Dương Thụ
(10/2/1943 - .....) Hà Nội
Nhạc sĩ
Nhạc sĩ
Thể loại Nhạc nhẹ, Pop, Soul
Ca khúc tiêu biểu:
Cho em một ngày, Vẫn hát lời tình yêu, Mặt trời dịu êm, Hơi thở mùa xuân, Tháng tư về, Phố mùa đông, Họa mi hót trong mưa, Nghe mưa, Gọi anh, Lời tôi ru, Em đi qua tôi
Cho em một ngày, Vẫn hát lời tình yêu, Mặt trời dịu êm, Hơi thở mùa xuân, Tháng tư về, Phố mùa đông, Họa mi hót trong mưa, Nghe mưa, Gọi anh, Lời tôi ru, Em đi qua tôi
“ "Tôi giấu các bài hát của mình nhưng giấu mãi không được.
Có người nói âm nhạc của tôi có chút gì đó giống Phạm Duy mà Phạm Duy thì chỉ có một nên tôi xấu hổ lắm. Mọi người cứ hỏi tôi viết nhạc theo phong cách gì, tôi nói mình chẳng có phong cách gì. Nhạc của tôi có chút gần với cổ điển, một chút gần với dân gian và một chút gần với nhạc nhẹ.
Vì thế, giới trẻ có thể thích, nông dân cũng nghe và những người có học vẫn thưởng thức. Tôi có một chút trong 3 thứ đó nhưng không phải là cả 3. Tôi gọi nó là kiềng 3 chân để tạo nên một Dương Thụ." ”
Có người nói âm nhạc của tôi có chút gì đó giống Phạm Duy mà Phạm Duy thì chỉ có một nên tôi xấu hổ lắm. Mọi người cứ hỏi tôi viết nhạc theo phong cách gì, tôi nói mình chẳng có phong cách gì. Nhạc của tôi có chút gần với cổ điển, một chút gần với dân gian và một chút gần với nhạc nhẹ.
Vì thế, giới trẻ có thể thích, nông dân cũng nghe và những người có học vẫn thưởng thức. Tôi có một chút trong 3 thứ đó nhưng không phải là cả 3. Tôi gọi nó là kiềng 3 chân để tạo nên một Dương Thụ." ”
Dương Thụ sinh ngày 10 tháng 2 năm 1943, là một nhạc sĩ đã đi vào đời sống của âm nhạc Việt Nam đương đại với những tình khúc êm ái, nhẹ nhàng, ca từ tinh tế và tình cảm. Những sáng tác của Dương Thụ khúc chiết, trữ tình, có phong cách riêng độc đáo không thể lẫn lộn, mang hơi thở của âm nhạc hiện đại nhưng vẫn phảng phất âm hưởng của âm nhạc truyền thống dân tộc và những sáng tác ấy đã trở nên vô cùng quen thuộc với khán giả Việt Nam từ những thập niên 80 - 90 trở lại đây. Ông còn có các bút danh khác: Trần Xuân Nam, Vân Đình, Ái Nhạc.
Những nhạc phẩm của Dương Thụ luôn đón nhận được sự yêu thích của khán giả và tạo được dấu ấn riêng. Có nhiều ca sĩ đã từng thể hiện những sáng tác của ông nhưng nhiều nhất và nổi tiếng nhất vẫn là Thanh Lam và Hồng Nhung.
Tiểu sử
Dương Thụ sinh năm 1943 tại thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, thuộc gia tộc họ Dương danh giá có hai cụ cố đỗ tiến sĩ triều Nguyễn và làm quan nhà Nguyễn: Dương Khuê và Dương Lâm tức 'cụ Thiếu Vân đình'. Ông là cháu họ nhạc sĩ của Dương Thiệu Tước và Giáo sư Tiến sĩ Dương Thiệu Tống. Do sinh ra trong gia đình địa chủ, nên trong cuộc cải cách ruộng đất, gia đình ông đã li tán, do đó ông phải tự mình kiếm sống để đi học.
Trong những năm cấp 3, ông học piano với gia đình nghệ sĩ Thái Thị Sâm tại trường âm nhạc tư thục của cụ Lưu Quang Duyệt ở Hà Nội. Năm 1965, ông tốt nghiệp Khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó đi lên dạy học cấp 3 ở Tuyên Quang. Sáng tác đầu tiên của ông được biết tới là Nhớ làng xưa, được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1962.[1]
Năm 1972, ông thi đỗ vào Khoa Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội (cùng đợt với Nguyễn Cường và Trần Tiến), tuy nhiên do những rắc rối về hành chính nên năm thứ hai Đại học ông phải trở về Tuyên Quang làm giáo viên dạy Văn tại trường Thanh niên Lao động XHCN Tuyên Quang (Nay là trường THPT ATK Tân Trào thuộc huyện Sơn Dương)
Năm 1978, ông chuyển vào miền Nam, làm Giảng viên khoa lí luận Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1982, ông chuyển sang hoạt động âm nhạc chính thức, vừa sáng tác vừa chỉ đạo nghệ thuật cho nhiều đoàn biểu diễn, rồi làm biên tập cho Nhà xuất bản Âm nhạc và Ðĩa hát Việt Nam, Tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Vào thập niên 1990, những sáng tác của ông bắt đầu được công chúng biết đến và đón nhận. Hàng loạt ca khúc của ông được phát trên sóng phát thanh truyền hình, xuất hiện trong nhiều chương trình, băng đĩa, được rất nhiều ca sĩ thể hiện như Lệ Quyên, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Bằng Kiều,... Tháng 6 năm 2005. Theo ông chia sẻ: "Hồng Nhung là người hát nhạc của tôi hay nhất (Album Bài hát ru cho anh, Ngày không mưa, Khu vườn yên tĩnh)", sau đó là Mỹ Linh. Nhiều ca sĩ trẻ được ông kỳ vọng là Khánh Linh, Nguyên Thảo,... Chương trình "Con đường âm nhạc số 2" mang tên "Im lặng" đã được tổ chức để vinh danh ông.
Người bạn đời của ông là Phạm Thị Thu Thủy, nữ phóng viên Báo Thể thao & Văn hóa.
Đánh giá về Dương Thụ
“ Dương Thụ là nhạc sĩ có cảm xúc trước, có nhạc lý sau. Hình như một ngày nào đó, anh phát hiện ra có thể dùng âm nhạc làm công cụ. Chỉ đơn thuần công cụ thôi, anh không tha thiết với việc lau chùi và đánh bóng nó, khác hẳn với kẻ keo kiệt lau chùi sợi dây chuyền vàng. ”
— Lê Hoàng [2]
“ Ưu điểm lớn nhất của Thụ, cũng theo tôi, là anh có cái nhìn trẻ thơ trong sự vật. Anh mở mắt to tròn nhìn Chim họa mi trong khi kẻ khác ở thế hệ anh giương mắt nhìn đại bàng hay nhìn quạ. ”
— Lê Hoàng [2]
“ Và cũng là Hà Nội cho ông một con người của... vỉa hè. Dương Thụ yêu vỉa hè Hà Nội, yêu cuộc sống bình dị của Hà Nội. Mỗi khi trở về, việc đầu tiên Dương Thụ làm sau khi xuống khỏi máy bay là đến một quán nước vỉa hè để ngồi, uống nước và hút thuốc lào. Dương Thụ khoe, ông biết nhiều người bán nước vỉa hè và nhiều chủ quán vỉa hè cũng không còn lạ mặt nhạc sĩ. Và những sáng tác của Dương Thụ về Hà Nội đều là những gì bình dị, của gió sông Hồng thổi, của áo len cài vội, của cánh hoa đào vội phai... ”
— Gia Vũ [3]
“ Lý giải về sự yêu mến của công chúng dành cho âm nhạc của mình, nhạc sĩ Dương Thụ cho biết: "Âm nhạc của tôi có bóng dáng của âm nhạc dân gian, nhạc trẻ và cả nhạc thính phòng. Nhưng cuối cùng không là dòng nào trong số đó. Mỗi người yêu âm nhạc của tôi vì tìm thấy một thể loại người ta thích. Nông dân thích nhạc của Dương Thụ vì chất dân gian, người trẻ thích nhạc của Dương Thụ vì nó trẻ trung, có tiết tấu và trí thức thích nhạc của Dương Thụ vì có chất thính phòng". ”
— Dương Thụ
Hà Nội rất đời thường trong Dương Thụ:
“ "Tôi yêu Hà Nội vỉa hè. Mỗi lần ra đây tôi thích được sà vào hàng nước, uống nước trà, nói chuyện với những người bán nước, bán hoa quả. Hà Nội cứ tự nhiên vào trong tôi như thế. Tôi không có cái hào hoa của người Hà Nội mà có chút chân thành, bình dị của người lao động." ”
— Dương Thụ
Nhạc
Bài ca tuổi hai mươi
Bài hát buồn
Bài hát ru cho anh
Bài hát ru mùa đông
Bài hát ru mùa hè
Bài hát ru mùa thu
Bài hát ru mùa xuân
Bài hát ru ngày nắng
Bây giờ biển mùa đông
Bay vào ngày xanh
Biển ngày mưa
Bóng tối ly café
Ca dao đêm Giáng Sinh
Cầm tay mùa hè
Có thấy tôi tuổi 15
Cửa sổ mùa đông
Ðánh thức tầm xuân
Để tôi lắng nghe
Ðưa mưa trở về
Điều còn mãi
Đi về cuối biển
Giọt sương
Gửi mùa đông
Hầm sâu đưa võng ru con
Hương cau
Hy vọng
Hơi thở mùa xuân
Im lặng
Lại gần bên em
Lắng nghe mùa xuân về
Lời tôi ru
Mây trắng bay về
Mơ về mẹ
Mong về Hà Nội
Ngày mưa hãy đến với em
Nhớ làng xưa
Ô kìa nắng
Ở lại mùa đông
Ru trưa
Suối và cỏ
Tìm em 36 phố phường Hà Nội
Tiếng mưa để lại
Tiếng nước róc rách
Tiếng sóng
(Ru em bằng tiếng sóng)
Ước muốn
Tháng tư về
Vườn gió
Trở về
Tiếng võng
Xa xăm
Văn
Cà phê... mưa
CÀ PHÊ … MƯA
Tản văn của Cà phê và Sách
Viết nhân đọc tập tản văn “Cà phê … mưa” của Nhạc sĩ Dương Thụ
Cà phê – Mưa – Dương Thụ, với tôi, nếu cộng gộp lại sẽ tạo thành một lời mời gọi vô cùng tự nhiên và quyến rũ. Vì thế, tôi hoàn toàn “fall in love” tập tản văn này ngay khi gặp trong nhà sách. Và, như bao lần “ôm” được cuốn sách đúng gu, tôi say sưa nhấm nháp từng trang, từng trang suốt đêm qua.
Trời ơi, không thể nào diễn tả được đâu. Cảm giác cuộn mình trong chăn đọc “Cà phê … mưa” vào một đêm mưa giữa mùa mưa Sài Gòn sao mà giống hệt cảm giác được ngồi thưởng thức một tách cà phê nâu đậm – sóng sánh – nồng nàn bên người đàn ông mình yêu thương và tin cậy trong đêm Giáng Sinh ở Đà Lạt. Sự ngây ngất ấy chiếm lĩnh mình một cách dịu dàng và xao xuyến lạ, từ từ, từng chút một, làm mình khép mắt lại và thả lỏng bản thân, rồi êm đềm trôi vào cơn mơ nào đó trong tiếng mưa tí tách, rì rào. Và … lại thấy tâm hồn mình bỗng như một mảnh đất khô cằn cựa mình hồi sinh sau cơn mưa. Và … những nỗi nhớ nhung biến thành hạt mầm đồng loạt đâm chồi nảy lộc trên mảnh đất hồi sinh ấy.
Nhưng, “Cà phê … mưa” cũng như mọi cốc cà phê khác trên đời này, đều để lại vị đắng thật lâu khiến tôi phải nghĩ ngợi, và day dứt.
Tôi nghĩ ngợi, vì liệu tôi có thực sự đang sống và được sống một cách đúng nghĩa trong cái thời đại mà theo cách nói của Dương Thụ là “tất thảy mọi người như đang tham gia vào một cuộc đua 100m đến cái đích THÀNH ĐẠT”?
Tôi day dứt, vì hình như không chỉ Dương Thụ biết đừng nghĩ suy quá vội, đừng sống quá vội, vẫn còn đó những ước mơ đẹp đẽ khác để ta theo đuổi chứ không chỉ có “cuộc đua 100 mét” kia. Tôi cũng biết điều đó. Và nhiều người khác cũng biết điều đó. Vậy tại sao tất cả những xói mòn về niềm tin, những mất mát về tình yêu, những giá trị về đạo đức cứ “chết dần khi còn đang sống” vẫn đang ngày ngày diễn ra trong sự thở than, nuối tiếc nhưng thờ ơ và bất lực?
VIẾT TRONG MƯA
Trích “Cà phê … mưa” – Dương Thụ
Tôi không có áo mưa, nên trốn mưa trong một quán nhỏ.
Cà phê mưa, chỉ có mình tôi cùng dãy bàn im lặng, và có lẽ cả hàng triệu giọt mưa nữa, ngoài kia. Chúng đang rơi để tạo nên tiếng đàn mưa, trên mái phố nghèo.
Cô bán quán ngán ngẩm vì trời mưa, nên tắt nhạc. Thế là thoát nạn. Bây giờ chỉ còn thứ âm nhạc thật sự, thứ âm nhạc tinh khiết của trời đất: nhạc mưa.
Nhạc mưa có nhiều bè. Tiếng mưa gần xối bên hiên quán dào dạt, tiếng mưa xa ầm ào mơ hồ, và tiếng mưa rỏ giọt xen vào đếm nhịp trong chiếc xô nhôm cô chủ quán vừa đem ra hứng nước…
Cả ngày bị cầm tù trong nhạc máy (thứ nhạc được chế tạo từ các phòng thu tối tân ở Hoa Kỳ mang nhãn hiệu hải ngoại, uốn éo, rên rỉ, giả vờ yêu, giả vờ đau khổ). Thoát ra khỏi nó không phải là chuyện dễ. Hàng xóm, hễ cứ mở mắt là mở nhạc, nghe. Nhào ra ngoài đường đâu cũng có nhạc, nghe. Chui vào quán để làm việc, nghe. Đến nhà bạn, chị vợ tức tốc bật nhạc để khoe dàn máy xịn, phải nghe! Ôi… cho nên tôi phải thầm cảm ơn mưa. Cái im lặng tuyệt đỉnh do âm thanh dữ dội của mưa rơi mang lại đã trả cho tôi phút được trở về mình, được đọng lại cái nội-tâm-người hiếm hoi, vâng, thật hiếm hoi trong thời buổi khuấy động của âm thanh mưu sinh thường nhật.
Tôi sống một mình và hay nhớ những cái vớ vẩn trong những lúc mưa như thế này. Nỗi nhớ ấy có tên là Mưa, nó như một bài hát không lời. Làm sao chuyển dịch được những hạt mưa bé tí vào cái không cùng của tâm tưởng. Làm sao…?
Có lẽ Paul Mauriat đã làm được khi ông soạn cho dàn nhạc bản Transparent.
Và “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi…” của Đặng Thế Phong, có lẽ…
Ta nghe trong những nhạc phẩm ấy nỗi u hoài xa rộng của kiếp người mang tên Mưa và cái cảm hoài về một thời người tủi nhục mang tên Mưa…
Vẫn mưa.
Cơn mưa kéo dài làm lạnh cả buổi chiều, khiến tôi phải thu mình lại trong chiếc áo gió sờn cũ
Mùa thu đến rồi chăng? Kỷ niệm…
Thuở ấy, bạn bè dăm ba người cùng lứa tụ tập trong quán nước đầu phố. Miếng ni lông che quán không đủ cho cả lũ nên mưa thấm ướt vai áo, bắn vào mặt mát lạnh, tỉnh người. Chén chè nóng bốc khỏi ủ trong lòng bàn tay. Khói thuốc lá Tam Đảo bay vào trong mưa, thơm mùi năm tháng cũ. Đãi đằng nhau một chén nước năm xu, một bài hát ru mới làm, vài câu thơ nhặt nhạnh được đâu đó. Chia nhau từng mẩu thuốc đen và cả khát vọng dâng hiến cho nghệ thuật.
Kỷ niệm …
Mưa thì bao giờ cũng thế, không có tuổi, không diện mạo, không lời lẽ. Còn chúng ta, có được những cái để mà nhớ nhung, để mà nhìn ngắm, để mà nói, chúng ta già đi mỗi ngày, có khi già đi chỉ sau một cơn mưa như thế này.
Cô chủ quán lặng lẽ thay chiếc xô đầy nước bằng một chiếc chậu thật lớn.
Nhưng cơn mưa đã tạnh.
Vậy mà nhạc mưa vẫn còn đó trong tiếng nước mái hiên rỏ giọt tí tách …
Mưa đi rồi.
Đi xa rồi.
Mưa để tiếng lại …
Chú thích
^ N.H (17 tháng 7 năm 2010). “Nhạc sĩ Dương Thụ ra mắt…tản văn”. Báo điện tử Dân trí. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2011.
^ a ă Lê Hoàng (Theo Đẹp) (11 tháng 3 năm 2009). “Lê Hoàng 'bàn' về Dương Thụ”. Ngoisao.net. Bản gốclưu trữ ngày 11 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2011. Theo Đẹp
^ a ă Gia Vũ (25 tháng 4 năm 2010). “Liveshow Dương Thụ: Bùi ngùi một vỉa hè Hà Nội”. Báo điện tử VTC News. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2011.
^ a ă Lương Trần (25 tháng 4 năm 2010). “Sâu lắng đêm nhạc Dương Thụ”. Ngoisao.net. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2011.
Tham khảo
Liên kết ngoài
Mỹ Hiền (thực hiện), Nhạc sĩ Dương Thụ: Không ai học được chữ ngờ, Báo Công An Nhân dân, Chuyên đề An Ninh Thế giới và Văn nghệ Công An, cập nhật ngày 06/02/2011, truy cập ngày 13/2/2011.
Những Sáng Tác Hay Nhất Của Nhạc sĩ Dương Thụ
Với Ca sĩ Mỹ Linh
(Nguồn: tổng hợp internet)
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.