Nguyễn Thị Vinh
(15/7/1924 - 8/1/2020)
hưởng thọ 97 tuổi
Chủ bút tạp chí Tân Phong (Sàigòn). Chủ nhiệm báo Ðông Phương (Sàigòn)
Nhà văn, Nhà thơ, Nhà báo
Nhà văn, Nhà thơ, Nhà báo
Ðịnh cư tại Na Uy từ năm 1984
(trong tự lực văn đoàn)
(trong tự lực văn đoàn)
Nhớ nhà
ngày còn nhỏ
thích
xa nhà
đi đâu cũng được
miễn là được đi
lang thang
mây chẳng định kỳ
có chân không bước
ích gì chân ơi
bây giờ
mỏi
bước đường đời
đi đâu cũng chỉ nhớ
trời một phương
cánh hoa gạo đỏ
bên đường
nhớ nhà
rưng rức
hồn
nương mây về
Nguyễn Thị Vinh
Tác phẩm đã xuất bản:
1
(1953)
2
Thương Yêu
(1954)
Nxb Phượng Giang
Thương Yêu
Nxb Phượng Giang
Thương Yêu
3
Xóm Nghèo
(1958)
4
Men Chiều
(1960)
5
6
Cô Mai
(1971)
7
(1973)
8
Na Uy Và Tôi
(1994)
Và còn nhiều bản thảo chưa in
Truyện ngắn
Men chiều
Tan sở ra, An và Bích cùng lấy cớ là đã ngồi suốt buổi làm việc mệt nhọc, cần phải đi dạo một lát cho thảnh thơi trước khi về nhà. Thế là họ cùng nhau đi qua mấy phố vắng; họ không định trước đi đâu, nhưng một lúc sau thì họ tới bờ sông. Gió mát từ mé sông thổi tới lồng lộng; cả hai cùng bước chậm đi sát bên nhau từ lúc nào chính họ cũng không biết.
Bích là người nhận ra điều ấy trước An; nàng đưa mắt nhìn những người đi lại ngoài phố rồi bước lánh xa An một chút, và nói với An giọng không được tự nhiên :
- Chiều xuống đẹp quá anh nhỉ!
- Chiều xuống! Tôi thì tôi nói là chiều lên, “chiều lên men” mà. Những buổi chiều êm đẹp như hôm nay, hoặc những buổi chiều có mưa phùn hay mưa to đi nữa, thì tôi cũng vẫn thấy lòng vui thích say sưa. Bởi vậy tôi thường có cái thú đi lang thang vào những buổi chiều, và nhất là...
An định nói: “... và nhất là lại có chị cùng đi bên cạnh” nhưng chàng bỏ lửng, không nói hết câu.
“Chiều lên men!” Bích thầm nhắc lại câu nói riêng của An mà nàng cho là có duyên, rồi mủm mỉm cười một mình.
Hai người yên lặng, lắng hưởng cái thú đi sát bên nhau. Đôi khi bàn tay họ tình cờ chạm nhẹ vào nhau gây cho họ một cảm giác hồi hộp. Tới một chỗ vắng bên bờ sông, không ai bảo ai, họ ngừng lại. Ánh chiều gần tắt. Bờ bên kia những hàng cây xanh xẫm đang từ từ mờ biến trong làn hơi nước tự trên mặt sông bốc lên, lẫn với sương chiều tỏa ra mỗi lúc một dầy. Bích và An đã cùng ngồi xuống bên bờ cỏ; cả hai đều cảm thấy một nỗi vui là lạ ở trong lòng đang nhè nhẹ dâng lên, như làn sương chiều mờ ảo bao quanh họ.
Hơi lạnh thấm vào người khiến Bích có cảm giác như thân nàng cũng tan đi dần dần, như mặt sông hồi nãy còn in ánh chiều vàng lấp lánh, nhưng bây giờ đã cùng với mọi cảnh vật chìm lẫn trong hơi sương, hợp thành một khoảng không, bao la huyền ảo. Bích tưởng chừng nàng và An đang ở trong cái khoảng không, bao la huyền ảo đó. Bên tai nàng tuy có vẳng tiếng ồn ào từ trong phố vọng ra, nhưng Bích nghe rất xa xôi và riêng biệt, không liên quan gì tới phút sống hiện tại của nàng. Bích chỉ biết có An đang ở bên nàng, và tình yêu đầy tràn trong tâm hồn! Nàng nói với An, giọng rất nhẹ và thanh, khác hẳn mọi lúc :
- Anh, chúng mình đang sống ở trên trời anh ạ.
- Bích ạ, tôi cũng đang cảm thấy thế.
Họ cùng nhìn nhau; người Bích run lên nhè nhẹ. Tình yêu của nàng đã dâng lên đôi mắt; Bích say sưa đẽ ánh mắt chìm đắm trong vẻ nhìn đầy yêu đương của An. Nhưng chỉ một thoáng An lại vội quay đi rút thuốc lá ra hút, cố lấy lại vẻ bình thường và khó hiểu như mọi lúc.
Chính cái vẻ khó hiểu ấy đã làm cho tất cả các bạn bè trong sở và cả Bích nữa đều phải khó chịu, vì không ai hiểu rõ được An và cuộc sống riêng của chàng ra sao. Chàng tránh những truyện tâm sự và ít trò chuyện với mọi người. An đã có vợ, nhưng cả đến những người bạn gần nhất của chàng cũng chưa hề biết mặt vợ chàng. Trong những ngày nghỉ, người ta cũng chỉ thấy chàng đi chơi lang thang có một mình.
Tính rất riêng biệt của Au đã làm chàng thành một người khó hiểu; trong câu truyện vui của mọi người, chàng hay được người ta nhắc đến bằng những giọng gần như chế riễu. Tuy thế nhưng không ai ghét An, vì chàng có những cử chỉ nhã nhặn và một giọng nói rất ấm.
Ở trong sở, ít khi Bích có việc tiếp xúc với An nên tuy ra vào thường gặp nhau. Bích không để ý gì đến An cả. Một vài lần tình cờ Bích bắt gặp An ngước nhìn những ngọn cây xanh lá và khoảng trời mây êm dịu ngoài khung cửa sổ, lúc đó trên mặt An hiện rõ một nét vui linh động, tự dưng Bích cảm thấy lòng vui lây.
Mấy tháng trước, có một buổi chiều Bích cùng ngồi với một người bạn gái ở trong tiệm giải khát, nàng lơ đãng đưa mắt nhìn sang bàn bên cạnh. Bỗng Bích đập nhẹ tay vào vai bạn và nói nhanh :
- Này chị! Cái anh chàng ngồi bàn bên, sao lại có đôi mắt giống mắt “anh chàng khó hiểu” ở sở em đến thế!
- Em có quen đâu mà phân biệt được giống với không giống; mà sao chị gọi người ta là “anh Chàng khó hiểu?”
Bích cười rồi bằng một giọng khôi hài nàng kể cho bạn nghe về tính của An.
Nhưng người bạn gái nghe xong thản nhiên bảo :
- Thế thì anh ta là người kín đáo tốt đấy chứ.
Bích ngẩn người, ngẫm lại những lời mình kể về An: “Ừ, như thế thì An có gì là xấu”. Thì ra vô tình nàng đã khen An mà không tự biết.
Từ buổi ấy, trong khi giao thiệp với các bè bạn thỉnh thoảng do một sự tình cờ, Bích chợt để ý đến cái miệng của họ, tự nhiên nàng lại nghĩ tới cái miệng của An. Bích không nghĩ rằng miệng An đẹp hay xấu; nàng không hề để ý đến điều đó bao giờ, nhưng vẫn nhớ đến mà, chỉ nhớ đến có cái miệng An; cũng như lúc khác, khi chú ý đến cặp mắt của ai thì nàng nhớ đến cặp mắt của An mà cũng chỉ nhớ riêng có cặp mắt của An thôi.
Một hôm An đi ngang qua bàn giấy của Bích, chị Thùy ngồi trước mặt Bích khẽ bảo nàng :
- Này chị Bích, em nói câu này chị đừng giận nhé.
Bích thản nhiên đáp :
- Chị cứ nói, em với chị làm gì có chuyện để giận nhau nữa.
Thùy nghiêm giọng, ghé gần Bích nói nhỏ :
- Này, anh chàng An có vẻ cảm chị lắm đấy. Kể anh ta cũng tốt, nhưng đã có vợ.
Bích cau mày bảo Thùy.
- Chị nói nhảm, em giận thật đấy. Anh ấy đứng đắn lắm, làm gì có chuyện như thế. Vả người ta đã có vợ con, mình chả nên đùa.
Thùy nghiêm nét mặt đáp :
- Bích ạ, em không đùa đâu. Em biết tính chị giầu tình cảm lắm, và giá anh An không đứng đắn thì đã không đáng ngại, nhưng chính em lại ngại vì tính đứng đắn của anh ta. Những tâm hồn đẹp gặp nhau mới dễ sợ, và cũng vì thế em mới phải nói để chị đề phòng đấy thôi.
Bích bật cười :
- Thế những tâm hồn xấu gặp nhau chắc không sợ? Vậy chị khỏi lo cho em, vì tâm hồn em xấu lắm. Và nếu “anh chồng khó hiểu” quả thực là có ý gì thì cũng chẳng gọi là người có tâm hồn đẹp được.
- Nếu tâm hồn xấu gặp nhau lại càng đáng sợ hơn.
Bích ngượng ngùng im lặng; nàng chưa nghĩ đến yêu An bao giờ, nhưng nghe nói An đã yêu nàng, nàng không khó chịu mà còn thấy như kiêu hãnh vì cái anh chàng lạnh lùng, khó hiểu ấy đã phải để ý đến mình; lòng nàng bị xáo trộn bởi nhiều cảm giác rất trái ngược. Bích băn khoăn đến gần thành lo sợ khi cảm rõ một nỗi rung động lạ và vui đang thấm trong tâm hồn nàng. Bích không dám đón nhận niềm vui ấy nhưng cũng không dám nghĩ đến lý do tại sao lại không dám nhận.
Từ buổi đó tự nhiên Bích cứ nhớ lại lời Thùy đã nói với nàng về chuyện An có nhiều cảm tình với nàng. Nhưng chính An vẫn không tỏ ý gì khác; chàng vẫn giữ tính ít nói, dè dặt, tránh giao thiệp với mọi người và cả với Bích. Tuy nhiên đôi khi Bích chợt bẳt gặp An nhìn nàng bằng ánh mắt khác thường, nàng không còn nghĩ như trước cho đấy chỉ là “một lối nhìn” của An. Bây giờ ánh mắt An đã khiến Bích băn khoăn không ít và đã gieo cho Bích một ý nghĩ rằng An quả thật đã có cảm tình với nàng như lời của Thùy.
Giá ngay bây giờ An tỏ cho Bích biết rõ là An yêu Bích chắc chắn Bích sẽ nói thẳng là nàng không yêu An vì nàng không cảm thấy yêu An và vì An đã có vợ mà còn có tình ý vởi nàng như vậy thì không tốt chút nào. Nhưng An không tỏ ra như vậy, khiến Bích cứ phải tìm hiểu chàng; Bích muốn tìm ở An một chứng cớ để nàng có thể tin được ý nghĩ của nàng thấy An đã yêu nàng là đúng. Như thế để làm gì, Bích cũng không biết.
Cái ý tưởng tìm hiểu An ấy cứ ám ảnh mãi Bích, làm cho nàng phải buồn khổ, vì nàng không thể tin hẳn được là An yêu nàng, cũng như nàng không thể tin hẳn được là An không yêu nàng. Và rồi Bích đã yêu An say đắm như bây giờ từ ngày nào, phút nào, nàng cũng không biết nữa; nàng cũng không nhớ cả nguyên do buổi đầu lại sao hai người lại cùng đi chơi; nhưng cảnh trời và cảm giác của buổi đi chơi hôm đó thì không bao giờ Bích quên được. Bây giờ họ thường đi với nhau vào những buổi chiều tan sở như chiều hôm nay. Bích rất sung sướng vì nhiều lúc cảm thấy rõ rệt An đã yêu nàng, đã gây cho nàng nhiều phút hồi hộp: nhưng An vẫn không nói với Bích một lời yêu đương nào cả, chẳng lẽ Bích lại nói trước với An là nàng yêu An hay sao! Bích cứ phải đè nén lòng yêu rạo rực, nhiều lúc nàng cảm thấy tự ngượng và tự khinh mình vì những điều mong muốn thầm kín rất mãnh liệt luôn luôn ám ảnh nàng. Bích mong đợi cái phút được ủ mình trong đôi tay âu yếm của An, uống từng hơi thở và hít cho thật đã cái mùi hơi nồng ấm từ ở người An, để đền bù lại những phút như lúc này ngồi cạnh bên An nàng chờ đón từng cơn gió thoảng có quyện mùi hơi nồng ấm ấy đã làm cho Bích say sưa trong đau khổ.
° ° °
Hai bàn tay Bích luôn luôn nắm vặn chiếc khăn “mùi-soa” lụa mỏng đến gần rách ra. Nàng phải làm thế để tự kìm hãm hai cánh tay nàng khỏi ôm chầm lấy An rồi khóc và bảo chàng: “An ơi! Em biết là anh cũng yêu em, nhưng tại sao anh lại tránh em? Phải rồi, anh tránh em chỉ vì anh đã có vợ, nhưng mà anh hãy cứ nói thực vởi em là anh cũng yêu em đi. Em không thể cứ yên lặng xa anh, cũng như em không thể để anh tránh em trước khi em biết rõ và chắc chắn là anh yêu em. Chúng mình phải nói với nhau cho hết những nỗi thắc mắc đi đã rồi thôi”.
“Rồi thôi” Bích sợ hãi, đầu óc nàng chợt tối xầm hẳn lại khi nghĩ đến hai tiếng ấy.
Trời đã tối từ lâu; con sông hồi nãy đã cùng với cảnh vật biến đi, giữ lại hiện ra mờ nhạt dưới ánh trăng lạnh hòa loãng trong hơi sương và sương đêm đã thấm ướt trên vai áo Bích, nhưng Bích vẫn không thấy gì; tình yêu đã làm Bích quên cả thân mình.
Cả hai người đều biết là trời đã khuya nhưng không ai nhắc đến chuyện ra về. Họ vẫn ngồi bên nhau, vẫn thủ thỉ nói chuyện, lắng nghe từng giọng nói của nhau, nhưng không để ý là đã nói và đã nghe thấy những gì, vì tất cả những điều mà thực tình họ đang muốn nói cho nhau nghe họ vẫn giữ kín ở trong lòng.
Trong hai người, kẻ tỏ tình ra trước phải là An, nhưng tuy không muốn nhớ mà An vẫn thấy hình bóng Thảo, vợ chàng, thấp thoáng hiện ra trong trí; mỗi khi An định nói với Bích những lời yêu đương, thì chùng lại ngượng ngùng, y như có Thảo ở bên cạnh, thành thử chàng cứ phải im lặng. Như thế làm sao Bích có thể hiểu được An.
Trong khi An tỏ ra hờ hững nhất lại là lúc tình yêu trong lòng An vì luôn luôn bị đè nén, đã trở nên vô cùng mãnh liệt; mắt chàng nhìn vào khoảng không, khi chàng tha thiết muốn hưởng vẻ mắt của Bích đang say đắm nhìn chàng, An thấy lòng rạo rực thèm muốn được ghì lấy thân mình Bích, để tưởng rằng Bích sẽ nhỏ dần, nhỏ dần trong vòng tay mỗi lúc một siết chặt thèm của chàng cho đến lúc Bích với chàng như hòa thành một.
An đã cố nhưng vẫn không tránh khỏi lòng ham muốn thường tình của đôi trai gái khi ngồi gần bên nhau; các lẽ phải trái và cả đến hình bóng của vợ An luôn luôn ẩn hiện trong mọi cảm giác cũng không làm dịu được lòng rạo rực về thể xác của chàng. Nhưng nỗi rạo rực của tâm hồn sung sướng, cảm thấy đang yêu và được yêu của An tuy rất nhẹ nhàng, nhưng đã làm giảm được hết mọi rạo rực của xác thịt. An đã hiểu rõ thế nào là tình yêu trong sạch. Tự nhiên chàng nhớ lời một buổi chiều cách đây mấy năm về trước, chàng và Thảo cùng đi chơi với nhau để bàn về ngày cưới: Thảo cũng đã nhìn chàng bằng những cái nhìn đắm duối và cũng đã gây cho chàng những cảm giác bâng khuâng rung động như lúc chàng ngồi với Bích hiện nay, nhưng từ sau khi lấy nhau An không còn được hưởng những giây phút như thế ở bên Thảo nữa. Tình yêu đã đổi sang tình nghĩa vợ chồng; những lúc xa nhau thì nhớ, đến lục gần nhau, ngoài tình nghĩa vợ chồng An vẫn thấy lòng mình trống trải như thiếu một cái gì. Nhiều khi thấy trời đẹp, chàng rủ Thảo đi chơi thì Thảo từ chối nói đi như thế chỉ phi thì giờ và mỏi chân; lại có lúc chàng muốn nhắc đến những cử chỉ yêu đương của hai người trước ngày lấy nhau, thì Thảo đỏ mặt gạt đi và bảo chàng rằng vợ chồng nên đối xử đứng đắn chứ đừng làm như vậy người ta cười.
Cho đến một hôm, An đang nhìn cảnh trời qua khung cửa sổ ở sở; chàng chợt bắt gặp Bích đương nhìn mình; dù chỉ trong một thoáng, cái nhìn ấy đã làm chàng phải để ý đến Bích và làm chàng nhận rõ thêm rằng trong ba năm trời sống bên vợ, chàng vẫn thiếu một tình yêu, thiếu cả những ánh mắt khác thường.
“Anh An à”!
Tiếng Bích gọi làm ngắt ý nghĩ của An. An lắng nghe Bích nói, giọng ngập ngừng :
- Anh An ạ. Có lẽ chúng mình nên giữ gìn thì hơn, vì... vì hôm nọ chị Thùy có bảo rằng anh có cảm tình với tôi.
Hỉnh như phải cố gắng lắm Bích mới tìm được cách mượn lời của Tnùy dễ dò ý An. Bích hồi hộp lắng đợi câu trả lời của An. Mắt An vẫn tránh không nhìn Bích; chàng khe khẽ đáp :
- Chị ấy không nhầm đâu, đúng thế.
Bích vẫn đoán là An yêu nàng, nhưng sao câu nói của An vẫn làm cho Bích sung sướng đến thế, Nàng đã phải cắn chặt lấy môi để giữ cho những tiếng nấc vì cảm động khỏi thoát ra. Bích thấy người nàng run lên như bị lạnh, nàng khẽ đưa bàn tay về phía An thổn thức nói :
- Tay tôi làm sao lạnh quá, anh ạ.
An nắm lấy bàn tay mềm dịu nhưng lạnh vì cảm động của Bích ủ trong bàn tay mình. Lòng chàng lúc này không bợn một chút thèm muốn tầm thường mà chỉ đầy tình thương yêu trong sạch. An nói rất khẽ nhưng vẫn không giấu được giọng nghẹn ngào :
- Xin lỗi Bích. Tôi biết là tôi đã làm khổ Bích, chúng mình gặp nhau muộn quá, nhưng tôi yêu Bích.
Bích không nén được nữa, nàng bật khóc, kéo bàn tay An áp lên má mình và nói :
- Không, không bao giờ em ích kỷ mong anh quên chị ấy để yêu em đâu, nhưng em yêu anh...
Bích như nghẹn lời nàng im bặt không nói tiếp được; nàng ngước nhìn lên nền trời đầy sao lấp lánh, môi nàng mấp máy nhưng vẫn không thoát thành lời; nàng muốn bảo An :
- An ơi, nếu sau này khi chúng ta đã làm tròn bổn phận một con người, chúng ta đã trả lại phần thể xác cho lòng đất. Linh hồn chúng ta có được tự do không bị ràng buộc bởi những luật lệ của xã hội không anh? Nếu em tin được như thế thì em có thể đi lấy chồng để anh yên sống với vợ con anh. Thật đấy An ơi, em sẽ làm được tất cả dù có phải sống tới một trăm năm vì em nghĩ trước sau việc gì cũng phải qua. Nhưng lạy Trời hãy cho em tin được rằng linh hồn chúng ta sẽ được tự do và anh sẽ bảo em: “Em ơi ở trên Trời đầy sao kia chắc lạnh lắm, em hãy sát lại bên anh để linh hồn chúng ta cùng ủ ấp cho nhau”.
Nghĩ đến đây, óc Bích bỗng lóe lên một niềm tin tưởng, lòng thảnh thơi như tự cho mình đã tìm được một lối thoát; Bích bình tĩnh đứng dậy bảo An :
- Về thôi anh ạ. Dù có ngồi đây được suốt đêm thì rồi cũng tới sáng, đấy rồi anh xem, lại sắp tới trưa mai, sắp tới tối mai, và sắp tới cả lúc chúng mình già và chết cho mà xem.
Trước những lời nói của Bích, An chỉ còn biết nhìn nàng thương cảm và giữ chặt tay nàng trong tay mình một lát.
° ° °
Đó là buổi chiều cuối cùng họ đi với nhau.
Hai tháng sau Bích lấy chồng; nàng sống rất hiền hòa bên chồng, nhưng cứ chiều tới, lòng Bích lại thấy say say trong “men chiều” bất diệt và mỗi khi nhìn nền trời đêm tím xẫm, lấp lánh những vì sao, Bích lại cảm thấy nỗi ấm áp của hai linh hồn gần nhau trong cái lạnh mênh mông đó.
Có lẽ suốt đời Bích sẽ tránh không bàn cãi với ai về chuyện có linh hồn hay không có; Bích sợ khi nàng mất niềm tin ấy thì nhất định nàng phải tìm đến Au ngay trong cõi sống này; nàng sẽ không còn là một người đàn bà đức độ sống trong khuôn khổ luân lý của xã hội được nữa, vì dẫu sao Bích cũng chỉ là một “người”.
Cắt tiết gà
“Mình trẻ thế này mà còn thấy sợ, huống hồ u ấy già thế...”
Vì vậy nên nàng đã mạnh bạo đứng lên bảo u già để nàng cắt tiết gà.
Nhìn Nhung vừa liếc con dao soèn soẹt trên miệng chum để sửa soạn cắt tiết gà, không ai có thể đoán được là nàng rất sợ phải làm những việc như vậy. Rồi cả hai người, u già và nàng, đều ngồi xổm ở sân. Một tay u già giữ hai chân một tay giữ hai cánh con gà, còn Nhung cầm gọn đầu con gà trong lòng bàn tay trái, nàng bảo u già :
- U cầm chặt nhé, tôi cắt đây.
Rồi nàng đưa tay phải cầm con dao vừa liếc cứa mạnh vào cổ con gà, chỗ nàng vừa vặt chụi một mảnh lông. Con gà oan minh kêu bật lên được một tiếng “quác” rồi im bặt. Lưỡi dao của Nhung vừa cứa đứt gần một nửa cái cổ bé nhỏ của con gà, một giòng máu chảy tia ra từ cuống họng nó rớt xuống cái đĩa nhỏ hứng bên dưới. Nhung khẽ quay mặt đi để tránh hơi máu tươi tanh nồng mà nàng vừa ngửi phải. U già nói :
- Cô phải cắt cho dứt hẳn cuống họng nó đi chứ, mãi vẫn chưa thấy rẫy chết thế này.
Nhung không đáp, khẽ mím môi cầm con dao dính máu cứa thêm vào chỗ cuống họng đứt nửa chừng của con gà. Không biết vì dao không được sắc hay Nhung run tay mà cái cuống họng con gà cứ trật đi trật lại trong vết thương nhầy nhụa đỏ loét máu mãi mới đứt. Bỗng nhiên con gà rẫy mạnh làm chút nữa u già để buột cánh nó ra khỏi tay.
Không ai bảo ai, cả Nhung lẫn u già cùng giữ con gà chặt hơn trước. Nhung nghe như những khớp xương trong mình con gà đang gãy theo từng cơn rẫy oằn lên của nó. Được mấy cái rẫy như vậy thì sức nó yếu dần. Nhưng Nhung vẫn cảm thấy rõ ràng hai mi mắt mỏng, bé nhỏ của con gà đang chớp chớp quệt vào trong lòng bàn tay đã nóng ẩm của nàng. Một cảm giác ghê rợn đột nhập vào trí não nàng rất nhanh, như một cơn gió mạnh thổi tắt phụt ngọn đèn; nhưng cảm giác một sinh mệnh đang chết dần, chết dần trong tay nàng lại nổi bật lên như ánh mắt loài thú dữ vụt hiện ra trong đêm tối. Lúc này Nhung không hề phân biệt vật nàng vừa giết chỉ là một con gà; nàng chỉ biết rằng nàng vừa làm hại tới sự quý giá nhất đời là sự sống. Dáng điệu sợ hãi, lủi trốn, một cách bất lực của con gà, trước khi bị u già nắm cẳng, hiện ra lẫn lộn với những bộ mặt của đám người, trong đó có cả Nhung, đã nằm dúi vào với nhau dưới hầm trú ẩn lộ thiên; trong khi trên đầu họ từng đoàn máy bay đang thả bom. Những lời cầu Chúa, hay niệm Phật đứt quãng và líu lại trên miệng mọi người, so với tiếng kêu hỗn loạn của con gà trong lúc nó sắp bị cắt tiết nào có khác gì nhau. Trong giây phút rất ngắn ngủi, Nhung chợt hiểu tất cả sự sống của mọi loài trên mặt đất đều đáng quý như nhau; và nỗi bất lực sợ hãi đau khổ trước sự tàn bạo thì dù là người hay vật cũng đều giống nhau.
- Thôi cô nó chết rồi.
Nhung buông đầu con gà ra, mào nó đã tái ngắt, đầu nó chỉ còn dính lủng lẳng trên cái cổ gần đứt đỏ loét máu, lông trên mình nó dã dượi. Một vài chỗ dính bết máu vì Nhung chùi lười dao vào. Nhung vừa rửa tay vừa dặn bảo u già cách nấu các món ăn xong nàng lên nhà dọn dẹp.
Nàng lấy bình thay hoa cũ để cắm hoa mới. Nhìn những nụ hoa màu sắc tươi đẹp, Nhung đã tạm quên cái ghê sợ vừa qua, nàng đã thấy vui và loay hoay cố bầy cho hoa được đẹp. Thấy tay dính dính, Nhung nhìn lại mới biết bị dây nhựa cuống hoa. Cũng lúc đó tiếng mỡ nổ sèo sèo từ dưới bếp đưa lên thơm phức. Nhung biết là u già đang xào gà. Lẫn trong mùi hành mỡ thơm phức đó, Nhung như ngửi thấy cả mùi máu gà tanh nòng. Nàng bỗng lợm giọng; bàn tay dính nhựa hoa của Nhung lại làm nàng nhớ tới bàn tay dây máu gà vừa rồi: “Biết đâu lại chẳng là máu của hoa”. Nhung lôi tất cả những đóa hoa vừa cắm ra xem, hoa còn tươi nguyên, từ vết cắt ở cuống hoa, nhựa vẫn còn rỉ ra lấm tấm. Nhung lại nghĩ rằng cả đến cây cỏ cũng có sự sống riêng của nó. Nhung không muốn nghĩ ngợi lan man mãi, nàng vội đứng lên để còn thu dọn cho kịp, vì nhà cửa bề bộn quá mà đã gần tới giờ cơm trưa rồi.
Bữa cơm hôm đó rất vui, mọi người đều có vẻ hài lòng trước những món thịt gà xào nấu ngon lành. Nhung sung sướng nhìn mọi người trong gia đình ăn uống ngon lành, và rất mãn nguyện vì nàng đã làm đầy đủ bổn phận của một người nội trợ. Những miếng thịt gà béo vàng bầy trong đĩa để trên bàn lúc này hình như không còn liên can gì tới con gà vừa bị nàng giết buổi sáng. Như vừa nhớ ra điều gì, Nhung nhìn qua cửa sổ gọi u già để bảo làm, bỗng nàng chợt nhìn thấy sợi dây gai vương trên mặt sân, dính bết phân gà lẫn với ít gạo cho gà ăn còn sót lại, một đầu sợi dây còn buộc vào một đầu đinh đóng trên tường. Sợi dây ấy vẫn dùng để buộc chân gà từ khi mẹ nàng mua nó về được mấy hôm nay. Hôm mới mua, trông con gà rất khỏe và béo, nên mẹ Nhung để dành tới hôm nay Chủ nhật, mới làm thịt. Hàng ngày chính Nhung vẫn lấy gạo nước, cho gà ăn uống, vì nàng sợ u già quên. Nhung rất thích đứng ngắm cái mỏ khỏe mạnh của nó mổ nhanh những hạt gạo trắng do tay nàng tung ra và khi trời mưa nàng rất áy náy nhìn con gà rũ ra đứng nép sát vào vách tường cho đỡ ướt. Một lần nàng bảo u già :
- U ạ, từ lần sau định ăn gà, mua về thịt liền thì không sao, chứ cứ nuôi thế này rồi ai còn dám ăn thịt nữa.
U già không hiểu ý đáp :
- Vẽ, nuôi thì nuôi nó vẫn khỏe mạnh thì thôi chứ có toi đâu mà không dám ăn.
Rút lại, bữa đó cả nhà chỉ có mình Nhung không dám động tới một miếng thịt gà nào và nàng không dám ăn cả đến các thứ thịt cá khác nữa. Hễ cứ trông vào đĩa thịt bò hay thịt lợn là Nhung lại tưởng ngay đến các con vật lúc nó còn sống. Cứ tưởng tới những dáng diệu sợ hãi bất lực của từng con vật trước khi bị làm thịt và mùi máu, mùi thịt sống tanh tưởi, nàng đâm sợ không dám ăn một thứ thịt gì hết.
Như thế đến mấy hôm, Nhung cũng không tự biết là nàng đã ăn chay. Mẹ nàng bảo :
- Con định ăn chay đấy à? Nhưng còn trẻ thì ăn một tháng hai ngày cũng được phúc rồi chả cần phải ăn trường chay vội.
“Thế ra mẹ mình vẫn ăn chay để cầu được phúc” Nhung thầm nghĩ như thế và nàng đoán rằng ngày xưa trước khi đắc đạo Đức Phật nếu có ăn chay chắc cũng chỉ do lòng từ bi, ghê sợ sát sinh, thương xót chúng sinh của Người. Nhưng lòng thương của Người rộng vô biên chứ không như nàng chỉ sau mấy hôm, hết ghê sợ, lại ăn như thường.
Hận
Tôi không nom đồng hồ nhưng chắc trời đã khuya lắm. Thế mà tôi và Thành vẫn đều bước bên nhau, đi đi, lại lại ở khu đường vắng này. Những lời chàng tỏ tình yêu với tôi lúc đó không làm cho lòng tôi rung động và rạo rực, tuy nhiên tôi cũng biết là tôi vui sướng. Nhưng nỗi vui sướng mỏng manh luôn luôn bị nỗi thắc mắc và ân hận làm át đi. Tôi biết rõ tôi rất cảm mến Thành. Rất có thể tôi cũng yêu chàng say đắm, nếu không tôi đã chẳng ân hận vì hình ảnh Duy cứ lởn vởn trong trí tôi, tuy tôi không muốn nghĩ đến. Nếu có phải so sánh Duy và Thành tôi thấy ngay là Thành hơn hẳn Duy. Trong nhiều tháng cùng làm công việc xã hội với Thành, tôi đã biết rõ chí hướng chàng. Những ai quen biết Thành đều cảm mến và biết Thành là hạng người dám hy sinh cả đời chàng cho ý nghĩ cao đẹp mà chàng đã đặt làm mục đích. Nếu không có Duy thì ngày hôm nay khi Thành ngỏ tình với tôi chắc tôi đã được hưởng những phút rạo rực sung sướng hoàn toàn của một người yêu và biết mình được yêu. Nhưng tôi đã gặp Duy vì gia đình tôi dọn nhà đến ở cùng phố với Duy từ mấy tháng nay. Tôi không ưa gì Duy cả, vì Duy clủ là một thanh niên giầu, đàng điếm và ích kỷ. Tôi đã nghe nhiều người nói về cách ăn chơi của Duy; chẳng mấy tối Duy không có mặt ở các tiệm nhảy. Không tò mò nhưng tôi cũng biết cả chuyện cô Lan ở phố trên đã bị bố mẹ gọt tóc, cấm cửa không cho ra đường, vì Lan là nhân tình của Duy và đã bị Duy bỏ. Chỉnh tôi cũng thường bắt gặp Duy đi chơi với nhiều cô khác, thùy mị có, đàng điếm có. Nhưng điều đáng chú ý là cô nào cũng rất đẹp. Tôi càng coi rẻ Duy, nhưng có điều tôi không muốn nghĩ đến là mỗi lần gặp Duy ngồi trên xe với cô nào thì buổi đó về nhà tôi hay gắt gỏng bực tức, và gặp dịp vắng người tôi tự ngắm bóng mình rất kỹ ở trong gương. Tôi vui sướng, hay buồn bã tùy theo khi biết mình đẹp hơn hay xấu hơn cô gái đi với Duy hôm đó. Mỗi lần tình cờ tôi gặp Duy ở ngoài phố bao giờ tôi cũng vội lấy dáng diệu nghiêm trang, hơi có chút kiêu hãnh cố ý để Duy biết tôi khác hẳn các bạn gái của chàng. Nhưng Duy không để ý đến. Đôi khi tình cờ chàng có nhìn thấy tôi, nhưng nét mặt thản nhiên của chàng lúc đó chứng tỏ rằng chàng đã nhìn tôi như nhìn một bức tường, điều đó làm tôi tức, tôi càng cố để lộ hẳn vẻ mặt khinh bỉ mỗi khi gặp Duy. Trong thời gian đó, giá Duy cũng theo tán tỉnh tôi thì tôi đã khinh ghét và xa lánh được chàng. Nhưng Duy đã thản nhiên không chú ý đến cả sự khinh bỉ của tôi đối với chàng. Hồi này các bạn tôi khen tôi đẹp ra nhiều, tôi chỉ cười. Thực ra đó không phải là tự nhiên mà chính là hồi này tôi hay làm dáng, vì nhiều lúc tôi không tin tôi đẹp. Nếu thực tôi đẹp thì một kẻ ăn chơi có tiếng là Duy đã chẳng nhìn tôi như nhìn một bức tường! Tôi luôn luôn nghĩ mình xấu hơn các cô gái bạn Duy. Tôi biết rằng sự so sánh và chú ý về sắc đẹp chỉ làm cho tâm hôn tôi mờ ám, nhưng tôi không cưỡng lại được. Vì biết thế nên dần dần tôi mất cả vẻ tự kiêu. Mỗi khi gặp Duy tôi không còn lộ vẻ khinh bỉ chàng ra mặt được nữa, mà chỉ bối rối tìm cách tránh chàng; nhưng lại hay tò mò muốn biết mặt các bạn gái của Duy để rồi có dịp vắng vẻ lại ngắm mình trong gương xem mình đẹp hay xấu hơn họ.
Một buổi tối đang đi phố, trời bỗng đổ mưa lớn. Tôi phải đứng trú dưới mái hiên một tiệm buôn. Đường phố lúc ấy vắng vẻ, mắt tôi lơ đãng nhìn những đợt nước chảy loang loáng trên mặt đường. Tôi để óc miên man nghĩ đến uổi đi chơi bằng xe đạp cùng với các bạn tôi hôm Chủ nhật vừa qua. Chúng tôi họp mặt nhau ở trước cửa nhà ga và khởi hành vào đúng sáu giờ sáng. Tôi thật không ngờ cái mụn nhỏ ở bắp chân lại làm nổi một cái hạch rất lớn ở trên đùi tôi từ lúc nào. Mới đầu tôi không để ý đến tôi vẫn hát một hành khúc và vui vẻ đạp xe theo các bạn. Nhưng dần dần trời nắng mỗi lúc một cao, cái hạch bên đùi tôi phát tấy lên nhức nhối vô cùng, khiến tôi đạp xe rất khó khăn. Nhưng vì tôi ngượng nên không nói ra cho ai biết. Tôi không hát được nữa, dần dần tiếng hát và đoàn xe bạn bỏ cách tôi một quãng xa mà không ai biết. Nhưng Thành thỉnh thoảng vẫn quay lại nhìn tôi. Rồi xe chàng cũng tách rời khỏi đoàn xe bạn. Thành không ngừng hẳn lại để đợi tôi nhưng chàng đạp rất chậm. Một lúc sau thì xe chàng đã sóng đôi bên xe tôi. Chàng quay hỏi tôi :
- Trinh sao thế?
Thành chỉ hỏi có thế nhưng giọng chàng thân mật êm ái, và ánh mắt chàng có một vẻ âu yếm, chân thành, làm tôi phải cúi mặt xuống người tôi bàng hoàng như say. Không hiểu Thành đã thấy tôi thế nào mà chàng nhảy xuống xe, chạy vội tới giữ lấy tay lái xe tôi, đỡ tôi xuống; rồi bỏ mặc hai chiếc xe nằm bên lề cỏ, chàng dìu tôi tới ngồi dưới gốc cây cổ thụ to ở bên đường. Thành cuống lên hỏi :
- Trinh sao thế, Trinh bị say nắng à?
Tôi chỉ gật đầu, ứa nước mắt. Không biết có phải tôi cảm xúc mạnh vì tình chàng, hay vì một lý do gì nào khác mà tôi không muốn nghĩ đến. Hình ảnh Duy lại hiện ra trong trí tôi đúng vào lúc đó. Thật là bực mình, tôi có muốn Duy len vào tâm tư tôi trong những phút như thế này đâu.
Nhớ tới đây, tôi không muốn phải nghĩ đến Duy nữa. Tôi đưa mắt nhìn xem có chiếc xe nào thì gọi để đi về. Trời vẫn mưa to, phố vẫn vắng. Chợt thấy một chiếc xe hơi xịch đỗ ngay bên lề đường trước chỗ tôi đứng trú mưa. Tôi chưa kip nhận ra đó là xe của Duy thì Duy đã mở cửa xe bước xuống. Coi như trời không có mưa, Duy đi thong thả tới chỗ tôi và đây là lần đầu tiên Duy đã nói với tôi.
- Tôi đang đi về, nếu cô cũng về tiện đường mời cô lên xe tôi.
Tôi hồi hộp lặng thinh mấy phút rồi bất chợt ngửng nhìn chàng. Duy đang châm thuốc lá. Mặt chàng lấm tấm ướt nước mưa, khói thuốc tỏa ra phảng phất trước gương mặt ấy trông có vẻ quyến rũ kỳ lạ. Mắt chàng thản nhiên nhìn ra ngoài trời rồi nói :
- Trời này chắc còn mưa lâu, nào mời cô lên xe.
Vừa nói Duy vừa khoác lên người tôi chiếc áo mưa mà bây giờ tôi mới nhận ra là từ lúc xuống xe Duy vẫn khoác ở cánh tay. Từ áo mưa của chàng tỏa ra hơi thuốc lá lẫn với mùi vải nhựa. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi đã khoác lên người một chiếc áo của người đàn ông lạ. Tất cả cảm giác của tôi mở rộng, nhưng ngây ngất không đón nhận được điều gì rõ rệt. Tôi chưa hết bàng hoàng thì Duy kéo nốt chiếc mũ đính liền với áo trùm lên đầu tôi và nói :
- Nào ta đi.
Nói xong Duy bước đi trước. Tôi như một cái máy bước theo chàng. Vì đi sau nên tôi được tự do nhìn chàng. Chàng có một vẻ phong lưu làm tôi chú ý. Lúc ra tới xe, Duy mở cửa mời tôi lên rồi chàng ngồi trước tay lái. Khi xe bắt đầu chạy tôi không thể không nhìn chàng. Sau làn khói thuốc, mặt chàng ướt nước mưa nhiều hơn lúc trước. Tôi bỗng mở ví lấy chiếc “mùi soa” của tôi đưa cho Duy và nói :
- Ông lau mặt đi.
Duy không nhìn tôi chỉ mỉm cười và cầm lấy chiếc “mùi soa” trên tay tôi. Khi nhìn Duy lau mặt chàng bằng “mùi xoa” của tôi, tôi rạo rực cả người, tôi có cảm giác như Duy đang đặt má chàng lên má tôi. Vì tâm trạng tôi thế nên tôi không biết là Duy đã đưa tôi đi qua rất nhiều đường khác, chứ không phải đường về nhà. Bỗng Duy ngừng xe, lên tiếng nói :
- Cô trông xem, cảnh sông sau khi mưa đẹp lạ.
Tôi ngửng nhìn, thì ra chúng tôi đang ở bên bờ sông. Trời sau cơn mưa trông quang đãng và mát mẻ. Mặt trời yếu ớt chiếu ra ánh sáng đỏ nhạt in xuống mặt nước sông đục lờ lờ bị những làn sóng xô đẩy tan ra làm nhiều mảnh nhỏ. Tôi lẩm bẩm :
- Đẹp thực!
Duy nói :
- Tôi thích cảnh trời sau khi mưa vì cảnh sắc trở nên mới lạ.
Câu nói của Duy làm tôi nhớ tới chàng luôn luôn có bạn gái mới và cách sống không có lý tưởng của chàng. Tôi mỉa mai bảo Duy :
- Phải ai cũng biết là ông ưa mới.
- Cô nói sao?
Tôi như say nói và giọng tôi có vẻ hằn học :
- Thí dụ như cô Lan và các cô bạn mới của ông. Ông cũng là người mà không biết trọng tâm tình con người. Ưa mới đến nỗi giày séo cả lên tâm tình cũ.
Duy cười to, giọng cười của chàng làm tôi cáu.
- Ông không xứng đáng là thanh niên Việt Nam.
- Cô đạo đức quá. Chắc cái ông nào bạn cô vẫn đi chiếc xe đạp “cuốc” tới thăm cô hẳn là xứng dáng.
Thì ra Duy vẫn chú ý đến tôi. Điều đó làm lòng tự ái của tôi được thỏa mãn bất ngờ nên tôi rất vui sướng. Nhưng Duy vừa nhắc đến Thành, làm tôi lại nhớ tới Thành với lòng yêu kính có pha nỗi thắc mắc. Tôi nhớ đến giọng nói êm ái và ánh mắt say đắm của Thành đã nhìn tôi hôm đi chơi vừa rồi. Tôi
nhớ đến vẻ mặt dắn dỏi và giọng nói hoạt bát của Thành trong những buổi hội họp với các bạn. Tôi lại nghĩ tới cách sống ích kỷ, chơi bời của Duy lại thấy ghét Duy.
- Phải chính thế, giá ông chỉ cần được một phần như tính của ông ấy.
Duy phá lên cười, giọng chế nhạo :
- Tôi cần được giống một phần tính ông ấy, nhưng cô quên chưa bảo ông ấy có cần giống một phần nào tính của tôi không? Nếu được thế, theo ý cô hẳn là cả tôi và ông ấy sẽ thành hai người hoàn toàn nhất.
Thật là quả quắt! Duy dám nói như thế với tôi. Trước kia tôi nghĩ nếu Duy tán tỉnh tôi chắc tôi sẽ khinh ghét chàng. Nhưng tôi không ngờ đến Duy lại nói những câu vừa rồi, tôi cho là có ý khinh nhạo tôi. Tôi tức đến ứa nước mắt, tôi cố nén nghẹn ngào bảo chàng :
- Ông cho tôi xuống đây để về. Trời tạnh rồi khỏi phiền ông nữa.
Vừa nói tôi vừa mở cửa xe lấy, và bước vội xuống, Duy không cản tôi chàng hỏi :
- Cô giận tôi à?
Tôi chẳng thèm đáp. Lúc đó tôi giận chàng thật. Về sau, khi bình tĩnh trở lại tôi chỉ thấy tự giận mình. Hôm đó là lần đầu tiên tôi nói chuyện với Duy. Tại sao tôi dám nói đến chuyện tư của chàng dù là tốt hay xấu. Sao tôi dám chê trách chàng. Vậy mà tôi đã dùng lời gay gắt và giọng hằn học trách Duy. Càng nghĩ tôi càng xấu hổ. Dù chỉ có mình tôi mà tôi cũng đỏ cả mặt.
Từ hôm đó trở đi, mỗi khi gặp mặt, tôi và Duy đã bắt đầu chào nhau, và đến bây giờ thì tôi đã nhiều lần ngồi cùng xe hơi với chàng để chàng đưa đi chơi. Tâm trạng tôi lúc ngồi bên chàng ở trên xe chàng thật là phức tạp. Tôi luôn luôn nhớ tới các cô gái khác đã ngồi chỗ tôi đang ngồi. Tôi nhớ đến lòng thương hại và khinh bỉ của tôi với các bạn gái của Duy. Giờ thì tôi cũng cảm thấy khinh tôi. Tôi không dám nhìn mặt những người qua đường. Mỗi khi gặp ai dù quen hay lạ người tôi cũng phừng phực như bốc lửa. Tôi chỉ được yên lòng khi nào chúng tôi đã ra ngoài thành phố, quanh mình chúng tôi chỉ có đồng ruộng bát ngát và một vài người nhà quê qua lại nhìn chúng tôi với ánh mắt có ẩn một chút tò mò thèm muốn. Tôi không còn phải cúi mặt tránh những tia mắt của họ, thực ra tôi còn có vẻ kiêu hãnh với họ là khác.
Trong câu chuyện tôi nói với Duy, luôn luôn tôi tỏ cho chàng biết tôi là một người con gái đã giác ngộ. Tôi đem chuyện xã hội ra nói với chàng và chê cách sống của chàng. Nhiều lúc hình như chàng phải cố nén đợi cho tôi nói dứt chuyện nhưng cũng có khi chàng ngắt lời tôi :
- Thôi đi, cứ giọng đó mãi!
Rồi chàng đem chuyện ciné, chuyện các nhà nhảy, các bè bạn của chàng ra nói. Tôi sợ khi thấy tôi đã bị quyến rũ vào trong câu chuyện của chàng vì tôi thích nghe và thích biết những điều chàng kể. Nhưng dù sao thì Duy vẫn chưa hề nói với tôi một lời yêu đương nào cả. Và tôi cũng cho là tôi không thể yêu được người như Duy. Những lúc đó tôi hay nghĩ đến Thành với lòng tin cẩn và kính yêu.
° ° °
Tôi cứ nghĩ những ý nghĩ riêng biệt của tôi, và vẫn đi song đôi bên Thành không biết là lần thứ mấy trên con đường vắng này. Thành vẫn nói với tôi những lời yêu đương chân thật phát ra từ tim chàng rào rạt và bất tận như một giòng suối. Chắc thấy tôi vẫn không đáp, chàng bỗng ngừng lại như dò xét. Giây phút im lặng đó làm tôi hồi hộp chờ đợi, chờ đợi gì chính tôi cũng không biết. Tiếng Thành lại cất lên giọng khác hẳn :
- Sao em có...
Tôi ngắt lời chàng vội vàng :
- Không, không, anh đừng nói, em cũng yêu anh, nhưng em thật... không xứng với anh.
Tôi nghe lời nói của tôi xa xôi như ai ở đâu nói hộ tôi - vì nói xong tôi tự thấy giọng tôi là lạ và tôi thực không biết rằng có phải tôi không thành thực khi tôi nói với Thành câu đó không. Nhưng Thành thì không nghĩ gì khác, chắc chàng vui sướng lắm! Chàng ghì chặt lấy cánh tay tôi, ghìm tôi đứng dừng lại rồi đắm đuối nhìn vào mắt tôi. Tôi hơi cúi mặt xuống để tránh ánh mắt chàng. Khi mấy ngón tay chàng nhẹ nâng cầm tôi lên để tìm mắt tôi thì nước mắt tôi đã trào ra. Thành như chợt hiểu điều gì, chàng khoác tay tôi, chúng tôi lại bước đều đều bên nhau, chàng lại nói giọng sốt sắng :
- Em nên quên đi, đừng buồn nữa, anh có thể tha thứ cho em, anh đã hiểu cả, vì chính anh đã mấy lần trông thấy em từ trên xe hắn bước xuống, (giọng Thành bỗng trở nên hằn học). Và em biết không? Anh phải nén lắm mới không chạy lại đấm cho hắn mấy cái. Thật là đồ hèn hạ ỷ vào đồng tiền quên cả bổn phận con người, và còn chiếm đoạt những người đẹp... Anh biết cả và vì thế nên anh mới ngỏ lời với em hôm nay, chứ trước kia anh tin chúng mình đã là... của nhau rồi, nên không cần phải nói vội.
Thành đã hiểu lầm tôi, tôi khóc không phải hối hận vì đã làm điều gì lầm lỗi. Ví dụ tôi có yêu Thành thì cũng chưa đến nỗi phải để Thành tha thứ cho tôi. Nhưng tôi khóc chỉ vì tôi biết khó mà có thể yêu Thành được như tôi muốn, tuy tôi rất “yêu” chàng, nhưng tình yêu quá trong sạch và bằng phẳng không gây cho tôi một xúc động mạnh, một say mê, quyến rũ như khi tôi ở bên Duy, mặc dầu tôi vẫn cho là tôi “ghét” Duy.
Bỗng có ánh đèn xe hơi từ phía sau chúng tôi và một chiếc xe hơi giống như xe của Duy lướt qua. Tôi không trông rõ số xe nên không biết có đúng là xe của Duy không. Nhưng tôi lại trông rõ hai người ngồi trên xe, một người đàn bà đang âu yếm ngả đầu lên vai người đàn ông ngồi lái xe mà tôi ngờ là Duy. Tim tôi như ngừng đập, chân tay tôi lạnh ngắt, người tôi mềm ra, tôi không còn cất chân nổi. Tôi ngừng lại và gục đầu lên vai Thành khóc nức nở Thành rút “mùi soa” của chàng ra lau nước mắt cho tôi. Mùi nước hoa ở “mùi soa” Thành làm tôi nhớ tới mùi nước hoa đắt tiền từ ở người Duy, càng làm tôi nhớ những phút ngồi bên Duy. Hình ảnh người đàn bà ngả đầu trên vai người đàn ông ở trên xe vừa rồi làm tôi càng nức nở thêm, chắc Thành đoán là tôi ân hận và cảm động vì đã được chàng tha thứ nên an ủi :
- Thôi em, chúng ta cùng quên tất cả những gì đã qua, em đừng buồn.
Tôi cả quyết :
- Không, không anh đừng yêu em nữa anh đừng yêu em. Em thật không xứng đáng với anh, không xứng đáng để anh yêu.
Và tôi đòi Thành đưa tôi về ngay. Thành cho là tôi cảm xúc mạnh nên không nói gì nữa. Trên đường về thỉnh thoảng chàng chỉ vỗ nhè nhẹ trên lưng tôi.
Suốt đêm đó tôi vừa khóc vừa viết cho Thành bức thư dài hai trang giấy khổ rộng. Tôi không nhớ hết là tôi đã viết những gì cho Thành, vì tôi không đọc lại. Tôi chỉ nhớ rõ có câu tôi nhắc đi nhắc lại trong thư để bảo Thành là tôi không xứng đáng được chàng yêu. Tôi khuyên chàng đừng yêu tôi, và chàng không nên vướng vào chuyện yêu đương v.v...
Sáng hôm sau tôi sai em tôi đưa lại cho Thành bức thư đó. Cách ba hôm sau Thành trở lại nhà tôi, lúc đó vào quãng hơn hai giờ chiều mùa hạ, nền trời có mây xanh ngắt và ánh nắng chảy mênh mông khắp nơi. Từng cơn gió rất nhẹ, dịu dịu thổi, lá trên các ngọn cây khẽ lay động, tiếng xe cộ vút qua, tiếng hàng quà rong, tiếng quét sân và tiếng dội nước ào ào ở nhà nào đấy, nổi lên xa vắng và tan đi rất nhanh chóng vào trong không khí yên lặng. Đúng lúc đó thì Thành đạp xe đỗ trước cửa nhà tôi. Chàng dựa xe vào gốc cây trước cửa, nhanh nhẹn bước vào nhà. Chàng mặc một chiếc áo tay cộc có gạch ngang trông rất khỏe mạnh. Chàng nói chuyện với ba tôi và em tôi, giọng hết sức tự nhiên đến nỗi tôi phải khổ sở cho là chàng đã quên tôi rồi. Trước khi về nhân một lúc vắng chỉ có mình tôi và Thành, chàng dúi vào tay tôi một tấm danh thiếp và nhìn rất sâu vào mắt tôi. Mặt sau tấm danh thiếp của chàng có ghi những hàng chữ, mà mãi đến bây giờ tôi vẫn nhớ cả từ nét từ hàng:
Trịnh, không bao giờ anh còn nhắc đến yêu đương nữa.
Đành vậy!
Từ nay Trinh có thể coi tôi như một người bạn rất tốt suốt đời không bao giờ quên Trinh.
Đấy là lần cuối cùng tôi gặp Thành, vì sau đó ít lâu có lần tôi đến tìm chàng, chàng đã bị Nhật bắt.
Bữa Cơm Trưa
Cánh cửa hé mở lộ ra khung trời bên ngoài . Vào mùa này mặt trời lên muộn . Đã gần sáu giờ sáng rồi mà mây vẫn xẫm không khí mới mờ mờ, trắng đục mầu sữa loãng . Hơi sương quện theo trong gió lùa qua cửa sổ, pha vào ngươi bà Mùi , làm ớn lạnh hai bả vai , chạy dài suốt sống lưng .
Bà rùng mình , kéo vội chiếc chăn lên đắp kín người . Suốt cả đêm , bà trằn trọc , ngủ không đầy giấc. Có mệt lắm chỉ chớp đi được một lát , rồi lại thức chong mắt ra . Tới bây giờ trời đã bắt đầu vào ngày thì suốt người bải hoải , đau nhức từng khớp xương, cứ như kẻ bị đánh đòn thù ấỵ
Bà thầm nghĩ "Thì ra tinh thần và thể chất liên hệ mật thiết thật" . Câu chuyện xẩy ra từ bữa cơm trưa hôm qua , nó còn "hành" bà tới giờ . Bà nghĩ đến con gái lớn của bà , cô Bích đang còn ngủ với chồng con ở căn gác ngoài .
" Không biết đêm qua nó có ngủ được không , có còn " đau đớn " vì thấy mẹ bị chồng "khinh miệt " không ? " Lúc xẩy ra câu chuyện vào bữa cơm trưa , ăn xong , bà buông đũa lên ngay đây nằm khóc thầm . Hình như con gái bà nói gì với chồng nó ở phòng ngoài . Cô Bích cố sức nói nhỏ giọng như sợ bà nghe .
Nhưng thằng chồng nó chốc chốc lại lớn tiếng " tôi xử đến vậy thôi chứ , bộ muốn tôi phải lậy nữa hả … " Yên lặng một lát , nhưng bà biết trong phút giây yên lặng đó cô Bích vẫn cằn nhằn chồng vì tiếng thằng Sâm con rể bà lại cất lên " Bảo bà ấy ở đây một mình đi , nếu có phải " cung phụng " thì tôi cũng chỉ " cung phụng " bà ấy thôi , chứ bắt tôi phải nuôi " lũ kia " thì không khi nào ".
Nghĩ tới đây bà lại ứa nước mắt . Lũ kia là con người chồng sau của bà . Thằng Ái và con Ly . Chúng là em khác cha với cô Bích . Hồi Bích mới ba tuổi đã mồ côi bố , bà tái giá và sinh thêm hai đứa này đây . Chúng nó đang nằm kia , trên mảnh chiếu trải lên sàn gỗ của căn gác nhỏ , cất thêm trên mé nhà bếp . Từ một năm nay , cha chúng nó mất , bà buôn bán thua lỗ , nên phải về ở với con gái lớn và con rể .
Mấy tháng đầu còn " dễ thở " ! Lần lần mỗi ngày một chuyện, nay thì không khí trong nhà đặc quánh lại rồi ! Mỗi ngày một chút , những chuyện gì ở đâu , cứ bất ngờ xẩy ra thật ngột ngạt hết sức . Bà đã cố gắng nhẫn nhục , trong khi con rể bà cố tình gây . Thằng Ái và con Ly luôn luôn là " đề tài " của mọi chuyện . Bà có mình Ái là con trai nên rất thương yêu . Thấy Ái và Ly bị hất hủi bà lại càng xót đem hết tình thương để bảo bọc cho hai đứa . Ái mới có mười lăm tuổi , nhưng người cao tồng ngồng . Chân tay dài quá khổ . Đã nhiều lần bà xót xa khi bắt chợt Sâm " lườm lườm " nhìn Ái , lẩm bẩm nói : " Bất thành nhân dạng , thứ này chỉ sớm thành du đãng chứ gì " . Bà không hiểu sao rể bà lại ghét thằng Ái đến thế . Hình như cái vóc người cao " lêu nghêu " của nó mỗi khi ra vào làm vướng ca gian nhà này . Chắc Ái cũng cảm thấy thế , nên nó ít dám xuống nhà , cả ngày cứ ngồi thu mình trên căn gác "xê'p " , hoặc lỉnh ra phố , có hôm nó vê` vào lúc cả nhà đang ăn cơm , bà đã thoáng thấy nó , nhưng nó không dám vào ngay . Đôi lúc ăn xong , anh chị nó đi ngủ trưa ,mới len lẻn về , xúc chén cơm chan nước mắm lên gác ngồi ăn . Bà trông mà ứa nước mắt nhưng chả biết làm sao !
Bà cũng biết cô Bích vì bênh vực bà mà hàng ngày vẫn ngấm ngầm gây gổ với chồng . Từ ngày bà về đây , gia đình này cũng mất cả nếp sống bình thường , mọi th*' , mọi chuyện , đều thay đổi . Trước kia cô Bích vẫn mua gạo " nàng hương " cho chồng con ăn . Giờ phải đổi ăn thứ gạo Mỹ hạt tròn cho đỡ tốn . Cả thức ăn nữa chứ , mọi thư mọi giảm . Phần tại lúc này quá đắt đỏ , phần nhà đông miệng ăn , cô Bích cố sức tằn tiện . Tô canh nho nhỏ ngọt chất thịt , trước kia cô vẫn nấu cho chồng con ăn , nay thành tô canh rau lớn , những đĩa sào thơm ngút , không còn được "trình diễn " thường xuyên trên bàn ăn nữa , mà chỉ còn là đĩa đồ khô cho mặn miệng . Cốt sao cả nhà ăn cho no bụng , qua bữa là được . Bà Mùi cũng không mong gì hơn thế . Nhưng khổ nỗi không khí trong nhà các bữa ăn cứ nặng chịch . Như vừa mới trưa hôm qua , cả nhà đã ngồi quanh bàn ăn , cơm đã sơi ra bát rồi , mà rể bà cứ cố tình đi ra đi vào , rót chén nước ,rửa cái tay . Cô Bích có vẻ tức cất tiếng giục thì chồng cô nói " Ai muốn ăn trước thì ăn đi , việc gì phải đợi " . Thế nhưng lúc con Ly mới cầm đữa gắp miếng dậu rán , bà Mùi chưa kịp đưa mắt cản thì nó đã bỏ vào mồm . Vừa đúng lúc Sâm ra tới , Sâm nói trống không : " Cứ như đồ mất dạy " . Con Ly biết Sâm nói nó , đã mười hai tuổi rồi nên cũng biết tủi thân , nó cúi gầm mă.t xuống chén cơm , mắt rưng rưng , miệng nó ngậm miếng đậu , nhai chệu chạo . Bà Mùi thắt cả ruột lại , ngây dại như kẻ mất hồn . Cô Bích cất tiếng cố gắng làm ra vẻ bình thường để xóa không khí căng thẳng .
- "Cụ " ăn cơm đi chứ , hôm nay chị Ba "trổ tài" nấu món cà bung , cụ thử coi có ngon không ?
Bà Mùi gượng cười :
- Ừ … thì … cứ ăn đi , hôm nay ta chóng mặt quá , nó làm như muốn cảm .
Chị Ba " người làm " biết bà Mùi buồn , cầm bát cơm dặt hẳn vào tay bà Mùi :
- Bà ăn đi mà , con mới học bà Kim nấu cà bung lối Bắc đấy .
Cô Bích lại tiếp giọng có vẻ van lơn :
- Mẹ ăn đi , hay nếu mẹ mệt để con bảo nấu cháo mẹ húp cho khỏe .
Bà Mùi bắt chợt ánh mắt của cô Bích nhìn bà , nửa thương xót ,nửa an ủi , làm bà suýt bật khóc . bà cầm vội bát cơm cười cười :
- Nào thì ăn , nấu cháo .. làm gì …
Giọng bà nghẹn lại , bà cầm đũa đưa mấy hạt cơm lên miệng cố nuốt cho trôi tủi cực .
Trong khi đó Sâm ngồi ăn như không cần biết có sự hiện diện của mẹ vợ , không cất được một tiếng mời , thản nhiên nói với bé Ánh :
- Con chan canh không ? Đưa bố chan ăn cho mau nào .
Không khí trong bữa cơm dù nặng nề đến đâu rồi cũng phải qua . Sau đấy bà lên nằm vùi trên này , lấy cớ là "ốm" bỏ bữa cơm chiều không xuống . Thằng Ái và con Ly cũng ở luôn với bà . Chiều tối cô Bích đem lên cho mẹ và các em mấy miếng bánh mì chả . Cô bùi ngùi bảo mẹ :
- Hay … mẹ tìm chỗ cho các em … ở đỡ đâu ít ngày . Để con "tính " với Sâm … cho ngã ngũ ra . Con thật hết chịu được rồi … Muốn ra sao thì ra chứ .
Bà cố khuyên con gái :
- Thôi con , một đời người rồi cũng qua đi mau lắm . Con cố gắng chịu đựng cho con con nó hưởng . Con đừng trách chồng con , cũng tại mẹ tới đây làm sáo trộn …
Cô Bích chậm nước mắt :
- Gì thì chứ , con có một mẹ mà anh ấy xử như vậy , đâu con có chịu . Mẹ còn nhớ hôm tuần trước cái vụ con chó con đấy không ? Mỗi ngày mỗi gây , mình có muốn nhịn cũng không được mà …
Bà Mùi ậm ừ … bà quên sao được cái chuyện ấy chứ . Hình như Sâm cố tình gây không cho mẹ con bà ở thêm ngày nào nữa .
Một hôm Sâm đi xin đâu được con chó con mới sinh . Suốt đêm suốt ngày con chó kêu ăng ẳng " làm xấu " vung vít đầy nhà . Mẹ con cô Bích cố nhịn , được hai ngày , hết chịu nổi cô Bích bảo chồng :
- Anh đem con chó về nuôi làm gì , nhà đã chật , lại có mình chị Ba dọn dẹp sao cho hết việc …
Sâm quắc mắt ,ngắt lời vợ :
- A … à , nhà chật hả , nuôi một con chó không có chổ hả …
Sâm tiếp cười khan :
- Thế mà tôi tưởng nuôi đến ba bốn con cũng còn được cơ đấy …
Biết chồng ám chỉ mẹ và em mình , cô Bích nổi giận . Bất chợt , cầm tách nước đang uống dở ném vào Sâm , không kể phải trái , cô hét lên :
- Đồ khốn , ăn nói đểu cáng thế mà nghe được à ! Tôi nói cho mà biết dù tôi có nuôi mẹ tôi đi nữa , cũng không ai có quyền nói tôi . Đã " ai " nuôi tôi ngày nào đâu . Hay lại chính tôi phải làm nuôi " báo cô " bao nhiêu năm rồi . Giờ có phải anh "ghen " ăn với mẹ tôi không , thì anh nói trắng ra đi !
Bốp … Bốp … Hai cái tát như trời giáng vào mặt . Cô Bích sợ mẹ chạy xuống trông thấy lại khổ cho mẹ . Cô cắn răng nhịn , một vệt máu rỉ ra bên khóe môi cô .
Sâm buông vợ vào túm lấy con chó thẳng tay đập , con chó trược còn kêu ăng ẳng , sau lịm dần . Con Ánh còn nhỏ quá , mới sáu tuổi đầu , phải chứng kiến chuyện này nó đứng chết run ở kẹt cửa , không khóc nổi … , mắt mở lớn nhìn bố đánh con chó . Trên căn gác xếp , thằng Ái và con Ly đang quýnh lên lay bà Mùi . " Mẹ ơi … Mẹ … Mẹ ơi …." Bà Mùi từ từ mở mắt nhìn hai con ứa nước mắt . " Mẹ không sao đâu đừng sợ " .
Nghĩ đến đây bà Mùi thở dài nói nho nhỏ :
- Người thương người phải xa nhau cũng khổ . Mà người ghét người , phải ở với nhau lại càng khổ hơn .
NGUYỄN THỊ VINH
(Đầu thu 1973)
1. THƠ NGUYỄN THỊ VINH
THẮP HƯƠNG
Nén hương, gửi người đi tù*
Rồi không về nữa, khói mù mắt cay,
Thắp lên xin chắp hai tay
Cầu cho người ở đời này sống yên
Nén hương, gửi người đi thuyền*
Rồi không về nữa, khói huyền sóng lay,
Thắp lên xin chắp hai tay
Cầu cho hồn thoát cõi này khổ đau…
* Tù chính trị / * Thuyền nhân Tỵ nạn. / Trích “Cõi Tạm / Nguyễn Thị Vinh. / NXB Anh Em / Na Uy Oslo 2001.
HÀ NỘI TRONG TÔI
… Hà Nội trong tôi sáng nay
Quê người sắc trắng tuyết bay ngoài trời
Lòng riêng tưởng hoa Sữa rơi
Tuổi già nhớ Mẹ như thời trẻ thơ…
Hà Nội trong tôi bây giờ
Thực mà vẫn ảo là mơ thật rồi…
Trích “Cõi Tạm / Nguyễn Thị Vinh.
NXB Anh Em / Na Uy Oslo 2001.
NHỮNG MÁI CHÙA XƯA
1.
Xưa tôi đi lễ chùa
chỉ cầu xin ông Bụt
thóc gạo đừng mất mùa
cho làng Giẽ khỏi đói
Bà tôi gần bẩy chục
nhanh nhẹn bước chân chim
quanh năm lo lễ bái
giờ biết đâu mà tìm ?
Chỉ còn trong trí tưởng
những mái cong chùa xưa
ngọc xanh mầu rêu biếc
cánh sen hương Đại Thừa
Sao quên được chùa Láng
hội về đông thật đông
nghe Kinh mười phương Phật
mắt người nào cũng sáng
Xưa thầy Từ Đạo Hạnh
đời Lý tu ở đây
dân làng rước kiệu Thánh
hương hoa trùng trùng vây
Bừng ánh pháo thăng thiên
đánh đu và đánh vật
ngay trước cổng chùa Thiền
cũng là tên chùa Láng
Bà mẹ ngài Đạo Hạnh
được thờ nơi chùa Hoa
rước kiệu Thánh sang đó
Tôn kính bậc mẹ cha :
Nhà sư đã thành Phật
vẫn nhớ công sinh ra
người mình như thế đó
đạo cả tìm đâu xa ?
Cái sập vuông bằng đá
giữa sân chùa còn không ?
dù không cũng vẫn nhớ
nơi tôi học vỡ lòng
bài đầu tiên bà dậy :
"Đời sắc sắc không không"
Đứng ở trên lầu chuông
tôi nhìn qua gác Khánh
lắng nghe tiếng khánh chuông
chen nhau lời xao xuyến
Trên tường tranh Thập Điện
kể vẽ cảnh Diêm Vương
nhìn kẻ ác chịu tội
sao tôi vẫn thấy thương
2.
Leo lên đồi đá ong
tôi vào lễ chùa Mía
nổi tiếng tỉnh Hà Đông
lạy tượng bà thị Kính
ẵm đứa bé kháu khỉnh
nỗi oan vương mắt hiền
nhìn tôi như muốn noí :
Ngày nào con lớn lên
sẽ hiểu lời Phật dạy,
kẻ ác, cũng yêu thương !
Nhưng quê nhà đói khổ
làm sao lòng được yên
3.
Tôi đi lễ chùa Sen
ở ngoại ô Hà Nội
trong giữa rừng mai trắng
tháp mười từng nổi lên
hình sáu cạnh đều đặn
dấu hiệu Lục Hòa Tăng
lòng mở ra sáu cõi
giúp đời từ miếng ăn
Ba hàng chín ngôi tháp
giữa mang tên Cứu Sinh
cuộc sống này phải cứu
không được phép làm thinh
Tự nhủ tôi phải cứu
lấy chính cuộc đời mình
dửng dưng trước tội ác
là một cách sát sinh
4.
Nhớ về chùa Trăm Gian
mỏi rời chân bà cháu
vẫn tíu tít hỏi han
Bà ơi bà nhà Phật
ai ở hết trăm gian ?
Bà tôi cười bằng mắt
"Cha bố mày cháu ngoan
nứt mắt đã rắn mắt
sau đời khó bình an !"
Lầu trống xưa vang dội
động tới vầng trăng lay
chắc giờ đây bụi bám
mặt trống trở nên dầy
như mặt người không mỏng
tiếng NÓI THẬT tắt ngay
Bà ơi giờ cháu biết
nằm đất với ăn chay
khó đâu phải là dễ
nhưng chẳng bằng nói ngay
Nói thật và nói hết
kẻ nào đã thẳng tay
người Việt giết người Việt
kẻ nào tim đã liệt
hết rung động tình người
mang hồn Nga da Việt
ôi cách mạng tháng mười !
Trăm gian chùa còn đó
bọc trứng người nay đâu
tình đông bào ruột thịt
mỗi quả một trái sầu
thảm thay trăm quả trứng
trong bọc bà Âu Cơ
giờ đây trứng chọi trứng
máu loang đỏ sắc cờ
Ý nghĩa chùa Trăm Gian
gìa đầu tôi mới hiểu
mỗi gian một người con
trăm họ Việt cùng ở
5.
Ôi cánh rừng mơ chín
làm thơm cảnh chùa Hương
gây cho tôi mùi nhớ
động Thuyết Kinh vô thường
Giải Oan một giòng biếc
suối chảy ngược về trời
nước mắt lại rơi xuống
hiểu ra Đạo cứu Đời
Chim còn biết gõ mõ
Cá cũng biết nghe Kinh
người phải hơn thế chứ
sống với nhau chí tình
Đường lên trời ai biết
dắt nhau qua tử sinh
hãy hiểu ý câu kệ
đừng làm mất nghĩa Kinh
Dù ngàn pho Kinh lớn
cũng chỉ một Nụ Cười
Hoa Sen và Ca Diếp
tuy hai mà một thôi
Hương còn thơm chùa cũ
mong lại qua rừng mơ
thả lá vàng xuống suối
làm chiếc thuyền chở thơ
Nguyễn Thị Vinh
Tham khảo thêm về tác giả Nguyễn Thị Vinh
Nguyễn Thị Vinh
60 Năm (1940-2010) Văn Học
Nhân ngày “Nguyễn Thị Vinh, 60 Năm Văn Học, 1940-2010” do nhiều Bạn Đọc và Bạn Thơ Văn, của Tạp Chí Văn Nghệ Hương Xa, tổ chức tại Hoa Kỳ, Pháp và Na Uy … nhà xuất bản Tủ Sách Văn Nghệ Sài Gòn Nghĩa Thư cho tái bản lần thứ 9 truyện dài Thương Yêu của Nguyễn Thị Vinh. Tác phẩm đầu tay này, được nhà xuất bản Phượng Giang của nhà văn Nhất Linh, in năm 1955 tại Sài Gòn.
Bản thảo Thương Yêu, viết tại Hương Cảng, Cửu Long, đảo Trường Châu năm 1948, lần tỵ nạn chính trị thứ nhất, năm mà tác giả mới 24 tuổi, đã viết xong tác phẩm Thương Yêu và Hai Chị Em năm 1950.
Việc làm thơ, viết văn của Nguyễn Thị Vinh, đúng ra khởi từ những năm 1939-1940, tại Hà Nội, như bài thơ Nông Phu, ở trang 173 trong truyện dài Thương Yêu.
Nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam lần đầu xem qua bản thảo Thương Yêu, tại Hương Cảng, đã nói :
“Đây là một tác phẩm văn chương”. Trong khi trước đấy, Nguyễn Thị Vinh vẫn đinh ninh : “Đó chỉ là những giòng tâm cảm, viết về tuổi thơ, cùng những người thân yêu, để bớt nhớ quê nhà Hà Nội, Hà Đông …” lúc sống xa đất nước.
Nguyễn Thị Vinh sinh ngày 15/07/1924 tại 41 Phố Bờ Hồ Hà Nội ; gốc quê Nội của bà tại làng Thịnh Đức Thượng, tức Làng Giẽ, phủ Thường Tín, huyện Phú Xuyên, thôn Thịnh Đức Hạ, tỉnh Hà Đông, Băc Việt Nam ; gốc quê Ngoại tại làng Vân Hoàng, tức Làng Chản, cùng tỉnh với quê Nội. Hai ông bà thân sinh mất sớm, năm Nguyễn Thị Vinh lên 8. Bốn anh chị em bà, mà người anh cả mới 15 tuổi, đang từ con cái một gia đình khá giả, bỗng chốc trở nên mồ côi cha mẹ, nghèo khổ. Truyện dài Thương Yêu đã cho bạn đọc thấy bốn anh chị em của tác giả đã sống như thế nào để vượt qua bao khó khăn. Theo bà : “Chỉ nhờ vào tình thương yêu nhau”.
Năm 1955, khi bản thảo Thương Yêu xuất bản lần đầu tại Sài Gòn, đã được tiểu thuyết hoá, bên cạnh những nhân vật có thật ngoài đời, còn thêm vài nhân vật tiểu thuyết ; nhưng tất cả vẫn xoay quanh chủ đề : “Tình thương yêu tạo nên sức mạnh”. Tác phẩm nhanh chóng được độc giả, thập niên [19] 50- 60 ở miền Nam, sôi nổi đón nhận.
Nhà báo Hy Hoàng, nhật báo Tự Do ở Sài Gòn trước năm 1975, đã viết : ” … Bằng một tấm lòng yêu thương thành thực, bằng những ý nghĩ chân thành, bà đã ghi lại một cách nghệ thuật những gì đã xảy ra trong cuộc sống …
Nhà báo Nguyễn Đang của tạp chí Sáng Tạo ghi nhận :
“Nguyễn Thị Vinh đã diễn tả với tâm hồn của một người mẹ, một người chị. Giọng văn đôn hậu, nhiều tình cảm. Những tình cảm tốt của con người tốt”.
Tình cảm tốt của con người là tha thứ, hoặc quên đi, cho con người lỡ có tật xấu và tha thứ không phải là dung thứ, được Nguyễn Thị Vinh thể hiện tràn đầy, qua các nhân vật, trong những tác phẩm của bà : Thương Yêu, Hai Chị Em, Men Chiều, Xóm Nghèo, Thung Lũng Chân Mây, Cô Mai, Vết Chàm, Nổi Sóng, Na Uy và Tôi, Cỏ Bồng Lìa Gốc … và Thơ Nguyễn Thị Vinh. Tác giả còn nhiều bản thảo chưa in vì trong 60 năm cầm bút, các hoạt động chính trị, báo chí, xuất bản đã chiếm mất nhiều thời gian của bà. Nguyễn Thị Vinh từng phụ giúp nhà văn Nhất Linh trong việc điều hành Giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay và nhà xuất bản Phượng Giang. Bà cũng làm chủ bút của hai tờ tạp chí văn nghệ Tân Phong và Đông Phương, cũng như chủ trương nhà xuất bản Đông Phương, Anh Em và tạp chí văn nghệ Hương Xa. Người đọc thấy trong truyện dài Thương Yêu một đoạn đối thoại, sau đây :
- À, nhưng sau này Khánh thích trở nên thi sĩ, văn sĩ hay chính trị gia ?
Khánh ngẫm nghĩ rồi trả lời Bảng :
- Em thích tất cả”.
Con người “chính trị gia”, trong Nguyễn Thị Vinh, chỉ là con người của Văn Hoá Chính Trị, không phải Đảng Phái Chính Trị ; bày tỏ rõ nét nhất trong các tác phẩm văn chương, thi ca của Nguyễn Thị Vinh : Lên tiếng bênh vực người nghèo, chống mọi bất công xã hội và sự độc tài.
Chỉ kể từ 1945, năm Nguyễn Thị Vinh 21 tuổi, tới 1975, tác giả 51 tuổi, biết bao nhiêu đổi thay đã làm thay đổi đất nước, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống riêng của nhà văn, từ tinh thần đến vật chất.
Hết chạy ăn lại đến chạy loạn, chạy cả thù trong lẫn giặc ngoài ; sau năm 1975 còn phải chạy giặc đói và giặc ác.
Các tác phẩm của Nguyễn Thị Vinh được đánh giá cao :
“Bà là người đã có một nghệ thuật viết tiểu thuyết khả dĩ nâng cao nữ giới lên ngang hàng với các tiểu thuyết gia có giá trị của nam giới … Bà là một nghệ sĩ thuần tuý”.
An Tùng, báo Gia Đình trước năm 1975, đã ghi nhận như thế về một Nguyễn Thị Vinh từng có chân trong Hội Đồng Giám Khảo Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc Việt Nam Cộng Hoà ; sách của bà được đưa vào chương trình giảng dạy kim văn của Bộ Quốc Gia Giáo Dục. 60 năm Văn học Nguyễn Thị Vinh còn đó, trước sau vẫn đọng lại mãi một điều này : “Bà là một nghệ sĩ thuần tuý” ./.
Nhà Văn Nguyễn Hữu Nhật Và Nguyễn Thị Vinh Tâm Sự
Nhân dịp hai nhà văn Nguyễn Hữu Nhật và Nguyễn Thị Vinh từ Na Uy sang thăm Quận Cam. Chúng tôi đã có cơ hội ngồi nói chuyện cùng anh chị khá lâu. Do họa sĩ Phan Diên sắp xếp. Vì thật ra tôi chỉ biết đến tiếng tăm của hai nhà văn này từ hồi còn ở Việt Nam. Sau 75 ra nước ngoài tôi có điều kiện gặp gỡ các văn nghệ sĩ nhiều thì anh chị lại "ẩn cư " tận phương trời Bắc Ââu. Nhưng với họa sĩ Phan Diên thì tôi cũng có giao tình, mà Phan Diên với Nguyễn Hữu Nhật và Nguyễn Thị Vinh có thể coi như là người trong nhà, nên chuyện ngồi lại để tâm tình một chút cũng không mấy khó.
Thoạt tiên chúng tôi tính làm một cuộc phỏng vấn để tìm hiểu về đời sống của anh chị tại Na Uy nên đã chuẩn bị nhiều câu hỏi. Nhưng sau khi đặt câu hỏi đầu tiên về quá trình đi vào làng chữ nghĩa của hai người và qua cách trả lời rất cởi mở cũng như rất khôi hài của anh chị thì chúng tôi hiểu rằng nên nói chuyện với nhau như là những người bạn hơn là làm một cuộc phỏng vấn bình thường. Và anh chị rất đồng ý như thế.
Anh Nguyễn Hữu Nhật cho biết là vào năm 1970 anh đã mở nhà xuất bản Anh-Em và ấn bản đầu tiên là tập truyện của Nguyễn Thị Vinh có tên "Cô Mai" được tái bản, tiếp theo sau là "Quán Đời" của chính anh. Còn với chị Vinh thì con đường vào văn chương được bắt đầu từ nỗi ray rứt nhớ thương những làn điệu ca dao, câu hò, lời ru. Tất cả được ghi nhớ và chị đã biết làm những vần thơ đầu đời từ năm mới 11 tuổi. Vào năm 1948 chị đã may măn gặp được Nhất Linh, được nhà Xuất Bản Nhất Linh cho in 2 cuốn "Vết Chàm" và "Cô Mai". Cho đến nay chị vẫn không muốn nhận mình là một nhà văn mà chỉ muốn là người kể chuyện chân thật từ trong lòng của mình cho mọi người cùng nghe.
Cả hai anh chị đều có một nhận định chung là ở hải ngoại thì không bị kiểm duyệt nên mình mạnh tay phóng ra trang giấy những ưu tư của mình, và dù có khó khăn nhưng sự in ấn cũng dễ hơn rất nhiều với trong nước. Về chuyện tại sao anh chị lại chọn Na Uy làm nơi dung thân thì câu trả lời hơi khác nhau. Theo anh thì đây là định mệnh, nhưng khi đến nơi, anh đã nhìn thấy vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời của xứ Bắc Âu, anh cho là số mệnh anh phải là chứng nhân của phong cảnh và tình người và có bổn phận ở lại ghi chép, truyền đạt cho người đi sau. Chị Vinh thì tình cảm riêng tư hơn, cho rằng "một đêm nằm, bằng ba năm ở". Chị cảm nhận được sự bao dung của tuyết, của sự cưu mang từ một dân tộc rất xa lạ với mình. Dĩ nhiên mỗi người có một phần việc được giao phó trong đời sống.
Chị Vinh tâm sự rất chân thành khi có người hỏi tại sao lại chịu sống trong một căn nhà nhỏ giữa trời tuyết bao la như thế này thì chị sôi nổi nói: Phải chúng tôi chỉ có 52 mét vuông với 2 phòng ngủ thì anh Nhật đã dùng 1 phòng làm nơi "Sản Xuất", còn tôi thì chiếm lấy 1 góc nhỏ ở căn bếp. Nhưng thật ra tôi thấy mình quá đầy đủ, có thể viết, có thể ăn, có thể làm tất cả những gì tôi thấy thích thú và cần thiết. Tới đây thì chị nhìn sang anh Nhật và nói vui: Chỉ có điều tôi cực lực phản đối cái ông chủ bút "Hương Xa" Nguyễn Hữu Nhật bắt tôi là chủ nhiệm phải sửa bài có khi suốt đêm cho kịp đi in. Nếu ông ấy đừng khó tính quá thì tôi sẽ không có điều gì phàn nàn cho cuộc sống hiện nay. Nói tới Tập san Hương Xa mà tôi có trong tay thì quả thật đây là một tờ tập san đẹp nhất mà tôi được hân hạnh đọc qua. Ngoài hình thức bên ngoài rất trang nhã, thì bài vở bên trong thật là giá trị, tôi cũng hiểu thêm tại sao một tập san như thế lại rất ít, nếu không muốn nói là không có lỗi lầm về chính tả hay sắp chữ, thì ra do chính nhà văn Nguyễn Thị Vinh bỏ nhiều công sức sửa lại trước khi đem in. Về phần trình bày thì tôi không muốn nói ra nhiều vì nhà văn Nguyễn Hữu Nhật còn là một họa sĩ, đã có tranh triển lãm nhiều nơi với tên là Họa sĩ Động Đình Hồ. Do đó tờ Hương Xa đẹp trang nhã là điều không có gì là khó hiểu.
Nhân đề cập tới tờ Hương Xa tôi rụt rè nói với anh chị Nhật: Hình như em thấy trong đó nặng về biên khảo, thiếu chút ít thông tin, nhất là về các vấn đề của văn nghệ sĩ.
Không ngờ anh Nhật lại vỗ tay mà nói rằng: Thật đúng như thế, chú nói rất chính xác và tôi vui mừng khi nghe điều này, chứng tỏ chú đã đọc không hết thì ít ra cũng gần hết, đây cũng là điều tôi muốn sửa đổi nhân chuyến sang Hoa Kỳ lần này. Nhất định là phải nhờ sự tiếp tay của văn hữu ở tại đây.Tuy không chủ trương là thông tin, nhưng không nói gì hết về đời sống của "bạn ta" khắp nơi cũng là điều thiếu sót.
Lại không ngờ anh Nhật lại chỉ vào tôi và phán rằng: Chú phải bổ sung vào mục này cho anh chị. Tự nhiên vì cái tật lanh chanh lại mang gông vào cổ.
Vội vàng tôi quay sang anh Phan Diên cầu cứu. Mà cái ông Phan Diên lại rất thân thiết với anh chị Nhật nên chi cuối cùng thì cũng như: đem phe ta "cúng dường" cho phe địch. Để lấp liếm chuyện báo chí tin tức, tôi quay 180 độ để trở lại câu chuyện văn chương còn dang dở.
Tôi hỏi: Tự nhiên sao anh lại viết sách và làm thơ nhiều về Thiền Tông" Anh đã bắt đầu chuyển hướng, "thay đổi não bộ" của anh từ khi nào" Tưởng là mình sẽ xoay được Nguyễn Hữu Nhật trong câu hỏi hắc búa này, không ngờ lại đúng vào điều mà anh rất "ấm ức" từ lâu.
"Nếu chú nói "Xoay" hay "chuyển hướng" và nhất là cụm từ "thay đổi não bộ" thì hoàn toàn không chính xác. Vì Phật Tánh, sự tu học và nhất là dòng suối Thiền Tông chưa bao giờ ngừng chảy trong cuộc đời. Đến một tuổi nào đó, một lúc nào đó chúng ta có nhu cầu làm cho nó nổi lên, cần phổ biến nó ra, hay nói một cách rõ ràng hơn khi cần thể hiện cái "yếu tính cứu khổ" thì chúng ta phải làm cái gì đó. Mà nhà văn như chúng tôi thì cái lúc cần cho mọi người nhìn thấy, chính là viết nó ra cho mọi người cùng đọc và cùng suy nghĩ. Dĩ nhiên chúng ta không bắt mọi người cùng đồng ý với mình trên cách nói, cách viết nhưng chúng ta cứ thẳng thẳn nói và viết những gì chúng ta suy nghĩ và cảm nhận được từ đời sống.
Đến đây thì chị Vinh nhảy vào câu chuyện. "Nói cho cùng, tất cả cái mình viết ra là làm đẹp cho cuộc sống, có nói cái xấu cũng là để làm đẹp hơn, làm nổi bật hơn cái tốt mà mình đang hướng tới. Mục đích tối hậu là đem lại cơm no, áo ấm cho người khác. Không thể phân biệt tách rời giữa hai việc: Một người cúng dường, giúp đỡ vật chất khi đến chùa với những chủ đích của người viết làm thăng hoa đời sống tâm hồn, xét cho cùng không khác nhau mấy và giá trị của vấn đề phải được phán xét trực tiếp từ người thụ nhận".
Cũng từ chỗ tốt và xấu trong văn chương tôi trở về với một mục trên báo chí trước đây do anh Nhật phụ trách, rất nổi tiếng là mục "Chém Đá" trên tờ Tạp Chí Phổ Thông của ông Nguyễn Vỹ mà anh ký dưới tên "Sắc Không". Vậy có phải anh mong là sẽ "chém đá" để khơi bày cái bên trong của những bộ óc bằng đá hay chăng" Anh cho biết: Đúng là như vậy, tuy nhiên có những nguyên tắc cấm kỵ khi làm công việc này. Mà tôi tự đặt ra cho chính mình, như là: Không bao giờ đụng đến những người Quốc gia chân chính. Không bơi móc đời tư để đả phá vì một tác phẩm mà mình không đồng quan điểm. Chỉ căn cứ trên tác phẩm để phê bình, để làm sáng tỏ vấn đề. Nhưng cũng vì vậy mà "chém đá"ù cũng đã bị Bộ Thông tin đục bỏ rất nhiều.
Câu chuyện giữa bốn người chúng tôi có thể sẽ không được chấm dứt nếu anh chị không phải có hẹn dùng cơm trưa. Nhìn lại đã 2 giờ chiều, tôi nói đùa, có thể nán thêm chút nữa để cùng đi ăn cơm chiều luôn. Anh chị cho biết thật ra cũng không phải hẹn hò quan trọng gì, nhưng người bạn ở rất xa đi làm về, có hẹn sẽ đến thăm. Chúng tôi chia tay và anh chị Nhật còn muốn nói thêm vài điều nên Phan Diên đề nghị vài ngày nữa sẽ gặp lại lâu hơn.
Hiện nay những tác phẩm của của hai nhà văn Nguyễn Hữu Nhật, Nguyễn Thị Vinh như Cô Mai, Vết Chàm, Quán Đời và rất nhiều tác phẩm khác đã không còn thấy.
Ở nước ngoài người ta chỉ thấy có vài tác phẩm mới xuất bản là còn bày bán trên giá sách như: Bờ Bên Kia I & II, Tập thơ Đã Đời I & II, Thơ Hoa Sen, Cỏ Bồng Cuộc Chiến và Les Chants Divins (Pháp-Việt) của Nguyễn Hữu Nhật. Với nhà văn Nguyễn Thị Vinh thì có: Nổi Sóng, Cõi Tạm, nhất là cuốn Na Uy và Tôi với hai ấn bản Việt-NaUy đã được tái bản 3 lần tổng cộng gần 5 ngàn cuốn được nhiều người yêu thích nhất. Trong tương lai rất gần, chỉ vài tuần sắp tới, anh em bằng hữu sẽ tổ chức một buổi họp mặt giữa các văn nghệ sĩ và mở rộng cho tất cả đồng hương tại Quân Cam đến để nghe anh chị Nguyễn Hữu Nhật và Nguyễn Thị Vinh nói chuyện về đời sống tại Na Uy và con đường văn chương của hai người.
Chắc chắn chúng ta sẽ có một buổi nói chuyện rất lý thú của hai nhân vật đến từ một vùng trời rất âm u nhưng sáng ngời tình bằng hữu này.
Cali ngày 22 tháng 9 năm 2003.
Nguyễn Ngân
Nguyễn Thị Vinh & con gái Trương Kim Anh
Nguyễn Thị Vinh
Nguyễn Ðình Toàn
Nguyễn Thị Vinh đã được đọc rất nhiều, từ trước 1954, với hai cuốn Thương Yêu [truyện dài] và Hai Chị Em [Tập truyện ngắn]. Cùng với những Mộng Sơn, Thụy An, Linh Bảo... bà được coi là một trong những nhà văn nữ tiêu biểu của nước ta một thời.
Nguyễn Thị Vinh có một văn phong nhẹ nhàng nhưng đằm thắm. Hai chữ “thương yêu” bà lấy làm tựa cho một cuốn sách của bà, cũng là cái tình người đọc có thể nhận thấy dàn trải trong từng mỗi câu văn, trong toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Thị Vinh.
Dù, càng về sau này, nghĩa là sau 1954 là một giai đoạn, sau 1975 lại là một giai đoạn khác nữa, cách viết của bà có ít nhiều thay đổi, bà có dùng đến luận lý, phê bình, triết lý, chính trị, đôi khi cả chỉ trích, khôi hài nữa, nhưng cái dịu dàng, tinh vi, ngọt ngào đầy nữ tính vẫn là nét chính, cái hồn của văn chương Nguyễn Thị Vinh.
Nhớ, trước 1975, kịch tác gia Trần Lê Nguyễn có giữ một mục trong chương trình của Ðài Phát Thanh Quốc Gia Sài Gòn lấy tên là “Trên Những Nẻo Ðường Văn Nghệ,” phát thanh hàng tuần, cuốn truyện dài “Thương Yêu” của Nguyễn Thị Vinh đã được mang đọc [từng kỳ] trong mục này và qua giọng của: Ngọc Nga, Thu Hoài, Thanh Trúc, Duy Trác, Minh Ðăng Khánh. Những buổi đọc truyện đó [khi ấy còn khá mới lạ đối với các thính giả] đã được rất nhiều người tán thưởng và đón nghe.
Sau biến cố 1975, Nguyễn Thị Vinh đã ở lại trong nước một thời gian, rồi được bảo lãnh đi định cư tại Na Uy.
Hiện bà cùng với chồng là nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật và gia đình sinh sống tại Na Uy.
Hai tác phẩm Nguyễn Thị Vinh viết và cho xuất bản tại hải ngoại kể từ khi ra khỏi nước là: “Na Uy và Tôi” [Tuyển Tập Truyện Ngắn] và “Cỏ Bồng Lìa Gốc” [Tùy Bút].
Cả hai cuốn sách này đều do nhà xuất bản “Anh Em” của chính Nguyễn Thị Vinh và Nguyễn Hữu Nhật ấn hành.
Ðể giải tỏa thắc mắc của các độc giả về hai chữ “cỏ bồng”, Nguyễn Thị Vinh cho biết đại khái: Bồng là thứ cỏ lá nhẹ, có hoa trắng, một loại cỏ nhà nghèo dùng để lợp nhà thay rơm, giá rẻ hơn rơm vì không bền, nên sách vở có chữ “tất môn bồng hộ ”, cửa bằng tre gai nhà lợp bằng cỏ bồng. Và: “Những đám cỏ bồng, mùa khô, chết chùm quấn chặt lấy nhau. Gió thổi từng bó cỏ, bay trên cánh đồng, đồi bãi”.
Trong cuốn “Cỏ Bồng Lìa Gốc” Nguyễn Thị Vinh viết về nhiều thứ: Thân phận người “đàn bà nước Nam”, thư gửi cho hai nhân vật tiểu thuyết của Khái Hưng và Nhất Linh [Mai/Nửa Chừng Xuân & Loan/Ðôi Bạn], thư gửi cho một người có thật ở ngoài đời Shirin Ebadi/ Giải Hòa Bình Nobel 2003, bàn về nỗi “Vì Sao Dân Mình Khổ Mãi”, rồi lòng tư hương của một người Việt rời xa xứ sở [1975] muốn về nhìn lại đất nước nhưng lại tự thấy chưa thể làm cái việc ấy được
vì: “khi phải ‘xin phép’ai có nghĩa là tôi chấp nhận người ấy có quyền, ít nhất đối với tôi. Nếu đất nước ta có một chính quyền thật sự do dân bầu, vì dân, đàng hoàng, tất nhiên như mọi người dân khác, tôi cũng phải tôn trọng luật pháp cùng các thủ tục hành chính của nó. Chỉ khó... [vì] tại tôi, tôi không ưa cái thứ chính quyền hiện có ở quê nhà”.
Ðoản văn thú vị nhất có lẽ là đoạn Nguyễn Thị Vinh kể lại những kỷ niệm của bà với một số các nhân vật trong Tự Lực Văn Ðoàn, nhất là với nhà văn Nhất Linh, ở Hương Cảng, khi ấy ông đang viết bộ trường thiên “Xóm Cầu Mới”.
Nguyễn Thị Vinh cho biết:
“Các nhà phê bình văn học viết về nội dung, bố cục và bút pháp của ‘Xóm Cầu Mới’. Còn riêng tôi, lại nhớ những tháng được nhìn thấy nét “chữ con kiến bò” của anh Tam. Nhỏ nhưng không tới nỗi quá khó đọc, chạy trên mấy trăm trang giấy bản thảo. Bản thảo đầu tiên của Xóm Cầu Mới, anh Tam đã thai nghén từ năm 1940 ở Hà Nội đã mất hết trong chiến tranh, và tới năm 1948 mới được anh viết lại ở Hương Cảng”.
Theo lời kể lại của Nguyễn Thị Vinh thì 1948 cũng là năm bà tới Hương Cảng, cư ngụ trong một căn nhà [bà cẩn thận nhắc rằng phải gọi là túp lều mới đúng] trên một vùng núi, vách ghép bằng các mảnh ván thùng, mái lợp cao su dầy màu đen.
Chính tại túp lều ấy, Nguyễn Thị Vinh đã được gặp một số nhân vật trong Tự Lực Văn Ðoàn, như Nhất Linh, Hoàng Ðạo, Nguyễn Gia Trí.
Sau đây là đoạn Nguyễn Thị Vinh viết về Nhất Linh [các tr, 63-64, CBLG]:
“...Tôi được gặp anh Tam lần đầu. Tôi không biết anh là nhà văn Nhất Linh. Khoảng một tuần sau, trong bữa cơm ‘cả nhà’ ngồi quanh cái bàn dài bằng gỗ ván thùng, do các anh đóng lấy. Nhân một câu chuyện tình cờ, khi biết anh là nhà văn Nhất Linh, tôi đặt bát cơm ăn dở xuống bàn, vội vàng, đến gần như vô lễ, tôi nhìn anh, lắp bắp hỏi: ‘Ông, anh là ông... Nhất Linh đấy hả?’ Anh mỉm cười gật đầu, còn các anh cùng bàn thì bật cười thành tiếng. Tôi lại hỏi tiếp: ‘Thế anh... Chính anh viết cái cuốn Ðoạn Tuyệt đấy hả?’ Lần này thì anh khẽ cười thành tiếng và trả lời: ‘Vâng’.
Hàng ngày, tôi ít dám nói chuyện với anh, bởi vì trên gương mặt anh toát ra một vẻ nghiêm khắc, trầm lắng, rất buồn bã. Ánh mắt luôn luôn như nhìn về một cõi xa xăm... mọng lên nỗi chứa chất u sầu.
Tới nỗi tôi có cảm tưởng, nếu có một tiếng động dù nhỏ vang lên, cũng đủ làm cho những màng nước trong mắt anh òa vỡ. Cặp môi anh có lúc rung rung, như đang nói chuyện với ai đó, vô hình, đôi khi lại thoáng nét nhẹ, thật nhẹ, như mỉm cười.”
nguoiviet online
(trích)
Nguyễn Văn Lục
Trường hợp của bà Nguyễn Thị Vinh thì sao? Bà Vinh đã từng sống bên cạnh Nhất Linh khi ở bên Tàu. Là đồng chí, là em nuôi, là người tình, là bạn văn? Hay là tất cả những thứ đó cộng lại? Trong trường hợp nào bà Vinh quen biết và trở thành người của nhóm TLVĐ? Tôi chưa liên lạc trực tiếp được với bà Nguyễn Thị Vinh để tìm hiểu rõ vấn đề này vì bà ở quá xa, bên Na Uy. Nhưng chỉ biết rằng hai chị em Nguyễn Thị Vinh có mở một tiệm sách ở Hà Nội, rồi sau này bà Nguyễn Thị Vinh, lấy Trương Bảo Sơn, một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng. Phải chăng vì mối liên hệ đảng phái mà bà Nguyễn Thị Vinh có nhiều dịp gần gũi với Nhất Linh? Nhất là khi cùng trôi dạt sang Tàu, vợ chồng Trương Bảo Sơn, Nguyễn Gia Trí và Nhất Linh sống chung một nhà. Chính ông Trương Bảo Sơn viết về những kỷ niệm riêng với Nhất Linh cho biết như sau:
Lần đầu tiên tôi được gặp ông, tiếp xúc với ông là ở chiến khu Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ), trong tỉnh Vĩnh Yên, sau khi ông từ chức Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao trong chính phủ Liên Hiệp kháng chiến, trên đường ông đi sang Trung Hoa, ở Côn minh, Trùng Khánh, rồi Thượng Hải. Nơi đây tôi gặp ông lần thứ hai vào cuối năm 1946.
(trích Những kỷ niệm riêng với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, (trích Nhất Linh, người Nghệ sĩ, người chiến sĩ, trang 69).
Nhưng mãi đến năm 1948, nghĩa là ba năm sau, bà Nguyễn Thị Vinh, vợ ông Trương Bảo Sơn mới cùng con gái ba tuổi từ Hà Nội sang ở với ông Trương Bảo Sơn. Có thể từ 1948, bà Nguyễn Thị Vinh mới được quen biết với Nhất Linh. Cũng trong thời gian này, Nhất Linh đã khuyến khích Nguyễn Thị Vinh viết cuốn Thương Yêu và bà Linh Bảo viết cuốn Gió Bấc.
Thời gian ở bên Tàu, còn có nhiều người khác như ông Nguyễn Gia Trí, Đỗ Đình Đạo, Trần Văn Tuyên, Phan Quang Đán, Nguyễn Văn Hợi cùng ở chung với Nhất Linh. Hoặc tới hội họp như cụ Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Bảo Toàn, Lưu Đức Trung, Tạ Nguyên Hải.
Khi ở chung, cũng có xảy ra những chuyện cãi cọ. Đáng kể nhất là mâu thuẫn giữa Nguyễn Gia Trí và Trương Bảo Sơn? Nguyễn Tường Ánh, lúc đó chỉ là một cậu bé hơn 10 tuổi đầu đã có dịp chứng kiến những màn cãi nhau đó. Ông kể lại là có lần bà Nguyễn Thị Vinh tức mình bỏ chạy chạy ra suối. Ôi cái tức mình của đàn bà! Ông Nhất Linh thương tình, sợ bà bị lạnh nên đã sai Nguyễn Tường Ánh mang quần áo ra suối cho bà. Có thể có một mối tình tay ba, tay tư không? Tôi tin là có khi nhìn lại những hình ảnh Nhất Linh ôm ẵm và cưng chiều cô con gái út của Nguyễn Thị Vinh là Trương Kim Anh. Điều gì cũng có thể xảy ra được. Sau này, khi đọc hồi ký của bà Nguyễn Thị Thế, em gái Nhất Linh và là mẹ các nhà văn Duy Lam và Thế Uyên có đoạn kể về cô con gái nuôi, Trương Kim Anh này như sau:
Khi tôi dở chăn ra để được ngó mặt anh tôi, thời có cái sáo rơi xuống. Tôi lấy làm lạ hỏi cháu Thoa thời nó cho biết có con gái nuôi của cậu cháu (con gái chị Nguyễn Thị Vinh) tối qua đem sáo vào nhà xác thổi suốt đêm cho ông nghe. Thổi xong nó tặng luôn chiếc sáo và nói từ nay nó sẽ không còn thổi sáo cho ai nghe nữa đâu.
(trích Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, Nguyễn Thị Thế, trang 159). Trong bài Tưởng nhớ về Nhất Linh, cô Trương Kim Anh đã viết như sau:
Sau một lúc, mẹ tôi bảo tôi lấy sáo trúc ra thổi một bản tiễn bác. Tôi gạt nước mắt, đưa ống sáo ngang miệng, chọn bản Thiên Thai, bản mà bác thường bảo tôi thổi mỗi lần bác đến nhà chúng tôi. Tiếng sáo u uẩn vang trong khu nhà xác, lạnh lẽo. Nhưng chỉ được nửa bản, tiếng sáo ngưng trong tiếng nấc nghẹn ngào, âm thanh như đọng lại trong không gian, tiễn đưa hương linh bác về nơi vĩnh cữu.
(trích Nhất Linh, người nghệ sĩ, người chiến sĩ, trang 153).
Trong mục Lan Hàm Tiếu dành cho các thiếu nhi trên VHNN, Nhất Linh đã không quên mà người đọc cũng khó bỏ qua bóng dáng Nguyễn Thị Vinh qua cháu Trương Kim Anh. Em bé Trương Kim Anh, lúc ấy 12 tuổi đã tập tành viết văn như mẹ cháu, dưới sự hướng dẫn của bác Nhất Linh qua tác phẩm đầu tay của cháu: Ở vậy.
Như vậy, người ở lại sau cùng trong cái đêm cuối cùng trước khi Nhất Linh đi vào lòng đất là bà Nguyễn Thị Vinh và cô con gái. Và trước khi tuẫn tiết, ngoài bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, người được Nhất Linh đến gặp lần cuối cũng lại là bà Nguyễn Thị Vinh. Trương Kim Anh kể lại:
Mãi sau này tôi mới biết, chuyện quan trọng đó là: bác Tam nhận được trát đòi ra hầu tòa, cùng với một số bạn chiến đấu của bác, trong đó có ba tôi, “ông Trương Bảo Sơn”.
Tôi hơi ngạc nhiên về chú thích để trong ngoặc kép này...
Khoảng một tiếng sau, từ trên cửa sổ nhà Thúy nhìn xuống nhà mình, tôi thấy bác Tam đang từ giã mẹ tôi.
Đây là một cử chỉ chỉ có những người trong cuộc, trong giờ phút giữa sống chết, bên bờ tử sinh mới thấm thía hết được ý nghĩa của cuộc gặp gỡ này.
Cô Trương Kim Anh, con nuôi của Nhất Linh, sau này lấy nhà văn Dương Kiền. Theo các con cháu của Nhất Linh như anh Duy Lam cũng cho rằng nhiều phần Nhất Linh và Nguyễn Thị Vinh... phải có cái gì với nhau. Nhưng cụ thể như thế nào thì không ai dám chắc. Nhưng trong cách thức của bà Nguyễn Thị Vinh khi nói về Nhất Linh thì bà thường làm ra cái vẻ như thể bà là người tình của Nhất Linh, hay đóng kịch như thế và gây cho mọi người có cảm tưởng là giữa bà và Nhất Linh hẳn phải có một mối dây liên lạc đặc biệt.
Nhưng hay nhất vẫn là để Nguyễn Thị Vinh tỏ bày:
Đời tôi từ bấy lâu nay, thời gian qua đi già nửa thế kỷ, đã từng được ở những nơi nhà cao cửa rộng, đầy đủ tiện nghi, mà sao tôi vẫn không thể quên được, túp lều (trên núi) của chúng tôi. Chao ơi mỗi khi tắm, tôi chưa thấy có một vòi hoa sen nước nào có thể so sánh được với dòng suối ngày ấy. Tôi biết kể sao cho hết nỗi vui thích của tôi mỗi khi ra suối tắm...
(Trích Nhất Linh, người nghệ sĩ, người chiến sĩ, trang 85/86).
Khó quên là phải. Làm sao quên được. Cá tính bà Nguyễn Thị Vinh theo nhận xét vài người quen biết của bà trước đây hay người trong gia đình Nhất Linh thì bà là một người đàn bà đa tình, và vô cùng lãng mạn. Gần như không có một biên giới nào. Một người tình cũ cho biết bà có thói quen xỏa tóc dài và khoả thân. Một phụ nữ như thế, ngoài cái mối đam mê về văn chương, còn gặp nhau nơi xứ người, sống hoang dã nơi núi rừng, suối chảy, ông Nhất Linh nếu có liên hệ tình cảm với bà thì cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên.
Chuyện Trương Bảo Sơn và Nguyễn Thị Vinh chia tay nhau thì cũng là chuyện đành phải là như vậy. Sau khi Nhất Linh chết vào năm 1963, bà Nguyễn Thị Vinh thường đi xe Lam lên thăm mộ Nhất Linh ở nghĩa trang Bắc Việt ở Hạnh Thông Tây. Nghĩa trang này nằm cạnh khu đất hương hỏa của nhà văn miền Nam Hồ Biểu Chánh nên mộ Nhất Linh gần mộ nhà văn Hồ Biểu Chánh. Bà Nguyễn thị Vinh mỗi khi thăm viếng mộ Nhất Linh là đốt 4 điếu thuốc lá Bastos xanh cắm vào bốn góc mộ, sau đó mở hai chai lade 33 tưới lên phần mộ để tưởng nhớ Nhất Linh. Nhất Linh khi còn sống hút thuốc lá Bastos xanh không ngừng và khoái uống la de. Theo vài người biết chuyện kể lại thì cậu thanh niên Nguyễn Hữu Nhật đã gặp bà Nguyễn thị Vinh tại nhà của nữ thi sĩ Trần thị Tuệ Mai, con cụ Á Nam Trần Tuấn Khải. Một hôm ông Nguyễn Hữu Nhật cùng hẹn với bà Nguyễn Thị Vinh đi thăm mộ Nhất Linh dù đã hứa hôn với một nữ sinh viên trường Luật tên Bình. Vài tuần sau, hai người kết thành đôi lứa, ông Nhật từ hôn với cô Bình và Nguyễn Hữu Nhật chính thức làm chồng bà Nguyễn Thị Vinh cho đến ngày hôm nay mặc dù tuổi tác hai bên chênh lệnh nhau đến 20 tuổi.
Mối nhân duyên này đúng là duyên kỳ ngộ và như có sự chứng giám của một người đã chết. Sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Vinh trong TLVĐ hay trong đời sống Nhất Linh có phải chỉ là một?
http://www.danchimviet.c...s&file=article&sid=4611
NHẤT LINH VÀ NGUYỄN THI VINH
Trương Kim Anh, ái nữ của hai nhà văn
TRƯƠNG BẢO SƠN -NGUYỄN THI VINH
lên tiếng phản đối bài viết :
“Chúc Thư Văn Học của Nhất Linh: Một cái chết định sẵn”
của Nguyễn Văn Lục trên báo SAIGON NHỎ.
Kính gửi quý cơ quan truyền thông, báo chí hải ngoại,
Vì nhu cầu bảo vệ sự trong sáng của Lịch sử và Văn học sử Việt Nam , xin quý cơ quan vui lòng đăng tải bài viết sau đây để làm sáng tỏ nhiều vấn đề không trung thực trong bài viết của ông Nguyễn văn Lục ( đã phổ biến trên báo Sài Gòn Nhỏ, Tân Văn và website Đàn Chim Viêt) liên quan đến tư cách và danh dự của nhiều nhà cách mạng lão thành của VNQDĐ và của riêng nhà văn Nguyễn thị Vinh, cũng là thân mẫu của tôi. Xin chân thành cảm tạ.
TRƯƠNG KIM ANH
Kính thưa độc giả,
Trước hết tôi xin thưa rằng tôi từ Norway qua Montréal (Canada) 2 tháng, để săn sóc cha già 94 tuổi, đang ở trong nhà thương Dưỡng Lão/Hospital Gériatrie de Montréal, nên không có thời giờ đọc và trả lời hết email của các bạn ở khắp nơi gửi về.
Hôm nay tôi ghé Hội Cao Niên S.AI.M (Services aux Ainés de Montréal) ở đường Côte des Neiges, do ông Lê Văn Mão chủ tịch Hội Đồng Quản Trị , cùng vợ là bà Mai Chung Liên giám đốc Trung Tâm, mượn máy vi tính để viết bài lên tiếng phản đối báo SAIGON Nhỏ đã dựng đứng một câu chuyện hoang tưởng nhục mạ Mẹ tôi tức nữ văn sỹ Nguyễn Thị Vinh. Xin lẩn lượt trình bày sau đây :
Thưa quý độc giả, tôi được đọc tờ tuần báo SÀI GÒN NHỎ, chủ nhiệm Phan Huỳnh Lâm, số 28 ra ngày 15 tháng 2 tại tỉnh Montréal (Canada), có bài “Chúc Thư Văn Học của Nhất Linh: Một cái chết định sẵn” của Nguyễn Văn Lục, trang 1-5. Và trang 5 có một đoạn lăng nhục nữ sỹ Nguyễn Thị Vinh, cùng chống cũ là nhà văn Trương Bảo Sơn và cố họa sỹ Nguyễn Gia Trí, một cách hồ đồ, tôi xin trích dẫn ra đây:
(Nhưng mãi đến năm 1948,……Thời gian ở bên Tàu, còn có nhiều người khác như ông Nguyễn Gia Trí, Đỗ Đình Đạo, Trần Văn Tuyên, Phan Quang Đán, Nguyễn Văn Hợi cùng ở chung với Nhất Linh. Hoặc tới hội họp như cụ Nguyễn Hài Thần, Nguyễn Bảo Toàn, Lưu Đức Trung,Tạ Nguyên Hải.
Khi ở chung, cũng có xảy ra những chuyện cãi cọ. Đáng kể nhất là mâu thuẫn giữa Nguyễn Gia Trí và Trương Bảo Sơn ? Nguyễn Tường Ánh, lúc đó chỉ là một cậu bé hơn 10 tuổi đầu đã có dịp chứng kiến những màn cãi nhau đó. Ông kể lại là có lần bà Nguyễn Thị Vinh tức mình cởi truồng, chạy ra suối. Ôi cái tức mình của đàn bà ! Ông Nhất Linh thương tình, sợ bà bị lạnh nên đã sai Nguyễn Tường Ánh manh quần áo ra suối cho bà. Dĩ nhiên là Nguyễn Tường Ánh “bất đắc dĩ” có dịp nhìn thấy hết và không quên kể lại rằng:thật là đẹp. Có thể có một mối tình tay ba tay tư không ?…)
Qua một độc giả tôi được biết: “ Bài viết này của ong Nguyễn Văn Lục đã đăng thành 2 kỳ trên mạng danchimviet.com ngay từ ngày 2/2/2008. Nếu đọc trên mạng “danchimviet” người đọc còn có thể đọc khá nhiều ý kiến đóng góp khác nhau trong đó Mr.Lê Văn (VOA cũ) có những ý kiến khá chính xác thống trách sự làm ăn hồ đồ, vô trách nhiệm của ông Lục.”
Tôi phone ngay đến tòa soạn, nhã nhặn yêu cầu được trực tiếp nói chuyện với ông Nguyễn Văn Lục. Giọng đàn ông bên kia trả lời Nguyễn Văn Lục hiện đang ở bên Mỹ. Tôi yêu cầu được nói chuyện với ông chủ báo Phan Quỳnh Lâm thì bên kia trả lời chính ông ta là PQL, tôi cần gì thì ông ta sẽ nhắn lại với NVL. Tôi bèn nói :
-Vâng, cám ơn ông. Xin ông báo tin cho ông NVL biết tôi còn 3 tuần nữa, tức là ngày 07 tháng 3 tôi sẽ trở về NaUy. Nếu phone cho tôi thì phone vào 8 giờ tối, số….! Nhân tiện ông cũng làm việc với tờ báo SGN, thì tôi cho ông biết lý do tôi muốn liên lạc với ông Lục, để nói về bài “Chúc Thư Văn Học của Nhất Linh:
Thưa ông, chúng ta hô hào ĐOÀN KẾT-CHỐNG CỘNG, đứng cương vị là một chủ nhiệm nhà báo mà ông lại cho đăng những mẩu chuyện hoang tưởng vu khống do Nguyễn Tường Ánh cung cấp chỉ nhằm gây chia rẽ giữa người Quốc Gia và có lợi cho Cộng Sản. Vì CS sẽ rêu rao rằng thời đó vào thâp niên 40, nhóm VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG trốn Việt Minh, kéo nhau qua tàu, lên núi Happy Valley ở ẩn chờ thời. Trong thời gian ở trên núi, Nhất Linh đã cùng các đàn em “bê bối chuyện nam nữ” với vợ của những người cùng chung chí hướng. Như thế đương nhiên báo SàiGòn Nhỏ đã làm cho nhóm VNQDĐ mang tiếng,…
Sau khi phân trần một hơi, tôi hỏi:” Ông nghe tôi nói có đúng không nào ?” Ở đầu dây bên kia trả lời: ”Vâng…vâng…Thưa bà, tôi sẽ nhắn lại với ông NVL. Xin chào bà”, chấm dứt điện đàm.
Kính thưa độc gỉa, tôi không ngờ hậu duệ của dòng họ NGUYỄN TƯỜNG lại thấp kém đến đáng tội nghiệp: Nguyễn Tường Ánh cung cấp tài liệu và Nguyễn Tường Thiết được ông NVL đưa đọc bản thảo trước khi đăng mà không yêu cầu NVL bỏ đoạn lăng nhục nhà văn nữ Nguyễn Thị Vinh, đã thế lại cho rằng bài viết của NVL không có ảnh hưởng gì tới Nhất Linh, anh viết: “…là việc tìm hiểu ấy không làm giảm đi lòng quý trọng và ngưỡng mộ đối với người đã khuất, như tôi đã thấy ở anh, trong bài viết- Thân ái, Nguyễn Tường Thiết.”, trong lá thư ngỏ của anh viết cho NVL, trang 4.
Kính thưa độc giả, vào thập niên 40, nhóm VNQDĐ chạy qua Hồng Kông, ẩn trốn trên núi Happy Valley. Năm 1948, Mẹ tôi bế con thơ từ Hà Nội qua HốngKông đi tìm chồng, và hai mẹ con đã được nhóm Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam chấp nhận cùng chồng đoàn tụ, sống trên núi. Tôi tuy mới lên ba, đã may mắn được sống bên cạnh các nhà Cách Mạng đáng kính. Theo thời gian cho đến lúc trưởng thành, tôi đã được chứng kiến những hoạt động trong tinh thần đấu tranh Đoàn Kết Yêu Nước của nhóm Cách Mạng Nguyễn Tường Tam, tôi luôn luôn khâm phục và không tin lời bôi nhọ của Nguyễn Tường Ánh (cháu Nguyễn Tường Tam). Tôi xin dẫn chứng sau đây :
1- Tôi thường cùng Mẹ mở cuốn album, ôn lại những kỷ niệm đẹp qua những tấm hình chụp trên núi Hapy Valley, hiện giờ vẫn được tôi lưu giữ: Xin xem hình dẫn chứng :
-Hình ảnh Mẹ bế tôi ngồi trước căn nhà lụp xụp nghèo nàn. Có hai đứa bé hàng xóm qua chơi .
– hình ảnh mẹ ngồi rửa bát bên dòng suối .
Xem hinh bên .
-hình ảnh các vị Linh Mục đứng trước nhà thờ trên núi Happy Valley. Mẹ kể, các Linh Mục ở nhà thờ trên núi tốt lắm, quả là những bậc chân tu, các vi lại quý mến ba mẹ tôi. Nên tuy chúng tôi theo đạo Phật, nhưng ba mẹ vẫn thường dẫn tôi ghé nhà thờ. Các vị Linh Muc bế bé Kim Anh, cho bé ăn trái cây, mời ba mẹ uống rượu nho. (giòng chữ trên hình là thủ bút của ba tôi)
Thời gian sống ẩn dật trên núi, đã được các nhà cách mạng khéo thu xếp ngăn nắp từ chỗ trú thân cho đến chỗ tắm rửa vệ sinh, đủ tiện nghi tối thiểu cho cuộc sống một nhóm đông người. Trong cuốn “Nhất Linh-Người Chiến Sỹ-Người Nghệ Sỹ”, trang 86, giòng 12 đếm từ dưới lên, Nguyễn Thi Vinh đã tả:”…Nhu cầu nước đã có con suối gần nhà,. được những mỏm đá thiên nhiên bao bọc rất kín đáo, chúng tôi có thể ra tắm ở đây.”. Chung quanh còn có những gia đình người địa phương hiền lành chất phác, thỉnh thoàng ghé qua thăm hỏi.
Năm 1953 (cuối năm 1952 hoặc đầu năm 1953), để bảo vệ an ninh mạng, các thành viêntrong VNQDĐ đã được lệnh cùng gia đình di cư vào miền Nam VN bằng đường thủy, trước cuộc tổng di cư chính thức năm1954.
Nếu đúng như lời kể hoang tưởng của Nguyễn Tường Ánh rằng nhà cách mạng Trương Bảo Sơn đã vì vợ mà cãi nhau kịch liệt với họa sỹ Nguyễn Gia Trí . Thì làm gì có chuyện sau khi di cư vào miền Nam, thời gian họa sỹ Nguyễn Gia Trí bị thực dân Pháp giam lỏng ở Thủ Dầu Một, tôi vẫn thỉnh thoảng được theo ba mẹ và nhà lãnh tụ Nguyễn Tường Tam đi từ thủ đô Sài Gòn ra tỉnh lỵ Thủ Dầu Một thăm Nguyễn Gia Trí. Xin dẫn chứng hình kèm theo kế bên.
Ngoài ra, họa sỹ Nguyễn Gia Trí vẫn thường xuyên lui tới thăm gia đình ba me tôi, nhờ mẹ tôi ngồi làm mẫu. Tôi thường đứng bên cạnh nhà danh họa, khâm phục theo dõi nét vẽ thần tình của bác Trí. Những tranh bác vẽ thường được người Tây phương ưa chuộng, đặt mua. Xin xem hình kèm theo bên cạnh.
3- Tôi chưa từng nghe bác Nhât Linh và ba mẹ tôi hay bất cứ ai nhắc đến cậu bé Nguyễn Tường Ánh hơn 11 tuổi đầu nào ở trên núi Happy Valley. Ngay cả trong cuốn NHẤT LINH-NGƯỜI CHIẾN SỸ-NGƯỜI NGHỆ SỸ, dầy 500 trang, do ThếKỷ21 xuất bản và phát hành năm 2003, cũng không có bài nào do Nguyễn Tường Ánh viết “Kỷ niệm về Nguyễn Tường Tam” . Nếu cậu bé Nguyễn Tường Ánh hơn 10 tuổi đầu đó cũng có cái may mắn được chung sống trên núi với nhóm VNQDĐ thì tôi tưởng cậu cũng phải như cô bé lên 3 Trương Kim Anh, luôn luôn coi thời gian mấy năm sống ẩn dật trên núi, bên cạnh các anh hùng cách mạng VNQDĐ: Nguyễn Tường Tam, Trương Bảo Sơn, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Gia Trí, Đỗ Đình Đạo, Trần Văn Tuyên, Phan Quang Đán,..v..v.., một số đã hy sinh vì bị Việt Minh thủ tiêu, là thời gian hạnh phúc hãnh diện nhất đời mình, hoài niệm ngọn núi Happy Valley với lòng tôn kính . Cớ sao Nguyễn Tường Ánh lại thêu dệt một câu chuyện bất lợi cho các bậc tiền bối ?
Thưa ông Nguyễn Văn Lục và ông Nguyễn Tường Ánh, nếu thân mẫu các ông bị lôi lên báo dựng đứng một câu chuyện bây bạ như vậy thì các ông sẽ có phản ứng ra sao ?
Nguyễn Văn Lục viết: “Theo các cháu của Nhất Linh cũng cho rằng nhiều phần Nhất Linh và Nguyễn Thị Vinh…phải có cái gì với nhau. Nhưng cụ thể như thế nào thì không ai dám chắc”. Thưa ông Nguyễn Văn Lục, các ông Duy Lam, Nguyễn Tường Ánh và Nguyễn Tường Thiết, tôi xin trả lời các ông vừa có tánh tò mò vừa có tánh thích thêu dệt những chuyện không dám chắc, rằng: Ngày 27 tháng 02 năm 1962, Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử lái máy bay thả bom Dinh Độc Lập đảo chánh bất thành. Chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã trả thù bằng cách ra lệnh bắt giam hết đồng chí của nhóm Nguyễn Tường Tam. Ngoại trừ Nguyễn Tường Tam, ba tôi cùng các đồng chí bị bắt đem tra tấn, rồi bị đày ra Côn Đảo 5 năm. Sau khi ba tôi bi đày ra Côn Đảo, mẹ tôi vẫn can trường, cố gắng giữ vững tinh thần, lo nuôi nấng cô con gái bé nhỏ ngoan ngoãn của mẹ. Với sự góp sức của người em và người cháu trong họ, Mẹ vẫn tiếp tục cáng đáng điều khiển nhà in Trường Sơn số 14 Nguyễn An Ninh, tấp nập trên 50 nhân công. Mẹ vẫn cùng hội thơ Quỳnh Giao h àng th áng thay phiên, họp ở nhà các hội viên, mỗi dịp đi họp hội thơ tôi đều được mẹ dẫn theo (chuyện này đã được nhà văn Hồ Trường An tường thuật tỷ mỉ chi tiết trong tác phẩm GIAI THOAI HỒNG ). Mẹ vẫn cộng tác đắc lực trong nhóm Tự Lưc Văn Đoàn, bác Tam thỉnh thoảng ghé nhà in, nơi phòng khách rộng, bác cùng mẹ bàn thảo công việc cho TLVĐ, trong tiếng ồn áo của đám thợ và tiếng mấy máy in đều đặn xập xình. Thỉnh thoảng lại có người thợ tìm hỏi mẹ về công việc nhà in..v…v…!!! Tôi thường ngồi nghe bác và mẹ bàn công việc, nhìn xấp hồ sơ báo chí, bản thảo đang được layout bày la liệt trên bàn.
Từ ngàn xưa “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” cho nên “hồng nhan đa truân” , Mẹ tôi TÀI SẮC vẹn toàn, cũng khó mà tránh được phận gian truân. Một người nghĩa khí quân tử như Nhất Linh và một nữ sỹ tài sắc như Nguyễn Thị Vinh, nếu có nẩy sinh một tình cảm sâu sắc, thì tôi tin chắc đó là tình Tri Kỷ trong Văn Chương mà tôi rất ngưỡng mộ.
3- Mẹ tôi, nhà văn Nguyễn Thi Vinh, năm nay đã ngoài bát tuần.
Ngay dưới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, cho đến thập niên 80 phải lìa bỏ quê Cha đất Tổ, trốn thoát chế độ CS, sống tha hương ở hải ngoại. Cả cuộc đời Mẹ đã đóng góp rất nhiều công lao cho nền VĂN HỌC VIỆT NAM ở trong nước cũng như hải ngoại. Định cư tại Vương Quốc Na Uy, mẹ đã viết cuốn truyện ngắn ” Na Uy và tôi” được dịch ra tiếng Na Uy, được báo chí địa phương đăng tải hình ảnh khen ngợi. Mẹ cũng từng nhận lời giúp sở xã hội địa phương Oslo (Na Uy), đảm trách hướng dẫn tinh thần cho nhóm thanh thiếu niên VN bị mất niểm tin và ý hướng nơi đất khách quê người, khỏi lạc bước vào cuộc sống sa đọa trụy lạc.
Ở tuổi lục tuần và ngoài bát tuần, Mẹ vẫn không ngừng cùng nhà văn Nguyễn Hữu Nhật đi nhiều nước hoạt động tích cực, góp công không nhỏ cho tủ sách văn hóa hải ngoại. Suốt hơn 20 năm sống tha hương, mẹ chưa từng trở về thăm quê hương, mặc dù mẹ ao ước được về thăm nơi chôn nhau cắt rốn của mình, mẹ thường nói với tôi: ” Mẹ cũng thèm được trở về miền Bắc thăm lại họ hàng và mồ mả ông bà cha mẹ. Nếu được trở về VN, mẹ sẽ sống nốt quãng đời hưu trí ở Hà Nội. Khi nào mẹ có chết, mẹ mong đươc chôn bên quê ngoại ở Hà Nội “, nhà văn Nguyễn Thị Vinh với nhà văn Nguyễn Hữu Nhật nêu cao tinh thần chống Công Sản bằng cách: khi nào nước VIỆT hết chế độ CS, thì chúng tôi mới trở vể thăm Quê Mẹ.
Thưa ông Nguyễn Tường Ánh và ông Nguyễn Văn Lục, bản thân hai ông đã đóng góp được gì cho nền Văn Học VN, đã làm được gì hữu ích cho Quê Hương Tổ Quốc thân yêu ? Có lẽ ở tuổi gần Đất xa Trời, thay vì làm nghề chuyên bới móc thêu dệt đời tư của thiên hạ, các ông nên hướng về tâm linh, tu tâm tích đức, từ bi hỷ xả, vì THIỆN CĂN Ở TẠI LÒNG TA-CHỮ TÂM KIA MỚI BẰNG BA CHỮ TÀI.
****
Kính thưa quý độc giả ở khắp bốn phương trời: Ngay từ thời nhỏ, tôi vẫn xem các anh chị, con của hai bác Nguyễn TườngTam như anh chi ruột trong một gia đình. Cho đến giờ phút này tôi vẫn thương mến các anh các chị như xưa. Cầu xin vong linh hai vợ chồng bác Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam độ cho tôi và các con của bác luôn luôn thuận hòa, như thời hai bác còn tại thế.
****
THÚ “VUI” QUÁI GỞ
CỦA NGUYỄN VĂN LỤC !
Montréal, 19 tháng 2 năm 2008,
Khoảng 20 giờ ngày 19 tháng 2 năm 2008, tôi đã nhận được cú phone của ông Nguyễn Văn Lục. Cuộc điện đàm diễn ra gần một tiếng. NVL bình tĩnh nghe tôi nghẹn ngào kể tội ông ta, dĩ nhiên NVL cứng họng không trả lời được những câu tôi hỏi. Xin thuật tóm lược :
TKA: Tại sao ông lại đưa một câu chuyện hoang tưởng:”Cậu bé Nguyễn Tường Ánh khoảng 11 tuổi đầu chứng kiến…”. Một câu chuyện hoang tưởng từ 60 năm trước mà ông tin à ? Không quen biết, không thù không oán, tại sao ông lại nhẫn tâm lăng nhục cha mẹ tôi. Trong khi cả cuộc đời, ba tôi là người tài đức có cuộc sống gương mẫu lý tưởng, được cả tỉnh Montréal này kính trọng.
NVL: Tôi cho rằng đoạn đó không có gì quan trọng, chỉ là CÂU CHUYỆN VUI thôi.
TKA (sửng sốt): Cái gì.. như thế mà ông cho là một câu chuyện vui à. Quả là quái gỡ và tàn nhẫn!!! Ông có điên không đấy, nếu ông điên thì xin mời ông vào nhà thương điên mà ở, đừng ở ngoài làm phiền người khác. Thế, nếu bà cụ nhà ông bị lôi lên báo lăng nhục như vậy, thì ông phản ứng ra sao? Thế, nếu một người hàng xóm nói với ông rằng bà cụ nhà ông đang “trần truồng tắm ở ngoài suối” hoặc em gái ông trần truồng chạy quanh xóm, thì chắc chắn ông sẽ đấm vào mặt cái thằng đó chứ ?
Tôi từng qua lại Montréal đã mười mầy năm, chưa hề nghe ai nhắc đến cái tên NVL. Nay ông xúc phạm đến ba mẹ tôi trên tờ báo nhỏ của ông, thế là chỉ nội trong một ngày, tôi được nghe thiên hạ đàm tiếu rất nhiều chuyện về gia đình ông. Rốt cuộc bây giờ tôi lại được biết rõ về ông và về cả bà vợ đáng thương, và rằng: ông chuyên sống bằng nghề bới móc thêu dệt chuyện đời tư của người khác, đem phổ biến trên tờ “báo chợ” sống nhờ quảng cáo, cáo phó, cưới hỏi,..v..v… rồi đem cho không phát không. Rằng ông có phòng nhì ở bên Mỹ, ..v..v… Vì “đèn nhà ai nhà ấy rạng” và vì tôn trọng đời tư của người khác, tôi không muốn kể hết ra đây. Luật NHÂN QUẢ của đạo PHẬT là thế đó !
NVL (bào chữa): Chuyện không hẳn vậy !!!
TKA: Chuyện không hẳn vậy ư ? Ông còn sống sờ sờ, bằng xương bằng thịt ở ngay Canada và USA, mà những lời đàm tiếu được ông coi như “không hẳn vậy” nếu thế thì tại sao ông lại tin một câu chuyện quái gỡ xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ của “một cậu bé Nguyễn Tường Ánh, khoảng 10 tuổi đầu kể…” ???
NVL: Trước khi cho đăng bài này, tôi đã đưa cho vài người trong họ Nguyễn Tường và đưa cho tòa sọan SGN đọc, đều được OK thông qua.
TKA: A…, ông biết đưa bản thảo hỏi ý kiến vài người trong giòng họ Nguyễn Tường , thế tại sao ông không đưa cho mẹ tôi đọc, hay đưa cho tôi đọc ?
NVL: Xin lỗi, tôi không biết bà Nguyễn Thi Vinh và chị ở đâu !!!
TKA (cười lớn) : Cái gì…! Một chủ nhiệm kiêm chủ bút của một tờ báo như ông mà lại không biết nhà văn Nguyễn Thi Vinh ở đâu à ? Ông chỉ cần nhấc điện thoại hỏi một vài tờ báo có uy tín ở Mỹ, hay hỏi các văn hữu, thì ra ngay địa chỉ và số phone của mẹ tôi. Nếu cần thì cho dù một người vô danh tiểu tốt như tôi ông vẫn có thể tìm ra cơ mà, có phải không !
NVL: Chuyện đã lỡ rồi, chị cho tôi xin lỗi.
(Ít ra Nguyễn V ăn Lục cũng còn chút lương tâm của một cựu giáo chức khi mở lời xin lỗi tôi, nhưng t ôi trả lời:
TKA: Tôi không thể nhận lời xin lỗi của ông qua điện thoại, vì nếu ông đã có cam đảm đem lên báo một câu chuyện bịa đặt, thì ông phải xin lỗi nhà văn Nguyễn Thị Vinh, xin lỗi độc giả và tôi trên báo.
NVL: Cũng không dễ, vì còn có nhiều người ở tòa báo.
TKA: Thì ngày mai ông đến tòa báo, đưa ý kiến và thuyết phục mọi người. Thưa ông, chẳng sung sướng gì khi phải khinh bỉ một người, vậy tôi năn nỉ ông cho tôi được nể trọng ông, bằng cách ông biết phục thiện và đăng lời xin lỗi trên báo.
NVL: Vâng, để tôi suy nghĩ, nhưng chắc…khó lắm , chi ạ !
****
Thưa quý độc giả,
Ngay hôm sau, tôi đã phone từ Montreal về NaUy thưa chuyện với mẹ. Nữ sỹ Nguyễn Thi Vinh, không biết gì về tờ “báo chợ” mang tên Sài Gòn Nhỏ thêu dệt một câu chuyện để lăng nhục mẹ . Mẹ cho biết, khi xưa không có cậu bé Nguyễn Tường Ánh hơn 10 tuổi đầu nào ở trên núi Happy Valley. Có chăng là khi nhận được tin Hoàng Đạo-Nguyễn Tường Long chết, có một buổi chiều, bà Long đã dẫn cô con gái tên Anh Thư lúc ấy khoảng 11 tuổi đầu, lên núi Happy Valley hỏi thăm tin tức về cái chết của chồng. Hai mẹ con bà Long ngủ lại trên núi có một đêm, nằm cùng giường với mẹ và tôi, trên chiếc giường nhỏ chật chội, khiến cả đêm mẹ mất ngủ. Sáng sớm hôm sau hai mẹ con bà Nguyễn Tường Long xuống núi, hướng về Quảng Châu đi tìm xác chồng.
Bà cụ bảo: “Sao con không hỏi Nguyễn Văn Lục “Trước khi đăng báo, ông đã đưa bản thảo cho vài người trong nhóm Nguyễn Tường đọc và được thông qua, vậy vài người đó là những ai?”. Tôi thưa: Nguyễn Tường Thiết, Duy Lam và Nguyễn Tường Ánh đã được nhắc đến trong bài viết của NVL .
Bà cụ định liên lạc điện thoại trực tiếp với Nguyễn Văn Lục, nhưng tôi thưa mẹ đừng bận tâm vì bên Montréal đã có tôi lên tiếng phản đối SaiGon Nhỏ rồi.
Thưa Quý độc giả , Nay vì chữ hiếu, tôi buộc lòng phải lên tiếng cứu gỡ lại danh dự cho mẹ tôi-nhà văn Nguyễn Thị Vinh. giả dụ nếu không may chính tôi bị là nạn nhân của Nguyễn Văn Lục trên tờ “báo chợ” SàiGòn Nhỏ, thì tôi cũng chỉ im lặng…xoa tay mỉm cười…thế à.
Xin cám ơn Quý Vị đã theo dõi đọc bài này.
Viết xong tại Montréal, 05 tháng 03-2008
TRƯƠNG KIM ANH
Trở Về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.