Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

Đỗ Phấn

 














Đỗ Phấn
(1956 - ........) Hà Nội
Họa sĩ, Nhà văn









"Mình chẳng bao giờ là cái mình muốn"







Tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1980
10 năm giảng dạy mĩ thuật tại khoa kiến trúc trường Đại học Xây dựng Hà Nội (1980-1989)



*


"Nghệ thuật chỉ nên bắt đầu từ chính mình, không nên bắt đầu từ đâu cả. Hãy bắt đầu từ chính mình một cách thật hay, thật xác đáng, để có cái mà bắt đầu! đơn giản thế thôi."

ĐP










Sách mới xuất bản























Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội
2014

Nxb Trẻ

















Rụng Xuống Hư Ảo











Con Mắt Rỗng

Nxb Văn Học











Ruồi Là Ruồi


Nxb Trẻ










Hà Nội Thì Không Có Tuyết
Tản văn 2013
Nxb Trẻ












Tiểu Thuyết 
nxb Trẻ 01.2013

















Sách đã xuất bản








Chuyện Vãn Trước Gương  
(tản văn) 2005











Kiến Đi Đằng Kiến  
(tập truyện ngắn) 2009











Đêm Tiền Sử  
(tập truyện ngắn) 2009










Vắng Mặt  
(tiểu thuyết) 2010











*


Thác Hoa  
(tập truyện ngắn) 2010
 


*









Chảy Qua Bóng Tối  
(tiểu thuyết) 2011











Rừng Người  
Tiểu thuyết
nxb Phụ Nữ 2011











Ông Ngoại Hay Cười
(Tản văn, nxb Lao Động, 223tr, 2011) 









Phượng Ơi!

Tản Văn 
nxb Dân Trí 2012



























Tranh Đỗ Phấn










































































Tự Họa








Tham khảo thêm về họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn








Đỗ Phấn : "Làm nghệ thuật khổ quá, gian nan quá!"









Hoạ sĩ Đỗ Phấn.




Con nhà "gia thế", được đào tạo bài bản ở "lò" mỹ thuật Yết Kiêu, từng là giảng viên của khoa Kiến trúc trường Đại học Xây dựng, rồi bỏ ngang để làm người tự do… Đỗ Phấn được bạn bè nhắc đến như một người đầy cá tính, một hoạ sĩ nhiều đam mê...

Không chỉ có vậy, nhắc đến Đỗ Phấn nhiều người còn biết đến anh với tư cách là một người viết văn, viết báo rất thiện nghệ.

Tháng giêng, gặp anh đang rong ruổi tận sông Thao, chúng tôi đã chúc năm mới anh bằng một cuộc chuyện trò ngắn.


Ý thức đầy đau đớn về bản sắc trong sáng tạo


Ngày đầu năm mới đã gặp anh ở xa Hà Nội thế này, có vẻ điều mọi người nói về anh rất đúng: Ham chơi?
(Cười). Chuyện đi, chuyện chơi của tôi thì... Rừng này, đảo nọ, bản kia, trong nước, ngoài nước... bỏ tiền mà đi thôi, thích lắm.

Hình như anh có lý do riêng để "chơi"...
Bệnh ham chơi của tôi là bệnh nghề nghiệp đấy. Làm hội hoạ phải quan sát nhiều, phải có nhiều kiến thức về hình ảnh, tôi luôn thèm khát được nhìn thấy những hình ảnh mới lạ, thế là vác tiền đi chơi, lọ mọ khắp nơi "từ đồng bằng cho tới biển xa". Chơi là một kênh cho ta nhiều kiến thức xã hội quan trọng lắm bạn ạ. Có những điều cũng không thật cần để làm gì, nhưng có nó vẫn hơn không có gì.

Thế ấn tượng của những chuyến đi ra nước ngoài của anh là gì vậy?
Là ý thức đầy đau đớn về bản sắc riêng trong sáng tạo. Là nỗi thèm khát đến tuyệt vọng bản sắc cá nhân, bản sắc dân tộc trong mình. Sau nhiều chuyến đi như thế, tôi nhớ tới những hoạ sĩ như Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng... Những người đã có ý thức rất mạnh mẽ về việc hình thành một nền mỹ thuật nói được câu chuyện của người Việt với thế giới. Ông Nguyễn Sáng đã suốt đời gắn bó với đề tài kháng chiến, còn ông Dương Bích Liên thì một đời chỉ vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh... Tôi ngẫm nghĩ về một thế hệ tài năng của hội hoạ Việt Nam đã không được đi ra thế giới một lần nào trong suốt cuộc đời, phải vẽ tranh chợ để kiếm sống, tài năng không được dùng vào việc gì...
Nếu còn trẻ, tôi sẽ đi buôn

Anh có thể nói đôi câu về hội hoạ thế giới và hội hoạ Việt Nam theo cách nhìn của anh không?
Hội hoạ thế giới nửa thế kỷ qua không có phát hiện nào đáng kể, Installation, Performance, Land Art, Body Art... là những phát hiện với tham vọng phổ cập, đưa hội hoạ tới gần công chúng hơn, nhưng thực tế nó chỉ tới được với lượng người xem không đáng kể, vài trăm người là cùng. Còn hội hoạ Việt Nam thì... có lẽ rất lâu nữa mới hoà nhập được vào mặt bằng của hội hoạ thế giới. Giá các bức tranh của các hoạ sĩ Việt Nam ở các galery ngoại quốc là giá của hàng souvenir, của quà tặng, chưa phải giá của tác phẩm. Chúng ta chỉ mới có sản phẩm của hội hoạ chứ chưa có tác phẩm hội họa.

Với cách nhìn ấy, anh tự thấy bản thân mình thế nào?
Vô cùng thất vọng. Tôi đã cố gắng hết sức, tốn bao thời gian công sức hy vọng có thể đưa các "sản phẩm" của mình tới gần hơn với "tác phẩm", nhưng chẳng ăn thua gì.

Nhưng nhìn bề ngoài, anh có vẻ rất ung dung tự tại...?
Tôi là người hạnh phúc vì được làm cái việc mình thích. Tôi dám vứt đi những thứ "tài sản" mình được hưởng và sống bằng chính sức lực của mình. Tôi không loay hoay xác định mình là ai, tôi chỉ xác định mình muốn làm cái gì. Tôi nghĩ đó là căn nguyên của cái vẻ ngoài mà bạn vừa nói nếu có!

Vậy nếu bây giờ anh mới 20 tuổi, anh sẽ làm gì?
Tôi sẽ đi buôn. Làm nghệ thuật khổ quá, gian nan quá. Thể hiện được bản sắc của mình đã khó, lại còn phải gắn với một cái gì đó trong cội nguồn, quá khó!
Để làm được một thứ thôi cũng phải mất cả đời

Anh hãy chia sẻ với lớp trẻ hôm nay một điều gì đi!
Nghệ thuật cần tri thức, nhưng nghệ thuật cũng cần sự từng trải, cần tích luỹ, và nghiền ngẫm, đừng nôn nóng, kẻo gây ra hệ luỵ về sau lại mất thời gian chấn chỉnh. Tuổi trẻ muốn làm và nghĩ là sẽ làm được nhiều thứ, ai vào thời tuổi trẻ cũng đều vậy, nhưng phải sống lâu mới biết đôi khi để làm được một thứ thôi cũng phải mất cả cuộc đời rồi.

Một điều gì đó độc đáo hơn nữa, được không anh?
(Cười). Được! Đây là điều tôi tâm đắc: nghệ thuật chỉ nên bắt đầu từ chính mình, không nên bắt đầu từ đâu cả. Hãy là chính mình một cách thật hay, thật xác đáng, để có cái mà bắt đầu! Đơn giản thế thôi.

Xin cám ơn anh!



Nga Li thực hiện











Đỗ phấn: Họa sỹ "già" và cây bút "trẻ"



Đỗ Phấn sinh năm 1956 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật và theo nghề đã ngót nghét 40 năm. Khi cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông có tên "Vắng mặt" lọt vào chung khảo giải thưởng văn Bách Việt cùng nhiều tên tuổi văn chương lớn, người ta chợt biết thêm Đỗ Phấn với tư cách một nhà văn, mặc dù ông luôn coi "viết văn là để thư giãn".

- Tại sao là một hoạ sỹ đã làm nghề được 40 năm ông lại chuyển sang viết văn. Phải chăng ông đã chán nghiệp vẽ?

Ngay từ thuở bé tôi đã yêu thích văn chương và hội họa. Khi lớn lên, tôi chọn hội họa làm con đường đi cho mình. Tôi vẽ và làm nghề dạy học để kiếm sống, để nuôi gia đình. Giờ mọi thứ đều đã ổn định nên tôi mới có điều kiện để thực hiện nốt niềm đam mê còn lại đó là viết. Tôi cũng tự hào là dù mới bước chân vào thế giới của văn chương nhưng tôi cũng đã có 3 cuốn truyện ngắn được xuất bản, đó là: "Chuyện vãn trước gương" (2007), "Đêm tiền sử" (2009), "Kiến đi đằng kiến" (2010).

- Tác phẩm"Vắng mặt" là câu chuyện của họa sỹ Vũ với những trăn trở đau đáu về cuộc sống xung quanh, với những sự đổi thay quá nhanh của xã hội mà... không có quy hoạch. Những nhân vật trong truyện của ông với đủ phận đời, phận người. Tại sao ông lại xây dựng nhân vật chính là một họa sỹ? 

Bản thân tôi là một hoạ sĩ mới tập tành viết văn nên tôi muốn viết về những điều mà tôi hiểu biết trước tiên. Có người nói tôi lấy nguyên mẫu nhân vật này ở đâu đó, cũng có người nói nhân vật chính là tôi, nhưng quả thực không phải vậy, bởi tiểu thuyết của tôi được hư cấu hoàn toàn (điều này có ghi trong lời tựa của cuốn sách) nhưng khi đọc nó, ai cũng có thể thấy một chút nào đó giống mình. 

- Cuốn "Vắng mặt" có độ dài 365 trang, ông bắt đầu viết từ khi nào vậy?
Tôi bắt đầu viết từ năm 2006, đến năm 2009 thì hoàn thành. Trong khoảng thời gian 3 năm ấy, đã rất nhiều lần tôi phải dừng viết bởi những chuyến đi xa, bởi những tác phẩm hội họa đang chờ tôi hoàn thiện. Sau khi cuốn sách hoàn thành, tôi cũng phải trải qua một thời gian chờ đợi để kiểm duyệt nên đến giờ, cuốn sách mới được ra mắt bạn đọc.

- Chủ đề chung trong những cuốn sách của ông là gì?
Tôi viết về những thứ tưởng là tình yêu yêu. Có thể các bạn thấy ngạc nhiên nhưng theo quan điểm của tôi về tình yêu, đó là một sự hoàn hảo. Mà trên thực tế thì không có gì gọi là hoàn hảo cả. Những nhân vật của tôi cũng vậy, họ có tình cảm với nhau nhưng đôi lúc là hơn tình bạn, đôi lúc là tình dục, và đôi lúc là sự thân quen... chính những ngộ nhận này một phần tạo nên bi kịch của họ.

- Khi nghe tin cuốn sách của mình lọt vào chung khảo cuộc thi Bách Việt, cảm xúc của ông thế nào?
Sự thật là tôi không quá xúc động khi nhận được tin này, không phải vì tôi không coi trọng giải thưởng mà với tôi, tôi tìm thấy niềm vui trong quá trình viết. Khi cuốn tiểu thuyết được hoàn thành, cảm giác lúc đó rất hạnh phúc rồi. Còn "số phận" của cuốn sách ra sao, tôi xin gửi gắm vào độc giả.

- Là một hoạ sỹ khi viết văn, ông thấy có những ưu điểm gì?
Làm hội hoạ phải quan sát nhiều, phải có nhiều kiến thức về hình ảnh. Khi viết, tôi luôn dùng tư duy hình ảnh để xây dựng nên từng chương truyện. Có thể nói tôi đã đi hết hang cùng ngõ hẻm của đất nước, cũng có khi "sang" hơn là tự bỏ tiền túi đi nước ngoài bởi tôi luôn mong được nhìn thấy những hình ảnh mới lạ để sáng tác trong hội họa. Và, khi đã trải nghiệm bằng cách đi qua 2/3 cuộc đời, những gì không "nói" được trong hội họa, tôi "trút" vào văn chương.

- Tự nhận mình là một người nghiệp dư với văn chương, vậy điều gì khiến ông cảm thấy tự tin nhất khi viết?
Tôi có lợi thế hơn các nhà văn chuyên nghiệp là sự hồn nhiên khi viết. Tôi viết những gì tôi cảm nhận được, bằng sự hiểu biết, bằng những trải nghiệm trong cuộc sống. Có một điểm nữa đó là tôi viết ít, tổng số những trang viết của tôi chỉ lên tới trên 1.000 trang nên tôi không sợ bị lặp lại chính mình, đó là điều mà những người viết văn chuyên nghiệp luôn rất sợ gặp phải.

- Ông có nhận xét gì về những bạn trẻ viết văn hiện nay?
Các bạn trẻ hiện nay viết rất khoẻ và rất tự tin. Họ phát triển với lực lượng mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Họ có khát khao muốn cách tân văn chương và cách tân chính mình. Đây là ưu điểm nhưng cũng chính là nhược điểm bởi nghệ thuật cần sự từng trải và nghiền ngẫm. Nhưng tôi tin, khi họ đã có chút từng trải trong cuộc sống, họ sẽ là những cây bút chuyên nghiệp góp phần vào sự phát triển của văn chương Việt Nam.

- Dự định trong văn chương của ông trong gian tới là gì?
Tôi đang chuẩn bị in cuốn tiểu thuyết thứ 2 mang tên "Rừng người", có độ dày khoảng 400 trang. Cuốn sách này tôi viết trong vòng 1 năm. Câu chuyện cũng xoay quanh đời sống của những trí thức và người dân thành thị. Cuốn tiểu thuyết thứ 3 của tôi tạm gọi là "Trần gian đếm bước" cũng đang được hoàn thành. 

- Xin cảm ơn ông!



Khánh Chi (thực hiện)
Theo www.ktdt.com.vn









Đỗ Phấn: Gã thị dân lạc lõng giữa "rừng người"


Xuyên suốt 3 tiểu thuyết là hình ảnh những gã bất đắc chí lăn từ cuộc tình này qua cuộc tình khác, một cách đầy bản năng, thụ động, hết cuộn tròn trong vòng tay gái nhà lành đến vục mặt vào những ả cave, sống một đời sống nhục dục trong sự bi phẫn, bất lực với bi kịch của chính mình, không cách gì vượt thoát.

Bén duyên với văn học khá lâu, nhưng dường như chỉ khi tiểu thuyết “Vắng mặt” ra mắt, Đỗ Phấn mới chính thức ghi danh trong làng văn Việt. Thế rồi liền ngay sau đó là sự xuất hiện của “Chảy qua bóng tối”, và lại một bất ngờ nữa, tiểu thuyết “Rừng người” của anh vừa tiếp tục ra mắt bạn đọc. Cú “hattrick tiểu thuyết” của Đỗ Phấn khiến người ta không thể không quan tâm tự hỏi Đỗ Phấn là ai, và từ đâu đến?



Đỗ Phấn tự họa chân dung mình. 



1. Chẳng một lời tuyên ngôn, chẳng một câu “dọa dẫm”, ngay cả nơi bàn trà quán rượu với những bạn viết thân cận nhất, thế nhưng khi Đỗ Phấn in đến đầu sách thứ 8 trong đó có 3 tiểu thuyết liên tục trong 3 năm thì làng văn phải giật mình. Giật mình bởi gã họa sĩ tưởng tay ngang dạo chơi vào khu vườn văn chương này hóa ra đã là chủ nhân đích thực với tấm sổ đỏ sở hữu một mảnh đất trong vườn văn và trên mảnh đất ấy bỗng một ngày nở ra một loài hoa lạ. Cái tấm sổ đỏ ấy gã luôn giấu nhẹm đi sau cái phong thái khật khưỡng, nửa như khinh miệt, nửa như trưởng giả, pha chút kênh kiệu bất cần của đám thị dân trước lũ nhà quê tỉnh lẻ. Cái cách gã bước vào khu vườn ấy khiến cho người ta lầm tưởng ông chủ đất với gã say ngất ngưởng vào… xin đểu nhiều hơn là nghĩ đến một kẻ yêu lao động, ngày đêm cần mẫn gieo trồng.

2. Đọc Đỗ Phấn, người ta dễ hình dung đến những người của Hà Nội muôn năm cũ với những lịch lãm, phép tắc mà giờ đây với tầng lớp thị dân mới dường như đã trở nên xa xỉ. Đọc văn anh dễ nghĩ đến những kẻ lạc thời, luôn tin tưởng tuyệt đối và thành kính vào những giá trị đã được định hình, được vun đắp hàng nghìn năm nhưng giờ đây bỗng trở thành những thứ giáo điều dành cho kẻ hoài cổ dở hơi rỗi việc. Quả Đỗ Phấn có giống kẻ rỗi việc thật. Ở ngoài đời bất cứ khi nào gọi anh đều sẵn sàng cà phê, sẵn sàng có mặt (chứ không “vắng mặt” như tên tác phẩm). Đỗ Phấn giống như kẻ rỗi việc ngồi nhặt nhạnh, soi mói những lỗ hổng của văn minh đô thị. Anh thường đặt ra những câu hỏi trong những trang văn. Những câu hỏi mà như tự vấn. Những câu hỏi của kẻ ngơ ngác không thể hiểu nổi tại làm sao lại ra nông nỗi ấy…

3. Không phải ngẫu nhiên mà văn Đỗ Phấn nhận được sự cộng hưởng từ phía những người trẻ. Là bởi tính chất thời sự của vấn đề anh đặt ra, cách anh đào sâu vào những vấn đề của xã hội đương đại. Đến với văn chương muộn hơn những người cùng thế hệ rất nhiều, nhưng những trang viết của anh luôn bám sát đời sống đương đại, dễ nhận được sự đồng cảm của những người trẻ và của những ai còn tha thiết, còn dấn thân, còn trách nhiệm và mở lòng với cuộc sống hôm nay. Vượt qua đoạn đầu của thế hệ mình để đến với đoạn sau, Đỗ Phấn đã chọn điểm nhìn ở hôm nay, viết về những vấn đề của hôm nay, quyết không ăn mày phần dĩ vãng đã cài then, hay đúng hơn là anh đã biết chuyển hóa nó, tiêu pha nó bằng những giá trị của đồng tiền đang lưu hành chứ không phải bằng những tờ tiền âm phủ.

Cuốn tiểu thuyết mới nhất "Rừng người" của Đỗ Phấn.

4. Có thể nói ít người theo đuổi, tha thiết với đô thị, nhìn nhận các vấn đề của đô thị một cách thấu triệt, mổ xẻ, tiên đoán, bắt bệnh cho nó nhiệt thành, cùng kiệt như Đỗ Phấn. Ở các tiểu thuyết của anh, người ta thấy một đô thị đang vỡ ra, đang bị cày xới, sục sạo trong cuộc chiến giữa bản thể và những lai tạp nhố nhăng. Nếu như ở “Vắng mặt” là sự đào sâu vào bi kịch cá nhân, loay xoay ở những vấn đề mang tính cá nhân thì ở “Chảy qua bóng tối” lại có sự cực đoan khi cắt nghĩa các vấn đề của đô thị và những hệ lụy của nó với cách nhìn rất dễ khiến những kẻ “ngụ cư chân chính” phải chạnh lòng. Anh sẵn sàng chỉ ra cái sự nhộn nhạo của đô thị là do những kẻ nhập cư, là do những bát nháo của “nửa kia thành phố”, phần đất mới nhập vào làm mất thế “rồng cuộn hổ ngồi”. Còn đến “Rừng người”, người ta đã thấy một đô thị - không - hẳn - là - Hà - Nội, một khái niệm đô thị ở tầm cao hơn, đã có sự liên kết với các “đô thị vệ tinh”, các vùng nông thôn lân cận để vấn đề không còn là của một đô thị riêng lẻ nào. Cùng với tiến trình mở rộng địa lý của Thủ đô, không gian tiểu thuyết của Đỗ Phấn cũng có sự mở rộng để hướng tới một Thủ đô rộng lớn hơn và cũng tượng hình hơn, để nói những vấn đề của thời đại.

Xuyên suốt 3 tiểu thuyết là hình ảnh những gã bất đắc chí lăn từ cuộc tình này qua cuộc tình khác, một cách đầy bản năng, thụ động, hết cuộn tròn trong vòng tay gái nhà lành đến vục mặt vào những ả cave, sống một đời sống nhục dục trong sự bi phẫn, bất lực với bi kịch của chính mình, không cách gì vượt thoát. Chán nản thì uống rượu, rượu say thì lao vào đàn bà, chán đàn bà lại tìm đến rượu bên những tri âm để rồi lặp lại cái vòng luẩn quẩn ấy. Đó cũng là một cách nhìn, nhưng nếu như nhìn bằng một cách khác như nhà phê bình trẻ Đoàn Ánh Dương: Đọc “Rượu và đàn bà” - “Tình bạn và Tình yêu” sẽ thấy xót xa vì sự biến mất của những điều tưởng như là vĩnh cửu, khi những thứ chuẩn mực phổ thông bỗng dưng thành của hiếm.

5. Đỗ Phấn viết về tất cả những điều ấy ngoài tư cách tác giả còn với tư cách của người trong cuộc, đau nỗi đau của người trong cuộc. Giống như một ông bố của gia đình vốn nền nếp gia phong một ngày bất lực ngồi nhìn đàn con của mình không còn giữ được nếp nhà, trở nên lố lăng, hư hỏng, mỗi đứa hỏng một kiểu, chẳng cái nào hỏng giống cái nào, cái gia đình ấy đầy đủ tứ chứng nan y về tinh thần, suy sụp không cách gì cứu vãn. Đau đấy, nhục đấy, xót xa đấy mà chỉ biết bất lực ngồi nhìn.

Nếu như các nhà văn gốc Hà Nội đã làm nên những cột mốc riêng, nếu như Bảo Ninh mang theo cái chất trai phố vào chiến trường để rồi cắm nên một cột mốc “Nỗi buồn chiến tranh” theo cách của một người Hà Nội bằng sự điềm tĩnh, sự chiêm nghiệm riết róng và xa xót; Nguyễn Việt Hà đã dựng nên một chân dung Hà Nội đầu những năm đổi mới bằng “Cơ hội của Chúa” với vẻ giễu nhại của kẻ tinh quái có con mắt nhà tiên tri, chẩn đoán, bắt bệnh như thần, thì Đỗ Phấn, tiếp tục dòng chảy ấy, anh đã dựng nên một bức chân dung lập thể của Hà Nội những năm đầu thế kỷ 21 với những ung nhọt đã bắt đầu vỡ lở, với những hang hốc ủ bệnh nay đang bộc phát…. Nhìn vào dòng chảy ấy có thể thấy “Cơ hội của Chúa” của Nguyễn Việt Hà là dự báo, còn bộ 3 tiểu thuyết của Đỗ Phấn là kết quả của sự dự báo ấy. Người ta thấy một đô thị đang vỡ ra, đang rệu rã, bộ khung văn hóa đang bị quá tải, đang phải gồng mình gánh đỡ một cơ thể bệnh hoạn đè nặng, trì níu khiến nó đang trở nên hụt hơi vì quá sức. Người ta cũng thấy những giá trị tinh thần của mảnh đất ngàn năm đang bị xâm lấn, dồn đuổi, chiếm chỗ một cách quyết liệt và thô bạo.

6. Đọc Đỗ Phấn bỗng nhiên tôi lại nhớ đến hai câu kết trong bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên: “Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ?”. Thế còn lớp con cháu họ, những người ấy đang ở đâu? Đang tự giấu mình đi để làm kẻ “Vắng mặt”, hay bị lạc lõng giữa “Rừng người”, hay bất lực làm kẻ mù lòa nhắm mắt làm ngơ “Chảy qua bóng tối”? Dù thế nào thì cũng cho thấy một điều, họ đang ngày càng nhỏ bé, vô danh, đang tự thu mình và có nguy cơ biến mất bởi những thứ khác họ hàng ngày đang nhiều lên, như con lũ dữ, cuốn trôi, lấn lướt, nhấn chìm tất cả, thống soái để tạo nên nhịp đập hỗn loạn của một đô thị mở. Nhưng dù thế, tôi vẫn tin, những gì có sức nặng thì hay chìm sâu để những thứ rác rưởi nổi nênh làm mưa làm gió, còn nó sẽ lắng đọng trẫm mình để kết tinh, như khúc kỳ nam, qua chớp bể mưa nguồn sẽ một ngày phát lộ. Nhưng cũng tiếc thay, khi ấy, có lẽ những gì tốt đẹp đã trở thành di sản mà lớp hậu sinh chỉ có thể ngắm nhìn.

Hà Nội tháng 10/2011 



Dương Tử Thành
Nguồn từ blog.yume.vn











Đỗ Phấn: Văn chương không cần lắm điều



TT - Trong vòng hai năm, Đỗ Phấn lần lượt trình làng ba cuốn tiểu thuyết. Điều thú vị là Đỗ Phấn được biết đến nhiều với tư cách họa sĩ hơn nhà văn, và không phải nhà văn chuyên nghiệp nào cũng có sức lao động đáng kể như anh.





Họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn - Ảnh nhân vật cung cấp


Nhân dịp tiểu thuyết Rừng người vừa mới ra mắt độc giả trong tháng 9, Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với Đỗ Phấn.

* Trong vòng hai năm cho ra mắt ba cuốn tiểu thuyết, cho thấy sức làm việc rất tập trung... Có phải là anh đang say tiểu thuyết?

- Thật ra trước đấy tôi đã in năm cuốn sách khác gồm tản văn và truyện ngắn. Từ những cái viết ngắn bởi phải gò vào một khuôn khổ chữ nhất định, tôi thường có những ngẫm nghĩ lan man theo dòng suy tưởng. Tất cả được ghi chú lại ở một nơi trong máy tính để đến bây giờ hình thành ba cuốn tiểu thuyết.

Nói là say thì cũng đúng nhưng với tôi, tiểu thuyết luôn là cỗ máy cái trong tác phẩm của bất kỳ người viết nào. Ở đấy các thao tác nghề nghiệp và vốn sống sẽ được sử dụng đầy đủ nhất. Ở thể loại ấy, ta không còn phải đắn đo quá nhiều về câu chữ, về bố cục và thậm chí cả những ngoại đề vụn vặt nhạy cảm.


* Anh quan niệm thế nào về tiểu thuyết?
- Nói về quan niệm tiểu thuyết hình như quá sức của tôi, một người không được đào tạo lý luận về nghề viết. Với tôi, đơn giản tiểu thuyết chỉ như một hành trình khám phá chiêm nghiệm cái đẹp của cuộc sống. Những xấu xa bỉ ổi thấp hèn nếu có mặt trong tiểu thuyết cũng là để tôn vinh cái đẹp. Câu chuyện này tôi rút ra từ công việc hội họa của mình. Vẽ và viết có lẽ gặp nhau ở đấy, nhất quán ở lý tưởng thẩm mỹ. Vẽ và viết với tôi có chung một đích đến là cái đẹp, sự lương thiện và có thể hiểu được.

* Giới phê bình cũng như bạn đọc đều nhìn nhận rằng tiểu thuyết Đỗ Phấn mô tả đời sống thị dân ở góc độ cận cảnh, và anh là một trong số ít nhà văn viết về đời sống thị dân hôm nay. Có phải đó là chủ ý của anh?
- Đơn giản vì tôi sinh ra và lớn lên ở đô thị. Thật ngạc nhiên là tôi thấy đa số nhà văn đều sống ở đô thị mà sáng tác của họ lại không nói lên điều ấy. Mảnh đất tưởng rằng rất quen thuộc với các nhà văn hóa ra lại không phải là chất liệu để làm nên tác phẩm.
Nhà văn đô thị đi thực tế khắp nơi để viết về những con người và vùng đất mình đi qua. Tôi làm công việc ngược lại. Đi nhiều nơi để viết về mảnh đất mình đã và đang sinh sống một cách có so sánh chiêm nghiệm. Tôi nghĩ rằng đời sống thị dân dù quan sát ở góc độ cận cảnh nhất cũng khó mà mô tả được nếu như không có những đối sánh.

* Trong Vắng mặt, Chảy qua bóng tối và Rừng người đều thấy những “xê dịch dưỡng thương”, thấy “vắng mặt” giữa “rừng người”... Dường như ít thấy nơi trang viết anh sự “phản biện” những vấn đề xã hội mà nhiều người hôm nay hay nói tới?
- Tôi không nghĩ rằng tiểu thuyết cần phải có chức năng phản biện những vấn đề xã hội. Hoặc nếu có thì nó đã xong việc và dừng lại từ thời “văn học hiện thực phê phán” trước năm 1945 mất rồi. Dĩ nhiên đó là những phản biện trực tiếp có tính phổ cập cao.

Tôi nghĩ văn chương cần phải ở một tầm bao quát lớn hơn, cần phải neo đậu trong tâm trí bạn đọc những nghĩ ngợi liên tưởng hay lóe sáng chiêm nghiệm về những vấn đề lâu dài của xã hội. Văn chương không phải là một bà già lắm điều.


Đỗ Phấn sinh năm 1956 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1980, giảng dạy mỹ thuật tại khoa kiến trúc Đại học Xây dựng Hà Nội từ 1980-1989. Ngoài ba tiểu thuyết mới xuất bản gồm Vắng mặt (Bách Việt - NXB Hội Nhà Văn), Chảy qua bóng tối (NXB Trẻ), Rừng người (NXB Phụ Nữ), từ năm 2005 đến nay Đỗ Phấn đã in các tập: Chuyện vãn trước gương, Ông ngoại hay cười (tản văn), Đêm tiền sử, Kiến đi đằng kiến, Thác hoa (truyện ngắn)...

Về tiểu thuyết Đỗ Phấn, cây bút phê bình văn học Đoàn Ánh Dương nhận định: “Sẽ rất thú vị nếu đọc văn Đỗ Phấn trong (trí tưởng) những không gian đô thị còn tranh chấp, nơi vừa như muốn níu giữ một điều gì đó còn trong trẻo của xưa kia, vừa như phải vươn vào đời sống danh lợi tục tằn hiện tại”...


Trần Nhã Thụy thực hiện
















Phan Nguyên & Đỗ Phấn
Hà Nội 2023























































MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.