Quách Thoại
tên thật: Đoàn Thoại
(1930 Huế - 1957 Sài Gòn)
Hưởng dương 27 tuổi
Nhà thơ
Tiểu sử:
Năm 1945, Quách Thoại tham gia các phong trào chính trị yêu nước. Có lúc vào chùa tu dưỡng và học hỏi giáo lý nhà Phật. Năm 1948, ông vào Sài Gòn cộng tác với các báo Nguồn Sống, Làm Dân, Người Việt, Sáng Tạo, Việt Chính…
Ông say mê thi ca, tính tình lại phóng khoáng, sống mãnh liệt, đam mê (nghiện thuốc phiện), nên bị lâm bệnh lao, phải vào một nhà thương thí, không ai chăm sóc. Ông từ giã cuộc đời trong cô đơn ngày 7 tháng 11 năm 1957. Hưởng dương 27 tuổi.
Sáng tạo
Chung tặng các văn thi hữu
Riêng tặng Thanh Tâm Tuyền và Mai Thảo
Tôi đổ lệ khóc đêm nay
Nào các anh có biết
Khi tôi đọc những bài văn anh,
bài thơ anh thắm thiết:
Những mối tình yêu đời bất diệt
của lòng anh, của hồn anh trinh khiết
hiện nguyên hình trên chữ mực vừa in.
Tư tưởng – giòng câu – chứa đựng vạn niềm tin
Bao tâm huyết đổ dồn trên ý nghĩ
Thơm tho thay những ý tình tế nhị
Nói không cùng những cảm động ẩn trong lời
Tôi biết các anh những kẻ đã khóc cười
Là những kẻ còn tin yêu vững sống
Còn sáng tạo các anh hãy còn sáng tạo
Mặt trời mọc!
Mặt trời mọc!
Rưng rưng mùa hoa gạo
Lỡ một mai tôi chết trần truồng không cơm áo
Thì hồn tôi xin phảng phất chốn trăng sao
Ðể nhìn các anh như vừa gặp buổi hôm nào
Và trong câu chuyện tôi sẽ cười nhắc bảo:
Còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo.
Tác phẩm
1
Giữa Lòng Cuộc Đời
tập thơ, Nxb Tạp chí Văn Nghệ, 1963
2
Những Bài Thơ Tình đầu tiên
tập thơ chưa in
3
Cờ Dân Chủ
tập thơ chưa in
Tranh Đinh Cường
Đoạn ghi khi tìm thấy ảnh Quách Thoại
Tuổi già hay sống bằng kỷ niệm
thật vậy chăng, đêm khuya còn lục lọi tìm những ảnh xưa cũ
có cái ảnh Quách Thoại đâu lâu lắm đứng bên cầu Tràng Tiền [1]
thật đẹp, thật thi sĩ, như Arthur Rimbaud
ảnh này nhớ là của chị Đoàn Cầm em gái thi sĩ ở Nam Cali
gởi tặng chị Minh Nguyệt ở Bắc Cali ( hai người là bạn thân )
rồi chị Minh Nguyệt gởi cho, rất quý.
nhớ Nguyễn Xuân Thiệp kể
có lần chở Quách Thoại trên chiếc xe đạp đàn ông
về Vỹ Dạ, tôi cũng có gặp anh đôi ba lần nhớ mãi
anh vừa đi vừa quảng cáo vừa bán tờ báo mới ra
trên đường Lê Lợi – Sài Gòn, tờ Người Việt [2]
những người bạn của anh sau này làm tờ Sáng Tạo
Thoại ơi Thoại ơi không biết khóc
những giòng nước mắt ướp mặn môi [3]
Thanh Tâm Tuyền viết khi vào thăm anh ở bệnh viện
anh mất tháng mười một năm 1957, còn quá trẻ
anh từ Huế vào Sài Gòn rất sớm, cũng vì mê giang hồ
anh là thi sĩ, xin trao thi sĩ vòng hoa tặng
chúng ta đã thắng giữa cuộc đời
nhìn ảnh anh và đọc lại thơ anh [4]
Đứng im bên hàng giậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời em ca thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu
đêm khuya nhìn tấm ảnh cũ của người thi sĩ thấm nhuần đạo hạnh
người thi sĩ luôn nhắc nhớ tôi còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo …
Đinh Cường – Virginia, May 31, 2013
[1] Quách Thoại tên thật Đoàn Thoại
Sinh năm 1930, Huế, mất năm 1957, Sài Gòn
[2] Người Việt, tuần báo, số 1 xuất bản tháng 8 năm 1955
[3] Gửi Quách Thoại , Thanh Tâm Tuyền , Tôi không còn cô độc – Người Việt xb 1956
[4] Giữa lòng cuộc đời , thơ Quách Thoại – Tạp chí Văn Nghệ xb 1963
Quách Thoại và Huế
Mùa hè của Thoại
Những cây phượng nở đỏ ven bờ sông Hương, dọc theo hoàng thành.Tiếng ve kêu rợp những khu vườn, như một dàn đại hợp xướng, vừa mới lặng tiếng ở một nơi này, bỗng lại bùng lên ở một góc khác, một khu vườn khác.
Đó là mùa hè ở Huế, qua đôi nét phác thảo. Nhưng là một mùa hè đã xa, xa lắm. Năm mươi năm về trước lận. Tôi gặp Quách Thoại lần đầu tiên mùa hè ấy. Xa, quả là quá xa, vậy mà tưởng như vừa mới đây thôi.
Ngày ấy, Quách Thoại từ Sài Gòn về Huế, quê hương anh, định ẩn cư với đá và cây cùng chim muông trong vườn. Tôi gặp Thoại qua một người bạn, không nhớ rõ là ai. Thoại ăn mặc đẹp, dáng vẻ một dandy kiểu Baudelaire. Complet màu beige, mũ feutre. Tôi thì hãy còn là học sinh, đi chiếc xe đạp đàn ông hiệu Saint-Etienne sơn đen, có một cái chuông rất lớn, một porte-bagage rất chắc. Những bài thơ, một vài tùy bút và truyện ngắn đầu tiên, hãy còn non dại lắm, đăng trên Đời Mới, Thẩm Mỹ, dưới bút hiệu Châu Liêm… gây được sự chú ý ở bạn bè xa gần. Đinh Cường, Tô Thùy Yên, Minh Đăng Khánh, Trần Lê Nguyễn, và Quách Thoại.
Thoại về Huế năm ấy, như đã nói, vào dạo hè. Mùa hè nóng như một cơn điên màu đỏ, nhưng có lúc chợt lãng đãng trong màu tím trôi trên sông. Ngồi ở đây, một thành phố miền Trung Mỹ, mà tôi như còn thấy lại hình ảnh Quách Thoại. Dáng anh cao, nghiêng, chiếc mũ dạ cũng nghiêng theo chiều gió, bước qua cầu, nhìn những lá đò trôi trên sông và dãy núi xa, mờ.
Một buổi chiều, chúng tôi họp mặt ở nhà anh Thái bên An Cựu, uống trà và nói chuyện thơ. Lần đầu tiên tôi được nghe Như Băng Trường Tình của Quách Thoại. Như Băng, một thời là người Thoại yêu, sau ẩn mình trong tu viện. Như Băng ơi, vì đâu mà lệ ứa, Ta khóc than nghĩ tủi phận đời ta… Chúng tôi kéo nhau đi ăn bánh bèo dưới chân núi Ngự. Thoại vui, nói chuyện có duyên. Anh có vẻ xanh, gầy, nhưng trong và sáng. Cuối buổi đi chơi, tôi chở Quách Thoại về miệt Bãi Dâu, trên chiếc xe đạp cổ lỗ sĩ của tôi. Thoại ngồi sau xe, lật tờ Đời Mới có đăng bài tôi, nói: “Văn anh viết như giọng văn Thạch Lam… “. Thời trẻ dại ấy, được nghe lời khen đó, tôi sướng lắm. Tôi chở Thoại tới nơi anh ẩn cư. Giường anh nằm giữa hai dãy giường dài, chung quanh cũng là những người gầy xanh như Thoại. Thì ra đây là nơi cho những người đau dưỡng bệnh.
Sau 1956, gặp lại Quách Thoại ở Sài Gòn. Quán cà phê hè phố Kim Sơn. Trên đường Catinat. Anh trông gầy và xơ xác đi nhiều lắm. Nhưng đôi mắt lấp lánh. Đây là thời của anh và các bạn. Thời tạp chí Sáng Tạo. Rồi ít lâu sau, anh mất. Với tôi, hình ảnh đẹp nhất của anh không phải là trên hè phố Sài Gòn. Mà là bên bờ sông Hương ở Huế. Và trong thơ:
Quách Thoại đi
giữa lòng cuộc đời
còn sót
lẻ loi
một bông
thược dược
Nguyễn Xuân Thiệp
Quách Thoại tên thật là Đoàn Thoại, sinh năm 1930 tại Huế (có tài liệu ghi năm 1929). Ông là em ruột nhà văn Lý Hoàng Phong (Đoàn Tường). Quách Thoại từ nhỏ đã đọc thơ và say mê Tagore. Năm 1948, khi 18 tuổi, ông vào Sài Gòn cộng tác với các báo Đoàn kết, Làm dân. Trong hai năm 1949-1950, làm Tổng thư ký tuần báo Nguồn sống. Năm 1955, ông viết cho các báo Việt chính, Người Việt, Sáng tạo, Thế kỉ hai mươi. Thơ của ông thường đăng rải rác trên các báo xuất bản ở Sài Gòn. Quách Thoại mang một tâm hồn thơ mộng, tính tình phóng khoáng, sống mãnh liệt. Ông nghiện thuốc phiện rồi bị bệnh lao, phải vào nhà thương Hồng Bàng, không người chăm sóc. Thời gian nằm viện, quá khao khát cuộc đời, không thể nằm chờ chết một chỗ, ông thường trốn bệnh xá ra ngoài lang thang đây đó. Ngày 7/11/1957, ông mất trong hoàn cảnh cô đơn, đến phút chót vẫn “kêu gào muốn sống” (lời Lý Hoàng Phong).
Quách Thoại là một nhà thơ u uẩn và nhiều đam mê. Ông đam mê tình ái, thi ca, tình bạn và lý tưởng. Trong thời của mình, Quách Thoại đã lên án chiến tranh, bạo lực, đồng thời chào mừng tự do và đòi hỏi dân chủ. Thơ Quách Thoại còn mang hình ảnh của những buổi chiều Việt Nam thê lương, đầy sắc máu và khổ đau. Nhà thơ Viên Linh đã viết về Quách Thoại như sau: “Quách Thoại là người thơ trẻ duy nhất của thời thế lúc đó xứng đáng là thi sĩ của thời đại… Đời sau đọc thơ Quách Thoại sẽ hiểu được thời đại anh như thế nào, về nhiều mặt quan trọng. Và thơ anh lại là thơ rất nghệ thuật, rất sáng tạo, rất có tâm hồn.” Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt thì nhận xét: “Quách Thoại là một nhà thơ tân tiến muốn làm mới thi ngữ, với một bản chất thơ lạ thường. Người đó có một đời sống nhiều say đắm, và bi thảm đến cùng cực, tâm hồn thơ mộng và cũng không kém ý chí phấn đấu gian khổ, tất cả tạo thành một bản sắc riêng. Thơ ông có một số bài thật hay, biểu tượng sâu xa.”
Quách Thoại sở trường trong loại thơ nói, thơ tự do, và có những bài nổi tiếng như: "Sáng tạo", "Như Băng trường tình", "Trăng thiếu phụ". Thi phẩm đầu tiên của ông mang tên "Giữa lòng cuộc đời", được xuất bản vào tháng 6/1963, gần 6 năm sau khi ông qua đời. Ngoài ra, ông còn hai tập thơ chưa xuất bản: "Những bài thơ tình đầu tiên" và "Cờ dân chủ".
Chiều tận thế
Sao ta bỗng giật mình lo ngại quá
Hồn ta rên la than khóc hôm nay
Ta muốn ôm, ôm lấy mặt trời ngày
Xoay trái đất cho giáp vòng ánh sáng
Ôi! Bình minh một trời xuân chói rạng
Là cuộc đời ta những ước mong thay
Loài người ơi! ta chắp cả hai tay
Đầu cúi lạy, ta nguyện cầu nho nhỏ
Vì khổ đau ta phải cần xin xỏ
Chút tình thương buộc chặt giữa người người
Và hoa tươi và trời hỡi hoa tươi
Trái tốt đẹp cho muôn đời vũ trụ
Có lẽ đâu thời xuân xanh đi ngủ
Thế giới chìm trong ác lặn hoàng hôn
Người làm chi ta nghe dạ bồn chồn
Trong tiến bộ đã có mầm tiêu diệt
Xin lỗi người, nào tôi đâu có biết
Một chuyến xe vừa mới rớt trên đèo
Những hành khách đã phải chết rơi theo
Và Mẹ đời hình cưa thân mổ xẻ
Ôi! đau đớn là những đường chia rẽ
Tìm đâu ra những lối đến đại đồng
Có lẽ đâu trời sẽ nổi cơn giông
Rồi sấm chớp xô lâu đài thế hệ
Đau thương, đau thương dường vô kể
Liệu loài người sẽ quyết định chi đây
Văn minh rồi nguy hiểm nắm trong tay
Tưởng hy vọng ngờ đâu thành tuyệt vọng
Không! Không! tôi vẫn hãy còn trông ngóng
Chúa Trời! - Chúa Trời! - Chúa Trời! - Chúa Trời!
Cả cuộc đời không lẽ chỉ trò chơi
Ôi! ma quỷ và Thánh Thần lẫn lộn
Sáng hôm nay chiều hoang sơ hỗn độn
Đã gặp nhau cùng trong một buổi ngày
Người ra đời bèn bị chặt hai tay
Không ôm kịp lấy đầu hay trí óc
Kể vào đâu những lời than tiếng khóc
Một quả bom chỉ vài quả bom thôi
Ôi thôi rồi chủ nghĩa với xa xôi
Chỉ minh chứng một lời kinh Thánh nói
Chiều tận thế tưởng chừng như réo gọi
Rùng mình thay cho thảm cảnh cuối cùng
Rùng mình thay cho cái phút lâm chung
Ôi! mệnh hệ ai ngờ đâu mệnh hệ
Loài người nay trần truồng không Thượng Đế
Dắt nhau đi trong tiến bộ diệu kỳ
Ngày tàn rồi bóng tối đến lâm ly
Đêm u khổ vào cuộc đời tội lỗi
Đêm đã đến chiều nhân gian hấp hối
Ánh sáng ơi! khao khát đến vô cùng
Nguồn: Thi nhân Việt Nam hiện đại
NXB Sống Mới, Phạm Thanh, 1959
Liêu vắng
Ta nằm dưới cỏ cây
Dưới cành hoa lá phủ
Lặng nhìn trời trôi mây
Lắng nghe đất buồn ngủ
Tiếng ai đi trên đời
Ta dường không nghe thấy
Kìa một giọt sương rơi
Cành cỏ non động đậy
Ta bò dọc bờ hoa
Say hương ngà ngây ngất
Ta ôm ấp hồn hoa
Ngủ buổi chiều trọn giấc
Bình minh tiếng chim hót
Ta tỉnh dậy đêm trường
Mơ màng như trong mộng
Trời đất mờ mờ sương
Đến thăm hoa hướng dương
Người tình nhân buổi sáng
Ta cùng xem mặt trời
Cho đến khi tỏ rạng
Mai qua rồi chiều lại
Ngơ ngẩn lúc hoàng hôn
Nhìn hoa hường ngây dại
Ta cúi đầu nhẹ hôn
Đêm về chị nguyệt tỏ
Ta buồn không nói năng
Ta đến khóc lệ nhỏ
Trên lòng hoa mặt trắng
Ta thức một đêm trắng
Tỏ tình với trăng hoa
Ta chết nằm liêu vắng
Không bóng người đi qua.
Giữa lòng cuộc đời (1962)
Đêm
Lòng ta tê tái sầu
Hoàng hôn về trên đường
Ta ngồi bên song cửa
Lặng nhìn em bên tường
Gió chiều nhè nhẹ thổi
Tóc em mây vờn bay
Cả hồn ta bối rối
Chạy lạc trên đôi mày
Ta bay vào rừng tóc
Ngây dại thở kỳ hương
Lòng ta nức nở khóc
Lệ nhỏ ướt môi hường
Ta nằm trên đồi vú
Thổn thức cùng tiếng tim
Nghe tình em chớm nụ
Trong da thịt im lìm
Ôi ảo mờ mắt đẹp
Ta chìm giữa hồn em
Mi hờ em vừa khép
Ta lặng chết êm đềm
Vũ trụ vừa đóng cửa
Trời đất đi vào đêm.
Nguồn: Giữa lòng cuộc đời,
Tạp chí Văn nghệ xuất bản, Sài Gòn, 1962
Đường Tự Do
Kìa nắng trắng nắng xanh nắng vàng
Nắng hát nắng múa nắng cười
Trên thành phố trên vỉa hè
Trên tà áo em tươi
Đường Tự Do chảy thẳng
Các anh đi về tuổi đúng hai mươi
Thế hệ mới mắt sáng ngời tin tưởng
Ta đứng chết bên góc đường
Một phút lòng say chiêm ngưỡng
Đại lộ dang tay ta nghe
Xã hội đi về hát cười vui sướng
Ai mới nói gì như tiếng nói yêu đương
Ai mới nhìn gì như muốn trao ít yêu thương
Ta thầm nhủ
Ôi sự sống nơi đây thật vô lường
Và tình thương thật vô lượng
Sài Gòn ơi
Có ai úp mặt chết giờ này trong bệnh viện
Biết chăng ngươi
Kìa vạn đoá hoa hường
Đang nở trên thảm cỏ xanh tươi của các học đường
Bao nhiêu em bé nhỏ
Đang cười đùa trong phấn hương
Có gì đẹp mắt cho bằng
Dân tộc an vui hoà bình thịnh vượng
Ta ngửa mặt ngó trời xanh
Mây trắng trôi về không vấn vương
Gió thổi
Cờ bay
Tự do nhảy múa giữa công trường.
Nguồn: Giữa lòng cuộc đời, Tạp chí Văn nghệ xuất bản, Sài Gòn, 1962
Em
Em bỗng đến tìm tình ta ngây dại
Ta lịm chết và nhìn em mê mải
Em là ai em hỡi em là ai
Ta không hiểu em quả là muôn đời
Thôi khó nói lòng riêng ta khép gió
Ta cất em hồn si ta đóng ngõ
Đã dâng cao khát vọng của tình đời
Trong lặng nhìn đã chất chứa vạn lời
Ai dễ nói vì em huyền diệu quá
Em hiện đến ánh đời dâng sáng choá
Bỗng nghiêng nghiêng cánh bướm chiều áo bay
Bỗng xiêu xiêu tình ngã theo tóc bay
Ta đã về sóng lòng ta xáo động
Về nơi em biển trời sao quá rộng
Ta về trong đôi mắt đẹp mênh mang
Chứa hồn tình cả thời gian không gian
Ta bay lặng thuyền hồn không giữ lái
Đi xa rồi không bao giờ trở lại
Về nơi đâu ta gặp gỡ em đây
Ta ngỡ rằng em một ánh huyền mây
Ai còn hiểu này đây em sáng tỏ
Ta ngẩn ngơ ôm lòng đau đớn ngó
Chút nhan sắc mà muôn vạn ảnh hình
Ta gói trọn người em đôi mắt trinh
Trán em xinh không in niềm vẩn đục
Thầm ẩn lặng cả muôn vàn phước lộc
Trên đôi mày dài đậm nét yêu thương
Cong một chút mà nặng kéo luyến thương
Của hồn ai ta muôn đời thương nhớ
Ta kêu gọi em hững hờ xin chớ
Vết thương lòng đau một nét mai xanh
Ta lạnh mình cứ một vẻ trâm anh
Em sâu kín giữa đôi đường mũi nhỏ
Em nở nhuỵ giữa đôi môi hồng đỏ
Căng căng mềm ứ đọng sữa tình tươi
Và ngậm hở đợi chờ ai hôn đó
Ta nhìn em thật xa xôi khó tỏ
Thắm hồn ta đôi má đỏ hây hây
Mắt hồn ta khoảng gáy trắng phô bày
Cổ thon cao nâng mặt tình hương phấn
Em tỉ mỉ đẹp người nơi ba ngấn
Thân hình em uốn khúc quá yêu quen
Cả người em ướm chất lửa thơm men
Trên ngực đồi vú sen còn kín búp
Hương trinh tiết vẫn còn nguyên ẩn núp
Trên làn da và trong tận hồn xuân
Em bước đi gió những thổi bâng khuâng
Gót hồng em ta nhìn lòng thơm mãi
Theo dấu chân hương tình em để lại
Em hiển hiện hồn ta buổi nắng trưa
Em mơ màng như một giấc mơ xưa
Trên mí mắt chân tình em dẫm nặng
Ta không hiểu ngọt ngào hay cay đắng
Em mãi làm gió bão ở trong ta
Bởi yêu em ta hùng vĩ bao la
Ta ấp mộng vàng đường dài vạn kỷ
Ta yêu em tận yêu đời tuyệt mỹ.
Nguồn: Giữa lòng cuộc đời
Tạp chí Văn nghệ xuất bản, Sài Gòn, 1962
Hợp tấu
Đừng hoi hóp nữa
Đừng than khóc nữa
Hỡi linh hồn ta
Chập chờn xao xuyến lửa
Bởi hôm nay
Ta vừa gặp ta
Ánh sáng nằm nghiêng ngã ngửa
Màu sắc dựa thành muôn cánh cửa
Đêm và trưa
Âm dương hoà đôi lứa
Cảm giác tìm nhau tắm rửa
Không gian với thời gian lần lựa
Gặp nhau vừa khi đúng giữa
Trong một giờ thiêng chung đụng
Ấm cúng vô cùng
Và sâu thẳm mông lung...
Ta thấy trong ta
Ái tình giao tay làm khối lượng
Nghệ thuật nằm trong kiến trúc
Phảng phất lời lẽ một làn hương
Tâm linh bỗng nhiên thành vũ trụ vô lường
Thực tại bao trùm bởi ảo tưởng
Đâu biết màu xanh hay chính ấy âm thanh
Ta nghe bản hợp tấu đang thành
Ai hát chi mà rạo rực
Dưới đáy linh hồn ta vắng lạnh
Bài ca kỳ diệu víu trời xanh
Sự vật hiện về trên phim ảnh
Nhân loại đi về trong chốn ta
Mất mát gì đâu nơi vô cùng chân ngã
Ta nghe kết thành
Âm thanh bao nhiêu thế giới kỳ lạ
Giữa sâu xa...
Nguồn: Giữa lòng cuộc đời
Tạp chí Văn nghệ xuất bản, Sài Gòn, 1962
Mai
Ta hát một mình ta
Dưới trời thu chiều tà
Khi nắng vàng hoi hóp ngả
Ôi những đông qua
Lạnh lùng khô héo lá
Hôm nay ta giấu nỗi buồn khó tả
Xin giòng châu hãy khoan rơi
Để ta nhìn hoàng hôn ta vui ca
Vì ta biết rồi tàn tạ
Bóng đêm dài sẽ đi qua
Ta mơ một ngày mai đầy ánh sáng
Ôi bình minh rạng ngời cao cả
Nắng thiêng liêng rạo rực giữa ngàn hoa
Niềm vui chi kì lạ
Sương sớm mai non
Gió hiền ngon ngọt
Cỏ xanh tươi trên khắp nẻo đường mòn
Chim rừng khẽ hót
Khắp trên ngõ đồi
Những em bé con
Mầm thế hệ
Ôi chao tinh khôi vô kể
Hỡi già nua dòng lệ
Lộc đương lên
Vũ trụ trẻ môi son
Triều tiến hoá
Hi vọng mãi mãi còn
Ai buồn chi thảm hoạ
Mùa xuân đang nở đoá
Thiên nhiên cười gió lạ nhịp trăng sao
Âm điệu bao la
Nhạc trỗi lời tình ái
Yêu thương vừa đã lại
Sầu bi đang đi qua
Trái cành vừa độ hái
Âm dương không phân hai
Hoà hợp đất trời xây hiện tại
Hát ca lên nhân loại của ngày mai.
Nguồn: Giữa lòng cuộc đời
Tạp chí Văn nghệ xuất bản, Sài Gòn, 1962
Người em gái
Ôi tôi có một người em gái
Tuổi mới mười lăm
Mà tôi vẫn quá thương yêu
Đã chết một chiều rất cô liêu
Bên cạnh những thây ma
Trên cánh đồng hoang giặc giã
Người cháy thiêu
Mà tôi đã tìm thấy xác
Và tôi than:
“Phải chăng đây người em gái mà tôi vốn quá thương yêu?”
Cánh đồng bỗng trả lời:
“Phải rồi lúc bị chém
Máu chảy rất nhiều
Phải rồi trước khi chết
Cô ta chắp tay ngó lên mặt trời chiều
Phải rồi lúc bị chặt đầu
Trước sau cô ta không nói được một điều
Mà thưa ông người bắt cô ta thì rất nhiều
Mà thưa ông người cầm dao thì rất nhiều
Mà thưa ông người đọc bản án thì rất nhiều
Mà thưa ông người tán thưởng cũng rất nhiều
Mà thưa ông người cắt cổ cũng rất nhiều
Mà thưa ông người hoả thiêu cũng rất nhiều
Mà thưa ông, ông có hiểu những người đó
Là ai không để mà tính liệu
Vì đến lượt ông rồi ông cũng sẽ bị chúng nó thủ tiêu
Thưa ông tôi xin nhắc lại
Trước khi chết cô ta chắp tay
Ngó lên mặt trời chiều
Và lúc bị chặt đầu
Trước sau cô ta không nói được một điều.”
Nguồn: Giữa lòng cuộc đời
Tạp chí Văn nghệ xuất bản, Sài Gòn, 1962
Những buổi chiều Việt Nam
Tôi đã đi trên những buổi chiều
Những buổi chiều của quá khứ
Rất cô liêu
Và mưa gió rất nhiều
Trên những buổi chiều Việt Nam
Rất thân yêu
Của ngày nay
Tôi cũng đang đi đây
Ôi con đường dài xơ xác
Lá vàng heo may
Bóng dáng xanh xao
Những em bé ăn mày
Những người anh
Máu chảy cả đôi tay
Chiều chiến tranh
Những mẹ già run sợ
Vì tiếng súng cối xay
Đêm sắp tới rồi
Người ta đang giết nhau quá mê say
Tôi rất nhớ
Đến những phút chiều
Trên ngọn Hồng Lĩnh
Xa xa ở phía tây
Ngoài kia vùng Bắc Việt
Nơi kẻ thù tôi
Và đồng bào tôi
Đang giết nhau
Ôi còn gì đớn đau
Loang lở rồi trốn nhau
Chiều về hấp hối
Trên Nhị Hà chảy mau
Kìa Cửu Long giang cuồn cuộn máu
Giòng Hương đã đổi màu
Chiều về
Biết đâu mà nương náu
Quê hương tôi
Cờ đủ lối thay nhau
Tôi khóc đây rồi
Chiều về lạc lối
Những giây thép gai
Loài người tôi chia làm hai
Buồn hơn cả
Một tiếng thở dài
Sầu hơn cả
Một tiếng bi ai
Chiều! chiều!
Có những người đã hát
Những khúc hát hùng ca
Những lực lượng ồ ạt
Đang xây những thành núi cửa nhà
Những buổi chiều bao la
Mà hi vọng về chói loà
Tôi úp mặt khóc oà
Vì những buổi chiều sáng quá
Cũng như những hoàng hôn đang đi qua
Ôi những buổi chiều băng giá Việt Nam
Những buổi chiều nghèo nàn
Thằng nhỏ với củ khoai lang
Da mặt mét vàng
Những cục đất sét vàng
Xơ xác lá bàng
Những buổi chiều lầm than
Trời buồn mây xám
Lang thang nẻo đường làng u uất về u ám
Những mái tranh những miếu am
Chiều nơi đô thị
Ánh sáng sao vội vàng
Sao ngỡ ngàng
Có những nàng
Những lũ người bán thân
Những vạn món hàng khiêu dâm
Những buổi chiều lỗi lầm
Mà nước Việt tôi
Phải nói với nhau âm thầm
Rằng phải gắng thương nhau
Ôi những buổi chiều Việt Nam đớn đau
Hàng triệu kẻ gục đầu
Quằn quại phơi thây
Kêu gào la khóc
Trong chế độ đỏ ngầu
Hỡi ôi
Đất nước chia đôi
Nam Bắc hai đầu
Nhìn nhau mà ruột đứt
Tang thương này
Còn mãi đến bao lâu
Thôi gắng quên đi
Nỗi thảm khổ sầu
Tôi nhìn thẳng ngày mai
Dựng cao cờ chiến đấu
Vĩ đại thay trời dân chủ
Xanh xanh hi vọng một màu
Thế giới tự do cười
Hát ca giữa cuộc đời Việt Nam Á Châu.
Nguồn: Giữa lòng cuộc đời
Tạp chí Văn nghệ xuất bản, Sài Gòn, 1962
Những cành cây khô
Em tươi đẹp chi bên trời
Mùa xuân lên rực rỡ
Anh ngồi đây bơ vơ lòng điên dại
Hẹn ngày mai
Mang lệ nóng khóc trên tay em
Ôi nét mày dài
Đôi mắt đậm
Và mái tóc đen
Anh biết nói làm sao tình kể lể
Trọn đời sau trên tim anh xin để
Cả ngai tình em ngự trị hồn anh
Mà những ngày hôm nay
Ngày mong manh
Anh sợ quá phút linh hồn anh tan vỡ
Bởi làm sao giờ đây anh nức nở
Gọi ái tình anh dò hỏi nơi mắt em
Tình yêu thương anh vẫn chờ mãi em đem
Và đặt cả trên tâm hồn anh đau khổ
Nhưng chiều nay
Ôi chiều vàng lá đổ
Chiều vàng và lá đổ
Những cành khô
Nguồn: Giữa lòng cuộc đời,
Tạp chí Văn nghệ xuất bản, Sài Gòn, 1962
Như Băng trường tình
Ta ngạt thở bởi mùi hương xa vắng
Hương thiên đàng vừa thoảng bến trần gian
Ta đê mê cảm động đến mơ màng
Nghe mầu nhiệm thấm nhuần trong mến cảm
Nghe sống lại trong hồn ta ảm đạm
Một tình yêu thanh thoát quá diệu huyền
Ôi mắt em trời mơ mộng còn nguyên
Cho ta gởi mối tình ta trinh bạch
Cho ta hôn bàn chân em ngọc thạch
Dẫm trên đường khổ hạnh chốn tu hành
Ôi giáo đường nở kín đoá xuân xanh
Hoa cao quý tắm mình sương tuyết ngọc
Như Băng ơi vì sao ta thầm khóc
Nghĩ thương em hồn ngưỡng mộ Chúa trời
Ta xót đau nhìn hỗn loạn cuộc đời
Không dám tưởng giờ em đang cầu nguyện
Em có biết một cõi lòng đang xao xuyến
Nhớ thương em đứng đợi trước nhà chung
Ta yêu em yêu mến cả vô cùng
Thềm tôn giáo ta đặt hồn mơ ngủ
Giữa đêm nay đến đời sau vũ trụ
Trong tình em trong tim Chúa Jesus
Ta giật mình bóng tối vẫn mịt mù
Trăng nhợt nhạt và hồn ta thấy lạnh
Lời tụng niệm vang đưa từ cô quạnh
Ta lắng nghe hồn vẳng tiếng kinh em
Ta lắng nghe hồn vẳng tiếng chuông đêm
Lệ nóng chảy đau lòng kêu cứu Chúa
Như Băng Như Băng vì đâu mà lệ ứa
Ta khóc than nghĩ tủi phận đời ta
Một linh hồn lạc lõng giữa bao la
Một tình yêu chưa một chiều trao gởi
Tim cô đơn chưa một lần ấm sưởi
Hoàng hôn về ta lạc giữa mù sương
Nghe đêm xuống tưởng buồn như tận thế
Ta rất nhỏ cảm thương sầu thế hệ
Lệ rất nhiều mà khóc chẳng ai lau
Ta một mình ôm tất cả đớn đau
Không dám nói bởi chưng rằng khó nói
Viết lời thơ thành lời kinh kêu gọi
Nào vơi chi sầu hận của nhân gian
Như Băng em xin ngó nẻo thiên đàng
Để nguy hiểm ta sống đời địa ngục
Ta chỉ sợ rồi đây nơi nhà phúc
Máu tai ương sẽ vấy tấm thân em
Lưỡi dao người sẽ sẻ gót chân sen
Em sẽ chết dập bàn tay ngà ngọc
Rồi ta khóc đến tan tành trí óc
Như Băng ơi nào em hiểu gì đâu
Đã từng đêm ta nguyện với ta cầu
Lòng tự hỏi vì đâu đời khổ luỵ
Bởi vì đâu hỡi loài hoa cao quý
Mà hương thơm còn mãi đến ngàn sau
Nở chi đây phô sắc thắm nhiệm mầu
Đất sắp sửa sẽ nức mình phun lửa
Như Băng em đau thương là thế ấy
Bởi yêu em mà khóc mấy cho vừa
Đây lệ tình ta em biết cho chưa
Xác hồn ta chết đau gần quá nửa
Như Băng Như Băng một chiều hoi hóp lửa
Là một chiều tận thế của tương lai
Biết chăng thôi đã chết cả hình hài
Thôi chết cả linh hồn đời nhân loại
Bao xây dựng đi về trong huỷ hoại
Bao văn minh hạnh phúc vẫn không thành
Bao đền đài cũng vẫn chỉ hư danh
Bao khoa học không giữ người giá trị
Bao cao thượng chỉ thành ra vị kỉ
Bao lợi quyền mà hoá vẫn tay không
Kìa điêu linh thì cứ đấy em trông
Xe hiện tại dẫn ngày mai xuống hố
Đời hi vọng mà vẫn tin tận số
Ô hô hô thôi mạt kiếp vận người
Mà Như Băng ôi hỡi môi em tươi
Mắt em ngó nhiệm mầu là biết mấy
Giữa tim em nguồn thiêng dào dạt dậy
Vầng trán em phảng phất bóng hư linh
Em hát đi cho ta hết giật mình
Em cầu nguyện để ta còn tin tưởng
Ta nhìn em qua niềm mơ ảo tưởng
Phủ màn sương mộng ảo xuống che em
Ta muốn lấy hoa kết lại thành rèm
Để vây phủ đời em trong cõi sống
Để nguyên vẹn ta nhìn em vững chống
Lái con thuyền tình ái đến sông trăng
Để tình ta còn đẹp tựa sông Hằng
Để Như Băng còn mãi thể Như Băng
Mà hôm nay ta khóc lạy than rằng
Xin chầm chậm hoàng hôn đừng vội lặn
Ôi đau thương loài người xin hữu hạn...
Nguồn: Giữa lòng cuộc đời
Tạp chí Văn nghệ xuất bản, Sài Gòn, 1962
Nước
Người ta gọi tôi là địa chủ
Đây là một lũ người tự xưng là cùng đinh
Đem bắt trói tôi vào một cột đình
Đã hai ngày qua tôi vẫn làm thinh
Nhưng đến trưa nay tôi bỗng hoảng kinh
Số là tôi khát nước lắm rồi
Ôi chao tôi ao ước tôi ao ước
Và không thể cầm lòng tự cao
Tôi kêu hãy cho tôi nước nước nước
Tôi bỗng nghe một tiếng trả lời: được
Rồi một kẻ đi đến rất chậm bước
Lúc đứng gần sau lưng tôi nó nói thỏ thẻ
Hãy hả họng cho tao đổ tội nghiệp đồ chết khát
Tôi cảm động nhắm mắt run run hả họng khô rát
Nó hắt ngay vào một nắm cát
Nguồn: Giữa lòng cuộc đời
Tạp chí Văn nghệ xuất bản, Sài Gòn, 1962
Phạm Văn Thông
Anh có thấy không?
Hai chân nó trồi lên mặt đất kìa
Giữa khoảng đồng không
Anh có nhớ không?
Lúc người ta bắt nó ra ngoài đồng
Thì nó vẫn còn sống
Ðến khi nhận đầu nó xuống
Thì nó vẫn còn sống
Anh có nhớ không?
Khi người ta lấp đất lên rồi
Thì nó vẫn còn sống
Anh có hiểu không?
Khi người ta chôn nó
Thì nó vẫn còn sống
Nó vùng, nó vằng
Nó nghe, nó ngửi
Nó nhai, nó nuốt
Toàn đất là đất
Kìa, nó cử động
Ngo ngoe hai chân trong không
Tôi tưởng còn nghe nó rống
Giữa khoảng ruộng đất im lìm đồng không.
– Tôi tên Phạm Văn Thông…
– Tôi không… tôi không… tôi không…
– Mặc kệ nó, cứ nhận đầu chôn sống.
– Không! Không!
– Kệ xác nó, cứ nhận đầu chôn sống
– Ðồ lũ bay Việt Gian cả giống
– Cứ nhận đầu chôn sống.
Thì nó vẫn còn sống: Phạm Văn Thông!
Nguồn: Giữa lòng cuộc đời
Tạp chí Văn nghệ xuất bản, Sài Gòn, 1962
Tạp chí Văn nghệ xuất bản, Sài Gòn, 1962
Sau khi cháy nhà
Tôi viết bài thơ gì hôm nay
Một bài thơ sau khi nhà cháy
Sau khi đời trắng hai tay
Ấy thế mà tôi vẫn viết được
Một bài thơ của mê say
Ấy thế mà tôi vẫn cười được
Tưởng như không có gì chua cay
Thác nắng mùa xuân vẫn chảy
Những bông hoa lung lay
Triều đại vừa qua đổ gãy
Vũ trụ chỉ có nghĩa ngày nay
Có kể gì tôi ăn mày
Có kể gì anh bệnh hoạn
Những người chết đi là chết đi
Em tôi mới thành hoa hậu
Giữa đô thành Paris
Ôi anh đã là nghệ sĩ
Sau một tác phẩm dị kì
Tôi nâng cốc nước lạnh
Mà tưởng rượu nồng mùi vị
Tôi quên mình hiu quạnh
Mà nhìn nhân loại đến mê li
Hãy cho tôi tin rằng
Nhân loại còn mãi mãi bước đi
Đến những tiến bộ diệu kì
Và đến đêm nay
Tôi ước ao rằng tôi ngủ kĩ
Một giấc ngủ không ác mộng sầu bi
Một giấc ngủ của con người bình dị
Một giấc ngủ
Và không nhớ lại một tí gì.
Nguồn: Giữa lòng cuộc đời
Tạp chí Văn nghệ xuất bản, Sài Gòn, 1962
Ta sẽ đến
Ôi đời dài vạn kỉ
Ta tiếc thương trăng diệu huyền cũ kĩ
Lung linh trời mầu nhiệm ngõ hoang xưa
Đường hôm nay đường hôm nay đầy ánh mai trưa
Ta vui sợ nghe tiếng xe đời mới tới
Hoa rực rỡ trên những luống cày mới xới
Đêm tối về sờ soạng bóng ma trơi
Linh hồn ơi và thể xác của người
Ta lo ngại cho mỗi từng hơi thở
Tiếng người ca hay lời người than thở
Ta run lên cảm động đến ngây khờ
Cuộc đời ôi tươi sáng buổi ban mai
Biết chăng ngươi cõi lòng ta nức nở
Mắt ánh ngời thắm đỏ nét môi tươi
Tóc đen xanh em hé nở nụ cười
Nhìn đau khổ ta tưởng chừng bỡ ngỡ
Kìa đoá quỳnh hoa đang độ thì hé nở
Hương trần gian hồn thi sĩ ước mơ
Ôi tội lắm lưỡi dao người xin trở
Cho ta nhìn những nụ cười mới xanh tơ
Cho ta thương vũ trụ ta tôn thờ
Ta sẽ đến hai chân quỳ nâng đỡ
Mẹ đời ơi hồn xác đã bơ phờ
Ta sẽ đến dâng trọn mình tôi tớ
Đẩy xe đời qua hết nẻo hoang sơ
Ta xót xa nhìn thế kỉ mong chờ
Đợi nhân loại trong mùa xuân sắp nở
Nguồn: Giữa lòng cuộc đời
Tạp chí Văn nghệ xuất bản, Sài Gòn, 1962
Thược dược
Ðứng im ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.
Nguồn: Giữa lòng cuộc đời
Tạp chí Văn nghệ xuất bản, Sài Gòn, 1962
Trăng thiếu phụ
Ðã mấy đêm trường tôi không ngủ
Nằm thao thức nhớ mảnh trăng thu
Ðã biết bao lần tôi tự nhủ
Rằng cho tôi chết giữa âm u
Cớ sao trăng sáng ngoài kia nhỉ
Làm động tình tôi giữa buổi đêm
Tôi nhắm mắt nằm không dám nghĩ
Sợ nhìn trăng lạnh rớt bên thềm.
Tôi muốn phòng tôi luôn mãi tối
Xin trăng đừng chiếu lướt qua song
Tôi muốn hồn tôi chìm lạc lối
Cho tàn chết hết cả hoài mong
Cơ khổ cho tôi còn nuối mộng
Làm đau chăn gối giữa đêm thu
Chỉ tội hồn tôi thêm náo động
Mà thương mà sợ mảnh trăng lu
Tôi sợ ngày mai trời sẽ sáng
Trăng thu mơ mộng sẽ không còn
Tôi gặp mặt người người đã bán
Cả mùa xuân đẹp thuở sắc son
Chao ơi trăng hỡi trăng thu đẹp
Trăng của lòng tôi hay của ai
Tôi mở hồn thơ – thôi khó khép
Gửi cả lên trăng tiếng thở dài
Và cho tôi ngủ cho tôi ngủ
Thao thức làm chi mãi thế này?
Trăng tội tình chi mà ấp ủ
Mảnh lòng thi sĩ quá thơ ngây
Bởi đâu lệ nhỏ lăn trên gối
Tôi thấy cô đơn lạnh lắm rồi
Tôi biết đời tôi e hấp hối
Mà trăng thì sáng tận trên đồi
Không người thiếu phụ đứng bên tôi.
Nguồn: Giữa lòng cuộc đời
Tạp chí Văn nghệ xuất bản, Sài Gòn, 1962
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.