Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

Nguyễn Hùng Trương (1926 - 2005)












Nguyễn Hùng Trương
Biệt danh: Ông “Khai Trí”

(1926 - 2005)
Hưởng thọ 80 tuổi




Ông Khai Trí sinh năm 1926 tại Thủ Đức, tên thật là Nguyễn Văn Trương (bút hiệu Nguyễn Hùng Trương) nhưng mọi người vẫn quen gọi ông là "ông Khai Trí". Một nhà văn hóa, một người mê sách và làm xuất bản sách nổi tiếng tại miền Nam VN trước 75.

Cả đời mê sách, mua sách, bán sách, in sách phổ biến tri thức bổ ích đến người đọc. Ông là chủ nhà sách "Khai Trí" trên đường Bonard từ năm 1952, sau là 60-62 Lê Lợi và sau 75 là nhà sách Sài gòn FAHASA

Đây là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán hàng theo kiểu tự chọn, khách có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ rồi đi ra mà không phải mua. 

Ông còn cùng nhà văn Nhật Tiến chủ trương ra Tuần báo Thiếu Nhi, bảo trợ cho “tập san Sử Địa” của giáo sư Nguyễn Nhã và là soạn giả của nhiều đầu sách có giá trị.

Sau "giải phóng", rất tiếc là kho sách 60 tấn của ông hầu như đã bị cướp sạch và tiêu hủy.

Ông mất hồi 5 giờ 15 ngày 11 tháng 3 năm 2005, tức ngày mồng 2 tháng 2 năm Ất Dậu
Hưởng thọ 80 tuổi 













Trong khoảng 10 năm từ 1993 đến 2003, ông đã tuyển chọn và biên soạn khoảng 15 cuốn sách:






Bộ dân luật

Bộ luật dân sự và thương sự tố tụng

Bộ luật hình sự tố tụng

Từ điển lời hay ý đẹp

Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc

Quê em mến yêu

Làm con nên nhớ

Chánh tả cho người miền Nam

Huế mến yêu

Những bài thơ hay trong văn chương Việt Nam

Danh ngôn hạnh phúc

Danh ngôn tình bạn

Danh ngôn tình yêu

Gương thành công













Tham Khảo thêm về "Ông Khai Trí"




Khai Trí là tên mà giới kinh doanh sách ở Sài Gòn gọi ông Nguyễn Hùng Trương. Bằng tình yêu và niềm đam mê sách, ông Hùng Trương đã tạo dựng ra hiệu sách Khai Trí nổi tiếng, để lại những giá trị “tươi nguyên” về tinh thần khởi nghiệp và thành công trong nghề sách.



Khởi nguồn làm sách của Nguyễn Hùng Trương

Một cuốn sách đến tay người đọc là một quy trình của ngành kinh doanh xuất bản. Ở đó, có các khâu: Tổ chức biên tập và chịu trách nhiệm, in sách, và cuối cùng là bán sách. Trên thực tế, giới làm sách tư nhân cũng đang tham gia rất sâu vào cả ba khâu trong quy trình này và dù muốn dù không cũng phải thừa nhận rằng, họ chính là yếu tố năng động trong ngành kinh doanh xuất bản, dù họ chỉ được gọi với cái tên mơ hồ là “người làm sách liên kết”. Tuy nhiên, việc in ấn hay phát hành chính thức đều do các đơn vị quốc doanh do nhà nước lập ra và quản lý.

Trên thị trường, sách rõ ràng là một mặt hàng kinh doanh. Nhưng sách, xét một khía cạnh khác, còn là một phần khá quan trọng của bộ mặt văn hóa quốc gia. Thế nên những người kinh doanh sách, trước hết phải là một nhà hoạt động văn hóa hay ít nhất cũng là người có lòng yêu mến với nền văn hóa dân tộc. Cách nay hơn nửa thế kỷ, từng có một người Việt Nam đi vào ngành kinh doanh sách với một tấm lòng như vậy. Đó là ông Nguyễn Hùng Trương, mà các nhà văn, nhà báo, những nhà soạn sách và đông đảo những thế hệ độc giả ở miền Nam vẫn quen gọi là “ông Khai Trí”.

Khởi nguồn của sự nghiệp làm sách của anh thanh niên Nguyễn Hùng Trương và sau này là ông Khai Trí, là một tình yêu sách. Ông sinh ở Thủ Đức, Gia Định. Những năm còn ngồi ở bậc tiểu học, cậu học trò tên Trương thường nhịn ăn sáng để dành tiền mua sách. Cũng như bao đứa trẻ khác, ông rất mê các loại truyện cổ tích như: Tấm Cám, Phạm Công – Cúc Hoa, Lưu Bình- Dương Lễ . . . Nhưng khác với những đứa trẻ khác sau khi đọc xong thường bỏ bê, cho tặng hoặc đổi chác, cậu bé Trương lại thận trọng giữ gìn từng cuốn sách một. Do vậy, lên đến trung học, ông đã là chủ sở hữu của một tủ sách không chỉ dồi dào về số lượng mà còn phong phú về chủng loại. Ông trở thành nguồn cung cấp sách đọc cho nhiều bạn bè, bà con thân thuộc, những người yêu thú đọc sách. Rời trường trung học Trương Vĩnh Ký, bước ra đời, dù phải vật lộn với cuộc mưu sinh, ông vẫn không nguôi tình yêu với sách. Vào thời đó, thị trường sách trong nước không đủ cho nhu cầu tìm hiểu của ông, nên ông viết thư qua các nhà xuất bản bên Pháp xin các thư mục xuất bản (catalogue) để theo dõi và đặt mua sách cho mình đọc. Theo thể lệ của các hiệu sách bên Pháp, nếu mua trên mười cuốn, khách hàng được hưởng 30% hoa hồng. Ông nảy ra sáng kiến, mỗi lần phát hiện ra một cuốn sách hay mà mình cần mua, trong nước lại không có, ông đi giới thiệu và thuyết phục thêm bảy người yêu sách như mình cùng đặt mua. Từ đó, chẳng những ông có được sách để đọc không tốn tiền mà còn dư được sách đem bán kiếm lời. Thời đó, việc nhập khẩu sách rất dễ: viết thư qua Pháp đặt mua, nhận hóa đơn, trả tiền qua bưu điện Sài Gòn. Dần dần ông mua được số lượng ngày một nhiều hơn, đem bán lại cho các nhà sách lớn nhỏ trong Sài Gòn. Thế là từ cái thú đọc sách, mê sách của mình, ông lại kiếm được tiền. Cứ thế ông cần mẫn đặt sách, mua sách, bỏ mối sách và vốn lũy ngày một nhiều hơn.

Và quan trọng hơn, là số vốn kiến thức tích lũy được từ việc đọc sách, chọn sách và kinh nghiệm làm sách của người Pháp, một quốc gia được xem là trung tâm sách của châu Âu và cả thế giới, tích góp kinh nghiệp cho bản thân ông ngày cũng một dày dặn hơn. Chính cái vốn này đã ấp ủ trong ông một ý nguyện mở một nhà sách, làm một người xuất bản sách quốc ngữ theo một cung cách hoàn toàn hiện đại. Như thế, ông vừa thỏa mãn được sở thích của mình, vừa có một cơ nghiệp vững chắc.

Nhà sách Khai Trí ra đời đem lại luồng gió mới

Trước thập niên 50 của thế kỷ trước, Sài Gòn và Gia Định có không tới mười nhà sách gồm có: Vĩnh Bảo, Mai Lĩnh, Mai Quang, Lê Phan . . . Hầu hết các nhà sách quốc văn này đều bán sách chung với văn phòng phẩm hoặc thuốc bắc, cao đơn hoàn tán, bởi nếu chỉ bán thuần mặt hàng sách, lợi tức không đủ sở phí. Sách thường bày trong các tủ kiếng hay kệ cao, khách hàng muốn xem qua phải nhờ nhân viên bán hàng lấy hộ. Mà cũng không thể xem lâu vì người bán đứng bên cạnh chờ khách quyết định mua hay không. Sách thường không được phân loại, nên người mua tìm một cuốn sách mất rất nhiều thời giờ. Cửa ra vào các hiệu sách thường thu hẹp kiểu các tiệm tạp hóa để dễ dàng kiểm soát khách hàng. Năm 1952 nhà sách Khai Trí ra đời tại số 60, đại lộ Bonard (nay là đường Lê Lợi) đã giới thiệu một cung cách kinh doanh sách hoàn toàn khác.

Chỉ trong chưa đầy chục năm trở lại đây, bạn đọc trẻ ở nước ta mới biết đến những cửa hàng sách tự chọn. Thực ra cung cách kinh doanh sách này đã được nhà sách Khai Trí đem đến cho người đọc ở Sài Gòn cách đây hơn năm mươi năm .

Tại nhà sách Khai Trí ngày đó, ở ngoài bước vào, khách hàng thấy ngay phía bên phải trưng bày những sách xuất bản ở nước ngoài; bên trái đối diện là những sách xuất bản trong nước. Mỗi kệ bày một loại sách. Người đọc sách vào xem hoặc mua đều hoàn toàn cảm thấy thoải mái . Nhân viên bán hàng đều là nữ, mặc đồng phục áo dài xanh dương, lúc nào cũng vui vẻ, ân cần nhưng không quá vồn vã, để khách hàng tự chọn lựa sách được bày biện một cách khoa học. Khách có thể đứng đọc sách hàng giờ hay cả buổi, tùy ý thích rồi đi ra, không mua gì thì cũng chẳng ai lấy làm phiền. Độc giả có thể đọc kỹ nội dung, thấy thích, thấy cần, tự đem ra quầy thu tiền ngoài cửa để nhân viên thủ quỹ tính tiền và gói lại đàng hoàng với loại giấy bao bì riêng biệt có in tên hiệu của nhà sách.

Khách hàng mua xong về nhà xem lại, thấy trong tủ sách mình đã có rồi hay những tài liệu trong ấy đã có sách khác nói tới rồi, có thể đem trở lại nhà sách vào ngày hôm sau để đổi lấy sách khác, hay nhận lại tiền. Nhà sách Khai Trí ngày ấy lúc nào cũng nhộn nhịp khách ra vào, nhưng tuyệt nhiên không thấy nhân viên bán hàng theo dõi, dòm ngó đến người mua hay xem sách. Nhà sách có học sinh trong những buổi nghỉ học, làm nhiệm vụ kiểm soát “chìm”, trông nom một cách kín đáo, không để xảy ra mất mát, nhưng cũng không làm cho khách hàng mất tự nhiên khi chọn sách, đọc sách. Chủ nhà sách là một nhà yêu sách, mê nghề, yêu những người mua sách, xem họ là những người cùng một niềm đam mê, cùng sở thích với mình. Và ông đã truyền cái tinh thần ấy sang nhân viên của mình. Vào hiệu, bạn có thể trò chuyện hỏi han về sách với bất cứ nhân viên nào và lúc nào họ cũng vui vẻ, lịch sự, lễ phép, dù khách ra về không mua quyển nào.

“Hachette của Việt Nam”

Nhưng công việc đáng ghi nhận hơn của ông Nguyễn Hùng Trương không chỉ là việc tổ chức bán sách như đã nói. Nhà Khai Trí ngoài việc bán sách còn là một nhà làm sách, xuất bản sách. Sách xuất bản ở đây được lựa chọn kỹ càng, rất phong phú và đa dạng. Nhà Khai Trí dùng tiền lời những sách bán chạy để in những sách bán chậm nhưng có giá trị văn hóa cao, cần thiết cho người học, người đọc chuyên sâu, những nhà văn, những nhà biên khảo, nghiên cứu chuyên ngành như: từ điển, lịch sử, biên khảo, đặc biệt sách dành cho thiếu nhi in đẹp, giá rẻ, có nội dung giáo dục nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc. Về từ điển, nhà Khai Trí xuất bản rất nhiều loại: tiếng Việt, song ngữ, chính tả, y học, khoa học, pháp luật. . . Phần lớn được in thành nhiều cỡ, mỗi cỡ thích hợp cho mỗi đối tượng, mỗi điều kiện sử dụng, cũng như thích hợp với từng túi tiền của độc giả. Sách từ điển do Khai Trí xuất bản rất được những người sử dụng đương thời tín nhiệm. Có những cuốn cho đến nay vẫn còn nhiều người dùng vì sự chuẩn mực, phong phú và tiện dụng của nó, như cuốn Tân Tự Điển minh hoạ của Thanh Nghị. Về tự điển, Khai Trí được coi như là “Larousse của Việt Nam”, cũng như về mặt đa dạng của các loại sách, Khai Trí được ví như “Hachette của Việt Nam”.

Theo nhà văn Sơn Nam kể lại, thời ấy, những ngưới mới vào nghề văn, trong một lúc nào đó khi gặp khó khăn trong cuộc mưu sinh, có thể mang đến ông Khai Trí bản thảo một tập thơ hay một tập truyện và sẽ được ứng trước một món tiền mà không cần biết quyển sách ấy chừng nào mới được in ra. Và có nhiều cuốn như thế mãi mãi không được in ra, nhưng cũng có cuốn từ đây được ra đời và làm nên danh tiếng cho tác giả. Cho đến bây giờ, có lẽ người viết văn vẫn còn mơ ước một đôi mắt xanh như thế, một tấm lòng thiết tha với văn chương như thế.

Ngoài làm sách, bán sách, ông Nguyễn Hùng Trương còn chủ trương một tờ tuần báo dành cho lứa tuổi mầm non của đất nước, đó là tờ Thiếu nhi. Chính ở đây cái tên thật của ông mới được xuất hiện trong một mục hàng tuần: Thư chủ nhiệm gửi các em thiếu nhi, nhắc nhở đạo đức tốt đẹp, tinh thần cần cù, kiên nhẫn, lịch sử hào hùng, ý chí quật cường, lòng yêu nước của tổ tiên ta. Qua đó ta thấy được tấm lòng thiết tha của ông với quê hương, với nền văn học nước nhà, với thế hệ tương lai của đất nước. 




















Trường Hợp Hồi Hương của ông Khai Trí


TRƯỜNG HỢP HỒI HƯƠNG LÚC CUỐI ĐỜI CỦA ÔNG NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG, NGUYÊN GIÁM ĐỐC NHÀ SÁCH KHAI TRÍ.







Trên nhật báo Người Việt, xuất bản ở Quận Cam, California, số ra ngày 13-3-2005, có đăng một bài báo của ký giả L.T. viết sau khi ông Nguyễn Hùng Trương, Giám đốc nhà sách Khai Trí đã từ trần ở Sài Gòn, trong có đoạn như sau :

“Năm 1991, ông Khai Trí sang đoàn tụ với vợ con ở Hoa Kỳ, nhưng lúc đó có nhiều tin đồn là nhà nước Cộng Sản VN đã có chủ trương mới, với chính sách cởi mở, sẵn sàng trả lại nhà, cơ sở kinh doanh cho các chủ cũ trước năm 1975 nên ông Khai Trí hy vọng nhiều là khi trở về có thể lấy lại được nhà sách, tiếp tục nghiệp buôn bán sách trước đây. Năm 1996, ông xin trở về với hy vọng to lớn trên nhưng đi đến đâu cũng bị đáp lại bằng một cái lắc đầu.. . . . . .”.

Nhân danh một người được ông Khai Trí coi là thân thiết, đã từng nhiều lần được nghe chính ông thổ lộ nhiều tâm tư, cảm nghĩ của ông sau khi đã trải qua nhiều biến cố trên quê hương, đất nước, tôi nhận thấy có bổn phận phải làm sáng tỏ một đôi điều trong đọan viết kể trên, để một mặt soi sáng lại một sự thật như chính nó, ngõ hầu trả lại sự công bằng cho người đã khuất và mặt khác, để an ủi phần nào vong linh người vừa nằm xuống, thân xác chưa kịp ấm đất đã có thể bị dư luận choàng thêm nhiều điều mai mỉa khi cho rằng : “ông Khai Trí hy vọng nhiều là khi trở về có thể lấy lại được nhà sách, tiếp tục nghiệp buôn bán sách trước đây. Năm 1996, ông xin trở về với hy vọng to lớn trên nhưng đi đến đâu cũng bị đáp lại bằng một cái lắc đầu….”

Có thực là ông Khai Trí đã xin trở về VN sinh sống chỉ vì ông hy vọng nhà nước có chủ trương cởi mở, sẽ trả lại nhà sách cho ông để ông tiếp tục hành nghề như trước đây ?

Với ai thì tôi không rõ, nhưng với ông Khai Trí, con người sau bao nhiêu năm bị vùi giập, vừa bị tước đoạt tài sản, vừa nằm ốm đau vật vã trong tù, tôi không nghĩ là ông lại mang nhiều ảo tưởng về sự cởi mở của nhà nước như thế .

Sau biến cố 30-4-1975, cùng với số phận của các nhà tư sản khác, ông Khai Trí đã bị chính quyền mới tịch thu toàn bộ tài sản bao gồm nhiều kho sách vừa do chính ông xuất bản, vừa do ông nhập cảng từ nước ngoài, cộng với rất nhiều tài sản, nhà cửa, đất đai, biệt thự ở Sài Gòn do chính ông gây dựng nên sau bao nhiêu năm cật lực làm ăn bằng chính tài năng, mồ hôi và sức lực lao động của mình.

Vào năm 1976, ông đã từng than thở với tôi sau khi nhà nước ra lệnh “Kiểm kê sách báo đồi trụy” như sau :

“ Chú nghĩ mà coi, họ chỉ cho tôi 2 ngày để kiểm kê bao nhiêu là kho sách chứa hàng triệu cuốn với trên 20 ngàn tựa sách, làm sao tôi làm nổi”.

Giọng nói của ông tuy cố làm ra vẻ thản nhiên nhưng nó đã bao hàm biết bao nỗi bùi ngùi và chứa chan ê chề, chịu đựng. Tuy không nói ra, nhưng chúng tôi cũng đã hiểu số phận mà chính quyền mới đã dành cho ông thế nào.

Quả nhiên, để hợp thức hóa việc chiếm đoạt những tài sản kể trên, đặc biệt là Nhà sách Khai Trí, nhiều tầng lầu nằm ngay trên đại lộ thênh thang Lê Lợi tại trung tâm Sài Gòn, nhà nước Cộng Sản đã quy chụp nhiều tội nặng cho ông như tư sản mại bản, ấn loát và phổ biến văn hóa đồi trụy đầu độc tinh thần dân chúng miền Nam, rồi bắt ông đi tù trong nhiều năm khiến cho một con người mạnh khỏe, năng động như ông đã trở nên suy sụp rất nhanh chóng, và thân xác của ông còn bị đầy đọa trong tù với nhiều bệnh tật.

Tuy nhiên, vốn là một con người trọn đời mê sách như nhiều người đã có cùng nhận xét, khi ra tù ông Khai Trí vẫn không từ bỏ ý định gây dựng lại sự nghiệp sách vở của mình. Tuy nhiên, ông không hề có ảo tưởng là sẽ được nhà nước “ trả lại tiệm sách để tiếp tục kinh doanh nghề sách ở Sài Gòn” như bài báo đã đưa ra một cách võ đoán.

Làm sao ông có thể ảo tưởng như thế được, khi vào những ngày gần cuối đời, ông còn tâm sự với tôi về sự đấu tranh âm thầm nhưng không mệt mỏi của ông trước nhiều áp lực bắt ông ký giấy cho phép một vài tập đoàn tư bản đỏ ký hợp đồng với công ty nước ngoài (Thụy Sĩ) để xây cất building ngay trên phần đất đã tịch thu của ông.

Dĩ nhiên là ông đã không ký. Nhưng bất chấp có sự đồng ý hay không của chủ nhà, việc xây cất cứ được lẳng lặng tiến hành. Ông đã phản ứng lại bằng cách gửi toàn bộ bản sao chủ quyền của mình cho giới lãnh đạo công ty nước ngoài với lời tố cáo :
“ Đất hợp đồng đang xây là đất chiếm đọat, là một công ty lớn của một nước văn minh, các ông không thể nhắm mắt tiến hành !”.

Thế là hợp đồng xây cất bị hủy bỏ. Mảnh đất trống cho tới năm 2005 vẫn còn là bãi trống chỉ làm chỗ để xe máy.

Ông Khai Trí đã thắng bạo quyền ít ra là trong giai đoạn đất nước đã đi vào thời kỳ kinh tế thị trường, mong muốn hòa nhập cùng thế giới !

Sự thực là ông Khai Trí muốn gây dựng lại nhà sách Khai Trí, không phải ở Sài Gòn mà là ở hải ngoại sau khi ông được phép định cư ở Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình. Nhưng khi sang tới nơi, ông đã trực diện một sự thực não nề :

– Độc giả ở hải ngoại đã không nhiều như ông nghĩ, mặt khác, sau bao nhiêu năm ổn định đời sống, riêng ở Hoa Kỳ đã hình thành nhiều cơ sở xuất bản hay nhà sách lớn lao, có danh tiếng. Là người tới sau, lại trắng tay không còn vốn liếng, hỏi làm sao ông có thể mở lại tiệm sách hay nhà xuất bản ở hải ngoại để có thể cạnh tranh và đứng vững ?

– Thêm nữa, rất nhiều loại sách giá trị trong tủ sách Khai Trí trước đây của ông, đặc biệt là nhiều loại tự điển thông dụng mà ông đã mua trọn bản quyền, không hiểu do những bàn tay gian thương nhớp nhúa nào đã cho in lại hầu hết ( sách bán rất chạy trong những thập niên 80, 90 là những năm người tỵ nạn ồ ạt tới Hoa Kỳ, ai ai cũng có nhu cầu học hỏi, nhất là Anh ngữ). Mỉa mai thay, người đã từng đầu tư vào những cuốn sách đó là ông Khai Trí, thì hầu như ông đã không được mấy ai đền bù cho công lao của mình dù chỉ một đồng xu ! Cái Thông Báo sau đây là một bằng chứng :

“ Tôi là NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG, nguyên là chủ Nhà sách và Nhà xuất bản Khai Trí 60-62 Lê Lợi- Sài Gòn cũ, có soạn và in một bộ TỪ ĐIỀN LỜI HAY Ý ĐẸP, dầy 1898 trang, các trang trong in 2 mầu, có nhiều phụ bản đẹp, đóng làm 2 quyển, chưa gửi bán ở nước ngòai. Nay được biết có người in lại bộ sách trên tại Mỹ, ruột một mầu và không phụ bản bày bán ở Mỹ và nhiều nhà sách ở hải ngoại. Tôi thông báo để quý vị độc giả khỏi mua lầm bộ sách in lậu.”

Thất vọng trước sự thực mỉa mai và phũ phàng ngay trên phần đất mà ông cho rằng ắt phải văn minh và công bằng nhất thế giới, có thể vì vậy mà ông đã âm thầm quyết định trở về nước sinh sống. Tuy vậy, vốn là một người tích cực, yêu đời, yêu sách báo, nên khi trở về quê nhà, ông vẫn còn có niềm vui trong sự cho in một số sách sưu tầm, tuyển chọn danh ngôn hay thi ca tình ái. Và cũng chỉ có thế mà thôi, chứ chẳng bao giờ ông có ảo tưởng sẽ được nhà nước Cộng sản cho phép hoạt động xuất bản sách trở lại và được trả lại tiệm sách đồ sộ tọa lạc ngay trên đường Lê Lợi mà hiện nay nó vẫn còn nằm trong tay nhà nước vốn đã bị đổi tên từ năm 1976 thành nhà sách Sài Gòn.

Ước mong những dòng chữ sơ lược này sẽ giải tỏa được phần nào những ngộ nhận (nếu có) về trường hợp hồi hương của ông Khai Trí.

NHẬT TIẾN

Garden Grove 14 tháng 3-2005









“ Ông Khai Trí”: Một Đời Ham Mê Sách


Tôi có người chị ruột giúp viêc bán sách cho tiệm sách Việt Hương ở số 34 đưòng Lê Lợi. Từ đây đi về hướng chợ Bến Thành có thêm 3 tiệm sách :

Thanh Tuấn số 56, Phúc Thành số 58 và Khai Trí chiếm 2 căn 60 - 62.

Nhà sách Sài Gòn bây giờ trước 1975 là nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi




Theo chị tôi kể lại Ông Khai Trí khởi nghiệp bằng 1 chiếc xe đẩy ( như xe bán sách ở bến sông Seine bây giờ ). Xe bán sách của Ông thường đậu trước cổng Trường Chasseloup Laubat đường HồngThập Tự. Tôi nghe kể laị vây thôi chớ đâu ngờ gặp Ông ở Z30C Hàm Tân.

Buổỉ sáng Tù đợi đi lao động, nhưng sớm hơn có một ông già lúc nào cũng với bộ quần áo trắng đã ngã qua màu cháo lòng đẩy chiếc xe cải tiến chứa phân bắc cuả tù đem đi. Sáng nào cũng vậy, ít ai biết ông là ai.

Ông Nguyễn Hùng Trương (Chủ nhà sách Khai Trí) - người Sài Gòn gọi ông là "ông Khai Trí" (theo tên nhà sách - nhà xuất bản do ông làm chủ). Hết sức quảng bác nhưng ông lại rất ít nói về mình, nên ít người biết ông chính là tấm gương sống động: từ hai bàn tay trắng trở thành người kinh doanh ngành sách lớn nhất và uy tín nhất miền Nam.

Ông Khai Trí" tên thật là Nguyễn Hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Đức. Thuở nhỏ, ông thường nhịn ăn sáng, dùng 2 đồng xu mẹ cho để mua báo đọc. Lên Sài Gòn học trung học ở Petrus Ký, ông được sắm cho chiếc xe đạp cũ để cuối tuần đạp về nhà, đầu tuần trở lên với món tiền đủ để tiêu xài dè sẻn trong tuần. Nhưng cứ mỗi chiều thứ hai là ông tiêu sạch số tiền đó vào sách báo rồi cả tuần nhịn ăn sáng, chỉ uống nước lã cho đỡ đói.

Sách ông mua hầu hết là sách báo nước ngoài, vào thập niên 1940 ông đã gây dựng được một tủ sách có giá trị. Bạn bè đến chơi, thấy ông có nhiều sách hay thường nhờ ông mua giùm. Có lần, chỉ 5 người nhờ nhưng ông mua đến 10 cuốn để được hưởng 30% hoa hồng. Số sách dư ra, ông đem ký gửi ở quán sách; 3 hôm sau, người chủ quán hỏi ông sách loại đó còn không, nếu còn thì đem tới tiếp vì sách gửi trước đã bán hết rồi. Từ đó ông nảy ra ý định mua sách báo ở nước ngoài về gửi bán. Sách ông chọn là loại sách có giá trị, quý hiếm, nhiều người cần mà trong nước không bán. Lúc đầu mua mỗi thứ vài chục cuốn, thấy bán chạy ông mới tăng số lượng lên, có khi cả nghìn cuốn.

Nhờ cố gắng làm việc không quản mệt mỏi, tiết kiệm từng đồng nên đến năm 1952 ông Khai Trí đủ vốn để mở một hiệu sách nhỏ tại 62 đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi), đặt tên là Nhà sách Khai Trí (nay là Nhà sách Sài Gòn). Đây là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán hàng theo kiểu tự chọn, khách có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ rồi đi ra mà không phải mua. Nữ nhân viên bán hàng mặc đồng phục, lúc nào cũng vui vẻ ân cần, trông nom một cách kín đáo...

Những điều này hiện nay được áp dụng ở đa số hiệu sách nhưng vào thời điểm đó thì quá mới mẻ và rất được khách hàng ủng hộ, nhờ vậy mà sau nầy nhà sách được mở rộng thêm 2 căn liền kề với nhiều tầng lầu. Nhà sách Khai Trí còn phụ trách cả việc xuất bản sách với những đầu sách được chọn lựa kỹ càng và phong phú.

Một thú chơi đặc biệt của ông Trương nữa là sưu tầm sách báo (chỉ riêng tờ báo Pháp ngữ Le Monde, ông có từ số đầu tiên cho tới ngày 30/4/1975). Ông còn cùng nhà văn Nhật Tiến chủ trương ra Tuần báo Thiếu Nhi và là soạn giả của nhiều đầu sách có giá trị. Riêng trong khoảng 10 năm từ 1993 đến 2003, ông đã tuyển chọn và biên soạn khoảng 15 cuốn sách: Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc, Quê em mến yêu, Làm con nên nhớ, Chánh tả cho người miền Nam, Huế mến yêu, Những bài thơ hay trong văn chương Việt Nam...
Nhà văn Nguyễn Thụy Long (tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Loan mắt nhung," một cuốn tiểu thuyết mà sau này giới nghiên cứu miền Bắc sau 1975 cũng hết lời ca ngợi) có viết một bài nhan đề "Vĩnh biệt ông Khai Trí," trong đó có nhắc đến hoàn cảnh đau thương của ông Khai Trí sau 1975:

"Ông Khai Trí, Nguyễn Hùng Trương, sinh năm 1926 tại Thủ Đức, Gia Định, mất hồi 5 giờ 15 ngày 11 tháng 3 năm 2005, tức ngày mồng 2 tháng 2 năm Ất Dậu, thọ 80 tuổi sau hai tuần nằm bệnh viện. Ông mất đi do sức già lực kiệt, nhiều năm ông cố gắng tranh đấu để xin lại hiệu sách vĩ đại của ông sau khi bị nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa tịch thu, sau đợt cải tạo văn hóa 1976 tại Sài Gòn. Tiệm sách của ông tại đường Lê Lợi mang tên Khai Trí bị nhà nước "quản lý", nay mang tên Phahasa của nhà nước.

Thuở đó, sau khi các sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị đi cải tạo trước, đến lượt những văn nghệ sĩ bị bắt, tác phẩm thiêu đốt và họ đều bị coi là kẻ có tội, đương nhiên bị bôi nhọ, kết tội là Biệt Kích Văn Nghệ.

Ông Khai Trí cũng bị coi là tội phạm, liệt vào hàng văn nghệ sĩ và bị bỏ tù, vì người chiến thắng cho ông là người kinh doanh và phát triển cái văn hóa đồi trụy. Những người đã từng sống ở miền Nam trước giải phóng, ai cũng biết đến ông. Gọi là ông Khai Trí mà quên cái tên cúng cơm của ông là Nguyễn Hùng Trương, ông làm được nhiều công việc lợi ích cho văn hóa Việt Nam, cả đời ông đam mê công việc ấy. Và ông quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ ở miền Nam, kể cả những văn nghệ sĩ Bắc di cư 1954. Ông Khai Trí lại ra tay giúp đỡ nhiều anh em văn nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn, mua tác phẩm của họ, tuy chưa in còn để đấy nhưng ông vẫn trả tiền đầy đủ không thiếu một xu. Ngoài ra ông tài trợ cho nhiều tờ báo hồi đó ở Sài Gòn. Tôi không biết nhiều, nhưng tôi biết về tờ báo Sống của Chu Tử, cũng có sự góp sức về mặt tiền bạc.

Bao nhiêu lần tôi đi qua đường Lê Lợi, tôi nhìn thấy ông Khai Trí buồn bã đứng ở góc đường đó, nhìn sang hiệu sách cũ của mình mang tên mới là Phahasa.

Một lần khác, cũng trong bữa giỗ ông Chu Tử, tôi hỏi ông Khai Trí về việc xin lại nhà sách Khai Trí đến đâu rồi? Ông cười chua chát:

- Phải đến năm 3000 thì may ra…

Ngày ông bị bắt, bị bỏ tù, bao nhiêu bài báo nói xấu ông, kết tội ông còn dấu bao nhiêu kho sách Ngụy, không thành thật khai báo. Chuyện thế thái nhân tình lúc ông gặp hoạn nạn, những kẻ trước đây từng chịu ơn ông, tố cáo ông bao nhiêu là tội kể cả những điều không có để lập công.

Buổi lễ tang ông Khai Trí, tại nhà ông đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Phan Thanh Giản cũ) tôi gặp nhiều bạn bè của ông, những người thuộc chế độ Sài Gòn cũ đến thắp cho ông những nén nhang và chia xẻ sự thương tiếc với gia đình ông.

Tôi nhớ mãi dáng ông Khai Trí đứng nhìn lên hiệu sách cũ của mình và câu nói chán nản của ông, năm 3000 thì người ta trả lại cho ông nhà sách Khai Trí. Sao mà chua chát thế cho ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương, cả một đời chỉ có một đam mê là làm văn hóa, giữ gìn cái hay, cái đẹp cho thế hệ mai sau.



Ông Khai Trí và tờ Thiếu Nhi tại miền Nam trước 1975

Làng Đậu Tôi đã định viết một bài về tờ Thiếu Nhi, tờ báo giáo dục lớn nhất và thành công nhất tại miền Nam trước năm 1975; nhưng rồi nhiều biến cố xảy ra khiến tôi chưa làm được việc ấy, và sáng nay (11 tháng 3 năm 2005) thì được tin: Ông Nguyễn Hùng Trương, nguyên chủ nhiệm tờ báo Thiếu Nhi và là chủ nhân Nhà sách Khai Trí tại miền Nam trước 1975 vừa từ trần tại Sài Gòn.

Xin mượn diễn đàn talawas này như một nơi để tỏ lòng tri ân và thành kính với người đã góp công không nhỏ giáo dục và đào tạo một thế hệ thiếu nhi tại miền Nam, trong đó tác giả bài này là một độc giả nhỏ bé theo cả nghiã đen lẫn nghiã bóng.

Nhắc tới Khai Trí, tôi tin rằng ai đã sống tại Sài Gòn thì không thể quên được cái tên này. (Sau 1975, nhà sách này được trưng dụng làm một cửa hàng phát hành sách tại số 60-62 Lê Lợi.)

Còn nhớ những ngày đầu sau 1975, khi còn là con mọt sách mới nở, tôi lang thang trên đường phố Sài Gòn, được mục kích tận mắt ông chủ nhiệm Nguyễn Hùng Trương trải tấm ny-lon lớn trên viả hè ngay trước cửa Nhà sách Khai Trí để bán nốt các số báo Thiếu Nhi còn sót lại; tờ báo vốn khổ to, nhưng đến gần 1975 thì nó đã co nhỏ và thu bé mình lại, chỉ còn như một cuốn sổ tay mỏng lét. Có lẽ số phận cuả nó cũng tương tự như số phận cuả các bạn thiếu nhi ở các vùng nóng trong những ngày tơi tả cuả một cuộc chiến đang đến hồi kết: cố thu mình lại là để giữ nguyên vẹn cái hình hài mà cha mẹ Việt Nam đã ban cho. Tôi còn nhớ rất rõ một bài trong một số đã phát hành, đại ý như sau: "Cho dù tờ báo có nhỏ đi, số trang có bị bớt đi và số người đọc có giảm thiểu đến bao nhiêu thì mãi mãi chủ trương, mục đích giáo dục và chất lượng cuả tờ báo vẫn sẽ không thay đổi..."

"Ông Khai Trí“ thật sự làm đúng những gì đã nêu: Tiền lời cuả nhà sách khi bán các mặt sách khác đã được đem qua để bù lỗ cho tờ Thiếu Nhi. Có lẽ riêng đối với tôi, một thằng bé đen đủi không quen biết, ông đã hành xử "bù lỗ nhiều hơn"; khi tôi hỏi mua 3 tờ Thiếu Nhi vì không đủ tiền mua nhiều, thì đã được ông cho thêm mấy tờ mà tôi muốn.

Theo nhà văn Nhật Tiến, ông Khai Trí đã có thời gian sống ở Hoa Kì, dự định mở lại Nhà Khai Trí, nhưng điều trớ trêu cho ông là hầu hết các tác phẩm cuả Nhà Khai Trí đã "được" một số nhà xuất bản hải ngoại khác in lại mà không hề nghĩ đến chuyện... bản quyền! Có lẽ đó là một trong những nguyên do chính khiến ông chán nản và trở về sinh sống tại Sài Gòn.
Tiện đây, thay mặt cho các độc giả, xin chân thành ghi ơn tất cả những người đã bỏ rất nhiều công lao viết bài cho tờ Thiếu Nhi, trong đó phải kể tới chủ biên Nhật Tiến, họa sĩ Vi-Vi (Võ Hùng Kiệt) và các nhà văn, nhà báo, các dịch giả mà tôi không thể nhớ hết tên.

Sau đây xin ghi lại những hình ảnh mà tôi còn giữ về tờ báo đã "vang bóng một thời" ấy.
Về hình thức, trang bià và trang cuối cuả tờ Thiếu Nhi lúc nào cũng được trình bày rất công phu, dùng kỹ thuật in offset, một kĩ thuật tiến bộ (và cũng đắt tiền) nhất thời bấy giờ.

Trang bià thường in hình vẽ cuả hoạ sĩ Vi-Vi về các đề tài khác nhau. Có lẽ bức tranh tôi thích nhất là bức Ông đồ, bức tranh này sau đó cũng đã được lên khung trong một bộ tem dưới cái tên cúng cơm cuả hoạ sĩ Vi-Vi: Võ Hùng Kiệt.
Nếu như trang đầu cuả tờ báo là một sự trang trọng cần thiết thì trang cuối, ngược lại, đem lại cho độc giả vô vàn thú vị qua các câu chuyện bằng tranh màu nổi tiếng dịch lại từ tiếng nước ngoài, như truyện Tin-Tin, truyện Asterix Obelix, truyện cuả Walt Disney,... Những truyện tranh này đã được chọn lọc rất kỹ trước khi đăng nên có chất lượng cao về nội dung giáo dục. Hoạ sĩ Vi-Vi cũng có góp phần vẽ minh hoạ một số truyện tranh Việt Nam.

Đến phần trong, in typo 3-4 màu, lúc nào cũng bắt đầu bằng lá thư chủ nhiệm hay chủ bút; chủ nhiệm tờ báo qua các lá thư này thường gởi những lời nhắn nhủ khuyên bảo chân tình đến các em thiếu nhi và các bậc phụ huynh về nhiều đề tài thiết thực cuả cuộc sống. Các chủ đề biến động theo sự lớn mạnh cuả lượng độc giả cũng như theo sự suy tàn cuả chế độ chính trị ở miền Nam. Nhưng cho dù thế nào, trong các mục chính cuả tờ báo, chưa bao thiếu truyện ngắn, truyện dài, truyện dịch cuả các nhà văn nhà báo miền Nam cũng như những bài văn thơ chọn lọc cuả bạn đọc hay cộng tác viên. Bên cạnh đó là các bài phổ biến kiến thức khoa học thường thức cũng như các bài về kiến thức sống. Tôi còn chưa quên các bài trích đăng cuả dịch giả Nguyễn Hiến Lê về những tấm gương thành công, những bài học về nhân cách từ các cuốn sách "học làm người". Tờ báo không bao giờ bị khô khan bởi vì nó luôn có các kì thi đố vui có thưởng, các chuyện cười do độc giả gửi tới cũng như các tiết thơ, văn, nhạc, hoạ cuả nhiều tác giả già, trẻ. Mục „Truyện cổ tích“ cũng thu hút người đọc không kém bằng các truyện cuả Tô Hoài, Nhật Tiến và nhiều cây bút cừ khôi khác. Chỗ không kém phần thú vị cuả tờ báo là hai mục: "Trả lời thắc mắc" và "Tay ngọc bên bếp hồng". Chắc không viết thì các bạn cũng rõ hai mục này để làm gì. Một lần có bạn đọc nào đó cắc cớ hỏi đố về độ cao cuả một ngọn núi tên lạ hoắc, khiến cả BBT tờ báo gặp khó dễ hết mấy tuần. Nếu tôi không lầm thì chính nhà văn Nhật Tiến đã ra thông báo rằng mục tiêu cuả mục trả lời thắc mắc không phải là để thi thố tài năng, cũng không phải để thách đố mà là hỗ trợ các bạn trong học vấn, kiến thức. Trong bài trả lời, ông đã khéo léo biến câu hỏi đố thành bài học đạo đức đáng giá.

Sau 1975, do các đợt vận động cuả chính quyền về việc "tiêu huỷ các tàn dư văn hoá đồi truỵ phản động" cũng như các đợt kêu gọi thiếu niên nhi đồng làm "kế hoạch nhỏ", những số báo Thiếu Nhi còn sót lại cuả tôi và có lẽ cũng cuả nhiều gia đình đã lần lượt ra đi. Tôi không trách gì những ngưòi thực hiện chủ trương này, nhưng nếu họ có được cái nhìn thoáng hơn và sâu xa hơn thì có lẽ những tài sản quí báu về văn hoá vốn đã bị huỷ hoại quá nhiều trong cuộc chiến cũng đỡ bị tuyệt diệt.
Tờ Thiếu Nhi, theo thiển ý, bỏ rất xa các tờ báo sau này được xuất bản dành cho thiếu nhi trong nước về cả chất lẫn phẩm, vì nó là tinh hoa cuả nhiều nhà văn, nhà báo, trí thức, nghệ sĩ góp thành và đặc biệt nó lại không chịu bất kỳ một ảnh hưởng chính trị hay một xu hướng văn hoá độc đoán nào.

Cuối cùng, xin "trình“ lại vài câu thiệu trong vô vàn các câu mà tờ Thiếu Nhi đã in trong phần footnote ở trang bià ngoài cuả các số báo:

Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan (Thích Ca)
Lấy chí nhân thay cường bạo, đem đại nghiã thắng hung tàn (Nguyễn Trãi)
Sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi

Kim Kỳ sưu tầm


















































Trở về











MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.









Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

Phan Huy Lê (1934 - 2018)









Phan Huy Lê
(23/2/1934 – 23/6/2018)
Hưởng thọ 84 tuổi

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân và một trong những chuyên gia về lịch sử Việt Nam
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam từ Khóa II đến khóa VI (1990 – 2015)
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học năm 2016
Ông là một trong "tứ trụ" của nền sử học Việt Nam (Lâm, Lê, Tấn, Vượng)



Ông sinh ngày 23 tháng 2 năm 1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là thành viên của dòng họ Phan Huy Lộc Hà. Thân sinh là Phan Huy Tùng (1878 – 1939, đỗ Hội nguyên và Tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Quý Sửu –1913), Lang trung Bộ Hình triều Nguyễn, anh cả là cựu Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Phan Huy Quát. Mẹ ông là người dòng họ Cao Xuân giàu truyền thống khoa bảng với các danh nhân như Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy.[4] Một "chi phái Phan Huy" năm 1787 đã ra ở làng Thụy Khuê xã Sài Sơn huyện Quốc Oai, Hà Nội, với các danh nhân như Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư – nhà văn hóa Phan Huy Vịnh.[5]







Tiểu sử


Phan Huy Lê sinh ngày 23 tháng 2 năm 1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1952, ông học Dự bị Đại học ở Thanh Hóa. Năm 1956, ông tốt nghiệp cử nhân Sử – Địa trường Đại học sư phạm Hà Nội, sau đó ông được nhận chức danh Trợ lý giảng dạy Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.[6]

Năm 1958, ông là chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại khi mới 24 tuổi. Năm 1988 đến nay, ông đảm nhiệm vị trí Chủ tịch hội Sử học Việt Nam. Năm 1988, ông sáng lập Trung tâm Trung tâm hợp tác nghiên cứu Việt Nam (thuộc Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội), tiền thân của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa, sau này là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.[7] Năm 1995, ông sáng lập Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.[8] 2004-2009, ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo cho Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa đã phát triển thành Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.[4]

Giáo sư Phan Huy Lê qua đời vào lúc 13 giờ 6 phút ngày 23 tháng 6 năm 2018 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, hưởng thọ 84 tuổi.[9]



Phong tặng

Giáo sư Phan Huy Lê (trái) ngày 20 tháng 3 năm 2017 tại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.
Ông được Nhà nước phong hàm giáo sư đợt đầu tiên (năm 1980) (nhưng không phải là lần phong hàm giáo sư theo Quyết định 162/CP do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 11 tháng 9 năm 1956 về việc phong hàm giáo sư cho 29 nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu); danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 1994); Giải thưởng Nhà nước (năm 2000).
Ông là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka (năm 1996)[10].
Năm 2002, ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm[11].
Năm 2011, ông được Báo Thể thao Văn hóa trao tặng giải thưởng "Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội"[12].
Tháng 5/2011, ông được bầu làm viện sĩ thông tấn nước ngoài (Correspondant étranger[13]) của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp[14][15].
Năm 2014, ông được nhận Giải thưởng danh dự Pháp ngữ năm 2014 (Prix d’honneur de la Francophonie 2014) do nhóm các Đại sứ quán, phái đoàn và tổ chức Pháp ngữ tại Hà Nội (GADIF) trao tặng[16]. Năm 2016, ông được Viện Viễn Đông Bác cổ (Pháp) trao bằng Tiến sĩ danh dự[17].
Năm 2016, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học cho công trình Lịch sử và Văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận. Ngày 17/10/2017, Đại sứ quán Nhật Bản truy tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nhật Bản cho GS. Phan Huy Lê vì Giáo sư Phan Huy Lê vì những đóng góp to lớn của ông cho sự phát triển của quan hệ hữu nghị, tin cậy lẫn nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam[18].

















Tác phẩm





1
Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Tập II
Nhà xuất bản Giáo dục, 1960; tái bản 1962.




2
Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn
Nhà xuất bản Giáo dục, 1961.




3
Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (chủ biên). Tập III
Nhà xuất bản Giáo dục, 1960; tái bản 1965.




4
Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập
(Chú thích về lịch sử và địa lý). Sử học, 1961.




5
Khởi nghĩa Lam Sơn và phong trào đấu tranh giải phóng đất nước vào đầu thế kỉ XV
(viết chung)
Nhà xuất bản Khoa học Xã hội,1965, tái bản: 1969.




6
Nguyễn Trãi toàn tập
(Chú thích, bổ sung và sắp xếp lại phần“Quân trung từ mệnh tập và chiếu biểu triều Lê”). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1976.




7
Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc
(viết chung)
Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1976.




8
Khởi nghĩa Lam Sơn
(In lần thứ ba, có bổ sung và sửa chữa)
(viết chung)
Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1977.




9
Lịch sử Việt Nam (14-6-1958), Tập 2
(Giáo trình Lịch sử Việt Nam)
Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 1978.




10
Nguyễn Trãi (1380 – 1442)
(viết chung)
1980.




11
L’itinéraire d’un historien britanique
(viết chung)
Le courier du Vietnam 1/1982.




12
Lịch sử Việt Nam, Tập I
(viết chung)
Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1983; tái bản: 1985 và 1991.




13
Nghệ Tĩnh hôm qua và hôm nay
(chủ biên)
Nhà xuất bản Sự thật, 1985.




14
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 1288
(viết chung)
Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1988.




15
Văn hoá Việt Nam tổng hợp: những bước đi của lịch sử Đại thắng Thăng Long xuân Kỉ Dậu (1789)
(viết chung)
VHVN, 1989.




16
Phan Huy Chú: Hải Trình chí lược / Récit sommaire d’un voyage en mer (1933)
(do Phan Huy Lê, Claudine Salmon & Tạ Trọng Hiệp dịch và giới thiệu)
Cahier d’Archipel 25, Paris, 1994.




17
Địa bạ Hà Đông
(Chủ trì)
Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Việt Nam xuất bản, 1995.




18
Thăng Long – Hà Nội
(viết chung)
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995.




19
Gia tộc và gia phổ Việt Nam
(tiếng Nhật) do S. Tsuboi biên tập, Nhật Bản, 1995.




20
Lịch sử và Văn hóa Việt Nam, Tiếp cận bộ phận
(2012)












Hoạt động gây tranh cãi




Câu chuyện về Lê Văn Tám

Trong bài viết đăng trên tạp chí Xưa và Nay số ra tháng 10 (năm 2009), giáo sư sử học Phan Huy Lê nói rằng ông đã được Giáo sư Trần Huy Liệu, Viện trưởng Viện sử học và cũng là Bộ trưởng Tuyên truyền hồi thập niên 1940 kể cho nghe nhân vật Lê Văn Tám là do ông Liệu dựng lên để cổ vũ tinh thần chiến đấu của người Việt. Ông Phan Huy Lê cũng nói rằng ông Trần Huy Liệu đã nói với ông và hai người khác trong một cuộc gặp: Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa. [20].




Thời đại Đồng thau

Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng bị phê phán là đã sai lầm khi dùng thuật ngữ thời đại đồng thau trong các sách của ông biên soạn, là quyển Giáo trình Lịch sử Việt Nam tập 1 (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H.1991; các tác giả: Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Lương Ninh) [23]. Theo tác giả Lê Mạnh Chiến: Sai lầm này là một “công trình tập thể”, trong đó có đóng góp to lớn của các GS Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê… Chính các ông đã rao giảng nó, truyền bá nó, tự hào về nó và ra sức bảo vệ nó.[24][25]

Tuy nhiên, về vấn đề này, Giáo sư Phan Huy Lê đã trả lời rõ ràng rằng: "Đây là thuật ngữ khảo cổ học do các nhà khảo cổ học đưa ra tương ứng với thuật ngữ “bronze age” trong tiếng Anh, từ những năm 1960. Tôi là một nhà sử học, không liên quan gì đến sự ra đời của thuật ngữ này. Đúng là thuật ngữ này được giới khảo cổ học sử dụng phố biến và khi khai thác các tư liệu khảo cổ học, người nghiên cứu thuộc các chuyên ngành khác, trong đó có tôi, cũng dùng theo." Ngược với các phê phán của Lê Mạnh Chiến, Giáo sư Phan Huy Lê khẳng định mình "với tư cách Phó trưởng ban thứ nhất Ban biên soạn đã cùng GS Nguyễn Văn Chiển là Ủy viên Ban thường trực, mời đại diện tiểu ban Khảo cổ học lên làm việc và sau khi trao đổi, Tiểu ban đã chỉnh sửa lại thành mục từ “thời đại đồ đồng”, trong đó có ghi chú “trước đây trong ngành khảo cổ học VN quen gọi là thời đại đồng thau” (TĐBKVN, T.IV, tr.262)". Thực tế ghi chép trong Từ điển Bách khoa cho thấy Giáo sư Phan Huy Lê không phải là người cố tình sử dụng thuật ngữ "đồng thau" như Lê Mạnh Chiến phê phán, mà chính là người góp phần đính chính thuật ngữ "đồng thau" trong nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học.[26]








Chú thích

^ Ngọc Diệp (ngày 23 tháng 6 năm 2018). “Giáo sư sử học Phan Huy Lê vừa qua đời ở tuổi 84”. Tuổi Trẻ. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 6 năm 2018.
^ Nhà sử học của nhân dân, Báo ảnh Việt Nam.
^ Theo gia phả và tài liệu còn lưu lại của dòng họ Phan Huy, tr. 160.
^ Hà Văn Thùy. Lời ai điếu cho một thời "tứ trụ". khoahocnet, 18/07/2018. Truy cập 1/04/2019.
^ Huy chương Văn hóa- Giáo dục hạng 3, hạng thấp nhất tặng cho giáo sư trên 15 năm tuổi nghề
^ Từ điển Dictionnaire Francais-Vietnamien của Ủy ban Khoa học xã hội do Lê Khả Kế chủ biên định nghĩa: "Correspondant: (nghĩa số 3) hội viên thông tấn. [Membre] Correspondant de l'Académie: viện sĩ thông tấn" (tr.328, bản in năm 1997).
^ “GS. Phan Huy Lê Trường ĐHKHXH&NV”. ussh.vnu.edu.vn. Truy cập 16 tháng 5 năm 2015.
^ “Tranh luận về Lê Văn Tám tiếp tục”. BBC. Truy cập 22 tháng 7 năm 2016.
^ Lý Châu Hoàn. Sự thật về "Đuốc sống" Lê Văn Tám ! Tuần báo Văn Nghệ TP.HCM số 383. 12-2015.
^ Lại nói chuyện lịch sử. Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 23/12/2015.
^ Thế giới mới số 534, ra ngày 5/5/2003, Có hay không “thời đại đồng thau” ở nước ta
^ Đôi điều về nạn cống vải, báo Đại biểu nhân dân số 13 (2492) ngày 13.1.2011
^ Lê Thúc Thông (1925), “Nam sử liệt truyện khảo cứu (I)”, Tạp chí Nam Phong.Q.17(100), tr.332-334.



Liên kết ngoài



(Theo Wikipedia)












Trở về







MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.










Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

Phan Ngọc (1925 - 2020)













Phan Ngọc

(1925 Nghệ An - 26/8/2020 Hà Nội)
Dịch giả, nhà nghiên cứu Hán học, Văn học, Triết học, Mỹ học, Dân tộc học, Văn hóa học





Phan Ngọc (1925 - 26 tháng 8 năm 2020) là một dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ông được xem là nhà bách khoa cuối cùng của thế hệ trí thức Việt Nam được đào tạo dưới thời Pháp thuộc; tuy vậy những công trình của ông cũng đã gây không ít tranh cãi về chất lượng học thuật.[1][2] Ông nguyên là chuyên viên cao cấp tại Viện Đông Nam Á, nguyên là Chủ nhiệm bộ môn đầu tiên của Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội[3]. Cụm công trình về văn hóa Việt Nam của ông gồm Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới (1994) và Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985) đã được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000[4].



Sự nghiệp

Phan Ngọc quê gốc ở xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong một gia đình khoa bảng có truyền thống Nho học, cha ông là thượng thư Phan Võ[5]. Ông sinh năm 1925 tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa năm 1925, nơi cha ông khi đó đang làm Tri phủ.

Ông có bằng tú tài vào thời Pháp thuộc, sau đó có học qua ở trường Y rồi nhập ngũ tham gia cuộc chiến chống Pháp chiến đấu trong biên chế của Sư đoàn 304, Quân đội Nhân dân Việt Nam[3]. Từ năm 1952-1954, Phan Ngọc là Trưởng phòng Phiên dịch Bộ Giáo dục[6]. Từ năm 1954-1955 ông là Sĩ quan Ban Liên hiệp đình chiến. Từ năm 1955-1958 Phan Ngọc là phụ giảng tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tổ trưởng đầu tiên của tổ Ngôn ngữ học, đồng thời kiêm nhiệm giảng viên Văn học Trung Quốc, Lý luận văn học tại khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Do có liên quan tới vụ án Nhân văn - Giai phẩm, ông không được trực tiếp giảng dạy nữa mà chuyển sang làm nhân viên dịch thuật khoa Văn[7].

Từ năm 1980-1995 ông là chuyên viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Ông được phong học hàm Phó Giáo sư năm 1992. Phan Ngọc đã giảng dạy ở Pháp, New Zealand, Hồng Kông, Singapore và viết khoảng 200 bài nghiên cứu đăng nhiều báo và tạp chí trong và ngoài nước.

Phan Ngọc là người biết nhiều ngoại ngữ. Ông từng dịch bộ Triết học Hegel từ tiếng Đức sang tiếng Việt để phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông dịch Thần thoại Hy Lạp từ nguyên bản tiếng Hy Lạp; Spartacus từ nguyên bản tiếng Ý; Chiến tranh và hoà bình từ nguyên bản tiếng Nga; Sử ký Tư Mã Thiên, thơ Đỗ Phủ... từ nguyên bản tiếng Hán; Shakespeare từ nguyên bản tiếng Anh[3].






Tác phẩm



Dịch phẩm



Chuyện làng Nho
1961


Tuyển tập kịch Sêch-xpia (Shakespeare)
1963 (dịch chung)



Chiến tranh và hòa bình
chung với Cao Xuân Hạo (bút danh Nhữ Thành)



Đê Vit Cơpơphin
(Nguyên tác: David Copperfield), 2 tập
Nhà xuất bản Văn học, 1976, 1977



Ôlivơ Tuyt
(Nguyên tác: Oliver Twist), 2 tập
Nhà xuất bản Văn học, 1986



Sử ký Tư Mã Thiên
1964, tái bản 1988 (bút danh Nhữ Thành)
tái bản có bổ sung, 1999



Hình thái học của nghệ thuật
(M. X. Kagan)



Trần trụi giữa bầy sói
1985 (dịch cùng Xuân Oánh)
(Nguyên tác: Nackt unter Wölfen của Bruno Apitz)
Hàn Phi Tử, 1990



Mỹ học (Hegel)
1800 trang, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1999





Biên soạn



Thần thoại Hy Lạp
1980 (ký tên Nhữ Thành)[6]



Từ điển Anh-Việt
1994








Nghiên cứu




Cách chữa lỗi chính tả cho học sinh
1980


Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á
1983 (cùng Phạm Đức Dương)


Nội dung xã hội và mỹ học của tuồng đồ
1984 (cùng Lê Ngọc Cầu)


Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều
1985[6]


Đỗ Phủ, nhà thơ dân đen
1990


Mẹo giải nghĩa các từ Hán Việt
1991


Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới
1994


Văn học xét theo văn hóa học


Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học
1995


Đỗ Phủ, nhà thơ thánh với hơn một nghìn bài thơ
2001







Khả năng sử dụng ngoại ngữ

Phó giáo sư Phan Ngọc ngoài việc công việc dịch giả được nhiều người biết đến, ông còn có khả năng ngữ âm rất tốt. Dù chưa bao giờ tới Nga nhưng khi Phan Ngọc nghe người khác nói ngôn ngữ này, ông có thể nhận định chính xác người đó đang nói tiếng Nga vùng bắc hay nam Sông Volga, vùng phía tây hay phía đông Moskva. Theo thông tin của Báo Thanh Niên, sau Trương Vĩnh Ký Phan Ngọc là người biết nhiều ngoại ngữ nhất ở Việt Nam. Ông biết tới 12 ngoại ngữ, trong đó sử dụng thông thạo được 6 ngoại ngữ [4][5].

Năm 1976, dịch giả Phan Ngọc đã dịch từ "Triết học Hegel" để chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV từ nguyên bản tiếng Đức, hoàn thành vượt thời hạn 3 tháng, dù trước đó ông chưa hề biết tiếng Đức[5]. Ông được gọi là "vua" dịch giả ở Việt Nam[5].




Thái độ dịch thuật

Nhưng cũng chính bản dịch Mỹ học từ Triết học Hegel của ông đã được nhà văn Phạm Thị Hoài ở Đức dùng làm minh chứng cho thái độ lựa chọn được ưa thích của một số trí thức trong nước, vừa muốn theo đúng đường lối hướng dẫn của Đảng và Nhà nước Việt Nam ("phải lấy chủ nghĩa duy vật lịch sử, phép biện chứng mác-xít và mĩ học mác-xít với hạt nhân là lý thuyết phản ánh") lại vừa muốn trình bày trí thức không chết cứng trong giáo điều, mà Phạm Thị Hoài gọi là thái độ "tuy-đúng-đường-lối-nhưng-không-giáo-điều".[1] Cũng theo đánh giá của Phạm Thị Hoài, bản dịch này của ông đã mắc những lỗi cẩu thả, đoán mò, dịch sai, tuỳ tiện thêm, bớt,... và "gần như toàn bộ bản dịch đều sai cả".[1]


Câu nói
"Đối với nhà khoa học, quan trọng nhất là quyển sách để lại; còn những cái khác là phụ"[4].


Nhận xét

"Phan Ngọc là một nhà khoa học đồng thời là một nhà tư tưởng. Và có lẽ, ông ham trở thành một nhà tư tưởng hơn. Thậm chí một nhà lập thuyết. Bởi vậy, ông thường đẩy những vấn đề khoa học (đôi khi chưa được nghiên cứu đầy đủ) thành những "thuyết", những "luận". Tôi không dám chắc một trăm phần trăm để có thể nói rằng "thuyết bricolage" về bản sắc của văn hóa Việt Nam là đúng hay sai (tuy đôi khi trong khoa học đúng sai chưa phải là quan trọng mà quan trọng là vấn đề kích thích sự nghĩ suy của xã hội). Nhưng tôi cho rằng, ít nhất, thuyết "lắp ghép" rất đúng với cá nhân nhà lập thuyết..."_
PGS-TS Đỗ Lai Thúy - Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật[4].

"Những công trình đồ sộ rất khó lòng giới thiệu đầy đủ của học giả Phan Ngọc là kết quả của một đời nghiên cứu, dịch thuật, sáng tạo không biết mỏi mệt. Khi về già, thầy mới được xuất ngoại, lần đầu nhìn thấy "mây trời ngoại quốc", dự các hội nghị khoa học và thuyết trình ở các trường đại học lớn ở Paris, Bắc Kinh, Băng Cốc. Ở đấy, người ta trân trọng giới thiệu thầy là "dịch giả Shakespeare, Sử ký Tư Mã Thiên và Mỹ học Heghen" có nơi gọi thầy là "một phần viện Triết học, Văn học, Sử học cộng lại". Ở Bắc Kinh, người ta nói: "Những học giả như ông Phan Ngọc ở Trung Quốc nay không còn nữa..."
PGS.TS Nguyễn Thái Hòa - Trường ĐHSP Hà Nội[4].

"Vận dụng thao tác cấu trúc vào nghiên cứu văn học, Phan Ngọc đã thể hiện một tài năng hơn người. Ông không nghiên cứu hình thức thuần túy như những con cờ trên bàn cờ văn học mà đi sâu khám phá, lý giải sức tác động, độ khúc xạ của những quan hệ hiện thực, lịch sử vào sự tạo thành của hình thức văn học. Vì thế công trình của ông thường có nội dung văn hóa, lịch sử phong phú. ở đây thể hiện sự uyên bác, lịch lãm và tài hoa của người nghiên cứu"
- GS Trần Đình Sử[4].

"Trong phần giới thiệu ở dạng tóm tắt nội dung dài 50 trang mở đầu bản dịch Mĩ học, Phan Ngọc trình bày một bản hướng dẫn sử dụng cái cỗ máy tư tưởng khổng lồ và có vẻ dễ gây sự cố này sao cho an toàn nhất, trên cơ sở kết hợp hai thái độ căn bản cần phải có:
a) phải lấy chủ nghĩa duy vật lịch sử, phép biện chứng mác-xít và mĩ học mác-xít với hạt nhân là lý thuyết phản ánh để phê phán những khuyết điểm và hạn chế ở Hegel;
b) phải nhìn nhận những đóng góp tích cực nhất định của Hegel. Sở dĩ chúng là những đóng góp đáng nghiên cứu bởi chúng chẳng những không hoàn toàn mâu thuẫn mà còn tương đối gần với chủ nghĩa duy vật lịch sử, phép biện chứng mác-xít và mĩ học mác-xít với hạt nhân là lý thuyết phản ánh. Thái độ thứ nhất là đương nhiên, không có gì cần chú ý. Nhưng thái độ thứ hai là thứ cho phép những người đỡ đầu như Phan Ngọc dường như vừa đi đúng đường lối vừa giúp cho đường lối ấy khỏi chết cứng trong giáo điều. Vị trí tuy-đúng-đường-lối-nhưng-không-giáo-điều vốn là sự lựa chọn ưa thích của giới trí thức trong nước..... Song như thế nào mặc lòng, trong trường hợp cụ thể này thì lựa chọn của Phan Ngọc khiến ông phải hiểu, trình bày và chuyển tải Hegel sao cho chúng ta đủ hình dung ra một trí tuệ tuy có những cái "trác việt" của nó nhưng đầy hạn chế không thể tự vượt qua, một trí tuệ ắt phải đi đến chỗ "bi kịch", "quái đản", "bế tắc"......Tôi xin phép khẳng định ngay rằng, đánh giá bản dịch của Phan Ngọc bằng cách so với nguyên tác là việc không đòi hỏi công sức gì đáng kể. Nếu nó chỉ có một số sai sót thì tìm ra chúng giữa gần một triệu chữ sẽ khổ công lắm. Nhưng nó không sai sót một cách khiêm tốn như vậy. Thật may là gần như toàn bộ bản dịch đều sai cả." - Phạm Thị Hoài nhận xét về bản dịch Mỹ học (2 tập) của Heghen (Nhà xuất bản Văn học).[1]




Ghi chú

^ a ă â b Phạm Thị Hoài (6/2002). “Sấm Hegel”. Truy cập 27/04/2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date=, |accessdate= (trợ giúp)
^ Thảo Hảo, Tôi nghi ngờ ông Heghen!, Báo Thể thao Văn Hoá, số 20, ngày 08/03/2002.
^ a ă â Theo Vusta, báo Nghệ An (26/124/2007). “Giáo sư Phan Ngọc - nhà khoa học của nhiều ngôn ngữ”. Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Truy cập 21/04/2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date=, |accessdate= (trợ giúp)
^ a ă â b c d Kiều Mai Sơn (20/04/2014). “Nhà bách khoa tài hoa”. Báo Thanh Niên Online. Truy cập 21/04/2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date=, |accessdate= (trợ giúp)
^ a ă â b Đỗ Thơm. “Gặp "vua" dịch giả biết hàng chục ngoại ngữ”. Báo Nguoiduatin Online. Truy cập 22/04/2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |accessdate= (trợ giúp)
^ a ă â Hữu Đạt (20/04/2014). “Phó giáo sư Phan Ngọc: Sự uyên bác và tài hoa”. Tạp chí văn hóa Nghệ An. Truy cập 23 Tháng 4 2013. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date=, |accessdate= (trợ giúp)
^ NGUYỄN HOÀ (20/04/2014). “HỌC GIẢ PHAN NGỌC Nhà "bách khoa" cuối cùng của một thế hệ”. Hội nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập 21/04/2014. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date=, |accessdate= (trợ giúp)




Theo Wikipedia










Tham khảo thêm về học giả Phan Ngọc










Sấm Hegel


Bertolt Brecht từng tuyên bố: „Người nào đọc Hegel là lỗi tại người ấy.“ („Wer Hegel liest, ist selbst schuld.“) Tôi không tự nguyện đọc Hegel bao giờ, cũng không ngờ có Mĩ học (Ästhetik) của Hegel trong tiếng Việt trước, còn những tác phẩm trụ cột, ít nhất là Phänomenologie des Geistes, có lẽ lại không bao giờ xuất hiện. Dịch Hegel sang tiếng Việt là việc hiếm người dám làm. Phan Ngọc đã thực hiện việc ấy, có lẽ trong cả chục năm ròng rã. Kết quả là Mĩ học, trọn bộ hai tập với lời giới thiệu của dịch giả, tổng cộng gần 1800 trang, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1999.

Sự nổi tiếng của tác phẩm này, như tất cả những tác phẩm một thời gian dài bị khoá trong hai cái ngoặc kép „có vấn đề“ (vì sao lại ngoặc kép, tôi không bao giờ cắt nghĩa nổi) mà thỉnh thoảng vẫn bị kẻ sành sỏi moi ra vài câu đầy trọng lượng để trích dẫn, rất đắt, cũng như uy tín của dịch giả khiến người đọc bản tiếng Việt tuy sớm đầu hàng, song phần đông còn sớm trút bỏ mọi hoài nghi hơn. Vả lại Mĩ học-Hegel ấy của Phan Ngọc không phải không dùng được vào việc gì. Dùng để bói, như Kinh Dịch, Trạng Trình, Nostradamus, có lẽ rất thích hợp. Giở bất kì trang nào trong gần 1800 trang đó, kể cả những trang mục lục, cũng trúng ngay một câu không có cách nào hiểu bằng lí trí đơn thuần. Dường như chỉ dành cho những trí tuệ siêu đẳng. Dường như dùng siêu ngôn ngữ. Chúng là những câu sấm.

Mĩ học của Hegel trong nguyên tác không phải là tác phẩm khó đọc và khó hiểu nhất. Nó vốn là các bài giảng ở đại học Heidelberg những năm 1817, 1818 và Berlin 1820/21, 1823, 1826 và 1828/29 về triết học nghệ thuật, sau này được soạn thành bộ. Ông thầy Hegel đứng trên bục có lẽ đã phải truyền đạt những tư tưởng dù không đơn giản của mình sao cho người nghe có thể theo dõi và tiếp thu được. Ngôn ngữ của các bài giảng ấy là một ngôn ngữ hàn lâm trừu tượng nhưng tương đối sáng tỏ, phần lớn là đủ mạch lạc, nhiều đoạn dài còn có vẻ giản dị. Không hề là ngôn ngữ sấm.

Tôi xin phép khẳng định ngay rằng, đánh giá bản dịch của Phan Ngọc bằng cách so với nguyên tác là việc không đòi hỏi công sức gì đáng kể. Nếu nó chỉ có một số sai sót thì tìm ra chúng giữa gần một triệu chữ sẽ khổ công lắm. Nhưng nó không sai sót một cách khiêm tốn như vậy. Thật may là gần như toàn bộ bản dịch đều sai cả. Hoạ chăng phải làm ngược lại: phải lặn lội giữa gần một triệu chữ ấy, tìm ra một vài chỗ đúng. Song chúng ta biết rằng, một vài chỗ đúng không có giá trị gì, vì triết học nghệ thuật của Hegel là một hệ thống có trình tự và quy củ của nó, tuy chứa đựng không ít mâu thuẫn (từng được các học giả mác-xít rất chú mục), lại thêm một số rối ren do việc biên soạn các bài giảng thành một bộ sách đem lại, nhưng muốn vào thì không thể nhảy cóc và đọc tủ. Cái sai chỉ ở một chỗ dù nhỏ trong bản dịch cũng khiến mọi cái đúng trước đó và sau đó thành vô nghĩa, thậm chí có thể thành xuyên tạc.

Có ba khía cạnh liên quan đến chất lượng bản dịch cần lưu ý:

1. Bản tiếng Việt chúng ta đang nói tới được dịch từ tiếng Nga, có tham khảo một số bản tiếng Nga, Pháp, Trung khác và đối chiếu với bản tiếng Ðức [1] . Bản tiếng Ðức ra năm 1955 chỉ có thể là bản của Friedrich Bassenge, do Aufbau-Verlag Berlin und Weimar xuất bản, vì vậy tôi cũng dùng bản đó để đối chiếu một lần nữa. Việc chuyển qua chuyển lại, từ tiếng Ðức sang tiếng Nga, từ tiếng Nga sang tiếng Việt, với sự tham dự không rõ mức độ của tiếng Pháp và tiếng Trung, khiến một số yếu tố nhất định như cấu trúc câu, giọng văn, nhịp văn, hình ảnh, cách diễn đạt, những chi tiết đệm... không còn giá trị so sánh nữa, vậy tôi xin bỏ qua, chỉ tập trung vào những gì không được phép sai lệnh dù qua bao nhiêu chuyển dịch. Ai đó có thể hỏi, sao dịch giả không dịch thẳng từ bản tiếng Ðức, khỏi mất công đi vòng rồi lại quay về đối chiếu với chính bản tiếng Ðức. Tôi không thấy thắc mắc này hoàn toàn hợp lí. Việc đối chiếu, có lẽ trong trường hợp này là đối chiếu giản lược, không nhất thiết đòi hỏi khả năng ngoại ngữ như việc dịch. Vậy tôi sẽ không lấy bản tiếng Ðức ra làm chuẩn mực khe khắt, dịch giả đã không trực tiếp dịch từ tiếng Ðức. Công bằng hơn cả phải đánh giá bản dịch của Phan Ngọc trên cơ sở gốc của nó là bản tiếng Nga năm 1968. Các bản dịch Hegel ra tiếng Nga nói chung đều được giới chuyên môn ở Ðức xếp vào hạng có uy tín. Cá nhân tôi càng không tin là nước Nga, ở thời điểm đó là cường quốc Liên Xô, cố tình bóp méo Hegel, khiến Hegel kiểu Việt vô tình méo theo, song cũng không dám nhất quyết loại trừ một khả năng chưa được kiểm chứng mà lại li kì như vậy. Tuy nhiên có hai lí do khiến việc dùng bản tiếng Ðức để đánh giá vẫn là cần thiết: thứ nhất, dịch giả cho biết có đối chiếu với bản tiếng Ðức, dù không nêu rõ đối chiếu ở cấp độ nào; thứ hai, mục đích chính của chúng ta cuối cùng vẫn là để xác định: tác phẩm Mĩ học của Hegel trong tiếng Việt - nếu nặng lời - là sự huỷ diệt nguyên tác trong tiếng Ðức, mà cái xác ấy, nói theo ý Nguyên Ngọc [2] , thật tội nghiệp không còn là xác Hegel. Nói nhẹ hơn, nó là một biếm hoạ miễn cưỡng của nguyên tác, có thể gây hiệu quả ngoài ý muốn, là khiến người đọc phải thường xuyên bật cười.

2. Mĩ học của Hegel gần như là tác phẩm triết học phương Tây đồ sộ đầu tiên được dịch sang tiếng Việt và chính thức lưu hành ở Việt Nam, nếu không kể những tác phẩm triết học Marx-Lenin (dường như không được tính vào phương Tây) và một ít tác phẩm triết học hiện đại, chủ yếu của Pháp và Ðức, từng được phổ biến ở miền Nam trước 1975. Chỉ nói riêng về phương diện thuật ngữ, người dịch đi tiên phong như Phan Ngọc cũng hầu như không thể không thất bại trước hai thử thách quá sức một người đơn độc.

Thứ nhất, phải tự mình xây dựng một hệ thống thuật ngữ phần lớn chưa ai biết. Về điều này, Nguyên Ngọc đã trình bày rất rõ. Với bản dịch Mĩ học, Phan Ngọc có thêm một đóng góp ngoạn mục vào tình trạng hỗn loạn thuật ngữ nói chung, song ông không phải là người đầu tiên và cuối cùng. Ðương nhiên những bất cập ở một dịch giả có uy tín bao giờ cũng có vẻ trầm trọng hơn tự chúng.

Thứ hai - và ở đây thì chúng ta cũng thật khó trách riêng một Phan Ngọc -, một phần đáng kể các khái niệm triết học phương Tây, dù có được dịch chính xác, cũng không thể truyền đạt đúng nội dung mà chúng tải, vì nghĩa của chúng trong tiếng Việt đã bị chiếm, bị cố định, và bị lũng đoạn quá lâu dài và mạnh mẽ bởi những hệ thống tư duy và môi trường văn hoá khác.

Ðịa vị thống lĩnh mấy ngàn năm của các tư tưởng phương Ðông truyền thống trong tiếng Việt khiến mọi tư tưởng khác muốn xuất hiện và trụ lại trong ngôn ngữ này phải đủ sức cạnh tranh thật sự, hoặc phải được bảo hộ và bao cấp mãnh liệt, hoặc phải tìm ra những cơ hội và phương tiện chưa bị sở hữu. Một ví dụ nhỏ: nếu chữ sắc không có một đời sống vững vàng thuộc hẳn về Phật giáo như thế, thì cái Schein của Hegel trong Mĩ học dịch thành sắc có lẽ là đắt. Nếu phải dịch, tôi cũng tránh chữ sắc mà dùng chữ vỏ. Song Phan Ngọc đã làm khác, ông dịch là ngoại hiện, để rồi đương nhiên sẽ khó xử với những khái niệm khác như das Äußere, der Ausdruck, Entäußerung, Vergegenständlichung, và nhất là Erscheinung, rồi gần như trong cùng một câu, vẫn cái ngoại hiện ấy được dịch là bộc lộ, phát hiện và biểu hiện (tr. 65, I). Tất cả những tâm, thức, tuệ, tri, giác, niệm, định, hằng, tồn, ngã, dục... đều đã yên bề như vậy cả, không dễ gì huy động vào việc trái với thói quen lâu đời của chúng.

Ðịa vị độc tôn nửa thế kỉ nay của chủ nghĩa Marx-Lenin, hay quan trọng hơn: toàn bộ môi trường văn hoá nảy sinh từ sự hiện diện của nó tại Việt Nam, cũng đẩy mọi tư tưởng khác vào thế bất lợi về ngôn ngữ diễn đạt [3] . Một trong những dấu ấn còn lâu mới phai mờ trong tiếng Việt, dù những thế lực đóng dấu ấn ấy có thể đang qua đi, là dấu ấn của ngôn ngữ cách mạng với thói quen khuếch trương mọi nội dung cần truyền đạt lên tầm hoành tráng và cao cả. Một tập thể, một xã hội, một nhân loại được mệnh danh là tiến bộ, dường như hoành tráng hơn một cá nhân, vậy đời sống cá nhân hãy khoác lấy tấm áo ngôn ngữ cỡ rộng vốn dành cho sinh hoạt tập thể. Ðiều thú vị là phần lớn chúng ta bơi trong cái áo thùng thình, bùng nhùng, rõ ràng là thứ đi mượn ấy, không những không ngượng mà còn nhanh chóng thấy hợp ý. Vừa cất giấu an toàn phần riêng tư của mình, vừa như được nâng lên một tồn tại lớn lao hơn. Chúng ta không khuyên bảo nhau nữa, mà đả thông nhau; thay vì phải lòng, ngỏ lời, yêu đương rồi lấy nhau thì chúng ta tiến hành các bước: có cảm tình, đặt vấn đề, tìm hiểu, rồi xây dựng hoặc tổ chức. Mở miệng là chúng ta xuất ra những ý thức, tinh thần, tình hình, hoạt động, lí tưởng, giác ngộ, ý chí, tâm niệm, chủ trương, mục đích v.v... Rủi cho Hegel và càng rủi cho Phan Ngọc, những khái niệm then chốt trong Mĩ học: Geist, Ideal, Wirklichkeit, Entfremdung... đều là những chữ chúng ta ưa phát ngôn như thế:

a. Hoặc đó là những chữ đã có nơi chốn, đã kết-nghĩa rõ ràng, không còn một chút tự do nào nữa. Nói cách khác, dường như cái vỏ chữ của chúng đã đóng kín, không nghĩa mới nào còn lách được vào. Chúng là những con thuyền đã cắm bến, không nhận chở thêm nghĩa nào, nhất là nghĩa lạ. Cái Weltanschauung ở Marx đã chắc chắn là thế giới quan trong tiếng Việt, dường như vì thế mà Phan Ngọc khó xử với cái Weltanschauung ở Hegel, thỉnh thoảng ông cho phép nó vẫn là thế giới quan, còn phần lớn là nhãn kiến thế giới, và có lúc – lúc quan trọng - nó bỗng là cái nhìn của thế giới. Hegel: Totalität der Weltanschauung, Phan Ngọc: cái nhìn của toàn bộ thế giới (!). Quả nhiên phải bật cười. Das Ideal của Hegel, Phan Ngọc dịch là lí tưởng. Lí tưởng trong tiếng Việt có một đời sống hoàn toàn khác, bị hạn chế trong những nội dung rất cụ thể. Một thời gian dài, lí tưởng được hiểu duy nhất theo nghĩa lí tưởng cách mạng mà biểu hiện cụ thể là việc đi theo cách mạng, trở thành đảng viên cộng sản. Lí tưởng trong nghệ thuật thì đơn giản là hoài bão sáng tạo nghệ thuật. Còn lí tưởng theo nghĩa phổ biến nhất thì đồng nghĩa với ý chí phấn đấu cho một mục đích nào đó. Không có một nghĩa thực sự tồn tại nào của lí tưởng trong tiếng Việt đủ độ thân thích với nghĩa của das Ideal ở Hegel. Nếu dịch ngược thì lí tưởng trong tiếng Việt phần lớn tương đương với Idealismus trong tiếng Ðức, song chuyển sang tiếng Việt, Idealismus chỉ là chủ nghĩa duy tâm. Dịch chính xác hơn, thành cái lí tưởng thì may ra loại trừ được một số nghĩa gây nhiễu của lí tưởng. Tiếc rằng Phan Ngọc không chọn giải pháp này một cách nhất quán. Ông không hề nhất quán trong mọi giải pháp.

b. Hoặc đó là những chữ chẳng hề bị buộc vào đâu cả, chúng hoàn toàn tự do, chúng là những cửu vạn chở mướn cho toàn thiên hạ, tự chúng tuyệt đối vô nghĩa, không đủ sức làm một khái niệm độc lập nữa. Cái vỏ chữ của chúng đã hoàn toàn rách nát. Tinh thần là một chữ cửu vạn hăng hái như thế. Chúng ta có đủ thứ tinh thần: tinh thần lao động, tinh thần kỉ luật, tinh thần đoàn kết, tinh thần xây dựng, tinh thần dân tộc, tinh thần nghị quyết... Trong muôn vàn cách thăm hỏi, ta có thể hỏi bạn: “Sao, tinh thần thế nào?”, và bạn đáp rằng: “Tinh thần là dạo này đói lắm”, để sau đó ta có phận sự “lên dây cót tinh thần” cho bạn. Khi được giao nhiệm vụ chuyển tải cái nghĩa của Geist ở Hegel thì tinh thần trong tiếng Việt đã kiệt sức bởi những vụ làm thuê triền miên ngoài chương trình từ nguyên như thế. Cho nên cái Weltgeist của Hegel có thể được hiểu là chủ nghĩa quốc tế, vì tiếng Việt của nó là tinh thần thế giới; và objektive Geistlichkeit, tinh thần khách quan trong bản dịch của Phan Ngọc, thì đồng nghĩa với thái độ trung lập, không thiên vị, không định kiến. Sự tha hoá, tiếng Việt của Entfremdung, cũng vậy. Thuở ban đầu, khi đi kèm với biến chất, nó vẫn quanh quẩn ở đâu đó trong phạm vi có thể truy ngược về nghĩa gốc, nhưng trong tư duy của nửa thế kỉ qua thì biến chất tất yếu là chuyển từ chất vô sản, tiến bộ, tốt đẹp sang chất tư sản, phản động, xấu xa. Biến chất là tha hoá. Vậy ngoại tình là tha hoá, viết văn uỷ luỵ cũng là tha hoá, lười lao động lại càng là tha hoá, một lúc nào đó muôn vàn sự sa đoạ, đổ đốn - hay nói đúng hơn: bị coi là sa đoạ, đổ đốn - của con người đều được gọi chung là sự tha hoá [4] , chỉ có cái Entfremdung của Hegel ngơ ngác đâm đầu vào đấy là nhầm cửa mà thôi.

3. Chúng ta biết rằng muốn được giới thiệu, dù chỉ trong phạm vi tham khảo nội bộ và dành riêng cho giới nghiên cứu thì mọi tư tưởng không trùng khít với hệ tư tưởng chính thống tại Việt Nam phải được đỡ đầu chu đáo. Giới chuyên lót đường cho những vị khách lạ ấy thành công hay thất bại tuỳ thuộc ở nhiều phương diện, song quan trọng là ở khả năng dẫn khách với giá nào. Giới ấy có những kinh nghiệm thú vị của họ. Họ có thể cho rằng, dẫn được một con chim cánh cụt đến nhà cá là việc chính, còn cắt cái cánh đằng nào cũng cụt của nó và thay vào đó cái vây là chuyện phụ. Tôi từng muốn trải thảm cho Kafka bằng cách khăng khăng tuyên dương ông là con chim bơi sâu hơn cá, không nhà văn Việt nào lặn ngụp trong hiện thực Việt Nam hơn Kafka, là tai hoạ cho văn chương Việt Nam hơn Kafka, nhưng tôi không thành công. Phan Ngọc uyển chuyển hơn nhiều, ông khen, chê, thêm cái vây này, cắt cái cánh kia, chỗ nào có thể trung thành thì trung thành, chỗ nào cần sáng tạo cho hợp hoàn cảnh và khí hậu Việt Nam thì linh động sáng tạo, mà đừng chẳng được thì ông thổi cho Hegel thành rối tung mù mịt, một Hegel vô nghĩa đương nhiên vô hại và an toàn.

Trong phần giới thiệu ở dạng tóm tắt nội dung dài 50 trang mở đầu bản dịch Mĩ học, Phan Ngọc trình bày một bản hướng dẫn sử dụng cái cỗ máy tư tưởng khổng lồ và có vẻ dễ gây sự cố này sao cho an toàn nhất, trên cơ sở kết hợp hai thái độ căn bản cần phải có: a) phải lấy chủ nghĩa duy vật lịch sử, phép biện chứng mác-xít và mĩ học mác-xít với hạt nhân là lí thuyết phản ánh để phê phán những khuyết điểm và hạn chế ở Hegel; b) phải nhìn nhận những đóng góp tích cực nhất định của Hegel. Sở dĩ chúng là những đóng góp đáng nghiên cứu bởi chúng chẳng những không hoàn toàn mâu thuẫn mà còn tương đối gần với chủ nghĩa duy vật lịch sử, phép biện chứng mác-xít và mĩ học mác-xít với hạt nhân là lí thuyết phản ánh. Thái độ thứ nhất là đương nhiên, không có gì cần chú ý. Nhưng thái độ thứ hai là thứ cho phép những người đỡ đầu như Phan Ngọc dường như vừa đi đúng đường lối vừa giúp cho đường lối ấy khỏi chết cứng trong giáo điều. Vị trí tuy-đúng-đường-lối-nhưng-không-giáo-điều vốn là sự lựa chọn ưa thích của giới trí thức trong nước (người anh em sinh đôi của nó ở hải ngoại là tuy-quốc-gia-nhưng-mềm-dẻo) và là sự lựa chọn có vẻ lương thiện duy nhất tương đối an toàn. So với những lựa chọn tuyệt đối an toàn (trong đó có cả lựa chọn vô can) thì nó là một cái gì nhang nhác sự dũng cảm. Có lẽ cũng đã đến lúc cái nhang nhác dũng cảm và thường được âu yếm gọi là “mạnh dạn” đó nên tìm ra mình, để chỉ giống chính mình thì sòng phẳng hơn. Song như thế nào mặc lòng, trong trường hợp cụ thể này thì lựa chọn của Phan Ngọc khiến ông phải hiểu, trình bày và chuyển tải Hegel sao cho chúng ta đủ hình dung ra một trí tuệ tuy có những cái “trác việt” của nó nhưng đầy hạn chế không thể tự vượt qua, một trí tuệ ắt phải đi đến chỗ “bi kịch”, “quái đản”, “bế tắc”.

Chúng ta, người đọc Việt, phải lấy làm tiếc cho cái tài năng đi trệch đường và bị lịch sử bỏ qua không nhân nhượng ấy và bày tỏ lòng thông cảm bằng cách... đọc bản dịch Mĩ học, dù đó là việc thực ra không cần thiết, bởi cái dở của nó chúng ta biết rồi, mà cái hay chẳng qua chỉ gần bằng cái hay của chúng ta, cũng biết rồi, mà thôi. Phan Ngọc khen Hegel nói hay về “câu chuyện nhân tính của nghệ thuật” (!) - câu chuyện chúng ta đã thuộc lòng - và bình luận rằng: “Nhân tính của nghệ thuật nằm ngay trong sự chiếm hữu của con người đối với hiện thực khách quan. Ví thử nhà triết học kéo cả lao động sản xuất vào đó thì câu chuyện đã xong xuôi từ lâu” (tr. 11, I). Kéo vào đâu? Vào nhân tính của nghệ thuật, vào nghệ thuật, vào sự chiếm hữu của con người đối với hiện thực khách quan, hay vào hiện thực khách quan? Câu trả lời không quan trọng, vì với chúng ta thì câu chuyện xong xuôi từ lâu, có lí do gì mà đọc một kẻ nói mãi chưa xong chuyện như Hegel? Khi Hegel không đủ tầm nhận thức rằng các khái niệm mà ông “đã xác lập rất tài giỏi đều xuất phát từ đấu tranh chống thiên nhiên và đấu tranh giai cấp” (tr. 12, I); không biết “cụ thể hoá khái niệm con người là quần chúng lao động” để “khái niệm nhân loại của ông khỏi trừu tượng” (tr. 12, I); chỉ biết “than phiền về sự tan rã của nghệ thuật” (!) mà “không thấy triển vọng của một nghệ thuật vì quần chúng lao động” (tr. 13, I) và hoàn toàn không đủ khả năng “xây dựng một mĩ học cho người lao động” (tr. 22, I) thì ông còn dùng được vào việc gì? Khi chúng ta bẩm sinh đã mang sẵn lí thuyết phản ánh trong người thì một kẻ hì hục lặn lội mãi mới “tiến gần đến lí luận phản ánh” (tr. 21, I) như Hegel chỉ còn đáng thương. Và tuy Phan Ngọc nhiệt tình mời chúng ta đọc Mĩ học “để trèo lên vai Hegel” (tr. 54, I), nhưng động tác đó thực ra không khả thi: Marx đã lộn ngược Hegel cho cắm đầu xuống đất mất rồi. Còn chính Phan Ngọc lại bảo: “Tôi biết trong từng lĩnh vực của nghệ thuật Việt Nam các bạn của tôi có nhiều kiến thức hết sức quý báu mà Hegel không sao có được“ và mong muốn chúng ta hãy “chuyển hoá biện chứng pháp này (của Hegel) sang con đường thoả mãn những nhu cầu vật chất và những đòi hỏi của tâm thức Việt Nam” (tr. 54, I). Chuyển biện chứng pháp của Hegel sang con đường thoả mãn những đòi hỏi của tâm thức Việt Nam? Chuyển biện chứng pháp của Hegel sang con đường thoả mãn những nhu cầu vật chất của chúng ta? Ai đã hiểu ý tứ của câu ấy có thể chuyển sang tìm hiểu một câu khác: Phan Ngọc cho rằng tuy “tác phẩm của Hegel đọc hết sức rối rắm, khó hiểu. Nhưng nếu ta vứt nó đi thì chẳng khác gì đổ chậu nước tắm cùng với đứa trẻ đang được tắm” (tr. 22, I). Tác phẩm của Hegel với sự rối rắm, khó hiểu của nó ví như chậu nước tắm. Ðứa trẻ nào bỗng tắm trong đó khiến ta không đành lòng hất đi?

Như trên đã nói, gần như toàn bộ bản tiếng Việt của Mĩ học đều sai cả, hoạ hoằn có chỗ tạm đúng về nghĩa thì cái nghĩa ấy lại bị cách diễn đạt che tối hoặc sơ lược hoá, thậm chí dung tục hoá. Trong phạm vi bài này tôi xin nêu một số lỗi chính của bản dịch:


Ðọc sai

Ðây là một trong hai khuyết điểm trầm trọng nhất và cũng thường xuyên nhất. Hầu như bất kì câu phức hợp, có nhiều mệnh đề lồng vào nhau nào - đáng tiếc lại là sở trường của các triết gia Ðức mà Hegel thuộc hạng dẫn đầu - cũng bị đọc nhầm. Vừa buớc vào phần Dẫn luận, câu phức hợp đầu tiên của bản dịch đã thất bại: “Thực ra, danh từ Ästhetik (“mĩ học”), không hoàn toàn thích hợp với đối tượng chúng ta khảo sát, bởi vì mĩ học kể ra chỉ là khoa học, khảo sát cảm giác, tình cảm. Nếu hiểu như vậy, thì mĩ học đã nảy sinh ở trong trường phái Vônphơ với tính cách một khoa học mới, hay ít nhất là với tính cách mầm mống của một nền triết học tương lai. Trong lúc đó, ở Ðức vẫn quen khảo sát các tác phẩm nghệ thuật ở trong mối liên hệ với những tình cảm mà chúng cần phải nêu lên - chẳng hạn liên hệ với những khoái cảm, tình cảm ngây ngất, sợ hãi, cảm thương v.v...” (tr. 55, I).

Chưa kể cách diễn đạt vụng về (“khảo sát các tác phẩm nghệ thuật ở trong mối liên hệ với những tình cảm mà chúng cần phải nêu lên”), người chỉ đọc bản tiếng Việt không thể hiểu toàn bộ sự lằng nhằng đầy mâu thuẫn của đoạn này được viết ra nhằm mục đích gì. Mĩ học kể ra chỉ là khoa học, vậy mà chính trong cái nghĩa phải hiểu như vậy thì nó đã nảy sinh ở đâu đó với tính cách một khoa học mới, mà ở Ðức thì người ta quen khảo sát abc, còn vì sao phải nêu cái khảo sát abc đó ra trong đoạn này thì chịu, không ai cắt nghĩa nổi. Không trách Thảo Hảo than rằng, đọc rồi không biết nội dung cái vừa đọc là gì mà thuật lại [5] .

Cả đoạn trên ở Hegel là một câu như sau: „Dĩ nhiên là với đối tượng này (tức „vương quốc rộng lớn của cái Ðẹp“, đã xác định trong câu mở đầu phần Dẫn luận - PTH) thì cái tên Ästhetik thực ra không hoàn toàn phù hợp, vì đúng ra thì Ästhetik là tên của môn khoa học về giác quan, về cảm xúc; và hiểu theo nghĩa này thì nó, với tư cách một môn khoa học mới, hay đúng hơn là một bộ môn triết tương lai, bắt nguồn từ trường phái Wolff vào cái thời điểm mà ở Ðức người ta thường xem các tác phẩm nghệ thuật với ý chú trọng những cảm giác mà chúng phải gợi ra được, chẳng hạn cảm giác dễ chịu, cảm giác ngưỡng mộ, sợ hãi, thương xót v.v…“ („Für diesen Gegenstand freilich ist der Name Ästhetik eigentlich nicht ganz passend, denn “Ästhetik” bezeichnet genauer die Wissenschaft des Sinnes, des Empfindens, und hat in dieser Bedeutung als eine neue Wissenschaft oder vielmehr als etwas, das erst eine philosophische Disziplin werden sollte, in der Wolffischen Schule zu der Zeit ihren Ursprung erhalten, als man in Deutschland die Kunstwerke mit Rücksicht auf die Empfindungen betrachtete, welche sie hervorbringen sollten, wie z.B. die Empfindungen des Angenehmen, der Bewunderung, der Furcht, des Mitleidens usf.“, tr. 13, I, bản tiếng Ðức.)

Chúng ta thấy rõ, Hegel tìm cách lấy cái tên vốn dùng cho một ngành khoa học khác, nảy sinh trong một hoàn cảnh khác, cho môn triết học nghệ thuật của mình ra sao. Ông muốn khoanh rõ phạm vi mình đang chuẩn bị bàn đến. Không có gì là quá phức tạp.

Song ngay cả những câu đơn giản hơn nhiều cũng bị đọc sai. Ðọc câu „Cũng giống như thơ trữ tình phương Ðông, thơ trữ tình Hi Lạp và La Mã khác thơ trữ tình lãng mạn“ của Phan Ngọc (tr. 715, II), chúng ta phải ngạc nhiên. Trình tự phát triển của nghệ thuật theo Hegel là tượng trưng - cổ điển - lãng mạn. Sao bỗng nhiên cái cổ điển của Hi Lạp và La Mã phải giống cái tượng trưng của phương Ðông, để cả hai được khác cái lãng mạn? Hegel nói câu ấy như sau: „Thơ trữ tình của người Hi Lạp và La Mã cũng khác với thơ trữ tình lãng mạn, hệt như khác với thơ trữ tình phương Ðông.“ („Wie von der orientalischen, so unterscheidet sich die Lyrik der Griechen und Römer auf der anderen Seite ebensosehr von der romantischen.“, tr. 506, II, bản tiếng Ðức) Vậy là Hegel tự mâu thuẫn ở đâu, chứ không ở một ý hoàn toàn nằm trong quỹ đạo tư duy của mình như vậy.


Dịch vô nghĩa

Hãy lấy ngay ví dụ do Thảo Hảo nêu: “Trong khi cố gắng tác động ra ngoài và biểu hiện cái bên ngoài nghệ thuật nhằm mục đích gây tác động ra ngoài, và nét chung nhất là cố gắng gây ấn tượng. Nghệ thuật có thể đạt được những hiệu quả này nếu như nó sử dụng yếu tố xấu xí, gò ép, đồ sộ, những hiệu quả mà ở đấy thiên tài phi thường của Miken Ăngcơ đã biểu hiện, hay sử dụng những sự đối lập rõ rệt để gây nên những tương phản nhất định” (tr. 13, II). Ðương nhiên đó là một đoạn vô nghĩa như muôn vàn đoạn khác trong bản dịch. Dường như muốn làm một câu sấm qua sự lặp lại liên tục của “tác động ra ngoài”, “biểu hiện cái bên ngoài”, rồi lại “tác động ra ngoài”, của ba lần “gây” và hai lần “cố gắng”, hai lần “biểu hiện”, hai lần “hiệu quả”. Nhưng để làm sấm thì nó thiếu sự cô đọng cần thiết.

Ðoạn ấy là một câu như sau: “Khi toàn bộ cái cấp bậc nghệ thuật này chủ trương tác động hướng ngoại bằng cách thể hiện cái bề ngoài thì một nét chung nữa của nó có thể được nêu thêm ra ở đây là hiệu quả có được qua sử dụng những phương tiện gây ấn tượng như cái khó ưa, cái gắng gượng, cái đồ sộ (một thiên tài ghê gớm như Michelangelo thường sa đà vào đó chẳng hạn), hay sự tương phản mạnh mẽ, v.v…“ (“Insofern nun aber diese ganze Stufe der Kunst auf die Wirkung nach außen hin durch die Darstellung des Äußeren losgeht, können wir als ihre weitere Allgemeinheit den Effekt angeben, der sich denn auch des Ungefälligen, Angestrengten, Kolossalen, wohin z.B. das ungeheure Genie des Michelangelo oft ausschweift ist, schroffer Kontraste usf. als Mittel des Eindruckes bedienen kann“, bản tiếng Ðức, tr. 12, 13, II.)

Cái cấp bậc nghệ thuật đang nói tới là cấp bậc của phong cách vừa lòng (Hegel: der gefällige Stil; Phan Ngọc: phong cách thú vị) sau phong cách nghiêm ngặt (Hegel: der strenge Stil; Phan Ngọc: phong cách trang trọng) và phong cách lí tưởng. Lời dịch của Phan Ngọc tất nhiên không cho thấy tiến trình này, mà những đặc trưng của mỗi giai đoạn phát triển cũng hoà tan trong đống hổ lốn của những kí hiệu hình như là chữ Việt.


Suy diễn và đoán mò

Tôi luôn hình dung ra một vở kịch phi lí với ba nhân vật, gồm Hegel, dịch giả Phan Ngọc và người đọc Việt, trong đó thỉnh thoảng người đọc Việt lại gật gù, tiến ra bắt tay Hegel, còn Hegel thì quay sang bắt tay Phan Ngọc cảm ơn. Cả ba đều hạnh phúc. Hegel nói gì mặc kệ, ông ta có thể bỏ tiếng Ðức mà dùng tiếng sao Hoả, không sao cả, miễn là Phan Ngọc còn khả năng đoán ý. Ðoán mò cũng không sao cả, miễn là trúng cái tai của người đọc Việt. Nghe đoạn “Nó xua tan nỗi buồn bực của ta trong những giờ nhàn rỗi, và ngay cả ở nơi không thể có điều gì tốt lành thì ít nhất nghệ thuật cũng thay thế cái xấu, và điều đó cũng còn tốt hơn là cái xấu” (tr. 59, I), người đọc Việt thấy lọt tai lắm, khen cho Hegel có quan điểm hợp lí, rất gần gũi với chúng ta. Nghệ thuật mà thay thế cái xấu thì đương nhiên là tốt hơn cái xấu rồi.

Ý Hegel thực ra như sau: lúc nhàn rỗi thì cái đẹp và nghệ thuật là thứ thú vị để xua đuổi thời gian (chứ không xua tan nỗi buồn bực nào như suy diễn của người dịch), và khi không có điều Thiện nào mà thực thi thì nó (cái đẹp và nghệ thuật) nhảy vào chỗ cái Ác, ít ra nó cũng giữ chân này giỏi hơn cái Ác. (“… indem sie… die Müßigkeit auf eine unterhaltende Weise tilgt und, wo es nichts Gutes zu vollbringen gibt, die Stelle des Bösen wenigstens immer besser als das Böse einnimmt”, tr. 15, I, bản tiếng Ðức.) Quả nhiên không phải là một ý tưởng gần gũi với chúng ta. Chỗ nào có vẻ bùi tai trong bản dịch của Phan Ngọc là chỗ ấy suy diễn và đoán mò, quy tắc này có thể áp dụng triệt để.


Giản lược hoá và dung tục hoá

Và một quy tắc nữa: chỗ nào có vẻ bùi tai - khi chúng ta chỉ nghe loáng thoáng nửa tai -, là đã được dịch giả dàn xếp thế nào đó. Cách dàn xếp thông dụng nhất là vứt bỏ mọi khía cạnh rối rắm, mọi so sánh phiền toái, mọi ý tứ quá tế nhị, mọi liên tưởng quá xa xôi, chỉ giữ lại cái mà dịch giả quan niệm là ý chính. Cả đoạn nói về châm biếm hiện đại (tr. 283, I) là như vậy, và nếu đủ khả năng đọc vỡ những câu văn bí hiểm của Phan Ngọc, có lẽ chúng ta cũng tưởng mình đã nắm được ý chính, ai nhẹ dạ còn có thể chép câu sau đây vào sổ tay để dùng khi có dịp: “Với tính cách một nghệ thuật huỷ bỏ tất cả do tính chất rầu rĩ vô bổ của nó, châm biếm, cũng như sự ham muốn mà chúng tôi đã nói ở trên, đi đến một trình độ không nhất quán, chẳng có gì là nghệ thuật cũng chẳng quan hệ gì với cái lí tưởng thực sự.” Hegel đã được xào xáo lại theo cách chém to kho mặn, miễn sao ăn được. Câu ấy vốn là mệnh đề kết thúc một loạt các trình bày về những khía cạnh khác nhau và về bản chất của châm biếm hiện đại: “... cho nên cũng như cái khao khát kia, châm biếm là một nghệ thuật chối bỏ toàn diện so với cái lí tưởng đích thực, nó đồng thời hàm chứa mặt thiếu nhất quán nghệ thuật nội tại.” (“…so behält die Ironie als diese allseitige Vernichtungskunst wie jene Sehnsüchtigkeit, im Vergleich mit dem wahren Ideal, zugleich die Seite der inneren unkünstlerischen Haltungslosigkeit“, tr. 161, I, bản tiếng Ðức).


Tuỳ tiện thêm, bớt

Dịch đương nhiên là cho nguyên tác thêm một cái gì, trước hết là một đời sống mới trong một ngôn ngữ khác. Và tước đi một cái gì, trước hết là những đặc trưng không thể tái hiện ngoài phạm vi văn cảnh gốc. Song phần còn lại để chuyển ngang giá trị của mọi văn bản, có lẽ chỉ trừ thơ, vẫn đủ lớn và đủ cố định để đòi hỏi trung thành với nguyên tác còn là chính đáng. Những ví dụ đã nêu đều cho thấy độ chênh lớn giữa nguyên tác và bản tiếng Việt. Đáng ngạc nhiên chỉ là, sự thêm và bớt của Phan Ngọc dường như hoàn toàn tuỳ tiện, thiếu mọi cơ sở, ngay cả ở những chỗ trung thành lẽ ra là giải pháp dễ và hợp lí nhất. Hegel: “Ta có thể xếp người Do Thái, người Ả-rập và người Ba Tư liền nhau trong khu vực thứ ba của nghệ thuật sử thi phương Ðông.” (“In einem dritten Kreise der orientalisch-epischen Dichtkunst können wir die Hebräer, Araber und Perser nebeneinanderstellen”, tr. 456, II, bản tiếng Ðức.) Phan Ngọc: “Trong số các dân tộc phương Ðông đã sáng tạo nên một nền thơ ca sử thi, người ta còn có thể xếp những người Do Thái, người ảrập và người Ba Tư” (tr. 645, II).

Dàn ý của Hegel hoàn toàn mạch lạc, trước hết ông nói về sử thi Trung Hoa, rồi đến Ấn Ðộ, tiếp đến Cận Ðông là khu vực thứ ba mà câu trích đề cập. Lời dịch thêm và bớt của Phan Ngọc khiến câu văn chỉ còn là một sự liệt kê vô vị, không hữu cơ với mạch đi của cả đoạn văn.

Những đoạn tương đối phức tạp ở Hegel, khó trung thành hơn, thường bị cắt phăng, chỉ chừa lại vài ba câu chống chếnh nào đó, thì nhiều không kể xiết, điển hình là đoạn bắt đầu bằng “Hơn nữa sự khẳng định cho rằng...” (cuối tr. 65, I) đến “... do tinh thần sản sinh ra” (tr. 66, I).


Cẩu thả

Một cụm từ đơn giản như “die römische Konstruktion der Bogenwölbung” (cấu trúc La Mã của vòm hình cung), sở dĩ ở Phan Ngọc là “kiến trúc xây dựng La Mã xây dựng trên cái vòm hình cung” (tr. 834, II) thì chỉ có thể do quá cẩu thả. Chẳng lẽ còn một lí do sâu sắc hơn cho việc dịch “künstlerische Konzeption” (ý đồ của nghệ sĩ) là “hư cấu nghệ thuật” (tr. 836, II); “dienende Baukunst” (nghệ thuật kiến trúc phục vụ, để phân biệt với nghệ thuật kiến trúc của giai đoạn tượng trưng trước đó) là “nghệ thuật vụ lợi” (tr. 834. II); “die dichtende Subjektivität” (chủ thể sáng tác thơ, tức nhà thơ) là “tính chủ thể nên thơ” (tr. 837, II); hay “Material der Malerei” (chất liệu hội hoạ) là “tài liệu hội hoạ”, “die schöne Kunst” (mĩ thuật) là “sáng tác nghệ thuật” và “bloßer Schein” (cái vỏ suông) là “ngoại hiện trần trưồng”? Có lẽ ở ví dụ cuối này, người dịch quả nhiên đã đối chiếu với bản tiếng Ðức và dùng luôn cái nghĩa ghi trong một từ điển tồi nào đó. Một tấm thân bloß dịch là “trần truồng” thì cũng được, còn cái vỏ bloß, cái vẻ ngoài suông, cùng lắm thì dịch là “trần trụi” (dù sai ý Hegel), sao lại “trần truồng”?


Sử dụng thuật ngữ võ đoán

Ta đã biết những khó khăn, thậm chí bế tắc, của việc tìm thuật ngữ tương ứng trong tiếng Việt. Ngay cả những dịch giả và học giả xuất sắc cũng có thể bó tay hoặc mắc lỗi. Nhưng có những lỗi không nhất thiết phải mắc, và một chút thận trọng khi quyết định sáng chế thuật ngữ có lẽ không thừa. Khi đã dịch Prosa là “văn xuôi”, sao Phan Ngọc lại quyết gọi “tính văn xuôi” (prosaisch) là “cái nôm na”? Người đọc khó mà không giật mình khi bắt gặp “chủ nghĩa tượng trưng quái đản” (die phantastische Symbolik) ở văn hoá Ấn Ðộ. Cả danh từ Phantasie lẫn tính từ phantastisch của nó đều được dịch là “quái đản”, mà trong phần giới thiệu Mĩ học, khi phê phán Hegel, Phan Ngọc đã cho người đọc biết “quái đản” là gì. Vì sao Symbolik (hệ biểu tượng) bỗng thành “chủ nghĩa tượng trưng“, hay ở một chỗ khác, cá nhân các vị thần (Götterindividuen) lại thành những “vị thần cá biệt”? Lập một cuốn từ đIển thuật ngữ cho Mĩ học bản tiếng Việt là được một sưu tầm “Chuyện lạ đó đây” đáng kể.


Diễn đạt tối nghĩa, cứng nhắc, lủng củng, què cụt, sai văn phạm, lệ thuộc vào cấu trúc câu văn tiếng nước ngoài

Sự bất lực của người dịch tiếng nước ngoài, đặc biệt là các thứ tiếng phương Tây, sang tiếng Việt xưa nay vốn là một trong những bi kịch chúng ta đã quen và chán tới mức chẳng buồn nói nữa. Bây giờ nói về thất bại của Phan Ngọc, chẳng qua vẫn là cái bi kịch tuyệt vọng và hài hước bất đắc dĩ ấy, có đáng nhắc hơn chỉ vì quy mô đồ sộ của nó, gần 1800 trang hình như là tiếng Việt; vì dịch giả đồng thời là một học giả chuyên về ngôn ngữ học, nặng thâm niên, dày dạn kinh nghiệm dịch thuật và biên khảo, là tác giả của hàng chục đầu sách và hàng trăm bài nghiên cứu, trong đó nên kể đến những công trình mang cái tên nôm na - lại nôm na! - là Mẹo: Mẹo dịch các biểu thức nối ý (1983), Mẹo dịch thơ chữ Hán ra chữ Việt (1999), Vài mẹo về phong cách khoa học (1984), Mẹo giải nghĩa các từ Hán-Việt (1991)..., và tự cho biết là đã “chuẩn bị công trình Một nghìn linh một mẹo dịch mà thực chất là sự mò mẫm của một đời làm công tác dịch thuật để tìm cho ra những cách diễn đạt rất Việt Nam đồng thời lại phù hợp với yêu cầu thời đại mới đặt ra” [6] .

Chúng ta có thể nhắc thêm một nửa mẹo nữa để thành một nghìn linh một phảy năm mẹo dịch, là: số nhiều và số ít trong tiếng Việt không hoàn toàn dễ dùng như trong tiếng Tây. Nửa mẹo còn lại: khi nào phải trực tiếp hiển thị số nhiều để phân biệt với số ít, khi nào ít và nhiều đều được viết giống nhau nhưng chắc chắn được hiểu khác nhau, khi nào ít là nhiều, nhiều lại là ít (vâng, ta đang nói về sự đồng bóng khó thương mà dễ được sùng bái của bà hoàng tiếng Việt, về khả năng bắt nạt và bắt bí người lạ của thằng lỏi tiếng Việt, ta đang nói về khả năng xuất quỷ nhập thần của anh du kích tiếng Việt), cái nửa mẹo còn lại ấy đố ai giảng nổi.

Dịch tiểu đề “Edelsteine und Glas” (Ðá quý và thuỷ tinh) theo kiểu Phan Ngọc thành “Các ngọc và thuỷ tinh” có khác nào treo biển cho công ti vàng bạc và đá quý là “công ti những vàng bạc và các ngọc”. Cứ như vậy thì chúng ta có Steinbeck với tác phẩm Của những chuột và những người hay Của các chuột và các người? Các và những tràn ngập bản dịch, thậm chí cả khi Hegel không hề dùng số nhiều, (Hegel: Das Verhältnis des Ideals zur Natur, tiểu đề một đoạn trong chương “Cái đẹp nghệ thuật hay cái lí tưởng”; Phan Ngọc: „Những quan hệ của lí tưởng đối với tự nhiên“). Vì sao phải dịch “... trong các quan niệm về sự sáng tạo thế giới, trong các lịch sử các trưởng lão...” (tr. 645, II), trong khi nó rất giản dị là: “trong hình dung về sáng thế, trong truyện tổ tiên”? Không nhất thiết phải chiều người đã bỏ công đọc Mĩ học bằng những câu văn mượt mà trong sáng, vốn không là đặc sản của Hegel, nhưng cũng chẳng có lí do gì để phạt hắn bằng kiểu câu đầy tinh thần mậu dịch quốc doanh –lại tinh thần!- , có thế thôi, đọc được thì đọc: “trong những bức tranh Hà Lan về những quán rượu, những đám cưới, và những cuộc vui và những cuộc ăn uống...” (tr. 297, I) Rồi “với tính cách”, “mang tính”, “mang tính chất”, “có tính chất”, “như là”, “được coi là”, “được xem xét”, “được quy định”, “điều làm cho”, “cái nói lên”, “cái thuộc về”, “trong sự liên hệ với”, „nhờ đó mà“, „ở chỗ mà“... tất cả những cách chuyển ngữ lười biếng và máy móc ấy cũng tràn ngập bản dịch. Song đó còn là những lỗi mọn, không đáng kể nhất trong cái tập hợp trùng điệp, ngổn ngang, dày đặc sai phạm về cách diễn đạt tiếng Việt này.

Diễn đạt thừa: “Về tính đặc thù của giai điệu, theo tôi những điều quan trọng nhất mà người ta có thể nói về vấn đề này là như sau” (tr. 429, II) Chẳng lẽ Hegel cũng ăn nói vô duyên như những cán bộ văn hoá bất đắc dĩ, thường độn “vấn đề” vào mọi “vấn đề” cho ra “vấn đề”? Thực ra Hegel nói rằng: “Lưu ý tới điểm nói trên thì thứ hai, về đặc tính của giai điệu, theo tôi những khác biệt sau đây là quan trọng.” Câu dịch vừa bị thiếu ý, mất liên hệ với đoạn trước, vừa bị chêm một kiểu nói tầm phào.

Diễn đạt thô thiển: “... cho nên chúng ta phải sử dụng những áp dụng của quan điểm cao hơn này đối với nghệ thuật” (tr. 132,I)

Diễn đạt tối tăm lủng củng: “ở giai đoạn này, đối tượng của nghệ thuật là tính tinh thần tự do cụ thể, cái này cần phải nêu lên tinh thần, sinh hoạt nội tâm ở trong hiện tượng” (tr. 167, I). Tính tinh thần cần phải nêu lên tinh thần ư? Sinh hoạt nội tâm ở trong hiện tượng là cái gì? Xin miễn phải trích câu nguyên tác của Hegel, nó là một câu hoàn toàn khác.

Không làm chủ nổi câu văn Việt: “Khái niệm cũng thế: trong khi làm cho sự tồn tại thực tế bên ngoài nhờ đó nó trở thành sinh động, khái niệm được hưởng tính chất tự do ở trong tính khách thể này nó biểu hiện ở đấy như ở bản thân mình” (tr. 215, I). Xin miễn phải cấp cho câu văn này thêm hai dấu phẩy và một vài liên từ, bởi có sửa sang cũng không ích gì, đằng nào nó cũng sai về nội dung rồi.

Sự phong phú của cái xấu trong Mĩ học bản tiếng Việt, tác phẩm bàn về cái đẹp, dường như vô tận, nêu ví dụ này e phụ ví dụ khác. Ai thực lòng muốn đọc Hegel (tất nhiên lỗi tại người ấy), có lẽ nên học tiếng Ðức, là một thứ tiếng không dễ, nhưng công bỏ ra cho tới khi hiểu nổi Hegel trong nguyên tác chắc chắn không bằng công đọc bản dịch của Phan Ngọc trong tiếng Việt, chỉ có điều mất đi cái thú của việc mầy mò đoán sấm và cái ngứa ngáy muốn chữa lành những câu tiếng Việt không dưng mà tàn phế. Vì có trạng và có thương binh đang tắm trong đó mà ta chẳng nỡ đổ cả chậu nuớc tắm đi chăng?

Còn lại để suy ngẫm là khả năng thành công của tiếng Việt mỗi khi ta cần nó vào việc chuyển dịch những tác phẩm quan trọng của các nền văn hoá khác. Tình trạng những tư tưởng, học thuyết, trường phái và trào lưu bên ngoài vào đến Việt Nam là trệch đường ray, biến dạng, bị xuyên tạc, nhẹ nhất là bị sơ lược và dung tục hoá, khiến chúng ta có nghe cũng như nghe sấm, hiểu thế nào thì hiểu, có phải cũng do sự bất lực phần nào của tiếng Việt hay không? Tiếng Việt cũng như bếp Việt, đều là đối tượng đặc biệt để chúng ta bày tỏ lòng quan tâm và yêu mến. Ai cũng sẵn một giải pháp có thể áp dụng tức khắc cho mảnh tiếng Việt này hoàn hảo hơn, một bí quyết cho món Việt kia bất hủ hơn. Song những khi tiệc lớn cho mấy trăm thực khách thì bếp Việt bắt đầu lúng túng. Nó thích đem toàn bộ cái ưu việt của mình phục vụ bữa cơm gia đình ấm cúng và nóng sốt hơn. Những khi diễn đạt một nội dung đồ sộ phức tạp, tiếng Việt cũng không kém bối rối. Nó thích trút sự kì diệu của mình vào những khoảnh hình như còn bao quát được và có vẻ cận nhân tình hơn. Chẳng lẽ chúng ta chỉ biết dịch thơ Ðường rất hay, và có lẽ cũng sẽ dịch hay cả một chút tiểu thuyết phương Tây hiện đại, ngoài ra thì thất bại là chắc chắn hay sao?

Berlin, 6.2002

© 2002 talawas


[1]Hoặc Ngữ: „Vài suy nghĩ về bản dịch bộ Mĩ học-Hegel của Phan Ngọc“, 22.04.2002
[2]Nguyên Ngọc: „Ðôi điều về chuyện dịch“, 28.04.2002
[3]Việc ở Việt Nam kinh điển Marx-Lenin được dịch và truyền bá bằng ngôn ngữ như thế nào để trong một thời gian ngắn có thể tạm đẩy lùi hoặc tạm thay thế những tư tưởng phương Ðông truyền thống, trở thành vốn liếng văn hoá ở cả những tầng lớp bình dân, là một đề tài thú vị.
[4]Vì thế đã nhiều người cho rằng chữ tha trong tha hoá cùng một nghĩa như trong thối tha.
[5]Thảo Hảo: „Tôi nghi ngờ ông Heghen!“, 20.04.2002
[6]Phan Ngọc, Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, nhà xuất bản Trẻ, 1999, tr. 210









Bài Phan Ngọc trả lời Phạm Thị Hoài
CÂU CHUYỆN DỊCH “MỸ HỌC” CỦA HEGEL

Một anh bạn cho tôi xem bài phê bình của chị Phạm Thị Hoài về bản dịch quyển "Mỹ học" của Hegel của tôi. Tôi nấn ná không trả lời ngay, một là vì bận nhiều, hai là vì bạn bè còn bảo tôi không nên trả lời. Cái khó ở đây không phải là nội dung của câu chuyện mà ở thái độ: nói thế nào để không mang tiếng là người "hộ đoản" - thuật ngữ Trung Quốc chỉ người khăng khăng bảo vệ sai lầm của mình.
Một thí dụ. Trong bản dịch "Mỹ học" của Hegel, tôi dịch thuật ngữ Entfremdung (tiếng Pháp là alíénation) thành "tha hoá". Cách dịch này không phải của tôi. Nếu chị Hoài tham khảo kỹ hơn, chị sẽ thấy các anh Trương Tửu, Trần Ðức Thảo nói chung đều dùng thuật ngữ này. Chị Hoài nhận xét cách dịch trên của tôi như sau:
"Sự tha hoá tiếng Việt của Entfremdung cũng vậy. Thuở ban đầu, khi đi kèm với "biến chất", nó vẫn quanh quẩn ở đâu đó trong phạm vi có thể truy nguyên về nghĩa gốc, những trong tư duy của nửa thế kỷ qua thì "biến chất" tất yếu là chuyển từ chất vô sản, tiến bộ, tốt đẹp sang chất tư sản, xấu xa. Biến chất là tha hoá. Vậy ngoại tình là tha hóa, viết văn ủy lụy cũng là tha hóa, lười lao động cũng là tha hóa, một lúc nào đó muôn vàn sự đổ đốn - của con người đều được gọi chung là sự tha hóa (4), chỉ có cái Entfremdung của Hegel ngơ ngác đâm đầu vào đấy là nhầm cửa mà thôi".
Cách nói của chị Hoài quả là gay gắt, thực tình tôi không hiểu tại sao từ chỗ phê bình cách dịch một thuật ngữ chị lại đi đến chỗ bàn về một nội dung nằm ngoài mục đích phê bình với những lời lẽ chắc như đinh đóng cột đến vậy được nhỉ. May mà ở chú thích (4), chị giải thích cách chị hiểu chữ tha trong tha hóa như sau :"Nhiều người cho rằng "tha" trong "tha hoá" cùng một nghĩa như trong "thối tha".
Xin trả lời chị là không người Việt nào lại hiểu chữ "tha" trong "tha hoá" có cùng một nghĩa như chữ "tha" trong "thối tha". Chữ "tha" ở đây có nghĩa là "khác" như trong tha hương (nơi không phải quê hương mình), tha phương cầu thực (kiếm ăn ở nơi xa lạ), lòng vị tha (lòng nghĩ đến người khác)... Muốn tạo ra một từ kép mới, trước hết người Việt bao giờ cũng dùng âm tiết đầu thuần Việt, hay Hán Việt có nghĩa khi đứng một mình. Chị hãy nghĩ xem, có người nào lại lấy một yếu tố láy âm không có nghĩa như tha trong thối tha để tạo thành từ kép không? Tha ở đây là láy âm của thối. Cấu tạo láy âm như thế này rất nhiều trong tiếng Việt, như: xót xa, lê la, ngâm nga..., rồi tùy theo cái dấu ở âm tiết đầu mà âm tiết thứ hai đổi dấu theo luật bằng trắc như ta thấy trong: vội vã, dần dà, hối hả... Cho nên trong tiếng Việt không bao giờ có thể có chữ "tha hoá" theo nghĩa "làm cho thối tha" được. Tôi biết chị muốn dạy ngôn ngữ học tiếng Việt cho tôi. Nhưng làm sao có thể "tha hoá" tiếng Việt theo kiểu của chị được?
Cũng vì vậy, tôi nghĩ mình không nên và không thể nào tranh luận với chị về cách dịch các thuật ngữ. Phần lớn các thuật ngữ này tôi lấy của Chu Quang Tiềm - một người nổi tiếng ở Trung Hoa về tiếng Ðức và rất thông thạo Hegel. Việc hiểu Hegel cho đúng quả là rất vất vả và phải có chân truyền, nếu không chỉ cãi lộn nhau mãi mà thôi. Tôi đã học Hegel với anh Trần Ðức Thảo. Chị có quyền bác bỏ cách dịch của tôi, nhưng vì chị chưa nêu cụ thể cách hiểu của chị về từng khái niệm như chị đã phân tích hai chữ "tha hoá", cho nên nếu tôi tranh luận chẳng hoá ra vẽ rắn thêm chân, cố tình xuyên tạc chị sao?
Tác phẩm "Mỹ học" không phải do chính Hegel viết ra, nó chỉ là tập bài giảng bằng miệng của ông. Sau đó, một số sinh viên ghi lại, rồi người ta sắp xếp lại và cố gắng xoá bớt những chỗ mâu thuẫn, trùng lặp - những điều khó tránh khỏi khi trình bày miệng, còn tác giả thì khi đó đã qua đời. Các bản ghi lại bài giảng có những chỗ trùng lặp và không nhất quán, tuy trong bản tiếng Ðức mà chị Hoài sử dụng đã cố gắng gạt bỏ những chỗ ấy, nhưng những chỗ ấy vẫn còn. Cho nên các bản dịch của Jankélévich, Popov và Stolpner, Chu Quang Tiềm đều có những điểm không theo bản tiếng Ðức. Phần lớn những lời chị chê trách tôi nhìn chung đều có trong các bản dịch kể trên, trong đó có thể có điều tôi sai bởi người nào cũng phải có những lúc dịch một thuật ngữ Ðức thành nhiều thuật ngữ khác nhau cho phù hợp với tinh thần Hegel theo như họ quan niệm. Tôi không tranh luận với chị được còn vì hiểu biết Hán học của chị không giống ai và chị là người đầu tiên (theo tôi biết?) đã cho rằng chỉ cần biết tiếng Ðức thông thường là hiểu được Hegel. Trong cách nói của chị có cái vẻ tự tín làm người đọc như tôi đâm sợ.
Tôi không hề giận chị Hoài về cách nói. Ðời tôi đã phải chấp nhận những lời phê bình như thế suốt hơn 20 năm, cho nên tôi đã quen. Tôi sống nhỏ bé, không nói năng ồn ào, cố gắng làm một vài việc nhỏ dù vất vả, bản dịch "Mỹ học" của Hegel chính là một trong vài việc nhỏ đó. Trong đời mình, ít nhất từ năm 1960, tôi không cầu xin một ân huệ nào, cũng không nói xấu ai để mưu lợi cho mình, chỉ hy vọng cuộc đời sẽ làm chứng cho tôi về cố gắng nhỏ bé ấy. Còn ngoài ra, rồi tất cả sẽ trở về với cõi hư vô, vậy hãy cố gắng sống và làm việc đúng như những gì mình có, thế là tốt rồi, chị Hoài ạ!

Phan Ngọc
(Talawas, không ghi số mấy. 19-8-2002)






























Trở về 








MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.