Bửu Chỉ
(08.10.1948 Huế -14.12.2002 Huế)
Hưởng dương 54 tuổi
Họa Sĩ
" Người nghệ sĩ không chỉ nhìn cuộc đời mà sống với cuộc đời. Trước khi là Cái Đẹp, tác phẩm hội họa biểu hiện phần cuộc đời bị bóng tối khuất lấp. Nó là cảm nhận của người nghệ sĩ về sự thật"
Bửu Chỉ
Bút tích Bửu Chỉ
Sinh quán tại Huế, tốt nghiệp cử nhân luật Đại học Huế, Bửu Chỉ đã tự học để trở thành họa sĩ.
Anh bị bắt giam tại Sài Gòn năm 1972 vì tham gia phong trào chống chiến tranh của sinh viên học sinh miền nam và ở tù tại khám Chí Hòa đến 30/04/1975.
Từ 83 đến 88, anh là ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam.
Bửu Chỉ có tác phẩm trong Viện bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Singapore và trong nhiều bộ sưu tập tư nhân tại Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ.
Năm 1989, anh đã triển lãm cá nhân lần đầu tiên tại Paris (Pháp)
Bửu Chỉ đã qua đời năm 54 tuổi sau một cơn cao huyết áp tại nhà riêng, Huế.
Tác phẩm tiêu biểu
Lời Nguyện Cầu.
Sơn dầu trên vải bố (50x140) 1986
Collection PN
Collection PN
Collection PN
Collection NNNy
Collection NNNy
Collection PN
Nu
Pastel trên giấy Canson.
23.04.1989
Collection PN
Những Kẻ Giả Hình.
Sơn dầu trên vải bố (60x80,5) 1988
Collection PN
Chân dung tự họa
Bức tranh sơn dầu cuối cùng trong đời của Bửu Chỉ
Đinh Cường
Huy Tưởng
Trần Trọng Thức
Nguyễn Văn Vinh
Phan Nguyên
Trịnh Công Sơn
Lữ Quỳnh
Bạch Thư Về Bọn Cáo Quỷ Quyệt
Tham khảo thêm về tác giả Bửu Chỉ
TÔI PHÁT BIỂU VỀ TRỊNH CÔNG SƠN VÀ NHỮNG CA KHÚC PHẢN CHIẾN CỦA ANH
Bửu Chỉ
Lúc 12 giờ 45, ngày 01 tháng 4 năm 2001, Trịnh CôngSơn đã ra đi. Trái tim nhân ái và nhạy cảm ấy đã ngừng đập; bộ óc đầy mỹ cảm và sáng tạo ấy đã thôi vận động. Anh đã để lại cho bạn bè và những người hâm mộ anh một nỗi tiếc thương vô hạn. Một sự mất mát lớn, một khoảng trống không gì bù đắp nổi cho nền âm nhạc hiện đại Việt Nam. Một nhạc sĩ nổi tiếng cùng thời đã nhìn nhận một cách vô tư rằng Trịnh Công Sơn là người viết tình ca hay nhất thế kỷ của Việt Nam. Nói về sự ra đi của anh, những người mến mộ còn ở lại cái cõi trần ai này đã bày tỏ bằng nhiều cách với nhiều ý nghĩa khác nhau. Nhưng nói bằng cách gì và với ý nghĩa nào thì cũng không thể làm vơi đi được nỗi đau thương và mất mát ấy. Rõ ràng là có một sự biến mất về hình hài vật chất mà cha mẹ anh đã tạo nên anh. Quy luật tự nhiên của vũ trụ vô tình vốn hữu sinh thì hữu diệt, hữu hình thì hữu hoại. Nhưng mà thật ra anh vẫn ở lại, ở lại mãi mãi với nền âm nhạc, với nền văn minh và văn hóa nước nhà. Cả một đời làm việc sáng tạo cật lực, anh đã góp được vào trong sự nghiệp nghệ thuật chung hơn 600 ca khúc. Một sự nghiệp đồ sộ. Và đây chính là cái phương tiện, cái quyền năng đã giúp anh chống lại định mệnh. Cái định mệnh của đời người vốn khắc nghiệt và độc ác đã chưa từng bao giờ cho phép ai sống đến tận cùng niềm vui và nỗi khát vọng sống như chính mình mong muốn.
Đối với cộng đồng xã hội, một khi anh nằm xuống, anh đã thanh thỏa hết mọi "trái khoản" một cách sòng phẳng với trần gian. Một đời mình anh đã làm hết mọi điều mà anh mong muốn, và đã ra đi đúng lúc. Còn tất cả những gì mà anh đã để lại cho cuộc đời, nó sẽ cứ tồn tại một cách hiển nhiên và minh bạch. Không có gì đáng trách và cũng không có gì phải hồ nghi cả.
Thiên tài ư? Anh đâu cần cái hư danh ấy. Anh là anh, chính điều này mới lớn lao. Vả lại, chính hậu thế vốn rộng lòng và trong sáng hơn đương thời sẽ quyết định điều này. Nhưng dù gì thì gì, đấy vẫn là hư danh. Cái hư danh khiến cho những con người đầy tham vọng sẽ vật lộn, tranh giành nhau một cách đau khổ. Mà thật ra chưa khi nào, dù một lần anh đã thầm ước mơ đến cái tên gọi đầy sân hận đó.
Nhân cách của anh? Tôi sẽ trả lời rằng Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ đầy nhân cách. Còn lớn hay nhỏ ư? So với ai? - Người đời vốn hay chấp về hình tướng, mà hình tướng thì thường làm cho con người mê.
Tôi nói nhân cách của Trịnh Công Sơn nó đầy đủ ở trong thái độ nghệ thuật của anh. Thái độ nghệ thuật này luôn nhất quán ở trong sáng tạo nghệ thuật của anh mà chưa hề khi nào vong thân hay thoái hóa biến chất cho đến phút cuối cùng. Khẳng định về một điều như thế đối với một người đang còn sống thật khó. Nhưng đối với một người đã nằm xuống ta sẽ không còn phải lo sợ rằng họ còn có thể tốt hay xấu, còn có thể đúng hay có thể sai, xứng đáng hoặc không xứng đáng nữa.
Một con đường dẫn nhập vòng quanh như vậy đối với tôi là cần thiết, để dọn đường vào vấn đề mà tôi đã tự đặt ra cho mình: Trịnh Công Sơn và nhạc phản chiến của anh. Trong quá trình trình bày vấn đề này, tôi sẽ cố gắng làm toát ra cái tài năng và nhân cách hiếm có của anh nổi bật lên trên cái bối cảnh Việt Nam máu và nước mắt, khói lửa và nỗi kinh hoàng trong cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt thời bấy giờ. Một cuộc chiến tranh mang tính tất yếu lịch sử của một dân tộc bị áp bức. Và Trịnh Công Sơn đã xuất hiện trong bối cảnh đó như lương tâm của một con người mang trái tim nhân ái, nhạy cảm. Anh biết nói lên những cảm xúc nồng nhiệt của mình đối với quê hương dân tộc.
Tôi sẽ không nói đến những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn với tư cách một nhà phê bình văn học về lời nhạc, cũng như không phải trong tư cách của một nhà nghiên cứu âm nhạc đối với nghệ thuật âm thanh của anh. Mà với tư cách của một người chứng, sống cùng thời và từng sinh hoạt với anh. Tôi sẽ nói về thái độ dấn thân bằng âm nhạc của Trịnh Công Sơn trong công cuộc vận động hòa bình cho đất nước đầy tuyệt vọng, nhưng cũng đầy ý nghĩa và giá trị nhân bản đó. Nghĩa là nói về một Trịnh Công Sơn nghệ sĩ đích thực, một công dân nước Việt mang tình yêu chân thực đối với quê hương vào cuộc. Khẳng định anh trong .ý nghĩa này là khẳng định sự đóng góp của anh vào trong những giá trị văn hóa, văn minh của cả nước. Một Việt Nam luôn xây dựng trên nền tảng con người và hòa bình.
Thế nào là nhạc phản chiến, và phản chiến như thế nào?
Phản chiến ở đây là bày tỏ thái độ của mình không tán thành chiến tranh, và sự không tán thành này có nghĩa là một sự đồng cảm, chia sẻ với những con người đang phải gánh chịu những nỗi mất mát, đau thương trong chiến tranh. Đồng cảm mà không đứng ở ngoài, đứng ở một bên; mà đứng ở cái thế chung cùng một phận, một định mệnh. TCS không nhân danh một "isme" nào cả; cũng không chủ trương chống lại một “isme" nào cả. Hoặc có chăng là anh nhân danh cái gọi là "humanisme", xu hướng nhân bản.Mà thật ra cũng chỉ là một cách gọi đấy thôi. Nói cho cùng, đó là tất cả những gì anh cảm xúc, tất cả những gì vang vọng trong tâm khảm của anh từ một thực tại máu xương của đồng bào. Đỗ Phủ ngày xưa ở bên Tàu làm thơ bày tỏ sự xót thương đối với hàng vạn con đỏ đang bị dìm trong máu lửa chiến tranh mà người đời sau cho rằng ông có tinh thần chống chiến tranh là vậy. Thật ra ông chỉ muốn nói lên niềm xúc động sâu xa của mình đối với thời thế, mà ở đằng sau cái nỗi niềm này không tiềm chứa một ý thức, một tinh thần cơ hội nào.
Tắt một câu, trong dòng nhạc phản chiến của mình, Trịnh Công Sơn đã chẳng có một toan tính chính trị nào cả. Mà tất cả là làm theo mệnh lệnh của con tim mình, một con tim thương đời, thương người, thương quê hương, dân tộc một cách chân thành. Và một khi anh đã vĩnh viễn nằm xuống yên nghỉ thì câu khẳng định này đã trở nên hùng hồn hơn.
Ta sẽ thấy mệnh lệnh của trái tim này đi xuyên suốt trong tất cả các sáng tác thuộc dòng nhạc phản chiến của anh. Trước hết ta có thể tạm sơ lược về con đường sáng tác các ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn như sau:
- Ý thức phản chiến trong ca khúc của Trịnh Công Sơn đã manh nha vào những năm 1965, 1966. Trong giai đoạn này đã cho ra đời tập ca khúc Ca khúc Trịnh Công Sơn (Thần thoại quê hương, tình yêu và thân phận) do An Tiêm xuất bản 1966.
Sau đó phát triển dần trong tập Ca khúc da vàng vào cuối 1966 và đầu 1967, tập Kinh Việt Nam năm 1968, tất cả đều do anh tự ấn hành lấy. Cùng với những cuộc xuống đường rầm rộ của thanh niên, sinh viên, học sinh đô thị miền nam Việt Nam chống Mỹ và chế độ cũ đòi hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, anh đã cho xuất bản tập ca khúc Ta phải thấy mặt trời vào năm 1970 (Tự ấn hành dưới cái tên Nhà xuất bản Nhân Bản). Năm 1972, khi tình hình chiến sự ở miền Nam Việt Nam ngày càng leo thang đến độ khốc liệt nhất, anh đã cho ra đời tập Phụ khúc da vàng (Tự ấn hành dưới cái tên Nhà xuất bản Nhân Bản). Đây là tập cuối cùng của dòng nhạc phản chiến của anh. Tổng kết tất cả gồm 5 tập, với 58 ca khúc, chưa kể những bài rời được sáng tác ngay trong những cuộc xuống đường cùng thanh niên, sinh viên, học sinh Huế.
So với những tình khúc mà Trịnh Công Sơn đã sáng tác được trong suốt cuộc đời mình cho đến lúc qua đời, số lượng của những ca khúc phản chiến tương đối ít. Nhưng chính những ca khúc này đã làm cho danh tiếng của anh sáng lên một cách chói lọi. Phải nói là độc sáng. Và chính trong cái vầng hào quang làm nền này, tình khúc của Trịnh Công Sơn tiếp tục sáng giá cho đến hôm nay và mai sau. Chính những ca khúc phản chiến thời bấy giờ đã chắp cánh cho danh tiếng của anh bay ra khỏi biên giới Việt Nam để đến với thế giới, đặc biệt là Nhật Bản. Nơi xứ sở này anh đã từng có những “Đĩa Vàng". Và lưu danh trong bộ từ điển Bách khoa Pháp Encyclopédie de tous les pays du monde.
Thật vậy, vào những năm 58, 59, 61, 62, những tình khúc như ướt mi, Thương một người, Nhìn những mùa thu đi, Biển nhớ v. v. . . đã bắt đầu nổi tiếng trong những phòng trà ca nhạc ở miền Nam. Nhưng phải chờ đến những năm 65, 66, 67 khi tiếng hát của Trịnh Công Sơn cất lên trong các giảng đường Đại Học Sài Gòn và Huế, trước hàng ngàn sinh viên học sinh cuồng nhiệt, với những ca khúc trong các tập Ca khúc Trịnh Công Sơn và Ca khúc da vàng, cái tên Trịnh Công Sơn đã trở thành một hiện tượng. Hiện tượng Trịnh Công Sơn.
Những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn được chép để chuyền tay, được in ra băng cassette, hoặc băng từ loại lớn, còn gọi là băng Akai... Nghĩa là mọi hình thức phổ biến, phương tiện phổ biến đều được tận dụng. Người ta nghe nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn trong quán cà phê, người ta nghe trong những cuộc sinh hoạt tập thể của thanh niên, thậm chí người ta nghe trong khuê phòng và nghe ở cả những tiền đồn heo hút . . .
Dàn trải trên nền một điệu Blue buồn đau và uất nghẹn, với nhịp hát kể Recitativo, ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn vút lên:
Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè
Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương
Còn có ai không còn người, ôi nhân loại mặt trời
Và em tôi này đôi môi xin thương người
Ôi nhân loại mặt trời trong tôi... (Xin mặt trời ngủ yên - Ca khúc Trịnh Công Sơn)
Và,
...Giọt nước mắt thương con, con ngủ mẹ mừng
Giọt nước mắt thương sông ấp ủ rêu rong
Giọt nước mắt thương đất, đất càn cỗi bao năm
Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong
(Giọt Nước mắt cho quê hương - Ca khúc Trịnh Công Sơn)
Rồi,
Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn
Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn.
Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân...
(Ca dao Mẹ - Ca khúc Trịnh Công Sơn)
Hay từ một hiện thực vừa mới xảy ra trong thành phố.
Ghế đá công viên dời ra đường phố.
Người già co ro chiều thiu thiu ngủ.
Người già co ro buồn nghe tiếng nổ.
Eng bé loã lồ khóc tuổi thơ đi...
(Người già em bé - Ca khúc Trịnh Công Sơn)
Và với Phúc âm buồn, Tuổi đá buồn v.v... Tiếng hát Trịnh Công Sơn như một sợi dây vô hình đã nhanh chóng nối kết những tâm trạng riêng, những số phận riêng của người dân đô thị miền Nam vào trong một tâm trạng chung, một số phận chung. Tâm trạng và số phận này là gì? Đó là tâm trạng và số phận của những con người Việt nam đã từng bị lừa, họ là nạn nhân của bạo lực vô minh, mà niềm tin và hi vọng của họ đã trải qua bao lần bể dâu. Đối với họ, mọi khát vọng, mọi dự phóng đều là hư vô. Họ đang vẫy vùng trong một cảnh sống đầy máu xương, mất mát tang tóc của một cuộc chiến tranh phi lý mà lối thoát chưa một lần thấy loé sáng ở cuối con đường hầm cuộc đời tăm tối đó.
Tôi cho rằng, bằng một khả năng cảm nhận sắc bén bẩm sinh, anh đã dễ dàng biến những cảm nhận riêng của mình thành của chung. Bằng một phương cách biểu hiện rất khéo do ở chỗ sử dụng những ẩn dụ, những hình tượng rất mới, anh đã gây được những ấn tượng mạnh cho người nghe, và đặc biệt khi cần phải đối kháng với một thực tại mà anh không thể nào vãn hồi được, anh dựng một thần thoại. Nhờ thế mà tiếng nói của anh dễ dàng lọt vào lòng người, và dễ dàng được đồng cảm.
Người nằm co như loài thú khi mùa đông về
Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình
Từng tiếng người nhiều tiếng người gọi hoài giữa đêm...
Người còn đó nhưng lời nói rơi về chân đồi
Người còn đó nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài
Nhuộm đất này nhuộm cho hồng hạt mầm trót vay.
(Phúc âm buồn - Ca khúc Trịnh Công Sơn)
Bằng một định hướng, cũng như một phương pháp sáng tác như đã được trình bày ở trên, Trịnh Công Sơn đi vào giai đoạn Ca khúc da vàng. Ở đây, những cảm nhận về quê hương và thân phận đã trở nên mãnh liệt hơn, quặn thắt hơn và đôi khi dẫn đến sự phẫn nộ. Từ Ngày dài trên quê hương, Người con gái Việt Nam, Đại bác ru đêm cho đến Tôi sẽ đi thăm, Tình ca người mất trí, Hãy nói giùm tôi, Gia tài của mẹ. . . đã nói lên điều đó .
Ta hãy nghe:
Người nô lệ da vàng ngủ quên ngủ quên trong căn nhà nhỏ
đèn thắp thì mờ
ngủ quên quên đã bao năm
ngủ quên không thấy quê hương.
Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc dân ta
Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc tự do. . .
(Đi tìm quê hương - Ca khúc da vàng)
Hãy sống giùm tôi hãy nói giùm tôi hãy thở giùm tôi
Thịt da này dành cho thù hận
cho bạo cường cho tham vọng của một lũ điên...
(Hãy nói giùm tôi - Ca khúc da vàng)
Tiếng hát đã tạo nên những hiệu quả trong đời sống xã hội thật sự. Nó đã làm cho một số không ít thanh niên nhìn ra cái bản chất phi nhân và tàn bạo của cuộc chiến khiến họ đi đến hành động tiêu cực. Dưới con mắt của những người cầm quyền, TCS là một kẻ phá hoại tinh thần chiến đấu của anh em binh sĩ.
Ở miền Nam lúc bấy giờ cường độ của cuộc chiến càng lúc càng gia tăng. Người Mỹ ra sức củng cố chế độ cũ và đẩy mạnh cuộc chiến. Chiến tranh càng lan tràn khắp nơi một cách khốc liệt. Năm 1968, với cuộc chiến Mậu Thân, nhiều thành phố ở trên khắp miền Nam đã trở thành bãi chiến trường . "Con người trong tôi" - của Trịnh Công Sơn lại tiếp tục lên tiếng mỗi lúc một khẩn thiết hơn:
Xác người nằm trôi sông phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa
Trên giáo đường thành phố trên thềm nhà hoang vu...
(Bài ca dành cho những xác người - Ca khúc da vàng 2)
Và trong cái cảnh tượng trần gian là một lò sát sinh đó, đã có những người mẹ, những người chị lâm vào trong một trạng thái tâm thần bệnh lý;
... Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh
Chị vỗ tay hoan hô hòa bình
Người vỗ tay cho thêm thù hận
Người vỗ tay xa dần ăn năn .
(Hát trên những xác người - Ca khúc da vàng 2)
Và sau đó nhiều năm, người dân ở trong các thành phố miền Nam tiếp tục chịu đựng những cuộc nổ mìn, những trận pháo kích. Ngày ngày không dứt tiếng súng tiếng bom. Và hằng đêm trong ánh hỏa châu vàng vọt ghê rợn, người dân thành phố nín thở, nơm nớp lo sợ những điều không may có thể xảy đến cho mình. Mỗi ngày, từ chiến tuyến, những chiếc quan tài phủ cờ được đưa về thành phố, trên đầu những trẻ mồ côi, những góa phụ, khăn tang cứ bay như phướn.
Từ 1968 cho đến những năm 1969, 1970, 1971, thỉnh thoảng người ta lại nghe phong phanh đâu đó về một giải pháp hòa bình cho Việt Nam. Rồi tất cả lại tắt ngấm. Người dân Việt khát khao hòa bình như kẻ đi trong sa mạc khát đến cháy bỏng cổ họng mà ốc đảo xanh tươi hiện ra trước mặt mình chỉ là những ảo ảnh Cuộc chiến khốc liệt cứ tiếp diễn. Phong trào đấu tranh hòa bình Việt Nam ở các đô thị lại bùng lên mãnh liệt. Đặc biệt là phong trào thanh niên sinh viên học sinh bây giờ lập trường của họ đã kiên định: hòa bình. Tôi kẻ viết bài này đã quyết định, đã chọn lựa đứng vào phong trào đó. Tôi đứng về phía dân tộc theo cách của tôi. Để có hòa bình thì dân tộc phải có quyền tự quyết, mà quyền tự quyết thì phải đấu tranh mà dành lấy chứ chẳng ai cho. Nhưng càng đấu tranh thì càng chồng chất đau thương. Những kẻ dễ quên thì dễ sống, còn tôi thì không thể quên điều này. Và phải nói một cách thành thật rằng chính những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn trong những năm đầu tiên đã đánh thức trong tôi tình tự dân tộc, sau đó thì tôi chọn một thế đứng quyết liệt hơn, âu cũng là do tính khí riêng của mình. Nhưng về sau tôi vẫn thường tiếp tục hát những ca khúc phản chiến của anh. Vì tôi thấy nó mang lại cho đầu óc mình sự "mát mẻ", khi mà mình không thể thường xuyên chịu đựng mãi một sự căng thẳng sắt máu. Và đôi khi nó cũng khiến cho mình mơ mộng về một nền hòa bình có thể thế này mà không phải thế kia. . . Đó là con đường tự do đến hòa bình mà không phải đổ máu. Tôi sợ máu!
Trịnh Công Sơn trong giai đoạn cực đoan này thì sao? Vẫn trung thành với con đường mà tự anh vạch ra từ trước, anh tiếp tục đi, đi theo tiếng gọi của dân tộc mà anh đã nghe thấy theo cách của mình. Có khi anh đi một cách mạnh dạn hơn, và anh kêu gọi, anh hô hào. Và tinh thần của anh, tuỳ mỗi hoàn cảnh khác nhau mà hi vọng, hào hứng hay tuyệt vọng... hoặc ngược lại. Kết quả là hai tập ca khúc kế tiếp nhau ra đời Kinh Việt Nam (1968), Ta phải thấy mặt trời (1970) (anh tự ấn hành dưới tên Nxb Nhân Bản). Ở giai đoạn này anh cùng xuống đường với thanh niên, sinh viên, học sinh. Anh hát:
Nơi đây tôi chờ.
Nơi kia anh chờ.
Trong căn nhà nhỏ mẹ cũng ngồi chờ.
Anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu.
Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù...
...Chờ tin mừng sông chờ núi cũng chờ mong
Chờ trên vừng trán mẹ thắp lên bình minh
Chờ khô nước mắt chờ đá reo ca
Chờ áo cơm nuôi cho những trẻ con không nhà
Chờ ngày Việt Nam thống nhất cho những tình thương vỡ bờ.
(Chờ nhìn quê hương sáng chói - Kinh Việt Nam)
Hay:
Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nốí sơn hà. . .
(Nối vòng tay lớn - Kinh Việt Nam)
Hoặc:
Ta bước bước đi, bước bước hoài, trên quê hương dấu yêu này.
Còn bao nhiêu người nhìn nhau hôm nay.
Đôi mắt bóng tối trái tim nghi ngại còn ai quanh đây.
Chưa góp tiếng nói chưa nối lại nắm tay... (Chưa mòn giấc mơ - Ta phải thấy mặt trời)
Huế- Sài Gòn- Hà Nội quê hương ơi sao vẫn còn xa
Huế- Sài Gòn - Hà Nội bao nhiêu năm sao vẫn thờ ơ.
Việt Nam ơi còn bao lâu những con người ngồi nhớ thương nhau..." (Huế- Sài Gòn - Hà Nội - Ta phải thấy mặt trời)
Sang đến năm 1972, cục diện chiến tranh trên toàn miền Nam vô cùng ác liệt, một cuộc "Việt Nam hóa chiến tranh" dưới mắt người Mỹ. Bằng con đường phản chiến lấy trái tim nhân ái mà giải quyết mọi điều, trên cơ sở tình tự dân tộc, Trịnh Công Sơn thì đã mệt nhoài, và tuyệt vọng. Anh cho ra đời tập ca khúc Phụ khúc da vàng, mà anh đã cho rằng đáng lẽ không nên viết. Đây là tập ca khúc cuối cùng của dòng nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn.
Anh hát để kết thúc cho một nỗ lực vô vọng của chính mình:
“ Đường anh em sao đi hoài không tới
Đường văn minh xương cao cùng với núi
Đường lương tâm mênh mông hoài bóng tối
Trái đau thương cho con mới ra đời..."
(Hãy nhìn lại - Phụ khúc da vàng)
Nếu hôm nay ta nhìn nhận và đánh giá những tình khúc của anh, chúng ta không thể nào bỏ qua được những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Vì chính những ca khúc này đã tạo cho anh có được một tầm cỡ như ngày nay, cho dù những tình khúc của anh vốn đã rất tài hoa.
Có người sẽ cho rằng không phải nói đến những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn nữa, vì chử thời đã qua rồi.
Nghĩa là không còn thời tính nữa. Cũng có người sẽ góp ý thêm rằng các ca khúc phản chiến của anh vốn lừng khừng, dễ dãi, nếu không muốn nói là ngây thơ, hoặc thiếu logicque lịch sử, chính trị hay là cái gì đó. . .
Tôi thì cho rằng, đến ngày nay, qua những trò dâu bể của cuộc thế, thời tính của những ca khúc phản chiến của TrịnhCông Sơn vẫn còn. Nó còn trong ý nghĩa của tiếng nói lương tâm và nhân ái. Qua tác phẩm của mình, chưa từng ai nói đến lương tâm và lòng nhân ái đậm đà như anh. Tiếng nói này còn phải luôn luôn được tôn trọng trước khi ta bắt tay vào một công việc, mà công việc đó sẽ có ảnh hưởng trên hàng vạn, hàng triệu sinh linh.
Con đường anh đã chọn và anh đã đi suốt cuộc đời mình là một con đường không dễ chọn. Nếu từ thời điểm hôm nay để nhìn lại thời bấy giờ thì rõ ràng là anh đã đi giữa hai lằn đạn. Mà bất kỳ khi nào một viên đạn từ một hướng nào đó có thể kết liễu cuộc đời anh. Anh có lý của riêng anh. Là một nghệ sĩ chân chính, anh đã chọn cái logicque của quả tim, và bằng trực giác nghệ thuật anh đã dựng nên sự nghiệp của mình. Đừng bắt anh phải làm chính trị, cũng đừng bắt anh làm một "con buôn thời thế”. Anh sẽ không dại gì đầu cơ, cũng như đầu tư tài năng và tâm huyết của mình cho một cuộc chơi ngắn hạn như vậy, mà kết cục thua lỗ là một điều tất nhiên. Anh chỉ biết sống và rung cảm bằng một quả tim trung thực, và dùng tài năng của mình để nói lên điều mà con tim muốn nói. Vì anh là Trịnh Công Sơn, một nghệ sĩ lớn, một nghệ sĩ của mọi người, và sống giữa mọi người. Chính sự ngưỡng mộ của mọi người đối với anh lúc anh còn sống, và đoàn người đông đảo tiễn đưa anh lúc anh qua đời đã nói lên rằng trong sứ mệnh nghệ thuật đối với dân tộc, anh đã thành công.
Trong những ca khúc phản chiến anh còn để lại, phản chiến chẳng qua là một cách gọi, đừng chấp, vẫn còn nhiều ca khúc có thể hát đơn hay đồng ca vào thời bấy giờ.
Hãy tiếp tục hát lên những khúc hát về lương tâm và lòng nhân ái của anh. Vì hơn bao giờ hết, hôm nay chúng ta vẫn đang cần đến lương tâm, lòng nhân ái cho những việc lớn lẫn việc nhỏ. Và chúng ta đừng bao giờ nhìn về bi kịch con người bằng một cái nhìn đơn giản.
Vỹ Dạ, 25 - 4 -2001
Bửu Chỉ, người chiến sĩ quả cảm
Bửu Chỉ, người đứng trên miệng núi lửa
Họa Sỹ Bửu Chỉ và bức tranh "tai tiếng"
Bửu Chỉ, tự bản chất là một con người phản kháng
Trịnh Công Sơn
Trong những năm chiến tranh ác liệt nhất ở miền Nam, nếu ở địa hạt âm nhạc tôi viết những ca khúc phản chiến và khát vọng hoà bình thì ở phía hội hoạ, hoạ sĩ Bửu Chỉ gần như là người duy nhất vẽ rất nhiều về đề tài chiến tranh và hoà bình. Anh nổi tiếng vào thời ấy với những tranh nhỏ trên giấy vẽ bằng bút sắt mực đen. Tranh anh được in trên các tạp chí nước ngoài và gây được một dư luận rộng rãi.
Trong phong trào sinh viên học sinh ở Huế gần như Bửu Chỉ và tôi luôn luôn có mặt bên nhau. Chúng tôi cùng hát với nhau trong những đêm không ngủ, những ngày xuống đường và nhiều nhất là những buổi hát nuôi dưỡng hào khí ở quán cà phê Tổng Hội.
Bửu Chỉ, tự bản chất là một con người phản kháng. Anh không chỉ nổi loạn vời chính bản thân mình mà còn muốn phá phách những trật tự xung quanh. Đó cũng chính là tiền đề cho những cuộc dấn thân không ngừng nghỉ trong cuộc đấu tranh thời chiến và bây giờ muốn tiếp nối con người ấy trong hội họa. Hội họa đối với Bửu Chỉ chính là đời sống và đời sống với anh cũng chính là hội họa. Ngày xưa đã thế, ngày nay còn hơn thế nữa. Nhất là trong thời gian này. Cuộc sống đã đi qua. Thời gian đã đi qua. Đi qua nhưng không đánh mất mà ngược lại đã thai nghén một cái nhìn khác sâu thẳm hơn trong tâm tưởng về một số phận không thể nào cứu rỗi đuợc trong định mệnh mỗi một con người. Tôi có cảm giác càng ngày anh càng đi sâu hơn vào sự nghiệt ngã của một sự chọn lựa bất khả kháng của chính bản thân mình, một sự lựa chọn hình như đã được định hình từ ngày còn trẻ, những ngày mà đấu tranh và nhà tù chỉ được xem nhẹ như một sư đam mê phiêu bồng phiêu nhiên của cuộc sống.
Đừng đòi hỏi ở Bửu Chỉ những gì không thuộc về anh. Cái gì chúng ta đòi hỏi hoặc tìm kiếm ở một con người chính là cái điều mà người ấy có chứ không phải cái của ta và càng không phải cái của tất cả mọi người. Lại càng không phải cái mà người ấy sẽ có.
Hãy trả lại tự do cho mọi cuộc dấn thân hoặc không dấn thân. Cho mọi cái nhìn phóng khoáng hoặc trì trệ. Cho mọi trí tuệ hoặc u uất lặng thinh. Cho cuộc đời rộng mở hoặc khép lại.
Không có cuộc đấu tranh nào chấm dứt. Ở bề mặt của một số ao hồ, bể sông có thể yên tĩnh nhưng những cơn cuồng nộ ở đáy sâu vẫn sục sôi một đời sống riêng. Đó là nỗi đam mế sâu thẳm nhất của những tâm hồn muốn mãi mãi đánh thức mình, muốn mình mãi mãi là kẻ tỉnh thức để cuộc sống không còn giấc ngủ nào khác hơn là giấc ngủ của sấm sét.
Những điều tôi viết loanh quanh trên đây hình như là nói về Bửu Chỉ. Nói về một người không thể nào nói hết dù cho kẻ ấy có như là hòn sỏi, cục sạn bên đường.
Bửu Chỉ đã đi qua con đường đấu tranh hiện thực trong cuộc sống cũ và bây giờ rỗi rảnh thiền toạ đi đứng ngủ ngáy trong cuộc đời riêng để dấn thân vào một cuộc đấu tranh mới. Cuộc đấu tranh siêu thực không bờ bến, chẳng cần lập ngôn gì cả, nhưng rõ ràng biên giới cuối cùng chính là tự tại bản thân.
Nói đúng về một người là điều rất tốt. Nhưng nói sai về một người lại có thể là một điều tốt hơn. Bởi vì cuộc đời chuyển động và cái sai hôm nay có thể là cái đúng của ngày mai hoặc là ngược lại.
Bửu Chỉ nằng nặng. Hình như là rất nặng nữa. Sự nặng nhẹ trong cuộc đời này biết lấy trong tình huống nào để đo lường đây.
Đo lường chỉ là cái cớ để những bức tranh mới của Bửu Chỉ nhảy cỡn trong một cuộc truy hoan mới, một cuộc truy hoan vô tận về cõi chết hoặc nhẹ hơn, vào một cõi vô thường.
Tranh Bửu Chỉ và Ván cờ Huề
Đầu tơ mối nhợ một bức tranh Bửu Chỉ - động cơ khởi thảo họa phẩm - thường là một ý tưởng. Ví dụ thường gặp : khái niệm thời gian.
Vẽ thời gian là việc khó, thậm chí không thể làm. Nếu xem thời gian như một khái niệm thì không thể vẽ, vì nó trừu tượng; nếu xem thời gian như một cảm giác cụ thể, thì cũng không vẽ được, vì không thể tách mình ra khỏi thời gian để vẽ lên nó. Muốn gợi ý thời gian, người xưa mượn những hiện tượng thiên nhiên: màu quan san nhuộm cảnh rừng thu, hoàng hôn bảng lảng trời chiều…
Bửu Chỉ, hiện đại và cụ thể hơn, vẽ ngay cái đồng hồ với kim dài kim ngắn chạy quanh mười hai con số. Có khi có cả hình người trơ xương treo cổ trên kim đồng hồ nằm ngang, như một cột tử hình. Vì khởi thủy và tận cùng của ý thức thời gian là cái chết. Và sống là tự hủy dài dài. Trong cõi vô thủy vô chung, con người sẽ không khái niệm được thời gian.
Có thể tìm ở tranh Bửu Chỉ nhiều ví dụ khác, có khi cả một truyện kể, hay một tiểu luận cấu trúc trong một bức tranh. Nhưng đây không phải là nội dung của tác phẩm, hiểu theo nghĩa quy ước, theo thành kiến, đối lập nội dung với hình thức. Sự đối lập này vô nghĩa, ngày nay không còn được thừa nhận trong lý thuyết. Trong thực tế, nhiều người vẫn cứ đành hanh : vẽ cái gì ? tại sao cái này, cái kia ? ...
Người đặt câu hỏi như thế, có khi cho rằng tranh Bửu Chỉ minh họa một ý tưởng. Sự thật không phải vậy, vì mục đích của tác giả không phải là ý tưởng. Họa sĩ vẽ là để vẽ, để hoàn thành một tác phẩm bằng cách phối trí đường nét, hình thể màu sắc và sắc độ. Mục đích là thể hiện một khoảnh khắc trong đời mình ; một mảng sống , một mảnh đời được ném lên khung vải, thế thôi.
Mỗi họa sĩ có cách hành xử riêng. Các họa sĩ hiện đại, như Trịnh Cung, Nguyễn Trung hiện nay chẳng hạn, thấy cái mình vẽ. Bửu Chỉ vẽ cái mình thấy, thấy bằng mắt, bằng hồi tưởng, suy tưởng hay hoang tưởng. Bằng trực thị, linh thị hay huyễn thị.
Ý tưởng, trong tranh Bửu Chỉ, không phải là cứu cánh. Nó chỉ là khởi điểm, là phương tiện để họa sĩ thực hành một bức tranh. Nó ngang hàng với cái cọ, ống màu, khung vải. Do đó, không thể nói tác phẩm Bửu Chỉ là tranh minh họa, hay là " tranh đố ". Cũng không nên đồng hóa tranh Bửu Chỉ với trường phái Biểu Tượng hay Tượng Trưng (Symbolisme) thịnh hành ở Tây Âu cuối thế kỷ 19, dù kẻ liên tài có người liên tưởng.
Từng bức tranh, hay từng giai đoạn sáng tác của Bửu Chỉ, có thể nhắc đến môn phái nọ, chưởng phái kia. Nhưng trong toàn bộ, tranh Bửu Chỉ đăm đăm một kỷ cương duy nhất, là Trường Phái Bửu Chỉ.
Khi cực chẳng đã, phải sử dụng thành kiến nội dung-hình thức, thì có thể xem ý tưởng, hay chủ đề, ví dụ thời gian trong tranh Bửu Chỉ, là hình thức , còn toàn bộ bức tranh, đẹp hay xấu, buồn hay vui, hài hòa hay lỏng lẻo… mới là nội dung.
Bức tranh đẹp, thường nói lên cái gì với người xem. Nhưng " cái gì " ấy không phải là một ý tưởng ngoài bức tranh, dù có được đưa vào tranh, như là thời gian, tinh thần chiến đấu, v.v.. . " Cái gì " đó là cảm giác tổng thể đi từ vật chất của bức tranh đến tinh thần người xem, không kinh qua thao tác thị thực. Mua một bức tranh mục đồng không có nghĩa là mua trâu.
Bửu Chỉ yêu đời và nghệ thuật, trong nghĩa : đời và nghệ thuật là một. Anh ký thác hết mình vào cây cọ. Cây cọ chuyển vận tâm huyết vào nền vải, trong một lối vẽ riêng biệt - không phải là minh họa - mà có người thích hay không thích.
Phải yêu và tin tưởng cuộc sống mới xả thân cho hội họa như Bửu Chỉ. Nhưng tranh anh thường buồn : những mong manh, đổ vỡ, lìa tan, chết chóc. Những điếu thuốc tàn tro tắt lửa. Con cá trơ xương vẫn còn trõm lơ đôi mắt. Chim vui đâu, cây đã gãy lìa cành (*) . Những bất hạnh hóa thân thành cái đẹp và nguồn vui. Tác phẩm nghệ thuật là dấu chân con người vượt qua khỏi định mệnh.
Bửu Chỉ vẽ như người khác đánh cờ. Anh bày ra bàn cờ, đối thủ là khung vải trắng. Được thua là giá bức tranh.
Bửu Chỉ vẽ như người khác đánh trống, màu sắc nhảy múa rộn ràng trên khung vải, như trên mặt trống, bên tang trống.
Tranh Bửu Chỉ có bức ngon lành như cái bánh gâteau ; cũng có bức thảm đạm như tha ma.
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ nồi cơm nguội, nhớ niêu nước chè
Nhớ hồi tượng mã, pháo xe,
Nhớ bát nước chè, nhớ chén đường non.
(ca dao)
Có bạn, hăm hở mở bàn cờ, dù biết trước rằng sẽ lại là ván cờ huề.
Cờ huề mà vẫn hăm hở, thậm chí sân si.
Đám quê mùa chúng tôi gọi cờ huề ấy là tình bạn.
Nhà nho xưa dường như có người gọi là : ta với ta./.
Orleans, Toussaint 2002
(*) Huy Cận
Bửu Chỉ,
người mới trăm năm
Lê Minh Hà
Trưa ấy,
Hà Nội,
phố Mã Mây.
Tôi đi lang thang trong phòng tranh Bửu Chỉ. Tôi, một cô giáo vừa rời đại học. Lũ học trò kém cô bảy tám tuổi túm tụm bên ngoài phòng tranh, dưới nắng thì thầm những chuyện gỉ chuyện gì của tuổi mười bảy mười tám, cái tuổi mà tôi vừa xa đi. Nhưng luôn có cảm giác là xa, xa lắm.
Hà Nội trưa ấy vẫn thỉnh thoảng ran lên mệt mỏi một tiếng ve dài. Nhưng phố đã chơm chớm những ngón chân thu nắng.
Hà Nội nhọc nhằn và dịu dàng.
Thư của bạn bè Bửu Chỉ bay mười phương. Những dòng buồn. Bàng hoàng.
Bửu Chỉ trăm năm ở tuổi năm tư.
Vậy là khi đó Bửu Chỉ mới ba chín. Tôi bây giờ.
Nhưng lúc đó tôi gọi Bửu Chỉ là chú. Không phải vì thói đỏng đảnh hay rụt rè của một tuổi con gái. Cũng không phải vì Bửu Chỉ nổi tiếng và gọi chú là để phân cấp tiếng tăm.
Tôi có cảm giác nhỏ bé, qúa đỗi nhỏ bé, buồn vì nhỏ bé đến thế trước người đàn ông nhỏ bé đó.
Mà nắng ngoài kia thì mênh mang, không lời.
Có cái duyên gì không mà khi đó giữa bao nhiêu người Hà Nội đang im lặng di chuyển giữa phòng tranh Bửu Chỉ lại dừng bước bên tôi. Và chúng tôi đã nói bao nhiêu là chuyện. Cái giọng Huế bình thản về nhữngngày Thừa Phủ của Bửu Chỉ giữa trưa Hà Nội ấn tượng đến bây giờ, nơi này, đang lạnh và buồn như đâm như cắt. Và những ấp iu trong một cánh diều Bửu Chỉ thả lên bầu trời khố tải. Và tình yêu bụng tròn giống loài. Rực mà đạm, mà bền trên nền nâu nghèo cực.
Bạn thân Bửu Chỉ, anh Đặng Tiến hôm qua hỏi tôi từ Paris: Bao tải thật ấy à? Vâng anh ạ. Bao tải thật. Khố tải, đúng chữ của Nguyễn Tuân. Những ngày Hà Nội thiếu, khắp nơi thiếu. Những ngày mà cửa hàng gạo thông báo gạo về, bán cữ, bán cữ thôi. Những ngày mà, nếu có tin ấy, thì dù có đam mê đến mấy, ý thức trách nhiệm cao đến mấy cũng phải xung phong đi xếp hàng mua gạo nếu người nhà công việc thúc bách hơn mình. Những sợi đay nâu, thô, xen vài ba sợi trắng nhờ và tự dưng dù khác thế lại gợi nhớ điệp Đông Hồ. Bửu Chỉ và Hoàng Đăng Nhuận đã nhấn vào cái nền dân tộc một thời ấy bao nhiêu đam mê và táo bạo. Vành trăng non mấp máy, cái gạt tàn im hơi Hoàng Đăng Nhuận. Bàn tay vươn trong lao Thừa Phủ, cánh diều mang khát vọng trẻ thơ bay, những bụng tròn ấp ủ chuẩn bị hoài thai tình yêu Bửu Chỉ. Và phòng tranh: trụ sở của Hội Văn học nghệ thuật Hà nội, âm âm nắng sáng bên ngoài, khẽ khàng những tiếng chân đi.
Hà Nội thiếu mà vẫn đủ.
Bửu Chỉ chấp nhận hết sức thoải mái cái cách xưng hô có lẽ là kì quặc nếu ở miền trong của tôi. Tôi di động theo Bửu Chỉ. Vũ điệu chậm của một câu chuyện nhiều khoảng ngừng, xen Trịnh Công Sơn. Bửu Chỉ kể tôi nghe đã vẽ thế nào giữa khám Chí Hòa, đã hát nỗi tuyệt vọng và khao khát của bạn mình thế nào trên những ngày tháng đó. Không một lời về những gian nan để từ đó đột hiện cái ý tưởng biến khố tải thành toan. Tôi biết vì sao tôi thấy mình bé nhỏ trước Bửu Chỉ. Dù một tuổi thơ không dễ dàng, dù một đời sinh viên vất vả, dù những cọ xát bất lực với đời thường cực nhọc, tôi, chúng tôi, đến tuổi ấy rồi vẫn chưa bao giờ tự quyết cuộc đời mình, chưa bao giờ thật sống, chưa bao giờ dấn mình cho những quyết định dứt khoát và quyết liệt. Nhưng khao khát vẫn ngời lên giữa những ngày đang sống mờ mờ nhạt nhạt. Như cánh diều Bửu Chỉ vẩy vào trời.
Khi ấy, Bửu Chỉ bằng tuổi tôi bây giờ. Nhưng cô gái ngoài hai mươi là tôi lúc đó sững sờ vì những ngày tháng đã qua của Bửu Chỉ, vì những trăn trở có tên của anh khác với chúng tôi biết bao nhiêu, vì những khao khát của anh cũng khác với chúng tôi bao nhiêu. Liệu có ai không một lần khao khát trong đời? Liệu có mấy ai không để cho khao khát của mình sống chết mặc xác? Chưa nói gì đến sự làm thăng hoa được những khát khao riêng.
Những khoảng ngừng trong câu chuyện của Bửu Chỉ là những khoảng hiện Trịnh Công Sơn. ít nhất là khi ấy tôi chưa từng nghe ai hát Trịnh Công Sơn như thế. Giọng Huế, nhỏ, thỉnh thoảng mất hút đâu giữa chừng câu chuyện. Với tôi, Trịnh Công Sơn là những ngày tháng đó, là Khánh Ly nghe đi nghe lại bao lần, là Bửu Chỉ một lần không bao giờ gặp lại. Tôi có một Hà Nội để yêu, Trịnh Công Sơn và Bửu Chỉ là một phần của Hà Nội ấy.
Bửu Chỉ nói tôi ghi cảm tưởng. Tôi đã từ chối và đã hứa về viết thư kể cảm tưởng của tôi sau khi rời phòng tranh, và sẽ gửi qua nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm mà Bửu Chỉ bảo là cháu gọi bằng cậu. Tôi đã thất hứa.
Thay vào thư là một bài viết dài, một bài thơ. Không bao giờ tôi gửi. Bảo thảo vẫn nằm đâu đó trong bao nhiêu giấy tờ sách vở tôi để lại. ' Tranh khố tải lung linh màu sắc - Bụng tròn giống loài - Trăn trở đất và nước - Tình yêu hoài thai...' Tại sao tôi không gửi? Vâng, có lẽ vẫn là vì như thế. Vì cảm giác mình không thể hiểu hết được anh. Mà nghệ thuật cần biết bao sự tri âm. '...Hoạ sĩ lang thang trong phòng tranh - Tôi không biết anh bằng bước chậm của đời mình - Đã qua bao tình yêu và nỗi khổ.'Và cũng lại còn một ngần ngại: Liệu anh có nhớ một trưa HàNội ấy, liệu anh có nhớ một người con gái Hà Nội còn rất trẻ mà đã ngạc nhiên thấy mình thôi không còn hăm hở, nên đã kinh ngạc dừng chân trước những cánh diều anh, đã nghe anh thầm thì nhạc Trịnh. Đã nghe tiếng anh cười rất nhẹ về những ngày tù ngục. Bao nhiêu đổi thay từ bấy đến giờ. Nhà tôi không còn ở nơi cũ. Bao nhiêu trang viết không bao giờ gửi của tôi ngày ấy liệu có còn sau những mùa mưa phùn ẩm ướt? Mà thôi. Giấy sẽ mục. Chữ sẽ mòn. Sống trên đời cần có một thôi. Tấm lòng. Cho gió cuốn.
Chú Bửu Chỉ! Bây giờ chúng cháu xin gọi chú là anh.
19.12.2002
Limburg (Đức)
Lê Minh Hà
Họa sĩ Bửu Chỉ và một bức tranh chưa đặt tên
Nguyễn Khắc Phê
Họa sĩ Bửu Chỉ (1948 - 2002) nổi tiếng không chỉ ở Huế, tuy thoạt đầu anh dự tính làm luật sư. Chỉ cần đọc mấy dòng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết về anh đủ rõ:
"Trong những năm chiến tranh ác liệt nhất ở miền Nam, nếu ở địa hạt âm nhạc tôi viết những ca khúc phản chiến và khát vọng hòa bình thì ở phía hội họa, họa sĩ Bửu Chỉ gần như là người duy nhất vẽ rất nhiều về đề tài chiến tranh tranh và hòa bình. Anh nổi tiếng vào thời ấy với những tranh nhỏ trên giấy vẽ bằng bút sắt với mực đen. Tranh anh được in trên các tạp chí nước ngoài và gây được một dư luận rộng rãi.
Trong phong trào sinh viên học sinh ở Huế gần như Bửu Chỉ và tôi luôn có mặt bên nhau. Chúng tôi cùng hát với nhau những đêm không ngủ, những ngày xuống đường và nhiều nhất là những buổi hát nuôi dưỡng hào khí ở quán cà phê Tổng hội..."(1)
Vì thế, anh đã bị chính quyền miền Nam thời đó bắt và kết án 5 năm tù. Những bức tranh vẽ trong tù được bí mật chuyển ra ngoài, đưa sang triển lãm tận Mỹ, góp phần cổ vũ cuộc đấu tranh vì hòa bình đang ngày một quyết liệt. Sau ngày đất nước thống nhất, anh về công tác tại Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế, từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam (1983-1988), Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên... Tranh Bửu Chỉ được nhiều nhà sưu tập săn đón, được triển lãm nhiều nơi trong và ngoài nước.
Vậy mà anh lại có một bức tranh "tai tiếng" - không chỉ riêng anh gánh chịu, mà nhiều người cũng bị "liên quan". Cũng gần như "Nghi án văn chương Cây táo ông Lành" của nhà thơ Hoàng Cát vậy (ANTG cuối tháng 7/2003). Cuối năm 2002, ngày Bửu Chỉ đột ngột ra đi sau cơn tai biến mạch máu não, trong sổ tang của anh, tôi đã ghi một lời hẹn: "Bạn bè đã nói về bạn nhiều rồi, có một điều đáng nói nhất vì tôi là người biết rõ nhất, nhưng đành hẹn với bạn đến lúc thích hợp..." Bây giờ, có lẽ đã đến lúc, vì như người đời thường nói "Cái quan định luận" (Khi đóng nắp áo quan, mới đánh giá đúng về một con người); cả hai nhân vật chủ chốt của vụ "tai tiếng" này nay đều đã là người thiên cổ...
Tôi vẫn thường gọi Bửu Chỉ là "bạn", nhưng nếu muốn "khoe khoang" một chút thì có thể nói tôi từng là thủ trưởng của anh, vì anh là họa sĩ chính của tờ "Sông Hương", còn tôi thì vinh dự được làm Phó Tổng Biên tập giúp việc cho 2 đời Tổng biên tập danh tiếng trong gần 8 năm, suốt từ lúc "khai sinh" tờ Tạp chí, rồi làm Tổng biên tập...(Ờ, mà khoe cái nỗi gì, khi chỉ giữ chức Tổng Biên tập được... 8 tháng!) Chính vào lúc tôi làm Tổng biên tập thì Bửu Chỉ đưa bức tranh "tai tiếng" ấy ra! Do đó, trong "vụ" này, có thể nói tôi là đồng "thủ phạm", vì tôi là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc công bố bức tranh ấy.
Kể cũng buồn... cười, vì vụ "tai tiếng" này khởi đầu chỉ là sáng kiến của Bửu Chỉ mở một chuyên mục mới - một "cuộc chơi", cũng có thể gọi là cuộc thi - "Nhờ đặt tên tranh" mà sau này chúng ta thấy diễn ra hàng tuần trong các cuộc thi "SV" sôi nổi dành cho sinh viên cả nước trên Đài Truyền hình Việt Nam với người dẫn chương trình điệu nghệ Lại Văn Sâm. Cho đến nay, bức tranh vẫn chưa có tên chính thức vì cuộc thi đặt tên không có hồi kết (chuyện "bỏ cuộc" này thì không chỉ vì bức tranh, khi có dịp sẽ xin kể lại); để cho gọn, ta cứ gọi là bức tranh "TAY CHÂN".
Thời gian này Bửu Chỉ ít vẽ tranh bút sắt, nhưng "TAY CHÂN" vẫn rõ nét bút pháp dòng tranh chiến đấu gan góc đầy ấn tượng hồi chống Mỹ; chỉ khác lúc này là cuộc chiến đấu chống lại những biểu hiện tiêu cực, những gì đi ngược lại với yêu cầu của thời đại mới. Bức tranh đơn giản, nhưng hàm ý sâu sắc. Tác giả muốn cảnh báo cách dùng người không biết coi trọng trí tuệ, chỉ muốn tìm những "tay chân" dễ sai bảo... Như vậy, ý tưởng bức tranh vừa đúng theo đường lối đổi mới của Đảng, vừa phù hợp yêu cầu thời đại mới. Thì chẳng phải những năm gần đây, chúng ta ngày một nhấn mạnh tầm quan trọng của trí tuệ, của nhân tài đó sao? Tất nhiên, có thể hiểu bức tranh theo nhiều cách khác nữa. Tác phẩm nghệ thuật vốn thường đa nghĩa. Trong một tiểu luận về mỹ thuật, Bửu Chỉ cũng đã viết: "Thưởng ngoạn một tác phẩm có nghĩa là một sự tham dự của người xem vào tác phẩm về cả hình thức lẫn nội dung. Kết quả có thể tán đồng hay không tán đồng, thích hay không thích, nhưng điều này sẽ làm cho tác phẩm thêm phong phú về nội dung...Vả lại cái gì nằm ở bên sau tranh mới là quan trọng, mới là đáng nói..."(2)
Vậy nên mới bày cuộc chơi "Nhờ đặt tên tranh" kèm lời bình. Tuy tác giả chỉ "treo" giải là nhường lại khoản nhuận bút ít ỏi cho người đặt tên hay nhất, nhưng rất nhiều độc giả thuộc đủ tầng lớp (có nhà thơ, bác sĩ, sinh viên, cán bộ về hưu...) từ nhiều vùng đất (Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Hới, Nha Trang..) đã hưởng ứng. Xin dẫn một vài tên:
Ông N.T.T (Vĩnh Lợi - Huế): "Chân dung người đồng thời" với lời bình: "Không tim không óc, chỉ có bàn tay vơ vét và cái chân chạy chọt".
Anh N.X.T (Hà Nội): Tên thứ nhất: "Quy luật tiến hóa của các ngài quan...liêu"; tên thứ hai: "Chân dung kẻ nịnh thần".
Chị L.T.T.D. (Huế): "Chân lấm tay bùn" với lời bình: "Chân lấm tay bùn, dân vẫn khổ / Đầu tắt mặt tối, quan còn tham."
Ông T.V.L. (Bảo Quốc, Huế): "Ông bà Năm" với lời bình: "Ông quơ tay quét / Ông bốc hốt gom thu / Ông dọa dẫm xun xoe / Ông ngồi ông điều khiển / Bà bình chân như vại / Bà cất giấu của tiền / Bà giúp ông thổi kèn / Khi hát bài tẩu mã."
Ông P.K.H (Nha Trang): "Cứu trời đạp đất cũng là ta."
v...v... (Tôi không thể dẫn hết và chỉ viết tên tắt, vì nghe nói một số cán bộ tham gia "đặt tên tranh" về sau đã bị cơ quan "nhắc nhở"!)
Cuộc chơi thật vui và có ý nghĩa. Trí tưởng tượng của con người ta thật vô cùng. Không ngờ có ai đó với đầu óc tưởng tượng siêu hạng nhưng tai quái đã tung ra dư luận cái tên: "Vắng thủ". Lúc đó, đồng chí Vũ Thắng đang là Bí thư Tỉnh ủy. Thế là sinh chuyện! Cả tòa soạn bất ngờ. Trí tuệ dân gian vẫn thường sản sinh ra những điều bất ngờ, chọc nghịch phạm thượng như thế. Nhưng khốn nỗi là không ít người lại nghĩ rằng họa sĩ và Tổng biên tập cố ý "chơi" đồng chí Bí thư! Ở đất nước này, đây là điều không ai cho phép! Dư luận cả tỉnh ồn lên. Bửu Chỉ đang rất khoái vì được đọc những lời bình thâm thúy, mới đó còn cầm đàn ghi ta hào hứng hát "Nối vòng tay lớn" trong một cuộc vui ở tòa soạn, bỗng như bị dội gáo nước lạnh, ngồi xo vai rít thuốc, nhìn tôi lắc đầu không nói một lời. Trong một dịp gặp đồng chí Vũ Thắng, tôi nói rõ ý tưởng tốt đẹp của họa sĩ cũng như tòa soạn và nói thêm rằng: văn nghệ sĩ chân chính không bao giờ dùng thủ đoạn đả kích cá nhân; hơn nữa, đối với văn nghệ sĩ trong tỉnh, tuy còn những cách nhìn khác nhau về hoạt động văn nghệ hay một số tác phẩm cụ thể, nhưng đồng chí Bí thư với tác phong chan hòa gần gũi quần chúng vẫn thường có những cuộc gặp thân mật cởi mở với văn nghệ sĩ; với riêng tôi thì không lâu trước đó, đồng chí đã đích thân đến nhà tôi đón anh tôi là B.S. Nguyễn Khắc Viện để cùng đi ra thăm Vĩnh Linh... Không đợi nghe tôi nói hết, đồng chí Vũ Thắng bảo, vẫn với giọng thân tình "anh em" chứ không phải vẻ bề trên: " Mình không nghĩ Bửu Chỉ có ý đó đâu, nhưng các cậu đăng bài vở phải cẩn thận kẻo bị kẻ xấu lợi dụng..."
Sau đó, không lâu, "Sông Hương" bị trục trặc, không có dịp tổng kết "cuộc chơi" cũng như thanh minh cho Bửu Chỉ. Cũng từ đó, Bửu Chỉ rời tòa soạn, từ bỏ tất cả các chức vụ kể cả lương bổng để chuyên tâm sáng tác. Đối với anh, có thể đó là sự lựa chọn đúng đắn, cái rủi lại hóa vận may! 12 năm cuối đời là thời gian anh sáng tác sung sức nhất, ngày một nổi tiếng với những bức tranh thật đẹp hướng đến những vấn đề vĩnh cửu của con người. Họa sĩ Đinh Cường, một trong bộ-ba-thân-thiết (Trịnh Công Sơn-Bửu Chỉ-Đinh Cường) đã viết:
"...Bửu Chỉ luôn tìm những tín hiệu mới cho tranh, đó là thời gian và phận người. Những chiếc mặt nạ đầy kịch tính, em bé làm xiếc trên lưng ngựa với những màu dân gian của Huế. Đặc biệt là cái mặt đồng hồ tròn trên tranh của Chỉ, số giờ bằng chữ số La Mã, kim dài kim ngắn... mà sao như gợi lại cái không gian, thời gian nào đầy ẩn mật...Bửu Chỉ đã là một tên tuổi của hội họa hiện đại Việt Nam..."(3)
Đinh Cường viết những dòng trên vào tháng 10/2002, trước ngày Bửu Chỉ đột ngột ra đi 2 tháng. 7 tháng sau, đồng chí Vũ Thắng cũng đã ra đi. Nhà báo Hữu Thu (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế), trong một bài viết trên "Sông Hương" số tháng 9/2003, có đoạn nhắc đến việc Bửu Chỉ được mời sang Hồng Công triển lãm, nhân gặp Hữu Thu, đã nói: "Tao nghe tụi nó nói mi thân với ông Thắng lắm phải không?...tao sợ công an không cho đi, nếu mi thân nói với ông dùm tao một tiếng." Đồng chí Vũ Thắng nghe chuyện, đã nói với Hữu Thu: "Chú biết Chỉ là người có tài, có chuyện này chuyện nọ. Đảng chủ trương kéo vào chứ không đẩy bất cứ một ai. Con nói với Chỉ yên tâm, Đảng không ghét bỏ ai đâu." Một số bạn bè Bửu Chỉ ở Huế nói với tôi là không tin có những cuộc đối thoại này. Muốn kiểm tra điều đó thì phải sang "thế giới bên kia" gặp hai vị. Riêng tôi, khi theo chân đoàn Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế đến viếng đồng chí Vũ Thắng, tôi đã thầm nói với vị thủ trưởng cao cấp nhất ở địa phương trong nhiều năm: "Thế là anh sắp gặp lại Bửu Chỉ rồi. Cầu mong hai người sẽ luôn được vui vẻ bên nhau..."
Nhất định là hai vị đã gặp nhau vui vẻ. Chẳng phải là những người cộng sản chân chính cũng như các nghệ sĩ đích thực đều có chung mục đích là muốn cho cuộc đời, muốn cho con người ngày một tốt đẹp hơn hay sao?
Trường An-Huế, Tháng 12/2003 (ngày giỗ đầu họa sĩ Bửu Chỉ)
Tháng 7/2004 (ngày giỗ đầu đồng chí Vũ Thắng)
(1) Tạp chí "Sông Hương" số tháng 5/2002; .
(2) Trích từ sưu tập "Tranh Bửu Chỉ", NXB Trẻ, 2003.
(3) Sách đã dẫn.
Kỷ niệm ngày mất hs Bửu Chỉ ( 14.12.2002 )
Bửu Chỉ - Nghệ thuật đứng về phía nước mắt
Đầu năm 1997, khi mới chuyển về công tác tại Đài Truyền hình Huế, tôi có ý định làm một phim tài liệu nghệ thuật về hoạ sĩ Bửu Chỉ. Sau nhiều lần từ chối, họa sĩ Bửu Chỉ đã đồng ý giúp tôi việc này. Ngày 25-2-97, tôi gửi anh 7 câu hỏi nhằm có thêm tư liệu để lên đề cương kịch bản phim. Hơn 20 ngày sau, anh chuyển cho tôi một thếp giấy vở học trò gồm 13 tờ do tự tay anh viết xong, đề ngày 16-3-1997. Vì nhiều lý do, phim chưa làm được, tôi gửi trả anh các tư liệu đã mượn, riêng bài trả lời phỏng vấn, anh nói tôi hãy giữ làm kỷ niệm về một dự định bất thành.Với tất cả tấm lòng thương quý và kính mến một người Anh, xin được giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của Anh mà tôi xem như là những trang di cảo về CUỘC ĐỜI VÀ NGHỆ THUẬT. ĐẠI DƯƠNG
* Anh đến với hội hoạ từ khi nào? Tình cờ hay bởi một lý do nào khác? Quá trình tự học để trở thành một hoạ sĩ?
* Hoạ sĩ Bửu Chỉ: Thật ra tôi đã ham mê hội họa từ thời còn nhỏ. Từ 5,6 tuổi tôi đã hí hoáy vẽ, và vẽ rất nhiều. Đó là tranh thiếu nhi. Nhưng để trở thành một nghệ sĩ như hôm nay thì là một điều khác. Điều này đòi hỏi một niềm đam mê thực sự, một sự làm việc có phương pháp và bền bỉ. Và một cái gì đó có tính cách "thiên bẩm"; cái tính thiên bẩm này không chỉ nói riêng về tài năng, mà là mình cảm thấy từ trong sâu xa của bản thân mình rằng hội hoạ sẽ chính là cuộc đời mình, sẽ là cái ngôn ngữ để mình bày tỏ và sống với mọi người. Như thế tôi thật sự đi vào hội hoạ, dấn thân vào cái nghiệp của mình kể từ khi kết thúc cái tuổi thiếu nhi, đó là năm 16 tuổi. Và tôi đã tự học hội hoạ.
Học xong bậc trung học, tôi theo đại học Luật khoa Huế và tốt nghiệp luật khoa vào năm 1971. Song song với cái gọi là "học chữ", tôi không ngừng tự rèn luyện mình về hội hoạ. Học luật là để làm yên lòng cha mẹ tôi về một tương lai được bảo đảm; nhưng tự học hội hoạ là tôi đang âm thầm tự định hướng cuộc đời mình. Và ước nguyện của tôi bây giờ đã thành sự thật.
Tự học hội họa, đây là cả một thử thách đối với chính bản thân tôi. Tự học khó, và gặp rất nhiều trở ngại. Nhưng như tôi đã nói, điều có thể giúp mình đi đến cùng là lòng ham mê nghệ thuật. Lòng ham mê này không chỉ được hiểu là thích mà thôi, mà nó bao hàm một nung nấu, đun đẩy mà trời dành cho mình. Thầy của người tự học là cuộc sống, là bạn bè, là những người đi trước. Cái chữ "thầy" này có ý nghĩa tự do hơn là ông thầy ở trường. Vì thế mà tôi không thích trường ốc. Theo quan niệm của tôi "thầy" chỉ giúp cho mình có kỹ thuật ban đầu; nhưng thầy không thể giúp mình làm nghệ thuật. Làm nghệ thuật đòi hỏi một cái nhìn, một quan niệm riêng về ngôn ngữ tạo hình ở mỗi người. Nghệ thuật cốt ở sự sáng tạo độc đáo, vì thế không thể hình dung từ một khuôn mẫu có trước. Đào tạo từ trường ốc cũng tốt, nhưng khi ra đời có lẽ phải mất nhiều thời gian để tháo gỡ cái khuôn mẫu này để hình thành cái của chính mình.
Vậy tự học hội hoạ là tự rèn luyện kỹ thuật và đồng thời tự hình thành về một cái nhìn, một cách nhìn, một thái độ sống.
* Những mốc chính trong cuộc đời làm nghệ thuật?
* Hoạ sĩ Bửu Chỉ: Có nhiều cách để định những cái mốc trong cuộc đời làm nghệ thuật của một người. Riêng tôi, tôi định những cái mốc nghệ thuật của đời mình theo quan niệm rằng: - Nghệ thuật của tôi đã biến chuyển theo từng biến cố quan trọng của đời tôi như thế nào.. Như vậy sẽ có hai mốc chính:
- Từ 1970 - 1974: Đó là những năm tháng mà tôi đã sử dụng được hội hoạ như một thứ ngôn ngữ thực sự. Thời điểm này, tranh tôi là một sự bày tỏ mạnh mẽ, hướng ngoại, về những nhân sinh quan và quan niệm xã hội của tôi. Tôi đã tham gia như thế vào phong trào học sinh sinh viên ở miền Nam Việt Nam đòi hoà bình, tự do, và quyền dân tộc tự quyết... chống lại chế độ Sài Gòn cũ và can thiệp Mỹ. Tranh của tôi lúc này vẽ bằng mực nho, bút lông, bút sắt. Loại hình nghệ thuật này gọn nhẹ và cơ động, thuận tiện cho hoạt động đấu tranh. Tôi lãnh một án tù 5 năm. 30-4-1975 mới được tự do. Tranh được phổ biến trên khắp thế giới.
- Từ 1975 đến nay: Cũng dựa trên một lương tâm như thế, tôi quay về trăn trở với chính bản thân mình. Có nghĩa là tôi hướng vào những vấn đề thuộc nội tâm tôi. Thời điểm này tôi chuyên vẽ tranh sơn dầu. Tôi thường ưu tư thể hiện về các vấn đề hạnh phúc và đau khổ, sự sống và sự chết...
Nay tôi đã 50 tuổi, ở cái tuổi "Tri thiên mệnh" này tranh tôi càng thiên về các vấn đề tâm linh, về cái hữu thường và vô thường của cuộc sống, về không gian và thời gian...
* Những trường phái hội hoạ trên thế giới, các hoạ sĩ Việt Nam tiên phong đầu thế kỷ 20 đã có ảnh hưởng gì đến quan niệm và sáng tác của anh? Anh tự cho mình thuộc trường phái hoặc xu hướng nào?
* Hoạ sĩ Bửu Chỉ: Như tôi đã nói ở trên, đối với một hoạ sĩ tự học, mọi người đi trước không kể trong nước hay ngoài nước và không kể thời đại nào đều là thầy của tôi. Nhưng tôi phải luôn luôn tự thấy rõ ràng rằng vấn đề then chốt là chính tôi mới là chủ thể chính yếu, và quan trọng trong sáng tạo của tôi.
Và cũng từ suy nghĩ như vậy tôi có thể nói rằng tôi có riêng xu hướng nghệ thuật của mình. Xu hướng hay trường phái là quan niệm là chủ trương của một hoạ sĩ, hoặc một nhóm họa sĩ này đối với một hoặc một nhóm hoạ sĩ khác trong vấn đề sáng tạo. Khát vọng sáng tạo là khát vọng hướng về chân, thiện, mỹ; mà đã nói khát vọng là không bao giờ có cái cùng cả. Nếu có cái cùng thì nghệ thuật sẽ chết.
Như vậy theo một người khác thì mình chẳng theo được gì cả.
* Quan niệm của anh về hội hoạ và thiên chức của người hoạ sĩ (nói riêng) và người nghệ sĩ (nói chung)?
* Họa sĩ Bửu Chỉ: Nói về quan niệm hội họa và thiên chức của người họa sĩ nói chung thì thật là không phải và lại mang tiếng dạy đời. Vả lại mỗi người sẽ có một cách nhìn, cách nghĩ riêng.
Vậy tôi chỉ nói về quan niệm của tôi:
- Nghệ thuật đứng về "phía nước mắt". Nó phản ảnh cái phần bóng tối của cuộc sống mà mọi người chưa thấy ra hoặc mỗi người nghĩ mỗi cách. Nghệ thuật là khát vọng hướng về chân, thiện, mỹ mà chẳng bao giờ đạt được cái cùng. Nghệ thuật dĩ nhiên là cái đẹp; nhưng trước khi là cái đẹp nó phải là cái trung thực. Do đó nghệ thuật mạnh hơn cái tự nhiên là vậy. Tác phẩm nghệ thuật là bản thông điệp về cuộc sống mà người nghệ sĩ gửi đi. Và người thưởng ngoạn sẽ chia sẻ với họ bằng những kinh nghiệm tâm linh của riêng mình. Nhờ thế nghệ thuật sẽ trở nên phong phú hơn, và nó là mối cộng thông giữa nhân loại. Tác phẩm nghệ thuật không có tham vọng nhằm giải quyết gì hết. Tác phẩm nghệ thuật chỉ nhằm đánh thức lương tâm, lương tri con người.
* Là một họa sĩ sống được bằng tiền bán tranh, cảm nhận và suy nghĩ của anh về thị trường hiện nay?
Anh có suy nghĩ gì khi phần lớn tranh của anh đều được tiêu thụ ở ngoài nước? Ngoài nguyên nhân đời sống, thu nhập của người Việt mình chưa cao nên chưa có nhiều người có khả năng tài chính để mua tranh, anh có thể nói gì về nhu cầu và gout thẩm mỹ của người mình?
* Hoạ sĩ Bửu Chỉ: Nói về thị trường tranh thì trước hết phải nói về nhu cầu và gout thẩm mỹ. Nói về thị trường tranh thì phải nói về thị trường trong nước và thị trường ngoài nước.
- Nhu cầu về tranh và gout thẩm mỹ của người trong nước hay người ngoài nước thật ra không có gì phân biệt cả. Dĩ nhiên phải nói trước một điều rằng, một chủ trương, một đường lối, một nền giáo dục thẩm mỹ tốt, sẽ giúp đại chúng hoá được các kiến thức về mỹ thuật. Nhưng nói đến nhu cầu và gout thẩm mỹ thì có cái khác. Kiến thức chỉ giúp cho người ta hiểu nhưng chưa chắc đã khiến cho người ta cần hoặc thích cái này mà không thích cái kia. Thích hay cần còn tuỳ thuộc "tì tạng" của con người này và con người kia. Vì vậy có lẽ phải nói rằng trong nước hay ngoài nước đều có những người có gout thẩm mỹ cao hoặc thấp. Và có những người có gout thẩm mỹ cao, vừa có nhu cầu nghệ thuật cao nhưng lại không có tiền! Và ngược lại! Điều đáng buồn là người có tiền, có nhiều tiền sẽ quyết định thị trường! Nhưng giá trị nghệ thuật lại không phải được quyết định bằng tiền.
Trong những năm 80 trở lại đây, vấn đề giao lưu với người nước ngoài mở rộng, thị trường tranh trong nước mở rộng. Không riêng gì tôi mà một số hoạ sĩ VN khác cũng bán được tranh và sống bằng tiền bán tranh. Điều này rất đáng mừng mà cũng đáng suy nghĩ: sự kiện này sẽ kích thích việc sáng tạo tranh mà đồng thời cũng kích thích sự thương mại hoá tranh. Điều này đòi hỏi người nghệ sĩ phải đầy đủ bản lĩnh. Mình làm nghệ thuật mà, người ta mua mới quý. Bán tranh hay cho một người có gout nghệ thuật tốt thú vị hơn cho một kẻ có gout tồi. Vì vậy cần phải biết bán tranh cho ai và không bán cho ai; còn làm nghệ thuật trước hết là làm cho mình. Nguy hiểm nhất là chạy theo thị hiếu vì mình sẽ đánh mất chính mình. Đó là sự vong thân của nghệ thuật.
Còn đối với người trong nước, sau 75 nhiều năm, người ta mua tranh e dè; nhưng hiện nay số này đã trở nên nhiều hơn, và có cả những nhà sưu tập tranh dần dần có tiếng tăm. Điều này rất đáng mừng và đáng cổ vũ. Vấn đề quan trọng là cần tập tành để trở thành một thói quen tốt trong việc thưởng ngoạn và mua tranh sưu tập trong toàn thể đại chúng.
Ngoài ra, mặt bằng giá tranh trong nước thấp hơn ở nước ngoài một phần lớn là do giá trị của đồng tiền ở trong nước thấp hơn so với ở ngoài nước. Do đó tranh có khuynh hướng ra nước ngoài hơn là ở lại trong nước. Và trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì anh nghệ sĩ vẫn chịu nhiều thiệt thòi, vì giá bán lại ở nước ngoài còn cao hơn nhiều lần so với giá mua trong nước. Thêm nữa, tôi nghĩ là nước ta cần phải có nhiều chủ galerie có tầm cỡ, nghĩa là có tầm nhìn, có sức năng động, dám nghĩ dám làm, để tranh thương với galerie ngoài nước. Có như thế mới mong khả dĩ bình ổn được trong một mức độ nào đó cái mặt bằng giá cả trong và ngoài nước. Và nhất là giữ lại được cho tài sản quốc gia những tác phẩm của hoạ sĩ Việt Nam có giá trị. Và một vấn đề khác có tầm quan trọng nền tảng cần phải nói ra ở đây là ta cần có những galerie đúng nghĩa có tầm cỡ của ta để giới thiệu, phổ biến vào thế giới một cách sâu rộng nền mỹ thuật của Việt Nam theo sự chủ động của chính mình. Nghệ thuật Việt Nam hiện đã được thế giới dần dần biết đến và yêu thích, trân trọng. Nó có một vai trò, một ý nghĩa, một chỗ đứng riêng trong nền nghệ thuật thế giới. Ví dụ như ngay tại trung tâm Hồng Kông, Galerie Lã Vọng (chủ nhân là người nước ngoài) đã kinh doanh chuyên về mỹ thuật Việt Nam, mà đã đứng vững qua nhiều năm bên cạnh những Galerie tiếng tăm khác có từ lâu đời.
Riêng về mặt này nhà nước sẽ phải đóng một vai trò hết sức quan trọng.
* Nếu lại được sống một cuộc đời khác, nghĩa là anh vừa được sinh ra và ở thời điểm này đang tuổi mười tám đôi mươi, anh sẽ học Luật? Cầm bút vẽ? Hay một lựa chọn nào khác?
* Họa sĩ Bửu Chỉ: Cái gì nói về văn hoá, nói về học thuật thì đều cần yếu cả. Nếu được sống lại một đời khác thì tôi sẽ chọn như tôi đã chọn, tôi sẽ làm như tôi đã làm. Vì tôi yêu lẽ công bằng trong luật pháp như thể tôi yêu cái đẹp trong hội hoạ vậy.
* Một chút tự bạch khi đã quá nửa đời nhìn lại?
* Họa sĩ Bửu Chỉ: Nếu phải tự bạch khi đã quá nửa đời nhìn lại, hay cuối đời nhìn lại tôi cũng chỉ xin nói có một câu: - Khát vọng nghệ thuật là khát vọng không cùng, nên tôi chẳng bao giờ hài lòng hay thoả mãn về những điều mà mình đã làm được. Và đó cũng là điều may mắn khiến tôi còn làm việc nghĩa là tôi còn được sống. Nếu mai sau còn để lại được cho cuộc đời điều gì dù nhỏ thì đó là niềm hạnh phúc lớn đối với tôi.
ĐẠI DƯƠNG thực hiện
Tháng ba 1997
(170/04-03) Tạp Chí Sông Hương.
Bửu Chỉ
năm 1971
Đinh Cường & Bửu Chỉ
Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bửu Chỉ
Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Đinh Cường, Lữ Quỳnh, Đỗ Quang Em
Hoàng Đăng Nhuận, Phan Nguyên, Bửu Chỉ
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.