Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2019

Thảo Trường (1936 - 2010)

















Thảo Trường

Trần Duy Hinh
(1936 Nam Định - 26/8/2010 California)
hưởng thọ 74 tuổi
Nhà văn






Ông tên thật là Trần Duy Hinh, sinh năm 1936 tại Nam Định. Vào Nam năm 1954, ông đã trở thành sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, phục vụ khắp lãnh thổ từ Quảng Trị cho đến đồng bằng sông Cửu Long. Ông bắt đầu cuộc đời cầm bút trong thời gian mới rời trường sĩ quan Thủ Đức, và tác phẩm đầu tiên của ông là cuốn Thử Lửa xuất bản năm 1962. Sau đó ông được mọi người biết đến với các tác phẩm như Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Cánh Đồng Đã Mất (1971), Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972), Cát (1974) và nhiều tác phẩm khác.

Sau 1975, ông đã là một trong những người bị giam cầm lâu nhất trong các trại cải tạo, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc tổng cộng 17 năm. Từ năm 1993 là năm ông đến Mỹ để đoàn tụ với gia đình vợ con đã sang đây từ 1975, ông lại tiếp tục sáng tác sau gần hai thập niên xa cách với thế giới chữ nghĩa. Cuốn sách đầu tiên của thời kỳ sau cải tạo là Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai xuất bản năm 1995 tại Pháp, từ đó ông tiếp tục xuất bản một cách đều đặn: Đá Mục (1998), Tầm Xa Cũ, Bắn Hiệu Quả (1999), Mây Trôi (2002), Miểng (2006), Thềm Đá Xanh Rêu (2007), Thử Lửa (2007). Tác phẩm quan trọng nhất của ông, tuyển tập Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết đã được Người Việt xuất bản vào năm 2008. Ông còn một số tác phẩm dự trù sẽ xuất bản: Cây Bông Giấy Trước Nhà (truyện dài), Bên Ngoài Nghĩa Trang (truyện dài), Bố Cáo Thất Tung (truyện dài), Thân Thể Người Ta (truyện dài), Bà Phi (trường thiên tiểu thuyết).


Thảo Trường vừa là người chứng kiến vừa là người tham dự vào cuộc chiến Việt Nam, và cũng là người sống đầy đủ kinh nghiệm giai đoạn sau cuộc chiến – tù cải tạo, rồi cả giai đoạn lưu vong tại Mỹ. Nếu tính chi li thì từ khi vào đời, ông đã sống 17 năm vừa tham dự chiến tranh Việt Nam vừa sáng tác; rồi từ 1975, 16 năm 4 tháng 4 ngày trong tù cải tạo; từ khi qua Mỹ 1993 cho đến khi từ trần: lại vừa chẵn 17 năm, ông tiếp tục viết về các kinh nghiệm sống vừa qua. Đặc điểm của giai đoạn nào cũng được ông thể hiện bằng những nét sắc sảo điển hình trong các tác phẩm của mình.











Tác phẩm tiêu biểu







1
Thử Lửa
1962






2
Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp
(1966)






3
Vuốt Mắt
(1969)






4
Chung Cuộc
(1969, xuất-bản chung với Du Tử Lê)







5
Th. Trâm
(1969)







6
Bên Trong
(1969)







7
Ngọn Đèn
(1970)






8
Mé Nước
(1971)







9
Cánh Đồng Đã Mất
(1971)






10
Bên Đường Rầy Xe Lửa
(1971)






11
Người Khách Lạ Trên Quê Hương
(1972)






12
Lá Xanh
(1972)






13
Hà-nội, Nơi Giam Giữ Cuối Cùng
(1973)






14
Cát
(1974)














Sáng tác khi sang Mỹ











15
Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai
xuất bản năm 1995 tại Pháp






16
 Đá Mục
(1998)






17
Tầm Xa CũBắn Hiệu Quả
(1999)






18
Mây Trôi
(2002)






19
Miểng
(2006)






20
Thềm Đá Xanh Rêu
(2007)






20'
Thử Lửa
tái bản (2007)






21
Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết
Nxb Người Việt  2008










Tác phẩm dự trù sẽ xuất bản








22
Cây Bông Giấy Trước Nhà
(truyện dài)






23
Bên Ngoài Nghĩa Trang
(truyện dài)






24
Bố Cáo Thất Tung
(truyện dài)






25
Thân Thể Người Ta
(truyện dài)






26
Bà Phi
(trường thiên tiểu thuyết)























Nhà văn Thảo Trường tên thật là Trần Duy Hinh, sinh 1936 tại Nam Ðịnh, nổi tiếng tại Miền Nam trước 1975, đã qua đời tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ, ngày 26-8-2010 vì chứng ung thư gan, thọ 74 tuổi.

Sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cấp bậc Thiếu tá, ông là một trong những người tù lâu năm nhất: 17 năm cấm cố qua 18 trại giam từ Nam ra Bắc.

Di cư vào Nam năm 1954, ông vào trường Sĩ quan Thủ Ðức, phục vụ ngành pháo binh vùng giới tuyến và bắt đầu viết văn.

Truyện ngắn đầu tiên Hương gió lướt đi đăng trên tạp chí Sáng Tạo, Sài Gòn, ký bút hiệu Thao Trường, đã gây ngay được tiếng vang trong giới độc giả trẻ thời đó; tập truyện đầu tay Thử Lửa, 1962, vẫn ký Thao Trường, có tầm quan trọng đặc biệt: vừa là một thành tựu nghệ thuật, vừa đánh dấu một giai đoạn tạm gọi là “tiền chiến tranh” qua tâm lý một lớp thanh niên thành thị: lý tưởng, tin vào tình tự dân tộc không phân chia Nam Bắc thành chiến tuyến.

Sau đó Thảo Trường chuyển sang ngành An ninh quân đội, tìm hiểu chiến tranh sâu hơn ở khắp chiến trường Miền Nam.

Ông gần gũi với các nhóm trí thức độc lập Hành Trình và Trình Bày, đặt lại vấn đề chiến tranh, mong nó chóng chấm dứt trong công lý, tình thương và hòa giải.

Khuynh hướng này được diễn tả qua những truyện nổi tiếng: Người đàn bà mang thai trên Kinh Ðồng Tháp,1964, đã được dịch ra tiếng Pháp trên tuần báo Công giáo Témoignage Chrétien, phổ biến trên cả thế giới, hồi đó.

In lại trong tuyển tập Le crépuscule de la violence (Hoàng hôn của bạo lực), 1970.

Ðồng thời ông còn có truyện Viên đạn bắn vào nhà Thục, nguyên tên là Nhãn hiệu Mỹ, vì có câu “đạn này nhãn hiệu Mỹ” bị kiểm duyệt đục bỏ, khiến giới bình luận xếp tác phẩm ông vào loại phản chiến, trong tư trào Công giáo tiến bộ.

Tổng cộng tại Việt Nam trước 1975, ông đã xuất bản 14 tập truyện; và là tác giả truyện Bà Phi đăng hằng ngày trên báo Tiền Tuyến; truyện ăn khách, dài khoảng 1000 trang.

Ra tù 1992, sang Mỹ đoàn tụ với gia đình 1993, ông tiếp tục viết, in được 8 cuốn.

Mới nhất là tuyển tập Những miểng vụn của tiểu thuyết, 2008.

Truyện về sau thường kể lại đời sống cơ cực, phi lý trong các trại giam: “tất cả đau khổ tàn nhẫn, xót xa mà anh em trong tù phải chịu, những cảnh trớ trêu mình gặp, hay sự dốt nát tội nghiệp của cai tù…đều đòi hỏi mình để tâm phân tích” (Thảo Trường trả lời phỏng vấn ngày 4-8-2008).

Ðặc biệt trong phong cách Thảo Trường là lối kể chuyện, ly kỳ, hấp dẫn. Giai đoạn đầu thì hành văn dịu dàng, tình tứ, giai đoạn cuối: ngôn ngữ góc cạnh, chua cay, nhưng luôn luôn điểm nét hóm hỉnh.

Chất uy-mua nâng giọng nói lên một tần số cao hơn chính luận.

Sáng tác Thảo Trường trải qua đúng nửa thế kỷ và 3 giai đoạn khác nhau, vẫn có sợi chỉ mành thông suốt: đó là tấm lòng với con người, đất nước và lẽ phải.

Một tâm hồn nhân hậu và phóng khoáng như thế, mà phải trải qua vòng 17 năm lao lý qua 18 trại giam, sau khi chiến cuộc đã chấm dứt, là điều giới làm văn học không hiểu.

Ngày nào đó, chính trị phải trả lời văn học.














Tác phẩm đầu tay, tái bản tại hải ngoại
*
"Con người bị lường gạt đã nhiều.
Hãy nghĩ đến nó và để nó tự do".
Anh ta thấy vậy và viết vậy từ nửa thế kỷ trước, khi đứng bên dòng sông chia đôi đất nước. 
Đó là chàng lính trẻ Miền Nam trong truyện "Mầu và Sắc."
Và đó là Thảo Trường hai mươi tuổi, trước đủ thứ chủ nghĩa, đủ loại khẩu hiệu và đủ kiểu giáo điều.
Thử Lửa, tác phẩm đầu tay của Thảo Trường, gồm những truyện từng xuất hiện trên tạp chí Sáng Tạo từ 1957, in thành sách từ 1962. 
Sau Tháng Tư 1975, Cộng Sản đốt sách và bỏ tù nhà văn. 
Thử Lửa, tác phẩm và tác giả, thêm một lần... thử lửa.
Thử tới, thử lui. Năm mươi năm.
Chiến tranh. Tù ngục. Lưu vong.
Thảo Trường vẫn cứ là Thảo Trường.
Trân trọng mời cùng đọc Thử Lửa.
Việt Báo
*

































Tầm Bắn Trước và Sau
Của Thảo Trường


Đoàn Nhã Văn

"Mườ....i bảy năm lính, mười bảy năm tù; thời gian này như được an bài để xóa bỏ thời gian kia.” Đó là lời mở của Thảo Trường, khi ông cho chào đời tác phẩm đầu tiên tại hải ngoại, Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai (TTTTBTG), vào năm 1995. Sau đó ông xuất bản một truyện vừa: Đá Mục (1996), rồi đến tập truyện ngắn Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả (TXCBHQ), 1999. Ông dự định xuất bản nhiều tập truyện ngắn, dài mà ông đã viết trong nước, trước 1975. Bài viết này giới hạn trong ba tác phẩm ông viết tại hải ngoại. Với ba tác phẩm này, người đọc cũng nắm bắt được những khác biệt khá rõ ràng trong vùng chữ nghĩa của Thảo Trường sau hai mươi năm ngưng viết.


Có người bảo: chiến tranh đã đi qua, giai đoạn tù tội và cuộc sống cơ cực, tù túng trong nước sau 1975 đã có quá nhiều người nói đến. Vậy nói thêm có lợi ích gì trong lúc này? Ai mà thèm đọc? 
Đây cũng là điều mà nhà văn Thảo Trường đã nghe bạn văn của ông nói lại. Có thực sự không cần nói lại, không cần nhắc lại một thuở trước khi gãy súng và một giai đoạn kinh hoàng sau cuộc đổi đời? Thiết nghĩ, nhà văn là những người có một con tim rất nhạy cảm, và có thể nói rằng họ nhạy cảm hơn người bình thường. Họ không xoi mói vào đời sống riêng ai. Bằng kinh nghiệm trải qua, bằng trực giác cảm nhận, họ chia sẻ những đổi thay của một khúc quanh trong lịch sử, thì kinh nghiệm sống của họ ắt có ít nhiều ẩn hiện, dính dấp đến những bài học tương lai. Dĩ nhiên, không thể ôm khư khư quá khứ mà sống, nhưng cũng không thể quên hẳn quá khứ một sớm một chiều, khi một phần máu xương mình đã thấm vào nó. Tương lai nào không bắt đầu bằng quá khứ? Biết đặt nó vào chỗ cần đặt, quá khứ sẽ giúp ích rất nhiều cho con đường đi về phía trước. Vì thế, khi Thảo Trường viết lại những đắng cay, tủi nhục, xốn xang, rát buốt của mình, sau khi định cư, cũng là một điều bình thường. 

Thảo Trường không nhìn cuộc chiến trước 1975 dưới mắt của một sĩ quan cao cấp. Ông nhìn cuộc chiến dưới nhãn quan của những người sĩ quan cấp thấp, lính trơn, những người lính đóng đồn ở những địa đầu biên giới, và nhất là những người dân bị kẹt giữa hai lằn đạn. Người dân kẹt giữa hai lằn đạn là những người chịu thiệt thòi nhất trong cuộc chiến. Ở những vùng xôi đậu, ban ngày “Quốc Gia” kiểm soát, ban đêm “Cộng Sản nằm vùng” lộng hành. Họ bị nhồi nhét những từ ngữ đao to búa lớn từ hai phía. Họ nghe Tự do, Hạnh phúc, căm thù, đả đảo, nhân vị, cộng sản .v.v. Những điều này nằm xa, quá xa trong tầm suy nghĩ thường ngày của họ. Tất cả chỉ là những khẩu hiệu suông, những điều trừu tượng, vô nghĩa. Nó không là cơm áo hằng ngày trong đời sống. Nó không là cá tôm, rau cải của từng buổi chợ sớm, trưa. Như thế còn chưa đủ. Tên bay, đạn lạc, khói lửa v.v., có thể ập đến bất cứ lúc nào. Họ là nhân chứng sống của những máu đổ, đầu rơi khi tiếng súng hai bên nổ giòn giã trong từng căn nhà, nơi họ cư ngụ. Chị Tư bị kẹt giữa những khẩu hiệu của hai bên. Những khẩu hiệu còn văng vẳng bên tai chị trong lúc lâm bồn sinh đứa con trai thiếu tháng, không y tá , không bác sĩ . Gia đình Thục bị kẹt giữa làn đạn của hai phía. Đầu đạn đồng còn nằm trên vách tường vôi. Họ là những nạn nhân của lịch sử. Họ bị dồn vào chân tường. Nhìn xa hơn, họ là đại diện của tầng lớp dân lành, thấp cổ, bé miệng. Đó là cái nhìn của Thảo Trường trong thời chiến, rất rõ nét ở hai truyện ngắn Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp và Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục được ông đưa vào những tác phẩm sau này như minh định suy nghĩ của mình “Vật đổi sao dời… Tôi chỉ là một kẻ lỡ sống sót, ở ngoài nước Việt Nam nhưng vẫn sống và suy nghĩ như một người Việt” (TTTTBTG, trang 7) .


Mười bảy năm tù hẳn là một thời gian quá dài. Cứ tưởng tượng, ta đang sống tại một quốc gia tiên tiến, bên ngoài hình cong chữ S. Cứ thử tự nhốt mình trong nhà với điện, nước, thức ăn đầy đủ nhưng không ti vi, không điện thoại. Thử xem một tháng không ra khỏi nhà, ta bực bội đến dường nào. Ở đây, không phải là một tháng, mà là hơn hai trăm (200) tháng tù, với bao hành hạ đớn đau, với bao thiếu thốn vật chất, với bao chèn ép tinh thần. Mười bảy năm không phải ngắn. Sống được sau mười bảy năm với một hoàn cảnh như vậy cũng là phép lạ. Và viết lại được sau hai mươi năm ngưng viết không phải là một việc bình thường. Bước ra từ nỗi chết, hẳn nhiên phải mang những vết hằn trong tâm khảm. Nhiều lần ông tự nhủ với chính ông: Hãy quên đi tất cả. Hãy quên đi những đòn thù. Vậy mà không hiểu sao nó cứ xẹt ngang. (Đá Mục, trang 62) Vì thế, những ám ảnh chiến tranh, những đắng cay tù tội vẫn còn phảng phất đó đây trên những trang sách của ông, ngay ở những truyện ngắn mới nhất, sau này.

Trong tù, mạng sống như cá nằm trên thớt nên ông tự tìm cho mình một triết lý sống. Nói triết lý nghe cho cao siêu, văn vẻ, nhưng thực ra đó là kế sách “kệ mẹ nó” (TTTTBTG, trang 17). Nó hành hạ mình, kệ mẹ nó. Nó chèn ép mình, kệ mẹ nó. Nó đẩy mình vào nằm trong chỗ gần cầu tiêu, hôi thối, kệ mẹ nó. Nó cùm mình, kệ mẹ nó. Nghĩa là, đừng suy nghĩ sâu xa, đừng vơ vẫn dông dài, tới đâu thì tới. Kệ mẹ nó. Khi sử dụng kế sách “kệ mẹ nó”, ông đã tự tạo cho mình một cõi tự do riêng trong suy nghĩ. Có lẽ nhờ vậy mà ông sống còn sau 17 năm tủi nhục; có lẽ cũng nhờ vậy mà những cảnh sinh hoạt sống động và cảm động của những bạn tù còn ở mãi nơi ông. Đến khi có dịp, ông viết bằng nỗi đau của chính mình, bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương bằng hữu. Vì thế truyện của ông tạo được sự rung động bởi những chi tiết rất thật, rất cảm động. Có hai truyện ngắn để lại ấn tượng dài lâu nơi độc giả, đó là truyện Trong Hang (TXCBHQ, trang 69-96) và Những Đứa Trẻ Đầu Thai Giữa Hàng Rào (TTTTBTG, trang 77-94). 

Truyện ngắn Trong Hang viết về người tù trẻ, một thiếu niên mưới bảy tuổi, sống cùng một trại với những người tù già. Lý do đi tù của người thiếu niên rất đơn giản. “Ngày 30 tháng 4 các chú sĩ quan phe mình vứt bừa bãi súng ống ở trường học, cháu và lũ bạn nhặt … chơi” (Trang 70). Trẻ người nhưng không non dạ, người tù thiếu niên biết chia sẻ buồn vui, biết gánh vác những hoạn nạn trong tù với những người tù già. Cái “lớn” của người tù trẻ là sống ngay, sống thẳng trong những lúc cùng cực nhất. Trong khi đó, lẫn trong đám tù già có không ít những người tóc đã hai màu nhưng vẫn còn “non dạ”, những kẻ bán lương tri của mình để tìm những giây phút thoải mái nhất thời. Không chỉ một người tù trẻ này, mà còn có những người tù trẻ khác, trong đó có cả những “chiến sĩ diệt Mỹ”. Mỗi nhân vật là một cảnh sống. Mỗi mảnh đời tiêu biểu cho những dông gió từ những chiều hướng khác nhau. Nhiều nhân vật tạo nên cái đa dạng của một trại tù, mà nơi đó, lớn và nhỏ không còn nhìn vào tuổi tác; thấp và cao không thể đánh giá bằng màu tóc đen hay tóc muối tiêu. Khi ở những giây phút cơ cực nhất, bản chất con người biểu lộ rõ ràng nhất. Và hình ảnh người tù trẻ tuổi đứng trên bậc cao, trước những hỗn mang, dòm ngó, tị hiềm, nhỏ mọn không những của cán bộ trại tù mà của cả những người đang nằm trong rọ như anh. Anh còn cao hơn khi dứt khoát với người mẹ thân yêu của mình vì biết bà đã sống chung với một người khác chiến tuyến với ba mình.

“Hết mười lăm phút thăm gặp, người con đứng dậy đưa tay quệt ngang mắt, nói với mẹ:
-Mẹ về Nam bình an. Từ nay Mẹ đừng ra thăm con nữa.
Bà mẹ mếu máo:
-Tại sao? Con?
Người thanh niên nghiến răng, lát sau anh buông thõng:
-Con nói vậy, mẹ nghe rõ không? Mẹ có đến thăm, con cũng không ra gặp mẹ đâu!

Nói rồi anh ta cuối đầu lầm lũi đi về phía cổng trại giam. Mặc cho người mẹ than khóc, mặc cho người công an bảo anh ta nhận quà của “bố mẹ”, người thanh niên như không nghe, không thấy gì, anh bước những bước chân chập chờn trong một màn sương làm bằng nước mắt!” (TXCBHQ, trang 95-96)

Một sự thẳng thừng, quyết liệt ngay cả với người thân nhất. Một lằn ranh phân chia đen trắng rất rõ ràng từ một người tù trẻ tuổi. Một tấm gương rất xứng đáng cho một số người tù già trong trại, để họ có dịp mà gẫm lại mình. Ở đây, Thảo Trường đã dựng nên một hình ảnh đẹp, rất đẹp. Hình ảnh nổi bật lên từ những cảnh sống khốn cùng tạo nên những day dứt dài lâu nơi người đọc. Cũng trong hoàn cảnh khốn cùng, ông dựng được một truyện ngắn hay khác.
Truyện Những Đứa Trẻ Đầu Thai giữa Hàng Rào kể về cảnh sinh hoạt của những đứa trẻ tù, trong đó có một đứa mà mầm sống bắt đầu giữa những hàng rào kẽm gai. Tù nữ và nam ngăn cách. Làm sao chị ta có bầu? Cán bộ trại đau đầu vì chị, và họ tìm đủ mọi cách để phá cái thai trong bụng chị, bởi vì nhà nước nuôi chị còn chưa đủ thì làm sao mà nuôi cái thai trong bụng chị!
Anh gặp chị ngoài sân trại mấy lần. Nhìn. Cười. Cười lại. Nhìn lại. Thế là thân nhau… 

Một lần anh nói với chị:

-Anh thèm em quá. 

-Biết rồi. Ở đây ai cũng thiếu cũng thèm cả.

-Bây giờ làm sao?

Anh cầm đại bàn tay chị nhét vào giữa hai đùi mình mà kẹp mà nghiến răng mà day, chị nhẫn nại gỡ ra: 

-Tụi nó đang nhìn kìa.” (TTTTBTG, trang 53-54).

Thế rồi phải tính toán. Phải kỹ lưỡng. Phải đánh mạnh, đánh mau, rút lẹ, hoặc nói theo kiểu giang hồ thì kẻ nào bắn chậm phải chết. Anh và chị bị nhốt ở hai dãy nhà khác nhau, cách nhau một hàng rào kẽm gai, làm sao mà dâng hiến cho nhau. Làm sao để chị có được đứa con, sau khi đứa con duy nhất của chị bị tử hình. Chị vẫn thường suy nghĩ: làm sao phải có một đứa con để thay thế đứa đã mất.

“Thế rồi chị tính toán theo ý chị. Chị sẽ không mặc đồ lót. Chị sẽ mặc một cái quần mỏng mở chỉ ở dưới đáy. Cái quần cũng được luồn giây thung nhẹ. Chị thử kéo lên tuột xuống thấy nhẹ thì rất ưng ý. Chị cũng thử khom khom lưng và nghĩ làm sao cho anh được dễ dàng nhanh chóng, phải tạo điều kiện thuận tiện nhất cho anh ta hành sự. Thời gian không có nhiều. Tất cả chỉ trong nhấp nháy. Chớp mắt. Là phải xong…Lớ ngớ còn đang thập thò mà các anh bắt được thì tù …mọt gông. Chị cũng bàn trước với anh để về phần anh cũng phải chuẩn bị không để một cái gì cản trở, như “Mỹ họ lắp ráp phi thuyền trên vũ trụ” ấy…anh hiểu chưa, khổ quá! Phải tập cho thuộc để khi có dịp là bập liền nghe chưa anh yêu!” (TTTTBTG, trang 54)

Cảm động. Muốn có một đứa con, dù là đứa con trong tù phải tốn bao nhiêu công sức chuẩn bị, luyện tập. Ở đây, nó không còn là vấn đề sinh lý, mà nó nói lên cái uớc vọng thiêng liêng của người phụ nữ: phải có một đứa con, phải được làm mẹ. Thời gian không chờ đợi ai hết. Đợi ra khỏi tù thì e quá trễ, không còn kịp nữa. 

Ở đoạn này, có một chữ, Thảo Trường dùng rất là đắc địa: Bập. “…có dịp là bập liền nghe chưa…” Tại sao không là: làm, bụp, giải quyết .v.v…? Không một chữ nào có thể thay thế được chữ này. Chỉ có “bập” mới tạo được chất sống cho câu văn. Chỉ có bập, mới lột tả đúng giọng điệu giang hồ. Thay thế một chữ khác vào câu nói này, câu văn sẽ hỏng bét. Thảo Trường sống với đời và chịu sương gió với người, nên ông dùng chữ như họ, và nói như họ. Chữ nghĩa tạo cho câu văn sức sống. Thổi luồng sinh khí trong câu văn là tạo nên sự gần gũi với người đọc. Đây là một trong những thành công của Thảo Trường.

Rồi sao?

“Có lần chiều sắp tối, trời lại lất phất mưa, chị tình nguyện đi lãnh cơm cho đội. Từ bên khu A theo dõi anh thấy và cũng mặc áo mưa đi xuống bếp trại. Khi trở về hai người ôm hai xoong cơm, liếc nhìn không thấy thi đua trật tự đâu, đến một chỗ hàng rào khu, kẽm gai đơn thưa thớt mấy sợi, chị bèn đứng lại khum lưng xuống, chổng mông sang phía anh, xoong cơm của đội chị vẫn ôm nơi bụng, từ bên kia những sợi kẽm gai, anh luồn tay sang níu hai bên hông chị ghì tới… Chị nghe có tia nước ấm áp phóng sang và chị cảm thấy thành công và thắng lợi. Hai tay anh buông lỏng ra, chị còn nghe tiếng anh thở hổn hển, chị đứng thẳng người lên, vẫn ôm xoong cơm của đội nơi bụng, chị liếc nhìn sang anh, miệng cười như mếu rồi bước vội về buồng giam của mình. Anh cũng lật đật cài áo mưa lại, cầm cái xoong cơm treo trên cột hàng rào rồi cũng quay bước về phòng mình. Hai người hai hướng câm lặng xót xa. Đứa con được tạo thành trong những cơn mê mẫn ấy.” (TTTGBTG, trang 55)

Một tấm ảnh khó kiếm! Đây là cơ hội một đi không trở lại của nhà nhiếp ảnh. Không bao giờ có thể chụp lại được một hình ảnh như thế này, lần thứ hai. Ngoài sự tinh tế, Thảo Trường còn đưa độc giả đến nổi khát vọng của con người: được sống như người bình thường, được yêu như người bình thường trong một xã hội bình thường. Vượt lên trên nỗi nhớ nhung xác thịt; vượt lên trên cái gò bó của đời sống trong tù, bản văn soi sáng tình mẫu tử chan hòa và ước vọng thiêng liêng của người phụ nữ. Họ sống cho tương lai, và vì tương lai, dù rằng hiện tại là một chuỗi ngày ảm đạm.

Có thể nói: khi nhắc đến Thảo Trường, người đọc nghĩ ngay đến Những Đứa Trẻ Đầu Thai Giữa Hàng Rào.

Từ Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai đến Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả, người đọc thấy những nét khác biệt trong văn phong của Thảo trường. Viết về chiến tranh, viết về những hoạt cảnh cười ra nước mắt trong tù, viết về cuộc sống sau 1975 trong nước, ông tạo cho mình một giọng văn đầy lôi cuốn. Những chi tiết trong truyện có lúc sắc xảo, có khi trần trụi, thô nhám. Chính những điều này làm nên những góc cạnh đặc biệt. Trong khi đó, viết những truyện ngắn mà bối cảnh được dựng nên từ nơi ông đang cư ngụ, tại Mỹ, truyện chưa tạo được những hấp lực lớn. Ý truyện nhiều lúc cứ làng nhàng, hình ảnh có khi cứ nhoè nhòe. Những chi tiết làm nên những truyện ngắn này không mang những sắc thái đặc biệt. Lòng ông còn động chăng? Có thể. Nhưng theo chân từng trang sách của ông, người đọc bắt gặp một điều: có lẽ ông “cố rán” quá. Ông muốn bức khỏi những suy nghĩ cũ, những ám ảnh xưa, để viết về cuộc sống hiện thời. Khi tự tạo cho mình một áp lực quá nặng; khi phải gồng mình, chữ nghĩa không còn nhẹ nhàng như nước chảy, như mây trôi để tạo nên những bản văn đẹp.

Tuy vậy, dù “cố rán” cách nào đi nữa, đang viết về hiện tại, ông cũng quẹo về quá khứ chiến tranh như các truyện ngắn Trong Bếp, Trong Hẽm, chẳng hạn. Điều này cho thấy: ám ảnh của chiến tranh và tù tội lúc nào cũng bủa vây ông, đó cũng là lý do mà đôi lúc ông không kềm được lòng mình, để ngòi bút trôi theo những cơn giận dữ. Vì thế, chữ nghĩa có khi mang những nét hằn học.

“Bây giờ không phải là thời hồng hoang. Bây giờ, trong lúc tôi nằm đây, nhìn lên trần nhà, đang là thời kỳ mà những kẻ cầm quyền chỉ là những tên in tiền giả, những tên đánh bạc bịp, những tên buôn lậu có chủ nghĩa, có cương lĩnh. Thời kỳ này ở đây xác cáo cũng được đem ướp thuốc trưng bày lừa bịp làm xác thánh. Thời kỳ này ra đường tôi không biết đi hướng nào và đi về đâu. Thành phố đầy rẫy những quán nước nhà thổ, đảng viên và ăn mày.” (TTTTBTG, trang 35-36)

Ở một truyện khác, ông viết:

“Bao nhiêu thanh niên nước ta cơ thể còi cọt còm cõi vì củ sắn chiến lược không thấy sao mà còn ngoác miệng ra nói lấy lòng lấy điểm vói chúng nó. Nịnh cộng sản thì được cái cứt chó gì hả quý vị, sợ chết thì chuồn mẹ nó ra nước ngoài mà sống, nói năng lăng nhăng thử hỏi bây giờ rồi cũng xuôi tay, có được chúng nó cho thêm củ sắn nào nữa không?” (TTTTBTG, trang 69)

Khi lòng dấy động, chữ nghĩa dễ dàng vuột khỏi tầm kiểm soát của nhà văn. Tuy nhiên, đòi hỏi một người vừa bước ra từ vùng đất chết, với bao năm tháng đọa đày, mà quên hết mọi thứ trong quá khứ, xóa sạch mọi ám ảnh bủa vây, là một điều khó có thể thực hiện.

Bước chuyển tiếp từ truyện ngắn sang truyện vừa, mở ra một lối nhìn khác trong vùng chữ nghĩa của Thảo Trường. Truyện vừa Đá Mục mang nhiều nỗi niềm của một người lính sau hai mươi năm nhìn lại. Thảo Trường đưa vào rất nhiều nhân vật phụ. Mỗi người một nét vẽ riêng, và họ nổi bật trong bầu không khí họ đang hít thở. Cái sắc nét của những nhân vật phụ làm mờ đi phần nào hình ảnh của nhân vật chính. Ở Đá Mục ông sử dụng kỷ thuật flashback như điện ảnh. Đứng trong bối cảnh hiện tại, thoạt một cái, ông nhảy về quá khứ của những năm đầu thập niên 60. Nhưng quá khứ không đứng lại ở thành phố, mà là núi rừng hoang dã, lại là núi rừng của vùng ba biên giới, nơi phản ảnh cuộc sống mộc mạc đôn hậu của người miền núi. Rồi ông bước qua tình chiến hữu đậm đà và xuôi đến cùng những món ăn chơi của người lính. Ông đi sâu vô tháng ngày tù tội, rồi ngược trở về với thực tại, hiện tại của một ông lão đang trong mùa nghỉ hè với vợ và cháu gái. Liền sau đó, ông quay lui về những ngày tháng cũ sau 1975. Ông dựng những cảnh sống của những người dân miền Bắc và những suy nghĩ của họ về chính quyền đương thời; những nhà trí thức miền Nam hợp tác với chính quyền cộng sản; đến cái tình của những người bạn cũ gặp nhau trên đất Mỹ. Chi tiết truyện di chuyển nhanh. Chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác thật gấp. Nhưng điều quan trọng không nằm chỗ đó, mà chính là ở điểm gãy gọn và mượt mà của giọng văn. Nói rõ hơn, ông viết nhẹ nhàng, giọng văn uyển chuyển, lôi kéo người đọc. Ông không hô phong, hoán vũ, nhưng muốn biến là biến, muốn chuyển cảnh là chuyển cảnh, nhanh chóng, gọn gàng. Nếu truyện này có cơ hội dựng thành phim, chắc chắn sẽ là một phim không những đẹp ở chi tiết, mà còn đẹp ở tổng thể: Tình người.

Vâng, tình người. Giữa những dòng chữ, người đọc bắt gặp tình người trên từng trang sách. Có những chỗ, người đối với người chẳng khác nào như thú vật. Nhưng cũng chính ở điều này mới bật lên cái thắm thiết của người máu đỏ da vàng đối với nhau ở những đoạn khác, như giai đoạn trong tù, chẳng hạn. Thử xem một cảnh sống đầy tình người của ông trong trại tù.

“Buổi sáng chủ nhật ông phải nộp ba bó củi thật nặng cho bếp trại. Khi vác đến bó thứ ba lết từ bìa rừng về đến bếp thì ông kiệt sức, hai mắt hoa lên, đầu nóng bừng bừng, thả bó củi xuống thì người ông cũng rớt xuống theo. Mấy phút sau ông mới lết được đến bên chảo nước uống xin múc một ca. Ca nước âm ấm làm cho ông dần dần tỉnh lại. Ông đứng dựa vào cột nhà bếp để thở. (…) Đang đứng nhắm mắt để dưỡng thần thì bị một anh nhà bếp kéo ra bắt phụ với anh ta xếp lại đống củi cho gọn. Chưa kịp cãi thì nghe anh ta nói nhỏ: “Hai củ sắn giấu trong lá chuối dưới khúc củi bọng, vờ xếp củi rồi lấy giấu trong lưng quần đem về buồng mà ăn.” Vừa nói anh ta vừa bê những khúc củi ném chồng chất lên đống cao.” (Đá Mục, trang 54)

Bên này hay bên kia lúc nào cũng có những con tim nồng ấm. Nó tùy thuộc vào vị trí đứng của người trong cuộc và vị trí người xem. Nhưng tựu chung, giai đoạn sau 1975 là giai đoạn đổ vỡ, vỡ tung ra từng mảnh nhỏ của tình người. Ông nhìn quá khứ một giai đoạn đã qua mà đau lòng. Vì quá đau lòng nên ông cố nhìn về phía trước. Nhìn về phía trước, và ông hiểu. Đường về phía trước bao la, nhưng sức mình có hạn, như một cây cung. “Bây giờ cây cung vẫn còn đó nhưng túi tên đã trống rỗng. Cây cung nằm đó đơn độc như những cỗ đại bác không đạn, như những chiến xa không xăng, như những máy bay phản lực thiếu cơ phận rời thay thế…” (Đá Mục, trang 98). Hiểu được sức mình, nên ông kỳ vọng ở tương lai.

Tương lai? Không phải ngẫu nhiên mà Thảo Trường mở đầu truyện vừa Đá Mục với hình ảnh hai bà cháu đi jetski trên sông rộng. Thả lòng mình hòa với sóng nước, với thiên nhiên, trong khi ông lão, nhân vật chính, lại đứng bên ngoài. Chọn hình ảnh này là ông dựng một sợi dây nối kết giữa quá khứ và tương lai. Bà, thế hệ thứ nhất, quá khứ. Cháu, thế hệ thứ ba, tương lai. Đường mở về tương lai là con sông rộng ngút ngàn nằm giữa ba tiểu bang. Vận tốc đi về tương lai là vận tốc của jetski. Sự khắn khít của quá khứ và tương lai qua hình ảnh một bà, một cháu rất đẹp. Còn hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh này sau những lớp sóng phế hưng của thời thế? Ông lão, nhân vật chính, người mang những vết hằn của một thời biến động, đứng bên lề nhìn về phía trước. Với hình ảnh này, Thảo Trường đã tự gạt những hỗn mang của một giai đoạn, những vết tích đau buồn sau một cuộc bể dâu sang một bên. Và đây là trái tim của người dựng truyện. 

Có thể nói rằng: Đá Mục là một tổng thể hòa hợp giữa quá khứ và tương lai. Giữa cũ và mới, giữa đã qua và bắt đầu. Đóng tập sách lại, những hình ảnh sắc xảo còn gần gũi bên cạnh, và nhất là những ước vọng đẹp của một nhân chứng sống, trong một giai đoạn khắc nghiệt của lịch sử, còn in đậm những đường nét rõ ràng. 

Có một điều cũng nên nói ở đây. Thảo Trường thường dùng mục “nhắn tin” sau mỗi truyện ngắn. Mục này của ông cũng khác người lắm. Dù là thòng hai chữ “nhắn tin”, nhưng kỳ thực là không nhắn cho riêng ai cả, mà là muốn gởi gắm đến độc giả trước khi dấu chấm hết hạ xuống. Như truyện ngắn Người đàn bà mang thai trên kinh đồng tháp, viết trước sạu hoặc trong những truyện ngắn khác của ông viết tại hải ngoại như: Khẩu Hiệu, Truyện Hai Pho Tượng.

Chính ở phần nhắn tin này, người đọc bắt gặp điều ông muốn gởi gắm đến độc giả khá lộ liễu. Nó không còn nằm giữa những dòng chữ. Một khi sự gởi gắm của nhà văn lộ liễu quá, bản văn không còn mang nét đẹp tiềm ẩn của nghệ thuật. Bởi cái đẹp không phải lúc nào cũng nằm lồ lộ trước mắt người thưởng ngoạn. Tuy nhiên, đây cũng là nét riêng của Thảo Trường mà người đọc rất hiếm hoi thấy ở những nhà văn khác.

Qua ba tác phẩm viết tại hải ngoại, người đọc nhìn thấy Thảo Trường bắt đầu trở lại một sức sáng tác mạnh như thời trước 1975. Ở ông, khi cần tẩn mẩn, chi li, ông đi đến chi tiết rạch ròi nhất, nhỏ nhoi nhất. Khi cần chuyển đổi hình ảnh, ông thay nhanh và gọn. Tuy vậy, trong nhiều truyện ngắn, ông chưa tạo được những mẩu nhân vật sắc nét đến độ khi đọc xong, nhân vật cứ ám ảnh người đọc. Thêm nữa, ông hơi … tham lam trong lúc dàn dựng truyện ngắn. Trước và sau, ông vẫn khẳng định: “Viết truyện ngắn là dùng kích thước nhỏ để dựng vấn đề có khi rất lớn. (…) Tôi vẫn có tham vọng làm sao 'nhét' cả một cuộc chiến tranh vào trong một truyện ngắn, làm sao đưa cả một thời đại mình đang sống vào trong một truyện ngắn.” Chính ở điều này, người đọc bắt gặp rất nhiều chi tiết, đầy ắp những sự kiện, mà lẽ ra không nên có, trong một số truyện ngắn. Và cũng chính ở điều này, người đọc cũng rất hiếm hoi thấy ông đi vào từng ngõ ngách nội tâm của nhân vật. 

Đưa cả một cuộc chiến vào trong một truyện ngắn, nó đòi hỏi nhà văn không chỉ xây dựng cốt truyện hết sức chặc chẽ, mà còn có một vốn liếng bề thế trong ngôn từ. Xa hơn, nhà văn phải tung tẩy trong chữ nghĩa, phải đẩy được ngòi bút của mình đến những vùng đất lạ trong lúc xây dựng hình ảnh, nhân vật hay đối thoại. Qua hai tập truyện ngắn, nhà văn Thảo Trường chưa thành công như ý muốn của ông: nhốt cả cuộc chiến vào trong một truyện ngắn. Tuy nhiên, thể loại truyện vừa đã mở cho ông những chiều kích mới, mà ở đây, ông mới sử dụng hết những ngón nghề của mình để tạo nên một tác phẩm đẹp như Đá Mục. Đây cũng là tác phẩm đẹp nhất trong ba tập truyện. Có lẽ nó chuyên chở hết những suy nghĩ của ông, những ước vọng của một người gánh trên lưng mười bảy năm lính, mười bảy năm tù. 

Nếu Thảo Trường giữ một nhịp độ, một phong độ, một sự chọn lựa hình ảnh kỷ càng và một tấm lòng như ở Đá Mục, thì không những tầm xa cũ bắn hiệu quả, mà tầm xa mới còn bắn hiệu quả hơn. 

Đoàn Nhã Văn 

[Trích Thư Viện Việt Nam online]















Đọc truyện Thảo Trường 





Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp


Con kinh thẳng tắp dài hun-hút kéo từ Gẫy Cờ Đen đến quận lỵ Mỹ An, nhìn trên bản đồ nó èo ọt như một chiếc que đan. Hai bên bờ kinh cây cối um-tùm, ngả nghiêng che phủ gần kín hết ánh sáng của mặt trời chiếu xuống mặt nước. Kinh rộng độ mười thước, nước đục lờ đờ,vài cây bèo cam phận hẻo lánh. Nhà cửa rải rác ẩn hiện dưới những tàng cây. Rất nhiều những con lạch nhỏ ăn thông từ cánh đồng ra lòng kinh. Đường mòn đã chật chội lại khúc khuỷu bởi những cây cầu khỉ bắc ngang những con lạch đó. Nhà chị Tư ở khoảng giữa con kinh, gần bến đò, cuối đường đi vào Tháp. Chị Tư sống và lớn lên ở đây. Ngoài thời gian mấy tháng phải về binh vận tại chợ quận, chị Tư không hề biết đến đời sống rộng

lớn của cái thế giới này. Con kinh đã cô lập chị trong những kỷ niệm chật chội. Thật vậy, chị Tư chưa đi xa hơn đầu con kinh, chị Tư chưa đi quá chợ quận. Chồng chị tập kết từ mười năm nay không về. Thỉnh thoảng chị cũng nhận được thư của anh do những người cán bộ chuyển từ ngoài Bắc vào. Thư nào chồng chị cũng nói là khoẻ mạnh, vì bận công tác nên chưa về được. Vợ chồng chị lấy nhau được chừng nửa năm thì anh Tư đi theo bộ đội tập kết. Chị Tư ở lại với bà mẹ chồng quanh quẩn, mòn mỏi. Bà mẹ anh Tư đã chết cách đây hai năm với một niềm ân hận là không được gặp mặt lại đứa con trai duy nhất của bà. Chị Tư từ đó chỉ còn một mình trong căn nhà vắng vẻ. Vào những buổi chiều chị ra ngồi ở bờ tre sau nhà, nhìn ra cánh đồng trống mênh mông, nghĩ tới anh Tư. Những lúc đó niềm cô đơn trong lòng chị nhức nhối nát ruột nát gan và chị ứa nước mắt cho số phận. Hồi anh Tư mới đi tập kết, mẹ con chị sống côi cút với những hy vọng từng năm, từng năm, đợi ngày anh Tư trở lại. Anh Tư chưa bao giờ trở lại nhưng có những đồng chí của anh trở lại. Lúc đầu họ còn ẩn hiện trong xóm, dần dần họ đi lại công khai, và tầm hoạt động của những người dân vệ trong đồn bến đò càng ngày càng thu hẹp lại. Đến một đêm súng nổ ran và lửa cháy thiêu trụi tất cả đồn đó. Ngày hôm sau máy bay đến oanh tạc dọc theo bờ kinh làm cho những cây cối vốn đã khẳng khiu lại càng khẳng khiu vì bị những lằn đạn làm ngã gục. Rồi thôi... Những anh cán bộ vẫn tiếp tục chuyền từ nhà nọ sang nhà kia, hết rỉ tai từng người lại tập trung cả xóm học tập. Chị Tư biết đến những tiếng Tự do, Dân chủ, Độc lập, Hạnh phúc, Căm thù, Đả đảo... và nhiều tiếng nữa. Nhưng rồi chừng hơn một năm sau quân đội đến. Những anh cán bộ liền vắng mặt. Mẹ con chị Tư lại được biết thêm một số tiếng lạ nữa. Chị đi làm Ấp chiến lược, chị học tập chính trị "tam túc", "tam giác" trong vòng đai kẽm gai và bờ đất. Đồn dân vệ được xây cất lại với bộ mặt mới. Yên được một dạo. Nhưng rồi những anh cán bộ lại ẩn hiện, lại mò mẫm rỉ tai trong đêm tối. Rồi đồn dân vệ lại nổ súng và cháy trụi. Ấp chiến lược thành ấp chiến đấu. Mấy anh cán bộ lại học tập. Mẹ anh Tư chết vào thời kỳ này và không biết bà chết vì bệnh gì. Chị Tư lúc này đã trở nên một người biết tới hai chủ nghĩa, cộng-sản và nhân vị. Chị có thể nói rất trôi chảy về những chủ nghĩa đó vì chị đã được nghe quá nhiều lần. Rồi một hôm chị đươc đề cử đi binh vận tại chợ quận. Lúc đầu chị nhất định không chịu đi làm công tác đó, nhưng sau chị nhận được một lá thư do một anh cán bộ chuyển tới nói là của anh Tư ở ngoài kia gửi vào. Thư anh Tư khuyên chị nên hăng hái đi công tác binh vận theo chỉ dẫn của các đồng chí cán bộ. Chị Tư khăn gói lên chợ quận ở cùng với một cán bộ giả dạng làm em trai. Chị mở một quán cháo và từ cái quán cháo đó chị quen với một anh binh sĩ truyền tin trong quận. Chú em trai của chị cũng trở thành một anh dân vệ trong quận.Thời gian này chị Tư quên đi mất hình ảnh anh Tư, vì chị Tư đã được sống lại những cảm giác khoái lạc đến hỗn độn với anh binh sĩ truyền tin và "chú" em trai cán bộ. Chị dãy dụa trong những niềm hoan lạc tràn ngập đó. Một hôm, cái thai trong bụng chị máy động. Cái máy động thứ nhất làm chị bàng hoàng. Chị tự hỏi "nó" là của ai? Của anh cán bộ hay anh binh sĩ truyền tin? Chị thẫn thờ cả người và chị muốn rời ngay cái chốn đó. Chị tự hỏi của ai? Chị muốn biết của ai ? Cái thai của ai cũng được nhưng chị phải biết chắc là của người nào. Lúc này chị lại nghĩ tới anh Tư dữ dội. Và chị Tư bỏ dở công tác binh vận. Chị trở về căn nhà xiêu vẹo ở ven bờ kinh. Chị khóc ròng vì không biết cái thai của ai. Chị khóc ròng vì anh Tư đi mãi không về. Lúc đó chị mới nghiệm ra rằng trong những lúc chị quằn quại khoái lạc với anh cán bộ hay với anh binh sĩ truyền tin, chị không nghĩ tới anh Tư nhưng đó là những lúc chị sống lại, tìm thấy cái cảm giác mười năm về trước. Chị tìm thấy mà chị không biết là thấy. Anh cán bộ cũng đào ngũ dân vệ, trở về xóm với chị. Anh hằn học với chị, anh mắng nhiếc chị đã làm hỏng kế hoạch của anh. Anh hành hạ chị ngay cả những lúc anh ngủ với chị. Cái thai mỗi ngày một đập mạnh và bụng chị Tư lớn dần lên. Một hôm chị hỏi anh cán bộ cái thai trong bụng chị là con của ai, anh ta bảo là con của Đảng.

Trong phong trào thi đua đặt chông bẫy diệt Mỹ phòng thủ xóm, anh cán bộ giao cho chị Tư một quả lựu đạn, bảo chị phải kẻ một khẩu hiệu "Đả đảo Đế quốc Mỹ" mắc lên một thân cây và gài trái lựu đạn vào sau tấm biểu ngữ làm bẫy. Anh còn làm cho chị xem, rồi tháo ra để chị tự làm lấy. Anh lý luận rằng phải chính chị tự tay làm lấy để cho hành động thấm nhuần tư tưởng! Chị Tư ì ạch kẻ khẩu hiệu "Đả đảo Đế quốc Mỹ" trên một tấm ván gỗ. Chị Tư ì ạch vác thang ra gốc cây trước cửa nhà. Chị Tư ì ạch mang cái bụng chửa lên thang. Chị Tư ì ạch đóng đinh tấm bảng vào thân cây và buộc quả lựu đạn nơi phía sau tấm bảng. Chị Tư ì ạch cột sợi giây oan nghiệt từ chốt lựu đạn sang một cành cây, trước cặp mắt khuyến khích của anh cán bộ đứng dưới. Mồ hôi chị Tư vã ra ướt đẫm cả quần áo. Chị tuột xuống thang trở vào nhà thay quần áo khác rồi trở ra ngồi ở bậc cửa nhìn lên tấm bảng khẩu hiệu "Đả đảo Đế-quốc Mỹ". Anh cán bộ mang hộ chị chiếc thang vào sau nhà, xong cũng ra ngồi kề bên chị. Chị Tư ứa nước mắt nhìn tấm bảng, nhìn anh ta, rồi chị giắt anh ta vào giường. Chị Tư đè ngửa anh cán bộ xuống rồi chị khóc nấc lên thành tiếng: "Tôi đây, tôi là của anh, nhà của tôi là của anh, cái bào thai này cũng là của anh. Nó phải là của anh!" Anh cán bộ ú ớ dưới ngực chị: "Nó là của Đảng! Tất cả là của Đảng!"

Cuộc hành quân đến xóm đó thì dừng lại. Người sĩ quan chỉ huy bước vào nhà chị Tư. Anh cán bộ không còn ở đó. Chị Tư ngồi ôm bụng trên chiếc chõng tre nhìn người sĩ quan. Người sĩ quan quan sát khắp gian nhà. Bên ngoài toán lính đang xục xạo tìm kiếm. Một anh vào báo cáo với người sĩ quan, cuộc tìm kiếm không có gì khả nghi ngoại trừ cái khẩu hiệu "Đả đảo Đế quốc Mỹ". Người sĩ quan ra lệnh không ai được đụng tới tấm bảng. Mới lúc nãy hai người đồng đội của họ chết vì vô ý giật một tấm khẩu hiệu trên cây xuống và đã bị lựu đạn nổ tan xác.

Người sĩ quan bước ra dưới gốc cây ngước lên quan sát rồi trở vào hỏi chị Tư "Ai gài tấm biểu ngữ Đả đảo Đế quốc Mỹ ngoài kia?" Chị Tư nói "Tôi gài". Người sĩ quan nói "Ra gỡ xuống". Chị Tư nói "Lậy cậu, nổ chết tôi". Người sĩ quan lại hỏi "Chồng chị đâu?" Chị Tư trả lời "Mất tích mười năm nay rồi". Sĩ quan nói "Tập kết hả?" Chị Tư gật đầu và y quát chị ra gỡ tấm khẩu hiệu xuống. "Chị làm chị chịu ai bảo cài lên". Chị Tư vẫn ngồi ì ra. Người sĩ quan rút súng lên đạn. Chị Tư hoảng sợ ôm bụng ì ạch đứng dậy. Chị Tư ì ạch với cây gậy dựa nơi góc nhà. Chị Tư ì ạch bước ra gốc cây. Chị Tư ì ạch giơ gậy lên giáng thật mạnh vào tấm bảng khẩu kiệu "Đả đảo Đế quốc Mỹ." Và trái lựu đạn văng xuống. Chị Tư hốt hoảng vứt gậy bỏ chạy. Toán lính nằm rạp cả xuống. Nhưng trái lựu đạn không nổ. Chị Tư ngã sấp mặt xuống trước cửa nhà. Nước mắt chị trào ra. Ngất đi...

Chị Tư bị động thai. Người sĩ quan bế chị vào nhà đặt nằm trên giường săn sóc cho chị. Suốt đêm đó chị Tư bị hâm hấp sốt, thỉnh thoảng chuyển bụng. Người sĩ quan đứng cúi đầu bên giường chị. Chiếc đèn dầu lập loè chiếu bóng anh ta hắt lên vách méo mó. Gần sáng chị Tư sinh một đứa con trai thiếu tháng. Người sĩ quan đỡ đẻ cho chị, anh ta làm công việc đó rất chăm chỉ. Đứa bé khỏe mạnh khóc lên những tiếng làm cho anh ta vui ra mặt. Hắn luôn luôn sờ trán chị Tư. Chị đã tỉnh và mỉm cười với hắn. Hắn cười lại... Sáng hôm sau y sĩ đơn vị đóng cách đấy hơn cây số được mời tới săn sóc cho mẹ con chị Tư. Mấy hôm sau, người sĩ quan đến hội đồng xã, mới đưọc thành lập lại một lần nữa tại đồn dân vệ bến đò, làm khai sinh cho đưá bé. Hỏi cha nó đâu chị Tư lắc đầu trả lời không có, nên người sĩ quan bèn khai cho nó mang họ của ông ta. Lúc trở về căn nhà chị Tư, người sĩ quan lại sờ trán chị Tư, sờ trán đứa nhỏ và nói với mẹ con chị rằng có lẽ anh ta cũng đã có nhiều con nhưng không biết chúng ở đâu và chưa hề khai sinh cho đứa nào. Bèn khai sinh cho đứa nhỏ này mang dòng họ của mình.

°

NHẮN-TIN: Nhắn cậu nhỏ mang dòng họ cùng với tôi, hai mươi năm nữa, cậu khôn lớn (lời nhắn tin này chỉ gửi đến cậu khi cậu đã trên hai mươi tuổi), lúc đó tôi không biết cậu sống trong hoàn cảnh nào, trong một xã hội nào. Cậu cho tôi xin cậu một điều là, trước khi cậu hành động, trước khi tranh đấu, trước khi cách mạng, trước khi biểu tình, trước khi đảo chánh, trước khi lật đổ, trước khi hành quân, trước khi thuyết pháp, trước khi cầu nguyện, trước khi hội thảo, trước khi thụt két, trước khi hành lạc, trước khi đập phá, trước khi hy sinh... nghĩa là trước khi quyết định làm một việc gì, xin cậu... chỉ xin cậu hãy nghĩ đến người đàn bà mang thai khốn khổ, hãy nghĩ tới những người mẹ bị rất nhiều chủ nghĩa với những danh từ hoa mỹ hành hạ. Xin cậu hãy nghĩ tới cái hình ảnh đó, tôi cầu xin cậu như thế, vì tôi chính là tên sĩ quan đã hành hạ mẹ cậu, đã đỡ đẻ cho mẹ cậu sau khi các đồng đội của tôi chết vì những thứ khẩu hiệu như cái khẩu hiệu "Đả đảo Đế quốc Mỹ " ấy.

Saigon.VN. 27.11.1964



 





















Thảo Trường
Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục


Từ ngã ba đi vào, cảnh tàn phá vì trận đánh lan rộng đến những con lạch nhỏ. Trước ngày Tết, đi qua khu phố này người ta chỉ nhìn thấy những dẫy nhà hai bên đường với những cửa tiệm buôn bán tấp nập. Sau trận đánh dẫy nhà bị cháy trơ trụi, những bức tường đổ nát lỗ chỗ những vết đạn, những mái tôn cháy đen xạm cong queo trên đống than. Một vài chiếc xe chỉ còn trơ lại cái khung đen thui. Người đi qua con đường này bây giờ có thể phóng tầm mắt nhìn thấy những cây dừa nước hai bên bờ những con rạch nhỏ. Những cây dừa nước vài chỗ cũng bị cháy nám. Xa hơn nữa, người ta có thể nhìn thấy cánh đồng mênh mông miền ngoại ô thành phố.

Qua khu cháy vào bên trong, xóm nhà may mắn thoát được ngọn lửa thì cũng bị những vết đạn phá vỡ lỗ chỗ. Những tấm bảng hiệu bị dùi nhiều lỗ, chênh vênh treo trên những cây sắt, gió thổi lắc lư, như còn cố bám víu cho khỏi bị rơi.

Nhà của gia đình bé Thục ở khu còn lại đó. Bé Thục đang cầm một cây đinh loay hoay xoi một lỗ đạn trên tường nhà.Thục hì hục nhẫn nại moi cái đầu đạn nằm trong đó. Thục đã mất cả giờ nhưng mới chỉ nhìn thấy cái đuôi viên đạn đồng đỏ lòm. Mồ hôi vã ra hai bên má. Thục quì gối tiếp tục xoi. Thỉnh thoảng mỏi tay Thục lại bỏ cái đinh trên vỉa hè rồi vẫy vẫy hai tay cho đỡ mỏi. Thục ngồi nghỉ rồi lại tiếp tục.

Một người lính đi tới đi lui. Anh ta thuộc đơn vị trấn thủ khu này. Anh ta chú ý đến Thục và thả bước đến trước cửa nhà Thục. Người lính đeo khẩu súng lên vai rồi đứng tì tay vào hàng dậu gỗ nhìn Thục làm việc. Thục vẫn hăng say mải miết cầm cái đinh xoi lỗ đạn.

Chợt Thục vùng đứng lên ném mạnh cây đinh ra góc sân. Thục nhìn thấy người lính rồi đưa mắt nhìn theo hướng tiếng leng keng của chiếc đinh va xuống nền xi măng. Thục nhìn lại người lính. Anh ta nhe răng cười Thục. Thục phì cười, hai tay quệt mồ hôi trên trán. Người lính hỏi:

- Em làm gì thế?

Thục chỉ lỗ đạn:

- Tôi moi cái đầu đạn trong đó để làm kỷ niệm.

Người lính hỏi:

- Làm kỷ niệm, em cũng thích kỷ niệm?

Thục gật đầu:

- Tôi cần một đầu đạn giữ chơi. Mẹ tôi cũng có một đầu đạn như thế. Mẹ tôi cất trong sắc tay.

Người lính nói:

- Tôi có đạn đây, em thích tôi sẽ tháo cái đầu đồng ra cho em một viên.

Thục lắc đầu:

- Tôi muốn moi lấy cái đầu đạn từ trong lỗ kia. Tôi không thích cái đầu đạn chú tháo ra. Đầu đạn kia đã bắn vào nhà tôi. Chú biết cái đầu đạn của mẹ tôi lấy ở đâu ra không?

Người lính lắc đầu, Thục khoe:

- Cái đầu đạn của mẹ tôi lấy từ ngực ba tôi.

Người lính ngạc nhiên:

- Từ ngực ba em? Ba em ở đâu rồi?

Thục ngồi xuống bờ hè:

- Ba tôi chết rồi. Ba tôi là quận trưởng, ba tôi là đại úy chú là gì uý ?

Người lính cười:

- Anh là lính.

- Chú là lính trơn à?

Người lính lại cười gật đầu. Thục ngồi nghĩ rồi kể tiếp:

- Ba tôi đi đánh giặc bị thương nơi ngực đưa về bệnh viện thì ba tôi chết. Nhà thường người ta gửi cho mẹ tôi cái đầu đạn lấy từ ngực ba tôi. Mẹ tôi gói nó cất trong sắc tay và nói "để làm kỷ niệm".

Người lính như chợt hiểu, gật gù:

- Và bây giờ em cũng muốn moi cái đầu đạn trên tường kia làm... kỷ niệm?

Bé Thục gật đầu:

- Tôi chưa có chồng nên chồng tôi chưa chết. Tôi lấy viên đạn người ta bắn vào nhà tôi để cất đi làm kỷ niệm. Chú... bắn chết nhiều người chưa ?

Người lính nhìn chằm chằm vào bé Thục rồi vung cánh tay lên trời phác một cử chỉ bâng quơ:

- Nhiều.

Bé Thục nói một mình:

- Như vậy chắc nhiều người có đầu đạn kỷ niệm, cứ gì mẹ tôi.

Người lính kéo ống quần lên đến đầu gối rồi chỉ một vết sẹo nơi chân cho Thục. Thục nghiêng đầu nhìn qua khe hai thanh gỗ hàng dậu xem vết sẹo của người lính.

Thục hỏi:

- Chú cũng bị đạn?

Người lính gật đầu giơ hai ngón tay. Thục hỏi:

- Hai lần?

Người lính gật đầu lần nữa. Thục lại hỏi:

- Đâu?

Người lính cởi khuy áo ngực, vạch một bên cho Thục xem một vết sẹo trên vai.

Thục lè lưỡi:

- Ba tôi bị có một viên đạn mà chết. Chú bị hai viên đạn sao chú không chết?

Người lính lắc đầu:

- Tôi không biết.

Thục chống hai khuỷu tay lên đầu gối, cằm tì trên bàn tay yên lặng. Một lát Thục hỏi:

- Viên đạn kỷ niệm của chú đâu?

Người lính lắc đầu:

- Tôi không có giữ. Tôi vứt đi rồi.

Thục ngạc nhiên:

- Sao chú lại vứt đi. Chú không thích kỷ niệm sao?

Người lính gật đầu:

- Tôi không thích. Đầu đạn bị vấy máu bẩn lắm, giữ làm gì.

Thục lại yên lặng. Thục nhìn người lính từ đầu đến chân.

Người lính cười. Thục chợt hỏi:

- Ai bắn chú ?

Người lính trả lời:

- Đứa mà tôi tìm bắn nó.

Thục như chiều suy nghĩ rồi hỏi:

- Địch quân ấy hả ?

Người lính lại cười, gật đầu, rồi hỏi:

- Tôi vào ngồi nói chuyện với em được không?

Thục đứng lên ra mở chốt cánh cổng:

- Được chứ. Ai cũng vào nhà tôi được. Hôm đánh nhau ở đây có hai người bộ đội cũng vào nhà tôi. Họ mở cửa vào tự nhiên và bảo mẹ tôi dọn cơm cho họ ăn. Họ có hỏi tôi đâu. Sao chú lại phải hỏi tôi?

Người lính mở cánh cổng gỗ bước vào sân, anh ta đi bên Thục đến chỗ bờ hè. Ngồi xuống cạnh Thục, anh ta nói:

- Có lẽ tại tôi thương em.

Thục trề môi:

- Không phải. Chỉ có mẹ tôi thương tôi mà thôi. Chắc chú là người lịch sự. Ở trường cô giáo bảo tôi thế.

Người lính gật đầu:

- Chắc vậy. Em học lớp mấy?

Thục giơ bốn ngón tay. Người lính nói:

- Lớp Tư?

Thục gật đầu hỏi lại:

- Chú học lớp mấy? Cô giáo của chú cũng dạy chú muốn vào nhà người ta phải hỏi sao?

Người lính gật đầu, trên môi anh ta vẫn nụ cười, đôi mắt trìu mến nhìn Thục. Thục rờ khẩu súng của người lính, hỏi:

- Nhưng mà chú có súng, chú cần gì phải hỏi ai.

Người lính ôm ngang vai Thục:

- Cô giáo đâu có dạy thế.

Thục nhoẻn miệng cười nhìn người lính gật đầu. Người lính chợt rút lưỡi lê ra khỏi bao, hỏi Thục:

- Em có muốn lấy cái đầu đạn trong tường kia không? Tôi lấy hộ.

Thục khoanh tay trước ngực lắc đầu:

- Không. Chú đừng rỡn tôi. "Hôm đánh nhau ở khu này, hai người bộ đội mang súng vào nhà tôi ăn cơm, tôi có nhờ họ lấy hộ cái đầu đạn, họ quát tôi bắt ngồi yên ở xó nhà."

Người lính hỏi tiếp:

- Hai người đó ở đây lâu không ?

Thục giơ ba ngón tay. Người lính nói:

- Ba ngày?

Thục lắc đầu:

- Họ ăn ba bữa cơm.

Người lính lại hỏi:

- Họ có ngủ trong nhà em đêm nào không?

Thục lắc đầu:

- Họ chỉ vào trong nhà khi ăn uống, xong họ ngồi ngoài hiên, "họ ngồi chỗ chú đang ngồi".

Người lính nhìn xuống chỗ mình ngồi như tìm kiếm một dấu vết gì còn lại. Một lát anh ta hỏi Thục:

- Hai người mang súng đó có hỏi chuyện gì em không?

Thục gật đầu:

- Có.

Người lính:

- Họ hỏi gì?

Thục kể:

- Họ hỏi ba tôi đâu.

Người lính lại hỏi:

- Em trả lời sao?

Thục kể tiếp:

- Tôi nói ba tôi chết rồi! Ba tôi đi đánh giặc bị thương rồi chết. Ba tôi là đại úy. Ba tôi là quận trưởng.

Người lính:

- Em nói vậy hai người cầm súng có làm gì em không?

Thục lắc đầu:

- Không. Họ không làm gì tôi nhưng họ đứng rột dậy. Họ vào lục soát nhà tôi. Họ bắt mẹ tôi phải mở tất cả các tủ, các hộc bàn, các buồng cho họ xét. Họ trèo cả lên trần nhà nhưng không thấy gì cả.

- Rồi sao?

- Rồi họ lại ra "ngồi chỗ chú đang ngồi".

Người lính cầm cái lưỡi lê cạo cạo bùn trên đôi giầy của anh ta. Thục tiếp:

- Đến tối họ vào trong nhà tôi bảo mẹ tôi đưa cái đèn pin của ba tôi cho họ.

Người lính gõ gõ cái lưỡi lê vào đôi giầy cho đất rơi ra.

Thục nhìn cái lưỡi thép nhọn hoắt ở tay người lính hỏi:

- Chú đã đâm ai chưa?

Người lính lắc đầu:

- Chưa.

Thục lại hỏi:

- Thế cái đó để làm gì?

Người lính nói:

- Để đâm. Nhưng tôi chưa có dịp đâm ai. Bây giờ tôi muốn dùng nó để moi cái đầu đạn kia cho em. Em bằng lòng không?

Thục lưỡng lự:

- Tôi phải hỏi mẹ tôi. Mẹ tôi bảo đừng nói chuyện với những người mang súng mang dao. "Hôm đánh nhau ở khu này, hai người bộ đội cầm súng vào nhà tôi đòi ăn cơm, tôi nhờ họ moi hộ cái đầu đạn, họ quát tôi bắt ngồi yên ở xó nhà. Sau đó mẹ tôi bảo tôi đừng nói chuyện với những người cầm súng cầm dao".

Người lính lại ôm lấy vai Thục:

- Thôi em đừng hỏi mẹ em nữa. Em đừng làm phiền mẹ em nữa, chắc mẹ em đang làm công việc trong bếp. Tôi muốn lấy hộ cái đầu đạn cho em vì cô giáo tôi ngày xưa có dạy phải giúp đỡ những người già cả và những người còn trẻ dại.

Thục ngồi yên, đôi mắt nhìn ra thửa ruộng đầy cỏ nước trước cửa nhà. Lát sau Thục nói lí nhí:

- Nhưng mẹ tôi bảo như vậy. Tại chú mang súng mang dao.

Người lính như ghì chặt Thục vào bên mình:

- Tôi mang súng cũng như ba em ngày xưa. Tôi cũng như ba em mà thôi. Em có nhớ ba em không?

Thục phóng tầm mắt đến một quận lỵ hẻo lánh. Thục đã theo mẹ đến chỗ ba Thục làm việc và đã sống ở đó một thời gian.

Thục nhớ lại dẫy phố quận nhỏ hẹp, với một hàng hủ tíu duy nhất mà mỗi sáng mẹ con Thục đi xe jeep của ba ra đó ăn. Thục nhớ rõ người chủ quán mỗi sáng cúi rạp mình chào mẹ mình là bà Quận. Thục cũng nhớ đến cái cột cờ giữa ngã tư tỉnh lộ, hàng rào kẽm gai bao xung quanh ngôi nhà lớn, ở trong đó ba Thục làm việc và ở ăn. Thục cũng nhớ những buổi chiều đứng từ hiên ngôi nhà đó nhìn ra ngoài qua hàng rào kẽm gai, ngôi trường cũ kỹ với những đứa học trò bằng tuổi Thục ra về. Những chiếc xe ngựa lộc cộc chạy qua trước quận, người đánh xe phải nhảy xuống dẫn bộ qua khúc đường đó. Thục cũng nhớ đã hỏi chú lính tài xế của ba Thục tại sao họ lại phải nhảy xuống dẫn ngựa đi qua trước quận, chú lính bảo "để đề phòng việt cộng tấn công". Thục không hiểu nhưng cũng lặng yên.

Thục nhớ ba Thục cũng đeo súng và mỗi khi đi hành quân, ba đã hôn mẹ, hôn Thục, uống một ly rượu, rồi cười ha hả trèo lên xe dẫn đoàn quân phóng chạy ra khỏi quận xả bụi mịt mù.

Mẹ con Thục thỉnh thoảng đáp xe đò lên ở với ba vài ngày rồi lại về. Ba Thục làm quận trưởng một thời gian thì xây được căn nhà này. Trước kia nó chỉ là một nhà gỗ, sau được phá bỏ xây lại đẹp hơn và có lầu. Thục cũng được nằm giường đẹp hơn và có đệm. Thục được coi truyền hình và nghe nhạc nổi Thục đã biết tự mở máy truyền hình và máy quay đĩa. Thục hỏi người lính:

- Chú có thích nghe nhạc không? Ba tôi thích cải lương như mẹ tôi. Tôi thì ghét. Tôi thích nghe hát tân nhạc. "Hôm đánh nhau ở khu này, hai người bộ đội vào nhà tôi đòi ăn cơm, tôi nhờ họ moi hộ cái đầu đạn, họ quát tôi bắt ngồi yên nơi xó nhaø". Tôi có mở nhạc nghe. Nhưng một ông bắt tôi tắt máy còn một người bảo tôi cho ông ấy nghe một bài vọng cổ.

Người lính hỏi:

- Vậy em tắt máy hay để nhạc vọng cổ?

Thục lắc đầu:

- Tôi vẫn để bài hát tôi đang nghe, mẹ tôi la rầy tôi rồi tắt máy kéo tôi vào trong buồng. Tôi khóc và mẹ tôi xin lỗi tôi, giỗ dành tôi, bế tôi nằm dưới gầm giường tránh đạn.

Người lính xỏ lưỡi lê vào bao, hỏi:

- Hôm đánh nhau ở khu này em có sợ không?

Thục tròn xoe đôi mắt:

- Sợ chứ. Mẹ tôi ôm chặt tôi nấp ở trong xó nhà. Mẹ tôi lấy những tấm đệm cao su ghế bành chặn xung quanh tường để đỡ đạn. Hai mẹ con ngồi như thế và nghe tiếng nổ. Hai người bộ đội trèo lên gác đứng nhìn xuống đường.

Thục đang kể chợt hỏi:

- Hôm đó chú ở đâu?

Người lính ngập ngừng:

- Tôi... nghỉ phép.

Thục lại hỏi:

- Chú về ăn Tết với vợ chú à?

Người lính lắc đầu:

- Không. Tôi không có vợ. Tôi về ăn Tết với mẹ tôi.

Thục ôm lấy đầu gối người lính và tì cằm trên đó:

- Mẹ chú có thương chú không?

- Có. Như mẹ em thương em.

Người mẹ từ trong nhà bước ra kiếm Thục. Thấy người lính ngồi với con mình trước thềm nhà, bà ta nói:

- Mời ông vào nhà ngồi ghế uống nước, ông có cần gì cứ tự nhiên.

Rồi bà ta quay sang nói với con:

- Thục, sao con không mời ông khách vào nhà mà lại ngồi trước thềm vậy?

Người lính lúc đó đã đứng dậy chào ba ta và nói lí nhí vài lời cám ơn. Tay anh ta cầm tay Thục và nói:

- Bà cứ mặc tôi và cho phép tôi nói chuyện với cháu cho đỡ buồn. Cháu nói chuyện dí dỏm lắm.

Bà mẹ lại mời người lính một lần nữa. Anh ta ngập ngừng bước vào nhà. Mẹ Thục lấy nước uống mời. Anh ta rón rén ngồi xuống chiếc ghế bành gỗ đã bỏ đi những tấm đệm. Anh ta uống nước và liếc nhìn người đàn bà. Một người đàn bà quá trẻ. Với đôi mắt u buồn, nhiều tư lự, những sợi tóc mai chảy dài xuống hai bên má, khuôn mặt ưu tư tội nghiệp, như có một nỗi buồn tiềm tàng tỏa ra từ đôi mắt lan tràn trên khuôn mặt. Người đàn bà ngồi trên một chiếc ghế và bế Thục trên lòng. Bà ta nhìn xa xôi ra ngoài thửa ruộng trước nhà.

Im lặng khá lâu và người lính cảm thấy bầu không khí không tự nhiên, anh ta lên tiếng:

- Mấy hôm đánh nhau ở khu này bà và cháu có chạy đi đâu lánh cư không ạ ?

Người mẹ ôm Thục và kể:

- Ngay bữa đầu tiên thì đâu chạy cho kịp. Sáng ra thức dậy đã thấy các ông bộ đội đứng đầy đường. Trong khi đó thì hai bên đánh nhau ở phía đầu ngã ba vào thành phố. Tôi cũng định bế cháu chạy tản cư, nhưng ở đây chỉ có một lối ra duy nhất thì đã bị mắc kẹt rồi nên tôi đành ôm cháu núp ở nhà.

Bà ta nhìn Thục và nói tiếp:

- Có hai người bộ đội đứng trước nhà tôi mà con bé này nó chỉ định chạy ra ngoài. Tôi lo quá. Chúng tôi kẹt ở lại đây cho đến ngày hôm sau thì lửa cháy ở phía ngoài. Cháu lại cứ đòi ra xem lửa.

Thục nhìn người lính nói:

- Tôi xem đám cháy và nhìn thấy ngọn lửa từ những căn nhà ngoài kia. Chú có biết không ? "Lửa cháy làm nóng cả mặt."

Người lính nhìn Thục cười, bà mẹ cũng nhìn con cười với nó. Đoạn bà ta kể tiếp:

- Ngày hôm thứ ba tôi mới bế cháu chạy ra ngoài phố được vì hai người bộ đội đã bỏ đi. Tôi ra nhà một người quen ở nhờ trong khi gia đình nhà ông bà ấy cũng chạy đi ở nhờ một nhà khác họ cho là an ninh hơn.

Thục nói theo:

- Chú biết không? Khi mẹ tôi cõng tôi chạy vào thành phố, qua đám cháy kia tôi nhìn thấy nhiều người chết úp sấp và có cả xe tăng cháy thành than. Tôi còn thấy rõ những khẩu súng bên cạnh những xác chết đó. Họ có súng mà cũng bị bắn chết vì súng sao chú?

Bà mẹ xoa đầu Thục như không muốn con mình nói nữa. Bà ta quay sang người lính:

- Sáng nay tôi cho cháu trở về nhà. Chạy ra khỏi nhà mới hơn một ngày mà đã thấy khổ quá.Tôi nghĩ sống chết có số, nếu chết thì đã chết ngay cái hôm đánh nhau ở khu này. Bây giờ họ rút đi rồi mình cứ về đại nhà mà ở. May nhờ có các ông đến trấn đóng ở đây.

Người mẹ kể đến đây thì ngừng lại và mời người lính uống nước. Anh ta nâng ly uống cạn rồi đứng lên:

- Bà cho phép tôi moi hộ cháu bé cái đầu đạn ở ngoài bức tường kia. Cháu muốn có nó để làm kỷ niệm nhưng không lấy ra được. Tôi ngỏ ý moi ra hộ cháu thì cháu bảo là bà không chịu vì "tôi là kẻ mang súng mang dao". Tôi nghĩ rằng bà sẽ cho phép tôi làm vui lòng cháu một chuyện nhỏ này. Tôi mang súng mang dao vì thời đại này không thể không cần những thứ đó. Cũng như ông đại uý trước kia.

Người đàn bà cúi đầu. Bà ta đưa bàn tay đẩy Thục ra với người lính. Người lính giơ tay nắm tay Thục giắt ra cửa. Bà mẹ nói theo:

- Con ra chơi với ông khách cho ông ấy vui.

Thục đi theo người lính ra chỗ bờ tường có vết đạn. Người lính rút lưỡi lê cho vào cậy nơi lỗ đạn, lát sau lôi ra được một mẩu đồng nhỏ đã quăn queo.

Thục cầm lên xem và hỏi:

- Phe nào bắn vào nhà tôi?

Người lính cầm cái đầu đạn xem xét một lúc rồi đưa trả lại cho Thục:

- Đạn này nhãn hiệu Mỹ. Có thể bắn ra từ phe tôi, nhưng cũng có thể đã bắn đi từ phe hai người bộ đội. Vì phe nào cũng có thứ súng đó hết.

Thục mân mê cục đồng nói bâng quơ:

- Như thế thì cũng khó hiểu thật, chú nhỉ?

Người lính nhìn vào trong nhà nói với Thục:

- Khó hiểu thật. Nhưng cũng may là nó đã không trúng vào em hay mẹ em, như viên đạn đã trúng vào ba em.

Saigon, 13-10-1968
Thảo Trường



















Những Đứa Trẻ Đầu Thai Giữa Hàng Rào


“Đi tơ xong, con đực con cái đều bị kẽm gai cào rách da thịt !”

Nhà trẻ kế bên bệnh xá. Trong góc một trại giam. Nhà trẻ có sáu đứa con nít. Bệnh xá có mấy bệnh nhân già. Coi bệnh xá là một tù nam nguyên là y tá ngoài đời. Coi nhà trẻ là một tù nữ án chung thân. Coi cả hai nơi ấy là một công an mà mọi người vẫn gọi là bác sĩ ! Sáu đứa con nít đều là con hoang. Mẹ chúng nó là nữ tù bên khu B, đừng hỏi cha chúng đâu vì chúng sẽ không biết trả lời thế nào. Cũng đừng bao giờ hỏi mẹ chúng nó về chuyện ấy vì rằng đó là chuyện riêng và cũng là những chuyện rất khó trả lời. Thảng hoặc có ai đó được nghe kể thì lại là những chuyện rất tình tiết ly kỳ lâm ly bi đát... chuyện nào cũng lạ, chuyện nào cũng hay... Cũng như khi có ai lỡ miệng hỏi những người nữ tù đó án gì thì thường được trả lời “cháu giết chồng !”.

Trong khu B trại giam nữ phần đông các nàng đều khoái mang án giết chồng và họ thường trả lời như thế nếu bị hỏi, mặc dù có người chưa có chồng bao giờ và bị tù vì một chuyện tào lao nào khác. Đó là một câu trả lời theo mốt của khu B. Trại giam bắt các bà mẹ đi cuốc đất, lũ trẻ con bị gom lại trong một căn buồng và gọi đó là nhà trẻ. Một người coi sóc chúng nó thì được gọi là cô giáo. 

Lũ trẻ ở với mẹ trong buồng giam, chúng cũng bị sắp hàng điểm danh cùng với mẹ và các nữ tù khác mỗi sáng tối. Chúng là những tù nhân không có án và không có tên trong danh sách tù của Bộ Nội Vụ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ưu việt. Sáng ra buồng, chúng ùa chạy theo cô giáo sang nhà trẻ để có ăn trong ngày hôm ấy. Tối, khi cô giáo dẫn về khu B chúng ùa chạy về với mẹ để kịp vào buồng giam có chỗ ngủ. Lũ trẻ cũng phải sống theo tiếng kẻng, nghĩa là chúng cũng phải chạy theo nội qui trại giam. Chúng sinh ra và lớn lên trong trại giam. Chúng không có trách nhiệm gì về tội phạm và luật pháp nhưng chúng lại là những kẻ bị tù đày. Như thiệt vậy. Và cũng không ai thắc mắc. Đến bữa, cô giáo xách xoong xuống bếp trại lãnh cơm cho chúng nó y như các trực đội đi lãnh cơm cho đội. Ngày nào có thức ăn thì chúng cũng được lãnh, ngày nào cơm không hoặc có củ khoai củ sắn thì chúng cũng sắn khoai như các tù nhân khác. Những đứa còn nhỏ cô giáo lấy cơm nấu thành cháo cho nó ăn hoặc uống nước. Đứa nào biết đi biết nói gặp công an phải khoanh tay lại “chào cán bộ”. Đứa nào không chào sẽ bị phê bình là “mất dậy” và cô giáo sẽ bị khiển trách là không hoàn thành nhiệm vụ. Từ căn nhà trẻ buổi sáng cũng như buổi chiều thường vang ra tiếng hát “ai yêu Bác Hồ” hoặc “chúng cháu chào cô ạ”. Bác Hồ thì công an bắt cô giáo phải dạy, còn chào cô thì cô giáo thích được chào như vậy, cho nên hai đấng tối cao ấy được suy tôn trong nhà trẻ rất có tổ chức và thể thống ! Bác Hồ thì không hiểu do cái quyền lực ma quỉ nào ở đâu chi phối, nhưng cô giáo thì thực sự do quyền lực của cô tại chỗ, đứa nào hỗn cô bắt quỳ hoặc không cho ăn là sợ ngay. Ban ngày ở nhà trẻ chúng cũng được học chữ và học múa hát, chúng cũng có thời gian chơi đùa với nhau. Đó là những lúc cô nấu ăn, tắm rửa cho mấy đứa còn nhỏ hoặc lúc cô bận nói chuyện với anh y tá...

Trong sáu đứa thì ba đứa lớn hơn thích chơi trò công an. Con Ti bảy tuổi tù, khôn vô cùng, mẹ nó không kể chuyện về bố nó cho ai nghe bao giờ, chắc là tình buồn, chỉ thấy mẹ con nó chuyển đến trại này lúc con Ti còn bế ngửa. Thằng Bắc cũng bảy tuổi nhưng phải gọi con Ti là chị xưng em đàng hoàng nếu không con Ti nó chửi cho. Kế đến là thằng Cọp, sáu tuổi, khoe có bố, người Thượng, nên mẹ nó đặt tên như thế cho có vẻ nhớ rừng. Thiên tình sử của mẹ nó rất là ly kỳ. Mẹ nó có chồng có con, chồng mẹ nó tập kết ra Bắc 54 khi đứa con của hai người mới đẻ. Đại thắng mùa xuân, chồng bà ấy trở về làm cán bộ huyện ủy ngay tại quê nhà, bà ấy hãnh diện được mấy tháng, đứa con đã hơn hai mươi tuổi cũng hãnh diện được mấy tháng, thế rồi mẹ đi tù chung thân sau giảm xuống hai mươi năm, thằng con bị tử hình. Hỏi mẹ thằng Cọp tội gì, lần nào và bao giờ bà ấy cũng nói:

- Tôi chỉ cầm cái đèn.

- Chỉ cầm đèn mà tù chung thân ?

- Tôi cầm đèn soi cho thằng con tôi nó bổ.

- Bổ ?

- Dạ. Nó cầm búa bổ vào đầu cha nó !

- Chồng bà ?

- Đúng. Chồng tôi. Cha nó. Bị ổng đánh tôi hoài, đánh đau quá, con tôi nó thương tôi, tôi thù ông ấy, nên hai mẹ con phải... giải quyết. Buổi tối như mọi tối, ông ấy say rượu về chửi mắng tôi một hồi rồi cầm cây dượt đánh tôi. Tôi bỏ chạy ra đồng, con tôi chạy theo mẹ. Ở ngoài đồng mẹ con tôi khóc với nhau. Trước kia, khi ông ấy đi làm cách mạng, hơn hai mươi năm không có ông ấy ở nhà, mẹ con tôi sống yên ổn. Đại thắng trở về, ông ấy đem theo một bà vợ bắc, tật uống rượu đế và đánh đập vợ con. Tôi nghĩ khổ quá, thà ông ta cứ đi kháng chiến, thà ông ta cứ làm cách mạng, thà ông ta cứ đi xa, thà ông ta đừng trở về... Thằng con tôi nó nói, “thì lại cho ông ấy đi xa, hai mẹ con lại sống với nhau như xưa.” Thế rồi mẹ con tôi mò mẫm trong đêm tối trở về nhà, ông ấy ngủ say trên bộ ván ngựa, thằng con tôi đi lấy cái búa, tôi đốt đèn dầu, cầm giơ cao soi cho nó thấy rõ. Mà bổ. Con tôi nó bổ cả chục nhát, ông ấy không kêu được tiếng nào. Ngày hôm sau vợ hai của ông ấy từ trên huyện về nhận xác chồng tôi đem an táng tại nghĩa trang liệt sĩ. Nghe nói đám tang lớn lắm, có nhiều vòng hoa, có người đọc điếu văn nữa, tôi chỉ nghe nói thế vì ngay đêm hôm đó mẹ con tôi bị bắt giam ở công an huyện. Ở tù cho đến bây giờ vẫn… chưa hết tù.

- Nghe nói thằng con...

- Ờ, nó bị tử hình vì tội ám sát cán bộ nhà nước. Bắn ngay.

Bà ta nói đến đó kéo thằng Cọp vào lòng ôm cứng.

- Mất thằng đó tôi có thằng này. Ở tù được gần mười năm tôi buồn quá sẵn có người đàn ông gạ gẫm, tôi bèn cho, mấy lần thì có thằng này.

- Trại giam nữ biệt lập làm sao có bầu ?

- Hỏi ngớ ngẩn, bà ta nói, trong trại toàn nữ nhưng ngoài trại cũng có đàn ông chứ. Có đực, có cái là có thể có con được.

- Cái bên trong hàng rào kẽm gai, đực bên ngoài hàng rào kẽm gai. Làm sao ? Bộ thằng cu này nó đầu thai ngay giữa hàng rào kẽm gai à ? Vô lý ! Mới chỉ có thụ tinh trong ống nghiệm chứ làm gì có thụ tinh giữa hàng rào kẽm gai.

Mẹ thằng Cọp dắt con đi, bà quay lại nói câu chót:

-Làm sao có con thì thôi, mình mất một lấy lại một, tôi sẽ sống với thằng này khi ra tù cũng như trước kia tôi đã sống với thằng lớn. Tôi vẫn hai mẹ con. Và chỉ hai mẹ con. Không có kẻ nào chen vào phá vỡ được tình mẹ con tôi.

Mẹ con thằng Cọp được tiếng là thương nhau nhất trong sáu cặp mẹ con trong trại giam. Người ta kể rằng bà ta thường để dành đồ ăn của bà cho thằng con, bà thường ngồi quạt cho con ngủ trong những đêm hè nóng nực ở buồng giam... Thằng Cọp cũng thương mẹ nó, ban ngày ai cho gì nó thường để dành đến tối cho mẹ. Những lúc được nghỉ mẹ con thường quấn quýt nhau hơn là đi chơi với người khác.

Ba đứa lớn là con Ti, thằng Bắc và thằng Cọp thường chơi trò làm công an hoặc diễn tuồng cải lương. Chơi trò công an thì con Ti nhận vai cán bộ chấp pháp, thằng Bắc làm trật tự, thằng Cọp làm tù... do đó con Ti được quyền chửi thằng Cọp: ”Tao còng đầu mày” Thằng Bắc được quyền trói thằng Cọp. Thằng Cọp thì phải nói với con Ti là “Thưa cán bộ”. Hàng ngày chúng nghe công an nói năng quát mắng tù làm sao thì chúng lại diễn in như thế. Cũng có khi ba đứa lớn diễn tuồng cải lương thì con Ti làm hoàng hậu, thằng Bắc làm vua, thằng Cọp làm quân sĩ. Vua gọi “quân sĩ đâu” thằng Cọp phải “dạ” thật lớn. Hoàng hậu sai làm gì quân hầu phải quì xuống “tâu vâng”. Được cái thằng Cọp cũng dễ bảo và nó làm tuồng cũng có vẻ dễ ợt. Khán giả là ba đứa nhỏ mới biết bò trên nền nhà hoặc nhốt trong cái cũi bằng gỗ gọi là cái nôi. Chuyện tưởng không ai biết nhưng ở trại giam sao cái gì cũng bị báo cáo lên cai tù hết, cho nên cán bộ chấp pháp đã rình xem được đủ ca cảnh ba đứa trẻ diễn trò chức năng và nghiệp vụ của mình một cách rất sống thực. Anh ta tức quá bèn ”cách chức”cô giáo cho đi cuốc đất, tuyển một nữ tù khác coi nhà trẻ.

Đứa nhỏ nhất trong đám là con bé mới tám tháng tuổi. Mẹ nó trước kia khiêu vũ rất đẹp, chơi tứ sắc cũng rất bền lì, ở tù vì vượt biên có tổ chức và có súng. Cũng tính một ăn cả ngã về không. “Một là nuôi cá, hai là nuôi má, ba là má nuôi”, chẳng may má nuôi thật. Trong tù buồn quá bèn yêu một anh chàng tù nam ở khu A. Anh này là dân giang hồ, không chịu được cảnh đàn áp chơi cha thiên hạ của nhà cầm quyền nhà quê ngoài kia vào cưỡi đầu cưỡi cổ, trong một lần xích mích ở khu phố anh bèn lụi mấy dao... thế là cũng chung thân. Ở Chí Hòa, gây lộn, anh ta lại lụi mấy cái dùi, thêm một cái chung thân nữa ! Một chung thân nếu được giảm may ra còn có ngày về, hai cái kể như “thua” luôn, anh ta nói thế, cho nên sống trong trại giam anh ta “xù” tất cả. Muốn cái gì là làm cái ấy, muốn nghỉ là nghỉ, nhưng được cái anh ta vốn dân giang hồ cho nên nhiều lúc rất dễ thương. Anh găp chị ngoài sân trại mấy lần. Nhìn. Cười. Cười lại. Nhìn lại. Thế là thân nhau. Khi hai người ở hai khu A và B nhìn nhau. cách một cái sân bèn nghĩ ra kế truyền tin cho nhau bằng cách dùng cây chỉ lên những chữ thích hợp trong các chữ ở những khẩu hiệu trên tường nhà giam. Những chữ “thương nhiều, nhớ nhiều; thương hoài, nhớ mãi” được hình thành qua những xê dịch của đầu gậy trên những khẩu hiệu chữ lớn màu đỏ sặc sỡ. Chị đánh tín hiệu xong anh đánh trả lời. Những buổi chiều đẹp như thế là những kỷ niệm họ không bao giờ quên. Một lần gặp nhau ngoài sân trại anh nói:

- Những khẩu hiệu hoan hô đả đảo sơn đầy rẫy trên tường tưởng vô bổ hoá ra cũng có ích.

Chị nói:

- Đừng tưởng Bác Hồ vô tích sự, nhờ những khẩu hiệu hoan hô bác, hoan hô đảng mà mình thông tin được cho nhau.

Anh buột miệng:

- Bố tiên sư nhà nó !

- Anh nói gì ?

- À, không, anh chửi cái cột đèn...

- Em không thích anh văng tục lúc này.

- Được thôi.

Trong những giờ phút ngắn ngủi được ra ngoài sân gặp nhau vào những buổi chiều nghỉ, dưới bao nhiêu con mắt theo dõi canh chừng của trật tự và công an trại, tù nhân cần phải tranh thủ, cái gì cũng thật nhanh, thật gấp, hết giờ là phải trở về khu của mình nhìn nhau từ xa mà thôi. Một lần anh ta nói với chị:

- Anh thèm em quá.

- Biết rồi. Ở đây ai cũng thiếu cũng thèm cả.

- Bây giờ làm sao ?

Anh cầm đại bàn tay chị nhét vào giữa hai đùi mình mà kẹp và nghiến răng mà day, chị nhẫn nại gỡ ra:

- Tụi nó đang nhìn kìa.

Anh thả tay chị ra thở dài:

-Đau thật. Giữa thời này mà cầm tay nhau cũng không được, mẹ nó, nếu ở Sài Gòn lúc này tụi mình chơi nhau đã đời.

Chị huých khuỷu tay vào sườn anh mắt thì lườm, dài ra, có đuôi. Anh nói:

- Anh chẳng có ngày về. Chắc chắn là như vậy. Em còn mấy năm nữa?

- Tám.

- Như vậy nhiều lắm em cũng chỉ phải ở sáu năm nữa mà thôi.

- May ra là như vậy.

Sau lần gặp ấy chị thương anh vô cùng, chị diễn tả “không biết thế nào mà nói”. Thế rồi chị tính toán theo ý chị. Chị sẽ không mặc đồ lót. Chị sẽ mặc một cái quần mỏng mở chỉ hở dưới đáy. Cái quần cũng được luồn giây thung nhẹ. Chị thử kéo lên tuột xuống thấy nhẹ thì rất ưng ý. Chị cũng thử khom khom lưng và nghĩ làm sao cho anh được dễ dàng nhanh chóng, phải tạo điều kiện thuận tiện nhất cho anh ta hành sự. Thời gian không có nhiều. Tất cả chỉ trong nhấp nháy. Chớp mắt. Là phải xong. Thời giờ là vàng bạc. Cái này cũng giống như chiến thuật mà các anh cán bộ cách mạng hay khoe “đánh mạnh, đánh mau, rút lẹ”. Phải dùng sách của các anh mới được. Sách của giới giang hồ chúng tôi là “bắn chậm thì chết”. Lớ ngớ còn đang thập thò mà các anh bắt được thì... tù mọt gông. Chị cũng bàn trước với anh để về phần anh cũng phải chuẩn bị không để một cái gì cản trở, như “Mỹ họ lắp ráp phi thuyền trên vũ trụ ấy”, như pháo binh “nhanh chóng, chính xác và hiệu quả”, như cán bộ vẫn leo lẻo “tư tưởng thông hành động đúng” ấy, anh hiểu chưa, khổ quá ! Phải tập cho thuộc để khi có dịp là bập liền nghe chưa anh yêu !

Như vậy mà được đấy. Những mấy lần cơ. Có lần chiều sắp tối, trời lại lất phất mưa, chị tình nguyện đi lãnh cơm cho đội. Từ bên khu A theo dõi anh thấy và cũng mặc áo mưa đi xuống bếp trại. Khi trở về hai người ôm hai xoong cơm, liếc nhìn không thấy thi đua trật tự đâu, đến một chỗ hàng rào khu, kẽm gai đơn thưa thớt mấy sợi, chị bèn đứng lại khom lưng xuống chổng mông sang phía anh, xoong cơm của đội chị vẫn ôm nơi bụng, từ bên kia những sợi kẽm gai, anh luồn tay sang níu hai bên hông chị ghì tới... Chị nghe có tia nước ấm áp phóng sang và chị cảm thấy thành công và thắng lợi. Hai tay anh buông lỏng ra, chị còn nghe tiếng anh thở hổn hển, chị đứng thẳng người lên, vẫn ôm xoong cơm của đội nơi bụng, chị liếc nhìn sang anh, miệng cười như mếu rồi bước vội về buồng giam của mình. Anh ta cũng lật đật cài áo mưa lại, cầm cái xoong cơm treo trên cột hàng rào rồi cũng quay bước về phòng mình. Hai người hai hướng câm lặng và xót xa. Đứa con được tạo thành trong những cơn mê mẩn ấy.

Khi biết mình có bầu, chị giấu kín không dám cho ai biết. Giám thị trại giam biết được họ sẽ bắt chị phá thai và cùm ở nhà kỷ luật cả hai người. Chị giấu kín cho đến khi nào không giấu được nữa. Chị nói cho anh biết là chị sẽ không nói ai là bố đứa bé, chị sẽ giữ bí mật làm kỷ niệm đời mình. Chị sẽ có nó bên mình khi ra tù và dù không bao giờ anh về, không bao giờ được sống chung với anh thì cũng có đứa con với anh để mà thương mà nhớ. Chị sẽ bảo vệ nó để nó được ra đời làm người. Chị nói với anh rằng bí mật này chỉ anh biết và anh sẽ không lo bị liên lụỵ. Mình chị sẽ đối phó với tất cả bạo quyền để chị và con chị đưọc tồn tại. Chị sẽ ra khỏi tù với một đứa con tình yêu giữa một xã hội bất nhân, bất nghĩa và độc ác! Và rồi khi ra được ngoài chị cũng sẽ lại tìm cách dẫn con chị đi tìm một xứ sở khác mà sống. Chị sẽ đưa con chị đi, đi đâu cũng được, miễn là không phải sống trong cái chế độ khốn nạn này.

Chị giấu được sáu tháng thì bị lộ. Cái bụng chị lớn phình ra, mang “ghen” nó cũng vượt mặt. Trong phòng bàn tán, rồi trong khu bàn tán, rồi cả trại bàn tán. Chúng hỏi chị, rồi chúng gọi y tá khám thai, chúng nhốt chị trong nhà kỷ luật, chúng cùm một chân chị, chị vẫn không khai ra anh. Tức quá tên thượng uý Ban đá vào bụng chị chửi:

-Địt mẹ, không khai ra tao đá chết cha cả mẹ, cả con mày. Mày ngủ với thằng nào hả ?

Chị ngồi co quắp, dùng hai chân hai tay bảo vệ cái bụng, chị nghĩ chết thì chết cả mẹ lẫn con cũng được. Tên Ban đấm đá chị nhiều nhất vì hắn là K. trưởng. Coi trại tù mà để cho tù có bầu thì hắn sẽ bị mất điểm thi đua hàng năm, hắn sẽ không khá lên được. Nhưng thấy chị lỳ quá, chỉ ngồi khóc mà không chịu khai, hắn chửi:

- Địt mẹ, phải có một thằng nào chứ ? Không có thằng nào thì làm sao có con “loăng quăng” trong bụng mày được ? Tại sao mày không nói ?

Thấy chị vẫn chỉ khóc hắn hét lên:

- Tao cho mày đi bệnh viện nhà nước móc cái của nợ ra, chết ráng chịu.

Chị hoảng quá lậy tên Ban:

- Lậy Ban, xin Ban cho tôi nuôi, nó là con tôi, đẻ ra tôi nuôi con tôi.

Hắn hét lên:

-Địt mẹ mày, mày có biết mày đang ở tù không ? Cái thân mày nhà nước còn phải nuôi, bây giờ mày nói mày nuôi con mày, vậy lấy cái máu đẻ mà nuôi à? Mày có biết mày sướng có một tý mà bao nhiêu người khổ vì mày không ? Tao ăn làm sao nói làm sao với lãnh đạo bên trên, hả ?

Nói rồi hắn lại đấm đá túi bụi vào người chị. Hắn cố ý đá vào bụng chị cho cái thai phải ra, hắn thù đứa nhỏ trong đó hơn là ghét chị, chị cố chịu đòn để bảo vệ con.

Khi còn một mình trong nhà cùm, chị thiếp đi rồi tỉnh lại, tỉnh lại rồi thiếp đi. Có lúc chị kêu lên với mình:

- Con ơi !



Nửa đêm một tên cầm đèn pin vào phòng giam, hắn để cái đèn pin đứng chĩa thẳng lên trần, ánh sáng đèn dội xuống đủ cho chị nhìn thấy hắn là cán bộ giáo dục, hắn cũng đội mũ kết... cũng phù hiệu đỏ của ngành công an nhân dân... cũng sao thượng uý trên cổ áo... cũng mang dép râu ở chân...Hắn đạp dép bình trị thiên lên mặt chị... hắn dẵm cái dép kháng chiến vào bụng chị... chị co mình ôm lấy bụng che chở cho cái bào thai, hắn bèn đạp thí mạng lên người chị, chỗ nào cũng được. Đau quá chị la lên hắn bèn cúi xuống vả vào mồm chị, đấm vào mắt chị nẩy đom đóm,hắn nhổ nước bọt vào mặt chị, hắn chửi “địt mẹ” um xùm. Rồi hắn vạch quần chĩa cái dương vật đen đủi lủng lẳng đái tè tè vào mặt chị làm chị sặc sụa. Chị lợm cổ ói mửa ra nước mật đắng. Chị ngộp thở và khóc oà nức nở. Hắn vẩy vẩy con cu cho những giọt nước đái chót văng xuống rồi mới nhét vào trong quần. Nước mắt và nước đái lại khiến chị tỉnh ra. Chị nghe hắn nói:

- Như thế cho mày tiến bộ hơn lên.

Tiếng tên Ban nói ngoài cửa:

- Thôi đi ra, thối quá, chắc đồng chí đánh nó vãi cứt ra rồi. Thử ít đòn trên da thịt người đẹp Sài Gòn xem nó thế nào thôi.

Sáng sau khi chúng lôi chị ra khỏi nhà cùm thì tóc tai mặt mũi chị dính đầy cứt. Chúng đưa chị đi bệnh viện tỉnh để nạo thai, chị vùng vẫy chống cự không chịu ra xe, tên Ban lại đấm đá chị túi bụi, những người trông thấy đều xót xa cho chị. Tên Ban quát :

-Đi tống nó ra rồi còn về lao động, một đứa đẻ nằm đó là trại mất một công lao động, hiểu chưa ?

Bọn chúng túm chị lôi ra xe rồi còng tay chị vào ghế xe chạy đi. Nhưng bệnh viện không dám nạo vì họ nói cái thai đã quá lớn, sắp đến ngày đẻ, họ trả chị về trại. Chúng không làm gì được cái thai nên nhốt chị trong nhà cùm, chúng còn dọa cùm cho đến chết luôn.

Chị nằm trong nhà tối lạnh lẽo đau đớn đói bụng nhưng chị lại thấy mình hạnh phúc. Cái thai cựa quậy chị cũng vui. Cái thai đạp vào da bụng chị lồi lên làm chị phì cười. Chị cười và chị vui trong bóng tối. Đến một hôm chị nghe tiếng anh ở gian kế bên gọi, lúc đầu chị sợ quá, sau thì chị cũng cảm động. Hai bên không trông thấy nhau mà chỉ nghe tiếng nói của nhau, như thế, chị nghĩ cũng được an ủi lắm. Hai người có lúc đã thông tin với nhau bằng cách chỉ chữ trên khẩu hiệu thì bây giờ tuy không thấy mặt nhưng trao đổi bằng chính tiếng nói của nhau thì cũng đã mãn nguyện lắm. Chị được anh cho biết là anh đã nhận là cha của đứa con, chúng nghi ngờ anh và chúng gọi anh lên hỏi, anh thấy là anh cần phải nhận, nhận không phải vì anh sợ chúng mà vì anh là bố của con anh, anh nhận vì anh có trách nhiệm với nó và anh phải xác nhận điều đó. Chúng trói anh lại đánh anh thừa sống chí chết. Tên thượng úy Ban vừa đấm đá anh vừa chửi rủa thậm tệ, làm như chúng đánh ghen không bằng, anh nói với chị như thế.



Nhờ thời gian bị giam chung trong phòng tối nhà kỷ luật hai người có thêm những kỷ niệm. Buổi sáng chị hỏi:

- Anh uống cà phê đen hay cà phê sữa?

- Cà phê sữa.

- Anh ăn hủ tiếu hay ăn mì ?

- Hủ tiếu.

- Nấu khô hay nước ?

- Khô.

- Thôi em đừng hỏi nữa, anh thèm quá.

- Em cũng thèm quá và đói bụng nữa. Tiên sư chúng nó !

- Cũng đừng chửi nữa, không có đứa nào nó nghe thấy đâu.

- Dạ.

Im lặng hồi lâu.

- Nó đạp em.

- Đứa nào dám đạp em ?

- Con.

- À, thích không ?

- Dạ, thích lắm.

Lại im lặng.

- Buồn không?

- Buồn.

- Đưa em đi phố nghe ?

- Được thôi.

- Coi phim nhé ?

- Xong ngay, coi phim cũ, Lost Command, Anthony Quinn đóng, được không ?

Sau đó đi nhảy ở Queen Bee. OK ?

- Thế... không ăn gì à ?

Cả hai cùng cười khúc khích.

- Có. Trước khi đi nhảy mình ăn cơm tầu, nửa đêm ăn bánh cuốn và cháo sườn bàn cờ. Có thích phở Lạng Sơn không, phở chua ấy ?

Có khi giữa ban ngày cũng:

- Chúc ngủ ngon nghe.

- Good night...



Sau một tháng cùm kẹp, chúng thả chị ra nhưng chúng đưa anh sang một trại giam khác, chia cách hai người. Chúng bắt chị đi lao động đến tận ngày đẻ. Đứa con ra đời ban đêm trong trại tù, trong sự đùm bọc của rất đông nữ tù đồng cảnh với mẹ nó. Một tháng sau chị phải gửi con bên nhà trẻ và chúng bắt chị đi cuốc đất như trước.

Đứa trẻ lớn dần lên trong trại giam cùng với những đứa đồng cảnh của nó. Tù trong trại khi nói đến chúng có người hỏi không biết những đứa này, đứa nào sẽ là “chủ tịch, tổng thống, nữ hoàng, thủ tướng, vua, quan, sư sãi, cha cố, thày bà, tướng tá, đồng chí, đảng viên, cướp giật, buôn lậu, hiếp dâm, ăn tục nói phét, dân biểu, nghị sĩ, trí thức, mù chữ, tù nhân, cai tù... đứa nào sẽ là Bác là Đảng... đứa nào sẽ là anh hùng, là nhát gan... đứa nào sẽ là nhà văn, nhà báo... Đứa nào ? Trong số tụi bay, ừ, đứa nào trong số tụi bay sẽ là chính nhân quân tử, nhỏ nhen, hèn mọn ? Cứt chó khô ba nắng ! Và còn lại đứa nào, ừ, còn lại đứa nào nhỉ, để làm dân đen?



**** 



Bác già cầm cái quạt nan ra ngồi băng gỗ ngoài vườn trước bệnh xá. Bác phe phẩy cái quạt nhìn những toán tù nhân lũ luợt kéo nhau về. Bác nhớ lại mình trước đây cũng thế, có khi mặc luôn quần áo ướt mà về trại cho tiện khỏi phải thay đổi mang theo mất công. Ở tù phải thu xếp sao cho càng giản tiện gọn nhẹ càng tốt. Bệnh xá có mấy bệnh nhân già thường trú chờ ngày về. Một bác bị tai biến mạch máu não. Một bác lao phổi thời kỳ chót. Một bác cắt ruột dư vết mổ nhiễm trùng chảy mủ hoài không lành. Một bác bị lác đồng tiền sần sùi khắp mình mẩy. Một bác bị sốt cấp tính thể não phát điên khùng xém chết. Một bác trụy tim... Các bác tự gọi mình là tù binh hưu trí không có chính quyền nào nhận lãnh ! Mỗi tháng các bác chờ gia đình vợ con họ hàng lên thăm nuôi tiếp tế và nghe hỏi “bao giờ về”, để rồi trả lời “sắp”. Tháng nào cũng vậy !

Lũ trẻ kéo nhau sang chào ông ngoại. Ba đứa lớn, nguyên gánh hát, không có đám khán giả tí hon. Bắt buộc, giờ này chúng đã được cô giáo bế về trả cho mẹ chúng nó bên phòng giam. Ba đứa lớn biết hôm nay có một ông ngoại có thăm nuôi nên chúng chạy sang chào. Và chờ. Thông cảm, chúng còn nhỏ nhưng chúng cũng là người nên cần những thứ mà cơ thể đòi hỏi. Ông ngoại cũng biết thế và ông ngoại có những thứ mà chúng thèm, dù không thừa thãi, nhưng Ngoại già rồi, Ngoại ăn nhiều rồi, Ngoại hưởng thụ nhiều rồi, Ngoại đã nếm đủ thứ mùi đời, Ngoại đã từng đi Tây, Tầu, Nhật, Mỹ… Ngoại đã được “nhất dạ đế vương”... thì Ngoại có thể nhín ra cho chúng chút ít. Chúng mới ra đời, lại ra đời trong một cái nhà tù, lại là cái nhà tù cộng sản lấy khoai sắn làm nền tảng chiến lược dinh dưỡng và sự giả dối lừa bịp là văn hoá sáng tạo trí tuệ... chúng thiếu ăn mà chúng còn thiếu những điều kiện làm người, chúng là những kẻ đã bị tước đoạt tất cả mọi thứ kể cả cái quyền ra đời của chúng. Chúng mà ra được cái cõi đời oe oe khốn khổ này đã là một sự thoát chết. Chúng thèm ăn thèm uống thèm mặc thèm chơi đùa cho nên Ngoại ngồi chờ sẵn ở đó. Với lại Ngoại cũng buồn chán cô đơn bỏ mẹ. Ngoại cũng muốn thấy chúng, cũng muốn nói và nghe chúng nói. Mấy câu. ”Cũng đủ lãng quên đời”.

Sau nghi lễ chào hỏi, ông ngoại cho phép chúng ngồi trên băng ghế với mình, ngay ngắn rồi, con nữ hoàng vào đề ngay:

- Hôm nay ông ngoại có thăm nuôi ?

Thằng Cọp quân sĩ:

- Hồi chiều ở bên nhà trẻ chúng con trông thấy ông ngoại mặc đồ đẹp.

Ở trại giam khi mặc đồ đẹp là đi gặp gia đình. Thấy ông ngọai cứ ờ ờ thằng vua sốt ruột:

- Sắp đến kẻng nhập buồng rồi ông ngoại.

Ông ngoại cười nhìn đám trẻ tương lai của đất nước nói riêng, nhân loại nói chung: 

- Xong rồi, quí vị đừng có lo, tôi đã biết phải làm gì và tôi đã sắp sẵn, quí vị nói chuyện tôi nghe mấy câu đi.

Con cán bộ chấp pháp lại khôn:

- Thằng Bắc đừng có vòi vĩnh ông ngoại. Hỗn. Cô giáo bảo trẻ con không được đòi hỏi.

Ông ngoại lên tiếng hỏi:

- Ở đây mới có ba đứa, còn ba đứa nữa đâu ?

Thằng trật tự can thiệp ngay:

- Chúng con mang về cho các em ấy.

Con nữ hoàng kể lể:

- Mẹ chúng ẵm chúng ra ngoài khu vui chơi nói chuyện với bồ.

Thằng vua:

- Má con Tiểu hỉ cũng có bồ rồi.

Thằng quân sĩ:

- Má con không có bồ.

Con chấp pháp thẩm vấn:

- Ai thăm ông ngoại ?

Thằng tù Cọp:

Bà ngoại thăm ông ngoại ?

Ông ngoại buồn:

- Bà ngoại ở bên Mỹ.

Thằng quân sĩ phỏng vấn:

- Thế ai thăm ông ngoại?

Ông ngoại khai: Bà hàng xóm của bà ngoại lên thăm ông ngoại.



Lũ trẻ nhâu nhâu:

- Ông ngoại có thăm thêm giờ không ?

- Thăm thêm giờ là “bà ngọai nhí” có bầu.

- “Bà ngoại nhí” sẽ đẻ ra em bé.

- Ông ngoại sẽ có con như tụi con.

Con nữ hoàng chợt la nhỏ:

- Ông ngoại đừng thương “bà ngoại nhí” nghe.

- Tai sao ?

- Để ông ngoại thương tụi con.

- Ừ, cũng được, tụi bay ở tù miết hóa ma mãnh hết. Ngồi chờ đây tao vào lấy quà cho.

Bác già vào phòng mang ra một cái bị cói đưa cho ba đứa trẻ:

- Trong này có sáu gói bằng nhau và giống nhau cho sáu đứa, lớn nhỏ gì như nhau hết, ông ngoại cho các con mang về chia nhau. Ngoan, ông ngoại thương.

Ba đứa trẻ nhảy từ trên ghế xuống đứng khoanh tay cám ơn ông ngoại. Thằng vua và thằng quân sĩ khiêng cái bị đi trước, con nữ hoàng hay con đệ nhất phu nhân gì đó đi sau. Kẻng vào phòng đổ hồi, ba đứa trẻ cũng rảo bước chạy nhanh về phòng giam của chúng như những tù nhân khác trong trại. Cái bị cói ông ngoại xách thấy nặng thế mà mấy đứa trẻ mang như bay. Bác già cầm quạt nan che lên đầu dù là trời sắp tối, chậm chạp đi vào phòng bệnh. Bác ở tù đến năm thứ muời bảy và vì là tù binh không có án cho nên bác cũng không biết đến bao giờ mới hết. Bác không thuộc một chế độ nào nữa cả, bác thuộc về lịch sử.

Vào phòng bệnh bác chui vào mùng cho khỏi muỗi, nghĩ tới những người tù trẻ mới bị bắt và những đứa bé mới sinh ra đời./.


(HB.09.6.1993) 

Thảo Trường 
























Trở về






MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.