Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2024

Nguyễn Thanh Bình














Nguyễn Thanh Bình
(1954 - .....)
Hoạ Sĩ





1972 : Tốt nghiệp hệ sơ trung - Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Việt Nam
1983 : Tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật Sài gòn

 Lúc nhỏ sống tại Tiệp Khắc và Hungary
(cha ông là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại những quốc gia này)







“Trong thiên hạ, kẻ nào biến một khoảnh khắc mong manh của cảm xúc thành bất tử,
kẻ đó là nghệ sĩ.”

1/1/24








Hoạ sĩ Nguyễn Thanh Bình: "Tranh vẽ ra thì phải có người mua"
Hương Thủy


Từng trực tiếp cầm súng, có mặt tại trại Davis ở sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn vào ngày 30-4, Nguyễn Thanh Bình không chọn chiến tranh làm đề tài hội họa. Với phong cách nhẹ nhàng và ngọt ngào, người yêu tranh Việt Nam không thể không biết đến những tác phẩm về phụ nữ và trẻ em của ông.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình là một trong vài họa sĩ Việt Nam hiếm hoi có tranh bán chạy với hành trình 40 năm cầm cọ và trên 5.000 tác phẩm đã được bán. Ông sinh năm 1954, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (1972), lúc nhỏ sống tại Tiệp Khắc và Hungary (cha ông là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại những quốc gia đó).

Sau thời gian đi lính chiến đấu, ông quay về học tiếp chuyên ngành sơn dầu tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM, Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình đã thực hiện rất nhiều triển lãm trong nước và quốc tế, trong đó có một số triển lãm tại Anh, Pháp, Nhật Bản, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia… Hiện ông sống và làm việc tại TP.HCM.







Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình



Chủ đề về vẻ đẹp của người phụ nữ và sự trong sáng đáng yêu của trẻ nhỏ là dòng tranh được họa sĩ Nguyễn Thanh Bình vẽ nhiều nhất, được nhiều người ưa thích, góp phần không nhỏ trong việc tạo nên thương hiệu cho họa sĩ.

Ông cho biết chỉ muốn vẽ phụ nữ và trẻ em vì, ông là người tình cảm. Vẽ phụ nữ và trẻ em cho phép ông bộc bạch được thế giới tình cảm. Họa sĩ trau chuốt, thể hiện khả năng xử lý sắc độ đầy biểu cảm với gam sáng như vàng - trắng, lam - trắng, nâu nhạt - trắng... Nguyễn Thanh Bình nổi bật ở khả năng xử lý hình và màu với độ trong sáng rất quyến. Ai đã từng xem tranh ông đều phải nhận thấy vẻ đẹp nhòe mờ của các cô gái với sắc đen trắng. Sự hòa tan giữa hình thể và không gian đã làm cho người mẫu trở nên huyền ảo hơn, dù dáng vóc thân quen của mỗi ai đó đang hiện hữu.

Còn khi vẽ về trẻ nhỏ, sự ngây thơ, trong sáng của các em đã hình thành nên một góc riêng trong thế giới hội họa của Nguyễn Thanh Bình. Ông khởi đầu cho đề tài này từ chuyện đứa con gái nhỏ đi học múa balê. Đó là hình ảnh những vũ công trẻ thơ duyên dáng, thanh thoát. Ở những bức tranh khác, ông quan sát sự ngộ nghĩnh của thế giới trẻ thơ, những trò chơi trốn tìm, những ngày đông co ro bên đống lửa đồng quê... Ông có một tình yêu với trẻ nhỏ rằng: “Trẻ con bao giờ cũng đẹp, cũng dễ thương bất kể chúng có hoàn cảnh khác nhau”. Khi chuyển tải tình yêu đó vào trong những bức tranh, ông tạo nên những tác phẩm gợi cảm với thông điệp lòng nhân ái và tình thương yêu, bao bọc của con người.



 "  Cảm ơn một khúc bình yên"  
 Nguyễn Thanh Bình


So với mặt bằng chung của các họa sĩ Việt Nam, Thanh Bình là người có thu nhập cao với lượng tranh bán ra nước ngoài đông đảo. Chính điều đó đã khiến không ít người cho rằng, họa sĩ vẽ tranh vì mục đích thương mại. Thanh Bình đã bác bỏ nhận định này với lý lẽ, nghệ thuật không thể là thương mại. Sở dĩ tranh của ông bán được là do có nhiều công chúng, nhiều người thích mua... Mà tranh vẽ ra phải có người mua. "Một người vẽ tranh mà chẳng ai buồn coi, chứ chưa nói đến chuyện mang về nhà treo thì sao có thể gọi là họa sĩ được. Họa sĩ chuyên nghiệp phải sống được bằng tranh của mình. Đó là điều dứt khoát", họa sĩ nhấn mạnh.

Cho đến nay, ông vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài về phụ nữ và trẻ em với niềm say sưa với công việc. Và chỉ khi đam mê và hứng thú với chủ đề đó, người nghệ sĩ mới tạo nên các tác phẩm hấp dẫn, được vẽ từ những cảm xúc chân thành.























Tác Phẩm






















































Mẹ và Con

















































Phong Cảnh
















































































Khoả Thân



Tranh sơn mài khỏa thân của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình
(vẽ năm 1983) từng không qua được cửa hải quan







































Chân Dung
















































HOẠ SĨ NGUYỄN THANH BÌNH
Green Palm Gallery


Nguyễn Thanh Bình đã từng nói: “Trong thiên hạ, kẻ nào biến một khoảnh khắc mong manh của cảm xúc thành bất tử, kẻ đó là nghệ sĩ.” Vốn nổi tiếng về những bức tranh mang đề tài mẹ con, ballet và nữ sinh, Nguyễn Thanh Bình không cố đi tìm những gì gây ngạc nhiên mạnh mẽ cho người xem mà dường như tập trung tạo ra sự lôi cuốn bằng cảm xúc chân thật trên từng nét cọ, đó là kết quả của một quá trình khổ luyện, tinh lọc của người nghệ sĩ để có thể nắm bắt trọn vẹn thần thái của sự vật một cách đầy mỹ cảm.
Trong tranh của Nguyễn Thanh Bình, dù ở góc độ nào ấn tượng về người phụ nữ cũng toát lên cảm giác phong thái tĩnh tâm thư thái. Trong thế giới nghệ thuật của người họa sĩ vốn dành nhiều tình cảm cho phái đẹp này, nổi bật trên hết là những vũ công ballet thanh nhã, những cô nữ sinh thướt tha trong tà áo dài, những cái ôm đầy thương mến thể hiện tình mẫu tử trong những che chắn mẹ con… “Cái đẹp vươn lên tất cả ở phụ nữ là vẻ đẹp đơn sơ và duyên dáng”, dường như những vũ công ballet của Nguyễn Thanh Bình chính là một minh chứng cho điều này, họ được họa sĩ tái hiện dày công trong nhiều dáng vẻ, không chỉ dừng lại ở những chuyển động uyển chuyển của vũ đạo mà còn là những cảm xúc được thể hiện một cách vi tế dưới những quan sát tinh tế của người họa sĩ về nhịp điệu, chuyển động, tư thế và cả những góc khuất nội tâm thầm lặng trong tâm lý người vũ công. Và ông cũng dành một mối quan tâm đặc biệt khi khắc họa những người mẹ ôm ấp đứa con thơ vào lòng đẹp tựa như những thần tiên ở một miền thiên đường ảo vọng nào đó thoát ra khỏi đời sống thực tại ồn ào, được họa sĩ khơi gợi từ những tình cảm thân thương ruột thịt nhất của con người. Bên cạnh đó, những nữ sinh hiện lên trong trẻo, tinh khôi với tà áo dài truyền thống, trong đó màu trắng của Nguyễn Thanh Bình có một sức hàm chứa lớn lao, vượt ra khỏi phạm vi nhỏ hẹp trong khuôn khổ giản đơn của một bức họa. Trong loạt tranh này, họa sĩ nâng niu trau chuốt, thể hiện bút pháp tài hoa ở các chi tiết và ở kỹ năng hòa sắc đầy biểu cảm với những gam màu gây ấn tượng mạnh như cam, hay tạo ra nhiều trường liên tưởng như sắc trắng, điều đặc biệt ở loạt tranh này là Nguyễn Thanh Bình nổi bật ở khả năng xử lý hình khối cô đọng mạnh mẽ và lối vẽ kiệm màu nhưng vẫn duy trì được mức độ trong sáng rất quyến rũ.
Tranh của Nguyễn Thanh Bình luôn ăm ắp cảm xúc, và cảm xúc chính là thứ vũ khí bí mật khiến mỗi bức họa của ông đều là một tuyệt phẩm. Nguyễn Thanh Bình vẽ như sự vờn chơi của một lãng tử tài hoa. Vũ khí ấy lý giải căn nguyên tại sao sau bao nhiêu năm ròng làm nghệ thuật, tranh của Nguyễn Thanh Bình vẫn luôn được giới yêu tranh trong và ngoài nước mến mộ, vẫn như một cô gái đẹp nhìn không chán mắt, vẫn lẩn khuất đâu đó những sâu thẳm của một tâm hồn yếu mềm thơ mộng.Nguyễn Thanh Bình chấp nhận cái nghiệp hội họa làm sự cứu rỗi bằng an cho kiếp người, và dùng chính nó, chính hội họa vỗ về nâng giấc chúng sinh trong thế giới còn chất chứa những hỗn mang vui lắm buồn nhiều và sự tổn thương luôn luôn hiện hữu...
Nguyễn Thanh Bình sinh 1954, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội và Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Những tác phẩm hội họa của ông được triển lãm ở Paris, Hong Kong, Osaka, Seoul, Malaysia, Luxembourg, Thailand, Dubai, Tokyo, England và nhiều nước khác trên thế giới.



















Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình: Không mê phụ nữ thì họa sĩ vẽ gì?
Nguyễn Quỳnh Trang 

Là họa sĩ tiêu biểu những năm 80-90 (tạm gọi là thời kỳ Hậu Đổi Mới) bán được số lượng tranh lớn nhất, nhìn những bức tranh nhẹ nhàng, sâu lắng, với những tà áo dài thướt tha, những đóa hoa mềm, phong cảnh u tình trong các sáng tác của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, khó thể liên tưởng tới một anh lính chiến rốt cuộc đã thực sự rời khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc, với vô số lần vào sinh ra tử, cùng sư đoàn 304 với nhà văn Bảo Ninh, từng trong sư đoàn 10, quân đoàn 3, (Binh đoàn Tây Nguyên) đánh vào sân

Năm 83-84, khi đất nước còn vô vàn khó khăn, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình trúng số độc đắc với 60 triệu đồng. Với số tiền lớn khi ấy, anh mua tủ lạnh, bàn ghế... rồi cho tùm lum bạn bè. Đến năm 1997, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình bán được rất nhiều tranh, và thu về rất nhiều tiền. Tiền bán tranh ông mua xe cộ, nhưng bạn trai bạn gái ai thích đều cho luôn và ăn chơi phóng khoáng.

Những năm 80 ở Sài Gòn xuất hiện nhóm 10 họa sĩ hay vẽ và triển lãm chung: Nguyễn Trung, Ca Lê Thắng, Đào Minh Tri, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Vũ Hà Nam và Nguyễn Thanh Bình. Thuộc thế hệ cuối những năm 80 đầu năm 90 (tạm gọi là thời kỳ sau Đổi Mới). Về sau vẫn chơi thân với nhau. Tất cả đều thành danh.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình vốn rất kín tiếng, ít khi xuất hiện trên báo chí. Cũng không dễ dàng để gặp vì ông thích một mình, và luôn để quên máy điện thoại đâu đó. Duy nhất có thể tương tác với ông là qua Facebook. Ông thích viết đủ thứ, post đủ loại ảnh ở trên facebook mỗi khi rảnh không vẽ. Thời gian này, với nhiều đơn đặt hàng dồn dập, ông vẫn đang mải miết vẽ “trả nợ”, như suốt bao nhiêu năm vẫn thế. Đây là lần đầu tiên, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình trải lòng mình qua một bài phỏng vấn dài:


“Có thể nói, tôi có một tuổi thơ rất đẹp và độc đáo. Mẹ sinh ra tôi giữa núi rừng Việt Bắc, sau khi Hiệp định Geneve được ký 2 tháng.

Tôi từng sống ở 66 Chu Văn An, trước cửa Bộ Ngoại giao, được may mắn gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần.

Năm 1957, bố tôi được cử làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước VNDCCH tại Tiệp Khắc và Hungary, nên cả gia đình sang Praha.

Một phần tuổi thơ của tôi trôi qua ở Praha, Budapest ... và được nuôi dạy ở các trường của Tiệp Khắc.

Cuối năm 1961, mẹ để hai em ở lại Praha, và mang tôi về Việt Nam trên chuyến tàu liên vận quốc tế, qua Moskva, xuyên Xiberi, qua Bắc Kinh ... Ở ga biên giới Bằng Tường, tàu dừng lại khá lâu (để đổi bánh xe, do khổ đường sắt không bằng nhau) tôi đã phá lên cười ngặt nghẽo khi lần đầu tiên nhìn thấy cây chuối (!) ... Trong mắt tôi ngày ấy, đó là một cái cây kỳ lạ với những tàu lá quá to.

Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (8-1964). Bắt đầu một cuộc đời xa bố mẹ vì đi sơ tán (Hồi ấy, Bộ Ngoại giao cho con em của cán bộ đang công tác ở nước ngoài, đi sơ tán từ rất sớm)

1965, tôi thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam ... Lúc đó trường đang sơ tán ở Hiệp Hòa (Hà Bắc). Lúc đó vừa tròn 11 tuổi. Tôi học Hệ sơ trung 7 năm ở nơi sơ tán.

Năm 1972, khi 18 tuổi, tôi vừa tốt nghiệp sơ trung thì đi bộ đội. Tuổi thơ kết thúc”.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Trong suốt những năm tháng ấu thơ ấy, đọng trong ký ức của ông là điều gì?

- Kỷ niệm của tuổi thơ thì rất nhiều... Những ký ức về năm tháng ở châu Âu, về bà bảo mẫu người Tiệp, Strutova, dạy tôi từ những điều rất nhỏ, từ cách cầm muỗng nĩa đến cách lên xuống cầu thang …

Sinh ra trong một gia đình đặc biệt như thế, bố mẹ đã có ảnh hưởng tới ông ra sao?

- Bạn thấy đấy, tôi đã sinh ra trong một gia đình, như dân gian thường diễu là “COCC” (Con ông cháu cha) – một gia đình trí thức có địa vị, nhưng ba mẹ là những người luôn dạy con tính tự lập từ rất sớm, không nuông chiều … Và đặc biệt, mẹ luôn nói rằng: “muốn để không ai coi thường mình, không có cách nào khác là phải học thật giỏi…!”

Khi còn là học sinh, việc học trong trường của ông ra sao?

- Ngay từ khi bắt đầu bước chân vào trường (đầu tiên là trường cấp 1, Lý Thường Kiệt – Hà Nội), cái tên "thằng ngốc" đã dính vào người như một số phận. Vì thế, từ lớp 1 (phổ thông) cho đến khi tốt nghiệp trung cấp mỹ thuật, luôn bị bạn bè chế diễu với cái tên "ngan đần" chẳng những vì khù khờ mà còn vì học dốt!

Vậy với số phận “ngan đần” khù khờ như vậy, đâu là bước ngoặt trong cuộc đời ông?

- Cuộc đời tôi là một hành trình độc đáo với những bước ngoặt không giống ai: Một thằng bé "công tử" sống ở châu Âu, trở về VN là bước ngoặt thứ nhất. Một thằng nhóc Hà Nội da trắng, môi đỏ, sống trong khu nhà đẹp nhất nhì Hà Nội bị ném ra nông thôn, sống như nông dân là bước ngoặt thứ hai. Cuối cùng, là bước vào cuộc chiến thảm khốc và 6 năm sau, bước ra nguyên vẹn. 6 năm làm lính (1972 - 1978) có thể nói tương tự như tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" của nhà văn Bảo Ninh (vốn là lính cùng sư đoàn).

Khó có thể nói hay giải thích "làm thế nào đi qua cuộc chiến ..." vì nó vừa là "định mệnh" vừa là công việc không tránh khỏi. Một việc chẳng ai muốn, nhưng vào thời điểm đó, chẳng ai tránh được. Nhiều người hỏi vì sao anh có gia đình như thế mà vẫn phải đi lính?

Đó là một trong nhiều đặc điểm đậm chất "Nam Bộ" của ba mẹ... Người ta làm được thì mình cũng làm được, " ... anh em đi được thì con cũng đi được ..."
Cũng vì cái chất (hay cái tính) Nam Bộ, thấy việc ngứa mắt thì nói thẳng, chửi thẳng, nên phải trả giá. Tôi thay vì được ở lại trên quân đoàn bộ (cùng với Lương Xuân Đoàn và Nguyễn Quốc Thạnh) thì bị "ném" mình xuống đơn vị trực tiếp chiến đấu. Điều ấy dẫn đến vô số những "trải nghiệm" vô cùng tàn khốc.

Quả tình tôi rất kinh ngạc khi biết về cuộc đời lính chiến của ông với bao lần vào sinh ra tử mà khi kể lại, ông như nói về ai đó không liên quan đến mình. Ông làm thế nào để xóa được hết trong ký ức những ám ảnh khắc nghiệt của chiến tranh?

- Tính tôi là thế, chuyện gì xảy ra cũng được, tôi không coi cái gì là quan trọng cả.

Quên được hết, cũng là điều kỳ lạ, tôi không tự giải thích được. Khi bước ra khỏi cuộc chiến nguyên vẹn (tuy vẫn còn một mảnh đạn nhỏ sau lưng) nhưng những kỷ niệm không phai mờ về năm tháng kinh hoàng ấy không để lại ấn tượng gì. Ký ức đau khổ còn đó, nhưng không mảy may thay đổi bản tính vui vẻ, cởi mở và thân thiện của tôi.

Những lần cận kề sinh tử thì sao, ông còn nhớ gì không?

- Trong chiến tranh, một thằng lính trực tiếp chiến đấu, thì số lần giáp mặt với cái chết nhiều không kể xiết. Mà câu chuyện về chúng đen tối buồn thảm lắm, bạn muốn biết làm gì!

Vậy hoàn cảnh nào đưa tới việc ông trở thành sinh viên trường ĐH Mỹ thuật?

- Tôi vào trường mỹ thuật từ năm 11 tuổi, chẳng qua vì hay vẽ bậy bạ, linh tinh và học dốt, mẹ nghĩ rằng vào trường vẽ thì những môn toán, lý, hóa sẽ nhẹ hơn ... Học hết sơ trung với kết quả tầm thường thì đi lính. Đi lính xong thì chỉ là về trường cũ học nốt đại học. Chỉ thế thôi. Ngày xưa tôi thích học văn mà không thích vẽ.

Không thích vẽ thì quá trình học hội họa của ông diễn ra thế nào? Ông đã tìm được phong cách biểu hiện cá nhân trong thời sinh viên chưa?

- Suốt 13 năm học vẽ (7 năm sơ trung và 6 năm đại học) chỉ là một học sinh, sinh viên bình thường, chẳng có gì nổi bật.

Học tại Hà Nội rồi chuyển vào Sài Gòn có tác động gì lên quá trình sáng tác và tâm lý cũng như cuộc sống của ông?

- 7 năm sơ trung đương nhiên là học ở ngoài Bắc (không phải Hà Nội), nhưng khi ra quân năm 78, đơn vị đề nghị về Hà Nội học vì một lý do: Lúc đó đơn vị sắp sang Campuchia, nên cán bộ quân lực không muốn có sự nghi kỵ nào. Năm thứ nhất đại học ở Hà Nội, hơi tự do, vô kỷ luật, nên phải chuyển vào Sài Gòn với mẹ để có sự "kềm cặp" của gia đình, nó chẳng có tý tác động hay ảnh hưởng gì, vì lúc đó cũng chỉ là một sinh viên bình thường ...

Sau khi ông ra trường, những ngày đầu tiên ấy ra sao?

- Ngày đầu ra trường, dĩ nhiên là thất nghiệp. 15 năm sau đó là quãng thời gian "bươn chải" trong nghèo khổ.

Ai là người có ảnh hưởng về con đường hội họa của ông?

- Khi còn là sinh viên, và cả khi ra trường, họa sĩ Việt Nam có ảnh hưởng nhất là Nguyễn Sáng và nữ họa sĩ Hoàng Minh Hằng (vẽ lụa). Nước ngoài chỉ có họa sĩ Tây Ban Nha: Juan Gris và họa sĩ Ý: Amedeo Modigliani.

Khi còn là sinh viên, đặc biệt thích trường phái lập thể (chỉ riêng của Juan Gris) ở cách "nhìn" sự vật theo những chiều kích phóng chiếu bởi ý niệm không gian. Nhưng sau đó, A.Modigliani lại gợi ra một cách nhìn hình thể khác. Bài thi tốt nghiệp chịu ảnh hưởng (nhẹ) từ J.Gris và A.Modigliani.

Tuy nhiên, nhiều năm sau (đặc biệt trong thời gian "thất nghiệp" ngồi nhà) tự nhận ra rằng con đường và cảm hứng từ hội họa phương tây không phù hợp. Thời kỳ đó lại chơi rất thân với chị Hằng (tôi đang làm việc cho nhà xuất bản TP HCM). Tranh lụa của chị rất đẹp, rất tinh tế, thanh thoát, nhẹ nhàng... Phong cách của chị gợi mở cho tôi một con đường. Cùng với lối tạo hình rất khỏe khoắn, cô đọng của Nguyễn Sáng, tạo nên phong cách riêng của tôi ngày nay. Rất khó nhận ra sự ảnh hưởng của những họa sĩ kể trên trong tranh của tôi, nhưng những điều đó luôn ẩn sâu phía sau...

Ông bắt đầu công việc tìm tòi biểu hiện tranh như thế nào?

- Không có mốc thời gian cụ thể cho con đường sáng tạo, nó hình thành từ từ, qua các trải nghiệm thất bại liên tục nhiều năm...

Những bức tranh bán được đầu tiên ra đời trong hoàn cảnh nào? Đó là những bức tranh đề tài gì? Ông đã bán những bức tranh đầu tay ra sao?

- Những bức tranh bán được đầu tiên, ra đời trong hoàn cảnh đang thất nghiệp, chỉ có mỗi một việc là ngồi nhà (vợ nuôi) và vẽ, vẽ theo nhiều khuynh hướng, trường phái khác nhau, nhiều kích thước khác nhau ... Bức đầu tiên bán được cho bà Pennis, vợ của chủ ngân hàng Indosuez là một bức tĩnh vật khổ lớn (120 x 140) vẽ một mâm ngũ quả, trên nền một khung cửa sổ đêm rằm, theo phong cách siêu thực (vẽ chi tiết từng cái nan trên giỏ trái cây). Chính bà Pennis là người đã khuyên tôi nên học tiếng Anh và cố gắng tìm lấy con đường riêng cho mình ...

Thị trường tranh trong thời gian đó diễn ra như thế nào? Ông tham gia thị trường từng bước ra sao?

- Thời gian đó không có cái gọi là "thị trường tranh" như bây giờ. Năm 1987, một nhóm bạn (Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Hoài Hương và tôi) bày một triển lãm nhóm họa sĩ trẻ, có thể nói là đầu tiên tại Sài Gòn sau năm 75. Triển lãm ấy có tiếng vang. Sau đó, thành phố hình thành một nhóm họa sĩ 10 người (đồng thời ở Hà Nội có nhóm "Gang of Five" của Trần Lương, Hà Trí HIếu, Hồng Việt Dũng, Phạm Quang Vinh và Đặng Xuân Hòa) tạo nên một bầu không khí hội họa rất sôi nổi mà không có tính thị trường. Từ đó, Gallery Lã Vọng (Hongkong) biết đến, và mời tham gia một triển lãm (cùng với Đỗ Quang Em) tại hội chợ nghệ thuật của các gallery hàng đầu thế giới tại Hongkong năm 1996. Ở đó, bức "Dàn Đồng Ca" theo phong cách biểu hiện, được bán ngay giờ đầu tiên, ngày khai mạc. Tên tuổi tôi được "xác lập" từ ngày ấy.

Ông vẽ cho chính mình hay bởi vì biết nhu cầu thị trường ưa thích gì để vẽ?

- Tất nhiên, đầu tiên là vẽ cho mình, vì mình ... và vì yêu cầu của các gallery ngày càng nhiều, nên vẽ cho họ vì tiền là chính.

Ông vẽ rất nhiều, đã có hơn năm ngàn bức tranh được vẽ và được bán?

- Với lượng yêu cầu ngày càng cao trong suốt thời gan dài hơn 15 năm, thì tất nhiên lượng tranh là rất lớn. Đúng vậy, tôi đã bán hơn 5000 bức!

Làm thế nào duy trì được nhịp độ vẽ đều đặn để sáng tác số lượng tranh lớn như vậy?

- Trước trung bình 3 ngày vẽ 5 bức tranh, giờ thì 1 tuần 5 bức. Làm theo thói quen và nhu cầu. Có nhiều lúc rất chán. Chán thì đi chơi, làm mô hình, tôi chơi mô hình hơn hai chục năm, có thể cặm cụi suốt đêm làm mô hình. Bây giờ thích xì gà, đọc sách đủ loại, nghe nhạc, thích một mình uống cà phê, loay hoay hết đủ một ngày. Nhìn lại, cũng không thể biết bằng cách nào có thể duy trì nhịp đồ và tần suất cao như vậy trong thời gian đó. Có lẽ do trời Phật phù hộ!

Ông vẽ nhiều đề tài, nhưng mối quan tâm nhất vẫn là những người phụ nữ, sau đó là trẻ em, chất liệu thì thường dùng sơn dầu trên toan, và phong cách định hình không có sự thay đổi làm mới?

- Thật ra, ít người biết một giai đoạn dài trước đó, không chỉ vẽ phụ nữ và trẻ em (mảng đó chỉ là một phần sau này) mà đủ thứ. Khi xác định được rằng phong cách ấy, bút pháp ấy không còn lẫn vào ai, không giống ai, thì vấn đề "làm mới" lại cần phải hiểu theo một cách khác.

Rồi đề tài phụ nữ lại luôn xuyên suốt trong các sáng tác của ông?

- Vì tôi mê phụ nữ, họa sĩ mà không mê gái thì không biết vẽ gì.

Những người phụ nữ nào ngoài đời thường tác động lên cuộc đời của ông? Có ai đã trở thành nhân vật trong sáng tác của ông?

- Tôi vẽ gì và vẽ thế nào phụ thuộc vào tính cách, không phải vô tình hay ngẫu nhiên mà chọn phụ nữ (nữ sinh, mẹ con, ballet ... ) làm chủ đề chính, vì đơn giản là đối tượng đó dễ tạo ra ấn tượng, hay nói cách khác nó phù hợp với bản tính thích nhẹ nhàng và mê gái ... Không có người phụ nữ cụ thể nào ghi dấu đặc biệt lên quá trình sáng tạo, vợ, con gái, bạn gái thân hoặc sơ .. đều ẩn khuất đâu đó trong tất cả các tác phẩm.

Ông không ngại ngần che dấu những dục tính của mình?

- Thật ra, chẳng ai đi "khoe khoang" thành tích tình dục, nhưng bản tính ngay thẳng thì chẳng cần giấu diếm (trừ vợ) ... Và có nghệ sĩ nào sống nghiêm túc, đạo mạo đâu. Tuy có một vài họa sĩ (có tài) sống rất nghiêm túc, nhưng tác phẩm của họ (dù chất lượng nghệ thuật rất cao) ít gây được ấn tượng, hoặc nói cách khác, khó bán ... Logic của điều này ở chỗ: Bản thân thiếu lửa thì sao có thể truyền lửa cho người khác.

Còn trong tranh ông, luôn thấy trong trạng thái phiêu diêu, điềm tĩnh và cân bằng, nhìn cuộc sống bằng con mắt trong trẻo?

- Người thế nào thì tranh như vậy, điều này cũng giống như trong văn học hay âm nhạc. Màu trong tranh là tính người, không phải muốn vẽ màu gì thì cũng vẽ được. Nét vẽ chính xác, uyển chuyển cũng là do cá tính, một phần nhỏ là kỹ thuật thôi.

Muốn vẽ quyết liệt dùng màu đỏ, cam, xanh lam như một điểm nhấn, kể cả khi dùng màu gắt cũng nhẹ, cái đó là về kỹ thuật. Còn màu trong chủ đạo trong tranh là màu be. Nó thể hiện sắc thái ấn tượng nhẹ.

Vậy khi có những chuyện nghiêm trọng xảy ra với ông, ông làm thế nào vượt qua được điều đó với tâm hồn nhạy cảm dễ tổn thương của người nghệ sĩ?

- Trước những trắc trở, khó khăn trong đời, bản tính điềm tĩnh giúp tôi vượt qua. Đương nhiên, tâm hồn nghệ sĩ phải rất nhạy cảm, nhưng không phải ai cũng có tâm hồn dễ tổn thương, điều này phụ thuộc vào sự hiểu biết, một khi hiểu rõ bản thân mình, hiểu rằng tự ái là một thói xấu, thì rất khó bị "tổn thương" theo cách hiểu thông thường ...

Gia đình, bạn bè, công việc… điều gì làm ông quan tâm nhất? vì sao?

- Không có sự "cân đong" giữa gia đình, bạn bè và công việc... Tất cả đều có giá trị như nhau! Tình yêu và gia đình cũng vậy.

Cuộc sống hiện tại của ông vào thời gian này đang diễn ra như thế nào?

- Cuộc sống hiện nay là bình thường, không có quá khứ cũng không vì tương lai!

Qua tranh ông, tôi vẫn thấy ông đang nuôi dưỡng những kỷ niệm? Chúng có ý nghĩa thế nào khi ông sáng tác? Trong quá trình vẽ, ông mang trong mình cảm xúc gì?

- Kỷ niệm vẫn còn đó, nhưng chúng nằm đó như hiện vật bảo tàng, không có ý nghĩa gì với sáng tác. Khi vẽ hay viết một điều gì đó, chỉ có sự liên tưởng gián tiếp hoặc trực tiếp đến việc muốn diễn tả, muốn nói tới, cảm xúc lúc đó biến thiên theo tình huống.

Qua cách thể hiện trong giao tiếp, tôi thấy ông rất tự tin vào bản thân?

- Tất nhiên phải là người tự tin, hiểu rõ mặt tốt và mặt xấu của mình mới có thể tự tại.

Ai là người gây được ảnh hưởng đến tư tưởng ông?

- Người duy nhất ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng là Đức Phật!

Đã khi nào ông tự thấy mình nhẫn tâm/ độc ác?

- Độc ác hay nhẫn tâm thì không, nhưng ân hận về những việc mình gây ra thì có ...

Nhìn vào những gì đã qua, ông có thấy nuối tiếc gì không? Điều gì làm ông mong muốn có thể quay trở lại thời điểm ấy để làm lại?

- Có thể nhìn ngắm quá khứ, nhưng không bao giờ nuối tiếc (kể cả khi nhớ lại thời "vàng son") vì cái gì đã qua thì cho qua, và không bao giờ mong muốn "trở lại"...

Ông tự vạch hướng đi cho mình hay cuộc đời tặng cho gì thì ông nhận lấy nó?

- Đời cho gì thì nhận cái đó ... không đòi hỏi cũng không mong cầu, không định hướng.

Nếu tự nhận xét về bản thân, ông sẽ nói về mình như thế nào?

- Tự nhận xét thế này: Thông minh, hào sảng và yêu đời ..

Ông có thể kể về một ngày bình thường và một ngày không bình thường của ông trong chính thời gian này?

- Đối với tôi, ngày nào cũng bình thường ... ngủ với một cô hoa hậu hay chơi với anh công nhân vệ sinh... là như nhau.

Xin cảm ơn ông và chúc ông nhiều sức khỏe để vẽ tranh trả nốt nợ đời.

















Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình và 15 năm dựng sa bàn xe lửa



Mất ba ngày để vẽ một bức tranh, song họa sĩ Nguyễn Thanh Bình lại chịu mất tới 15 năm chỉ để dựng một sa bàn xe lửa.

Vốn nổi tiếng về những bức tranh mang đề tài mẹ con, ballet và nude, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, 63 tuổi ở TP.HCM luôn bận rộn với vô số đơn đặt hàng trong và ngoài nước. Ông thường dành trung bình ba ngày để hoàn thiện một bức tranh và vẽ liên tục, cật lực suốt mấy chục năm qua không hề ngưng nghỉ.

Hiếm ai biết rằng thú vui dài lâu nhất và khiến ông bền bỉ nhất chính là thú chơi dựng sa bàn xe lửa. Ông theo đuổi thú chơi này suốt 20 năm qua, tỉ mỉ lắp từng đường ray hoặc nhà cửa bé xíu, tỉ mỉ tới từng chi tiết.
Cứ mỗi lúc rảnh rỗi, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình lại lên mạng mày mò đặt các vật liệu cần thiết từ nước ngoài, xem catalogue hướng dẫn để tự lắp ráp. Phần lớn diện tích lầu 2 trong nhà ông chỉ dùng để dựng sa bàn xe lửa và bày các vật dụng cần thiết phục vụ cho thú chơi này.




Khách tới chơi nhà họa sĩ có lúc thật bất ngờ khi thấy ông lui cui dưới các sa bàn, 
say mê nối từng đầu dây nhỏ của bảng điều khiển



Để tìm hiểu đi sâu hơn về thú chơi này, họa sĩ đã tự đặt mua nhiều sách vở, 
kết bạn trên mạng với những người cùng sở thích để trao đổi, hỏi han kinh nghiệm



Ngắm nhìn những sa bàn xe lửa ông làm mới thấy hết những tỉ mỉ chăm chút của người chơi




Từ đầu tàu, toa tàu, nhà ga, nhà kho, khách bộ hành, phong cảnh… 
đều tinh xảo và sống động



Trong con số khoảng 100 người chơi mô hình tàu lửa và sa bàn tại Việt Nam, có lẽ sa bàn của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình là công phu nhất. 
Thậm chí có sa bàn lớn nhất mà ông từng làm (dài 9m, rộng 2,4m), ông còn dành tới 15 năm để hoàn thiện



Đây cũng là sa bàn ông ưng ý nhất với đường ray hai tàu chạy cùng lúc, cùng vô số chi tiết bé xíu tinh xảo: nhà ga, nhà chờ, hành khách trên sân ga, cột đèn, ô tô, núi, sông, cây cối, cầu, hầm...



Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình chia sẻ khâu thiết kế phong cảnh cho sa bàn mới mất nhiều thời gian và công sức hơn cả. Nhưng ông vẫn yêu thích thú chơi này bởi sự tĩnh lặng, chuyên tâm, song vẫn đầy sáng tạo và đòi hỏi con người rèn luyện sự kiên nhẫn vô biên



































Nguyễn Thanh Bình & Phan Nguyên











Trở về









MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.