Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Dương Tường (1932 - 2023)


















Dương Tường 

Tên thật: Trần Dương Tường
Bút danh khác: Nguyễn Trinh
(1932- 2023)
hưởng thọ 92 tuổi



Nhà thơ. Nhà văn. Dịch giả
Huân Chương Officier de l'ordre des Arts et des Lettres
(Pháp 2007)















"Tôi đứng về phe nước mắt" hn 20/6/2010







1945, bỏ học để theo cách mạng. 
50-55 đi bộ đội.
Năm 2007 được Chính phủ Pháp phong Officier de l'ordre des Arts et des Lettres.






"Đó là văn đức. Có văn đức, anh mới đủ nghị lực để chọn những tác phẩm giá trị, tìm hiểu kỹ về tác giả, chuyển ngữ kỹ lưỡng, làm chú thích tốt để giúp người đọc hiểu rõ hơn về tác phẩm. Bên cạnh đó, người dịch giả hãy là người giỏi tiếng mẹ đẻ trước khi giỏi ngoại ngữ. Luôn trăn trở, có lương tâm trước mỗi trang dịch của mình thì mới có được tác phẩm tốt. Tôi dịch Anna Karenina, đến lần in thứ 3 vẫn cảm thấy chưa yên, vẫn cứ tìm ra lỗi..."

Dương Tường
(Trả lời phỏng vấn nhà báo Thi Thi trên tờ Hanoimoi online 09/01/2011)











Tác phẩm đã in:









36 Bài Thơ Tình 
(in chung với Lê Đạt)











Đàn
Thơ, nxb Trẻ










Mea Culpa Và Những Bài Khác (thơ)
(nxb Hải Phòng . 160tr)
















Đường Dương Tường Nghiêng…



(Đọc tập thơ Mea Culpa và những bài thơ khác của Dương Tường)

Một ngày nào đó những năm 1970, trở về Hà Nội từ “con tàu chở đầy thuốc nổ”[1], lần đầu tiên được nghe – trong một khung cảnh có vẻ “bí mật”, bí mật vì thời ấy nó là thứ “không chính thống” (bên Tây gọi là “underground”) - “một thoáng rợn tên là heo may, một hương cây tên là kỷ niệm, một góc phố tên là hò hẹn, một nỗi nhớ tên là không tên”. Thật khác nào được nhắm mắt, thả lỏng hồn để dìu đi trong thì thầm gió thu sau cả mùa hè nóng bức, khác nào sau trận bom B52 thong thả đạp xe qua đường Lý Thường Kiệt lại nghe tiếng dương cầm vẳng từ toà biệt thự kiểu Pháp nơi bác Vũ Thị Hiển luyện đàn cho các con[2]. Phải, nói đến dương cầm thì nhiều bài thơ mà Dương Tường đặt tên “serenade”, “romance”, đúng là những etude cho piano[3] du dương nhưng đầy vẻ khác lạ: “Những ngón tay mưa/ dương cầm trên mái/ những ngón tay mưa/ kéo dài tai quái/ một nỗi nhớ siêu hình/ nhạc nhoè đường xanh/ đêm lập thể…”(Serenade 1)

Bạn bè ông thường đọc trại câu mở đầu bài trên thành “Những ngón tay mưa/ Dương Tường trên mái”. Thoạt chỉ để đùa yêu cái tinh thần “duy nhạc” của tác giả, nhưng mãi rồi mọi người thấy “Dương Tường trên mái” nghe thú vị hơn, có thể vì cộng hưởng của hai âm dương và tường là những âm mở, kéo dài, ngân nga, nghe sướng hơn âm cầm, ngắn và đóng. Sự đùa này thể hiện rõ đường lối “phi ngữ nghĩa” của “nhóm” các ông, song thực ra “nghĩa” của câu thơ chẳng khó cảm nhận cho lắm, dù có bị đọc trại đi.

Hồi ấy, được anh Dương Tường dẫn đến thăm anh Văn Cao, nghe các anh nói về “dòng chữ”, “dòng nghĩa”, tôi thật sự ngỡ ngàng. Lớp thơ trẻ chúng tôi – quen gọi là thế hệ chống Mỹ, vốn thuộc về cái mà “nhóm” Trần Dần và các bạn cùng chí hướng, trong đó Dương Tường là một thành viên tương đối trẻ, đặt tên là “dòng nghĩa”, ý nói dòng thơ lấy ý lấy nghĩa câu thơ bài thơ làm căn cốt (dòng thơ này thì bao giờ cũng chính thống, áp đảo, hồi ấy cũng như bây giờ vậy), để đối lập với hướng thơ của một nhóm cực thiểu số, bên lề, “bàng thống”, hướng vào việc khai thác những khả năng của “chữ”[4], nói khác đi là nhấn mạnh yêu cầu sáng tạo ngôn ngữ [5]. Dương Tường, một người say mê và giàu kiến thức âm nhạc, đặc biệt chú trọng đến âm thanh của chữ, đã đặt ra khái niệm “con âm”: "Vật liệu chính của thơ tôi không phải con chữ mà là con âm. Có lẽ điều phân biệt giữa các bạn thơ khác và tôi là ở chỗ họ làm việc ngôn ngữ trên nhiều "biểu nghĩa" (signifié), còn tôi làm việc ngôn ngữ trên chiều "năng nghĩa" (signifiant). Những gì ở thơ họ là "đã" thì ở tôi là "đang". Nói cách khác, ở thơ các bạn đó là mặt chữ nhìn "thẳng" còn tôi là ở mặt chữ nhìn "nghiêng". Tôi nghĩ sức gợi của thơ mình nằm ở mặt chênh đó, nó nảy lên một cái gì giống như âm bồi (son harmonique) trong âm nhạc vậy. Tôi muốn đi theo một thi pháp âm bồi nếu có thể gọi thế. Và nếu như những câu thơ tôi có một nghĩa nào đó thì là do các âm chữ hắt ánh lên thành một thứ cầu vồng trên mặt chữ mà thôi.”[6]

Chợt thu II là một thí dụ tốt của “thi pháp âm bồi”:

“Chiều se sẽ hương/ Vườn se sẽ sương/ Đường se sẽ quạnh/ Trời se sẽ lạnh/ Người se sẽ buồn”

Nếu chỉ với những chiều hương, vườn sương, đường quạnh, trời lạnh, người buồn, bài thơ sẽ chẳng mấy gợi cảm vì những ghi nhận mùa thu như thế có vẻ đã quá quen. Nhưng hai âm chủ se sẽ là câu thần chú làm tất cả sống dậy, diễn biến; bởi các danh từ (hương, sương), tính từ (quạnh, lạnh, buồn) dường như được trạng từ se sẽ biến thành động từ. Và tất cả được nhạc hoá; nhắm mắt lại, ta chỉ còn nghe tiếng cây vĩ chạm rất nhẹ rất chậm, láy đi láy lại, vào mỗi một dây đàn, ta mơ màng chuồi đi trong một không khí Hà Nội chớm thu, vạn vật bỗng trở nên thầm kín, dịu dàng, êm ái. Se sẽ chứ không phải khe khẽ. Vì se sẽ gợi âm thanh của heo may, của lá rụng. Và, khiến nảy lên âm bồi se se. Một tác động trượt nghĩa từ cảm nhận thính giác sang cảm nhận da thịt cái lạnh chớm thu.

Dương Tường có lần tự bạch:

"Ngón thơ con âm mình học chính là ở cố tổ họ Hồ của chúng ta với những bài "Hang cắc cớ", những "đứng chéo trông theo cảnh hắt heo" (Bài Noel II của mình là một biến tấu âm hình trên câu thơ này)”[7].
Hãy tạm quên đi những bận tâm về “tư tưởng chủ đề” bài thơ, “ý nghĩa, nội dung” các câu thơ theo kiểu cách mà bài phân tích tác phẩm ở trường học đòi hỏi, để thả mình chìm đắm trong thế giới của đêm Noel Hà Nội, khoảng thời gian kỳ lạ mà tiếng chuông nhà thờ, tiếng thánh ca mở lối cho tuổi trẻ không phải siêu thoát lên thiên đường mà rạo rực, nô nức, chen chân vào cõi địa đàng của niềm vui trần thế, một thế giới mà không khí và tinh thần được tái hiện sống động bởi sức gợi của bản hoà âm chữ theo kiểu chủ nghĩa ấn tượng:“phố nêm…/kèm kem/ đèn ren/ đùi ren/ lụa len”, “bụi sáng/ bạch lạp ngực rằm/ năm nắm/ ngực rằm/ nem nén/ ngực rằm”. Để rồi Nôel biến thành Nô-elle[8], thành Nô-em,
và Ave Maria thành Ave Mari-em, đến Bethlehem cũng hoá Bethlê-em. À, mà liên tưởng như thế thì thấy hoá ra bài thơ cũng có “tư tưởng chủ đề” chứ nhỉ?

Song, cùng lúc khám phá cái “thông điệp” có thể không gì to tát lắm ấy --tuy cũng không phải là không quan trọng đối với những kẻ “trót một đời/ tín ngưỡng/toàn vô vọng” (Mea Culpa), nhất là vào thời điểm bài thơ được viết ra -- người đọc thơ còn được cái sung sướng dõi theo một cuộc chơi “duy mĩ” đầy hào hứng của kẻ biến tấu tài hoa trên từ khoá “Nô-en” hai-âm-tiết, khác gì nghe tay nhạc jazz tùy hứng giang hồ từ một chủ âm, xem một hoạ sĩ “action painting”[9] ứng biến màu và nét trên toan vẽ: “Nô-elle/Nô-em/Nô-men/No man’s land/ N-mô m-nen x-len/leng beng/ lang ben/ ma lem/ Mariem/ x-em x-em”. Những dòng thơ hình như đã thoát khỏi “chủ đề” (nếu như bài thơ quả có một chủ đề), để bay nhẩy tự do theo đà biến tấu, nghịch ngợm, ngộ nghĩnh một cách rất “hậu hiện đại”.
Thực ra “chơi” với con chữ thì thi nhân thời nào chẳng đã từng; song khi mà Nguyễn Công Trứ sử dụng nó nhắm châm biếm mấy anh đồ rỗng tuyếch “cung quăng củng quẳng chi cùng quằng/ đạc bất ngoại bò vàng chi liếm lá”, cụ biết đâu rằng mình đã gợi ý tuyệt vời cho cuộc chơi chữ vô tư không mục đích (thực dụng) của con cháu một trăm năm sau! Sướng lắm chứ, cuộc chơi vô tư ấy, có gì để hạch tội? Huống chi tiếng Việt ta lại là mảnh đất quá màu mỡ cho những thể nghiệm ngữ âm học kiểu ấy (xin tham khảo những phát hiện thú vị của nhà ngữ học Cao Xuân Hạo trong lãnh vực ngữ âm tiếng Việt).[10] Nhưng nói cho nghiêm chỉnh, thì tinh thần phá vỡ chủ đề nghiêm chỉnh bằng cuộc chơi phóng túng con chữ con âm chỉ trở thành “đường lối” trong thế kỷ 20, tiên phong là Guillaume Apollinaire những năm 1910, các nhà thơ Dada những năm cuối thập kỷ 1910 đầu thập kỷ 1920, rồi Jacques Prevert những năm sau thế chiến 2… Đến nay thì khuynh hướng coi khai thác hiệu quả ngôn ngữ như mục đích tự thân của thơ đã phát triển thành một trong số các trào lưu áp đảo ở Mỹ, trào lưu “language poetry” (thơ ngôn ngữ)[11].
Không chỉ chú trọng “con âm” như đã tuyên bố, Dương Tường, một cây bút uy tín về hội hoạ hiện đại, còn luôn phối hợp âm nhạc với tạo hình trong thơ: “nhạc nhoè đường xanh/ đêm lập thể” (Serenade 1). 
Khi so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, bao giờ ông cũng tìm lối độc đáo, lạ, lắm khi rất bạo, có khi gây sốc lúc mới trình làng, nhưng chắc chắn là ấn tượng khó quên: “những bản thảo jà chín tháng/ mười ngày/ còn bị nạo thai”, “tôi năng jặt lòng mình như/ đàn bà tháng tội jặt trăng”, “tro hài cốt bỏ quên/ một mối tình tự hoả táng”, “thung đồi sông lạch địa dư em”, “da thịt phố vẫn mưng tấy/ từng nốt chân em”, “kỷ niệm/zi căn/ vào tâm thất” (Mea Culpa), “đèn đường/mủ đêm” (Bella), “tôi có khi là một quả mọng những thở dài” (Romance 1).
Những tạo hình kết hợp bất ngờ một gợi hình cụ thể với một ý niệm trừu tượng như thế này mở cho ta rất nhiều tưởng tượng, liên tưởng: “Ai đi/ ròng ròng/ anatômi”[12](Mea Culpa), “Có khi/ mặt em/ cấu trúc mưa”(Romance 3), “thời gian như một cái nhìn vàng/ tôi vẫn phi-tôi/ vẫn lạc lối hoài trong một im lặng trầm/ đa giác” (Sinh nhật)
Ông “không gian hoá” bài thơ (theo truyền thống thì thơ vốn được coi là một thể loại nghệ thuật thời gian) :
Sử dụng lối xếp đặt các chữ trên trang, như tách các cụm từ, tách các mẫu tự, xuống hàng bất thường, để tăng thêm hiệu quả của ý thơ, nhạc thơ:

Mư ư ưa
Mùa v-

ắ-

n-

g

trắng

(Mea Culpa)


Lối ấy phát triển đến chỗ “chơi” cả đồ hình, vượt qua thói quen câu thơ tuyến tính, mong biểu đạt tính đối vị (paradigmatique) tiềm ẩn của diễn ngôn[13]

e

r

k ể c ả o m i ề n 

t

i

c

a

(Mea Culpa)






(Khoảnh khắk)

Sự kết hợp chặt chẽ âm nhạc với hiệu quả thị giác lên tới cao độ trong bài Khoảnh khăk: việc thay đổi chính tả (các chữ cái k, bthay vì c, p) như trường hợp của (khoảnh) khăk, tôk, thôk....tạo cảm giác bức bối, ngột ngạt, đòi hỏi phải vượt thoát -- điều mà chính tả thông dụng không biểu đạt được. Ngay ở cái đầu đềKhoảnh Khăk, 3 chữ k dựng đứng như ba bức tường thành chắn cả chân trời. Cũng như vậy, văn minh đồ hộb gây một cảm giác khó chịu lớn hơn chữ đồ hộp thường thấy. Đẩy đến cùng cực, thậm chí một tiếng không cũng nghẹn lại nửa chừng, không bật ra được (sao em kh^).

Còn có thể nói về những liên tưởng bất ngờ, nhất là do tương giao giữa các cảm quan: “từng zãy phố mưa tưa zậu sắt/ hình như jọng kim sopranpo vì/ khe vú hở ra rất trắng”, “mùi gạch non một mùi nách đàn bà”. Về cách dùng từ đa nghĩa: “đèn đường/ chờ em/ mõm đêm” (chờ em cho đến tận lúc đêm đã mõm mòm mom/ chờ em trên cái mõm của đêm). Về ý tưởng thơ phức điệu (polyphonique) trong những đoạn thơ như có bè đệm:

“buồng trắng vắng tôi nhớ mênh
mông cái ghế goá
từ buổi chưa chồng

(ai vỗ về hòn đá khóc)

Dương Tường cũng rất chú trọng cấu trúc bài thơ. Rất thường khi không như một “cấu tứ thơ” thông thường, mà cấu trúc kiểu âm nhạc: bản nhạc phát triển một chủ âm thì ông phát triển bài thơ dựa trên một con số, một từ hay cụm từ (32, 24, Nôen, se sẽ, tên là, đường dương cầm, chéo). Kiểu cấu trúc mở khiến lời thơ tinh, kiệm, nén, mà không bó rọ, cảm xúc thơ vẫn ngân nga. Riêng bài thơ dài Mea Culpa có cấu trúc như một tổ khúc giao hưởng 7 chương.

Nghĩa là ông có nhiều nỗ lực phát huy “hiệu quả tổng lực” của mọi yếu tố cấu thành khả hữu của bài thơ (kể cả yếu tố tiếng nước ngoài ông thường chêm giữa tiếng Việt, có thể là một cách để đẩy tình tự thơ vào viễn cảnh nhân bản phổ quát)[14]. Tất nhiên không phải lúc nào ông cũng thành công. (Tôi muốn nói thành công theo nghĩa tự tại, không nói thành công với công chúng là điều bao giờ cũng tới rất muộn, thậm chí không bao giờ tới với những người tiên phong trong nghệ thuật). Chưa thành công khi ý chí thể nghiệm hình thức lấn lướt hoặc chênh với cảm xúc tự nhiên. Cũng có lẽ là ngược lại, chưa thành công vì chưa dám đi đến cùng con đường mình muốn theo, chưa đánh đắm mình trong “trường thể nghiệm”, xuống tận đáy.

Dĩ nhiên, hiệu quả tổng lực cuối cùng cũng là gửi gắm được lòng mình đúng nhất, hữu hiệu nhất qua con chữ, con âm, con màu, con nét… Tôi không muốn tranh phần của bạn đọc làm công việc “giải mã” tâm sự của tác giả qua những dòng “xưng tội” (Mea Culpa)[15]. Qua không ít bài thơ ngắn, hay chỉ những câu thơ tôi đã trích theo ấn tượng riêng của mình ở trên. Và qua lời tác giả tự tuyên bố như tổng kết đời ông: “Tôi đứng về phe nước mắt” (Để ghi trên mộ chí).

Tôi cũng tin rằng, với hay không với “thi pháp âm bồi”, nhưng chắc chắn là với giọng điệu riêng, Dương Tường đã cho người yêu thơ những bài thơ mà hiệu quả âm nhạc, tạo hình là một với sức mạnh cảm xúc, tình cảm, ý tưởng, không tách bạch được đâu là “âm”, đâu là “nghĩa”, đâu là “hình thức” đâu là “nội dung”. Đủ để ghi tên một Dương Tường trong số các nhà thơ đóng góp vào sự phát triển thơ hiện đại Việt Nam.


Hà Nội Thu 2004

(Bài in trong cuốn Mea Culpa và những bài thơ khác, NXB Hội Nhà Văn 2004 và báo Tiền Phong Chủ nhật tháng 1/2005)


[1]Thơ Đào Nguyễn, chỉ thành phố Hải Phòng trong chiến tranh phá hoại của Mỹ.
[2] Tôn Thất Triêm, Tôn Nữ Y Lăng, Tôn Nữ Nguyệt Minh.
[3] Etude: khúc nhạc ngắn cho độc tấu, nguyên là bài tập cốt để tập một kỹ năng chơi đàn nào đó, nhưng có những khúc đã trở thành tác phẩm nổi tiếng do giá trị nghệ thuật của chúng. Thí dụ: Các Etude cho piano của Chopin nổi tiếng với tên gọi quen thuộc là « Nhạc buồn » (Etude số 3), « Etude cách mạng » (số 12), «Tiếng cầu kinh của người Hồi trong bão tố » (Etude số 23).
[4] Lê Đạt tự gọi mìh là “Phu chữ” và đặt tên tập thơ của mình là Bóng chữ: “Bạn đọc trước khi bước vào bài thơ xin tạm để lại cách đọc tuyến tính thuần dùng lí ở ngưỡng cửa như người khách bỏ giày trước khi vào một trà thất Nhật Bản... Bạn hãy thử để những hình ảnh những con chữ trong câu thơ dắt dẫn trên con đường tâm thức ra khỏi lối đi ngữ nghĩa tiêu dùng một chiều quen thuộc hàng ngày". (Tựa Bóng chữ).
[5] Sinh thời Trần Dần hay nói: “Làm thơ là làm tiếng Việt”.
[6] Trả lời phỏng vấn T.C. Sông Hương tháng 6/1990.
[7] Trả lời phỏng vấn T.C. Sông Hương tháng 6/1990
[8] elle: tiếng Pháp, nghĩa là nàng
[9] Hội họa hành động, lối vẽ ngẫu hứng theo kiểu chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng vào những năm 1940-1960, tiêu biểu là hoạ sĩ Mỹ Jackson Pollock. 
[10] có thể đọc trong “Tiếng Việt – mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa” (Cao Xuân Hạo, NXB Giáo Dục 1998)
[11] Xem bài giới thiệu “Thơ hậu hiện đại Mỹ” của Paul Hoover do HH dịch in trong cuốn Văn học hậu hiện đại thế giới NXB HNV 2003.
[12]anatomie (tiếng Pháp) hoặc anatomy (tiếng Anh): giải phẫu học. Câu thơ gợi tưởng cả một thân hình (hẳn phải là thân hình một người nữ) không chỉ được cảm nhận qua lớp quần áo bên ngoài.
[13]khi ta hành ngôn, chỉ có câu tuyến tính kết hợp các từ theo dòng cú pháp (syntagmatique) là hiển ngôn, nhưng trong đầu ta bao giờ cũng tiềm ẩn sự liên tưởng để lựa chọn giữa nhiều từ khác nhau trong một nhóm từ (paradigme), thao tác đó các nhà ngữ học gọi là có tính “đối vị” (paradigmatique).
[14]Tưởng không cần ghi chú rằng Dương Tường là một dịch giả uyên bác, việc sử dụng tiếng nước ngoài đã trở thành một bản năng của ông, chẳng phải là “khoe chữ”. Mấy bài thơ viết trực tiếp bằng tiếng Pháp, tiếng Anh trong tập này cho thấy ông đã ít nhiều “ăn nằm” với các ngôn ngữ ấy.
[15] “Mea Culpa” - tiếng Latin, nghĩa là “lỗi tại tôi”. Khi thực hiện nghi thức “xưng tội” với giáo sĩ, tín đồ Công giáo kêu “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng” (kèm theo động tác đấm vào ngực mình).















Lục Giác Sông Hồng 
(thơ, in chung với 5 tác giả khác) 










Le Soir Est Tout Soupir 
(thơ tiếng Pháp)










Văn Xuôi






Chỉ Tại Con Chích Chòe
Tạp luận (nxb Hội Nhà Văn) 503 trang














Sách Dịch 









Trên 50 tác phẩm văn học của Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Hy Lạp, Nhật Bản, Brazil v.v...






Trong đó có thể nêu:








Anna Karenina 
L.Tolstoy







Cái Trống Thiếc
 G.Grass







Đồi Gió Hú
 E.Bronté







Cuốn Theo Chiều Gió
 M.Mitchell







Alexis Zorba
 N.Kazantzakis







Bức Thư Của Người Đàn Bà Không Quen
 S.Zweig







Cội Rễ
 Alex Haley







Đất Dữ
 Jorge Amado







Người Dưng
 A.Camus







Con Đường Xứ Flandres
 C.Simon








Mặt Trời Nhà Scorta
 L.Gaudé









Dịch phẩm mới nhất











Lolita. Nabokov






Dịch giả Dương Tường tiếp tục thừa nhận sơ suất với "Lolita"


Dịch giả 81 tuổi lên tiếng xung quanh ý kiến cho rằng dịch giả Lolita đã “đạo” từ cuốn sách The Annotated một phần trong số gần 500 chú thích mà ông đưa vào bản dịch.






"Dịch giả Dương Tường "đạo" các chú thích trong Lolita ở đâu?" - Đó là ý kiến của độc giả có tên Haze Dolores đăng trên mạng xã hội hôm 1/7.

Trong đó, độc giả này cho rằng: dịch giả Dương Tường đã dịch hầu hết chú thích trong sách từ cuốn The Annotated Lolita (Lolita có bình chú) của Mỹ, nhưng lại nhận là tự mình soạn hết các chú thích, nên có thể suy ra rằng ông đã "đạo" chú thích.


Dịch giả Dương Tường và cuốn The Annotated Lolita mà ông tham khảo để dịch nhiều chú thích trong bản dịch Lolita tiếng Việt. 
Ảnh: Mi Ly.


Gần một nửa số chú thích từ The Annotated Lolita

The Annotated Lolita của tác giả người Mỹ Alfred Appel Jr. (1934 - 2009)là một trong những tài liệu quan trọng về Lolita quan trọng gắn với tiểu thuyết Lolita của tác giả người Mỹ Alfred Appel Jr (1934- 2009). Trong The Annotated Lolita, tác giả đã đưa ra các chú thích kỹ lưỡng về các đoạn chơi chữ đa ngôn ngữ, đa văn hóa, các chi tiết ám chỉ và những trò đùa giỡn ngôn từ của nhà văn Vladimir Nabokov trong tiểu thuyết.

The Annotated Lolita là một nguồn tư liệu tham khảo cần thiết cho những ai muốn đọc hiểu hoặc dịch Lolita từ bản gốc tiếng Anh. Thông tin thêm về cuốn sách này sẽ được nhắc đến trong phần sau của bài báo.

Còn trong bản tiếng Việt Lolita, in lần thứ 3 (bản mới nhất), do Nhã Nam và NXB Hội nhà văn ấn hành, tổng số chú thích là 470. Theo dịch giả Dương Tường, số chú thích dựa vào cuốn The Annotated Lolita chưa đến một nửa.

Ông nói với TT&VH hôm 4/7: "Tôi dịch và làm chú thích được hai phần ba thì mới phát hiện ra trên Google là có cuốn The Annotated Lolita rất hữu ích. Khi đó, tôi gửi thư nhờ dịch giả Nguyệt Cầm ở Mỹ mua cho cuốn này, bản sách giấy. Tôi đã sử dụng khá nhiều tư liệu từ cuốn sách này, vào khoảng hơn một phần ba chú thích mà tôi đã đưa vào bản dịch".

Theo dịch giả, trong quá trình dịch sách, ông đã tra cứu và tham khảo rất nhiều nguồn khác nhau, gồm có: các loại từ điển, các bài viết báo chí, phê bình liên quan đến Lolita, các nguồn trên mạng tìm qua Google và cuốn The Annotated Lolita. Trong đó, cuốn The Annotated Lolita vẫn là nguồn tra cứu quan trọng nhất.

Mặc dù vậy, bản in lần thứ 3 có một lần nhắc đến cuốn The Annotated Lolita trong chú thích ở trang 333, về đoạn văn: "(tôi) sẽ liên lạc với con gái tôi vào một lúc nào đó trong ngày mai, nếu tôi cảm thấy mình có lẽ gốc gác ở Polynesia".

Chú thích ở cuối trang, dịch giả viết: "Theo Alfred Appel Jr. trong The Annotated Lolita (Lolita có bình chú), ý này tham chiếu đến các truyền thống về gia đình và bộ tộc của xã hội Polynesia. Một húy kị quan trọng của xã hội Polynesia là loạn luân, điều mà H.H. phớt lờ. Chất "uy-mua" nằm ở đó". Theo dịch giả, đây là chú thích duy nhất trong Lolita có trích nguồn rõ ràng từ The Annotated Lolita.



Bản in lần thứ 3 (mới nhất) của Lolita có một lần nhắc đến cuốn The Annotated Lolita ở trang 333 (được bôi đậm). Ảnh: Mi Ly.


Dịch giả Dương Tường nhận sai và xin lỗi độc giả

Trong chú thích đầu tiên của sách ở mục Lời nói đầu có ghi kèm "dòng chữ: chú thích trong sách đều là của người dịch". Dịch giả Dương Tường cho biết, khi nhận được ý kiến về việc đạo chú thích sách, ông đã mở sách kiếm tra lại và thực sự buồn và hối hận khi thấy dòng chữ này.

"Đó là sơ suất của tôi. Đáng ra không thể viết như vậy mà phải ghi là: Các chú thích trong sách do người dịch tra cứu từ nhiều nguồn, trong đó nhiều chú thích dựa vào cuốn The Annotated Lolita" – dịch giả Dương Tường nói với TT&VH.

"Khi dịch xong tác phẩm vào cuối năm 2011, tôi mệt phờ. Đáng ra, nếu tiếp tục tham gia vào quá trình sửa bản in (không bắt buộc đối với dịch giả), tôi sẽ sửa câu đó lại như trên cho chính xác và trung thực" – ông tiếc nuối.

Sau cuộc trò chuyện với TT&VH, dịch giả Dương Tường chia sẻ: "Tôi rất buồn, có cảm giác như mình ăn gian và không trung thực với độc giả. Họ xếp mình vào họ "đạo" là đúng rồi. Có lỗi thì phải chịu thôi. Tôi xin độc giả thứ lỗi".

Ngoài ra, còn một nỗi buồn khác: "Khi dịch cuốn sách này, tôi đã đặt mục tiêu phải làm kỹ hơn bản tiếng Pháp, vốn là bản dịch được Nabokov đánh giá cao nhất". Bản tiếng Pháp của dịch giả Éric Kahane, do NXB Gallimard (Pháp) ấn hành, vốn không có chú thích, còn Lolita bản tiếng Việt có khoảng 500 chú thích.

Lolita bản tiếng Việt đã in 3 lần, lần thứ hai là tái bản có sửa chữa sau tranh cãi về chất lượng dịch thuật năm 2012 (TT&VH đã đưa tin). Bản dịch đã được trao giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội vào tháng 10/2012.


The Annotated Lolita– "bạn đồng hành" của Lolita

The Annotated Lolita là cuốn sách ký tên tác giả Vladimir Nabokov và Alfred Appel Jr. Sách gồm 2 phần, phần Một là bản in đầy đủ tiểu thuyết Lolita của Nabokov (chính vì vậy tên nhà văn được in rất to trên bìa sách) 317 trang, phần Hai là chú giải khoảng gần 140 trang của Alfred Appel Jr., một "nhà Nabokov học" và cũng là học trò của nhà văn.

Theo New York Times, The Annotated Lolita ra bản đầu tiên vào năm 1970. Đến năm 1991, chính tác giả Appel Jr. sửa chữa lại và ra bản mới của cuốn sách. Sách đã được tái bản nhiều lần trên thế giới với nhiều bản in ở các nước.

Bản sách mà bài báo này đề cập đến là bản mà dịch giả Dương Tường sử dụng, nằm trong bộ Modern Classics (Tác phẩm hiện đại kinh điển) của NXB Penguin (Anh).

Mặc dù vậy, hiện nay, trên mạng có nguồn tải miễn phí cuốn The Annotated Lolita bản điện tử đầy đủ.

Theo Thể thao & Văn hóa













Dịch phẩm chưa in:
Chết Chịu
Mort à crédit. Louis-Ferdinand Céline












Tình khúc 24

Nhạc: Phú Quang  Thơ: Dương Tường
Tiếng hát: Hồng Nhung










Tham khảo thêm về Nhà thơ, Dịch giả Dương Tường




Phạm Tường Vân: 
Dương Tường - Người chưa mãn hạn


Năm 2002, tôi từng hỏi: "Thời kỳ ông tự cật vấn nhất là bao giờ?". Đáp: "Những năm 60, sau vụ Nhân Văn, Xét Lại." "Câu trả lời chung là gì?". "Phải có một thế giới khác. Thế giới này đang hỏng. Thế giới này phải làm lại."
Cách "làm lại" thế giới đang hỏng hóc ấy của ông Dương Tường bề ngoài trông thật yếu mềm và buồn tẻ. Không có sự kịch tính trong hành động hay lập ngôn gây shock như nhiều người mong đợi ở những trí thức phản tỉnh. Câu hỏi cuối tôi dành cho ông: "Khi cực kỳ phẫn uất hay khinh bỉ, ông làm gì?" Ông trả lời: "Im lặng."
Ông chọn sự im lặng, quay vào bên trong, miệt mài đắm đuối với chữ. Không đủ sức chống lại cái xấu thì làm ra cái đẹp và bảo vệ cái đẹp, bảo vệ đến hơi thở cuối cùng. Hơn 70 năm làm việc không ngừng nghỉ, ông đã để lại gần 60 đầu sách dịch bao gồm các tác giả tác phẩm nổi tiếng thế giới, 6 cuốn thơ, tiểu luận, cùng hàng chục chương trình do ông thiết kế để đưa văn hóa Việt lại gần với thế giới. Ông cũng là “nhà phát hành bí mật” của những tác phẩm văn chương phi chính thống chấn động một thời.
Thi sĩ Lê Đạt có một truyện ngắn "Hèn đại nhân", kể về một nhà toán học từ chối cuộc đấu súng để hoàn tất công trình cuối cùng của cuộc đời. Với một thi sĩ mềm yếu đến mức một hạt mưa rơi nhầm chỗ cũng khiến ông bật khóc, thì đó là một lựa chọn dũng mãnh. Trong mắt tôi, ông Tường cũng là một đại nhân như vậy.
Có lần, sau đám tang một người bạn, ông bảo: "Chú luôn là người bị bỏ lại".
Giờ thì ông đã bắt kịp bạn bè của mình rồi, trong chuyến tàu về cõi vô cùng.
Xin chia sẻ lại bài phỏng vấn từ hơn 20 năm trước (chưa từng đăng ở đâu) cho những ai yêu mến ông:
DƯƠNG TƯỜNG - NGƯỜI CHƯA MÃN HẠN
I- LÝ TƯỞNG VÀ PHẢN TỈNH
Phạm Tường Vân (PTV): Một điều hơi lạ là ông đọc sách rất nhiều, đọc “Phía tây không có gì lạ” lấy từ tay lính Pháp từ rất sớm. Điều đó không ngăn ông bước vào cuộc chiến với tư cách người cầm súng?
Dương Tường (DT): Cho đến nay, tôi vẫn nghĩ – và vẫn khẳng định -- Kháng chiến chống Pháp là thời kỳ hoàng kim của cách mạng Việt Nam. Nếu được sống lại thời đó một lần nữa, tôi vẫn hành động như cũ nghĩa là bỏ nhà đi bộ đội. Suốt những năm đi lính, tuyệt nhiên không hề có ý định rời quân ngũ. Có lần ốm trên đường hành quân vào chiến dịch, tụt lai sau cả tuần, đã quyết đuổi theo đơn vị bằng được. Đi bộ hơn 300 cây số từ Đô Lương (Nghệ An) đến Hoà Bình để tìm đơn vị mà không mảy may có ý định rẽ về thăm nhà. Mỗi ngày chạy bộ gần 30 cây đuổi theo đơn vị, bị máy bay rượt suýt chết.
PTV: Đến khi nào thì ông phản tỉnh?
DT: Đến chiến tranh chống Mỹ. Cho đến giờ tôi vẫn thấy chiến tranh chống Pháp là một thời kỳ tuyệt đẹp. Người ta sống với nhau đầy tình người.
PTV: Nhân Văn là chuyến tàu chở sự vỡ mộng lớn nhất của văn nghệ sĩ- trí thức sau hoà bình lập lại. Nhóm xét lại: Vũ Thư Hiên, Dương Tường Bùi Ngọc Tấn, Xuân Khánh, Mạc Lân... là chuyến tàu thứ hai. Có phải vì các ông đi theo kháng chiến nhanh quá, đi vì mỹ cảm chứ ông phải...
DT: Rất thành thật, hoàn toàn vì lý tưởng! Các thế hệ sau khó mà hiểu được cái không khí hồi đó. Say lắm. Không bao giờ có lại thời kỳ dám bỏ tất cả, dám đốt cả Hà Nội mà đi chiến đấu như thế.
PTV: Thời kỳ ông tự đặt ra với mình nhiều câu hỏi nhất là bao giờ?
DT: Những năm 60, sau vụ Nhân Văn, Xét Lại.
PTV: Câu trả lời chung là gì?
DT: Phải có một thế giới khác. Thế giới này đang hỏng. Thế giới này phải làm lại. Và mọi thứ chủ nghĩa đều là không tưởng, con người bịa ra thứ đó để mà dối lừa nhau mà thôi.
PTV: Phản ứng của ông?
DT:Tôi gần như bị tâm thần. Tôi phải tự chữa trị bằng nghe nhạc, chủ yếu là nhạc cổ điển. Tôi gọi đó là nhạc liệu pháp (musicotherapy)
II - NHỮNG NGƯỜI CÙNG ĐI QUA KIẾP NẠN
​PTV: Thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, bi kịch ập đến với các ông. Trong khi các ông Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn đã bị gọi tên, sao ông không bị bắt?
​DT: Nếu ở Hải Phòng hay một tỉnh nhỏ nào khác, chắc tôi có kết cục giống Bùi Ngọc Tấn. Thấy Vũ Thư Hiên, Kiến Giang, Vũ Huy Cương “đi”, tôi, Mạc Lân, Xuân Khánh cũng khăn gói chuẩn bị đón khả năng xấu nhất. Nhưng chờ mãi không thấy bắt. Có lẽ họ bắt mấy người tiêu biểu. Mà bắt thế đã là quá nhiều rồi!
PTV: Ông chuẩn bị những gì?
DT: Ba lô, vài bộ quần áo, dăm quyển sách, nếu lọt thì có cái giải khuây.
PTV: Ông trả lời với chính quyền như thế nào về những người bạn “khả nghi” của mình?
DT: Câu trả lời luôn là: “Đó là những người bạn tốt nhất của tôi, thương tôi nhất. Có chặt đầu tôi đi thì tôi cũng không tin họ là người xấu!”
PTV: Một điều khó hiểu là ông có thể chơi với những người rất “khắc” nhau. Ví dụ như Trần Dần với Văn Cao chẳng hạn, hai người từng chung nhóm Nhân Văn, ở chung một góc phố, vậy mà chẳng bao giờ giáp mặt?
DT: Họ không chơi nhưng rất trọng nhau. Tôi rất thân với cả hai, tôi biết. Lần nào tôi đến chơi, Văn Cao cũng nhắc đến Trần Dần Và ngược lại. Dần bảo: “Thằng Văn nó chưa đẻ nhưng nó là voi, đẻ rất to!” Hôm đám tang Văn Cao, Trần Dần chống gậy đến ngồi như pho tượng. Giữa họ có những vướng mắc do thời cuộc chứ hoàn toàn không phải vấn đề tư tưởng hay quan điểm.
PTV: Nhà văn Bùi Ngọc Tấn có một câu tổng kết buồn để biện minh cho những thành quả ít ỏi của thế hệ mình: “Thế hệ có tất cả. Vậy mà lại mất tất cả. Một thế hệ trắng tay”. Ông nghĩ sao?
DT:Một thế hệ của những tinh hoa bị bỏ phí, bị hắt hủi và làm cho biến dạng. Nhưng bảo là ít đóng góp thì chưa chính xác: một vài người trong số họ cũng đã tạo ra một vài ảnh hưởng có tính tác động trong dòng chảy chung của văn học nước nhà. Và điều này thì gần như chắc chắn: “đó là thế hệ nhiều đam mê và trong trắng nhất”.
III - ÁM ẢNH DÀI VÔ TẬN
PTV: Tôi nói điều này, xin ông đừng giận: có cảm giác: ông chưa vào tù nhưng ông chưa bao giờ được ra tù! Chẳng thà hồi đó người ta bắt ông, nhốt vài năm rồi thả, ông còn được hưởng niềm vui mãn hạn. Đằng này, lúc nào ông cũng sống trong cảm giác của những ngày chờ đợi.
DT: (không đáp, chỉ gật đầu.)
PTV: Và lúc nào cũng “giật mình một cái vỗ vai”?
DT:Dù là những lúc vui nhất, tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy yên ổn. Tôi vẫn chưa thoát khỏi cái tâm thái bất an mà tôi gọi là angoisse khi nói chuyện với một nhà báo nước ngoài hồi đầu những năm 1980. Một thứ ám ảnh hồ như pre-apocalyptic, tiền-khải huyền, nơm nớp lo sợ một bất hạnh thình lình ụp xuống. Thấy cháu gái mình thông minh, 5 tuổi nói tiếng Anh như gió, ngữ điệu rất hay, hạnh phúc lắm nhưng ngay lập tức cái angoisse ấy lại ập đến. Xã hội đầy bất trắc, cái gì chờ nó ngay mai?
Tôi còn có một thói quen xấu: tích trữ giấy một mặt. Xưa kia toàn viết giấy xám xịt, có được tờ giấy trắng (như giấy A 4 bây giờ) hoặc pơ-luya là quý như vàng, bình thường không dám viết, chỉ dành cho dịp nào thật đặc biệt, chẳng hạn khi làm được bài thơ nào thật ưng ý mới dám trịnh trọng chép lên. Tôi giữ lại tất cả giấy loại, cái nào còn trắng một mặt là giữ lại, mặc dầu rất hiếm khi dùng đến. Dù bây giờ viết bằng máy tính nhưng cứ phòng sẵn 5- 6 cái bút mới yên tâm. Và tăm nữa. Trong túi lúc nào cũng thủ
sẵn một cây (ông móc túi lấy ra cây tăm tre!). Hoàn toàn vớ vẩn, những cái đó! Giấy bây giờ đầy, tăm thì đâu chẳng có. Chẳng qua sống trong cùng quẫn quá lâu nên thành một tâm lý lúc nào cũng lo thiếu thốn, sợ khi hữu sự, không có cái mà dùng!
PTV: Dường như ông trốn vào những lĩnh vực ít phải bày tỏ chính kiến, những lĩnh vực khá khó tiếp cận đối với các nhà chức trách để ít bị bắt bẻ như hội họa. Và lựa chọn khôn ngoan này khiến ông còn “lành lặn” đến bây giờ? Cũng nhờ vậy mà ông cũng góp phần tạo nhiều sân chơi quốc tế cho hội họa đương đại Việt Nam vào cuối thế kỷ 20.
DT: Đúng. Tôi tự bảo mình: kiềm chế đi một tí, và ráng làm mỗi thứ một tí, cố gắng kiễng chân, cố gắng nhích lên. Mỗi người ráng ghé vai đẩy từng milimét, từng phần của milimét, làm sao để thế giới phải khác đi.
IV- BÁN MÁU
PTV: Ở nhà, ông là người thế nào?
DT:Ở nhà tôi luôn bị mắng vì tội ăn dè làm vợ con phát bực. Cả đĩa thịt, tôi chỉ chọn mấy miếng nhỏ. Lúc nào cũng cảm thấy mình có lỗi. Mình nuôi con không bằng người. Chỉ được về mặt văn hóa, còn những cái khác thua kém hết. Đôi lúc thấy cháu mình được nuôi nấng đầy đủ, thấy vui lắm nhưng chỉ một lúc cái angoisse lại đến. Điều này chẳng đứa con nào của tôi hiểu được.
PTV: Trong cuốn “Rừng xưa xanh lá”ông Bùi Ngọc Tấn “tố” ông là người đầu têu rủ bạn bè văn nghệ sĩ trí thức đi bán máu nuôi gia đình?
DT: Tôi chỉ rủ Mạc Lân và Châu Diên thôi.
Hồi đó tôi được ưu ái cấp cho một cái thẻ cho máu (viết tắt là TCM) tức là được công nhận là cộng tác viên cho máu thường xuyên của bệnh viện. Mỗi lần bán máu, ngoài tiền (50 đồng 100cc), còn được cấp các phiếu đường, thịt, đậu. Tôi mang tất về nộp vợ.
PTV: Ông đã bán bao nhiêu lít máu tất thảy?
DT: Không thể tính được. Hơn một năm, cứ hai tuần 1 lần, trung bình 250 cc. Lúc cấp bách thì tuần/lần, lần đạt “kỷ lục” nhờ Lê Phát giới thiệu với trưởng phòng huyết bệnh viện Việt Đức thì được ưu tiên bán 300 cc.
PTV: Hồi đó ông nặng bao nhiêu?
DT: Hơn 40 kg.
(Lúc kết thúc cuộc phỏng vấn, ra phố Hàng Bài, ông cân thử, kết quả: 53 kg cả giày lẫn áo bông, thế mà vẫn cái hơn cái thời bán máu hẳn 12 kg!
Vụ này, Bùi Ngọc Tấn tưng tửng kể: «Tường ăn mừng thắng lợi với Phát bằng một bữa bia hơi Cổ Tân. Phái hai vại, Tường một vại. Uống xong, Phát nói một câu xanh rờn làm các bàn khác quay cả lại: «Hôm nay tao uống máu thằng Tường!».
Tôi nhẩm tính: hai tháng 1 lít, một năm 6 lít, năm rưỡi 9 lít, chưa kể những lúc vượt chỉ tiêu! Gấp đôi số máu chảy trong cơ thể một con người.
Chín lít của Dương Tường, hàng chục lít của Mạc Lân, còn nữa, những Châu Diên, Chính Yên, Phan Kế Bảo, Nguyễn Hàm Châu... Bao nhiêu người đã nhận máu của họ? Những dòng máu này có chảy ngoan ngoãn trong các cơ thể xa lạ kia hay thỉnh thoảng xáo trộn, gây ra những phút ngây ngơ ngoài ý muốn?)
PTV: Ngoài bán máu ra, ông còn có những cách nào khác để qua cơn bĩ cực?
DT: Cũng có một số cách khác tuy không đàng hoàng lắm nhưng lương thiện: Vợ Mạc Lân là nhân viên mậu dịch bán ở quầy thuốc. Tôi đi khám bệnh, xin đơn, đưa ra vợ Lân ghi hóa đơn từng ấy thứ thuốc rồi đem về cơ quan thanh toán, cộng cả tiền bồi dưỡng ốm. Bệnh thật, chỉ có chữa là giả. Mà với những cơ thể suy dinh dưỡng trầm trọng của chúng tôi hồi đó, chẳng lúc nào thiếu bệnh. Một cách nữa là bán thuốc lá cho căng-tin, tiêu chuẩn công đoàn chia mỗi người được 3-4 bao mỗi tuần theo giá cung cấp, cố nhịn dành được 2 bao đem ra bà hàng nước. Bán cũng không dễ, phải phục cho đến khuya, vắng vẻ mới dám thò thuốc ra. Tôi nghiện thuốc nặng nhưng chỉ dám hút thuốc lá cuộn, trong gạt tàn chẳng có cái đầu mẩu nào vì tất cả đều được gom gop tích lại, lúc bí đem xé ra vấn đi vấn lại. Cách nữa là tranh thủ nhịn cơm tiêu chuẩn, bớt được bữa nào thì bớt, dư ra phiếu nào bán lại cho nhà bếp lấy tiền đưa vợ đong gạo. Đến nhà người thân tình cứ nhè vào bữa cơm. Chuyện văn chương, triết học cứ đến bữa lại nở như ngô rang, bà chủ bưng cơm lên, mời rơi mình một tiếng. Lấy cớ nói nốt câu chuyện, vừa ăn vừa “làm khách” để giữ sĩ diện nên chỉ dám làm một bát. Thôi thì cầm hơi cho qua ngày, vợ con cũng đỡ được một suất. Nhưng xong rồi thì ngượng lắm!
PTV: Đã bao giờ ông có ý định tự sát?
DT: Không bao giờ.
PTV: Có khi nào ông ước mình là công dân nước khác?
DT: Khi sang Mỹ, tôi thấy đây quả là một đất nước của tự do và có cảm giác là nếu ở đó, mình sẽ làm được nhiều hơn. Nhưng chưa bao giờ tôi ước mình là công dân một nước khác. Tôi không thể sống được ở một nơi nào ngoài Việt Nam.
PTV: Khi cực kỳ phẫn uất hay khinh bỉ, ông hành xử thế nào?
DT: Im lặng.
PTV: Khi quá thất vọng về ai đó?
DT: Không chơi nữa. Có những người ngay từ đầu đã không chơi được
PTV: Cảm giác đỉnh cao của sự “không chơi được ”?
DT: Buồn nôn.
PTV: Ông đã gặp mấy người như thế?
DT: Nhiều. Xin đừng bắt tôi phải nêu tên.
Phạm Tường Vân thực hiện từ 2001 -2003
----------
Dương Tường- Nhà báo- Nhà thơ- - Dịch giả- Nhà phê bình nghệ thuật.
Tên đầy đủ: Trần Dương Tường
Sinh năm 1932
Cao: 1m60
Nặng: 53kg
Đeo kính cận 20 độ (cho đến khi mổ mắt - năm 1997)
“Thành tích” thời niên thiếu:
14 tuổi tham gia Tổng khởi nghĩa ở Me, 18 tuổi vào bộ đội.
Ba lần thi trượt, chưa tốt nghiệp lớp 7
Trong hơn 70 năm làm việc với chữ:
Chuyển ngữ gần 60 tác phẩm của Pháp, Nga, Anh, Hoa Kỳ, Đức, Hy Lạp, Brazil, Nhật Bản, Na Uy sang tiếng Việt.
Tập truyện ngắn Cây tường vi
Vở kịch Chim hải âu, Anton Chekhov
Anna Karenina, Lev Tolstoy
Cái tẩu, Yuri Nagibin
Trong màn sương cuối mùa, Alex La Guma
Cuốn theo chiều gió, Margaret Mitchell
Người dưng, Albert Camus
Con đĩ biết lễ nghĩa, Jean-Paul Sartre
Con đường xứ Flandres, Claude Simon
Cội rễ, Alex Haley
Đồi gió hú, Emily Brontë
Alexis Zorba - Con người hoan lạc, Nikos Kazantzakis
Bức thư của người đàn bà không quen, Stefan Zweig
24h trong đời người đàn bà, Stefan Zweig
Cái trống thiếc, Günter Grass
Mặt trời nhà Scorta, Laurent Gaudé
Kafka bên bờ biển, Haruki Murakami
Charlie và nhà máy sôcôla, Roald Dahl
Lolita, Vladimir Vladimirovich Nabokov
Vở kịch Cơn bão, Shakespeare
Phố những cửa hiệu u tối, Patrick Modiano
Chết chịu, Louis-Ferdinand Céline
Đi tìm thời gian đã mất - Bên phía nhà Swann, Marcel Proust
Đi tìm thời gian đã mất - Dưới bóng những cô gái đương hoa, Marcel Proust
Chuyển ngữ từ tiếng Việt:
Truyện Kiều, từ tiếng Việt sang tiếng Anh.
Sáng tác
Dương Tường - Thơ, Nhà xuất bản Nhã Nam, 2017
36 bài tình (thơ - in chung với Lê Đạt),
Đàn (thơ ngoài lời), Nhà xuất bản Trẻ
Thơ Dương Tường - Mea culpa và những bài khác, Nhà xuất bản Hải Phòng,
Chỉ tại con chích chòe (tạp luận), Nhà xuất bản Hải Phòng, 2003,
Thuyền trưởng (truyện ký, dưới bút danh Nguyễn Trinh)
Người tạo dựng nhiều “sân chơi”, đặt nền tảng cho nhiều cuộc giao lưu nghệ thuật trong và ngoài nước: Tâm hồn bộc bạch (Hong Kong), chương trình trao đổi sân khấu Việt – Mỹ đưa vở Hồn Trương Ba da hàng thịt đến với công chúng Mỹ.
 








Dương Tường - dịch giả cao niên, nhà thơ trẻ





Chiều cuối năm với dịch giả Dương Tường






Dương Tường: Luyện Võ cho Văn











Dương Tường & cuốn sách quan trọng nhất trong đời


Thứ Năm, 14/02/2013 



(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2012 với Dương Tường thật đáng nhớ với bản dịch tiểu thuyết Lolita “nổi đình đám” như ông nói đùa, gây tranh cãi về chất lượng dịch thuật nhưng được Hội Nhà văn Hà Nội tôn vinh bằng giải thưởng văn học cuối năm. Nhưng với dịch giả, nhà thơ 81 tuổi này, cuốn sách quan trọng nhất trong đời ông đang ở phía trước.
Thethaovanhoa.vn trò chuyện với ông ngày đầu Xuân:

Đừng làm độc giả lười đi!

* Cảm giác lúc dịch một tác phẩm hay, đối với ông? 

- Rất thích, tác phẩm càng thách thức thì khi vượt qua, tôi càng thích thú. Lolita là một tác phẩm khó kiểu như thế.

* Đó có phải cuốn sách khó nhất ông từng dịch? 

- Một trong số những cuốn khó nhất thôi. Trước đây có Những con đường xứ Flandres của Claude Simon, nhà văn được giải Nobel năm 1985, hay Cội rễ của Alex Haley. Những con đường xứ Flandres có những câu dài hàng trang. Cội rễ là văn của người thiểu số, người Mỹ da đen, vẫn tiếng Mỹ nhưng là khẩu ngữ đời thường. Chết chịu (chưa xuất bản) của Céline cũng là một cuốn cực khó.




* Cái trống thiếc của Gunter Grass thì sao? 

Cũng khó, nhưng không bằng Lolita. 

* Bộ tiểu thuyết ông đang dịch - Tìm lại thời gian đã mất - so với những tác phẩm vừa kể thì sao? 

- Khó không kém nhưng theo cách khác. Marcel Proust rất hay dùng những câu phức tạp về văn phạm, nhiều mệnh đề. Có khi chủ ngữ ở đầu câu mà đến mấy dòng sau mới thấy động từ. Rất khó chuyển ngữ sang tiếng Việt. Người Việt mình quen đọc câu đơn giản. 

* Ông có định đơn giản hóa để người đọc dễ hiểu? 

- Không. Phải tôn trọng nguyên tác của tác giả và sự khác nhau giữa hai ngôn ngữ chứ. Có những dịch giả chọn cắt câu gốc của tác giả ra thành nhiều câu tiếng Việt, làm thế thì dễ hơn cho người dịch và người đọc, nhưng làm mất đi đặc thù và mất hết giá trị của tác phẩm. Tác phẩm khó thì độc giả phải đọc cái khó của nó, phải vận dụng trí lực của mình để hiểu tác phẩm. Đừng làm độc giả lười đi, và nếu lười thì họ cũng không tiếp thu được những gì đặc biệt. 

* Hồi trước ông nhận hiệu đính cho bản dịch Mật mã Da Vinci, đó có phải một công việc khó khăn? 

- Khó khăn và khó chịu ấy chứ (cười). Một cái nhà dỡ ra xây lại thì còn khó hơn là xây nguyên. Một cái áo tháo ra may lại thì khó hơn may thẳng, phải không? 



Dịch giả Dương Tường sinh năm 1932 tại Nam Định. Từ năm 1955 đến giữa thập niên 1960, Dương Tường là phóng viên tổ Văn xã (văn hóa xã hội) của Thông tấn xã Việt Nam. Khoảng 50 năm dịch văn học, ông có hơn 50 đầu sách dịch, trong đó có những tác phẩm lớn của thế giới như Anna Karenina, Cái trống thiếc, Cuốn theo chiều gió, Con đường xứ Flandres, Bức thư của người đàn bà không quen, Đồi gió hú, Người dưng, Lolita…



* Đến lúc bản dịch Lolita của ông trở thành đối tượng gây tranh cãi về dịch thuật, ông cảm thấy thế nào? 

- Tôi tra cứu lại ngay, từ nhiều nguồn. Tác giả Vladimir Nabokov là người rất uyên bác, đọc rất nhiều, biết nhiều kiến thức Đông Tây kim cổ và chơi chữ rất ghê, hiểu hết được ông ấy cũng không dễ. Nhà văn Phạm Thị Hoài từ nước ngoài gọi điện về nói với tôi: “Dịch Lolita mà không sai mới lạ”. 

* Lúc hiệu đính Lolita, ông phải sửa bao nhiêu lỗi? 

- Vài chục lỗi. Trong đó phần lớn là lỗi do tôi tự nhận ra. Thực ra ý kiến góp ý đầu tiên là trật (cười), chi tiết “trên dòng kẻ bằng những dấu chấm” (“on the dotted line”) ấy. Chỗ đó tôi vẫn để nguyên đấy chứ. 

Tôi có đối chiếu và có thể nói thẳng là, bản dịch của tôi công phu hơn nhiều so với hai bản dịch tiếng Pháp của cuốn sách. Trong hai bản dịch đó thì bản cũ không có chú thích còn bản mới có khoảng dăm chục chú thích, còn bản tiếng Việt có gần 500 chú thích. Thời gian và công sức bỏ ra làm chú thích có thể nó là gần như bằng dịch văn bản chính. 

* Sau khi sự việc lắng xuống, nhìn lại, ông thấy sao? 

- Thực ra, Lolita là bị kéo vào sau khi người ta vừa đả kích cuốn Bản đồ và vùng đất do Cao Việt Dũng dịch. Cùng một luồng phê phán. 

Nhìn lại tôi thấy những góp ý bao giờ cũng tốt. Ngay từ đầu tôi đã nói vậy và sau cùng, tôi vẫn thấy vậy. Chính từ những góp ý mà mình phải xem lại và mới nhận ra những lỗi sai khác. 

* Thế nếu tác phẩm không gây tranh cãi như vậy thì ông có đọc lại và soát lỗi những tác phẩm mình đã dịch không? 

- Có chứ. Với Anna Karenina trước đây chẳng hạn. Mỗi lần tái bản tôi đều xem lại. Mỗi lần xem lại, lại thấy những chỗ cần sửa. 

Vẫn mơ dịch James Joyce

* Tại sao ông chọn dịch văn học?

- Vì thích, vì muốn làm. Có những cuốn sách mà trong lúc dịch, tôi vẫn còn chưa chắc là có xuất bản được không. Lolita chẳng hạn. Trước đó, tôi đã dịch cuốn Chết chịu của Céline nhưng cũng không ra được. 

* Cái trống thiếc cách đây hơn 10 năm thì sao? Cũng là một tác phẩm ghê gớm đấy chứ. 

- Cái trống thiếc thì khác, được Đại sứ quán Đức tại Hà Nội rất quan tâm và còn tài trợ tiền bản quyền cho nhà xuất bản nữa. Thực ra, ban đầu họ cũng ngại không biết tôi có thể chuyển tải được tác phẩm này hay không. Khi bản dịch hoàn thành, họ rất hài lòng. Đó là khoảng năm 2002, vài tháng sau khi sách ra thì Thủ tướng Đức sang Việt Nam, đại sứ quán có mời tôi lên tặng bản dịch tác phẩm này cho ông ấy. 

* Trở lại với hiện tại, bộ Tìm lại thời gian đã mất ông dịch đến đâu rồi? 

- Tôi dịch tập 1 còn 40 trang nữa là xong (Dương Tường dịch bộ tiểu thuyết đồ sộ này cùng với nhóm học giả gồm Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh - TT&VH Cuối tuần).

* Còn tác phẩm kinh điển nào của nhân loại mà ông tiếc là mình chưa dịch? 

- Có Ulysses của James Joyce (tiểu thuyết tiếng Anh đặc sắc nhất thế kỷ 20 của một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 - TT&VH Cuối tuần). Nếu so với những tác phẩm tôi đã dịch thì khó hơn hẳn. Joyce là người đầu tiên viết những câu không chấm phẩy dài cả chục trang. Ông cũng “thông kim bác cổ” thành ra có đủ thứ trong cuốn sách của ông. 

* Nhà văn Đặng Thân từng nói dịch Ulysses cần đến “dăm năm” và không làm gì khác ngoài việc tập trung dịch. Để tác phẩm này có bản tiếng Việt nghe có vẻ không tưởng. 

- Nếu còn khỏe và đang ở thời “cường tráng”, khoảng 40, 50 tuổi thì tôi nghĩ mình dịch Ulysses mất 3 năm. 

Vẫn chưa viết tác phẩm quan trọng nhất đời 

* Cuối năm ngoái, nhà văn V.S.Naipaul (Nobel Văn học 2001) có nói trong một bài phỏng vấn rằng, đến tuổi 80 thì người ta chẳng còn gì nhiều để nói với cuộc đời (Naipaul 81 tuổi). Ông thì vẫn còn bao nhiêu kế hoạch ra sách, hình như không giống ông ấy? 

- Cứ biết hiện tại đã. Làm được đến đâu thì làm. 

* Ông còn điều gì muốn nói mà bây giờ chưa nói được? 

- Tôi có ý định viết một tác phẩm cuối đời, trả nốt món nợ, kể lại những hồi ức về những biến cố không thể nào lặp lại được trong đời tôi và những người cùng thế hệ với tôi, mà thế hệ hiện nay không thể nào hiểu nổi. 

* Tương tự như Gabriel Garcia Marquez với cuốn Sống để kể lại chăng? 

- Đúng vậy.

* Những người hiểu được, họ đang ở đâu? 

- Khá nhiều người “đi” rồi.

* Sao ông không viết dần từ bây giờ?

- Tôi muốn hoàn thành mọi công việc đang dở dang rồi mới bắt tay vào viết tác phẩm này.











Được Chính phủ Pháp phong 
Officier de l'ordre des Arts et des Lettres 
(2007)























trái: nt Hoàng Hưng, hs Phan Nguyên, dịch giả Dương Tường
Sài Gòn 2014










trái: Đinh Cường, Dương Tường, Trịnh Công Sơn, 
ngồi xoay lưng: Trịnh Quang Hà, Phan Nguyên
Sài Gòn 1989
( Trịnh Công Sơn đang vẽ chân dung Phan Nguyên)











trái: Lữ Quỳnh, Hoàng Tá Thích, Trịnh Công Sơn, Trịnh Quang  Hà, 
(Hs Đỗ Quang Em bấm máy)



























































Trở về 



MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.