Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Lữ Kiều













Lữ Kiều

Thân Trọng Minh
(1942 - .....) Thừa Thiên-Huế
Bút hiệu khác: Nàng Lai
Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, họa sĩ







Lữ Kiều, tên thật Thân Trọng Minh, sinh năm 1942 tại Thừa Thiên – Huế.
Học sinh Quốc học niên khóa 1959-1962.
Là Bác sĩ – Tiến sĩ Y khoa.

Lữ Kiều là một trong ba sáng lập viên tạp chí Ý Thức gồm Lữ Quỳnh, Ngy Hữu, sau trở thành Tạp chí Bán nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật thời VNCH, và là cộng tác viên tích cực của tạp chí Quán Văn hiện nay. Khởi viết từ những năm 60 thế kỷ trước, Lữ Kiều cộng tác thường xuyên với nhiều tạp chí văn học trong và ngoài nước và bắt đầu vẽ tranh từ 1982.

Hiện sống và làm việc tại Sài Gòn.











Mai sau dù có bao giờ...
XII.2.2016
Lữ Kiều Thân Trọng Minh









Tác phẩm đã in:









1
Lãng Ca
(thơ)








2
Trên Đồn Là Lô Cốt







3
Chàng Nho Sinh Dưới Gốc Tùng








4
Kẻ Phá Cầu
(kịch)








5
Con Sâu Trong Mắt
(kịch)










Tranh Lữ Kiều Thân Trọng Minh











Truyện ngắn

Lữ Kiều

Người Con Gái Và Chiếc Lồng Chim Trống


Nàng đứng ở đó, trong bóng tối mù mờ của bến tàu, như cánh hoa quỳnh. Dòng sông đen, những tiếng động ì ầm xa hút như chiêm bao.
Sống mũi thẳng, mái tóc úp vào, đôi môi nhỏ, nàng đứng ở đó - người con gái đứng ở đó, và sau lưng là vũng im của một đời sống khác. Dưới hiên nhà cổ của những tấm ngói âm dương, chiếc lồng chim của nàng đã bỏ trống.
Nàng giơ tay cười hiền lành - Chú về, chú về nghe.
Chiếc tàu rời bến, dòng sông như cánh chim đại bàng xòe ra và gục cổ vô vọng.
Người con trai đưa tay chào.
Sương xuống trong đêm nặng nề, mây thấp không trăng sao. Bên đó là Thủ Thiêm. Đến giữa sông - chàng quay lại nhìn. Trên bến, người con gái vẫn đứng, cái bóng trắng nhòe đi, đóa hoa quỳnh khép lại. 
Người con trai đứng quay lưng về hướng ánh sáng, những chiếc tàu thắp đèn như những con mắt mở lớn. Y đứng bất động, chiếc áo mưa khoác lên hờ hững, đầu đội mũ lọ nồi. Y quẹt cây diêm đốt điếu thuốc, làn khói trắng vu vơ. 
Làm sao cho y hiểu cái dạng thức tình yêu hư ngụy ấy, làm sao y hiểu sự trưởng thành của ý thức chỉ làm cho tình cảm của y không còn đơn sơ, để nhận cho mình một hạnh phúc bé nhỏ không ăn năn?
- Chú, chú cứ cười hoài. Bộ không phải sao?
Cả nàng, cũng không hiểu rằng trong cái ngôn từ thân tình đó đã dấu mặt những xao xuyến hỗn mang không hình dạng của ái tình. Nàng cười ròn, đôi mắt dài theo nụ cười, tiếng cười như viên sỏi lăn trên triền dốc. “Bộ không phải sao chú? Chú kỳ quá, Hiền không chịu đâu!”. Giọng miền Nam êm ái, ngọt ngào. Nàng không thể hiểu được. Nàng còn quá trẻ. Người con trai gọi: “Cô bé - cô bé ” - Nàng bèn nhón chân lên cao. “Hiền hổng chịu đâu, người ta lớn dầy mà gọi cô bé goài.”
Người con trai vẫn thường sang bên đó vào buổi tối - bước xuống chiếc đò máy, tiếng nổ ròn rã, dòng sông đêm rời vùng ánh sáng. Bước lên chiếc cầu nổi, một vùng ánh sáng khác mù mờ hơn - Những chiếc đèn măng song treo trong tiệm tạp hóa, tiệm ăn, tiệm chè. Cái ánh sáng quê mùa làm ngợp ngàng những cảm tưởng từ bỏ. Sau lưng y là Sài Gòn những phố cao huyền hoặc, cái bóng dáng sừng sững của đô thị chụp xuống sinh hoạt như tấm lưới rộng úp trên đầu.

°

Bấy giờ, tôi đặt chân đến đây, một vùng đất mới mà sự ngăn cách bởi con sông đã chia lìa cái không gian chung.
Tôi ở đây, thở từng thước khí trời mới - oà vỡ những xúc động ngạc nhiên về sự thay đổi ấy - nỗi ngạc nhiên làm quên mất thời gian - Thủ Thiêm đen như nỗi nhớ.
Người con trai nhớ gì? Chiếc mũ lọ nồi những ngày thơ ấu, cái rét căm căm vùng thượng du Bắc Việt. Buổi sớm trở dậy, sương muối dầy đặc trên đỉnh cây, mở cánh cửa nhìn ra khu rừng đen tím, im lìm những thần linh bí mật, đứa bé có bao giờ nghĩ đến Sài Gòn. Sài Gòn như một thế giới khác, một đất nước khác, một quê người …
Nhưng bây giờ, Sài Gòn là nơi chốn y dung thân. Và cái quê hương rét căm căm với chiếc mũ lọ nồi thơ ấu chỉ còn trong trí nhớ. Tất cả xa hút như bóng dáng những con chim mịt mù không mày mặt.
Ngàn cây số đường bay đã biến những vùng đất thành khoảng cách xa biền biệt, trí nhớ không còn lành lặn, chỉ còn vá víu những hình nét mơ hồ thuộc một ngôi nhà cổ, ngọn đồi và gió rét từ khu rừng trước mặt đồi lùa đến. Những con ngựa thồ lông đỏ, những người Mèo lưng đeo gù lầm lũi cúi đầu, ngược đường lên giốc, từ tinh mơ của buổi sáng phiên chợ.
Tôi không còn nhớ quê hương. Xin trả lại tôi những sợi dây cột tôi với thời nhỏ ấy.
Bởi - giờ đây, tôi là kẻ lưu đày nơi quê nhà. Tôi sợ hãi và lo âu một ngày nào trở thành con thú rừng, giống như loài chó, mèo hoang khi không còn ở trong mái nhà ấm cúng khói cơm. Nơi đâu là chỗ của tôi? Nơi đâu là căn phần tôi?
Hiền, chú buồn lắm, Hiền có phải là nơi an nghỉ của chú?

°

Trên sân lát gạch, dưới chiếc lồng chim trống, người con gái mặc áo trắng. Nàng ngồi trên ghế đẩu, nàng lật chiếc ghế xuống rồi ngồi trên những thanh chân ghế. Nàng nói nàng thích ngồi như vậy, nàng có cảm tưởng mình gần với mặt đất.
Bóng tối đen nhẹ nhàng, tứ bề yên tỉnh, chiếc phi cơ bay rù rù, chớp đèn xanh đỏ, những ngôi sao lung linh. Người con gái nhìn bạn, cười thương mến - người con trai ngồi bên cạnh nàng, nhìn nàng dịu dàng, nghe nàng kể chuyện. Giọng nói thao thao - những hình ảnh nàng gợi ra tự nhiên và bình thường. Nàng kể về quê nàng, cha nàng, về những cánh đồng lúa và chuột, về những đóa hoa. Rồi nàng kể về những con chim nàng nuôi. Bất chợt, nàng dừng lại, đột ngột chỉ lên chiếc lồng chim trống hỏi người bạn trai:
- Đố chú, tại sao chiếc lồng chim bỏ trống?
Người con trai cười khan, lắc đầu:
- Chú không biết. Tại sao?
Nhưng nàng không trả lời. Nàng không nói gì, cho đến khi chàng ra về. Bấy giờ nàng mới nói, giọng buồn bã:
- Chú đoán đi, Hiền không nói đâu.
Người con trai, trong một cử chỉ trử tình, dịu dàng nắm tay nàng. Y không nghĩ gì cả, chỉ có bóng đêm nồng nàn như hơi thở bối rối.

° 
Tôi muốn nằm xuống trên những tấm gạch kia, ngó lên trời sao, và được khóc một mình không che dấu.
Thật ra, có lúc người con trai đã mơ, mơ về chốn cũ.
Giấc mơ của người tuổi trẻ, buổi chiều nọ, trở về, nhưng không còn ai nhận ra chàng nữa. Những người thân của chàng, bạn bè chàng đều đã chết.
Căn nhà cũ nằm im bên đường, lối mòn cỏ mọc lên cao và rêu xanh đầy trên mái ngói. Một kẻ lạ bước ra mở cửa cho chàng. Chàng đứng im một lúc, rồi xin được vào nhà thăm căn nhà - nơi chàng đã sống những ngày đầu tiên của đời mình.
Chàng bước vào căn phòng - nhìn ra khuôn cửa sau. Cánh cửa mờ đục, xa xa là khu rừng đen tím. Chàng tựa đầu vào bức tường mốc meo, và nói:
- Tôi là Đạm.
Không ai trả lời. Tôi là Đạm. Mọi người đều đã chết. Nhưng điều quan trọng là tôi đã trở về. Về như tự hủy diệt một quá khứ. Hiền còn nhỏ, làm sao hiểu được. Làm sao hiểu được điều buồn bã ấy trong đời người đàn ông?
Có thể, lòng thương mến hiền thục của người con gái đã đem người con trai ra khỏi những cơn nhung nhớ khốc liệt về một quê hương không còn rõ mặt.
Không thể tìm trong Sài Gòn cái hơi gió vùng miền núi Bắc Việt. Vết thương nằm yên, vết sẹo chưa lành lặn, đụng vào còn nhức nhối. Tưởng tượng về một quê hương không còn trong trí nhớ - còn chi đau lòng hơn!
Người con trai sống như lưu đày - Y đã quá tuổi mơ mộng đắm đuối để sống hùng dũng với quả tim nồng nàn. Giờ - Y muốn tìm một nghĩa vĩnh cửu cho đời mình. Y thèm sự thanh bình của tâm hồn - không thể lưu lạc mãi.
Nhưng bên đó, phía bên kia sông của thành phố này, dưới mái nhà cổ lợp ngói âm dương, với bóng người con gái hiền lành và chiếc lồng chim trống của nàng, người con trai hiểu rõ rằng đó không phải là quê hương của mình. Gia nhập với đời sống đó là từ chối quá khứ, từ chối ràng buộc đã giữ Y trong mối quan hệ thần thoại giữa những kẻ không còn bao giờ gặp mặt.
Tôi vẫn nuôi hy vọng trở về với cha mẹ tôi, bạn bè tôi, trở về như đứa bé ngày xưa nguyên lành với những xúc động dại khờ cũ.
Làm sao cho tôi tìm lại một quê hương.

Bây giờ, người con trai nhớ lại. Hình như khi Y buông tay nàng ra, người con gái khóc. Đôi mắt nàng thật hiền lành. Nàng đứng yên nơi bến. Nàng không nói gì, còn người con trai thì châm thuốc hút. Chuyến đò máy chạy gần lại. Trước đó, người con gái nói:
- Chú, rồi Hiền phải lấy chồng.
Khi chiếc đò đỗ lại, người con trai sắp bước xuống, họ cầm tay nhau. Nàng cười héo hắt Chú về, chú về nghe. Giống như bao nhiêu lần trước. Nhưng lần này là lần cuối. Phải chọn lựa. Hoặc là trở lại - không phải như người chú nữa - hoặc là vĩnh biệt.
Người con trai nhớ đến chiếc lồng chim trống. Tại sao những con chim bay mất? Có thể, một lần nào người con gái mở cửa lồng cho chim ăn rồi quên đóng cửa lại. Có thể, một lần nào, những con chim tù túng kêu lên thảm thiết, khiến nàng không cầm lòng được, đã thả cho chim bay đi. Hoặc là bọn con nít hàng xóm nghịch tinh, thấy nàng quá yêu chim, muốn làm nàng đau khổ - đã lén giải thoát những con chim ấy.
Phải, cái bàn tay lạnh buốt run run ấy, cùng giọng nói cảm động: Chú, rồi Hiền phải lấy chồng.
Phải chọn lựa. Hoặc không bao giờ trở lại. Người con gái vẫn sống ở đó, trong thế giới của nàng, cùng sự bí mật của con chim và chiếc lồng trống. Hoặc là người con trai sẽ không trở về vùng thượng du ấu thời. Người con trai dừng lại nơi này. Mỗi buổi tối ngồi trên cái sân lát gạch, bên cạnh người con gái, dưới chiếc lồng chim trống. Và quên, quên cái trí nhớ cay nghiệt và nhức nhối của đời mình.














Con Chim Đen
Lữ Kiều


Đứa trẻ có đôi mắt to. Buổi chiều, những bóng cây dài in trên mặt cỏ. Phía dưới thung lũng là bóng tối và khói chiều. Người mẹ nói:

- Thưa ông, cha nó cũng sắp về.

Tôi đặt tay lên trán đứa nhỏ. Trán nóng. Đứa trẻ vẫn mở to mắt nhìn mà không nói gì, nghiêm như người lớn. Tôi nắm bàn tay bụ bẩm của nó, bàn tay cũng nóng và mềm. Tôi nhìn ra khuôn cửa sổ: mặt trời sau dãy thông, đỏ chói. Người mẹ cùng nhìn ra cửa, một nửa khuôn mặt chìm trong bóng tối phía sau, sống mũi thật thẳng, đôi môi thì trẻ thơ và những sợi tóc vương vướng trước trán như tơ nhện giăng. Tôi nói:

- Thưa bà, có lẽ tôi không đợi ông nhà được. Nhưng dù thế nào, bà cũng nên đem cháu xuống thị trấn.

- Xin ông hiểu cho… Không thể được.

- Cháu nóng lắm.

- Tôi biết cháu sốt đã hai ngày nay. Chúng tôi chỉ có mình cháu, cháu ngoan và can đảm lắm thưa ông. Nhưng không thể được. Xin đừng bắt tôi cắt nghĩa…

Đứa nhỏ chợt như mỉm cười. Trong bóng tối chập chờn, nụ cười của nó không có vẻ trẻ con. Tôi nhìn vào mắt nó. Đôi mắt đẹp như hai vì sao. Tôi vừa nói điều đó, vừa đứng dậy chào người mẹ. Người mẹ không nói gì, khẽ quay lại, đẩy tách nước về phía tôi. Tôi cầm chén trà lên uống, trà thơm và ngon; khi tôi đặt tách trà xuống thì tôi chợt nghe tiếng đứa trẻ, lần đầu tiên tôi nghe nó nói:

- Thưa ông, ông có biết một đứa nhỏ nào tên là Hà không?

Giọng nó thật êm đềm và trầm tĩnh. Nó ngó tôi chăm chú trong lúc người mẹ ngập ngừng nói: “Hà là tên của cháu đó, thưa ông”. Tôi cười. Người đàn bà đưa tôi ra cửa. Tôi nói:

- Trà của bà thật thơm và ngon. Và buổi chiều ở đây thật đẹp.

Người mẹ mỉm cười, giơ tay sửa lại những sợi tóc trên trán, bàn tay gầy với những sợi gân chạy rõ dưới làn da xanh. Khi tôi bước khỏi ngưỡng cửa thì nghe tiếng đứa nhỏ hỏi với. “Thưa ông, ông không biết một đứa nhỏ tên Hà sao?”. Giọng nó vẫn thật êm và rõ nhưng lạnh lẽo.


Hai bên con đường dẫn xuống chân đồi mọc đầy cỏ hoa dại màu trắng và tím. Buổi chiều vàng, gió thổi, tưởng như có phấn thông bay. Tôi nghĩ đến thật nhiều người. Cố nhớ từng khuôn mặt. Tôi nhìn bóng những con bò đang ăn cỏ, ở ngọn đồi bên kia thung lũng và nhủ thầm thôi hãy quên. Hãy thật quên. Được nửa đường, tôi trông thấy người chồng đang lần bước lên đồi. Ông ta bước chậm, mặt cúi và dừng lại thở khi tôi đến gần. Tôi nói:

- Tôi vừa lên thăm cháu nhỏ.

Ông không trả lời, chăm chú ngó tôi bằng cái nhìn vô hồn; một lát ông nói: “Vâng, vâng!” Rồi ông ta giơ tay vẽ một vòng bâng quơ trên trời! Ông nói: “Mùa này chim làm tổ, những tổ chim treo trước gió”. Tôi nói:

- Cháu nóng lắm. Tôi nghĩ là ông nên đem cháu xuống bệnh viện dưới thị trấn.

- Thưa ông, chắc nhà tôi đã nói…

- Vâng, tôi biết, bà không muốn…

Người chồng cười, nụ cười không lộ hẳn, man dại:

- Chúng tôi yêu chim lắm ông ạ. Tôi và cháu bé.

Ông ta quỳ chân xuống đất, đặt lồng chim trước mặt, cẩn thận mở cửa lồng, ôm con chim trong hai tay đưa tôi.

- Ông hãy nhìn con chim này. Ông hãy đỡ lấy nó. Hãy nghe cái hơi ấm từ nó chuyền sang, cái hơi ấm nồng nàn mà thân mật, nhưng cũng vô cùng xa lạ.

Tôi cúi xuống đỡ con chim trong hai tay chụm lại.

Đó là một con chim đen như những con chim đen khác. Tôi huýt gió, con chim nghiêng đầu nhìn. Người chồng giơ một tay vuốt mình chim, nói, giọng buồn lạ lùng:

- Buổi trưa này, tôi ở bên kia ngọn đồi, tôi nghĩ đến con tôi đang sốt ở nhà, vợ tôi đang lo âu. Tôi ôm con chim này trong tay mà rơi nước mắt. Hơi ấm của chim tưởng như cái trán của cháu…

- Vâng… Vâng… Còn đôi mắt…

- Phải đó, thưa ông… Đôi mắt…

Tôi trả con chim và đứng dậy. Người chồng cúi mặt, nói:

- Thưa ông, không thể thay đổi được. Chúng tôi không thể đem cháu xuống thị trấn.

Tự nhiên, tôi cảm thấy thật buồn. Tôi bèn nói với người chồng rằng tôi không hiểi gì cả và không có ý tìm hiểu, nhưng dù sao cũng không thể để yên đứa nhỏ cho lửa đốt nó.

Người chồng cũng nói:

- Tôi hiểu. Không bao giờ tôi giết những con chim đang hót!

Bấy giờ, trên đầu chúng tôi một đàn cò bay qua, những đóm trắng lấp lánh bóng chiều. Người đàn ông đứng dậy, im lặng một lát rồi nói: “Cũng như không bao giờ tôi giết những con quạ đen. Chúng ta không được sờ vào sự sống hay nỗi chết”. Ông ta không chào tôi, lầm lủi bước lên đồi. Tôi nghĩ rằng chắc ông ta cũng khoảng tứ tuần. Bấy giờ, dưới thung lũng sương dày đục. Những con bò im bóng, bất động. Đầu tôi nhẹ bổng. Tôi bước đều. Có lúc tôi dừng lại và thầm hỏi: mình đang nghĩ chi? Nghĩ chi? Nghĩ chi? Tôi không nghĩ gì cả và thong dong bơi trong cái vô tri của mình. Cứ như thế, tôi trở về nhà, tưởng như mình bồng bềnh trong bọt rượu.

*

Buổi sáng, tôi đem những viên thuốc cảm lên đồi cho đứa nhỏ. Thung lũng còn lạnh. Những đứa trẻ trong xóm không cười, thun người trong áo ấm nhìn tôi đi ngang. Tôi gặp người chồng đang đi xuống đồi, tay vẫn xách lồng chim. Tôi nhận ra ông ta đằng xa, giữa những bụi cỏ hoang chưa khô sương đêm. Tôi bắt tay làm loa mà gọi:

- Chào ông!

Tiếng gọi vội ra xa, vọng lại: “Chào ông… chào ông…” người đàn ông giơ tay lên ngang đầu ra dấu chào. Chúng tôi còn cách nhau một khoảng ngắn, và tôi không cầm giữ được nôn nóng, tôi hỏi:

- Cháu ra sao?

Người đàn ông không trả lời, vẫn giữ bàn tay ngang đầu, tôi trông rõ mặt ông. Tôi và ông đứng lại dưới bóng cây thông, ông ta đặt cái lồng chim xuống đất. Tôi hỏi:

- Đêm qua cháu nhỏ ra sao?

Người chồng nhìn tôi, đôi mắt đỏ hoe:

- Thưa ông, cháu mất rồi. Vâng… cháu mất rồi.

Lúc đó, một giọt nước mắt bên khoé mắt trái lăn xuống từ từ trên má, ông nhắp môi và nói:

- Vâng… cháu mất đêm qua…

Tôi đặt một tay lên vai ông ta. Đứa nhỏ chết rồi. Đứa nhỏ tên Hà chết rồi. Tôi không nghĩ gì cả và nói với ông rằng tôi sẽ lên an ủi người vợ và làm tất cả những gì có thể làm được để giúp hai người. Tôi nói theo trí nhớ, tôi nói đúng những lời mà nhiều lần tôi nói với cha mẹ những người đã chết, những người bạn hay kẻ lạ. Người chồng im lặng một lát rồi cầm lồng chim lên, ngập ngừng nói:

- Ông thấy đó, con chim đã bay mất…

Tôi nói rằng dù sao ông cũng nên dọn xuống thung lũng, sống hiu quạnh trên đồi như vậy thật không nên. Người chồng trả lời:

- Vâng, ông nói đúng, vâng, tôi hiểu. Nhưng thể được. Chúng tôi đã thề không bỏ đồi mà đi.

Khuôn mặt ông trở nên bí mật. Ông nói như cho mình nghe:

- Xin ông hiểu cho. Không phải ai trong chúng ta cũng có thể lắng nghe được tiếng cỏ mọc. Phải biết chờ đợi. Phải biết kiên nhẫn…


Khi ông ta bước đi rồi, tôi hái một cánh hoa trắng. Tôi không hiểu gì cả. Tôi không nhớ gì cả. Nơi đây như chiêm bao và mọi người như không có thật. Buổi sáng quá rộng, trời quá trong làm tôi ngạt thở, tưởng như ai đặt những miếng bông rất êm trên mũi.

Khi tôi bước vào, người vợ ngồi quay lưng ra cửa. Một đứa trẻ vừa chết trong căn nhà này. Tôi nhủ thầm. Người vợ đứng dậy. Đôi mắt còn ướt

- Thưa bà xin bà đừng khóc.

Tôi nói và nghe giọng mình ấm êm, dịu ngọt như đang giảng đạo. “Không, tôi có khóc đâu?” Giọng người đàn bà òa vỡ ngạc nhiên. Tôi ngồi xuống ghế mà thấy lòng mình lênh đênh. Người vợ nói gì rất nhỏ và khuất vào nhà sau, trong lúc tôi ngó sững bàn tay mình, tưởng như mơ ngủ trong cái ý thức sáng suốt vô song. Những ngón tay như rễ cây khô héo. Bao nhiêu ngày tháng đã mất và tôi ngồi đây…

- Thưa ông, ông có biết một đứa nhỏ tên là Hà không?

Giọng nói rõ ràng và nghiêm nghị vang lên. Người mẹ bước ra, tay cầm chén trà, thất thanh gọi: “Hà”. Tôi nhìn lui. Đứa trẻ đang đứng sau lưng, nhìn tôi bằng đôi mắt lớn, đôi mắt luôn luôn to và đẹp lạ lùng.

- Lại đây cháu.

Tôi đưa tay ra và đứa nhỏ nắm lấy. Tay nó lạnh cóng.

Có hay không một đứa nhỏ đã chết? Có hay không những con chim bay mất? Người vợ đưa tách trà cho tôi và gọi:

- Thưa ông, cháu đã bớt nóng và đỡ lắm rồi.

Tôi nói: “Vâng!” Và đưa những viên thuốc ảm cho người vợ rồi tôi nói với đứa nhỏ thật dịu dàng: “Bây giờ tôi đã biết một đứa bé tên Hà. Nó đã bệnh và sắp khỏi.”


Đứa bé cười. Nụ cười rạng rỡ đến khác thường. Nó giơ cả tay kia nắm lấy tay tôi, trong một cử chỉ thân thiện bất ngờ. Rồi nó chợt buông tay tôi ra, trở lại dáng thẩn thờ buồn bã như cũ. Có hay không một đứa trẻ đã chết? Tôi nói với người vợ:

- Sáng nay, tôi gặp ông nhà xuống thung lũng.

-Thưa ông, ở đâu?

- Dưới chân đồi.

Người đàn bà không nói. Lúc đó, đứa trẻ lặng lẽ ra ngồi xuống bực gỗ, hai tay ôm đầu. Người đàn bà nhìn theo, cái sống mũi thật thẳng và dịu dàng làm tôi xót xa. Tôi cảm thấy mình mệt mỏi và tan biến khỏi thân thể. Tôi nói với người vợ rằng có lẽ tôi không chịu nổi vùng cao nguyên này, tôi sẽ trở lại nơi tôi từ bỏ. Và nói thêm rằng chịu đựng loài người dễ chịu hơn chịu đựng thần thánh. Người vợ hỏi rằng đó là cái cớ để tôi trốn khỏi tu viện mà tôi đã ở phải không. Tôi nói rằng mọi sự đều nhầm lẫn và tôi không cố ý. Tôi uống hết tách nước và đứng dậy. Có hay không một đứa trẻ đã chết? Người đàn bà đưa tôi ra cửa và cả hai đều không nói gì. Một lát, người vợ nắm lấy tay tôi trong một cử động kinh hoàng, những ngón tay víu vào tay tôi như chết đuối, nàng nói:

- Đêm hôm qua, chồng tôi không về.

- Ông nhà không về?

- Vâng, đêm qua chỉ có mẹ con tôi trên ngọn đồi này. Tôi thức và chờ, nhưng chồng tôi không về.

Tôi không nói, gỡ những ngón tay víu chặt của người vợ. Tôi nhớ một đoạn kinh và đọc. Một lúc, tôi nghe tiếng bước chân sau lưng và thấy đứa nhỏ chạy theo. Nó cười với tôi và đôi má hồng trong nắng. Nó thấp ngang thắt lưng tôi và mái tóc bay tung. Một lát, nó níu cánh tay tôi dừng lại. Nó nói:

- Cháu đã biết có một đứa nhỏ khốn nạn tên là Hà ông ạ.

Bàn tay nó vẫn lạnh ngắt. Tôi đứng tựa vào gốc thông, mệt mỏi và thở dài, sợ hãi. Tôi nói:

- Cháu hay trở lại đi.

- Ông không tin sao?

Nó ngồi xuống bụi cỏ bên đường, nói:

- Mẹ cháu ác lắm. Mẹ cháu dối ông đó. Đêm qua ba cháu về nhưng mẹ cháu không cho vào. Cháu đợi đêm khuya, lẻn ra sân, cháu và ba cháu nằm giữa cỏ, nhìn lên trời. Bây giờ cháu nghe tiếng cỏ mọc. Phải, tiếng cỏ mọc. Ba cháu nói khi nào cháu nghe đuợc tiếng cỏ nhú khỏi lòng đất, thì một đứa trẻ tên Hà sẽ lại chơi với cháu. Ông biết đó, cháu vẫn một mình từ khi sinh ra. Đêm qua, đứa nhỏ tên Hà đã lại, cháu đã quen nó. Trong giấc ngủ giữa trời, gió và sao. Khi cháu thức dậy, nó biến mất. Đứa trẻ tên Hà đã chết…


Đứa nhỏ có vẻ xúc động. Nó giơ tay ôm lấy đầu – lần thứ hai, tôi thấy nó trong dáng điệu bối rối ấy. Một lát, nó nói:

- Thưa ông, nó đã chết. Bây giờ, không còn ai quen với nó nữa. Nhưng nó là đứa bạn đầu tiên của cháu. Ba cháu nói rằng người bạn chỉ đến một lần rồi đi mãi mãi. Rồi cháu và ba cháu chôn đứa trẻ nơi kia!…

Nó chỉ tay cho tôi thấy một ngôi đất mới um lên dưới gốc thông tôi đang đứng tựa. Tôi vội vã bước ra xa và nói:

- Cháu Hà, cháu hãy trở lại với mẹ cháu.

Nó ngạc nhiên đứng dậy, ngơ ngác một chút rồi nói:

- Không… không… Ong không tin sao… Cháu phải xem mặt nó lại mới được. Phải xem mặt đứa trẻ tên Hà mới được.

Vừa nói, nó vừa khóc to tiếng, vừa chạy lại quỳ hai chân xuống trước nấm đất. Bằng hai tay, hai bàn tay nhỏ trắng xanh, nó bới đất lên, bới thật mau. Nước mắt che mất đôi mắt đen vô cùng của nó. Tôi bước lại gần và thấy bên cạnh đám đất nó bới, giữa lỗ trũng của nấm đất, một con chim đen, một con chim đen đã chết cứng./.


Ý Thức số 22 ngày 1 tháng 10 năm 1971

Lữ Kiều










Tranh Lữ Kiều Thân Trọng Minh

















Tùy Bút



XUÔI DÒNG 

Lữ Kiều





I

Những vết thương tuổi nhỏ

Đập Đá. Đó là tên một cái đập ngăn hai dòng nước, một bên là sông Hương, một bên là nước từ con sông nhỏ Vân Dương chảy ra. Thời 1953 – 1955, chúng tôi ngồi với nhau trên bờ đập, nhìn về phía làng Vân Dương. Chúng tôi gồm có tôi, Lữ Quỳnh, Nghi Hữu, Lê Trọng Nhạn, những người bạn mới quen nhau ở lớp đệ thất trường Nguyễn Tri Phương. Lữ Quỳnh với câu chuyện ở Mỹ Lợi. Nghi Hữu với rất nhiều tên làng quê. Nhạn với làng Phước Tích, ngôi nhà cổ, lò gốm cạnh con sông Ô Lâu cùng những bóng ma Hời. Đó là những câu chuyện làng quê trong 9 năm chiến tranh chống Pháp vừa chấm dứt khi chúng tôi bước vào trường trung học.

Đêm trăng sao trên đầu, gió mang hơi nóng từ mặt sông chịu nắng suốt một ngày hạ, còn chúng tôi thì thả hồn tưởng tượng theo những lời thầm thì kể chuyện nửa hư, nửa thực. Giờ đây, nhớ lại, vẫn còn cái rùng mình thảng thốt khi bước chân vào làng Vân Dương. Nghi Hữu chỉ lên cây đa cổ thụ:

-Đây là chỗ treo cổ mấy tay Việt gian!

Giọng Hữu nghiêm trọng, tự tin, ra vẻ từng trải trước sự ngờ nghệch của người bạn trẻ thành phố. Nghi Hữu nói:

-Mi biết không, có buổi tối tau rình coi. Nơi sau đình kia mấy người tù bị trói ké, quì xuống. Họ nói gì tau nghe không rõ. Rồi một người đọc bản án, tau chỉ nghe được tiếng: Xử tử! Người ta tròng thong lọng vào cổ, dẫn tử tù đến gốc đa, một người leo lên cột dây vào cành đa. Phải lựa cành chắc. Có lần khi treo cổ thì cành gãy, tử tội rơi xuống, phải làm lại…

Hữu nói tiếp: có buổi sáng, dắt trâu ra đồng, tau thấy bốn cái xác bị treo tòn ten, hình như một cái chưa chết, trợn mắt dòm tau, tau chạy té đái…Mạ tau nói, có đêm ma thắt cổ về gõ cửa sau nhà tau xin ăn, mạ tau mở cửa thì thấy ma biến mất, nhưng mạ tau kịp thấy nó rõ ràng, miệng mấy con ma đỏ lòm, lưỡi dài thòng đến tận ngực!

Cửa sau nhà Nghy Hữu mở ra một cánh đồng ruộng. Tôi và Lữ Quỳnh theo các bạn dẫn trâu ra đồng ăn cỏ, băng hết cánh đồng là làng Ngọc Anh, Lai Thế. Ở đó có bạn Trần Ngọc Thái, Hoàng Kim Can.

Can ngồi trên bờ ruộng khô, chỉ tay ra xa, nói:

-Tụi bay thấy ngôi nhà ngói to đùng không? Nhà cụ Thượng đó. Tây đốt không cháy! Còn cái cầu gỗ kia, đó là nơi người ta chém đầu bọn theo Tây!

Bọn theo Tây là ai, tuổi 12 của tôi chưa hình dung ra. Can kể thêm:

-Tau đi xem chém đầu, dễ sợ lắm. Tiếng dao chém xuống cổ nghe cái Phụp! Phải chém nhiều lần đầu mới rời khỏi cổ. Máu chảy có vòi…Thân hình người bị chém gồng cứng lên, hai chân đạp loạn xạ một hồi mới ngừng.

-Thiệt hả?

-Thiệt. Trời lúc đó chạng vạng, nhưng tau đứng gần nên thấy rõ. Mà lạ lắm tụi bây biết không.Tử tội bị trói dẫn ra đầu cầu, quì xuống, bị chém., rồi đứt đầu, giãy chết mà không la một tiếng. Mấy người đao phủ cũng vậy. Yên lặng như tờ…Chỉ có tiếng dao chém Phụp!

-Sợ không?

– Vài ngày sau tau mới sợ, không dám qua cầu. Người ta đồn đêm đêm có mấy con ma cụt đầu hóng mát trên cầu.

Tôi xanh mặt. Không thể tưởng tượng đứng hóng mát mà không có đầu. Can càng hù tới: Mi biết không, trong xóm tau nhiều người đi khuya về bị ma thu, sáng ra thấy mình nằm giữa bụi tre gai, phải chặt cả bụi tre mới lôi ra được, sau đó người bị ma thu trở nên điên điên khùng khùng, phải lên nhờ ôn (tức hòa thượng) trên chùa Trúc Lâm trị bệnh tà!

Có lần trên trảng cát ở quê Lữ Quỳnh, làng Mỹ Lợi, bạn kể cho tôi nghe về cảnh tượng Tây về làng. Bạn nói: Tây đi lùng, lùng sục tìm những du kích Việt Minh. Mỗi lần vậy, dân làng chạy vô núi trốn, đứng trên cao nhìn về làng trông thấy khói bốc lên là biết Tây đốt nhà. Bạn chỉ một nấm mồ, nói, mộ chị Tú. Lần đó chị trốn không kịp, bị Tây đen rạch mặt bắt (sau này tôi mới biết đó là những người lính châu Phi thuộc địa Pháp, người Sénégal hay rạch mặt). Chúng kéo chị vô giữa vườn chuối hãm hiếp chị. Lần đầu tiên tôi nghe từ hãm hiếp, không hình dung ra được rõ nhưng lờ mờ nhận ra đó là một điều gì rất ác độc tàn nhẫn.

Bạn kể tiếp : khi dân làng trở về, họ tìm thấy chị Tú trần truồng, máu me, bất tỉnh. Khi tỉnh lại, chị không nói một lời, mắt mở trừng trừng và bắt đầu nôn ói. Tiếng chị Tú nôn ói liên tục, vang to trong đêm. Cả làng lo sợ, yên lặng lắng nghe. Sau bốn ngày đêm, tiếng ói nhỏ dần rồi tắt. Chị chết.

Thời chiến tranh , tuổi thơ các bạn tôi đã chứng kiến những cảnh như vậy. Có thể có những điều vui, an lành hơn, nhưng chính những hình ảnh tang thương khốc liệt ấy đã để lại vết thương trong tuổi nhỏ các bạn.

Những vết thương của tuổi thơ! Có lẽ tôi nói hơi quá, nhưng điều chúng tôi trải qua trong những tháng năm tàn khốc ấy là những đòn roi quất lên tâm hồn của một thế hệ, vết thương còn rỉ máu khi chúng tôi bước vào môi trường học đường, gặp nhau và trở thành bạn của nhau. Đã là bạn, thì nỗi đau riêng trở thành đau chung. Nếu vết thương không được chữa lành, biến thành sẹo, dù sẹo lớn hay nhỏ, sẽ định hình những tính cách bất lợi cho cuộc đời về sau của họ. Bao nhiêu tội ác – giết người, cướp của, kể cả giết người hàng loạt – hoặc nhẹ hơn, bệnh tâm thần, lệch lạc tình dục, mất khả năng hội nhập xã hội, nghi ngờ sự thiện… đều bắt đầu bằng những vết thương tuổi thơ như vậy.

Thế nhưng, điều kỳ diệu đã xảy ra. Những vết thương tuổi nhỏ đã được băng bó, xoa dịu và chữa lành những năm sau đó, sau ngày im tiếng súng, bằng môi trường văn hóa, xã hội, giáo dục của đất Thần kinh.

Tôi muốn nói đến trường Quốc học, đến tất cả những mái trường công và tư ở Huế, tôi muốn nói đến môi trường giáo dục tuyệt vời mà tuổi thơ bất hạnh của chúng tôi được hưởng, đến những lớp học mà khi bước vào chúng tôi được an toàn giữa tình bằng hữu, tình thầy trò…Tôi biết ơn môi trường văn hóa với tính truyền thống, tiếp nối không bị chặt đứt khỏi quá khứ, thể hiện bằng những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh. Tất cả điều ấy là những liều thuốc trị liệu tuyệt vời chữa lành những vết thương kia kịp tránh khỏi biến thành sẹo. .. Đồng thời giúp chúng tôi trưởng thành, vững vàng, biết yêu cái đáng yêu, biết ghét và chống cái phải chống, nhất là chống lại sự tổn thương do chiến tranh .Từ đó, đã hình thành một thế hệ 60 bản lĩnh, yêu hòa bình, phản chiến sau này…

Những thập niên nửa sau thế kỷ 20, đất nước đã có những bước đi lịch sử phức tạp. Chúng tôi đã tham dự lịch sử, theo cách của mình, đã có những con đường rẽ, đã có những cuộc chia ly vì ý thức, đã có nhiều khác biệt giữa những người bạn tuổi nhỏ cùng đi một đường, thế nhưng vẫn có những mẫu số chung nối kết chúng tôi, đó là những giá trị nhân văn, đạo đức của thời trẻ, những giá trị ấy lớn theo đời, hình thành bản lĩnh và nhân cách một thế hệ, dù ở đâu, làm gì, với ai.

Có thể còn nhiều điều phải suy nghĩ, phải bàn lại những cái được, cái mất của một thời, nhưng với tất cả sự khiêm tốn, tôi tự hào về thế hệ mình.



II

Cô giáo cũ

Năm 1961, cô giáo vừa rời trường Sư phạm và dạy môn Triết học lớp đệ nhất văn chương và vạn vật trường Quốc học.

Bấy giờ cô 24 tuổi, chúng tôi ở độ tuổi đôi mươi. Cô đẹp. Đẹp và dịu dàng. Cô vừa lập gia đình xong. Những lời giảng triết lý của cô về sự Thật, về cái Thiện, về cái Đẹp đã cùng ánh mắt và nụ cười của cô đi vào lòng bọn trai trẻ chúng tôi, lũ bọn trai mà: “ hồn lưu lạc chưa hề thờ một Chúa…” trong câu thơ của Huy Cận.

Bốn mươi năm sau, chúng tôi gặp lại cô. Thời gian xa cách tưởng như không hiện hữu, bởi vì cô vẫn là cô, cho nên chúng tôi vẫn là những chàng trai thời đệ nhất trong xác phàm của những trung niên hư hao. Tôi nói điều đó với Châu Văn Thuận, chàng trưởng lớp đệ nhất C1 ngày ấy, vẫn mang quả tim nồng nàn không có tuổi vượt qua bao tai ương. Đôi mắt cô không còn đen như trước, đã có những vẫn đục vì đời, vì người, vì tháng năm, nhưng nụ cười của cô vẫn dịu dàng xinh đẹp như ngày nào. Và nhất là tấm lòng cô, bất chấp thời gian, vẫn nguyên vẹn sự hồn nhiên tin cậy, tin người, tin đời, tin điều tốt lành, tin những lời cô giảng 40 năm về trước. Có thể chúng tôi giờ đây già hơn cô, đã trải qua bao tai ương cay nghiệt của lịch sử, chúng tôi là một thế hệ nghi ngờ, hoang mang cho nên cần vô cùng một chút lòng tin. Của tin còn một chút này (Nguyễn Du). Của tin ấy còn đầy trái tim cô giáo cũ.

Có lần tôi cùng cô dự một đám tang. Cô mặc một màu đen, trang điểm kín đáo. Cô vẫn muốn đến với mọi người bằng dung nhan đẹp nhất, như hoa nở cho đời. Lần ấy, tôi ngồi cạnh cô, nhìn sóng mũi thanh tú của cô (hình như đó là dấu nhấn trên khuôn mặt cô, như điểm nhấn trong bức tranh vậy), tôi nghe tiếng tụng kinh buồn bã, ngửi mùi trầm hương, lòng ngậm ngùi về sự tàn phai của kiếp người, những tình yêu chết đi không cứu vãn được. Tôi nói điều đó với cô, cô trả lời:

-Không, ở tuổi nào, người ta cũng bắt đầu yêu được…

Giọng cô chân tình, xác tín làm tôi bang hoàng. Có thật ở tuổi nào cũng có thể yêu? Hình như ngày ấy, tôi tưởng lòng mình là viên đá chạm đáy hồ không còn loạn động vì những đợt sóng đời. Lời cô làm tôi tỉnh thức. Cô đã truyền cho tôi lòng tin cậy. Tôi nhớ đến một nhân vật của Dostoievski, nàng Sonia tội nghiệp đã đem tình yêu của nàng phục sinh chàng sinh viên sát nhân tội lỗi.

Tôi nhớ đến người bạn gái trong căn nhà cuối hẻm, nàng sống một mình chịu đựng bao nhiêu khổ lụy, nàng là nỗi khổ, nhưng nàng vẫn dành cho cuộc đời nụ cười bao dung, nhẫn nại và tin yêu.

Hình như ai cũng cần một niềm tin. Cũng như một chút may mắn. Cô giáo cũ đã giúp tôi nhìn ra điều ấy…

Đêm ấy, tôi gọi điện thoại cho người bạn gái bất hạnh, tôi nói rằng tôi cầu mong em hãy yêu như thể chưa hề bị ai phụ bạc.



III

Nụ cười an nhiên của bạn

Tôi đến thăm chị Bùi Ấu Lăng vào buổi sáng. Chị bệnh, đang nằm thiêm thiếp, cố gắng nhỏm dậy khi tôi bước vào. Chúng tôi là đôi bạn nửa thế kỷ, đủ thân tình để ngồi lại với nhau trong những phút khó khăn này.

Tôi nói với chị rằng, chịu đựng thân xác mình cũng mỏi mệt lắm, nhưng thôi, phải thương lấy nó vì thân xác chung thủy với ta cho đến phút cuối đời.

Chị cười, nụ cười An Nhiên Tự Tại của một người đã chiêm nghiệm giới hạn của sống – chết.Bởi chị đã qua đau khổ nên hiểu hạnh phúc. Đã thấm thía tình đời nên hiểu giá trị sự sống. Trong đó có những ràng buộc với người thân, mà vì họ, đôi khi ta phải quên đi thân mình, nhưng cùng vì họ, phải giữ lấy xác phàm hư hoại, đứng dậy sau mỗi lần ngã xuống, với một nụ cười. Nụ cười cho mọi người, nhưng nước mắt cho riêng mình.

Chị đã chiến đấu với căn bệnh trầm kha trên mười năm, 10 năm với người bệnh dài vô tận so với người không bệnh. Là thầy thuốc, là con bệnh, là người bạn, tôi chia xẻ với chị điều ấy, về cuộc sống triển hạn, cho dù tôi biết rằng chúng ta không thể gánh dùm nhau nỗi đau, nhưng làm nhẹ đi một ít, một chút thôi, thì biết đâu, có thể …

Trong ánh sáng mờ đục của căn phòng chị đang nằm, tôi thấy mọi chuyện mù mờ hư ảo như quá khứ…như trí nhớ…

Tôi nhắc đến một thời tuổi trẻ, ngôi trường cũ, những người bạn còn, mất, ở gần hoặc ở xa. Đôi mắt chị sáng lên, như thể sống lại những ngày vui cũ.

Đó là những năm tháng đầu thập niên 60, chị là chị Cả trường Đồng Khánh bước chân vào lớp đệ nhất văn chương trường Quốc Học. Chị Cả có nghĩa là người nhận phần thưởng danh dự toàn trường (điều chị đã ghi trong tiểu sử của mình, để thấy chị trân quý phần thưởng năm đệ nhị C 1959-1960 của trường Đồng Khánh). Chị nhớ đến những ngày học tập và văn nghệ, những buổi thuyết trình hằng tháng cho toàn trường tham dự mà chị là người khởi đầu với bài nói chuyện “Du xuân qua các miền Đất Nước”. Chị kể về ban Thi Ca Học Sinh của đài phát thanh Huế mà anh bạn Trần Ngọc Thao làm trưởng ban, chị làm phó ban, có Huỳnh Văn Uyên thổi sáo. Trần Ngọc Thao sau này là nhà văn Cung Tích Biền.

Tôi nói về cuốn biên khảo “Hoa Tiên: một tình yêu đích thực” vừa in xong, thơm mùi giấy mới vừa đem từ nhà xuất bản về, chị trân trọng kí tặng bản đầu tiên cho tôi. Đó là cuốn luận văn cao học văn chương của chị, trình bày năm 1974 tại viện đại học Đà Lạt trước ban giám khảo gồm có kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, học giả Giản Chi và giáo sư Lê Hữu Mục, là những tác giả hàng đầu của văn học miền Nam, mà tên tuổi của họ bảo đảm cho chất lượng luận văn của chị.

Không phải chỉ là một luận văn, mà là một công trình nghiên cứ nghiêm túc của thầy và trò, là tình yêu với áng cổ văn xuất chúng bị quên lãng vì người, vì đời, vì thời gian…

Đã 35 năm, bản thảo cuốn sách nằm đáy tủ. Hình như cả thời thanh xuân Bùi Ấu Lăng gắn liền với chữ nghĩa tác phẩm Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, lúc còn đi học, lúc làm sinh viên sư phạm Việt văn, lúc đi dạy ở trường Bùi Thị Xuân Đà lạt và cuối cùng là luận văn cao học cũng về tác phẩm ấy. Chị cười. Chị kể về những ngày mưa gió Đà lạt, tìm vô Chi Lăng để gặp cụ Giản Chi, để phiên âm từng dòng thơ Hoa Tiên, bàn bạc từng cách đọc các dị bản…

Tôi nói với chị rằng giờ đây số người biết đến Hoa Tiên không nhiều, nhất là về người nhuận sắc Hoa Tiên là Nguyễn Thiện, một tác giả cùng quê và có bà con với Nguyễn Du, đối tượng nghiên cứu của luận văn. Tôi nói về công phu phiên âm và tổng kết những dị bản của tác phẩm. Và nhất là chị đã chỉ ra hơi thơ Truyện Kiều trong bản Hoa Tiêu nhuận sắc…Chị nói, ừ, thì theo Thầy khó lắm nhưng mình học được rất nhiều, từ kiến thức đến nhân cách. Những ngày ấy, chị mới 32 tuổi.

Giờ đây sau 35 năm, chị cho in lại, giới thiệu lại một tác phẩm bị quên lãng, như trả nợ cho tiền nhân. Sách giữ nguyên chữ nghĩa 35 năm trước, không đổi một chữ. Chị cười, nụ cười an lạc, càng an lạc khi hơn trong chữ nghĩa, vì chữ nghĩa không có tuổi, còn chúng tôi thì mang nặng gánh thời gian…

Buổi sáng trong căn phòng mờ ảo, chúng tôi nhắc đến những mối tình học trò tan vỡ và bền chặt. Tôi ngồi, nghe chị nói lòng nhẹ nhàng nghĩ về những điều không nói được giữa hai người, nhưng vẫn chia xẻ được bằng im lặng. Tôi nghĩ đến những tế bào ung thư đâu đó trong chúng ta. Có Hoại mới có Diệt. Đơn giản thôi, cớ sao lòng ta sắt se làm vậy!

Tôi nói với chị, nỗi đau như ly rượu đắng, đôi khi ta thử nghiêng ly chia bớt cho người. Mắt chị long lanh. Có thể vì hàng nước mắt sắp rơi, nhưng cũng có thể vì một nụ cười sắp hé lộ.

Tôi gỡ miếng thuốc dán trên bụng chị. Đó là miếng dán có tên DUROGESIC, loại thuốc giảm đau cực mạnh của nền y học hiện đại.

Tôi nói: Bạn hãy cố gắng ngủ đi, quên đi, quên cơn đau, quên mình, quên người. Thực ra, quên cũng là một đức tính.



IV

Sen

Tôi qui y ở chùa Từ Hiếu, một ngôi chùa cổ cách thành phố khoảng bảy cây số, trên đường đi lên Vạn Niên. Thời gian qua, không thể nhớ những bước chân tuổi thơ chạy trên những viên sỏi sân chùa cũ. Nhưng không quên, không bao giờ quên màu nước xanh ngọc bích của cái hồ bán nguyệt nằm ở mặt tiền, bước qua khỏi cổng tam quan là nhìn thấy. Ôi, màu nước in hình trời, cây cỏ, bóng chùa, cái màu xanh rêu phong mà không cũ, đầm ấm sâu thẳm mà vẫn sáng láng rực rỡ hào quang của ngọc bích. Trên mặt hồ ấy là những đóa sen hồng, sen trắng. Và bên cạnh màu hồng, màu trắng kia là màu lam khói hương của tà áo mẹ tôi.

Sau này, tôi còn dịp nhìn những sen hồng sen trắng khắp miền đất nước. Sen hồ Tịnh Tâm, ở Tây Lộc, sen ở Đồng Tháp, trong rừng tràm của khu Xẻo Quýt. Sen trên những đồng sen bát ngát ở Campuchia. Sen ở vườn thượng uyển bên Tàu. Thậm chí, tôi cũng tò mó ngắm những loài hoa rất gần với sen như bông súng, hoa nénuphar ở ngoại ô Paris, trong vườn của họa sĩ Claude Monet.

Nhưng chỉ có sen ở hồ bán nguyệt chùa Từ Hiếu gây cho tôi cái bồi hồi về một vẻ đẹp và một tình cảm lạ lùng, mà mỗi khi hình dung lại, tôi tưởng như đó là những người bạn thân thiết luôn luôn trung thành với tôi từ tuổi thơ cho đến giờ tóc đã bạc. Bởi vì, trong cánh sen kia, hình như thấp thoáng màu khói hương của tà áo mẹ tôi, và nụ cười bất tuyệt của đức Phật.

Năm 1995, con mắt của tôi bị bệnh, thị lực kém hẳn đi. Có những đêm trực ở bệnh viện, bước xuống những bậc cấp cầu thang để đi thăm bệnh, tôi dò dẫm từng bước. Tôi không còn quyền vấp ngã, vì tôi không còn gượng dậy được. Đêm dài, tôi không ngủ. Tôi nghĩ đến lúc trước mắt tôi chỉ còn màu đêm vĩnh viễn. Se sắt vô cùng. Tôi nhớ đến từng khuôn mặt người thân, ở gần, ở xa, còn hay mất. Tôi nhớ mẹ tôi. Dù ở tuổi nào, dù cuối cuộc đời, khi mất mẹ, người ta vẫn cảm thấy mồ côi. Tôi nhớ đến những đóa sen ở ngôi chùa cũ, người bạn không bao giờ thay lòng đổi dạ trong đời tôi. Và tôi vẽ những bông sen trong tâm cảnh ấy.

Trong những đêm không ngủ ấy, tôi vẽ sen bằng chất liệu màu nước. Cho nhanh. Cho đỡ mất công nhìn kỹ vì mệt mắt. Tôi thích những đài sen – vì tôi biết trong ấy có những hạt sen thơm tho – rồi những chiếc lá sen còn tươi xanh lục. Tôi vẽ những chiếc lá sen khô cuốn lại, tan tác đen nâu như ống thổi lửa. Tôi vẽ sen hồng cạnh sen trắng. Sau này, có thì giờ, tôi dùng chất liệu sơn dầu, vẽ trên giấy hoặc trên bố, tôi vẽ những nhụy hoa tàn, những cánh hoa tàn rơi trên mặt bàn mà mẹ tôi vẫn cẩn thận dùng một cái chổi đót bé tí quét gom trong tờ giấy, rồi gói lại. Mẹ không nỡ vất đi cái gì thuộc về hoa sen.

Vẽ sen say mê như vậy trong khoảng hai năm, đột nhiên tôi không còn hứng nữa. Đó là thời gian tôi đọc bộ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Đó là thời gian tôi đọc những câu thần chú trong mật tông có liên quan đến sen; thậm chí, tôi có dịp tỉnh táo để nhìn những bức họa hoa sen được thể hiện bởi bao nhiêu họa sĩ và thiền sư.

Tôi nhìn thấy ảnh chụp một đóa sen được vẽ trên đá tại vùng núi ở Hi Mã Lạp Sơn, nơi tuyết phủ quanh năm, và nơi ấy không có hoa sen, người vẽ chưa thấy đóa sen bao giờ.

Tôi hiểu ra, sen không chỉ là một đóa hoa, mà là một cái gì hơn thế nữa. Thời nhỏ, tôi cũng là một cậu bé trong đoàn Phật tử, cũng được đính một huy hiệu hoa sen trên ngực áo. Hình như huy hiệu ấy, ở Huế, phát xuất từ chùa Từ Đàm, do họa sĩ Phạm Đăng Trí vẽ (tôi biết rằng, tờ báo Phật giáo tên là Liên Hoa do thầy Thích Đức Tâm chủ biên cũng do họa sĩ Phạm Đăng Trí trình bày).

Vấn đề không phải là hình dáng sắc màu của hoa mà là điều đóa hoa sen gợi cho lòng ta. Như tích “niêm hoa vi tiếu”, khi Phật đưa đóa sen cho tăng chúng và mỉm cười thì chỉ có đệ tử Ca Diếp mìm cười đáp lại. Dù chỉ là huyền thoại, nhưng tôi cũng hiểu được cái vô ngôn của nét đẹp kia. Sen chỉ là cái cớ. Cái cớ cho người ta bước tới, hay dừng lại, tinh tiến hay vô minh. Cái cớ cho điều lành hay điều dữ. Cho tâm an lạc, hay sự loạn động. Và trong cõi ta bà này, sen – với tôi – là cái cớ để yêu thương hay từ biệt cuộc sống này. Bời chỉ là cái cớ, cho nên nó hữu hình mà vô hình, như ngọn núi xanh mà không phải là ngọn núi xanh.

Hay nói theo lời kinh, không chỉ là cái cớ mà còn là phương tiện. Để tự mình tìm thấy khuôn mặt thật của mình (Bản lai diện mục).

Tôi không vẽ sen được nữa. Bởi vì những đóa sen hồng sen trắng trở thành một ý niệm. Như mẹ tôi, như bạn tôi trở nên một phần trí nhớ của đời tôi. Cái phần đã tạo nên nhân cách của mình, và từ đó, số mệnh của mình.

Có những đêm ngồi thao thức dưới ngọn đèn, tôi tự hỏi nếu không có những cành sen ở hồ bán nguyệt chùa Từ Hiếu, thì đời tôi sẽ ra sao. Ra sao? Tôi không biết nữa, nhưng chắc chắn sẽ khác.

Những dòng này viết cho bạn tôi, để trả lời một câu hỏi. Cám ơn bạn đã gợi cho tôi bao nhiêu điều se sắt mà tôi tưởng đã vượt qua, nhưng nào tôi có vượt qua được đâu, dù có trầm tư bao nhiêu lần về Tứ Diệu đế.

Lữ Kiều





















Tranh Lữ Kiều Thân Trọng Minh










Tham khảo thêm về tác giả Lữ Kiều














LỮ KIỀU, CHÀNG LÃNG TỬ CỦA THỜI GIAN



Nguyễn Thị Khánh Minh





Bìa Lãng Ca – tập thơ của Lữ Kiều

Lữ Kiều thuộc thế hệ những chàng lãng tử… Thế hệ sinh ra và lớn lên, trưởng thành, lọt hẳn vào chiếc võng đu đưa với điệu ru buồn nhất của mẹ Việt Nam.
Từ cách sống-với để thích ứng và chịu đựng số phận, đôi khi rất nghiệt ngã, mà một lứa bên trời lận đận ấy đã khắc họa được nét riêng trong nền văn chương nghệ thuật Việt Nam một thời.


So với lứa tuổi chúng tôi, chỉ thua họ chừng mươi năm thôi, mà chúng tôi không kịp hưởng, kịp sống cho giấc mơ của tuổi hai mươi. Họ thì dường như được sống nhiều hơn, phong phú hơn về đau buồn lẫn hạnh phúc – dẫu một hạnh phúc rơi ra từ đau thương- (Đâu ai lựa chọn đoạn trường mà đi, phải không. Định mệnh thôi).

Bất hạnh ấy, lại như đặt vào tay họ chiếc chìa khóa để mở cánh cửa của văn chương nghệ thuật. Cách đẹp nhất để hóa giải thân phận. Và vì vậy, mà văn chương nghệ thuật từ họ tỏa ra khí u buồn khắc khoải, từ họ vẽ nên một bức tranh thơ-mộng-bi-thương, ý này tôi đã nói đến khi viết về nhà thơ Lữ Quỳnh. Những kinh nghiệm – không thể chọn lựa ấy – vô hình chung làm cuộc sống họ có chút gì quyến rũ và trong tình cờ của số phận đã chắt chiu được những hoa thơm thương khó. Cộng trừ nhân chia xem. Định Mệnh đâu lấy của họ tất cả. Họ cũng gặt hái ít nhiều hoa màu từ đau thương ấy đó chứ. Có tang thương nào không kích thích cảm xúc?

Nhờ vậy, mà Lữ Kiều có Lãng Ca*. Chàng lãng tử vừa đi vừa hát khúc ca buồn…
Lãng Ca, thời gian ơi, những bước thao thức của hai mươi năm.

Tôi không viết. Tôi đang là người đọc thơ. Trong chiều mưa tầm tã ở thành phố Santa Ana, cơn mưa cùng với gió đông bắc se sắt cuối thu, tôi đi theo những thì thầm của thơ Lữ Kiều.

“… Thời nhỏ, tôi sống bên một dòng sông thơm ngát – dòng Hương Giang – Có những ngày xuân, tơ hồng bay khắp trời, những ngày mùa Thu mùa Hạ bất tuyệt, những ngày Đông mưa dầm co ro đến trường. Và nhất là những mùa trăng, cùng đôi người bạn đi dạo chơi trên những lối cổ thành trăng khuya. Đúng là một thời nhỏ mơ mộng. – Đó là cái thời còn tin ở ngôn từ, tin vào cái Đẹp trong mọi dạng thức của cuộc sống, đó là cái thời xao xuyến, quả tim như cây đàn rung lên từng thanh âm tế nhị nhất. Đó là thời ngợi ca. Những bài thơ như những trang nhật ký, viết ra trong những phút lòng mềm như lụa, trong ấy có khuôn mặt của thiên nhiên, của bằng hữu. Và dĩ nhiên, của tình yêu. Và cả của lòng Vọng Tưởng.” (Lữ Kiều, lời bạt tập Lãng Ca)

Vâng, cái thời rất đẹp: bước nhẹ như là chưa bước qua, Mong manh. Và đẹp đến nỗi bước chân không dám động. Đọc câu thơ này thấy lòng chàng sao đẹp như tơ, của gió.

Lối cũ rất êm nguời bước nhẹ
Bước nhẹ như là chưa bước qua
(Niềm Hạ, 1960, Lãng Ca)

Thời tuổi trẻ chỉ một lần thơ dại
Mùa thu qua sương khói cũng xa bay
Con hươu xưa đã lạc về trong phố
Hơi rừng sâu chừng còn dấu trên vai
(Bài Áo Lụa, 1962, Lãng Ca)

Con hươu ngây thơ ơi, hơi rừng sâu còn bám trên vai, một lần bỏ rừng tìm về mộng tưởng phố xá. Chàng có đi đâu đến đâu thì cũng không dứt được quê hương của hoài niệm. Ngôn từ chàng mang thông điệp đẹp đẽ vậy sao còn nghi ngờ chi, mà lòng giận mình đã thúc thủ trước những điều quá Đẹp?

… Tôi mọc thêm ngàn tay với mênh mông… Đúng là với tuổi trẻ thì cái gì cũng có thể. Cả giấc mơ. Thử tưởng tượng trên con đường chàng đi, nghe hoài đâu đó một ánh mắt níu chân,

Con mắt em thắm thiết
Như ngọn nến khuya
Bên thành cửa sổ…

hình ảnh đẹp và lãng mạn nên thơ quá sức. Ngọn nến diễm lệ ấy là một mong chờ. Và tại sao ra đi?

… Giận cho tôi đã mang giày vạn dặm
Để sau lưng từng tiếng gọi với theo
Một lời ru một tiếng cười dạo nhỏ
Rồi bước chân dài băng khỏi tuổi thơ
(Bài Áo Lụa, 1962, Lãng Ca)

Vậy chứ mà vẫn nghe bước chân đứa trẻ khúc khích theo hòn bi lăn,

… Giọt nến tàn đêm khuya
Rơi trên bàn tôi lặng lẽ
Đứa trẻ trong ta vẫn cuồng ngông
Hồn nhiên lăn theo hòn bi đỏ

… Con thạch sùng sau cánh tủ
Tắc lưỡi tiếc thương
Ròng rã trong đêm khuya
Ngọn nến thức cùng ta cay đắng
(Từ Biệt, 1985, Lữ Kiều 2)

… Thuyền dong buồm khi gió nổi thì xuôi
Có bến hoang vu cho lòng lãng mạn?
(Tâm Sự, 1962, Lãng Ca)

Ôi mai sau còn có xứ con người
Còn có anh có em ta hãy còn vụng dại…
(Ðêm Về Mùa Xuân, 1964, Lãng Ca)

nghe vậy thì biết chàng vẫn còn tin, yêu thiết tha vào cái đẹp của cuộc đời chàng đã từng sống, vì nếu cho trở lại, chàng vẫn sống như đã.
Đó là niềm Thơ Mộng để chàng sống còn, trong giờ khắc mà giấc mơ lãng tử bị thời gian đánh động,

Một tiếng cười giữa phố đông
Mà nghe sấm dậy bon bon chuyến tàu
(Khi Nhận Ra, 1962, Lãng Ca )

Ở Phú Nhuận có những đêm
không ngủ được
máy bay rì rầm
và tiếng động trong tim ta
Ở một nơi nào trên quê hương ta
Đứa trẻ lồng ngực mỏng
Dội từng tiếng đạn bom

Ở một nơi nào
Trên quê hương chúng ta
Người con trai chưa có tình nhân
Môi chưa hái nụ đời
Gục chết

Ở Phú Nhuận có những đêm
Mọi người đều thức
Ôi đêm sâu như hỏa châu
Như hố thẳm
Như lòng vĩnh biệt
Phải không?
(Ở Phú Nhuận, 1964, Lãng Ca)

Đêm sâu trôi qua thế hệ này là hố thẳm, là lòng vĩnh biệt ẩn hiện ma trơi hỏa châu. Đôi mắt của thế hệ này, là ngập ngừng lửa… Bạn ơi, có nghe tiếng Bi Thương của nước mắt ngân tức tưởi trong đáy con ngươi?

Hãy cho anh xin tờ báo chiều em đọc
Để anh giấu em tin chiến sự trong ngày
Bạn bè anh từng đứa chết trong rừng
Từng đôi mắt ngập ngừng cơn lửa đỏ
Quê hương ơi
Hay tôi gửi cho người lòng tôi đầy ước vọng
Người đem thanh bình chia khắp non sông
Hay tôi gửi cho người cây cờ phất phơ
Cho người đắp lên bia tàn đá lạnh
Hay tôi gửi cho người bàn chân đen du mục
Mai sớm lên đường tìm dấu tương lai
(Thư Quê Hương, 1964, Lãng Ca)

… Ta muốn nhạc cao hơn niềm yên lặng
Hỡi chim xanh hãy hát nỗi ngọt ngào
Mắt bạn ta bây giờ không mở nữa
Tay đã xuôi và trán đã bình an...

… Những sớm hư vô những chiều bè bạn
Những đêm về khu phố nhỏ có nhau
Vỉa hè bâng qươ tiếng giày gõ nhịp
Những ngậm ngùi tan cuộc rượu chia tay…
(Ðêm Ở Sài Gòn Nghe Tin Bạn Chết, 1966, Lãng Ca)

Cô giáo đừng buồn
Từ nay trường đóng cửa
Vùng đất này bạch hóa
Cho hàng rào Mac Namara
(Người Bạn Gái Vùng Giới Tuyến, 1964, Lãng Ca)

… Ta đã sống qua những ngày biển lửa
Có chút vui nào không đượm nỗi đao binh?

… Còn gặp mặt, thôi, yên tâm còn sống
Kẻ vắng tin? đành chép miệng thở dài...
(Mậu Thân, 1968, Lãng Ca)

Cứ thế, song hành với u buồn, bóng chàng lãng tử hút đi từng nỗi đường dài. Đem Thơ Mộng hòa lên Bi Thương,

… Còn một chút rêu xanh nằm trên ngói
… Một tiếng gọi xưa, một lời năm cũ
Trong mắt kia hòn cuội nhỏ vô tình...
(Đóa Hoa Trong Vườn Cũ, 1970, Lãng Ca)

… Huống hồ chi một mảnh trời trăng lạnh
Mỗi ngôi sao là một hạt lệ em...
(Bài Xuân Hoài Cảm, 1970)

Hạt lệ ấy là ánh sáng chỉ đường thì hỏi sao mà không thắp đời chàng nỗi hy vọng? Xin bạn cùng hòa vào niềm lạc quan Thơ Mộng này,

Bởi tôi có những đứa con
Nên lòng đầy ước vọng
… Nên lòng tôi không ngớt lạc quan
Xây dựng tương lai...
(Bài Thơ Ở Trại Cải Tạo Trảng Lớn, 1976)

Giờ thì đã sắp chiều tàn, khoảng thời gian rất đồng tình với tâm sự,

“… Và giờ đây, tôi đã sống thêm cả khoảng thời gian dài của nửa đời về sau. Những gì đã đến cho đời ta vậy? Những tai ương của phận người giữa cái biến động của cả một thế hệ. Chiến tranh. Ý thức hệ. Cuộc sống. Cuộc sống hiện thực không dấu che, rộng lớn vô cùng mà thi ca không bắt kịp được. Bèn bỏ làm thơ. Quả thật, ngoài hai mươi tuổi, còn làm thơ được là một hạnh phúc.” (Lữ Kiều, Lời Bạt Lãng Ca)
Những người chết đã đầy trong trí nhớ
Sớm hôm nay soi mặt bên sông này
Ta bỗng thấy viên đạn chì đầu đỏ
Nằm bình yên bên cạnh lũ đá đen
(Mậu Thân, 1968, Lãng Ca)

Nghe con nước nấc một mình
Sóng vu vơ vỗ vào kinh đêm dài
Nỗi niềm còn nặng hai vai
Này em có tiếng thở dài hay không
(Tặng Lữ Quỳnh, 1961, Lãng Ca)

“… Đời sống đã đưa tôi đến những chân trời cách biệt, nhưng bao giờ trong lòng tôi cũng vang vọng tiếng sóng vỗ của dòng sông tuổi nhỏ. Và mỗi lần như thế là mỗi lần thấy lòng nghèo đi những xúc động cũ. Mới hoảng hốt thấy mình đã đi quá xa đường hẹn ước, bèn làm một bài thơ, như ghi dấu một cái mốc của đời mình.” (Lữ Kiều, Lời Bạt Lãng Ca)

Hình như ta đã tin vào điều Thiện
Ngày nhỏ cùng mẹ vô chùa
Cổng tam quan thơm ngát hương ngâu
Đã nửa thế kỷ
Mùi thơm ấy theo ta ray rứt
(Thời 50 tuổi, 1993, Lữ Kiều 2)

“… Những điều tưởng như rất cũ xưa kia, giờ đây đã khác. Đã có sự giả hình, lòng khinh bạc, có cả sự thù hận lẫn trong tình thương yêu. Nghĩa là đã có những sợi tóc bạc len vào câu thơ đen.” (Lữ Kiều, Bạt Lãng Ca)

Trong nỗi buồn của ta
Đã có chút gì mật đắng
Những thất vọng của một thời
Như bóng con ruồi đen
Bay hoài trong mắt đau

Hình như ta không còn trẻ
Một góc đời khép cửa
Tất cả đều qua đi
Đã qua đi những vùng xanh sẹo cũ
(Thời 50 Tuổi, 1993, Lữ Kiều 2)

“… Phải, tôi đã biết học tập để hiểu đời sống này hơn… Dù ra đi, hay trở về, cho hay là nhận, quả tim của chúng ta cũng biết giữ im lặng. Đó là sự vô ngôn của Đất Trời. Của Thời Gian. Của sự sống trôi đi, của sự chết không rời. Làm thơ, để bày tỏ nỗi im lặng hùng vĩ kia, quả thật là một cái gì vượt cao hơn ngôn ngữ. Mới hiểu ra cái bất lực của thi ca. Kẻ làm thơ nhìn thấy giới hạn của mình.Trong tình trạng ấy, làm thơ cũng là một cách vác thập tự mà đi. Nhưng đường lên núi Sọ thì không tới.” (Lữ Kiều, Lời Bạt Lãng Ca)

Tôi nghĩ khác. Với những điều đã được đọc từ thơ của Lữ Kiều, Thi Ca của chàng lãng tử này chí ít nó đã đóng góp vào kho cảm xúc con người những nhịp đập trái tim thiết tha yêu cuộc sống, để biết trong cõi – dẫu cô đơn, im lặng – vẫn có những người vác thập tự Thơ Ca tìm đường cứu rỗi, đường lên núi Sọ có tới hay không, không cần thiết, chỉ biết chàng đã đặt xuống con đường những bước đi. Có gì quan trọng hơn thế?

… để nhận ra chân tướng mình là gã lang bạt kỳ hồ trong ngôn ngữ cũng như trong cuộc đời… Hỡi ơi đời đã nặng / Ta ngả đầu được chăng. (Tự Thán, 1965, Lãng Ca)

Giờ trở lại xin ngồi bên mộ mẹ
Con chim già đậu xuống mái chùa xưa
Mở lòng tay, vẫn đường vòng viễn mộng
Mới hay con phiêu bạt đã nửa đời
(Ngồi Bên Mộ Mẹ, 1983, Lữ Kiều 3)

Cánh cửa màu tím than
Của một thời lãng mạn
Ta vịn lên, lạnh ngắt nỗi đau
Dòng nước mắt lặng lẽ
Và đêm đen trên đầu chúng ta
(Lữ Kiều 2, 1989)

Không còn ảo tưởng
Bầy ruồi vo ve bên tai
Tiếng chim ngàn kêu thương
Cay nghiệt
Vết sẹo khi mặt trời lên
Trần trụi bức tranh Không
(Triển Lãm,1987, Lữ Kiều 2)

Tôi thấy những hình ảnh như tan trong sương. Lặng lẽ phai. Chàng là người cuối cùng đóng cánh cửa.

Vậy là phòng tranh đã đóng cửa
Những bức tranh đã ra đi
(Triển Lãm, 1987, Lữ Kiều 2)

May mắn, là còn một điều lặn lội trôi theo,

Lòng ta ơi, xót vô cùng
Bóng riêng giọt lệ thủy chung theo mình.
(Lòng Ta Ơi, 2000, Lữ Kiều 3)

Bạn cũ gọi về trong trí nhớ
Lá vẫn bay và ta cuối năm
Đôi mắt nhung đen, hàng lệ nhỏ
Thì thôi, lá chọn đất ân cần.
(Những Chiếc Lá Cuối Năm , 2003- Lữ Kiều 3)

Hình như con phố vừa xôn xao đấy mà giờ quạnh quẽ, như lòng người, như bài thơ vừa viết những chữ cuối. Tôi cũng đang… Lòng hư vô mà chiều cuối năm…

Trong ngực ấm tim vẫn đều nhịp cũ
Kề tai nghe như vồ gõ áo quan
(Từ Biệt 1981, Lãng Ca)

nhịp tim mà nghe như tiếng vồ gõ áo quan, Chàng đang khói sương của sầu buồn và đơn độc?
Tôi xin trích ra đây định nghĩa về Hạnh Phúc của Lữ Kiều trong vở kịch Những Người Đi Một Mình (1967) để hiểu điều gì vẫy gọi phía trước con đường lãng tử.
Cuộc đối đáp của đôi thanh niên nam nữ:

“Thiếu Nữ: Anh, em hạnh phúc.
Thanh Niên: Em hãy đọc chữ hạnh phúc.
Thiếu Nữ: Hạnh… phúc…
Thanh Niên: Là gì hở em?
Thiếu Nữ: Là tình yêu.
Thanh Niên: Thật ư?
Thiếu Nữ: Là anh hôn em.
Thanh Niên: Thật ư?
Thiếu Nữ: Là chính anh. Anh của em.
Thanh Niên (riễu cợt): Là hư vô.
Thiếu Nữ (giận dỗi): Anh riễu em rồi. Anh biết em ngu ngốc, em không hiểu, sao anh không cắt nghĩa cho em.
Thanh Niên: Hạnh phúc chính là điều không hiểu ấy.
Im lặng, một lát…
Thiếu Nữ: Chiều nào cũng có tiếng chim ríu rít dưới mái ngói nhà ta… Có phải đó cũng là hạnh phúc … cảm giác mỗi lần em gặp anh. Em cho đó là hạnh phúc.
Thanh Niên (thương hại): Mỗi lần đến với nhau, chúng ta mỗi khác. Có khi đó là hạnh phúc. Có khi không phải. Hạnh phúc giống như một người quen lẫn trong đoàn người đông đảo diễn hành qua trước mặt, khi ta nhận ra thì người quen đã đi mất, ta chỉ còn thấy cái lưng.
Thiếu Nữ: Cái gì?
Thanh Niên: Cái lưng”

Hạnh Phúc. Rốt cuộc. Ta chỉ còn thấy cái lưng của nó. A. Đó là đòn bẩy khiến cho chàng lãng tử miệt mài đi.
Lãng Ca, như một ghé chân bên dòng suối, vốc một ngụm nước trong, sau những lãng du buồn bã. Có thể, không, chắc chắn, chàng sẽ đi tiếp, ai biết được trên con đường dong ruổi ấy…
Chàng lãng tử của thời gian, thì chỉ có thời gian mới biết…

Santa Ana, 30 tháng 11.2014
Nguyễn Thị Khánh Minh

*Lãng Ca, thi phẩm của Nhà Thơ Lữ Kiều, Ý Thức xuất bản 2014, Việt Nam.

(Trích trong tập Tản văn Bóng Bay Gió Ơi, NXB Sống, 2.2015)












Tranh Lữ Kiều Thân Trọng Minh







VIẾT NHƯ KINH KHA BUỒN



Cuối năm, ngồi đọc lại những đoạn viết rời của Lữ Kiều, bỗng bàng hoàng nhớ lại một thời khói lửa nhiễu nhương suốt 30 năm. Thời mà anh gọi là lịch sử chọn chúng tôi, chứ chúng tôi không chọn. Hay nói như Nguyễn Gia Thiều, “cái quay búng sẵn trên trời/ mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”. Còn hơn thế nữa, không phải đi mà bị lôi xềnh xệch trong đêm tối đen. Đó là số phận của những người nhỡ sinh ra trong khoảng 40, 50 thế kỷ trước.

Cho nên, cái tựa đề “Chàng nho sinh dưới gốc tùng” cũng chỉ là một cảnh viễn mơ ngậm ngùi mà thôi!

Sự thực thì: “ngày-hai-mươi-tuổi, có-những đêm-chong-đèn-ngồi”. Không phải “chong đèn ngồi nhớ lại”, mà ngồi nhớ tới.

Nhớ nỗi khắc khoải của Trang tử: ta hóa thành bướm hay bướm hóa ra ta? Nhớ một tiếng “được” thều thào của Nguyễn Du trước khi nhắm mắt, như dấu chấm hết cho nỗi đoạn trường. Và nhớ những lúc nghe Beethoven với khúc giao hưởng số 9, ở đó anh đếm được đến những 24 lần cái nét nhạc bừng bừng thất thanh hạt lệ nóng trong cái hành âm cuối-cái choeur ấy-như một âm thanh ma trơi, càng nghe càng rùng mình.

Anh cũng nhớ tới G.Nasser, người đã quyết liệt quốc hữu hóa kênh đào Suez trước sức ép nghẹt thở của Anh, Mỹ để phục sinh một Ai Cập huy hoàng của 6000 năm trước; nhớ tới Che Guevara, nhà cách mạng latinh cực kỳ lãng mạn, đã chết một cái chết đẹp như bài thơ.

Anh còn nhớ tới Hà Thúc Nhơn, một bác sĩ chống tham nhũng giống như chàng Don Kihôtê tự tin một cách ngây thơ, để rồi cuối cùng gục chết thảm thương ở quân y viện Nha Trang.

Và dù đau đớn đến xé lòng, anh vẫn không thể không nhớ tới những người điên nói cười ngô nghê trước cảnh chợ Đông Ba bị đốt cháy hôm mùng hai tết Mậu Thân và cầu Tràng Tiền bị Bắc quân giựt sập để chứng tỏ cho thế giới thấy được sự hiện hữu nghiệt ngã và tàn nhẫn của họ.

Anh cũng không quên những người tù không chịu trở về Bắc ở trại tù Phú Quốc, không phải ở lại để hồi chánh mà để khỏi bị loại khỏi cái bầy đàn gọi là “sinh Bắc tử Nam”.

Cũng không thể không nhớ tới hai cha con một anh địa phương quân hồn nhiên đi bắt cúm núm, cha tóc đen mũi tẹt còn con tóc vàng sợi nhỏ, để rồi cảm phục cái cách anh ta biến nỗi đau của mình thành niềm vui sống,.

Và, đương nhiên rất nhớ tới Huế.

Anh gọi Huế là người tình cũ, một người tình có mái tóc dài đà đuột ngát hương, là Hương giang, cài chiếc lược ngà lóng lánh, là cầu Tràng Tiền. Người tình cũ ấy cực kỳ kiêu sa, đài các nhưng cũng cực kỳ yếu đuối. Nàng đã hai lần bị tổn thương, hai lần bị làm nhục*. Nàng đáng yêu muôn phần, nhưng thật không dễ để cùng nàng đi trọn đường tình.

Anh, cũng như những trai Huế khác, Trịnh Công Sơn, Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư … đều tự nhận mình là người tình phụ. Tôi phụ em một thời bé dại chứ không phải em phụ tôi.

Ngày chàng 20 tuổi, những đêm chong đèn ngồi nhớ, để mà chi?

Thưa để viết!

Hóa ra đây là những ghi chép, những suy tư, những chiêm nghiệm, những thao thức của một người muốn viết như một lần dấn thân.

Nhưng viết như thế nào?

“Viết như Kinh Kha cầm cây chủy thủ, “Viết như Kinh Kha buồn!”

Kinh Kha buồn.

Không phải vì sông Dịch lạnh.

Không phải vì đất Tần lang sói.

Chàng buồn.

Vì phải lên đường cùng với Tần Vũ Dương to xác nhưng hèn yếu. Buồn vì thái tử Đan quá nôn nóng không đợi được Cao Tiệm Ly. Nghĩa là buồn vì cảm thấy việc lớn sẽ không thành. Buồn nhưng không sợ, dù biết rằng “ nhất khứ hề bất phục phản “. Ba ngàn tân khách tiễn đưa tóc dựng ngược khi nghe chàng cất tiếng hát. Trong cổ kim chưa có một cuộc lên đường nào bi tráng như thế.

Tần Thuỷ Hoàng chưa biết sợ ai ngoài chàng.

Chàng đã bị băm vằm, nhưng hơn 2000 năm qua chàng vẫn sống. Và chàng vẫn tiếp tục sống đến nhiều ngàn năm sau nữa. Chàng sống không phải vì đã vung con dao chuỷ thủ trước mặt Tần Thuỷ Hoàng. Chàng sống vì đã dám chứng tỏ sự bất khuất. Chàng sống bằng chính cái chết của chàng.

“Viết như Kinh Kha buồn”

“Viết như Kinh Kha cầm chuỷ thủ”

Nghĩa là, biết chẳng đi tới đâu, biết là thất bại mà vẫn cứ viết. Phải viết. Vì đó là sứ mệnh của những nhà văn ở các nước nhược tiểu, những nước không chỉ có một Tần Thủy Hoàng ngất ngưởng trên ngai vàng đẫm máu, mà còn có rất nhiều bạo chúa ở khắp nơi, nhất là trong lĩnh vực văn chương và nghệ thuật.

Biết là thất bại nên “viết còn là một thú tội”

Vì, đã là nhà văn thì “không có sự thật nào là cấm kỵ”

Rồi chàng vẽ ra “một nền kiến trúc mới, tinh thần khí thế như tiền nhân những ngày xưa hào hùng…Phải giết con sâu bò trên giấy trắng. Sống hùng dũng và viết như chém đá”…Làm sao đừng ngụy tín. Bởi vì tự hạ giá mình, chúng ta hạ giá văn chương”

Không ngụy tín, không tự hạ giá mình nên ngay từ tuổi 20, anh đã xác tín mình không thể nào và không bao giờ là nhà văn cộng sản.

Anh viết:”Người cộng sản không tin ở giá trị tự thân cô đơn của nhà văn…Y là đám đông. Y bị lãnh đạo một cách tự nguyện”.

Viết như thế quả thực rất khó. Vậy nên, cho dù những gì anh đã sống, đã hạnh phúc, đã khổ đau, đủ để làm nên một cây chủy thủ, nhưng anh vẫn ngại ngùng chưa viết, dù rằng trong anh vẫn luôn giục giã:

“Kinh Kha thôi đừng bịn rịn, hãy lên đường!”

Thực ra, chẳng phải anh không đủ tự tin để cầm lấy bút như Kinh Kha cầm cây chủy thủ. Anh dùng dắng, đắn đo chỉ vì tự trọng. Cái cốt cách rạng rỡ nhất của một nhà văn chính là lòng tự trọng. Viết hay không viết, còn hơn Hamlet tự hỏi “to be or not to be”.

Bởi vì, viết cho ai? Cho những em bé sơ sinh khi anh đang ở tuổi 20, hay viết cho thế hệ vừa bị cướp mất và vừa tự đánh mất cái “bản lai diện mục” của chính mình.

Viết làm sao, nếu không phải là khúc sinh ca của đồng lúa trổ thì cũng đừng là bão giông, là hí luận để làm ngu dại cả một dân tộc. Theo anh, “nhà văn đích thực, là nhà văn bị đầy đọa, nhà văn của địa ngục”…Đó là nhà văn bị đóng đinh. Nhà văn bị trừng phạt: viết!

Vì vậy, những đoạn viết rời được bạn bè góp nhặt để in thành sách cách đây 10 năm chỉ được anh khiêm tốn gọi là:Thử Bút. Như thử test trước khi tiêm thuốc. Đó là tính cẩn trọng của một người vừa yêu vẻ đẹp ngất ngây của văn chương mà cũng vừa thấp thỏm ngại ngần trước uy lực phù thủy của ngôn ngữ.

Thử bút, nhưng có nhiều đoạn rất đẹp, gần như hoàn chỉnh. Như viết về Mẹ trong Sen. Viết về Huế trong Người tình cũ. Và, rất cá tính, rất đời trong Quán trên đồi.

Ngày đầu năm, lên chơi điền trang Thân Trọng, ngôi nhà gỗ cũ kỹ đối với anh, quý nhất vẫn là những bức phác thảo, những bức tranh của Đinh Cường, Lưu Công Nhân, Dương Cẩm Chương. Chỉ vào một bức tranh do chính anh vẽ, anh bảo: “Một bức tranh ai hiểu thế nào cũng được., Nhưng nếu cần giải thích thì cũng có thể. Như bức này. Những mảng màu trắng đục là những trang báo. Con cá thì mắt không bao giờ nhắm. Cây đèn dầu tuy bé nhỏ nhưng vẫn tỏa ra ánh sáng. Tức là, người viết phải luôn tỉnh thức và viết dưới ánh sáng của lương tri”.

Vậy đó! Viết hay vẽ, đối với anh tuy là một hình phạt, một định mệnh, thì vẫn là một dấn thân hết sức nghiêm cẩn. Bởi thế, cho dù con đường anh đi chưa trọn, chỉ một tập truyện ngắn, 7 vở kịch, một tập thơ, đúng là thử viết, thử bước chứ chưa thực sự đi vào đất Tần bất trắc.

Nhưng chẳng phải vì thế mà tôi bớt kính trọng anh. Bởi vì, tuy có ít nhiều hồ đồ, tôi đã thực sự xúc động khi nhìn thấy mình trong Thử Bút những năm anh 20, 30. Ở tuổi đó, tôi cũng có những đêm thao thức: viết cái gì, viết cho ai, viết hay không viết?

Cứ tưởng tuổi tam thập là vừa đủ vốn sống để có thể phóng lên giấy trắng những con chữ chứ không phải những con sâu, thì, hỡi ơi, cả đất trời bỗng dưng sụp đổ.

Tháng 4, 1975 Lữ Kiều bẻ bút!

Đành nghe trong im lặng khúc giao hưởng số 9 ai điếu cho chính mình.

Ở đâu đó, anh viết, tình yêu như là sự chết. Và chết chỉ một lần. Nhưng rồi anh lại bảo, tình yêu cũng có thể phục sinh. Và anh đã làm sống lại chàng Kinh Kha bằng cách cầm cọ vẽ. Những nhát vẽ từ năm 1982 đến nay như chém vào đá. Và những con cá không bao giờ nhắm mắt, dù đã chết. Những con cá vẫn tỉnh thức.

Nhà văn bị bức tử giờ thành họa sĩ. Thì cũng như Trang tử mơ thấy mình hóa bướm. Tuy hai mà một. Có sao đâu!



10/1/2017

Khuất Đẩu

* Kinh thành Huế thất thủ lần thứ nhất 23/5/ Ất Dậu (1885) (Pháp chiếm)

* Lần thứ hai, tết Mậu Thân (1968). (CS chiếm)















Thơ của một người “…tôi lỡ tôi”: Lữ Kiều.










Tôi không biết năm 2014, có phải là năm đáng ghi nhớ nhất của nhà thơ Lữ Kiều / Thân Trọng Minh, thành danh từ những năm tháng trước tháng 4-1975 (?) Đó là năm ông cho ấn hành tuyển tập thơ “Lãng Ca”, gồm những thi phẩm đã được xuất bản trước cũng như sau mốc điểm vừa kể- - Hay đó là những ngữ-cảnh đậm nét nhất, được ghi nhận từ tâm cảm của một thi sĩ, đồng thời, cũng là họa sĩ?

Nhưng cách gì thì, lần đầu tiên, những người yêu thơ Lữ Kiều có trên tay một hợp tuyển, ghi lại những dậm trường nắng-gió-thi-ca mấy chục năm của ông. Đó là những thao tác, những lao lực chữ, nghĩa của Lữ Kiều, mang tên: “Thời nhỏ bên dòng sông thơm ngát (1960-1962)”; “Con đường (1962-1969)”; “Giữa đời sống chúng ta (1969-1975 ); “Sau những ngày ngừng chiến tranh (30-4-1975)”; “Những khúc tiếp nối ba mươi năm qua (1983-2014)”.

Cõi giới thi ca của một người nặng lòng với tình yêu, đất nước, nhân gian, bằng hữu…trải qua nhiều giai đoạn là cõi giới của một cánh rừng bạt ngàn những ký ức khổ đau, chia lìa, thất lỡ…

Theo tôi, chúng như những miểng chai lấp lánh bất hạnh, ngộ nhận, gắn trên những bờ tường thân thế lênh đênh. Mỗi miểng chai, lại hắt trả cho chúng ta những âm bản thấp thoáng phận mình.

Vì thế, tôi không ngạc nhiên, khi thấy rất nhiều tác giả tên tuổi đã viết về cõi giới thi ca Lữ Kiều, từ những góc khuất, lẻ loi, riêng của những tác giả đó.

Thí dụ, một Châu Văn Thuận, từng viết về thơ của tác giả “Lãng ca” như sau:

“…Hôm nay, chàng nhìn lại chàng 20 năm trước, đã linh cảm cái định mệnh khởi đầu: khuôn mặt định mệnh dở dang và mất mát.

Từng ấy thương yêu từng ấy khổ
Tôi lỡ người rồi, tôi lỡ tôi.

“Bi tráng ở chỗ đam mê và sáng suốt là những đường roi của nàng trên khắc nghiệt vẫn chưa buông tha Lữ Kiều. Đời người là những cuộc chia tay mãi mãi và chàng đã sống một thời để chia ly…”

.

Thí dụ, một Nguyễn Thị Khánh Minh, từng viết:

“…Những kinh nghiệm không thể chọn lựa ấy - vô hình chung làm cuộc sống họ có chút gì quyến rũ và trong tình cờ của số phận đã chắt chiu được những hoa thơm thương khó. Cộng trừ nhân chia xem. Định mệnh đâu lấy của họ tất cả. Họ cũng gặt hái ít nhiều hoa màu từ đau thương ấy đó chứ. Cuộc đau thương nào cũng kích thích và nuôi giàu cảm xúc.

“Nhờ vậy mà Lữ Kiều có Lãng Ca…”

.

Thí dụ, một Đỗ Hồng Ngọc, từng viết:

“…Chàng không làm thơ đâu! Không có ý định làm thơ đâu! Chàng chỉ kêu tiếng kêu từ cõi lòng tức tưởi, từ nỗi đắng cay xót xa, từ những thân phận người, trên một đất nước giữa thời nhiễu nhương.

“Chàng chỉ ‘thật thà kể chuyện’. Vậy thôi. Mà, bây giờ, nửa thế kỷ đã qua, khi đọc lại, tôi vẫn còn thấy mình muốn khóc…”

Thí dụ, Lữ Quỳnh, một trong những người bạn thân thiết nhất thời niên thiếu của tác giả “Lãng ca” từng viết xuống:

“…Tập thơ mang tên Lãng Ca. Hẳn Lữ Kiều không phải băn khoăn nhiều khi chọn một cái tên tưởng như giản dị ấy đặt cho tác phẩm mà anh đã sáng tác qua nhiều thời kỳ trong cuộc đời mình. Bởi tấm lòng anh, quan niệm sống, phong thái chấp nhận hay từ khước những gì mà cuộc đời dành cho (dù tuyệt vời hay khốc liệt đến đâu), bao giờ cũng bao dung bình tĩnh.

“…Đọc Lãng Ca của Lữ Kiều, có những bài thơ làm cách nhau đến hai mươi năm. Có cái lãng mạn thời mới lớn, nhưng cũng có cái nồng nàn trong đôi mắt đã mỏi thời gian. Cái ước mơ của một thời và những tai ương của một thời khác. Xót xa đấy, nhưng có hề chi, khi lòng đã mở sẵn cho đời. Và khi trái tim đã một lần cảm xúc về thời gian.”

Và, còn nhiều tác giả khác nữa.

Riêng Lữ Kiều, khi nhìn lại mình, ông đã rất chân thành (đến ngậm ngùi), ghi nhận:

“…Ngày hai mươi tuổi, quả thật chúng ta quá trẻ để hiểu ra chân tướng của chính mình, của đời sống. Thơ bấy giờ là bài ca mê muội của lòng say đắm, có cái thất thanh của tiếng vỡ thủy tinh, nhưng cũng đâu đó đã có cái bồi hồi im lặng của giới hạn. Của ngọn núi xanh sừng sững soi mặt xuống dòng sông thơm ngát tuổi nhỏ kia (…)

“…Có thể tuổi bốn mươi bây giờ có quá nhiều âu lo, đời sống sau 1975 của chúng ta đặt ra cho mỗi phận người một chọn lựa mới, toàn diện hơn và khốc liệt hơn. Chính trong sự thay đổi kinh khiếp ấy những bài thơ còn lại là những tấm gương soi hình bóng mình cho ta khỏi lạc lối về.

“Vậy thì, những bài thơ này, đối với người làm ra, không phải chỉ là những bi ký mà còn là những bức chân dung. Của y, của bạn bè y…”

Và, ngay sau đây, chúng tôi trân trọng kính mời bạn đọc thưởng lãm một số bài thơ “…không phải chỉ là những bi ký mà còn là những bức chân dung. Của y, của bạn bè y…” Như một thứ hồi-quang-khúc-xạ, nhiều thời kỳ, của chính Lữ Kiều, thi sĩ:

.

Ở PHÚ NHUẬN

ở Phú Nhuận có những đêm
không ngủ được
máy bay rì rầm
và tiếng động trong tim ta 

Buổi chiều thắp lên
Hàng nến đỏ
Vừng trăng nhạt mơ hồ
Tiếng người xướng ngôn
Con đường những người bãi sở
Mồ hôi, bụi và Sài Gòn 

ở một nơi nào trên quê hương ta
Đứa trẻ lồng ngực mỏng
Dội từng tiếng đạn bom 

ở một nơi nào
Trên quê hương chúng ta
Người con trai chưa có tình nhân
Môi chưa hái nụ đời
Gục chết 

ở Phú Nhuận có những đêm
Mọi người tỉnh thức
Ôi đêm sâu như hỏa châu
Như hố thẳm
Như lòng vĩnh biệt
Phải không?

(1964)

.

BÀI SƯƠNG 2

Đưa tay, thoắt đã chia lìa
Một hồn phiêu bạt một ta muôn trùng
Thiết tha một trái tim hồng
Nghiêng vai, hờn đã lặng câm kiếp nào
Giật mình, ta bỗng hư hao
Nghe trong tiếng nói bàng hoàng tai ương
Người đi thôi cũng đoạn trường
Trong con mắt ấy chỉ còn lãng quên

(1967)

.

NHỮNG CHIẾC LÁ CUỐI NĂM

Lòng hư vô mà chiều cuối năm
Chân đi theo bóng lá rơi vàng
Ôi gió đời ta sao chẳng lặn
Vẫn ngửa nghiêng hoài chiếc lá khô 

Một xác phàm thôi sao nặng quá
Nặng cả hai vai, một cuộc đời
Muốn gánh giùm em niềm tuyệt vọng
Nhưng vết thương không chia được cho người 

Bạn cũ gọi về trong trí nhớ
Lá vẫn bay và ta cuối năm
Đôi mắt nhung đen, hàng lệ nhỏ
Thì thôi, lá chọn đất ân cần

(1-2003)

LỮ KIỀU.













LỮ KIỀU CHÀNG NHO SINH
Nguyễn Lệ Uyên




Viết về Lữ Kiều. Khó quá. Khó không phải trong tay tôi hiện giờ chỉ có hai tập sách anh đề tặng, mà bởi văn xuôi của anh như thơ, truyện của anh không là truyện. Những dòng chữ đẩy đưa như câu hò mái nhì, mái đẩy trôi trên sông Hương, như một họa khúc nhỏ nối tiếp những gam màu bất tận. Lữ Kiều có cái cốt cách bay bổng, lãng mạn bởi anh vừa là nhà thơ, nhà văn, lại vừa viết kịch, vẽ tranh. Và ở lãnh vực nào anh cũng đem đến cho người đọc chút ngạc nhiên từ sự khám phá của anh về sự vật, hình thể và ngay cả tâm trạng nữa!
Văn của Lữ Kiều là loại văn chương quí phái của các công tằng tôn nữ trong cung đình hoàng triều, của những tà áo dài màu tím bay bay trên vai cầu Tràng Tiền, như dòng nước biếc xanh, lặng lờ trên dòng sông ngan ngát mùi hương trong tâm thức mọi người. Lại nữa, có khi đọc hết một đoạn văn, tôi lại có cảm tưởng như đang lắng nghe từng giọt nước rơi từ mái tranh, như đang nhìn ngắm những giọt sương đọng trên lá lấp lánh trong ánh nắng sớm.
Vâng. Khó. Thật khó. Tôi loay hoay đọc đi đọc lại hai tập Trên đồi là lô cốt và Chàng nho sinh dưới gốc tùng nhiều lần, nhưng không sao đặt bút viết cho xuôi từ hai tác phẩm trên, với lối hành văn tự sự nhuốm chút lãng mạn riêng tư của tùy bút.
Anh sinh trưởng ở Huế rồi xa Huế. Xa chốn thân yêu để luôn nhớ về. Đó là những kỷ niệm đầu đời của chàng trai trẻ. Những kỷ niệm ấy là những dấu ấn không dễ gì phai mờ trong tâm trí của họ, những người gốc Huế “lang thang”.
Đó là một thành phố đẹp, êm đềm; là nơi còn giữ được cốt cách quí phái, khác với sự xô bồ của Đà Nẵng, khô khốc của Quảng Trị. Và có phải chính miền đất đẹp đã tạo ra những con người đẹp đến thế không?
Dưới mắt Lữ Kiều, đến những cái nhỏ nhất, ít được nhiều người chú ý nhất lại là nơi đẹp nhất đối với riêng anh. Chỉ một ngọn đồi nhỏ, không cao; chỉ có vài viên đá lởm chởm, nhưng từ đó nhìn xuôi, anh như ôm cả thành phố thơ mộng vào lòng: “Góc phố đó, cửa hàng đó, vẻ bày biện đó và những khuôn mặt đó. Huế có một bề ngoài nhàn nhã” (Trên đồi là lô cốt, trg 10). Cái lô cốt nhỏ kia có gì để đáng lưu tâm, nếu Tôi không gặp O trong một khoảnh khắc tình cờ, nếu Tôi và O không sóng đôi lên ngọn đồi “không cao lắm” kia, nếu Tôi và O không dừng trên vai cầu Bạch Hổ để Tôi đón nhận câu nói cuối cùng của O trước khi Tôi xa Huế: “Cầu bấy giờ vắng. Tự nhiên O quay sang nhìn tôi và khẽ nói với tôi rằng tôi đi, O sẽ buồn và nhớ. Nói xong O cười e thẹn và giục tôi đạp xe về” (SĐD, trg 14).
Trên đời, sống là biết nhận và biết cho. Lữ Kiều đã đón nhận những khói sương một thuở nhưng chưa kịp trao lại, thì “Một khoảng trống trước mặt. Và thành phố cũng bắt đầu tuột khỏi vòng tay. Lần đầu , tôi mang cảm tưởng hai dãy phố đứng dậy đuổi tôi ra khỏi ngõ” (SĐD, trg 16). Cái khoảng trống ấy được anh giải thích, không đến nỗi quá bất ngờ: “Phải, đáng lẽ tôi phải kể cho O nghe, chuyện về cái lô cốt trên ngọn đồi phía tây thành phố. Cũng như đáng lẽ tôi phải hiểu là tôi yêu O, yêu O từ lâu rồi” (SĐD, trg 18). Những mối tình khói sương thuở đầu đời, chừng như chàng trai nào cũng có chút lãng đãng, vu vơ nhưng hiếm khi bày tỏ, dười hình thức này hay hình thức khác. Còn Lữ Kiều cứ thoải mái trải lòng, nâng những cảm xúc bay thật xa thật cao như tiếng sáo vi vu trên những cánh diều buổi chiều hôm nắng quái. Một tôi bâng khuâng với bản Berceuse “thật là buồn. Âm thanh rời rạc, nhẹn ngào, se sắt. Bàn tay thím chầm chậm trên phím đàn. Những ngón tay thon dài...” (trg 24) . Và một tôi khác thì có những hờn giận về người chị bắt đầu thay đổi tâm tính từ ngày bước về nhà chồng, đến làm Tôi ngạc nhiên!
Những truyện như thế anh viết lúc còn là cậu học sinh trung học, hay khi xa nhà, bước chân vào đại học. Nghĩa là những truyện ngắn của những quả mận xanh, trái cam còn lẫn với màu lá.
Sau này, trong những va đập của cuộc sống, như bao chàng “văn sĩ thư sinh” khác, Lữ Kiều đã “lớn” hẳn lên. Sự lớn của một thanh niên bắt đầu đặt những dấu hỏi về thân phận con người trước hoàn cảnh xã hội.Một buổi mai thức dậy, chàng tuổi trẻ đã nhìn thấy “...ngọn lửa đã ngút lên, bùng cháy sáng trong lòng một buổi sáng thức dậy. Có phải đó là phút sự thật của ý thức, là lúc nghiệm ra mình vô thủy vô chung, dềnh dàng bập bềnh như những bè lục bình trôi trôi lờ đờ trên dòng sông mù mờ khói sóng” (SĐD, trg 94).
Số phận của mỗi người không ai giống ai, nhưng vào thời điểm đó, lúc mà chiến tranh cuốn hút tất cả vào cơn lốc, những chàng trai gặp nhau trên căn gác nhỏ với những tâm trạng nặng nề cùng sự nhập cuộc, lên đường bắt buộc. Họ không suy nghĩ viễn vông, họ chỉ đặt câu hỏi về thân phận làm người và rồi tất cả xoay qua hồi tưởng về một người thầy khả kính, đại diện cho một thế hệ gánh vác trách nhiệm trước lịch sử, dân tộc không chu toàn. Trước mắt họ, đó là một sự thất bại nhục nhã, đó là những đau đớn ê chề dẫn đến những hệ lụy cho các thế hệ sau. Họ kính trọng thầy, nhưng đồng thời cũng “tức tưởi” bởi những thất bại không đáng có của cha ông do những sai lầm trong cách hành xử, chụp bắt lịch sử trong tư thế hụt hẫng: “Nửa đời lận đận với lòng ái quốc, ông ta nhìn chúng tôi như những kẻ nối tiếp. Sự thành tâm của ông làm tôi cảm động. Và chúng tôi không nỡ dồn ông vào chân tường... Ông nói giọng chắc nịch: Nếu thêm một lần tuyệt vọng, tôi sẽ đâm chết vợ con tôi rồi tôi treo cổ tự tử” (SĐD trg 99).
Nguyên nhân dẫn đến những thất bại ê chề trong sự tập họp của số đông tự nhận trách nhiệm trước lịch sử để hành động là: “Ông đã không lớn theo dòng lịch sử. Ông là tên trẻ con bên cạnh gã đàn ông là những biến động lịch sử” (SĐD, trg 108).
Hẳn nhiên là không hề có chuyện bàn giao việc gánh vác trách nhiệm lịch sử từ một thế hệ này cho một thế hệ khác. Lịch sử là sự chọn lựa của mỗi thế hệ. Và những người trẻ tuổi ấy lại gặp nhau, họ tâm sự, chia sẻ qua men rượu mượn từ cõi tạm nhiễu nhương. Họ say khước. Họ khóc. Họ cười. Và, họ cảm thấy cô đơn, bơ vơ trước cuộc chiến tranh bắt đầu leo thang đến hồi khốc liệt nhất. Thế hệ trẻ ấy vừa xấu hổ bởi cuộc chiến tương tàn, phi nghĩa, vừa tuyệt vọng trước những đớn đau khổ lụy cả dân tộc phải hứng chịu. Họ không có lối thoát và tự chọn cái chết một cách “hèn nhát” như chính đất nước họ bị bội phản một cách “đớn hèn” từ phía những tên cầm đầu: “Gã rút trong túi ra một khẩu súng thật đẹp, khẩu súng lục đen làng...Gã hững hờ mở khóa an toàn... Mắt bình thản nhìn đứa trẻ la hét, gã đàn ông đưa súng kề màng tang. Bóp cò” (SĐD, trg 131).
Rồi như một chiếc lá trên dòng nước cuốn xiết, những người trẻ tuổi một lần nữa lại lên đường sau chiến tranh. Lên đường không có sự chọn lựa của riêng mình. Họ không còn có quyền chọn lựa. Trong trại cải tạo chỉ có lao động và “...ông đã té từ trên ngọn cao xuống. Anh em phải khiêng ông về. Quần áo tả tơi, da thịt rách nát, khi tỉnh dậy ông không nói một lời nào” (SĐD, trg 165) cùng những buổi tối phải thốt lên hai tiếng “có mặt” trong những lần điểm danh đột xuất. Họ đúng là những con chim bị nhốt trong lồng của người Thượng ốm o đang bẫy chim. Đấy là phần số của cuộc đời họ: “Văn hóa là con người. Sự cám dỗ là của quỉ... Thật ra tôi không lưu tâm đến số phận con chim hay cái lồng lừa đảo. Với tôi, đôi phổi rách nát của người Thượng già là bi kịch của chúng ta. Sự bi thảm cùng cực/ Anh muốn nói đến sự phi lý của kiếp người? Của muôn loài? Của trần gian?” (SĐD, trg 171) .
Câu hỏi đã được đặt ra. Nhiều câu hỏi đã đặt ra, nhưng đó chỉ là những tra vấn cô đơn, là hành trình tìm kiếm sự toàn bích không bao giờ nhìn thấy ánh sáng bởi lịch sử luôn im lặng, không trả lời tại sao. Bi kịch và phi lý chính ở chỗ đó!
Nhưng đến tác phẩm Chàng nho sinh dưới gốc tùng thì lại khác xa. Đó là những trang viết ngắn về bạn bè, những cảm xúc bất chợt hiện đến, hay một tâm sự cần được sẻ chia... của một Lữ Kiều đã qua tuổi 60. Và tác phẩm này anh gọi là thử bút & xuôi dòng. Đó chỉ là cách gọi của anh. Chẳng có thử bút mà là ngọn bút thật, thật đến rỡ ràng như cơn gió mát mùa hè, như cái lạnh se sắt mùa đông cùng những cơn mưa dầm dề.Viết về tác phẩm này, thì Đỗ Hồng Ngọc trong bài tựa đầu sách đã nói đủ cả, nói hết trơn, không còn gì để xoáy vào ngõ ngách tâm hồn Lữ Kiều trên từng trang viết nữa: “Chàng nắn nót, nâng niu, đưa ngọn bút lông lên ngang tầm mắt, ngắm nghía từng sợi nhỏ, xoay tới xoay lui đôi ba bận một cách thuần thục mà còn ngập ngừng, rồi thè lưỡi liếm nhanh mấy cái như vót cho các sợi lông bút quấn quít vào nhau, cho nhọn hoắc lại như gom nội lực vào nhất điểm:rồi thận trọng, nhẹ nhàng chàng nhấn bút sâu vào nghiêng mực đã mài sẵn, ngập đến tận cán rút nhanh ra rồi chắt vào vào thành nghiêng, ấn ấn xoay xoay lúc nặng lúc nhẹ cho mực túa ra nức nở, ào ạt rồi thưa dần, đến lúc sắc nhọn vừa ý, chàng phết nhẹ một nét lên tờ giấy đợi chờ, như để đo độ đậm nhạt, hít một luồng chân khí, định thần, lim dim rồi phóng bút...” (Đỗ Hồng Ngọc, Bài tựa đầu sách).
Vâng, Lữ Kiều đã trải lòng ra cho từng nét chữ trên đầu ngọn bút lông, để vẽ chân dung chính mình, để tìm đến cái đẹp trong đời sống, người tình và bằng hữu. Cây cọ dưới bàn tay tài hoa của chàng nho sinh chỉ cần cái phết nhẹ của những gam màu mông lung, mờ ảo: “Sáng nay, tôi chợt thấy một chiếc lá điệp màu vàng thật kỳ lạ. Cái màu vàng não nùng buồn bã, khiến không thể tìm trong đó chút ánh sáng nào... chiếc lá độc nhất, giữa vùng nắng rực rỡ dọi vào” (SĐD, trg 14).
Trên đời này, ngoài thực tế, chưa có một họa sĩ nào vẽ được âm thanh cao thấp, đục trong... réo rắt như sáo diều trên không, ì ồ như tiếng suối đổ xuống lòng vực. Vậy mà chàng nho sinh của chúng ta chỉ cần vung ngọn bút, phẩy nhẹ một nét sổ, nét ngang là đã tạo được bức tranh tuyệt mỹ: “Em đã ở đó, đã quì gối bên cạnh tôi, khuôn mặt thánh thiện. Nhưng làm sao em hiểu lòng tôi lênh đênh, cũng như làm sao chúng ta hiểu được bao nhiêu điều mơ hồ không thật vây quanh và áp bức đời mình…” (trg 35), và: “Như con bướm đã chết. Chiếc cầu đã gãy. Có gì đâu – kể cả giọt nước mắt một lần nào khóc cho mình, cho người – cũng đã khô. Biết đâu chẳng biến thành mây” (trg 37).
Những trang viết như vậy cứ trôi dần về cuối như một thiên khúc, như một áng mây trôi bềnh bồng trên bầu trời thăm thẳm xanh…
“Tình yêu như cái chết, chỉ một lần, không thể lặp lại… quả thật tình yêu là điều huyền nhiệm không thể lặp lại, nhưng tình yêu là sự chết được phục sinh” (trg 53).
Và rồi Lữ Kiều đâu chỉ có những bài thơ ngọt ngào, phóng bút, thử bút, xuôi dòng…, đâu chỉ cầm cọ trước khung vải để nhìn thấu suốt cuộc đời anh trải qua. Anh còn là một nhà viết kịch hiếm hoi của thế hệ chúng tôi, sau những Vi Huyền Đắc, Vũ Khắc Khoan, Dương Kiền… Tôi không rõ những vở kịch anh viết trước đây đã đưa lên sân khấu kịch nghệ Sài Gòn chưa? Nhưng với Kẻ phá cầu, chỉ còn đọng lại trong tôi vở kịch: Con sâu trong mắt.
Bối cảnh là trại tù Phú Quốc với 500 tù binh đang tuyệt thực làm reo đòi trao trả xác của đồng đội, nhưng thực chất là để che giấu âm mưu đào thoát. Nhân vật chính là Quyết, kỹ sư, người đã vẽ bàn đồ tuyệt mật và tuyệt hảo cách đào một đường hầm từ sân trại tù binh ra ngoài vòng rào, và là người sẽ chịu trách nhiệm trước anh em về những hành vi “phản bội” của mình. Đường hầm đã đào xong. Những tù binh lần lượt chui ra khỏi “địa ngục trần gian”. Nhưng khốn thay, ba khẩu đại liên trên chòi canh đã quét sạch 99 con người luôn có niềm tin chiến thắng. Máu đã đổ. Tấm thảm kịch không phải là biển máu, mà là những người còn sống sót phải tìm cho ra kẻ phản bội. Tòa án được thiết lập. Lần lượt từng con người chung số phận với họ bị mang ra xét xử. Quyết ngồi vào phiên tòa đó hằng đêm và bi kịch đã xảy ra ngay tại thời điểm này:
“MỘT GIỌNG KHÁC
Anh em bắt gặp quả tang chú đứng nói chuyện riêng với tên giám thị trong lần đi tạp dịch tuần rồi.
NẠN NHÂN (khóc)
Trời ơi. Xin các anh xét lại cho em nhờ. Quả em có nhận điếu thuốc của tên lính canh,bị em thèm quá...(khóc) mà hắn mời: Em không nhớ mình có làm rơi khăn tay hay không. Nhưng thật sự em không phản bội anh em, oan em lắm...
MỘT GIỌNG NÓI (lạnh lùng)
Chú nói xong rồi?
NẠN NHÂN (hấp tấp)
Dạ con điều này nữa. Hôm rằm, chính em ngồi gần anh Năm. Anh Năm biểu anh Quyết trốn đi. Vậy mà anh Quyết không chịu đi, nói rằng anh Năm phải trốn với anh em. (khích động) Sao anh Quyết không đi ? Nếu anh Năm ở lại anh đâu có chết. Vậy sao không ai nghi ngờ anh Quyết. Còn em có làm gì đâu mà các anh nỡ nghi ngờ (khóc).
Vòng tròn im lặng. Những con mắt nhìn nhau. Một lát. Không khí nặng nề.
MỘT GIỌNG NÓI
Biểu quyết.
Có bốn bàn tay giơ lên. Rồi một bàn tay hạ xuống. Chỉ còn ba bàn tay giơ lên, nhưng không được vững vàng như trước”. Vậy là cuộc săn lùng kẻ phản bội diễn ra gay gắt. Kẻ phản bội ấy là ai? Hãynghe Lữ Kiều dựng lên:
“NGƯỜI ĐÀN ÔNG (khích động, cầu khẩn):
Này các đồng chí, các đồng chí nghi ngờ tôi sao? Tôi:kẻ chuyên môn đào hầm. Những đường hầm đã giải thoát bao nhiêu anh em khỏi địa ngục trần gian này ? Tôi: kẻ ở lại, ở lại để tiếp tục đào hầm, để cùng chịu chung số phận của anh em. Các đồng chí nghi ngờ tôi thật tình sao? (hét lớn) Hãy nhìn tôi! Hãy nhìn thẳng tôi. Tôi có thể là kẻ phản bội không? Sao mọi người im lặng. Các đồng chí chết cả rồi sao?”.
Bi kịch không phải ở chỗ người trẻ tuổi ấn con dao vào ngực Quyết, mà chính ở chỗ sự bỉ ổi và hèn nhát từ một niềm tin mù quáng: Phải tìm cho ra kẻ thù, phải nhấn chết kẻ thù nhân dân. Bởi bất kỳ nơi đâu, chỗ nào cũng có kẻ thù của nhân dân. Viết đến đây làm tôi nhớ lại trên Giai phẩm Nhân Văn số ra ngày 11.11.1956 có một bức tranh biếm họa vẽ một ông cán bộ mặc áo đại cán, đội mũ Mao đứng trước gương soi, đập tay vào kính kêu lên: Địch! Địch đây rồi!.
“Vậy là xong. Kỹ sư Trần Văn Quyết đã chết. (một lát).Tôi biết anh vô tội, nhưng tôi phải giết anh. Người ta cần kẻ phản bội, và họ chọn anh. Lỗi tại anh đó, lỗi tại trái tim anh. Anh Năm và anh đều cá mè một lứa. Trái tim. Trái tim. Trái tim là cái thứ gì? Đúng là giọng lưỡi của bọn lãng mạn”.
Một trái tim gần với cửa Phật còn nhuốm bụi trần là chú tiểu. Một trái tim khác đúng nghĩa trái tim, là người đàn ông, là Quyết, mang gửi cửa Phật với cả lòng thành, trái tim còn lại cũng đến cửa Phật, nhưng hành xử theo trái tim sói, là người trẻ tuổi. Đó là bi kịch trong cuộc sống và là thảm cảnh của sự cuồng tín và là sự hèn mạt của những mưu đồ!
Khép lại vở kịch, giá như Lữ Kiều cho nhân vật trẻ tuổi tự dằn vặt mình bằng chút lương tri man trá hơn là nói ra sự thật với nhân vật chú tiểu, có lẽ kịch sẽ hoàn hảo hơn nhiều, sẽ khiến người xem, người đọc luôn băn khoăn tự tra vấn, tìm kiếm kẻ phản bội như cảnh anh dựng ở tòa án nhân dân trong trại giam.
Những tác phẩm của Lữ Kiều từ văn xuôi, thơ đến kịch, hội họa không nhiều, nhưng ở mỗi miền đều có nét riêng, là những vòng xoáy cuộn tròn trong dòng nước lũ, là những vực thẳm, là chiếc lá chao nghiêng lặng lẽ rơi xuống, im lìm, bất động. Những gam màu và những dòng chữ của Lữ Kiều luôn là những tra vấn, tra vấn để đầy con người tới cái đẹp. Tiếc thay, điều mà chàng nho sinh mong mỏi, và cả chúng ta nữa, những mong mỏi vẫn là những điều không đến, chúng ta và cả nhân gian này chưa bao giời với tới. Chàng nho sinh ơi, anh có buồn chăng khi mộng ước không thành? Và vì vậy anh đã lôi tôi cùng bạn bè anh, người đọc anh về với hình ảnh một Chàng Kinh Kha buồn: Vẫn bước đi, cuộc hành trình cô độc. Đêm như mê ngủ mà ráo hoảnh ý thức, bất động mà vẫn bùng bùng xao xuyến. Viết như một ăn năn. (SĐD, trag 65).
Vâng, viết như một ăn năn để trả nợ đời, bởi chúng ta đã vay ở cõi tạm này quá nhiều, trước khi tiếng om khải thị, phải không?

(Tháng 6/2010)
NGUYỄN LỆ UYÊN















TỰ TÌNH: VỚI BẠN VĂN Ý THỨC

Lữ Kiều









Tranh Lữ Kiều Thân Trọng Minh


Sáng nay lên nhà Nguyên Minh cùng với Hồ Thanh Ngạn. Căn phòng nhỏ nhìn ra bãi cỏ xanh mượt phi trường Tân Sơn Nhất. Gió thổi bạt đi những âm thanh của máy bay lên xuống. Nắng chấp chới trên những mái nhà xa xa. Những chiếc máy bay lặng lẽ. Nhìn. Bao nhiêu chuyến đi trong năm qua. Cuộc du lịch đã no nê, nói như Hồ Thủy Giũ.

Phải, đã nhìn ra thế giới bên ngoài, giờ đây, ta thu xếp nhìn lại bên trong của mình.

Nhìn lại bên trong. Nhìn lại mình.
Nhìn. Nhưng đâu phải lúc nào cũng thấy.

Nguyên Minh háo hức nói về những trang bản thảo mới viết, về những tình cảm vừa được giải phóng trên trang giấy, về những dự tính văn chương, con đường văn chương mà chúng tôi đã cùng đi từ thời trẻ.
- Chỉ mong rằng đừng bệnh, để tôi còn thực hiện...

Nguyên Minh nói bằng giọng nhiệt tình. Nguyên Minh nhắc đến Trần Hoài Thư, Phạm văn Nhàn đang làm báo ở Mỹ. Về sự bế tắc của những người bạn quanh đây, trong đó có tôi, có Châu văn Thuận. Có bạn vẫn sáng tác, ít hay nhiều, như Hồ Thủy Giũ ở Huế, Hồ Thanh Ngạn, Trần Duy Phiên ở Sài Gòn,...

Tôi nghe, mà lòng lênh đênh. Thuở đôi mươi, chữ nghĩa đã mê hoặc tôi. Giờ đây, những con chữ như những giọt nước trên con đường cũ. Đã thấm vào đất. Đã tan trong đất. Còn lại chăng, chỉ là một hoài cảm. Tệ hơn, là một nỗi buồn, nỗi buồn văn chương.

Sống là chia xẻ.

Viết là một cách chia xẻ. Đâu chỉ là chia xẻ chữ nghĩa, trong đó còn có quả tim tội nghiệp, cái đầu thao thức, những cơn mê sảng của lý trí, những tuyệt vọng khốc liệt của từng đêm thâu... Tưởng như có người chia với mình những điều buồn bã ấy, cho đến khi hiểu ra, cuộc sống vẫn hồn nhiên trôi đi, ta cũng trôi đi. Con đường tưởng là đi chung, đến lúc nào đó, dừng lại, chỉ còn thấy ta lẻ loi một mình.

Một mình với chiếc bóng. Chiếc bóng tưởng như thật, nhưng cũng có lúc không thật nữa.

Nhớ Lữ Quỳnh. Tôi đã yêu bạn ấy biết bao. Có một ngày rất trẻ, bạn nằm bệnh viện, tôi đến, ngồi bên bạn, nắm tay bạn. Thuở đó, bạn là một đứa trẻ cô đơn. Tôi truyền tình cảm của tôi cho bạn qua cái nắm tay hồn nhiên tuổi 13. Đó là kinh nghiệm chia xẻ đầu tiên của đời tôi.

Nửa thế kỷ sau, một ngày tháng 8 năm 2001, đặt chân lên đất Mỹ, bạn đón tôi ở phi trường, tôi nắm tay bạn. 50 năm, vẫn một hơi ấm từ bàn tay thuở đó, dù đời đã khác.

Bạn lái xe đưa tôi quanh thành phố, nơi bạn định cư.

Chúng tôi đang ở xa Việt Nam nửa quả địa cầu. Sự cách xa làm tôi xúc động. Thành phố nằm trong thung lũng bao quanh là những ngọn đồi cỏ vàng. Những con đường hoa lá. Tôi lặng đi khi nhìn bạn ngồi trước tay lái: những vết nhăn trên khuôn mặt bạn, những sợi tóc bạc không giấu diếm. Phải rồi, chúng tôi không còn trẻ, quĩ thời gian của đời người đang hồi vét cạn, như cuốn vở học trò chỉ còn vài trang cuối. Chỉ vài trang cuối để ghi chép cái bao la của đời này. Đã đến hồi chung cuộc, nhưng ta không có quyền thay cuốn vở mới.

Ôi, văn chương! Ta viết gì cho những trang cuối cùng này?
Nói cho cùng, ta đã viết gì, đã ghi chép gì trên cuốn vở đời ta?
Ngày đầu tiên, đặt chân lên đất Mỹ, ý tưởng ấy làm tôi se lòng.

Tôi nhớ đến Ngy Hữu. Nhà của Hữu ở Vân Dương. Bạn chăn trâu trên cánh đồng thật rộng, tôi và Lữ Quỳnh ngồi trên những thửa ruộng khô để chờ bạn dắt trâu về. Trên cánh đồng mạ ấy, chúng tôi bàn chuyện văn chương.

Nghi Hữu đã không còn. Bạn thường ngồi giữa chúng tôi - thuở đó Ngy Hữu luôn thích ngồi giữa tôi và Quỳnh để sôi nổi nói chuyện văn thơ. Tập báo viết tay Gió Mai đầu tiên hình thành trong tình bằng hữu ấy. Nhưng rồi thời gian qua, sự xa cách về không gian làm chúng tôi xa nhau. Hình như chúng tôi đòi hỏi ở nhau quá nhiều, nên có lúc thất vọng. Giờ, nhớ lại, quả thật chúng tôi có bất công với nhau. Đáng ra, phải chấp nhận Bạn-như-Bạn-là. Chứ không phải Bạn-như-Bạn-phải-là.

Giờ đây. Tôi hiểu ra trong nhiều loại bất công của cuộc đời, thì bất công trong tình bạn là đáng yêu hơn cả. Tôi càng thấm thía điều đó, khi tôi đến thăm mộ Ngy Hữu ở Chà Bang, tỉnh Ninh Thuận. Mộ Hữu nằm dưới một ngọn núi mà khi tôi đến, những cành hoa mua màu tím nở ngát làm cho núi trở thành một ngọn núi tím.

Tôi và Nguyên Minh thắp một nén hương, nhìn tấm hình bạn trên bia mộ, quạnh quẽ vô cùng. Chỉ có những con trâu gặm cỏ quanh mộ bạn. Những con trâu lui tới nơi bạn an giấc vinh viễn, giống như những con trâu ở Vân Dương tuổi thơ bạn chăn dắt. Tôi chảy nước mắt.

Không phải vì Bạn, mà vì những con trâu trong tuổi thơ chúng ta.

Giờ đây, chỉ còn tôi và Lữ Quỳnh, chia với nhau tâm cảnh của thành phố hoa vàng. Có thể, không bao giờ chúng tôi nghĩ sẽ ngồi cạnh nhau ở xứ người, xa hết những bằng hữu tuổi thơ. Bạn vừa lái xe, vừa kể cho tôi nghe về những ngày tháng ở quê người. Về góc phố chờ xe buýt đến sở. Về những buổi mai ra đi rất sớm, buổi chiều ra về rất trễ. Về bữa ăn Việt Nam người vợ mang theo, để buổi trưa hai vợ chồng ngồi ăn với nhau vội vã. Về những sắt se nhớ những người thân ở lại. Bạn cũng nói về sự an toàn trong đời sống mới, sự hội nhập cuối cùng phải có. Để tồn tại. Chứ không phải để sống.
- Còn văn chương ?
- Mình nghĩ là mình sẽ viết lại được.

Vậy là hạnh phúc rồi. Tôi đến thành phố này lần thứ hai. Những trải nghiệm trước nơi chốn đều mỗi khác. Á Châu. Âu Châu. Mỹ Châu. Điều quan trọng đối với tôi ở mỗi nơi chốn là tìm thấy những đôi mắt thân yêu. Nếu không. thì nơi đến chỉ là chốn lưu đầy. Tôi nói điều đó với Lữ Quỳnh, và bạn tôi trả lời, giọng nhỏ đi :
- Ở đâu mà chẳng tìm thấy cho mình một đôi mắt.

Nhìn nét mặt của bạn, nghe giọng nói của bạn, tôi hiểu rằng quả thật ở chốn này, bạn cũng tìm thấy một đôi mắt. Dù là đôi mắt mong manh. Đôi mắt muộn màng. Như thuở trước, chúng tôi rất nhạy cảm trước tình cảm của nhau.
-Còn đôi mắt của văn chương?
-Phải, còn đôi mắt của văn chương? Đôi mắt của ý thức? Của mê thức? Của vô thức? Đôi mắt số phận của mỗi người?

Tôi nhớ lại. Động lực nào khiến cho chúng tôi ngày ấy ngồi lại bên nhau để cùng bước đi trên con đường chữ nghĩa? Tưởng là chơi thôi. Đâu ngờ đã vận vào đời mình cái mê hoặc của văn chương trở nên nghiệp dĩ, mang theo suốt cuộc sống thăng trầm cho đến hôm nay.

Cho đến một ngày, bàng hoàng thấy lòng mình buồn vô hạn. Một nỗi buồn lạ lùng mà các năm trước, tôi chỉ nghĩ tới chứ không nhận ra. Đó là sự tỉnh thức cay đắng của cơn mộng văn chương.

Phải, tôi đã làm gì đời tôi?

Thì cũng sống như mọi người, cũng như cỏ cây chim cá, cũng vui buồn theo trời đất gió mưa, cũng ngũ uẩn, cũng thất tình, thế nhưng, như mang căn bệnh tâm thần phân liệt trầm kha, tôi còn nghe một tiếng nói, tiếng nói thứ hai ngày đêm vang bên tai tôi.

Nói gì vậy?
Đó là vấn đề.
Để bước tới. Để dừng lại. Hay để nằm xuống.
Những thao thức kia chợt không rời. Ta đã làm chi đời ta. Không làm gì cả. Chỉ cái Ngã nhỏ nhoi làm vướng bận con đường giải thoát.

Nhớ lần cùng một người bạn đến khu rừng cây hóa đá. Đó là một buổi chiều, mặt trời dần tắt, đặt chân vào khu rừng già có những thân cây ngã dài trong hố sâu, sờ lên thân cây, đúng là đá. Cây đã sống trên ngàn tuổi. Và để hóa thành đá, phải có thời gian trên ba triệu năm. Vậy thì cái cây đang nằm trước mặt tôi có tuổi trên ba triệu năm: so với trăm năm của đời sống, thì kiếp người quá ngắn ngủi. Quá ngắn, vậy mà sao nhiều chuyện quá. Lịch sử con người được làm bằng chiến tranh chứ không phải bằng tình yêu thương. Và, vì vậy có phải văn chương là giấc mộng đem con người gần lại với nhau, tử tế với nhau...?

Nhận được bài văn của Hồ Thủy Giũ, viết về cái chết của người vợ, về một khúc nhạc. Khúc Adagio trong Concerto số 1 của Max Bruch. Có tiếng vĩ cầm réo rắt mà chúng tôi cùng nghe ở tuổi hai mươi. Réo rắt mà se sắt vô cùng, cùng nghe với nhau, và cùng cảm thấy bị tình phụ.

Tôi đã bước qua tuổi trẻ quá nhanh. Không kịp có một tình yêu. Chỉ có những tuyệt vọng. Một cô gái gầy guộc, ngồi dưới ánh đèn vàng sau khuôn cửa sổ, còn chúng tôi đi ngang qua nhà nàng, nhìn vào, một thằng đau khổ, và cả bọn đau khổ theo.

Làm sao quên được những ngày tháng đó, những ngày tháng làm nền cho cơn mê văn chương của chúng tôi. Để nửa thế kỷ sau, một cây nến trắng trên thành cửa sổ một quán khuya cũng đủ làm đau đớn vết thương cũ chưa lành.
Tôi nhớ Châu văn Thuận, chàng trai lãng mạn trữ tình không có tuổi, với những câu thơ tượng trưng mang âm thanh và nhịp điệu thật lạ lùng. Hình như ngôn ngữ thơ của Châu văn Thuận cần người đọc có một tần số chung với Thuận để cảm nhận.

Tôi nhớ Phan Thiết và người con gái áo vàng thuở Châu văn Thuận còn tuổi 20:
Ta thiên nhiên thầm nở nụ hoa vàng
Hồn thảo mộc ngậm ngùi một bóng...

Tôi nhớ những đêm rượu nồng cùng Bạn. Những câu chuyện về Đạo, về Đời, về Tình Yêu, và cuối cùng về Văn Chương. Gần Bạn, tôi có cảm giác được thông cảm, tưởng như cùng biết cách bắt đầu và cách kết thúc một trầm tư.

Thế đó, nhưng cùng với tuổi tác, cùng với hoàn cảnh, đã hiện ra những khoảng cách. Những khoảng cách tất yếu để nhìn ra nhau. Như cách vật trí tri. Làm sao bạn tôi hiểu được nỗi buồn của những bức phác thảo tôi vẽ về khoảng cách đó, tôi gọi là "hòa nhi bất đồng", đó là lúc kinh nghiệm chia xẻ va vào bức tường vô tri của số phận. Bất khả tư nghị.

Sống, đã là cuộc chia tay. Vậy mà vẫn mong sự ràng buộc. Một buổi sáng lạnh buốt ở miền Bắc Mỹ, tôi ngồi trên bực thềm với Đinh Cường. Cường lặng lẽ vẽ. Lặng lẽ làm thơ. Tôi nhìn bạn, lòng bồi hồi, tôi yêu mến sự dịu dàng lãng đãng thơ mộng của bạn, của tranh bạn.

Nhờ bạn. tôi biết cầm cọ, biết màu sắc, biết vẽ bức tranh đầu tiên. Và cứ thế tiếp tục.
Người đàn bà mặc áo tím, cô gái 16 tuổi của 40 năm trước, mang lại cho chúng tôi tách cà phê. Một ngọn nến trắng chỉ còn một nửa, ngọn nến đã cháy suốt đêm qua trước thềm nhà, lặng lẽ đêm khuya tưởng niệm những người vừa chết trong cái sát-na oan nghiệt khi tòa nhà cao tầng ở Nữu Ước sụp đổ. Chiếc máy bay đâm thẳng vào. Lửa. Người chết...
Phải, sống đã là cuộc chia tay.

Người đàn bà đưa tách cà phê cho tôi. Nàng vẫn yêu màu tím, vẫn mang màu tím trong lòng từ cuộc chia tay đầu đời. Tôi nói với Bạn.
- Đã gần cuối đường đời, phải biết bỏ bớt hành trang cho nhẹ gánh...

Bỏ bớt những cái bỏ được, kể cả thân xác ta.
Căn nhà người đàn bà yêu màu tím nằm ven khu rừng. Đêm rất khuya, tôi bước vào căn phòng thờ phụng của bạn. Một bức tranh của Đinh Cường, tượng Phật, bàn thờ di ảnh của cha mẹ bạn, những ngọn nến im lặng, một thanh kiếm dài đặt ngang trên bàn thờ, ảnh thờ người cha lúc bấy giờ còn rất trẻ. Thanh kiếm chỉ huy của ông. Khuôn mặt người mẹ xinh đẹp, tươi tắn. Đó là những người đã nhìn thấy tuổi trẻ của tôi, đã nhìn thấy tình yêu tôi và bạn ngày hai mươi tuổi, đã nhìn thấy chúng tôi hạnh phúc và đau khổ, gần gũi và chia xa.

Tôi đứng lặng trong đêm, hình như tôi lúc này là một cái tôi khác, một cái tôi hồn nhiên hơn, tin cậy hơn, đáng yêu hơn và đáng ghét hơn.

Phải bỏ bớt đi hành trang nặng nề. Bỏ đi. Dọn mình. Nhưng giữ lại gì? Biết giữ lại cái gì cho mình, đó là một hạnh phúc.

Dù là hạnh phúc đã mất. Chỉ còn trong trí nhớ.

Phải, bây giờ lã những ngày trống trải. Tôi buồn vô hạn. Buồn đến khánh kiệt tâm hồn. Sự tỉnh thức nào cũng đau đớn. Nhất là sự tỉnh thức muộn màng. Tôi thèm hơi ấm của bàn tay Bạn, tôi muốn chia gánh nặng trong lòng, nghiêng nỗi buồn về phía Bạn. Dù ở tuổi nào trong lòng ta cũng có một đứa trẻ. Đứa trẻ ấy luôn luôn muốn được an ủi, kể cả khi nó chẳng hề buồn.

Trong đêm khuya, tôi một mình. Tôi biết người bạn cũ cũng đã một mình lặng lẽ trong căn phòng của bạn. Bạn đã may mắn có một cuộc sống bình an. Nhìn Bạn như nhìn thấy sự thiện. Tôi nghĩ đến khoảng thời gian quá dài tôi không gặp bạn, thậm chí, có lúc dù cố gắng, tôi cũng không tưởng tượng ra được khuôn mặt Bạn ra sao, Bạn sống như thế nào, với ai, ở đâu. Trong suốt thời gian đó, bao nhiêu tai ương đã đến, nhưng vào lúc tuyệt vọng nhất, tôi vẫn nghĩ tới Bạn, đến đôi mắt tin cậy Bạn nhìn tôi. Và lòng tin đó giúp tôi đứng dậy, bước tiếp.

Bước tiếp cuộc đời, bước tiếp cơn mộng.
Tôi nghĩ đến sự may mắn. Trong chiến tranh, may mắn là viên đạn tránh mình. Trong trại tù, đó là lúc nhiều năm không được ăn một miếng đường, một hôm đi vô rừng đốn củi bắt gặp một tổ ong mật. Với tôi, may mắn là khi gõ cửa, tôi biết, bên kia cánh cửa đóng, có Bạn.

Vậy thì làm sao tôi dừng lại, làm sao tôi không đứng dậy, đi tiếp.
Đi tiếp nhưng đôi chân tôi không còn vững. Tôi không có quyền vấp ngã, vì tôi biết, mình không còn gượng dậy được. Từ đó, bước chậm. Thật chậm. Bước để mà bước, để mà trầm tư về từng bước chân của mình.
Bước đi. Hay bước về. Đều như nhau.

Phải. Thế hệ chúng tôi không còn trẻ. Tôi nhớ sợi tóc bạc của Lữ Quỳnh ở thành phố hoa vàng. Mái tóc bạc của Hoàng Khởi Phong, của Nguyễn Mộng Giác, của Trần Hoài Thư, của Ngô Thế Vinh. Các bạn đang ở Mỹ, vẫn tiếp tục con đường chữ nghĩa. Còn ở đây, râu tóc của Hồ Thanh Ngạn năm nay bạc nhiều. Ngạn vẫn hăng say làm thơ, lập ngôn, nồng nhiệt, với quả tim trẻ trung. Đỗ Hồng Ngọc cũng chẳng hơn gì tôi, nói như Trịnh Công Sơn:... về thu xếp lại. Thậm chí người trẻ nhất bọn là Lê Ký Thương, tóc cũng đã muối tiêu. Chỉ còn tranh bạn, nỗi hoài cảm về tuổi thơ là còn trẻ.

Ồ tại sao tôi lại nói về những mái tóc. Bạc tóc. Còn bạc lòng nữa - như câu hát của Phạm Duy trong bài "Thuyền viễn vứ": ru con bạc lòng...

Có phải tôi cảm động nhìn thấy Nguyên Minh năm vừa qua đã già đi nhanh chóng. Giờ dây, Nguyên Minh vẫn mang tấm lòng nhiệt tình cầm bút. Anh viết nhiều.

Mỗi buổi sáng anh ngồi trước máy vi tính, gõ nhịp chậm rãi những ý tưởng của mình. Những hồi ức về người cha, về thị trấn khô, về mối tình đầu, về mối tình cuối, về người vợ hồn nhiên tốt lành...

Anh không thao thức về văn chương. Viết, đối với anh, như ăn, như thở, như bệnh, như đau bụng, như ói mửa. Anh không suy nghĩ về văn chương, anh làm văn chương.

Đó là tâm cảnh mà tôi không có.

Những hoang mang về con đường mình đi. Những hoài bão về văn chương như ngọn lửa, lửa thì không còn, chỉ còn tro than. Rồi chỉ còn tro mà thôi. Than cũng tắt.

Tôi nghĩ đến những mái tóc bạc của các bạn tôi. Bạc tóc. Và bạc cả lòng nữa. Chưa hẳn là bạc bẽo. Chẳng qua chỉ là cuộc chia tay với chính rnình. Ta phụ tình với ta. Ta bạc lòng với ta. Lửa đã tắt thật rồi. Tro than cũng không còn. Còn chăng, chỉ là một sợi khói phù du...

Một sợi khói thôi, mà nặng lòng nhau... Ngày trẻ, tôi đã từng viết như vậy.
Bây giờ thì tôi hiểu rằng, không phải chỉ nặng lòng nhau, mà còn phiền lòng nhau nữa.
Tôi ngồi trong một góc phòng trên lầu cao viết những dòng này, lòng buồn vô hạn. Hằng đang ngồi vẽ dưới bếp. Người bạn đời của tôi còn trẻ, khi đến với Bạn, thì lòng tôi đã mùa thu. Khi mở lời thu ngỏ ý tim, mùa Xuân trên má thẹn êm đềm. Ôi, một câu thơ bay bướm đầy âm thanh và chữ nghĩa. Tôi bước xuống cầu thang, nhìn Hằng ngồi trước giá vẽ. Nhìn bạn vẽ, bao giờ tôi cũng xúc động. Bàn tay ấy nuôi con, nấu ăn, vẽ. Tôi đứng sau lưng bạn, nhìn lưng bạn đã bắt đầu còng xuống bởi thời gian, tôi nhìn con cá đỏ trong tranh bạn. Màu đỏ cam, có vài vết trắng ngang thân. Cá bơi trong hồ, có nhiều rong biển, sứa, hải quì...

Tôi nhớ rồi, cảnh đó là những con cá trong bảo tàng viện ở Chicago. Bạn vẽ những gì bạn thấy, bạn yêu. Như dòng sông Colorado nhỏ xíu, có chút ánh sáng xanh lục chảy giữa thung lũng đá. Như cây sồi khô cằn trên bờ vực ở Grand Canyon. Bạn vẽ đơn giản, vì bạn yêu thiên nhiên, và bạn làm cho thiên nhiên qua tâm cảnh bạn là một thiên-nhiên-của-bạn. Một cõi riêng...

Nhìn Bạn cặm cụi say mê trong đêm, tôi se sắt. Người phụ nữ đã cọng nghiệp với mình. Cuộc sống chung dễ chịu vì mỗi người là một cõi riêng, như tranh vậy, nhưng vẫn chung, như chung một palette màu sắc.
Không thể tưởng tượng ra một đời sống khác, không có bạn.

Quả thật, tôi không còn trẻ. Tôi mỏi mệt. Đôi khi, nỗi buồn cũng hòa nhập vào nỗi mệt mỏi.

Phải, lửa không còn. Than cũng tắt. Chỉ còn tro thôi.
May ra còn một sợi khói phù du bay hoài trong trí nhớ.
Như những dòng Tự Tình này.


Lữ Kiều
12-2001

















Thích Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, thầy Đức Tâm, Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Đinh Cường 1983












Đinh Cường & Lữ Kiều













Lữ Kiều & Đỗ Hồng Ngọc














Đinh Cường, ....., Lữ Kiều, Phan Ngọc Minh








Đinh Cường, Phạm Văn Hạng, ......, Lữ Kiều











Nguyên Minh, Đỗ Hồng Ngọc, Đinh Cường, Lữ Kiều, Chu Trầm Nguyên Minh, Utrillo Trương, Lữ Quỳnh



















Lữ Kiều & Phan Nguyên



















Trở về







Chân Dung Văn Nghệ Sĩ 
Danh Sách Tác Giả

Emprunt Empreinte







MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.