Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Hiếu Tân Tiết Hùng Thái












Hiếu Tân

Tên khai sinh: Tiết Hùng Thái
(26.12.1946 ........) Nam Định
Dịch giả, Nhà văn










Tiểu Sử



18 năm đầu đời: học phổ thông. Tốt nghiệp Trung học (hệ 10 năm) 1964

7 năm tiếp theo: lao động (phổ thông) ở Nông trường

10 năm tiếp theo: học và dạy các trường Trung học chuyên nghiệp (Cơ khí Nông nghiệp)
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa (tại chức):1984 
20 năm sau khi tốt nghiệp phổ thông)
20 năm cuối làm việc tại VietsovPetro, Vũng Tàu.
2003-2005 Dịch cuốn sách đầu tiên DẤU CHÂN CỦA CHÚA xuất bản 2011

Từ 2007 đến nay: Nghỉ hưu. Dịch sách, báo.










Ngày ba năm
Trái tim khép mở
6.1.2017









SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN:






Dịch



Khoa Học


1
Hạnh phúc: những bài học của một môn khoa học mới

Richard Layard
Nxb Tri Thức, 2008










2
Thư gửi nhà toán học trẻ

Ian Stewart - Anh
Nxb Tri Thức, 2011










3
Các lí thuyết học tập về trẻ em

Collette Gray & Sean Macblain 
Phương Nam – Nx Hồng Đức, 2014. 










4
Những Mục tiêu của Giáo dục 

Whitehead - Mỹ
Dịch chung:
Hoàng Phú Phong, Tiết Hùng Thái, Hà Dương Tường, Văn Lang
Nxb Hồng Đức 2017 










5
Lịch sử của Tính Hiện đại

Jacques Attali
Nxb Tri Thức, 2017










6
Nhân học – Xã hội & Văn hóa

J.Monaghan & P.Just
Nxb Tri Thức, 3 -2018








*








Tiểu Thuyết


1
Dấu chân của Chúa

Greg Iles - Mỹ
Nhã Nam –Nxb Thời đại, 2011










2
Kẻ bị truy nã

John Le Carré – Anh
Nhã Nam – Nxb Hội Nhà văn, 2011










3
Khi tôi nằm chết

William Faulkner - Mỹ
Phương Nam – Nxb Hội Nhà văn, 2012










4
Vỡ tổ

Rabindranat Tagor - Ấn Độ
Phương Nam – Nxb Văn học 2016










5
Walden-Một mình sống trong rừng

Thoreau
Nxb Tri Thức, 2016. Tái bản 2018 











6
Thế giới mới tươi đẹp
Aldous Huxley 2017
Phương Nam – Nxb Văn học 2017










*










TRIẾT


1
Tư duy như hệ thống

David Bohm (tủ sách Tinh hoa)
Nxb Tri Thức, 2011. Tái bản 2017











2
Cái toàn thể và Trật tự ẩn

David Bohm (tủ sách Tinh hoa)
Nxb Tri Thức, 2011. Tái bản 2017











3
Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar

Thomas Cathcart & Daniel Klein 2012.
Nhã Nam – Nxb Thế giới 2013. Tái bản 2018











4
Suy tưởng 
(Meditations)

Marcus Aurelius
Nxb Tri Thức, 2018











*





Chưa xuất bản


Tủ sách Very Short Intruction (Oxford)


- Everything
(Giới thiệu cực ngắn về mọi chủ đề)


- Journalism
(Báo chí)


- Citizenship
(Công dân)


- Philosophy of science
(Triết học về Khoa học)


- Russian Literature
(Văn học Nga)


- Nelson Mandela


- Law (Luật)


- Di cảo Aspern
(Tiểu thuyết)
Henry Jame (Mỹ)



• Bàn tay bẩn (Kịch)
TG Jean-Paul Sartre



• Cô điếm lễ độ (Kịch)
TG Jean-Paul Sartre



• Zen-Sex (chuyên luận)
PHILIP TOSHIO SUDO (Nhật)

Đôi nét về Tình dục - Thiền
Philip Toshio Sudo

Hiếu Tân dịch

Trong cuộc sống có nhiều con đường đạt đến minh triết—sự khôn ngoan chân chính. Thiền là một trong số đó. Tình dục là con đường khác.
Đây là nơi hai con đường ấy gặp nhau.

  Khi lần đầu nghe nói đến Tình dục Thiền (ZenSex), nhiều bạn đọc sẽ hỏi làm sao có thể thiền trong sex. Thiền thì được coi là tĩnh lặng, êm ái, yên bình như một vườn đá. Hãy tưởng tượng: Tình dục ở mức tối thiểu! Làm tình mà không chuyển động! Nghe cứ như là một khiêu khích thật sự...và phải chăng một thiền sư phải được coi là sống độc thân? Họ đã thề sống khổ hạnh khắt khe. Về mặt kỹ thuật, liệu có thể có Tình dục-Thiền hay không?
 
   Cuốn sách này giải thích rằng có tồn tại Tình dục-Thiền, và nó có nhiều hơn tối thiểu – thật ra, nó làm cho mê mẩn tâm thần. Với những ai muốn biết sự thật thì ZenSex/ Tình dục-Thiền là thứ Tình dục tốt nhất mà bạn có thể có. Làm thế nào để có được nó, và nó có thể có ý nghĩa gì trong cuộc sống của bạn, đó là điều nội dung cuốn sách này sẽ làm sáng tỏ.

  Chúng ta sống trong một thời đại bị ám ảnh bởi tình dục. Từ những mục tin trên báo chí về đời sống tình dục của các chính khách đến khiêu dâm trên Internet đến Viagra đến quấy rối tình dục đến sự đồi bại mới nhất trên những "sô truyền hình rác rưởi", chúng ta bị ngập trong những thông điệp và hình ảnh về tình dục. Tình dục đã bị chính trị hóa, tội phạm hóa, bị làm thành giật gân, và được bán như trò giải trí, thậm chí trong khủng hoảng AIDS, tình dục tương đương với cái chết. Nhan nhản những thông điệp lầm lẫn: tình dục là vô đạo đức. Tình dục là bẩn thỉu. Tình dục là nguy hiểm. Tình dục được coi là siêu cực khoái hay cái gì đó lệch lạc ở bạn, và những tạp chí/ sản phẩm/ lối sống này sẽ giúp bạn sửa chữa nó.

Mất hút giữa cái biển bậy bạ nhảm nhí đó là một sự thật đơn giản:

Tình dục là thiêng liêng.

   Đối với tất cả sự ám ảnh tình dục của chúng ta – ai có nó, thường xuyên hay không, có tốt không – đôi khi chúng ta quên mất rằng tình dục liên kết chúng ta theo cách cơ bản nhất với Nguồn Sáng tạo. Tất cả chúng ta đều bắt đầu sự sống của mình bằng sự kết hợp của tinh trùng và trứng, đàn ông và đàn bà. Ở điểm tốt nhất, sex đưa chúng ta trở lại cái ban đầu, vượt quá sự thực hiện thuần túy những ham muốn động vật của chúng ta để khám phá ra tính thánh thiện cố hữu như những Đấng Sáng tạo; nó trở thành nỗ lực tinh thần, sâu xa như bất kỳ nghi lễ tôn giáo nào, mỗi hành động đều biểu trưng cho nguồn gốc của sự sống.

   Cũng giống như tình dục, việc nghiên cứu thiền cũng đưa chúng ta trở lại cội nguồn. Nó bảo chúng ta có thể thức tỉnh nguồn gốc thiêng liêng từ nơi sâu kín nhất của bản ngã chúng ta, cái nguồn cội mà mọi vật sinh ra từ đó, và như thế, vượt qua mọi giới hạn của không gian và thời gian.

   Những ý tưởng về thiền có từ nhiều ngàn năm trước, với những gốc rễ từ Ấn Độ và Trung Hoa. Mặc dầu nó thường được coi là đồng nghĩa với Thiền của Phật giáo, "chân" thiền không phải là một tôn giáo, mà là một triết học tinh thần. Bản thân chữ  Zen (Thiền) là tiếng Nhật có nghĩa là "mặc tưởng" hay "sự chuyên chú miệt mài." Truyền thống tập thiền nhấn mạnh việc thở đắm chìm trong suy tưởng, nhưng theo nghĩa rộng rãi nhất, thiền đơn giản là sự đắm chìm vào sự sống – tinh chất của đời sống. Bình thản và chìm đắm trong suy tưởng có thể là những khía cạnh của thiền, nhưng bản thân thiền thì đầy sức sống. Phương pháp của nó là phương pháp của tự nhiên, thay đổi như bốn mùa. Nói rằng thiền không có liên hệ gì với tình dục thì giống như nói rằng thiền là phi tự nhiên. Không có gì xa sự thật hơn thế.

   Phương pháp thiền cho phép tự nhiên biểu lộ bản thân nó qua mọi hành động của chúng ta, dù chúng ta là ai, theo cùng cách mà hoa anh đào nở vào mùa xuân.





*





Báo chí dịch

(Thời sự – Chính trị – Khoa học – Triết học – 
Nghệ thuật)

Hơn 300 bài dưới bút danh Hiếu Tân, Tiết Hùng Thái.
trên trang web











*





Sáng tác:


Từ Hải & Ẩn Sĩ

Tập truyện ngắn và tản văn
NXB Văn học, 2011




Từ Hải Và Người Ẩn Sĩ



Thuở ấy, bên cạnh Từ Hải, vị đại vương lừng lẫy oai danh, có một nhân vật kỳ tài, đáng liệt vào hàng "dị nhân": Họ Phàn, tên Cự, tự Bình Cung, ngay từ thời trẻ đã nổi tiếng tài hoa, cả một vùng Liêu Đông rộng lớn không ai là không biết tiếng. Cả Thanh Tâm Tài Nhân lẫn trong Truyện Kiều đều không thấy nhắc đến nhân vật này, có lẽ vì không liên quan nhiều lắm đến câu chuyện chính. Người viết những dòng này, nhân lần giở những thơ tịch cổ, thấy những chuyện về nhân vật này thì giật mình kinh hãi, thầm tự nhủ: nếu không có Phàn kia thì chắc gì Từ đã thành Từ, ngay đến thành người còn khó, huống hồ... Nay xin chép ra đây để bạn đọc xem cho vui, và vì trong nguyên bản hơi văn cổ, ý tứ sâu xa, nên xin được phiên ra lời thường thời nay, để khỏi làm mệt trí bạn đọc.

Phàn, người thấp bé loằn choằn, dáng đi lật bật, trông hình dong chẳng có vẻ gì "tao nhân, mặc khách" cả. Tới ngoài hai mươi tuổi, thi thơ vạn quyển làu thông, không còn sách gì trong thiên hạ mà Phàn chưa từng đọc qua. Với Phàn, Khổng Mạnh - Trình - Chu - Lão - Trang chỉ như người quen biết cũ. Đỗ - Lý - Đào - Tô - Vương - Bạch... chỉ như bạn tâm giao thù tạc mà thôi. Cao ngạo, không màng danh lợi nhưng Phàn không giống các ẩn sĩ cứ phải chạy trốn lợi danh, xa lánh cõi tục; Phàn chỉ nhởn nhơ bầu rượu, túi thơ, cười cợt, đàn đúm với đủ hạng người trong thiên hạ. Sáng sớm cùng bọn vương tôn công tử cưỡi ngựa lên chơi trên non cao, hít thở hơi sương loãng, ngắm nhìn thế núi hình sông, chiều ngồi đánh cờ với vị thượng thư bị "biếm" về vùng này từ lâu, ấy thế nhưng đêm khuya còn thấy Phàn ngồi uống rượu, đánh bài với đám phu khiêng kiệu và chăn ngựa ở nhà dưới, rồi say sưa ôm vai mấy con người tục tằn, lầm lũi ấy, nghiêng ngả, lắc lư mà hát ô a những bài hát của kẻ trồng dâu, của người đánh cá. Có người bảo: giao du kiểu ấy, trong thiên hạ chỉ có thể là kẻ điên hay bậc chí thánh. Các bậc quyền quý trong vùng ngầm bảo nhau chớ dại mà động vào gã ấy, cái "hư danh' của gã lớn lắm, mình dễ mất mặt như chơi. Quả vậy, đám người có danh tiếng đua nhau cầu cạnh làm thân với Phàn, trong khi những con người nghèo khổ thô kệch thường vẫn ngại ngùng, e dè mỗi khi được Phàn cư xử suồng sã. Số người tự nhận là học trò của Phàn rất đông tuy không thấy Phàn ngồi dạy học bao giờ. Có lẽ đám người này, nhân lúc giao du chơi bời, bái phục Phàn mà tôn làm thầy chăng?

Bữa kia có người họ Lương từ phương xa đến, vốn nghe danh Phàn đã lâu, muốn xin gặp mặt để đàm đạo văn chương. Hôm ấy trong nhà Phàn khách khứa đông, toàn những bậc "thức giả", kẻ mới đến biện thuyết say sưa, rồi cao hứng đến gần kệ sách quơ tay rút hú họa một quyển, nhìn qua tên sách lật hú họa một trang, lấy ngón tay trỏ vào một chữ trong đó. Xong, ông ta đưa quyển sách cho mấy người đứng đó, còn mình nhắm mắt, khoanh tay đọc một hơi hơn một vạn chữ, mọi người dõi theo thấy không sai, không sót chữ nào, thảy đều lắc đầu lè lưỡị Khách khoái chí định lặp lại trò đó với một quyển khác thì chủ nhân ngăn lại - "Hân hạnh, chúng tôi được thấy nhỡn tiền tài năng của tiên sinh, giờ xin mời quý khách cùng ra vườn sau, uống trà, thưởng hoa, rồi thong thả cùng nhau đàm đạo". Phàn cho người nhà dẫn khách khứa ra vườn, còn mình xin lỗi ra sau. Một vườn cây um tùm chẳng có hoa, chẳng có bàn trà nào cả, bể nước, non bộ cũng không, chỉ thấy trên các cành treo rất nhiều lồng chim to nhỏ các cỡ, thảy đều sơn son thếp vàng. Khách đến gần xem chim, thì chỉ thấy một loài: vẹt, phải, mỗi lồng một con vẹt, bên lồng lại có tấm biển con đề chữ. Ghé mặt đọc những biển con ấy, khách giật nảy mình: "Khổng tử", "Mạnh tử", "Tuân tử", "Chu Hy", "Hàn Phi Tử" - Mỗi lồng chim gắn tên một bậc danh gia. Khách khứa hết hoảng hồn về trò chơi ngông của chủ nhân, thì bên tai đã vang lên "Luận ngữ" con vẹt mang tên đức Khổng đang đọc thao thao. Từ cái cây đối diện cất lên rè rọt tiếng "Đạo Đức Kinh" là con vẹt mang danh Lão tử. Bên này, con "Mạnh tử" vừa cất tiếng thì hàng bên kia lại vang lên "Khư níp" từ cái lồng Trang tử, rồi "Cô phẫn", "Thuyết nan" rõ là chú vẹt "Hàn Phi" rồi tất cả cùng cất lên một lúc, rào rào rất vui tai, nhưng không còn nghe rõ ra lời gì nữa. Mọi người đưa mắt nhìn Lương tiên sinh, nhưng không thấy ông ta đâu cả, bèn lục tục trở lại phòng khách vừa khi Phàn từ trên gác xuống đang đứng vươn vai: chủ nhân đã kịp làm một giấc ngon lành. "Chúng tôi qua đây chơi đã nhiều mà sao hôm nay mới được thấy kỳ quan của bác". Khách hỏi - "Thì mãi đến hôm nay lũ vẹt của tôi mới gặp được địch thủ ngang tài, à mà vị khách quý của chúng ta đâu rồi!... Ôi thật là thất lễ. Các bác dùng trà đi. Mọi người vui vẻ bàn tán về vị khách lạ lùng, ra đi lúc nào không ai hay, trong khi đó chủ nhân ngồi gục đầu ủ rũ:

- "Tôi thương các bậc thánh nhân tiền bối, lao tâm khổ trí bao nhiêu để làm ra các học thuyết cao siêụ - Phàn thở dài ảo não - để rồi các Bất lương tiên sinh mang những ý cao lời sáng của các ngài ra làm phù phép hại đời. Lũ vẹt của tôi chẳng làm hại ai đâu các bác ạ. Như Bất lương tiên sinh kia, nếu suốt đời không thành đạt thì cũng chỉ tốn cơm cha áo mẹ là cùng. Giá - áo - túi - cơm hay giá - thơ - túi - chữ cũng thế thôi, không hại đến ai. Nhưng ác thay, tài ba kiểu ấy bao giờ cũng là con đường tốt nhất dẫn đến quyền cao chức trọng, phú quý vinh hoa. Thương thay lũ trẻ, thương thay giống nòi, một khi những bất lương tiên sinh kia lên cầm quyền giáo hóa. Thương thay xã tắc, đau thay, đau thay!...

Phàn ôm ngực, mặt nhợt nhạt, lệ rơi lã chã. Các khách vẫn lặng lẽ nhìn nhaụ Thường những lời lẽ của Phàn, những buồn vui của Phàn ít người biết khi nào giả, khi nào đứng đắn, khi nào bông lơn. Cái số ít người ấy, Phàn coi là gan ruột với mình. Nhưng hôm nay thì mọi người đều thấy rõ, tuy không ai bảo ai, rằng Phàn đang nói những lời từ máu huyết của mình. Và những phút thế này hiếm lắm.

Người đời thường cho Phàn là kiêu ngạo, ngông cuồng. Có lần bàn về đức khiêm nhường của bậc thánh nhân. Phàn lấy tay chỉ vào ngực mình thốt lên: “Thánh nhân là ta!". Mọi người bối rối nhìn nhau. Phàn hỏi "Sao các người không tin điều đó? Ta thề rằng nếu không phải như thế, thì những sách thánh hiền để lại chỉ đáng đem gói mắm, còn cơm gạo ta ăn để đọc những sách đó đem nuôi loài khuyển thì hơn!” Có lần đồ đệ của Phàn, một thư sinh mười hai tuổi nhân bình một bài thơ của Phàn có nói lên một ý lạ mà Phàn chưa ngờ tới, mọi người sững sờ trước cái thần của bài thơ vừa hé lộ, xuýt xoa khen ngợi Phàn là bậc thánh. Phàn đến cầm tay đứa học trò nhỏ, nói: "Thánh nhân là ta mà không phải là ta, thánh nhân là con đó". Khi có người hỏi Phàn tại sao chơi bời cả với hạng phàm phu tục tử. Phàn bảo: "Để biết những điều mà thánh nhân không biết, để hiểu những điều mà thánh nhân không hiểu". Người kia kinh ngạc hỏi: "Thánh nhân không hiểu biết bằng kẻ phàm phu ư?" Phàn nói "Thánh nhân hiểu rộng biết nhiều, nhưng có điều thánh nhân hiểu nhưng ta chưa cần". Phàn thường đưa ra những câu hỏi oái oăm làm mọi người rối trí. Có lần Phàn hỏi: "Trong thánh nhân có kẻ ti tiện không?" Mọi người xanh mặt. Phàn lại hỏi: "Trong kẻ ti tiện có thánh nhân không?" người hoang mang chưa biết trả lời sao, thì Phàn tự trả lời: "Ta e rằng có tất!" rồi trầm ngâm nói thêm "nếu không thế sao gọi được là người". Có lần khi luận về sách Mạnh Tử, Phàn bảo: "Người kia cậy tài, ta cậy cái ngu của ta. Kẻ kia cậy mạnh, ta cậy cái hèn của ta". Có người rụt rè thắc mắc e trong nguyên bản không phải thế, xin được giải nghĩa lại cho rõ. Phàn chỉ cười, nói: "Được, được !" rồi thôi, không thấy nói thêm chi cả. Đại loại lời lẽ của Phàn là thế, thường lạ tai và ngược đời, có người cho là lời lẽ của kẻ cuồng, không đáng để tâm, nhưng cũng có người chịu khó suy ngẫm, rồi đem ra tranh cãi với nhau, mà khi tranh cãi thường mỗi người hiểu một cách.

Một hôm có người khách khác thường đến thăm Phàn. Người khách cao lớn, đẹp một cách hào hùng, vừa có cái oai phong của một dũng tướng, lại vừa mang cốt cách phong nhã hào hoa. Khách tên là Hải, họ Từ, một cái tên không xa lạ gì với dân chúng vùng này. Hai bên đàm đạo, từ chuyện thế sự nhiễu nhương đến binh pháp mưu lược cùng lấy làm tâm đắc. Những chuyến viếng thăm của Từ càng dày, tình giao hảo hai bên càng thân. Trong nhà Phàn, Từ đi đứng nằm ngồi thoải mái như ở nhà, còn Phàn tự cho phép mình nói năng với Từ bằng khẩu khí của người chăn ngựa. Đó là cách đặc biệt Phàn dùng để tỏ biệt nhỡn với bạn như kiểu Nguyễn Tịch xưa dùng mắt xanh tiếp khách tâm giao. Một ngày kia Từ đến giã biệt Phàn để ra đi. Đi đâu? Không cần biết - Bốn phương trời, vạn nẻo đường, những dấu chân vô định - Kẻ trượng phu phải tung hoành ngược xuôi cho phỉ chí, không gì đè nén được, không gì ràng buộc được, phải cho thiên hạ biết đến ta. Từ hăm hở nói - Chỉ có thể thôi ư? Phàn hỏi.

Từ muốn rủ Phàn cùng đi - chẳng lẽ một người ngang tàng như anh mà mãi chịu chôn vùi trong cảnh tù túng - Không, ta bao giờ cũng đến được nơi cần đến, ta tung hoành theo cách của ta, ẩn dật theo cách của ta, anh làm sao biết được? Thôi, anh đi, ta chỉ gửi theo anh ba chữ: Giữ lấy mình. Phàn vỗ vào bờm ngựa của Từ, quay gót trở về không ngoái lại.

Nửa năm sau, Từ đến thăm Phàn trên cỗ xe tam mã. Không phải chỉ có mình Từ, cùng đi còn có một người đàn bà đẹp như ngọc, nhưng trong vẻ duyên dáng yêu kiều vẫn hằn một nét buồn thẳm sâu. Vương Thúy Kiều, người kỹ nữ - bây giờ là Phu nhân - có số phận éo le này, Phàn đã biết. Nhan sắc của nàng quả bất hư truyền. Nhưng mà cái thiên hạ gọi là "tài" của nàng, thì chỉ là chuyện hão, vài trăm bài thơ ngâm vịnh - tùng, cúc, tuyết, sương, mây hoa, trăng, núi chẳng có gì ngoài sự khéo léo tầm thường, dăm bài nghe xé lòng, nhưng chỉ là tiếng kêu đau bột phát mà thôi.

Qua cách thù tiếp của chủ nhân, người đàn bà lịch lãm này hiểu ngay rằng ông ta không ưa mình: đôi mắt ông ta nhìn như xoáy vào tâm can, thế mà lời lẽ thì lại rất văn hoa kiểu cách. Về phần Từ, chàng chưng hửng khi thấy bạn không mấy tán thưởng văn tài của người vợ yêu mà chàng rất đỗi kiêu hãnh. Nhưng đó không phải là cái chính. Lúc chỉ có hai ngườị Từ đùa rằng đã không chỉ theo đúng lời khuyên của bạn (hãy giữ mình) mà còn làm được hơn thế nữa! Phàn chỉ nói: Anh lầm! Nhưng trong bụng nghĩ "Than ôi, đem cái tâm của mình mà sánh với tâm của Kiều, Từ đã tự rút ngắn mình đi biết bao nhiêu. Giữ mình ư? Trọn vẹn làm sao được, một khi còn chưa tự hiểu được mình?".

Nhưng Từ đâu biết được điều đó. Từ, lúc này không còn một mình một ngựa, mà trong tay đã có năm ngàn tinh binh, và cả một dải đất lớn kéo dài mấy huyện. Chàng muốn được có Phàn làm quân sư, nhưng Phàn từ chối, sau nể tình, cho một người trò yêu (vốn trước đây là người đánh xe) theo Từ làm mưu sĩ. Từ tha thiết xin nghe những lời chỉ giáo của Phàn về thế thuận nghịch, tiến lui trong bước đường sự nghiệp trước mắt. Phàn nói:

- Từ nay mọi hành vi, cử động của anh sẽ chạm đến vận mạng của nghìn vạn con người, muốn hay không, anh đã bước vào chính trị. Lẽ đời có vay có trả. Nếu chỉ với năm ngàn quân mã tung hoành trong mấy huyện miền núi này, thì tài ngang trời dọc đất của anh cũng chỉ làm đến lục lâm thảo khấu mà thôi. Không, tài của anh xứng với nghiệp vương bá. Đang lúc kỷ cương rối loạn, quan lại tham nhũng nhung nhúc như dòi bọ, dân tình khổ nhục như trâu chó, chỉ một tiếng "nghĩa" xướng lên, trong tay anh có ngay hàng chục vạn binh mã, ấy không phải là chuyện quá khó và đấy, nghiệp vương bá đã đến trong tầm tay. Ta lo là lo điều khác cơ. Nói, anh đừng giận, kẻ ôm mộng bá vương, nếu trí không vượt khỏi tầm nghĩ của người đàn bà, thì sao khỏi mang mầm họa cho mình và cho đời. Ta sẵn sàng giúp anh, để "vay" binh quyền và thế lực trong nỗi thống khổ của hàng vạn con người hèn kém, nhưng lại lo khi nghiệp lớn đã thành, anh giúp ta "trả" lại sao đây?... Không, cứ để ta nói nốt. Ta hiểu lòng anh như ta hiểu chí anh: hoài bão của anh trong sạch và tốt đẹp, nhưng đời có cái lẽ khắc nghiệt của nó: cái gì trong rồi có lúc đục, đó cũng là lẽ thường. Sống quyền quý xa hoa mà mong mang cái "tâm" của người áo vải là chuyện nực cười. Nhưng ta muốn anh nhớ cho điều này: món nợ này lớn lắm. Núi xương sông máu đưa anh đến nghiệp bá vương thì không thể mong đền bồi, nhưng cũng còn vớt vát được trong muôn một, nếu kẻ cầm quyền còn biết nhớ đến ba điều ước mong ngàn đời của người dân đen, mà chưa đời nào có được:

- Ba điều ấy là gì?

- Tự do - Công lý - Yên bình.

Từ tạ ra đi trong lòng rưng rưng cảm khái. Từ tự thấy mình lớn đẹp lên ngàn lần. Trong tai chàng còn văng vẳng giọng của Phàn khi tiễn biệt: - "Hãy biết mình!".

Phàn thực hiện lời hứa giúp Từ dấy nghiệp, bài hịch văn mà Phàn viết ngay đêm ấy quả là một áng "thiên cổ hùng văn". Trên đường tiến quân của Từ, áng văn ấy đã lôi cuốn hàng vạn con người hăm hở đến với Từ trong khí thế long trời lở đất. Chỉ một năm sau, trong tay Từ đã tung hoành mười vạn tinh binh, tràn qua các kinh thành như nước vỡ bờ. Người học trò thao lược của Phàn, trước vốn là dân đánh xe ngựa, được Phàn gọi là "Khổng Minh thời nay" đi theo Từ làm quân sư, trên bước đường rong ruổi chinh chiến, vẫn thường lệ mỗi năm một lần về thăm thầy cũ. Lần về thăm ấy, Phàn hỏi tỉ mỉ về sự tình trong quân của Từ, nhất là cuộc báo ân báo oán vừa rồi, tiếng đồn vượt qua năm trăm dặm bay về tận đây. Thầy trò nhìn nhau, lắc đầu ngao ngán. Trong quân, mọi việc đều có sự can thiệp của người đẹp Thúy Kiều; con người mà lòng nhân hậu thì đã rõ ràng, nhưng vì quá thành công trong việc làm cho đấng phu quân tin vào cái "tài" của mình mà khiến cho mọi sự trở nên rối bét.

Đấy, để tóm cổ mấy con mụ chủ chứa, mấy thằng ma cô và một bà vợ cả hay ghen, đã điều một ngàn quân, chia làm hai ngả dưới quyền hai viên tướng, hai kẻ lúc thường trận mạc thì chui nhủi ở tận đâu, nay nhảy ra xung phong đi lập công đầu. Hai kẻ hèn nhát bất tài ấy bây giờ là tướng tâm phúc của phu nhân, và cùng với chúng, sự a dua xiểm nịnh đang được lên ngôi. Và trận máu đổ đầu rơi rùng rợn của lũ Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Ưng Khuyển, cô cháu nhà họ Bạc... đến giờ còn làm sởn gáy dân chúng quanh vùng. Thế mà, mọi thứ lầu xanh lầu đỏ nhan nhản trong vùng vẫn yên ổn hành nghề bán thịt buôn người, với hàng trăm Tú Bà các cỡ, hàng ngàn Mã, Sở các loại, bao đời hoa vẫn bị dập vùi tan nát mà nào một ai thèm đoái hoài? Dân trong các vùng có quân của đại vương tràn qua như thác lũ, được một giấc mơ đổi đời - những tưởng bão tố nổi lên quét sạch loài sói lang hung ác, loài dòi bọ thối tha - nào ngờ trời yên mây tạnh, ai lại về phận nấy!

Phàn trầm ngâm nói. Xưa nay không phải không có những người đàn bà kiệt xuất, nhưng chữ "bụng dạ đàn bà" vẫn là chỉ cái thói thường nhỏ nhen, làm hỏng việc lớn. Ác thay cái bụng dạ ấy không chỉ ở đàn bà. Đem binh mã đi bắt mấy mụ đàn bà về trả thù riêng thì quả là chỉ có bụng đàn bà mới nghĩ ra nổi. Ta tiếc thay cho Từ, không tự hiểu mình. Tài sức Từ lay thành nhổ núi, và cái kỳ vọng ta đặt vào Từ ngàn lần lớn hơn cái mộng bá vương của y. Buồn thay, ngay từ lúc này ta đã nhìn thấy trước cái kết cục không hay rồi. Nhưng thôi, dù hay dù dở, sự nghiệp của Từ chẳng còn đáng để ta bận tâm nữa rồi.

Và cũng từ đấy, người ta không thấy nói gì đến Phàn nữa.


Vũng tàu, 28-5-1989
Hiếu Tân


Tiểu Luận






TRẦN ĐỨC THẢO: BI KỊCH CỦA MỘT NHÀ TRIẾT HỌC

Hiếu Tân




Ngày nay chỉ có những giáo sư triết học, mà không có các triết gia. Là một triết gia không phải chỉ là có những tư tưởng siêu việt uyên áo, thậm chí cũng không phải là lập ra một trường phái, mà là yêu sự thông thái đến mức sống theo những tiếng gọi của nó, một đời sống đơn giản, độc lập, cao thượng, và tin tưởng. Đó là việc giải quyết một số vấn đề của cuộc sống, không phải về lý thuyết, mà về thực tiễn.



Henry David Thoreau (1817 - 1862)



Cái tên Trần Đức Thảo từ lâu có nhiều hấp dẫn với tôi. Người ta gọi ông là Triết gia – Nhà triết học duy nhất hay số một của Việt Nam. Nhiều người thống nhất nhận định Việt Nam ta xưa nay không có triết học, vậy thì với Trần Đức Thảo: Có một nền triết học Việt Nam chăng? Trong đời thường, ông có dáng dấp một triết gia theo quan niệm dân dã, (ngày trước người ta thường gọi những cái đầu bù tóc rối như tổ quạ là đầu “phi lô dôp”) Theo những người được gần ông (Phùng Quán, Cao Xuân Hạo..) kể lại, ta thấy ông sống chìm đắm trong suy tư, không màng đến những gì xảy ra ngay xung quanh mình. Nhiều tác giả tên tuổi ở tây Âu, nhiều tạp chí chuyên ngành gọi ông là philosopher – nhà triết học. Người ta không chỉ gọi ông đơn giản là triết gia, mà còn là triết gia chân chính, nhà triết học chiến đấu.. Ở Việt Nam, nhiều người hâm mộ ông, nhưng tôi nghĩ họ chưa chắc đã đọc ông, mà phần nhiều hâm mộ danh tiếng của ông và những giai thoại về ông. Một anh bạn nhà văn kể với tôi rằng ở Paris, Jean-Paul Sartre có một căn phòng trên quảng trường, bốn mặt lắp kính để công chúng “chiêm ngưỡng” Sartre, và trên bàn làm việc trước mặt Sartre, là bức ảnh chân dung Trần Đức Thảo!

Nhiều người thích thú với câu chuyện Trần Đức Thảo đã “dám” tranh luận cả với Sartre, và đã thắng! Chuyện này ta sẽ nói sau, nhưng đọc những thư từ trao đổi với A. Kojève (1902-1968), [một nhà triết học có ảnh hưởng lớn ở Pháp vào những năm 1930, người chủ yếu đưa triết học Hegel vào Pháp] khi Trần Đức Thảo mới ba mươi tuổi (1948), ta thấy một tư thế tranh luận chững chạc của một tư duy triết học [tương đối] độc lập. Một điều chắc chắn là ở Việt Nam chưa có ai đi xa đến như Trần Đức Thảo vào những miền cô tịch của tư duy trừu tượng, và sử dụng một cách thuần thục như vậy các thao tác tư duy triết học. Trong một số khu vực hẹp của tư tưởng Hegel, Marx, Husserl, đã có thời, Trần Đức Thảo có một thẩm quyền nhất định.

Bởi vậy khi biết có một cuốn sách viết về những năm tháng cuối đời của Trần Đức Thảo, và nhất là nghe trong đó hình như Trần Đức Thảo “có để lại một cái gì”.. tôi hào hứng tìm đọc. Mặc ai tò mò muốn tìm điều gì giật gân theo sở thích của riêng họ, còn tôi, tôi chi muốn theo dõi bước đường tư tưởng của Trần Đức Thảo. Ban đầu, khi đọc (trên mạng) những trích đoạn của cuốn sách Trần Đức Thảo- những lời trăng trối của Tri Vũ Phan Ngọc Khuê, Trần Đức Thảo nói (chuyện với Lê Tiến) được ghi âm lại, tôi thấy khả nghi: lẽ nào một nhà triết học, nói về một lí thuyết triết học, mà không có lập luận gì cả, chỉ nhắc đi nhắc lại Marx sai, chính Marx đã sai, rồi Hegel sai, và Marx theo Hegel Marx cũng sai! Rồi đập bàn, nóng này, giận dữ. Không có vẻ một nhà triết học, nhà nghiên cứu.

Nhưng sau khi đọc cả tài liệu, đến đoạn cuối này như một bằng chứng, thì tôi thấy có thể là thật. Thì ra trước đó tôi đánh giá Trần Đức Thảo cao hơn, hay nói cách khác, kì vọng hơn. Và tôi buồn cho ông.

Cuốn sách mỏng cho thấy một đoạn đời Trần Đức Thảo, đoạn cuối cùng, từ khi ông sang Pháp đến khi chết. Người thuật lại có một tình cảm quý trọng chân thành đối với Trần Đức Thảo, và tôi cảm ơn ông về điều đó. Nhờ có cuốn sách mà chúng ta hiểu Trần Đức Thảo rõ hơn.

Cầm trên tay cuốn Trần Đức Thảo- những lời trăng trối, người đọc nghĩ gì? Chúng ta mong được thấy những suy tư triết học của một người được coi là nhà triết học gần như duy nhất của đất nước, người do một sự lắt léo của số phận mà thành “người quan sát trong cuộc” của cách mạng cộng sản ở VN, và người cuối cùng đã phản tỉnh, đã nhìn thấy “mặt thật” và từ bỏ nó. Con đường đau khổ, vật vã của tinh thần (‘le chemin de tourment’ – tên một tiểu thuyết của Alexi Tolstoy) đã qua và những suy tư của một đầu óc tầm cỡ triết gia như ông sẽ giúp cho nhiều người đi sau thoát khỏi lầm lạc chăng? Bây giờ, cái gì là đúng cái gì là sai đã rõ ràng, nhưng là nhà triết học, ông có thể giúp cho ta nhìn lại cái phương pháp, để trong muôn vàn rối rắm, biết tách ra khỏi cái sai mà tìm về gần với chân lí. Kì vọng của chúng ta đặt vào nhà triết học là vậy, chứ không phải những kiến thức rối mù trong suy tư trừu tượng rút ra từ núi sách vở mà ông đã đọc.

Ta gặp trong sách chuyện kể về những đoạn đời chủ yếu của Trần Đức Thảo từ khi về nước (1951) đến khi trở lại Pháp (1992) những nỗi niềm, cay đắng, bức xúc, những băn khoăn, trăn trở, qua trải nghiệm thực tế của nhà triết học. Lời thuật nói chung là khả tín. Một điều đáng tiếc nhỏ, là đôi khi người thuật có xu hướng “tiểu thuyết hóa”, dường như là do muốn bổ sung cho câu chuyện bớt sơ sài. Chẳng hạn chuyện kể CCRĐ: bắt rễ - xâu chuỗi – họp đội – xử án địa chủ, quá tỉ mi – là cách kể của nhà văn cho người đọc – không phải giọng trò chuyện riêng, và thiếu những nhận định khái quát. Có những chi tiết đã nhiều người biết, như vụ xử bà Năm, nhưng vụ cố vấn TQ nêu tấm gương ‘cụ Hồ xử bắn bà Năm’, tôi cho là không thực. Về CCRĐ, điều mà tôi muốn biết là khi đó TĐT đã viết gì về CCRĐ, ý kiến có tính triết học? (Được biết TĐT có bài viết về CCRĐ, nhưng hình như ngoài những hệ lụy tồi tệ đối với tác giả, bài viết không có tiếng vang đáng kể nào.)

Ngoài ra trong sách có một số chi tiết không đúng thời điểm: Điện hạt nhân – xe lửa cao tốc – khách sạn 5 sao, những vấn đề chỉ gần đây mới có: (Thảo ra đi 1993!). Có những ý như “lãnh đạo tuyên bố hi sinh đến người dân cuối cùng để chiến thắng,” “hi sinh đến giọt máu cuối cùng của người dân cuối cùng”[1]..dường như là những suy diễn quá trớn. (Nghe như câu mà ta thường nghe ‘Mao muốn đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng’.)

Rất nhiều chuyện “thời sự xã hội” mọi người đều biết, nêu ra không mang lại một giá trị nào cả, vì nhà triết học cũng chỉ “ca cẩm” như những người khác, không có một kiến giải độc đáo nào. Trong một rừng những điều tiêu cực ấy, Trần Đức Thảo đã không tìm thấy cái gốc ở đâu. Cách nhìn của ông là mặc nhiên chấp nhận hiện tại, rồi phê phán những xấu xa ngang trái lẻ tẻ của nó.

Ngay trong những năm “Nhân văn Giai phẩm”, ông đã bị chụp mũ “xét lại”. Những quan điểm của Trần Đức Thảo về chiến tranh và hòa bình trong những năm 1960 gần giống với của nhóm xét lại, nhưng trong vụ án ấy, ông đã không bị liên can, vậy thời gian ấy Trần Đức Thảo ở đâu, làm gì, đã viết gì? Ông được mời nói chuyện trước “trung ương” về đề tài này, nhưng những lập luận của ông cho thấy dường như ông không hiểu lập trường của “phe cách mạng” về chiến tranh, và nói chung, bạo lực. Đối với họ, chiến tranh đâu phải chỉ là tàn phá, chết chóc, đau khổ, tụt hậu..? đối với họ, chiến tranh còn là (hay chính là) phương thức, là cơ hội để đạt những mục tiêu “cách mạng” của họ. Là một nhà marxist, ông không thể không nhớ câu nói của Marx, được Stalin nhắc lại: “Bạo lực là bà đỡ cho mọi xã hội đang giở dạ đẻ”. Bài nói đó có lẽ chỉ thích hợp với một chính phủ dân tộc không cộng sản.

Qua những trải nghiệm ấy, ta thấy được bước đường tư tưởng của Trần Đức Thảo – “nhà triết học”. Đang là một nhà triết học thuần túy tư biện, (hay đúng hơn là người “học rất giỏi” sau là giáo sư triết học, nhưng chưa thấy Thảo có gì sáng tạo hay phát triển) trong trường biện chứng Hegel và hiện tượng luận Husserl, nghiên cứu Marx và liên hệ với ĐCS Pháp, sau khi Việt Nam độc lập, năm 1946 Trần Đức Thảo muốn xin về “giúp cụ Hồ xây dựng đất nước”, nhưng không được, lần đầu tiên Thảo nếm mùi thất bại. Năm 1951 về nước, cũng với tham vọng là nhà lí luận (tất nhiên là hàng đầu, nếu không nói số một) của Đảng, trong cách mạng Việt Nam. Nghe nói ông muốn giảng dạy chủ nghĩa Marx cho lãnh đạo, nhưng đó là một lầm lẫn ngây thơ và tai hại. Và từ đó đến cuối đời, là thất bại cay đắng. Thất bại toàn diện. Và trong nhiều khía cạnh: đầu hàng. Một người như Thảo có cơ may thành công không, trong tham vọng của mình? Có đấy, nhưng với một điều kiện mà Thảo không có: cơ hội. Không phải cơ hội bên ngoài, mà là bên trong: tính cơ hội. Thảo không có, đó là nguyên nhân không thành công; về phương diện con người, đó là ưu điểm lớn nhất của Thảo.

Về tư tưởng, Thảo nổi danh ở trong nước nhờ giai thoại về một cuộc “tranh luận” với J-P Sartre. Nội dung tranh luận được hé lộ trong cuốn “Vấn đề con người và chủ nghĩa lí luận không có con người[2]” (Lời nhà xuất bản): té ra Thảo bảo vệ chủ nghĩa Marx chống luận điểm của Sartre “chủ nghĩa Marx không nhân bản, chủ nghĩa hiện sinh vô thần xin ứng làm nhân bản học của chủ nghĩa Marx”. Đại khái Sartre coi chủ nghĩa Marx chỉ có ý nghĩa về chính trị xã hội, còn chủ nghĩa hiện sinh mới là triết học. Lúc này Thảo chứng tỏ mình đứng vững trên lập trường marxist, sự đứng vững này gần đến cuối đời ông còn khẳng định. Ý tứ trong sách thì dường như Thảo thắng, phe Sartre thua. Nhưng làm gì có thắng thua trong lí luận, bằng lập luận! Chính thực tiễn mới là người phân xử. Và trong những ngày cuối đời, khi Thảo cứ một mực: “Marx sai, chính Marx đã sai”, tôi ước gì lúc đó Trần Đức Thảo có thời gian để xem lại cuộc tranh luận ấy.

Ngoài tham vọng làm nhà lí luận của cách mạng, sau này Thảo thổ lộ, ông muốn về nước để được đắm mình trong hiện thực cách mạng, đem lí luận gắn với thực tiễn. Nhưng cái thực tiễn ấy không chỉ khiến Thảo thất vọng não nề, mà còn đầy đọa thân xác Thảo, dằn vặt tâm hồn Thảo. Tuy nhiên, những đau khổ của Thảo, cái vị thế không có gì đáng nể của Thảo dù nhìn dưới góc độ nào, có nguồn gốc từ ngay trong tư tưởng của “Thảo-nhà tư tưởng”. Ông thấy cán bộ “ấu trĩ - vụng về - ngu dốt – tùy tiện – thô bạo”. Và ông cho là “do nóng vội, thiếu kinh nghiệm” (dù mục tiêu tốt/ đúng?), động cơ là mong tiến nhanh đến mục tiêu. Thế còn bản thân “mục tiêu”? Vì đấy mới là vấn đề! Ông có thể nhìn thực tế với lương tri lành mạnh để thấy những tồi tệ của nó, những cái gọi là sai lầm (sai với cái gì?) của nó. Nhưng một nhà triết học mà chỉ nhìn và suy nghĩ theo chủ quan, không thấy tính qui luật, không đi sâu đến tận cùng bản chất của vấn đề, không có khả năng đào sâu vấn đề đến những gốc gác cùng kiệt của nó, thì không mong cống hiến được gì mới cho nhận thức. Ông nhiều lần bực bội về sự “sùng bái” “ngu tín”,(obscurantisme) “cuồng tín” (fanatisme), nhưng ông cũng lại thường nghĩ “Marx có nói thế đâu” (ý rằng sai lầm chỉ trong thực hiện, đã không làm theo Marx!), nghĩa là Marx vẫn là chỗ dựa bất di bất dịch, một sự sùng bái không phải trong lời nói, mà trong suy nghĩ và hành động. Trần Đức Thảo là một người marxist nguyên chất, thất bại của Trần Đức Thảo trước hiện thực cách mạng, theo một nghĩa nào đó, là thất bại của chủ nghĩa Marx.

Tên tuổi Trần Đức Thảo được gắn với “nhóm Nhân Văn Giai Phẩm” bị đảng lên án và bị đẩy ra ngoài lề suốt phần đời còn lại, nhưng khi đọc những ý kiến của ông tôi hoàn toàn thất vọng. Nếu tên tuổi của ông còn lại với lịch sử, thì chính là “còn lại chút này”. Người ngoài cuộc đã có ý kiến đánh giá cả nửa thế kỉ rồi, nhưng không hề thấy một nhận định khái quát, sâu sắc nào của nhà triết học, trong cuộc.

Về thái độ sống, ông sống co ro trong sợ hãi (nhờ sợ hãi mà còn tồn tại), thu mình, (bị bắt phải) tuân phục; cố tỏ ra sùng bái cụ Hồ (không thành tâm). Ông đã không sống đích thực (mà làm sao đích thực được, trong một thân phận như thế), và không thoát khỏi chữ “ngụy tín” (mauvaise foi) của Sartre: không dám nhìn thẳng vào sự thật, vào thân phận mình, và biện hộ cho thất bại của mình bằng nhiều cách khác nhau. Ông có một niềm tin – học thuyết Marx, ông tin rằng ông nắm vững nó hơn mọi người, nhưng rồi ông đã bị đánh bởi chính những con người nhân danh kiên định với lòng tin ấy. Ông đã tin vào “chuyên chính vô sản” và hăng hái nhiệt thành chứng minh, biện hộ cho nó (không ư?), có khi nào ông thấy mình đang là một nạn nhân “đích thực” của cái CCVS ấy không?

Trong truyện Tây Du Kí có chuyện Tôn Ngộ Không vẽ một cái vòng trên mặt đất, để bảo vệ thày trò Đường Tăng nếu đứng trong đó và không ra khỏi vòng. Cuộc đời Trần Đức Thảo cũng có một cái vòng như thế, mà ông chưa bao giờ có ý định bước ra khỏi: hệ tư tưởng Marx Lenin! Nguồn gốc mọi bi kịch mang tên Trần Đức Thảo là ở đó.

Ông đọc những tác phẩm hiện đại về tư tưởng bác bỏ Marx, với tâm thế phê phán, như ngày nào ông phê phán Sartre, trên lập trường Marx Lenin. Đơn giản: ông không bước ra khỏi vòng. Ông cũng nhận thấy giai cấp thống trị, đặc quyền đặc lợi đang hình thành, nhưng vẫn “kiên trì lập trường cách mạng”. Ông thấy các nghệ sĩ “nhân văn” đòi tự do sáng tác, tự quản văn nghệ là đúng, nhưng vẫn say sưa suy tư biện luận, bảo vệ, cải tiến “chủ nghĩa”.

Vào cuối thập kỉ 70, Trần Đức Thảo có viết bài phê phán chủ nghĩa Mao (chắc theo đặt hàng của đảng). Cuối thập kỉ 80, (hình như ?) ông có viết bài bác bỏ Hà Sĩ Phu. Và trong những năm đầu thời kì đổi mới kinh tế, ông có bài trên báo Nhân Dân, chứng minh “chủ nghĩa tư bản,” Mỹ, Nhật vẫn là bóc lột. Những bài viết đóng góp cho Trung ương, cho Sài gòn, chỉ là góp ý sửa chữa, điều chỉnh chính sách (không biết có được nghe không?). Cuốn “Vấn đề Con người và Chủ nghĩa Lý luận Không có Con Người”: chống giáo điều, chống chủ nghĩa cá nhân!

Khi còn ở Pháp, Trần Đức Thảo tự do tranh luận với các nhà triết học thuộc các trường phái khác nhau, trong đó có cả các bậc thầy của Thảo. Họ cư xử với Thảo bằng sự kính trọng của trí thức. Về nước, không ai tranh luận, thảo luận với Thảo cả. Chỉ có những bài báo chửi mắng xỉ nhục Thảo, gọi Thảo là phản động. Ông hầu như bị tách rời khỏi sự phát triển tư duy của thế giới. Thảo và Tụ đều xuất phát từ sự hình thành của con người. Nhưng tư duy Tụ là phương pháp, còn Thảo là sùng bái, nên vẫn lẩn quẩn trong vòng Tôn Ngộ Không: biện chứng! Duy vật sử quan!

Trần Đức Thảo phê phán quan điểm “Đảng không bao giờ sai lầm” là “biện chứng duy tâm”? Nói đảng “duy nhất đúng” là gian dối về lý luận! Nhưng “không bao giờ sai lầm/duy nhất đúng” sao lại là biện chứng, nó là siêu hình chứ! Bởi vì nếu có một cái gì duy nhất đúng, tuyệt đối đúng, thì nó mâu thuẫn ngay với qui luật biện chứng: phủ định của phủ định. Cái tuyệt đối đúng là chấm hết của mọi sự phát triển! Nếu Newton tuyệt đối đúng thì sẽ không bao giờ có Einstein. Và khoa học ngày nay đã đi đến nhận thức này: nếu một lý thuyết có tính khoa học, thì nó phải có đặc điểm này: là nó có thể sai! Tính “có thể sai” là một dấu chỉ của tính khoa học! Một cái gì không thể sai có thể là cái gì khác, như tôn giáo chẳng hạn, nhưng nhất thiết không thể là khoa học. Còn “duy tâm” ư, duy tâm chỗ nào? Tôi nghi ngờ ý tưởng này của nhà triết học.

Những phân tích của Thảo không hơn những người khác. Sức mạnh lí luận trong những cái Thảo viết không đáng sợ, vì né tránh trực diện, né vấn đề cơ bản. Và vì vẫn “trong vòng”.

Tôi cho rằng những trí thức cũ, người Kháng chiến cũ không thể nghe Thảo: vì nhận thức của họ cao hơn Thảo, đi trước Thảo. Vì họ không bị vướng.

Trong thời kì đổi mới kinh tế, Thảo thể hiện thái độ ghét tư bản nói chung: CNTB man rợ ở phương Tây đem lại? Đau lòng vì đô la Mỹ tung hoành? Độc lập về kinh tế? Ông buồn vì đất nước ngả sang kinh tế thị trường “của khối tư sản” [vẫn “phe ta/phe địch”]

CNXH theo định hướng thị trường! vẫn cai trị theo kiểu cũ (CNXH) nhưng theo một thứ CNTB mới rất tàn nhẫn

Nếu Marx đúng khi phê phán tư bản thì phải lấy Marx để phê phán chế độ tư bản “rừng rú” (mới mọc lên ở VN) này chứ. Ai phân tích hay hơn Marx về kinh tế hàng hóa?

Những nhận thức đơn giản ban đầu, chưa đào sâu. Ông đứng ở hàng đầu về lí luận Marx. Đằng sau quay: ông ở cuối! Đứng trong vòng nhận thức luận marxist, tầm nhìn của Trần Đức Thảo rất hạn hẹp.

Mấy cơ sở mà Trần Đức Thảo hay dựa vào: biện chứng, duy vật sử quan. Phép biện chứng Hegel đã bị Karl Popper phê phán đáo để, điều quan trọng nhất mà Popper vạch ra, là nó dành đất cho ngụy biện, và từ ngụy biện mới đi đến kết luận “không bao giờ sai”. Duy vật sử quan đã tỏ ra sự bất lực và thiếu căn cứ của nó. Phải tìm một sử quan mới! Đâu? Trần Đức Thảo đã bao giờ nghĩ đến điều này chưa?

Khi nhận ra cần thay đổi thì đã muộn! Đáng buồn! Ông luôn mồm Marx sai, cả Marx cũng sai! Nhận ra Marx sai từ bao giờ? Cuối 1992! Cái nóng nảy của ông chứng tỏ đó là cơn bức xúc khi vừa mới ngộ ra, nóng lòng muốn thổ lộ.

“Marx đã bị bỏ lâu rồi,nhưng ở ta vẫn dùng làm bình phong”

Người ta bỏ Marx không phải vì người ta không yêu Marx nữa, mà vì nếu cứ tiếp tục theo các định đề cũ, thì người ta sẽ đi vào ngõ cụt. Chính thực tiễn mở mắt cho người ta, bắt người ta phải nhìn lại lý thuyết. Một nhà triết học thì không bức xúc vì cái trước mắt, nhà triết học là phải có viễn kiến, phải có khả năng dự báo. Tôi cho rằng Trần Đức Thảo bị trễ so với thời đại là do ông cứ bám chặt vào những định đề cũ, và, quan trọng hơn, phương pháp suy tư của ông đã không còn thích hợp, nó làm ông thất bại không đi đến được những kết luận khái quát hơn có tầm thời đại.

“Trên thân phận của Mao còn cái bóng vĩ đại rất ám ảnh của Marx” (sic) !? Làm gì có! Với Mao, Marx là gì? Chỉ là dụng cụ thôi! Nhưng trong câu này, nếu thay chữ Mao bằng chữ Trần Đức Thảo, thì lại đúng!

Chê Đặng Tiểu Bình vẫn giữ “Hồng và Chuyên” “Hồng mà dốt và gian thì hỏng hết”: hóa ra “hồng” (mà giỏi) là tốt, chỉ có dốt (tức không “chuyên”) là hỏng. Nhưng người ta nói “hồng và chuyên” cơ mà.

Cuốn sách kết thúc bằng cái chết buồn thảm của nhà triết học và những chuyện trớ trêu xung quanh nó. Nghe nói Trần Đức Thảo có để lại nhiều di cảo, chắc mọi người sẽ háo hức muốn biết ông đã để lại di sản nào cho dân tộc và cho nhân loại. Nhưng khi đọc đến đoạn cuối sách, đoạn Trần Đức Thảo nói về tham vọng của ông xây dựng một tòa lâu đài cho toàn nhân loại, công bằng, nghiêm minh, trong đó ai cũng sống hạnh phúc, thì tôi ngậm ngùi cay đắng. Cái mà ông để lại cho đời là một giấc mơ, lần đầu tiên Trần Đức Thảo là người mơ tưởng! Và ông tin nó khả thi, và ông tin nó không thể sai! Ôi!

Gấp quyển sách lại, tôi buồn. Thương ông, một cuộc đời bị đày đọa, một bộ óc thông minh nhưng cả cuộc đời chẳng biết có ích cho ai. Cái bi kịch trí thức của ông là điển hình của những trí thức ấu trĩ ngây thơ trước thực tiễn đầy hung hiểm, bị rơi vào một cái bẫy vùng vẫy không thoát ra được, hay tự lấy dây quấn chặt lấy thân mình nên càng dẫy dụa càng bị thắt chặt, và đến khi thoát ra thì đã muộn, quá muộn rồi.







Hiếu Tân 
Nghĩ về “cô điếm lễ độ”

Vở kịch: “The Respectful Prostitute”
của Jean-Paul Sartre

Hiếu Tân dịch

Sartre đặt tên cô là Lizzie. Tại sao “lễ độ”? Gái điếm có thể vô lễ với khách được sao? Không, qua vở kịch ta sẽ thấy, “lễ độ” ở đây đồng nghĩa với “có giáo dục.” Không biết cô có được học hành gì không, nhưng cô cư xử như người có giáo dục; tuy có lúc cô cũng thấy cần tỏ ra thô tục.
Cô là nhân vật chính - theo tôi là duy nhất - của vở kịch. Chỉ có tính cách của cô phát triển. Tất cả những nhân vật khác, THANH NIÊN DA ĐEN, FRED, JOHN, JAMES, THƯỢNG NGHỊ SĨ
và những người khác, chỉ có mặt để tạo ra những tình tiết xung quanh sự phát triển ấy.



Meg Mundy đoạt giải thưởng Sân khấu Thế giới về vai diễn Lizzie trong vở kịch "Cô gái điếm lễ độ” tại Nhà hát Cort năm 1948.

Đầu tiên là sự xuất hiện của Thanh niên Da đen cùng một người bạn, bị bọn da trắng tấn công trên tàu, các anh chống trả, bạn anh bị giết, anh bị truy lùng vì chúng muốn đổ tội cho anh hiếp cô gái da trắng Lizzie, để chạy tội cho tên sát nhân da trắng. Anh đến tìm cô xin cô giấu anh, vì nghĩ bọn kia sẽ không tìm anh ở đó, nhà của người mà bọn họ cho là bị hại. Bọn da trắng cũng cho một người đến làm khách chơi của cô : FRED - với âm mưu buộc cô làm chứng gian theo ý chúng.
Vậy là cô bị kẹt vào một tình thế hiểm nghèo.

Hai nhân vật ở dưới đáy xã hội gặp nhau.
Cô gái điếm, trong tăm trí mọi người là hạng “đĩ điếm - macô – cặn bã – rác rưởi..” mà xã hội khinh ghét và ruồng bỏ.
Người Da đen, nạn nhân của chế độ phân biệt chủng tộc thời ấy, bị truy đuổi cùng đường, bị hành hình kiểu lynch nếu chúng bắt được.
Hai hạng người mạt hạng. Vậy có gì quan trọng?
Họ là dân. Họ là con người.
Có những lúc họ nhận rõ thân phận của họ: họ đơn độc trong thế giới này.

Quyền

Sự cầu cứu của Người da đen đưa cô vào thử thách hiểm nghèo. Cô không cứu, anh sẽ bị chúng thiêu sống. Cô không ưa người da đen. Quyết định cứu anh, cô thể hiện một phẩm chất cao hơn cả lòng dũng cảm: đó là sự công bằng. Anh cần được sống, như mọi con người, anh có quyền sống, như Hiến pháp Hoa Kỳ đã long trọng hứa. Cô không chỉ bảo vệ anh: cô bảo vệ một quyền của cô: quyền nói sự thật. Quyền làm người.

Những kẻ cưỡng chế cô không hiểu điều đó. Chúng sống trong dối trá. Những kẻ có tiền và có quyền. Tiền để mua chuộc, và quyền để uy hiếp, cưỡng bức người ta phải dối trá. Cô đã bước qua cả hai: từ chối khoản tiền 500$ - không nhỏ lúc đó - và chấp nhà đá. Ở đây có sự đối chọi hai thứ “quyền”: quyền của cô [nói lên sự thật], và quyền của những kẻ thấy mình có quyền dập tắt, đè bẹp nguyện vọng ấy –quyền bôi xóa sự thật. Trong xã hội, cô, anh da đen, là những người không có quyền lực. Bởi vậy, quyền sống, quyền nõi lên sự thật là những quyền, tối thiểu, của những người vô-quyền. Theo công lí, nó là thứ quyền “tạo hóa ban cho mọi người, như nhau, và không ai có quyền cướp đi.” Nhưng trong xã hội, để bảo vệ những quyền ấy, con người đã phải trả giá. Bởi vì, thứ quyền của kẻ có quyền lực, thường lả đặc quyển, không chính đáng, chính là sự tước đoạt quyền tối thiểu của những người “vô quyền”.

Vấn đề phẩm giá.

Dưới vỏ ngoài sang trọng, Fred là đại diện tầng lớp thống trị trong xã hội, có quyền và có nhiều tiền, đã hiện ra với đầy đủ sự hung hãn, độc ác, gian manh, đểu giả.
Trong khi Fred chỉ coi Lizzie là thứ đồ chơi, thì ngược lại, Lizzie coi cuộc hành nghề là cuộc tình; cô nhớ đến nó với những cảm xúc gần như lãng mạn; thậm chí yếu tố tiền nong, nhu cầu kiếm sống dường như lùi ra sau. Fred vứt ra 10 đô, sau khi đã dấn thân vào trò vui thân xác, mà chính hắn coi là nhớp nhúa bẩn thỉu; hắn không có khả năng hưởng thụ cái phần thăng hoa, tinh tuý hơn trong cuộc truy hoan mà cô điếm kia muốn hiến dâng cho hắn. Hắn không để tâm. Thật ra tâm trí hắn đang mang nặng một âm mưu đen tối. Nhưng Lizzie lại coi đó là giá trị của mình, (dĩ nhiên là giá trị trong cái ‘thị trường’ ấy) và vì làm nghề, nên cô coi mức độ thành thục trong nghề - đo bằng thỏa mãn của ‘khách hàng’ - là giá trị. Ít nhất đó là thái độ lương thiện. Ở đây có qui luật sòng phẳng của thị trường. Hoàn toàn không có những ngón nghề “đĩ thoã” mê hoặc đàn ông một cách gian dối bẩn thỉu, để có thể coi cô là “con đĩ thối tha” và đối xử với cô như Fred đã làm. Hắn làm thế là từ định kiến xấu thâm căn trong hắn về hạng người (làm nghề) như cô, không màng đến nhân cách của cô, vì trong hắn không có thang giá trị ấy. Hắn, cha hắn, bà cô của hắn, dùng tiền đo người. Hắn gọi cô là con đĩ mười đô. Câu nói đó khắc họa tính cách hắn, không phải cô.Và tất cả khán giả chúng ta nghĩ cô cao hơn thế nhiều, về mọi phương diện. Như vậy, ngay trong cuộc hành lạc, một bên ngập trong nhớp nhúa và một bên cố vươn tới cái đẹp. Một người cố vươn lên tầm người, một kẻ hướng về thú tính. Ai người hơn ai? Và trong suốt vở kịch ta sẽ thấy cô thật sự chiến đấu để giữ lấy phần người, dù có lúc yếu đuối, lạc đường.

Bạo lực và Dối trá

Tuy ở trong giai tầng thống trị, Fred chỉ là kẻ non nớt, đã bất lực trước ý chí của cô. Tình thế chỉ bị đảo ngược khi xuất hiện cha hắn, Thượng Nghị sĩ Clacke, một chính khách xảo quyệt, một con cáo già thật sự.

Ở đây tác giả cho ta thấy vài nét về nền pháp trị Mỹ. Tại những bang miền nam nước Mỹ, thời ấy tinh thần phân biệt chủng tộc còn vô cùng nặng nề, nhưng Thượng Nghị sĩ đã không thể ỷ vào thần thế, vào nhân thân tốt của bị cáo để thao túng toà án, mà vẫn phải dùng thủ đoạn với nhân chứng để thuyết phục tòa theo trình tự tố tụng. Và màn thuyết khách của con cáo già ấy vẽ lên thật sinh động cái trò mị dân, con bài tẩy của thứ chính trị gian manh. Trong một thế giới phân đôi, Bạo lực và Dối trá luôn là hai mặt của quyền lực phi nhân (chống lại con người).

Tài nghệ thuyết pháp phù thủy của Thượng Nghị sĩ đã tác động, áp đảo lựa chọn của Lizzie (nếu có). Lúc đầu, lão làm ra vẻ công tâm, thừa nhận Lizzie đúng và đứng về phía cô, khiển trách cảnh sát; vì lão tự tin sẽ đến lúc lão lật ngược lại một cách nhẹ nhàng. Đòn thứ hai đánh vào chỗ yếu tình cảm của cô, biết cô là một cô gái bơ vơ, thèm khát tình thương, lão dẫn dụ cô vào câu chuyện do lão bịa ra, về một bà mẹ hiền với bao hứa hẹn yêu thương. Rồi đến lí lẽ. Nguỵ biện một cách nực cười khi người nghe không còn đủ tỉnh táo để nhận ra sự phi lí. Bịa ra cái lí “sự thật nhiều cấp độ” để tung hỏa mù. Rồi lớn lối phát biểu nhân danh ‘Tinh thần Dân tộc Mỹ’. Mạo danh bao giờ cũng là thủ pháp đắc dụng của kẻ lừa bịp qui mô lớn. Áp đặt quan điểm của mình lên đối phương một cách tinh vi, không để kẽ hở cho đối phương kịp có ý kiến riêng. Lão nhấn mạnh đến số phận Thomas mà phớt lờ người thanh niên da đen, mặc nhiên coi như đối phương chấp nhận cái quan niệm của lão “người da đen không phải là người”. Dường như ở đây Sartre muốn nhắc ta nhớ đến một luận điểm [duy vật lịch sử] của Marx: “Tư tưởng thống trị trong một thời đại luôn luôn là tư tưởng của giai cấp thống trị thời đại ấy.” Nhưng điều này không phải do hình thái kinh tế quyết định, như Marx hiểu. Thật ra đây chính là ý chí của giai cấp thống trị: thực hiện sự thống trị tư tưởng của chúng. Không phải trên địa hạt tư tưởng, bằng hoạt động thuần túy tư tưởng, tức là thông qua tranh luận, thuyết phục, thu phục.., đúng nghĩa. Mà trên địa hạt chính trị, bằng thủ đoạn bạo lực và dối trá.

Và chuyện phải xảy ra đã xảy ra: Lizzie rơi vào cái bẫy đường mật của lão. Cô là cô gái thông minh, nhạy bén, quả quyết, xử lí tình huống chuẩn xác, như ta thấy trong màn đối phó với Fred, cảnh sát, và những kẻ truy lùng. Với một đối thủ cao cơ hơn mình nhiều, có cả một lực lượng hùng hậu sau lưng, cô đã thất thế, sa chân vào mê hồn trận dối lừa, cũng chỉ vì cô quá lương thiện, lương thiện đến cả tin. Mà người lương thiện bị thua trước kẻ gian manh là chuyện quá thường. Cô đã tỉnh ra, khi nhận tờ một trăm đô thay vì lá thư yêu thương mà cô mong đợi. Và cuối cùng cô cũng nhìn rõ mặt thật, chứ không bị rơi vào hội chứng mê kẻ thù của mình, nhận nó là ân nhân.

Triết lí JPS: lựa chọn cuối cùng của Lizzie: không rõ, để ngỏ cho mọi khả năng.

Âm mưu của cha con Thượng Nghị sĩ, theo ban đầu, mới thực hiện một nửa: cứu được Thomas nhưng để thoát Thanh niên Da đen. Tuy nhiên vẫn coi là hoàn thành vì Lizzie và Thanh niên Da đen không có cơ hội khai trước toà, và người Da đen không bao giờ dám kiện. Đây là kết quả sự đầu hàng của Lizzie.

Khi Lizzie chĩa súng vào Fred, không có tiếng súng nổ và diễn biến sau đó có thể khiến một số khán giả thất vọng. Với niềm tin của những khán giả này, rất có thể, sau khi hạ gục Fred, và sau mười năm nữa, cô ra tù, sẽ có một thiếu phụ tên là Lizzie quả càm đi đầu trong những cuộc đấu tranh, đòi Nữ quyền, chống phân biệt chủng tộc, chống áp bức bất công.
Nhưng như thế là chưa hiểu Sartre. Suy nghĩ của những khán giả trên dựa trên một giả định ngầm là, với bản chất lương thiện và ngay thẳng của mình, tất yếu Lizzie sẽ đi con đường mà họ hình dung.
Sartre không nghĩ thế. Với Sartre, không có một “bản chất” nào cả. Con người phải sáng tạo ra bản thân mình trong từng khoảnh khắc, bằng lựa chọn thái độ và hành động của mình. Và lựa chọn ấy là “tự do.”

Hứa hẹn của Fred đưa ra trước Lizzie một viễn cảnh mê hồn. Lizzie sẽ chọn gì? không dễ trả lời

Mình sẽ sống ra sao trong một ngôi nhà với những con người xa lạ đầy dối trá, thù hận và ức hiếp.
Được, ông Thượng nghị sĩ cao tay, ông đã biết tôi rồi, gái này không phải loại vừa đâu.
Còn thằng con của ông, mình dâng cho nó linh hồn thiếu nữ và nó trả mình mười đô. Rồi còn bà cô, lâu lâu cũng gặp; mình vẫn nhớ mình gỡ cho thằng con bà cái án mười năm và bà trả cho mình 100$.
Hừ, dối trá và bạo ngược. Được, dối ta ta cũng liệu bài dối cho. Ta cũng sẽ dối trá, ta cũng sẽ bạo ngược.
Các ngươi hãy chờ đấy. Có quyền lực là có tất cả, chính các ngươi đã dạy ta điều ấy.Ta đã nắm được con bài chủ, ta sẽ biết ẩn mình chờ thời. Và đến khi ta có quyền lực trong tay...
......

Không thiếu tiền tiêu. Chỉ đi dạo. Có năm sáu đầy tớ để sai bảo. Ôi cực kì giàu sang, vinh hiển. Mình sẽ là một con búp bê được cưng chiều trong ngôi nhà ấy chăng.
Trong giờ ăn sáng, các quí tiểu thư em gái anh sẽ bảo “Chị ơi, chị là một con điếm , hãy biết giữ lễ độ. Chỗ của chị không phải ở đây đâu.” Và mẹ của “anh ấy”, phu nhân kiêu sa; ánh mắt bà sẽ biến ta thành một cọng rác.
Mồi tuần ba lần thứ Ba, thứ Năm, Chủ nhật. Không phải tiếp khách, mà là đón hoàng tử của lòng mình. Chàng sẽ đối xử với mình ra sao nhỉ. Ồ, chắc chắn không phải như một con búp bê đâu, mà như một cái thảm chùi chân..

Lizzie sẽ chọn gì, hay nói cách khác, hiện tại Lizzie đây là Lizzie nào, và sẽ có một Lizzie nào trong tương lai? Câu trả lời bỏ ngỏ.

Suy nghĩ ngoại đề:
Nước Mỹ bây giờ đã có một Tổng thống Da đen.
Nước Mỹ rồi đây sẽ có một Tổng thống Phụ nữ.

Tôi tin ở TIẾN BỘ.

HT. June 20, 2016.












Jean-Paul Sartre

Cô gái điếm lễ độ



THE RESPECTFUL PROSTITUTE

(La Putain respectueuse)



Tặng MICHEL và  ZETTE LEIRIS

Hiếu Tân dịch



Các nhân vật: 
LIZZIE
THANH NIÊN DA ĐEN
FRED
JOHN
JAMES 
THƯỢNG NGHỊ SĨ
NHIỀU NGƯỜI KHÁC.


Cô gái điếm lễ độ’ (La Putain respectueuse -The Respectful Prostitute) được công diễn lần đầu tiên tại Nhà hát Antoine, Paris, ngày 8, tháng Mười Một, 1946.


CẢNH MỘT 

Một căn phòng ở một thành phố miền Nam nước Mỹ. Những bức tường trắng. Một chiếc giường. Bên phải; một cửa sổ, bên trái, một cửa buồng tắm. Phía sau, một phòng chờ nhỏ thông ra phố. Trước khi kéo màn, một tiếng động ầm ĩ phát ra từ sân khấu. LIZZIE, một mình, mặc đầm buổi sáng, đang chạy máy hút bụi. Tiếng chuông reo. Cô ngần ngừ, nhìn cánh cửa buồng tắm. Chuông lại reo. Cô tắt máy hút bụi, đi đến cứa buồng tắm và khép nó lại.




LIZZIE: [hạ thấp giọng] Có ai gọi cửa, đừng ra. [Cô đi ra mở cừa nhìn ra đường]
THANH NIÊN DA ĐEN: xuất hiện ở lối vào. Anh ta là một người da đen, tóc đen, cao lớn, vạm vỡ. Anh đứng cứng đơ. 
 LIZZIE: Cái gì thế? Có lẽ anh nhầm địa chỉ rồi. [Một lát] Anh muốn gì? Nói mau. 
THANH NIÊN DA ĐEN [nài nỉ] Xin bà làm ơn, thưa bà.
LIZZIE: Làm ơn cái gỉ? [cô nhìn lướt anh ta một lượt]. Khoan đã. Anh là cái người ở trên tàu phải không? Vậy là anh thoát bọn họ hả? Làm sao anh tìm ra địa chỉ tôi?
THANH NIÊN DA ĐEN: Tôi tìm, thưa bà, tôi tìm khắp nơi. [Anh ra hiệu xin phép vào phòng] Xin làm ơn!
LIZZIE: Không được vào. Tôi có người ở đây. Vậy anh muốn gì?
THANH NIÊN DA ĐEN: Làm ơn!
LIZZIE: Làm ơn cái gì? Anh muốn tiền phải không?
THANH NIÊN DA ĐEN: Không thưa bà. [Một lát] Xin bà nói với họ rằng tôi không làm gì cả.
LIZZIE: Nói với ai?
THANH NIÊN DA ĐEN: Ông quan toà. Nói với ông ấy, xin bà nói với ông ấy.
LIZZIE:  Tôi sẽ không nói gì với ông ấy cả.
THANH NIÊN DA ĐEN: Làm ơn.
LIZZIE:  Không ơn huệ gì cả. Tôi không mua rắc rối vào người, tôi đã đủ lắm rồi. Biến đi.
THANH NIÊN DA ĐEN: Bà biết tôi không làm gì mà. Tôi có làm gì không?
LIZZIE: Không. Nhưng tôi không đến gặp ông tòa. Quan toà với cảnh sát làm tôi mắc ốm.
THANH NIÊN DA ĐEN: Tôi đã bỏ lại vợ và các con nhỏ. Tôi đã chạy trốn suốt đêm. Tôi bị đánh thừa sống thiếu chết.
LIZZIE: Ra khỏi thành phố đi.
THANH NIÊN DA ĐEN: Họ gác khắp các nẻo.
LIZZIE: Ai gác?
THANH NIÊN DA ĐEN: Bọn da trắng. 
LIZZIE: Bọn da trắng nào?.
THANH NIÊN DA ĐEN: Tất cả bọn họ. Sáng nay bà có ra ngoài không?
LIZZIE:  Không.
THANH NIÊN DA ĐEN: Các phố đầy chặt các loại người da trắng. Người già, người trẻ. Họ nói chuyện với nhau mà không biết nhau.
LIZZIE: Điều ấy nghĩa là gì?
THANH NIÊN DA ĐEN: Nó có nghĩa là tôi chỉ có thể chạy quanh cho đến khi họ túm được tôi. Khi bọn người da trắng chưa bao giờ gặp tôi, bắt đầu nói chuyện với nhau, như bạn bè, có nghĩa là một thằng nhọ nào đó sắp toi. [Một lát] Nói tôi không làm gì cả, bà ơi. Hãy nói với ông toà, nói với các nhà báo. Có thể họ sẽ đăng tin ấy. Nói với họ đi, tôi van bà, nói với họ đi. 
LIZZIE: Đừng có la. Tôi có người ở đây. [Một lát] báo không liên quan gì ở đây. Lúc này tôi không thể liều lôi kéo chú ý của họ đến tôi. [Một lát] Nếu họ buộc tôi phải làm chứng, tôi hứa sẽ nói sự thật.
THANH NIÊN DA ĐEN: Bà sẽ nói là tôi không làm gì  chứ?
LIZZIE: Tôi sẽ bảo họ.
THANH NIÊN DA ĐEN: Bà thề chứ, bà?
LIZZIE:   Vâng, vâng.
THANH NIÊN DA ĐEN: Thề trước Chúa, người nhìn thấy tất cả chúng ta chứ?
LIZZIE: Ôi, biến ngay khỏi đây. Tôi hứa, thế là đủ rồi. [Một lát] Nhưng đi đi. Đi ra đi!
THANH NIÊN DA ĐEN: [Bỗng nhiên] Xin làm ơn, bà giấu tôi được không?
LIZZIE: Giấu anh? Tôi? Tôi cho anh thấy! [Cô ta đóng sầm cửa vào mặt anh.] Đó, thế đó! [Cô ta quay vào buồng tắm.] Anh có thể ra. [FRED xuất hiện trong áo dài tay, không có cổ áo hay cà vạt.]
 FRED: Ai đó? 
LIZZIE: Không có ai.
FRED: Anh tưởng cảnh sát?
LIZZIE: Cảnh sát? Anh chơi với cảnh sát à?
FRED: Anh ấy à? Không. Anh nghĩ họ đến kiếm em.
LIZZIE: [bị tổn thương] Anh điên rồi. Tôi không bao giờ lấy của ai một xu.
FRED: Em chưa bị rắc rối với cảnh sát bao giờ à?
LIZZIE: Ít nhất không phải vì ăn cắp. [cô bận rộn với chíếc máy hút bụi]
FRED: [phát cáu vì tiếng ồn] Này!
LIZZIE: [kêu to để được nghe thấy] Gì đó cưng?
FRED: [kêu to] em làm thủng màng nhĩ anh rồi.
LIZZIE: [kêu to] Xong ngay đây mà [một lát] Em là cứ phải thế.
FRED: [kêu to] Cái gì?
LIZZIE: [kêu to] Em bảo rằng em thích thế?
FRED: [kêu to] Thích cái gì?
LIZZIE: [kêu to] Thích thế. Em không đừng được, sáng dậy em cứ phải đi tắm một cái và chạy máy hút bụi. [Cô bỏ máy xuống]
FRED: [chỉ cái giường] Bọc lại đi. Trong khi cô ở đây.
LIZZIE: Cái gì?
FRED: Cái giường. Tôi bảo cô nên bọc lại cái giường. Nó bốc mùi tội lỗi.
LIZZIE: Tội lỗi? Sao anh ăn nói như thế? Anh là cha cố à?
FRED: Không. Tại sao?
LIZZIE: Anh nói cứ như Kinh Thánh ấy [cô nhìn hắn]. Không, anh không phải cha cố, anh ăn mặc quá diện. Nhìn những cái nhẫn của anh kìa [ngưỡng mộ].  Này – nhìn kìa! Anh giàu lắm phải không?
FRED: Ừ.
LIZZIE: Giàu lắm à?
FRED: Ừ giàu lắm.
LIZZIE: Thế thì tốt quá. [Cô choàng tay ôm cổ hắn và chu môi ra để hắn hôn.] Gặp một người đàn ông giàu thì tốt hơn, cảm thấy an toàn hơn. [Hắn giơ tay định ôm cô, nhưng rồi lại quay đi.]
FRED: Đi bọc giường đi.
LIZZIE:  Được rồi, được rồi, em sẽ bọc. [Cô bọc khăn trải giường và cười một mình]. Nó bốc mùi tội lỗi. Anh biết gì về cái đó? Anh biết không, nó là tội lỗi của anh, cưng ạ. [FRED lắc đầu.] Vâng, tất nhiên, cũng là tội lỗi của em nữa. Nhưng thế thì em có quá nhiều tội lỗi trong lương tâm em. [Cô ngồi xuống giường và kéo FRED ngồi xuống bên cô]. Nào. Ngồi trên tội lỗi của chúng ta nào. Một tội lỗi rất dễ thương, phải không nào? [cô cười] Nhưng anh đừng cụp mắt xuống như thế. Em làm anh sợ hả? [FRED ghì cô vào người hắn một cách cường bạo.] Anh làm đau em! Anh làm đau em! [Hắn buông cô ra.] Anh buồn cười thật đấy. Hình như anh đang buồn. [một lát sau]  Anh nói tên gọi của anh cho em đi. Anh không muốn à? Không biết tên của anh thì em áy náy lắm. Đúng ra, phải từ lần đầu tiên. Bọn họ thường không nói tên thánh ra, và em hiểu điều đó. Nhưng còn tên thường gọi. Làm sao em phân biệt được các anh người này với người khác, nếu em không biết tên gọi của các anh? Nói đi, cưng, nào.
FRED: Không.
LIZZIE: Được, thế thì anh cứ là quí ông không tên. [cô đứng dậy.] Khoan đã. Để em sửa soạn một chút đã nhé. [Cô sắp xếp lại mọi thứ ] Xong rồi. Mọi thứ ổn cả rồi. Những cái ghế bành đặt xung quanh bàn: như thế lịch sự hơn. Anh có biết chỗ nào bán tranh in không? Em muốn có vài bức tranh treo tường. Em có một bức rất đẹp ở trong rương. Tên nó là “Cái bình vỡ”. Nó vẽ một cô gái, đánh vỡ cái bình của cô ta, tội nghiệp. Tranh Pháp.
FRED: Cái bình nào?
LIZZIE:  Làm sao em biết được? Cái bình của cô ấy. Cô ấy chắc phải có một cái bình. Em muốn có bức tranh một người bà già để treo cho hợp. Bà ngồi đan, hay kể chuyện cho cháu bà nghe. Em nghĩ em sẽ cuốn rèm lên và mở cửa sổ ra. [cô làm]. Bên ngoài đẹp không kià. Hôm nay chắc sẽ đẹp trời đây. [Cô vươn vai] Ôi dễ chịu quá; một ngày thật đẹp. Em tắm rồi, em được yêu chiều; gi-i-i, em cảm thấy quá đã. Sao em cảm thấy sướng thế này. Lại đây, nhìn cái cảnh này này. Nhìn đi. Em có một khung cảnh rất đẹp. Chẳng có gì ngoài cây cối, nó khiến ta cảm thấy giàu có. Chắc chắn em đã gặp may: ngay lúc này em thấy là căn phòng em ở một nơi rất đẹp. Anh có đến không? Anh không thích thành phố của anh à? 
FRED: Tôi thích nhìn nó từ cửa sổ nhà tôi.
LIZZIE: [bất thình lình] Này, vừa thức dậy mà gặp ngay một gã da đen không phải là điềm rủi đấy chứ?
FRED: Tại sao?
LIZZIE:  Em ... Có một gã đang đi qua đây này, ở phía bên kia đường.
FRED: Gặp một tên mọi đen luôn luôn là vận rủi. Bọn mọi đen là Quỉ dữ. [Một lát.] Đóng cửa sổ lại.
LIZZIE:  Anh không muốn em mở cho thông thoáng à?
FRED:  Anh bảo em đóng cửa sổ lại, được chưa? Và thả rèm xuống. Bật đèn lên.
LIZZIE: Tại sao? Vì bọn mọi đen à?
FRED: Đừng ngu ngốc.
LIZZIE:  Ngoài kia trời nắng đẹp.
FRED: Anh không muốn một tí nắng nào ở đây hết. Anh muốn nó như đêm hôm qua. Đã bảo, đóng cửa lại. Anh sẽ thấy lại ánh nắng khi anh đi ra. [Hắn đứng lên, tiến lại phía cô và nhìn cô.]
LIZZIE:  [bứt rứt một cách mơ hồ] Có chuyện gì vậy?
FRED: Không có gì. Đưa anh cái cà vạt.
LIZZIE:  Trong buồng tắm ấy. [Cô ra. Fred mở vội những ngăn kéo của chiếc bàn và lục soát. Lizzie trở lại với chiếc cà vạt] Đây anh. Khoan đã. [Cô thắt cà vạt cho hắn.] Anh biết không? Em không thích những quan hệ qua đường vì như thế em phải nhìn quá nhiều khuôn mặt mới. Em chỉ muốn có độ ba bốn người đàn ông, Thú Ba một anh, thứ Năm một anh, Chủ Nhật một anh. Em nói anh này: anh còn khá trẻ, nhưng là một anh bạn hơi nghiêm quá, và hình như lúc nào anh cũng thấy hối thúc - Đấy, thế đấy, em sẽ không nài đâu. Anh nghĩ kỹ đi. Ôi, ôi! Anh đẹp như tranh ấy. Hôn em đi, chàng điển trai, hôn em cuồng bạo vào. Có chuyện gì thế? Anh không muốn hôn em à? [Hắn bất ngờ hôn cô thật hung bạo, rồi đẩy cô ra.] Anh chàng giàu xụ.
FRED:  Mày là con quỷ. 
LIZZIE:  Cái gì?
FRED:  Mày là con quỷ.
LIZZIE: Lại Kinh Thánh. Anh làm sao thế?
FRED:  Không sao cả. Tao lừa  mày đấy.
LIZZIE:  Lừa thật ngộ. [một lát] Anh có thích không?
FRED: Thích cái gì?
LIZZIE: [cô nhại hắn, mỉm cười.] Thích cái gì? Của em, anh ngốc lắm, cô nhỏ của em.
FRED: Ồ! Ô thế hở. Tao thích nó. Tao thích nó, tuyệt lắm. Mày đòi bao nhiêu?
LIZZIE:  Ai nói chuyện đó? Em chỉ hỏi anh có thích nó không. Lẽ ra anh nên trả lời em cho dễ thương một tí. Có chuyện gì vậy? Thật ra anh không thích nó phải không? Ồ, thế thì em ngạc nhiên đấy, anh biết không, em ngạc nhiên lắm đấy.
FRED: Câm mồm lại.
LIZZIE: Lúc ấy anh ôm em chặt, thật chặt. Và rồi anh thì thầm vào tai em là anh yêu em. 
FRED: Lúc ấy mày say rồi.
LIZZIE:  Không, em không say.
FRED: Có, mày có say.
LIZZIE:  Em bảo anh rằng em không.
FRED: Dù sao, tao say quá. Tao chẳng nhớ chó gì cả.
LIZZIE: Thật tội nghiệp. Em cởi quần áo trong nhà tắm, và khi em trở lại với anh, anh đỏ quạch và say mèm, anh nhớ không? Thậm chí em còn bảo anh là con tôm hùm luộc của em. Anh có nhớ là anh đã muốn tắt đèn và anh đã yêu em trong bóng tối như thế nào không? Em nghĩ rằng thế là thú vị và lịch sự. Anh có nhớ không?
FRED: Không.
LIZZIE:  Và khi chúng ta giả vờ là những bé bi nằm trong cùng cái cũi? Anh có nhớ không?
FRED: Tao bảo mày câm mồm lại. Cái gì đã làm trong đêm tối là thuộc về đêm tối. Giữa ban ngày mày không được nói chuyện ấy.
LIZZIE:  Nhưng nếu em cứ thích nói chuyện ấy thì sao? Em cảm thấy rất thích thú, anh biết không.
FRED: Rồi, mày thấy thích thú! [Hắn đến gần cô, hôn nhẹ lên vai cô, rồi nắm lấy cổ họng cô.] Mày luôn luôn thấy sướng khi có một thằng đàn ông phủ lên mày. [Một lát.] Tao đã quên hết cả rồi, cái đêm tuyệt vời của mày. Hoàn toàn quên nó rồi. Tao chỉ nhớ tiệm nhảy, thế thôi. Nếu có một cái gì khác, thì mày là người duy nhất nhớ nó. [Hắn xiết cuống họng cô]. 
LIZZIE:  Anh đang làm gì thế?
FRED: Chỉ tóm họng mày trong tay tao.
LIZZIE:  Anh làm em đau.
FRED: Mày là người duy nhất nhớ. Nếu tao bóp chặt hơn tí nữa, thì trên thế giới sẽ chẳng còn ai nhớ chuyện đêm qua. [Hắn thả cô ra] Mày muốn bao nhiêu?
LIZZIE:  Nếu anh không nhớ, thì chắc là đêm qua em làm không tốt. Làm kém thì em không lấy tiền đâu.
FRED: Vứt mẹ nó trò hề ấy đi. Bao nhiêu?
LIZZIE:  Coi này; em mới đến chỗ này từ hôm kia. Anh là người đầu tiên đến với em. Người khách hàng đầu tiên em mở hàng miễn phí, để đem lại vận may cho em.
FRED: Tao không cần món quà của mày. [Hắn ném tờ mười đô lên bàn]
LIZZIE: Em không muốn lấy tiền của anh, nhưng em muốn biết anh nghĩ em đáng giá bao nhiêu. Khoan, để em đoán. [cô nhắm mắt nhặt tờ bạc lên]  Bốn mươi đô la? Không, thế nhiều quá, và như thế phải là hai tờ. Hai mươi đô la? Không à? Vậy nhất định phải hơn bốn mươi đô la? Năm mươi? Một trăm? [Trong toàn bộ thời gian đó, FRED quan sát cô, cười lặng lẽ.] Em ghét làm chuyện này, nhưng em phải xem. [Cô nhìn tờ bạc.] Anh có lầm không đấy.
FRED: Tao không nghĩ thế.
LIZZIE:  Anh biết anh cho em cái gì không?
FRED: Biết.
LIZZIE: Lấy lại đi. Cầm lại ngay đi. [Hắn làm cử chỉ từ chối.] Mười đô la. Anh gọi một cô gái nhà lành, một thiếu nữ như tôi, cho mười đô la. Anh có nhìn thấy chân tôi không? [Cô giơ chân ra.] Và ngực tôi? Anh có thấy không? Bộ ngực này đáng gía mười đô la phỏng? Cầm lấy mười đô la của anh và xéo đi, trước khi tôi nổi xung. Mười đô. Ông hoàng của em hôn em khắp người, ông hoàng của em muốn làm khúc dạo đầu mê mẩn rồi ông hoàng bảo em kể về thời thơ ấu của em, và sáng nay ông hoàng nghĩ ông hoàng có thể chê bai phàn nàn, như thể đã phải trả em cả tháng; và tất cả với bao nhiêu? Không phải bốn mươi, không phải ba mươi, không phải hai mươi: mười đô la!
FRED: Với cái đồ lợn như cô thì mười đô là nhiều rồi.
LIZZIE:  Mày mới là lợn. Mày từ đâu đến, thằng nhà quê kia? Mẹ mày chắc phải bần tiện lắm mới không biết dạy mày tôn trọng phụ nữ. 
FRED: Mày có câm đi không?
LIZZIE:  Một con lợn sề! Một con lợn sề!
FRED: [Căm giận lạnh lùng]: Tao có lời khuyên cho mày, con đàn bà trẻ, đừng nói với người đàn ông nào quanh đây về mẹ của anh ta, nếu mày không muốn bị vặn cổ. 
LIZZIE: [sấn đến bên hắn] Làm đi, vặn cổ tao đi! bóp cổ tao đi! Tao sẽ xem mày làm thế nào!
FRED: [xuống nước] Đừng kích động thế. [LIZZIE vớ lấy một cái bình trên bàn, rõ ràng có ý định ném vào hắn.] Đây mười đô la nữa, đừng kích động. Đừng kích động nếu không tao cho mày vào tù.
LIZZIE:  Mày, mày sẽ cho tao vào tù?
FRED: Đúng. Tao.
LIZZIE:  Mày?
FRED: Tao.
LIZZIE:  Tao muốn xem mày cho tao vào tù như thế nào!
FRED: Tao là con trai ngài Clarke.
LIZZIE:  Clarke nào?
FRED: Thượng nghị sĩ Clarke 
LIZZIE:  Vậy hả? Tao là con gái Roosevelt.
FRED:  Mày đã thấy ảnh Thượng nghị sĩ Clarke trên báo bao giờ chưa?
LIZZIE:  Rồi. Thì sao.
FRED: Đây này. [Hắn cho cô xem một tấm ảnh.] Tao đây, đứng cạnh ông ấy. Ông ấy quàng tay quanh vai tao.
LIZZIE:  [bỗng im lặng] Trông kìa. Chúa ơi, ông ấy đẹp trai quá, cha của anh ấy. Cho tôi xem. [FRED giật phắt tấm ảnh khỏi tay cô.] 
FRED: Thôi đủ rồi.
LIZZIE:  Trông ông ấy rất tuyệt – kiểu người tốt bụng vừa mạnh mẽ. Nghe nói miệng ông ấy có gang có thép phải không? [Hắn không trả lời] Đây là vườn của anh à?
FRED: Ừ.
LIZZIE:  Ông ấy cao quá. Còn những cô bé trên ghế này là em của anh đấy à? [Hắn không trả lời.] Nhà anh ở trên đồi à?
FRED: Ừ.
 LIZZIE:  Thế khi anh ăn sáng vào buổi sáng, qua cửa sổ anh có thể nhìn thấy cả thành phố đấy nhỉ?
FRED: Ừ.
LIZZIE: Đến giờ ăn họ rung chuông để gọi anh phải không?Anh có thể trả lời em.  
FRED: Chúng tôi có cả một cái cồng để làm việc đó. 
LIZZIE:  [Mơ mộng] Một cái cồng? Em không hiểu. Với một gia đình như thế và một ngôi nhà như thế, mà anh phải trả tiền cho em để ra ngủ ở ngoài. [Một lát.] Em xin lỗi đã nói thế về mẹ anh; em điên rồi. Bà ấy cũng có trong bức ảnh nhỉ?
FRED: Tao cấm mày nói về bà ấy.
LIZZIE:  Thôi được, thôi được [Một lát.] Em có thể hỏi anh một câu được không? [Hắn không trả lời.] Nếu làm tình mà anh thấy ghê tởm, vậy tại sao anh đến đây với em?  [Hắn không trả lời. Cô thở dài.] Được, chừng nào em còn ở đây, em đoán em sẽ phải quen với cung cách của anh. [Một lát. FRED chải đầu trước gương].
FRED: Mày người miền Bắc phải không?
LIZZIE:  Vâng.
FRED: Từ New York à?
LIZZIE: Có quan hệ gì đến anh?
FRED:  Mày nói về New York.
LIZZIE: Mọi người nói về New York. Điều ấy không chứng minh gì cả.
FRED:  Sao mày không ở lại đó?
LIZZIE: Tôi chán ngấy.
FRED:  Gặp rắc rối à?
LIZZIE: Vâng, chính thế. Tôi cứ như hút rắc rối vào người; có một số người thế đấy. Anh có thấy con rắn này không? [Cô giơ vòng tay cho hắn xem.] Nó mang lại vận rủi.
FRED: Sao mày còn đeo nó?
LIZZIE: Chừng nào tôi còn có nó thì tôi phải đeo nó. Nghe nói nó rất đáng sợ: sự báo thù của một con rắn.
FRED: Có phải mày là cái đứa mà thằng da đen định hiếp không? 
LIZZIE: Cái gì thế?
FRED: Mày đến đây ngày hôm kia, trên chuyến tàu nhanh sáu giờ?
LIZZIE: Đúng.
FRED: Vậy thì đúng mày rồi.
LIZZIE: Không có ai định hiếp tôi. [Cô cười, không phải không có dấu vết cay đắng] Hiếp tôi à! Đó là một người tốt!
FRED: Đúng là mày; Webster nói với tao đêm qua, trên sàn nhảy.
LIZZIE: Webster à? Thôi đúng rồi!
FRED: Đúng cái gì?
LIZZIE: Bởi vậy đó là điều làm mắt anh sáng lên. Tôi kích động anh, hả? Anh là đồ vô lại! Với một ông bố tốt như thế.
FRED: Mày là con ngu! [Một lát] Nếu tao nghĩ mày đã ngủ với một thằng mọi đen thì...   
LIZZIE: Tiếp đi.
FRED: Tao có năm thằng đầy tớ da màu. Khi chúng nó gọi tao đến nghe điện thoại, chúng nó lau máy trước khi đưa cho tao.
LIZZIE [huýt sáo ngưỡng mộ]: Tôi hiểu.
FRED: [bình thản] Chúng tao không thích có quá nhiều bọn mọi đen ở đây. Và chúng tao không thích những đứa da trắng chơi với chúng nó.
LIZZIE: Cũng phải thôi. Tôi không có gì chống lại họ, nhưng tôi không muốn họ chạm vào người tôi.
FRED: Làm sao mà chắc chắn được? Mày là con Quỷ. Thằng mọi cũng là con Quỷ. [Đột ngột hung hãn] Vậy là nó đã cố hiếp mày phải không? 
LIZZIE:  Liên quan gì đến anh?
FRED: Hai đứa chúng nó đến chỗ mày ngồi. Rồi một lúc sau chúng nó nhảy chồm lên người mày. Mày kêu cứu và có mấy người da trắng chạy đến. Một thằng mọi đen vung lên lưỡi dao cạo, và một người da trắng bắn nó. Thằng kia chạy mất.
LIZZIE: Và đó là điều Webster kể với anh?
FRED: Phải.
LIZZIE: Hắn nhặt được câu chuyện ấy ở đâu ra đấy?
FRED: Khắp thành phố.
LIZZIE: Khắp thành phố. Đó là số phận của tôi. Anh không có chuyện gì khác để nói nữa à?
FRED:  Nó có xảy ra đúng như tao nói không?
LIZZIE:  Không hề. Hai người da đen ngồi yên chỗ của họ và thậm chí không nhìn tôi. Rồi bốn thằng da trắng lên tàu, hai trong bọn chúng đi qua chỗ tôi. Chúng vừa thắng một trận bóng đá và say mèm.Chúng bảo chúng ngửi thấy mùi mọi đen và muốn ném họ ra cửa sổ. Những người da đen cố sức đánh trả và một trong những người da trắng bị một cú đấm vào mắt. Và đó là lúc hắn rút ra một khẩu súng và bắn. Có thế thôi. Người da đen kia nhảy khỏi tàu khi tàu vào ga. 
FRED:  Chúng tao biết nó là ai. Nó sẽ không được gì nếu chờ đợi [Một lát.] Khi mày đến trước quan toà, mày sẽ kể câu chuyện mày vừa kể với tao chứ? 
LIZZIE: Liên quan gì đến anh?
FRED:  Trả lời tao đi.
LIZZIE: Tôi sẽ không đến trước ông quan toà nào cả. Tôi đã bảo anh tôi ghét bất kì sự rắc rối nào.
FRED: Mày sẽ phải xuất hiện trước toà.
LIZZIE: Tôi sẽ không đi. Tôi không muốn bất cứ cái gì dính dáng đến cảnh sát.
FRED: Họ sẽ đến và lôi mày đi.
LIZZIE:  Vậy tôi sẽ nói với họ những gì tôi thấy. [Ngưng một lát.]
FRED:  Mày có nhận ra điều đó có nghĩa là gì không?
LIZZIE: Nó có nghĩa gì?
FRED: Nó có nghĩa là: vì một thằng mọi đen mà làm chứng chống lại một người da trắng.
LIZZIE:  Nhưng giả sử người da trắng có tội.
FRED:  Nó không có tội. 
LIZZIE:  Nó đã giết người, vậy nó có tội.
FRED:  Tội gì?
LIZZIE:  Tội giết người!
FRED:  Nhưng nó giết một thằng mọi đen cơ mà.
LIZZIE: Thế thì sao?
FRED:  Nếu mỗi khi anh giết một thằng mọi đen mà là có tội...
LIZZIE: Hắn không có quyền.
FRED:  Quyền gì?
LIZZIE: Hắn không có quyền.
FRED:  Cái quyền ấy là ở miền Bắc. [Một lát.] Có tội hay không, người ta không thể trừng phạt một người cùng chủng tộc với mình
LIZZIE: Tôi không muốn ai bị trừng phạt. Họ sẽ chỉ hỏi tôi đã nhìn thấy gì, tôi sẽ nói với họ. [Một lát. FRED đến gần cô] 
FRED: Có gì giữa cô và thằng mọi đen đó? Tại sao cô bảo vệ nó?
LIZZIE: Tôi thậm chí không biết nó.
FRED: Vậy có gì rắc rối?
LIZZIE: Tôi chỉ muốn nói sự thật.
FRED:  Sự thật! Một con đĩ mười đô la muốn nói sự thật! Không có cái gì là sự thật cả; chỉ có da trắng và da đen, chấm hết. Mười bảy nghìn người da trắng hai mươi nghìn mọi đen. Đây không phải là New York, chúng tao không thể phí thời giờ vô ích ở đây. [Một lát.] Thomas là anh họ tao.
LIZZIE:  Cái gì?
FRED: Thomas, người giết thằng mọi đen, là anh họ tao.
LIZZIE: [Ngạc nhiên] Ối.
FRED: Nó xuất thân trong một gia đình danh giá. Điều ấy có thể không có ý nghĩa lắm với mày, nhưng dù sao nó cũng xuất thân trong một gia đình danh giá.
LIZZIE: Tốt! Một gã cứ liên tục cọ xát tôi và cố luồn tay vào dưới váy tôi. Tôi không thể làm gì với những quí ông như thế. Tôi không ngạc nhiên rằng cả hai người các anh là cùng dòng họ. 
FRED: [giơ tay định đánh]: Mày, con lợn bẩn thỉu! [Hắn tự kiềm chế.] Mày là con Quỷ, và với một con Quỷ, người ta không thắng được. Nó thọc tay dưới váy mày đấy, nó bắn gục một thằng mọi đen bẩn thỉu đấy; thì sao hả? Mày hành động như không biết suy nghĩ gì cả, như thể họ là người không đáng kể. Thomas là công dân hạng một, đó là điều đáng kể đấy.
LIZZIE: Có thể là thế. Nhưng anh người đen kia không làm gì cả.
FRED: Một thằng mọi đen luôn luôn làm một điều gì.
LIZZIE:  Tôi chưa bao giờ phản ai cả.
FRED:  Nếu không phải nó, sẽ là Thomas. Dù làm gì, thì mày sẽ vẫn phải khử đi một trong hai đứa. Mày cứ việc chọn.
LIZZIE:  Thế đấy! Tôi ngập đến cổ trong vụ này rồi  — cho một thay đổi [nói với chiếc vòng] Đồ chết tiệt, mày không thể tìm ai khác mà chế nhạo à? [cô ném chiếc vòng xuống sàn.]
FRED: Mày muốn bao nhiêu?
LIZZIE: Tôi không muốn một xu.
FRED: Năm trăm đô la?
LIZZIE: Không một xu.
FRED: Để kiếm năm trăm đô la mày phải mất hơn một đêm nhiều đấy.
LIZZIE: Nhất là nếu toàn gặp những kẻ keo bẩn như anh. [Một lát.] Vậy tại sao đêm qua anh chọn tôi?
FRED:  Ồ, chết tiệt.
LIZZIE:  Vậy đây là lí do. Anh tự nhủ: “Đây có con bé này. Ta sẽ về nhà với nó và dàn xếp mọi việc.” Vậy đấy là điều anh muốn. Anh mơn trớn bàn tay tôi, nhưng anh lạnh như băng. Anh nghĩ: “Mình phải làm sao để nó làm điều đó?”[Một lát.] Nhưng hãy nói tôi biết điều này. Nói tôi biết điều này, chàng trai của tôi. Anh đến đây với tôi để nói chuyện công việc, vậy anh có ngủ với tôi không?  Hả? Tại sao anh ngủ với tôi, thằng mất dạy? Tại sao anh ngủ với tôi?
FRED: Tao có biết con mẹ gì đâu.
LIZZIE: [Ngồi phịch xuống ghế, khóc]: Ôi mày đồ bẩn thỉu, thằng con hoang bất nhân!
FRED:  Thôi, đây năm trăm đô la. Đừng khóc nữa, vì Chúa! Năm trăm đô la! Đừng chửi nữa! Đừng chửi nữa! Nhìn đây, Lizzi! Lizzi! Biết điều một chút! Năm trăm đô la!
LIZZIE: [nức nở] Tôi không biết điều, tôi không muốn năm trăm đô la cuả anh. Tôi chỉ không chịu làm chứng gian. Tôi muốn trờ về New York, tôi muốn đi khỏi đây. Tôi muốn đi khỏi đây. [Tiếng chuông reo, giật mình, cô ngừng khóc. Chuông lại reo. Nói thầm] Ai đó. Im lặng. [Tiếng chuông dài] Tôi không mở. Ngồi im. [Tiếng gõ cửa.]
TIẾNG NÓI: Mở cửa. Cảnh sát đây.
LIZZIE [Hạ giọng] Bọn cớm. Tôi biết sẽ xảy ra mà. [Cô rút chiếc vòng tay ra] Đây là lỗi của cái này. [Cô hôn nó và đeo lại vào cổ tay]. Tôi nghĩ tốt nhất cứ giữ nó bên người. Trốn đi. [Tiếng gõ cửa.]
TIẾNG NÓI: Cảnh sát đây!
LIZZIE Nhưng sao anh không trốn đi? Vào trong toa let. [Hắn không nhúc nhích. Cô dùng hết sức đẩy hắn.] Nào, đi đi! đi ra!
TIẾNG NÓI: Anh ở đây à, Fred? Fred? Anh ở đây à?
FRED: Ừ, tôi ở đây.  [Hắn phớt lờ cô. Cô ngỡ ngàng nhìn hắn.] 
LIZZIE: Vậy hoá ra là anh! [FRED mở cửa cho JOHN và JAMES vào. Cánh cửa ra phố vẫn mở.]
JOHN: Cảnh sát đây. Cô là Lizzie Mackay?
LIZZIE: [không nghe anh ta, vẫn nhìn FRED]: Hoá ra là thế đấy!
JOHN: [lay vai cô ta] Hãy trả lời khi người ta nói với cô.
LIZZIE: Cái gì? À vâng, tôi đây.
JOHN: Giấy tờ đâu?
LIZZIE [cố gắng trấn tĩnh]: Ông có quyền gì mà xét hỏi tôi? Ông sẽ làm gì khi ở vào địa vị của tôi? [JOHN giơ phù hiệu ra]. Ai cũng có thể đeo sao được cả. Ông là bạn thân với quí ông của tôi ở đây, các ông vào bè với nhau để ép tôi nói.
JOHN: Cô có biết cái này là cái gì không?
LIZZIE [chỉ JAMES]: Còn ông kia?
JOHN [với JAMES]: Cho cô ấy xem thẻ. [JAMES giơ thẻ cho cô. LIZZIE nhìn, đi đến bàn, không nói gì, lấy ra mấy giấy tờ đưa cho hai người đàn ông.]
JOHN [chỉ FRED]: Cô đưa ông này tới đây đêm qua, đúng không? Cô có biết mại dâm là phạm pháp không?
LIZZIE: Ông có chắc các ông có thể vào đây mà không có trát toà không? Các ông không sợ tôi sẽ đem lại rắc rối cho các ông à?
JOHN: Cô không phải lo cho chúng tôi. [Một lát.] Tôi hỏi có phải cô đã đưa anh ta về đây, về chỗ cô không?
LIZZIE:[Từ lúc mấy người cảnh sát vào cô tỏ ra cứng rắn và thô tục] Đừng để vỡ sọ. Đúng, tôi đã đưa anh ta về chỗ tôi đây. Tôi cho anh ấy chơi miễn phí đấy. Điều ấy có làm các anh bực mình không? 
FRED: Các anh có thể thấy hai tờ mười đô trên bàn. Đó là tiền của tôi.
LIZZIE: Chứng minh đi!
FRED: [Nói với hai người kia, không nhìn cô ta.] Tôi rút từ ngân hàng sáng hôm qua với hai mươi tám tờ khác cùng xêri. Các anh chỉ cần kiểm tra số xêri là ra.
LIZZIE: [mãnh liệt] Tôi không lấy nó. Tôi từ chối những đồng tiền bẩn thỉu của hắn. Tôi đã ném nó vào mặt hắn
JOHN: Nếu cô từ chối, tại sao nó lại nằm trên bàn?
LIZZIE: [Sau một lúc] Nó thế đó. [Cô ngó FRED với một vẻ sững sờ không thể tả và nói, gần như ngọt ngào] Vậy có nghiã là anh đến nước này đấy? [Với hai người kia] Được rồi, các ông muốn gì?
JOHN: Ngồi xuống. [Với FRED] Anh đã nói với cô ấy chuyện gì ra chuyện gì rồi chứ? [FRED gật] Tôi bảo cô ngồi xuống [Hắn ấn cô xuống ghế.] Quan toà đồng ý cho Thomas tại ngoại nếu có chữ ký làm chứng của cô. Lời chứng đã được viết cho cô; việc của cô chỉ là kí nó. Ngày mai sẽ có phiên toà chính thức. Cô có biết đọc không? [Lizzie nhún vai, và hắn đưa cho cô một tờ giấy.] Đọc đi và kí.
LIZZIE: Dối trá từ đầu đến cuối. 
JOHN: Cũng có thể. Vậy thì sao?
LIZZIE: Tôi không kí.
FRED: Đưa nó đi. [Với LIZZIE] Mười tám tháng đấy, biết không?
LIZZIE: Mười tám tháng, được. Nhưng khi tao ra tù, tao sẽ thiêu sống mày.
FRED: Không, nếu tao đỡ được. [Hai người nhìn nhau.] Các anh có thể điện hỏi New York; tôi nghĩ cô ta có thể cần thứ gì trên ấy.
LIZZIE [Ngưỡng mộ.]: Mày độc địa như đàn bà. Tao không bao giờ nghĩ tao có thể gặp một thằng đàn ông đốn mạt đến mức ấy.
JOHN: Quyết định đi. Kí tên hay nhà đá.
LIZZIE: Tôi thích nhà đá hơn. Tôi không muốn nói dối.
FRED: Không nói dối, con đàn bà bẩn thỉu. Mày đã làm gì cả đêm qua? Khi mày gọi tao là “cục cưng bé bỏng”, là “người yêu của em,” tao cứ tưởng mày không nói dối. Khi mày thở dài để tao tưởng tao đang làm cho mày sướng rơn lên, mày không nói dối à?
LIZZIE [bướng bỉnh]: Anh thích nghĩ như thế hở, đúng không. Không, tôi không nói dối. [Họ nhìn nhau trừng trừng. FRED quay đi]
FRED: Ta kết thúc chuyện này đi. Đây bút máy của tôi, cô kí đi. 
LIZZIE: anh có thể cất nó đi. [Một lát. Ba người đàn ông có vẻ lúng túng.]
FRED: Thôi thế thì ta làm thế này. Chàng trai tuyệt vời nhất trong thành phố, và số mạng của anh phụ thuộc vào ý muốn thất thường của một con điếm như thế này! [Hắn đi đi lại lại, rồi bất ngờ xáp đến LIZZIE] Nhìn anh ấy đi. [Hắn cho cô xem một bức ảnh]. Mày đã gặp một hai người đàn ông, trong cái nghề dơ bẩn của mày. Mày đã bao giờ thấy một gương mặt như thế này chưa? Nhìn vầng trán này, cái cằm này, nhìn những huân chương trên bộ sắc phục của anh ấy. Không, không, đừng nhìn đi chỗ khác. Không có cách nào chạy thoát khỏi điểu này, mày phải đối diện với anh ấy, đó là nạn nhân của mày. Nhìn xem anh ấy trẻ trung như thế nào, anh ấy đứng đường hoàng như thế nào. Anh ấy đẹp trai đấy chứ? Nhưng mày đừng lo, khi anh ấy ra khỏi nhà tù, mười năm sau kể từ hôm nay, anh ấy sẽ còng như một ông già, hói và rụng hết răng. Nhưng mày sẽ tự hào về việc làm tốt của mày. Cho đến lúc này mày chỉ là một con oắt con lừa đảo, nhưng đúng lúc này, mày đang đụng với một con người chân chính, và mày muốn lấy đi mạng sống của anh ấy. Mày sẽ nói gì về điều này? Mày đã mục ruỗng đến tận cỗi rễ rồi à? [Hắn ấn cô quì xuống]. Quì xuống, con điếm. Quì xuống trước bức ảnh của con người mà mày muốn làm ô danh! [CLARKE vào qua cửa mà họ vẫn để mở]:
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Thả nó ra  [Với LIZZIE]: Đứng dậy.
FRED; Xin chào!
JOHN: Xin chào!
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Xin chào! Xin chào!
JOHN [Với LIZZIE]: Hãy đón Thượng nghị Sĩ Clarke.
THƯỢNG NGHỊ SĨ [Với LIZZIE]:Xin chào!
LIZZIE: Xin chào!
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Tốt! Bây giờ tất cả chúng ta đã được giới thiệu với nhau rồi. [Lão nhìn Lizzie] Vậy đây là quí cô trẻ tuổi. Cô ấy tạo cho tôi ấn tượng về một cô gái mạnh mẽ dễ thương.
FRED: Cô ấy không chịu kí.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Cô ấy hoàn toàn đúng. Các anh đột nhập vào nhà cô ấy trong khi không có quyền để làm thế! [Rồi, một cách mạnh mẽ hơn, để chặn trước JOHN] Không có một chút quyền nào để làm thế. Các anh đã thô lỗ với cô ấy, và các anh cố làm cho cô ấy đi ngược lại lương tâm của chính cô. Đấy không phải là phong cách Mỹ. Thằng da đen kia đã cưỡng hiếp con, phải không con gái?
LIZZIE: Không.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Tuyệt vời. Vậy thế là rõ. Hãy nhìn vào mắt ta đây. [Lão nhìn dán vào mắt cô]. Ta chắc chắn con bé nói thật. [Một lát] Tội nghiệp Mary! [Với những người khác]. Nào, các cậu, đi thôi. Không còn việc gì để làm ở đây nữa. Chúng ta hãy nói lời xin lỗi quí cô đây và đi. 
LIZZIE: Mary là ai?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Mary à? Bà ấy là chị tôi, là người mẹ của Thomas bất hạnh. Một bà già khốn khổ, đáng thương, người sắp sửa bị giết bởi tất cả chuyện này. Tạm biệt, con ta.
LIZZIE [bằng một giọng nghẹt lại]: Ngài Thượng Nghị Sĩ!
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Gì hở con ta?
LIZZIE: Tôi xin lỗi.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Sao con lại xin lỗi, khi con đã nói sự thật?
LIZZIE: Tôi xin lỗi điều đó – rằng nó là sự thật.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Không ai trong chúng ta có thể làm gì về chuyện đó. Và không ai có quyền yêu cầu con làm chứng gian dối. [Một lát.] Không. Đừng nghĩ về bà ấy nữa.
LIZZIE: Ai?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Về chị ta. Con không suy nghĩ về chị ta đấy chứ?
LIZZIE: Có ạ. 
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Ta có thể đọc được ý nghĩ của con, con gái ạ. Con có muốn ta nói điều gì đang diễn ra trong đầu con không? [Giả giọng LIZZIE.] “Nếu ta kí, ngài Thượng Nghị Sĩ sẽ đến với bà ấy và nói: ‘Lizzie MacKay là một cô gái tốt, và cô ấy là một trong những người đem con bà trả lại cho bà.’ Và bà ấy sẽ cười trong nước mắt. Bà ấy sẽ nói: ‘Lizzie MacKay? Tôi sẽ không quên cái tên này.’ Và ta, một người không có gia đình, bị số phận phũ phàng bắt phải chịu cảnh xã hội xua đuổi, ta sẽ biết rằng một bà già nhỏ bé đáng mến đang nghĩ về ta trong ngôi nhà lớn của bà; rằng một bà mẹ Mỹ đã giữ ta trong trái tim bà ấy.”  Lizzie đáng thương ơi, đừng nghĩ gì về chuyện ấy nữa nhé.
LIZZIE: Tóc bà ấy có bạc không?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Bạc hoàn toàn. Nhưng gương mặt bà ấy còn trẻ. Và nếu con có thế nhìn thấy nụ cười của bà ấy – Bà ấy sẽ không bao giờ còn mỉm cười nữa. Tạm biệt. Ngày ai con sẽ nói sự thật với quan toà.
LIZZIE: Ngài đi à?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Tại sao, ờ; ta đến nhà bà ấy. Ta sẽ phải kể với bà ấy về cuộc nói chuyện của chúng ta. 
LIZZIE: Bà ấy biết ngài đến đây à?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Bà ấy van xin ta đến gặp con.
LIZZIE: Trời ơi và bà ấy đang đợi? Và ngài sẽ đến nói với bà ấy rằng tôi từ chối kí. Bà ấy sẽ căm thù tôi thế nào! 
THƯỢNG NGHỊ SĨ [Đặt tay lên vai cô]: Con gái tội nghiệp của ta, ta không muốn ở vào hoàn cảnh của con. 
LIZZIE: Ôi thật là rối. [Nói với chiếc vòng tay của cô] Tất cả là lỗi của mày, cái vật bẩn thỉu này.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Cái gì thế?
LIZZIE: Không có gì. [Một lát] Sự thể đã thế này, thật quá tệ là cái thằng mọi đen kia không thực sự cưỡng hiếp mình.
THƯỢNG NGHỊ SĨ [Xúc động]: Con gái ta.
LIZZIE [Buồn bã]: Chuyện này là quá lớn đối với ngài, nhưng nó có thể chỉ là rắc rối nhỏ đối với tôi thôi. 
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Cám ơn con, [Một lát] Bởi vậy, ta rất muốn giúp đỡ con. [Một lát] Than ôi, sự thật vẫn là sự thật.    
LIZZIE [Buồn bã]: Vâng, thưa ngài.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Và sự thật đó là thằng da đen không cưỡng hiếp con?
LIZZIE [Vẫn buồn bã]: Vâng, thưa ngài.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Ừ. [Một lát.] Tất nhiên, ở đây chúng ta có một sự thật ở cấp độ thứ nhất.
LIZZIE: [Không hiểu]: Ở cấp độ thứ nhất.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Đúng. Ta muốn nói – một sự thật thông thường.
LIZZIE: Thông thường? Thế nó không phải sự thật à?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Phải, phải chứ, nó là sự thật. Chỉ có điều là, có nhiều loại sự thật khác nhau 
LIZZIE: Ngài nghĩ là thằng da đen đã hiếp tôi?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Không không, nó không hiếp con. Từ một quan điểm nào đó, nó không hề hiếp con gì cả. Nhưng con thấy đó, ta là người già, ta sống đã lâu, ta đã mắc nhiều sai lầm, nhưng thời gian gần đây ta ít mắc sai lầm hơn trước nhiều. Và ý kiến của ta về chuyện này hoàn toàn khác ý kiến của con.
LIZZIE: Ý kiến nào?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Làm thế nào ta giải thích cho con được? Coi này: gỉả sử Dân tộc Mỹ bỗng nhiên đứng trước con. Người sẽ nói gì đây?
LIZZIE: [sợ hãi] Con nghĩ ngài chẳng có gì nhiều để nói với con cả. 
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Con là cộng sản à?
LIZZIE: Chúa ơi, không.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Thế thì Dân tộc Mỹ sẽ có nhiều điều để nói với con. Người sẽ nói : “ Này Lizzie, con đã tới một điểm mà con phải chọn giữa hai chàng trai. Một đứa phải ra đi. Trong một trường hợp như thế con có thể làm gì? À, con sẽ giữ lại chàng trai tốt hơn. Được, khi đó chúng ta sẽ thử xem ai là chàng trai tốt hơn. Con có muốn thử không?”
LIZZIE: [bị lôi cuốn] Dạ, con muốn. Ô, nhưng con xin lỗi, con tưởng tất cả những điều ấy là ngài nói đấy chứ.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Ta nói nhân danh Người. [Lão tiếp tục, như trước] “Lizzie, thằng da đen mà con bảo vệ ấy, nó có gì tốt? Cách này hay cách khác nó được sinh ra, có Trời biết ở đâu. Ta nuôi nấng nó lớn khôn, và nó đã trả ơn ta như thế nào? Nó đã làm gì cho ta? Nó lêu lổng chơi bời, nó lừa đảo, nó hát hò, nó  mua những bộ cánh màu hồng màu xanh. Nó là con trai ta, và ta yêu nó như những đứa con khác của ta. Nhưng ta hỏi con: nó có sống như một người đàn ông không? Thậm chí nó sống hay chết ta cũng không hay biết.”
LIZZIE: Ôi, ngài nói hay quá.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: [vẫn với nguồn cảm hứng ấy]: Còn thằng kia, thằng Thomas ấy, nó đã giết một thằng da đen, và thế là quá tệ. Nhưng ta cần nó. Nó là người Mỹ một trăm phần trăm, xuất thân từ một trong những gia đình lâu đời nhất của chúng ta, đã học ở Harvard, là một sĩ quan – ta cần các sĩ quan -  nó thuê hai nghìn công nhân trong nhà máy của nó, hai nghìn công nhân  sẽ thất nghiệp nếu lỡ chẳng may nó chết. Nó là một lãnh đạo, một bức tường thành vững chắc chống bọn cộng sản, bọn công đoàn và bọn Do Thái. Bổn phận của nó là phải sống, và của con là bảo tồn mạng sống của nó. Thế thôi. Nào, bây giờ chọn đi.”
LIZZIE: Ôi, ngài nói hay quá.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Chọn đi! 
LIZZIE [giật mình]: Sao thế này? Ồ vâng. [Một lát.] Ngài làm tôi lẫn lộn hết cả rồi. Tôi không còn biết tôi đang ở đâu nữa. 
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Hãy nhìn ta, Lizzie! Con có tin tưởng ở ta không?
LIZZIE: Có, thưa ngài Thượng Nghị Sĩ.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Con có tin rằng ta có thể thuyết phục con làm một việc sai trái không?
LIZZIE: Không, thưa ngài Thượng Nghị Sĩ.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Vậy ta thuyết phục con ký. Đây, bút của ta.
LIZZIE:Ngài có nghĩ rằng bà ấy sẽ hài lòng với tôi?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Ai?
LIZZIE: Chị của ngài.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Bà ấy yêu con, từ xa, như con ruột của bà ấy.
LIZZIE:  Có thể bà ấy còn gửi hoa cho con?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Rất có thể. 
LIZZIE: Hay một tấm ảnh của bà ấy với mấy chữ. 
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Cái ấy hoàn toàn có thể.
LIZZIE:  Con sẽ treo trên tường. [Một lát. Cô đi đi lại lại, rất bứt rứt] Thật rối mù! [lại đến gần TNS] Các ngài sẽ làm gì người da đen nếu tôi kí?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Thằng da đen à? Phù! [Lão nắm vai cô] Nếu con kí, cả thành phố sẽ nhận con làm con nuôi. Cả thành phố! Tất cả các bà mẹ trong đó.
LIZZIE: Nhưng...
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Con nghĩ là cả thành phố có thể nhầm à? Cả thành phố, với các mục sư và linh mục, các bác sĩ, các luật sư, các nghệ sĩ, với ông thị trưởng và các trợ lí của ông, với các tổ chức từ thiện của nó? Con nghĩ là có thể xảy ra sai lầm không?
LIZZIE:  Không, không, không.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Con đưa tay đây. [Lão ép cô kí.] Thế, bây giờ xong rồi. Cám ơn con nhân danh bà chị và đứa cháu của ta, nhân danh mười bảy nghìn cư dân da trắng của thành phố chúng ta, nhân danh nhân dân Mỹ, mà ta là đại diện ở khu vực này. Con đưa trán đây, con gái. [Lão hôn lên trán cô.] Đi thôi, các chàng trai. [Với Lizzie]. Ta sẽ gặp con tối nay, chúng ta vẫn còn một số chuyện phải nói. [Lão ra.]
FRED: [Ra.] Tạm biệt, Lizzie.
LIZZIE: Tạm biệt. [Tất cả ra. Cô đứng đó, bần thần, rồi lao ra cửa.] ngài Thượng Nghị Sĩ! ngài Thượng Nghị Sĩ! Tôi không muốn kí! Xé tờ giấy đi! ngài Thượng Nghị Sĩ! [Cô quay trở lại phía trước sân khấu, máy móc cầm lấy chiếc máy hút bụi.] Dân tộc Mỹ! [Cô bật máy.] Có một cái gì đó bảo với mình rằng mình đã có – nhưng tốt [Cô cáu tiết đẩy như điên chiếc máy hút bụi.]


MÀN HẠ


CẢNH HAI

Bài trí cũ, mười hai giờ sau. Các đèn đều sáng, các cửa sổ mở. Trong đêm, một tiếng gào ngày càng lớn bên ngoài. THANH NIÊN DA ĐEN xuất hiện ở cửa sổ, cưỡi lên bậu cửa sổ, và nhảy vào căn phòng trống. Anh băng qua giữa sân khấu. Chuông reo. Anh trốn sau rèm. LIZZIE từ buồng tắm ra, tới cửa thông ra đường, và mở nó ra.

LIZZIE: Xin mời vào. [THƯỢNG NGHỊ SĨ vào]  
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Thomas đang trong vòng tay mẹ nó. Tôi đến để chuyển lời cám ơn của họ. 
LIZZIE: Chắc bà ấy vui mừng lắm?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Cực kỳ vui mừng. 
LIZZIE: Bà ấy có khóc không?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Khóc à? Sao phải khóc? Bà ấy là một phụ nữ có cá tính. 
LIZZIE: Nhưng ngài đã nói bà ấy sẽ khóc.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Đấy chỉ là một cách nói. 
LIZZIE: Bà ấy không chờ đợi điều này, đúng không? Bà ấy tưởng tôi là người đàn bà xấu xa và tôi sẽ làm chứng cho người da đen kia.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Bà ấy đặt niềm tin ở  Thượng Đế. 
LIZZIE: Bà ấy nghĩ gì về tôi? 
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Bà ấy cám ơn cô. 
LIZZIE: Bà ấy có hỏi trông tôi như thế nào không?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Không. 
LIZZIE: Bà ấy có nghĩ tôi là một cô gái tốt không?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Bà ấy nghĩ cô đã làm đúng bổn phận của mình. 
LIZZIE: Bà ấy nghĩ thế à?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Bà ấy hi vọng cô sẽ tiếp tục làm thế.
LIZZIE: Ồ, vâng, vâng.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Lizzie, hãy nhìn vào mắt ta đây? [Lão nắm vai cô.] Cô sẽ tiếp tục làm bổn phận của cô chứ? Cô sẽ không làm bà ấy thất vọng chứ?
LIZZIE: Ngài đừng lo. Tôi không thể đi ngược lại những gì tôi đã nói; họ sẽ tống tôi vào xà lim. [Một lát.] Cái gì mà ầm ĩ thế nhỉ?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Đừng để ý. 
LIZZIE: Tôi không thể chịu được nữa. [Cô đóng cửa sổ.] Ngài Thượng Nghị sĩ?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Gì hờ con?
LIZZIE: Ngài có chắc chắn rằng chúng ta đã không mắc sai lầm, rằng tôi thật sự đã làm điều nên làm?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Tuyệt đối chắc chắn. 
LIZZIE: Tôi không còn biết tôi đang ở đâu nữa, ngài đã làm tôi rối vô cùng, ngài lanh trí hơn tôi nhiều lắm. Mấy giờ rồi?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Mười một giờ. 
LIZZIE: Còn tám giờ nữa mới đến sáng. Tôi biết tôi sẽ không thể chợp mắt nổi. Ở đây ban đêm mà nóng như giữa trưa vậy. [Một lát.] Người da đen ra sao rồi?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Da đen nào? Ồ, tất nhiên, họ đang truy lùng nó. 
LIZZIE: Họ sẽ làm gì anh ấy? [Thượng Nghị sĩ nhún vai. Tiếng ầm ĩ bên ngoài tăng lên. Lizzie ra cửa sổ] Làm gì mà ầm ĩ thế nhỉ? Người ta chạy loạn lên với đèn pin và chó. Hình như họ đang có hội hè gì? Hay là...? Ngài hãy nói cho tôi biết chuyện gì thế, ngài Thượng Nghị sĩ? Cho tôi biết đang xảy ra chuyện gì? 
THƯỢNG NGHỊ SĨ: [Lấy bức thư ra khỏi túi.] Bà chị tôi nhờ tôi đưa cho cô cái này.
LIZZIE [Vẻ quan tâm]: Bà ấy viết thư cho tôi ư? [Cô xé phong bì, lấy từ đó ra tờ một trăm đô la, lục lọi phong bì để tìm một lá thư, không thấy gì, nhét nó lại, ném xuống đất. Lúc này cô lấy giọng khác hẳn.] Một trăm đô la. Ngài đã làm cực hay; con trai ngài hứa với tôi năm trăm đô. Ngã giá.
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Con gái ta. 
LIZZIE:  Ngài có thể cảm ơn quí bà ấy. Ngài có thể nói với bà ấy rằng tôi thích một chiếc bình sứ hơn, hay đại loại một món đồ nylon gì đó, mà bà ấy hạ cố tự tay chọn ra cho tôi. Nhưng cái ý định mới là đáng kể, phải không ạ? [Một lát.] Ngài đã lừa tôi. [Hai người đối diện nhau. Thượng Nghị Sĩ tiến đến gần cô.]
THƯỢNG NGHỊ SĨ: Ta cám ơn con, con gái; chúng ta sẽ có một câu chuyện nho nhỏ – chỉ riêng hai ta với nhau. Con đang đối diện với một khủng hoảng về đạo đức và cần sự giúp đỡ của ta. 
LIZZIE: Cái mà tôi thật sự cần là mấy đồng bạc, và tôi nghĩ chúng ta có thể thoả thuận, tôi và ngài. [Một lát.] Cho đến lúc này tôi thích nhất những người già, bởi vì trông họ thật đáng kính, nhưng tôi bắt đầu tự hỏi liệu họ có lắt léo hơn những người khác không?
THƯỢNG NGHỊ SĨ: [Vui vẻ.] Lắt léo à? Ta muốn những đồng nghiệp của ta có thể nghe con nói. Thật thẳng thắn tuyệt vời. Trong con có cái gì đó mà hoàn cảnh tồi tệ của con không thể làm hư hỏng. [Lão vỗ về cô.] Đúng, tất nhiên. Một cái gì đó. [Cô cam chịu thụ động nhưng đầy khinh bỉ.] Ta sẽ trở lại, con không cần tiễn ta. [Lão đi ra. Lizzie bất động, như thể bị liệt. Cô cầm lấy tờ bạc, vò nhàu nó, ném nó xuống sàn, ngồi phịch xuống ghế, rồi bật khóc nức nở. Bên ngoài, tiếng la hét nghe gần hơn và căng hơn. Có tiếng súng nổ ở xa. THANH NIÊN DA ĐEN từ chỗ nấp hiện ra. Anh đứng như trời trồng trước cô. Cô ngẩng đầu lên và giật mình hét lên.]
LIZZIE: Ôi. [Một lát. Cô đứng lên.] Tôi biết anh sẽ xuất hiện. Tự nhiên tôi biết. Làm thế nào anh vào được?
THANH NIÊN DA ĐEN: Qua cửa sổ.
LIZZIE: Anh muốn gì?
THANH NIÊN DA ĐEN: Giấu tôi.
LIZZIE: Tôi đã bảo anh: không.
THANH NIÊN DA ĐEN: Bà có nghe bọn nó ngoài kia không, thưa bà?
LIZZIE: Có.
THANH NIÊN DA ĐEN: Đó là bắt đầu cuộc săn đuổi.
LIZZIE: Săn gì?
THANH NIÊN DA ĐEN: Săn người da đen.
LIZZIE: Ôi. [Một lúc lâu.] Anh có chắc không ai trông thấy anh vào đây không?
THANH NIÊN DA ĐEN: Vâng, tôi chắc.
LIZZIE: Họ sẽ làm gì anh nếu họ bắt được?
THANH NIÊN DA ĐEN: Xăng
LIZZIE: Cái gì?
THANH NIÊN DA ĐEN: Xăng. [Anh làm một cử chỉ diễn tả] Tẩm xăng đốt.
LIZZIE: Tôi hiểu. [Cô bước đến cửa sổ và hạ rèm xuống.] Ngồi xuống. [THANH NIÊN DA ĐEN ngồi phịch xuống một cái ghế] Anh nhất định phải đến đây à? Chẳng lẽ tôi không bao giờ thoát khỏi chuyện này sao? [Cô đến gần anh gần như đe dọa.] Tôi ghét rắc rối, anh không hiểu à! [Dậm chân.] Tôi ghét nó! tôi ghét nó! tôi ghét nó!
THANH NIÊN DA ĐEN: Họ nghĩ là tôi hại bà, thưa bà.
LIZZIE: Vậy thì sao?
THANH NIÊN DA ĐEN: Bởi vậy họ không tìm tôi ở đây.
LIZZIE: Anh có biết tại sao họ truy lùng anh không?
THANH NIÊN DA ĐEN: Bởi vì họ cho là tôi đã làm điều xấu với bà, thưa bà.
LIZZIE: Anh có biết ai đã nói thế với họ không?
THANH NIÊN DA ĐEN: Không.
LIZZIE: Tôi đấy. 
THANH NIÊN DA ĐEN: [Im lặng một lúc lâu. THANH NIÊN DA ĐEN nhìn cô.] 
LIZZIE: Anh nghĩ gì về điều đó.
THANH NIÊN DA ĐEN: Tại sao bà làm thế, bà ơi? Ôi, tại sao bà làm thế?
LIZZIE: Đấy là điều mà tôi cứ mãi tự hỏi tôi.
THANH NIÊN DA ĐEN: Họ không có chút lòng thương hại nào, họ quất roi ngang mắt tôi, họ tưới cả can xăng lên người tôi. Ôi, sao bà làm thế? Tôi có hại bà đâu? 
LIZZIE: Ồ có, anh cũng hại tôi đấy. Anh không tưởng tượng nổi anh hại tôi nhiều thế nào đâu. [Một lát.] Anh không muốn làm tôi tức uất lên đấy chứ?
THANH NIÊN DA ĐEN: Rất nhiều khi họ buộc người ta nói những điều người ta không muốn nói.
LIZZIE: Đúng, rất nhiều khi. Và khi họ không bắt ép được anh, họ làm anh rối lên với những lời lẽ ngọt ngào. [Một lát.] Thế nào? Không hả? Anh sẽ không làm tôi điên lên? Anh là người tốt. [Một lát.] Tôi sẽ giấu anh đến đêm mai. [Anh ta làm một cử chỉ.] Đừng động vào tôi, tôi không thích người da đen. [Tiếng ầm và tiếng súng bên ngoài] Bọn họ đến gần. [Cô ra cửa sổ kéo rèm lên, và nhìn ra phố.] Chúng ta kẹt rồi.  
THANH NIÊN DA ĐEN: Họ đang làm gì?
LIZZIE: Họ đặt chốt gác cả hai đầu toà nhà, và họ đang lục soát từng nhà. Anh vừa mới vào đây. Chắc có ai đã trông thấy anh trên đường phố. [Cô lại nhìn ra ngoài.] Đây rồi. Đến lượt chúng ta. Bọn họ đang đến đây.
THANH NIÊN DA ĐEN: Bao nhiêu đứa? 
LIZZIE: Năm hay sáu. Những người khác đang đợi bên ngoài. [Cô lại quay về phía anh.] Đừng run như thế. Trời ơi, đừng có run thế. [Một lát. Nói với chiếc vòng tay] Tất cả lỗi do mày.  [Cô rút nó ra khỏi tay, ném xuống sàn và dẫm lên.] Đồ cặn bã. [Cô đi về phía THANH NIÊN DA ĐEN] Vì cùng đường anh mới phải đến đây. [THANH NIÊN DA ĐEN đứng lên, như thể định đi ra.] Ở lại. Nếu anh đi ra, nó bắn anh chết. 
THANH NIÊN DA ĐEN: Mái nhà thì sao?
LIZZIE: Lên ngắm trăng à? Anh cứ việc lên, nếu muốn trở thành mục tiêu. [Một lát.] Đợi chút. Họ sẽ phải xét hai tầng khác trước khi đến tầng chúng ta. Tôi bảo anh đừng có run như thế. [Im lặng hồi lâu. Cô đi đi lại lại. THANH NIÊN DA ĐEN hoàn toàn kiệt sức, ngồi xuống ghế.] anh có súng không?
THANH NIÊN DA ĐEN: Ôi, không?
LIZZIE: Được. [Cô lục trong ngăn kéo lấy ra một khẩu súng ngắn.]
THANH NIÊN DA ĐEN: Để làm gì, thưa bà?
LIZZIE: Tôi sẽ mở cửa yêu cầu họ vào. Trong hai mươi lăm năm tôi đã phải nghe đủ chuyện tào lao của họ về những bà mẹ tóc bạc phơ phơ, về những anh hùng chiến trận, về linh hồn Dân tộc Mỹ. Nhưng nay tôi đã rõ rồi. Họ sẽ không hoàn toàn thoát được với cách đó nữa. Tôi sẽ mở cửa và bảo họ: “Anh ấy ở trong này. Anh ấy ở đây, nhưng anh ấy không làm gì cả. Tôi đã buộc phải kí một lời chứng gian. Tôi thề với Chúa Jesus rằng anh ấy không làm gì cả. 
THANH NIÊN DA ĐEN: Họ sẽ không tin bà đâu.
LIZZIE: Có lẽ không. Có lẽ họ sẽ không tin tôi; nhưng anh khống chế chúng nó với khẩu súng này, và nếu chúng nó vẫn cứ đuổi theo anh, anh có thể bắn.. 
THANH NIÊN DA ĐEN: Những người khác sẽ đến. 
LIZZIE: Bắn chúng luôn. Và nếu anh thấy thằng con Thượng Nghị Sĩ, cố đừng bắn trượt nó; nó là thằng đã bày ra tất cả chuyện  này. Chúng ta bị dồn vào chân tường rồi. Đù sao, đây là vận may cuối cùng của chúng ta, vì nếu chúng thấy anh ở đây với tôi thì tôi chẳng còn đáng một đồng xu rỉ. Bởi vậy chúng ta cũng có thể phối hợp nhau đánh bật chúng. [Cô đưa cho anh ta khẩu súng.] Cầm lấy. Tôi bảo anh cầm lấy.
THANH NIÊN DA ĐEN: Tôi không thể thưa bà.
LIZZIE: Tại sao?
THANH NIÊN DA ĐEN: Tôi không thể bắn người da trắng.
LIZZIE: Thật ư! Điều đó sẽ làm cho họ bực mình à?
THANH NIÊN DA ĐEN: Họ là người da trắng, thưa bà.
LIZZIE: Vậy thì sao? Chẳng lẽ họ có quyền chọc tiết anh như một con lợn chỉ vì họ là da trắng? 
THANH NIÊN DA ĐEN: Nhưng họ là người da trắng.
LIZZIE: Buồn cười chưa? Anh biết không, anh cũng như tôi, là người non gan. Hơn nữa, khi họ liên kết với nhau...
THANH NIÊN DA ĐEN: Sao bà không bắn, hở bà?
LIZZIE: Tôi đã bảo anh tôi là người non gan. [Có tiếng bước chân lên thang gác.] Họ đến rồi. [Tiếng cười sắc nhọn] Chúng ta cố giữ bình tĩnh nghe  [Một lát.] Vào toalet và đừng nhúc nhích. Nín thở lại [THANH NIÊN DA ĐEN nghe theo. LIZZIE đợi. Tiếng chuông reo. Cô làm dấu thánh giá, nhặt chiếc vòng lên, và đi ra mở cửa. Có nhiều người mang súng.] 
NGƯỜI Đ ̀U TIÊN: Chúng tôi tìm thằng mọi đen. 
LIZZIE: Thằng mọi đen nào?
NGƯỜI Đ ̀U TIÊN: Thằng mọi đen hiếp một phụ nữ trên tàu và cứa cổ cháu của ngài Thượng Nghị Sĩ bằng một lưỡi dao cạo.
LIZZIE: À, thế thì thề có Chúa, các ông không tìm thấy hắn ở đây đâu. [Một lát.] Các ông không nhận ra tôi à?
NGƯỜI THỨ HAI: Có, có. Tôi thấy cô xuống tàu ngày hôm kia. 
LIZZIE: Đúng đấy. Bởi vì tôi là cái người bị hiếp, ông hiểu không? [Những tiếng kêu. Họ nhìn cô đắm đuối, đầy ham muốn và hơi khiếp sợ. Họ hơi thụt lùi lại] Nếu hắn vớ vẩn quanh đây, hắn sẽ ăn cái này. [Cô vung khẩu súng lên. Họ cười]
NGƯỜI Đ ̀U TIÊN: Cô có muốn xem nó bị chơi kiểu linxơ không?
LIZZIE: Đem đến cho tôi khi các ông bắt được nó.
NGƯỜI Đ ̀U TIÊN: Không lâu đâu, cô em ạ; chúng tôi biết nó trốn trong khu nhà này.
LIZZIE: Chúc may mắn. [Họ đi ra. Cô đóng cửa và ném khẩu súng xuống bàn.] Anh có thể ra được rồi. [THANH NIÊN DA ĐEN xuất hiện, quì xuống và hôn gấu váy cô] Tôi đã bảo anh đừng động đến người tôi. [Cô nhìn anh ta một lượt.] Vẫn cứ thế, anh là loại người kì quặc, kéo cả thành phố theo sau mình. 
THANH NIÊN DA ĐEN: Tôi không làm gì cả, thưa bà, bà biết tôi không làm gì cả mà. 
LIZZIE: Người ta bảo người da đen luôn luôn làm điều gì đó.
THANH NIÊN DA ĐEN: Không bao giờ làm gì cả. Không bao giờ, không bao giờ.
LIZZIE: [Lấy tay lau trán.] Tôi không còn biết cái gì là đúng nữa. [Một lát.] Vẫn cứ thế, cả một thành phố không thể hoàn toàn sai. [Một lát.] Ồ, cứt thật. Tôi không hiểu gì nữa cả. 
THANH NIÊN DA ĐEN: Chuyện là thế đó, thưa bà. Với người da trắng chuyện luôn luôn là thế. 
LIZZIE: Cả anh nữa? Anh cũng thấy mình có tội?
THANH NIÊN DA ĐEN: Vâng, thưa bà.
LIZZIE: Nhưng anh đâu có làm gì?
THANH NIÊN DA ĐEN: Không, thưa bà.
LIZZIE:  Dù họ có làm gì, họ vẫn cho rằng bao giờ mọi người cũng đứng về phía họ?
THANH NIÊN DA ĐEN: Họ là người da trắng. 
LIZZIE:  Tôi cũng là da trắng đây. [Một lát. Có tiếng bước chân bên ngoài.] Họ lại đến rồi. [Một cách bản năng cô chạy đến bên anh. Anh run, nhưng đưa tay khoác vai cô. Tiếng bước chân nghe  nhẹ hơn. Im lặng. Cô bỗng vùng ra khỏi cánh tay ôm của anh ta] Nào, hãy nhìn chúng ta nào. Có phải chúng ta cô độc trên thế giới này? Giống như những trẻ mồ côi. [Tiếng chuông reo. Họ không trả lời. Chuông lại reo.] Vào toalet. [Có tiếng gõ ở cửa trước. THANH NIÊN DA ĐEN trốn. LIZZIE ra mở cửa. FRED vào.]
LIZZIE: Anh điên à? Sao vào phòng tôi? Không, anh không được vào, anh đã gây quá nhiều rắc rối cho tôi. Ra đi. Ra đi, đồ vô lại, ra! Cút mẹ anh ngay khỏi chỗ này! [Hắn đẩy cô sang một bên, đóng cửa, và nắm lấy vai cô. Một lúc lâu.] Thế nào?
FRED: Mày là con quỷ. 
LIZZIE: Và bởi vậy anh cố phá cửa nhà tôi chỉ để nói với tôi như thế phải không? Thật rối mù. Vừa rồi anh ở đâu. [Một lát.] Trả lời tôi đi.
FRED: Họ đã bắt một thằng mọi đen. Không phải thằng ấy. Nhưng họ vẫn hành hình nó đúng theo kiểu lynch. 
LIZZIE: Vậy sao?
FRED: Tao ở đó với họ.
LIZZIE: [huýt sáo.] Tôi biết. [Một lát.] Có vẻ như được nhìn một người da đen bị hành hình anh khoái trá lắm.
FRED:  Tao cần mày.
LIZZIE:  Cái gì?
FRED: Mày là con quỷ. Mày làm tao mê mẩn. Tao đi với họ, tao có khẩu súng lục trong tay, và thẳng mọi đen thì đang treo lủng lẳng trên một cành cây. Tao nhìn nó, và nghĩ “Tao muốn nàng.” Cái ấy phi tự nhiên.
LIZZIE: Buông tha tôi ra. Tôi bảo anh hãy buông tha tôi.
FRED: Mày đã làm gì cho tao, mày đã được gì, con mụ phù thủy này? Tao nhìn thằng mọi đen và tao thấy mày. Tao thấy mày quằn quại trên ngọn lửa. Tao bắn.
LIZZIE: Mày là thằng con hoang bẩn thỉu. Thả tao ra, thả tao ra. Mày là thằng giết người.
FRED: Mày đã làm gì cho tao? Mày dính vào tao như răng gắn vào lợi. Tao nhìn cái bụng mày, cái bụng đĩ thõa bẩn thỉu của mày, tao cảm thấy hơi ấm của mày trong tay tao, mùi của mày trong mũi tao. Tao đã chạy đến đây, tao thậm chí đã không biết liệu tao muốn giết mày hay hiếp mày. Bây giờ tao biết rồi. [Hắn đột ngột buông cô ra.] Tao không để linh hồn tao sa hoả ngục vì một con đĩ. [Hắn lại đến gần cô.] Điều mày nói với tao sáng nay là thật hả?
LIZZIE:  Cái gì?
FRED:  Rằng tao làm cho mày sướng run lên?
LIZZIE: Để cho tôi yên.
FRED: Mày hãy thề rằng nó là sự thật. Thề đi. [Hắn vặn cổ tay cô. Có tiếng động ai đó dịch chuyển trong buồng tắm.] Cái gì đấy? [Hắn lắng nghe.] Có ai trong đó.
LIZZIE: Anh hoang tưởng rồi. Chẳng có ai cả.
FRED: Có. Trong toalet. Hắn đi về phía buồng tắm.
LIZZIE: Anh không được vào đó.
FRED: Cô thấy không, có ai trong đó.
LIZZIE: Đó là khách hàng hôm nay. Một người trả tiền. Đó. Anh thỏa mãn chưa?
FRED: Khách? Không có khách nào cho cô nữa. Không có ai nữa. Cô thuộc về tôi. [Một lát.] Tôi phải coi hắn trông thế nào. [Hắn quát.] Ra đây!
LIZZIE: [Kêu to ] Đừng ra. Bẫy đấy.
FRED:  Mày con đĩ bẩn thỉu. [Hắn gạt cô sang một bên, đi về phía cái cửa, mở nó ra, THANH NIÊN DA ĐEN ra] À khách của mày đây hả?
LIZZIE: Tôi giấu anh ấy vì họ muốn giết anh ấy. Đừng bắn. Anh biết rất rõ rằng anh ấy vô tội.   [FRED rút súng lục ra. THANH NIÊN DA ĐEN đã chuẩn bị sẵn sàng, đẩy FRED và chạy bổ ra. FRED chạy theo. LIZZIE chạy ra mở cửa, hai người đàn ông chạy qua đó và biến mất, cô bắt đầu hét lên]
LIZZIE: Anh ấy vô tội  [Hai tiếng súng nổ. Cô quay về phòng, nét mặt quyết liệt. Cô đến bên bàn và lấy khẩu súng ra. FRED quay lại. Cô quay về phía hắn, lưng quay về khán giả, giấu khẩu súng sau lưng. FRED đặt súng của hắn lên bàn.] Vậy là mày đã hạ được anh ấy? [FRED không trả lời.] Được, bây giờ đến lượt mày. [Cô chĩa súng vào hắn.] 
FRED: Lizzie, Lizzie, tôi còn có mẹ.
LIZZIE: Câm miệng lại. Họ đã bịp tôi kiểu đó trước rồi. 
FRED: [Chầm chậm đến gần cô] Người đầu tiên trong dòng họ Clarke đã một mình phát cả một cánh rừng, ông đã giết mười bảy thằng mọi đỏ bằng tay không trước khi chết trong một trận phục kích; con trai ông thực chất đã xây nên cả thành phố này; ông là bạn với George Washington, và chết ở Yorktown, cho nền độc lập của Hoa Kỳ; ông cố nội tôi là chỉ huy Đội Trật tự ở San Fran-cisco, ông đã cứu sống hai mươi hai người trong một vụ cháy lớn; ông nội tôi trở về định cư ở đây, ông đã đào kênh Mississippi, và được bầu làm Thống đốc. Cha tôi là Thượng Nghị Sĩ. Tôi sẽ là một thượng nghị sĩ tiếp sau ông. Tôi là người cuối cùng mang dòng họ này. Chúng tôi đã dựng lên đất nước này, và lịch sử của nó là lịch sử của chúng tôi. Đã từng có những Clarke ở Alaska, ở Philippines, ở New Mexico. Cô có dám bắn tất cá bọn họ ở nước Mỹ này không?
LIZZIE: Anh đến gần hơn, tôi cho anh biết.
FRED: Tiếp tục đi Bắn đi Cô thấy không, cô không thể bắn. Một cô gái như cô không thể bắn một người đàn ông như tôi. Cô là ai? Cô làm cái gì trong thế giới này? Thậm chí cô có biết ông nội cô là ai không? Tôi có quyền sống; còn có những việc phải làm, và tôi được chờ đợi để làm chúng. Đưa khẩu súng cho tôi. [Cô đưa khẩu súng cho hắn, hắn đút vào túi hắn.] Còn thằng mọi đen, nó chạy nhanh quá. Tôi đã để trượt hắn. [Một lát. Hắn choàng tay ôm cô.] Tôi sẽ đưa cô vào một ngôi nhà tuyệt đẹp, có vườn, trên quả đồi bên kia sông. Cô sẽ đi dạo trong vườn, tôi cấm cô ra ngoài; tôi rất ghen. Tôi sẽ đến thăm cô khi trời tối, ba lần một tuần – vào Thứ Ba, Thứ Năm và Chủ nhật. Cô sẽ có những đầy tớ da đen, và có nhiều tiền hơn cô từng mơ ước; nhưng cô phải chấp nhận tất cả những bồ bịch của tôi, và tôi có nhiều đấy. [Cô hơi nép vào vòng tay ôm của hắn.] Có đúng là tôi đã làm cô sướng không? 
LIZZIE [mệt mỏi] Vâng, đúng mà.
FRED: [Vỗ má cô.] Thế là mọi việc lại trở về bình thường như cũ. [Một lát.] Tên anh là FRED.

MÀN HẠ.



HT June 16, 2016



















Khuất Đẩu & Hiếu Tân








Hiếu Tân & Nguyên Ngọc







Phạm Xuân Nguyên, Hiếu Tân, Chu Hảo








Nguyễn Hồng Nhung, Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Bích Thủy, Hiếu Tân






Hiếu Tân, Dương Tường






Hiếu Tân, Nhật Chiêu























Hiếu Tân & Hà Sĩ Phu















Trở về







MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.