Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

Trần Đĩnh (1930 - 2022)















Trần Đĩnh
(1930 - 2022)
Hưởng thọ 92 tuổi

Nhà báo, Dịch giả







Trần Đĩnh sinh năm 1930, là nhà báo của tờ Sự Thật từ những ngày đầu tiên, khi tờ báo của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác này được thành lập với vai trò Tổng biên tập của Trường Chinh. Trần Đĩnh tự nhận mình là người viết hồi ký cho Hồ Chí Minh, ngoài ra còn viết hồi ký cho Nguyễn Đức Thuận, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Bùi Lâm.









Tiểu sử


Trần Đĩnh tham gia Việt Minh vào năm 1946 lúc mới 16 tuổi, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1948. Tháng 12 năm 1945 do hoàn cảnh lịch sử, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán cùng với cơ quan ngôn luận của nó là tờ Cờ Giải Phóng, nhưng thực chất là rút vào hoạt động bí mật. Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương ra đời và xuất bản tờ báo Sự Thật. Trong thời gian này Trần Đĩnh được điều về viết cho báo. Sau đó, ông được đưa qua học 5 năm tại Đại học Bắc Kinh, từ 1955 cho tới 1959.

Trần Đĩnh nhận mình là người chấp bút tiểu sử của Hồ Chí Minh và tự truyện của nhiều nhân vật như Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Bùi Lâm.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam đưa vấn đề chọn lựa tư tưởng Mao để chống xét lại, tức là chống lại chủ trương sống chung hoà bình do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev đưa ra, theo Trần Đĩnh, ông đã ủng hộ lập trường của Khruschev và chống tư tưởng Mao, nên bị ghép vào tội "chống đảng". Mặc dù không bị bắt như anh ruột ông là Trần Châu, hay như những người khác như Hoàng Minh Chính, Vũ Thư Hiên, hoặc phải sống lưu vong như Nguyễn Minh Cần..., ông phải đi cải tạo lao động. Sau đó tuy ông được làm báo trở lại nhưng có nhiều hạn chế như:"
1) Không được ký tên Trần Đĩnh,
2) Chỉ viết về nông nghiệp, cụ thể là lúa, bèo, phân bón, lợn gà. Không được viết anh hùng, chiến sĩ thi đua và cấp ủy cao. Bởi lẽ không đủ tư cách tiếp cận các vị.
3) Không được gần thanh niên, "bởi lẽ sẽ đầu độc họ.""

Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976 Trần Đĩnh bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trần Đĩnh tuyên bố mình là một người yêu chuộng tự do dân chủ, ủng hộ những nhà bất đồng chính kiến với chính phủ tại Việt Nam như Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Đan Quế, Trần Độ, Dương Thu Hương, Hà Sĩ Phu... 
Ông qua đời ngày 12/5/2022. Hưởng thọ 92 tuổi 



Sáng tác

Trong hồi ký Đèn cù, Trần Đĩnh tự nhận mình chấp bút hồi ký Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận, viết năm 1965, kể chuyện Nguyễn Đức Thuận, một người tù Côn Đảo tranh đấu trong tù, được đưa từ Nam ra ngoài Bắc. Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Hoàng Tùng chủ trương dùng câu chuyện Nguyễn Đức Thuận để tuyên truyền cho người dân miền Bắc ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang tại miền Nam. Vũ Thư Hiên trong hồi ký Đêm giữa ban ngày có đề cập đến Trần Đĩnh là người "ghi chép" cuốn hồi ký Bất khuất cho Nguyễn Đức Thuận.

Đèn cù, thể loại hồi ký, xuất bản năm 2014 tại Mỹ (nhà xuất bản Người Việt books), viết về các nhân vật nổi tiếng thời cách mạng chống Pháp như Hồ Chí Minh, Trường Chinh. Trường Chinh cũng là người thầy dạy ông viết báo. Trần Đĩnh tuyên bố tác phẩm của mình đề cập nhiều chi tiết được cho là có tính 'thâm cung bí sử' về nội bộ Đảng Cộng sản, trong đó có nhiều thông tin liên quan các 'góc khuất' về nhân cách, đời tư của nhiều lãnh tụ, từ Hồ Chí Minh, tới Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ.



Dịch giả

Ngoài sáng tác, Trần Đĩnh còn là một dịch giả với những tác phẩm như Linh Sơn của Cao Hành Kiện, Ngầm của Murakami Haruki...








Chú thích

^ Đèn cù, trang 397, chương 34, nhà xuất bản Người Việt books
^ Vũ Thư Hiên, sđd, chương 9














Hồi Ký, Tuỳ Bút
Đèn Cù (Tập 1)


Mục Lục




















































Hồi Ký, Tuỳ Bút
Đèn Cù (Tập 2)

Mục Lục














LINH SƠN

Tác giả Cao Hành Kiện
Dịch giả Trần Đĩnh
 2001




Trần Đĩnh

Giải văn học Nobel năm 2000 vào tay một nhà văn Trung Quốc (quốc tịch Pháp): ông Cao Hành Kiện, sinh năm 1940, quê ở Giang Tây (Giang Tây có núi Ô Y, núi Võ Đang mà ông có nói tới trong sách này). Ông tốt nghiệp tiếng Pháp ở Học viện ngoại ngữ Bắc Kinh. Dịch Samuel Beckett, Ionesco, Jacques Prevert. Và nay viết bằng cả tiếng Pháp.

Cao Hành Kiện viết kịch (Còi báo động, Bến xe khách, Người mông muội...) và kịch ông được hoan nghênh tại Liên hoan Avignon Pháp, tại Áo và Italy. Ông làm thơ. Vẽ (tranh mực tàu, quốc họa). Viết lý luận (Bài văn ông bàn về kỹ thuật tiểu thuyết hiện đại đã khơi dậy một tranh luận sôi nổi trong giới văn học Trung Quốc những năm đầu 1980). Dĩ nhiên ông viết tiểu thuyết. Mà Linh Sơn - Núi Hồn là tiêu biểu.

Nhiều người coi ông như tác giả may mắn nhất, trung dung nhất thời này. Linh Sơn rất hiện đại (ở bút pháp, bố cục - chương về “ta” và chương về “mi” đối nhau đều đặn, ở dòng chảy gần như nhênh nhang không bờ của viết...) nhưng cũng đầy khí cốt, hồn phách Trung Hoa. Vừa dân tộc tính, vừa hiện đại, cả hai đều ở mức cao, ông được Ủy ban giải thưởng Nobel chọn có lẽ vì lý do đó. Một biểu hiện của kết hợp này là ông đã “phát triển thêm lên tiếng Trung Quốc”, đặc điểm được Ủy ban giải thưởng Nobel nhấn mạnh đến trong đánh giá chung. Rất tiếc khuôn khổ sách không cho phép đi sâu vào cống hiến này.

Linh Sơn viết năm 1982. Xong năm 1988. Cũng năm ấy, ông lập cư ở Pháp.

*
* *

Linh Sơn không có truyện đủ đầu đuôi phát triển cùng với xung đột, mâu thuẫn tới cao trào, theo như chuẩn định. Cũng không nhân vật, (theo như chuẩn định) với đủ đặc điểm diện mạo, hình hài, tính cách, cảnh ngộ. Đây là một gallery những khuôn mặt thấp thoáng, le lói. Thậm chí những hình dáng, những bóng, cả ma lẫn ảo thị. Tuy vậy tất cả hằn sâu vào tâm trí người đọc. Giống như các bức thủy mạc thăm thẳm đẹp nhờ toàn chấm phá. Bút vẽ Cao Hành Kiện đã ảnh hưởng không nhỏ tới bút viết Cao Hành Kiện.

Những mặt người, bóng người vào Linh Sơn đều cất lên cùng một câu hỏi cốt lõi: ta là gì? ta cần gì? ta phải làm gì? Hỏi hiền lành, rón rén. Từ những số phận quen với lành ít dữ nhiều. Từ những số phận thiểu số...

Con thỏ lông trắng, mắt đỏ, bạn của “ta” trong truyện nổi lềnh bềnh, nhớp nhúa trong hố phân; con cún - cũng bạn? - chết đuối trong sông qua làng; con gấu trúc đói mò về xin ăn giữa khuya khoắt rừng sâu..., những “số phận” thấp thoáng ấy cũng góp rọi sáng vào những mệnh sống hẩm hiu, rủi ro. Đọc Núi Hồn cứ nhớ tới một câu của André Malraux: một đời chẳng bằng cái quái gì nhưng chẳng cái quái gì bằng một đời. Phải chăng vì cái chí quyết sống? Ngay trong lúc vất vưởng tìm nghĩa sống cũng mang cái chí lớn ấy đi cùng.

Mọi cái vào tiểu thuyết của Cao Hành Kiện đều làm xúc động. Nhờ ướp trong thứ hóa chất khiến nao lòng: kỷ niệm. Kỷ niệm luôn chen bên hiện tại, rực rỡ, cháy bỏng trong Núi Hồn. Nhà mỹ học Áo Fisher từng nói: nhà văn phải biến mọi vật liệu bên ngoài thành kỷ niệm của chính bản thân hắn để viết ra.

Tác giả nêu ra hai điều ông nhận đã bị chê: viết không đúng chuẩn và tiểu thuyết không truyện, không nhân vật. Ông tự bảo vệ ra sao? Đọc sách ta sẽ tán thành hay phản đối, tùy ta.

*
* *

Linh Sơn, cái địa điểm tác giả cất công đi tìm kia ở đâu?

Chuyến đi vất vả hình như công cốc. Nhưng rất lôi cuốn, kỳ thú.

Linh Sơn - Núi Hồn ở bên này Ô Y mà... Ờ, ở bên kia Ô Y chứ... Nhưng Ô Y ở về phía nào của sông, bên này, bên kia? Đường không lầm, chỉ có người đi lầm thôi...

Núi Hồn có lẽ ở trong ta. Nhưng ta ở về phía nào của Núi Hồn? Phía cộng hay phía trừ?

Như rất nhiều nhưng chỉ một Núi Hồn. Người rất đông nhưng cái hồn người, cái người ra hồn thì sao?

Trần Đĩnh














Mời đọc Đèn Cù bản PDF
















Trần Đĩnh: “Ờ Đèn Cù, cái tôi Trần Đĩnh hiện ra nguyên vẹn, không chung vai diễn với bất kỳ ai”.

Phỏng vấn do Đinh Quang Anh Thái thực hiện đầu tháng 11-2014

Đinh Quang Anh Thái: Ông viết Đèn Cù bằng lối văn “truyện tôi”, có gì, nhớ gì thì ghi lại, bình thản, không để cảm tính chen vào; nhưng độc giả vẫn cảm được những nỗi đau vô cùng to lớn của ông, của gia đình ông, và lớn hơn, của Việt Nam: Nỗi đau như những giọt máu nhỏ xuống từng trang giấy. Không biết cảm nhận như thế có nói được phần nào tâm tư của ông không ạ?

Trần Đĩnh: Tôi nghĩ tâm tư có lẽ chính là sự lắng đọng của những điều ta từng sống hết mức, từng lăn lóc lâu dài với chúng. Tới mức lắng đọng nào đó, tâm tư của người viết sẽ trở thành hơi thở của hắn và khi được thể hiện thì tâm tư đó sẽ ra tự nhiên, bình thản như hơi thở. Việc nhào nặn ở vô thức và ý thức này chính là công trình làm giả - hay đúng hơn, sáng tạo - vì nó là hậu-trải nghiệm, sống lại, và về chất, nó có khác đôi phần với diện mạo ban đầu vốn dĩ thường thô mộc của trải nghiệm. Trong điện ảnh có diễn viên đóng thế nhưng không ai chê bộ phim là giả. Viết bình lặng nỗi đau cũng là một kiểu đóng thế. Thế cho tiếng khóc, tiếng gầm. Chắc hẳn nhiều người đọc thấy tôi có lúc đuối giọng. Viết bình lặng nỗi đau cũng là một kiểu đóng thế. Thế cho tiếng khóc, tiếng gầm. Đã từ lâu, chả hiểu sao khi nghĩ, khi nhìn, tôi luôn cố tìm sự bình lặng.
Nhận là “truyện tôi”, tôi có ý khoanh những điều tôi đã sống, đã trải vào phạm vi cá nhân. Như thế tôi hy vọng sẽ tránh lên mặt “ta đây nạn nhân”, thân phận vốn dễ được đồng tình, bảo hộ. Và đồng thời tôi cũng không gây hận. Đôi lúc chợt nhấn nha viết về cái đẹp của thiên nhiên, về cảm thụ riêng của bản thân là tôi muốn cho chính tôi rời người đọc lãng đi được một thoáng những giây phút nặng nề bày ra trước đó. Một làn gió thoảng mơn trớn vết đau.
Tôi nhiều cái xấu. Như chậm mở mắt (trước cái Ác). Như hay sợ. Tôi đã viết trong Đèn Cù: “Nếu tát cạn được bụng mình thì tôi sẽ thấy vô số xác cái sợ ở đó”. Song có một cái xấu hình như lớn hơn mà tôi luôn cố lìa cho xa là thói không ngay thẳng với bản thân. Nhờ đó tôi đã không tự vẽ mình thành kẻ vừa nhận thấy cái xấu liền phủi nó sạch bong. (Tức là vừa mạnh mẽ lên án người dối trá vừa cho bản thân mạnh bạo bịa đặt, tự tô vẽ mình, điều mà khi cầm bút hình như ta để bỏ quên đi mất). Vâng, một thời gian tôi còn le lói hy vọng vào một thứ cộng sản có mặt người.
Mong được ngay thẳng, tôi dành một chương thú nhận lỗi lầm với vợ.
Đèn Cù là tiếng kêu đau của tôi. Nó không mang mục tiêu chính trị rõ rệt. Vâng, đúng vậy. Tôi đau, vợ tôi, anh ruột tôi, bố vợ tôi và các bạn bè thân thiết của tôi đau. Quốc tế cộng sản có câu ca tập hợp “hỡi những ai cực khổ bần hàn” nhưng chúng tôi, những chiến binh của Quốc tế (cộng sản) đã bị đẩy vào biển khổ và bị gạt bỏ hết sức dửng dưng, không được hưởng qua cành tượng dù là kệch cỡm của pháp đình (cộng sản).

Đinh Quang Anh Thái: Khi thấy đứa con tinh thần, Đèn Cù, ra mắt độc giả, ông có nguôi ngoai chút nào không, vì đã trút được những u uất chất chứa bao năm nay trong lòng?

Trần Đĩnh: Tôi không thấy rõ điều này. Vì tôi không bao giờ thấy đau khổ của mình là ghê gớm. Trong đất nước biết bao người còn khốn nạn hơn gấp bội. Tôi cố đánh giá đúng chỗ của mình ở vùng đất đẫm nước mắt này. Tôi không mượn cái khố để tự nâng cấp. Tất nhiên tôi rất sung sướng khi nhiều người ái ngại, áy náy cho tôi. Còn gì bằng được nhiều người quan tâm, chia sẻ. Mà quan tâm là yêu, chia sẻ là yêu. Được trăm nghìn người yêu là hạnh phúc vô cùng. Viết “truyện tôi”, tôi mong được xã hội chìa ra cho tôi một bàn tay anh chị em, bạn bè. Từ đó cùng đứng bên nhau ngăn chặn tệ nạn giày xéo cuộc đời người khác để thực hiện cái lý tưởng chưa từng tỏ lộ hình thù nhưng được bảo là giải phóng nhân loại thiêng liêng lắm, huy hoàng lắm.
Tôi thích khái niệm người hiền. Hay người khôn ngoan. Vì khôn (ở trí tuệ sáng) và ngoan (ở lòng nhân ái từ bi). Viết Đèn Cù, tôi chỉ thấy hài lòng vì đã làm được một điều mình hằng tâm nguyện.

Đinh Quang Anh Thái: Đèn Cù được xuất bản ngoài nước, nhưng cũng phổ biến rộng rãi trên mạng Internet và bán truyền tay cũng được đón nhận nồng nhiệt tại quê nhà; tâm trạng ông ra sao khi thấy mọi người đọc ông?

Trần Đĩnh: Được đông người ân cần đón nhận quyển sách mình viết về đời mình, cái cảm thụ ấy, cảm thụ bát ngát về một nhân quần thân thiện, bầu bạn, giao hoà, chính là một bù đắp, một nuôi dưỡng hết sức to lớn cho kẻ viết. Ở Đèn Cù, cái tôi Trần Đĩnh hiện ra nguyên vẹn, không chung vai diễn với bất kỳ ai.

Đinh Quang Anh Thái: Một số người nhận định, Đèn Cù là liều thuốc “trục độc” Chủ nghĩa Cộng sản khỏi cơ thể Việt Nam; có người nói Đèn Cù là lời “giải thiêng” huyền thoại Hồ Chí Minh, ông có tâm đắc với những cảm nhận này không ạ?

Trần Đĩnh: Nhận xét này vượt khỏi ý định cầm bút viết Đèn Cù ở tôi. Ý định tôi là viết sự thật. Cho thấy nên xa lìa chủ nghĩa cộng sản coi thường con người. Cho thấy công cuộc thần thánh hoá một cá nhân là đòi hỏi phải dìm một số đông cá nhân khác vào trạng thái đầu óc mụ mị, thấp kém. Và phải nói dối v.v… Còn ở tôi, những mục tiêu “trục độc” và “giải thiêng” chưa hình thành rõ như thế. Song các nhà văn, nhà báo đã nhận ra ý tại ngôn ngoại này. Tôi xin chịu tầm nhìn và sức cảm của các vị. Phóng cây lao đi, người viết có mấy khi biết nó sẽ lao bao xa. Giới phê bình đo cái đó.

Đinh Quang Anh Thái: Đèn Cù toàn tập là một công trình nhiều năm; sau Đèn Cù, ông có dự tính gì không?

Trần Đĩnh: Tôi không quen báo trước sẽ viết cái gì. Rất dễ thành anh Cả Phiệu, viết bằng miệng. Dĩ nhiên anh viết nào cũng đều muốn viết liên tục nhung trước tiên cần xem tâm tư đã đủ chứa chan chưa.

Đinh Quang Anh Thái: Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Người Việt nhân dịp Đèn Cù II ra mắt độc giả.
























Tô Hoài & Trần Đĩnh










Huy Đức & Trần Đĩnh










Trần Đĩnh & Dương Thu Hương












Trở về 







MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.