Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

Nguyễn Xuân Sanh ( 1920 - 2020)

 













Nguyễn Xuân Sanh 
(1920 – 2020)

Nhà thơ, dịch giả
Hưởng thọ 100 tuổi









Tiểu sử

Ông sinh ngày 16 tháng 11 năm 1920 tại Đà Lạt. Cha ông là một nhà nho ở Quảng Bình, sau di cư vào Đà Lạt

Nguyễn Xuân Sanh học trung học và đại học ở Hà Nội. Ông làm thơ sớm, năm 16 tuổi, đã có truyện thơ Lạc loài đăng nhiều kỳ trên báo.

Năm 1939, ông cùng với các văn nghệ sĩ cùng chí hướng sáng tạo, gồm các nhà văn, nhà thơ: Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Lương Ngọc; họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát thành lập nhóm Xuân Thu nhã tập. Đến tháng 6 năm 1942, thì nhóm ấy xuất được một tập sách có cùng tên là Xuân Thu nhã tập (do Xuân Thu thư lâu xuất bản), gồm một số bài thơ, văn xuôi triết lý và tuyên ngôn nghệ thuật của nhóm [1].

Trước Cách mạng tháng Tám (1945), ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước. Sau đó, trong chiến tranh kháng Pháp, ông tham gia Đoàn văn nghệ liên khu IV, phụ trách tạp chí Sáng tạo.

Từ năm 1950, ông ra Việt Bắc tham gia Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam và Tiểu ban Văn nghệ của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), ông lần lượt được cử làm Ủy viên Ban chấp hành hội các khóa I, II và III.

Từ năm 1966 đến 1975, ông làm Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng những người viết văn Trẻ và làm Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch...

Ông mất ngày 22 tháng 11 năm 2020 tại Hà Nội, hưởng thọ 100 tuổi. Ông là thi sĩ cuối cùng của phong trào Thơ Mới qua đời.[2]










Tác phẩm





Nhận ruộng
(1945)



Chiếc bong bóng hồng
(1957)



Tiếng hát quê ta
(1955)



Nghe bước xuân về
(1961)



Quê biển
(1966)



Sáng thơ
(1971)



Đảo dưa hấu
(1974)



Đất nước và lời ca
(1978)



Đất thơm
(tập thơ văn xuôi, viết 1940-1945, in 1995)...






Các tập thơ dịch



Thơ Liên Xô
(1962)



Thơ Pêtôphi
(1962)



Thơ Inđônêxia
(1964)



Thơ Mickiêvich
(1966)



Thơ Enđrê Ađy
(1977)



Thơ Vapxarôp
(1981)



Thơ Victo Huygô
(1986)



Thơ Trantômer
(Thụy Điển, 1993)



Tuyển tập thơ Pháp
(3 tập, 1989-1994)



Thơ đương đại
(1966)



Thơ Bagriana
(1994, dịch chung)



Thơ Êluya
(1995, dịch chung)...




Ngoài ra, còn sáng tác thơ cho thiếu nhi.
Đóng góp cho văn học Việt




Trích ý kiến của:

Nguyễn Văn Long: Nguyễn Xuân Sanh trăn trở tìm tòi để đến với cái đẹp trong sáng tạo nghệ thuật. Ông cách tân thơ bằng sự phá bỏ tính liên tục và thay bằng tính gián đoạn, gây một âm hưởng mới lạ, có vẻ bí hiểm, làm ngỡ ngàng người đọc đã quen với sự truyền cảm của Thơ mới. Nhưng ông vẫn giữ nguyên vần, khổ, câu và cách ngắt nhịp đơn điệu, nên sự sáng tạo không được triệt để [3].

Đỗ Lai Thúy: Trong Mắt thơ 1 (Phê bình phong cách thơ mới), tôi gọi Xuân Thu Nhã Tập (1942) là khúc hát Thiên Nga, tiếng kêu cuối cùng của con Phượng Hoàng, để từ đống tro hồi sinh một Thi Điểu mới. Và người bắc nhịp cầu đầu tiên trong thơ mới sang thơ hiện đại không ai khác là Nguyễn Xuân Sanh... Trích một đoạn thơ tiêu biểu của ông:

Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi
Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y
Rượu hát bầu vàng cung ướp hương
Ngón hường say tóc nhạc trầm mi
Lẵng xuân
Bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà...
(Buồn xưa)

Bài thơ đọc một lần, hai lần...Ấn tượng khó hiểu, nhưng quyến rũ...Non chục năm sau, bằng một nhịp điệu mới của thơ không vần, bằng những hình ảnh lấy nguyên từ cảm giác đời sống, bằng một ngôn ngữ thuần khiết đời thường, Nguyễn Đình Thi đã làm nốt những điều Nguyễn Xuân Sanh bỏ lại, đưa thơ Việt tiến thêm một bước... Cuộc chạy tiếp sức của thơ Việt vào hiện đại còn chậm chạp và phải qua nhiều chặng, càng làm chúng ta nhớ đến người khởi động chặng đầu: Nguyễn Xuân Sanh với Buồn xưa[4].





Chú thích

^ Nguồn: Vũ Thanh, mục từ "Xuân thu nhã tập" trong Từ điển văn học (bộ mới), tr. 2103.
^ Tam Kỳ (22 tháng 11 năm 2020). “Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh qua đời”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2020.
^ Nguyễn Văn Long, Từ điển văn học (bộ mới), tr. 122.
^ Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Xuân Sanh với Buồn xưa đăng trên tạp chí Sông Hương số 164 tháng 10 năm 2002.







Thơ


Buồn Xưa 

Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi
Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y
Rượu hát bầu vàng cung ướp hương
Ngón hường say tóc nhạc trầm mi

Lẵng xuân
Bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm
Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa

Buồn hưởng vườn người vai suối tươi
Ngàn mây tràng giang buồn muôn đời
Môi gợi mùa xưa ngực giữa thu
Duyên vàng da lộng trái du ngươi

Ngọc quế buồn nào gội tóc xưa
Hồn xa chĩu sách nhánh say sưa
Hiến dâng
Hiến dâng quả bồng hường
Hoàng tử nghiêng buồn vây tóc mưa

Đường tàn xây trái buổi du dương
Thời gian ơi tưới hận chìm tường
Nguồn buồn lạnh lẽo thoát cung hơi
Ngọt ngào nhớ chảy tự trăm phương.





Nhạc rừng Việt Bắc

Chim xuân khép cửa trầm tư lại
Đẩy gió về đây mấy dặm ngàn

Nhạc rừng nhớ buổi đi theo nắng
Lên ngát mây chiều hoa phượng reo
Bốn bề mây dựng tương tư ngọc
Lá đổ còn lay bạc mái chèo

Thử hỏi xuân cười hay đất sống
Xanh xanh trăm nẻo một hương rừng
Khi bụi nở vàng lên bước chậm
Nhớ chào con bướm đậu nghiêng lưng

Sắc hồng tuy nhớ đôi thành quạnh
Rửa sạch buồn đèo trên suối xuân
Song song đã ngủ bên người lạ
Thao thức cùng trăng đã mấy tuần

Gặp gỡ trời xanh trên núi cũ
Hoa cười Hà Nội sáng duyên mây
Hoàng hôn ngựa uốn cầu vồng lụa
Cũng hẹn về đây những phố đầy.








Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và vợ, nhà văn Cẩm Thạnh









Thụy Khuê

Cấu Trúc Thơ

XI. Khuynh hướng mở đầu
Nguyễn Xuân Sanh
Nguyễn Ðình Thi

Thoạt trông thì những bài thơ: Tống Biệt (1)(1917), Cảm Thu , Tiễn Thu (1920) của Tản Ðà có vẻ là những bài thơ "tự do" đầu tiên của thế kỷ này. Nhưng thực ra, Tống Biệt là một từ khúc theo điệu Hoa phong lạc rút từ vở chèo Thiên Thai của Tản Ðà, nhịp điệu hao hao giống thơ tự do, nhưng niêm luật rất chặt chẽ.
Lá đào rơi rắc lối thiên thai
Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh
Một phút trần ai
Ước cũ duyên thừa có thế thôi.
         Ðá mòn, rêu nhạt
         Nước chẩy, huê trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ đây xa cách mãi
         Cửa động,
         Ðầu non
         Ðường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
     Phan Khôi, nhà nho đầu tiên muốn đổi mới thi ca. Năm 1928, trên Ðông Pháp Thời Báo, Phan Khôi trách thể thơ thất ngôn bó buộc quá mà mất cả sanh thú. Ông kết án thơ cũ là "thơ cốt chơn. Thơ cũ bị câu thúc quá nên mất chơn". Ông trình bầy một lối thơ "đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vần mà không bó buộc bởi niêm luật gì hết và tạm mệnh danh là thơ mới".(2)
     Vai trò của Phan Khôi trong Thơ mới được Vũ Ngọc Phan đưa ra trong Nhà Văn Hiện Ðại:
" [....] Còn về thơ mới lại chính ông là người khởi xướng trước nhất.
 Bài thơ mới Tình già của ông đăng đầu tiên trong Phụ Nữ Tân Văn (số 122, ra ngày 10 Mars 1932), báo Phong Hóa số tết năm Quý Dậu (24 janvier 1933) có trích đăng bài ấy như sau này:
 Tình già
 Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa
 Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
 - "Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn là không đặng
 " Ðể đến nỗi tình trước phụ sau,chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!"
 - "Hay! Nói mới bạc bẽo làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?
 ...
 Bài này sở dĩ được truyền tụng trong đám thanh niên trí thức mà gây nên phong trào thơ mới là vì ý, không phải vì âm điệu. Người ta thấy một khi thơ thoát được những luật bó buộc và cân đối thì có thể diễn được nhiều ý hơn. Ðiều đặc biệt trong bài thơ trên này là tính tình ăn theo với màu sắc rồi tính tình và màu sắc đều chung đúc cả trong một cảnh thiết tha và ảm đạm."

(Nhà Văn Hiện Ðại, quyển II, trang 269-270)
     Ngoài ra, trong năm 1928, còn có tập thơ buông cuả Lê Khánh Ðồng và Nguyễn Văn Vĩnh khi dịch thơ ngụ ngôn của La Fontaine, đã dùng những câu thơ không niêm luật, không hạn chữ:
Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Ðến kỳ gió bấc thổi,
Nguồn cơn thật bối rối (3)
.......
     Tóm lại, Tống Biệt của Tản Ðà thuộc thể từ, cổ điển. Tình Già của Phan Khôi đã phá luật nhưng vẫn còn gần văn biền ngẫu. Thơ Nguyễn Văn Vĩnh tuy câu chữ dài ngắn khác nhau nhưng vẫn liên kết chặt chẽ với vần. Mặc nhiên Phan Khôi và Nguyễn Văn Vĩnh là những người mở đường cho thơ mới. Cả hai cho chúng ta một ý niệm sơ khởi về hình thức thơ văn xuôi và thơ cách luật, nền tảng của thơ mới sau này mà những nhà thơ hiện đại như Thanh Tâm Tuyền, Ðặng Ðình Hưng muốn đoạn tuyệt. Họ triệt hạ hẳn tính cách vần ngầm, luật dấu để bước vào địa hạt thơ không vần, không luật.

*

     Tại Việt Nam, khuynh hướng phá vỡ hàng rào cổ điển và lãng mạn để nhập vào dòng hiện đại bắt nguồn rất sớm, gần như song song với sự phát triển thơ mới, từ những năm 40.
     Trong khoảng 1938 đến 1942, một nhóm nghệ sĩ avant-garde: Nguyễn Ðỗ Cung, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Xuân Sanh, Ðoàn Phú Tứ, hội họp nhau và hình thành một tuyên ngôn nghệ thuật lấy tên là Xuân Thu Nhã Tập, bao gồm phần lý thuyết và phần thực hành trên ba lãnh vực: Thơ, nhạc và họa.
     Trong phần lý thuyết, Xuân Thu Nhã Tập liên kết mối tương quan giữa các ngành nghệ thuật như thơ, nhạc, họa, kiến trúc và điêu khắc bằng khái niệm phổ quát về cái Ðẹp và đưa ra những luận điểm xác đáng và hàm súc về bản chất thi ca:
     Thơ khêu gợi những rung động siêu việt của bản nhạc vô cùng ... có rung động là có thơ. Do đó văn và thơ khác nhau: Văn thuộc địa phận giãi bầy, thuộc lý trí, vụ ích lợi. Thơ thuộc địa phận tiềm thức, hàm súc và thuần túy. Thơ là kết tinh của sự thật, Thơ trở về cái ta, Thơ là Ðạo, là cái lẽ cuối cùng, là cõi vô cùng ...

     Về phần thực hành, Xuân Thu Nhã Tập là những người đầu tiên đã dẫn dòng mạch siêu thực của thế kỷ XX vào thơ Việt. Bỏ rơi vai trò của lý trí, đưa tiềm thức và vô thức vào địa vị chủ chốt trong kỹ thuật tạo hình. Bài Buồn Xưa của Nguyễn Xuân Sanh tiêu biểu dòng tư tưởng Xuân Thu Nhã Tập.

  Buồn Xưa
Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi
Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y
Rượu hát bầu vàng cung ướp hương
Ngón hường say tóc nhạc trầm mi
Lẵng xuân bờ giũ trái xuân sa
Ðáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm
Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa

  ...
     Xuất hiện cùng thời với thơ mới, nhưng bài Buồn Xưa đã tách rời thơ mới một bước khá xa, cả về hình thức lẫn nội dung. Về phần hình thức, tuy vẫn giữ số chữ nhất định trong câu (7 chữ, 4 câu), nhưng thơ Nguyễn Xuân Sanh mang nhạc điệu lạ, khác hẳn với cung bậc trầm bổng cố định dựa theo luật bằng trắc cổ điển. Nhịp điệu này dựa vào sự sắp xếp những hình ảnh tân kỳ, liên tiếp cạnh nhau, theo ý thích của trí tưởng tượng. (Sau này Thanh Tâm Tuyền gọi đó là "nhịp điệu của hình ảnh"). Câu thơ  Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi có thể tổng hợp ba hình (figure) quỳnh hoa - chiều đọng - nhạc trầm mi, mà cũng có thể chia làm sáu hình: quỳnh - hoa - chiều - đọng - nhạc - trầm - mi. Nguyễn Xuân Sanh vừa phân tích vừa tổng hợp ảnh, đồng thời độc lập hóa mỗi chữ trong câu thơ.

     Vì thế, đọc thơ Nguyễn Xuân Sanh, Lê Huy Vân thoạt tiên có cảm tưởng: "Không có một cái chấm câu và toàn vần bằng cả. Người ta có cái cảm giác rằng tác giả đã viết rất nhiều "chữ một" vào những mảnh giấy, gập lại để vào trong một cái mũ trắng rồi rút ra từng tờ, biến những chữ tìm thấy chữ nọ bên cạnh chữ kia, đủ bảy chữ lại xuống dòng". (Xuân Thu Nhã Tập, trang 81, NXB Văn Học 1991).

     "Cảm giác" ấy có thể Lê Huy Vân rút ra từ việc Breton cắt những chữ bất kỳ trong báo, xếp lại thành thơ. Dĩ nhiên "cắt dán" hay rút thăm "chữ một" chỉ là một cách nói, gợi ba khía cạnh độc đáo của thơ hiện đại:

- Tính cách gián đoạn trong dòng mạch hiện đại - đối lập với tính cách liên tục trong dòng cổ điển.
- Tính cách bất kỳ -hay tự do tuyệt đối- trong việc ghép chữ tạo hình.
- Tính cách độc lập hình vị mà Nguyễn Xuân Sanh sử dụng trong bài Buồn Xưa.
     Về cách dùng chữ, tuy Buồn Xưa vẫn dùng những chữ cổ như Quỳnh hoa, xiêm y, ... nhưng tác giả đã tạo nhiều hình mới lạ vì lắp những yếu tố rất xa nhau với nhau: Chiều đọng, nhạc trầm mi, hồn xanh ngát, rượu hát, cung ướp hương, ngón hường, lẵng xuân, trái xuân sa, mùa đi, nhịp hải hà, rót nguyệt, .... Loại hình này khác với loại hình (cũng rất mới, rất đẹp, rất lạ) của Xuân Diệu, nhưng ghép những yếu tố tương đối gần cận, ít gây ngạc nhiên hơn như đêm thủy tinh, biển pha lê, chiều lỡ thì,... vì Xuân Diệu còn dựa trên thực tại lô gích.
     Khi người đọc, trong nhiều thế kỷ, đã quen với những công thức thân thuộc như: chiều xuân, nhạc vàng, hồn thơ, rượu nồng, nguyệt hoa, hoa nguyệt ..., thì sự xuất hiện của những rượu hát, nhạc trầm mi ... hẳn là trái khoáy, nghịch nhĩ, bí hiểm, và không lô gích.
     Nhưng chính cái "không lô gích" ấy là một trong những yếu tố nền tảng của thơ hiện đại. Chính cái "không thể" ấy mở ra một chân trời khác: Biến đổi những thực thể bị kết tội chung thân bất động như: rượu, chiều, mùa ...có thể xoay vần, chuyển động: rượu hát, mùa đi, chiều đọng ... và làm cho ta biết được những ý niệm siêu hình như "hồn" cũng có lúc xanh, lúc ngát ... Ðó là bộ mặt "nổi loạn" thần sầu của tiềm thức và vô thức mà chỉ khi nào con người đập vỡ phần ý thức bề mặt mới có thể tiếp cận được.

     Xuân Thu Nhã Tập không được số đông công chúng văn nghệ hưởng ứng vì quá mới với thời đại, bị cách mạng liệt vào loại bí hiểm, điên loạn, cần phải loại trừ. Phải chăng đó là lý do khiến sau này Nguyễn Xuân sanh trở về với thơ mới?
     Tác phẩm Xuân Thu Nhã Tập đã phải trầm mình 50 năm. Khi nhà xuất bản Văn Học được phép in lại cuối năm 1991, bìa sau có ghi niên đại 1942-1992: như một dấu ấn những phũ phàng của lịch sử.

*

     Tuy nhiên, sau 45, vẫn có những nhà thơ muốn thoát khỏi khuôn khổ thơ mới, tìm kiếm con đường thơ hiện đại rải rác trong tác phẩm của họ như Văn Cao, Hoàng Cầm, Quang Dũng ... mà Nguyễn Ðình Thi là một trường hợp tiêu biểu.

     Năm 48, Nguyễn Ðình Thi làm bài Ðất Nước và năm 49 ông viết bài tiểu luận Mấy Ý Nghĩ Về Thơ, phân tích bản chất thi ca, khai triển động lực sáng tác và bàn về sự thể hiện một tác phẩm nghệ thuật.

     Về mặt hình thức, Nguyễn Ðình Thi cho rằng: "Không có vấn đề  thơ thơ tự do và thơ không tự do, thơ có vần và thơ không có vần. Chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ ... [...] Thơ của một thời mới [...] chạy tung về những chân trời mở rộng để tìm kiếm, thử sức của nó [...]. Những hình thức ấy gồm những phát minh mới, cùng với những hình thức cũ, nhưng bao giờ cũng dễ tái tạo và nâng cao lên đến một độ khác hẳn xưa. [...]. Những hình ảnh của thơ đã bao hàm một nhận thức, một thái độ tình cảm hoặc suy nghĩ [...]. Những hình ảnh mới lạ ấy đều ở trong đời thực, chúng ta đều thấy!

    Ðứng trên quan điểm triết học duy tâm, Nguyễn Ðình Thi đặt câu hỏi: Ðầu mối của thơ có lẽ ta tìm bên trong tâm hồn con người chăng? Và trả lời:

- Thơ là tiếng nói bên trong, tiếng nói của tâm hồn với chính nó.
- Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm với cuộc sống.
- Làm thơ là đang sống, làm một câu thơ yêu, tâm hồn cũng rung động như khi có người yêu trước mặt.
- Tâm hồn chúng ta có một rung động thơ, khi nó không còn chuồi theo thói quen như một dây da trong bộ máy.
- Hiểu thơ kỳ thực là vấn đề của cả tâm hồn.
- Những "lửa căm hờn", "làn sóng cách mạng" là những cái sáo mới của thơ hiện thời.
và Nguyễn Ðình Thi đã vẽ cho thơ một chân dung lạ và đẹp:
 Ðụng chạm với hành động hàng ngày, tâm hồn tự nẩy lên bao nhiêu hình ảnh như những tia lửa lóe lên khi búa đập vào sắt trên đe. Người làm thơ lượm những tia lửa ấy, kết nên một bó sáng, nó là hình ảnh thơ. (Mấy Ý Nghĩ Về Thơ, Nguyễn Ðình Thi, 12-9-1949)
     Giữa không khí "hừng hực lửa cách mạng" và trước "ánh sáng chói lòa" của duy vật biện chứng, quan niệm duy tâm về thơ của ông và lối cách tân trong thơ ông đã bị chỉ trích nặng nề.
     Bài thơ Ðất Nước của Nguyễn Ðình Thi có thể xem là một trong những bài thơ đầu tiên thoát ly khuôn mẫu của thơ cổ điển và thơ mới, từ hình thức đến nội dung, đã gây tiếng vang trong dư luận văn học, ảnh hưởng tới những người đồng thời và giữ địa vị khai phá trong thơ hiện đại.
   Ðất Nước
  Sáng mắt trong như sáng năm xưa
  Gió thổi mùa thu hương cốm mới
  Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em.
  Gió thổi mùa thu vào Hà Nội
  Phố dài xao xác heo may
  Nắng soi ngõ vắng
               thềm cũ lối ra đi lá rụng đầy
  Ôi nắng dội chan hòa
               nao nao trời biếc
  Nắng nhuộm hương đồng ruộng hương rừng chiến khu
  Tháp Rùa lim dim nhìn nắng
               mấy cánh chim non trông vời nghìn nẻo
  Mây trắng nổi tơi bời
  Mấy đứa giết người hung hăng một buổi
  Tháng Tám về rồi đây
               hôm nay nghìn năm gió thổi
  Ðàn con hè phố môi hồng hớn hở
               ngày hẹn đến rồi
  Hôm nay nghìn năm trời muôn xưa
  Các anh ngậm cười bãi núi ven sông.
  Hà Nội ơi núi rừng.

   Nguyễn Ðình Thi (1948), theo bản chép tay của Phạm Duy
     Sau này bài Ðất Nước được in trong tập Tia Nắng (NXB Văn Học, 1983), dài hơn, thêm những hình ảnh vô cùng, đớn đau:
 Ôi cánh đồng quê chảy máu
 Dây thép gai đâm nát trời chiều
 Những đêm dài hành quân nung nấu
 Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
 Nhưng toàn thể "khuôn khổ" hơn, và rất tiếc là đã phải thêm vào những đoạn không thơ:

Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Ðứa đè cổ, đứa lột da
...
Lòng dân ta yêu nước thương nhà

và đã loại bỏ hẳn những hình ảnh vào loại đẹp nhất trong buổi bình minh của thơ hiện đại như: Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em, Tháp Rùa lim dim nhìn nắng ....

    Thơ Nguyễn Ðình Thi khác thơ Xuân Thu Nhã Tập. Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Văn Hạnh, Ðoàn Phú Tứ, tuy làm "cách mạng thơ" nhưng vẫn hoài cổ: Trừ một vài ngoại lệ, vẫn giữ số chữ nhất định trong câu; dùng nhiều từ Hán Việt: quỳnh hoa, xiêm y, tỳ bà, ngọc quế, dung nhan, nghê thường, tần phi, quân vương ...
     Nguyễn Ðình Thi biến đổi cả nhịp điệu lẫn số chữ trong thơ, hầu như chỉ dùng tiếng thuần Việt, và lời thơ của ông là lời nói đơn sơ, không trau chuốt nhưng dội sâu vào tâm hồn, vì dường như nó thốt ra tự -đáy của- tâm hồn.

     Những lời giản dị như: "Sáng mát trong như sáng năm xưa, nắng soi ngõ vắng, thềm cũ lối ra đi lá rụng đầy ..." vừa nhận diện một thực tại, vừa như mình nói với chính mình, vừa như mình chưa từng nói với mình như thế bao giờ. Những hình ảnh trong suốt, trực tiếp, chưa được thanh lọc qua những phép tu từ, chưa bị bàn tay của lý trí vày vò, sửa sai, cho nên nó thật, sâu, đậm và tự nhiên như Tháp Rùa lim dim nhìn nắng, như gió thổi mùa thu, hoặc nhẹ nhàng trong sáng như "em mát trong toa đầy nắng ấm", đôi khi âu yếm như một thì thầm: "em có anh rồi em có anh", hoặc diụ dàng như một "dòng sông hiền hậu trôi không nói", cũng có lúc ngậm ngùi như "Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa"hoặc trầm u bát ngát như

Ðám mây trắng ngần
ôm lấy nỗi buồn của núi,
hoặc lung linh âm thầm như: "đêm đêm thầm lặng ánh sao trời". Chúng ta sẽ tìm thấy loại hình trực tiếp này trong thơ Thanh Tâm Tuyền, nhưng ở một phong độ khác hẳn Nguyễn Ðình Thi. Những lời nói đơn sơ và thuần khiết như thế, trong sáng và dịu dàng như thế, chưa mấy khi xuất hiện trong thơ Việt.
     Thơ Nguyễn Ðình Thi là những lời nói thật bình dị, nhưng tự nó có chất sống, tự nó là cuộc đời, thầm lặng vô cùng sinh động, say đắm, thiết tha. Sau này, thơ ông trí tuệ hơn, chín hơn và đau hơn, vẫn trong phong thái ấy, lời ông gay gắt và hiện thực hơn xưa.
Một khoảng trời xanh kia
  Một khoảng trời xanh kia
  Không phải là chuyện đùa

  Bão điên cuồng muốn dập tắt mọi ánh đèn trong ta.
  Lớp lớp mây đen đùn lên đe dọa.
  Những cơn lốc cuốn bụi rác bay mù
  Hắt vào chúng ta

  Một khoảng trời xanh kia
  Ðâu phải chuyện đùa
 

Trong ngõ tối
  Thêm một lời phóng đi
           như mũi dao găm tẩm độc
  Thêm một hòn đá từ trong bụi rậm
           ném vào gáy người qua đường kia
  Chiều nhập nhoạng dơi bay
  Hắn rẽ vào ngõ tối cười gằn
  Nhìn những móng tay hắn mọc vuốt dài.


    Sau nhiều thăng trầm, cay đắng, Nguyễn Ðình Thi vẫn nói với chính mình -như Zarathoustra của Nietzsche nói chuyện với tim mình: "Một khoảng trời xanh kia, đâu phải là chuyện đùa"  và bằng những hình ảnh bạo liệt hơn xưa: "bão điên cuồng muốn dập tắt mọi ánh đèn trong ta", "lớp lớp mây đen đùn lên đe dọa", "một lời phóng đi như mũi dao găm tẩm độc", v.v...
     Thơ Nguyễn Ðình Thi phản ảnh phần sâu lắng của nội tâm - một nội tâm sóng gió trầm u trong bão loạn của thế sự mà ông vừa là nạn nhân vừa là người nhập cuộc.
 Không chủ trương lật đổ quá khứ, có khuynh hướng bắc cầu giao lưu nhưng rất khác thơ mới của những người cùng thời, thơ Nguyễn Ðình Thi ban đầu là những thôi thúc lãng mạn, chênh vênh giữa tình yêu đôi lứa và tình yêu đất nước, chuyển sang tình yêu đất nước. Ở mặt trái, sau này, là hiện thực bất trắc, hiểm họa, với những hệ lụy trong cuộc sống mà ông đã trải qua.
 Những hình ảnh trong thơ Nguyễn Ðình Thi là những hình ảnh đơn, đối lập với loại hình kép trong thơ Lê Ðạt sau này; luôn luôn dựa vào thực tại, trái ngược với quan niệm siêu thực; đưa lời nói trực tiếp vào thơ, không qua trung gian những biện pháp tu từ hay những thuật ngữ khác và là một tác phong độc đáo trong thơ Việt hiện đại.

 ...
Anh yêu em mỗi ngày thành dòng suối mới
Và đêm thành cánh đồng sao cho anh lượm đầy tay
Những nỗi vất vả thành niềm an ủi
Giọt nước mắt thành giọt mặt trời
Anh yêu em nắm chặt bàn tay anh cùng đi
Nắng cháy mưa rơi Anh đi bên em
Gió mờ đêm lạnh Anh đi bên em
Mặt đất thành than đỏ Anh đi bên em
Mặt đất đầy hoa nở Anh đi bên em

Anh yêu em - vậy thôi - anh có em trong đời
Em dịu dàng cánh chim của anh
Niềm thương của anh lo lắng của anh
Dòng sông không bao giờ yên của anh
Ánh đèn đường xa của anh

...
(Trên Con Ðường Nhỏ, Nguyễn Ðình Thi, trích tập Tia Nắng)

Tháng 9/1995
Chú thích
(1) Nguyễn Phan Cảnh trong Ngôn Ngữ Thơ cho rằng "Tản Ðà đã dành một trong những bài thơ hay nhất của mình cho thể loại 'tự do' - Tống Biệt."

(2) Hoài Thanh, Hoài Chân, trong Thi Nhân Việt Nam trích trong Chương Dân Thi Thoại của Phan Khôi in năm 1936 tại Huế.

(3) Theo Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi Nhân Việt Nam.
 

© 1991-1995 Thụy Khuê











Trở về 






MDTG là một webblog "mở" để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua. 









Thứ Ba, 10 tháng 11, 2020

Lê Dinh (1934 - 2020)

 






Lê Dinh

Lê Văn Dinh
(1934 - 2020)
Nhạc sĩ
Hưởng thọ 86 tuổi



Sáng tác từ 1950 tại miền Nam Việt Nam và tiếp tục sau này tại hải ngoại.
Ông từng là một trong 3 thành viên của nhóm Lê Minh Bằng.
















Tiểu sử





Lê Dinh tên thật là Lê Văn Dinh, sinh tại làng Vĩnh Hựu, tỉnh Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang).
1948-1953: Học trung học tại Collège Le Myre de Vilers (Mỹ Tho), học hàm thụ lớp hòa âm và sáng tác của École Universelle de Paris.
1953-1955: Học trường Cao đẳng Vô Tuyến Ðiện Saigon (École Supérieure de Radioélectricité de Saigon).
1955-1957: Dạy học (Pháp văn và âm nhạc) ở Gò Công và ở Chợ Lớn.
1957-1975: Làm việc tại Ðài Phát thanh Saigon VTVN. Chức vụ: Chủ sự Phòng Sản Xuất rồi Chủ sự Phòng Ðiều Hợp.
Tháng 8/1978: Vượt biên đến Đài Loan.
Tháng 10/1978: Ðịnh cư ở Montréal, Canada cho đến nay.
1979-1999: Làm việc cho hãng tàu chở hàng quốc tế Federal Navigation (FEDNAV) tại Montréal (hãng tàu đã cứu vớt 40 người trên chiếc ghe tỵ nạn – trong đó có gia đình Lê Dinh – trên biển Đông năm 1978).
Từ 1994: chủ trương tờ báo Nguyệt san Nghệ Thuật.
Ông có 1 vợ, 3 con.
Nhạc sĩ Lê Dinh đã qua đời vào lúc 4 giờ sáng ngày 9 tháng 11 năm 2020, hưởng thọ 86 tuổi.

















Cánh Thiệp Đầu Xuân














Sự nghiệp âm nhạc





Giai đoạn 1956-1966





Làng anh làng em
(1956)
tác phẩm đầu tay, Nhà xuất bản Tinh Hoa miền Nam



Ngày ấy quen nhau
(1959)



Thương đời hoa
(1960)



Hôm nào anh đi
(1960)



Có nhớ không anh
(1960)



Tấm ảnh ngày xưa
(1961)



Cánh thiệp hồng
(1961)



Ga chiều
(1962)



Xác pháo nhà ai
(1964)



Chiều lên bản Thượng
(1964)



Tình yêu trả lại trăng sao
(1964)



Thương về xứ Thượng
(1965), đồng sáng tác với Hồ Đình Phương



Ngang trái
(1965)



Nỗi buồn Châu Pha
(ký tên Nhật Nguyệt Hồ)



Biển dâu
Sáng tác chung với Minh Kỳ



13 tuổi lính



Bốn mùa thương nhớ
(Vân Tùng)



Cánh thiệp đầu xuân




Cho tôi nhớ lại một người
(Vân Tùng)



Cớ sao em buồn
(Vân Tùng)



Đường chiều sơn cước



Đường về khuya



Đêm ngoại ô
(Vân Tùng)



Gác nhỏ đêm xuân



Giấc mộng đêm xuân



Hạnh phúc đầu xuân



Kỷ niệm một mùa xuân



Mang theo kỷ niệm vào đời



Một chuyến xe hoa



Một phút suy tư
(Vân Tùng)
























Tình Khúc Lê Dinh





























Nhạc sĩ Lê Dinh đã đem tình yêu trả lại trăng sao


Nhạc sĩ Lê Dinh sinh ngày 8/9/1934 tại Gò Công - Tiền Giang. Nhạc sĩ Lê Dinh vốn được đào tạo ngành vô tuyến điện và có thời gian dạy học ở quê nhà. Ông lập gia đình với một cô giáo đồng hương, có tên là Kim Quyên.

Sau tuổi 20, nhạc sĩ Lê Dinh tham gia giới nghệ thuật Sài Gòn và nhanh chóng thiết lập được vị trí với các ca khúc nổi tiếng “Tình yêu trả lại trăng sao”, “Cánh thiệp đầu xuân”, “Chiều trên bản thượng”, “Nỗi buồn Châu Pha”, “Thương một đời hoa”…

Nhạc sĩ Lê Dinh cùng với nhạc sĩ Minh Kỳ và nhạc sĩ Anh Bằng tạo thành một nhóm sáng tác, lấy tên chung là Lê Minh Bằng. Nhạc sĩ Minh Kỳ qua đời năm 1975, ở tuổi 45. Nhạc sĩ Anh Bằng qua đời năm 2015, ở tuổi 89.

Nhạc sĩ Lê Dinh để lại cho công chúng gần 100 ca khúc. Ông là một trong những nhạc sĩ hải ngoại có nhiều ca khúc sớm được cấp phép biểu diễn tại Việt Nam.Bên cạnh những ca khúc viết về tình yêu đôi lứa như “Tình yêu trả lại trăng sao” quen thuộc với khán giả hơn 60 năm qua: “Ôi những kỷ niệm ngày bên nhau, nay chỉ còn là niềm thương đau. Sao tình yêu hóa ra hận sầu. Sao dịu êm hóa ra nghẹn ngào. Sao cuộc đời tựa chiêm bao…”, nhạc sĩ Lê Dinh có nhiều ca khúc ca ngợi vẻ đẹp thanh bình của làng quê Việt Nam.

Vì vậy, giới trẻ hôm nay không chỉ ưa chuộng “Tình yêu trả lại trăng sao” qua tiếng hát Lệ Quyên, mà còn rất thích thú khi nghe lại “Chiều trên bản thượng” qua tiếng hát Thanh Thúy:

“Gió cuốn theo chiều xuống qua bao đồi nương. Nắng ngủ trên ngành lá khi ánh chiều buông. Tiếng hát cô Mường Luông trên rừng chiều bao la, qua suối đồi khe lá. Tiếng hát ai buồn quá bên lưng đèo cao. Tiếng suối bên nghềnh đá dư âm về đâu. Nghe khơi bao niềm thương yêu về miền cô liêu bên bản xưa rừng chiều…”

PHẠM TUẤN

























Trở về








MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.