Nguyễn Ngu Í
tên thật: Nguyễn Hữu Ngư
(20/4/1921 – 18/2/1979)
(là bút hiệu thường dùng được ông viết là Nguiễn Ngu Í, Nguiễn Hữu Ngư), ngoài ra ông còn ký các bút hiệu: Trịnh Nguiên, Tân Fong Hiệb, Phạm Hoàn Mĩ, Trần Hồng Hưng, Lưu Nguiễn, Đ.T.T, Nghê Bá Lý, Ngư Fi Lô Cố
nhà giáo, nhà thơ, nhà báo.
Tiểu sử
Đi học
Nguyễn Ngu Í sinh tại làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Cha là Nguyễn Hữu Hoàn, người Hà Tĩnh, một nhà nho trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bạn của Thái Phiên, Tăng Bạt Hổ. Mẹ là Nghê Thị Mỹ.
Năm 1928, bảy tuổi, Nguyễn Ngu Í phải xa gia đình vào Sài Gòn, học tiểu học ở trường Phú Lâm (Chợ Lớn). Năm 1934-1938, học trường trung học Pétrus Ký. Năm 1941, 20 tuổi, ông đang theo học Trường Sư phạm thì bệnh tâm thần phát xuất lần đầu, phải vào nhà thương Chợ Quán chữa trị. Năm 1942, khỏi bệnh, ông bỏ học và bắt đầu bước chân vào nghề văn, nghề báo.
Vào đời
Sau khi khỏi bệnh, Nguyễn Ngu Í cộng tác với Nam Kỳ tuần báo của Hồ Biểu Chánh, rồi tờ Thanh Niên của Huỳnh Tấn Phát, tham gia việc thành lập Hội truyền bá quốc ngữ Nam Kỳ.
Tháng 8 năm 1945, giữ chức Tổng thư ký đầu tiên của Ủy ban nhân dân cách mạng xã Tam Tân. Tháng 6 năm 1946, ra Hà Nội làm việc ở Phòng thiếu nhi toàn quốc do Lưu Hữu Phước phụ trách. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, vào công tác ở Quảng Ngãi, thì bệnh cũ tái phát nên ông phải về lại quê nhà. Ở Tam Tân, ông sống bằng nghề dạy học và cưới vợ vào ngày 25 tháng 9 năm 1949. Vợ tên Nguyễn Thị Thoại Dung, giáo viên, thi thoảng có sáng tác, ký bút hiệu Thoại Nguyên. Năm 1950, được tin em gái mất, lại quẫn trí.
Năm 1952, cùng vợ về Sài Gòn, trở lại nghề dạy học và viết báo. Năm 1955, tham gia Mặt trận Thống nhất dân tộc gồm Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên, chống lại Ngô Đình Diệm. Ông bị bắt và bị đưa đi cải huấn ở trại Tân Hiệp (Biên Hòa). Được trả tự do, ông đi vận động cho "đường lối thứ ba", cho thuyết "trung lập chế" của Hồ Hữu Tường. Năm 1957, cộng tác với tờ Bách khoa và những tờ báo khác như Mai, Sáng dội miền Nam, Hòa đồng, Nghệ thuật...
Năm 1977, vào Dưỡng trí viện Biên Hòa (nay là Bệnh viện tâm thần Trung ương II). Hai năm sau, vào tháng 2 năm 1979, Nguyễn Ngu Í mất. Hiện nay, hài cốt ông đã được cải táng tại quê nhà.
Tác phẩm
Vào những năm 1934-1938, khi đi học ông đã sáng tác thơ. Được giáo sư Phạm Thiều khen là có khiếu về văn chương. Đến khi lìa bỏ cõi đời, Nguyễn Ngu Í đã để lại một số tác phẩm sau:
1
Lịch sử Việt Nam
(Tân Việt, 1956)
2
Khi người chết có mặt
(Ngày Xanh, 1962)
3
Sống và Viết với ...
(Bách khoa, 1966. Gồm tiểu sử và chân dung của 12 nhà văn đương đại)
4
Hồ Thơm-Nguyễn Huệ-Quang Trung
(Về nguồn, 1967)
5
Qê hương
(1969, pha trộn nhiều thể loại văn chương: thơ, truyện, tùy bút, kịch, nhạc, hồi ký, tiểu sử, di chúc...Tác phẩm này được Nguyễn Hiến Lê khen ngợi, Châu Hải Kỳ cho là một "kỳ thư" chưa hề thấy trong văn học Việt Nam.
6
Thơ điên
(1970)
7
Hạnh phúc nơi chính bạn
(tiểu luận, 1970)
8
Suối bùn reo
(hay 15 câu chuyện phụ nữ, phiếm luận, Trí Đăng, 1970)
9
Có những bài thơ I
(do các bác sĩ ở Dưỡng trí viện Biên Hòa in, 1972)
Nhận xét
Giáo sư Trần Văn Khê là một trong những người bạn của Nguyễn Ngu Í, đã viết như sau: Anh Ngư viết văn Pháp rất hay, nhưng anh yêu tiếng Việt, anh lại muốn cho người Việt ai cũng đọc được sách báo nên tham gia rất tích cực phong trào xoá nạn mù chữ. Nguyễn Ngu Í còn sáng tạo ra cách viết chữ quốc ngữ sao cho hợp lý hơn...
Nhà biên khảo Nguyễn Hiến Lê kể: Anh (Nguyễn Ngu Í) căm phẫn xã hội, căm phẫn thời đại, căm phẫn mọi người. Anh có nhiều lý tưởng, nuôi nhiều mộng cao đẹp mà gặp toàn những điều bất như ý, cứ phải cố nén xuống và sức nén càng mạnh thì sức bùng ra cũng càng mạnh... Ông là một cuộc đời đau khổ nhất và cũng đặc biệt nhất trong giới văn nghệ sĩ hiện đại.
Theo nhà văn Sơn Nam thì Nguyễn Ngu Í là một nhà văn nổi tiếng yêu nghề và yêu nước, luôn xót xa vì chuyện đất nước chia đôi. Dường như cả một đời dạy học và hoạt động báo chí ở Sài Gòn, Nguyễn Ngu Í lúc nào cũng trong trạng thái nửa tĩnh nửa điên.
Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc nhận định về thơ của Nguyễn Ngu Í (cũng chính là người cậu của mình):Thơ của ông có thể người ta thích, có thể người ta không thích. Nhưng đọc thơ ông bao giờ cũng có cảm giác rờn rợn. Ông làm thơ rất nhanh, thơ như túa ra, ứa ra, nhiều bài sần sùi; đọc cứ nghe ấm ách nhưng có bài đọc mượt như nhung. Đọc thơ ông mà hịểu ông thì thấy thương, thương một con người có chí, có lòng mà không đạt được những ước nguyện. Rồi thôi, rồi thành tro bụi như hai câu thơ ông viết sẵn cho đời mình: "Bao nhiêu chí trẻ rồi tro bụi / Một thoáng tình xa cũng ngậm ngùi!".
Từ điển văn học (bộ mới) đánh giá:Nguyễn Ngu Í không có những tác phẩm quan trọng, nhưng cả cuộc đời ông là một tác phẩm "kỳ dị" pha trộn lòng yêu nước với chữ nghĩa. Tư tưởng cách tân chữ viết đi đôi với ý chí giải phóng dân tộc ra khỏi cảnh dốt nát, nghèo đói, áp bức của người dân bị trị, ra khỏi cuộc chiến tàn khốc, ra khỏi những bất công của xã hội mà tiền bạc, tham nhũng, phản bội, lừa lọc là những yếu tố chủ đạo. Suốt đời (Nguyễn Ngu Í) xông vào cuộc đấu tranh đó với một ý chí quyết liệt của "người hùng", nhưng tất cả đều vô hiệu, không ai nghe.
Thơ Nguyễn Ngu Í
Má
Má ơi! Con Má điên rồi,
Má còn trông đứng đợi ngồi mà chi?
Con nhìn Má, Má có thấy con không, hở Má?
Đêm khuya rồi, chỉ có Má, con thôi.
Nhà ngủ iên, và cả thế giới loi nhoi
Cũng thiêm thiếp với đất trời mệt mỏi.
Con nhìn Má, Má gầy nhiều, Má hỡi,
Xương, gân này rõ rệt ở tay chân.
Má lại đây, Má, cho con Má nhìn gần,
Coi tóc Má bạc nhiều hay bạc ít.
Má ốm, iếu mà Má tươi, mới chết
Cả lòng con ngào nghẹn lúc này đây.
Em chết, mang cả cháu ngoại đợi từng ngày…
Má đã khóc bao lần trong đạn lửa?
Hẳn Má đã dàu dàu như lá úa,
Nhưng khi ngồi chụp ảnh gởi ra con,
Má bảo: “Mình cố vui, vui nữa, vui hơn,
Cho nó tưởng mình vui, không buồn nữa…”
Con không buồn nữa, Má ơi! Con hứa
Không buồn đâu, vì Má lặng trong,
Vì Má ngồi iên, mà Má vững như trồng,
Ngồi tréo mẩy, tay vịn thành ghế sắt,
(Chiếc ghế sắt mà Thầy sơn dầu hắc,
Từ khi con lên bảy, biết phân li…
Chiếc ghế phiêu lưu, từ Cần-đước xuống ghe đi
Cần-giờ, rồi lên Bến-gỗ,
Rồi lên An-hảo rồi lại lên tàu ra Mường-mán, rồi lội bộ về
Tam-tân. Giặc bố chạy vào rừng,
Giặc bố già thì chạy lung tung,
Mà mặt ghế vẫn bình, chân chưa lảo đảo.)
Má đã khổ vì Thầy bị đày đi Lao-bảo,
Má có đau vì nhà nát, quê lìa,
Má còn sầu vì con ở đâu cia,
Má mới khóc vì con, cháu chết…
Và Nước… Đời Má dường mất hết,
Nhưng mà giờ, Má ngồi đó, vững vàng,
Nhìn chẳng thấy con, Má vẫn tin rằng
Rồi Má gặp con, con gặp Má,
Và rồi nắm tay con, Má sẽ ve vuốt má
Của dâu hiền iên lặng đứng bên con.
Má ngồi iên, Má trong lặng nhìn con,
Con rung động, nhận cái nhìn của Má.
Ù ơ… Ví dầu con Má có sao:
Có điên có dại Má nào bớt thương!
Nguiễn Ngu Í
(Qảng-ngãi, đêm 21-10-1950, khi nhận được ảnh Má và Em
từ Cực-Nam khói lửa gởi ra).
Đên nằm nghe trời mưa
Ngày mai có hạt bắn mầm,
Bụi tro mấy lớp thôi nằm lá mây.
Ngày mai vạn cánh vời bay,
Thuiền tung buồm cuốn, ngàn mây ánh hường.
Về quê ai, tết đầu sau khi ngưng chiến
Gần đến nơi rồi, em thấy chưa?
*
Đường đi lúc lắc, nắng lưa thưa…
Có gì man rợ trong cây, đá,
Em sợ giờ đây, ngỉ cũng vừa.
Xe trâu cút cít, rừng ngiêng bóng,
Bụi trắng xôn xao lớp lớp đùa…
Đến suối, trâu ngừng, vui nước hát,
Mời em hớp một miếng trời ưa (1).
Hết rừng, đến ruộng vườn xanh mộng,
Tiếp cát, chân ai cứ cứ lùa,
Nhưng có anh bên cùng nhịp bước,
Đường dài, đường nặng, rồi cũng thua.
Biển xanh bỗng mở chân trời mát,
Anh đãi em thêm miếng nước dừa
Mát ngọt thanh thanh như phút gặp
Em nhìn mà mắt chẳng đong đưa.
*
Qê chồng em đó, mến thương chưa?
Tân Phong Hiệp – Tết Ất Mùi 1955
Tân Fong Hiệb
(1): nước dừa
Tham khảo thêm về tác giả Nguyễn Ngu Í
Vài dòng trích “Cậu tôi, ông Ngu Í, Nguyễn Hữu Ngư”
(http://www.dohongngoc.com/web/tag/c%E1%BA%ADu-toi-ong-ngu-i-ngui%E1%BB%85n-h%E1%BB%AFu-ng%C6%B0/)
Mợ tôi biết hết. Biết mà không hề ghen. Mợ biết các mối tình lơ mơ của cậu là tình nghệ sĩ, tình điên vì quá dạt dào, không tràn ra thì chắc bệnh sẽ nặng hơn. Mợ thì khoẻ khoắn, can đảm, chịu khó, chấp nhận yêu thương một người tài hoa mà khùng khùng điên điên như cậu, chịu hết trận này đến trận khác, đưa cậu đi hết nhà thương điên này đến nhà thương điên khác, thì mợ xứng đáng cho cậu khen “làm vợ Tú Xương dễ, làm vợ Sào Nam cũng dễ, làm vợ Ngu Í mới thật khó…” Cậu có bài thơ “Kén Vợ” rất tuyệt vời mà tôi không dám viết ra đây, chỉ có mợ tôi là người “thục nữ” dám chấp nhận bài thơ đó (*) Kỷ niệm hai mươi năm ngày cưới cậu làm bài thơ tặng mợ đã sống hai mươi năm “nước lửa” cùng cậu. Cậu than “không có người yêu để gọi em” vì cậu chỉ gọi mợ bằng tên thôi. Và mợ cũng chỉ xưng tên với cậu.(…)
Làm văn, viết báo, cậu có nhiều bút hiệu. Khi thì Trinh Nguiên, để nhớ mối tình đầu với cô Trinh ở quê nhà; Tân Fong Hiệb do ghép địa danh 3 xã Tam Tân, Phong Điền, Hiệp Nghĩa, nơi quê ngoại của cậu và cũng là quê ngoại của tôi. Rồi Ngê Bá Lí, Trần Hồng Hừng, Ki Gob Jó Cì… Viết sử thì Fạm Hoàn Mĩ. Dạy học thì Nguyễn Hữu Ngư. Nhưng nhà báo Nguiễn Ngu Í thì được nhiều người biết đến nhất. Trong danh thiếp, lúc đã nổi tiếng là một ký giả chuyên phỏng vấn các vấn đề văn học nghệ thuật cho tạp chí Bách Khoa thời đó, cậu ghi: Jáo sư, cí jả kông chuiên ngiệb.
Cuộc đời cậu nhiều truân chuyên, tài hoa nhưng mắc bệnh không thể chữa được. Tuổi lớn, cơn điên ngày càng nhặt. Có những đợt cậu nằm Dưỡng trí viện Biên Hoà dài ngày, tưởng đã không qua khỏi. Cậu làm thơ thật nhanh, thật dễ dàng ngay trong lúc lên cơn. Cậu chủ biên tập “Thơ Điên thứ thiệt”, rồi xuất bản tập “Qê hương” để nói về quê mẹ và nơi chôn nhau cắt rún của mình ở Tam Tân. Cậu nhờ tôi viết một bài giới thiệu chung, tôi đã viết bài dẫn nhập cho tập Qê Hương với bút hiệu Giang Hồng Vân. Cậu đã có một vài tác phẩm về sử, đặc biệt là về Quang Trung, về Hồ Quý Ly trong thời gian cậu dạy sử ở trung học. Cậu cũng có vài cuốn tiểu thuyết như “Suối Bùn Reo”, “Khi người chết có mặt” v.v… Nhưng tác phẩm nổi tiếng của cậu là “Sống và Viết với …”, do Ngèi xanh xuất bản, tập hợp các bài phỏng vấn các nhà văn nổi tiếng đương thời mà ai cũng công nhận là tài hoa. Cậu chuẩn bị ra cuốn “Sống và Vẽ với…” phỏng vấn các hoạ sĩ, và “Sống và Đàn với…” phỏng vấn các nhạc sĩ (tất cả đều đã đăng trên báo Bách Khoa). Tiếc thay ý nguyện chưa tròn. Tập thơ tội nghiệp nhất của cậu là tập “Có những bài thơ”, do Trí Đăng xuất bản, in xong ruột, chưa có bìa, không hiểu sao. Rồi tập thơ cũng được cậu tặng bạn bè quen biết mà chẳng cần có bìa như vậy.
Thời cuộc đổi thay, cậu thích nghi cuộc sống một cách khó khăn, khác với mợ dễ dàng thích ứng, cậu như ngày càng ngơ ngác hơn, càng điên hơn. Thế rồi một buổi trưa tháng giêng năm Kỷ Mùi (1979), người nhà mợ báo tin cho tôi biết là cậu đang hấp hối. Tôi vội chạy đến nhà cậu ở Bàu Sen, đường Nguyễn Trãi, chạy lên căn gác ọp ẹp, thấy cậu nằm im như chìm trong giấc ngủ sâu. Mợ đi vắng. Chỉ có con trai cậu, Nguiễn Hữu Nguiên. Tôi làm thủ thuật hồi sinh cấp cứu nhưng vô hiệu. Lần này cậu đi thiệt…
(…) Trước đó, hình như cậu biết trước cái chết của mình, cậu đã viết một bức thư như là một di chúc cho mợ. Cậu ước ao được thả trôi trên một chiếc thuyền nhỏ, đục lủng đáy, nhét nút lại, rồi để thuyền trôi lênh đênh trên biển Thái Bình Dương, để cậu được nhìn trời mây nước cho thỏa thích, rồi rút nút cho thuyền chìm dần và chết trong bụng cá, cho “Ngư về với Cá”. Thế nhưng cậu chết với lửa. Cậu được hỏa táng ở An dưỡng địa Phú Lâm và đưa về đặt kề ông bà và dì Nga ở Ngãnh Tam Tân. Tôi nhớ hai câu thơ từ lâu của cậu:
Bao nhiêu chí trẻ rồi tro bụi
Một thoáng tình xa cũng ngậm ngùi
Và hình như cuộc đời cậu gói ghém vào hai câu đó. Nào chí trẻ, nào tình xa, nào tro bụi. Chí trẻ chắc không ai hơn cậu, muốn vung gươm, muốn dời núi lấp biển đến nỗi hoá điên; tình xa với bạn bè thân thuộc em cháu, với cả những người tình không quen biết, với quê hương Núi Cú Hòn Bà, với quê hương Việt Nam, rồi sau đó là tro bụi. Cậu đã làm câu đối cho mình.
Mấy lượt tung lòng, được gì chăng, hay trong ai ghi uất hận!
Đòi phen nâng bút, còn gì chăng, hay trên cát viết ngu ngơ…
Thế nhưng cậu làm được nhiều hơn cậu tưởng, và những người thân, những bạn bè, em cháu, những người quen biết… không ai không quý mến cậu, không ai không thấy được cái tình của cậu đằm thắm, mênh mông, thành thực, sâu lắng. Những ai gần gũi cậu sẽ cảm nhận được cái tình đó, cái tình vượt lên trên cái tình bình thường. Riêng tôi, tôi luôn nhớ cậu và nhớ những ngày còn thơ, cậu đã thay mẹ tôi, dẫn tôi đến trường học, một ngôi trường tiểu học nhỏ bên bờ sông Cà Ty, Phan Thiết, năm 1952, hiệu trưởng là cô Hồ Thị Tiểu Sính (con Út cụ Hồ Tá Bang).
(Đỗ Hồng Ngọc, 1996)
……………………………………………………………………………..
(*) Tôi được mợ cho phép “công bố” sau khi cậu đã mất 20 năm:
“Ta là người lữ khách không xu
Từ trong bụng mẹ thành thằng ngu
Chí ngốc lỡ làng tan mộng trắng
Ai người thục nữ dám nâng…?
(Bài thơ này được Ông viết trên một mảnh giấy nhỏ rồi lén treo trên cành cây trước nhà Bà mà ông nói là để “Đi hỏi vợ”. Cuối cùng rồi gia đình cũng chấp thuận cho đôi uyên ương!).
Thơ điên Ngu Í
nhà thơ nhà báo Nguyễn Ngu Í
Nhiều người biết đến ông như một nhà báo, Nguiễn Ngu Í, một “cí jả kông chuiên ngiệb” (ký giả không chuyên nghiệp, theo danh thiếp của ông) như ông tự nhận với loạt bài phỏng vấn văn nghệ sĩ rất tài hoa trên tạp chí Bách Khoa; nhiều người biết đến ông như một nhà giáo dạy văn, dạy sử ở nhiều trường tư thục Sài Gòn, nhưng ông, trước hết là một nhà thơ, một người làm thơ đặc biệt hơn bất cứ một người làm thơ nào khác: thơ điên. Thơ ông là cuộc đời riêng ông. Có khi là một tiếng thét uất hận, có khi là một tiếng lòng thổn thức, có khi là nỗi hờn căm, khi khác lại là những tiếng hát dịu dàng âu yếm thiết tha tùy lúc bài thơ được viết giữa các cơn điên hay trong cơn điên, giữa những ngày tháng nằm vùi trong Bệnh viện tâm thần Chợ Quán hay Dưỡng trí viện Biên Hòa.
Cũng viết về trăng, nhưng là Trăng của ông, năm 19 tuổi, một đêm trong nhà thương điên Chợ Quán:
Ta sẽ đánh đầu ta
Vào mặt Trăng bơ sữa
Thì Trăng ơi, em sẽ ngã ngữa tan tành.
Rồi ta nuốt
Mảnh của Trăng vào ruột
Rồi tống ra
Khỏi cơ thể ta mà…
(Van Trăng, 1940)
Ông viết về cái màu trắng, màu của Bệnh viện vẫn luôn ám ảnh ông:
Nhưng mà lạ quá, ôi là lạ
Ngó phía nào đây Trắng cũng theo
Trắng phủ vây tôi, tôi sợ quá
Làm sao trốn Trắng, hỡi người ôi!
(Trắng, 1940)
Hết Chợ Quán tới Biên Hòa, hết vào rồi lại ra, giữa các đợt lên cơn như vậy, ông sống như một người mộng du, đi trên mặt đất mà như đitrên tường cao, trên mái ngói, nghiêng nghiêng, lảo đảo, lênh khênh, lãng đãng… Ông thân thiết với với tất cả các bác sĩ, nhân viên của Bệnh viện tâm thần, của Dưỡng trí viện:
Cũng tưởng một đi không trở lại
Nào ngờ duyên nợ lại dằng dai
Bỗng nhiên sực tỉnh nằm trong “khám”
Khám của lòng ai, ai của ai…
(Bài thơ tái ngộ Dưỡng trí viện, 1966)
Vâng, ông là một người điên, một người điên thứ thiệt, không phải là người giả điên của buổi nhiễu nhương thường thấy, nên ngay trong thời gian nằm ở Dưỡng trí viện Biên Hòa, ông đã cùng những người đồng bệnh ra một tập thơ có tên là “Thơ điên thứ thiệt” (1970), trong đó có Bùi Giáng cùng nhiều “bạn điên” khác của ông. Một tập thơ rất độc đáo, lạ lùng.
Trong một bài thơ ông viết:
Ta đi lang thang
Ta nói tàng tàng
Ta cười nghinh ngang
Ta chửi đàng hoàng
...
(Bài thơ tự giết, 1966)
”Chửi đàng hoàng” quả không phải là chuyện dễ, nhưng với ông thì ông làm được. Nhưng chửi ai? ”Chửi cả và thiên hạ, trong đó có mình”, đó là cái tựa của một bài thơ khác của ông.
Nhưng tại sao điên? Dĩ nhiên là có một số tế bào thần kinh nào đó bị rối loạn, bị xáo trộn, nhưng điều đó không quan trọng, điều quan trọng là cái lòng ông, cái chí ông, cái tình ông đối với cõi đời, với con người, với quê hương và đất nước, với gia đình, bè bạn, anh em... Cái tình đó vĩ đại quá, bao la quá, nên không nhốt được trong những sợi dây thần kinh chật hẹp bình thường của một kiếp người.
Chẳng hạn, có lúc tỉnh táo, ông viết:
Kiếp sau xin cứ làm người
Còn bao nhiêu việc trên đời, còn bao...
(Kiếp sau, 1947)
Ông làm câu đối cho cha mình, ông Giáo Hoàn, người đã tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục:
Mắt mở, đã thấy xiềng nô lệ
Hồn đi, còn mơ gió tự do
(Thầy, 1953)
Rồi khi ông dạy sử, ông viết:
Ba trăm quyển sử to dày
Cũng không sánh được một ngày tự do
(Học và hành, 1955)
Ông viết cho mẹ, có lẽ đây là bài thơ viết về mẹ cảm động nhất ở một người con điên:
Má ơi, con má điên rồi
Má còn trông đứng đợi ngồi mà chi
(Má, 1950)
Năm 1960, trong chuyến về quê cải táng mộ cho song thân, đến Nước Nhỉ, khi nằm nghỉ dưới những tán cây dứa đầy gai nhọn, bên cạnh đống gạch đổ vụn, ông viết một bài thơ nhớ về những người bạn thuở thiếu thời của mình ở quê hương ”Núi Cú Hòn Bà”:
Nằm đây mà ngó lên trời
Lá cây dứa đã mấy đời đong đưa
Nằm đây mà nhớ mơ hồ
Những xanh tóc ấy bây giờ về đâu?
...
Đó là lúc ông đã vào tuổi bốn mươi. Rồi khi đến Ngãnh Tam Tân, nơi quê ngoại của ông, nơi ông đặt sẵn ngôi mộ cho chính mình, ông cảm khái nhìn ra biển xanh, núi biếc, với những hàng dương vi vút gió:
Em có đến... mà không anh đón tiếp
Cát mịn này sẽ mơn trớn gót chân em
Em có đến mà anh không đứng đợi
Biển khơi này sẽ thỏ thẻ chuyện đời anh
Phải rồi, cái quê hương nhỏ bé đó của ông, quê hương Núi Cú Hòn Bà (nay là Lagi- Hàm Tân), nơi mà từ thuở đôi mươi ông đã mang những lý tưởng độc lập tự do về gieo mầm ánh sáng, ông đã không bao giờ quên, mà những người thân yêu ở nơi chốn heo hút đó cũng đã không bao giờ quên ông.
Có một bài thơ khác của ông mà nhiều người cùng quê không mấy ai không nhớ:
Nhè nhẹ sương bông ôm núi lịm
Êm đềm cây cỏ đắm trong mơ
Tiếng chuông đâu bỗng run lòng đá
Ngó xuống trần ai, thấy: mịt mờ
(Từ chùa Núi Cú nhìn xuống Hòn Bà, 1964)
Thơ của ông có thể người ta thích, có thể người ta không thích, nhưng đọc thơ ông bao giờ cũng có một cảm giác rờn rợn. Ông làm thơ rất nhanh, thơ như tự túa ra, ứa ra, nhiều bài sần sùi đọc cứ nghe ấm ách nhưng có những bài mượt như nhung. Đọc thơ ông mà hiểu ông thì thấy thương, thương một con người có chí, có lòng mà không sao đạt được những ước nguyện. Rồi thôi, rồi thành tro bụi như hai câu thơ viết sẵn cho đời mình:
Bao nhiêu chí trẻ rồi tro bụi
Một thoáng tình xa cũng ngậm ngùi
Ông và tôi có tình ruột rà, mẹ tôi và ông là hai chị em con cô cậu ruột. Có lần ông nói hồi tôi mới sinh, ông đã đưa võng và đọc thơ cho tôi nghe! Có lẽ vì vậy mà khi lớn lên, được sống gần gũi ông, tôi luôn được ông sẻ chia những bài thơ, bài văn ông mới viết cùng biết bao chuyện tâm tình không thể ngỏ cùng ai. Nhiều bài thơ ông chép vội trên mảnh giấy gói đồ, phong bì, bao thuốc lá... Nhiều đêm ông lên cơn, đến đập cửa nhà tôi lúc hai ba giờ sáng, đọc thơ cho tôi nghe rồi chửi ”cả và thiên hạ”. Sau đó ông tắm táp, ăn uống chút gì đó rồi khệ nệ ôm một chồng sách ra đi. Trời can cũng không nổi! Hỏi đi đâu, ông nói không biết. Rồi có hôm nghe ông nằm giữa xa lộ Biên Hòa cho xe Mỹ cán, họ bắt ông chở thẳng vào Dưỡng trí viện, hôm khác lại nghe ông bắt đom đóm bọc trong khăn tay làm đèn đi giữa giờ giới nghiêm trong rừng cao su, cũng lại bị bắt đưa vào bệnh viện. Có lần tôi đến thăm ông trong Dưỡng trí viện, thấy ông ngủ say như chết, đưa mấy ngón chân giao chỉ to bè ra ngoáy xoắn vào nhau như tìm hơi ấm, tôi vẽ ngay một bữa ký họa, ông thích lắm nhưng đã làm mất tiêu. Có lần tôi đưa ông vào bệnh viện Chợ Quán, người ta sốc điện cho ông, ông giựt đùng đùng như con cá nằm trên thớt. Sau đó ông bất tỉnh, xụi lơ, tay chân quặt quẹo sùi bọt mép... Rồi khi tỉnh dậy, ông lại làm những bài thơ quái dị, nhiều bài rất hay.
Đọc thơ ông mà thương cho một kiếp người tài hoa, bất đắc chí.
Đỗ Nghê
Làm rõ vài chi tiết về Nguiễn Ngu Í
Gần đây tôi được đọc bài viết “Gặp Nguyễn Ngu Í và Bùi Giáng trong nhà thương điên” trên một trang Web của các bạn Việt kiều ở Ý, thấy có mấy chỗ sai, cần đính chính.
1) Nguyễn Hữu Ngư ( 1921-1979), nhà văn, nhà báo có nhiều bút danh trong đó bút danh Nguiễn Ngu Í ( với I cụt) được nhiều người biết với lọat bài phỏng vấn văn nghệ sĩ rất nổi tiếng trên báo Bách Khoa thập niên 60 tại Sài gòn. (Ông còn có các bút danh như Ngê Bá Lí, Tân Fong Hiệb, Trần Hồng Hừng, Phạm Hòan Mĩ…). Ông có lối viết tiếng Việt rất đặc biệt, rất riêng, gây ít nhiều tranh cãi, ít nhiều khó chịu cho người đọc, nhưng vẫn có cái lý riêng của ông. Thí dụ ông thấy không hợp lý khi ta viết NGA, nhưng lại NGHE (ông sửa lại NGE), GA nhưng GHE (ông sửa lại GE…). Mẹ ông họ Nghê, tên Mỹ,(Nghê Thị Mỹ) ở Tam Tân (Tân Tiến, Thị xã Lagi, Bình Thuận), sau dời về Phong Điền và Hiệp Nghĩa, nay thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Cha ông là nhà giáo Nguyễn Hữu Hoàn gốc Hà Tĩnh, có tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (trong cuốn Đông Kinh Nghĩa Thục của Nguyễn Hiến Lê có nhắc đến). Cho nên ta thấy bút danh ông có khi là Ngê Bá Lí, Tân Fong Hiệb, Phạm Hoàn Mĩ…
2) Bài viết “ Gặp Nguyễn Ngu Í và Bùi Giáng trong nhà thương điện” nói trên… ghi ông là “nhà báo nông chuyên nghiệp” là không đúng. Ông thường ghi trong danh thiếp: “nhà văn, nhà jáo, nhà báo kông chuiên ngiệb” (tức nhà báo không chuyên nghiệp).
3) Bài viết cũng ghi ông muốn tái bản cuốn “Sống vô vi” của ông là không đúng. Ông không hề có cuốn sách nào có tên là “Sống vô vi” cả! Một trong những cuốn sách đã xuất bản khá nổi tiếng của ông là “ Sống và Viết với…” tập hợp các bài phỏng vấn đăng trên báo Bách Khoa (Lê Ngộ Châu), trong đó có Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Đông Hồ, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Hiến Lê, Hồ Hữu Tường, Sơn Nam, Doãn Quốc Sĩ… Ngoài tập “Sống và Viết với…”, ông còn hai tập bản thảo là “Sống và Vẽ với…”, phỏng vấn các họa sĩ nổi danh đương thời, và “Sống và Đàn với…”, phỏng vấn các nhạc sĩ. Cả hai chưa được xuất bản. (Cách đặt tựa sách của ông cũng rất lạ!).
4) Trong thời gian nằm Dưỡng trí viện Biên Hòa (nay là bệnh viện Tâm thần Đồng Nai), ông cùng các “bạn điên” có ra một tập thơ, lấy tên là “Thơ điên thứ thiệt” rất thú vị, do ông làm Chủ biên. Trong tập thơ có vài bài thơ của Bùi Giáng. Thời đó, ngoài thuốc men, các bác sĩ ở Dưỡng trí viện Biên Hòa còn khuyến khích bệnh nhân làm thơ, vẽ tranh, đánh cờ, lao động tay chân v.v… như một liệu pháp chữa trị tâm bệnh. Khi được hỏi vì sao gọi là “Thơ điên thứ thiệt”, thì ông cười bảo vì lúc này có nhiều người làm thơ giả điên quá! Cho nên ông bảo đảm thơ của ông và các bạn ở Dưỡng trí viện Biên Hòa là “thứ thiệt”!
5) Nguyễn Hữu Ngư (Nguiễn Ngu Í) là một nhà báo, nhà văn, nhà thơ có tài, tác giả tập “Có những bài thơ…” do Nxb Trí Đăng, Saigon 1972 xuật bản, cũng là một trường hợp hy hữu: có ruột mà không có bìa!. Ông là bạn cùng lớp, cùng trường Pétrus Ký với Trần văn Khê, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng… Sau này, gia đình có làm một tập tư liệu về ông- do gia đình và bạn bè viết- rất cảm động Ngu Í Nguyễn Hữu Ngư, qua ký ức người thânn. Tác phẩm này chưa đựơc xuất bản, do bà Nguyễn Thị Thoại Dung, vợ ông, cùng gia đình thực hiện (1996).
Mẹ tôi và ông là chị em cô cậu ruột. Tôi gọi ông bằng cậu. Rất gần gũi, thân thiết. Những điều tôi đựơc biết về ông- với tư cách là người trong gia đình- đã được trình bày ở phần trên, để làm rõ thêm vài chi tiết.
Đỗ Hồng Ngọc
(Đỗ Nghê ).
Những Chi Tiết Mới Về Văn Học Qua Phỏng Vấn Của Nguyễn Ngu Í
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nh