Mai Sơn
Nguyễn Minh Sơn
(10/9/1956 - 25/12/2023)
Hưởng thọ 68 tuổi
Nhà văn, Dịch giả
Nhà văn- Dịch giả Mai Sơn đã qua đời vào lúc 00 giờ ngày 25.12.2023 (nhằm ngày 13.11 năm Quý Mão) sau thời gian dài trọng bệnh.
Mai Sơn có tên khai sinh là Nguyễn Minh Sơn, sinh ngày 10.9.1956, là một gương mặt sáng giá, một văn hữu tử tế của làng văn Sài Gòn.
Mai Sơn cũng là một trong những thành viên đầu tiên của Ban vận động Văn Đoàn Độc Lập, là một cộng tác viên thân thiết của trang Văn Việt và đã nhận Giải Văn - Giải Thưởng Văn Việt năm 2018.
"Trong tự nhiên chỉ có những đường cong.
Tuyệt đối không có đường thẳng, ngoại trừ đường bay của ngôi sao băng, vạch ra hành trình ngắn ngủi của sinh tử."
Mai sơn
26/3/2017
TÁC PHẨM
Sáng tác
1
Thị trấn ven biển
(truyện ngắn, in chung với Võ Hoàng Minh,1985)
2
Vật lạ ở trên đầu
(truyện ngắn, 1996)
3
Hư Cấu
(truyện ngắn, 2006)
4
101 triết gia
(biên soạn, 2007)
5
Đắm
(truyện vừa, 2012)
6
Sự quyến rũ của chữ
(tạp văn, 2017)
7
Tháng năm ở đại trại
(tiểu thuyết. 2018)
Tác phẩm dịch
8
Câu chuyện triết học
(Bryan Magee, 2007)
9
Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại
10
Trần Lệ Xuân, quyền lực bà Rồng
(Monique Brinson, 2016)
11
Vũ trụ trong một nguyên tử
(Đạt Lai Lạt Ma, 2008)
12
Triết học lục địa
(Simon Critchley)
Knowledge Publisher, 2013
13
Nhập môn phân tâm học Lacan
(Joel Dor)
Youth Publisher, 2013
14
Hãy khát khao, sẽ được
(Ask and It Is Given của Esther Hicks)
NXB Văn hóaVăn nghệ, 2018
15
Cửa hiệu triết học
(chủ biên PETER WORLEY), TríViệt, 2018.
Bài phát biểu của Mai Sơn trong Lễ trao Giải Thưởng Văn Việt năm 2018:
TẢN MẠN VỀ TRUYỆN NGẮN
Cám ơn nhà văn Nguyên Ngọc và Văn Việt đã ưu ái trao giải thưởng cho tôi.
Đây là một vinh dự, và là một niềm vui lớn.Như một làn gió mát trong những ngày nóng nực này.Và tôi lại còn được ban tổ chức dành cho vài phút để trình bày một vài ý nghĩ tản mạn liên quan đến truyện ngắn.
1.
Tôi phải nói ngay rằng tôi thấy không có gì lấn cấn khi trước hết nhắc đến một truyện ngắn rất hay của nhà văn Nguyên Ngọc, đơn giản là vì vẻ đẹp của nó còn mãi trong tôi suốt mấy chục năm qua. Đó là truyện ngắn “Rẻo cao”.
Đại khái “Rẻo cao” kể chuyện một nhân viên bưu tá người dân tộc mù chữ. Trước mỗi lần đi đưa công văn, anh cuộn tròn từng cái lại và thắt nơ bên ngoài để biết địa chỉ người nhận. Ví dụ, nơ màu đỏ là công văn đến chủ tịch xã Ngọc; màu tím là chủ tịch hội phụ nữ Kim Cúc; màu xanh lá cây là xã đội Trưởng Sơn… Rất ấn tượng. Nhớ mãi.
Nhà văn Nguyên Ngọc đã để lại sau truyện ngắn này cái quan trọng nhất của nghệ thuật viết truyện ngắn, như ông tổ viết truyện ngắn người Mỹ Edgar Allan Poe đòi hỏi và nêu gương: một ấn tượng, một ấn tượng duy nhất.
Truyện ngắn là một lát cắt về con người. Đọc truyện ngắn là đọc cái lõi cây, cái vỏ cây, chiếc lá, cành nhánh, bông hoa mà vẫn có thể hình dung ra một cái cây- một cuộc đời.
Nó không phải là một công trình tâm lý học đúc kết toàn diện về một con người như Dostoievsky từng làm trong các tiểu thuyết của ông, khiến cho triết gia Nietzsche ngạo mạn nhất trong lịch sử tư tưởng cũng phải thừa nhận là đáng học hỏi.
Không như Dos. và các nhà tiểu thuyết có trong tay rất nhiều công cụ để trình bày một cuộc hiện sinh trọn vẹn, nhà văn viết truyện ngắn chỉ có thể được chọn một thủ pháp thích hợp nhất. Không nên nhiều hơn. Không thể nhiều hơn.
Trong viễn tượng đó, khi đã chọn truyện ngắn để làm văn chương, nhà văn biết phải làm gì với những giới hạn vài ngàn từ, một hai nhân vật, một xung đột, một bối cảnh.
2.
Dù hiện thực có mênh mông ngập lụt cách mấy, truyện ngắn cũng có cách chưng cất nó thành những tình huống cá biệt. Truyện ngắn tự bản thân nó có sức mạnh cưỡng chống lại hiện thực quá hạn (hyper-reality) không cho nó tràn lên xóa tan hay làm bá chủ cấu trúc nhỏ gọn của mình. Thấy được điều này là nhà văn viết truyện ngắn đã đi được một nửa đoạn đường nghệ thuật của thể loại.
Nhưng mặt khác, viết truyện ngắn, là nỗ lực vượt thoát cái khuôn khổ chật hẹp đó, để bằng cách nào đó mở rộng thêm cương vực của một nghệ thuật lâu đời theo đòi hỏi của người đọc ngày hôm nay mà không phá bỏ luật chơi của nó.
Luật chơi của truyện ngắn là: kể những câu chuyện chất chứa, bùng nổ, hàm súc, âm vọng, ám ảnh... Thường khi là những công án để chiêm nghiệm.
Câu chuyện trong truyện ngắn “Chỉ cạo râu thôi” của Hernando Tellez (Columbia) diễn ra trong một tiệm hớt tóc nhỏ. Người thợ hớt tóc đồng thời là một du kích quân nằm vùng. Người khách vào hớt tóc cạo râu hôm đó là một đại úy, vốn đã giết rất nhiều du kích quân. Và người thợ hớt tóc được giao nhiệm vụ trả thù.
Cái gáy của kẻ thù hôm ấy nằm ngon lành dưới lưỡi dao cạo sắc lẻm của mình, nhưng người thợ hớt tóc không thể làm gì được hắn ta. Và tác phẩm hoàn tất của người thợ hớt tóc là một cái đầu tóc và khuôn mặt đẹp chứ không phải là một vụ sát hại.
Giết người không phải dễ, nhất là khi nó xung đột với việc thực hiện thiên chức của ta.
Một truyện ngắn của Bùi Ngọc Tấn (mà tôi không nhớ tên) cũng có sức ám ảnh tương tự. Theo tôi đây là truyện ngắn đặc sắc tầm cỡ thế giới. Truyện kể về một người lính giữ tù trong buổi chiều lạnh lẽo ngồi đốt lửa để sưởi ấm; cuối truyện, tôi nhớ đại khái, "anh ta đứng dậy, khoác súng, dứt khoát đi sâu hơn vào cánh rừng phía sau các lán trại".
Mùi khói làm anh ta nhớ nhà, khiến anh ta trở nên rất con người; nhưng công việc khiến anh ta có dáng dấp của một con thú, với bản năng thích chui sâu vào trong rừng.
Đọc truyện này thì không dưng liên tưởng đến truyện “Bản đồ nước Pháp” của Albert Camus. Đọc lâu lắm rồi, tôi không nhớ rõ, nhưng đại để truyện kể một sĩ quan dẫn giải một tù bình về trại giam. Qua mấy ngày đi đường, viên sĩ quan có vẻ “cảm thông” với người tù binh. Và khi sắp đến ngã ba, từ trên cao có thể nhìn thấy một con đường mòn nhỏ dẫn về trại giam, một con đường khác lớn hơn dẫn đến… cuộc sống tự do, viên sĩ quan quyết định cho người tù một cơ hội. Anh thả y. Từ trên mỏm dốc cao, viên sĩ quan lòng nhẹ nhõm đứng nhìn y bước đi. Nhưng, chưa hút xong điếu thuốc, viên sĩ quan sửng sốt thấy người tù binh lầm lũi đi vào con đường mòn nhỏ.
Bản năng trở lại rừng, chịu làm nô lệ để được an toàn không dễ gì rời bỏ con người, đặc biệt khi chiến tranh và những hoàn cảnh nghiệt ngã bao vây nó.
Bản năng của con người là cúi xuống để yên thân… Sử gia Mỹ Will Durant viết về thời Cách mạng Pháp: Những cái đầu cúi xuống thì sống lâu.
Khi đã rút ra những chiêm nghiệm như vậy sau mỗi truyện ngắn có chất chứa trí lự, mà không biết là có đồng nhất với sự chiêm nghiệm của tác giả hay không, tôi đi đến chỗ nghĩ rằng truyện ngắn là hư cấu hóa (fictionalize) những tư tưởng hệ trọng có liên quan đến thân phận con người, làm cho nó sống động trong những câu chuyện nhân thế.
Nhưng dù hệ trọng đến đâu, những tư tưởng này không bao giờ có ý định mở rộng thành hệ thống logic, càng không có ý định phát triển thành chân lý. Nó dừng lại trong khuôn khổ của nó, với tác giả của nó lúc ấy cũng không muốn lý giải gì thêm nữa. Trong viễn tượng đó, mỗi truyện ngắn là một động thái tóm bắt một khoảnh khắc hiện sinh, một trạng thái nhân sinh, một tư tưởng, một thái độ trong một tình huống nhất định.
Theo tôi, những truyện ngắn thành công như những công án chiêm nghiệm đó sẽ trở thành những giá trị văn học, thậm chí là giá trị tư tưởng đạo đức của nhân loại, chứ không phải chỉ là những đóng góp như là đặc sản của quốc gia, dân tộc, tôn giáo.
Cần có nhiều truyện ngắn hay để tất cả sắc màu cuộc sống trần gian được phô diễn. Để thấy cuộc sống mênh mông và đa tạp như thế nào và chắc chắn là không có một hệ thống nào, dù là triết học, chính trị, tôn giáo, khoa học có thể thâu tóm được nó. Con người cá nhân luôn có chỗ đứng sống động đặc biệt trong truyện ngắn.
Mỗi người là một cõi riêng.Và thể loại truyện ngắn được sinh ra để làm nhiệm vụ trình bày cõi riêng đó.
ĐỌC NHƯ KẺ LỮ HÀNH
Giáng Vân trò chuyện với nhà văn, dịch giả Mai Sơn.
Nhà thơ Giáng Vân: - Thưa nhà văn Mai Sơn, anh có một phương pháp nào cho việc đọc không?
Mai Sơn: - Tôi thích đọc cả âm nhạc (xét như một văn bản), tiểu thuyết, thơ và biên khảo, đặc biệt là triết học, nên thật khó nếu phải nói về một phương pháp đọc nào đó cụ thể; nói chung, tôi có một định tinh quan tâm mà các loại đọc kia là những hành tinh phải quay chung quanh nó, đó là sự sâu sắc và cái đẹp hiếm gặp nhưng lại rất gần gũi với tôi. Như một đứa trẻ con được thầy giáo và người lớn dạy bảo, tôi phải tìm mọi cách đọc để nhớ lâu, hiểu sâu và có thể truyền đạt cho người khác những gì hay nhất có thể. Cái cực kỳ hệ trọng là làm sao để tát cạn cho hết những điều tinh túy nhất có trong cuốn sách. Nỗ lực hết mình có thể gọi là phương pháp không?
Giáng Vân: - Sự rỗng của tâm thức là trạng thái tuyệt vời cho tiếp nhận, cụ thể hơn ở đây tôi muốn giới hạn là ở sự đọc, rất mâu thuẫn với các loại tiêu chí, chuẩn mực, các kinh nghiệm, các thước đo, các định dạng văn học, anh có nghĩ như vậy không?
Mai Sơn: - Không thể có một tâm thức rỗng hoàn toàn. Chỉ có thể là những gì vốn định hình bắt đầu mờ đi, và ta bắt đầu đón nhận một cái gì mới mẻ. Một cuốn sách hay tự động làm cho ta thấy mình như khách lạ bước vào thế giới của nó; nếu thấy thế giới đó quen thuộc quá, thì không đọc cũng không sao; giống như nghe lại một bài hát cũ vậy.
Giáng Vân: - Một khi người ta chứa đầy ắp tri thức, làm thế nào để khi ta đọc, những thứ đó không phi ra án ngữ các ngả đi ra thế giới của chúng ta?
Mai Sơn: - Không có đầu óc nào lại đầy ắp tri thức đến độ không còn có thể chứa thêm cái gì mới mẻ. Người ta chỉ tự ngăn cản mình đọc cái mới bằng sự tự đắc ngu xuẩn mà thôi. Cũng có thể có một đầu óc đầy ắp tri thức liên quan đến công việc làm tương chao hay bánh tráng chẳng hạn, và họ không thèm đọc gì về các lĩnh vực đó nữa. Tương tự, chúng ta không nên đọc những cái quá dở, quá cũ, quá thấp trong lĩnh vực mà mình quan tâm hay quen thuộc.
Giáng Vân: - Và khi không có tri thức, người ta có đọc dễ hơn không? Vì sao dễ và vì sao không dễ?
Mai Sơn: - Lý tưởng nhất là có tri thức một nửa để hiểu mình đang đọc cái gì, và vô tri một nửa để luôn mở rộng tâm trí đón nhận cái mới lạ.
Thật đáng tiếc cho một người đọc hết sách kinh điển của Marx đã lờ đi một cuốn sách nhỏ viết dí dỏm về triết học của ông trong nhà sách, nếu anh ta không biết làm rỗng mình đi, tức là, nói theo ngôn ngữ Phật giáo, hư kỳ tâm. Vậy là có khi anh ta đã bỏ mất cơ hội đọc một cuốn sách hay. Tốt nhất là đóng vai một người lữ hành, ra bến xe khách, mua đại một chiếc vé nào đó, lên xe, không biết sẽ đi về đâu.
Giáng Vân: - Sự đọc cho anh những gì trong công việc nghiên cứu, và cho công việc sáng tạo?
Mai Sơn: - Về triết học, khi hiểu một điều gì đó sâu xa ghê gớm, mình cảm thấy trí óc mình bừng sáng, và nói thật, lúc đó mình vững tin mình là con người vì đã hiểu được những chân lý có tính phổ quát. Về văn học, đọc được một cái gì thực sự thú vị mới mẻ, nó luôn kích thích, làm mình cảm thấy bứt rứt khó chịu, muốn cầm bút lên ngay.
Giáng Vân: - Anh có bị những cái bóng trùm lên không? Nếu ai đó bị những cái bóng trùm lên thì họ phải thoát ra bằng cách nào?
Mai Sơn: - Có. Đọc họ chỉ muốn ném bút cho rồi. Nabok, William Faulkner, Milan Kundera, Orhan Pamuk... là những bóng ma. Họ làm bá chủ thế giới của mình rồi. Nhưng choáng một hồi thì sau đó thấy vẫn còn những rẻo đất chưa ai chiếm lĩnh, và hình như chỗ đó dành cho mình. Không cần phải cố gắng thoát ra khỏi những cái bóng đó, thậm chí nên đọc thêm để thấy họ đang ở đâu, và mình đang ở đâu, và mình chưa đến nỗi tệ. Và hình như những bóng ma ấy không dọa nạt mình mà khích lệ, thách thức mình viết nữa, vì họ thấy mình có cái gì đó cùng nòi.
Giáng Vân: - Là người đang làm việc ở một trường đại học, anh thấy những người trẻ bây giờ đọc thế nào? Câu chuyện đọc của họ có khác gì với câu chuyện đọc của anh? Anh có thể kể một vài câu chuyện về họ không?
Mai Sơn: - Sự khác biệt là rất đáng nói. Họ đọc những câu chuyện có mang theo những thông điệp cụ thể, quan thiết đối với bản thân họ. Họ thực dụng. Nhưng đó là điều tất yếu. Vì xã hội không cho họ không gian để mơ mộng, để lãng mạn, thậm chí tôi có cảm giác họ không có được một giây để quên mình đi. Trái lại, xã hội tước đoạt của họ quá nhiều, từ môi trường đạo đức, lý tưởng văn hóa, đạo đức hành xử, sự an toàn trong đời sống hàng ngày. Xã hội gây cho họ quá nhiều áp lực. Vậy nên, họ đọc để tìm sự an ủi, hoặc tìm kiếm “vũ khí” để chiến đấu với cuộc đời, chứ không phải để làm giàu có tâm hồn, tâm thức. Đọc phải ra tấm ra món, phải bỏ túi được càng nhiều kiến thức chắc chắn càng tốt. Cái đọc không còn là quà tặng của cuộc sống nữa. Và hình ảnh người đọc sách không còn là kỳ quan của trái đất để ta đem tặng cho các hành tinh khác.
Cái đọc của tôi rất phi thực dụng, rất trừu tượng, càng lớn tuổi lại càng cần những cái trừu tượng, không hẳn là những cái siêu hình hay tôn giáo gì đâu. Ngay cả khi đọc những tiểu thuyết hiện thực, mình cũng chỉ nắm bắt được cái phi thực của nó. Mà suy cho cùng, văn chương thứ thiệt là phi thực, là thế giới thứ hai. Một nhà văn bất tài thì có viết về cái giả tưởng, huyễn tưởng, huyền ảo đi nữa, đọc vẫn thấy “thật thà như đếm”; ngược lại nhà văn thứ thiệt viết tới viết lui loanh quanh một con ngựa thôi, như Norman Mc Carthy chẳng hạn, vẫn thấy mê hoặc như đang chiêm ngưỡng con ngựa mẫu trên thế giới lý tưởng của Plato. Ngoài ra, càng ngày mình càng đọc trong tinh thần phê phán, cốt để loại bỏ tạp chất, rút ra tinh chất. Đọc kỹ, rất kỹ, nhưng không hy vọng chia sẻ được với ai cả. Vì cái đọc ngày càng có tính cá nhân, thậm chí như một nghi lễ với chính mình. Để khi mình lìa đời, hy vọng mình chỉ còn là một khối tinh thần thuần túy được tạo nên bởi ý tưởng.
Nhưng mặt khác, tôi có thể tìm thấy những câu trả lời cho những thắc mắc ghê gớm của riêng tôi bằng cách đọc thơ, trong đó có thơ của các tác giả Việt Nam.
Động quan lúc 5h00 ngày 28/12/2023, chịu lễ tại giáo xứ Mỹ Hạnh, Long An, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, TP.HCM.
Nhiều người biết Mai Sơn làm báo, viết văn, biên soạn và dịch thuật Anh-Việt, thi thoảng Pháp-Việt.
Thời còn dạy học ở quê, anh mê tập đàn ghi-ta cổ điển và làm thơ. Nhưng sau khi vô Sài Gòn định cư, anh tự thấy không thuận tay với hai món này, nên bỏ.
Sau khi anh nghỉ làm việc tại báo Mực Tím, anh cũng bỏ sinh hoạt đảng, dù vẫn còn giữ thẻ.
Trước năm 2010, tôi thường chụp hình cho Mai Sơn, để anh gửi in trên một số báo khi trả lời phỏng vấn.
Toàn bộ hình ảnh cuốn “101 triết gia” (2007) do Mai Sơn biên soạn, do tôi tìm nguồn scan hoặc lấy trên mạng.
Trong lời giới thiệu “101 triết gia”, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn viết: “... thật ảo tưởng khi chờ đợi hay đòi hỏi quá nhiều ở các bộ sách công cụ, nhưng cũng thật ngây thơ khi không thấy hết sự cần thiết của chúng. Một hành trang - kể cả hành trang tinh thần - không thể có được từ hư vô. Sách công cụ là người trợ thủ đắc lực giúp ta chuẩn bị hành trang ấy trước và ngay trong khi ta... tự mình dấn bước lên đường”.
“Có lẽ Mai Sơn là một trong số rất ít các văn nghệ sĩ ở đất nước này có sự am tường tương đối về triết học. Sự quý hiếm này không chỉ thể hiện trên các tác phẩm nghiên cứu, dịch thuật của anh, mà còn được trình bày trong các tiểu luận phê bình và chính văn chương của anh” - nhà văn Nguyễn Viện.
Nhà thơ Nhật Chiêu thì cảm thán:
GIÓ VÀ CHỮ
Chỉ có gió để ăn
Chỉ có chữ để hy vọng
Mai Sơn
(Lời bạt cho “Người ăn gió
và Quả chuông bay đi” của Nhật Chiêu)
Mai Sơn ơi
Ra đi từ biệt nỗi đời
Ra đi từ biệt những lời chưa đi
Những vô ngôn
Những thầm thì
Còn tôi ăn gió mà nghi ngút buồn
Gió và chữ
Bụi và sương
Nợ nhau là chữ là thương nỗi người
Mai Sơn ơi
Năm 2004, trong bài phỏng vấn của tôi, Mai Sơn nói: “Trong kinh nghiệm hạn hẹp của tôi, viết là tìm cách đuổi theo một vài ý tưởng triết học và làm sống động nó trong những câu chuyện nhân thế. Dự phóng này của tôi không có gì mới, nếu không muốn nói là quá cũ.
Nhân vật Faust của Goethe không ngừng bị ám ảnh bởi câu hỏi nền tảng: “Cái gì nối kết toàn thể vũ trụ ở bên trong nó?” Nhân vật bác sĩ Ravic [của Remarque] khi trốn chạy khỏi nước Đức để sang Pháp chỉ mang theo bên mình một cuốn sách triết học của Plato… Họ, cũng như các nhân vật của tôi, cũng như tất cả chúng ta, đều có khả năng nêu lên những câu hỏi triết lý nghiêm trọng ngay trong cuộc sống thường ngày, mà bản chất của nó [thường là] chống lại triết học, tức là chống lại sự suy tư trừu tượng.
Thường thì tôi thất bại ngay trong đầu, không cách nào viết ra được, nhưng như thế không có nghĩa những cái ít ỏi tôi viết ra là thành công. Đơn giản là tôi đã tìm được một hình thức thích hợp để triển khai một vài ý tưởng của mình”.
Tối 14/5/2008, Mai Sơn gửi cho tôi bài thơ dưới đây, có lẽ thuộc số ít những bài thơ anh làm kể từ sau năm 2000.
NHỮNG Ý TƯỞNG RỜI
1.
Để bảo vệ niềm cô đơn
Tôi mặc đồng phục
Xuống phố
2.
Sau một ngày lao nhọc
Người ta cần/thèm ngủ
Sau một đời lao nhọc
Người ta cần/thèm chết
3.
Bước ra khỏi đám đông: Không dễ, phải trả nợ
Bước vào đám đông: Quá dễ
Không bước vào đám đông: Một chiến thắng không khó
4.
Hãy giết Thượng Đế bằng con dao được trí tuệ và tâm hồn anh mài sắc qua năm tháng
Đừng giết Thượng Đế bằng con dao đã cùn của Nietzsche
Hãy giết cái khuôn mặt kiêu ngạo lý trí trong đầu anh
Sẽ thanh toán được vấn đề Thượng Đế hiện hữu hay không hiện hữu
5.
Tự do
Là thoát khỏi mọi sự trói buộc
Nhưng tự do còn là thoát khỏi sự phóng đãng của lý trí
6.
Thiên đàng chờ mãi không thấy anh
Và trần gian đã làm hỏng con người công chính đó
7.
Bằng cách tát cạn lý tính và qua đó tư tưởng tôi xuất hiện, tôi tìm cách cứu tôi thoát khỏi trần gian khả ố này
8.
Edmund Husserl nói: “Conscience c’est conscience de quelque chose”. (Ý thức là ý thức về một cái gì).
Tôi nói: “Conscience c’est conscience de quelqu’un”. (Lương tâm là lương tâm về một người nào đó).
9.
Sartre có thể trở thành một Sartre tự do tuyệt đối, chứ không thể trở thành một tự do tuyệt đối không Sartre
Sartre không thể tự do trở thành người khác
Không thể trở thành cây thông đứng giữa trời
10.
Thoạt kỳ thủy không có đường thẳng
Người ta chỉ thoáng thấy một đường chớp rạch ngang bầu trời khi ban đêm nhìn lên thấy sao băng, và người ta mô phỏng theo nó
Từ đó mới có những đường thẳng nhân tạo.
Phát minh vĩ đại nhất và sớm nhất của loài người là ĐƯỜNG THẲNG...
Thế là nhà văn-dịch giả Mai Sơn
đã vĩnh biệt chúng ta, ngay trong một đêm thánh. Linh hồn Antôn Nguyễn Minh Sơn đã về với Chúa.
Có lẽ Mai Sơn là một trong số rất ít các văn nghệ sĩ ở đất nước này có sự am tường tương đối về triết học. Sự quý hiếm này không chỉ thể hiện trên các tác phẩm nghiên cứu, dịch thuật của anh mà còn được trình bày trong các tiểu luận phê bình và chính văn chương của anh.
Mai Sơn viết kỹ và đẹp. Có lẽ “Sự quyến rũ của chữ” (tên một tác phẩm của Mai Sơn) là sự quyến rũ không thể chối từ. Như cái chết. Vì thế, đến với văn chương là đến với sự chết. Cũng bởi vì, sự sống chỉ là cái bề mặt sôi nổi nhưng đôi khi chán phèo của sự chết, cái vĩnh hằng chung quyết của mọi sự. Nhà văn chính là kẻ dấn thân cô độc trên hành trình từ sự tới lý. Và cái cùng kỳ lý của cuộc sống không phải là một cái đích nào cả, thiên đàng hay địa ngục, niết bàn hay cõi ta bà hệ luỵ. Nhà văn cũng không phải là kẻ rao truyền đức tin hay chân lý. Nhà văn chỉ là kẻ đồng hành với cái đẹp của niềm vui cũng như nỗi buồn nhân thế. Và anh ta luôn biết rằng, không phải chỉ cái đẹp của sự sống mới cứu rỗi chúng ta, mà sự chết hay cái chết cũng là cái đẹp giải thoát chúng ta và khiến chúng ta trở nên vĩnh hằng.
Với Mai Sơn và tôi cách riêng, tôi muốn thêm vào : Vĩnh hằng trong ánh sáng Chúa Kitô.
DAO
Truyện Mai Sơn
Giọng dày ấm, nghe tha thiết, rờn rợn, như gần như xa.
Tôi từ trong giấc ngủ mệt nhọc tỉnh dậy thảng thốt.
Khi gọi đến lần thứ hai, “Mài dao đi!”, cái hơi không chỉ là mong ngóng một con dao cùn đem ra, mà như gọi thấu vào lòng ai, để mời mọc, thúc giục.
Những lúc ấy tôi thường đứng sau cửa, hé nhìn ra, mong cho trời tối nhanh, để ông ra đi.
Chiều nay cũng vậy, ông ta đang đứng đó, và đã gọi “Mài dao đi!” có đến chục lần rồi.
Người đàn ông không rõ mặt rõ tuổi, ra dáng chờ đợi được hồi đáp. Ông mang trên vai một mớ đồ lề không biết gồm những gì, chỉ thấy lờ mờ một đòn gỗ, một đầu gắn viên đá mài màu bã trầu, đầu kia một cái ca nhựa vuông đựng nước, được buộc chặt bằng sợi dây trông như con rắn kim.
Ông hướng cái nhìn sắc như dao (có phải đó là ánh nhìn của những người thợ mài dao?) vào nhà tôi, thậm chí muốn nhìn xoáy vào mắt tôi, như thể ông biết rõ tôi đang lén quan sát ông.
Nhiều năm nay tôi sống một mình. Tôi không tự nấu ăn được, phải ăn uống bên ngoài, cho nên trong nhà không có dụng cụ làm bếp nào. Hay là tôi có một con dao nào đó trong nhà đã lâu không dùng mà tôi không nhớ chăng?
Nếu tôi nhớ không lầm, trước đây bà xã tôi là khách hàng quen thuộc lâu năm của một người thợ mài dao. Một tay thợ duy nhất. Nhưng không chắc là người này, đang trầm mặc ngoài kia.
Tôi trừng mắt nhìn ra để kiểm tra xem người thợ mài dao ngày nào và kẻ đang đứng như một lá cờ trước cổng nhà tôi có phải là một không.
Hồi lâu, đập vào mắt tôi chỉ là một hình dạng đàn ông với vài đường nét hung dữ bí ẩn in vào nền trời phía sau.
Bà xã tôi yêu quí những con dao bếp! Hay nàng yêu sự bén ngót, mới mẻ?
Theo thường lệ, mỗi tháng hoặc mỗi nửa tháng, người thợ mài dao lại đến chăm sóc những con dao vừa chớm cùn lụt của bà xã tôi.
Tôi không để ý chuyện này lắm. Một hay hai lần gì đó, tôi có việc về nhà sớm, thì thấy bên hiên nhà người thợ và bà xã tôi châu đầu vào nhau. Họ đang nhìn con dao sáng loáng đang trợt tới trợt lui trên hòn đá mài. Những con dao của nàng đang biến thành một con dao khác, một tác phẩm sắc sảo, đôi bàn tay với những ngón tay thao tác lúc mạnh mẽ lúc dịu nhẹ của người đàn ông, và những vụn thép li ti văng ra cùng với nước bẩn.
Để có thể thưởng ngoạn đầy đủ cảnh tượng đó, bà xã tôi phải ngồi cúi sát, gần như nằm sấp ra trên nền đất.
Nghe tiếng tôi, nàng ngước lên nhìn, ánh mắt long lanh như được phản chiếu từ ánh dao.
Hay tôi tưởng tượng ra?
Tôi là người yếu tim, rất sợ máu chảy, nhưng những ngày nàng còn đây tôi lại thích ngắm nhìn dao khi nó nằm và chuyển động khéo léo trong tay một người phụ nữ. Chắc chắn người phụ nữ đó là nàng.
Tôi từng viết trong sổ tay của mình: “Những con dao làm bếp! Anh nhìn chúng đăm đăm, đến mức quên mất đó là vật gì. Ngày trước anh vẫn thường nhìn thấy nàng cầm con dao nhỏ thoăn thoắt gọt trái táo, trái su… và anh hồi hộp sợ lưỡi dao phạm phải bàn tay không cầm dao.
Anh vẫn thường thấy nàng cầm một con dao khác, lớn hơn, xẻ bụng một con cá, xắt nhỏ những miếng thịt…
Bây giờ không còn nàng cầm lên, những con dao kia đã chết, vì chúng chỉ có thể sống được trong mối tương quan với nàng mỗi trưa, mỗi chiều trong bếp; chúng chỉ thức dậy cái-yếu-tính-cắt-xẻ của chúng trong bàn tay nội trợ của nàng”.
Người thợ mài dao này không biết rằng bà xã tôi đã rời bỏ tôi đi xa, mang theo những bận rộn về bếp núc và nỗi ưu tư ngày đêm về độ sắc của dao kéo.
Cái nhìn của người đàn ông như rực lên, như muốn chiếu sáng ngôi nhà nhỏ của tôi. Và có vẻ như ông sắp sửa quay bước.
Mài dao đi!
Ba tiếng kêu như gió luồn hụ hụ vào những khoảng trống trên cánh cửa sổ tôi đang đứng sau, và bàn tay tôi vô thức đưa lên đẩy nhẹ nó, mở nó ra.
Không còn thấy ông ta đâu nữa. Tôi dõi mắt nhìn theo con đường mòn dẫn ra lộ. Tôi chạy ra sân. Vẫn không thấy bóng ông ta. Chỉ còn âm thanh vang vọng lại:
Mài dao đi!
Người đàn ông này nhớ nhung điều gì hay muốn nhắc nhở tôi điều gì?
'Bữa tiệc'
Truyện ngắn của Mai Sơn
Nàng cầm cành hoa hồng đưa lên mũi. Chiếc mũi nhỏ hơi nghiêng xuống, thấy rõ một đường thẳng ánh lên giữa khuôn mặt, hai cánh mũi khẽ động đậy. Lúc này, chỉ với khứu giác thầm kín của mình thôi, nàng đang chiếm hữu anh từ từ. Nàng hơi hé môi như hớp một ngụm không khí. Bất giác nàng lim dim mắt, ngửa cổ lên: một cây gai đâm nhẹ vào dưới cằm.
Nàng chờ cho chút xíu đau nhức đó mạnh dần lên. Nàng đẩy nhẹ đóa hoa lên chỗ giữa trán, cảm thấy màu đỏ của đóa hoa lan dần khắp khuôn mặt, xuống cổ, xuống hai vai, hai cánh tay, chảy nhanh xuống hạ thể. Gần hai chục người trong phòng, cả đàn ông và đàn bà, đều không ai hay biết một cơn rúng động dữ dội vừa tràn qua thân thể nàng. Nàng đặt cành hoa xuống bàn, cẩn thận xê xích cho nó nằm đúng giữa cái chén, và phải mất hồi lâu mới giữ được thăng bằng cho đóa hoa hướng lên trên. Nhưng ngay lập tức, nàng thấy những cánh hoa có vẻ như ủ rũ. Nàng vội vàng xoay nhẹ cành hoa để đóa hoa nghiêng xuống.
Anh đang tưởng tượng ra điều đó.
Chính anh là người duy nhất mua một cành hồng ngoài phố mang đến đây tặng nàng. Đây là bữa tiệc mừng nàng vừa mới bảo vệ thành công luận án thạc sĩ. Không hiểu sao ngoài anh không ai nghĩ đến hoa. Tất cả đều chỉ mang theo những gói quà kín đáo. Có lẽ họ đã vượt trên sự lãng mạn từ lâu rồi. Chỉ còn anh lơ ngơ giữa cuộc đời này. Chỉ còn anh ngây thơ tin rằng trên đời này còn sự tế nhị. Anh dường như không bao giờ có thể ăn nhập với xung quanh. Với người này, anh cảm thấy thẩm mỹ về âm nhạc của anh là cái cản trở anh đến với họ. Với người kia, cách phát biểu cứ đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ chỗ trước mắt đến khái quát, từ chỗ dễ hiểu đến mơ hồ của anh khiến họ nghe một vài lần thấy thích nhưng dần dần thấy chán, cảm thấy đó không phải là ngôn ngữ của đời sống này.
Nói cho đúng thì anh mặc cảm. Mặc cảm của kẻ khước từ sức lôi cuốn của cuộc sống vì trực giác cho thấy đó là sức lôi cuốn của cái chết. Một lần anh chỉ cho người bạn dòng xe cộ chạy ào ào ngang hông nhà thờ Đức Bà đổ về đường Đồng Khởi: "Đó, thấy chưa, không phải là họ bị cái chết cuốn hút đó sao?". Gần như ai ai cũng dự phóng ném mình vào ngày mai, vào tương lai, gần hay xa, với những hứa hẹn, những dự án, những chờ đợi; ai ai cũng lấy tương lai làm lẽ sống; ai ai cũng quên mình trong hiện tại.
Như ở đây, từng đoàn người tranh nhau lao vào cái miệng há to của cái chết đặt ở đầu đường Đồng Khởi. Nhưng họ không biết điều đó, vì nếu biết, họ đã chạy chậm lại, hoặc dừng lại, không chạy nữa. Lúc đó anh tự nhủ, mình là kẻ đi rất chậm trong cuộc đời này, có lẽ để tránh sự lôi cuốn của cái chết, hoặc có lẽ sự lôi cuốn đó không hấp dẫn được anh. Anh đi chậm từ nhà đến cơ quan, đi chậm trong công viên mỗi sáng, vừa đi vừa hình dung từ những ngõ ngách nào, cái chết đang quăng ra tấm lưới dịu êm đón bắt mình.
Anh không hòa nhập được với chung quanh cũng vì anh mang đủ thứ bệnh trong người: cao huyết áp, thấp khớp, viêm mũi dị ứng, viêm dây thần kinh ngoại biên ở hai bàn tay. Chưa tới năm mươi mà bệnh hoạn như vậy cũng là bất hạnh chứ sao.
Nhiều người ái ngại vì thấy lúc nào anh cũng mang trong người cả một đống thuốc, sáng sáng bên ly trà vỉa hè lại nốc một bụm thuốc đủ màu. Nhưng cũng có người chán anh, bảo anh khôn vặt khi thấy anh bỏ thuốc, bỏ nhậu. Riêng cái chuyện bỏ nhậu nhẹt là mệt mỏi nhất. Ở giữa Sài Gòn này, mang tiếng là văn nghệ sĩ, lại đã từng một thời nhậu khét tiếng, kháo chuyện vui vẻ, nhất là chuyện sex, tự dưng bỏ ngang không nhậu nữa thì hoặc bị cho là cao đạo dừng bước giang hồ, hoặc bị cho là hết thời, cạn kiệt sáng tạo, biến chất nghệ sĩ; tóm lại là kẻ "khó chơi". Vậy là anh ngày càng cách xa họ, cả những kẻ ái ngại thương hại lẫn những kẻ ghét bỏ.
Anh không chơi được với ai, hay đúng hơn, không thể thân tình được với ai, còn vì anh có cả một gánh nặng chiến tranh trong lòng chưa bao giờ cất đi được. Chưa cất đi được thì chưa thể sống nhẹ nhàng thoải mái được. Nó như là bóng ma trong nhà cứ quấy ám, không làm ăn gì được, nhưng không biết cách nào xua đuổi nó. Biết là không thể thay đổi nhưng vì nghe ai đó bảo rằng, nếu viết ra, sẽ nhẹ đi, sẽ thanh toán được phần lớn dĩ vãng, nên anh cứ loay hoay với nó mà không chú tâm đến điều gì khác.
Một ai đó đứng lên nói những lời chúc tụng. Anh chăm chú nhìn chai bia Heineken trước mặt. Anh rất thích màu xanh của chai bia. Có khi nào nàng bận một chiếc áo có màu như vậy không? Anh cố tưởng tượng ra, và không tưởng tượng được.
Một tràng pháo tay vang lên. Một người đàn ông khác đứng lên, hắng giọng, chuẩn bị hát. Anh ta hát khá hay. Một ca khúc của Phạm Duy. Tạo sao lại Phạm Duy? Anh để ý thấy nàng cũng chăm chú lắng nghe. Cử chỉ đó làm anh cảm động. Giữa chốn này vẫn còn một chút nghiêm trang cho một ca khúc hay. Rồi bỗng dưng anh nhớ một kỷ niệm với cô bạn gái học chung lớp mười hai cách đây ba mươi năm. Một buổi trưa tan học, anh không về nhà mà mua một ổ bánh mì ngồi lại trong lớp, chờ học tiếp buổi chiều. Ăn xong chợt nổi hứng, anh lên ngồi vào bàn của thầy giáo, rồi nghêu ngao hát, hết bài này đến bài khác, mắt mũi lim dim. Bất chợt anh thấy ngoài cửa lớp những sợi tóc bay bay. Anh ngừng hát, nhìn ra, không thấy gì hơn ngoài những sợi tóc, nhưng anh biết ngay đó là cô bạn gái, người có mái tóc dài nhất trường. Anh lúng túng tưởng như mình mới phạm tội gì đó. Mà sao nàng lại táo bạo dữ vậy?
Nhiều năm rồi anh không hát. Nhạc, nhạc, nhạc suốt ngày khiến có lúc anh nghĩ chính những lúc không có nhạc, không có giai điệu gì mới đúng là những khoảnh khắc của âm nhạc đích thực. Im lặng là âm nhạc. Nhưng một lần khác, khi ngồi trong một quán nhậu bình dân chợt nghe một đoạn trong symphony Hồ Thiên Nga, anh phát run lên. Như thể anh là người bị cầm tù lâu năm một hôm được nhận thư nhà.
Khi bài hát chấm dứt, những tiếng vỗ tay chấm dứt, một điệu múa tập thể của chén đũa và những bàn tay diễn ra trên suốt chiều dài bàn tiệc. Anh nhớ mẹ anh. Có những bữa cơm, bà chống đũa ngao ngán khi một bầy bảy đứa con đói ăn khua đũa muỗng tới tấp đan kín cái mâm tròn nhỏ. Bà chì chiết: "Tụi mày múa kiểu này làm sao tao ăn được?". Anh lên tiếng đùa: "Má vậy là không thua gì vua chúa hồi xưa, vừa ăn vừa được chiêu đãi văn nghệ". Bà không hưởng ứng câu đùa của anh. Hình như anh chưa bao giờ thấy mẹ cười vui. Người ta sẽ không bao giờ cười vui được nữa khi một lần trong đời bị nhục nhã đến tận cùng, nỗi nhục nhã của một phụ nữ đẹp phải cúi đầu trước một phụ nữ xấu xí.
Ấy là vào đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968 khét tiếng trong lịch sử Việt Nam. Súng nổ tứ bề và đạn pháo rít từng hồi trên đầu. Nhà không có hầm trú ẩn (chưa kịp làm hay không làm vì không có tiền, anh không nhớ rõ). Mẹ anh dắt díu một bầy con sang gõ cửa nhà người phụ nữ lùn tịt xấu xí giàu có. Anh nhớ, bà ta tên Lộc, chồng bà là thượng sĩ xử lý thường vụ một đại đội gì đó trong tiểu khu Q., thỉnh thoảng lái xe jeep về nhà. Nhà bà Lộc có căn hầm xây nổi trong nhà, rất kiên cố. Mẹ anh năn nỉ gần như muốn quì xuống trước vẻ mặt khinh miệt của bà. Rồi bà Lộc cũng không còn cách nào khác, phải cho cả sáu mẹ con anh vào nhà, vào hầm.
Bà Lộc và hai đứa con của bà nằm dài giữa hầm. Cái bóng đèn vàng như trái bóng bàn soi những thành viên lớn nhỏ của gia đình anh ngồi dựa vào bốn chung quanh vách, cố khép chân tay hết mức (theo lời căn dặn của mẹ) để khỏi đụng vào thân thể của ba mẹ con bà Lộc. Cái bóng đèn vàng ấy cũng soi cho anh thấy bà Lộc vừa xấu xí vừa dị dạng, vừa đáng ghét hơn cả bom đạn ngoài kia nữa. Vậy mà mẹ anh, người đàn bà từng là hoa khôi của thành phố Nha Trang, phải ngồi đó như chầu, như chiêm ngưỡng bà Lộc, vì không biết phải nhìn vào đâu, cũng không thể nhắm mắt, vì phải mở mắt để canh chừng mọi cử động của con cái, không để chúng đụng đến ba báu vật giữa căn hầm kia.
Nhưng bà Lộc phải chiêm ngưỡng mẹ anh mới đúng chứ?!
Từ đó, mỗi lần chứng kiến một đám người đang tập trung nhìn ngắm một người nào đó anh lại khó chịu, cảm thấy họ đang bị bắt buộc phải làm như vậy, hoặc tệ hơn nữa, anh thấy có điều gì không thật trong cảnh tượng đó. Một cảnh tượng giả. Một quan hệ giả. Như lúc này đây, gần hai chục người đang chăm chú nhìn một người, tìm mọi cách làm vừa lòng người đó. Một cảnh tượng giả tạo, được dựng nên từ sự sợ hãi và sự phụ thuộc cộng lại của từng người.
Anh đã thành bệnh nhân của Freud từ cái đêm ngồi bó gối trong căn hầm nhà bà Lộc, thấy cuộc tụ tập chiêm ngưỡng nào cũng hàm chứa ác cảm. Nhưng người phụ nữ này đáng cho anh nhìn ngắm chứ. Nàng xinh xắn thế kia mà. Và duyên dáng nữa. Nhưng quyền lực của nàng ở đâu? Nàng không có vũ khí trong tay, không gài mìn trong phòng tiệc này. Nàng không phải là những tên khủng bố chết chóc đi lại giữa cả ngàn trẻ em và người lớn đưa tay lên đầu, mặt không còn giọt máu, mắt lấm lét nhìn chúng trong phòng tập thể dục của ngôi trường số I thành phố Beslan.
Cái biến cố khủng khiếp của nước Nga đã làm anh buồn nôn mất mấy ngày. Anh ghi vào sổ tay của mình: "Tôi không đáng làm người. Tôi nhục nhã quá. Đáng lẽ người lớn chúng tôi phải đưa nhẹ vành nôi, ru các em ngủ. Đáng lẽ người lớn chúng tôi phải trao tận tay các em những ly nước sạch mát, những miếng bánh thơm ngon. Vậy mà khi các em khát quá, đói quá, bức bối quá, thiếu vắng sự ấm cúng thường ngày, các em vùng chạy đi thì người lớn "chúng tôi" đã nhắm vào lưng các em, bắn hàng loạt và chính xác. Một lần nữa thế giới đã trở nên trống rỗng và mất hết ý nghĩa. Những kẻ luôn miệng đòi thiên đường có cảm thấy mình mọi rợ không?".
Nhưng rõ ràng ở đây có rất nhiều con tin của nàng. Có thể anh cũng là một con tin. Anh không thiết ăn uống, không thấy có lý do gì phải ngồi tiếp ở đây, nhưng anh không muốn đứng lên ra về.
Nàng rời khỏi chỗ ngồi, trên tay là ly bia vàng với một đám bọt trắng và những ngón tay xinh móng tím. Anh không nhìn nàng nhưng cảm nhận được sự di chuyển của những đường cong. Sự quyến rũ đang di chuyển.
Anh liên tưởng đến một phát kiến mang tính trực giác kiểu tiền Socrates của mình: trong thiên nhiên không có đường thẳng, mà chỉ toàn những đường cong. Tuyệt đối. Người ta chỉ thoáng thấy một đường chớp rạch ngang bầu trời khi ban đêm nhìn lên thấy sao băng, và người ta mô phỏng theo nó, từ đó mới có những đường thẳng nhân tạo. Phụ nữ cũng vậy. Nàng cũng vậy. Anh sẽ trực giác một đường thẳng nào trên thân thể nàng?
Nàng đến bên anh. Sự quyến rũ và những đường cong đang dừng ở đây, không hề biết rằng anh không chuẩn bị đón nàng như một thượng khách. Anh tự ý giảm trừ người đàn bà này thành một đối tượng của sự thèm muốn trong anh. Nàng có vẻ biết được điều đó (người phụ nữ nào mà không nhạy cảm về điều đó trước cái nhìn táo bạo của người đàn ông?). Vậy thì ai sẽ bị hiểm nguy? Cả hai người chăng? Nhưng chắc gì đó là hiểm nguy chứ. Vậy thì đẩy nàng ra xa hay dụ cho nàng đến gần?
- Sao ly bia của anh không chịu vơi đi thế này? - vừa nói nàng vừa chạm nhẹ cái ly đã vơi một nửa của nàng vào cái ly đầy tràn của anh.
Cách nói năng phóng khoáng của nàng làm anh đột nhiên thấy hứng khởi. Anh đứng dậy:
- Chúc mừng cô. Hương vị thành công của cô hấp dẫn hơn cả bia nữa - Anh buột miệng, nhưng lập tức anh tin vào điều mình nói: nàng có thể làm anh say theo một cách nào đó. Một thoáng ngần ngại cảnh giác hiện trên mặt nàng. Chắc có lẽ do anh dùng chữ "hương vị". Và trong đầu nàng một phép lược giản từ ngữ đang tự động diễn ra?
- Chỉ có sự thành công của tôi và bia được đem ra so sánh với nhau, còn bản thân tôi thì không là gì cả, hả anh?- Nàng nói, rồi cười vang, rồi quay đi.
- Cô nói vậy mà không sợ sơ hở sao?
Nàng ngập ngừng đứng lại:
- Sơ hở gì hả anh?
- Vì tôi sẽ nói rằng: bản thân cô thì không có gì để so sánh được.
Nàng lại cười vang, vẻ đắc thắng, như thể anh vừa sập bẫy. Nhiều người trong phòng quay nhìn anh và nàng.
- Anh mới là người sơ hở.
- Vì sao?
- Vì rõ ràng nãy giờ anh im lặng như gỗ đá, nhưng tôi chỉ mới đến gần một chút, anh đã để lộ một góc nhỏ tâm hồn anh, cái góc dành cho phụ nữ ấy.
- Cô đến gần quá, tôi phải tự vệ thôi.
-Trời, anh tự vệ kiểu gì vậy? Tôi sẽ về chỗ của tôi, nhưng hy vọng anh đừng về sớm khi chưa tàn tiệc.
- Cô chỉ hy vọng về tôi nhỏ nhoi vậy thôi sao? - Vừa nói anh vừa cười.
- Không nhỏ đâu anh.
Nàng đi rồi, anh lập tức ngồi xuống, ngạc nhiên sao mình lại có thể miệng lưỡi ngọt ngào đến thế trong khi những ý tưởng u ám chưa dứt trong đầu.
Anh không hiểu điều gì đang xảy ra trong lòng mình. Có phải là sự trống rỗng? Có phải là tuyệt vọng? Hay chỉ là những cảm giác lười biếng, mệt mỏi, bệnh tật? Hay vì thiếu sự ấm áp của tình yêu? Vì sao anh không vui lên được? Vì sao nỗi bi quan cứ ăn dần ăn mòn tâm trí anh? Có lúc anh nghĩ, chỉ cần mình quên được sức mạnh khủng khiếp của ngoại cảnh, có lẽ mình sẽ vui sống biết bao. Anh cảm thấy mình như người bơi ngược giữa cơn lũ lớn, sức lực cứ cạn dần. Nhưng khi anh quay mặt đi với cái khối trừu tượng mang tên sức mạnh ngoại cảnh ấy thì anh lại thấy một sức mạnh khác, hiện hữu trong từng cá nhân, chẳng hạn trong mỗi lời nói của tay nhà văn thời thượng có mặt trong bữa tiệc của nàng.
Hắn ngồi im lặng không nói gì, không phụ họa, không cười. Một mình một cõi riêng, rất sống động. Nhưng anh chỉ muốn thét lên: "Có cái đéo gì trong đầu mà im lặng. Có cái gì nông cạn trong bụng thì nói mẹ ra đi. Người ta chỉ phải im lặng nung nấu vì không thể nói ra những sự thực nguy hiểm, những chân lý không ai chia sẻ, những điều trái tai gai mắt, chứ còn mày, lý do gì mà im lặng, hãy cất tiếng đồng ca lên đi".
Ôi, sự im lặng trên cái nền của sự ồn ào hỗn tạp mới đáng buồn nôn làm sao! Nhưng đêm đó mình cũng im lặng mà. Lẽ ra để che giấu sự cô đơn của mình, mình phải chen vào giữa đám đông chứ. Sự cô đơn cũng bị săn đuổi, nên phải tìm cách che giấu nó. Tay nhà văn kia, hắn không cô đơn, hắn im lặng chỉ để mọi người đừng quên hắn là nhà văn thôi. Nietzsche viết hàng ngàn trang sách, ông ta vẫn cô đơn; còn văn chương của hắn, của nhiều người như hắn, chỉ với một câu thơ, một đoạn văn đã cho thấy hắn là người của đám đông, hay nói cách khác, đám đông cất tiếng nói ồn ào trong hắn.
Chiếc điện thoại di động rung lên trong túi quần. Anh móc ra. Có một tin nhắn. Của nàng. " Hai chục phút nữa anh đi uống cà phê với tôi nha!". Anh hồi hộp kỳ lạ. Anh trả lời: "Đi như thế nào?". Mười phút sau, điện thoại lại rung lên, lúc anh đang ở trong toa-lét, chờ chực được đến phiên mình đến gần cái bồn tiểu. "Anh chọn quán cà phê nào đó, đến trước, sau đó nhắn cho tôi".
Vậy là nàng cũng biết thận trọng. Sự thận trọng phải chăng là dấu hiệu của một affair. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu anh: "Trong những chuyện như thế này, người đàn bà sẽ có đủ quyền biến để bảo vệ cho cả hai người".
Nhưng, anh tự nhủ, thận trọng hay không thận trọng cũng vậy, anh sẽ chủ động trong chuyện này.
Tâm Cảnh
MAI SƠN
Truyện ngắn
Anh định không sống nữa. Ý nghĩ đó nhẹ nhàng len vào đầu anh cùng một cảm giác dễ chịu vào khoảnh khắc sắp thức giấc sáng nay.
Anh muốn thốt lên thành tiếng: “Tôi định không sống nữa.” Và suýt bật cười khi nhớ tới một câu chuyện tiếu lâm... Một chiếc xe tải thắng gấp vì có một bóng người lao vào đầu xe. Trong thoáng chốc anh tài xế biết mình may mắn kịp tránh được một tai nạn. Anh mở cửa buồng lái nhảy xuống, thấy một thanh niên khoảng 20 tuổi đang đứng lớ ngớ trước đầu xe. Anh lao tới, nắm cổ áo hắn, giật giật, gầm lên: “Mày muốn chết hả?” Tay thanh niên tỉnh bơ đáp lại: “Bộ ông tưởng tôi muốn sống à?”
Nhưng anh sẽ không bao giờ làm vậy. Anh không chấp nhận sự điên rồ dưới bất kỳ biểu hiện nào, dù anh hiểu rằng không ai tự mình dấn bước vào một cơn điên, mà ngược lại cơn điên nó len lỏi và bất ngờ chiếm ngự hoàn toàn tâm trí người ta. Chỉ có kẻ điên mới không sợ đau đớn. Và có thể nói, chàng thanh niên kia đã chết thực sự, vì đã mất hết cảm giác, cảm xúc trước lúc lao vào đầu chiếc xe tải kia. Nghĩ đến đây anh mới chợt nhận ra cái ông nhà văn hiện sinh Camus có vẻ cũng không bình thường khi triết lý rằng vấn đề hệ trọng nhất của con người là “tự tử hay không tự tử”. Ông ta dường như quên rằng, chỉ một khoảnh khắc ông bị con muỗi nhỏ xíu cắn vào cánh tay lực lưỡng của mình, bản năng ông đã dồn hết sức mạnh vào lòng bàn tay để đập chết con muỗi, đã hư vô hóa… cái đau, mà cách nào đó có thể coi là biểu tượng cho cái chết mới bắt đầu manh nha.
Nhưng nói gì thì nói anh định không sống nữa, chỉ đơn giản vì anh chẳng còn thấy mình có ích với ai cả, chẳng còn mối dây liên lạc thiết yếu với ai nữa cả.
Bây giờ, theo thường lệ, anh đi rửa mặt, súc miệng, tắm táp, cạo râu. Có thể không làm vậy được không? Không. Không thể mang cả cái thân thể nặng nề, nhớp nháp sau một đêm ngủ chập chờn mộng mị ma quái này ra mở cửa để tiếp bà bán ve chai. Phải rồi, khoảng từ 8 giờ đến 9 giờ sáng nay, theo hẹn một lần vào chủ nhật cuối mỗi tháng, bà bán ve chai sẽ vào phòng anh thu dọn đống báo cũ, sách cũ, vỏ lon, chai, và các thứ linh tinh. Anh sẽ phải giúp bà một tay. Còn nửa tiếng nữa bà ấy sẽ tới. Nếu vì lý do gì đó phải đến trễ, chẳng hạn vì kẹt một hai vụ mua bán ngon lành bất ngờ dọc đường từ tầng một lên đến tầng sáu này, bà sẽ nhắn tin hoặc gọi điện thoại cho anh. Rất đàng hoàng. Bà bán ve chai đàng hoàng và lương thiện! Có thể cảm nhận được sự lương thiện như một vầng hào quang toát lên quanh bà. Hoặc sự hiện diện đơn độc của bà tỏa ra chung quanh một không khí lương thiện. Những kẻ chen chúc nhau trong các công sở, công ty không thể “tỏa hương” như vậy được. Họ từng giờ từng phút di chuyển chậm chạp nặng nề trong một guồng máy, và mỗi người thấm ướt khắp người mình một thứ dầu nhớt quan liêu quái đản giúp họ trơn tru với nhau, bao bọc lấy nhau, thúc đẩy nhau, và nếu chẳng may có kẻ nào mới xuất hiện và chưa kịp thấm thứ dầu nhớt cộng sinh đó, hắn ta sẽ bị đẩy ra ngoài như một người khách lạ không mời mà đến. Anh là kiểu khách lạ đó, đi đến đâu cũng bị đẩy ra, trật chìa. Khi rời một cơ quan nhà nước với quá nhiều ràng buộc mất tự do, anh hy vọng tìm được một chỗ làm dễ thở hơn ở các công ty tư nhân. Nhưng anh đã lầm. Những kẻ tập tành học đòi làm ăn theo kiểu tư bản, chạy theo thị trường chỉ thở ra sự man rợ của con thú sổng chuồng đi lạc vào phố xá. Như người ta thường nói, “con thú có thể đã rời khỏi rừng, nhưng bản năng rừng rú chưa rời bỏ con thú”. Anh lúc nào cũng có cảm giác mình đang bị săn đuổi hay sắp bị nuốt chửng tới nơi vào cái miệng lông lá gang thép kia, hay cặp vú cả miệng nọ.
Anh định không sống nữa. Một ý định lớn lên từng phút rất mãnh liệt, nhưng kỳ lạ là nó không thúc đẩy thành một hành vi nào cụ thể. Anh không biết làm thế nào thực hiện ý định đó, hay nói cách khác, làm thế nào để không sống nữa, ngay lập tức, vì mỗi lần nghĩ tới điều đó, bóng tối hư vô tràn khắp linh hồn anh, và mọi vật linh tinh trong căn phòng độc thân của anh bỗng trở nên xa lạ, như ai mới quẳng vào đây, không rõ công dụng của chúng là gì. Nhưng rồi anh hiểu vì sao. Anh không còn sức lực nữa. (Một bức thư ai ném qua khe cửa, rớt xuống nằm cạnh đôi giày nâu, sáng giờ anh vẫn chưa buồn đến nhặt lên.) Anh không đủ sức thực hiện ý định đó, cũng như không đủ sức đẩy lùi sự lan tràn âm u của ý định đó. Cái anh thiếu là sức mạnh thể chất và tâm lý. Anh đã từng ngạc nhiên không hiểu vì sao có kẻ hết ngày này qua ngày khác viết lên, thốt ra những ý tưởng phản kháng cuộc đời một cách quyết liệt mà không kiệt sức, hay, không biến thành Nietzsche? Những kẻ đó có gì đó giống anh chàng Sisyphe dễ thương cứ hì hục đẩy tảng đá lên, vừa chớm đến đỉnh núi anh ta trượt tay, tảng đá lăn quay cuồng trêu ngươi xuống chân núi, anh lại lủi thủi đi bộ xuống để bắt đầu đẩy nó lên lại từ đầu. Sisyphe là tất cả chúng ta. Nhưng Sisyphe chắc chắn không phải là thằng khốn nạn mới hôm qua còn nhìn anh như một quái vật vì anh không biết kê khai cho đầy đủ, hợp lệ chứng từ thanh toán. Anh đứng trước mặt hắn, không nói nên lời, chợt thấy Kafka nói cấm có sai: guồng máy công sở - quan liêu - tha hóa - xa lạ - đuổi bắt… Vâng, những từ khóa để hiểu tiểu thuyết Kafka và hiện hữu cá thể Trung Âu một trăm năm trước. Bây giờ những từ khóa và những ổ khóa khổng lồ đó tái hiện sinh động hơn nhiều. Hạng người như anh Kafka gọi là gì nhỉ? À, một gã K nào đó bị chén mất bữa điểm tâm dành riêng cho mình ngay trong phòng mình và sau đó bị điệu đi không vì nguyên cớ gì rõ ràng cả. Camus gọi là kẻ xa lạ, kẻ đứng bên lề. Vì trú xứ của mình đã bị chiếm mất. Sisyphe không phải là hắn. Sự tồi tệ của hắn anh không thể nào nắm bắt được bằng ngôn ngữ, vì cặp mắt soi mói của hắn cùng vẻ mặt láng bóng thỏa thuê trơn tuột đánh rớt mọi cái nhìn từ ai khác của hắn. Anh có thể dùng chữ “dễ dàng như trở bàn tay” để nói về âm mưu và sự thân thiện của hắn, lật qua là âm mưu, lật về là thân thiện, dẫu vậy rất ít khi hắn chịu lật về. Nhưng thật ra mấy từ đó đâu có nói lên được gì bản chất của hắn. Nhưng sao sáng nay anh lại bực dọc về hắn? Sao không khoan dung cho hắn để lòng mình bình yên?
Anh cúi xuống nhặt lá thư lên, cảm thấy cái lưng của mình cong oằn rõ rệt. Một cái thiệp cưới. Thôi, đơn giản là không đi hoặc tìm cách gởi phong bì đến. Anh lơ đãng mở ra. Đám cưới con gái của thằng bạn. A, thằng bạn này là một khối bức xúc chực bùng nổ, và bùng nổ thường xuyên, gây sát thương ngay cả những ai kề cận hắn. Hắn gần như điên loạn, cắt xẻo chính bản thể mình từng ngày qua con dao chữ nghĩa. Bài thơ nào cũng nhiều náo động, nhưng không như người ta tưởng có thể làm nó nguôi khuây, trái lại, anh đọc thấy từng bài thơ là từng hành vi tự thương, tự đánh đắm mình vào chỗ đau buồn, mệt mỏi. Nhưng lạ lùng sao những đứa con của hắn! Đứa nào cũng hiền lành, giỏi giang, đứa con gái tốt nghiệp trường Y, thằng con trai tốt nghiệp Bưu chính Viễn thông, toàn những ngành nghề danh giá trong xã hội. Anh từng nghe nói những đứa con chỉ có thể lớn lên tự tin và thành công nếu được cha mẹ yêu thương đằm thắm. Yêu thương chứ không phải chăm ẵm. Chắc thằng bạn anh là một bậc làm cha mẹ như vậy. Hắn đâu có gì để chăm ẵm con cái. Nhưng ngược lại, không phải vì như thế nên chỉ còn biết cách yêu thương. Khi phóng cái nhìn ra ngoài, ánh mắt hắn dữ dội. Còn khi quay nhìn những đứa con, hắn trìu mến tột bực, một cách tự nhiên. Chỉ lạ một điều là hắn không buồn liếm những vết thương của hắn, nhưng hắn lại cứ hồi hộp lo sợ có điều gì không may xảy đến với con mình. Không chút mặc cảm với hàng đống đổ nát trong tâm hồn và trên đường đời, hắn lặng lẽ yêu thương các con mà không kéo các con vào chung một viễn tượng bao trùm cha chú. Thứ bảy tuần sau. Anh sợ một tuần là quá dài để một nỗi tin yêu tha thiết không bị lay đổ. Nhưng anh hình dung thấy khuôn mặt hồn nhiên ngu ngơ của thằng bạn giữa đông người. Mất một hồi lâu anh mới có thể tưởng tượng có anh trong đám đông đó.
Anh có ý định không sống nữa. Chính xác là từng chữ như thế rạch từng vệt rành mạch trong đầu anh từ hôm qua. Có đúng thế không? Cả tối hôm qua đầu óc anh trống rỗng, và một trận bóng đá không gay cấn (nghĩa là không có đội bóng Chelsea hay Real Madrid ưa thích và những đối thủ đáng ghét MU hay Barcelona) khiến anh muốn kiệt sức. Trưa hôm qua, trong căn phòng nóng bức này (chiếc quạt máy để dưới đất chỉ đủ làm mát những cái chân của hai người, chứ không đủ làm mát hai cái đầu chất chứa những ý nghĩ tan nát về nhau) và trong tiếng piano không dứt chuỗi sonatas của Beethoven anh và nàng gặp nhau lần cuối. Thật ra họ đã chính thức chia tay từ lâu. Nàng đến để lấy lại những bộ quần áo và những thứ linh tinh dành cho phụ nữ. Cuối cùng, anh đã nói một câu ngu ngốc rằng “hai đứa mình phải chia tay nhau thôi, vì em không quên được chồng em, còn anh thì không quên được vợ. Chúng ta sẽ không làm phiền nhau nữa.” Anh cứ thích ăn nói màu mè đại loại như vậy với nàng. Lẽ ra nếu muốn tỏ ra sâu sắc hơn, anh phải nói rằng chính âm nhạc Beethoven vang lên giữa khung cảnh ấy mới là nguyên cớ tối hậu. Nó xác nhận anh bị vây bủa bởi chính tâm hồn mình, không thoát ra được để đến với nàng trọn vẹn. Và quả nhiên nàng bĩu môi, quay bước đi ra khỏi nhà, vội vã đến mức đạp cái chân giày cao gót lên chân trần anh đau điếng, anh “á” lên khiến nàng quay nhìn nhưng không biểu lộ điều gì, thản nhiên đẩy cánh cửa sập lại, không quá mạnh nhưng không như bao lần, trước mặt anh. Trong khoảng gần một giờ trong căn phòng mà mấy năm qua nàng đã sắp xếp lại mọi không gian - đồ vật và bắt anh phải làm quen với chúng, nàng di chuyển như một nhà vận trù học từ chỗ này đến chỗ kia, lấy cái này cái nọ, thu xếp lại những gì xáo trộn do tác động lấy đi - tháo gỡ của nàng gây ra. Chính xác và gọn gàng. Anh đọc thấy sự dứt khoát tư tưởng trong mỗi cử chỉ của nàng. (Không phải phim ảnh đã dạy cho anh ít nhiều về tâm lý học đó sao?). Đôi lúc, cặp mông ngon lành và cái eo yêu kiều đập vào mắt anh khi nàng làm một việc gì đó phải quay lưng về phía anh khiến anh phải nén tiếng thở dài. Khi nàng cúi xuống nhặt mấy mảnh rác trên sàn nhà, khuôn ngực ngọt ngào sáng lên với một hai giọt mồ hôi lấm tấm không phải mời gọi anh mà là nhắc nhở anh bài học về sự vô thường của cái đẹp, không phải cái đẹp sẽ tàn tạ, không, cái đẹp như thế này sẽ còn mãi, mà là sẽ có một kẻ chiêm ngắm khác thay thế anh. Mâu thuẫn không thể giải hòa giữa anh và nàng là gì? Hình như là quá nhiều nhưng lâu nay anh vẫn tưởng đó là gia vị, là chất kích thích của cuộc sống và tình yêu và tình dục. Chẳng hạn, anh nghĩ mình đã và đang chìu chuộng nàng. Anh từng nói rõ với nàng là anh sẽ “chìu” em (chứ không phải “chiều”, dù hai từ có thể đồng nghĩa) đến những đường cong nhỏ nhất, thì bây giờ nàng bảo đó là sự cẩn thận chi li đến tàn nhẫn của một kẻ lái buôn đam mê đếm những đồng xu của mình. Sao lại có thể có được một ý tưởng như vậy nhỉ? Hoặc, khi nàng kể lể về bi kịch của mình những ngày đầu tiên sau ngày chồng mất, anh xua tay bảo nàng thôi đi, anh không chịu được, vì quả thật anh không chịu được những gì liên quan đến máu (anh sẽ xỉu khi thấy máu, ngay cả trên màn ảnh), anh không chịu được sự khốn khổ và tuyệt vọng và bạo động, cũng có nghĩa là anh chia sẻ với nàng tận bản thể yếu đuối của anh, thì bây giờ nàng bảo anh không biết lắng nghe. Thật là khó hiểu. Anh muốn điên lên không phải vì sự hiểu lầm của nàng, mà vì thực ra những điều nàng nói chất chứa những ý nghĩa lạ lùng không dò la dấu vết được. Hồ như chúng thoát thai từ bao la đêm tối của bản năng và tâm hồn nàng. Như người ta thường nói, thế giới của Eva. Hay từ một cõi âm u còn mênh mông dày đặc bội phần chia đều cho những kẻ mặc cảm? Nhưng nàng đâu có mặc cảm gì với anh. (Nàng có thể không hồn nhiên yêu anh thôi. Hai điều đó có khác nhau không?). Nàng thấy rõ anh có một thế giới riêng và đếch thèm để ý tới. Giống như một kẻ nhập cư nghèo mà không hèn vô tư đi ngang qua một tòa nhà tráng lệ giữa Sài Gòn, và lơ đãng như không khạc một bãi nhỏ xuống vỉa hè láng bóng. Rồi đi tiếp. Bỏ quên hoàn toàn sau lưng cái việc bậy bạ mình đã làm đó. Không vương vấn. Chứ không như một tay nhập cư khác vừa nghèo vừa hèn, vừa khó chịu vì không dám khạc cái miếng nhầy nhụa trong cổ họng của mình ra vừa có ham muốn tột đỉnh là vênh mặt bắn thẳng cái viên đạn hào sảng của mình vào những biểu tượng của thời hiện đại giăng mắc trước mặt. Hắn đang căng thẳng giữa đường biên. Bên này đường biên, hắn chỉ cần dừng lại là yên tâm, bài đồng dao đang chờ hắn hòa giọng, và khẩu phần chơi và sống hoang sơ thiếu thốn của hắn lúc nào cũng còn đó. Nhưng chẳng lẽ lại yên phận như vậy? Bên kia đường biên cũng không còn quá bí mật, nhưng bước qua đó là cả một cuộc phiêu lưu bất trắc và tuồng như vô phương nữa. Nhưng chẳng lẽ tự đánh mất căn cước tinh thần Rousseau của mình vào cái thế giới văn minh điên loạn này? Khổ nỗi cái trạng thái căng bức giữa đường biên đó không làm khổ hắn (hắn còn đang thủ dâm khoái trá với một đống tư tưởng lộn xộn của mình), mà làm khổ người khác. Vì đột nhiên hắn không nói gì với ai nữa. Hắn im lặng. Hắn thở ra toàn mùi thuốc súng. Lâu lâu nói ra vài câu mang vẻ cách ngôn còn khó hiểu hơn Zarathoustra, tuyệt mật hơn Sphinx. Zarathoustra khi xuống núi có uốn éo không? Sphinx khi chặn những người cổ đại Hy Lạp (sau cùng là anh chàng Oedipe) đi qua ngọn đèo hoang vu đó có uốn éo không? Hình như không. Vì ngôn ngữ của vị tiên tri và con nhân sư này đã quá uẩn khúc quanh co rồi. Nhưng hắn thì uốn éo. (Nàng chiếm đoạt tâm hồn anh ngay lần đầu tiên bằng sự uyển chuyển của cả dáng điệu và tinh thần, từ đó anh thường hình dung cách xuất hiện ở đời của người này người kia bằng những chuyển động: thẳng, tròn, dích dắc, xoắn ốc, ngang như cua…). Cái tư thế tinh thần uốn éo của hắn được dệt nên bằng sự im lặng làm bộ làm tịch chứ không phải sự im lặng của bà gia sư người Anh (Jodie Foster) làm điếc tai quân vương Thái Lan (Châu Nhuận Phát) trong phim “The King and I” và sự uốn éo của những con chữ co rút lại như bàn tay mắc bạo bệnh.
Tình thế tuyệt vọng đến mức như không khí trong phòng đã bị rút hết theo nàng từ hôm qua chỉ còn những làn hơi mỏng manh thoát ra từ lá phổi yếu ớt của anh là khi anh xâu chuỗi một vài sự kiện và biết rằng nàng sắp ngã vào vòng tay của một kẻ như vậy. Và ngay tức khắc anh hình dung dễ dàng nàng cùng với người đàn ông uốn éo vào nhau thành một con rắn. Nhìn kỹ hơn anh thấy con rắn mang hình dáng và chuyển động của hắn. Vậy là hắn đã nuốt nàng vào bụng mình. Quả là một bữa no nê cho hắn, vì lâu nay hắn phải cắn cái đuôi của mình mà sống qua ngày.
M.S
Hình từ phải qua: Trần Lê Sơn Ý, Mai Sơn, Hoàng Dũng, Ý Nhi,
Nguyễn Thị Khánh Trâm, Lê Học Lãnh Vân và Nguyễn Viện
Ns Tuấn Khanh, Nt Trần Tiến Dũng, Nv Nguyễn Thị Từ Huy,
Nv Vũ Thành Sơn, Nv Nguyễn Viện & Nv Mai Sơn
Dg Mai Sơn, Dg Pham Nguyên Trường, Gs Hoàng Dũng,
Nv Nguyên Ngọc, Nt Hoàng Hưng, Nt Phapsa Chan
Nguyễn Tấn Cứ & Mai Sơn
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.