Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

Phạm Việt Cường

 







PHẠM VIỆT CƯỜNG
(21/11/1952 - ......) 
nhà thơ





Sinh và lớn lên tại Sàigòn; quê cha Hà Đông, quê mẹ Khánh Hòa. Theo học Đại học Văn Khoa Sàigòn, 1970-75. 
Dạy Triết trường trung học Nguyển Đình Chiểu, Mỹ Tho.
Định cư tại California, Hoa Kỳ từ 1986.
Cộng tác với nhiều tạp chí văn chương hải ngoại: Văn Học, Trăm Con, Hợp Lưu, Văn, Việt, Thế Kỷ 21...
Trong nhóm chủ trương tạp chí Thời Nay, tập san Hợp Lưu và tạp chí Thơ (Nam California). Tổng thư ký tập san Triết (San Jose, California)

Đã in:
- Người tình, dịch Marguerite Duras (Nxb Hồng Lĩnh, California 1992)
- Trôi đi cùng tháng chạp (Tập thơ - Nxb Trình Bày, Pháp, 1993)
- Son chiều (Tập thơ – Tự xuất bản, Sàigòn, 2008)
và nhiều ấn phẩm dịch thương mại khác (ký tên Phạm Minh Di)








Dấu tay hụt hẫng ...
4/2/2012












Đã in




Người tình
dịch Marguerite Duras
(Nxb Hồng Lĩnh, California 1992)






Trôi đi cùng tháng chạp
Tập thơ 




Trôi Đi Cùng Tháng Chạp

Ngỡ thấy trong mơ một màu nắng lạ,
Hoa nở thanh xuân vang bóng những mùa.
Trăng lạnh nửa đêm. Tàn đông. Biệt xứ.
Bên kia đời, nắng ấm mái nhà xưa.

Vẫn sống thở em ơi – dù dòng sông về đâu,
Dù tháng năm theo nước cuốn chân cầu
Dù mộng ước đã ngả mầu kỷ niệm,
Từng trang thơ vàng úa giữa đời nhau.

Vẫn sống thở em ơi – lênh đênh triều thất lạc,
Mấy mùa hoa phai hết mộng bơ vơ.
Chợt đứng đó. Một góc trời. Hiu hắt.
Hồn mang mang gió thổi sang mùa.

Ngỡ thấy trong mơ những niềm vui êm dịu,
Mộng. Hoa. Thơ. Và tuổi trẻ xa xôi.
Bởi hạnh phúc và cuộc đời lỗi điệu,
Đêm dâng lên lấp mãi những chân trời.

Vẫn sống thở em ơi – dù hân hoan dù sầu khổ,
Nước mắt nào cũng riêng cõi tình ta.
Đời chia biệt. Những biển rừng thương nhớ
Mùa đông bềnh bồng tiếng hát ngùi xa.

Vẫn sông núi cao sâu trong tình kiên khổ
Mưa quê nhà lạnh ướt quãng đời không.
Đã nát tan rồi bao nhiêu giấc mộng.
Tháng chạp buồn. Nắng úa mênh mông…







Son chiều
(Tập thơ – Tự xuất bản, Sàigòn, 2008)

và nhiều ấn phẩm dịch thương mại khác (ký tên Phạm Minh Di)










Sáng Tác:







Văn





Giữa Trí Nhớ và Lãng Quên
Phạm Việt Cường



Là thứ vận hành và tương xâm khốc liệt góp phần làm nên tính cách và vận mệnh đời người. Như cái đối đãi vô tâm của thời gian qua ngày đêm. Cái luân chuyển khủng khiếp của nhân sinh qua sống chết. Hình tượng của bóng tối và ánh sáng đó vẫn tất yếu giả định một lằn ranh; và ở ngay biên độ phù du, giữa cái khe mắt bé hẹp lim dim đó đôi lúc chợt sáng lòa một cảnh tượng, một khuôn mặt. Trí nhớ và lãng quên như hai gã thủ kho ham hố và phi lý. Chiếm giữ những gì người ta đã mang theo với mình đến xa thẳm chân trời hôm nay; làm thành hiện sinh nơi những bán cầu khác nhau. Mà cũng chẳng bỏ qua những gì người ta đã phải bỏ lại phía sau. Bên kia một đại dương. Nói chung là quá khứ.

Với tôi, cái quá khứ buồn sầu của chính mình có vẻ ít trừu tượng hơn so với nhiều thực tại khác. Và đó là những năm tháng đã sống trãi ở Sàigòn, nước Việt Nam, ấu thời, tuổi trẻ, kỷ niệm, đường Duy Tân, nhà thờ Đức Bà, phố Lê Lợi, Nguyễn Huệ… Những mùa lãng mạng cà-phê lá me Nguyễn Du, khu đại học Văn Khoa, Nông Lâm Súc…và một ngàn quán cà-phê lớn nhỏ khác đánh dấu lốm đốm trên bản đồ tuổi trẻ… Rồi đến 1975, giữa sự vô tình lãnh đạm của mình, bất chợt tôi nhận ra có một thành phố khác thế chỗ Sàigòn, với cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ.. Những ngày tháng lãng đãng không lối thoát và ngộp thở trôi qua ở cơ quan, nông trường, xí nghiệp… rồi trại giam, nhà tù, đường phố, chuyến đi….

Rồi cũng giống những lưu dân bất đắc dĩ khác, sau những ngày trại đảo huyền hoặc, thì Tân Thế Giới của mỗi người hiện ra. Hoàn toàn khác nhau. Không như đã thấy trong giấc mơ phóng dật. Đó là nơi chốn mà mỗi người mô tả trong những bức thư đầu tiên gửi về quê nhà. Ánh sáng của ngày thật dài, sự lạnh giá, đường phố sạch sẽ, sự vắng lặng… Thứ ngôn ngữ khác ở chung quanh là điều cụ thể nhất nhắc người ta rằng cơn gió đang thổi lạnh buốt ngực là gió thổi đến từ một phong thổ khác. Người ta đang thật sự đi đứng nói cười trong một thế giới khác. Giống như di động đàng sau những vách kính ngăn trong suốt của phòng giải phẫu bệnh viện đã tiệt trùng.

Với tôi đó là cái thành phố nông nghiệp nhỏ đang chuyển mình, ở phía Bắc tiểu bang California - San Jose. Những nông trại trồng dâu trong vùng đang lui dần vào quên lãng, nhường chỗ cho một thay đổi lớn của thế kỷ sắp xảy ra trong đêm - cuộc cách mạng điện toán - và cái nôi của nó nằm ngay đây, được mệnh danh là Silicon Valley.

Trong những ngày lạc lỏng ơ hờ đó, có hôm tôi chợt thấy mình đứng lơ ngơ bên các lề đường ở khu downtown San Jose vắng, nhìn xe cộ thỉnh thoảng lứơt qua. Có lúc cặm cụi lần dở từng quyển sách báo ở nhà sách Toàn Thư, ráng chụp bắt những giấc mộng đang tan biến trên những trang chữ Việt. Có lúc thấy mình lang thang qua cái hành lang tối hẹp ở cư xá Tam Đa… Và ngân hàng Bank of America nơi góc đường, tiệm bán thuốc lá và rượu, chợ Hồng Kông, tiệm mì Sám Ký… tất cả hình ảnh chập chờn, không thực trước mắt kẻ mộng du. Và nổi bật, vang vọng trên bầu trời tự do tôi đang sống thở đó là một nỗi sầu kỳ lạ. Sao không khí trong lành thế kia mà vẫn có gì đó đè nặng lên lồng ngực. Cảm giác thất lạc. Bất an. Lẻ loi. Có lẽ gần giống như cảm giác của Dante khi lạc bước nơi tầng luyện ngục đầu của mình. Trong những buổi sáng thứ bảy vắng lặng, nơi vùng đất mới đó, với sự mất mát quá lớn bỏ lại sau lưng - trọn một quê hương, một thành phố, một tuổi trẻ bị xóa mất sau trận tsunami khủng khiếp của lịch sử. Sự mất mát như vết thương còn tươi đỏ, sưng tấy và chảy máu. Đó là những ngày xao xuyến, chẳng biết phải làm gì, chẳng biết đi đâu, có lẽ vì đã đi đến đích, đã đến cùng đường, chỉ còn cõi lòng tê dại với bao kỷ niệm.

Cũng trong những năm tháng đầu lưu lạc đó, một sự việc xảy đến khuấy động một mặt hồ yên aœ phương xa. Đó là hôm một cô gái người Việt trạc đôi mươi, bước vào khung cảnh xanh biếc, nên thơ của sân trường West Valley College thuộc thành phố Saratoga. Nhìn màu da đen xạm phong trần của cô, tôi đoán có lẽ cô vừa đến từ một trại tị nạn nào đó ở Đông Nam Á. Cô có dáng điệu của con thú hiền lành vừa thoát chết sau một cuộc săn đuổi hay sau một chấn thương lớn. Ánh mắt thất thần trên khuôn mặt còn toát ra sự khiếp hãi, xa vắng. Sự xuất hiện lặng lẻ, khép kín của cô đã đánh thức một điều gì đó nơi tôi như lay tỉnh một người mê ngủ. Bất chợt tôi nhớ ra rằng, có một bi kịch lớn khác của đất nước, còn nóng hổi và đang bị đẩy dạt sang bên lề. Và nơi những mặt biển xa tối đen, mênh mông ngoài kia, còn bao nhiêu oan hồn Việt không bao giờ có dịp đặt chân lên bờ đời sống nữa. Biển cuồng nộ đã theo chân cô gái tràn vào một giảng đường yên bình ở Bắc Mỹ…

Cảm thức mất mát, nỗi buồn, sự lẻ loi, lòng thương xót kia đã gợi hứng cho tôi viết bài thơ “Chuyện Cũ” dưới đây. Cách đây gần 20 năm. Lúc ấy, tôi chỉ muốn tự nhắc nhở mình về những oán hận và những thương yêu đã xa vời.. và xuôi tay bất lực trước sự phôi pha đáng ghét này. Nhưng cùng lúc, tôi cũng cảm nhận nhiều điều mâu thuẫn khác. Sự quên lãng là một tiến trình tâm lý tự nhiên hay cần phải là kết quả của một nỗ lực của ý chí? Và nếu sự quên lãng cũng đồng nghĩa với cái chết, thì cuốí cùng, có phải cuộc chiến đấu của Kundera cũng nắm chắc phần thất bại?

Có ai nhận ra rằng ba mươi năm, hai mươi năm hay mười năm ở xứ người đã trôi tuột đi chớp mắt như nước chảy qua kẽ tay? Đáng sợ hơn nữa là ngần ấy năm tháng đã qua đi mãi mãi mà hình như không để lại chút kỷ niệm hay dấu vết nào sâu đậm trong trí nhớ. Trong khi đó, phần đời sống ngắn ngủi, mờ nhạt, nằm xa hơn nữa trong quá khứ, nơi năm tháng khởi đầu đời sống mỗi người với hơi thơœ máu huyết gắn bó Việt Nam, thì lại thật rõ nét, như cảnh tượng thiên nhiên ngày nắng đẹp.

Tôi mong những nỗi đau được ghi lại trong bài thơ “Chuyện Cũ” đã thật sự là những chuyện cổ tích đã chìm quên hẳn trong quá khứ. Ba mươi năm trôi qua, thời gian đã đủ dài để làm dịu nỗi đau từ những vết thương trí mạng kia chưa? Bất chợt, sự di chuyển thuần tính chất địa lý - chỉ thay đổi một nơi sinh sống - có vẻ làm đảo lộn, chuyển hóa đời sống người ta một cách sâu xa, ít ra là nhiều hơn dự tính. Lằn ranh giữa hai mênh mông biển dâu đó nằm nơi đâu?

Tôi không biết. Cũng như tôi thật sự không hiểu cuộc đấu tranh giữa trí nhớ và sự lãng quên sẽ ngã ngũ như thế nào. Chỉ biết là sau này, có nhiều đêm mưa lái xe qua một thành phố San Jose đã hoàn toàn đổi khác, qua hai dãy phố nâu trên đường số Ba hay đi ngang thư viện Martin Luther King khang trang ở góc đường số Bốn & San Fernando, nỗi bồi hồi Tú Xương năm xưa có lúc cũng dâng lên trong lòng tôi, Và hình như tôi có nghe tiếng gọi đò nào vẳng xa trong gió lạnh...

Và chỉ biết sau bao nhiêu năm, ánh mắt của ai đó đêm trước cuộc ra đi như vẫn còn đăm đắm nhìn theo. Có lẽ tôi sẽ sống trong thứ hội chứng trầm kha, lãng đãng này mãi mãi. Nhưng giờ đây, đằng trước nỗi xao xuyến bập bùng đó, chắc chắn không còn là một đời sống mới mở rộng như năm xưa, mà chỉ còn bóng tối lạnh im ngoài kia đang đợi chờ. Để khép lại.



Chuyện Cũ"
The struggle of man against power
is the struggle of memory against forgetting.”
– Milan Kundera.

nói chung
không còn ai than khóc nữa
chuyện chết chóc biệt ly
tù đày nghèo đói
đã qua rồi
anh không thể tự dày vò mãi

thế nên chỉ là chuyện thường tình
nếu lối vào freeway không còn làm anh chóng mặt
và gót giày tự tin
bắt đầu vang trên hành lang sáng bóng shopping center
dần dần anh cũng biết làm ngơ
khi gặp đồng hương ngoài phố

anh sẽ không kịp lỗi thời
rồi cũng giống mọi người
anh lên cân và bắt đầu rụng tóc
chuyện nhà cửa việc làm xe cộ
như ngọn sóng thần cao ngất
cuốn anh đi không kịp nhìn lui…

không ai chỉ dẫn anh
phải sống như thế nào
sau lần sống sót ấy

anh sẽ không kịp u sầu
ngọn gió kỳ lạ mỗi chiều
đập vào bờ vách trống không của trí nhớ
chiếc xe hãng xưởng căn nhà
anh ra vào như con kiến thợ
những huyệt mộ văn minh
vùi lấp
mỗi ngày anh mở khép hững hờ
cánh cửa đời xám nhạt

hoàng hôn nơi đây thôi làm anh thảng thốt
và tràn lọc qua nỗi dửng dưng
đêm thu mình con thú lạc loài
anh không còn cảm thấy mệt nhoài
trong căn apartment chật hẹp
đêm âm thầm pháo đài câm
đêm nhấp nháy màn ảnh vô tình
đêm thất thần không khép mắt
những giấc mơ trước lúc ra đi được thay thế bởi những bóng hình khác lạ

sau những trận football truyền hình
sau những phim bắn giết
bao lâu rồi anh không ngắm một vầng trăng
bao lâu rồi không gặp lại trong mơ một khuôn mặt thân yêu những ngày khốn khổ

không ai chỉ dẫn anh
phải sống như thế nào
sau ngần ấy mất mát

đâu còn gì có thể làm anh hãi sợ
anh đã vượt qua trùng trùng thách đố
phòng tra tấn
ánh mắt hận thù
năm dài bị chà đạp và sỉ nhục
anh đã vượt qua biển đêm giận dữ
qua đường tơ kẽ tóc của bạo tàn và cái chết
anh đã đi qua những cảnh đời mà sự bình yên nơi đây dường như không có thực

không ai chỉ dẫn anh
phải sống như thế nào
sau ngần ấy tuyệt vọng

anh sẽ không kịp nhớ nhà
không kịp nghiền ngẫm nỗi đau xưa
không kịp mỉm cười trên tấm ảnh gửi về cho mẹ
lướt mắt thờ ơ qua những trang báo nơi tiệm ăn phòng khám
không hình ảnh nào gợn lên với chiếc răng đau
không xúc động nào bên tô phở
chuyện dài quê hương vẫn thế
vẫn thất nghiệp vĩnh viễn
vẫn mãi mãi đói nghèo
vẫn trông chờ mòn mỏi
vẫn những án lệnh chung thân hay tử hình gì đó –
đã có người khác thay thế anh nơi phòng biệt giam ẩm tối

***

trước kia đã nhiều lần
anh cắn răng ứa lệ
nhủ lòng
biết bao điều
không thể nguôi quên…









LỄ HỘI THÁNG BẢY HỒI NIỆM THÁNG TƯ
Phạm Việt Cường



Có thể chỉ kém những đêm nằm chờ hồi hộp ở bãi Hải Sơn hay Rạch Giá, bùn trét lên mặt, giả dạng dân quê… Rồi sau đó người ta rời bỏ chiếc “taxi” bước lên chiếc tàu rất nhỏ lao mình vào biển đêm một tiền kiếp nào xa lắc. Vất vả như vậy đó, có thể bạn sẽ trải qua một chuyến đi đáng nhớ nhất trong nhiều năm đời mình. Có thể chỉ kém cuộc hải trình thương đau năm nào một ít.

Vì nếu không may, để đi từ thung lũng hoa vàng San Jose đến thủ đô tị nạn người Việt ở quận Cam, bạn có thể phải mất đến 12 tiếng đồng hồ. Vâng, gấp đôi thời gian di chuyển thông thường!

Thật ra thì bạn là người may mắn đấy chứ. Vì cái tai nạn giao thông đầy phiền toái kia, có thể vừa xảy ra cho một người nào đó đã khởi hành trước bạn chỉ vài phút. Đoàn rồng rắn khổng lồ náo nức lên đường trước đó không lâu chợt dừng phắt lại, tiu nghĩu, bất động trong nắng đẹp hoàng hôn. Và mắc kẹt trên đỉnh Pacheco Pass thường gọi là Đèo 152 xuyên sơn độc đạo đó thì kể như là chết chắc. Phải ngồi yên sau tay lái mà ngắm mây trên đỉnh núi vài tiếng đồng hồ thì xin đính chánh lại: bạn quả là không may! Lúc ấy, ngâm ngợi bài “Tiến thối lưỡng nan” của nhạc sĩ họ Trịnh cho riêng đoàn mình thì nghe cũng hợp tình hợp cảnh.

Trên đồi cao nhìn xuống, đoàn xe nối đuôi nhau nhích dần về phía trước gợi cho người ta nhớ đến cuộc tháo chạy tháng tư trên quốc lộ Một hơn ba mươi năm trước ở quê nhà. Chỉ thiếu những chiếc xe tăng bốc cháy, tiếng súng, bom và máy bay gầm rú làm nền cho bức tranh hoành tráng về sự biến động điên cuồng của lửa và tử thần này. Vâng, cảnh tượng kia và ám ảnh năm xưa đều có chút hối hả tương tự vương vất trong không gian; thứ nỗ lực cuống cuồng rượt đuổi chiếc kim thong thả vô tâm đang xê xích trên mặt đồng hồ.

Những công dân Hoa Kỳ đi tìm niềm vui weekend ngày Lễ Độc Lập là đây. Còn ảnh tượng một quá khứ hãi hùng thoát chạy trối chết chỉ là trầm tư ngậm ngùi riêng của bạn. Rõ ràng là để vui chơi, người ta cũng cần đến nhiều cố gắng và ý chí. Sắp xếp, chuẩn bị, hẹn hò, về nhà sớm hơn thường lệ, háo hức lên đường và.. bị chận đứng hẳn lại. Đột ngột. Trên một ngọn đèo chiều.

Ở đây không có thảm kịch hay tai biến nào nữa. Chỉ là một điểm chấm nhỏ bé trong cái khối lượng khổng lồ của hơn 40 triệu con người Mỹ đang và sắp rời khỏi nhà mình để đi đến một chỗ nào đó trong ngày Lễ Độc Lập. Người ta chỉ đi du lịch thôi, không dính líu gì đến máu lệ của nỗi kinh hoàng hay đào thoát sinh tử.

Người ta chỉ thực hiện cuộc “getaway” giải trí ngắn mùa hè.

Phi trường Tân Sơn Nhất hay Đà Nẵng hỗn loạn chắc chắn không thể so sánh với khung cảnh văn minh lịch sự của các phi trường Mỹ. Chỉ có cái số lượng người chen chúc nhau trước các gate là gợi ra cái nhu cầu bức thiết của một số đông người cùng muốn rời bỏ một chỗ này để đến một nơi nào khác. Để nâng một ly rượu đoàn tụ chẳng hạn. Hay để nhìn vào đôi mắt một người yêu cũ. Nói đúng hơn, ở đây tiếng cười nói ồn ào phân biệt với hoạt cảnh bi thảm kia. Ở đây nhu cầu khẩn cấp là đừng bỏ phí từng giây phút vàng ngọc cuối tuần. Phải dành trọn vẹn cho niềm hoan lạc đầy hứa hẹn. Hoàn toàn khác với mục đích của những con người tràn qua bờ tường toà Đại sứ Mỹ hay phi trường năm xưa. Bày kiến hoảng loạn trong chão lửa Sàigòn đó chỉ muốn một điều. Sống còn!

Và người ta cũng đến được nơi muốn đến. Cũng tay bắt mặt mừng cùng gia đình, bè bạn. Rồi đêm đến, khi những tiếng động bụp bụp bắt đầu vọng lại, thì những tiếng kêu ơi ới reo vui cũng đồng loạt vang lên. Ở quận Cam, đã là quá muộn nếu lúc tám giờ tối, bạn muốn chiếm được một chỗ đứng nhỏ bé ở công viên One Mile Square hay khu phố Hungtinton Beach. Dù chỉ để dứng yên tại chỗ và ngó lên trời. Một nhóm bạn định dẫn nhau ngồi quán café ngoài trời, để nhìn ké từ xa các đóa hoa sáng bừng rồi tắt ngấm trên trời. Hóa ra là họ có trước mặt mình một thương xá im vắng như chiều ba mươi tết trên đường phố Sàigòn. Dù sao còn một đêm khá dài để hàn huyên chuyện đời ấm lạnh. Lúc ấy kim đồng hồ vừa chỉ chín giờ.

Ở nhiều khu downtown các thành phố lớn khác, những người ..”uống nước đục” cũng chỉ có thể ngắm ké từ một góc phố khá xa các khu trình diễn pháo bông đã được rùm beng loan báo từ đầu tuần. Ai biểu..! Cố tránh né một cách tuyệt vọng hàng mấy chục cao ốc thương mãi chọc trời án ngự, họ chen lấn nhau trên các lề đường để háo hức nhìn những đóa hoa ánh sáng muôn màu lóe sáng và tàn tắt.

Sáng hôm sau, ở những tiệm phở nổi tiếng nhất, dù là ở Quận Cam hay San Hô Thành, bạn sẽ được phục vụ một cách rất ơ thờ. Với phẩm chất món ăn của những tiệm bị chê là dở nhất. Bạn nói sao? Thì mọi người ai cũng phải chờ hơn nửa tiếng mới được ngồi vào bàn như bạn thôi. Thật lạ, ngày lễ này có dính líu gì đến người Việt mình đâu mà hình như tất cả mọi gia đình đều bước vào tiệm ăn sáng chủ nhật này. Cùng một lúc. Dường như tất cả mọi gia đình đều ăn mừng sinh con đầu lòng, trúng số, lên lương.. Ngẫu nhiên mà tất cả đều cảm thấy muốn thay đổi không khí, hay thết đãi bạn hữu đến từ tiểu bang xa. Cùng một giờ. Như thể ngầm hẹn nhau đến cùng một tiệm. Thế nên chưa bao giờ người ta phải chịu đựng những tô phở tệ hại đến thế trong đời!










Giới Thiệu:
Yêu Em Hà Nội của Hoàng Anh Tuấn
Phạm Việt Cường



Khi nhà thơ Nga Maldelstam trở lại Petersburg của những ngọn đèn đường vàng ệch như “lòng đỏ trứng,” ông không còn tìm thấy những người quen và khung cảnh cũ. Thức trắng đêm bên khung cửa sổ, với quyển sổ điện thoại vô ích trên tay, ông chờ đợi. Nhưng những người thân yêu của ông không bao giờ trở lại thành phố thảm đạm đó nữa.

Hoàng Anh Tuấn là một người may mắn hơn. Những kỷ niệm của ông tươi sáng và hạnh phúc, tựa khối ngọc, lấp lánh mãi trong giấc mơ muôn mầu huyền ảo của riêng mình. Những ấn tượng của ông về Hà Nội, vào lúc vừa bắt đầu đời sống, đã kết tinh thành một mô thức vĩnh viễn, vượt trên không gian và thời gian; gần gũi và sống động như hơi thở và máu huyết.

Đẩy cánh cửa sổ ở San José, lập tức nhà thơ của chúng ta đã ở ngay giữa lòng Hà Nội lãng đãng thu vàng. Chỉ cần khẽ đưa tay ra là ông có thể chạm vào “tà áo vân nền nã” của Hà thành thanh lịch. Chỉ nghiêng đầu lắng tai một chút, nhà thơ có thể nghe ra tiếng xôn xang của vòng bảy chiếc trên cườm tay ngà Hà Nội hay tiếng rao quà nơi cuối phố Sinh Từ. Hoặc nao nao mà nhận ra tiếng con chim vành khuyên vẫn hót bên cửa sổ ngôi nhà cũ. Chỉ cần nhắm mắt tưởng tượng là nhà thơ có thể nếm trải đủ mùi vị chua ngọt của quả nhót hay quả sấu năm nào. .. Và tất cả những cảm giác sống động này được bao bọc trong một không gian thấm đẫm mùi hoàng lan hay mùi hương cốm mới...

Với Hoàng Anh Tuấn, Hà Nội không chỉ là một địa danh, một thành phố, một thủ đô. Hay đơn thuần là nơi ông đã sinh ra và lớn lên nữa. Ông đã nhân hình hóa Hà Nội thành một con người bằng xương thịt... Nói cho đúng hơn, đó còn là tên gọi khác của người thiếu nữ xa xưa đã phả vào tâm hồn ông khói sương lãng mạn của mối tình đầu. Một cách vô thức, ông đồng nhất hóa tình yêu ông với người con gái năm xưa, với tình yêu Hà Nội. Hà Nội chính là Em. Tình yêu Em chính là tình yêu Hà Nội. Không thể tách rời hay phân biệt. Cái cách ông gọi thành phố tuổi trẻ của mình mới trân trọng và âu yếm làm sao, qua tựa một bài thơ: Yêu Em, Hà Nội.

Những bài thơ của Hoàng Anh Tuấn là cuộc hành trình trở về với quê hương, tuổi thơ, và mối tình đầu thơ dại. Bằng sự hoài vọng của một tâm thức trong sáng, thiết tha và đôn hậu. Dù ở chân trời góc bể nào, ông vẫn mang theo bên mình những hình ảnh, âm thanh, mùi vị mà đời sống và tình yêu đã dâng tặng cho ông thuở trước. Và trong chuyến đi rời xa Hà Nội một quãng thời gian lâu dài đến vậy, dù đã băng qua những kinh thành rực rỡ ánh đèn hay những thủ đô náo nhiệt ngựa xe, ở mọi nơi chốn dung dưỡng ông dọc đời sống... ông vẫn không lãng quên góc cổ thành ngàn năm văn vật của riêng mình. Những đỉnh nhà chọc trời cao vút kia không che khuất nổi một góc trời quê cũ. Năm tháng và sự cách xa quyện vào nhau thành một thứ phù sa kỳ lạ, bồi đắp thêm mãi vào tâm hồn ông lớp dưỡng chất tình yêu màu mỡ. Những ấn tượng thời mới lớn đã khắc ghi vĩnh viễn vào tâm hồn ông hình ảnh một đất thánh huyền hoặc, tạo thành bối cảnh chính cho những cảm hứng thi ca của ông. Suốt đời.

Mãi mãi Hoàng Anh Tuấn đứng trên ngọn tháp thanh xuân cao ngất, với những giấc mơ đẹp đẽ đó mà ngắm nhìn thế giới. Xuyên thấu qua lớp khói sương phôi pha của thời gian, ông nhìn thấy thật rõ bầu trời Hà Nội năm nào, nhìn thấy trọn vẹn mối tình thơ ngây và nhìn thấy chính dáng điệu của mình, hệt như mấy mươi năm xưa, không hề thay đổi.

Chưa bao giờ nhà thơ đánh mất Hà Nội, tình yêu và tuổi trẻ! Tất cả vẫn nguyên vẹn trong ông. Tất cả như bài ca đan dệt vào thời gian, dào dạt mãi, không bao giờ tắt nghỉ.

Hoàng Anh Tuấn khác với nhà thơ yểu tử Maldelstam, vì sức mạnh của mối tình Hà Nội đã thu ngắn khoảng cách không gian và thời gian, như thể đối với ông, cuộc chia tay chỉ mới xảy ra chiều hôm trước.

Nếu ông có dịp, một lần nữa, trở lại, lóng ngóng đứng chờ, bên lề đường cỏ xanh năm cũ, trong một sớm mai nào đó ... thì xin ông hãy yên lòng. Vì tôi tin chắc rằng nàng công chúa của ông lại sẽ đi ngang qua. Giống hệt ngày cũ. Như lần ông mười bảy tuổi chia tay Hà Nội. Như thể hơn năm mươi năm chưa hề trôi qua, kể từ buổi tinh sương mộng mị đó. Và ông tin đi, lần này nàng sẽ dừng lại, vẫn nhìn ông lần đầu tiên và đưa bàn tay ngà cho ông cầm lấy, hệt như điều ông mơ ước:

Hà Nội yêu, xin cầm tay lần nữa....








Thơ




Hoàng Hôn

hát trong hơi thở mùa tàn
chết lặng lũ hoa vườn úa nắng
cử hành lễ tiễn đưa tập thể
mối tình riêng

ngực thầm ai nhói
chia tan

đêm hè cuối cùng
không nhỏ lệ
triễn hạn bờ vai cho mùa gió tới

vầng trăng non
làm chứng muộn một lời nguyền

bởi sẽ không bao giờ nữa






Thơ









SỚM MAI BIỂN

thanh hương nồng mướt gối
mê yêu

rượn rạo lũ hoa bỏ quên
đêm ngoài

túy lúy môi cố tìm môi xưa biết
thế giới là chiếc giường
cốc rượu lưng
mẩu thuốc tàn ngùi lạnh

trái táo đã cắn
cổ điên bầm dấu răng bất chợt

hôn dữ

ngọn nến chao chớt một mình suốt đêm
ngút nốt hửng sáng
chiếc màn cửa rủ
che
một bình minh
kiệt sức

buông ngã vào nhau bất chợt
nửa chừng
câu nói
để dành vang lên trong những đêm khác

xa

sau

liều lĩnh thản nhiên
chim biển tìm mồi
bên chân du khách
cơn say nối dài tê dại

chưa ai muốn nhìn vào lòng mình
lúc ấy

cũng không còn nhớ mùa gì
mà gió thốc buốt

những đợt sóng sớm mai
dào dạt
mãi







TRÊN ĐƯỜNG DÂY VIỄN LIÊN

”Absence is to love what wind is to fire; it extinguishes the small, it inflames the great.” -
Roger de Bussy-Rabutin

là dấu tay riêng khác mỗi người
vết chàm đỏ trán
để cuối đời còn nhận r nhau ngoài bão tối

là nhịp tim run đập khẽ khàng

chỉ hai ngực buồn kia cảm nhận

ngổn ngang một bản thảo đời
ai sẽ truy lục

những thề nguyền phiêu tán

là đôi mắt nhìn nhau qua hư không
giọng trầm phai

âm tiết địa ngục
thông báo những trời xanh hư mất

là cánh tay vươn qua cái chết
vuốt ve nhau những thương tích mới nguyên
tiếng hát đục khàn
nối vạn phiến đêm
với mai hồng tuổi trẻ
mây gió bùi ngùi sớm nắng

chiều mưa

là hóng nghe qua biển núi chia xa
tịch mịch đêm dài

ngàn sao thất lạc

thời gian dựng vạn lý trường thành cách âm
cao ngất

ba mươi năm chớp mắt
thấm đẫm vào

giọng nói ngày thơ
chỉ còn lại

nỗi u trầm của đá






PASSWORD

mấy dấu hoa thị bí ẩn
dưới đầu lưỡi mê

hôn nhau

để chạm tay vào
thứ hoài vọng mới
khác hơn niềm trầm một

em gõ xuống
vài nốt ruồi chỗ kín
từng thám hiểm

đốt xương cùng ngộ nghĩnh
vết sẹo độc đáo
vén nhìn mãi

chỗ xác ốc tìm nhau
bờ biển cũ
trời còn xanh

mây trắng hồn

mở mở chỗ tro than
hỏi xin chút lửa
em còn nén giữ
góc tim sầu lạnh

cái cách
mở cánh cửa mất chìa
mở tôi cự tuyệt
không bao giờ em biểu lộ

như mật mã
ngày chết

lúc em
lúc em






NẮNG THỀM HÈ MÃI

bước ra bậc thềm nắng sáng đó

bất ngờ

em dừng lại
một cái nhìn

khoảng lặng thiên thu

hè xanh hồng nụ môi mùa

đúng lúc
tôi đang thơ trẻ mây trời
mật chú một tên người
trong giấc mơ đã mất

chợt rực rỡ
thứ ánh sáng khác

xuyên
thấu
những đêm xưa

tôi-nhìn-thấy-em
trên sân khấu huyền hoặc kia
nắng thềm hè mãi
em trở thành nhân vật chính
trò chuyện với cuộc đời

khi tôi bắt đầu lắng nghe

sự tình cờ trở thành tất yếu





SON CHIỀU

của nắng rạng mê say

óng biếc

tóc
thơm hết những ngày kề
sao lụa vàng quá trong không kịp
phủ
lên thanh yên lên nghiêng đêm lên vai mềm

lên đôi mắt tím
ngoái tìm
khắc khoải trái tim
một còn đập nuối

son chiều
của
nụ môi
hôn
phai

khi chẳng còn nhau mãi



PHẠM VIỆT CƯỜNG





PVC & Nguyen Duc Son






























Nguyen Duy, Nguyen Huu Liem, Nguyen Ngoc, Mai Ninh, Pham Viet Cuong





Phạm Việt Cường, Vương Ngọc Minh, Phan Nguyên








Trở về












MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.











Thứ Năm, 12 tháng 5, 2022

Trịnh Lữ

 














Trịnh Lữ

tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, 
(1948 - ......) Hà Nội

Họa sỹ, Dịch giả








Tiểu sử


Trịnh Lữ, tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 tại Hà Nội
 là họa sỹ, dịch giả,
Ông từng là phóng viên, biên tập viên tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam, từng sang Mỹ làm việc gần 15 năm cho các dự án truyền thông và giáo dục của Liên Hiệp Quốc, từng là họa sĩ có nhiều cuộc triển lãm tranh ở New York,
Trịnh Lữ còn là một nhà thiết kế nội thất mang phong cách tối giản, một nghệ sĩ piano nghiệp dư, một nhà văn với những truyện ngắn đậm chất hoài cổ và mang một chút hơi hướng thiền.









“Triết lý hay nhận định, nhiều khi chỉ để lừa nhau"
Trịnh Lữ













Sách dịch đã xuất bản




1
Cuộc đời của Pi
(Life of Pi) tiểu thuyết của nhà văn người Canada Yann Martel
Nxb Knopf Canada. 2001







2
Utopia - Địa đàng trần gian









3
Bí mật chôn vùi - Sự thật tàn bạo







4
Hội họa Trung hoa qua lời các vĩ nhân và danh họa







5
Truyện ngắn Úc
(song ngữ Anh-Việt)







6
Rừng Nauy







7
Biển







8
Tham vọng bá quyền







9
Trần trụi với văn chương







10
Nhạc đời may rủi







11
15 Nhà thơ Mỹ thế kỷ XX
(cùng với Hoàng Hưng, Phan Nhiên Hạo, Cù An Hưng)







12
Màu tự nhiên







13
Người trong bóng tối







14
Đại gia Gatsby







15
Nhập môn Nghiên cứu Dịch thuật - Lý thuyết và Ứng dụng




















Tranh Trịnh Lữ
























































Sớm mùng một Tết ở Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng.















































































Chân dung họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc:









Chân dung nhà thơ Hữu Loan.














'Vẽ gì cũng là tự hoạ' của Trịnh Lữ




Dịch giả Trịnh Lữ và hành trình đến 'Vẽ gì cũng là tự họa'
Họa sỹ Trịnh Lữ, dịch giả nhiều cuốn "Cuộc đời của Pi," "Rừng Na Uy" từng sống với nhiều ngành nghề, để rồi hun đúc lại một hành trình đậm đặc để kể qua tranh, hội họa và cuốn "Vẽ gì cũng là tự họa."


Tranh ''Tò he, đố biết ông đang nặn con gì.'' 


Sáng 11/1 tại không gian triển lãm The Muse Art Space (47 Tràng Tiền, Hà Nội) đã diễn ra buổi ra mắt sách "Vẽ gì cũng là tự họa" của họa sỹ-dịch giả Trịnh Lữ. Cuốn sách do Omega Plus phát hành, mở đầu cho Tủ sách Mỹ thuật Việt Nam của đơn vị này.

Sự kiện mở ra cơ hội để độc giả và người yêu nghệ thuật được biết về một con người đa tài và giàu kinh nghiệm, không chỉ trong hội họa mà còn cả trong nhiều ngành nghề khác.

Cắt tóc, dịch sách, làm báo... rồi về với tranh

Trong các ngày từ 4/1 đến 11/1/2022, họa sỹ Trịnh Lữ đã mang đến cho Hà Nội triển lãm tranh bằng nhiều chất liệu, nhiều nhất là phấn màu, rồi đến chì than và màu nước, sơn dầu, thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu nghệ thuật tại Thủ đô.

Họa sĩ Trịnh Lữ tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 và là con trai của hai họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc-Nguyễn Thị Khang, anh trai của họa sỹ Trịnh Tú... Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc là nhà thiết kế nội thất đầu tiên tại Việt Nam, không dạy cho các con cách làm giàu mà luôn chỉ dạy cách đam mê với nghệ thuật.

“Ngày nào con cũng phải vẽ một chút, vẽ gì thì vẽ, miễn là có vẽ,” cố họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc dặn con lúc sinh thời. Ông Trịnh Lữ mang lời dặn theo những giai đoạn khó khăn nhất, thực hành bằng từng mẩu bút chì nho nhỏ và những tờ giấy một mặt cũ kỹ để "duy trì sự liên lạc" với đam mê của bản thân.

Khi xưa, họa sỹ Trịnh Lữ từng trải qua nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Ông từng nhận làm mộc, cưa, cắt các khung tranh gỗ giả cổ hay làm nghề cắt tóc như bố khuyên để sống. Về sau, ông có cơ hội trải nghiệm với nghề phát thanh-báo chí, làm truyền thông cho nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam về giáo dục, dịch sách và hiện nay, ông chọn toàn tâm toàn ý với mỹ thuật, hội họa.



Dịch giả, họa sỹ Trịnh Lữ


Vì nhiều lý do khách quan, ông đã không thể nhập học một trường đại học mỹ thuật mà phải theo học tại trường Mỏ Địa chất, nhưng không theo nghề. Nhờ khả năng nhại giọng tiếng nước ngoài, ông được tuyển vào làm phát thanh viên tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam.

Công việc báo chí này đã mở ra cho ông đường đi với ngành truyền thông tại Đại học Cornell (New York), có cơ hội tu nghiệp về hội họa, tâm lý học thị giác, phê bình mỹ thuật ở Mỹ. Năm 1993, ông có triển lãm cá nhân đầu tiên tại New York và được tờ nhật báo Ithaca Journal bầu chọn là "Nghệ sĩ của năm."

Cơ duyên để ông trở thành một dịch giả bắt đầu từ việc ông nhận dịch giúp cuốn “Cuộc đời của Pi.” Bản dịch mang về cho ông giải thưởng của Hội Nhà văn năm 2014, từ đó, kéo ông đi tiếp qua công việc dịch sách những tác phẩm nổi tiếng khác như “Đại gia Gatsby” hay “Rừng Na Uy”... Mỗi tác phẩm ông dịch, mỗi câu từ ông đọc đều trở thành những nguồn ảnh hưởng để xây dựng nên một người được nhận xét là đa tài như Trịnh Lữ ngày nay.

Với ông, việc nỗ lực làm hết sức mình ở từng nghề dường như có hai sắc thái. Nó vừa là nỗ lực để sống, sinh tồn song cũng là cố gắng để thấy được cái đẹp trong mỗi nghề, để trong cuộc sống “không cảm thấy chán đời.”

“Vẽ gì cũng là tự họa”

Đây là quan điểm nghệ thuật mà họa sỹ Trịnh Lữ dùng để đúc kết cho 60 năm thực hành nghệ thuật của mình và nhiều thực hành ngành nghề khác. Ông chia sẻ: “Tranh cũng như những vật ta nhìn thấy xung quanh. Chúng ta là người gắn ý nghĩa cho nó và cũng chính chúng ta phải làm ra cái ý nghĩa đó.”

"Đừng mắt nhìn tay vẽ, mà hãy vẽ bằng ý tưởng, bằng suy nghĩ và minh họa từ đó," họa sỹ Trịnh Lữ nói thêm. Ông cho rằng, họa sỹ là người vẽ ra từ tâm tư của chính mình. Một bức tranh trở thành công cụ và cái cớ để người xem nhìn vào, tự trải nghiệm chính mình qua đó.

Nói về cuốn sách, tác giả cho biết cơ duyên nó ra đời thực chất cũng nằm ở lý do khách quan - dịch bệnh COVID-19. "Lúc dịch lớn quá, tôi quyết định không làm triển lãm nữa và chuyển thành trưng bày qua sách. Đây cũng là dịp để tôi nhìn lại hơn 60 năm vẽ của mình." Cũng qua cuốn sách, ông hy vọng những bức tranh có thể đến được với nhiều người hơn.

Người làm sao, của chiêm bao là vậy, họa sỹ Thành Chương nhận xét khi nói về “Vẽ gì cũng là tự họa” của dịch giả-họa sỹ Trịnh Lữ. Ông Thành Chương dành cho người đàn anh rất nhiều sự tôn trọng, đánh giá cao về cả phong cách sống và kiến thức. Họa sỹ Thành Chương nhận xét câu chuyện "tự họa" của người nghệ sỹ không phải điều gì xa lạ, nhưng để đúc kết thành sáu chữ đơn giản, súc tích như tiêu đề cuốn sách thì chính ông cũng cảm thấy bất ngờ, ngỡ ngàng.

Qua những tác phẩm xuất hiện trong sách và triển lãm "Vẽ gì cũng là tự họa," họa sỹ Phạm Bình Chương cho rằng họa sỹ Trịnh Lữ có nền tảng sơn dầu nhưng tạo được những rung cảm rất riêng qua chất liệu phấn màu vốn không đặc biệt phổ biến tại Việt Nam.

Trước "Vẽ gì cũng là tự họa," họa sỹ Trịnh Lữ từng cho ra mắt "Đi vẽ - Nhật ký hội họa 2014" và "Ghi chép" ra mắt đầu năm 2021./.

Minh Anh

















Dịch giả Trịnh Lữ: “Triết lý hay nhận định, nhiều khi chỉ để lừa nhau"

Thư Vũ

“Bây giờ đọc rất nhanh, nhưng nghĩ rất khó. Mọi thứ thay đổi quá nhanh, nên nhiều khi dừng lại suy nghĩ dễ thành lạc hậu. Sự lạc hậu thường chẳng ai muốn nhận.”

Dịch giả, nhà văn, hoạ sĩ Trịnh Lữ có lẽ là cái tên không còn xa lạ gì trên văn đàn dịch thuật cũng như văn hoá nghệ thuật đương đại Việt Nam. Khi giới thiệu về bác, dịch giả Dương Tường đã nói ngắn gọn “đấy là một người tài hoa trong một gia đình trí thức - nghệ sĩ Hà Nội có nhiều người tài hoa”.

Một thế hệ người đọc yêu văn học dịch Việt Nam, hẳn đã từng đọc những bản dịch kinh điển như Cuộc đời của Pi, Con nhân mã ở trong vườn, Rừng Nauy, Utopia, Biển,... Bên cạnh đó, bác còn được giới nghệ thuật nhắc tới với tay nghề hội họa bậc thầy trong phong cách vẽ hiện thực.

Gặp bác Trịnh Lữ trong tập Have a sip mới nhất, Vietcetera đã có cơ hội ngồi lại và trò chuyện cùng bác về chặng đường hơn 70 năm cuộc đời và 50 năm hoạt động nghệ thuật.


Thân thiết với tiếng mẹ đẻ trước khi bước vào dịch thuật

Luôn có rất nhiều phẩm chất cần có trong mỗi công việc khác nhau, dịch thuật cũng thế. Đối với dịch giả Trịnh Lữ, bác quan niệm hãy luôn hiểu vì sao mình thích dịch. Cũng như phải thân thiết với tiếng mẹ đẻ của mình, để có thể nghĩ và diễn đạt bằng nó từ một ngôn ngữ khác.

Nếu chỉ thích những thứ tiếng khác, nằm mơ bằng một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt, dịch giả Trịnh Lữ cho rằng sẽ rất khó để dịch thuật tốt. Phải nằm mơ bằng tiếng Việt, thấy cái gì hay thì nói lại bằng tiếng Việt, yêu tiếng nước mình và thực hành với nó, mới có thể là một dịch giả tốt.

Nhà văn Italo Calvino trong tác phẩm “Nếu một đêm đông có người lữ khách” đã từng nói đại ý là, một tác phẩm mà khi bước ra khỏi tác giả, thì nên được sống cuộc đời của riêng nó. Khi đó, dịch giả là người cho tác phẩm đời sống thứ hai của mình. Đồng tình với quan điểm này, dịch giả Trịnh Lữ cũng chia sẻ, cái vỏ của chữ nghĩa không quan trọng, quan trọng nhất là tố chất, nội dung của một tác phẩm.

"Phải nằm mơ bằng tiếng Việt, thấy cái gì hay thì nói lại bằng tiếng Việt, yêu tiếng nước mình và thực hành với nó, mới có thể là một dịch giả tốt." | Nguồn: Linh Chi cho Vietcetera

Bác thường không bao giờ đọc hết cả tác phẩm trước khi dịch. Vì như thế sẽ đánh mất sự hồi hộp của câu chuyện. Để chọn lựa cho mình một cuốn sách phù hợp khi bắt đầu dịch, bác thường xem qua rất nhanh, sau đó đọc đến đâu thì dịch đến đấy. Đó cũng là cách để giữ lại sự hồi hộp trọn vẹn cho một dịch giả, cùng với đó, bởi vì cảm xúc tươi mới nên ngôn ngữ sử dụng cũng sẽ khác đi và không bị sáo mòn.

Sách mà cứ đọc đi đọc lại thì sẽ nhanh chán. Đọc rồi lại tra cứu quá nhiều thì sẽ giống văn kiện. Nếu như dịch văn kiện hay luật pháp, tư liệu, bác Trịnh Lữ cho rằng có thể làm như thế được, còn dịch văn chương không nên như vậy. Văn chương hấp dẫn ở chỗ bất ngờ, tò mò và mới mẻ, sáng tạo đối với mỗi người.

Cuối cùng, dịch giả Trịnh Lữ cho rằng, một người dịch thuật còn cần ý thức được cái nào mình có thể dịch tốt, đồng thời phải trang bị đầy đủ những kiến thức nền tảng về lĩnh vực mình muốn chuyển ngữ.

Giống như một người dịch văn học sẽ rất khó dịch tốt thơ ca hay triết học. Đó là những thứ cần tiếp cận ở một góc nhìn khác, hiểu biết khác. Hay cũng có những thứ, nó chỉ đẹp ở một ngôn ngữ nhất định, không nên cố gắng ôm đồm tất cả lĩnh vực, như thế sẽ rất nhanh bị đuối sức và xuống sức.

Văn hoá đọc không đo bằng số lượng sách, mà bằng thái độ đọc

Khi đã bước qua tuổi 70, bác Trịnh Lữ nhận ra rằng, những triết lý hay nhận định, khái niệm “tranh khôn tranh dại” nhiều khi chỉ là lừa nhau. Khi đọc, chúng ta phải biết cách lọc đi những khái niệm đấy. Tranh cãi về nghệ thuật vị nghệ thuật, hay nghệ thuật vị nhân sinh, công dụng hay sự vô dụng của nghệ thuật thường rất sai lầm và vô nghĩa.

Bằng kinh nghiệm sống của mình, bác Trịnh Lữ quan niệm, thế hệ nào cũng phải biết cách đặt câu hỏi, tự phản biện và cố gắng sống tự nhiên, giản dị. Khi đó, sẽ dễ thấy những tranh cãi không có nghĩa lý gì cả, phân tích và tìm hiểu mới là đích đến.

Nhìn rộng ra, đó còn là câu chuyện của phê bình và quan điểm cá nhân. Khi nhận xét nên hiểu cách đặt vấn đề như nào, ta nhìn nghệ thuật bằng con mắt ra sao, cái gì là của riêng mình, cái gì tốt cái gì hay

"Nếu đọc chỉ là đọc thôi, thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Một người khi đọc sách phải hiểu đọc để làm gì." | Nguồn: Vietcetera

Lấy ví dụ cho trường hợp này, bác Trịnh Lữ cho rằng, nếu cào bằng tất cả các giá trị, không phân biệt được đúng sai, đẹp xấu, không dám phê bình hay chỉ biết dùng những mỹ từ để nói về nhau theo cách thù tạc, sợ phải lên tiếng thì dịch sách và làm nghệ thuật rất khó. Môi trường này dễ giết chết những tư duy sáng tạo tươi mới và ngủ quên trong sự o bế lẫn nhau.

Ngoài ra, bác Trịnh Lữ nói, thời đại nào, chúng ta cũng có thể kiếm được tiền từ sách, giống như thời nào cũng cần đọc sách. Nhưng nếu đọc chỉ là đọc thôi, thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Một người khi đọc sách phải hiểu đọc để làm gì. Không quan trọng bạn đọc nhiều hơn người khác bao nhiêu, quan trọng là sau khi đọc xong bạn trở thành người như thế nào, đóng góp gì với cuộc đời, đồng thời bản thân có trở nên tốt đẹp hơn so với trước không.

Nhìn lại quãng đường đã qua, bác Trịnh Lữ đúc kết, đọc phải có sự trau dồi và mục đích rõ ràng, như thế mới có nhận xét của riêng mình. Văn hoá đọc không đo được bằng số lượng sách đã đọc, mà đo bằng thái độ đọc. Bây giờ là thời đại của nghe nhìn lướt quẹt, chúng ta dường như đang sống trong cơn lũ thông tin, nên có rất ít thời gian tỉnh táo xem thông tin đó như thế nào, xử lý nó ra sao.

“Cũng bởi vì vậy, thời đại bây giờ đọc rất nhanh, nhưng nghĩ rất khó. Mọi thứ thay đổi quá nhanh, nên nhiều khi mình dừng lại nghĩ lại thành lạc hậu. Mà sự lạc hậu thì thường, lại chẳng ai muốn nhận.”


Muốn hoà bình với bản thân, đừng đánh mất chính mình

Bên cạnh là một dịch giả, nhà văn, nhà thơ, bác Trịnh Lữ còn nổi tiếng và được biết đến với vai trò là một hoạ sĩ với rất nhiều tác phẩm sơn dầu, tranh lụa, màu nước đẹp. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhưng từ nhỏ, ngay từ khi học vẽ, bố mẹ dịch giả Trịnh Lữ đã dạy bác rằng, không nên có khái niệm sẽ trở thành nghệ sĩ nổi tiếng.

Vẽ là một nghề làm đẹp, khi học vẽ thì phải có khả năng vẽ được. Sau này, nếu muốn sống bằng nghề, người ta đặt làm gì, thì mình phải có khả năng vẽ và thiết kế gọn gàng, chuẩn mực sao cho những vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống còn lại và ở lại mãi trong những bức tranh mình vẽ. Đấy là khi nghệ thuật và cuộc sống được hiện diện trong bức tranh của mình.

Thuần tuý như vậy, khiến cho quan niệm về hội hoạ hay họa sĩ trong bác chưa từng bị những giá trị khác xen vào, để khiến mình tự nhận bản thân có một tài năng vượt bậc hay đang làm một nghề cao quý. Nền tảng giáo dục của gia đình xây dựng trong hoạ sĩ Trịnh Lữ một tâm niệm rằng, làm cái gì cũng phải làm cho nó thật nhất và đến nơi đến chốn."Hoạ sĩ Trịnh Lữ luôn tâm niệm rằng, làm cái gì cũng phải làm cho nó thật nhất và đến nơi đến chốn." | Nguồn: Vietcetera

Đó cũng là cách bác luôn dạy ở con mình sau này. Nếu học về kiến trúc, thì khi con thiết kế một cái chuồng lợn, thì phải có thái độ như là thiết kế một cái lâu đài. Nó giống như cách bác Trịnh Lữ dịch một đoạn văn hay cả một cuốn tiểu thuyết mấy trăm trang, vẽ một cái bình hoa hay chân dung người nổi tiếng. Tất cả đều bằng hết tâm huyết và tình yêu của mình.

“Làm cái gì cũng phải bằng tình cảm thật sự, dịch cũng thế. Nếu không yêu cuốn sách sẽ khó mà dịch được. Không yêu những lời văn, tư tưởng thì làm sao nói lại được cho người khác bằng sự trau chuốt và mạch lạc, sẽ xấu hổ lắm. Tôi nghĩ mọi chuyện đơn giản như thế thôi.”

Ngoài ra, dù là dưới bất cứ một danh xưng nào trong công việc, yếu tố đề cao nhất của bác Trịnh Lữ luôn là phải làm theo ý nguyện của mình. Không nên vì yếu tố nào khác mà làm sai những gì mình muốn làm.

Cuộc đời luôn cho chúng ta rất nhiều lựa chọn và cùng với đó là cơ hội để được lựa chọn. Muốn có được lựa chọn tốt và đúng với mình, thì sống phải để ý đến bản thân, luôn luôn tự vấn, tự khẳng định và tự phủ nhận. Còn nếu hay quên đi bản thân, chạy theo những giá trị của người khác, lấy đó làm mô hình cho mình, thì sẽ dễ đi lạc.

“Đừng đánh mất bản thân, tôi nghĩ đó là điều khiến cho bản thân lúc nào cũng hoà bình với chính mình. Mình không bị những cái khổ sở khi không đúng là mình, đấy là cái khó nhất.” - Bác nói.





































Trở về








MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.