Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Đặng Thân











Đặng Thân
(1964 - ...)
Nhà văn, Nhà thơ, Nhà phê binh, Hoạ sĩ, Nhà giáo













Coffee Painting Day

Hanoi 28/12/13








Đặng Thân được đánh giá là có giọng văn rất độc đáo và phong cách nổi loạn, nhiều tính chất hài hước, phúng dụ ... 
Ông còn được xem là nhà văn đã tạo ra một thế giới nghệ thuật đi xa hơn những gì nhiều "nhà văn hàng đầu khác đã làm" là "điển hình của văn học hậu-đổi-mới", và đặc biệt là "tạo bước ngoặt quan trọng bậc nhất về lối viết trong Văn học Việt Nam".

Đặng Thân vừa dạy học vừa viết truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận, chân dung và thơ. 

Ông còn làm thơ bằng tiếng Anh và đã có nhiều sáng tác được đăng trong các tuyển thơ cũng như các tạp chí Văn học ở Mỹ như  Wordbridge, The Writers Post, Beehive v.v

Đặng Thân là Giám đốc đào tạo của Viện IVN, kiêm Chủ nhiệm bộ môn Dự trắc học của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Kinh Dịch. (Theo thông tin cập nhật đến năm 2009).













Tác phẩm mới nhất của Đăng Thân





Không Hay





Đồng dao vũ trụ





Hụt hơi vì nhau
Nào kể trước sau
…. ôi đau


Giời tụt quần đất 
Đất tụt quần giời 
Tam Tài ngời ngời 
Phô phang hòa điệu 
…. cứ liệu 

Trăng văng vào sao 
Sao vọi trời cao 
Vắt vẻo bờ ao 
Trời đêm khép háng 
…. quá đáng 

Mây quấn vào gió 
Gió kẹp vào mây 
Trần gian nơi đây 
Tiêu dao vơi đầy 
…. mặt dầy 

Quá mù sang mưa 
Mưa bay sương mờ 
Bến bờ vô định 
Giời là cái đinh 
…. tình tinh 












Tác phẩm đã in






Ma Net
Tuyển tập 12 truyện ngắn
nxb Văn Học 2008






Đọc Đặng Thân trên damau:







Ma Nhòa






Đặng Thân kể từ "nét" đến ... "nhòa"
(Đọc “ma net” – tập truyện của Đặng Thân – nxb Văn học 2008)

Phạm Lưu Vũ


Một nhà hàng chuyên dọn những món cũ kĩ, nhàm chán theo thực đơn soạn sẵn, thỉnh thoảng mới có kẻ (nhiều khi lại nằm trong số thực khách) liều lĩnh tự mang “đồ” của mình tới bày ra bán ké. Dù nó chẳng quen miệng, bùi tai thì chắc chắn đó cũng là món lạ.

Không những lạ, mà còn “quỷ hiểm” [phát âm từ "quý hiếm" của người miền Trung!] Đây là một trong những kẻ thực khách vui tính đó: Đặng Thân với cái món “ma-net” của gã.

Với lối viết mà các nhà “lý luận” đáng kính (và đáng kinh) một thuở xếp vào “tự nhiên chủ nghĩa” của y, nếu cứ cần phải có một định nghĩa thì tôi xin mạn phép gọi đó là phương pháp: “phi thực”, hay là lối viết: “hồn nhiên như đá cuội”.

Những viên đá cuội rõ ràng là của thiên nhiên, do thiên nhiên, từ thiên nhiên mà ra… nhưng chúng vẫn không kém phần ngay ngắn và… nhẵn nhụi như quả thụi.

Thêm nữa, đó là lối viết của một gã có trạng thái tư duy hơi bị bất bình thường. Trạng thái ấy không mát mẻ, ngọt ngào như… nước Đường, không vui tai, lạc quan như… nước Ngu, không tanh tưởi, khí hư như… nước Đái, lại càng không dối trá, hôi mồm như… nước Việt (không phải bi giờ, mà là nước Việt thời… Xuân Thu),v.v… Lối viết ấy vừa “thực” như đá, lại vừa “phi” như… cuội.

Với cái “rổ” đựng 12 viên “đá cuội” (tổng cộng gồm 12 truyện) như thế này, lối viết ấy rõ ràng đã hình thành một giọng điệu của riêng y.

Không những thế, y lại giỏi biến hoá (chả cứ văn chương bi giờ mới thế). Vì vậy, lắm lúc nhìn cái “rổ” đá cuội kia lại thấy hiện lên rõ ràng là một “rổ”… cua càng. Những con cua to nhỏ khác nhau, chúng vừa liên tục “nấu cơm”, vừa sẵn sàng… gây sự (!).

Lại có khi tưởng đó là một rổ… táo Tàu.

Những quả táo nom sặc sỡ, to bằng vốc tay mà cái hạt lại bé tí tẹo. Thì đó là thứ quả sinh ra chỉ cốt cho người ta xơi… cùi mà lị. Táo ấy nhiều khi còn không có hạt nữa kia. Được cái lớp cùi dày tuy lốp xốp 95 % nước đấy, song vẫn có chút vị chua chua dôn dốt, nhai vào dẫu chẳng tăng mấy tí ca lo thì chắc cũng thêm phần… lợi tiểu.

Và nếu y không khoái so sánh văn mình với táo Tàu thì tôi lại ví với một loại động vật thân mềm vậy. Bọn này có tấm thân tuy không cần xương (cốt) gì cả, song khi ở giữa đại dương thì chúng có thể làm “nhòa” (bí hiểm) cả một vùng rộng lớn, lúc nằm trên bếp lửa thì “nét” đâu ra đấy, lại còn thơm nức mũi, làm cho bất cứ cái mồm nào cũng phải rỏ dãi rớt lòng thòng…

Sở dĩ nói như thế là vì văn Đặng Thân tuy ngồn ngộn [phi] hiện thực và ngút ngát nhịp sống của thời đại đấy, vậy mà có lúc chẳng thèm có lấy một cốt truyện cho ngay ngắn, ngay cả chi tiết, tình huống nhiều khi cũng luyễnh loãng như đùa. Thậm chí đến cả cái tứ truyện cũng như thể cẩu thả, mờ mịt nốt. Vậy mà đọc vẫn thấy hút. Thế mới bảo là lạ. Điều đó nếu không nhờ ở cái giọng vừa hóm vừa “cà chớn”, vừa đầy chất “gây sự” của y thì nhờ vào cái gì? Kẻ viết những dòng này từng gọi y là một tên “có nội công lông bông thâm hậu”[1] chính là vì nhẽ đó.

Ấy là đang bàn đến loạt 3 truyện ngắn đầu tiên của tập sách: “Vào rừng mơ”, “Thùng thuốc nổ”, “Đã hai mươi mùa thu Người Hà Nội”. Riêng truyện thứ 3 có cái tên sặc mùi… sổ lưu niệm của học trò này, mặc dù y đã cẩn thận “khoe” ở chú thích, rằng: “Truyện ngắn này đã được trao Tặng thưởng trong cuộc thi: “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” – HLHVHNT Hà Nội 2005-2006″. Thì nó vẫn cứ là một “truyện” đậm đặc chất… văn học trò, đọc lên có cảm giác như đang nghe bản hợp ca của… một bó sáo diều vậy.

Tiếp theo, nếu có thì giờ, bạn hãy thử vừa đọc vừa tiến hành một cuộc “xét nghiệm” cái chất “Tây học” trong văn Đặng Thân mà xem, thể nào nó cũng cho kết quả dương tính. Song cái tinh hoa Đông Phương trong văn y cũng uyên áo và mạnh mẽ không kém. Là một chuyên gia Dịch học, hẳn y có ý đồ khi xắp xếp “mục lục” cho tập truyện này. Dịch bắt đầu từ Càn, Khôn, phải trải qua truân chuyên, mông muội, vừa bắt đầu có cái gọi là sự ăn uống (Nhu) thì sinh ngay ra tranh tụng, rồi chém giết, so bì, v.v… mãi tới quẻ thứ 11 mới đặt chân được tới cõi Thái bình. Đọc tập sách này của Đặng Thân, thiết tưởng cần phải có chút kiên nhẫn. Phải tới truyện thứ 4 “Người anh hùng bất tử”, có thể nói người đọc mới bắt đầu bị hút vào cái “mạch” văn của gã. Một cái “tứ” truyện quen thuộc ở phía “thực”, gã cố ý làm thế, bởi cái “tứ” thực sự của câu chuyện “hùng vĩ” và ầm ĩ ấy nó lại nằm ở phía “hư” kia.

Loại văn chương mà tư tưởng của nó không nằm ở phía “thực” của cốt truyện, lại nằm ở phía “hư” thì chả cứ gì văn Đặng Thân. Đông Tây kim cổ khối người đã thành công, đại thành công. Từ thời nhà Thanh bên Tàu, Phùng Mộng Long tiên sinh trong bộ “Đông Chu liệt quốc” bất hủ của mình từng “dựng” lên cả một triều đình nước Việt từ vua tới quan (chắc chắn phải gồm cả các hạng tôi tớ chuyên nghề a dua nịnh nọt trong khắp thiên hạ nữa), đều nhất tề mắc chứng… hôi mồm, tất cả đều cam tâm tình nguyện thở ra cùng một mùi hôi giống mùi cứt của Ngô Phù Sai mà Việt Vương đã phải thè lưỡi nếm từ… mấy năm về trước. “Tứ” mà đến mức như thế thì phải xếp vào hàng không tiền khoáng hậu bởi tính chất tượng trưng khủng khiếp, tầm vóc khái quát và sự tiên tri tuyệt vời của nó. Tình huống ấy, dù có là một bậc văn chương thần thông quảng đại đi nữa, thì cũng chỉ có thể sáng tạo ra trong những trạng thái thăng hoa tột đỉnh mà thôi. Đến Franz Kafka của đầu thế kỉ 20 thì thậm chí cả hệ thống những thần thoại Đông và Tây trước đó chẳng qua cũng chỉ là những “hư cấu”… vụng về. Tư tưởng trong văn ông không chỉ nằm ở phía “hư”, nhiều khi nó lại nằm hẳn về phía phi lý của cốt truyện. Điều kinh dị là cái “phi lý” của Kafka không phủ nhận hoặc sổ toẹt những cái gọi là “có lý” vẫn hằng tồn tại trong cõi đời này. Trái lại, nó trùm lên cái “có lý”, xem cái “có lý” như một trường hợp đặc biệt (!). Người khổng lồ này như vậy là đã bước một bước dài ra khỏi… nhân loại. Vì vậy, để thâm nhập vào “thế giới” của ông, không còn cách nào khác là phải vứt bỏ cho bằng hết cả hệ thống những quy luật vốn đang là cơ sở cho sự tồn tại của nền văn minh mà chúng ta đang ngụp lặn. Đơn giản bởi cái “hệ thống” đó từ lâu vốn đã trở nên quá chật hẹp và đầy rẫy… sai lầm. Nghĩa là, khái niệm “phi lý” của Kafka phải hiểu như một kiểu “phi Euclide” trong Toán học. Thế còn nhân loại trong văn chương Kafka? Nó là thứ nhân loại gì vậy? Xin thưa đó là “phi nhân loại”, trong đó chữ “phi” cũng được hiểu với tinh thần tương tự. Đó tuyệt đối không phải là một “nhân loại” giả tưởng hay viễn tưởng gì đó vân vân. Đó chính là “nhân loại” THỰC, nhân loại hiện hữu sau khi đã gỡ bỏ (rất nhiều) những lớp vỏ giả tạo và phiến diện đi. Cái “nhân loại” mà J. Sartre vật vã đi tìm “bổn lai diện mục” ấy đã được Kafka dựng lên nhung nhúc trong các tác phẩm của ông. Kafka đích thị là một nhà văn Hiện thực, chính xác là “phi” Hiện thực (vẫn chữ “phi”…), chỉ có điều cái “thực” của ông là cái “thực” tối giản, tối giản đến mức… không phân biệt (vì thế nó mới đạt tới khả năng tổng quát tối đa). Đó mới là những cái thực thượng thừa. Và mặc dù không phải tình huống nào trong văn ông cũng đều “đắt” cả, thậm chí có không ít tình huống cũng thuộc loại “nhạt”. Song trước ông, có thể nhân loại mới chỉ biết đến (cùng lắm là) văn chương “3 chiều” mà thôi. Không ngờ lại có thứ văn “4 chiều”; văn “n chiều” như văn ông (cũng tương tự khái niệm không gian “3 chiều”; không gian “4 chiều”, v.v…). Đó chính là “văn chương cong”. Và bậc thiên tài ấy chính là một kiểu Lobasevsky (với hình học phi Euclide), hay một kiểu M. Planck (với Cơ học lượng tử)… trong Văn học vậy.

Chưa cần đến những sự “cách tân” hình thức, chữ nghĩa… các kiểu đang “diễn đi” trên các con lộ và “diễn lại” rầm rĩ trong các con hẻm kia. Việc phá bỏ cái giới hạn “3 chiều” của văn chương tự nó đã tạo ra một khung trời sáng tạo mới có thể tiệm cận tới… vô cùng. Chẳng khác nào đang từ trong các ao hồ phóng thẳng ra biển cả. Điều này đúng với cả người viết lẫn người đọc. Có khi viết như một kẻ đứng ngoài cuộc và đọc như chính mình là… nhân vật chính. Thử xem Đặng Thân bay lượn ngôn từ thỏa chí tang bồng trong các truyện: “Hiếp”, “Yêu”, và đặc biệt với thiên truyện ngắn đặc sắc có cái tên nửa nôm nửa… bồi là: “ma net”. Phải ghi công đầu cho y là người đã thực sự sáng tạo ra những nhân vật “phi thực” (chứ không “phi thường”, bởi nếu “phi thường” thì… quá thường). Nếu ai cũng đều tự cho mình có cái quyền được ghi công ghi cán loạn xà đơn xà kép như thế thì chẳng cần phải “cảnh giác” với những “nhân vật” của y làm gì dù chúng có “méo mó” đến đâu (mà toàn thị đều “méo mó” cả. Trong văn y, càng nhân vật chính càng “méo mó” tợn). Những nhân vật “phi thực” trong một thời đại rất thực, thực đến… hài hước; một cái “phụ lục” tưởng chừng chẳng ăn nhập gì [bậc đại sư đuổi theo hiếp một sơn nữ (tình huống cũng "phi thực") để... cứu rỗi một sinh linh (mục đích cũng "phi thực" nốt)[2]], chỉ riêng một truyện ngắn này thôi, chứng tỏ y dù vô tình hay hữu ý, cũng mặc nhiên là một môn đồ sáng giá của dòng văn chương “>3 chiều” (“4 chiều”, “n chiều”…) như vừa nói ở trên rồi.

Có một thời người ta hô hào các nhà văn phải “bám sát hiện thực sinh động,v.v…” để viết, để sáng tác… Và vô khối những tác phẩm “sát thực” theo phong trào đó đã thi nhau ra đời. Những tác phẩm bao giờ cũng được xếp trang trọng trên chiếu nhất, được các nhà phê bình chính thống “chiếu rọi” vào đủ thứ lý thuyết để ca ngợi, được in nhiều vạn cuốn, được đọc trên các đài phát thanh, được đi thẳng vào văn học sử,… Chẳng biết chúng “sát thực” như thế nào. Chỉ biết rằng những “văn chương” kiểu ấy đã góp một phần quan trọng trong “sự nghiệp”… giết chết tươi cái thực.

Nghĩa là “sát thực” nếu không phải là giết chết cái thực thì cũng là… bò sát cái thực. Đó là phương pháp của… một con rùa. Ôi cái “thực” mênh mông vô cùng vô tận, đời một con rùa bò đáng kể vào đâu. Huống chi một tí ti sự thật không bao giờ là sự thật. Vậy nên mới phải “phi thực”. Đó là phương pháp của… đại bàng. Bay lượn trên cái “thực”, vượt ra khỏi cái “thực” (may ra) mới có thể nhìn rõ toàn bộ hình hài của nó. Nói cách khác, phải ra khỏi cái “chuồng người” (ngôn theo kiểu Nietzsche) mới nhìn rõ con người.

Chỉ là một chuỗi “tự sự” trần trụi của một nhân vật, đúng hơn là một “phi nhân vật”. Cũng chẳng cần quan tâm đến cốt truyện có hay không có, “Yêu” là một truyện mà lối viết “phi thực” ở Đặng Thân đã đạt tới độ “nhuyễn”. Có thể nói đây là một “khúc dạo đầu” trước khi y đặt bút viết “ma net”, và cũng là màn dạo đầu cho người đọc trước khi bước vào “ma net”. Chất văn chương mát mẻ, hồn nhiên trong những đoạn “chít chát” như một luồng gió tươi thổi từ trang giấy suốt qua hồn vía người đọc, thổi tới tận… văn đàn. Một cảm giác khoan khoái như vừa được phép cởi bỏ chiếc áo lễ phép buộc phải khoác bấy lâu, nay đã trở nên khô cứng gây bức bối, khó chịu. Những cú “Phựt! Xoẹt…” (mất điện) rồi “Phừng! Có điện rồi” chen vào giữa cuộc chít chát thật là lý thú, tài tình. Con “Yêu” [tinh] này thế mà ghê! Quá ghê! Đến nỗi không thể không trích một đoạn “tự sự” (rất tươi) ấy của nó ra đây:

“Phựt! Xoẹt!…

Mất điện. Thế có điên không. Chắc là nhà ngươi đã bắt đầu thấy đau thương rồi đấy chứ. Ôi thương thay những tâm hồn nhạy cảm như một vết thương!… Rõ là ẩm ương. Đồ chó! Chắc là ngửi thấy mùi cứt rồi phải không con. Hóa ra cái thứ tiếng Anh củ chuối của tao cũng hiệu quả ra vấn đề đấy chứ. Một khi mày đã vào tròng thì coi xong bước một. Ôi gian nan thay cái con đường đi tìm cái “cụ chột” [cột trụ] của đời em. Bước thứ hai, hoặc là phải tìm cách “dủ dê” thằng chó sang đây, hoặc là, có khi phải bay sang với nó. Xem gia cảnh nó thế nào. Cái bọn chưa một lần sang Việt Nam chắc là vẫn còn ngô nghê lắm, chưa biết cái “phương Đông huyền bí” nó thế nào, thế nào là “Truly Asia”[3]. Chưa biết thế nào là 36 binh pháp Tôn Tử. Chưa biết thế nào là… Tao sẽ ăn thịt mày.

Phừng! Có điện rồi. Bob ơi, anh có còn đó không…”[4]

Trường đoạn “tư duy” rất đời của cô nàng kết thúc bằng 5 từ: “Tao sẽ ăn thịt mày” thật đột ngột, gây cảm giác thú vị bởi sự hồn nhiên, rất hồn nhiên bất chấp ngữ nghĩa đầy âm mưu của 5 từ đó. Nhân vật của “Yêu” rõ ràng thuộc loại… yêu tinh của thời đại, lại mang “tiêu chuẩn” “ISO-4001 truyền thống của Đại Việt” xem ra cũng dễ thương đấy chứ? Mặc kệ sự nhăn mặt khó chịu của các nhà đạo đức, “hiện thực” ấy vẫn sống động, cực kì hồn nhiên, vẫn có mặt ở mọi lúc, mọi nơi, trong mỗi kiếp người. Cái giống “yêu” ấy nó “phủ sóng” rộng đến nỗi ta cảm thấy hơi thở của nó đang hổn hển bên tai ta, dáng điệu của nó đang hối hả, khẩn trương trước mắt ta, mũi ta đang ngửi thấy cái mùi gây gây mê hồn của nó… Một thứ văn chương “tươi” đến như thế, thoắt “tiên”, thoắt “tục” đến như thế, tất cả chỉ do ngôn từ và giọng điệu của y tạo ra cả. Và đó chính là một “phi nhân vật” của thời đại. Thì đã sao?

Chí Phèo của thiên tài Nam Cao cũng là một “phi nhân vật”, một nhân vật tối giản. Gã chỉ có một “phép” duy nhất, đó là chửi cả “làng”. Các “phép” khác như dọa đốt nhà, rạch mặt ăn vạ… chỉ là những “viên phụ tá” đắc lực cho cái “phép” duy nhất kia mà thôi. Chính vì sự tối giản ấy mà nhân vật Chí có tính tổng quát rất cao. “Chí” sẵn sàng “hiện ra” ở mọi nơi, mọi lúc, cả không gian lẫn thời gian. Cái “phép” chửi cả “làng” bất hủ kia của Chí có thể tìm thấy ở tầng lớp bần cùng nhất, “cùn” nhất trong xã hội (tạm gọi là “Chí” hạ đẳng – điều này thì rõ rồi), lại cũng có thể tìm thấy ở tầng lớp cao nhất (tạm gọi là “Chí” thượng thừa) trong xã hội. Bạn cứ thử nghĩ xem, khi một nhà lãnh đạo nào đó đưa ra một chính sách đi ngược lại quyền lợi của dân chúng, bất chấp nguyện vọng của dân chúng thì đó có phải là một sự chửi vào mặt… cả “làng” không? Và Nam Cao đã không cần phải “lặp lại” Chí trong bất cứ tác phẩm nào tiếp theo của ông bởi Chí vốn đã mang trong mình năng lực tự “lặp lại”, tự “sinh sôi nảy nở” trong cuộc đời kể từ khi “ra đời” rồi. Không lặp lại nhân vật bởi Nam Cao khác A. Dumas. Tác gia này lớn đến nỗi mỗi bộ sách của ông đều có thể làm vẻ vang cho bất kì nền văn học nào. Thế nhưng đối với ông, ta chỉ nên đọc… một bộ là đủ. Đọc bộ thứ hai ắt sẽ cảm thấy… thừa. Nhân vật của A. Dumas khác nào những diễn viên điện ảnh, nay đóng vai này, mai đóng vai khác. Chẳng hạn trong “Ba người lính ngự lâm”, anh ta mang tên d’Artagnan; đến “Hoàng hậu Margo”, anh ta lại mang tên La Mole. Cũng là chàng quý tộc nhà quê lần đầu tiên ra tỉnh, với một bức thư (hoặc khoản nợ phải đòi) của ông bố, cũng đánh nhau chí mạng với một (hoặc vài) anh quý tộc khác rồi kết bạn sống chết, v.v… Đó là sự lặp lại nhân vật. Và đó cũng là một trong những bi kịch của văn chương 3 chiều. Nó không tha bất kì ai, dù đó là một bộ óc cỡ A. Dumas. Văn chương “>3 chiều” với khả năng mở rộng tới tiệm cận với cái vô cùng của nó chắc sẽ dễ dàng tránh được cái bi kịch đó.

Đến truyện ngắn “ma net” thì tính chất cực kì phóng khoáng của lối viết phi thực đã thăng hoa thành một luồng gió tươi mát tràn ngập cả cõi “thực” lẫn cõi “hư”, xoá nhoà ranh giới giữa “hư” và “thực”. “ma net” (và cả “ma nhòa” nữa – một thứ tập 2 của “ma net”) hoà tan cả thế giới “ảo” vào thế giới “thực”, thuộc loại đề tài không cần phải nghiêm túc (thì đã bảo là “ảo” mà lị). Và Đặng Thân đã đặc biệt thành công.

Mở đầu “ma net”, những đoạn trích dẫn tưởng chừng rất tình cờ, một chi tiết rất đắt (hài cốt liệt sĩ sau bao nhiêu năm, nay đã dâng lên… đến giời), những tưởng đó sẽ là cái “tứ” chủ đạo của câu chuyện mà y sẽ dụng tâm khai thác té ra không phải. Đó vẫn chỉ là… giọng điệu của y đấy mà thôi. Ấy gọi là lối vừa “giương đông kích tây”, vừa “tiền hô hậu ủng”. Chỉ cần giọng văn thôi, đã hình thành “tứ” truyện; nói cách khác, “tứ” nằm ở giọng văn thì đó chính là một đặc sắc ma quỷ kiểu Đặng Thân. Lại xin dẫn một đoạn tâm sự cũng rất “tươi” của “ma net”:

“Anh ơi, anh có bít anh đang ở đâu không? Anh đang ở cõi mà loài ngừi các anh gọi là chít lâm sàng hay cận tử gì đấy đấy. Hìhì, anh vừa bị thượng mã phong đấy. Nhưng anh chưa đến ngày tận số đâu, vì em đâu phải là Thị Lộ. Em là Lý Thị Kín. Anh có bít vì seo em lại gặp anh không? Vì em muốn cứu anh đó. Nói chính xác là vì em nợ anh. Kiếp trước khi còn ở Trường Sơn trong khi em băng bó cho anh thì anh cứ sờ soạng em mờ. Nói thật lúc đầu em rất ghét và thấy kinh tởm cái trò ấy vì đó cũng là cái ngày đầu tiên em phục vụ chiến trường. Sau những năm tháng lớn lên ở quê không có một bóng trai trẻ nên vào đấy em phát ngốt vì gặp toàn đàn ông con trai. Sau đó em thấy khác. Em thấy rạo rực. Chính anh đã thức tỉnh ngừi đàn bà trong em. Anh làm em nhìn cuộc đời khác đi. Anh đã đem đến cho em cảm giác hồi hộp khao khát thèm muốn… Có những khi chăm sóc cho các thương binh đang mê man em cứ thẫn thờ ngồi cầm chim họ, thở dài. Mờ lạ thật, ngừi thì cứ mê man không bít gì mà vuốt chim đến đâu nó cứ vươn mình dựng dậy đến đấy. Thương lắm, có anh tắt thở rùi mà cái chim vẫn phừng phừng lên. Có những anh vừa chít xong mờ không hiểu sao tinh trùng cứ phun ra như quân Nguyên. Các cụ bảo đó là những anh còn ‘nguyên dương’, chưa bít đàn bà là gì nên trời vuốt chim cho sướng một lần trước khi người vuốt mắt. Khổ. Chỉ có anh lưu manh hơn họ đâm ra lại hóa hay cho em, anh đã gợi mở được em. Nhưng mờ rùi phận em cũng bạc… chưa bít mùi đời đã tan tác hồng nhan…”

Không dám bàn đến tính chất “tuyến tính” hay “phi tuyến” của bộ đôi thiên truyện này vì đã có một bậc đại sư phán quyết trong tập sách rồi. Ở đây lại gặp những trường đoạn “chít chát” rất thú vị khác. Đặng Thân cũng không ngần ngại tận dụng cả những tính năng thay thế kí tự trong AutoCorrect của máy tính để mở rộng ngôn ngữ của mình… Có thể quả quyết rằng nếu y không có lối viết rất phóng khoáng đó, vừa bay lượn trên cái “thực” (phi thực), vừa rất “tươi” (dù có lúc y dựng cả quá khứ dậy), thì câu chuyện của y rất dễ sa vào một kiểu “Liêu Trai” hay cái gì đó tương tự. Có vô số đất hoang, tội gì cày vào đất cũ. Cứ mình ta một mảnh đất mà cày. Cái ấy gọi là “độc địa”. Văn của y tính “độc địa” hiện lên rất rõ. Câu chuyện về những sự dan díu giữa cõi Thực và cõi Ảo trong một cõi Ảo khác quay cuồng như cơn lốc, dào dạt như sóng biển, tươi mát đến rợn người. Kể ra y cứ để con “ma net” ấy nó bay lượn, dan díu hàng nghìn năm, với hàng nghìn đời hậu thế chắc cũng chẳng mảy may vơi bớt cái tiếc nuối đầu đời của nó đi tí nào. Biết đâu đấy, chỉ là vì y không muốn kể tiếp nữa, y ngoắt sang báng bổ nhà chùa? Không phải. Con “ma” kia rốt cuộc đã tìm tới cái chốn “thanh tịnh” đó. Để làm gì? Để “cứu rỗi” chúng… s[inh]ư? Riêng đoạn này đã là một truyện ngắn cũng phải xếp vào hàng… “độc địa” rồi. Y có “báng bổ” hay không? Phán xét đó dành cho người đọc mà theo tôi, đó chính là… chiều thứ 4 của thiên truyện này cũng như một số truyện ngắn khác trong tập.

Riêng tôi, tôi không coi đó là sự báng bổ. Đó là những khoảnh khắc “phi thực” của văn chương Đặng Thân. Vậy y là “đại bàng” chăng?

2/12/2008

















3.3.3.9
(Những Mảnh Hồn Trần)
Nxb Hội Nhà văn, 668 trang 2011



Văn xuôi hậu hiện đại Việt Nam: Quốc tế và bản địa, cách tân và truyền thống





Lã Nguyên


1.Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài – những tảng đá hộc xây đắp nền móng. Mươi năm trở lại đây, tôi thường băn khuăn tìm lời giải đáp cho hai câu hỏi: Thứ nhất: văn học hậu hiện đại liệu đã có ở Việt Nam hay chưa? Thứ hai: nếu có, thì đó là hiện tượng nội sinh hay ngoại nhập? Tôi biết, muốn trả lời câu hỏi thứ hai này, phải giải đáp tiếp một câu hỏi khác: khi xuất hiện ở Việt Nam, vốn là hiện tượng mang tính quốc tế, liệu văn học hậu hiện đại có những đặc điểm riêng, mang bản sắc dân tộc hay không? Việc giải đáp những câu hỏi nói trên tựu trung vẫn không vượt ra ngoài các cặp phạm trù quen thuộc: quốc tế và bản địa, truyền thống và cách tân trong văn học.

Về câu hỏi thứ nhất, gần chục năm về trước, tôi đã có lời giải đáp. Trong tham luận đọc tại Hội thảo quốc tế do Viện Văn học Việt Namvà Viện Harvard – Yenching tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm 2006, tôi đưa ra nhiều chứng lí để khẳng định văn học hậu hiện đại thực sự đã xuất hiện ở việt Nam. Do hồi ấy nhiều cây bút mà giờ đây ai cũng thừa nhận là nhà văn hậu hiện đại, nhất là Đặng Thân, vẫn chưa xuất hiện, hoặc chưa trở thành nổi tiếng, nên chất liệu được tôi đem ra phân tích trong tham luận của mình chủ yếu là sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài. Dựa vào cấu trúc văn bản và thi pháp nghệ thuật, ai cũng nghĩ, sáng tác của Phạm Thị Hoài và Nguyễn Huy Thiệp chưa thể vượt ra ngoài phạm trù hiện đại. Nhưng đọc kĩ, – xin nhắc lại, khi Đặng Thân chưa xuất hiện, – tôi thấy không một ai trong hàng ngũ các nhà văn Việt Nam thể hiện “tâm thức hậu hiện đại” sâu sắc đến thế như hai cây bút nói trên. Bức tranh thế giới bằng ngôn từ và môtip truyện kể trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài là những cơ sở vững chắc cho phép tôi rút ra kết luận như vậy.

Ngôn ngữ học hiện đại đã chứng minh đầy thuyết phục, rằng trong tư duy, con người thường tri nhận dưới hình thức những bức tranh[1]. Dĩ nhiên, nhà văn cũng tri nhận đời sống dưới dạng những bức tranh như thế[2]. Cho nên, phân tích bức tranh thế giới bằng ngôn từ trong sáng tác văn học, ta dễ dàng nhận ra tâm thức của con người ở từng thời đại.

Đọc sáng tác của Nguyễn Huy thiệp và Phạm Thị Hoài, tôi thấy hình như tác phẩm nào của họ cũng vẽ ra một thế giới “động rừng”, “loạn cờ”, “không có vua”, cực kì hỗn độn. Truyện kể của Phạm thị Hoài và Nguyễn Huy Thiệp về cơ bản là truyện kể về thế giới hỗn độn, người hoá thành ma quỷ, ma quỷ ăn ở lẫn lộn với con người. Đó không phải là trạng thái hỗn độn khởi nguyên, mà là sự hỗn độn chung cục của một thế giới tàn mạt. Để làm nổi bật bức tranh thế giới hỗn độn tàn mạt ấy, Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài thường dựa vào hai môtip truyện kể: ra đi và chờ đợi. Rất nhiều tác phẩm của Phạm Thị Hoài có câu chuyện về một người đàn bà chờ đợi. Trong khi đó, hình như tác phẩm nào của Nguyễn Huy Thiệp cũng có câu chuyện về một người đàn ông ra đi. Dẫu chờ đợi cái gì, hay vì lẽ gì mà ra đi, thì thảm bại ê chề và những sự thật trớ trêu vẫn là kết cục cuối cùng mà nhân vật trong sáng tác của Phạm Thị Hoài và Nguyễn Huy Thiệp buộc phải nếm trải. Thành thử, giữa thế giới hỗn độn, các nhân vật ấy hiện lên như những kẻ vong thân, thất thổ, lạc loài. TrongTướng về hưu, ở bản thảo đầu tiên, Nguyễn Huy Thiệp đã gửi vào dòng suy ngẫm của nhân vật nhận xét thế này: “Cha tôi bảo: Sao tôi cứ như lạc loài? Tôi nghĩ: Sao tôi cứ như lạc loài?”[3]. Trong con mắt của kẻ lạc loài, vong thân, thất thổ, cuộc đời chỉ còn là một thế giới vô nghĩa, vô hồn. Vô hồn là bản chất của thế giới hỗn độn trong sáng tác của Phạm Thị Hoài. Vô nghĩa là bản chất của thế giới tàn mạt trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Về mặt này, truyện Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp là một áng văn đầy ám gợi. Tác phẩm được mở ra bằng cảnh nhân vật “trật quần đái vọt xuống dòng sông” . Nhưng ám gợi nhất vẫn là tiếng “cứt” văng ra hàng chục lần, vang lên như một điệp khúc giữ nhịp trong suốt cả thiên truyện: “Chàng nói: – Cứt” <…>. “Gặp Mị Nương rồi, chàng hiểu chắc chắn rằng cuộc sống của chàng thật là cứt, là cứt chó, không sao ngửi được. Không chỉ riêng chàng, mà cả bầy. Tất cả đều thối hoắc. – Cứt” <…>. “Chàng lại nói: – Cứt” <…>. “Bọn hoạn quan đứng quanh cười ré lên: – Hát như cứt!” <…> “- Hát như cứt” <….>. “- Hát như cứt” <…>. “ Trương Chi chèo thuyền ra giữa tim sông. Chàng lại nói: – cứt”[4].

Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài là những nhà văn đầu tiên xoá bỏ triệt để các nguyên tắc kị huý từng thống trị trong văn chương Việt Nam từ sau 1945. Cuộc nổi loạn này chắc chắn có nguồn cội từ sự “hoài nghi các đại tự sự”. Đồng thời, tôi còn có cơ sở để chứng minh, bên trong sự hoài nghi ấy lắm lúc như chen cả đôi chút sắc điệu của chủ nghĩa hư vô. Đó là gì, nếu không phải là tâm thức hậu hiện đại? Có điều, đằng sau bức tranh thế giới tàn mạt, hỗn độn, vô hồn, vô nghĩa, đằng sau tiếng cười giễu nhại và những lời nói thốt lên đầy khinh bạc, hư vô trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài, nếu lắng nghe kĩ, ta vẫn nhận ra ở đó có một nỗi buồn man mác mà tái tê, một nỗi đau âm thầm, lặng lẽ mà mênh mang, sâu sắc. Cho nên, sau khi phân tích sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phậm Thị Hoài, tôi chỉ có thể ghi nhận sự xuất hiện của các dấu hiệu, các yếu tố hậu hiện đại trong văn học Việt Nam sau 1975. Những dấu hiệu, yếu tố ấy giống những tảng đá hộc xây đắp nền móng đưa văn học dân tộc phát triển theo một hướng mới. Tuy nhiên, mở đầu tham luận vừa nhắc tới ở trên, tôi vẫn phải rào đón: “…Tôi không nghĩ là trong văn học Việt Nam đã xuất hiện các trường phái, khuynh hướng, hay trào lưu hậu hiện đại với ý nghĩa đầy đủ của khái niệm ấy”[5].

2. Đặng Thân – một bước ngoặt quyết đoán. Nhưng tình hình bây giờ đã khác đi. Đã có rất nhiều tác phẩm, nhiều tác giả ta có thể xếp hẳn vào văn học hậu hiện đại mà không phải “lăn tăn” gì. Về phương diện này, theo tôi, sáng tác của Đặng Thân, trước hết là tiểu thuyết 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần], là bước ngoặt quyết đoán của văn học hậu hiện đại Việt Nam. Bước ngoặt này được đánh dấu bằng hàng loạt cách tân vô tiền khoáng hậu mà Đặng Thân đã tạo ra trong cuốn tiểu thuyết.

Cách tân nghệ thuật quan trọng bậc nhất khiến cho tiểu thuyết của Đặng Thân thực sự trở thành tác phẩm hậu hiện đại, theo tôi, là ở chỗ, tác giả đã tạo ra một không gian văn bản làm thay đổi tận gốc chức năng và tương quan của bộ ba liên chủ thể “nhà văn – nhân vật – người đọc”. Bằng cách ấy, sáng tác của Đặng Thân đã trả lại vị trí hàng đầu cho chức năng trò diễn trong hoạt động thẩm mĩ.

Ta biết, từ trong bản chất, nghệ thuật là một trò diễn. Nhưng tính chất trò diễn sẽ được tô đậm, hoặc bị làm mờ đi, tuỳ thuộc vào không gian văn bản mà nghệ thuật sở đắc. Văn học hậu hiện đại sở đắc một không gian văn bản khác biệt hoàn toàn với không gian văn bản của văn học trung đại và hiện đại. Không gian văn bản của văn học trung đại và hiện đại là không gian của tờ giấy, quyển sách, không gian “viết – đọc”. Không gian này chuyển trò diễn từ cuộc chơi của hành động, của thị giác và thính giác thành cuộc chơi của tư duy, cuộc chơi của trí não, bản chất trò diễn của nghệ thuật vì thế bị mờ đi. Quan trọng hơn, nó gần như hoàn toàn loại bỏ tác giả và khán giả của trò diễn ra khỏi cuộc chơi. Văn bản văn học là thế giới của những người nói. Nhưng dĩ nhiên, ở đây chỉ có các nhân vật truyện kể trò chuyện với nhau. Muốn nói gì với người đọc, nhà văn buộc phải nhờ cái đám nhân vật ấy nói hộ. Ngược lại, muốn trò chuyện với tác giả, người đọc cũng phải trò chuyện theo kiểu cách bức như vậy. Văn học trung đại và hiện đại biến sự diễn trò của nghệ thuật thành “tích” diễn, trò diễn thuần tuý dưới dạng một văn bản ngôn từ, buộc bộ ba liên chủ thể tác giả – nhân vật – người đọc phải giao tiếp ngầm với nhau.

Tiểu thuyết 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] cũng được in trên giấy mực, tất cả dài 658 trang, ngoài cái “khung” được đánh dấu bằng hai mục “KHAI” và “KHÉP”, phần chính chia thành 60 chương; sau mỗi mục, mỗi chương đều có phần “LỜI BÀN [PHÍM…] CỦA CÁC NETIZEN”. Có thể thấy, ở cấp độ cao nhất, văn bản tiểu thuyết được kiến tạo trên nền tảng của hai loại văn bản: văn bản truyện kể và văn bản “Lời bàn”. Ở cấp độ thấp hơn, do lời của các nhân vật được viết bằng những kiểu chữ, cỡ chữ khác nhau, lại được sắp xếp ở những vị trí khác nhau trên trang giấy, nên văn bản truyện kể tiếp tục tạo ra rất nhiều loại văn bản khác nữa. Vậy là, tuy cũng sử dụng giấy mực, nhưng 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] đã mô phỏng không gian đa chiều của màn hình vi tính để biến tác phẩm thành một tiểu thuyết mạng, tức là, biến trò diễn vốn chỉ hoạt động ngầm trong óc thành trò diễn rất sôi động của mắt, của tai. Đưa trò diễn ra không gian ấy, chức năng và tương quan của các yếu tố cấu thành văn bản 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] được thay đổi tận gốc. Có ba thay đổi quan trọng:

Thứ nhất: biến văn bản “Lời bàn…” thành một bộ phận cấu thành của văn bản tiểu thuyết, để tác giả vừa tham gia bàn luận với cư dân mạng, vừa bước hẳn vào văn bản truyện kể. Hàng rào chia tách bộ ba liên chủ thể trong giao tiếp nghệ thuật thế là bị xoá bỏ, tác giả – nhân vật – người đọc có thể đối đáp, trò chuyện trực tiếp với nhau. Chẳng những thế, việc tác giả luôn xuất hiện với chính cái tên thật “Đặng Thân” khiến cho ranh giới giữa hình tượng tác giả và tác giả tiểu sử cũng bị xoá bỏ.

Thứ hai: tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết của Đặng thân đều cùng một lúc đóng hai vai: vai truyện kể và vai diễn trò. Chẳng hạn, Đặng Thân vừa là tác giả viết tiểu thuyết, là nhân vật của tuyện kể, lại vừa là đạo diễn sắm vai tổ chức, tổng chỉ huy, đồng thời là diễn viên tham gia diễn trò. Các nhân khác, như Schditt von deBalle-Kant, Ông Bà, hay Mộng Hường cũng đều vừa là nhân vật truyện kể, vừa là diễn viêntrò diễn như thế. Khi sắm vai truyện kể, các nhân vật trong tiểu thuyết của Đặng Thân chỉ là những chủ thể lời nói tư tưởng hệ phát ngôn cho nhãn quan giá trị của những nhóm xã hội mà ta vẫn thường gặp trong các sáng tác văn học quen thuộc. Họ nói lên tiếng nói của người Việt, người Đức, của nông dân, thương gia, của ông chủ, đầy tớ… Nhưng khi chúng sắm vai diễn trò, mọi nhân vật của nhà văn lập tức hoá thành những chủ thể văn hoá, mỗi chủ thể chỉ còn là những đại diện cho “tác giả”, “nhân vật” và “độc giả” cùng đứng trên một mặt bằng giá trị.

Thứ ba: tất cả những thay đổi nói trên đã tạo ra cho tiểu thuyết của Đặng Thân một không gian văn bản có cấu trúc phức tạp: nó vừa là không gian của một trò diễn, có “tích truyện” hẳn hoi, vừa là không gian của một cuộc diễn trò. Cho nên, có thể xem3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] của Đặng Thân là một sàn diễn đa thoại đặc biệt. Đó không chỉ là sàn diễn của các nhân vật truyện kể, của nhân vật với tác giả và độc giả, mà còn là sàn diễn của các loại hình nghệ thuật khác nhau, trước hết là nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật trình diễn sân khấu.

Trả lại vị trí hàng đầu cho chức năng trò diễn của nghệ thuật ngôn từ chính là đặc điểm quan trọng của văn học hậu hiện đại. Với ý nghĩa như thế, hoàn toàn có lí do để gọi 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] là “hậu – tiểu thuyết”, “phi – tiểu thuyết”, hoặc “phản – tiểu thuyết”.

*

Đúng là trong 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần], Đặng Thân sử dụng rộng rãi các nguyên tắc kết cấu và thủ pháp nghệ thuật hậu hiện đại như phân mảnh, liên văn bản, trích dẫn, giễu nhại, carnaval…. Nhưng tôi nghĩ, không phải cứ sử dụng rộng rãi những thủ pháp như thế là lập tức nhà văn tạo ra được tác phẩm hậu hiện đại. M. Bakhtin chẳng đã chứng minh giễu nhại là đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết xuất hiện từ thế kỉ XVI đó sao! Đọc một tác phẩm, tôi sẽ không thấy đó là truyện ngắn hay tiểu thuyết hậu hiện đại, nếu tác giả sử dụng giễu nhại, trích dẫn, phân mảnh như những thủ pháp kĩ thuật thuần tuý để tạo ra một văn bản rỗng nghĩa.

3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần], sở dĩ có thể xem là bước ngoặt quyết đoán của văn xuôi hậu hiện đại Việt Nam, vì ngoài những cách tân vừa phân tích ở trên, Đặng Thân còn xây dựng tiểu thuyết, biến nó thành văn bản có cấu trúc ngữ nghĩa đa trị, cực kì phức tạp. Có ba bình diện cơ bản làm nên sự phức tạp và tính đa trị trong cấu trúc ngữ nghĩa của nó:

Thứ nhất: ở bình diện nội dung hình tượng, 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] là tiểu thuyết phúng dụ. Hình tượng phúng dụ là nền tảng ngữ nghĩa của cuốn tiểu thuyết. Loại hình tượng này gắn với các cổ mẫu, bắt rễ rất sâu vào các tầng, vỉa văn hoá dân gian. Đó là cái bể chứa ngữ nghĩa không bao giờ có thể tát cạn. Quả vậy, hai nhân vật chính trong tiểu thuyết, Mộng Hường và Schditt, chính là một cặp hình tượng phúng dụ. Chúng được miêu tả như là sự hình tượng hoá chức năng và phẩm tính của hai bộ phận trên cơ thể con người: bộ óc và cái mông. Nếu Schditt là “bộ óc” ở bên trên, thì Mộng Hường là hiện hình của “cái mông” và phần thân xác nhục cảm ở bên dưới. Không phải ngẫu nhiên, nhân vật này còn được gọi bằng một cái tên rất gợi dục: “Mông nặng”. Có ba chi tiết ngoại hình được mô tả nhiều lần để nhấn mạnh đặc điểm nhục cảm ở con người này: “mông”, “vú”, “môi”. Schditt gần như được đồng nhất với sự phát triển của bộ óc. Nghị lực phi thường, ý chí vươn lên, chặt chẽ trong tư duy lôgic là những đặc điểm nổi bật của nhân vật này. Thế là hai bộ phận trên cơ thể con người thông qua mô tả nghệ thuật đã hoá thành một cặp biểu trưng: lí trí và bản năng. Gắn cặp biểu trưng ấy với một nhân vật đàn bà và nhân vật đàn ông, đặt cho nhân vật này cái tên Việt, nhân vật kia cái tên Đức, Đặng Thân đã tạo được cặp hình tượng phúng dụ lấp lánh muôn vàn lớp ý nghĩa, làm nổ ra tiếng cười trào tiếu cực sảng khoái. Nếu Mộng Hường là hiện thân của con người tự nhiên, thì Schditt là hình ảnh của con người văn hoá. Nếu Mộng Hường là hoá thân của con người ViệtNam, thì Schditt là hiện thân của người Đức nói riêng, người Tây Âu nói chung. Cuộc giao hôn giữa Schditt với Mộng Hường, nhất là những chuyển biến trong phẩm tính của hai nhân vật ấy ở phần cuối tiểu thuyết vẽ ra bức tranh thế giới với những chuyển động nhân chủng ở thời đại toàn cầu hoá đang diễn ra ráo riết ngay ở đất nước ta. Có lẽ đây là một lớp nghĩa rộng nhất toát lên từ cặp hình tượng phúng dụ này.

Thứ hai: từ bình diện cấu trúc chủ đề, truyện phúng dụ là hạt nhân tạo nên những môtip chủ đạo. Nó vốn đã đa trị, phức tạp, nhưng bên cạnh chủ đề chính, 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] còn có cả một hệ thống ngoại đề hết sức phong phú, đa dạng. Về phương diện này, tiểu thuyết của Đặng Thân giống như một cuốn “Bách khoa mở” cung cấp cho người đọc đủ mọi loại tri thức liên quan tới nhiều lĩnh vực của văn hoá Đông -Tây, kim – cổ, từ tôn giáo, triết học, hôn nhân, phong tục, hội hoạ, âm nhạc, kiến trúc, dân tộc học, ngôn ngữ học, nhân chủng học…, cho tới truyện kể về các danh nhân. Giống như vở tuồng cổ thường có hai phần “trò” và “tích”, tiểu thuyết 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] cũng có hai phần “tích” và “trò” như vậy. Ở đây, “trò” là truyện kể phúng dụ với chủ đề chính của nó, còn “tích” là hệ thống ngoại đề của tác phẩm. Ý tôi muốn nói, trong tiểu thuyết của Đặng Thân, nhiều khi ngoại đề có khuynh hướng lấn át chủ đề.

Thứ ba: ở bình diện tư tưởng hệ, tính đa nghĩa của tiểu thuyết 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] còn chịu sự quy định của nhãn quan giá trị hậu hiện đại. Văn học mang bản chất kí hiệu học, vì sáng tạo văn học suy cho đến cùng là quá trình chuyển đổi cái phi kí hiệu thành cái kí hiệu, chuyển đổi kí hiệu từ hình thức vốn chỉ thuận lợi cho việc sử dụng thông tin một cách trực tiếp sang một hình thức khác, thuận tiện cho việc lưu trữ, truyền đạt thông tin. Cho nên, đọc văn học là quá trình giải mã để tìm nghĩa. Mặt khác, văn học là hiện tượng tư tưởng hệ. Ngay từ những năm 30 của thế kỉ trước, M. Bakhtin đã chỉ ra mối quan hệ giữa tư tưởng hệ và kí hiệu. Trong luận văn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ, ông viết thế này: “Các phạm trù định giá tư tưởng hệ (giả dối, chân lí, công minh, lương thiện) gắn chặt với mọi kí hiệu. Lĩnh vực tư tưởng hệ trùng hợp với lĩnh vực các kí hiệu. Giữa chúng, có thể đặt một dấu ngang bằng. Ở đâu có kí hiệu, ở đó cũng có tư tưởng hệ”[6]. Cho nên, tất cả những gì được đưa vào tác phẩm văn học vừa là kí hiệu, vừa là hiện tượng được soi sáng từ nhãn quan giá trị. Nhãn quan giá trị vừa là điểm tựa cấu trúc của bức tranh thế giới, vừa là nòng cốt quy định trường nghĩa của văn bản.

Nhãn quan giá trị của văn học hậu hiện đại là sự phản ứng đối với điểm tựa tạo nghĩa của văn học hiện đại. Từ thế kỉ XVI, cùng với sự tan vỡ của lí tưởng nhân văn, văn học ngày càng nhận ra sự thiếu hoàn hảo của con người và thế giới. Nhưng cũng từ thế kỉ XVI, văn học hiện đại chưa bao giờ mất niềm tin vào khả năng cứu rỗi con người và thế giới bằng một véc-tơ hành động, một điểm tựa duy nhất nào đấy. Ở thế kỉ XVII, chủ nghĩa cổ điển tin vào lí trí, hy vọng lí trí có khả năng giúp con người rũ bỏ dục vọng để phụng sự quốc gia và đức vua. Đến thế kỉ XVIII, chủ nghĩa lãng mạn đặt niềm tin vào tình cảm. H. Banzac, L. Tolstoi, F. Dostoevski và chủ nghĩa hiện thực ở thế kì XIX tin vào tinh thần trách nhiệm, vào sựtu thân, tự hoàn thiện của cá nhân như con đường ngăn chặn mọi sự băng hoại, mang lại sự siêu thoát cho tâm hồn. Mấy thập niên đầu của thế kỉ XX, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa đặt niềm tin vào bạo lực, kêu gọi “nô lệ khắp thế gian vùng lên”, lấy chiến tranh tiêu diệt chiến tranh (Khói lửa- Barbusse), làm một cuộc cách mạng sau chót (“đấu tranh này là trận cuối cùng”) để giành “lợi quyền”, “xây dựng xã hội tương lai”. Có thể nói, niềm tin duy lí vào thế giới và con người, thái độ suy tôn “các đại tự sự” chính là nhãn quan giá trị, là điểm tựa tạo nghĩa của văn học hiện đại.

Giờ đây chẳng mấy ai không biết những luận điểm nổi tiếng của Jean-François Lyotard . Theo ông, thời hậu hiện đại được đánh dấu bằng 2 đặc điểm quan trọng:sự tan rã không thể cứu vãn của cái thống nhất và sự lớn mạnh không ngừng của thế giớiđa nguyên. Ông cho rằng, “kỉ nguyên hậu hiện đại” là kỉ nguyên xói mòn niềm tin vào những “đại trần thuật”, “đại tự sự”, “siêu truyện”, vào các nguyên lí hợp thức, hợp nhất, toàn trị về hiện đại. Cho nên, “hoài nghi các đại tự sự” là nhãn quan giá trị, là điểm tựa tạo nghĩa của văn học hậu hiện đại.

Tin vào các “siêu truyện”, lấy đó làm điểm tựa giá trị, văn học hiện đại chọn lối viếtmô tả, xem mô tả là phương thức tạo nghĩa cơ bản. Thi pháp văn học hiện đại chủ yếu là thi pháp mô tả. Phương tiện mô tả chủ yếu của nó là lời nói đơn nhất, độc điệu. Lời độc điệu, đơn nhất lấy nghĩa gốc, nghĩa chính xác (dénotation) làm nền móng để tạo ra trường nghĩa của văn bản. Ở đây “lời” theo sát “vật”, “chữ” không tách rời “nghĩa”[7].

Trên phạm vi toàn thế giới, tiểu thuyết đối thoại của F. Dostoevski là bước gạch nối dẫn tới lối viết của văn học hậu hiện đại. Nhãn quan giá trị hậu hiện đại mà thực chất là sự “hoài nghi các đại tự sự” chỉ có thể biểu hiện trong nghệ thuật bằng hai lối viết: hoặc là biến sự hoài nghi ấy thành đối tượng tự phân tích bất tận, hoặc chuyển nó thành đối tượng giễu nhại trong nghệ thuật carnaval, lối viết nào cũng đòi hỏi phải vượt sang phía bên kia của hàng rào mô tả. Ở châu Âu, tiểu thuyết giễu nhại xuất hiện từ thời cổ đại, nhưng giễu nhại toàn trị như một nguyên tắc tạo nghĩa thì chỉ có thể là tiểu thuyết hậu hiện đại. 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] của Đặng Thân thuộc loại tiểu thuyết như vậy. Theo tôi, cho đến hôm nay, đây vẫn là cuốn tiểu thuyết giễu nhại toàn trị đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam. Nếu phương tiện mô tả của lối viết hiện đại là lời nói đơn nhất, độc điệu, thì phương tiện giễu nhại của lối viết hậu hiện đại lại là lời nói phức điệu, đa thanh. Lời nói đa thanh, phức điệu lấy nghĩa mở rộng, nghĩa liên hội (connotation) làm cơ sở để tạo ra trường nghĩa cho văn bản. Đây là nguồn cội tạo nên tính đa nghĩa, đa trị hậu hiện đại hết sức mới mẻ, đầy cách tân trong lối viết của Đặng Thân.

Trong tập Ma Net, 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần], hay Bài học tiếng Việt mới, một truyện ngắn mới viết gần đây, của Đặng Thân, gần như hình tượng nào cũng là hình tượng giễu nhại, câu văn nào cũng được viết bằng lời hai giọng, vì thế nghĩa mở rộng (connotation) trở thành nét nghĩa chủ đạo của văn bản. Chỉ cần đọc đến chương 16 của cuốn 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần], ta nhận ra, ngay cả cái nhan đề của tác phẩm cũng được đặt ra theo lối viết giễu nhại. Nó vừa nhại lời kinh Phật:“Đức Ngọc Hoàng thống lĩnh 3.000 thế giới”, vừa nhại nhan đề vô khối tác phẩm, kiểu như Những linh hồn chết, Những người khốn nạn, Những linh hồn phiêu dạt[8]…

Xin khép lại ý này bằng một đoạn trích dẫn để giúp bạn đọc dễ hình dung về lối viết giễu nhại, về lời phức điệu và vị trí của nghĩa mở rộng trong sáng tác của Đặng Thân:

“Úi a…sao mà nhức nhối ui… Còn mình thì đếk bít dòng rõi dòng rọc nhà lào chỉ biết nhà mình trồng thuốc lào cái rằng là quê iem ở Tiên Lãng, Hải Phòng, ơi, mịa mấy lâu mọi người vẫn đố nhau xem thành phố tỉnh thành lào là mạnh về cái khoản ấy nhất cho nên chúng nó lục tìm trong các bài hát tìm hỉu thế là thằng Hà Nội thủ đô oách nhất, tự nhận là mình kinh nhất với dẫn chứng “kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao” ui chao thế cũng là oách lắm roài đủ sung sướng cho chị em lắm cơ nhưng mờ vữn đếk bằng Hải Phòng quê mình đâu nha: “Hải Phòng đó… hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu…”[9].

3. Không gian văn hoá của văn học hậu hiện đại Việt Nam. Xin quay lại với câu hỏi nêu lên ở đầu bài viết: liệu văn học hậu hiện đại Việt Nam có những đặc điểm riêng gắn với không gian văn hoá đã sinh thành và nuôi dưỡng nó hay không? Về vấn đề này, gần chục năm trước, tôi đã kết luận như sau: trong bối cảnh toàn cầu hoá, tuy không thể phủ nhận ảnh hưởng to lớn của văn học Âu – Mĩ đối với văn học Việt Nam, nhưng văn học hậu hiện đại Việt Nam chắc chắn là hiện tượng nội sinh. Nó không thể là hiện tượng vay mượn, ngoại nhập. Những điều kiện lịch sử, xã hội ở nước ta trong nửa thế kỉ qua đã làm nảy sinh tâm thức hậu hiện đại và loại hình văn hoá hậu hiện đại Việt Nam[10]. Kết luận ấy được đưa ra từ những chứng lí như sau:

Thứ nhất: văn học hậu hiện đại Việt Nam xuất phát từ chỗ đứng tiền-hiện đại để phê phán tinh thần duy lí cực đoan của chủ nghĩa hiện đại. Có ý kiến cho rằng, ở Việt Nam chưa thể có văn học hậu hiện đại, vì xã hội ta chưa đi hết con đường hiện đại hoá. Tôi không nghĩ như thế. Không nên hiểu hậu-hiện đại chỉ đơn giản là sau-hiện đại. Từ trong bản chất, chủ nghĩa hậu hiện đại là sự phản ứng và phê phán đối với chủ nghĩa hiện đại. Mà sự phê phán đối với chủ nghĩa hiện đại thì có thể xuất phát từ hai phía: hậu-hiện đại, hoặc tiền-hiện đại. Xuất phát từ chỗ đứng tiền-hiện đại để phê phán tinh thần duy lí cực đoan của chủ nghĩa hiện đại, theo tôi, là đặc điểm của văn học hậu hiện đại ở những nước như nước ta, Trung Quốc, thậm chí ở cả Nga. Cứ đọc sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và tác phẩm của một số cây bút khác ta sẽ nhận ra điều đó.

Trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp có một chủ đề hết sức quan trọng: mối quan hệ giữa tiến bộ và văn minh. “Đoạn kết 1” của truyện Vàng lửa được khép lại bằng câu nghi vấn thế này: “Đến bao giờ, hỏi đến bao giờ, trên mặt đất này xuất hiện tiến bộ?”[11]. Liệu mỗi bước phát triển của văn minh xã hội có tạo ra một sự tiến bộ tương ứng trong sự sống của con người? Câu nghi vấn ấy là niềm băn khuăn thường trực, niềm khắc khoải da diết thấp thoáng ẩn hiện trong tất cả các sáng tác của nhà văn này. Ở mỗi tác phẩm của ông, câu chuyện về tiến bộ và văn minh bao giờ cũng lộ ra trong một hình hài cụ thể. Trong Muối của rừng, Con thú lớn nhất, nó là câu chuyện về con thú và con người. Trong Nàng Bua, nó là câu chuyện về bản năng tự nhiên và luân lý xã hội. Trong Thương nhớ đồng quê, Bài học nông thôn, nó là câu chuyện về nông thôn và thành thị, câu chuyện về sự thông thái dân dã với tri thức học đường. Con người và ma quỷ, môi trường đời sống, hoàn cảnh sinh hoạt, giáo dục, thiết chế xã hội, tiện nghi vật chất và luân lý đạo đức, ý nghĩa đích thực của nhân sinh… là câu chuyện tạo nên mạch ngầm dào dạt tuôn chảy trong rất nhiều tác phẩm như Huyền thoại phố phường, Không có vua, Cún, Giọt máu, Chảy đi sông ơi, Tội ác và trừng phạt, Con gái thuỷ thần… Trong Phẩm tiết, Chút thoáng Xuân Hương, Tâm hồn mẹ và một loạt tác phẩm khác lại có câu chuyện về đàn ông và đàn bà, trẻ con và người lớn, quá khứ và tương lai…

Chủ nghĩa hiện đại đề cao lí trí, vai trò khai sáng của tri thức học đường, đề cao văn minh đô thị, công nghiệp, văn minh vật chất, đặt ý thức cao hơn bản năng, xã hội cao hơn tự nhiên và đánh đồng thứ văn minh ấy với tiến bộ. Nguyễn Huy Thiệp không đồng nhất tiến bộ với văn minh như thế. Ông xem“tiến bộ” là chỉ số nhân tínhbiểu hiện sự phát triển của tinh thần nhân bản trong môi trường sống và cốt cách của con người. Còn văn minh chẳng qua chỉ là các dấu hiệu biểu hiện sự vận động ở bề ngoài của xã hội. Nhìn vào những gì mà chủ nghĩa hiện đại gọi là văn minh, Nguyễn Huy Thiệp chỉ thấy rặt một thứ ma quỷ hiện hình. Từ chiều sâu của tư tưởng nghệ thuật, toàn bộ tác phẩm của ông toát lên nhiệt tình khẳng định: chỉ có thể tìm thấy sự tiến bộ ở trẻ con và đàn bà, ở nông thôn và người nông dân, ở tự nhiên và trực giác chứ không phải ở người lớn và đàn ông, ở thành thị và đám trí thức lưu manh. Không hi vọng gì ở lí lí và cái được gọi là xã hội văn minh! Xin hãy đọc một đoạn văn rất hào sảng luận về trực giác của Nguyễn Huy Thiệp: “Người ta đã “lịch sự”, đã “chính trị”, đã đạo đức giả, đã cố ý lờ đi cái ấy: con người tự nhiên, kẻ thành thật nhất, trung hậu nhất, ngang bướng và ương ngạnh. Vũ trân trọng gọi con người tự nhiên ấy là “ông lớn”. “Ông lớn” còn có ông nhỏ gọi là “ông b…”. Hãy lắng nghe ông ta! Đấy là bậc thầy của trực giác. Ông ta có luật chơi riêng chi phối tính cách con người, thậm chí số phận con người. Ông ta mới là trung tâm thần kinh, mới là trí tuệ. Hoàn toàn không phải là đầu óc, mà là đầu b… Người ta đã tôn vinh một nguỵ quân tử đẹp mã mà quên đi vị quân tử thực: bái vật tổ đại phu, nhà chiến lược”[12].

Có thể nhận xét khái quát, sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp bao giờ cũng dào dạt một cảm hứng: lí tưởng của chúng ta ở phía sau lưng, thuộc về đời sống nông dân gia trưởng, chứ không phải ở trước mặt, thuộc về văn minh trưởng giả thành thị . Sự phê phái cái hiện đại xuất phát từ chỗ đứng tiền-hiện đại chính là như thế.

Thứ hai: Chắc chắn, các “đại tự sự” mà văn học hậu hiện đại Việt Nam hoài nghi, phê phán hoàn toàn không phải là những “siêu truyện” của châu Âu và chủ nghĩa duy lí phương Tây. Tâm thức hậu hiện đại Việt nam trước hết là sự phản ứng đối với tâm thức hiện đại Việt Nam. Chẳng phải chúng ta từng nói rất nhiều về căn bệnh duy ý chí và tình trạng bao cấp tư tưởng đã thống trị một thời đó sao? Cho nên, chỉ cần đọc sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, hay Đặng Thân, rồi đem so sánh với tác phẩm của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Đào Vũ, Nguyên Hồng, hay Nguyễn Đình Thi, ta sẽ thấy ngay, các “siêu truyện” về đất nước và nhân dân, về anh hùng và tổ quốc, về lịch sử và hiện tại, về giáo dục và học vấn, về tiến bộ và văn minh, về văn nghệ và chính trị… được mang ra truy vấn và giễu nhại trong văn học hậu hiện đại Việt Nam hoá ra chẳng phải là gì xa lạ mà chính là những tư tưởng nòng cốt đã được huyền thoại hoá trong ý thức xã hội và được hình tượng hoá trong nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa để biến thành các hệ thống giải thích đảm bảo cho sự thống nhất của tri thức làm nền tảng xây dựng nên xã hội hiện tồn của chúng ta và cho đến nay vẫn đang được sử dụng như một phương tiện để hợp thức hoá xã hội ấy.

Thứ ba: phản ứng với chủ nghĩa hiện đại từ vị thế tiền- hiện đại, văn học hậu hiện đại Việt Nam cắm rễ rất sâu vào các tầng vỉa trầm tích văn hoá truyền thống. M. Bakhtin cho rằng, khác với sử thi, văn học tiểu thuyết đặt hình tượng vào toạ độ không-thời gian mới: toạ độ của cái đương đại đang tiếp diễn. Nó xoá bỏ khu vực gián cách sử thi để xác lập sự tiếp xúc trực tiếp với cuộc đời sống động. Ta hiểu vì sao cấu trúc phân mảnh trở thành đặc điểm cốt lõi của thi pháp văn học hậu hiện đại. Ấn tượng của ta về tổ chức văn bản của tiểu thuyết hậu hiện đại thường là ấn tượng về một thế giới đầy những chuyện phù vân giang dở, “đầu Ngô mình Sở”, một thế giới cực kì hỗn độn. Nhưng ta không thấy ở đâu có sự hỗn loạn. Sở dĩ không có sự hỗn loạn, vì văn bản của những tác phẩm được xếp vào loại hậu hiện đại vẫn được tổ chức trên nền tảng của những kiểu cấu trúc có nguồn cội sâu xa từ văn hoá dân gian. Tôi đã có lần chứng minh, văn học hậu hiện đại Việt Nam đã làm một cuộc chia tay không lưu luyến với “những vị ngữ bất biến của nguyên tắc dụ ngôn” để đến với kiểu tổ chức văn bản của đồng dao và câu đố[13].

Trong số các nhà văn hậu hiện đại Việt Nam hiện nay, có lẽ Đặng Thân là “hậu hiện đại nhất”. Nhưng tôi không thấy ở đâu trong sáng tác của các nhà văn Việt Nam tiếng cười trào lộng dân gian, nhất là trò chơi nói “thanh mà tục, tục mà thanh” được sử dụng rộng rãi như trong sáng tác của Đặng Thân.

Ở phần trên tôi đã phân tích ý nghĩa cách tân của 3.3.3.9 [Những mảng hồn trần]trong việc mô phỏng không gian văn bản của tiểu thuyết mạng. Nhưng cần phải nói thêm, chính không gian đầy cách tân này lại gợi ta nhớ tới không gian trò diễn của sân khấu dân gian tiền văn học và hình thức liên văn bản của văn học trung đại. Những ai từng đọc Thuỷ Hử của Thi Nại Am, Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung, hoặc các tác phẩm văn học trung đại, đều thấy, phía sau và ngoài lề của phần chính văn, còn có vô số những đoạn bình điểm, phê điểm, kiểu như: “Thánh Thán phê”, “Lời bàn của Mao Tôn Cương”. Loại văn bản này được gọi là “mi phê”. “Mi phê” trong văn học trung đại chẳng khác gì những “LỜI BÀN [PHÍM…] CỦA CÁC NETIZEN” trong tiểu thuyết của Đặng Thân. Chỉ có một chỗ khác nhau cơ bản. “Mi phê” trong văn học trung đại là lời nói được chia thành 3 đẳng cấp giá trị khác nhau: “chu phê” (phê bằng mực đỏ, thường là lời của vua), “lam phê” (phê bằng mực xanh, thường là lời của bậc đại khoa, đại quan) và “mặc phê” (phê bằng mực đen, lời phê của kẻ sĩ nói chung). Trong tiểu thuyết của Đặng Thân, ai cũng có thể trở thành cư dân mạng, thành chủ thể lời nói, các chủ thể này được đặt trên cùng một mặt bằng giá trị.

Nhắc tới sáng tác của Đặng Thân, giới phê bình thường nghĩ ngay tới lối kết cấu phân mảnh. Nhưng khi khảo sát, phân tích, tôi lại thấy, tác phẩm của Đặng Thân bao giờ cũng tựa chắc vào nền tảng của một kiểu kết cấu sáng sủa, giản dị mà ta đã gặp ở đâu đó trong tư duy truyền thống. Cấu trúc ngữ nghĩa phức tạp, đa trị của tiểu thuyết 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] chính là trường hợp được xây dựng trên một bộ khung truyện kể đơn giản như thế. Khung truyện kể đơn giản vì có rất ít đầu mối. Toàn bộ truyện kể chỉ tập trung vào hai nhân vật: Schditt von deBalle-Kant, người Đức và Mộng Huyền, người Việt. Đề tài truyện kể lại hết sức quen thuộc: truyện trường tình. Từ hai nhân vật đầu mối, tiểu thuyết kể lại “mười lẻ một” (11) câu chuyện tình. Tình tiết của 11 câu chuyện tình nói trên đều hết sức đơn giản. Chẳng hạn, với Mộng Huyền, truyện tình nào cũng chỉ đơn giản là chuyện lên giường đầy khoái thú với một người đàn ông. Điều đáng lưu ý, như đã nói, những câu chuyện tình này đều được kể dưới hình thức phúng dụ, tức là hình thức thể loại bám rễ rất chắc trong văn hoá tiếng cười của tất cả các dân tộc.

Nhưng cái khung của tiểu thuyết phúng dụ hoá ra chỉ là hiện thân cụ thể của mô hình làm nên bức tranh thế giới trong sáng tác của Đặng Thân. Ta còn tìm thấy những biểu hiện khác của mô hình ấy qua cái nhan đề “3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần]”và cách tổ chức các cụm nhân vật mang ý nghĩa biểu trưng trong cuốn tiểu thuyết. Ai cũng thấy, nhan đề tiểu thuyết của Đặng Thân có hai vế: vế trước là một chuỗi con số, vế sau là một mệnh đề. Mệnh đề sau để trong ngoặc đơn giống như một phụ đề. Nhiều nhà phê bình cho rằng, cái phụ đề ở vế sau chỉ có nhiệm vụ làm rõ nghĩa cho vế trước. Tức là trọng tâm ngữ nghĩa của nhan đề dồn cả vào mấy con số. Trong tâm thức người Việt, các con số “3” và “9” thường được hiểu theo nhiều nội dung tương đối xác định. Ba số “3” ghép lại thành số “9”. “9” là một vận hội, một đoạn đời của mỗi chúng ta, một giai đoạn phát triển của xã hội. Cũng có thể suy ra một nghĩa khác: nó là “ba vạn chín nghìn ngày”, là trăm năm cõi người, kiểu như“Kể chi thằng lên bẩy, đứa lên năm. Dẫu ba vạn sáu nghìn ngày là mấy chốc?”(Chơi xuân kẻo hết xuân đi – Nguyễn Công Trứ).

Ác một nỗi, nếu ngẫm kĩ ta sẽ thấy, không có cơ sở để quy “phụ đề” và “nhan đề” về tương quan lôgíc “chính – phụ” (tỉ như: “Những mảnh hồn trần” là một phầncủa “3.3.3.9”), hoặc tương quan đồng nhất (tỉ như: “Những mảnh hồn trần” chính là “3.3.3.9”). Ta chỉ có thể thấy, hai mệnh đề ấy thuộc hai hệ thống kí hiệu hoàn toàn khác nhau. “3.3.3.9” là kí hiệu số, gợi ra ý niệm về trật tự và số lượng. “Những mảnh hồn trần” là kí hiệu gọi tên. Kí hiệu số thuộc loại chỉ hiệu (index). Kí hiệu gọi tên thuộc loại hình hiệu (icon) và biểu hiệu (symbol). “Chỉ hiệu” là kí hiệu của tư duy lôgic, khoa học, tư duy trừu tượng. “Hình hiệu” và “biểu hiệu” là kí hiệu của tư duycụ thể, tư duy hình tượng, tư duy nghệ thuật và huyền thoại. Với ý nghĩa như thế, hai vế của nhan đề “3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần]” là mô hình kiến tạo văn bản, gợi ra bức tranh thế giới nhị phân, lưỡng nghi, theo kiểu đối xứng bất đồng hình, phi đẳng cấu, như kiểu đối xứng của hai bán cầu đại não. Thế giới nhị phân là thế giới của những xung đột. Ở đâu có xung đột, ở đó có tình huống truyện kể. Chỉ cần đẩy nhân vật vượt ra ngoài giới hạn một trường nghĩa trong mô hình thế giới nhị phân ấy, lập tức sự kiện sẽ xẩy ra và truyện kể được bắt đầu. Cho nên, tiếp xúc với cái nhan đề của Đặng Thân, trong đầu tôi nẩy ra giả định về một cuốn tiểu thuyết chuyển tải câu chuyện về cuộc đối đầu/đối thoại giữa lí tính và dục tính, giữa thân xác và tâm linh, giữa tự nhiên và văn hoá, giữa văn minh và mông muội, giữa kĩ nghệ và cù lần…

Đọc vào tiểu thuyết, tôi thấy giả định của mình không sai, nhưng cần bổ chính. Trong 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] có 3 nhân vật đáng lưu ý: Schditt – Ông Bà – Mộng Hường. Ba nhân vật này tạo thành ba cụm biểu trưng đại diện cho ba bè giọng: Lí trí – Tâm linh – Thân xác nhục cảm. Nghĩa là ở đây, ta lại có một mô hình khác của bức tranh thế giới. Ở nhan đề và khung truyện kể phúng dụ là mô hình về một thế giới nhất thể lưỡng nghi. Ở chỉnh thể văn bản nghệ thuật của thiểu thuyết là mô hình về một thế giới tam vị nhất thể. Mô hình sau là mô hình quen thuộc trong văn hoá Kitô giáo. Nhưng mô hình trước chính là mô hình truyền thống trong tư duy triết học phương Đông của chúng ta.

4. Mấy lời kết. Thứ nhất: đã đến lúc không cần phải “lăn tăn”, rào đón khi nói về tác phẩm, tác giả và nền văn học hậu hiện đại Việt Nam. Dĩ nhiên, nhìn vào khối lượng tác giả, tác phẩm, lối viết truyền thống vẫn đang là lối viết áp đảo của nền văn học Việt Nam. Đây là nguyên nhân khiến ta có cảm giác về sự cũ kĩ của nó. Nhưng cũng vì thế, ta càng thấy hiện lên rõ nét những cách tân nghệ thuật của văn học hậu hiện đại.

Thứ hai: ở những dân tộc có nền văn minh phát triển muộn, văn hoá bao giờ cũng phát triển theo những quy luật riêng của nó. Nó phát triển theo kiểu tăng tốc, khó tạo ra những kết tinh cổ điển và thường bỏ qua nhiều mắt xích khiến người quan sát lắm khi bị rối trí. Sự hình thành và phát triển của văn học hậu hiện đại Việt Nam sau 1975 không nằm ngoài quy luật ấy.

Thứ ba: được sinh ra từ cuộc hôn phối quốc tế, rồi lớn lên trên mảnh đất Việt Nam, hít thở khí trời, dầm mưa tắm nắng Việt Nam, nền văn học hậu hiện đại của chúng ta có diện mạo và vóc dáng Việt Nam. Đứng ở vị thế tiền-hiện đại để giễu nhại, phê phán mọi biểu hiện của thói duy ý chí và kiểu “lên đồng tập thể bằng lời nói”, hoài niệm quá khứ khôn nguôi, cắm rễ sâu vào các cấu trúc biểu nghĩa của tư duy truyền thống…, tất cả những cái đó có lẽ là nét riêng của văn học hậu hiện đại Việt Nam.

Thứ tư: văn học hậu hiện đại đang đòi hỏi phê bình tìm đến một cách đọc văn học và một lối viết phê bình kiểu mới. Đó là cách đọc của người tham dự vào trò diễn, đọc “không phải là để hiểu một cái gì”, mà là để xem“những gì có thể hiểu” từ văn bản đọc. Đó cũng là cách đọc khoa học, cách đọc không lười biếng tiếp nhận một tư tưởng có sẵn, nổi trên bề mặt văn bản, mà xem văn bản là không gian văn hoá cất giấu nhiều báu vật thôi thúc ta “khảo cổ tri thức”. Một khi đã đọc văn học như vậy, tôi chắc phê bình sẽ thay đổi chuyện viết, từ sự viết về nhà văn đổi thành sự viết về quá trình đọc của mình, như R. Barthes, hay M. Foucault từng làm từ những năm 70 của thế kỉ trước. Chừng nào còn thiếu một lối phê bình như thế, ta chưa thể nói về sự phát triển hoàn chỉnh của văn học hậu hiện đại Việt Nam.

Viết xong sau ngày tận thế hụt. Đồng Bát 22.12.2012



[1] Xem: – N.D. Archiunova.- Cái dị thường và ngôn ngữ: Xung quanh vấn đề “bức tranh thế giới bằng ngôn từ”.- “Những vấn đề ngôn ngữ học”, 1987, số 3 (tiếng Nga).

– N.D. Archiunova.- Phong cách Dostoievski trong khung bức tranh thế giới của người Nga//Thi pháp học. Phong cách học. Ngôn ngữ và văn hoá.- M., 1996 (tiếng Nga).

[2] Xem: Iu. Lotman.- Biểu tượng – “Gien của truyện kể”//Kí hiệu quyển.- “Nghệ thuật – SPB, 2000. Tr. 220-239 (tiếng Nga).

[3] Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.- Nxb Trẻ, 2003. Tr.708.

[4] Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.- Nxb Trẻ, 2003. Tr. 459-472 (Những chữ in đậm do tôi cố ý nhấn mạnh.- LN).

[5] Lã Nguyên.- Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài.- Nghiên cứu văn học, số 12/2007, tr. 13.

[6] V.N. Volosinov (M.M. Bakhtin).- Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ.- M., “Labyrinthe”, 1993, tr. 14 (tiếng Nga).

[7] Xem: Lã Nguyên.- Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài.- Nghiên cứu văn học, số 12/2007.

[8] Đặng Thân.- 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần]. Nxb Hội nhà văn, H.,2011, tr. 180-181

[9]. Như trên. Tr.10.
[10] Xem: Lã Nguyên.- Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài.- Nghiên cứu văn học, số 12/2007, tr. 38.
[11] Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.- Nxb Trẻ, 2003. Tr. 217.
[12] Nguyễn Huy Thiệp.- Bài học tiếng việt// Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.- Nxb Trẻ, 2003. Tr. 692-693.
[13] Xem: Lã Nguyên.- Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài.- Nghiên cứu văn học, số 12/2007.

Nguồn: Bản tác giả gửi http://phebinhvanhoc.com.vn (Tham luận Hội thảo “Văn học trung tâm/ ngoại biên: Những vấn đề lý thuyết và lịch sử”, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 26 tháng 12 năm 2012)



Trích 3.3.3.9
Chương 1








Đỗ Quyên: 

Rất nhiều điều về Tiểu-thuyết-Đặng-Thân
http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=14426









Trình diễn đa thoại về 3.3.3.9 ( Những mảnh hồn trần)
http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=4226

















Dị-Nghị-Luận
Đồng-Chân-Dung


Nxb Hội Nhà văn  2013





Ghi chép 
Tọa đàm về "Dị-Nghị-Luận - Đồng-Chân-Dung" của Đặng Thân 
L'Espace - Hà Nội  9/1/2013




















Tham khảo thêm về tác giả Đặng Thân










Phỏng vấn Đặng Thân – Vũ Gia Hà thực hiện
Tác giả Vũ Gia Hà gửi Văn Việt



Sau hai cuốn sách gây ồn ào gần đây nhất là 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] và Dị-nghị-luận|Đồng-chân-dung, nhà văn Đặng Thân dường như đang bình thản nhìn những “đứa con” tinh thần của mình vui-buồn với đời.

Đọc văn Đặng Thân không phải là một chuyện dễ. Bởi ngôn ngữ mà anh dùng là ngôn ngữ mang nghĩa rộng, nghĩa mở (connotation), không giống với ngôn ngữ mang nghĩa đơn (denotation) thông thường mà văn chương xưa nay vốn dĩ.

Trò chuyện với Đặng Thân cũng vậy, cứ lôi cuốn, cứ khó hiểu, cứ hỏi, cứ bực mình, cứ thích thú. Mỗi lần gặp anh lại là một lần thấy một Đặng Thân khác. Không biết trong cuộc sống hàng ngày, anh thế nào; nhưng anh từng nói với tôi về Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã răn dạy rằng, chúng ta không nên ăn lại đờm dãi của người xưa, mỗi lần nói là một lần mới. Có phải vì vậy, mà mỗi lời nói sau của Đặng Thân như thể luôn khác với mỗi lời trước và lần trước.

Trò chuyện với anh, rất dễ bị anh dồn vào thế chân tường. Không biết vì sao? Nhưng chí ít, sau cuộc nói chuyện với anh, tôi lại được bắt gặp một “Đặng Thân mới”.




Kinh Thánh và “3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]”



PV: Trong cuốn 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], người đọc có thể tìm thấy nhiều trích dẫn Kinh Thánh. Có vẻ anh là người thích Kinh Thánh?

Nhà văn Đặng Thân: Văn học phương Tây nói chung và văn học thế giới bây giờ phần lớn chịu ảnh hưởng của Kinh Thánh. Văn chương nói ngang, nói dọc đều phải xiển dương tình yêu thương con người. Mà Kinh Thánh rất hay là dạy phải trái. Phải trái là cái Đạo rất tốt trong cái Đạo làm người. Bất kể là anh theo Đạo gì thì đọc Kinh Thánh sẽ mang lại cho anh rất nhiều điều hay.


PV: Với cá nhân anh, anh có cho rằng, Đạo Thiên Chúa hơn Đạo Phật?

Nhà văn Đặng Thân: Không nên bàn hơn kém, bởi mỗi ông có một lẽ, dù chung gốc. Phật giáo cung cấp nhận thức về thế giới. Nhận thức về cả vũ trụ, đó là đỉnh cao của Phật giáo. Thiên Chúa thiên về lẽ người, đức tin và tình yêu thương. Sự cổ xúy tình yêu thương là cái vĩ đại nhất của Thiên Chúa giáo.

Chúng ta nên bỏ khái niệm hơn kém giữa con người với nhau ở thế gian này. Một công nhân đào đường và một người kỹ sư tin học, ai hơn ai? Làm gì có cái tiêu chí thật chuẩn để so bì như vậy.

Phật giáo và Thiên Chúa giáo là nơi chứa đựng những tư tưởng đỉnh cao. Nó giúp ta nhìn mọi việc rất rõ ràng. Giải thích thế gian, vũ trụ cho con người đến độ thỏa mãn cao nhất. Không có gì là triệt để, là hoàn toàn. Nhưng những tư tưởng trong Phật giáo hay Thiên Chúa giáo đã cho ta thỏa mãn tối đa sự hiếu kỳ về mọi sự xung quanh, từ trăng sao đến cây cỏ, làm thế nào để con người hạnh phúc, đó là tính nhân sinh cần có ở mỗi con người; cho chúng ta câu trả lời cụ thể nhất về con người, hoặc giữa người với người, giá trị của con người. Phật hay Thiên Chúa cho chúng ta nhìn nhận về tất cả thế gian. Kitô cho chúng ta biết một cách giản dị về con người và phải làm gì cho con người, và làm như thế nào. Vì vậy, văn chương thường bị ảnh hưởng từ Kinh Thánh điều ấy. Mọi giá trị của văn chương xưa nay đều bàn về tính nhân văn của con người. Trong văn chương của mình, tôi thấy và học được ở Kinh Thánh tính cao cả, nỗi bi thống, giọng tráng ca, sức lay động lòng người; và ở Kinh Phật thì ngoài những chiều không gian bao la thì (có thể nói đây là cả một phát kiến của tôi), là một cái giọng giễu nhại hết sức đặc biệt.

PV: Vậy có nên so sánh nhà văn với công nhân đào đường?
Nhà văn Đặng Thân: Nếu xét về mặt ý nghĩa xã hội, công nhân đào đường làm được nhiều việc hơn nhà văn trong nhiều vấn đề. Một nhà văn nhảm thì đáng vứt đi hơn là một công nhân đào đường cụ thể, họ đào được bao nhiêu mét đường là từng ấy mét có ích cho xã hội. Còn một nhà văn nhảm, nếu viết một nghìn câu mà mất chín trăm chín chín câu chẳng ra gì thì nhà văn đó chẳng làm được gì cho xã hội, mà ngược lại là rất tai hại.
Nhưng rõ ràng, nếu một nhà văn đi được vào lòng người, vào tư tưởng nhân loại, thì điều đó không có gì sánh được. Vì họ đã làm được việc quá vĩ đại.

PV: Với tôi, giá trị cuốn 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] có gì đó gần với Kinh Thánh; ngoài ra, nó còn có một cái gì khác nữa mà tôi chưa hiểu hết. Anh có thể chia sẻ về điều này?
Nhà văn Đặng Thân: Có một Kitô hữu đã đặt lên bàn cân cuốn 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] và cuốn Kinh Thánh. Theo anh ta, về mặt giá trị, thì cuốn 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] sẽ mang lại giá trị hiện nay và tương lai vì nó đem lại nhiều điều. Kinh Thánh chỉ dừng lại ở những quan niệm nhị nguyên, tức là phân biệt rõ ràng phải trái, trắng đen, thiện ác. Còn 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] không dừng lại ở đó, nó vượt qua hiện hãn, vượt qua nhãn quan chật chội để hướng đến con người đích thực có tính tương lai, vị lai của nó.

PV: Anh có thể nói rõ hơn về điều này?
Nhà văn Đặng Thân: Trong tư tưởng, nếu dừng ở nhị nguyên thì không thấy rõ được vấn đề, lúc nào cũng nhìn con người tốt hay xấu, phải hay trái. Nếu nhìn như vậy thì không bao giờ nhìn được con người đó hay bất cứ sự việc nào.
Ví dụ đơn giản, với một sinh viên, nếu phân tích theo kiểu nhị nguyên: cậu ấy ở trên lớp là một sinh viên ngoan, học giỏi, lịch sự. Nhưng có người lại biết, trong cuộc sống, cậu ấy từng đi ăn trộm gà, say rượu, chửi bậy. Nếu đưa ra ý kiến, thì cả hai người nhìn thấy cậu sinh viên ấy đưa ra đều chả đúng. Bởi, nếu nghiêng về ý kiến của người này hay người kia thì không biết cậu sinh viên đó là người như thế nào. Hoặc là theo một trong hai ý kiến được nói ra, như vậy thì cậu sinh viên đó đã “trốn” được khỏi một ý kiến.
Tóm lại, mọi kết luận về con người đứng trên nhị nguyên đều sai. Trên đời này, trong phân tích luận chỉ nhìn hai mặt của vấn đề. Vì vậy mà chúng ta hay hỏi “tại sao”. Và vì sao Freud lại tung hoành ở phương Tây trăm năm nay, bởi ông ấy đã chỉ ra được con đường thứ ba: bản năng, trực giác, vô thức. Và tại sao bản năng, trực giác,vô thức lại hoành hành, vì nó giúp đem lại câu trả lời thấu đáo hơn những câu trả lời khác cho sự phân tích của con người.

Để cho bản năng mách bảo, vô thức nhắc nhở

PV: Vậy theo anh, chúng ta nên có cái nhìn như thế nào về một ai đó?
Nhà văn Đặng Thân: Bây giờ, chúng ta không theo sự phân tích của mình nữa, mà chúng ta cần dựa vào cái bản thể để suy xét. Tức là để cho bản năng mách bảo, vô thức nhắc nhở. Chúng ta sẽ cảm nhận về ai đó, để xem ai đó là gì, nói như thế nào, tức là chúng ta không nghe bất kỳ ý kiến của ai cả. Lúc ấy, chúng ta mới đến gần được cái người mà chúng ta nhận định.
Freud đã chỉ cho chúng ta con đường ra khỏi nhị nguyên để đến với vô thức, bản năng và những giấc mơ. Nhất là những giấc mơ, đó là nơi cho chúng ta những câu trả lời thỏa đáng nhất. Những giấc mơ mới cung cấp những thông tin thật nhất, bởi hàng ngày, chính suy nghĩ của chúng ta tự lừa dối chúng ta. Tại sao vậy? Giả hoặc, bây giờ anh A muốn chơi thân với anh B. Vì vậy, anh A sẽ không bao giờ muốn mình nghĩ xấu về anh B vì sợ nó ảnh hưởng đến quyết định chơi thân của mình với anh B. Cho nên, thường xuyên anh A phải lừa dối chính mình. Đã có lúc, A nhìn vào mắt B và thấy ánh mắt B thật gian xảo chẳng hạn. Nhưng vì A rất muốn chơi thân với B nên A không muốn nhớ đến điều đó. Do vậy, chính mình cũng không thật với mình. Bởi vì nếu A nghĩ cái gì không hay tới B sẽ không chơi với B nữa. Trong khi đó, A rất muốn có mối quan hệ tốt với B, và mục tiêu đó sẽ làm mình đánh lừa mình.

PV: Có lẽ, chúng ta nên có cái nhìn thản nhiên?
Nhà văn Đặng Thân: Đúng vậy.

PV: Anh nghĩ sao về việc một ai đó muốn “lên núi ở ẩn” mặc dù có hoặc chưa có danh gì với đời. Bởi họ cho đời là quá tàn nhẫn hay không có gì đáng phải lao tâm vì nó?
Nhà văn Đặng Thân: Cái mà mình có thể bỏ được là cái mà mình đã có. Người ta không thể bỏ cái mà người ta chưa có. Nếu không là khốn nạn. Mình chưa từng làm một việc gì đó, như việc lấy vợ, thì làm sao mà biết được chuyện đó hay dở thế nào mà bảo là dở để rồi lại nghĩ không đáng để bỏ tiền bạc, công sức, tình yêu ra để tán gái lấy vợ. Đồng thời, cũng đừng nghe những người có vợ rồi bảo đời khốn nạn, cay đắng. Nghe qua ai đó, rồi ngồi tưởng tượng thêm. Mình đã lấy vợ đâu mà biết là cay đắng, hạnh phúc. Huyền Quang Tôn Giả đã từng dùi mài kinh sử để đi thi, để cho khắp thiên hạ từ vua đến dân biết mình tài giỏi, đức độ, cũng là để đi tìm công danh hiển hách, đến khi có rồi mới thấy không chấp nhận nổi, bỏ tất cả đi lên núi mà thành một trong những Tổ của Trúc Lâm. Đại thi sĩ Bùi Giáng (người mà tôi gọi là “Tuyệt-Tự-Tiên”) thì đã từng bán tất cả nhà cửa để lấy tiền in cuốn sách đầu tay, cũng là quyết liệt đi tìm danh vọng đấy chứ; đến khi có danh rồi thì mới chơi bỡn quàng xiên coi nó như giẻ rách được. Đến các vị đó còn không thể từ bỏ được cái gì ngay từ khi tay trắng.

PV: Phải có rồi mới buông bỏ được! Nhưng vì một sự ràng buộc nào đó mà không bỏ được thì sao?
Nhà văn Đặng Thân: Làm gì có sự ràng buộc trên đời với những thằng dứt khoát.

Văn chương Việt Nam hiện nay đâu đến nỗi phải tự ti

PV: Năm nay, theo anh giải Nobel văn chương sẽ thuộc về nhà văn nào?
Nhà văn Đặng Thân: Tôi chưa quan tâm.

PV: Giải Nobel văn chương năm qua được trao cho Mạc Ngôn, có lẽ đó là một bất ngờ với nhiều người yêu văn chương. Vậy theo anh, những yếu tố nào tác động đến Hội đồng chấm giải Nobel văn chương để Mạc Ngôn đạt giải?
Nhà văn Đặng Thân:Đây là vấn đề ngoài văn học chăng.

PV:Thế theo anh thì Mạc Ngôn thuộc tầm cỡ nào?
Nhà văn Đặng Thân:Đó là một “thợ to”. Mạc Ngôn không thể là bậc thầy. Mạc Ngôn chỉ là một ông thợ giỏi. Ông ấy đoạt giải, như nhiều người nói là áp lực chính trị từ Trung Quốc, áp lực từ người Hoa, áp lực chính trị về cân bằng thế giới. Trong giới chuyên môn thì khá nhiều người cho rằng, Mạc Ngôn đạt giải là không xứng đáng.

PV:Vậy theo anh, bậc thầy và thợ giỏi trong văn chương có điểm gì khác?
Nhà văn Đặng Thân:Bậc thầy là người làm ra được cái gì mới có giá trị lớn, có tính cách mạng, thay đổi ghê gớm, mở ra những bầu trời khác lạ. Tác phẩm của họ là thứ để thiên hạ noi theo, hoặc thay đổi cách suy nghĩ cố hữu của mình. Giờ thử hỏi, có ai theo lối viết của Mạc Ngôn. Bậc thầy là phải có người muốn theo, muốn học. Nếu không có cái đó thì không thành thầy được. Người thợ có thể giỏi nhưng không sản sinh ra được cái Mới.

PV: Nhà thơ Lê Thuận Nghĩa so sánh thế này giữa anh và Mạc Ngôn: “Đặng Thân là tay viết cự phách, một con chim đầu đàn trong phong trào cách tân văn học của Việt Nam cũng như của thế giới. Mình rất thích đọc lão này và cũng là phen cứng với trước tác của lão. Mình cũng khoái Mạc Ngôn (Nobel văn học năm 2012), nhưng mình thích cái uyên bác, thâm sâu, phiến loạn của Đặng Thân hơn Mạc Ngôn.” Anh nghĩ sao về điều này?
Nhà văn Đặng Thân: Điều đó nói rằng, một nhà thơ Việt Nam mà có nhận định như vậy thì chứng tỏ văn chương chúng ta cũng có nhà văn hơn cả Mạc Ngôn. Đó là một quan điểm rất hay, tích cực, mở ra hy vọng. Nghĩa là trong cộng đồng văn chương Việt không đến mức chúng ta phải tự ti khi mà chính người Việt mình nhận ra văn chương của ta có những giá trị còn cao hơn văn chương của Mạc Ngôn.

PV:Lúc trình diễn đa thoại tiểu thuyết 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]ở Viện Goethe, PGS.TS dịch giả Lê Huy Bắc, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cũng từng nói nếu cứ viết theo cái đà này, thì không lâu nữa, Nobel văn học sẽ thuộc về Đặng Thân. Anh nghĩ sao với nhận định này?
Nhà văn Đặng Thân: Với những nhận định trên, tôi nghĩ rằng, chúng ta đang có đủ tự tin để trình làng văn học với thế giới. Và cũng hãy tự tin rằng, ít nhất là chúng ta không kém Mạc Ngôn. Mà chúng ta không kém Mạc Ngôn thì hãy bình thản đi. Nhưng mà, thực lòng thì tôi chẳng mấy tôn trọng và quan tâm tới các ông bà cầm chịch về văn chương ở Thụy Điển.

Giải Nobel văn chương chưa uy tín bằng các giải Nobel khác

PV: Anh nghĩ gì về giải Nobel?
Nhà văn Đặng Thân: Giải Nobel, nếu xét về giải văn chương thì mới là có uy tín chứ chưa có được khẳng định giá trị cao nhất về văn chương. Giá trị văn chương chưa được thể hiện thật chuẩn. Giải Nobel có uy tín vì sự lâu đời và giá trị giải thưởng mà chưa có một giải nào mang tầm cỡ thế giới vượt qua nó. Bên cạnh sự uy tín và kinh tế của giải thưởng thì việc trao giải thưởng cho nhiều lĩnh vực cũng là một uy thế. Và việc trao giải cho các lĩnh vực khác lại rất uy tín chứ không như văn chương.
Đã từng có hàng chục cái Nobel được trao cho những nhà văn vớ vẩn (bạn đã nghe tới những cái tên này bao giờ chưa: Jacinto Benavente, Odysseus Elytis, Jaroslav Seifert, Eyvind Johnson, Harry Martinson, Dario Fò… Nobel đấy!). Tệ hại nhất, là các bậc thầy vĩ đại nhất nhân loại trong thế kỷ trước lại không được Thụy Điển trao giải (hãy nghe tên tuổi họ mà xót xa: Lev Tolstoy, Anton Chekhov, George Meredith, Thomas Hardy, Emile Zola, Joseph Conrad, James Joyce, Virginia Woolf, D.H. Lawrence, George Orwell, W.H. Auden, Robert Frost, Wallace Stevens, Ezra Pound, Marcel Proust, Paul Valery, Andre Malraux, Anna Akhmatova, Vladimir Nabokov, Jorge Luis Borges, Rainer Maria Rilke, Franz Kafka, Stefan Zweig, Thomas Bernhard, Jack Kerouac, Henry Miller…). Tệ hơn nữa, là các giải được trao đều mang tính “dĩ Âu vi trung”, xa rời các châu lục khác.

PV: Vậy theo anh, vấn đề nào khiến giải Nobel văn chương chưa ổn?
Nhà văn Đặng Thân: Vấn đề ở chỗ, giải này phần lớn được quyết định chỉ dựa trên quan điểm của các vị viện sĩ người Thụy Điển.

PV: Như vậy là chủ quan?
Nhà văn Đặng Thân: Tức là nó chỉ đưa ra được quan điểm của người Thụy Điển hay là của văn giới Thụy Điển, chứ nó chưa thực sự phản ánh được văn chương toàn thế giới.

PV: Như vậy, là cái tạng của người Thụy Điển có ảnh hưởng đến cách cảm thụ văn chương?
Nhà văn Đặng Thân: Như tôi thấy, người Thụy Điển thường ưa một thứ văn học trầm mặc, tính nhân văn lộ liễu. Tính nhân văn đó, theo quan niệm của tôi, là thứ nhân văn thô thiển. Cái kiểu nhân văn mà thể hiện rõ tôi với ông thương nhau ra mặt chẳng hạn… Còn đỉnh cao nghệ thuật và đỉnh cao văn chương có khi không nói gì rõ về nhân văn nhưng lại rất nhân văn. Có nhà văn Pháp đòi diệt hết loài người để thay thế bằng loài người khác cơ mà. Cái nhân văn sâu sắc khác ở chỗ đó.

PV: Những người mà sẵn sàng phản nhân loại lại là những người rất nhân văn?
Nhà văn Đặng Thân: Kiểu như ông nhà văn Pháp ấy thì mới phản ánh đúng quan điểm nhân văn sâu sắc ở chỗ, một nghệ sĩ phải biết phẫn nộ, bất mãn với thực tại. Ông ta hoàn toàn bất mãn với con người hiện tại. Ông ta muốn có những con người tốt hơn, đẹp hơn. Đó là thứ nhân văn vượt qua được những thứ tầm thường của con người. Và với quan điểm “phản nhân loại” ấy, thì đừng mơ mà đến được Thụy Điển, dù có thể được đánh giá cao trên toàn thế giới.

PV: Vậy theo anh, làm thế nào để giải Nobel văn chương có uy tín hơn?
Nhà văn Đặng Thân: Rất đơn giản, ít nhất là quá bán thành viên Ủy ban phải là người nước ngoài và đều là đại diện xuất sắc của tất cả các phương trời: châu Phi, châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, Đông Nam Á, Nam Á…

PV: Có vẻ các nhà văn Việt Nam ít người nghĩ đến giải Nobel văn chương?
Nhà văn Đặng Thân: Tôi thấy người Việt Nam cứ nghĩ đến cái gì tầm cỡ thế giới là “sợ vãi”. Chỉ nghĩ ở trong bụng chứ không dám nói ra. Chính cái sự tự ti đó đã khiến chúng ta quay lại khủng bố lẫn nhau.

PV: Anh nghĩ sao về giải Nobel văn chương năm 2011 trao cho nhà thơ Thụy Điển Tomas Tranströmer?
Nhà văn Đặng Thân: Các giải Nobel văn chương được trao cho người Thụy Điển phần lớn được coi là do sự ưu đãi cá nhân, nội bộ. Trước đây, đã có những vị Thụy Điển được Nobel văn chương, bây giờ có ai nhớ đâu. Nhưng với Tomas Tranströmer, tôi lại nghĩ khác. Đó là nhân vật đáng được chú ý. Hơn nữa, thơ là loại khó nhận định. Nên trao giải cho thơ cũng dễ gây ra những tranh luận khác nhau.

PV: Nhưng thơ Tagore ngày xưa thì khác?
Nhà văn Đặng Thân: Thơ Tagore thì vào đúng cái gu Thụy Điển như tôi vừa nói. Tôi không thấy Tagore quá ghê gớm, thậm chí nhiều chỗ còn khá “thô lỗ”.
À mà này, nếu không đủ sức tin tôi thì chư vị có thể tin vào lời thẩm định của lão giáo sư viện sĩ Đặng Anh Đào: “(Sau khi đọc Dị-nghị-luận|Đồng-chân-dung) tôi đã hiểu thêm về một vài tác giả, nhiều câu thơ mà trước đây tôi không hiểu. Riêng về thơ, Đặng Thân là một người thẩm âm tinh tế.”

PV: Mạc Ngôn chủ yếu viết về quê hương Cao Mật của ông ấy, cũng như James Joyce viết về thành phố Dublin, Marquez viết về làng Macondo… Như vậy, sự phủ sóng lãnh thổ của nó có nhỏ quá không nếu muốn nói được cái chung của toàn nhân loại?
Nhà văn Đặng Thân: Đấy có thể gọi là hình tượng văn học. Cao Mật của Mạc Ngôn, làng Macondo của Marquez, thành phố Dublin của James Joyce… Nó chỉ mang tính biểu tượng. Đó chỉ là cách của nhà văn đưa vào một cái gì đó cụ thể, sát với cuộc sống để người đọc thấy thân thiết dễ gần, dễ nhớ. Bởi con người rất sợ những cái mông lung, trừu tượng. Buồn cười lắm, người ta thường thèm ăn những thứ bánh nếp, bánh tẻ, bánh bột lọc mà mấy ai bị hấp dẫn bởi những cái tên như bánh chín tầng mây, bánh vầng trăng khuyết!

PV: Anh có nghĩ một tác phẩm văn học lớn cần phải có nhiều nhân vật?
Nhà văn Đặng Thân: Có nhiều tác phẩm lớn chẳng cần có nhiều nhân vật. Vấn đề là cách viết, từ vựng và tư tưởng của nhà văn. Còn nhân vật, thậm chí không có cũng chẳng sao.

Thơ đỉnh cao không gần với ngôn ngữ của con người

PV: Khoảng cách sau 15 năm thơ mới có Nobel kể từ khi nữ nhà thơ Ba Lan Wislawa Szymborska nhận được vinh dự này, anh có nghĩ khoảng cách đó chứng tỏ sự thất thế của thơ ca?
Nhà văn Đặng Thân: Tôi không nghĩ thơ bị thất thế. Bởi vì thơ đỉnh cao không gần với ngôn ngữ con người. Tất cả các dòng thơ hay thì ngôn ngữ đều xa ngôn ngữ chung. Và chỉ có một vài người nhận ra chứ không phải đa số. Thơ hay không phải dành cho số đông. Thơ mà đông người thấy thích thì cũng bình thường thôi.

PV: Truyện Kiều của Nguyễn Du thì anh nghĩ thế nào?
Nhà văn Đặng Thân: Truyện Kiều có được như vậy là do cha ông ta biết cách truyền đạt. Nếu cứ để nó đi vào người đọc mà không có ai giảng cho thì không dễ nghĩ là nó hay. Truyện Kiều lại dùng những từ cổ, bóng bẩy, lắt léo. Hay hay không, một phần là do sức ép của dư luận. Khi mười tuổi, nếu chưa biết gì về Truyện Kiều, đọc nó, làm sao mà thấy hay.

PV:Hay là cuộc sống xô bồ, ít khoảng lặng, ít khoảng nghĩ, nên thơ không có đất để nảy nở. Và con người cũng không cần nó để chiêm nghiệm. Vì vậy, tiểu thuyết là cái hơn hết?
Nhà văn Đặng Thân: Tiểu thuyết là thứ gần hơn với ngôn ngữ con người.

PV: Văn học Việt Nam, cho đến giờ, vẫn chưa có ai đạt giải Nobel văn học, anh có cho đó là một thiệt thòi?
Nhà văn Đặng Thân: Văn học Việt Nam chưa từng được trao giải Nobel là điều đúng và hiển nhiên, phản ánh đúng bộ mặt của văn chương Việt Nam. Văn học Việt Nam trước đến nay đã làm được gì ghê lắm đâu cho văn học thế giới mà kêu thiệt thòi. Việt Nam chỉ có vài thành tựu lẻ tẻ, chẳng có gì đáng gọi là thiệt thòi cả.

PV: Theo quan điểm của anh thì thật buồn khi nghĩ về văn chương Việt Nam?
Nhà văn Đặng Thân: Chẳng có gì phải buồn. Có sao dùng vậy, đỉnh cao tài năng luôn luôn là hiếm hoi. Mà người làm văn chương Việt Nam, mấy ai có nền văn chương tử tế đâu mà đòi xây những lâu đài văn chương.
Tuy nhiên, tôi tin là tất cả sẽ Khác. Văn học tiếng Việt đang chuyển mình mạnh mẽ, chúng ta đang bước vào một vận hội Mới.














Từ Điển Thi X/X loại (chúng sinh) vần L (1)





LỒN & HUÝ



“Lồn” là một thực tại khách quan và đã được nhắc đến trong văn hoá dân gian từ xưa, thế mà nay thấy vắng bóng trên văn đàn làm nó buồn thiu là cớ vì sao?

Các cụ ta đã để lại nhiều cái “lồn” trong ca dao như một di sản tầm cỡ UNESCO.

Các cụ trong Nam rủa bọn dựa dẫm từ trên xuống dưới (đến giờ vẫn nguyên tính thời sự nóng hổi):


Còn Tàu còn nhiễu Tam Giang;
Tàu về bắc quốc mo nang che lồn.[*]

Các cụ Tầy nhắc nhở các chàng trai hãy nhớ đến “trách nhiệm của người cầm súng”:
Mạ bấu khuýu pền bẻ;
Hi nắm ẻ pền non.[*]
(Có nghĩa là: Con ngựa mà không cưỡi thì nó thành con dê; Lồn mà không biết địt thì nó sẽ thành con sâu)

Các cụ Mường cảnh báo trong chuyện trai gái các chàng đừng có “ăn dưa bở”:
Nhá heng kha
Va heng hi.[*]
(Nghĩa là: Đừng tưởng cứ trông thấy đùi là thấy được lồn)

Các cụ ta đã bàn về “dinh dưỡng tình dục”:
Thương chồng nấu cháo ba ba,
Chồng ăn chồng đụ chết cha cái lồn.

Các cụ dặn dò con cháu hãy biết lo xa, đừng gặp chăng hay chớ theo kiểu:
Nước đến trôn thì lồn mới nhảy.

Sau này có lẽ các nhà hàn lâm lịch lãm đã đổi thành “Nước đến chân mới nhảy” chăng? Nghe vừa nhạt vừa hèn.

Các cụ đã bàn về cái “chi phí cơ hội” (opportunity cost) của cả quốc gia lẫn từng cá nhân từ trước khi phương Tây nghĩ ra cái thuật ngữ ấy:
Giữ được đằng trôn, đằng lồn quạ mổ.

Các cụ khinh mạt bọn sẵn sàng hạ mình liếm gót kẻ khác vì lợi trong câu:
Nịnh lồn ôm váy.
Hay là:
Trăm khéo nghìn khôn đến cửa nhà lồn quỳ gối chống tay.

Các cụ ta đã nghĩ ra phương pháp đàm phán “win-win” trước cả người Mỹ hàng thế kỷ:
O tê tát nước bên cồn,
Tui cho o lon gạo, o béc lồn tui coi.

Các cụ đã giảng rất kỹ về “giải phẫu sinh lý” và “sức khoẻ sinh sản vị thành niên” trước cả phương Tây:
Em ơi chớ có bồn chồn
Đến năm 14 thì lồn có lông;
15 chỗ có chỗ không,
Đến năm 16 thì lông ra đều,
17 lông ngả một chiều,
Đến năm 18 có nhiều sợi quăn.

Nhất là đối với giới kẻ sỹ nói chung và văn/thi x nói riêng thì các cụ dạy rất đâu ra đấy:
Văn chương chữ nghĩa bề bề,
Thần lồn nó ám cũng mê mẩn đời.

Trong ca dao của các cụ nếu mà thống kê ra hết thì số lượng “lồn” lên đến “3 vạn chín nghìn”, thật là muôn hình vạn trạng đa vận mạng.

Nói chung, những bài học nào của các cụ mà cứ gắn với “lồn” thì đều đắt giá, súc tích, dễ nhớ và nhớ lâu (hàng ngàn năm) mà tại sao con cháu hiện nay không có ý định phát huy lại còn tìm cách “đào tận gốc, trốc tận rễ” cả nền văn hiến đặc sắc ấy? Đó là một câu hỏi nhức nhối gây sưng tấy.

Hiện nay (may thay nhờ văn học internet) trong văn chương Việt cũng đã có sự trở lại của cái “lồn” và một số cái khác tuy vẫn còn khá lộn xộn lồn xồn. Đã có nghệ sỹ nổi tiếng nhờ “chim”, có văn nhân khét tiếng nhờ “cứt”. Có người “đứng đắn” đặt câu hỏi rằng chẳng nhẽ ở xứ sở này muốn oanh liệt là cứ phải dùng tới “cặc” với “cứt” không? Một chuyên gia nước ngoài trả lời: “Tôi nghĩ nền văn hoá ở đây không đơn giản như vậy. Hình như nó đã trì trệ ghê gớm lắm cho nên các nghệ sỹ tiên phong mới nổi đoá lên như vậy. Sự văng tục của họ là những tiếng nói phản kháng mãnh liệt với nghèo nàn, lạc hậu, trì độn và ác độc trong văn hoá. Những tiếng nói như từ vô thức bật ra để thúc giục con người trở về với bản thể gốc kỳ diệu của mình, một bản thể thẫm đẫm văn-hoá-người...” Nói đến văn hoá có kẻ giẫy nẩy lên rằng văn hoá là thứ bùn ở đáy ao, để yên thì không sao chứ bới lên là không ngửi được đâu!

Tôi không nghĩ đơn giản như thế. Bùn ở đáy ao tuy bản thân nó là không ngửi được; nhưng, công dụng của nó rất là to lớn nếu ta biết dùng, như để bón ruộng hoặc cải tạo đất vườn, hứa hẹn những mùa lúa mùa rau xanh tươi đem lại hạnh phúc ấm no cho đời. Sự hủ bại trong văn học cũng vậy. Nếu hủ bại chỉ là hủ bại thì tất yếu nó là... hủ bại. Nếu hủ bại được “hoá” nó sẽ thăng hoa và làm nhân loại thăng hoa nhân tính của mình. Bản chất của loài người hình như cũng chính là hủ bại. Những con người thăng hoa là đã được “giáo hoá” vượt lên sự hủ bại của mình. Phật, Lão, Trang hay đấng Christ cũng là những chân/thánh nhân đã “hoá” được hủ bại mà thôi.

Vậy thì hãy văng “cặc” nữa đi nhưng phải là những con cặc thấm đẫm tư tưởng triết học và đức tin. Hãy văng “cứt” nữa vào nhưng phải là những cục cứt đầy bản sắc văn hoá đông tây kim cổ. Và, có một từ có tính bản thể và nguồn cội nhất của loài người chính là từ “lồn”. Xót xa thay, đây lại là một từ bị kiêng kỵ nhất trong văn học Việt Nam hiện nay.

Sâu xa mà nói thì ở vài nước phương Đông trong đó có Việt Nam người ta hay có vấn đề về “huý”. Nhiều sỹ tử xuất chúng xưa kia đi thi toàn bị đánh trượt chỉ vì phạm huý do vô tình động đến tên vua chúa đương thời. Vì thế, có bậc cư sỹ đã bảo chắc hẳn trước kia nước ta đã từng có vị vua nào đó tên là Lồn. Mong các nhà sử học nước nhà hãy minh định điều này cho.

_________________________

[*]Đỗ Đức, “Tản mạn về cái tục”.





Đỗ Lai Thúy:
Cuộc chạy tiếp sức lịch sử




Nhà văn Đặng Thân đòi "quyền được khác"



Hà Thủy Nguyên:
"Dị chân dung" của nhà văn Đặng Thân
http://bookhunterclub.com/di-chan-dung-cua-nha-van-dang-than/









Phùng Gia Thế:
Siêu thị chữ của Đặng Thân
http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=1741






















Tranh Đặng Thân


Phạc Space






























































































































































Đặng Thân & Phan Nguyên










Đặng Thân
ảnh: Phan Nguyên


































Phạm Xuân Nguyên & Đặng Thân








Mai Văn Phấn & Đặng Thân






















Phạm Xuân Nguyên, Đặng Thân, Lã Nguyên, Nguyễn Đăng Điệp
Buổi ra mắt sách "Dị-Nghị-Luận / Đồng-Chân-Dung"








Nguyễn Chí Hoan, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Quang Thiều, Đặng Thân, Đỗ Minh Tuấn








(đứng từ trái) Nguyễn Thụy Kha, Trần Nhương, Phạm Phương, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Hữu Liêm, Đặng Thân
(ngồi từ trái) Nguyễn Đặng Mừng, Trung Trung Đỉnh, 







Hà Nội 2014









Với Bùi Ngọc Tấn









Sài Gòn 2023. Cà phê LaLa












Trở về





MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.