Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

Lê Kinh Tài
















Lê Kinh Tài
(1967 - ....) Đà Nẵng
Họa sĩ














LÊ KINH TÀI QUA GÓC NHÌN ZEN GALLERY

Lê Kinh Tài tham gia triển lãm ngay từ khi ra trường trong triển lãm Họa Sĩ Trẻ năm 1997. Nhưng sau đó vì nhiều lý do, chủ yếu vì kinh tế, anh họat động mạnh trong lĩnh vực design graphic và quảng cáo nên ít tham gia triển lãm tranh. Trong lĩnh vực này anh đã có những thành công không ít. Nhưng lòng nhiệt tình sáng tạo vẫn không ngừng thôi thúc, đưa đầy anh đến với những tranh sơn dầu, những sáng tác mới, mà ở đó anh vẫn cảm thấy hài lòng hơn cả.

Trước đây Lê Kinh Tài thường chỉ vẽ phong cảnh, vẽ người mẫu khỏa thân… và thể hiện nỗi đam mê trạng thái vẽ thuần túy qua bút pháp, màu sắc… theo đường lối biểu tình hiện thực bài bản. Nhưng rồi nhịp sống bộn bề và những bức xúc trong cuộc sống đã mang lại cho anh thái độ nghệ thuật khác. Anh phát hiện rằng những giây phút bất chợt, những con người, sự việc của đời sống ngày thường rất cần được tôn vinh. Đó là cảm giác yêu đời mà anh mong muốn chia sẻ cùng mọi người.

Với Lê Kinh Tài, cái hiện tại, hiện thực cuộc sống được nhìn với thái độ bỡn cợt độc đáo, trào phúng nhẹ nhàng. Xem tranh anh ta thấy vui, nhất là mảng tranh tự họa. Sắc thái trào phúng đã được Lê Kinh Tài thể hiện một phong cách rất riêng, khá hiếm hoi trong giới Mỹ thuật hiện nay.

Đối với Lê Kinh Tài, thái độ vẽ một bức tranh không còn là một trạng thái đóng kín như trước đây với những yêu cầu, những thói quen về bố cục chặc chẽ, về tính hài hòa… Mà anh đưa lên mặt tranh một cách tức thì những ý tưởng, những ý tưởng chợt đến và vì thế mà hình vẽ, màu sắc.v.v rõ ràng là không đủ, không kịp thời. Anh viết luôn trên bề mặt tranh những ý nghĩ, những phát biểu tức thời. Anh viết chữ cùng với vẽ một cách hết sức thỏai mái. Anh không làm thơ. Đó là một trạng thái mở, nó cho phép, nó mời gọi người xem cùng tham gia. Nó liên tưởng đến cái hiện thực có khi còn sống sượng, mang theo nhịp thở cuộc sống, cuộc sống thường ngày mà người xem hầu như ai cũng có những trải nghiệm ấy. Nó kích thích người xem cùng tham gia vào trạng thái ấy. Đó là những “tản mạn cuộc sống” đã được tôn vinh, được thăng hoa. Nhưng hình như thời gian gần đây trong giới họa sĩ mới chỉ có Lê Kinh Tài đã phát hiện những cái ý tưởng chừng như là “nhỏ” mà lại là cái “lớn” và dùng nó để làm chất liệu cho sáng tác của mình.















LÊ KINH TÀI -VẼ NHƯ LỘN TRÁI CHÍNH MÌNH (*)

Anh là một họa sĩ sớm thành công. Ngay khi mới ra trường, trong vòng hai, ba năm liền, với phong cách Ấn tượng (chủ nghĩa), vẽ những bức tranh có bảng màu nồng ấm và bút pháp khoáng hoạt về phố cổ Hội An, anh đã là một trong số ít họa sĩ trẻ ở TP Hồ Chí Minh được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, Lê Kinh Tài lạ, là đang khi trên đà thu được cả “tiếng” lẫn “tiền”, anh lại thôi không vẽ nữa, chuyển đi làm trang trí nội thất rồi thiết kế đồ họa trang trí, những việc vừa cực công hơn vừa không chắc có tiền nhiều hơn. Rồi lạ thêm lần nữa, khi mà với công việc trang trí nội thất với thiết kế đồ họa trang trí, đã tạo được cho mình một “thương hiệu” để có thể khai thác ổn định, anh lại “đùng đùng” bỏ ngang quay về với sơn với cọ…

Bất thường. Nhưng rất nghệ sĩ. Lần “từ bỏ” thứ nhất, người không biết, tưởng Lê Kinh Tài bỏ nghệ thuật chạy theo kinh tế; lần “từ bỏ” thứ hai, người không biết, tưởng Lê Kinh Tài thất bại về kinh tế mà phải quay về với nghệ thuật. Thực ra không phải. Lần trước, Lê Kinh Tài bỏ “nghệ thuật” vì “nghệ thuật”. Vẽ, tuy được nhiều người yêu thích, nhưng càng vẽ, anh càng phát hiện đó, chỉ là “lối mòn”, là sự “khéo tay”, “quen tay” và “nịnh mắt”… Càng vẽ càng chán. Chán vẽ, chán mình. Do đó, bỏ. Sự “từ bỏ” này “đẹp” như từ bỏ ý thức chiếm hữu trong tình yêu. Phải xem nghệ thuật là thiêng liêng, phải yêu nghệ thuật bằng tình yêu trong sáng lắm mới có thể “hy sinh” đến vậy! Bởi dám “bỏ” mà có “trở về”. Không “tìm mình trong nghệ thuật”, Lê Kinh Tài đã thoát ra khỏi sự trì kéo của các “khuôn mẫu nghệ thuật”, và, thấy được “nghệ thuật trong mình”. Cái khoảng thời gian không vẽ của anh, đã trở thành quí giá. 

Lê Kinh Tài hầu như không còn quan tâm gì đến việc chinh phục các ấn tượng thị giác về thế giới chung quanh nữa. Thậm chí, không còn quan tâm gì đến “cái đẹp”-hiểu theo nghĩa cân bằng thị giác-nữa. Vẽ, với anh, không còn ý nghĩa “tạo ra một thế giới khác”-đẹp hơn, cao cả hơn-như một sự thăng hoa của cảm xúc và tư tưởng… mà giản dị, chỉ còn là bắt chộp hình hài của “tiếng lòng ú ớ”, của tình-ý-sống hình thành và tan biến tự nhiên trong mình. Anh trở nên tự do hơn với hội họa. Hình ảnh thế giới chung quanh, và hình tượng nghệ thuật của bao nhiêu nghệ sĩ ở khắp mọi nơi được nhìn thấy bởi đôi mắt nhìn ra, chữ viết ở cả khía cạnh ý nghĩa và hình dạng, kể cả những mảng màu, vệt màu vu vơ hay chủ định v.v… trong tranh anh, đều là những ký hiệu. Những ký hiệu tượng trưng, trừu tượng hay thuần qui ước…, tùy từng trường hợp cụ thể, chúng tương tác với nhau theo một cấu trúc nào đó mà làm nên nội dung và ý nghĩa biểu hiện tác phẩm…

Một cách khách quan, có thể nói, hình thức sáng tác này không mới. Nhưng cần phải ghi nhận, với “lựa chọn” này, Lê Kinh Tài đã thành công: Một, nó đưa anh về đối diện với hiện thực xã hội, đưa hội họa của anh vào hành trình đối thoại, tìm kiếm những giá trị chân thực của cuôc sống-một yêu cầu mang tính “đương đại” đối với người nghệ sĩ ngày nay; Hai, trong sự đối diện này, anh dường như , đã khai phá được những tiềm lực ẩn khuất trong con người sáng tạo nơi mình, đã “bắt được giọng” của mình-tranh anh đạt đến sự thuần khiết, tự nhiên với cái nhìn hơi có phần “tinh nghịch” hướng vào những tình cảnh đời thường, bình thường mà trớ trêu…

Những bức tranh đầu tiên của lần “trở lại” và “chuyển hướng” này, Lê Kinh Tài đã triển lãm tại ZEN gallery vào tháng 2 năm 2006. Và đã thu hút ngay được sự chú ý của đông đảo công chúng và người trong làng mỹ thuật.

Triển lãm lần thứ hai, Lê Kinh Tài đã cho thấy một sự chin chắn hơn với cách nhìn, cách nghĩ hội họa của mình. Không còn ngã nghiêng qua các đề tài thời sự, và không còn vướng víu vào những hình hiệu có nội dung thuần túy như một khái niệm khiến không ít tranh sa đà vào hình thức biếm họa giản đơn nữa, mà đã vẽ như lộn trái chính mình trong những nghịch cảnh-vừa rất thực vừa xao động lòng người. Mỗi bức tranh, trong triển lãm, với Lê Kinh Tài, đều có ý nghĩa của một sự “thức tỉnh”. Ngay cái tên chung của cuộc triển lãm “Chiêm bao ngày”, tự nó cũng nói lên phần nào ý hướng này. Nó làm cho mọi người phải chợn nghĩ đến một thế giới “mộng mị” nào đó, đến những “giá trị không có thực” nào đó đang lôi kéo, chi phối chính mình…

Xem tranh Lê Kinh Tài, không thể “xem nhẹ” tên tranh. Tên tranh, cũng là một thành phần không thể tách rời ra khỏi tranh anh. Những “Ám ảnh thường trực”, “Người khôn”, “Mặt thật”, “Một cái tôi nữa”, “Cảm giác hoành tráng”, “Chuyện người lớn không quan tâm” v.v… vừa như khơi mào, vừa như “châm chọc” cho một cuộc đối thoại-trong tranh.

20 bức tranh trong “Chiêm bao ngày” của Lê Kinh Tài, có thể nói, đều là những bức tranh “đẹp”. “Đẹp” ở những sự thật được nhìn lại-nhiều biếm ý, táo bạo nhưng hồn nhiên, thuần hậu.

Nguyên Hưng

(*) Bài đã đăng trên Thể thao & Văn hóa






















Hoạ sĩ Lê Kinh Tài: Kẻ sống bằng tình yêu và khí trời

TTO - Tốt nghiệp năm 1997 tại Trường Đại học Mỹ thuật, hắn kiếm được không ít tiền khi bán sạch một số tranh tĩnh vật, khoả thân, tranh vẽ về Hội An. Được 4 năm, hắn muốn dừng lại vì những ý tưởng mới bắt đầu phôi thai trong đầu.



Giao thừa


TTO - Tốt nghiệp năm 1997 tại Trường Đại học Mỹ thuật, hắn kiếm được không ít tiền khi bán sạch một số tranh tĩnh vật, khoả thân, tranh vẽ về Hội An. Được 4 năm, hắn muốn dừng lại vì những ý tưởng mới bắt đầu phôi thai trong đầu.

Vậy là, hắn thôi vẽ tranh trong 2 năm (2001-2003) để lao vào công việc design graphic và quảng cáo. Mặc dù làm công việc có dính dáng đến hội họa nhưng ý thức được cầm cọ trở lại luôn thường trực trong đầu của hắn. Để sau 2 năm đó, hắn dần dần ổn định kinh tế gia đình, dư ít vốn liếng, hắn đổ hết vào tranh.

Hắn chính là Lê Kinh Tài (*) - một cái tên nghe dễ bị “sốc”, đầu trọc giống… dân buôn hơn là họa sĩ!

Những bức vẽ ra đời trong nỗi bức xúc và kìm nén lâu ngày. Nét vẽ của hắn hết sức mạnh mẽ và đầy trăn trở với màu sắc đa dạng: đôi lúc trẻ trung, ngây thơ, đôi lúc dữ dội bất ngờ. Nhưng có lẽ chưa “đã”, hắn còn viết lên tranh những suy nghĩ cuồn cuộn nhưng đầy mâu thuẫn của mình, khiến người xem ấn tượng về cái “tôi” của tác giả.

Xem tranh hắn, thấy quan niệm về cuộc sống, về cái Đẹp, về hạnh phúc sao mà đơn giản và gần gũi quá đỗi!

Hắn vẽ bằng quan niệm sống. Hạnh phúc lớn lao của hắn chỉ đơn giản là được nhìn thấy con mình mạnh khoẻ, được nghe con cười, được nhìn con khóc… (Con trai tôi), cũng như ước ao sự đồng cảm từ vợ trên con đường sáng tạo cũng như tính cách khác người của mình. Nhưng ước ao cũng chỉ là… ao ước mà thôi và hắn đã trải qua những ngày dài cô đơn. Hắn đã sống trong cô đơn. Và vẽ trong cô đơn. Bức Giá như em lớn thêm nhưng đừng già đi ra đời trong hoàn cảnh đó.

Rồi hắn lại khao khát những điều bình thường nhất. Hắn muốn trở thành một đứa trẻ được vợ cưng chiều (Đứa trẻ trong người đàn ông). Hắn tự hỏi: “Có nên không khi mình làm nũng với vợ, có nên không khi mình vừa về đến nhà mệt mỏi, muốn vợ xoa đầu như con trẻ, rót nước cho uống, dỗ cho ăn cơm, liệu điều đó có nên không? Nên chứ! Và người phụ nữ có nên thấy những điều đó hay không. Nên chứ!”. Vì đó là hạnh phúc rất nhỏ nhoi, rất đời thường.

Và đó là cái đẹp. Đó là tình yêu mà. Hắn đã suy nghĩ như thế, ngây thơ và chân thật. Những bức như Ước mong của người cha, Cọp của tuổi dần, Sự thật không bằng phẳng, Mơ ước bình thường… là những bức vẽ thoát thai từ tình yêu đó…


Ta la ai? - tranh của Lê Kinh Tài


Hay một lần hắn thấy con ngựa bị khách du lịch cưỡi lên chụp hình (Chụp hình ngựa), hắn chợt hỏi: “Nó đã thồ đồ đạc rất nặng, liệu chúng ta có lấy nó làm trò vui cho mình không?”. Những hình ảnh tưởng nhỏ nhặt ấy tưởng chừng như không ai quan tâm, thế mà hắn lại hỏi vặn hỏi vẹo thì… thật là khó!

Cứ cái kiểu tự hỏi mình, hỏi người với những bức tranh tưởng như… vứt đi của hắn như Không đề, Giao thừa dễ khiến người khác giật mình. Nhưng với hắn, đó là… khí trời vì ngày nào hắn cũng lắng nghe, quan sát và hít thở! Để rồi hắn vẽ bức tranh Con-Người, đỉnh điểm của sự giằng xé nội tâm, bức tranh mà khi lột chiếc mặt nạ, hắn nhận thấy phần Người của mình đã không còn, và nỗi khao khát sống chân thật với chính mình sao mà khó!

Có thể nhận thấy từ Nó, Với chính mình (2003) đến Ta là ai? (2005) là cả một quá trình trải nghiệm và suy tưởng. Có những lúc ta hạnh phúc đến cháy lòng vì ta là ta như thế; nhưng có những lúc ta lại buồn, buồn đến ngây người cũng vì ta là như vậy? Ta là ai? Là kẻ có trái tim ngoài da? Là kẻ sống bằng tình yêu và khí trời!

Vâng, hãy cứ xem tranh hắn một lần đi, chúng ta có thể sẽ bắt gặp mình trong đó!

* Triển lãm "Tản mạn cuộc sống” của hoạ sĩ Lê Kinh Tài từ ngày 14-2 đến 23-2 tai Zen Gallery số 83 Nguyễn Văn Trỗi, Q3, TP.HCM.

























HỌA SỸ LÊ KINH TÀI: ĐỪNG ĐỊNH NGHĨA CÁI ĐẸP

Chàng họa sỹ 48 tuổi hiện đang có giá tranh bán cao nhất trên thị trường nội địa này luôn tìm tòi, khai mở những thủ pháp hội họa để thâm nhập hầu lột tả các vũ điệu của màu sắc, phản ánh đúng tâm thức hài hước và bao dung của anh trong cuộc sống.

Họa sỹ nổi tiếng Lê Kinh Tài chia sẻ nhiều quan điểm thú vị về cuộc đời và nghệ thuật trong chuyên mục What I’ve Learned. Anh cho rằng chúng ta có thể nghĩ về tương lai nhưng không thể sống trước tương lai được, hãy để các giá trị được chắt lọc qua nhiều thế hệ.

› Cách đây 30 năm, ở tuổi 17, tôi cứ tưởng mình đã trưởng thành. Tôi bắt đầu ít nghe lời ba mẹ hơn. Ba muốn tôi thi đại học ngành kinh tế tài chính với hy vọng đổi đời, ít ra cho chính tôi… Tôi cũng đến hội đồng thi nhưng không vào phòng làm bài. Tôi sống đơn độc với nhiều tham vọng nghệ thuật thầm kín cho tương lai. Lạ kỳ, với một tuổi thơ mà hàng ngày thấy khoai lang, khoai mì nhiều hơn thấy cơm gạo, chẳng màng đến giàu nghèo, tôi vẫn nuôi khát vọng một ngày tôi trở thành họa sỹ. Ở tuổi 27, sau nhiều biến cố cuộc sống trong mưu sinh, tôi bỏ mặc tất cả phía sau và thi đỗ vào đại học mỹ thuật.

› Bố, mẹ là người tác động lớn đến tôi. Mẹ cho tôi thấy tình yêu và nhẫn nhịn, ba cho tôi ý chí vượt khó. Điều đáng nói là cả ba mẹ tôi đều là người ít học nhưng chúng tôi kính phục và bị họ khuất phục.

Tôi rất tệ, trong lĩnh vực nghệ thuật, tôi chỉ biết vẽ, không biết đàn ca. Trong thể thao, tôi chỉ biết bóng bàn, không biết bóng đá dù rất mê xem, không biết bơi lội, dù mê tắm biển.

› Đàn ông ai cũng biết “yêu là cho nhiều hơn nhận”, với tình yêu đẹp nhất của mình, tôi đã “cho” kết tinh bằng hai cháu, chúng rất ngoan và đẹp. Đó là kết quả một tình yêu lãng mạn từ thời sinh viên. Khi yêu một người phụ nữ, tôi cũng say đắm và nịnh đầm không kém người đàn ông nào. Khi họ đã là người “đầu ấp tay gối” vẫn yêu, nhưng trong tim đầy ắp lãng mạn kia đã nhường bớt cho sự trân trọng, nghĩa tình chiếm chỗ đôi chút. Khi người đàn bà đã cho mình những đứa con, thời gian lấy đi nét thanh xuân, tôi luôn nhắc mình tình yêu của cả hai từ thời cơ cực để “giữ ấm”.

Bất hạnh lớn nhất cuộc đời này là nuôi lớn lòng sân hận, thực ra, hạnh phúc hay bất hạnh đều do tâm mình tự khiến. Tâm hồn mỗi người có hồn nhiên và vị tha hay không tùy thuộc vào việc để sân si tự do nở rộng hay mình dằn lòng gột xóa. Yên vui có trở thành xa xỉ hay không tùy thuộc lòng tham trước cám dỗ.

› Theo tôi, sự quả cảm trung thực là sức mạnh lớn nhất, mọi thời đại, không riêng thời đại này. Ngoài tri thức, bản lĩnh lớn nhất của người đàn ông là hành vi với tri thức đó.

› Không có chuyện nền văn minh, nghệ thuật nhân loại đang đi xuống, chỉ có cái nhìn nóng vội và mặc cảm với những thành tựu văn hóa có được từ quá khứ, từ đó nảy sinh nhiều so sánh khiên cưỡng và khập khiễng. Đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật lại càng không nên so sánh, bởi sự phát triển của nghệ thuật luôn đi song hành với nền văn hóa duy ý thức trong không gian và thời gian của thời đại. Các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật được tạo ra với mục đích cao cả nhất là món ăn tinh thần cho chính con người thời đại đó.

› Người ta hay dùng thuật ngữ tác giả và tác phẩm đi trước thời đại cho những thành tựu từ những thế kỷ trước bởi những cá nhân kiệt xuất hiếm hoi như Van Gogh hay Picasso. Sự khai thác “cái đẹp” của những tác giả đó dường như vẫn còn dang dở cho các chuẩn mực “cái đẹp” của thế hệ kế tiếp. Theo tôi, đó chính là bi kịch cho những tranh cãi bất tận. Có hay không những “tác giả tác phẩm đi trước thời đại” của nhân loại trong kỷ nguyên này, chúng ta phải còn chờ sự phán xét của lịch sử, văn hóa của tương lai.

› Tôi thiển nghĩ, đã là người hoạt động văn hóa văn nghệ thì nên lạc quan để sống đẹp và cống hiến đúng với hơi thở thời đại ta đang sống. Chúng ta có thể nghĩ về tương lai, chúng ta không thể sống trước tương lai được, hãy để các giá trị được chắt lọc qua nhiều thế hệ của nhân loại giúp chúng ta thêm khát vọng phát triển. Với nghệ thuật, rất cần thời gian, hãy nhìn về phía trước đừng ngoái đầu để mặc cảm tự ti với quá khứ.

› Tôi từng đến nhiều bảo tàng nghệ thuật lớn ở các nước tiên tiến, nhìn trẻ em xếp hàng vào xem nghệ thuật mà chỉ biết ao ước cho thế hệ sau này của Việt Nam… Chương trình giáo dục thẩm mỹ ở ta dường như vẫn bỏ ngỏ, có cũng là “được chăng hay chớ” với khái niệm thẩm mỹ chung chung chứ không thể là mỹ học cơ bản.

› Tôi nghĩ “cái đẹp” không thể định nghĩa được, nó mãi mãi chỉ là những khái niệm. Nếu người ta trả một bức không phải tâm đắc nhất của tôi cao hơn nhiều lần bức tâm đắc nhất ư? Thật lòng mà nói, tôi chưa từng để nhà sưu tập làm việc đó với mình. Xét ở một khía cạnh nào đó, tôi không nghĩ rằng tác phẩm hội họa được định giá cao là thước đo tài năng của họa sỹ. Cần phải hiểu rõ hơn về giá trị và trị giá tác phẩm. Một tác phẩm có giá trị cao phải được nhìn nhận thật khách quan qua các nhà chuyên môn thực thụ, qua nhiều cột mốc biến thiên, định hình, độc lập trong trường phái hoặc mang tính tiên phong trong phong cách sáng tạo.

› Trong phòng ngủ, tôi luôn để một bức tranh vẽ hỏng, để ý đến nó và tìm mọi lý giải tại sao mình có tư duy tệ hại này. Một lần, bà Libby Zinman (một nhà sưu tập người Mỹ) muốn mua đúng bức tôi vẽ hư. Tôi đã từ chối bán và nêu lý do rằng sẽ hủy bức tranh sau khi tôi “thuộc” và biết cách tránh cái sai, bà đã giận dữ hỏi tôi: “Ông có điên không?” Về sau, tôi luôn được nghe từ trước cũng như sau lưng bà những lời trân trọng nhất bà dành cho tôi.

› Mơ ước bây giờ của tôi là sức khỏe tốt để bắt tay thực hiện nốt các ước mơ đã lỡ… mơ từ tuổi 20.


BÀI: NGUYỄN HẬU – ẢNH: ANH DŨNG.
ESQUIRE VIỆT NAM





























Họa sĩ Lê Kinh Tài: Hạnh phúc bởi được là con và người


(Thethaovanhoa.vn) - Họa sĩ Lê Kinh Tài có một thói quen không bỏ được: mỗi năm tương ứng anh lại vẽ một con giáp. Năm nay anh vẽ con ngựa, với những nét vẽ vẫn dứt khoát, mạnh mẽ mà vẫn mang vẻ mềm mại, vẫn màu sắc rực đối nhau chan chát, vẫn chữ bên hình ảnh để khẳng định rằng đó là... ngựa (như thể đừng nhầm với con vật khác, theo phong cách hồn nhiên Lê Kinh Tài) “với mong tìm về cảm giác không sân si trọn vẹn, ít ra trong một thời khắc chào năm mới”.
Lê Kinh Tài đã vẽ hai bức tranh vào dịp Tết Dương lịch và giao thừa Tết Nguyên đán, một phần để khai bút năm mới.

Vẽ để giải phóng bản ngã

* Từ bức tranh mới đón chào năm Ngọ này anh muốn nói lên điều gì?
- Tôi vẽ một phần để khai bút năm mới, phần khác, rất buồn cười, tôi muốn so sánh phần “con” trong chính tôi với con giáp ấy. Tôi muốn mình hiện thân trong nó trong khoảnh khắc giao niên, hoặc để hân hoan chấp nhận phần “Con” luôn song hành và ngự trị bởi cách gọi tên “Con - Người” mà tạo hóa ban cho (cười).

Thật sự, tuy biết mọi so sánh đều khập khiễng nhưng thật thú vị, những lúc như vậy, tôi luôn chịu phần thua về phía mình... và thật lạ kỳ, những khi được “tỉ tê” với từng con giáp, nó mang lại cho tôi sự cảm thông kỳ lạ trong một cá thể sống, “cái sự tự hào” và hạnh phúc khi đã có mặt trên đời này, được làm Con và Người. Tôi tận hưởng cảm giác này từ phút giao thừa cho đến sáng.
Tôi biết ngự trị bên trong tôi, (xin lỗi, đôi khi cả chúng ta) luôn hiện diện phần “Con”. Không thể khác được. Nhưng cá nhân tôi nghĩ, đó là diễm phúc của tạo hóa ban cho…
Vâng, Con-Người và quyền được mơ ước khát vọng, quyền được thấy thành quả lao động, và dĩ nhiên cả quyền được quyết định thân phận...

* Tại sao trong tranh anh thường diễn tả bằng chữ...?
- Thật tình, lúc đang đối diện với màu, với cọ vẽ tôi vẫn ưu tiên cho mình giải phóng bản ngã là trên cả, đó là hạnh phúc riêng, đẹp nhất mà tôi có được, dẫu biết rằng như thế là sự tự do mang nhiều “ích kỷ” nhưng tôi không thể tách rời nó khi tôi đang làm việc. Trong nhiều tình huống, tôi không cho rằng mình đang “làm hội hoạ” mà tự cho mình cái quyền tung tẩy mặc sức phơi bày các ý tưởng sắp xếp từ trước. Lắm lúc hình và màu không đủ cho tôi đối thoại với đề tài, tôi viết vào tranh như độc thoại và không toan tính… Cho đến khi đề tài cho bức tranh phơi cả ra mặt tấm toan thì tôi dừng và không để ý nhiều đến việc nó đẹp hay xấu và nó sẽ được người ta yêu hay ghét …


“Ngựa trắng – mây trắng – và những con vật khác”.
1m50 x 1m80. Sơn dầu


Tôi biết rất rõ, tôi là ai...

* Cảm nhận tranh của anh, sau những nét vẽ “nghệch ngoạc” hồn nhiên trẻ con, lại có thể phơi bày con người bên trong... nhìn khuôn mặt anh lộ nét tinh nghịch mà hồn hậu, nhìn những gì anh làm, đủ thấy sự hướng tới mọi sự liên quan đến sáng tạo nghệ thuật rõ nét rành mạnh mãnh liệt?
- Bình thường, như mọi người khác, tôi biết rất rõ, tôi là ai, tôi làm gì và sẽ phải làm gì, tuy nhiên thật lòng mà nói, một khi đã đắm vào “bên trong” công việc vẽ vời, nhiều khi tôi chẳng biết tôi là ai nữa, đối diện với đề tài tôi luôn đặt mình vào trạng thái “công kích” cao độ với chính mình, tranh cãi và phản biện bằng màu, bằng sắc đến quyết liệt để tìm cốt lõi bản chất bên trong những đề tài tuy rất đời thường nhưng thật khó “gặm” mà mình muốn nêu.
Vâng, có thể bạn biết tôi qua nét mặt “tinh nghịch mà hồn hậu” (xin cám ơn nhận xét này), nhưng bạn vẫn chưa biết đấy thôi, tôi vẫn thường tra khảo chính tôi: “Sao cứ khư khư tâm trạng lạnh lùng với mình đến thế và luôn làm khó Lê Kinh Tài đến vậy ?” (cười).

* Anh có thể chia sẻ vì sao tranh anh vẫn bán được trong thời kỳ kinh tế khó khăn như vừa qua?
- Thực tình tôi cũng không biết nữa, đó là việc của các nhà môi giới, các nhà sưu tập tranh (cười lớn).

* Anh mong chờ điều gì cho một năm mới? Có tự nhủ cần hoàn thành việc nào đó còn dở dang không?
- Mỗi đầu năm, tôi luôn mong đủ thời gian và sức khoẻ để thực hiện các kế hoạch trong năm mới mà mình hoạch định từ cuối năm trước. Như nhiều họa sĩ khác, một sự khởi sắc cho thị trường tranh nội địa vẫn là mong mỏi của tôi hằng năm.

* Cảm ơn về cuộc trò chuyện!

Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa








































































































































































Trở về 





MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.
















Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Phạm Tăng (1924 - 2017)













Phạm Tăng
(1924 Ninh Bình - 9/1/2017 Paris)
Hưởng thọ 93 tuổi

Họa sĩ, Thi sĩ








“Múa bút vườn hoang, vẽ láo chơi!
Xôn xao sỏi đá nói nên lời!
Ðỏ, xanh xáo trộn hồn cây cỏ
Nhẹ gót vào tranh, chiếc lá rơi!

Phạm Tăng












Họa sĩ Phạm Tăng là cháu năm đời của Thượng thư, Hiệp biện Đại hội sỹ, Cơ mật viện Đại thần Phạm Thận Duật.

Ông sinh năm 1924 tại Ninh Bình-Bắc Việt, học ngành Kiến Trúc trước khi chuyển sang hội họa ở trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Ðông Dương. 

Vẽ hí họa cho nhật báo Tự Do từ 1954 tới 1959, tuần báo Văn Nghệ Tự Do năm 1956. Một số hí họa châm biếm trên Tự Do và Văn Nghệ Tự Do của ông đã khiến ông bị bắt, giam ở khám Catinat một thời gian. 

Ðược xuất ngoại học thêm năm 1959, ông lấy được bằng tốt nghiệp của hầu hết các khoa ở Viện Mỹ Thuật La Mã (Accademia de Belle Arti di Roma): Hội Họa, Trang Trí, Ðiêu Khắc, Thiết Kế Sân Khấu. Ông được giải nhất về Hội Họa của tổ chức UNESCO với bức tranh “Vũ Trụ” năm 1967, và nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng khác.

Họa sĩ Phạm Tăng qua đời sáng ngày 9 Tháng Giêng, 2017, tại Paris, hưởng thọ 93 tuổi.







Vũ Trụ Phạm Tăng.

Thụy Khuê


Hội họa và thi ca, hai ngành nghệ thuật có những tương quan mật thiết, nhưng hiếm hoi là những nghệ sĩ làm sáng tỏ được mối tương quan đó trong tác phẩm của mình, từ Vương Duy.

Họa sĩ Phạm Tăng vào thơ, theo lời ông "chỉ để trò truyện tâm sự với mình". Ông làm thơ tài tử. Sau hành trình hội họa dài của một họa sĩ Việt Nam, gây nhiều tiếng vọng bên trời Tây, tập thơ Phạm Tăng đầu tiên ra đời, như một món quà muộn. 

Thơ kèm phụ bản: Hai bức tranh tiêu biểu Phạm Tăng, tượng trưng quan niệm sống và sáng tạo nghệ thuật. Bức thứ nhất, họa sĩ đặt tên là Vũ Trụ, và bức thứ nhì, xin tạm gọi là Hữu Hình Vô Thể. 

Người đọc sẽ không tìm thấy ở thơ Phạm Tăng những khám phá mới lạ về hình thức. Ông nói những chuyện đã cũ, cũ như trái đất, như hành tinh, như vũ trụ, như hạt cát, hòn sỏi, con người. Nhưng thơ ông có những tia "mắt sao" dõi buồn về một cố nhân xa: 

Quê nhà từng mảnh con con 
Khâu khâu vá vá đã mòn đường kim.

Hiếm có hình ảnh nào xa xót quê hương đến thế. Mảnh đất Việt Nam, nhìn từ máy bay xuống, rất khác nhiều nơi: làng xóm, ruộng đồng san sát, lỗ mỗ như ô ăn quan, không khác gì những mảnh vá trên tấm áo nâu của người làm ruộng. Ngày đi, Phạm Tăng đã chụp tấm hình kỷ niệm ấy, đem may thành áo. Quê hương không còn xa xôi nữa, mà trở thành lớp da thứ nhì, đắp lên mình, mang theo cùng trời, cùng đất. Ở những bước dừng, chiếc áo da vàng đã sứt chỉ, sờn vai, người nghệ sĩ lại tìm kim, vá thêm lần nữa, khâu những đường mòn vụn rách, ráp những thửa ruộng, mảnh vườn, bờ tre, bụi nước... Từ tấm áo da nhầu nát quê hương, ông sống, ông đi.... 

*

Thơ ông vẽ con đường nghìn trùng hải lý về những chuyến đi " nửa phiêu lãng, nửa lưu đầy". Không hành khách. Không hành lý. Không cả con người: 

Hành trang đến cả linh hồn cũng dư.

Hành trang hữu cơ và tâm cơ không cần thiết, nhưng hành trang thơ có họa. Họa làm sáng thơ và thơ khơi mạch cho họa. Cả hai giao ứng trong đồng thuận và nghịch lý như một trắc họa nghiệm sinh những triền miên trăn trở của con người: Từ cái không đến cái có, cái riêng đến cái chung, cái hữu hình đến cái vô thể. 

Từ niềm đau riêng của một Phạm Tăng lưu vong gần trọn cuộc đời, toát ra cái đau chung của cõi người lưu vong trong chính bản thân mình. Từ nỗi đau riêng của một mối tình đứt đoạn, rạng nở bình minh những mối tình miên viễn, thực thụ hiện hình sau cái chết. Những đối cực ấy, Phạm Tăng thể hiện song song trong họa và thơ. Dường như trong thơ đã có họa và trong họa đã có thơ như lời Tô Đông Pha nói về Vương Duy ngày trước.
Phạm Tăng họa như thế nào? 

Xé mây làm vải vẽ 
Chấm mực nghiên mặt trời

"Ngông" thì vẽ thế. "Tuyệt vọng" vẽ rằng: 

Năm đầu tay xé rách không gian

Về bức tranh Vũ Trụ, Phạm Tăng đề: 

Trông lên thiên thể bao la 
Nhìn vào sâu thẳm trong ta mịt mùng 
Xác thân: vạch nối đôi vùng 
Khoát tay một nét: cuộn vòng càn khôn.

Một vũ trụ ngông trong thơ, trong họa, trong chuyển động và tư tưởng. Ngoảnh lên nhìn tranh, người xem không biết tranh minh họa thơ hay thơ phụ đề tranh. Cả hai tạo thành một chủ đề, một cơ cấu, một càn khôn ngông, thách đố giữa con người và vũ trụ, giữa cái nhỏ vô song và cái lớn vô cùng.

Hội họa Phạm Tăng khởi hành từ những vi phân, vi bản, từ những nguyên tử, những tế bào của sự sống để đi đến cái vĩ mô trong vũ trụ phổ quát. Tất cả vận hành trong không gian thiên di, thời gian biến động: Dòng đời cuồng lưu, vũ trụ càn khôn. Giữa cuồng và càn, con người truân chuyên, vận chuyển, bức tranh Hữu Hình Vô Thể, phác họa hành trình của luân hồi: 

Trăm ngàn vạn ức cái ta 
Chết trong lúc trước thành ta lúc này 
Ngừng đây nhưng vẫn vần xoay 
Nằm đây nhưng vẫn tung bay khắp trời

Ở Phạm Tăng, người đi trong vũ trụ như một tinh thể, như tế bào vận hành trong da thịt, và như con người luân hồi trong dĩ nghiệp tử sinh truyền kiếp: 
Đi từ đâu? Để về đâu?

*
Trong vị trí thiên di ấy, con người tự bản chất đã mang dư vị "lưu vong" 

Đi hoài sao? Liệu có chăng đường về 
Đêm đêm ngẩng mặt tìm Quê 
Hỏi thầm sao rụng sao về nơi đâu?

Lạc loài trong vũ trụ càn khôn, trạng thái lưu vong gắn liền với số phận, vận mệnh, trở thành một định mệnh, một thiên thể, một hằng sáng. Trước Phặm Tăng, Thanh Quan đã "lưu vong" trên đất nước: Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc. Cùng Phạm Tăng, Đặng Đình Hưng đã sống "lưu vong" trong quản thúc suốt đời: Những chiếc va-li cứ về bến lạ. Lưu vong, do đó, đối với nhà thơ không phải chỉ là sự "ra đi" hiện thực và lý tính, mà còn ẩn những viễn du trong tâm linh, trong nội tại: 
Nghe trôi, không biết trôi mình về đâu.

Về "lưu vong", người Việt hải ngoại đã tốn nhiều giấy mực, bàn cãi, sáng tác... Nhưng mấy ai viết được ngắn gọn và sâu xa như thế? 

Nửa trời nửa nước chênh vênh 
Thấy mình trôi giữa mông mênh: cũng mình

Lưu vong, đối với Phạm Tăng, dường như không những là sự vận chuyển con người trên trái đất, trong không gian tinh cầu, mà còn là hành trình du lịch trong thời gian, từ thuở sơ sinh đến lúc bạc đầu: Lang thang khắp mặt địa cầu.Thịt xương: áo đã ngả màu hoàng hôn. Với người lữ hành đặc biệt ấy, những chuyến đi ngoài trùng lấp những chuyến đi trong: Chỗ đâu chứa cả thế gian trong lòng.Với người lữ hành đặc biệt ấy, đi nhiều, bụi trần đã ngấm vào lục phủ ngũ tạng: Trong ta cũng bụi, rũ hoài chưa ra. Đi mòn, đi mãi, nhưng sau mỗi hành trình hỏi rằng: Chép lại gì chăng? Một chữ: Không. Thế còn tranh? Vẽ bao nhiêu mộng không đầy khoảng không.

Và như thế, hư vô trở thành định mệnh thứ nhì mà người nghệ sĩ đem vào cuộc sống lưu vong trường cửu của mình: 

Thôi chuyến đi này, đi tay không 
Tội chi tay xách với vai gồng 
Thịt xương trút gánh hành trang nặng 
Xóa cả linh hồn: con số không 
... 
Không cái tôi này, không xác thân 
Không sau, không trước, chẳng xa gần 
Không đi, không đến, không còn mất 
Vũ trụ và tôi, một, bất phân

Tại đây, vũ trụ quan và nhân sinh quan của người thơ, người họa đã giao hòa thành một khối hư vô: 
Soi gương, bóng ảnh, bóng mình... đều không.

Phạm Tăng gặp gỡ lưu vong trong định mệnh, trở thành bạn đời, nẩy sinh quý tử: cô đơn. Cô đơn là "thế hệ thứ nhì", là con đẻ của nỗi đau thơ và họa. Và là bản thể của sáng tác: 

Sống cô đơn, chết một mình 
Trí tâm thác loạn - xác hình quặn đau 
Xé từng chữ - nghiến từng câu 
Xoáy từng nét bút, khoan sâu từng lời.

Niềm đau của họa sĩ không còn là nỗi đau trừu tượng nữa, mà đã trở thành vật thể, một kết tinh máu thịt, xương da, toát ra từ tinh lực của cây cọ, ngòi bút: Đục sầu, khoét khổ, đầu tay. Từ hoàn cảnh riêng tư của tác giả, nỗi đau trở thành một sinh linh, có tâm thức, tri thức và hành động. Nỗi đau tự tạo: Trăm năm khơi một nguồn đau tự mình, trở thành đời sống thứ nhì, hướng về căn cước của sáng tạo: cái chết. 

Đi vơ vất giữa đêm trường ngơ ngác 
Tìm xương thịt để trở về nhập xác 
Ta rùng mình hun hút gió tha ma 
Trong mê cuồng ta gặp chính hồn ta.


Đã Hàn Mạc Tử, rồi một Đinh Hùng, giờ đến Phạm Tăng, kết tinh niềm đau đến mức thượng thừa, thác loạn: 

Ôi Thượng Đế! Tôi vô cùng đau khổ 
Sao sinh tôi cùng một thuở sinh em. 
Thổi linh hồn, cát bụi chắp nên duyên 
Yêu tuyệt đối, nên căm hờn vĩnh viễn.

Từ sự cách biệt âm dương, xa lìa thân xác, phát xuất niềm đau. Tuyệt đối. Edgar Poe. Nhưng cũng chính từ niềm đau tuyệt đối đó, người nghệ sĩ khám phá chân lý. Chân lý lóe sáng như một trực giác, một niết bàn, một Poe-Phật: 

Anh chợt hiểu ra 
Mộ cũ ngày xưa 
Chỉ là nơi em trút bỏ thân hình 
Để sát nhập vào anh 
Kết tình thương làm một. 
Chết có nghĩa là thay hình bỏ lốt 
Cho tâm linh nhẹ gánh thịt xương 
Hình hài ta nay là cát bụi vướng trên đường 
Làm mờ ám chân tâm thanh khiết. 
... 
Giũ thân xác để linh hồn hợp nhất 
Em còn đây 
và sát nhập trong anh...

Sự thức tỉnh kể như toàn diện, vì từ nay, không cần tìm nữa: em chính là Tâm, mà Tâm chính là em: Đi tìm đâu nào biết ở trong Tâm?

*
Sự thức tỉnh không chỉ ở mức độ âm dương sát nhập, giao hòa, mà còn đến cả với vũ trụ vi tinh, vi thể. Hình ảnh giao duyên "mắt sao" lạ và đẹp. Họa sĩ lồng sao trong mắt, lồng mắt trong vũ trụ, tỏa cái nhìn phổ quát, hòa đồng tinh thể và con người, hòa con người với bao la vũ trụ. Trong bối cảnh tâm - thân - vũ - trụ hợp nhất, không rõ đâu là vật thể, đâu là khách thể. Tất cả bật ra một dấu hỏi: Sao? Âm vang phiếm định, hư vô, huyền bí, mà chung nhất, bởi trong - ngoài - có - không, từ thuở tiên thiên vẫn chỉ là một: 

Tưởng đâu vũ trụ vô hình 
Cớ sao thao thức như mình trắng đêm? 
Vòm cao thăm thẳm vô biên 
Có sâu hơn chốn u huyền trong ta? 
Trong ngoài - cách một lần da 
Sao hơi thở vẫn chan hòa chuyển thông? 
Bên ngoài lẫn với bên trong 
Mắt sao hay mắt mình trông lại mình? 
Ta - sao, đồng cảm đồng tình 
Cả hai chung một cái mình bao la.

Tuy nhiên sự xác định không có trong thơ. Thơ chỉ là phiếm định và những dấu hỏi. Người nghệ sĩ đặt những câu hỏi từ đầu đời đến cuối đời. Không lời giải đáp. 

Khi chưa xương thịt, nơi nào ngụ? 
Đến lúc tàn tro, có chốn bay?

Mà nghệ thuật cũng chỉ là một dấu hỏi. Nói thế không sợ phật ý Phạm Tăng, bởi chính nhà thơ báo trước với chúng ta: 

Những lời thơ, thực là thơ 
Chưa từng viết, chẳng bao giờ viết nên 
Như lời nguyện ước không tên 
Ở ngoài sự vật, bên trên cuộc đời.

Phải chăng đây là một trong những định nghĩa sâu xa nhất của thi ca nói riêng, và của nghệ thuật nói chung? Mà chỉ những nghệ sĩ đã "xoáy từng nét bút" "khoan sâu từng lời" mới cảm thấy những mịt mùng, bấp bênh, chênh vênh, vô thường trong sáng tạo.






Hoạ sĩ Phạm Tăng: Trước sau cũng một lối về

Đặng Lê


Dễ đã gần chục năm trôi qua nhưng cho tới hôm nay tôi vẫn nhớ rất rõ hình ảnh của họa sĩ Phạm Tăng trong lần gặp ông ở Paris, trong căn hộ không lấy gì làm rộng lắm của ông ở tít tầng cao một chung cư thường thường bậc trung ở quận 13. Ngồi giữa nhóm văn nghệ sĩ từ Hà Nội sang, trông ông cũng chẳng có gì khác biệt.

Ông kể rằng, Huy Cận, Xuân Diệu... mỗi lần sang Paris đều tới đây chơi với ông, thậm chí còn kê đệm ra ngủ lại... Xuất ngoại từ ngoài 20 tuổi, cho tới tuổi cận kề "cổ lai hy", ông vẫn giữ nguyên một phong thái Việt thuần chất.

Họa sĩ Phạm Tăng sinh ra trên đất Yên Mô, Ninh Bình, mảnh đất mà mãi tới sau này ông vẫn không nguôi xót xa: "Có ai còn nhớ Yên Mô, sông Càn núi Bảng bây giờ còn không?". Có sách ghi năm sinh của ông là 1924, có sách lại ghi là năm 1926. Thiên hướng nghệ thuật đã sớm bộc lộ nên ngay từ năm 1943, ông đã lên Hà Nội học kiến trúc rồi hội họa ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, lò đào tạo những danh họa hàng đầu của nước ta sau này.

Những năm kháng chiến chống Pháp, đã có giai đoạn Phạm Tăng tham gia làm báo yêu nước, chuyên vẽ tranh đả kích bè lũ thực dân và tay sai. Rồi dòng đời đưa đẩy ông ra khỏi Tổ quốc và từ đó bắt đầu hành trình lãng du ở phương trời xa lạ của một trong những họa sĩ có lẽ là vào hàng thành danh nhất của Việt Nam ở châu Âu. 

Khởi đầu gian khó

Ra nước ngoài, Phạm Tăng ngay lập tức lại tìm thầy để học vẽ. Năm 1962, ông tốt nghiệp về hội họa tại Học viện Mỹ thuật La Mã, Italia. Rồi ông lại chuyển sang học về trang trí cũng ở chính nơi này. Sau đó, ông học tiếp môn điêu khắc và dàn cảnh (hai môn này, ông chỉ học tới năm thứ ba thì phải bỏ vì bận bịu công việc kiếm kế sinh nhai và nhiều lo toan khác nữa)...

Với vốn kiến thức và kỹ năng đã thu nhận được, Phạm Tăng lao mình vào công cuộc chinh phục thế giới bằng lao động nghệ thuật. Thân cô thế cô nơi đất khách quê người, Phạm Tăng đã không ngần ngại vừa làm vừa tổ chức triển lãm cá nhân. Dạo đó, trên chiếc xe hơi cà tàng, ông cứ rong ruổi đi khắp nơi với hành trang mỹ thuật của mình, tiện đâu thì ngủ lại đấy trên xe. Dấu chân ông đã đặt tới đủ các đô thị lớn của Italia, rồi sang Bỉ, áo, Hà Lan, Thụy Sĩ... 

Thậm chí, ông còn mang tranh đi triển lãm ở cả Los Angeles! Vượt qua những thử thách ban đầu, dần dà ông đã tạo được cho mình danh tiếng của một họa sĩ tài năng đầy bản sắc, nét vẽ hiện đại nhưng lại vẫn thấm đẫm tính minh triết của á châu.

Trong bài trả lời phỏng vấn một nhà báo nữ người Việt ở Paris, Phạm Tăng kể: "Tôi tự lập với hai bàn tay trắng, ngoài sự xoay xở để sinh sống, có chỗ làm việc và dụng cụ để sáng tác, tôi phải tìm cách lo liệu - bằng cách này hoặc cách khác - những chi phí về tổ chức triển lãm. Một cuộc triển lãm tốn kém từ một ngàn tới hai ngàn đôla, riêng về ấn loát quảng cáo, thuê nhà bày tranh v.v... không kể số lượng tranh từ 20 tới 30, mà chính mình phải có sẵn.

Tại mỗi đô thị lớn ở Âu châu có ước khoảng trên trăm nhà bày tranh, trong số đó không hơn 20 nhà có tiếng. Như vậy, cứ mỗi kỳ trung bình là hai tuần, ở mỗi đô thị có thể có tới hàng trăm họa sĩ trưng bày, không kể những viện bảo tàng công cộng. Trên báo chí, mục phê bình nghệ thuật có hạn, báo hàng ngày thì một tuần một lần, báo hàng tuần thì khi có khi không, một góc cột, một nửa cột, họa hoằn lắm mới có thể ra một trang cho một cuộc triển lãm quan trọng.

Truyền thanh truyền hình thì lại càng khó khăn hơn nữa: một vài phút, một vài giây dành cho những triển lãm đáng chú ý, trừ những mục dành cho các bậc thầy đã công thành danh toại. Giới phê bình nghệ thuật thì khó khăn, có thể nói là có nhiều đẳng cấp. Không dễ gì được các nhà phê bình nghệ thuật danh tiếng nói tới mình, trừ phi nghệ thuật của mình phải đặc biệt, xứng đáng được chú ý đến.

Tôi là một họa sĩ Việt Nam đã lẻ loi đơn độc giữa nước Italia, sức lực thì ốm yếu, tưởng chẳng cần phải nói các bạn cũng có thể thông cảm với tôi, trước những trở lực "bên ngoài" kể trên; ấy là chưa nói tới những trở lực "bên trong", tức là việc xây dựng nghệ thuật, bồi dưỡng bản tính mình trước khi ra thi thố với người.

Chỉ những chuyến ngủ đêm co ro trên xe, ngoài xa lộ, trong đêm lạnh dưới 15-17 độ để đỡ tốn tiền trọ, chỉ những đêm trắng nhìn tuyết tan trên kính, như những dòng nước mắt, trong khi chờ sáng để làm thủ tục quan thuế tại biên thùy cho đỡ tốn tiền chuyên chở tranh, chỉ những lúc ghé vai khuân vác dưới mưa những bọc khung vì không có tiền thuê người đỡ việc, chỉ những khi hồi hộp chờ đợi kết quả vừa về tài chính, vừa về phê bình sau những cuộc triển lãm ế khách, tôi mới thực sự cảm thấy cái giá mình đã phải trả khi muốn được tự do lựa chọn con đường của mình".

Khổ cực, đói nghèo đã không làm nhụt được chí của người mê hội họa như lẽ sống duy nhất. Có công mài sắt có ngày nên kim, những giải thưởng quốc tế dần dà cũng tới. Và năm 1967, Phạm Tăng đã giành được giải nhất do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao cho ngay chính tại Rome.

Bắt đầu những trang mới trong sáng tạo nghệ thuật của Phạm Tăng với những tác phẩm ngày một đậm đà hồn vía của tư duy nhiều u uẩn và trăn trở của ông. Đó là một dòng tranh mà như nhà nghiên cứu Hữu Ngọc sau này nhận xét, "tuy Âu mà cơ bản rất á, rất Việt Nam - tuy trừu tượng mà không khô khan kiểu hình học, trí tuệ một cách kín đáo, sâu sắc mà lại có dáng dấp hiện thực".

Thực tế cho thấy, họa sĩ Phạm Tăng có quyền chính đáng để tự hào viết về cho bạn bè ở Việt Nam chuyện "đem chuông đi đấm nước người" trong hội họa của ông: "Những hồi chuông tôi gióng ở Tây phương thực cũng đã gây được nhiều tiếng vọng. Và có thể nói với anh không ngần ngại gì, là những âm vọng từ xưa tới nay, kể từ khi đất nước mình bị đô hộ, chưa có ai làm hơn" (trích theo lời cố nhà thơ Trần Lê Văn trong bài tựa tập thơ của Phạm Tăng do Nhà xuất bản Văn học in tại Hà Nội năm 1994).

Vẽ để lưu hồn

Căn hộ tại Paris của họa sĩ Phạm Tăng gần như chỉ có một vật trang trí duy nhất là bức tranh "Vũ trụ" của ông (các tác phẩm đáng kể khác của ông thì bức ở trong các viện bảo tàng, bức đã bị các nhà sưu tập tranh mua về cất giữ từ lâu). Thật sự đấy là một họa phẩm rất đặc sắc, rỡ ràng các gam màu, đan quyện các chi tiết, vừa lôi cuốn ta vào những đoán định cụ thể, vừa khiến ta phải chới với trong tưởng tượng. Năm 1981, Phạm Tăng từng viết thơ cho bức tranh "Vũ trụ" như sau: "Trông lên thiên thể bao la, Nhìn vào sâu thẳm trong ta mịt mùng. Xác thân: vạch nối đôi vùng, Khoát tay một nét: cuộn tròn càn khôn! Đất trời, mở rộng tay ôm, Phút giây xuất Ngã, bền hơn cuộc đời".

Hiểu sâu hội họa phương Tây, Phạm Tăng biết rằng nền mỹ thuật tư bản chủ nghĩa hiện đại đang lâm vào khủng hoảng: "Guồng máy khổng lồ nhằm sản xuất nhanh chóng của nền văn minh tiêu thụ, do giới tư bản kỹ nghệ nắm giữ, gạt dần dần nghệ thuật - vốn dĩ là một sản xuất có tính cách thủ công chậm chạp - ra ngoài lề xã hội.

Mặt khác, nghệ thuật hội họa xưa kia được xây cất trên thực tại, giá trị của nó được xã hội bảo đảm coi như bất di bất dịch, giờ đây thực tại đã bị truất phế vì giới họa sĩ cấp tiến muốn hoàn toàn giữ vai trò chủ động trong việc sáng tác. Hội họa trở thành ngôn ngữ trừu tượng của từng cá nhân họa sĩ với sự tự do phóng túng phô diễn cảm nghĩ riêng của từng người. Có những ước vọng muốn vượt lên trên thực tại như xu hướng trừu tượng kỷ hà. Có những ước vọng muốn diễn đạt sâu hơn thực tại như xu hướng trừu tượng vô thể.

Mỗi nghệ sĩ đều cố gắng tìm cho mình một bản sắc riêng. Vì thực chất cá nhân dị biệt nên hội họa phương Tây ly khai với xã hội. Từ ly khai đến cô độc. Từ cô độc đến thất vọng, phẫn nộ, chống đối, phá hoại, làm cho hội họa mới Tây phương tưởng như bị đẩy vào tuyệt lộ...".

Trong tình hình đó, Phạm Tăng đã tìm ra lối đi riêng của mình. Vẽ với ông có nghĩa là "xây dựng cái hồn tranh". Ông nói: "Cái hồn tranh mà tôi muốn xây dựng không thể là cái hồn tranh giả tạo cổ điển, cũng không phải là cái hồn mập mờ nửa thực tại, nửa trừu tượng. Nó là cái hồn của chính bức tranh, tự những tổ chức cấu tạo của nó mà nó có cái hồn. Nói rõ hơn, hồn tranh là hồn xuất hiện tự bút pháp của người họa sĩ mà ra... Tôi hoàn toàn tự do suy ngẫm ngoại giới, kết lọc những cái tinh túy bên trong, gạt bỏ những thừa thãi giả tạo, nhìn ngoài xong lại nhìn trong, cố gắng tìm ra chân tướng của sự sống để thể diễn lên trên tranh, đem phổ sự sống đó vào nét vào hình vào sắc...".

Tranh của Phạm Tăng không dễ hiểu nhưng cũng không khó cảm. Có lẽ đây là bí quyết thành công của ông chăng? Không ai tiên lượng được hết lòng người nhưng ai cũng yêu thích những lòng người đồng điệu. Tranh Phạm Tăng là tấm lòng của ông đối với nhân sinh, chân thành, cởi mở dẫu luôn ẩn chứa những tín hiệu bí ẩn để ta bị ám ảnh và suy ngẫm khôn nguôi.

Giữ trọn lời thề

Vốn là người không màng danh lợi, Phạm Tăng trong những năm gần đây sống khá lặng lẽ, thậm chí có thể nói là ẩn dật. Ngay cả khi về Hà Nội, ông cũng không xuất hiện ở những chỗ đông người. Ông ít nói về mình, vì những câu thơ và tranh của ông đã tự nói lên tất cả. Lối sống ấy Phạm Tăng có được là vì người họa sĩ lừng lẫy này dường như đã "đắc" cái đạo đời: "Lang thang khắp mặt địa cầu, Thịt xương: áo đã ngả màu hoàng hôn! Lợi danh chẳng quản mất còn, Hành trang: đến cả linh hồn cũng dư"...

Từng có đủ mọi thứ và cũng đã bị mất mát nhiều trong cõi nhân gian này, họa sĩ Phạm Tăng giờ đây có lẽ chỉ còn một niềm mơ ước: "Trước sau cũng một lối Về, Giữ sao cho trọn lời thề với Thơ!". Và với cả hội họa, với quê hương của mình nữa

Đặng Lê










Phạm Tăng, họa sĩ

HỮU NGỌC


Tôi thuộc loại người không theo kịp thời đại. Nghe nhạc Rock, nhạc Jazz thì chối tai, chỉ muốn cái gì êm dịu, cổ điển. Khi xem khu nghệ thuật hiện đại ở Beaubourg - Paris thì ngơ ngẩn như Chúa Tàu nghe kèn, cứ im thin thít sợ giống đức Vua trong truyện Andersen. Tôi không thích thú nghệ thuật trừu tượng, nói chung. Có lẽ, theo cảm xúc Á Đông “của tôi”, nó khô quá, trí tuệ quá, công nghiệp hóa quá. Nhưng những năm 80, mấy lần xem tranh của Phạm Tăng ở Paris, phần nào tôi phải xét lại ý kiến - có lẽ là thành kiến - của mình về tranh trừu tượng.

Tranh Phạm Tăng tuy Âu mà cơ bản rất Á, rất Việt Nam - tuy trừu tượng mà không khô khan, trí tuệ một cách kín đáo sâu sắc mà lại có dáng dấp hiện thực.

Có điều lạ là nó lạc quan, hay ít nhất không bi quan buồn chán. Điểm này khiến tôi nghĩ đến hai người bạn là nhà thơ Quang Dũng và Trần Lê Văn.

Thường gặp Quang Dũng thì bao giờ cũng vui đùa, “tếu” là chuyện khác. (Tuy cuộc đời riêng thì đầy khó khăn về tinh thần và vật chất - có những lúc ăn không đủ no, phải đi quét lá về cho vợ thổi cơm). Bề ngoài thì vui nhộn mà thơ thì buồn. Trần Lê Văn cũng gặp những hoàn cảnh trớ trêu không kém gì Quang Dũng, nhưng thơ anh, cả văn xuôi của anh lại nhiều khi lạc quan, rất vui.

Cho hay, phê bình nghiên cứu cũng nên thận trọng không nên suy luận máy móc. Không nhất thiết nghệ sĩ buồn thì bao giờ cũng thể hiện cái buồn trong tác phẩm, và ngược lại. Chỗ này, có khi cụ Freud có lý khi nêu hiện tượng tâm lý “dồn nén” và lối thoát của vô thức và tiềm thức.

Phạm Tăng sinh năm 1924 ở Yên Mô (Ninh Bình), một làng quê như giống trăm nghìn làng quê khác ở đồng bằng sông Hồng. Những bụi tre xanh, cây đa bến nước, hàng cau sân đình, tiếng chuông chùa ngân khi sẩm tối, hương bưởi đêm xuân…, biết bao những hình ảnh bình dị mà thân thương ấy sẽ quyện vào đường nét và màu sắc của anh.

Anh học hội họa và kiến trúc ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội). Mười lăm năm sau, lưu lạc sang châu Âu, anh đã đi sâu vào tất cả các môn dạy ở Viện Mỹ thuật La Mã (Accademia de belle arti di Roma). Anh tốt nghiệp môn hội họa và môn trang trí, sau đó theo học thêm môn điêu khắc và môn nghệ thuật trần thiết sân khấu. Năm 1967, tài năng của anh được công nhận với giải Nhất của Unesco (Tổ chức giáo dục khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc) ngay tại đất Thánh của hội họa là La Mã.

Một đặc trưng của sáng tác Phạm Tăng là tổng hợp những điểm đối lập để đạt tới một tổng thể không thể chia cắt được.

Hội họa phương Tây đi vào ngõ cụt với sự đối lập giữa tượng hình và trừu tượng từ khi xuất hiện xã hội công nghiệp kỹ trị. Phạm Tăng đã giải quyết mâu thuẫn ấy bằng cách hợp nhất mộng và thực, trang trí và hiện thực, cụ thể và trừu tượng, Đông và Tây, con người và thiên nhiên, vi mô và vĩ mô.

Đối với Phạm Tăng, vũ trụ là nhịp điệu, nhịp điệu là phương thức của vận động. Mây trên trời, sóng đại dương, hàng muôn triệu thiên hà, ngày và đêm, bốn mùa trong năm, vân ngón tay, thái dương hệ, tiếng chim ca, tế bào chiếc lá, cấu trúc các tinh thể - từ cái vô cùng bé đến cái vô cùng lớn, tất cả vật chất đều vận động theo nhịp điệu. Bằng một sự khổ luyện mỹ cảm, người nghệ sĩ cố gắng nhập nội tâm của vật chất để tái tạo nhịp điệu của vũ trụ.

Tác phẩm của Phạm Tăng là những tấm gỗ lắp vào nhau, vẽ sơn dầu mà sử dụng cả kỹ thuật vẽ sơn mài (gắn vỏ trứng…). Thoạt nhìn như một bức tranh ghép gợi lên nhiều hình ảnh trừu tượng mà lại tượng hình: muôn đám hoa tươi nhiều màu sắc, hình ảnh nhìn qua kính vạn hoa hay kính hiển vi điện tử, tinh vân chuyển quay - mây trôi hay sóng gợn… tác phẩm toát ra một không khí thanh bình, sự thanh thản của tâm hồn. Xem xa rồi lại xem gần: cầm một kính lúp mà soi vài cen-ti-mét vuông thì óc tưởng tượng của người xem tranh lại phát hiện ra không biết bao nhiêu hình ảnh hay vũ trụ vi mô.

- Tôi tìm kiếm - Phạm Tăng nói - sự cảm thông không những với thiên nhiên mà cả với con người. Tôi muốn nghệ sĩ với người xem chỉ là một. Do đó, các bức họa của tôi không có khung, tôi không “đóng” mà muốn “mở” cho mọi người nhập vào tranh, ra vào lúc nào tùy hứng, tùy mình thông cảm mà tạo vũ trụ của mình qua toàn bộ hoặc một chi tiết của tranh.

Tôi không thấy trong tranh Phạm Tăng những lời thơ vang vọng bi kịch cuộc đời anh như:

“Lạnh đâu thấm nhập vào phòng?
Không đâu! Lạnh ở trong lòng lạnh ra!
Bên ngoài chỉ có sương sa
Bên trong giá buốt hơn là tuyết băng!”

Dường như từ thơ sang họa, chất đau thương đã được tôi luyện và tan biến vào trong cái siêu hình:

“Hương tan trong gió mình quên chính mình.
Không Danh, Tướng, chẳng Sắc, Hình
Trước - Sau không có, cái Mình không tên”

Có những bức tranh nom như tinh vân của anh là những bài ca vũ trụ thanh thản:

“Siêu nhiên tịch mịch, u huyền.
Xác thân hòa nhập Tâm Thiền trống không”,

khiến tôi nghĩ đến “Hai vô cực” của Pascal.










Ký họa Sơn Trúc








Thơ, họa Phạm Tăng

Họa sỹ, nhà thơ Phạm Tăng sinh ra và lớn lên ở Yên Mạc, huyện Yên Mô. Đó là một vùng quê nổi tiếng hiếu học với những nhà khoa bảng và quan chức lớn thời phong kiến như Hoàng giáp Ninh Địch (đỗ Đệ nhị giáp - tiến sỹ xuất thân, khoa Mậu Tuất, đời vua Lê Dụ Tông, năm 1718); Thượng thư Ninh Tốn (đỗ Tiến sỹ Hội nguyên, khoa Mậu Tuất, năm 1778, đời vua Lê Hiển Tông); tham biện nội các, Toản tu sử quán, trưởng Hàn lâm viện Vũ Phạm Khải triều Nguyễn...

Bản thân ông Phạm Tăng là cháu năm đời của Thượng thư, Hiệp biện Đại hội sỹ, Cơ mật viện Đại thần Phạm Thận Duật. Ông đã từng theo học hội họa ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội), sau đó tiếp tục đi tu nghiệp ở châu Âu và cuối cùng với bằng tốt nghiệp các môn hội họa, trang trí, điêu khắc, thiết kế sân khấu tại Viện Mỹ thuật Rôma (Accademia de bele arti di Roma của Italia).

Trên con đường nghệ thuật, mặc dù chủ yếu sống và làm việc ở châu Âu, nhưng ông đã tìm tòi sáng tạo một cách vẽ riêng cho mình, không chịu ảnh hưởng của nền hội họa phương Tây hay Trung Hoa chi phối. Vì vậy, khi trả lời phỏng vấn của Tạp chí Bách Khoa (Việt Nam), ông đã không ngần ngại nói rõ quan niệm của mình về hội họa: "Hội họa Việt Nam phải bộc lộ được bản sắc riêng, góp một tiếng nói với hội họa thế giới, dù là một tiếng nói nhỏ bé, nhưng là tiếng nói của riêng mình, không lai căng Tây hay Tàu. Tôi cảm thấy hãnh diện là mình không mất rễ, không đụng chạm trực tiếp với phương Tây, tôi nhờ sức phản ứng mà phá tung được mọi xiềng xích nô lệ do sự phụ thuộc vào lối nhìn nhận sự vật, ảnh hưởng của hội họa phương Tây và Trung Hoa thời kỳ bị đô hộ. Chính là nhờ ở lòng ham muốn tự do và ở chí quật cường của dân tộc, tôi mới tìm được một đường lối giải thoát cho nghệ thuật của riêng mình".

Và thực sự ông đã tìm ra lối đi riêng cho chính mình và đã gặt hái được nhiều thành quả trên con đường nghệ thuật gập ghềnh đèo dốc. Giới mỹ thuật biết đến một họa sỹ Phạm Tăng từng đem lại vẻ vang cho đất nước, khi ông nhận giải nhất về hội họa của Tổ chức UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) trao tặng với bức tranh "Vũ trụ" năm 1967, ngay tại đất thánh của hội họa thế giới là La Mã và nhiều giải thưởng quốc tế khác.

Ngay sau đó, năm 1968 một nhà phê bình hội họa của uy tín là Andere Lemoine với những trang viết đầy tâm huyết và khẳng định tính khám phá trong từng tác phẩm hội họa của Phạm Tăng "Nghệ thuật của Phạm Tăng là một chuỗi liên tiếp những khám phá choáng ngợp, bởi vì người ta không bao giờ biết được tác phẩm khởi đầu từ đâu và chấm dứt ở đâu; mỗi bức tranh là hằng hà sa số vũ trụ mà mắt ta lướt qua trên đó chẳng khác gì một phi thuyền không gian đi kiếm tìm các thế giới khác".

Khi gặp lại bạn bè là cựu sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương xưa, ông tâm sự: "Thử ngắm kỹ những hàng lớp đá chạy trên sườn núi, đám mây bay vẩn đục trên bầu trời, làn sóng cuộn trên mặt biển, dấu viết gió vờn trên bãi cát, đường vân nổi trên con ốc biển, trên viên đá sỏi, trên mặt rong rêu... đều có thể nhận thấy rõ ràng một nhịp vận chuyển thật sinh động tự nhiên, hiển hiện thành đường nét, khi lên khi xuống, lúc hiện lúc tan, vừa xô đẩy cuốn hút, vừa êm ả nhẹ nhàng xoay vần di động... Nhắm mắt lại, nhìn vào lòng mình, tôi cũng thấy hiển hiện những đường nét đó, khi vui buồn, lúc mừng giận, nhất nhất mọi cảm xúc đều có thể vẽ thành những đường nét uyển chuyển trùng điệp gắn bó vào nhau"... Lời bộc bạch giãi bày tâm sự trên thật ra đã chứa đựng một nội hàm sâu lắng về nhân sinh quan và phương pháp tiếp cận thế giới quan của họa sỹ Phạm Tăng đối với cuộc đời và sự nghiệp.

Đúng như lời nhận xét của họa sỹ Hữu Ngọc về ông qua một bài báo in trên Nhân Dân chủ nhật ngày 16-4-1989: "Phạm Tăng đã tổng hợp những điểm đối lập để đạt tới một tổng thể không chia cắt được"...

Và nỗi khát khao, niềm mơ ước trong nhịp điệu của cuộc sống quá khứ, hiện tại và tương lại, khi đã thành công trong nghệ thuật, đã có danh, Phạm Tăng đã dừng lại không đi theo số lượng, mà chủ yếu vẽ thiên về chất để chiêm nghiệm nghệ thuật và cuộc sống ở một chiều khác, ở một góc độ khác với sự rộng dài sâu lắng của thời gian và không gian.

Bên cạnh sự thành công trong lĩnh vực hội họa, Phạm Tăng còn đến với thơ. Nhưng như lời ông đã từng nói, làm thơ để trò chuyện tâm tình với chính mình và để bảo tồn, rèn giũa tiếng mẹ đẻ, khi hàng ngày xung quanh mình không có người Việt Nam để đàm đạo.

Lời nói trên đã được thực tiễn kiểm nghiệm và nhất quán, nếu như ai đó đã từng đọc bức thư của ông gửi bạn là nhà thơ Trần Lê Văn nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1994: "Thực ra, tôi làm thơ để trò chuyện tâm sự với chính mình hơn là để thành thi sỹ. Nhất là lẻ loi, đơn độc ở xứ người hàng mấy chục năm, không có người Việt để đàm đạo, làm thơ chính là để bảo tồn tiếng nói mẹ đẻ của mình, hướng về quê hương, tổ tiên và không quên cội nguồn"... với những tứ thơ da diết làm sao:

Có ai còn nhớ Yên Mô
Sông Càn, núi Bảng bây giờ còn không?...

Đồng thời, ông cũng bộc bạch nỗi lòng của mình đối với mảnh đất quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn với chất giọng hoài cảm, phảng phất nỗi buồn, nỗi cô đơn, đọc nghe sao mà day dứt:

Người đi thuở trước, mình đưa tiễn
Đến lượt mình đi thiếu một người
Mảnh đất từ đây, ai ấp ủ?
Gương thề mặt đá, bóng trăng soi.
(Thơ Phạm Tăng - Gương thề mặt đá)

Cuối năm 1993, từ Italia, Phạm Tăng đã gửi bản thảo một tập thơ về nước, nhờ bạn bè xin giấy phép xuất bản, in ấn hộ và từ đó tập "Thơ Phạm Tăng" đã ra mắt bạn đọc (NXB Văn học - Hà Nội 1994). Năm 1995, tuyển tập "Thơ Ninh Bình" với tác phẩm chọn lọc của nhiều tác giả và gần đây "Tuyển tập thơ Ninh Bình ngàn năm" do Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình in ấn.

Cảm nhận thơ ông, ngày 13-3-2003, Trường Đại học Paris 7 và Đài Phát thanh Văn hóa Pháp đã tổ chức một đêm thơ châu á trong khuôn khổ lễ hội "Mùa xuân của các nhà thơ" đã mời 4 nhà thơ của 4 nước châu á tới dự là Douduo (Trung Quốc), Ryoko (Nhật Bản), Không Un (Hàn Quốc) và Phạm Tăng (Việt Nam). Sự kiện trên đã gây dư luận và khơi dậy tính tò mò của những người làm thơ trong nước, trong đó có giới văn nghệ sỹ Ninh Bình quê hương ông, bởi vì người ta chỉ biết đến một họa sỹ Phạm Tăng tài hoa, chứ chưa biết nhiều về một nhà thơ Phạm Tăng ngẫu cảm thi hứng.

Năm 1994, khi trở về thăm đất nước, thăm quê hương Ninh Bình, thăm bạn bè sau gần nửa thế kỷ xa nhớ. Tại trụ sở của Nhà xuất bản Thế giới, những bạn đồng học thời sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, nay nhiều người trong số đó đã thành đạt về nghề nghiệp, đã trở thành những danh họa nổi tiếng, đó là Phan Kế An, Mai Văn Hiến, Phan Tại, Trần Duy, Lê Trung Đức.. các bạn thơ của ông như Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh, Trần Lê Văn... và giới văn nghệ sỹ quê hương đã giang tay đón Phạm Tăng, như đón một người thân trong gia đình vậy.

Đến nay, nếu ở Việt Nam thì ông đã mấy lần được tổ chức lễ mừng thọ rồi. Có thể vì lý do tuổi cao, sức yếu nên ông không thể về thăm nơi chôn nhau, cắt rốn một lần nữa. Nhưng ở nơi đất khách quê người xa xôi nửa vòng trái đất ấy vẫn có một người con xa xứ luôn đau đáu nhớ về quê hương.

Trần Lâm Bình











Hoạ sĩ và nhà thơ Phạm Tăng, người bạn vong niên, người anh tinh thần của tôi, đã rời bỏ cõi tạm mà anh hằng gắn bó. Với tôi, anh còn, mãi mãi. Chỉ khác là không còn có những buổi tâm sự mà thôi.


NGƯỜI Ở TRONG MÂY


Một hôm, nhân có chuyện làm việc với nhà nghiên cứu văn học Thụy Khuê, tôi thấy trong phòng khách có mấy bức tranh sơn dầu. Ánh điện không đủ sáng, tôi phải lại gần mới xem được thì thấy một bức ký tên Phạm Tăng. Tôi hỏi chị:

- Tác giả bức tranh này còn sống hay mất rồi hở chị?

- Sao anh lại hỏi thế?

- Đã quá lâu tôi không nghe ai nói tới Phạm Tăng. Ở tuổi tôi khi người nào bặt tin thì mình dễ nghĩ vậy lắm.

- Anh quen anh ấy sao?

Thụy Khuê mở to mắt nhìn tôi. Chị ngạc nhiên là phải – tôi là người đến từ miền Bắc, Phạm Tăng là một hoạ sĩ miền Nam.

- Vâng – tôi nói – Chị cũng biết Phạm Tăng?

- Chúng tôi là bạn mà. Anh Tăng còn sống, anh ạ.

- Hiện anh Tăng ở đâu?

- Ở đây, ngay Paris.

Một niềm vui vỡ òa trong tôi. Tôi nắm tay Thụy Khuê, tôi vật nài:

- Chuyện chúng mình định bàn hôm nay để lại bữa khác đi, chị Thụy Khuê nhé? Mình còn nhiều thời gian mà. Hãy dẫn tôi tới gặp anh ấy. Ngay bây giờ.

Thụy Khuê chiều tôi, chị nhanh chóng mặc đồ đưa tôi đi.
Phạm Tăng nhận ra tôi ngay, mới lạ. Con mắt và trí nhớ hình của hoạ sĩ quả có khác người.

Chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Anh mừng ra mặt, lại còn gọi đúng tên tôi nữa.

Tôi nhận ra anh không khó – diện mạo người đã trưởng thành ít thay đổi. Khi chúng tôi quen nhau, tôi là đứa trẻ, anh là thanh niên. Giờ đây anh thanh mảnh hơn, nói khác đi là gày hơn. Nhưng vẫn gương mặt ấy, vẫn những đường nét ấy, vầng trán nay dường như cao thêm vì không còn mái tóc xanh và dày xõa xuống mắt. Giọng nói cũng khác – cao hơn, nhẹ hơn.
Những hình ảnh một thời rất xa vụt hiện về: những con đường làng Yên Mô trù phú với tiếng bật bông vẳng ra qua những hàng rào, cầu Bút, núi Voi, núi Bảng, Quảng Công…

Đó là năm 1948. Tôi là học sinh một trường Nam Định tản cư về Ninh Bình, ngày ngày vác bàn tự tạo đến một ngôi đình thay cho phòng học. Nhà Phạm Tăng ở gần nhà tôi. Chúng tôi ít khi gặp nhau vì phần lớn thời gian anh ở Nam Định, nơi có hai tờ báo in li tô bằng tiếng Việt và tiếng Pháp là tờ Công Dân và tờ l’Étincelle. Trong công việc làm báo này anh có một người bạn gắn bó với anh suốt đời là anh Hữu Ngọc.
Khi nào Phạm Tăng về nhà là y như rằng tôi có mặt, bao giờ cũng cặp kè với Hà Chính Hành, bạn lớn ở lớp trên. Hà Chính Hành là người thuộc nhiều thơ, thuộc đến nỗi có thể đọc ngược truyện Kiều. Vào thời gian ấy chúng tôi rất yêu thơ, từ những áng văn bất hủ của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm đến Lỡ Bước Sang Ngang của Nguyễn Bính. Đến với Phạm Tăng, chúng tôi ngồi đực, ngắm không biết chán những bức tranh của anh treo la liệt trên tường. Phạm Tăng là hoạ sĩ đầu tiên và duy nhất mà tôi được biết. Nghe tôi nhắc đến những cái tên những bức “Người du kích”, “Mùa gặt”, “Quê hương”…

Phạm Tăng nhìn tôi chăm chú rồi lắc đầu:

- Tài thật, chịu cậu đấy, làm sao mà cậu có thể nhớ được chứ?

- Chúng là những bức tranh đầu tiên tôi thấy, tranh thật – tôi tìm câu trả lời, với một chút ngắc ngứ - Trước đó tôi chỉ biết có tranh minh hoạ trên báo.

- Mình quên hết rồi - Phạm Tăng thờ ơ nói – Chúng là tranh của một thời ấu trĩ, những bản sao thực tại, tự nhiên chủ nghĩa…

Chị Thụy Khuê ngồi, tay chống cằm, lặng nghe những mẩu chuyện không đầu không đuôi, nhảy từ đề tài này qua đề tài khác về một quá khứ xa xôi, cả về thời gian, cả về địa lý. Rồi sực nhớ thiên chức phụ nữ, chị vội vã vào bếp đun nước pha trà. Chúng tôi vừa nói chuyện vừa trân trân nhìn nhau, như không tin vào lần gặp gỡ bất ngờ. Từ trong bếp vẳng ra tiếng nước reo trong ấm.
Từ năm 1948 tới năm 1996 là gần nửa thế kỷ - một quãng dài trong đời người.
Phạm Tăng vào thành, tôi đi bộ đội. Tin anh vào thành, tôi có nghe. Đất nước chia hai, như hai thế giới. Tôi không nhớ tới anh nữa trong sự bưng bít thông tin về miền đất bên kia sông Bến Hải, trừ tin chính trị. Nhắc lại thời gian ở Yên Mô, mắt Phạm Tăng mờ đi. Tôi cũng vậy. Với tôi, nó là một đoạn đời không thể quên, khi lần đầu tiên cậu học trò mới lớn biết xúc động trước vẻ đẹp của những người con gái. Chế Lan Viên nói thật hay: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn…”
Từ đó, chúng tôi không xa nhau nữa.

Phạm Tăng thường gọi điện thoại cho tôi, nhất là khi lâu không gặp. Những cuộc gọi dài và rất dài, bất kể vào giờ nào, có khi giữa đêm khuya. Trong thành phố này tôi là người duy nhất biết anh từ những năm xa xưa, và qua anh biết bạn bè anh. Anh gọi cho tôi khi những bóng mờ trong ký ức chợt về. Nỗi nhớ quê hương không chịu ngủ yên trong anh. Kèm theo nỗi nhớ này là một sự giằng xé trong sâu thẳm tâm hồn. Anh nhớ lắm một thời trai trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Với anh, nó là thời gian tuyệt đẹp.

- Anh em mình hồi ấy sao mà trong sáng, phải không? Mình không thể nào quên một kỷ niệm với Lưu Quyên. Cậu nhớ anh ấy chứ?

- Lưu Quyên làm kinh tài.

- Còn nhớ ông Giang chủ tịch Liên khu 3 không?

- Nhớ chứ. Chúng tôi bị tù cùng nhau trong một vụ án vớ vẩn. Tôi nhìn thấy ông cầm cái bát sắt tráng men sứt sẹo có cái đuôi cá khô nhô lên trên phần cơm tù ở Hỏa Lò. Tôi ngồi bên ông lúc ông hấp hối trong gian nhà dột nát ở chùa Liên Phái vào một đêm mưa…

- Mình có nghe chuyện xảy ra với ông Giang. Một con người chân thật, mộc mạc, tốt bụng. Có quá nhiều cái mình không ngờ có thể xảy ra đã xảy ra…

Tôi nghe tiếng thở dài ở đầu dây bên kia.

- Anh kể chuyện anh Lưu Quyên đi.

- Một đêm vợ chồng Lưu Quyên bị chủ thuyền đuổi khỏi con đò dọc, khi chị ấy đột ngột trở dạ - anh kể, bồi hồi - Dân sông nước mê tín lắm, cậu thừa biết. Chị ấy chỉ được nằm lại nếu trả cho người lái đò một khoản tiền bằng giá con đò. Lưu Quyên mang theo mình cả một cặp đầy ắp tiền, nhưng lại không chịu bỏ ra. Đã tính bảo cho thuyền cập bến, đưa vợ lên bờ…

- Rồi sao?

- Mình đi cùng vợ chồng Lưu Quyên, không nhớ đi việc gì. Mình lại đang sẵn tiền – chả là ông Đặng Kim Giang vừa gửi cho một món, coi như tiền thưởng làm báo, vẽ tranh địch vận. Mình bảo: “Để tớ trả”. Lưu Quyên không chịu, nói mãi mới bằng lòng. Thế đấy, vợ sắp đẻ, cứ lấy của công ra trả cái đã, có sao đâu. Nhưng không, một đồng của công Lưu Quyên nhất định không nhả ra. Có thể gọi những con người như thế là gì? Những con người lý tưởng, chỉ có trong một thời lý tưởng.
Tôi bắt gặp ở nhiều người nỗi nhớ khôn nguôi về thời gian đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, không chỉ ở Phạm Tăng. Nhà thơ Hà Thượng Nhân, từng làm giám đốc Đài phát thanh Quốc gia của Việt Nam Cộng hoà, bị đi tù cộng sản từ năm 1975 tới năm 1983 cũng có một tâm trạng y như vậy. Anh là một người chống cộng kiên định, bè bạn gọi anh là Hà Chưởng Môn, người đứng đầu cả về thơ lẫn lập trường trong cộng đồng Việt ở San Jose. Thế mà trong tâm sự với tôi, anh vẫn bùi ngùi nhắc đến những kỷ niệm với bè bạn trong kháng chiến. Với tướng Nguyễn Sơn, anh đặc biệt kính trọng và yêu mến, ví ông như Từ Hải trong truyện Kiều.

Mới thấy chính quyền cộng sản đã phí phạm những người con ưu tú của đất nước đến thế nào.
Tôi không hỏi vì sao Phạm Tăng bỏ kháng chiến vào thành. Anh cũng tránh, không nói. Nó là nỗi đau đã thành sẹo. Dù anh vẫn nhận được tin tức trong nước, vẫn biết những chuyện không hay xảy ra với người này người kia trong số bạn bè ở lại, những kỷ niệm về một thời với anh là đẹp mãi mãi đóng cứng trong trí nhớ. Anh không chịu, không muốn nghĩ, lại càng không muốn chứng minh rằng sự bỏ đi của mình là một lựa chọn đúng.
Tôi thường đến ngồi với anh cả buổi, có khi gần hết ngày, trong căn hộ nhỏ ở Quảng trường Các Quyền Tự do (Place des Libertés) thuộc tỉnh lỵ Bonneuil-sur-Marne. Cái quảng trường nhỏ bé này luôn có hoa - hoa trong bồn cỏ, hoa trên các cột điện. Gọi là tỉnh lỵ, chứ Bonneuil-sur-Marne chỉ là một bidonvile của Paris, tỉnh ngoại ô, từ trung tâm đến đấy có thể dùng Metro và bus của thành phố.

- Ở đây mình thừa tự do – anh cười chua chát – Lại càng thương những người không có nó.

Câu chuyện nào rồi cũng dẫn tới quê hương xa xôi.
- Tại sao anh bỏ Sài Gòn để sang châu Âu? Cái gì khiến anh bỏ nó để tới nơi anh chưa từng đến, nơi anh không hề biết, ném mình vào mung lung? Con đường phiêu lãng vô định ấy rồi dẫn anh tới đâu? Nó cho anh những gì?

Nhà thơ Du Tử Lê dồn dập hỏi. Gặp Phạm Tăng là một tình cờ hi hữu, anh hỏi suốt, hết câu này đến câu khác. Mặc dầu có thời cùng sống ở Sài Gòn, Du Tử Lê chưa từng giáp mặt người mà anh gọi là “Con phượng hoàng Việt Nam trên bầu trời nghệ thuật Tây phương”. Trong chuyến đi Paris cuối năm 2015, anh nằng nặc bắt tôi phải đưa đi gặp Phạm Tăng ngay lập tức.

- Tại sao ư? Lý do thì nhiều – Phạm Tăng không trả lời thẳng vào câu hỏi – Chúng ta lớn lên với tranh Tết Đông Hồ, với Đám Cưới Chuột, với Hái Dừa, Đánh Ghen, với Cá, với Gà, với Lợn... Người Pháp đưa đến cho chúng ta kỷ hà học, sơn dầu, thuốc nước. Tôi rất muốn đến tận nơi đã sản sinh ra những bậc thầy của hội hoạ Tây phương, ngoài hội hoạ Pháp mà mình đã biết, để xem từ xa xưa những bậc thầy hội hoạ ở đấy đã đưa lên khung vải cái nhìn thấy bằng đường nét, bằng màu sắc theo những cách nào… Lại đúng vào lúc có một học bổng đại học hội hoạ do Ý cấp. Thế là đi.

- Anh từng ở trong tâm bão gây nên bởi bức vẽ không ký tên trên bìa nhật báo Tự Do số Xuân 1959 với bầy chuột đục khoét trái dưa hấu. Nó đã trở thành một scandal chính trị như một ám chỉ về nạn tham nhũng dính dáng tới gia đình cố tổng thống Ngô Đình Diệm… Sự thật là thế nào?

- Tôi đã có lần lên tiếng rồi – Phạm Tăng vắn tắt, anh không thích câu hỏi – Người khác là tác giả, không phải tôi.
Du Tử Lê có một bài viết rất dài đăng nhiều kỳ trên nhật báo Người Việt ghi lại cuộc trò chuyện rất dài và rất lan man với Phạm Tăng trong một ngày mưa. Những dòng nước theo nhau, đuổi nhau chảy trên kính cửa, một bối cảnh thích hợp cho sự gợi nhớ quá khứ.

Du Tử Lê nhích lại gần Phạm Tăng hơn nữa, chằm chằm nhìn anh, nuốt từng lời. Trong cuộc gặp gỡ không định trước, anh hối hả đưa ra cả một đống câu hỏi, không khác gì một phóng viên đang hành nghề. Đến nỗi anh không thấy nhiều lúc Phạm Tăng vờ không nghe anh hỏi gì.

Phạm Tăng rõ ràng không muốn nhắc tới quá khứ nghề nghiệp. Anh đã rũ bỏ nó như một tấm áo rách. Thôi thì mặc, những người nghiên cứu hội hoạ Việt Nam sau này muốn viết gì về Phạm Tăng thì viết – những cuộc triển lãm gây nhiều tiếng vang, những lời ca ngợi, những bằng khen được tặng. Anh không tự hào về những cái với người khác là những huân chương xếp hàng trên ngực. Anh không thích nói về những cái mà người ta gọi là thành tựu. Chọn cuộc đời ẩn sĩ, anh tránh mọi quấy rầy.
Câu chuyện với Du Tử Lê diễn ra bên dưới bức tranh khổ lớn choán cả bức tường. Đó là bức “Vũ trụ”, được UNESCO tặng huy chương vàng hội hoạ năm 1967.

Để sống, Phạm Tăng đã bán dần tất cả những gì anh vẽ, chỉ giữ lại một bức này. Anh bảo nó chứa đựng mọi suy ngẫm của anh về nhân sinh, là triết lý về cuộc đời, về cái ngã và vô ngã trong một vũ trụ vô cùng, bất tận, vô sinh, vô tử, được biểu hiện trong vô vàn tế bào nguyên sinh , những khoanh tròn đồng tâm với những màu đổi nhau, khi ẩn khi hiện, biến hoá khôn cùng trong một toàn cục bao la - một ngân hà này trùm lên một ngân hà khác, cứ thế trườn đi mãi, vượt ra ngoài khung vải.
Phạm Tăng kể:

- Mình không tiếc đã bỏ Sài Gòn để đi tới vùng đất mới. Ở Sài Gòn mình sống sung túc, có thể gọi là thừa mứa. Đến Roma mình phải ở nhờ một tu viện nghèo của một dòng tu khổ hạnh. Tiền học bổng chỉ đủ để ăn mì với cà chua hoặc pizza chay. Không, không phải mình đến với hội hoạ phương Tây để học cách vẽ của họ đâu. Mình đến để tìm hiểu cái nhìn của họ bằng con mắt hội hoạ trong chiều dài nhiều thế kỷ, tại sao họ vẽ, vẽ cái gì, vẽ thế nào? Cứ thế sống dặt dẹo mấy năm cho đến khi hiểu ra rằng con đường tìm kiếm còn dài, mình còn cần đến một thứ vô duyên là tiền. Đành phải bán vài bức tranh vẽ theo phong cách Á đông bán cho khách chuộng lạ. Những bức tranh ấy sẽ chẳng ai biết đó là của Phạm Tăng – dưới mỗi bức mình ký một cái tên, toàn là tên bịa đặt.

Người ta kể về anh:

- Số ông này sướng. Ở Sài Gòn lấy một cô con nhà giàu, ăn chơi bán giời không văn tự, bà vợ chết cũng vì tay phá gia chi tử này đấy. Sau, sang Ý, tốt nghiệp học viện mỹ thuật Roma, vớ được một tiểu thư đài các con một quý tộc kiêm điền chủ đảo Sisilia, nông dân ở đấy mỗi khi gặp cậu chủ còn phải khuỵu chân xin được hôn tay, khiếp chưa? Được mỗi cô con gái duy nhất thì hoàn toàn Ý, chẳng có tí Việt nào.
Thiên hạ thường nhìn người ở bề ngoài. Họ nói điều họ không biết, lại nghĩ rằng mình biết. Họ không biết Phạm Tăng đã từ bỏ cuộc sống sa hoa anh có, kiếm được nhiều ngàn dollars mỗi tháng, thời ấy là số tiền rất lớn.

Tôi không hỏi Phạm Tăng về những người đàn bà trong đời anh. Tự anh kể cho tôi nghe về mối tình với người vợ đầu đã mất khi anh chưa ra nước ngoài. Anh nâng niu cuốn album nhỏ xíu, xộc xệch, rách nát, trong đó có những tấm ảnh bạc màu chụp người con gái trẻ có đôi mắt ướt tình tứ. Cuốn album lưu lạc nhiều năm, được một người yêu hội hoạ tìm thấy, gửi sang cho anh. Có thể viết một truyện ngắn về cuốn album ấy, nếu nó rơi vào tay một Maupassant . Nhìn anh lần giở những hình ảnh của một thời đã mất, tôi hiểu đó là mối tình duy nhất của anh. Với những người đàn bà khác trong đời, anh không nhắc tới. Chúng thuộc về ký ức, không phải cái để kể.
Phạm Tăng đi vào hội hoạ như đi vào một cuộc chơi. Ở Sài Gòn, cũng vào một năm rất xa, anh viết trong tạp chí Bách Khoa:

Múa bút vườn hoang, vẽ láo chơi
Xôn xao sỏi đá nói lên lời!
Đỏ xanh xáo trộn hồn cây cỏ
Nhẹ gót vào tranh, chiếc lá rơi!

Nhưng rồi anh hiểu ra: nghệ thuật không phải cái để đùa nghịch. Nó là nơi con người gửi gắm tâm hồn, bộc bạch tâm tư. Nó là cái cầu nối liền nghệ sĩ với cuộc đời, là sự giao hoà với nhân quần mà mỗi con người là một hạt cát trong sa mạc nhân loại.
Vì lẽ đó, anh quẳng lại vinh hoa đã có để đi tìm cội nguồn hội hoạ, để hiểu những suy tư của những kiếp người đã trao thân gửi phận cho nghệ thuật.

- Anh không phải Phạm Tăng, mà là bản sao của Đường Tăng. Đường Tăng lặn lội đi Tây Trúc thỉnh kinh – tôi nói đùa – Còn anh thì lang thang trời Tây tìm cái gì? Và rốt cuộc, anh đã tìm được gì?

- Vừa nhiều, vừa ít – Phạm Tăng nói, mắt xa xăm – Cậu thấy tranh tượng của David Michelangelo, Leonardo da Vinci thế nào? Tuyệt vời, phải không? Cơ thể người được thể hiện chính xác đến nỗi thoạt nhìn cứ như là ảnh chụp, rõ từng chi tiết. Nhìn kỹ đi, sẽ thấy khác – máy ảnh tốt đến mấy cũng không thể đạt tới Cái Đẹp mà những bậc thầy ấy tạo ra. Đó là sự tôn vinh Cái Đẹp của cơ thể con người. Nghĩ thêm nữa đi, rồi sẽ thấy đó còn là sự tôn vinh Thượng đế. Chỉ có Thượng đế mới tạo ra một hình hài toàn mỹ đến thế. Nghệ thuật là sự hoà trộn của tất cả những gì ta có thể nói ra, và những gì không thể nói ra, không đủ lời để nói, mà chỉ có thể cảm nhận…
Những câu chuyện của chúng tôi diễn ra dưới bức tranh “Vũ Trụ” của anh. Tôi đã ngắm nó không biết bao nhiêu lần. Tôi không hiểu những vần vụ sắc màu, những đường nét hư ảo trên đó là sự biểu hiện suy tư về vũ trụ khôn cùng, là triết lý cuộc đời anh gửi gắm vào. Nhưng tôi không nói ra rằng tôi không hiểu, tôi sợ anh buồn. Ý tưởng thể hiện triết học dưới dạng hình họa tôi chỉ biết có một: đó là biểu tượng âm dương chứa hai khối đen trắng uốn lượn giao nhau trong chuyển động không ngừng, với hai hình tròn nhỏ ngược màu nằm trong hai khối ấy biểu hiện sự bất toàn, trong dương có âm có dương, trong dương có âm.
Phạm Tăng hiểu vì sao tôi im lặng.

- Cái bi kịch trong mình là sự bất lực – một hôm, Phạm Tăng buồn rầu thổ lộ – Mình bất lực trong sự diễn tả cái mình muốn diễn tả.

- Bi kịch ấy không phải chỉ anh có – tôi an ủi – Nó hiện hữu ở bất cứ nơi nào có mưu toan đưa cái ý, cái tâm vô hình ra ngoài bằng phương tiện hữu hình.
Nhà thơ Du Tử Lê có cảm nhận khác tôi. Anh đến gần rồi lùi xa, cầm kính lúp soi vào từng khối màu xoắn xuýt nhau, đan xen nhau, hoà trộn vào nhau, bay lượn bên nhau, rồi ngẩn người ngồi xuống một ghế xa, ngắm tiếp. Nhà thơ có thể có cảm nhận cái vô hình qua cái hữu hình khác tôi. Nó là sự đồng cảm khó giải thích giữa nhà thơ và hoạ sĩ, giữa hai miền suy tưởng. Chúng có thể có mối tương giao mà tôi không biết.
Gần Phạm Tăng nhiều, nhưng tôi không dám chắc mình đã hiểu anh. Mỗi khi nghĩ tới anh tôi lại mường tượng ra con người câm lặng đắm chìm trong những suy nghĩ không bao giờ dứt, kể cả khi anh cầm lại cây cọ để đưa chúng lên khung vải. Những lúc ấy anh sẽ quên bất cứ người đối thoại nào – anh độc thoại. Những lúc ấy nếu có đến với anh tôi cũng là người thừa.
Điều tôi biết chắc: Phạm Tăng là người đi tìm cái anh muốn hiểu. Anh khác những người tưởng mọi sự đời đều là cái đã biết, như thể họ sống lần thứ hai trên trái đất. Tôi yêu những người đi tìm.
Có vẻ như anh đã tìm thấy cho mình ý nghĩa của cả nghệ thuật, cả đời sống để thể hiện trong bức tranh mà anh giữ lại sau khi đã cho đi, đã bán đi tất cả.

Nhưng cái anh tìm thấy mới chỉ cho riêng anh thôi, chưa phải cho tôi, cho mọi người.
Giờ đây, tôi không còn cơ hội nào trò chuyện với anh nữa, để hiểu anh thêm nữa. Anh đã đi, xa chúng ta mãi mãi. Như anh muốn, anh đã là người ở trong mây, trong vũ trụ vô chung vô thủy.









Họa sĩ Phạm Tăng

bài 1&2




Họa sĩ Phạm Tăng, con phượng hoàng VN trên bầu trời nghệ thuật Tây phương



Bìa báo Xuân Canh Tí.
(Hình gia đình cung cấp)

Trận mưa nhỏ nhưng dai dẳng từ trưa, trên phố phường xám của “thủ đô ánh sáng,” đã tô thêm màu xám cho Paris, khi chúng tôi rời căn phòng trên tầng lầu 3, một chung cư ở quận 11. Đó là lúc mưa nặng hạt hơn. Trời thấp hơn và, những trận gió cũng mang theo nhiều lát dao giá buốt sắc lẻm hơn, liếc qua, liếc lại trên phần thân thể không được phủ kín. Đó là lúc những bước chân vội-vã-xám của dòng người cúi mặt, tìm đường vào hầm metro. Hai giờ chiều. Toàn bộ thành phố nhớp nháp, lấm lem như một tấm chăn bông khổng lồ ố bẩn, bị nhúng nước mà, đám người lúc nhúc như những sinh vật bé nhỏ cóng, rét, quay quanh cái trục ngơ ngác, bất lực của chính mình.

Càng cố gắng thở cho đủ lượng khí trời cần thiết, để theo kịp bước chân hăm hở của Lê Hoàng Vân, Vũ Thư Hiên, luôn cả T., tôi càng thấy rõ mình bị hụt hơi. Tựa hai lá phối của tôi, cũng đồng lõa với mưa-xám-Paris, chỉ để lại cho tôi lượng oxy tối thiểu trước khi bị cắt đứt.

Chốc chốc, T. lại quay lui, ngó chừng; hoặc đi lui, nắm tay tôi như truyền sức mạnh, chia xẻ nỗi hăm hở phía trước của T., cho tôi.

Trong bốn chúng tôi, người nôn nao nhất giữa cuộc “bơi” trong Paris-mưa-xám, tôi nghĩ nhiều phần là T.

Hơn ai hết. có dễ T. nôn nao muốn được giáp một họa sĩ Việt Nam, như con phượng hoàng, sớm ra khỏi ao tù đường nét và màu sắc của ao tù quê nhà, xoải cánh giữa bát ngát trời / đất phương Tây, mà T. chỉ được biết được qua khá nhiều huyền thoại...

Nơi chốn chúng tôi lặn lội tìm tới là quảng trường Bonneuil Sur-Marne, ngoại ô Paris.

Nhân vật cả bốn chúng tôi cùng muốn gặp là một họa sĩ một thời nổi tiếng giữa quảng trường VHNT miền Nam, rồi bỗng dưng, thình lình biến mất!

Những người biết chuyện, cho hay, người họa sĩ từng là tâm bão của bức tranh bìa Xuân nhật báo Tự Do, xuất bản đầu năm 1960, đã hoàn toàn biến mất khỏi tất cả mọi sinh hoạt văn nghệ, truyền thông, báo chí, đời thường sau một scandal chính trị vào năm 1959...

Đến nay, sự thật dường vẫn chưa nghiêng hẳn phía nào - Dù cho ông đã đôi lần lên tiếng: Ông không phải là tác giả của bức tranh 5 con chuột đục khoét trái dưa hấu. Mà, tác giả bức tranh (không ký tên) đó, là họa sĩ Nguyễn Gia Trí, một người bạn thân thiết của ông. (1)

Bức tranh ít màu. Nét vẽ chân phương. Sống động. Nhưng nếu xoay ngược thì nó lại có hình dạng bản đồ Việt Nam bị đục khoét. Theo tài liệu ghi lại thì, bức tranh hàm ý nói về gia đình của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm...

Với nhiều người, kể cả những người nặng lòng với nền hội họa Việt Nam đương đại thì, người họa sĩ kia, kể như đã biến mất. Đã “bốc hơi!” Họ không nghe, thậm chí không biết! Hoặc không có một chút ý niệm cụ thể nào người họa sĩ Việt Nam ngoại khổ ấy!

Đôi ba người tỏ ra “thành thạo tin tức văn giới” hay muốn chứng tỏ mình là người nắm được nhiều bí ẩn đằng sau tấm màn nhung thế sự, cũng rụt rè đưa tin: Người họa sĩ lớn lao đó vẫn sống ẩn dạng, âm thầm ở Roma, nhiều chục năm, sau khi ông được ghi nhận là đã đoạt vị trí khôi nguyên khi tốt nghiệp một trường cao đẳng hội họa danh tiếng ở Roma. (Mặc dù, ông chỉ nhìn thành tích vẻ vang kia của ông, ngang bằng một “certificate / chứng minh thư” - chữ của ông - mà thôi).


Họa Sĩ Phạm Tăng tại tư gia – Paris, 3 tháng 1, 2016. 
(Hình dutule.com)

“Giựt gân” hơn, có người ngậm ngùi, ái ngại mà cho rằng, ông mất đã lâu!!! Nhưng tôn trọng di nguyện của người quá cố, thân nhân gia đình ông đã im lặng, tựa góp thêm một dòng sông thinh lặng, vào biển thinh lặng vốn có từ hơn nửa thế kỷ trước, kể từ khi ông rời khỏi Sài Gòn, với một học bổng 5 năm về Hội Họa ở La Mã.

Chính vì khao khát đi tìm dấu vết của con phượng hoàng hội họa Việt Nam, xoải cánh giữa trời / đất phương Tây mà, chúng tôi phải trải qua một lộ trình dài, với hai chuyến metro, một chuyến xe buýt ra khỏi thủ đô Paris, đi qua những thành phố xám. Mưa xám và, những lưỡi dao buốt giá sắc lẻm, liếc qua liếc lại trên thân thể, lúc nhiệt độ Paris đã tuột xuống gần zero độ - Để về tới Bonneuil Sur-Marne.

Cuối cùng, trên một cao ốc đường Place des Libertés, người họa sĩ ngoại khổ ở tuổi 91 đã mở cửa. Ông hiện ra: - Cao nhòng. Mảnh khảnh. Giản dị trong chiếc quần vải trắng. Áo khoác đen. Rộng thinh. Chiếc mũ len trên đầu... Tất cả cho thấy ông giống một tu sĩ về hưu, hơn là một họa sĩ nổi tiếng thế giới. Ngọn đèn sau lưng, xô chiếc bóng chông chênh của ông ngã gập, vắt trên vai lan can sắt, chạy dọc hành lang hẹp ẩm hơi nước của buổi chiều theo mưa, tới sớm.

Với tôi, hình ảnh này như một phản quang hình ảnh, đời riêng, lặng lẽ và, xa cách hoàn toàn giữa ông cùng nhân thế...

Vẫn với tôi, chỉ riêng đôi mắt sáng quắc, nụ cười nhân hậu, hóm hỉnh của ông, mới cho thấy sức sống, nội lực tiềm ẩn trong ông, vẫn là những ngọn lửa bập bùng, nóng bỏng đời thường và, thao thức kiếm tìm cái mới...

Người đàn ông xuất hiện, chắn ngang khung cửa hẹp đó là họa sĩ Phạm Tăng - Mà không ít người từng đinh ninh, ông không còn nữa. Ông đã “bốc hơi” đâu đó, từ lâu, giữa Roma, mịt mù. Xa lạ...

(Kỳ sau tiếp)

Chú thích:

(1) Wikipedia - Mở cho biết, họa sĩ Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 tại Chương Mỹ, Hà Tây. Năm 1954, họ Nguyễn di cư vào miền Nam. Ông mất năm 1993 tại Sài Gòn. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí là người đã làm một cuộc cách mạng cho tranh sơn mà Việt Nam.

Về sinh hoạt đời thường cũng như công trình lớn lao vừa kể của họ Nguyễn, trang mạng Wikipedia ghi nhận:

“... Về lãnh vực hoạt động chính trị, người ta được biết, cuối thập niên 1930, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã cùng với nhà văn Nhất Linh / Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Văn Luyện, Khái Hưng, Hoàng Đạo, thành lập Đại Việt Dân Chính Đảng. Vì những hoạt động chính trị vừa kể mà ông bị chính quyền thực dân Pháp bỏ tù một thời gian ở Sơn La.

Cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940, họ Nguyễn chuyển sang sáng tác thể loại tranh Sơn Mài. Với chất son, sơn than, vàng, bạc, vỏ trứng, sơn cánh gián, Nguyễn Gia Trí đã tạo cho tranh sơn mài một vẻ đẹp lộng lẫy, một chiều sâu bí ẩn, đưa kỹ thuật sơn mài lên đỉnh cao, khẳng định tầm quan trọng của chất liệu hội họa này trong nền mỹ thuật Việt Nam. Như các bức: “Cảnh nông thôn,” vẽ năm 1939. Hay bức “Thiếu nữ bên cây phù dung,” vẽ năm 1944... Ông được họa giới trong và ngoài nước công nhận như là người làm cuộc cách mạng ngoạn mục cho tranh sơn mài Việt Nam.”

Vẫn theo Wikipedia-Mở thì ở những tranh sơn mài có kích thước lớn, Nguyễn Gia Trí luôn cho thấy chủ tâm đặt cái cổ kính bên cạnh cái tân kỳ, cái lộng lẫy sang trọng cạnh sự giản dị mộc mạc, hy vọng đặt cạnh hoài niệm...

Cách đây nhiều năm, tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã được quy định là Quốc Bảo. Vì thế, những tác phẩm của ông, đã lâu, không được phép mang đi khỏi Việt Nam.

=========



Phạm Tăng và, đóng góp độc đáo cho khuynh hướng nghệ thuật Op Art

(Tiếp theo kỳ trước)

Bầu trời Paris xám, tiếp tục nôn thốc những trận mưa nặng hạt hơn và, gió cũng giận dữ, ghim trong lòng nó nhiều hơn những mũi kim rét, buốt, khi chúng tôi trở lại trạm xe buýt ở quảng trường Bonneuil Sur-Marne.

Chuyến xe buýt đến chậm hơn giờ ghi nơi bảng chỉ dẫn. Một hành khách chờ xe buýt trước chúng tôi, chán nản bước vào mưa, sau khi càu nhàu, nói gì đó với Vũ Thư Hiên.

Tôi không biết tác giả “Ðêm Giữa Ban Ngày” nghĩ gì (?). Sau khi ông trở lại căn hộ quen thuộc của họ Phạm! Tôi cũng không biết Lê Hoàng Vân nghe được những gì (?) khi Vân kéo sụp chiếc mũ len che kín đôi tai đã ửng hồng. Nhưng tôi biết T. bị ám ảnh bởi chuyện kể những ngày Việt Nam và, nhất là những năm tháng lạc lõng của họ Phạm - - Người họa sĩ Việt Nam mang trong tâm khảm hai ngọn lửa đối nghịch: Mặc cảm nghèo khó, bị khinh rẻ của một con dân thuộc một đất nước bị người Pháp đô hộ dài lâu và, khát vọng cháy bỏng thể hiện tài năng của một nghệ sĩ Việt Nam đơn độc giữa Roma, thánh địa của nghệ thuật tạo hình thế giới.

Tôi biết T. bị ám ảnh về hai cụm từ “nhà nghèo” và “nỗi nhục” bị ngoại bang đô hộ mà họ Phạm lập lại nhiều lần trong suốt cuộc trò chuyện...

Trở lại California, nhờ mượn được bộ sưu tập tranh cũng như những bài báo viết về vũ trụ tranh Phạm Tăng, của nhiếp ảnh gia Phạm Hải Nam, (2) tôi mới biết thế giới ca ngợi tài năng Phạm Tăng thế nào? Ra sao? Ðó là phần họ Phạm cố tình... “bỏ quên,” không nói tới, dù chỉ ít lời!

Theo cảm nhận của T. thì đấy chính là đức khiêm cung của một tài năng thực sự, lớn. Sau này, thảng hoặc, T. còn nhắc tôi rằng, đừng quên, người họa sĩ VN ngoại khổ kia, trước sau chỉ nhận mình là “một thằng thợ vẽ”!?!

Trong bộ sưu tập tranh và, các bài viết về họa sĩ Phạm Tăng, của Phạm Hải Nam ngoài những bài phê bình của các nhà phê bình hội họa quốc tế, tôi chú ý tới bài viết của một nhà phê bình hội họa Hoa Kỳ. Bài viết này được học giả Hữu Ngọc, một bạn thân của họa sĩ Phạm Tăng, thời đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (1945), chuyển ngữ (3).

Ðó là bài báo có tựa đề “Phương Ðông gặp gỡ phương Tây” đăng trong tạp chí “Sức Khỏe & Ðời Sống số 54, đề ngày 4 tháng 5, 2002, về sự gặp gỡ giữa họa sĩ Vance Kirkland (Hoa Kỳ) và Phạm Tăng (Việt Nam), một gặp gỡ vừa thú vị giữa hai tài năng ngoại khổ, lại vừa như một minh chứng cụ thể của tên tuổi Phạm Tăng, đã sớm vươn xa khỏi Âu Châu. Nhưng đáng chú ý nhất, theo tôi, là ghi nhận về đóng góp độc đáo của Kirkland và Phạm Tăng cho khuynh hướng “Nghệ thuật hiệu quả thị giác / Op Art” - - Một hãnh diện lớn cho Việt Nam mà, đa phần chúng ta không hay biết. Và, chính người sáng tạo, họa sĩ Phạm Tăng cũng không hề nhắc tới trong những cuộc trò chuyện.


Tranh Phạm Tăng. (Hình: Phạm Hải Nam)

Bài báo tựa đề “Phương Ðông gặp gỡ phương Tây” được học giả Hữu Ngọc chuyển ngữ và, giới thiệu, nguyên văn như sau:

“Ðó là tên một bài bình luận ở Mỹ gần đây giới thiệu một bức tranh của họa sĩ Phạm Thăng, vẽ cách đây 42 năm (sáng tác ở Rôma, Ý), do cố họa sĩ Mỹ Kirkland (1904-1981) hơn Phạm Tăng 24 tuổi mua, (rồi cho trưng bày) trong một cuộc triển lãm do Quỹ Vance Kirkland tổ chức ở Denver Colorado.

“Bài báo nói về cuộc gặp gỡ Phạm Tăng - V. Kirkland như sau:

'Viện bảo tàng Kirkland mượn bộ sưu tập một bức tranh Việt Nam bằng sơn mài và vỏ trứng, tác phẩm của họa sĩ bậc thầy Phạm Tăng. Ðây cũng là một bằng chứng kỳ lạ giữa phương Ðông và phương Tây. Tất cả bắt đầu từ khi Vance Kirkland và Phạm Tăng trở thành bạn của nhau từ sau cuộc triển lãm ở Rôma năm 1960. Phạm Tăng sinh sống ở Rôma từ 1959 và mở triển lãm vào năm 1969 tại Galleria Schneider, nơi Kirkland cũng có cuộc triển lãm năm 1960. Kirkland mua một bức tranh của Phạm Tăng trong cuộc triển lãm đó để biểu thị sự cảm phục sáng tác của bạn mình. Vào cuối những năm 1960, cả hai họa sĩ đều sáng tác nhiều tác phẩm có những hình ảnh được tạo nên bởi mảnh vỡ.

'Tranh của Kirkland gồm các chấm nhỏ, còn tranh của Phạm Tăng thì gồm những mảnh vỏ trứng vỡ. Các bức tranh chấm khổ nhỏ của Kirkland vào những năm 1966 và 1967 được treo cạnh bức tranh năm 1968 của Phạm Tăng để thể hiện rõ mối liên hệ hấp dẫn này - mặc dù chất liệu tranh Kirkland dùng sơn dầu và màu nước, Phạm Tăng dùng sơn mài và vỏ trứng, nền tranh Kirkland dùng vải, Phạm Tăng dùng bảng gỗ; quá trình sáng tạo nghệ thuật và tiểu sử của hai họa sĩ rất khác nhau.

'Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Kirkland thể hiện rõ sự quan tâm thích thú đến hiệu quả thị giác (optical effects) của màu sắc sống động và những gì ẩn đằng sau các hình ảnh (đóng góp độc đáo vào khuynh hướng Op Art tức là nghệ thuật hiệu quả thị giác). Phạm Tăng lại dùng các chất liệu độc đáo để thể hiện những hình ảnh và sự sắp đặt các hạt màu hết sức trừu tượng, tạo nên sự hấp dẫn cho con mắt người xem. Có lẽ đây là lần đầu tiên trưng bày tác phẩm của hai họa sĩ - khác nhau về nhiều mặt và ngưỡng mộ nhau’...”

Không biết có phải để bổ túc bài nhận định của một nhà phê bình Mỹ về tranh của mình và Kirkland hay không (?). Mà, sau đó, họa sĩ Phạm Tăng đã có một thư riêng cho dịch giả Hữu Ngọc. Và vị học giả tên tuổi của VN này, đã ghi lại một đoạn thư riêng của họ Phạm, nơi phần cuối bản dịch của mình:

“...Sự móc nối giữa tôi và Kirkland là do những chấm nhỏ li ti, các cellule (tế bào) màu khởi đầu cái thời kỳ nghệ thuật dots (dấu chấm) của Kirkland - giống như những tế bào trong tranh của tôi. Có điều khác là những dots trong tranh Kirkland là nguyên sắc (1 màu), còn ở tranh của tôi thì trong mỗi tế bào là một tổ hợp gồm 2-3 khoanh tròn cùng một tâm (concentrique) màu đối nhau (contraste) tạo nên những màu sắc linh động hơn...'” (Nđd)

(Kỳ sau tiếp)

Chú thích:

(2) Nhiếp ảnh gia Phạm Hải Nam, chủ tịch hội ảnh nghệ thuật Sunrise, là em rể của họa sĩ Phạm Tăng. Cuối năm 1973, đầu năm 1974, Phạm Hải Nam được một học bổng của chính phủ Ý qua Roma, theo học chương trình tiến sĩ kinh tế. Vì thế, ông có một thời gian dài, sống cùng một nhà với họa sĩ Phạm Tăng...

(3) Học giả Hữu Ngọc sinh năm 1918. Tính tới hôm nay, cụ đã 98 tuổi nhưng vẫn còn làm việc hăng say, như thời trai tráng. Tác giả Ðỗ Ngọc Yên, trên tờ Văn Nghệ QÐ đã ghi nhận về học giả Hữu Ngọc như sau: “Trong những chuyến đi điền dã với các đoàn công tác trong và ngoài nước đến các vùng miền khác nhau của đất nước, cụ (Hữu Ngọc) đi bộ, leo núi thoăn thoắt như con sóc rừng. Có thể hành trình đi kiếm tìm những chứng tích văn hóa Việt Nam còn tiềm ẩn trong thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam chưa bao giờ ngưng nghỉ đối với cụ. Cùng với các bộ ‘Phác thảo chân dung văn hóa Pháp’, ‘Mảnh trời Bắc Âu’, ‘Văn hóa Thụy Ðiển’, ‘Hồ sơ văn hóa Mỹ, ‘Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam’, ‘Khám phá văn hóa Việt Nam’... Cách đây vài năm nhà văn hóa Hữu Ngọc lại cho ra mắt bạn đọc Việt Nam và thế giới bộ ‘Lãng du trong văn hóa Việt Nam’ (...). “Thực ra, 'Lãng du trong văn hóa Việt Nam' được xuất bản bằng tiếng Anh lần đầu tiên với tên gọi 'Wandering through Vietnam Culture', nhưng mãi đến giữa năm 2007 cuốn sách mới xuất bản bằng tiếng Việt do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành... (Nguồn Wikipedia - Mở).





Thế giới ghi nhận những gì qua tranh Phạm Tăng?

(Tiếp theo kỳ trước)



(Hình: Phạm Hải Nam)


Với hàng trăm bài báo, được viết bởi những nhà phê bình hội họa tên tuổi khắp Âu Châu và, Hoa Kỳ viết về bản-sắc cõi tạo hình của họa sĩ Phạm Tăng, học giả Hữu Ngọc đã chọn và, chuyển ngữ một số nhận định mà, ông cho là tiêu biểu cho tài năng ngoại khổ của họ Phạm. (9) Những phần chuyển dịch đó của học giả Hữu Ngọc, nguyên văn như sau:

“...Ngay từ năm 1967, Giải Nhất của UNESCO (tổ chức giáo dục, khoa học, văn hóa của Liên Hiệp Quốc) ở La Mã đã đánh dấu sự công nhận quốc tế tại ngay Ðất Thánh hội họa thế giới.

“Nhà phê bình Bỉ Alanh Ghémô nhận định là họa sĩ Việt Nam Phạm Tăng 'đã dạy một bài học về khiêm nhường và cảm xúc cho tất cả những người ở phương Tây đặt cọc vào bạo lực, thô lỗ, ấn tượng thô bạo vì họ không còn tin vào sức mạnh của đầu óc tế nhị (báo Xpênxin Bruyxen, 4.12.1968) (...).

“...Ông G.G. Acgan, chủ tịch quốc tế những nhà phê bình nghệ thuật, nguyên thị trưởng La Mã, giới thiệu Phạm Tăng như sau: 'Từ nhiều năm nay, ông làm việc ở La Mã, ông nổi tiếng và được đánh giá cao trong các giới nghệ thuật Ý do tính tình hòa nhã kín đáo, tính chất nghiêm túc của tìm tòi hội họa. Và tính chất tế nhị nên thơ của sáng tác. Vẽ đối với ông là một sự thể hiện bản chất về tinh thần... Chất liệu ông dùng vỡ tan ra thành nhiều mảnh nhỏ li ti... Hình như vật chất tan vỡ ra để chiếm nhiều không gian hơn, vượt qua giới hạn của mình và lan rộng ra chung quanh. Vật chất dường như tìm lại được nhịp điệu tự nhiên, có vẻ như nó đã tan vỡ theo một bình đồ đã hoặc định sẵn.’

(...)

(Hình: Phạm Hải Nam)

“‘...Nghệ thuật của Phạm Tăng là một chuỗi liên tiếp những khám phá choáng ngợp bởi vì người ta không bao giờ biết được tác phẩm khởi đầu từ đâu và chấm dứt ở đâu, mỗi bức tranh là hằng hà sa số vũ trụ mà mắt ta lướt trên đó chẳng khác gì một phi thuyền không gian đi tìm các thế giới.’ (André H. Lemoine, 1968 - Nhà phê bình)

“Quan niệm nghệ thuật của Phạm Tăng đã mang lại một giải pháp để giải quyết sự bế tắc của hội họa phương Tây từ khi xã hội công nghiệp - kỹ trị thành hình: sự đối lập giữa tượng hình và trừu tượng. Mặt khác, nó cũng vạch một con đường độc đáo trong nghệ thuật phương Ðông, khác Trung Quốc và Nhật Bản...” (Hữu Ngọc, “Phạm tăng và cảm quan vũ trụ”) (Nđd) (10)

.......

Ðó là một số ghi nhận của các tác giả về thế giới tạo hình của danh họa Phạm Tăng. Nhưng đâu là lên tiếng chính thức của họ Phạm về vũ trụ đường nét của ông?

Căn cứ theo bộ sưu tập về họa sĩ Phạm Tăng, của nhiếp ảnh gia Phạm Hải Nam, thì ở Giai Phẩm Xuân Bách Khoa, Saigon, 1974, tạp chí này đã đăng tải một thư rất dài của họ Phạm, gửi cho ông Lê Ngộ Châu, chủ biên tạp chí Bách Khoa; nhằm trả lời một số câu hỏi Bách Khoa đã gửi cho họa sĩ Phạm Tăng.

(Hình: Phạm Hải Nam)

Trong “Lời tòa soạn,” người chủ biên Bách Khoa viết:

“Họa sĩ Phạm Tăng là người đã trình bày và minh họa cho Bách Khoa từ cuối năm thứ nhất (1957) đến liên tiếp hai ba năm sau, để lại trên các số báo này nhiều hình vẽ tuyệt đẹp đã được dùng làm phụ bản một số tác phẩm văn nghệ xuất bản ở Saigon (...).

“Bao nhiêu năm im lặng hầu như để 'tu dưỡng cho nghệ thuật được trưởng thành', thấy Phạm Tăng đã lên tiếng giãi bày nghệ thuật của mình, Bách Khoa liền gửi thư sang phỏng vấn anh về sự học tập ở nước ngoài, về tình trạng hội họa ở Tây phương, về đường lối sáng tạo của riêng anh, v.v...

“Có lẽ vì thấy cuối năm 1973, Bách Khoa như ngọn đèn chập chờn sắp tắt, nên anh xúc động vội cố gắng trả lời bằng một lá thư thật dài, mà chúng tôi xin đăng tải nguyên văn dưới đây. Cám ơn anh Phạm Tăng đã cặm cụi viết 13 trang thư dài gửi về, chứng tỏ tấm lòng của anh đối với các anh em cũ và bạn đọc Bách Khoa, đúng như anh nói, vẫn nguyên vẹn như 15 năm trước”...

(Kỳ sau tiếp)

Chú thích:

(9) Theo tạp chí Minosse, số 23, năm thứ XVI thì họa sĩ Phạm Tăng sinh năm 1928 tại Ninh Bình (chứ không phải là năm 1922, 1925 hay 1926 như một số tư liệu khác). Ðồng thời tạp chí này cũng ghi triển lãm đầu tiên của họ Phạm là năm 1945 ở Hà Nội; sau đó là năm 1946 ở Nam Ðịnh, năm 1950 ở Ninh Bình, năm 1960 ở Firenze, và năm 1961 ở Roma, v.v...

Mặt khác, một tạp chí ở Hà Nội đã ghi lại buổi thảo luận về cuộc triển lãm tháng 8, 1946, có sự tham dự của nhiều họa sĩ nổi tiếng thời đó. Trong số này, ngoài Phạm Tăng, người ta còn thấy những tên tuổi khác, như Lương Xuân Nhị, Hoàng Tích Chu, Văn Cao, Phạm Văn Ðôn...

(10) Trong phần Giới Thiệu, trước khi mở vào thi phẩm “Thơ Phạm Tăng,” do Nhà XB Văn Học, Hà Nội, ấn hành năm 1994, nhà thơ Trần Lê Văn viết:

“Phạm Tăng là bạn cố tri của Hữu Ngọc và tôi. Bước vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng tôi đã làm báo với nhau ở Nam Ðịnh. Khi thành phố bị tạm chiếm, chúng tôi đi cùng với tòa báo về các vùng nông thôn. Hữu Ngọc và tôi chuyên viết. Phạm Tăng chuyên vẽ. Anh vẽ minh họa báo, vẽ tranh đả kích địch, tranh biểu dương tinh thần yêu nước chống giặc của quân dân ta. Hồi ấy tôi nhận thấy ở Phạm Tăng một nghệ sĩ trầm mặc, có đời sống nội tâm sâu lắng, ít bộc lộ ra bên ngoài, tài và tình có nhiều phần còn tiềm ẩn...” (Nđd).

-Về nhà thơ Trần Lê Văn, trang mạng Wikipedia-Mở ghi: Trần Lê Văn tên thật là Trần Văn Lễ, bút danh Trần Lê Văn, Tú Trần. Ông sinh năm 1923, tại Vị Xuyên, Nam Ðịnh (...). Ông là người cùng họ và cùng làng với thi hào Tú Xương (Trần Tế Xương). Từ thời trẻ ông đã tự trang bị cho mình một vốn học vấn, dù ông khiêm tốn tự nhận là “thường thường bậc trung,” nhưng có thể nói là khá dày dặn (...). Ông đã từng tham gia cuộc chiến tranh với Pháp từ những ngày đầu khai chiến, là hội viên sáng lập Hội Nhà Văn VN, có thơ in chung với Quang Dũng từ năm 1957 (tập “Rừng biển quê hương”). Nhưng phải hơn 20 năm sau (1979) Trần Lê Văn mới có tập thơ in riêng, tập “Giàn mướp hương” khá mỏng mảnh về số trang (...). Ông và người bạn thân Quang Dũng có sự gặp gỡ ở cách làm thơ dung dị nhưng có sức truyền cảm lớn. Từ đó đến nay, nhiều bạn trẻ vẫn nhớ và thuộc thơ ông: Tập “Tiếng Vọng” - ra đời năm 1987, đầy hân hoan, ngập tràn tình yêu và niềm tin vào cuộc sống... Ông mất năm 2005, thọ 82 tuổi.




-o0o-

Phạm Tăng, nói gì về sáng tạo: Tổ hợp tế bào trong tranh của mình?

(Tiếp theo kỳ trước)

Trong bức thư dài trả lời báo Bách Khoa cuối năm 1973, họ Phạm viết:

“Nguyên liệu đầu tiên để xây dựng họa phẩm của tôi là tế-bào. Ai cũng biết tế-bào là nguyên ủy của sự sống kết tinh từ thuở khai thiên lập địa. Trong cảnh hỗn mang của trời đất tế-bào sinh sôi nẩy nở kết tụ, thành mọi sinh vật sống từ côn trùng, cây cỏ, cầm thú cho đến con người. Trời đất hỗn mang khi xưa có khác chi cái xã hội hiện tại mà chúng ta đang sống? Tro bụi, điêu tàn, băng hoại, đổ vỡ.

Tranh Phạm Tăng. (Hình: Phạm Hải Nam)

“Gieo tế-bào như gieo mầm sống mới, trong một thế giới mới, với một tổ chức, một trật tự mới đặng thế vì cho những cái tàn rụi, nát rữa, trong hội họa, ngoài xã hội và ngay cả chính ta nữa...”

Bằng vào quan niệm trên, họ Phạm cho biết, ông bắt đầu từ cái tế bào nhỏ bé, và ông có cảm tưởng như đang xây dựng lại chính con người của ông vậy.

Nói cách khác, vẫn theo họa sĩ Phạm Tăng thì, từ tế-bào đầu tiên là cái tôi nguyên thủy, ông đi dần tới sự tập hợp của hàng triệu tế bào tuần tự nẩy sinh, dẫn hình ảnh của cái tôi khác nhau, nối kết lại từ hình dạng bào thai trở thành con người. Kết cuộc là gì? Là những hình ảnh được cấu tạo trong tranh của họ Phạm, có thể ví như những hình ảnh của chính tác giả.

“Toàn thể tranh là cái tôi cuối cùng.”

Ông nhấn mạnh và giải thích thêm rằng, ngẫm cho kỹ thì cứ mỗi giây phút trôi qua, không biết bao nhiêu là cái tôi không giống nhau, trùng điệp, cái nọ lan sang cái kia, tựa như một vết mực loang trên mặt giấy. Không ngưng đọng một hình thể cố định nào. Bởi vậy chúng ta sẽ không thể nào có được một bức ảnh chụp hình ảnh của tâm tư con người luôn biến động, dù chúng ta có trong tay một chiếc máy ảnh tinh vi nhất.

Quan điểm này của họa sĩ Phạm Tăng rất gần với quan điểm của Phật giáo cho rằng, cái tâm vốn động hay, những suy nghĩ của con người như sự chuyển động không ngừng, cụ thể qua hình ảnh “Tâm viên, Ý mã.” (11) Hoặc, một tư tưởng, hình ảnh vừa mới nhớm lên thì, một ý tưởng hay hình ảnh khác, đã nhào tới. Hiện ra. Không giây lát ngưng nghỉ!

Tuy nhiên ở đây, chúng ta thấy có một sự khác biệt, nếu không nói là đối nghịch lớn, giữa quan điểm của Phật giáo và họa sĩ Phạm Tăng:

Phật giáo quan niệm để cho tâm có được những giây phút bình an thì, chúng ta phải triệt tiêu những lăng xăng, bất nhất, đổi thay không ngừng của tâm trí. Đó là lý do ra đời của các môn phái Thiền. Riêng, họa sĩ Phạm Tăng thì ngược lại. Ông nói:

“Những hình thể mà tôi tạo nên tranh không khuôn bó trong một chu giới nhất định. Tôi dụng ý để cho những hình thể đó khi ẩn, khi hiện, lúc tỏ, lúc mờ. Hình nọ lan sang hình kia, tựa hồ như những khối tế bào được tự do co giãn, nảy nở.”

Từ đó, ông đi xa hơn:

“Để thể hiện sự sống mong manh của từng tế-bào, tôi tạo những vòng đồng tâm li ti kết tụ quanh hạt nhân ở giữa. Mỗi đường vòng là một mầu đối chiếu trong ngũ sắc. Mầu nọ phản ứng mầu kia tạo nên một cảm giác tựa hồ như có tính chất phác quang. Ánh sáng đó có thể gọi là ánh sáng tự tại xuất phát tự bên trong từng cái sống nhỏ nhoi thoi thóp của từng tế bào một.”

Tranh Phạm Tăng. (Hình: Phạm Hải Nam)

Ý họ Phạm muốn nói, cũng như trong cơ thể của một con người, mỗi giây phút đều có hàng triệu tế bào chết đi và, cùng lúc hàng triệu tế bào khác cũng được sinh ra, làm thành sự sống toàn diện của con người có cảm xúc trên bức tranh: Từ một, hai hay nhiều ngàn ánh sáng nhỏ tập hợp lại, kết tụ vào nhau, chuyển vận thành những hình dạng sinh động của những vật thể mới, ươm mầm và, ngoi lên tìm sự sống trong ánh sáng.

Ông quan niệm, muốn được như thế, phải kết hợp những tế bào nhỏ li ti theo một nhịp nào đó của đường nét mà ông gọi là “nhịp sống.”

Bước vào phần kỹ thuật tạo hình được xây dựng trên quan điểm nghiêng nặng về tính thuần nhiên, hoặc cũng có thể nói đó là quan niệm thẩm mỹ hội họa mới (mang tính triết lý của riêng Phạm Tăng), họ Phạm nhắc nhở rằng, sống là động, là chuyển dịch cả trong những trạng thái tĩnh nhất. Không chỉ ở những sinh vật sống, thuộc loài động vật hay thảo mộc mà, ngay cả những vật vô tri cũng chuyển đổi không ngừng... Đề cập tới những chuyển động ngoại (không mang tính nội tại, như không khí), họa sĩ Phạm Tăng viết:

“Nhìn những mạch chuyển động của lớp không khí bao trùm địa cầu, thực chẳng khác chi những đường vân xoay tròn trong con ốc biển. Nhìn vào lòng mình, tôi cũng thấy hiển hiện những đường nét đó... Nhất nhất mọi trạng thái cảm xúc đều có thể vẽ thành những đường nét uyển chuyển trùng điệp gắn bó vào nhau, chẳng khác chi những đường nét biểu hiện cái nhịp sống của sự vật...”

Vẫn theo họ Phạm thì, dù bên trong hay ngoài, “nhịp sống” kia vẫn chi phối tất cả. Nếu thể hiện nó lên tranh thì, nó sẽ tác động tới những hình thể đã được kết tụ do tổ hợp các tế bào, khiến cho những hình thể đó trở nên sống động.

“Như vậy có thể nói tranh không còn là phản ảnh của thực tại, cũng không còn dấu vết gì gợi nhớ đến những cái thường thấy, mặc dù nguồn cội thâm sâu của nó vẫn xuất nguyên từ tạo vật.” Chủ nhân sáng tạo những tổ hợp tế-bào trong tranh, khẳng định.

Tuy nhiên, trước khi kết thúc phần quan niệm hay, nỗ lực khai phá con đường riêng của mình, họa sĩ Phạm Tăng kết luận:

“...Theo ý tôi, những sự giảng giải trình bày kia thực là vô ích. Giả sử có ích lợi chút nào thì chỉ cho riêng tôi để có thể nhìn lại chính mình, xếp đặt mọi sự trong tôi có trật tự hơn. Ngoài ra đối với người xem không có chi là quan hệ. Tại sao vậy? Tôi xin trả lời ngay: Tại cái hồn tranh. Nếu tranh có hồn như một vật thể sinh động thì tự nó hấp dẫn người xem. Giữa người xem và nó có sự thông cảm trực tiếp, không cần phải có kẻ đứng sau nó mà giảng giải. Nếu tranh không có hồn thì dù có giảng giải bằng thiên kinh vạn quyển nó cũng không thể sống được, và như thế cùng lắm cũng chỉ có thể vứt tranh vào đống rác hoặc trong một bảo tàng viện nào đó để cho nhện chăng mà thôi!” (12)

(Còn tiếp một kỳ)

Chú thích:
(11) “Tâm viên” là tâm vượn, là tâm loạn động như vượn hay khỉ. Loài khỉ thường hay nhảy nhót, khọt khẹt, đứng ngồi không yên, thường chuyền hết từ cành cây này sang cành cây khác, lại hay phá phách bắt chước nên người đời có câu “liếng khỉ” (...) “Ý mã” tượng trưng cho ý nghĩ của con người rong ruổi, đuổi theo ngoại cảnh, không dừng lại, giống như ngựa phi vậy. Hằng ngày, ý tưởng trong đầu chúng ta, cứ chạy lung tung như ngựa chứng... (Nguồn Wikipedia-Mở)
(12) Nguồn: Tạp chí Bách Khoa, Giai Phẩm Xuân, Saigon, 1974.






-o0o-

Tương quan giữa bi kịch và tài hoa Phạm Tăng?

(Tiếp theo và hết)

Tôi vẫn nghĩ, một tài năng ngoại khổ thường có những bi kịch và, ám ảnh một đời của riêng họ.

Bi kịch và ám ảnh sẽ là những đôi cánh đưa tài năng thiên bẩm của họ lên tới đỉnh cao, hoặc sẽ nhận chìm họ xuống tận cùng đất đen, hiểu theo nghĩa đó là một bất hạnh của định mệnh cay nghiệt.

Danh họa Phạm Tăng, ở trường hợp thứ nhất.

Danh Họa Phạm Tăng và gia đình, đằng sau là bức tranh Vũ Trụ. (Hình Phạm Hải Nam)

Trong buổi nói chuyện thân mật với chúng tôi tại căn nhà ở ngoại ô Paris, quảng trường Bonneuil Sur-Marne, đầu tháng 1, 2016 vừa qua, có hai chi tiết mà họ Phạm nhắc tới với tất cả xót xa hay ám ảnh khôn rời, đó là sự kiện người bạn đời đầu tiên của ông, bà Nguyễn Thị Băng Tâm - - Một người mà theo ông kể thì mới mười 16 tuổi, bà đã viết tiểu thuyết bằng tiếng Pháp. Sau đó, bà được một học bổng của chính phủ Pháp, để qua Paris học về văn chương Pháp...

Nhưng người họa sĩ Việt Nam ngoại khổ, Phạm Tăng, đã rất chân thành, ngay thật khiến chúng tôi, nhất là T., đã rất cảm động, khi nghe ông tâm sự:

“Vì sợ mất vợ, nên tôi đã không đồng ý cho bà ấy đi du học.”

Rồi, cũng thời gian này, giữa lúc người bạn đời của họ Phạm, vì thương, chìu chồng, từ chối cơ hội tiến thân khó có được... thì vị danh họa của chúng ta, lại gây tạo thêm một “biến động” rất lớn khác, đó là sự kiện ông đem tất cả tiền phòng thân, hơn 7,000 đồng, dành dụm từ bao nhiêu năm của người bạn đời, “nướng” sạch trong một đêm tại sòng bài Ðại Thế Giới, ở Chợ Lớn. (13)

Một số người hiểu chuyện cho rằng hai sự kiện vừa kể đã dẫn tới sự qua đời khi còn rất trẻ của bà Nguyễn Thị Băng Tâm. Sự kiện này, từng trở thành “scandale” một thời (chữ của họa sĩ Phạm Tăng), trong giới văn nghệ và báo chí.

Tuy nhiên, ngược lại, vẫn theo danh họa Phạm Tăng thì ngay sau biến cố này, ông lại được quá nhiều những cơ quan ngôn luận lớn, kể cả những tờ báo xuất bản bằng tiếng Pháp, ở Saigon, mời cộng tác. Ông nói, thời gian đó, trung bình mỗi tháng ông được trả tiền nhuận bút không dưới 5,000 Mỹ kim.

Ông kể, mặc dù kiếm được nhiều tiền, nhưng không biết làm gì:

“Cuối tuần, với chiếc áo của nhà tu, tôi thường lái xe xuống núi Châu Thới ở đó qua đêm, hay nguyên một cuối tuần, trước khi trở ngược về Saigon...”

Tôi không biết ám ảnh về cái chết của người bạn đời đầu tiên trong đời mình, có đeo đẳng họ Phạm tới ngày hôm nay hay không? Nhưng hiển nhiên, ám ảnh về cái mà ông nhấn mạnh nhiều lần với chúng tôi là “Mối nhục của một người Việt Nam trước sự cai trị và khinh bỉ của thực dân Pháp!”

Ám ảnh này, như đã trình bày, bắt nguồn sâu xa từ nhiều danh sĩ, tiền bối thuộc dòng họ Phạm của họa sĩ Phạm Tăng đã bị chính quyền Pháp sát hại hoặc bức tử... đã như những chiếc bóng bất hạnh đeo đẳng ông cho đến ngày hôm nay.

Ở lãnh vực văn học nghệ thuật, họ Phạm cũng nhấn mạnh nhiều lần với chúng tôi rằng,

“Người Pháp cũng coi khinh văn hóa của chúng ta! Cụ thể, ở lãnh vực hội họa, họ cũng không muốn mở trường đào tạo họa sĩ cho người Việt Nam. Ðầu thập niên 1900, rõ hơn, năm 1901, họ mới mở trường Bá Nghệ ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ðến năm 1903, họ mở trường Mỹ Nghệ Thực Hành ở Biên Hòa và, 1913, là trường Mỹ Thuật Gia Ðịnh - - Năm 1940 đổi tên thành trường Mỹ Nghệ Thực Hành Gia Ðịnh... Nhưng dù trường tên gì chăng nữa thì họ cũng chỉ nhằm mục đích đào tạo những người thợ thủ công, để đáp ứng nhu cầu thủ công nghệ của nước Pháp mà thôi...”

Danh họa Phạm Tăng tại tư gia, tháng1, 2016.
(Hình dutule.com)

Khi đề cập tới trường Mỹ Thuật Ðông Dương (École Supérieure des Beaux - Arts de l'Indochine), là trường hội họa mà sau này, họa sĩ Phạm Tăng có thời gian theo học, ông cũng nhấn mạnh:

“Trường Mỹ Thuật Ðông Dương được thành lập từ tháng 10 năm 1924, bởi họa sĩ Vitor Tardieu. Nhưng phải mất nhiều năm vận động mạnh mẽ, miệt mài của ông Tardieu, trường này mới có cơ hội chào đời!” (14)

Cũng vì những ám ảnh hay “mối nhục” của mình mà, người bạn đời chính thức thứ hai của họ Phạm - Một thiếu nữ người Ý, sau khi sinh được cho ông một người con gái, qua đời vì bạo bệnh, khiến ông có một thời gian khá dài, chấm dứt mọi hoạt động nghệ thuật, cũng như mọi giao tiếp xã hội...

Mãi nhiều năm sau, để nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ quê hương, đồng bào,... đồng thời cũng để chấm dứt nhiều năm sống lạc lõng, lẻ loi ở Ý, họ Phạm đã chọn cho mình người bạn đời thứ ba, một phụ nữ gốc Việt, quốc tịch Pháp, cũng thuộc một gia đình thế giá từ trước tháng 4, 1975, ở Paris... Ông đã rời bỏ nước Ý để tạm cư tại Pháp. Nhưng vì không thể quên mối hận thực dân Pháp, nên tới hôm nay, ông vẫn không chịu nhập tịch Pháp, quốc gia mà ông cho đó là kẻ thù chung của dân tộc Việt. (15)

Ông tâm sự:

“Càng lớn tuổi, sức chịu đựng cô quạnh càng kém đi. Trong khi nhu cầu muốn được sống gần với tập thể của dân tộc mình càng gia tăng, nên tôi buộc lòng phải chọn Paris, cho những năm tháng cuối của đời mình...”

Cảm nghĩ trên của danh họa sĩ Phạm Tăng cho thấy, bất cứ ai, dù với một định mệnh bình thường hay; chói lòa giữa quảng trường hội họa thế giới, như họ Phạm thì, nhu cầu tìm về với đồng hương máu mủ, với ruột thịt nguồn cội, vẫn là một nhu cầu thiêng liêng không thể phủ nhận.

Ðể kết luận bài viết này, chúng tôi xin mượn bốn câu thơ của chính danh họa Phạm Tăng, ghi dưới bức thư gửi cho tạp chí Bách Khoa, Saigon, cách đây hơn 40 năm:

“Múa bút vườn hoang, vẽ láo chơi!
Xôn xao sỏi đá nói nên lời!
Ðỏ, xanh xáo trộn hồn cây cỏ
Nhẹ gót vào tranh, chiếc lá rơi!
(*)
(Phạm Tăng)

Chú thích:

(13) Sòng bài Ðại Thế Giới bị đóng cửa năm 1955, theo lệnh của cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. (Nguồn Wikipedia-Mở)

(14) Có thể đọc thêm Wikipedia-Mở.

(15) Nhà văn Vũ Thư Hiên cho biết, họa sĩ Phạm Tăng từng có nhà riêng ở quận 13, thành phố Paris - Nơi tập trung nhiều người Việt nhất. Một nguồn tin khác cũng cho hay, sau biến cố tháng 4, 1975, qua một số người thân tại Hoa Kỳ, họa sĩ Phạm Tăng đã đầu tư vào nhiều lãnh vực thương mại ở Mỹ.

(*) “Sỏi đá đây là chất liệu mầu sắc, gạn lọc ở sỏi đá mà ra, ý muốn tạo hồn cho những vật vô tri; chiếc lá thành người vào chơi trong tranh.” (Chú thích của Tòa soạn Tạp chí Bách Khoa, giai phẩm Xuân 1974)

*-NN đặt tưa đề-









Phạm Tăng & Du Tử Lê







Phạm Tăng & Vũ Thư Hiên


















Sơn Trúc ký họa









Tranh Tết Con Trâu 1973 
Phạm Tăng







Hai nhà văn Hiếu Chân, Mặc Thu và họa sĩ Phạm Tăng bị đưa từ khám Catinat ra Viện Giảo hình để đo mặt, lấy dấu tay trước khi bị tống giam









Vũ Trụ 

Trông lên thiên thể bao la, 
Nhìn vào sâu thẳm trong ta mịt mùng. 
Xác thân: vạch nối đôi vùng, 
Khoát tay một nét: cuộn tròn càn khôn! 
Đất trời, mở rộng tay ôm, 
Phút giây xuất Ngã, bền hơn cuộc đời

PT







Họa sĩ Phạm Tăng là bạn thân nhất của nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến, một trong những người sáng lập tờ Tự Do. Dưới đây là bài thơ họa sĩ Phạm Tăng khóc bạn khi nghe tin nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến vĩnh viễn ra đi năm 2001.


Gửi bạn


A.

“…Anh về mây gió thong dong
Tôi còn mù mịt cuốn trong bụi trần
Hình hài nặng trĩu gót chân
Ðôi vai chồng chất nợ nần thế gian!
Từ nay, gió núi trăng ngàn
Phiêu diêu, Vĩnh viễn, Vẹn toàn là anh
Không còn đầu bạc, đầu xanh
Bên trên nghiệp chướng Sinh – Thành – Hoại – Không.
Một mình bao quát Mênh Mông
Nhớ anh, bát ngát… kìa! trông Mây Trời… 
Mây ơi! Mây có nhớ người, 
Cao bay! xin chớ ngậm ngùi tuôn mưa, 
Thế gian, nước mắt có thừa
Càng mưa thêm nước, càng nhơ vũng lầy!
Ðất bùn ngập cả cỏ cây
Gột sao sạch nước non này, Mây ơi!
Ðường mây, Mây cứ về trời
Cao xanh thăm thẳm, tuyệt vời Mây bay… 
Tiếc thương chi kiếp đọa đầy
Dưới này lắm kẻ giơ tay níu trời.
Tha hương, đây có một người
Ðốt thơ, gửi khói lên trời thăm Mây.”


B.

“Trả lại buồn thương cho thế gian
Trăm năm rũ sạch dấu tro tàn
Sinh ra – Có đó – không còn nữa
Một dấu chân mờ, một bóng vang… 
Không cái Tôi này – không xác thân
Không SAU, không TRƯỚC, chẳng XA – GẦN
Không ÐI, không ÐẾN, không CÒN – MẤT
Vũ trụ và tôi MỘT, bất phân!!!”

Phạm Tăng 







Trở về 









MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.