Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

Trần Lưu Hậu (1928 - 2020)

 








TRẦN LƯU HẬU 
(1928 - 2020)

Hoạ sĩ








Trần Lưu Hậu sinh năm 1928 tại Hà Nội, tốt nghiệp trường Mỹ thuật khóa Kháng chiến (1950 - 1953) do chính Tô Ngọc Vân giảng dạy, sau đó ông tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Moscow (1960). Là một trong những họa sĩ tiêu biểu của nền Mỹ thuật Việt Nam những năm 80, 90 thế kỷ trước, Trần Lưu Hậu có những đóng góp cả về bút pháp lẫn cái nhìn trong hội họa. Bảng màu rực rỡ, những đường bút mạnh mẽ, những gam màu đỏ, trắng, xanh nước biển nguyên chất đan chen tự nhiên như được trào thẳng ra từ những phút xuất thần, như tình cờ, sự “tình cờ” mà chỉ các bậc thầy mới làm được. Phong cảnh và sự vật lúc như cuốn theo nét vẽ cuồn cuộn chảy, lúc thì vỡ òa trong một miền cảm hứng của sắc độ, để không còn rõ đâu là cảnh là hình, đâu là màu sắc đang hoan ca trên nền tranh. Cảnh là đối tượng sáng tác của họa sỹ, hay cảnh và hình chỉ là cái cớ để hội họa cất lên tiếng nói cá nhân bên trong?

Tranh của ông thấp thoáng những đường cong của rừng núi, nếp nhà, hình lá, thân cây, chỉ một vài nét mơ hồ níu giữ hiện thực, Các đường sổ đỏ quyết liệt đè lên các đường sổ đen, các phẩy ghi sẫm lướt trên phẩy ghi nhạt…. tưởng rối tung nhưng rành rẽ, càng nhìn càng tách bạch, các tầng, lớp màu, đường nét, chúng hiện ra cạnh nhau, chồng lên nhau trong một âm hưởng hoà tấu bí ẩn. Một nét màu lé ra, một nét sổ dọc, một nét chấm cũng khó dịch chuyển hay thêm bớt... Sáng tác, vì thế mà sâu sắc và ý nhị hơn, dù người xem tranh của ông vẫn như được đứng trước một bữa tiệc thị giác của hội họa.

Tác phẩm của ông có mặt trong nhiều triển lãm, bảo tàng, các cuộc đấu giá quốc tế và bộ sưu tập quan trọng ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới.











TRẦN LƯU HẬU
(1928 - 2020)

1928 Sinh tại Ninh Bình, Việt Nam





1949 Thành lập trường Nghệ Thuật Kháng Chiến cùng họa sỹ Tô Ngọc Vân với vai trò Giám Đốc đào tạo

1955- 1962 Học tại viện Mỹ Thuật, Moscow, Nga.

1962- 1989 Tham gia giảng dạy tại trường đại học Mỹ thuật Hà Nội





HOẠT ĐỘNG NGHỆ THUẬT VÀ TRIỂN LÃM CÁ NHÂN





1963 Chuyến đi thực tế về làng Thu Thi, Hưng Yên.

1964 Đi thực tế tại mỏ than Hòn Gai, Quảng Ninh.Vẽ tranh phong cảnh về Vịnh Hạ Long và mỏ than Đồng Nai

1965 Phác thảo về những ngư dân tại Cửa Nhưỡng, Nghệ An khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam.

1966 Là thành viên của hội Nghệ Thuật Quân Đội tại Nhật Lệ, Đồng Hới, Quảng Bình.

1967 – 1975 Vẽ một số bức tranh về phong cảnh đồng bằng trung du Hà Bắc

1982- 1985 Vẽ tranh với chủ đề “Những người lính trở về vùng cao” nằm trong bộ sưu tập của Viện bảo tàng quân đội.

Vẽ tranh chủ đề “Cô gái H’Mong dệt vải” nằm trong bộ sưu tập của Viện bảo tàng Mỹ thuật quốc gia

Hoàn thành một số tác phẩm về phong cảnh vịnh Hạ Long và vùng núi Việt Nam, nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia và ông Đỗ Huy Bắc.

1983- 1994 Thành viên ban chấp hành hội Mỹ thuật Việt Nam

1985- 1990 Sáng tác một số phân đoạn trong vở kịch :“Âm mưu và Tính yêu”, “Con Cáo và Chùm nho”, “Trung đội trưởng ”…

1991 Triển lãm cá nhân “Biển Vũng Tàu” tại Paris, Pháp

1992- 1995 Triển lãm tại Hồng Kông tranh tĩnh vật và khỏa thân, nằm trong bộ sưu tập của ông Trần Hậu Tuấn, bà Suzanne và ông Toh Hock Ghim

1994 Triển lãm cá nhân tại thành phố Hồ Chí Minh

1996 Tranh về Chùa Thày, Hà Tây, nằm trong bộ sưu tập của ông Ngô Luân, bà Ngọc My và ông Hà Thúc Cần.

Các tác phẩm “Một cụm cây”, “Nông thôn”, nằm trong bộ sưu tập của ông Michael và bà Kim Hoa

Các tác phẩm “Phố cổ Hà Nội”, “Ngôi làng bên sông”, nằm trong bộ sưu tập của phòng tranh Vĩnh Lợi

Tác phẩm “Rừng tre”nằm trong bộ sưu tập của ông Michael and bà Kim Hoa

Tác phẩm “Đường về làng”nằm trong bộ sưu tập của ông Trần Hậu Tuấn

1997 Tác phẩm “Chợ hoa 1” nằm trong bộ sưu tập của khách sạn Meritus Westlake

Tác phẩm “Ngựa ở Sapa”, “Người H’Mong” nằm trong bộ sưu tập của phòng tranh La Vong

Tác phẩm “Chợ hoa 2”nằm trong bộ sưu tập của ông Toh Hok Ghim

1997 Tác phẩm “Khỏa thân” nằm trong bộ sưu tập của bà Olivia Joseph.

Tác phẩm “Tĩnh vật - bát và hoa trên nền đỏ” nằm trong bộ sưu tập của ngân hàng Tokyo, Mitsubishi tại Hà Nội

Triển lãm cá nhân tại phòng tranh Đông Sơn

1998 Du lịch đến Đà Lạt, Vũng Tàu và Cát Bà để vẽ tranh.

Tác phẩm “Tĩnh vật hoa và quả”- trong bộ sưu tập của ông Frederik Harris

Tác phẩm “Khóm hoa tím” trong bộ sưu tập của ngân hàng Chase Manhattan

Tác phẩm “Phong cảnh Tam Đảo” trong bộ sưu tập của ngân hàng Chase Manhattan

Tác phẩm “Hoa trên nền đỏ”- trong bộ sưu tập của ông Trần Hậu Tuấn

Triển lãm cá nhân tại phòng tranh Đông Sơn

1999 Du lịch đến Tam Đảo để vẽ tranh

Tác phẩm “Khóm tre (Lạng Sơn)”nằm trong bộ sưu tập của ngân hàng Chase Manhattan

Tác phẩm “Tại chân đồi Tam Đảo”nằm trong bộ sưu tập của ngân hàng Chase Manhattan

2001 Tác phẩm chính: “Tĩnh vật hoa, tranh khỏa thân”, đạt giải thưởng Nhà nước về Mỹ Thuật

2002 Tác phẩm chính: một loạt tranh khỏa thân mới

2003 Du lịch tới đảo Cát Bà và vẽ một chùm tranh về phong cảnh nơi đây

Tác phẩm khác: “Công viên và tranh khỏa thân”.

2004 Du lịch tới Sapa và vẽ một chùm tranh về phong cảnh nơi đây.

Tác phẩm khác: “phong cảnh Cát Bà” triển lãm tại Hà Nội

2005 Du lịch tới Sapa và vẽ một chùm tranh về phong cảnh nơi đây.

Triển lãm cá nhân tại 29 Hàng Bài, Hà Nội

Tác phẩm khác “Tĩnh vật và tranh khỏa thân”

2006 Tác phẩm chính “Phố cổ Hà Nội”. Du lịch tới Sapa và vẽ một chùm tranh về phong cảnh nơi đây

Tác phẩm chính: “Tự họa”

2007 Vẽ và phác họa một loạt tranh khỏa thân, vẽ các loại cây Hà Nội.

Triển lãm các loại cây Hà Nội tại Nhà triển lãm số 29 phố Hàng Bài, Hà Nội


Ông qua đời vào ngày 29/2/2020 tại Hà Nội.


















Tranh tiêu biểu










































































































































































































































































Họa sĩ Trần Lưu Hậu (1928 - 2020)
Bậc thầy hội họa
AN VŨ


Sau một thời gian lâm bệnh, họa sĩ Trần Lưu Hậu - một tài năng lớn của mỹ thuật Việt Nam, đã qua đời tối 29/2 tại Hà Nội. Những năm cuối đời, dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút, ông vẫn luôn nỗ lực chống chọi với bệnh tật, vẽ trên xe lăn. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng: Cuộc đời, sự nghiệp hội họa đồ sộ duy mỹ, sự dấn thân khiến họa sĩ Trần Lưu Hậu sẽ còn là một bậc thầy của mai sau.

“Sự khoan dung thẩm mỹ, tôn trọng tự do cá nhân, những thiên hướng cá tính khác nhau mà họa sĩ Trần Lưu Hậu có là phẩm chất của những ông thầy giỏi”- nhà nghiên cứu Nguyễn Quân chia sẻ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quân, trong ba thập niên đầu sự nghiệp, họa sĩ Trần Lưu Hậu còn sáng tác cầm chừng, nhưng đến ba thập niên sau, khi đã bước sang tuổi lục tuần, họa sĩ Trần Lưu Hậu như thể được “khai thông long mạch sáng tạo”, các tác phẩm của ông cũng trùng với sự đổi mới của kinh tế thị trường. Những tác phẩm hội họa của họa sĩ Trần Lưu Hậu thể hiện được trí óc lịch duyệt, kinh nghiệm từng trải trong một trái tim thanh xuân và tâm hồn trẻ.

Thuộc nhóm họa sĩ trẻ, họa sĩ Phạm Bình Chương cho rằng, họa sĩ Trần Lưu Hậu là một con người có những phẩm chất của người nghệ sĩ. “Ông say nghề và cống hiến cả cuộc đời mình cho nghệ thuật. Ngoài tài năng và những cống hiến cho nền mỹ thuật Việt Nam, tôi muốn nói thêm về những phẩm chất và tính cách của ông”- họa sĩ Phạm Bình Chương tâm sự.

“Họa sĩ Trần Lưu Hậu rất yêu nghề. Ông vẽ đến hơi thở cuối cùng theo đúng nghĩa đen. Họa sĩ Trần Lưu Hậu dành phần lớn thời gian cho sáng tác. Đối với ông, không được vẽ là một cực hình.Về giai đoạn cuối đời, khi phải ngồi xe lăn ông vẫn vẽ. Khi tới mức hai tay yếu đến không cầm nổi bút, ông vẽ luôn bằng xe lăn. Ông nhờ con cháu dải toan lên sàn, đổ màu lên và dùng xe lăn đưa màu. Ông còn phàn nàn rằng vẽ bằng xe lăn không theo được ý muốn của mình, chứng tỏ ông làm việc nghiêm túc chứ không phải lấp chỗ trống hay chỉ là giải khuây để giết thời gian. Tôi có thể liên hệ tới Henri Matisse, về cuối đời ngồi xe lăn cắt dán thay vì vẽ do mắt kém, hay Chuck close cũng ngồi xe lăn vẽ đến hết đời. Họ vẫn cho ra những tác phẩm để đời và đó là phẩm chất của danh họa. Ở Việt Nam, có lẽ Trần Lưu Hậu là số một về lòng yêu nghề.

Trần Lưu Hậu là họa sĩ tiên phong ở Việt Nam với phong cách biểu hiện và ông cũng truyền cảm hứng cho các thế hệ sau theo dòng này. Để có được phong cách đó duy trì suốt cả một giai đoạn không hề dễ. Trước tiên họ phải có sức khỏe. Ông thường vẽ tranh khổ lớn, làm việc nhiều giờ trong một ngày. Ở độ tuổi 80 ông vẫn một mình lên Sa Pa (Lào Cai) sáng tác hàng tháng. Vẽ dòng tranh cảm xúc rất mất sức nhưng tranh ông không hề có sự do dự. Thứ hai phải duy trì được cảm xúc. Trần Lưu Hậu là một con người yêu đời và lạc quan”.

“Giai đoạn sung mãn của Trần Lưu Hậu là vào giai đoạn 70 đến 90 tuổi” - họa sĩ Phạm Bình Chương nhớ lại -“Có cảm giác hơi trái quy luật tự nhiên nhưng sự thực là vậy. Nghệ sĩ không có tuổi hưu và đỉnh cao thì luôn ở phía trước. Đó là cái sung sướng nhất của người nghệ sĩ, và tôi có cảm giác ông được trời ban cho sức khỏe để được làm việc mình thích”.

“Về nghệ thuật, ông luôn đề cao sự tự do. Ông nói: “Phải có tự do họa sĩ mới thăng hoa”. Sự tự do bao gồm tất cả: tư tưởng, tư duy, điều kiện sáng tác, và hơn hết là sự “không lệ thuộc” vào bất cứ thứ gì. Để đạt được điều đó người ta phải trải qua nhiều giai đoạn, từ trau dồi học hỏi đến việc phải vượt qua “cơm áo gạo tiền”. Lúc khó khăn ông vẽ trên giấy, lúc bán được tranh thì vẽ sơn dầu và khổ lớn. Gần đây ông vẽ acrylic vì những phẩm chất của nó là khô nhanh, không mốc. Ít ai có thể vẽ acrylic giỏi hơn ông, vì thường chất liệu này gây cảm giác hơi nhựa. Nhưng xem tranh ông cứ tưởng là sơn dầu. Bí mật lớn nhất là khả năng vẽ liên tục, và hơn hết chính là sự tự do trong sáng tác”.

“Tiêu chí quan trọng nhất của ông trong nghệ thuật, đó là sự bất ngờ”- họa sĩ Phạm Bình Chương chia sẻ -“Ông nói: “Tôi phục những người vẽ giỏi, nhưng tôi thích những tác phẩm bất ngờ hơn”. Bất ngờ là hiệu quả nằm ngoài sự toan tính hay kiểm soát của họa sĩ. Nó như một cái gì đó vượt lên chính mình, tức là cái mà họa sĩ không thể làm nổi từ năng lực sẵn có của mình. Nó cũng như phần thưởng vậy. Chất liệu nào cũng có thể đem lại sự bất ngờ, từ sơn dầu, màu nước cho tới sơn mài. Ông đánh giá cao sơn mài, vì nó là chất liệu ta khó kiểm soát nhất nhưng hiệu quả đem lại lại rất cao.

Trong cuộc sống, Trần Lưu Hậu là con người cởi mở và đôn hậu. Ông tự đi xem các triển lãm và trò chuyện với các họa sĩ bất kể có được mời hay không. Ông luôn cổ vũ động viên các thế hệ sau và gặp ông như được uống một liều thuốc bổ. Phong cách nào ông cũng ủng hộ và ông cũng rất thích hiện thực.

Vậy thì chúng ta còn muốn điều gì ở ông nữa? Ông đã có tất cả, tiền tài, danh vọng, sức khỏe, gia đình… nhưng hình như ông không có thời gian cho những thứ đó, vì ông đã tận dụng từng phút để vẽ. Chúng tôi luôn coi Trần Lưu Hậu như một tấm gương lớn và là nguồn cảm hứng vô tận, vì đó chính là cuộc sống của người nghệ sĩ đích thực. Đúng như tên ông, ông đã lưu lại một sự nghiệp vĩ đại. Thật may mắn cho những ai được tiếp xúc với họa sĩ Trần Lưu Hậu”.

Còn với họa sĩ Thu Trần, “người mở toang cánh cửa với nghệ thuật trừu tượng trong đầu tôi là họa sĩ Trần Lưu Hậu - người nghệ sĩ để lại một bảng màu tươi đẹp và lạc quan”.

Cuối năm 2015 trong cuộc triển lãm đấu giá “Ký ức Nhà Lang” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Thu Trần nhìn thấy họa sĩ Trần Lưu Hậu và Mai Long chống batong vào xem. Hai họa sĩ đi xem một vòng và dừng lại trước bức tranh của họa sĩ Thu Trần ngắm nghía. Thấy vậy, chị ra chào và hỏi và giới thiệu về bức tranh của mình. “Cháu đang loay hoay lắm ạ”. Chị chia sẻ rồi bày tỏ lòng đam mê với những tác phẩm trừu tượng của họa sĩ Trần Lưu Hậu. Nghe xong, ông nói với chị: “Tranh hay quá, cháu cứ thế mà vẽ rất tốt đấy cháu nhé”. Câu nói của bậc tiền bối làm chị rất vui. Khi học đại học, cao học chị bắt đầu đi tìm ngôn ngữ hội hoạ. Ngoài ngôn ngữ hội hoạ của các trường phái hội hoạ trên thế giới, họa sĩ Thu Trần đặc biệt quan tâm tới các bậc tiền bối trong nước đi trước của Việt Nam. Những người mà chị được học là các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái…. “Nhưng quả thực tôi quan tâm tới họa sĩ Trần Lưu Hậu hơn cả. Họa sĩ là người mở toang cánh cửa cho tôi khỏi run sợ trước những gì mà tôi học ở trường, những thứ mà tôi thấy trong đầu tôi là cả một sự rối tung, chẳng giống xung quanh tôi chút nào, ai cũng đi tìm một câu chuyện nắn nót hoàn hảo nào đó”.

Họa sĩ Thu Trần chia sẻ: “Gần đây nhất tôi được nghe một người bạn nói đợt vừa rồi ông vừa vẽ được mấy tác phẩm đẹp lắm, đẹp bất thường, có lẽ cụ cũng đã trút hết năng lượng đẹp đẽ của mình trong những tác phẩm đó. Tôi cũng đang chờ đi cùng nhạc sĩ Dương Thụ đến nhà thăm ông, vậy mà rất tiếc, chưa kịp đến để chào tạm biệt, ông đã qua đời… Một lượng sáng tác khổng lồ trong khoảng những năm khi 70 tuổi và 80 tuổi và cho đến gần đây thêm một kho tàng tác phẩm mang tên Trần Lưu Hậu. Những gam màu tươi đẹp, đầy tình yêu của những tác phẩm cuối cùng của ông là một câu hỏi đẹp đẽ trong đầu tôi, trái tim tôi về con đường hậu bối đang đi.

Tôi rất cảm ơn ông đã cho tôi thấy người ở ngay đất nước này, người đã tiên phong vứt bỏ cái bảo thủ để các thế hệ sau mạnh dạn dấn thân vào con đường đã chọn”.


Họa sĩ Trần Lưu Hậu sinh năm 1928, tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp khóa học chính thức đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam - được gọi là khóa Kháng chiến (1950-1954), do danh họa Tô Ngọc Vân dẫn dắt. Ông cũng từng tu nghiệp chuyên ngành trang trí sân khấu tại Học viện Mỹ thuật Suricov, Nga (1955-1962). Từ năm 1962-1989, ông giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam)…

Trong lĩnh vực hội họa, họa sĩ Trần Lưu Hậu vẽ nhiều thể loại, nhưng được đánh giá là người lão luyện trong sử dụng màu gốc, màu nguyên bản ở tranh trừu tượng. Đề tài trong tác phẩm của ông thường về kháng chiến, phong cảnh thiên nhiên, phố phường Hà Nội, nông thôn, tĩnh vật... Các tác phẩm của ông được triển lãm và sưu tập tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Pháp, Đức, Singapore, Nga, Hong Kong (Trung Quốc)... Nhiều tác phẩm nằm trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tiêu biểu là bức “Vịnh Hạ Long”...

Họa sĩ Trần Lưu Hậu được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2001.

























































































Họa sĩ Trần Lưu Hậu: Vẽ là một đạo sống

Thứ Bảy, 21/03/2020, 09:00



Ông thuộc thế hệ các họa sĩ kháng chiến nổi danh của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, với những tên tuổi như họa sĩ Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu, Mai Long, Ngô Tôn Đệ, Lê Huy Hòa… những họa sĩ tài danh đã có đóng góp lớn và riêng biệt cho sự thay đổi quan trọng của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.


Họa sĩ Trần Lưu Hậu: Để lại đôi bờ những lớp phù sa…
Họa sĩ Trần Lưu Hậu - Kẻ độc hành trong cõi nhân gian


Ông có sức ảnh hưởng lớn đối với phong cách và quan điểm hội họa của nhiều thế hệ học trò, dù có người chưa một ngày được học ông tại trường Mỹ thuật Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng họa sĩ Chu Hùng Sơn, một người học trò của họa sĩ Trần Lưu Hậu, để biết thêm nhiều câu chuyện về người họa sĩ tài hoa vừa vĩnh biệt thế gian, với rất nhiều sự tiếc nuối trong lòng bạn bè, đồng nghiệp.

Như có một thần giao cách cảm, một điềm báo, những ngày gần đây tôi nhớ đến thầy giáo của mình, thầy Trần Lưu Hậu và tôi vẽ một mạch xong bức tranh với phong cách khác những bức tranh khác tôi thường vẽ, màu tối trầm buồn và hoang vắng, thì buổi tối, tôi được tin thầy Trần Lưu Hậu qua đời. Nó là một giao cảm kỳ lạ và tôi cảm giác trái tim mình đau thắt bởi không được gặp thầy một lần cuối trước khi thầy ra đi.



Họa sĩ Chu Hùng Sơn và thầy Trần Lưu Hậu.



Kỳ thực, từ đầu năm tới nay tôi vẽ liên miên, dự định làm một triển lãm cá nhân trong dịp cuối năm được mời thầy đến xem để như một cách chia sẻ với thầy và để thầy biết rằng, học trò của thầy, cũng như thầy, luôn làm việc chăm chỉ, không phụ tự tin cậy của thầy bấy lâu nay và cũng như thầy, luôn coi hội họa là lẽ sống của đời mình.

Tôi chịu nhiều ảnh hưởng của thầy, từ trong tư tưởng và cách sống. Thầy từng nói, họa sĩ làm được điều kỳ vĩ nhất là mang đến một hiện thực hội họa chứ không phải cái hiện thực của con mắt nhìn tự nhiên. Thế giới hội họa của ông khiến người xem đắm chìm vào trong đó, vừa hân hoan, vừa viên mãn, vừa được sống trong một thế giới đầy trách nhiệm của một người đau đớn, đầy nghĩ ngợi. Thầy là một người từng nghèo đến tận cùng, ở trong một ngôi nhà chật hẹp cùng vợ và 5 đứa con.

Có lần mua bát cà muối, 5 đứa con chạy đi chạy lại mà một lúc thì hết veo đĩa cà. Hai vợ chồng thầy phải ăn cơm cùng muối trắng. Có một thời gian khổ đến vậy nhưng thầy vẫn đắm chìm trong hội họa. Và cho đến thời điểm sau này, khi thầy đã ở đỉnh cao của đời sống, tiền bạc thì thứ thầy đam mê vẫn là hội họa. Khi được xem bức tranh những năm tháng cuối đời của thầy, tôi cứ hình dung tới cảnh thầy ngồi trên xe lăn mê mải vẽ, vệt xe lăn đè lên toan trộn chan hòa màu vẽ tạo nên những vệt hằn như những nét vẽ kỳ ảo, đẹp tuyệt vời về sự lao động và niềm đam mê cháy bỏng của một con người tận hiến hết mình cho hội hoạ.

Thầy từng tuyên ngôn rằng: điều tôi vẽ là tất cả ao ước, đó là những điều tôi muốn làm, một thế giới mà tôi khát vọng. Thầy luôn đinh ninh, không có biểu hiện cá nhân thì không có nghệ thuật, không có đời sống một cách nghiêm túc thì không có cảm xúc để biểu hiện.

Với sự tự tin và chín chắn vốn có, thầy luôn kiên định với cái nhìn có tính khái quát cao, để tạo trong tranh mình một thế giới rất thật mà không hề tự nhiên chủ nghĩa. Và thầy truyền cảm hứng đó cho các thế hệ học trò, những người theo học thầy 4 năm và những người chỉ biết thầy, được thầy chỉ dạy cho vài điều. Có lần, tôi đi vẽ thực tế một trang trại máy kéo ở Nam Định. Vẽ rất cẩn thận, tỉ mẩn, kỹ càng từng chi tiết như đinh ốc, từng bánh xe của cái máy. Thầy xem xong thì hờ hững bỏ qua. Rồi thầy lại nhìn vào những cái tôi vẽ rất bâng quơ, những cây cầu lắt lẻo, những bụi hoa nhăng nhít ven đường và bảo: đấy, vẽ là như thế này. Lúc ấy, tôi mới chợt bừng tỉnh và hiểu ra, nghệ thuật là những gì mình yêu thích và phải làm hết mình bằng cảm xúc.

Năm ấy tôi vẽ tốt nghiệp và bài thi của tôi được bày trong triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1980. Bức tranh tôi vẽ về mấy cô thợ sơn lao động trên cầu Thăng Long, một bức tranh theo khuôn khổ và đúng chủ đề nhưng có thái độ nghệ thuật. Sau này, khi ra trường, đi làm, ngoài công việc bổn phận, tôi dành toàn bộ thời gian vẽ về những gì mình thích và thỏa mãn niềm say mê của mình với sự ảnh hưởng không nhỏ từ những bài học của thầy Trần Lưu Hậu.

Đôi khi tôi ngạc nhiên, vì sao một người họa sĩ luôn tủm tỉm cười đôn hậu, nhã nhặn nhưng khi đã nói về hội họa thì là trở một con người khác hẳn, say sưa, nồng nhiệt, sắc sảo vô cùng. Trong hoàn cảnh khó khăn, thầy không buông xuôi, nản lòng.

Có lần thầy bảo tôi: “Một người làm xiếc, muốn thành tài thì từ bé xíu đã phải tập, có khi hết đời vẫn phải tập một tiết mục mà biểu diễn có khi còn xây xước rồi nguy hiểm đến tính mạng. Một thợ nhiếp ảnh vác máy vào rừng là phải say mê lắm, đi chụp một con chim, một con vượn hay một cái cây là phải vất vả khôn lường. Nghề của mình thì cứ ngồi đây, điều hòa máy lạnh, đủ thứ ăn uống mà mình cứ lười biếng. Trong khi có hỏng chỉ hỏng một tờ giấy, một tấm toan thôi. Thế là hạnh phúc lắm đấy. Nếu không chịu lao động nghệ thuật nữa thì không thể kỳ vọng có được những tác phẩm để lại cho đời...”.



Tranh của họa sĩ Trần Lưu Hậu.



Thầy thường suy ngẫm rất nhiều thứ và thường khuyên học trò đừng lãng phí khả năng của mình. Có một từ mà thầy vẫn thường nhận xét với học trò và với nhiều người, đó là từ "Được việc". Thầy nói một câu mà tôi nhớ mãi: "Làm được đấy, cứ chịu khó một tí, được việc đấy Sơn ạ!". Thầy cứ giản dị thôi nhưng mỗi lời nói, mỗi việc làm đều là cả sự tích lũy và trải nghiệm.

Có lần, tôi đến mời thầy một công việc gì đó. Khi ấy thầy đang làm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Thầy mở ngăn kéo ra và bên trong đầy giấy mời họp hành này nọ. Thầy bảo, đấy Sơn xem, ngần này cái giấy mời có chết không cơ chứ. Mình cứ ước ao là một cái giấy mời nó thành một cái tranh. Tiếc thời gian lắm. Thời điểm ấy, thầy đã thành danh, đã có kinh tế mà vẫn đam mê với công việc, thầy chỉ ao ước có thêm thời gian để ngồi vẽ. Bởi vì thầy là người không bao giờ ngừng tư duy, luôn muốn làm việc, không bằng lòng với chính mình.

Những ngày về nghỉ hưu, những tưởng thầy thư thái an nhàn vui hưởng tuổi già. Nhưng, thật bất ngờ, hơn bao giờ hết, thầy cần mẫn, hối hả làm việc say sưa, kiên cường như để bù lại cho khoảng thời gian đã mất. Kết quả là thầy tổ chức nhiều triển lãm cá nhân, ra nhiều tập sách in tranh các đợt sáng tác của mình tạo dựng một không gian nghệ thuật đồ sộ, đặc sắc, mang đậm dấu ấn cá nhân Trần Lưu Hậu. Thầy thổ lộ: "Tôi còn nhiều việc phải làm hơn là những gì tôi đã làm hoặc thậm chí đã mường tượng tới".

Có lần thấy thầy làm việc cần mẫn, cặm cụi, nể phục thầy thì thầy bảo, già rồi mình bôi quệt nhăng nhít cho vui. Tôi xua tay, thầy ơi thầy cứ nói thế thôi chứ sao mà bôi quệt được, vẽ là một thứ đầy vất vả. “Ừ cậu nghĩ được vậy là đúng, mình luôn phải ép mình vào công việc, vào khuôn khổ chứ không được cậy già mà buông lỏng mình đâu” - thầy đáp. Thầy là người yêu nước, yêu nghề đến đắm đuối, hết lòng. Hội họa của thầy có khi chỉ là quệt, là vạch nhưng tạo ra một thế giới riêng biệt. Những bức tranh của thầy, kể cả bất cứ thầy vẽ trong thời điểm nào vẫn luôn sang trọng và ấn tượng.

Có một điều mà thầy luôn nói: "Tôi cảm ơn hội họa, hội họa đã cho tôi tất cả!". Còn với chúng tôi thì luôn tâm niệm, mình là học trò của thầy thì mình phải sống sao cho xứng đáng với hình ảnh của thầy. Và chúng tôi nghĩ rằng, dù thầy đã đi xa nhưng thực sự thầy xứng đáng với mọi danh xưng mà hội họa đặt tên cho thầy vì cả một đời thầy đã dành toàn tâm toàn ý, toàn cuộc đời của mình cho những cung bậc trên toan màu.

Lũ học trò chúng tôi ai cũng hiểu hội họa với thầy như một đạo sống!



Trần Hoàng Thiên Kim (Ghi theo lời kể của họa sĩ Chu Hùng Sơn)



























































Trở về







MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.















Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

Nguyên Giác Phan Tấn Hải

 











Nguyên Giác Phan Tấn Hải
(22/2/1952- ... ) Sài Gòn

Nhá văn, nhà thơ, dịch giả 
Cư sĩ Phật giáo







Sinh ngày 22-2-1952 tại Sài Gòn. Tên khai sinh là Phan Tấn Hải. Quê cha Hà Tĩnh, quê mẹ Nha Trang, hiện định cư tại quận Cam, Hoa Kỳ. Từng học ở Chu Văn An, Đại Học Văn Khoa SG. Sống bằng nghề báo, nhưng đam mê là sáng tác văn học — thường ký tên Phan Tấn Hải, Phan Khế, Trần Khải.

Khi viết về Phật giáo, thường ký tên Nguyên Giác, Nguyễn Thường Tâm. Học Phật Pháp với quý Hòa Thượng: Thích Tịch Chiếu, Chùa Tây Tạng, Bình Dương; Thích Thiền Tâm, Đại Ninh, Lâm Đồng; Thích Tài Quang, Phú Nhuận, Sài Gòn.

Từng cộng tác với nhiều báo như Tập san nghiên cứu Triết Học, Tự Thức, Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Tạp chí Thơ, Việt Báo, Tạp chí Giao Điểm, Giác Ngộ, Đạo Phật Ngày Nay, Suối Nguồn, Thư Viện Hoa Sen và nhiều báo khác.












Hãy yêu thương đời này
3/10/2014









Tác phẩm mới xuất bản

Từ Mặc Chiếu
Tới Như Huyễn












Kiếm Mã Hành

Nâng ly mời đã mềm môi
Còn tê tê lưỡi đã cười ra đi
Ðường mai gió loạn sá gì
Tóc xanh dẫu bạc an nguy cũng liều

Ta đi rừng núi xanh vầng trán
Thành phố phương nào mây vẫn bay
Dưới trăng cười hỏi ừ rồi máu
Có thơm mùi rượu của đêm nay

Nghiêng ly đổ rượu tràn tay
Say ngàn sóng dữ trả ngày trẻ thơ
Cười vang hỏi bạn say chưa
Ta say nghìn kiếp giữa bờ tử sinh

Rong chơi vào cuộc lầm gió bụi
Rượu thề pha máu đỏ vầng trăng
Nửa đêm ta gọi sơn hà dậy
Thần mã bay về hí vó trăng.

PTH













Tác giả, dịch giả một số sách Việt ngữ:







1
Cậu Bé và Hoa Mai
(tập truyện, Nhân Văn 1986; Ananda Viet Foundation tái bản 2017).









2
Thiếu Nữ Trong Ngôi Nhà Bệnh
(tập truyện, Ananda Viet Foundation, 2017)










3
Một Nơi Gọi Là Việt Nam
(thơ, 1987)










4
Ba Thiền Sư 
Tác giả: John Stevens, Nguyên Giác dịch Việt










5
Chú Giải Về P'howa
Tác giả: Chagdud Khadro, Nguyên Giác dịch Việt










6
Lời Dạy Tâm Yếu Về Đại Thủ Ấn










7
Vài Chú Giải Về Thiền Đốn Ngộ














8
Thiền Tập 
Biên dịch












9
Tập thơ Hoa Bay Khắp Trời

HOA BAY KHẮP TRỜI
THƠ NGUYÊN GIÁC - NHẠC TRẦN CHÍ PHÚC
TRÌNH BÀY: CA SĨ NGUYỄN CAO NAM TRÂN


Nguyên văn hai đoạn đầu trong bài thơ “Hoa Bay Khắp Trời” rằng:

“Nhìn kìa, chỉ hình hiện ra, không người không ta, chỉ hình được thấy, không ai đang thấy.
“Nghe kìa, chỉ tiếng trong lời, không ta không người, chỉ tiếng được nghe, không ai đang nghe….

Đây chính là ý của một bài kinh rất ngắn, kinh Bahiya được trích ra từ Tiểu Bộ Kinh thuộc tạng kinh Pali. Trong bản kinh này Đức Phật chỉ nói bốn câu về “thấy, nghe, thọ tưởng, thức tri” nhưng là thông cho cả sáu căn, vì trong “thọ tưởng” bao gồm cả ngửi, nếm và xúc chạm. Khi thuyết bài pháp này, Đức Phật còn bảo đảm với ngài Bahiya rằng hễ ai mà để tâm được như thế thì sẽ xa lìa đau khổ, đạt được giải thoát.

Vậy muốn có được cái thấy, cái nghe trong sáng ấy thì mình chỉ thấy, chỉ nghe như thực, khách quan mọi đối tượng đang xẩy ra, đang diễn tiến, đang vận hành. Ví dụ khi thấy một đoá hoa, chỉ ngắm nhìn đoá hoa như vậy thôi, không khởi lên niệm phân biệt thấy như thế nào, đẹp xấu ra sao, hay khi một âm thanh khởi lên, chỉ nghe âm thanh ấy, không khởi niệm phân biệt hay dở ra sao.

Chính trong cái khoảnh khắc thuần thấy đó, cái khoảnh khắc thuần nghe đó là ranh giới thời gian tâm thức bị xoá nhòa, không còn thời gian nữa, không còn quá khứ, không còn vị lai và không còn hiện tại. Cái sát na đó chính là cái phi thời gian. Đó là lúc thời gian tâm thức đã kết thúc, và cái khoảnh khắc này trở thành một niệm ngàn năm bất diệt. Đó là cái khoảnh khắc mà Đức Phật nói rằng hễ ai mà để tâm được như thế thì sẽ xa lìa đau khổ, đạt được giải thoát. Nếu như lúc ấy chúng ta móng niệm khởi tâm, bất kỳ tâm gì, phân biệt xấu đẹp, lành dữ, ưa ghét là rơi vào dính mắc, chấp trụ, và cái khoảnh khắc phi thời gian đó sẽ tức khắc biến mất mà trở thành dòng thời gian luân hồi.



Thế nên Kinh Kim Cương nói rằng: “ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm.” và “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc.”

(Trích: http://thuvienhoasen.org/a24136/gioi-thieu-cd-thien-ca-hoa-bay-khap-troi )







LỜI THƠ SONG NGỮ VIỆT - ANH
(Thơ và bản dịch Anh ngữ: Nguyên Giác Phan Tấn Hải)


Hoa Bay Khắp Trời

Nhìn kia
chỉ hình hiện ra
không người không ta
chỉ hình được thấy
không ai đang thấy

Nghe kìa
chỉ tiếng trong lời
không ta không người
chỉ tiếng được nghe
không ai đang nghe

Chữ vàng trên giấy, lời Phật năm xưa, khởi từ bi dậy, chỉ qua kia bờ
Thương ơi ba cõi, bè pháp cứu người, qua sông còn gọi, hoa bay khắp trời

Ngồi đây
cảm nhận hơi thở
hơi vào hơi ra
chỉ là hơi thở
không ai đang thở

Tâm kià
khắp cảnh là tâm
khắp tâm là cảnh
khắp trời gương sáng
khắp trời là tâm.

Flowers All Over the Sky

See there
only the seen appearing
no me, no others
only a scene is seen
nobody is seeing

Hear that
only the heard echoing
no me, no others
only the sounds are heard
nobody is listening

Buddha’s words from ancient years written with golden ink show compassionately how to cross the river
The dharma raft calls out from other shores to wake up humanity in the three realms, while flowers are flying all over the sky.

Sit here
feel the breaths
moving in and out
only the breaths
nobody is breathing

See the mind
all the seen are mind's display
all the mind are things that are seen
all the sky is a bright mirror
all the sky is the mind’s display













10
Thiền Tâp Trong Đời Thường










11
Thiền Tông Qua Bờ Kia











12
Thiền Tông Bất Lập Văn Tự








13
Sách song ngữ Việt-Anh:

– Teachings From Ancient Vietnamese Zen Masters (song ngữ)

– Teachings and Poetry of the Vietnamese Zen Master Tue Trung Thuong Si (1230-1291)

– Tran Nhan Tong (1258 – 1308): The King Who Founded A Zen School























TÔI ĐI TÌM EM ĐỜI NÀY, ĐỜI NÀY



Lời này là lời mỗi ngày tôi đọc,
mỗi ngày tôi ca, tôi hát, tôi nhẩm,
tôi ăn, tôi nuốt, tôi cười: Rằng cái
này có nên cái kia có, rằng cái


này không nên cái kia không... lời này
là lời mỗi giờ tôi thở, mỗi giờ
tôi hít, tôi nhìn, tôi rờ, tôi nắm,
tôi vò, tôi nếm: Rằng cái này sinh


nên cái kia sinh, rằng cái này diệt
nên cái kia diệt... mỗi phút, mỗi giây,
lời này, lời này... ngấm vào người tôi,
là máu thịt tôi... là tôi, là cái


không tôi, là của tôi, là cái không
của tôi... lời này, lời này, chỉ còn
một lời này thôi. Lời này là lời
mà tôi đã nói, với em, trong lớp


học, ngoài thư viện, cúi giảng đường, bên
giường bệnh: rằng cái này có nên cái
kia có, rằng cái này không nên cái
kia không, rằng cái này sinh nên cái
kia sinh, rằng cái này diệt nên cái
kia diệt... rồi em có nhớ, rồi chỉ
vì em, một hôm hai hôm nhẫn tới
ba hôm, tôi đã vào đời, vào đời


và để tìm em, để nói với em,
với em, lời này, lời này... Một đời
một đời trĩu nặng khôn lường, rằng em
có biết không chỉ một đời, rằng tôi


ngồi đếm, một đời, hai đời, ba đời,
bốn đời... tới vô lượng đời... rằng em
có nhớ, là tôi đã ngồi, đếm số
cho em bao đời, bao đời, bao đời...


rằng tôi tìm em từ vô lượng đời,
để kể em nghe, rằng cái này có
nên cái kia có, rằng cái này không
nên cái kia không, rằng cái này sinh


nên cái kia sinh, rằng cái này diệt
nên cái kia diệt... tôi ngồi tôi đếm...
không ai, không ai, chỉ còn một nắm
thịt da đang đếm, em có nghe không,


chỉ còn tiếng đếm, chỉ còn một nắm
thịt da đang ngồi, đang ngó, đang nói
với em... Đời này, đời này... rằng em
không nhớ là vô lượng đời, là anh


đã ngồi, gõ quan tài em, ngồi ca,
ngồi ca, rằng em hãy nghe, rằng cái
này có nên cái kia có, rằng cái
này không nên cái kia không, rằng cái


này sinh nên cái kia sinh, rằng cái
này diệt nên cái kia diệt... rằng tôi
bao đời, nhìn nhan sắc em, bao đời,
bao đời, nhìn nụ cười em, bao đời,
bao đời, rồi nài nỉ em, rằng hãy
nghe tôi, hãy nghe lời này, rằng cái
này có nên cái kia có, rằng cái
này không nên cái kia không, rằng cái


này sinh nên cái kia sinh, rằng cái
này diệt nên cái kia diệt... Đời này,
đời này... rằng em hãy thấy... đời này,
đời này... rằng em hãy thấy... có cái


không sinh, có cái không diệt... có lời
đang đếm, vẫn là bất động, bất động,
bất động, bất sinh, bất sinh... có lời
đang đếm trải vô lượng đời, vẫn chưa


thành lời, vẫn chưa thành lời...

08/20/2004





CÓ HƠI THỞ NGẮN CÓ HƠI THỞ DÀI



Tôi ngồi hít thở hơi ra hơi vô
hơi dài hơi ngắn, xin cho đất trời
bình an, mưa thuận gió hòa, cơm ăn
đủ no áo mặc đủ ấm, tôi ngồi
hít thở hơi ngắn hơi dài hơi vô
hơi ra hít thở ngồi tôi tôi ngồi
ngồi tôi tôi ngồi thở hít hít thở
dài ngắn hơi ra ngắn dài hơi vô,
xin cho bình an đất trời, gió hòa
mưa thuận, cho mẹ cho em cho chị
cho anh đủ cơm mỗi ngày, đủ áo
cho ấm, nước mắt rưng rưng lỡ mang
nghiệp nặng tôi ngồi hít thở .... Tôi đứng



thở hít đứng tôi hít thở, hơi ngắn
tôi biết hơi ngắn, hơi dài tôi biết
hơi dài, nhìn đủ trong tôi mùa xuân
mùa hạ mùa thu mùa đông ẩn tàng
hơi thở, một hơi này dài hơi ấm
mùa xuân, hơi sau ngắn lại nắng hè
quá gấp, bụng phình ra thở hơi ngắn
hơi dài mang đi nỗi buồn mùa thu
đổ lá, lạnh giá hơi thở mùa đông
run rẩy nhớ nhau, thở tôi đứng hít
hơi ra hơi vào, xin cho an bình
ngày ngày thế giới, cho trẻ nhỏ vui
ngày ngày đi học... Thở hít trong tôi



đất trời bao la, có hơi dài ngắn
hít thở trong tôi, có mây trong phổi
có gió ngang môi có rừng xao xác
hàng mi trước mắt có biển rạt rào
trong hơi thở ngắn trong hơi thở dài
có biển cuồng nộ trong hơi thở gấp
trong hơi thở gắt tôi ngồi tôi đứng
tôi đi tôi nằm tôi chạy vẫn thở
trong tôi đất trời kinh ngạc có cây
có đồi tôi mẹ có em có rừng
Tây Tạng vi vu nghìn năm có sừng
trâu gõ Lão Tử vọng về, thở hít
trong tôi hơi ngắn hơi dài xin cho
bình an đất trời xin cho trẻ nhỏ
ngày ngày đủ ăn.... Hít thở trong tôi



hơi dài hơi ngắn thở hít tôi trong
hơi ngắn hơi dài có hơi thở đỏ
có hơi thở xanh có hơi thở vàng
có hơi thở đen xin cho đau khổ
trần gian xin cho hung hiểm đất trời
vào theo hơi thở, tôi ngồi tôi chịu,
tôi đứng tôi chịu khổ đau trần gian
cho em cho mẹ cho chị cho anh
an bình bình an, hơi đen tôi thở
cho trẻ hết bệnh, hơi vàng thở tôi
cho mẹ hết đau, hơi xanh tôi thở
cho chị khỏi đói, hơi đỏ thở tôi
cho người rũ hết bao nhiêu căm thù
hơi dài hơi ngắn buông sạch ngàn đời
oan nghiệt.... Tôi ngồi tôi thở tôi đứng
thở tôi tôi về Sài Gòn về tôi
Nha Trang tôi về Ban mê về tôi
Hà Nội tôi thở thở tôi có biển
trong mắt có gió trên tóc có lời
yêu thương ngàn ngày trăm ngày tôi thở
thở tôi tôi đi tôi đứng tôi ngồi
tôi nằm hơi thở trong tôi có thở
trong tôi có đôi mắt em dõi nhìn
trong tôi có tôi quỳ lạy đất trời
tạ ơn có tôi lạy quỳ mưa thuận
gió hòa cho mẹ cho em đủ no
đủ ấm có tôi thở hít có tôi
lạy quỳ xin cho người người giải thoát
xin cho người người đời đời thoát khổ...



Hơi thở thở hơi hơi ra hơi vô
hơi dài hơi ngắn có gió rì rào
có biển ca hát có rừng nghiêng chào
có Nha Trang buồn có Sài Gòn vui
có thở có hơi có ngắn có dài
nhưng không có tôi nhưng không có chị
nhưng không có em nhưng không có mẹ
nhưng không có khổ nhưng không có đau
ngàn năm qua rồi tỉ năm qua rồi
có hơi thở ngắn có hơi thở dài
có bầu trời cao mây tan từ thuở
đất trời bình an, có bờ cát trắng
dấu chân sắp mờ.... Có hơi thở ngắn



có hơi thở dài có hơi thở dài
có hơi thở ngắn có đủ bốn mùa
gói trong hơi thở có đủ trời sao
trăng mây gió lộng trong một thở hơi
trong một hơi thở, không mẹ không em
không chị không tôi không người không hề
một người không ta không ai không thấy
một ai không ai một thấy không hề
một ai không ai một hề, chỉ có
hơi thở chỉ có thở hơi....











Thơ Phan Tấn Hải trên Thi Viện

















Viết lời như huyễn


Em đi để lại mây ngàn
quyện vào chuông mõ, phím đàn nửa đêm
Thương anh không ngủ giấc thiền
nụ cười em gửi ngoài hiên cúng dường

Em đi phả lại mùi hương
ướp làn gió sớm, thơm đường mây trưa
Thương anh trăm nắng ngàn mưa
lái đò cổ độ giúp đưa qua bờ.

Em đi rơi lạc vào thơ
quyện vào cổ tích Âu Cơ muôn trùng
Thương anh ngồi viết không ngừng
chép câu mật hạnh cúng dường chúng sinh

Em đi nghiêng cả mái đình
lắng nghe sông núi tụng kinh độ người
Thương anh tịch lặng dáng ngồi
ngó câu vô tự nụ cười niêm hoa.

Em đi son nhạt phấn nhoà
tiễn đưa muôn kiếp lià xa muộn phiền
Thương anh ngồi thức ngày đêm
niệm ân ba cõi, phước điền mười phương.

Em đi in dấu dặm trường
vầng trăng soi tỏ con đường cổ xưa
Thương anh đọc chữ rất mờ
ghi lời Phật dạy nguyên sơ Niết bàn.

Em là vô lượng hoá thân
không sau, không trước, không gần, không xa
Thương anh ngồi giữa Ta Bà
nhìn nghiêng nắng quái biết là Tánh Không.

Em là trăng lạc vào gương
không hư, không thực, không đường chim bay
Thương anh kinh sách miệt mài
tìm câu chú giải vết giày tổ sư.

Em là muôn triệu kỳ thư
tu xong quên hết, chữ Như duy còn
Thương anh ngộ pháp vô ngôn
không lui, không tới, tịch dương hai bờ.

Em là mưa bụi sương mờ
về nghe anh đọc dòng thơ vô cầu
Thương anh ngồi thức đêm thâu
viết lời như huyễn dứt sầu ngàn năm.

Đón giao thừa Nhâm Dần 2022









Nguyễn Hoàng Nam, Phan Nguyên, Phạm Việt Cường, Phan Tấn Hải,
 Trầm Phục Khắc, Lê Giang Trần
1994. Hoa Kỳ







Phan Nguyên & Nguyên Giác Phan Tấn Hải
2019. California














Trở về






MDTG là một webblog mở "để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.