Thứ Tư, 23 tháng 3, 2022

Dương Bích Liên (1924 - 1988)

 










Dương Bích Liên

(17/7/1924 – 12/12/1988)
Hưởng thọ 64 tuổi

Hoạ sĩ



Dương Bích Liên là một trong nhóm tứ kiệt của làng hội hoạ Việt Nam (Hà Nội) Nghiêm, Liên, Sáng, Phái.









Tiểu sử


Xuất thân

Dương Bích Liên sinh tại Hà Nội trong một gia đình trí thức quan lại. Ông là con trai duy nhất của một quan tri phủ. Quê gốc của ông ở làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu (nay là thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Dòng họ Dương của ông ở Khoái Châu có truyền thống hiếu học, thời nào cũng có văn nhân khoa bảng và những người đỗ đạt cao.


Bước ngoặt

Xuất thân trong một gia đình quyền thế và giàu có, nhưng năm 17 tuổi, ông trở nên yêu thích nghệ thuật, nảy ra ý muốn từ bỏ cảnh sống giàu sang để chạy theo cuộc đời gió bụi.

Năm 1941, Dương Bích Liên gặp họa sĩ Hoàng Lập Ngôn. Khi đó Hoàng Lập Ngôn vừa thiết kế xong chiếc xe ngựa và đặt tên cho chiếc xe tự chế của mình là Nhà Lăn Mê Ly, hoạ sĩ dùng chiếc xe ngựa kéo này làm phương tiện giao thông để đi vẽ người và trực cảnh khắp đó đây. Dương Bích Liên được họa sĩ Hoàng Lập Ngôn nhập hội, lên xe lăn xuyên Việt.

Chiếc xe "Nhà Lăn Mê Ly" tưởng sẽ phiêu du đất trời dài lâu nhưng chỉ lăn được đến Thanh Hoá thì quan phủ sai người đi truy tìm. Người nhà quan phủ tìm ra "Nhà Lăn Mê Ly" và áp giải cậu công tử về nhà.

Sau chuyến lãng du mang tính chất số mệnh đó, Dương Bích Liên quyết định ghi tên theo học Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Từ đây, Dương Bích Liên bắt đầu sự nghiệp hội họa.



Thời kì sáng tác

Dương Bích Liên là một trong những học trò cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông học khoa Hội họa, khóa XVIII (1944-1945).

Năm 1946, Dương Bích Liên và nhiều trí thức văn nghệ sĩ Hà Nội tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông hoạt động ở đoàn kịch của Phạm Văn Khoa, Đoàn văn công của Nguyễn Xuân Khoát, vào Đoàn Văn hóa kháng chiến cùng với họa sỹ Tô Ngọc VânThế Lữ..., làm báo " Vệ quốc đoàn".

Năm 1949, ông là một trong những hoạ sỹ đầu tiên được kết nạp Đảng tại vùng kháng chiến cùng một ngày với hoạ sỹ Mai Văn Hiến và nhà văn Trần Đăng.

Năm 1952, ông được giao trọng trách lên chiến khu sống gần và vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc đoạt giải nhất Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1980 và hiện được bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.


Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, 100x180cm, sơn mài, 1980


Năm 1954, Dương Bích Liên trở về tiếp quản thủ đô. Được tổ chức biên chế vào "tổ sáng tác" cùng các họa sỹ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng...

Năm 1968, ông đi thực tế ở mỏ than Quảng Ninh cùng các họa sỹ: Nguyễn Tiến Chung, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư NghiêmNguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm...

Giai đoạn sáng tác sung sức nhất của Dương Bích Liên là vào thập niên 70. Trong thời gian này, ông đã gửi các tác phẩm của mình tham dự triển lãm nhưng chúng sớm bị loại, như bức Hào và bức Bác Hồ nói chuyện với Vệ Quốc Quân. Riêng bức thứ 2, sau khi bị loại, người ta không còn thấy tăm tích tác phẩm này nữa. Bức tranh mô tả cảnh Hồ Chí Minh đang nói chuyện với người lính Vệ Quốc Quân ở trong Chiến khuViệt Bắc. Lý do bức tranh bị loại là họa sĩ đã vẽ người lính nhắm mắt trong khi vị lãnh tụ đang nói chuyện. Theo cách thanh minh của Dương Bích Liên, chỉ khi nào người ta extreme (cực sướng) thì người ta thường nhắm mắt. Nhưng vào thời đó, không ai dám nghe theo cách diễn giải của hoạ sĩ.

Người ta cho rằng ông đã tự ái và đau buồn vì sự lạnh nhạt của nhân thế đối với những tác phẩm của mình, thế nên về cuối đời ông đã gần như không có hứng thú sáng tác nữa.

Năm 1984, Nhà nước chính thức mời bộ tứ Nghiêm, Liên, Sáng, Phái tổ chức triển lãm cá nhân. Riêng Dương Bích Liên từ chối. Do vậy, lúc sinh thời, ông là một họa sĩ không có cuộc triển lãm nào cho riêng mình.








Dương Bích Liên vẽ Bùi Xuân Phái
1973





Những ngày cuối đời

Trước khi mất vài chục ngày, Dương Bích Liên bảo bạn ông là Nguyễn Hào Hải mang ông trở về 55 Bà Triệu. Ông muốn được chết ở nhà của mình. Dương Bích Liên lựa chọn một cái chết lặng lẽ, không bệnh tật, không đau ốm mà tịch cốc không ăn chỉ uống rượu.

Trong 20 ngày sau cùng của họa sỹ, Nguyễn Hào Hải là người duy nhất thường xuyên qua lại thăm nom bên cạnh họa sỹ. Sau khi Dương Bích Liên mất, Hào Hải đã có bài viết về 20 ngày cuối cùng của họa sỹ Dương Bích Liên đăng trên tạp chí Mỹ thuật.

Trước khi chết, Dương Bích Liên có một ước nguyện: "Sau này, trong cái ngày tiễn đưa tôi về bên kia thế giới, tôi không muốn có ai là người lớn, tôi muốn đưa tiễn tôi là một đứa bé ăn mặc thật đúng điệu. Chỉ có đứa bé ấy, đi lững thững bên chiếc xe ngựa chở cái xác không hồn của tôi ra nghĩa trang".

Dương Bích Liên mất khoảng 9h sáng ngày 12 tháng 12 năm 1988. Tối hôm trước đó, Nguyễn Hào Hải trò chuyện với họa sỹ gần 2h đêm mới trở về nhà. Phan Kế Bảo, người hàng xóm của họa sỹ lên gọi cửa không còn nghe thấy tiếng họa sỹ trả lời, nhòm qua khe cửa thấy cánh tay của họa sỹ buông thõng xuống giường. Ông vội vã lên Viện Triết học báo tin cho Nguyễn Hào Hải.

Đám tang của Dương Bích Liên người ta không thể làm theo ý nguyện của ông. Vài tháng sau khi họa sỹ mất, các nhà làm phim dựng lại toàn bộ đám tang của người bạn tri âm tri kỷ mà họ yêu mến. Trong phim, có một bé trai ăn mặc điệu theo kiểu châu Âu, lững thững sau xe ngựa chở cỗ quan tài, vừa đi vừa rắc những cánh hoa xuống hai ven đường, trong khung cảnh của trời chiều mùa thu.


Dương Bích Liên & Bùi Xuân Phái


Con người

Trong nhóm tứ kiệt Nghiêm, Liên, Sáng, Phái, Dương Bích Liên ít được nhiều người biết đến bởi ông đã "tự nguyện chọn tiếng im lặng của hội họa làm bản thân". Ông sống cô đơn, thu mình lặng lẽ, trốn chạy chính mình và trốn chạy những khát vọng.

Dương Bích Liên sống không gia đình, không vợ con, không họ hàng, và ít bạn hữu. Căn nhà nhỏ ở 55 Bà Triệu của ông trống không, đồ đạc chỉ một chiếc giường nhỏ quanh năm phủ ga trắng muốt, một chiếc võng và một bàn một ghế độc nhất. Sinh thời, ông có rất ít bạn thân ngoại trừ Bùi Xuân Phái và Nguyễn Sáng.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng viết về Dương Bích Liên:

"Nếu cùng thời với các danh hoạ hàng đầu Trường Đông Dương, chắc ông còn mơ mộng hơn họ, bởi phẩm chất mơ mộng chiếm toàn bộ nghệ thuật của ông, dù đôi lúc trược trình bày dưới vẻ khắc nghiệt. Ông không bám vào một cảnh trí như Bùi Xuân Phái, không trầm kha vào các ý tưởng số phận như Nguyễn Sáng, mà tinh tế đứng bên ngoài cái mình vẽ ra vừa như là một sự kiện hiện hữu có thực, vừa như chuyện bịa, cảnh nằm mơ".



Sự nghiệp

Dương Bích Liên là một họa sĩ cách mạng đầu tiên trong làng hội hoạ Việt Nam. Là một hoạ sĩ tài ba, tâm huyết, Dương Bích Liên rất say mê vẽ, ngay cả trong những ngày chiến tranh diễn ra ác liệt nhất, ông cũng không rời giá vẽ. Sự nghiệp hội hoạ của Dương Bích Liên là một tài sản quý của kho tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Năm 2000, họa sỹ Dương Bích Liên được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt II).



Quan điểm nghệ thuật

Dương Bích Liên không có ý dày công cất giữ những sáng tạo của mình. Khi chết, ông muốn được đốt hết những bức tranh đã vẽ. Tác phẩm của ông còn lại ngày hôm nay là hàng trăm bức tranh, chủ yếu là do bạn bè quý mến ông và nâng niu cất giữ.



Trường phái hội hoạ

Dương Bích Liên dày công nghiên cứu các phong cách, trào lưu nghệ thuật thế giới. Ông thiên về vẽ chân dung, rất nổi tiếng với đề tài thiếu nữ. Mọi chất liệu đều được ông thể hiện nhuần nhuyễn, độc đáo, siêu thoát đặc biệt là các thể loại sơn mài, sơn dầu, phấn dầu và chì than.


Đề tài

Nhìn vào sự nghiệp sáng tác của ông có đến 2/3 tác phẩm về đề tài phụ nữ, trong đó có những tác phẩm là tuyệt tác của hội hoạ Việt Nam hiện đại, với thành ngữ của giới mộ điệu: " Phố Phái, Gái Liên". Dương Bích Liên dành nhiều sáng tác cho đề tài thiếu nữ với bao tình cảm ưu ái, say mê và trìu mến nhất. Các nhân vật nữ luôn là những nguồn cảm hứng, những hình ảnh trung tâm của những biểu cảm thẩm mỹ và lý tưởng thẩm mỹ. Chân dung thiếu nữ của ông rất đa dạng, là những cô gái đẹp ông nhận ra và bắt gặp trong cuộc sống đời thường, mang một ánh sáng dung dị, thánh thiện trong trẻo.


























Tác phẩm nổi tiếng







Đi học đêm.
(sơn dầu)



Ngày mùa. 
(sơn dầu)



Chiều vàng. 
(sơn mài)



Chiều biên giới.



Lều hoang.



Dĩ vãng.



Hai em bé bên sông Hồng.



Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc




Hào.



Đi cấy sau mùa lũ.













Chân dung Thiếu nữ

Thiếu nữ và hoa cúc trắng.



Thiếu nữ và hoa phong lan.



Thiếu nữ bên hồ.



Thiếu phụ.











Chân dung.










Tuyết Mai.










Gửi lời chào Jacqueline Picasso.
























Chú thích




Liên kết ngoài

Thông tin trên Văn hiến.
Galerry của hoạ sĩ Dương Bích Liên


Họa sĩ nổi tiếng tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương


Bùi Trang Chước • Bùi Xuân Phái • Cát Tường • Công Văn Trung • Diệp Minh Châu • Dương Bích Liên • Hoàng Lập Ngôn • Hoàng Tích Chù • Huỳnh Văn Gấm • Lê Phổ • Lê Thị Lựu • Lê Văn Đệ • Lương Xuân Nhị • Mai Trung Thứ • Nam Sơn (hoạ sĩ) • Nguyễn Đỗ Cung • Nguyễn Gia Trí • Nguyễn Khang • Nguyễn Phan Chánh • Nguyễn Sáng • Nguyễn Thị Kim • Nguyễn Tư Nghiêm • Nguyễn Tường Lân • Nguyễn Văn Tỵ • Phan Kế An • Tạ Tỵ • Tô Ngọc Vân • Trần Đình Thọ • Trần Văn Cẩn • Vũ Cao Đàm














Chuyện chưa biết về "Hào" - tác phẩm có số phận ly kỳ



Tranh cũng như người, như người vẽ ra nó. Dương Bích Liên và Hào đều chìm nổi, bổng trầm, âu cũng là cái số của người tài, người đẹp. Nghiệp của Dương Bích Liên là thế và Hào cũng có số phận của riêng mình.

Hào là tác phẩm duy nhất của cố họa sĩ Dương Bích Liên trong triển lãm này, Hào là tác phẩm lớn nhất cả về nghệ thuật và kích thước của ông (147 x 200cm), là tác phẩm tiêu biểu gắn với tên tuổi của ông. Nói đến Dương Bích Liên là phải nói đến Hào và ngược lại. Có một số ý kiến trái chiều về Dương Bích Liên trong bộ tứ nghiêm – liên – sáng – phái nhưng chỉ cần một bức duy nhất, Hào cũng đủ để những lời qua tiếng lại về Dương Bích Liên phải im bặt.

Có nhiều chuyện quanh cuộc đời của Dương Bích Liên, ông sống một mình và tránh xa vòng danh lợi. “Cuộc đời” của Hào cũng nhiều chuyện ly kỳ. Hào trải qua một cuộc bể dâu gần nửa thế kỷ từ lúc sinh ra (1972) và mãi gần đây mới dừng bước. Có lúc người yêu tranh của ông đã tưởng hết có cơ hội ngắm nhìn Hào khi nó “vượt biên” sang Singapore. Cuộc hành trình của Hào, theo lời kể của nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Hào Hải, bạn vong niên của họa sĩ Dương Bích Liên và một số người khác, như sau.

Chặng 1, Hào đi bằng xe commăngca của hội Mỹ thuật từ nhà của Dương Bích Liên, 55 Bà Triệu đến đại học Mỹ thuật, 42 Yết Kiêu. Vì Hào bị hội đồng duyệt nhận định là ủy mị, thiếu tính chiến đấu nên Hào đã không được treo trong triển lãm thường niên của hội Mỹ thuật tổ chức năm 1973.

Hào là tác phẩm duy nhất của cố họa sĩ Dương Bích Liên trong triển lãm này, Hào là tác phẩm lớn nhất cả về nghệ thuật và kích thước của ông (147 x 200cm), là tác phẩm tiêu biểu gắn với tên tuổi của ông.

Chặng 2: nhà sưu tập Phạm Văn Bổng cảm tâm trạng chán nản của Dương Bích Liên đã ngỏ ý mượn tạm Hào. Chắc là bần cùng bất đắc dĩ, ông gật đầu đồng ý vụ “mượn tranh” này. Hình ảnh chặng 2 của Hào khá thú vị, ông Bổng cầm càng, vợ con ông đẩy, Hào nằm ngửa trên xe ba gác (một loại xe bò nhưng nhỏ do người kéo), từ Yết Kiêu về phố Hàng Buồm. Ông Bổng là một người sưu tầm tranh và bản thảo viết tay của các nhà văn có tiếng của Hà Nội. Nhà ông ở gác 2, chật chội, cầu thang gỗ ọp ẹp, tối và rất hẹp nên Hào phải vào nhà bằng đường bancông. Ông Bổng nhoài người ra lan can kéo Hào, vợ con ông đứng dưới đẩy, Hào bị buộc bằng dây thừng, lơ lửng mãi mới lọt được vào phòng khách.

Sau vài tháng, vì nhiều lý do tế nhị, Hào từ nhà ông Bổng đến nhà của Tô Hoài nhưng số kiếp lênh đênh làm cho nó không ở đó được lâu mà đi tiếp lên Nhã Nam, nhà của nhà văn Nguyên Hồng. Chặng này Hào khá oai vì được đi nhờ bằng xe quân sự của một đơn vị bộ đội hàng xóm của Nguyên Hồng. Nhà của Tô Hoài ở cuối ngõ Đoàn Nhữ Hài, các chú bộ đội phải dừng xe ở đầu Trần Quốc Toản và “bế” Hào ra, tác giả của Dế mèn phiêu lưu ký đi bộ theo tiễn, vẫy tay, bịn rịn, chờ xe đi khuất mới quay về, chẳng biết lúc đó ông có nghĩ về câu chuyện Hào phiêu lưu ký không? Từ Hà Nội đi Bắc Giang xe nghỉ mấy bận, các anh bộ đội đùa nhau “xe mình chở súng đạn lại chở thêm cả tên lửa nữa”, ý nói hai quả tên lửa trong góc trên của bức tranh.

Ông Hào Hải kể lại, hai tên lửa này vẽ thêm theo gợi ý của Nguyễn Tuân “cho thêm phần khí thế cách mạng” chứ không có trong phác thảo ban đầu. Ấy thế mà Hào vẫn bị loại…

Ở Nhã Nam được một thời gian Hào bắt đầu mốc và nứt mặt sơn do nhà Nguyên Hồng lợp tranh và tường chình đất ẩm thấp. Chính vì yêu Hào nên Nguyên Hồng đành chia tay Hào. Nó về lại 55 Bà Triệu để Dương Bích Liên “chăm sóc, điều trị”.

Khi hay tin Hào đã khỏi bệnh, đã khỏe mạnh, ông Ngô Luân, giám đốc công ty xuất nhập khẩu sách báo (Xunhasaba) đến hỏi mua. Ngã giá xong, Hào lại từ biệt Dương Bích Liên lần 2 lên đường làm một cuộc viễn du mới. Số Hào lận đận, một phần vì kích thước ngoại cỡ của mình. Thoạt đầu khi về nhà ông Ngô Luân, Hào phải đóng hai vai, vừa là tranh vừa là bức vách tạm để ngăn phòng.

Ông Ngô Luân không phải là nhà sưu tầm nghệ thuật, trong thời gian ở nhà ông, Hào “chứng kiến” nhiều cuộc trao đổi, dạm hỏi, gạ gẫm. Nghe nói võ sư T nổi tiếng ở Sài Gòn cũng bay ra vài bận mặc cả nhưng không thành. Suýt nữa thì Hào đã phiêu du sang tận đất nước của Fidel Castro. Chuyện kể rằng ngài tùy viên văn hóa sứ quán Cuba ở Hà Nội lúc ấy, nhân một lần được chiêm ngưỡng Hào đã có ý định mua Hào cho bảo tàng Mỹ thuật La Habana nhưng vì không có đủ tiền. Cuối cùng thì Hào về tay nhà sưu tầm nghệ thuật Hà Thúc Cần, một Việt kiều ở Singapore. Ông Cần yêu quý Hào, ông bày Hào trang trọng trong phòng khách nhiều năm nhưng thật không may, cuối đời ông mắc trọng bệnh và buộc phải chia tay Hào.

Cuộc phiêu lưu cuối cùng của Hào, hy vọng vậy, tạm dừng khi ông Cần để lại Hào cho một người chơi tranh ở Hà Nội. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thế là Hào đã xa Hà Nội mười mấy năm trời.

Lúc thì Hào đi ba gác, lúc thì quá giang bằng xe tải quân sự, lúc thì tàu biển (chuyến đi từ Hà Nội đến Singapore) và chuyến hồi hương thì bằng máy bay (Singapore – Hà Nội).

Hào chìm nổi lênh đênh nhưng bù lại đó là một số phận huy hoàng, ngay khi vừa ra đời Hào đã được các nghệ sĩ tên tuổi của Hà thành lúc đó là đạo diễn điện ảnh Phạm Văn Khoa, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhạc sĩ Văn Cao… đến xem. Hào đã từng được “ở cùng” những bậc thầy văn chương như Tô Hoài, Nguyên Hồng.

Tranh cũng như người, như người vẽ ra nó. Dương Bích Liên và Hào đều chìm nổi, bổng trầm, âu cũng là cái số của người tài, người đẹp. Nghiệp của Dương Bích Liên là thế và Hào cũng có số phận của riêng mình.

Thêm một tin vui nữa, một cái kết có hậu cho Hào và cho những người yêu hội họa Hà Nội, đó là giờ đây Hào đã được ở cùng nhà với một tác phẩm thuộc dạng hoa hậu của Mỹ thuật Việt Nam, bức Thiếu nữ bên hoa huệ của danh họa Tô Ngọc Vân.

(Theo Baomoi.com)






























































Trở về 







MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.









Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2022

Đỗ Chu

 














Đỗ Chu
Tên thật: Chu Bá Bình
(5/2/1944 - ........) Bắc Giang

Nhà văn








Tiểu sử


Nhà văn Đỗ Chu tên thật là Chu Bá Bình, sinh ngày 5 tháng 2 năm 1944 tại xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.[1] Ông học cấp III trường Hàn Thuyên (Bắc Ninh) đầu những năm 1960. Lúc đó Đỗ Chu đã có bài Ao làng in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông đã học qua trường bồi dưỡng viết văn Hội Nhà văn Việt Nam khóa II (1965). Vào năm 1966, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân tổ chức trại viết các gương điển hình trong chiến đấu chống Mỹ. Đỗ Chu được giao phụ trách trại, viết về liệt sỹ Phan Đăng Cát rồi anh viết truyện ngắn Phù sa, làm cuốn sách cùng tên. Trước đó anh có 3 truyện đã in chung cùng hai tên tác giả khác: Trúc Hà, Văn Ngữ trong tập Hương cỏ mật.[2]

Ông từng là lính cao xạ thuộc quân chủng Phòng không - Không quân những năm chống Mỹ. Viết truyện ngắn từ khi còn là học sinh trường phổ thông trung học Hàn Thuyên (Bắc Ninh). Hai mươi tuổi đã được nhiều người biết đến với các truyện ngắn nổi tiếng đương thời như: Thung lũng cò, Hương cỏ mật, Chiến sĩ quân bưu... Năm 1975 ông chuyển ngành sang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam. Giống các nhà văn Chu Lai,Nguyễn Văn Linh...ông đã sống và viết nhiều trong quân ngũ.. Đỗ Chu từng là Trưởng ban Nhà văn Trẻ khóa VI.

Ông là nhà văn thành công trong thể loại truyện ngắn và bút ký văn học với những tác phẩm đã đi vào lòng

bạn đọc nhiều thế hệ. Phần lớn tác phẩm của ông đều lấy đề tài từ các làng quê, đạo lý của con người và phong tục tập quán dân tộc...Về mảng tuỳ bút ở Việt Nam, tài năng của ông được đánh giá là chỉ sau Nguyễn Tuân.[3]









Tác phẩm chính





1
Hương cỏ mật
(tập truyện ngắn, 1963)






2
Phù sa
(tập truyện ngắn, 1966)






3
Tháng Hai
(tập truyện ngắn, 1969)






4
Trung du
(truyện ngắn, 1967)






5
Gió qua thung lũng
(truyện ngắn, 1971)






6
Vòm trời quen thuộc
(truyện ngắn, 1969)






7
Đám cháy trước mặt
(truyện ngắn, 1970)






8
Những chân trời của các anh
(tùy bút, 1990)






9
Mảnh vườn xưa hoang vắng
(truyện ngắn, 1989)






10
Một loài chim trên sóng
(truyện ngắn, 2001)






11
Đỗ Chu truyện ngắn tuyển tập
(2003)






12
Tản mạn trước đèn
(2004)...[1]





















Giải thưởng


Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001.
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2002)[1]
Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2004 cho tập truyện ngắn Một loài chim trên sóng.
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm Một loài chim trên sóng, Tản mạn trước đèn.








Quan điểm


Những lời khen của các bậc đi trước là nguồn động viên rất quý, nhưng bản thân chuyện đó trước sau vẫn chỉ là động viên mà thôi. Các nhà văn, người cầm bút trở thành vững chãi đều phải qua một giai đoạn dài từng trải, vừa học hỏi vừa sáng tạo một cách công phu, ai tính chuyện đi tắt, mưu mẹo vặt, toan bỏ qua chuyện đó thì trước sau gì đều cũng sẽ lụi. Cụ Đỗ Phủ đời Đường từng nói: "Vinh hoa địch huân nghiệp/ Tuế mộ hữu nghiêm sương" có nghĩa rằng, anh hưởng cái vinh hoa quá đáng so với những công lao đóng góp thì rồi ra về già ắt sẽ phải chịu nhiều sương giá.[3]

"Viết nhiều là quý nhưng phải hay. Viết nhiều mà không hay thì thà viết ít, thậm chí đừng viết nữa. Dấu hiệu của tài năng còn là ở chỗ tự biết mình đến lúc nào không hay thì thà viết ít, thậm chí đừng viết nữa. Biết điều thì xin vào ngồi ở một tòa soạn, một nhà xuất bản nào đó, kiếm lấy một cái ghế để yên thân"

Đỗ Chu nói: Làm báo là phải cập nhật, viết văn thì phải dài dài… phần lớn người viết văn bây giờ phải viết báo cho nên gì thì gì nhớ là khi ra sách phải có văn chương, không thì vứt…".

"Phải mất hàng năm, không thể không đọc một nhà văn như ông (Tô Hoài) này. Đấy là nhà chép sử biên niên nước nhà, kể từ tiền khởi nghĩa, có sức vóc "cử đỉnh" trong văn học Việt Nam thế kỷ hai mươi. Người ta hay nhắc đến những trang viết miền núi của Tô Hoài, tất nhiên là hay, nhưng thực ra phần chính yếu của ông là viết về Hà Nội trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Giữa các cụ xuất chúng ông già này cứ lầm rầm đi, lầm rầm làm việc nhưng sẽ là người về sau cùng, trên vai là một gánh sách có ý nghĩa tập đại thành...Nhiều anh thích ầm ĩ quá, trong khi sự tự vượt mình chỉ có thể làm được trong im lặng sống và sáng tạo".


"Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Vàng AnhNguyễn Quang Lập, Nguyễn Ngọc Tư… và rất nhiều người nữa đều đã có những đóng góp đáng kể, tôi hy vọng sự chững lại của họ mấy năm gần đây chỉ là một sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để có những bước vạm vỡ trong thời gian tới". Chẳng qua đời mỗi chúng ta cũng giống như con chim gì đang nhảy nhót chấp chới trên ngọn sóng. Chỉ có ai lênh đênh ngoài khơi thì mới gặp loài chim ấy. Chẳng hiểu chúng đậu vào đâu mà sống nổi, và nhờ đâu chúng vẫn cất tiếng hót giữa trùng trùng sóng gió. Kiếp người tưởng vậy mà nào có khác nhau là bao. Tôi vẫn thấy có tiếng hát của em, tiếng gọi của chị trong mỗi ngày sống của mình. (Một loài chim trên sóng).[2]




Đánh giá


"Đỗ Chu giống như cây quế trong rừng, ai dám bảo cây quế không quý" (Đỗ Chu như cây quế, thơm từ vỏ thơm vào) (Nhận xét của Nguyễn Minh Châu về đặc trưng của văn Đỗ Chu thời trẻ) [2][3]

Theo VĂN CHINH: Đỗ Chu nổi tiếng từ thời còn đang học phổ thông với truyện ngắn Hương cỏ mật của ông đăng ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1963 làm xao xuyến văn đàn. Khi đó, các nhà văn lớn về sau như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu còn đang chập chững vào nghề một cách vất vả, vô cùng vất vả. Có lẽ vì vậy, tôi chưa thấy ông phục ai trong thế hệ mình trở xuống về truyện ngắn, trừ hai người.

Người thứ nhất là Phạm Thị Minh Thư, khi cô nhà văn trẻ này đến nhận Giải nhất của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Đỗ Chu đã cầm vại bia đi từ phía bên kia của dãy bàn, đến trước chỗ cô tân khoa ngồi, vẫn ngón tay cái cầm vại bia, đốt ngón tay cái trên cùng cong vắt lại chỉ vào ngực mình, nói:

Gặp nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư (khi ấy Tư chưa có Cánh đồng bất tận) ở Hội nghị Nhà văn Trẻ mươi năm trước ở Khách sạn La Thành Hà Nội, ông cũng cầm vại bia y như thế đến trước mặt Tư, đốt ngón tay cái trên cùng cong vắt lại, chỉ vào mình, nói:

- Đây là Đỗ Chu

Đấy là cách những tài năng ra mắt nhau, không chúc tụng, không vồn vã, không sấn vào chụp ảnh với người đang nổi tiếng, nhưng rất trọng thị. Cách trọng thị của người có thể suồng sã với tất cả, trừ văn chương... Nếu khái niệm nhà văn chuyên nghiệp, ngoài tài năng và lượng bạn đọc lớn, nhất thiết phải có nội hàm chuyên nghiệp viết, thì ở nước Nam ta, Đỗ Chu là thứ nhất, rồi sau mới đến Nguyễn Mạnh Tuấn và Nguyễn Nhật Ánh. Cả đời Đỗ Chu không làm gì, ngoài viết văn. Hồi xóa bao cấp đến độ gay gắt, có người mách với lãnh đạo Hội, rằng Đỗ Chu chơi hơi kỹ, cho nghỉ hưu non bây giờ thì cơ quan giảm được một người. Ông Nguyễn Khoa Điểm bảo, Hội Nhà văn thì phải có người như Đỗ Chu đi ra đi vô, nó mới thành ra Hội. Chứ không thì thành ra trụ sở doanh nghiệp hay hợp tác mất... Thật khó diễn tả với bạn đọc trẻ hôm nay về cái sức mạnh làm xao xuyến tâm hồn của cả một đất nước của văn Đỗ Chu cách đây gần 40 năm. Bấy giờ bom đạn ùng oàng, chỗ này người chết kẻ bị thương, chỗ kia cầu sập nhà đổ, chỗ kia nữa tiễn đoàn quân ra trận, những tiếng khóc, những giọt nước mắt công khai và bí mật. Cả xã hội lo âu và căm giận. Có thể nói ngút trời đạn bom và ngút trời căm giận. Đúng lúc ấy thì một giọng văn thiết tha đằm thắm cất lên, nó cất lên một cách sang trọng. Giọng văn ấy là Đỗ Chu... Nếu như thời chiến tranh và bao cấp, hầu như giao thừa nào Đài Tiếng nói Việt Nam cũng phát một thiên bút ký hay tùy bút Đỗ Chu, thì đúng là Đài đã không nhầm, thể văn này ở ta, ngoài Nguyễn Tuân, còn có Hoàng Phủ Ngọc Tường nhưng xem ra ông này cũng khó sánh với Đỗ Chu ở cả tầm vóc lẫn bề dầy, bề dài suốt gần 40 năm qua. Tùy bút Đỗ Chu khiến văn hóa Đại Việt sống động dậy trong những con người cụ thể, cứ như cái hồn nông thôn cũ đã chọn những người ấy mà khu trú, mà nương náu để cho qua thời tao loạn, lộn xộn mới thong thả bước ra, đi duyên dáng và thật sang trọng giữa đời đang lắm bức sốt và ngột ngạt... Nhà văn Nguyễn Minh Châu bảo Đỗ Chu như cây quế, thơm từ vỏ thơm vào. Thật đúng. Nhưng chợt đến đổi mới thì ông đã nằm xuống nên Nguyễn Minh Châu chưa được đọc chùm truyện ngắn về sau của Đỗ Chu, nó là lõi của văn vậy! (theo VĂN CHINH) [3]


Theo NGUYỄN THANH KIM: Anh là một nhà văn sớm thành đạt mà cũng không ít trăn trở, vật vã, day dứt băn khoăn. Đỗ Chu không chịu bằng lòng với những gì đã có cho dù những gì đã có của anh vẫn là mơ ước của nhiều người khác...Không biết do "ma lực" nào ốp mà Đỗ Chu viết khỏe vậy. Một anh lính trẻ gầy nhàng nhàng, đôi mắt sáng, bàn tay lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi mà sức viết lại dồi dào. Có một nhà văn đã từng nói với tôi: "Đỗ Chu bức xúc thì nói ra mồm, nhưng văn hắn kỹ càng". Nghe Đỗ Chu thì phải nghe cả hai tai. Đỗ Chu là người có tâm, nói thì đôi khi "tào lao" nhưng những điều anh nói nếu "chịu nghe" thấy cũng chí lý... Sinh thời nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nói: "Đỗ Chu giống như cây quế trong rừng, ai dám bảo cây quế không quý". Nhưng có lẽ điều đó chỉ là đặc trưng của văn Đỗ Chu thời trẻ. Những năm ấy, Đỗ Chu vẫn chưa có đủ cái sâu sắc, đau đáu trải nghiệm... Trước đó văn học Việt Nam đã có một Nguyễn Tuân dày dặn kiến văn mà hết mực tài hoa nhưng khi ta đọc Đỗ Chu thấy tùy bút của anh gần gũi kiếp nhân sinh với những triết lý của trải nghiệm đời sống "Một nhân gian rất thật mà cũng rất ảo, thực thực mơ mơ. Một thế giới trong đó hết thảy đang phơi bày, hết thảy đang được lột trần, đó là những thách thức, những nguồn cảm hứng lớn đặt ra trước các nhà văn, trước những ai mang sứ mệnh sáng tạo"... Gần đây tôi đến thăm Đỗ Chu ở khu chung cư Đội Nhân (Hà Nội) có nghe anh tâm sự: "Kim này, nhờ giời anh em mình có dăm ba chữ để sống với đời. Chịu khó viết lấy ít trang cho hẳn hoi, mà cũng chớ có quá ảo tưởng về mình, không khéo mà thành vớ vẩn cả, thì khổ". Một nhà văn đã vào tuổi bảy mươi có thành đạt trong văn chương mà còn thấy như vậy thì kể cũng là đáng trọng. Ngẫm ra, khả năng tự biết mình, dám vượt mình, là một phẩm chất không thể thiếu với những ai muốn đi xa… (NGUYỄN THANH KIM) [2]










Chú thích











Trở về










MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.