Chân Phương
(1951 - 2020) Phnom Penh
Bút hiệu khác: Phương Sinh
Tên thật: Phương Kiến Khánh
Nhà thơ, Nhà văn
Ngòi bút có sau bàn tay
Bàn tay có sau hòn đá
Hòn đá có sau lửa trời
Lửa trời có sau hiện tại
Hè 2000
Tác phẩm
VOILIERS ET BAISERS - ca khúc CHÂN PHƯƠNG
à KITTY NT,
I.
Les voiliers rêvant à quoi ? Mấy cánh buồm mơ mộng điều chi?
Et les vagues dansant pour qui? Các lượn sóng nhảy múa cho ai ?
Les années ne reviennent pas ! Năm tháng ra đi không trở lại !
De la mort on est otage ! Còn cái chết làm sao trốn chạy ?
Le soleil se souvient-il ? Vầng dương kia có nhớ gì chăng
Quand la mer berce l'oubli ? Khi biển đu đưa niềm quên lãng ?
La passion s'est endormie! Những đóa hôn đã bỏ trốn rồi !
Les baisers se sont enfuis ! Và đam mê cũng đã ngủ vùi !
refrain - điệp khúc
On sait bien, on sait trop bien Ta biết rõ và ta biết lắm
Que l'amour est une folie Tình yêu là chứng bệnh cuồng si
Puis un jour elle est partie Rồi một ngày nàng đã ra đi
Tout est triste , tout est gris ! Chi còn lại nỗi buồn, màu xám
On sait bien, on sait trop bien Tình yêu là một trò đặt cược
Que l'amour est un pari Ta biết rõ và ta biết lắm
Puis un jour elle est partie Rồi ngày kia nàng đã ra đi
Tout est mort , tout est fini ! Và tất cả lâm chung chấm hết !
II.
Le printemps chante l'espoir Mùa xuân cất tiếng ca hy vọng
Et l'été promet la joie Mùa hè hứa hẹn mọi niềm vui
Mais l'automne tourne la page ! Nhưng thu tàn lật qua trang khác
Viennent le froid, le de'sespoir! Tuyệt vọng với đông hàn ập tới !
Quand les nuits sont solitaires Đêm đơn chiếc tiếp đêm cô quạnh
Et la neige nous enterre ! Khi chúng ta bị tuyết lấp vùi !
Dans un recoin sans mémoire Ở một góc trống không hoài niệm
On attend les matins noirs ! Ta đón đợi bình minh tăm tối !
refrain - điệp khúc
III.
Les voiliers rêvant à quoi? Mấy cánh buồm mơ mộng điều chi?
Et les vagues dansant pour qui? Các lượn sóng nhảy múa cho ai?
Les années ne reviennent pas! Năm tháng ra đi không trở lại!
Mais je pense encore à toi! Nhưng tôi cứ nhớ em hoài!
Le soleil se souvient-il? Vầng dương kia có nhớ gì chăng
Quand la mer berce l'oubli? Khi biển đu đưa niềm quên lãng?
Les années ne reviennent pas! Năm tháng ra đi không trở lại!
Mais je pense encore à toi! Nhưng tôi cứ nhớ em hoài!
Les années ne reviennent pas! Năm tháng ra đi không trở lại!
Pense-t-elle parfois à moi? Em có khi nào nhớ đến tôi?
Hingham Bay, Sep. & Oct. 2015
Ca khúc Chân Phương
Mưa Moderato
Hòa âm: Nguyễn Trọng Khôi
tiếng hát: Bùi Thạch Trường Sơn
Ngồi Lại Bên Cầu Mirabeau
Tác phẩm đã in
Thơ
Chú Thích Cho Những Ngày Câm Nín
(tập thơ)
Bổ Túc Lý Lịch Cho Loài Di Dân
(tập thơ)
Biển Là Một Tờ Kinh
(tập thơ)
Bản Án Cho Các Vĩ Cầm
(tập thơ)
Nghĩa Đen
(tập thơ)
Bờ Nước Đục
truyện ngắn
BỔ TÚC MỘT HỒ SƠ VĂN HỌC
Trong bài “Vụ án ‘ Về Kinh Bắc’ “ vừa công bố gần đây trên mạng (vanchuongviet.org; amvc.free.fr) tường thuật vụ công an văn hóa bí mật giăng bẫy lưới để chụp bắt Hoàng Cầm, nhà thơ Hoàng Hưng có nhắc đến tôi cùng vài người bạn văn nghệ “chui” ở Sài Gòn cũ - những kẻ ít nhiều đã liên lụy vói vụ án hậu Nhân Văn ấy. Câu chuyện vài thi sĩ dissident Bắc Hà giao lưu với nhóm văn nghệ underground Bến Nghé là một truyện dài, có thời giờ tôi cũng sẽ bút mực công khai.
Như một tình cờ thú vị, truyện ngắn Bờ Nước Đục (vừa ra mắt trên số Hợp Lưu mới nhất, tháng 8-9,2010 ) là một sáng tác nửa tự truyện nửa hư cấu, trong đó thấp thoáng bóng hình của vài nhân vật đối tượng của chính sách văn hóa-tư tưởng Hà Nội thuở đó như Hoàng Hưng, Phan Đan, Huy Tưởng, Phương Kiến Khánh…Các trò an ninh chuyên chính ấy ngày nay đã thuộc về lịch sử. Cái còn lại là nghệ thuật vì bọn viết văn làm thơ, nói theo René Char, hơn giới chính trị gia nhờ có được SECOND SOUFFLE! (hơi thở thứ hai, nghĩa là hình hài chết đi tác phẩm vẫn tồn tại).
Kính mời độc giả đọc chơi truyện ngắn dưới đây bên cạnh bài viết của Hoàng Hưng như thưởng thức một bản song tấu cello - lục huyền cầm.
CHÂN PHƯƠNG
Cambridge, lập thu 2010
BỜ NƯỚC ĐỤC
Thử hình dung một con tàu đang rẽ sóng…Du khách tụ họp trên boong ngắm biển ngắm trời, thay phiên chụp những pô hình solo hay tập thể trên cái nền lô nhô đảo nhỏ đảo to dưới bầu trời đang bừng sáng vì vầng dương vừa lấn được mấy lớp mây mù để phết nhanh lên mặt nước từng mảng rộng đủ các cung bậc của màu lam. Trong khi đó nơi từng dưới trên cái ghế bành trưởng giả có kẻ ngồi riêng một góc nhấm nháp đến chai bia thứ ba thứ bốn từ khi tàu rời cảng mà vẫn chưa kích thích được chút nào thần khí lữ khách. Chiếc bách gắn động cơ ấy là tàu Bạch Đằng của công ty du lịch Hải Phòng đang bập bềnh giữa vịnh Hạ Long còn lữ khách là tôi, kẻ sắp thủ vai chính cho câu chuyện đang đi lạng quạng mấy đường bái tổ này trong khi chờ đợi dưới bếp người ta luộc mấy chú mực tươi mua lẻ từ chiếc thuyền chài xiêu vẹo vào lúc tàu ghé hòn Gà Chọi hay hòn Mâm Xôi gì đó.
Từ lâu tôi đã biết lá tử vi mình khó được hân hạnh kết thúc kiểu Kinh Kha hoặc Chu Thần nên tôi chỉ có thể chọc tức định mệnh những khi buồn chán bằng thủ đoạn vặt, chẳng hạn mua vé số tặng lão hành khất mù hay như lúc này chơi trò un peu, beaucoup, pas du tout… với mấy cọng râu mực vừa được bưng lên còn bốc hơi nghi ngút trên bàn. Nói cho dễ hiểu, tôi thuộc loại bất đắc chí đã và đang ru ngủ mình bằng các thú vui vô tích sự : tiếu ngạo giang hồ ngắn hạn, ái ân vụng, phá phách nhặng xị nơi mấy quán vỉa hè. Không hẳn là hoàn toàn buông thả cho số mạng vì lắm lúc nổi máu trượng phu tôi cũng muốn làm một điều gì chứng tỏ sự hiện diện của kẻ mày râu với trời đất núi sông nhưng lá số hẩm hiu của tôi lúc nào cũng vuột hụt những khoảnh khắc gay cấn có triển vọng được người đời sau tặng cho mỹ từ oanh liệt, hào hùng, đại loại…Nói có sách, mách có chứng; và tôi sẽ cho phép nhân vật phụ nấn ná nơi hậu trường thêm vài phút, đơn độc như cánh hải âu và đăm chiêu như cá mắc cạn để tác giả rảnh tay chỉnh đốn lại các thứ tình tiết lôi thôi còn thiếu mạch lạc để tiếp tục hầu chuyện quí vị ---
Tôi đã mất liên lạc với hắn từ bao giờ không biết, kể từ đêm chia tay nơi cái quán lộ thiên đầy bàn ghế khập khiễng bày giữa đống gò mả dưới bầu trời nhờ nhờ không trăng sao chéo góc chợ Bà Chiểu. Lúc ấy vào khoảng tháng mười hay mười một, cuối mùa mưa với những trận bão rớt và không khí thường ẩm đặc hơi nước. Tôi còn nhớ cả hai đã hút thuốc và nhắp trà đậm đến đắng chát cổ họng – cái thú uống trà đậm kéo theo hơi thuốc lào tôi đã học ở hắn - để giữ thần trí được tỉnh táo cho cuộc chuyện trò. Chu đã bị bắt trong chuyến ra Hà Nội tiếp xúc với nhóm văn nghệ bí mật và công an đã lục soát nhà anh chàng tuần qua, hắn thông báo tin mới nhất. An ninh văn hóa đã được tung ra để lùng cả nhóm. Vợ Chu nhắn cho hắn biết là bọn họ đã lục thấy tấm hình chụp chung vào dịp sinh nhật chồng năm trước mà cô ta chưa kịp đốt. Đêm ấy Chu, hắn, tôi cùng hai thi sĩ khác đã khí phách và lãng mạn quá đà, các bài thơ thay phiên vang rền giữa vòng vây của câm lặng ô nhục, những cốc rượu trong cất từ một làng miền Bắc xa xôi đốt bừng tâm sự thời thế, âm ỉ từ bao mùa dưới đống tro lạnh bỗng phựt lên ngọn lửa bất diệt của sáng tạo và lương tri. Bây giờ phải trả giá cho sự thách thức! Tôi nhìn ánh mắt sâu thẳm hơn đêm tối thỉnh thoảng ánh lên một đóm sáng man dại dưới vầng trán khổ hạnh của hắn, khóe miệng nửa khinh bạc nửa âu lo. Tôi thương hắn và thương mình. Loài thú bị dồn đến bờ vực, trước mặt là nhà tù và bản án.
Từ đêm đó hắn biệt tăm. Gần cả năm sau, vài mẩu tin mơ hồ cho biết hắn bị tóm trong lúc tìm cách vượt biên ở một bờ biển. Nhưng cũng có mấy con phe đường dài tháng tháng ngồi tàu Thống Nhất vào nam ra bắc tình cờ gặp tôi trên đường Tự Do cũ lại loan tin hắn đã thoát an toàn. Vậy thì hắn đang bó gối sau rào kẽm gai ở Chimawan hay ôm chấn song nhà giam nội địa nào đó, có trời mà biết! Thật tình lúc ấy tôi đang lo sốt vó cho thân mình, hơi đâu đi kiểm chứng những tin đồn thất thiệt. Quan tâm duy nhất của tôi là làm thế nào đối phó với những thẩm tra, bắt bớ sắp chụp lên đầu. Tôi không chút nghi ngờ rằng lý lịch mình đang nằm trong một chồng hồ sơ của bộ nội vụ, và các “chuyên gia” tu nghiệp tận Liên Xô, Trung Quốc đang tốn không ít chất xám để điều nghiên trường hợp tôi: đường đường chính chính là công dân hợp pháp vừa là cán bộ nghiên cứu của một viện uy tín. Đằng sau mấy bài khảo cứu, tham luận về mô típ Angkor hoặc thủy mặc đời Tống, tôi là một dấu hỏi vô can hay nhồi thuốc nổ? Tình thế thật là tấn thối lưỡng nan, dở đi dở ở. Đào tẩu đi chui ư? Thành công thì không nói, ngược lại thất bại thì chẳng khác chi tôi tự tố cáo mình. Biết đâu các tâm lý gia của chế độ đang mĩm cười ngắm tôi tự đấu trí từng ngày!
Con tàu vẫn rẽ sóng, tiếng động cơ nổ êm giữa bao la trời nước. Nhấp nhô quần đảo từ xa như tranh lụa trong sương. Hơi men thấm dần bốc thành cảm hứng, đây là lúc ứng khẩu vài câu tuyệt cú ghi lại một ngày đáng nhớ trong đời. Giai nhân đang chờ được chinh phục, tình yêu như chai bia sủi bọt chỉ cần thêm mồi nhắm của nghệ thuật tán tỉnh. Đêm trước ở Thiên Trù vào lúc mặt trời sắp tắt nàng đã chẳng cho phép tôi nắm lấy bàn tay nhỏ mềm của nàng là gì? Rồi đứng giữa những tháp gạch lở lói, trên đầu đàn dơi muổi rít ré chập choạng, nàng đã chẳng để tôi vuốt ve mái tóc hay sao? Nếu không có ông bố tháp tùng trong chuyến viếng chùa Hương biết đâu điều hào hứng hơn đã có thể xảy ra làm chất liệu tươi mát cho mấy bài thơ tình tôi nhét vội vào túi xắc nàng lúc xuống đò trở ra suối Yến!
Có thời buổi nào kỳ quái cho bằng những năm tháng ấy khi mà bất cứ người nào cũng có hai bộ mặt: vị lãnh tụ anh minh thực chất là tay cuồng tín sát nhân, nhà triết gia cách mạng lúc trùm chăn ngủ là tên đớn hèn xảo trá. Thế thì làm sao nàng có thể nhận ra bên dưới tóc râu lãng mạn, ánh mắt nam châm và y phục trang nhã là một gã mang án treo với sợi thònh lọng vô hình quanh cổ nối dài đến một ngôi biệt thự xinh xắn nào đó mà chủ nhân là thứ chằn tinh thời đại biết dùng điện thoại và mật mã điệp báo. Nhung tôi đã quyết định thí con xe cuối. Món vàng đóng hụi tự do đã biến thành chiếc thuyền nằm đâu đó nơi bờ kinh cửa lạch. Còn vài tuần nữa là hết tháng bà già đi biển; người học trò cũ dưới Rạch Giá đã chuẩn bị xong gạo, nước, dầu. Lần thẩm tra gần đây nhất tương đối suông sẻ; hai tên công an nội vụ mới ra lò sau hơn năm tiếng đồng hồ chất vấn, soi mói sắc diện, đã yêu cầu tôi ký tên vào bản tự khai rồi thân thiện tiễn ra cửa. Tất nhiên các điều cung khai của tôi đã được dàn dựng một cách tự nhiên hữu lý nhất - với kinh nghiệm chạm trán nhiều lần với bạo quyền hắn đã căn dặn tôi trước khi chia tay sách lược đối đáp với bọn lấy cung để bảo vệ lẫn nhau, nếu chẳng may không thoát khỏi tay chúng. Nhưng tôi không thể cả tin vào thần kinh của mình cũng như của anh em trong nhóm đang nằm trong tình trạng căng thẳng âu lo thường xuyên. Thú thật nhiều bận đi uống rượu khuya về, thoáng thấy bóng công an là tự nhiên có phản xạ muốn trốn chạy. Chịu đựng mãi sức ép cân não ấy đến thánh sớm muộn cũng bị bệnh tâm trí!
Tuy vậy con người là thứ sinh vật khó lường. Chỉ chịu khó nằm yên vài tuần như con thú trúng đạn tìm nơi ẩn náu chờ ngày hồi sức để chạy biến vào rừng; thế mà chẳng biết cái gì thôi thúc tôi làm việc liều lĩnh: đột nhập thám thính miền đất nhiều tai ương. Vụ Chu sa lưới năm nọ chẳng là một bài học đáng nhớ hay sao? Sĩ khí chăng, hay máu mạo hiểm ngông cuồng? Hoặc vài hình ảnh văn chương lâu nay chìm khuất tiềm thức bỗng bật tiếng gọi mời? Một ràng buộc danh dự với bản thân không cho phép ngoảnh mặt làm ngơ trước số phận bằng hữu khiến tôi quay lại đấu trường lần cuối? Chỉ biết là tình cờ trong một tiệc giỗ khi người anh họ đang làm hướng dẫn viên du lịch cho biết công ty anh ta sắp tổ chức chuyến du ngoạn ra Bắc và nhân tiện ngỏ ý thu xếp một chỗ trong đoàn nếu tôi thích; tiền nong lúc ấy không còn là vấn đề, tôi gật đầu chụp ngay cơ hội.
Cái tin đồn hắn bị tóm là sự thật. Đáp máy bay xuống Nội Bài lên xe ca vừa đến Hà Nội là tôi biến. Phải di chuyển xuất kỳ bất ý với bản đồ trong túi và học thuộc đường phố như dân bản địa. Trong khi đám du khách còn đang lục tục kéo nhau vào một quán ăn ở phố Trường Tiền, tôi đã chễm chệ trên chiếc xích lô tồi tàn kêu rên tựa bà già thấp khớp trực chỉ địa điểm liên lạc. Mười lăm phút sau tôi có mặt trong con hẻm chật trên đường X có hai hàng sấu lêu nghêu, bước nhanh vào quán rượu trá hình chỉ có giới văn nghệ chui thăm viếng. Chủ quán - một nhạc sĩ nằm ngoài mọi biên chế - giữa hai hớp đế và mấy hạt lạt rang đã lược thuật chuyến đi thất bại của hắn. Trong lúc cấp bách chẳng tìm được ai giúp và không thể vượt biên ở Sài Gòn vì phí tổn quá lớn, hắn trở ra Hà Nội chạy vạy góp một số tiền rồi nhanh chân lẻn xuống Hải Phòng. Giá vượt biên ngoài này chỉ tốn một hai khâu và giỏi lắm hắn cũng chỉ có thể vơ vào được khoảng đó. Nằm mấy tuần ở xóm chợ Sắt với tay bạn buôn đồ ngoại, họ tìm cách móc nối với đám dân chài Quảng Ninh. Nhưng ra đến Hòn Gai thì động, tổ chức cũng như khách chưa kịp tháo thân đã bị tóm cổ ráo. Tin mới nhất cho biết là hắn đang làm bạn với Chu đâu đó trong các xà lim Hỏa Lò. Vậy là mọi sự sáng tỏ!
Không tiện nấn ná thêm tôi làm một hơi cạn ly cay, chào chủ quán rồi quay về tiệm ăn nuốt vội bát cơm khô khốc với mấy miếng thịt dai – tránh cho mình một sự vắng mặt quá lâu bởi tôi chắc đến tám chín mươi phần trăm là gã hướng dẫn gốc Bắc Ninh kèm đoàn du khách có dính dáng đến Mai Chí Thọ nhiều hơn là đền Hùng và Văn Miếu. Vài hôm sau lợi dụng chương trình thăm viếng ba mươi sáu phố phường, tôi tranh thủ nhờ người đưa đến cư xá Y tìm thăm vợ con hắn. Tôi muốn giúp gia đình nhỏ đáng thương ấy một ít tiền, và chủ yếu hỏi chị vợ xem có cất được một tập thơ chép tay nào của chồng hay ít ra có thể chỉ cho tôi các nơi gửi gắm mớ sáng tác của hắn. Tôi đã nhủ bụng, ngay từ khi lên máy bay ở Tân Sơn Nhất, dù nguy hiểm đến đâu cũng tìm cách mang về một cái gì của bạn. Ước ao lớn nhất của tôi là giải thoát các tập thơ của hắn rồi tìm cách mang ra nước ngoài. Nhưng, như đã nói từ đầu, số tôi không khá.Vợ hắn cho biết, khi bị bắt hắn mang trên người cái túi duy nhất đựng tất cả bản thảo của nhiều năm sáng tác. Rồi sau đó, qua mấy lần khám nhà công an đã cướp đi những giấy má còn lại, kể cả nhật ký và thư từ bè bạn.
Thế là tôi chẳng còn cơ hội đóng vai đặc nhiệm giữa Long thành! Ngay cả hai địa chỉ ám muội ở đường X và cư xá Y, những nơi tôi vẫn hình dung trong đầu như bẫy sập của lũ săn người rình bắt con mồi – tôi đã đến và đi an toàn. Giá có một bóng đen đằng sau một gốc sấu già hoặc ngách cầu thang nào đó nhảy ập vào tôi với còng và súng cho các nhà chép tiểu sử sau này có thể thêu dệt thêm các tình tiết ly kỳ. Hay là trong trường hợp tôi, nói theo tiếng lóng nhà nghề, người ta đã áp dụng kế sách “sợi dây dài tối đa”, có nghĩa theo dõi từ xa trong nhiều năm trước khi quyết định hành động đối với kẻ tình nghi…
Giờ tôi phải làm gì? Dĩ nhiên không thể bắt chước Rambo đột nhập ngục thất hay phá pháp trường! Thành thử có thể xem chuyến Bắc du với tiết mục chính là cuộc croisière Hạ Long này như một trò hành hương hơi buồn cười đi ngược lại con đường khổ nạn của hắn, được tô điểm với chút hơi men và phấn hương con gái. Âu cũng là một cách họa vận lập dị cho hoàn cảnh hắn, nhà thơ câm nín đang bó mình trong bốn vách tù hãm. Và tôi có thể hình dung cái nhếch mép ngạo đời của tên bạn nếu hắn biết được sự đối chiếu và liên tưởng kém ý vị này.
Đúng vậy - hỡi độc giả thân mến - những buổi đàm đạo thơ văn nghệ thuật giữa chúng tôi trước đó đâu chỉ thuần phản kháng và liều chết xông vào kẻ thù! Giả sử một ngày nào đó cái truyện ngắn này lỡ lọt vào tay hắn, chắc chắn kẻ tri kỷ ngoại hạng của cái đẹp vô hình sẽ bịt mũi chế nhạo tôi là đã nhấn quá mạnh bàn đạp dương cầm. Nói theokiểu hắn, nên dạo sostenuto mấy gam thứ thì hơn… Dù đang sống giữa trại tù mênh mông và sự bất ổn sinh mạng từng giờ, loại người sành điệu không cần gào rống lên gân bởi Novalis đã chẳng từng nói đại ý rằng các anh hùng chỉ thích đọc và làm thơ tình mà thôi hay sao? Đổi nghề là vừa, nhà múa bút tài tử hỡi!
Linh tính phái đẹp quả khó lường. Nhắc đến tình yêu là sự bất ngờ sẽ diễn ra. Nấp sau cánh gà từ lâu, nàng không thể xuất hiện đúng lúc hơn để tiếp sức một cách duyên dáng cho cảm hứng sắp cạn của tác giả. Và Colette hoặc Edith Piaf cũng sẽ ngạc nhiên khi nghe giọng oanh vàng cất tiếng:
- T’ennuies?
- Trop! Tôi đáp,vừa tiết kiệm được một âm tiết.
- Tới rồi!
Ngữ điệu khô khan thế này chứng tỏ người đẹp còn giận tôi không ít, gã vũ phu táo tợn đã lợi dụng khoảnh khắc hoàng hôn hôm trước làm cho nàng xao xuyến nhớ nhung, đúng không nào? A, tàu sắp cặp bến, em nhắc tôi chuẩn bị động tác ga lăng bế kiều nữ lên bờ chứ gì! Ô kê, đắc co…Vứt cọng râu mực nhai dở vào ly bia, tôi dìu nàng trở lên boong. Còn mấy cấp thang cuối tôi giả vờ say, ngã vào người nàng thều thào:
- Tôi yêu em, yêu em như tên tù yêu manh chiếu rách nhà lao!
- Đừng mượn hơi men giở trò cải lương!
Nàng bật cười xô tôi ra, không hiểu mấy chai bia chứa loại hóa chất nào khiến cho tôi bật ra lời so sánh văn chương lạ lẫm. Dù sao nàng cũng cho phép kẻ hèn nắm tay một giây trước khi cả hai cùng đặt chân lên sàn tàu giữa thanh thiên bạch nhật. Bóng dáng ông bố cựu thương gia chưa kịp xuất hiện để can thiệp vào tình duyên mới chớm của đôi trẻ thì một biến cố có vẻ nghiêm trọng lắm vừa xảy ra đúng vào lúc ấy. Bám vào lan can hông tàu, du khách nhao nhao thò đầu ra nhìn vừa tích cực tham gia bằng bộ máy phát âm của từng người:
- Chìm đâu mất rồi, chìm lỉm rồi!
- Bà ta biết bơi không?
- Nhảy xuống cứu cho nhanh, còn bàn luận cái gì!
Chúng tôi kịp trờ tới để nghe ông bố đạo mạo của nàng phán ra câu minh triết kia. Tức khắc, như một cung phản xạ vừa được thiết lập giữa cái miệng và cặp chân trước đó còn quá cách biệt bởi tính bất ngờ của tai nạn, có bóng người phóng xuống biển. Sau năm bảy giây lặn ngụp, hai cái đầu, một có tóc một không, nhô lên cùng lượt. Đám du khách hiểu ra ngay động cơ đã khiến nhà sư trẻ kia ra tay nhanh như thế. Người đàn bà trượt chân khi leo thang từ tàu lớn xuống ghe nhỏ để vào bờ là bà cô của vị tu hành; cả hai luôn luôn đi bên nhau những lúc viếng cảnh chùa hay khói nhang tụng niệm.
Chuyến đổ bộ của khoảng hai muơi người đồng hành lên Hòn Gai sau đó diễn ra khá êm thắm, tôi ngồi bên cạnh nhà sư còn đang xuýt xoa tiếc cái gọng kính ngoại đã chọn đáy vịnh làm nơi thoát tục vĩnh viễn. Như trong đoạn phim của một đạo diễn cắc cớ, nàng với cha lại ngồi trên chiếc đò khác từ từ cập vào bờ trước. Nhìn ngắm mái tóc kiều diễm phủ bờ vai mềm, tôi chợt xúc động và suýt quên mất hắn, quên luôn những mắc xích tượng trưng khóa tôi vào hắn ở cái khoảnh khắc của kẻ sắp nghiêng mình trước một tượng đài nặc danh.
Không còn chỗ nào thích hợp hơn cho một cuộc vây bắt và sa lưới. Khu thị tứ chỉ vỏn vẹn dăm con lộ đất rải đá lởm chởm tụ về cái chợ chồm hổm bên cạnh mép nước bẩn đen ngòm bụi than do các mỏ đổ ra từ thời Pháp thuộc. Tôi chịu khó quan sát mớ quang gánh của mấy mụ bán hàng không mặn mà lắm với khách. Eo sèo ít cọng rau muống, vài con tép tanh tưởi, một trái cam sành thiếu tháng khô queo bên cạnh một chùm dâu lạ tí teo như một nhánh tiêu non. Thật tình khó thể tưởng tượng một cái gì bi tráng để làm nền cho đoạn văn mô tả phút sa cơ của một thi nhân. Đi xa thêm chục thước, hiện ra một mái chùa xưa từng trải qua nhiều dâu bể. Dấu vết các cuộc dội bom hơn mười năm trước còn hiển hiện khắp nơi, ngay cả trước sân chùa. Tôi rảo quanh bồn nước với hòn non bộ xấu xí, cố ý tìm xem có chú cá vàng nào đang vui hưởng thái bình ở chốn cuối trời ni chăng nhưng vô ích. Buồn tình tôi lách qua cửa nhỏ tam quan lang thang một vòng, hi vọng sẽ gặp được nàng cũng vừa đánh lạc được sự cảnh giác của phụ thân tách khỏi đoàn du khách sang trọng đang diễn hành giữa mớ thúng mủng xác xơ với đám trẻ nhóc đi chân trần lấm đầy bụi đất.
Hồi lâu vẫn chẳng thấy bóng kiều dù đã chú mục nhìn các gian hàng lưu niệm bày mớ san hô, rong đá, hoặc vỏ sò vỏ nghêu ghép hình con công con cò, cây dừa bụi trúc, tôi lạc lõng bước qua bến đò máy kế cận bâng quơ ngó mông… Sau cả tuần lữ du vòng vo tôi nhận ra một điều gần như phổ biến ngoài này: chỉ có những gì thuộc đất trời là hữu tình, phần nào bị bàn tay con người cải tạo là coi như phải chịu cùng số phận như nhau! Nhà cửa chật chội đổ nát, phố xá bưng bít ngột ngạt, dân tình nhẫn nhục khắc khổ; lịch sử có vẻ đang chống trả mỏi mệt với sự tàn tạ trên một mảnh đất già cằn. Chỉ bọn nhóc tì và các cửa hàng rau mậu dịch là phần nào thoát khỏi cái không khí ảm đạm thâm căn ấy.
Chẳng còn lý do nào để nán lại nơi này. Tránh con mắt soi mói của bọn thiếu niên với sắc mặt vừa âu lo vừa thiếu thốn, tôi lại thả vật vờ xuống bãi chợ bên mép vịnh nhìn độingũ ghe thuyền đậu chen nhau trong một cái vũng không rộng lắm. Trên sườn đồi đá bên phải là các dãy cư xá tươm tất, không hiểu dành cho lãnh đạo ngành mỏ hay chức sắc địa phưong? Tôi lại vu vơ nghĩ đến hắn, giờ phút này đang đợi kẻng báo cơm hay ngắm trời mây ngoài chấn song để biến không gian xà lim thành cảm hứng trữ tình. Tôi không thể không nhớ lần đầu gặp nhau một chiều mưa bão trong cái quán cóc ngập nước, mỗi lần có chiếc vận tải chạy ngang là sóng tràn như biển… Sài Gòn giữa cơn địa chấn, những con người thất thần đi tìm nhau giữa lũ hình nhân có cái đầu được thay thế bằng ống loa, hắn với tôi như hai kẻ từ hành tinh lạ tình cờ nhờ vào phép mầu của văn chương lại trở thành thân thiết hơn ruột thịt. Đúng là lộ phùng tri kỷ! Trong óc tim trống vắng trước cảnh vô tâm của đá, nước, trời bỗng lóe lên ý thức hơi muộn màng. Tôi đã sống những ngày tháng cô đọng mãnh liệt, sự tao ngộ đã giúp tôi thăng hoa mọi khổ nhục và khát vọng, giúp tôi nhận ra diện mục của chính mình giữa cát bụi bể dâu. Cảm ơn mi, kẻ dám nuôi cuồng vọng vá trời bằng sáng tạo; cảm ơn mi, trái tim hồn nhiên hớn hở như trẻ thơ khi bắt gặp bất cứ âm ba nào của chân mỹ, dù là nét vẽ hay điệu hò mộc mạc đơn sơ nhất. Biết bao giờ ta lại có thể kéo mi về nhà dùng bửa cơm đạm bạc để được nghe mi nửa vui nửa buồn thốt ra câu nói chân tình sau khi ăn một hơi ngon lành mấy bát với người bạn mới quen chưa trọn một buổi chiều:
- Ở Việt Nam, thơ ca không thể sánh với cơm gạo!
Và làm sao ta đoán được rằng lời đối đáp ba hoa của mình hôm ấy sau khi vấn đưa cho mi điếu thuốc ngon lại có cơ trở thành một câu nói tiên tri:
- Và trước lúc hành quyết, tử tội thường xin điếu thuốc chứ đâu có tên nào đòi thơ Lý Bạch hoặc nhạc Chopin!
*
Hình như đoạn đường về bao giờ cũng mất ít thời gian hơn bận đi, và một lần nữa, tôi lại kiểm tra kinh nghiệm ấy. Đứng gần nàng phía sau lái – ông bố đang đánh giấc trưa trên ghế nệm từng dưới, chúng tôi ngắm lại từng hòn đảo dưới bầu trời trong điểm vài cụm mây thơ thẩn. Chịu đựng phản ứng hóa học từ đời này sang đời khác do các chất muối biển cộng với khí trời, đảo nào cũng giống cái răng sâu khổng lồ bị khấu mòn dưói chân nơi tiếp xúc với mặt sóng. Ấy là chưa kể hàng vạn cơn mưa từ trời cao dội xuống xoi thủng thành hang động. Tấn tuồng âm dương bền bỉ ấy từ bao triệu năm đã tạo tác vô số hình thù, và chúng tôi lại tiếp tục chơi trò đặt tên cúng cơm đã có từ thuở nào không biết. Chỉ tay về một đảo xa, nàng nói khẻ như cho riêng tôi:
- Hòn Trái Tim kìa!
- Phải gọi là khối đá Tương Tư Tuyệt Vọng chứ! Tôi không đồng ý đáp lại.
Rồi dăm phút sau:
- Ô đẹp quá, hòn Cô Phụ kìa!
- Bậy, nó giống con chó ghẻ hơn. Bonsoir, đảo Cầy Tơ!
Bận này thì người đẹp giận thiệt và giận dai. Đến khi bọn phó nhòm đưa hình – ngoài này kỹ thuật ảnh đen trắng cũng chạy đua với Vũng Tầu: sáng chụp chiều giao, phòng tối trang bị ngay dưới hầm tàu – nàng ngắm một mình không cho tôi ghé mắt và chẳng tặng chàng tấm nào để lưu niệm. Chàng giả bộ thất tình lững thững một bóng ra mũi tàu, nhập vào nhóm du khách đang chờ đợi giây phút lịch sử khi con tàu vượt qua lằn nước vô hình chia đôi sông biển ở cửa khẩu sông Bạch Đằng.
Chiều đang ngã bóng trên sông nước. Mấy cánh buồm đi ra cửa sông, gió phần phật trên hai tấm bạt rộng vá víu chằng chịt. Lác đác vài bóng chim trên bờ sậy xa xa. Cửa sông mênh mông, lớp lớp sóng cuồng hòa âm cùng gió lộng. Mùi hương quen thuộc phảng phất, tôi ngoảnh lại – nàng đang đứng bên cạnh hồi nào. Có nên mừng hay buồn cười cho sự may mắn và chút hạnh phúc nhỏ của mình? Tôi tự nhủ thầm, đây là Bạch Đằng Giang và mình đang đứng giữa con sông đã gợi hứng cho bao đời văn nhân thi sĩ.Tôi cố hình dung một hình ảnh đẹp về hắn vào lúc bó mình trở lại đoạn sông này, cố liên tưởng đến các tranh Tàu minh họa Tam Quốc hay Thủy Hữ, các danh tướng lúc sacơ râu tóc dựng đứng trước kẻ thù. Nhưng lý trí bình thường trong tôi kéo tưởng tượng về sự thật tồi tàn. Hắn, bị còng hoặc hai tay trói quặp sau lưng, mắt miệng dập bầm thâm tím vì mấy cú đấm dạo đầu, lăn lóc trên sàn hay hầm tàu như con vật sắp bị chọc tiết…
Ánh ngày nhạt dần trên mấy đám mây. Cửa sông Cấm hiện ra đằng xa, chiếc tàu bớt động cơ hãm dần tốc độ. Vài ống khói nhà máy xi măng bơ vơ giữa bức tranh chiều tà óng ánh như tranh họa phái ấn tượng. Tôi hình dung hắn đang co ro trên sàn đá, buồn chán và tự trào ngâm nga câu nhất nhật tại tù với lũ dán rệp và tôi cảm thấy mình là tên hề trong một đoản kịch câm, mặt trát nhiều lớp phấn, xuôi xị và lơ láo trước hoàng hôn, chẳng diễn tả được điều gì ngoài sự bất lực của mọi cảm xúc và ý nghĩ.
Chiếc Bạch Đằng bắt đầu lướt qua những thân tàu viễn dương neo dọc theo bến cảng. Đoàn du khách rủ nhau tề tựu chụp vài tấm kỷ niệm cuối. Có tiếng chuyện trò khá to như có ý muốn mọi người nghe thấy. Không cần nhìn tôi cũng biết đó là cặp vợ chồng có tiệm cơm gần chợ Bến Thành, lúc nào cũng diêm dúa chải chuốt dù đã quá tuổi trung niên:
- Nghe đâu cuối tuần có tổ chức nhạc sống và khiêu vũ tại khách sạn chúng mình.
- Thích quá anh nhỉ! Đêm nay là đêm chúa nhật…
- Chứ còn gì nữa! Chỉ có điều không rõ ngoài này nhạc sĩ còn biết chơi tango với pasodoble hay không?
Ngọn gió bỗng thổi mạnh hơn. Mấy sợi tóc nàng vướng môi tôi. Và tôi chợt nhớ ra, còn đúng một tuần, chúa nhật tới tôi có cái hẹn trong kia với tay học trò.
Khởi thảo ở Boston, mùa thu 1987 & hiệu đính lần cuối tại Paris, mùa hè 2010.
Ngợi ca hội họa
Tiểu Luận
Cái Mới Đi Về Đâu?
Hơn hai thế kỷ qua, phương Tây đã kéo cả địa cầu vào cơn sốt lịch sử do các cuộc cách mạng chính trị - xã hội và khoa học kỹ thuật dồn dập gây nên. Sự đổi thay tăng tốc của lịch sử hung hãn công phá mọi nếp sống nếp nghĩ, xói mòn mọi truyền thống văn hoá lớn nhỏ, lôi cuốn cả nhân loại vào cuộc hiện đại hoá và toàn cầu hoá dưới ngọn cờ ngạo mạn của Cái Mới. Lịch sử biến thành con sông của Heraclitus, đúng hơn là dòng thác lũ mà không ai còn có thể dừng lại ngâm bàn chân mỏi vào vũng nước ngày xưa.
Nietzsche từng báo động rằng ý thức lịch sử sẽ là giác quan thứ sáu của con người. Văn nghệ hiện đại với nhiều trường phái tiên phong từ hơn trăm năm qua chính là phản ứng hiện sinh và tâm linh của giới nghệ sĩ - cọng râu ăngten nhạy cảm của các cộng đồng người (E.Pound) - trước bão lốc chóng mặt do Thần Tiến Bộ tạo ra. Như một sinh vật có khả năng biến độc tố thành kháng thể để tự vệ, nghệ thuật - đặc biệt là thi ca- đã chủ động bước trước thời đại về cảm quan và tri giác. Một mỹ học ra đời, lấy tính độc đáo làm phương châm, không dừng lại với thành tựu hôm qua chủ trương liên tục thể nghiệm cái mới lạ. Khi nhận định rằng: 'Tính hiện đại là một truyền thống tự huỷ'[1], Octavio Paz chỉ tổng kết một hiện tình văn nghệ không riêng cho phương Tây mà càng ngày càng mở rộng ảnh hưởng trên hành tinh này.
*
Mang nhiều diện mạo khác nhau, một chủ thể mới xuất hiện trên sân khấu nhân văn[2]. Ban đầu là cái tôi lãng mạn được giải phóng khỏi các ách tập tục phong kiến gia trưởng cất tiếng ngợi ca những khao khát tình cảm cùng những lý tưởng tinh thần khoáng đãng. Tiếp đó là cái tôi của chủ nghĩa tượng trưng với những ám ảnh không lời của tâm trạng kẻ mộng du trước các chân trời lạ vừa vén mở. Rồi đến cái tôi siêu thực thám hiểm bề trái và chiều sâu của sự vật cùng ý thức, đùa nghịch với sự ngẫu nhiên khách thể để chụp bắt ánh chớp sáng thế. Còn thêm cái tôi hiện sinh đơn độc dưới bầu trời trống một tay cầm cán cân đạo lý, một tay huơ những vũ khí của diệt chủng và tận thế. Sau cùng là cái tôi vô trụ xứ - kẻ tha hương, lưu đày, lữ khách, di dân - bước qua các lằn ranh của ao làng và tỉnh lẻ để tung hứng tiểu ngã của mình như một hình nộm ngây ngô.
Sau khi khoa học và triết học tuyên bố cái chết của đấng tối cao với mọi thần linh, chủ thể tính hiện đại trở thành thước đo các giá trị, gánh một trách nhiệm bi tráng hơn Prometheus ngày xưa. Do đó, người nghệ sĩ hậu-truyền thống phải chất vấn các thứ ý nghĩa cũng như quan hệ trong đời sống văn hoá - xã hội. Đây là một chủ thể sáng tạo bằng thái độ chủ động về nhận thức không ngừng tra cứu bản chất sự vật. Có thể nói người nghệ sĩ chân chính là một triết gia tự phát đồng thời là nhà thần học của trần gian đã bị tước đoạt hết nhiệm mầu. Đúng như những chữ chói sáng của Rimbaud: "Le poète est vraiment voleur de feu... le grand malade, le grand criminel, le grand maudit, - et le suprême Savant!"(3)[3]
*
Sự bùng nổ sáng tạo của nghệ thuật hiện đại khởi đầu ở Paris lan nhanh sang các thủ đô văn hoá Âu châu. Những trường phái và tên tuổi văn nghệ ra mắt vào mấy thập niên đầu thế kỷ ở phương Tây đã trở thành kiến thức phổ thông; ở đây chỉ ghi nhận một sự kiện đáng suy nghĩ: lần đầu trong lịch sử nhân loại một trào lưu văn hoá - tư tưởng thực sự trở nên quốc tế. Ma lực của cái mới lần lượt chinh phục thế giới cùng với đà bành trướng các thế lực đế quốc Tây phương. Từ các nước Á Rập Cận Đông đến các thuộc địa Viễn Đông, từ Nam Mỹ đến Úc châu, từ cực Bắc Liên sô đến tận cuối Nam Phi, các văn nghệ sĩ đều cùng tham dự vào cuộc phiêu lưu tinh thần không còn biên giới.
Nhưng cái gì cũng phải trả giá trên đời này. Gắn bó mật thiết với cơn lốc lịch sử, nghệ thuật hiện đại không tránh được những khủng hoảng xã hội kinh tế ở Âu châu mà hậu quả là hai trận thế chiến tàn khốc. Giữa hàng triệu sinh linh bị sát hại có mặt nhiều văn nhân thi sĩ hàng đầu. Owen, Péguy chết trận, Apollinaire bị đạn vô óc qua đời vì vết thương, Trakl tự sát vì không chịu nổi cảnh máu me đau đớn của thương binh... Chấn thương tinh thần do Thế chiến thứ hai gây ra còn sâu nặng hơn: Pound loạn trí ngồi tù chuồng sắt, Tamiki Hara tự tử vì chứng kiến hỏa ngục Hiroshima, Paul Celan trầm mình xuống sông Seine với ám ảnh các lò thiêu người Do Thái... Giấc mộng công bằng xã hội cũng đã tế thần không ít tên tuổi tiên phong của thi ca: Lorca, Mayakovsky, Mandelstam... Trớ trêu thay, truyền thống tự huỷ của văn nghệ thời đại đã được bạo lực lịch sử tiếp sức tận tình!
Cái giá của phát triển vật chất kỹ thuật là gì? Cuối thế kỷ này câu trả lời hiển hiện giữa bầu trời. Ý thức rơi hụt vào lỗ trống của tương lai đã bị cầm cố. Sự phá sản văn minh địa cầu ngày càng rõ dạng: cán cân môi sinh gãy vỡ khó thể tái lập, nạn nhân mãn và đói nghèo thế giới thứ ba, bạo lực với chiến tranh chủng tộc... Các thi nhân trước đây còn có thể bám vào huyền thoại của Phản Phục (Eternal Return) để tự an ủi những khi tuyệt vọng. Thời nay chính sự tuần hoàn của thiên nhiên cũng bị đe dọa; biết đâu một ngày nào đó mùa xuân sẽ vĩnh viễn không trở lại! Sự sống bị tha hoá, sự vật bị tước đoạt dần ý nghĩa, có phải câu thơ Yeats đầu thế kỷ
Things fall apart, the center does not hold
đã báo trước trào lưu tư tưởng hậu-hiện đại đang thịnh hành trong giới đại học Hoa Kỳ, hoài nghi các giá trị của tiến bộ, lý tính, và sử quan?
*
Tuần trăng mật giữa Nàng Thơ hiện đại với Thần Tiến Bộ quá ngắn ngủi. Giấc mộng đồng hành không thành, giới văn nghệ phương Tây chẳng còn nhiều chọn lựa: ẩn dật, thoát ly, hoặc bắt tay với luật chơi thị trường. Tiêu biểu cho sự thoả hiệp là Pop Art với gương mặt Warhol chẳng hạn, với hoạ phẩm được các phòng tranh đầu cơ khai thác như một mặt hàng có giá. Sau khi hệ thống cộng sản sụp đổ, sức thống trị kinh tế trùm phủ toàn cầu. Mọi quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ nghệ sĩ - công chúng, bị nguy cơ biến thành hàng hoá. Trong sở thú văn chương (Montale) thỉnh thoảng biến cố lạc loài của các giải thưởng thơ văn chẳng có bao nhiêu âm vang trên màn ảnh tivi bên cạnh những siêu sao điện ảnh thể thao. Trên trái đất từng giờ con trẻ tiếp tục chết đói một bài thơ kiệt tác không có tri âm có khác chi thiên thạch rơi trong sa mạc! Một lần nữa lời tự vấn của Hoelderlin lại vọng về: Wozu der Dichter...?
*
Sau thời đại Đám Đông Cô Đơn (Riesman) đến kỷ nguyên của Postpeople (Raw-son) thoả mãn! Chủ thể hôm nay là một tập hợp dục vọng không ngừng chơi trò cút bắt với những miệng cười quảng cáo trên màn ảnh điện tử. Với mức độ chú ý quá ngắn (attention deficit) cái ngã hậu-hiện đại trở thành mối nguy cho mọi sinh hoạt tinh thần. Khả năng đọc hiểu ngày càng tệ trong xã hội; sinh viên đại học ở Mỹ thường phải học đọc học viết lại! Hậu quả đối với văn thơ và xuất bản đã đến mức báo động; theo lời David Lehman, tổng chủ biên các tuyển tập thi ca thường niên toàn nước Mỹ:
...tình hình thi ca tệ hại hơn nhiều so với hai mươi lăm năm trước đây. Hoàn cảnh văn hoá của chúng ta không thuận lợi đối với trí tưởng tượng đến một mức khó ai tiên đoán được ngoại trừ có thể McLuhan ra. Làm thi sĩ vào thời đại truyền thông còn khó hơn làm người hoạ sĩ tả chân trong thời đại hội hoạ trừu tượng.[4]
Nhà phê bình Michael Hamburger từng nhận định về sự suy yếu của xu hướng tiên phong trong thi ca Âu châu từ sau 1968.[5] Khác với các phong trào lãng mạn, siêu thực trước kia có ảnh hưởng toàn cầu, mấy nhóm thể nghiệm concretismo (Brazil), OULIPO (Pháp), L-A-N-G-U-A-G-E (Hoa Kỳ) không tạo được nhiều tiếng vang. Tương tự thế giới nghệ thuật tạo hình ngày càng xé vụn thành nhóm phái, tranh nhau chỗ đứng giữa một thị trường phi-văn hoá.
*
Phương Tây không còn là trung tâm của sáng tạo nghệ thuật. Thử so qua các giải Nobel sẽ rõ. Nếu trước kia Yeats, Eliot, Hesse, Quasimodo, Saint-John Perse, Seferis đã mang lại vinh quang cho thi ca Âu châu, hai thập niên cuối thế kỷ cho thấy sự thắng thế của văn học ngoại vi. Với nội dung bức bách của lời kêu gào đòi nhân quyền nhân phẩm chống toàn trị công an, phân biệt màu da, chiến tranh tôn giáo - chủng tộc, tên tuổi của Milosz, Seifert, Brodsky, Soyinka, Derek Walcott, Szymsborska đã kéo tiếng thơ đến gần hơn với nỗi thống khổ của con người thời đại. Gần chúng ta hơn là thơ Trung Quốc với Bắc Đảo, Cố Thành, Đa Đa, Vong Khắc của Mông Lung phái; là thơ tranh đấu Ấn Độ, Nam Dương; là thơ phản kháng Phi Luật Tân, Việt Nam... Trước sự bế tắc của các chế độ phi nhân, trước sức lũng đoạn của thị trường tự do, cái mới vào những năm thiên-niên-tận này là ý thức chính trị đối mặt với xu thế toàn cầu hoá của chủ nghĩa tư bản. Khi loại văn nghệ phẩm chạy theo đám đông và lợi nhuận ngày càng làm ô nhiễm không gian văn hoá, người nghệ sĩ có lương tri khó lòng nhắm mắt bắt tay bọn con buôn:
Có một nhà báo ngoại quốc hỏi tôi: Thế nào là thơ hiện đại? Tôi bảo thơ hiện đại có hai điểm chính: một là vô ích, hai là cấp thiết. Vô ích là vì nó chẳng mang lại đồng đôla để tôi có thể nuôi vợ con tôi. Cấp thiết vì nó có thể chống lại mọi mưu toan hàng hoá hoá con người.[6]
*
Cuộc tranh luận học thuật làm tốn rất nhiều hội nghị và giấy mực về chủ nghĩa hậu hiện đại trong các đại học Âu Mỹ từ hai thập niên qua đã làm chệch hướng tư tưởng đương đại.[7] Trong khi có những hậu sự quan trọng hơn đối với sinh mệnh loài người: Hậu- chiến tranh lạnh, Hậu-địa cầu tăng nhiệt, Hậu-ozone bị thủng, Hậu-AIDS, Hậu-cộng sản, Hậu-Thiên An Môn, Hậu-Bosnia, Hậu West Bank, Hậu-Nafta, Hậu-Yeltsin, Hậu-thị trường toàn cầu, Hậu-Internet... Gần với chúng ta hơn là Hậu-khủng hoảng Á Đông, Hậu-Polpot, Hậu-Suharto, Hậu-boat-people, Hậu-hậu-hội nhập di dân, Hậu-Việt kiều về nước, Hậu-văn hoá ao làng, Hậu-Tố Hữu-Bùi Giáng, v.v...
Còn lắm điều mới lạ đang mời gọi khả năng tưởng tượng và óc sáng tạo Việt Nam; hãy mau cầm bút, huơ cọ, ôm đàn, và hối thúc nhau làm nên tác phẩm.
Cambridge 22-11-1998
[1]Children of the Mire, phần dẫn nhập. Đây là một khảo luận căn bản về thơ hiện đại phương Tây, vốn là những bài giảng tại đại học Harvard năm 71-72. Đối với giới tạo hình những cụm từ 'tradition of the new' (Harold Rosenberg), 'Shock of the New' (Robert Hughes) thể hiện một ý thức tương tự về tính hiện đại.
[2]Nhà xã hội học Anthony Giddens kế tục Fromm, Erikson là tiếng nói có uy tín Hiện nay về chủ thể tính; xem Modernity and Self-Identity (Stanford,1991). Liên quan đến diện mạo văn hoá và nhân cách thế giới thứ ba trong bối cảnh toàn cầu hoá, tham khảo thêm Jorge Larrain, Ideology & Cultural Identity (Polity Press,1994).
[3]Cuồng vọng cướp lửa trời này lắm khi phải trả giá rất đắt. Xem Louis Sass, Madness and Modernism (Harvard 1992) về các liên hệ bệnh lý tâm thể giữa sáng tạo nghệ thuật và chủ nghĩa hiện đại.
[4]Poets & Writers Magazine(9/10-1995), tr. 54-56. Đọc thêm những bài phê bình, bút chiến sắc bén đối với thực trạng thơ ca Hoa Kỳ của Eliot Weinberger, Written Reaction (Marsilio pub.1996). Một thi tuyển gần đây do Adrienne Rich chủ biên cho thấy sự hình thành của thế giới thơ đa văn hoá trong lòng Hoa Kỳ, với nhiều tài năng nhiệt thành khác xa với tiếng thơ da trắng quẩn quanh với cái tôi thiếu sinh khí, xa lìa với thực tại đa dạng; xem The Best American Poetry 1996 (Scribner).
[5]The Truth of Poetry (Methuen,1982, tr.320). Tác giả cho một tổng quan khá công phu về các xu hướng thơ Âu châu hiện đại và sự thoái trào của chủ nghĩa tiên phong. Có thể đọc kèm với The Anti-Aesthetic do Hal Foster chủ biên vào cùng thời điểm để có cái nhìn phê phán về sinh hoạt nghệ thuật nói chung khi chủ nghĩa hiện đại lâm vào bế tắc trước sự tấn công của xã hội tiêu thụ.
[6]Lê Đạt trả lời phỏng vấn trên Hợp Lưu số 42 (8/9-1998), tr.193. Đọc thêm The Subversive Imagination (Routledge 1994) do Carol Becker chủ biên để tìm hiểu về ý thức chính trị của giới nghệ sĩ Bắc Mỹ trước sự thao túng thị trường và lũng đoạn xã hội do giới cầm quyền và các thế lực tài phiệt gây nên.
[7]Thuyết hệ hậu hiện đại (discourse of post-modernism ) mấy năm gần đây bị sa sút uy tín sau cú móc giò thâm độc của Alan Sokal trên tờ Social Text (Spring - Summer 1996). Cuốn Impostures Intellectuelles do Sokal viết chung với Jean Bricmont vừa được dịch sang tiếng Anh mang tên là Fashionable Nonsense: Postmodern Philosophers‘ Abuse of Science (Picador 1998) giúp độc giả Mỹ nhận ra chân tướng của các đại bịp trí thức bên Pháp mà họ vẫn thần tượng như Lacan, Lyotard, Baudrillard, Deleuze, Latour..., những tên tuổi gắn liền với cái mốt tư tưởng hậu hiện đại à l‘américaine.(Bạn đọc Việt có thể tìm đọc loạt bài tường thuật và bình luận về vụ án văn hoá nói trên do Hàn Thủy viết trên tờ Diễn Đàn Paris (số 64,69,và 70). Có dịp tôi sẽ đào sâu vấn đề này trong một bài viết khác.
Thơ Hoa Kỳ Và Tân Hình Thức.
Tạp chí Thơ {TC Thơ} bắt đầu từ số 19 (Thu 2000) giới thiệu thơ Tân Hình Thức {THT} Hoa Kỳ {HK}, kèm theo sáng tác của một số nhà thơ Việt Nam {VN} vừa tiếp thu bài học THT. Trong nhiều số sau, Khế Iêm và các bạn tiếp tục cổ động và đề cao THT qua nhiều tiểu luận, bài dịch, sáng tác; gây ra ấn tượng nhân tạo về một phong trào thơ vừa xuất hiện rầm rộ ở Mỹ, trong khi sự thực thì khác hẳn. Bài viết này hi vọng cung cấp cho độc giả không rành tiếng Anh và thiếu khả năng tra cứu, đặc biệt là người VN trong nước thiếu sách báo thế giới, một cách nhìn tương đối chính xác hơn về thơ HK hôm nay.
Con người tôi quảng đại, tôi dung chứa số đông.
Walt Whitman
Văn học Hoa Kỳ đặc biệt kể từ hai mươi năm gần đây
đổi thay hình dạng vì cuộc gặp gỡ với di dân.
Toni Morrison
*
Hoa Kỳ là một ngoại lệ không chỉ về lịch sử hay địa lý. Khác với châu Á hay châu Âu, vùng đất chưa mang đậm dấu ấn nhân văn ấy đúng là Tân Thế Giới cho dự án và sáng tạo. Thơ HK mang sắc thái đặc thù của loại văn học di dân lần lượt kế thừa và phát huy nhiều luồng văn hóa thế giới trên một lục địa phóng khoáng chưa bị bó buộc vào các nề nếp quá khứ như những vùng đất có lịch sử lâu đời... Có thể nói HK là dự phóng của địa cầu thu nhỏ vì tính đa văn hóa với sự đa dạng của các tộc người chung đụng nhau hàng ngày, đặc biệt ở các đại đô thị (1). Hơn bất cứ nơi nào khác, sự tương tác trong các sinh hoạt diễn ra tại đây với mức độ sôi động thường xuyên, chưa kể những xung đột khó tránh giữa các sắc dân và các địa phương về quyền lợi các thứ cộng thêm dị biệt tinh thần. Dưới những nét đậm nhạt tùy từng thời điểm của lịch sử chính trị, thi ca HK thể hiện điều vừa phác họa trên đây như một biểu đồ tâm lý-tinh thần không thể bỏ qua đối với những ai muốn tiếp cận vấn đề “thực chất và huyền thoại” của siêu cường số một ngày nay.
Trước khi đi sâu hơn tôi xin nêu lên vài con số để bạn đọc phần nào có thể hình dung quang cảnh của sinh hoạt thơ HK vào ngưỡng thiên niên kỷ mới: Theo danh sách của American Poetry Annual có khoảng 6000 nhà thơ hoạt động khắp nước trong đó hơn 1000 người đang giảng dạy các lớp, khóa sáng tác tại những đại học. Chưa kể hơn 2000 nhà xuất bản với báo chí định kỳ chuyên về thơ, cộng thêm hàng trăm giải thơ thường niên từ Pulitzer, National Book Award đến đủ loại tặng thưởng từ các tổ chức văn hóa hay đại học. Còn phải kể những buổi đọc thơ trên các đài phát thanh, truyền hình, và câu lạc bộ, phòng trà,… Tóm lại, có một nền văn hóa chuyên về thơ được hỗ trợ bởi cả mạng lưới chằng chịt thể chế công cộng lẫn tư nhân, từ chính quyền các cấp đến các địa phương xa xôi. Số nhà thơ nghiệp dư hiện nay lên đến vài trăm nghìn - lời bác hùng hồn cho vài ý kiến bi quan trước đây cứ lo thơ HK sắp chết (2).
Bên dưới các số liệu là sự chuyển động lớn về chính trị-văn hóa đã làm biến đổi sâu rộng tính chất WASP (3) của thi ca truyền thống bắt đầu từ thời lập quốc ở vùng New England quanh cái nôi lịch sử Boston. Từ thập niên 60 song song với cuộc chiến VN nhiều thi sĩ HK đã tham gia các cuộc tranh đấu cho quyền công dân và bình đẳng màu da, nam nữ, bên cạnh phong trào phản chiến toàn quốc. Thắng lợi chính trị của các lực lượng tiến bộ làm thay đổi bầu khí văn hóa, các giá trị mới ngày càng được phổ biến trong giáo dục và truyền thông dù các thế lực bảo thủ vẫn tiếp tục chống phá tinh vi (4). Trong ba thập niên cuối thế kỷ, hai sự kiện quan trọng sau đây đã tạo sinh khí cho các sinh hoạt tri thức và văn nghệ: xu thế dân chủ hóa bên cạnh trào lưu đa văn hóa. Ðể gia nhập thi đàn hôm nay nhà thơ trẻ HK không bắt buộc phải sinh sống ở New York, Boston, hay San Francisco như các thế hệ trước. Nhờ internet và hàng nghìn khóa sáng tác hàng năm tại vô số đại học khắp các tiểu bang, sự học hỏi và giao lưu trong giới làm thơ trở nên thuận tiện và nhanh chóng bội phần. Hàng trăm tạp chí văn chương với nhiều giải thưởng thơ do các đại học tài trợ song song với hệ thống xuất bản đại học giúp cho những tên tuổi và tài năng chưa được chú ý có nhiều cơ hội trình làng (5). Dân chủ hóa trong giáo dục với các sắc luật biệt đãi dân thiểu số (6) tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên da màu tham dự vào cuộc chạy đua học vấn và thăng tiến xã hội. Chỉ cần lượt qua phần danh tính trên sách báo HK hôm nay độc giả sẽ dễ dàng nhận ra sự góp mặt ngày càng đông đúc của các ngòi bút da màu không những trong học thuật mà cả trong sáng tác thơ văn.
Vậy thì thơ HK không bị suy vi mà đang tăng trưởng và phân hóa mạnh. Bây giờ với bản đồ Mỹ châu trước mặt mời bạn tham quan nhanh hiện tình thi ca, khởi hành từ cực Ðông Bắc HK, rồi men bờ biển xuống New York. Thủ đô lịch sử- văn hóa đầu tiên của nước Mỹ, Boston cùng các tiểu bang Massachusetts, Connecticut, Rhode Island… của vùng Tân Anh quốc đã và đang là lò đào tạo nhân tài cho HK và thế giới với đa số các đại học Ivy League ưu đẳng như Harvard, Yale, Amherst, Brown, Darmouth… Trước kia là thành lũy của tư tưởng Tin Lành vừa là thánh địa của dân chủ tư sản, nơi đây vẫn là đất “địa linh nhân kiệt” của tộc người anglo-saxon kể từ khi di dân khỏi châu Âu. Có thể lập một danh sách dài những thi sĩ HK hàng đầu sinh trưởng nơi đây, từng học hay dạy tại Harvard như Emerson, Poe, Longfellow, Eliot, Frost, Stevens, Aiken, Cummings…; hoặc xuất hiện lần đầu trên thi đàn nước Mỹ với giải thưởng đầy uy tín của đại học Yale tặng cho một thi tài trẻ (7).
Cũng như trục Paris-London đã từng đóng vai trò quyết định cho văn học phương Tây trước kia, từ bán thế kỷ hai mươi trở đi cái trục Boston-New York đã giành được uy thế của một đại trung tâm văn hóa khích lệ mọi thử nghiệm. Các trường phái thơ HK quan trọng như Confessional Poetry, New York School, Black Mountain, Beat, Language Writing, Nuyorican Café, Umbra Workshop… đã phát sinh và giữ những liên hệ mật thiết với cái trục này (8). Cùng với Hollywood-L.A., Boston-New York đóng vai chủ chốt trong việc truyền bá hình ảnh và huyền thoại của đế quốc văn hóa HK, một đàng bằng điện ảnh cộng truyền hình, một bên bằng chữ nghĩa và tư tưởng, tổng hợp khá tinh vi thành ý thức hệ bá chủ không chỉ đối với thế giới mà đặc biệt với các dân da màu cư ngụ trên đất Mỹ (9).
Ðây là nguyên ủy của biện chứng sáng tạo trong văn nghệ với học thuật thôi thúc các vùng văn hóa ngoại vi hay thiểu số phải đương đầu với đại trung tâm để tồn tại và phát huy bản sắc riêng (10); và lịch sử thi ca Mỹ thể hiện rõ nét biện chứng ấy qua các thi phái của miền Nam, miền Tây-Nam, hoặc miền biển California-West Coast, cùng các phong trào văn nghệ của dân thiểu số đã không ngừng tranh đấu để giành chỗ đứng và tiếng nói.
Ðối trọng đáng kể nhất là văn chương miền Nam (Southern Literature). Cùng với văn xuôi của Faulkner, Tennessee Williams, Carson McCullers… các thi sĩ miền Nam có hoài bảo phục hồi lối sống hương thôn và các quan hệ trường cửu giữa con người với thiên nhiên, chống lại văn minh công nghiệp và chứng tha hóa duy vật của thị dân phương Bắc. Hậu duệ của hai thi phái Fugitive-Agrarian (11), họ kế thừa tinh thần Robert Frost, vừa quan sát suy nghiệm vừa đối thoại chất vấn cảnh vật tự nhiên, các chu kỳ đồng áng, mùa màng, đồng thời ca ngợi chất thi vị dân dã với những nề nếp gắn bó của cộng đồng. Và cũng như Frost, nhà thơ miền Nam mang tâm trạng phân thân: dù cùng gốc Anh-Mỹ da trắng như đồng bào phương Bắc, họ lại đầy mặc cảm vì đã thua bại trong Nội chiến, cộng thêm lương tâm cắn rứt vì quá khứ chủ nô-da đen. Khác với khí thế chinh phục đầy tự tin của văn hóa phương Bắc, dòng thơ này nhuộm sắc trữ tình yếm thế nếu không nói là nặng tính bi kịch (12).
Nhưng cuộc đảo chánh ngoạn mục lật tung uy thế East Coast lại diễn ra bên bờ Thái bình dương khi những đứa con hoang của thế hệ Beat rời New York gia nhập nhóm văn nghệ giang hồ miền Tây, phần đông ngụ cư tại San Francisco. Giống các đàn anh như Fitzgerald, Hemingway, Henry Miller thời Lost Generation lang thang ở Paris, thế hệ lạc loài thứ hai này không chịu thích nghi với các giá trị, định chế tinh thần của dân anglo-saxon Tin Lành nên bỏ hương quán miền Ðông đi tìm những chân trời mới (13). Từ những năm 50-60 quanh vùng vịnh San Francisco hình thành một cộng đồng văn nghệ vô chính phủ quay lưng với nước Mỹ của chiến tranh lạnh và cơn sốt tiêu thụ. Các thi sĩ Beat đã gieo mầm cho counter-culture, kết hợp với tiếng nói và yêu sách của các thiểu số da màu để mở rộng không gian công cộng vừa giải phóng xã hội công dân thoát sự áp chế của văn hóa Da Trắng độc tôn. Một phần nhờ địa lý (tiếp giáp với văn minh Thái bình dương và dựa lưng vào Rocky Mountains, nơi sinh sống của nhiều thổ dân Bắc Mỹ), một phần do các đợt sóng di dân liên tiếp từ Nam Mỹ và châu Á, miền Viễn Tây HK trở thành đất lành cho cuộc phục hưng đa văn hóa những thập niên cuối thế kỷ 20. Cùng với California, thánh địa mới cho giới nghệ sĩ giang hồ đi tìm lối sống tâm linh là tiểu bang New Mexico vùng Tây Nam, đất tổ của dân Mễ trước khi bị HK xâm chiếm, nay được phong trào văn hóa-nghệ thuật Chicano mệnh danh là Aztlán (nghĩa là quê hương huyền thoại của tộc Aztec xa xưa) để phục hồi cội nguồn cho những di dân Mễ-Latino nói tiếng Tây Ban Nha (14). South Texas, New Mexico, Arizona, Colorado cũng đang chứng kiến sự hồi sinh văn hóa của các thổ dân. Các dòng thơ “ngoài luồng” như Pocho-Che (15), ethno-poetics (16), eco-critique (17)… khởi sinh từ văn hóa đối kháng miền Tây bên cạnh sự nở rộ của sáng tác người Mỹ gốc Á châu đã mang sinh khí mới cho thơ HK đang bị đe dọa bởi hai xu thế: đại học hóa và lý thuyết hóa.
Nếu ta có thể chỉ ra khu vực sinh hoạt của các phong trào và phái nhóm vừa kể trên bản đồ địa lý thì ngược lại có hai dòng thơ đầy khí thế vừa đa dạng về tài năng đã hòa trộn khắp nơi trên nước Mỹ. Chắc bạn đọc đã đoán ra; đó là thơ da đen và thơ nữ quyền tiếp tục đối chất với nền văn học chủ lưu của đàn ông da trắng Anh-Mỹ trên từng con đường, góc phố, mái nhà… Từ thuở Harlem Renaissance, qua Black Arts Movement song song với tranh đấu dân quyền, đến trào lưu hip-hop hiện nay với thơ và nhạc rap, ý thức chính trị với tự hào dân tộc đã giải phóng sáng tác cũng như học thuật da đen, vừa phát hiện lại các văn bản thời nô lệ (đặc biệt là thơ phụ nữ da đen), vừa kiến tạo một diện mạo tập thể cho cộng đồng da đen ở châu Mỹ, kế thừa truyền thống Phi châu phong phú và học hỏi kinh nghiệm của các dân tộc bị áp bức. Dưới nhiều hình dạng, đặc biệt là trình diễn, thơ da đen đang là chất xúc tác hàng đầu cho các phong trào hay sinh hoạt văn nghệ đa văn hóa HK (18). Còn một điều cần lưu ý; tiếng nói của phụ nữ da đen cũng giữ vai trò mũi nhọn trong sáng tác nữ quyền HK. Nếu đàn bà da trắng chỉ đòi bình đẳng giới tính và quyền lợi trong sự phản kháng chống chế độ phụ quyền, người bạn da đen của họ còn phải đấu tranh chống chính sách kỳ thị công khai hay giấu mặt của dân da trắng. Thơ văn nữ quyền HK ngoài ý thức chính trị cao còn chuyên chở thêm các mâu thuẫn giữa những nhóm phụ nữ khác màu da, nhưng cùng chiến tuyến. Trong hai thập niên gần đây sự tham gia ngày càng sôi nổi của phụ nữ gốc Á châu càng làm tăng thêm màu sắc đa văn hóa của sáng tác nữ giới nói chung ở Mỹ (19).
Richard Gray, học giả hàng đầu của Âu châu về văn học HK, gần đây có nhận định về tác động sâu rộng của chuyển biến dân số (từ các lớp sóng di dân và mức sinh sản cao của dân da màu) trên văn hóa-xã hội Mỹ, làm thay đổi cả tính chất của văn học HK: “…bị thay hình đổi dạng vì mãnh lực của những đợt dân số đa văn hóa luôn chuyển động, Hoa Kỳ đã chứng kiến sự xóa nhòa ranh giới giữa ‘trung tâm’ và ‘ngoại biên’. Và khi những người Mỹ trắng có vẻ như không tránh được xu thế trở thành thiểu số, HK cũng mất luôn bất kỳ lý lẽ hoặc một cái cớ nào vin vào đó để xác định một đặc tính Âu châu trung tâm hay một mệnh số ngoại hạng như trước đây”(20). Giáo sư Gray còn phác họa một hoàn cảnh mới quyết định sáng tác văn học Mỹ, ông gọi đó là một không gian mang tính thẩm thấu (permeable space) nơi gặp gỡ của các quốc gia và văn hóa: “Ðó là không gian lưng chừng, không gian của tính hậu hiện đại hoặc hiện đại cực đoan hóa mang dấu ấn của tan rã và phân tán, lưu động và vỡ vụn, tạp dị và lai giống - tất cả trên bình diện toàn cầu. Biểu hiện những văn hóa khác nhau, sinh sống giữa các nền văn hóa và ứng đáp với những nguồn cội cùng kinh nghiệm đa dạng của chúng, tất cả ngòi bút ở Mỹ đều chất vấn một cách hữu hiệu khái niệm của một di sản chung và các ranh giới cố định… Ðất nước mà họ khám phá và mô tả trong tác phẩm không mang những nét viền bất biến như xưa của một Ðịa Ðàng HK. Ðó là một nơi chốn với những ranh giới lưu động , chỗ gặp gỡ của những lịch sử văn hóa kình chống, dẫm lấn, và rốt cuộc lại phụ thuộc lẫn nhau… So với trước đây, bản chất quốc gia mất bớt đi tính quyết định, mở rộng hơn để đón các truyện kể và lịch sử khác”(21).
Dù đang đứng trước khủng hoảng, văn hóa chủ lưu (mainstream culture) vẫn tiếp tục theo đà đại học hóa với những khóa học sáng tác đều đặn sản xuất mỗi năm hàng vạn thi sĩ trường ốc ôm bằng M.F.A. (Master of Fine Arts, Cao học Nghệ Thuật) vào đời. Bên cạnh ưu điểm là tính dân chủ, lối đào tạo đại trà ấy hàm chứa nguy cơ của sự đồng bộ hóa, kèm với dễ dãi hóa vì các giảng viên cũng phải chạy theo năng suất trong thị trường chữ nghĩa và bằng cấp (22). Nếu đòi hỏi chất lượng quá cao thì các chuẩn-thi-sĩ sẽ bỏ cuộc và các khóa sáng tác sẽ dẹp tiệm! Nhà thơ rất quen thuộc trong giới đại học Donald Hall từng phê phán: “Loại thơ ấy trên hết mang tính cá nhân; đó là loại thơ tự biên tự diễn say đắm tác giả của mình”… Và loại thơ của tiếng nói cá thể ấy làm ngược lại điều nó đắc ý tuyên xưng: nó mắc phải bệnh thiếu cá tính, “cá mè một lứa”: Workshop Poem, McPoem, Clone-Poem hoặc SAP, nghĩa là Standard American Poem {Bài Thơ HK Chuẩn Mực} (23).
Cùng vào thời điểm đầu thập niên 80 xuất hiện hai phản ứng chống lại loại thơ trường học dễ dãi: phái Ngôn Ngữ {NN}(Language Writing) và nhóm Tân Hình Thức {THT}(New Formalism). Các nhà thơ trong phái NN tiếp nối chủ nghĩa tiên phong của các phái Objectivism (Khách Quan Thi Pháp) và Black Mountain School, chủ trương thử nghiệm và chất vấn ngôn ngữ trong sáng tác thơ văn. Chịu ảnh hưởng của Paris, nhất là phê bình hậu-cấu trúc của Kristeva với nhóm Tel Quel, họ đặt ngôn ngữ trước vành móng ngựa của lý trí phê phán và tố cáo nó đồng lõa với ý hệ thống trị. Họ muốn thông qua sáng tác cải tạo nó, khởi đi từ các thành tố cơ bản của ngữ âm và ngữ pháp. Phần đông là những nhà hàn lâm khuynh tả, hành vi ‘cách mạng’ của họ tương tự tham vọng xóa nhòa ranh giới giữa sáng tác và phê bình của một số tác gia hậu hiện đại: coi lý thuyết và thi pháp là một (24). Nhóm THT trái lại tránh né lý thuyết để trở về truyền thống của vần điệu và thi luật. Chê trách loại thơ tự do phá thể được giảng dạy khắp các đại học, nhóm này muốn chấn hưng thi đàn bằng những ước lệ và qui phạm ổn định từ thời thơ cổ điển Anh với Chaucer, Shakespeare, Milton… Xung đột thơ cũ / thơ mới vẫn xảy ra trong lịch sử thi ca của bất cứ dân tộc nào; tại HK trước đây trong những năm 20 hoặc thập niên 50 các thi sĩ miền Nam trong phái Fugitive và nhóm Tân Phê Bình cũng đã tìm về hình thức ước lệ của truyền thống thi ca Anh-Mỹ. Hiện tượng THT chẳng có chi độc đáo đối với chuyên ngành văn học sử: trong biện chứng của vận động văn hóa-văn nghệ truyền thống và hiện đại nếu không đối thoại thì vẫn song hành cho đến lần chạm trán kế tiếp. Nhưng có lẽ điều đáng lưu ý trong trường hợp này không thuộc về lĩnh vực văn chương thuần túy mà liên quan nhiều hơn đến môn tâm lý học xã hội. Cụ thể hơn là các biến động tâm lý chiều sâu của người Mỹ da trắng đang bị khủng hoảng về văn hóa và lý lịch trước nguy cơ sắp bị biến thành dân thiểu số trước sức tăng trưởng dân số không gì ngăn nổi từ các cộng đồng da màu trên nước Mỹ (25). Quay về truyền thống và ước lệ, dựa dẫm vào những nếp văn hóa ổn cố, phải chăng quan điểm thẩm mỹ bảo thủ của nhóm THT (đa số là các nam thi sĩ Mỹ trắng) là một cách tự trấn an khi ưu thế đặc quyền của họ bị lung lay? (26).
Trên các số TC Thơ viết về THT, chúng ta không thấy được bối cảnh lịch sử-xã hội đằng sau các chọn lựa thẩm mỹ trong sinh hoạt văn chương HK. Mặt khác có lẽ các hạn chế về Anh ngữ và văn hóa đã khiến những bạn phất cờ THT, đứng đầu là Khế Iêm, không hiểu được đến nơi đến chốn những điều họ nhiệt thành rao giảng. Căn cứ vào những thiếu sót và sai lầm trong mấy bài dịch giới thiệu các văn bản quan trọng của phong trào THT, người đọc sẽ đặt câu hỏi về khả năng lĩnh hội thấu đáo những vấn đề phức tạp liên quan đến thi học hay thi luật Anh-Mỹ, chưa nói đến lịch sử thi ca HK và văn học sử nói chung (27). Ðại bộ phận sáng tác THT là các bài thơ tuân thủ thi luật Anh truyền thống, dựa trên ngữ điệu căn bản của tiếng Anh (English prosody) để cấu tạo từng câu hay kiến trúc toàn bài. Ngữ điệu đó là nhịp iambic xuyên suốt nhiều thế kỷ thi ca, như câu thơ bình dị sau đây của Shakespeare: ”I ne/ver saw/ a fa/ther in/ my li/fe” (28)
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
Ðây là một câu pentameter (năm tiết nhịp) theo luật iambic (các trọng âm rơi vào số chẵn, 2-4-6-8-10), gắn bó lâu đời với ngữ điệu tự nhiên của tiếng Anh bắt đầu với tục ngữ và đồng dao. Khi các trọng âm rơi vào số lẻ câu thơ sẽ đổi qua luật trochaic, thật ra là dạng đối xứng của luật iambic: do đảo nhịp, trọng âm từ số chẵn nhảy qua lẻ nhưng cấu trúc tiết nhịp của câu thơ vẫn không thay đổi, nghĩa là vẫn trọng âm/khinh âm/trọng âm/… đều nhịp. Dù có vài biến thể ngữ điệu khác (như anapest, dactylic…) iambic với trochaic là hai dạng căn bản của thi luật Anh-Mỹ truyền thống.
Trong tập Rebel Angels (29), thi tuyển của 25 nhà thơ THT Mỹ, phần lớn các bài thơ dù có gieo vần hay không đều giữ cấu trúc tiết nhịp và trọng âm truyền thống. Sau đây là vài thí dụ:
A.
Yell/ow free/sia arc/ like twi/ning arms/ ;
I’m buy/ing show/er cur/tains, smo/ke alarms/,
And Wash/ington/ ,and you/ , Love/ -- stat/es away/ .
The clouds/ are flat/. The sky/ is go/ing grey/ .
Elizabeth Alexander – Letter: Blues, tr.3
B.
You drink/ to piss/ it all/ away/
You play/ it tough/ to seize/ the day/
Toss out/ more chips/ and spread/ your stuff/
Or end/ it with/ enough/ enough/ …
R.S. Gwynn - Anacreontic, tr.64
Hai trích đoạn này khá tiêu biểu cho thơ THT. A dùng pentameter (5 tiết nhịp), B dùng tetrameter (4 tiết nhịp). Mọi câu thơ đều có vần và theo luật iambic, trừ câu đầu A đảo nhịp theo trochaic; và chữ Love phá cách khi E. Alexander nhấn mạnh từ này để tạo bất ngờ và tăng độ biểu cảm (cuộc tình cách biệt!), cộng thêm quãng lặng ngắn trước cụm “states away” như một tiếng thở dài.
Trong nhiều trường hợp các thi sĩ THT dùng blank verse kiểu Milton: câu thơ không cần cước vận nhưng vẫn theo luật tiết trọng âm.Chẳng hạn đoạn pentameter này:
C.
A sound/ like a rus/ty pump/ beneath/ our wind/ow
Woke/ us at dawn/. Draw/ing the cur/tains back/
We saw/ --through milk/y light/, above the dog/ house/
A blue jay/ lect/uring/ a neigh/bor’s cat/ …
Paul Lake - Blue Jay, tr.124
hoặc mấy câu tetrameter (4 nhịp) không vần sau đây:
D.
Ma/ma, there/ are black/ cow/boys.
A fist/ful/ of black/ crotch/.
Dead/wood Dick/. Don’t fuck/ with me/
Black/ cow/boy. Leath/er hat/.
Elizabeth Alexander - Deadwood Dick, tr.2
Có thể trích dẫn thêm; nhưng các bài thơ trong thi tuyển này, trừ vài ngoại lệ hiếm hoi, chứng tỏ rằng nhóm thi sĩ THT ở Mỹ đã trung thành với các ước lệ thi pháp Anh-Mỹ của những thế kỷ trước đây, đặc biệt là luật trọng âm (accentual meter). Các nhà thơ VN trên TC Thơ trái lại đã rất phóng túng, chưa nói là tùy tiện, trong sáng tác THT của họ. Nếu theo đúng tinh thần bảo thủ của thi phái THT Mỹ, nhà thơ VN phải quay về với vần điệu và niêm luật trong thơ cũ VN của Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan; hoặc ít ra với dòng Thơ Mới Tiền Chiến vẫn còn nhịp nhàng êm tai. Ðằng này các bài THT trên TC Thơ khiến người đọc có cảm giác đứng nhìn một trò chữ nghĩa biến những câu văn xuôi trung bình thành từng đoạn thơ bằng cách ngắt câu vắt dòng, bên cạnh việc lặp đi lặp lại khá nhàm một vài chữ hay ý tưởng. Thí dụ vài đoạn như sau:
…
người đàn ông hai mươi năm trước, không
nghe, không thấy được gì từ người đàn
ông hai mươi năm sau, cứ lầm lũi,
lầm lũi, lầm lũi, tựa bóng ma, và
chẳng hề hay biết, người đàn ông hai
mươi năm trước cũng là người đàn ông
hai mươi năm sau, đang đợi nhau, đợi
nhau, đợi nhau, như cái sống đợi cái
chết, ròng rã, đã hai mươi năm, dù
vở tuồng vẫn chưa được viết, và đêm
kịch vẫn chưa mở ra, những thùng rác
vẫn chứa rác và không chứa gì khác.
Khế Iêm - Ảnh Ảo – TC Thơ 19, tr.100
“lầm lũi”, “bóng ma”, “hai mươi năm trước”, “hai mươi năm sau”, “đêm kịch”, “vở tuồng”, “những thùng rác”… là một số hình tượng và từ ngữ quá quen thuộc của thơ văn VN và thế giới. Bi kịch của sự nhàm chán lải nhải đã được những tên tuổi như Joyce, Beckett, Céline, Louis-René des Forêts diễn tả đến mức thượng thừa! Những bài thơ như Ảnh Ảo trên TC Thơ chẳng qua là một lối viết tự sự kiểu cách, nặng tính tu từ pháp mà chính tác giả bài thơ đã lớn tiếng chỉ trích trong các tiểu luận của ông (30). Dù sao tính tổ chức theo cấu trúc liên hoàn trong bài Ảnh Ảo và một vài bài thơ khác của Khế Iêm cũng cho thấy ông quan tâm đến chuyện “tay nghề” hơn khá nhiều thi hữu khác trong nhóm chỉ cần nhắm mắt phóng bút là ra thơ …THT …à la vietnamienne! Chẳng hạn:
…
Trong khoảnh khắc có một
cái chết và chỉ cái chết mới
rõ là mình chết đi. Chỉ có
cái chết mới biện minh được rằng
họ không sống, và tiếng nói của
nó là sự vô tri và câm
lặng tuyệt đối. Nhưng có những cái
chết nói nhiều hơn tiếng nói sự
sống. Có những âm vang từ vô
ngôn, vô tận. Người ta sinh ra
từ sự chết. …
Quỳnh Thi - Chỉ Có – TC Thơ 19, tr.110
Cách ngắt câu xuống dòng loạn xị đã “nâng cấp” cho đoạn văn triết lý vụn khá tầm thường trên đây. Ngọn gió THT đã cứu sống nhiều câu văn xuôi đa ngôn và vô vị, tân trang chúng thành một loại thơ văn xuôi… dễ hiểu, dễ làm. Vì thế, không lấy gì làm lạ khi trên nhiều số TC Thơ bỗng nhiên nô nức “thi pháp đời thường”, bất cần ngữ điệu và nhạc tính của tiếng mẹ, tác sinh vô số câu cú không ra văn mà cũng chẳng ra thơ! (31)
Người đọc thông minh đến đây chắc sẽ phì cười cho rằng kẻ viết bài này “đầu voi đuôi chuột”: Mở đầu thì bàn hươu tán vượn về một lục địa thi ca đa văn hóa, chung cuộc lại chui vào cái rọ chữ Giao Chỉ! Thật ra bàn về THT và TC Thơ chỉ là một cái cớ, mục đích của những trang dông dài này là tiếp tục suy nghiệm từ một bài viết mới đây trên Hợp Lưu (32) về hiện tình thơ VN sau ba mươi năm di dân sang Mỹ và thế giới. Chúng ta, người Việt ở nước ngoài, đang bước vào thời đại toàn cầu hóa cùng với các dân tộc, cộng đồng khác.
Toàn cầu hóa và đa văn hóa là hai xu thế không thể đảo nghịch trong thế kỷ mới này. Người VN yêu thơ, dù trong sáng tác hay học thuật, cần mở rộng nhãn quan nhìn ra mọi phương trời và không cần hấp tấp nuốt vội các món thời trang. Bài học lịch sử từ các di dân da màu trên nước Mỹ cho thấy ý thức văn hóa phải đồng hành với đấu tranh chính trị.
Và không thể tách rời tự do bình đẳng trong xã hội với tự do bình đẳng trong ngôn luận và tư tưởng. Sự tái tổ chức của các lực lượng và cộng đồng bảo thủ ở Mỹ, đặc biệt là dân da trắng miền Nam (33), trước sự tăng trưởng của dân số da màu và áp lực đa văn hóa, báo hiệu một sự đụng độ phức tạp trong những năm sắp tới. Di dân VN, dù là dân thường hay thi nhân nghệ sĩ, khó có thể đứng bên lề làm khách bàng quan. Mặt khác, vào thời đại của tự do thị trường với tư bản toàn cầu, tất cả đều bị đe dọa biến thành thương phẩm kể cả văn hóa-văn nghệ. Làm thế nào để khỏi bị lường gạt, dụ dỗ trong các siêu thị chữ nghĩa của nền văn minh “hậu hiện đại” tranh tối tranh sáng “mập mờ nhân ảnh”? (34) Sau cùng, trước uy quyền vô hình của đế quốc văn hóa làm sao bảo vệ óc tim độc lập và khốn khổ (conscience malheureuse) của người cầm bút mà không cần đến sự trợ lực của các thứ “nha phiến” tân kỳ, lắm khi ngụy trang dưới dạng tác phẩm của chính mình?
CHÂN PHƯƠNG
Cambridge, Xuân Ất Dậu 2005
Phụ đính:
Tạp Chí Thơ giới thiệu thi phái Tân Hình Thức Hoa Kỳ (New Formalism) qua nhiều bản dịch phần lớn do Khế Iêm dưới bút hiệu Ltt và Nguyễn Thị Ngọc Nhung chuyển ngữ. Ðáng tiếc là các bản dịch ấy có nhiều sai sót làm hại nội dung của các nguyên tác. Vì giới hạn của bài viết tôi chỉ đơn cử một số ví dụ từ hai bản dịch của Ltt: A/ John Briggs, Fractals (Introduction), Touchstone Books, 1992; và B/ Jarkman & Mason eds., Rebel Angels (Preface), Story Line Press, 1996. Ðể bạn đọc có thể kiểm tra tôi đánh số các đoạn có chữ, câu trích dẫn; chẳng hạn A1 là đoạn mở đầu bài nhập của Fractals, B3 là đoạn 3 bài Preface, Rebel Angels.
Trong dịch thuật, sai sót thường thấy ở 5 dạng: 1/ vụng về; 2/ hiểu sai; 3/ không hiểu nên dịch mò; 4/ hiểu nhưng không tìm ra thuật ngữ tương xứng; và 5/ phạm lỗi văn phạm hay đọc trật ngữ pháp. Cả 5 dạng này xuất hiện khá nhiều trong các bản dịch của Ltt tức Khế Iêm trên tạp chí Thơ.
1. A4:(studied) under glass in a laboratory = (học) dưới lớp kính phòng thí nghiệm. Ở đây nên dịch studied là nghiên cứu, khảo sát. A3: expose its (under-lying logic) = phơi bày (lý giải cơ bản). Nên dịch: phơi bày cái lý tiềm tàng/ hoặc/ lôgích bên dưới.
2. A2:Swallows... gathering and (flying off) in an organized flock. A lightning bolt (fracturing) the sky. = Những con chim én... tụ tập lại, (bay nhập vào) bầy đoàn có tổ chức. Ánh chớp nhoáng, (đứt đoạn) trên nền trời. Nên dịch: Ðàn én... tụ lại và bay đi trong một đội hình. Ánh sét xé rách nền trời.
3. A1:With its variability, (general dependability)... weather infiltrates our schedules... = Với sự biến đổi, (sự tùy thuộc tổng quát)... thời tiết xâm nhập vào thời khóa biểu. Ðây là kiểu dịch từng chữ một (mot à mot) với cuốn từ điển! Ở đây câu nguyên văn không có gì bí hiểm mà chỉ bàn về thi tiết, dù hay biến đổi nhưng thường thường vẫn có thể tin cậy được (general dependability).
4. A2:(pattern) created by (boulders) = (dạng thức) tạo bởi (những viên sỏi). Boulder là tảng đá to, người dịch quên tra từ điển; nhưng đáng bàn ở đây là từ pattern, một thuật ngữ của nhiều ngành, đặc biệt là tạo hình. Gọi pattern là dạng thức thì không đúng mà cũng không sai. Tương đương trong Hán tự là VĂN, nên ta có cụm từ hoa văn, văn tiết (pattern) trong trang trí, điêu khắc,v.v. A14: thruster rockets = hỏa tiễn kích thủy lực. Người đọc không chuyên về kỹ thuật phi thuyền không gian muốn biết dịch giả dựa vào tài liệu nào để tìm hiểu về kích thủy lực?
5. Nặng hơn là các lỗi văn phạm. Thí dụ trường hợp hai chữ sau không có liên can gì nhau trừ tự dạng! THOUGH là một liên từ (conjunction) với chức năng văn phạm quan trọng trong tiếng Anh có nghĩa là TUY NHIÊN, CHO DÙ; còn THROUGH có nghĩa QUA, THÔNG/ XUYÊN QUA. Trong các bản dịch Ltt đã lẫn lộn THOUGH thành THROUGH. A15: though, to be sure = qua đó chắc chắn; A16: Though unpredictable in detail = Qua chi tiết không thể đoán..; B10: Ultimately though... = Ðiều cơ bản qua đó...; và còn nữa. Về ngữ pháp tiếng Anh khi gặp các vế lồng vào nhau (clause within clause) dịch giả cũng hiểu sai vì không biết phân tích câu văn. Thí dụ A16: In fact, scientists learned that there are certain repeatable, rough patterns //systems seem attracted to// as they break down into or emerge from chaos. = Thực tế, những nhà khoa học hiểu rằng, (dạng thức của hệ thống) được lặp lại rõ ràng, bị lôi cuốn như thể chúng vỡ ra hoặc hiện xuất từ hỗn mang. Rõ ràng người dịch thay vì ngắt hai vế ra lại nhập chung vào nên hiểu patterns//systems = dạng thức của hệ thống! Phải hiểu câu nguyên tác trên như sau: Thật ra các nhà khoa học đã nghiệm thấy rằng các hệ thống hình như bị cuốn hút vào một số văn dạng (patterns) thô sơ lặp đi lặp lại khi chúng (hệ thống) vỡ tan hoặc nảy sinh trong hỗn mang.
Hiểu sai một từ hay vài chữ ai cũng có thể tra từ điển hay tham khảo sách chuyên môn; đọc sai ngữ pháp người dịch nên tự giác mở sách Anh văn học lại .
Nguyễn Tiến Văn, một dịch giả cẩn trọng và am tường Anh ngữ, đã phát hiện sự thiếu sót trong bản dịch B/ của Ltt và đã cất công dịch lại. (Ðộc giả có thể đối chiếu hai bản dịch: Ltt {Khế Iêm}, Những Thiên Thần Nổi Loạn, TC Thơ 19; và Nguyễn Tiến Văn, Những Thiên Sứ Nổi Dậy, TC Thơ 23). Với độc giả TC Thơ, ít ra dịch giả Nguyễn Tiến Văn cũng cho thấy ông tôn trọng đúng mức tác giả của nguyên tác. Tôi chỉ có chút ý kiến về vài từ-thuật ngữ ông đã dùng khi chuyển ngữ. Trước tiên là chữ VERSE mà ông dịch là VĂN VẦN (Nguyễn Thị Ngọc Nhung cũng từng dịch như vậy). Verse, vers, là từ hoán dụ cho thơ, thi ca vì các tác giả muốn tránh nhắc đi nhắc lại chữ poetry, poésie. Mallarmé có bài tuyên ngôn lừng danh La Crise du Vers mà ta không thể dịch là Sự Khủng Hoảng của Văn Vần! Mặt khác, Nguyễn Phan Cảnh trong chuyên khảo Ngôn Ngữ Thơ từng viết: “Truyền thống VN phân biệt rành rẽ thơ và diễn ca, văn vần”. (tr.58). Một thuật ngữ rất khó xử lý khác là METER mà Nguyễn Tiến Văn có khi dịch là VẬN LUẬT khi là LUẬT ÂM TIẾT. Cả hai cách đều không chính xác vì trong thi học Anh-Mỹ câu thơ đúng luật (meter) lắm khi không cần vần (blank verse của Milton thí dụ) mà chỉ cần nhấn đúng trọng âm (accentual meter) và không quan tâm nhiều đến âm tiết như thơ Pháp hay Ðường thi. Trước đây tôi tạm dịch METER là THỂ hay THỂ LUẬT dựa vào lịch sử thi ca Á đông đã từng có cổ thể thi, tân thể thi, thể tứ tuyệt, thể lục bát... Nay tôi lại phân vân vì THỂ hàm nghĩa quá rộng, có khi còn chỉ về hình thức, cấu tạo của cả bài thơ. Hay là chúng ta dùng từ CÁCH LUẬT vì từ nguyên CÁCH có nghĩa là khuôn thước dùng để đo đạt, tương ứng với METER mà nghĩa gốc là thước đo trong các ngôn ngữ Tây Âu bắt nguồn từ tiếng Latinh.
Phụ chú:
1. Louis Adamic từ 1945 gọi HK là A Nation of Nations trong tác phẩm cùng tên. Một chi tiết đáng ghi nhận: hiện nay cư dân Los Angeles nói khoảng 120 ngôn ngữ. Xem thêm Steven Hoelscher, Conversing Diversity, trong Textures of Places do Paul C. Adams ed., Univ. of Minnesota Press, 2001.
2. Các số liệu lấy từ Christopher Beach, Poetic Culture, Northwestern UP, 1999, t.2. Ðây là một biên khảo giá trị mang tính xã hội học xem xét thơ HK trong tương quan với các thiết chế văn hóa, nhất là đại học và các nhóm cộng đồng thi sĩ. Mùa đông 1995 truyền hình công cộng PBS phát hình khắp nước chương trình đại qui mô về thơ HK, The United States of Poetry, có 80 thi sĩ khác màu da tham dự từ cấp Nobel (Milosz, Walcott, Brodsky) đến hạng chưa có danh tiếng. Joseph Epstein trên Commentary (#86, 1988) báo động về sự hấp hối của thơ HK và mở ra tranh luận sôi nổi trên diễn đàn văn học Mỹ có Dana Gioia, Vernon Shetley, Donald Hall... nhập cuộc.
3. WASP = white anglo-saxon protestant là cụm từ chỉ di dân Mỹ chính gốc Tin Lành sang Tân Thế giới, được huyền thoại hóa thành chủ nhân da trắng có công lập quốc. Từ những năm 60 thuyết hệ da trắng độc tôn này (White supremacist discourse) bị các phong trào đa văn hóa phê phán triệt để. Hiện nay môn Hoa Kỳ học (American Studies) đã tự giác cải tạo quan điểm học thuật và tái định nghĩa gốc gác cùng lý lịch các nhóm cư dân ban đầu vùng thuộc địa New England. Mất quyền khống chế văn hóa (cultural hegemony) dân WASP bị khủng hoảng tâm lý vì Ngã tính đế chế (Imperial Self) rạn vỡ sau chiến tranh VN như Humpty Dumpty trong bài đồng dao xưa; từ đó sinh ra nhân cách hậu hiện đại HK vừa lạc phương hướng về tư tưởng (không còn meta-narrative), vừa ba phải về đạo lý. Nên tham khảo Stephen Whitfield, The Imperial Self in American Life, trong Columbia Journal of American Studies (Vol.4, #1, 2000) bên cạnh bài điểm sách uyên bác của Ivy Schweitzer, Salutary Decouplings: The Newest New England Studies, trong American Literary History (Vol.13, #3, 2001). Tủ sách chuyên đề New Americanists (Tân HK học) do Donald Pease chủ biên và Duke University xuất bản là diễn đàn chủ yếu của học thuật tiến bộ Mỹ hôm nay.
4. Từ đó nổ ra xung đột văn hóa (cultural wars) trong hai thập niên 80-90. Allan Bloom, tác giả The Closing of the American Mind (NY,1989) với lý thuyết gia Hậu-Chiến Tranh Lạnh Samuel Huntington, kẻ lớn tiếng báo động về đụng độ văn minh, The Clash Of Civilizations, trong Foreign Affairs (Vol.72, #3, 1993) là hai gương mặt cánh hữu tiêu biểu kêu gọi HK dựng lại phòng tuyến cho văn hóa da trắng phương Tây. Về mặt đối nội họ cũng chủ trương hạn chế tầm ảnh hưởng của các yêu cầu đa văn hóa, xem David Palumbo-Liu, Multiculturalism Now: Civilization, National Identity, and Difference before and after September 11th, trong Boundary2 (Vol.29, #2, 2002). Sau vụ 11-9-2001, ai chỉ trích chính sách quân sự ngoại giao của HK sẽ bị nhà nước USA quy kết là có óc bài Mỹ (chú thích 26, tr.126, bài vừa dẫn).
5. Phần lớn đại học HK đỡ đầu các tạp chí và xuất bản văn thơ. Ðể có một tổng quan có thể đọc thi tuyển từ xuất bản đại học do Ronald Wallace biên tập: Vital Signs, Univ. of Wisconsin Press,1989.
6. Ðứng đầu là chính sách bất thành văn Affirmative Action từ tổng thống Johnson để nâng đỡ dân da đen với thiểu số trong nghề nghiệp, giáo dục, nhà ở...; và bị chống đối từ các cộng đồng da trắng, nhất là di dân đến sau từ Trung Âu phải vất vả kiếm ăn trong một nền kinh tế ngày càng nợ nần vì chiến tranh và thâm thủng ngân sách. Xem John David Skrentny, Affirmative Action and the Failure of Presidential Leadership, trong One America, Stanley Renshon chủ biên, Georgetown University Press, 2001.
7. Tại Mỹ muốn có vốn liếng văn hóa (capital culturel, Pierre Bourdieu) sang nhất là tốt nghiệp ở Ivy League vùng New England. Harvard và Yale là hai đại học đầu tiên trong vùng. Giáo sư học giả Helen Vendler dạy môn thơ Anh-Mỹ tại Harvard là tiếng nói phê bình uy tín nhất hiện nay ở HK. Từ 1919 Yale trao giải thơ Yale và xuất bản thi phẩm đầu trong Yale Series of Younger Poets cho thi sĩ trẻ nào trúng tuyển. Không xa Yale là Wesleyan vớI chương trình xuất bản thơ từ 1958 nhằm giới thiệu thi tài mới, cả hai đại học này đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện, đỡ đầu các nhà thơ chưa nổi tiếng. Ðọc thêm bài dẫn nhập tường tận của George Bradley ed., The Yale Younger Poets Anthology, Yale Univ. Press, 1998.
8. Quá trình vừa cạnh tranh vừa hợp tác giữa Boston và New York là một đề tài lý thú cho những ai tò mò về văn hóa và tư tưởng HK; xem Nina Baym, Early Histories of American Literature: A Chapter in the Institution of New England, trong The American Literary History Reader, do Gordon Hutner chủ biên, Oxford Univ.Press, 1995. Phần lớn thi sĩ trong tuyển tập do Paul Hoover thực hiện, Postmodern American Poetry (Norton, NY, 1994) đều sinh trưởng ở New England hay New York, từng theo học Harvard, Columbia, Yale, Brown, Cornell,...
9. Xem chú thích 3. Ngoài các thiểu số da đen hay Trung Mỹ, New York với Greenwich Village còn là thánh địa của dân Do Thái gốc Âu châu, cái lò sinh ra dòng văn học đầy chất thử nghiệm vì tính cách hoàn vũ (cosmopolitan) của trí thức nghệ sĩ Do Thái HK không ngừng đối chất văn hóa chủ lưu WASP. Cũng như cộng đồng gốc Irish ở Boston, vai trò phản diện của cộng đồng Do Thái ở New York là một đề tài công phu khác cho những ai muốn đi sâu vào lịch sử tư tưởng hiện đại Mỹ. Bắt đầu có thể tham khảo Terry Cooney, The Rise of the New York Intellectuals, Univ. of Wisconsin Press, 1986; và David Lehman, The Last Avant-Garde, Doubleday, NY, 1998.
10. Trong khái niệm không gian ký hiệu (semiotic space), Lotman nhấn mạnh chức năng chủ yếu của ranh giới (boundary) phân biệt Chúng Ta (Trong) / Chúng Nó (Ngoài). Chính các xung đột biện chứng tại đường ranh Trong / Ngoài tạo ra vận động sáng tạo trong toàn khí quyển văn hóa (semiosphere); và trung tâm với ngoại vi luôn hoán chuyển qua thời gian. Dù là đế quốc văn hóa, HK cũng không thoát khỏi qui luật biến dịch này; các phong trào chính trị đa văn hóa từ thập niên 60 là minh họa sinh động cho qui luật ấy. Xem Yuri M. Lotman, Universe of the Mind, Indiana Univ. Press, 1990, Phần 2 , Chương 8 và 9.
11. Vào khoảng 1915 phái Fugitive (Trích Lữ) qui tụ quanh đại học Vanderbilt ở Tennessee với các nhà thơ - phê bình gia đầy tiềm năng như Ransom, Tate, Donald Davidson... Tạp chí The Fugitive ra đời năm 1922 ở Nashville khai trương dòng văn học hiện đại miền Nam có ảnh hưởng rộng khắp nước Mỹ. Tiếp thu chủ nghĩa tượng trưng Pháp cùng huyền học phương Tây, thi phái này báo hiệu bế tắc hiện sinh của con người thời đại vừa cô đơn vừa tha hóa giữa sa mạc đô thị. Phái Fugitive đã chấn hưng văn hóa miền Nam, sau này đỡ đầu cho hai trường phái thi ca Agrarian (Ðồng Áng) và phê bình New Critics. Xem thêm William Pratt, The Fugitive Poets, N.Y.,1965.
12. Tham khảo Louis Rubin, Jr. ed., The History of Southern Literature, Louisiana State Univ.Press, 1985, Phần III; và thi tuyển thơ miền Nam thế kỷ 20 của David Rigsbee, ed., Invited Guest, Univ. Press of Virginia, 2001.
13. Nhiều tên tuổi Beat hàng đầu không phải dân wasp. Allen Ginsberg đồng tính luyến ái, mẹ gốc Do thái từng là đảng viên cộng sản Mỹ. Jack Kerouac có gốc Pháp Breton. Lawrence Ferlinghetti mồ côi cha mẹ sớm được một gia đình Mỹ giàu cho qua Pháp ăn học, sau đỗ tiến sĩ Sorbonne về văn học Pháp. Gregory Corso mẹ cha đều gốc ý và không sống với nhau lâu nên đứa con bỏ nhà đi bụi đời rồi vào tù năm 17 tuổi. Bob Kaufman là Do thái da đen và tù tội nhiều lần. Còn nhiều ví dụ khác cho thấy thế hệ Beat có quan hệ đa dạng với các dòng văn hóa di dân khác và có tâm trạng con hoang đối với ý hệ Tin Lành chủ lưu. David Meltzer, San Francisco Beat, City Lights, 2001 là cuốn sách không thể bỏ qua với loạt bài phỏng vấn công phu và lý thú các thi sĩ Beat trong suốt ba thập niên .
14. Hoa Kỳ xâm lăng vương quốc Mexico giữa thế kỷ 19, lấn chiếm cả một vùng bao la nay là các tiểu bang Texas, New Mexico, Arizona. Cư dân vùng này ngày nay vẫn dùng tiếng Tây ban nha và cố gắng phục hồi văn hóa Mễ , phần nào lai tạp vì nhiều đời chung sống với các thổ dân. Phong trào phục hưng văn hóa này sinh ra một chuyên ngành gọi là Chicano Studies với một số khái niệm chìa khóa như borderland (biên thổ), border-crossing (biên quá) để nhấn mạnh về tính chất lưỡng quốc- song ngữ của dân Mỹ gốc Mễ, vừa xung đột nội tâm vừa kích thích óc sáng tạo. Văn hóa Chicano gây ảnh hưởng mạnh trong các cộng đồng latino HK (dân Trung-Nam Mỹ), hiện nay là mũi nhọn trong lý thuyết văn hóa học bên cạnh học thuật da đen Mỹ. Sáng tác Chicano cực kỳ phong phú; đọc Rafael Pérez-Torres, Movements in Chicano Poetry, Cambridge Univ. Press, 1995, để thấy các quan hệ chằng chịt giữa tinh thần dân tộc và vận động văn hóa ở vùng Tây Nam HK hôm naỵ. New Mexico Poetry Renaissance (Santa Fe, 1994) do Niederman và Sagan biên soạn là thi tuyển tiêu biểu cho dòng thơ đa văn hóa ở New Mexico.
15. Gắn bó mật thiết với phong trào Chicano và thế hệ Beat là nhóm Pocho-Che ra đời cuối thập niên 60 ở vùng San Francisco cùng với trào lưu sinh viên tranh đấu khắp phương Tây. Chống ý hệ da trắng độc tôn, liên minh rộng với các nhóm thiểu số thua thiệt, bằng báo chí, văn nghệ và tổ chức, Pocho-Che tiêu biểu cho vận động đa văn hóa nhằm thiết lập diện mạo chính trị cho cộng đồng latino HK và chất vấn chính sách kỳ thị sắc tộc của các thế lực da trắng. Ðây là mô hình liên-văn- hóa tiên phong ở Mỹ có tham vọng xây dựng những giá trị nhân văn phổ quát cho sự chung sống giữa các cộng đồng công dân khác truyền thống và ngôn ngữ. Biên khảo gần đây của Rod Hernandez, Pocho-Che and the Production of Transnational / Transcultural Poetics, XCP 14, 2004, cho thấy ảnh hưởng lan sâu của Pocho-Che sau khi nhóm này hòa tan vào các cộng đồng latino khắp nơi trên nước Mỹ. Một thời đồng minh với Pocho-Che, các nhà thơ gốc Porto Rico như Victor H. Cruz, Miguel Pinero... qua New York thành lập Nuyorican Poets Café góp phần quan trọng vào phong trào thơ trình diễn (performance poetry); đọc thi tuyển Aloud (Henry Holt, NY, 1994) do Miguel Algarín và Bob Holman biên soạn.
16. Ethno-poetics ra đời từ nỗ lực của nhà thơ Jerome Rothenberg đã sưu tầm, tuyển chọn phong dao và thi ca truyền khẩu của các thổ dân Bắc Mỹ. Song song với công trình đáng khen của Rothenberg là sự phục sinh văn học thổ dân với sự xuất hiện của các nhà thơ tài năng như Gerald Vizenor, Leslie Silko, Louise Erdrich... Chuyên ngành nhân văn về thổ dân cũng lớn mạnh với nhiều đóng góp mới cho lý thuyết văn hóa học của Arnold Krupat chẳng hạn. Có thể tham khảo Jerome Rothenberg, Shaking the Pumpkin, Marck Editions, NY, 1986; và Arnold Krupat, The Turn to the Native, Univ. of Nebraska Press, 1996.
17. Eco-critique là ý thức bảo vệ sinh thái của một số nhà thơ HK, nổi bật có Wendell Berry và Gary Snyder. Phong trào này chịu ảnh hưởng tư tưởng Ðông phương, đặc biệt là Thiền và Phật giáo Tây Tạng mà các thi sĩ Beat như Waldman, Whalen, Snyder, Ginsberg đã tiếp thu và quảng bá. Không chỉ sáng tác hay trình diễn, họ đã đặt nền móng cho Naropa Institute, đại học Phật giáo duy nhất ở HK tại Boulder,Colorado. Ðọc tài liệu chủ yếu về thi phái Phật giáo HK, Anne Waldman & Marilyn Webb ed., Talking Poetics from Naropa Institute, Vol. 1 & 2, Shambhala, 1978; và tuyển tập do Carole Tonkinson, ed., Big Sky Mind: Buđhism & the Beat Generation, N.Y, 1995.
18. Văn học da đen ở Mỹ là một đề tài quá lớn. Từ văn chương nô lệ miền Nam đến Harlem Renaissance, từ các cộng đồng văn nghệ sinh động ở nhiều thành phố lớn như New York, Los Angeles, Chicago, Detroit, New Orleans... đến thuyết hệ da đen liên-Ðại Tây Dương, chưa kể phong trào hiphop với thơ-nhạc rap đang lan rộng trên thế giới, tiếng nói da đen ngày nay không còn là văn hóa ngoại vi ở Mỹ, nếu không nói là trái lại. Nên đọc các công trình biên soạn của thi sĩ-công dân da đen Ishmael Reed để có ý niệm về tầm vóc của mối liên minh sáng tạo da đen-da màu hiện nay; đặc biệt là Multi America, Viking Penguin,1997, và From Totems to Hip-Hop, Thunder Mouth Press,2003. Về thi pháp cộng đồng rap, xem Imani Perry, Prophets of the Hood, Duke U.P., 2004. Paul Gilroy, The Black Atlantic, Harvard U.P., và Michael E. Dyson, Reflecting Black, Minnesota, 1993, là hai tác phẩm cốt lõi của tư tưởng mỹ học và tâm lý văn hóa da đen hiện đại. Ngoài ra còn tập san định kỳ Callaloo do John Hopkins University bảo trợ phát hành là tư liệu quí cho giới chuyên gia về lĩnh vực văn hóa học da đen.
19. Sáng tác với học thuật nữ quyền là cuộc đại cách mạng văn hóa từ hơn bốn thập niên qua ở Mỹ. Riêng về thơ phụ nữ hay nữ quyền bất kể da trắng hay da màu đã có rất nhiều tuyển tập. Người đọc hiếu kỳ có thể truy tìm trên Google.com. Về nhận định phê bình, đáng chú ý là Alicia S. Ostriker, Stealing the Language, Beacon Press, 1986. Sự tham gia ngày càng đông đúc sôi nổi của dân HK gốc Á châu sau các làn sóng di dân từ những năm 60 vào các sinh hoạt văn nghệ, đặc biệt là nữ giới, càng cống hiến thêm nhiều sắc thái độc đáo cho dòng sáng tác đa văn hóa ở Mỹ. Tuyển tập lừng danh đầu tiên của các tác giả HK gốc Á do Paul Chan, Frank Chin, Fusao Inada và Shawn Wong đã được tái bản bổ sung, The Big Aiiieeeee! Meridian-Penguin,1991. Geok-Lin Lim & Amy Ling, Reading the Literatures of AsianAmerica, Temple U.P.,1992; và King-Kok Cheung, An Interethnic Companion to Asian American Literature, Cambridge U.P., 1997 là hai công trình biên khảo phê bình tập thể cho giới quan tâm một tổng quan không thể thiếu trong học thuật đa văn hóa hôm nay. Thêm một lưu ý: sáng tác đa văn hóa ở Mỹ không nhất thiết phải dùng Anh ngữ, phần lớn các cộng đồng di dân vẫn dùng tiếng mẹ để duy trì bản sắc văn hóa. Về vấn đề phức tạp này có thể tham khảo Marc Shell, ed., American Babel, Harvard U.P., 2002.
20. Richard Gray, A History of American Literature, Blackwell, 2004, tr.563. Ðây là tổng quan uyên bác và thông minh hiếm có về văn học sử đầy biến động của đế quốc văn hóa hùng mạnh nhất trong lịch sử. Là một học giả Âu (hàn lâm viện sĩ Anh quốc) Gray khách quan đánh giá các dòng văn học da màu và phong trào đa văn hóa trong xung đột biện chứng trung tâm / ngoại vi như mô hình đã nêu trên của Yuri Lotman (chú thích 10).
21. như trên, tr.564.
22. Tham khảo Richard Ohmann, Politics of Knowledge, Wesleyan U.P., 2003, để tìm hiểu sâu hơn về xu thế biến hệ thống đại học thành công nghiệp và thị trưong kiến thức cao cấp ở Mỹ hiện nay.
23. Donald Hall, Poetry and Ambition, Univ. of Michigan Press, 1988, tr.130. ý kiến này đáng quan tâm vì D. Hall là bộ mặt trưởng thượng trong dòng thơ chủ lưu HK.
24. Phái Language Writing nhờ các quan hệ chiến lược với đại học và mạng lưới tiên phong chủ nghĩa Âu-Mỹ đã được văn hóa chủ lưu HK chấp nhận và phát huy ảnh hưởng khá rộng trong thi ca thử nghiệm dùng Anh ngữ (Canada, Úc, Anh, kể cả Hoa Lục). Nhưng thế hệ nhà thơ trẻ có ý thức lịch sử-xã hội hôm nay ở Mỹ đã nhận ra tính chất lý thuyết tháp ngà của phái Ngôn Ngữ HK và yêu cầu giới làm thơ phải bám vào sáng tác và không được quên trách nhiệm của người nghệ sĩ công dân. Trong cuộc hội thảo thi ca quốc tế (thật ra chỉ là thế giới Anh ngữ) tại đại học New Hampshire tháng 8-1996 phái Ngôn Ngữ và mô hình thơ thử nghiệm HK đã bị chất vấn triệt để. Xem Steve Evans, The American Avant-Garde after 1989, trong Assembling Alternatives, Romana Huk chủ biên, Wesleyan U.P., 2003.
25. Theo ước tính của ngành dân số học HK, đến giữa thế kỷ 21 người Mỹ da trắng sẽ trở thành thiểu số; xem Richard Gray, sách đã dẫn, tr.563. Sự khủng hoảng về bản sắc văn hóa ấy đang là đề tài của học thuật HK, tìm đọc David Savran, Taking It like a Man, Princeton U.P., 1998.
26. Một số bài giới thiệu, điểm sách về nhóm Tân Hình Thức đã được dịch (với nhiều sai sót!) sang tiếng Việt và đăng trên tạp chí Thơ từ số 19 (Thu 2000) đến số 25 (Thu 2003). Vì tính chất bảo thủ tập cổ, THT không gây được ảnh hưởng ngoài nước Mỹ như thơ văn Beat hoặc phái Ngôn Ngữ. Theo hiểu biết có giới hạn của người viết bài này, có lẽ THT chỉ được một ít nhà thơ VN ở Bolsa hay Sài Gòn hưởng ứng. Dù các thi sĩ THT (25 vị trong thi tuyển Rebel Angels) đã được quảng cáo rằng họ thuộc vào số các tác gia sẽ đưa nền thơ HK vào thế kỷ 21, thực tế và thời gian đã tỏ ra khá phủ phàng! Với tài nghệ thường thường bậc trung nhóm THT không gây được kỳ tích nào đáng nhớ, chẳng hạn một giải thơ Pulitzer. Theo nhận định của giới phê bình đại học HK thì thi phái ao nhà này đã suy tàn; xem Christopher Beach, sách đã dẫn, tr.173-174; và Philip Levine trong bài phỏng vấn do Harry Thomas thực hiện, Talking with Poets, Handsel Books, N.Y, 2002, tr.76.
27. Xem phần Phụ Ðính.
28. đọc mục Meter trong The New Princeton Encyclopedia of Poetry & Poetics, 1993, tr.770.
29. Mark Jarman & David Mason ed., Rebel Angels, Story Line Press, 1996. Thi tuyển này cũng như mấy tên sách khác cổ xúy thơ THT đều do nhà xuất bản nhỏ Story Line Press ở Oregon in ấn.
30. Ðọc Khế Iêm, Tân Hình Thức, Văn Mới, 2003. Trong bài đầu có tính lý thuyết, tác giả tuyên bố: “...thơ THT Việt... sử dụng NGÔN NGỮ ÐỜI THƯỜNG, kết hợp với một số yếu tố và kỹ thuật của thơ tự do tiếng Anh, phá vỡ âm hưởng Tiền Chiến...” (tr.12). Lập luận như thế là đầu Ngô mình Sở vì ai đọc thông thạo tiếng Anh cũng có thể kiểm chứng rằng thi phái THT nặng lời bài bác, phê phán loại thơ tự do (free verse) bất qui tắc và phá luật, được dạy khắp các đại học đồng thời rất thịnh hành trên sách báo HK. Ở bài tiếp theo (viết vào mùa xuân 2001) tác giả Khế Iêm đã phát biểu sai lạc và không bằng chứng như sau khi ca tụng thi phái THT: “...cho đến bây giờ vẫn là một phong trào đang ở thời kỳ sung mãn nhất của thơ HK, trong khi Thơ Ngôn Ngữ lui dần vào bóng tối” (tr.33). Ðúng là không gì nguy hiểm bằng sự thiếu thốn thông tin, đặc biệt với một người khảo cứu, vì óc hư cấu ở đây hoàn toàn bất lực nếu không nói là có hại. (Cho đến nay tôi vẫn thắc mắc tại sao Khế Iêm lại cứ gán cái danh xưng THT vào sáng tác của nhóm mình trên tạp chí Thơ trong khi râu ông chẳng liên can gì đến cằm bà!)
31. Nếu chịu khó xem từng dòng thơ trong Rebel Angels người đọc cẩn thận sẽ nhận ngay ra một điều: các nhà thơ THT tôn trọng ước lệ và cách luật nên tránh cưỡng bức cú pháp với ngữ nghĩa; khi chuyển mạch văn hay dứt ý mới ngắt câu. Chỉ khi nào câu thơ dài quá khổ họ mới phải bắt buộc vắt dòng, trong khi các bạn trên TC Thơ lại biến trò vắt dòng thành một tiểu xảo máy móc thiếu suy nghĩ. Có thể tham khảo Chân Phương, Vũ Ðiệu của Lời, TC Thơ 18, Xuân 2000, tr. 4-9, để tìm hiểu thêm về nghệ thuật của ngôn ngữ thi ca hiện đại.
32. Chân Phương, tiểu luận Thơ Việt đi về đâu?; cùng phỏng vấn Chân Phương do Thụy Khuê thực hiện, Tình Hình Thơ Ca VN Hôm Nay, Hợp Lưu 80, Xuân 2005, tr. 40-60 .
33. Có khá nhiều sách phân tích chính sách cực hữu của chính phủ W. Bush nhưng Michael Lind, Made in Texas, Basic Books, 2003 là đáng đọc vì tác giả sinh trưởng ở Texas nên am hiểu chính tình miền Nam. Khảo cứu tổng quan về chủ nghĩa dân tộc da trắng do Carol Swain, The New White Nationalism in America, Cambridge U.P., 2002, là tài liệu phong phú nhất.
34. Ðây là đề tài hay cho một số chủ đề Hợp Lưu tương lai. Trong khi chờ đợi nên đọc lại Guy Debord, La Société du Spectacle, Folio-Gallimard,1992.
Thơ ca
Trong Thơ Nên Có Vú.
Tôi có kinh nghiệm về những trái vú cụ thể vào khoảng 16,17 tuổi. Lúc ấy tôi đang học năm seconde trường Tây và các đêm bal cuối tuần tôi không thiếu cơ hội ôm ghì những bộ ngực đầm tơ rồi đôi khi may mắn được vùi cả đầu mặt vào đó mà hôn hít. Dạo đó tôi cũng đang tập tành viết từng câu alexandrin vừa dọ dẫm bước vào thế giới Baudelaire với những bài thơ tuyệt vời nhục cảm. Đôi khi nổi hứng tôi còn búng ghi-ta nghêu ngao mấy câu
La femme qui est dans mon lit
N’a plus vingt ans depuis longtemps
Les seins si lourds
De trop d’amours...
mà danh ca Serge Reggiani đã mượn tứ một bài trong Les Fleurs du Mal phổ nhạc và làm xao xuyến các quán rượu Paris vào cuối thập niên 60 nhiều biến động.
Nhưng mấy mối tình học trò ấy qua nhanh. Khi cú sét thần tiên đánh cháy quả tim vào năm thứ hai đại học, thi ca của thế kỷ 20 cũng vừa mở rộng cửa đón tôi vào các cuộc tình hiện đại kiểu Apollinaire, Eluard, Breton... Những chiều mưa phòng trà lãng mạn, những đêm nhiệt đới nồng nàn, làn da nóng ấm, môi mắt gợi tình... Và trái vú trần của người yêu sẽ trở thành niềm ám ảnh khôn nguôi đọng hoài trong ký ức, đúng như hai câu chớp loé của Valéry chỉ một lần hiện lên mà in dấu trọn kiếp người:
l’instant d’un sein nu
entre deux chemises...
Cũng may cho tôi; thay chỗ những quả trái trần thế lần lượt theo nhau ra đi tôi phát hiện ra kho tàng vô tận của chúng trong thơ! Không bằng lòng với bộ ngực Phục Hưng (Shakespeare, Ronsard, Donne...) tôi ngược thời gian Trung cổ (Les Troubadours) tìm về La Mã, Hy Lạp để bàng hoàng trước cặp vú để trần của Propertius và Catullus, hoặc ngẩn ngơ trước đôi gò của người đẹp Sappho... Như một kẻ say mê đồ cổ, tôi truy lùng thời gian đã mất của nòi tình để tìm lại từng vết tích thẩm mỹ bên dưới các manh vải và bên kia hằng cửu. Và làm sao kể xiết niềm vui một ngày nọ khi bắt gặp giữa hai trang Cựu Ước lời hát ca ngợi tình nhân của Salomon:
cặp vú em như hai con nai sinh đôi...
(lặp đi lặp lại, Chương 4&7)
α
Đến đây có lẽ bạn đọc không ít người đã bất bình: tác giả bài viết này mất gốc vọng ngoại quá mức! Hết ca tụng thơ ca Âu Tây lại thần phục Kinh Do Thái!Tại sao có thể lãng quên mấy nghìn năm văn hiến Á Đông! Cả đời nhai cơm, húp phở lại đi khen ngợi vú đầm (chưa nói là phần lớn chúng nó chỉ ẩn hiện trên tờ giấy ố vàng mục rách!)
Thú thật tôi cũng có đôi lần thắc mắc, nhất là những năm sau này khi tóc râu bắt đầu điểm bạc: thơ ca dân tộc với láng giềng đã tiếp nhận... vú như thế nào? Có được hồn nhiên thoải mái như các sắc dân da trắng không? Tình trai gái trong thơ của chúng ta có khi nào để lộ toà thiên nhiên của phái đẹp? Và một lần nữa thú chơi đồ cổ đã dắt tôi vòng vo từ Đường thi, Tống từ đến Kinh Thi với Sở Từ, thi thoảng lại ghé qua các kho ca dao tục ngữ. Tôi đã mất khá nhiều thời gian mà kết quả chẳng mấy khả quan: gấm lụa xiêm y thì nhiều nhưng trái vú sờ được nhìn thấy thì hầu như vắng bóng! Chỉ một lần trong bài "Có Con Nai Chết" (Kinh Thi, Quốc Phong) khi người con gái xin chàng trai đừng cởi dây thắt lưng của nàng là thấp thoáng niềm hy vọng mong manh nhưng rồi cũng vuột mất.[1] Phải chăng truyền thống Nho giáo đã trói buộc tình tự Á đông?[2] Đọc Lý Bạch, gã playboy tài hoa sớm tối vào ra thanh lâu tửu quán hoặc Đỗ Mục, tay chơi khét tiếng bạc tình thời Vãn Đường, thấy được má hồng cùng lưng thon là may lắm rồi! Tả sắc đẹp nghiêng thành của Dương Quí Phi trong bài "Trường Hận Ca", họ Bạch chỉ hé ra tấm thân mỡ màng của nàng dưới làn nước ấm rồi nín lặng![3] Tôi chịu khó lật lại từng trang Tục Ngữ Phong Dao của Nguyễn Văn Ngọc, đôi khi cũng bắt gặp một khoảnh da thịt hấp dẫn,
Đàn ông đóng khố đuôi lươn
Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh
hoặc một màn striptease kín đáo,
Thương nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay
nhưng tuyệt nhiên không thấy cặp vú gợi hứng đâu cả![4] Bóng gió thì có bóng gió, hiện thực lại rất mông lung,
Gió nam đánh tốc yếm đào
Anh nghĩ oản trắng, anh vào thắp nhang...
Cho đến Bà Chúa thơ Nôm cũng tránh né vấn đề; gặp cô gái ngủ ngày da thịt tênh hênh nhà thơ nổi tiếng tả chân của chúng ta lại dùng ẩn dụ:
... Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm...
Nghĩ hơi buồn! Dân Việt cũng thuộc loài động vật có vú như ai, sao thơ Việt lại thiếu đi bộ phận này? Té ra kiểm duyệt văn hoá không chỉ là căn bệnh của các chế độ công an, quân phiệt mà thôi!
α
Tôi lại tiếp tục đào bới. Biết đâu bên dưới các địa tầng văn hoá Khổng Mạnh và Tam giáo vẫn còn tàng ẩn tính nết hồn nhiên chân chất của dân gian? Đi ngược ảnh hưởng của phương Bắc, tìm về nguồn gốc Đông Nam Á thử xem - chẳng phải tổ tiên xa xưa đã từng xâm mình, nhuộm răng ăn trầu hay sao? Đẩy sang một bên các sách Hán tự, tôi bắt đầu sưu tập các tài liệu văn hoá Môn-Khờme và Mã Lai, mày mò tự học các chữ orang, kampung, makan, minum... và làm quen với những bài pantun nguyên tác.[5] Rồi sau nhiều mùa lặn lội trong rừng chữ lạ lẫm tôi đã được mãn nguyện, đã tận mắt nhìn thấy susu, trái vú dân tộc nguyên sơ, bầu sữa mẹ Mã Lai chính gốc! Mời các bạn cùng tôi về thăm cội nguồn văn hoá, ngâm nga mấy câu thơ tỏ tình đặc sản sau đây:
Sakit kaki ditikam jeruju
Jeruju ada di dalam paya
Sakit hati memandang susu
Susu ada di dalam kebaya[6]
tạm dịch:
Dẫm phải gai đau chân
Lá gai mọc giữa đầm
Nhìn thấy vú đau lòng
Vú dưới yếm đầy căng
Di mana kuang bertelur?
Di atas lata, di ruang batụ
Di mana abang nak tidur?
Di atas dada, di ruang susu.[7]
tạm dịch:
Ó làm tổ ở đâu?
Nơi lũng sâu, góc núi.
Người tình muốn ngủ đâu?
Gối đầu trên đôi vú.
Tôi xin phép tạm ngưng ở đây; gọi là dẫn chứng vài câu khai vị. Mấy trang này đã giúp tôi xoa dịu phần nào cái mặc cảm mất gốc của mình. Bây giờ mời các bạn làm một chuyến hành hương văn hoá, tự thân tìm lại lai lịch tâm tình của giống nòi. Biết đâu ngày nào đó một người trong các độc giả của bài viết lôi thôi tuỳ hứng này sẽ nhẫn nại đi xa thật xa, sẽ may mắn tìm ra nơi chôn nhau cắt rốn văn hoá của các tộc Việt ngày xưa.
_________________________
[1]Xem nguyên tác "Dã hữu Tử Quân", bài 23 trong Bernhard Karlgren, The Book of Odes, Stockholm, 1950.
[2]Trong bài "The Oldest Chinese Poetry" dịch giả Arthur Cooper lên án giới Nho sĩ đã cắt đục Kinh Thi vì các quan điểm luân lý của họ. Xem The Translator’s Art, Penguin Books, 1987, tr. 62.
[3]Mớ nhận xét tài tử trong bài này không có tham vọng của một chuyên khảo và chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót. Mặt khác các chấm phá này chỉ liên quan đến thơ. Ai quen biết văn xuôi Trung Hoa đều không lạ gì với những trang đậm đặc dục tình của Kim Bình Mai, Nhục Bồ Đoàn, v.v.
[4]Nói cho chính xác văn chương dân gian rải rác cũng gặp vài trái vú... nhưng chúng chẳng quan hệ gì đến thú vui luyến ái hoặc hạnh phúc lứa đôi. Đó là những cái vú của tướng học và kinh nghiệm bình dân về cơ thể đàn bà như "nhớn vú bụ con", "thâm dưa thì khú, thâm vú thì nghén", "vú bánh dầy, má bánh đúc", đại loại... Hoặc những cái vú lầm than cơ cực của thân phận gái quê: Một ngày ba bận trèo đèo Vì ai vú xếch, lưng eo hỡi chàng! hay là Chửa chồng, yếm thắm đeo hoa Chồng rồi, hai vú bỏ ra tày giành! Và hai câu tố cáo ách nặng phong kiến mà chúng ta vẫn nghe quen: Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình, Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi!
[5]Pantun là thể thơ truyền khẩu lâu đời của văn hoá dân gian Mã Lai, Nam Dương. Bắt đầu được phổ biến ở Âu châu vào đầu thế kỷ 19. Pantun đã chinh phục nhiều nhà thơ, trong đó có Victor Hugo. Vì một lỗi chính tả hay phát âm vào thời đó, pantun đã trở thành pantoum từ ấy đến nay ở Pháp.
[6]Susu trong tiếng Mã Lai có nghĩa là Vú hoặc Sữa. Các âm tiết của từ này vẫn còn trong tiếng Việt ngày nay: khi một đứa bé Việt Nam bú "Sữa" mẹ thì em được gắn chặt với cội nguồn theo nhiều nghĩa, cả văn hoá lẫn sinh thành.
[7]Hai bài pantun trên được trích từ Pantouns Malais do Georges Voisset tuyển dịch cho nhà xuất bản Orphée/La Différence,1993, và Anciennes Voix Malaises do Francois-René Daillie tuyển dịch cho nhà Fata Morgana,1993.
Lý luận Suy luận
Chân Phương:
Xem tranh Phan Nguyên
Cendre Solaire
(Thái Dương Tàn Lụi)
Lần đầu tôi đến Savigny le Temple, chuyến tầu ngoại ô chạy trễ một tiếng. Người bạn đón chờ tại bến. Chúng tôi lên xe nhỏ về ngôi nhà ngoại ô tọa lạc giữa khu vườn yên ả. Phòng ăn phòng khách bày biện thoáng và đẹp mắt, trên tường treo nhiều bức trừu tượng khá lớn. Bên cạnh là chái hiên lồng kính ăn liền với khoảng sân sau. Chủ khách ra đây chuyện trò, vừa nhâm nhi cốc rượu và ngắm mấy chậu bonsai lạ mắt và cỏ cây mùa hè xanh mát ngoài vườn. Tôi nghĩ bụng, đúng là một khung cảnh thích hợp để sáng tác và trầm tư. Ngoài thú hội họa anh bạn nghệ sĩ này chắc phải là một tay say mê triết đạo và tư tưởng.
Tôi đã không lầm. Họa sĩ Phan Nguyên trước đây từng là sinh viên ban Triết tại Văn Khoa Sài Gòn trước khi sang Pháp vào những năm đầu thập niên 70. Anh tự học vẽ từ hồi còn nhỏ, vọc sơn và vẽ sơn dầu trên vải từ 79 - 80. Vào giai đoạn đầu, sáng tác của anh phần nào phản ảnh thế giới bên ngoài, thí dụ loạt tranh Bốn Mùa trong đó sắc màu đường nét cố chụp bắt các xúc cảm do biến đổi mùa màng, thời tiết gây nên.
Mấy năm gần đây chủ yếu anh vẽ tranh trừu tượng với loại sơn acrylic trên vải, gỗ hoạc giấy.
Phần lớn tranh khổ lớn tôi được xem tại nhà anh hôm ấy mang nặng tính thể nghiệm về bố cục; Họa sĩ có vẻ đang tìm tòi một không gian hội họa riêng, cố gắng tách mình khỏi các bậc thầy trừu tượng hiện đại.
Bút pháp Phan Nguyên làm tôi liên tưởng đến Pollock và Mathieu, hai danh họa của chiêu pháp action-painting. Cây cọ đầy sinh lực của anh có vẻ bị giằng xé giữa hai cực của Tĩnh và Động, đang ẩn mình đâu đó trong cõi vô hình bất ngờ, phóng ra theo một vũ điệu mãnh liệt, vẫy vùng trong khoảnh khắc xuất thần để sống đến mức tột cùng của nó giữa phù du và hằng cữu.
Đa số tranh lớn, tranh nhỏ của anh là vết tích từ vũ điệu của cây cọ ấy, một vũ điệu sảng khoái vô tâm rất gần nghệ thuật bắn cung, múa kiếm của thiền môn.Trong một bức thư, họa sĩ thổ lộ họa pháp của anh như sau:
" Đầu óc thanh thản, tứ chi mềm mại, tâm thần thiền định trống vắng.
Một màu vải trắng tinh như bông giúp ta lắng nghe mọi rung động, cảm xúc đến từ cõi sâu kín.
Âm vang nội tâm được phóng vào vũ trụ vô tận, dội trở lại những tín hiệu mơ hồ nào đấy, thấm vào lòng, chuyển qua tim, lan qua từng thớ thịt, bật ra thành nét vẽ.
Người đời thường gọi là xung lực. Mức độ thiền định càng sâu thì xung lực càng mạnh, nó chỉ đến trong phút chốc để đòi chuyển hóa thành màu sắc, hiện hình lên khung vải và tức thì, phải bắt lấy.
Đôi tay chỉ là phương tiện, sức manh nội tâm kia mới chính là đôi mắt hướng dẫn mọi động tác sáng tạo trung thực, chân tình, tự do, là gạch nối giữa hữu hình và vô hình, là nền tảng đưa không gian quyện lấy thời gian, đẩy vô thức trở thành nhận thức mà tác phẩm là tụ điểm.
Sự kết tinh đó là giây phút hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ."
( Trích thư riêng ngày 12-9-1993)
Nhưng cây cọ của họa sĩ Phan Nguyên không chỉ thể hiện xung lực nội tâm mà cón đối thoại, trầm tư trước vũ trụ. Những lúc ấy vũ điệu cây cọ chậm lại thu mình vào chiều sâu và mặt trái của mọi biến động biến thành độc thoại giữa mối ám ảnh về đất trời câm lặng. Tôi rất thích bức Thái Dương Tàn Lụi (Cendre Solaire) treo nơi phòng ăn với vầng mặt trời đang cháy rụi và đảo nghịch thành một lỗ đen vũ trụ. Bức tranh làm tôi nhớ lại bài thơ Fénix (Phượng Hoàng) của thi sĩ Tay Ban Nha José Angel Valente:
Trú ngụ
nơi những gì còn lại
sau khi lửa cháy,
tàn tích - cội rễ duy nhất
từ đó tiếng hát có thể mọc lên
Phải chăng Phan Nguyên đã và đang sống trong biện chứng đông phương của Thái Cực với Lưỡng Nghi, của Âm Dương, của Tĩnh và Động những khi ngồi trước khung vải trắng?
Trong một số bức tranh thành công, họa sĩ đã đạt được tính hòa điệu giữa nền tranh tĩnh lặng, sâu lắng âm tính, che phủ dưới lớp sắc màu nhòa phai, nguội tắt, và vũ điệu của hội họa bừng cháy bên trên trong sát na sáng tạo như một tấu khúc hai bè với các nhạc khí trầm chơi contrepoint cho niềm say đắm nồng nhiệt của ghita với vĩ cầm.
Được biết phần lớn các bức tranh tôi được xem tại nhà họa sĩ đã được triển lãm vào hai tháng cuối năm 1993 tại Paris. Phòng tranh mang đề tài Fractus (Mảnh Vụn) đã thu hút được sự chú ý của giới thưởng ngoạn và bạn bè sành điệu. Xin chúc mừng họa sĩ Phan Nguyên và hẹn gặp lại anh mùa hè khác giữa những tìm tòi, sáng tác mới.
Truyện ngắn
viết về Chân Phương
Dịch phẩm
Paul Hoover : Các cửa sổ
René Char : Nói về thơ
Vẻ đẹp của tiếng Việt trong thơ Chân Phương
Khi giải lao công việc, lúc tự giải trí cho bản thân, tôi đôi lúc bắt
gặp mình cứ tìm thơ Chân Phương để đọc.
Có một cái gì đó quyến rũ từ giọng thơ này - cái gì vậy ? -
Tôi đọc thật chăm chú, gắng tìm hiểu, gắng cảm nhận và suy nghĩ.
Vẫn chưa tìm ra.
Vẫn thích thú đọc.
Một hôm nhận ra dấu ấn cảm giác đọc thơ anh, qua so sánh cảm
giác nghe một bản nhạc ưa thích. Thêm một thú vị cảm nhận.
Nhưng vẫn chưa hết băn khoăn.
Cái gì vậy ? -trong giọng thơ này- một riêng biệt hấp dẫn ?
Đến hôm nay, tôi nghĩ, tôi đã chợt nhận ra :
Đấy là vẻ đẹp của tiếng Việt trong thơ Chân Phương.
Đúng thế, nghệ thuật dùng tiếng Việt của anh đã tạo nên vẻ hấp dẫn đặc biệt cho thơ anh, đây là một thứ tiếng Việt được chọn lọc, giống như một khung vải công phu cho một bức tranh cầu kỳ sắp ra đời, một bình sứ trắng muốt, sẵn sàng tôn vinh vẻ đẹp của hoa hồng mùa xuân hay cúc vàng ngát mùa thu, một sắp đặt thứ tự hai mươi tư chữ cái, cho đứa con tinh thần sắp hiện chân dung.
Tiếng Việt trong thơ Chân Phương là chất liệu đã ra công từ tay một nghệ sĩ có nghề, biết rằng linh hồn của sự vật không thoát khỏi hình hài bên ngoài của hình thức chứa đựng nó, trái lại, tăng thêm nỗi tò mò, sự thích thú cảm nhận khi nhận ra, và nỗi thưởng thức cùng nhịp của người viết và người đọc, khi cùng chung một cung bậc tâm hồn.
Tôi đọc : "Lý lịch của lời" : những triết lý đời người, cách nhìn sự vật, sự diễn giải về cái thông thái, về tri thức nhân loại… ta nhận ra ngay trong nội dung câu thơ.
Ban đầu tò mò muốn biết, tôi lần theo những lý giải về những nội dung này, để xem xem Chân Phương hy vọng gì sau những diễn giải, biết đâu tìm ra khúc mắc hoặc quằn quại linh hồn nào đó của nhà thơ sau mọi chân lý.
Thật bất ngờ, tôi tìm thấy hy vọng khi làm thơ của anh : dùng tiếng Việt giải nghĩa kiến thức mình, linh hồn mình, một cách rất…thơ.
gặp mình cứ tìm thơ Chân Phương để đọc.
Có một cái gì đó quyến rũ từ giọng thơ này - cái gì vậy ? -
Tôi đọc thật chăm chú, gắng tìm hiểu, gắng cảm nhận và suy nghĩ.
Vẫn chưa tìm ra.
Vẫn thích thú đọc.
Một hôm nhận ra dấu ấn cảm giác đọc thơ anh, qua so sánh cảm
giác nghe một bản nhạc ưa thích. Thêm một thú vị cảm nhận.
Nhưng vẫn chưa hết băn khoăn.
Cái gì vậy ? -trong giọng thơ này- một riêng biệt hấp dẫn ?
Đến hôm nay, tôi nghĩ, tôi đã chợt nhận ra :
Đấy là vẻ đẹp của tiếng Việt trong thơ Chân Phương.
Đúng thế, nghệ thuật dùng tiếng Việt của anh đã tạo nên vẻ hấp dẫn đặc biệt cho thơ anh, đây là một thứ tiếng Việt được chọn lọc, giống như một khung vải công phu cho một bức tranh cầu kỳ sắp ra đời, một bình sứ trắng muốt, sẵn sàng tôn vinh vẻ đẹp của hoa hồng mùa xuân hay cúc vàng ngát mùa thu, một sắp đặt thứ tự hai mươi tư chữ cái, cho đứa con tinh thần sắp hiện chân dung.
Tiếng Việt trong thơ Chân Phương là chất liệu đã ra công từ tay một nghệ sĩ có nghề, biết rằng linh hồn của sự vật không thoát khỏi hình hài bên ngoài của hình thức chứa đựng nó, trái lại, tăng thêm nỗi tò mò, sự thích thú cảm nhận khi nhận ra, và nỗi thưởng thức cùng nhịp của người viết và người đọc, khi cùng chung một cung bậc tâm hồn.
Tôi đọc : "Lý lịch của lời" : những triết lý đời người, cách nhìn sự vật, sự diễn giải về cái thông thái, về tri thức nhân loại… ta nhận ra ngay trong nội dung câu thơ.
Ban đầu tò mò muốn biết, tôi lần theo những lý giải về những nội dung này, để xem xem Chân Phương hy vọng gì sau những diễn giải, biết đâu tìm ra khúc mắc hoặc quằn quại linh hồn nào đó của nhà thơ sau mọi chân lý.
Thật bất ngờ, tôi tìm thấy hy vọng khi làm thơ của anh : dùng tiếng Việt giải nghĩa kiến thức mình, linh hồn mình, một cách rất…thơ.
Rất thơ vì ngôn ngữ Việt của anh rất ngắn gọn, giàu hình ảnh, đa ý nghĩa, gợi hình, gợi cảm, tóm lại rất khác với một giọng văn xuôi.
Rất thơ vì anh hay dùng những hình ảnh so sánh độc đáo, dùng lối ví von bất ngờ nhưng rất tự nhiên, thể hiện thói quen chìm ngập vào suy nghĩ của cảm xúc, và trình độ đọc cao cấp, dày dặn, để biết gọi tên sự vật chính xác như là nó.
Chân Phương cho người ta cảm giác, anh không thể không biến hóa tiếng Việt như anh muốn, trong các bài thơ, khi tiếng Việt trong anh, đã trở thành một mảng tri thức nhuần nhuyễn trong mức độ văn hóa của riêng anh.
Đến đây thì tôi biết một trong những bí quyết của thơ là gì : lôi cuốn người đọc bằng những từ ngữ thật súc tích, nhưng vẫn đủ ý, đủ nghĩa, và mang hoàn toàn dấu ấn của cá nhân người viết. Sự lối cuốn của thơ, phụ thuộc vào dấu ấn cá nhân ấy.
"Lời cất tiếng
Chân Phương cho người ta cảm giác, anh không thể không biến hóa tiếng Việt như anh muốn, trong các bài thơ, khi tiếng Việt trong anh, đã trở thành một mảng tri thức nhuần nhuyễn trong mức độ văn hóa của riêng anh.
Đến đây thì tôi biết một trong những bí quyết của thơ là gì : lôi cuốn người đọc bằng những từ ngữ thật súc tích, nhưng vẫn đủ ý, đủ nghĩa, và mang hoàn toàn dấu ấn của cá nhân người viết. Sự lối cuốn của thơ, phụ thuộc vào dấu ấn cá nhân ấy.
"Lời cất tiếng
hiện tại chào đời
mặt trời mở
biển núi phân thân
mắt đêm khép
quanh co con đường tối nghĩa" (Bập bẹ)
"Bàn tay mù
quờ quạng tìm cảm giác câm
cảm giác câm
chờn vờn trước khung vải trắng
vải trắng bắt đầu mơ mộng" (Bài tập,1)
Đúng thế, thơ Chân Phương cho ta thấy, không chỉ nhận thức bắt đầu chuyển động từ số không, hình thức cũng thế, thơ bắt đầu từ những chữ cái riêng biệt : a,b,c,d,đ… chúng bắt đầu lộn nhào trong óc người đọc ra sao đây ?
Tôi thích sự nhạy cảm khi chọn lọc động từ của Chân Phương, anh tìm ra những động từ rất sát nghĩa, nâng danh từ chỉ sự vật lên mức chính xác tối đa của nó, khi đi kèm với trạng từ hoặc tính từ, cả câu thơ hoặc một đoản thơ lập tức được mở rộng đến vô tận và sinh động, uyển chuyển lạ lùng.
Không thể trích dẫn hết mọi câu thơ của Chân Phương, làm minh họa cho nhận định này, vì mỗi bài thơ của anh là một ý khác nhau của đời sống, và cũng chính vì thế, mang lại sự phong phú vô tận của từ vựng tiếng Việt anh dùng.
Tính chính xác của cách dùng các thể loại từ, mang lại màu sắc tất nhiên của nội dung sự vật, nhịp điệu cần có của chuyển động hình hài sự vật.
Chẳng hạn bài : "Âm bản gốc", từ ngữ anh dùng ở đây đều âm u, lạnh lẽo, nhợt nhòa, đầy âm tính :
"con mắt
là trứng thời gian ung thối
con đường vắng
lũ tượng cụt đầu bất động
con mắt
là phòng thí nghiệm ảo ảnh
những hình bóng
tách đôi tách đôi
bờ bãi giật lùi
con mắt
đạo diễn cuốn phim
THỊ GIÁC KHÔNG NGƯỜI
Rồi chiếu khắp trời
âm bản gốc"
Trong bài thơ "Độc hành" - Chân Phương tả cái cô độc "đến cực cùng" bằng những từ ngữ bậc trung, không gợi sự dứt khoát, cũng chẳng nhắc đến cái tận cùng, như khi anh triết lý về nhân tình thế thái.
Bởi sự cô độc là trạng thái nằm giữa, là trạng thái lúc có lúc không, được anh đưa vào hình ảnh con người lẻ loi giữa hai khoảng đất trời mông lung, mà câu thơ cuối cùng, bằng một dấu hỏi, xác định sự cô độc này là có thật với người viết :
"Tiếng chuông đâu đổ chậm
âm vang rạn nứt lòng,
tôi nằm nghe suối khóc,
em có biết gì không ?"
Tiếng Việt trong thơ Chân Phương, đi kèm với những khám phá trăn trở nhiều dạng của cảm xúc tâm hồn, khiến ta đọc một bài, lại tò mò muốn đọc thêm bài nữa, và không thể dừng lại, nếu chưa đọc tiếp.
Và thích thú giữa chừng, bằng ngôn từ tiếng Việt, nhận ra những đồng cảm chia xẻ của chính mình, với tác giả, khi thấy anh quả thật có trách nhiệm với từng từ lựa chọn, sao cho chính xác bày tỏ nội dung nhất, hình như đây là bản năng của một người viết có trình độ, không chịu dừng lại ở cái tầm tầm, cái dễ dãi, mà cứ thích hành hạ mình, vươn tiếp, đến sự hoàn thiện…
(2009-01-10.HN)
Ca Khúc
Ngày Vui, Ngày Buồn
Nhạc và lời: Chân Phương
Phối âm và trình bầy: Nguyễn Trọng Khôi
Giới thiệu
Khác
Thủ bút Chân Phương
Ý niệm, 2
Tặng P.Nguyên
1-
Bàn tay
đập vào khoảng trống thời gian
Hằn lên giấc mơ người-vượn
2-
Các triết gia cổ đại
lập ngôn
về
chân thiện mỹ
3-
Đằng sau sự phê bình của bạo lực
Bọn trẻ tiếp tục đòi vú mẹ
với điệu ru
Hè 2000
Chân Phương
Đọc Chân Phương trên Da màu
Đọc lại Machiavelli
Diễm Châu, Chân Phương, Phan Nguyên, Trần Vũ,
Studio PN (Paris)
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.