Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Nh. Tay Ngàn (1943 - 1978)















Nh. Tay Ngàn

Tên thật: Nguyễn Văn Nhĩ
(1943 Trà Vinh - 1978 Paris)
Hưởng dương 35 tuổi



Như một poète maudit, Nh.Tay Ngàn sống lang thang, khốn khó ở Paris, một số thành phố khác ở châu Âu khi sang du học về kỹ sư canh nông từ năm 1965. Có lúc phải mang bệnh lao, đã từng vào nhà thương điên nhưng lúc nào cũng say sưa làm thơ viết truyện. Đã từng kết bạn với Phạm Công Thiện và Thi Vũ, bất mãn với không khí văn nghệ bấy giờ tại Sài Gòn, ông sáng tác thơ như một nỗ lực không ngừng đầy tính nổi loạn. Thơ ông thường có mặt trên tập san VĂN vào những năm 1964 đến 1975.

Thơ ông, lúc đầu ngồn ngộn những hình ảnh hiện sinh thể hiện phần lớn ở thể tự do với những thi ngữ táo bạo.

Khoảng ngực trần của em trời mùa đông
Anh yêu em vô ngần lúc chập tối
Muốn nói vạn lời cho sao hôm mọc
Lúa vàng chờ lưỡi hái
Tử thần chờ anh nhà cửa lầm lì
Sao hôm sau áng mây ám thần trí anh kiệt quệ
Anh sợ nằm trong căn phòng đơn đêm ngủ không được

Ra đón em ngoài gió bấc tuyết rơi

Chuyến tàu bị nạn ngoài biên giới
Anh thầm hỏi ga nào có em

Nụ cười ánh đèn khuya khoắt
Người ta còn có thể yêu nhau nữa không
Khi hồn đêm không nhấc nổi nụ cười


Claude cởi áo lót. Mùa đông sượng sùng ác nghiệt. Mùa đông mùa mùa đông. Vú nàng xệ như mái tuyết mỏi đêm. Vú nàng ủ rủ như con bò già hết sữa.

Nàng đưa tay che phần da bụng xếp nếp. Những đứa con ở đâu. Những đứa con của nàng tôi ôm nàng em buồn lắm hả Claude, nàng cười nàng cười trái chát.

Đôi mắt em buồn. Đôi mắt em ôi sầu não.

Tôi hôn lên mùi nước hoa đã lánh xa nàng. Ngày xưa phải không Claude, ngày xưa có lẽ búp bông hé nở ong bướm bát ngát sớm mai. Claude. Claude thở dốc. Đế lộ nào rời hoàng hậu mồ mả lên ngôi rêu vàng ẩm mục. Tôi lượn mình nghe lụn máu xanh.


Nhưng càng về sau, thơ ông càng tối tăm, u uẩn với những huyễn cảnh siêu thực thông qua nhũng dòng chữ đậm chất ẩn mật.


Bến đất người thiếu mộ
Trời mưa ơi mưa đến Nojamj
Trời nước mắt là mùa ráo lệ
Hỡi mỗi thu điền
Phải lá tím chếch vào chiều edenlap
Người đi đâu từ cõi sấm truyền
Mất mắt Liên một Rồng tôi chết
Màn chiêm bao chim lã với sắc gì
Hỡi nước mắt hay cả mùa lá úa
Và từ đâu Remmén jamón lo tos
Mật người đắng từ tim
Tim eden tôi thấy em Ré


Trời nửa xanh thầy tôi vừa rọc áo sấm
Tôi thét đau hồn đã nhập ba ngàn
Con nước Elbre chiếc xuồng đưa tôi mãi
Kẻ gọi tên là giọng của Liên buồn
Ngàn là tôi hay Ngàn tôi Liên sống đó
Liên hỡi Liên dù là nước quyện về miền
Tôi chải tóc kẽ môi vừa nứt
Bỗng mặt trời nghe sói tru tinh
Đất như thấp với mùa tan tác lá
Buồn hoen hoen ngấn đói trong phố người
Chim cú cũ có lần thành ba con nhạn
Rời rời về rừng giữa mặt trời cao
Ai có nhớ cô Liên về hoàng tộc
Đường lê thê tôi gỡ phiến da mình.


Ông chấm dứt đời mình lặng lẽ trong căn phòng trọ tại Paris vào năm 1978 sau nhiều ngày không ai biết. Không rõ thi sĩ Nh. Tay Ngàn có Đi Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất như tựa đề một quyển sách của Phạm Công Thiện, bạn ông hay chưa?





TRÍCH THƠ ĐÃ ĐĂNG TRÊN TẬP SAN VĂN TRƯỚC 1975








BÀN TAY

trên cao xa kia nhớ nhung nàng chỉ còn mảng trời tím lạnh.

buổi chiều tắt dần tắt dần tiếng chuông,

cây lá sẩm.

nàng vuốt lấy mặt nàng,

thấy ngón tay nàng ướt đẫm.



những đớn đau lớn theo đời nàng

nàng đếm mãi trên bàn tay

(ôi những ngón tay yếu ớt như côn trùng đơn chiếc)

còn thanh xuân nàng ư?

nàng hỏi sao mùa đông loài chim ủ rũ



ôi những chiều những chiều kéo nàng vào bóng tối

những xót đau khó hiểu của hồn chàng,

chàng đặt giữa vũng tay nàng,

chàng bỏ chàng đi;

rồi mặc tình cho con lốc bi thương cháy rực.



nàng vuốt lên thân thể nàng;

ôi bàn tay em đâu là cánh tay anh.

nàng hôn lấy hôn lấy từng chiếc móng.

ở cuối đêm khuôn mặt chàng xanh.







CHIM

một sáng thức dậy nàng biết nàng không còn tiếng hót

mặt trời nàng nhìn thẳng

cũng hóa đen



rồi mùa rét mang về nhớ nhung

lòng nàng mướt xanh

vết thương tự đấy mưng lên

nàng muốn bay vào miền ấm áp của lòng chàng

nhưng cánh nàng đã mỏi



và bắt đầu nàng gọi

rừng chập chùng

căn lầu vườn cây bốc cháy

đêm ơi đêm anh ơi anh



Tập san VĂN số 19








MÙA THU THÀNH PHỐ

Một sớm thức giấc anh chợt nhớ ra mình đang ở trong một thành phố xa lạ

Anh chợt nhớ ra sau cơn mộng kinh hoàng em đã ngàn trùng mây nước kêu gào vô vọng nhớ thương

Đáng lẽ giờ này em đang nũng nịu trong vòng tay anh, mớ tóc đen mềm mướt, đôi mắt ngái ngủ dịu dàng và bên ngoài nắng ấm dọi qua song

Căn phòng vang tiếng em cười vui bữa ăn sáng mà anh nghe thấy cùng một lúc với giọng chim sẻ ca hát trên những mái ngói

Rồi anh đưa em qua những cửa nhà thân thuộc, một cái dốc một chiếc cầu con sông chợ nhóm, vườn thú có những lùm cây xanh tươi hoa đỏ và anh rẽ tay mặt

Trên đường về nhà qua những con đường bóng mát anh thường huýt sáo

Đâu ngờ đến ngã rẽ cuối cùng bây giờ anh ở đây với bầu trời xám thấp, các cửa kính đóng chặt – đóng chặt ngàn đời, những ống khói đen sầm

Anh lo sợ cho em trong những buổi chuông về bước nhỏ đánh thức mọi vật reo hò kỷ niệm

Anh lo sợ trong những chiều sụp tối gian phòng vắng lạnh bóng đêm lặng lẽ vây lấy em

Anh lo sợ ở cuối đêm anh trở về hình bóng chập chờn không sưởi đủ chuỗi ngày em đốt bằng ký ức

Em ơi, đâu còn ai cận kề bên em những giữa đêm mưa dưng không òa khóc

Làm thế nào có thể quên em những khi hoàng hôn sậm mặt

Trong vườn Luxembourg anh ngó anh ngồi im một mình

Những hàng cây đượm vàng lá úa

Mỗi trận gió đem rơi từng chiếc u sầu

Những pho tượng hoen rỉ kia yêu nhau ngàn năm

Cặp tình nhân trong một góc hôn dài đắm đuối

Đâu như đôi ta phải vội vã xa lìa

Để những giọt nước mắt em anh chưa kịp lau

Chưa kịp nếm đắng cay trên môi em đầu lưỡi

Làn tóc rối tung không đợi anh kịp vuốt

Để tháng ngày em xõa mộng thương đau

Em ơi em, làm cách nào em giam giữ hoài con chim giữa lòng ngực

Anh bay ra thương tích đầy hồn

Em ơi em, những nắng mưa bên kia miền nhiệt đới

Với âu lo chuông đổ gió về

Em lụn tàn đêm gối chiếc bơ vơ

Ôi mộng mị nuôi cuộc đời sao đủ

Còn tương lai kia anh mang bỏ giữa rừng

Em lạc lõng giữa hùm beo rắn rít

Với thân gầy em chỉ khóc van xin.

*

Làm thế nào có thể quên em được khi đèn đường bật lên vàng võ

Trong những nẻo quanh co phố lầu tẻ ngắt

Anh tìm một vì sao như lệ mắt em

Anh chỉ thấy một khung trời mưng mủ

Và hai tay lạnh giá đã dầy.






ẢNH TƯỢNG CUỐI THU


Khi anh mệt mỏi leo lên ngọn đồi ở miền Orsay

nghe những chuyến xe lửa hú,

anh dẫm lên lớp lá khô như giấc mộng tàn;

nhớ lại khi xưa em là đồng bằng mỗi ngày anh núi rừng ao ước,

muốn gặp nhau anh cất lời gọi vọng,

em trao tình hoa dại đọng sương;

giờ anh đã mờ xây xa vắng,

ngóng về em tiếng gào còm cõi,

chạm xác xơ mặt cỏ nám u buồn.



Khi những chiều anh đáp xe về thành phố và

qua vườn Luxembourg,

nhìn pho tượng trần truồng gục đầu ngó đất;

lá rụng dày thương nhớ trở vàng thêm.









ĐÊM XỨ LẠNH

Nàng nhỏ xuống trí nhớ những giọt lệ xanh

Mộng mị hoang vu tôi mọc dày nấm mốc

Nàng thở trong tim những ngày tháng ấm

Tôi ôm nàng tay vắng hư không

Cay đắng hiện lên như luồng gió lạnh

Tôi cuồng quay như trái bóng dưới chân.



Trong dĩ vãng móng tay nàng nhọn

Đêm trở mình tôi ve vuốt vết thương

Và mắt nàng nửa đêm tinh tú

Triền miên rơi xa xót nhớ nhung.





ĐƠN KHÚC CỦA LIỄU

Ba giờ trưa một khúc nhạc sầu

Un jour sans toi

Những chiếc lá tàn rơi không cần một làn gió

Điếu thuốc đốt lên hình bóng

Và chợt tắt bơ vơ

Kỷ niệm xuống đêm

Ở chót vót của tuyệt vọng

Anh im lìm ngắm hai tay không



Un jour sans toi

Người thủy thủ già từ bỏ biển khơi

Chiếc tàu đã chìm

Căn phòng nhuộm đầy bóng tối

Mền gối bắt đầu rã mục



Liễu ơi Liễu

Un jour sans toi

Tiếng hát cuối cùng nhỏ xuống

Gạch ngói hoang tàn hồn anh

Cùng tiếc thương mọc lan trên đó



Un jour sans toi

Một ngày người thủy thủ già

Vô vọng chuyến ra khơi

Liễu ơi Liễu

Tập san VĂN số 28






Cổ Tích

Xưa kia người mẹ sanh một đứa con trai

Bà nuôi chàng nuôi chàng ngót bốn ngàn năm

Rồi một ngày nọ người từ trần

Chàng thì ốm yếu và khóc than

Từ đó cỏ sắc mọc xuyên suốt hồn

Còn trái tim chàng chứa thanh kiếm báu

Của người cha anh hùng





Với thanh kiếm ấy người ta cắt đầu chàng

Một dòng sông chảy qua

Với giọt máu tự trái tim chàng





Mỗi buổi chiều khi mây đen gieo mưa xuống

Mỗi buổi chiều khi biển thổi gió về

Chàng nhớ chàng thương

Người mẹ nuôi nấng chàng bốn ngàn năm khổ nhọc





Mỗi buổi chiều khi ánh nắng cuối cùng chui xuống lòng biển

Những đàn chim phương bắc xa xưa bay về cùng bầu trời tối đậm

Những đàn chim đau thương câm miệng

Chàng sờ lên vết máu

Bốn ngàn năm, bốn ngàn năm chàng đà tìm thấy tận hưởng gì đâu

Duy hai giọt lệ đọng hoài trên gò má.



Tập san VĂN









Di Hành Trong Ngày

Tôi bị đánh thức một buổi chiều dưới đường hầm

Chiếc metro ngừng rước người đứng chật

Chưa bao giờ tôi bị dồn nghẹt một xó như thế

Tôi vinh thân gì chính tôi đâu

Chưa bao giờ tôi thở nhọc nhằn bằng lúc này

Không khí sắp hết cho hai buồng phổi

Không lấy được một tiếng kêu

Dù để nhắc lại một chiều nào hò hẹn





Hành khách ùa xuống một trạm

Đùn tôi ra mặt đất

Vây lấy tôi giận dữ

Tôi la hét giữa phố

Lánh xa tôi để tôi yên

Óc yếu đuối nhìn lầu cao lộn ngược

Tư tưởng nằm úp mặt đường bừa bãi đá ong

Xe cộ tàn nhẫn

Anh cố quên viễn ảnh hãi hùng một sớm mai

Chết cô đơn khu phố hẻo lánh

Em không hay biết gì nửa đêm bên ấy

Hẳn nhiên em tin anh đang sung sướng

Và bạn bè vẫn gắng đỗ đạt cao





Tôi leo mất thăng bằng trên khải hoàn môn

Chưa bao giờ tôi mãn nguyện cho công việc

Hạnh phúc chỉ là sự tình cờ hiếm hoi

Cả tình yêu anh coi một huyền tích

Hai đứa xuống trần gian tìm dấu chân nhau

Thành phố mô hình xoay vòng tròn

Người vật di dịch như đàn vi khuẩn trong não

Anh them muốn nỗi chết dưới mắt

Làm sao có ngày ngưng chiến em tận mặt anh.



Tập san VĂN số 41








Vây Hãm Của Cô Dơn

Một hôm đứa bạn thình lình hỏi: mày có một lý tưởng nào để bám víu mà sống? Tôi cười ngất, cười đổ nước mắt mũi và ngạc nhiên vì vô số âm thanh giống kim nhọn châm lùng bùng hai tai.

Trong một quán ăn tồi tàn về đêm ở chợ Mouffetard, một người đứng tuổi bảo tuổi trẻ bây giờ sa đọa quên mọi bổn phận làm người; tôi làm thinh ăn hết tô phở, tô phở nhiều tiêu ớt cay bừng trong khi hắn hăng say chỉ dạy thương hại phương cách thành công cuộc đới – không có gì khó cả; tôi đứng dậy bắt tay và cám ơn, hắn nói mến tôi tôi hao hao giống đứa con hắn – thằng ngu đần đó đã tự tử vô cớ. Ra đường tôi sặc khói thuốc tới lợm giọng, tôi cáu giận thốt chửi hết sức tục tĩu. Con lộ tường vách xiêu vẹo tối đen; tôi vấp phải một tên say nằm lăn vệ hè, hắn nhè nhè mời tôi uống hết chai rượu và hút tết gói Gitanes.

Những ngày cuối đông tôi sợ sách vở lánh mặt bạn bè lang thang hết đường phố tủi thân như con chó ghẻ. Xe cộ mở tốc lực đuổi bắt chực xô vào tôi ngấu nghiến ngon lành.

Những người cảnh sát to lớn già nua rúc tu huýt inh ỏi, người từ các lầu đài mốc meo túa ra tưởng chừng trái đất sắp nổ’ Tôi chạy trốn cho hết một đời, chạy trốn hoài hoài những tư tưởng mâu thuẫn đỉa đói, sự hàn hạ muôn kẻ chung quanh. Ôi nếu được yên thân tôi mong làm thằng cụt đầu.

Tôi gặp người đàn bà đồng hương nhăn nheo dưới tàng mây đông, bà đã khóc dễ dàng cho nỗi vong bạt không hẹn về xứ sở, nhận một nơi chốn xa lạ của chồng con, thời gian rút rỉa dần trí nhớ.

Tôi ngủ vùi trên chuyến xe lửa ra ngoại ô, khối đầu hun hút hang động, tôi cựa quậy như một hình nộm, cơn sốt lên cao, bóng đêm lan đặc. Ba giờ khuya có tiếng gà gáy, tôi chỗi dậy ngó chừng qua khung cửa tới khi bầu trời lộ màu trắng đục. Lúc ấy làn khói nặng nề trổi lên từ đầu những ống khói ngọn cây đen trần trụi. Tôi lấy giấy viết ra trước mặt, nỗi cô đơn hằng cửu tỏa nhừ tâm thể. Tại sao anh không viết cho em một bức thư vào những lúc này?

Khi anh yêu em
Tình yêu như lửa đêm mùa hạ
Chúng ta nhảy nhót tưng bừng
Khóc lóc không thôi
Cho mối tuyệt tăm của tuổi trẻ
Anh tìm ra sự ngây ngất của một kiếp người
Bằng những dục tình không giam hãm
Bằng những đêm nhiều sao thật đẹp
Hay nhớ nhau mỗi sang mùa đông
Tuyết bám đầy vai tượng.

Tập san VĂN số 51






TRỜI VỀ ĐÊM NAY

Trời về đêm nay ngập ngừng lệ mỏng

Em đốt cho anh điếu thuốc nhớ em rồi

Tay lá lay say chơm chớp làn mi

Tóc của gió thổi luồn ngực mộng

Nghe thầm thì em nói trong mơ





Trời về đêm nay hai tay anh buông thỏng

Nào đâu những ngón ướt mềm mỗi tối đưa em

Không còn thơm nồng trên môi mặt trăng

Không còn lệ sương mai hoa cỏ đồng hờn giận

Mây là tên loài hồi ức hao gầy





Trời về đêm nay phố phường thênh rộng

Dòng nước sông Seine quằn quại đọa đày

Trên dốc cầu một mình anh đứng

Gặp em bên kia hay tàn tạ bên này?

Anh không biết không tin không dám nhắc

Những cột đèn xanh đổ mực lên hồn







Một Ngày Đẹp Trời Tháng Sáu


Những trái anh đào chưa có dấu răng

Đàn chim reo mừng trong chòm lá

Những quả bôm bày nụ cười ửng hồng

E thẹn như đôi má lần anh bạo dạn đặt môi

Sầu riêng và hoa hồng nở nửa đêm

Thơm ngon như trái măng cụt bên nhà

Tháng sáu em quên buồn phiền

Ngày tuyết phủ xa lắt xa lơ

Đêm em hát

Để tinh tú xúm lại ngủ

Trên miền tóc không chải

Anh gỡ chiếc mặt nạ của cuộc sống

Chụm hai tay uống cạn nguồn lệ

Suồng sã trên ngực em

Khiến những vì sao hốt hoảng buông mình lã chã.

Tập san VĂN số 46




CUỘC ĐI DẠO


Thị trấn ngủ muộn trong gió mặn

Buổi sáng bầu trời ấm ức mây

Nh. muốn khóc cho nhẹ cổ họng

Chàng đã cười với người bạn lúc nhìn hoa tulipe đỏ chói góc nhà nọ ngoài phố

Khối hồn chàng rỗng như ống cống





Chợ cất hình chiếc dù xám

Tiếng động bu quanh thân thể chàng thành bầy ong

Những con hàu bắt đầu tắt hơi trước khi người ta cân bán

Mùi thịt cá rất tanh nơi hai mắt chàng

Chàng biến dạng cây khô biết chuyển động

Dạo quanh các gian hàng

Người ta nhìn soi mói

Chàng tự hỏi

Bầy ong chui các lỗ chân lông nhức buốt

Mầy đâu rồi Nh. ơi





Chàng vào nhà thờ giống con tàu đắm

Nhà thờ tối om băng ghế không người quì

Bên kia đôi tình nhân thắp nến cầu nguyện

Đôi tượng đen chờ ánh lửa tàn

Chàng chiêm ngưỡng lạnh nhạt

Ngày lễ Phục Sinh nay rồi đấy ư





Nh. trở lại con đường cũ

Người bạn trỏ rằng hoa tulipe sao đẹp

Nh. gật như vết thương còn máu

Và ngồi bàn ăn chàng ăn

Thịt với cá ở miệng

Chàng đáp lời bà chủ nhà ất ngon

Mùi tanh bò dần lên óc.



Tập san VĂN số 41







Nụ Cười


Lũ bồ câu lười héo mái nhà đội tuyết

Chúng sẽ chết trước khi nắng về

Trong vườn Luxembourg jardin des Plantes giữa boulevard Saint Michel

Trên tháp chuông trên ống khói

Vùng nhiệt đới bên kia trùng dương sa mạc bão cát lòng vực thâm u

Người ta yêu nhau chậm chạp chuyến xe mỏi

Rồi quên hết sau đó





Khoảng ngực trần của em trời mùa đông

Anh yêu em vô ngần lúc chập tối

Muốn nói vạn lời cho sao hôm mọc

Lúa vàng chờ lưỡi hái

Tử thần chờ anh nhà cửa lầm lì

Sao hôm sau áng mây ám thần trí anh kiệt quệ

Anh sợ nằm trong căn phòng đơn đêm ngủ không được

Ra đón em ngoài gió bấc tuyết rơi

Chuyến tàu bị nạn ngoài biên giới
Anh thầm hỏi ga nào có em

Nụ cười ánh đèn khuya khoắt

Người ta còn có thể yêu nhau nữa không

Khi hồn đêm không nhấc nổi nụ cười





Lũ bồ câu trên mái nhà

Đêm nay chúng gắn liền tuyết giá

Chết sung sướng địa phận thân yêu

Rạng ngày những bà lão mủi lòng cho

Con vật trông thấy thường ngày nơi khung cửa

Ai biết anh sáng hôm sau





Khoảng ngực trần của em gió bấc

Anh yêu em vô ngần dù đêm nay em đã quên anh

Anh còn đủ một giây hôn em ngủ ngon

Dù cạn thuốc quẹt lửa hết xăng

Anh còn đủ một giây đốt nụ cười

Thốt gọi tên người yêu dấu lần cuối

Rồi quay lui về thần chết anh.



Tập san VĂN số 58








Đoản Ca Mùa Thu


Bài thơ tình chưa kịp viết

Mùa thu đã lấp đầy

Anh tìm em mất dấu

Thành phố nào vô danh

Những dãy lầu độc thoại

Bỏ rơi anh ngoại ô





Anh bắt anh phải thức

Bài thơ ném ra đường

Dưới mũi giày đau điếng

Anh bắt anh phải sống

Từ ngữ đá hoa cương

Lời thơ nhung nhúc bọ

Sợ gió mát trăng trong

Anh buộc anh phải đi

Bất mãn và mất dạy

Nửa đêm tàu khởi hành

Giục còi gọi mùa thu

Mút thinh không quyến rũ

Giờ gặp nhau bồng bềnh

Say sưa ly rượu lệ

Gầy yếu các vì sao

Triệu oan hồn le lói

Anh buộc anh phải chạy

Con chó mực hèn nhát

Cú quạ đuổi sau đuôi

Ai loa mồm chửi rủa

Anh bịt kín tai tai

Tiếng loa nổ điếc óc

Khói trào lựu đạn cay

Bẻ cong người ràn rụa

Cầu cứu chẳng ai tha

Với được chiếc khăn sô

Chiếc lá khô còn sót

Của cây già đánh rơi

Lau hoài gương mặt nhớt

Với nước hoa heo may





Anh buộc anh phải yêu

Cho hết những huyết cầu

Cho tan hoang tuổi trẻ

Dù đang giữa mùa thu

Em đốt cháy trí nhớ

Vùng rú cười rẻ khinh

Xô anh xuống hỏa ngục.









mademoiselle Claude


Claude ngồi im chiếc ghế cò. Claude đứng dậy tới bên, khách lắc đầu. Claude ngồi im chiếc ghế cò. Hoa glaieul hai giờ khuya ngã sậm đèn tù. Nhạc quấn quặn tóc vàng rũ rượi.



Đôi mắt em buồn. Đôi mắt em ôi sầu não



Claude nín lặng. Bốn Tàu một Ý mụ chủ cười nắc nẻ. Chai bia rỗng ly bia ly rượu cạn.



Claude. Ly rượu cạn. Claude. Cuộc đời ngấm độc dưới chân cò. Cuộc đời ngậm hai giờ khuya gầy trơ.



Nàng nhích gần khách xin ly rượu. Lắc đầu không không. Tại sao không hả Claude. Lắc đầu, lắc đầu.



Rãnh nhăn phá hủy đồng trán chạy dồn đồi má. Môi em cằn cỗi nhạc mời.



Claude cúi gằm. Ai nhìn ra nàng. Nàng nào dám nhìn ai.



Tôi chiếu vào nàng cái chết u mịt lẫn khuất. Tuổi già đè xế vai xương, nhan sắc bỏ trốn.



Claude theo khách vào gian phòng bóng tối tàn hoại cố bơi ra vùng đèn hai giờ khuya. Nàng rụt cổ bảo trời lạnh; lạnh lẽo vỗ sống lưng mạn sườn, lạnh lẽo vờn đống quần áo nhầu trên ghế; tôi đáp lạnh lạnh thật nàng cười méo xệch.



Claude cởi áo lót. Mùa đông sượng sùng ác nghiệt. Mùa đông mùa mùa đông. Vú nàng xệ như mái tuyết mỏi đêm. Vú nàng ủ rủ như con bò già hết sửa.



Nàng đưa tay che phần da bụng xếp nếp. Những đứa con ở đâu. Những đứa con của nàng tôi ôm nàng em buồn lắm hả Claude, nàng cười nàng cười trái chát.



Đôi mắt em buồn. Đôi mắt em ôi sầu não.



Tôi hôn lên mùi nước hoa đã lánh xa nàng. Ngày xưa phải không Claude, ngày xưa có lẽ búp bông hé nở ong bướm bát ngát sớm mai. Claude. Claude thở dốc. Đế lộ nào rời hoàng hậu mồ mã lên ngôi rêu vàng ẩm mục. Tôi lượn mình nghe lụn máu xanh.



Claude ngồi dậy như xác nhập tràng. Tôi đứng tử thương bên gò dương liễu, đêm thổi gió vi vu. Mùa đông chín muồi tuyết rụng tơi tả. Mùa đông mùa đông.



Đôi mắt em buồn. Đôi mắt em ôi sầu não.



Anh còn gặp em chăng. Ta còn gặp nhau chăng. Ôi kiếp lưu đày không kỳ hạn.



Sáng mai, tôi hải cảng xa lạ nẻo trời, dong tàu có đôi buồm mắt sâu thẳm chở đầy hai giờ khuya mây cườm trôi ngút giá đông, bất tận vẫn loé ngời thèm khát, cô đơn ruồng bỏ cùng độ độc dược phá ruỗng mà nỗi chết như một chùm nho.



Tập san VĂN số 86 ngày 15 tháng 7 năm 1967







Vừa Ráo Thôi Nôi Eden

Mộ Máu



Bến đất người thiếu mộ

Trời mưa ơi mưa đến Nojamj

Trời nước mắt là mùa ráo lệ

Hỡi mỗi thu điền

Phải lá tím chếch vào chiều edenlap

Người đi đâu từ cõi sấm truyền

Mất mắt Liên một Rồng tôi chết

Màn chiêm bao chim lã với sắc gì

Hỡi nước mắt hay cả mùa lá úa
Và từ đâu Remmén jamón lo tos

Mật người đắng từ tim

Tim eden tôi thấy em Ré

Nhường bao chốn lê thê

Nước thương mây tôi đương ngồi nhớ Rồng

Mùa xưa nước trong tên

Bảy sắc đưa tôi đâu còn vết Rồng

Mà thương quá em Liên

Bởi trên cao Eden vừa lấp mồ

Bầy phượng hoàng nhớ tôi đôi dummo

Tiết muoluo tôi đêm và nước buồn

Ngày xưa tôi mớ tên Liên

Tôi hôm nay tôi không còn nhớ gì

Nào đâu quá xa xăm

Mỗi hôn mê ai đi về khói đền

Nhiều đêm điên Liên không còn thấy Rồng

Rồng ơi đến Eden



Ban xưa màu áo tiêu điều

Trời mãn dương tôi ca sấm chữ

Dù nay tắt lời

Ngàn ấy đưa Rừng tôi ứ mủ

Nơi mộ thương tôi nằm bến Voggdong

Rồi bên phía Nam Sa

Kẻ ra đi hay ca bài bắc cầu

Nơi chữ cuối mắt tôi đầy xương trắng

Một chiều cao thương lại tóc Liên gầy

Tengo ya un seiremes, no que ti amerotè

Nửa dấu chấm ai ngờ nước đục





Dường bao kiếp lang thang

Nước đi đâu ôi sao tìm kiếm Rồng

Người Liên rã nơi đâu

Tiếc xương khô đêm đêm nàng lá vàng

Mùi tôi đã lên hôi

Cố thương Liên đau trong vùng đất mờ

Trời ơi nói đi em

Chắc nay mai cơn mưa đà lấm bùn

Nhiều xưa chết trên mây

Nếu hôm nay mê hoang làm núi đồi

Và đêm giữa ba mươi

Bảy con sông đi đi về nước đời

Nghèo ơi không áo cơm thiu

Chết đơn côi tôi đâu còn tiếc mình

Từ đây có sao khuya

Để Eden kêu tôi vào nước Djoj

Về đâu nữa bên Thương

Chắc vô vam đêm nay làm nến đèn

Và khi lóng xương khô

Bởi hoang sơ kêu kêu đàn lá vàng

Mồ tôi lá mau mau

Mắt dương gian tôi đang về phố người

Chờ tôi có con tim

Người vương nữ hô đèn Naadaj

Nẻo về đường đã chắc thấy em đâu

Mà thôi hỡi Rồng ơi

Nhưng tiền thân lắc lung san địa nữa

Dù mật mã hay tên thành Ockhhan mong

Để thôi nôi Eden là máu ròng

Từ nay nhớ ôi thương

Lá tứ thân bay bay vào cõi mù

Hoo Rừng tôi ai lay vào suối Ngàn Trời.

Ốc Thối Thân

Nước Ruộng Với Lá Tràm Lu

Vườn sầu riêng sầu sầu riêng

Một trăm cánh nhạc rồi lúa chưa vàng

Cạnh đầm lầy đỉa hôi đã thở

Nắng tràn lưng Vàm Cống bông bèo

Nơi dốc cạn bầy quạ ngày rát cổ

Vườn sầu riêng tôi khóc với tên Liên

Là cơn đói hoặc em còn ngó tôi biết nói

Miệt phố buồn vẫn lấy trần ai

Hay tơ nhện lằm tằm nơi cát lộ

Bóng mờ xa con nước chảy huyền

Màn trời đất tôi cần ba con rắn lục

Mẹ của tôi như chết với Eden rồi

Vườn sầu riêng nào hết thương Liên

Nếu mơi sớm cuộc lê trần bặt qua tin cõi

Miệt Tây Dương vừa rước mộ Malaga

Bữa ăn sáng tên tù cắn lưỡi



Ngày xưa trở lại dốc cầu

Bốn cửa động đã lay vào hố thẳm

Mặt trời làm nô lệ của chiêm bao

Tháng tám treo trăng

Nàng Đê Đam soi gương và chớm lệ

Tôi ngó mình quên hết em Liên

Nóng gió bấc là dòng mạ đi trên cánh cò chưa trắng

Nhìn đi giấc hỡi Đê Đam

Tôi đã mất mẹ cha từ rừng xưa lập mộ

Quê hương tôi là Mệnh tắt lòng người

Ngoài kia ai vừa rao bánh cống

Hỏi ra tên không phải người tình mình

Vườn sầu riêng ôi không mớ nổi tên Liên

Trưa nắng quá em vào nơi giờ tận nguyệt

Sau một cơn gió ngắn Malaga

Nửa mắt nhìn thấy. Rồng đã Rừng khô cháy



Động Hào Âu đất lấp ngoài Hà Tiên

Nước hồ Đông có hai ngàn rắn ngọc

Chim biết đi sao chim Việt mất chỗ rừng

Hò ơi là tiếc một quên mình

Trên bắc Tô Châu ba lần núi dựng

Rồng vì tôi hãy quên một tiếng Liên

Tên áo xám canh một dốc cầu dưới núi

Mẹ tôi kêu Ngàn hãy thương Huyền

Ôi nhớ quá con trăng nơi Thiên Trước

Người Mệnh Thiêng tu kín với chiêm bao

Ôi vàng võ như rừng tôi đã chết

Mà Tô Châu dạ khúc nới sóng hồng

Ai tắt thở tôi quỳ trên tim mẹ

Rồng ơi Rồng đừng quên một ngấn lệ xưa

Vườn sầu riêng hồn đem một câu thề

Thiền Thiên Mệnh đọc về cõi sấm



Vùng mặt trời nô giỡn khói Malaga

Một cấu cũ đi qua thần Llamos



Nếu trên cao cao quá của không gian mình

Mặt trăng đã là nơi hơi thở

Buồn như chim mà tiếng Việt lạnh hơi đồng

Đạo mua chước đem kinh tôi về đất

Rồng thương tôi xin cao hát cho Liên nằm

Ôi Liên ôi.









Tiếng Phút Sầu!
Rồi Nay Cõi Lú


Một niềm quên hôn gió mặt trời

Đất Barcelona đã chon tôi chết

Có một ngày tôi nhớ quá Liên ôi

Kẻ cụt chân vẫn cò bè bạn

Mà nay già còm đã chọn xác tôi

Một ngày soi gương tôi đau như nước mắt

Có lẽ hôm nay người chết rõ mặt mình

Gracia de qué! No ré es yo te muerto ay Ré qué





Mưa phùn chưa lấm Malaga

Một ngàn cô Rej ca hết sông Elbre

Nhưng tiếng người đã sa vào núi mệnh

Vì chiều đi lất phất nước trên trời

Rời Tô Châu có hai ả phù du tim

Mặt trời đứng nhìn hoài mồ chưa xác

Nơi phía đông núi Đá Dựng hỏi cây kè hồ ly ẩn

Gọi là gì người Thiên Mệnh máu xanh

Trời mưa đi dù nay đất người mất chỗ

Ai đã quen màu tang tóc giữa trăng vô vàn

Como Yo ti muertoyo! Una Luna orez fumar





Trời mưa và xẻ cối Mancha xây

Ai rao bán Sangtia có mùi Remerios

Năm mật mã đền Socuej rước quỷ mịt mờ

Buồn thương quá trong đời mệt lả

Giấc chiêm bao không mặc áo lạnh huyền

Màn đêm tối vào ba khoen hố thẳm

Nương dâu xưa còn hai ả cầu ngang

Trần gian quá bụi nâu cầu thịt rã

No si y Vez Vesgas! Ya mè nun portarme





Trong mơ nếu lang thang

Trời đêm nay sống cần câu sấm cũ

Của vương thân chưa đọc cõi rừng đen

Một dòng nước Júcar tìm đâu hết chấn động cũ

Rồi chia ba với cành quyên gầy

Biệt ly xa em cần con tầm mộng

Nếu huyền sinh đừng vác củi về rừng

Người Thiên Mệnh đọc kinh balatuocos

Hơi sang sớm em còn yêu tình lá chảy

Nếu trẩy đời én vẫn quên mau

Vườn ô môi long lanh môi tím lạnh

Quỷ Orej nắm hết rừng xanh mưa

Thuở tơ tóc hãy đèn soi màu sáng

Gọi đi em con nhái xanh bèo

O Diosla nàda más! Que no ti besamoyo






Trời Ơi Thiền!
Ngờ Đâu Cơm Đời



Hôm nay tôi đã chết

Nỗi băng tâm em sống ở phương nào

Cầm tay tôi tôi dẫn mắt Rồng đi

Nước Ajaz bập bùng chim quyên đất

Nửa bóng hồ réo nguyệt vào điên

Ơi gió tắt bến quạ chiều



Gió thổi hoài đất không người Thiền cũ

Chiếc cánh lu thấp mãi đêm rằm

Tôi xin tim côi rằng xanh trong chết

Hò ơi đau ai ôm lấy tôi mòn

Từ lóng nhỏ và từ xương bọc máu

Bến tiêu điều con nước chưa phai

Trong hơi tiếp bấc sang bờ tương giã

Rồi cuộc đời đặt với mũi thở ra

Ai vừa bán cho tôi xu cháo lú

Phải là Liên hay bóng là Ré

Ôi thần vương mệnh cũ

Về cõi sâu không phải hố thẳm Vodongg

Để tà xế là nơi quạ ngủ



Liên ơi nỗi phố rêu đèn mờ

Một mình em em đã sống với hoang xưa

Nhưng đất mặn bóng thiền nuôi hơi thở

Cuộc điên mê là áo thuở ban chiều

Thổi gió ráo giữa trưa kêu ve sầu riêng lẻ

Mình mình em qua bảy dốc cầu điềm

Mặc kinh đọc còn anh sấm tan vào niềm rã

Bên phông thiền lả tả quyên tro

Từ đây ván thô kèm hai mắt đục

Cạo mặt trời hết tóc còn bay



Trời nửa xanh thầy tôi vừa rọc áo sấm

Tôi thét đau hồn đã nhập ba ngàn

Con nước Elbre chiếc xuồng đưa tôi mãi

Kẻ gọi tên là giọng của Liên buồn

Ngàn là tôi hay Ngàn tôi Liên sống đó

Liên hỡi Liên dù là nước quyện về miền

Tôi chải tóc kẽ môi vừa nứt

Bỗng mặt trời nghe sói tru tinh

Đất như thấp với mùa tan tác lá

Buồn hoen hoen ngấn đói trong phố người

Chim cú cũ có lần thành ba con nhạn

Rời rời về rừng giữa mặt trời cao

Ai có nhớ cô Liên về hoàng tộc

Đường lê thê tôi gỡ phiến da mình.





Tập san VĂN số cuối cùng tháng 3 năm 1975






TRÍCH THƠ SƯU TẦM SAU 1975








Quê Hương Của Ngực


Tôi còn đau giữa mùa khô nhớ dáng Sàigòn

Tình tôi hồi nhỏ chỉ là trái vườn đầy dơi đêm

Sáu con sông chảy qua đồi Âu ngày đông lạnh

Nhắc đến loài yểu mệnh bán chăn

Trên đống hoa mộ phần

Rồi mười hai chiếc đồng hò gỏ mãi nhạc da đen

Chắc độ gà đi xuống đất Tháp Mười đầy lát năn

Mà đồng bằng mẹ cha vẫn phập phồng tiếng vạc

Như con nít khổ lụy vì lễ rửa tội bọn chúa họ ra tín điều

Tôi buồn bỏ rơi những vinh quang trên thiên tận cho về

Rồi cả ngàn địa ngục gọi tên

Với dãy phố nghèo người ta chải chuốc

Tấm áo đời mặc đợi nắng lên

Giữa tiếng mưa ngoại bang tôi chìm

Không bao giờ hiểu ngực mình buổi sớm

Đồng hoa liên sô còn hầm tử địa chôn ai

Bảv giờ mai chuyến xe vào cuối đường trời tối

Con lộ quay ngược xuống đồi tuyết giá mê man

Còn lần ngửa mắt nhìn ra xứ người bán vải liệm

Đoàn mê không cũng ghê sợ tôi còn

Mối tử thương nạo dần triều nước

Nhiều con đò đã bỏ bến sương

Có phải lòng kêu ca trở thành ân sủng

Đi mút dòng miên mải chưa xây

Tôi đợi điều gì cái tôi bị giết

Dù chước hồng nối sử bị điên

Vang mảnh đất ngày thơ đoàn đoàn lũ áo trắng

Phận đàn bà lên chỗ ảo không

Tôi ngỡ những phiên khúc chậm lại mỗi ngày

Để phi cơ còn mang hình khoa học

Với đôi tay cô ả hát chèo

Biển nam dương lựa cành đào em gái xấu

Biển ấy còn vói đến sắc cỏ mắt mù

Đồn về nam các nguyên nhân ác độc

Dân chài không có ca dao

Buổi biển mặn từ từ khép mắt

Sợi mây làm mệt bóng người xa

Cô vợ xóm núi đang thì thầm lời mê vụng

Còn lần thôn sóc nhớ mãi giặc cướp chùa

Binh lính xin thảm kịch về màn chót

Nhưng bom đạn tạo ở liên bang

Da vàng tuổi chừa hai con mắt nhỏ

Cũng mập mờ mất ngực mẹ quê

Đền điện ban mai đầy mùi cố hội

Mà thây người chờ quỷ đem chôn

Mới lần đầu tôi hiểu quê hương đi từ chiêm ngưỡng

Và bàn tay có cội trên mệnh trùng

Ý thức da non là ý buồn trôi mãi

Nhìn cơn mưa sự thế mất rồi

Tôi giả màu hồng dưới củi lửa năm xưa

Quanh bóng lạ tiếng cười thành âm nhạc

Cô nàng tóc rụng đôi hôm

Để tang vừa chín viền mi phù thủy

Hình như quê hương vốn biến tự mảnh lưu ly

Dưới siêu hình của lời phường oan trái

Vết dao dưới độ ẩm thiên

Ngoài trời mở ra trứng rận

Lối về tưới cỏ chưa đen đêm

Những hình phạt già còm giục quan tài thiếu đất

Câu hỏi vạn vật thương mùa

Bằng tiếng chim mùng ba mất bến

Trăng đến rặng nhớ mỗi đồng lúa xa

Nghi con vật hiện hình vĩ đại

Têm lại vôi rữa chiều hôm

Căn nhà bày ra đợi tôi bên kia một cuồng phong dữ tợn

Trí nhớ không tượng nổi Sàigòn ban đêm

Vẫn mưa xóm bèo trôi suốt nẻo

Mờ sương xe lửa giục còi

Con ga đi về đâu mà rừng còn nức nở

Chẳng là biển đông cạn nước dã tràng

Hay hồn đìu hiu ngắm con ma xóm quế

Từng tuổi vắng bước chân thương

Vẳng đưa câu nhạc phun đầy mền tượng âm rớt

Mối tình chim huyệt chưa bay ra

Để lại tôi sớm mịt mùng lối cát

Tôi nhỏ ở mười lăm cô hồn tin lá thu rơi

Đất Việt chỉ mến đứa con của mười hai bà mẹ

Mà tu viện đang nuôi

Nhưng hư vô biển là mầm hôn xế

Áo người điên để vết đèn hoen

Lịch sử chỉ quay đến hôn hoàng rồi tàn lụn

Máu vổn từ trời lã thực tâm

Tôi đổ bến hỏi lần tóc xưa ai gội

Thấy mồ côi mùa nước sang bờ

Lúc ấy con mẹ ăn xin đang ca nhạc cải cách

Độ rằng mai binh sẽ cho ăn

Trên lá trên hoa trên hoa thu tàn

lục địa đại tây dương còn nghĩ rằng mình vừa ngủ

Trong xóm ngoại ô u buồn tịch bóng

Với ngoài kia phố xá đèn bay

Tôi rủ lá cây chia những miền tử biệt

Ngực côn trùng gọi vách đá lên cao

Ánh nắng cuối đời ngời lên điềm cạn tuyệt

Xó mồ kia nạn cơ khổ mọc da rồi

Từ đó nói quê hương mặt trời bị thượng đế giết

Tôi còn họ trên bản đá nhà thương

Xác con dơi ăn mòn trái cổ hận

Thí dụ có người làm bạn chết từ đây

Trò sử hồng vắt hoài chưa cạn tiếng

Chim chóc tưởng đã lên mơ hồ

Nhằm biển mùa rú khóc

Tôi lặn lội kiếm độ giao thừa nghèo

Nơi bốn tờ di hận bỏ tóc xỏa đen

Rồi tôi thiếp thần quang đi trước

Có những quốc gia không còn là bạn bè mình

Tôi nhớ hôm xưa biển băng mình xuống vực

Có những thổ ngữ chối từ mình

Như quê hương được khóc đến mù con mắt

Mà mặt trời cũng gậm vô tri

Có những bến bờ chọn cho tôi cái chết

Ở ngoài vọng nguyệt lên cao.







Nỗi Liên Đen Tối Vô Cùng


Rồi mùa thu rủ tôi đi xa
Tôi đi xa mãi tôi rồi
Nhằm đêm hoa rụng như ánh trăng
Tan mù mù trên miệt hải ngạn
Và lớp sương mốc đổ liên hồi
Tận viễn khơi những con thuyền sôi nỗi
Lướt qua màn đe dọa khi ly hương
Giữa tôi và Liên hôm nay
Ánh trăng không thành như cơn huyễn mộng
Của tôi và Liên hôm nay
Khi mười hai năm xuống dần nói nhỏ
Một mùa thu trước Liên xa
Không còn gì nhớ lại nữa đâu
Những hàng sao im nguyên ngày ấy
Của con đường Trà Vinh sớm hôm
Không còn gì ru nhớ làm chi
Những đốm hoa tím tan nhoè
trươc’ cổng nhà Liên đó
Mười hai năm thành điệu gió ngày mùa
Trên hình bóng Liên xa và xa
Như hiện thân tôi trôi và trôi
Mãi mãi với muôn ngàn ánh sao giá lạnh

Tôi có mười hai điệu Liên sầu
Mấy ngày thơ em hẹn tôi như ánh trăng
Đùa quanh tà áo em
Tôi có mười hai năm đi qua trên hơi thở
Run đau khi tiếng vạc buồn hư không
Ngày thơ Liên chờ tôi buổi nắng
Trí nhớ giống mỗi con cánh cam thương yêu
Biết kêu và biết tình ru lòng tơ mộng
Biết những bài trầm ca giấu trong quyển sách vô vi
Có là chữ Như trong đầu bồ tát
của nền không bị lãng quên
Tôi có mười hai mùa thu bị điên trong trí nhớ
Bằng kẻ đời giấu hết đồ ăn
Trong những thành phố Âu Châu đèn đổ
Nước mưa chiều cùng trận bão nội tâm
Khi Liên qua đời tôi là hình thân ảo ảnh
Khóc rất đau rồi khóc cho riêng tôi
Trong số cái chết chập chờn các dãy phố đói
Mười hai năm tôi đốt bằng que diêm
Để ném hai diêm đầu về tử hận
Khi Liên rụng sợi tóc quê hương
Trong những năm chiến tranh dân tộc
Còn lại mười ngón tay buồn
Tôi giấu lửa như tên lùn giấu mưu mẹo
Cho Liên cho Liên cho Liên tôi
Dù đầu thu con chim Việt bay mất
Sau buổi chiều Liên chết bơ vơ
Sau con đường Trà Vinh ngày ấy đổ tối
Những mộng tưởng về phượng hoàng đât’ dương gian
Trở thành cỏ hoang trên lâu đài nến cháy
Buồn ơi khi khóc đủ trăng trong
Có riêng mình hỏi mình trên bi kịch
Của lá hoa và của tim máu loài người
Vào đợt phù du chảy u mê
Tới mấy tầng xoè móng
Có những hoạn cơn tôi không thấy trong đời
Từ khi Liên nhỏ mỗi đêm lệ xót
Khi mình chờ đợi những mặt trời xa
Mà mùa thu chính giữa đảo hoang thái cổ
Rú hoài hoài các giọng bọn khờ vay
Chính giữa chợ đời đeo bóng u ám
Những điềm linh của không hôm qua
Chỉ hiểu công đời là ăn gian sự sống
Trên của thừa tự thêm nhân gian
Những vết chim khi trời vừa sáng
Bảo nhỏ tôi và con mắt Liên xưa
Trông nhạt mù tít tắp thời gian
Để thở rồi thở như trăng đơn
Để nhớ rồi thở mau
Như dòng đời chiều tối
Một con cánh cam vàng mỗi đêm rưng
Những gì không còn dù tiếng Tâm trong uyên thức
Cho mãi mãi về sau

Rồi mùa thu đốt lá để quên tôi
Than ôi mùa thu nào tôi không là kẻ vô tội
Giữa đám đông hôm hôm
Những kỷ niệm Liên sầu đã rơi cùng lệ khúc
Trong mười hai điệu sầu thu xa
Và mùa thu đem tôi xa bến đậu
Của những thiên tài cõi đông
Giữa tôi và Liên bây giờ reo thê thảm
Ngày thơ bom lửa đã nhiều
Lớn lên để hớp toàn bệnh cuồng trí
Trong buổi muốn yêu quê hương
Như thương hoài giọng đàn sai nhịp
Đu đưa cuối bãi Cà Mau
Giữa tôi và bàn tay Liên xa xôi
Chỉ còn lại màu đèn xám trơ nơi gác trọ
Và ngày thu báo mười hai thu
Đi qua bãi dâu của Tố Như ngày rộng gió
Sau cỏ khâu nhớ chết từng sao
Không đọng lại gì trên đất Trạng Trình nữa

Tôi có những bầu trời để giết hồn ma trơi
Nơi xa đoàn thuyền giương buổi tối
Khi chim Việt đầy mày khói đen
Tiếng hận sầu tiễn thu trên đồng thời gian đứng
Tiếng sóng cuồng đổ ập Phương Tây
Tôi giấu một con rồng trên bãi không gian mun
Chờ những đoàn trẻ thơ bay qua ốc đảo
Ngày thơ Liên ước gió trời say
Lúc Liên ngủ hai tay che lấy ngực
Gió ấy cứ mùa loà đêm đêm
Than hoài những tình duyên dang dở
Ngày thơ Liên sợ bóng dừa
Đùa gió Tháp Mười sang Cửu Long đầy máu
Nhưng lửa ở tại quê nhà
Đến hôm nay gió đùa thành trò lửa mệnh
Có khi mình khóc một lần thôi
Để cả triệu lần sau kẻ thù của mình chỉ là lời vô bổ
Trong khuôn diện trả vay
Bằng muôn điều bùng đau như mộng yểu
Liên và con cánh cam đầu chớp linh hồn
Buổi mai con bọ rầy say sương nắng
Liên và bầu trời tôi ngất đi
Khi tất cả ngón tay đeo mù giây kẽm
Ngày thơ hoa tím không đòi mộng vàng
Như cơn điên Bao Tự kêu trong tiếng lụa
Liên và ngây thơ bị mưa
Đau ôi khi mặt trời đen lấm
Những hư vô vào buổi lên đèn
Có lần tôi giữ một sầu khúc không tên
Tôi nhớ cố hương khi tiếng gà réo rít
Liên và cánh dơi Trà Vinh
Xuống mịt mùng đời tôi khi con thuyền chìm trong bão
Giữ mấy phút hư vô reo lên
Lâu đài đầy qụa khoang bên vàm liêu tịch

Tôi có làm gì đâu giữa đất bọn thạo đời này
Tay tôi bỏ rơi từ tâm từ vũng nhỏ
Chợt tiếc đau ở những chiều không thần tượng
Tôi có làm gì đâu cho bản thân tôi
Chỉ còn trái tim tôi tâm sự
Ngày thu đang rụng lá nhiều hơn
Bản sầu ca không còn nàng ca sĩ cũ
Lá và nắng rơi mau
Lá và hoa mùa này đều thẫn thờ đau đớn
Tôi có lạy một chữ danh nào đâu
Trên hoạn tâm con cờ khua như chẳng cần định mệnh
Ngày thu lá cứ vàng rừng
Đoàn trẻ nhỏ say hương con rắn lục
Mai kia sợ rỗng bóng dư đồ

Rồi mùa thu áo cưới Liên đâu
Có phải chim Việt bay hoài trên màu hư không tắt
Mỗi chiều đông cuối chân mây
Gợi quê hương mình bằng đêm móng nhọn
Đổi màu trên những hình hài
Một mai lội ngang cánh hồn hoả ngục
Và muà thu may trí nhớ cho Liên
Luạ nhung hay tơ vàng Kim Tự Tháp
Với cái chết đếm rừng đêm
Heo may lùa ngang mặt cỏ
Tôi theo đó thiếp mê
Thầm gọi Liên như tóc ngày thơ tối ám
Chim Việt không về bến xuân đâu
Bởi vòng quay đổ tan lúc hư không chuyển động
Cùng mỗi vì sao giăng màn
Qua hết thảy thủy chung chẳng còn nghe thấy
Rồi mùa thu hoa rụng trên bóng Liên
Tôi độ chừng đôi bàn tay tôi là lệ ướt
Bởi lệ là lệ của Liên
Bởi lệ hồng là lệ của tình Liên
Khóc dưới vai tôi đêm nào sông Cửu vừa dứt thở
Lệ sầu tôi giấu cho tháng năm
Trời ơi lệ mình lúc ngày thơ là lệ mẹ
Rồi lệ cứ xanh xao
Rồi Liên rồi Liên rồi Liên ôi
Lệ lòng từ đây trở thành biển máu
Trong mỗi ngày mai không còn gì
Trên nỗi nhớ quê hương câm
Trong thành phố tôi đòi chỉ ca ngợi tiền bạc
Có những đời tình bị xóa vào đêm đen
Dưới con cờ và một nghìn bào thai lịch sử
Lệ rời tôi để nhớ Liên
Khi mùa thu may đầy cho Liên áo ly hương một thuở
Nhớ Liên bằng muôn hình ác mộng đóng băng
Môi se lại tơ tằm dưới đầm lầy họp mộng
Những từ tâm phượng hoàng đắp biển dư
Hôm hôm mộng tôi cùng hoang vắng
Sẽ nghĩ rất lâu bằng tình ca
Như Đạt ma rùng mình trong Phạn Ngữ
Cùng sầu điệu cửa tu Tây Tạng hống
Sẽ nhớ mỗi lần hồn Liên xanh như lục thủy
Cửa những từ tâm bay qua đất trời vàng
Nơi tiếc thương cũng là sầu vọng
Đến mái tây rêu mờ
Có hôm tôi rùng mình nhớ xác
Đã nhuốm mấy trận cuồng dương gian
Những bầu trời tôi còn lửa cháy
Kêu ran tim lúc công chúa đội đèn
Tôi ám ảnh con cánh cam trên đầu chim Việt
Nhưng lửa rủ tôi cầm lại sầu thu
Có những oan hồn nhắn tôi cuộc gặp gỡ
Nơi Liên đã khóc đêm ngày
Trong mười hai năm Trà Vinh đầy quạ
Thôi rồi Liên ơi
Có những ngày thơ Liên ao ước
Quạ trời lợp ổ đầy không gian
Chính phút đớn đau tôi chỉ là cơn gió độc
Quên luôn một sớm trở về
Có Liên và có Liên giữa nắng
Nhưng hôm nay hoa nổ móng tay
Khi con người mình bắt đầu nơi Tam Tạng
Rằng biển dư chẳng thể mộng bao giờ
Nơi đất tâm linh để lại toàn sắt thép
Bởi động huyền vi lún lúc mùa thu rơi
Sau cánh bay rũ riệt
Tôi và Liên một ngày dài
Cánh cửa quê hương đầy vết đạn
Năm nào tối mịt ba mươi
Hoa mai trên cổ Liên thành mùi gió vọng
Xa xa đảo lạ vô hình rồi
Tôi chúc Liên như mặt trời vừa nhận ra tuổi tác
Ngày sau mùa thu bị chết với lá vàng
Bước Liên về bảo rằng tình hoài hương ở trong trí tưởng
Một xưa tôi mong đợi phượng hoàng về đời
Nẻo tình ca cỏ non làm hơi thở
Nhưng đèn vừa rủ xuống mê
Tôi thấy con trăng không cần nói ra ngày giao thừa đất mẹ
Trên mấy phương Tây hao mòn
Tôi còn gọi ra hình ảnh Liên lúc mê man
Tiếng đập cửa dầu là tử thần cuồng nộ
Đêm đêm trăng xẻ đời lệ châu
Tưởng lệ huỳnh bắt đầu lên bóng
Tôi con trăng đêm đêm mùi sa đoạ
Mà mùi quê hương con nít ré đau
Giữa khuya con cánh cam lo buổi mai cơn đói khổ
Trong tim trong não trong hồn
Trong trận huyền bí bắt đầu bằng định mệnh
Và mùa thu làm thành bọng tối loài người

Mộng ngày rũ rượi đó Liên
Ước áo vàng sẽ về đây thành cội rễ
Mấy phôi pha làm lại nước huyễn châu
Tôi có mười hai năm bỏ đi như diêm quẹt
Để hồn Liên là bóng Liên tôi
Để ngày thu tôi đợi chờ Liên viết thư bằng mực tím
Nói thương nói nhớ nói nhớ nhớ anh
Trên giải đất đầy mùi chuột chết
Và tình Liên là mối lặng im chờ
Mộng người đổ máu như tôi thôi
Đến chiều hôm con qụa Tây Phương kêu kêu mờ mịt
Trên mối sầu viễn lưu
Tôi đốt tôi ru tôi buồn tôi khóc
Tôi âm thầm tôi cháy nám riêng tôi
Ngày tôi đi Liên ôi tôi đi để chết
Với một mặt trăng tôi giấu đợi tuổi già
Như cánh tay Châu Âu nện mòn nước nhược tiểu
Bằng hư vô bằng vô nguyên với hôn mê
Những mộng đời tôi xé vừa tan
Con trăng từ đây chỉ hiện hình hoang cổ
Cho phút sầu ca bi lệ làm đau
Ngày tôi đi tới hôm nay Liên chết
Đất Trà Vinh mưa xuống mãi tận đầu
Có hay không lúc mình chỉ cầm bằng vô vọng
Mộng đời xưa cũ ấy Liên ơi.








ÁO THỀ TANG TÓC QUÁ


Còn bên liễu nàng đùa sắc trắng

Ngó bàn tay chợt vẳng tiếng chân

Xa xôi hư lạnh về gần

Áo rung cánh gió biệt trần từ đây

Qua nhắn nhủ hương gầy bờ trúc

Khóc chiêm bao cơn ngực bụi mờ

Khi sương vừa đủ bơ vơ

Người trên cầu dốc bây giờ hát đưa

Xưa nàng ngủ gió mùa đầy lệ

Xưa nàng quên câu kể lá thu

Một vòm mây xuống tóc dư

Ba trăm năm nữa mịt mù đám tang

Nàng không lạ hôn hoàng hồ mộng

Thiên nga xô nước vọng niềm thương

Bóng đời ngã xuống lệ vương

Ô hay trên ấy con đường chia ly

Chưa hiểu rõ niềm suy qua trán

Vòng sang bờ liễu cạn lá xanh

Ngừng con tim nhỏ giọt oanh

Tiếng thu đánh rớt cuối quành sông im

Về chiều đã nhớ chim xa tổ

Gọi hư không bóng đổ ngõ ho

Chiếc xe quên một tuổi già

Sắc trăng liệm xuống sầu ca biên thùy

Hồ trầm ánh huyền vi vừa khép

Nàng ôi nàng chỉ đẹp thế sao

Buồn trăng ngậm tính uyên vào

Ngủ như linh tính cồn cào thịt xương.







ÁO RÃ DƯỚI TƯỜNG HOA


Trời đông thổi cánh bông vừa chết

Nói làm sao cho hết đơn côi

Khi xưa đứng đợi tình người

Ý duyên hương sắc môi cười lá xanh

Cành đông nối mấy cành chim ngủ

Gọi hồn theo trùng lữ tràng giang

Giọng rao tim trắng cơ hàn

Chàng còn giao hẹn tiếng đàn tri âm

Mùa đông khắp quan san từ ấy

Ngỡ tuyết rừng trỗi dậy giấc thương

Nhà xưa thắp sáng ra đường

Dệt tơ từng sợi cơn buồn ở trong

Gió đông sẽ qua dòng triều lụy

Hát không ra hôn thụy lên môi

Sống chưa xanh đọng thành lời

Cuộc đày buổi sớm nàng cười lên điên

Vườn đông rú tiếng miền vô vọng

Úp đôi tay lên bóng ma rên

Nàng ôi nàng lạnh những nền hư cung

Tiếng đông chết hãi hùng tường bấc

Điệu ma hò trên nấc thang cao

Năm năm đóng kín tâm bào

Phòng đơn còn lại một màu đen khô

Đông kéo mãi giọng mồ trao trả

Khóc đi thôi sắc đã vừa tan

Chàng nào trở lại môn quan

Hay tìm khuôn mặt võ vàng buổi xưa

Đông sang tận cuộc đùa suy vận

Áo rã rồi mỗi bận gió reo

Đêm đêm cửa mở dáng nghèo

Muốn ca khúc lệ trong veo một lần.







THỀM SAO VƯƠNG NỮ NGỦ


Thôi nàng hãy mỉm cười lần chót

Bờ hư không chim hót cuối năm

Mộng sầu ta lựa đủ trăm

Nguồn cơn lên xám lệ dầm thế gian

Lửa đã tắt sau hàng dâu đậm

Thuyền mê cung mấy chấm mù sa

Vọng miền hú tiếng phai nhòa

Dưới trên khép kín màu hoa thệ nguyền

Chim đêm rủ nhau tìm ổ tối

Giọng trầm khê hối lỗi đôi khi

Điềm luân thế chạm viền mi

Mịt mùng giục giã bước đi không hồn

Hoa trước cửa hoa vờn từ tạ

Lạ bàn chân trên lá u mê

Hóa thân lẳng lặng tư bề

Cuối mơ vụt khóc ai về gọi ta

Thôi nàng ngủ ngọc ngà theo giấc

Đường qua song gió bấc về thôn

Tướng nhi sầu đã thổi vồn

Riêng soi ảo sắc ta thường nhớ trăng

Bóng cỏ lướt mối giăn con nhện

Huyền thức trôi trôi đến vô biên

Lưa thưa kẻ hỏi vườn thiêng

Không nghe thêm nữa câu truyền bát tiên

Tan rồi mất những triền sơn đỉnh

Nàng ngủ đi kiếp tính chiêm bao

Mái đông gót nhỏ vừa vào

Dáng linh thốt lặng nghẹn ngào từ tâm

Sao lả tả rồi cầm nữ khóc

Độc hành trên tơ tóc bàn tay

Vòm uyên co lạnh cho dài

Gái xưa còn đó cánh bay về hồn

Thôi nàng giữ lệ mòn cảnh điện

Tiệc miên thâu ta quyện bóng xanh

Dù chi cũng một cuộc đành

Thức canh đồng rắn bên thành lũy cao.








HẠT DƯA MỜ CỬA MỘ


Mạt cưa trước cửa ngày mưa xuống

Khói u mê hình tượng đọt nhang

Vào canh linh cửu giấy vàng

Lá dâu bỗng héo dưới hàng nến quan

Xin trả lại giàu sang ngoài chợ

Dọn hành trang năm mớ cỏ mê

Biết xuân chọn một lời thề

Hai trăm con tóc bay về đồng hoang

Người tỉnh rượu buồn hoàng hôn nặng

Tiếng đời dư chút cặn truy hoan

Vỗ tay kêu vọng qua màn

Ôi thôi vắng vẻ đáp toàn chua cay

Hồn tử sĩ thở dài biên ải

Gở cung tên hơ hãi chạy qua

Công nương tuổi chết khóc òa

Đầu toang vết nấm độc ra đen ngòm

Nhưng áo cưới vẽ mòn hoa chức

Hát xa xa một tục đế rung

Chiều rồi bà lão lên rừng

Điếm canh trôi mút nước lưng bên vàm

Không để lại cho cam bóng sắc

Tình vừa gieo lạnh ngắt từ ly

Bước đường con ngựa vội quỳ

Rống sương thửơ cổ nguyên thùy lên trăng

Ai sầu quá cô hằng che kín

Đi không về tính đến ngàn năm

Hạt dưa rụng xuống đêm nằm

Lối sơn sọc đỏ điệu cầm nát tan

Người ngồi đợi mơ màng thổi nến

Đổi ngón tay tơ nhện lung lay

Gở xong sợi tóc u hoài

Cửa nguồn vụt tắt một bầy long sô.







ĐƯỜNG LÁ IN DƯỚI CHÂN


Hồn vừa đậu mái tây hoang xế

Nhận tin buồn chẳng thể nói năng

Vận người đứng sắc ăn năn

Bỗng đâu tiếng sấm trời băng dưng cười

Sau nỗi chết tên vùi mộ rộng

Nhác ngó lên kèn trống vi vu

Lão già nón ứ sương phù

Nhớ ai miệng ngậm bức thư chiêu hồn

Nhan sắc trắng còn vờn mống lửa

Vàm ảo thu nhảy múa điệu câm

Cơn hoa vụt lạy bụi lầm

Ôi ôi dấu tích vừa trăm năm tròn

Khi nhớ lại mỏi mòn trông đợi

Biển da căng ánh dọi tình điên

Cô xuân tóc chẻ đôi miền

Cánh mơ để đó mặt hiền rung rinh

Người đón cốt nhận hình thân khổ

Viết vài câu trên mớ da xanh

Thêu đôi áo vải mộng cành

Đường lên ánh sáng thiên thanh ngợp dần

Miển linh thức tần ngần cổ nguyệt

Nhủ với ai lòng huyệt bi thương

Sợi giây miên ảnh khôn lường

Đáy sâu dội lại cơn buồn xa xưa

Không hiểu nữa cuộc đùa thiên thức

Xin ngủ say trong ngực thời gian

Những vì sao ứa lệ vàng

Mong manh từng bước tan tan nhoà nhoà

Chuông cứu tỉnh căn nhà tẩn liệm

Lá còn xanh lá tím bậc thang

Giọng rừng quê cũ bàng hoàng

Hôm kia rắn nổi mấy ngàn nọc đen

Đường bụi thốc bao phen muốn tỉnh

Biển đông bay mười chín kình ngư

Vật vờ xuống bóng tử du

Yêu chưa đủ mộng sao mù tứ chi

Cửa vườn ấy mỗi kỳ hương khói

Lá khô rồi lá đợi máu rơi

Đầu tường con quạ kêu đời

Đêm chưa về sáng con người khóc duyên.






HÓA KIẾP BIỆT LY TÌNH


Thôi có mặt với mùa lá chết

Ngồi vườn không như vết cỏ rung

Yêu nhau giữa mộng hãi hùng

Bóng chim tiều tuỵ âm cung bàng hoàng

Họp tơ nhạc nhớ vàng cuối ngõ

Nhắn trời xanh càng nhớ hình thân

Đêm sương đủ bước linh thần

Người về nước mắt bỗng dâng khúc tình

Hoa cứ rụng lặng thinh đâu đó

Tiếng cười ai vừa rộ ngoài sân

Về đây đỉnh sáng trôi gần

Hốt nhiên tiếng sấm mộ trần nối vai

Lần khân tính lưu đày dưới bến

Gỏ mặt bàn chờ đến mùi khuya

Trông nhau hình bóng đầm đìa

Ôm nhau tựa khói đằng kia reo hò

Ngủ mù mịt nghe đò sang khóc

Nghi trên hồn hơi độc vừa rơi

Nghìn thu tiệc yếm thế rồi

Áo xanh còn lại thế thôi vải nhầu

Tin một kiếp mắt sầu không tỉnh

Gở hai bên lối mịn hoa lau

Đợi vàng bốn cảnh trước đào

Bến sa giọt lửa thốt đau bãi người

Thôi đóng khắp mộng đời xưa ấy

Thắm dung nhang trông bấy nhiêu xuân

Vì hơi u buốt thâm ngàn

Đeo rong tự tính chưa tan mỗi đời

Song ngắm lại một lời ngọt thốt

Ghì vào tim vãi đợt triều ly

Biết nay thu lạnh người đi

Qua bao vương tích những vì sao rơi.






NÀNG ƠI NHÌN LỆ KHÚC


Lũng chiều đốt củi rừng chi nữa

Chú tiều mang bốn cửa đêm đen

Hỏi xong cánh lạ bên đèn

Gầy gò dáng sống cài then cổng chùa

Quạ làm tổ một xưa đồi gió

Đón vòng quay tiếng mõ thâu canh

Bến xuân ôi khóc con oanh

Bãi không gian thiếu bức tranh oan thề

Rời quán lẻ khách đề thư lạnh

Bán vài điềm mơ ánh hồng bay

Ra đi vừa đúng gió bầy

Thềm rêu quái vật mang thây nỗi buồn

Ru gì nữa cảnh sương hốc đá

Nghìn âm dư vừa đã chết reo

Mặt soi ảnh tượng mốc meo

Trẻ thơ ngày ấy tóc đeo lạc loài

Quên quên hết mười tay lợp mộng

Sầu sầu lên một giọng tha ma

Ai mùa lá trắng sang nhà

Dẫn ba cô tịch như gà cửa đông

Giờ hoi hóp nhiều đồng cây đổ

Nhắn mẫu thân cốt hổ hoá mưa

Vặn đèn vừa tỏ bụi đùa

Than ôi móng cổ nguyệt vừa trái tim

Bận chín khúc dong tìm đơn chiếc

Não lòng xin chia biệt về thơ

Đẫm hoen vết nở môi hờ

Mối giây ca khúc không ngờ lời điên

Chim điên hót mấy miền người chết

Hót tới trưa cơn mệt mặt trời

Đời xưa hoạ xuống động dơi

Mẹ từ sắc ảnh sai người đầu thai

Nhưng vóc mộng thở dài bờ cỏ

Mắt đung đưa không nỡ rời trăng

Vừa trông ngõ trúc lệ hằn

Năm cô áo biếc che khăn ngập hồn

Quên quên đủ túi khôn suối ngọt

Đọng tường câu thánh thót đá xanh

Vườn trời nhơn đó ngồi canh

Mái đông ngồi đến tay đành rời tay.





Nh. Tay Ngàn









Thành Phố Chim Hồng

Tôi về mùa thu giữa lá Paris đau

Có phải bông mai chỉ nở ngoài tất cả cánh cửa ngục tù

Hỡi bãi chim rụng đầy lông trắng

Tôi về mùa lá rơi

Trong bàn tay cuốn sách bạc màu

Cuốn kinh đọc ngày đêm trong trường tiểu học

Như cái chết kẻ tội đồ cầu đấng hoàng hôn

Mà trước mắt các tà áo xanh mười sáu năm qua bị rách

Mà mùa thu Paris cũng lá vai mình

Nhưng cánh mù đã quạt xanh miền đại dương tím

Bông mai thành chiều mở cửa giao thừa

Không nghe nói bà thờ tổ tiên bông trang xóm nhỏ

Hỡi bãi sa mù mỗi đêm sương

Đám lá vừa xanh bên trường đại học cũ

Cành phượng không hiểu rụng bao nhiêu năm rồi

Những tà áo trong nắng ban mai

Trên tóc cô sinh viên chưa mờ với nắng

Một đám cưới đơn giản vào cơn buồn tôi xoay

Hình phạt tận mùa thu bên các xứ châu âu

Không ai nói hôm nay đoàn quạ trên cầu chữ y nữa

Khi tôi không còn ánh nắng rạng đông

Trò cười ban mai sớm hay cánh mun vượt nghìn hải đảo

Tôi về không ngó ra vết bước tôi đi

Tôi mua chuộc đời tôi trên trang giấy rẻ tiền

Bằng sáu khúc da vàng thiếu đàn da đỏ

Bằng lá khô rọi đắm hình hài

Tiếng hát chiều xuân xưa bốc mờ hai bờ tường bọn mọi

Còn mùa thu mưa nhớ con sông vàng

Người mẹ bỏ rơi tấm vải đen ở chiều chủ nhựt

Và đứa con bây giờ phải quét bàn thờ cổ nhân

Dù sáu đời còn ba bốn tờ dạ khúc

Trên rừng lá phủ mưa

Tôi vuốt mặt cái chết của những tà áo non

Cành lá Sàigòn lúc trăng mười hai năm trăng đọng nắng

Giữa bốn bức tường tôi thấy cái chết áo đen

Sự thèm muốn mỗi chiều đời xuống sâu hỏa ngục

Nhắm ngủ hơi mòn quên mặt trời tôi

Trong bãi cỏ xanh cô sinh viên ngày nọ còn cười

Tới chim đi mới hay bào thai trong cô đã khóc

Rồi mùa hoa phượng lấm đỏ nhà thương

Tôi vuốt mặt cô với nửa ngón tay người nào không dám nói

Tà áo xanh không rọi mùa thu tôi

Mùa nắng mới chim đau với tin chiến sự trong tủ sách gia đình

Tôi nhìn hai cuốn kinh đã rách dưói bờ cây nhà tu viện

Sớm hôm kia quân đội chờ miếng ăn

Với chuyến phi cơ có nhiều xác trẻ con tỉnh lỵ

Những đám cưới quên hết tai nạn Sàigòn

Mùa nắng thiếu vài ba con ve sầu bay lên trời cao

Để thèm cơn lạnh dưới mồ cô sinh viên buổi nọ

Tôi về cánh cửa đóng hết các cơn nhớ thu rơi

Có phải bãi sa mù con chim trong vài thành phố

Chim đêm chim hồn đỏ hoá hồng

Bãi lầy chỉ xót thương những xác thôi nôi

Như chiến tranh muốn ăn hết Sàigòn vào buổi tối

Còn trái tim nhịp lạ chưa rên

Tuổi trẻ giấu sự tầm thường trọn đêm dưới nách cô ca sĩ

Tuổi thơ muôn đặt giống già nua nơi chất lịch sử âm hồn

Còn con mắt cô sinh viên vừa nhắm với bào thai

Tôi về lúc Sàigòn chỉ quên một kẻ nhảy qua cửa sổ

Như bông phượng nở cả vườn hoa chưa hay đêm

Đã nóng đã hôi đã khô nghẹn móng con đại bàng

Sợ hoài dân Việt mua thức chết

Hình ảnh cô ca sĩ da đen

Không nhớ Phi châu lúc con đồi mồi ngủ nơi biển cạn

Hình ảnh cô sinh viên thay áo sớm mai

Làm tôi quên tên bạc tình trong lá cây trường đại học

Dân Việt đã về nửa bãi sa mù

Lá trên đồi hôn mê lá ấy mộng ngoài tim trắng

Củ gái đơn sơ đếm nụ bưởi sau vườn

Nhưng chiều cuối năm tôi nhớ khu vườn đã bị dội bom

Tiếng hát da đen năm ấy cười vang một thương tích

Tuổi trẻ muốn máu có mùi

Không như mùi lá buồn đầu sao

Tuổi trẻ không giữ khu vườn ma

Với bàn thờ tổ tiên chưa gợi ra mặt hình hài vạn xuân trước

Tuổi thơ dù vốn hỏa hình

Nhưng hỡi buổi chim bay về làng mùa thông trắng

Đám cỏ không nhớ nắng đã làm xanh

Cuối đem chim hồng đã khoét sâu trùng mắt dân Việt

Nên cuối đời xứ sở luyện kim

Hình phạt chỉ dạy đứa con nói về sự đời của ông già bói chữ

Nhưng người mẹ chỉ giấu sữa giữa những ngày yểu mệnh qua

Tới hôm bóng vờn tìm mộng

Hình phạt không rõ cỏ đầu xuân

Ánh máu vẫn đưa đứa hài nhi về hôn phím nhạc

Ở đêm xe dẫn hai đám cưới hiền lành

Không hiểu sau đó ai đã giết tên tình si cô ca sĩ

Mà đàn dương cầm cứ nở những đóa mẫu đơn

Tôi mượn đời tôi dưới cánh thu sầu trôi mãi

Ngày mùa tắt nắng con ga

Tôi đi khô bóng côn trùng xóm đậu phộng

Đàn trừu đỏ mắt với bụi xa xa

Cơn mây cứ chiều chiều Paris khói

Hình cô sinh viên buổi tối ngắm đèn

Chưa hiểu trong cơn dục vọng mòn bào thai thành con mắt khép

Giữa đống phượng mùa bãi trường nơi bãi đại học cỏ xanh

Chuyến đời xua tuổi trẻ từ chiều thứ tư tới trần gian buốt lạnh

Cảnh tôi gợn nếp con tằm

Như hồn người mẹ bữa ăn nhằm trứng chết

Với đứa con buộc tội ông bà

Mà ngàn thu con đại bàng không muốn nghe Sàigòn kể chuyện



Giai phẩm Xuân QUÊ MẸ số 149-150 tháng 2 năm 1999





 
















NỖI LIÊN ĐEN TỐI VÔ CÙNG


Rồi mùa thu rủ tôi đi xa
Tôi đi x
a mãi tôi rồi
Nhằm đêm hoa rụng như ánh trăng
Tan mù mù trên miệt hải ngạn
Và lớp sương mốc đổ liên hồi
Tận viễn khơi những con thuyền sôi nổi
Lướt qua màn đe dọa khi ly hương
Giữa tôi và Liên hôm nay
Ánh trăng không thành như cơn huyễn mộng
Của tôi và Liên hôm nay
Khi mười hai năm xuống dần nói nhỏ
Một mùa thu trước Liên xa
Không còn gì nhớ lại nữa đâu
Những hàng sao im nguyên ngày ấy
Của con đường Trà Vinh sớm hôm
Không còn gì ru nhớ làm chi
Những đốm hoa tím tan nhoè
trước cổng nhà Liên đó
Mười hai năm thành điệu gió ngày mùa
Trên hình bóng Liên xa và xa
Như hiện thân tôi trôi và trôi
Mãi mãi với muôn ngàn ánh sao giá lạnh



Tôi có mười hai điệu Liên sầu
Mấy ngày thơ em hẹn tôi như ánh trăng
Đùa quanh tà áo em
Tôi có mười hai năm đi qua trên hơi thở
Run đau khi tiếng vạc buồn hư không
Ngày thơ Liên chờ tôi buổi nắng
Trí nhớ giống mỗi con cánh cam thương yêu
Biết kêu và biết tình ru lòng tơ mộng
Biết những bài trầm ca giấu trong quyển sách vô vi
Có là chữ Như trong đầu bồ tát
của nền không bị lãng quên
Tôi có mười hai mùa thu bị điên trong trí nhớ
Bằng kẻ đời giấu hết đồ ăn
Trong những thành phố Âu Châu đèn đổ
Nước mưa chiều cùng trận bão nội tâm
Khi Liên qua đời tôi là hình thân ảo ảnh
Khóc rất đau rồi khóc cho riêng tôi
Trong số cái chết chập chờn các dãy phố đói
Mười hai năm tôi đốt bằng que diêm
Để ném hai diêm đầu về tử hận
Khi Liên rụng sợi tóc quê hương
Trong những năm chiến tranh dân tộc
Còn lại mười ngón tay buồn
Tôi giấu lửa như tên lùn giấu mưu mẹo
Cho Liên cho Liên cho Liên tôi
Dù đầu thu con chim Việt bay mất
Sau buổi chiều Liên chết bơ vơ
Sau con đường Trà Vinh ngày ấy đổ tối
Những mộng tưởng về phượng hoàng đất dương gian
Trở thành cỏ hoang trên lâu đài nến cháy
Buồn ơi khi khóc đủ trăng trong
Có riêng mình hỏi mình trên bi kịch
Của lá hoa và của tim máu loài người
Vào đợt phù du chảy u mê
Tới mấy tầng xoè móng
Có những hoạn cơn tôi không thấy trong đời
Từ khi Liên nhỏ mỗi đêm lệ xót
Khi mình chờ đợi những mặt trời xa
Mà mùa thu chính giữa đảo hoang thái cổ
Rú hoài hoài các giọng bọn khờ vay
Chính giữa chợ đời đeo bóng u ám
Những điềm linh của không hôm qua
Chỉ hiểu công đời là ăn gian sự sống
Trên của thừa tự thêm nhân gian
Những vết chim khi trời vừa sáng
Bảo nhỏ tôi và con mắt Liên xưa
Trông nhạt mù tít tắp thời gian
Để thở rồi thở như trăng đơn
Để nhớ rồi thở mau
Như dòng đời chiều tối
Một con cánh cam vàng mỗi đêm rưng
Những gì không còn dù tiếng Tâm trong uyên thức
Cho mãi mãi về sau



Rồi mùa thu đốt lá để quên tôi
Than ôi mùa thu nào tôi không là kẻ vô tội
Giữa đám đông hôm hôm
Những kỷ niệm Liên sầu đã rơi cùng lệ khúc
Trong mười hai điệu sầu thu xa
Và mùa thu đem tôi xa bến đậu
Của những thiên tài cõi đông
Giữa tôi và Liên bây giờ reo thê thảm
Ngày thơ bom lửa đã nhiều
Lớn lên để hớp toàn bệnh cuồng trí
Trong buổi muốn yêu quê hương
Như thương hoài giọng đàn sai nhịp
Đu đưa cuối bãi Cà Mau
Giữa tôi và bàn tay Liên xa xôi
Chỉ còn lại màu đèn xám trơ nơi gác trọ
Và ngày thu báo mười hai thu
Đi qua bãi dâu của Tố Như ngày rộng gió
Sau cỏ Khâu nhớ chết từng sao
Không đọng lại gì trên đất Trạng Trình nữa



Tôi có những bầu trời để giết hồn ma trơi
Nơi xa đoàn thuyền giương buổi tối
Khi chim Việt đầy mày khói đen
Tiếng hận sầu tiễn thu trên đồng thời gian đứng
Tiếng sóng cuồng đổ ập phương Tây
Tôi giấu một con rồng trên bãi không gian mun
Chờ những đoàn trẻ thơ bay qua ốc đảo
Ngày thơ Liên ước gió trời say
Lúc Liên ngủ hai tay che lấy ngực
Gió ấy cứ mùa loà đêm đêm
Than hoài những tình duyên dang dở
Ngày thơ Liên sợ bóng dừa
Đùa gió Tháp Mười sang Cửu Long đầy máu
Nhưng lửa ở tại quê nhà
Đến hôm nay gió đùa thành trò lửa mệnh
Có khi mình khóc một lần thôi
Để cả triệu lần sau kẻ thù của mình chỉ là lời vô bổ
Trong khuôn diện trả vay
Bằng muôn điều bùng đau như mộng yểu
Liên và con cánh cam đầu chớp linh hồn
Buổi mai con bọ rầy say sương nắng
Liên và bầu trời tôi ngất đi
Khi tất cả ngón tay đeo mù giây kẽm
Ngày thơ hoa tím không đòi mộng vàng
Như cơn điên Bao Tự kêu trong tiếng lụa
Liên và ngây thơ bị mưa
Đau ôi khi mặt trời đen lấm
Những hư vô vào buổi lên đèn
Có lần tôi giữ một sầu khúc không tên
Tôi nhớ cố hương khi tiếng gà réo rít
Liên và cánh dơi Trà Vinh
Xuống mịt mùng đời tôi khi con thuyền chìm trong bão
Giữ mấy phút hư vô reo lên
Lâu đài đầy qụa khoang bên vàm liêu tịch

Tôi có làm gì đâu giữa đất bọn thạo đời này
Tay tôi bỏ rơi từ tâm từ vũng nhỏ
Chợt tiếc đau ở những chiều không thần tượng
Tôi có làm gì đâu cho bản thân tôi
Chỉ còn trái tim tôi tâm sự
Ngày thu đang rụng lá nhiều hơn
Bản sầu ca không còn nàng ca sĩ cũ
Lá và nắng rơi mau
Lá và hoa mùa này đều thẫn thờ đau đớn
Tôi có lạy một chữ danh nào đâu
Trên hoạn tâm con cờ khua như chẳng cần định mệnh
Ngày thu lá cứ vàng rừng
Đoàn trẻ nhỏ say hương con rắn lục
Mai kia sợ rỗng bóng dư đồ



Rồi mùa thu áo cưới Liên đâu
Có phải chim Việt bay hoài trên màu hư không tắt
Mỗi chiều đông cuối chân mây
Gợi quê hương mình bằng đêm móng nhọn
Đổi màu trên những hình hài
Một mai lội ngang cánh hồn hoả ngục
Và muà thu may trí nhớ cho Liên
Luạ nhung hay tơ vàng Kim Tự Tháp
Với cái chết đếm rừng đêm
Heo may lùa ngang mặt cỏ
Tôi theo đó thiếp mê
Thầm gọi Liên như tóc ngày thơ tối ám
Chim Việt không về bến xuân đâu
Bởi vòng quay đổ tan lúc hư không chuyển động
Cùng mỗi vì sao giăng màn
Qua hết thảy thủy chung chẳng còn nghe thấy
Rồi mùa thu hoa rụng trên bóng Liên
Tôi độ chừng đôi bàn tay tôi là lệ ướt
Bởi lệ là lệ của Liên
Bởi lệ hồng là lệ của tình Liên
Khóc dưới vai tôi đêm nào sông Cửu vừa dứt thở
Lệ sầu tôi giấu cho tháng năm
Trời ơi lệ mình lúc ngày thơ là lệ mẹ
Rồi lệ cứ xanh xao
Rồi Liên rồi Liên rồi Liên ôi
Lệ lòng từ đây trở thành biển máu
Trong mỗi ngày mai không còn gì
Trên nỗi nhớ quê hương câm
Trong thành phố tôi đòi chỉ ca ngợi tiền bạc
Có những đời tình bị xóa vào đêm đen
Dưới con cờ và một nghìn bào thai lịch sử
Lệ rời tôi để nhớ Liên
Khi mùa thu may đầy cho Liên áo ly hương một thuở
Nhớ Liên bằng muôn hình ác mộng đóng băng
Môi se lại tơ tằm dưới đầm lầy họp mộng
Những từ tâm phượng hoàng đắp biển dư
Hôm hôm mộng tôi cùng hoang vắng
Sẽ nghĩ rất lâu bằng tình ca
Như Đạt ma rùng mình trong Phạn Ngữ
Cùng sầu điệu cửa tu Tây Tạng hống
Sẽ nhớ mỗi lần hồn Liên xanh như lục thủy
Cửa những từ tâm bay qua đất trời vàng
Nơi tiếc thương cũng là sầu vọng
Đến mái tây rêu mờ
Có hôm tôi rùng mình nhớ xác
Đã nhuốm mấy trận cuồng dương gian
Những bầu trời tôi còn lửa cháy
Kêu ran tim lúc công chúa đội đèn
Tôi ám ảnh con cánh cam trên đầu chim Việt
Nhưng lửa rủ tôi cầm lại sầu thu
Có những oan hồn nhắn tôi cuộc gặp gỡ
Nơi Liên đã khóc đêm ngày
Trong mười hai năm Trà Vinh đầy quạ
Thôi rồi Liên ơi
Có những ngày thơ Liên ao ước
Quạ trời lợp ổ đầy không gian
Chính phút đớn đau tôi chỉ là cơn gió độc
Quên luôn một sớm trở về
Có Liên và có Liên giữa nắng
Nhưng hôm nay hoa nổ móng tay
Khi con người mình bắt đầu nơi Tam Tạng
Rằng biển dư chẳng thể mộng bao giờ
Nơi đất tâm linh để lại toàn sắt thép
Bởi động huyền vi lún lúc mùa thu rơi
Sau cánh bay rũ riệt
Tôi và Liên một ngày dài
Cánh cửa quê hương đầy vết đạn
Năm nào tối mịt ba mươi
Hoa mai trên cổ Liên thành mùi gió vọng
Xa xa đảo lạ vô hình rồi
Tôi chúc Liên như mặt trời vừa nhận ra tuổi tác
Ngày sau mùa thu bị chết với lá vàng
Bước Liên về bảo rằng tình hoài hương ở trong trí tưởng
Một xưa tôi mong đợi phượng hoàng về đời
Nẻo tình ca cỏ non làm hơi thở
Nhưng đèn vừa rủ xuống mê
Tôi thấy con trăng không cần nói ra ngày giao thừa đất mẹ
Trên mấy phương Tây hao mòn
Tôi còn gọi ra hình ảnh Liên lúc mê man
Tiếng đập cửa dầu là tử thần cuồng nộ
Đêm đêm trăng xẻ đời lệ châu
Tưởng lệ huỳnh bắt đầu lên bóng
Tôi con trăng đêm đêm mùi sa đoạ
Mà mùi quê hương con nít ré đau
Giữa khuya con cánh cam lo buổi mai cơn đói khổ
Trong tim trong não trong hồn
Trong trận huyền bí bắt đầu bằng định mệnh
Và mùa thu làm thành bọng tối loài người

Mộng ngày rũ rượi đó Liên
Ước áo vàng sẽ về đây thành cội rễ
Mấy phôi pha làm lại nước huyễn châu
Tôi có mười hai năm bỏ đi như diêm quẹt
Để hồn Liên là bóng Liên tôi
Để ngày thu tôi đợi chờ Liên viết thư bằng mực tím
Nói thương nói nhớ nói nhớ nhớ anh
Trên giải đất đầy mùi chuột chết
Và tình Liên là mối lặng im chờ
Mộng người đổ máu như tôi thôi
Đến chiều hôm con qụa Tây Phương kêu kêu mờ mịt
Trên mối sầu viễn lưu
Tôi đốt tôi ru tôi buồn tôi khóc
Tôi âm thầm tôi cháy nám riêng tôi
Ngày tôi đi Liên ôi tôi đi để chết
Với một mặt trăng tôi giấu đợi tuổi già
Như cánh tay Châu Âu nện mòn nước nhược tiểu
Bằng hư vô bằng vô nguyên với hôn mê
Những mộng đời tôi xé vừa tan
Con trăng từ đây chỉ hiện hình hoang cổ
Cho phút sầu ca bi lệ làm đau
Ngày tôi đi tới hôm nay Liên chết
Đất Trà Vinh mưa xuống mãi tận đầu
Có hay không lúc mình chỉ cầm bằng vô vọng
Mộng đời xưa cũ ấy Liên ơi

Nh. Tay Ngàn





Ky hoa Dinh Cuong








Trở về








MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.























Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

Thủy Easola















Easola Nguyễn Thủy
Biên đạo Múa đương đại





Chuyển động của anh, của em
hoa chuyển động ánh sáng chuyển động

cảm ơn Anh cảm ơn Em
cảm ơn hoa cảm ơn ánh sáng

Ea Sola Thủy
SG 25/02/2018




























Tác phẩm


Múa đương đại





1
Hạn Hán và Cơn Mưa



2
Ngày Xửa Ngày Xưa




3
Cánh Đồng Âm Nhạc




4
Thế Đấy Thế Đấy




5
Khúc Nguyện Cầu




6
Ký Ức
(hạn hán và cơn mưa II)




7
Cơ Thể Trắng
















Giá trị sống
Biên đạo múa Ea Sola Thuỷ

Đất nước ở ngay trong cơ thể mình




SGTT.VN - Xuyên suốt trong những tác phẩm của biên đạo múa người Pháp gốc Việt Ea Sola Nguyễn Thuỷ là ký ức của một dân tộc với tất cả vẻ đẹp bi tráng.

Bẵng đi một thời gian, chị vừa trở lại Việt Nam để chuẩn bị cho vở múa Cơ thể trắng, câu chuyện về sự nô lệ của con người vào vật chất, vào những giá trị ảo, cùng nỗi lo âu về sức khoẻ của cả một cộng đồng.
Những tưởng chị đã giã từ sân khấu, điều gì thôi thúc chị trở lại?

Sau Khúc nguyện cầu, tôi nghĩ mình sẽ giã từ sân khấu, để có thời gian ngồi viết. Nhưng mình vẫn là một con người sống trong thế giới hôm nay, mọi thứ xảy ra đều liên quan tới mình. Một thế giới mà chết chóc, nghèo đói lẫn lộn giữa những chiếc túi xách Louis Vuitton, Hermes, mắt kính Armani... Cơ thể trắng đề cập đến sự nô lệ của chúng ta vào vật chất. Làn sóng công nghiệp hoá đã cuốn phăng con người vào những ham muốn bất tận không thể dừng lại. Tại Trung Quốc, có thanh niên bán đi một quả thận để mua một cái iPad. Những mẫu quảng cáo quá ngọt ngào đang là những “cục đường” thao túng chúng ta, khiến con người mất dần đi nhu cầu thật sự. Con người ngày càng trở nên giống nhau, từ nô lệ tiêu dùng dẫn đến nô lệ của cái tôi.

Lẽ ra Cơ thể trắng sẽ công diễn vào tháng 10 năm nay, vì sao vở múa lại bị dừng lại đến năm sau?

Một diễn viên có thai, lỡ có gì đó với em bé thì nguy hiểm lắm. Cũng có ý định thay thế một diễn viên khác, nhưng không thể, vì cô ấy đã đi theo câu chuyện từ đầu đến cuối, trải qua quá trình khó khăn để ý thức về cái tự do, ý thức để không tự nguyện làm nô lệ, để được sống đúng là mình. Cơ thể cô ấy đã có một cái gì đó khác rồi, nên không thể thay thế ai khác. Thôi đành đợi cho cô ấy sinh xong.

Làm việc với những diễn viên trẻ, chị có khó khăn nhiều không để giúp họ tìm ra tiếng nói tự do cho cơ thể? Lắng nghe tiếng nói của cơ thể có phải là bài học sống với tất cả mọi người?

Vở diễn gồm năm người, một người làm nhạc, một ông thầy giáo già dạy tiếng Pháp đóng vai người quan sát, và ba diễn viên múa. Tôi đã trải qua rất nhiều lần chọn lựa để tìm ra người thích hợp với câu chuyện. Trải qua những vòng xoay của công việc, với những câu hỏi tới tấp được đặt ra để đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, có em không chịu được, không biết thế nào là múa nữa. Đó chính là lúc các em gặp gỡ những gì chưa biết, là lúc bắt đầu lý giải được những gì đang thao túng cái đầu của chính mình, thao túng khán giả, những người đang cùng họ tham dự cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm này. Phải đào bới ghê lắm, ghi chép cụ thể từng ngày, để ý thức cái gì hay, không hay. Đã quá lâu người ta quên hết ý nghĩa cơ thể. Giá trị cơ thể con người chúng ta không phải chỉ có tay chân, còn có tinh thần, có tư tưởng, có đau đớn, có đòi hỏi, có mệt mỏi... Chính cơ thể sẽ nói lên những điều mà nền công nghiệp hoá này đã bắt nó tự nguyện nô lệ.

Nguyên tắc của chúng tôi là có thể dừng lại bất cứ lúc nào nếu thấy không hợp, nếu thấy có chút bịp bợm. Nhưng thế nào là bịp, ai bịp? Rất khó để thấy được, nếu không phải từ chính họ. Thương lắm, vì họ đã dám đi thật sâu vào công việc dù vẫn phải sống, phải làm việc khác. Thương lắm bàn tay, bàn chân đó, con người đó đã làm việc thật thà thế nào, đi đến với nghệ thuật thế nào. Chính mình trị mình, đó là một ý nghĩa.

Những người có công việc ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng phải làm hết trách nhiệm của mình, nếu không sẽ có tội lắm đấy.

Chị có bao giờ “trị mình” như thế chưa?

Trời ơi, đó là việc tôi làm xưa nay! Nghệ thuật là công việc khắc nghiệt, phải làm việc với nhiều đối tượng, với đồng nghiệp, với khán giả, với sân khấu... Ghê tởm nhất là khi mình đòi người ta phải thế này thế kia mà mình không trị mình. Phải có đạo đức chung. Giáo dục không chỉ ở lớp học, tự giáo dục lấy chính mình là hay nhất. Một triết gia Pháp đã nói: “Chúng ta hãy chăm sóc cho chính khu vườn của mình”. Hãy từ chính mình đã, trước khi nói người khác phải thế này thế kia. “Đừng bán tâm hồn cho quỷ dữ”, đừng bởi vì cái gì đó mà bán tâm hồn mình, đó là điều tôi đã học từ Goethe qua câu chuyện của Faust.

Lắng nghe tiếng nói của cơ thể, tiếng nói của môi trường, thiên nhiên... phải chăng là con đường để chúng ta thoát khỏi sự thao túng, sống cùng nhau, hài hoà với thiên nhiên?

Chúng ta thường bị trí thông minh của chính mình dẫn dắt và lạc lối giữa bao cám dỗ. Nhưng chúng ta đâu biết trí thông minh của cơ thể còn sáng suốt, minh triết hơn rất nhiều trí thông minh của cái đầu… Ngay cả với cơ thể mà mình không quan tâm, thì làm sao biết lo cho gia đình, quan tâm đến xã hội. Lắng nghe cơ thể mình chính là con đường đi tìm câu trả lời trong ký ức. Đừng trân mình ra thông minh từ sáng tới tối, hãy để cho mình trong khoảng lặng một chút.

Mỗi vở diễn của chị là sự khai hoang, tìm kiếm một con đường bên ngoài mọi con đường. Sự cầu toàn có bao giờ làm chị mệt mỏi?

Nghiêm túc không phải là nặng nề. Nghiêm túc là một giá trị. Một tác phẩm giá trị cũng giống như hạt kim cương, không thể chấp nhận nó bị tì vết, bị vỡ, bị bẩn. Với nghệ thuật, tôi không chấp nhận sự hời hợt. Cái gì cũng phải đi đến tận cùng, trải qua một chu kỳ sống đầy đủ để ý tưởng ấy tiêu hoá hết mới bàn đến cái mới. Đâu phải lúc nào mình cũng có cái gì đó để nói ra. Phải có thời gian, có trải nghiệm, có trả giá, và có tài nữa. Nguyễn Du từng nói “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Có lẽ tôi làm gì cũng vất vả quá, nhưng tôi không muốn đánh lừa khán giả, không muốn thao túng khán giả. Khán giả có thể không biết, nhưng chính mình biết. Không thể vì sự sống, vì tiền mà quên đi trách nhiệm của người làm nghệ thuật. Chuyện làm nghệ thuật chỉ để kiếm ăn là chuyện toàn cầu. Có những tác giả làm vở mới liên tục, nhưng té ra vẫn là vở đó, chỉ với cái tên khác, ra cửa khác. Họ thấy buôn được cái đó nên cứ buôn hoài, mà chuyện buôn này đang xảy ra trên toàn cầu. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà bất cứ việc làm của người nào cũng đều có trách nhiệm với nhau.

Bây giờ con người không còn cần con người lắm. Bây giờ đi đâu cũng được hết, nhưng không thấy ai. Đông người lắm nhưng không biết ai tốt, ai không tốt.

Làm thế nào để chị có thể hài hoà giữa ký ức của mình với ký ức của tập thể, của cộng đồng, một ký ức quá nhiều tổn thương. Chị tìm thấy cái đẹp trong sự tổn thương ấy?

Ký ức là chất liệu của công việc. Ký ức chiến tranh, ký ức nhân loại vẫn tiếp tục trong mình thông qua những công việc nghệ thuật khác nhau... dần dần, tôi thấy ký ức của riêng tôi đã đi đến chỗ ký ức của nhân loại. Tại sao con người giết con người? Câu hỏi đó đưa mình đến ký ức nhân loại, để tìm được giải đáp.

Mỗi vở diễn tác động rất lớn đến tâm lý của cả một tập thể khán giả, đụng đến vấn đề của tập thể, ký ức của tập thể. Mối quan hệ giữa sân khấu và khán giả chính là ý nghĩa của nghệ thuật này…


Lần đầu tiên trình diễn trên đường phố Paris, chị đã treo tóc lên cây, lúc ấy chị nghĩ gì? Chỉ để tạo ấn tượng hay nó bộc lộ nhu cầu tự thân của riêng chị khi đặt bước chân đầu tiên đến với múa đương đại?

Cũng đơn giản thôi, con người tôi có... ba bàn tay, bàn tay thứ ba đó hơi ngốc ngốc, nên mới làm chuyện đó trên đường phố. Treo mình lên cây cũng là treo cổ cái gốc gác của mình để sống. Khi một dân tộc, một vùng đất như Đông Nam Á treo cổ văn hoá truyền thống của mình để ưu tiên phát triển kinh tế, để nhà cao tầng mọc lên san sát nhưng lại không ra phương Tây, làm mất đi vẻ đẹp nguyên thuỷ thì chính dân tộc ấy đã tự sát rồi.

Một người luôn làm những việc khác biệt như chị có khó khăn nhiều trong cuộc sống thường ngày? Để có hôm nay, chị đã phải trả giá như thế nào?

Lặn lội cũng có, may mắn cũng có. Chẳng hạn hồi xưa, đi 10km phải có giấy phép, rồi đi 100km cũng cần giấy phép. Rồi trâu buộc ghét trâu ăn... Nhưng mình luôn cảm thông, vì mình đến sớm quá, làm những thứ sớm quá. Nhưng lạ một điều, thời bao cấp, đi đến đâu cũng gặp rất nhiều người tốt, lúc nào cũng vui vì gặp nhiều người tốt lắm. Còn bây giờ, gặp người tốt mà không biết có tốt thật hay không! Bây giờ con người không còn cần con người lắm. Bây giờ đi đâu cũng được hết, nhưng không thấy ai. Đông người lắm nhưng không biết ai tốt, ai không tốt... Vắng người lắm.

Là người gốc Việt sinh ở Tây Nguyên, mang một chút dòng máu Pháp..., khi suy nghĩ về bản thân, có bao giờ chị bối rối không biết mình thuộc về đâu? Làm thế nào để chị giữ được bản chất thuần Việt mà vẫn là con người của toàn cầu?

Đến phương Tây, một thế giới mà mình không hiểu, không gần gũi với nó, cảm xúc đầu tiên là thấy rất nặng trên vai. Mình thấy mình bị buộc vào cái cây rồi, muốn nhổ, muốn lôi nó xuống cũng không được. Dù có đi đâu chăng nữa, khi bước ra khỏi cái nơi mình đã lớn lên, kể từ đó mọi thứ mâu thuẫn. Cái không biết là người lạ, là những câu hỏi. Để khi quay lại ngắm cái cây, rất thú vị. Đất nước ở đâu? Đất nước trong cơ thể mình, dù mình đi bất cứ đâu thì cũng đi cùng với đất nước. Chúng ta có thể có nhiều đất nước trong mỗi người. Theo quan niệm của tôi, đó là giàu lên, là may mắn. Những đứa con lai là may mắn, vì có hai nền văn hoá trong người, đấy là cái số của mình. Nó mở mang cái đầu của mình ra, quan hệ với những cái khác mình... Nhưng tôi không còn dừng lại ở hai nền văn hoá đó, tôi đã rời đi nhiều nơi khác, văn hoá trong tôi là văn hoá đương đại. Đi cũng là để tìm một người tri kỷ, người mà mình ngưỡng mộ, gợi cho mình những ý nghĩa cuộc đời. Nhưng thật khó. Tôi khâm phục nụ cười của những người vô danh, trải qua khó khăn mà vẫn giữ được nụ cười hồn nhiên. Có thể họ mang trong mình một cuộc sống còn ý nghĩa.

Ngoài múa, chị còn viết tiểu thuyết. Phải chăng viết giúp chị tìm thấy điều mà nghệ thuật múa không thể mang đến?

Tôi không thể không viết. Viết điều mình muốn là bắt ta làm ra ngôn từ – làm ra con người. Viết là da thịt, là đặc trưng đầu tiên của con người đối với tôi. Tạo ra ngôn từ, tạo ra văn hoá chính là để bảo vệ chúng ta khỏi bị thao túng.

Cuộc trở về Việt Nam lần này với chị vui hay buồn?

Nhìn cây cối, nhìn con người, thấy nhiều nguy hiểm lắm trong nghĩa tương lai. Không biết sức khoẻ, cơ thể, đầu óc của tập thể, của cộng đồng sẽ ra sao. Cho nên những người có công việc ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng phải làm hết trách nhiệm của mình, nếu không sẽ có tội lắm đấy. Con người hôm nay không thấy một ngày. Một ngày trôi quá nhanh, cái gì cũng cụt hết. Cả thành phố mình không có toàn cảnh, chỉ nhìn tức thời. Đất nước chúng ta là vă n minh đồng ruộng, là nông nghiệp, nhưng người nông dân đang bị bần cùng hoá, ruộng đồng đang bị ximăng hoá.

Phải giữ gìn sức khoẻ cho mình, cho môi trường, và cho đất nữa.

thực hiện: Kim Yến
chân dung hội hoạ: Hoàng Tường











NSND Nguyễn Công Nhạc
nguyên giám đốc nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam


Ấn tượng mạnh nhất, lôi cuốn nhất về chị là tư duy và cách hoá giải những vấn đề rất sâu, rất hóc búa của cuộc sống, của thời đại, thông qua ngôn ngữ múa hiện đại, còn rất mới không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới. Những ngày đầu, khi ở Việt Nam đang có những phản ứng chưa thuận chiều về tác phẩm của chị, thì đồng nghiệp các nước lại ghi nhận dấu ấn rất Việt Nam, rất Á Đông. Họ biết về chị nhiều hơn chúng ta!










Nhà thơ Nguyễn Duy


Từng cộng tác với Thuỷ hai vở đầu tiên Hạn hán và cơn mưa, Ngày xửa ngày xưa từ năm 1994 – 1997, khi thưởng thức tiếp Cánh đồng âm nhạc; Thế đấy, thế đấy; Khúc nguyện cầu, và bây giờ là Cơ thể trắng... mới thấy 20 năm qua cô ấy vẫn liên tục sáng tạo. Một con người cũng rất kỳ lạ, hoàn toàn tự học về múa, sống mạnh mẽ, quyết liệt, tự tin, làm việc gì cũng đến nơi đến chốn, có chút hoang dại của vùng Tây Nguyên. Ea tiếng Tây Nguyên là nước, Sola là một mình, cô ấy thật đơn độc trên con đường của mình. Một thân một mình về Việt Nam nghiên cứu văn hoá truyền thống để làm theo lối mới hoàn toàn, tự sáng tác, biểu diễn, rồi vận động các tổ chức quốc tế đem vở diễn đi hầu hết các châu lục, đưa mọi người từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tính tổ chức rất ghê gớm. Một sự đam mê hiếm thấy với văn hoá Việt Nam. Xuất hiện trên những tờ báo lớn của thế giới, những sân khấu lớn của nghệ thuật thế giới, từ châu Âu tới nước Mỹ, đi đến đâu gây tiếng vang lớn đến đó. Lăn lộn trong đời sống của người dân và tìm cho mình một lối đi để nâng văn hoá truyền thống lên đẳng cấp quốc tế. Việc đưa các cụ nông dân từ ruộng lúa Thái Bình lên thẳng những sân khấu sang trọng nhất thế giới, đi hết các châu lục là điều không ai có thể ngờ được.






Nghệ sĩ Lê Vũ Long
biên đạo múa nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam

Chị là một trong những người hiếm hoi, nếu không nói là duy nhất, đến với nghệ thuật sân khấu Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển. Mang nghệ thuật sân khấu, bao gồm cả nghệ thuật cổ truyền, dân gian, cổ điển, đến với thế giới trên một cương vị khác. Một phong vị khác, sâu sắc hơn, tính triết lý cao hơn so với những gì mà người nước ngoài vẫn thường thấy. Người có công mở ra cánh cửa để nghệ thuật Việt Nam có thể đường hoàng bước ra thế giới. Tác phẩm của chị toát lên phẩm hạnh, bề sâu của người nghệ sĩ, giúp chị gặp gỡ được với cộng đồng mình và nhiều cộng đồng khác.





































Phỏng Vấn



Thủy Ea Sola luôn tìm kiếm đàn ông

"Tôi luôn đi tìm kiếm cái khác mình, đó là đàn ông. Không có đàn ông, cuộc sống của tôi mất hết ý nghĩa. Là nghệ sĩ múa, tôi cảm nhận vẻ đẹp thân thể người đàn ông rất đặc biệt, nó trong sáng hơn cơ thể phụ nữ. Mặc dù thấy nhiều đàn ông không biết cách cư xử, nhưng tôi vẫn cảm động", Thủy Ea Sola tâm sự.

- Rất nhiều ý kiến không đồng ý khi chị tách rời 2 khái niệm múa truyền thống - múa dân gian và những phát ngôn của chị về "múa tuyên truyền", chị nghĩ sao?

- Đối với tôi, truyền thống và dân gian là hai khái niệm khác hẳn nhau. Dân gian là giá trị mang tính vùng miền, còn truyền thống ở cấp độ cao hơn, nó thể hiện những giá trị mang tính xuyên vùng miền, tính bác học. Ở Việt Nam, chúng ta xác định không rõ ràng hai khái niệm này và có khi đánh đồng nó. Khi tôi nói như vậy một số người đã phản ứng, nhưng dần dần họ hiểu ra.

Về múa tuyên truyền, tôi nghĩ có thể xem nó là một khái niệm, và ta nên có một tên gọi chính xác cho nó. Một vở múa đưa ra những nội dung phản ánh vấn đề mang tính chính trị nào đó thực ra cũng rất cần thiết. Tôi đơn giản chỉ muốn đề xuất những tên gọi chính xác rạch ròi hơn trong từng khái niệm mà thôi.

- Trong một số vở đương đại của chị như "Ngày xửa ngày xưa", "Hạn hán và cơn mưa" đều sử dụng diễn viên là người già, những người bấy lâu không còn tham gia vào đời sống văn hóa, bảo thủ và dường như không thuộc về nghệ thuật nữa. Chị đã thuyết phục họ như thế nào để họ tự tin đứng trên sân khấu?

- Tôi đã đi nhiều làng quê ở Thái Bình với mục đích duy nhất là gặp gỡ, tiếp xúc với những người nông dân ở đây. Những người phụ nữ mà tôi muốn đưa lên sân khấu, trở thành một phần trong vở múa của tôi, là những người sống suốt đời chỉ trong một cái làng, nhưng họ và những ngôi làng của họ từng trải qua chiến tranh. Và tất nhiên là họ từng tiếp xúc với những người Pháp, người Mỹ. Ký ức chiến tranh của họ rất rõ ràng. Tôi không tìm cách thuyết phục họ trở thành diễn viên mà tôi đến chỉ để nói với họ những điều trong ký ức của họ đã sẵn có. Chúng ta múa là để tưởng niệm những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh VN.

- Trong vở "Hạn hán và cơn mưa" 2, cũng là một vở múa về đề tài chiến tranh. Chị định kể tiếp câu chuyện gì vậy?

- Hạn hán và cơn mưa 2 tập trung vào chủ đề: hãy nói không với chiến tranh. Người ta hay nói thế hệ già và thế hệ trẻ. Hai hệ thống ấy đại diện cho cái cũ và cái mới, cái hôm qua và cái hôm nay. Hệ thống cũ là một cái gì đã ổn định, từng ngày nó vẫn đứng yên một chỗ. Còn hệ thống mới là hệ thống công nghệ, phát triển mỗi ngày, liên tục update. Ký ức chiến tranh của hệ thống cũ và hệ thống mới rất khác nhau. Đa số những người của hệ thống cũ đã trải qua chiến tranh. Còn hệ thống hôm nay đã qua chiến tranh. Nhưng không phải vì thế mà họ không có ký ức của chiến tranh. Chỉ có điều những ký ức mà họ có là những ký ức ảo, nó được hình thành bởi thông tin, sách vở, Internet.

Hạn hán và cơn mưa 2 là đề tài chiến tranh nhưng chiến tranh mang tính toàn cầu chứ không chỉ ở VN. Tôi có thể dựng vở này ở một nước khác, nhưng tôi chọn VN vì đây là một đất nước đã trải qua chiến tranh. Bằng một cách nào đó tôi nói với các bạn trẻ của hệ thống hôm nay, rằng cha mẹ đã để lại cho chúng ta một thế giới đầy chiến tranh, tiền và quyền lực. Và chúng ta cố gắng không để lại cho con cháu mình trong tương lai một thế giới giống như thế giới mà cha mẹ chúng để lại.


- Múa đương đại là một ngôn ngữ hoàn toàn mới, ở đó đề cao yếu tố tâm trạng, xúc cảm của từng nhân vật, không lệ thuộc vào động tác và khước từ mọi khuôn mẫu có sẵn. Vậy khi làm việc với các diễn viên, chị thường nói gì với họ?

- Tôi nói: các động tác cơ thể của các bạn thể hiện chính xác những điều bạn tưởng tượng, suy nghĩ về câu chuyện mà bạn đang kể với khán giả. Tôi muốn mỗi diễn viên, tùy cá tính, vị trí, thân phận của mình mà thể hiện xúc cảm khác nhau. Với các diễn viên trẻ, tôi muốn họ hãy sống đúng với thời đại và đi hết hệ thống của mình. Bởi vì khán giả sẽ cảm nhận cuộc sống bằng chính tâm huyết của họ thể hiện trên sân khấu.

- Dần dần múa đương đại đã trở thành một khái niệm nghệ thuật quen thuộc với một bộ phận khán giả Việt Nam. Nhưng với số đông, đây vẫn là thứ nghệ thuật xa lạ và... khó hiểu. Theo cách của chị thì khán giả nên đến thưởng thức loại hình nghệ thuật này với một tâm thế như thế nào?

- Đối với tôi, đương đại trước hết là một thái độ. Cần một thái độ thưởng thức nghệ thuật không đóng khung, không lệ thuộc vào các nguyên tắc đã được quy ước. Tất nhiên là múa đương đại vẫn còn khá mới mẻ với không chỉ khán giả mà cả những nghệ sĩ hoạt động trong ngành múa ở Việt Nam. Chúng ta cần thêm thời gian, không gian, sự cảm và hiểu của khán giả để không phải múa đương đại chinh phục chúng ta, mà để chúng ta trở thành chính nó. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng có rất nhiều cái bịp bợm, giả dối mang danh đương đại. Nghệ thuật vị nhân sinh là nghệ thuật không có giả dối. Nếu người nghệ sĩ mưu cầu cá nhân quá nhiều, thứ nghệ thuật mà anh ta mang đến cho khán giả là không đích thực.

- Có thể thấy không nhiều nghệ sĩ đi theo con đường nghệ thuật múa đương đại của Ea Sola. Chị nghĩ sao về điều này?

- Trong lúc lao động nghệ thuật, va đập với đời sống và bạn nghề, tôi nhận ra có nhiều người đi cùng tôi trên con đường tôi đang đi. Tất nhiên, không quá nhiều nhưng là nhiều hơn tôi tưởng. Và tôi tin con đường của tôi đi luôn có sự tiếp nối. Tôi không có nhiều ham muốn dựng vở riêng cho mình nữa mà muốn giúp đỡ người đi chung đường với tôi, để 10 năm, 20 năm sau chúng ta sẽ xây dựng được những tư tưởng, những tác giả thực sự "bền", tạo ra một hình ảnh mới về Việt Nam trong nghệ thuật múa.

- Là một nghệ sĩ danh tiếng đồng thời cũng là một nghệ sĩ sống và hoạt động nghệ thuật ở nhiều quốc gia, chị có thể nhận xét gì về người phụ nữ Việt Nam hiện đại?

- Tôi nhận thấy là chỗ đứng của chị em Việt Nam hôm nay vẫn chưa vững chắc. Ở thành thị thì có vẻ yên lòng hơn, nhưng phụ nữ ở các vùng nông thôn vẫn thụ động, chịu đựng. Họ thực sự chưa có nhiều thay đổi. Cuộc đời của họ không khác gì cuộc đời của bà, của mẹ mình bao nhiêu. Rất nhiều trong số họ chưa dám nhìn nhận đúng về bản thân, về vẻ đẹp mà họ có. Họ cũng không có được cái nhìn đúng về đàn ông.

- Chị nói cần đàn ông nhưng tại sao vẫn chưa lập gia đình?

- Tôi không có ý định lập gia đình, và không sinh con chỉ vì ý nghĩ mình sẽ nương tựa vào nó lúc tuổi già. Bởi vì chính đó là cách thể hiện tính ích kỷ vĩ đại của con người. Họ muốn có con không chỉ vì chính đứa con đó, mà vì chính bản thân mình. Họ lo sợ tuổi già, nỗi cô đơn và sự bất trắc...

(Theo Đẹp)





















Thủy Ea Sola: 'Tôi yêu cơ thể của người múa'


"Có những lúc tôi rất 'một mình' và cảm thấy cô đơn. Tôi là người con lai luôn mang trong mình những suy nghĩ, băn khoăn về bản thân, về mảnh đất nơi tôi sinh ra, nơi tôi đã ra đi và lại quay về", biên đạo múa Ea Sola tâm sự nhân dịp trở lại Việt Nam với vở diễn "Ký ức - Hạn hán và cơn mưa vol.2".

- "Hạn hán và cơn mưa vol.2" với tên gọi "Ký ức" ra mắt công chúng Pháp vào tháng 11/2005. Khán giả nước này đã đón nhận tác phẩm như thế nào?

- Phản ứng của công chúng nói chung là rất tốt. Tôi nhận thấy thái độ ngạc nhiên của họ trước một tác phẩm múa đương đại Việt Nam. Điều đó khiến cho tôi cảm động.

- Nghệ thuật múa đòi hỏi người diễn viên phải có năng khiếu nhất định. Nhưng những người tham gia vào "Hạn hán và cơn mưa vol.1" chỉ đơn thuần là những nông dân. Vậy trong quá trình chọn diễn viên, chị đặt ra tiêu chí gì?

- Tôi không nghĩ đến việc họ có năng khiếu múa hay không. Tôi làm việc với nội dung và tôi chọn người của nội dung đó. Sau khi tiếp xúc với những cụ bà nông dân, tôi biết họ thuộc về nội dung của tôi, bởi đây là những người mang ký ức. Họ đã trải qua chiến tranh, mà không chỉ một cuộc chiến tranh. Họ đại diện cho Việt Nam lâu đời và tôi biết là tôi không nhầm.

Ngoài những yếu tố như sức khỏe, khả năng đáp ứng cho các chuyến lưu diễn, một điều rất quan trọng trong quá trình lựa chọn diễn viên là cảm xúc của tôi đối với từng người một.



Biên đạo múa Ea Sola. (Ảnh: Người Đẹp) 


- Vậy sự thay đổi diễn viên giữa hai phần vol.1 và vol.2 của "Hạn hán và cơn mưa" có ý nghĩa như thế nào?

- Đây là 2 vở múa khác nhau hoàn toàn, tuy chúng cùng nằm trong dòng chảy của những tác phẩm đề cập đến đề tài chiến tranh. Ký ức vol.2 là một tác phẩm dành cho giới trẻ - những người sinh ra sau chiến tranh và chỉ biết đến cuộc sống dưới làn bom đạn qua truyền hình, điện ảnh và các mạng thông tin ảo khác. Tôi tò mò muốn biết thế hệ trẻ nhìn nhận thế nào về chiến tranh? Liệu các em có biết những giá trị của cuộc sống hôm nay đã được xây dựng từ đâu không? Tôi chất vấn mà cũng là để hiểu, để trả lời cho những khúc mắc của chính mình.

Hạn hán và cơn mưa vol.2 sẽ được giới thiệu tại Festival Huế vào các ngày 7, 8, 10/6 và tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội ngày 16/6. 

- Một vở múa dàn dựng cho những con người chưa hề trải qua chiến tranh. Vậy tại sao nó lại mang tên là "Ký ức"?

- Ký ức và kỷ niệm rất khác nhau. Những người không trải qua chiến tranh không có nghĩa là họ không có ký ức về chiến tranh. Họ được tiếp xúc với những năm tháng khốc liệt này qua lời kể của các bậc tiền bối. Tự họ cũng có thể tìm và hiểu về chiến tranh qua sách vở, qua truyền hình, qua các nguồn thông tin khác nhau. Đó là những ký ức ảo. Vấn đề là làm thế nào để những ký ức ảo đó có thể khơi dậy ý thức của con người về giá trị của hòa bình và thái độ kiên quyết nói "không" với bạo lực.

- Điều gì khiến chị tiếp tục trở lại với đề tài chiến tranh?

- Nghệ thuật đương đại đặt ra những câu hỏi về xã hội hiện tại, về con người và cuộc sống ngày hôm nay. Tôi từng bị sốc vì những cuộc chiến tranh và đặc biệt là sự kiện 11/9. Lần này những cảm hứng về sự tổn thương của một dân tộc trong chiến tranh được gắn liền với tiếng nói chống bạo lực - một vấn đề mang tính toàn cầu.



Diễn viên Nhà hát nhạc Vũ kịch VN tập luyện cho vở diễn. (Ảnh BTC cung cấp) 



- Những đặc điểm văn hóa phương Đông và phương Tây, truyền thống và hiện đại ảnh hưởng như thế nào đến con người và sáng tác của chị?

- Con người tôi phần nào đó thuộc về Việt Nam, phần nào đó thuộc về nước Pháp; phần nào đó thuộc về xã hội hiện tại, phần nào đó gắn liền với quá khứ. Tôi không thể tách biệt giữa dòng chảy văn hóa Khổng Tử, Lão Trang phương Đông với sự thu nhận văn học Pháp và triết học Đức trong con người mình. Tất cả những yếu tố đó hòa trộn vào nhau do quá trình thay đổi không gian và môi trường sống.

Trong cuộc sống cũng như trong sáng tác, không ai là không chịu ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng khác với bắt chước. Tôi cho rằng ảnh hưởng có những lúc cũng rất quan trọng. Nhưng tác giả phải có được tiếng nói riêng.

- Múa đương đại là một thứ ngôn ngữ mới, đặc biệt là với khán giả Việt Nam. Công chúng đã đón nhận "Hạn hán và cơn mưa - vol.1" của chị một cách khá ngỡ ngàng. Vậy giữa vol.1 và vol.2, chị nhận thấy sự thay đổi như thế nào ở khán giả?

- Nói chung thì khán giả bao giờ cũng ngỡ ngàng trước một tác phẩm nghệ thuật bởi công việc của người nghệ sĩ phải luôn luôn mới. Nhưng liệu có cần bàn đến vấn đề này như một yếu tố quan trọng hay không? Đôi khi, tôi không chịu trách nhiệm về những cảm xúc của khán giả, vì mỗi người có một phông văn hóa, một thị hiếu thẩm mỹ riêng. Không thể đồng nhất giữa cảm nhận, đánh giá của một cá nhân cụ thể nào đó về tôi với con người tôi và những giá trị của bản thân tôi.

Tôi yêu cơ thể của con người khi múa. Đó là một thứ ngôn ngữ không lời, vì vậy, người múa được rất ít người hiểu.


Lưu Hà thực hiện 

























Hạn Hán và Cơn Mưa


















Thủy Easola & Phan Nguyên 





















Trở về



MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.