Lý Trực Sơn
(1949 ........) Thừa Thiên
Họa Sĩ
Tay để vẽ
Lý Trực Sơn tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1979. Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật từ 1979 đến 1989. Sau sang Paris và Berlin hoạt động nghệ thuật khoảng 10 năm.
Hiện sống và làm việc tại Hà Nội
Tác phẩm mới nhất
"Giả Thiết"
Tranh giấy Dó
Tranh sơn mài
5.12: "Giả Thiết" của Lý Trực Sơn
.
GIẢ THIẾT
Triển lãm 36 tác phẩm hội họa trừu tượng trên giấy của họa sĩ Lý Trực Sơn
Khai mạc: 17g00, thứ Hai 5. 12. 2011
Triển lãm: 5 đến 25. 12. 2011
Tại Âu Cơ Gallery
Số 1, ngõ 124/22, Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội
Cách đặt vấn đề của Lý Trực Sơn phần nào có sự tương đồng với Mark Rothko, đó là phân mảng không gian tranh thành những khoang hình chữ nhật đơn giản và dùng sự chuyển giao về hòa sắc giữa các khoang chữ nhật này, có khi dịu dàng, có khi gay gắt, để phản ánh những dòng cảm xúc tự sự sâu lắng.
Tuy nhiên, nếu như nghệ thuật trừu tượng của Rothko trên sơn dầu nồng nàn một cách chủ động thì nghệ thuật trừu tượng của Lý Trực Sơn trên giấy lại cố tình lơ đãng và tự tiết chế một cách rời rạc, và hình như có lúc pha trộn cả những ý niệm nghi vấn.
Cái tên của triển lãm – Giả thiết – đã thể hiện rõ tính chất tự ngờ vực, sự suy nghiệm trăn trở tìm tòi: đâu là cái thực, đâu là cái khách quan.
Những trăn trở mang tính ý niệm ấy có khi được bộc lộ qua những dòng chữ chi chít, có khi lại thông qua những đường cong vừa tiết chế một cách đầy tính kiểm soát, vừa mong manh tìm kiếm hướng về một bản chất, một quy luật nào đó trong thế giới.
Giữa một thế giới đầy ắp thông tin và những biến động mà chúng ta đang sống, chính những đường nét thô sơ giản dị ấy lại đem đến cảm xúc da diết về sự hữu hạn của con người trong không gian.
Xúc cảm mang tính không gian ấy càng được cộng hưởng với những ấn tượng về thời gian, qua những vết ố loang lổ, dấu tích của thăng trầm. Đó kết quả từ cách dùng màu độc đáo của Lý Trực Sơn. Đa số màu vẽ là do họa sĩ tự bào chế từ cây cỏ, củ, vv. Những nguyên liệu mộc mạc của tự nhiên tạo ấn tượng thời gian phôi pha trên bề mặt các bức tranh dù chúng được vẽ từ cách đây chưa lâu.
Việc chủ động tạo ra được ấn tượng tự nhiên về thời gian phôi pha là một lợi thế lớn cho Lý Trực Sơn, đem lại một chiều biểu cảm đầy hiệu quả khi vận dụng vào nghệ thuật trừu tượng, tạo thành bản sắc nghệ thuật trừu tượng trên giấy của riêng ông.
Cân đối với những mảng màu trầm mặc đầy tính phó thác cho thời gian là các đường cong bay bổng một cách nhất thời. Bay bổng nhưng vẫn tiết chế một cách vừa độ theo tinh thần phương Đông. Tính khoan nhặt ấy làm nên chất thơ nhẹ nhõm của tác phẩm.
Bài liên quan:
Họa sĩ Lý Trực Sơn: Người tự... đày ải
Đã 63 tuổi nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, ăn sáng xong là ông tay xách nách mang cơm đùm, cơm nắm cho bữa trưa rồi phi xe sang xưởng vẽ cách nhà gần 30 cây số ở Gia Lâm, Hà Nội. Đến nơi là ông đầu trần, quần đùi, áo may ô miệt mài cuốc đất, trồng cây, chặt cành, phơi khô, đun nấu các loại cây cỏ trong vườn để pha chế màu rồi thể nghiệm ý tưởng của mình trên giấy dó.
Trong tiết trời nắng như đổ lửa, trong căn nhà cấp bốn oi bức, ông tự "tra tấn" mình: không quạt điện, không bàn ghế, không giường chiếu, chỉ có một khoảng trống ở thềm và giữa nhà để ngồi vẽ trong âm điệu du dương của tiếng nhạc phát ra từ đầu CD, thứ duy nhất ở chốn này được coi là hiện diện của đời sống hiện đại.
- Thưa họa sĩ Lý Trực Sơn, ông được biết đến với tư cách là một họa sĩ vẽ sơn mài có đẳng cấp, nhưng gần đây, ông đã tạm gác chất liệu này sang một bên để quay trở lại với giấy dó truyền thống và tìm hiểu một lối vẽ mới, đó là thay thế màu công nghiệp bằng những màu sắc do ông tự chế từ cỏ cây, hoa lá. Điều gì khiến ông có sự thay đổi căn bản này?
+ Thực ra, sử dụng màu tự nhiên không phải là điều hiếm hoi trong mỹ thuật. Thậm chí, các màu tự nhiên ấy đã tạo ra được những màu sắc đẹp, chẳng hạn như màu đỏ, màu đen, màu chàm… Bà con thuộc dân tộc ít người là một ví dụ rất điển hình về sử dụng màu sắc, các hoa văn trên váy áo. Hồi ở Pháp, tôi sống nhờ ở nhà một nữ họa sĩ, thuộc lớp đàn chị. Một hôm, rỗi việc, chả biết làm gì, tôi lấy những gói chè Lipton của chị đã để rất lâu không dùng đến, ngâm vào nước sôi, thấy nó cho một màu nâu đen rất đẹp. Tôi bèn lấy nước chè cô đặc ấy vẽ thử lên giấy dó và phơi khô, để một thời gian thì thấy nó giữ màu rất lâu. Tôi bèn nghĩ, tại sao mình không dùng chất liệu thiên nhiên để làm màu vẽ nhỉ! Và hiện nay, trong gần hai năm tự mày mò, nghiên cứu, tôi đã bắt đầu tìm được những màu, chất liệu cơ bản phục vụ cho các tác phẩm của mình.
Họa sĩ Lý Trực Sơn bên tác phẩm của mình.
- Ông có thể nói cụ thể hơn về những chất liệu thiên nhiên ông đã tìm được và khả năng ứng dụng của nó vào các tác phẩm hội họa?
+ Tôi may mắn được đi khắp mọi vùng miền đất nước, đặc biệt là các vùng dân tộc ít người, bản thân người ở đó họ cũng thường sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên để nhuộm vải nên tôi có dịp quan sát. Tôi cũng đến những vùng làm quạt giấy truyền thống, cách người ta nhuộm màu phết lên những chiếc quạt giấy cũng là một điều đáng học hỏi. Đi đến nhiều vùng, thấy cây gì lạ, cảm thấy có thể giữ được màu sắc tôi đều xin về trồng. Có lần, trong chuyến đi chơi Tây Bắc đầu năm, tôi nghĩ đến củ nâu, loại củ mà xa xưa ông cha ta vẫn thường dùng. Tôi hỏi mua thì người ta trả lời không có, vì đầu năm chưa kịp đi đào. Chợt một bà già bảo: "Anh có mua nhiều không để về đào, sáng mai sẽ có!".
Tôi đồng ý mua và bà ấy đào cho tôi chừng năm chục cân, mua giá rất rẻ. Về giã ra nấu lên, hóa ra củ nâu cho màu rất đẹp. Khi vẽ cạnh các màu khác thì sự tương phản lại rất hiệu quả. Củ cây nghệ đen cũng là một trong những củ có màu vàng rất đẹp, hay cây ngải cứu phơi khô, đun lên cô đặc cũng cho màu rất bền. Tôi cũng thích màu xanh dương đậm của hoa đậu biếc. Hoa đậu biếc phơi khô, đun lên sẽ giữ màu xanh rất đẹp…
Mỗi lần tìm được một loại cây, loại hoa để thử nghiệm, tôi đều xin giống về trồng trên vườn nhà mình. Bây giờ, sau một năm lao động như một người nông dân thực sự, tôi đã có thể tự pha chế để có những màu sắc mà mình cần. Tôi rút ra kinh nghiệm: Có những loại cây, loại hoa đun lên thì giữ được màu, nhưng có những loại thì để sống, giã và phơi nắng cho bốc hơi nước bớt thì màu lại cực bền. Tất nhiên, để vẽ được bằng màu thiên nhiên đôi khi phải tin vào linh cảm và bàn tay của chính mình. Vì không như các màu vẽ thông thường khác, loại màu tự pha chế khi phết lên giấy dó ban đầu sẽ cho ra một bức tranh... trong veo. Màu xanh chạm với tím sẽ cho ra một màu hoàn toàn khác mà người họa sĩ không thể tưởng tượng được. Riêng loại lá cẩm của người Tày mang lại nhiều bất ngờ với tôi khi pha màu. Ban đầu tôi chủ yếu dùng lá cẩm để tạo màu tím khi tình cờ nhìn thấy món xôi tím truyền thống của họ. Một lần tôi đun lá cẩm với nước và để quên mấy ngày. Hậu quả của cái việc để quên đó là lá cẩm ngâm lại tạo ra màu đen rất đẹp mà tôi pha chế mãi chưa thành. Với tôi, đó là điều thú vị.
- Không quạt điện, không tivi, không ghế bàn, giường chiếu… và thời gian chủ yếu của ông là ở cái góc bếp "dã chiến" ghép bằng ba viên gạch nung cùng một đống củi đã được chẻ sẵn. Tôi có cảm tưởng, trong tiết trời nắng nóng với những công việc khá nặng nhọc so với một họa sĩ ngoài 60 tuổi như thế này, thật khó để trường sức "chiến đấu" với thể loại tranh có những màu sắc thiên nhiên thế này. Ông có vẻ tự… làm khổ mình quá?
+ Tôi khổ mãi nên quen rồi (cười!). Nói vậy thôi, được làm việc mình thích thì không thấy nhọc nhằn gì. Tôi không dùng quạt vì vẽ tranh giấy dó thì không thể dùng quạt được. Tôi đã kịp "sắm" mấy cái quạt mo từ mo cau trong vườn. Đây chỉ là một khu nhà đất rộng tôi đi thuê để làm xưởng vẽ của mình, cho nên cũng không thể sắm sanh đồ đạc. Cơm nước thì đã được vợ chuẩn bị sẵn cho từ nhà mang đi, sớm đi tối về. Ngày nào cũng phải đi về hơn năm chục cây số. Có hôm đến xưởng, tôi không vẽ và cũng chẳng đun nấu gì, chỉ chăm bón, tưới cây, trồng một vài loại cây mình mới tìm được. Nhà tôi ở cách sông Hồng chừng 150m, cách sông Đuống chừng 150m và cách khu dân cư sầm uất cũng chừng 150m, vậy là tùy tâm trạng của mình, có khi dạo chơi ra sông lấy đất phù sa, ngắm cảnh lấy cảm hứng. Cuộc sống như thế, với tôi, là không còn gì sung sướng bằng!
- Ông là một họa sĩ từng có 9 năm đi học và làm việc ở nước ngoài. Mỗi nghệ sĩ khi "Tây du" trở về Việt Nam đều có sự học hỏi, du nhập văn hóa để tạo nên những dấu ấn riêng trong các tác phẩm của mình. Ông có thuộc tuýp người đó?
+ Năm 12 tuổi tôi đã vào học lớp trung cấp mỹ thuật hệ 7 năm (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Bảy năm sau, tốt nghiệp xong tôi được giữ lại trường làm giảng viên. Năm đó, tôi mới 19 tuổi và là lứa giảng viên trẻ nhất hồi bấy giờ. Tôi học cùng lớp với họa sĩ Thành Chương. Tôi thường được các thầy cô giáo gọi đùa là "bách khoa toàn thư" Lý Trực Sơn, vì tôi đọc nhiều sách nên biết nhiều chuyện, còn Thành Chương thì được gọi là "tổng hợp toàn năng" vì cái gì cũng làm được và làm đến nơi đến chốn. Nhưng rồi sau đó cả hai chúng tôi rời trường đi lính theo tiếng gọi của Tổ quốc. Tôi là lính pháo cao xạ, Thành Chương lính công binh. Hết chiến tranh, tôi rời quân ngũ và quay trở lại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội để học tiếp đại học. Và, như một cơ duyên, học xong, một lần nữa tôi được giữ lại làm giảng viên của Trường Mỹ thuật. Hồi đó, khi đã là một anh lính vào sinh ra tử lại cộng thêm cái chất văn nghệ sĩ, tôi chủ yếu dạy học sinh ở... ngoài quán nước chè nhiều hơn là trên lớp! Đến năm 1988, tôi được nhận học bổng đi Pháp một năm.
Khi đến với đất nước mà tiếng tăm về nền mỹ thuật đã trở thành đỉnh cao của thế giới, dĩ nhiên tôi ngộ ra nhiều điều khác với những bài giảng khô cứng trên lớp học. Tôi nói với thầy giáo, người đã mời tôi sang Pháp: "Tôi không thể ngồi trên lớp để học những bài vỡ lòng về hội họa, những điều này tôi đã học từ năm 7 tuổi. Tôi muốn đi tới nhiều thành phố ở đây để lấy tư liệu và cảm xúc!". Nghe xong, tưởng ông thầy tức giận, ngược lại, ông còn "cấp" thêm cho tôi một năm học bổng để có thể ở lại Pháp và thực hiện ước mơ của mình. Và, cứ lẳng lặng một mình một bóng với niềm đam mê hội họa, tôi đã ở lại ngao du tận trời Âu tới… 9 năm trời mới trở lại Việt Nam. Khi trở về, gia tài tôi chẳng khác gì lúc tôi ra đi, ngoại trừ một hình hài đã già nua theo năm tháng và một cái đầu chứa đựng những điều đã học được trong những năm tháng ở Pháp, Đức làm họa sĩ vẽ ký họa đường phố cùng sự quen biết, giúp việc và học hỏi nhiều họa sĩ nổi tiếng ở Pháp lúc bấy giờ. Tuy nhiên, trong nghệ thuật, cái "được" nó vô hình lắm. Tôi thấy, mình được đi, được sống, được vẽ như vậy là đã hạnh phúc rồi!
- Với những tác phẩm đã hoàn thành trên chất liệu giấy dó và màu thiên nhiên, ông có định sẽ có một cuộc triển lãm để nhiều người được chiêm ngưỡng thành tựu của ông trong thời gian qua?
+ Năm ngoái, sau chuyến đi Trường Sa trở về, tôi đã vẽ được gần 20 bức tranh về cuộc sống sinh hoạt thường ngày của những em bé, những người dân trên quần đảo Trường Sa bằng chất liệu giấy dó. Tôi đã mở cuộc triển lãm chung với họa sĩ Đào Châu Hải về chuyến đi này vào tháng 12 - 2010 vừa qua. Trong đời làm nghề của tôi, thời điểm tôi đắm say với chất liệu sơn mài, tôi đã vẽ liên tục và mở triển lãm riêng "Chốn này" và dừng vẽ sơn mài để tìm tòi một chất liệu khác. Với chất liệu giấy dó, tôi dự định sẽ triển lãm riêng vào tháng 10 năm nay và sẽ cố gắng mang tới cho khán giả những tác phẩm tốt nhất có thể!
- Xin cảm ơn ông!
Họa Sĩ Lý Trực Sơn: "Đi đâu chơi đó mấy hôm về"
Tranh Lý Trực Sơn: Giọt nước mắt đàn ông
"Giả Thiết" trừu tượng của Lý Trực Sơn
Triển lãm của Lý Trực Sơn, Đào Châu Hải: Một ngày suy tưởng
"Không Vô Can và Ballad Biển Đông"
Triển lãm đôi đẹp nhất trong năm
Lý Trực Sơn vẽ Phan Nguyên
ký họa bằng café
*
Lý Trực Sơn
Ảnh: Phan Nguyên
*
Triển lãm tranh Lý Trực Sơn và điêu khắc Đào Châu Hải
Lý Trực Sơn & Trần Lưu Hậu
Lý Trực Sơn & Phan Nguyên
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.