Nhà xuất bản Tri thức
Tác giả: Olivier Bouba-Olga
Dịch giả: Nguyễn Đôn Phước
2010
Giới thiệu sách
Những năm gần đây kinh tế học được làm phong phú thêm bằng những cách tiếp cận mới (lí thuyết người ủy quyền-người đại diện, lí thuyết chi phí giao dịch, lí thuyết năng lực, lí thuyết tiến hóa), có những chiếu rọi có ích về các phương thức tổ chức doanh nghiệp. Mục đích chung của sách này là trình bày các các tiếp cận trên, đặc biệt nhấn mạnh đến việc ứng dụng chúng vào những trường hợp doanh nghiệp cụ thể. Chẳng hạn, sách sẽ phân tích những vấn đề như :
- Làm thế nào giải thích xì-căng-đan Enron và toàn bộ những hệ lụy sau đó?
- Tại sao một doanh nghiệp như IBM, thủ lĩnh không thể chối cãi của ngành tin học trong những năm bảy mươi của thế kỉ trước, không tiếp tục giữ được vị thế này trong ngành vi tính?
- Vì sao hãng Renault chế tạo xe ôtô nhưng không chế tạo vỏ xe?
- Ngược lại, vì sao, Bic chế tạo bút bi, dao cạo râu và ván lướt sóng?
Được đánh giá cao vì tính sư phạm, quyển sách mỏng này trộn lẫn lí thuyết và phân tích tình huống, và như vậy phát triển một bộ công cụ tối ưu cho sinh viên các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, thương mại. Nhưng sách cũng còn là công cụ quý báu cho những nhà chuyên nghiệp quan tâm đến việc tư duy về doanh nghiệp, cập nhật diễn tiến của những lí thuyết về hãng, để tìm hiểu tinh tế hơn những được mất của cuộc tranh luận đương đại về sự điều hành doanh nghiệp.
Trích sách:
DẪN NHẬP
Làm thế nào giải thích xì-căng-đan Enron và toàn bộ những hệ lụy sau đó? Tại sao một doanh nghiệp IBM, thủ lĩnh không thể chối cãi của ngành tin học trong những năm bảy mươi của thế kỉ trước, không tiếp tục giữ được vị thế này trong ngành vi tính? Vì sao hãng Renault chế tạo xe ôtô nhưng không chế tạo vỏ xe? Ngược lại, vì sao Bic lại chế tạo bút bi, dao cạo râu và ván lướt sóng? Vì sao tập đoàn LVMH (Louis Vuitton Moet Hennessy – ND) ngày nay có đến hơn một nghìn năm trăm cửa hàng trên thế giới quyết định kiểm soát chặt chẽ hơn việc phân phối sản phẩm của mình?.
Vui hơn, nhưng không kém phần cơ bản (chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục bạn): đâu là mối quan hệ giữa việc hốt phân chó ở Paris và phương thức hoạt động của các thị trường tài chính? Giữa vụ đắm tàu Titanic, hỏa hoạn của một rạp chiếu bóng, và việc quản lí đánh bắt cá của Liên minh chấu Âu? Giữa những thợ rèn thế hệ ông chúng ta và một cuộc mổ với công nghệ mũi nhọn? Giữa một đứa bé tập đi xe đạp và tiến hóa của nền công nghiệp thuốc tây? Giữa việc triển khai những quân đoàn La Mã và tàu con thoi Mĩ?
[…]
Thế nào là một doanh nghiệp?
Doanh nghiệp là một tổ chức biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm và dịch vụ. Trong xã hội (Tây phương – ND), doanh nghiệp là nơi chính diễn ra việc sản xuất và phân phối thu nhập.
Chắc chắn rằng doanh nghiệp là một trong những bộ phận thiết yếu, thậm chí là thiết yếu nhất của hệ thống kinh tế. Thật vậy, mục tiêu kinh tế chính của các nước là đảm bảo cho toàn thể dân chúng một mức sống cao và tăng dần. Thế mà, trong các nền kinh tế mở, mục tiêu này trước tiên phụ thuộc vào năng suất quốc gia, được định nghĩa như tỉ số của những của cải được tạo ra trên các nguồn lực được sử dụng để làm nên của cải này: tỉ số này càng cao thì thu nhập được phân phối, và do đó mức sống của dân chúng, càng quan trọng. Như vậy, tăng trưởng của mức sống của các cá thể phụ thuộc vào năng lực tạo thêm của cải của các doanh nghiệp
[1].
Nhưng doanh nghiệp là một tổ chức phức tạp: là nơi chính tạo ra của cải và phân phối thu nhập, doanh nghiệp cũng mang dấu ấn của những quan hệ thứ bậc và của những cuộc xung đột trong việc phân chia giá trị tạo ra và về những điều kiện lao động. Và chính tính phức tạp này là nền tảng của cả một số những vấn đề kinh tế phụ thuộc lẫn nhau. Làm thế nào đảm bảo việc biến đổi có hiệu quả những nguồn lực thành sản phẩm? Làm thế nào tổ chức quan hệ giữa những thành viên của tổ chức? Phải tổ chức như thế nào việc phân chia giá trị gia tăng giữa những loại người làm công ăn lương khác nhau và giữa các loại này với những người góp vốn?.
Hơn nữa, chồng lên trên tính phức tạp này trong nội bộ mỗi doanh nghiệp là tính đa dạng của các doanh nghiệp: đa dạng về kích cỡ, với sự cùng tồn tại của những doanh nghiệp rất nhỏ (dưới 10 người làm công ăn lương), vừa và nhỏ (mà nhân sự gồm từ 10 đến 249 người làm công ăn lương) và doanh nghiệp lớn (từ 250 người làm công ăn lương trở lên). Đa dạng về hình thức pháp lí với những doanh nghiệp cá thể, những công ti cá nhân, nhữnng công ti góp vốn (công ti nặc danh và công ti trách nhiệm hữu hạn), doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã; đa dạng về nguồn gốc của vốn, với sự cùng tồn tại của những doanh nghiệp độc lập, công ti con của các tập đoàn, trong đó một số là tập đoàn Pháp và một số là tập đoàn nước ngoài …
Vấn đề của chúng tôi không phải là đối mặt trực tiếp với tính phức tạp này. Do đối tượng muốn nắm đến là rộng rãi và khuôn khổ hạn hẹp của quyển sách, chúng tôi đã ưu tiên cho một cách trình bày kết hợp với mỗi một lí thuyết một vấn đề kinh tế mà lí thuyết ấy có nhiệm vụ giải thích (hoạt động của những doanh nghiệp tư bản hiện đại, các chiến lược hợp nhất theo chiều cao, các quan hệ liên doanh nghiệp, các chiến lược đổi mới).
Chọn cách diễn giải như thế các lí thuyết sẽ được đề cập, chúng tôi tránh được, một mặt, một cách trình bày tổng quát ít nhiều khô khan và, mặt khác, cho phép đi xa hơn trong việc phân tích mỗi vấn đề được nghiên cứu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mỗi một lí thuyết được trình bày chỉ giải thích có vấn đề đi kèm; chúng tôi sẽ quan tâm nêu lên những lĩnh vực ứng khác của lí thuyết ấy. Điều này cũng không có nghĩa là không có những sự đối lập mạnh mẽ giữa những lí thuyết khác nhau: nếu trong một mức độ nào đó, có thể xem chúng là bổ sung cho nhau thì mỗi lí thuyết tập trung vào những vấn đề đặc thù, các lí thuyết đôi lúc đối kháng nhau, theo nghĩa là chúng đề xuất những giải thích khác nhau cho cùng một hiện tượng được quan sát.
Bố cục của sách
Phần đầu của sách trình bày những cách tiếp cận tân thể chế.
Trong chương một, chúng tôi đề cập vấn đề hoạt động của doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa hiện đại, và việc lí thuyết người ủy quyền-người đại diện xử lí vấn đề này, Núp đằng sau vấn đề này, đặc biệt có những cuộc xung đột có tính thời sự nóng hổi giữa các cổ đông và các nhà quản lí (xì-căng-đan Enron, sáp nhập HP-Compaq, vấn đề thưởng cho các nhà quản lí của một số doanh nghiệp bằng stock-option, tức bằng chứng khoán của công ti …).
Chương hai tập trung vào hợp nhất theo chiều dọc được lí thuyết chi phí giao dịch xử lí. Thật ra, bàn về vấn đề này là tìm hiểu vì sao, trong các nền kinh tế thị trường, tồn tại các doanh nghiệp
[2]. Hợp nhất theo chiều dọc kéo theo một mức độ tập trung nhất định những hoạt động trong nội bộ các hãng và như thế đặt ra vấn đề sức mạnh thị trường mà điều này mang lại cho doanh nghiệp. Lí thuyết chi phí giao dịch chỉ ra là, trong một số trường hợp, sự tập trung này là biện minh được về mặt kinh tế, điều này đôi lúc tương đối hóa những chính xách chống trust của các Nhà nước.
Kết luận của phần đầu quyển sách đề nghị một phân tích phê phán hai lí thuyết trên, bằng cách dựa vào những phát triển gần đây của xã hội học kinh tế. Chính xác hơn, vấn đề là bàn luận giả thiết cơ bản, chung cho cả lí thuyết người ủy quyền-người đại diện lẫn lí thuyết chi phí giao dịch, về tính cơ hội bằng cách đối chiếu nó với khái niệm tín nhiệm.
Trong chương ba, Phần thứ nhì của sách trình bày những cách tiếp cận được chúng tôi gọi là tiếp cận “nhận thức”.
Trong chương ba, chúng tôi quan tâm đến sự phát triển logic của những quan hệ liên doanh nghiệp (đối tác, thầu, liên minh công nghệ …) dẫn tới sự hình thành những mạng doanh nghiệp phụ thuộc lẫn nhau, và đến việc phân tích các quan hệ này bằng những lí thuyết năng Các lí thuyết này cũng cho phép hiểu được tính chặt chẽ đôi lúc khó thấy của những chiến lược đa dạng hóa sản phẩm của một số doanh nghiệp (như đã nói, Bic chế tạo bút nguyên tử và dao cạo râu; tập đoàn Leroux, chế tạo rau diếp xoăn còn sản xuất kem đánh răng …).
Chương bốn tập trung vào vấn đề đổi mới công nghệ, nguồn gốc thiết yếu của tăng trưởng kinh tế trong các nước phát triển. Phân tích tiến hóa phát triển một số công cụ có tính quan niệm cho phép giải mã quá trình đổi mới phức tạp, giúp hiểu diễn tiến của doanh nghiệp (đặc biệt là sự bất lực của một số lãnh đạo trong việc đi có hiệu quả vào những qũy đạo công nghệ mới), cũng như sự tồn tại của những chu kì công nghiệp các ngành (chẳng hạn, trong công nghiệp dược, sự đột phá của các công nghệ sinh học).
Cũng giống như phần đầu, kết luận của phần thứ nhì được dành cho việc đối chiếu hai ý niệm then chốt, trong trường hợp này là thông tin và kiến thức. Đặc biệt, phân tích tiến hành cho phép tương đối hóa sự đam mê của các doanh nghiệp đối với thời trang knowledge management.
Cuối cùng, kết luận chung đề xuất một tổng hợp các lí thuyết đã trình bày. Đây cũng là dịp để phát triển một ví dụ xuyên suốt, đòi hỏi huy động các lí thuyết thuộc mỗi một hai cách tiếp cận lớn. Chính xác hơn vấn đề là quan tâm đến những khuôn mặt mới nổi lên của doanh nghiệp toàn cầu, hóa thân mới nhất của quá trình toàn cầu hóa.
Nhưng trước đó, chúng tôi đã quyết định dành một chương mào đầu để trình bày những giới hạn của quan niệm tân cổ điển về doanh nghiệp. Là cánh cửa bắt buộc phải qua đối với sinh viên kinh tế, lí thuyết tân cổ điển đôi lúc làm sinh viên lúng túng (để dung một uyển ngữ dịu dàng), vì thế theo chúng tôi sẽ là quan trọng chỉ ra những đóng góp và giới hạn của quan niệm này để biện minh, theo một cách khác, cho sự phát triển của những lí thuyết mới đây vốn là nội dung trung tâm của sách này.
Mục lục
Dẫn nhập
Chương mở đầu: Những giới hạn của cách tiếp cận tân cổ điển
I. Mô hình tân cổ điển
II. Điều “như thể” của Friedman
III. ”Con rối trừu tượng” của Machlup
Phần một
CÁC CÁCH TIẾP CẬN TÂN THỂ CHẾ
Chương I: Lí thuyết người ủy quyền-người đại diện và hãng tư bản chủ nghĩa xã hội
I. Những tác giả tiên phong: phân tích quản trị doanh nghiệp
II. Lí thuyết người ủy quyền-người đại diện
A. Các vấn đề về người ủy quyền-người đại diện
B. Giải pháp cho những vấn đề người ủy quyền-người đại diện
III. Ứng dụng
A. Đấu tranh vì thông tin. Trường hợp Enron
B. Diễn tiến quan hệ giữa các cổ đông các nhà quản lí và tăng trưởng kinh tế
C. Mở rộng ra việc phân tích quan hệ người sử dụng lao động-người làm công ăn lương
ChươnG II: Lí thuyết chi phí giao dịch và sự hợp nhất theo chiều dọc
I. Người mở đường: Ronald Coase
II. Lí thuyết chi phí giao dịch
A. Các giả thiết hành vi và thuộc tính của những giao dịch
B. Những nhân tố quyết định việc lựa chọn thị trường-hãng
C. Thị trường, hãng và cấu trúc lai ghép
III. Ứng dụng: hợp nhất sự phân phối của LVMH
A. Những lợi thế về mặt chi phí điều hành
B. Những lợi thế về mặt chi phí sản xuất
Kết luận Phần một
Hành vi cơ hội và sư tín nhiệm
I. Cách tiếp cận bằng thị trường
II. Cách tiếp cận tân thể chế
III. Cách tiếp cận xã hội-kinh tế
Phần hai
CÁC CÁCH TIẾP CẬN NHẬN THỨC
Chương III: Lí thuyết năng lực và các quan hệ doanh nghiệp
I. Một người mở đường: Edith Penrose
II. Tổ chức công nghiệp theo G. Richardson
A. Hoạt động và năng lực
B. Thị trường, hãng và hợp tác
III. Ứng dụng
A. Đa dạng hóa chặt chẽ
B. Giao thầu bên ngoài
Chương IV:
Lí thuyết tiến hóa và đổi mới
I. Những người mở đường: hãng tiên tiến của R. Nelson và S. Winter
A. Quỹ đạo công nghệ của doanh nghiệp
B. Các chế độ và mẫu hình công nghệ
II. Những phát triển mới của phân tích tiến hóa: hướng đến một lí thuyết tổng hợp về hãng lớn
A. Đào sâu lí thuyết tiến hóa về hãng
B. Một hệ thống các loại hình doanh nghiệp lớn
III. Ứng dụng: tiến hóa của công nghiệp dược
A. Tổ chức công nghiệp của ngành dược
B. Diễn tiến của quá trình đổi mới
Kết luận phần hai
Thông tin và tri thức
II. “Knowledge Management”
III. Thông tin, tri thức và chế độ làm chủ
Kết luận chung
I. Tổng hợp các lí thuyết đã trình bày
II. Những cấu hình đan chéo nhau của hãng toàn cầu
A. Hãng giao dịch
B. Hãng nhận thức
C. Sự đan xen và những hệ quả
Thư mục tham khảo
Lưu ý
[1] Không tính đến những vấn đề phân phối thu nhập: trong một nước nhất định, mức sống trung bình có thể tăng, nhưng có lợi cho một số thành phần dân chúng và thiệt thòi hơn cho một số thành phần khác. Một giới hạn quan trọng khác là ngày càng có nhiều người lưu ý đến tác động môi trường của tăng trưởng kinh tế, điều này dẫn ta đến khái niệm phát triển bền vững. Do đó tăng trưởng kinh tế là mục tiêu đầu tiên, với điều kiện là phải lưu ý đến việc phân phối của cải (mục tiêu công bằng) và tôn trọng môi trường (mục tiêu bền vững) …
[2] Một cách khái quát hơn nữa, Oliver Williamson, tác giả chủ yếu của lí thuyết chi phí giao dịch, cho rằng hợp nhất theo chiều cao, quan hệ việc làm, một số khía cạnh của quy định hóa, tổ chức gia đình… đều là những biến thể về cùng một chủ đề