Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

Anh Việt Thu (1939 -1975)

 







Anh Việt Thu
Tên thật Huỳnh Hữu Kim Sang
(1939 - 1975)







Anh Việt Thu (tên thật Huỳnh Hữu Kim Sang, 1939-1975) là nhạc sĩ nổi tiếng từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như Hai vì sao lạc, Tám điệp khúc, Người ngoài phố.


Cuộc đời

Anh Việt Thu sinh năm 1939 tại Campuchia, đến năm 1940 thì mới được làm giấy khai sinh tại làng An Hữu, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Tên "Kim Sang" là tên của vị sư thầy tại ngôi chùa Campuchia mà cha mẹ ông đến cầu tự. Trên bia mộ của Anh Việt Thu có ghi pháp danh của ông là Minh Hạnh. Ông là anh cả, dưới còn có ba người em là Phi Long, Phi Hùng và em út Việt Thu, thế nên mới sinh ra bút danh "Anh Việt Thu" với nghĩa là "Anh của Việt Thu". Theo nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh, là người anh trong gia đình nên khi chứng kiến cảnh hai người em trai ly tán người miền Nam kẻ miền Bắc mà nhạc sĩ Anh Việt Thu sáng tác ra ca khúc nổi tiếng "Hai vì sao lạc".

Anh Việt Thu sáng tác rất sớm. Từ năm 1956, ông đã có một số tác phẩm đầu tay như "Giòng An Giang", "Đẹp Bạc Liêu",... Từ đó cho đến lúc qua đời, ông đã sáng tác khoảng hơn hai trăm bài hát.

Bạn bè nhận xét rằng Anh Việt Thu là người ít nói, hiền lành, sống nhiệt thành và có tính nghệ sĩ. Lúc ông dạy nhạc ở Tây Ninh, tuy lương bổng rất khá nhưng do tính nghệ sĩ nên vẫn thường túng thiếu, có lúc đã phải bán cả radio để trả tiền thuê nhà.

Anh Việt Thu qua đời ngày 15 tháng 3 năm 1975 (nhằm ngày 3 tháng 2 năm Ất Mão) tại Y viện Quảng Đông, Sài Gòn do bệnh hoại thận. Ông được đưa về quê án táng tại nơi mà ngày nay thuộc xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.



Sự nghiệp âm nhạc

Niên khoá 1958-1959, Anh Việt Thu là trưởng đoàn văn nghệ Tổng hội Sinh viên Quốc gia.

Năm 1963, ông đã làm luận án về âm nhạc học tại nhạc viện Tōkyō (Nhật Bản) và sau đó đỗ tốt nghiệp hạng ưu tại Trường Âm nhạc Quốc gia Sài Gòn khóa đầu tiên.

Năm 1964, ông về Tây Ninh dạy nhạc cho Trường Nam Trung học Tây Ninh (nay là Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo).

Từ năm 1965 đến năm 1966, ông thành lập đoàn Du ca Phù Sa gồm ông, Anh Việt Thanh, Hà Phương, Phạm Minh Cảnh, hát từ Cần Thơ ra đến Huế.

Năm 1966, ông là huấn luyện viên các khóa huấn luyện Thanh Ca Tác Động do Bộ Thanh Niên tổ chức tại Sài Gòn, cùng với Đỗ Quý Toàn, Nguyễn Đức Quang, Phương Oanh, Nguyễn Thanh, Ngô Mạnh Thu,.. Khóa sinh do Ty Thanh Niên ở các tỉnh tuyển chọn và đưa về dự. Đây tiền thân của Phong trào Du ca Việt Nam.

Trong các năm 1966 - 1968, ông được Đài Vô tuyến Việt Nam mời về làm chương trình Phù Sa và Tuần báo văn nghệ truyền thanh. Sang năm 1971, ông có riêng chương trình Giờ âm nhạc Anh Việt Thu trên Đài Vô tuyến Truyền hình Việt Nam (VNCH)

Giai đoạn 1972 - 1973, Anh Việt Thu hợp tác với hãng Đĩa hát Việt Nam thực hiện một số băng nhạc cổ vũ tín hiệu hoà bình từ Hiệp định Paris (1973).

Về cuối đời, ông làm việc tại Phòng Văn nghệ Đài phát thanh quân lực Việt Nam Cộng hòa

chung với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và Phạm Minh Cảnh


.
Hình chụp năm 1968, lúc xuất bản tuyển tập 8 tình khúc Anh Việt Thu.Lời cuối


Viết về Tuyển tập 8 tình khúc Anh Việt Thu - Mùa xuân đó có em (1968):
“ Trong giây phút chờ đợi ấn hành, tác giả xin dành lại sự quyết định sau cùng, có thể bán hoặc cho không từng bài hay xoá bỏ tất cả những bài hát trong tuyển tập này và xin xem như không có tác giả trong cái xô bồ của làng nhạc ở đây nữa. Trân trọng xin giới thưởng ngoạn nghệ thuật đón nghe và đón xem nhưng đừng đợi chờ. Lời cuối cùng là lời chân thành cảm tạ và có thể là lời tạ từ bởi chăng, sự an nghỉ là linh dược của người điên. Để từ đó, tác giả yêu Phạm Công Thiện và thương Nguyễn Đức Sơn vô cùng.... ”

— Anh Việt Thu
Lời trần tình

Mùa xuân đó có em
“ ...Là bài tình ca mang bóng dáng những khuôn mặt người yêu và bạn bè. Là những bài hát đã viết trong suốt quãng đời tuổi trẻ xem như những đoá hoa cỏ dại rải rác bên đường... ”
— Anh Việt Thu




Tác phẩm
Danh sách ca khúc

Những ca khúc in đậm là những ca khúc viết trong khoảng thời gian 1956 - 1958.

Anh còn gì cho em
(1966)

Bài ca dao đầu lòng

Bài thơ mái lá
(Anh Việt Thu - Anh Thế Quế)

Bảy màu vang
(1966, thơ Trường Anh)

Buồn thu nhỏ
(1962)

Cho tình yêu chúng mình
(1970)

Có tiếng ai cười
(với Lâm Mộng Giang)

Cuốn theo chiều gió
(1966)

Chân dung
(1966)

Dấu chân chim

Đa tạ
(1966)

Đàn tím
(thơ Tạ Tỵ)

Đẹp Bạc Liêu
(Anh Việt Thu - Anh Thế Quế)

Đêm xuống thấp

Đi về phía mặt trời

Đường chân trời
(1970)

Đường chúng ta đi

Đường này anh về đâu

Đường về miền Nam

Gánh lúa ban chiều

Gió về miền xuôi
(1967, thơ Thiên Hà)

Giòng An Giang

Hai vì sao lạc
(1966)

Lời phủ dụ từ tâm

Lời ru tiếng nhớ
(hay Cho tôi sống lại một ngày, 1968)

Máu chảy về tim
(1971)

Mình nhớ nhau không
(1970)

Một mai mai một
(1966)

Một mình thôi
(lời Thanh Tâm)

Một sớm lên đường

Mùa vui mới

Mùa xuân đó có em
(1969)

Mùa xuân hát cho em 
Thơ: Cao Tiêu)

Mưa Cẩm Giang
(thơ Trường Anh)

Mưa đêm nay
(1966, thơ Trường Anh)

Ngày lên cao
(1966)

Ngược dòng Cửu Long

Người bạn tình xưa
(1971)

Người ngoài phố
(1970)

Nhắn bạn tình xa
(1971)

Nhặt lá bàng
(với Anh Thế Quế)

Nhớ nhau hoài
(thơ Thiên Hà)

Nhớ vịnh Hà Tiên
(với Kim Mã)

Như giọt xuân rơi

Nhịp cầu ai bắc ngang sông

Những niềm thương mến

Nụ xanh rêu
(1972, thơ Hoàng Anh Tuấn)

Nửa mảnh trăng quê

Quyết chiến thắng

Phố trắng
(1969)

Sẽ có một ngày

Sóng bạc đầu
(1968)

Tám điệp khúc
(1965)

Tạ ơn người

Tôi ru tôi

Tuổi thôi nôi

Từ đó
(1968)

Từ giây phút này
(1970)

Thuyền xuôi Kiên Giang

Tiếp nối

Trên đầu súng
(1972)

Trong cuộc tình sầu
(lời Phạm Lê Phan)

Vang vọng
(lời Tường Linh)

Về Đồng Tháp

Vùng trời sỏi đá
(1966)

Vui về miền quê

Về nguồn

Xa dấu ngựa hồng
(thơ Thiên Hà)


Tác phẩm khác

Liên ca "Đường chúng ta đi", gồm 16 bài hát vùng lên: "Đường chúng ta đi", "Lời trần tình", "Gọi tên", "Về nguồn", "Người vào chiến sử", "Dựng cờ", "Sớm mai hồng", "Những bước chân kiêu hùng", "Với tin yêu", "Trên đường đi tới", "Đi về phía mặt trời", "Anh về", "Vuốt mặt", "Trên đầu súng", "Tạ ơn người", "Bài ca dao đầu lòng", "Gian khổ có nhau". Phát hành năm 1971.

Tập nhạc "Dạ khúc Kim Sang", gồm mười tác phẩm nhạc không lời dành cho dương cầm và vĩ cầm, đoạt giải Schola Cantorum (Roma, Ý) năm 1962.

Trường ca Anh Hùng Ca "Xuân Nguyễn Huệ", đoạt giải Nhất xuân Bính Ngọ 1966 do Cục Vô tuyến truyền thanh tổ chức, gồm các bài: "Sông Gianh", "Vùng lên", "Hận sông Gianh", "Tiếng hát từ lòng đất", "Những cánh đồng biên giới", "Vùng mặt trời".

Lời tựa đầu bản nhạc  Buồn thu nhỏ: "Tác phẩm dự thi nhập học lớp sáng tác niên khóa 1962-1963 tại trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn."
Mùa xuân đó có em: "Viết trên đồng dây thép gió Phú Thọ, mùa xuân ngủ muộn năm sáu mươi chín, trời thấp và mây đùn quanh tháp cổ."

Tám điệp khúc: "Bài hát của chàng dành ru khi nàng buồn ngủ."

Vùng trời sỏi đá: "Viết tại nhà Nguyễn Thế Danh, tặng thi sĩ Tô Kiều Ngân hạ vàng sáu mươi sáu."


Ghi chú
^ Có nơi ghi nhầm là "Bảy màu vàng".
^ Bản nhạc gốc ghi là "Giòng", không phải "Dòng".
^ Có nơi viết sai là "Lời ru tiếng nhỏ".
^ Có nơi viết sai là "Như giọt sầu rơi".


Tham khảo
^ a b Pha Lê (8 tháng 10 năm 2019). “Chân dung cuộc tình tái hiện cuộc đời nhạc sĩ Anh Việt Thu”. Báo Dân Sinh. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2020.



















Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Của Nhạc Sĩ Anh Việt Thu


Nhạc sĩ Anh Việt Thu tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang, anh xuất thân trong một gia đình trung nông ven nhánh sông Tiền, với ba người em : Huỳnh Phi Long, Huỳnh Thị Kim Phụng, Huỳnh Hữu Việt Thu. Thuở nhỏ anh được đưa ra thành theo học tại trường làng Tân Vĩnh – Vĩnh Long, trường quận Cái Bè, Trường Tỉnh Mỹ Tho và năm 1950 được lên Sài Gòn tiếp tục việc học.


NS Anh Việt Thu và nhà thơ Thiên Hà

Trong những năm học Trung Học tại Sài Gòn, anh được người bạn cùng lớp là Ngô Văn My chỉ cho anh đánh những nốt đầu tiên trên đàn Tây Ban Cầm và từ đó anh tự học lấy. Đến năm 1956, Trường Quốc Gia Âm Nhạc thành lập, anh thi vào và lần lượt học các môn nhạc pháp, nhạc sử, hòa âm, đối âm, tấu âm, sáng tác và dương cầm với các giáo sư Hùng Lân, Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Phụng, Ngô Duy Linh, Hải Linh, Nghiêm Phú Phi, Võ Đức Thu …

Về sinh hoạt văn nghệ, anh thường tham gia vào các ban nhạc học sinh, sinh viên và dạy nhạc tại các trường Biên Hòa, Bình Dương, Tây Ninh, … Những bài hát với đề tài quê hương tình tự của anh như Ngược Giòng Cửu Long, Giòng An Giang, Những Niềm Thương Mến, Đường Này Anh Về Đâu … đã được in và phổ biến trong những năm 1956 -1957 và một số các bài tập trong thời gian học, thỉnh thoảng được nhạc sĩ Lê Mộng Bảo – Giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa in ra với tinh thần khích lệ để anh có tiền ăn học.




Gần tám năm vùi mài học tập và nghiêng cứu tìm một hướng đi trong sáng tác, bằng tiếng hát tự lòng đất và lòng người – đất Việt và người Việt. Sự hiện diện và đóng góp của anh trong làng âm nhạc Việt Nam không nhỏ. Những tác phẩm chính Anh Việt Thu đã viết : 
Dạ Khúc Kim Sang, 
10 bài nhạc không lời cho vĩ cầm và dương cầm 
(Giải Cantorum Schola – La Mã 1962); 
20 Ca Khúc Anh Việt Thu phổ biến trong những năm 1964 – 1968.
 Xuân Nguyễn Huệ (trường ca – Giải Nhất Xuân Bính Ngọ do Cục Vô Tuyến truyền thanh Quốc Gia tổ chức tại Sài Gòn 1966), 
Đường Chúng Ta Đi (liên ca) …

và trên 200 ca khúc phổ thông. Đáng kể là một số tự tình khúc : 
8 Điệp Khúc
Chân Dung
Đa Tạ, Một Mai Mai Một
Vùng Trời Sỏi Đá
Anh Còn Gì Cho Em
Hai Vì Sao Lạc
Tiếp Nối
Gọi Tên
Người Ngoài Phố
Trên Đầu Súng … 

cũng như một số ca khúc phổ từ thơ Trường Anh : Mưa Đêm Nay, Bảy Màu Vang; Thơ Thiên Hà như : Nhớ Nhau Hoài, Gió Về Miền Xuôi, Xa Dấu Ngựa Hồng … sống mãi với thời gian.

Là một nhạc sĩ tài hoa, Anh Việt Thu được lọt vào ‘mắt xanh’ của cô nữ sinh Gia Long – Nguyễn Nữ Hiệp. Vượt qua những sóng gió ngăn cấm của gia đình, cuối cùng hai người chính thức thành hôn vào một ngày xuân 1965.


Đám cưới Nhạc Sĩ Anh Việt Thu.
Từ trái sang : NS Hà Phương, NS Phạm Minh Cảnh, …, Nguyễn Việt Hiền, Tài tử Trần Quang


Do căn bệnh hiểm nghèo, sau 103 ngày vật lộn với thần chết qua các bệnh viện Grall, Tổng Y Viện Cộng Hòa, Y Viện Quảng Đông. Người nhạc sĩ tài hoa ấy đã trút hơi thở cuối cùng hồi 2 giờ 40 phút ngày 15-03-1975 nhầm ngày mùng 3 tháng 2 năm Ất Mão. Ba mươi bảy tuổi đời. Nhạc sĩ Anh Việt Thu đã tạo được một sự nghiệp âm nhạc khá đồ sộ được công chúng mến mộ tiếc thương.

Thiên Hà


















Trường Quốc Gia Âm Nhạc

Lúc mới thành lập, Trường Quốc Gia Âm Nhạc ở đường Phạm Đăng Hưng Đakao. Năm 1958, khi tôi vào học, Trường đã dời về 112 đường Nguyễn Du. Nhạc sinh gia tăng hằng năm và cần một Hội Trường có sân khấu để nhạc sinh thực tập, thi cuối năm, thi ra trường hay các nhạc sĩ ngoại quốc đến trình diễn, nên cần một địa điểm rộng lớn hơn. Lúc bấy giờ, nhà trường có 2 ban nhạc:

1) Ban nhạc Plectre, thành phần nhạc khí gồn có: Mandoline, Mandole (lớn và tiếng trầm hơn Mandoline), Guitare và Contrebasse. Ban nhạc này do giáo sư dạy Mandoline là Trần Anh Tuấn điều khiển.

Tôi xin nói rõ thêm vì có thể một số người chưa nghe qua chữ” Plectre” bao giờ. Tiếng Pháp gọi Plectre, tiếng Ý là Plectrum, tiếng thông dụng chúng ta thường dùng ở Việt Nam là Médiator, miếng phím dùng để gảy đàn, vì thế, ban nhạc toàn Mandiline và Guitare gọi là Plectre Orchestra.

2) Ban nhạc Giao hưởng do Giáo sư violon Đỗ Thế Phiệt điều khiển. Nhạc khí gồm toàn bộ thuộc họ Violon như:

1. Violon (Violin-tiếng Anh)
2. Violon Alto (Viola - tiếng Anh)
3. Violoncelle (Cello-tiếng Anh)
4. Contrebasse (String Bass- tiếng Anh)

Nhạc khí ở mục số 1 và 2, nhạc sinh rất đông. Số 3, Cello chỉ có 2 người: Đoàn Châu Nhi, anh của Đoàn Thanh Vân con tài tử Đoàn Châu Mậu, sau này là vợ của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và một người nữa là Lương Vinh do một người Hoa tên Phùng Hán Cao phụ trách. Sau này có thêm một giáo sư người Đức qua dạy một thời gian, thêm được một nhạc sinh nữa là Cao Thanh Tùng. Sau 75 khi qua Mỹ, anh đàn cho Trung Tâm ASIA lúc đầu. Có lẽ Trầm Tử Thiêng giới thiệu vì trước 1975, cả hai làm ở Trung Tâm Học Liệu Sàigòn. Riêng nhạc khí Contrebasse chưa có nhạc sinh nào.

Các phòng trà Sàigòn lúc bấy giờ đều dùng Contrebasse cho ban nhạc vì Guitare Basse chưa có, nhưng họ chỉ biết dùng ngón tay móc dây. Còn dùng cung để chơi với dàn nhạc Giao Hưởng lúc đó chỉ có 2 người là Đoàn Minh và ông Nghiêm, chủ tiệm Photo La- Mi ở Chợ Quán. Họ chỉ tham dự trong những buổi tập dượt của dàn nhạc Giao hưởng Sàigòn để trình diễn chứ ở trường nhạc, họ không tham dự và họ cũng không có bằng cấp về nhạc khi này. Phần đông những người xử dụng Contrebasse ở phòng trà trước kia ở Sàigon, chỉ cần biết vị trí các nốt trên cần đàn là có thể đàn chung với ban nhạc khiêu vũ chứ không thể điêu luyện như Những ban nhạc Jazz được vì họ học căn bản trường lớp. Còn khi đàn với dàn nhạc Giao Hưởng dung cung, phải học kỹ từng vị thế bấm và khi kéo đàn, cung phải lên xuống thế nào đều giống nhau. Vì thế, trong dàn nhạc Giao Hưởng, ta thấy tất cả các cây cung đều kéo hay đẩy cùng một lúc vì đã thành một thói quen đã được ghi trong các bài tập khi học đàn.

Gặp gỡ Anh Việt Thu

Lúc bấy giờ, tại trường Quốc Gia Âm Nhạc có một giáo sư người Pháp qua sống ở Việt Nam, mở tiệm bán nhạc khí, có vợ người Hoa. Tên ông là Barthélemy, khi nhập Việt tịch, lấy tên Việt là Trần Lệ Mỹ và không biết nói một tiếng Việt nào. Mục đích chính của ông là muốn ở Việt Nam để thí nghiệm trồng loại giống như tre để làm dăm kèn (Tiếng Anh gọi là Reed) cho Clarinet và Saxophone. Ông có 3 bằng tốt nghiệp tại Trường Nhạc Toulouse bên Pháp gồm: sáo Tây, kèn Trombone và Contrebasse. Ông đang dạy môn sáo Tây cho Trường Quốc Gia Âm Nhạc và các ban nhạc trên Đài phát thanh Sàigòn.

Vì nhu cầu, trường mở cuộc thi tuyển nhạc sinh Contrebasse khóa đầu tiên. Kết quả có 5 người:

- Tambicanou-Jules, người Việt lai Ấn, học sinh Taberd, trưởng ban nhạc Rock’ in Star, cùng thời phong trào nhạc trẻ với Trường Kỳ. Sau 1975, qua Pháp lập Trung tâm băng nhạc Phượng Nga và tôi là 2 người còn đang đi học.

- Huỳnh Xương Mậu, dạy nhạc tại trường Trung Học Phước Đức Cho Lớn.

- Dương Quang Đức, trong ban nhạc Thời Đại của Dương Quang Định, đang phụ trách phòng trà Đại Nam.

- Mai Văn Truyền, y tá Bệnh viện Chợ Rẫy.

Các nhạc sinh khác có đàn riêng tập dượt. Riêng tôi không có nên ghi tên mượn đàn và phòng học của trường. Trong phòng tập của tôi, có một đàn Harmonium nhưng ít khi xử dụng, nên một nhạc sinh học Hòa âm được phân phối xử dụng đàn này để tập nghe hợp âm. Khi gặp nhau, anh cho biết tên là anh Huỳnh Hữu Kim Sang, còn khi viết nhạc, anh lấy tên là Anh Việt Thu. Sau một thời gian, hai đứa thân nhau, anh rủ tôi về ở chung tại số 41 đường Da Bà Bầu, cạnh bên nhà của Trường Kỳ số 39. Lúc bấy giờ, Anh Việt Thu đang dạy nhạc tại Trung Học Trịnh Hoài Đức tỉnh Bình Dương. Tuy bận rộn nhưng cũng nhận thêm chương trình Tổng Hội Sinh Viên phát thanh hằng tuần trên Đài Phát Thanh Sàigòn. Thành phần nồng cốt gồm: Anh Việt Thu lo phần soạn Hòa Âm. Nhạc khí gồm Huỳnh văn Hóa, Cao Thanh Tùng, tôi và một số anh em khác được tăng cường tùy theo nhu cầu. Ca sĩ thì có thể thay đổi tùy chương trình. Năm 1960, Tổng Hội Sinh viên tổ chức trại Hè Hội Thảo tại Đà Lạt, chúng tôi phụ trách phần văn nghệ và tổ chức hai buổi phát thanh tại Đài Phát Thanh Đà Lạt.

Nhạc sĩ Anh Việt Thu học khóa đầu tiên về Hòa Âm của Trường Quốc Gia Âm Nhạc qua các thầy dạy là: Hải Linh, người viết bản nhạc nổi tiếng cho đến nay vẫn được dùng mỗi dịp Giáng Sinh về, đó là bản Đêm Đông mà hầu như ai cũng nghe qua với câu đầu là “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”. Sau đó là linh mục Ngô Duy Linh thay thế. Khi Trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế được thành lập, Linh Mục Ngô Duy Linh được đề cử ra làm Giám Đốc. Người thay thế sau cùng là giáo sư Nghiêm Phú Phi.

Khi nói đến Nhạc sĩ Anh Việt Thu, mọi người đều cho rằng anh là người đỗ Thủ Khoa lớp Hoà Âm. Trong một chương trình Văn Nghệ hằng tuần của Người Việt TV, người điều khiển chương trình là Phương Nam, ca sĩ Quỳnh Giao, người học cùng thời với Anh Việt Thu cũng cho rằng Anh Việt Thu là người Thủ Khoa, nhưng chính Anh Việt Thu nói với tôi, anh đỗ hạng Nhì. Thủ Khoa là Nguyễn Văn A. Không biết anh hoạt động âm nhạc ở đâu nhưng sau khi tốt nghiệp, không nghe ai nhắc đến tên anh nữa. Riêng những người chuyên về Hòa Âm phụ trách các ca đoàn hay phong trào ca nhạc lúc bấy giờ như Ngô Mạnh Thu, Viết Chung, Phạm Minh Cảnh tôi đều biết vì họ thường đến gặp Anh Việt Thu.

Sau khi rời trường Quốc Gia Âm Nhạc, mỗi đứa có hướng đi một nơi. Tôi đi dạy học rồi bị động viên nên vào ngành Quân nhạc, còn Anh Việt Thu dường như đi dạy ở Tây Ninh nên ít gặp nhau. Sau đó có lệnh gọi nhập ngũ nên tình nguyện vào Tâm Lý Chiến, phòng văn nghệ chuyên sáng tác với cấp bậc bình nhì mặc dù anh có bằng Tú Tài. Thỉnh thoảng tôi có ghé thăm anh tại Cục Tâm Lý Chiến ngay đầu cầu Thị Nghè, đối diện cổng sau Vườn Bách Thảo.

Sau hiệp định Ba Lê, anh cho biết rất bận rộn vì mỗi cuộc hành quân hay trận nào lớn, đều có lệnh phải sáng tác một bài để hát trên Đài Phát Thanh hay Truyền Hình khi trận đánh kết thúc. Vì quá cấp bách, không biết bài sáng tác của mình có hay hay không nên thường để những tên lạ, không dám để tên thật. Anh cho tôi hay là đang tuyển lựa những ca khúc quân hành hay để cho vào tuyển tập “Đường chúng ta đi” do Cục Tâm Lý Chiến thực hiện.
Một hôm tôi hay tin anh được đưa vào Tổng Y Viện Cộng Hòa vì thận quá yếu, phải dùng máy lọc thường xuyên. Tôi định đến thăm nhưng chưa đi thì được tin anh đã chết và quan tài để tại Tang Nghi Quán của Bệnh viện Quảng Đông cho bạn bè đến viếng.

Tôi có thành lập một toán nhạc nhỏ chơi những ca khúc được nhiều người biết đến của anh vào tối Chủ Nhật vì sáng Thứ Hai, linh cữu của anh sẽ đưa về An Hữu, quận Cái Bè an táng. Hôm đó, tôi thấy có mặt Nhật Trường Trần Thiện Thanh, một số anh em ở Cục Tâm Lý Chiến và Đài phát thanh Quân Đội đến dự. Riêng tôi sáng Thứ Hai hằng tuần phải chào cờ tại Bộ Tổng Tham Mưu nên không thể tiễn đưa anh được. Tôi không nhớ chính xác, có thể Anh Việt Thu chết khoảng gần 2 tháng trước 30-4-75. Anh chết để lại vợ và 3 con, cha mẹ còn đầy đủ. Cha anh là ông Huỳnh Hữu Hương, một người em gái mà tôi chỉ nghe nói nhưng chưa gặp mặt, và em trai Út bị sốt tê liệt là Huỳnh Hữu Việt Thu. Đó cũng là bút hiệu của anh, có nghĩa đơn giản là: Anh của Huỳnh Hữu Việt Thu, rút gọn lại là Nhạc sĩ Anh Việt Thu.

Nói về ca khúc “Hai vì sao lạc”




Trước tôi, Anh Việt Thu có ở chung với một người bạn là thi sĩ Anh Phương. Khi gặp tôi anh có hỏi tôi biết người đó không vì cùng tỉnh Sóc Trăng với tôi và con ông Hội Đồng Vị. Tôi nói chẳng những cùng tỉnh mà cùng làng và cùng xã với tôi nữa. Vườn cam quít của ông già anh ta và vườn của ông già tôi giáp ranh nhau. Thuở nhỏ, các chị tôi và chị anh ta cùng học trường tỉnh và ở nội trú tại trường cuối tuần mới về nhà. Anh ta và tôi học chung sơ cấp trường làng, khi lớn lên mỗi người học một nơi nên cũng ít gặp. Trong giấy tờ anh ta tên Phương, nhưng ở nhà gia đình đông con, anh là con út và thứ 13 nên thường gọi là Mười Ba chứ không gọi tên. Vì thế nên khi Anh Việt Thu nói thi sĩ Anh Phương tôi không biết là ai.

Còn anh Hân, một giáo viên Tiểu học, tuy lớn tuổi hơn chúng tôi khá nhiều nhưng vẫn còn độc thân. Lúc bấy giờ là Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, ông rất mê Nhạc sĩ Anh Việt Thu, có lẽ đã quen biết từ lâu, coi nhau như anh em, gần như ông đáp ứng tất cả những gì mà Nhạc sĩ Anh Việt Thu cần. Anh ăn ở chung với chúng tôi. Sau này anh có nhà riêng và bảo chúng tôi về ở chung ở đường Nguyễn Kim. Đến giờ cơm, chúng tôi mới trở về nhà cũ ăn cơm do mẹ Anh Việt Thu nấu, vì cha mẹ và đứa em Anh Việt Thu đã dọn lên Sàigòn. Anh Hân luôn theo sát chúng tôi ở mọi nơi. Các buổi văn nghệ hay thu thanh, ông đều theo lo mọi chuyện lặt vặt như đi mua bản nhạc hay làm thủ tục giấy tờ vào Đài phát thanh, phiếu lãnh tiền thù lao cho mỗi chương trình hay liên lạc với nguời này người nọ khi cần vì anh có xe gắn máy.

Theo anh cho biết giữa Anh Việt Thu và Anh Phương rất thân nhau, khắn khít như hình với bóng. Tôi chưa từng đọc thơ của Anh Phương và cũng không biết Anh Việt Thu có dùng thơ của Anh Phương để phổ nhạc hay lấy ý để viết lời không, nhưng trong tất cả những bài nhạc của Anh Việt Thu không có bài nào ghép tên Anh Phương vào cả.

Một hôm, gia đình Anh Phương bảo anh ta về vì có việc làm ở địa phương. Trong mấy tuần cuối trước khi chia tay, hai người thường dẫn nhau đi chơi, tâm sự rất khuya mới về. Không biết sự tâm đắc và mật thiết giữa hai người như thế nào mà cả hai lại nghĩ rằng: "Hai người có lẽ là hai vì sao trên trời bị lạc xuống trần gian và vô tình gặp lại nhau".

Quận lỵ tôi ở có 3 xã liền nhau: tôi và Anh Phương ở Phú An, kế tiếp là Song Phụng và Nhơn Mỹ. Thời Pháp thuộc, có tỉnh lộ nối liền 3 xã bằng những sầu sắt kiên cố, rất thuận tiện cho việc giao thông. Khi Việt Minh nổi lên, tất cả mọi cây cầu đều bị phá sập nên giao thông chính lúc bấy giờ là đường sông. Người anh thứ 9 của Anh Phương làm xã trưởng xã Nhơn Mỹ đã lâu và có uy tín với quận nên vận đông cho Anh Phương ra ứng cử chức xã trưởng xã Song Phụng kế bên. Các xã lúc bấy giờ tương đối còn yên tĩnh. Nhưng môt hôm, Anh Phương đi công tác bằng ghe máy qua một khúc vắng, ít nhà dân, bị vài tên du kích núp ở bụi rậm bắn sẻ, chết ngay tại chỗ.

Đã từ lâu, khi nói đến Nhạc sĩ Anh Việt Thu và những sang tác của anh đều có nhắc đến ca khúc "Hai vì sao lạc", nhưng chưa có ai nói đến hay hiểu ý nghĩa, nội dung của lời ca nói những gì và cũng không muốn tìm hiểu mà chỉ thích nhạc điệu của bài ca thôi. Năm vừa rồi, trong một chương trình văn nghệ của Đài Truyền Hình SBTN, nhạc sĩ Trần Chí Phúc có nêu lên thắc mắc: trong những bài tình ca, khi viết lời thường dùng từ ANH hay EM. Riêng trong bài “Hai vì sao lạc” của Nhạc sĩ Anh Việt Thu, toàn bản nhạc đều dùng chữ NGƯỜI. Sau đây là trích đoạn lời ca khúc “Hai vì sao lạc”:

"Người về, một mùa thu gió heo may
Về đâu có nhớ chăng những vì sao long lanh
Đưa tiễn người một đêm không trăng
Nói sao nên lời lòng buồn như chiều rơi
Như trong đêm khuya những bước chân qua thềm
Gợi niềm thương nhớ vô vàn.
………
Người là vì sao nhỏ bé
Ta mãi ước cho lòng làm bầu trời xanh xanh
Người về lòng ta thương nhớ
Ta khẽ hỏi đưa người hay thầm người đưa ta
Người về người về đâu nhớ ta chăng
Người ơi mỗi lá thu rơi làm ta bâng khuâng
Như áng mây chiều lam trong sương
Bước đi âm thầm lòng buồn như chiều rơi
Nghe chăng thu ơi để lá rơi chi hoài.
Gợi lòng thương nhớ ai nhiều."





Nghe nhạc Anh Việt Thu

























Trở về










MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.












Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

Ngy Cao Uyên












 NGY CAO UYÊN
(Nguyễn Cao Nguyên)
họa sĩ, thi sĩ
Sinh năm 1933 tại Hải Phòng



Du học tại Pháp năm 1954 ngành aerospace, về nước phục vụ Không lực VNCH.
Cộng tác với các tạp chí văn chương ở Sài Gòn: minh họa, ký họa, thơ, truyện ngắn.
Sáng lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam (1966).
Di tản sang Mỹ năm 1975, hoạt động nghệ thuật và giảng dạy đại học.
Từ 2015, triển lãm và sinh hoạt nghệ thuật tại Việt Nam.





















TỰ HỌA
Ngy Cao Uyên


Cất bút vẽ tôi trên giấy bồi làng Bưởi thơm mùi cây-cối đồng quê, tàn phá hình-hài bằng nét chì than Hòn-gay cắt trong nếp đá điên cuồng.
Vẽ tôi đội mũ nan Thanh-hóa ngồi trên bốn cửa ô Hà-nội nhuộm giấy trắng bằng nắng chang chang.
Vẽ tôi miệt mài ghi những cẳng chân người Việt cong queo vì vác nặng, những ngón chân không móng vì lầy mưa.
Vẽ tôi gân cổ thét lên: "Ôi kìm hãm" trong góc đời chật hẹp có bao nhiêu lầm than đang nhẩy múa.
Vẽ tôi đẩy mạnh cửa lòng để trào ra mầu đỏ khát máu và mầu thơ nhạt như môi người con gái mười lăm mệt lả.
Vẽ tôi ham mê ma quái, mình tôi trên trái đất chỉ thích ốm thương hàn một lần nữa để xem yêu-tinh cởi truồng đu dưới cành đa.
Vẽ tôi say biển vì biển vừa là bài thư xanh vừa là bản hòa-tấu, nhịp Ià sóng, thuyền buồm là những nốt đàn tự-do ra khơi (Thuyền một buồm đi chậm, thuyền hai buồm đi nhanh).
Vẽ tôi im tiếng cười trong đêm sâu, dừng chân rất buồn dưới một biển đề tên phố, châm điếu thuốc ấm rồi đi, vừa đi vừa hát từng tiếng nhỏ một bài ca ngoại quốc.
Vẽ tôi hứng gió bốn phương để nuôi cây nghệ-thuật mọc trong xương tủy và đan hoa lá cành qua tâm-hồn.
Vẽ hình-hài tôi xấu-xa nhưng xác ma rất đẹp vì tim tôi Iuôn luôn rung động ngạc-nhiên.
Vẽ tôi là bức tượng đứng giữa ban ngày, hai mắt Ià hai bó đuốc ngùn ngụt cháy.
Vẽ tôi đeo mặt nạ sống giữa cuộc đời.

NGY CAO UYÊN
(Sáng Tạo số 13, tháng 10/1957)







Ngy Cao Uyên cộng tác với giai phẩm Tân Phong do nhà văn Nguyễn thị Vinh chủ trương (1959-1960): vẽ minh họa cho thơ và truyện ngắn, vẽ tranh bìa, tranh phụ bản.

























ngy cao uyên:

một thoáng nhìn qua...
đinh bạch dân giới thiệu





Ngy cao Uyên, có lẽ chiết tự tên thật NGUYÊN. tôi suy đoán vậy. Tên họ đầy dủ là Nguyễn cao Nguyên. Sinh 1933 , em ruột đại tá quân pháp VNCH Nguyễn cao Quyền. Ban đầu thụ giáo thầy vẽ Lê quốc Lộc, đâu đó, khỏang năm 1945- 1947 ( họa sĩ Lê quốc Lộc, khóa chót Trường Mỹ thuật Đông dương , cùng với Tạ Tỵ).

về Hà nội, ghi danh theo học sĩ quan cơ khí Không quân ở Pháp, cùng khóa Cung thúc Cần 
(thi sĩ Cung trầm Tưởng 1932- )

năm 1959, trình làng thơ-họa-nhạc, gồm: thơ Cung Trầm Tưởng -- nhạc Pham Duy -- họa Ngy cao Uyên) ra mắt ở Dancing Baccara ì -xèo - khua chiêng, gióng trống , nhạc khiêu vũ xập xình , báo tin giới văn chương Saigon biết,
" bộ ba thơ nhạc hàng đầu ra mắt ' - chàng nhạc sĩ phù thủy Phạm Duy [1920- -- chàng thi sĩ hào huê trữ tình Cung thúc Cần (1932- ) vả tay cầm cọ bay bướm, không xuất thân trường lớp Ngy cao Uyên (1933- ) minh họa. Tập -thơ-nhạc họa nổi như cồn, tác giả, thi sĩ trung úy Không quân kỹ thuật, khi ấy đang là tùy viên báo chí tổng thống Ngô đình Diệm. Báo chí, phát thanh loan báo tin, bài, ảnh, ì -xèo .

riêng Cung trầm Tưởng, ( tử gợi ý Phạm Duy : phải có mặt chủ soái nhóm Hàn thuyên tiền chiến) tác giả đích thân tới mời chủ soái Đàm trường viễn kiến, văn sĩ tiền chiến Nguyễn đức Quỳnh làm khách danh dự.

Thơ trữ tình, nhạc nổi, họa sắc nét- bộ ba tam sên đang bước lên bậc thang đầu nền văn học ' nhân vị' thời đệ Nhật Cộng hòa.

Ngy cao Uyên là hội trưởng đầu tiên họa Họa sĩ Trẻ Saigon, từng thực hiện 1 bộ tranh đồ họa, vẽ về làng nghề việt, in trên tờ bướm quảng cáo + quảng cáo các loại tây dược của hãng Rousell Việtnam. Tờ báo Ánh đèn dầu [ tập IV -- số 3/1964] dành trọn 5 trang giữa + bìa sau - để in tiểu sử + họa phẩm họa sĩ Ngy cao Uyên ' (*)

Ngy cao Uyên còn vẽ chân dung một số bầu bạn, chẳng hạn phác họa Cung trầm Tưởng, Thế Phong v.v..

- trước biến cố 30 tháng 4- 1975, trung tá không đoàn trưởng kỹ thuật 74 , đồn trú ở Sư đoàn 4 KQ, lập một nhà xuất bản, một tạp chí văn chương CON ĐUÔNG ( in rô -nê-ô, không xin phép) phổ biến thi phẩm mới Cung trầm Tưởng + một số văn nghệ sĩ trẻ airman Không lực VNCH. (VNAf).

định cư tại Hoa Kỳ, ngay sau 30- 4-1975- họa sĩ Ngy cao Uyên dường như đã bỏ lơi hội họa .













GẶP NGUYỄN CAO NGUYÊN, NHỚ HỘI HỌA SĨ TRẺ
Phạm Công Luận


Bức ảnh trên đây được chụp nửa thế kỷ trước, khoảng 1966. Trong ảnh, người ngồi thứ hai từ phải qua là nhà văn nổi tiếng thế giới, John Steinbeck, người đã đoạt giải Nobel vói tác phẩm "Chùm nho nổi giận". Người đứng bên trái bận complet đen với dáng dấp lịch lãm là họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên, còn có nghệ danh là Ngy Cao Uyên. Hôm đó, ông cùng những người trong giới nghệ thuật miền Nam tiếp nhà văn John Steinbeck tại Sài Gòn khi ông ta đến để tìm hiểu về cuộc chiến Việt Nam. Bức ảnh là một hoài niệm đẹp và là vinh dự cho người trong ảnh. Sau đó hơn một năm, John Steinbeck từ trần và có thể lần đến Sài Gòn đó là chuyến phiêu lưu cuối của ông.
Tấm ảnh nhắc nhở cho họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên thời tuổi trẻ tươi đẹp và thời hoạt động nghệ thuật hăng say nhất của ông, ở những năm giữa thập niên 1960. Lúc đó, ông cùng bạn bè vừa mới thành lập Hội Họa Sĩ Trẻ vào tháng 11 năm 1966 và đã được bầu làm chủ tịch của hội này.
Tôi gặp họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên tại Sài Gòn trong một buổi chiều nhiều nắng vào cuối tháng 10 và còn gặp vài lần sau đó nữa. Nay đã lớn tuổi, sống nhiều năm ở nước ngoài, dù dấu thời gian đã hằn sâu trên dáng vẻ của ông nhưng nét lịch lãm của một chàng trai Hà Nội xưa từng học trường Albert Sarraut vẫn còn. Ông vẫn vẽ tranh ở tuổi trên tám mươi, sử dụng kỹ thuật mới trên bàn vi tính hay tìm cách cải tiến kỹ thuật tranh màu nước để diễn tả cảm xúc trong sắc thái mới. Bây giờ ông đã lấy lại tên thật thay vì bút danh Ngy Cao Uyên như hồi xưa.
Câu chuyện có đi tới đâu cũng quay về chuyện thành lập Hội Họa Sĩ Trẻ, cho dù tuy là người gây dựng nên tổ chức này từ thuở ban đầu, họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên không đi cùng các chặng đường hoạt động của Hội qua thời gian dài như các họa sĩ khác. Ông nhớ lại, giữa thập niên 1960 là khoảng thời gian có nhiều đoàn nghệ thuật nước ngoài đến thăm Sài Gòn. Cả thành phố lúc đó chưa có một hội đoàn mỹ thuật nào để ra tiếp đón họ cho ngang bằng. Sẵn thấy các họa sĩ có nhu cầu tập hợp với nhau để cùng thúc đẩy việc phát triển nghệ thuật, ông và bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng, một người am hiểu hội họa tính đến chuyện thành lập một tổ chức riêng như là một sân chơi nghệ thuật cho giới họa sĩ trẻ Sài Gòn. Cả hai đã đứng ra thành lập dựa vào những mối quen biết và thanh thế hiện có. Buổi họp bàn việc chính thức thành lập hội tại nhà bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng có nhiều họa sĩ và điêu khắc gia mà hầu hết đều thành danh sau này nhu Hiếu Đệ, Cù Nguyễn, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, Mai Chửng, Đinh Cường, Hồ Thành Đức, Trịnh Cung cùng Ngy Cao Uyên và chủ nhà. Lúc đó là tháng 11 năm 1966. Một ban lãnh đạo Hội được bầu ra và họa sĩ Ngy Cao Uyên được bầu làm Chủ tịch lâm thời, họa sĩ Nguyễn Trung và họa sĩ Mai Chửng là phó chủ tịch, họa sĩ Trịnh Cung làm tổng thư ký.
Việc trước mắt là phải có trụ sở để làm việc. Bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng do mối quan hệ quen biết đã mượn được của chính quyền thời đó một khu đất để tạo dựng trụ sở ngay trung tâm thành phố tại góc đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và Lê Thánh Tôn. Tận dụng mối quan hệ quen biết của họa sĩ Ngy Cao Uyên, Hội tìm được một căn nhà phế thải trong sân bay của không quân và sau khi trao đổi với giới không quân vài bức tranh mang tính tượng trưng, căn nhà trên được dỡ ra để tận dụng vật liệu. Họa sĩ Hồ Thành Đức chủ trì thiết kế và xây dựng ngôi nhà này cùng sự góp sức của anh em họa sĩ. Họ dựng lên một căn nhà khá đẹp, hiện đại bằng gỗ thông và sơn trắng.
Có trụ sở khá đẹp lại ở trung tâm thành phố nên Hội trở thành nơi thu hút đông đảo giới nghệ sĩ, gần quán Văn phía đại học Vãn khoa thường trình diễn ca khúc Trịnh Công Sơn nên các nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An vẫn thường lui tới và ngủ lại. Thỉnh thoảng, có ca sĩ Khánh Ly ghé qua chơi. Trụ sở Hội đã là một nơi lý tưởng để tụ họp giới nghệ sĩ trẻ đang tưng bừng không khí sáng tác hội họa, âm nhạc. Đã có nhiều cuộc triển lãm tổ chức ở đây, những buổi trao đổi và đàn hát và có khi là bắt đầu một cuộc tình... Là chủ tịch Hội, họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên đứng ra thay mặt anh em tiếp phái đoàn, tổ chức triển lãm. Thỉnh thoảng có những bức tranh được khách đến mua. Thời đó có tranh hầu hết là vẽ sơn dầu của Nguyễn Trung, Trịnh Cung, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, có tranh lụa của Nghiêu Đề, Lâm Triết, tranh dán giấy của Hồ Thành Đức v.v. Có những cuộc tiếp khách quốc tế do chính phủ đưa đến. Họ có thêm các họa sĩ đến tham gia như Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Nguyên Khai, Hoàng Ngọc Biên, Dương Văn Hùng, Nguyễn Đồng, Rừng, Lâm Triết.
Sau Tết Mậu Thân 1968 với các cuộc chiến tranh dữ dội trên đường phố, anh em họa sĩ Trẻ quay trở lại khi cuộc chiến yên ắng và nhận ra ngôi trụ sở màu trắng của họ đã bị san bằng. Không ai biết do ai và lý do nào nó đã bị như vậy. Ngôi nhà xinh đẹp đầy chất nghệ thuật đó chỉ tồn tại trong vòng hai năm ngắn ngủi nhưng đủ để tạo dựng không khí sáng tạo của nhóm họa sĩ nổi tiếng nhất, hiện đại nhất và có nhiêu thành tựu rực rỡ nhất của hội họa miền Nam hiện đại đã thăng hoa. Các họa sĩ thuở ban đầu sau này hầu như chói sáng, trở thành những họa sĩ có tên tuổi.
Mùa hè năm nay (2015), họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên trở về Việt Nam vói ý định nghỉ ngơi cùng gia đình. Nhưng từ duyên cơ ngẫu nhiên, ông tổ chức một cuộc triển lãm nhỏ tranh màu nước thể loại trừu tượng với kỹ thuật thể hiện do ông sáng tạo, gọi là “âm họa" (negative painting). Cuộc triển lãm không quảng bá quá mạnh mẽ, cốt yếu lưu dấu để ghi nhớ những ngày tươi đẹp của tuổi trẻ nửa thế kỷ trước, khi ông cùng bạn bè cho ra đời một tổ chức của những họa sĩ dồi dào sức sáng tạo nhất của một thời Sài Gòn.
(Sài Gòn Chuyện Đời Của Phố tập 3, Phương Nam xuất bản 2016)
(Ảnh của tác giả Phạm Công Luận)











Họa sĩ Ngy Cao Uyên: Vẽ mà… chẳng vẽ gì cả


Ngy Cao Uyên là nghệ danh của họa sĩ lão thành Nguyễn Cao Nguyên (sinh năm 1933), là đồ đệ của các danh họa Mỹ thuật Đông Dương như Nam Sơn, Nguyễn Gia Trí… Ông từng vẽ qua nhiều chất liệu, từ lụa, sơn mài, sơn dầu, màu nước, và gần đây là cả vẽ trên máy tính với đủ dạng đề tài, nhưng ấn tượng nhất ở ông, có lẽ là các tác phẩm hội họa trừu tượng được thể hiện bằng màu nước.

Bộ tranh giới thiệu trong chuyên trang số này của họa sĩ Ngy Cao Uyên mang đề tài trừu tượng, khi hỏi ông cụ thể về các tác phẩm, ông nửa đùa nửa thật: “Họa sĩ khi vẽ trừu tượng, nhiều người thường tìm ra trong tranh cái này hay cái kia để liên tưởng, còn tôi chẳng có gì cả. Tôi không chú trọng vào chi tiết, đường nét hay hình hài, tôi vẽ thứ không là gì cả, đấy mới là cái đẹp của trừu tượng”.

Kể lại câu chuyện trừu tượng, từ 1965-1970 là quãng thời gian họa sĩ Ngy Cao Uyên thọ giáo cùng Nguyễn Gia Trí - khi ấy đang vẽ các tác phẩm trừu tượng cho Thư viện Quốc gia, còn họa sĩ Ngy Cao Uyên đang sáng tác mẫu cho xưởng sơn mài Thành Lễ. Họa sĩ Ngy Cao Uyên nhớ lại: “Nguyễn Gia Trí giải thích cho tôi rằng việc vẽ từ hình tượng đến trừu tượng, giống như một con chim cất cánh bay lên”.

Quá trình hoạt động nghệ thuật, họa sĩ Ngy Cao Uyên được biết đến là người lập nên Hội họa sĩ trẻ đầu tiên của Việt Nam (1966), tham gia nhiều triển lãm, hội thảo, giảng dạy về hội họa ở Mỹ. Ông nghiệm ra thế giới trừu tượng không đơn giản vì có quá nhiều người theo đuổi, ông bảo: “Tôi rất thích vẽ trừu tượng, nhưng để có một chỗ đứng ở thể loại này, thực không đơn giản, tôi cần làm bốn chuyện: đường nét đặc biệt, màu sắc đặc biệt, hình thể và phương thức sáng tác đặc biệt mới có thể tồn tại”.

Và cái đặc biệt ấy, chính là lối vẽ âm họa được ông vận dụng từ những năm 1975-76. Từ chất liệu màu nước vẽ trên giấy, khi hoàn thiện đường nét, ông lại đem cả tác phẩm ngâm vào nước cho vệt màu loang ra, dựa trên vệt loang, ông sẽ giữ lại, hay lược bỏ những gam màu chưa ưng ý. Lối vẽ kỳ lạ ấy, ông bảo học từ kỹ thuật sơn mài, tức là bóc tách lấy màu từ trong tranh.

Nhìn trong tranh, thấy ở đó đường nét của kỹ thuật, nhưng cũng đầy thơ mộng nhờ các vệt màu loang - rất khó thể hiện bằng nét cọ. Ông kể lại thời gian đầu phát minh ra lối vẽ âm họa: “Tranh vẽ màu nước, hễ đặt bút lên giấy là không thể chỉnh sửa, bút sa gà chết, nhưng ngâm cả vào nước để rửa thì chỉnh gì cũng được. Tôi dạy nhiều học trò ở Mỹ, vẽ tranh xong, bảo chúng ngâm vào nước chúng nhất định không làm vì cứ nghĩ tôi đùa, mà thật bức tranh có khi vẽ hàng tháng trời, chẳng ai dại đem ngâm nước cho tan màu hết cả”.
Hiệu ứng rửa tranh ấy đã tạo nên những sắc màu đặc biệt, ông bảo thêm: “Màu tan trong nước, bản thân sắc độ khi ấy cũng khác với bản màu gốc, tôi gạt bỏ lớp màu cũ đi, không dùng cái nguyên, từng vệt màu là sự phát triển tự nhiên hòa trộn cùng nước, tạo nên phản ứng đan xen, kết thành bảng màu khác lạ và đặc biệt”. Đấy cũng là lý giải cho những đường nét trừu tượng của ông rằng: “Tôi có vẽ đâu, màu nó tự vẽ đấy chứ”.

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 163





















































































Lặng lẽ Nguyễn Cao Nguyên
NHƯ HOA/DNSGCT| 02/11/2015 01:20


Một triển lãm tranh khá lặng lẽ tại không gian của một nhà hàng, không có những tiếp xúc với báo giới trước ngày khai mạc dù đó là một phòng tranh đẹp của một họa sĩ nổi tiếng của hội họa miền Nam trước 1975

Một triển lãm tranh khá lặng lẽ tại không gian của một nhà hàng, không có những tiếp xúc với báo giới trước ngày khai mạc dù đó là một phòng tranh đẹp của một họa sĩ nổi tiếng của hội họa miền Nam trước 1975.

Nhà hàng Si (7A Ngô Văn Năm, Q.1) là một không gian được thiết kế công phu, trưng bày nhiều cổ vật và cả tác phẩm hội họa, nơi từng triển lãm tranh các tên tuổi như Bùi Quang Ngọc, Chóe… Với triển lãm được gọi là “âm họa” của họa sĩ lão thành Nguyễn Cao Nguyên, Nhà hàng Si viết giới thiệu về tác giả như sau: “Đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên vẫn miệt mài với các tác phẩm hội họa ở thể loại tranh trừu tượng.




Ông gắn bó với nền nghệ thuật nước nhà từ những năm 1960 khi là người sáng lập Hội Họa sĩ trẻ đầu tiên của Việt Nam (1966), tham gia các cuộc triển lãm tại các “kinh đô” nghệ thuật như Paris, New York từ thập niên 1950-1970, cùng rất nhiều triển lãm cá nhân ở các thể loại tranh sơn mài, lụa, sơn dầu, màu nước, in mộc bản… tham gia giảng dạy và nói chuyện chuyên đề về sơn mài Việt Nam, màu nước tại các trường đại học ở Mỹ, thành lập phòng tranh cá nhân George Town Art Studio tại Washington D.C (1995)”.

Trong lời giới thiệu đó, đáng chú ý nhất là đoạn nói ông Nguyễn Cao Nguyên là “người sáng lập Hội Họa sĩ trẻ đầu tiên ở Việt Nam” – bởi đó cũng chính là Hội Họa sĩ trẻ được thành lập ở Sài Gòn, mà người sáng lập cũng là chủ tịch đầu tiên của tổ chức mỹ thuật có vai trò hết sức quan trọng trong sự hình thành và phát triển của hội họa miền Nam trước đây là họa sĩ Ngy Cao Uyên, cũng là bút danh của ông Nguyễn Cao Nguyên cả trong lĩnh vực văn thơ.

Tác phẩm trừu tượng của Nguyễ Cao Nguyên

Sinh năm 1933 ở Hải Phòng, Ngy Cao Uyên từng theo học các họa sĩ bậc thầy là Nam Sơn, Nguyễn Gia Trí và Lê Quốc Lộc. Năm 1954, ông sang Pháp du học ngành cơ khí hàng không và làm việc trong lĩnh vực này cho tới trước 1975. Ngoài hội họa, Ngy Cao Uyên còn chủ trương nhà xuất bản Con Đuông rất nổi tiếng ở Cần Thơ ngày trước.

Sang Mỹ định cư, họa sĩ vẫn tiếp tục hành trình nghệ thuật của mình như giới thiệu trên. Với triển lãm này Nhà hàng Si cho biết: “Sống và hoạt động nghệ thuật tại Mỹ, trong chuyến trở về Việt Nam lần này họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên giới thiệu đến người yêu hội họa 18 tác phẩm trừu tượng màu nước, được thể hiện bằng một thủ pháp đặc biệt được ông gọi là kỹ thuật “rửa tranh”, sử dụng độ tinh tế, chi tiết trong đường nét cùng lối phối hợp các gam màu đương đại, tác phẩm hoàn thiện được đưa vào nước để lấy bớt các lớp màu đậm bằng kỹ thuật “rửa”, tạo nên sự hòa quyện màu sắc của bảng màu đã thể hiện trên tranh, đem lại một ngôn ngữ trừu tượng rất lạ, khác biệt, và đậm dấu ấn riêng của họa sĩ trong triển lãm cá nhân đầu tiên của ông tại Việt Nam sau hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài”.


Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Cao Nguyên

Khi đến xem tranh Nguyễn Cao Nguyên hay Ngy Cao Uyên (sẽ kết thúc vào ngày 31-10), có thể thấy lời Nhà hàng Si không quá lời khi viết giới thiệu. Bộ tranh đẹp, tinh tế và được tác giả thực hiện với kỹ thuật có thể gọi là hoàn thiện dù tuổi ông nay đã quá “cổ lai hy” từ lâu. Và cách ông chăm chút những cái khung tranh đã góp phần không nhỏ nâng cao giá trị tác phẩm. Dù lặng lẽ và không tổ chức ở một phòng tranh chuyên nghiệp, đây vẫn là một triển lãm rất đáng xem.





















HỌA SĨ NGY CAO UYÊN VÀ NHỮNG BỨC TRANH ĐỒ HỌA VỀ LÀNG NGHỀ VIỆT NAM.


Ngy cao Uyên (Nguyễn cao Nguyên). Sinh năm 1933. Vào năm 1945 - 1947. Theo học vẽ với Lê quốc Lộc. Năm 1957 - 1954. Theo học với Nam Sơn (1). Ông nguyên là sĩ quan thuộc BTL Không quân của quân lực VNCH. Ông là một họa sĩ khá nổi tiếng từ giữa thập niên 60 của thế kỷ 20. Từng là Hội trưởng đầu tiên của " Hội họa sĩ Trẻ " ở Saigòn . Hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ (2). Tranh của ông khá độc đáo với những nét to đậm, dài như nét của bút lông rất đặc biệt...Ông có thực hiện một bộ tranh đồ họa về các làng nghề ở Việt Nam in trên tờ bướm quảng cáo về các loại thuốc do hãng sản xuất Tây dược ROUSSEL VIETNAM. Không rõ bộ tranh làng nghề này có bao nhiêu tấm. Nhưng theo con số ghi ở mặt sau từ những bản in hiện có này là con số 20. Và được thực hiện vào năm 1966 tại Saigon. Gồm hai loại in trên giấy dày màu trắng. Có khổ giấy 18cm x 24cm cho tờ đơn và một loại khác cùng khổ giấy này nhưng được gấp đôi. Mặt đầu tiên của trang giấy in hình ảnh sinh hoạt của từng ngành nghề của Việt Nam bằng kỹ thuật litho. Các mặt còn lại được cho in bằng kỹ thuật offset tên các loại thuốc do hãng dược phẩm Roussel sản xuất....



Hình 01. Nghề làm trống.



Hình 02. Nghề rèn.



Hình 03. Nghề làm quạt.



Hình 04. Nghề làm chả lụa.



Hình 05. Nghề may mặc.



Hình 06. Nghề mộc.



Hình 07. Nghề chạm khắc.



Hình 08. Nghề làm sơn mài.



Hình 09. Nghề hàn.



Hình 10. Nghề làm dù.



Hình 11. Nghề đóng giày da.



Hình 12. Nghề đồ tể.



Hình 13. Nghề kim hoàn (thợ bạc).



Hình 14. Nghề in.



Hình 15. Nghề khảm trai.



Hình 16. Nghề chằm nón lá.




Giới thiệu về họa sĩ Ngy cao Uyên (Nguyễn cao Nguyên). Báo " Ánh đèn dầu ". Tập IV số 3 năm 1964 đã dành 05 trang giữa và trọn vẹn trang bìa sau để đăng tiểu sử và một số tác phẩm vẽ lụa của ông. Tất cả in offset màu rất trang trọng để cho mọi người yêu thích hội họa có dịp thưởng lãm những tác phẩm vẽ lụa khác hẳn với kỹ thuật vẽ lụa truyền thống với bút pháp khá độc đáo như phong cách vẽ sơn dầu của ông.



Hình 19. Chân dung họa sĩ Ngy cao Uyên.




Những tác phẩm của Nguy Cao Uyên được gới thiệu trong " Ánh đèn dầu ".





Hình 20. Người thổi tiêu. Tranh lụa. 60cm x 45cm.




Hình 21. Múa quạt. Tranh lụa. 60cm x 45cm.




Hình 22. Người tạc tượng. Tranh lụa. 50cm x 58cm.




Hình 23. Tu sĩ. Tranh lụa. 60cm x 35cm.




Hình 24. Gia đình người Thượng. Tranh lụa. 35cm x 62cm.




Hình 25. Ly rượu. Tranh lụa. 35cm x 62cm.




Cauminhngoc.
02/7/2014.




(1) Theo nguồn báo "Ánh đèn dầu".
(2) Nguồn. Nhớ về Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam/ Trịnh Cung.








 Ngy Cao Uyên, Pham DuyCung Trầm Tưởng





















Trở về




MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.