Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Hoàng Tích Chù (1912 - 2003)
















Hoàng Tích Chù
(1912 - 20 tháng 10 năm 2003) Hà Bắc
Thọ 91 tuổi
Hoạ sĩ











Bùi Xuân Phái, Võ An Ninh, Hoàng Tích Chù







Tiểu sử

Ông sinh năm 1912 tại Hà Bắc[1], quê ở làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là con trai thứ hai của Hoàng Tích Phụng - một nhà Nho từng làm tri phủ và tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục. Anh trai ông là nhà báo Hoàng Tích Chu, các em là nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, bác sĩ Hoàng Tích Tộ, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ[2].

Năm 1929, ông theo học lớp dự bị trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông học ngắt quãng, phải thi nhiều lần cho đến năm1936, Hoàng Tích Chù mới thi đỗ vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương[3], học cùng khoá 11 với Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Trang Chước... Tốt nghiệp năm 1941, ông mở xưởng vẽ tại phố Hàng Khoai, và là một trong bốn hoạ sĩ đầu tiên mở xưởng sơn mài Hà Nội[2]. Ông tham dự Salon Unique cũng như các cuộc triển lãm của FARTA. Năm 1944, ông tham gia Ban kịch Đông Phương, làm trưởng ban, phụ trách phần hóa trang của ban.

Sau Cách mạng tháng 8, ông trở thành một trong những giảng viên đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (1945-1946)[2]. Trong liên hoan "Tuần lễ vàng", ông gửi bày bức tranh sơn dầu khổ lớn "Đêm hoa đăng" (sau thuộc về Bảo tàng Đức Minh). Toàn quốc kháng chiến, ông cùng gia đình về quê, tham gia hoạt động trong Hội Liên Việt Kháng chiến. Ít lâu sau, Hoàng Tích Chù chuyển lên Khu 12, tham gia vẽ tranh tuyên truyền và dạy các lớp học ngắn hạn trong quân đội[3]. Năm1947, trong một chiến dịch càn của quân Pháp, ông cùng gia đình bị kẹt lại, phải trở về Hà Nội. Thời gian này, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam[2], tham gia hoạt động bí mật trong thành và sau bị bắt giam (1953)[4].

Sau khi hòa bình lập lại, Hoàng Tích Chù giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1956-1969)[1]. Ông cộng tác cùng Nguyễn Đức Nùng và Nguyễn Văn Tỵ viết giáo trình trang trí và riêng ông tự viết giáo trình sơn mài. Ông là hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trong năm 1957 - 1960, ông giành được 3 giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc và nhận được Bằng khen tại triển lãm quốc tế ở Đức, Ba Lan và Ấn Độ[1]. Năm 1960, ông phụ trang trí Hội trường của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 3 và được cử đi dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc[4]. Ông là Viện trưởng Viện Mỹ nghệ Hà Nội từ năm 1970 cho tới lúc nghỉ hưu.

Hoàng Tích Chù mất ngày 20 tháng 10 năm 2003, hưởng thọ 93 tuổi. Thi hài ông được đưa về chôn tại làng Phù Lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh quê ông[2].



Tác phẩm

Được xem là một bậc thầy trữ tình trong hội họa sơn mài, bút pháp nghệ thuật của Hoàng Tích Chù thay đổi qua nhiều hoàn cảnh lịch sử như: cổ điển (trước 1945, tiêu biểu bình phong Phong cảnh chùa Thầy ), hiện thực (sau 1954, Tổ đổi công, Bác Hồ chơi với thiếu nhi), tượng trưng (những năm cuối, Hòa bình trên các vì sao, Nhịp điệu). Ông chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật dân gian qua thi ca và không gian văn hóa hơn là trực tiếp từ nghệ thuật tạo hình cổ, kết hợp với sự yêu thích nghệ thuật hiện đại và đồng thời ngưỡng mộ phong cách hội họa giàu tính dân tộc của các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân[4].



Tổ đổi công, sơn mài, 76x100cm, 1958

Bức tranh nổi tiếng nhất của ông là Tổ đổi công, vẽ năm 1958. Đây là một trong những tác phẩm sơn mài đầu tiên sử dụng bảng màu phong phú, đặc biệt là màu xanh bổ sung cho những màu truyền thống son - then - vàng - bạc, đã thể hiện thành công hình ảnh thiên nhiên và con người Việt Nam một cách sống động tự nhiên[2].

Ông có tranh trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Phương Đông ở Moskva và một số bộ sưu tập tư nhân[1].









Tác phẩm chính





Phong cảnh chùa Thầy (1944)







Tổ đổi công miền núi (1958)








Gánh lúa (1961)








Đêm hậu cứ (1966)








Hòa bình trên các vì sao
(1989)
















Giáng Sinh (vẽ cùng họa sĩ Nguyễn Tiến Chung)
















Tham khảo

^ a ă â b “Hoang Tich Chu”. Commie Travel. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2009.
^ a ă â b c d Thuận Thiên (ngày 24 tháng 10 năm 2003). “Vĩnh biệt hoạ sĩ Hoàng Tích Chù - người thầy của nghệ thuật sơn mài”. Lao động. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2009.
^ a ă Quang Việt (2008). Từ điển họa sĩ Việt Nam. Nhà xuất bản Mỹ thuật. tr. 47.
^ a ă â Quang Việt (2008). Từ điển họa sĩ Việt Nam. Nhà xuất bản Mỹ thuật. tr. 49.







Tham khảo thêm vê họa sĩ Hoàng Tích Chù







HỌA SĨ SƠN MÀI HOÀNG TÍCH CHÙ


Ngày 18 tháng 2 năm 2002, lão hoạ sĩ vừa tròn 90 tuổi. Nhưng gia đình ông đã quen mừng thọ theo âm lịch, theo đó thì ông ra đời đúng ngày mồng một Tết, cho nên mồng một Tết năm Tân Tỵ vừa rồi, đại thọ cửu thập niên của lão hoạ sĩ Hoàng Tích Chù đã được cử hành trọng thể tại tư gia ở 43 Nguyễn Như Đổ, gần Quốc Tử Giám Hà Nội. Tôi đến chúc thọ ông chậm ngày, được thấy hình ông mặc áo đỏ đội mũ vàng theo đúng nghi thức cổ. Thật hiếm có dịp “song lễ trùng lai” như thế ở đời: lễ mừng thọ cũng là lễ mừng ông được “ơn vua lộc nước” rất to: giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhưng với tôi thì ông không muốn nói chuyện ấy, mà muốn khoe cái khác kia: ông bảo cụ bà dìu ngay qua phòng vẽ mới xắp xếp ít lâu… Ông vẫn còn vẽ ư? Cụ bà Hoàng Tuyết Trinh (85 tuổi) bảo ông nằm liệt cả năm rồi, trước hôm đi nhận giải thưởng HCM bỗng nhiên ông đứng lên đi được. Ông quyết định lập phòng vẽ để phục chế tranh cũ, hướng dẫn con trai là KTS Hoàng Tích Chí thực hiện. Cái đầu tiên đang lên là “Tổ đổi công miền núi”, bản đang để ở bảo tàng Mỹ thuật bị hỏng rồi! Tôi chợt nhớ mấy năm trước, khi ông còn ở TPHCM với người con gái là giảng viên sơn mài của trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, sau khi bị đục thủy tinh thể một con mắt, lão hoạ sĩ đứng ngồi không yên. Có hôm ông đi xích lô tới nhà tôi hỏi: “Cháu có cầm của bác bức phác thảo cảnh dân Phù Lưu chạy tản cư hồi năm 1946 không? Mấy hôm nay mắt bác khá hơn, bác muốn lên tranh cái ấy quá!”…

Cuộc đời lao động nghệ thuật gắn liền với lịch sử sơn mài VN của hoạ sĩ Hoàng Tích Chù thế là đã kéo dài trên 65 năm. Ông đi vào nghệ thuật như một bông hoa trổ từ cái cây có gốc rất sâu. Quê ông, làng Phù Lưu, tức Chợ Giàu, một cái làng văn hiến nổi tiếng của đất Kinh Bắc. Họ Hoàng nhà ông là một họ lớn, công tích về văn hoá còn lưu hình khắp làng. Riêng gia đình ông là cả một lò tên tuổi: anh cả, Hoàng Tích Chu, chủ bút tờ Đông Tây hiện đại hoá ngôn ngữ báo chí VN, rồi các em: nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, nhà viết kịch điện ảnh Hoàng Tích Chỉ. Cụ huyện Phụng, thân sinh các ông, bị hồi hưu sớm vì dính với Đông Kinh Nghĩa Thục, nên chi tộc Hoàng Tích nghèo. 
Sau khi có bằng thành chung (diplome, tức hết bậc trung học cơ sở), không có điều kiện học lên nữa, chính ông anh Chu đã giới thiệu ông đi học lớp vẽ của ông Nam Sơn, người đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau đó ông theo các cua của trường Mỹ thuật. Vừa học vừa làm nghề (làm cliché cho nhà in Lê Văn Tân mỗi tháng cũng được trăm rưởi, đủ ăn học). Ông thi vào trường rất vất vả, trượt năm năm liền, nên lúc được vào học (năm 1936) mới có biệt danh “Chù già”. Cái duyên khiến Hoàng Tích Chù đến với sơn mài cũng lại do sự thúc đẩy của hoàn cảnh kinh tế. Cùng lúc sơn mài VN bắt đầu được khẳng định nhờ “cụ I” (hoạ sĩ Inguimberty, theo cách gọi của cố hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí) mở lối và tài năng Nguyễn Gia Trí chứng tỏ, tổ chức Cooperative des Artistes Indochinois (Hợp tác xã các họa sĩ Đông Dương) ra đời do Inguimberty lãnh đạo và Trần Văn Cẩn điều hành, hướng các hoạ sĩ và học viên mỹ thuật vào việc sản xuất mỹ nghệ, thì Hoàng Tích Chù đang làm con nuôi một người Hoa. Với óc thực tiễn của dân tộc mình, ông bố nuôi đã quyết định hướng anh con nuôi vào việc mở xưởng sơn mài. Thế là thợ sơn mài mỹ nghệ được thuê tới làm, và nhờ vậy ông đã học được rất nhiều về kỹ thuật tinh vi khó khăn của nghề này (theo trí nhớ của lão hoạ sĩ lúc tôi hỏi chuyện ông vào năm 1996, thì ông thợ này người làng Bình Đà, huyện Thanh Trì, Hà Đông. Thanh Trì cũng là quê ông “phó Thành”, người đã cùng các học viên trường Mỹ thuật sáng tạo nên nền “sơn rửa”, tức sơn mài VN). Nhắc tới chuyện này, lão hoạ sĩ khẳng định với tôi: “Hoạ sĩ mà không trải qua thực tế làm sơn mài, thì không thể nắm được tếch – nich của nó, như nhiều hoạ sĩ bây giờ vẽ sơn mài y như vẽ sơn dầu. Tôi may mắn có cái gốc làm nghề, nên học trò tôi dạy không người nào không biết làm sơn mài”. Tuy nhiên, kỹ thuật sơn mài phải được con mắt tinh tường của người hoạ sĩ hướng đạo. Đó là điều ông Chù học được ở các thầy Tây. Ông thường kể đi kể lại câu chuyện “gật, lắc” của thầy Inguimberty. “Cụ I” không học vẽ sơn mài, cụ chỉ đứng quan sát và gật hoặc lắc, học viên phải hiểu ý mà điều chỉnh, “cụ” lắc đến lần thứ ba thì bức tranh coi như… vứt.

Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật năm 1941, đứng thứ nhì sau Nguyễn Văn Tỵ, ông mở xưởng ở phố Hàng Khoai, làm sơn mài theo “com măng” của Cooperative des Artistes. Lúc ấy cả Hà Nội chỉ có bốn xưởng: Phạm Hậu, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Văn Tỵ và Hoàng Tích Chù.

Trong kháng chiến chống Pháp, cuộc đời ông lắm gian truân. Từ quê nhà lên Việt Bắc, ông hai lần bị du kích bắt vì “nghi là việt gian”, trước khi gặp tướng Nguyễn Sơn, rồi cùng Trần Văn Cẩn vẽ tranh tuyên truyền và lập các lớp hoạ trong quân đội. Nhưng dấu ấn nổi bật nhất của thời kháng chiến lại là hoạt động trong lòng Hà Nội tạm chiếm. Nhà ông nuôi cán bộ nội thành. Bà “buôn lậu” diêm trắng muối trắng ra chiến khu làm thuốc mìn. Ông tuyên truyền kháng chiến trong giới văn nghệ. Ông vừa được kết nạp Đảng thì bị bắt do cơ sở khai ra, bị bắt tại nhà cùng với tài liệu và bức tranh cổ động đả kích Bảo Đại, chống bắt lính đang vẽ dở. Bị tra tấn dã man, gãy cả hai hàm răng, đến nay còn di hại trong cơ thể. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động.

Sau hoà bình 1954, ông đóng góp cho sơn mài VN rất nhiều ở cương vị người phụ trách tổ thực nghiệm sơn mài rồi giảng viên chính khoa sơn mài trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Với kinh nghiệm một thời lăn lộn thực sự trong nghề sơn mài và lòng tận tụy của người thầy, ông được sinh viên yêu quí và được coi là người chuyển giao hiệu quả nhất những bí quyết của nghệ thuật sơn mài truyền thống. Ông bảo: “Bí quyết sơn mài nằm ở chỗ sâu sa và hài hoà của màu dân tộc. Sơn mài không vẽ theo nature (tự nhiên), cũng không phải decoratif (trang trí).” Tập giáo trình đánh máy ông biên soạn về sơn mài và nghệ thuật trang trí qua hơn 40 năm vẫn còn là một tài liệu quí có tính căn bản. Tôi đã gặp nhiều hoạ sĩ thuộc những thế hệ khác nhau tự hào nhận mình là học trò “cụ Chù”. Cả những học trò nước ngoài nữa. Hoạ sĩ Thái Đắc Chấn, hiện là phó chủ tịch hiệp hội sơn mài Trung Quốc, đã gửi tặng ông tập sách tranh của mình với những lời cảm kích về người thầy tận tâm và chu đáo.
Nhưng rồi bản tính thẳng thắn nó hại ông. Ông Chù bị “trù”, không được dạy nữa. Chuyển sang phụ trách Viện Mỹ nghệ Hà Nội, ông lại tiếp tục đóng góp cho sơn mài ở cương vị chỉ đạo nghệ thuật các hợp tác xã thủ công mỹ nghệ trong toàn thành phố, cho đến khi về hưu.

Con đường sáng tạo của Hoàng Tích Chù thực sự rộng mở từ sau cách mạng tháng tám. Tác phẩm đầu tiên của ông được nhắc đến nhiều là bức sơn dầu “Đêm hoa đăng”: bốn cô gái Hà Nội nét đẹp cổ điển với những chiếc đèn lồng toả ánh sáng tưng bừng. Tháng 7 năm 1946, hoạ sĩ ở trong ban tổ chức Tuần lễ Vàng ở Hà Nội. Sau một đêm liên hoan đèn đuốc rực rỡ, ông hào hứng phác thảo ngay bức tranh. Kháng chiến bùng nổ, bức phác thảo tưởng thất lạc. Nhưng sau khi ông vào thành, em ông là Hoàng Tích Linh từ kháng chiến gửi vào. Nhà tư sản Bùi Đình Thản (tức nhà sưu tập Đức Minh), một cơ sở hoạt động của ông, trông thấy, liền đưa tiền để ông thực hiện bức tranh. Tranh vừa treo lên, một chủ ngân hàng người Pháp đã hỏi mua lập tức và bị từ chối. (Hiện nay bức tranh thuộc về một nhà sưu tập Hà Nội sau khi con trai ông Đức Minh “bán mớ” mấy bao tải tranh của người cha để lại). 
Bất cứ tuyển tập tranh hiện đại nào của VN đều không thể bỏ qua tác phẩm “Tổ đổi công miền núi” của Hoàng Tích Chù vẽ năm 1958. Đây là một trong những tác phẩm sơn mài đầu tiên sử dụng bảng màu phong phú, đặc biệt là các màu xanh bổ sung cho mấy màu son – then – vàng – bạc truyền thống, thể hiện thành công thiên nhiên và con người VN trong vẻ sống động tự nhiên. Sau khi đoạt giải ba Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, bức tranh được đưa đi triển lãm 12 nước XHCN, đoạt thêm hai giải quốc tế và được lưu giữ tại Bảo tàng Phương Đông của Liên Xô cũ. (Có điều không biết giữa bản ấy và bản lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật VN, cái nào là bản thật?). Ông Chù kể: bức này được thực hiện từ một ký hoạ tình cờ. Năm 1957, sau khi đi thăm và nghỉ ở Trung Quốc một năm, trên đường trở về Hà Nội, trong lúc ngồi đợi tàu ở một ga xe lửa thuộc tỉnh Lạng Sơn, ông đã ghi được cảnh cấy lúa rộn ràng của một tổ đổi công giữa bối cảnh núi non xinh tươi.

Những năm vào tuổi 80, lạ thay, trong con người hoạ sĩ lại bùng lên một sức trẻ trung bất ngờ. Ngỡ như ông mới phát hiện ra cái đẹp sôi nổi, đầy sức sống của các cô tiên múa hát, của các cô gái quê nô giỡn tắm ao trên những tấm xà ngàn năm đình làng Bắc bộ, và rủ rê các cô vào những bức sơn mài gợi cảm của mình. “Nhịp điệu vũ trụ” hay còn gọi là “Tiếng hát hoà bình trên các vì sao”: hầu như chỉ hai màu son và vàng cổ truyền nhưng tươi sáng, các đường viền xám bạc làm nổi hình hai cô khoả thân vừa đàn hát vừa múa giữa các vì sao bay tán loạn – hai “cô tiên” phốp pháp hồn nhiên mà mấy chục năm trước ta có thể rình xem qua bụi tre bên ao làng, hay là hai “con đĩ đánh bồng” trong hội làng đã thăng thiên? Đến thăm ông ở TPHCM dịp tết năm Giáp Tuất, tôi thấy ông đang mải mê với cô gái mười bảy nửa đêm thả nghé trong chuồng ra đuổi. Cả một đêm trăng, đêm của sơn mài nên không đen mà lại màu son, trăng vàng, mây bạc, con nghé xám, nổi bật cô gái quê trong bộ cánh thiên nhiên sẵn đúc đang chạy… “Động cỡn mà!” Ông cười. Tinh thần khoẻ khoắn lành mạnh dân dã của bức tranh thật ăn ý với tiếng cười hồn hậu có ánh lên chút nghịch ngợm của ông già 84 đẹp lão.

Hoạ sĩ Hoàng Tích Chù quả là đẹp lão trong vẻ phúc hậu, tròn đầy, ánh mắt hiền lành nhưng không kém tinh nhanh. Ông thường nói với tôi: “Đời tôi toàn là không may thôi anh ạ!” nhưng giọng ông chả có gì chứng tỏ là ông thật sự tin như vậy. Bây giờ, ở tuổi cửu thập, ông đã toại nguyện với danh phận, với sự thành đạt của con cái, riêng lòng thương nhớ anh con trai liệt sĩ thì không bao giờ nguôi. Nhắc đến anh, bao giờ ông cũng bảo: “Thằng Minh nhà tôi với Thành Chương con ông Kim Lân là hai đứa giỏi nhất trường. Nếu nó còn sống…”

(Báo Lao Động 2002)

Tin mới về tranh Hoàng Tích Chù:
Tại phiên đấu ngày 28/5/2017 có tên Asian 20th Century Art của nhà Christie's vừa kết thúc ở Hong Kong, tác phẩm sơn mài La Moyenne Région (Miền trung du, sơn mài, 100 cm x 150 cm, 1942) của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung đã được bán với giá thuộc hàng cao nhất. Điểm đặc biệt nữa, tác phẩm này là sự kết hợp sáng tạo của Hoàng Tích Chù (1912-2003) và Nguyễn Tiến Chung (1914-1978) - hai danh họa có kỹ thuật sơn mài đặc biệt của Việt Nam.

Ảnh: HS Hoàng Tích Chù (Phan Nguyên) - Hai tác phẩm trước 1945 - Tổ đổi công và Đuổi nghé - Miền trung du (HTC-NTC) 







Họa sĩ Hoàng Tích Chù và người mẫu đầu tiên


Người phụ nữ đầu tiên ngồi làm mẫu vẽ cho họa sĩ Hoàng Tích Chù cũng chính là người vợ đã gắn bó cả cuộc đời với ông. Bà là Hoàng Diệu Trinh, một người đẹp ở phố Hàng Bạc xưa...


Hoàng Diệu Trinh (trái) qua nét vẽ của họa sĩ Hoàng Tích Chù.


Hoàng Diệu Trinh sinh năm 1917, là con gái út của một gia đình khá giả ở phố Hàng Bạc. Bà gặp Hoàng Tích Chù qua sự mai mối của hoạ sĩ Nguyễn Tiến Chung và Bùi Trang Chước. Khi ấy, Hoàng Tích Chù còn là anh học trò nghèo xứ Kinh Bắc đang theo học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Quen nhau chưa được bao lâu, Trinh "bị" thuyết phục làm mẫu vẽ cho Hoàng Tích Chù vì anh Chù nghèo quá, học tới 9 năm (một khóa học của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là 6 năm) mà chưa tốt nghiệp được vì không có tiền thuê mẫu vẽ. Thương cảnh anh học trò nghèo, Trinh đã đồng ý ngồi làm mẫu cho anh 20 ngày. Trang phục của mẫu, Trinh cũng tự bỏ tiền sắm.

Năm 1940, bài tốt nghiệp của Hoàng Tích Chù được điểm cao thứ hai trong trường. Sau buổi lễ tốt nghiệp, ông thày người Pháp ngỏ ý muốn mời Trinh làm mẫu nên nhờ anh Chù giới thiệu. Nhưng Hoàng Tích Chù đã khéo léo từ chối vì sợ ông "quyến rũ" mất người trót "gây thương nhớ" cho anh. Thế rồi ít ngày sau, anh Chù đến thẳng nhà Trinh đặt vấn đề muốn lấy cô làm vợ để... "trả ơn" cô đã ngồi mẫu không công cho anh.

Thời gian cô Trinh trở thành bà Hoàng Tích Chù trùng vào những năm toàn quốc kháng chiến. Lương của chồng không được bao nhiêu, một nách sáu con nhỏ, khó khăn đủ bề, buộc cô phải xoay ra làm đủ nghề để chồng con không bị đói.

Trong tình hình khó khăn khi ấy, ông Nguyễn Bích đã vận động bà Hoàng Diệu Trinh đi buôn gạo lấy lãi. Sau đó ông Bích lại bày cho bà cách mua diêm trắng và muối chở lên chiến khu. Thời chiến, hàng chục chuyến xe từ Hà Nội ra Bần - Yên Nhân (Hưng Yên), không ít lần bị giặc Pháp bắt lại tra hỏi nhưng nhờ tài ứng đối nhanh nhẹn, khôn ngoan, bà Trinh đều thoát nạn. Rồi những giai đoạn khó khăn sau này, tưởng người bình thường không thể vượt qua được, nhưng bà vẫn vững vàng chèo lái. Lương của ông không khi nào bà cầm được một đồng nhưng gia đình vẫn sống đàng hoàng, no đủ nhờ tài xoay xở tháo vát.

Đến nay, dù đã qua cái tuổi "thất thập cổ lai hy", bà Hoàng Diệu Trinh vẫn sống độc lập không dựa vào con cái về tài chính. Hàng ngày, rảnh rỗi, bà giúp con trai làm tranh sơn mài. Triết lý sống của bà rất giản dị: "Người phụ nữ nào mà không biết hỗ trợ cho sự nghiệp của chồng con thì người ấy... thiệt!".

(Theo Gia Đình & Xã Hội) 






Trở về 






MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả. 
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.