Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

Trần Văn Khê (1921 - 2015)















Trần Văn Khê
(24/7/1921 – 24/6/2015)

 còn có nghệ danh Hải Minh
nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền


 Ông là tiến sĩ ngành âm nhạc học người Việt Nam đầu tiên tại Pháp và từng là giáo sư tại Đại học Sorbonne, Pháp, thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, UNESCO. Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.[2]









Tiểu sử


Trần Văn Khê sinh ngày 24 tháng 7 năm 1921 tại làng Đông Hòa, tổng Thuận Bình, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình có bốn đời làm nhạc sĩ, nên từ nhỏ ông đã làm quen với nhạc cổ truyền. Năm lên 6 tuổi ông đã được cô (Ba Viện) và cậu (Năm Khương) dạy đàn kìm, đàn cò, đàn tranh,[3] biết đàn những bản dễ như "Lưu Thuỷ", "Bình Bán vắn", "Kim Tiền", "Long Hổ Hội". Ông nội ông là Trần Quang Diệm (Năm Diệm), cha ông là Trần Quang Chiêu (Bảy Triều), cô là Trần Ngọc Viện (tức Ba Viện, người đã sáng lập gánh cải lương Đồng Nữ ban), đều là những nghệ nhân âm nhạc cổ truyền nổi tiếng. Cụ cố ngoại ông là tướng quân Nguyễn Tri Phương.[4] Ông ngoại ông là Nguyễn Tri Túc, cũng say mê âm nhạc, có ba người con đều theo nghiệp đờn ca.[5] Một trong số đó Nguyễn Tri Khương, thầy dạy nhạc và nhà soạn tuồng cải lương nổi tiếng. Riêng mẹ ông là Nguyễn Thị Dành (Tám Dành), sớm tham gia cách mạng, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930 và bị thương rồi mất trong năm đó.[6] Cha ông vì thương nhớ vợ nên qua đời năm 1931. Ông có một người anh họ ngoại (con ông Nguyễn Tri Lạc) là nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca.[6]

Mồ côi từ rất sớm, mẹ mất năm 9 tuổi, cha mất năm 10 tuổi, nên ông cùng với hai em là Trần Văn Trạch (về sau là một ca sĩ nổi tiếng, có biệt danh Quái kiệt), Trần Ngọc Sương được cô Ba Viện nuôi nấng. Cô Ba Viện rất thương, cho anh em ông đi học võ, học đàn kìm.

Năm 10 tuổi, Trần Văn Khê đậu tiểu học, sang Tam Bình, Vĩnh Long nhờ người cô thứ năm nuôi. Đến đây Trần Văn Khê được học chữ Hán với nhà thơ Thượng Tân Thị. Trong kỳ sơ học năm 1934 tại Vĩnh Long được đậu sơ học có phần Hán Văn. Cả tỉnh chỉ có Trần Văn Khê và Nguyễn Trọng Danh được đậu bằng chữ Hán.

Năm 1934, ông vào trường Trung học Trương Vĩnh Ký, được cấp học bổng. Học rất giỏi, năm 1938 ông được phần thưởng là một chuyến du lịch từ Sài Gòn đến Hà Nội, ghé qua Phan Thiết, Đà Nẵng, Nha Trang, Huế. Nhờ đậu tú tài phần nhất năm 1940, thủ khoa phần nhì năm 1941, ông được đô đốc Jean Decoux thưởng cho đi viếng cả nước Campuchia xem Chùa Vàng, Chùa Bạc tại Nam Vang, viếng Đế Thiên Đế Thích. Khi về Việt Nam, nhờ thầy Phạm Thiều giới thiệu, ông được Đông Hồ tiếp đãi, dẫn đi chơi trong một tuần.

Thời gian này, ông cùng Lưu Hữu Phước, Võ Văn Quan lập dàn nhạc của trường, và dàn nhạc của học sinh trong câu lạc bộ học sinh mang tên là Scola Club của hội SAMIPIC. Ông là người chỉ huy hai dàn nhạc đó.

Năm 1942, Trần Văn Khê ra Hà Nội học y khoa. Tại đây, cùng với Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Phan Huỳnh Tấng (nay đổi thành Phạm Hữu Tùng), Nguyễn Thành Nguyên, hoạt động trong khuôn khổ của Tổng hội Sinh viên. Do thể hiện một trình độ cảm nhạc xuất sắc, ông được cử làm nhạc trưởng của giàn nhạc trường, nhân giới thiệu những bài hát của Lưu Hữu Phước. Ông còn tham gia phong trào "Truyền bá quốc ngữ" trong ban của GS Hoàng Xuân Hãn, "Truyền bá vệ sinh" của các sinh viên trường Thuốc, và cùng các bạn Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng tổ chức những chuyến "đi Hội đền Hùng", và đi viếng sông Bạch Đằng, Ải Chi Lăng, đền Hai Bà.

Năm 1943, ông cưới bà Nguyễn Thị Sương, và sau đó có nhiều sự kiện làm Trần Văn Khê phải xin thôi học để trở về miền Nam. Con trai đầu lòng của ông là Trần Quang Hải, sinh năm 1944, sau này cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam danh tiếng. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia kháng chiến cho tới đầu năm 1946, ông có thêm người con trai thứ hai đặt tên là Trần Quang Minh nên ông được tổ chức bố trí lùi về vùng Pháp kiểm soát cuối năm 1946. Năm 1946 cũng là năm ông sáng tác bản nhạc Đi Chơi Chùa Hương phổ nguyên văn toàn bộ bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp. Năm 1948, bà Sương sanh tiếp cho ông cô con gái Trần Thị Thuỷ Tiên.

Ông sang Pháp du học từ năm 1949 nên chưa biết mặt cô con gái út Trần Thị Thuỷ Ngọc còn nằm trong bụng mẹ. Hè năm 1951, ông thi đậu vào trường Chính trị Khoa giao dịch quốc tế. Cho đến năm 1958, ông theo học khoa nhạc học và chuẩn bị luận án tiến sĩ dưới sự chỉ đạo của các Giáo sư Jacques Chailley, Emile Gaspardone và André Schaeffner. Tháng 6 năm 1958, ông đậu Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne. Luận văn của ông có tên: “LaMusique vietnamienne traditionnelle” (Âm nhạc truyền thống Việt Nam).

Từ năm 1963, ông dạy trong Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông phương, dưới sự bảo trợ của Viện Nhạc học Paris (Institut de Musicologie de Paris). Ông là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế khác; là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu của Đức (International Institute for Comparative Music Studies).[7]

Ông đã đi 67 nước trên khắp thế giới để nói chuyện, giảng dạy về âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Sau 50 năm nghiên cứu và giảng dạy ở Pháp, năm 2006, ông chính thức trở về sinh sống và tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân tộc tại Việt Nam. Ông cũng là người đã hiến tặng cho Thành phố Hồ Chí Minh 420 kiện hiện vật quý, trong đó có nhiều loại nhạc cụ dân tộc và tài liệu âm nhạc.

Năm 2009, ông là một trong những trí thức nổi tiếng ký vào thư phản đối dự án Boxit ở Tây Nguyên.[8]

Sau một thời gian bị bệnh, ông qua đời vào khoảng hai giờ sáng ngày 24 tháng 6 năm 2015 tại bệnh viện Nhân dân Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh.[2



Thực hiện di nguyện
Mâu thuẫn về nơi đặt di cốt

Theo di nguyện nói của ông Trần Văn Khê trước khi mất, hài cốt sẽ được mang về Vĩnh Kim (Tiền Giang), chôn bên cạnh mộ phần của cha mẹ ông và dòng tộc bao đời nay vẫn ở đó[9]. Tuy nhiên, di nguyện văn bản hợp pháp sau cùng ông quyết định hỏa táng và để các con mình bàn bạc quyết định chỗ lưu tro cốt.

Ngày 26/12/2015, con thứ của ông là Trần Quang Minh, người con duy nhất còn ở lại Việt Nam đã di cốt của cố giáo sư từ nhà riêng của ông tại Thành phố Hồ Chí Minh tới an vị tại Linh Hoa Tuệ Đàn thuộc Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương. Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng một không gian thờ phượng và tưởng niệm cố giáo sư Trần Văn Khê tại một vị trí trang trọng, bao gồm cả các bộ bàn ghế tiếp khách và trang thiết bị truyền hình, âm thanh, nơi trưng bày các hiện vật, tranh ảnh… để phục vụ cho những cuộc giao lưu, những nghiên cứu âm nhạc dân tộc của ông.[10] Đây là quyết định gây mâu thuẫn. Quyết định này được các con gái của ông Khê ủy nhiệm, nhưng lại không được con trưởng của ông là Trần Quang Hải tán thành[9].



Thành lập nhà lưu niệm

Di nguyện của ông Trần Văn Khê là sau khi ông mất, toàn bộ tiền phúng viếng sẽ để ra để thành lập Quỹ Trần Văn Khê và chuyển ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai trở thành Trung tâm Trần Văn Khê.

Tuy nhiên, ngày 1/1/2016, con trai trưởng Trần Quang Hải viết thư cho Ban tang lễ (ban được ông Khê ủy nhiệm cùng con trai trưởng để thực hiện di nguyện) xin từ bỏ ý định thực hiện di nguyện do một số lý do: Quỹ 700 triệu từ tiền phúng viếng không thể đủ để thành lập quỹ (theo quy định là 1 tỷ) và duy trì hoạt động sau này, ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai thủ tục quá nhiêu khê và vẫn chưa được nhà nước cấp phép[11].



Gia đình

Ông Trần Văn Khê có người em trai là nhạc sĩ Trần Văn Trạch và em gái út là Trần Ngọc Sương. Nhạc sĩ Trần Văn Trạch là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng ở Sài gòn trước năm 1975. Trần Ngọc Sương sinh năm 1925, từng là ca sĩ lấy biệt hiệu là Ngọc Sương, sau đổi lại là Thủy Ngọc trong những năm 1948-50, và hiện sống tại Montreal, Canada.



Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch và Lê Thương ở Sài Gòn năm 1949


Người vợ duy nhất của ông Trần Văn Khê là bà Nguyễn Thị Sương (1921-2014). Ông Trần Văn Khê có bốn người con với bà Sương: Trần Quang Hải hiện là nhà nghiên cứu nhạc dân tộc tại Paris, Trần Quang Minh, kiến trúc sư, hiện sống ở TP Hồ Chí Minh, Trần Thị Thủy Tiên hiện sống tại Paris, và Trần Thị Thủy Ngọc, nhạc sĩ đàn tranh và làm việc cho một ban nghiên cứu Đông Nam Á của trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học ở Paris[12].


Khi ông Khê sang Pháp học năm 1949, do hoàn cảnh, ông và bà Sương không còn sống với nhau nữa. Năm 1960, bà Sương và ông ly dị,[13] tuy nhiên sau này vẫn coi nhau là bạn[14]. Sau đó ông có những người phụ nữ khác nhưng ông không kết hôn thêm lần nào nữa. Ông nói: "Đa tình thì có thể nhưng rất may là tôi không phải là người bạc tình và cũng chưa bao giờ cùng lúc có hai ba người. Chỉ có người này đi qua người khác đến. Cũng chưa có người phụ nữ nào oán trách tôi, khi chia tay chúng tôi đều giữ lại được tình bạn."[15]. Mấy chục năm cuối đời ông sống một mình.


Khi ông Khê sang Pháp học năm 1949, người con gái út của ông là Trần Thị Thủy Ngọc còn nằm trong bụng mẹ chưa ra đời. Sau này, năm 1961 Trần Quang Hải (trưởng nam) sang Pháp, tới năm 1969 đến lượt Thủy Ngọc (con gái út) sang Pháp ở với cha. Còn Trần Quang Minh và Thủy Tiên ở lại Việt Nam, sống với mẹ[13]. Đến 1986, Thuỷ Tiên qua Pháp định cư. Trần Quang Hải kết hôn với ca sĩ Bạch Yến (ca sĩ) sống tại Paris. Trần Quang Minh có gia đình vẫn sống ở TP HCM cho đến nay.



Hội viên

Giáo sư Trần Văn Khê là thành viên của nhiều hội nghiên cứu âm nhạc trong nước Pháp, Mỹ, Trung Quốc và trên trường quốc tế:

Hội Nhà văn Pháp
(Société des Gens de Lettres) (Pháp)

Hội Âm nhạc học
(Société Française de Musicologie) (Pháp)

Hội Dân tộc Nhạc học Pháp
(Société Française d'Ethnomusicologie) (Pháp)

Hội Âm nhạc học Quốc tế
(Société Internationale de Musicologie)

Hội Dân tộc Nhạc học
(Society for Ethnomusicology) (Mỹ)

Hội Nhạc học Á châu
(Society for Asian Music) (Mỹ)

Hội Âm nhạc Á châu và Thái Bình Dương
(Society for Asian and Pacific Music)

Hội Quốc tế Giáo dục Âm nhạc
(International Society for Music Education)

Thành viên và chủ tịch hội đồng khoa học của Viện Quốc tế Nghiên cứu Âm nhạc với Phương pháp Đối chiếu
(International Institute for Comparative Music Studies) (Đức)

Hội đồng Quốc tế Âm nhạc truyền thống
(International Council for Traditional Music) nguyên phó chủ tịch (Mỹ)

Hội đồng Quốc tế Âm nhạc
(International Music Council/UNESCO),
nguyên uỷ viên ban chấp hành, nguyên phó chủ tịch, đương kim Chung sanh hội trưởng danh dự (Pháp) 
Viện sĩ thông tấn, Hàn lâm viện châu Âu, Khoa Học,



Văn chương, Nghệ thuật...

Giải thưởng

1949: Giải thưởng nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan Thanh niên Budapest.
Huy chương bội tinh hạng nhứt của chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Văn hoá bội tinh hạng nhứt của Bộ giáo dục Việt Nam Cộng hòa.

1975: Tiến sĩ âm nhạc danh dự (Docteur en musique, honoris causa) của Đại học Ottawa (Canada).

1981: Giải thưởng âm nhạc của UNESCO ở Hội đồng Quốc tế Âm nhạc (Prix UNESCO - CIM de la Musique).

1991: Officier de l'Ordre des Arts et des Lettres, Ministère de la Culture et de l'Information du Gouvernement français
(Huy chương về Nghệ thuật và Văn chương của Bộ Văn hoá Pháp).

1993: Cử vào Hàn lâm viện châu Âu về Khoa học, Văn chương, Nghệ thuật; viện sĩ thông tấn.

1998: Huy chương Vì Văn hoá Dân tộc của Bộ Văn hoá Việt Nam.

1999: Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch Trần Đức Lương cấp.

2005: Giải thưởng Đào Tấn do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trao tặng.

2011: Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu




Chú thích

^ Vĩnh biệt GS-TS Trần Văn Khê – một người tài hoa … Q.Như- H.Thuận, 13:37 - 24/06/2015 (GMT +7) 
^ a ă Singapore Swim Association. “Giáo sư Trần Văn Khê qua đời”. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2015. 
^ Mai Anh, "GS. Trần Văn Khê - Nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống làm vinh danh nước Việt", trang Đại học Quốc gia Hà Nội. Truy cập 2008-10-22. 
^ Trần Văn Khê, "Đờn ca tài tử trong không gian văn hóa Nam bộ", bảo Tuổi Trẻ 15/01/2006 10:50 GMT+7. Truy cập 2015-06-29. 
^ a ă Nguyễn Phúc Nghiệp, "Về một gia tộc nổi tiếng âm nhạc ở Việt Nam", trang tỉnh Tiền Giang cập nhật 18-04-2008. Truy cập 2015-06-29.. 
^ Bạch Dương, "GS Trần Văn Khê và những ngôi nhà", Bạch Dương ghi, Báo Tiền phong 13:31 ngày 05 tháng 10 năm 2008. Truy cập 2015-06-29. 

Tham khảo
"Bảo vệ tích cực" di sản âm nhạc Hữu Trịnh, 29/08/2007 12:52:48 
Trao giải thưởng Đào Tấn cho Giáo sư Trần Văn Khê báo Tuổi Trẻ cập nhật 21/11/2005 15:29 GMT+7 theo TTXVN 














Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Quả thật, có thể công việc nghiên cứu công phu và kỳ tài của nhạc sĩ Trần Văn Khê luôn được ngưỡng mộ nhưng chỉ có giá trị biểu trưng trong đám đông. Nghe tên thì nhiều nhưng để tìm hiểu và biết về ông thì chẳng có mấy ai.

Năm 2014, tôi gọi điện thoại cho nhạc sĩ Trần Văn Khê để xin hẹn gặp mặt phỏng vấn. Lúc đó, ông chỉ vừa về nhà sau môt đợt nằm ở nhà thương khá dài. Khi nghe mục đích cuộc trò chuyện là để đưa lên báo, ông ngập ngừng một chút rồi hỏi lại “thật ra, công việc của bác là nghiên cứu, khô khan lắm, có gì để nói cho công chúng thích thú đâu?”. Câu nói có cả sự khiêm tốn, nhưng cũng có cả một nỗi niềm trong thời đại nhộn nhịp mê mãi mua vui hôm nay. Trong tíc tắc ấy, tôi chợt nhận cả một khung cảnh đồ sộ nền âm nhạc Việt Nam, trong một tình cảm buồn vui lẫn lộn.

Quả thật, có thể công việc nghiên cứu công phu và kỳ tài của nhạc sĩ Trần Văn Khê luôn được ngưỡng mộ nhưng chỉ có giá trị biểu trưng trong đám đông. Nghe tên thì nhiều nhưng để tìm hiểu và biết về ông thì chẳng có mấy ai. Có thể đó là lý do khiến bất cứ ai tìm kiếm trên các trang mạng về nhạc sĩ Trần Văn Khê, có rất ít các bản video nói chuyện về âm nhạc dân tộc Việt được tìm thấy, so với hàng trăm lần, hàng trăm bài diễn thuyết đã được ghi hình của ông. Tất cả những chương khai sáng về văn hóa Việt bị nhấn chìm trong biển của các video ca nhạc thương mại, đặc biệt có những lời ca ngợi ngất trời vĩ đại, cùng lượt người xem chạm đỉnh.

Khó mà tả được một cảm giác như vậy, cũng giống như những lần tôi hỏi các sinh viên ngành nhạc do vô tình gặp gỡ, khi hỏi rằng biết Đặng Thái Sơn là ai không, họ trả lời có, nhưng chỉ là biết cái tên, còn lại vẫn là một khoảng trống mù mờ vô tận.

Dĩ nhiên, việc tìm đến một thú vui giải trí qua ngày tháng là điều không thể trách cứ gì, đối người Việt Nam hôm nay, hoặc với một giai cấp rủng rỉnh tiền. Nhưng giữa sự mất cân bằng dến vậy, những ai nghĩ về văn hóa Việt cũng nên có chút băn khoăn và cần suy nghĩ rằng quả có điều gì đó bất bình thường đang lớn dần trên đất nước này.

Đừng quên, ở đất nước như Hoa Kỳ, khi các tác phẩm điện ảnh giải trí vô bổ như Avengers hay Mad Max có thể gây nên những cơn sốt rầm rộ, thì các buổi diễn nhạc kịch Broadway với giá vé rất cao, cũng luôn không còn chỗ ngồi trước 3 tháng. Những buổi diễn thuyết về triết học Phật giáo và khoa học của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở các trường đại học có khán phòng 5000-6000 chỗ ngồi, muốn tham dự phải chật vật ghi danh lấy chỗ trước cả tháng với giá ít nhất là 350 USD, không khác gì buổi biểu diễn đặc biệt của một danh ca nhạc rock đương thời. Sự cân bằng ấy, cho thấy một sự phát triển bình thường, và bất kỳ ai có bi quan về tương lai thế nào., cũng có thể tạm yên tâm về lộ trình phát triển văn hóa ấy của cả một quốc gia mình như vậy.

Rất nhiều lần, các buổi hòa nhạc hiếm có ở Nhạc viện hay Nhà hát lớn Sài Gòn vắng khách, đặc biệt các hàng ghế tốt nhất dành cho các nhân vật quan trọng, với vé mời thành kính, luôn để trống vì không có người đến. Ghế dành cho các quan chức vị trí càng cao, nguy cơ để trống càng lớn. Và nếu đến thì cũng vội vã ra về lúc giải lao giữa chừng, Không ít lần, những người khán giả yêu âm nhạc đã phải im lặng xót xa, vì sao một chương trình như vậy ở nước ngoài, không phải ai cũng có được cơ may tham dự, thì ở Việt Nam luôn lạnh lẽo đến đáng buồn tủi. Thậm chí, các chương trình chiếu phim miễn phí giao lưu văn hóa của các nước Pháp, Đức… cũng không phải là điểm đến đầy ấm áp văn hóa, tương đồng với thành phố lắm cao ốc và dự án phát triển khổng lồ của xã hội Việt. Thậm chí nơi đó, những nhà đạo diễn lừng danh, những người làm nghề điện ảnh thì lại càng hiếm hoi.

Đinh Sơn, người thầy từ miền Bắc mà tôi yêu quý như cha mình trong những năm ở Nhạc Viện, từng nói trong một mùa hè, một lần ngồi ngó ra song cửa nhìn học sinh khoa dân tộc tràn ra về sau giờ học “có lẽ nhiều năm nữa, mình mới có một thế hệ bật ra được một người như Trần Văn Khê”. Ông giải thích rằng ông chứng kiến trong đời mình những thế hệ Tây học hết sức trí thức, chỉ mới ngoài hai mươi đã tranh cãi nhau kịch liệt về triết học. Đi ra bờ hồ thấy các thanh niên ngồi đọc sách báo nước ngoài, trò chuyện với khách du lịch bằng ngoại ngữ là chuyện thường ngày. Nhưng giờ đây mọi thứ càng ít đi. Con người trong xã hội không học tri thức sống nữa mà chỉ học công thức để sống sót. Ngoại ngữ không phải để trau dồi và mở cánh cửa ra thế giới mới, mà chỉ để được dung nạp ở nước ngoài hoặc mong hiểu được nhanh những cách thức làm giàu, từ tác phẩn ngoại văn. “Một thế hệ vàng như xưa nếu trỗi dậy, cũng sẽ chỉ bật ra được một vài người làm rạng danh đất nước. Trần Văn Khê là một người hiếm hoi của thế hệ hiếm hoi như vậy đó”, thầy tôi nói. Nhiều năm sau, khi ông qua đời, tôi lại càng thấy những điều ông nói là căn bản của sự phát triển của một quốc gia, càng thấm thía biết bao.

Trách sao được khi hôm nay nhà hát hòa nhạc luôn vắng. Trách sao được khi điện ảnh nghệ thuật luôn heo hút người chia sẻ trí tuệ. Điều đó là câu hỏi về vấn đề thế hệ. Trong lần xem ra mắt một cuốn phim nghệ thuật của nữ đạo diễn người Pháp gốc Việt, chiếu tại Viện trao đổi văn hóa với Pháp (Idecaf, quận 1), một nhà làm phim lâu năm, có tên tuổi trong nước, tóc hoa râm, đã đứng lên có ý kiến, thành thật xin được giải thích vì coi hết phim, ông vẫn chưa hiểu. Cả rạp chết lặng. Và cả người nữ đạo diễn cũng chết lặng. Bài giảng văn về chính tác phẩm của mình được đọc vội nơi đó trong sự xấu hổ của rất nhiều người, và thương xót cho thế hệ của mình, thế hệ đi trước mình.

Một lần nhận được một lời mời làm phim quảng cáo cho một hãng thực phẩm của nước ngoài. Sau khi xem xong phần phim quảng cáo, tôi đề nghị sử dụng hình thức nhạc giao hưởng để làm cho phim, thì sẽ phù hợp. Hai người bạn trẻ gần 30, đại diện của hãng quảng cáo nước ngoài ấy, khi nói chuyện luôn pha các câu tiếng Anh vào để diễn đạt như thể tiếng mẹ đẻ không đủ sức diễn đạt, đã nhìn nhau, và hỏi rằng “Sorry, anh cho biết nhạc giao hưởng là loại nhạc gì?”. “Mấy em chưa bao giờ nghe đến kiểu nhạc giao hưởng à?”… Hai người bạn trẻ hơi bối rối “Maybe tụi em biết nhưng không nhớ hết. Thôi anh về làm giúp tụi em một bản demo nhạc giao hưởng như anh nói, rồi tụi em sẽ feedback (hồi đáp) cho anh liền”. Dĩ nhiên, tôi trả lại dự án đó và ra về, vì biết rồi mọi chuyện sẽ rất “khô khan”, không khác gì nỗi lo như nhạc sĩ Trần Văn Khê đối diện với đời sống hôm nay vậy.

Nhạc sĩ Trần Văn Khê là một con người tự trọng. Đây không phải là lần bệnh tật tuổi già đầu tiên của ông mà khó khăn đeo đuổi, nhưng ông luôn im lặng vì e rằng sự “khô khan” của đời mình sẽ là điều làm phiền ai đó hơn là được chia sẻ. Chỉ đến khi những người yêu mến ông quá sốt ruột và viết những lời kêu gọi trên facebook, thì mới có một đợt quan tâm lan rộng trong một tầng lớp hiếm hoi còn tiếc thương văn hóa Việt, tiếc thương nhân tài Việt.

Không thể không buồn khi chuyện một ngôi sao ca nhạc tầm ruồng hôm nay khoe nhà cửa, siêu xe… được các báo săn đón, đăng tải đến mấy kỳ hoặc kéo link khắp nơi, còn một thư viện văn hóa của người Việt có thể hóa rồng vào chốn hư không thì chỉ được có vài dòng tin quấy quá. Người Đức vẫn có câu “mỗi người già là một thư viện quý, khi họ mất đi, chúng ta lại càng ngu dốt hơn”. Có bao nhiêu thư viện quý như vậy đã và sẽ ra đi trong tiếng trống hội đùng đoàng vô tâm trên đất nước này? Không thể không buồn khi các danh ca, đại kịch sĩ… khoe khoang tổ chức đi từ thiện rầm rộ, bộ thức chiêm bái uy nghiêm trước ống kính truyền hình, nhà báo… nhưng tảng lờ chuyện thật của đời, từ nhạc sĩ Trần Văn Khê cho đến nghệ sĩ Trang Thanh Xuân, nhạc sĩ Thanh Bình… Nếu có nói đến, lưỡi dao báo chí cũng chỉ lách và lọc từng nỗi đau của con người để câu chút ít sự quan tâm cho bản báo, giọng điệu giả nhân giả nghĩa. Đó cũng là những điều mất cân bằng kỳ quái trong xã hội văn hóa hôm nay. Không ít, mà nhiều, rất nhiều.

Điều gì đã khiến người Việt từ những thế hệ vàng, chuyển sang những thế hệ khô khan với tri thức và văn hóa của con người, vốn đã từng lộng lẫy? Sự thụt lùi ấy không đong đo được, như một dấu chấm hỏi trĩu nặng không lời đáp theo chiều dài xứ Việt, với mỗi chúng ta.. Câu hỏi vẫn gõ đều như tiếng kinh chiều mỗi ngày, báo hiệu những ngày tháng khô khan như sa mạc trên đất nước hôm nay, đang lắm lời tự ngợi ca và tự huyễn hoặc mình.

Thành phố của tụi mình, đất nước của tụi mình…














Sầm Giang Tái Ngộ 14 - Trần Văn Khê - Nghiên cứu tiếng cười trong Hát Bộ





Giáo sư Trần Văn Khê nói về nhạc sĩ Phạm Duy trong chương trình "Thơ phổ nhạc"







ĐỜI VẪN ĐẸP SAO - GIÁO SƯ: TRẦN VĂN KHÊ - MAYQ MEDIA












































Trở về












MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.










Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2020

A Khuê (1948 - 2009)


















A Khuê

(1948 - 13/8/2009)
tên thật Hoàng Văn Phúc

nhà thơ, nhạc sĩ 









Tiểu sử

A Khuê tên thật là Hoàng Văn Phúc, sinh năm 1948 tại Quang Phục,Tứ Kỳ, Hải Dương trong một gia đình Công giáo, mất ngày 13 tháng 8 năm 2009 tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Theo gia đình di cư năm 1954, tuổi nhỏ A Khuê lớn lên tại Đà Nẵng và học nhạc từ chính người cha của mình. Tuy nhiên, thơ mới là căn cốt thiên phú làm nên một tên tuổi A Khuê, dẫu rằng khoảng 100 bài thơ mà ông đã viết chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với gia tài âm nhạc trên 1000 ca khúc tính tới ngày mất. Năm 1970 (22 tuổi), NXB Da Vàng, Đà Nẵng ấn hành tập thơ Vàng Bay của A Khuê gây nhiều dư luận lúc bấy giờ. Ông cùng Phạm Phú Hải và Vũ Hữu Định (những bạn đồng ấu) lập nhóm tài tử tâm thi, dụng thơ như cuộc lãng du bụi cát của chính họ. Ba thi sĩ này từng được mệnh danh là “Tam nhân lãng tử đất sông Hàn” mà bạn bè hằng nhắc. Năm 1999 (41 tuổi), NXB Trẻ in tập thơ Lùa Bò Trong Sương, tập thơ thứ 2 của A Khuê, được bạn đọc không chỉ riêng Sài Gòn yêu quý. Đặc biệt, khi bài thơ “Về đây nghe em” của A Khuê được người bạn thuở thiếu thời là nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc đã gây ấn tượng mạnh cả trên thi đàn Việt và ca khúc Việt đương đại. “Về đây nghe em” vượt thoát những cố chấp, kéo gần những ngả rẽ phân liệt, những hoang mang bôn lưu, như vệt chảy hồng hào âm thầm trong mạch huyết người Việt bốn phương. Nhiều nhà thơ và bạn đọc ba miền, kể cả hải ngoại bắt đầu lật lại một tiếng thơ đặc sắc, nhân bản, chứa chan nhạc cảm và ý thức sưu tầm những bài thơ A Khuê, bổ khuyết vào những mảnh ghép còn bỏ ngỏ.

Thơ A Khuê độc đáo trong thi ảnh, vu khoát trong cấu tứ, buồn thanh tú, có lúc phóng đạt mà vẫn dịu dàng. Có thể thơ ông chịu đôi chút ảnh hưởng nào đó từ Hàn Mặc Tử, từ Bùi Giáng. Dẫu vậy, A Khuê vẫn tạo bản sắc, giọng điệu thơ riêng, tư duy duy mĩ, lấy cảm xúc nội sinh làm thăng hoa phóng ngôn. Đã có vài bài viết về ông, về cuộc sống túng quẫn của gia đình ông nhưng nhìn chung chỉ là những chú tâm khai khẩn phần hữu giới.

Hoàng Quý






Thơ


Hai tập thơ nổi tiếng nhất

Lùa bò trong sương

Vàng bay



Bài thơ nổi tiếng nhất được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc là bài Về đây nghe em: 



VỀ ĐÂY NGHE EM


Về đây nghe em!
Về đây mặc áo the đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Về đây gọi tiếng xưa…
Về đây nghe em!
Về đây thả ước mơ đi hát dạo
Để chào đời bằng hạt sương mai
Để bằng lòng ngọt ngào hấp hối
Hận thù người lắng xuống
Tìm nhau như tìm xót xa…
Này hồn ơi lên cao
Đem ánh sáng hân hoan trên trời
Rọi vào đời
Cho ta tinh cầu yêu thương
Này thịt xương
Ta chưa mang theo
Khi ngã xuống mê man tủi hờn
Về đây nghe nhau thở dài trong đêm!
Về đây nghe em!
Cùng khóc trên sông nước buồn
Chờ lòng người trở về quê hương
Chờ hồn mình về dòng suối mát
Chờ thật thà vào lòng dối trá
Và nhạc hoa xin kiếp
Tạ ơn hoang phế gặp nhau…












Ca khúc








Các ca khúc nổi tiếng



Tình thiên thu



Nhánh hoa xưa
(thơ Trương Đình Tuấn)



Bóng gương
(thơ Thái Thanh Nguyên)


Album Mặt trời đã lên
(cùng nhạc sĩ Bạch Cung Thạnh)
















THƠ A KHUÊ
BỤI, VÀ CÁT, VÀ HƯƠNG QUYẾN RŨ


A Khuê tên thật là Hoàng Văn Phúc, sinh năm 1948 tại Quang Phục,Tứ Kỳ, Hải Dương trong một gia đình Công giáo, mất ngày 13 tháng 8 năm 2009 tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Theo gia đình di cư năm 1954, tuổi nhỏ A Khuê lớn lên tại Đà Nẵng và học nhạc từ chính người cha của mình. Tuy nhiên, thơ mới là căn cốt thiên phú làm nên một tên tuổi A Khuê, dẫu rằng khoảng 100 bài thơ mà ông đã viết chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với gia tài âm nhạc trên 1000 ca khúc tính tới ngày mất. Năm 1970 (22 tuổi), NXB Da Vàng, Đà Nẵng ấn hành tập thơ Vàng Bay của A Khuê gây nhiều dư luận lúc bấy giờ. Ông cùng Phạm Phú Hải và Vũ Hữu Định (những bạn đồng ấu) lập nhóm tài tử tâm thi, dụng thơ như cuộc lãng du bụi cát của chính họ. Ba thi sĩ này từng được mệnh danh là “Tam nhân lãng tử đất sông Hàn” mà bạn bè hằng nhắc. Năm 1999 (41 tuổi), NXB Trẻ in tập thơ Lùa Bò Trong Sương, tập thơ thứ 2 của A Khuê, được bạn đọc không chỉ riêng Sài Gòn yêu quý. Đặc biệt, khi bài thơ “Về đây nghe em” của A Khuê được người bạn thuở thiếu thời là nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc đã gây ấn tượng mạnh cả trên thi đàn Việt và ca khúc Việt đương đại. “Về đây nghe em” vượt thoát những cố chấp, kéo gần những ngả rẽ phân liệt, những hoang mang bôn lưu, như vệt chảy hồng hào âm thầm trong mạch huyết người Việt bốn phương. Nhiều nhà thơ và bạn đọc ba miền, kể cả hải ngoại bắt đầu lật lại một tiếng thơ đặc sắc, nhân bản, chứa chan nhạc cảm và ý thức sưu tầm những bài thơ A Khuê, bổ khuyết vào những mảnh ghép còn bỏ ngỏ.

Thơ A Khuê độc đáo trong thi ảnh, vu khoát trong cấu tứ, buồn thanh tú, có lúc phóng đạt mà vẫn dịu dàng. Có thể thơ ông chịu đôi chút ảnh hưởng nào đó từ Hàn Mặc Tử, từ Bùi Giáng. Dẫu vậy, A Khuê vẫn tạo bản sắc, giọng điệu thơ riêng, tư duy duy mĩ, lấy cảm xúc nội sinh làm thăng hoa phóng ngôn. Đã có vài bài viết về ông, về cuộc sống túng quẫn của gia đình ông nhưng nhìn chung chỉ là những chú tâm khai khẩn phần hữu giới.

Ở góc độ thi ca, “Bụi, và cát, và hương quyến rũ” tìm một A Khuê thi sĩ . Thi - sĩ - vàng - ròng!



Bụi, và cát,
và hương quyến rũ

Nhà thơ: Hoàng Quý

1. Vào một đêm mùa đông cuối tháng Chạp năm 2001, trong một khách sạn nhỏ ở Hà Nội, tôi, hoạ sĩ - nhà thơ Nguyễn Trần Thái và thi sĩ Trần Quốc Thực tề tựu trò chuyện. Cái đêm cuối chạp ấy rét như cả năm dồn tụ và vón cục những tê buốt lại. Chỉ Nguyễn Trần Thái là đã ngà ngà, lơ mơ ngủ và vùi gần kín đầu trong chiếc chăn bông không lấy gì làm dày dặn. Trần Quốc Thực so ro và chậm rãi đọc cho tôi nghe vài bài thơ trong tập Tháp Cúc, tập thơ in sau đó ít năm. Đang mạch lạc, bỗng anh thoắt dừng, bất ngờ hỏi: Hoàng Quý có đọc nhiều thơ của những tác giả miền Nam viết trước 1975 không? Mình được đọc ít quá. Sách rất thiếu. Sách của những nhà thơ miền Nam trước 1975 rất khó kiếm. Tôi nói với anh rằng cũng đọc nhưng không nhiều lắm. Anh thở dài: Phải cố tìm mà đọc. Nhiều bài thơ, nhiều tác phẩm cả văn xuôi và thơ rất có giá trị. Mình làm biên tập ở báo Văn nghệ, công việc tuy không quá bận nhưng sức khoẻ kém lắm rồi, dạo này phổi rất tệ, đọc ít dần, như thế thực không hay lắm đâu…

Anh nhìn đăm đắm bầu trời nhớp nhoá mưa bấc phía ngoài cửa hẹp, bỗng thở dài, bỗng đọc:

“Đồi trăng một cụm tóc phơi
Thưa em uống rượu tả tơi một mình
Đồi trăng một cụm phơi mình
Thưa anh tầm thể đã nghìn xuân qua
Đồi trăng u uất chưa bưa
Bữa qua tôi uống thêm mùa uất u
Đồi trăng không ngớt vi vu
Bữa nay tôi ngậm sương mù thở than
Đồi trăng mỏng diệu diệu vàng
Hồn bay, bay giữa hai hàng hoa lê
Lên đồi khăn áo lê thê
Áo trăng quá lạnh tôi về giết trăng”


Nguyễn Trần Thái tung chăn choàng tỉnh, bật dậy, la: Thơ ai hay quá vậy? Lên đồi khăn áo lê thê / Áo trăng quá lạnh tôi về giết trăng là hai câu thơ hay dựng tóc; còn hai câu kế trên đẹp như một tác phẩm hội hoạ của một danh hoạ tài ba! Anh Thực ho húng hắng, rồi cười buồn: Hay quá phải không? Mình nghe người ta đọc một lần, người đọc cũng không biết thơ của ai. Mình dò hỏi nhiều nguồn vẫn chưa biết ai là tác giả. Lúc đầu, mình đã nghĩ thơ của người này có cái gì đó giống thơ Hàn Mặc Tử, lại có cái gì đó váng vất Bùi Giáng. Nhưng, đọc kỹ nhiều lần thì càng thấy rằng không phải vậy. Tất nhiên là chỉ bài này, hoặc là 12 câu mà mình biết chứ những bài khác thì đâu đã biết. Người thơ này phải là một nhà thơ có tài. Mà cũng không rõ bài thơ chỉ bấy nhiêu thôi, hay còn nữa mà người đọc cho mình nghe cũng không nhớ. Nếu bài thơ kết ở đó thì đã rất hay rồi…Khí thơ nghe lạnh mà vẫn trong, các ông ạ!

Đêm đó, chúng tôi thức trắng. Trần Quốc Thực còn đọc khá nhiều thơ của Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền và vài nhà thơ miền Nam khác mà anh yêu thích. Riêng tôi, 12 câu thơ của tác giả “bí mật” nọ cứ ám ảnh, và ám ảnh rất thường khi sau này. Khi thi sĩ Trần Quốc Thực đã bỏ bạn bè về một trời khác, thì ngoài thơ của anh mỗi lần tôi đọc lại, tôi lại nhớ tới 12 câu thơ anh đã đọc cho tôi và Nguyễn Trần Thái nghe đêm nào. Cũng như anh, tôi đã cố công dò tìm cho ra ngọn nguồn mà đành chịu.

2. Đầu tháng bảy năm nay, nhà nghiên cứu lịch sử kiêm phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Phước Phan Văn Dõng điện thoại xuống Vũng Tàu, hỏi tôi:

- Anh có thu xếp đi một chuyến Bình Phước được không? Giữa tháng này chúng tôi mở Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật lần thứ II. Cố mà gác mọi việc lên với tụi mình. Ở trên này có A Khuê và Trung Đức biết anh đấy!

Và thế là tôi có điều kiện cho một chuyến đi mới, bổ ích và rất đặc biệt.

Anh Dõng bố trí cho tôi và nhạc sỹ A Khuê ở chung một phòng, phòng 406 của khách sạn Mỹ Lệ, một khách sạn đẹp nhất của thị xã Phước Long - mà cũng có lẽ là đẹp nhất của Bình Phước. Tôi và nhạc sỹ A Khuê luôn luôn ngồi kề cận nhau dù trên xe, hay trong các bữa ăn của đoàn. Hằng đêm, khi về đến khách sạn thì thôi rồi, thức, đọc thơ, hát, chụm đầu không ít lần xuống những khuông nhạc. Chúng tôi thường nói tếu: Rồi sẽ đến lúc được ngủ mãi. Vì thế có dịp ở với nhau sướng thế này cứ phải thức cái đã! Đến Điểu Đức - anh bạn nhạc sỹ rất trẻ người S’tiêng nhập đoàn sau, ở cùng phòng 406 theo đề nghị của tôi cũng được một phen bội thực thơ, bội thực thức và bội thực chuyện...tào lao.

Đêm cuối của chuyến đi, nhạc sỹ A Khuê bỗng hỏi: - Em đã đọc thơ thằng này chưa…Rồi anh đọc Em Pleiku má đỏ môi hồng/ Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông. Tôi reo lên: Thơ Vũ Hữu Định! Rồi đọc nối luôn Nên mắt em ướt và tóc em ướt/ Da em mềm như mây chiều trong.

Như chạm mạch, tôi say xưa đọc thêm mấy câu khác:

“Chiều khó thở ngồi bên quán xép
Một miếng khô, một xị rượu nồng
Nhai là nói với đời lận đận
Uống là nghe sầu chảy long đong”

(Thơ Vũ Hữu Định)

A Khuê khoái quá, cười sang sảng, rồi bảo: Em thuộc cả thơ thằng Định, thằng bạn tri kỷ của anh là anh sướng quá. Vũ Hữu Định lận đận lắm. Nó chết buồn quá, khi tuổi mới vừa 40, chết vào tháng Giêng, tháng vừa xuân năm Tân Dậu (1981) ngay bên bờ sông Hàn của thành phố Đà Nẵng, cái thành phố mà thuở bé nó và anh đi đâu cũng có nhau. Anh kể cho tôi nghe rất nhiều những năm tháng trôi vô định cùng Vũ Hữu Định. Anh còn kể và đọc thơ của một người bạn rất thân nữa là Phạm Phú Hải (tác giả tập thơ Gánh Nước Tưới Sông). Anh khen Trần Quang Lộc - bạn đồng ấu với các anh ngày nào, rằng Trần Quang Lộc là một nhạc sỹ tài hoa. Nhưng tôi không thấy anh nhắc lời về cái hành vi “lờ ca từ” từ thơ của anh mà dư luận đã một dạo rất phản ứng. Khi tôi cố tình động chút ít vào sự kiện ấy, anh chỉ buồn buồn, rồi bảo: Cả thơ mình, ca từ mình viết cũng có ít nhất không dưới 13 lần trong nhạc Trần Quang Lộc chứ có riêng gì “Về đây nghe em” đâu. Nhưng thôi, chuyện đã qua rồi, mình cũng muốn gặp lại nó, vì gì thì gì nó cũng đã từng là bạn của tụi mình…

Sang đầu tháng 8, tôi trở lại Bình Phước một lần nữa. Sáng hôm tiễn tôi ở bến xe khách thị xã Đồng Xoài, nhạc sỹ A Khuê đưa cho tôi một tập thơ mà anh photo từ những tờ bản thảo anh còn giữ được. Anh bảo:

- Hồi trẻ, anh làm nhiều thơ lắm. Chả biết hồi ấy chữ ở đâu mà lắm thế. Viết cứ như một thằng mộng mị…Em mang những bài thơ cũ này của anh về và đọc xem thế nào! Năm 1999, cũng nhờ bạn hữu, Nhà Xuất bản Trẻ in cho anh tập thơ “Lùa bò trong sương”, còn tập “Vàng bay” do Nhà Xuất bản Da Vàng ở Đà Nẵng in năm 1970 thì anh chả còn tập nào trong tay nữa.

Tôi cảm động cất những bản photo anh đưa vào đáy chiếc ba lô và hứa sẽ đọc.

Và, tôi đã đọc đi đọc lại như bị ma ám suốt mấy đêm liên tiếp. A Khuê không chỉ là một nhạc sĩ có tài mà tôi đã biết. A Khuê còn là một nhà thơ, đúng hơn, là một thi sĩ - nhạc sĩ tài hoa dấn thân cho cả nhạc lẫn thơ với ý nghĩa đúng đắn nhất của những từ này!


3. Thơ A Khuê là một thứ thơ được sinh ra trong lòng của người thi sĩ luôn luôn biết cách “uống chữ, uống đời rồi nhả tơ vàng” để rồi tự chuốc ngất say ngư hơn cả uống rượu. Và, cũng chỉ sinh ra ở “loài thi sĩ” bị mắc một căn bệnh trầm kha rất đỗi đáng yêu là bệnh “viêm xê dịch mãn tính”. Bởi thế, họ không ở đâu cho yên. Bởi thế, họ rất biết cách tự vui và biết cách tự trào; rất biết gửi hồn mình, ẩn hồn mình trong mê trận chữ, biết “điều” chữ “đi” uyên náo cả lòng người.

Đây nhé:

Ra đi hồn không áo
Ngỡ dòng sống là đây
Con ngươi tôi trâng tráo
Chẳng có một bóng mây

(Sầu riêng - Trong: Bụi cát ra hương)

Đây nữa:

Rồi khi không ta dẫn hồn đi trốn
Chân trên cỏ chân lẫn cỏ sương bay

(Long lanh hương - Trong: Bụi cát ra hương)

Và, đi đến độ;

Bỏ xứ con đi
Đường trời xa lạ
Con ngươi của mẹ
Nhấp nháy mặt trời
Con đi trong nắng
Máu rờn rợn trôi

(Mẹ tàn phai - Trong: Bụi cát ra hương)

Thật là một cuộc đi nhiều kinh hoàng, mang nỗi buồn cuộc đi cũng rờn rợn kinh hoàng! Con đi trong nắng/ Máu rờn rợn trôi là những câu thơ viết về một sự đi trong cái kiếp nạn của đời người, của chính anh, rất hay và rất gợi, không bình được. Đọc , và ngẫm ngợi, có thể thì thấu cảm, và không nên bình. Tôi nghĩ thế!

Nhưng, liệu có phải người thi sĩ này đi chỉ nhằm cho một cuộc rong chơi bất cần đời? Không đâu! Ta có thể gặp anh lòng nhiều trĩu nặng khi thác lời những người hành khất để cất lên một điệu ca buồn, buồn đến nhức nhói, buồn đến tái tê: Tóc dài phất phới/ Để tang đời ư/…Áo quần bẩn thỉu/ Ta thù đời ư/ Bao lời xua đuổi/ Ta thương người ư/ Ngồi nói một mình/ Ta cao ngạo ư/ Nằm ngủ trần truồng/ Ta điên khùng ư (Khất hành ca - Trong: Lùa bò trong sương). 
Ở lời mà anh nói thác cho những kiếp hành khất là một loạt các câu hỏi gấp gáp mà nào có dễ trả lời! Thương những kiếp mỏng ở cõi người, nhưng anh cũng biết rằng lòng anh dẫu có như Hồ nguyệt đọng cũng chỉ có thể Ném hòn sỏi đơn sơ và bất lực.

Trong bụi, cát tơi bời của cuộc đi, sự vật lộn, sự dằn vặt trong tâm hồn chính nhà thơ đã không dưới một lần anh buộc phải kêu to rôi tự thán: Ta là không bóng không hình nàng ơi/ Sao ta đày ải cuộc đời trăm nơi/ Ta còn đây hay ta mất hút/ Trong nhà lớn bao la cuộc đời (Thiên thần không bóng không hình -Trong: Lùa bò trong sương). Phải chăng, mỗi khi như thế, mỗi khi lòng anh cô quạnh và nhiều bất lực, anh lại tự để cho lệ mình rơi rớt đầm đìa:

Buồn trên sông khóc trên sông
Cũng không đủ lệ một dòng cho ai
Nằm bên cỏ dại thầm thì
Thương chưa hề yêu chưa hề thương yêu
Sao đâu sao đâu đìu hiu
Áo trăng ta lạc giữa chiều rồi chăng

(Lẻ loi - Trong: Lùa bò trong sương)

Rồi anh chia sẻ:

Dù rằng máu vẫn nguôi ngoai
Đêm đêm tiếng thở lạnh dài hư vô
Tay cầm nguyệt đã tinh khôi
Vàng - một - phím - vàng - hai - rơi - ngõ - vàng

(Nỗi lòng chia sẻ - Trong: Lùa bò trong sương)

Cố thi sỹ - nhà phê bình văn học Trịnh Thanh Sơn có lần tâm sự với tôi rằng: Thơ hay hình như phần nhiều bật lên trên miệng vực của những nỗi buồn. Có lẽ đây cũng không chỉ riêng là nhận định của cố thi sỹ họ Trịnh. Tôi đồng tình rằng, cái có thể là “quy luật” sinh ra thơ hay mà cố thi sỹ đúc rút tâm sự với tôi, bởi ông đã trải và nghiệm khi đọc hàng núi sách và trò chuyện, tranh luận với rất nhiều thi bá, thi hữu ông gặp trong mấy mươi năm sống, đọc và viết. Khi đọc thơ A Khuê, càng đọc tôi càng sửng sốt thấy các bài thơ hay của thi sĩ luôn luôn đi ra từ những nỗi buồn. Ví dụ, khi A Khuê tạ ơn ân huệ của tháng ngày mà cuộc sống ban tặng, anh viết ra một thứ thơ đẹp buồn tráng lệ đến thế này:

Hồn như vĩ cầm lệ
Kêu réo qua từng ngày
Từng ngày bao ân huệ
Như tháng tháng mây bay

(Không ngờ - Trong: Bụi cát ra hương)

Hoặc cả ngay khi A Khuê gửi lời, gửi lòng cho một người con gái dù là gái giang hồ thì câu chữ tài tình anh viết vẫn luôn bật lên từ thẳm sâu buồn:

Người em gái tóc giang hồ bạc phếch
Ta và em đôi mắt thở rất gần
Hồn xơ xác nằm im trong bụi trúc
Nghe xa xăm tiếng thở của vô cùng

(Người con gái giang hồ - Trong: Bụi cát ra hương)

Tôi đã đọc rất kỹ 80 trang photo mà nhạc sỹ - thi sĩ A Khuê đưa cho, hôm anh tiễn tôi ở bến xe thị xã Đồng Xoài. Chỉ mới 80 trang anh đưa, với 60 bài thơ (có lẽ là chưa đầy đủ - thuộc hai tập thơ khác nhau: Tập “Lùa bò trong sương” và tập “Bụi cát ra hương” anh đang viết dở. rồi có thể mất hứng, có thể vì một lý do nào đó không muốn viết thêm nữa) trải dài gần 40 năm chuyên chú với thơ trước khi bị bảy nốt ma mị của âm nhạc lôi kéo. Ở bất cứ bài thơ nào của anh cũng có thể tìm được những câu thơ bậc thi sĩ. Tuy nhiên, quan trọng hơn là thơ A Khuê luôn mang một thi tâm rất nhất quán. Thơ anh buồn mà trong, khi vui cũng không vì thế quá tưng bừng, và khi chất chứa những cay đắng (người mà không có đôi khi cay đắng thì mới là cái giống lạ!) thơ anh cũng không rơi vào lối nói nhiều gào thét. Trái lại, bất kể thế nào, bất kể hoàn cảnh nào anh cũng luôn luôn giữ cho tư thế “đi” trong bụi và cát của đời thơ và có khi là đời anh một tư thế, một hồn chữ luôn luôn sang trọng, điềm tĩnh. Đó cũng là một phẩm cấp thi sĩ chăng?

Nhà thơ tình của thế kỷ XX Xuân Diệu đã từng nói đại ý: Anh nói rằng anh bình thơ rất giỏi ư? Tôi chưa tin! Hãy trích dẫn dẫu chỉ một câu thơ hay tôi sẽ tin và tin hơn cả những lời bình!

Thơ A Khuê thật nhiều câu hay. Chữ trong thơ anh nhiều khi chớp sáng và rất lạ, rất bất ngờ. Anh diễn tả cái sự anh yêu một cô gái đến mức:

Bình minh đỏ rực lên rồi
Môi cô hạt máu
Khóc lời tôi chăng
Thì xin cô hãy nhớ rằng
Trong tôi dòng máu vẫn hằng chảy ra

(Nón cỏ theo người - Trong lùa bò trong sương)

Hoặc là cái cách anh diễn đạt “cái sự bay” lay thức hồn anh cũng thật khác thường, cái sự bay không tới cao sang mà lại tới một bày cò con thì càng bất ngờ làm sao:

Nếu ta mọc cánh mà bay
Thì ta bay tới một bày cò con
Bay tàn phai bay héo hon
Bay đi tứ xứ tìm hồn duyên xưa

(Nỗi lòng chia sẻ - Trong: Lùa bò trong sương)

Và, cũng để chứng minh rằng trong thơ A Khuê lao động chữ luôn cật lực nhằm tìm ra cách diễn đạt sống động, mới mẻ có thể thấm vào tâm cảm người đọc. Ví dụ, trong bài “Tỳ bà xanh” anh tả các ngón tay lảy dây bấm phím như dốc tất thảy tim gan phổi óc ngỡ cháy thành khói thiêng mộng mị, ảo diệu đến thế này:

Má hồng
Cô bé tỳ bà câm
Chặt năm ngón tay
Chặt năm ngón tay đốt trầm
Đàn khói lộng
Tan tành tình trăm năm


Giời ạ! Đàn đến độ như đã Chặt năm ngón tay đốt trầm, ngón tay người đàn rực bốc khói trầm, phóng ngôn thế, câu chữ ma diệu thế, thi ảnh ảo dụ thế còn biết tìm khác thế nào cho hay hơn nữa đây!

Tuy nhiên, cũng có thể thấy dù đã rất thành công, nhiều ấn tượng từ nhiều câu thơ, bài thơ độc đáo như một đặc sản A Khuê, cũng không phải không có những bài (trong số bài anh photo tặng tôi) anh viết quá gần Hàn Mặc Tử ở ảnh hình, quá gần Bùi Giáng ở cách nói. •Cũng tất nhiên như một lẽ thường thôi mà, nhiều thi sỹ tài hoa vẫn ít nhiều ảnh hưởng những ngọn nguồn, những trào lưu, những giọng điệu tương hợp với sở ý mình. Ví như: Các em phải hiểu cho nhiều/ Đời ta bụi gió đã nhiều lất lây/…Dạ thưa trời đất vốn là/ Bụi bay cát chạy vốn là bụi bay cũng chừng hơi hơi tí ti Bùi Giáng phải không, anh A Khuê?

4. Đêm nay, tôi ngồi đọc lại 60 bài thơ trong 80 trang photo mà thi sĩ - nhạc sĩ A Khuê tin cậy trao cho. Tôi mang một cảm giác nhiều tiếc nuối vì người thi sĩ tài hoa này làm thơ ít quá. Hay anh bỏ thơ mà đi? Hay ngược lại? Như thế liệu có thiệt cho thơ Việt chúng ta chăng khi mỗi năm có đến hàng ngàn tập thơ in la liệt. Trong số đó thơ thứ thiệt, thơ đặc sản như cỡ A Khuê và một số thi tài khác đốt đuốc giữa ban ngày cũng chỉ lác đác. Chao ôi! Cái sự mọi ai đều thích in thơ chưa hẳn đã là điều dở - tất nhiên! Có chăng, cái thứ phẩm của món “thơ giả thơ” (chữ của nhà thơ Inrasara) mới làm cho mâm tiệc thanh cao và uyên ảo của Thơ (viết hoa) là phải chịu “hầm bà làng”. Điều này lại phải cậy nhờ mấy ông xuất bản và kêu gọi cả sự tỉnh ra của các ông các bà nhiều ngộ tưởng.

Nhưng, tôi có thêm một niềm vui bất chợt trong đêm nay. Ở cái khe bàn tôi ngồi viết lấp ló một tờ rơi. Tôi nhặt lên, không tin vào mắt mình nữa. Đây này, anh Thực ơi! Đây này, cái bài thơ anh đọc cho em và Nguyễn Trần Thái nghe vào đêm đông cuối chạp năm nào chính là thơ của thi sĩ - nhạc sĩ A Khuê mà em đang có trong tay. Nó chính là bài thơ thứ 61 em cẩu thả để gió cuốn vào khe bàn. Anh Thực có biết không, cái người thơ mà chúng ta tìm có một đời sống vui chậm, buồn trước. A Khuê từng là một tay chăn bò thuê thứ thiệt nhiều năm trên núi đồi miệt Long Khánh. A Khuê cũng từng cùng vợ và tám đứa con nheo nhóc thử kiếp “thuần nông” trên các cánh đồng cò bay cò sã cánh tít hút Sóc Trăng. A Khuê có tới chừng 10 năm cấy lúa nhưng gặt rạ gặt rơm vì thất mùa nhiều gấp ba lần được. A Khuê vật vã thợ hồ, đốn củi, đốt than nuôi một đàn con đang sức tằm ăn rỗi. Bụi thế, cát thế mà thơ cứ ăm ắp mộng mị, cứ bay hương, bay những hương mê quyến rũ như chưa hề buồn chán bao giờ. Bài thơ có 12 câu anh đọc vào đêm đông ngày ấy chính là bài Đồi Trăng Uống Rượu anh Thực ạ. Cũng đúng là bài thơ chưa dừng ở câu Áo trăng quá lạnh tôi về giết trăng. Nó còn những sáu câu trong khổ kết. Sáu câu còn lại của bài thơ trọn vẹn Đồi Trăng Uống Rượu là khúc vĩ thanh rất nhiều tươi sáng. Trần Quốc Thực ơi! Dù ở tận trời nào thì cũng hãy về quanh đây cho em được đọc nốt sáu câu kết mà anh dự cảm rằng có thể bài thơ chưa kết thúc. Nó thế này:

Giết trăng tôi lại lên đồi
Ngơ ngơ ngác ngác tôi ngồi nhớ trăng
Đồi trăng đỏ tôi mê man
Ôi tôi biết cõi phai tàn sau lưng
Đồi trăng uống rượu vô cùng
Xin thưa trời đất tôi mừng tôi say

Bài thơ đã hết thật rồi!

Tôi đốt một nén trầm rồi ba lần đọc to những câu thơ A Khuê, như thể vẫn còn bên tôi một Trần Quốc Thực gan ruột với thơ giữa buốt rét đêm nào Hà Nội…


Thành phố Vũng tàu
Đêm 13 rạng ngày 14.08.2008

H.Q



Biên chú : Đúng một năm sau bài viết này, Thi sĩ - Nhạc sĩ A Khuê mất . Ông mang bệnh tim bẩm sinh và từ thế vì đột quỵ, thọ dương 61 năm. Nhiều bài thơ của A Khuê có thể đã thất lạc, hoặc còn nhưng không đầy đủ trong các sưu tập cá nhân. Nhà thơ Hoàng Quý nhờ phongdiep.net gửi tới bạn đọc, các thi hữu, nếu ai đó còn lưu giữ được các tập thơ, các bài thơ A Khuê xin thiện tình gửi bản photo cho tác giả theo địa chỉ: Số 9 Cô Bắc, phường 4, TP Vũng Tàu.

ĐT:0903956278
hoặc email: voongaquynv@yahoo.com.vn.

Hy vọng từ những sự giúp đỡ, một thi tuyển A Khuê có cơ sở được biên tập tới cùng bạn đọc!









Lục bát A Khuê
Nhà thơ Hoàng Quý chọn và giới thiệu





Đồi trăng uống rượu

Đồi trăng một cụm tóc phơi
Thưa em uống rượu tả tơi một mình
Đồi trăng một cụm phơi mình
Thưa anh tầm thể đã nghìn xuân qua
Đồi trăng u uất chưa bưa
Bữa qua tôi uống thêm mùa uất u
Đồi trăng không ngớt vi vu
Bữa nay tôi ngậm sương mù thở than
Đồi trăng mỏng diệu diệu vàng
Hồn bay, bay giữa hai hàng hoa lê
Lên đồi khăn áo lê thê
Áo trăng quá lạnh tôi về giết trăng
Giết trăng tôi lại lên đồi
Ngơ ngơ ngác ngác tôi ngồi nhớ trăng
Đồi trăng đỏ, tôi mê man
Ôi tôi biết cõi phai tàn sau lưng
Đồi trăng uống rượu vô cùng
Xin thưa trời đất tôi mừng, tôi say…





Chắp tay quỳ

Chắp tay quỳ lạy cuộc đời
Đã mang ta tới cõi người tử sinh
Chắp tay quỳ lạy bình minh
Làm ta rạng rỡ ngâm kinh ban chiều
Chắp tay quỳ lạy tiêu điều
Bay thơ mộng lúc cô liêu ngập lòng
Chắp tay quỳ lạy mồ chôn
Hãy chôn ta với chập chùng vàng bay
Chắp tay lạy gió và mây
Ôm cho thật kín di hài yêu thương
Chắp tay quỳ lạy cuối đường
Ngủ mê thân ấy như dường thân ma





Gõ quan tài làm vui

Cho tôi chạy giữa phố phường
Gieo cơn mộng đã tàn hương bao giờ
Cho tôi chẻ tóc ơ hờ
Ngã trên đồi vắng như mơ cuộc là
Cho tôi miệng hót ba hoa
Thà tôi chết giữa chiều tà còn hơn
Cho tôi đời sống vô hồn
Đi ngang qua ngọn lửa buồn trái tim
Cho tôi ngủ dưới sương hiên
Đợi em nho nhỏ đi tìm bao la
Cho tôi cười lớn, khóc òa
Nửa đêm tóc thả buông xòa đọc kinh
Cho tôi khăn đỏ máu mình
Lêu bêu trong cõi chập chùng âm u
Cho tôi như gã thiền sư
Bỗng nhiên nhảy cỡn giữa mù mù sương
Cho tôi nhớ phố nhớ phường
Nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ nường tình nhân
Cho tôi mắt khổ đăm đăm
Long lanh hạt mát lệ rằm thóp thoi
Cho tôi tuyết trắng hồn tôi
Đưa ngày thiếu phụ sang đời phù du
Nở thiên thu, nở cây thu
Cho tôi tự tử trên bờ thu phai
Cho tôi oán khúc một bài
Tang tang tôi gõ quan tài làm vui






Nón cỏ theo người

Hoa thơm nở nhụy trên đồi
Vỗ tay cánh bướm
Cô ngồi soi gương
Gương soi mắt biếc đoạn trường
Đau điên tôi gởi nỗi buồn cho cô
Nhè nhẹ thôi nhé hồn mơ
Bên kia đỉnh núi sương mờ tich liêu
Cười im lặng, chớ đừng reo
Sợ cây thu rụng xuống đèo tàn thu
Năm năm tôi ốm tương tư
Trăm con hạc trắng
Bỏ về lối xưa
Nên hồn đã chết trước mùa
Bây giờ lời tỏ bằng thừa mà thôi
Bình minh đỏ rực lên rồi
Môi cô hạt máu
Khóc lời tôi chăng
Thì xin cô hãy nhớ rằng
Trong tôi dòng máu vẫn hằng chảy ra
Năm năm tôi hát tôi ca
Lên cơn tôi múa
A ha tôi cười
Tang tang tang nước và trời
Tôi đội nón cỏ
Theo người về đâu






Gởi người ở lại

Em đi ném giáo xuống đời
Chuyến xe bước ngựa biết trời phương nao
Vi vu một khúc ca dao
Nhớ thương vạn dặm máu đào nát tan
Đẹp chưa cố lý mây ngàn
Trăng thiên cổ chiếu bóng vàng đá phai
Ngủ len lén mộng thiên tài
Vần thơ tao ngộ chép vài đớn đau…




Nguồn: Phongdiep.net












Cuộc đời tài hoa và khốn khó của thi sĩ A Khuê – tác giả của “Về Đây Nghe Em”


Cách đây đúng 20 năm, vào 1999, xảy ra một sự kiện văn nghệ đáng chú ý làm xôn xao làng báo, đó là thi sĩ A Khuê công khai chỉ trích nhạc sĩ Trần Quang Lộc về việc nhạc sĩ này phổ thơ của A Khuê để viết thành bài hát nổi tiếng “Về Đây Nghe Em”, nhưng “quên” đề tên A Khuê, và dĩ nhiên là cũng không chia sẻ tiền tác quyền ca khúc này.

Lúc đó, ca khúc Về Đây Nghe Em được nhiều ca sĩ trong nước hát và khán giả rất yêu thích, cho dù bài hát đã được sáng tác cách thời điểm đó gần 30 năm.

Khoảng năm 2001, 2002, thi sĩ A Khuê đến sinh sống và làm việc ở Bình Phước, rồi tình cờ ông hay lui tới ở gia đình tôi, câu chuyện về bài hát Về Đây Nghe Em được chính ông kể lại. A Khuê cũng phổ nhạc một bài thơ của ba tôi thành bài hát tên là Nhánh Hoa Xưa. Ông đã sáng tác hàng trăm ca khúc khác, trong đó có bài khá nổi tiếng là Tình Thiên Thu, được các ca sĩ Trần Thu Hà, Mỹ Lệ hát.




Thời điểm đó internet bắt đầu nở rộ ở Việt Nam, và xuất hiện một trang web đăng lời bài hát nhạc Việt (lyric) đầu tiên và lớn nhất là dactrung.net mà dân mê nhạc thời đó ai cũng biết. Bài hát Về Đây Nghe Em được đăng lời trên trang này mà chỉ ghi tên Trần Quang Lộc, thiếu tên A Khuê.

Khi tôi tham gia diễn đàn ở trang web dactrung.net này và đã có đóng góp thêm khá nhiều lời bài hát cho web vào thuở internet còn ban sơ, đồng thời đã đề nghị ban quản trị website thêm tên A Khuê vào bài hát Về Đây Nghe Em. Từ đó, cái tên A Khuê bắt đầu xuất hiện trong bài hát Về Đây Nghe Em trên internet. Các website lời bài hát sau này đều copy dữ liệu từ dactrung.net nên có luôn tên A Khuê.

Giới văn nghệ sĩ sinh hoạt trước 1975 hầu như ai cũng biết tập thơ Vàng Bay của A Khuê được NXB Da Vàng Đà Nẵng ấn hành lúc ông mới 22 tuổi. Trong tập thơ có bài Về Đây Nghe Em nổi tiếng. A Khuê cùng với Phạm Phú Hải và Vũ Hữu Định (những bạn đồng ấu) lập nhóm tài tử tâm thi, dụng thơ như cuộc lãng du bụi cát của chính họ. Ba thi sĩ này từng được mệnh danh là “Tam nhân lãng tử đất sông Hàn” mà bạn bè hằng nhắc.

Đặc biệt, khi bài thơ “Về Đây Nghe Em” được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc đã gây ấn tượng mạnh cả trên thi đàn Việt và ca khúc Việt đương đại qua giọng hát của Elvis Phương trong băng Shotguns.


Về Đây Nghe Em 
tiếng hát Elvis Phương trước 1975


“Về Đây Nghe Em” với lời ca nhân bản, vượt thoát những cố chấp và kéo gần những khác biệt về ý thức hệ của người Việt.

Nguyên tác bài thơ của A Khuê như sau:

Về đây nghe em!
Về đây mặc áo the đi guốc mộc

Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Về đây gọi tiếng xưa…

Về đây nghe em!
Về đây thả ước mơ đi hát dạo

Để chào đời bằng hạt sương mai
Để bằng lòng ngọt ngào hấp hối
Hận thù người lắng xuống
Tìm nhau như tìm xót xa…

Này hồn ơi lên cao
Đem ánh sáng hân hoan trên trời
Rọi vào đời
Cho ta tinh cầu yêu thương

Này thịt xương
Ta chưa mang theo
Khi ngã xuống mê man tủi hờn
Về đây nghe nhau thở dài trong đêm!

Về đây nghe em!
Cùng khóc trên sông nước buồn
Chờ lòng người trở về quê hương
Chờ hồn mình về dòng suối mát
Chờ thật thà vào lòng dối trá

Và nhạc hoa xin kiếp
Tạ ơn hoang phế gặp nhau…

Tuy nhiên ở các bài phỏng vấn sau này, cụ thể là trên đài RFA và SBS Úc Châu năm 2006, nhạc sĩ Trần Quang Lộc thường không nhắc đến tên A Khuê trong bài hát Về Đây Nghe Em. Trả lời đài RFA, nhạc sĩ Trần Quang Lộc nói về hoàn cảnh sáng tác bài hát như sau:

“Tôi viết Về Đây Nghe Em năm 1969-70, thời điểm đó ở Sài Gòn thì chiến tranh đang ở cao trào. Buổi tối ở Sài Gòn lúc đó thời tôi còn đi học tối thì đi đánh đàn ở các quán Bar. Thành phố Sài Gòn giới nghiêm, ban đêm chỉ còn lại những người lính viễn chinh ở Mỹ. Còn trong mấy quán bar chỉ còn lại những cô vũ nữ, cave… những cô sinh viên mặc mini jupe phục vụ trong những quán bar này…

Lúc ấy mình là con người Việt Nam nên có cái nhìn hình như có điều gì đó ray rức trong lòng… cảm nhận có cái gì đó mình không diễn đạt được. Mình cảm nhận có một sự mời gọi để quay về với quê hương, những day dứt đó mình viết thành ca khúc Về Đây Nghe Em.

Bài hát này sau đó cũng được nhiều ca sĩ hát. Bài hát này thuận lợi cách nào đó cho nên thành công. Cho mãi đến bây giờ tuy đã nhiều năm nhưng cũng còn nhiều ca sĩ chọn để hát. Trong những cuộc thi Tiếng hát truyền hình Việt Nam người ta cũng chọn nó”.




Nhà thơ A Khuê tên thật là Hoàng Văn Phúc. Năm 15 tuổi, ông yêu một cô gái tên Khuê. Tình yêu đầu đời đề lại nhiều thương tiếc nên ông lấy tên đó để đặt bút danh cho mình. Thời điểm mới lập nghiệp ở Bình Phước, cuộc sống của ông rất khốn khó.

Nhà thơ Trương Đình Tuấn, bạn văn nghệ của A Khuê ở Bình Phước kể lại về cuộc sống khó khăn của A Khuê như sau:

A Khuê dắt díu vợ con lên sinh sống ở Bình Phước, nhờ hoàn toàn vào sự giúp đỡ của anh em bạn bè văn nghệ. Miếng đất nhỏ nằm trên đồi cạnh Quốc lộ 14 được một người bạn cho, căn nhà nhỏ được xây sơ sài cũng do mọi người đậu tiền góp lại làm nên cho ông.

Đường hẻm vào nhà ông nhỏ hẹp và độ dốc cao nên bị nước mưa làm xói mòn khó đi, vất vả lắm xe máy mới leo lên được nhà của ông nằm khuất trong vườn điều trên đồi.

Ngoài việc sáng tác nhạc, ông chẳng biết làm gì ra tiền. Mọi việc mưu sinh nhờ vào tay của vợ ông nấu rượu rồi đem ra hàng quán bỏ mối. Nghề nấu rượu do bạn của A Khuê là nhà thơ Nguyễn Quang Tấn từ Định Quán – Đồng Nai qua truyền lại nghề, nhờ vậy gia đình của ông đắp đổi qua ngày qua một thời gian.

Cuộc sống của đời nghệ sĩ túng thiếu khó khăn vì phải nuôi một bầy con nheo nhóc 7 đứa. Ông thường nói với bạn bè là ông có 7 đứa con đầy đủ 7 nốt nhạc. Tập thơ thứ nhất Vàng Bay xuất bản năm 1970, ông đã bán chiếc xe gắn máy để in thơ. Tập thơ thứ 2 – Lùa Bò Trong Sương của A Khuê nhờ bạn bè góp tiền lại để in cho ông. A Khuê cho biết là tiêu đề của tập thơ này ông đặt ra là do ông đã có thời gian đi chăn bò thuê ở Đồng Nai.

Cuộc đời của A Khuê được “đổi đời” từ khi bạn bè văn nghệ làm trong đài phát thanh truyền hình tỉnh Bình Phước đưa ông vào làm biên tập chương trình văn nghệ của đài. Từ đây ông được có lương tiền hằng tháng để được phần nào yên tâm sáng tác nhạc. Ông thức dậy từ 4 giờ sáng mỗi ngày, ông nói là khoảng thời gian này yên tịnh cho việc soạn nhạc.

A Khuê bị bệnh tim từ trước năm 1975 và qua đời vì căn bệnh này năm 2009 lúc 61 tuổi, để lại sự bất ngờ và thương tiếc của những người bạn văn nghệ sĩ.

Theo lời kể của nhà báo Văn Bảy, trong triễn lãm Người Ở Biển của Lê Kiệt diễn ra ở hành lang Bích Câu, Cung Văn hóa Lao động Saigon năm 2001, trong tiệc rượu buổi chiều, ngồi chung bàn với A Khuê là nhà văn Sơn Nam (1926-2008) và một vài người khác, Sơn Nam đã nói một câu mà sau này nghiệm lại thấy thật trùng hợp. Đại ý rằng: Tôi tưởng cậu chết rồi chứ, nghe tin bệnh tim của cậu tái phát và đã qua đời trên Long Khánh. Vừa rồi đọc chuyên đề về chuyện Trần Quang Lộc “đạo thơ” A Khuê trên báo, tôi mới hay cậu còn sống, thiệt là vui. Tuy nhiên, nói thì nói vậy, chứ hình như cậu đợi tôi cùng chết cho có đôi phải không?


Lời nói nhiều phần đùa của Sơn Nam vài lần được A Khuê nhắc lại ở đây đó, rồi đã ứng nghiệm, khi mà hôm kỷ niệm 1 năm ngày mất của Sơn Nam (13/8/2009) ở Saigon cũng là ngày thi sĩ A Khuê bất ngờ ra đi ở Bình Phước. Hồi năm 2008, trong đám tang của Sơn Nam, A Khuê cũng đã từng đùa kiểu văn nghệ rằng: Tôi với anh nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm, vậy mà anh đi trước, còn tôi thì phải ở lại.

Nay thì cả hai đã được đi cùng ngày cùng tháng, quả là có những lời nói đùa nhưng trở thành hiện thực.

Đông Kha













Trở về










MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.