Thứ Hai, 4 tháng 4, 2022

Hoàng Ngọc Hiến (1930–2011)

 





http://phannguyenartist.blogspot.com/



Hoàng Ngọc Hiến
(1930–2011)
  Nhà lý luận phê bình, dịch giả văn học đương đại, nguyên hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du.








Ông từng viết:
"Có thể có con nhưng không là một người cha, có thể có học hàm nhưng không là một người thầy, có thể có học vị nhưng không là một trí thức"








Tiểu sử


Hoàng Ngọc Hiến sinh ngày 21 tháng 7 năm 1930 tại Nam Định, quê quán: Làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sau năm 1945, ông cùng gia đình đi tản cư, học Trường trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng ở Vinh và được gửi đi đào tạo ở Liên Xô (cũ).

Năm 1959, ông làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công Tiến sĩ Văn học chuyên ngành lý luận, phê bình tại Đại học Tổng hợp Moskva, Liên Xô (cũ) với luận án về nhà thơ Liên Xô Vladimir Vladimirovich Mayakovsky

Về nước, ông lần lượt giảng dạy ở các trường Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Văn hóa, Trường Viết văn Nguyễn Du (và ông đã nhiều năm làm hiệu trưởng ngôi trường này).

Từ năm 1983, ông đã nhiệt thành cổ súy cho sự đổi mới sáng tác văn học ở Việt Nam, phê phán những bất cập trong hệ thống lý luận quan của Zdanov.

Ông là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam năm 1987, và là đồng chủ bút với Huỳnh Sanh Thông, Trương Vũ ra tạp chí Vietnam Review (phát hành ở Mỹ trong 2 năm 1996 và 1997).

Ông có các học trò là nhà văn, nhà thơ đã thành danh như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Trọng Tạo...

Hoàng Ngọc Hiến mất vì bệnh lúc 23 giờ ngày 24 tháng 1 năm 2011 tại Bệnh viện Hữu nghị, Hà Nội.















Tác phẩm

Tác phẩm của Hoàng Ngọc Hiến đã xuất bản




1
:Ngọn gió thổi những chiếc lá bay qua đại dương
(tập ký)


2
Maiacôpxki. Con người, cuộc đời và thơ
(khảo cứu. Tuyển dịch, 1976)


3
Maiacôpxki
(hài kịch. Dịch, 1984)


4
Văn học Xô Viết đương đại
(khảo cứu, 1987)


5
Văn học – học văn
(tiểu luận và phê bình, 1992)


6
Văn học và học văn
(tiểu luận và phê bình, 1997)


7
Văn học gần và xa
(tiểu luận, 2000)


8
Triết lý văn hóa và triết luận văn chương
(khảo cứu, 2006)


9
Văn hóa và văn minh – Văn hóa chân lý và văn hóa dịch lý
(2007)


10
Hoàng Ngọc Hiến. Tuyển tập chọn lọc
(2008)


11
Xác lập cơ sở cho đạo đức, Bàn về tính hiệu quả
(dịch từ sách của Francois Jullien)


12
Minh triết phương Đông và triết học phương Tây
(tuyển tập những công trình của nhà triết học đương đại Pháp F.Jullien, Nhà xuất bản. Đà Nẵng, 2004)







Liên kết ngoài





(Theo Wikipedia)











Nỗi đau [đáu] của trực giác




Chúng ta phải lưu tâm đừng có làm cho trí thức (intellect) thành Thượng đế của chúng ta; đương nhiên nó có cơ bắp mạnh mẽ đấy, nhưng không có personality.[1]

- ALBERT EINSTEIN


Thưa! Tôi đang viết về văn học; tôi không hề có ý định viết về loài vật, cho dù là chúa sơn lâm, trong bài này. Cho dù, lượng bài viết về văn học ngập ngụa thế giới này đang rất rất cần tới bàn tay của một tân Tần Thủy Hoàng.

Tôi cũng không có ý định kể chuyện ngụ ngôn. Thế gian này chưa có thêm loài vật nào đáng kể hơn những con đã được nhắc tới trong truyện của Aesop hay thơ của La Fontaine, nhất là trong văn của cuồng nhân Mông Lại (mà người đời sau cứ hay kính cẩn lên là Trang Chu với cả Trang Tử).

Ấy thế nhưng, trước hết, tôi vẫn phải viết về sư tử. Như một bài học lớp vỡ lòng, cho đám đồng ấu.

Tất cả sư tử đều dòng hoàng tộc (đều “royal”), đều chúa sơn lâm, nhưng không phải sư tử nào cũng giống sư tử nào.

(Chuyện kể nghe có vẻ sốt ruột, ai đã qua tiểu học rồi thì thôi đừng đọc cũng được)

Nhân vật đáng chú ý nhất tất nhiên là con sư tử đực đầu đàn: mạnh mẽ, uy dũng, hùng tráng, lộng lẫy, quyền uy… như một bậc hoàng đế, như một danh tướng bất khả chiến bại. Như Alexandre Đại Đế, như Hannibal, như Caesar, như Thành Cát Tư Hãn, như Napoléon, như Quang Trung Nguyễn Huệ Hồ Thơm…

Thế nhưng, “The Lion King” lại chẳng bao giờ làm việc gì cả! Mọi việc đều do con sư tử cái (người ngợm nhỏ nhắn, quân dung giản phác như “bà nông dân”) làm tất: sinh con đẻ cái (dễ hiểu), săn mồi để “nuôi đủ 5 con với 1 chồng” như bà Tú Xương, tìm hang đặt ổ, đánh đuổi quân thù, bảo vệ giang sơn, bắt sưu thu thuế…

“The Lion King” dường như suốt ngày chỉ rong chơi, tắm nắng hóng gió, “khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”… Suốt ngày chỉ lo chải chuốt bộ bờm cho cái dáng vẻ “Mr. Oai” thêm phần trịnh trọng, bệ vệ, hoành tráng. Rảnh thì vi hành quanh lãnh địa của mình vài vòng lấy lệ, cho thiên hạ biết “như ta đây”. Khi vào mùa, hưng phấn lên ngài làm tới vài ba chục lần một ngày khiến các “sexy Hà Đông lady” phải mê [mệt] tơi [bời].

Không lẽ “The Lion King” là tên playboy vô tích sự?

Dĩ nhiên không.

Ngài có một đại trọng trách mà kẻ nào không biết lại tưởng tầm thường: HỐNG!

Tất cả tinh túy, sức mạnh, quyền năng chỉ vào mỗi cái việc ấy.

Vậy việc ấy có cái ý nghĩa gì mà quan trọng?

Thật dễ hiểu: tiếng rống của “The Lion King” vang đến đâu thì vương quốc của ngài rộng đến đó, không có bọn hươu nai chồn cáo linh cẩu hay “bố già” nào khác dám xâm phạm. Vậy thì tiếng rống của ngài gồm đủ cả biên giới cương vực cột mốc, quốc ca quốc thiều quốc kỳ quốc hội… Là người phát ngôn bộ ngoại giao, là đài phát thanh, là sách trắng quốc phòng, là an ninh tổ quốc, là hòa bình thống nhất, là quyền sinh quyền sát, là kiểm duyệt tường lửa…

Biên giới trên biển trên bộ đã hoạch định xong rồi thì bọn sư tử cái với sư tử con cứ thế mà hưởng lộc, cứ thế mà ung dung hưởng độc lập - tự do - hạnh phúc.

Tất cả vương quốc đều sống nhờ vào những tiếng gầm của “The Lion King”, là vậy.

Linh nhiệm đến kỳ bí tột đỉnh là “Sư Tử Hống” là tên của một bộ kinh trong Phật pháp. Đó là gì?

Sư tử hống, Phạn ngữ Simhanada, là tiếng gầm của loài sư tử, vua của các loài thú. Kinh Phật dùng ảnh dụ này để chỉ âm thanh thuyết pháp của Đức Phật như tiếng gầm rống của sư tử chúa, không những không sợ hãi bất cứ loài thú nào mà còn làm cho các loài khác phải khiếp sợ, bị nhiếp phục. Khi Phật thuyết pháp, hàng Bồ tát, Thanh văn đều phát tâm cầu đạo Bồ đề, còn ngoại đạo và ác ma thì sanh tâm kính phục, sợ hãi.[2]

Tôi lại vừa phát hiện là kinh Đại Bát Niết Bàn đã nói về 11 ý nghĩa của “sư tử hống” như sau:

Như sư tử chúa tự biết sức lực răng nanh bén nhọn, bốn chân chống đất đứng trong hang vẫy đuôi gầm ra tiếng. Nếu có người nào đủ những tướng như vậy phải biết rằng có thể rống như sư tử, thiệt là sư tử chúa sáng sớm ra khỏi hang vươn vai ngáp, nhìn ngó bốn phương, cất tiếng rống to. Làm như thế là vì mười một điều: Một là vì muốn phá dẹp những loài chẳng phải thiệt sư tử mà dối làm sư tử; hai là vì muốn thử sức mình; ba là vì muốn khiến chỗ ở thanh tịnh; bốn là vì muốn bầy sư tử con biết chỗ nơi; năm là vì muốn đàn sư tử không tâm kinh sợ; sáu là vì muốn kẻ ngủ được thức tỉnh; bảy là vì muốn tất cả những thú phóng dật được siêng năng chẳng phóng dật; tám là vì muốn những thú khác đến chầu hầu; chín là vì muốn điều phục đại hương tượng; mười là vì muốn dạy bảo các con cái; mười một là vì muốn trang nghiêm quyến thuộc của mình.

Này thiện nam tử! Như Lai Chánh Đẳng Giác, Trí huệ là nanh vuốt, Bốn như ý túc là chân, đầy đủ Sáu môn Ba la mật là thân, Thập trí lực hùng mãnh là sức lực, Đại từ bi là đuôi an trụ, Tứ thiền là hang thanh tịnh, vì chúng sanh mà rống như sư tử, dẹp phá quân ma, hiện bày mười trí lực, mở mang chỗ đi của Phật, làm chỗ nương về cho bọn tà kiến, vỗ về những chúng sợ sệt sanh tử, giác ngộ chúng sanh vô minh ngủ nghỉ, làm cho người tạo ác sanh tâm ăn năn, khai thị tà kiến cho tất cả chúng sanh, làm cho họ biết hàng Lục sư chẳng phải là tiếng rống của sư tử, để phá lòng kiêu mạn của ngoại đạo Phú Lâu Na v.v… Làm cho hàng Nhị thừa sanh lòng hối hận, dạy bảo các Bồ tát bực ngũ trụ cho họ sanh tâm đại lực, làm cho bốn bộ chúng chánh kiến chẳng sợ sệt những đồ chúng tà kiến, nên từ nơi thánh hạnh, phạm hạnh, thiện hạnh, vươn vai mà ra. Muốn khiến các chúng sanh phá lòng kiêu mạn nên há ngáp. Vì khiến chúng sanh thêm lớn pháp lành nên đoái ngó bốn phương. Vì khiến chúng sanh đặng Tứ vô ngại biện nên bốn chân chấm đất. Vì khiến chúng sanh đầy đủ Thi la Ba la mật nên rống như sư tử.[3]

Quả là thiên hạ này ai muốn múa mép đều cũng khó mà nhón bước qua bàn tay Phật! Trong 49 năm thuyết pháp, chắc rằng chẳng có vấn đề gì mà Ngài chưa từng bàn đến.

Thưa quý vị, tất nhiên, tôi đang viết về một con người: nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến.

Có nhiều nhận xét lộn xộn hay hình như ấu trĩ (hoặc “vồ hụt” [chữ của HNH]) về ông (các chỗ in đậm trong các đoạn trích ở bài này là tôi nhấn mạnh).

Có người nói:

Tuy nhiên, trong bài viết của mình, anh cũng để lộ cho thấy điểm yếu về mặt khái quát lý luận không dựa chắc trên cơ sở văn học sử và ngay bản thân lý luận cũng ít nhiều có tính chất tư biện. Chính tính chất tư biện này theo tôi mới là nguyên nhân chủ yếu gây nên những cuộc tranh cãi sôi nổi quanh bài viết của anh. Anh gọi ra đúng căn bệnh nhưng lại luận giải không chặt, không thật hoàn hảo, thấu đáo, nên bị phản ứng lại cũng là lẽ thường tình … Bất kỳ bài viết nào của anh cũng đều khoa học và đều có một chút gì đáng ngờ về mặt khoa học.

Lắm khi tên gọi và cái được gọi tên của anh không phù hợp, hoặc nội hàm khái niệm anh xác định còn khá mơ hồ, trừu tượng, không “vào” được thực tế.

Rồi thì:

Những quan niệm ông đưa ra bằng những cụm từ có tính triết học đã làm nên tên tuổi HNH và gây ra tranh cãi quanh tên tuổi ông … nhắc đến là thấy ra vấn đề, nhưng cũng rắc rối và phức tạp trong các vấn đề đó.[4]

Có người viết (như bố người ta, loại “bố láo”):

Ông Hiến là người thông minh, nhưng không có công trình khoa học nào đáng giá … Những bản dịch của HNH cũng rất trung bình, không đặc sắc. Còn các bài viết thì Hoàng Ngọc Hiến rất kém, còn rất xa mới bằng được Nguyễn Đăng Mạnh và các nhà phê bình nghiên cứu khác. Ông Hiến không có được một bài viết nào hoàn chỉnh. Nhưng ông lại rất tài nghĩ ra các thuật ngữ … Rất giỏi. Nhưng để triển khai, bảo vệ những câu lập ngôn của mình, ông viết và lý giải rất kém.[5]

Có người rằng:

Hoàng Ngọc Hiến hiện nay, cũng như một vài người khác ở ta…, khó mà phân định được là nhà gì: nhà triết, nhà phê bình, nhà dịch thuật hay nhà văn hóa? Thời đại khai minh khiến cho một số người có thực tài nhìn đâu cũng thấy cần phải khai quang. Họ trở thành nhà bách khoa bất đắc dĩ là vì vậy. Nhưng thời nào cũng có những con người dao pha, đa năng đến mức thành đa di năng.

Rằng:

Anh ít khi thuật một cách đủ đầy, có tính hệ thống, kể nội dung, mà thường chỉ tóm lấy một luận điểm nào đó, ấn tượng nhất, đẩy đến cùng cực, rồi diễn giải nó, phần nhiều theo ý mình, bằng các ví dụ bản thổ.

Làm học (và) thuật, dường như anh Hiến đã phản bội lại thiên tư lý luận của mình. Có thể, ở Việt Nam, dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, làm lý luận thực sự là rất khó, cả ở điều kiện “tiên thiên” (người Việt không thích hoặc không có khả năng lý thuyết), lẫn “hậu thiên” (lĩnh vực lý thuyết luôn được coi như một đặc quyền của quyền uy chính trị). Hơn nữa, làm lý luận đòi hỏi sự dài hơi, dám trồng cây lâu niên. Liệu có thể vì thế mà anh chuyển sang công việc ngắn hạn hơn, phục vụ nhu cầu trước mắt, mang tính khai minh cho sinh viên và bạn đọc số đông. Nhưng ở vào thời buổi cũng đang cần đến những nghiên cứu chuyên sâu, có hệ thống, những chuyên gia cắm rễ vào một lĩnh vực, mà không phải ai cũng làm được, thì đó là sự phao phí.

Và rằng:

Còn bây giờ, khi đề cao minh triết phương Đông, anh đã đánh trúng tâm lý những người đương chán những lý thuyết duy lý và duy ý chí cực đoan, xơ cứng, và đáng lẽ đi tìm một lý thuyết khác nhu thuận hơn, thì lại muốn thoái lùi về tình trạng tiền lý thuyết.

Trong nội bộ hệ hình phê bình bị quy định bởi lề lối tư duy kinh viện Xô Viết thì phê bình Hoàng Ngọc Hiến là yếu tố nổi loạn nhất, có vẻ như chống lại hệ thống, nhưng do bản chất ấn tượng (phát biểu, nhận định, điểm nhãn, siêu lý luận) của nó, cho nên dù bao giờ cũng ở mép rìa của hệ thống, cũng không bao giờ thắng được sức hút của nó, để văng ra ngoài, gia nhập một hệ thống khác, tạo ra cuộc cách mạng hệ hình.[6]

Thậm chí, chưa kể những thắc mắc kiểu thế này:

Tôi không biết TS Hoàng Ngọc Hiến được phong GS từ khi nào? Ai biết chỉ cho tôi với.[7]

Làm gì có cái chi trên đời là hoàn toàn sai (bỏ qua trường hợp những người “cố tình sai” và “thiểu năng trí tuệ” trong thế giới quan của mình; vả lại, có một thực tế rất có thể là hãi hùng: những sinh vật “đáng gờm” không bao giờ biết nể sợ sư tử lại còn thoải mái tấn công chúa sơn lâm ấy chính là… ruồi muỗi – chúng không được trang bị bộ thính giác để nghe được tiếng của sư tử, chả hiểu sư tử là ai, đã thế lại chưa bao giờ vinh dự được sư tử tát), tức là tôi vẫn tôn trọng một số trong những ý kiến trên; nhưng, thưa các quý vị, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự “phân công lao động”, “thiên chức” hay “nghiệp” (karma) của mỗi cá thể.

Những đòi hỏi của một số trong các vị kể trên là dành cho các sư tử cái hay sư tử con, thậm chí là hươu nai gà vịt trâu bò, chứ không phải là việc của “The Lion King”.

Việc của “The Lion King” là luyện giọng, để sao cho chỉ cần gầm lên một tiếng, thốt lên một lời, là “thiên hạ đại định”. Mà, như các hiền nhân phương Đông đã từng “gầm”: không có cái đại định nào không xây nền trên cái đại loạn.

“Tiếng gầm của sư tử” cũng tựa như những tiên đề trong toán học, không thể chứng minh, và đến từ “trực giác”. Vua sư tử, chúa sơn lâm, càng cần có trực giác mãnh liệt mẫn tiệp nhất.

Trực giác là gì?

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (do Trung tâm Từ điển học và Nxb Đà Nẵng ấn hành, 2005) định nghĩa:

Trực giác (d hoặc đg). Nhận thức trực tiếp, không phải bằng suy luận của lí trí.

Thật thế không?

Mà phải chăng lý trí là vô địch, là “vũ khí hạt nhân”? Là chân lý tối thượng duy nhất đúng?

Loài có lý trí cao như con người đã chắc gì hơn loài kiến hay các loài khác khi mà có lúc cả triệu người phải chết vì sóng thần mà các loài khác thì chạy kịp? Có ai nghe đến chuyện các thiền sư thượng thặng sử dụng “tư duy trực giác” chưa? Hỡi những ai chưa từng dùng quá “ngũ giác”, chưa biết đến cái tạm gọi là “giác quan thứ 6” là gì.

Xin quý vị hãy nghe một khả giải khác, để tìm tới một trực-giác-khác[8]:

Trực giác là gì? Trực giác theo cách nào đó giống như bản năng, theo cách nào đó tuyệt đối không giống bản năng; theo cách nào đó giống trí tuệ, theo cách khác lại tuyệt đối ngược với trí tuệ. Cho nên bạn sẽ phải hiểu, bởi vì nó là điều tinh tế nhất trong bạn.

Trực giác giống như bản năng bởi vì bạn không thể làm gì về nó được. Nó là một phần của ý thức của bạn, cũng như bản năng là một phần của thân thể bạn. Bạn không thể làm gì được về bản năng của mình và bạn không thể làm gì được về trực giác của mình. Nhưng cũng như bạn có thể cho phép bản năng của mình được hoàn thành, bạn có thể cho phép và trao toàn bộ tự do cho trực giác của mình được hoàn thành. Và bạn sẽ ngạc nhiên bạn đang từng mang loại quyền năng nào bên trong mình.

Trực giác có thể cho bạn câu trả lời về câu hỏi tối thượng - không bằng lời mà bằng sự tồn tại.

Bạn không cần hỏi, "Chân lí là gì?" - bản năng sẽ không nghe đâu, nó điếc. Trí tuệ sẽ nghe, nhưng nó chỉ có thể triết lí hoá; nó mù, nó không thể thấy được.

(Trần Nghi Hoàng thêm: “Và chân lí được trí tuệ lí giải là thứ chân lí chỉ nằm trong ảo giác tưởng nghĩ, vì nó đã không được nhìn thấy mà chỉ được phân tích.”)

Trực giác là người thấy, nó có mắt. Nó thấy chân lí, không có vấn đề nghĩ về nó.

Bản năng và trực giác cả đều độc lập với bạn, Bản năng ở trong quyền lực của tự nhiên, của tự nhiên vô ý thức, còn trực giác là ở trong tay của vũ trụ siêu ý thức. Ý thức đó bao quanh toàn thể vũ trụ, là đại dương tâm thức mà chúng ta chỉ là những hòn đảo nhỏ - hay rõ hơn, những tảng băng, bởi vì chúng ta có thể tan chảy vào trong nó và trở thành một với nó.

Theo cách nào đó trực giác đích xác là cái đối lập với bản năng. Bản năng bao giờ cũng dẫn bạn tới người khác; sự hoàn thành của nó bao giờ cũng phụ thuộc vào cái gì đó khác bạn. Trực giác dẫn bạn chỉ tới bản thân mình. Nó không phụ thuộc, không cần người khác; do đó mới có cái đẹp của nó, tự do của nó và sự độc lập. Trực giác là trạng thái được tôn cao lên, không cần cái gì. Nó tràn đầy bản thân nó tới mức không có không gian cho bất kì cái gì khác.

Theo một cách nào đó trực giác cũng giống như trí tuệ bởi vì nó là thông minh. Trí tuệ và thông minh là tương tự nhau ít nhất cũng ở dáng vẻ, nhưng chỉ ở dáng vẻ thôi. Người trí thức không nhất thiết là thông minh, và người thông minh không nhất thiết là trí thức. Bạn có thể thấy người nông dân thông minh tới mức ngay cả giáo sư lớn, nhà trí thức lớn, sẽ trông như người lùn Picmê trước người đó.

Hầu hết những người trí thức đều không thông minh bởi vì họ không phải thông minh. Trí tuệ của họ, tri thức của họ, là đủ rồi. Nhưng người không có tri thức, không trí tuệ và không giáo dục, thì lại phải tìm thông minh nào đó ở bên trong bản thân mình; người đó không thể nhìn ra ngoài được. Và bởi vì người đó phải phụ thuộc vào thông minh của mình, thông minh bắt đầu phát triển.

Cho nên trực giác có cái gì đó tương tự với trí tuệ, nhưng nó không phải là trí tuệ. Nó là thông minh.

Sự vận hành của trí tuệ và thông minh là hoàn toàn khác nhau. Trí tuệ vận hành qua các bước, từng bước một. Nó có thủ tục, phương pháp luận. Nếu bạn đang làm bài toán trong toán học, thế thì có các bước phải tuân theo.

Trực giác vận hành trong bước nhảy lượng tử.

Nó không có thủ tục phương pháp luận, nó đơn giản thấy mọi thứ.

Nó có mắt để thấy.

Nó thấy những thứ mà bạn chưa bao giờ nghĩ như là một đồ vật - chẳng hạn, tình yêu. Bạn chưa bao giờ nghĩ về nó như một đồ vật. Nhưng con người của trực giác có thể thấy liệu có tình yêu trong bạn hay không, liệu có hoài nghi trong bạn hay không. Nó có thể thấy chúng cứ dường như đây là các đồ vật.

Trong tầm nhìn của tôi, trực giác giữ vị trí cao nhất. Đó là nơi tôi đang cố gắng đẩy bạn.

Một vô thức không rõ ràng đang cản trở bạn. Hãy lau sạch nó đi; và cách thức lau sạch nó là thoả mãn nó, là thoả mãn nó nhiều tới mức nó bắt đầu bảo bạn, "Xin dừng lại thôi! Đã nhiều hơn mức tôi cần rồi." Chỉ thế thì hãy rời khỏi nó. Và với điều đó, trí tuệ của bạn được rót đầy với luồng năng lượng tươi tắn, cái biến thành thông minh. Thế thì năng lượng này cứ nảy sinh và mở ra những cánh cửa của trực giác. Thế thì bạn có thể thấy những điều không thấy được đối với con mắt vật lí của bạn, những điều thậm chí không phải là đồ vật.

Tình yêu không phải là đồ vật, chân lí không phải là đồ vật, tin cậy không phải là đồ vật, nhưng chúng là thực tại chỉ cho trực giác, chúng mang tính tồn tại. Và một khi trực giác của bạn vận hành, bạn lần đầu tiên mới là con người thực sự.

Với vô thức bạn là con vật. Với ý thức bạn không còn là con vật nữa. Với siêu ý thức bạn là người.

"Trên tất cả là chân lí của người, và trên điều đó không có gì cả."

Một khi bạn đã đạt tới tiềm năng con người trong việc nở hoa toàn bộ của nó, bạn đã về tới nhà.

(Đọc xong đoạn trên có lẽ ta đã rõ cái động cơ “đi về” minh triết của ông sau này)

Cái đó có thể gọi là TRỰC GIÁC CỦA THƯỢNG ĐẾ.

Và có lẽ Hoàng Ngọc Hiến luôn đi tìm cái đó. Với niềm đau đáu (trong “đau đáu” thì “đau” có trước, thế mới xé lòng [nguyên nhân của căn bệnh ung thư đại tràng, mà vì nó ông vừa phải cắt đi nửa mét ruột?]).

Chính trong những moment thốt nhiên tìm được, ông mới để lại những-tiếng-gầm, cùng với chúng là những đường biên giới mới của văn học. Phát súng đâu tiên phải là: “CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC PHẢI ĐẠO”. Hoàng Ngọc Hiến có nói rằng “phải đạo” (“Tôi chỉ cần một chữ là đủ sống đời.” – lời HNH) đây chính là cái thuật ngữ bên trời Tây: politically correct.

Hãy nghe Phạm Xuân Nguyên diễn giải:

Năm 1979, báo Văn Nghệ số 23 đăng bài viết “Về một đặc điểm của văn học của ta trong giai đoạn vừa qua” của Hoàng Ngọc Hiến. Một bài báo đã làm lao đao số phận người viết ra nó, nhưng cũng đã đem lại vinh quang cho tác giả. Vinh quang của người đi tiên phong đổi mới tư duy nghiên cứu văn học, mà rộng ra là tư duy chính trị học thuật của cả một thời. Niềm vinh quang cay đắng! … Đặc điểm cơ bản, bao trùm của văn học suốt cả giai đoạn vừa qua, tức là văn học chiến tranh, theo Hoàng Ngọc Hiến, đó là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Dưới tên gọi đó tác giả gợi chúng ta cách hiểu là: trong văn học, phạm trù cái cao cả lấn át các phạm trù khác, sự ưu tiên vượt trội của việc thể hiện cái phải tồn tại đối với việc miêu tả cái đang tồn tại, tác phẩm bị quy về yếu tố xã hội nhiều hơn là yếu tố nghệ thuật. Hoàng Ngọc Hiến còn đi xa hơn, anh khơi tìm căn nguyên nguồn gốc tạo nên thứ “văn học phải đạo” ấy ở thế thái nhân tình của một thời qua, khi lối tư duy về con người – đối tượng chính của văn học – chỉ dừng lại ở những tập hợp dấu hiệu, đặc tính bề ngoài và sự thỏa mãn bằng lòng với kết luận muôn thuở “về cơ bản là tốt”…[9]

Còn chính Hoàng Ngọc Hiến thì bộc bạch trong một bài phỏng vấn:

Khái niệm ấy không mang tính thóa mạ, nó rất hiền lành, nhưng gẫm ra thì nó nhếch nhác, buồn cười lắm. Cái nước mình nó như thế.

Rồi là: “VĂN HỌC DƯƠNG TÍNH”

Phạm Xuân Nguyên có trình bầy:

Qua lý thuyết “âm-dương”, anh muốn đạt cho kỳ được một điều này: văn học trước đây dương thịnh âm suy, bây giờ cần phải để cho văn học được dương suy âm thịnh.[10]

Đỗ Lai Thúy thì bảo:

Hoàng Ngọc Hiến bắt chết hiện trạng văn học bao cấp này bằng những định ngữ thần tình như chủ nghĩa hiện thực phải đạo, nền văn học dương tính… Người đọc bấy giờ đang sống trong bầu khí khô hạn đón nhận ngay lập tức cơn mưa kịp thời (cập thời vũ) này. Hoàng Ngọc Hiến, quả thực, cũng là một thứ Tống Giang cho những bút mới như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh.[11]

Có một điều trớ trêu lắm. Ấy là có phát hiện rằng cái dòng “văn học dương tính” ấy lại là một dòng văn học bị thiến (một cách triệt để, không sót).

Rồi là những: “VĂN HỌC BƯỚC QUA LỜI NGUYỀN”, “TÁC PHẨM CÓ ĐÁY”, “TÁC PHẨM KHÔNG CÓ ĐÁY”, “KỂ LẠI NỘI DUNG”, “VIẾT NỘI DUNG”

Phạm Xuân Nguyên rằng:

Trường hợp với truyện ngắn Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh mà anh cho rằng nó đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ “văn học sám hối” để chuyển sang thời kỳ “văn học bước qua lời nguyền” thì người đọc rất hiểu anh cũng đâm nghi hoặc không biết nên hiểu anh thế nào cho đúng. Về mặt đặt tên, gọi tên cho một tác giả, một tác phẩm, một hiện tượng văn hóa văn học kiểu như thế, thì Hoàng Ngọc Hiến rất có tài. Trên đây đã nói đến cái tên “phải đạo”. Gần đây anh còn có: tác phẩm “có đáy” và “không có đáy”, tác phẩm “viết nội dung” và “kể nội dung”…[12]

Rồi thì: “TRÍ TUỆ CỦA TRÁI TIM”, “NGHỆ THUẬT LỚN THƯỜNG LÀ Ở SỰ GIAO CẮT GIỮA HIỆN THỰC VÀ ‘TUYỆT ĐỐI’”, “CÁI NƯỚC MÌNH NÓ THẾ!”

Đã có mấy sư tử trên đời này phủ sóng được trên từng ấy đường biên của các lãnh địa??

Thật lòng, tôi cũng là người ủng hộ “trí tuệ của trái tim”, và, hoàn toàn đồng ý rằng “nghệ thuật lớn thường là ở sự giao cắt giữa hiện thực và ‘tuyệt đối’”. Đây là hai vấn đề khó mà trình ra được trong vài đoạn văn, xin khất quý vị được quay lại trong một bài khác vậy. Tôi thật tình xin lỗi. Nhưng, nếu quý vị vận dụng “trực giác” và “minh triết Việt” cho “tới”, thì câu trả lời đã ngay tức khắc hiển hiện ra trong “tâm” rồi vậy. Quý vị ngẫm xem có đúng không?

Đã có không ít nghệ sỹ sáng tạo (ở vùng văn học “miền Bắc”, cái “vùng” vẫn đang “nàm mưa nàm gió” trên “văn [bầy] đàn chính thống” của cả nước hiện nay) đã phải thốt lên rằng là nếu không có những tiếng gầm ấy, những đường biên mới ấy, thì họ đã không thể viết được cái gì cả. Trước khi “The Lion King” cất lên tiếng gầm đầu tiên, tất cả đã chìm trong bế tắc, không biết phải viết thế nào, không biết phải làm gì để trải lòng mình. Những người phải cảm ơn ông nhiều ít có rất nhiều, trong số họ có tên Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Trần Cương, Nguyễn Khắc Trường, Trần Nhương, Đào Thắng, Nguyễn Hoa, Y Phương, Trần Quang Quý, Văn Chinh, Tạ Duy Anh, Võ Thị Xuân Hà, Dương Thuấn, Trần Đăng Khoa, Hữu Thỉnh… và cả Dư Thị Hoàn, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh.

Sau cú gầm “Cái nước mình nó thế!” (ông có giải thích cụ thể hóa thêm bằng một mệnh đề tiếp sau đó: “Nông dân và trẻ con!”) khi trả lời phỏng vấn của Phạm Thị Hoài, thì cả văn giới (và các giới khác) trong và ngoài nước đều xao động. Người Việt ta thốt lên câu này của ông trên khắp các châu lục. Đơn giản vì nó xác đáng trong mọi trường hợp dụng ngôn, theo “ngữ dụng học”.

Nguyễn Đăng Mạnh cung cấp thêm những tiếng gầm khác của “The Lion King”: “Tiếng Việt là một nguồn sướng thường xuyên của tôi. Nghe một câu tiếng Việt dí dỏm, sướng; đọc một trang tiếng Việt ngon lành, sướng; tìm được một từ Việt đích đáng, sướng.”, “Xúng xính chuyên môn”, “Xúng xính khoa học”, “Xúng xính mũ cao áo dài”, “Bõ hờn”, “Dân Nghệ cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc!”…

Và, cái câu nói mà hầu khắp mọi người, mọi nơi vẫn dẫn ra khi bàn về việc đào tạo các trí thức “mới” ở Việt Nam trong suốt một thời gian dài, rằng “dắt một con bò sang Liên Xô nó cũng đỗ phó tiến sỹ” được cho là của chính Hoàng Ngọc Hiến.

Với chân dung các nhân vật trong giới văn chương, “The Lion King” cũng chỉ cần “gầm” một tiếng là… “xong”! Chẳng hạn:

Về nhà nghiên cứu A.: “Con tằm nó ăn dâu rồi nhả ra tơ; nhưng A. thì ăn dâu rồi nhả ra… dâu!”

Về nhà lý luận phê bình B. thì: “B. viết lý luận kiểu… tháo tỏng.”

Cùng nhiều cú thú vị khác nữa về các vị khác nhưng chẳng [đại] tiện mà kể ra hết.



Cũng phải trình bầy thêm về những ý kiến của các nhà khác nói về ông.

Như là Tiến sỹ tâm lý học hàng đầu Phạm Hoàng Gia:

Tôi chưa thấy ai giảng Freud – một lý thuyết rắc rối và đầy rẫy sự đáng ngờ, mà giảng sáng rõ như anh Hiến.

Như là thi sỹ Nguyễn Trọng Tạo:

18 tháng 11 năm nay Khoa sáng tác - LLPB Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức kỷ niệm 30 năm Trường Đại học Viết Văn Nguyễn Du. Chả là thời đầu, trường Nguyễn Du chỉ là một khoa của ĐH Văn hóa. Qua nhiều biến động: khoa, trường, khoa... rồi chắc lại về trường riêng mới phải.
Vâng, mới đó mà đã 30 năm. Mỗi lần được mời trở lại giảng bài cho học viên ở đó, tôi lại nhớ về những người thầy thời chúng tôi học khóa 1 (1979-1982), đặc biệt thầy Hoàng Ngọc Hiến là thầy chủ nhiệm đầu tiên. Thầy là linh hồn của cái trường mới này. Với tài và tâm lớn, thầy quy tụ và mời được nhiều người tài giỏi (được gọi là "có vấn đề") đến giảng bài. Thầy Hiến lại rất quý tôi và coi tôi như em, thậm chí như bạn vong niên, nên thầy bảo tôi gọi thầy bằng "anh". (Thầy Trần Quốc Vượng, thầy Hồ Ngọc Đại hay thầy Mạnh... cũng vậy). Theo tôi, Anh Hiến là một người rất giỏi đưa ra vấn đề mới, có khi mới quá làm người ta phải tranh cãi, phản biện, thậm chí "đánh hội đồng", nhưng rốt cuộc thì những vấn đề ấy lại tồn tại có ý nghĩa khai mở. Trong khi người ta đang tranh cãi thì Anh lại đã chuẩn bị để tung ra một vấn đề mới khác...

Nhà lý luận phê bình Đỗ Lai Thúy (thú thật: tôi đang định phong ông là “sư tử cái” – nhân vật có quyền lực thực sự trong đàn sư tử [cả Hà Đông lẫn Hà Tây] {tất nhiên là lại phải xin hẹn một bài viết khác}) thì thủ thỉ:

Kể từ khi nghe và thấy đó, anh Hiến trong tôi mang dấp dáng một thần tượng. Bởi vậy, sau 1981, khi ra quân để tái hòa nhập vào xã hội giao tiếp, tôi bao giờ cũng dõi theo anh. Và đặc biệt nghĩ về anh như một ca, thậm chí một đại ca, của làng phê bình văn học Việt Nam đương đại. … Tuy nhiên, biết bao người được học hành tử tế như, thậm chí hơn, Hoàng Ngọc Hiến, nhưng không trở thành một người như anh. Hẳn họ thiếu một tố chất quan trọng, chất Hoàng Ngọc Hiến. Cần cù và có tính mục đích cao thì đó là sản phẩm chung của thổ người xứ Nghệ. Liệu có phải đặc trưng riêng của Hoàng Ngọc Hiến là chủ nghĩa độc đáo? Hay lỳ lợm? Có lẽ người làm phê bình ở Việt Nam ít nhiều cũng buộc phải lỳ lợm? Nếu không làm sao trụ nổi? Anh Hiến hẳn là một người lỳ được đánh số. Một thứ lỳ dựa trên sự thông minh, sắc sảo, cần cù và gàn bướng. … Anh ít khi thuật một cách đủ đầy, có tính hệ thống, kể nội dung, mà thường chỉ tóm lấy một luận điểm nào đó, ấn tượng nhất, đẩy đến cùng cực, rồi diễn giải nó, phần nhiều theo ý mình, bằng các ví dụ bản thổ. Nhưng chính sự chống lại lược thuật một cách hệ thống, chống lại lối tư duy kinh viện con tằm ăn lá dâu rồi nhả ra tơ… này lại tạo ra sự độc đáo Hoàng Ngọc Hiến.[13]

Thật có duyên đồng cảm, tôi vừa đọc thấy nhà lý luận phê bình Nguyễn Hưng Quốc bên Úc châu cũng có đánh giá về Hoàng Ngọc Hiến và Đỗ Lai Thúy thế này:

Cả hai người đều là những cây bút thông minh, uyên bác và tài hoa nhất trong thế hệ của họ ở trong nước; cả hai đều có những đóng góp nhất định trong sinh hoạt phê bình và lý luận văn học Việt Nam.[14]

Và đây là lời của “chiến hữu” François Jullien:

Hoàng Ngọc Hiến là một trí thức Việt Nam lớn, không những ông đã đấu tranh với đế quốc thực dân liên tiếp trong nhiều cuộc mà ông còn tham gia đấu tranh chống chủ nghĩa phải đạo trong hệ tư tưởng. Cao tuổi như ông cũng là cái tuổi của minh triết, duy trên bộ mặt của ông bao giờ cũng có sự mãnh liệt của cảm xúc, của xác tín. Có lẽ ông đã yên vị nhưng ở ông chẳng có gì là nhẫn nhục. Ông “yêu nước”, đại loại người ta nói vầy vậy chẳng mấy quan tâm đến ý nghĩa của câu nói. Ông muốn truyền lại cho những thế hệ kế cận và với một tinh thần sốt sắng, ông muốn truyền lại cho tất cả những người đương chức đương quyền; và nếu như ông quan tâm đến công việc của tôi (ông đã theo sát từ mươi lăm năm nay), đó là bởi vì ông thấy nền văn hóa Việt Nam ở vào một tình thế hiểm nghèo.[15]

Nhân dịp sinh nhật ông 80 tuổi (21/7/2010), Hội Nhà văn Nga hùng hậu đã có bức thư chúc mừng hiếm hoi, có đoạn:

Ông đã từng, đã là và sẽ là chiến sĩ bảo vệ chân lý trong nền nghệ thuật và văn học xa lạ với mọi thứ minh họa và phải đạo.

Trong các truyện ngụ ngôn đều có cái motif “sư tử về già”, lúc ấy thì bọn chồn cáo cũng tát được sư tử. Thế nhưng, “The Lion King” Hoàng Ngọc Hiến vẫn lừng lững đi lên trên những mặt trận cũ-mà-rất-mới: minh triết và minh triết Việt; ngoài ra, ông còn cùng với bạn đồng hành người Mỹ gốc Do Thái Frederick Turner (bà Tố Nga, phu nhân Hoàng Ngọc Hiến, có lời phán: “Thằng già này cứ gặp bọn Do Thái là chúng nó bện vào nhau ngay!”) cổ xúy chủ nghĩa Tân-cổ điển, và rồi là chủ nghĩa Cổ điển Tự nhiên. Thiết nghĩ, chúng ta cũng đừng dại mà bỏ qua “lời người già”.

Mà nhất là, “người già” ấy lại mới phát hiện ra: cả cuộc đời cứ nghĩ rằng “địa ngục ở bên ngoài”, bây giờ đọc Phật và minh triết mới biết “địa ngục ở bên trong”. Bài học ở đây: phải làm sao để cho các trí thức (cũng như phỉ-trí thức [Hoàng Ngọc Hiến có nói: “Sau cách mạng thì một ông giáo viên cấp một là trí thức.”]) không phải đợi đến tuổi 80 mới biết điều kỳ diệu đó của tri thức, biết “vượt qua ngã chấp” (lời HNH) như ông.

Tuy nhiên, mặt khác thì cũng không nên ép buộc sư tử già phải học những trò chơi mới của đám trẻ đang bầy ra (hình như người Anh đã có câu thành ngữ rất đúng về chuyện này). Nhưng, riêng tôi, nếu có trở thành tiểu thuyết gia thì đó là do sự phát hiện của ông trước hết. Ông đã bảo tôi nên viết một cuốn tiểu thuyết, sau khi ông đọc truyện ngắn “ma nhòa” tôi viết xong vào Rằm tháng 7 năm 2007. Kết quả của lời “hướng đạo” đó là cuốn tiểu thuyết 900 trang 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] mà tôi đã hoàn thành sau gần 3 năm.

Những người sáng tác phần nhiều đều như bơi giữa sông giữa biển, còn các nhà lý luận phê bình rất có thể là những ngọn hải đăng, những bến sông hay hải cảng. Riêng Hoàng Ngọc Hiến là một cảng trung chuyển quốc tế lớn (“GLOBAL HUB”[16]).

Bài này là ý kiến riêng tôi, còn các bài khác nữa về Hoàng Ngọc Hiến thì có vô vàn, quý vị không thể không tìm đọc. Dẫu sao thì Hoàng Ngọc Hiến cũng là nhân vật “thực thực ảo ảo” đã và đang đi vào huyền thoại, một ngôi “nhà” khác thường không giống những cái gọi là nhà theo quan niệm thông thường (như là “công trình xây dựng có mái, có tường vách để ở hay để dùng vào một việc nào đó” mà Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học đã “định nghĩa” {tại sao tôi vừa dùng ngoặc kép lại vừa in đậm nửa từ này, cũng là vì tôi thấy nó khá cần cho đám học sinh tiểu học nhưng mà cũng rất đáng kinh tởm nếu người ta cứ lạm dụng nó mãi; tại sao thế thì chắc là cũng cần phải viết ít nhất một bài khác}), không dễ mà luận một tiếng là xong nếu không có một ngòi bút biến ảo khôn lường đến mức khiến thiên hạ “chán chường”.



10/7/10 - 11/1/11



[1] Nguyên văn: “We should take care not to make the intellect our god; - it has, of course, powerful muscles, but no personality.” Câu dịch ra tiếng Việt ở đây là của Hoàng Ngọc Hiến.

[2] Tiểu kinh Sư Tử Hống, kinh số 11, Trung Bô I.

[3] Kinh Đại Bát Niết Bàn, tập II, HT.Thích Trí Tịnh dịch, Nxb Tôn Giáo, 2003, tr.196.

[4] Nguồn: http://www.vanhoanghean.com.vn/tap-chi/nguoi-xu-nghe/816-hoang-ngoc-hien-ong-van-hien-tri-thuc-nuoi-lam-van-hoc-dich-dang.html

[5] Nguồn: http://lethieunhon.com/read.php/4362.htm

[6] Nguồn: http://nguyentrongtao.org/2010/07/03/d%E1%BB%97-lai-thuy-hoang-ng%E1%BB%8Dc-hi%E1%BA%BFn-va-tri%E1%BA%BFt-ly-hai-ban-chan/

[7] Nguồn: http://lethieunhon.com/read.php/4362.htm

[8] Nguồn: http://oshovietnam.net/than-the-tam-tri-linh-hon/110-truc-giac

[9] Phạm Xuân Nguyên, “Người làm văn học đích đáng”.

[10] Nt.

[11] Đỗ Lai Thúy, “Hoàng Ngọc Hiến và triết lý hai bàn chân”.

[12] Phạm Xuân Nguyên, “Người làm văn học đích đáng”.

[13] Đỗ Lai Thúy, “Hoàng Ngọc Hiến và triết lý hai bàn chân”.

[14] Nguyễn Hưng Quốc, “Văn hóa chú thích”.

[15] François Jullien, “Le Pont des singes” - Gallilée, 2010.

[16] “HUB is a central uniting place for people and organizations to come together and move our world from a place of survival, through self-empowerment, to sustainability on all levels…” Xin xem thêm tại: http://uk.answers.yahoo.com/question/index?qid=20090211125531AAEcH2f


















Hoàng Ngọc Hiến – Cái nước mình nó thế
Phạm Thị Hoài và Trương Hồng Quang thực hiện


Sinh thời, nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học Hoàng Ngọc Hiến là một trong những trí thức phê phán giàu ảnh hưởng tại Việt Nam. Ông nổi tiếng với khái niệm „văn học phải đạo“ để chỉ nền văn học chính thống xã hội chủ nghĩa. Ông cũng được coi là người phát hiện và ủng hộ Nguyễn Huy Thiệp, định hướng rõ rệt cho phong trào văn học thời Đổi Mới. Mười lăm năm trước, năm 2004, diễn đàn talawas mà tôi là người phụ trách chính có một cuộc phỏng vấn với Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nhân một lần ông ghé thăm Berlin. Tuy nhiên, ở phút cuối, ông đã đề nghị talawas hủy đăng bài, vì thời điểm chưa thích hợp. Ông qua đời đầu năm 2011. Trước đó không lâu, talawas cũng ngừng hoạt động. Nay tôi chính thức công bố toàn văn bài phỏng vấn dài gần một vạn chữ này trên trang lưu trữ cá nhân pro&contra của mình. Một số trích đoạn cũng đồng thời được đăng trên tuần báo Trẻ.

Phạm Thị Hoài
________
GS Hoàng Ngọc Hiến 

talawas: Thưa ông Hoàng Ngọc Hiến, cách đây 17 năm, bài viết „Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió“ của ông là khởi đầu của cuộc tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp mà giai đoạn căng thẳng nhất diễn ra khoảng một năm sau đó, liên quan đến chùm truyện ngắn Kiếm sắc–Vàng lửa – Phẩm tiết. Mới đây, trong bài viết “Ngẫu hứng qua mây gió” đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội [1], Trần Đăng Khoa có nhắc đến cuộc tranh luận này. Điều đặc biệt ở bài viết này là việc đặt lại vấn đề, nói đúng hơn là sự xét lại những giá trị tưởng chừng đã được công nhận trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp ở giai đoạn Đổi mới, đồng thời cũng là sự xét lại những quan niệm tưởng chừng đã đạt tới sự đồng thuận cao trong giới nghiên cứu và trong công luận văn học. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Hoàng Ngọc Hiến: Bài này tôi chưa đọc. Hoa thủy tiên tôi cũng chưa đọc, tôi dạo này lười kinh khủng, tôi chỉ đọc cái Mổ nhà văn. Tôi nghĩ chỉ đọc Mổ nhà văn là đủ. Tôi có nghe tin, Trần Đăng Khoa giải thích với mọi người rằng mình viết bài này hoàn toàn vì yêu mến Nguyễn Huy Thiệp.

talawas: Trần Đăng Khoa luôn yêu mến cả thế gian.

Hoàng Ngọc Hiến: Chắc thấy mọi người phản ứng quá thì cậu ấy thanh minh như thế. Về bài tựa mà tôi viết cho cuốn sách của Thiệp: Lúc ấy Thiệp đã nổi tiếng, đã in Không có vua trên báo Văn nghệ. Nguyễn Khải có nói rằng tinh hoa của Thiệp đã trút hết ra Tướng về hưu, không còn gì mà viết nữa. Nhưng khoảng hai tháng sau Tướng về hưu, Thiệp ra tiếp Không có vua, mà theo tôi Không có vua có nhiều mặt còn hơn Tướng về hưu. Lúc đó Thiệp đã có mười mấy truyện đăng báo, đang nổi như cồn, nên Thiệp nghĩ đến chuyện ra tuyển tập. Lúc đó hoạ sĩ Hồng Hưng bỏ tiền ra thuê đánh máy bản thảo cho Thiệp. Thiệp đưa đi mấy nhà xuất bản đều bị từ chối. Tôi cảm thấy giới xuất bản trong chuyện này rất tinh, nó đánh hơi thấy một người nguy hiểm, nó từ chối. Thiệp kể lại với tôi rằng, Thiệp đến Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, lúc đó hình như còn tên là Nhà Xuất bản Tác phẩm Mới. Người phụ trách mảng văn xuôi ở đó là bà Xuân Quỳnh. Người ta bảo, Xuân Quỳnh không bao giờ đến nhà xuất bản. Thế là Thiệp mang bản thảo đến nhà riêng của Xuân Quỳnh. Thiệp tả lại cho tôi thế này: Vào ngõ, lên một cái hành lang dài, dọc hành lang có bốn, năm cái vòi nước, Xuân Quỳnh đang ngồi quay mặt vào tường giặt quần áo. Người ta chỉ cho Thiệp, bà đang ngồi giặt quần áo, đấy là Xuân Quỳnh. Thiệp đến đứng sau lưng Xuân Quỳnh, bảo: „Thưa chị, em đến nhà xuất bản, họ bảo chị nhận bản thảo ở nhà. Em đến để đưa chị.“ Xuân Quỳnh không quay lại, bảo: „Tôi chỉ nhận bản thảo ở nhà xuất bản, không nhận bản thảo ở nhà.“ Thiệp ra về, Xuân Quỳnh chắc chắn không biết ai đứng sau lưng mình lúc đó.

Dịp ấy tôi có việc đi công tác Campuchia một năm hai lần, đi Campuchia thì phải ghé Thành phố Hồ Chí Minh, tôi bảo Thiệp: “Cậu đưa tớ bản thảo, đem vào Thành phố Hồ Chí Minh, trong ấy thoáng hơn.” Ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đưa bản thảo của Thiệp cho Nguyễn Duy và Thu Bồn, cả hai đều đồng ý ngay. Tôi đi công tác về, trở lại Hà Nội, chờ mãi không thấy hồi âm. Hai tháng sau tôi lại có dịp đi Campuchia nữa, lại gặp Nguyễn Duy và Thu Bồn, nhưng cả hai đều quên, không nhớ gì đến bản thảo này nữa. Hỏi thì họ thú thật rằng đã quên. Nhưng Nguyễn Duy sau đó có đặt điều kiện là sẽ in Thiệp nếu có lời giới thiệu của tôi. Đi công tác Campuchia về, trong một tuần trước khi sang trường Gorki tu nghiệp, tôi viết bài tựa „Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió“ cho tuyển tập của Thiệp. Như vậy bài đó ra đời trong một hoàn cảnh rất cụ thể, không có bài đó thì Nguyễn Duy không in tuyển tập của Thiệp. Tôi buộc phải viết, chứ không phải vì thấy rằng đó là một hiện tượng văn học quan trọng.

talawas: Nhưng sau đó ông có thấy đây là một hiện tượng văn học quan trọng không?

Hoàng Ngọc Hiến: Có, sau đấy nó thành một hiện tượng quan trọng. Nhân đây tôi muốn nói, không phải chỉ trong lĩnh vực phê bình văn học, mà trong mọi lĩnh vực liên quan đến việc đi tìm cái Thật, cái Đẹp, tôi càng ngày càng nghiệm ra câu nói của Évariste Galois, một nhà toán học Pháp thế kỉ 19, chết rất trẻ: „Chúng ta không đi đến chân lí, chúng ta chỉ va chạm vào chân lí.“ Trong công việc phê bình văn học của tôi, ở trường hợp bài „Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió“ và một số bài khác, hình như tôi đã chạm được vào chân lí, chạm một chút.

talawas: Mà lúc ấy không biết mình đang chạm?

Hoàng Ngọc Hiến: Vâng, lúc ấy không biết.

talawas: Nhưng những cú chạm may mắn ấy không dành cho tất cả mọi người.

Hoàng Ngọc Hiến: Thì đúng rồi. Mà ở chính tôi, không phải lúc nào nó cũng xảy ra.

talawas: Trường hợp của hai chữ “phải đạo” cũng như vậy sao? Có người nói rằng, chỉ để lại hai chữ „phải đạo“ là Hoàng Ngọc Hiến đã có thể hài lòng với sự nghiệp của mình.

Hoàng Ngọc Hiến: Đúng thế, hai chữ “phải đạo” cũng ra đời trong một hoàn cảnh rất ngẫu nhiên. Dạo đó cuốn Cha và con của Nguyễn Minh Châu được giải thưởng văn học. Hôm ấy tôi cũng đến thư viện làm việc như mọi ngày (tôi nổi tiếng là người chăm đi thư viện, nhưng có gì đâu, đơn giản là nhà chật quá, không có chỗ làm việc thì phải ra thư viện), lúc ra sân đi dạo một lát thì gặp Hà Minh Đức. Hà Minh Đức hỏi tôi nghĩ như thế nào về cuốn sách ấy. Tôi nói, hai cha con trong cuốn sách ấy (cha là trung đoàn trưởng, con hình như là sĩ quan) trò chuyện với nhau. Trong thực tế, tôi đã nghe những bố con trò chuyện với nhau theo kiểu như vậy, tức cuốn sách ấy không bịa đặt. Nhưng người ta trò chuyện với nhau theo kiểu như vậy là vì phải đạo. Đấy là lần đầu tiên tôi dùng chữ này. Tôi cố tìm một chữ cho đúng với cuốn sách của Nguyễn Minh Châu, cuối cùng bật ra hai chữ „phải đạo“. Cũng ngẫu nhiên thôi, trong lúc đi dạo ngoài sân thư viện.

talawas: Và một lần nữa lại chạm vào chân lí?

Hoàng Ngọc Hiến: Vâng. Ngẫu nhiên. Thực ra chân lí định trước là một thứ rất nguy hiểm. Chân lí theo kiểu một cái đích, bắt mình phải đi đến nó, là rất nguy hiểm. Triết gia François Jullien, người mà gần đây tôi dịch khá nhiều, có nói rằng: Đạo phương Tây bao giờ cũng đặt ra một cái đích. Cái đích đó có thể là một Thượng đế, một đấng toàn thiện toàn năng, nhưng cái đạo của phương Đông thì thường không có đích, mà nếu có đích thì cái đích của nó là sự thay đổi chính bản thân nó. Tôi nghĩ cũng có thể đặt ra một cái đích nào đó, và trong lúc mình toàn tâm toàn ý đi tới nó thì rất có thể thỉnh thoảng chạm được vào chân lí, chứ vấn đề không phải là nắm được cái đích. Đích là ảo tưởng, nhưng trong lúc đi đến ảo tưởng thì bất chợt mình có thể chạm vào chân lí. Hai trường hợp vừa nêu, bài „Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió“ và khái niệm „phải đạo“ là những kết quả bất chợt như vậy.

talawas: Sau cú „ngộ” bất chợt ở sân thư viện, ông liền viết bài về „Hiện thực phải đạo“?

Hoàng Ngọc Hiến: Không, phải một thời gian sau, năm 1979. Bài viết xong thì đem đăng, đơn giản thế thôi, không nghĩ nó sẽ gây chuyện om sòm đến thế. Bài ra xong, Chế Lan Viên có nói: Bài „Hiện thực phải đạo“ của tôi đi đến đâu là chia rẽ thành hai phe, một phe ủng hộ nhiệt liệt, một phe đả kích và mạt sát. Hình như Tố Hữu phản đối quyết liệt, nên đón ý Tố Hữu, người ta bố trí người để viết bài đập lại. Lúc đầu nhờ Lưu Quý Kỳ, nhưng Lưu Quý Kỳ không viết, thế là đến Tô Hoài, tiếp theo là Chế Lan Viên và hai ba người nữa, đăng trên Văn nghệ.

talawas: Ông Tô Hoài phản bác thế nào?

Hoàng Ngọc Hiến: Tô Hoài viết đại loại là Hoàng Ngọc Hiến đã quên mất đường cấm chỉ, đã vượt qua đường cấm chỉ.

talawas: Như vậy cũng có thể hiểu là một lời khen?

Hoàng Ngọc Hiến: Không, ông ấy phê, nhưng phê theo kiểu tinh tế.

talawas: Còn bài của ông Chế Lan Viên?

Hoàng Ngọc Hiến: Bài của Chế Lan Viên tên là “Thư gửi chị Kim Nga”, Kim Nga tức là “nước Nga mới”.

talawas: Theo ông Bùi Minh Quốc, trong bài “Làng văn một thời, và…”, Lê Kim Nga là tên thật của bà Vũ Thị Thường, vợ ông Chế Lan Viên.

Hoàng Ngọc Hiến: Thế à? Mọi người lại đoán rằng chữ đó ám chỉ việc Hoàng Ngọc Hiến đem tư tưởng xét lại từ nước Nga mới về Việt Nam. Nhưng màn kịch đươc chờ đợi nhất là cuộc họp toàn quốc của Ban Tuyên huấn Trung ương, mời đại diện của tất cả các tỉnh, các trường, các viện, do Trần Độ chủ trì, có Lê Đức Thọ dự từ đầu chí cuối, vào tháng Hai, tháng Ba năm 80.

talawas: Tức sau vụ “Đề dẫn” [2]?

Hoàng Ngọc Hiến: Vâng, sau vụ “Đề dẫn”. Trước cuộc họp, Nguyễn Đình Thi cho cậu con trai là Nguyễn Đình Chính đến gặp tôi, bảo rằng: “Bố em nói là ngày mai họ sẽ đánh anh đấy. Bố em bảo anh cũng nên lên phát biểu ý kiến, nhưng nói mấy câu quấy quá chống Tàu thôi rồi xuống, đừng cãi, đừng tranh luận gì cả”. Lúc đó đang có phong trào chống Tàu mà. Cuộc họp kéo dài ba ngày, hầu hết mọi người phát biểu ý kiến đều đá một câu về bài “Hiện thực phải đạo”, mặc dù chủ đề chung của cuộc họp là bàn về những vấn đề tư tưởng của Đảng hiện nay, chỉ riêng bên Đại học Sư phạm không nói gì. Tôi được phát biểu ý kiến vào buổi chiều ngày cuối cùng. Ngay câu đầu tiên, tôi nói rằng tôi lên đây không phải để trình bày hay thanh minh cho bài “Hiện thực phải đạo”, mà để nói về ba vấn đề tư tưởng khác. Hai trong số đó rất tiếc tôi đã quên, chỉ nhớ vấn đề về chuyên chính vô sản. Tôi cho rằng khái niệm chuyên chính vô sản do Karl Marx đưa ra ở thế kỉ trước đã lỗi thời. Chính Đảng Cộng sản Liên Xô cũng đã phải đưa ra một khái niệm mới để điều chỉnh, là khái niệm “Đảng toàn dân”. Đảng ta cũng vậy, phải đưa ra một khái niệm mới là “làm chủ tập thể”. Ba ngày, tôi đăng kí, không được lên phát biểu. Còn nửa tiếng trước khi kết thúc thì mới được lên, tôi là người phát biểu trước cuối cùng, người cuối cùng sau tôi là Chế Lan Viên, họ sắp đặt rất cẩn thận. Chế Lan Viên phát biểu đại loại rằng, tư tưởng của anh Hiến không phải là Mác-Lê, mà theo Kant.

talawas: Theo cái gì của Kant?

Hoàng Ngọc Hiến: Chẳng biết ông ấy định nói đến cái gì của Kant, cứ nhằng nhịt thế thôi, cái nước mình nó như vậy. Có một chi tiết thế này: Trong lúc giải lao, có cà phê, kẹo lạc, Nguyễn Duy Bình và tôi đang ngồi cùng một bàn thì Lê Đức Thọ đến, ngồi cùng. Ông ấy nói những chuyện rất đời thường, thí dụ: “Trong kháng chiến, tôi cắt tóc thế nào cũng được, nhưng bây giờ hoà bình rồi, cắt cũng phải có kiểu của nó”. Nhưng việc Lê Đức Thọ ngồi vào mâm của tôi, ngồi rất lâu, hơn nửa tiếng, chỉ nói chuyện ngụ ngôn thế thôi, được cả hội trường chú ý. Chế Lan Viên thấy thế, có lẽ nhột, đi đi lại lại ngay sát bàn chúng tôi, mấy lần, cuối cùng thì béo vào vai tôi một cái, bảo: “Vừa rồi tôi có nói gì hơi quá thì anh bỏ qua cho tôi nhé”. Rất buồn cười, cái nước mình nó thế! Béo vai tôi một cái. Rất nhà quê.

talawas: Tác giả của “Điêu tàn” đấy ư?

Hoàng Ngọc Hiến: Nhà thơ lớn nước mình cũng nhà quê, cũng trẻ con cả thôi, cả nước mình nó thế: Nhà quê và trẻ con.

talawas: Thưa ông, chúng tôi đang ghi âm cuộc phỏng vấn.

Hoàng Ngọc Hiến: Cứ ghi, không sao cả. Đấy là nhận định cơ bản nhất của tôi. Đến lúc ông Lê Đức Thọ tổng kết hội nghị, về bài của tôi ông ấy nói: Anh Hiến là Mác-Lênin chứ chẳng căng kiếc gì.

talawas: Ông Lê Đức Thọ nói „chẳng Kant“, hay „chẳng căng kiếc“?

Hoàng Ngọc Hiến: Chẳng căng kiếc gì. Thế là xong. Tôi tưởng là thoát, cuối cùng vẫn không thoát. Ông ấy nói thế, nhưng người ta làm khác. Khoảng hai tuần sau tôi nhận được quyết định thôi chức chủ nhiệm Khoa Viết văn Nguyễn Du của Trường Đại học Văn hoá, sang làm chuyên viên bình thường, nghiên cứu văn học thế giới, tại Viện Văn hoá.

talawas: Có một cái mốc nào rõ ràng cho việc ông được phục hồi không?

Hoàng Ngọc Hiến: Có, nhưng rất lắt léo. Khoảng hai năm sau, ông anh tôi là Hoàng Xuân Di mất. Ông ấy là Vụ trưởng Vụ Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn mà ông Tố Hữu là trưởng ban. Tố Hữu có đến đám tang. Tôi là em trai gần nhất, làm chủ tang. Đang lo cám ơn mọi người thì ông Tố Hữu đến gần, ghé tai: “Đồng chí sẽ hoạt động trở lại”, giọng Huế trầm, nhỏ, nói xong đi ngay.

talawas: Nghe cứ như chuyện hội kín.

Hoàng Ngọc Hiến: Vâng, bí mật lắm. Nhưng cũng có thể trông thấy tôi ở đám tang, chắc Tố Hữu mủi lòng. Sau đó, một hôm tay bí thư chi bộ ở Viện Văn hoá hỏi tôi có muốn gặp ông Hà Xuân Trường không. Tôi đáp có. Rồi lên gặp ông Hà Xuân Trường, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương. Ông ấy bảo: “Tôi muốn đưa anh trở lại Trường Nguyễn Du, ý kiến anh thế nào?” Tôi nói: Tốt quá, tôi muốn làm công việc mà tôi thích. Ông ấy lại hỏi: Hiện nay anh có nguyện vọng gì? Tôi nói: Tôi có một bản thảo sáu trăm trang, dịch toàn bộ những bản trường ca của Mayakovsky, đưa nhà xuất bản hai năm nay, chưa thấy động tĩnh gì”. Hai tuần sau Thúy Toàn đến gặp tôi, bàn về việc in bản thảo đó..

talawas: Trở lại vụ tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp, thông thường văn học phát triển theo một tiến trình, mỗi giai đoạn có những thành tựu nhất định của nó. Giai đoạn tiếp theo phải đứng trên những thành tựu của giai đoạn trước để đi tiếp, chứ không phải lại quay về điểm xuất phát trước đó, cũng như không thể đang học lớp năm lại lộn về làm những bài tập của lớp một. Sự kiện “Hoa thủy tiên” vừa rồi cho thấy, dường như phần lớn các thành tựu trong quan niệm, nhận thức và cả kiến thức văn học của 15 năm trước đó, tính từ ngày Đổi mới, đều bị bỏ qua, dường như chúng chưa từng xảy ra, dường như chúng ta lại giải quyết từ đầu những câu hỏi từng được bỏ rất nhiều công sức để giải quyết. Thí dụ, một trong những điểm chốt trong bài của Trần Đăng Khoa là khẳng định rằng Nguyễn Huy Thiệp chỉ dùng phép nói ngược. Xem lại các tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp trước đây thì lập luận này thực ra không phải là phát hiện của Trần Đăng Khoa, mà nguyên là của ông tiến sĩ Đỗ Văn Khang. Như vậy chúng ta lại trở về nguyên chỗ cũ.

Hoàng Ngọc Hiến: Nghĩ như vậy thì sang trọng quá cho những người như Đỗ Văn Khang, Trần Đăng Khoa. Họ không nghĩ rằng thế là quay trở lại đâu. Họ không nghĩ nhiều đến thế đâu.

talawas: Vậy họ nghĩ gì?

Hoàng Ngọc Hiến: Đơn giản thôi, họ nghĩ rằng phải hạ uy tín của Thiệp, cũng như ngày trước, trong làng có một tay địa chủ giầu sang có uy tín, muốn hạ thì phải dùng đủ mọi cách: Đấu tố, chửi, nhổ vào mặt. Bây giờ cũng vậy thôi. Trần Đăng Khoa tìm đủ mọi cách để hạ uy thế của Nguyễn Huy Thiệp. Thiệp là người sắc sảo, trí tuệ ư? Không, sắc sảo trí tuệ cái gì, chỉ có phép nói ngược thôi. Anh nói trắng thì nó nói đen, anh nói phải thì nó nói trái, Thiệp nó chỉ có thế, chứ chẳng có trí tuệ gì. Cái cách của Trần Đăng Khoa là thế.

talawas: Đơn giản vậy thôi sao?

Hoàng Ngọc Hiến: Đúng. Đối với Trần Đăng Khoa thì rất đơn giản. Nguyễn Huy Thiệp là thằng cường hào địa chủ trong văn học, cần phải lật đổ.

talawas: Dĩ nhiên có cách nghĩ rằng Nguyễn Huy Thiệp là “địa chủ cường hào”, cần phải trừng trị bằng “cải cách ruộng đất”. Nhưng cuộc tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp mười lăm năm trước ít nhất cũng đạt tới một thành tựu rằng Nguyễn Huy Thiệp không thuộc „thành phần phản động ngoan cố“ như vậy. „Cải cách ruộng đất“ đã được „sửa sai“. Bây giờ với vụ tranh luận mười lăm năm sau cũng về Nguyễn Huy Thiệp, chẳng lẽ lại tiếp tục áp dụng „cải cách ruộng đất“ hệt như cũ, bất kể những đợt „sửa sai“ lần trước?

Hoàng Ngọc Hiến: Ông Khoa và những người như ông ấy chẳng nghĩ gì đến tính lịch sử ấy đâu. Họ nghĩ đơn giản hơn nhiều. Họ muốn chôn, muốn đóng ván thiên cho Thiệp.

talawas: Những cá nhân ấy có thể nghĩ đơn giản, nhưng chẳng lẽ toàn bộ giới văn học và công chúng văn học lại phải mất thời gian làm lại những việc đã làm rồi?

Hoàng Ngọc Hiến: Chẳng ai mất thời gian nữa đâu. Tiếng nói của Trần Đăng Khoa bây giờ không có tác dụng gì. Cũng chẳng ai mất thời gian bác bỏ Trần Đăng Khoa. Lịch sử vẫn cứ đi, mà chính Khoa lại nhột, nên mới phải tìm cách thanh minh. Trong hội nghị lí luận phê bình tại Viện Văn học ngày 27.05. vừa qua, Giáo sư Phong Lê, nguyên viện trưởng, phát biểu mở đầu, nói thẳng trong hội nghị rằng, lời lẽ của Nguyễn Huy Thiệp thì không được nhã nhặn, nhưng phải nhận rằng Thiệp đã đặt ra những câu hỏi rất quan trọng về Hội Nhà văn. Bài phát biểu mở đầu hội nghị là rất đáng chú ý.

talawas: Như vậy theo ông, tầm nhận thức văn học nói chung trong giới chuyên môn và cả xã hội là không bị thay đổi qua sự kiện “Hoa thủy tiên” vừa rồi?

Hoàng Ngọc Hiến: Không, không bị thay đổi! Tôi bảo đảm thế.

talawas: Và chúng ta tiếp tục giữ những thành tựu đã đạt được, bất chấp một tai nạn như vừa rồi?

Hoàng Ngọc Hiến: Đúng, tôi thấy không nên quan tâm tới những tiếng nói như của Trần Đăng Khoa, Lê Văn Vọng, Chu Lai… phê phán Nguyễn Huy Thiệp vừa rồi. Ông Nguyễn Đăng Mạnh có nói, Trần Đăng Khoa là nông dân, tôi thì muốn thêm câu của Tản Đà: “Dân hai mươi triệu ai người lớn – Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”. Trần Đăng Khoa là nông dân và trẻ con, thế thôi. Tất nhiên cũng có tài năng, thần đồng nữa. Và hầu hết những người như Khoa cũng là trẻ con và nông dân. Người thì có tài, người thì bất tài, nhưng đều là trẻ con và nông dân cả.

talawas: Được làm nông dân và trẻ con thì cũng có nhiều ưu thế lắm. Những việc gì mình làm hỏng thì có thể xin lỗi, trẻ con không biết gì, nông dân thì ngu ngơ, đều được tha…

Hoàng Ngọc Hiến: Trong toàn bộ cái sự nhộn nhạo vừa rồi, họ sử dụng một đứa trẻ con.

talawas: Họ là ai?

Hoàng Ngọc Hiến: Họ là những người vốn đã chủ trương chôn Nguyễn Huy Thiệp, nhổ cái gai Nguyễn Huy Thiệp, nay lại bục ra cái vụ “Hoa thủy tiên”, làm sao họ chịu nổi.

talawas: Nhưng trong nhiều năm, trước khi xảy ra vụ Hoa thủy tiên, Nguyễn Huy Thiệp cũng sống khá thuận hoà với môi trường văn hoá đấy chứ?

Hoàng Ngọc Hiến: Cái đó có. Vì vậy bài của Nguyễn Bình có cái lí của nó. Nguyễn Huy Thiệp phải suy nghĩ về câu hỏi: tại sao không rút khỏi Hội Nhà văn.

talawas: Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn?

Hoàng Ngọc Hiến: Tôi là hội viên.

talawas: Vậy ý kiến của ông về Hội Nhà văn?

Hoàng Ngọc Hiến: Hội Nhà văn là một tổ chức của Đảng, như mọi tổ chức khác. Có những tổ chức tập hợp công nhân, nông dân, phụ lão, vậy cũng phải có tổ chức để tập hợp nhà văn. Nhân một dịp kỉ niệm năm mươi năm gì đó, khi ấy Liên Xô đã sụp đổ, tôi có viết một bài nói về ảnh hưởng của văn học Nga đối với Việt Nam. Tôi có đề cập đến việc mô hình đường lối tổ chức của Hội Nhà văn Liên Xô có phải là cái để mình theo nữa không. Tôi cho rằng việc Hội Nhà văn Liên Xô có một bộ máy lớn những nhà văn được bao cấp và tính chất quan liêu, viên chức của nó đã ảnh hưởng lớn đến ta. Ta đã mô phỏng họ, tạo ra một bộ máy quan liêu, lấn át tính chất nghề nghiệp. Ngoài ra Hội Nhà văn Việt Nam cần xem lại cơ cấu tổ chức. Lúc đầu nó là một tổ chức mang tính quần chúng, bây giờ có lẽ không thể tiếp tục như vậy.

talawas: Theo ông, mặc dù có một hình ảnh rất không đẹp về Hội Nhà văn nhưng một người như Nguyễn Huy Thiệp vẫn không ra khỏi Hội Nhà văn, lí do vì sao?

Hoàng Ngọc Hiến: Người ta lo cho đời sống của mình, mà đời sống thì nhiều chuyện lắm: Họ có cho mình đi nước ngoài không, rồi chuyện quyền lợi… Tuy vậy mà hội viên Hội Nhà văn được một số quyền lợi. Năm ngoái tôi cũng được bảy triệu. Ở Việt Nam bảy triệu không phải là dễ.

talawas: Tiền đó ở đâu ra?

Hoàng Ngọc Hiến: Ông Hữu Thỉnh lên xin chẳng hạn, rồi có những chính sách hỗ trợ gì đó… Đợt vừa rồi nhà nước trợ cấp cho Hội Nhà văn mấy tỉ, đem chia ra, người được ít như tôi cũng bảy triệu.

talawas: Ít hay nhiều căn cứ vào tiêu chuẩn nào?

Hoàng Ngọc Hiến: Cái đó tôi không hỏi, nhưng ai cũng được cả, chênh lệch không nhiều lắm. Ngoài ra, sống trong một chính thể như ở Việt Nam thì người ta cũng muốn được yên ổn, không bị A25 hay đám này đám nọ xía vào, làm cho mình mệt mỏi. Thiệp cũng là một người như mọi người, cũng lo những chuyện ấy, cũng cần một sự bảo hiểm. Nhưng đến cái Hoa thủy tiên và Mổ nhà văn thì tôi không hiểu nữa. Hay có khi Thiệp lại nằm ở một cái tuyến nào mạnh hơn tuyến của Thỉnh. Cái nước mình nó thế.

talawas: Hiện nay có dư luận gì về Mổ nhà văn chưa?

Hoàng Ngọc Hiến: Ồ, nhiều chứ. Quần chúng và đám trẻ rất thích, cứ thấy đánh nhau là thích.

talawas: Mổ nhà văn đã đăng chính thức ở trong nước?

Hoàng Ngọc Hiến: talawas đăng, rồi người ta in lại, bản copi lưu hành khắp nơi, bản thân tôi cũng được nhận hai bản.

talawas: Còn ý kiến của giới văn nghệ chính thống?

Hoàng Ngọc Hiến: Cái đó tôi không biết. Tôi cho rằng Mổ nhà văn đã đánh vào sào huyệt là Văn nghệ Quân đội. Trong vở kịch có một chi tiết: Trần Đăng Khoa vốn là người lương thiện hiền lành, nhưng trong một môi trường ô nhiễm, nên cứ bị ngấm dần, thành một con lợn bẩn thỉu. Cái môi trường ấy, mọi người hiểu ngay là Văn nghệ Quân đội. Hiện nay Văn nghệ Quân đội mới là thành trì thực sự.

talawas: Còn Văn nghệ Công an thì sao? Có là một đối trọng không? Ít nhất về mặt kinh tế và chiếm lĩnh thị trường, phía Văn nghệ Công an hùng hậu hơn nhiều.

Hoàng Ngọc Hiến: Có thể. Nhưng Văn nghệ Quân đội là một thành trì. Nó biết, bây giờ nó mà lung lay là tan đàn xẻ nghé. Đấy là một đám không có tài, vì vậy phải co cụm lại, bảo vệ nhau cho bằng được.

talawas: Tên tác giả của Mổ nhà văn là Thích Thiện Ngân, được dư luận diễn nghĩa là «Thích Tiền Sạch», chứ không phải Nguyễn Huy Thiệp…

Hoàng Ngọc Hiến: Thích Thiện Ngân là nhân vật có thật, là một nhà văn trong xóm của Thiệp, sẵn sàng đứng ra nói rằng tôi là tác giả vở kịch, chứ không phải anh Thiệp. Thiệp đã sắp đặt đến mức như thế.

talawas: Thưa ông, chúng ta đang ở trong một cuộc phỏng vấn mà những chi tiết như vậy có thể được công bố.

Hoàng Ngọc Hiến: Không sao cả, chuyện này tôi có thể đảm bảo. Thiệp đã chuẩn bị rất chu đáo, không ai bắt bẻ được. Mưu mẹo lắm. Cái nước mình nó buồn cười lắm. Nguyễn Gia Thiều có một bài thơ rất ngắn, bốn câu: “Lép nhép vài hàng tỏi – Lơ thơ mấy luống gừng – Vẻ chi tèo teo cảnh – Mà cũng đến tang thương”. Có thế thôi mà cũng tang thương, đau khổ, tù đày, trốn tránh. Nước mình hoàn toàn thế. Có mấy củ tỏi mà cũng tang thương! Rất buồn cười! Có những anh đau khổ, có những anh tử vì đạo. Đạo gì mới được cơ chứ! Không có gì hết. Thế mà cũng đánh đập, phe phái, tang thương.

talawas: Như vậy mọi cách tiếp cận nghiêm túc, hàn lâm… đều không thích hợp?

Hoàng Ngọc Hiến: Hoàn toàn không thích hợp. Tiếp cận theo cách dân gian thì được. Bỗ bã và dân gian thì rõ ra mọi việc.

talawas: Vậy những nỗ lực nghiên cứu một cách hệ thống, học thuật sẽ có hy vọng gì?

Hoàng Ngọc Hiến: Tôi nói vậy, nhưng dẫu sao trong một nước thì vẫn có elite, có tầng lớp ưu tú, đặc tuyển. Tranh luận học thuật ở một trình độ cao rất cần để tầng lớp elite này phát triển. Nhưng ngay cả elite mà nghiêm túc quá cũng không thể có ảnh hưởng trong hoàn cảnh Việt Nam.

talawas: Như vậy theo ông, những diễn biến vừa qua trong văn học không phải do chỉ đạo từ những cấp chính trị bên trên, mà chỉ là xung đột trong chính giới văn học với nhau?

Hoàng Ngọc Hiến: Chiến lược của nhà nước này, nhất là trong văn hoá văn nghệ, là chập chờn, khi thế này khi thế kia, khi đóng khi mở, nửa đóng, nửa mở. Cái chập chờn này theo tôi có cái lí của nó, thứ nhất nó vẫn phải đáp ứng với đòi hỏi phát triển, cấp tiến của thời đại, mà lại là thời đại thông tin; nhưng nó cũng phải làm khác đi để đáp ứng giới bảo thủ, tuyên huấn tỉnh chẳng hạn, họ có thể gửi thẳng kiến nghị lên Bộ Chính trị, rồi còn tuyên huấn công an, A25… Thế nên chỉ còn cách chập chờn.

talawas: Còn về giá trị nghệ thuật của vở kịch Mổ nhà văn?

Hoàng Ngọc Hiến: Những vở khác của Thiệp để diễn thì không được, để đọc thì được. Nhưng vở này đem diễn có lẽ cũng vui, Thiệp cho mấy cô mặc xi-líp đi ra đi vào, chắc người đi xem rất đông. Cái nước mình nó thế mà.

talawas: Và cuốn tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu?

Hoàng Ngọc Hiến: Tôi chưa đọc, tôi thấy chưa cần đọc.

talawas: Cách đánh giá phổ biến ở ngoài nước rằng đây là một cuộc đấu tranh mới giữa một bên là những người cấp tiến, tôn trọng sự thật, mà Nguyễn Huy Thiệp được coi là đại diện với một bên là những đầu óc bê tông có hợp lí không, hay là một cách đánh giá quá trầm trọng?

Hoàng Ngọc Hiến: Hữu Thỉnh đã phải quyết định chấm dứt việc phê phán Nguyễn Huy Thiệp, vì kéo dài thì không được gì, có khi lại lỗ vốn. Những bài phê phán Thiệp quá kém, mà những người thực sự có uy tín, nghiêm túc lại chưa lên tiếng. Hình như đây còn là chuyện cái thế. Cái thế của những người bảo thủ bây giờ là nói gì cũng không ai nghe.

talawas: Nhưng ai là người không thuộc phái bảo thủ?

Hoàng Ngọc Hiến: Hiện nay thì có thể phân biệt rất rõ. Người nào lên tiếng đả kích Thiệp lúc này là bảo thủ, hoặc nói theo ngôn ngữ phương Tây là thuộc cánh hữu. Với trường hợp talawas cũng vậy, Bây giờ ai lên tiếng phê phán talawas là bảo thủ. Thực ra cũng chỉ có thể giới hạn những người phê phán talawas, Nguyễn Huy Thiệp trong vòng một nhóm, trở đi trở lại có mấy người ấy. Bây giờ đúng là có hai vấn đề cụ thể, Nguyễn Huy Thiệp và talawas, để bộc lộ rất rõ trận tuyến. Đành rằng số đông, ở nước nào cũng vậy, thì bao giờ cũng thầm lặng. Còn lại, thiểu số ồn ào thì bộc lộ chỗ đứng của mình. Chu Lai, Khoa, Nghé Ọ[3]… bây giờ bị coi là hữu.

talawas: Bản thân ông nghĩ gì về quyết định tường lửa đối với talawas?

Hoàng Ngọc Hiến: Tôi cho rằng Nguyễn Khoa Điềm là người ở cái thế trên đe dưới búa. Búa ở đây là dư luận. Ông Điềm tuyên bố chuyện gì, người ta chú ý từng câu một. Còn phía kia là cái đám mà Nguyễn Huy Thiệp đụng chạm đến sĩ diện của họ, sự tồn tại của họ. Đó là mấy tay trong Văn nghệ Quân đội, trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn. Đám ấy nhao nhao lên, gây áp lực cho ông Điềm. Ông Điềm là người cầm quyền, trong tình thế này tất nhiên phải lựa. Theo tôi biết, ông ấy đã tiếp Phạm Thị Hoài rất trân trọng. Bây giờ trong một tình thế không thể khác, ông ấy phải có quyết định khác. Chúng ta biết chính trị rất phức tạp, có rất nhiều chứ không phải chỉ có một áp lực. Phải lo nhiều bề, nhiều khi được một bề mà hỏng những bề khác, thế cũng chết. Mạnh Tử đã nói: Tôi không thích những người chỉ lo một bề mà để hỏng trăm bề. Nghiệp vụ của các nhà chính trị, sự sống còn của họ là tính toán nhiều bề. Mình ở địa vị họ, ở nước nào cũng vậy, mình cũng làm như họ.

talawas: Nhưng cả một hệ thống và guồng máy văn nghệ, truyền thông với hàng trăm nghìn nhân viên được sự bảo trợ toàn diện của nhà nước, muốn làm gì thì làm, muốn tuyên truyền gì thì tuyên truyền, có thể thay não sọ của cả một xã hội trong vòng một hai thập kỉ, có thể đè bẹp mọi chính kiến khác, thì đâu cần phải ngại những tiếng nói nhỏ bé ngoài luồng, lại vọng từ phương xa, như talawas? Chẳng phải đây là cuộc đọ sức giữa David và Goliath sao?

Hoàng Ngọc Hiến: Goliath gì đâu! Guồng máy ở Việt Nam trông thì hùng hậu nhưng chẳng ai hết lòng làm một việc gì, chẳng ai tha thiết, ráo riết làm một việc gì nữa. Đã lên đến chức này chức nọ thì người ta đều phải tính, mình được gì ở cái chức ấy. Làm gì cũng che chắn, cho qua chuyện thì thôi, không ai tự nguyện dốc lòng làm gì. Qua loa cả thôi.

talawas: Trong hội nghị lí luận phê bình tại TPHCM tháng 4 vừa rồi, khi được Anh Đức yêu cầu phải “uốn nắn” trường hợp Nguyễn Huy Thiệp”, ông Mai Quốc Liên dè dặt đáp rằng: Không ai trả tiền cho chúng tôi để làm chuyện đó…

Hoàng Ngọc Hiến: Đúng thế đấy, nhếch nhác lắm.

talawas: Theo ông, tình trạng không hết lòng này sẽ dẫn chúng ta đến đâu?

Hoàng Ngọc Hiến: Tôi chịu, không hình dung được hậu quả, tôi chỉ biết đó là sự mục ruỗng. Quá trình là mục ruỗng, rồi hai hay ba tuần cuối cùng sẽ xảy ra những biến cố nào đó, nhưng chúng ta có thể lường trước được chuyện gì đâu. Nói rộng ra trong phạm vi cả thế giới, từ hai mươi năm nay có ai lường được gì đâu: Liên Xô sụp đổ, bức tường Berlin sụp đổ, toà nhà đôi ở New York bị cưa đứt.

talawas: Sang một vấn đề khác, vấn đề dịch thuật. Bản thân ông là người đã có nhiều công trình dịch thuật, ông có cho rằng dịch được 500 cuốn sách [4] quan trọng nhất thuộc mọi lĩnh vực tri thức của nhân loại là đời sống văn hoá, trí tuệ tại Việt Nam sẽ được một đà tiến đáng kể không?

Hoàng Ngọc Hiến: Dịch thuật theo tôi là một trong những vấn đề quan trọng nhất hiện nay, vì nếu không khéo thì đầu óc của trí thức chúng ta bị hư hỏng bởi những bản dịch tồi chứ không phải bởi không có sách dịch. Cách đây sáu tháng, Nhà xuất bản Giáo dục có đưa cho tôi một bản thảo dịch những bài phê bình nổi tiếng của Mỹ và Pháp, dịch giả là Lê Huy Bắc. Tôi không tưởng tượng nổi, sao nó lại sai một cách ngu xuẩn như vậy. Lê Huy Bắc hiện nay là người giỏi tiếng Anh nhất trường Sư phạm, và trường Sư phạm hiện nay là một trường đại học mẫu mực, trường điểm của nhà nước, tương lai của nền học thuật Việt Nam. Trong bản giám định gửi cho nhà xuất bản, tôi nói rằng, một cuốn sách ba trăm trang chỉ cần ba cái nonsens, ba cái contresens là tác giả và nhà xuất bản mất uy tín. Còn ông Lê Huy Bắc, một đoạn mười dòng của ông ấy đã có đến bốn cái contresens, tức dịch ngược hẳn ý của người ta. Như vậy vấn đề dịch thuật hiện nay rất đáng lo ngại. Ở nước ngoài có một số khá đông người Việt rất thông thạo ngoại ngữ, lại có trình độ chuyên môn cao và tiếng Việt cũng khá, nhà nước cần có chính sách để khuyến khích họ đóng góp vào việc dịch thuật. Nhưng lớp người còn thạo tiếng Việt ấy ở nước ngoài chỉ mười, mười lăm năm nữa sẽ hết. Một khâu quan trọng nữa là đào tạo dịch thuật. Dĩ nhiên học ngoại ngữ đại trà là quan trọng, quần chúng có được có những bằng A, B, C hay đại học gì đó cho một ngoại ngữ là điều tốt, nhưng đào tạo dịch giả thật sự lại phải theo một con đường khác. Mỗi dịch giả kế cận phải qua ít nhất là một bản dịch khoảng 300 trang của những tác phẩm khó, thí dụ François Jullien trong tiếng Pháp, hay Freud trong tiếng Đức, nhưng phải thực hiện bản dịch này dưới sự kèm cặp trực tiếp của một dịch giả lão thành thực thụ. Một thầy kèm một trò.

talawas: Ai sẽ phân công người xứng đáng làm thầy để kèm học trò? Rất có thể một người được coi là thạo tiếng Anh nhất trường Đại học Sư phạm, chuyên gia về văn học Mỹ như ông Lê Huy Bắc sẽ được cử làm thầy?

Hoàng Ngọc Hiến: Đúng, sẽ có chuyện ngược đời như vậy, nhưng sở dĩ xảy ra chuyện ngược đời vì Lê Huy Bắc không được qua giai đoạn đào tạo thật sự với một người thầy xứng đáng. Nếu được học với tôi, tôi sẽ kèm xứng đáng, thì Lê Huy Bắc bây giờ đã là một dịch giả hoàn toàn khác. Nhưng vấn đề là ai trả tiền cho tôi để kèm từng chữ, từng dòng như vậy? Cái nhà nước này không biết trả tiền cho những chuyện như thế, họ không hình dung được mức thù lao cho những việc như thế.

talawas: Nhưng nếu biết trả thù lao cao cho những việc như thế, những người giỏi có “chen” nổi vào vị trí được thù lao cao ấy không? Hay cuối cùng vẫn là sự thống trị của cái dốt? Vì để cái dốt bị đào thải, cần một cơ chế cạnh tranh tự nhiên, không bị đường lối chính trị tư tưởng chỉ đạo và guồng máy quan liêu chi phối…

Hoàng Ngọc Hiến: Có lẽ thế. Mà chắc chắn thế. Lúc ấy thì họ sẽ không mời tôi, mà chắc sẽ mời rất nhiều những ông dốt.

talawas: Người ta thường cho rằng thương mại vô tổ chức là nguyên nhân của nạn dịch thuật hiện nay, nhưng chắc một dịch giả như Lê Huy Bắc không dịch vì lí do thương mại.

Hoàng Ngọc Hiến: Đúng như vậy. Không thương mại mà vẫn hỏng. Tôi thường nói với con gái tôi như sau: Giữa một người không dịch được hết, để lại mười chỗ trống, và một người dịch được hết song có một chỗ sai, thì người để trống mười chỗ là hơn. Quan điểm này của tôi hoàn toàn ngược với cách nghĩ của người Việt. Người Việt không bao giờ thừa nhận là có chỗ mình không hiểu. Không hiểu mà cứ dịch bừa, không chịu để trống những chỗ mình không hiểu. Đấy là một cái gì đã thành cố tật của người Việt. Làm sao có thể phổ biến đến giới dịch thuật và công chúng cái quan điểm này: Thà bỏ trống mười chỗ mà sau khi đã tra cứu khắp nơi vẫn không hiểu, nhưng còn lại thì dịch đúng hết, hơn là dịch được hết, không bỏ trống chỗ nào nhưng có một chỗ sai.

talawas: Các bản dịch sai thì thường chưa cần đối chiếu với bản gốc, chỉ đọc bản tiếng Việt đã có thể thấy là ngớ ngẩn. Nhưng sự ngớ ngẩn này vẫn lọt qua bình thường, ít khi bị phát hiện.

Hoàng Ngọc Hiến: Ở các nhà xuất bản hiện nay làm gì có người đủ trình độ để hiểu, đã thế lại không đọc đến nơi đến chốn, chỉ liếc qua rồi kí. Ngoài ra tôi có một luận điểm thế này: Ở trí thức Việt Nam, giác quan về sự ngớ ngẩn rất yếu, trước một câu nói ngớ ngẩn thường không có phản ứng gì hết, vì không nhận ra là ngớ ngẩn. Cách đây ba năm, trường Đại học Văn hiến của Sài Gòn có một hội thảo liên kết với môt trường đại học ở Versailles. Bên Pháp cử ba ông giáo sư mang theo ba bản tham luận sang dự. Tôi biết mình nghe không giỏi nên xin ba bản đó về đọc trước. Hôm sau ông thứ nhất lên nói, tôi đã đọc trước nên theo được. Ông phiên dịch dịch câu nào cũng sai, mà rất tươi cười, rất tự tin, tôi không nói điêu. Bên dưới không có phản ứng gì, chứng tỏ họ không nhận ra đó là sự ngớ ngẩn. Duy nhất có một ông từng học ở Pháp về nhận ra là sai thì có phản ứng. Còn lại, tất cả đều coi là bình thường. Ngày hôm sau đến lượt ông thứ hai. Tôi đã đọc rất kĩ bản tham luận của ông ấy mà không hiểu nội dung, nên hôm sau tôi không đi dự, vì có hiểu gì đâu mà dự. Ngày hôm sau nữa tôi lại đi. Có mấy người hỏi tôi: “Hôm qua sao anh không đi? Ông ấy nói hay lắm.” Làm sao biết là hay, vì vẫn chính ông phiên dịch của ngày hôm kia phụ trách, mà bản này lại khó hơn rất nhiều, khó đến mức ông Hoàng Ngọc Hiến phải chịu ngồi ở nhà vì không hiểu. Mà đấy là một cử toạ chuyên môn rồi đấy. Có lẽ cái đào tạo ở nước mình đã đến mức làm cho đầu óc người ta lộn xộn. Thí dụ như ông Đỗ Văn Khang mà giảng thì học sinh không hiểu gì cả, vì chính ông ấy không hiểu mình nói gì.

talawas: Ông Đỗ Văn Khang không hiểu mình nói gì, nhưng những người ngồi nghe có biết rằng ông ấy không hiểu mình nói gì không?

Hoàng Ngọc Hiến: Trong một lớp bốn chục sinh viên thì thế nào cũng có hai, ba sinh viên thông minh, nhận ra điều ấy, nhưng lại thế nào được với ba mươi bảy đứa kia! Ba mươi bảy đứa kia cứ ngồi đực mặt ra đấy, không hiểu gì, không có ý kiến gì, lại thế nào được với đám đông ấy! Cái mục ruỗng của học thuật nước mình là ở đó, chứ những chuyện như làm bài thuê, mua tiến sĩ không đáng sợ lắm đâu. Đáng sợ nhất là giác quan về sự ngớ ngẩn gần như bị tê liệt.

talawas: Có một khả năng nào để phục hồi lại giác quan đó?

Hoàng Ngọc Hiến: Có, nhưng phải lâu dài. Chẳng hạn phải xây dựng một, hai trường tử tế trong số mấy chục trường. Nhưng nhiều khi phải cần hàng thập kỉ, có khi hàng thế kỉ mới xây dựng được một trường tử tế. Những phát biểu về cải cách giáo dục hiện nay ở tình trạng là mọi người chỉ nói cái muốn của mình, phê phán hiện trạng, nhưng cái muốn của mình thì vô cùng, trong khi chỉ cần thực hiện được một điều thôi cũng đã cần hàng loạt yếu tố, phải có thời gian, phải có tiền, phải làm đi làm lại. Hiện nay cả nước gào lên về giáo dục, gào lên cái muốn của mình. Để bớt sự ngớ ngẩn, theo tôi phải phân biệt giáo dục elite và giáo dục đại trà. Với thiểu số đặc tuyển ở Việt Nam hiện nay, trước hết phải thực hiện những việc rất tầm thường, nhưng tầm thường thế thôi mà có khi còn chưa đủ sức. Cái nước mình nó thế. Chẳng hạn thiểu số ấy phải đủ sức sử dụng những công cụ tra cứu của thế giới, từ loại đơn giản lên dần những loại phức tạp hơn. Đó là nói đến thiểu số chọn lọc, mà đo trình độ dân trí là đo dân trí của thiểu số chọn lọc, chứ không phải của quảng đại quần chúng. Nói đến dân trí là nói đến giới trí thức. Nhưng chúng ta có một cái hồ đồ, cần phải giải quyết trước rồi mới bàn đến chuyện trí thức được. Cái hồ đồ ấy là thế này: Sau cách mạng thì một ông giáo viên cấp một là trí thức. So với nền tảng chung lúc ấy, xung quanh đều không biết chữ, thì giáo viên cấp một đúng là trí thức. Nhưng bây giờ, giáo viên cấp một có phải trí thức không? Anh mà bảo không thì nó đập cho anh vỡ mặt, nước mình nó rất khó như vậy. Thực ra khi nói đến vai trò của trí thức là nói đến vai trò của elite. Nếu cứ mập mờ, giáo viên cấp một cũng trí thức, cũng elite, thì không giải quyết được việc gì cả. Nếu có một ông giáo viên cấp một học nhiều, đọc nhiều, nhận thức cao thì đó chỉ là một ông, không thể tính tất cả hàng vạn giáo viên cấp một vào giới trí thức. Cách nghĩ phổ biến ở nước ta, cứ không lao động chân tay mà lao động trí óc là trí thức, không giải quyết được gì cả. Chưa rõ ràng trong cách nghĩ thì không bàn tiếp được.

talawas: Xin hỏi ông một việc khác. Gần đây, Trường Viết văn Nguyễn Du khá mất uy tín, ông từng là một trong những người phụ trách trường này…

Hoàng Ngọc Hiến: Đấy là một ví dụ tiêu biểu cho đường lối tổ chức ở nước mình. Trước đây người chịu trách nhiệm chính là anh Phạm Vĩnh Cư, một người mà tôi đánh giá là rất nghiêm túc. Nhưng rồi có chuyện Thái tử, tức Đặng Việt Bích, con trai ông Trường Chinh, về Trường Đại học Văn hoá với tư cách là hiệu phó. Thực ra ông ta muốn làm hiệu trưởng, nhưng không được, vì quá lười biếng, ngu dốt, nhếch nhác. Tất nhiên cái đám vụ trưởng ở bên trên phò cho ông ta rất ghê, Thái tử mà. Cuối cùng giải pháp là cho ông ta làm hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du, để ông ta khỏi hậm hực về cái chức hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá. Thời đó tôi đã về hưu, Phạm Vĩnh Cư đang ở Pháp vài tháng, khi trở về không được ông hiệu trưởng mới là Đặng Việt Bích nhận nữa, mặc dù chẳng có tội tình gì. Đặng Việt Bích là người lười đọc sách, ngu dốt, ích kỉ, tiến sĩ ở Đức về, làm hiệu trưởng là phá nát Trường Viết văn Nguyễn Du. Nghe lời đám hữu khuynh trong Hội Nhà văn Việt Nam, ông ta làm một danh sách những người không được mời dạy ở trường, trong đó có tôi. Có những người rất trung lập, không theo phe phái nào, nhưng có hơi hướng cấp tiến một chút là không được mời. Như là Đỗ Lai Thuý chẳng hạn.

talawas: Dưới thời của hiệu trưởng Đặng Việt Bích, Trường Viết văn Nguyễn Du hoạt động ra sao?

Hoàng Ngọc Hiến: Khâu quan trọng nhất của Trường Nguyễn Du là chiêu sinh. Ở thời chúng tôi, mỗi khoá chúng tôi nhắm sẵn một số người chưa qua đại học nhưng có năng khiếu văn chương, có tác phẩm đáng chú ý. Trần Đăng Khoa cũng được chọn như vậy, học Nguyễn Du một năm rồi được cử sang Gorki. Hoặc Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương…, đều do chúng tôi nhắm trước. Không có Trường Nguyễn Du thì Nguyễn Bình Phương bây giờ chắc đang leo trèo cắt dán cho một cái ban tuyên huấn nào đó ở trung đoàn. Từ khoá 5 trở đi, ông Bích chiêu sinh cho Trường Nguyễn Du cứ theo cách của những trường khác, tức chấm bài thi, điểm cao thì lấy. Nhưng như thế không được. Đây có phải là chuyện cứ học văn hoá phổ thông giỏi là xong đâu. Chẳng hạn Bảo Ninh thi môn Sử bị điểm 0. Các môn thi gồm Sáng tác, Văn và Sử. Cứ theo cách của ông Bích thì Bảo Ninh trượt. Nhưng chúng tôi đã “chạy điểm” cho Bảo Ninh, cuối cùng cho 5 điểm. Không phải là giả mạo, mà nói hẳn với giáo viên sử, rằng thí sinh này có thể trở thành một nhà văn giỏi, để ông ta nâng điểm lên. Thế là Bảo Ninh lọt.

talawas: Hiện nay ông Bích còn làm hiệu trưởng không?

Hoàng Ngọc Hiến: Bị đẩy đi rồi, sang làm Viện phó Viện Văn hoá-Nghệ thuật.

talawas: Cùng cơ quan với Đỗ Lai Thuý?

Hoàng Ngọc Hiến: Không, Đỗ Lai Thuý không được về Viện Văn hoá-Nghệ thuật, mà về tạp chí Văn hoá-Nghệ thuật. Viện không nhận Đỗ Lai Thuý, vì Thuý giỏi quá. Còn Đặng Việt Bích vì ngu quá nên họ nhận ngay, làm ngay Viện phó. Cái nước mình nó thế.

talawas: Vậy số phận của Trường Nguyễn Du hiện nay thế nào?

Hoàng Ngọc Hiến: Họ vẫn chiêu sinh, nhưng không ra một cây bút nào cả, chắc chẳng còn ai nghĩ đến chuyện cứu Trường Nguyễn Du nữa đâu.

talawas: Những người như ông Đặng Việt Bích chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong giới văn nghệ và trí thức Việt Nam?

Hoàng Ngọc Hiến: Công bằng mà nói, người như thế cũng ít chứ không phải là nhiều. Ngu và lười như ông ấy thì quá đặc biệt.

talawas: Chúng ta sang một chuyện nữa: Ông có nhìn thấy những khả năng hợp tác giữa giới nghiên cứu và phê bình văn chương ở trong nước và hải ngoại không? Liệu các thành tựu của giới nghiên cứu ở hải ngoại có khả năng được phổ biến chính thức hoặc giảng dạy ở Việt Nam?

Hoàng Ngọc Hiến: Tôi không theo dõi được hết các thành tựu ở hải ngoại, theo tôi tác động quan trọng nhất từ hải ngoại là những bài dịch. Ở trong nước, sách mới của quốc tế về không có hệ thống, rất hú hoạ. Trong khi đó nhiều bài dịch ở hải ngoại, tôi thấy rất quan trọng. Thí dụ bài Chủ nghĩa kinh điển mới và văn hoá” của F. Turner, một tác giả Mĩ, do Nguyễn Tiến Văn dịch, đăng trên talawas. Đọc xong bài đó tôi phải tự nhủ: Đọc sách mười mấy năm nay, thấy vẫn chàng màng, nhưng bài này giúp tôi được rất nhiều. Đó là một bài vô cùng cơ bản, tôi đọc đi đọc lại mười mấy lần, rồi gửi cho Hữu Thỉnh, đề nghị cậu ấy đọc xong rồi gửi cho Nguyễn Khoa Điềm. Bản dịch của Nguyễn Tiến Văn quan trọng đối với tôi đến mức tôi lấy nó làm cơ sở cho một bài giảng của tôi tại Đại học Sư phạm trước các giảng viên và nghiên cứu sinh. Trong buổi đó, tôi cao hứng khuyên rằng các bạn nên đọc talawas thường xuyên. Thế là ngay sau đó, Đảng ủy Trường Sư phạm làm om sòm, lẽ ra tôi có hai buổi giảng thì sau buổi đầu tiên bị stop ngay, rất bất lịch sự. Ngoài việc dịch thuật, hải ngoại có thể cung cấp diễn đàn cho những người không công bố được ở trong nước. Điều đó rất quan trọng, để trong nước không thể bưng bít được.

talawas: Còn việc cổ xúy cho những trào lưu mới như Hậu Hiện đại, kéo theo một tranh luận mang tính nguyên tắc, chẳng hạn về thái độ đối với chủ nghĩa hiện thực hiểu theo nghĩa rộng nhất? Điều này rất quan trọng với Việt Nam, vì dường như chúng ta chưa bao giờ giải quyết nghiêm túc những vấn đề của chủ nghĩa hiện thực…

Hoàng Ngọc Hiến: Hậu Hiện đại nhìn chung là tái bút của Hiện đại. Có một câu của Paul Valéry găm lại trong tôi: “Các thử nghiệm của những chủ nghĩa hiện đại chỉ có ý nghĩa khi chúng được đưa vào chủ nghĩa Cổ điển Mới.” Cái Cổ điển Mới này gần tự nhiên hơn cổ điển cũ. Cổ điển Mới có khả năng tiếp nhận những thử nghiệm hết sức quan trọng của hiện đại. Trong nước hiện nay đang bắt đầu có sự dồn dập giới thiệu Hậu Hiện đại. Rất tốt, nhưng theo tôi không nên mất nhiều thời giờ về chuyện này lắm.

talawas: Ông có thể nói ngắn gọn về chủ nghĩa Cổ điển Mới? Là sự phục hồi những đại tự sự của thế kỉ 19 đã bị Hiện đại và Hậu Hiện đại phá vỡ?

Hoàng Ngọc Hiến: Đại tự sự là một chuyện khác, nhưng có vài tiêu chuẩn khiến chủ nghĩa Cổ điển trở thành một hằng số của lịch sử văn học: sự hàm súc, sự chính xác, sự chính xác của ngôn ngữ, sự chính xác của giọng điệu, cả sự chính xác của nghệ thuật bố cục… Mọi tác phẩm văn học lớn đều có sự chính xác này, trước hết là sự chính xác của từ ngữ. Chúng ta thường nói rằng mình yêu tiếng Việt, nhưng yêu như thế nào thì mơ hồ quá. Theo tôi, dùng tiếng Việt chính xác mới là yêu tiếng Việt, mà cái yếu nhất trong văn học Việt Nam từ 1945 đến nay là không chính xác về từ ngữ. Toàn dùng những từ chung chung, từ khuôn sáo, không chọn được từ chính xác, không chọn được giọng điệu chính xác. Một câu biết cách đặt đúng thì vào ngay cảm nhận của người đọc.

talawas: Những nghệ sĩ quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện đại như Franz Kafka hay Arnold Schönberg không nổi tiếng là những người đạt tới sự chính xác rất cao sao?

Hoàng Ngọc Hiến: Vâng, sự chính xác của họ sẽ được đưa vào chủ nghĩa Cổ điển Mới. Tôi có thể đảm bảo là từ 1945 đến nay những tác phẩm văn học Việt Nam hay đều là chủ nghĩa cổ điển.

talawas: Là cha đẻ của khái niệm chủ nghĩa hiện thực “phải đạo”, ông có nghĩ đến việc cho cái chủ nghĩa hiện thực đang tồn tại trong văn học Việt Nam đương đại một cái tên mới nào không? Chủ nghĩa hiện thực “phải chăng”, hay… “phải gió”?

Hoàng Ngọc Hiến: Tôi chỉ cần một chữ là đủ sống đời. Chữ “phải đạo” làm sập cơ bản một hệ tư tưởng, chủ nghĩa hiện thực phải đạo ra đời là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa biến luôn, bây giờ không còn có mặt trên văn đàn. Tôi bị đánh là không oan. Khái niệm ấy không mang tính thoá mạ, nó rất hiền lành, nhưng ngẫm ra thì nó nhếch nhác, buồn cười lắm. Cái nước mình nó thế.

talawas: Xin cảm ơn ông Hoàng Ngọc Hiến.

Berlin, tháng 7.2004

© 2004 talawas




[1] Viết chung với Nguyễn Văn Thọ

[2] Tức bản „Đề dẫn“ của nhà văn Nguyên Ngọc, xin xem bài „Làng văn một thời, và…“ của Bùi Minh Quốc, talawas, 24.6.2004

[3] Nghé Ọ: Một nhân vật trong vở kịch „Mổ nhà văn“ của Thích Thiện Ngân.

[4] Theo đề nghị của nhà văn Ngô Tự Lập, talawas, 13.2.2004












Hoàng Ngọc Hiến: Một sự nghiệp chưa kết thúc




Tối 4/7 vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) cuộc họp mặt tri ân, tưởng nhớ nhà giáo, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến (1930-2011) đã được tổ chức trong không khí ấm áp và trang trọng. Được biết đến là người đã sáng lập Trường Viết văn Nguyễn Du, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Minh triết Việt, ông ra đi hơn 1 năm trước để lại khoảng 30 tác phẩm, công trình.


Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến


Không phải ngẫu nhiên người ta gọi nhà giáo, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến là một “hiện tượng phê bình sáng giá” của Việt Nam cuối thế kỷ 20. Với sự nhạy cảm trong việc phát hiện ra những giọng điệu mới, những “kênh” mới của văn chương và đánh giá nó trên cơ sở lý luận, vốn sống, trực giác và tầm tri thức văn hóa quảng bác, ông đã theo sát những nhà văn giàu tiềm năng và có những khích lệ quan trọng trên bước đường sáng tạo đầu tiên của họ như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh…

Cây bút phê bình “tả xung hữu đột”

Không những vậy, ông xuất hiện giữa văn đàn như một cây bút tả xung hữu đột, vừa có tham vọng vừa góp phần trả lời nhiều câu hỏi hóc búa, giải quyết nhiều vấn đề phức tạp đã tồn tại dai dẳng không chỉ của văn học Việt Nam. PGS Phạm Vĩnh Cư nhận định: “Một nét chung, hấp dẫn trong tất cả các bài viết của Hoàng Ngọc Hiến là sự nhạy cảm với cái mới, cái đột phá, cái đi đầu mà anh nhìn thấy, dù là trong văn chương nước nhà hay văn hóa, học thuật nước ngoài”.

Những khám phá có tính “nổi loạn” của ông làm thay đổi tư duy độc tôn lạc hậu trong văn học chính thống một thời, tạo tiền đề cho những cuộc tranh luận khá tốn giấy mực trên văn đàn về những “chủ đề” nhạy cảm như “văn học phải đạo”, “văn học bước qua lời nguyền”, “văn học dương dính”, “văn học kể nội dung và tả nội dung”…

Đồng tình với quan điểm trên, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân phân tích: “Tôi gọi mỗi bài viết của anh Hiến giống như một cú đột kích. Ví dụ như khi tiếp cận văn học nghệ thuật VN thời bao cấp những năm 79 – 80 thế kỷ 20, anh đã đi đến một nhận định về sự chênh lệch giữa lý tưởng và hiện thực, tức là miêu tả cái phải có lấn át những miêu tả về cuộc sống như nó vốn có, gọi tắt là văn học phải đạo. Anh ấy coi đó là một nhược điểm của văn học đương thời. Những quan điểm như thế thời đó dĩ nhiên là bị phê phán, nhưng mấy thập kỷ trôi qua đã chứng minh khái quát đó của anh Hiến là rất có giá trị, phản ánh đúng về nền văn học thời bao cấp”.

Điều đáng nói là Hoàng Ngọc Hiến không bao giờ bị lung lay bởi những ý kiến phản bác, phê phán hay ủng hộ, ngợi ca nhằm vào mình; không để bản thân bị rơi vào vòng xoáy của những cuộc tranh luận thiếu thiện chí không có hồi kết ấy. Bỏ lại sau lưng tất cả, ông lại lẳng lặng chuẩn bị đưa ra một phát kiến, một vấn đề tranh luận mới. PGS Phạm Vĩnh Cư tiết lộ: “Điều tôi khâm phục anh Hiến chính là với mỗi ý kiến phản bác của một người nào đó, anh ấy đều viết thư tay hồi âm lại cho họ cẩn thận chứ không ham hố việc tranh luận qua lại trên báo chí để gây dựng danh tiếng”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì dí dỏm: “Tôi nghĩ có lẽ nhiều khi, ông làm cho những người tranh luận bỗng ngơ ngác khi nhận ra rằng, Hoàng Ngọc Hiến đã vượt thoát khỏi cuộc tranh luận lúc nào không hay. Đó là cách tranh luận của một kẻ cao cường, hay nói cách khác đó là nhân cách lý luận phê bình của Hoàng Ngọc Hiến, không sa vào ma trận mà biết lựa chọn cho mình một tâm thế minh triết”.


Sách Hoàng Ngọc Hiến… viết do NXB Lao động ấn hành



Tuyển tập và tổng tập

Được coi là một trong những trí thức lớn của Việt Nam đương đại, nhà giáo, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến ra đi để lại khoảng 30 tác phẩm công trình, chủ yếu tập trung trên 3 lĩnh vực: Lý luận phê bình, Nghiên cứu văn hóa và Dịch thuật.

Ở lĩnh vực nào ông cũng để lại những dấu ấn sâu đậm với kiến thức quảng bác của mình. Cuốn Hoàng Ngọc Hiến…viết do nhà văn Đà Linh biên soạn, tập hợp một số bài tiểu luận, phê bình đặc sắc qua các thời kỳ, mới chỉ là một phần rất nhỏ so với khối di cảo đồ sộ của nhà giáo, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến.

Trong thời gian tới, có thể một bộ tổng tập Hoàng Ngọc Hiến sẽ được biên soạn để bạn đọc cũng như giới nghiên cứu có cơ hội được tiếp cận và tham cứu, từ đó có những đánh giá đầy đủ hơn về sự nghiệp của ông, và cũng là để những ai có cùng chí hướng, sẽ tiếp bước những gì ông đã và đang làm dang dở, trong đó có tâm nguyện khôi phục và phát huy những giá trị của minh triết Việt trong cuộc sống đương đại.

Như GS Francois Jullien – Viện trưởng Viên Tư tưởng đương đại, Paris VII, Cộng hòa Pháp đã viết trong bức thư gửi Trung tâm Minh triết Việt sau khi biết tin nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến qua đời: Sự nghiệp của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến sẽ được tất cả chúng ta ghi nhớ, sự đổi mới dấn thân của ông cũng như là phẩm hạnh văn chương của ông. Tôi cũng biết rằng, ở ông có sự lo lắng bền bỉ, để truyền cho những thế hệ mới sự giàu có của tinh hoa truyền thống…Ông Hiến như một tấm gương lớn, mà tôi cố gắng noi theo, một sự gắn kết nghiêm cẩn giữa sự công minh và niềm tin vững chãi với lòng trắc ẩn trước tâm thế của đồng loại…

Theo Kiến Văn

(Nguồn: http://www.thethaovanhoa.vn/173N20120707090730493T133/hoang-ngoc-hien-mo…)


























Trở về









MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.