Thứ Năm, 17 tháng 8, 2023

Thích Quảng Độ (1928-2020)













Đại lão Hòa thượng
Thích Quảng Độ
Sinh Đặng Phúc Tuệ
(27 tháng 11 năm 1928 - Mất 22 tháng 2 năm 2020)
Thọ 92 tuổi












Tôn giáo Phật giáo
Giáo phái Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
Trường phái Đại thừa
Chùa Thanh Minh Thiền viện, Tp Hồ Chí Minh
Chùa Từ Hiếu, Tp Hồ Chí Minh
Được biết đến vì Bất đồng chính kiến tại Việt Nam
Pháp danh Thích Quảng Độ

Cá nhân
Quốc tịch Việt Nam
Sinh Đặng Phúc Tuệ
27 tháng 11 năm 1928
xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, Thái Bình
Mất 22 tháng 2 năm 2020
Chùa Từ Hiếu, Quận 8, Tp Hồ Chí Minh

Sự nghiệp tôn giáo
Vị trí Tăng thống thứ năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
Tác phẩm Từ điển Phật học Hán Việt (2 tập)
Phật Quang Đại Từ điển (9 tập)
Chức vụ trước Tổng Thư ký Viện Hóa đạo (1965)
Giáo sư đặc trách bộ môn Triết Học Đông Phương tại Viện Đại học Vạn Hạnh
Viện trưởng Viện Hóa đạo (1999)
Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống (2008)
Chức vụ Tăng thống (từ 2011)

Giải thưởng 
Giải thưởng Homo Homini 2001 của Tổ chức People in Need, Cộng hòa Séc
Giải Nhân quyền Việt Nam 2002 của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam
Giải tưởng niệm Thorolf Rafto, Na Uy năm 2006


Hòa thượng Thích Quảng Độ là Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ ngày 17 tháng 8 năm 2008[1] và là một nhân vật bất đồng chính kiến Việt Nam vì các hoạt động đấu tranh nhân quyền.[2] 
Ông được trao Giải tưởng niệm Thorolf Rafto năm 2006.[3][4] 
Là người được đề cử cho giải Nobel Hòa bình nhiều lần,[5][6] ông được báo chí quốc tế xem là một trong những người có cơ hội đoạt giải này.[2][7][8]




Tiểu sử


Thích Quảng Độ sinh ngày 27 tháng 11 năm 1928 tại xã Nam Thanh huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình, tên khai sinh Đặng Phúc Tuệ. Năm 1954 ông di cư vào Nam rồi trở thành một nhân vật lãnh đạo Phật giáo Việt Nam.

Hòa thượng đầu sư với cố Hòa thượng Thích Đức Hải tại chùa Linh Quang, tỉnh Hà Đông. Năm 1944, ngài thọ giới sa di. Năm 1947, ngài đăng đàn thọ đại Cụ túc giới.
Tổng thư ký Viện Hóa đạo


Ông được bầu làm Tổng thư ký Viện Hóa đạo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) năm 1965. Năm 1981, các giáo phái Phật giáo ở hai miền Việt Nam trở thành thành viên của Mặt trận Tổ quốc; và họ tổ chức một đại hội để thống nhất tất cả các tổ chức Phật giáo tại Việt Nam thành một tổ chức mới mang tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).[9] Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị giải tán (tuy không có một văn kiện nào của Nhà nước tuyên bố giải thể GHPGVNTN hay tuyên bố Giáo hội này bất hợp pháp).[10]


Thập niên 1970–1980: lưu giam ở Thái Bình

Vì không chịu để cho nhà nước giám sát giáo hội, và kêu gọi biểu tình chống chế độ, ông bị nhà chức trách Việt Nam bắt giam từ tháng 6 năm 1977. Đến năm 1982 thì ông và mẹ ông bị trục xuất về nguyên quán là xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Mười năm sau ông tự ý tìm vào Nam hoạt động công khai đòi tự do tôn giáo tại Việt Nam. Nhà chức trách đã có lệnh trục xuất ông về Bắc nhưng ông không chịu thi hành vì công dân Việt Nam có quyền cư trú ở bất cứ đâu trên đất nước theo Hiến pháp quy định.[11]


Tuyên án tù 1995

Năm 1995, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Thích Quảng Độ.

Tháng 8 năm 1995, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử, tuyên phạt Thích Quảng Độ cùng nhóm của ông (Không Tánh, Đồng Ngọc, Nhật Thường, Trí Lực) 5 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội "phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước". Theo nhà cầm quyền, trong thời gian bị giam giữ, Thích Quảng Độ đã tỏ ra ăn năn, hối cải nên nhân dịp Quốc khánh 2-9-1998, Chủ tịch nước Việt Nam đã quyết định đặc xá, tha tù trước thời hạn cho ông, trả về nơi cư trú cũ tại Thanh Minh Thiền viện.[12] Báo Tuổi Trẻ đăng tải ảnh chụp "văn bản nhận tội và xin khoan hồng" có chữ ký của ông Thích Quảng Độ, trong đó có đoạn : "Ai đọc thông tư số 2 cũng phải sửng sốt kinh ngạc, cho rằng nội dung nó mang tính chất một lời hiệu triệu kêu gọi Tăng Ni chống lại chính quyền cách mạng. Chính bản thân tôi giờ nghĩ lại cũng phải cảm thấy hoảng sợ và ân hận... Tôi xin chính quyền lượng xét khoan hồng tha thứ hoặc ân giảm tội trạng cho tôi để tôi còn có được cơ hội hối cải".[13] Sau đó, ông Thích Quảng độ chưa từng phủ nhận về việc "ăn năn, hối cải" này.

Theo đài RFA, dưới áp lực từ Hoa Kỳ, Hòa thượng được trả tự do và bị yêu cầu phải đi tị nạn tại Mỹ nhưng ông từ chối và nói rằng ông phải ở lại trong nước với quần chúng Phật tử. Tuy mang tiếng là được thả ra, nhưng thực chất ông bị giam giữ tại gia, vì ông bị cấm thuyết pháp. Có một đồn công an nằm trước Thiền viện kiểm soát rất kỹ. Dưới áp lực chính trị, vào ngày 15/9/2018, Thích Quảng Độ đã bị trục xuất khỏi Thanh Minh Thiền viện. Ông quyết định trở về quê tổ của mình ở Thái Bình.[14]


Viện trưởng Viện Hóa đạo

Năm 1999, Hòa thượng Thích Quảng Độ được bầu làm Viện trưởng Viện Hóa đạo, một tổ chức của GHPGVNTN (được phục hồi hoạt động từ năm 1991[15]). Tuy nhiên, tổ chức này không được chính quyền Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thừa nhận và bị cấm hoạt động tại Việt Nam[9] vì đã có một tổ chức thống nhất các tổ chức Phật giáo tại Việt Nam (cả hai miền Nam và Bắc sau năm 1975) với tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (được thành lập năm 1981).

Hòa thượng Thích Quảng Độ đã có 8 năm ở tù vì những hoạt động kêu gọi tự do tôn giáo và sau đó, tiếp tục những hoạt động nhằm khôi phục Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ông đã gây được nhiều chú ý trong các nhà ngoại giao nước ngoài[16][17] và dư luận quốc tế.

Ngày 9 tháng 4 năm 2002, Hòa thượng Thích Quảng Độ, cùng với Hòa thượng Thích Huyền Quang và Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý, được trao giải thưởng Homo Homini của Tổ chức People in Need, Cộng hòa Séc. Cả ba người được vinh danh là "những người bảo vệ nhân quyền và tự do dân chủ và tự do tôn giáo ở Việt Nam". Tháng 9 năm 2006, ông được trao Giải Thorolf Rafto vì đã "dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ Cộng sản Việt Nam".[4] Chính phủ Việt Nam cho rằng việc ông được trao giải là một việc "hoàn toàn không thích hợp" vì ông là một người "vi phạm luật pháp, xúi giục chia rẽ tôn giáo, phá hoại tình đoàn kết quốc gia, và từng bị pháp luật Việt Nam kết án".[18][19]

Sinh thời, ông là trụ trì tại Thanh Minh Thiền viện ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Chính phủ Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã chỉ trích chính phủ Việt Nam vì ông bị quản chế tại nhà. Tuy chính phủ Việt Nam tuyên bố phủ nhận chuyện này,[20] ông phản bác tuyên bố này trong một cuộc phỏng vấn với đài Á Châu Tự do.[21]. Ngày thứ tư 5 tháng 8 năm 2015, sau dịp Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông Tom Malinowski cùng bà Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Rena Bitter đến vấn an và trao đổi với Đức Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, về tình hình tôn giáo và nhân quyền, trong cuộc phỏng vấn với bà Ỷ Lan của đài RFA, ông cho biết là vẫn bị quản chế tại Thanh Minh Thiền viện với sự kiểm soát thường trực của những mật vụ khá lộ liễu.[22]

Cuối tháng 10 năm 2006 ông cho biết ông sẽ không rời Việt Nam để nhận Giải Thorolf Rafto tại Na Uy vì ông e ngại chính quyền Việt Nam sẽ buộc ông phải sống lưu vong. Thay vào đó, ông sẽ ủy thác cho ông Võ Văn Ái, phát ngôn viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở hải ngoại, nhận giải thưởng này thay ông.[23][24]


Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống

Sau khi hòa thượng Thích Huyền Quang viên tịch năm 2008, theo chúc thư để lại thì Hòa thượng Thích Quảng Độ được chọn làm Tăng thống thứ năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.[25][26] Trong khi chờ chính thức lĩnh nhiệm thì ông là Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống.


Đệ ngũ Tăng thống

Tháng 11 năm 2011 trong Đại hội kỳ IX của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tổ chức ở chùa Điều Ngự, Tp Westminster, Quận Cam, California thì Hòa thượng Thích Quảng Độ mới chính thức nhận chức Đệ ngũ Tăng thống.[27]


Từ nhiệm và tái nhiệm

Năm 2013, Hòa thượng Thích Quảng Độ muốn tẩn xuất Hòa thượng Thích Chánh Lạc khỏi giáo hội, và gọi vị này là tăng phạm trọng giới. Tuy nhiên nhiều thành viên như Thích Viên Định (Viện trưởng Viện Hóa đạo), Thích Viên Lý (Văn phòng II) không đồng ý, thậm chí còn muốn tôn Thích Chánh Lạc làm Cố vấn Văn phòng II thay Hòa thượng Phó Tăng thống Thích Hộ Giác mới viên tịch. Vì mâu thuẫn này nên ngày 10 tháng 8 năm 2013 Hòa thượng Thích Quảng Độ ra thông báo Cáo bạch từ nhiệm, rời khỏi chức vụ Tăng thống. Tuy nhiên hai ngày sau ông chủ động tái nhiệm nắm giữ chức vụ Tăng thống.

Sau đó Hòa thượng Thích Quảng Độ ra Giáo chỉ số 10 loại bỏ Thích Viên Định, Thích Viên Lý khỏi Viện Hóa đạo và Văn phòng II. Những người bất mãn với giáo chỉ này đã tách khỏi Giáo hội và lập Tăng đoàn GHPGVNTN, tôn Thích Thiện Hạnh làm Thượng thủ, Thích Chánh Lạc làm Chủ tịch Hội đồng giáo phẩm. Từ lúc này Hòa thượng Thích Quảng Độ không còn vai trò với hầu hết các hoạt động.


Rời khỏi Thanh Minh thiền viện

Sau 20 năm lưu trú tại Thanh Minh thiền viện, cuối năm 2018, trụ trì của Thiền viện đã gây sức ép để ông phải rời đi. Ngày 15 tháng 9 năm 2018 Hòa thượng Thích Quảng Độ phải rời khỏi thiền viện, tá túc tại một số ngôi chùa, và ngày 5 tháng 10 năm 2018 lên tàu về quê ở Thái Bình. Đến ngày 18 tháng 11 năm 2018 thì ông trở lại Tp Hồ Chí Minh và đến ngụ tại chùa Từ Hiếu, Quận 8.


Viên tịch

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, viên tịch vào lúc 21 giờ 20 phút ngày 22 tháng 2 năm 2020 (nhằm ngày 29 tháng 1 năm Canh Tý, Phật lịch 2563) tại Chùa Từ Hiếu, Phường 1, Quận 8, Tp Hồ Chí Minh, hưởng thọ 92 tuổi.[28]


Hoạt động với người dân khiếu kiện

Vào ngày 17 tháng 7 năm 2007, ông đã tham gia cứu trợ các người dân đang khiếu kiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và kêu gọi "chấm dứt cái nạn độc quyền cai trị" tại Việt Nam.[29] Tờ The Wall Street Journal (xuất bản tại Thành phố New York) cho rằng đây là lần đầu tiên mà các khiếu kiện về đất đai được hội tụ lại với phong trào nhân quyền và có thể là dấu hiệu các nông dân khiếu kiện bắt đầu nhận thức rằng khiếu nại của họ có liên quan đến các nguyên lý trừu tượng như tự do và dân chủ và sẽ khiến Đảng Cộng sản phải "đau đầu".[30]

Ông bị công an bắt vào ngày 23 tháng 8 vì bị cho là có kế hoạch biểu tình chống đối chính quyền.[31] Thượng tọa Thích Không Tánh được Hòa thượng Thích Quảng Độ cử mang tiền ra Bắc để cứu tế cho những người khiếu kiện cũng bị bắt tại Hà Nội ngày 23 tháng 8 khi đang phát tiền cứu trợ cho những người khiếu kiện tại Hà Nội, hòa thượng bị áp giải về lại Thành phố Hồ Chí Minh trong cùng ngày. Sau đó, báo chí Việt Nam bắt đầu đồng loạt chỉ trích ông Thích Quảng Độ và GHPGVNTN.[32] Báo Nhân dân trong bài xã luận tựa đề "Thích Quảng Độ và các tham vọng chính trị đội lốt tôn giáo" cho rằng ông đã cầm đầu "một số phần tử cực đoan" để "hoạt động chống phá Nhà nước, gây rối làm mất trật tự công cộng" và "khiến dư luận hết sức bất bình và cực lực lên án".[33] Báo Tiền Phong cho rằng hoạt động cứu trợ của ông là hoạt động "phản động", và "kích động gây rối".[34] Báo Tuổi Trẻ Online cho rằng ông đã dùng việc cứu giúp người dân nghèo để làm tổ chức của ông nổi tiếng và kêu gọi nhân dân chống phá nhà nước.[9]


Nhận xét

Hòa thượng Thích Quảng Ba (Viện trưởng Tu viện Vạn Hạnh ở Canberra, Úc – Phó Hội chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan) bày tỏ: "Đóng góp của ngài không chỉ ở chỗ ngài viết bao nhiêu chục quyển sách, dẫu dĩ nhiên, tất cả những tác phẩm đó của ngài là vô cùng giá trị cho vấn đề nghiên cứu, học thuật. Nhưng cái đó vẫn là rất nhỏ. Cái đóng góp lớn nhất vẫn là tinh thần bất khuất mà ngài đã giữ được liên tục, từ lúc đóng vai trò Tổng thư ký Viện Hóa đạo cho đến ngày ngài nằm xuống".[35]












CÓ THỂ BIẾN THIÊN ĐƯỜNG THÀNH ĐỊA NGỤC và ĐỊA NGỤC THÀNH THIÊN ĐƯỜNG
THÍCH QUẢNG ĐỘ


“Tâm là chủ tể, có thể biến thiên đường thành địa ngục và địa ngục thành thiên đường”
JOHN MILTON


L.T.S.: Ngày 18-1-1970, trong kỳ đại hội “Ngày Tôn Giáo Hoàn Cầu” lần thứ chín tại Việt Nam, Thượng tọa Thích Quảng Độ, Phó Khoa Trưởng Phân khoa Phật học Viện Đại Học Vạn Hạnh, đại diện cho Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đã đọc một bài thuyết trình mà chúng tôi xin đăng ở đây. Chúng tôi nhận thấy tiếng nói của Thượng tọa cũng là tiếng nói chân thành của những vị lãnh đạo Viện Đại Học Vạn Hạnh và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất: tiếng nói vạch trần Sự Thật, tố cáo sự Lường Gạt Giả Dối đang ngự trị trong lòng những kẻ tự nhận là có “thiện chí nhất”. Những dòng đăng dưới đây mang một âm hưởng kỳ lạ đâm thấu vào trái tim của chúng ta, những người đang chết và sẽ chết cho một Tình Thương lớn rộng khả dĩ chuyển hóa Địa ngục thành một Thiên đường trên mặt đất này.




Trước hết tôi xin ngỏ lời cảm ơn ông Chủ Tịch Hội Đồng Tinh Thần đạo BAHA’I và ban tổ chức đã có nhã ý mời tôi tham dự “Ngày Tôn Giáo Hoàn Cầu” lần thứ chín tại Việt Nam hôm nay với tư cách thuyết trình viên Phật Giáo, đại diện cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Đây không những là sự hân hạnh cho cá nhân tôi mà còn là một vinh dự cho cả Giáo Hội chúng tôi nữa.
Thưa quý vị, như quý vị đã biết qua chương trình, đề tài của Ngày Tôn Giáo Hoàn Cầu lần thứ chín hôm nay là: “MỤC ĐÍCH CỦA TÔN GIÁO LÀ XÂY DỰNG SỰ THỐNG NHẤT VÀ HÒA HỢP”. Tưởng không cần nói quý vị cũng biết rằng đây là một đề tài rất hợp thời, rất thực tế, và sự hiện diện của quý vị nơi đây hôm nay đã nói lên cái ý chí thiết tha của quý vị đối với mục đích cao đẹp ấy.
Nhưng, khi được yêu cầu thuyết trình về đề tài kể trên, tôi cảm thấy hơi bối rối, ngỡ ngàng, ngượng ngùng và khó nói. Tôi có cảm tưởng như mình là một cậu học trò lớp Nhất đang cặm cụi làm một bài luận văn có tính cách luân lý, trong đó thầy giáo bảo tả cảnh hòa hợp hạnh phúc của một gia đình trong khung cảnh đầm ấm một buổi tối: cha đang đọc sách, mẹ ngồi may thêu, các anh chị đang làm bài và các em nhỏ thì vui đùa ngoan ngoãn. Nhưng, trên thực tế, nhìn vào cảnh gia đình tôi thì, hỡi ôi! hoàn toàn trái ngược: cha mẹ giận nhau, các anh chị cãi lộn và các em nhỏ thì la khóc om xòm! Tôi đành phải gác bút vì thiếu cảm hứng.

Cũng thế, thưa quý vị, làm thế nào chúng ta có thể nói về thống nhất và hòa hợp một cách ổn thỏa trong khi xung quanh ta, trên tất cả mọi lĩnh vực sinh hoạt, từ chính trị, xã hội, văn hóa cho đến tôn giáo, nhìn vào đâu ta cũng chỉ thấy diễn ra toàn những cảnh chia rẽ, phân hóa, toàn những âm mưu, tranh chấp, những thủ đoạn và nghi kỵ? Tôi không dám đề cập đến các tôn giáo bạn mà đa số quý vị hiện diện ở đây là đại biểu, tôi chỉ xin nói ngay trong nội bộ Giáo Hội của chúng tôi cũng chưa có sự hòa hợp và thống nhất. Thật là một điều mỉa mai chua xót cho tôi khi phải đứng đây, đại diện cho Giáo Hội, để thuyết trình về đề tài THỐNG NHẤT và HÒA HỢP. Đây là một nỗi đau lòng không những đối với riêng Giáo Hội chúng tôi mà đối với cả quý vị nào (tôi xin mạn phép tự tin như thế) vẫn dành cho Giáo Hội chúng tôi mối thiện cảm sẵn có của mình.

Từ đó suy rộng ra, tất cả các tôn giáo và các giáo phái trên giải đất này đã có sự thống nhất và hòa hợp chưa? Xin thưa ngay rằng: CHƯA! Rồi trên toàn thế giới, đã có sự hòa hợp và thống nhất giữa các tôn giáo và các giáo phải chưa? Cũng thưa là: CHƯA! Vậy, nếu mục đích của các tôn giáo là xây dựng sự thống nhất và hòa hợp cho nhân loại thì sứ mệnh ấy các tôn giáo vẫn chưa hoàn thành được, và sẽ mãi mãi không bao giờ hoàn thành nếu các tôn giáo cứ giữ cái nguyên trạng như hiện nay.
Thưa quý vị, viễn tượng của một thế giới hòa đồng, thanh bình, thống nhất và tiến bộ là niềm mơ ước không những của nhân loại ngày nay đang quằn quại trong hố sâu chia rẽ, trong vực thẳm chiến tranh, mà còn là niềm mơ ước của các đấng Giáo Chủ và các bậc hiền triết từ ngàn xưa. Nhưng, nếu nhân loại đặt trọn niềm tin ở các tôn giáo để thể hiện giấc mơ cao đẹp ấy thì nhân loại sẽ thất vọng. Bởi lẽ, thay vì đoàn kết nhân loại thành một khối cùng chung một lý tưởng thì các tôn giáo, hay nói đúng hơn là các nhà tôn giáo, lại chia nhân loại thành những nhóm kình địch nhau vì những tín điều, những nghi thức và luôn cả vì triết lý và thần học. Với những thứ ấy, các nhà tôn giáo đã gieo rắc cho loài người một chứng bệnh mà không một nền y học nào tự cổ chí kim, từ Đông qua Tây đã có thể chữa trị được: đó là bệnh cuồng tín. Chúng ta phải can đảm và thành thực mà nhìn vào sự thật này: chưa có một sức mạnh nào đã làm cho con người có lòng rộng lượng, bao dung và vị tha như tôn giáo đã làm, mà cũng chưa một sức mạnh nào đã khiến cho chúng ta trở nên cố chấp, hẹp hòi và ích kỷ như tôn giáo; chưa một sức mạnh nào làm cho con người nhân từ hiền hậu như các tôn giáo đã mang lại, mà cũng chưa một sức mạnh nào khiến chúng ta trở nên tàn ác, hiểm độc như tôn giáo. Những lời thương yêu trìu mến và cao thượng nhất đã phát xuất từ cửa miệng các nhà tôn giáo, mà những lời độc địa, sâu cay và thấp kém nhất cũng đã được thốt ra từ cửa miệng các nhà tôn giáo.

Tất cả chúng ta đã từng được nghe những danh từ kêu và đẹp như hòa bình, tình thương, bác ái, bình đẳng, tình huynh đệ và thế giới đại đồng v.v.. nhưng những danh từ cao đẹp ấy của các bậc giáo chủ và hiền triết thủa xưa đã bị lạm dụng một cách thái quá đến nỗi chúng chỉ còn là những tiếng nói ở đầu môi chót lưỡi, là một trò chơi chữ chứ tuyệt nhiên không còn một thực chất hay một ý nghĩa nào nữa cả. Người ta cũng đã từng hô hào toàn thể các quốc gia trên thế giới nói chung, và đặc biệt là các tôn giáo nói riêng, hãy xích lại bên nhau, hãy nắm lấy tay nhau, hãy học hỏi, tìm hiểu để thông cảm lẫn nhau, và dĩ nhiên đây là một điều rất tốt, chúng ta nên làm và phải làm. Nhưng, khi nhìn qua các trang sử hay tìm hiểu những sự kiện đang diễn biến xung quanh ta, đôi khi kinh nghiệm cho thấy những người hiểu nhau nhiều nhất lại là những người tranh chấp nhau hơn ai hết. Đó là chưa kể có khi nắm tay nhau nhưng trong tay áo vẫn dấu sẵn con dao để, nếu cần, sẽ đâm lén sau lưng nhau. Câu tục ngữ Việt Nam “Yêu nhau lắm, cắn nhau đau” là một chứng minh cụ thể. Như vậy, sự hiểu biết tự nó cũng chẳng mang lại hòa hợp bao nhiêu. Đây không phải là một sự kiện mới lạ mà là một điều đã từng diễn ra trong lịch sử.
Thưa quý vị, tôi vẫn biết vì chúng ta chưa có sự thống nhất và hòa hợp nên mới cần phải xây dựng. Nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là: tại sao chúng ta chia rẽ? Tại sao chúng ta không hòa hợp được với nhau? Về vấn đề này, theo đức Phật, chúng ta chia rẽ, bất hòa là do tính cố chấp mà Phật gọi là biên kiến, nghĩa là, chỉ thấy và chấp chặt có một bên. Chúng ta ít khi nào thấy toàn diện một vấn đề. Tôi là Phật tử. Tôi đang ngồi dưới cái đáy giếng nhỏ bé của tôi và cho đó là toàn thể thế giới. Bạn là tín đồ Thiên Chúa. Bạn đang ngồi dưới cái đáy giếng nhỏ bé của bạn và cho đó là toàn thể thế giới của bạn. Bạn khác là tin đồ của Hồi giáo, Ấn độ giáo, Do thái giáo và đạo Baha'i v.v.... cũng đều như thế cả. Vậy, Ngày Tôn Giáo Hoàn Cầu hôm nay có một ý nghĩa đặc biệt và nhiệm vụ của quỷ vị cũng rất nặng nề nhưng mà cao cả: đó là làm thế nào để gột rửa cho sạch cái biên kiến về thế giới đáy giếng ấy trong tâm hồn của mỗi chúng ta và tín đồ thuộc các tôn giáo. Nếu làm được việc đó quý vị sẽ là những đại ân nhân, là ánh sáng soi đường không những cho dân tộc Việt Nam nhỏ bé này đang khao khát một sự đoàn kết nhất trí để sống còn, mà cho cả loài người trong cái thế giới tuy có thừa trí thức nhưng lại rất ngu tối này.

Thưa quý vị, như tôi vừa trình bày ở trên, thống nhất và hòa hợp là niềm mơ ước của cả nhân loại, nhưng làm thế nào để thực hiện được điều đó? Vấn đề này, vẫn theo đức Phật, muốn có sự hòa hợp, chúng ta phải bồi dưỡng một tinh thần rộng lượng, bao dung, hay, nói theo danh từ Phật giáo, là tinh thần hỷ xả. Nghĩa là, chúng ta phải sẵn sàng thừa nhận giữa chúng ta có những điểm bất đồng và dị biệt. Nói thế, mới nghe, có vẻ như mâu thuẫn. Thật vậy, đã là bất đồng, dị biệt thì sao gọi được là thống nhất? Nhưng, thưa quý vị, đời là cả một trường mâu thuẫn mà con người, muốn có được sự sống nhịp nhàng với tâm hồn bên trong và cảnh vật bên ngoài, luôn luôn phải điều hòa thích ứng. Khác với khoa học nói một thứ ngôn ngữ chung mà tất cả mọi dân tộc đều hiểu, tôn giáo là sản phẩm có tính cách địa phương, nhưng, cũng như khoa học, tình yêu tôn giáo lại không phân chia ranh giới, chủng tộc và quốc gia, do đó, đối với các tôn giáo, sự điều hòa ấy càng khó khăn gấp bội. Làm thế nào chúng ta điều hòa được tình yêu nhân loại với quyền lợi quốc gia? Chúa phán phải thương yêu kẻ thù, hễ bị tát vào má trái hãy chìa nốt má phải. Phật thì dạy hết thảy chúng sinh đều có Phật tính, phải tôn trọng Phật tính mà không được giết hại. Nhưng trong trường hợp một cuộc chiến tranh xâm lược xảy ra, nếu thương yêu kẻ thù và tôn trọng Phật tính thì dân tộc sẽ sống trong nô lệ và tủi nhục; còn nếu chống trả để bảo vệ tự do, bảo vệ quyền sống thì tình yêu kẻ thù và tôn trọng Phật tính sẽ bị xâm phạm và thương tổn. Chúng ta phải chọn đường nào? Nên điều hòa ra sao? Dĩ nhiên, các bậc Thánh nhân cũng đã đề xướng những phương pháp đề kháng bất bạo động, nhưng đó chỉ là thứ vũ khí của một số rất ít người thật can đảm và dũng cảm, không phải ai ai cũng có thể sử dụng được thứ vũ khí ấy, mà, trái lại, vũ khí của những kẻ hèn nhát và khiếp nhược luôn luôn là bạo lực, là đàn áp và khủng bố.

Như vậy, thừa nhận có sự bất đồng và dị biệt là điều kiện tiên quyết để xây dựng sự hòa hợp giữa chúng ta. Bởi lẽ, chúng ta không thể trông đợi có một nền triết học, một nền thần học cũng như một nghi thức duy nhất cho tất cả các tôn giáo. Tôi xin đưa ra một thí dụ (chỉ thí dụ chứ không ngụ ý phê phán bất cứ tôn giáo nào). Chẳng hạn, thế giới quan Phật giáo là thế giới quan DUYÊN KHỞI, nghĩa là, đức Phật cho hết thảy sự vật trong hiện tượng giới đều do nhân duyên, tức những mối quan hệ, kết hợp mà thành, không thừa nhận có một nguyên lý cố định, hay một đệ nhất nguyên lý. Trong khi đó, thế giới quan của Thiên Chúa giáo và hầu hết các tôn giáo khác đều cho thế giới hiện tượng là do một vị nhân cách thần sáng tạo, như vậy là thừa nhận có một đệ nhất nguyên lý. Đó là thế giới quan THẦN QUYỀN. Thế thì, nếu các Phật tử không bảo các bạn Thiên Chúa tin ở một đấng toàn trí, toàn năng, có quyền thưởng phạt là dị đoan thì các bạn Thiên Chúa cũng đừng nên cho các Phật tử chỉ tin ở nghiệp lực con người, ngoài con người ra không ai có trách nhiệm gì đối với hành vi của con người, là vô thần, là ma quỷ. Người ta thường cho những kẻ vô thần là những kẻ không tin tưởng ở Thượng đế, nhưng Phật giáo chủ trương những kẻ vô thần là những kẻ không tin tưởng ở chính mình. Nếu các bạn tin rằng Thượng đế giảng trần qua hình thể chim bồ câu thì cũng đừng nên bảo người Ấn độ giáo tin Thượng đế biểu hiện bằng hình thể con bò là mê tín, là cổ quái, cần phải đạp đổ nó đi. Theo một ý nghĩa nào đó, những điểm dị đồng trên đây đã khiến cho chúng ta trở thành cố chấp hay biên kiến mà, rủi ro thay, đã hơn một lần làm cho thế giới phải điêu linh tàn tạ. Nhưng đó là chuyện dĩ vãng. Ngày nay, với đà tiến bộ của tư tưởng nhân loại, rồi ra người ta sẽ đem tất cả những cái gì của César trả lại cho César.

Chân lý được biểu hiện bằng nhiều danh từ. Có tôn giáo gọi nó là Thượng đế, cũng có tôn giáo mệnh danh nó là Jehova, là Allah, là Phạm Thiên, là Chân Như, Phật tính v.v... vậy chân lý là một mà tôn giáo chỉ là những con đường khác nhau dẫn đến chân lý ấy. Thế thì, người ta đã đứng ở đâu ta cứ để họ đứng nguyên ở đó, nếu ta không giúp được họ tiến lên theo con đường họ đã chọn thì thôi, chứ đừng nên bắt họ phải theo con đường của mình. Cái mà dân tộc Việt Nam mong muốn nhất hiện nay không phải là tín ngưỡng này hay chủ nghĩa nọ, vì tôi có thể tự hào mà nói rằng, Việt Nam ta ngày nay có thừa khả năng xuất cảng tôn giáo, và một ngày nào đó, rất có thể chúng ta sẽ đi đến tình trạng lạm phát tôn giáo. Thật là mỉa mai cho chúng ta, không một tôn giáo nào không giảng dạy tình huynh đệ, thương yêu, vậy mà trong khi chúng ta có thừa tôn giáo thì chúng ta lại thiếu một điều — một điều quan trọng và cần thiết nhất, đó là một tinh thần hòa hợp dân tộc, tinh thần đồng chủng đồng bào, tinh thần thương yêu đùm bọc, nói tóm lại là một tinh thần gà cùng một mẹ để nắm tay nhau xây dựng lại cuộc sống thanh bình và an lạc cho tất cả.

Đức Phật nói: “Tâm bình, thế giới bình”. Nghĩa là, nếu tâm chúng sinh luôn luôn hưởng tới hòa bình và thành thật mong muốn hòa bình thì tự nhiên thế giới sẽ hòa bình. Ngày nay, chúng ta thường nghe hàng ngày người ta hô hào hòa bình, hò hét hòa bình, đi tìm kiếm hòa bình mà bỏng dáng hòa bình vẫn xa mờ trong bụi khói. Tại sao vậy? Vì rằng ngoài miệng người ta kêu gọi hòa bình, nhưng trong thâm tâm người ta luôn luôn nghĩ đến việc chuẩn bị chiến tranh; bề ngoài người ta khoác bộ áo của con cừu, nhưng dưới lớp áo cừu hiền lành ấy người ta che dấu toàn những móng vuốt của con sói. Thế giới luôn luôn ở trong tình trạng máu lửa là vì thế. Một hôm, một vị tông đồ hỏi chúa Ky-Tô làm thế nào để thấy được Thượng đế, chúa Ky-Tô không nói gì cả, bèn dẫn vị tông đồ ra bờ sông rồi nắm đầu dìm vị tông đồ xuống nước. Một lúc lâu, vị tông đồ ứ hơi muốn chết và hết sức vùng vẫy để thoát lên mặt nước. Chúa Ky-Tô thấy đã cấp bách lắm mới buông tay thả vị tông đồ ra. Khi lên khỏi mặt nước, chúa Ky-Tô hỏi: “Khi tôi dìm ông dưới nước, ông thấy thế nào?” – Vị tông đồ trả lời: “Con thấy không còn muốn một thứ gì trên đời ngoài một chút không khí để thở, vì không khí lúc đó chính là sự sống của con”. Chúa Ky- Tô nói: “Vậy cái ý chí muốn được thấy Thượng đế, của ông đã mãnh liệt đến mực độ ấy chưa? Nếu thế thì tự ông sẽ thấy Thượng đế, ngoài ra, không còn có cách nào khác”. Rồi gần đây, thi hào Milton cũng đã có những vần thơ rất sâu sắc. Ông nói: “Tâm là chủ tể, có thể biến thiên đường thành địa ngục, và địa ngục thành thiên đường” (The mind is its own place. And can make a hell of heaven. And heaven of hell). Như vậy, ai dám bảo Đông là Đông, Tây là Tây, Đông, Tây không bao giờ gặp nhau?

Thưa quý vị, tôi nhắc lại những thí dụ ấy là chỉ muốn nói lên rằng, công cuộc xây dựng thống nhất và hòa hợp cũng thế, nó đòi hỏi chúng ta phải hướng vào nội tâm. Mỗi chúng ta phải tự hỏi lòng mình xem có thành thật mong muốn không. Vì tâm làm chủ tất cả hành động của chúng ta. Chúng ta chia rẽ, tranh chấp, đố kỵ, tị hiềm chỉ vì tâm ta chứa đầy tham, sân, si. Từ ý nghĩ, lời nói đến việc làm của ta đều do động cơ danh lợi thúc đẩy. Bởi thế, công cuộc xây dựng thống nhất và hòa hợp chỉ có thể thành tựu một cách viên mãn và tốt đẹp khi nào nó được bắt nguồn từ cõi lòng tha thiết chân thành của mỗi cá nhân. Với ý hướng và niềm tin mãnh liệt ấy, tôi thành tâm nguyện cầu cho mục đích của Ngày Tôn Giáo Hoàn Cầu năm nay sẽ được thể hiện ngay từ chiều sâu thẳm và thầm kín nhất của tâm hồn mỗi chúng ta.

THÍCH QUẢNG ĐỘ
(Tư Tưởng tháng 5/1970)










Những tác phẩm đã xuất bản





Kinh Mục Liên sám Pháp


Kinh Đại Phương tiện Phật Báo Ân


Thoát vòng tục lụy
Sài Gòn 1962
(truyện dịch từ Hán văn của Tinh Vân)


Dưới mái chùa hoang 
Sài Gòn 1962 (truyện)


Truyện cổ Phật giáo
Sài Gòn 1964


2007-09-11 tại Wayback Machine

2007-09-28 tại Wayback Machine

2009-10-01 tại Wayback Machine


Từ điển Phật học Hán Việt
(2 tập)


Phật Quang Đại Từ điển
(9 tập)


Chiến tranh và bất bạo động


Thơ trong tù 06.04.1977
10.12.1978 (tháng 3 năm Đinh Tỵ đến tháng 11 năm Mậu Ngọ)


Thơ lưu đày
25.02.1982 – 22.03.1992 
(tháng 2 năm Nhâm Tuất đến tháng 2 năm Nhâm Thân)





Xem thêm





Chú thích



^ Quỹ Thorolf Rafto vì Nhân quyền,
2007-10-07 tại Wayback Machine"

BBC Tiếng Việt. 21 tháng 9 năm 2006.

BBC Tiếng Việt. 4 tháng 2 năm 2008. 

BBC. 9 tháng 10 năm 2003. 

2 tháng 10 năm 2006.

^ Doug Mellgren (11 tháng 10 năm 2007).

Tuổi Trẻ Online. 31 tháng 8 năm 2007.
lưu trữ ngày 3 tháng 9 năm 2007.

lưu trữ ngày 10 tháng 2 năm 2021.

^ Viên Linh. "Một Nobel Hòa bình cho Hòa thượng Quảng Độ? 
Khởi Hành. Năm thứ XI, số 132, tháng 10.2007.



RFA, 2018-10-07.


RFA. 11 tháng 10 năm 2005.

BBC Tiếng Việt. 6 tháng 1 năm 2005.

1 tháng 11 năm 2006.

RFA. Đã bỏ qua tham số không rõ |date1

12 tháng 3 năm 2004.
lưu trữ ngày 29 tháng 9 năm 2007. 

RFA. 12 tháng 8 năm 2005.
lưu trữ ngày 13 tháng 11 năm 2005. 

RFA. 8 tháng 8 năm 2015.

Reuters. 31 tháng 10 năm 2006.
lưu trữ ngày 21 tháng 10 năm 2007. 

RFA. 31 tháng 10 năm 2006.

BBC Tiếng Việt. ngày 17 tháng 8 năm 2008.

lưu trữ ngày 4 tháng 9 năm 2008.


nguoi-viet.

BBC Tiếng Việt. 18 tháng 7 năm 2007.

The Wall Street Journal. 15 tháng 8 năm 2007.

Asociated Press. 25 tháng 8 năm 2007.
lưu trữ ngày 21 tháng 10 năm 2007.

BBC Tiếng Việt. 27 tháng 8 năm 2007.

Báo Nhân dân. 27 tháng 8 năm 2007.

Báo Tiền Phong.

BBC.


Liên kết ngoài




(Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)












DƯỚI MÁI CHÙA HOANG
Thích Quảng Độ








Cạnh con đường mòn, ven sườn núi tại Ngọc Nam, có một ngôi chùa nhỏ hoang vắng, nằm im lìm giữa một nơi hẻo lánh và quạnh quẽ. Mùa xuân năm ấy, giặc dã và trộm cướp nổi lên, dân chúng miền phụ cận đã chạy tản mác đi nơi khác, vị trụ trì trong chùa cũng bỏ trốn, chỉ để một mình ông già “tứ cố vô thân” ở lại đèn hương sớm tối.
Hết xuân sang hạ, khí trời trở nên mát mẻ, tối hôm ấy, như thường lệ, ông già dọn dẹp các nơi xong, đang định vào căn phòng nhỏ phía sau Phật điện nghỉ ngơi, bỗng nghe có tiếng gõ cửa nhè nhẹ vang lên ở phía ngoài, ông đi ra mở cửa thì thấy một vị sư áo quần lam lũ, râu ria xồm xoàm, tay cầm chiếc thiền trượng (cái gậy), trên lưng đeo một cái đãy nhỏ đang đứng dưới thềm cửa trước chùa.
- Ngài cần việc gì? Ông già hỏi.
- Tôi đi vân du đến đây thì trời tối, không có chỗ trọ, định vào quý tự xin tá túc một đêm.
- Chùa đây không phải chốn tùng lâm, không tiện tá túc. Vả lại, sư cụ trụ trì đi vắng, tôi chỉ là người trông nom đèn hương trong chùa, xin sư cụ từ mẫn cho. Ông già uyển chuyển đáp khéo.
- Tôi cũng biết chùa đây không phải chốn tùng lâm. Vị khách tăng nói. Song đến đây không còn thấy nơi nào có thể ngủ trọ được. Giờ trời đã tối, xin lão vui lòng cho tôi nghỉ tạm một đêm.
Sau một lát ngần ngừ, ông già nói:
- Trong chùa vẫn còn một căn phòng nhỏ bỏ không, sư cụ có thể nghỉ tạm. Song chỉ hiềm là không có chiếu chăn gì cả, mà lương thực cũng eo hẹp lắm!
- Điều đó không ngại, tôi ngồi được rồi, không cần chiếu chăn. Còn thức ăn thì tôi đã có mang theo lương khô đây, không dám phiền bàn đến lão.
- Vậy thỉnh cụ vào, nhưng xin cụ cho biết pháp danh và cụ ở đâu tới?
- Tôi là Vân Không, từ Triết Giang đến.
Ông già đưa sư cụ Vân Không vào. Khi đi qua Phật điện, ông thắp ngọn đèn dầu trên bàn thờ lên, rồi dẫn sư cụ vào căn phòng phía sau đối diện với phòng của ông. Căn phòng bỏ không, nhưng ở góc phòng có một đống cỏ khô chất gần đến mái nhà, mùi cỏ khô tỏa ra khắp căn phòng.
Ông già vừa nhìn sư cụ vừa nói:
- Xin cụ lượng thứ, thỉnh cụ hãy tạm nghỉ ở đây!
- Ồ, không sao!Tôi đã sống qua nhiều ngày thế này rồi, ở đây tương đối còn khá lắm!
Sư cụ để chiếc gậy và cái đãy vào góc phòng, rồi nói với ông già:
- Thôi, mời lão đi nghỉ. Để mặc tôi, tôi còn lên lễ Phật.
Ông già đi về phòng riêng. Vừa mới ngồi xuống giường, đột nhiên lại thấy tiếng gõ cửa từ đằng trước vọng vào. Lần này, tiếng gõ cửa rất gấp và cứ thình thình. Ông thấy trong lòng run sợ, còn đang phân vân không biết có nên ra mở cửa hay không thì chợt thấy sư cụ Vân Không tiến đến cửa phòng.
- Có người gọi cửa phía ngoài.
- Tôi nghĩ không nên mở. Ông già nói. Họ gõ chán, không thấy mình ra, tất họ phải đi.
- Tại sao không mở? Sư cụ ngạc nhiên hỏi.
- Bạch cụ, cụ không biết, chứ ở vùng này lộn xộn lắm, trộm cướp vô khối. Tiếng gõ cửa liên hồi như thế, tôi chắc bên ngoài phải có nhiều người. Chả biết họ đến làm gì, tôi không dám cho họ vào đâu!
- Ông với tôi thì có gì đâu mà sợ họ cướp? Và chắc đâu đã phải là cướp? Cứ ra xem nào!
- Thảng hoặc họ là cướp thật và cái gì cũng muốn vơ vét. Tôi còn mấy chiếc quần áo và chút ít tiền, nếu họ lấy mất thì sao?
- Ông đem giấu tiền đi, còn quần áo thì họ sẽ không thấy đâu!Nếu thật là cướp thì còn có tôi đây, lão đừng sợ. Ví phỏng họ muốn ăn thì cho họ ăn, tôi còn lương khô đây, ăn hết sẽ hay!
Ông già do dự nói:
- Họ gõ cửa đã lâu mà mãi bây giờ mới ra mở. Giả sử họ là cướp, chắc chắn khi vào họ sẽ cho tôi một trận nên thân chứ chẳng chơi!
- Tôi đi với lão và để tôi mở cửa cho!
- Bạch cụ. Ông già nhíu mày nói. Nếu chỉ là một người khỏe mạnh, mình đối phó được còn khó thay!Huống hồ lại nhiều người, họ sẽ nuốt sống mình mất.
- Một người khỏe mạnh cũng không sợ, mà có bao nhiêu người cũng không sao, đã có tôi ở đây!
Sư cụ Vân Không đến bên ông già và cầm tay kéo ông đi:
- Đây là một nơi hoang vắng, chắc có người lỡ đường muốn vào chùa xin nghỉ trọ, nên cho họ vào, nếu họ đói thì cho họ ăn. Ở đời, việc nên làm thì làm, chứ đừng so đo cân nhắc nhiều quá!
Ông già bị sư cụ kéo đi, đành cũng phải theo người. Khi họ ra tới cửa thì tiếng gõ cũng vừa tắt. Sư cụ mở cửa ra, trời đã tối hẳn. Dưới ánh sáng lờ mờ của mấy vì sao lấp lánh rọi xuống, sư cụ thấy một người đang nằm gục trên bậc cửa.
Ông già vội đến trước hỏi:
- Giờ này, ông còn đến chùa làm gì?
- Tôi đi qua đây, không biết bị con gì cắn, xin cho tôi vào nghỉ nhờ một lát!
Nói xong, không đợi ông già đáp, người ấy tiến vào cửa, nhưng vừa khỏi cửa thì lại ngồi quỵ xuống. Ông già vội đỡ dậy, hỏi:
- Tại sao lại ngồi đây, mời ông vào chùa nghỉ.
- Bắp chân tôi đau quá, không đi được nữa!
- Tôi đỡ ông vào vậy!Ông già nói.
- Để tôi bế ông ấy vào!
Vừa nói, sư cụ Vân Không vừa gạt ông già ra, rồi đỡ người ấy dậy và cõng vào chùa.
Sư cụ nhìn chỗ người ấy bị cắn một lát, rồi nói vội:
- Chết chửa!Bị rắn độc cắn, vết thương tuy nhỏ song nọc rắn độc lắm. Ở đây, giờ không tìm được thuốc, làm thế nào?
Dứt lời, sư cụ cúi ngay xuống, rồi để mồm vào chỗ bị rắn cắn và dùng hết sức để nún; cứ nún đến đâu lại nhổ ra đến đấy; một lúc lâu mới đứng dậy đi vào phòng lấy ra một gói thuốc bột rắc vào chỗ vết thương.
- Xin đừng động đậy!Ông bị cắn lâu chưa?
- Cách đây độ một tiếng đồng hồ.
- Lâu quá như thế thì phương thuốc này vẫn chưa đủ. Không những chỉ rắc thuốc ở ngoài mà còn phải uống thuốc nữa mới được, nhưng trong đãy của tôi lại không có thứ thuốc ấy!
Nói xong, sư cụ Vân Không quay sang hỏi ông già:
- Có tiệm thuốc nào gần đây không?
- Mãi trên khu chợ mới có, cách đây ba cây số. Ông già đáp.
- Tiệm thuốc e rằng cũng không có thứ thuốc ấy. Sư cụ nói. Vả lại, đường xa thế, đi về sợ lâu quá!Phàm chỗ nào có rắn thì đều có thứ lá trị rắn độc, nhưng cần phải đi tìm mới được!
- Nhưng ai biết thứ lá đó? Ông già hỏi.
- Tôi biết. Sư cụ đáp.
Người bị rắn cắn đang nằm phục trên chiếc chiếu, cố ngẩng lên quay sang nói với sư cụ:
- Xin sư cụ cứu tôi!Ơn ấy, tôi xin ghi lòng tạc dạ.
- Ông cứ yên tâm, tôi sẽ đi tìm thuốc cho ông!
- Xin sư cụ cho biết quý danh.
- Tôi là Vân Không.
- Tôi muốn biết tên tục của sư cụ.
Sư cụ cười và đi ra cửa:
- Tôi họ Trần, ở cùng xóm với ông.
Rồi sư cụ ngoảnh lại nói với ông già:
- Bên ngoài tối quá, xin lão cho tôi một bó đuốc!
Ông già đi xuống bếp, một lát sau đưa lên một bó thanh nứa đã đốt sẵn, trao cho sư cụ rồi đưa sư cụ ra ngoài cửa, đoạn trở vào Phật điện nói chuyện với ông khách lạ.
- Xin ông cho biết quý danh.
- Tôi là Đoàn Quốc Hùng.
- Hiện giờ, ông thấy trong người thế nào, có bớt đau không?
- Đau thì không đau lắm, chỉ buôn buốt, nhưng giờ đã đỡ nhiều rồi.
- Nếu không đau mà thấy buốt thì đúng là rắn độc cắn. Sư cụ Vân Không coi bộ thạo về môn này lắm!Thế là ông đã gặp được vị cứu tinh, nhưng mong sao Ngài tìm ra thuốc mới được.
Đoàn Quốc Hùng nói:
- Thưa lão, tôi đang băn khoăn suy nghĩ để biết xem sư cụ Vân Không đây trước khi xuất gia là người thế nào.
- Tôi cũng như ông, chẳng hiểu gì cả!Nhưng điều đó có gì quan hệ? Ông già lấy làm lạ, hỏi. Công việc trọng yếu của ông hiện giờ là phải điều trị nọc độc. Ông với sư cụ tình cờ gặp nhau như cánh bèo trên mặt nước. Sư cụ chữa khỏi vết thương cho ông rồi ngày mai lại trôi giạt mỗi người mỗi phương. Nếu ông muốn đền đáp ơn người thì cứ ghi nhớ tên người là Vân Không để sau này tìm cách báo đền. Còn như trước khi xuất gia, người làm gì hoặc tên tuổi của người là gì thì thiết tưởng điều đó ông không nên băn khoăn. Hay ông hoài nghi trước kia người không là thầy thuốc nên sẽ không dám uống thuốc của người?
- Đây không phải là vấn đề thuốc thang, tôi còn mang nặng một tâm tư khác. Tôi và vị sư ấy không phải tình cờ gặp nhau. Tuy đã nhiều năm không thấy nhau, hai chúng tôi đều đã già. Vả lại, người mặc tấm áo nâu và râu ria bờm sờm che kín mặt, song tôi vẫn hơi nhận ra người, nhất là khi sư cụ cho tôi biết sư cụ họ Trần và theo lối nói thì hình như sư cụ cũng đã nhận ra tôi. Đúng sư cụ là Trần Phán!Giữa tôi và sư cụ có một mối oan cừu mà mười năm qua không lúc nào tôi ăn ngon ngủ yên.
- Thế việc đó ra sao? Ông già hỏi.
- Sư cụ và tôi là người cùng xóm. Đoàn Quốc Hùng hạ giọng nói. Lúc còn trẻ, ông ở sát cạnh nhà tôi. Ông làm nghề đi bán các trò chơi. Ông nuôi nào khỉ, nào chuột, nào rắn và luyện tập chúng biểu diễn các trò. Nhất là rắn, lớn bé hơn mươi con, cứ thay đổi luôn luôn. Do đó, người trong làng mới đặt cho ông tên là Trần Xà Nhân. Trần Xà Nhân chỉ có một người con gái còn nhỏ tuổi, thường theo cha đi biểu diễn các trò. Bấy giờ, tôi rất ghét ông ta ở cạnh nhà tôi, vì những con vật ông ta nuôi, sau khi luyện tập thành thục, ông ta cứ thả ra. Có lúc những con khỉ chạy sang vườn phá phách hoa quả của tôi, còn rắn thì lúc nào cũng nằm cuộn tròn trên cành cây trước nhà ông ta, những cành cây vươn ra sát đầu tường hoa nhà tôi. Tuy rắn không bò qua tường bao giờ, nhưng ở bên nhà tôi trông rất rõ và rất đáng sợ. Tôi đã từng cảnh cáo ông ta và cũng có khi ông ta bồi thường thiệt hại về hoa quả cho tôi, nhưng nghề nghiệp của ông ta bắt buộc phải làm bạn với khỉ và rắn, rốt cuộc là tôi không thể chịu đựng được nữa. Cuối cùng, tôi bảo ông ta phải dọn nhà đi nơi khác. Nhưng ông ta nói là nhà của ông bà để lại nên không dám bán, mà đi nơi khác mua cũng không dễ dàng gì!Bảo ông ta dọn nhà không có kết quả, tôi bèn thuê người đến sinh sự phá phách. Nhưng ông ta rất giỏi võ, những người tôi thuê đều bị ông ta đánh bại và bị thương. Tôi liền đi thưa quan huyện để vu khống ông ta là cố ý đả thương. Tôi là người giàu có và thuộc giòng dõi quý tộc rất có thế lực, nên quan huyện cũng nể và sai người về bắt Trần Xà Nhân giải lên huyện và bị tống giam. Còn mỗi đứa con gái ở nhà không đi biểu diễn được và cũng không đủ sức trông nom những con vật, nên sau khi ông ta bị bắt mấy hôm thì khỉ, rắn và chuột đều bỏ đi. Đứa con gái vào nhà giam báo cho ông ta biết. Ông ta đành phải chịu dọn đi nơi khác. Khi về tới nhà, thấy súc vật đã đi hết và đứa con gái tiều tụy sau hai tháng trời sống lây lất, Trần Xà Nhân liền bỏ nhà dẫn con ra đi. Sau khi ông ta đi khỏi, tôi liền sang chiếm cứ nhà ông ta. Phía sau, tôi cho người làm ở; còn phía trước thì làm chuồng trâu và chuồng ngựa. Như thế, qua nửa năm, bỗng một hôm, Trần Xà Nhân đưa con về. Ông ta thấy nhà mình hoàn toàn đổi khác, trong nhà đầy người ở. Sau khi biết tôi đã chiếm cứ, ông ta liền sang kêu van tôi trả lại nhà cho ông ta. Tôi không trả lời và bảo ông ta cứ đi thưa quan huyện. Ông ta đứng ngoài kêu nài mãi, nhưng tôi vẫn tảng lờ như không nghe thấy. Đột nhiên, ông ta trợn mắt nhìn tôi một cách dữ tợn và lẩm bẩm nói: “Món nợ này sau sẽ thanh toán!”. Dứt lời, ông ta nhảy một cái qua tường hoa để về nhà bên kia. Tôi kinh ngạc, chạy vội ra cổng xem thì thấy Trần Xà Nhân đang ung dung dắt con đi. Từ đó, ông ta không trở về nữa. Cũng từ đấy, lòng tôi bắt đầu thấy sợ hãi không yên, nhất là ánh mắt dữ tợn của ông ta nhìn tôi trước khi ra đi đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng tôi. Bất cứ lúc nào tôi cũng thấy ánh mắt trừng trừng nhìn tôi và câu nói của ông ta trước khi ra đi lúc nào cũng văng vẳng bên tai tôi, nhất là trong đêm tối hoặc trong mộng mị, tôi vẫn cứ nghe câu nói ấy, giọng nặng nề và rùng rợn. Có khi tôi thấy trong góc nhà và bốn chung quanh tường, những ánh mắt đang nhìn tôi. Đó là ánh mắt của Trần Xà Nhân nhìn tôi lúc ra đi, nhưng lúc này còn dữ tợn hơn nữa.
Tôi sợ hãi như thế nên không lúc nào dám ngồi một mình trong nhà, cũng không dám lên giường ngủ. Tôi cần nhiều người đứng xung quanh và bắt họ la thét vang lên để trấn áp những lời chú thuật và che ánh mắt dữ tợn của Trần Xà Nhân. Tôi lại sợ Trần Xà Nhân nhảy qua tường hoa như hôm nào, nên sai người xây cao thêm lên. Song vô ích, vì từ khi Trần Phán đi rồi thì không ai còn thấy tung tích hay hình bóng ông ta đâu nữa!Ông ta không trở về để nhảy qua tường hoặc dùng bất cứ một phương pháp nào khác để vào nhà tôi. Chỉ có ánh mắt và lời nguyền rủa của ông ta luôn luôn theo sát tôi khiến tôi không có chỗ trốn tránh. Bản tính tôi vốn sợ rắn. Khi Trần Xà Nhân đi rồi, tôi cứ nghĩ đến rắn là lòng lại run lên. Nếu thấy con rắn nào thì tôi lại tưởng đó là rắn của Trần Xà Nhân nuôi và sai về để cắn tôi. Bởi thế, ngoài sự tưởng tượng đến ánh mắt và lời nguyền rủa của Trần Xà Nhân, tôi còn tưởng tượng cả rắn; đến nỗi thấy một vật gì dài, nhỏ và uốn khúc hoặc một cái bóng ngoằn ngoèo, tôi đều sợ hãi. Vì khổ sở như thế, nên tôi chỉ thích đến những nơi huyên náo đông người, thậm chí cả nơi cờ bạc để mong những tiếng ồn ào ấy sẽ đàn áp sự sợ sệt của tôi. Nhưng khi tan canh ra về thì lại ghê rợn vô cùng, tôi sợ gặp Trần Xà Nhân giữa đường hoặc gặp rắn của ông ta sai phục sẵn bên đường để chờ tôi. Bởi thế, bao nhiêu người đi theo hộ vệ tôi và la thét ầm ĩ. Vì thế, tôi đã đam mê cờ bạc, gia cảnh cũng dần dần suy sụp, thanh danh giảm bớt. Người ta không còn kêu tôi là “thân sĩ” hoặc “trí thức” mà họ gọi tôi là “đồ cờ bạc”. Sức khỏe mỗi ngày một kém, kết quả là mọi người đều cho tôi đã mắc chứng “bệnh tinh thần”.
Để giải trừ nỗi oan cừu ấy, tôi đã đăng lời rao trên các báo chí tìm Trần Phán, nói rõ là xin bồi thường tất cả những sự tổn thất. Nhưng từ bấy đến nay, vẫn không một hồi âm. Vô pháp khả thi, tôi chỉ còn cách ra đi tìm kiếm, mong được gặp ông ta để tạ tội và xin bồi thường thiệt hại. Tôi tưởng rằng ông ta vẫn làm nghề cũ, nên không một đám biểu diễn trò chơi nào mà tôi không vào xem, nhưng tuyệt không thấy Trần Xà Nhân hay con gái ông ta trong đó. Trên đường tìm kiếm, hôm nay đến nơi hoang vắng quạnh quẽ này, không ngờ tôi lại bị rắn cắn!
Vị sư cụ vừa chữa vết thương cho tôi lúc nãy, thoạt nhìn đôi mắt, tôi đã nhận ra đó là cặp mắt của Trần Xà Nhân. Bởi thế, tôi mới hỏi tên tục của người, nhưng người chỉ cho tôi biết người họ Trần mà không nói tên. Song nghe đến họ Trần, tôi đã tin chắc đó là Trần Xà Nhân, nhất là người lại bảo ở cùng xóm với tôi. Vậy không phải “ông ta” thì còn là ai? Tôi cứ suy nghĩ mãi tự nãy đến giờ là nếu “ông ta” nhận ra tôi thì tại sao “ông ta” lại chữa cho tôi? Tôi đang băn khoăn tự hỏi khi “ông ta” đưa thuốc về thì tôi có nên uống hay không?
Nghe xong, ông già nói:
- Sư cụ này cũng mới vào đây xin tá túc trước khi ông đến chừng mấy phút thôi. Bởi thế, tôi cũng không hiểu biết gì về sư cụ hơn ông mấy!Nhưng nếu người tìm được thuốc thang về, làm sao ông có thể từ chối không uống? Không uống, tất không có hy vọng trừ hết nọc rắn độc. Theo tôi, khi sư cụ để mồm vào vết thương hút nọc độc ra chắc không phải có ý giả dối đâu!Trên đời này, không có ai đối với kẻ thù của mình bằng cử chỉ ấy. Còn họ Trần thì rất phổ thông, chắc trong số bạn bè của ông cũng có nhiều người mang họ Trần. Ông hãy cứ tưởng tượng sư cụ là một người họ Trần khác đi, chứ nhất định không phải Trần Xà Nhân. Ông cũng coi như là người không nhận ra ông. Nếu thật người đã nhận ra ông là kẻ oan gia đối đầu với người, chắc người đã khoanh tay đứng nhìn, chứ đâu lại khổ công lo chữa cho ông? Người đã chịu cực hút nọc rắn độc để cứu ông thì người đâu còn dùng thuốc độc để hại ông nữa!
Đoàn Quốc Hùng nghe ông già nói xong, gật gật đầu, nhưng vẫn cứ phân vân. Đúng lúc ấy, có tiếng gõ cửa bên ngoài, ông già liền đi ra mở cửa. Sư cụ Vân Không, một tay xách bó cỏ, tay kia cầm cây đuốc đã cháy gần hết, đang đứng trên bậc cửa. Ông già vội đỡ lấy bó cỏ từ tay sư cụ, rồi hai người cùng tiến vào Phật điện. Đoàn Quốc Hùng thấy sư cụ đã vào, cố gượng ngồi dậy, nhưng sư cụ cản lại:
- Ông đừng cử động!Người bị rắn cắn càng nằm yên càng tốt. Ông bị cắn lâu mới chữa, tuy tôi đã hút máu ra, song sợ chưa hút hết được nọc độc. Bởi thế, ông cần phải uống thuốc trong và rịt thuốc ngoài. Thuốc ngoài tôi đã rịt rồi, bây giờ tôi sắc cho ông uống!
Đoàn Quốc Hùng lại nằm xuống và duỗi thẳng hai chân ra. Sư cụ Vân Không đi vào phòng, cầm chiếc thuyền trượng ra, rồi để bên người; sau đó lấy một phần bó cỏ thuốc và rải ra mặt đất trên nền chùa.
Ông già đến trước hỏi:
- Bạch cụ, cụ định giã lá thuốc?
- Vâng, phải giã thật nát mới rịt được!
- Cụ để tôi giã đỡ!
Ông già đến cầm lấy chiếc thiền trượng đặt trên chốc chiếu, lúc đó mới biết chiếc thiền trượng làm bằng sắt. Ông già nhấc một tay không nổi, liền dùng cả hai tay cũng vẫn không nhấc bổng lên được. Ông đành lắc đầu, lè lưỡi.
- Ông đi sắc thuốc đi! Sư cụ Vân Không nói. Còn việc giã thuốc để đấy tôi làm cho!
Ông già vâng theo, đứng dậy cầm lấy nửa bó cỏ rồi đi xuống bếp. Sư cụ Vân Không nhấc chiếc thuyền trượng lên và nện xuống sàn chùa. Tiếng kêu côm côm vang lên trong Phật điện, long cả tai. Đoàn Quốc Hùng nhắm nghiền mắt lại, vùi đầu xuống chiếu. Sau khi giã nát thuốc, sư cụ lấy tay cầm đắp vào vết thương trên ống chân Đoàn Quốc Hùng, rồi xé một miếng áo của mình để buộc vết thương lại. Đang buộc, bỗng nhiên sư cụ hỏi:
- Ông thấy đau nhức hay sao mà run thế?
Đoàn Quốc Hùng ngóc đầu dậy, nhìn sư cụ Vân Không như muốn nói, nhưng hễ mở miệng ra lại thôi, lâu lắm mới hơi thốt lên những lời líu nhíu:
- Bạch cụ, tôi cảm ơn cụ lắm! Song thật cụ có nhận ra tôi là ai không?
- Tôi nhận ra. Sư cụ vừa nói vừa cười. Ông là Đoàn Quốc Hùng.
Đoàn Quốc Hùng ngồi nhỏm dậy, tỏ vẻ kinh hoảng và bi thương nhìn Vân Không:
- Thế ra sư cụ là Xà nhân Trần Phán?
- Đó là tên họ ngày xưa. Sư cụ mỉm cười.
- Bạch cụ. Đoàn Quốc Hùng lại nằm xuống và nước mắt trào ra. Trước đây mười năm, sư cụ muốn thanh toán tôi. Tôi còn nhớ mãi câu nói ấy!Bất cứ ở đâu và giờ phút nào, tôi cũng phảng phất như thấy ánh mắt sư cụ nhìn tôi trước khi bỏ đi. Đã mười năm qua, ánh mắt ấy cứ theo tôi như bóng với hình. Không một thời khắc nào mà tôi thấy lòng được bình yên và thanh thản!Lúc nào tôi cũng sống trong hồi hộp và lo sợ. Tôi muốn sám hối tội ác tôi đã gây nên nhưng chưa gặp cơ hội, ngày đêm tôi mong sư cụ về để trả thù tôi nhưng vẫn bặt tin. Tôi. Tôi đã đăng tin trên các báo chí để tìm sư cụ, nói rõ là tôi đã ăn năn và đau đớn. Song không được hồi âm của sư cụ, cuối cùng tôi đành bỏ nhà ra đi tìm sư cụ. Dù có bị sư cụ thanh toán, tôi cũng đỡ khổ. Hôm nay, ta gặp nhau ở đây, chính là dịp để sư cụ trả cho xong mối oan cừu năm xưa. Nhưng trái lại, sư cụ vẫn cứu tôi. Tôi cứ tưởng sư cụ đã quên tất! Đã biết tôi là Đoàn Quốc Hùng, tại sao sư cụ lại nhọc công cứu tôi? Thật tôi không hiểu dụng ý của sư cụ, hay chữa khỏi rồi mới trả thù?
- Món nợ ấy, tôi không còn tính nữa! Vân Không bình tĩnh nói. Lúc ông vừa vào cửa chùa, tôi đã nhận ra ông. Nếu tôi còn nghĩ đến thù oán, tôi cứ đứng khoanh tay nhìn ông đau đớn đến chết, chứ vạ gì tôi phải chịu bẩn thỉu để cứu ông? Giờ đây, tôi là Vân Không hòa thượng, chứ không phải Trần Xà Nhân. Xin ông cứ tin như thế!
Đúng lúc ấy, ông già từ dưới bếp đang bưng lên một tô thuốc vừa sắc xong. Ông từ từ tiến vào Phật điện, trao bát thuốc cho Đoàn Quốc Hùng. Hùng đỡ lấy để xuống chiếu, chờ cho thuốc nguội bớt. Một lúc sau, Hùng bưng bát thuốc lên uống một hơi, đoạn lại nằm xuống.
Sư cụ Vân Không nói:
- Lát nữa, nọc độc trong người ông sẽ tiêu hết!Ông đi tìm tôi và đã gặp tôi ở đây, song người hiện đang ngồi trước mặt ông là Vân Không hòa thượng chứ không phải Trần Xà Nhân. Ngày mai, ông cứ yên tâm trở về, đừng đi lang thang nữa!
- Bạch cụ, như vậy là cụ đã tha thứ cho tôi?
- Còn hơn cả tha thứ nữa! Sư cụ Vân Không nói. Lòng tôi đối với tội ác không còn sầu hận, chỉ có thương xót mà thôi!
- Việc này phải nhìn theo hai khía cạnh để giải quyết. Giọng Trần Quốc Hùng bi thảm. Tâm sư cụ tuy không còn cừu hận, song lòng tôi vẫn ăn năn sợ hãi. Mười năm qua, tôi đã luôn luôn sống trong tâm trạng ấy. Nhiều khi tôi có một hy vọng kỳ quặc là hy vọng sư cụ về để thanh toán tôi cho hết mối cừu hận, cho lòng tôi được yên ổn. Nhưng tôi vẫn không thấy hình bóng của sư cụ xuất hiện. Bởi thế, tôi mới quyết định đi tìm sư cụ và sẵn sàng bồi thường thiệt hại cho sư cụ cả về vật chất lẫn tinh thần. Xin sư cụ về Thượng Hải với tôi có được không?
- Về Thượng Hải làm gì? Vân Không ngạc nhiên hỏi.
- Trước khi ra đi, tôi đã sắp sẵn một số tiền để bồi thường cho sư cụ. Nhưng vì đường xa, đi một mình nên tôi không dám mang theo, tôi phải gửi số tiền ấy ở ngân hàng tại Thượng Hải. Sư cụ đòi bao nhiêu, tôi xin trả bấy nhiêu! Nhưng sư cụ không ở đâu nhất định, ngày mai chia tay rồi sẽ khó gặp lại sư cụ. Bởi thế, tôi muốn mời sư cụ về Thượng Hải để tôi trả cho xong món nợ đó!
- Ý ông muốn trả tiền tôi? Tôi lấy tiền làm gì? Tôi không cần tiền.
- Tôi cũng biết món nợ đó không phải hoàn toàn trả bằng tiền mà xong, nhưng vẫn còn nợ tinh thần nữa. Chẳng hạn tôi đã vu khống sư cụ đến nỗi sư cụ phải bị tù đày một cách oan uổng trong hai tháng trời.
- Ô, điều đó đối với tôi có một tác dụng luyện tập!Tôi không cho đó là “tai vạ tù đày”.
- Không những thế, sau khi sư cụ bị giam cầm, những rắn, khỉ và chuột của sư cụ đã bỏ đi hết!
- Khỉ, rắn và chuột đều bị tôi bắt buộc đi theo biểu diễn, chứ tự chúng không muốn. Khỉ luôn luôn nhớ rừng, rắn muốn trở về bụi rậm và chuột mong được về hang tổ của chúng. Sau khi tôi bị giam, chúng đều được tự do và giải thoát. Như thế càng tốt chứ sao?
- Còn con gái của sư cụ?
- Nó đã lập gia đình cách đây năm năm, nghe nói đời sống cũng dễ chịu.
- Vì tôi ức hiếp mà sư cụ đi tu?
- Điều đó chính tôi phải cảm ơn ông! Sư cụ vừa cười vừa nói. Tôi bây giờ cũng tự do và giải thoát như những khỉ, rắn và chuột của tôi vậy!
- Còn nhà của sư cụ mà tôi đã chiếm đoạt để làm chuồng trâu, chuồng ngựa?
- Nhà cửa đều là không. Giả sử ông trả nhà lại hay bồi thường cho tôi thì đó chỉ là lụy cho tôi.
- Vậy thì biết làm thế nào? Giọng Đoàn Quốc Hùng khổ sở. Một người mang nợ muốn trả cho hết nợ mà chủ nợ lại không nhận mình là chủ nợ, lại còn phủ nhận cả nửa cuộc đời trước của mình. Tâm sư cụ lâng lâng và thanh thoát, nhưng lòng tôi thì một cái “nút” trói buộc suốt đời tôi.
- Nút gì? Trói buộc ở chỗ nào? Sư cụ hỏi
- Tội nghiệt là “nút” trói buộc tâm tôi!
- Ông đưa cái “nút” và cái “tâm” bị trói buộc ra đây cho tôi xem để tôi cởi trói cho ông.
- Tội nghiệt và tâm đều không phải thực chất, làm thế nào tôi có thể nắm lấy mà đưa ra được?
- Như thế là hết trói buộc rồi! Sư cụ Vân Không phá lên cười.
- Bạch cụ, cụ cho là hết trói buộc, chứ tôi vẫn thấy còn bị buộc.
- Tôi cũng biết thế! Sư cụ nói. Xin hỏi ông ngoài việc đó ra, ông còn thắc mắc điều gì không?
- Dĩ nhiên là còn và còn nhiều hơn nữa!
- Nếu bình sinh ông gây tội nghiệt cho tôi và coi đó là một món “nợ tinh thần”, một cái “nút”, ông tìm đến chủ nợ để thanh toán. Như thế là hết nợ rồi! Giả sử ông mắc nhiều nợ tinh thần mà chủ nợ không phải chỉ có một người, trường hợp đó thì ông tính sao?
- Tôi sẽ lần lượt trả hết, nhưng phải tìm đến người chủ nợ thứ nhất cho xong đã.
- Ông tìm được tôi rồi, nhưng con người tôi đã đổi khác!Từ Trần Phán đổi thành Vân Không, cho đến cái tâm cũng đổi khác. Nhưng hãy cứ tưởng tượng rằng ông đi tìm mà không gặp chủ nợ thì ông làm thế nào? Sư cụ hỏi. Nói thí dụ: Chủ nợ đã chết?
- Tôi tìm con cái của người ấy.
- Nếu họ không có con thì ông tìm ai? Thí dụ ông mang nợ một con rắn mà con rắn đó đã chết, ông biết con rắn nào là con cái của nó để mà trả?
Đoàn Quốc Hùng khổ sở không biết nói sao!
- Ông nên biết! Sư cụ nói tiếp. Ông mang nợ oan nghiệt nhiều hay ít, xét đến ngọn nguồn thì đó đều là việc của ông. Chủ nợ không nhất định sẽ đến đòi ông, mà cũng không cần chủ nợ phải đến đòi, chỉ cái “nợ” ấy trói buộc ông thôi!Song cái nợ đó vốn không có thực chất, đúng như lúc nãy ông nói “tội nghiệt” trói buộc cái tâm của ông không phải là một vật có thực chất, mà cái “tâm” bị trói buộc cũng không phải cái cục thịt trong người ông. Ông không thể nắm bắt được! Trong khi ông thấy rõ như thế thì cũng như ông vừa tỉnh mộng, nợ cũng không còn là nợ nữa!
- Những lời đó cao siêu mầu nhiệm quá, tôi không hiểu nổi! Xin sư cụ giảng giải tường tận một chút nữa.
Sư cụ Vân Không cầm một sợi dây buộc bó cỏ thuốc lúc nãy, thắt lại thành cái nút, rồi giơ ra trước, hỏi Quốc Hùng:
- Đây là cái gì?
- Cái nút
- Nút là cái gì?
- Nút là nút chứ còn là cái gì bây giờ? Quốc Hùng cười.
- Ngoài sợi dây ra, còn có cái “nút” tồn tại không?
- Ngoài dây thì dĩ nhiên không có “nút” tồn tại riêng biệt.
- Như vậy nút là cái gì? Vân Không hỏi dồn.
Đoàn Quốc Hùng chịu không đáp được. Sau đó, Vân Không chỉ vào cái nút, nói:
- Nút là do nhiều vòng dây thắt lại mà thành, nhưng những vòng dây không có thực thể, chỉ là giả tướng mà thôi! Nhiều vòng dây tập hợp lại mà thành nút, lúc chưa thành thì không có nút và khi cởi ra rồi thì nút cũng không còn. Sư cụ vừa nói vừa cởi cái nút ra.
- Hiện giờ còn nút không?
Đoàn Quốc Hùng lắc đầu nói:
- Sư cụ nhìn sự vật như mộng ảo. Nếu tất cả đều là giả tướng thì còn có gì gọi là nhân quả? Sư cụ định tạm dùng những lời huyền diệu ấy để mở rộng lòng cho kẻ tội ác này chăng?
- Trong cái rỗng không, có gì ngăn lại nhân quả? Vân Không đáp. Chẳng hạn cái nút này do nhiều vòng dây thắt lại mà thành, nhưng vòng dây không có tự tính, cho nên nút cũng không có tự tính. Bây giờ, cởi nút ra làm cho vòng dây thẳng lại thì cái thẳng đó cũng không có tự tính. Nói đến rốt ráo thì chính sợi dây này cũng không thật có, dây là do các thứ cỏ bện thành. Khi cỏ chưa sinh thì không có cỏ và dĩ nhiên cũng không có dây, lúc cỏ chưa được bện lại thì cũng không thành dây, nếu đem đốt dây đi thì cuối cùng còn gì? Song ông tưởng trong cái rỗng không ấy không có nhân quả? Nếu tôi đem sợi dây không có thực thể thắt chặt vào cổ hư giả của ông, ông sẽ thấy đau đớn khó chịu. Nhưng sự đau đớn ấy cũng chỉ là ảo giác, cũng như dây và cổ đều không có tự tính. Vậy cứ gì trong cái chân thật mới có nhân quả?
- Tuy sư cụ chỉ dạy cho như thế, nhưng tôi vẫn không thể lĩnh hội được, biết làm thế nào? Giọng Quốc Hùng bi ai.
- Tôi không trông mong ông lĩnh hội một cách triệt để. Đối với người còn trong mộng, không có cách nào làm cho họ hiểu được cảnh giới lúc thức; trong cảnh mộng tuy giả dối không thực nhưng không có gì ngăn trở người ta làm ác, chịu báo, sám hối hoặc làm thiện; nhưng khi người ta tỉnh dậy thì mới biết tất cả việc làm lúc trước đều là chiêm bao; đã thoát ly được cảnh mộng, trở về cảnh giác thì hết thảy đều rỗng rang và thanh tịnh; lúc đó thì thiện còn chẳng làm, huống chi là ác!
Nghe đến đây, Đoàn Quốc Hùng phủ phục xuống lạy sư cụ. Ông già đứng bên cạnh, coi bộ cũng hiểu được phần nào. Đoàn Quốc Hùng nói với sư cụ Vân Không:
- Tôi không muốn trở về nữa, xin cho tôi theo sư cụ xuất gia.
- Nếu trong lòng ông thật đã giác ngộ thì hà tất cứ phải xuất gia như tôi! Bỏ mộng, trở về giác đều có nhân duyên. Không nên câu chấp hình thức!
Dứt lời, sư cụ Vân Không trở vào phòng riêng. Đoàn Quốc Hùng không dám theo vào, nằm trên chiếc chiếu và trằn trọc mãi quá nửa đêm cũng không thể ngủ được. Đến khi nghe tiếng gà gáy, trời đã sắp sáng, Hùng mới đứng dậy đi vào phòng định bày tỏ thêm nỗi lòng mình với sư cụ, nhưng khi tới nơi thì thấy căn phòng vắng lạnh. Vân Không hòa thượng đã bỏ đi tự lúc nào mà không ai biết!









CẢM NIỆM ÂN SƯ


(Cẩn bạch nhân lễ tưởng niệm Chung Thất Trưởng Lão Thích Quảng Độ)
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Ngưỡng bạch Cố Hòa Thượng Ân Sư.
Than ôi!
Nước chảy đôi dòng,
Thuyền không bến đỗ.
Nước chảy đôi dòng, dòng lệ, dòng đời, hay dòng sông đất khổ,
Thuyền không bến đỗ, bến này, bến nọ, hay bến bãi phù hư.
Dòng nào rồi cũng trở về biển tánh Tỳ-lô,
Bến nào rồi cũng bước lên bờ tâm Bát-nhã.
Nhưng giữa cuồn cuộn sóng trào của thị phi nhân ngã, của thế lực cường quyền, con thuyền độc mộc nhồi trên ngọn sóng, bậc hoa tiêu vẫn giữ vững tay chèo, kiên trung và vô úy. Đó là hình ảnh tuyệt trù của bậc Cao Tăng Phật Giáo Việt Nam giữa ba đào thế thái: Trưởng Lão Thích Quảng Độ, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Nhớ Giác Linh xưa!
Ngày 27 tháng 11 năm 1928 – Mậu Thìn,
Xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình thác chất.
Vân thủy tam thiên cô đọng thành thể chân tâm siêu phương xuất thế,
Pháp môn tám vạn lưu xuất nên trang hành giả ẩn mặt tuyệt trù.
Đương lúc quê hương khói lửa mịt mù,
Giữa chốn trần lao đa đoan triền phược,
Người lên đường hành cước.
Mấy năm vân du xứ Ấn, tìm lại uyên nguyên Chánh Pháp. Rồi khi đất nước sạch bóng thực dân, đạo lý dân tộc tưởng có cơ duyên tái lập. Nhưng cùng lúc ấy, tham vọng bá quyền chia hai thế giới, đang đẩy dân Việt vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, được khoác cho danh hiệu tiền phong của những ý thức hệ không tưởng và một thiên đường hạ giới độc tôn.
Bấy giờ Ngài trở về Nam, góp sức cùng Chư Tôn phục hưng Chánh Pháp, khơi lại cội nguồn đạo lý Tổ Tiên. Hướng đi văn hóa giáo dục, dựng lại những gì đã sụp đổ, tài bồi thế hệ tương lai, xây dựng đất nước trong hòa bình an lạc, dân tộc Bắc-Nam cùng chung một hướng.
Không bao lâu, Pháp Nạn 1963 bùng nổ, Tăng Đồ khắp nước lao tù. Ngài bị bắt giam, bị tra tấn tàn bạo. Sau khi qua cơn Pháp Nạn, Ngài cùng với các hàng tri thức Phật Giáo miền Nam, Tăng cũng như Tục, trong môi trường giáo dục Đại Học, hiệp lực xây dựng, phát huy truyền thống dân tộc trước nguy cơ xâm thực của chủ nghĩa vô thần và độc thần, đang làm tan rã tình tự dân tộc Bắc-Nam.
Năm 1974 tại Đại Hội kỳ 6, Ngài được đề cử đương vị Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Với tổ chức quy mô rộng lớn của Giáo Hội, đấy là lúc Ngài có thể làm gạch nối, đưa những thành tựu văn hóa giáo dục từ Đại Học vào thực tế xã hội, làm cơ sở xây dựng đất nước.
Thành tựu ấy chưa được bao lâu, đất nước thống nhất, hòa bình tái lập dưới chính sách cai trị khắc nghiệt của chế độ vô sản chuyên chính, cả nước lâm vào cảnh đói nghèo gần như tuyệt vọng, hàng vạn người bỏ nước ra đi, mặc cho số mạng trước ba đào sóng dữ. Đây là lúc chính sách nhất Tăng nhất Tự được ban hành; các cơ sở giáo dục và từ thiện của Phật Giáo bị giải tán, tịch thu, chùa chiền được sung công làm cơ sở Hợp Tác Xã. Phật Giáo miền Nam được đặt trước viễn ảnh của miền Bắc, Phật Giáo chỉ phảng phất trong những hủ tục, mê tín dị đoan.
Trong cương vị lãnh đạo với danh hiệu Tổng Thư Ký, Ngài vẫn giữ vững lập trường, không khuất phục cường quyền, không giải tán cơ cấu Giáo Hội để trở thành một chùa nhỏ trong quận Mười – Sài Gòn.
Sau gần mười năm khống chế, bạo lực không thể khuất phục quảng đại Phật Tử tín tâm bất thối, chính quyền thay đổi sách lược. Một Giáo Hội mới được thành lập, thay thế Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, với tư cách là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, tổ chức ngoại vi của đảng Cộng Sản để tập hợp quần chúng, làm chỗ dựa vững chắc cho chế độ trong quần chúng. Hòa Thượng vẫn kiên trì đường lối của Giáo Hội, không xu phụ quyền thế, không làm thành viên cho bất cứ tổ chức chính trị nào. Từ đó, Hòa Thượng trở thành trọng lực chống lại chính sách dùng Phật giáo như là công cụ bảo vệ chế độ.
Cũng từ đó cho đến năm 1998, Ngài trải qua các thời lưu đày biệt xứ, bị quản thúc tại gia, bị tù đày trong các lao ngục từ Nam cho đến Bắc.
Năm 1998, dưới áp lực của những vận động quy mô trong các phong trào nhân quyền, tự do tôn giáo trên thế giới, chính quyền phải phóng thích Hòa Thượng. Tuy trở về đời sống sinh hoạt bình thường, nhưng Ngài vẫn bị chính quyền cô lập, quản chế nghiêm ngặt bằng khẩu lệnh tại một ngôi chùa giữa trung tâm Sài Gòn. Định lực vô úy, Ngài cùng với Hòa Thượng Huyền Quang kiên trì lập trường của Giáo Hội, vận động phục hoạt Giáo Hội, triệu tập Đại Hội 8 bất thường tại Hoa Kỳ với sự tham gia của các vị Tôn Túc vốn là thành viên của Giáo Hội đang lưu vong tại các quốc gia Mỹ, Canada, Úc, châu Âu. Từ Đại Hội này, Hòa Thượng Thích Huyền Quang được suy tôn đương vị Xử Lý Viện Tăng Thống, Hòa Thượng Thích Đức Nhuận Cố Vấn Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo, Hòa Thượng Thích Quảng Độ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo. Giáo Hội được khôi phục, tuy chỉ với cơ sở khung, nhưng trong thực tế đã xứng đáng với vai trò lãnh đạo trong sứ mệnh đấu tranh cho phẩm giá con người.
Cho đến tháng 10 năm 2003, sau Đại Hội bất thường tại Tu Viện Nguyên Thiều, cơ cấu Giáo Hội gồm cả hai Viện được hoàn bị, Hòa Thượng Thích Huyền Quang chính thức được suy tôn đương vị Đệ Tứ Tăng Thống, Hòa Thượng Thích Quảng Độ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo. Tiếng nói của Giáo Hội đã gây ảnh hướng lớn trong và ngoài nước, trong các cộng đồng tự do nhân quyền trên thế giới.
Sau khi Hòa Thượng Thích Huyền Quang Đệ Tứ Tăng Thống viên tịch năm 2008, Hội Đồng Trưởng Lão Viện Tăng Thống suy tôn Ngài đăng lâm pháp tịch ngôi vị Đệ Ngũ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Trong cương vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội, Ngài đã đơn thân hướng đạo con thuyền Chánh Pháp không bị lạc lối.
Thời gian trôi qua, con thuyền Chánh Pháp trong tình cảnh vận nước ngửa nghiêng, nhân tâm ly tán:
Bao độ cà tan, cà nở nụ,
Mấy mùa lúa rụng, lúa đơm bông.
Năm tháng mỏi mòn đầu đã bạc,
Còn chút lòng son gởi núi sông.
Tháng 10 năm 2018, Ngài rời khỏi Thanh Minh Thiền Viện, nơi gắn bó bao năm trước và sau danh phận tù đày, trở về quê cũ Thái Bình. Hai tháng sau Ngài trở lại Sài Gòn, cư trú tại chùa Từ Hiếu cho đến ngày viên tịch. Dự tri thời chí, trước khi viên tịch, Ngài đã ban hành các Giáo Chỉ ổn định sinh hoạt Giáo Hội cùng với di chúc và ủy thác sứ mệnh cho người kế thừa mà Ngài tin tưởng và chọn lựa.
Ngưỡng bạch Giác Linh Hòa thượng!
Mình hài xưa đã cháy,
Còn lại bát tro tàn,
Với uy nghiêm Đạo Thống,
Xin nguyện giữ Cương Duy.
Ô hô!
Phương trượng Thanh Minh còn lưu hình lão hạc,
Thiền đường Từ Hiếu chưa ấm dáng cổ tùng.
Thế sự đa đoan, đảo điên nhân ngã,
Cõi đời phiền trược, đố kỵ tương tranh.
Người đã đến và đã đi, đi trong cõi tịch nhiên vô trụ, mà vẫn thường trụ trong lòng đất khổ.
Tro cốt của Người theo di nguyện sẽ hòa vào đại dương, cùng với sóng cả biển Đông theo con thuyền cứu khổ của Bồ-tát Nam Hải.
Bóng dáng uy nghiêm đã khuất, âm dung còn phảng phất không chỉ trong lòng những kẻ hữu duyên, mà trong cả Phật Giáo Việt Nam, trong cả tự tình dân tộc.
Giữa im lặng hồn nhiên, lòng người thổn thức,
Kính tiễn bậc Cao Tăng du phương trong Vô Trụ Xứ.
Xin dâng ba lạy này nguyên vẹn một tâm tang,
Kính nguyện Giác Linh Người cao đăng Phật Quốc.
NAM MÔ VIỆT NAM PHẬT GIÁO THỐNG NHẤT GIÁO HỘI ĐỆ NGŨ TĂNG THỐNG THƯỢNG QUẢNG HẠ ĐỘ TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH THÙY TỪ NHÃ GIÁM.
Khể thủ lễ túc Giác Linh Hòa Thượng!
Môn hạ thị lập – Tỳ-kheo Thích Tuệ Sỹ
* Ảnh: Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ (phải) đứng cạnh Hòa thượng Thích Huyền Quang (giữa), Đức Đệ Tứ Tăng thống, và Hòa Thượng Thích Quảng Độ (trái), Đức Đệ Ngũ Tăng thống







Ảnh: Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ (phải) đứng cạnh Hòa thượng Thích Huyền Quang (giữa), Đức Đệ Tứ Tăng thống, và Hòa Thượng Thích Quảng Độ (trái), Đức Đệ Ngũ Tăng thống









Bồ Tát Vô Úy


Có lần trong tù, đói quá, Thầy Quảng Độ nằm mơ thấy được nhà bếp cho một cái bánh bao. Ăn xong thấy bụng căng thẳng, no nê, rất hạnh phúc. Sự thật là đêm ấy, trước khi đi ngủ, vì đói quá nên Thầy uống nước cho đầy bụng dễ ngủ. Và Thầy đã đái dầm ra quần. Sáng hôm đó Thầy có làm một bài thơ. Bài thơ như sau:
Cái Bánh Bao
“Không có cái gì quý hơn cái bánh bao
Ăn ngon miệng, trông đẹp mắt làm sao!
Đang cơn đói ruột như cào
Bếp cho một cái, xực vào sướng ghê.
Bây giờ cái bụng căng thẳng no nê
Lim dim cặp mắt đi vào cõi mê
Nhưng lạ thay
Tỉnh dậy nghe mùi khê khê
Và băng-ta-lông thấy dầm dề
Đúng rồi!
Thì ra tôi đã tê rê ra quần
Táo quân ơi hỡi táo quân
Tự do hạnh phúc có ngần ấy thôi!”
Thầy Quảng Độ trong khi ở tù và chịu đói vẫn còn đầy đủ tinh thần hài hước và trong cái hài hước đó còn có cái gan dạ tầy trời.
Tự do hạnh phúc có ngần ấy thôi!
Tự do và hạnh phúc hứa hẹn chỉ là một cái bánh bao trong giấc mơ. Thầy chẳng biết sợ là gì. Cả với thần chết Thầy cũng không sợ.
Có một lần nằm trong xà lim quán chiếu về cái chết của chính mình, thầy đã cười lớn. Thầy ngồi nói chuyện với tử thần một cách thanh thản, và còn nhận xét rằng thần chết cũng không dữ dằn gì mấy, trái lại còn có vẻ hiền hiền, so với những người trần gian mà tâm trạng đầy dẫy tham sân si. Tử thần trước khi rời Thầy đã hôn Thầy âu yếm trước khi từ biệt. Ta đã đọc bài thơ “Nói chuyện với tử thần” sau đây:
Nói Chuyện Với Tử Thần
“Xà lim trông hệt cái nhà mồ
Mỗi lần mở cửa tôi ra vô
Thấy như chôn rồi mà vẫn sống
Tử thần, tôi sợ con cóc khô
Tử thần nghe vậy bèn sửng cồ
Nửa đêm đập cửa tôi mời “dô”
Sẵn có thuốc lào phèo mấy khói
Tử thần khoái trá cười hô hô
Trong khi vui vẻ tôi trò chuyện
Tử thần đắc ý nói huyên thuyên
Trần gian địa ngục ham chi nữa
Thôi hãy bay mau vào cõi tiên
Tớ xem tướng cậu cũng hiền hiền
Mà sao thiên hạ sợ như điên
Mỗi lần thấy cậu lò dò tới
Chúng nó hè nhau bỏ tổ tiên
Ấy cũng bởi vì chúng nó điên
Chớ anh coi tướng ta rất hiền
Đứa nào hết số ta mới rớ
Bảo chúng làm ăn đừng có phiền.
Tớ đây tuy có chút lo phiền
Nhưng mà cũng chẳng ham cõi tiên
Trần gian địa ngục tớ cứ ở
Mê loạn cuồng say với lũ điên
Trần gian ta thấy bết hơn tiên
Thân bị gông cùm tâm chẳng yên
Sống trong hồi hộp trong lo sợ
Dẫu phải thánh hiền cũng phải điên
Trần gian tớ thấy béo hơn tiên
Ấy cũng bởi chúng có giấy tiền
Kim cổ ngàn đời người vẫn thế
Có tiền đầy túi nó mua tiên
Mọi người còn đắm mộng triền miên
Hạ tuần trăng đã dọi vào hiên
Tử thần âu yếm hôn tôi biệt
Phóng ngựa ma trơi về hoàng tuyền
Còn một mình tôi vào cõi thiền
Lâng lâng tự tại cảnh vô biên
Bồ Đề phiền não đều không tịch
Niết Bàn sinh tử vốn vô biên”
Thầy Quảng Độ không sợ thần chết, không phải vì thấy mình mạnh hơn thần chết. Các vô úy của Thầy do thiền quán mà có. Thầy đã nhiều lần thực tập quán chiếu bản chất của cái sống và cái chết. Thầy đã thấy sống và chết tương tức, nương nhau mà biểu hiện, không có cái này thì không có cái kia. Trong một giây phút quán chiếu, Thầy thấy đang sống cũng là đang chết và trong tự thân Thầy cái chết và cái sống đang đồng thời có mặt. Ta hãy đọc bài hát nói Sống Chết sau đây để có một ý niệm về cái chết và cái thấy của Thầy.
Sống Chết
“Mưỡu: Đời người như một giấc mơ
Tỉnh ra mái tóc bạc phơ trên đầu
Tuyệt mù xanh thẵm ngàn dâu
Gió tung cát bụi tìm đâu lối về
Nói: Sống là thực hay là ảo mộng
Chết đau buồn nhưng chính thực yên vui
Cứ hàng đêm tôi nghĩ mãi không thôi
Chẳng biết nữa mình đang sống hay là chết
Hoàng lương nhất mộng phù du kiếp
Sinh tử bi hoan thục giác tri
Sống với chết là cái chi chi
Lý huyền nhiệm ngàn xưa mấy ai từng biết
Có lẽ sống cũng là đang chết
Bởi sống cũng trong tôi mà chết cũng trong tôi
Chết đeo mang từ lúc thai phôi
Nào đâu phải đến nấm mồ mới chết
Vì lẽ ấy sống: tôi không sợ chết
Vẫn thung dung sống chết từng giây
Nhìn cuộc sương, tuyết, khói mây
Lòng thanh thản như chim hoa người gỗ
Giữa biển trầm luân gió đồi sóng vỗ
Thân tùng kia xanh ngắt từng cao
Sống với chết nào khác chiêm bao
Lý nhất dị là hào quang bất diệt
Cũng có lẽ chết hẵn rồi mới biết
Sống đau buồn mà chết thật yên vui
Xin đừng sợ chết ai ơi!”
Đã không sợ chết, đã thấy được tính tương duyên của sanh tử, thầy Quảng Độ có lý nào còn sợ và sợ ai, kể cả tù đầy, gông cùm và sự dọa nạt. Có một số vị xuất gia không có được đức vô úy của Thầy lại cho Thầy là dại, tại sao cứ lớn tiếng đòi nhân quyền, tại sao cứ lên tiếng chống độc tài áp bức, tại sao cứ phải đấu tranh cho sự tồn tại của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất để rồi chuốc họa vào thân? Phải chăng Thầy lên tiếng bởi Thầy sân si? Họ nói: tu hành thì phải nhẫn nhục, lấy trứng mà chọi đá ích gì? Tại sao không thấy mũ ni che tai cho khỏe? Thầy Quảng Độ trả lời họ trong bài thơ Sân Si như sau:
Sân Si
“Có một số tăng ni
Bảo là tôi sân si
Tu hành chẳng nhẫn nhục
Không hỉ xả từ bi
Luật vô thường là thế
Có thịnh thì có suy
Nay gặp thời mạt pháp
Đạo tất phải suy vi
Đó chính là chân lý
Buồn phiền mà làm chi
Chùa tượng thuộc hình tướng
Phật Pháp vốn vô vi
Ai phá mặc họ phá
Phật Pháp có hề gì
Tu hành nên nhẫn nhục
Trứng chọi đá ích chi?
Không gì hơn sự sống
Hãy sống với mũ ni
Xin cúi đầu phục mệnh
Lạy Đức Phật từ bi
Sự sống quý như thế
Mà sao con vô tri
Từ nay con vui sống
Dù sống chẳng ra gì
Miễn như mọi người khác
Khỏi mang tiếng sân si”
Một số lớn trong chúng ta là người hèn nhát. Chúng ta không có được cái tuệ giác và cái vô úy của thầy Quảng Độ. Lịch sử sẽ phê phán chúng ta như thế nào? Bằng đức vô úy lớn lao, thầy Quảng Độ đã cứu chuộc được cho tất cả chúng ta. Có thầy Quảng Độ ta mới dám ngửa mặt lên nhìn người và mới dám nhìn thẳng vào con mắt của con cháu chúng ta.
Thầy Quảng Độ là vị Bồ Tát có khả năng cứu chuộc được cho tất cả chúng ta, gột sạch được cho thế hệ ta cái tội hèn nhát không dám lên tiếng trước bạo lực, áp bức và độc tài. Tôi không bao giờ dám nghĩ là thầy Quảng Độ sân si. Tôi nghiêng mình trước tuệ giác và đức vô úy của Thầy. Cũng may là lịch sử hiện đại còn có Thầy Quảng Độ và một số các thầy và các đạo hữu khác, hữu danh hay vô danh, có tầm vóc của những vị Bồ Tát. Tôi rất hãnh diện vì sự có mặt của họ. Tôi không nghĩ rằng Thầy Quảng Độ là trứng chọi với đá. Tôi thấy Thầy là kim cương. Đá không thể nào làm tổn hại được kim cương. Thầy là kim cương bất hoại dù hình hài Thầy còn hay không còn hiển hiện.
Thầy Quảng Độ là một trong những vị cao tăng của thời đại chúng ta. Thầy là một vị chân tu, thẳng thắn, chân thật không màng danh lợi, học và hạnh kiêm toàn.
Thầy Quảng Độ ơi, có Thầy cho nên chúng tôi và con cháu của Thầy sẽ không còn để cho sự hèn nhát kéo lôi và làm tê liệt. Con cháu của Thầy sẽ tiếp nối được tinh thần đạo đức và vô úy của Thầy. Xin Thầy cứ yên tâm.
* Ảnh: Tòa Án Nhân Dân TP. HCM tháng 8/1995 xét xử các Hòa thượng Thích Quảng Độ, Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban, Thích Trí Lực và hai Cư sĩ Đồng Ngọc, Nhật Thường.














Trở về





MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.