Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2022

Nguyễn Văn Thương (1919 - 2002)














Nguyễn Văn Thương
(1919 - 2002)
(hưởng thọ 83 tuổi)
Nhạc Sĩ

Giám đốc Nhạc viện Hà Nội
Nhiệm kỳ 1972 – 1984

Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam
Nhiệm kỳ 1979 – 1983



Tác phẩm

"Bình Trị Thiên khói lửa"
"Bướm hoa"
"Trên sông Hương"




Nguyễn Văn Thương (1919–2002) là một nhạc sĩ, nhà giáo.
Có tác phẩm đầu tay từ năm 17 tuổi vào trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Văn Thương thuộc thế hệ đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam.

13 tuổi, Nguyễn Văn Thương nhập học Trường quốc học Huế và được đào tạo âm nhạc bài bản từ cả nền âm nhạc phương Tây và âm nhạc cổ truyền phương Đông. 
 Ông là tác giả của những ca khúc tiền chiến đáng chú ý như "Đêm đông", "Trên sông Hương" và cả những ca khúc cách mạng như "Bình Trị Thiên khói lửa". 
 Xuyên suốt hành trình sự nghiệp sáng tác, quản lý và đào tạo, Nguyễn Văn Thương đóng góp một vai trò quan trọng đối với nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20.

Với những đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam, Nguyễn Văn Thương được nhà nước Việt Nam phong tặng nhiều huân huy chương cùng các giải thưởng danh giá.

Ông qua đời ngày 5/12/2002, hưởng thọ 83 tuổi.








Nguyễn Văn Thương lúc trẻ












Đêm Đông



Bướm Hoa







Tiểu sử

Nguyễn Văn Thương sinh ngày 22 tháng 5 năm 1919 trong một gia đình công chức tại huyện Hương Thuỷ (nay là thị xã Hương Thuỷ), tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc miền Trung Việt Nam.[1] Cha ông là một công chức nhưng yêu thích âm nhạc. Mẹ ông là một người biết chơi đàn tranh và thuộc nhiều dân ca Trung Bộ cũng như Hò Huế.[1] Từ nhỏ, cha mẹ đã truyền cảm hứng âm nhạc cho ông từ những tiếng đàn và điệu hát. Năm 9 tuổi, Nguyễn Văn Thương được cha mẹ cho học đàn nguyệt với một nghệ nhân.[1]

Đầu những năm 1930, âm nhạc phương Tây ngày càng du nhập sâu vào Việt Nam qua nhiều phương thức. Trong thời gian này, ông được bố mẹ mua cho cây đàn mandolin và tự học cách diễn tấu, cũng là nhạc cụ phương Tây đầu tiên mà Nguyễn Văn Thương được học.[2] Năm 1932, Nguyễn Văn Thương được nhập học ở Trường Quốc học Huế. Tại đây, ông có dịp được tiếp xúc nhiều nhạc phương Tây khác như guitare, acordeon, piano, saxophone...[3] Cũng từ đây, ông bắt đầu tiếp cận nền âm nhạc phương Tây đang dần thịnh hành ở khắp các thành phố lớn trên Việt Nam. Từ kiến thức âm nhạc cổ truyền mà mình học được, Nguyễn Văn Thương tự học lý thuyết âm nhạc theo những cuốn sách của nhà lý luận âm nhạc người Pháp Antoine Francois Marmontel mà ông mua được.[4][3]

Thời kỳ này, Việt Nam đang phổ biến phong trào "Lời Ta điệu Tây". Cũng giống như nhiều nhạc sĩ yêu nước đương thời, Nguyễn Văn Thương đã không tán thành xu hướng bị xem là "ngoại lai" này.[4] Những bài hát của các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước... đã giúp ông tự chọn con đường phát triển của âm nhạc Việt Nam mà bản thân sẽ đi theo.[4]

Nguyễn Văn Thương kết hôn với nghệ sĩ ưu tú Đặng Thị Thanh Hảo.[5] Ông có em gái là bà Nguyễn Thị Bạch Lệ, người vợ thứ hai của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.[6]




Sự nghiệp
Những năm đầu

Năm 1936, sau khi tốt nghiệp trung học ở Trường Quốc học Huế, Nguyễn Văn Thương chuẩn bị ra Hà Nội để học thi tú tài. Trong buổi du ngoạn sông Hương trước khi rời Huế, ông đã sáng tác ca khúc đầu tay "Trên sông Hương".[4][7]

Hà Nội những thập niên 1930 là một điểm khởi đầu của tân nhạc Việt Nam, là nơi tập trung nhiều nhạc sĩ danh tiếng, giúp cho Nguyễn Văn Thương được tiếp xúc nhiều hơn với nền âm nhạc mới.[8] Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã đề nghị xuất bản ca khúc "Trên sông Hương" và tác phẩm này được in vào năm 1937 tại Hà Nội với chính Nguyễn Văn Thương là người vẽ bìa minh hoạ. Những năm đầu tiên ở Hà Nội, ông học thi Tú tài ở trường Thăng Long dưới sự dẫn dắt của Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp.[8]

Trong dịp Tết Nguyên đán năm 1940, gia đình Nguyễn Văn Thương gặp khó khăn khiến ông không nhận được tiền để về quê ăn Tết. Đêm giao thừa, ông đi lang thang khắp phố phường Hà Nội trong giá rét mùa đông. Qua phố Khâm Thiên, ông bị ấn tượng và xúc động trước hình ảnh một ả đào ngồi hát đón khách trong đêm giao thừa. Chính từ đây, ca khúc "Đêm đông" đã được lên ý tưởng hình thành.[9][10][a] Nguyễn Văn Thương đã trau chuốt, sửa chữa và cộng tác với Kim Minh[b] trong phần ca từ để ca khúc trở thành một tác phẩm nổi tiếng.[8] "Đêm đông" không những là điểm khởi đầu định danh cho Nguyễn Văn Thương mà cũng là tác phẩm giúp cho ca sĩ Bạch Yến có được sự chú ý ban đầu trong sự nghiệp khi bà mới 15 tuổi.[11]

Từ năm 1938, Nguyễn Văn Thương vào Sài Gòn thi ngạch kiểm soát viên bưu điện từ đó ông làm việc tại Bưu điện trung tâm Sài Gòn. Tại đây, ông vẫn tiếp tục sáng tác âm nhạc và dạy đàn, đồng thời làm quen với các nhạc sĩ ở khu vực Nam Bộ như Lưu Hữu Phước.[14] Năm 1942, ca khúc "Bướm hoa" ra đời. Ca khúc này ông cũng hợp tác với Kim Minh trong phần lời. Bài hát được xuất bản năm 1943 và được tái bản nhiều lần.[14]
Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Văn Thương còn sáng tác nhiều ca khúc khác, tuy vậy 3 ca khúc đầu tay của ông là "Trên sông Hương", "Đêm đông" và "Bướm hoa" vẫn là những ca khúc có đóng góp đáng kể cho dòng ca khúc lãng mạn của phong trào Tân nhạc Việt Nam thời bấy giờ.[14][15]

Năm 1944, Nguyễn Văn Thương được chuyển về Huế. Trong những ngày đầu của Cách mạng tháng Tám, ông thoát ly tham gia chiến tranh vào cuối năm 1946 khi lên chiến khu cùng cơ quan.[14]
Năm 1948, ông được làm quyền Giám đốc Bưu điện Liên khu IV.[14] Thời gian này, Pháp mở nhiều cuộc càn quét Việt Nam. Những cảnh tượng người chết đẫm máu đã khiến Nguyễn Văn Thương sáng tác "Bình Trị Thiên khói lửa" trong hai đêm thức trắng.[16] Ca khúc được biểu diễn lần đầu tiên trong đêm gặp mặt ủng hộ người dân Bình Trị Thiên ở khu IV vào mùa thu năm 1948.[14] Ca khúc đã đánh dấu bước ngoặt trong thế giới quan cũng như bút pháp sáng tác của Nguyễn Văn Thương. Từ đây, ông đã sáng tác các tác phẩm nói đến vấn đề lớn về dân tộc Việt Nam, của cách mạng cùng với việc vận dụng các chất liệu âm nhạc trong kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam.[17]

Cuối năm 1948, Nguyễn Văn Thương nghỉ việc ở Bưu điện và chuyên tâm vào công việc hoạt động nghệ thuật hơn. Ông phụ trách về mảng âm nhạc và làm Ủy viên Ban chấp hành Chi hội Văn nghệ liên khu IV.[17] Ông cùng một số nhạc sĩ như Nguyễn Khoa Châu hay Lê Yên mở lớp dạy nhạc.[17] Một số học sinh của những lớp nhạc đó về sau trở thành những nhạc sĩ có tiếng như Nguyễn Văn Tý, Văn Ký.[17]
Năm 1949, Nguyễn Văn Thương gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.[17] Cuối năm 1950, ông bị thực dân Pháp bắt và tống giam trong một nhà lao Toà Khâm sứ ở Huế. Tuy vậy sau một thời gian do không tìm được bằng chứng buộc tội nên Pháp đã thả Nguyễn Văn Thương ra, từ đó nhạc sĩ thoát ly khỏi vùng tự do.[17] Trong thời gian 9 năm của cuộc chiến tranh Đông Dương, rất nhiều ca khúc của ông đã bị thất lạc.[18]

Năm 1951, ông trở về làm Uỷ viên Thường vụ Chi hội Văn nghệ kiêm Trưởng đoàn văn công của Liên khu IV. Cuối năm 1953, ông đã cùng Đoàn Văn công lên đường tham gia chiến dịch Trung Lào và sau đó là chiến dịch Điện Biên Phủ.[17][19] Cuối năm 1954, Nguyễn Văn Thương lại được điều động ra công tác tại Đoàn Văn công Trung ương Việt Bắc. Miền Bắc Việt Nam thắng trận trong Chiến tranh Đông Dương, ông cùng đoàn quân Việt Nam chiến thắng về tiếp quản lại Hà Nội.[20] Cũng trong những ngày này, ông được giao nhiệm vụ quay trở lại Liên khu IV tìm người để xây dựng Đoàn Văn Công trung ương.[20] Năm 1955, Nguyễn Văn Thương là người chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn Văn công Việt Nam đầu tiên tham dự Festival Thanh niên quốc tế tại Warszawa.[20] Cùng năm, ông được cử làm Trưởng đoàn Văn công Trung ương cho tới năm 1964. Trong suốt thời gian mười năm đó, ông đã dẫn nhiều đoàn nghệ thuật Việt Nam tham dự và biểu diễn ở nhiều quốc gia trên Thế giới.[20] Những năm này, nhạc sĩ đã sáng tác nhiều tác phẩm nhạc múa cho các Đoàn Văn công như thơ múa "Chim gâu", kịch múa "Tấm Cám" cộng tác với nhạc sĩ Văn Chi. Bản kịch múa "Tấm Cám" đã nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.[20] Ông cũng viết thêm nhạc cho một số điệu múa như "Múa ô", "Múa sạp", "Chàm Rông", "Thiếu nữ bên hồ".[20]

Bên cạnh nhạc múa, Nguyễn Văn Thương còn sáng tác nhiều ca khúc trong thời gian này. Đây cũng là thời điểm ông tham gia viết nhạc cho phim truyện và phim tài liệu như "Vợ chồng A Phủ", "Dòng sông âm vang", "Hai bà mẹ".[20] Năm 1960, ông viết một số tác phẩm cho nhạc cụ truyền thống Việt Nam, tiêu biểu là bài "Nhớ về Nam" cho sáo trúc độc tấu với dàn nhạc dân tộc. Năm 1964, Nguyễn Văn Thương được cử đi thực tập tại Nhạc viện Bắc Kinh, Trung Quốc.[21] Tuy vậy, cuộc Cách mạng Văn hóa nổ ra khiến ông phải bỏ dở việc học và trở về nước.[22] 
Ông bắt đầu bước vào lĩnh vực sáng tác khí nhạc. Tác phẩm đầu tay được nhạc sĩ viết trong lĩnh vực này là "Quê hương Tây Nguyên" viết cho piano, sau đó là vũ khúc "Tây Nguyên vui chiến thắng" cho violin và piano vào năm 1965. Tác phẩm này đã từng được phát trên Đài phát thanh Tiếng nói Bắc Kinh.[21] Bài hát "Tiếng hát muôn phương" (lời Xuân Oanh) sáng tác năm 1958 của ông nhận được Bằng khen tại Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới ở Viên, Áo.[20]

Năm 1968, Nguyễn Văn Thương được tiếp tục đi thực tập tại Nhạc viện Leipzig (từng là Cộng hoà Dân chủ Đức).[21][23] Ông là nhạc sĩ tiền chiến thứ hai được tu nghiệp ở nước ngoài sau Đỗ Nhuận.[24] Tại nơi đây, ông được tiếp xúc với nhiều nhạc sĩ, giáo sư âm nhạc của Đức với nhiều các tác phẩm âm nhạc đương đại trên toàn thế giới.[21] Trong thời gian học tập tại Đức, Nguyễn Văn Thương đã viết bản giao hưởng "Đồng Khởi" vào năm 1971.[24] Đến cuối năm 1971, bản giao hưởng được biển diễn lần đầu tiên tại Đức trong ngày kỷ niệm thành lập Nhạc viện Leipzig và ngày đoàn kết Cộng hoà Dân chủ Đức với Việt Nam.[21]



Trở về nước, làm công tác quản lý và đào tạo

Tháng 4 năm 1972, Nguyễn Văn Thương trở về Việt Nam và được làm giám đốc Trường Âm nhạc Việt Nam (sau đó là Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Trong suốt 12 năm từ 1972 đến 1984, Nguyễn Văn Thương làm công tác quản lý và đào tạo tại ngôi trường này. Ông là một trong những người có công xây dựng trường từ một trường Trung cấp thành trường Đại học, trở thành một trung tâm đào tạo âm nhạc lớn của Việt Nam.[21] Nhận thức được thời đại của nhạc nhẹ, ông đã nhanh chóng cử các ca sĩ và nhạc công sang học nhạc nhẹ ở các quốc gia Đông Âu.[9] Ông cũng phát hiện ra nhiều tài năng nghệ thuật và đưa về Nhạc viện đào tạo trong đó có nhiều nghệ sĩ của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam và sau này đều trở thành những nghệ sĩ có tên tuổi.[25] Qua đó, ông có sự đóng góp tích cực trong công tác đào tạo âm nhạc cho Việt Nam.[26]


Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nơi Nguyễn Văn Thương từng làm giám đốc trong 12 năm

Nguyễn Văn Thương là người đưa hệ trung cấp khoa âm nhạc cổ truyền của Nhạc viện Hà Nội lên bậc đại học. Ông cũng là tác giả của một số quyển sách giáo khoa như "Tuyển tập piano" (hệ trung cấp), "Tuyển tập 16 bài hát dân ca và dân vũ Việt Nam" (soạn cho piano được nhà xuất bản Peters của Cộng hoà Dân chủ Đức ấn hành năm 1972). Nhạc sĩ cũng viết những tác phẩm sân khấu như "Mệnh lệnh", "Cải tô" và dịch cuốn "Beethoven" do nhà xuất bản Thanh niên ấn hành.[27]

Mặc dù công tác quản lý và đào tạo đã chiếm đáng kể vốn thời gian nhưng Nguyễn Văn Thương vẫn dành thời gian và tâm huyết cho việc sáng tác.[21] Ông đã viết một ca khúc trong thời gian này như "Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ", "Gửi Huế giải phóng", "Dâng người tiếng hát mùa xuân",... hợp xướng gồm có "Dân ta đánh giặc anh hùng" vào năm 1972. Ngoài ra, ông còn viết một số tác phẩm cho dàn nhạc dân tộc như "Ngày hội quê hương", tổ khúc "Quê hương" (hợp tác với nhạc sĩ Hoàng Dương), "Buôn làng vào hội" cho đàn tre lắc và bộ gõ tre nứa. Đối với khí nhạc phương Tây, ông viết 4 bản romance cho cello và piano cùng một số tác phẩm cho đàn khác như violin. Ông cũng viết nhạc phim cho những bộ phim "Thành phố lúc rạng đông", "Sao Tháng Tám", "Ngày ấy bên bờ sông Lam"...[21] Từ năm 1979 đến 1983, ông làm giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam.[5]

Năm 1982, ông được Nhà nước Việt Nam phong học hàm Giáo sư. Đến năm 1984, ông nghỉ công tác quản lý và chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh để làm cố vấn cho Sở Văn hoá – thông tin thành phố.[21] Cũng trong thời gian này, ông còn tham gia hội đồng khoa học tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.[21] Năm 1987, ông nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục công việc sáng tác âm nhạc. Đánh giá cao công lao trong việc chỉ đạo nghệ thuật và dàn dựng chương trình cho các đoàn văn công biểu diễn trong và ngoài nước trong nhiều chục năm qua, Nguyễn Văn Thương được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân vào năm 1993.[28]



Những năm cuối và qua đời

Trong những năm cuối đời, Nguyễn Văn Thương có những sáng tác đạt nhiều giải thưởng lớn dù tuổi cao và sức khoẻ kém. Những sáng tác trong thời gian này chủ yếu là sáng tác khí nhạc phương Tây như Romance số 2 "Bên dòng sông thương", Romance số 3 và 4. Các tác phẩm này đều viết cho cello.[29] Năm 1997, ông còn viết "Vũ khúc ngày hội" cho 8 đàn cello.[29] Ông cũng viết một số tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng như "Rhapsodie số 2" cho đàn t'rưng và dàn nhạc năm 1996, "Capriccio" cho dàn nhạc giao hưởng năm 1999.[29] Ông qua đời vào cuối năm 2002, hưởng thọ 83 tuổi.[9][30]






Bình Trị Thiên Khói Lửa



















Thành tựu

Với những đóng góp tích cực cho âm nhạc Việt Nam, Nguyễn Văn Thương đã được Nhà nước Việt Nam phong tặng nhiều huân, huy chương, nhiều danh hiệu và giải thưởng như:
Huân chương Độc lập hạng Ba
Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì
Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất
Nghệ sĩ Nhân dân.[31]
Ông cũng là một trong 9 nhạc sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật đợt 2 năm 2000.[30][32]




Đánh giá và phong cách nghệ thuật

Nguyễn Văn Thương là một nhạc sĩ sáng tác nhiều thể loại nhạc. Nhìn chung, các tác phẩm của ông được xem là "đậm bản sắc dân tộc" vì ngôn ngữ âm nhạc được khai thác từ chất liệu âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Ông đã vận dụng âm điệu, tiết tấu đặc trưng trong âm nhạc dân gian với thủ pháp sáng tác đa dạng để tạo nên những hình tượng âm nhạc.[33]
Nguyễn Văn Thương được xem là người tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam ở Huế.[3]



Sáng tác cho thanh nhạc

Nguyễn Văn Thương sáng tác cho thanh nhạc từ khi còn rất trẻ. Trước Cách mạng tháng Tám, các tác phẩm của ông chủ yếu gắn liền với trào lưu âm nhạc lãng mạn. Cũng giống nhiều nhạc sĩ đương thời, ông chịu ảnh hưởng nhiều từ trào lưu lãng mạn trong văn thơ như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Khái Hưng, Đoàn Phú Tứ, Nhất Linh,...[34] Ba ca khúc tiêu biểu ở giai đoạn này là "Trên sông Hương", "Đêm đông" và "Bướm hoa".[35] Các ca khúc miêu tả quê hương do ông sáng tác thường sử dụng làn điệu dân ca để diễn tả tình cảm.[36]

Với một số tác phẩm thanh nhạc thành công đã giúp cho Nguyễn Văn Thương được công nhận là một trong những nhạc sĩ của Tân nhạc Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.[36] Từ một nhạc sĩ lãng mạn, Nguyễn Văn Thương đã biến chuyển thành một nhạc sĩ cách mạng để sáng tác những ca khúc có tính "căm thù, uất hận" trước tình cảnh quê hương bị xâm lược.[36] Ca khúc "Bình Trị Thiên khói lửa" được sáng tác năm 1948, sau khi biểu diễn lần đầu tiên đã nhanh chóng gây được sự xúc động và "khơi dậy tinh thần yêu nước" của người dân Việt Nam.[36]

Sau cuộc chiến tranh Đông Dương, khi về làm Trưởng đoàn và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn văn công Trung ương, Nguyễn Văn Thương sáng tác nhiều cho nhạc múa. Các ca khúc thời kỳ này chủ yếu là bài hát trong các bộ phim mà ông viết nhạc.[36] Thời gian sau này, ông chỉ sáng tác khí nhạc là chính, tuy nhiên cũng có một số ca khúc tiêu biểu như "Thu Hà Nội", "Mùa thu tuyệt vời", "Yêu Huế" (sáng tác năm 1996 kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường Quốc học Huế). Ngoài ca khúc, ông cũng viết một số bản hợp xướng như "Tiến lên toàn thắng ắt về ta", là tiết mục cho Đoàn Văn công Giải phóng đi biểu diễn quốc tế hay hợp xướng "Dân ca".[37]



Sáng tác khí nhạc và thính phòng

Với sáng tác khí nhạc và thính phòng, Nguyễn Văn Thương là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc, giao hưởng, nhạc phim được giới chuyên môn trong và ngoài Việt Nam đánh giá cao.[12] Tuy vậy khi so với thời điểm các tác phẩm thanh nhạc ra đời, các tác phẩm khí nhạc của Nguyễn Văn Thương ra đời muộn hơn rất nhiều. Năm 1960, "Nhớ về Nam" là tác phẩm khí nhạc đầu tay của ông, là tác phẩm viết cho sáo trúc độc tấu và dàn nhạc dân tộc.[37] Tuy viết khí nhạc muộn nhưng ông đã có nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại, nhưng chủ yếu ở các thể loại thính phòng, giao hưởng và nhạc cụ dân tộc. Các tác phẩm này cũng có được sự thành công nhất định ở trong và ngoài Việt Nam.[38] Sáng tác khí nhạc cũng được nhận định là một lĩnh vực quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông.[23] Các tác phẩm thính phòng của Nguyễn Văn Thương có cấu trúc vừa và nhỏ, thường là các tiểu phẩm, vũ khúc, tổ khúc được viết ở hình thức 2, 3 đoạn đơn hay 3 đoạn phức. Một số tác phẩm khác ông thường viết ở hình thức rondo hay biến tấu.[38]



Khí nhạc phương Tây

Tác phẩm đầu tiên ông viết cho piano là "Quê hương Tây Nguyên", cũng là tác phẩm viết cho piano thành công nhất của ông. Tác phẩm này là một tổ khúc gồm nhiều đoạn nhạc độc lập có sự tương phản về sắc thái, nhịp độ cũng như chất liệu âm nhạc.[38] Nhạc phẩm viết cho violin và piano tiêu biểu của ông là "Tây Nguyên vui chiến thắng", được sáng tác khi ông tu nghiệp ở Trung Quốc. Đây là tác phẩm thính phòng tiêu biểu được đánh giá cao về mặt nghệ thuật.[39] Ông sử dụng những đặc trưng của âm nhạc dân gian Tây Nguyên, qua đó miêu tả hình ảnh núi rừng và con người nơi đây một cách "chân thực".[39] Đối với các tác phẩm viết cho cello và piano, tiêu biểu nhất là 4 tác phẩm mà ông gọi là "romance". Trong đó Romance số 1 "Trở về đất mẹ" được nhận định là bài đáng chú ý nhất, thường được nhận xét "cảm xúc sâu lắng".[40]



Nhạc cụ truyền thống

Ở giao hưởng, ông sử dụng thông thạo những nhịp nhạc thuần Việt như 58, 78 cùng với các nhạc cụ gõ như mõ, cồng.[9] Kể từ "Nhớ về Nam" được sáng tác năm 1960, Nguyễn Văn Thương đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật và biểu cảm.[41] "Nhớ về Nam" được nhận xét là khúc nhạc "trữ tình", "tha thiết".[42] Vào thời điểm đó, một số nhạc cụ mới như đàn tre lắc và bộ gõ tre nứa được chế tạo, ông cũng tự tìm hiểu sáng tác "Buôn làng vào hội", được Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam biểu diễn như một tiết mục múa. Bản Rhapsodie số 2 cho đàn t'rưng và dàn nhạc giao hưởng cũng là một tác phẩm mang lại thành công nhất định cho nhạc sĩ.[41]




Di sản


Trong sự nghiệp sáng tác, những tác phẩm của Nguyễn Văn Thương đã góp phần làm nên thành công của nhiều nghệ sĩ cũng như các đoàn văn công nghệ thuật tại Việt Nam. Ông có một vai trò đóng góp quan trọng vào nền khí nhạc Việt Nam khi sử dụng nhuần nhuyễn âm nhạc truyền thống dân tộc.[30] Nguyễn Văn Thương để lại một di sản âm nhạc với nhiều bản khí nhạc cùng ca khúc, điều này khiến báo chí thường gọi ông là "cây đại thụ" của nền âm nhạc Việt Nam.[26] Bản sáo "Nhớ về Nam" được nghệ sĩ ưu tú Đinh Thìn cùng dàn nhạc Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương biểu diễn đạt hiệu quả nghệ thuật cao.[22] Năm 1968, bản độc tấu sáo thứ hai "Ngày hội non sông" của Nguyễn Văn Thương đã được Nghệ sĩ nhân dân Đỗ Lộc biểu diễn thành công ở trong và ngoài Việt Nam, đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Thanh niên sinh viên thế giới lần thứ X tại Berlin, Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1973, được UNESCO và nhiều đài phát thanh của các quốc gia ghi âm.[22] Bản nhạc "Trở về đất mẹ" độc tấu cho cello và piano cũng giúp nghệ sĩ nhân dân Bùi Gia Tường biểu diễn lần đầu tiên và được hoan nghênh nồng nhiệt.[30] Nguyễn Văn Thương là một trong những nhạc sĩ viết khí nhạc nổi tiếng, cũng là người đầu tiên viết nhạc cho kịch múa ở Việt Nam.[7]

Với vai trò là một nhà giáo và là người quản lý công tác giáo dục, Nguyễn Văn Thương có đóng góp tích cực trong công tác đào tạo âm nhạc cho Việt Nam.[26] Ông là người phát hiện ra nhiều tài năng nghệ thuật và đưa về Nhạc viện Hà Nội đào tạo trong đó có nhiều nghệ sĩ của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam và sau này đều trở thành những nghệ sĩ có tên tuổi như: Quang Thọ, Thu Hiền, Lệ Quyên, Ái Vân,…[25] Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ cho biết nếu không có Nguyễn Văn Thương, ông sẽ không có được sự nghiệp âm nhạc như hiện tại.[5] Nguyễn Văn Thương cũng là một trong những người có công xây dựng nhạc viện Hà Nội từ một trường Trung cấp thành trường Đại học, trở thành một trung tâm đào tạo âm nhạc lớn của Việt Nam, đồng thời cũng là người nâng hệ trung cấp khoa âm nhạc truyền thống của Nhạc viện Hà Nội lên bậc đại học.[21][27]

Năm 1996, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 60 năm hoạt động âm nhạc của ông bằng một đêm nhạc lớn ở Cung thiếu nhi Hà Nội.[28] Năm 2019, một chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên "Trở về đất mẹ" đã được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.[25][26]


















Trên Sông Hương






Tác phẩm

Dưới đây là danh mục tác phẩm của Nguyễn Văn Thương dựa trên sách của Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Tú Hương.[44]




Ca khúc


"Trên sông Hương"
"Đêm đông"
"Bướm hoa"
"Leo núi Bạch Mã"
"Ngày xanh"
"Trên đường khuya"
"Tình trăng"
"Khóc cơ hàn"
"Bình Trị Thiên khói lửa"
"Tiếng hát muôn phương"
"Bài ca trên núi"
"Bài ca Việt Lào"
"Bài ca đã hẹn"
"Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ"
"Gửi Huế giải phóng"
"Dâng người tiếng hát mùa xuân"
"Hai dòng sông mong nhớ"
"Thu Hà Nội"
"Mùa thu tuyệt vời"
"Yêu Huế"
"Bài ca trong hang đá"



Nhạc cho kịch múa

"Múa ô"
"Múa sạp"
"Chàm Rông"
"Thiếu nữ bên hồ"
"Mùa hoa đào nở"



Hợp xướng

"Tiến lên toàn thắng ắt về ta"
"Dân ta đánh giặc anh hùng"



Nhạc cụ phương Tây

"Quê hương Tây Nguyên"
"Phi ngựa bắn cung"
"Múa sạp"
"Múa Mèo"
"Đàn bướm mùa xuân"
"Inh noọng ơi"
"Tây Nguyên vui chiến thắng"
"4 Romance cho Cello"Romance số 1 "Trở về đất mẹ"
Romance số 2 "Bên dòng sông Thương"
"Vũ khúc ngày hội"



Nhạc cụ truyền thống

"Nhớ về Nam"
"Ngày hội non sông"
"Ngày hội Tây Nguyên"
"Quê hương"
"Buôn làng vào hội"
"Rhapsodie số 2 cho T'rưng"



Giao hưởng

"Đồng khởi"
"Capriccio"






Tham khảo

^ a b c Triều Sơn (1 tháng 11 năm 2018). “Từ ca khúc Trên sông Hương đến Bình-Trị-Thiên khói lửa”. Báo điện tử Công an thành phố Đà Nẵng. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2022.
^ a b c Bảo Trang (27 tháng 5 năm 2019). “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương - những thanh âm còn mãi”. Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2022.
^ Trần Hoàng Thiên Kim. “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời: "Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió"”. Báo Công an Nhân dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2022.
^ a b Nguyễn Đình San (19 tháng 9 năm 2021). “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương: Tài danh từ tuổi 20”. Báo Công an Nhân dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2022.
^ a b c d Nguyễn Thuỵ Kha (23 tháng 12 năm 2017). “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương - Từ đêm đông ấy”. Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 9 năm 2022. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2022.
^ a b Cảnh Linh (8 tháng 1 năm 2022). “Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương”. Hànộimới. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2022.
^ a b LA (19 tháng 11 năm 2019). “Đêm đông của Nguyễn Văn Thương: 80 năm giai điệu mùa đông buồn”. Báo Phụ nữ mới. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2022.
^ Vũ Tiến (4 tháng 1 năm 2011). “Có một "đêm đông" ấm lòng bao thế hệ”. Báo Công an Nhân dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 9 năm 2022. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2022.
^ Phạm Duy 2006, tr. 146.
^ Chi Phan 2004, tr. 254.
^ a b c Hoàng Phan (28 tháng 7 năm 2017). “Di sản khí nhạc của Nguyễn Văn Thương”. Báo Long An. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2022.
^ a b c Khánh Nguyên (17 tháng 5 năm 2019). “Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương”. Báo Nhân Dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2022.
^ a b c d Hà Trang (17 tháng 5 năm 2019). “Đêm nhạc "Trở về đất mẹ" tri ân nhạc sỹ nổi tiếng Nguyễn Văn Thương”. VietnamPlus. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2022.
^ a b c d Phan Huỳnh (15 tháng 10 năm 2017). “Tình yêu phương Nam của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương”. Báo Cần Thơ. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2022.
^ N.Hoa – T.Tâm (18 tháng 5 năm 2019). “Giáo sư, nhạc sĩ, NSND Nguyễn Văn Thương: 100 năm vẫn tỏa bóng làng nhạc Việt”. Báo Công an nhân dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2022.
^ Thanh Ngọc (17 tháng 5 năm 2019). “Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương”. Báo Văn hoá. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2022.
^ Nguyễn Hằng (17 tháng 5 năm 2019). “NSND Thu Hiền tiết lộ kỷ niệm đặc biệt về cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương”. Báo điện tử Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2022.
^ Phạm Tú Hương 2007, tr. 15 – 48.
Nguồn sách[sửa | sửa mã nguồn]
Tú Ngọc (2000). Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu. Viện Âm nhạc. OCLC 682149444. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 5 năm 2022.
Nguyễn Thị Nhung (2001). Âm nhạc thính phòng giao hưởng Việt Nam: sự hình thành và phát triển, tác phẩm và tác giả. Hà Nội: Viện Âm nhạc. OCLC 701746655. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2022.
Chi Phan (2004). 22 tác giả quân đội: chuyện đời, chuyện nghề. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Thanh niên. OCLC 57002649. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2022.



(Theo Wikipédia)





























Nhạc sĩ Phạm Duy & Ns Nguyễn Văn Thương













Trở về 





MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.