Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Phan Nguyên


















Phan Nguyên

tên khai sinh: Phan Mạnh Nguyên
(4/1/1952 - .......) Hà Nội
Nghệ sĩ thị giác. Nhà giáo













"Người mượn dấu thời gian."





Sinh quán Hà Nội.
Cùng gia đình bố mẹ vào Nam năm 54 
Đại học Văn khoa Sài Gòn ban Triết. 
Tốt nghiệp sư phạm Đại học Sorbonne Paris 
Dạy Pháp văn và điều hành một trung tâm huấn nghiệp tại Pháp. 
Tự học hội họa. 
Sáng tác tranh từ thập niên 80. 
Đã cộng tác với các tạp chí: Peuples du Monde, Hợp Lưu, Diễn Đàn.




*




"Ngẫm cho cùng, cái vẽ nó không nhất thiết nằm ở đề tài, ở trường phái này nọ, hiện thực hay trừu tượng, nó cũng không nằm ở những chất liệu được sử dụng như sơn, vải, gỗ, giấy; tất cả chỉ là cái cớ, là phương tiện phục vụ cho cái Tâm anh có hay không trong động tác vẽ mà thôi. Được cái Tâm ấy ... là hạnh phúc lắm rồi."

PN
(trả lời phỏng vấn Huỳnh Hữu Uỷ 1994)








Rendre visible


... Face à la blancheur immaculée de la toile, l'artiste scrute un certain signe, résonnant de l'autre rive du silence, comme un écho répercuté par le vide, une émotion longtemps enfouie, mais qui, peu à peu va imprégner, animer, guider ses gestes.
Une fugacité d'impulsion, dès lors, va rythmer ses sensations avec l'univers, s' éclater spontanément en maintes formes, couleurs, mouvements pour se cristalliser sur la toile.
En cette métamorphose, tout ce qui s'anime dans le fin fond de lui même refait surface, l'espace s'unit avec le temps et l'apparence s'allie à l'invisible.
Cette "nécessité intérieure" ainsi libérée, est l'ultime élan vers la joie, l'unique instant de bonheur dans l'action de peindre...


Phan Nguyên






















Tác phẩm mới 






Âm Dương Của Trời A9
120cm x 120cm
Tranh phù điêu











Tác Phẩm Tiêu Biểu








Tranh




Rythmes Impulsions
(Nhịp Điệu & Xung Lực)












Impulsion III












Rythme V17













Rythme V15













Rythme V1












Rythme V13














Rythme V15











Espace Inconnu 
(Không Gian Huyền Hoặc)























Espace Inconnu 9











Espace Inconnu 14











Espace Inconnu 11










Espace Inconnu 10












Espace inconnu 5












Espace Inconnu 7











Espace Inconnu 2













Espace Inconnu 1












Espace Inconnu 3


















Fractus H
("Mảnh" H)

























Fractus H 1












Fractus H15













Fractus H14











Fractus H9












Fractus H5











Fractus H12










Fractus 2000
("Mảnh" năm 2000)















Fractus 2000 XX14












Fractus 2000 XX17












Fractus 2000 XX12













Fractus 2000 XX16














Fractus 2000 XX3













Fractus 2000 XX7



















Papyrus 




























Papyrus 04













Papyrus 05













Papyrus 20











Papyrus 14












Papyrus 13












Papyrus 19













Papyrus 10













Papyrus 6












Papyrus 12











Papyrus 1












Papyrus 9









Dans l'éternité des Papyrus
Marc Larchet



Sự vĩnh cửu trong tranh "Papyrus"
Trần Vũ chuyển ngữ





Tôi biết Phan Nguyên đã từ lâu, từ nhiều năm nay. Lần gặp gỡ đầu tiên tại Paris, tôi đã bị cuốn hút bởi loạt tranh mang tên "Fractus", Xung lực bẩm sinh toát ra từ hội họa Phan Nguyên lao đến tôi những rung động nội tâm mãnh liệt.

Tôi đã trở lại nhiều lần để thấm nhiễm những tóe vỡ từ tranh "Fractus". Một tổng thể hài hòa mang dấu vết một nhân cách sáng tạo, nghiêm cẩn và một lối chơi họa.

Tôi đã tìm hiểu họa sĩ. Hiểu hành động sáng tạo đã gây men biết chừng nào trong hiện thân của ông.

Phan Nguyên thích khảo sát những cảm giác gây ra từ một chất liệu, một phóng bút có thể đem đến trong quá trình tạo tác. Tiến trình phối tạo tác phẩm mời gọi rung động thân xác. Chính nhu cầu giao tiếp cọ sát này của thể xác với vật chất đã làm nền cho loạt tranh mới mang tên "Papyrus". Biên giới giữa họa và điêu khắc nhòa lẫn ở đây, dù thoạt nhìn, không bật ra tức khắc chiều đẽo gọt của vật liệu.

Với Papyrus, Phan Nguyên khiến chúng ta sửng sốt. Không có mối liên hệ tiên khởi nào với hội họa của ông trước đây.

Một trang tài năng mới của ông đang được viết.

Tôi cố ý dùng chữ "Trang" và "Viết" vì những bức Papyrus, như tên gọi của chúng, gợi ước vọng vĩnh cửu của con người, muốn mã hóa thông điệp để thiết lập với đồng loại một quan hệ khả tri.

Chúng ta có thể tìm thấy trong loạt tranh ba mươi bức này, gốc rễ chung với một số biểu hiện hồng hoang: Họa trên vách đá tiền sử, chữ tượng hình Ai Cập, ký hiệu của thổ dân Úc, bùa chú thần linh... Nhưng tác phẩm Phan Nguyên thật ra không dính với các thời đại hay những biểu thị tư duy vừa kể. Họa của ông ngẫu sinh, ngẫu phát theo ước muốn đùa với hình tượng, tựa như tự nẩy sinh từ một vô thức, họa Phan Nguyên đến từ những sâu thẳm của tâm hồn, từ xung động dục tính của một kiếp nhân sinh, nhân tình.

Sự chờ đợi của khách thưởng ngoạn như thế, không để "hiểu" mà để "cảm", để bị mê hoặc, cám dỗ, gọi mời vào trong từng mỗi bức tranh.

Vì ở đây mỗi bức tranh là một thực thể duy nhất.

Ở phút thưởng ngoạn đầu tiên, lướt nhìn toàn bộ, một mẫu số chung bật ra: Những nan quạt màu sắc và ánh sáng cuộn lại trong pha trộn bất tận của ba sắc tố chính, vàng, tím, và đất cháy (ochre). Chúng ta có cảm tưởng, nhìn từ xa, đang khảo sát một lao động thuộc da. Ấn tượng tự nhiên do chất liệu sử dụng mang đến.

Nhưng hãy đến gần vì mỗi bức họa xứng đáng được nhìn gần. Độ nổi xuất hiện, nhiều tầng với cách vẽ tinh vi của sơn acrylic. Những hình tượng trong vũ trụ, hình thể động vật hay thánh thư tuồng như được khắc lên chất liệu, thực ra bằng giấy bột.

Lối chơi xé giấy cũng làm nền cho loạt tranh Papyrus, Một lối chơi bản năng, thân xác, gây bất ngờ cho cả họa sĩ lẫn người xem tranh. Rồi lối chơi dao, cách cắt dán, độ dầy mỏng của sơn khiến chúng ta lọt thỏm chính giữa thiên hà, trong hành lang xoắn ốc của những chuyển động, chạm trán một thế giới bí hiểm. 

Ở đây, bức tranh, một mảnh giấy thuộc - ở kia, bức họa thành một bảng mã.

Chúng ta không ngừng tới lui ngắm mỗi bức tranh, để rồi trở lại trước từng bức, chiêm nghiệm tất cả những đặc tính của nó.

Cũng như vũ trụ, loạt tranh "Papyrus" là một tổng thể gồm những tế bào duy nhất.





































Fractus V
("Mảnh" V)














Fractus 94 V20


















Fractus 94 V32




















Fractus 93 V10




















Fractus 94 V14



















Fractus 94 V36




















Fractus 93 V40


























Fractus 98
("Mảnh" 98)


Fractus 98.5


















Fractus 98.1













Fractus 98.2
















Fractus 98.4




























Espace V














Espace V8



















Espace V3



















Espace V1



















Espace V14






















Espace V11












Espace V15















Les Quatre Saisons


Printemps
Acrylic
(40cm & 40cm)












Été
(40cm & 40cm)













Automne
(40cm & 40cm)













Hiver
(40cm & 40cm)
























Tranh vẽ bằng muỗng & cà phê
























Đọc HƯƠNG CÔ QUẠNH của PHAN NGUYÊN


Một truyện ngắn kỳ lạ đến ngỡ ngàng. Một bức tranh trừu tượng rất nhiều màu sắc, hình dáng, góc độ…đan vào nhau đẹp…nghẹn thở, nhưng người xem ngơ ngác…
Bởi người xem chỉ hiểu được đúng một màu sắc, một hình dáng, một góc độ…họ quan tâm mà thôi.
Thử nhắm mắt lại: chỉ nghe tiếng sóng biển, biển- thứ rượu vang sóng sánh sẫm màu trong chiếc ly duy nhất - sự việc, sự vật nhòe lẫn vào nhau không tài nào tách bạch riêng rẽ nổi, nhắm mắt im lặng lâu chút nữa, đột nhiên ngửi thấy mùi hương, không bằng khứu giác, mà bằng toàn bộ sự tập trung ý thức để nhận thức, và…từ từ hiểu, hay đúng hơn: từ từ thấm LINH HỒN của truyện ngắn này.
Một truyện ngắn không dễ đọc chút nào. Lạ!
Tên truyện: Hương cô quạnh. Trạng thái cô quạnh này tôi không nhìn thấy, hay có lẽ với Phan Nguyên cảm giác lẻ loi đi tìm ý nghĩa của đời mình được đặt tên là sự cô quạnh? Tôi chỉ nhìn thấy một không - thời gian nhất định nào đó (bắt buộc) phải xảy ra trong một đời sống , khi nhân vật NGƯỜI của chúng ta đột ngột dừng lại giữa con đường của (bản năng) hăm hở, dừng lại, kinh ngạc…thấy đất lở dưới chân hắn.
Đứng chôn chân giữa trời, không chạy, không đi, không động đậy, hắn chợt nhận ra vòng quay của đời mình, không những vậy, từ từ chậm chạp, hắn nhìn thấy vòng quay này đan chéo dọc ngang với biết bao vòng quay khác, của những kẻ xa lạ, nhìn thấy thế gian ở góc độ từ trước tới nay hắn không hề biết… Cuộc gặp gỡ với những người khác. Mỗi người sống quanh chúng ta với những cá tính riêng biệt, tựa hồ đại diện cho một khía cạnh nào đó của đời sống, nhìn họ, hiểu họ, ta mới có cơ may biết về chính đời sống của ta?
Câu chuyện chỉ có ba nhân vật, không thể nói nhân vật nào cần thiết hơn, hấp dẫn hơn hay cuốn hút người đọc hơn, chỉ có thể ngẫm nghĩ: tại sao lại có nhân vật này?
Ông già Rossy là phần ký ức lưu trữ, là những mảng hoài bão bảo tồn tình cảm, cảm xúc, rất u sầu, rất buồn bã, nhưng không thể thiếu, không thể làm khác của đời sống người. Nhân vật này như muốn nói: con người là một sinh vật quái gở tự ràng buộc bản thân nhiều nhất trong mọi ngóc ngách đời sống của nó, đến nỗi chỉ cần một( khoảnh khắc) tự nó cắt đi một sợi dây ràng buộc do chính nó giăng ra, cũng đủ tạo nên một cuộc cách mạng dữ dội khiến đời sống nó thay đổi hẳn.
Và trong xã hội người, kẻ nọ là động lực, là chất liệu giúp kẻ kia chuyển hóa, là một phần sống hữu cơ của kẻ kia. Ông già Rossy đã giúp nhân vật TÔI (Phan Nguyên?) tìm lại thứ tạo ra chất liệu đời sống của mình: TÌNH YÊU ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG, vào thời điểm nhân vật TÔI này không hề chờ đợi mà…cứ ung dung thế thôi. Sự vô tư không hề biết trước ngày mai là ân sủng quý báu nhất con người nhận được từ Sự Sống. Vì vô tư như vậy, nó mới CẢM được tất cả những gì nó chưa hề biết đến, cũng như chỉ đến cuối truyện người ta mới (thấp thoáng) gặp lại bóng hình ông già Rossy từ hình ảnh nhân vật chính.
Những trang viết tả mùi hương không thể nắm bắt từ từ ẩn vào trạng thái sống thường nhật của nhân vật TÔI là những trang viết rất tuyệt. Như thể linh nghiệm, như thể trực giác…vô ngôn.
Nhân vật nữ trong truyện, tuyệt đẹp, được tác giả tạo dựng hình dạng bằng chính bản chất của nhân vật này: bản chất VÔ HÌNH của TÌNH YÊU NGƯỜI. Nàng luôn luôn tắm trong mùi hương của hoa, sống giữa hoa-cái Đẹp, đấy là giấc mơ nâng niu ngàn đời với giấc mộng YÊU và được YÊU của con người. Anna, người đàn bà không thể mất của HƯƠNG CÔ QUẠNH cũng là hình ảnh người đàn bà vĩnh cửu trong những mối tình người siêu thực và cảm động. Rốt cuộc, hình hài hiện diện cũng chỉ để con người hoàn toàn khẳng định nhận thức trong suốt của nó về thế gian mà thôi.
Và thêm một điều tuyệt diệu: đây là một”cây cọ” cầm bút!
Toàn bộ truyện ngắn này của Phan Nguyên hiện lên trong tâm trí tôi cứ như một bức vẽ, một câu chuyện được kể lại dưới dạng VẼ, không kém phần sâu đậm với những mảng màu, những hình dạng, những đặc thù họa tiết lạ lẫm. Là một bức họa vì thời gian của câu chuyện như thể bị xóa nhòa, tình tiết của câu chuyện như thể lồng quện vào nhau, tất cả chỉ như trên một mặt bằng, cùng xảy ra, cùng hòa nhập lẫn nhau, không thể khác. Một bức tranh dành khả năng trừu tượng hóa cho tất cả những kẻ nào thích”nếm”, "ngửi” đời sống của nó bằng trí tưởng tượng vô tận!
Màu sắc trong từng câu văn của Phan Nguyên tạo nên một truyện ngắn hết sức kỳ dị. Một lời khuyên cho tác giả: có lẽ anh (PN) nên viết truyện…tâm linh. Chắc chắn thành công. Bởi những đoạn văn như thực như mơ của anh được tẩm liệm bằng một thứ thảo dược đặc biệt để tạo ra một thế gian đặc biệt, vừa giả vừa thực, thoắt ẩn thoắt hiện,và khi chợt (thành công) gợi nhắc đến cái thế gian vô hình này , ai đột nhiên cũng hiểu ra nó, thậm chí lập tức nhận ra ngay mùi hương riêng của nó, dù tất nhiên, chẳng phải ai cũng biết cách giãi bày ấn tượng của mình về nó.
Bởi thế, không thể đọc HƯƠNG CÔ QUẠNH của Phan Nguyên chỉ… một lần.

Nguyễn Hồng Nhung.
(Budapest. 2015.december.07)



Hương Cô Quạnh

Phan Nguyên


Nhà xoay lưng về những đợt sóng vỗ nhịp từng hồi lên vách núi, thường xanh màu rong rêu, nhưng giờ là nền đen mờ mờ bên bờ vực lởm chởm đá, nối liền với biển sâu hút tận chân trời. Thật ra, khó mà phân biệt được trời đất âm dương lúc không giờ một ngày hè oi bức nơi ven biển. Từ bao lơn phòng sau nhìn xuống, không gian như khối đen lơ lửng, đặc quánh, bao trùm nuốt chửng cả vạn vật sinh linh. Ðã bao lần tôi đứng đây căng mắt dõi vào màn đêm mênh mông vô tận, mà cảm thấy chơi vơi một nỗi cô đơn vô cớ đến rợn người.
Trên bao lơn nhỏ như lưỡi mèo liếm vào khoảng không, tôi đứng nghe tiếng sóng rì rào, cố hình dung ra nhan sắc thiếu nữ trọ luân phiên cùng phòng chưa từng gặp, nhưng trước mặt, chỉ có màn đêm đang mở nụ cười tươi đỏ chót. Gió bắt đầu lạnh. Mưa lất phất rơi. Tôi quay vào ngả lưng lên chiếc giường nệm đơn kê sát cửa, chăn gối còn phẳng phiu, tay vẫn mân mê thỏi son nhặt được dưới chân bàn lúc nãy và nghĩ thầm, chắc nàng còn trẻ lắm...
- Vâng. Ðộ ngoài hai mươi... Vâng, cô ta cũng lui tới cách tuần như ông... ông thông cảm, tôi chỉ còn căn phòng ấy.
Già Rossy ngập ngừng, vẻ ái ngại như việc bất đắc dĩ phải trả lời rồi rời ghế ngồi, lưng đổ về phía trước, lấy hộp thuốc trong túi bảo tôi hút thử, của Hòa Lan, loại sợi thô, thơm mùi mận, hút vào êm, ngọt, không rát cổ... Già lảng sang chuyện khác thật khéo mỗi khi tôi hỏi han những điều Già cho là rắc rối. Mỗi sáng khi xuống cầu thang, tôi đều gặp Già Rossy ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành cũ kỹ ngay cửa sổ phòng khách, vén màn nhìn ra dốc đường bộ vắng tanh không một bóng người. Dốc lát đá ô vuông thoai thoải dẫn đến đường cái để có xe xuống phố. Chiều về, mở cổng vào sân, tôi vẫn thấy vầng trán nhăn nheo trên cặp lông mày rậm bạc vắt chéo nơi khung kính, tưởng như chưa hề lay động. Chỉ có đôi mắt Già hơi sáng lên vì một niềm vui gặp gỡ. Nhiều lần thành lệ, tôi dành cho Già khoảng thời gian ngắn ngủi lúc đi hoặc về để nhàn tản ngồi lại với tách cà phê, với ly rượu mạnh, cùng nhồi một tẩu thuốc nhả khói lâng lâng, và để nghe Già kể chuyện bằng giọng đặc sệt miền nam đảo Corse. Già cũng thú chơi ống vố như tôi nhưng vố của Già đẽo hình sọ người, xương trắng phau, cũng lạ. Già nói để nhìn thẳng vào mặt thần chết cho quen vì bà vợ đã theo lão này cả chục năm về trước...
- Cũng là lẽ tự nhiên thôi, tôi còn sống đến hôm nay mới không bình thường ông ạ! Ðời sao mà lắm chuyện phản tự nhiên đến thế!
- Chuyện gì nữa hả Già ?
- Ôi! thiếu gì... chuyện cá voi lao vào bãi đá chết cả đàn năm ngoái năm kia chẳng hạn! Chuyện thiên hạ thích đi tu dưới phố! Chuyện ngừa thai phá thai! Chuyện ông độc thân không vợ! Cả chuyện thần chết nữa... Tôi có gặp lão ta rồi đấy, trong căn nhà này, nói chẳng ai tin!
Già nói chậm rãi, mắt nhìn mông lung, cái sọ người trên môi Già gật lên gật xuống biểu đồng tình và tiếp tục phun khói. Tôi nổi gai ốc, nhưng hiểu Già là người to gan can đảm, xem cái chết chẳng ra gì. Qua làn khói bay, Già kể từ ngày vợ nhắm mắt nắm tay bảo Già đừng buồn, rồi sẽ còn gặp lại nhau, Già không đi biển nữa, chỉ quanh quẩn đơn độc trong phòng khách, từ đi-văng qua khung cửa sổ rồi từ cửa sổ đến ô truyền hình, ngày đêm không tắt. Căn phòng của vợ chồng lúc trẻ cạnh phòng tôi Già cũng khoá cửa bỏ trống. Thỉnh thoảng ra đường, là để đưa tang một người bạn tri âm tri kỷ nào đó năm xưa. Già nhìn về phía đồng hồ quả lắc dựng đứng, to đen như hung thần giữ cửa.
- Chỉ có nó hiểu thôi! Nhân chứng của một đời người!
Tôi lắng nghe tiếng quả lắc đong đưa tích tắc đều đặn tưởng cùng một nhịp tim đập với thời gian, và nhớ đến nhà thơ đã từng hát những lời ai điếu cho hòn đảo xanh dương châu ngọc này. Nhà thơ ấy đã yên nghỉ nơi một góc trời xa xôi ngập nắng. Bạn thơ ơi, vĩnh biệt.
- Thế truyện của ông đến chương nào rồi?...
Tôi trở lại với Già Rossy sau cái vẫy tay chào hướng về phương bắc và chợt thấy giọng cực nam nước Pháp nghe cũng dễ chịu, có duyên, có lẽ quen tai nên cảm chăng? Già cười bảo cái gì chả vậy, quen rồi cảm, cảm rồi yêu, rồi nghiện là chuyện tự nhiên.
- Không khéo ông sẽ không rời đảo được đâu!
- Vâng, có thể lắm.
Cái ống vố của Già gật gật với tôi. Già rót thêm rượu vào ly, đưa lên ngang mặt và ngả người theo hương bốc.
- Từ ngày ông ở đây tôi cũng đỡ trơ trọi, ngày bớt dài đêm bớt lạnh lẽo. Tôi không đi xa và không leo dốc được nữa. Bạn bè lần lượt theo lão thần chết cả rồi, chẳng còn ai.
- Còn cô gì ...?
- Vâng... cô... Anna... Phải rồi... Phải rồi, hai người không thể gặp nhau...
Tôi giữ im lặng. Già nhìn vào ly rượu vàng óng ánh.
- Khi ông về thì cô ta đã đi khỏi, thỏi son tôi sẽ đưa lại... Anna còn trẻ và tốt bụng lắm, đến giúp tôi mọi việc những khi ông đi vắng, và ngủ lại đây, cùng người làng Bonifacio cả...Cô ta còn quên gì nữa không?
Tôi lắc đầu rồi xin mượn Già hình ảnh cái ống vố kia để mai đây đưa vào truyện.


*

Nhưng có một thứ không thể vay, cũng không trả được mà Anna thường để quên, để lại trong phòng dai dẳng suốt cả tuần, đó là một mùi hoa rất lạ. Nửa hương Quỳnh nửa Phù Dung. Cũng không hẳn là hoa mà một mùi hương mát dịu như trăng đêm, lành lạnh như sương sớm, càng về khuya càng trong, càng đượm, càng ngát, ru tôi vào giấc ngủ nhẹ của thiên thần. Không biết nó đến từ đâu mà cứ thoang thoảng khắp phòng, luồn lách khắp nơi, ươm trong chăn, ủ trong gối, miên man day dứt mãi không tan. Có điều rất lạ, ra khỏi phòng là mùi hương khựng lại như bị dao cắt, đứt gọn như có ranh giới vô hình nào nó không vượt qua nổi và tôi không ngửi thấy nó nữa. Không ngửi thấy nhưng nó tiếp tục ám ảnh, bám riết lấy cân não, in đậm trong trí nhớ không tài nào quên. Ðúng như Già Rossy đã nói. Thoạt đầu tôi bỡ ngỡ, vài ngày sau quen, vài tuần sau cảm rồi đâm nghiện, và bây giờ, lần đầu tiên trong đời tôi biết nhớ một mùi hương... nôn nao như nhớ một người tình. Tôi vẫn tưởng ký ức chỉ ghi nhận âm thanh, hình ảnh và màu sắc ...

Tôi đem chuyện hỏi Già Rossy vào một buổi tối mưa dầm gió bấc. Những căn nhà mái đỏ san sát bên sườn núi đã tắt đèn, gối đầu lên nhau ngủ vùi im lặng. Chỉ có gió rít nhẹ qua khe hở chỗ tôi ngồi, và bên ngoài hai cánh cửa chớp bật qua tạt lại vẫy gọi từng cơn. Già đốt lò sưởi cho thêm ấm áp. Thắp ngọn nến hồng để giữa hai ly rượu trên chiếc bàn vuông thấp, vẻ mặt tư lự.
- Thật không? Hay ông tưởng tượng, đôi khi cũng lên lầu sao tôi không hay biết?
Tôi cam đoan với Già là không bịa và kể lại hiện tượng hương hoa lạ lùng kia. Nó đang bị tù hãm trong căn phòng nhỏ hẹp, dứt khoát không tan, bay toả ra ngoài, dù tôi có để cửa mở trông ra biển vẫn thế. Không lẽ chỉ mình tôi ngửi thấy. Nhưng Già Rossy không tin. Nheo mắt nhìn tôi nghi ngờ, và hạ thấp giọng.
- Thế ông có gặp Anna chưa?
- Chưa lần nào!
Già bảo để hỏi Anna xem sao, trong căn nhà này mùi gì mà Già chẳng tường tận, mùi ẩm mốc trên bốn bức tường đá ong vào mùa đông lạnh giá, mùi dầu thông trên giường tủ bàn ghế khô cong lúc mùa hạ, mùi oải hương, mùi bông giấy, mùi chăn mền tẩm mồ hôi trộn với khói thuốc thành thứ mùi ngai ngái không tên, và át đi tất cả là mùi gió biển quanh năm tanh tanh mặn mặn. Chưa bao giờ Già nghe nói đến mùi của Anna, hương hoa trong phòng có bao lơn nhìn xuống biển, bình thường vẫn chỉ ngập mùi thời gian bụi bám. Tôi hiểu, Già nhớ mùi như một kinh nghiệm của khứu giác, không như tôi với mùi hương của nàng. Già gõ ống vố lên gạt tàn và châm lửa nhả ra cụm khói xanh đậm đặc. Tối nay Già không dùng vố sọ người, thay bằng ống điếu dài khắc hình những thai nhi cuộn tròn châu đầu nơi mồi lửa, cuống nhau chạy dài đến cuối cán dính lên môi Già rồi chui thẳng vào mồm. Tôi chắc Già còn nhiều thứ quái đản hơn thế.
- Ông còn thấy hiện tượng gì nữa?
Tôi nhìn Già ngồi đối diện lò sưởi, ánh sáng lập loè nhảy múa trên khuôn mặt đầy đặn hằn sâu nếp nhăn như sóng biển, tóc bạc trắng bạt ra sau bồng bềnh gió khơi, nhưng đôi mắt Già buồn. Buồn vời vợi. Già hỏi dửng dưng không cần câu trả lời. Và tôi, tôi vẫn ngửi thấy mùi hương nồng nàn của Anna phảng phất đâu đây. Ngửi bằng trí nhớ. Nó không ở ngoài mà ở trong tôi, có thật, vật chất như tim gan, nó nhập vào tôi và ... nó sống.
Tôi hỏi Già làm thế nào gặp được Anna.
- Mai tôi phải rời Bonifacio đi Florence, tuần sau sẽ về.
- Ông định gặp để làm gì?
- Ðể nhìn thấy mùi hương bằng da bằng thịt. Người đã cho tôi thêm một khung trời.
Tôi nói với Già là tôi tỉnh táo chứ không mộng mị hay tưởng tượng kiểu tiểu thuyết gia đang tìm hứng. Ðó là sự thật. Già vỗ vai tôi, nhỏ nhẹ.
- Vâng tôi tin ông... Chúc ông ngủ ngon.
Nhưng đêm hôm ấy Già thức rất khuya, không ngủ, lục đục mãi và hình như có tiếng bước chân Già chậm chạp lên cầu thang, lách cách mở cửa vào phòng đôi vợ chồng hồi còn trẻ.


*

Anna đã mở cho tôi một khung trời mới, nói đúng hơn, một không gian khác thường. Không như Già Rossy nhớ mùi gió biển, mùi mồ hôi, hay mùi khói thuốc. Tôi nhớ mùi hương của Anna như nhớ người tình, bằng cảm xúc, bằng mộng mơ, bằng ảo giác, triền miên cả đêm lẫn ngày. Thời gian đầu, mùi hương chỉ nhẹ nhàng phất phơ như gió thoảng, làm cho cơ thể và đầu óc thư giãn, bớt được cơn lừ đừ mệt nhọc sau những giấc ngủ trưa. Mặt trời đổ những tia nắng chói chang lên mái nhà Già Rossy hừng hực nóng, cảnh vật ngoài kia thẳng đứng, im lìm chịu trận cái oi bức ngộp thở giữa trưa hè, và biển bốc hơi. Nhưng trong phòng tôi thì vẫn mát rượi một mùi hương cực kỳ quyến rũ, nó vuốt ve mơn trớn khắp người và cho tôi cái cảm giác lâng lâng, phe phẩy của một chiếc quạt trầm hương. Không gì thú vị bằng. Nó lả lơi, khêu gợi, bắt tôi phải để ý đến nó, và dụ dỗ tôi đến xiêu lòng phải thay đổi một số thói quen. Già Rossy cũng ngạc nhiên bảo.

- Dạo này thấy ông ít ra đường, không viết lách ban đêm, lại viết ban ngày?
Tôi nói với Già không hiểu sao tôi không thức đêm được nữa. Cứ xâm xẩm tối là mắt mỏi rũ vì một cơn buồn ngủ kéo đến rất nhanh, không cưỡng lại được. Già nghĩ tại tôi làm việc quá sức đó thôi. Nhưng tôi biết không phải thế. Vì một lý do khác.

Có lần vui chơi với bạn bè, tôi đã thử một loại nha phiến gốc Nam Mỹ, hút vào, không gian căng phồng ra với thứ ánh sáng vàng vọt lung linh của ngọn đèn dầu lạp, mọi vật chung quanh như chuyển động quay cuồng, người dập dềnh nhẹ tênh và cơn buồn ngủ tức thời ập đến. Ngủ mà như thức, thức thì như mơ và sáng ra đầu nặng như đeo chì. Tôi chợt khám phá là tôi buồn ngủ vì mùi hương của Anna trong trạng thái gần tương tự như thế, nhưng dễ chịu, sảng khoái gấp trăm lần. Mùi hương trong căn phòng này khác với mùi hương ma tuý, nó làm tôi say nhưng không mệt, khi thức dậy vẫn hăng hái làm việc, viết lách như mọi ngày. Từ đó, tôi thèm những buổi hoàng hôn lúc mặt trời lặn xuống biển và nghiện những giấc ngủ đầy khoái cảm, ấp ủ cùng mùi hương. Thời gian sau, tôi còn nghiệm được nhiều điều rất lạ. Già Rossy hay bảo Già ngủ lúc nào... không biết. Nhưng tôi trái lại, chỉ cần nhắm mắt mơ màng, tôi đã biết mùi hương lượn lờ đến bên cạnh, ve vãn, kể lể, ôm ấp xác thân và óc não dần dần tê dại đi. Một luồng gió mát từng bước xâm nhập vào người, chạy khắp châu thân từ trong huyết quản, từ đầu xuống vai, từ vai đến bụng rồi toả rộng râm ran đến tận mười đầu ngón chân tay, và tôi sung sướng tưởng mình có thể hoá thân thành muôn loài, thành chim thành bướm, thành núi thành sông, thành ngàn vạn phấn hoa bay của rừng già.
Chỉ có điều đáng tiếc, Già Rossy cũng lên phòng những khi tôi đi vắng, cũng ngủ lại vài đêm nhưng Già không cảm được gì. Vì Già không ngửi thấy mùi hương của Anna. Già nghĩ ngợi nhiều, không hiểu và có vẻ buồn, một hôm Già nói.
- Vậy là ông may mắn, hạnh phúc hơn tôi!


*


Từ ngày mang trong người tinh hương của loài hoa xa lạ, tôi như được thêm đôi cánh bay bổng, thênh thang giữa đời. Nhìn đâu cũng thấy sáng ra, màu sắc đậm hơn, tươi hơn, có khi đi giữa thành phố dầy đặc sương mù mà vẫn nhìn tỏ mặt người. Những dốc đường quanh co khúc khuỷu, với nhà cửa thấp tầng xếp cạnh nhau như bát úp, ở ngã ba nào đó, nay bỗng quen thuộc như đã từng đi qua, nhưng rộng, cao, và thoáng hơn với màu gạch cua tươi rói. Hàng cây Tùng Bách bên kia đồi uốn khúc lên tận đỉnh, trước không hề thấy, nhưng giờ cũng xanh um màu lá mạ, thản nhiên với mây trời. Tai mắt tôi trở nên bén nhậy tinh tế lạ thường. Có nhiều đêm, tôi nghe được hơi thở của Già phập phồng dưới nhà mặc dù rất nhẹ, Già đã ngủ say. Ở trên phòng qua mấy lần cửa kính, tôi vẫn biết táo đang rụng ngoài sân và lá đang bay đầy ngõ. Nghe nói, thị giác cho phép con người nhìn thấy chính mình, giống như khi xem tranh ta chỉ thấy chính ta. Nhưng trong cái nhìn hiện tại tôi lại không thấy tôi, mà chỉ thấy Anna, một nàng hương cô quạnh và thèm sống. Bằng một quyền lực vô hình nàng đã biến tai mắt tôi thành tai mắt của nàng. Tôi nhìn thấy những gì nàng muốn thấy, nghe được những gì nàng muốn nghe, và cảm được những gì nàng đang cảm.

Như lúc này, tôi biết Anna đang muốn về thăm một nơi chốn cũ. Nàng không phải dân đảo Corse. Quê hương nàng không phải nơi đây mà tận phương trời Ðông Bắc, quanh năm tuyết phủ ngập đường. Tôi thấy gió lạnh se sắt làn da giữa mùa hè nắng gắt, tai nghe văng vẳng những tiếng lục lạc trên bờm ngựa phi. Tiếng chuông nhỏ trong veo như tiếng thuỷ tinh leng keng xa dần... xa dần và Anna bật khóc. Khóc vì một nỗi xa xôi dặm trường. Tôi buồn vui theo tâm trạng của nàng, khi đi qua từng vùng kỷ niệm thời thơ ấu. Có ai biết nàng không thích những buổi chiều mưa dầm dề trên thành phố biển, nhưng lại mê nhìn tuyết rơi? Tuyết rơi phủ trắng những cánh đồng vạn dặm trên xứ sở nàng, cũng như ở đây, tuyết bay trắng biển, trắng núi, trắng những căn nhà mái đỏ, trắng những dốc đường quanh co, trắng tâm hồn thiếu nữ và trắng cả những cuộc đời còn son trẻ. Tôi còn biết nàng yêu nhạc cổ điển và thích nhảy múa, những lúc ấy, trong đầu tôi lại reo vui một vũ điệu Caucasien bập bùng ánh lửa cùng với nhịp vỗ tay rộn ràng. Và đâu đó thấp thoáng một khuôn mặt thuỷ thủ phong trần, cằm vuông, lông mày xếch ngược. Nàng nói với tôi trong giấc mộng du là nàng yêu đời và muốn sống. Bao nhiêu tâm ảnh hiện ra như cuộn phim muôn màu, khi tỏ khi mờ, nhưng tôi vẫn chưa từng đối diện Anna. Không biết Anna đã lưu lạc đến đây từ bao giờ? Nàng đang ở đâu mà tôi chưa được thấy nhan sắc? Có điều chắc chắn, đeo trên thân xác tôi, mùi hương của nàng thoát được căn phòng chật hẹp ra ngoài. Và tôi đã mở cho nàng đôi cánh cửa tự do.



*



Tuần sau tôi trở về, cố tình sớm hơn mọi lần nhưng Anna đã lại đi mất. Trước tôi một ngày. Không hiểu sao nàng tránh gặp mặt. Hỏi Già Rossy Già cũng không muốn trả lời. Tôi tặng Già chai rượu cùng hộp thuốc Hoà Lan, hỏi thăm Già vài câu vội vã rồi nóng lòng muốn lên phòng. Căn phòng vẫn trông ra biển, vẫn sạch sẽ và ngập mùi hương. Nhưng lần này tim tôi loạn lên vì trên nền gối trắng, nằm nghiêng một nhánh hoa Vàng. Vàng Mai. Nhưng sao hoa vẫn tươi như vừa mới cắt? Khi tôi cầm lên hoa liền đổi màu, lần lượt ngũ sắc như kính vạn hoa thuở nhỏ lấp lánh muôn hình, biến, hiện rồi tan. Tôi biết Anna tinh nghịch và nàng đang ở đâu đây, rất gần. Hình như có một nụ cười dịu dàng trên mặt gương gợn sóng. Vài cánh chim mòng biển chao qua chao lại ngoài kia, cất tiếng gọi trên cao, tha thiết lúc chiều về. Bầu trời xuống thấp và bóng tối đang lướt vào từ ngoài khơi...
Tôi nghe bước chân Già lên cầu thang mở khoá vào phòng bên cạnh. Có tiếng cử động sột soạt của da thịt trên mặt vải khô cứng và giọng nói chậm rãi quen thuộc của Già.
- Cố uống bát thuốc này đi ... cho mau lại sức...
- Cố lên nào...
- Ðêm nhiều sao, chắc mai trời đẹp đấy...
Già thì thầm như vỗ về tình nhân. Ðột nhiên, nhộn nhịp những bước chân người nện trên sàn gỗ, qua lại, hối hả, tấp nập lên xuống cầu thang, rồi đập cửa phòng tôi thình thình vang dội. Tôi bật dậy... Nhưng hành lang không có ai, phòng kế bên vẫn khoá cửa im ỉm và trong nhà, tuyệt nhiên vắng lặng. Chỉ có tiếng quả lắc đong đưa tích tắc một mình với bóng đêm vì Già Rossy đã tắt đèn yên giấc. Trăng đã lên cao. Ðồng hồ tay chỉ ba giờ rưỡi.

Những hôm sau, tôi vẫn nghe nhiều tiếng động lạ vang vang trong giấc nửa khuya và bóng dáng Anna chập chờn ẩn hiện. Không biết tỉnh hay mơ?... Tôi thấy một buổi chiều lang thang xuống phố, bắt gặp mùi hương lơ lửng ngang đầu, rồi dẫn đường tôi đến một tiệm ăn nổi trôi trên mặt biển, lênh đênh như bèo dạt giữa đại dương. Tiệm lại trang hoàng theo lối cổ kính, sang trọng, đông khách, nhưng khi tôi bước vào mọi người đều đứng dậy bỏ đi. Còn lại một thiếu nữ tóc nâu cắt ngắn ngồi xoay ra ánh mặt trời, lưng trần vai thon, để lộ một nốt ruồi son với nước da trắng sữa. Tôi biết chắc chắn là Anna, vì từ thân thể nàng ngào ngạt toả ra thứ hương thơm kỳ diệu. Chỉ ba bước nữa thì chạm được vai nàng mà chân tôi không nhấc nổi, toàn thân như bị đóng đinh dính chặt xuống đất. Nhưng bỗng chốc, nàng chạy ra cửa ôm chầm lấy một chàng trai, hôn môi đắm đuối, và bóng đổ dài rơi vãi phía sau, bâng khuâng ngỡ ngàng. Tôi còn gặp Anna thêm nhiều lần khác. Nàng ngồi trên ghế của Già nhìn mây bay vùn vụt qua cửa sổ, những tảng mây đen cuồn cuộn đầy ắp không gian. Không bắt được dung nhan của nàng, nhưng tôi vẫn cảm được nỗi mong chờ u uẩn trong lòng người thiếu nữ. Nàng nói với tôi là nàng lạnh lắm. Và mới đêm qua, thấp thoáng bóng nàng đứng trên bao lơn ngắm xuống biển, hình như có lúc, nàng đến ngồi bên đầu giường nhìn tôi ngủ như mơ...


Tôi kể cho Già Rossy nghe những giấc mơ kỳ lạ và cố tình quên những đoạn vô cùng ướt át, say sưa với nàng. Già rót cà phê mời tôi buổi sáng sớm và bảo dạo này Già hay lục đục, đang dọn căn phòng hai vợ chồng thuở trước cho Anna. Ðể khỏi phiền tôi. Già nhìn tôi đăm đăm qua làn khói thuốc, vẫn bằng đôi mắt ướt buồn bất tận.

- Ông yêu nàng hương rồi!
- Anna là ai? - Nàng đang ở đâu? - Già làm ơn cho tôi gặp mặt!
- Vâng... ông yên tâm... để tôi bảo Anna. Tuần sau trở lại ông sẽ gặp...


*

Lần cuối tôi trở về căn nhà có phòng sau nhìn xuống biển, Già Rossy không ra đón, cũng không thấy Già ngồi nhìn ra đường như thường lệ, và phòng khách âm u không ánh đèn. Cảnh nhà yên bình, mát lạnh, hoang vắng. Tiếng quả lắc vẫn tích tắc đều đặn như những dấu hỏi đong đưa nghìn trùng. Bình thường Già báo trước những khi có việc phải xuống phố, nhưng đã lâu rồi Già có đi đâu? Linh tính báo điều không hay, tôi đảo một vòng rồi lên lầu. Trời tối đen, tiếng sóng biển ùa vào từ cửa bao lơn mở rộng, trên bàn, tôi thấy ống vố của Già chặn lên một mảnh giấy trắng. Vết nhăn nhúm trên nệm giường chứng tỏ có người vừa ngồi ở đây, và nét chữ Già nắn nót viết cho tôi mấy dòng.

Anna là vợ yêu quý nhất đời tôi.
Chiếc chìa khoá này sẽ cho ông biết sự thật.
Lão thần chết đang cỡi sóng vẫy gọi ngoài kia.
Tôi đã quyết về với biển.

Tôi bước ra bao lơn nhìn xuống vực sâu thăm thẳm một màu, tay cầm chìa khoá phòng vợ chồng Già Rossy hồi còn trẻ. Trong phòng, một bộ xương người nằm thẳng trên mặt nệm vàng úa, và chung quanh rải đầy hoa, tràn ngập những hoa, hoa khắp nơi, hoa trên giường, hoa dưới đất, hoa leo lên tường, hoa bám lấy trần nhà, hoa khô, hoa héo, hoa tươi. Nhiều vô kể. Già đã ướp xác Anna bằng trăm nghìn loài hoa đủ màu đủ sắc và hương thơm lừng.


*

Tôi vẫn chưa được biết dung nhan của nàng, và mãi mãi không bao giờ biết. Tôi xuống nhà theo mùi hương bay, đến ngồi vào chiếc ghế bành ngay cửa sổ phòng khách, vén màn nhìn ra dốc đường bộ vắng tanh và... thấy Già. Già Rossy.




Phan Nguyên
Paris hè năm 2000 













Nói Chuyện Với Tách Cà Phê:

tản mạn facebook








Trời ươm nắng cho mây hồng *
Chị có nước da trắng mịn như trứng gà bóc. Chị không đẹp lộng lẫy nhưng có duyên, chân không dài nhưng ngực nở mông cong, mắt hơi híp, nhưng toàn thân toát ra một sức gợi cảm mà quý ông chỉ thiết tha đưa chị lên giường.

Chị sống trong một căn phòng chung cư rộng năm nhân ba mét. Đủ kê một giường ngủ và bàn phấn với quạt trần ba cánh quay lạch cạch ngày đêm. Phía sau bức mành trúc lưa thưa là gian bếp ngổn ngan chén bát với phòng tắm vòi sen và tường vôi vàng ố. Một không gian chật chội chẳng mâý tiện nghi nhưng đủ để chị tiếp khách qua ngày ... Và thỉnh thoảng qua đêm.

Trời ươm nắng cho mây hồng một buổi trưa hè nóng bức. Chị ngồi dậy búi lại mớ tóc rồi bảo hát cho chị nghe bài tôi hay độc tấu trên sân thượng nhìn sang phòng nhà chị những buổi tối buồn nghiêng sầu*!
Dạo ấy tôi ở trọ với ông bà bác bên kia đường. Nhà năm tầng, mái bằng sân thượng rải rác vài chậu cây xanh. Ông bà mở tiệm buôn xe máy trên con đường đông đúc toàn người Bắc di cư. Xưa là đường Gia Long. Ông bà gốc tư sản, không con cái, đã vượt sông Bến Hải vào giờ thứ hai lăm khi Nam Bắc chia cắt đôi bờ, và không hiểu bằng cách nào ông bà đã tậu được căn nhà khang trang mặt tiền ấy.
Ngoài tầng buôn xe, các tầng trên để phòng cho thuê, đa phần là khách Phi luật tân, Đại hàn, đôi khi cũng có người Mỹ và các cô chân ngắn chân dài lên xuống. Sau này tôi mới biết ông bà làm kinh tài cho Việt Cộng!

Và tôi đã quen chị trên những bậc thang cách ngăn mấy căn phòng thường xuyên rên rỉ hoan lạc ấy.

Trời ươm nắng cho mây hồng, chị là bạn tình của gã Phi Luật Tân hay mặc áo chim cò ngụ trên tầng ba. Chị bảo nó xấu nhưng nhiều tiền và hay mời chị ăn mì bồ câu vào những buổi chiều mưa rả rích buồn muốn khóc...
Chị cũng Bắc kỳ nhưng di cư bằng tàu há mồm với đứa con trai đầu lòng mắt xanh mũi lõ ... con một ông Tây trắng nào đó đã cấy nó vào bụng chị rồi bỏ đi mất biệt, khiến hai mẹ con phải tha hương lưu lạc vào Nam. Nhưng chị bảo thằng bé là con nuôi, dẫu nó cũng có cái tên cúng cơm của gã thương gia hãm hiếp chị khi xưa mà chị vẫn nhớ thương cho đến tận bây giờ.

Chiều ươm nắng cho mây hồng. Chị mang đôi găng tay dài màu trắng đón xe lên phòng trà Queen Bee làm tài pán điều đào. Thỉnh thoảng tôi được mời đến uống nước nghe nhạc, chị thường để tay lên đùi, kín đáo dúi cho tôi vài tờ Trần Hưng Đạo để chi tiêu ăn xài hàng tháng, hết thì chị lại đưa thêm. Tôi chẳng phải làm gì miễn là qua nhà đàn hát cho chị nghe những bài chị ưa thích. Nghe rồi chị khóc. Thuở ấy tôi còn mê đàn hát nhạc tiền chiến, thuộc nằm lòng vài chục bài Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Phạm Duy, Trinh Công Sơn và tập tễnh sáng tác tự biên tự diễn.

Trời ươm nắng cho mây hồng, chị bảo chị muốn tắm cho mát ... Em cứ hát tiếp đi!
Tiếng quạt trần lạch cạch trên đầu một buổi trưa vắng vẻ oi bức khiến tôi mất hứng với âm nhạc. Tôi ngưng đàn và nghe rõ mồn một nước vòi sen đang róc rách chảy trên làn da mịn trắng. Ngồi cách xa phòng tắm vài thước nhưng tôi mường tượng được tất cả những đường cong ngõ ngách trên thân thể chị, sau bức mành thưa đong đưa theo gió.
Được một lúc chị tắt vòi sen bước ra ngoài, người quấn chiếc khăn tắm cùng màu da rồi ngồi vào bàn phấn. Chị với chiếc lược nhờ tôi chải tóc. Đứng sau lưng nhìn lén đôi gò bồng đảo và hai bờ vai trần đầy đặn tôi thấy chị đẹp. Chị nhìn tôi trong gương tay chân lóng ngóng và mỉm cười ... Em không thích vai gầy?
Buổi trưa hôm ấy lần đâu tiên tôi ngả chị lên giường, vùi đầu vào ngực chị như được ôm bú vú mẹ. Hai tay nắm tóc tôi, chị cong người cười khúc khích. Năm ấy tôi vừa bước lên thềm đại học và chị cũng vừa bốn mươi ... Xuân xanh lơ lửng và hồn muôn trùng *

* Lời ca khúc TCS
PN. Sài Gòn 7/11/2021





Một buổi trưa nắng gắt.
Nó cho mình xem một xấp hình đen trắng và hỏi "mày thích ko?"... Dĩ nhiên là thích.
Năm đó mình còn rất trẻ nhưng lại học chung với người lớn trong một trường dạy Anh Văn, ngay góc đường ông Thích Quảng Đức tự thiêu.

Nó đến tuổi sắp phải đi lính. Trong lớp Nó ngồi chung bàn và cạnh mình nhưng chẳng học hành gì, chỉ chép bài lấy lệ. Trong túi Nó có xấp hình các kiểu nam nữ cuốn cuộn nhau ở mọi tư thế để xem chung dưới gầm bàn học.
Lần đầu tiên được "hàm thụ" chuyện trai gái. Xem cũng thích! Thấy ruột gan cứ lộn tùng phèo ... Và ám ảnh! Ám ảnh khôn nguôi ...
Thời đó chưa có môn giáo dục sinh lý ở nhà trường, cha mẹ anh em cũng chẳng bao giờ nói đến. Trẻ con thường phải tự mày mò tìm hiểu và khám phá mọi điều bí ẩn. Và Nó đã là ông thầy "vạn năng".

Một hôm Nó hỏi "mày thử chưa?" "chưa" "mày có tiền ko?" "có" "mai tao dắt mày đi".

Hôm sau Nó đèo mình với chiếc xe đạp cọc cạch giữa trưa nắng gắt đổ lửa... Vòng vèo bụi bặm ... Nó còng lưng đạp, áo ướt đẫm mồ hôi! ... Rồi qua cầu Khánh Hội.
Bên kia cầu toàn là đất đỏ và nhà lá lụp xụp ven đường. Những quán nước nhô ra mặt đường xiêu vẹo đón khách ... Nó tạt vào một quán có người ngồi hút thuốc và chào "Má khỏe ko má" ....

Và mình nhớ mãi cái buổi ban đầu "không thể nào quên" khi leo lên giường nan kẽo kẹt che màn với một bà lùn lùn mập mập. Nó bảo "Em dạy nó đi". 
Mà thật! dạo đó mình chưa xem phim "hành động " nên cũng ko biết lên như thế nào, thậm chí để vào đâu!!!

"Làm vầy nè! Làm vầy nè!"...

Và trong tiếng còi xe inh ỏi một buổi trưa nắng gắt nhớp nháp mồ hôi... khoái lạc như được ị trong quần hồi còn bé ... mình đã trở thành đàn ông! ...

Còn Nó, năm sau Nó đi thẳng từ ghế nhà trường để trở thành "người muôn năm cũ". Đi thẳng vĩnh viễn vào cõi âm u. Nghe tin Nó bị bắt lính quân dịch và bị việt cộng đâm chết trong rừng cao su ngoại thành Sài Gòn ... Lúc đang ngủ say vào một đêm tối đen mù mịt. Nó tên là Xú Há ... Người Việt gốc Hoa... Năm đó nó 18 còn mình 13.





Tiền Thưởng Noel
Thật ra việc cũng chẳng có gì khó. Thoải mái là đằng khác. Chỉ cần thức dậy sớm mua vài ổ bánh mì baguettes và chuẩn bị bơ mứt, cà phê, cacao, sữa cho nóng. Tất cả phải sẵn sàng trước 7 giờ sáng rồi giao ka. Dĩ nhiên tới nhận việc đúng 7giờ tối. Khoảng giữa hai đầu dây thời gian ấy thì muốn làm gì thì làm. Thường thì mình ôn bài, đọc truyện, sách báo, nghe nhạc với cái radio nhỏ bằng bàn tay. Muốn ngủ thì căng ghế bố kiểu tây ra mà nằm mà ngáy. Mùa Noel năm ấy sao mình thèm ngủ nhiều thế .

Tuổi trẻ ... nằm đâu ngủ đó ...Ăn chay nằm đất là chuyện thường... Chỉ có điều không đêm nào được ngủ yên. Những đêm tuyết rơi lạnh lẽo thì buồn muốn khóc ! Những năm đầu Châu âu... đắp chăn thật ấm vẫn thấy lạnh ! Lạnh từ bên trong.

Khách ra vào nơi đây chỉ toàn những cặp trai gái, tình nhân, già trẻ có đủ ... Cứ chốc chốc lại có tiếng gõ cửa trong đêm khuya khoắt... nhộn nhip nhất là sau 1giờ đêm. Việc của mình là ghi tên họ vào sổ, trao chìa khóa với hai cái khăn trắng và cục xà phòng thơm rẻ tiền ... Và lấy tiền khi họ trở ra. Chỉ có thế nhưng đêm nào cũng thiếu ngủ, thiếu ngủ kinh niên. Triền miên.

Mùa đông năm đó có một khách quen thường lui tới về đêm hỏi mình:

"Mày sinh viên còn đi học à?"

"Không ngủ được hả, xin lỗi nhé!"

Một cô gái trẻ khoảng ba mươi tuổi, tóc nhuộm hung và ngực căng phồng chỉ che hai đầu vú . Khuôn mặt đày đặn xinh xắn. Mỗi đêm nàng ra vào khoảng ba bốn lần với đủ loại đàn ông khác nhau... Không bao giờ quên vui vẻ cảm ơn hay xin lỗi vì đã làm phiền!

Một hôm ... trước đêm Noel nàng chống cằm nhìn mình :

- Mai tao về Espagne có lẽ không gặp lại mày nữa đâu!

- ...........

- Mày muốn không? Lên với tao!

Mình muốn ... nhưng cặp mắt cay xè ... Nếu có lên lầu chắc cũng chỉ lăn ra ngủ. 

- Không muốn hả ... vậy thôi nhé !

Rồi nàng mở ví để một trăm quan lên quầy như món tiền từ giã. Khi nàng bước ra ngoài... Một luồng gió lạnh ùa vào làm rùng mình và nhớ mãi.

Lần đầu tiên trong đời mình cầm tiền "thưởng" từ tay một cô gái điếm. Và cũng với loại tiền này mình đã bước qua được một mùa Đông Paris trong một khách sạn thổ tả ở quận 20. Tây gọi là Hotel de passe!

Mùa Noel năm đó Mỹ ném bom Hà Nội.




Thằng Mười
Một buổi sáng trước Tết trên đường phố Sài gòn lần đầu mình về thăm nhà sau "giải phóng", một thanh niên quặt quẹo, tay ôm cột bong bóng đủ màu sắc chạy theo gọi tên mình. Nhìn kỹ nhận ra ngay thằng Mười hàng xóm, chơi với mình khi xưa còn bé...
Nhận ra ngay vì nó bị tật bẩm sinh, chân tay quặt quẹo, đi đứng như bị điện giật và luôn ngửa mặt nhìn trời.
Lâu ngày tình cờ gặp lại, nó mừng rỡ cười nói ú ớ chảy cả nước mắt ... nước miếng...không biết cười hay khóc!.
Nó làm mình nhớ về đám trẻ con năm bẩy đứa trong cái xóm nghèo khi xưa gia đình mới bỏ của di cư vào Nam, đã từng kết bạn bắn bi đánh đáo với chúng nó, đánh quay, tạt lon, tạt hình... thời mà trẻ con phải tự nghĩ ra trò chơi chứ không như bây giờ .
Nó kéo mình vào một quán vỉa hè để kể chuyện xưa chuyện nay ... Như trút một món nợ đeo đẳng từ đời nào. Cũng lạ, Mười chỉ bị ám ảnh và kể nhiều nhất về những cái chết của bạn bè, người thân trước đó. Tỉ mỉ từng người.
Như Bố nó đạp xích lô bị xe đụng đem về nhà vài ngày rồi chết. Chẳng ai đền đồng nào! Thằng Hương anh nó chết trận hồi "Mùa hè đỏ lửa" ... Chị dâu lấy người khác về ở chung nhà nhưng vẫn thắp nhang thờ chồng cũ, ảnh còn gắn huy chương.
Còn Vinh em thằng Quang mới mười tuỗi chết đuối trong thùng phuy nước mưa, nó ngã chúi đầu một mình ngay sau nhà mà không ai biết... Thằng Bông thì chết lảng nhách, già đầu mà còn ngu, leo nóc nhà gỡ con diều băng bị điện giật té xuống chết ko kịp ngáp... Con Lan em nó sau bán bar, lấy chồng Mỹ biệt kích rồi biệt luôn đi đâu không ai nhớ!
Cũng năm Mậu Thân, Sáu Sắc khóm trưởng bị việt cộng ám sát bằng bốn viên đạn vào ngực khi giắt tay con nhỏ ra khỏi nhà sáng sớm.
Thằng Năm Hí thì mới chết đây sau 75. Nó treo cổ nơi cầu cá tra trên kênh Nhiêu Lộc ... Tự tử vì chán đời, vì sống không lối thoát!
Và anh em thằng Bờ thằng Bụi theo việt cộng nhảy núi v.v và nhiều nữa.
Nhưng thật ra mình chỉ còn nhớ mặt vài người mang máng ... thời gian sống trong một xóm nghèo gần đường xe lửa ... lầy lội cống rãnh. Tối đến taxi không dám vào vì nổi tiếng toàn dân "anh chị"...Nếu không "anh chị" thì việt cộng nằm vùng ... hoặc cả hai...
Mười ôm cột bong bóng vào lòng rồi cười cười bảo, bà Tư cháo vịt, mẹ nó trước khi qua đời đã cưới cho một con vợ khùng, câm điếc từ dưới quê mang lên, vợ chồng sống trên nền nhà cũ... Đã vậy thường xuyên cào cấu vì thích ghen tuông, sinh được thằng con trai lành lặn nhưng câm điếc giống mẹ... Mình vui theo câu chuyện và chợt nghĩ không hiểu nó làm tình kiểu gì với vợ khi chân tay mình mẩy co giật như thế?
Nó bảo cái xóm nghèo sau "giải phóng" vẫn vậy, người nghèo còn nghèo hơn, vẫn buôn thúng bán bưng, vẫn xích lô ba gác, còn phải ăn bo bo, chỉ có mấy bọn công an là khá giả... "Y tá Đức Lai chích dạo khi xưa cũng nằm vùng giờ thành bác sĩ ! ... Năm Mậu Thân việt cộng trong xóm ra mặt và bị bắt gần hết! "...
Rồi đột ngột nó chống tay đứng dậy bảo phải đi, phải bán hết chỗ bong bóng không thì đói. Mình cho nó món tiền ... Nó ngước ngước mặt rồi lùi dần... trên con đường sài gòn vẫn mùi khói xe khét lẹt!
Sau dịp Tết đó mình không còn thấy cái cột bong bóng nhiều màu của Mười bay trên nền trời thành phố "mang tên Bác" nữa... Đó là lần cuối.

***

Sáng nay pha ly cà phê đầu năm và châm điếu thuốc ... Mình lại nhớ đến Mười vì chính nó là người đã châm điếu thuốc đầu tiên đưa mình hút khi mới lớn ... Khởi sự cho một quá trình nghiện ngập từ thuốc vấn, thuốc lá, thuốc pipe vòng quanh trái đất ... cách đây hơn nửa thế kỷ.
Và kỷ niệm không thể quên một lần sang sân nhà nó xem cắt cổ vịt ... Bà Tư đạp cánh dưới chân và bẻ cổ con vật tội nghiệp ra sau ... bất chợt hai giọt nước trong veo trào ra từ hai khóe mắt đen nhánh đang nhìn mình...
Nó khóc kìa bà Tư! ...
Lần đầu tiên chứng kiến một con vịt trào nước mắt khi sắp chết... Hai giọt nước mắt sáng trong như hai hạt ngọc.
Ai cũng bảo Mười là đứa con út bị quả báo, quặt quẹo ú ớ vì nghề tổ tông...Vì mẹ nó giết vịt nhiều quá!






Mắc dịch!
Thực tình thì bây giờ ít khi mình để ý đến chuyện dịch và đọc sách dịch ...nhất là sách dịch từ tiếng Anh tiếng Pháp sang tiếng Việt. Vì đa phần đọc khá thất vọng, vì không chuyển tải được cái hồn của tác phẩm và ngôn ngữ gốc ...
Trừ một vài dịch giả có trình độ có tài có tâm làm công việc dịch thuật nghiêm túc cả hai lĩnh vực văn chương và khoa học, ngoài ra thì rất ...đáng ngờ cho tất cả các bộ môn!
Dịch đại! dịch sách để kiếm sống, kiếm danh hoặc vì không biết làm gì khác, thế thôi ! nên sách dịch tràn lan, nhan nhản.
Nhưng nào có ai có thời giờ để so sánh các bản dịch với bản gốc, hơn nữa có trình độ để phê phán các dịch giả? trừ những lỗi to đùng như "bố tôi bị ung thư tử cung" thì thấy rõ, chẳng hạn?

Sáng nay thức dậy thấy làng nước đang té ngửa với Hội nhà văn việt nam, với ngày thơ Nguyên Tiêu cùng "Sông Núi Trên Vai" mà cười ngất!

"Sông núi" là một từ ghép mang nghĩa khái quát như "Tổ quốc" hay "Quốc gia" sao lại dám tách ra thành Mountains and Rivers?
Sông và Núi hữu tình, thanh cảnh trên vai các nhà thơ của hội ông Hữu Thỉnh! Quá lãng mạn còn gì!
Nhưng có lẽ các ông nhà văn nhà thơ ấy cũng biết xấu hổ, biết nhục nên dịch trại đi! Tổ quốc trên vai thì to quá! Quốc gia trên vai thì nặng quá! gánh sao nổi?

Mình hình dung các ông bà nhà văn nhà thơ vẫn được nhà nước nuôi kia đang gánh lặc lè một đầu sông một đầu núi từ xa đi lại... Nhưng đến gần mới thấy hai cái bô hai đầu gánh to tướng đang nhảy nhót!


Sài Gòn 22/2/2019





Xin lỗi văn học.

Dạo này sáng sáng mình ít ngồi café vì bận nhiều việc, chẳng có thời gian nói chuyện để tách cà phê buồn tủi lạnh tanh. Nhưng hôm nay mới đọc được trên fb một bài viết có thiện chí kêu gọi hòa giải hòa hợp dân tộc của một phây nhân nổi tiếng, nhưng chưa từng gặp mặt. Một bài viết chân tình cảm động mong muốn hòa giải dân tộc sẽ/phải là sứ mệnh của văn học. Và xa hơn nữa có ý kiến cho rằng chẳng cần làm gì cả, hãy để cho văn học tự giải quyết mâu thuẫn với nhau rồi thì sẽ ổn ... rồi cũng đi đến hòa giải hòa hợp thôi ! Nghe cũng vui vui vì toàn những người cầm bút lâu năm tung hoành chiến trận có chính kiến tư tưởng đàng hoàng chứ ko phải ngu ngơ bậy bạ.

Nghe cũng lạc quan vì nếu văn học làm được cái việc ...Từ ấy, tất cả nhân gian là một vườn hoa lá, rất đậm hương và rộn ràng tiếng chim. Dĩ nhiên ko còn cái cảnh lý lịch người ghét người, sống để chèn ép nhau thì còn gì bằng? Tức khắc là hòa giải hòa hợp cả hai tay hai chân và ôm hôn xí xóa tất cả thôi!

Nếu một ngày lang thang trên đường phố Hà Nội mà ko còn cảm thấy rực rỡ chiến công hay sôi sục Ba Đình lịch sử gì gì nữa thì chắc hẳn văn nhân đã hòa hợp để chỉ còn thấy tấp nập cảnh Hoàn Kiếm Đồng Xuân náo nức ...

Nếu một ngày Sài Gòn chỉ là Sài Gòn thôi chứ ko là gì khác và người ta quét sạch đường phố cho cụ già em bé ko còn phải lo sợ nghe cướp nhà cướp đất đêm đêm, thì văn nhân hẳn đã hòa giải với quá khứ của chính mình chứ chẳng cần đâu xa.

Nếu một ngày văn học ko còn nhắc đến Mậu Thân như một chiến thắng lẫy lừng chấn động tim gan của hàng ngàn nạn nhân bị vùi xác oan uổng thì văn nhân và cả nước đã hòa đồng từ Nam chí Bắc. Mọi người chỉ thấy mưa sa sương mờ trên Thành cổ mà ko còn hàng hàng lớp lớp cờ đỏ tung bay.

Không còn lớp lớp cờ đỏ tung bay!

Hãy xin lỗi lịch sử, xin lỗi văn chương chữ nghĩa, xin lỗi các mẹ già em thơ và tất cả nạn nhân của quá khứ!

Hòa giải hòa hợp dân tộc sẽ đến và lúc đó người VN chắc chắn sẽ bước qua lời nguyền.

Sg 14/7/2019




Khung Đêm *
Tặng Nguyễn KB

(Khung đêm cửa gỗ khép)
K đến vào lúc nửa đêm hay gần sáng?
Chẳng hề gì!
Chỉ biết K đến với vẻ đẹp sắc sảo của loài thú mắt đen nhung.
Như thường lệ, K đến khi hắn làm việc vào những đêm mất ngủ bên gian nhà gỗ và ngồi cách xa trên mảnh chiếu lá, chân co chân duỗi, ngực để trần, căng tròn một màu da nâu sữa, bất động...

K đến vào lúc hắn đang tạt một vạt sơn đỏ tươi cùng mồ hôi trong vắt xuống mặt vải, vung những nhát cọ như những nhát chém, thân xác chẻ đôi, đong đưa như vượn trên khung vải trải ngay giữa nền nhà bóng lạnh...
K không ngạc nhiên trước những nhát cọ sắc gọn, nhưng lạ thay ... vẫn không bật ra âm vang nào, tuyệt nhiên không một tiếng động, chỉ nghe nhịp tim dồn dập gấp rút đuổi thời gian còn tất cả vẫn là khoảng không im lìm, hụt hẫng.
Chất dầu hăng mùi sinh lực hắn vãi trên mặt đất tan thành một vùng khổ hạnh triền miên không dứt.
Và từ xa... K dõi theo những ý tưởng buông rơi thành một vũng đen vô vọng ... cứ ngỡ tuyệt chiêu, nhưng rồi tan biến.
Không thể nào!...
Toàn thân bỏng rát, mạch thái dương căng thẳng.
Bất thần hắn trở cán cọ nhọn hoắt như dao đâm một nhát vào cái vũng đen ấy, rồi liên tiếp, hụt hơi, mệt nhoài...
Hắn bật người đứng dậy, cảm nhận rất rõ chất lỏng trên tay đang từ từ đặc quánh rồi ngả sang màu đỏ bầm.
Màu đỏ của máu...

Nhưng giờ thì K nằm trên mảnh chiếu lá, cặp mắt đen nhung không còn mở nữa với đôi môi vẫn mỉm cười... Đêm vừa hửng sáng nhưng vũng đen không khép lại mà cứ loang ra mãi như niềm đau sót khôn nguôi.

*

(Khung đêm cong màu xanh rêu)
Những năm sống thị thành tôi vẫn mơ có được căn nhà thoáng mát, chẳng cần nguy nga nhưng đủ để chứa vài trăm tác phẩm tôi quí hơn con đẻ từ bấy lâu...
Về đây sung sướng nhất với đồi núi bạt ngàn vây quanh, dân cư hiền lành như mây trắng, mọi gian ác ti tiện ở đời tưởng chừng cứ theo gió mùa tan thành sương khói quanh năm...
Tôi chiếm căn nhà bỏ hoang nửa gạch nửa gỗ ở lưng chừng đồi được hai mùa nắng, dân địa phương gọi là đồi voi phục vì từ dưới lên phải men theo hàng đá tảng màu đồng đen bóng nhẵn, từ xa có dáng đàn voi khổng lồ tiễn rồng bay về trời một thuở hồng hoang lạnh giá.
Dân gian còn cho là đá đẻ và đồn rằng cứ mươi năm lại xuất hiện vài tảng quanh đây, dọc bờ suối men chân đồi và xa hơn nữa rải rác về phía rừng Bằng Lăng tít tắp.
Không biết xác thực hay không nhưng những tảng đá nghìn cân vẫn trơ ra sương gió, cam phận hình hài nặng kiếp với thời gian.


*

(Khung đêm hằn dấu tích)
Nhưng thời gian là dấu tích hằn sâu trên thân xác ngà ngọc của K. Hắn biết, trong cuộc nhân sinh này, không gì tồn tại mãi mãi, hãy say đắm cuồng nhiệt một lần rồi có ra tro bụi cũng đành.
Lần đầu gặp K bên dòng suối xanh róc rách xuyên qua rừng, hắn đã mưu toan chiếm đoạt một vật báu.
Với nhan sắc vừa độ xuân thì kia, sẽ là một tuyệt tác để đời cho riêng hắn.
Một chiều nhiều mây, K nhẹ gót trên thảm cỏ lá, tóc chẩy dài trên vai thấp thoáng hai đầu vú nhỏ hồng. Vóc tiên hạc dạo chơi trong rừng chiều không ngờ có kẻ lạ đang ngắm nhìn từ xa.
Khi chạm mặt nơi dốc suối nàng ngước lên nhìn hắn, ngạc nhiên với đôi mắt đen nhung, mi đậm ướt rồi nhẹ nhàng lách sau những tảng đá... biến mất ...
Chỉ còn bốn bề xào xạc lặng êm, chỉ nghe luồng gió mát thốc lên từ phía suối và tiếng chim đập cánh bay xa ...
Hắn xanh xao tư lự từ dạo ấy, những mơ tưởng gặp lại đôi mắt đen nhung chỉ một lần, một lần thôi cũng thoả. Hắn lân la dò hỏi, nhưng chẳng ai nhớ hay từng gặp một thiếu nữ lạ lùng như thế.
Ròng rã, chiều nào hắn cũng trở lại dốc suối, khắc khoải một làn tóc mây trôi. Mọi người bảo nhau là hắn mê dại cuồng si và với khối tình cháy bỏng gỗ đá cũng phải mềm lòng thương cảm.

*

(Khung đêm mơ cánh chim đại bàng)
Đêm nay là đêm thứ chín.
Chín đêm dài bằng chín thế kỷ trần gian mà sao cứ như chớp mắt.
K lắc đầu thầm bảo tôi đừng đếm nữa, thôi đừng vạch ngấn thời gian lên vách gỗ căn buồng thoang thoảng mùi hoa ngâu, mùi của da thịt nàng.
K trườn người hôn lên mắt, lên má, lên môi để an ủi vỗ về mỗi khi tôi sợ trời lại sáng...
Đêm nay hơi lạnh, ngọn lửa bếp nhấp nhổm toả hơi ấm và rọi sáng những tấm lưng trần đang hối hả yêu nhau, tôi vuốt ve làn da óng mát mịn màng như tơ lụa phủ lên khắp người và ghì lấy từng hơi thở ngọt ngào trên môi...
K choàng cánh tay ôm lấy cổ tôi lật nửa vòng, rướn cong người với đôi mi khép rồi nấc lên đón lấy thứ hạnh phúc thuỷ tinh đang trào dâng... dâng mãi... dâng đầy...
Tôi vùi đầu vào ngực K như con trẻ, áp má lên hai bầu vú êm ái thiếp đi, ngoài hiên hình như gió vẫn rì rào thổi, cơn mưa đầu thu vẫn xối xả lên mái ngói từng hồi...
Trong giấc ngủ chập chờn tôi bỗng thấy mình bay bổng lên cao như chắp cánh, gió vù vù bên tai, ánh lửa bếp dưới kia đang nhỏ lại và xa dần...
Nàng nắm tay tôi bay cao mãi về phía chân trời tím bạc, và rõ ràng, đôi cánh chim đại bàng đang phần phật trong gió, xoải thân đưa tôi qua những khu rừng mênh mông, mênh mông, ngút ngàn...
Choàng tỉnh giấc khi trời sáng.
K đã ra đi từ lúc nào như mọi lần để trở về với hình hài cổ xưa, xa xa có tiếng chim kêu não nề và mùi hoa ngâu vướng vất đâu đây.
Qua khung cửa sổ, rừng mù mờ sương, mưa đêm ướt đẫm cả thung lũng khiến tôi một mình ngậm ngùi nhớ nước mắt K đã giàn giụa suốt đêm qua...
Khi biết tôi đang hoạ bức chân dung cho nàng lần thứ nhất.


*

(Khung đêm trắng ảo ảnh sa mạc)
Trọn một đời bôn ba, chưa bao giờ hắn hao mòn thể xác, bại nhược niềm tin đến thế!
Ngay buổi đầu chạm ánh mắt đen nhung, lòng hắn đã chơi vơi, mơ hồ cảm thấy danh vọng là gió thoảng mây bay, dường như, cả sự nghiệp sáng tác hơn mấy mươi năm cũng chỉ là ảo ảnh không tên giữa sa mạc trắng xoá.
Hắn tiếc thời gian đã vội vàng cướp đi tuổi trẻ tinh khôi và xót xa nhận ra rằng, đã chưa một lần thực sự yêu ai ...
Nhưng K đã trở lại dốc suối một hôm hắn chỉ còn da bọc xương, gục đầu trên phiến đá mê man quên cả đường về, K dìu hắn lên nhà đồi ân cần chăm sóc, mài thân làm bột hoà với nước suối cho uống.
Vài tuần sau hắn mới hồi tỉnh, da dẻ hồng hào và sức khoẻ gần như bình phục.
Hắn vui sướng ôm K vào lòng khi biết nàng chính là chủ nhân của căn nhà nửa gạch nửa gỗ bỏ hoang, hằng đêm ngồi cạnh hắn, tỏ tường mọi nỗi buồn đau như mảnh tâm linh trong suốt từ ngàn năm vọng về...
Rồi hắn yêu K như chưa bao giờ được yêu, làm tình với K như chưa từng được làm tình, quên cả ngày đêm.
Hắn chiều chuộng từng tấc da tấc thịt, nâng niu từ gót chân đến ngọn tóc và mê mẩn nhất, ba ngấn tròn đỏ son như đeo vòng ở cổ chân, khác người.
Có lần hắn gặng hỏi nhưng K cũng chỉ cười.
Trên cõi đời này chắc chắn chẳng còn ai, chỉ còn K và hắn với mùa thu đang đến.

*

(Khung đêm không gian màu hổ phách )
Chỉ còn tôi với nàng và mùa thu rực lửa trên từng ngọn lá.
Thu đến đột ngột lạ kỳ.
Mới hôm qua đồi núi còn xanh rì mà nay đã lung linh vàng đỏ, ửng cả khung trời.
Tôi ngỡ không gian đang thay màu đổi sắc để vui cho cuộc tình dài mãi trăm năm, cho dòng suối xanh chẩy xiết trong tâm hồn và cho những giọt rượu nồng ngấm ngầm say trong từng huyết quản.
Tôi yêu K tha thiết, nhưng K lại chan hoà nước mắt khi tôi nhất định giữ lại nét dung nhan của nàng, để cho đời sau, bằng đầu ngọn bút.
K khóc nhiều cả đêm đến sáng, nhưng rồi cũng nguôi ngoai với vẻ độ lượng, cảm thông, cam chiụ.


*

(Khung đêm hố đen sâu thẳm)
Nhưng giờ thì hắn hiểu, K là hiện thân của chuỗi thời gian đã mất, là tiếng kêu thương của rừng thiêng nguyên thuỷ vọng về, là vẻ đẹp hồn nhiên thơ dại hiển hiện trong mộng tưởng, từng đêm, hắn khát khao vươn tới nét chân thật, nét tuyệt mỹ của con người.
Nhưng hắn không thể giữ được nét dung nhan huyền ảo của đại ngàn hoang vu.
Khi cặp mắt đen nhung đã khép với đôi môi vẫn mỉm cười, hắn biết nàng đã ra đi vĩnh viễn.
Hắn vừa mất đi trong đêm đen điên cuồng một kiếp hồn thạch đá hiển linh.

Hắn đau lòng thương tiếc, rồi nhất quyết nổi lửa đốt căn nhà bỏ hoang cùng toàn bộ tác phẩm mấy mươi năm hết lòng gìn giữ...
Hôm ấy, đất trời màu tro u ám rồi cơn mưa bất thường đổ xuống như thác lũ.
Hắn cõng xác K lao thẳng xuống đồi, biệt tăm vào rừng sâu thăm thẳm.

***

Trên đống tro tàn bên sườn đồi voi phục, ngày nay sừng sững một tảng đá nghìn cân màu đồng đen bóng nhẵn, ba ngấn tròn đỏ son chạy vòng quanh như ba vòng kim cô siết chặt đời người.


Phan Nguyên
Paris 1999 - Saigon 2019
(*Truyện ngắn viết năm 1999. 20 năm sau đọc, sửa lại lần cuối lấy tên "Khung Đêm". Văn bản này xóa bỏ, thay thế những văn bản cũ.)
PN. Sàigon 15/1/2019









Sân trường thuở bé

Cứ giờ ra chơi là nó chạy một vòng quanh sân trường, chạy thong thả từ đầu sân đến cuối sân và bảo mình đứng chờ.
Sân trường rải sỏi rộng khắp với hai hàng cây Phượng Vỹ toả bóng mát, lung linh nắng trên những mái đầu trẻ thơ nô đùa ầm ỹ. Cứ đúng mười giờ sáng, tất cả các lớp xếp hàng từng cặp học sinh rồng rắn theo thầy cô ra sân để "xổng chuồng", để chạy nhảy hò hét.
Gọi là giờ ra chơi.

Nó học cùng lớp và ngồi cùng bàn với mình từ khi còn bé. Hai đứa cặp kè đi đôi với nhau suốt thời gian học tiểu học, cùng chia nhau một mặt bàn với lọ mực tím. Khi xưa trẻ con chỉ dùng bút có ngòi chấm mực, cấm viết bút bi, chẳng hiểu tại sao!
Thuở ấy nó đã nổi tiếng có hoa tay và viết chữ đẹp nhất lớp. Nét sắc nét cạnh bay bướm và đặc biệt có thể vẽ bất cứ thứ gì cho bất cứ ai, nháy mắt đã xong. Nó đã vẽ tặng mình cả tập cao bồi cưỡi ngựa và nhiều thứ khác.

Cứ giờ ra chơi là nó chạy một vòng quanh sân trường bụi mù, chạy ngang, chạy dọc mặt cắm xuống đất tìm kiếm gì ko ai biết. Nhưng mình biết và ngồi chờ.
Có điều trời phú nó có hoa tay, năng khiếu vẽ bẩm sinh nhưng ko cho nó có trí nhớ. Nó học rất vất vả, hay quên, học đây quên đó. Hình như trong đầu nó có gắn một bộ nhớ đặc biệt, chỉ nhớ hình ảnh đường nét, nhớ mọi chi tiết. Nó ghét phải học thuộc lòng những bài viết có chữ. Bài toàn tiếng Pháp thì nó chịu thua. Chỉ được hai ba điểm trên mười. Nhưng bù lại nó giỏi toán nên hai đứa bù đắp giúp đỡ lẫn nhau.
Sau này lớn lên mình mới hiểu tại sao nó ko thích đọc sách mà chỉ thích xem phim. Rảnh rỗi lúc nào nó liền lấy giấy ra vẽ. Nó từng chỉ mình cách dùng ánh sáng và bóng tối sao cho có độ nông sâu, tạo khối và bố cục. Mình đã tiên đoán nó sẽ trở thành họa sĩ, chí ít cũng sống bằng nghề vẽ bảng quảng cáo với đôi tay trời cho.

Cứ giờ ra chơi là nó chạy một vòng, có khi vài lượt để tìm chiến lợi phẩm, áo ướt đẫm mồ hôi và bảo mình đứng chờ dưới hiên trường cho đỡ nắng.
Nó chạy hình chữ O, chữ U rồi chữ Thập. Nhiều khi chờ lâu cũng chán !


Năm đệ lục nó chuyển sang học trường Việt. Xa cách nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp nhau, uống ly chanh đường, chia nhau trái dừa xiêm. Nói chuyện trời ơi đất hỡi. Nó học cóc nhảy từ trường nọ sang trường kia, hết Trường Sơn, Thượng Hiền rồi lại Hồ Ngọc Cẩn. Gia đình đổi nhà và địa chỉ liên tục, rồi bố mẹ nó bỏ nhau. Nhưng nó cũng học được hết lớp đệ nhị để thi Tú Tài.
Mình thi đậu còn nó thi rớt. Năm sau nữa mình lên Đại học thì nó vào quân đội. Thời gian đó ai trượt Tú Tài, tới tuổi đều bị bắt đi quân dịch, đi lính. Những đứa trẻ chưa kịp biết mùi đời đã vội ôm súng ra trận. Của cả hai miền, giết nhau.

Cứ đến giờ ra chơi là nó bảo nó đói, nó chạy hai ba vòng sân trường và nhặt vài khúc bánh mì đủ loại, trẻ con ham vui nô đùa ko buồn ăn, hoặc ăn dở vứt đi vẫn còn gói giấy, mang về. Và hai đứa chia nhau, ngon lành, thích thú.

Chuyện gì nó cũng chia sẻ với mình, như chia từng món quà sáng. Giờ nó đã mặc áo lính, sinh tử ngang vai, biết thế nào! Thỉnh thoảng về phép nó tìm mình rủ đi cinê, ra khu Viễn Đông ăn bò viên, uống nước mía và tối nghe nhạc phòng trà Tự Do hoặc đi ngủ chung với gái qua đêm. Hai thằng một con cho vui ... đỡ tốn tiền. Nó bảo vậy.


Lần về phép cuối cùng trước khi mình đi du học. Nó đến tìm, tóc húi cua, quần áo rằn ri, da xạm nắng, nhờ mình chở xe đi gặp người tình. Chẳng hiểu nó quen ở đâu ra một cô thợ uốn tóc rất xinh. Cũng chỉ đưa xem hình. Lúc đó nó đã hết phép nhưng vẫn nấn ná ở lại Sài Gòn để gặp nàng. Nó bảo nó đang yêu và muốn lấy vợ. Nhưng khi qua cầu Trương Minh Giảng bị quân cảnh thổi còi hỏi giấy. Nó bị túm cổ vứt lên xe, chưa kịp từ giã người vợ muốn cưới ... và mình cũng ko còn dịp gặp lại nó nữa.

Bẵng đi vài chục năm sống ở nước ngoài. Vật đổi sao dời, chiến tranh chấm dứt. Người Việt tứ tán khắp năm châu, bỏ chạy cộng sản tìm đường sống, người đi biển kẻ băng rừng qua Thái qua Phi qua Mã ... Mình đã quên hẳn thằng bạn nối khố thuở nào và tưởng nó đã chết từ lâu nơi ngục tù hay chân trời góc biển nào đó.

Nhưng quả đất tròn, rất tròn, mới đây gặp lại nó ở một ngã tư đông đúc xe cộ, một ông già sửa xe gắn máy đầu đường, mất một mắt vào những phút cuối của cuộc giao tranh tương tàn vừa qua. Nhưng dù còn một mắt nó vẫn nhận ra mình.

Nó ko còn chạy một vòng lúc giờ ra chơi như hồi bé để nhặt quà sáng, chia nhau sự phí phạm của đám trẻ con học trường Tây. Giờ đây nó đang chạy một vòng đời cuối cùng cho hết một kiếp người khổ đau vật vã. Nó bảo nó đã đi tù, mất hết nhà cửa cha mẹ để lại, mất vợ mất con khi bị đuổi đi vùng kinh tế mới. Nó đã đạp xích lô, bán đồng nát, bán ve chai vé số, thợ vịn thợ hồ để cuối cùng trở thành bác sửa xe.
Mình mới trở thành bác họa sĩ.

Nó vừa cười vừa khóc ôm mình xiết chặt rồi ngửa cổ bật cười vang.
Trời Sài Gòn vẫn mưa vẫn nắng. Chẳng vì đâu. (*)
(*) Ý thơ Nguyên Sa

PN. Sài Gòn 13/6/2020




Đào phai.
Buổi tối đầu tiên nàng ở lại với tôi... là một đêm không trăng và gió biển rì rào.
- Anh tắt đèn giùm em...
- Đèn ngủ mà, anh vặn nhỏ lại nhé!
- Không anh, anh tắt đi hộ em, em không thích đèn sáng!
Nàng đứng nơi chân giường hai tay ấp má vẻ van nài, khẩn khoản.
- Anh sẽ nhắm mắt lại, anh không nhìn thấy gì đâu ...
Nhưng nàng vẫn đứng lặng ôm áo che ngực vẻ ái ngại không vui.
- Sao vậy? Em xấu hổ ư?
Tôi hỏi nàng và mỉm cười nghĩ bụng ... Một người đàn bà từng có chồng con không lẽ lại e lệ đến thế khi sắp bước vào cuộc ân ái?
Chiều ý nàng tôi với tay lên đầu giường. Bóng tối phủ trùm căn phòng nhỏ thoang thoảng mùi xạ hương đã thắp. Và nàng nhẹ nhàng trèo lên giường như mèo hoang lần đầu vào nhà người lạ.
- Ngực em không đẹp!
- Biết thế nào là không đẹp?
Tôi chỉ biết một câu an ủi vô duyên và vòng tay ôm nàng thương cảm. Nàng bảo tôi nằm im rồi hôn lên má, lên môi, xuống ngực, nhẹ hôn lên bụng và lần xuống tận cùng của nhục cảm ấm nóng căng như cung đàn. Căng như diều sắp đứt tận trời cao tít tắp ... Chợt nàng buông lỏng rồi ngửa mặt nhìn bóng tối đang nhập cuộc truy hoan. Ái ân bao giờ cũng là một cuộc xâm lấn, chiếm hữu để rồi cho đi tất cả đến tận cùng. Giây phút tận cùng hạnh phúc của cả hai tâm hồn và thể xác.
Căn phòng vẫn tối đen. Đêm vẫn không trăng mờ ảo...
Tôi vuốt ve tấm lưng trần với nước da mịn như tơ lụa và chợt bắt gặp vết sẹo ngang lưng của nàng. Một vết cắt sâu hoắm vắt chéo từ sườn trái lên đến sống lưng như vết roi hằn đã lâu nhưng trí nhớ vẫn còn đau điếng.
- Em đã bị ung thư vú.
- Lâu chưa?
- Cách đây vài năm. Người ta đã giải phẫu, cắt bắp thịt sau lưng em để tái tạo lại phía trước.
Nàng cầm tay tôi trong đêm, đưa lên chạm vào vết khoét khi xưa giờ đã lành. Tôi hiểu, nỗi đau da thịt đã khép nhưng để lại những chấn thương tâm khảm không thể xóa nhòa nơi người đàn bà đang mùa xuân sắc. Mặc cảm tật nguyền đôi khi sẽ đeo bám suốt đời nàng, như một bông hoa khép kín, không dám nở khi gần người yêu, không dám làm tình, triệt tiêu hẳn thú vui dục tính.
- Anh có thất vọng không?
- .......
Nàng bảo sau ca mổ khi ly dị chồng, nàng không còn tự tin để quen một người đàn ông nào khác, từ bảy năm nay.
- Vâng từ bảy năm nay em không dám khoả thân với ai ... Cho đến khi gặp anh.
- Anh bật đèn nhé!
- Không được đâu anh, xấu lắm. Để em thời gian, cho em quen đã!

Và thời gian để cho tôi quen và nàng quên đi những vết thương trên làn da mịn màng, để chỉ âu yếm trong bóng tối, vụng trộm yêu đương khi đã về đêm, tìm nhau khi cô đơn tràn ngập. Thời gian ngắn ngủi cho những cuộc tình phôi pha nhưng hạnh phúc tựa triều dâng sóng biển. Cũng chẳng hứa hẹn điều gì cho tương lai. Chỉ là dịp vượt thoát với quá khứ để rồi sau quên lãng...
Nhưng một hôm ... tôi quyết định tặng nàng một món quà, một cành Đào phai và một bông hoa đã nở cùng màu. Cành Đào ấy sẽ đi theo nàng cho đến hết cuộc đời. Mãi mãi. Đến lúc chết.
Những cánh hoa màu hồng nhạt xăm trổ thật đẹp lên những vết thương thể xác sẽ đưa nàng trở lại sự hồn nhiên, thanh thản với cuộc đời ... Rồi đời sẽ vui. Dù xa nhau vạn dặm.


Vũng Tàu. 26/10/2020







Tháng bảy Adam và Eva
Tháng bảy là tháng nghỉ hè của dân Pháp. Năm nay chẳng đi đâu, nhưng lại nhớ đến một chuyến đi hè khá đặc biệt hồi còn trẻ.
Khi xưa khoảng tháng này mình hay xuống miền nam tìm ánh nắng và bãi biển, thường là một nơi chưa bao giờ đặt chân đến.
Đi hè phải sắp xếp trước cả nửa năm như dân Tây rất phiền. Mình thích đi bụi, tới đâu tính tới đó. Cứ nhắm hướng miền nam nắng nóng, dọc bờ biển Mediterranée đâu cũng đẹp, cổ kính, thơ mộng. Cứ trực chỉ A6 "xa lộ mặt trời" là đến nơi.
Dọc đường chỗ nào thích thì ngừng. Đi để khám phá, gặp gỡ, với tấm bản đồ trên tay.
Năm đó mình chấm một điểm ven biển Địa Trung Hải màu xanh lơ. Lái xe gần ngàn cây số sáng chiều đã tới.
Nhưng khi lòng vòng mãi ko tìm ra khách sạn, hết phòng. Muốn vào camping cắm lều cũng chẳng còn chỗ.
Nghe nói chỉ còn cách qua làng khoả thân (Village Naturiste) thì may ra. Nên mình cũng thử liều xem sao ... hỏi bà vợ lúc đó cũng đồng ý!
Thật ra "làng khoả thân" ko như làng đánh cá ngư dân mộc mạc, mà cả một khu dân cư rộng lớn với khách sạn, nhà hàng, cà phê đèn đuốc rực sáng. Chiều đến dân chúng ăn diện ra đường ... nào có thấy ai cởi truồng?
Chỉ phải ghi danh nhập Hội khoả thân lấy thẻ ra vào, vì bảo vệ canh gác nghiêm ngặt.
Hoàn cảnh đã vậy, tình cờ, ngẫu hứng, lần đầu tiên mình lạc vào một làng Naturiste. Nhập hội với những con người thích sống thiên nhiên nắng gió, một cộng đồng nguyên thủy biệt lâp của các ông Adam và bà Eva. Tách rời hẳn với không gian ồn ào phố thị, kín cổng với bãi biển riêng cát trắng trải dài vài cây số.

Cũng lạ, mọi sinh hoạt ở đây đều ko đắt đỏ như bên ngoài. Hơn nữa bãi biển miễn phí. Căng dù nằm phơi nắng cả ngày chẳng ai đòi tiền, muốn gì cũng được các Adam và Eva phục vụ tận nơi.

Đã vào làng khoả thân thì ko phải đi đâu nữa, mọi tiện ích đều có đủ.
Thú thật, vài ngày đầu mình cũng có ngại ngùng, ra bãi cứ phải nằm sấp, nhắm mắt giả vờ như ko thấy. Vì tất cả mọi người đều tung tăng lõa thể, trai gái thân hình thật đẹp, hấp dẫn lượn lờ trước mặt, trước mắt. Và mình cũng chưa quen trần như nhộng ngay mũi các nàng tiên săn chắc màu nâu đồng. Tủi thân hơn nữa nếu đứng cạnh các chàng trai đẹp hiên ngang như tượng David.
Nhưng cũng may, du khách đến đây phần nhiều là những gia đình đông con, nội ngoại cháu chắt từ Đức, Anh, Hòa Lan và những vùng đất ít biển thiếu nắng. Từ ông bà già đến trẻ con lẫm chẫm cũng khoả thân tắm nắng tắm biến. Thoải mái. Hồn nhiên.

Vài tuần sau rồi cũng quen, mình mới "ngộ" ra được vài điều thú vị, đôi khi khá mâu thuẫn!

Bãi tắm khoả thân rất sạch sẽ, đẹp một màu da nâu tự nhiên dưới ánh mặt trời, ko hoa mắt màu sắc như bãi tắm có xiêm y, rườm rà rắc rối, quần áo cứ như thiếu vải.
Sự lõa thể trần truồng của một đám đông ko gợi tình, gợi dục. Ngược lại, nó diệt dục rất chóng vánh và triệt tiêu mọi ý nghĩ đen tối, mơ huyền.
Mặc áo tắm nửa kín nửa hở mới kích thích con người trần tục, ở đâu cũng thế, con người là trần tục, bản năng!
Tối đến khi mọi người ăn diện xuống phố mới thấy họ sexy, khêu gợi. Ban ngày tắm biển hay ngồi quán trần truồng cả đám cũng ko ai nhớ mình chưa mặc quần áo. Ai có muốn "hiếp dâm" ai cũng sẽ cụt hứng trong một trại khoả thân chủ nghĩa, trừ khi là tự nguyện cho không!
Mâu thuẫn tâm lý lạ lùng!
Càng che đậy thân xác bao nhiêu càng dục vọng xác thịt bấy nhiêu? Cứ như ông Adam và bà Eva lại chẳng thấy gì! Vô cảm!
Lắm khi ăn chay trường cũng chưa chắc diệt được con heo tộc ủn ỉn ngày đêm trong mỗi con người, từ anh cùng đinh đến ngài Tổng Thống. Nhưng đó là chuyện của các bậc thầy tu. Tu hành thực sự chứ ... tu quốc doanh không kể!

Một buổi sáng cuối tuần, mình dậy sớm ra cà phê... Chứng kiến một cảnh tượng khôi hài chưa từng thấy trên đời... Nơi bàn bán vé cá ngựa, Loto ... một hàng dài gã đàn ông cởi truồng xếp hàng nối đuôi nhau nghiêm chỉnh ... đen trắng, dài ngắn, to nhỏ, xoắn ốc, cong vẹo đang chờ tới phiên đặt cược, trước mặt một bà chủ vú vê để hẳn lên bàn nhưng lại mặc quần lót, vì trời lạnh? Và mọi người vẫn vui vẻ bàn tán về những outsiders có thể về ngược. Họ nói với nhau bằng nhiều thứ tiếng chứ ko riêng gì tiếng Pháp. Có lẽ da vàng mũi tẹt như mình chỉ có một! Ko hiểu sao ít có người Việt dám lai vãng vào làng khoả thân!

Mình chợt nghĩ ko biết trong đám người này ai giàu sang phú quý hơn ai? Ai bác học trí tuệ hơn ai? Ai công hầu ai khanh tướng nói như Đặng Trần Thường lúc đánh đòn Ngô Thì Nhậm!
Hóa ra trần truồng tập thể cũng xoá bỏ luôn sự giàu nghèo, sang hèn, trí thức, vô học, ko còn phân biệt giai cấp, ít ra về mặt hình thức!
Khi khoả thân con người ta bình đẳng trước trời đất! Bớt kỳ thị màu da. Đồng tính hay dị tính cũng chẳng ai để ý. Ko còn mặc cảm về thể hình, thể tạng dù có khuyết tật hay ko! Các thẩm mỹ viện đến đây sẽ thất nghiệp, chắc chắn.
Chỉ còn lại một thân xác mà tạo hóa ban cho mỗi người để chờ một ngày nào đó đẹp trời ... tan biến.

Mình cứ tưởng đi một lần cho biết, nhưng rồi lui tới cả chục năm. Hình thành những nhóm bạn quen biết năm nào cũng gặp. Ko xuống biển thì lên núi, ra đảo, đâu cũng có những hậu duệ của Adam và Eva.

Họ sống lương thiện, tình cảm, nam nữ bình quyền và tự do luyến ái!
Một triết lý sống? Hay mặt trái của vấn đề?
Năm đó nghỉ hè về, quần áo chẳng phải giặt mấy với nước da ngăm ngăm, đen giòn bánh mật ... ước mơ của nhiều người da trắng chưa được dịp phơi nắng nghỉ ngơi.

PN. SG 19/7/2020







CHAT với quá khứ.
Một tiếng chuông rơi thánh thót lúc nửa đêm. Màn hình bật sáng.
...
- Anh! ... Em sẽ qua gặp anh ...
- Qua được không? Anh ở đây vài tuần... rồi đi Vienne!
- Em sang thăm vợ chồng con trai em luôn thể
- Chúng nó ở đâu ?
- Ở ngay thành phố anh đang đến.
...
- Em đã tưởng không bao giờ gặp lại anh nữa. Đã chết từ lâu rồi!
- Lâu quá rồi, mấy chục năm rồi nhỉ ... chỉ còn nhớ một khuôn mặt hiền lành duyên dáng năm em 16 tuổi.
...
- Hôm ấy anh đã nhìn ra em ngay, chỉ sau vài tích tắc! Với cái nốt ruồi ở khóe môi
- Em cũng thế, dù tóc anh đã bạc trắng, rơi rụng nhiều và già đi ... nhưng anh vẫn là anh của 50 năm về trước. Em nhận ra ngay.
- Anh không tưởng tượng nổi... tình cờ đối mặt nhau trên đất nước Cờ Hoa này, không hẹn mà đến, nếu không thì ...
- Thì sao anh?
- Em phát tướng mệnh phụ rồi đấy ...
- Trời ! So sánh với năm em 16 tuổi sao được!
- Anh vẫn nhớ dáng em mảnh khảnh khi xưa, áo dài trắng Gia Long tan trường về ... và "đường mưa nho nhỏ" ...
...
- Năm đó anh đi đâu ... sao anh lại mất tích?
- Gia đình anh ra Vũng Tàu tránh Việt Cộng pháo kích! Anh có về Sài Gòn tìm gặp em nhưng nhà khóa cổng, im lìm, chẳng có ai!
- Gia đình em cũng về quê ngoại tránh bom đạn... thời gian sau dọn nhà đi nơi khác. Em có để thư lại cho B. Anh không nhận đươc sao?
- Không! ... loạn lạc ly tán!
...
- Hết trung học mẹ em bắt em lấy chồng... Nhưng em không yêu.
- Lấy ai?
- Một Đại úy phi công. Em có một đứa con trai.
- Con em tên gì ... hiện ở đâu?
- Tên nó giống anh ... Là tên anh, có thêm dấu nặng... nó gần năm mươi tuổi rồi!
...
- Chồng em bị đi "cải tạo" năm 75 và chết trong tù ngoài Bắc ... vì đói rét!
- Ba năm sau em có người khác và có thêm hai đứa con gái, giờ cũng đã chồng con.
Nhưng ông này bỏ em vượt biên ... để em lại một mình với đàn con nheo nhóc!
...
- Còn anh ... sao anh biến mất!
- Anh tìm em... vài tháng sau anh trở về xóm cũ tìm em, lúc xác người nằm chết la liệt khắp Sài Gòn ... một mình phóng xe trên những con đường vắng tanh... may mà không bị bắn tỉa ... đạn của cả hai bên. Giai đoạn tổng tấn công đợt hai của Bắc việt.
...
- Em không ngờ ... dạo đó làm gì có điện thoại di động nhỉ ... Em đã khóc. Cả tháng em mong và nhớ anh, nhớ phát điên ... Em mướn tiểu thuyết nằm đọc cả ngày để tìm quên ...
- Anh không quên ... tìm em suốt nhưng không thấy tung tích... sau anh đi du học... Nếu không cũng đã xanh cỏ rồi.
Gia đình em ở lại Việt Nam đến khi nào?
- Sau hai lần bị bắt, mấy mẹ con em vượt thoát cùng một ông người Hoa sống ở Chợ Lớn. Ông này thương gia giàu có bỏ tiền cho em đi.... và trở thành chồng em sau này khi đến đảo.
- Bố mẹ em còn sống ?
- Mẹ em mất trí và qua đời trước bố em mười năm.
...
- Anh à ... em sẽ bay qua gặp anh!
- Khi nào?
- Mười ngày nữa ... được không? ... hay sớm hơn?
- Năm tháng qua mau ...em đã thành bà lão ... Nhưng em không muốn thất lạc anh lần nữa!
- Gia đình em hạnh phúc không?
- Thời gian bào mòn tất cả... bổn phận ... trách nhiệm... Ông này giờ theo Trung Quốc ... nên hay về VN ... em rất buồn !
- Em sẽ qua rồi mình gặp nhau nhé!
- Máy bay sẽ đáp xuống phi trường đúng 10.45 am
...
...

Tôi nhìn nàng đang ngủ say, nét thanh xuân ngày nào như thổn thức với vách tường trắng, tóc xõa trên nền gối trắng, chân tóc cũng bạc phơ.

Chỉ còn bầu trời mênh mông tối đen gió lốc. Tôi chợt nghĩ đến một người mang tên tôi, giống tên tôi với dấu nặng.
Gió lạnh của mùa đông đang đến... Đã mấy mùa rồi em?

Sg 25/11/2019






"Tôi không còn thời gian" và những dấu vân tay.
Mình chưa gặp nhà văn Nguyễn Mộng Giác và nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng lần nào lúc sinh thời, nhưng cũng có một việc liên quan từ xa đáng nhớ với hai anh.

Khoảng tháng tư 2012 mình làm trang E E cho Nguyễn Xuân Hoàng, tác giả của "Người đi trên mây", "Căn nhà ngói đỏ", "Bụi và rác" v.v ... Anh em thường liên lạc với nhau qua email để chỉ dẫn cách tự in dấu tay và nhận tư liệu bài vở.
Anh Nguyễn Xuân Hoàng đã được "truyền nghề", tự in dấu hoa tay một mình, đã thử đi thử lại nhiều lần và chốt ở ấn bản anh vừa ý nhất có ghi: "tôi không còn thời gian".
Anh dự tính sẽ gởi tất cả tư liệu cho mình qua bưu điện, sau chuyến đi thăm nhà văn Nguyễn Mộng Giác đang nằm bệnh ở Cali... Lúc đó bệnh tình có lẽ đã vào giai đoạn cuối.
Nhân tiện, mình đã nhờ NXH làm luôn dấu tay cho Nguyên Mộng Giác vì nghĩ, với bệnh ung thư gan, thời gian của anh Giác chắc cũng chẳng còn bao lâu.
NXH đã chuẩn bị "đồ nghề" rất chu đáo để lấy dấu tay cho người bạn tri kỷ, gắn bó với nhau bao nhiêu năm trên văn đàn hải ngoại, với những tạp chí Văn, Văn Học... Với vai trò bệ phóng cho môt nền văn học miền Nam nối dài sau 75 ... tự do, nhân bản, khai phóng.
Nhưng khi gặp Giác nằm trên giường bệnh, Hoàng đã ko dám ngỏ lời, sợ bạn xuống tinh thần khi đau yếu.
Làm dấu tay lúc đó cũng tựa như nghe tử thần gõ cửa, lấy đi tờ khai sinh, dấu vết cuối cùng của một nhân cách hiền lành tài hoa.
Dù biết "Ngựa (đã) nản chân bon", đã qua rồi "Mùa biển động" với "Sông Côn mùa lũ"... Nguyễn Xuân Hoàng cũng ko dám hỏi vì thật sự khá tế nhị. Anh thương bạn, ôm bạn lần cuối rồi từ giã ra về tay không!
Mình cũng hiểu. Cũng tiếc ko có duyên với anh Nguyễn Mộng Giác. Thì thôi cũng đành!
Quả nhiên vài tháng sau Nguyễn Mộng Giác qua đời, thoát nợ trần ai vĩnh viễn vào ngày 2/7/2012
Mình tiếp tục làm blog với NXH.
Nhưng chẳng bao lâu sau, chính bản thân anh cũng đổ bệnh, đi đứng phải chống gậy và ngày càng gầy yếu, anh viết thư báo tin và muốn gặp mặt mình, để ngồi cà phê ít nhất một lần hàn huyên. Mình có hứa hẹn một ngày gần nhất sang Mỹ nhưng cũng ko thực hiện được! Thời gian đó bận bịu với mẹ già 90 tuổi và con nhỏ ko bỏ được cho ai.
Rồi Nguyễn Xuân Hoàng cũng "không còn thời gian", sức khỏe, bệnh tật ko cho phép anh đi đứng bình thường và quên hẳn chuyện gởi dấu tay qua bưu điện mà mình cũng ko tiện nhắc.
Anh đã âm thầm là "Người đi trên mây" theo sau "Sông Côn mùa lũ". Chỉ sau đó hơn năm.
Nguyễn Xuân Hoàng là người đầu tiên tự làm dấu tay từ xa. Nhờ vậy mà nay cách lấy dấu tay của E.E đã thành phổ biến trong giới văn nghệ sĩ. Mình đã có được dấu tay của Nhật Tiến, Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn, Hồ Đình Nghiêm và nhiều người khác dù ở đâu, tận chân trời góc bể nào cũng tới. Chưa kể những tác giả đã làm dấu tay cho nhau. Đủ để có một nhà lưu niệm.

E.E. đã kết nối những con người và những tấm lòng ko đố kỵ xích lại gần hơn. Trong nước và ngoài nước. Có những chuyện cười ra nước mắt... nhưng sẽ kể vào dịp khác.
Dưới đây là hình chụp dấu vân tay anh Nguyễn Xuân Hoàng. Ko rõ chị Trương Gia Vy vợ anh, gia đình có ai còn lưu giữ bản gốc dấu vân tay này hay ko?
Nay giỗ anh Nguyễn Mộng Giác, sắp tới ngày sinh anh Nguyễn Xuân Hoàng, nên viết mấy dòng như thắp nén hương muộn cho hai người tử tế, như một kỷ niệm, dù lúc hai anh ở đời, mình chưa một lần được bắt tay gặp mặt.
Cũng chỉ là một cuộc chơi, đua với thời gian.
Còn ra sao ngày sau ...?

PN. SG 5/7/2020









Hạt bụi li ti.
Với vài người bạn cũ từ thời còn trai trẻ, ba chai champagne, thêm mấy chai rượu đỏ được mở trong đêm giao thừa kết thúc năm Covid thứ nhất!
Pháo hoa vẫn đì đùng bên kia sông nhắc nhở thời khắc giao mùa, và ước mong tân niên hạnh phúc bình an.
Ngà ngà men say, ngồi lẩn thẩn nghĩ đến những mốc thời gian, niên giám của đời người và đời mình, chợt thấy bạn bè bằng hữu lần lượt lên chuyến tàu suốt cũng khá đông!
Ra đi không trở lại.
Có ai ngờ hai mươi năm của thế kỷ 21 đã trôi đi. Qua như tên bắn! Hình như càng lớn tuổi thời gian càng qua nhanh! Vì chính mình đã dừng chân tại chỗ?
Hai mươi năm đầu đời hoa mộng khi tóc còn xanh, trưởng thành ở miền Nam với Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông. Rồi ba mươi năm dài lặn lội học tập sinh sống ở nước ngoài, lập thân tại Châu Âu. Paris Thủ Đô Ánh Sáng ... Đến khi trở về thì tóc đã hoa râm cùng thiên niên kỷ khác.
Giờ đây ... ra đường ai cũng gọi bằng ông bằng cụ vì râu tóc đã bạc phơ ... Lười chẳng muốn nhuộm.
Tối nay ngồi quanh vài bạn hữu, mình có cảm tưởng như đang ngồi ngược chiều trên chuyến tàu điện ngầm của thời gian, nhìn kỷ niệm vùn vụt lướt qua khung cửa sổ... Lướt qua những con đường cũ xa xưa nay đã đổi tên cùng xã hội đỏ đen mờ ảo. Những góc đường không người thân quen vẫn còn đó nhưng khác lạ và quái lạ ... Nơi này "ko phải vẫn thế" nhưng vẫn nao lòng với tiếng gà gáy giữa trưa hay tiếng rao hàng ngân xa trong ngõ vắng.
Không thể nào tách rời quá khứ với hiện tại. Tất cả là hình bóng đã từng thực sự trôi qua, không gian tái hiện song song, chập chùng, cùng lúc... cũng chẳng nhớ nhung, tiếc nuối hay ngạc nhiên ... nhưng cảm giác mọi điều hình như đã xong xuôi, đã hoàn tất ở cuối chân trời bàng bạc xa lơ xa lắc.
Cũng lạ! ... lạ hơn một giấc chiêm bao!
Và như thế mình đã trở về nơi này được hai mươi năm.
Hai mươi năm. Dài bằng cuộc nội chiến tương tàn với vài thế hệ thanh niên chưa biết mùi đời đã bị lùa ra trận, tuyệt diệt mọi ước mơ và sự sống bằng bom đạn và thuốc súng ... Cho thù hận thêm sâu, xương máu thêm chất ngất bên những tượng đài vô danh sừng sững! Nạn nhân và thủ phạm! Thống nhất giang sơn nhưng không thống nhất được lòng người!
Vì sao? Vì đâu? Để làm gì?
Hai mươi năm. Cũng đủ để ta chạy một lượt vòng quanh trái đất khi đưa đón con đến trường. Vượt bốn mươi ngàn cây số bụi đường để nhìn thấy con trẻ lớn lên thành người. Mong sao cho chúng thành người văn minh tử tế!
Hai mươi năm. Cũng là quãng thời gian đủ để những phận đời móc xích vào nhau cho vui vầy cuộc nhân sinh, cho lên cao, cho xuống thấp ... rồi hợp tan tan hợp!
Không lẽ chỉ vài cuộc tình mê đắm lưu lạc, với vài ước vọng dở dang là hạ màn rồi ư?
Dù trăm năm, cũng có là bao đâu nhỉ? Những hạt bụi li ti ... trong gió!

PN. Khai bút đầu năm 2021







Nói Chuyện Với Tách Cà Phê
(Tiếp)












Phỏng vấn









Mấy câu hỏi với họa sĩ Phan Nguyên

Huỳnh Hữu Ủy
(thực hiện năm 1994)





Huỳnh Hữu Ủy (HHU)- Xin anh cho biết một vài nét về tiểu sử
Phan Nguyên (PN)
-Tôi sinh quán Hà Nội, di cư vào Nam năm 54 cùng gia đình, thuở nhỏ học trường Tây, lên đại học theo ban Triết, sang Pháp học sư phạm rồi dạy học. Có thời gian mở trường dạy Pháp văn và làm cố vấn một trung tâm huấn nghiệp tại Paris. Tự lập rất sớm, làm đủ thứ nghề để kiếm sống từ khi còn là sinh viên, và xuyên suốt những giai đoạn này là vẽ, mày mò tự học, là vọc sơn không ngừng.

HHU- Như vậy anh vẽ tranh từ lúc nào?
PN- Con đường đến với hội họa của tôi có phần gay go khổ cực hơn vì không được đào tạo ở trường lớp nào cả. Tự học là chính, thầy của tôi là những bạn bè họa sĩ tây và ta, là sách vở, viện bảo tàng, những cuộc triển lãm quốc tế hàng năm. Có điều tôi thích vẽ và mê tranh từ khi còn nhỏ, ngồi đâu vẽ đấy bạ gì vẽ nấy, đến khi sang Pháp tôi mới được thực sự tiếp cận với hội họa phương tây, được xem tranh các bậc thầy trên thế giới một cách có hệ thống. Đến khoảng những năm 80 tôi mới bắt đầu sáng tác.

HHU- Anh theo đuổi hội họa như một nghề tay trái? anh có đủ thời gian để tập trung cho việc sáng tác hay không?
PN- Nếu hiểu nghề tay phải là nghề kiếm sống, miếng cơm manh áo, thì hội họa là nghề tay trái, nhưng sinh hoạt này từ lâu đã tốn nhiều tim óc nhất của tôi. Hiện nay tôi đang chuyển sang tay phải đề có thể dành tất cả thời giờ cho hội họa và sống bằng những tác phẩm mình làm ra. Hơn nữa, có thời gian để làm tất cả những gì mình muốn rất khó, đặc biệt vẽ tranh lại càng khó hơn, phải rảnh rỗi vài ngày liền, tâm can phải thanh thản, bứt ra được những lo âu phiền toái hằng ngày trong cuộc sống, phải làm việc ở một nơi cố định. Nhưng mình vẫn phải làm vì vẽ là một nhu cầu như ăn, như ngủ, như hơi thở vậy thôi.

HHU- Chắc anh cũng theo dõi các trường phái lớn trên thế giới, vậy tranh của anh chịu ảnh hưởng của trường phái nào?
PN- Vâng, ở Paris tôi có dịp tìm hiểu sâu hơn những giai đoạn phát triển của hội họa, từ Cổ Điển đến Hiện Đại, từ Dã Thú, Biểu Tượng, Ấn Tượng, Siêu Thực, Lập Thể, Trừu tượng và nhiều xu hướng khác hiện nay. Gần như một điều bắt buộc và cần thiết cho những ai muốn sáng tác. Nó giúp cho người họa sĩ biết mình đang đứng ở chỗ nào và đang đi về đâu. Tôi đã thử nhiều bút pháp, chịu nhiều ảnh hưởng ở mỗi lúc khác nhau, thử nghiệm nhiều lối vẽ. Hiện nay theo một số nhà phê bình, tranh của tôi thuộc trường phái Trừu Tượng Trữ Tình với chiêu pháp của nhóm Action Painting. Nói trữ tình là để phân biệt với xu hướng Trừu Tượng Hình Học của Mondrian. Nhưng sáng tác bao giờ cũng là kế thừa, tiếp nối những cái cũ, tìm tòi, cố gắng khai phá những cái mới và qua đó thể hiện bản chất của chính mình một cách tự do, nếu không thì chỉ là sao chép.

HHU- Anh có cho rằng vẽ tranh trừu tượng dễ hơn tranh hiện thực hay không? và khi vẽ anh dựa trên nguồn cảm hứng nào?
PN- Ở đây có hai vấn đề: Vẽ tranh trừu tượng "dễ" và nguồn cảm hứng khi sáng tác... Có thể nói chuyện hàng giờ nhưng tôi xin ngắn gọn như thế này: Vẽ kiểu gì thì vẽ, dễ hay không là do cái tạng của mỗi người. Vẽ tranh trừu tượng tưởng dễ mà không dễ, coi vậy mà không phải vậy, nhiều người nghĩ rằng cứ đổ sơn lên vải rồi bôi lung tung là có trừu tượng. Sự thực, tranh trừu tượng nó có cái nguyên lý của nó trong nhịp điệu, màu sắc, bố cục, nét vẽ v.v....Nó là thơ của không gian, là nhạc không lời, và cái chất thơ nhạc của không gian này cũng không phải đơn giản, dễ cảm nhận, nắm bắt được ngay. Những bậc thầy của phái Lập Thể khi xưa như Braque, Picasso cũng đã đứng trước ngưỡng cửa của Trừu Tượng nhưng phân vân không bước vào, có lẽ vì họ cho rằng, bỏ tất cả hình thể đi thì tranh không còn là tranh nữa. Nhưng hội họa cũng như âm nhạc có nhất thiết phải tượng hình hay không? Câu hỏi này đã được giải quyết từ lâu và tranh trừu tượng đã phát triển như một tất yếu lịch sử của hội họa gần trăm năm nay. Dĩ nhiên cũng phải có cặp mắt khá sành nghệ thuật mới phân biệt được tranh trừu tượng với những mảng màu đổ lên vải mà hồn tranh không có. Mỗi họa sĩ khi vẽ một bức tranh trừu tượng, như ném thêm một nhịp cầu để xem bên kia bờ hiện thực nó là cái gì? thế thôi! Tôi thấy vừa khó lại vừa nguy hiểm, vì không khéo anh có thể trở thành "dễ dãi chủ nghĩa" lúc nào không hay!

HHU- Còn nguồn cảm hứng của anh khi sáng tác?
PN- Giải thích thế nào ?... Thực ra, cảm hứng có thể đến từ nhiều phía, từ không gian ngoại cảnh tác động vào tâm hồn mình, từ những bức xúc nội tâm mà bật ra, từ trực cảm, từ tâm cảm, nhiều khi linh cảm được điều gì thì chụp bắt nó ngay, nó là quá trình đi từ vô thức đến nhận thức, từ độc thoại đến đối thoại. Khi xưa tôi vẽ những gì tôi nhìn thấy, bây giờ tôi vẽ những điều tôi cảm thấy. Khi ngồi trước giá vẽ, tôi không chuẩn bị một ý nghĩ nào cả ngoại trừ sơn cọ phải sẵn bên tầm tay và im lặng tuyệt đối. Khi một tín hiệu nào đó bất chợt rung động tâm can mình, thì màu gọi màu, nét nọ gọi nét kia, không biết đang làm gì nhưng cứ thế tranh nó kéo mình đi, như nói chuyện một mình, như đối thoại với tranh. Có thể kéo dài nhiều ngày và chỉ ngưng khi thực sự thỏa mãn hoặc biết mình không thể làm hơn được nữa. Được một bức tranh đẹp thì vui không tả xiết...
Nhưng ngẫm cho cùng, cái vẽ nó không nhất thiết nằm ở đề tài, ờ trường phái này nọ, hiện thực hay trừu tượng, hữu hình hay vô hình, nó cũng không nằm ở những chất liệu được sử dụng như sơn, vải, gỗ, giấy; tất cả chỉ là cái cớ, là phương tiện phục vụ cái tâm anh có hay không trong động tác vẽ mà thôi ! Được cái tâm ấy đã là hạnh phúc lắm rồi.

HHU- Theo anh thế nào là một bức tranh đẹp?
PN- Cái đẹp thường là một tình cảm chủ quan, tự giác và tự do của mỗi người, nó vô cùng. Nhưng một bức tranh đẹp thường phải có tác dụng làm cho người xem thấy một khoái cảm nào đó, nó tác động trực tiếp vào thị giác, tri giác, trực giác và thỏa mãn những hứng thú tinh thần của người xem. "Cái đẹp là một thế giới ảo nhưng một bức tranh đẹp phải có khả năng đánh thức những gì còn ngủ yên trong tâm hồn và làm rung động lòng người", tôi nhớ có ai đã nói đại khái như thế, vì xem tranh cũng như nghe nhạc, ta cần cảm nhận hơn cần hiểu. Mặt khác, sáng tạo nghệ thuật luôn luôn là một hoạt động chủ quan của nghệ sĩ. Cái đẹp trong tác phẩm chỉ phản ánh những khái niệm đẹp của người làm ra nó.
"Le laid peut être beau, le jolie... jamais" *
câu này là của Gauguin.

HHU- Nhiều người cảm nhận được tính chất Việt Nam qua những tác phẩm của anh, vậy khi sáng tác, anh có chủ tâm thể hiện tính chất này hay không?
PN- Tôi rất vui khi có ai đó cảm nhận được tính chất ấy, nhưng thú thật tôi không bận tâm mấy, cũng không chú trọng một cách đặc biệt. Nếu có tính chất Việt Nam thì tự nó sẽ hiện ra trong tranh vì tranh cũng là người. Có quan niệm cho rằng phải thể hiện tính chất VN bằng những hình ảnh đầy ắp tình tự quê hương như mẹ bồng con, mẹ nằm võng, áo dài, guốc mộc, chùa chiền đình miếu v.v... Cũng hay, nhưng tôi nghĩ tâm hồn người việt nam rất phong phú, rất đa dạng, đa tầng, đa chiều mà chúng ta cần phải khám phá, khai thác, nó nằm trong từng mạch máu của mỗi người chứ không chỉ ở những biểu tượng ước lệ kia. Tóm lại khi vẽ, tôi không cố tình áp đặt tính chất nào cả. Tranh của tôi chỉ là một sự gợi ý, người xem tranh có thể đến với tất cả hỉ nộ ái ố tham sân si cùng gốc rễ của họ. Tranh vẽ xong, nó không còn là của tôi nữa.

HHU- Anh có dịp về Việt Nam chưa?
PN- Tôi có về một vài lần, để thăm gia đình, bè bạn.

HHU- Nhận xét chung của anh về hội họa Việt Nam như thế nào hiện nay?
PN- Tôi thấy có nhiều họa sĩ tài hoa, kỹ thuật điêu luyện. nhưng có cảm tưởng họ ít tìm tòi cái mới. Có thể vì giao lưu văn hóa còn hạn hẹp, họ ít được ra nước ngoài và ảnh hưởng của nền kinh tế du lịch quá mạnh chăng? (đây chỉ là cảm tưởng qua một vài chuyến đi, do đó có thể không chính xác). Hiện nay ở Việt Nam, họa sĩ sống được, họ vẽ ra tiền (không phải chơi chữ đâu!) Họ sống khá giả hơn trước và tập họp thành những nhóm sáng tác ở khắp ba miền. Mâu thuẫn, đố kỵ nhau cũng nặng nề, nhiều khi chỉ vì ranh giới địa phận, chứ không phải thuần túy nghệ thuật! Nhưng nói chung, hội họa Việt Nam đang có một sức sống rất lớn, vì cái anh vẽ vời được tự do hơn cái anh viết lách. Tôi tin rằng, một vài năm nữa hội hạo Việt Nam đối với thế giới sẽ không là một câu chuyện ngoài lề. Muốn được như vậy, đội ngũ những nhà phê bình nghệ thuật phải mạnh mẽ hơn, người buôn tranh phải làm ăn quy củ hơn, không thật-giả vàng-thau lẫn lộn. Tác phẩm và tác quyền cần được bảo vệ tích cực hơn, nghĩa là dần dà chúng ta phải bắt kịp những tiêu chuẩn quốc tế về mọi phương diện.

HHU- Anh thích tranh của họa sĩ Việt Nam nào nhất?
PN- Những họa sĩ xưa và nay, trong và ngoài nước tôi thích cũng nhiều, mỗi người mỗi vẻ, phong cách bút pháp rất khác nhau. Cho tới nay, tôi vẫn chưa thấy ai vượt qua Nguyễn Phan Chánh với tranh lụa hay Nguyễn Gia Trí với sơn mài, hai vị này vẫn là những đỉnh cao về mặt kỹ thuật truyền thống. Riêng về sơn dầu có tranh của Võ Đình, Lê Bá Đảng, Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Nguyễn Trung, Đinh Cường, Bửu chỉ, Nguyên Khai v.v... Tối mến cái tài và rất phục cái tâm cái trí cùng nỗ lực của họ đối với hội họa.

HHU- Những họa sĩ khác trên thế giới?
PN- Picabia, Wols, Pollock, Zao Wou Ki, Tapies v.v...

HHU- Anh thích nhà văn nhà thơ Việt Nam nào nhất?
PN- Hiện nay tôi thích cái chất nhân bản trong truyện Nguyễn Huy Thiệp, cái chất khai phá thử nghiệm, cố gắng làm mới văn chương của Phạm Thị Hoài, cái chất nghịch ngợm tàn bạo và trí tưởng tượng phong phú của Trần Vũ. Cả ba đều độc đáo trong thể truyện ngắn và sẽ để lại dấu ấn trong văn học VN. Còn những tác phẩm chói sáng qua lăng kính chính trị một thời thì... một thời rồi thôi. Dĩ nhiên còn nhiều văn tài khác như Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Bảo Ninh, v.v... Riêng về thơ tôi vẫn thích Bùi Giáng, Xuân Diệu, Hoàng Cầm và đang tìm cái hay, cái mới lạ, cái chất "hậu hiện đại" ở những nhà thơ trẻ như Chân Phương, Trân Sa, Hoàng Hưng, Khế Iêm, Đỗ Kh.

HHU- Anh có một loạt tranh mang tên "Fractus", anh có thể cho biết tại sao?
PN- Đó là những bức tranh khổ nhỏ bằng hơn bàn tay, vẽ trên giấy những lúc có ít thời giờ, lâu ngày nhìn lại thấy cũng vui, vì chúng là những dấu tích trong một khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống của mình, là những cảm xúc rơi rớt nên tôi đặt là "Fractus"(Mảnh vỡ). Nhiều người lầm tưởng là những phác thảo, những esquisse để vẽ lại tranh lớn nhưng không phải. Đấy là những bản chính và duy nhất. Lắm khi tôi yêu những bức tranh khổ nhỏ này hơn cả những tấm lớn hai ba thước.


HHU- Anh đã triển lãm được bao nhiêu lần và có gặp những khó khăn, trở ngại nào?
PN- Tôi bầy tranh rất ít, được vài lần cá nhân, tham dự các salon và triển lãm tập thể thì không nhớ bao nhiêu, còn trở ngại thì có nhiều. Hiện nay ở Pháp cũng như Châu Âu nói chung, nền kinh tế đang xuống dốc, nạn thất nghiệp ngày càng trầm trọng, tâm lý làm ăn rụt rè tính toán rất kỹ, cho nên các chủ galerie cũng ít dám mạo hiểm với nghệ sĩ. Là người buôn bán, họ chỉ bầy tranh khi nắm chắc lợi nhuận trong tay và ngay lập tức chứ không dám đầu tư lâu dài như xưa. Nhưng nếu có tiền anh vẫn có thể bày tranh bất cứ nơi nào và rồi ai xem ai mua? Mặt khác thị trường tranh ảnh ở Pháp rất bảo thủ so với Mỹ hay Nhật Bản. Paris sẻ không còn đóng vai trò tiên phong và ngã tư văn hóa của thế giớ mà là Tokyo hay New York. Nhưng cái khó nhất đối với một họa sĩ sáng tác vẫn là vẽ và tác phẩm, nó là một cuộc tình khó hiểu và đầy cạm bẫy, tốn công tốn của, biết thế nhưng nhiều người vẫn lao vào để "bỏ mạng" cho vui.

HHU- Theo anh phải làm những gì để trở thành họa sĩ?
PN- Phải vẽ thực lòng, phải dám sống chết với hội hạo, không chơi chơi mà chơi thật. Tôi nghĩ không ai "trở thành" nghệ sĩ... mà có "là" nghệ sĩ hay không từ khi lọt lòng mẹ. Nó là bản chất, bản năng trời cho của một con người, ta thường nói cái "máu nghệ sĩ" là vì vậy; và dĩ nhiên, với thời gian, qua học tập, tu luyện, khổ luyện anh mới phát huy được những khả năng trời cho ấy, có vậy thôi.

HHU- Anh có muốn nói thêm điều gì về hội họa hay nghệ thuật nói chung?
PN- Ở thời đại ngày nay, mọi người đều nhận thấy một điều: là nghệ thuật đang trên đà bị "quốc tế hóa". Liệu sẽ có nguy cơ làm giới hạn mọi trí tưởng tượng, nghèo nàn hóa mọi bộ óc sáng tạo, dẫn đến một nền hội họa đồng phục, đơn điệu, na ná như nhau hay không? Và rồi nghệ thuật sẽ đi về đâu? Sự lo âu này có cái lý của nó nhưng tôi nghĩ rằng: nghệ thuật chỉ hiện hữu khi thực sự có những bộ óc sáng tạo, dù ở bất cứ chân trời nào, và một người sáng tạo đích thực bao giờ cũng là một tài năng cá biệt, độc nhất khả dĩ thoát ra được những lề thói thông thường ở thời đại mình sống. Người nghệ sĩ dù muốn hay không, vẫn có một quê hương, gốc rễ cội nguồn, vẫn phải sống trong cõi đời này với tất cả hệ lụy của nó, với những trào lưu cũ mới, với những hoài nghi, thất vọng, mơ ước, sợ hãi của ngày hôm nay và những hy vọng của ngày mai. Hơn nữa, một trường phái hội họa, một trào lưu văn học chỉ là phương cách biểu hiện thực tại sống trong một không gian thời gian nhất định nhưng chắc chắn không ổn định, bất biến vì cuộc sống là sinh động, biến thái không ngừng. Mọi thể chế chính trị rồi cũng sẽ bị thay đổi, mọi nền văn minh đều có thể tiêu vong, mọi hình thái nghệ thuật rồi cũng sẽ suy tàn và sự hiện hữu của chúng ta hôm nay, cũng chỉ là một ánh chớp trong cõi vô cùng.... Nghệ thuật sẽ đi về đâu?... chả biết, chỉ biết còn con người thì còn sáng tạo, còn sáng tạo thì còn nghệ thuật... bài học duy nhất mà nghệ thuật cho tôi là bài học nhân ái.

HHU- Xin cảm ơn họa sĩ Phan Nguyên.


* Tạm dịch: Cái xấu có thể đẹp, cái xinh xinh...(thì) không bao giờ (đẹp).




















Tham khảo thêm về tác giả Phan Nguyên:








Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995. 
(Đại Nam, California,1995)








Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại. 
Huỳnh Hữu Ủy (2010)













Không Gian Huyền Hoặc







Có một bức họa của Phan Nguyên, in lại trong một tạp chí nào đó, tôi được thấy từ lâu và nhớ mãi.

Toàn bức vẽ, màu vàng là chính, một màu vàng lát gừng, đùng đục, nằng nặng. Một hình tượng ở giữa, xoáy lên, ngược chiều kim đồng hồ - nghĩa là cùng chiều với một cơn bão dữ. Sơn vàng có pha trắng và vàng đất sét (ochre) làm thành một chất liệu dày, đặc, câm nín. Nét tung tóe của hình tượng lại chứng tỏ trong đó có một năng lực ngầm, một thứ lửa ngún. Những vết nâu, đỏ, nương theo mảng sơn vàng bị rách nát - bởi cán cọ hay bởi dao vẽ - tạo nên thế quay cuồng của hình tượng trên và trong một nền, một không gian, trống vắng yên tĩnh.


Mãi đến năm 1995, tôi mới thấy lại bức tranh ấy. In trong Tập II của bộ Văn học Việt Nam Hải Ngoại, 1975 - 1995 (Đại Nam, California, 1995).


Và mãi đến bốn năm sau, 1999, tôi mới gặp họa sĩ Phan Nguyên lần đầu tiên ở Paris, Pháp quốc.


Con người dáng dấp điệu nghệ, cung cách đàng hoàng, ăn nói điền đạm ấy đã đem cả dông tố lòng mình dàn trải trên mặt tranh.


Họa phẩm trên được vẽ mười năm trước, 1992, có tên là Xung Động III. Từ đó, Phan Nguyên đi qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn nào cũng mang vết tích vật vã, trăn trở, truy lùng. "Xung Động" (Impulsion), Không Gian Huyền Hoặc" (Espace Inconnu), "Mảnh Vụn" (Fractus), chỉ những nhan đề tranh không thôi đã nói lên hành trình tìm kiếm cái "không nắm bắt được".


Trực diện với hiện hữu nhiệm màu, biến hóa khôn lường, người nghệ sĩ không thể không băn khoăn, đau khổ. Tranh Phan Nguyên là tiếng kêu trầm thống của con người trong "không gian huyền hoặc" ấy.


Saint-Exupéry viết trong "Hoàng tử Bé" (Le Petit Prince): "nhà cửa, trăng sao, sa mạc, cái đẹp của chúng là cái vô hình"


Cái vô hình, chính là cái "không nắm bắt được". Đi tìm, và biểu hiện cái vô hình là hạnh phúc vô tận - mà cũng là con đường gian nan vô cùng - của Phan Nguyên. Tôi chỉ còn biết, trong cõi mịt mùng, chúc cho thuyền buồm anh no gió ngoài khơi...













Xem Tranh Phan Nguyên









Nguyễn Thanh Nhã:
Triển lãm Phan Nguyên, một khám phá









Bạch Thái Quốc:
Rendre Visible







Dương Mạnh Trí:
Xem tranh Phan Nguyên








Hoài Văn: 
Xem Tranh Phan Nguyên









Vidéo trên Youtube













Epaint



Digital Painting

















Dâm Thi - Xuân Hoạ



Sexus

Au commencement  -  In the beginning











Ý Tưởng Sự Tượng Hình
Tặng họa sĩ đương đại Phan Nguyên



ngực vú đàn bà lộ trần cổ quái
phập phồng triệu năm huyền bí
dưỡng chất cuồng lưu sôi sục
chờ ngày tự nhiên phụt lửa

đàn ông dương vật lập thể khôi hài
cứng cóng gật đầu ngưỡng vọng cảm xúc
luẩn quẩn trí khôn trừng mắt
xác tín dị bản cuộc đời từ khe hở

những sợi lông xoắn xít mượt mịn
uống giọt thời gian âm âm trỗi dậy
hàng triệu cái đuôi ve vẩy đứt lìa
không có vết thương nào rỉ máu (?)

chạy theo chuỗi lượng tử liên tục lóe sáng
trong đường ống dục sắc trơn trượt
có thể hấp lực tự nhiên cuốn hút rụng cánh
nhiều linh hồn đang bay
phát hiện sự luân chuyển dập dềnh
hai tay với không thể sờ được nụ cười
sự trân mình và rung đùi
dòng dung nham chảy tràn thơm ngát


TN 11/2012












MỘT LẦN MAE 

tôi thức dậy giữa mùa
xuân cuồng đãng
rừng âm vang và núi
đồi rung chuyển
đất vỡ ra một tôi trào
máu họng
và yêu em. cây trổ lá
lên trời
tôi đã thét. đã gào. đầy
năm tháng đã-cào-đã-cấu hết
thanh xuân
nhưng kìa em. đôi mắt 
của thanh âm 
vẫn là âm của hoang vu 
đường đột 
của đất vỡ trong lồn em 
khởi thủy 
của mai kia trinh trắng 
một bên trời. 

2.2017
















KHÔNG ĐỀ

Không Đề
Năm xưa núp dưới đại hồng chung
Hai đứa chơi nhau sướng phát khùng
Khí chảy thấm nhuần thân hữu hạn
Tinh ra tan biến trí vô cùng
Cần gì em bấu không nghi hoặc
Mặc kệ anh ôm chẳng ngại ngùng
Rắn rết vẫn bò quanh cổ tự
Trăng mờ đồi nhỏ bóng ung dung

Nguyễn Đức Sơn
1976












LÁ TÌNH


Tặng họa sĩ Phan Nguyên
và đám bạn chưa thể già ST, BP, HĐN,VKĐ, HXS



hiển linh thần hồn diệp
ấm lạnh nguồn sinh tình
huyền bí động dục lạc
mộ địa u u minh

tuyệt đỉnh ngọn hạnh phúc
ý nghĩa cả đời người
tất cả đều qui tụ
âm sắc tình tuyệt vời

bí hiểm tòa kiến trúc
hang ổ hiền hung thần
ẩn hiện trong lồ lộ
giữa cuộc sống thế nhân

từng qua năm bảy núi
từng vượt chín mười sông
một đời thơ hiển thánh
bắt nguồn từ một dòng

vụng về lời ca ngợi
dẫu ngưỡng vọng chí tình
gieo sương ươm từng hạt
thơm nở nụ chủng sinh

gần xa khó nói thật
ú ớ tỏ lòng mình
thâm tạ cõi nhân quả
nôm na chiếc lá tình

đứng bên bờ thanh thoát
thân tâm đầy bụi hôi
nhảy xuống dòng dung tục
quả thật đáng sống đời

Luân Hoán











DẠ KHÊ

Bướm đêm rịn ướt hương nồng
Hồn tôi chạm thấu mênh mông cửu huyền
Uống môi ngo(a)n. mật. tinh truyền
Đi lâu diêm hải qua miền trắng da
Ta còn một khoảng sương sa
Nếm qua vị mặn xuống là đà nhau
Tình như một súc gỗ nâu
Đã tôi luyện thấu sắc mầu như nhiên
Ghé đây anh đưa qua miền
Hà khê mộng mị trường thiên suối nguồn
)(
h o à n g x u â n s ơ n
24 tháng 10, 2023
[ chan hòa mộng thực ]
Sony Hoang












Leonidas


Anh chết giấc trong lần em sắp ứa
một hư vô hiển lộ bến không bờ
một hiện thực mơ hồ đang tan rữa
máu xương này tê buốt đến bơ vơ
Anh vẫn muốn nói những điều không thể
Về một cõi LỜI trong thinh lặng
Mà thanh âm tử khí vẫn vang lừng
Anh nằm chết trong lần em đã ứa
hết tinh khôi hệ lụy của muôn trùng
và anh cạn tinh huyết của vô biên…

Nguyễn Viện 13.3.2017














VỤT HIỆN (1)

Biển hà hát. Tóc mướt. Vòng cong. Riu ríu cánh bàng bàng. Chấm chấm nở. Phanh phanh bay. Núm núm
Dương tràn sức đặc động sấm nổ. Bấu cắn kiệt. Háp háp. Sắp tan sắp tan sắp tan. Cồn xa mờ láng váng chân mây. Chốt giật tung, xỏa tóc
Điểm xốn xang phấp phỏng kín nhẹm bịt bùng tôi run mở tĩnh tại. Ốc gió khao khao lỗ vọng. Dặt dặt. Tênh tênh
Saigon 1980















S. Ạ. C
Sử Mặc

anh sạc đầy bình điện em
cùng thức sóng dậy một đêm vu thần
từng đốm sáng chuỗi lân tinh
dạ quang chỉ một hột. tình. lăm le
rủ ngang
chạy dọc bộn bề
vào sâu huyệt núi gọi be he rừng
à. tên quỷ sứ đầu sừng
hung hăng chiếm lĩnh tà rưng ngọn đàn
một gùi hương nhục
đeo
mang
đi qua phồn thực
hoa ban trắng trời
đẹp quá. miền da trắng cười
vỗ hương bì bạch
chói ngời địa lu
giữa độn liền và căn tu
nguyền cơn đuối lả
cõi mù u em
)(

s ử m ặ c
13.3.24

















SUẾN BỜ MUÊ 3


TRỜI VỪA HƯNG HỬNG đã mưa mưa
Vài cơn ác báo tưởng đã thừa
Trần gian lau lách thưa bóng nhạn
Ai vẫn đi tìm em gái mưa
Đòng đưa mấy đứa căng hồn lú
Sông cuộn nước nguồn thúc con cu
Trắng phau bờ bãi hồn biển lạnh
Cạo lông làm mới mùa xuân cũ
Bên song phố thị nhú chồi thon
Rạo rực ô hay bật bật hòn
Ơ kìa sang cả bâng khuâng một
Hứa cả rừng hứng cả dừa non
... trời xanh bán son

(VỀ TRUNG, ’Suến bờ muê 3’, biên từ 1/2021)













Hommage a Diem Phung Thi


















Tượng đá 50cm
(thất lạc tại Paris)












Hommage à Thích Tuệ Sỹ
&
Thích Minh Tuệ





Cây Duyên Sinh
12/2023 - 6/2024






























VÀI CẢM NHẬN TRÊN BỘ TRANH ESPACE 2000 CỦA PHAN NGUYÊN.





Tôi xem tranh của hoạ sĩ Phannguyên Psg trên trang facebook của ông.
Ông vẽ trừu tượng. Tranh của ông dẫn người xem vào
các không gian khác nhau, những không gian hỗn mang đang được lý trí phân chia sáng tối, phân chia trật tự và hỗn độn.
Cách biểu hiện trừu tượng như thế làm người xem thấy ngay tranh của ông không chỉ vẽ trừu tượng bằng cách nhắm mắt múa bút tuỳ rung động của trái tim truyền ra đôi tay, mà có biểu hiện dứt khoát của mảng nét, của tư duy trừu tượng từ trí tuệ, cho dù diện tích mặt tranh của ông đầy kín cảm xúc như buông thả hết cho ngẫu hứng.
Tranh của Phan Nguyên không dành cho những hưởng thụ hoà sắc vui nhộn tươi sáng như tiệc tùng của thị giác, không gợi sự hoan lạc của hoà sắc.
Ông không tuỳ tiện tung tẩy màu và hình. Ông suy tính kỹ lưỡng bố cục, đường nét, màu, hình thể, những quan hệ tương phản. Đặc biệt kỹ với tương phản sáng tối. Tuy suy tính kỹ lưỡng thế tranh của ông vẫn tràn ngập cảm nhận hỗn mang, đưa người xem tranh vào trạng thái cùng tác giả đi tìm cái rốt ráo quan trọng nào đó tuỳ tâm tưởng.
Tôi đã xem đi xem lại những tác phẩm của ông, lần nào cũng gặp gỡ cảm nhận như ông đang “đi tìm/ đang tìm” điều cốt lõi nào đó của cuộc sống. Tôi cảm thụ thấy sự “ đi tìm” trong tác phẩm của của ông toả ra rất mạnh từ nội tâm sung mãn.
Sung mãn tới mức cái đẹp ở tranh của ông như không còn quan tâm tới sự ngọt ngào như kiểu tranh lụa. Những bố cục tương phản sáng tối cực mạnh có ranh giới là đường thẳng cực đoan, đã gây cảm giác về vẻ đẹp như “phê thuốc” của riêng ông.
Tác giả đã ngừng vẽ, tranh đã đóng khung để đó trong tĩnh lặng, nhưng cảm xúc “đang tìm” của Phan Nguyên luôn toát ra từ hội hoạ của ông như muốn nói : “Tôi không mời bạn tham dự bữa tiệc thị giác, tôi mời bạn cùng tôi đi tìm cuộc sống cần cái gì ở nghệ thuật hội hoạ.“
Phan Nguyên không phải hoạ sĩ duy sắc và cũng không duy hình. Tranh của ông thuần tuý vì cảm xúc của ông. Như tôi đã từng viết : “Không có tranh , không có tượng. Mà chỉ có cảm xúc của nghệ sĩ toát ra tương tác với người xem”. Hầu hết tác phẩm của ông đều thể hiện nội lực mạnh mà trầm bởi cách sử dụng hiệu quả tương phản của ánh sáng.
Phan Nguyên vẽ như thế và ông sống cũng tình cảm nội lực như thế. Khi ông còn định cư ở Pháp, khá đông văn nghệ sĩ hai miền khi qua Paris đều được ông mời về tư gia tiếp đãi vui ân cần thân ái.
Trên đã nói Phan Nguyên không duy sắc. Tranh ông nhiều mảng lớn đơn sắc vần vũ với ánh sáng tạo cảm thụ mông lung sâu rộng.
Và như thế ông là một hoạ sĩ “trừu tượng duy cảm với không gian vũ trụ”
Trong cái đẹp hỗn mang rất xa xôi đó có nhiều bức như khoảnh khắc khởi thuỷ của tối và sáng đang tách ra khỏi nhau. Như phút giây đầu tiên của ngày và đêm.
Những mép biên mảng sáng tối thẳng tắp trên tranh phân chia gần xa, nóng lạnh. Trong những mảng tranh như mây khói vẫn cho thấy ngay ở đó những nét kỷ hà không thuộc về tự nhiên, mà là trí tuệ bố cục phân vùng rạch ròi thể hiện ý chí chủ quan.
Đó là những hình tròn quay com pa, hình vuông, đường kỷ hà, góc 90 độ của hình học, là tư duy trừu tượng của não bộ con người.
Có thể ví tranh trừu tượng có chỗ giống âm nhạc không lời. Đó là tinh cảm và lý trí luôn quan tâm đồng thời khi sáng tác . Nhưng khác ở chỗ âm nhạc được cảm thụ theo thời gian, nên tưởng tượng của người nghe có phần phụ thuộc vào giai điệu.
Hội hoạ được cảm thụ bằng cái nhìn chụp tổng thể. Tức khắc trong một cái nhìn thấy tất cả. Nên cái nhìn không lệ thuộc thời gian và giai điệu như thế có sức tưởng tượng chủ động khôn lường ngay từ đầu.
Vì thế mà mỗi cá nhân thưởng ngoạn hoạ phẩm trừu tượng có thể tưởng tưởng theo cảm thụ riêng, không ai giống ai.
Khối lượng tác phẩm đã sáng tác của ông cộng dồn từ khi tóc còn xanh tới bây giờ cũng khá nhiều. Khoảng 400 bức với nhiều thể loại, có cả đắp nổi và khắc sâu. Ông cũng vẽ theo những tệp những nhóm cảm hứng khác nhau. Ví dụ như bộ tranh “Bốn mùa” hay bộ tranh “Espace 2000”
Ông nói với tôi, mỗi bộ tranh có thể vẽ tới hàng chục bức…
Tôi cũng mới quen biết ông từ sau đợt thành phố HCM ngưng phong toả covid . Tôi ngạc nhiên khi thấy ông giao lưu với rất đông văn nghệ sĩ từ trẻ tuổi đến cao tuổi khắp hai miền Nam Bắc ở cả hai chế độ trước và sau 1975.
Tôi đã gặp ông đúng vào thời điểm ông “buông kiếm”, không còn vẽ gì nữa. Và ông đã nói: “Tôi đã ngừng bán tranh từ hai mươi năm nay.

Hong Hoang
Vung Tầu 22/4/2024













Ngã Ba

Cho những dòng sông trôi giạt từ thế kỷ trước. 
Gởi Phan Nguyên.




Ngã ba

Hai chữ gọi mời. quyến rũ như dính cái liếc mắt giứt không ra của một giai nhân trên những bước tình cờ vô định.

Ngã ba. Đi và đi. Dù đường bằng phẳng hay gập ghềnh. Ta vẫn bước tới. Như thời gian trôi về phía trước. Nhưng bất chợt, chạm mặt con đường xẻ hai lối. Trái và phải. Lên và xuống. Ta vận động ý thức chọn lựa cân đo hơn thiệt. Nhưng nếu đoạn trường là định mệnh thì…ta cứ đi!

Bạn tôi định in sách, tổng kết công trình nghệ thuật tạo hình đeo đuổi cho đến nay và bảo tôi viết vài dòng kỷ niệm mối tương giao từ xưa, đâu đó cũng gần nửa thế kỷ.

Bạn đặt tôi vào một ngã ba.

Và chắc không phải là một ngã ba ‘’sung sướng’’. Chữ sung sướng chúng tôi đặt tên cho một cái ngã ba ở Đất Mũi, nơi cách đây tám năm chúng tôi xuống thăm môt bạn văn vừa có truyện Cánh Đồng Bất Tận hay vượt bực. Chia tay bạn lúc tối trời, chúng tôi lang thang tìm một quán ăn, tình cờ gặp một con đường chẻ đôi, bên phải trùm bóng tối, bên trái có một quán nhạc xập xình. Đèn xanh đỏ chớp nháy, dăm bóng hồng váy ngắn uốn éo như vẫy gọi. Thỉnh thoảng một nhóm người đổ xuống bãi đậu xe, vui vẻ, náo nhiệt…


Ảnh: Nam Dao, Phan Nguyên, & dịch giả Nguyễn Đôn Phước.
Cà Mau 2014


*



Ngã ba…

Mậu Thân 1968, khi súng nổ ran tứ phía nội thành Sài Gòn thì bạn chạy xe máy qua khu Bàn Cờ tìm gặp người tình trẻ. Lính chốt đường chĩa súng lên đạn hỏi đi đâu? Nhìn bạn thư sinh nên lính phẩy tay, và bạn đã vượt qua một ngã ba rất có thể là ngã ba định mệnh trong buổi tên bay đạn lạc. 
Dạo hai mươi cái xuân xanh, chiến tranh đang lan rộng trên toàn cõi miền Nam, bạn rời Sài Gòn để đến Paris. Bỏ Quán Văn trong khuôn viên Văn Khoa qua Sorbonne, bỏ những đêm đàn địch ca hát, cứ ngỡ chừng vài năm sẽ quay trở về. Hòa bình rồi cũng phải lập lại trên quê hương yêu dấu. Bạn rời bỏ những ngã rẽ dọc đường Duy Tân có lá me bay để lang thang góc St Germain des Prés, tìm một chỗ ngồi trong quán Café de Flore, nơi Sartre từng phán với nàng Simone rằng l’existence précède l’esssence, hiện tồn có trước bản thể. Nàng nhún vai, đốt điếu Gitane, rồi mỉm cười nháy mắt đồng tình.


*

Ngã ba ...

Thời đó cuộc phản kháng toàn diện của giới trẻ Âu - Mỹ đã bắt đầu lụi tàn. Các lãnh tụ sinh viên tản mát. Nghe nói Colh Bendit trở về Đức. Che Guevara bỏ Cuba sang Colombie tiến hành chiến tranh du kích và bị bắn chết. Cuộc cách mạng đẻ non ỏ Pháp cáo chung.

Nhưng Việt Nam sau Mậu Thân (68), không những xung đột lý tưởng chính kiến giữa hai miền Nam Bắc mà còn là bãi chiến trường sắt máu của Trung Cộng và Hoa Kỳ. Một cuộc chiến đẫm máu giữa hai chủ thuyết Cộng Sản và Tư Bản trên mảnh đất hình chữ S. Hoa kỳ muốn rút lui vì phong trào phản chiến ở chính quốc và khởi đầu cuộc hòa đàm Paris giữa Kissinger / Lê Đức Thọ. Vừa đánh vừa đàm, súng vẫn nổ, bom vẫn rơi, và sinh mạng người Việt vẫn chết như rạ.

Bao giờ cho đến Hòa Bình?

Giới trẻ và sinh viên du hoc ở Pháp thưở ấy cũng chia hai: Liên Hiệp ủng hộ miền Bắc cộng sản / Tổng Hội ủng hộ miền Nam tự do. Bạn là người ủng hộ Hòa Bình vì cuộc chiến nào rồi cũng phải kết thúc.
Hiệp định Paris chỉ là một bước đệm dẫn đến ngày 30/4/1975, và cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam phất phới trên dinh Độc Lập.

Hòa Bình rồi. Tuổi trẻ cả tin và hy vọng. Mùa hè năm 1978, bạn tôi về Sài Gòn nay mang tên TP Hồ Chí Minh. Bạn ra cả Hà Nội thời còn bao cấp. Tàu điện còn leng keng. Bạn được về nước rất sớm.

Hết chiến tranh rồi thì Về!

Nhưng tình thế nay đã khác: Trại tù cải tạo, trại xì ke ma tuý, trại phục hồi nhân phẩm, dân Sài Gòn bị đẩy đi kinh tế mới, đánh tư sản, đổi tiền, ngăn sông cấm chợ, đói lương thực, ăn bo bo, cả miền Nam rên xiết khổ nạn. Và chiến tranh biên giới Tay Nam. Đặc biệt phia Bắc, nòng súng vẫn vươn lên trời cao. Trung Quốc sắp dạy Việt Nam một bài học. Người người thì thào hoảng sợ, nhà nhà thấp thỏm chuyện vượt biên. 25 cây vàng cho một chuyến ra khơi liều mạng với tử thần. Lại súng nổ. Lại bom rơi. Lại cáp duồn.

Vô sản thế giới không đoàn kết được! Trong tình thế bi hài giữa hai đám lính nhà nghèo xơ xác đó, bạn tôi phiêu lưu đến biên giới xứ chùa Tháp của Khmer đỏ. Để cắm chông. Đêm ngủ với muỗi, ngày ăn rau muống với bánh mì. Bạn thấy gì? Cảm nhận ra sao với những cuộc thảm sát dân lành vô tội dọc biên giới Việt Miên? Và cuộc diệt chủng của Pol Pot? Dù sao, lương tri không cho phép bạn dửng dưng, mà không đặt ra vô số những câu hỏi! 

Bạn về lại Paris. Đau khổ im lặng. Giấc mơ quy cố hương thành một vệt chấn thương mờ nhạt theo năm tháng. Bấy giờ bạn mới bắt đầu tìm cách ổn định đời sống. Vốn tốt nghiệp sư phạm Đại hoc Sorbonne. Bạn đi dạy hoc, mở trường tư và làm hiệu trưởng một trung tâm dạy Pháp văn cho người nhập cư. Hướng nghiệp những người tị nạn chính trị ở khắp năm Châu đến Pháp. Bạn tìm lại mình. Tìm lại chính mình là tìm lại bản chất những mơ ước xa xưa thời niên thiếu.


*

Ngã ba ... 

Bạn tôi đa năng, cuối cùng bạn quay về với nỗi đam mê hội họa thời còn trẻ. Sau những giờ dạy học bạn lên Thư viện Centre Pompidou tìm hiểu lịch sử Mỹ thuật thế giới, viếng các viện bảo tàng Paris, ngắm tranh của những danh họa mọi trường phái, từ cổ đại đến đương đại. Đủ các thể loại isme, nào Réalisme, Dadaisme, Impressionnisme, Expressionnisme, Cubisme …Trừu Tượng ...vân vân! Bạn tôi chết chìm hay sải tay bơi một thân một mình qua biển vắng?

Tôi biết bạn ít thì cũng 40 năm lẻ. Thời đó mỗi năm tôi qua Paris vì công việc, có dịp là ghé Maison du Vietnam, nơi Bạch Thái Quốc làm "chủ xị", trưa thì ăn quán Monge, nơi bạn thường lai vãng. Khi Trịnh Công Sơn sang Paris có lẽ ta gặp nhau nhiều hơn, phần vì BTQ phụ trách sinh hoạt của Sơn, cả hai đều thân cận với bạn. Râu tóc bạn rậm rạp xanh đen, khiến tôi liên tưởng đến Lee Van Kleef, tài tử xi-nê cao-bồi, nhưng cung cách của bạn thì khác hẳn. Bạn vui vẻ với mọi người, điềm đạm ít nói, và luôn ý tứ tế nhị. Bạn mời một bữa ăn có vợ chồng nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến, có cả nhà văn Trần Vũ. Đến nhà, tôi mới biết bạn là người đam mê tạo hình, với bộ tranh "Espace Inconnu", Không Gian Huyền Hoặc treo trên tường. Tranh lạ và đẹp. Trong lòng, tôi thầm nghĩ bạn là một nghệ sĩ đang tìm một bút pháp riêng biệt nào đó hầu thể hiện cái đẹp. Và cái đẹp đó, nó ở trong bạn.

Tôi đã ghi vào sổ lưu niệm:

Đổ sắc vào không 
màu vào sâu
lên cao
Hẫng bước
tình ven cuộc
Gió loãng cơn
chiều chưa mưa
trói buộc
Bước chân về
trắng đọng
sáu vì sao

Bạn hỏi tại sao Sáu vì sao? tôi cũng chẳng hiểu, vô thức chăng?

Nhưng tôi nào có biết gì về nghệ thuật tạo hình mà dám lạm bàn. Tôi chỉ có hai con mắt. Tôi yêu cái Đẹp, viết hoa, và biết nó rất chủ quan. Vả lại, có vẻ đẹp nào mà không chủ quan?
Tôi đã ứa nước mắt ngắm La Pieta của Michelangelo khi viếng Thành quốc Vatican bên Ý. Tôi chết trân trước Hoa Hướng Dương của Van Gogh, hoa như hoa tươi, với những mảng màu dày, mạnh mẽ, trong bảo tàng Hòa Lan. Tôi bay bổng với chiếc vĩ cầm của Chagall, lửng lơ giữa đất trời trong cơn gió lạnh. Tôi bâng khuâng và run sợ trước bức Guernica của Picasso, như cảnh báo nguy cơ tận diệt cho cái nhân loại đa đoan này. May thay, đến thăm nhà của Monet, tôi mới biết hồ sen, cầu gỗ, hoa lá ven nước trong tranh là chuyện có thật, mắt thấy được, tay sờ được, và chỉ vì cái đẹp mà con người phải bảo tồn gìn giữ.

Cuối đời tôi mới biết bạn tôi vẽ rất nhiều. Tranh vẽ sắp thành những bộ tên nào là Espace, Fractus, Papyrus, Sexus, Digitus, Rythme, Impulsion v.v. Trong một số tranh, bạn tạo ra những bố cục không gian kề cận nhau, màu sắc biến hóa khôn lường, và dường như nhằm diễn đạt cái tương phản hai mặt của cuộc sống trong một vũ trụ không cùng. Đa phần là tranh Trừu tượng. Ngoài phương diện tạo hình khác lạ, bạn nhắm đạt tới điều gì với thủ pháp này? Còn thời gian tính. Biểu hình của thời gian có phải chỉ ở mức độ sáng tối? Nghe nói Da Vinci cũng có đặt nghi vấn.

Cách đây vài năm bạn còn đang thực hiện ở Sài gòn một bộ tranh phù điêu rất công phu gồm 12 bức có tên "Le Silence Des Dieux", có bức "Âm Dương" tuyệt đẹp! Công trình này còn dang dở sau một cơn bạn bị nhồi máu cơ tim.


(Bức Âm Dương, 120cm X 120cm, tranh phù điêu)


Tôi còn rất ấn tượng với những bức tranh khổ lớn vài ba thước treo ở Studio Phan Nguyên nhìn xuống sông Sài Gòn. Khi bạn đã về định cư ở Việt Nam đầu 2003. Màu sắc mãnh liệt, nhưng đường nét lại vô cùng hài hòa và dứt khoát. Sau này tôi mới biết để có tác phẩm, bạn vẽ không chỉ với cây cọ và cườm tay. Bạn vẽ bằng toàn thân, tranh trải thẳng mặt đất, vùng vẫy với tất cả sức nặng của cơ thể, nhẩy múa như những thợ săn vừa bắt được một con thú hiếm. Bạn vẽ bằng cả cuộc tồn sinh của chính mình. Bằng bản năng tiếp nhận từ một bí ẩn giành riêng cho những giây phút xuất thần của người nghệ sĩ. Bằng hạnh phúc sáng tạo trong một cơn xung động với vạn vật. Bạn vẽ như làm ái tình, cung hiến toàn bộ thân xác và tâm não cho nghệ thuật, của bạn rất riêng, không nhầm lẫn với ai được.


(Bức Espace 120 cm X 300 cm)


*

Ngã ba ...

Năm 2000, nhà văn Trần Vũ tổ chức cho tôi ra mắt cuốn Gió Lửa tại Paris. Trần Vũ toàn quyền sắp đặt, và Trần Vũ chọn tư gia họa sĩ Phan Nguyên. Một biệt thự khang trang có vườn tược nằm giữa hai bìa rừng nổi tiếng cách làng Barbizon không xa, cái nôi của trường phái Ấn Tượng Pháp.
Khách khứa Trần Vũ chọn lọc. Rất vui có sự hiện diện của các anh Bùi Trọng Liễu *, Bùi Mộng Hùng*. Ông anh Tạ Trọng Hiệp* không đến vì không có xe. Những vị nay đã ra thiên cổ. Nhóm Thông Luận thì quyết định làm một buổi riêng cho tôi chỗ khác.

Trần Vũ rào đầu, giới thiệu một nhà văn trẻ (sic!), truyện đầu tay, dài gần 500 trang, tên là Gió Lửa.
Truyện dài thế?
Tại sao lại dán cái nhãn tiểu thuyết lịch sử?
Tôi đành thưa. Vì tôi đề cập đến số mệnh của chúng ta, một dân tộc cưu mang một định phận gần như khó tránh. 
A, thế ra nhà văn viết văn luận đề lịch sử?
Dạ, thưa đúng. 
Thế luận đề chính là gì? 
Là thưa với các bạn, lịch sử của chúng ta biến động là do những cuộc khởi nghĩa nông dân. Gió Lửa lấy bối cảnh thời Tây Sơn, với cuộc khởi nghĩa của anh em Nguyễn Huệ. Thời phong kiến, đất đai là sở hữu của vua chúa đế vương, và họ có toàn quyền ban phát cho thần dân trong những thời hạn nhất định. Nông dân chỉ còng lưng cày sâu cuốc bẫm, sưu cao thuế nặng. Bạo loạn rình rập, và phất cờ dấy quân làm giặc là chuyện năm nào cũng xảy ra. Được làm vua, thua làm giặc. Vua có một nhưng giặc thì nhiều. Nội chiến liên miên như định nghiệp trong một sơn hà luôn có nguy cơ tơi tả rách nát.
Như một căn tính của dân tộc qua Lời Nguyền của Chế Mân trong chương kết Gió Lửa!

Nhưng đó là thế kỷ 19. Còn thế kỷ 20?
Sau thế chiến II, phong trào "dân tộc tự quyết" xuất hiện khắp nơi trên thế giới, thành động lực chính trong phong trào giải thực.
Và sau 1954 đất nước rơi vào cuộc chiến ‘’ủy nhiệm’’ giữa hai phe Tư Bản và Cộng Sản. Rồi đến 1975 thì chúng ta đã rõ : không có cuộc Khởi nghĩa Nông dân nào mang đến được những cải cách thể chế xã hội đích thực. Ngược lại nó củng cố tàn dư của cái nền phong kiến ‘’ xưa như diễm’’ đang xiềng xích chúng ta.

Mấy ông ơi, lại chuyện chính chị! Giọng nữ hồn nhiên cất lên cùng tiếng cười trong trẻo. Trần Vũ giơ túi tiền bán sách vẫy vẫy, "có cái này tối nay đi nhậu được rồi! ‘’. Và chúng tôi nhậu đến khuya. Hôm sau cả bọn kéo nhau cùng đi Normandie, nơi nhà văn Mai Ninh cư trú cách Paris hơn trăm cây số. Nàng có nhã ý mời tất cả ghé chơi cuối tuần. Một mùa hè nắng nóng Paris. Đầu thế kỷ 21.

Chúng tôi đã có những ngày êm đềm trong căn nhà vườn của tác giả truyện Mây Một Ngày, một truyện ngắn xuất sắc đăng trên tạp chí Hợp Lưu thuở đó. Mai Ninh là nhà văn kiêm nhà khoa học tiến sĩ Vật lý, nên có một hầm rượu tuyệt vời. Con sâu rượu Trần Vũ, hát một bài kiểu chầu văn miền Bắc: " Ới này chị ơi, rụng bông hoa gạo... Ngày chị sinh, trời cho Margaux ! …’’. Xin mở ngoặc, rượu của Château Margaux nổi tiếng ngon và rất đắt. Trần Vũ làm duyên để cuối cùng hạ giọng: "Xin chị vài chai".

Được cơm no, rượu thượng hạng, chuyện văn thơ rôm rả trong một đêm vắng ánh trăng suông, lơ mơ đầy ắp tưởng tượng một sớm mai rợp nắng. Khởi nguồn cho một tập truyên ngắn 12 tác giả "Nhà Xoay Lưng" từ đó. Bạn tôi họa sĩ cũng góp mặt một truyện ngắn rất ma quái và huyền ảo.

Vậy là chị ơi, trời cho còn nhau, chẳng cớ chi mà phải âu sầu. Sáng hôm sau cả bọn rủ nhau ra bến Honfleur ăn sáng, ngắm những cánh buồm căng gió ra khơi. Phan Nguyên râu tóc còn đen trong bức ảnh có Trần Vũ, Nam Dao và Thường Quán. Mọi người đều còn khá trẻ.


Trái: Nv Trần Vũ, Nv Nam Dao, Hs Phan Nguyên, Nt Thường Quán. Honfleur 2000



Ngã ba sung sướng?

Lần này không có bạn. Nhưng có Phan Huy Đường* đến nhà Chân Phương* ở Boston. Chân Phương bảo qua chơi có dịp ba chàng ngự lâm pháo thủ hội ngộ, có thể sẽ chẳng còn một cơ hội nào khác! Lâu nay Chân Phương phải trị bệnh nan y, chẳng biết thế nào!

Hình như đầu hè 2013 tôi đã đến Bồng Lai. Bồng Lai là tên tôi đặt cho cái bán đảo nơi Chân Phương ở ẩn từ ngày chàng về hưu. Gặp nhau, ngày lẫn đêm đều không hết chuyện. Chân Phương là một nhà thơ, một học giả, đọc nhiều và trí nhớ siêu hạng, đúng là thiên kinh vạn quyển. Phan Huy Đường thì tất cả nén trong Tư Duy Tự Do, cuốn sách Triết chàng viết để đời, và là con đẻ của nền Triết học duy lý Âu Tây. Chỉ có tôi là vô sở cứ, đến bất cứ ngã ba nào cũng chồn chân.

Ngã ba những con đường các bạn tôi hướng tới là gì? Phan Huy Đường nhấn mạnh con đường duy lý, tranh với Descartes hô "Je pense donc je suis’’ (tôi tư duy nên tôi tồn tại). Nhưng cũng lạ, lần này chàng nhấn mạnh khía cạnh ‘’ nhục cảm’’, nghĩa là xác thân ở diện rộng, tất nhiên có ngũ quan và những hệ quả tâm-sinh lý. Còn Chân Phương, chàng với vào trục tâm linh, con đường khởi đi từ trực giác đưa con người tiến về phía Thượng Đế, nghĩa là Đấng Trời chí tôn bất khả tư nghì.

Còn tôi, dẫu có thế nào cũng chẳng làm sao, định nói lối kiểu cụ Phan Khôi cho xong chuyện. Nhưng các bạn ép. Vả lại, như trong đoạn đầu tôi đã phiếm luận về cái "ngã ba sung sướng". Ngã ba, đã đành. Nhưng phải sung sướng. Phải làm thế nào?

Tôi xin thưa, sung sướng là khi ba con đường hợp thành một : Tâm linh, Nhục cảm và Trí tuệ hòa đồng thành nhất thể khiến vạn sự đều là tất nhiên mà hiện tồn, trước cũng như sau, không cũng như có.
Đúng sai xin chư vị lượng thứ!

Thời gian cứ trôi đi. Chuyện gì phải tới sẽ tới. Tôi xin chép hai câu nay đã quên xuất xứ : Tử sinh đồng nhất thể/ Hà úy hựu hà kinh. Dịch thô : sống chết cũng là một/ thì sợ gì kinh gì.


Ảnh: PN & nhà văn, dịch giả Phan Huy Đường*


Quay lại chuyện viết những dòng chữ gửi bạn tôi, họa sĩ Phan Nguyên, người đã chia sẻ với tôi nhiều kỷ niệm buồn vui trong cái cuộc tồn sinh hữu hạn này, hoan hỷ mỗi lần gặp nhau đã là quý. Dù vài năm chúng tôi mới gặp nhau một lần, đâu đó trên quả đất.

Ban đầu, tôi định viết về hội họa. Tôi liền tìm những nhà phê bình có tiếng trong ngành ở đất nước anh hùng chuyên đánh đuổi mọi nền văn minh thế giới ra để đọc, xem có thể rút ra được điều gì viết cho bạn tôi chăng? Tôi phải nói thật, tôi khá thất vọng, chỉ thấy thù tạc tung hô. Làm như thế, tôi sợ mất tình bạn.

Tôi đành quay về cái ngã ba sung sướng.

Nay tôi biết chắc, với nghệ thuật tạo hình của anh, họa sĩ Phan Nguyên đã đặt chân đến cái ngã ba sung sướng. Và chỉ mong anh tiếp tục cuộc hành trình mà không phải ai cũng có. CÁI ĐẸP, viết hoa, là nơi bộ ba Tâm linh - Nhục cảm - Trí tuệ hội tụ làm Một.
Sự hòa đồng ân sủng của cuộc tồn sinh hạ giới.


* Nay đã thành những người muôn năm cũ


Nam Dao
20-08-2022






Phan Nguyên & nhà văn Mai Ninh






Hs Phan Nguyên, Nv Nam Dao, Nt Thường Quán, Nv Trần Vũ
Paris 2000, sau buổi RMS Gió Lửa






ND & PN Sài Gòn 2011















Rue Tournon. Paris 6è. 1973









Jordan Gallery. London. 1979







   1983







Picadilly circus. Paris 1972











Sài Gòn 1998








Côn Đảo hè 2014

















Xem tranh Phan Nguyên






























































Thời gian là thứ được người ta ví như vó câu, vụt một cái là biến mất, chẳng bao giờ trở 
lại, có muốn níu cũng vô ích. Họa sĩ Phan Nguyên không dại chi mà níu, anh ghi lại rồi 
mặc cho nó sổng ra chạy đi. Tôi muốn nói tới anh, một người đã âm thầm lưu giữ những mảnh vụn thời gian của giới văn học nghệ thuật bằng cách ghi lại trong “Mượn Dấu Thời Gian”, tên tiếng Pháp là “Emprunt Empreinte”. Anh tâm tình: “Là một “sân chơi” rất riêng của Phan Nguyên từ khá lâu với giới văn nghệ sĩ, thân hữu gần xa, trong và ngoài nước, không phân biệt tuổi tác, sắc tộc, tôn giáo, chính kiến gì cả, miễn là họ đã có những tác phẩm hay, đẹp để lại cho đời và cho thế hệ mai sau, miễn là họ đã đóng góp cái phần tinh túy nhất của con người, của chính mình cho văn học nghệ thuật Việt Nam hay thế giới nói chung”.

Phan Nguyên sanh ra tại Hà Nội vào năm 1952, di cư vào Nam năm 1954 lúc mới 2 tuổi. Anh đã theo học ban Triết tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Sau đó anh đi du học Pháp và tốt nghiệp sư phạm tại Đại Học Sorbonne. Anh dạy Pháp văn và điều hành một Trung Tâm Huấn Nghiệp tại Pháp. Anh theo ngành sư phạm nhưng lại được biết tới như một họa sĩ mặc dù anh không theo học một trường lớp nào về hội họa. Anh bắt đầu vẽ từ thập niên 1980. Tranh của anh là tranh trừu tượng mang một sắc thái rất riêng. Nhìn vào là biết tranh của Phan Nguyên. Anh vẽ tranh theo từng bộ gồm: 
Rythmes & Impulsion (Nhịp Điệu & Xung Lực), 
Espace Inconnu (Không Gian Huyền Hoặc), 
Fractus H (Mảnh H), 
Fractus 2000 (“Mảnh” Năm 2000), 
Espace V 
và Papyrus. 
Tôi không rõ cộng tất cả tranh của anh trong từng đó bộ là bao nhiêu nhưng nhiều lắm.

Tháng 8 năm 2019, anh qua Montreal và có gặp anh em viết lách ở đây. Anh mang qua một số tranh để tặng anh em. Bữa đó có nhà văn Minh Ngọc từ New York qua chỉ để gặp và thỉnh tranh của Phan Nguyên. Thú thật là bữa đó, tôi hết sức bối rối khi chọn tranh. Đôi mắt mù về hội họa của tôi đành chịu trận, tôi dựa vào linh cảm và chọn bức Fractus 93 V40. Trả lời phỏng vấn của nhà phê bình hội họa Huỳnh Hữu Ủy về cái khó hay dễ trong việc vẽ tranh trừu tượng hay hiện thực, anh cho biết: “Vẽ kiểu gì thì vẽ, dễ hay không là do cái tạng của mỗi người. Vẽ tranh trừu tượng dễ mà không dễ, coi vậy mà không phải vậy, nhiều người nghĩ rằng cứ đổ sơn lên vải rồi bôi lung tung là có trừu tượng. Sự thực tranh trừu tượng có cái nguyên lý của nó trong nhịp điệu, màu sắc, bố cục, nét vẽ v..v..Nó là thơ của không gian, là nhạc không lời, và cái chất thơ nhạc của không gian này cũng không phải đơn giản, dễ cảm nhận, nắm bắt được ngay. Những bậc thầy của phái Lập Thể khi xưa như Braque, Picasso cũng đã đứng trước cửa của Trừu Tượng nhưng phân vân không bước vào, có lẽ vì họ cho rằng, bỏ tất cả hình thể đi thì tranh không còn là tranh nữa. Nhưng hội họa cũng như âm nhạc có nhất quyết phải tượng hình hay không? Câu hỏi này đã được giải quyết từ lâu và tranh trừu tượng đã phát triển như một tất yếu lịch sử của hội họa gần trăm năm nay”.
Phan Nguyên đã gắn tên tuổi với tranh trừu tượng nhưng khi coi một bộ tranh của anh mang tên Sexus tôi nghĩ đây là một bộ tranh trừu tượng-hiện thực. Nhìn vào thấy ông vẽ cái chi liền. Ông thần Luân Hoán còn thấy rõ hơn:

hiển linh thần hồn diệp
ấm lạnh nguồn sinh tình
huyền bí động dục lạc
mộ địa u u minh
……
bí hiểm tòa kiến trúc
hang ổ hiền hung thần
ẩn hiện trong lồ lộ
giữa cuộc sống thế nhân

Phải chi bữa qua Montreal, anh mang theo bộ tranh Sexus thì dễ cho tôi biết mấy!
Cà phê hình như là cuộc đời của Phan Nguyên. Anh có một bộ tranh vẽ bằng muỗng và cà phê, anh còn có một loạt bài viết tản mạn mang tên “Nói Chuyện Với Tách Cà Phê”. Trong mục “Mượn Dấu Thời Gian” có một sáng kiến rất độc đáo: in dấu bàn tay của các văn nghệ sĩ bằng cách nhúng tay vào bột cà phê pha nước sền sệt. Phan Nguyên tâm tình: “Mượn Dấu Thời Gian là bộ sưu tập dấu vân tay như một “di vật” của từng tác giả, một “chứng tích” của thủ bút, một “chứng từ” của thời gian. Và nếu như những ánh sao băng có tạt ngang bầu trời mà để lại chút dấu thời gian, thì Nguyên này là người nhặt nhạnh những mẩu thời gian rơi rớt ấy”.

Bộ sưu tập gồm 630 tác giả. Tôi không đếm coi có bao nhiêu tác giả để lại dấu tay. Cỡ như các ông Phạm Quỳnh, bà Tùng Long, Dương Thiệu Tước, Đặng Đình Hưng, Đặng Thế Phong, Đoàn Phú Tứ, Đông Hồ, Hồ Dzếnh, Hoàng Ngọc Phách, Hoàng Quý, Khái Hưng, Lê Thương, Lê Văn Đệ, Lê Xuyên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Tý, Nhất Linh và nhiều người khác thuộc thế hệ đi trước không thể chờ để được lưu lại dấu tay. Thế hệ chúng tôi, việc ịn tay vào giấy bằng “mực” cà phê cũng không phải lúc nào cũng suông sẻ. Như trường hợp Nguyễn Xuân Hoàng. Tác giả của “Mượn Dấu Thời Gian” kể lại: “Khoảng tháng tư 2012 mình làm trang EE cho Nguyễn Xuân Hoàng. Anh em thường liên lạc với nhau qua e-mail để chỉ dẫn cách tự in dấu tay và nhận tư liệu bài vở. Anh Nguyễn Xuân Hoàng đã được “truyền nghề”, tự in dấu tay một mình, đã thử đi thử lại nhiều lần và chốt ở ấn bản anh vừa ý nhất có ghi “tôi không còn thời gian”...Rồi Nguyễn Xuân Hoàng cũng “không còn thời gian”. Sức khỏe, bệnh tật không cho phép anh đi đứng bình thường và quên hẳn chuyện gửi dấu tay qua bưu điện mà mình cũng không tiện nhắc”.

Nguyễn Xuân Hoàng là người đầu tiên tự làm dấu tay từ xa. Có lẽ trước đó Phan Nguyên đã phải tự tay làm cho từng người khi gặp mặt nên “Mượn Dấu Thời Gian” không được bổ sung nhanh chóng. Nhất là từ khi anh quyết định về sống tại Việt Nam. Khi anh Phan Nguyên có một người quen đang ở Montreal sắp về Việt Nam, có thể mang các bản dấu tay của anh em viết lách chúng tôi tại thành phố này về, thì anh đã chỉ dẫn cặn kẽ cách làm cho chúng tôi. Giấy là giấy Canson C à grain khổ 24cm x 32cm, cà phê loại hòa tan (café instantané) trộn sệt sệt với nước. Hoàng Xuân Sơn, khá rành hội họa, lo mua giấy và cà phê. Chúng tôi hẹn nhau ra một quán ăn vắng khách, bày binh bố trận kín một bàn, lần lượt in dấu vân tay, nhộn nhịp như một lớp thủ công của con trẻ. Cũng chẳng có chi lấn cấn vì khi con trẻ ra đời, cha mẹ in dấu chân sắp đi vào cõi ta bà để giữ lại kỷ niệm. Nay chúng tôi dùng tay để viết lách, in dấu tay để anh Phan Nguyên giữ lại, cũng phải thôi. Có điều khi dấu tay được in xong, chúng xương xẩu như những bàn tay ma. Bên cạnh dấu tay là thủ bút. Hoặc thơ hoặc văn xuôi. Tôi là một thứ…vè sĩ, vậy mà bữa đó cũng thơ mới ghê chứ. Hai câu gọi là thơ của tôi như ri: “Mực đen giấy trắng đời thừa / Phóng tay ta cứ viết bừa cho vui”. Ông Luân Hoán thì thơ đứt đuôi: “Một đời vẫn giầu hoa tay / Mượn thời gian mãi đã gầy trơ xương / Gởi mười ngón khoái ở truồng / Nên chi nhân dạng bất thường vậy thôi”. Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn: “Vỗ từ lẹt đẹt bàn tay / chợt nghe bụi khẳm /luống cày nhân gian”. Hồ Đình Nghiêm: “Chiều tà lăn tay quán cà / phê ghi tội trạng thiệt thà cõi văn”. Tôi ghi lại thủ bút trên tranh lăn tay của anh em chúng tôi bữa đó tại một tiệm ăn ở Montreal. Sau khi nhận được bản in, họa sĩ Phan Nguyên đóng khung và treo tại nhà. Tôi chưa bao giờ tới thăm nhà anh nên không rõ phòng triển lãm này ra sao.

Nhà văn Trần Doãn Nho đã tới. Anh kể lại: “Sáng hôm đó, thay vì đi uống cà phê ở ngoài, Phan Nguyên rủ tôi về nhà. “Nhà”, thực ra, trông như một phòng triển lãm. Tranh sáng tác của anh treo đầy. Có bức khá lớn, choáng gần hết nửa bức tường. Trong số tranh treo, đặc biệt nhất là những bức in dấu bàn tay, được đóng khung cẩn thận. Số lượng “tranh” này khá nhiều, không thua các bức tranh khác. Nhiều bức đóng khung rồi, chưa có chỗ treo cũng như một số bức khác chưa đóng khung, được anh cất giữ cẩn thận. Có thể nói, đó là một bộ sưu tập độc đáo: “tranh” dấu bàn tay. Phan Nguyên tỏ ra rất thích thú và hào hứng khi giới thiệu với tôi loại “tranh” này. Chả thế mà, sau đó, anh đề nghị tôi thực hiện việc lấy dấu bàn tay trước khi uống cà phê. Tôi cảm thấy hơi bất ngờ vì tưởng chỉ là đến trò chuyện lang bang về văn học nghệ thuật. Không sao. Sẵn sàng thôi. Công việc đơn giản và nhanh chóng: một nhúm cà phê, loại để uống liền, hòa nước, trộn đều, đợi một lát cho sánh lại, đổ lên hai bàn tay, xoa đều rồi in hai bàn tay xuống một tấm giấy trắng loại đặc biệt, giữ một lát, chờ khô. Xong, viết vài giòng cảm hứng tùy thích để ghi nhớ ngày thực hiện dấu bàn tay, ký tên. Thế là hai bàn tay tôi đã được nằm vào bộ sưu tập. Đó là phương cách “sáng tác” loại “tranh” này của Phan Nguyên...Trong bộ sưu tập này, ta tìm thấy đủ dấu vân tay của những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, nhà báo, nhà giáo, điêu khắc gia, họa sĩ, kinh tế gia, nhà khảo cổ; họ ở trong nước, ngoài nước, thuộc khuynh hướng này, khuynh hướng kia, cũ, mới, tả hữu; họ còn sống hay đã qua đời, vân vân …có đủ. Nhìn dấu vân tay từng người, tưởng tượng đến những thế hệ sau, khi lần giở lại những trang quá khứ, tìm gặp một tác giả nào đó, nhìn thấy dấu vân tay của người đã khuất, hẳn phải đọng lại nhiều cảm khái, hơn là chỉ nhìn khuôn mặt hay đọc một câu văn hay một dòng thơ. Bộ sưu tập là một cuộc hội ngộ văn chương nghệ thuật thú vị. Vì thực ra, nó không chỉ gồm có dấu vân tay mà còn có thủ bút của từng tác giả: một đôi dòng cảm hứng và có khi là những câu thơ. Nhiều câu thơ làm ngay tại chỗ, nhưng đọc lên, nghe rất đậm đà và thú vị, phản ảnh đúng phong cách của từng tác giả”. Thủ bút của anh Trần Doãn Nho để lại: “Ngẫu nhiên chữ / tình cờ dấu /đắm đuối thời gian”.

Bàn tay anh Trần Doãn Nho, bàn tay của tôi và hàng trăm người làm văn học nghệ thuật khác đã được nằm trên tường của căn nhà mà anh Nho gọi là “như một phòng triển lãm”. Chúng tôi đã cách này hay cách khác, hoàn thành phần của mình. Nhiều trường hợp khác bị lỡ một cách tức tưởi. Anh Nho sau khi làm “bổn phận”, đã được anh Phan Nguyên trao cho mấy gói cà phê nhờ về Mỹ lấy dấu tay của những người còn thiếu. Một trong những người anh tha thiết có dấu tay nhất là nhà văn Võ Phiến. Về tới Mỹ, anh Trần Doãn Nho chưa kịp vác cà phê tới thì anh Võ Phiến đã ra đi. Một cái lỡ không cách chi tìm lại được.
Tháng 4 năm 2012, anh Phan Nguyên đã nhờ Nguyễn Xuân Hoàng in dấu tay của nhà văn Nguyễn Mộng Giác khi đó đang vất vả chống chọi bệnh ung thư gan. Hoàng đã mang đồ nghề tới nhà anh Giác nhưng nhìn anh nằm trên giường bệnh, Nguyễn Xuân Hoàng không dám ngỏ lời, sợ bạn xuống tinh thần. Ngỏ lời làm dấu tay khi đó cũng như mang bàn tay của tử thần tới. Anh thương bạn, ôm bạn lần cuối rồi ra về tay không!
Sa đà vào chuyện dấu tay vì tôi nghĩ đây là một sáng kiến độc đáo của họa sĩ Phan Nguyên. Nhưng chân dung mỗi tác giả trong bộ sưu tập vô tiền khoáng hậu này không chỉ có vậy. Mỗi người được ghi dấu thời gian đều có một bức vẽ chân dung tác giả màu vàng do Phan Nguyên thực hiện theo cách của anh, tiểu sử, bản chụp các sáng tác gồm bìa sách hoặc tranh vẽ, nội dung từng cuốn sách để người đọc có thể đọc ngay tại chỗ, các cuộc phỏng vấn và các bài viết khác.

Phan Nguyên nay đã quá thất tuần lại bị stroke phải chống gậy khi di chuyển. Ngày 2/10/2024, anh đã phải làm một chuyện chẳng đặng đừng: dừng lại cuộc chơi. Anh thông báo: Cho tới nay đã có gần 3 triệu lượt truy cập vào Blog Emprunt Empreinte từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều nhất là từ Việt Nam với lứa tuổi từ 40 tới 70 chiếm đa số. Giới trẻ, sinh viên, giáo sư đại học, nghiên cứu sinh làm luận án văn chương cũng quan tâm không ít. Xin cảm ơn tất cả bạn đọc tiếng Việt từ khắp bốn phương trời. Nhưng "cuộc chơi" nào cũng có giới hạn về mặt Không gian và Thời gian của nó. Nay mắt đã mờ, thị lực không còn được như xưa, nên rồi cũng đến lúc mình phải kết thúc, sau khi chấm dứt việc chú thích dữ liệu cá nhân của từng trang tác giả, một công việc thật nghiêm túc và cẩn trọng đòi hỏi bởi Google photos. Vì vậy, dù biết “Mượn Dấu Thời Gian” chưa được toàn bích và còn thiếu sót, nhưng như mâm cỗ đã được dọn ra bầy sẵn, xin mời tất cả bạn đọc ghé thăm, tham khảo và góp ý vì tất cả là của các bạn. Mọi điều trên “Mượn Dấu Thời Gian” đều là sự thật và chỉ có sự thật. Giấy trắng mực đen, không thể khác! Xin đa tạ. Chúc tất cả các bạn cùng gia đình An Vui Hạnh Phúc”. Tuy Mượn Dấu Thời Gian đã “phẹc mê bu tích” nhưng những thành quả mà anh Phan Nguyên đã khổ công thực hiện vẫn còn mãi mãi trên mạng. Các bạn muốn tham khảo chỉ cần mở Google, đánh câu “Mượn Dấu Thời Gian” là trang này sẽ hiện lên liền.

Nguyễn Xuân Hoàng đã ghi trong “Mượn Dấu Thời Gian”: “tôi không còn thời gian”. Anh đã thực sự không còn thời gian khi nhắm mắt xuôi tay vào ngày 13/9/2014. Nguyễn Xuân Hoàng thuộc thế hệ chúng tôi. Chúng tôi cũng không còn nhiều thời gian. Tuy vậy anh Phan Nguyên đã kịp để lại một công trình quý báu cho những nhà nghiên cứu mai sau. Anh đã dùng trọn thời gian của anh trước khi “tôi không còn thời gian” nữa!

10/2024
Website: www.songthao.com

















Sơn dầu trên vải . Hs,Nv TTNgH 










Hs Đinh Cường ghi









Hs Đinh Cường ghi






















Hs Philip Scot ghi









Hs Trịnh Cung ghi












Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ghi









Sơn dầu trên vải của Hs Thanh Trí









Hs Lê Thánh Thư ghi









Hs Lý Trực Sơn ghi





















Nhà văn Trần Thị NgH ghi













Hs Vũ Hòa ghi










Hs Đức Hòa ghi





















Hs Đặng Dương ghi









Hs Nguyễn Hồng Hưng ghi















DKG Pham Van Hang & Phan Nguyen













Tác giả: ĐKG Nguyễn Hồng Hưng


























DKG Nguyễn Hồng Hưng 
& Phan Nguyen
















Hiện sống và làm việc tại Paris, Hà Nội, Sài Gòn






Xem tranh Phan Nguyên trên mạng





Trở về













MDTG là một webblog "mở" để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.