http://phannguyenartist.blogspot.com/
Lưu Quang Vũ
Lưu Quang Vũ
(17/4/1948 Phú Thọ - 29/8/1988 Hải Dương)
Hưởng dương 40 tuổi
Nhà thơ, Nhà văn, Kịch tác gia
“Trước đây ở Hồ Tây này rất nhiều
chim sâm cầm, bây giờ bị đánh bắt nhiều quá nên chim không còn nữa. Đây
là giống chim quý ngày xưa dùng để tiến vua. Theo lẽ đời, cỏ gấu, cỏ gà
thường mọc tràn lan, còn những cái loài hiếm quý thì sẽ bị mai một, bị
tiêu diệt đi, lẽ đời là thế…”.
Đây là câu cuối cùng đang viết dở trong kịch bản cuối cùng " Chim sâm cầm đã chết " trước khi Lưu Quang Vũ bị tai nạn và qua đời.
Lưu Quang Vũ
Bùi Xuân Phái ký họa
Lưu Quang Vũ là nhà soạn kịch, nhà thơ và nhà văn hiện đại.
Ông sinh tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ nhưng quê gốc ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh.
Từ 1965 đến 1970 ông nhập ngũ, phục vụ trong quân chủng Phòng không - Không quân. Đây là thời kỳ thơ Lưu Quang Vũ bắt đầu nở rộ.
Từ 1970 đến 1978: xuất ngũ và làm đủ mọi nghề để mưu sinh, làm ở Xưởng Cao su Đường sắt do Tạ Đình Đề làm Giám đốc, làm hợp đồng cho nhà xuất bản Giải phóng, chấm công trong một đội cầu đường, vẽ pa-nô, áp-phích,...
Từ 1978 đến 1988: Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói với vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17 viết lại theo kịch bản của Vũ Duy Kỳ.
Tai nạn và qua đời
Giữa lúc tài năng đang độ sung mãn, Lưu Quang Vũ qua đời trong một tai nạn ô tô trên quốc lộ số 5 tại Hải Dương, cùng với người bạn đời là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ.
Theo lời kể của họa sĩ Doãn Châu, người đã đi cùng ông trên chuyến xe cuối cùng, thì vụ tai nạn được tóm tắt như sau:
"Chiều 29/8, chiếc xe chở hai gia đình về Hà Nội. Dọc đường đến cầu Lai Vu, xe đỗ, mấy phụ nữ xuống mua một rổ ổi. Lúc đó Mí và Vinh ngồi đánh cờ phía băng ghế bên phải. Ông Châu và Lưu Quang Vũ kẻ nằm người ngồi dưới sàn xe còn Xuân Quỳnh và bà Bích Thu ngồi phía băng ghế đối diện. Xe qua cầu Phú Lương, đi trên đường vừa hẹp vừa xuống dốc. Trước mặt có chiếc xe Kamaz đang đi chầm chậm. Đường dốc nên xe nào qua đây cũng phải thận trọng.
Bất chợt, có hai phụ nữ đội nón đèo nhau trên xe đạp, lao từ đê xuống đường, cắt qua mặt xe Kamaz, chiếc xe này phanh khựng lại. Người lái chiếc xe com-măng-ca đang bám sau định đánh tay lái vượt lên. Và chỉ trong tích tắc ấy, một chiếc xe ben phía sau đã mất phanh đâm sầm vào đuôi chiếc com-măng-ca, đẩy xe này vào gầm xe Kamaz phía trước.
Cả gia đình Lưu Quang Vũ ngồi phía bên phải bị văng xuống đường. Ông Châu xác nhận đó là khoảng 14h40 phút ngày 29/8/1988 (trước đây nhiều nguồn tin nói là 15h30 phút).
Sau khi ông mất, đã có nhiều dư luận xung quanh vụ tai nạn này. Có tin cho rằng ông bị ám sát bằng cách gây tai nạn ô tô. Tuy nhiên với những diễn biến trước khi vụ tai nạn xảy ra, ông Châu kết luận: Nếu có một bàn tay nào đó sắp đặt thì đó chỉ có thể là "Bàn tay của số mệnh". Vụ án sau đó được xử tại toà án Hải Dương. Lái xe gây tai nạn bị xét xử tù giam 10 năm.
Gia đình
Lưu Quang Vũ kết hôn 2 lần, lần thứ nhất với diễn viên điện ảnh Tố Uyên năm 1969. Hai người li hôn năm 1972. Ông kết hôn lần thứ hai với nữ thi sĩ Xuân Quỳnh năm 1973.
Lưu Quang Vũ
Vũ Quần Phương
Vũ Quần Phương
Lưu Quang Vũ làm thơ từ thuở học cấp ba, rời ghế trường trung học, vào bộ đội anh viết nhiều hơn và bắt đầu đăng báo. Năm 1968, hai mươi bài thơ đầu tay chọn in chung vào tập Hương cây bếp lửa giới thiệu một hồn thơ trong trẻo, đắm đuối mơ mộng và cũng còn nhiều dấu vết của sách vở nhà trường. Đắm đuối là đặc điểm suốt đời thơ Lưu Quang Vũ. Đặc điểm ấy ít thấy ở các nhà thơ khác cùng thời với anh. Hình như từ sau cách mạng tháng 8-1945, thơ chúng ta chuộng sự tỉnh táo với những thi liệu lấy từ thực tế cuộc sống. Vào những năm 60, một vài nhà thơ có uy tín đã kêu lên: thơ cần mê hơn... Lưu Quang Vũ mới đến đã đáp ứng được yêu cầu đó. Tìm ra những yếu tố tạo nên sự mê đắm này chính là tìm được đặc trưng cảm xúc của Lưu Quang Vũ.
Anh cảm thụ đời sống không chỉ bằng nhận thức mà bằng cả giác quan. Cảm giác là hạt nhân đầu tiên của cảm hứng Lưu Quang Vũ. Cảm giác gọi những ý thơ tuôn chảy. Đọc thơ anh ít thấy dấu vết của bố cục, cảm hứng liền dòng ào ạt, đầy ắp hình ảnh, ảnh thực và ảnh ảo, hiện thực và tưởng tượng, sách vở và đời sống hòa quyện thúc đẩy nhau trong các câu thơ dồn dập. Anh viết như trong một cơn say, bất chấp sự cực đoan và phi lý trong chi tiết. Thế giới trong thơ anh là thế giới của tưởng tượng. Giàu tưởng tượng nên mới thành đắm đuối. Trong thơ anh có cánh buồm đen của tên cướp bể, có ngọn lửa bập bùng người Âu Lạc múa trên châu thổ sông Hồng còn nguyên nếp phù sa. Có những đoạn thơ anh làm mê lòng ta như cổ tích:
Trung Hoa của tuổi thơ
Tiếng ngựa hí đêm khuya
Đoàn xe Chiến Quốc đi trong tuyết
Rũ rượi tóc râu, đao thương sáng quắc
Não bạt thanh la xủng xoẻng
Dữ tợn mà sầu thương.
Đắm đuối là bản sắc cảm xúc Lưu Quang Vũ. Nó tạo nên sức lôi cuốn ma quái ở thơ anh và cũng tạo nên lắm vất vả cho đời anh. Lưu Quang Vũ đã trải qua những năm tháng lao đao ngay ở tuổi thanh niên: ra bộ đội, không việc làm, gia đình tan vỡ, con nhỏ, chiến tranh đang ở thời kỳ ác liệt, cuộc sống khó khăn, xã hội xuất hiện nhiều tiêu cực... Tình cảnh đó đã được diễn đạt chân thành bằng một nghệ thuật thơ thuần chín, trong khoảng hai năm 1971, 1972, tập trung trong tập Cuốn sách xếp lầm trang (bản thảo, chưa in trọn vẹn). Nội dung khác với giai đoạn trước vốn trong trẻo và cũng khác với giai đoạn sau, đã thăng bằng. Giai đoạn này tâm hồn anh như già đi trong những cảm xúc tê tái. Đây là thơ được viết ra từ một thúc bách nội tâm, từ cảnh ngộ cá thể của mình. Chúng ta đọc thơ cần có sự cảm thông, đừng máy móc cào bằng, đòi hỏi thơ ai cũng phải có một công dụng tức thì với xã hội. Thơ hay bao giờ cũng có công dụng, nhưng là một công dụng xa, giúp cho sự hình thành nhân cách con người. Nhân cách hình thành từ những chiêm nghiệm. Thơ Lưu Quang Vũ giai đoạn này rất nhiều chiêm nghiệm. Anh nhìn và khái quát việc đời trên cảnh ngộ của anh. Anh thấy cuộc đời lúc đó như cuốn sách xếp lầm trang: chuyện đôi trai gái tự tình lẫn với chuyện chia gia tài, gián điệp lẫn với triết gia và lái bò... Có thể có một chút bi quan quá sớm, nhưng cũng đã thấy một linh cảm trước thời cuộc. Mười bảy năm sau những chủ đề này sẽ trở lại trong kịch Lưu Quang Vũ và làm sôi động sân khấu cả nước. Sức mạnh hiện thực đã thấm vào tâm hồn nhiều mơ mộng ấy. Mùi lá bưởi lá chanh nên thơ và phù phiếm sẽ không bao giờ còn quay lại tô điểm cho cái hiện thực dữ dằn của chiến tranh nữa. Lưu Quang Vũ khai thác chất thơ hoàn toàn khác với giai đoạn đầu cầm bút. Thay vì sự ca ngợi ngọt ngào là sự chất vấn rát bỏng:
Những tuổi thơ không có tuổi thơ
Những đôi mắt tráo trơ mà tội nghiệp
Chúng ăn cắp đánh nhau, chửi tục
Lang thang hè đường, tàu điện, quán bia
Những bông hoa chưa nở đã tàn đi
Những cành cây chưa xanh đã cỗi
(...)
Sao mọi người có thể dửng dưng
Nhìn em đi trên đường tối
Mọi người đều có tội
Trước tuổi thơ đã chết của em.
Anh bộc lộ: Những chữ đẹp xưa giờ đã bỏ tôi rồi. Đối mặt với anh là:
Những chữ như đinh nhìn tôi sắc nhọn
Chữ gầy guộc, chữ bùn lầy cống rãnh...
Và anh quyết liệt đổi thay:
Những chữ đẹp xưa giờ tôi đuổi đi rồi
Bao chữ mới đang ầm ầm đập cửa
Thơ rộng dài cánh lớn hãy bay đi.
Giai đoạn này Lưu Quang Vũ có bước tiến dài về nghệ thuật. Tôi cho rằng thời gian này là điểm đỉnh trong đời thơ Lưu Quang Vũ. Sau này anh viết ấm áp hơn nhưng không tài bằng. Cái tài của anh là ở chỗ từ những việc, những vật cụ thể anh làm bật lên được một cảm xúc, một nhận thức, một tâm trạng vốn rất khó nắm bắt. Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ. Sao hạt mưa có màu đen. Ai biết? Chỉ biết nó gợi tro than, loạn lạc, ly tán...
Lưu Quang Vũ thuộc tạng người chỉ tin ở mắt mình, chỉ tin ở lòng mình. Mắt anh thấy và tim anh đau nhói anh đều viết thành thơ. Anh muốn trung thành với tình cảm nguyên sơ của mình. Anh không bận tâm lắm đến sự xác định là cá biệt hay phổ biến, bản chất hay hiện tượng.
Cảm hứng dân tộc hình thành sớm và phát triển dần thành cảm hứng mạnh trong Lưu Quang Vũ. Đất nước mang hình chiếc đàn bầu, với những chị hai, những mắt một mí, những cơi trầu, những câu hát giao duyên... bao nhiêu lần trở đi trở lại trong tình trong ý Lưu Quang Vũ, tạo nên nét duyên riêng đắm đuối trong thơ anh. Anh viết rất tạo hình, có lẽ vì anh còn là một họa sĩ:
Những con chim lạc mỏ dài
Bay qua vầng trăng lớn.
Đặc biệt là sức gợi từ những chi tiết nhỏ đan vào các ý thơ:
Cánh rừng sẫm tắm hoàng hôn đỏ rực
Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng.
Một chữ nồng đã phả vào đêm cái hơi hướng nhiệt đới còn nguyên sơ làm khung cảnh trở nên phập phồng sự sống.
Những bài thơ anh viết ở thập niên 80 như đối nghịch với các bài thời 71, 72. Nhưng thật ra giai đoạn trước kiến tạo cho giai đoạn sau. Sức nặng của câu thơ yêu đời được hình thành từ câu thơ mất mát. Qua mất mát mới biết giá trị của sự có lại:
Mùa gió mới có em tôi có lại/
Bài hát cũ tôi hát cùng đồng đội/
Lại dập dồn như gió khắp rừng khuya
Giữa lúc anh đang hào hứng viết cả thơ lẫn kịch, năng suất kỳ lạ, dự định táo bạo, thì tai nạn ập đến. 1948-1988. Cuộc đời anh mới 40 năm tuổi đã dừng, sự đóng góp của anh ở thơ, ở kịch đã được đời ghi nhận như một trong các sự kiện nghệ thuật cuối thế kỷ XX.
Tác phẩm tiêu biểu
Thơ
Hương Cây
Thôn Chu Hưng
Qua sông Thương
Đêm hành quân
Gửi tới các anh
Những chuyến bay
Lá bưởi lá chanh
Trưa nay
Hơi ấm bàn tay
Ngã ba thị xã
Chuyện nhỏ bên sông
Ngày ấy
Phố huyện
Trên cầu Long Biên
Chiều
Máy nước đầu ngõ
Chưa bao giờ
Vườn trong phố
Tầng năm
Thức với quê hương
Những con đường
(1968 - in cùng Bằng Việt trong tập Hương cây - Bếp lửa)
Mây Trắng Của Đời Tôi
Mây Trắng Của Đời Tôi
(1989)
Tiếng Việt
Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.
Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya
Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.
Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa
Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.
“Ðá cheo leo trâu trèo trâu trượt...”
Ði mòn đàng dứt cỏ đợi người thương
Ðây muối mặn gừng cay lòng khế xót
Ta như chim trong tiếng Việt như rừng.
Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
(PTD biên tập: "như đất cày, như lụa")
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.
Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.
Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.
Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận
PTD biên tập"một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng"
PTD biên tập"một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng"
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.
Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.
Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng
Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi
Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người
Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ.
Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ
Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay
Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.
Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.
Ai thuở trước nói những lời thứ nhất
Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu
Ðiều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt
Ai người sau nói tiếp những lời yêu?
(Trong bản thảo của bài thơ, tác giả chú thích với hai câu thơ dẫn từ bài Nguồn gốc từ ngữ của Xuân Quỳnh: Câu thơ Xuân Quỳnh: “Tiếng yêu của những ngày xưa/Vượt qua năm tháng bây giờ đến ta.”)
Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.
Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình...
PTD biên tập“tiếng Việt ân tình..”
Đây là một bài thơ hiếm hoi của Lưu Quang Vũ được đăng báo trong những năm người ta từ chối thơ anh. Để đăng được trên báo Văn nghệ, nhà thơ Phạm Tiến Duật khi đó đã phải biên tập sửa ba chỗ như chú thích trong bài. Bản được công bố được coi là bản chính nên các tuyển thơ Lưu Quang Vũ về sau đều in theo bản này. Bản ở đây được chép căn cứ theo bản thảo viết tay gốc của tác giả và được công bố sau này.
Nguồn:
1. Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB Hội nhà văn, 2010
2. Lưu Quang Vũ, thơ tình, NXB Văn học, 2002
3. Lưu Quang Vũ - thơ và đời, NXB Văn hoá - Thông tin, 1999
4. Thơ Việt Nam 1945-1985, NXB Giáo dục, 1985
Bầy Ong Trong Đêm Sâu
Bầy ong trong đêm sâu
Không đề (II)
Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên (I)
Anh đã mất chi anh đã được gì
Từ biệt
Anh chẳng còn gì nữa
Ngã tư tháng Chạp
Quán cà phê ngoại ô
Những tuổi thơ
Ghi vội một đêm 1972
Viết lại một bài thơ Hà Nội
Nửa đêm tới thành phố lạ gặp mưa
Viết cho em từ cửa biển
Không đề (III)
Hoa tầm xuân
Lá thu
Người con giai đến phòng em chiều thu
Gửi một người bạn gái
Quả dưa vàng
Lý thương nhau
Khúc hát
Mắt một mí
Có những lúc
Những chữ...
Tôi chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn
Giấc mơ của anh hề
Giấc mộng đêm
Nơi tận cùng
Liên tưởng tháng hai
Những ngọn nến
Việt Nam ơi
Gửi...
Mấy đoạn thơ
Những ngày chưa có em
Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa
Mưa dữ dội trên đường phố trên mái nhà...
Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên (II)
Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên (III)
Vẫn thơ tình viết về một người đàn bà không có tên (I)
Em (II)
(1993)
Gửi tới các anh
(1998)
Cuốn sách xếp lầm trang
Gọi đò
Mấy đoạn thơ về lửa
Nói với con cuối năm
Phủ Lý tháng hai
(2008)
Áo
Én
Bài hát trong một cuốn phim cũ
Bài thơ khó hiểu về em
Bây giờ
Cầu nguyện
Chia tay
Chiều
Chiều cuối
Di chúc tình yêu
Em (I)
Em - tình yêu những năm đau xót và hy vọng
Gửi Hiền mùa đông
Hải Phòng, mùa đông
Hồ sơ mùa hạ 1972
Hoa tigôn
Không
Khu nhà vắng trẻ con
Lại sắp hết năm rồi
Móng tay trên đá
Mùa xoài chín
Mặt trời trong nước lạnh
Một bài thơ
Nói với mình và các bạn
Những bạn khuân vác
Những vườn dâu đánh mất
Thư viết cho Quỳnh trên máy bay
Viết cho một câu chuyện cũ
Áo
Én
Bài hát trong một cuốn phim cũ
Bài thơ khó hiểu về em
Bây giờ
Cầu nguyện
Chia tay
Chiều
Chiều cuối
Di chúc tình yêu
Em (I)
Em - tình yêu những năm đau xót và hy vọng
Gửi Hiền mùa đông
Hải Phòng, mùa đông
Hồ sơ mùa hạ 1972
Hoa tigôn
Không
Khu nhà vắng trẻ con
Lại sắp hết năm rồi
Móng tay trên đá
Mùa xoài chín
Mặt trời trong nước lạnh
Một bài thơ
Nói với mình và các bạn
Những bạn khuân vác
Những vườn dâu đánh mất
Thư viết cho Quỳnh trên máy bay
Viết cho một câu chuyện cũ
Những bông hoa không chết
(2008)
Những bông hoa không chết
Những ngày hè cuối
Hai bài thơ xuân
Tháng 5
Không đề (IV)
Đáng lẽ
Lời cuối
Em (III)
Cho Quỳnh những ngày xa
Người báo hiệu
Sông Hồng
Sông Hồng - hồi ức của một nghĩa binh già
Sông Hồng - năm mẹ sinh em
Sông Hồng - lời từ giã của Trung đoàn Thủ đô
Năm 1954
Tuổi thơ
Những thành phố những xứ xa
Những chiếc lá rơi
Ngoại ô
Với triệu con người
Trước biển và gió
Quả đồi bên kia
Mùa xuân Matxcơva
Ngọn lửa đen
Dù có lãng quên
Phút em đến
Trong đêm
Hoa cẩm chướng trong mưa
Cơn bão
Những đứa trẻ buồn
Những gương mặt
Khâm Thiên
Tìm về
Những đám mây ban sớm
Tháng 5-1975
Những bông hoa không chết
Những ngày hè cuối
Hai bài thơ xuân
Tháng 5
Không đề (IV)
Đáng lẽ
Lời cuối
Em (III)
Cho Quỳnh những ngày xa
Người báo hiệu
Sông Hồng
Sông Hồng - hồi ức của một nghĩa binh già
Sông Hồng - năm mẹ sinh em
Sông Hồng - lời từ giã của Trung đoàn Thủ đô
Năm 1954
Tuổi thơ
Những thành phố những xứ xa
Những chiếc lá rơi
Ngoại ô
Với triệu con người
Trước biển và gió
Quả đồi bên kia
Mùa xuân Matxcơva
Ngọn lửa đen
Dù có lãng quên
Phút em đến
Trong đêm
Hoa cẩm chướng trong mưa
Cơn bão
Những đứa trẻ buồn
Những gương mặt
Khâm Thiên
Tìm về
Những đám mây ban sớm
Tháng 5-1975
(in chung cùng phần Nhật ký)/ NXB Lao Động, 2008
Kịch
1
Sống Mãi Tuổi 17
2
Nàng Sita
3
Hẹn Ngày Trở Lại
4
Nếu Anh Không Đốt Lửa
5
Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt
Kịch bản
https://vanhocnghethuat.files.wordpress.com/2013/05/hontruongbadahangthit-kich-luuquangvu.pdf
6
Lời Thề Thứ 9
7
Khoảnh Khắc và Vô Tận
8
Bệnh Sĩ
9
Tôi Và Chúng Ta
10
Người Tốt Nhà Số 5
11
Chiếc Ô Công Lý
12
Ông Không Phải Là Bố Tôi
13
Lời Nói Dối Cuối Cùng
14
Mùa Hạ Cuối Cùng
Tiểu luận, phê bình:
(cùng viết với Vương Trí Nhàn và Xuân Quỳnh)
Truyện
Người Kép Đóng Hổ
Tập Truyện Ngắn Nxb Hà Nội
Người kép đóng hổ
Tích Võ Tòng phải ngừng diễn đã hai tháng nay. Anh kép đóng hổ tự dưng bỏ gánh bỏ rạp đi đâu mất. Có người bảo anh đã bỏ Hà Nội và Sài Gòn, làm kép võ cho một gánh hát trong đó. Có người lại bảo anh ta mê con gái một ông đốc tờ ở phố Cầu Gỗ. Cha mẹ cô này ngăn cấm, nói không gả con cho phường kép hát. Hai người liền rủ nhau trốn xuống Phòng, rồi ra tận Hòn Gai, Cẩm Phả gì đó... Vai hổ của anh không phải vai chính, vậy mà khó, chẳng tìm ra người thay. Ông bầu cũng đã cho một vài kép khác diễn thử, nhưng không ra làm sao cả, hổ không ra hổ, chó không ra chó, cứ ục ịch, lóng ngóng, hoặc là chồm chồm nhảy nhót, rõ ra hổ giả, mặc dù các đầu và bộ da hổ đều là đầu thật, da thật, ông bầu đã phải mua lại của một người Nùng ở Lạng Sơn xuống.
Không có hổ, Võ Tòng cũng thành thất nghiệp. Anh kép đóng Võ Tòng - xưa nay vẫn được khán giả hâm mộ nhất trong vai này - giờ chuyển sang chỉ đóng Triệu Tử Long phò Lưu Bị, Mã Siêu báo phụ thù, hoặc cái vai Tống Địch Thanh, Ngũ Tử Tư... Cũng hay, nhưng không thể so được với vai Võ Tòng của anh. Hôm nào khán giả cũng hỏi người bán vé:
- Hôm nay có diễn Võ Tòng không? Chà, chán thật! Diễn Võ Tòng đi chứ, gánh này có tích đấy là hay nhất.
Nhưng nếu diễn, với mấy vai hổ mới thay, thì cứ đến đoạn hổ ra, vừa múa được vài đường, là khán giả đã ồ lên la ó, có người kêu to:
- Hổ làm sao thế? Hổ cũ đi đâu rồi?
Nhiều người đứng dậy bỏ về. Có ông khó tính còn đòi lấy lại tiền.
Ông bầu đang bí, chưa biết tính sao. Bỗng một hôm, có một người đàn ông bước vào gian buồng trên gác rạp hát, nơi ở của ông bầu. Người ấy trông khó đoán tuổi, gày gò, xanh xao. Hình dáng mảnh dẻ, nhưng rắn rỏi. Mắt trũng sâu, lầm lì, sáng lạnh. Miệng mím chặt. Thái dương anh ta có một vết sẹo lớn, trông như móng sắt cào. Người lạ mặc quần nâu, áo đen, đi đôi giày vải, kiểu giày của những người khách bán thuốc và múa võ.
- Anh cần gì? - Ông bầu hỏi.
- Có phải rạp đang cần một người đóng hổ?
- Đúng thế.
- Tôi đóng được.
- Anh???
- Vâng, tôi.
- Anh là kép hát?
- Không. Nhưng tôi đóng được vai hổ.
- Anh hay xem hát?
- Ít thôi, nhưng tôi thích.
- Anh biết đóng hổ thế nào không?
- Biết. Tôi đã từng bị hổ vồ.
- Thật ư?
- Không tin, ông cứ nhìn vết sẹo trên trán tôi đây, cả tay, cả lưng nữa.
- Anh làm sao mà thoát được?
- Tôi đánh lại nó. Chính con hổ cũng bị thương. Sau tôi leo lên một cái cây gần đó! Con hổ ngồi dưới đợi. Suốt ba ngày đêm, con hổ cứ gầm gừ gào thét ở dưới, còn tôi thì ôm chặt lấy cành cây. Nó liếm máu tôi chảy xuống ướt đẫm vạt cỏ, nhưng rồi vẫn đói quá, cuối cùng nó phải bỏ đi. Suốt ba ngày đêm, tôi đã nhìn trừng trừng mọi động tác dáng vẻ của hổ. Bây giờ tôi vẫn nhớ như in. Ông xem, tóc tôi lốm đốm bạc là vì ba ngày đêm đó.
- Lạ thật - Ông bầu nhìn kỹ người khách lạ - anh không có vẻ gì là bịa đặt cả. Nhưng này, anhđi đâu mà gặp hổ, anh làm nghề gì? Quê quán ở đâu?
- Tôi gặp hổ và bị nó vồ ở một thung lũng gần biên giới Lào. Tôi làm nhiều nghề, đi nhiều nơi. Đời tôi vất vả. Ông cho phép tôi khỏi phải kể lại. Hiện giờ tôi mới về Hà Nội và đang thất nghiệp. Tôi không có nhà cửa, vợ con gì cả. Đã hai ngày nay tôi nhịn đói. Tôi ngồi trú mưa ở cửa rạp, nghe người ta nói với nhau rằng gánh hát đang khuyết một vai đóng hổ.
- Nhưng anh có biết rằng đóng vai hổ trên sân khấu không phải là bắt chước y như con hổ thật mà được.
- Tôi biết.
- Phải diễn bằng múa, diễn với nhạc, với trống. Sao cho giống thật mà lại hay, lại đẹp. Khán giả khó tính lắm. Không phải kép nào cũng đóng vai này được đâu.
- Tôi hiểu. Tôi đã cân nhắc. Tôi sẽ tập dượt thêm, nhưng chắc sẽ làm được.
- Tạm thời, tôi cứ tin anh. Sáng mai, anh sẽ diễn thử cho tôi xem. Bây giờ anh sẽ ăn cơm. Rồi anh kép đóng Võ Tòng sẽ đưa cho anh cái lốt hổ và sẽ tập với anh. Nếu quả thật anh diễn được, tôi sẽ nhận anh vào gánh.
Suốt ngày và cho đến tận nửa đêm hôm ấy, người khách lạ tập với anh kép đóng Võ Tòng trên căn gác sau rạp hát. Anh tập lầm lỳ, không nghỉ, không nói năng, chỉ im lặng nhìn và nghe Võ Tòng chỉ dẫn. Đã nhiều lần Võ Tòng gặng hỏi về tông tích anh ta, thử bắt chuyện, nhưng anh ta không hé răng. Anh học thuộc mọi động tác của những vai hổ cũ, nhưng lại diễn theo lối của anh với những động tác mới rất lạ, nhưng rất hay. Võ Tòng chưa từng thấy ai đóng hổ như vậy cả. Một con hổ dữ tợn, hung ác, có sức mạnh khủng khiếp, cái sức mạnh âm u, hoang rợ của rừng sâu, cái sức mạnh bản năng điên dại của những bắp thịt, những móng vuốt và răng nhọn. Cái sức mạnh ấy đã bị Võ Tòng quật ngã. Con hổ thèm khát máu tươi, từng ăn thịt bao người, gần như đã thành tinh, phải gục xuống trước Võ Tòng. Những cái thu mình rồi lao vút ra như tên bắn. Những bước chân chờn vờn, chắc khỏe. Thân hình ngàn cân của hổ vừa nặng nề, vừa thoăn thoắt giảo hoạt. Đầu lắc lư, mình run lên bần bật vì giận dữ, con hổ gầm lên những tiếng gầm man rợ, quái đản, như có mùi máu tanh rùng rợn bốc lên. Người khách lạ diễn theo nhịp trống đổ dồn vừa như thực vừa như múa. Động tác nào cũng đẹp, cũng ghê gớm, người xem phải nín thở hồi hộp, lo sợ, để rồi càng thấy sự tài giỏi, can đảm của Võ Tòng.
Dường như nỗi căng thẳng của ba ngày đêm ôm chặt trên cây, đối diện với hổ, dường như kinh nghiệm của cả cuộc đời phiêu bạt, đói khổ, phải đối chọi, giành giật với nhiều kẻ ác, người khách lạ đã dồn cả vào lớp diễn này.
Ông bầu gánh từ kinh ngạc chuyển sang mừng rỡ, vừa xem xong, ông vội cho người dán quảng cáo, gõ chiêng trống vang cửa rạp, bán vé diễn tích Võ Tòng đả hổ ngay tối đó.
Khán giả kéo đến chật rạp, tích Võ Tòng chưa bao giờ thành công rầm rộ như vậy.
Người khách lạ trở thành anh kép chính thức của đoàn, mặc dù ngoài vai hổ, anh không đóng vai nào khác. Không ai biết tên thật của anh là gì, chỉ gọi là anh Hổ. Anh Hổ suốt ngày lầm lì, không mấy khi chuyện trò với ai. Anh vẫn mặc cái quần nâu, áo đen và đi đôi giày vải như hôm đến rạp. Người ta đồn đại nhiều quanh tung tích của anh, có người bảo anh bị mẹ mìn bắt đưa sang Lào từ nhỏ, những phường săn bên đó đem nhốt anh vào lồng sắt, đặt ở rừng làm mồi nhử cọp. Có người bảo anh bị đẩy lên mạn ngược vì đã chém chết một viên đội xếp Tây, anh trốn tù, sống nay đây mai đó, bây giờ vẫn phải giấu mặt... Không hiểu có đúng vậy không, chỉ biết anh không vợ con, k hông quê quán, tên tuổi cũng chẳng rõ, suốt ngày ngồi im một chỗ. Anh diễn khá như vậy, ông bầu chỉ giả một số lương vô cùng ít ỏi, anh cũng chẳng hề phàn nàn.
Tỏ ra gần gũi quý mến anh Hổ hơn cả, là anh kép đóng vai Võ Tòng. Võ Tòng thường hay mua thuốc lá cho anh Hổ, anh ta nghiện thuốc nặng. Hai người ngồi cạnh nhau hàng buổi, tuy chẳng nói gì. Những lúc đó, mắt anh Hổ dịu hẳn lại, mặt anh hiền hậu, những nếp răn quanh vết sẹo như mờ đi, khóe miệng mím chặt thoáng mỉm cười. Lên sân khấu, họ lại lăn xả vào nhau, giao đấu dữ dội liền mấy hiệp. Ít người kép hát nào gắn bó với vai diễn của mình như anh Hổ. Có lần, anh nói với anh Võ Tòng:
- Tôi đóng hổ, không phải tại tôi thích hổ, mà tại tôi thích Võ Tòng. Tôi thích con người áo vải tay không mà dám đập chết loài beo cọp. Đời tôi nhiều uất ức cay cực lắm. Vợ con tôi, chúng nó giết chết cả, cái lũ người ấ còn ác hơn cả hùm beo...
Nói đến đây, anh lại nín bặt, không kể tiếp nữa. Dạo ấy trời rét như cắt. Ngoài phố mưa phùn nhớp nháp, lạnh buốt. Những mái nhà tối đen, nhấp nhô dưới ánh đèn vàng quạch. Đó là mùa đông năm 1944. Đêm đêm, hiến binh Nhật đi tuần rầm rập trên đường. Tiếng gươm súng va lách cách, tiếng hô thét rợn người.
Anh Hổ không có chăn màn, giường đệm gì cả. Diễn xong, anh Võ Tòng kéo cái phông hậu xuống đắp, nằm ngủ ngay ở cánh gà sân khấu, và anh Hổ thì ngồi vào cái ghế sơn đỏ vẫn thường dùng làm ngai vua. Anh để nguyên cả lốt hổ, đầu vẫn ở trong cái đầu hổ, ngồi ngủ. Áo anh phong phanh, cái lốt hổ dầy giúp anh chịu được rét buốt của đêm dài.
Một đêm vào khoảng 2, 3 giờ sáng, có tiếng quát tháo ồn ào. Một tốp hiến binh Nhật xộc vào rạp hát. Dạo đó chúng hay đi lùng sục khám xét. Anh Võ Tòng choàng dậy, đã thấy bốn năm tên Nhật xông lên sân khấu. Chúng đều đi ủng, đội mũ dạ, đeo kiếm dài. Một thằng quát:
- Những ai ở đây, ra mau!
Bỗng tên Nhật hốt hoảng lùi lại, ú ớ kêu: dưới ánh sáng lờ mờ, một con hổ, không, một con quái vật đi hai chân như người loạng choạng bước ra. Tên Nhật kinh hãi rút kiếm ra. Võ Tòng chưa kịp xông lại ngăn thì tên Nhật đã vung kiếm chém mạnh vào cổ con hổ. Lưỡi kiếm sắc như nước, chỉ nghe phập một tiếng, cái đầu hổ đã rơi phịch xuống sàn sân khấu. Mấy cái đèn pin chiếu vào, máu phun ra từ đầu hổ. Võ Tòng rú lên, lao tới, ôm chầm lấy bạn. Đầu anh Hổ đã bị chém rời ra cùng cái đầu hổ. Cái thân còn quờ quạng vài giây rồi bất động.
Anh Hổ đã bị giết chết trong vai diễn của mình.
*
* *
* *
Hôm sau, ngày đưa đám anh Hổ, trời vẫn mưa phùn mù mịt.
Người ta nhấc đầu anh ra khỏi đầu hổ thật, máu anh đầm đìa cả da hổ. Chân tay anh co quắp lại, không thể nào cởi bộ lốt da hổ ra khỏi mình anh, trừ khi cắt nát lốt da hổ ra. Gánh hát đành phải đặt anh vào quan tài nguyên như vậy. Lốt hổ của vai diễn trở thành vải liệm của anh.
*
**
**
Câu chuyện này do một chiến sĩ của trung đoàn Thủ đô kể lại cho tôi. Anh đã nghe chính anh kép đóng Võ Tòng kể cho anh và trung đội của anh, trong một chiến lũy đầu phố Hàng Gai. Năm 1946, Võ Tòng đã trở thành một chiến sĩ quyết tử của trung đoàn Thủ đô. Anh chiến đấu can đảm đến liều lĩnh. Anh bạn tôi kể: trong một trận đánh ở cổng sau chợ Bắc Qua, Võ Tòng đã dùng mã tấu quần nhau với bốn thằng Lê dương cao lớn và đã chém gục chúng.
Hết.
Lưu Quang Vũ 1983
Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và mùa hè định mệnh
Tác giả: Lưu Quang Định
(em ruột Lưu Quang Vũ)
Mùa hè năm 1988 là mùa hè cuối cùng của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Đó là khoảng thời gian mà Lưu Quang Vũ làm việc hối hả, với năng suất phi thường, làm việc như biết mình sắp bị giời bắt đi. Đó cũng là mùa hè Xuân Quỳnh phải nằm viện, trái tim nhỏ bé của chị nặng trĩu những dự cảm ưu phiền... Chúng tôi xin giới thiệu những chi tiết chưa nhiều người biết về những ngày cuối cùng của anh chị. Bài viết do nhà báo Lưu Quang Định, em ruột của Lưu Quang Vũ gửi riêng cho VietNamNet.
Chỉ trong vòng 8 năm kể từ khi bước vào sân khấu - năm 1980 với vở "Sống mãi tuổi 17" - cho đến khi nằm xuống, Lưu Quang Vũ đã viết hơn 50 vở kịch, hầu hết đã được dàn dựng. Đó là còn chưa kể hàng trăm bài thơ, truyện ngắn, bài báo... Người ta vẫn thường hỏi Lưu Quang Vũ lấy đâu ra thời gian, năng lượng để hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ như vậy trong một thời gian ngắn như vậy? Ngay cả bạn bè, đồng nghiệp, ngay cả những người thân trong gia đình nhiều lúc cũng không trả lời nổi câu hỏi đó.
Đặc biệt, trong năm cuối cùng, mùa hè cuối cùng của đời mình, Lưu Quang Vũ làm việc hối hả hơn bao giờ hết. Sau khi Lưu Quang Vũ mất, trên bàn làm việc của anh vẫn còn để một mảnh giấy nhỏ, trong đó anh ghi: "Công việc phải làm từ tháng 8 tới tháng 12 (1988)", với tên 8 vở kịch, một tập thơ cùng một số công việc khác. Cho đến khi mất, nghĩa là chỉ trong vòng một tháng kể từ khi viết mảnh giấy, anh đã kịp thực hiện và đưa lên sàn diễn trọn vẹn 3 vở: Trái tim trong trắng (đoàn Kịch Hải Phòng và Đoàn Chèo Hà nam Ninh dựng), Lời thề thứ chín (Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị dựng 1988), Điều không thể mất (Nhà hát Tuổi trẻ, Đoàn Kịch Quân khu II dựng 1988). Vở thứ tư - Chim sâm cầm không chết - đã viết xong cảnh cuối, Đoàn kịch Hải Phòng đã nhận dàn dựng. Và nếu như không ra đi đột ngột thì rất có thể Lưu Quang Vũ đã có cơ hội "hoàn thành kế hoạch năm", viết nốt 4 vở còn lại: Bồ câu biển, Trà hoa nữ, Thủ tục làm người sống... Cũng trong năm 1988, ngoài mấy vở trên, anh còn viết một loạt vở nữa như Đôi đũa kim giao (Đoàn ca múa Hà Nam Ninh dựng), Ông không phải bố tôi (có 4 đoàn dựng), Linh hồn của đá (Đoàn Chèo Hải Phòng dựng), Bệnh sĩ (Nhà hát kịch Trung ương dựng)...
Mùa hè năm đó tôi mới 22 tuổi, đang là sinh viên năm thứ hai ở Liên xô cũ, được về phép. Sau mấy năm xa nhà, thấy HN có một số thay đổi: Chế độ tem phiếu đã bị bãi bỏ. Đồ đạc có vẻ nhiều hơn, nhưng điện vẫn thường xuyên mất, cuộc sống nhìn chung vẫn rất vất vả. Gia đình tôi sống trong một căn phòng ở gác hai số nhà 96 phố Huế. Anh Vũ, chị Quỳnh, Kít (Lưu Minh Vũ) và Mí (Lưu Quỳnh Thơ) sống trên tầng ba, trong một căn phòng rộng 6,5 mét vuông. Suốt mùa hè đó, thường thường tôi chỉ gặp Lưu Quang Vũ lúc sáng sớm, hoặc lúc 1,2 giờ sáng. Còn cả ngày anh đi vắng suốt. Lịch làm việc của anh bao giờ cũng dày đặc. Có ngày sáng anh lên Hà Bắc dựng kịch, chiều về Nhà hát kịch đọc vở mới với đạo diễn, tối lại đi Hà Tây xem duyệt vở. Có khi nửa đêm về đến nhà, anh uống vội cốc cà phê rồi lại ngồi vào bàn viết. Nhiều lúc chị Quỳnh bảo với mẹ tôi: "Mẹ phải can anh Vũ giúp con, anh ấy làm việc chẳng kể gì đến sức khoẻ cả." Mẹ tôi cũng thường nói với anh "con làm gì cũng phải giữ lấy sức khoẻ". Những lúc đó, anh thường bảo: "Con cũng biết thế nhưng mình cố một chút thì đoàn có vở dựng, mấy chục con người có công ăn việc làm..." Anh Vũ là người rất mê bóng đá nhưng giải EURO năm đó tôi thấy hầu như anh không còn thời gian để xem. Chị Quỳnh cũng "miễn" mọi việc nhà cho anh, không phải xuống tầng 1 xếp hàng xách nước lên tầng 3. Hồi đó nước sinh hoạt ở HN là một vấn đề rất cơ cực.
Nhà tôi mùa hè đó lúc nào cũng có một vài ông khách - là người của các đoàn - đến "đòi" kịch bản. Mới bảnh mắt, vừa mở cửa ra đánh răng, rửa mặt đã thấy có người đứng đợi. Có người ý tứ, anh Vũ vắng nhà thì đứng ngoài cầu thang chờ. Nhưng cũng có người cứ ngồi lì trong nhà, uống hết tuần chè này sang tuần khác, đốt thuốc khói um nhà. Dường như họ nghĩ làm vậy thì gia đình Lưu Quang Vũ sẽ sốt ruột, anh sẽ chóng phải về hơn. Nhiều hôm thương anh, chúng tôi buộc phải nói dối là anh đi vắng. Khách vẫn kiên nhẫn đứng chờ bên ngoài. Anh Vũ khoá trái cửa, ngồi trong nhà viết, muốn ho cũng không dám ho. Có ông khách đứng nấp ở cầu thang. Một lúc thấy anh Vũ lò dò ra bèn reo toáng lên, xồ tới như bắt được thằng kẻ trộm.
Các đoàn đều săn đón vở của anh. Mà tính anh Vũ thì lại cả nể, với ai cũng hứa. Hứa rồi bận quá không thực hiện được lời hứa. Khi người ta đến lại phải lỡ hẹn, hoặc phải nói dối. Có người bị anh hẹn đi hẹn lại ba bốn lần. Thành ra anh bị mang tiếng là hay nói dối. Thực ra thì anh không định nói dối mà chỉ do quá bận bịu. Có người - như đạo diễn NSND Phạm Thị Thành - thì thông cảm và gọi đó là "kiểu nói dối đáng yêu". Nhưng có người - như cố đạo diễn NSND Nguyễn Đình Nghi - nhiều lúc phát cáu lên, nói với chị Quỳnh: "Hay là Vũ không muốn làm việc với tôi nữa thì cứ nói thẳng ra. Việc gì cứ phải lỡ hẹn như vậy?!..." Chị Quỳnh lại phải xin lỗi, giải thích mãi.
Anh Vũ thì bận túi bụi như vậy, còn chị Quỳnh mùa hè năm đó sức khoẻ giảm sút rất nhiều. Tháng 3 năm 1988 chị được cử tham gia Ban Giám khảo Liên hoan phim toàn quốc ở Nha Trang. Trên đường đi, chiếc xe chở cả đoàn đang qua cầu bỗng bị lật. Trong tấm ảnh ghi lại vụ tai nạn đó, chiếc xe khách nằm 1/3 trên thành cầu, còn 2/3 lửng lơ trong khoảng không. Thật hú vía! Rồi đến tháng năm, chị thường thấy khó thở, thỉnh thoảng ngực trái lại dội lên những cơn đau rất lạ. Vào viện khám, bác sĩ bảo tim chị có vấn đề. Xuân Quỳnh phải nằm viện hai tháng trời. Khi tôi về phép thì chị đã ra viện, nhưng sắc mặt kém đi nhiều so với một năm trước đó, khi tôi gặp chị ở Matxcova trong đoàn nhà văn VN sang học tại Trường viết văn Gorki. Tính chị vẫn vui, vẫn hay đùa, nhưng nhiều lúc trong câu chuyện thấy ánh mắt chị thảng thốt, như nhìn vào đâu đâu. Xuân Quỳnh đã từng có hẳn một bài thơ viết về trái tim, bài Tự hát: "Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng/Trái tim em anh đã từng biết đấy/Anh là người coi thường của cải/Nên nếu cần anh bán nó đi ngay... Em trở về đúng nghĩa trái tim em/Là máu thịt đời thường ai chẳng có/Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi...." Oái ăm thay, trái tim chan chứa tình yêu thương đó giờ lại đang đau. Chị Quỳnh làm dâu trong nhà tôi đã mười lăm năm, thật sự cả mấy anh em chúng tôi đều coi chị như chị ruột. Chúng tôi vẫn nhớ ngày anh chị mới về với nhau, tài sản giá trị nhất chỉ là chiếc phích nhỏ. Những ngày hè nóng cháy, chị đi giặt ở cái máy nước công cộng ngoài phố Trần Nhân Tông về, cái chậu quần áo to tướng vẹo một bên người. Những ngày Tết chị ngồi gói bánh chưng. Thời cấp ba chị đèo tôi lên nhà thầy Trần Nhật Minh xin học thêm môn văn... Vậy mà giờ đây, khi anh Vũ bắt đầu ổn định thì chị lại đau yếu. Chắc để cho không khí trong nhà đỡ nặng nề, mọi người lúc đó thường tránh nói về bệnh tật của chị. Vì vậy tôi cũng không biết bệnh chị nghiêm trọng đến mức nào. Mãi về sau này, mẹ tôi mới kể là lúc đó, anh Vũ đã nói với bà: "Bác sĩ bảo bệnh tim của Quỳnh rất nặng. Nếu chăm sóc tốt thì cũng chỉ sống được vài ba năm nữa thôi, phải có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đặc biệt"...
Về con cái của anh chị, năm đó cũng đã lớn khôn nhiều. Tuấn Anh - con riêng chị Quỳnh - đã tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, xin được vào làm ở Thông tấn xã. Kít đang học Sân khấu Điện ảnh. Đặc biệt lớn là Mí. Nó không còn bầu bĩnh, để tóc dài giống con gái như hồi nhỏ, mà cao vổng lên, chân tay lòng khòng, lại đang vỡ giọng. Nhưng Mí vẫn rất ngoan và học giỏi. Chị Quỳnh thường khoe nó rất tiết kiệm, bố cho tiền ăn phở sáng thì cu cậu chỉ ăn xôi. Mí chăm làm việc nhà, ngày nào cũng xách nước, nấu cơm giúp mẹ. Lúc rảnh thì mua vé rủ bà nội đi xem phim. Nó vẫn chơi guitare rất hay, vẽ và viết truyện ngắn đều, thỉnh thoảng lại thấy được đăng báo. Tôi đặc biệt ấn tượng với một bức tranh của Mí, vẽ một lọ hoa màu tím, đến giờ vẫn treo trên tường nhà tôi. Ấn tượng bởi đó là một bức tranh rất buồn và già dặn, như không phải là của một cậu bé 13 tuổi.
Cũng mùa hè năm đó, anh Vũ chị Quỳnh có một tin vui : Được Hội Nhà văn phân nhà, một căn hộ hai phòng trên tầng ba khu tập thể Ngọc Khánh. Tôi đã một lần đạp xe đèo chị Quỳnh lên xem nhà. Đi đường Kim Mã, rồi rẽ trái. Hồi đó chưa có đường Liễu Giai, phải dắt xe đạp vượt qua những đống đất đá lổn nhổn mới tới khu tập thể. Chị Quỳnh tấm tắc: "Rộng quá, ở thế nào cho hết!" Thực ra diện tích nhà tổng cộng chỉ hơn 40 mét vuông thôi , nhưng so với cái chuồng cu 6 mét mà anh chị đang ở thì quả là rộng thật. Rồi chị tính chỗ này kê giường, chỗ kia kê tủ. Suốt bao nhiêu năm, chưa bao giờ anh Vũ chị Quỳnh có giường bởi vì nhà quá chật, không đủ chỗ kê. Chỉ tiếc là chưa kịp dọn về căn hộ mới, chưa kịp nằm trên chiếc giường mơ ước ấy, anh chị đã ra đi...
Thấm thoắt thế mà đã sắp hết hè. Tôi nhớ cái tuần cuối cùng trước ngày tôi trả phép, cùng lúc có hai vở kịch của anh Vũ chuẩn bị công diễn. Vở đầu là Bệnh sĩ, một hài kịch cười ôm bụng từ đầu đến cuối. Vở thứ hai là Lời thề thứ chín, đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị dựng. Hôm chạy suốt vở này lần đầu, anh Vũ chở tôi vào Mai Dịch xem. Hai anh em đi trên chiếc xe Peugeot 103 màu đỏ, anh Vũ vừa mua cách đó mấy hôm. Dọc đường đi, anh nói chuyện với tôi rất nhiều, về Mí, về sức khoẻ chị Quỳnh, về những chuyện tức cười hồi anh đi Liên xô. Anh bảo: "Định và Bi (thằng em út nhà tôi) ở bên đó cứ yên tâm học cho thật giỏi, ở nhà mẹ đã có anh Vũ chị Quỳnh lo chu đáo. Năng viết thư cho mẹ đỡ mong. Khi nào Định cần gì bảo anh Vũ sẽ mua gửi sang..." Tôi kém anh Vũ tới mười tám tuổi. Vừa học xong phổ thông thì tôi đi xa, nên ngoài lúc thư từ, chẳng mấy khi anh nói chuyện với tôi như với một người lớn thế này. Rồi một cơn mưa rào xối xả ập đến. Anh Vũ lấy trong xắc ra một tấm nylon nhựa choàng cho cả hai anh em rồi lại phóng đi. Vào đến Mai Dịch thì ướt lướt thướt hết cả...
Ngày 23/8, mẹ tôi cùng mấy cụ trong tổ hưu đi Sài Gòn chơi. Từ sáng sớm anh Vũ đã xuống chào mẹ và nói: "Hôm nay con bận đi làm việc nên không tiễn mẹ được. Khi nào mẹ ra con sẽ đi đón." Miệng nói như vậy, tay anh cầm bút viết lên cuốn lịch treo tường dòng chữ: 8/9 mẹ ra, có mặt" Ngày 25/8, tôi bay trở lại nước Nga. Hôm đó anh Vũ cũng đi vắng đâu. Xe sắp chuyển bánh lên Nội Bài thì chị Quỳnh và Mí chạy về. Tôi đã ngồi trong xe, chị Quỳnh đứng ngoài nắm lấy tay tôi, cười: "Hôm nào anh chị đi Liên xô, Định lại dẫn ra chụp ảnh ở Quảng trường Đờ nhé..." Có ngờ đâu đó là những lời cuối cùng chị Quỳnh nói với tôi.
Ngày 27/8, anh Vũ và hoạ sĩ Doãn Châu xuống làm việc với đoàn kịch Hải Phòng, đưa cả chị Quỳnh, Mí và gia đình anh Doãn Châu đi cùng, tranh thủ kết hợp cho trẻ con tắm biển Đồ Sơn trước khi bước vào năm học mới. Chiều 29/8 trở về, vừa qua đầu cầu Phú Lương thì tai nạn xảy ra.
Ba ngày sau, tôi mới biết tin. Hôm đó tôi sang trường Bưu điện chơi. Vừa vào phòng một anh bạn nghiên cứu sinh thì thấy mắt anh đẫm nước, rồi bảo: "Xin chia buồn với Định". Tôi ngớ người chẳng hiểu gì cả. Anh đưa cho tôi tờ báo Nhân dân, ở trang 8 có một ô nhỏ đóng khung bắt đầu bằng hai chữ : Tin buồn...
Đã 15 năm trôi qua. Có thể thời gian đã mài mòn bớt những sắc cạnh so với ban đầu, nhưng nỗi đau thì vẫn là nỗi đau. Anh Vũ có một vở kịch tên là "Mùa hạ cuối cùng", một vở rất nhiều chất thơ, do Nhà hát Tuổi trẻ dựng. Chí Trung, Đức Hải, Lan Hương, Minh Hằng... lúc đó đóng vai các cô cậu học sinh lớp 10, đều trẻ măng. Đã bao nhiêu năm, tôi vẫn nhớ vở kịch đó. Cũng như tôi không thể nào quên được cái "mùa hạ cuối cùng" đó. Không phải là người mê tín nhưng tôi thấy dường như có cái gì như là định mệnh. Anh Vũ đã làm việc ngày đêm hối hả, như biết rằng mình sắp bị giời bắt đi. Còn chị Quỳnh thì trái tim trĩu nặng bao nhiêu lo lắng. Chỉ có một điều an ủi duy nhất là ngay cả cái chết, cái chết định mệnh, phũ phàng cũng không thể chia lìa anh chị.
Lưu Quang Định
9.2003
Hai bài thơ cuối cùng Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh viết trong mùa hè năm 1988:
Thư viết cho Quỳnh trên máy bay
(Lưu Quang Vũ)
Có phải vì mười lăm năm yêu anh
Trái tim em đã mệt?
Cô gái bướng bỉnh
Cô gái hay cười ngày xưa
Mẹ của các con anh
Một tháng nay nằm viện
Chiếc giường trắng, vách tường cũng trắng
Một mình em với giấc ngủ chập chọn
Thương trái tim nhiều vất vả lo buồn
Trái tim lỡ yêu người trai phiêu bạt
Luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật
Vẫn là gã trai nông nổi của em
Người chồng đoảng của em
15 mùa hè chói lọi, 15 mùa đông dài
Người yêu ơi
Có nhịp tim nào buồn khổ vì anh?
Thôi đừng buồn nữa, đừng lo phiền
Rồi em sẽ khoẻ lên
Em phải khoẻ lên
Bởi ta còn rất nhiều dặm đường phải đi
Nhiều việc phải làm nhiều biển xa phải tới
Mùa hè náo động dưới kia
Tiếng ve trong vườn nắng
Và sau đê sông Hồng nước lớn
Đờ phập phồng như một trái tim đau
Từ nơi xa anh vội về với em
Chiếc máy bay dọc sông Hồng
Hà Nội sau những đám mây
Anh dõi tìm: đâu giữa chấm xanh nào
Có căn phòng bệnh viện nơi em ở?
Trái tim anh trong ngực em rồi đó
Hãy giữ gìn cho anh
Đêm hãy mơ những giấc mớ lành
Ngày yên tĩnh như anh luôn ở cạnh
Ta chỉ mới bắt đầu những ngày đẹp nhất
Vở kịch lớn, bài thơ hay nhất
Dành cho em, chưa kịp viết tặng em
Tấm màn nhung đỏ thắm
Mới bắt đầu kéo lên
Những ngọn nến lung linh quanh giá nhạc
Bao nỗi khổ niềm yêu thành tiếng hát
Trái tim hãy vì anh mà khoẻ mạnh
Trái tim của mùa hè, tổ ấm chở che anh...
7/5/1988
Thời gian trắng
(Xuân Quỳnh)
Cửa bệnh viện, ngoài kia là quá khứ
Những vui buồn khao khát đã từng qua
Nào chỉ đâu những chuyện ngày thơ
Con đường gạch ao bèo hoa tím ngát
Những ô ăn quan, que chuyền, bài hát
Những mùa hè chân đất, tóc râu ngô
Quá khứ em không chỉ ngày xưa
Mà ngay cả hôm nay là quá khứ
Quá khứ của em ngoài cánh cửa
Gương mặt anh, gương mặt các con yêu...
Em ở đây không sớm không chiều
Thời gian trắng, không gian toàn màu trắng
Trái tim buồn sau lần áo mỏng
Từng đập vì anh vì những trang thơ
Trái tim nay mỗi phút mỗi giờ
Chỉ có đập cho em mình em đau đớn
Trái tim này chẳng còn có ích
Cho anh yêu, cho công việc, bạn bè
Khi cuộc đời trôi chảy ngoài kia
Thời gian trắng vẫn ngừng trong bệnh viện
Chăn màn trắng, nỗi lo và cái chết
Ngày với đêm có phân biệt gì đâu
Gương mặt người nhợt nhạt như nhau
Và quần áo một màu xanh ố cũ
Người ta khuyên "lúc này đừng suy nghĩ
Mà cũng đừng xúc động, lo âu"
Phía trước, phía sau, dưới đất, trên đầu
Dường trong suốt một màu vô tận trắng
Muốn gánh đỡ cho em phần mệt nhọc
Tới thăm em, rồi anh lại ra đi
Đôi mắt lo âu, lời âu yếm xẻ chia
Lúc anh đến, anh đi thành quá khứ
Anh thuộc về những người ngoài cánh cửa
Của con đường, trang viết, câu thơ
Mùa vải thiều lại tới mùa dưa
Mùa hoa phượng chắc rơi hồng mái phố
Đường cuốn bụi bờ đê tràn ngập gió
Những phố phường lầm lụi với lo toan.
Dù cùng một thời gian, cùng một không gian
Ngoài cánh cửa với em là quá khứ
Còn hiện tại của em là nỗi nhớ
Thời gian ơi sao không đổi sắc màu.
6/1988
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Nguyệt thị cố hương minh.
Lưu Quang Vũ cùng bố mẹ ở chiến khu Việt Bắc
(Ông Lưu Quang Thuận & Bà Vũ Thị Khánh)
(Ông Lưu Quang Thuận & Bà Vũ Thị Khánh)
Lưu Quang Vũ, Lưu Quỳnh Thơ, Xuân Quỳnh (vợ sau)
(Cả ba đều tử nạn ngày 29/8/1988 trong một tai nạn giao thông)
(Cả ba đều tử nạn ngày 29/8/1988 trong một tai nạn giao thông)
Lưu Quang Vũ (đứng bên trái) và các bạn văn nghệ sĩ miền Nam
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngồi giữa, sau lưng TCS mặc áo nâu là họa sĩ Đỗ Quang Em, áo trắng bên phải có ria là họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, góc phải râu quai nón là họa sĩ Trịnh cung, 1988 ?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngồi giữa, sau lưng TCS mặc áo nâu là họa sĩ Đỗ Quang Em, áo trắng bên phải có ria là họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, góc phải râu quai nón là họa sĩ Trịnh cung, 1988 ?
Tham khảo thêm về tác giả Lưu Quang Vũ
"Mới" đây là mới được công bố. Trong sự nghiệp sáng tạo nhiều mặt của mình, Lưu Quang Vũ ký thác tâm sự sâu nặng nhất, thể hiện mình rõ nhất ở thơ. Nhưng sinh thời anh chỉ mới có một tập thơ in chung với Bằng Việt (Hương cây- Bếp lửa, 1968). Mãi đến khi anh mất (1988), di cảo thơ của anh được công bố một phần (Mây trắng đời tôi, Bầy ong trong đêm sâu) người đọc mới biết rõ hơn khuôn mặt nhà thơ của Lưu Quang Vũ và hiểu vì sao thơ anh viết nhiều những năm tháng ấy nhưng không in ra được. Nhân kỷ niệm hai mươi năm ngày mất của anh, thêm những bài thơ Lưu Quang Vũ viết từ giữa thập niên 1970 được in ra trong sách "Lưu Quang Vũ – Di cảo, thơ và nhật ký" (Nxb Lao Động, 2008). Trong khối thơ di cảo mới này, tôi đặc biệt quan tâm tới những bài thơ nói về chiến tranh của anh và xin ghi nhanh lại đây những cảm nhận ban đầu, như một nén hương tưởng niệm một tiếng thơ khác biệt.
Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, và như mọi thanh niên thế hệ mình, anh nhập ngũ ở độ tuổi hai mươi (CSVN), khi đất nước có chiến tranh. Thời Vũ nhập ngũ là giữa những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi.
Thời đoạn 1968 – 1972 ở Việt Nam là gì? Là chiến tranh. Chiến tranh ở hồi bi kịch nhất. Vũ, như các chàng trai cùng thời, khi mới nhập ngũ là vào bộ đội.
Thời cuộc hồi sau khắc nghiệt hơn, tàn nhẫn hơn. Giai đoạn "vào bộ đội" chuyển nhanh sang giai đoạn "đi lính". Người lính Lưu Quang Vũ trải đời quân ngũ và cuộc chiến đã thấy ra "Giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn nhiều / Rách tan cả những làn sương đẹp phủ". Không phải từ những bi kịch đời riêng của Vũ mà anh có cái nhìn sẽ bị coi là "u ám, đen tối" như vậy về đất nước, nhân dân. Đọc hết thơ anh thì thấy có một cái gì đấy từ thẳm sâu trong anh đã khiến anh sớm và nhanh nhìn cuộc đời ở phía "viển vông, cay đắng, u buồn". Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, một người bạn cùng thời Vũ, trong một bài viết có nhắc lại câu thơ như đã thất lạc của Vũ: "tuổi hai mươi khốn khổ của tôi ơi / tuổi tai ương dằng dặc trận mưa dài". Cuộc chiến với sự chết chóc đổ vỡ của nó chỉ mài sắc và đào sâu thêm nhiều nữa, mạnh nữa cảm quan ấy trong anh và của anh. Từ đây, với Vũ, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã là cuộc chiến tranh Việt Nam mà đối tượng bị tàn phá là đất nước Việt Nam và nạn nhân là con người Việt Nam. Lưu Quang Vũ đã đi lính và đã bỏ lính. Hành động "đào ngũ" của anh, có thể, là do phản ứng của tuổi trẻ nơi anh đối với những bó buộc, cứng nhắc của hoàn cảnh quân ngũ. Nhưng trong thơ anh thì lý do không đơn giản như vậy, không phải chỉ do ngoại cảnh, nó đi từ tâm thức. Đọc di cảo thơ Vũ thấy khẳng định điều này. Những bài thơ lạc thời cuộc chiến được viết ra để bày tỏ một cách nhìn, một thái độ, biết là không thể đăng được nhưng không thể nào không viết ra, chúng tập hợp thành một di cảo để khi đưa ra dưới ánh mặt trời phát lộ một điều là Lưu Quang Vũ đã thay đổi nhận thức và tình cảm của mình khi đi qua cuộc chiến. Đất nước nhân dân trở thành cảm hứng lớn của thơ Lưu Quang Vũ thời chiến, được anh trình bày dưới cái nhìn thời chiến đầy khắc khoải đau đớn, tuyệt vọng và bi quan. Điều quan trọng đáng nói ở đây là anh viết những điều đó ngay khi đang trong cuộc chiến, và ngay ở tuổi đời rất trẻ.
Anh gọi những người trẻ nối nhau ra trận là "những đứa trẻ buồn ướt lạnh". Họ đi với tâm trạng "lòng chỉ muốn yêu thương / mà cứ phải suốt đời căm giận", cho nên "giết xong quân giặc / chẳng thấy lòng thảnh thơi nhẹ nhõm / chỉ nỗi buồn trĩu nặng / dâng lên như đá trên mồ". Và trong mắt những đứa trẻ buồn cầm vũ khí giết người ấy kẻ thù hiện ra thế này:
Đó chính là nỗi buồn có thực đau buốt ngực Vũ. Và dù anh có nói theo truyền thông thời cuộc là phải bắn giết nhau thế để "con người được làm con người trở lại" thì thực chất anh đã hiểu khác: "nhưng mãi mãi chẳng bao giờ sống dậy / những tháng năm đã mất / những nhịp cầu gẫy gục / những toa tàu đã sụp đổ tan hoang". Sau đổ máu, tất cả đã nhuốm máu.
Cùng thời gian Lưu Quang Vũ viết những câu thơ để trong sổ tay này, ở bên kia chiến tuyến có một người lính và một nhà thơ là Nguyễn Bắc Sơn in tập thơ "Chiến tranh Việt Nam và tôi", trong đó có những câu thơ đồng vọng tâm tưởng với Vũ: "Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước / Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi". Cũng cùng thời gian này, Tố Hữu có tập thơ "Ra trận": "Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận / Có Đảng ta đây, có Bác Hồ".
Từ Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh Việt Nam 1973 đến kết thúc chiến tranh Việt Nam 1975, thơ Lưu Quang Vũ vừa trần trụi hiện thực vừa mong manh dự cảm. "Hòa bình đến mong manh / Nhiều tin đồn mà chẳng có gì ăn". Trong một bài thơ viết năm 1973 nhan đề "Nơi tận cùng", Vũ viết:
Trước đó, Vũ đã lập hồ sơ mùa hạ 1972, đã dựng một Guernica bằng thơ về Khâm Thiên dưới bom B52. Cái năm 1972 kinh hoàng, một mùa hè đỏ lửa. Bản hồ sơ ngày đó của anh đến hôm nay vẫn còn là một tài liệu lịch sử của tư tưởng và tâm hồn, không chỉ của một con người, một nhà thơ, mà còn của một thời đại, một giống nòi.
những siêu nhân vĩ đại
Lưu Quang Vũ nhìn cuộc chiến như vậy là với tất cả tinh thần công dân và thi sĩ. Người công dân trong anh không cho anh lảng tránh sự thật đau thương của đất nước mình. Người thi sĩ trong anh không cho anh viết những câu thơ nhàn nhạt, dửng dưng trước nỗi đau của nhân dân mình. Thơ Vũ nồng nàn, có lúc là nồng nã, nhưng ở những bài thơ viết trực diện cuộc chiến giọng thơ anh đã nhiều khi nấc lên, uất nghẹn và uất hận. Những bài thơ di cảo của anh thường dài, đọc chúng thấy như một tiếng nói thốt ra liền một mạch, nói gấp gáp, dồn dập, dâng lên cao trào, đạt đến nốt cao nhất của cảm xúc rồi vỡ ra gay gắt, và đọng lại ở cuối bài là một nỗi niềm tê tái và xót xa. Con chữ của anh ở đây trực diện và thẳng băng, không còn những hình ảnh bóng bẩy, những từ ngữ đẹp đẽ. Anh nói và anh nói, tiếng thơ nằm trong cung bậc của giọng nói và cường độ của cảm xúc. Đọc những câu thơ, bài thơ đó, ngỡ như dừng lại giữa chừng là gục ngã, là đau đớn không thể nào chịu nổi, cứ phải đọc tiếp, đọc hết, để nỗi đau thấm sâu vào tận tâm can. Anh có một tâm hồn nhạy cảm và dễ tổn thương, "anh muốn ác mà không sao ác được / cứ yêu thương chờ đợi ích gì không?". Trong cuộc chiến, hơn một lần, anh thú nhận trong thơ mình bất lực không cách gì che chở, cứu đỡ được cho đất nước, nhân dân trước cơn đổ máu không biết để làm gì. Nhưng anh xác nhận tư cách nhà thơ của mình là người đập cửa, người đi mở những cánh cửa, cho con người đến với/đến bên con người, không hận thù chia cắt.
Người nổi gió. Người đập cửa. Người mở cửa. Đó chính là Lưu Quang Vũ. Sứ mệnh của nhà thơ anh đã xác định cho mình từ những ngày chiến tranh:
anh hãy đập vào ngực mình giục giã
Tư Liệu Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/tu-lieu-luu-quang-vu-xuan-quynh-duoc-dem-tang-2398824.html
Những câu thơ âm thầm
Muốn nói hết sự thực
Về đất nước của mình
(Lưu Quang Vũ)
Muốn nói hết sự thực
Về đất nước của mình
(Lưu Quang Vũ)
"Mới" đây là mới được công bố. Trong sự nghiệp sáng tạo nhiều mặt của mình, Lưu Quang Vũ ký thác tâm sự sâu nặng nhất, thể hiện mình rõ nhất ở thơ. Nhưng sinh thời anh chỉ mới có một tập thơ in chung với Bằng Việt (Hương cây- Bếp lửa, 1968). Mãi đến khi anh mất (1988), di cảo thơ của anh được công bố một phần (Mây trắng đời tôi, Bầy ong trong đêm sâu) người đọc mới biết rõ hơn khuôn mặt nhà thơ của Lưu Quang Vũ và hiểu vì sao thơ anh viết nhiều những năm tháng ấy nhưng không in ra được. Nhân kỷ niệm hai mươi năm ngày mất của anh, thêm những bài thơ Lưu Quang Vũ viết từ giữa thập niên 1970 được in ra trong sách "Lưu Quang Vũ – Di cảo, thơ và nhật ký" (Nxb Lao Động, 2008). Trong khối thơ di cảo mới này, tôi đặc biệt quan tâm tới những bài thơ nói về chiến tranh của anh và xin ghi nhanh lại đây những cảm nhận ban đầu, như một nén hương tưởng niệm một tiếng thơ khác biệt.
Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, và như mọi thanh niên thế hệ mình, anh nhập ngũ ở độ tuổi hai mươi (CSVN), khi đất nước có chiến tranh. Thời Vũ nhập ngũ là giữa những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi.
Thời đoạn 1968 – 1972 ở Việt Nam là gì? Là chiến tranh. Chiến tranh ở hồi bi kịch nhất. Vũ, như các chàng trai cùng thời, khi mới nhập ngũ là vào bộ đội.
Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh
Thời cuộc hồi sau khắc nghiệt hơn, tàn nhẫn hơn. Giai đoạn "vào bộ đội" chuyển nhanh sang giai đoạn "đi lính". Người lính Lưu Quang Vũ trải đời quân ngũ và cuộc chiến đã thấy ra "Giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn nhiều / Rách tan cả những làn sương đẹp phủ". Không phải từ những bi kịch đời riêng của Vũ mà anh có cái nhìn sẽ bị coi là "u ám, đen tối" như vậy về đất nước, nhân dân. Đọc hết thơ anh thì thấy có một cái gì đấy từ thẳm sâu trong anh đã khiến anh sớm và nhanh nhìn cuộc đời ở phía "viển vông, cay đắng, u buồn". Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, một người bạn cùng thời Vũ, trong một bài viết có nhắc lại câu thơ như đã thất lạc của Vũ: "tuổi hai mươi khốn khổ của tôi ơi / tuổi tai ương dằng dặc trận mưa dài". Cuộc chiến với sự chết chóc đổ vỡ của nó chỉ mài sắc và đào sâu thêm nhiều nữa, mạnh nữa cảm quan ấy trong anh và của anh. Từ đây, với Vũ, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã là cuộc chiến tranh Việt Nam mà đối tượng bị tàn phá là đất nước Việt Nam và nạn nhân là con người Việt Nam. Lưu Quang Vũ đã đi lính và đã bỏ lính. Hành động "đào ngũ" của anh, có thể, là do phản ứng của tuổi trẻ nơi anh đối với những bó buộc, cứng nhắc của hoàn cảnh quân ngũ. Nhưng trong thơ anh thì lý do không đơn giản như vậy, không phải chỉ do ngoại cảnh, nó đi từ tâm thức. Đọc di cảo thơ Vũ thấy khẳng định điều này. Những bài thơ lạc thời cuộc chiến được viết ra để bày tỏ một cách nhìn, một thái độ, biết là không thể đăng được nhưng không thể nào không viết ra, chúng tập hợp thành một di cảo để khi đưa ra dưới ánh mặt trời phát lộ một điều là Lưu Quang Vũ đã thay đổi nhận thức và tình cảm của mình khi đi qua cuộc chiến. Đất nước nhân dân trở thành cảm hứng lớn của thơ Lưu Quang Vũ thời chiến, được anh trình bày dưới cái nhìn thời chiến đầy khắc khoải đau đớn, tuyệt vọng và bi quan. Điều quan trọng đáng nói ở đây là anh viết những điều đó ngay khi đang trong cuộc chiến, và ngay ở tuổi đời rất trẻ.
Anh gọi những người trẻ nối nhau ra trận là "những đứa trẻ buồn ướt lạnh". Họ đi với tâm trạng "lòng chỉ muốn yêu thương / mà cứ phải suốt đời căm giận", cho nên "giết xong quân giặc / chẳng thấy lòng thảnh thơi nhẹ nhõm / chỉ nỗi buồn trĩu nặng / dâng lên như đá trên mồ". Và trong mắt những đứa trẻ buồn cầm vũ khí giết người ấy kẻ thù hiện ra thế này:
xác ngụy nằm ruồi muỗi bâu đầy
những đôi mắt bệch màu hoa dại
những gương mặt trẻ măng xanh tái
những bàn tay đen đủi chai dầy
các anh ơi, đừng trách chúng tôi
các bà mạ, tha thứ cho chúng tôi
chúng tôi chẳng thể làm khác được
quả đồi cháy như một phần quả đất
bao đời người ta đã giết nhau
với các anh tôi oán hận gì đâu
nhưng còn có cách nào khác được
Đó chính là nỗi buồn có thực đau buốt ngực Vũ. Và dù anh có nói theo truyền thông thời cuộc là phải bắn giết nhau thế để "con người được làm con người trở lại" thì thực chất anh đã hiểu khác: "nhưng mãi mãi chẳng bao giờ sống dậy / những tháng năm đã mất / những nhịp cầu gẫy gục / những toa tàu đã sụp đổ tan hoang". Sau đổ máu, tất cả đã nhuốm máu.
Cùng thời gian Lưu Quang Vũ viết những câu thơ để trong sổ tay này, ở bên kia chiến tuyến có một người lính và một nhà thơ là Nguyễn Bắc Sơn in tập thơ "Chiến tranh Việt Nam và tôi", trong đó có những câu thơ đồng vọng tâm tưởng với Vũ: "Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước / Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi". Cũng cùng thời gian này, Tố Hữu có tập thơ "Ra trận": "Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận / Có Đảng ta đây, có Bác Hồ".
Từ Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh Việt Nam 1973 đến kết thúc chiến tranh Việt Nam 1975, thơ Lưu Quang Vũ vừa trần trụi hiện thực vừa mong manh dự cảm. "Hòa bình đến mong manh / Nhiều tin đồn mà chẳng có gì ăn". Trong một bài thơ viết năm 1973 nhan đề "Nơi tận cùng", Vũ viết:
Nơi tận cùng mọi con đường
Một chiếc mũ rách
Úp trên nấm mồ sỏi cát
Nơi tận cùng mọi con đường
Pho tượng đá cụt đầu đứng sững
Nơi tận cùng hoàng hôn
Trên vỏ chai trống rỗng
Trước đó, Vũ đã lập hồ sơ mùa hạ 1972, đã dựng một Guernica bằng thơ về Khâm Thiên dưới bom B52. Cái năm 1972 kinh hoàng, một mùa hè đỏ lửa. Bản hồ sơ ngày đó của anh đến hôm nay vẫn còn là một tài liệu lịch sử của tư tưởng và tâm hồn, không chỉ của một con người, một nhà thơ, mà còn của một thời đại, một giống nòi.
những siêu nhân vĩ đại
những tư tưởng lớn lao nghe đến kinh người
những thần tượng tiêu vong những đứa trẻ ra đời
bóng tối nắm tay nhau, tình yêu chưa hợp lại
thế giới lo âu đầy xấu xa phản bội
ngày càng ít những điều đáng để ta tôn trọng
nền văn minh lạ lùng của những trái bom
những đám mây gây mưa những mìn nổ từ trường
dân tộc mấy mươi năm giết và bị giết
mỗi phút sống của tôi đều có người đang chết
(Bài thơ "Hồ sơ mùa hạ 1972" này không nằm trong tập sách).
Anh sẽ nói lại những điều này trong phiên tòa anh muốn lập ra để xét xử những kẻ đã gây ra thảm họa Khâm Thiên 1972.
Anh sẽ nói lại những điều này trong phiên tòa anh muốn lập ra để xét xử những kẻ đã gây ra thảm họa Khâm Thiên 1972.
những kẻ nào đã gây ra tội ác
những kẻ nào để tội ác gây ra
những chính khách những nhà thơ
những bộ óc chế súng bom hủy diệt
các tư tưởng cầm quyền các nước
lãnh tụ tối cao của mọi đảng trên đời
các ông kêu: vì hạnh phúc con người
nay con người chết đi
cái phúc ấy ai dùng được nữa!
chục chiếc B-52
không đổi được một trẻ nghèo Ngõ Chợ
không thể nhân danh bất-cứ-cái-gì
bắt máu vạn dân lành phải đổ
Tôi trích thơ nhiều. Nhưng không có gì hùng hồn và thuyết phục hơn những câu thơ Lưu Quang Vũ tự nói lên những suy tư nhà thơ đã nung nấu dằn vặt từ trong cuộc chiến, nói lên ở thời tuổi trẻ không còn là trẻ nữa khi đã cầm khẩu súng lên tay và bóp cò.
Tôi trích thơ nhiều. Nhưng không có gì hùng hồn và thuyết phục hơn những câu thơ Lưu Quang Vũ tự nói lên những suy tư nhà thơ đã nung nấu dằn vặt từ trong cuộc chiến, nói lên ở thời tuổi trẻ không còn là trẻ nữa khi đã cầm khẩu súng lên tay và bóp cò.
Lưu Quang Vũ trong đám cưới người vợ đầu - Tố Uyên
Tất cả nỗi đau đớn của anh cho dân tộc dồn lại trong hai tiếng gọi tên đất nước: Việt Nam! Âm hưởng tiếng gọi này trong thơ Vũ không phải ngợi ca mà là xót xa. Có phải câu thơ anh kết bài thơ "Tiếng Việt" nguyên là "Tiếng Việt ơi, tiếng Việt xót xa tình" chứ không phải "thiết tha tình"? Tố Hữu ngợi ca: "Ôi Việt Nam tổ quốc thương yêu / Trong khổ đau người đẹp hơn nhiều". Chế Lan Viên ngợi ca: "Ta mọc dậy trước mắt nhìn nhân loại / Hai tiếng Việt Nam đồng nghĩa với anh hùng". Lưu Quang Vũ thì xót xa: "Nước Việt thân yêu nước Việt của ta / sao người phải chịu nhiều đau đớn thế / thân quằn quại mọi tai ương rách xé". Anh kêu lên "Việt Nam ơi" với cõi lòng rách nát khi thấy tổ quốc mình bị trở thành miếng mồi cho các thế lực xâu xé, băm vằm. "Tất cả sẽ ra sao / Mảnh đất nghèo máu ứa? / Người sẽ đi đến đâu / Hả Việt Nam khốn khổ? / Đến bao giờ bông lúa / Là tình yêu của Người?". Những câu hỏi của anh không chỉ đặt ra trong cuộc chiến, khi chúng được đọc hôm nay. Bởi từ tháng 5. 1975 Lưu Quang Vũ đã tỉnh táo, rất tỉnh táo, giữa cơn nồng nàn cảm xúc chứng kiến cuộc chiến cuối cùng cũng đã chấm dứt, dự báo công việc thời hậu chiến: "Sắp tới là những ngày khó nhất". Khó, vì sau đổ vỡ phải dựng xây, sau ngăn cách phải hàn gắn, và nhất là sau máu đổ không được để nhạt máu, "máu con người không phải thứ bán mua".
Xuân Quỳnh
Lưu Quang Vũ nhìn cuộc chiến như vậy là với tất cả tinh thần công dân và thi sĩ. Người công dân trong anh không cho anh lảng tránh sự thật đau thương của đất nước mình. Người thi sĩ trong anh không cho anh viết những câu thơ nhàn nhạt, dửng dưng trước nỗi đau của nhân dân mình. Thơ Vũ nồng nàn, có lúc là nồng nã, nhưng ở những bài thơ viết trực diện cuộc chiến giọng thơ anh đã nhiều khi nấc lên, uất nghẹn và uất hận. Những bài thơ di cảo của anh thường dài, đọc chúng thấy như một tiếng nói thốt ra liền một mạch, nói gấp gáp, dồn dập, dâng lên cao trào, đạt đến nốt cao nhất của cảm xúc rồi vỡ ra gay gắt, và đọng lại ở cuối bài là một nỗi niềm tê tái và xót xa. Con chữ của anh ở đây trực diện và thẳng băng, không còn những hình ảnh bóng bẩy, những từ ngữ đẹp đẽ. Anh nói và anh nói, tiếng thơ nằm trong cung bậc của giọng nói và cường độ của cảm xúc. Đọc những câu thơ, bài thơ đó, ngỡ như dừng lại giữa chừng là gục ngã, là đau đớn không thể nào chịu nổi, cứ phải đọc tiếp, đọc hết, để nỗi đau thấm sâu vào tận tâm can. Anh có một tâm hồn nhạy cảm và dễ tổn thương, "anh muốn ác mà không sao ác được / cứ yêu thương chờ đợi ích gì không?". Trong cuộc chiến, hơn một lần, anh thú nhận trong thơ mình bất lực không cách gì che chở, cứu đỡ được cho đất nước, nhân dân trước cơn đổ máu không biết để làm gì. Nhưng anh xác nhận tư cách nhà thơ của mình là người đập cửa, người đi mở những cánh cửa, cho con người đến với/đến bên con người, không hận thù chia cắt.
Thủ bút của Lưu Quang Vũ
Người nổi gió. Người đập cửa. Người mở cửa. Đó chính là Lưu Quang Vũ. Sứ mệnh của nhà thơ anh đã xác định cho mình từ những ngày chiến tranh:
anh hãy đập vào ngực mình giục giã
hãy nổi gió cho cánh người rộng mở
và mai sau, sẽ có những nhà thơ
đứng trên tầng cao ta ao ước bây giờ
họ sẽ vẫn không ngừng đập cửa
không ngừng lo âu không ngừng phẫn nộ
bởi vô biên là khát vọng của con người
Hai mươi năm sau ngày anh mất ở tuổi bốn mươi (29/8/1988), đọc những bài thơ anh viết tuổi hai mươi thấm đầy máu và lửa và nước mắt, tôi gọi Lưu Quang Vũ là nhà thơ nhân dân, nhà thơ yêu nước. Danh hiệu này không dễ gọi cho nhiều nhà thơ.
Tư Liệu Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/tu-lieu-luu-quang-vu-xuan-quynh-duoc-dem-tang-2398824.html
Bí mật về chuyện tình của nhà thơ Lưu Quang Vũ
Nguyễn Việt Chiến
Được sự đồng ý của PGS-TS. Lưu Khánh Thơ (em gái cố nhà thơ Lưu Quang Vũ), báo Người đưa tin xin tiết lộ một phần bí mật những năm tháng cuối cùng của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của Công lý Trái tim với chị Lưu Khánh Thơ.
Nguyễn Việt Chiến
Được sự đồng ý của PGS-TS. Lưu Khánh Thơ (em gái cố nhà thơ Lưu Quang Vũ), báo Người đưa tin xin tiết lộ một phần bí mật những năm tháng cuối cùng của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của Công lý Trái tim với chị Lưu Khánh Thơ.
Lưu Quang Vũ viết gì trong vở kịch cuối cùng?
Vở kịch cuối cùng đang viết dở có tên “Chim sâm cầm đã chết”.
Nguyễn Việt Chiến: Thưa PGS-TS. Lưu Khánh Thơ, trong số các di
cảo đưa vào Trung tâm lưu trữ Quốc gia 3, có vở kịch nào của Lưu Quang
Vũ hiện nay chưa được công bố không, nghe nói vở kịch cuối cùng viết
trước khi mất hiện vẫn đang ở dạng bản thảo?
PGS-TS Lưu Khánh Thơ: Nói chung là kịch được công bố hết rồi chỉ còn
một vở đang viết dở dang thì chưa được công bố thôi. Khoảng 50 vở kịch
viết từ năm 1979 đến năm 1988. Vở đầu tiên là “Sống mãi tuổi 17” diễn ở
nhà hát Tuổi Trẻ cho đến vở cuối cùng là “Chim sâm cầm không chết” thì
là đang viết dở. Về vở kịch cuối cùng, đầu tiên anh Vũ đặt tên là “Chim
sâm cầm đã chết”, xong đạo diễn Phạm Thị Thành bảo ghê quá toàn chết
chóc, và anh Vũ đổi thành “Chim sâm cầm không chết”. Vở kịch ấy đang
viết dở dang, mới viết phân vai, mới viết được mấy trang đầu thôi thì
anh ấy mất. Nội dung vở kịch anh Vũ viết về khung cảnh ở Hà Nội. Em đọc,
thấy mở ra là bối cảnh Hồ Tây, ngày xưa ở đấy chim sâm cầm nhiều lắm.
Có một con chim sâm cầm bị thương, con chim bị vướng bẫy, sau đấy nó
thoát ra, một cô bé khoảng 14-15 tuổi, nhà ven Hồ Tây nhặt được chim,
mang nó về nuôi nấng, chăm sóc lành vết thương rồi thả nó về tự do. Sáng
nào con chim ấy cũng bay trở về bờ hồ nơi cô bé ngóng đợi.
Nhưng có một buổi sáng không thấy con chim trở về nữa. Hình như cô bé
thấy có một cái gì đấy không bình thường lắm. Có một ông già họ Bạch
gặp cô bé bên bờ hồ và hỏi: “Sao cháu có gì băn khoăn mà lại đứng ở bên
hồ”. Sau đó ông nói với cô bé rằng: “Trước đây ở Hồ Tây này rất nhiều
chim sâm cầm, bây giờ bị đánh bắt nhiều quá nên chim không còn nữa. Đây
là giống chim quý ngày xưa dùng để tiến vua. Theo lẽ đời, cỏ gấu, cỏ gà
thường mọc tràn lan, còn những cái loài hiếm quý thì sẽ bị mai một, bị
tiêu diệt đi, lẽ đời là thế…”. Đây là câu cuối cùng đang viết dở trong
kịch bản. Đang viết dở thì anh Vũ đi Hải Phòng và bị tai nạn.
Còn di cảo về thơ thì sao, nghe nói còn khá nhiều bài thơ chưa được công bố, thưa chị?
Di cảo thơ của anh Vũ thì còn khá nhiều bài chưa công bố, trong đó có
nhiều bài thơ viết về chiến tranh với cái nhìn khá hư vô, rất gần với
thân phận con người và điều quan trọng – rất nhân bản. Các bài thơ ấy
cũng tương tự như bài “Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh,
nói về những cuộc chia tay thời loạn” trước đây đưa vào các tập thơ của
anh Vũ mà phải sau 3 lần mới công bố được. Khi in tập thơ “Bầy ong
trong đêm sâu” của anh Vũ, anh Vương Trí Nhàn biên tập, là người rất
hiểu, rất thân với anh Vũ, anh Nhàn bảo bài này rất hay nhưng không thể
đưa nó vào. Em bảo thôi cứ đưa nó vào đi nhưng cuối cùng vẫn không được
duyệt. Mãi cho đến khi in tập “Thơ và đời Lưu Quang Vũ” mới đưa vào
được. Cái bài thơ ấy mình thấy nó có cái gì đâu so với thơ bây giờ, họ
còn kinh hoàng hơn nhiều nhưng mà người ta cứ sợ thế cái thời năm 1971-
1972 cuộc chiến tranh đi qua chẳng có gì cùng ta ở lại cả. Hồi đấy nghe
nói cũng có người coi anh Vũ như “một nhà thơ đen”. Anh Vương Trí Nhàn
bảo: “Nghe thơ Vũ vừa thích vừa sợ, thơ Vũ một mình một kiểu, một mình
một giọng”.
Thưa chị, ngoài làm thơ, viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ còn viết truyện ngắn, hồi ký, bút ký và chân dung văn học?
Sau tập “Diễn viên sân khấu” anh Vũ định viết một cuốn sách về các
đạo diễn sân khấu nữa, anh ấy là người rất hiểu nghề, hiểu người. Đã có
lúc anh Vũ đình tạm dừng viết kịch để hoàn thành tập sách “Chân dung đạo
diễn”, viết về khoảng 15 đạo diễn. Anh Vũ bảo là mình rất hiểu các đạo
diễn vì mình đã cộng tác nhiều lần với họ, cụ thể như họ đã từng thực
hành trên vở diễn của mình vậy, vì từ phong cách của cá nhân người viết
kịch mà hiểu biết được cái phong cách của các đạo diễn là điều anh Vũ
rất tâm đắc. Anh Vũ bảo đã tích lũy được kinh nghiệm của người sáng tác
từ người làm báo, và trước khi viết một cuốn sách, có lẽ phải dừng lại
mấy năm để tâm tư lắng lại rồi mới viết.
Có nhuận bút kịch bản đổi bằng mấy bao tải lạc
Xin chị cho biết về sự gắn bó của nhà viết kịch, nhà thơ Lưu
Quang Vũ với các đoàn kịch cách đây gần 30 năm. Thời ấy, có giai thoại
về một số đoàn kịch phải”cơm nắm muối vừng” chầu trực nhiều ngày để chờ
đợi kịch bản của Lưu Quang Vũ?
Anh Vũ có một cá tính khá hay là rất hay vì nể. Thời ấy, đúng là có
chuyện các đoàn kịch cứ đứng chầu trực, rình mò, từ 4-5h sáng ở khu nhà
gia đình bố mẹ em. Sớm ra, cứ mở cửa là đã thấy 2-3 ông ngồi chờ ở cầu
thang, ngồi trông khổ lắm. Anh Vũ bảo mình cứ cố gắng viết xong kịch bản
này cho họ vì có kịch dựng thì họ sẽ nuôi sống được thêm bao nhiêu con
người. Hôm mới rồi, em cùng Lưu Quang Định (em trai Lưu Quang Vũ) xuống
xem Đoàn chèo Hải Phòng dựng lại vở kịch “Ông vua hóa hổ” của anh Vũ
cách đây hơn 25 năm. Đoàn kịch cho biết, họ trân trọng và biết ơn anh Vũ
lắm, vì cái thời bao cấp đói khổ ấy, đoàn chèo đã sống được là nhờ mấy
vở của anh Vũ, đầu tiên là vở “Muối mặn đời em” sau đó là vở “Linh hồn
của đá” đến vở “Ông vua hóa hổ”, coi như là xông xênh diễn một ngày hai
ba buổi, đi về các địa phương lên cả vùng sâu vùng xa diễn mà bán vé rất
là rẻ.
Trưởng đoàn chèo Hải Phòng ngày ấy là diễn viên kể lại: “Cho đến bây
giờ tôi vẫn nhớ ngày giỗ anh Vũ, giỗ tôi chẳng có gì cả, tôi chỉ thắp
hương và có một bàn thờ nhỏ nhỏ ở sau đoàn trong một cái phòng nho nhỏ,
mua một gói thuốc lào và một cái điếu cày đặt lên bàn thờ, khi anh Vũ
làm việc anh ấy chỉ có thuốc lào và điếu cày cho nên tôi rất nhớ! Khi mà
tôi đang diễn vở “Ông vua hóa hổ” ở Thủy Nguyên thì nghe tin anh Vũ mất
trên đường đi từ Hải Phòng về, thế là chúng tôi vừa ra diễn, kể cả
những vai hề, ra sau sân khấu thì tất cả đều khóc. Khi diễn chúng tôi
vẫn nhớ đến anh Vũ và tri ân lắm”. Có một chuyện kể ra cũng thật là khôi
hài. Có hôm, một số người hàng xóm bên cạnh nhà bố mẹ em kháo nhau “
Anh Vũ viết kịch được nhiều tiền thật, có đoàn họ mang cả bao tải tiền
lên nhà!”.
Đầu đuôi câu chuyện thế này, đoàn kịch Thanh Hóa lên gặp anh Vũ để
đặt kịch bản, ông phó đoàn vác lên nhà một bao tải lạc, nói “Đoàn ở
Thanh Hóa bị lũ bão, không có tiền, không có gì cả nhưng mà rất cần vở
để diễn, nên chúng tôi mang bao tải lạc vỏ để biếu gia đình”. Sau đó,
khi vở kịch dựng xong, đoàn kịch Thanh Hóa lại mang hai bao tải lạc vỏ
lên cảm ơn, cả nhà em ngồi bóc lạc suốt đêm đến đau cả tay, mỗi bao tải
bóc ra chỉ được khoảng 5kg lạc thôi, mẹ gọi em đến cho nửa bao, nhưng
hồi đấy lạc cũng quý. Sau đó, hàng xóm mới biết chuyện kịch của anh Vũ
được trả nhuận bút bằng lạc. Nhưng đấy cũng là chuyện hy hữu thôi, vì
nhiều đoàn kịch “ăn nên làm ra” trả nhuận bút kịch bản cho anh Vũ thời
điểm ấy cũng được 1-2 chỉ vàng một vở. Nếu vào thời điểm bây giờ mà viết
kịch với tốc độ như anh Vũ ngày ấy thì chắc sẽ giàu to!
Thưa chị, có phải anh Vũ cho rằng mối quan tâm trăn trở nhất của
cuộc đời anh ấy chính là thi ca ngay cả khi những vở kịch thành công
thời đổi mới đã đưa anh ấy lên hàng kịch tác gia đương đại nổi tiếng
nhất?
Vâng đúng như vậy, thơ luôn luôn là điều anh ấy tâm niệm từ lúc trẻ
đến khi mất. Anh Vũ nói phải viết kịch vì đấy là vì nhu cầu của xã hội,
của công chúng sân khấu và cũng phải viết để sống nhưng mà được sống cho
mình, khao khát cho mình nhất vẫn là thơ. Anh ấy nói công khai mà như
một cái tuyên ngôn, rất là thương. Khi em thu thập các bản thảo của anh
Vũ, thấy những kịch bản sân khấu viết bằng loại giấy rất là xấu, như là
giấy nhặt ở đâu đấy, thậm chí là giấy lai cảo.
Chị Quỳnh biên tập thơ ở đâu đấy, thơ lai cảo của báo Văn Nghệ thì
mặt sau bản thảo thơ bỏ đi thì anh Vũ viết kịch. Anh ấy có một thói quen
trong sáng tác, khi nào viết kịch thấy mệt mỏi, căng thẳng quá thì anh
chuyển sang làm thơ và viết thơ vào giữa những trang bản thảo kịch. Cho
nên, lúc xử lý bản thảo, ai không biết sẽ tưởng bài thơ đó là viết cho
vở kịch. Vì chỉ khi nào mang kịch bản đi đánh máy thì anh Vũ mới gạch
bài thơ ấy đi. Ví dụ trong bản thảo vở kịch “Cô gái đội mũ nồi”, ở đoạn
anh Vũ viết về ông kiến trúc sư đang vẽ thiết kế cho một ngôi nhà, bỗng
dưng xuất hiện bài thơ “Mây trắng của đời tôi”. Đấy là trong lúc viết
kịch bản, anh Vũ chợt nảy ra một ý thơ, một tứ thơ và lập tức anh ấy
chuyển từ viết kịch sang làm thơ ngay. Nói thế để thấy, anh Vũ luôn coi
thơ là miền đất sáng tạo văn học tâm đắc nhất của mình. Và rất nhiều lần
anh Vũ nói với em, phải đến 2 năm trước khi mất, anh ấy tâm sự: “Sẽ
phải dừng lại, không viết kịch nữa bởi vì nó cứ ào ào và kéo mình đi,
nên phải lắng lại, dành thời gian cho thơ và những sáng tác khác”.
Bóng hồng cuối đời
Tình yêu của hai nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh có điều gì đó
giống như một huyền thoại, ngay cả khi phải ra đi họ “vẫn tay trong
tay, ở bên nhau”đến phút cuối cùng. Chị Lưu Khánh Thơ có thể cho độc giả
biết thêm về chuyện này, vì nghe nói trong 2 năm cuối đời, đã có “một
bóng hồng” khác trong cuộc đời thi sĩ của Lưu Quang Vũ và chị Xuân Quỳnh
cũng mong manh biết chuyện ấy, sự thật ra sao khi trong một số bài thơ
tình viết cuối đời, dường như Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh vẫn dành cho
nhau sự thương yêu nồng nàn?
Anh Vũ em là một người rất tài hoa, đa tình và phải công nhận có
nhiều cô gái phải lòng anh Vũ và anh ấy yêu cũng khá nhiều người. Sau
này, khi em đọc thư của anh Vũ và chị Quỳnh, em mới biết, lần đầu khi
anh Vũ (đang sống độc thân và có một con riêng) đến tỏ tình với chị
Quỳnh (cũng đang sống độc thân và có một con riêng) là chị ấy từ chối
ngay, không phải vì chị không yêu mà chị ấy biết là không lâu bền được.
Lúc đó, chị Quỳnh bảo chị chẳng có gì cả, chị không tin là ông Vũ yêu
chị ấy. Chị Quỳnh nghĩ anh Vũ thương hại chị vì thời gian rất ngắn sau
mối tình đổ vỡ của chị Quỳnh với một ông nhà thơ khác.
Về sau này, chị Quỳnh có kể lại với em về mối tình đổ vỡ ấy, chị hận
nhất là ông nhà thơ kia đã lừa dối, bảo chị bỏ chồng, rồi ông ấy sẽ bỏ
vợ để hai người lấy nhau. Sau đó, chị Quỳnh bỏ chồng thật, còn ông nhà
thơ kia chẳng chịu bỏ vợ, nên chị Quỳnh rất uất ức. Chị Quỳnh rất cực
đoan, đã yêu là phải lấy, không có chuyện cặp bồ, cái thời đấy nó thế
với cả cái tính chị ấy cũng thế. Rồi sau đó, chị Quỳnh yêu anh Vũ, một
tình yêu thật đặc biệt. Khi biết chuyện anh Vũ, chị Quỳnh yêu nhau, mẹ
em phản đối lắm. Lúc đó, một số người, trong đó có nhà văn Nguyễn Đình
Thi (có thời là cấp trên của mẹ em ở NXB Tác phẩm mới) đến gặp mẹ em để
thuyết phục, ông nói: “Chị ạ, hai người đều có tài, thôi chị ủng hộ đi”.
Sau đó, mẹ em mới đồng ý cho anh Vũ lấy chị Quỳnh và hai người sống với
nhau rất hạnh phúc trong 15 năm cuối đời.
Mẹ em sống với vợ chồng anh Vũ, chị Quỳnh với thằng cháu, còn em cứ
đi đi về về thôi. Anh Vũ mà đi công tác là anh ấy lại gọi thì em lại về
nhà ở với mẹ em. Chị Quỳnh hồi đấy hay bị ốm, những năm cuối đời thì chị
ấy bị bệnh tim rất nặng, anh Vũ nói với em là bác sĩ bảo chị Quỳnh bị
nặng lắm, phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Anh Vũ nói với mẹ em đừng
tiết kiệm quá, mẹ em cũng là người quản lý sau khi chị Quỳnh đi nằm
viện. Anh Vũ bảo: “Mẹ đừng tiết kiệm, con cũng kiếm được tiền”. Tam thất
hồi đấy còn hiếm, cứ bảo em lên Lãn Ông mua về hấp với quả tim cắt ra
để cho chị Quỳnh ăn. Bác sĩ bảo Quỳnh giỏi lắm cũng chỉ sống được 2-3
năm thôi. Chị Quỳnh không hề biết. Sau khi điều trị ở bệnh viện về thì
chị thấy có đỡ hơn. Anh Vũ dặn mẹ với em, những lúc chị Quỳnh đi viện về
thì chăm sóc nhưng giấu chị, chỉ nói là bị bệnh nhẹ thôi, và bảo chị
đừng có tham công tiếc việc, đừng thức đêm thức hôm, phải nghỉ ngơi.
Trong mấy năm cuối đời, đúng là có “một bóng hồng” trong tình yêu của
anh Vũ. Thật ra, chị Quỳnh có tính ghen khá mạnh mẽ. Trong chuyến đi
nghỉ cuối cùng ở Hải Phòng, lúc bấy giờ dẫu anh Vũ có gàn không cho chị
Quỳnh đi thì sợ chị lại nghĩ ngợi, nên anh Vũ cũng vì nể. Em nghĩ nó như
định mệnh ấy. Hay là thơ của hai người cũng thế. Bài “Lại bắt đầu”-Xuân
Quỳnh viết: “Tay trong tay tôi đã bên người/Tôi chẳng nói điều chi về
vĩnh viễn/ Bởi sớm mai khi mặt trời hiển hiện/Là một ngày tôi lại bắt
đầu yêu”. Có một cái câu sau này mình đọc mình thấy sợ “Tay trong tay
tôi đã bên người/Tôi chẳng nói điều chi về vĩnh viễn”.
Em nói thật, cái chết này với chị Quỳnh là một sự giải thoát bởi vì
chị ấy yêu anh Vũ kinh khủng, chị là người vô cùng thông minh, chị Quỳnh
ý thức được cái giới hạn của chị ấy. Trong con người của anh Vũ, cái
phát triển về tài năng, về con người, về thể chất, chị Quỳnh rất biết và
chị là người ghen tuông khủng khiếp. Cái năm sau, cái năm mà chị Quỳnh
ốm đau thì chị ấy không ghen tuông nữa mà chị ấy rất đau đớn vì chị ấy ý
thức được cái bất lực, cái giới hạn của mình. Trước hay sau thì anh Vũ
cũng vẫn là người rất tình nghĩa, rất thương chị Quỳnh nhưng em biết anh
ấy có chuyện nọ chuyện kia. Phải nói, chị Quỳnh là người rất có lòng tự
trọng, chị ấy không thể nào sống giả vờ, nếu anh Vũ yêu người khác thì
chị Quỳnh sẽ phải chia tay, chị ấy sẽ chủ động.
Chị Quỳnh là người quyết liệt lắm, chị ấy yêu là phải lấy. Khi mà chị
Quỳnh cảm thấy sống không còn tình yêu nữa thì chị ấy sẽ không chịu giả
vờ làm một “mô hình gia đình hạnh phúc” đâu, chị sẽ chủ động chia tay.
Chị Quỳnh là người quyết liệt lắm, sống đến tận cùng với tất cả tình
cảm. Chị rất yêu anh Vũ nhưng chị ấy không chấp nhận được anh Vũ có cô
này cô nọ. Có thể là anh Vũ vẫn đưa tiền cho chị ấy, vẫn tử tế, tình
nghĩa, thương và biết ơn nhưng tình yêu thì nó khác. Đàn ông ai chả thế.
Chị ấy biết thế mà. Từ khi anh Vũ, chị Quỳnh mất em cũng thay đổi rất
nhiều, em làm khổ ông Vũ cũng nhiều. Chị Quỳnh cứ kể mọi chuyện với em,
còn em cứ gạt đi bảo chị đừng nghĩ anh Vũ tầm thường như thế, anh ấy là
một người nghệ sĩ và anh ấy yêu chị.
Chị Quỳnh chua xót bảo: “Không! Thơ đừng nghĩ là chị coi thường anh
ấy, chị không nghĩ đấy là xấu mà là con người anh ấy thế, bản năng con
người nó là thế, đó là chuyện rất bình thường của con người!”. Và chị
Quỳnh đau đớn chấp nhận cái điều ấy, chị không trách móc gì nữa nhưng
chị ấy rất đau. Sau này em nghĩ: Nếu mà không chết chắc gì được bền, có
khi lại chia tay mà đối với chị Quỳnh thì đó là điều sống rất què quặt,
chị ấy không chịu nổi. Cho nên với chị Quỳnh đó là sự giải thoát, trước
cái chết này. Chỉ có đau là anh Vũ, nếu như có định mệnh thì em cho là
chị Quỳnh lôi đi đấy, chị ấy không thể chấp nhận anh Vũ vào tay ai. Chắc
lúc đấy anh Vũ có yêu người khác, chị Quỳnh lại bệnh tật. Những câu thơ
chị Quỳnh viết ngày ấy, đọc xong thấy đau đớn, gần như cái di chúc của
chị ấy “Trái tim em nay mỗi phút mỗi giờ/Chỉ có đập cho mình em đau
đớn/Trái tim nay chẳng còn có ích/Cho anh yêu, cho công việc, bạn bè”.
Chị Quỳnh rất cô đơn. Người bị bệnh tim như thế mà ôm một nỗi đau như
thế thì không thể chịu đựng được. Đó là cái chết giải quyết mọi nỗi đau,
có lẽ cũng toại nguyện với chị ấy.
Lúc đó anh Vũ yêu một cô diễn viên trẻ vừa có tài vừa có sắc, chị
Quỳnh biết chuyện. Khi anh Vũ mất khoảng 1 tuần hay 10 ngày thôi, em tìm
gặp cô diễn viên ấy. Không gặp được cô ấy, em có để lại mấy chữ. Sau
đó, cô ta đến cơ quan em, em mời ra quán café, em nói là: “Việc anh Vũ
với chị Quỳnh mất như thế, Thơ biết là anh Vũ với em có tình cảm gắn
bó”. Việc này chỉ có em với ông anh trai biết thôi, chính em cũng chưa
nghĩ ra đâu, ông anh trai bảo phải gặp cô gái đó càng sớm càng tốt kẻo
không nó đang hoang mang. Em nghĩ cô ấy còn trẻ thế, bây giờ may mà còn
giữ được giọt máu của anh mình thì quý hóa quá.