trong làng nhạc hiện nay.







Tất cả những gì tôi làm, đều có một đối tượng đầu tiên: cái Tôi đáng yêu, cái Tôi đáng ghét!
CN

"Nhìn chung quanh, tôi nghiệm ra một điều, khi đã gắn bó với việc sáng tác, hình như chẳng ai có một 'trái tim bình yên' cả, có khi dưới cái bề mặt tưởng như phẳng lặng kia, lại dội đập những con sóng dữ ..."

(CN trả lời phỏng vấn VNNP)














Bài viết mới nhất






Lẫn


Lúng túng mãi không xong ! Ông không còn tự mặc áo len được nữa. Tôi giúp ông xỏ tay áo, cài lại nút, sau khi phát hiện ông mặc ngược quần, fermeture phía sau lưng.

Khoác tay ông rời phòng. Cuối hành lang, một bà đầm lẩy bẩy được hai cô y tá xốc nách dìu đi. Ông thì thầm : 
- Thấy không ? Một bầy tiên đang múa kia kìa !
Tôi gật đầu, không đáp trả.
Gần cửa thang máy, thoáng một bóng áo trắng. Ông đảo mắt :
- Coi chừng, quản giáo ! Có đứa hiền, còn thằng này ác lắm, thích đánh tù, mắng tù !

Trời nắng đẹp. Đầu tháng ba, đã gần 20°C. Cuối đông mà như đã đầu xuân. Mở gói thuốc. Ông một điếu. Tôi một điếu. Ông thong thả rít, chỉ xuống chân, khoe :
- Đôi giày vải này của thằng Đoàn Chuẩn tặng đấy. Nhiều đứa xin, nhưng nó không cho !
Ngồi xuống băng ghế. Ông kể về một cô Ng. đẹp người, con nhà giàu, nắm một địa vị quan trọng trong xã hội. Bạn bè gán ghép, bảo cô Ng. mê ông lắm. Ông cười cười, mắt mơ màng :
- Cái lũ vớ vẩn ! Đã lấy vợ, có con, đây không ngó ngang ngó dọc nữa ! Trong óc, trong tim, chỉ còn một người thôi !

Ấm áp. Vài cánh bướm cam ngủ suốt đông trong góc kín vội bung ra bãi cỏ mượt xanh đã lốm đốm cúc trắng. Lượn một vòng rồi đậu lên tường cao, phía nắng quét, cánh xoè phơi. Một chiếc xe hơi chầm chậm lướt qua, ba người ngồi trong. Ông kéo tay áo, nói nhỏ, giọng hậm hực :
- Thủ trưởng, thủ phó bệnh viện đấy ! Chắc tham nhũng dữ lắm nên chưa chi đã sắm xe hơi, lại có tài xế riêng. Chúng nó tiêu tiền như rác, lại cứ lên mặt đạo đức cách mạng. Nguỵ với chả cán bộ ! 

Ông xin điếu thuốc thứ hai : 
- Thèm quá, có gia đình vào thăm, mới được hút. Y tá cấm hút thuốc trong phòng.
Tôi hỏi :
- Mấy ngày vừa rồi, có ai vào thăm không ?
- À, có vợ chồng thằng V., rồi S. đem hộp chocolat đến biếu, cả cô M. nữa. Thằng T. chắc bận học hành, thi cử nên chưa thấy vào.
Ông nhớ chi tiết những lần thăm viếng của người nhà, nhưng lại quên việc T., con trai út của ông đã đi làm, lấy vợ, có con từ lâu.

Đưa ông lên phòng, bóc chiếc bánh. Ông ăn, khen :
- Đúng là bánh cốm Hải Dương. Ngon quá !
Rồi thở dài :
- Được về nhà, chắc sẽ làm một chuyến. Hoặc Sài Gòn-Hà Nội để thăm cảnh, thăm người. Hoặc sang Virginia đến nhà Th., N. gặp anh chị C. Sau đó, chắc đường ai nấy đi. Từng này tuổi rồi !

Nắm tay ông, tôi dặn :
- Đây là bệnh viện. Chữa hết bệnh sẽ về nhà. Không phải trại cải tạo đâu. Đừng tìm cách trốn trại nhé. Bác sĩ không thích đâu ! Mai T. sẽ vào thăm. 
- Ừ, thay phiên nhau như thế, ai cũng yên tâm. Tốt !
Ông ôm tôi, hôn chào từ giã. Những chân râu vừa nhú đâm vào má, nhoi nhói.

Trên đường về, cái cảm giác nhoi nhói ấy dần len sâu trong lòng.

Ông ấy : bố của tôi.

Champcueil-Thiais

03.2015







Tác phẩm đã xuất bản




Đêm Nghi Ngại
tập truyện ngắn, nxb Hội Nhà Văn (2005)




đọc Cổ Ngư qua Đêm Nghi Ngại,
tập truyện, nxb Hội Nhà Văn, VN, 2005


 

Ngoài Quê Hương


Tôi đã đọc truyện ngắn của Cổ Ngư trên đôi tạp chí hải ngoại, không thể nói là nhiều, cái thú bắt gặp một tâm cảm trùng hợp thì đã có - như cùng người bạn nhìn lên vòm trời hiu hắt mùa thu và bỗng thấy nhớ về một không gian nào đó còn đầy vun trong trí nhớ. Nhưng đến khi được cuốn Đêm Nghi Ngại, đọc suốt 19 ‘‘truyện’’ của Cổ Ngư, lại nhận rõ thêm : không gian ấy rộng và thân quen hơn nữa đồng thời cũng cô đơn đến độ nào, cho những người sống ngoài quê hương, nhạy cảm.
Để chữ truyện trong ngoặc kép vì trong Đêm Nghi Ngại một số sáng tác khá gần với tùy bút hay ký, hai thể loại dễ khiến cảm xúc của nhân vật thấm sâu vào người đọc. Trong một tập gồm nhiều truyện ngắn đến thế, thường đọc giả ít tìm ra đường chỉ nối giữa những câu chuyện có nội dung khác biệt, thế nhưng cuốn Đêm Nghi Ngại vẫn để lộ một mẫu số chung : mảng màu nổi bật trên nền truyện Cổ Ngư là từ những vệt cọ vẽ lên tâm tình di dân. Và điều đặc biệt hơn nữa là những tâm tình ấy không mấy liên quan đến hoàn cảnh, mưu cầu, điều kiện sinh sống như đã tràn trải dưới nhiều ngòi bút Việt Nam khi họ viết về những người lìa xứ đến nay. Nói chung, di dân trong Đêm Nghi Ngại ít gặp (hay cả là không) hoàn cảnh khó khăn, họ hội nhập vào đời sống sở tại : công việc, ngôn ngữ, sinh hoạt, giao tế...tất cả đều có thể xem là bình thường, có những thành công hơn cả mức bình thường. Rồi tình yêu, rồi hôn nhân với người ‘‘cùng quốc tịch không cùng giòng giống’’ ở quê hương thứ hai ấy phần đông cũng đến rất tự nhiên, đằm thắm, không vướng mắc, có cả hạnh phúc rạng ngời : ‘‘Hoa đèn lấp lánh. Rượu champagne với gà tây quay sau lễ Nửa đêm. Con Josiane và thằng Denis tranh nhau mở quà. Mắt ông, mắt Sylvie gặp nhau, say sóng sánh. (...) Ông Hạnh ao ước có Sylvie ngồi bên cạnh mình lúc này để thầm thì tình tự...’’[1].
- Vậy điều gì rút ra hay để lại từ các câu chuyện ngoài quê hương trong tác phẩm Cổ Ngư ?
-  Tôi tìm thấy trên những dòng văn ấy nỗi hoài nhớ, sự chênh vênh cùng niềm cô đơn dài dặc.  

Truyện Cổ Ngư dù có dẫn ta lạc vào khu phố hỗn độn phía sau ngôi thành cổ một xứ Bắc Phi lạ hoắc, quẩn quanh thế nào cuối cùng cũng đẩy ta trở về với ước mơ một chuyến bay đáp xuống Sài-Gòn quen thuộc, một Sài-Gòn bốc mùi bùn sình đọng trong con lạch giữa thành phố (Tản Mạn Một Chuyến Đi). Truyện có mở ra trong một quán đêm rượu tràn nghiêng ngửa với ‘‘những cao bồi già vừa ngã ngựa và những đoá phù dung về chiều chờ rã cánh’’ thì sau đó lại trải dài trên con đường thời thơ thiếu của một quê nhà xa biệt, có lá me rơi trên áo dài và lót thảm chân guốc mộc (Truyện Của Hắn). Nhưng tưởng nhớ ấy không chỉ là một cái hoài mông lung bồi hồi lãng mạn, trong văn Cổ Ngư nó nghẹn thở, nín hơi, đâm nhói vào màng óc : ‘‘Tôi một mình vùng vẫy, chống chọi. Không có ai để chia để xẻ nỗi nhớ dùm tôi, không có ai để tôi xả đi, để tôi vứt bớt cho nhẹ gánh quá khứ. Michel ngồi kế bên, tỉnh queo. Làm sao nó hiểu nổi vẻ mặt đờ đẫn đần độn của tôi lúc này. Nó vẫn giữ nguyên cái háo hức của kẻ phiêu lưu tìm vùng đất lạ. Như tôi đã từng có, những giờ phút đầu, khi chưa bị nỗi nhớ hành hạ đến phát điên, phát sốt lên’’[2]. Cái cô đơn ấy được tác giả mô tả chi li, hình tượng cùng cảm giác xoáy sát không ngờ : ‘‘Và thống khoái hả dạ trong cái đau như thời bé tí cầm cây kim gút nhấp nhấp rồi đâm lút vào chiếc mụn bọc mưng mủ. Chất lỏng phọt ra. Nhói. Sợ. Nhưng cái tưng tưng của da bị căng, cái nhưng nhức của thịt bị nén cũng mất. Sướng. Thoả mãn. Nhẹ nhõm. Tôi chợt nhận ra nỗi nhớ cũng như chiếc mụn độc, cần được giữ cho chín, rồi phải đem khơi, đem cạy, nặn cho vỡ toé ra, để lũ chân rễ ngòng ngoèo của nó không còn kịp đâm sâu vào những giấc mơ...’’2.

Mà nào tác giả chỉ nói đến nỗi hoài nhớ se sắt trong lòng di dân Việt, còn có cái đau đáu ‘‘lâu lắm rồi’’ của một ông già Ả Rập nương thân trên đất Pháp :
‘‘- Cậu đi chơi Maroc thật à ?
- Vâng, cuối tháng này.
Ông Aziz ngập ngừng nhìn tôi đang lựa mấy trái cà chua trong cửa tiệm chạp phô nhỏ xíu của ông.
- Tôi...tôi muốn nhờ cậu một chuyện. À, mà cậu định đi thăm những đâu ?
- Tôi cũng chưa biết nữa. Tính tôi thích lang thang...nhưng có lẽ tôi sẽ chọn miền nam Maroc.
- Vậy thì tuyệt quá ! Nếu có ghé thành phố Ouarzazate, cậu chụp hộ tôi một tấm ảnh nhé ?
- Ouarzazate nằm ở đâu vậy ông Aziz ?
- Cậu không biết Ouarzazate à, nó là cửa ngõ chính để vào sa mạc. Ngày xưa tôi ở đó. Lâu lắm rồi...’’2.

Vì đâu con người ngóng vọng về quá khứ, về một chốn kia đã không còn là cuộc đời thiết thực hiện tại ? nếu chẳng do một phần từ nỗi cô đơn; và cũng vì cảm thấy một mình trên con đường dài xa lạ, xa lạ và gay gắt nắng nên người ta mới ngoái tìm một bóng cả thân cây quen thuộc thời nào. Hoài vọng với cô đơn thường là cặp bài trùng. Cái vọng tưởng khiến cho cuộc hành trình trên con lộ mới càng nặng nề khó bước, dù đã là chọn lựa dấn thân vẫn có gì vô định, hụt hẫng, đơn độc. Hẳn nhiên, đã bao năm xuôi cuộc đổi đời, trong văn chương Việt nỗi cô đơn ấy không chỉ xuất hiện dưới ngòi bút Cổ Ngư. Nhưng ở những trang viết này, nó không đi qua một cảnh đời, một câu chuyện rồi dứt. Cô đơn sôi sục dưới sóng biển, vật vờ giữa thành phố, toả loang trên đồi núi. Nó thư thả gậm nhấm linh hồn một thiếu phụ đương xuân ở truyện ngắn Xanh Mơ: ‘‘Tôi ngã vật xuống giường. Cứ để nguyên áo váy mũ giầy. Cứ để nguyên tóc cuộn rối trong khăn quàng cổ, tóc đổ ra che khuất cả mặt mày, che tối tăm mờ mịt năm tháng (...) Mùa xuân vẫn về, bình thường hay bất thường, với người hay với tôi ? Nhắm mắt lại, muốn quên hết, muốn xoá nhoà, muốn quét dọn, để làm lại từ đầu’’, rồi đốt lụi tâm hồn một ông lão 70 đã thu ẩn đời sống về một triền núi quạnh hiu, hạnh phúc rực rỡ vụt bay đi mất hút nhường chỗ cho ánh đêm lấp loà ngày tháng trong Đồng Vọng : ‘‘Ông Hạnh cứ ngồi như thế, nhìn phần sáng từ từ lấn dần phần tối của từng vật thể cho đến khi bóng đêm chiến bại, trốn sâu trong những kẹt tủ gầm bàn, ông mới kéo chăn rời giường, và nhận ra tiếng chó tru rờn rợn trong đầu cũng vừa dứt.’’  Trong truyện Bướm Đêm, Cổ Ngư đã tài tình biến cô đơn vừa thành kẻ đồng hành vừa là con mắt người ngoại cuộc ngó xuống bước chân rời mòn mỏi: ‘‘Paris nhìn Tuyên đi qua bằng những con mắt khép hờ. Một dáng còm cõi, xiêu xiêu. Lầm lũi trở về như con dơi mù bay theo đường siêu âm. Lầm lũi leo lên sáu tầng lầu. Lầm lũi vào nhà, không gây tiếng động để khỏi làm thức giấc con, chỉ đủ cho vợ hé mắt nhìn...’’. Lời văn ở đây gợi vọng tiếng chân Bruce Springsteen trên con đường đêm Philadelphia3:
‘‘Tôi bước trên đại lộ cho đến khi chân nặng như đá
tôi nghe giọng những người bạn tắt dần rồi mất đi
ban đêm tôi có thể nghe máu mình trong mạch
đen và thì thào như mưa…’’

Và để hoàn tất tâm trạng di dân, tác giả không quên cái phần thứ ba là nỗi lao đao giữa hai miền đất. Trong tập truyện ấy, người đọc sẽ gặp một người đàn ông Pháp thế hệ ‘‘chân đen’’4, sinh sống ở Algérie với cả thời thơ ấu hồn nhiên trong vườn ô liu xanh ngát tình bạn của mấy đứa trẻ hàng xóm Ả-Rập, với tuổi đôi mươi mê đắm hạnh phúc vợ con nơi thủ đô phồn hoa, vậy mà sao ông ta không thoát khỏi những trăn trở trong sự lựa chọn giữa hai quê hương, hai dân tộc ? Để lúc lên tàu vượt biển Địa Trung Hải về giải phóng đất tổ Pháp quốc khỏi bàn tay quân Đức, vẫn xao lòng khi nhận ra‘‘Đất nước bên kia biển đóng xầm cửa lại sau lưng. Đất nước bên này biển dằn lòng mở ra nẻo sống, dửng dưng lạnh nhạt’’5. Và có đó, một người đàn ông Việt nhìn xe cộ rào rạt vô tình bên bờ sông Seine nhưng hồn xoay trở, ray rứt về một tình bạn thuở đôi mươi mà bây giờ, mấy mươi năm sau, nó bị căng thẳng chỉ chực đứt lìa giữa hai đầu sợi dây ý thức, hai vị trí đối lập : bên đây tên tù binh sĩ quan biệt phái chế độ cũ, phiá kia kẻ chiến thắng giảng viên tuyên huấn. Nhân vật đã đặt câu hỏi : nếu bất ngờ nhìn thấy bạn trong đám du khách dạo chơi nơi bờ sông thơ mộng này, nơi mà tác giả gọi một cách bùi ngùi là  ‘‘chỗ-tôi-ngồi-mà-không-phải-của-tôi’’, thì hai ông già mặt đã nhăn nheo sau bao năm tháng sẽ làm gì cho phải phép ? Để rồi tự trả lời bằng ước mơ giản dị, đáng thương : ‘‘Chỉ một điều mà tôi hằng mong mỏi, là đừng thấy cảnh con cái tôi hằn thù chém giết con cái Tạo, dù đối với nhau, chúng là người dưng, không ràng buộc tình nghĩa’’6.     

Nội dung xúc tích khí hậu chuyển đổi, 19 truyện trong một tập là nhiều, dù đa số tương đối ngắn, có truyện chỉ hơn ba trang, nhưng không gian mời mở mà tôi cảm nhận thường xuyên hơn cả vẫn là khung trời cảnh vật Paris. Tác giả cư ngụ ở đó nên Paris phà không khí thở, rải ánh sáng ngày và đèn đêm trên nhiều màn kịch đời dựng lên trong tác phẩm. Con người sáng chiều hồng hộc đuổi bắt xe điện giờ đi làm giờ tan sở, métro ồn ả ngoằn ngoèo, đầy dẫy người ăn xin và thất nghiệp, métro dưới hầm che dấu những vết thương loang lở giùm cho cả thủ đô mệnh danh ánh sáng trên mặt đất. Nhưng đừng quên, với tác giả  ‘‘métro trác táng khi đêm về và văn hoá giữa ban ngày ban mặt ’’7. Hầm métro có những dàn nhạc di động: ghi-ta, phong cầm Tây Âu Đông Âu đua chen với những điệu kèn Nam Mỹ và giọng a capella của cô gái du mục xứ Ru-ma-ni. Người ta nhìn tháp Eiffel cao vút rực đèn huyền hoặc trong đêm và người ta cũng thấy cả những con đường chật chội lát đá trẹo gót giầy, xỉn ám bụi thời gian. Paris trong truyện Cổ Ngư đầy hỗn tạp và mâu thuẫn, để thương yêu, chê trách và hoà đồng…cho dù thế nào đi nữa.
    Những cảm nhận về đời sống, về con người dồn nén rồi vỡ ra trên từng trang viết mà hầu hết xuyên qua những câu chuyện tình. Vâng, tình yêu tràn ngập trong Đêm Nghi Ngại. Mong manh hồn nhiên, thể xác dục tình, đằm thắm đam mê, lững lờ nghi kỵ…đầy đủ tất cả bản chất mạnh mẽ nhất trong tặng vật lạ lùng và quý giá này của tạo hoá dành cho con người. Cổ Ngư đã tận dụng con chữ, văn phong uyển chuyển, linh động. Không phải do viết về cô đơn hay hoài niệm mà văn ấy lúc nào cũng buồn hay man mác. Có vòng métro-boulot- dodo rất sôi nổi tếu vui ý nhị. Có cuộc hội ngộ trong quán cà phê khu phố Latin của đôi tình nhân cũ, dí dỏm lẫy hờn như vẫn thuở hai mươi. Có những câu chuyện thực như đời sống đang xảy ra trước mắt, nhưng có cả cái viết huyền ảo trong truyện cuối cùng mà tác giả đã dùng làm tựa sách. Truyện ngắn Đêm Nghi Ngại, một truyện viết chặt chẽ, mang khí hậu lạ, một cô gái Tây Ban Nha đứng đường chờ khách, một chàng thanh niên gốc Bắc Phi, cộng thêm đôi linh hồn vật vưỡng của thời thế chiến. Trong đêm đông Paris trăng chết, những con người này đã ‘‘gặp nhau’’ hay không gặp nhau (biết đâu là như thế) ? Và có nên chăng đặt thêm câu hỏi : ta đang ở đâu, thời điểm nào, đấy có phải là thời của chúng ta ? Hay chỉ cần biết ta đang rơi giữa đêm, cùng bóng tối phủ đầy nghi ngại.


Mai Ninh

(cuối tháng 11, 2005)               



[1] truyện Đồng Vọng
[2] truyện Tản Mạn Một Chuyến Đi
3 Streets of Philadelphia, lời và nhạc của Bruce Springsteen, giải Oscar 1993 về nhạc trong phim Philadelphia.
4 Tác giả Cổ Ngư chú thích : người Pháp gốc Âu, sinh sống tại các nước Bắc Phi (nhất là nước Algérie) từ nửa sau thế kỷ 19 cho đến khi các nước này tuyên bố độc lập, trong thập niên 60 của thế kỷ 20.
5 truyện Chuyện Kể Của Một Người Pháp Bình Thường.
6 truyện Bên Sông Nước Cuốn.
7 truyện Luẩn Quẩn Métro-Boulot-Dodo.





Đêm Nghi Ngại







Tập truyện và ký in chung với Mạch Nha & Mai Ninh
nxb Văn Mới, Hoa kỳ (2008)




Bọt biển


Trích từ tập truyện và ký của

Mai Ninh - Cổ Ngư - Mạch Nha

nxb. Văn Mới, Hoa Kỳ, 2008



Thằng bé rối rít gọi:

- Bố ơi, bố! Nhìn này!

Một chiếc tàu tuần duyên lừ đừ trôi dọc kè đá, ngọn cờ cắm đầu mũi phần phật trong gió chiều.

Vẫy vẫy bàn tay mũm mĩm, thằng bé kêu vói:

- Tàu ơi, đi nhé!

Nó chào con tàu như người trên bờ tạm biệt người trên boong trong những chuyến hải hành. Con tàu đáp lời bằng một hồi còi rúc. Thằng bé tiếp tục vẫy tay, nhưng mắt đã bắt đầu dõi theo đường liệng của lũ hải âu đang chao chác đuổi nhau. Mây nặng, mọng, đè khuất đường chân trời…

Như một sự tình cờ, tôi cúi xuống, với tay nhặt vội chiếc vỏ ốc biển. Chiếc vỏ ốc nhỏ bé thật bình thường, không màu mè, không cổ quái, cũng không phải là chiếc vỏ ốc huyền thoại có những vòng xoắn ngược chiều kim đồng hồ của Jules Verne, nhưng có điều, chiếc vỏ ốc bình thường này khác hẳn với những chiếc vỏ ốc bình thường khác mà tôi đã lượm lặt được trên bãi biển Vũng Tàu, Long Hải thuở ấu thơ…

Những cơn gió mùa thu đã quét sạch đám người của ngày hè náo nhiệt. Bãi biển đã trở lại cái nhịp điệu thường nhật của nó, cái nhịp điệu mà một triệu năm trước và một triệu năm sau của tuổi biển, có lẽ vẫn thế, vẫn là những đợt sóng bốc đồng, vươn thẳng, đập mạnh, nát vỡ tung toé trên triền đá lầm lì, vẫn là làn nước mặn đến tình tự vuốt ve bờ cát mịn, là tiếng gầm gào của gió dữ giữa trời không... Tôi chẳng biết loài cá Địa Trung Hải có hiểu ngôn ngữ của đồng loại chúng sống ở Đông Hải hay không, nhưng tôi chắc chắn một điều rằng, giữa cơn thịnh nộ của thủy thần Poseidon ngự trị Đại Tây Dương hay trước cột nước vòi rồng của Long Vương chốn Thái Bình Dương, con người đều có cái khiếp hãi rừng rú run rẩy từ vạn kiếp còn lưu truyền trong cơn cuồng bạo của thiên nhiên. Khi ấy, anh, tôi, hắn, chúng ta hẳn đều cảm thấy thật yếu đuối, thật vi ti tựa một hạt cát vô danh lăn lóc ven bờ biển thẳm, và những hạt cát, dù vĩ mô hay vi mô, giữa chúng, sự khác biệt có là bao nhiêu?

Ấy vậy mà chiếc vỏ ốc tròn trịa tôi đang mân mê trong tay lại chứa cả một đại dương tư tưởng. Tôi ham hố khám phá, tôi ngụp lặn giữa những đợt sóng triết lý và lũ bãi ghềnh chữ nghĩa, tôi tham muốn, quăng từng mẻ lưới to gom về đầy tràn học thuyết. Nhưng dầu sao, tôi cũng vẫn mang danh là kẻ đi ăn mày chữ nghĩa, ăn mày ở cái nghĩa hẹp là ngửa tay chờ đợi, hay ở một cái nghĩa khác, lớn rộng hơn, là giành giật, là tranh đấu, đua chen... Thành phố tôi sống đang kỷ niệm bảy trăm năm ngày thành lập trường đại học. Tôi, một thằng vô danh tiểu tốt, vinh dự được đứng ở cái cột mốc kỳ lạ ấy để nhìn về quá khứ. Những chàng tuổi trẻ, những gã nông nổi, cuồng si, những người một thời đã khoác áo sinh viên của bảy trăm, năm trăm, một trăm năm trước, nay ở đâu? Họ đã để lại những dấu vết gì trên con đường ngắn ngủi của một kiếp người? Linh hồn của họ đã tan biến vào chốn hư vô hay vội trở về nhập thân trong hậu kiếp? Phải chăng có luân hồi? Phải chăng có thiên đường, địa ngục? Giáo lý nào chẳng hướng con người về chân-thiện-mỹ, sao thế giới vẫn còn đầy dẫy những oán thù, tranh chấp, những tên bạo chúa và những kiếp lưu vong? Thượng Đế cao dày phải chăng đã quên phân phát sự bình đẳng cho định mệnh của mỗi con người, dù ngay từ lúc sơ sinh khóc buồn chào ánh sáng?

Giá gì chiếc vỏ ốc trên tay là một viên ngọc ước, tôi sẽ xin thực hiện ngay một giấc mơ nho nhỏ. Tôi muốn chọn một góc nào đó trong tôi để tôn thờ biển, để mơ thấy biển bắt nguồn từ tôi, vì tôi thừa biết mình có cội gốc sơ khai từ biển. Biển của cha Lạc nhớ mẹ Âu, biển của Thủy Tinh dâng nước gây tương tàn huynh đệ, biển của Mị Châu hiến dòng máu nồng nàn nuôi bầy trai ngọc, biển của năm mươi dòng con Việt ngày ngày chống chọi cùng bão táp mưa sa, thuồng luồng, cá dữ, búi tóc, xâm mình, dữ dội mà hiền khô, tặng cho bao đời cá tươi muối trắng. Nhưng biển của tôi bây giờ vật vờ xác chết thuyền nhân, mắt mở to đòi giải oan, chuộc tội. Đó có ai khác hơn là bạn bè anh em, người thân kẻ thuộc của mỗi chúng ta, phải đâu người dưng nước lã? Biển của tôi bây giờ là biển máu, là biển chết, là hải ngục giam hãm bao oan hồn uổng tử... Còn biển ở đây giàu sang, xa hoa quá! Tôi ngại ngùng trước biển, như lạ như quen. Khi tôi đứng xoay lưng ra biển, trước mắt tôi sừng sững bao cao ốc tân kỳ, bao sắc màu lộng lẫy, tôi lạc lõng, bơ vơ trong một rừng kiến trúc đường nét huyền ảo, nhưng, khi tôi quay lại đối mặt với biển, khi tôi hít căng ngực mùi gió muối, tôi bỗng quên hẳn nỗi âu lo vớ vẩn, tôi như bất chợt gặp lại một người quen, hay ít ra là một cảm giác thân thuộc, cái cảm giác của chú bé con kinh ngạc trước sự bao la vĩ đại của trùng dương xanh ngắt...

- Bố ơi, con muốn tìm sao biển.

Thằng bé loay hoay với mấy mảnh sò vỡ lẩn giữa đám rong. Cuối cùng, nó cũng tìm được một vỏ ốc tròn, xam xám.

- Sao biển ở tuốt ngoài xa, nó không có bò lên bãi cát đâu con!

- Nhưng có nhiều khi sóng đánh sao biển vào bờ, thằng bé lý sự, như hôm nọ con thấy con sứa..., hồi nãy có con cá nhỏ với cái càng cua mắc kẹt trong hốc đá nữa đó bố!

- Ừ, nhưng nếu sao biển bị sóng đánh dạt lên bờ, hải âu đã ăn nó mất tiêu rồi!

- Sao hải âu dữ vậy bố? Mình đuổi đánh hải âu đi!

- Hải âu bay lên cao, làm sao con đuổi được?

- Thì mẹ đứng lên vai bố, rồi con đứng lên vai mẹ, mình cao cao, bắt được hải âu!

- Không được đâu con, hải âu có cánh, bay cao lắm. Khi sợ, nó bay tít lên mây...

Trời đang thu. Lần thứ hai, một mùa thu thật sự lại về quanh tôi, thu của lá vàng, của gió buốt mưa tuôn, thu cúc, thu sương, thu hương, thu nguyệt. Tôi không biết mùa thu chốn này có khác những ngày thu lãng đãng trời Hà Nội mà bố mẹ tôi vẫn thường kể lại, hay những hồn thu đã từng rào rạt trên nhạc, trong thơ, nhưng sao tôi vẫn yêu những mùa thu-không-thật-là-thu của Sài Gòn, những mùa thu của mưa, mưa rào và mưa bóng mây, mưa đổ từ trời và mưa tràn hè phố. Khi ấy, tôi nhớ mình đã nghĩ nhiều về bè bạn, những đứa bạn ấu thời mơ thành người lớn, những đứa bạn chuyền tay hút chung một điếu thuốc đen không đầu lọc và uống cạn giọt cà-phê cuối cùng trong đáy tách, tán gẫu chuyện yêu đương. Những đứa bạn đôi khi trốn sâu trong vỏ ốc chật chội của mình để gậm nhấm niềm tuyệt vọng khi nhìn về tương lai xa xôi, mù mịt. Những đứa bạn của tôi nay lang bạt kỳ hồ bốn phương tám hướng, đôi khi ngẫu nhiên gặp mặt, chỉ đủ thời gian để nguệch ngoạc lại một góc trời Sài Gòn nắng mưa nhòa nhạt, rồi lại vội chia tay, vì đều vốn lỡ mang trong người dòng máu bọn thủy thủ nổi trôi, lênh đênh bốn biển…

Và em, em ở đâu giữa hơn năm tỷ thân thể loài người lúc nhúc trên bề mặt chật hẹp của địa cầu nhỏ bé này? Tôi biết em đang hiện hữu, có thể ngay trước mặt mà tôi không nhìn thấy, có thể ở sau lưng mà tôi lười ngoái cổ, cũng có thể đã đắm ngập trong từng hơi thở mà tôi chưa kịp lớn khôn để khám phá. Tôi hướng về em như đoá dã quỳ nghênh đón ánh chiêu dương, tôi yêu em như yêu khói mặt trời mỗi buổi sớm mai lạnh lẽo, dù chưa biết đến khi nào mới phóng được phi thuyền-tôi vào tâm điểm bỏng cháy của Thái Dương hệ-em mênh mông, có thể sẽ nát tan tro bụi, có khi lại rực rỡ thăng hoa. Tôi cứ đợi mãi ngày em đến, chờ tim mình sẽ rung những nhịp địa chấn khi tay em như một cánh lá ngô đồng mùa thu rơi khẽ vào lòng bàn tay tôi, khi môi em nở ra triệu triệu đóa hồng du tôi vào hoan mộng. Tôi van em, nàng nhân ngư vui đùa một mình giữa vùng biển vắng, xin đừng vô tình làm con thuyền mong manh mơ ước của tôi đắm đá, nghe em...

Tôi ném mạnh vỏ ốc ra xa. Của biển xin gửi lại biển. Nhưng giờ đây, giữa lòng bàn tay tôi, vẫn còn và mãi mãi sẽ còn xao động những tiếng muôn đời của đại dương bát ngát…

Anh gấp lại tập giấy cũ. Mười mấy năm đã trôi qua. Biển của mùa thu năm ấy và biển của mùa thu năm nay có chút gì thay đổi? Và anh? Anh ngồi đây nghe gió về lồng lộng, cửa hồn liên hồi khép mở, đập dội, rào rạt vọng động. Có chứ. Tóc đã bạc đi nhiều, mắt đã bớt tinh anh, trí nhớ ngày một cùn nhụt. Sức lực đổ vào công việc, công việc trả cho anh tiền của, căn nhà, chiếc xe, tiện nghi hàng ngày. Anh tiêu hao đời mình để sống bình thường như tỉ tỉ người khác, từ thế hệ này tiếp sang thế hệ nọ, mài mòn, mài mòn đến cùng kiệt để cuối cùng, rã vào đất. Giữa khoảng thời gian gần hai mươi năm ấy, anh đã đánh cắp được của biển một nàng nhân ngư có thân hình và giọng hát tuyệt vời, đã lấy trộm được của trời một tiên đồng thông minh sáng láng. Anh hài lòng với những điều có được ngày hôm nay cho đến khi, lúc nãy, đọc xong tập giấy mỏng, rúng động vì chợt nhận ra mình đã quên, đã tự mình đánh mất mình đi quá nhiều, đã bình thường hoá, tầm thường hoá mình đến không ngờ! Cuộc đời cứ xuôi dòng và anh ngày càng trôi nghiêng, lệch xa dần hướng ban đầu muốn định vị. Còn biển, biển trung thành với con trăng, với thủy triều xuống lên đều đặn, với cuồng nộ và bình yên. Có thật vậy không? Biển vài mươi năm nữa tan hết băng sơn, phồng cong, nuốt trộng này bờ cát này hàng dương này thành phố đền đài dinh thự. Chỗ anh ngồi giờ đây, khi ấy nằm sâu đáy nước. Và thằng bé đang lon ton trên cát kia, nó sẽ làm gì, ở đâu, cái ngày đại dương và biển cả nối liền tay nhau lấp tràn mặt đất?

Anh không muốn nghĩ, không dám nghĩ đến điều ấy. Vì có nghĩ đến, sau đó sẽ làm được những gì? Hay lại khoanh tay đứng nhìn rồi lắc đầu thở dài nén lòng chui vào vỏ ốc của mình, lẩm bẩm tự an ủi: mặc cho con tạo xoay vần… Biển sẽ lặng thầm xoá dần từng dấu tích, nuốt hết vào lòng mọi tàn dư rác rưởi của loài người. Tập giấy mỏng này, có là gì so với nhiều triệu năm tuổi biển? Nó đè nặng trong tim anh, nhưng chỉ cần một nhoáng sóng nhồi, sẽ chẳng còn sót lấy một dòng chữ. Thằng bé đang vô tư đùa nghịch với lũ chim biển kia, là cả cuộc đời của anh, nhưng có nghĩa lý gì giữa một trận tsunamie hung bạo, vùi dập không thương tiếc ngàn vạn sinh linh? Một nỗi sợ vô cớ dấy nhanh trong lòng, anh gào vang trong gió:

- Về, con ơi, bác Mai với mẹ chờ mình ngoài quán cà-phê kìa!

Anh bình tĩnh lại ngay khi thằng bé quay nhìn, nhoẻn cười, hét lớn:

- Bố đợi con một chút, con chào biển đã!

Nó nấn ná thêm năm ba phút, mớ tóc tơ bay xòa trong gió, tay đút trong túi, mũi giày hất hất chút cát ẩm. Có phải thằng bé đang thầm thì:

- Biển ơi, về nhé!


Cổ Ngư

Montpellier 11.1989 – Anguerny 11.2006













ảnh: CN






Truyện ngắn tiêu biểu:




Hà Nội, mùa nước cạn




Tứ bình



Sáng thế ký



Đi




Chờ



Vực mắt



Nhạt nắng



Diệp



Phố tàu, chiều sử gợi



Bay



Sài Gòn, đêm hỏa hoạn



Nằm



Hạnh phúc




Chuyện kể của một người Pháp bình thường




Chuyện của hắn




Phiên bản




Sóng ngọn




Chùm truyện cực ngắn




Mờ mờ nhân ảnh




Ký ức








ảnh: CN








ảnh: CN









Truyện Dịch



Bão thép










Thơ



Mùa Thu và giấc mơ trắng
do chính tác giả trình bầy





Bài thơ mới cho ngày đầu năm mới



Lưỡi




Dị mộng




Đầu Đông




Ngày bình thường




Thơ - Cổ Ngư







Ngày Bình Thường
tác giả trình bầy










                                      





Phỏng Vấn



Nhà Văn Cổ Ngư




Nhà Văn Cổ Ngư



1. 

VNNP: Mến chào anh Cổ Ngư (CN). Nhân dịp xuân về, xin mến chúc anh và gia đình một năm mới an khang như ý. Được biết anh hiện sống và làm việc trong ngành điện toán tại Paris và vùng phụ cận. Ngoài ra anh còn viết văn, làm thơ và soạn nhạc. Xin anh cho biết cái nào đến trước với anh, âm nhạc, cây viết hay chiếc máy điện toán ?
CN: Trước tiên, tôi xin cảm ơn VNNP đã cho tôi cơ hội được trò chuyện với độc giả. Nhân dịp đầu năm, xin kính chúc ban biên tập VNNP và quý độc giả một năm Nhâm Ngọ nhiều dịch chuyển, thay đổi trong chiều hướng thuận lợi, cùng bình an và may mắn. Bây giờ, tôi xin trả lời vào câu hỏi Sau khi " bị " học cầm bút và cầm đuã, tôi đã mê dùng bút chì và cọ để vẽ từ bé (mãi đến năm học tú tài vẫn còn ôm mộng trở thành kiến trúc sư). Về sau, thời trung học, tập mandoline, rồi guitare, thử sáng tác nhạc, làm thơ đến khi sang Pháp, năm hai mươi sáu tuổi, tôi mới bắt đầu viết truyện ngắn đầu tiên, vài năm sau nưã mới bắt đầu kiếm sống bằng nghề điện toán. 

2
VNNP: Xin anh giới thiệu thêm về mình với độc giả VNNP, những sở thích của anh khi rảnh rỗi, Choisy-le-Roi và những bài thơ, những truyện ngắn chẳng hạn.

CN: Hiện giờ, rảnh rỗi một chút là tôi... ngủ, bù cho những đêm thức nghe con " hát opéra " vì đang tuổi mọc răng ! Lúc trước, có được chút thì giờ, tôi đi bơi, hoặc xách máy ảnh lang thang trong Paris, vừa săn hình vưà tìm ý, vưà giúp đầu óc thư giãn. Nếu trời xấu, tôi soạn tem, đọc sách hoặc nghe nhạc. Khi nào cả hai cùng rảnh, vợ chồng rủ nhau đi xem phim hay vào viện bảo tàng ngắm
tranh, ngắm tượng. Chúng tôi, cùng một số bạn bè, còn hoạt động trong Thư viện Diên Hồng, phụ trách việc cho độc giả mượn sách báo vào cuối tuần, thỉnh thoảng cũng có tổ chức những chương trình gặp gỡ tác giả - độc giả, giới thiệu ca khúc mới, sinh hoạt thiếu nhị Hiện TVDH đang chuẩn bị chương trình giới thiệu 2 CD " Minh Hoạ Kiều" với phần dẫn giải cuả bác Phạm Duy vào đầu tháng 04 sắp tới tại Paris... Mạch Nha & tôi hiện đang ở Choisy-le-Roi, ngoại ô phiá đông nam cuả Paris, cách quận 13 (chinatown) cuả Paris chừng 20 phút xe hơi và cách trung tâm Paris chừng nưả giờ lái xẹ Chúng tôi ở bên bờ sông Seine, tận lầu bảy, nên nhìn cảnh thì thích, nhưng gặp muà bão, nghe gió rít cũng khiếp lắm ! 

3.
VNNP: Độc giả VNNP không lạ gì với những bài thơ trữ tình của Cổ Ngự Thơ của anh bình thản hơn là khắc khoải trong tình yêu, đó có phải vì thơ xuất phát từ một trái tim bình yên, yêu cuộc sống không thưa anh ?

CN: Đã có nhiều người nói với tôi điều nàỵ Đúng là tôi ít làm thơ " thất tình ", nhưng hình như lại dồn những "nỗi đau riêng / chung" vào các truyện ngắn. Nhìn chung quanh, tôi nghiệm ra một điều, khi đã gắn bó với việc sáng tác, hình như chẳng ai có một " trái tim bình yên " cả, có khi dưới cái bề mặt tưởng như phẳng lặng kia, lại dội đập những con sóng dữ... 

4. 
VNNP: Hình như anh thích làm thơ tự do hơn là thơ có vần điệu, tại sao ?

CN: Thật ra, những bài thơ lục bát, năm chữ, bảy chữ, tám chữ chắc cũng chiếm tỷ lệ chừng 1/3 tổng số những bài thơ tôi đã làm từ trước đến naỵ Khi những vần thơ đến trong đầu, tôi không tự bó buộc mình phải theo một thể thơ nào cả. Lục bát, cứ để lục bát, tự do, cứ gieo vần tự do. Sau khi " bản nháp " cuả bài thơ thành hình, tôi mới để ý đến phần kỹ thuật, tìm những vần, chữ, hình ảnh "đắc" nhất với ý đang có để thay thế, thêm, bớt... Ngoài ra, ngược với điều vưà nêu, tôi cũng đã thử nghiệm "vẽ thơ", hoặc làm thơ "bát lục" với sự đảo lộn các vần bằng trắc trong câu. Những thử nghiệm này hoàn toàn mang tính kỹ thuật. 

5. 
VNNP: Các truyện ngắn của anh xuất hiện rất thường xuyên trên các tạp chí như Văn, Chủ Đề. Có thể nói anh là một trong những nhà văn trẻ sáng tác rất mạnh đứng cạnh các tay viết gạo cội khác. Truyện "Tứ Bình" (VNNP 119)của anh được xây dựng độc đáo, nội dung mới mẻ. Anh tìm những ý tưởng mới lạ này từ đâu ra, nghĩa là anh có chịu ảnh hưởng một luồng tư tưởng văn học mới từ đâu không ?



Cổ Ngư, Mạch Nha, bé Nguyên Xuân, Trương Gia Vy và Nguyễn Xuân Hoàng 


CN: Văn Học là tạp chí văn chương đầu tiên đăng các truyện ngắn cuả Cổ Ngự Được sự khuyến khích cuả nhà văn Nguyễn Mộng Giác, tôi viết đều tay hơn, và đã có dịp cộng tác với các báo ở Mỹ, Úc như : Thế Kỷ 21,Việt, Văn Tuyển, Hợp Lưu, Văn, Chủ Đề, Phố Văn, cũng như các báo tại Pháp như Âu Du, Nhân Bản và các báo liên mạng VNNP, Suối Nguồn. Từ đầu, tôi tự nhủ, về nội dung cũng như hình thức, mỗi truyện ngắn, mỗi bài thơ phải khác những gì đã viết trước đó, và phải khác những gì người khác đã giới thiệu đến độc giả. Trên lý thuyết thì như vậy, nhưng thực hành được không dễ dàng chút nào ! Những năm sau này, tôi thực sự thích thú (tuy không hoàn toàn cùng quan điểm) với những bài viết, những đề nghị cuả các anh Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Trung Hối về việc đổi mới văn chương VN, cũng như những truyện dài, ngắn độc đáo cuả Phạm Thị HoàiTrần Thị NgH, Miêng, Mai NinhĐỗ K.Nam Dao, Đinh Linh... 

6. 
VNNP: Trong "Bài Nghị Luận Đầu Năm Lẻ Một" đăng trên Chủ Đề số 5 mùa xuân 2001, anh có viết: "Xin hãy chấp nhận cái mới trước đã, xin hãy thử nghiệm trước đã, rồi sự sàng lọc của thời gian và đám đông (chưa chắc đã là sự lựa chọn hợp lý) sẽ quyết định sau." Anh tự cho anh là "chuộng cái mới, trong đời thường cũng như trong công việc sáng tác". Theo anh, thế nào là cái mới trong thi ca cũng như trong văn chương ? Có cần một sự đổi mới nào không ?

CN: Như đã trình bày ở câu trên, "mới" có nghiã là không lặp lại, không đi vào vết xe cũ, không dùng những hình ảnh, thành ngữ, điển tích đã sáo, mòn, "mới" đồng nghiã với sáng tạọ Xin nói rõ ở đây là tôi khá dị ứng với những cái "mới" lên gân, những cái "mới" để cho mà có với người tạ Xin lấy một thí du.. Phở có thể xem là một trong những món ăn truyền thống cuả người Việt. Thế mà, mỗi lần đọc lại bài viết về phở cuả nhà văn Nguyễn Tuân, người ta lại có cảm giác "khám phá" ra được nhiều điều mới mẻ về cái món ăn "cổ lỗ sĩ" nàỵ Vì sao ? Vì nhà văn, với bút pháp tài tình và nhận xét bén nhạy, đã lột tả được những cảm xúc cuả chính mình, không vay mượn (hoặc có, nhưng rất ít), sao chép, bắt chước ai cả. 

7. 
VNNP: Nhà văn Cổ Ngư còn sáng tác nhạc. Xin anh cho biết thể loại nhạc anh sáng tác là gì, cổ điển, dân ca hay thời thượng ? Anh có xử dụng nhạc cụ nào không ? 

CN: Lúc bé, tôi có chơi mandoline, lớn hơn một chút, tập thêm guitare, nhưng chỉ học các hợp âm để vưà tự đệm vưà hát nghêu ngao những lúc... buồn. Tôi cũng được học một ít thanh nhạc ở trường, về sau, đươc bố tôi chỉ bảo thêm những kiến thức cơ bản về nhạc lý. Khoảng năm 15, 16 tuổi, tôi có viết vài đoạn nhạc không lời cho mandolinẹ Đến năm 18 tuổi thì viết ca khúc đầu tiên "Em Trưng Vương", để hát chơi với bạn bè trong lớp. Từ đó đến nay, vẫn chỉ sáng tác nhạc nhẹ, vì với vốn học "nưả chừng xuân", tôi biết mình chưa đủ khả năng để viết được các thể loại nhạc khác. 

8. 
VNNP: Anh nghĩ thế nào về vấn đề phổ nhạc từ thi ca? Vi đã được nghe anh phổ nhạc bài "Chicago, Phố Gió" từ thơ Phạm Ngọc, rất haỵ Anh còn phổ nhạc từ thơ ai nữa không và cảm hứng đến với anh từ đâu ?

CN: Vì không biết ngâm thơ nên tôi tìm cách phổ nhạc để "hát thơ". Theo ý riêng cuả tôi, đó là một cách để tìm sự đồng cảm với tác giả. Ngược với thói quen thường làm thơ tự do, tôi lại hay chọn những bài thơ "trong khuôn khổ" để phổ nhạc. Tôi đã phổ nhạc được chừng mười bài thơ, trong đó có hai bài "Mùa Xuân" & "Lúc chết" cuả nhà thơ Nguyên Sa, "Mẹ - Quê Hương" cuả Đỗ Trung Quân, "Crépuscule d'Automne" cuả nhà thơ Pháp Henri de Régnier (cuối tk 19 đầu tk 20), "Chicago, phố gió" cuả anh Phạm Ngọc, "Nhiệt đới giưã đời anh" cuả anh Nguyễn Nam An, "Viện cớ" & "Nhón gót" cuả chú Du Tử Lê. Thường thì tôi giữ nguyên câu, chữ cuả bài thơ khi phổ nhạc, đôi lúc thay đổi cách phân đoạn cho phù hợp với nhạc điệụ. Cũng có khi thay đổi nhiều, như bài "Crépuscule d'Automne - Đêm Thu", tôi đặt nhạc cho lời thơ Pháp trước, rồi mới dịch sang lời Việt, thành ra bài hát có một giai điệu và hai lời Pháp - Việt. Bài "Nhiệt đới giưã đời anh", tôi gộp vào đó hai bài thơ cuả anh Nguyễn Nam An. Còn trong bài "Chicago, phố gió", tôi có thêm vào vài câu không có trong bài thơ cuả anh Phạm Ngọc. Gửi nhạc soạn lại tặng tác giả, cứ nơm nớp bị la vì dám "sưả thơ", nhưng cũng may, đều được các anh thương tình "thông qua", mừng húm ! 

9. 
VNNP: Anh có dự định gì trong sáng tác thơ văn cũng như âm nhạc sắp tới không ? Thí dụ như xuất bản sách hay CD ? 

CN: Hiện thời, tôi đang cố gắng "không bỏ lỡ cơ hội", nghiã là dù bận cách mấy, nhưng hễ có ý, có hứng, là ráng gồng mình viết cho ra. Còn dự định ra mắt sách hay CD nhạc trong tương lai gần thì... không, vì Mạch Nha & tôi đang dành ưu tiên số một cho chương trình "sản xuất baby", và như thế, sẽ tốn rất nhiều thì giờ, tiền bạc & sức lực để "đầu tư" vào đó. Hiện nay, các tác giả thường phải tự đứng ra ấn hành thơ, truyện, nhạc, sau đó lại phải tự đi tổ chức các buổi ra mắt, rồi đi bỏ mối, thu tiền... Mới nghĩ đến đó thôi, tôi đã mất hết can đảm rồi... 

10. 
VNNP: Anh nghĩ thế nào về lực lượng trẻ hiện nay tham gia vào việc sáng tác thơ văn tại hải ngoại ? Trẻ đây có nghĩa là từ khoảng trên 30 tuổi, so sánh với các tay viết kỳ cựu đã trên 60 thường hay xuất hiện trên các tạp chí. Lớp trẻ mới sáng tác theo anh có ai đáng chú ý ?

CN: Ở Pháp, tôi được biết Trần Vũ và Y Chi có những sáng tác đã được nhiều người chú ý từ khi chưa đầy 30 tuổị . Độc giả người Pháp biết đến Linda Lê từ khi cô còn rất trẻ. Ở Mỹ, có Hoàng Mai Đạt, sau này có thêm Nguyễn Quý Đức, Đinh Linh... Ở Na Uy có Dương Kim. Ở Đức có Lê Minh Hà. Tôi chắn chắn rằng còn nhiều bạn trẻ Việt Nam khác trên khắp thế giới đang sáng tác thơ, văn, nhạc, tranh, tượng... Có thể họ viết bằng tiếng Việt hay bằng ngôn ngữ cuả xứ sở họ đang sinh sống, đối với tôi, tất cả đều rất đáng khuyến khích. Gần đây, Thơ Thơ (báo liên mạng Suối Nguồn) có tặng tôi hai tập thơ " Đồng cảm " và " Sỏi đá muôn màu ". Bên cạnh các tác giả đã nổi tiếng, tôi thấy có sự xuất hiện cuả nhiều cây viết trẻ, và trong số họ, đã có người tìm cách khai phá con đường riêng, để đưa ra thể thơ mới như đôi bạn Đức Trí-Quế Anh, hay những suy nghĩ, cách nhìn, hình ảnh mới như Mộ Dung, Thơ Thơ, Phượng Vỹ. Chỉ có một điều, không hiểu tại sao thơ cuả họ không thấy xuất hiện trên các tạp chí văn học có tiếng tại hải ngoại... Về truyện ngắn, vì không biết tiểu sử, nên tôi đành "đoán" là các cây viết Thơ Thơ (khác với Thơ Thơ báo Suối Nguồn), Nguyễn Tường Phong, Nguyễn Hoài Phương cũng còn khá trẻ. 

11.
VNNP: Xin cám ơn nhà văn Cổ Ngư đã cho VNNP và độc giả cuộc nói chuyện ngày hôm naỵ Xin anh gửi vài lời với độc giả VNNP.

CN: Tôi hy vọng, cuộc phỏng vấn ngắn vưà rồi đã tạo được một "nhịp cầu nho nhỏ" giưã người viết và người đọc. Xin cảm ơn các bạn đã theo dõi. Cho đến hôm nay, việc đọc và viết trên các báo liên mạng Việt vẫn còn là điều khá mới mẻ. Và các bạn, những người chủ trương VNNP cũng như người góp bài, người đọc bài, đều đã vượt qua được những trở ngại, bỡ ngỡ ban đầu để duy trì tờ báo, để ủng hộ cái mớị Đó chính là một điểm son đáng ghi nhớ. Xin mến chào các bạn.



Liên lạc với nhà văn Cổ Ngư:








Cổ Ngư trò chuyện với Trần Thị NgH

Du Tử Lê, Thi Ca và Âm Nhạc
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=7106&rb=0102 



Nam Dao và tiểu thuyết lịch sử hiện đại "Bể Dâu"

http://amvc.free.fr/Damvc/Nam%20Dao/BeDau/VeTieuThuyetLichSuBeDau.htm



Lynh Bacardi, cái quá khứ mà tôi không tham dự

http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=4336&rb=0401



Nguyễn Quang A:

 Phần linh hồn quan trọng nhất để vận hành xã hội
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=2183&rb=0502



Phạm Duy: 
Người ta khen hay chê tôi thì nhiều nhưng người ta ít khi chịu trả tiền tác giả
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=11982&rb=0505

















ảnh: CN







Ký. Phê bình. Tiểu luận. 



 Sương, chiều, trên môi đấy


7 giờ 47 phút: cột mốc km 0 một hành trình


Hãy nằm im và lắng nghe những vũng nước xanh lơ xôn xao trong đầu


Phạm Duy, con én đưa thoi


Bài nghị luận đầu năm lẻ một

http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=1259&rb=0102


Liệt sĩ Tây, liệt sĩ Ta
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=11266&rb=0103


Cửa sổ, mở nhịp ba

http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=10594&rb=0102


Khúc Xuân ca của Phạm Duy

http://www.dactrung.com/Bai-bv-455-Khuc_Xuan_Ca_%28Cua_Pham_Duy%29.aspx





ảnh: CN







ảnh: CN









Tản Văn



Đường dài mới hay sức ngựa


Rồng rắn lên mây 


Con khỉ


Ông nói: Gà! Bà nói: Vịt!


Con chó khóc đứng khóc ngồi: bà ơi, đi chợ mua tranh làng Hồ!


Có ai sợ con sói dữ không nào?


Chuột chù lại có xạ hương!


Rừng nào cọp nấy!


Mèo khen mèo dài đuôi






                                             ảnh: CN
















Nhạc Cổ Ngư Nguyễn Linh Quang


Nhạc phẩm đã được thu âm qua các tiếng hát Don Hồ, Hạ Vy, Nguyễn Thành Vân, Đăng Siêu, Xuân Phú, Bảo Phúc, Quang Minh v.v... trong các CD:







Nghe nhạc Nguyễn Linh Quang trên
Soundcloud













Chân Dung Mùa Thu



Sát Na Yêu



Chicago Phố Gió



Chùa Mơ







Vực Sâu Hạnh Phúc (1998)







Dễ Thương (1999)







Xuân Tôi (2000)







K khúc Của Lê 2 (2001)






K khúc Của Lê 3 (2002)






Nối Một Giòng Thơ (2002)






Cơn Mơ Gió Thoảng (2005)






Mộng (2005)





Của Trời Và Của Người (2007)





Trăng Già (2009)






Một Nửa (2012)









ảnh: CN














Ca khúc Nguyễn Linh Quang















Nhiếp Ảnh








Cánh Phấn










Chút-tôi-riêng









Nam Dao, Cổ Ngư, Kiệt Tấn








Cổ Ngư, Mạch Nha (vợ Cổ Ngư), cháu Nguyên Xuân, Trương Gia Vy, Nguyễn-Xuân Hoàng









Cổ Ngư & Du Tử Lê















Phạm Kế Viêm, Đỗ Quỳnh Dao, Đặng Mai Lan, Trần Mộng TúPhan Huy Đường, Y Nguyên, Phan Thị Trọng Tuyến, Trần Thị Diệu Tâm, Lê Miên Khương, Mạch Nha, Miêng, Phạm Trọng Luật, Cổ Ngư
(Saint Denis. Pháp)









Cổ Ngư & Phan Nguyen
Paris 2019










Lasan Mossard, lớp 2 . 1970-1971









Trở về




MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.