Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Sa Giang Trần Tuấn Kiệt (1939 - 2019)














Sa Giang Trần Tuấn Kiệt
Bút hiệu : Sa Giang
Tên thật : Trần Tuấn Kiệt
(1939 - 2019)
Hưởng thọ 80 tuổi


Ngoài 2 bút hiệu chính trên, ông còn dùng nhiều bút hiệu khác như Việt Thần, Việt Long, Duy Thức... để viết sách võ thuật, truyện thần thoại dân tộc cho nhà sách Khai Trí và các nhà xuất bản do người Hoa làm chủ và đặt mua. 
Chủ trương nhà xuất bản Hồng Lĩnh.

Thuở bé tản cư ở Đồng Tháp Mười, sống với bà ngoại. Đã có lần cưỡi trâu vượt sông Cửu Long, từ Đồng Tháp Mười về Sa Đéc. Năm 11 tuổi ông lên Sài Gòn học âm nhạc, đậu hạng nhất thổi sáo ở trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn.

Từ cuối thập niên 50 đến 75 ông đã cộng tác với báo Sinh Lực của Đồng tân,
Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh,
Phổ Thông của Nguyễn Vỹ,
Vui Sống của Bình Nguyên Lộc,
Sống của Chu Tử,
Nghệ Thuật của Mai Thảo...

Chiếm giải nhất sáng tác VHNT quốc gia của Tổng Thống VNCH về thơ năm 1971 với thi tập
Lời Gởi Cây Bông Vải.

Tuy viết đủ thể loại, nhưng nghiệp dĩ chính của Trần Tuấn Kiệt vẫn là thơ. Ông làm thơ rất nhanh có thể so sánh với chưởng môn Hà Thượng Nhân, hay Bùi Giáng.
Những trường thi ca chính của ông đã viết như Bài Ca Thế Giới, Ngôi Đền Cổ, Trường Ca Đất, Triền Miên Ngâm Khúc Hồng Hạc, Niềm Hoan Lạc Của Thần Linh và Địạ Ngục, Lạc Đạo Thi...có bài dài cả ngàn câu.

Sau 1975 ông cũng bị đi cải tạo gần 10 năm, ở Trại giam Phan Đăng Lưu, Chí hoà - Sài gòn và Gia Trung ở Gia lai KonTum đến 10/1985 mới được về . Các sách vở của ông rất nhiều nhưng ông đã đốt vào thời điểm tháng 4 năm 1975, cho nên thơ và truyện của ông hiện nay rất khó tìm.









TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN : 







Thơ





1
Thơ Trần Tuấn Kiệt
(1963)



2
Nai
(thơ, 1964)



3
Bài Ca Thế Giới
(thơ, 1964)



4
Cổng Gió
(thơ, 1965)



5
Triền Miên Ngâm Khúc
(thơ)



6
Cỏ Nội
(thơ)



7
Mê Cung



8
Màu Kỷ Niệm



9
Niềm Hoan Lạc



10
Lời Gởi Cây Bông Vải
(1969)











Truyện dài

1
Sa Mạc Lan Dần

2
Tiếng Đồng Nội

3
Hồng Cẩu quẩy





Võ thuật

(mấy chục quyển)

1
Dịch cân kinh

2
Thái cực quyền

3
La hán quyền
....




Sách thuốc nam

không xin xuất bản được





Dã sử

1
Quật Mộ Tào Tháo

2
Quật Mộ Tần Thủy Hòang

3
Linh sơn nghĩa sĩ






Biên khảo thơ văn

1
1000 năm Thi Ca Việt Nam Hiện Đại

2
Tác giả Tác phẩm trước 1975

3
Tác giả Tác phẩm sau 1975 - tự in 







Tôn giáo tín ngưỡng

1
Tín Ngưỡng Thần đạo Việt Nam còn gọi là Đại Việt Thần đạo 
( 2000 – 2008 )
viết tay 15.000 trang chưa in với sự cộng tác và sưu tầm của nhiều người bạn và các tác giả khác .




Ông muốn đưa tác phẩm của mình đến tay công chúng, không chú trọng tiền bản quyền nhiều hay ít, trả theo tự chọn, chủ yếu là phổ biến đến công chúng yêu thích thơ và nghiên cứu về Tín Ngưỡng Thần đạo của Việt Nam, để cho các bạn đọc có thể ủng hộ, đóng góp theo khả năng của chính mình, để nhằm phát triển rộng rãi thơ và Thần đạo Việt nam đến tất cả mọi người.












Đọc Thơ Trần Tuấn Kiệt










Thơ dịch tác giả khác 

















MỘT MÙA XUÂN TRỞ LẠI CHO ĐỜI NGHỆ SĨ

Ngày giáp Tết ở Saigon nóng ran ran, tôi đến Linh ở đường Nguyễn Thiện Thuật, cũng để nhờ anh ta giúp vài chuyện về dịch thuật.

Trước nhà Linh có hai người đàn bà Trung hoa bán khoai lang nướng. Tôi mua hai củ khoai tím Dương Ngọc ăn rất thơm ngon, ngồi xuống xe nước mía, tôi hỏi bà chủ Linh chừng nào về. Bà ta bảo cậu mới đi uống cà phê đâu đó. Bác ngồi đợi không bao lâu Linh sẽ về. Ít khi nào Linh đi đâu vì bà mẹ bắt anh ta coi nhà không cho ra ngoài. Tôi cười Linh đã là bác sĩ rồi mà.

Cách đây khoảng gần bốn mươi năm, đây là con đường thân thương của tôi nhất. Tôi ở đậu để đi học trong xóm ở đường Hai Mươi bây giờ đổi tên là ĐBPhủ. Lịch sử đã thay đổi hết. Và lớp trẻ như Linh lớn lên sau 75 không còn biết gì về những người tăm tiếng trước kia nữa.

Con đường này trước 75 có rất nhiều quán cà phê văn nghệ. Quán nào cũng vang lên bài Sang Ngang của Đỗ Lễ "Đưa em sang sông...". Bọn thanh niên cứ quây lấy các cô gái xinh xinh và lãng mạn suốt ngày yêu cầu quán cho nghe cứ sang sông sang ngang... Xuyên qua đường này đến Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), tôi thường đi với người bạn cùng quê lên là dân Sa đéc bạn học lớp ba, lớp tư tiểu học. Hắn lên Saigon trước và gặp tôi ở quán cà phê vỉa hè ở đó. Hắn bảo:

- Tôi có đọc anh trên báo Phổ thông. Anh có biết Đàm trường viễn kiến của ông Nguyễn Đức Quỳnh trong hẻm gần chùa đó không?

- Không.

- Ở đó, ngày nào cũng nhiều người tụ tập nói chuyện xôm tụ lắm.

Lúc này tôi và Hàn Giang Dương Thành Long và anh Mẫn bút hiệu Giang Châu, cả ba thành lập thi đoàn Tam Giang, sau có thêm Chương Đình Thu (Bạch Lộ) nữa. Bọn trẻ chúng tôi thời đó mê thơ văn quên cả ăn cơm, thường thì chỉ lấy cà phê, thuốc lá làm thức ăn chính.

Hắn dẫn tôi vào nhà cụ Nguyễn Đức Quỳnh, căn nhà nằm ngang chắn ở cuối con đường hẻm rộng. Thường khi có xe bộ trưởng Công dân vụ Ngô Trọng Hiếu vào đó. Cụ Quỳnh là cố vấn của ông Hiếu. Tôi nhớ hôm đó cụ Quỳnh đang ca ngợi tranh Nguyễn Trung, cho họa sĩ là người vẽ ngựa giỏi nhất. Cũng không ngờ trong buổi đầu tiên đến, tôi gặp nhiều người đã nghe danh trên văn đàn ở đó. Lý Đại Nguyên như đệ tử ruột của cụ Nguyễn Đức Quỳnh cùng Duy Sinh là con cả cụ Quỳnh lý luận, tranh luận sôi nổi về vấn đề văn hóa mới và văn hóa dân tộc.

Ban đầu tôi ngỡ tất cả cùng nhóm nhưng không phải. Duy LamThế Uyên thường bài bác tranh Tạ Tỵ, Duy Sinh lại có vẻ chống lại bố là cụ Quỳnh với tư tưởng hiện sinh mới nhập vào VN đang cùng nhóm Sáng Tạo có Mai Thảo làm chủ súy. Có mặt rất nhiều người như Hoàng Bảo Việt, Hồ Nam, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Tô Thùy Yên, Mai Sử Giương là Nguyễn Nghiệp Nhượng...

Hôm đó là ngày đầu xuân nên có bánh mứt Tết. Ngồi cạnh tôi là Trần Dạ Từ bút hiệu Hoài Nam dường như có xuất bản quyển thơ Hương Cau Quê Ngoại. Cả nhà nhiếp ảnh Nguyễn Cao Đàm đang phàn nàn về cái giải thưởng hạng nhất Quốc tế chưa được đi lãnh vì nhà nước bắt đóng thuế. Phần nhiều ở đó là các nhà văn miền Bắc di cư 54 vào Nam thời đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm.

Cụ Quỳnh nói dõng dạc:

- Tôi bảo đảm anh em cứ tự do phát biểu, cả chỉ trích chính quyền. Các anh em sẽ không hề bị hỏi han bắt bớ gì cả khi ở nhà này trở về.

Tất nhiên cụ Quỳnh đã có bảo đảm của Ngô Trọng Hiếu, một ông bộ trưởng quyền uy đứng vào hàng thứ ba chỉ sau Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu thời đó. Cho nên anh em văn nghệ tranh luận nhau quyết liệt nhất là nhóm Sáng Tạo có Duy Thanh với nhóm Văn Hóa Ngày Nay, hậu thân của Tự Lực Văn Đoàn với Thế Uyên và Duy Lam là hai kiện tướng.

Dương Nghiễm Mậu, Trần Dạ Từ, Hồ Nam... phát biểu hầu như thao thao bất tuyệt. Đã gọi là Đàm Trường Viễn Kiến thì tất mọi khuynh hướng, mọi tư tưởng văn hóa tôn giáo chính trị nghệ thuật đều được đem ra mổ xẻ thẳng thừng và với các nhà văn hóa mới đầy nhiệt huyết. Chẳng bao lâu, cái lò luyện người với tư tưởng tổng hợp, gọi là Tổng Thức Vận đó tiêm nhiễm tôi hồi nào không hay. Hồi đó còn có nhóm Hoa Mười Phương của Kiều Thệ Thủy. Tờ Mã Thượng của Linh Thi và Sinh Lực của Đồng Tân đã viết về tôi khi ấy chưa đầy mười tám tuổi. Có lần mọi người đề cập đến Bùi Giáng cho là một hiện tượng lạ. Cụ Quỳnh nói Bùi giáng là Lão tử thời nay. Tôi chơi thân và hiểu Bùi Giáng nên không đồng ý với nhận xét này. Tôi về ghé kể cho Bùi Giáng nghe. Ông cười cười lôi tôi ra khỏi nhà, nói:

_ Mình đi ăn tiết canh vịt ở Ngã Bảy đi. Ông rất thích tiết canh.

Rồi ông đem chiếc xe Mobylette ra chở tôi đến Ngã Bảy bây giờ là đường Lý Thái Tổ gần Ngã sáu Chợ Lớn, nơi đó bày đủ các hàng ăn uống nhậu nhẹt. Lúc này Bùi Giáng còn làm giáo sư dạy ở trường Tân Thanh, có cả nhà viết sử Thiên Giang, triết gia Đệ Tam là Tam Ích sau dạy Pháp văn, nghiên cứu viết về Hiện sinh và Phật giáo.

Những người này là thày tôi ở trường Tân Thanh. Lúc đó tôi theo Nguyễn Vỹ muu sinh và hằng ngày vào nhà cụ Lê văn Trương ở Ngã tư quốc tế chơi, có lúc Trầm Tử Thiêng từ Khánh Hội cũng qua chơi. Cả Thanh Quang sau chịu ảnh hưởng Phi Lạc Sang Tàu của Hồ Hữu Tường cùng bà Trúc Lâm Nương làm giáo chủ đạo Hồng Môn ở Vạn Kiếp (Gia Định).

Đi du xuân mà ăn tiết canh thì tôi không thích nhưng chiều Bùi Giáng nên theo cũng đi theo. Cách cái quán tiết canh đó là quán chị Lệ Liễu. Chị mở quán ca nhạc gần đó bày sân khấu nhỏ để các ca sĩ lên mà ca hát ngâm nga thâu đêm suốt sáng, phía trong quán nổi tiếng nhất là nơi ăn chơi một thời. Đại đức Trí Minh, bạn của Vũ Anh Khanh lúc chưa đi tu thường đến đây vừa nhậu, vừa hát và ngâm thơ của ông, dẫn theo Mặc Tưởng và Thùy Dương Tử. Tôi muốn dắt Bùi Giáng vào quán Lệ Liễu chơi nhưng ở đây quá bụi không thích hợp với ông nên thôi.

Trời xuân rộn rã, tôi vừa uống chút bia thấy ngà ngà. Nhìn qua bên kia đường, một dãy nhà dọc Lý Thái Tổ đang bán đủ loại hàng hóa, máy móc như mọi con đường khác. Phía sau lưng dãy nhà mơí xây này ngày xưa bãi cỏ mọc vô tội vạ, con đường đó vào sâu hơn là nơi "cát cứ" của ban Văn nghệ địa phương quân do đại úy Tô Công Biên coi. Tôi không nhớ lúc đó Du Tử Lê là thiếu úy hay trung úy cũng ở đó.

Hằng ngày Du Tử Lê dẫn ca sĩ lên Đài phát thanh quân đội nơi có đại tá Cao Tiêu, Tô Kiều Ngân, Tô Thùy Yên, Tường Linh và Phan Bá Thụy Dương thường có mặt. Đó là Cục Chiến Tranh Tâm Lý ở ngay Sở Thú. Khi tôi đang làm báo, viết báo cho Phổ Thông, trong Tao Đàn Bạch Nga của Nguyễn Vỹ, một hôm đại tá Phát (Nguyễn Tấn Phát), một bác sĩ từng là bác sĩ riêng của Ngô Đình Diệm bảo tôi vào lính Văn Nghệ Địa Phương Quân. Ông Phát cũng gia nhập tao Đàn Bạch Nga với Thu Nhi, Minh Đức Hoài Trinh, Tuệ Mai, Nguyễn Thu Minh, Bạch Yến. Thế là tôi vào Ban văn nghệ Địa phương quân, có nhiệm vụ viết sapô cho ca sĩ giới thiệu các bài hát.

Ban văn nghệ này rất nổi tiếng, người điều khiển là anh Nguyễn Hữu Sáng, em ruột Nguyễn Hữu Thiết là người điềm đạm, ít nói và có tài.

Thời ở Địa phương quân, tôi biết Lam Phương, anh hiền lành, cũng ít nói nhưng hay vào trại trễ, bị phạt chạy vòng sân. Cái thân hình bệ vệ của Lam Phương lúc bị đại úy Tô Công Biên phạt chạy vòng sân khiến ai cũng tức cười. Ngày nào mọi người cũng tập dượt ầm ĩ cả trại. Sáo có Nguyễn Đình Nghĩa, Khả Năng, Phi Thoàn là hai cây cười rôm rả nhất. Có một anh hề nổi tiếng chịu chơi nhất, hễ buổi sớm lôi nhạc cụ ra thấy thiếu cây đàn gì thì y như bắt anh ta phải "đi chuộc" ở tiệm cầm đồ về là có ngay. Đó là danh hề Thanh Việt có cả Tùng Lâm nữa. Cũng một ngày Tết khác, tôi gặp Khả Năng sau 75 ở rạp Rex thì anh vui vẻ nói "Mới ở trại cải tạo về". Nghe nói anh trốn qua Thái lan hay Mã lai gì đó rồi mất tăm hơi luôn.

Tôi ngồi với Bùi Giáng mà nhớ tới những ngày cùng Du Tử Lê ở ban Văn nghệ Địa phương quân, sau tôi bị chuyển qua hậu bị quân đưa vô Rừng sác rồi biến luôn không vào trại nữa. Bùi Giáng gọi thêm rượu rồi ra ngoài, lát sau có người cầm vào hai dĩa bánh ướt to tướng. Bùi Giáng nói:

- Ăn đi. Anh còn vào Đàm trường viễn kiến không ?

Tôi vừa ăn vừa lắc đầu.

- Viết báo với Chu Tử lo kiếm cơm. Từ ngày cụ Quỳnh mất tôi không tới đó nữa.

Bùi Giáng hỏi:

- Chu Tử có tốt không?

- Tốt, vui với anh em lắm. Có Hồ Nam, Trần Dạ Từ, Duyên Anh làm ở đó nữa, nhất là Tú Kếu.

Tôi hỏi:

- Ông có đọc thơ Tú Kếu?

Bùi Giáng trả lời:

- Tú Kếu làm thơ lục bát hay lắm. Còn thơ đen thì không có đọc.

Sau đó tôi nói với Chu Tử lấy tập sách kiếm hiệp của Ngọa Long Sinh là Kim Kiếm Điêu Linh do Bùi Giáng dịch đưa vào báo Sống. Sau biến cố 75, mọi sự đều thay đổi. Bạn tôi Trầm Tử Thiêng qua Mỹ viết bản trường ca Áo dài Việt Nam tôi được nghe một lần. Rồi anh mất bên đó.

Mùa xuân này tôi chợt có dịp trở về con đường hẻm Bàn cờ cũ gần nhà cụ Quỳnh nơi cư xá Đô Thành có trường Tân Thanh xưa nay đã biến thành khách sạn. Đi sâu vào cư xá Đô Thành tôi từng vào thăm chị em Khánh Ly ở một căn gác nhỏ dường như mướn trong đó. Thấy tôi đến cả hai ngó nhau cười như không tiền đãi cà phê đen nữa. Em gái Khánh ly rất đẹp, lần nào tôi đến cũng nói: Anh Kiệt ngâm thơ cho em nghe đi, sau này cô lấy Văn Quang, anh vẫn còn ở lại VN.

Tôi ngồi tư lự một lát thì Linh và San Hà đi đâu trờ về. Linh mời:

- Vào nhà chơi đi anh

- Thôi mình ngồi uống nước mía, anh có việc nhờ em.

San Hà báo tin:

- Từ ngày chị Huệ Thu ghé thăm anh bị trợt thang gác đến nay cũng chưa lành.

- Chị Huệ Thu là người có lòng tốt. Nghe nói chị tửu lượng cao. Trùng Dương không những viết truyện hay mà uống rượu cũng cừ lắm, Tú Trinh cũng vậy. Có lần Tú Trinh ghé nhà không gặp nói với con gái anh sẽ chở anh đi nhậu. Những người bạn trước đều rủ anh nhậu cả chỉ có em bảo anh thôi hút thuốc.

- Anh bị bệnh, hút nhiều quá làm sao du xuân. Sao cây hải đường năm rồi anh không giữ lại?

- Phải, cây hải đường cành lá xum xuê đẹp lộng lẫy, Phạm Cung xuống xem nói đó là đại hồng trà, hái lá nấu làm trà xanh uống ngon lắm. Nhà Hồ Hữu Thủ rộng rãi, năm nay anh định mua tặng anh ấy một cây hải đường, nhà mình chật hẹp không trồng lâu được.

À quên nhắc lại ban Văn nghệ Địa phương quân, anh em văn nghệ kẻ còn người mất. Vừa rồi xem băng Thúy Nga thấy có chương trình về Lam Phương. Nhưng anh nay đã già, bị tai biến mạch máu não, tay phải không còn đàn được nữa. Nhớ tới Lam Phương ngày nào với hàng trăm bản nhạc đi vào lòng người. Thật buồn cho số phận tài hoa của một nhạc sĩ.

Khi tôi làm báo Sống, thỉnh thoảng Khánh Ly ghé chơi. Chúng tôi hay ngồi ăn hủ tíu ở quán Tàu đường Gia Long. Lúc đó, ghế chủ tịch đại diện sinh viên Văn khoa có Trần Lam Giang, sau là Phạm Quân Khanh, Phạm Quốc Bảo, Ngô Vương Toại. Thêm anh em Cung Văn Nguyễn vạn Hồng, nhà thơ nữ Hồng Khắc Kim Mai ở Văn khoa thường lui tới nhà tôi. Chúng tôi ngồi quán bên hông Lê Thánh Tôn. Thường xuyên có Khánh Ly và các anh em nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ cũng ở đó. Một lần khách lạ quen với Khánh Ly tạt vào, nàng vội giới thiệu. Anh Kiệt nhà thơ nổi tiếng đấy... nhưng em không biết được thơ hay hay dở... rồi Khánh Ly cười rất vui.

Ngày đó trong khuôn viên đại học Văn khoa có dựng một gian nhà gỗ nhỏ của nhóm họa sĩ trẻ gồm Mai Chửng điêu khắc, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Hồ Thành Đức... Căn nhà gỗ này do Nguyễn Trung và Hồ Thành Đức xin được trong không quân đem về dựng lại. Hằng ngày Nguyên Khai và Nguyễn Thành Nhơn đến điêu khắc chơi và thoạt tiên cũng là chỗ ngủ của Nguyễn Nghiệp Nhượng và Cù Nguyễn. Sau 75, khi qua đường Lê Thánh Tôn, tôi nhớ lại cái quán cà phê cũ đã thay mới, các cây điệp (phượng đỏ) cội rất lớn, thân cây bị cưa cụt đã đâm ra thêm nhiều cành nhánh mới, có nhánh đã ra hoa. Tôi đứng lặng nhớ về bạn bè hay gặp nhau ở đấy. Trần Lam Giang, Lê Tài Tấn, Phạm Quốc Bảo và Bùi Ngọc Tuấn, nhớ tới các bạn họa sĩ, Khánh Ly, Nguyễn Thụy Long, Lam Thiên Hương thuở còn xuân sắc tươi đẹp. Bây giờ Lam Thiên Hương trở thành bà ngoại già thường dắt cháu ngoại đến Cung văn hóa Lao động chơi.

Lê Thánh Tôn và những cành điệp cũ gợi cho tôi rất nhiều về lịch sử của một thời. Nay mùa xuân trở lại, con đường vẫn rộn ràng xe cộ, khách nước ngoài đi lại dập dìu. Cả mấy chục năm ở Saigon mà tôi cứ quanh quẩn mãi Thị Nghè như một thằng Mán không biết gì nhiều sự đổi thay. Năm 2005 Phan Bá Thụy Dương lần đầu tiên về nước ghé thăm tôi hai đứa mới trở lại nơi đây nhìn sang Pagoda cũ với tâm trạng ngậm ngùi. Cũng chính từ gốc phố nhộn nhịp này tôi và PBTD đã làm 2 bài thơ Tưởng Niệm Hoàng Trúc Ly.

San Hà chở tôi trên chiếc xe Honda thời tiền sử chậm chạp, tôi nóí:

- Chạy cẩn thận thôi coi chừng đụng người ta đấy

San Hà cười.

- Không sao đâu. Để đó em chạy an toàn chở anh đi xem hoa.

- Anh nghe nói trong Tao đàn có dựng đền Hùng vương, xem hoa xong rồi ta vào lễ đền tổ nghe .

Rồi San Hà cho xe rẽ qua cửa Tây Saigon đi về phía bùng binh. Chợ hoa chỗ ấy thật đông đúc, Hải đường, dạ lý và muôn hồng nghìn tía đua nhau khoe sắc mừng mùa xuân mới.

Trần Tuấn Kiệt














Trần Tuấn Kiệt, mây phiêu du
Bùi Ngọc Tuấn


Tóc bay khuất giải Ngân Hà
Tuyệt vời thấm mộng, đêm là đêm xưa

Một buổi tối cuối năm - đâu đó vào năm 1965, 1966 - trong sân trường Đại Học Văn Khoa, vắng lặng, yên tĩnh ngay giữa những ồn ào của trung tâm thành phố Saigon đang chờ đón Tết, Trần Tuấn Kiệt vời tay lên vầng trăng đọc cho tôi nghe hai câu thơ tuyệt vời ấy.

Kiệt đọc xong, đứng im lặng. Tôi đứng im lặng. Hồi lâu. Bởi vì không còn gì để nói vào lúc đó. Bởi vì không có gì nên nói vào lúc đó. Những câu thơ ngân vọng mãi đến bây giờ. 40 năm sau.

Tôi quen Trần Tuấn Kiệt một cách tình cờ, khi anh đến trường Đại Học Văn Khoa tìm Phạm Quốc Bảo. Chúng tôi đi uống café ở góc đường Gia Long và Nguyễn Trung Trực, trước cổng trường Văn Khoa, rồi thân với nhau từ đó. Không ngày nào không đi lang thang với nhau, nhiều hôm cả sáng, cả chiều, cả tối. Trần Tuấn Kiệt thủa ấy có một cái xe velo solex, tôi đi một cái xe mobylette. Tôi thường chở Kiệt trên cái mobylette đó. Nơi chúng tôi lang thang là hè phố Saigon, những hành sách cũ, những quán vỉa hè. Cả hai đứa ít khi nào vào La Pagode ngồi, hình như vì cái phong thái giang hồ của hai đứa ít hợp với nơi 'bàn cao, cửa kính' ấy. Quán café, quán ăn vỉa hè là nơi hai chàng 'tọa thị' hàng giờ. Ngoài việc làm thơ, Kiệt không làm gì cả. Còn tôi thì đi học như đi chơi. Đầu năm đến ghi danh rồi mỗi ngày đến trường gửi xe, xong ra quán café ngồi, cuối năm đi thi. Hai đứa tôi có nhiều thì giờ hơn ai hết, ở Saigon lúc đó.

Trước đây, khi viết về Nguyễn Đức Sơn, tôi có nói rằng: '…ở Việt Nam tuy có rất nhiều người làm thơ hay, nhưng chỉ có ba người thật sự sống cuộc đời thi sĩ, họ và thơ là một, ngoài thơ ra họ không có gì khác, không còn gì khác, không muốn gì khác, không là gì khác. Sơn là một, hai người kia là Bùi Giáng và Trần Tuấn Kiệt…’ Quả tình ngoài thơ ra, Kiệt không làm gì cả, không có gì cả. Hình như khi viết về Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền có nhắc lại lời Khổng Tử nói về Lão Tử (trong Nam Hoa Kinh) để ví Bùi Giáng như là một 'con rồng'. Nếu Bùi Giáng như ‘rồng’ thì tôi thấy Trần Tuấn Kiệt như một 'vầng mây trắng', bay lang thang vô định. Vầng mây trắng không làm gì cho trời, cho đất. Nhưng đất trời sẽ không còn là đất trời nếu thiếu đi những vầng mây phiêu du khắp chốn ấy.



Hãy đọc mà nghe:



Nai

Lên theo đỉnh núi mơ màng
Một con nai đứng vọng ngàn trong sương
Vách cao đá dựng trăng buồn
Tơi bời tiếng lá, mưa luồng lũng sâu
Gót thầm nai tếch ngàn thâu
Nhân gian nghe cũng vọng sầu bao la

Mới đọc lần đầu, nhạc điệu, âm hưởng man mác của bài thơ làm ta bâng khuâng. (Như tiếng hòn sỏi vừa ném xuống hồ nước). Đọc lại những lần nữa, những ý tình tiềm ẩn thấp thoáng ẩn hiện, chợt vang vọng lên, ngân dài bất tuyệt (như những vòng sóng lan ra trên mặt nước lặng).

Thơ Trần Tuấn Kiệt như thế.




Và hãy đọc thêm vài bài khác:



Em còn hái trái

Em còn hái trái bên cây
Vết son mùa để dấu hài đầu tiên
Loi choi bước nhảy chân chim
Gió tan mây tụ đảo điên hồn người
Em còn hái nữa hay thôi
Vết tay chín móng đã mười yêu thương
Phiêu-du trở bến trong vườn
Một giòng nước thẳm bên nguồn em đang…
Vườn chim trái mộng hoa vàng
Nửa đêm trăng cũng huy hoàng bên em





Đường xuân

Ta về đâu những con đường
Lệ sầu ai rãi phấn hương mau tàn
Xuân đời nhan sắc truy hoan
Rượu tình tri kỷ trần gian mấy người
Ca thâu đàn hát tan rồi
Mây xuân chở mộng qua trời về đâu



Biển khuya

Biển khuya sóng vổ lên hồn
Ta nằm nghe lặng tiếng cồn dâu xanh
Vầng trăng lửa Hạ treo nhành
Vực sâu rêu phủ mấy cành củi khô
Ngàn xưa hoa trắng phiêu du
Nước sa buồn với mùa Thu cách nguồn
Trăm sông buồn cũng xô luôn
Quanh co bến lạ máu xương rụng sầu
Sóng dồi giấc ngủ đêm thâu
Vầng trăng ngọc thạch ửng mầu tồn sinh



Khúc Phượng Cầu Hoàng

Chiều nghe khúc Phượng Cầu Hoàng
Nỗi buồn thiên cổ tiếng đàn nghìn năm
Lệ châu rơi xuống âm thầm
Tương Như Tư Mã cánh bằng đã xa



Mùa vu lan

mộng vàng ai thếp màu son nhạt
kiếm khách mài gươm dưới nguyệt tàn
ta về trễ quá muôn năm trước
trống đồn bi ký cõi nhân gian

em đẹp còn đây dáng mỹ nhân
Tây Thi gái Việt sắc mê hồn
ta say tình sử thương thiên cổ
mấy nếp lâu đài rộn gót son

ấy ai cưỡi ngựa chơi vườn cũ
khua trống chiêng xưa bóng chập chờn
kìa xem trăng mộng thành thiên cổ
hoa lá vin cành điệp dưới thôn

Em đi lễ Phật Vu Lan mới
dạo chùa lễ Phật nức hương sen
cho anh gởi chút tình ân ái
về dưới Phật đài vui với Em





Tượng

Em đi chân bước lạc đà
Suốt miền ải hạn giữa sa mạc người
Phượng hoàng xuống đậu hai vai
Ngậm hoa quỳ nhớ thiên thai không về
Ngàn năm mây trắng trôi đi
Với hồn xưa động bốn bề không gian



Bến ngựa
tặng Bùi Ngọc Tuấn

Khi xưa ta đến bên thành
Cỏ cây cũng nhớ thương mình ra hoa
Vầng trăng bến ngựa giang hồ
Bia thành vách mộ lòng ta chợt buồn



Hạc thiêng
tặng Phan Bá Thụy Dương

Thơ bay vàng cánh hạc chiều
Núi sông trăng mới bên triều biển xanh
Mươi năm lỡ bước thị thành
Mộng đời ủ lại mái tranh sau vườn
Bao người đánh mất quê hương
Trăm năm hiện hữu ai buồn vì ai!
Tuổi đời mỏng cánh hạc bay
Động lòng thiên cổ gió mây qua đèo


Quê hương
tặng Phương Triều

Lòng ta vì quá đỗi nhớ thương
Cành hoa bụp cũ khóc bên đường
Bến khuya Sa đéc trăng mười sáu
Mấy độ chìm theo sóng lớp lang
Hỡi người con gái bến Tân quy
Nàng hát ta nghe hát những gì?
Tóc xõa bốn trời trăng gió tụ
Mây vờn âm điệu nét phương phi
Hát nữa nàng ơi! não bốn trời
Cành hoa bụp cũ bến kia rơi
Quê hương khúc hát chừng đưa lại
Lớp sóng trường giang lạnh đến trời



Từ thời còn rất trẻ, vào thập niên 1950, Trần Tuấn Kiệt đã xuất hiện trên ‘Văn Hoá Ngày Nay’ của nhà văn Nhất Linh. Ngay từ bài thơ đầu tiên trong đời được đăng báo, Kiệt đã được trả tiền nhuận bút, khá hậu hĩnh. Cái tên Sa Giang Trần Tuấn Kiệt ngay từ buổi đầu đã có chỗ đứng riêng biệt, vững vàng trong thi đàn Việt Nam.

Tiếng thơ Trần Tuấn Kiệt đầy những âm vọng của thơ Lý Thương Ẩn và Đỗ Phủ, thêm vào đó là những ngậm ngùi, mênh mang của giòng thơ lục bát nói về những u sầu của lòng người mà ngàn năm cứ trầm vang những nỗi niềm của cuộc phù sinh. Ngoại trừ tập ‘Triều Miên Ngâm Khúc’ nói về những đớn đau của một người cha mất con, nhìn vào cuộc đời đầy sinh ly tử biệt; Những tập khác như ‘Nai’, ‘Cổng Gió ‘, ‘Thơ Trần Tuấn Kiệt’, ‘Em Còn Hái Trái’, ‘Lời Gởi Cây Bông Vải’ … là những tiếng lòng u hoài miên viễn trước kiếp người hữu hạn giữa giòng thời gian bất tận, và của đời người trầm luân trong một thời ‘Xuân Thu mới’ nhiễu nhương không khác gì thời Xuân Thu trong cổ sử. Trần Tuấn Kiệt không có những loại thơ tình của những tình nhân bình thường, như ta thường thấy trong thơ tình của những thi sĩ lừng danh khác. Không có những đắm say nồng nàn, không có những đáng cay, quằn quại. Chỉ có những mối sầu miên viễn, sầu tình hòa cùng sầu đời, man mác, ngậm ngùi. Thơ tình của Trần Tuấn Kiệt không bao giờ có những lời tỏ tình trực tiếp, mà luôn luôn là những ẩn dụ và mối sầu tình cũng luôn luôn hòa với mối sầu thiên cổ.

Ngôn ngữ Trần Tuấn Kiệt giản dị mà chở đầy những hình ảnh dù man mác mà thê thiết, trong một nhạc điệu trầm ngân như một tiếng thở dài. Tình yêu quê hương Việt Nam, yêu tiếng Việt vốn tràn ngập trong thơ văn Trần Tuấn Kiệt, nhưng ngắn gọn, rõ ràng và quyết liệt nhất là trong quyển ‘Tiếng Đồng Nội’, với vài giòng bố cáo đơn sơ ở đầu sách, đại khái là: cấm dịch ra bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Nghĩa là phải người đọc phải đọc cuốn tiểu thuyết này bằng tiếng Việt Nam…

Kiệt viết rất nhiều, thơ, truyện ngắn, truyện dài, biên khảo (‘Tác Giả, Tác Phẩm’, Thi Ca Việt Nam Hiện Đại’ dày hàng nghìn trang…., nhưng thơ vẫn là thể loại chính, hàng 5, 7 nghìn bài trong 50 năm qua.

Thủa đó, nơi hai chàng lãng du là những quán vỉa hè. Ngồi trên những chiếc ghế đẩu thấp sát đất. Uống những ly rượu đế nhỏ. Nhắm những con khô mực nướng thơm. Kiệt thường nói: 'tao nghèo mà vui'. Nghèo thì cũng đúng, nhưng vui thì đúng hơn. Tôi cho rằng trên đời này chỉ có một mình Trần Tuấn Kiệt là không biết buồn, biết lo. Những nỗi buồn, lo của sinh kế, của đời sống hàng ngày, của mọi người. Kiệt hồn nhiên như một đứa trẻ. Chỉ biết có thơ và rượu mà thôi.

Một buổi chiều tối, trong lúc đang ngồi uống café ở bên lề đường Lê Thánh Tôn, Tôi rủ Kiệt đi ăn tối. Kiệt không chịu, nhất định kéo tôi về nhà ăn cơm. Nhà Kiệt thời đó ở trong một ngõ hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng, gần chợ Vườn Chuối. Căn nhà hẹp hơn một căn phòng của người khác. Rộng chừng 2 thước, sâu chừng 4, 5 thước. Phòng khách là một cái bàn nhỏ với hai cái ghế. Phòng ngủ (và cũng là phòng ăn) là một cái giường. Sau một bức vách ngăn là nhà bếp nhỏ. Trên vách nhà treo đầy tranh của những họa sĩ hàng đầu thời đó (Nguyễn Trung, Nguyên Khai, Nghiêu Đề…) tặng cho Kiệt. Đó là nơi hai vợ chồng Kiệt và cháu gái nhỏ sống (Lúc đó cháu Trần Triều Miên - con đầu của vợ chồng Kiệt đã gặp nạn, qua đời).

Về tới nhà Kiệt bảo vợ: 'anh Tuấn ăn cơm tối với tui'. Nói rồi, Kiệt kéo tôi xuống bếp khoe gà. Kiệt ham mê gà chọi. Anh có thể đói, nhưng gà phải no, phải có rượu bóp. Kiệt mở bu, bế gà ra vuốt ve hồi lâu. Hãnh diện nói với tôi: 'mày thấy con gà này ngon không, đá vô địch'. Tôi biết gì về gà đá… Cười. Vợ Kiệt dọn cơm lên giường. Một niêu cơm nhỏ, một nồi cá kho nhỏ. Trong nồi chỉ có một con cá kho, trắng, to bằng 4 ngón tay. Nồi cơm được chừng 2 bát lớn, 3 bát nhỏ. Vợ Kiệt bế con đi, chừng 5 phút sau chị trở về với một ca sắt đầy bia. Kiệt với tôi chuyền nhau ca bia, uống. Vợ Kiệt bế con, đứng nhìn chúng tôi ăn, mặt cười rặng rỡ. Tôi chợt biết rằng mình đang ăn phần cơm của chị. Lòng đau thắt.

Kiệt làm thơ rất tức cười, gặp tờ giấy nào cũng viết lên đó, nào là tờ lịch, bì thư, bản vỗ… Viết xong bài thì bỏ vào một cái sọt tre lớn treo trên vách, kế cái bàn nhỏ tiếp khách. (Sau này nhớ lại, tôi mới thấy là trong nhà không có tủ, mà chỉ có vài ba cái sọt treo trên tường đựng đồ dùng. Cái sọt treo ở phòng khách là để đựng thơ). Những tờ báo hỏi xin bài, thì Kiệt quơ tay vào trong sọt, lấy ra dăm bảy, bài đưa cho họ. Kiệt làm thơ gần như không sửa đổi bao giờ. Thơ viết ra giấy là xong rồi. Hình như thơ đẵ nằm trong đầu hàng loạt, hàng mươi bài mỗi lần. Có sửa gì, thì sửa trong đầu, chứ đã viết ra giấy là xong rồi. Không nghĩ đến nữa. Tuy thế, mỗi bài thơ là một hoàn chỉnh. Không thể sửa gì nữa. (Cũng giống như cách Bùi Giáng và Nguyễn Đức Sơn làm thơ). Ba ông này quả thật là kỳ tài.

Trần Tuấn Kiệt là một cao thủ của trường phái Tây Sơn Nhạn. Có thời anh dạy võ. Một hôm tôi bảo Kiệt chỉ cho một vài ngón để phòng thân. Kiệt nói: 'mày không học tới nơi mà chỉ biết vài thế, tụi nó đánh chết'. Nói rồi anh bảo tôi khi sắp đánh nhau thì tay trái chống vào cạnh sườn, tai phải nắm lại, nhưng ngón trỏ thì thẳng ra chỉ chỉ vào mặt đối phương mà tiếp tục cãi, rồi bất thình lình cụp ngón trỏ lại, đấm ngay giữa trán đối phương, trước khi bỏ chạy. Cái cú giả vờ cãi rồi lừa địch thủ mà đấm trước rồi chạy này tôi chưa có dịp thử, nên không biết hiệu nghiệm ra sao.

Một buổi tối kia. Hai đứa tôi vào hiệu ăn Chung Nhuận Hy (ở góc đường Công Lý - Lê Thánh Tôn), ngồi ở một bàn ngay bên lề đường, không gọi món ăn, mà chỉ uống 2 ly café bí-tất, mặc chủ hiệu lườm nguýt. Kiệt nói chờ lát nữa vào nhà sách Khai Trí lấy tiền nhuận bút. Đến 7 giờ rưỡi, mà Kiệt vẫn không chịu đi. Nói chờ đến 8 giờ, nhà sách đóng cửa mới gặp ông Khai Trí. Chúng tôi đến đó lúc Khai Trí đang sửa soạn đóng cửa, đang đếm tiền. Kiệt hỏi tiền bản quyền cuốn sách. Ông Khai Trí trả cho Kiệt hai ngàn - rẻ mạt. Chúng tôi đi về, Kiệt chia xấp tiền ra làm hai. Lật bọc yên xe Solex lên dấu xuống đó một phần, nói là để mang về cho vợ nuôi con. Còn một phần bỏ túi dắt tôi vào quán nhậu. Ăn nhậu hồi lâu, Kiệt bỏ tôi ngồi đó, đứng dậy đi ra ngoài chừng mươi phút. Khi trở vàogọi thêm rượu, thêm món ăn. Hai thằng say tuý luý. Ăn nhậu xong còn rủ đi uống café. Tôi bảo Kiệt đi về đưa tiền cho vợ. Kiệt nói tỉnh queo: 'hồi nãy tao ra lấy để trả tiền nhậu hết rồi'. Tôi lạnh người, tỉnh hẳn rượu nhưng càng choáng váng. Viết một quyển sách mất rất nhiều thời giờ, tim óc, nhà xuất bản trả không được bao nhiêu, vậy mà không mang về cho vợ lấy được một nửa, dắt bạn đi nhậu hết. Có ai như ông trời này?

Ông Khai Trí còn nắm trọn bản quyền của hơn chục cuốn tiểu thuyết Kiệt viết, mỗi quyển trả vài ngàn bạc mà chỉ có đôi ba cuốn được in. Độc giả không bao giờ được đọc những quyển kia. Trong 40 năm nay tôi vẫn tự hỏi nên khen hay nên trách ông Khai Trí. Ông đã mua rẻ bản quyền cất tủ, hay ông đã tìm cách giúp nhà văn nghèo?

Để có thêm tiền, Kiệt làm cách khác. Thấy tôi có tí vốn chữ Hán, còn mình vốn đã giỏi võ, Kiệt bắt tôi chở vào Chợ Lớn, đến những hàng sách bên đường của người Tàu, tìm mua sách dạy võ. Gặp quyển nào có hình người khoa chân múa tay cũng cầm lên hỏi tôi 'quyển gì đây?'... Cứ vài ngày chúng tôi lại mua được đôi ba quyển. Khi thì Thiếu Lâm, khi thì Võ Đang…Chúng tôi lại về khu trường Văn Khoa cũ, tôi ngồi uống café dịch miệng cho Kiệt nghe, từng thế đánh, thế đá. Nhiều chữ không rành, vậy mà Kiệt nhờ giỏi võ biết ngay và hiểu rõ. Sau đó anh dựa trên những quyển sách này mà viết một lô sách dạy võ. Bán rất chạy. Kiếm được tiền nuôi gia đình.Tôi cười gần chết. 

Tôi rất nhớ và mến đời sống giản dị của Kiệt. Giản dị đến không ngờ, như có lần tôi hỏi Kiệt hồi còn ở Sa Đéc sống ra sao. Kiệt nói: ‘mỗi ngày tao đặt cái lờ ở ngoài mương bắt cá. Buổi sáng ra gỡ lấy 3 con cá lớn nhất.Một con tao đổi lấy một lít rượu, một con tao đổi lấy một lít gạo, nấu cháo, còn con thứ ba tao nướng, rồi ngồi nhậu’ Tôi hỏi tiếp: ‘rồi ngày mai làm sao?’ Kiệt đáp tỉnh queo: ‘mơi làm dzậy nữa!’. 

Đời trôi về mỗi hướng. Sau mấy chục năm tôi vẫn là kẻ lãng du ở cuối vườn ảo mộng. Kiệt vẫn là vầng mây trắng, phiêu du giữa đất trời vô định. Đêm nay nhớ lại bạn xưa, lòng dạt dào thương nhớ. Chén rượu đêm mưa đầu mùa thu ở Minnesota xót xa như nước mắt. Năm xưa có viết 2 bài thơ tặng Trần Tuấn Kiệt, như sau:


đêm buồn uống rượu một mình
(gửi Trần Tuấn Kiệt)

nửa đêm nhớ một vầng trăng
chén nâng mời rượu - từng giòng lệ sa
sóng bên này giải ngân hà
thoảng âm tiếng khóc từ bờ bên kia
xuôi giòng tử biệt sinh ly
quê nhà nơi đó mà về được đâu

kể từ dâu biển rời nhau
trăng đêm nay vẫn nguyên mầu cố hương
biết đây là cõi vô thường
mà tâm thể vẫn đoạn trường xiết bao

buồn ơi đầy đọa mãi sao
lòng tươi muối xát - gan bào tái tê
buồn ngồi uống rượu nửa khuya
chén này chưa cạn - chén kia nối tràn
chén sầu dằn vặt tâm can
trăng vàng đêm lạnh lời than não nề

buồn ơi! ta đã làm chi
ta ơi! buồn đã làm gì đời ta

và:

mới ốm dậy đêm nằm nghe mưa,
viết gửi Trần Tuấn Kiệt

đêm khuya không rượu mưa rơi
quạnh hiu bốn cõi - ngậm ngùi tâm tư
nằm im nghe động mái nhà
những năm tháng đã ra ma trở về

rượu không mà tưởng say nhè
tay bưng mặt khóc hỏi quê chốn nào
tang thương tàn cuộc binh đao
cơ trời sao để nghẹn ngào sử xanh

đêm mưa không rượu buồn tênh
đầm đầm lệ đổ - ý tình héo hon
mưa như đêm ở Saigon
trời se se lạnh theo buồn xa xăm

lòng rung theo tiếng mưa thầm
giơ tay vuốt mặt lặng nằm nghe mưa
giọt sa, giọt nhẹ mơ hồ
giọt dài, giọt ngắn, nghe như giọt sầu

một mình không rượu, đêm sâu
năm qua, ngày hết, mái đầu gió sương
quê nhà mù mịt đôi phương
một mình thương tưởng, sao buồn chứa chan

rượu không, mưa ngớt, đêm tàn
nàm im nghe vọng thời gian nặng nề

rượu không mà tưởng say nhè
tay bưng mặt khóc hỏi quê chốn nào



bùi ngọc tuấn
Minnesota, tháng 9, 2006




















Trở về








MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.



















Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

Lê Nguyễn
















Lê Nguyễn

tên thật: Lê Văn Cẩn
bút danh khác: Lê Cẩn, Minh Chiếm, LHCT, Hoàng Chí, Nhật Nam
Nhà nghiên cứu, Nhà báo, Dịch giả




Tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh
Sài Gòn 1965

Đã cộng tác với các báo: Kiến thức Ngày nay, Thế giới Mới,Tài hoa Trẻ, Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, Kiến thức Gia đình, Khoa học Phổ thông, Khoa học và Đời sống











Với tất cả lòng mong mỏi
thế hệ trẻ Việt Nam sống vui,
sống có ích để đưa đất nước ngày một tiến bộ hơn
18/5/2019










Sách đã xuất bản:





1
Thành Cổ Sài Gòn và Các Vấn Đề về Triều Nguyễn
(1998, 2005)








2
Xả Hội Việt Nam Thời Pháp Thuộc
(2004, 2016, 2017)








3
Xả Hội Việt Nam Qua Bút Ký Của Người Nước Ngoài
(2004, 2017, 2018)









4
Akio Morita và Sony - Kiến Tạo nền Giải Trí Tương Lai
(2007)








5
Nhà Nguyễn Và Những Vấn Đề Lịch Sử
(2010, 2015, 2016, 2018)








6
Những Điều Có Thể Bạn Chưa Biết
(2011)










7
Truyện Cực Ngắn Đương Đại Việt Nam
(2014, nhiều tác giả)








8
Đất Sài Gòn Và Sinh Hoạt Của Người Sài Gòn Xưa
(2017)









9
Gia Định Báo - Tờ Báo Việt Ngữ Đầu Tiên
(2017, nhiều tác giả)








10
Cuộc Phiêu Lưu Của Marie Đệ Nhất Quốc Vương Xứ Sedang
(2019)










Sách Dịch








11
Vận Hành Toàn Cầu Hóa
Joseph E. Stiglitz
(2008)








12
Cuộc Nổi Dậy Của Nhà Tây Sơn
George Dutton
(2019)








Sách sắp xuất bản

Tổ Chức Hành Chánh Thành Phố Sài Gòn Thời Pháp Thuộc


































(phải) Lê Nguyễn & Phan Nguyên
2019













Trở về









MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.