Lê Đạt
Tên thật: Đào Công Đạt
Hỗn danh tự đặt: "Phu chữ"
(Sinh ngày 10/09/1929. Bắc Giang. Mất ngày 21/04/2008. Hà Nội)
Qua đời lúc 3 giờ 15 tại nhà riêng ở Hà Nội
Hưởng thọ 79 tuổi
Nhà thơ, Nhà văn thuộc nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm
Mimôza chiều khép cánh mi môi xa
1.5.1999
Tham gia kháng chiến chống Pháp 46 - 54.
Từng cộng tác tại ban Tuyên Huấn Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam; Hội Văn Nghệ Trung Ương (tiền thân của Hội Nhà Văn Việt Nam).
Thuộc nhóm Nhân văn Giai phẩm
Bị khai trừ khỏi Hội và cấm sáng tác hơn 30 năm.
Từ 1994, tác phẩm Lê Đạt mới được in trở lại.
Năm 2007, cùng ba nhà thơ Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
"Người ta thường ví nhà thơ với một kẻ hành hương.
Đúng với điều kiện phải bổ sung một chi tiết:
Một kẻ hành hương quên địa chỉ của Đất Thánh. Một kẻ hành hương đãng trí. Anh ta mang máng như mình đã gặp Đất Thánh đâu đó trong một câu thơ.
Và chung thân đi tìm.
Có nhà lý luận nào thạo đường mách bảo nhau chăng?"
Tuổi lú lẫn
Ngược nhầm ga trẻ dại
Hay ngây ngơ không biết lối về già
Tha thẩn chữ ngã ba
(Bóng chữ)
Lê Đạt
Người làm thơ là một người điên trong tiềm thể, và nếu trời phù hộ có thể đạt tới những điểm ngộ. Trong ngôn ngữ đường phố từ "ngộ" hình như có họ hàng với từ "chập mạch"
LĐ
Tác Phẩm đã xuất bản trước Nhân Văn - Giai Phẩm
1
Thế Giới Này Là Của Chúng Ta
(tập thơ. 1955)
2
Bài Thơ Trên Ghế Đá
(tập thơ đã in nhưng không được phát hành. 1957)
3
Cửa Biển
(tập Thơ. 1958)
In chung cùng Trần Dần, Văn Cao, Hoàng Cầm
Đó là tập thơ Cửa biển của Hoàng Cầm - Văn Cao - Trần Dần - Lê Đạt in tại nhà xuất bản Văn Nghệ, Hà Nội, tháng 10-1956. Nửa thế kỷ đã trôi qua trên những vần thơ đầy nhiệt huyết của công dân, đầy cảm xúc lãng mạn và đầy dự cảm hiện thực của Hoàng Cầm - Văn Cao - Trần Dần - Lê Đạt trong tập Cửa biển. Hai năm sau ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, từ chiến khu về lại thủ đô, bốn nhà thơ cùng chung tâm huyết đổi mới thơ, muốn “đem lại một luồng gió mới, một hơi thở mới vào nghệ thuật” (Hoàng Cầm) đã thúc giục, cổ vũ nhau sáng tác và đã cho ra một tập thơ chung ghi dấu quan trọng đời thơ mỗi người cũng như cho nền thơ chung. Cảm hứng xuyên suốt các bài trong tập thơ của cả bốn tác giả là sự ngợi ca cuộc sống mới, ngợi ca công ơn cách mạng đổi đời cho mỗi con người và cả dân tộc, đồng thời cũng đã chỉ ra những mặt trái, mặt tiêu cực trong quá trình vận động phát triển của xã hội mới. Hiện thực mới, cảm hứng mới và nghệ thuật thơ mới - tất cả chung đúc lại tạo nên giá trị của tập thơ ngay từ rất sớm, khi nửa bước đang bắt đầu xây dựng lại cuộc sống sau khi vừa dứt chiến tranh.
Hoàng Cầm viết trường ca Tiếng hát quan họ (5-1956) kể chuyện uất nghẹn tình duyên của một đôi lứa Kinh Bắc dưới chế độ cũ. Yếm rách còn che được gió/ Tình này dang dở yếm nào che. Cách mạng về, giải phóng con người, giải phóng tiếng hát, quan họ lại bắt đầu. Yếm đào lụa nõn Bắc Ninh/ Vù vù bay quanh trái đất/ Đồi Lim bốc lên với cả rừng người/ Lượn tròn trong gió tiếng hát tiếng cười. Nhưng để đi tới được chân trời rộng mở cho tự do con người, tự do tiếng hát, thì cách mạng còn nhiều việc phải làm. Bóng tiên chỉ trùm khăn áo mới/ Lại nghênh ngang đi tuần làng. Và nhà thơ mơ ước rồi đây Tiếng quê quan họ/ Sẽ thành trái núi khổng lồ/ Ném xuống biển cồn sóng gió/ Vòng nhỏ/ Vòng to/ Đến vòng nào nữa/ Chân mây mở rộng từng mùa/ Lòng mẹ bao la con sẽ trở về/ Trong bài ca vỗ sóng từ xưa. Và ba năm sau ông viết tập thơ chính của đời mình, về Kinh Bắc, với câu mở đầu Cúi lạy Mẹ, con trở về Kinh Bắc.
Lê Đạt góp bốn bài vào tập thơ (3-5/1956). Bài Máy kể chuyện anh nông dân đứng máy ở công trường, buổi đầu chưa quen, bỡ ngỡ, nhưng rồi anh đã vận hành máy thành thạo. Bài Đụng long mạch kể chuyện một thanh niên dũng cảm đào giếng chống hạn, bất chấp sự kiêng kỵ “long mạch” của dân làng. Mỗi bước chúng ta đi về đằng trước/ Có mấy nghìn năm níu lại đằng sau. Thơ phải ngợi ca Những con người dám cả gan đánh bốc / với những già nua cũ kỹ của cuộc đời. Bài cuối cùng và là bài hay nhất trong 4 bài, Cha tôi, từ kình nghiệm cuộc đời người cha Năm tháng mòi mòn bao nhiêu khát vọng, người con rút được bài học lớn Đau thương kiên quyết làm người /không nên lùi trước cuộc đời/phải thắng. Thơ Lê Đạt ở những bài này mang tính tự sự, nhưng đã có những dấu hiệu cách tân câu chữ mà mấ chục năm sau ông vẫn tiếp tục.
Văn Cao xuất hiện trong tập thơ với trường ca Những người trên cửa biển (mùa Xuân 1956) gồm 4 phần. Sinh ra tôi đã có Hải Phòng, câu thơ mở đầu sừng sững cho một bài thơ dài bề thế, mạnh mẽ. Hải Phòng đi từ những ngày động biển đến những ngày báo hiệu mùa Xuân. Nhưng Đất nước đang lên da lên thịt/Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày. Nhỏ máu, vì đã bắt đầu xuất hiện những kẻ thù của cuộc sống mới, đó là Những con rồng đất khi đỏ khi xanh, lẫn trong hàng ngũ, là Những con bói cá / Đậu trên những chiếc dây buồm / đang đo mực nước, là Những con bạch tuộc/Bao tay chân cố dìm một con người. Những con sâu mọt ấy, nhà thơ đã thấy và ông tuyên bố Tôi sẽ vạch từng tên từng mặt, bởi ông tin Con đường ta đi tự hào duy nhất / Con đường đi trái đất quanh mặt trời. Và như vậy, với Văn Cao, Hải Phòng đã dựng nên Thơ/Những câu thơ thành thời sự.
Trần Dần sảng khoái ca vang Cách mạng tháng 8 (7-1956) đầy cảm xúc tri ân: Đầu óc người ta có thể vãi rơi đi / cả ngày sinh tháng đẻ bản thân mình / Nhưng - mãi mãi, ngày sinh nhật nước / không bao giờ, ta có thể quên. Với kiểu thơ bậc thang như của Maiakovski, với nhiệt tình công dân yêu nước như của Maiakovski, bằng những ý thơ mãnh liệt, những hình ảnh táo bạo, Trần Dần đã dựng lại cả một thiên sử hào hùng của Cách mạng tháng Tám mang lại độc lập cho dân tộc, tự do cho người dân. Ta đã sống - trăm năm ngục đá/Ta nấc lên như cơn bão bị ghìm / Lại đã sống / 11 năm làm chủ / bầu trời mây tuôn dài rộng đường chim. Cho nên nhà thơ thù ghét tất cả những gì dã man xúc phạm con người, những gì ăn cướp của con người / Dù một chút trời xanh leo lẻo / Một chút mây bay - cánh mộng cuộc đời. Ông vững tin ở tình yêu đất nước của mình. Dù mảnh đất có ngày còn xám / Dù trời ta đôi nơi còn lấm bụi ngàn xưa / Nhưng có hề chi - tôi đã từng yêu / Trời đất ấy, tôi đã từng tin tưởng. Ông cất cao lời thơ kêu gọi mọi người: Hãy đời đời hát mãi cùng tôi / Không thể để, dù một móng chân bị nô lệ / Một sợi tóc của con người, cũng phải được tự do. Nửa thế kỷ đã trôi qua trên những vần thơ đầy nhiệt huyết của công dân, đầy cảm xúc lãng mạn và đầy dự cảm hiện thực của Hoàng Cầm – Văn Cao – Trần Dần – Lê Đạt trong tập Cửa biển. Số phận Đời và thơ của 4 ông về sau này chứng thực tinh thần tiên phong và cách mạng của họ. Tập thơ hồi đó do Vũ Lộc trình bày bìa và trông nom in, và "ngoài số giấy thường có in thêm 710 cuốn giấy đặc biệt”. Tôi có một ý nghĩ, giá như bây giờ in lại nguyên vẹn tập cửa biển này, đó sẽ là chứng tích của một thời sống và một thời thơ đến nay vẫn còn giá trị và ý nghĩa.
(Báo Thể thao và Văn hóa)
*
Sau Nhân Văn - Giai Phẩm
4
Bác
Trường ca
Nxb Thanh niên 1970
5
36 bài thơ tình
(In chung với Dương Tường. 1990)
6
Bóng Chữ
(tập thơ. nxb Hội nhà văn 1994)
13.6.2005
Lê Đạt
Bóng chữ
5 kì
Chiều Âu Lâu bóng chữ động chân cầu
GIÁO ĐẦU
Xưng danh
Phó thường dân
phố nhỏ vô danh
vô giai thoại
Thành tích
mấy trang giấy sờn
mấy câu thơ bụi
núi Vô Sơn
Quá trình công tác
Tôi ghé như thiểu số phụ gia
Vẩy chữ thăng hoa
Thoáng cà cuống chưa đóng lọ
Đừng tìm tôi
chỗ những ghế ngồi
Hộp thư
đuôi chớp ngộ đầu ô
Khuyết điểm
Vườn chôm chôm
mùa khem thèm thòm trái cấm
Vui mồm lắp lẫn
nhiều kinh kệ không quen
Amen
Kết luận
Đời tốc hành
một ga xanh sót lại
Một góc tuổi mải tàu
thơ dại mãi
Tìm nhà quên mất số lớn khôn
Cha tôi
Đất quê cha tôi
đất quê Đề Thám
Rừng rậm sông sâu
Con gái cũng theo đòi nghề võ
Ngày nhỏ
cha tôi dẫn đầu
lũ trẻ chăn trâu
Phất ngọn cờ lau
Vào rừng Na Lương đánh trận
Mơ làm Đề Thám
Lớn lên
cha tôi đi dạy học
Gối đầu lên cuốn Chiêu hồn nước
Khóc Phan Chu Trinh
Như khóc người nhà mình
Ôm mộng bôn ba hải ngoại
Lênh đênh khói một con tàu
Sớm tối
ngâm nga mấy vần cảm khái
Đánh nhau với Tây
Bỏ việc
lang thang
vào Nam
ra Bắc
Cắt tóc đi tu
nhưng quá nặng nghiệp đời
Gần hai mươi năm trời
Tôi vẫn nhớ lời cha tôi cháy bỏng
Dạy tôi
làm thơ
ước mơ
hy vọng
Những câu Kiều say sưa
đưa cuộc đời bay bổng
Tiếng võng
trưa hè mênh mông “Phong trần mài một lưỡi gươm
Những phường giá áo túi cơm sá gì”
Nhưng công việc làm ăn mỗi ngày mỗi khó
Cuộc đời chợ đen chợ đỏ
Thù hằn con người
“Muốn sống thanh cao
đi lên trời mà ở
Mày đã quyết kiêu căng
Mày đã quyết kiêu căng
Níu lấy cái lương tâm gàn dở
Dám
không tồi như chúng tao
Suốt đời mày sẽ khổ”.
Quan lại trù cha tôi
cứng đầu cứng cổ
Người “An Nam” dám đánh “ông Tây”
Mẹ ỉ eo dằn vặt suốt ngày
Chửi mèo, mắng chó
“Cũng là chồng là con
Chồng người ta khôn ngoan
Được lòng ông tuần ông phủ
Mang tiền về nuôi vợ”.
Bát đĩa xô nhau vỡ
Cha tôi nằm thở dài
Anh em tôi bỏ cơm
Hai đứa dắt nhau ra đường tha thẩn
Trời mùa thu trăng sáng
Sao nở như hoa
Không biết Ngưu Lang trên kia
Có bao giờ cãi nhau cùng Chức Nữ
Rồi cha tôi
lui tới nhà quan tuần, quan phủ
Lúc về
gặp tôi
đỏ mặt
quay đi
Một hôm
tôi thấy chữ R.O. [1]
treo ngoài cửa
Cha tôi không dạy tôi làm thơ nữa
Người còn bận đếm tiền
ghi sổ
Thỉnh thoảng nhớ những ngày oanh liệt cũ
Một mình uống rượu say
Ngâm mấy câu Kiều
ôm mặt khóc
Tỉnh dậy
lại loay hoay
ghi sổ
đếm tiền
Hai vai nhô lên
Đầu lún xuống
Như không mang nổi cuộc đời
Bóng in trên tường vôi
im lặng
Ngọn đèn leo leo ánh sáng
Bóng với người
như nhau
Mùi ẩm mốc tiếng mọt kêu cọt kẹt
Ở chân bàn
hay ở cha tôi
Cuộc sống hàng ngày
nhỏ nhen
tàn bạo
Rác rưởi gia đình
miếng cơm
manh áo
Tàn phá con người.
Những mơ ước thời xưa
như con chim gãy cánh
Rũ đầu chết ngạt trong bùn
Năm tháng mài mòn
bao nhiêu khát vọng.
Cha đã dạy con một bài học lớn
Đau thương
kiên quyết làm người
7.1956
CHIỀU BÍCH CÂU
Làm cách nào có thơ hay?
Hỏi vậy khác gì hỏi làm cách nào gặp
tiên tại phường Bích Câu?
Mọi câu thơ hay đều kỳ ngộ.
Hẳn phải siêng năng, có lòng thành
và nhất là biết chờ
người đẹp vỏ chữ bước ra
giờ các con phe đi ngủ.
Thuở xanh hai
Không ai chọn đất mình sinh đẻ
Như không ai chọn mẹ chọn cha
Tôi trở về nơi tôi tuổi nhỏ
Một tỉnh thượng du bụi đỏ
Bến Âu Lâu sông Hồng
Nhận ra tôi
chỉ gốc cây gạo cụt
Tạm ứng nửa trời hoa trước đón nhau
Một em gái nhìn tôi bỡ ngỡ
Ngày nào anh còn mua kẹo em ăn
Dung dăng dắt tay em ngoài phố
Mới hơn mười năm trời
Em xa lạ gọi tôi bằng bác
Vầng trán lạnh dăm nếp đau ngơ ngác
Hỏi thầm đôi sợi tóc vô tình
sớm bạc vì đâu
Có đủ giải sông Ngân
Cắt chúng ta bờ hai thế hệ
Em bỗng cười như nắc nẻ
“Em nhận ra anh rồi
Sao anh mau… trẻ thế”.
Và thoăn thoắt xuân vút cao đà nắng
Em giơ tay rất quân sự chào tôi
Ai đánh rớt những cánh hôn hồng cỏ dại
Hoa mười giờ
môi con gái chín cây
Em dắt tay tôi đi chơi
Giữa vườn sao nở sáng
Như tuổi em chưa mười tám
Như ngày nào dĩ vãng
Sống lại dần từng phút quê xưa
Có phải em nhận ra tôi
tôi nhận ra thơ nhỏ
Thuở xanh hai
mình lại ra đời
Hoa mười giờ
Em hái hoa mười giờ
Hoa thì em mười bảy
Tim tìm em chả thấy
Hoa chỉ hoa mười giờ
Anh trồng hoa mười giờ
Hoa mở vườn em hái
Mắt đuôi chớp xuân về
Hoa chạy hường lên má
Hoa em đền hoa má
Thơm má hoa mười giờ
Mưa rửa đền
Hoa tuổi trắng lau quên.
Gốc khế
Khi gió mùa anh đi
Sang sông tìm nắng khác
Để mẹ già tóc bạc
Lưng còng trên gậy tre
Để người yêu ngơ ngác
Gốc khế xanh đầu hè
Ba năm anh không về
Mẹ già anh ngơ ngác
Lưng còng đau gậy tre
Người yêu anh đốm bạc
Tóc khế xanh đầu hè
Ba năm anh không về
Ba năm rồi ba năm
Mẹ anh thành nấm đất
Người yêu anh cũng đi
Gốc nửa ngày khế chát
Sót bóng hoa mơ chờ.
Hái hoa
Anh rừng anh hái hoa
Hoa lúm hoa bông thắm
Hoa bông môi thật hồng
Em đùa em lấy chồng
Hoa cho bông chết đắng
Anh lòng anh hái hoa
Hoa hái hoa bông thắm
Hoa bông hoa rỏ hồng
Hoa hồng bông hồng bông
Anh muốn
Anh muốn làm bông hoa
Đầu xuân cài cỏ mộ
Thơm em đôi nỗi hường
Khuây hương đừng khóc nữa
Anh muốn làm con chim
Xập xanh xoè cửa ngó
Líu lô em quái chiều
Má đèn xoe sáng ngõ
Anh muốn gối trăng em
Một tình như duyên lạ
Nhé yêu anh bây giờ
Quên đi anh ngày cũ
Chiều Bích Câu
Cột đèn rớm điện
Là chiều Bích Câu
Rằng tiên giáng trần
Rằng ta gặp nhau
Lạnh giờ em đâu
Khói lay mái chùa
Mà ngỡ tên em
Mờ ơ đá vỡ
Ba hồi ngân chuông
Có nhớ có thương
Thì ròng tóc xuống
Mây trắng ngàn năm
Ơi em cổ tích
Mùi mưa xưa
lòng chưa tạnh
phố nhau đầu
[1]Đại lý thuốc phiện
7
Ngó Lời
(tập thơ. nxb Văn Học. 1997)
8
Từ Tình Epphen
(tập thơ. Tạp chí thơ, Cali. 1998)
9
Hèn Đại Nhân
(tập truyện ngắn. nxb Phụ nữ. 2000)
“Hèn đại nhân”
29/12/2007
Lê Đạt vốn được biết đến như một nhà thơ tài năng, một "phu chữ" vạm vỡ của văn chương Việt Nam. Nhưng, với riêng tôi, Lê Đạt còn là một cây bút truyện ngắn "thứ dữ". Cả đời ông, dường như chỉ in hai tập truyện ngắn là "Hèn đại nhân" và "Mi là người bình thường" đều ở cùng một nhà xuất bản chuyên lo về chuyện của chị em là Nhà xuất bản Phụ Nữ. Nói vui vậy để thấy, sách hay không tùy thuộc, cũng không cần lấy mác nhà xuất bản nào. Sách hay là tự thân nó hay. Vậy thôi.
Nhưng đây không phải là câu chuyện nói về sách, hay về Lê Đạt. Đây là câu chuyện được gợi nhớ từ một truyện ngắn của Lê Đạt có tựa đề "Hèn đại nhân". Chuyện về một nhà toán học (tương lai) trẻ tuổi, vì nghèo rớt mồng tơi nên bị người tình phụ bỏ để theo một viên sĩ quan. Trong một lần đụng độ, tức khí chàng trai trẻ thách đọ súng. Hai mươi ngày sau cuộc đấu súng sẽ diễn ra. Nhưng, éo le thay, trong hai mươi ngày ngắn ngủi đó, những phương trình toán học bỗng mọc lên như nấm trong đầu chàng trai trẻ. Chàng lao vào, say sưa ghi chép. Thời hạn hai mươi ngày đã hết, nhưng công trình toán học vẫn chưa hoàn thành. Không thể bỏ dở công trình toán học, chàng trai xin hủy cuộc đọ súng. "Đồ hèn" (Lâche) - đó là lời cô người yêu cũ dành tặng cho anh.
Nhục nhã ê chề. Lời miệt thị "đồ hèn" khiến chàng trai trẻ gục ngã, tưởng chỉ có thể chết đi. Nhưng, toán học (chứ không phải văn học) đã cứu anh trong những ngày tháng đó. Nói theo ngôn ngữ bóng đá là "cứu một bàn thua trông thấy". Anh chàng lao vào toán học, mặc cho lời thị phi, ruồng bỏ của đồng loại. Cho đến khi công trình toán học trên hoàn thành, thì "đồ hèn" liền "bùm" một phát vào chính tim mình, bằng chính khẩu súng mà anh đã chuẩn bị cho cuộc đọ súng với tình địch.
Công trình của anh sau đó được một ông thầy tốt bụng lo việc in ấn. Một ngày nọ, nhà bác học trứ danh A.Einstein tình cờ lượm được cuốn Bàn về toán hóa vũ trụ trong một nhà sách cũ, ông cầm lên đọc một cách say mê. Nhưng ông vô cùng ngạc nhiên trước một bút danh kỳ cục: "Le Lâche (Thằng hèn). Không bằng lòng chút nào, A. Einstein cầm bút lên, nắn nót thêm mấy chữ trên bìa sách: Lâche Le Grand - tức "Hèn đại nhân".
Tôi kể lại câu chuyện xưa cũ này không hề có ý định khôi phục lại những cuộc đấu súng hay cổ súy cho việc giải quyết vấn đề danh dự bằng súng đạn. Điều tôi muốn nói là về sự hèn hạ nơi mỗi con người chúng ta! Hèn ư?! Đã làm người thì tránh sao được những lúc hèn. Nhưng, biết vượt qua cái hèn, không phải ai cũng làm được. Và để được người đời nhìn nhận là "hèn đại nhân" thì không phải ai cũng xứng đáng.
Nhiều người, suốt một đời cứ sợ mình sống hèn, sợ mang tiếng thị phi là hèn mà cứ luôn đối phó, luôn "dĩ hòa vi quý" lấy lòng tất cả mọi người (mà làm sao lấy lòng được tất cả mọi người?). Bị một tiếng chê thì "ê ẩm" cả người, bị một lời trách móc thì mất ăn mất ngủ... Cứ thế, rồi loay hoay trong cõi nhân gian bé mọn, làm một người tốt theo kiểu bé mọn, chẳng bao giờ dám nói lên chính kiến của mình, chẳng bao giờ dám hy sinh một thứ gì, chẳng bao giờ dám sống với những thách thức lớn lao... Rồi, một đời vèo qua, một đời tưởng chừng mình sống thanh thản, vì không mích lòng ai, gặp ai cũng tay bắt mặt mừng... Nhưng cuối cùng chợt nhận ra, đó là một đời nhạt. Một đời, có thể gọi là thong dong mà lại không sung sướng, cảm khoái. Một đời tưởng là nhiều bạn, mà lại không có kẻ tri ân. Một đời, đã nhận được nhiều lời khen, mà ngẫm chỉ thấy toàn xã giao...
Đó là chưa nói đến, có những người vừa bị một cú vấp ngã, đã quỵ mãi mãi không thể đứng lên. Anh cứ bị cái thất bại đó giày vò, rồi sống trong mặc cảm, lo sợ. Anh rút vào cái vỏ ốc của mình. Anh trốn đời, nhắm mắt bịt tai lại với tất cả. Cũng có nhiều người tập thiền, tập đi chậm, nói thầm, cười khẽ... Nhưng đấy thực chất là cuộc chạy trốn chính mình. Từ cuộc chạy trốn này, vô tình anh đã hủy bỏ bao nhiêu khát khao dự định. Có thể, anh đã sống một đời còn lại trong an toàn, không ai nói với anh một lời nặng nhẹ, không ai kêu anh là "thằng hèn". Nhưng, rồi chợt anh thấy mình là hèn. Cũng chẳng được là "hèn đại nhân". Một thằng hèn vô danh. Buồn lắm thay!
Thế mới biết, sống cho mình thì dễ, sống cho đời, cho người mới khó. Mà sống trong đời, sống với muôn người thì làm sao tránh được sự hèn. Vậy, nếu trót hèn thì cứ hèn đi, đừng sợ. Thà hèn mà làm được chuyện đại sự, mang ích lợi cho nhiều người, còn hơn là sống một đời bằng an nhạt nhẽo.
Nếu trót hèn, xin nhớ hãy làm "Hèn đại nhân".
Trần Nhã Thụy
10
10
Mi Là Người Bình Thường
(tập truyện ngắn. nxb Phụ nữ. 2007)
11
U 75. Từ Tình
(tập thơ. nxb Phụ nũ. 2007)
12
Đường Chữ
(tập thơ. nxb Hội nhà văn, Bách Việt. 2009)
Lê Đạt: Đường chữ
13
Đối Thoại Với Đời Và Thơ
(nxb Trẻ. 2008)
Và những văn bản khác
Mất Ngủ
Hậu ... từ
1. Rất nhiều thế hệ đua nhau khen Tào Thực về tài "xuất khẩu thành thi". Và người ta kháo nhau mãi chung quanh giai thoại "đi một bước làm một câu thơ" của Tào. Đó là một lời khen có hại. Nó chỉ khiến người nhẹ dạ hiểu nhầm rằng tài năng thơ tỉ lệ thuận với tốc độ thi công. Cứ đà này thì việc sáng tác thơ có nguy cơ trở thành một cuộc thi tốc độ trong một Olympic chữ.
Thời Đường vô số những thần đồng có tài nhả ngọc phun châu? Những bậc thần đồng ấy nay còn được mấy tên tuổi lưu lại với hậu thế?
2. Tôi nghĩ người làm thơ phải thường xuyên tạo cho mình một trạng thái thơ. Nghĩa là một thói quen sẵn sàng tiếp nhận chữ vào mọi lúc, chứ không phải chỉ mở cửa cho chữ khi ngồi vào bàn làm việc.
Tôi đã hành cước quanh Hồ Gươm, Hà Nội gần như suốt nửa thế kỷ đày đoạ của đời chữ. Mặc dù tôi đã cố tình chọn đi vào những giờ thanh vắng, tôi vẫn bị nhiều người quen mắng mỏ là "kiêu ngạo", là "khinh đời", là "khó giao tiếp". Tôi đành cười nhận khuyết điểm để không thể sửa chữa. Hãy thông cảm cho tôi.
Hình như người làm thơ gặp một khó khăn bẩm sinh trong việc giao tiếp với mọi người, vì họ mải giao tiếp với chữ; họ mắc bệnh từ ám. Ngày mà tôi được tuyên dương là hoàn toàn hoà nhập với mọi người có lẽ cũng là ngày tôi hết khả năng làm thơ.
Tôi rất trọng nhà thơ Hoa Kỳ đầu bảng Emily Dickinson. Những năm cuối đời, nhà thơ này đã đóng cửa lại, chỉ tiếp xúc với bạn bè, với ngoại giới thông qua chữ, đó là hàng nghìn thư/thơ của bà.
3. Vũ Hoàng Chương có mấy câu thơ rất nổi tiếng:
Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh.
Và các nhà lãng mạn chủ nghĩa thi nhau rơi lệ khóc cho cảnh "sinh bất phùng thời" của người làm thơ cũng như khắc khoải cầu mong sự trở lại của một thời Nghiêu Thuấn đã mất.
Họ không hiểu rằng chẳng có thời Nghiêu Thuấn nào cả đối với nghiệp làm chữ.
Làm chữ là cầm bằng thân phận lỗi thời. Vấn đề là lỗi thời ở phía trước hay ở phía sau. Thế thôi.
Tôi dị ứng với các nhà thơ thời trang.
4. Nói rằng nhà thơ không thích danh vọng là nói dối. Nhưng một nghệ sĩ tự trọng phải cẩn thận lắm với danh vọng. Nó dễ tác động đến ta như một thứ ma tuý nguy hiểm.
Theo A.E. Hotchner, tác giả cuốn Bố Hemingway, nhà văn Hoa Kỳ nổi tiếng này không ưa Sartre về tội dài dòng, nhưng lại phục nhà triết học hiện sinh vì đã khước từ giải thưởng Nobel.
Với thói quen phũ mồm, Hemingway tâm sự: "Tôi đồ chừng Sartre đã biết giải thưởng này là một con điếm nó có khả năng quyến rũ và đỗ bệnh sida [aids] cho anh. Đã có một thời chính tôi cũng biết điều này, nhưng giờ đây con điếm mà người ta gọi là 'danh vọng' ấy đã tóm cổ được tôi và anh có hiểu nó là ai không? - Nó là em gái của thần chết!"
Nhà văn Mỹ Jerome Charyn mà nhiều người coi như học trò của Hemingway đã viết về 'thầy' như sau: "Sự nổi tiếng ập đến như sét đánh. Rõ ràng là ông đã lạm dụng nó khá nhiều... Bất cứ lúc nào ông cũng đứng cho thiên hạ chụp ảnh trên boong tàu hay hiên ngôi biệt thự tại Cuba..."
Trong lịch sử văn học, không ít nhà văn nhà thơ có tài năng hẳn hoi đã phung phí đời mình vì bận 'diễn' vai mà vinh quang đã khoác lên người họ, hay nói theo ngôn ngữ thời thượng vì mải chạy 'sô' (show). Ai bảo cái gánh mũ mãng râu ria và cờ đèn kèn trống kia không nặng nợ?
5. Văn học dân gian Việt Nam có một truyện rất hay về thân phận người nghệ sĩ – Truyện Trương Chi:
Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay...
Nhiều thế hệ đã thở than về cái nghiệp này:
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Thậm chí đã có nhà đạo diễn đưa lên sân khấu ca kịch một Trương Chi xấu ơi là xấu đến độ mất vệ sinh thẩm mỹ.
Kể trên đời thiếu gì nạn nhân của bà mụ và việc cái anh thuyền chài tài hoa kia có xấu trai chút ít cũng là việc bình thường.
Nhưng theo tôi dầu Trương Chi có "đẹp trai" đến đâu chăng nữa anh vẫn hơi bị "xấu" ở thân phận một nghệ sĩ.
Một nghệ sĩ thứ thiệt bao giờ cũng "xấu trai" so với tác phẩm của anh.
Một nghệ sĩ 'đẹp trai" hơn tác phẩm là một nghệ sĩ bất hạnh.
Người nghệ sĩ hy sinh đời mình cho tác phẩm, nấp mình sau tác phẩm chứ không lấy tác phẩm trang trí cho mình như một công tử bột. Nói như nhà thơ Edmond Jabes: "Tôi khuyết diện vì tôi là người kể chuyện. Chỉ câu chuyện là thực."
Cái bi kịch của Hemingway là trót ăn ảnh quá!
6. Một trong những nhược điểm cố hữu của nền văn học Pháp có lẽ là bệnh ưa sản xuất những tuyên ngôn.
Các trường phái đua nhau đưa ra những tuyên ngôn sặc sỡ như bướm đầu mùa.
Kể cũng có cái hay: hoạt động trên buộc các trường phái phải nỗ lực đưa ra những điểm mới, những màu sắc khác lạ. Nhưng quá say sưa với những tuyên ngôn là một điều có hại.
Thứ nhất, chúng làm ta phí tổn quá nhiều thì giờ và năng lượng.
Một tài năng lớn như giáo chủ trường phái siêu thực André Breton mà cũng chỉ được hậu thế nhắc đến chủ yếu nhờ những tuyên ngôn hơn là thơ của ông.
Nhưng điều tác hại nhất là những tuyên ngôn có nguy cơ trói buộc người làm chữ trong những con đường đã định sẵn, khuôn các nhà sáng tạo tự do thành những viên chức chữ "mẫn cán".
Nhà thơ có thể viết nhiều lý luận, có thể công bố nhiều tuyên ngôn nhưng khi làm chữ phải bỏ chúng lại đằng sau như những tín đồ trà đạo Nhật Bản bỏ dép khi bước vào trà thất.
Một nhà phê bình hảo tâm có đưa tôi một cuốn thơ Thiền và khẳng định: "Anh ưa đọc Thiền, chắc phải thích thơ Thiền."
Không. Tôi không thích thơ Thiền. Tôi không thích tất cả các chủng loại thơ có một cái đuôi tính từ. Tôi không thích thơ bị tha hoá bởi bất cứ thế lực ngoại lai nào. Những thơ dán "mác" kể cả mác tâm phân học.
Nói như nhà triết học kiêm nhà thơ Tây Ban Nha Miguel de Unamuno:
Mọi nhà thơ chân chính đều là một kẻ tà giáo, và kẻ tà giáo là người tuân theo những hậu đề (postceptes) không phải những tiền đề (preceptes)... Thơ không phải những nghị định, những giáo điều. Thơ là việc của những quy định sau và giáo điều là việc của những quy định trước.
Với mọi lý thuyết, mọi tuyên ngôn, mọi giáo huấn, người làm chữ xin được phép hạ hồi phân giải:
Vườn chôm chôm
mùa khem thèm thòm trái cấm
Vui mồm lắp lẫn
nhiều kinh kệ không quen
A men
(Bóng chữ)
7. Tôi ơn Freud và Lacan.
Một người đã hé cho tôi thấy tân thế giới của vô thức.
Một người đã mở lối cho tôi đi vào bóng chữ với gợi ý nổi tiếng của ông: "Vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ."
Trước tôi nhiều người đã đi tìm đường vào vô thức thông qua đàn bà, rượu và các thứ ma tuý.
Tạng tôi không hợp các thứ này. Tôi đã học được rất nhiều trong liệu pháp tâm phân học mà người ta thường gọi là liệu pháp trên đi-văng. Để vượt qua hàng rào kiểm duyệt khắt khe của siêu ngã, nhà tâm phân học đã cùng con bệnh tâm thần sử dụng liều cao phương pháp tự do liên tưởng.
Vừa là thầy thuốc vừa là con bệnh, tôi đã sử dụng tối đa phương pháp này lang thang dò tìm vô thức. Tôi đã dốc lòng thiết lập quan hệ, bắc những nhịp cầu hết sức bất định giữa các từ, triệt để tự do liên tưởng bất chấp lý tính, như một kẻ trời đầy bỗng lên cơn rồ dại.
Trường phái siêu thực ngày trước cũng áp dụng phương pháp này mà André Breton gọi là cách viết tự động.
Cái lầm lẫn của trường phái siêu thực không phải ở cách viết tự động. Lầm lẫn của họ là cho rằng tất cả chỉ có thế: Viết tự động chỉ là một chặng chứ không phải là toàn bộ quá trình chữ. Làm thơ không phải là một hành vi tự động mà bao giờ cũng là một hành vi có ý thức, mặc dù ý thức ở trạng thái đặc biệt mà trong những lý thuyết về những cấu trúc phá tán (structures dissipatives), người ta gọi là trạng thái khủng hoảng. Ở trạng thái này những hạt chữ sẽ tạo ra những nhánh rẽ (bifurcations) có cơ may dẫn tới những cấu trúc mới từ hỗn độn. Người làm thơ lặn lội biên thuỳ vô nghĩa lo toan mở mang bờ cõi của nghĩa.
Còn người điên thì không biết dừng lại mà vượt biên rơi hẳn vào cõi vô nghĩa.
Lẽ dĩ nhiên lặn lội ở bờ vô nghĩa là một công việc nguy hiểm. Và không ai bảo đảm cho anh ta một quy chế tuyệt đối an toàn.
Người làm thơ là một người điên trong tiềm thể và nếu trời phù hộ có thể đạt tới những điểm ngộ. Trong ngôn ngữ đường phố từ "ngộ" hình như có họ hàng với từ "chập mạch"
Chập mạch chấn động tình quên tiểu sử
Lang thang trong lần quê chữ tìm mình
(Ngó lời)
Những thế kỷ đã qua đều ít nhiều bị chi phối bởi nguyên lý loại trừ (principe d'exclusion).
Người chủ trương ý thức thì loại trừ vô thức. Người chủ trương vô thức thì loại trừ ý thức. Con người trong thế kỷ tới phải tập làm quen với nguyên lý bổ sung (principe de complémentarité)
Ánh sáng vừa hạt vừa sóng
Con người vừa ý thức vừa vô thức
Ý - vô thức thì được
Chứ vô - ý thức thì chắc là không nên
℘
Một anh bạn Paris trách tôi: "Làm sao anh ở chơi Paris lâu vậy mà vẫn không thuộc đường." Anh bạn không biết rằng đó là ưu điểm lớn nhất của tôi ở tư cách một người làm chữ.
Tuổi lú lẫn
ngược nhầm ga trẻ dại
Hay ngây ngơ không biết lối về già
Tha thẩn chữ ngã ba
(Bóng chữ)
Người ta thường ví nhà thơ với một kẻ hành hương. Đúng với điều kiện phải bổ sung một chi tiết: một kẻ hành hương quên địa chỉ của Đất Thánh. Một kẻ hành hương đãng trí.
Anh ta mang máng như mình đã gặp Đất Thánh đâu đó trong một câu thơ. Và chung thân đi tìm. Có nhà lý luận nào thạo đường mách bảo nhau chăng?
(Trích Chuyện với Mimơza – chưa in -)
Nguồn: Tiền Vệ
Bóng chữ
Chia xa rồi anh mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
Mây mấy độ thu
Vườn thức một mùi hoa đi vắng
Em vẫn đây mà em ở đâu
Chiều Âu Lâu
Bóng chữ động chân cầu
*
Thu nhà em
Anh đến mùa thu nhà em
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày
Nông nỗi heo may từ đó
Mưa đêm tuổi nổi ao đầy
Đồi cốm đường thon ngõ cỏ
Bướm lượn bay hoa ngày
Tin phấn vàng hay thuở gió
Tóc hong mùi ca dao
Thu rất em
và xanh rất cao
*
Thơ Haikâu
Chân trời
Tôi khóc những chân trời không có người bay
(Trần Dần)
Đời bất trắc mộng đầy đất chật
Đói sân chơi hành khất chân trời
*
Phố Phái
Xe chuyển bánh mặc anh hớt hải
Đầu Phố bụi mày cuối Phái mưa may
*
Hoa mai
Lời lỡ nuốt thề mà mai buột nở
Xuân đa mang hoa khốn khổ chung tình
*
Khấn tình
Người đến rồi người lại đi
Khiến người miếu gốc cây si khấn tình
Lê Đạt:
"Phản đề" dành cho người Việt trẻ
Nhà thơ Lê Ðạt, dù tuổi đã ngoài 70 vẫn là một người trẻ lạ lùng. Trẻ, ở trong tâm hồn và tính cách lẫn những cách tân trong thơ ca Việt - cho dù cuộc đời ông như chính nhà thơ thừa nhận là rất "li kỳ" và chịu nhiều thăng trầm dâu bể. Trẻ, ở chính cái cách mà ông nhìn nhận rất "thiện chí" và cởi mở về lớp trẻ, về thế hệ trẻ hiện nay...
Báo Sinh viên Việt Nam (SVVN) đã có cuộc trò chuyện cùng ông trong một ngày đông cuối năm ở một ngôi nhà phố cổ Hà Nội về những câu chuyện của người Việt trẻ trong xu hướng hội nhập, toàn cầu hoá đồng thời phát triển những giá trị truyền thống dân tộc.Và làm sao để loại bỏ được những lực cản khách quan và chủ quan, những "tảng đá" giáo điều đeo đẳng trên lưng, những mặc cảm nhỏ nhen, những kiến thức và tình cảm vụn vặt để những người Việt trẻ sẵn sàng cho một cuộc "leo núi" đỉnh cao như nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Sơn từng ao ước. Câu chuyện bắt đầu từ khát vọng và ước mơ của những người trẻ.
Nếu không có khát vọng, chúng ta trở thành những đứa trẻ chết già!
SVVN: Tất nhiên tuổi trẻ ai cũng đầy mơ mộng và khát vọng, nhưng có nuôi được và biến nó thành thực tế không mới là chuyện đáng nói. Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn về thế hệ trẻ, nhà thơ Phan Huyền Thư cũng đưa ra một câu hỏi chưa có trả lời "Trên thực tế, có được bao nhiêu người biến ước mơ hoài bão của mình thời tuổi trẻ thành hiện thực? Và bao nhiêu người đã bội ước với tuổi trẻ của mình?" Trong thơ ông, tôi cũng đọc được: "Những ước mơ xưa/ Như con chim gãy cánh/ Rũ đầu chết ngạt trong bùn/ Năm tháng mài mòn/ Bao nhiêu khát vọng"...
LĐ: Tôi cho rằng để sự mơ mộng và khát vọng trở thành hiện thực phải đòi hỏi rất nhiều ở sự can đảm và kiên trì. Ở đó, không có "đất" cho sự thực dụng và những toan tính tầm thường, ở đó cũng không có cơ hội cho những người thiếu lòng đam mê và dũng cảm. Ðể nuôi khát vọng, nó đòi hỏi sự đam mê thành thật, thậm chí vác cả sự đam mê trên vai mà trèo đèo lội suối để biến nó thành sự thật. Với những người trẻ tuổi, tôi có một lời khuyên chân thành: đừng bao giờ sống 50%, đừng bao giờ yêu 50% và cũng đừng bao giờ làm 50%. Sự nửa vời cũng là một trong những lý do để người trẻ phản bội lại ước mơ của mình.
SVVN: Nhưng đôi khi họ không dám sống 100% còn vì nhiều lý do, những định kiến từ bên ngoài họ. Và có những trả giá đôi khi là quá đắt nếu mạo hiểm "đặt cược" cả 100% "số vốn" mà họ có?
LĐ: Phá bỏ những định kiến với chính mình mới quan trọng chứ không phải là định kiến của người khác. Và định kiến đáng sợ nhất là sợ khác người, sợ mọi người coi mình là rồ dại. Với người trẻ, dù lao đi mà trượt chân vài cái còn hơn là ngồi một chổ để tính toán hết đời mình, nó tạo cho người trẻ một sự khôn ngoan không cần thiết. Còn lý do khách quan thì bao giờ cũng có, khó khăn bao giờ cũng có, nó chỉ biến đổi hình thái theo từng giai đoạn thôi chứ chẳng bao giờ có một môi trường lý tưởng nào cho giới trẻ cả. Nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải nuôi khát vọng. Tuổi trẻ mà không có khát vọng tức là chưa kịp trẻ họ đã già hay ngược lại là đã già ngay từ khi còn trẻ, nói như cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương - Họ là những đứa trẻ chết già.
SVVN: Nhưng dù sao thì cũng phải "thực tế khát vọng" phù hợp với năng lực của mỗi người. Nhiều người chỉ cần nuôi những giấc mơ nhỏ và khi đạt được họ bằng lòng với nó?
LĐ: Tôi không nói đến những "giấc mơ con" và những "cuộc đời con". Còn những người trẻ có chí tiến thủ và giàu hoài bão bao giờ cũng đặt mình trong sự đối sánh với người khác. Biết người quan trọng hơn biết mình. Từ đó có những cái nhìn phê phán, tôi nghĩ rằng sự phê phán (để biết được những nhược điểm của mình) chính là bước đầu tiên của tri thức.
Một trong những điều nữa hạn chế sự tiến thủ của những người trẻ là căn bệnh chủ quan quá mức và dễ hài lòng với chính mình. Cuộc đời là một quá trình trôi chảy và đấu tranh liên tục, nếu anh hài lòng với những kết quả ban đầu và dừng lại coi như anh đã "chết" ở chính điểm dừng ấy và sau đấy trở thành một kẻ "ăn mày dĩ vãng" hay "xác ướp trở lại" mà thôi!
SVVN: Những khát vọng nào của tuổi trẻ đáng được biểu dương nhất, thưa nhà thơ?
LĐ: Có rất nhiều khát vọng đẹp, nhưng tôi thích nhất ở những người bạn trẻ tuổi là khát vọng lên đường, khát vọng đi tìm những miền đất mới, những lĩnh vực mới. (Xã hội nên có những động thái tốt đẹp dành cho những người tìm đường). Và tôi nghĩ, càng có nhiều khát vọng lên đường, tuổi trẻ càng dễ phá bỏ được những định kiến, những cái cũ ở ngay trong chính bản thân họ cũng như xã hội bên ngoài...
Tuổi trẻ hãy lên án một cách nghiêm khắc sự giả dối
SVVN: Ngoài chuyện thiếu khát vọng, sự dễ hài lòng và sống 50%, theo ông có những lực cản nào nữa kéo sự phát triển của người trẻ lại?
LĐ: Có những tính cách xấu lâu ngày biến thành những khuyết điểm của người Việt Nam, đó là không có ý thức về sự hoàn chỉnh, thói quen không có kỉ luật, không đi đến tận cùng cái mình đang có, dễ hài lòng và chấp nhận thực tại, căn bệnh tiểu nông, tiểu thủ công nghiệp manh mún, giật gấu vá vai... Ðiều này dẫn đến một thói ứng xử xấu nữa là dễ tặc lưỡi cho qua. Một người già chép miệng hoặc tặc lưỡi cho qua đôi khi còn thông cảm được vì sự "lực bất tòng tâm" nhưng với một người trẻ thì rất nguy hiểm. Tại vì khi chép miệng là lúc anh bước từ một cõi thực tế sang một "cõi" ảo, một "cõi" đầu hàng, buông xuôi. Khoảng cách giữa chúng rất nhanh nhưng lâu dần nó cuốn anh đi rất xa. Nếu nói, điều tôi ghét nhất trong tính cách của người Việt là thói chép miệng, nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực ra khi anh chép miệng, phần nhân tính trong anh đã bị buông xuôi và anh đã dễ dàng "đồng hoá" với sự thất bại, với thói xấu.
SVVN: Gần đây, xã hội nói nhiều đến căn bệnh giả dối bằng cấp, đặc biệt là trong giới trí thức trẻ. Nhà văn Nguyễn Khải thì lên tiếng về căn bệnh công chức hoá ở lớp trẻ...Theo ông, điều nào đáng lo ngại hơn?
LĐ: Chuyện bằng cấp và thói quen công chức hoá đều bắt đầu từ hậu quả của thời phong kiến và quan liêu bao cấp - đó là học để làm quan. Xã hội mới thì tôn trọng đến sự thành đạt ở bề ngoài (tiền, danh vọng) mà chưa chú ý đến giá trị tinh thần. Chính cơ chế đó đã khuyến khích thói công chức hoá ở trong nhiều người. Họ coi nhà nước như là chỗ an dưỡng hơn là nơi để cống hiến và sáng tạo. Lâu dần, họ mất đi sức mạnh của tinh thần mà chỉ còn lại sức mạnh của cái ghế. Thói xấu này không chỉ có ở trong những người trẻ mà phần lớn là để lại từ các lớp đàn anh đi trước. Thái độ của xã hội cũng phải chịu lỗi về điều này. Chính môi trường của xã hội nhiều khi khuyến khích sự giả dối. Giới trẻ cần phải lên án một cách nghiêm khắc sự dối trá, bắt đầu từ chính bản thân mình. Và phải tập cho mình một thói quen biết xấu hổ trước cái xấu. Tôi cho rằng, sự biết xấu hổ là sự bắt đầu nhân tính của con người.
Ðừng nhìn hiện tại bằng con mắt của quá khứ
SVVN: Những người lớn tuổi "kêu" là lớp trẻ đang quay lưng với những giá trị truyền thống và thuộc sử Tàu hơn sử Ta. Thực ra với lớp trẻ, truyền thống có những vai trò gì? Và họ nên "đối xử" với truyền thống như thế nào để "hợp lý hợp tình"?
LĐ: Vế đầu, tôi nghĩ một phần do nền giáo dục và nền văn hoá nghệ thuật của chúng ta chưa đủ sức để hấp dẫn giới trẻ. Truyền thống, hay nói giản dị hơn là quá khứ cũng có quá khứ tốt và quá khứ xấu, cần được nhìn nhận lại một cách khách quan. Có những giá trị tốt cần được phát huy như truyền thống tương thân tương ái, sự độ lượng...nhưng cũng có những truyền thống trở thành lực cản vì sự trì trệ và bảo thủ cần loại bỏ.
"Ðối xử" với truyền thống, tôi nghĩ lớp trẻ đừng bao giờ nhìn hiện tại và tương lai bằng đôi mắt của quá khứ, đừng để những "lực chết" kéo ta lại với quá khứ, hay để những người sống đi cãi nhau với người chết (ông dẫn thơ - Thưở ấy tôi rất già/ Mở miệng khuôn tổ tiên rập nói). Với truyền thống, cũng cần phải nhìn nhận một cách tinh tế. Bảo tồn truyền thống không quan trọng bằng phát huy truyền thống để tìm ra một truyền thống mới. Ví dụ có những giá trị truyền thống rất xấu như "Ta về ta tắm ao ta" hay "Phép vua thua lệ làng" "Chó cậy gần nhà"..., nó thể hiện sự lạc hậu và xã hội không thông suốt từ trên xuống dưới, mang nặng tư tưởng bè phái, địa phương, gia đình... Hay bia Quốc Tử Giám không chỉ thể hiện tính hiếu học mà còn lộ ra tính hám văn bằng có ngay ở trong truyền thống.
Nhìn nhận truyền thống, mỗi người trẻ nên định giá bằng đôi mắt của mình chứ không theo sự định giá của người khác.
"Ðạp đổ thần tượng" hay "đứng trên vai thần tượng"?
SVVN: Trong một lần trò chuyện, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rằng lớp trẻ ngày nay có vẻ hơi "vô thần, vô đạo", thực ra thì theo ông, lớp trẻ có nên nuôi trong mình những "tín điều" không?
LĐ: Vô thần thì nên, nhưng vô đạo thì không nên. Con người nên có những tín điều nhưng không nên thờ thần tượng vì thần tượng là sự xuống cấp của tín điều. Nhìn lịch sử tiến triển của loài người mình phải đứng trên vai của quá khứ mới thấy được tương lai chứ núp bóng quá khứ thì tương lai không bao giờ thấy được.
SVVN: Vậy thì theo nhà thơ, lớp trẻ nên "núp bóng thần tượng", "đạp đổ thần tượng", hay "đứng trên vai thần tượng"?
LĐ: Bản thân của sự phát triển văn hoá là chống lại thần tượng. Nói như Trang Tử là "vứt trí bỏ thánh" để trở lại suy nghĩ của chính ta. Nói đạp đổ thần tượng thì nghe có vẻ hơi phạm thượng nhưng tôi nghĩ rằng không sai và nói gì thì nói, nếu được coi là thần tượng tức là họ đã ghi được dấu ấn giá trị trong lịch sử, hiện tại và tương lai nên để lớp trẻ khai phá. Tốt nhất, là đứng trên vai thần tượng vì ở trong hoàn cảnh đó, thần tượng đã làm được một việc có ích là giúp lớp trẻ có một cái nền cao ráo và vững chắc.
Sống thật với chính mình thì sẽ khác
SVVN: Trước đây, nhà thơ Lưu Quang Vũ than "Tôi chán cả bạn bè/ Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới". Gần đây, cả Văn Cầm Hải và Phan Huyền Thư đều nói đến "Những giấc mơ của lưỡi". Nhà thơ Dương Tường thì nhận xét "Có nhiều người nghĩ khác, nhưng ít ai sống tận cùng với cái khác của mình"...Một trong những điều mà giới trẻ tự chán mình là họ đang càng ngày càng cũ, càng nhạt? Ông có cảm thấy điều đó?
LĐ: Tôi chống lại sự nhàm chán nhưng không có nghĩa là tôi sống khác với tôi. Hãy sống thật với chính anh thì anh sẽ khác với những người khác chứ không phải "chủ trương" để sống khác. Vì nếu khi anh sống khác anh tức là anh không thật với chính mình. Còn nếu khi anh tự chán mình, chán bạn bè mình là lúc anh đang khao khát để thay đổi, khao khát sự "vận động" của lưỡi.
SVVN: Vậy ông "khuyến khích điều gì trong cách sống của giới trẻ"
LĐ: Tôi khuyến khích sự lao động cần cù và kiên trì của lớp trẻ, từ bỏ cách nghĩ cách làm việc "ngắn hạn", "ăn xổi" và bệnh "khoa trương", "ồn ào". Tập cho mình những tầm nhìn "dài hạn" và đi đến tận cùng cái "tư duy dài hạn" ấy. Trong cuộc sống, thư giãn hãy "bình thường tâm", đừng "phân thân" nhiều quá. "Khi đói ta ăn, khi mệt ta nghỉ" như lời dạy của một thiền sư, chứ đừng khi ăn lại nghĩ đến chuyện khác và khi nghỉ cũng nghĩ đến những chuyện khác.
SVVN: Và trong tâm hồn, trong thơ ca? Là một nhà thơ không ngừng cách tân thơ Việt, cuối cùng ông nghiệm ra điều gì quý giá nhất ở thơ ca?
LĐ: Thơ là mỹ học và đạo đức học. Cái đẹp trong câu thơ kêu gọi sự cao thượng. Và nên hiểu thơ ca cũng là một sự lao động ngôn ngữ đầy gian khổ chứ không chỉ là cảm xúc thẩm mỹ thuần tuý (Chữ bầu nên nhà thơ). Nhà thơ, nhất là các nhà thơ trẻ hãy tập cho mình một cách sống gian khổ (chứ không phải cực khổ), một sự "li kỳ" trong tinh thần. Nhưng đáng buồn nhất cho những nhà thơ "li kỳ trong đời thật nhưng lại tẻ nhạt trong đời chữ"!
SVVN: Sự "li kỳ" trong đời người, đời chữ của ông, nếu được nói bằng thơ..?
LĐ: Thơ ca, cuối cùng với tôi vẫn là cảm xúc mỹ học và cái đẹp của sự cao thượng. Tôi thích những câu thơ giàu cảm xúc: Vườn thức, một mùa hoa đi vắng/ Em ở đây mà em ở đâu? Hay Tim lặng lạnh góc bồ đề mưa cũ/ Chim gõ mỏ kiếp xưa, chưa rũ hết luỵ tình...
SVVN: Ðiều cuối cùng, nhân dịp mùa xuân mới, mùa như các nhà thơ nói "ươm mầm, chồi xuân, lọc nõn...", nhà thơ có một lời chúc nào dành cho những người bạn trẻ?
LĐ: Tết ở ta có một tục lễ cổ truyền rất hay là xông đất. Tôi chúc các bạn trẻ đầu năm mới hãy "xông đất" nhiều hơn, "xông đất" nhiều lĩnh vực mới hơn nữa...
Phụ lục
Lê Đạt
Xuân 17
Thí xinh số báo xuân 17
Xuân một năm đi đâu
Chiều xinh xuân xịch đến
Không kịp ai đón tầu
Hoa cửa tha thẩn đèn
Chả quen mà cũng hẹn
Ô muốn đèo bé đời
sau xe đạp xoan chơi
Phố thi thì con gái
Chiều qua còn khép nụ
Nào hay xuân chớm về
Sớm đã hoa bùng lửa
Thắp hồng lên má đê
Ngực no căng ngược gió
Thơm mãi mùi dậy thì
2003
Nguồn: Báo Sinh viên Việt Nam, số Xuân 2004
Lê Đạt:
Nghiệp Thơ
Trong các bộ môn văn học nghệ thuật, thơ có lẽ là bộ môn chịu nhiều hiểu lầm hơn cả.
Anh muốn vẽ ư? Anh phải đi học họa (dầu không phải học tại trường Mỹ thuật). Anh muốn làm nhạc ư? Tốt nhất mời anh thi vào Nhạc viện. Hình như chỉ có thơ là không cần phải học. Nhiều người nghĩ rằng thơ cũng như khả năng ngoại cảm hoàn toàn trời cho. Và tìm chữ cũng như tìm mồ mả hài cốt!
Các nhà thơ cũng góp phần không nhỏ vào sự ngộ nhận này. Nào nhà thơ đêm nằm nghe thiên hứng từ một cõi thanh vắng đọc cho mình nghe như thánh ốp vào miệng một cô đồng phải ghi tắp lự, không đến sớm mai có thể rơi vãi mất hết! Nào nhà thơ cưỡi trên con ngựa bay của cảm hứng mà các lý luận Trung Hoa dựa vào âm tiếng Anh của tự "inspira - tron" chuyển dịch một cách thần bí và sang trọng là " Yêu sĩ phi lý thuần", vân vân và vân vân.
Sinh thời Thơ Mới những năm 30, một nhà thơ đầu đàn viết:
Hôm qua đi hái mấy vần thơ
Ở mãi vườn tiên gần Lạc Hồ.
Chẳng ai biết Lạc Hồ ở đâu, nhưng lập tức đẻ ra một loạt các ông đầu bù tóc rối đi trong mưa tìm hứng thơ. Nhiều ông đi lạc xuống phố Khâm Thiên tìm thơ trong thú đi mây về gió với sự trợ giúp của nhựa cây anh túc cũng như thân xác của mấy nàng thơ "mỳ ăn liền".
Khói huyền lên khói huyền lên
...
Lung linh vàng dội cung quỳnh
Nhịp nhàng biến hiện những mình tiên nga.
Kết quả chẳng biết sinh ra bao nhiêu nhà thơ, chỉ biết khá nhiều người tiền mất tật mang và ngày càng lún sâu vào cái mà ngày nay ta gọi là tệ nạn xã hội.
Các nhà lý luận nói nhiều đến cách làm việc cần mẫn của người viết tiểu thuyết hơn của người làm thơ. Người ta ca ngợi việc Tolstoi viết đi viết lại nhiều lần bộ tiểu thuyết đồ sộ Chiến tranh và hòa bình. Nhưng người ta lại trầm trồ việc Lý Bạch say túy lúy đặt bút không cần nghĩ, viết một mạch những câu thơ trác tuyệt bị thúc đẩy bởi một cuồng hứng.
Điều đó khiến nhiều người hiểu lầm rằng thơ không cần lao động cực nhọc mà chỉ cần cảm hứng. Mà cảm hứng thì như người tính thất thường, nhõng nhẽo, thoắt đến, thoắt đi ai mà lường trước được.
Theo tôi thơ là một nghề. Đã là một nghề thì phải có kỷ luật lao động. Không nên thụ động thắp hương chờ mà phải chủ động gọi hứng đến. Công việc này đòi hỏi một kỷ luật nghiệt ngã và gian khổ.
Các nhà thơ hãy tập thói quen hàng ngày ngồi vào bàn làm việc như một người lao động bình thường viết - cố viết. Không nghĩ ra cũng phải nghĩ cho ra, cũng phải viết - Đừng có nản - Viết một chữ một, câu bật chợt đến. Rồi chữa. Rồi phát triển. Rồi xóa sạch nếu cần. Nhưng nhất định phải viết - Dầu công cốc, dầu tốn giấy mực và thời gian.
Hãy đi đến tận cùng chán nản để vật ngã nó. Thật ra, nói không được gì chỉ là nhìn bề ngoài. Việc viết xóa, sửa chữa viết đi viết lại tưởng như là vô ích này là những yếu tố tích lũy và kích thích cảm hứng rất tốt.
Một số nhà thơ cho rằng những câu bắt đầu là của trời cho. Cũng có thể. Nhưng trời chỉ đầu tư mấy câu đầu như một thứ vốn "ưu đãi xóa đói giảm nghèo" còn việc ăn nên làm ra là việc của từng người không ai làm thay được.
Valery, nhà thơ, nhà lý luận thơ kiệt xuất người Pháp có một ý kiến đáng để ta suy nghĩ: " Một hai câu đầu có thể trời cho, phần còn lại là khổ sai chữ".
*
Thiên hạ không ngớt lời khen Tào Thực đi một bước làm một câu thơ. Đó là một lời khen không tốt. Nó dễ khiến người nhẹ dạ lầm lẫn thơ với một cuộc thi tốc độ. Thời Đường có bao nhiêu thần đồng xuất khẩu thành thi, đến nay tên còn lại bao nhiêu người? Tôi không thích những thần đồng Tôi yêu những người lao động có tri thức một nắng hai sương trên cánh đồng chữ bận tâm những vụ mùa cao sản.
Phê bình thơ Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu, Thánh Thán có một nhận xét rất được:
"Phàm cổ nhân mà có một lời, một hàng, một câu, một chữ đủ để biết một mình trong một thời, chiếm cứ cả ngàn năm thì ta phải tin rằng không có gì - không do ở đọc sách ( hay học tập - L. Đ) dưỡng khí (hay rèn luyện - L. Đ) mà ra".
Thơ là chóp của Kim Tự Tháp văn hóa - Không có nền vững, chóp dễ sụp đổ như một lâu đài cát. Không có thơ hay ở trình độ cấp I. Làm thơ nhanh hay chậm, dễ dàng hay khó khăn chỉ là cách riêng của từng nhà thơ không phải biểu hiện của tài năng.
Người luyện võ đến mức siêu chỉ phấy tay đủ phát trưởng phá núi - Cái phấy tay đủ phát chưởng phá núi - Cái phẩy tay đó hàm chứa bạc đầu khổ luyện. Một cái múa bút của Lý Trích Tiên thật ra công lực như Hạng Vương cử đỉnh. Người ta chỉ nhìn thấy Tào Thực ung dung đi một bước làm một câu thơ, không nhìn thấy những đêm trắng "độc thư Huyện thi" phu phen của họ Tào.
Maia có một cuốn sổ tay vật bất ly thân để tích lũy chất liệu thơ hàng ngày (một ý hay, một từ ngộ nghĩnh, một câu thơ chợt đến), ông coi nó như một kho hậu cần của sáng tạo. Đó là một kinh nghiệm hay.
Đỗ Phủ có một đòi hỏi hết sức nghiêm khắc đối với việc làm thơ - Nhà thơ khổ sai chữ này, di chúc đời sau "Viết một câu quỷ thần chưa khiếp kinh, chết không nhắm được mắt".
*
Nhiều cây bút trẻ than thở về cảnh ngộ cô đơn và khó khăn của nghề chữ. Theo tôi đó không phải là cảnh ngộ riêng đối với các nhà thơ trẻ mà là số phận chung của các nhà thơ thứ thiệt.
Một người chữ lẫy lừng như Baudelaire mà suốt đời vẫn thấp thỏm lo lắng: "Thượng đế! Cầu xin người phù hộ cho dăm ba câu thơ đủ sức chứng minh rằng Baudelaire không đến nỗi là kẻ mạt hạng thấp kém so với đám người mình khinh bỉ".
Lời cầu xin của tác giả Ác hoa không phải là một lời cầu xin đầu lưỡi hay làm dáng - Một người làm thơ tự trọng luôn hoài nghi, luôn nơm nớp mình là kẻ ngoài lề vô dụng và cần phải cố công, cùng sức làm được một vài câu thơ đủ chứng minh (không phải cho đời mà cho chính bản thân) rằng mình không đến nỗi là một kẻ vét đĩa vứt đi.
Tôi kỵ những nhà thơ tự phong hay được sắc phong "thi sĩ suốt đời". Nhà thơ đích thực bao giờ cũng ghế bất trắc và buộc phải bảo vệ ( không phải bệ vệ) thi phận của mình qua thử thách khắc nghiệt và vô tư của chữ.
Ai cũng biết Victor Hugo là một nhà thơ đồ sộ. Viết về nhà thơ này, Jean Cocteau, một nhà thơ nổi tiếng nhận xét: "Hugo, cái anh chàng rồ cứ ngỡ mình là Victor Hugo!". Như vậy là ông nhà thơ đồ sộ kia cũng từng đã không ít lần bị loại qua các cuộc bầu cử của chữ.
Làm thơ là một nghề hơi bị nguy hiểm. Tôi không nói đến cái nguy cơ bị ăn đòn bởi các nhà phê bình đao to búa lớn - Thời nào cũng có những kẻ đao búa. Cái nguy hiểm trầm trọng hơn là tình trạng mà Rilke gọi là niềm "cô đơn không tận" của nghiệp thơ. Các nhà văn xuôi cũng cô đơn, nhưng cô đơn khủng khiếp nhất hình như vẫn là các nhà thơ.
Không người làm thơ nào không trải qua những cơn tuyệt vọng muốn quắng bút đi làm nghề khác cho nó khỏe - Nhưng thơ là một nghiệp, một tình yêu đắm đuối - Yêu cũng mạo hiểm lắm chứ! Nhưng có ai vì thế mà chưa yêu đâu.
Trong một phút xuất thần, Nguyễn Du khi nói về thân phận nàng Kiều đã cám cảnh nói hộ bản thân ông và các nhà thơ:
Ma đưa lối quỷ dẫn đường
Lại tìm những lối đoạn trường mà đi
Ai buộc anh phải làm thơ, phải bước vào "con đường khổ ải" đó. Chẳng ai cả - Thân làm tội đời mà thôi!
Trong bức thư nổi tiếng gửi người làm thơ trẻ, Rilke nhắc đi nhắc lại rằng họ chỉ nên đeo đuổi nghiệp thơ, nếu từ chỗ sâu thẳm nhất của tâm hồn họ cảm thấy không viết không được.
Lẽ dĩ nhiên đứng về phương diện quản lý, Hội Nhà văn phải thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của các nhà thơ trẻ mà niềm nở ân cần đối với họ, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho họ có thể gặp gỡ trao đổi với nhau. Báo Thơ rất nên mở ra cho họ một sân chơi, thông thoáng và hiện đại. Và nên tránh những lời quở trách chung chung và nặng chùy như "lai căng" "quay lưng lại với cuộc sống" " thơ hũ nút, xa rời quần chúng" vân vân và vân vân. Họ còn mới bắt đầu mà đã chụp những cái mũ trọng tội thế. Phải thương yêu, giúp đỡ họ( tôi rất ghét từ nâng đỡ) chỉ rõ những ưu điểm, khuyết điểm cụ thể với một thái độ khoan dung nhận chân thành vì họ chính là ngân hàng tương lai của chúng ta - Đừng nên quá, "chữ nghĩa nhiều khi có thể giết người".
Phải hiểu quy luật tiếp nối trong văn học. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước là phải tìm ra được tiếng nói riêng, nhiều khi rất khó nghe đối với lỗ tai của thế hệ trước. Trong cuộc đấu tranh giữa thơ "cũ" và thơ "mới" những năm 30, đã có "cụ" gay gắt lên án đòi chém Lưu Trọng Lư. Tiếp nối không phải rập khuôn làm theo mà làm khác thế hệ cha anh như thế hệ cha anh đã từng làm khác thế hệ trước. Tiếp nối truyền thống là trẻ hóa, phát triển nó tạo ra những truyền thống mới sống động và khác lạ. Đó là một lao động hết sức gian nan và vất vả đòi hỏi một đam mê mãnh liệt đến mức dũng cảm.
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua
Anh bạn trẻ! Anh đã trèo được mấy núi rồi?
Đam mê một người còn không xong, sức mấy mà đam mê chữ.
Nguồn: Văn nghệ, Phụ san Thơ số 5, tháng 11.2003
Lê Đạt:
Đối thoại
Một thế kỷ đã kết thúc -một thế kỷ mới bắt đầu -nhiều giá trị đã lỗi thời như một thứ tiền quá đát vô dụng. Diện mạo nền văn hoá Việt Nam cập nhật giàu tính truyền thống và hiện đại là một chân dung đương hình thành. Do đó chúng ta cần hợp tác cùng nhau tìm -quá trình tiến hoá nhân loại xét đến cùng là một quá trình tìm. Quá trình này dựa trên một phương pháp rất nổi tiếng mà khoa học mệnh danh là phương pháp thử và sai (essai et erreur). Không phải vô tình mà các nhà tri thức học dùng thành ngữ thử và sai chứ không phải thử và đúng vì đã thử tất nhiên phải chấp nhận sai. Và văn minh là gì nếu không phải là một chuỗi thể nghiệm và sửa sai, hoàn chỉnh bất tận những giả thiết. Giờ đây một em bé lớp ba cũng biết rằng quả đất tròn và quay chung quanh mặt trời.
Nhưng để đi đến cái kết luận tưởng chừng hết sức sơ đẳng và hiển nhiên này nhiều thế hệ những bộ óc lớn của nhân loại đã tốn bao nhiêu thế kỷ thử và sai và đã không ít người bị thiêu trên đài lửa vì tội dị giáo. Tôi có cảm giác một số nhà lý luận phê bình của ta còn nhiễm virus sợ sai.
Họ thường ưu tiên một luận điểm được đa số chấp nhận nhưng vô bổ và bạc màu hơn một luận điểm có thể chưa hoàn chỉnh nhưng gợi mở nhiều ý mới nhiều tranh luận bổ ích. Chúng ta còn chưa chú ý thích đáng đến khái niệm khả sinh (fertilité) và vô sinh (stérilité) trong một đề xuất. Xin đừng ai bảo rằng tôi cổ vũ cho sự phiêu lưu. Tôi quá kính trọng sự vất vả của nhân dân để không chủ trương thí nghiệm vô trách nhiệm trên đầu họ. Nhưng để tránh khỏi nghèo nàn lạc hậu chúng ta nhất thiết phải tìm cách nhanh chóng đuổi kịp thế giới và đã tìm thì phải không sợ sai, thậm chí thất bại. Sự sai này, sự thất bại này là tích cực, vì nó giúp ta tiến lên. Theo tôi một đề xuất chưa đúng, thiếu sót (lẽ dĩ nhiên không thiếu sót thì tốt quá rồi) nhưng khả sinh phì nhiêu còn đáng khích lệ hơn một đề xuất không sai nhưng vô sinh cằn cỗi. Xây dựng một nền kinh tế phồn vinh, một nền công nghiệp hiện đại là một công việc khó khăn. Xây dựng một nền văn minh bằng vai các nước năm châu còn khó khăn gấp bội. Công việc khó khăn nhưng cấp bách và khả thi. Một nền kinh tế chậm phát triển không nhất thiết chỉ tạo ra một nền văn minh chậm tiến.
Mọi thái độ tự hào cũng như tự ti thái quá đều việt vị. Vì tất cả chúng ta cùng đi tìm nên cần khuyến khích một thái độ đối thoại nghiêm ngặt nhưng dung nhận. Thời kỳ quan liêu bao cấp là thời kỳ chủ yếu của độc thoại. Nó đã trở thành một căn bệnh mãn tính. Thời gian gần đây trong không khí cởi mở, ta đã thấy xuất hiện một phong cách đối thoại tương đối tốt. Nhưng rõ ràng chúng ta chưa thể tuyên bố đã hoàn tất chương trình thanh toán bệnh độc thoại. Nguy hơn nữa không ít người có thiện chí còn vô tình đối thoại với thói quen độc thoại. Độc thoại là đinh ninh rằng chỉ mình mới đúng, mới nắm được chân lý nên chủ tâm nhằm bắt bẻ, phủ nhận những ý kiến khác không lọt tai, buộc bên đối thoại phải phục tùng mình, ít chịu lắng nghe, phân tích cân nhắc vô tư những đề xuất bất đồng. Với người độc thoại, chân lý đã có sẵn và ở phía sau, thái độ của họ là một thái độ cửa quyền áp đặt đóng kín. Đối thoại là tin rằng chân lý đương hình thành, sẽ được hoành chỉnh dần qua sự trao đổi bổ sung của dàn hợp xướng những ý kiến khác nhau.
Với người đối thoại, chân lý là sống động, phức hợp và ở phía trước. Thái độ của họ là một thái độ mở dung nhận và trung thực. Giữa trào lưu toàn cầu hoá đương diễn ra trên khắp thế giới, không một xã hội nào đóng cửa khép kín có thể tồn tại được. Không một sự đoàn kết, một sự hợp tác nào có thể bền vững nếu không được xây dựng trên một thực hành đối thoại thực sự, trên cơ sở một niềm tin vững chắc rằng mọi dị biệt đều có thể giải quyết hoà bình bằng đối thoại. Một nhà văn đã nói đùa: trong văn hoá, cũng như trong mọi giao tiếp, xã hội đối thoại bao giờ cũng ưu việt hơn là đối thụi. Cơ sở của sự hội nhập chính là đối thoại. Nó đã trở thành một thuần phong mỹ tục mới của một xã hội hiện đại, văn minh, tử tế. Đáng tiếc rằng không ít chúng ta còn chưa tiếp cận được thuần phong mỹ tục đó một cách thoả đáng. Nói thế không có nghĩa là xuê xoa "huề" cả làng. Đối thoại có thể rất gay go nhưng bao giờ cũng diễn ra trong một không khí cởi mở, hợp tác, lắng nghe, thực sự cầu thị. Nhiều nhà tri thức học cho rằng, một trong những bi kịch của con người là không đồng thời với thực tại, nghĩa là con người thường phán xét thực tại theo một cái nhìn đã cũ, đã lỗi thời, đánh giá cái đổi khác theo thói quen, hay nói một cách chữ nghĩa hơn, theo quán tính.
Chúng ta đã ở thế kỷ XXI mà nhiều khi tư duy còn nấn ná ở cuối thế kỷ thứ XIX hay nửa đầu thế kỷ XX. Chúng ta chưa ra khỏi được quyết định luận cơ học và thuyết loại trừ ba của vật lý và lôgic cổ điển. Chúng ta còn quan niệm quá sơ sài về tính tương thuộc của nền văn minh nhân loại. Tư duy của chúng ta nặng về phân biệt, tách bạch hơn là dị hợp liên kết. Truyền thống và hiện đại không phải hai khái niệm riêng lẻ. Một nền văn hoá thuần tuý truyền thống là một nền văn hoá khăn xếp, áo dài, búi tó, một nền văn hoá bảo tàng, một nền văn hoá chết. Một nền văn hoá thuần tuý hiện đại là một nền văn hoá chân không đến đất cật không đến trời, một nền văn hoá dỏm. Một nền văn hoá đích thực sống động bao giờ cũng được xây dựng trên cơ sở một cuộc đối thoại trường kỳ và khả sinh giữa truyền thống và hiện đại. Và việc giữ gìn truyền thống tốt nhất là tạo ra những truyền thống mới. Câu ca dao nổi tiếng: "Ta về ta tắm ao ta/ Dầu trong dầu đục ao nhà vẫn hơn" trong hoàn cảnh một nước Việt Nam mở cửa và đương hiện đại hoá nông thôn phải được coi là lỗi thời. Báu gì cái ao tù mà ngụp lặn trong đó cho nó mất vệ sinh.
Có một thời không ít người châu Á sùng bái văn hoá Tây phương thường có thói quen coi rẻ văn hoá phương Đông. Cũng chính những người đó giờ đây thấy phương Tây bắt đầu quay sang nghiên cứu văn hoá phương Đông lại lớn tiếng xuýt xoa ca ngợi văn hoá phương Đông một cách lố bịch, không hiểu rằng đó chính là thái độ sùng bái phương Tây một cách trá hình. Phương Tây và phương Đông không nền văn hoá nào ưu việt hơn nền văn hoá nào, đó là hai nền văn hoá khác nhau và bổ sung cho nhau của một nhân loại đã vượt qua được tuổi thơ ấu trĩ.
Thuyết bất định và nguyên lý bổ sung của khoa học hiện đại đã cung cấp cho nhân loại một khái niệm mới, khái niệm về cái khác. Nó nhấn mạnh đến tính chất phiến diện, hữu hạn của mọi lý thuyết so với thực tại hay nói như nhà bác học Prigogin "Bài học thật sự của nguyên lý bổ xung hiển nhiên là tính chất phong phú của thực tại nó vượt ra ngoài mọi ngôn ngữ, mọi cấu trúc logic, mọi lý giải khái niệm". Nguyên lý bổ xung sửa sai thiên hướng "bài dị" "loại trừ" của tư duy cổ điển. Cũng chính Prigogin đã đề nghị một cuộc đối thoại lớn, một "liên minh mới" giữa tất cả các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, triết học và văn học nghệ thuật để có một "cái nghe giàu tính thơ" đối với sự sống.
Nguồn: Tia Sáng số tháng 7.2003
Lê Đạt và Hồ Chí Minh
Trái với Nguyễn Hữu Đang, dứt khoát xác định trách nhiệm của Hồ Chí Minh trong việc đàn áp NVGP, Lê Đạt có một thái độ gần như băn khoăn, khó hiểu.
Trong buổi nói chuyện với ông (ghi âm ngày 13-04-1999) tại Paris, ở đoạn cuối, tôi có hỏi ông về Hồ Chí Minh. Khi phát thanh trên RFI, 2004, Lê Đạt đồng ý là nên cắt bỏ. Nay đã có khoảng cách thời gian, xin ghi lại hai câu đã bị cắt như một tư liệu, giải thích thái độ của Lê Đạt đối với vị lãnh tụ cộng sản:
TK: Chính ở trong phong trào của các anh cũng có điều khó hiểu: Ngay từ đầu, các anh đã phê bình tập thơ Tố Hữu, chỉ trích tập thơ đó thần tượng hóa cụ Hồ, và toàn bộ tinh thần NVGP đều chống lại sự thần tượng lãnh tụ. Nhưng trong thâm tâm các anh, ít nhất ba người Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm, đều thấm nhuần Tây học, mà vẫn thần tượng hóa cụ Hồ, có phải như thế không? Điều này làm cho người ta khó hiểu.
LĐ: Dĩ nhiên chị ạ. Mình có thể phê phán người khác, nhưng mình vẫn phạm sự thần tượng hóa, là tất nhiên. Nhưng khi tôi viết tôi không thần tượng hóa nữa. Tôi rất chú ý đến việc ấy, nhưng chắc là trong ngóc ngách tâm hồn tôi, chắc còn có nhiều chỗ vẫn thần tượng hóa.
TK: Trong thâm tâm các anh vẫn coi cụ Hồ là "thần tượng". Nhưng cụ Hồ lại chủ trương điều mà các anh chống lại, đó là sự toàn trị, và cụ Hồ cấm đoán cái mà các anh đòi hỏi, đó là tự do tư tưởng. Mình không thể nào "tranh đấu" với một thần tượng mình tôn thờ và đòi lật đổ sự độc tôn thần tượng đó. Đấy là điểm mâu thuẫn, không thể giải thích được trong lập luận của các anh?
LĐ: Tôi không bao giờ coi cụ Hồ là đại diện tự do và dân chủ cho đất nước Việt Nam. Tôi thần tượng là thần tượng ở những khía cạnh khác. Chị nên thông cảm với tôi. Thần tượng trên mọi phương diện thì tôi không bao giờ có, không bao giờ tôi nghĩ cụ Hồ là thần tượng của tự do dân chủ trên đất nước Việt Nam. Không có. Trong khi tôi đấu tranh thì có nghĩa là tôi đấu tranh cả với cụ Hồ. Nhưng một góc của tâm hồn tôi... Đó là bi kịch của tôi. Điều đó chị thông cảm cho tôi.
Ngoài micro, tôi nói đùa với nhà thơ: "Cụ Hồ đã làm các anh điêu đứng suốt đời mà anh vẫn còn bênh được thì lạ quá!". Lê Đạt cười: "Thì mình cũng phải tin là còn có một người tử tế, chứ nếu cả nước đều một bọn vứt đi thì làm sao sống nổi!"
Lê Đạt có viết bài trường ca Bác[26]. Đây là bài thơ ca tụng bác Hồ với những tình cảm chung chung, không thấy bộc lộ cảm xúc chân thực, phát xuất tự đáy lòng:
"Trong lặng im trắng
mênh mông
mỗi tấc lòng
Ta càng nghe rất rõ
cái thủa Ba Đình
Di chúc
bác mở tay
mở bay
trang rộng"[27]
Thời đầu kháng chiến, hầu hết người Việt đều coi bác Hồ là "cứu tinh của dân tộc", và nhà thơ nào cũng có bài ca tụng thần tượng, kể cả Vũ Hoàng Chương.
Nhưng không hiểu sao, Lê Đạt lại làm bài Bác ở thời điểm khá trễ này? Phong Lê trong bài "Có một trường ca về Hồ Chí Minh..." cho biết trường ca này viết năm 1970 để kỷ niệm ngày giỗ đầu của HCM, nhưng phải 20 năm sau, mới được in[28]. Đào Phương Liên cho biết, khi "Ông" mất, bố mẹ để tang "Ông". Như vậy bài thơ Bác đã làm sau khi Hồ Chí Minh mất, như một lời tạ ơn chăng?
Kết thúc lớp Thái Hà, Tố Hữu đe dọa Lê Đạt: "Tội của anh cũng nặng như tội Nguyễn Hữu Ðang. Lẽ ra anh cũng bị đi tù. Nhưng mà Ðảng vì nghĩ đến anh, chiếu cố đến anh còn trẻ, có khả năng và còn có thể giúp ích được cho đời nữa nên Ðảng khoan hồng với anh thôi chứ anh-đừng-nên-nghĩ-rằng-anh-tội-nhẹ!" Ðó là lời dặn dò của Tố Hữu với tôi trước khi tôi về."[29]
Trong "lời dặn dò" của Tố Hữu, hình như Đảng chính là Bác?
"Tội" của Lê Đạt nếu truy kỹ, nặng hơn "tội" Nguyễn Hữu Đang, vì những câu thơ Lê Đạt viết về chế độ cộng sản sẽ không bao giờ xóa được trong lòng ký ức dân tộc.
Nhưng Lê Đạt không bị đi tù. Phải chăng đã có sự "khoan hồng" ở Bác, đối với một nhà thơ có tài? Lê Đạt đã cảm nhận như thế và đó chính là bi kịch của ông? Tạm hiểu bài thơ Bác và tình cảm "khoan hồng" của Lê Đạt đối với bác, nằm trong bối cảnh như thế.
● Những bài thơ khóc bác Hồ không được đăng
Trong băng ghi âm, Hoàng Cầm cho biết "lý lịch" một số những bài thơ ca tụng bác Hồ:
"Làm thơ ca tụng bác Hồ, trước tiên là Tố Hữu. Thời trước cách mạng, tôi đọc được trên báo một số bài thơ ký tên Tố Hữu, trong đó có một bài tên là Hồ Chí Minh. Lúc bấy giờ, chưa mấy ai biết rõ bác Hồ. Phải đến ngày 2/9/1945, người ta mới biết đó là một lãnh tụ ở xa về. Còn tên Tố Hữu chưa biết là ai. Bài thơ Hồ Chí Minh rất dài trong có một câu làm tôi chú ý: "Hồ Chí Minh mắt sáng quắc tay xanh lè mã tấu. Quyết vùng lên thề phanh thây uống máu lũ cường quyền. Ôi khoái trá vô biên". Bài thơ tả một người: mắt sáng quắc, tay xanh lè mã tấu, thế ông ấy là tướng cướp à? Còn câu: Thề phanh thây uống máu quân thù thì có trong quốc ca của Văn Cao, trong bài Đêm Liên Hoan của tôi cũng có moi gan uống máu quân thù, và ngay quốc ca Pháp cũng có, nghe thấy mà ghê. Nhưng đặc biệt câu này: Ôi khoái trá vô biên, mới thật là rùng rợn, uống máu quân thù mà thấy khoái trá vô biên thì ghê quá, khát máu quá, không thể chấp nhận nổi. Đấy, tôi biết Tố Hữu qua bài thơ ấy.
Đến khi ông Hồ mất, năm 1969, Đặng Đình Hưng mới đưa ra ý kiến: Một người như bác Hồ mất đi thì ai cũng có cái xúc động. Vậy nhân dịp này, nếu chúng ta còn cái cảm tình gì đối với ông Hồ thì mỗi thằng nên làm một bài thơ, gửi lên Trung Ương để tỏ rằng: chúng tôi là những người công dân chân chính, cái gì đáng yêu đáng kính thì chúng tôi trân trọng. Trước cái chết của bác Hồ, chúng tôi biết rung động, tác phẩm của chúng tôi đây. Mọi người đều tán thành. Đặng Đình Hưng viết bài "Bác còn", tức là Bác không chết đâu. Tôi viết bài "Bác về", Lê Đạt viết "Bác Hồ" gồm 3 bài dài như trường ca. Riêng Trần Dần quanh quẩn mãi sau chịu thua: "Tao loay hoay mãi mà không làm nổi một câu nào!" Đành thôi. Thế là được ba bài, gửi lên bốn nơi: Ban Tuyên Huấn Trung Ương, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh và Hội Nhà Văn.
Chúng tôi nhận được hai danh thiếp trả lời: Ông Phạm Văn Đồng trả lời anh Đặng Đình Hưng, đại ý: "Anh Hưng thân mến, tôi đã nhận được bài thơ anh viết về Bác, tôi đọc và rất xúc động. Ở trên này chúng tôi vẫn hết sức đấu tranh, thảo luận để làm thế nào cho anh em trở lại sáng tác như trước." Hoàng Cầm nhận được thiếp của ông Trường Chinh vỏn vẹn: "Cảm ơn đã nhận được bài thơ về Hồ Chủ Tịch".
Lê Đạt không nhận được gì cả.
Lê Duẩn, Tố Hữu không viết lời nào.
Đến Tết năm ấy, trên báo Nhân Dân người ta mở cái mục gọi cảm tình của "Quần chúng với Bác Hồ", tôi cũng gửi bài thơ ấy đến báo Nhân Dân, kèm lá thư cho ông chủ nhiệm Hoàng Tùng, giãi bày: nhân danh công dân, trước cái chết của bác Hồ, tôi làm bài thơ "Bác về" mong được báo Nhân Dân trích dăm ba câu, như một tác giả vô danh, đăng trong mục "Quần Chúng với bác Hồ".
Gửi hôm trước thì hôm sau anh Nguyễn Địch Dũng cầm trả tôi bản thảo cả bài thơ đó, bảo anh Hoàng Tùng có nhận được thư anh nhưng báo chật chỗ quá rồi. Điều đó chứng tỏ, người ta thù ghét anh em NVGP đến thế nào, đến khóc bác Hồ mà cũng không được phép đăng báo"[30].
Việc làm thơ khóc bác Hồ của ba thành viên NVGP, có thể có hai ý nghiã: ý nghiã trữ tình, phát xuất tự tâm hồn của họ và ý nghiã chiến lược: muốn nhân dịp này để đo mức độ tình cảm của Đảng dành cho họ.
Sự trả lời của Đảng thật rõ ràng, tàn nhẫn, nhất là đối với Lê Đạt.
Tóm lại, dường như ở những nhà thơ như Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, luôn luôn có một con người ngây thơ, lãng mạn, trữ tình, khi nhìn vị lãnh tụ.
Trong khi những nhà trí thức như Phan Khôi, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang... phán xét lãnh tụ sáng suốt, rạch ròi hơn, vì họ không mấy lãng mạn mà nghiêng về lý trí.
● Quốc Dân Đảng
1- Trong bản "tự thú" Lê Đạt viết một câu đáng chú ý: "Đảng đối với tôi có rất nhiều ân huệ, kéo tôi ra khỏi bàn tay phản động của bọn Quốc Dân Đảng, cho tôi công tác gần các đồng chí lãnh tụ, cho tôi đi thực tế để cải tạo, nâng đỡ những sáng tác của tôi, đến khi va chạm vào quyền lợi cá nhân, tôi trở mặt tấn công vào Đảng, nhẩy sang trận địa của giai cấp tư sản phản động và làm người phát ngôn của chúng"[31].
2- Khi trả lời phỏng vấn Phạm Tường Vân, Lê Đạt cho biết:
"Nhà mẹ vợ tôi là cơ sở cách mạng, hai anh của Thúy một người là bí thư chi bộ xã, một người đi bộ đội. Hồi cải cách mẹ vợ tôi bị quy là gián điệp và anh cả bị quy là Quốc Dân Đảng chờ đem ra xử bắn. Thúy đương được ở đoàn kịch trung ương, lúc nào cũng nơm nớp sợ bị đưa về xã đấu tố. Thì vừa lúc sửa sai bắt đầu, cả nhà may mắn thoát nạn"[32].
3- Truyện ngắn "Thế là… chị ơi!" của Vũ Ngọc Tiến, đăng trên Talawas, gián tiếp viết về đời sống nhà thơ Trần Dần và bà Bùi Thị Ngọc Khuê, vợ ông, đặc biệt có đoạn tả cái chết của ông Phán Hậu (ân nhân của bà Khuê) như sau:
"Cuối cùng thì thơ anh cũng được tôn vinh (...) . Song cái án oan kết tội ông Phán Hậu, nhà chí sĩ yêu nước giầu có, danh giá bậc nhất tỉnh Nam Định bị bôi nhọ là tên phản động Quốc Dân Đảng, tay sai đế quốc Pháp ai rửa cho ông? Đêm trước ngày bị các Ông Đội sai cán bộ chuỗi, rễ đến nhà bắt trói ông đem đi đấu tố, ông lập bàn thờ giữa sân nhà, có bài vị Nguyễn Thái Học bằng chữ Nho, rồi ông đội khăn xếp, mặc áo the đen, lầm rầm khấn vái: “Tiên sinh năm nào lên máy chém vẫn để lại lời bất hủ rằng “không thành công cũng thành nhân”. Giờ độc lập thành công rồi, mai tôi lên đoạn đầu đài sẽ thành gì đây? Tiên sinh hỡi, tiên sinh!...” Cái án oan ấy khiến anh đang đi công tác Cải cách ruộng đất ở Thái Bình bị triệu hồi về giam lỏng ở đơn vị. Ngày ấy, nếu lần anh tự tử bằng dao lam trót lọt thì còn đâu những tác phẩm sau này anh viết cho người đời chiêm ngưỡng, hậu thế tôn vinh?"
Câu chuyện ông anh cả của Thuý Thuý, và ông Phán Hậu, ân nhân của Ngọc Khuê, khơi lại chính sách thanh trừng những người có "liên quan" với Quốc Dân Đảng và hiểu tại sao Lê Đạt phải tuyệt đối giấu quá khứ Quốc Dân Đảng của mình. Trong NVGP, ba người có "liên quan" với Quốc Dân Đảng là Phan Khôi, Thụy An và Lê Đạt, vì thế, một mối thâm tình liên kết họ với nhau:
- Trả lời phỏng vấn RFI, Lê Đạt nhắc đến Thụy An và Phan Khôi, với những lời đầy ý nghiã: "Phan Khôi với tôi vốn có những quan hệ đặc biệt". "Trong thâm tâm tôi, bao giờ tôi cũng coi ông là người lãnh đạo tờ Nhân Văn". Việc công nhận Phan Khôi là người lãnh đạo tờ Nhân Văn, chứng tỏ Lê Đạt chỉ coi Nguyễn Hữu Đang như bạn đồng hành, Phan Khôi mới là thủ lãnh. Ngoài uy tín của Phan Khôi trong văn học, còn có lý do nào khác, nếu không vì Phan Khôi là người theo Quốc Dân Đảng, lý tưởng đầu đời của Lê Đạt?
- "Tôi có thể bảo đảm 100% chị Thụy An không phải gián điệp", "Chị Thụy An rất thân với anh em trong NVGP và đặc biệt là thân với tôi". "Riêng tôi thì không bao giờ tôi quên công của chị Thụy An đối với tôi". Tại sao Lê Đạt dám bảo đảm 100% Thụy An không phải gián điệp, nếu ông không biết rõ hành động của Thụy An? Nếu họ không cùng một lý tưởng?
Câu "Tôi không bao giờ quên công của chị Thụy An đối với tôi", có nhiều ý nghiã. Công gì? Thụy An có công với nhiều người, công dạy Phùng Quán tiếng Pháp tiếng Anh, công giúp đỡ vợ con Lê Đạt... Nhưng từ khi Thụy An bị nạn cho đến khi chết, những bạn đồng hành không ai nói một lời biện hộ công khai cho bà, trừ Lê Đạt. Vậy có thể hiểu chữ "công" này là một công lớn: Ngoài sự kính phục người chị văn nghệ can trường, còn có sự hàm ơn Thụy An, đã không "khai" những điều bà biết về Lê Đạt, như một thành viên cũ của VNQDĐ.
Câu châm ngôn mà Lê Đạt cho ghi lại trong bộ Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại[33] là: "Một nhà văn tự trọng nên bận tâm đến việc thành nhân hơn là thành danh" có gì rất gần với lời Nguyễn Thái Học: "Không thành công thì thành nhân".
● Tinh thần yêu nước phát sinh từ Yên Bái
Đất Yên Thế và đất Yên Bái đối với Lê Đạt có những gắn bó sâu xa: Yên Thế, quê nội và Yên Bái, quê ngoại.
Yên Thế là đất của Đề Thám, triều Nguyễn thuộc phân Phủ Lạng Giang (nay thuộc tỉnh Bắc Giang), có 2 mảnh đất lịch sử: tổng Nhã Nam và tổng Yên Thế:
- Nhã Nam, nơi Hoàng Hoa Thám làm lễ tế cờ khởi nghiã (1889), và cũng là nơi Lương Tam Kỳ đem thủ cấp Đề Thám nộp cho Pháp lãnh thưởng (1913).
- Yên Thế, nơi Đề Thám đặt đại bản doanh chiến đấu trong hơn 20 năm, vị trí hiểm trở, "rừng thiêng nước độc", nằm giữa rặng Cai Kinh (Lạng Sơn) và đồi núi Thái Nguyên.
Yên Thế, một địa hình, một bối cảnh đất nước lâm nguy, một can trường chống Pháp thất bại:
Đất quê cha tôi
đất quê Đề Thám
Rừng rậm sông sâu
Con gái cũng theo đòi nghề võ
Ngày nhỏ
cha tôi dẫn đầu
lũ trẻ chăn trâu
Phát ngọn cờ lau
vào rừng Na Lương đánh trận
Mơ làm Đề Thám...
(Cha tôi)
Rồi người cha buông tay, bỏ cuộc, vì miếng cơm manh áo. Người con, tiếp tục lên đường:
Cuộc sống hàng ngày
nhỏ nhen
tàn bạo
Rác rưởi gia đình
miếng cơm
manh áo
tàn phá con người
Những mơ ước thời xưa
như con chim gẫy cánh
Rũ đầu chết ngạt trong bùn
Năm tháng mài mòn
bao nhiêu khát vọng.
Cha đã dạy con một bài học lớn
Đau thương
kiên quyết làm người.
(Cha tôi)
Bài Cha tôi sáng tác tháng 7/56, giữa Giai Phẩm Mùa Xuân và Nhân Văn,trong thời kỳ phục xuống mà sáng tác theo lời Văn Cao, như một tuyên ngôn, xác định con đường tranh đấu của Lê Đạt, lấy đất Yên Thế làm khởi điểm. Yên Thế được Lê Đạt công khai xác nhận, vì Yên Thế là tỉnh cha, là đất của Đề Thám.
Ngược lại, Lê Đạt không thể công khai trình làng Yên Bái, quê ngoại, bởi Yên Bái là quê hương Quốc Dân Đảng.
Yên Bái có pháp trường xử lòng ái quốc. Khi Nguyễn Thái Học và 12 bạn đồng hành lên đoạn đầu đài (1930), Lê Đạt mới lên một. Yên Bái là đất sinh, Yên Bái là Tỉnh mẹ. Yên Bái, hơn là một nơi chôn rau cắt rốn, đã trụ lại như cái mốc đầu đời, là khởi điểm của cõi viết Lê Đạt và nẩy mầm ý chí cách mạng vùng lên chống Pháp.
Tỉnh mẹ là tỉnh mình sinh ra, là đất mẹ: Yên Bái. Tập thơ Tỉnh mẹ, tạm coi như tập thơ đầu đời của Lê Đạt, âm thầm dành cho Yên Bái chỗ đứng thiêng liêng, nói lên tâm sự người thanh niên sinh ở Yên Bái. Tỉnh mẹ, in trong phần di cảo của Đường chữ, tác giả mơ hồ cho biết đây là tập thơ bị thất lạc đã 40 năm. Không một bài thơ nào có ghi ngày tháng ở dưới. Lê Đạt cũng không hề nhắc đến Tỉnh mẹ khi còn sống. Vậy Tỉnh mẹ có thật sự bị thất lạc? Hay đã bị "tịch thu", sau này mới được trả lại? Tỉnh mẹ bị tịch thu, hay vì Yên Bái là một "liên quan" thầm kín mà tác giả cần phải giấu đi? Cũng như, về nơi sinh, Lê Đạt chỉ ghi Âu Lâu, trên bờ sông Hồng, không dám nhắc đến tên Yên Bái?
Tỉnh mẹ nói lên tinh thần chống Pháp của một thanh niên, nguồn gốc quốc dân đảng. Thơ làm theo lối leo thang, không vần, đã là giọng thơ Lê Đạt, đã có những hình ảnh lạ, táo bạo hơn thơ người khác. Điểm đặc biệt là sự gắn bó với Yên Bái, như cái nôi của hành động và tư tưởng, như một tiền trạm của lòng yêu nước, như một ý chí cách mạng, một sự đổi thay, một sự lập thân, khởi đi từ Yên Bái. Từ Yên Bái, cậu bé đã thấy một "người hàng xóm", "người chị", và cũng là "người yêu", bị con trai quan phủ làm nhục, bị xóm làng hắt hủi:
Đêm ấy
chị ra sông tự tử
Theo những chiếc lá dâu ngày xưa
Áo trắng
như buồm mộng
về một chân trời nào
cao rộng
thăm thẳm
xa [34]
Từ Yên Bái, cậu bé nhìn thấy người ăn mày chết trước cửa giáo đường, bèn hỏi Chúa có thấy không?
Chúa về tự bao giờ
Có phải thật Người không?
Tiếng chuông
lu loa
hối hả
giục
người bõ già
Quét
chiếc xác
nằm co quắp
Chết
giữa ngày Phục sinh [35]
Từ Yên Bái, nhà thơ thấy một người anh, ban đầu có "chí lớn", rồi chí ấy lụi tàn trong bổng lộc quan trường, cuối cùng nhìn lại sổ đời: Người anh không sống trong thời Pháp thuộc mà đang ở thời cách mạng:
"Trong khoảnh khắc
đối diện cùng sự thật
Sởn tóc gáy
như kẻ sát nhân
đột nhiên
thấy
người mình thủ tiêu
lững thững
hiện theo về
đối chất.
"Anh có thể lừa
cha mẹ
vợ con lừa cả nước
Nhưng thế nào
cũng có lần
anh phải lôi ra
trước vành móng ngựa bản thân anh"[36]
Yên Bái, một xã hội Việt Nam thoi thóp, tê liệt, đợi chờ:
Yên Bái
dăm cô gái
lỡ thì
thổn thức
Nhất Linh
tay
Loan Dũng
lên ô kính bụi
Chơ chỏng
mấy con búp bê
gẫy cẳng
bạc màu
Yên Bái
một phố chiều
thượng du nắng lụi
Một con đường
rơm rớm
máu rơi
Đôi vợ chồng già
không con
nhìn bóng tối
Ôm con mèo gầy
nhức nhối
chuyện ngày xưa
Yên Bái
hôm nào
cũng ra ga
Hôm nào
cũng nhỡ tàu
ở lại
Với những tiếng còi
rứt ruột
gọi đi
Và một chân trời
nhêu nhếch
khói (...)
Yên Bái
những ngày trích lục nhau
sao thành nhiều bản (...)
Yên Bái
một quê hương vỡ nợ (...)
Một ngã ba thành năm sáu ngã ba [37].
Và người thanh niên ấy đã gửi những lời tạ tội về Yên Bái, tạ tội đã trót đốt quê hương. Tiêu thổ là bài thơ duy nhất trong thời kháng chiến đặt lại vấn đề tiêu thổ kháng chiến như một tội đồ đối với quê hương, dân tộc:
Yên Bái
chỉ để lại
trong tôi
những kỷ niệm
nhạt
như nước ốc
Sao hôm nay
khi tiêu thổ quê hương
tôi bỗng khóc (...)
Yên Bái ơi!
Cố sống
lấy thêm
dăm ngày nữa (...)
Hôm nay
ta đánh vỡ
quê hương
Đánh vỡ
từng viên gạch
tổ tiên ta
cóp nhặt (...)
Quê hương ơi!
Ta không phải
kẻ ăn tàn phá hại
Vén tay áo xô
đốt gia tài
ông cha để lại...[38]
Yên Bái chính là khởi điểm của cuộc lên đường, cũng là cuộc đi vào tan nát, khổ đau:
"Ôi! Những ngày đầu
quê hương tan nát lửa
Như đàn cò
vỡ tổ
bế nhau đi
Đằng trước một chân trời sẹo đạn
Đằng xa
thông thống một đường về
Ta đã
chọn
đường
đi về phía trước
Chân chảy máu
nạng vào nhau ta bước
Điểm chỉ
trên khắp mọi ngả đường
Trong bản giao kèo
ta ký
với tương lai [39]
Yên Bái còn là mẹ của cả những người lính viễn chinh:
Bà mẹ Âu Lâu
ngồi
như gốc mai nở trắng
giữa đàn con
đủ
các giống người
Thằng cả
Xa lum
người Xê nê gan
làm mỏ than Ma rốc
Vào hầm than
đen
như thấy dân tộc mình
mấy ngàn đời
vùi dập
chết
ở đây
Tan tầm về
ra bờ sông nước trong
rửa mặt
Rửa xong
nhìn
mặt vẫn nhọ than
Thằng hai
Ma Hô Mét
Công nhân bốc vác
An Giê
Gù gù
lưng cánh phản
Ngày ngày
khuân tổ quốc
xuống tàu buôn...[40]
Đối diện với những hô hào chém giết, máu, thù, trong thi ca thời ấy, Mẹ là bài thơ phản chiến, nhân bản nhất trong văn chương Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp. Nhà thơ không phân biệt chiến tuyến, "dám" coi "quân thù" cũng là con của mẹ Âu Lâu. Vì vậy "tội" của Lê Đạt phải là rất nặng, nặng từ trườc thời kỳ NVGP.
● Nhân Văn Giai Phẩm
Xuân Diệu lên giọng: "Đã rõ rệt như ban ngày, tập Giai Phẩm Mùa Xuân 1956 phất lá cờ đầu tiên chống Đảng, chống chế độ, và Lê Đạt là nhà lý luận trong đó. Lê Đạt mở đầu Giai phẩm với cái tuyên ngôn: "Trích thơ gửi người yêu" (...) và bài thơ tuyên ngôn thứ hai "Mới" đăng trong Giai phẩm (...) Lê Đạt là một người chủ chốt của báo Nhân Văn, tham mưu cho cả tờ báo, tự tay sửa chữa nhiều bài đả kích chế độ ta rất cay độc (...) Cùng với Nguyễn Hữu Đang làm bộ óc của báo Nhân Văn, đứng làm "nhà lý luận" của bọn chống Chế độ (...) Sau khi báo Nhân Văn bị cấm, Lê Đạt liên lạc cấu kết với Thụy An, Lê Đạt đóng vai trò quan trọng trong việc lũng đoạn Hội Nhà Văn, Lê Đạt tích cực dùng ngòi bút viết lối văn hai mặt; Lê Đạt luôn luôn giữ một cương vị đứng chủ trường phái; mãi đến trong lớp học văn nghệ lần thứ hai (tháng 3 và 4/1958) vẫn còn tìm cách quay quắt. Cho nên, xét Lê Đạt, ta phải nhìn thấy cho hết, rằng Lê Đạt chống đối ta, phá hoại ta từ trong bản chất giai cấp thù địch"[41].
Lê Đạt không chối cãi vai trò chủ chốt của mình trong bài tự kiểm thảo: "Tôi tham gia Nhân Văn với ý thức là người lãnh đạo lý luận của tờ báo vì tôi cho tôi vững vàng hơn Nguyễn Hữu Đang. Ban biên tập lúc đó gồm có 4 người: Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Hoàng Cầm và tôi. Để tấn công quan điểm vô sản chuyên chính của Đảng, tôi vận động Thanh Châu viết bài Mậu Dịch, tôi góp ý, vẽ tranh một người đẽo chân cho vừa giày mậu dịch. (...) Nhân Văn bị đóng cửa nhưng tư tưởng Nhân Văn, tư tưởng chống đối vẫn chưa hết. Sau một thời gian các báo ngớt đánh, tình hình trở lại bình thường, chúng tôi lại vẫn gặp nhau đả kích Đảng, cho là độc đoán"[42].
Trong thời kỳ NVGP, ngoài những bài xã luận chính trị ký tên Người Quan Sát cùng với Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt là nhà thơ sáng tác nhiều nhất và chống đối mạnh mẽ nhất. Ngoài những bài thơ in trên báo, còn có: Thế giới này là của chúng ta (phát hành tháng 12/1955). Bài thơ trên ghế đá (nxb Hội Nhà Văn, 1957). Cửa hàng Lê Đạt, (đang in, bị đình chỉ, Lê Đạt bị khai trừ khỏi đảng, tháng 7/1957). Đụng long mạch (in trên Tự Do Diễn Đàn, tháng12/56, báo bị cấm). Lê Đạt còn nói đến bút ký "Vào 21", viết về thời kỳ bị kỷ luật. Hiện nay không biết văn bản này thất lạc ở đâu.
Trong tinh thần Đỗ Phủ, thơ Lê Đạt phản ảnh xã hội thời ông sống. Nhưng thơ bị cấm, bị tịch thu, hoặc bị thất lạc. Nếu muốn tìm hiểu thực chất của xã hội Việt Nam dưới chế độ cộng sản cần phải tìm lại những tác phẩm này, không chỉ của Lê Đạt, mà của toàn thể các tác giả trong NVGP đã bị chôn vùi. Những tác phẩm viết trong tù của Thụy An, có lẽ ở Sài Gòn, gia đình các em, hoặc bạn bà là Trinh Tiên -tên thật là Trinh Nữ, chồng là Bửu Đảo- còn giữ.
Nhờ hai bài đánh Lê Đạt của Xuân Diệu và Xuân Hoàng mà chúng ta có thể biết được nội dung một số thơ Lê Đạt sáng tác trong thời kỳ NVGP, đã bị cấm. Tập Bài thơ trên ghế đá, theo Xuân Diệu "dưới sự lũng đoạn của Hoàng Cầm" nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã in tập thơ này năm 1957, sau khi Nhân Văn bị đóng cửa. Vẫn theo Xuân Diệu, tác phẩm này "là cả một hệ thống có ý thức phá hoại tinh thần từ đầu chí cuối", "anh ta [Lê Đạt] vẫn cứ "đầu thai nhầm chế độ", bài "Đu" là "một sự khiêu khích". Bài "Gia đình", với những câu như: "Nhiều dự định sa lầy trong đống tã", "tình yêu bị những cái hàng ngày bóp cổ", "Lê Đạt đưa những xót xa đau đớn ra và cho nó thắng trận". Bài thơ trên ghế đá "đầy một điệu hưởng lạc, chết lịm trong tình yêu".
Vẫn theo Xuân Diệu, trong bản đánh máy đưa cho nhà xuất bản còn có bài "Trong hầm bí mật", nhưng không in, bài này rất tiêu biểu cho cái triết lý "máu, sướng và chết" của Lê Đạt. Xuân Diệu viết tiếp:
"Bài thơ trên ghế đá "còn có dã tâm đả kích Đảng. Cho Đảng là phao phí nhân tài (Con búp bê, Tình người), ví Đảng như một anh thợ cầu già chưa vợ, bắc rất nhiều cầu, xây dựng kinh tế được nhiều đấy, nhưng chưa bắc qua được một lòng người".
"Hàng triệu lòng người đã nhờ Đảng mà tái sinh, yêu Đảng sâu sắc, nhưng cố nhiên lòng của bọn Nhân văn-Giai Phẩm thì chỉ có bọn tư sản phản động mới bắc được cầu"[43].
Nhờ bài đả kích của Xuân Hoàng, chúng ta biết thêm nội dung bài Đụng long mạch, in trên Tự Do Diễn Đàn, tháng 12/56, báo bị cấm:
"Trong bài thơ "Đụng long mạch" (...) Lê Đạt dựng lên khung cảnh một địa phương đang bị hạn hán, có cán bộ về khuyên đào giếng nhưng vì sợ bị "đụng long mạch" nên các cụ nhất định không nghe. Sau có vợ chồng anh Ân đêm về bí mật bàn với nhau nên lén lút đem cuốc ra vườn đào giếng, đến sáng hôm sau bà con thức dậy thấy "mạch nước đùn lên nước phun loang loáng", và từ đấy cả làng noi gương vợ chồng anh đào giếng chống hạn khắp nơi.
(...) Lê Đạt hết lời khen ngợi vợ chồng Ân - những "anh hùng" trong câu chuyện qua cái nhìn của Lê Đạt đã "dám cả gan đánh bốc với những già nua cũ kỹ của cuộc đời". Lê Đạt đã kêu ầm lên một cách hậm hực rằng:
"Những con người ụ
Ềnh ra cản đường"
Và Lê Đạt hô hào:
"Cần biết bao nhiêu
Những cái đầu táo bạo
Dám nghĩ, dám làm
Không nô lệ chung quanh"
(...) Còn đây là cái nhìn của Lê Đạt về Đảng. Đó là:
..."lưng con rồng,
Ai đào giếng đụng vào long mạch
Thì phải tội mù hai con mắt
Cả nhà hộc máu chết tươi"
Và nhay đi nhay lại cái ý đó một cách dọa dẫm:
"Long mạch này mà đứt
Cả nhà không thoát một người"
hoặc:
"Long mạch hôm nay rung chuyển
Phen này rồi chết cả nhà"[44].
Đời chữ của Lê Đạt chia làm hai thời kỳ, dưới hai ngòi bút: Nhà thơ thời thế, theo truyền thống Đỗ Phủ, ghi lại bộ mặt của xã hội toàn trị trên đất nước ta. Nhà thơ cách tân, theo truyền thống Mallarmé, mở một kỷ nguyên mới cho đường chữ.
Lê Đạt, nhà thơ thời thế, xác định tính chất cơ bản của lịch sử:
Lịch sử muôn đời duyệt lại
Không ai lừa được cuộc đời.
Lê Đạt, nhà thơ cách tân, gửi lại hậu thế những lời trăn trối đau thương:
Vũ trụ ơi
tha cho tôi
Tất cả những gì
thơ tôi chưa làm được
Khi tắt thở
mắt tôi đừng ai vuốt
Còn gì buồn hơn
màn đóng lại mục đời.
________________________________________
[1] Trích tiểu sử viết tay, Đường Chữ, nxb Hội Nhà Văn, 2009.
[2] Theo Hoàng Cầm là Trường Luật, nhưng học ít lâu thì trường Luật bị giải tán.
[3] Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi trong tôi - Nguyễn Đình Thi ngoài tôi, Hồi kí, Talawas.
[4] Vào thành.
[5] Năm 1954, Nguyễn Hữu Đang 41 tuổi, Hoàng Cầm 32, Văn Cao 31, Trần Dần 28, Lê Đạt 25 tuổi.
[6] Theo băng Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè.
[7] Theo băng Hoàng Cầm nói chuyện vói bạn bè.
[8] Lê Đạt, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/58, trang 80.
[9] Theo băng ghi âm Hoàng Cầm nói chuyện vói bạn bè.
[10] nxb Hội Nhà Văn, 1994.
[11] Theo Hoàng Hưng, Đặng Đình Hưng (1924-1990) để lại 6 tập thơ, phần lớn chưa xuất bản. Chúng tôi chỉ thấy Bến lạ(1991) và Ô mai (1991) và đã giới thiệu hai tác phẩm khai phá này trong cuốn Cấu Trúc Thơ, Văn Nghệ, 1995.
[12] Tức Tố Hữu.
[13] Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi trong tôi - Nguyễn Đình Thi ngoài tôi, Hồi kí, Talawas.
[14] Nghe Lê Đạt kể chuyện mình, Phạm Tường Vân phỏng vấn tháng 1/2003, BBC Việt Ngữ 6/5/2008.
[15] Cải Cách Ruộng Đất.
[16] Trần Dần ghi, Phạm Thị Hoài biên soạn, Văn Nghệ Cali, 2001, trang 87.
[17] Thực ra là ba tháng.
[18] Theo băng ghi âm Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè.
[19] Nhạc sĩ Đặng Thái Sơn, con của hai người sinh năm 1957.
[20] Theo băng Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè.
[21] Những chuyện về Hoàng Cầm, Trần Dần, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, bà Nhất, bà Yến, bà Thao trên đây, theo băng HC nói chuyện với bạn bè.
[22] Nghe Lê Đạt kể chuyện mình, Phạm Tường Vân, bài dã dẫn.
[23] Vợ tác giả là diễn viên kịch nói ở nhà tập thể đoàn Kịch phố Nguyễn Bỉnh Khiêm (Chú thích Lê Đạt).
[24] Thái Hà ấp: nơi tổ chức cuộc đấu tranh chống NVGP (chú thích Lê Đạt).
[25] Đào Phương Liên, Bố ơi, những câu chuyện của con..., Tuổi trẻ cuối tuần, 12/4/2009.
[26] Một phần trích in trong Văn học VN sau cách mạng tháng Tám, Văn Học, Hà Nội 1992.
[27] Sđd, trang 132.
[28] Nhà xuất bản Thanh Niên, 1990, nhân ngày kỷ niệm 100 năm sinh HCM.
[29] Lê Đạt trả lời phỏng vấn RFI.
[30] Theo băng Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè.
[31] Lê Đạt, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/58, trang 80.
[32] Lê Đạt trả lời Phạm Tường Vân, bđd.
[33] Nxb Hội Nhà Văn, 2007.
[34] Thơ ngây, Tỉnh mẹ, Đường chữ, trang 298.
[35] Người ăn mày già, sđd, trang 319.
[36] Một cuộc đời, sđd, trang 309.
[37] Phác họa màu xám, sđd, trang 333.
[38] Tiêu thổ, sđd, trang 345.
[39] Quê hương du ca, sđd, trang 353.
[40] Mẹ, sđd, trang 363.
[41] Xuân Diệu, Những biến hoá của chủ nghĩa cá nhân tư sản trong thơ Lê Đạt, Văn Nghệ số 13 tháng 6/58, in lại trong tập Dao có mài mới sắc của Xuân Diệu, 1963, các trang 86, 87, 89 và 95.
[42] Lê Đạt, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/58.
[43] Xuân Diệu, Những biến hoá của chủ nghĩa cá nhân trong thơ Lê Đạt, Văn Nghệ số 13, tháng 6/58.
[44] Xuân Hoàng, Thực chất tư tưởng chống đảng trong thơ Lê Đạt, Văn Nghệ số 11, tháng 4/1958, trang 71-72.
© 1984-2012 Thụy Khuê
Trang thơ Lê Đạt
Hội Luận Văn Học: Thơ Lê Đạt
Bút tích Lê Đạt
ghi trong sổ tay Phan Nguyên
Tham khảo thêm về nhà thơ Lê Đạt
Lê Đạt
Thụy Khuê: Phong Trào Nhân Văn Giai Phẩm
(Tìm phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, phần X: Lê Đạt)
Đặng Tiến: Lê Đạt và Bóng Chữ
Phạm Xuân Nguyên: Bóng chữ còn in bóng người
Nam Dao: Gấu chợ
Phạm Tường Vân: Lê Đạt - người thiểu số
Phạm Xuân Nguyên: Những đoản khúc Lê Đạt
Chân Phương: Ghi nhanh về từ tình Epphen
Du Tử Lê: Lê Đạt, kẻ đi dây giữa chập chùng bản ngã
Gặp thơ Lê Đạt một thời
Lê Đạt, Savigny Le Temple 1999
Ảnh: Phan Nguyên
Lê Đạt đang in dấu vân tay tại nhà PN
Savigny le Temple 1999
Nhà phê bình Đặng Tiến & Nhà thơ Lê Đạt
(nhà Phan Nguyên Savigny Le Temple 1999)
Lê Đạt & Dương Tường
Lê Đạt & Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng
Nguyễn Trọng Tạo, Lê Đạt, Phạm Xuân Nguyên
"Một bữa tiệc" tại nhà ông bà Trần Dần (ngồi ghế phía sau)
"Lời rườm mơ ước rởm gửi ngoài kia"
LĐ
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.