Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Trần Văn Thủy











Trần Văn Thủy

(1940 - .........) Nam Định
Nhà Đạo diễn Điện ảnh
Nghệ Sĩ Nhân Dân











Rất vui, hạnh phúc khi được gặp Phan Nguyên!
Mong rằng cái câu "Cái bắt tay thân ái nào cũng có thể là cái bắt tay sau cùng" của lão Trịnh Công Sơn sẽ trở thành phi lý.
Thân ái!

Hà Nội, mùa đông, 2013









"Một dân tộc thiệt thòi đủ đường, khó khăn đủ đường, chung sức chung lòng, hết tình hết nghĩa với nhau còn chẳng ăn ai huống hồ chỉ ham "oánh nhau" thì làm sao mà khá lên được ...
........
Rõ ràng là bên cạnh những cốt cách tốt đẹp, thì người Việt Nam ta, đâu đó vẫn tiềm ẩn không ít những thói hư tật xấu rất tệ và rất hại..."

TVT




















Tác phẩm mới nhất












NHỮNG GÌ THẤY ĐƯỢC ‘TRONG ĐỐNG TRO TÀN’ CỦA TRẦN VĂN THỦY


Theo sự hiểu biết của tôi thì nhà văn, nhà đạo diễn điện ảnh Trần Văn Thủy là người đầu tiên sống trong xã hội Việt Nam đương thời đã đặt vấn đề Tử Tế bằng tác phẩm của mình. Cuốn phim tài liệu Chuyện Tử Tế của ông thực hiện năm 1985, được công bố ít năm sau đó, đã gây một chấn động trong lương tâm của con người, không những của người Việt Nam mà còn nhiều nơi trên thế giới.
Có chuyện gì vậy? Chuyện tử tế? Thì có gì lạ? Chẳng phải là từ khai thiên lập địa con người vẫn sống giữa cuộc tranh đấu giữa cái Thiện với cái Ác đó sao, một cuộc tranh đấu bất tận như tên của một cuốn phim Mỹ: From Here To Eternity -Từ đây cho đến mãi mãi về sau, được người Pháp chuyển dịch thành Tant qu’il y aura des hommes – Cho đến khi nào còn con người. Hai cái tên tiếng Anh và tiếng Pháp của cuốn phim nổi tiếng ấy đều cho thấy cuộc xung đột giữa cái tốt và cái xấu nó sẽ còn mãi mãi trong xã hội loài người, khiến người ta phải nghĩ một cách sâu xa hơn, là bản chất và mục tiêu đời sống của chúng ta chính là cố gắng đẩy lùi cái xấu để cái tốt được lên ngôi.heo sự hiểu biết của tôi thì nhà văn, nhà đạo diễn điện ảnh Trần Văn Thủy là người đầu tiên sống trong xã hội Việt Nam đương thời đã đặt vấn đề Tử Tế bằng tác phẩm của mình. Cuốn phim tài liệu Chuyện Tử Tế của ông thực hiện năm 1985, được công bố ít năm sau đó, đã gây một chấn động trong lương tâm của con người, không những của người Việt Nam mà còn nhiều nơi trên thế giới.
Nhưng nghĩ cũng lạ, cái trật tự tinh thần để phân biệt tốt xấu thì đã được con người xác định từ rất xa xưa, có lẽ ngay từ bản năng của sự sống: mạng sống là tốt, giết hại là xấu; thương yêu là tốt, thù hận là xấu; tự do thoải mái là tốt, gông cùm kiềm hãm là xấu; sáng kiến phát triển là tốt, hủ lậu trì trệ là xấu; no cơm ấm áo là tốt, đói rét là xấu… Những cặp tốt xấu như thế có thể kể ra vô tận, cho thấy thân phận của con người thật ra rất chênh vênh, nhưng kinh nghiệm sống và sự thăng hoa tinh thần của con người trong quá trình “thành người” của mình đã khẳng định phía nào nên theo, cái gì nên loại bỏ. Ý thức đó tạo nên ĐẠO LÝ chung cho cuộc sống của con người đông tây kim cổ.
Chuyện con người sống tử tế với con người và vạn vật chẳng qua cũng chỉ nằm trong Đạo Lý ấy mà thôi, nhưng sở dĩ có người như Trần Văn Thủy phải làm phim để đặt ra như một vấn nạn trước lương tâm con người, là vì cuộc sống trong cơ chế đang ngự trị trên đất nước Việt Nam xem ra thiếu vắng sự Tốt lành mà ngược lại, nghiêng về phía cái Ác. Đây không phải là chuyện tốt xấu trong một xã hội bình thường, mà là kết quả của một chế độ khác thường. Vì thế nguy cơ của cái Ác trở thành một khuynh hướng đè bẹp cái Thiện ngày càng rõ rệt, và đã trở thành một nguy cơ cho đất nước và dân tộc Việt Nam.
Phim Chuyện Tử Tế ra đời năm 1985, tính năm nay 2016 đã là 31 năm, vậy hành trình của nó và của tác giả làm nên nó, hiện đã tới đâu rồi? Câu chuyện nó vượt biên một cách bí mật để đến được Liên Hoan Phim Leipzig Đông Đức cuối năm 1988 có thể dựng thành một cuốn phim trinh thám nghẹt thở. Và sau khi nó chiếu và được nhiệt liệt hoan nghênh tại liên hoan này thì tới phiên tác giả của nó lập tức “vượt biên” sang Pháp ngay trong đêm đó, cũng nghẹt thở không kém. Khi đã đến Pháp, tác giả của nó mới biết Chuyện Tử Tế đã được giải thưởng Bồ Câu Bạc ở liên hoan phim Leipzig. Rồi nó được chiếu trong rạp hát và đài truyền hình Pháp. Rồi nhiều nước khác đã mua phim Chuyện Tử Tế…
Đạo diễn Trần Văn Thủy vào thời điểm tham dự liên hoan phim Chuyện Tử Tế đã đứng trước một đường ranh giới rất mong manh, hoặc nó đoạt được giải thì ông là người có công, được quay về Việt Nam an toàn, hoặc nó không gặt hái được gì cả thì ông bắt buộc phải chọn con đường lưu vong tại Tây Âu.
Nhưng sự tử tế đã mỉm cười với ông, và hôm nay đạo diễn Trần Văn Thủy, ở tuổi 76, đã đúc kết mọi chuyện với cuốn sách Chuyện Nghề Của Thủy và cuốn Trong Đống Tro Tàn mà độc giả đang cầm trên tay. Hình ảnh “đống tro tàn” mà tác giả gợi ra nó như thế nào là tùy cách nhìn của người đọc, nhưng với tác giả, thì tôi đoán cái tên đó phần nào cũng là tổng kết cái hành trình mà ông đã đi suốt nửa thế kỷ qua, tròn 50 năm (1966-2016). Chưa hẳn nó có ý nghĩa tiêu cực như khi chúng ta đứng trước một căn nhà đã bị thiêu rụi, mọi thứ đã thành tro, mà chỉ là tổng kết thời gian gần cả đời người với nhiều nỗi truân chuyên gay cấn liên tục với một chủ đề gần như duy nhất: sự tử tế. Đống tro tàn chỉ là một cách nói, có thể là một ám chỉ rằng trong cái đám ngổn ngang đó vẫn còn sót lại một vài tàn lửa sẽ làm bùng lên ngọn lửa của cái Thiện.
Nhưng có một điều chắc chắn, trong đống mà tác giả gọi là tro tàn này chứa đựng một tấm lòng hừng hực nóng, qua các câu chuyện đời của tác giả. Có nhiều chuyện được kể lại, xem qua thì là những chuyện vui buồn, những kỷ niệm trong đời, nhưng tất cả hầu như chỉ một chủ đề, đó là sự thăng hoa tốt đẹp của bản chất con người, mà các tôn giáo lớn từ hàng ngàn năm trước đã nhìn ra và dẫn dắt nhân loại.
Đây có thể là tác phẩm văn học cuối cùng của ông, vì có cả lời trăng trối căn dặn mọi chuyện sau khi ông qua đời. Trong Mấy Lời Gửi Lại, xem như là Di Chúc của ông, sau những dặn dò cụ thể liên quan đến tang lễ và việc gia đình, gia tộc, ở phần cuối ông viết:
“Hình như trên đời này chẳng có mấy ai khi nhắm mắt xuôi tay lại không nuối tiếc việc nọ, việc kia. Phần tôi, tự xét mình là thường dân nhưng đã cố gắng trong mọi hoàn cảnh, mọi bổn phận. Sức của tôi có hạn, tôi chỉ thương xót cho bọn trẻ, con cháu tôi và con cháu chúng ta. Chúng thừa hưởng một gia tài quá bề bộn của tiền nhân để lại. Không dễ gì để chúng có được một cuộc sống hạnh phúc đúng nghĩa mà thế hệ chúng ta hằng mơ ước cho chúng.
Dẫu sao, tôi xin chân thành cầu chúc cho mọi người được sống trong niềm vui, trong an bình và sự thanh thản của một xã hội lương thiện, tử tế hơn”.
Điều ông nuối tiếc là ở chỗ lớp con cháu sẽ không được sống hạnh phúc đúng nghĩa mà thế hệ ông hằng mong ước, nghĩa là sống trong một “xã hội lương thiện, tử tế hơn”. Một chữ “hơn” đầy ý nghĩa, nói lên thực tại đáng buồn của xã hội Việt Nam trong hiện tại.
Chương 2, Cha Tôi, là một bài viết mà tôi cho quan trọng nhất trong tập sách này. Kể lại cuộc đời cha mình, ông đã ghi rõ “tưởng nhớ về Thầy – người Cha đẻ và là người Cha tinh thần của con” cho thấy cái nhìn đầy yêu mến và khâm phục của ông về thân phụ của mình, mà theo tôi, ông coi là một mẫu mực, một tấm gương cho suốt cuộc đời của ông.
Có một câu nói của thân phụ ông mà suốt đời ông không quên, đó là câu thân phụ ông thốt ra một cách bình tĩnh sau khi chứng kiến cảnh người bạn thân của mình (bác Phó Mâu) đã bị bắn chết trong cuộc đấu tố:
“Sau hôm về chợ Cồn để chôn cất bác Phó Mâu, Thầy tôi lên gác nằm. Một lát sau ông cho gọi tôi và Lai, người em sát tôi lên. Hai chúng tôi ngồi chờ bố bảo gì. Ông vẫn nằm vắt tay lên trán, im lặng. Không hiểu sao những lúc Thầy tôi im lặng như thế tôi rất sợ, tôi lên tiếng rất khẽ:
– Thầy bảo gì chúng con ạ?
Một lát sau ông mới thủng thẳng nói một câu rất ngắn:
– Hỏng – hẳn – rồi – các – con ạ!
Tôi không hiểu. Lúc đó tôi hoàn toàn không hiểu. Tôi hỏi lại:
– Thầy bảo gì cơ ạ?
– Thầy và bác Phó Mâu đã giúp Việt Minh quá nhiều, bây giờ bác chết oan, Thầy không còn tin vào cái gì nữa!
Trong cuộc đời, tôi rất nhớ những điều Thầy tôi đã nói với tôi. Đây không phải là lúc kể ra tất cả, nhưng cái câu đau đớn, bất đắc chí: “Hỏng – hẳn – rồi – các – con ạ”! Thì chắc chắn xuống mồ tôi cũng không thể nào quên được”.
Kể ra một người trong tuổi thiếu niên mà được nhận lãnh một câu nói như thế từ cha của mình trong một hoàn cảnh đặc biệt của đất nước thì cũng khó mà quên được. “Hỏng-hẳn-rồi-các-con-ạ” là một khẳng định khái quát cả một sự sụp đổ toàn diện trong tâm hồn người cha, truyền lại cho các con mình nhận thức về tương lai của cái chế độ mà họ đang sống trong đó với biết bao kỳ vọng chế độ đó sẽ mở ra một thời kỳ tốt đẹp cho đất nước. “Hỏng hẳn rồi” đã ghi một dấu ấn quan trọng nhất trong lòng tác giả khi mới lớn, để suốt đời ông luôn để tâm nhìn thấy nó hỏng ở chỗ nào, và định hướng các hành vi của ông để lên tiếng cảnh báo cho mọi người về cái nguy cơ vô cùng thảm khốc cho cả một dân tộc.
Trong cuốn sách mà có vẻ tác giả cho là cuối cùng này của mình, chúng tôi nghĩ chương Cha Tôi là nơi Trần Văn Thủy khẳng định điều tâm huyết nhất trong đời mình, đó là nét Đạo Lý mà cha ông đã truyền cho ông. Đạo Lý ấy cha ông đã tiếp nhận từ truyền thống của dân tộc Việt Nam, nó cũng không khác với Đạo Lý chung của nhân loại đã có từ ngàn đời.
Trần Văn Thủy thì quan tâm và suy nghĩ rất nhiều về vấn đề nền tảng ấy trong các chương khác trong cuốn sách này. Ông vốn là người làm phim tài liệu, luôn luôn ghi nhận và viết xuống những đề tài mà ông cho là đáng làm phim trong suốt cuộc đời nghề nghiệp của ông, nhưng tiếc thay không mấy dự định của ông đã được thực hiện. Chương “Những kịch bản không thành phim” ông ghi lại nội dung những đứa con điện ảnh không bao giờ được ra đời ấy, với những nhận xét có khi nhiều phẫn nộ.
Ví dụ từ năm 1980 ông đã có một kịch bản về Trịnh Công Sơn:
“Một kịch bản khác tôi tâm đắc vô cùng đó là khi tôi viết về Trịnh Công Sơn năm 1980. Có lẽ khi ấy vừa ở Nga về, vừa làm xong bộ phim “Phản bội” nổi tiếng (1979 – 1980), đang”hăng tiết vịt”, tôi đã viết về Trịnh Công Sơn. Tôi kể những ngày tháng nằm hầm ở chiến trường miền Nam (1966 – 1969), mở trộm đài Sài Gòn, nghe nhạc Trịnh mà nổi da gà. Những Đại bác đêm đêm vọng về thành phố/Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe/Những Người con gái Việt Nam da vàng… Con người miền Nam, hơi thở miền Nam, nhạc Trịnh ám ảnh tôi. Sao lại yêu thương đến thế! Sao lại da diết lay động đến thế! Vấn đề tôi đặt ra trong kịch bản đó không chỉ là những giai điệu, những ca từ hút hồn của nhạc Trịnh mà tôi tự vấn: Mảnh đất nào, văn hóa nào, phẩm hạnh nào đã nuôi dưỡng một tâm hồn trong sáng và chân thiện đến thế, đã sản sinh ra con người chân tình đến thế? Nếu như Karl Marx nói: “Con người là sản phẩm của tổng hòa mọi quan hệ xã hội” thì cái xã hội miền Nam đầy rẫy những “Tội ác và tàn dư của Mỹ Ngụy” ấy tại sao lại sản sinh ra Trịnh Công Sơn? ”
Ba mươi năm sau khi làm phim Chuyện Tử Tế để kêu gọi lòng tử tế trong xã hội mình đang sống, đạo diễn Trần Văn Thủy cay đắng nhận ra mình vẫn sống trong xã hội ấy, nhưng:
“Ngày nay trong một chế độ nhân danh sự ưu việt, người ta lại thấy bao điều xót xa trong quan hệ giữa người với người. Tham nhũng, bè phái, cửa quyền. Đạo đức xuống cấp một cách khủng khiếp.”…
“Ai cũng biết rằng tòa án và pháp luật chỉ làm công việc giải quyết hậu quả của hành động. Còn muốn ngăn chặn cái mầm gây ra tội ác, làm nó triệt tiêu khi còn trong trứng, triệt tiêu ngay trong ý nghĩ của con người, thì không gì bằng tôn giáo” (…) “tôn giáo nói chung, cái đạo chân chính nào cũng khuyên con người nghĩ thiện, làm thiện, tránh xa tội lỗi, xa điều độc ác. Và như vậy nó góp phần tích cực vào việc giữ gìn đạo đức, trật tự an ninh xã hội, làm cho đất nước lành mạnh”.
Mỗi một chương của cuốn sách này là một câu chuyện hay, có thể nói là hấp dẫn, nhưng luôn luôn ẩn nỗi cảm động, thấm thía và rất lôi cuốn người đọc. Tác giả quan sát rất tinh tế về các nhân vật mình quen biết, các sự kiện vui buồn xảy ra với mình, nhưng khi kể ra thì chuyện nào cũng đáng là một bài học cho người đọc, bài học về nhân cách, về thái độ sống ở đời với một chủ đề bất biến là tích cực nhấn mạnh về sự tử tế, lòng nhân ái.
Tác giả có sự quan hệ rất rộng rãi, đề tài viết có thể là về giới làm phim Nhật Bản, hoặc những người Mỹ hoạt động văn hóa và nhân đạo; về việc thực hiện một cuốn phim tài liệu về nhà thờ Phát Diệm với kiến trúc tôn giáo độc đáo; về một người thầy thuốc hiếm có về bệnh phong cùi, Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, mà khi đọc xong câu chuyện của ông, độc giả chỉ có thể thốt lên: đó là một bậc Thánh, hoặc là một Bồ Tát; về nhạc sĩ Phạm Duy là người ông rất hâm mộ từ thời còn rất trẻ…
Với con mắt quan sát tinh nhạy của một đạo diễn phim tài liệu cộng với một tấm lòng đề cao cái Thiện và chống lại cái Ác, và cộng thêm nữa sự sắc sảo tinh quái của một người sống trong sự kềm cặp mà lúc nào cũng khao khát xé rào để rao giảng những điều chẳng phù hợp chút nào với đường lối của xã hội đương thời, Trần Văn Thủy rất xứng đáng với câu nhận xét sau đây của Larry Berman, một nhà văn Mỹ:
“… on a war that ravaged so many, yet left us with survivors like Tran Van Thuy, war photographer, filmmaker and ultimately philosopher.”
“… về một cuộc chiến đã hủy hoại biết bao sinh mạng, nhưng đã để lại cho chúng ta những người sống sót như Trần Văn Thủy, một nhà quay phim thời chiến, một đạo diễn điện ảnh, và cuối cùng là một triết gia.” – [Trích từ lời Tựa trong bản dịch sang Anh ngữ cuốn tự truyện Trong Mắt Ai (In Whose Eyes) của Trần Văn Thủy]
Nhìn cuộc sống ở một xã hội mà ông phải sống và rút ra từ đấy những nhận xét, những phán đoán, thẩm định nhằm phá vỡ hàng rào dây thép gai ý thức hệ quái đản trong thời đại của chúng ta, thì ngoài vai trò nghề nghiệp, đúng Trần Văn Thủy còn là một triết gia, một triết gia dấn thân với những tác phẩm văn học nghệ thuật rất can đảm và hết sức sâu sắc của ông.
Chẳng hạn, nếu chúng ta được xem phim Chuyện Tử Tế, hoặc ít ra được xem kịch bản của phim do chính đạo diễn viết, chúng ta sẽ thấy lời bình trong phim quan hệ tới mức độ nào. Không có lời bình thì chỉ là một phim câm, cái đó đã hẳn, nhưng điều quan trọng, đó là lời bình do Trần Văn Thủy viết. Lời ấy là linh hồn của phim. Đó là những lời gãy gọn dễ hiểu nhưng mang khả năng khái quát rất cao – xem/nghe tới đâu thấm thía tới đó, và đặc biệt là nó có khả năng dẫn dắt người xem hiểu ra ngoài, vượt lên trên những gì đang xem. Như thế, lời bình đã chứa đựng triết lý của sự việc, sự vật, nâng chúng lên một tầng phổ quát.
Rất nhanh, thế giới đã bắt được các tín hiệu nhân bản mà Trần Văn Thủy đã gửi gắm trong phim Chuyện Tử Tế. Vào cuối những năm 80 có tới hơn 10 đài Truyền hình lớn trên thế giới mua bản quyền Chuyện Tử Tế, và đạo diễn Mỹ John Gianvito đã đề cử Chuyện Tử Tế là một trong mười bộ phim Tài liệu hay nhất thế giới của mọi thời đại. Những chuyện như thế chưa từng xảy ra với Điện ảnh Việt Nam.
Cách đây hơn mười năm Trần Văn Thủy đã xuất bản cuốn sách có nhan đề Nếu Đi Hết Biển, nêu lên một thắc mắc vừa cụ thể vừa siêu hình: nếu đi hết biển thì sẽ tới đâu? Thoạt đầu với khái niệm trái đất tròn, tác giả cho rằng “nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình”. Nhưng nhiều năm sau, khi tác giả đã đi đến đất Mỹ thì mới thấy rằng người Việt xa xứ “qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi” mà cuối cùng không thể “trở về quê mình, làng mình” được.
Cuốn sách mới nhất Trong Đống Tro Tàn này cho chúng ta cảm tưởng tác giả không còn điều thắc mắc ấy nữa. Con đường địa lý của quả địa cầu dù trên mặt đất hay mặt biển thì rất rõ ràng, đi mãi thì có thể trở về nơi mình xuất phát. Nhưng con đường của lòng người, với bao nhiêu thứ hệ lụy của cuộc sống thì không thể vạch một lộ trình đơn giản nào. Tâm trạng và mục tiêu của người Việt Nam khi dong thuyền ra khơi để làm một chuyến vượt biên không lãng mạn tự hỏi đi hết biển thì sẽ đến đâu, mà là nhắm tới một bến bờ cụ thể nào đó mình có thể sống được một đời sống tự do, xứng đáng là của một con người. Nhưng một khi cuộc sống đã ổn định trên miền đất mới, thì chắc chắn con đường quay về quê cũ trong lòng họ vẫn còn, dưới rất nhiều dạng: chính trị, kinh tế, tình cảm… hoặc lắm khi chỉ là một giấc mơ về một đất nước tốt đẹp hơn, đáng sống hơn.
Nhưng đâu phải chỉ có con đường cụ thể với hai hướng đi và về nó ràng buộc chúng ta. Trong lòng bất cứ ai cũng có thể mở ra vô số con đường sẽ dẫn đến vô số nơi mà chính trong tác phẩm Trong Đống Tro Tàn tác giả luôn luôn đề cập tới: con đường của lòng tử tế, của sự nhân ái. Con đường tình người rộng rãi thênh thang…
Nhạc sĩ Phạm Duy khi viết câu kết cho trường ca Con Đường Cái Quan của ông, đã mô tả cảm nhận của người Việt Nam khi đã hoàn tất cuộc Nam Tiến của mình tại Mũi Cà Mau:
Đường đi đã tới! Lòng dân đã nối!
Người tạm dừng bước chân vui! Người ơi!
Người mơ ước tới: đường tan ranh giới
Để người được mãi
Đi trong một duyên tình dài.
Con đường thế giới xa xôi,
Trong lòng dân chúng nơi nơi.
Phải chăng khi viết những câu này vào năm 1960, Phạm Duy đã có tiên cảm về “con đường thế giới xa xôi” mà người Việt Nam sẽ dấn bước vào, và sau này đã gây thắc mắc về một bờ bến nơi Trần Văn Thủy? Nhưng Phạm Duy cũng thấy ra niềm vui trong “một duyên tình dài”, phải chăng đó là tình của nhân loại, của sự Tử Tế, của lòng Nhân Ái mà Trần Văn Thủy thao thức và vận động suốt đời ông để mong cho nó thắng cái xấu và cái ác?
Nam California ngày 01 tháng Mười Một, 2016.

Phạm Phú Minh









Chuyện Nghề Của Thủy


Đạo diễn Trần Văn Thủy: 
'Không hối tiếc khi nói lên sự thật'


Sự thật đó là cảnh ngộ, thân phận con người trong hơn 20 bộ phim tài liệu của ông. Sự thật đó cũng là những lận đận, khó dễ của hành trình đưa các bộ phim tới công chúng, được kể lại trong 'Chuyện nghề của Thủy'.


Tối 18/6, tại Nhà sách Phương Nam, Hà Nội, hai tác giả Trần Văn Thủy và Lê Thanh Dũng ra mắt cuốn sách đang gây xôn xao: “Chuyện nghề của Thủy”. Đây là chặng cuối cùng trong hành trình giới thiệu xuyên Việt, qua năm tỉnh thành (TP HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội) của cuốn sách. Như một cái kết trọn vẹn, buổi ra mắt ở Hà Nội giống một cuộc sum họp, đoàn viên của hai tác giả với những người bạn, để họ “gặp mặt, nắm tay nhau, cười vui, ôn chuyện” - như lời tác giả mào đầu sự kiện - hơn là nói về cuốn sách.

Trước đó, tại buổi ra mắt ở Đà Nẵng, Huế, theo đạo diễn Trần Văn Thủy, cả ông và thính giả có mặt đều không cầm được nước mắt, khi những người thật việc thật được nhắc tới trong cuốn sách, trong đó có nhà văn Nguyên Ngọc, xuất hiện. Họ cùng đọc những lá thư cũ, nói những câu chuyện cũ, những cay đắng, vất vả trong hành trình làm nghề của vị đạo diễn hơn 70 tuổi và mừng tủi khóc. Trong buổi ra mắt sách ở Hà Nội, không có nước mắt, ngoài khoảnh khắc xúc động của đạo diễn Trần Văn Thủy khi hồi cố, nhắc tới những ân nhân trong “nghề của Thủy” giờ đã thành thiên cổ. Suốt buổi ra mắt là sự hoan hỷ của người trong cuộc, của người nghe, là những chia sẻ thật lòng, sự đồng cảm, và tiếng cười đến từ cách nói chuyện chân thành có phần tếu táo của vị đạo diễn. Trần Văn Thủy tỏ ra vui khi hành trình ra mắt sách xuyên Việt cuối cùng đã suôn sẻ hơn mong đợi, nhiều bất ngờ, kỷ niệm, mà ông đùa: “Có khi lại phải viết thêm một cuốn sách về chuyến ra mắt này”.


Hai tác giả "Chuyện nghề của Thủy" - Lê Thanh Dũng (trái) và Trần Văn Thủy.



“Chuyện nghề của Thủy”, đúng như cái tên, kể lại cuộc đời làm phim của đạo diễn phim tài liệu số một Việt Nam Trần Văn Thủy, do ông và người bạn thân - Tiến sĩ Khoa học Lê Thanh Dũng nhớ và viết lại. Cuốn sách khởi nguồn từ việc hai nhà nghiên cứu người Mỹ sang Việt Nam thực hiện công trình về đạo diễn Trần Văn Thủy và bộ phim "Chuyện tử tế”, phỏng vấn ông. Người bạn Lê Thanh Dũng khi đó nói với Trần Văn Thủy, tại sao không kể cho chính người Việt mình nghe những câu chuyện này? Và thế là dự án viết một cuốn sách kể lại hành trình làm nghề của Trần Văn Thủy bắt đầu. Đạo diễn cho biết, ông vốn không mấy hào hứng, khi phải lục lọi trí nhớ về những năm tháng khó khăn, nhọc nhằn, lận đận, nhưng chính người bạn Lê Thanh Dũng đã động viên ông và hạ quyết tâm làm. Một người kể, một người chấp bút tái dựng “chuyện nghề của Thủy”.

Cho rằng, mọi điều cần nói đã nói hết trong tác phẩm, buổi ra mắt “Chuyện nghề của Thủy” không nhắc nhiều đến nội dung cuốn sách mà chủ yếu để những người bạn ôn chuyện, chúc mừng nhau. Cuộc trò chuyện với đạo diễn Trần Văn Thủy vì thế đến bên lề sự kiện, khi mọi sự đã xong xuôi. “Tôi thấy bằng lòng. Không dám dùng từ mãn nguyện. Dở hay hay, không biết, nhưng tôi đã nói ra sự thật. Thực ra vẫn còn nhiều chuyện nhưng trong quá trình viết sách, chúng tôi cũng tự lược bỏ đi, bởi mình chọn nói những điều lớn, những điều thuyết phục thì có ích hơn”. Theo Trần Văn Thủy, những gì ông lược bỏ “cũng phải mấy trăm trang nữa”.

Trước sau, trong câu chuyện của Trần Văn Thủy vẫn là hai từ “Sự thật” và “Con người”

Đạo diễn Trần Văn Thủy chia sẻ: “Đối với khoa học xã hội, có lẽ ngoài tri thức ra thì nhân cách và bản lĩnh phải đặt lên hàng đầu, nó thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội. Nếu không lăn xả vào nghề, không chịu trách nhiệm, không có chính kiến về tác phẩm của mình thì rất khó đóng góp một cách tích cực cho sự hoàn thiện, phát triển của xã hội. Chuyện nói thật rất cần thiết, tôi từng nói nhiều lần, một dân tộc toàn những người nói dối là dân tộc chết. Thượng đế cho người ta cái mồm, phải nói những điều mình nghĩ".

Đạo diễn Trần Văn Thủy chia sẻ, nói sự thật là điều quan trọng, nếu một xã hội không được nói thật, đó là xã hội bế tắc, ắt dẫn đến tai họa, nhưng nói bằng cách nào còn quan trọng hơn. “Nếu cứ cậy bản lĩnh và trách nhiệm mà không tìm một cách nói để người nghe có thể nghe được, để những người dù mang tư tưởng nào cũng cảm thấy có lý, thì không nên... Nếu có trách nhiệm, suy nghĩ về niềm vui nỗi buồn của đất nước thì phải tìm cách nói thích hợp, không nên nói để hả lòng mình”, đạo diễn chia sẻ.

Trần Văn Thủy nhắc lại những câu cuối cùng trong cuốn sách của ông và Lê Thanh Dũng: Mỗi người có thể có những cách nhìn khác nhau về những gì đã qua (…) Những điều bộc bạch trong cuốn sách này cũng là một cách nhìn. Một cách nhìn thẳng thắn, thiện tâm và thành thật.

Các bộ phim của Trần Văn Thủy đa phần đều hướng tới con người, không phải ngợi ca, tâng bốc, mà xoáy sâu vào tâm tư, số phận cá nhân của họ. Ông nói: “Những bộ phim đầu tiên tôi làm, rất bản năng, nhưng tình cờ đều xoay quanh thân phận con người. Nếu trong một xã hội mà con người luôn là mục đích tối thượng thì mọi hành xử chúng ta sẽ khác, nhưng khi con người chỉ là phương tiện thì... tội quá”.

Với mấy chục năm làm nghề, Trần Văn Thủy tóm lại những nguyên tắc mà ông thừa nhận là quan niệm cực đoan của chính ông: “Bất kỳ một sản phẩm văn hóa nào không có tư tưởng thì không nên gọi là tác phẩm. Còn một tác phẩm rời xa thân phận con người không bao giờ có thể thành kiệt tác”. Cuộc đời gian nan, chìm nổi, cập bến vinh quang, và đến giờ, bước qua tuổi thấp thập, đạo diễn không hối tiếc điều gì. “Tôi thấy mình may mắn. Rất nhiều đồng nghiệp giỏi hơn tôi, đã dấn thân, hy sinh, mất sớm trong chiến tranh hay vì bệnh tật. Nhìn lại tôi thấy, những bạn bè đồng niên của mình chẳng còn mấy người, trong khi mình vẫn còn làm việc, đi đây đi đó, đóng góp cho xã hội thì đó là một hạnh phúc lớn”.


Những "sự thật" trong “Chuyện nghề của Thủy”


Không ít người lo ngại, cuốn sách "nói sự thật" của Trần Văn Thủy và Lê Thanh Dũng sẽ khó khăn mới đến được tay độc giả, như số phận những cuốn phim của ông. Nhưng không, tác phẩm đã có hành trình xuyên Việt trọn vẹn. Trần Văn Thủy cũng hài lòng vì ông đã không nói dối một điều gì trong cuốn sách của mình. Vậy, sự thật ở đây là gì?

Từ chuyện một anh cán bộ văn hóa công tác ở Tây Bắc cuốc bộ về Hà Nội xin dự thi lớp quay phim, dù hết hạn thi nhưng được đặc cách vì “từ miền núi xuống”, tới những năm tháng làm phóng viên chiến trường đói khổ, bệnh tật, chui hầm, ngụp lặn dưới nước giấu phim, trốn đám lính Mỹ đang lùng sục khắp nơi, những ngày tháng sốt rét tưởng nằm chờ chết giữa đường. Đạo diễn không ngại thú nhận, trong chiến trường, khi mà nhiều người khác không ngại xông pha, sẵn sàng hy sinh thì người quay phim như ông phải có trách nhiệm sống, tìm cách sống để có được những thước phim, và nếu chẳng may có chết, thì vẫn phải bảo toàn “tính mạng” những cuốn phim đã quay. Trong cuốn sách có đoạn kể, Trần Văn Thủy nằm giữa đường chờ chết, ôm khư khư hộp phim trên bụng với dòng chữ ghi cẩn thận, tất cả là phim quay ở chiến trường, chưa tráng, ai nhặt được xin bảo quản hết sức và gửi giùm về cơ quan có trách nhiệm của ngành Điện ảnh, không được phép mở.

Tác giả cũng kể lại câu chuyện thật mà như phim, khi anh phóng viên Trần Văn Thủy đói quá đã phải ăn cắp con cua đá của đứa trẻ tên Vinh nướng lên ăn, để sáng mai khi đứa trẻ khóc đòi con cua thì cảm thấy nhục nhã quá. Cuốn sách kể những ngày tháng đói không có cái ăn nhưng không dám ăn một hạt gạo rang được dùng để chống ẩm cho phim. Cuốn sách cũng kể những lúc Trần Văn Thủy đứng ngập mình dưới sông quay cảnh chiếc cầu bị bom dội bốc cháy, khi nước duềnh lên lại phải rướn người, giơ máy lên trời.


Đạo diễn Trần Văn Thủy ký tặng sách độc giả.


Cuộc sống chiến trường khó khăn, ác liệt chưa phải là tột cùng gian khổ. Sau lần suýt chết, anh quay phim Trần Văn Thủy không đủ sức tiếp tục bám chiến trường nên trở về Hà Nội. Về đến nơi, nhập viện vì kiệt sức với thân hình 42 kg, Trần Văn Thủy nằm trên giường bệnh rụng rời khi hay tin toàn bộ phim đã quay ở chiến trường, dù còn nguyên vẹn, không ẩm mốc, nhưng không tráng được. Đồn thổi, lời ra tiếng vào, gã Thủy thì quay cái gì, quay vớ vẩn cho hết phim để thoát khỏi chiến trường thôi. Án B-quay treo trước mắt. Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của ân nhân Nguyễn Thế Đoàn, Trần Văn Thủy tránh được vòng lao lý. Thế nhưng những thước phim chỉ được in ra bản đen trắng, lại có những đoạn chớp chớp vì tráng lỗi, chứ không phải phim màu. “Đâu rồi những cảnh chân trời bầm tím sau những hàng rào thép gai của đồn bốt, đâu rồi những cảnh cây lê ki ma bị cháy nửa vàng nửa xanh, đâu rồi những hàng dương xanh mướt, những con sóng bạc đầu…”, Trần Văn Thủy đau xót từng khúc ruột. Thế rồi, ông vẫn dựng, dựng cả những cảnh chớp nháy do tráng hỏng vào đoạn chiến trường ác liệt. Đó là cuốn “Những người dân quê tôi” - tác phẩm quay ở chiến trường - sau đó dự thi tại Liên hoan phim Leipzig năm 1970 và đoạt giải Bồ Câu Bạc.

Cuốn sách cũng dành phần lớn để nói chuyện những tác phẩm phim tài liệu của ông sau này, nổi bật là “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế”, với số phận long đong khi ra mắt. “Hà Nội trong mắt ai”, thực hiện năm 1982, là cuốn sách "kê đơn bốc thuốc" những căn bệnh của xã hội đương thời, bày tỏ những lời gan ruột về con người, trích các tuồng lịch sử khiến con người ta phải giật mình ngẫm ngợi chuyện thế sự hiện tại. Tác phẩm điêu đứng, bị cấm chiếu lên cấm chiếu xuống, trong khi tác giả của nó bị gắn cho những cái danh “phản bội”, “có thế lực thù địch đứng sau”. Trần Văn Thủy không giấu sự biết ơn những con người mà nhờ có họ, phim của ông mới sống được. Sách trích lời thủ tướng Phạm Văn Đồng sau khi xem phim: “Đừng bắt anh em nghệ sĩ phải chui qua một lỗ kim, theo một khuôn mẫu có sẵn” hay “Tôi lạy các anh, tôi xin các anh, khi duyệt phim thì cố gắng rộng lượng như tôi”. Trần Văn Thủy cũng ám ảnh câu nói của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thốt lên về "Hà Nội trong mắt ai": “Bộ phim này chỉ có thế thôi à các anh?” – “Vâng, bộ phim nó chỉ có thế thôi ạ”. – “Nếu chỉ có thế này thôi thì tại sao lại cấm? Hay vì trình độ có hạn mà tôi không hiểu được?”.

“Chuyện tử tế”, được xem là phần hai của “Hà Nội trong mắt ai”, cũng không thoát khỏi số phận lao đao. Bộ phim xoay quanh việc đi tìm khái niệm thế nào là sự tử tế, bằng cách đi vào tâm tư, thân phận của từng con người trong xã hội khi đó, để nói rằng: “Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, mà chăm lo riêng cho bộ da của mình” như lời Karl Mark, hay “Ở trên đời này, không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì và cũng không có một con người nào trở nên tử tế nếu không bắt đầu từ tình yêu thương con người, sự trân trọng con người và đi từ nỗi đau của con người” (lời bình trong phim). Chuyện kể về người bạn Đồng Xuân Thuyết của đạo diễn trong những ngày tháng cuối đời khi lâm bệnh ung thư, một người bình thường nhưng sống có tình nghĩa, chân thành khiến bạn bè thương, tin - một đại diện của lòng tử tế. Chuyện về những người mắc phong bị rẻ rúng, miệt thị, những ông bơm xe là thượng tá, trung tá đã tham gia chiến tranh và có công lao, những người làm gạch ở thôn quê… và mọi số phận trong xã hội. Sau mọi gian nan, trắc trở, “Hà Nội trong mắt ai” sau này đoạt Giải vàng Liên hoan phim Việt Nam 1988. “Chuyện tử tế” thực hiện năm 1985 cũng giành giải Bồ Câu Bạc Liên hoan phim Quốc tế Leipzig.


Nhiều người bạn vong niên tới dự lễ ra mắt sách của Trần Văn Thủy và Lê Thanh Dũng.


Cũng có ý kiến cho rằng, dường như "Chuyện nghề của Thủy" dành nhiều trang giải trình những khó khăn, lận đận trong nghề, nhất là số phận những bộ phim của ông, hơn là mang đến cho thế hệ sau - những người kỳ vọng ở đạo diễn phim tài liệu hàng đầu Việt Nam một chỉ dẫn về nghề, Trần Văn Thủy cho rằng, nếu là kiến thức làm phim, ông sẽ truyền dạy trong những bài giảng. "Còn viết sách thì nên viết về những khó dễ trong nghề, điều mà chắc chắn người ta sẽ trông đợi để được đọc hơn".

Nhà văn Võ Thị Hảo có mặt tại buổi ra mắt sách của Trần Văn Thủy và Lê Thanh Dũng, chia sẻ niềm vui khi chứng kiến sự quan tâm của độc giả. "Chuyện nghề của Thủy" kể lại hành trình làm phim cũng như cuộc đời Trần Văn Thủy, được tác giả Lê Thanh Dũng viết lại bằng giọng văn chân thực, giản dị. Tác phẩm có sức hút lớn, chứng tỏ độc giả vẫn khao khát sự thật, và rõ ràng, sự tử tế vẫn đánh thức được lương tri. Tôi nghĩ những người làm nghề, làm phim, nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo… có thể nhìn vào để thấy, tại sao người ta thờ ơ với tác phẩm của mình, trong khi có những tác phẩm lại được quan tâm như vậy. Như đạo diễn Trần Văn Thủy nói, phải đánh vào sợi dây lương tâm của con người, cái gì làm cho người ta đau đớn, khát khao, phải đồng hành với sự thật và công chúng. Cảm ơn Trần Văn Thủy, khi anh đã không chọn con đường bằng phẳng, dễ dàng, con đường nhiều lợi lộc hay làm nô lệ mà đã bằng “sự thật” để đồng hành với nhân dân Việt Nam".

“Cảm ơn Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế… cho đến Chuyện nghề của Thủy hôm nay. Nó khiến nhiều người phải nghĩ về điều tử tế. Điều này vừa vui, vừa buồn. Lẽ ra chuyện về sự tử tế chỉ là chuyện của một thời, khi mà người ta phải kêu lên vì thiếu nó, nhưng đến nay điều đó vẫn còn thời sự, thậm chí thời sự hơn”, Võ Thị Hảo chia sẻ.

Có lẽ, không riêng nhà văn Võ Thị Hảo, hẳn trong số nhiều người tham dự buổi ra mắt sách "Chuyện nghề của Thủy", khi ra về, cũng mang trong mình những thắc thỏm về ba chữ: "Sự tử tế".




Kỳ Thư

Ảnh: Mi Ly







Lê Thanh Dũng & Trần Văn Thủy















Nếu đi hết biển

nxb Thời Văn 2003

Thư của Trần Văn Thủy

http://www.diendan.org/viet-nam/thu-cua-tran-van-thuy














Tác phẩm tiêu biểu






Phim






Những Người Dân Quê Tôi
1970
(đoạt giải Bồ Câu Bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig)








Phản Bội
Phim chiến tranh biên giới Việt - Trung 
1979
(Giải vàng LHP Việt Nam 1980)








Hà Nội Trong Mắt Ai
1988
(Giải vàng LHP Việt Nam)







Chuyện Tử Tế



1985
(Giải Bồ Câu Bạc Liên hoan phim Quốc tế Leipzig)








Tiếng Vĩ Cầm Ở Mỹ Lai

1999
Giải Phim ngắn hay nhất, 
Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43








Chuyện Từ Một Góc Phố
2003









"Những Người Dân Quê Tôi"
Giải thưởng Bồ Câu Bạc Liên hoan Phim Leipzig 1970










Phóng viên chiến trường Trần Văn Thủy
... nhiều lúc thấy lạ, thấy"vô lý" vì sao mình chưa chết!








Tham khảo thêm về Đạo diễn Trần Văn Thủy









Cuốn sách gây chú ý của đạo diễn "Chuyện tử tế"

02/06/2013 




Nếu bạn đọc hỏi cuốn sách viết bằng tiếng Việt nào hiện đang đặc biệt gây chú ý trên thị trường, thì có lẽ đó là "Chuyện nghề của Thủy". Tác phẩm thuật lại gần 40 năm làm nghề đầy sóng gió của một trong vài đạo diễn phim tài liệu xuất sắc nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam.

ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN

"Tiếng vỹ cầm ở Mỹ Lai" (1999) có lẽ là bộ phim tài liệu nổi tiếng nhất của Trần Văn Thủy - vang xa tới tận bên kia bán cầu, gây chấn động và làm thức tỉnh hàng ngàn người Mỹ. Nhưng ông còn có một số bộ phim quan trọng khác mà có lẽ ít người ít biết hơn. 

Vào những năm 1980, nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy đã làm 2 bộ phim tài liệu cực kì thành công là "Hà Nội trong mắt ai" (giải vàng LHP Việt Nam 1988) và "Chuyện tử tế" (giải Bồ Câu Bạc Liên hoan phim Quốc tế Leipzig). 

Như ông thuật lại trong "Chuyện nghề của Thủy", làm 2 bộ phim trên khó hơn "Tiếng vỹ cầm ở Mỹ Lai" nhiều. Vì nó là cái nhìn ngược lại nội tâm, để người Việt soi chiếu chính người Việt, để bản thân mình soi chiếu, cay đắng với chính mình trên chặng đường "muốn làm một người tử tế".


Đạo diễn Trần Văn Thủy





Một cảnh trong phim "Chuyện tử tế"



Chẳng thế mà "Chuyện tử tế" đã được báo chí nước ngoài gọi là “Quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig (Đức)”. Nhiều người coi đây mới là tác phẩm đặc sắc nhất của đạo diễn Trần Văn Thủy. Trong đó có những lời bình cực kì đắt giá. “...Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế người đời chúng ta chừng nào còn sống hãy gắng giúp nhau để cho tâm hồn trở nên bất tử". 
Nhân vật chính trong tác phẩm là người nghèo khổ, người nông dân - những người ít khi được cất lên tiếng nói, được hỏi ý kiến... trong các tác phẩm văn hóa và nghệ thuật.

Trong poster quảng cáo Liên hoan phim Brooklyn (Mỹ, 2002), khi giới thiệu về Trần Văn Thủy người ta viết: "Trần Văn Thủy một nhà làm phim được mô tả như “Francis Ford Copola của Việt nam” (Tran van Thuy a vietmamese filmmaker described as “The Francis Ford Copola of Vietnam). 
Dù Trần Văn Thủy có khiêm tốn cỡ nào, thì việc được so sánh với vị đạo diễn từng 5 lần đoạt giải Oscar, dẫn dắt bộ ba phim Bố già và Apocalypse Now cũng chứng tỏ nhận định của giới làm nghề trên trường quốc tế về vị trí của ông với điện ảnh Việt Nam.

"Năm đó tôi mới 40 tuổi. Tôi được học hành tử tế, được thử thách, đã quay phim và sống sót trong chiến trường miền Nam vô cùng ác liệt; là học trò của Roman Karmen – một đại thụ của phim tài liệu Liên Xô, một con người có những cống hiến to lớn với nhân loại trong thời kỳ chống phát xít và trong phong trào giải phóng dân tộc". - Đạo diễn/ NSND Trần Văn Thủy đã viết những lời đầu trong cuốn sách của đời mình như thế. 



"Chuyện nghề của Thủy" 
Tác giả Lê Thanh Dũng và Trần Văn Thủy


"Chuyện nghề của Thủy" bắt đầu thuật lại những tháng ngày khởi động những thước phim nhựa đầu tiên của cậu sinh viên tập sự, với vị trí là một phóng viên chiến trường ngang dọc dãy Trường Sơn, giữ máy, giữ phim còn hơn giữ sinh mạng của chính mình. "Đến đêm, mình đói quá, háo quá, có gạo rang trong túi phim nhưng có chết đói cũng không dám sờ vào một hạt. Đó là gạo rang để chống ẩm cho phim!"

Trần Văn Thủy đã lành lặn qua bom đạn trở về miền Bắc trong cơn sốt rét. Anh gầy như "con ma đói" đến chị ruột cũng không nhận ra, nhưng toàn bộ số phim đã được bảo quản an toàn dù cũng đã lăn lộn cùng anh dưới nước, trong hầm trú ẩn... 
Bộ phim tài liệu đầu tiên của phóng viên chiến trường Trần Văn Thủy với những thước phim quay ở chiến trường Quảng Đà đã đoạt giải Bồ Câu Bạc - Liên hoan phim Quốc tế Leipzig (Đức), năm 1970.

Trong cuộc đời, Trần Văn Thủy có lẽ đã không làm quá nhiều phim, nhưng lại có rất nhiều phim đoạt giải cao trong nước và quốc tế. Ông làm phim cẩn thận, cầu toàn, theo đuổi vấn đề thời sự, nói những điều chưa ai nói. Có lẽ đó là lý do mà "Phản bội" - bộ phim tài liệu hiếm hoi về chiến tranh biên giới năm 1979 tiếp sau đó giành giải vàng LHP Việt Nam 1980.

Suốt quãng đường làm nghề thời chiến tranh đến hòa bình, ông đã được gặp và nhận được sự ủng hộ của nhiều chính khách quan trọng ở Việt Nam, như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Trung tướng Trần Độ... Ông đã được gặp hàng nghìn người yêu nước và bạn bè quốc tế giúp đỡ hết lòng; cũng như những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua để mang phim của mình cho công chúng.

Một câu chuyện chân thực về chiến tranh của phóng viên chiến trường Việt Nam. Một câu chuyện cảm động về người làm phim ở Việt Nam. Một sản phẩm tốt nữa của Nguyễn Văn Thủy - lần này là sách - dâng tặng cuộc đời.


Một số bức ảnh trong cuốn sách "Chuyện nghề của Thủy"


Phóng viên chiến trường Trần Văn Thủy





Đến đạo diễn đoạt giải tai Liên hoan phim Leipzig





Một cảnh trong phim "Chuyện tử tế"





Mike Boehm - người Mỹ - trong "Tiếng vỹ cầm ở Mỹ Lai"





Đạo diễn và Tướng Giáp



Hồ Hương Giang










Trần Văn Thủy và “Chuyện nghề của Thủy”
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-06-22



Đạo diễn Trần Văn Thủy người nổi tiếng với những bộ phim tài liệu như “Hà Nội trong mắt ai” hay “Chuyện tử tế” vừa hoàn tất cuốn sách mang tên “Chuyện nghề của Thủy” kể lại quảng đường nghể nghiệp vui buồn truân chuyên mà ông đã trải qua. Tác phẩm tuy mới ra mắt nhưng đã chiếm cảm tình của độc giả sau khi đạo diễn có chuyến đi xuyênViệt nhằm giao lưu với người yêu thích ông cũng như tác phẩm của ông. Mặc Lâm được ông cho biết những điều xảy ra phía sau tác phẩm từ khi thai nghén tới khi thành hình. 

Ai cũng có một nghề

Trước tiên Đạo diễn Trần Văn Thủy chia sẻ:

Trần Văn Thủy: Xin chào anh Mặc Lâm. Tôi muốn trả lời anh một cách giản dị như thế này: Trong cuộc sống ai cũng có một cái nghề. Tôi cũng như mọi người cũng có một cái nghề. Nghề của tôi là làm phim tài liệu, như mọi người biết đấy, cũng có chuyện vui, chuyện buồn, chuyện khó, chuyện dễ từ khi niên thiếu, cho đến khi trưởng thành, cho đến khi làm nghề. Bây giờ thì nhiều tuổi rồi,viết hồi ký để lại cho con cháu, cho bạn bè đọc chơi thì cũng hay.

Thế nhưng mà lười, ngại bởi vì chuyện nghề của tôi thì có lúc vất vả, có lúc gian nan cho nên tôi cũng ngại ngùng lắm. Tôi cũng không hào hứng để làm việc đó. Nhưng rồi bạn bè lại thúc giục và tình cờ tháng 11 năm 2011 có hai nhà điện ảnh Mỹ là Michael Ronof, hiệu phó trường Đại học Điện ảnh North Carolina và ông Leninson – một chuyên gia tiến sĩ về điện ảnh, các vị ấy yêu cầu hợp tác với tôi để làm cuộc phỏng vấn dài để thực hiện một chương trình nghiên cứu mang tên “Chuyện tử tế của Trần Văn Thủy, Tâm linh người chính trị”.

Trước đây tôi có sang North Carolina để nói chuyện, chiếu phim cho sinh viên xem vì vậy về mặt xã giao thì tôi cũng đã làm việc với họ trong một thời gian dài. Tổng cộng thời gian làm việc với nhau cũng đáng kể, rồi khi kết thúc công việc thì tôi mang những tài liệu đó dể bạn bè đọc chơi.
Nghề của tôi là làm phim tài liệu, như mọi người biết đấy, cũng có chuyện vui, chuyện buồn, chuyện khó, chuyện dễ từ khi niên thiếu, cho đến khi trưởng thành, cho đến khi làm nghề. 

Một trong những người bạn đọc tài liệu đó là anh Lê Thanh Dũng, tiến sĩ khoa học. Anh rất thích thú với những tài liệu mà tôi đã đưa cho anh đọc. Nhưng anh có một băn khoăn là vì thực ra đây là vấn đề của người Việt Nam mà viết ra cho người Việt đọc với nhau thì có khi nó có ích hơn. Anh cũng bảo rằng dầu sao thì người Mỹ cũng có thiện chí và sự hiểu biết cùng với nền văn hóa của họ thì cũng được. Thế nhưng người Việt Nam nên đọc những thứ này.

Do sự thúc giục của anh Lê Thanh Dũng cùng bạn bè của tôi thì chúng tôi vào việc. Tôi cùng với anh Lê Thanh Dũng thực hiện cuốn sách này trong vòng 10 tháng. Chúng tôi bàn thảo với nhau và chúng tôi viết lại một cách rất trung thực những gì đã xảy ra trong cuộc đời làm nghề của tôi. Nó cũng mất nhiều thì giờ lắm vì phải lục lọi trong trí nhớ, trong quá vãng những chuyện vui buồn, những chuyện trong chiến tranh, chuyện tôi đi học ở Nga, rồi sau đó tôi trở về nước và tôi làm những bộ phim. Đôi khi có những khó khăn, những mắc mớ, những hiểu lầm… Hai anh em ngồi viết với nhau.

Mặc Lâm: Thưa đạo diễn chúng tôi rất ngạc nhiên vì cuốn sách có thể được xem là tự truyện của ông nói về quãng đường sáng tác trong vai trò của một đạo diễn nhưng trên bìa cuốn sách lại xuất hiện một cái tên thứ hai là Lê Thanh Dũng, đặt lên trên cả tên của ông nữa. Chắc là có điều gì thú vị và rất quan trọng mới có chuyện lạ này xảy ra, ông có thể cho thính giả biết thêm chi tiết về đồng tác giả Lê Thanh Dũng hay không?

Trần Văn Thủy: Chúng tôi cộng tác với nhau vì như thế này: Có đoạn tôi kể miệng thôi còn anh Dũng dùng máy ghi âm ghi lại, sau đó thì anh ấy viết lại bằng văn phong, bằng trải nghiệm của anh ấy. Nói chung, khi tôi kiểm tra lại thì những đoạn này cũng rất xúc động và cũng rất là trung thực, nghĩa là đúng với dĩ vãng của cuộc đời tôi. Có lẽ số lượng tôi cũng tự viết cũng rất nhiều bởi vì kể cho bạn mình viết thì cũng hay nhưng mà mình viết bằng ngôn từ của mình thì thích hơn.

Có nhiều đoạn tôi tự viết và anh Lê Thanh Dũng đánh máy giúp tôi. Nói chung những phần anh Dũng viết hay những phần tôi viết thì chúng tôi đều bàn nhau, đều góp ý cho nhau để làm sao nó được trung thực, được đúng. Hai chúng tôi thân nhất là đêm viết hai văn bản cuối cùng và cái tên của nó là “Chuyện nghề của Thủy”. Anh Lê Thanh Dũng đứng tên bên trên và tên tôi bên dưới vì nói cho cùng nếu không có anh Dũng thì việc này không xúc tiến được.Tóm lại là không có anh Lê Thanh Dũng thì không có cuốn sách này.

Mặc Lâm: Theo như chúng tôi biết thì Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế đã từng có thời được xem là nhạy cảm, làm sao cuốn sách thoát lưỡi kéo kiểm duyệt khi xuất hiện lại một cách rất chi tiết trong cuốn sách thưa ông?

Trần Văn Thủy: Điều này cũng sẽ là một điều thú vị bởi vì thực ra anh Lê Thanh Dũng và tôi cũng rất là lo lắng và cũng rất là hồi hộp. Trước tiên là không biết có được ấn hành hay không, có được phép in không. Thế nhưng rất may mắn là những người chịu trách nhiệm và đặc biệt là người biên tập của nhà xuất bản Hội nhà văn là những người rất là nhiệt thành ủng hộ công việc của chúng tôi. Sau khi so đi tính lại thì nói chung đây là cuốn sách hiếm hoi có những vấn đề đụng chạm nhưng đã được in nguyên xi và từ khi viết cho đến khi in thì nó cũng không có thay đổi gì. Nó trung thực như là bản thảo của chúng tôi. Đây là một giai đoạn rất quan trọng khi mà cuốn sách ra đời thì nó phải nộp lưu chiểu, phải được xem xét, cân nhắc để quyết định phát hành. May mắn là nó cũng được phát hành.
Không vì lợi nhuận

Mặc Lâm: Còn nhà phát hành thì sao? Họ có gặp trường hợp hậu kiểm duyệt như những cuốn sách có vấn đề trước đây sau khi thoát kiểm duyệt vẫn bị tịch thu vì nội dung...

Trần Văn Thủy: Tôi muốn nói về nhà sách Phương Nam; Nó nằm trong công ty Phương Nam. Đây là công ty rất lớn làm những việc về văn hóa. Chúng tôi cho rằng kinh doanh về văn hóa ở Việt Nam rất khó khăn bởi vì có những vấn đề nhạy cảm, có những vấn đề đụng chạm đến khái niệm khác nhau, những quan niệm khác nhau, đặc biệt là những vấn đề chính trị. Công ty Phương Nam cũng đã cố gắng phấn đấu trong lĩnh vực này và làm được những việc có ích, nhiều khi không phải về mặt lợi nhuận mà là vì lợi ích của xã hội, của cộng đồng. Đây cũng là một trong những việc mà Phương Nam đã làm. Thật ra cuốn sách này không có lãi bao nhiêu, thậm chí còn phải lỗ nữa.

Mặc Lâm: Vâng thưa đạo diễn, sau khi cuốn sách ra mắt bạn đọc thì chúng tôi biết là ông có một cuộc hành trình từ Nam ra Bắc, tới rất nhiều điểm để gặp độc giả và nghe những phản hồi của họ. Một cách nhìn chung thì họ phản hồi như thế nào về cuốn sách thưa ông?

.-Trần Văn Thủy: Nói cho cùng nếu không có anh Lê Thanh Dũng thì việc này không xúc tiến được.Tóm lại là không có anh Lê Thanh Dũng thì không có cuốn sách này. 
Anh biết đấy, khi cuốn sách ra đời thì được tổ chức xuyên Việt để giao lưu. Tổ chức ở Sài Gòn ngày 8 tháng 6 rất đông ở tầng hai ở tòa nhà trung tâm Sài Gòn. Tôi thấy đấy là cái buổi rất là xúc động bởi vì phần lớn là những người đầu bạc, phần lớn là những người trí thức, những người có vị thế rất cao về văn hóa đến dự. Sau đó đến ngày 11 thì tổ chức ở Nha Trang.

Ở Nha Trang có người của Phương Nam, có anh Lê Thanh Dũng và tôi; Anh em hiệu sách cùng với bạn bè của chúng tôi, những người thân thiết và hiểu nhau và có những kỷ niệm xa xưa với nhau thì cùng phối hợp tổ chức. Ở Nha Trang có gần 30 cơ quan đại diện của báo chí ở trong và ngoài nước đóng ở Nha Trang vì vậy sự kiện ở Nha Trang cũng gây được sự chú ý.

Sau Nha Trang chúng tôi tổ chức ở Đà Nẵng. Đà Nẵng tổ chức rất xúc động vì thời chiến tranh tôi đã quay phim ở Đà Nẵng. Tôi đã làm phim về những nhân vật, những người ở đó nên đã hiểu biết nhau trong cùng một thời gian ác liệt nên đã quần tụ lại cùng với độc giả, cùng với những nhà văn hóa, những nhà nghiên cứu của Đà Nẵng tụ tập lại và cũng làm vui vẻ và sang trọng lắm.

Tiếp theo là Huế, chúng tôi làm vào ngày 16 tháng 6. Không gian ở Huế có thể nói là đặc biệt nhất vì ở Huế mà lại bên cạnh sông Hương nữa nên nó rất sang trọng và đẹp. Một không gian tuyệt vời và mỹ mãn. Sau đó chúng tôi ra Hà Nội. Ở Hà Nội chúng tôi cũng tổ chức tại nhà sách Phương Nam.

Nói chung thành phần tham dự thì cũng na ná như ở những điểm trên. Tôi có nói đùa với đám chúng tôi đi với nhau như thế là giống một gánh hát. Cũng hơi mệt nhưng kết quả của các buổi giao lưu, đặc biệt là những ý kiến sâu sắc của phía độc giả, của bạn bè cũng đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Sau đó thì về.

Mặc Lâm: Ai là người đứng phía sau lệnh cấm bất thành văn không cho “Hà Nội trong mắt ai” trình chiếu rộng rãi có lẽ là câu tò mò nhất của người thích cuộn phim này. Không biết sau bao nhiêu năm, Chuyện nghề của Thủy có hé lộ đìêu gì có liên quan đến câu hỏi này hay không?

Trần Văn Thủy: Câu hỏi của anh được trình bày khá rõ, thẳng thắn và trung thực trong cuốn sách. Thật ra mà nói chuyện này cũng quá xưa rồi. Tôi có kể là xuất phát từ đâu mà tôi và các đồng nghiệp thực hiện bộ phim đó. Rồi cái sự hay dở, cái sự gian nan của cuốn phim đó như thế nào thì tôi cũng có viết. Tôi muốn thưa với anh chuyện nghề của tôi trong “ Hà Nội Trong Mắt Ai” không phải là tâm điểm đâu. Bản thân những khó khăn của phim “Chuyện Tử Tế” sau này đưa ra ngoài để mà dự Liên hoan phim Quốc tế cũng không phải là tâm điểm.

Cái nền của cuốn “Chuyện nghề của Thủy” là hoàn cảnh tôi làm nghề như thế nào. Cái niềm vui, nỗi buồn của tôi, lý do gì thúc đẩy tôi cố gắng để đi theo con đường ấy, đề tài ấy, cái hướng làm phim như thế. Rồi những người có lòng hiểu biết và có trách nhiệm đã giúp đỡ, đã cứu giúp tôi như thế nào trong giai đoạn khó khăn.

Thật ra, sau này khi hoàn thành bản thảo cái quyển “ Chuyện nghề của Thủy” thì anh Dũng và tôi cũng được đi khá nhiều. Nó cũng không đụng chạm gì bên chính trị hay sự nhạy cảm nào mà chiến lược của chúng tôi phải lượt đi vì dung lượng của nó quá lớn.

Thời buổi bây giờ văn hóa đọc xuống cấp, văn hóa nghe nhìn phát triển cho nên làm quyển sách quá dày (474 trang). Trong quá khứ nó xảy ra những chuyện a, b, c, chúng tôi cũng kể lại về mặt trợ giúp rất là trung thực. Tự đáy lòng chúng tôi muốn dùng lời lẽ ôn hòa nhất, súc tích nhất để kể lại chuyện đã qua như thế nào với mục đích hướng tới tương lai cởi mở hơn.

Mặc Lâm: Cám ơn đạo diễn Trần Văn Thủy đã cho chúng tôi biết nhiều điều hơn về tác phẩm này.

Trần Văn Thủy: Cảm ơn anh Mặc Lâm và tôi cũng cảm ơn quý khán thính giả của Đài Á Châu Tự Do.








TÒ MÒ Chuyện của THỦY.

Mạc Van Trang

Số 2. THÌ RA LÀ NHƯ THẾ!
Trong “TÒ MÒ Chuyện của THỦY” số 01, có nêu ra vấn đề: Tại sao Trần Văn Thủy (TVT) bản tính là người YẾU ĐUỐI lại dám nghĩ, dám làm những chuyện DŨNG CẢM “kinh động xã hội” như vậy?

Hình như TVT vốn có tố chất NGHỆ SĨ. Em trai Thủy, là nghệ sĩ múa rồi trở thành biên đạo múa Ba lê nổi tiếng, người sáng lập và Trưởng Đoàn "Ba Lê Tháng Mười" Sai Gòn ; em gái Thủy thi vào Nhạc Viện, Trường Nhạc Quân đội, môn Violon, đều đạt điểm cao...nhưng do “thành phần gia đình”, nên lận đận mãi, sau lại trở thành Quay Phim. Tố chất nghệ sĩ là người có tâm hồn đặc biệt nhạy cảm: rung động, đắm say trước cái Đẹp, cái Thật, cái Thiện lương; sẵn lòng đồng cảm, đau đớn, sẻ chia với những nỗi bất hạnh của người khác và phẫn uất trước những bất công, cái ác đối với con người, với xã hội... Người nghệ sĩ ưa lối sống tự do cá nhân theo bản tính của mình, chẳng cần quan tâm “học tập, làm theo” ai cả!

Lại nhớ hôm 24/6 vừa rồi, tôi đọc “5 niềm hạnh phúc của Phạm Toàn” cho anh nghe, đến đoạn “... lắm tài thường nhiều tật, Phạm Toàn cũng thế. Nhưng “Lang bang, phóng túng là bản chất của sáng tạo” (François Mitterrand), Phạm Toàn cũng như vậy”... thì anh cấu vào tay tôi một phát và nở nụ cười mãn nguyện... Mặc dù lúc đó anh yếu lắm, không còn nói được.

TVT đúng là người có “máu nghệ sĩ” bẩm sinh và anh may mắn gặp được người Thầy lớn Roman Karmen truyền nghề để có TÀI NGHỆ.

2. Nhưng có phải cứ có “máu nghệ sĩ” là trở nên dũng cảm đâu! Ở Viện nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy, tôi đã gặp nhiều anh sử dụng ma túy có “máu nghệ sĩ”, chơi đàn, múa hát, vẽ tranh, làm thơ, diễn kịch rất hay mà yếu đuối, ươn hèn, sống bê tha, lang thang, vật vờ, vô định...

Vậy cái gì khiến TVT với “Máu nghệ sĩ” trở nên dũng cảm? Đó chính là NIỀM TIN ĐẠO ĐỨC. Có thể nói, dũng cảm là khi con người dám bảo vệ niềm tin của mình đến cùng, bất chấp mọi hiểm nguy. Niềm tin tôn giáo khiến bao tín đồ sẵn sàng tử vì đạo; niềm tin cộng sản chủ nghĩa, khiến nhiều vị cộng sản tiền bối dám đương đầu với mọi gian khổ, tù đầy; niềm tin vào tính chính nghĩa của cuộc chiến, nên nhiều người sẵn sàng hy sinh vì nó...

Niềm tin đạo đức của TVT được người Cha truyền lại rất sâu đậm. Từ nhỏ TVT đã sớm biết và cảm động trước những việc làm của người Cha, như cứu giúp người nghèo đói, tạo việc làm cho những người khốn khó, bí mật giúp đỡ Việt Minh...

Cho đến khi học ở Liên Xô, giữa những ngày nghỉ hè bên bờ biển Đen thơ mộng, anh vẫn đắm chìm trong suy tư về những lời Cha dặn: "Con ơi! Ở đời, nếu ai cần gì mà sức con có thể làm được thì Thầy mong con đừng bao giờ bỏ qua. Bởi chỉ có việc làm đó mới ở lại mãi mãi, còn tất cả sẽ trở về với cát bụi". Lời Thầy dặn như một câu hay trong Kinh Thánh”... (Trong đống tro tàn, Chương 2. Cha tôi) .

Với bản tính yêu nước, thương người, nên người cha của Thủy hết lòng giúp đỡ Việt minh với bao niềm hy vọng. Ngày 10/10/1954 từ Hà Nội, ông háo hức viết thư về cho các con ở Nam Định: "Các con ạ! Ngày 10/10 này Thầy sẽ chăng hoa lên xe ô tô để đón Cụ Hồ về Thủ đô. Từ nay đất nước mình tốt lên rồi, từ đây mọi người Việt Nam được sung sướng rồi các con ạ…"! (sđ d). TVT gọi các em lại, đọc thư của cha rồi cất giữ lá thư như báu vật tinh thần.

Nhưng từ CCRĐ, niềm hy vọng vào Việt Minh đã hoàn toàn sụp đổ trong người cha của TVT. Nhất là khi ông chứng kiến người bạn thân thiết, tử tế, đã từng giúp Việt Minh rất nhiều, bị “giải ra bãi đất trống, bắn đòm một phát chết tươi giữa đám đông reo hò cuồng nộ”... Sau khi chôn cất người bạn chết tức tưởi trong oan nghiệt, ông đã nhìn rõ bản chất của chính quyền mới. Ông gọi các con lại và đau đớn thốt lên: “Hỏng - hẳn - rồi - các - con ạ”!

Chàng trai 16 tuổi TVT còn ngơ ngác: “Lúc đó tôi hoàn toàn không hiểu. Tôi hỏi lại:
- Thầy bảo gì cơ ạ?
- Thầy và bác Phó Mâu đã giúp Việt Minh quá nhiều, bây giờ bác chết oan, Thầy không còn tin vào cái gì nữa”!...(sđd)

Càng trải nghiệm bao nỗi bất hạnh của “gia đình thành phần viên chức lưu dung” , thấu hiểu nỗi đau đớn tinh thần của người cha, chứng kiến những oan trái bởi bạo quyền ,TVT càng sớm có cái nhìn tỉnh táo về “mặt trái” của Thể chế và những hệ lụy của nó.

TVT viết: “Với con, Thầy mãi mãi là bậc thiêng liêng, cao cả, thân thương nhất trên cõi đời này”... (sđd)

Đạo đức không thể nào có được bằng rao giảng trống rỗng, giả dối. Đạo đức ở TVT được ảnh hưởng từ Cha đã thấm vào dần dần, trở thành NIỀM TIN, TÌNH CẢM mới có thể biến thành HÀNH ĐỘNG một cách tự nhiên.

Phải chăng từ MÁU NGHỆ SĨ và NIỀM TIN ĐẠO ĐỨC đã ngấm vào máu thịt, khiến TVT làm phim “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế”, như anh nói, là phản ứng “có tính bản năng”... Thì ra là như thế! Chứ đâu phải do "Thế lực thù địch âm mưu xúi giục, kích động, thuê tiền"... mà làm được!


3/7/2019
MVT









Đạo diễn NSND Trần văn Thủy và bộ phim tài liệu từng bị cấm


Thứ Ba, ngày 18 tháng 6 năm 2013

Trần Ngọc Kha 









Trong ký ức tôi thời còn là sinh viên, "Hà Nội trong mắt ai" là một bộ phim bị “cấm". Hồi đó một đứa trong chúng tôi có bố công tác trong Bộ Nội vụ (cũ) - Bộ Công an bây giờ. Nhờ nó mà chúng tôi lọt được qua cổng Bộ này, 15 Trần Bình Trọng, xem trọn vẹn bộ phim. Cảm xúc của lũ chúng tôi bấy giờ chuyển từ ngạc nhiên, sửng sốt đến bái phục, ngưỡng mộ. Sao không ngạc nhiên, sửng sốt được khi tự nhiên bỗng dưng xuất hiện một bộ phim một mình một giọng như vậy? Sao không bái phục, ngưỡng mộ khi những người làm phim đã dám nói những điều ngay thẳng, lại hay đến vậy? Và bất chấp lịch biểu học hành, nhiều lần sau đó, cứ có cơ hội là chúng tôi lại đi "xem chui" bộ phim này, không chán. Không chỉ trong giới sinh viên, đi đến đâu, gặp bất kỳ ai người ta cũng xôn xao, bàn tán về bộ phim. Mọi người đều chung một câu hỏi: tại sao nó bị "cấm"?

Thực ra, không có bất kỳ một văn bản nào do ai ký ra lệnh cấm lưu hành bộ phim này. Nhưng dường như chỉ sau một thời gian rất ngắn, chừng vài ba tháng thôi, từ sau khi nó được phát hành thì phải, không một ai dám công khai chiếu hoặc xem tiếp bộ phim. Và, một lẽ thường tình, đạo diễn bộ phim, ông Trần Văn Thủy, lập tức bị hầu hết mọi người, kể cả những đồng nghiệp thân cận nhất cô lập, ghẻ lạnh. Cố nghệ sĩ Phạm Hà có lần đã hỏi thẳng ông: "Ở! Cậu chưa bị bắt à? "...

Chuyện xảy cách đây gần 30 năm, chính xác là đầu năm 1982, khi Trần Văn Thủy còn rất trẻ. Ông Thủy không những đã được “cứu” thoát khỏi tình cảnh này mà còn được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Những người từng “có duyên nợ”, “ân oán” với ông và bộ phim này hồi ấy nay phần nhiều đã đi vào quá vãng. Tuy nhiên, với ông Thủy, dường như mọi việc chưa qua. Có gì như nghèn nghẹn nơi ông khi có dịp nào phải nhắc lại chuyện này với ai. Và có gì như ngài ngại khi ai đó đương chức đương quyền khi buộc phải nhắc đến chuyện này. Ngõ hầu góp phần đặt dấu chấm hết cho câu chuyện, tôi tìm đến ông.

Không khó khăn gì khi muốn tìm số máy điện thoại của ông. Chỉ cần một cú bấm máy gọi số 116, hỏi số điện thoại nhà ông là ra. Nhưng, dễ phải đến lần thứ 5 nhấc máy, tôi vẫn chỉ nhận được một câu trả lời: "Chuyện ấy - (chuyện làm phim này - t/g) đã qua lâu rồi, tôi không muốn ai gợi lại nữa". Bất quá, tôi đành mạnh dạn bấm chuông nhà ông. Rất may hôm nay cái điệp khúc kia của ông không lặp lại. Chỉ sau ít phút làm quen, ông đã hào hứng tiếp tôi một mạch đến quá trưa, không dứt.... “Là chỉ để nói chuyện chơi thôi chứ đừng có đăng báo chí gì đấy!” - ông giao hẹn trước khi nói.

Với phim "Hà Nội trong mắt ai", lúc đầu ông định làm chơi, làm cho nó xong, cho nó tròn bổn phận của một người làm công ăn lương. Bởi vì cả năm 1981 ông không làm được gì. Năm 1980, ông giành được một cái giải khá lớn bằng phim "Phản bội", làm chấn động trong nước và thế giới. Cho nên làm cái gì cũng khó, ông phải chần chừ. Cuối năm ấy bình bầu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua, Đảng viên bốn tốt... ông không có cái gì, nghĩ cũng ngượng. “Mình nghĩ: thôi thì làm cái gì đó cho nó có việc, cuối năm cho nó đỡ phiền” - ông bộc bạch. Thế rồi...

Hồi đó ông được nhận một kịch bản phim "Hà Nội năm cửa ô" viết về Hà Nội du lịch, về phố cũ, phố mới, chùa triền, lăng tẩm, khéo tay hay làm... Soi xét nó lại với thực tế cuộc sống, ông thấy ta mất mát quá nhiều. Vào những năm đầu thập kỷ 80, Hà Nội điêu linh, đói kém, khó khăn lắm, chúng ta đang còn phải ăn bo bo. “Mình thấy cái kịch bản này không thể làm được. Nếu làm bộ phim này lúc ấy thì chỉ có đóng mà thôi, lấy đâu ra quần chùng, áo dài...” - ông kể. Kịch bản phim có nhiều chi tiết liên quan đến sử sách, phải đi kiếm sách đọc, đi điều tra. "Ngôi nhà 80 - 82 phố Hàng Gai, nếu đang đi giữa cái nắng choáng ngợp của phố phường mà ta bước chân vào ngôi nhà cổ này, có những cái gác xép cửa lùa, có tiếng chim gù trên mái ngói thì lòng ta tĩnh lại". Kịch bản viết là thế, nhưng đến đây ông thấy một bên là cửa hiệu thêu, một bên là trụ sở HTX. Ông hỏi chủ nhà: "Cái nhà này đã sửa lại từ bao giờ?"(Vì nó giống như tất cả các nhà cửa, phố xá, cửa hàng cửa hiệu lúc bấy giờ), rồi đọc cho ông ta nghe đoạn kịch bản này. Vị chủ nhà hỏi lại: "Người viết những dòng này bao nhiêu tuổi? ". Ông đáp: "Cỡ bằng tuổi cháu". Vị chủ nhà tiếp: "Thế thì anh ấy chép ở đâu ra ấy chứ. Năm 1945, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, bọn Tây ở bên kia, bọn tôi ở bên này đã bắn nhau chí chát thì cái nhà nó đã thế này rồi, làm gì có cái cảnh như các anh viết trong đó đâu". Đến ô Quan Chưởng tìm Văn bia của Tổng đốc Hoàng Diệu, đến gặp ông Nguyễn Vinh Phúc, gặp cụ Trần Huy Bá ông mới bừng tỉnh ra một điều: những giá trị tinh thần của dân tộc thì tồn tại vĩnh cửu. “Thế thì thôi, đừng làm làm cái đẹp về mặt cảnh quan khi nó không còn, không có nữa. Hãy tìm đến những cái có thật, đích thật, rất cần cho đời nay - những giá trị tiêu biểu cho cách trị nước yên dân như thế nào” - Đạo diễn Trần Văn Thủy rút ra sau những đắn đo suy tính. Và lúc này, vào cái thời điểm đầu những năm 80 ấy, những điều này cần thiết biết bao! Xót xa với hiện thực của dân chúng thế nào, trọng dụng nhân tài ra làm sao?... Ông đã liệt kê ra giấy như vậy sau tất cả những sự đọc sách, điều tra. Quan niệm của ông là làm phim tài liệu không chỉ đúng và đủ. Đúng và đủ là những chuẩn mực của các công trình nghiên cứu khoa học, của các nghị quyết. Nếu chỉ có vậy, người ta không xem thì cũng... vứt! Muốn cho người xem “tiêu hoá” được thì chúng còn phải hay nữa. Bởi thế cho nên muốn cho bộ phim có tính kịch thì phải sắp xếp lại những tích tuồng hay nhất mà các tiền nhân chúng ta để lại. Và, nhiều chuyện hay đã được ông đưa vào phim. Chuyện Tổng đốc Hoàng Diệu đặt tấm Văn bia ở Ô Quan Chưởng cấm các chức vị quan trường không được sách nhiễu dân lành làm ăn sinh sống ở đây như thế nào, chuyện vua Lê Thánh Tông dựng Đình Quản Văn ra làm sao, chuyện Quang Trung sau khi chiến thắng lẫy lừng trên sông Rạch Gầm đại phá quân Xiêm vào thành Thăng Long thăm vua Lê Cảnh Hưng, ông vua già mất quyền đã lâu rồi thế nào... Phép nước bấy giờ quy định lên Điện không được đem vũ khí. Quang Trung quyên mất điều đó, cứ thế đeo kiếm phăm phăm bước lên Thềm Rồng. Tất cả mọi người xanh mắt sợ, riêng chỉ có một mình Phương Đình Pháp, một viên quan lễ tân của triều đình đứng ra vòng tay trước mặt Quang Trung thưa lại với ông điều này. Quang Trung trừng mắt nhìn thẳng vào mặt Pháp. Pháp vẫn điềm nhiên. Thế rồi thấy phải, Quang Trung bỏ kiếm, bước lên Điện. Câu chuyện chỉ có thế nhưng ông Thủy cũng thấy rằng: trong mắt Quang Trung lúc bấy giờ, quốc gia chỉ có thể trường tồn và hưng thịnh khi kẻ thường dân dám nói với bề trên điều ngay thẳng và người có quyền uy phải biết nghe kẻ dưới mình điều phải trái. Ngày nay, trong Chùa Bộc, Hà Nội, còn lưu giữ được một bức tượng. Trên đầu bức tượng đề chữ Tâm. Tất cả các nhà nghiên cứu đều không biết được bức tượng này thờ ai. Sau này cụ Trần Huy Bá đã phải mất rất nhiều công phu, đặt giấy bản vòng ra đằng sau bức tượng, dùng than chà. Tờ giấy hiện lên: "Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng". Tức là, đúng vào năm mà Gia Long chống anh em nhà Tây Sơn một cách kịch liệt, tàn sát, huỷ diệt tất cả những gì của họ thì dân chúng vẫn dựng tượng Quang Trung. "Hà Nội trong mắt ai" ra đời và đã tập hợp những chuyện như thế!..

Ngay từ lần chiếu đầu tiên bộ phim để trình duyệt, theo ông Thủy, Ban giám đốc hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương đã “Thấy nó có gì không ổn". Họ liền mời những người được coi là trọng trách nhất trong lĩnh vực tư tưởng, văn hoá nước ta xem. Xem xong, các vị này đều kết luận ngay rằng phim "Có vấn đề"! Anh em trong cơ quan đến lúc này vẫn chưa người nào, kể cả đồng chí Bí thư đảng uỷ, được xem. Rồi phim được bí mật chiếu cho một số người được coi là "cấp trên" xem. Rốt cuộc, Giám đốc hãng phim Lý Thái Bảo trả lời ông Thủy: bộ phim không được chiếu (!).

Thực ra, theo ông Thủy, đó là do có một số người xem phim xong tự vơ vào, vận vào mình mà cho rằng bộ phim này chống Đảng, dậy Đảng cầm quyền, kêu gọi mọi người “xuống đường” (?!). Chẳng qua là có thể họ "có tật giật mình". Trong đó có một nhà thơ từng có quan hệ rất thân thiện với ông Thủy từ cuối những năm 60, khi ông mang phim từ chiến trường ra, chiếu tại nhà cho hai vợ chồng họ xem. Nội dung phim có một chi tiết mà nhà thơ đã hiểu lầm. ấy là đoạn nói về bà Huyện Thanh Quan xưa ở làng Nghi Tàm (Hà Nội), theo chồng đi làm quan xa tại miền Trung. Rồi một hôm, ông Huyện đi vắng, bà nhận được mớ đơn kiện trong đó có đơn của chị Nguyễn Thị Đào xin cải giá vì chồng đi lính thú (ra biên ải) lâu ngày. Nhớ cảnh Tây Hồ, thương cảm cô Đào, nhà thơ mạnh dạn phê vào đơn: "Phó cho con Nguyễn Thị Đào / Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai...". Đào được đi bước nữa. Nhưng chẳng bao lâu sau, chồng cô trở về phát đơn kiện. Ông Huyện mất chức. Lời bình phim viết: "Thế mới biết cái máu me văn nghệ dính vào việc quan trường gây ra nhiều sự rắc rối là thế!". "Là một nhà thơ lớn - ông Thuỷ nói tiếp - nhưng vị này tự vận mình vào chuyện của bà Huyện Thanh Quan thì buồn cười quá. Bà sống trong một giai đoạn lịch sử hoàn toàn khác. Ông ta có "máu me" văn nghệ nhưng không nhiều, "máu me" quan trường, máu me chính trị của ông mới nhiều chứ! ". Hay đoạn nói về Lê Thánh Tông dựng Đình Quản Văn, trong đặt trống Đăng Văn cho dân chúng đến kêu oan. Phim liên tưởng: giá như thời Lê Mạt cũng có một cái trống như vậy thì tại đây dân chúng sẽ phải đinh tai nhức óc. Đó cũng là nói chuyện xưa, những tích tuồng trị nước yên dân. Nhưng không may cho ông Thủy, có người lại nói chuyện xưa sao nó lại giống hiện thực hồi đó đến thế! Tại sao Nguyễn Siêu lại cho dựng Tháp Bút bên Hồ Gươm? Tại sao Tổng đốc Hoàng Diệu lại cho đặt tấm bia kia ở Ô Quan Chưởng?... Trong 38 năm cầm quyền của Lê Thánh Tông, đất nước thịnh trị. Xây dựng bộ Luật Hồng Đức, thành lập Hội Tao Đàn, viết Đại Việt sử ký toàn thư, dựng Bia Văn miếu - có vị vua nào làm được lắm việc lớn như ông này không? Mà đến khi cái Điện Huy Văn, nơi bà Ngô Thị Ngọc Giao đẻ ra vua Lê Thánh Tông xiêu vẹo, đổ nát, người ta đã dọn nó đi để làm trụ sở UBND phường. (Vào cái thời điểm đó người ta vẫn còn phá hoại đình chùa). Tất cả những điều đó đều chẳng đáng kể ra vào lúc này hay sao?

Ông Thuỷ nhớ lại dạo ấy, có lần, bộ phim đã được chiếu đi chiếu lại tới bốn lượt trong một buổi sáng tại Quân uỷ Trung ương - chuyện lạ chưa từng có. Sau đó, Uỷ ban Khoa học xã hội phải tổ chức cả một cuộc toạ đàm "nghiên cứu" bộ phim, có các đại biểu của Viện Sử học, Viện Triết học, Viện Hán nôm cùng tham gia. Không một ai ở đây có thể tìm ra bất kỳ một sai sót nào của bộ phim, kể cả cái những cái "chốt" của bộ phim - ông Thuỷ tâm sự – như đoạn nói về Lê Lợi. Nguyễn Trãi, người quê làng Nhị Khê nhưng lại sinh thành ở Hà Nội. Tâm huyết suốt đời cho sự tồn vinh của đất nước và với thân phận của những người dân, ông từng đặt bút: "Chăn lạnh vắt vai đêm chẳng ngủ /Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân". Từng được ông cùng Trần Nguyên Hãn "nếm mật năm gai" phò suốt 10 năm là thế nhưng khi được lên ngôi, vị vua này nghi kỵ các quan cận thần, đã phế truất cả Nguyễn Trãi, Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn.

Sử còn chép rằng vua Lê từng hỏi Nguyễn Trãi: “Viết quốc nhạc sao cho phải?”. Nguyễn Trãi thưa: “Tâu bệ hạ! Nguyện xin bệ hạ thương yêu nuôi dưỡng lấy dân chúng cho trong xóm ngoài làng không còn tiếng oán hận sầu than. Đừng vì ơn riêng mà thưởng bậy, chớ vì mình giận mà phạt bừa. Đó chính là cái gốc của quốc nhạc vậy!”.

Có nhà nghiên cứu lịch sử của Học viện Chính trị Nguyễn Ái Quốc quê Thanh Hoá phản đối ông Thủy ầm ầm rằng: "Lê Lợi của chúng tôi chưa bao giờ được miêu tả như thế! ". Người ta tranh cãi về những đoạn như thế này rất dữ, rằng phim đã ám chỉ ông này, ám chỉ ông kia bây giờ... Và, bắt đầu từ đấy, không còn ai dám nhắc đến việc tiếp tục cho chiếu bộ phim này nữa...

“Cho đến năm 1985, mình không còn cái gì nữa - ông chua chát kể lại - cả điều kiện làm việc, miếng cơm manh áo, quan hệ bạn bè, tất tật. Vợ mình bảo mình điên. Bạn bè cũng nói mình vậy. Mẹ mình khóc và nói với mình rằng: “Con ơi! Sao cái nghề của con nó khổ thế!”. Nỗi khổ nhất lúc ấy là sự cô đơn. Bạn bè đồng nghiệp lên cơ quan bảy rưỡi, tám giờ có mặt tề tựu đông đủ và rất lo lắng cho mình đã bị bắt hay chưa. Báo Tuổi trẻ phỏng vấn tôi trong những năm mà "Hà Nội trong mắt ai" bị "cấm", ông làm cái gì?”. Tôi đã trả lời với họ rằng: “Trong những năm nhàn tản không có việc làm này, tôi đã đến những nơi mình từng đến quay phim, những nơi mà chúng tôi đã từng đến quay phim để thắp hương và chiêm nghiệm như mộ ông Ngô Thì Nhậm ở làng Tả Thanh Oai, mộ bà Đoàn Thị Điểm, mộ Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê, nơi thờ phụng Lê Thánh Tông ở Điện Huy Văn... Và, tôi thắp hương trên bàn thờ tổ tiên nhà mình. Mỗi lần như thế, tôi thường lẩm nhẩm một câu thành tiếng rằng: Thưa các bậc tiên liệt, con có tội tình gì không, khi con chỉ khắc khoải kể về những sự anh linh của dân tộc này? Nhìn lên bàn thờ tôi thấy những nén hương sau khi cháy cứ cong lên như râu rồng"...Tôi mừng, vì mẹ tôi thường bảo rằng: “Thắp hương trên bàn thờ, sau khi thắp hương mà những nén hương cong lên là linh ứng đấy!”.

Bộ phim không được chiếu! "Tại sao vậy? Xin các anh chỉ bảo cho tôi những chỗ không phải, những chỗ sai để chúng tôi có thể sửa" - bằng một giọng rất mếm mỏng, rất "đàn em", hồi đó ông Thuỷ khẩn khoản. Ban Giám đốc hãng phim kính chuyển nguyện vọng này của ông lên các vị lãnh đạo tư tưởng văn hoá. Họ đồng ý cho sửa chữa bộ phim. Nhưng, khi được hỏi cần phải sửa chỗ nào, một trong số các vị này đã thốt lên: "Đây là một bộ phim sai, sai đến mức không thể sửa được!". Sai đến mức như thế có nghĩa là nó đúng! - ông Thủy nghĩ.

Cùng kíp làm bộ phim này có anh Lưu Hà, con trai ông Lưu Xuân Thư, Phó giám đốc hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương hồi bấy giờ. Hà đang là sinh viên năm cuối của Trường Sân khấu điện ảnh. Đây là bộ phim đầu tay mà anh bấm máy, cũng được coi như là bài thi tốt nghiệp của anh. Ông bèn nghĩ ra một kế “xui” Hà đề nghị nhà trường đứng ra tổ chức chiếu bộ phim này ở Cung Thiếu nhi, để "cho sinh viên báo cáo tốt nghiệp". Danh sách mời có các học giả, các nhà nghiên cứu, các trí thức lớn, các cục, vụ, viện. Trong đó có cả các thầy giáo của nhà trường đến dự. Thời kỳ này, Cung Thiếu nhi là địa điểm chiếu phim sang nhất ở Hà Nội với quy mô hơn 500 chỗ, màn ảnh cực trắng, ánh sáng cực mạnh. Ơn trời! Kế họach này được chấp thuận. Khán giả đến chật cứng các hàng ghế của hội trường 500 chỗ. Họ reo hò, vỗ tay tán thưởng ầm cả rạp. Sau buổi chiếu, Ban giám đốc hãng phim cho gọi ông Thuỷ lên hỏi: "Bây giờ ý Thuỷ thế nào?". Ông đáp: "Thưa các anh! Nếu như tôi viết một cuốn sách, hay vẽ một bức tranh thì việc thưởng, phạt chỉ là của riêng tôi. Nhưng đây là một bộ phim, nó ra đời không chỉ bởi cá nhân tôi mà là do cả tập thể làm phim, là của cả hãng phim. Bởi vậy, xin các anh lưu ý cho một điều rằng: nếu cái phim này nó hay, nó bán được bản quyền, được khen thì là chung của hãng. Nhưng nếu nó dở, nó có tội thì các anh cũng nên công bằng. Nếu định đánh 100 roi thì chỉ nên đánh vào tôi 80 roi, rồi các anh phải bảo cấp trên đánh vào các anh một số roi, đánh vào ông Cục trưởng Cục Điện ảnh một số roi, đánh vào ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa một số roi... Chứ tại sao một cái phim hay, bán được bản quyền thì là của Nhà nước, còn cái phim "có vấn đề" thì tất cả 100 roi các anh đều đánh cả vào đít tôi?". Các vị lãnh đạo hãng phim lúc này đều ngơ ngác, thành thật: "Cậu nói phải! Nhưng mà bây giờ sửa thế nào?". Ông Thuỷ nói: "Sửa thế nào, đây là chuyện của các anh. Tôi thì tôi làm như vậy và tôi nghĩ như vậy. Và cho đến giờ phút này các anh hỏi tôi dù là theo trách nhiệm công dân hay trách nhiệm nghệ sĩ thì tôi vẫn tự hào rằng tôi, một công dân, đã làm một bộ phim như vậy. Con người ta khi có tà tâm thì không đàng hoàng được đâu, không lễ phép được đâu và cũng không tự tin được đâu. Cụ Hồ nói là phải biết lắng nghe ý kiến của quần chúng. Quần chúng đây tôi không dám nói đến những người ở ngoài đường. Ít nhất thì các anh phải chiếu cho các anh chị em trong hãng xem, những đồng nghiệp của tôi, để họ góp ý cho tôi hiểu cách làm phim tài liệu như thế nào, hiểu "cái vòng phấn" mà Đảng và Nhà nước đã "vẽ" cho chúng ta được "nhảy múa" trong đó như thế nào? Rồi anh chiếu cho Xưởng Phim truyện, chiếu cho Cục Điện ảnh, chiếu cho Xưởng phim quân đội, chiếu cho các hội văn học nghệ thuật để người ta góp ý cho chúng ta". Ban giám đốc hãng phim nghe thấy phải, và bắt đầu lên danh sách những người được mời xem phim, ở các xưởng phim, các hội văn học nghệ thuật, lên danh sách anh em trong hãng (kể cả anh em trong Nam)... Khi chiếu phim bao giờ cũng có người đứng canh ở cửa, đọc tên cho từng người vào một. Cho đến bây giờ, hẳn tất cả những ai đã từng tham dự vào vụ này đều còn nhớ, tất cả mọi người dù trong hay ngoài hãng phim, kể cả các cụ già như cụ Mai Lộc, cụ Khương Mễ sau khi xem phim xong đều thốt lên: "Sao cái phim như thế này mà lại bị “cấm” kia chứ?". Ai cũng khen hết, kể cả những người từng ghét ông Thuỷ ngày trước. Không một người nào kể cả các vị bên Viện Triết hay Viện Sử, Viện Hán Nôm... có thể tìm ra được bất kỳ một sai sót dù nhỏ nào trong bộ phim. Ông Thuỷ đã được họ "bênh"! Khi thông tin này loang ra, một lệnh bất thành văn được ban ra từ một cấp: không được chiếu bộ phim này dưới bất kỳ hình thức nào nữa (!!!). Tại một hội nghị phát hành phim trung ương có các đại biểu các tỉnh về họp, Cục trưởng Cục Điện ảnh bấy giờ muốn chiếu bộ phim này cho họ xem cũng không được phép. Đó là vào giữa năm 1983 - ông Thuỷ nhớ lại và nghĩ: mọi việc đã kết thúc. Liên tưởng đến một số vụ trước đây như “nhân văn giai phẩm”, “xét lại”... ông bắt đầu hết hy vọng thì...

Một hôm, bỗng nhiên có một cú phôn của ông Nguyễn Việt Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng gọi xuống đề nghị Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương mang phim “Hà Nội trong mắt ai” lên chiếu cho Văn phòng xem. Dưới hãng phim, ông Bùi Đình Hạc, bấy giờ mới được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc hãng phim (thay cho ông Lý Thái Bảo sang làm Tổng Thư ký Hội Điện ảnh), trả lời: "Alô! không được phép đâu. Lệnh của cấp trên không được chiếu nữa". Ngày 15/10/1983, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng lại gọi xuống. Một lần nữa Giám đốc hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương Bùi Đình Hạc lại từ chối lời đề nghị này với lý do là phim đang được cắt ra để sửa. Từ đầu dây bên kia, giọng nói đĩnh đạc của ông Dũng vang lên: "Chúng tôi biết rằng bộ phim ấy có thể chiếu được hay không chiếu được. Chúng tôi có chỗ để biết. Nhưng lần cuối cùng tôi báo cho các anh biết đây là chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng". Ban lãnh đạo hãng phim lại hỏi ông Thuỷ: "Bây giờ ý cậu thế nào?". "Ối giờ ơi! Sao các ông lại hỏi tôi ý đó. Các ông là người có chức có quyền các ông phải hiểu được ông Phạm Văn Đồng là ai chứ! Nếu là ông Đồng mà các ông còn không chiếu cho ông ấy xem thì đất nước này nó còn ra làm sao nữa? Không mang phim lên chiếu cho ông ấy xem là không được đâu". Kết quả ý kiến này của ông Thuỷ đã được họ tiếp thu.

Kế hoạch mang "Hà Nội trong mắt ai" lên chiếu cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem đã được Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng ấn định vào lúc 3 giờ chiều ngày 18/10/1983. Ông Thuỷ đề nghị với Giám đốc hãng phim, ông Bùi Đình Hạc cho được đi cùng. Ông Hạc trả lời "Không được đâu! Làm sao mà đi cùng được. Vào đấy qua “cổng đỏ”, người ta điểm danh đấy". "Anh Hạc ơi! Anh cứ cho tôi đi cùng vì tôi muốn nghe bằng chính cái lỗ tai của tôi xem Bác nói gì. Tôi thề với các anh rằng nếu Bác nói điều phải, điều đúng thì mình phải nghe, phải sửa chữa. Còn nếu mình có làm điều gì không phải thì chắc chắn là Bác cũng thương mà chỉ bảo cho mình thôi". Mặc cho ông Thuỷ nói hết lời như vậy, Giám đốc hãng phim vẫn không đồng ý. Không từ bỏ ý nguyện, gần đến giờ hẹn, ông lén ngồi sẵn vào ghế sau chiếc xe con Lada màu trắng của hãng phim đang đậu bên bậc thềm và lẩm bẩm một mình: "Ngày xưa đánh nhau ở chiến trường khu 5, khẩu hiệu của chúng tôi là nắm lấy thắt lưng địch mà đánh. Nay tôi cũng phải nắm lấy thắt lưng anh thôi...". Kể đến đây, ông Thuỷ cười phá lên - nụ cười đầu tiên thoải mái hết cỡ xuất hiện trên gương mặt đã bắt đầu có vài nếp nhăn của ông, trong suốt hơn ba giờ đồng hồ mà tôi được gặp. Nước này, cuối cùng, Giám đốc hãng phim đành cho xe lăn bánh.

Đến Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng ở số 2 Bách Thảo, Hà Nội, không thấy ai ra kiểm tra danh sách mà chỉ có giọng người bảo vệ hỏi vọng từ trong chốt gác: "Xe nào đấy?". "Xe của xưởng phim vào chiếu phim cho Bác Đồng xem đây". Tiếng người bảo vệ lại vọng ra: "Vào đi! ". Thế là lọt. “Đấy, có ai điểm danh, kiểm tra gì đâu” – Ông Trần Văn Thủy bảo với ông Bùi Đình Hạc.

Ông Thuỷ bê 5 hộp phim vào ngồi chờ trong phòng khách. "Bác Đồng đang tiếp Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, ông A -li-ep. Các anh chờ, một lát nữa bác xuống" - có người ra thông báo. Tự dưng Thuỷ bỗng thấy lo lo. Gần 30 phút sau ông Phạm Văn Đồng xuống. Trời tháng 10, chưa lạnh lắm nhưng bác đã phải mặc chiếc áo khoác màu đen bằng dạ. "Trông thấy chúng tôi, tự nhiên mặt ông Đồng đanh lại tỏ ý bực mình lắm”. "Muốn xem một bộ phim mà khó thế à? Nếu mà khó quá thì thôi tôi không cần nữa, tôi không phiền các anh nữa" – Ông Đồng dằn giọng nói như vậy sau khi đã phải chờ đợi giờ phút này chừng nửa tháng rồi, kể từ hôm đầu tiên ông yêu cầu hãng đem phim lên chiếu. Ông cứ chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong sân mà không vào phòng chiếu. Linh tính mách bảo Trần Văn Thủy một điều gì, rằng Thủy đang gặp may. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Việt Dũng đỡ lời cho đoàn làm phim rồi mời Thủ tướng vào. Thủ tướng ngồi xuống một chiếc ghế mây. Đạo diễn Trần Văn Thuỷ đứng vòng tay trước mặt bác nghẹn ngào nói: "Thưa bác! Bác cho phép cháu thay mặt anh em trong đoàn làm phim được bày tỏ lòng biết ơn đến bác. Cháu rất xúc động vì việc nước bận như vậy mà Bác vẫn bớt chút thì giờ... ". Nói đến đây ông Thuỷ nghẹn ngào đến lạc cả giọng đi. "Cháu ngồi xuống đây! Cháu ngồi xuống đây! ". Nghe giọng nói ân cần của Thủ tướng, ông Thuỷ thấy mình được bình tâm trở lại. Bác phải cầm tay kéo Thuỷ ngồi xuống bên phải mình; bên trái bác là Giám đốc hãng Phim Bùi Đình Hạc. Phim bắt đầu chiếu. Sau mỗi một "chốt" phim như đoạn Tô Hiến Thành dùng người như thế nào, đoạn vua Lê Thánh Tông cho dựng đình Quảng Văn trong có đặt trống Đăng Văn để dân chúng đến kêu oan ra sao, rồi đoạn nói về nỗi oan khuất của Nguyễn Trãi v.v..., bác lại nhổm dậy dịch chuyển ghế. Cứ thế, bác lặng lẽ lặng lẽ xem cho đến hết bộ phim.

Phim hết. Đèn trong phòng đã bật sáng. Bác vẫn ngồi, đầu vẫn cúi xuống, tay đặt lên trán, bất động. Tất cả mọi người xem phim đều cùng im lặng. Một lát sau, Bác ngẩng đầu quay sang Đạo diễn Trần Văn Thuỷ, hỏi: "Những ai đã được xem phim này và họ đã nói những gì về nó? ". "Thưa Bác! Bác hỏi cháu thế cháu khó trả lời lắm. Vì nếu cháu trả lời bác thì có thể không khách quan. Có rất nhiều người ủng hộ, tán thành nhưng họ lại không có quyền phán xét gì về bộ phim này. Xin phép Bác để cho anh Bùi Đình Hạc là giám đốc của cháu được trình bày với Bác". Bác quay sang phía ông Hạc. Ông hạc thưa: "Thưa đồng chí! Đây là bộ phim được các đồng chí có trách nhiệm đánh giá là một bộ phim có vấn đề, mượn xưa để nói nay. Đây là bộ phim không cùng Đảng để giải quyết những khó khăn hiện nay mà nuối tiếc những quá khứ phong kiến ngày xưa và gieo rắc vào thực tại quần chúng đảng viên những bi quan, hoài nghi và tiêu cực…". Rất tiếc rằng đến lúc này mà ông Hạc vẫn không hiểu được bác Đồng đang nghĩ gì. Cuối cùng, ông Hạc nói: "Thưa Đồng chí! Những người có trách nhiệm kết luận rằng tác giả bộ phim này chỉ là một nghệ sĩ chứ không phải là một nghệ sĩ cách mạng". Bác hỏi: "Ai nói như vậy? ". Giám đốc hãng phim Bùi Đình Hạc nêu tên ba vị lãnh đạo cấp trên thời đó. Trong khi ông Hạc nói, ông Thuỷ như bị kim châm, cứ nhấp nha nhấp nhổm đứng lên, ngồi xuống, đến mức ông Nguyễn Việt Dũng ngồi bên cạnh phải vít vai mấy lần ông mới im lặng được. Đoạn bác quay sang ông Thuỷ: "Cháu có ý kiến gì nữa không?". Ông Thuỷ đứng lên thưa: "Thưa bác, cháu đã nhường lời cho anh Hạc. Và anh Hạc đã nói những lời cháu không nghĩ như thế. Cháu chỉ muốn thưa với bác rằng: nếu bộ phim này có gì sai lầm thì đó chỉ là do lực bất tòng tâm chứ bụng dạ chúng cháu không nghĩ thế. Thưa bác! Khi chúng cháu đến mộ bà Đoàn Thị Điểm thì thực sự lúc này nó chỉ còn là một đống rác. Và chúng cháu đã phải thuê dọn cái đống rác này đi mất nửa ngày. Rồi xin một chút nước vôi quét lên tấm bia mộ của bà, mượn một số chậu cảnh quanh đó bày đặt quay phim để khỏi mang tội bất hiếu với tiền nhân...". Được ngồi bên Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc này, linh cảm mách bảo với Đạo diễn Trần Văn Thuỷ rằng: trong cơn bão tố cuồng phong mà mình đang đi, ông đã tìm được một cái hang an lành để trú ngụ. Cuối cùng bác nói: "Tôi cũng không nghĩ rằng sự thể nó lại quan trọng đến mức này". Rồi bác phân tích cho mọi người hiểu đoạn nói về Nguyễn Trãi trong phim là có thật trong lịch sử và là nói về thân phận của Nguyễn Trãi chứ không chủ ý nói về Lê Lợi. Từng đoạn, từng đoạn khác như thế của phim cũng được bác phân tích rất cặn kẽ. "Tôi kinh ngạc về trí nhớ tuyệt vời của bác. Bác mới chỉ xem phim có một lần trong khi trăm công nghìn việc đang chờ đợi" - ông Thủy thốt lên với tôi. Rồi bác kết luận: "Ý kiến thứ nhất của tôi là: nếu đã là anh em cùng làm văn nghệ với nhau thì phải biết thương yêu, bảo vệ, bênh vực lẫn nhau. Các anh mà không biết bênh vực cho nhau thì còn ai bênh vực các anh? Ý kiến thứ hai của tôi mong các anh ghi nhận và anh Dũng ghi vào biên bản để gửi sang Văn phòng Ban Bí thư: Tổ chức chiếu công khai bộ phim này cho nhân dân xem, chiếu càng rộng càng tốt, càng nhiều càng tốt! Chiếu ngay lập tức! Nếu sau này phát hiện ra cái gì sai thì chỉnh sửa". Đoạn quay sang ông Thuỷ, bác lại ân cần cầm tay ông: "Bác dặn riêng cháu điều này: cháu phải nhớ, khi nào cần cháu phải gặp bác, tìm mọi cách mà liên lạc với bác. Chỉ có cháu mới chủ động chứ bác không thể chủ động liên lạc với cháu được".

Cũng nên nhớ lại rằng, vào thời gian đó, diễn ra Đại hội Hội Nhà văn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến dự và gửi lời chào đến các đại hội các hội văn học nghệ thuật khác (do Bác không có điều kiện đến dự). Nhưng, phải chăng do bức xúc trước cách đối xử của một số người đối với bộ phim này như thế mà sáng sớm ngày 20.10.1983, ngày khai mạc Đại hội Hội Điện ảnh toàn quốc lần thứ II tại Cung Thiếu nhi, tức là chỉ 2 ngày sau khi bác xem phim "Hà Nội trong mắt ai", bác đã bất ngờ đến dự Đại hội này. Ngay từ phút đầu tiên, bác bước lên diễn đàn Đại hội phát biểu với hơn 500 nghệ sĩ điện ảnh toàn quốc. Bài nói chuyện không cần giấy tờ của bác kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Bác đã nói rất kỹ, rất mạnh mẽ, rất sâu sắc, về cách thức quản lý, lãnh đạo văn nghệ: "Đừng bắt tất cả các anh em văn nghệ sĩ hiện nay phải chui qua một cái lỗ kim, theo một khuôn mẫu có sẵn!". Đến bây giờ, những ai có dịp được tham dự Đại hội này hẳn đều còn nhớ hình ảnh đầy ấn tượng, lạ lùng của bác khi bác quay người lại, hướng về phía Chủ tịch đoàn Đại hội rồi chắp tay vái lạy họ và nói rằng: "Tôi lạy các anh! Tôi xin các anh! Khi duyệt phim thì cố gắng rộng lượng như tôi". Cả hội trường lập tức vỡ oà bởi những tràng vỗ tay dài không ngớt. Ai nấy đều hiểu Bác đang nói về điều gì. Với Trần Văn Thuỷ, hôm ấy là một ngày hạnh phúc đến tột độ. Không giấu nổi xúc động, ông bật khóc. "Một phần thưởng tâm linh, vô cùng cao quý hơn bất kỳ phần thưởng nào khác trong đời đã đến với tôi" - ông nói với tôi, nước mắt giàn giụa.

Từ đó, bộ phim bắt đầu được công chiếu rộng khắp trong tất cả các cơ quan, các câu lạc bộ, các hội đoàn... cho các tầng lớp nhân dân xem. Hàng tuần liền, Rạp Tháng Tám và nhiều rạp khác ở Hà Nội tổ chức chiếu phim này ba ca trong một ngày thì trong cả ba ca chiếu, khán giả đã phải xếp hàng dài chen chân mới mua được vé. Nếu ở Việt Nam có ghi-net thì phải xếp bộ phim này vào hạng phim tài liệu "ăn khách nhất" từ trước đến nay. Đây là một hiện tượng khác thường vì cho đến lúc bấy giờ, phim tài liệu nước ta mới chỉ được chiếu "chùa", chiếu "kèm" vào đầu các buổi chiếu phim truyện, để tuyên truyền, cổ động. Tại Liên hoan Phim quốc gia tổ chức tại Đà Nẵng tháng 3/1988, bộ phim đã được bình chọn nhận giải Bông sen Vàng duy nhất thể loại phim tài liệu. Ngoài ra tại đây, nó còn được bình chọn giải phim biên kịch hay nhất, đạo diễn hay nhất, quay phim hay nhất. Nhưng, có lẽ giải cao nhất, vinh dự nhất cho bộ phim này là giải phim tài liệu được nhiều khán giả xem nhất. Mới hay ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng "cứu" bộ phim “Hà Nội trong mắt ai”, "cứu" đạo diễn của nó hồi ấy thật là sáng suốt và kịp thời. Và cũng từ đó ông Thuỷ bắt đầu bớt dần được những giấc ngủ thắc thỏm, những cơn ác mộng hằng đêm. Ngay sau hôm được gặp Bác Phạm Văn Đồng, ông Thủy ra một hiệu sách ở Bờ Hồ mua một tấm ảnh chân dung cỡ lớn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cất giữ cẩn thận. Ngày Bác mất, ông lập một ban thờ riêng, treo ảnh Người lên thờ và để tang Bác trọn ba năm...

Nhưng chưa hết. Phải đến khi đồng chí Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí thư, bộ phim và ông Thủy mới thực sự được “cứu sống” hoàn toàn. Nhà Đạo diễn Trần Văn Thủy được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Cũng nên lưu ý một điều: nếu so với “Những việc cần làm ngay” hay những gì mà Đảng và Nhà nước ta thực hiện “cải tổ”, “đổi mới”, những sự kiện “bùng phát” ở Báo Văn nghệ, “đời” Tổng Biên tập Nguyên Ngọc, như hàng loạt bài viết về khoán 10, khoán 100, về cải cách ruộng đất, về “Cái đêm hôm ấy đêm gì?”..., hoặc xa hơn nữa là sự kiện văn chương tiểu thuyết “Cù lao Chàm” của Nguyễn Mạnh Tuấn hoặc hàng loạt vở diễn chấn động dư luận của Lưu Quang Vũ thì, về mốc thời gian, bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” “đi trước thời đại”. Tiếp chuyện tôi, ông Thủy cho hay: Có lần ông nhận được một lời đề nghị ông viết đơn và làm hồ sơ để có thể được xét duyệt trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về bộ phim này. Ông khước từ lời đề nghị: “Tôi không bao giờ làm đơn vì việc này!”.

"Thưa các bác! Cháu nghĩ rằng nếu bộ phim này nó hay, được các bác tán thưởng, được ai đó chia sẻ, bảo vệ như Bác Phạm Văn Đồng thì cũng chẳng phải riêng tại cháu mà đấy là những vấn đề lịch sử do tiền nhân để lại. Mà nếu bộ phim này có làm ai đó bực mình, khó chịu, thậm chí phẫn nộ thì lỗi cũng không phải tại cháu. Cái hay, cái dở căn cứ vào lịch sử, cháu chỉ là người trình bày, sắp xếp những điều có thật đó, may ra có ích gì đấy cho hiện thực cuộc sống, xứng đáng với tiền nhân..." (trích bài nói chuyện của Đạo diễn Trần Văn Thuỷ tại cuộc gặp mặt với gần 1000 cụ cách mạng lão thành tại Câu lạc bộ Thăng Long, Hà, Nội năm 1983).


Hà Nội, 12.2006

* Văn bản đã được Trần Văn Thủy và Nguyễn Xuân Diện chỉnh sửa lại một số chữ ngày 11.1.2011.





































Trần Văn Thủy & Phan Nguyên
Cafe La Veranda HN 2013










MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.