Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Ann Phong














Ann Phong
(21/8/1957 Sài gòn - ...)







Hoạ sĩ Ann Phong tốt nghiệp thạc sĩ hội họa tại Đại Học Cal State Fullerton. 

Từ năm 1994, Ann Phong bắt đầu dạy hội họa tại trường Đại Học Fullerton khi còn đang theo học thạc sĩ tại trường. Hiện Ann là giáo sư tại trường đại học Cal Poly Pomona.

Đến nay, Ann Phong đã tham dự hơn 150 cuộc triển lãm, từ gallery đến một vài viện bảo tàng tại Quận Cam Hoa Kỳ, Bangkok, Chengdu, Seoul và Tokyo .

Ngoài triển lãm tác phẩm, Ann Phong cũng thường xuyên được mời bởi các phòng tranh, và các trường học để nói về nghệ thuật tạo hình.

Từ năm 1994 Ann Phong bắt đầu tham gia vào sinh hoạt của VAALA (Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ tại Quận Cam), một hội văn học nghệ thuật bất vụ lợi ở ngoài Việt Nam, chuyên về triển lãm nghệ thuật tạo hình, và tổ chức liên hoan phim Việt Nam thuộc tầm vốc quốc tế. Hiện nay Ann Phong là chủ tịch của VAALA.







Họa sĩ trong nghề nhiều khi không cần gặp nhau
Có dịp gặp tác phẩm của nhau là hạnh phúc lắm rồi
6/19/2017








ANN PHONG

Khắc Dấu Mạn Thuyền

Trong quá trình sáng tác, tôi để cảm xúc tôi chuyển động với những gì xảy ra xung quanh tôi. 

Tôi thích đi lang thang, thích nghe tiếng người, thích lẩn mình trong đám đông nhìn mọi người lao xao xoay xở trong cuộc sống. Mỗi tác phẩm của tôi, mỗi quãng thời gian tôi sống, tôi ghi lại như một dấu khắc trên mạn thuyền đời. Những dấu khắc về con người sống xa xứ, con người sống tại quê nhà, hay con người sống ở thế kỷ 21. 

Biển là nguồn cảm hứng chính trong tác phẩm của tôi. Biển rộng bao la, lúc hiền lành yên lặng lúc sóng dữ cuồn cuộn, lúc trong sáng long lanh, lúc đen ngòm nặng trĩu. Biển trong tranh tôi phảng phất cuộc đời những người như tôi đã trải qua cuộc sống ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương. Nước cũng mang ý nghĩa về những người có cuộc sống giàu có hiện nay ở thế kỷ 21 nhưng không biết tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và làm ô nhiểm nguồn nước chung.

Lúc ngồi trước giá vẽ, những hình ảnh cảm xúc đó trở lại một cách tự nhiên. Màu sắc, bố cục từng tác phẩm di chuyển theo tâm thái của tôi lúc sáng tác. Khi tay tôi bắt được nhịp đập của tim tôi, tác phẩm tôi hoàn tất.























































































Ann Phong

Ann Phong was born in Saigon, Vietnam, and settled in Southern California in 1982.

In 1995, she received her Master of Fine Art degree from California State University at Fullerton. Ann has actively participated in more than 50 solo and group shows in galleries and museums, and her work has been widely exhibited in Los Angeles, Orange County, San Jose, Oakland, San Francisco, Houston, Vancouver, Paris, Thailand and as far as Japan.

Phong currently teaches art at California State University Pomona. She has also been invited to speak by many high schools, colleges, universities, galleries and museums on the subject of her own work and work of other Vietnamese American artists.



For additional information download her resume here.






































































Mời xem















Phan Nguyên & Ann Phong









Trở về




MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.













Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Yến Lan (1916 - 1998)















Yến Lan
Bút danh khác: Xuân Khai
tên thật: Lâm Thanh Lang

(2/3/1916 - 5/10/1998) Bình Định
Hưởng thọ 82 tuổi

Nhà thơ, nhà văn






Tiểu sử

Yến Lan sinh ngày 2 tháng 3 năm 1916, quê tại thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông nội Yến Lan là nhà nho, thuộc dòng Minh Hương ở Phúc Kiến. Mồ côi mẹ năm 6 tuổi, Yến Lan sống bằng nghề dạy học tư và viết văn. Ông sáng tác thơ từ sớm và cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn hợp thành Bàn thành tứ hữu (bốn người bạn thơ đất Bình Định) nổi tiếng trên thi đàn lúc đó. Trong giai đoạn này, ông cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên sáng tác theo trường phái Thơ loạn (còn gọi là Thơ điên) với những trăng, xương, máu, hồn ma... trong thơ. Sau Cách mạng tháng Tám, ông là Uỷ viên văn hoá Cứu quốc Bình Định (1947–1949); là Uỷ viên văn hoá kháng chiến Nam Trung Bộ, trưởng đoàn kịch Kháng chiến. Từ 1950 đến 1954 ông làm công tác văn hoá văn nghệ ở Bình Định. Sau 1954, Yến Lan tập kết ra Bắc, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, làm việc tại Nhà xuất bản Văn học và tham gia phong trào Nhân văn - Giai phẩm. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, ông trở về công tác tại Hội văn nghệ Bình Định và mất tại đây ngày 5 tháng 10 năm 1998.

Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.














Tác phẩm







1
Bóng giai nhân
(kịch thơ,)





2
Gái Trữ La
(kịch thơ, 1943)





3
Những ngọn đèn
(thơ, 1957)





4
Tôi đến tôi yêu
(thơ, 1965)





5
Lẵng hoa hồng
(thơ, 1968)





6
Giữa hai chớp lửa
(thơ, 1978)





7
Én Đào
(truyện thơ, 1979)





8
Thơ Yến Lan
(thơ, 1987)





9
Cầm chân hoa
(thơ tứ tuyệt, 1991)





10
Thơ tứ tuyệt
(tuyển tập, 1996)

















Truyện ngắn





Chiếc Áo Rách

Tôi ngồi ở bóng cây Ké yểu điệu như dáng thư sinh, lắng nghe con chim lạ đậu trên cành, đang dường quên tất cả những sóng nắng chạy quanh mình, thả từng tiếng kêu ngọt như những lời thơ hay, rơi bừa bãi ở các chòm cây không động. Những khi chim ngừng giọng, tôi nhìn xa, nhìn xa, toàn trưa, toàn nắng.

Đã năm năm tôi trở lại đất này, những rừng núi kéo giăng trùng trùng điệp điệp quanh tôi không có gì thay đổi, cũng không có gì cũ kỹ, cây cỏ vẫn xanh tươi và mát như hồn một thiếu nữ đầy xuân.

Vải hoa lau, tơ đã sẩm ra màu lụa cũ, nhưng vẫn dài và vượt ra ngoài đám lá, theo gió, khẽ lắc đầu và yểu điệu và mơ mộng như Nàng.

Ồ! Sao nàng lâu ra quá thế ?

Từng lúc, tôi lắng nghe, nhưng trong dòng suối khuất bên kia hàng sậy, không có tiếng chân người lội. Đã mấy lần tôi được thấy Nàng nhẹ nhàng qua dòng nước trong như hồn trinh bạch ấy, và đã mấy lần tôi cảm thấy hồn tôi đầy hương lạ của hoa rừng.

Tôi bâng khuâng ngắm những chỉ mây mờ dợn sóng trên cao, trên tấm trời xanh nhàn nhạt, màu xanh như khao khát bóng hồng!

Có lẽ hôm nay Nàng bận, hay Nàng nghi ngờ tôi! Rồi tôi tiếc, tôi ân hận! Về nơi này làm gì để cô độc với những ý nghĩ phiền phức của mình?

*

Bốn hôm trước, kèm ngựa ở gốc suối Vối, tôi tình cờ ngắm Nàng đang đưa tay ngắt một cành sim dại. Những cánh hoa màu cánh sen nhạt nắng đang rung rinh như nũng nịu với bàn tay nhỏ bé, trắng trẻo, xinh xắn của Nàng.

Tôi là người thiếu đủ các thứ tình, gặp Nàng, sao tự nhiên hồn tràn ngập cả những gì đã đầy đủ quá, đầy đủ cho đến như phải trào ra ở đằng miệng bằng lời yêu đương nhẹ như tơ nhện, trào ra ở đằng mắt bằng những tiếng nói thầm kín như cô phòng những cung nữ đang xuân. Có bao giờ tôi còn được như thế hay không, hỡi Thượng Đế ? Và tôi mến Nàng, lần đầu tiên tôi không dám tin ở lòng nhân loại.

Tôi với Nàng đứng yên ở đó lâu lắm, mãi khi nghe tiếng bò rống ở bên kia gộp đá, Nàng mới e thẹn bước đi! À thì ra Nàng là một nàng đi chăn!

Những khoảng rừng nhỏ mọc lém trong các rặng núi nhô cao, mà tôi đứng ở ven chân, trong nắng hấp, đã nổi bật lên và ra lắm màu sắc như là lạ lùng, như là huyền ảo!

Tôi cũng lải rải bước theo Nàng. Nàng thẹn thùng quay mặt đi, dừng lại, lấy chân xỏa lên mặt cỏ xanh dìu dịu và khẽ cựa mình.

Tôi nhận thấy như có những lượn sóng bồi hồi đang nhẹ ẩy Nàng ra gọp đá mà Nàng đang tựa.

- Cô có nước?

Nàng nghe hỏi, không dám day mặt lại, má Nàng đỏ ửng lên, có bao giờ tôi đê mê hơn, man mác hơn ? Tôi hỏi tiếp:

- Cô có, cho tôi xin nhờ một hớp nước, đi cô!

Nàng ngồi xuống cỏ, dáng lanh lẹn như chim vành khuyên, nhưng vẫn thẹn thùng không nói.

À thì ra nàng đang mặc một manh áo rách. Tay bên phải đã cụt lên tới vai, và vạt trước , vạt sau tước từng đường dài.

Nàng nhìn tôi như van lơn cho tôi đi, cho tôi đừng thấy cái tơi tả trên thân hình ngả ngọc của một kiếp sơn nhân!

Đôi dép mo Nàng mang khẽ động từng tiếng khô khan trên gôp đá, rồi vội vàng Nàng đứng lên, lảng tránh vào lùm cây mà hoa chỉ nở một màu...

Tôi vẫn thong thả vọng theo: - Tôi khát lắm, xin cô một hớp nước.

Một chốc Nàng hiện ra, như một ánh sao sa, như một đường tràng lạc, tất cả rơi vào hồn tôi với những ý bất diệt của một tình yêu đang nhốm.

Nàng đem nước ra cho tôi uống. Nàng chỉ giúp cho một con người đang khỏi khát mà thôi.

Nàng là Tiên vì sắc đẹp, là nắng vì Hồng, là rừng vì Mát. Uống nước xong thân hình tôi nhẹ nhàng dường như có thể lâng lâng bay đến quảng không nhạt nắng. Tôi ngây ngất, đê mê, chẳng còn biết gì đã có quanh mình.

Nắng rây kia ư ? Với tôi đó là ánh trăng một đêm thu sạch.

Ve gọi kia ư ? Là bản đàn của một tối tân hôn. Rồi tôi lện yên, tôi ghi nhớ nơi gặp gỡ, sự gặp gỡ thiêng liêng thứ nhất trong đời.

*

Người đi chăn tôi gặp hôm nay là một lực điền! Tóc anh ta đã lâu chưa cúp, mọc chỉa xuống cổ áo, mọc vượt ra mang tai, làm rõ bật cái cằm vuông dưới cặp môi mím vào và sóng mủi gãy!

Chiếc áo rách mà anh ta mặc trông kỳ cục và thô bỉ làm sao. Ánh nắng hôm nay khác với hôm gặp Nàng, vàng cháy như hung ác thiêu đốt muôn loài.

Nước anh ta đưa cho tôi uống, có vị gì mằn mặn, có vị gì chua chua. Tôi thất vọng nhìn đó đây trong khi anh ta chất phác nhìn áo quần tôi mặc.

Cánh mây tang bay trên nền trời lam, tưới qua ánh mặt trời, đi đến đâu, cỏ cây râm mát đến đó. Những đầu núi xa, vẫn hùng dũng vươn cao trong sức oi ả của nắng vàng hanh.

Tôi hỏi người đi chăn ấy:

- Anh ở đồng nào về chăn đây?

- Tôi ở ấp Thượng An.

- Xa?

- Không, gần đây, qua hai dòng suối là tới !

- Sao lâu nay tôi không gặp ?

- Tôi đi chăn thế cho một người chứ thường vẫn ở nhà!

Bao nhiêu ý nghĩ lắng trong hồn tôi đều bùng dậy! Lúc bấy giờ, tôi nhớ nhìn ra đàn bò đang ăn cỏ ở dưới đồi kia là đàn bò của Nàng. Của Nàng, và vò nước nhỏ tôi đang uống đã thường được gần gụi với khuông miệng tươi như đào non kia nữa!

Nàng ơi Nàng! Sao Nàng không ra? hay đó là một sự thử thách! Tôi muốn hỏi ngay người đàn ông cục mịch này, tôi muốn xẻ hầu anh ta trước khi anh ta thốt lên tiếng nói để uống lòng anh, uống sự thật của tâm can anh.

Bỗng anh ta tự nhiên hỏi tôi:

- Thầy đi ngang đây, lúc nãy có thấy một đám ma?

Có gì lạnh lẽo, lạnh buốt tê tái thổi vào tôi. Hồ mắt tôi như bị sa mù làm vẩn, tôi không thấy được gì . Có phải trước mặt tôi có ánh nắng hay không, hay là tấm màn đỏ chói phản chiếu nên vì một bó đuốc đưa ma? Tôi không đứng vững được nữa, bể đầu tôi đang có sóng dậy, tôi há hốc miệng ra để nghe người đi chăn kia tiếp:

- À quên thầy thấy làm sao được, đám ma đi sớm lắm kia mà, tội nghiệp!

Tôi rú lên:

- Ai, dám ma ai? Có lẽ anh ta ngạc nhiên lắm, sao mà tôi ghét anh ta, tôi ghét cái vẻ chậm chạp, rù rờ của anh ta quá thế ? Anh thong thả để vò nước xuống, thong thả chỉ vào xóm xa, thong thả lắp bắp nói: - Ông Phó làng Cửu An !

Còn Nàng, tôi lại nhớ đến Nàng ngay: - Có lẽ anh đi chăn thế cho một người con gái ?

Anh ta trố mắt nhìn tôi:

- Sao thầy biết ?

- Vì tôi thường xin nước cô ta., cũng như đã xin anh !

Anh ta gật đầu rồi vu vơ đưa tiếng hát, những bài hát chiều chiều xinh như màu da thiếu nữ ! Tiếng vang vọng thung lũng phản dội lại, thon lỏn như tiếng động của những quả cây chín vào trên mặt bông đá có âm thanh. Tôi hỏi tiếp :

- Sao cô ấy hôm nay không đi chăn ?

Anh ta lại lơ đểnh và ngớ ngẩn quá, đưa mắt nhìn đường cong của núi, những đường đèo nho nhỏ vắt ngang rồi hỏi lại tôi :

- Thầy ở đâu về đây ?

- Tôi ở phố !

Cũng một câu hỏi như Nàng hôm nọ, nhưng khác Nàng, anh ta reo:

- À ở phố vui lắm thầy nhỉ, và sang trọng lắm nhỉ ? Thảo nào !

Tôi bực mình hỏi : - Cô ấy hôm nay sao không đi chăn ? Anh ta tự nhiên đáp!

Chả biết mà dường như cô ta ở nhà may vá gì ấy.

À thì ra Nàng không muốn mang mãi chiếc áo trước mặt tôi. Nàng không muốn cho tôi thấy sự nghèo đói bao phủ rõ ràng lên trên cái Đẹp !


Viết theo hồi ký của anh XK

TTTN số 22
Yến Lan

















Thơ








Bến My Lăng

Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách
rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách
Ông lái buồn để gió lén mơn râu

Ông không muốn run người ra tiếng địch
chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao
vì đìu hiu, đìu hiu trời tĩnh mịch
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.

Trôi quanh thuyền những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời nhưng chỉ rải trăng… trăng
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh
để đêm buồn vây phủ bến My Lăng

nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi

Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách
để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng

Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng…

NXB Hội nhà văn, 1998













Thơ tứ tuyệt Yến Lan







Cầm chân em, cầm chân hoa

Em đến xin hồng, hồng mới nụ
Hôm nay hồng nở, bóng em xa
Cầm em bữa trước, em không ở
Giờ biết làm sao cầm được hoa?







Xuân muộn

Vụng sắm cành đào không kịp tết
Ra giêng chợt hé một vài bông
Xuân người lả tả bay đi hết
Ngoảnh lại xuân ta mới chớm hồng .
1982







Xuân cách

Đây cúc, kìa mai, nọ hải đường
Cùng mai hoa tụ nhóm thiên chương
Ấm trà mạn hỏa lai rai rót
phảng phất hương thầm bạch ngọc lan.
8.2.1991







Xuân lạnh

Lạnh lẽo ngàn xanh, mưa rã rích
Bến bờ thiên cổ khóc hoa hương
Hồn xuân run rẩy muôn cành bích
Chắc nẻo thời gian-vạn trái buồn.
1949 (kết giao)







Xuân biệt

Khói giăng như mộng vướng cành mai
Thưa thớt đường lê mấy dấu giày
Xuân đã ra đi còn luyến gửi
Lời oanh thỏ thẻ vọng bên tai.






Xanh

Ngày Bác về thăm đồi Vật Lại
Tết cổ truyền thêm tết trồng cây
Nắng xanh khắp núi rung nương bãi
Phủ cây đời xanh tới tương lai







Xuôi dòng 

Tháng chạp bè xuôi nước tỏa dòng
Nửa đêm sương muối xuống mờ sông
Đồi xa chợt lửa khai hoang đỏ
Hơi ấm chuyền theo đến rạng đông 







Xuân trên bản H’Mông

Vợ điệu con xem chồng thử kèn
Gò cương chiến sĩ ghé bên hiên
Nắng thu còn ửng đường qua bản
Ngựa nhận thầm hương cỏ tháng giêng
1968 








Xuân hoài

Quả son phản phất vị gừng phai
Lá bạch đàn buông đọng nắng mai
Nghĩ tiếc xuân qua riêng cảm cảnh
Ngồi nhàn năm tháng sớt cho ai







Xuân tảo

Gió đêm chuốt nhọn bút mai đề
Chợt bóng hoa xuân sớm hiện về
Lắc chiếc lọ sành còn rượu nhín
Vọng lên đỉnh núi cụng vài ly
08/2/1991








Cảm thụ

Xuân về kia – đang len lỏi bước đi
Sao rặng liễu lời oanh biếng trổi
Nương dâu mượt, tằm chưa ăn rổi
Hoa khép đài, vườn bặt dáng hương?

Bẹ cải vàng còn nén tiếp chum tương;
Gà tục tác mặt ao cá quẫy
Con mương đục tôm càng còn nhẫy
Lọn củi tươi dựng đầy láng Sơn Tràng

Chưa có gì rộn rả vì xuân
Bánh khảo, bánh chưng đang còn là nếp
Cổ tam cúc đang là giấy điệp
Cái đèn lồng đang là những nan tre

Chưa có gì tất bật bến tàu, xe
Chưa nghi ngút nghĩa trang tuần nhang viếng mộ
Ông đồ già với những câu đối đỏ
Đã ai tìm giữa buổi chợ phiên?

Chưa có gì báo hiệu ra giêng
Ruộng gối vụ còn trơ gốc rạ
Đội ca nhạc kề vai đi gánh mạ
Lò gạch nung cái rét hoa xoài

Chưa có gì … chưa có một ai
Cùng cảm thụ mùa xuân đang rộn bước!
Hay chỉ riêng tôi, lòng đầy cung bực
Như cậy đàn vui chứa mọi tin xuân
Động đến cung nào cũng nảy thanh âm.

Xuân 1984











Chùm thơ Bình Định của Yến Lan





Bình Định 1935

Đây là chốn nương mây và cậy nguyệt.
Đàng chờ xe, sông nước ước mong thuyền.
Tịch-dương-liễu không biết mình đang biếc,
Tương tư trời tương tư, nhạc triền miên.

Mây nổi đó những hồn chừng xa xứ.
Trăng cô liêu trắng mộng hồ xa nao ?
Xe lỗi hẹn với người trong lữ thứ,
Những cánh thuyền muôn dặm cũng hư hao.

Ôi Bình Định, mây chia trời cách biệt.
Những bâng khuâng trong giá lạnh sương hoa.
Nhà ngơ ngẩn, nhũng tường vôi keo kiết.
Nam-quách sầu, Đông-phố quạnh, Tây-môn xa.

Cây lặng lẽ gượng làm bầy hài đảo
Thuyền bồ câu nghiêng buồm trắng trôi ven.
Tăm chiêu mộ nổi trên dòng nước Đạo.
Rượu ân tình - Bình Định - xứ lên men.

Đường lăng lắc chảy trong quầng nắng nhạt,
Nhớ thương từ vườn chuối nuối vườn Dưa.
Giấc Trang-tử đêm vầy theo hội hát
Cuối đôi làng xam xám dệt tơ mưa.

Ôi Bình Định tự thanh cao trao gửi
Buồn xế tà qua mấy cửa rêu xanh.
Nơi đến đọng những vũng chiều lạnh đợi
Buổi trăng gầy, gió luỵ xuống mong manh.

Đây tôi sống trong thanh nghiêm thánh thất:
Đèn lưu ly hao sáng mộng tràn đầy
Lan can đó xuống dần từng bậc bậc,
Hồn cuộn dần bậc bậc khói hương xây.

Hồn tôi loảng trên bệ vàng thếp chảy,
Cùng hồn trưa quấn quít lấy giao lân.
Tám phương bạn - chợp hàng mi - mộng thấy
Xứ tâm tình, vàng rộn lá thu phân.

Nhánh tòng, bá có đau vì xứ sở,
Chớ quặn mình thêm nức nở hồn tôi,
Không được sống, xin cho cùng được thở,
Vạn-lý-tình trong gió ngọt xa xôi.

Trời Bình Định có thương Em lẻ chiếc,
Em nằm thương xanh biếc của trời buồn.
Trên đài trán thơ hằng lên vọng nguyệt,
Trăng còn nương thuyền nhạc khuất trong sương.

Hoa tư tưởng phân thân chìu gió trải,
Trời hoa tiên, hồ hải nói lrong tâm.
Ôi Bình Định, sao nằm trong mãi mãi
Đĩa dầu vơi, tim cháy ngọn âm âm... ?

(Trích "Đọng biếc" 1938)








Bình Định 1945

Không, Bình Định đã qua cơn sốt rét.
Nước da vàng lột theo vỏ cây khô.
Dấu xe ngựa đã niêm đầy ngõ kiệt.
Trăng lạc loài gặp lại giữa đêm thu.

Bùn rắn lại trên bàn tay cày cuốc.
Trán công nhân rực thét lửa chân đe
Nét khẩu hiệu, tay huơ bừng ngọn đuốc,
Tay vót căm thù bén những thanh tre.

Con đường đỏ duỗi ngay dòng ảo não.
Phổ kiểng lên như chờ lệnh song hành.
Tờ lịch, chị hôm qua sầu chửa ráo.
Mà em nay, đã dựng nét mày xanh.

Gò cửa bấc sỏi đồ bia liệt sĩ.
Hịch Văn thân chống thuế gió rền vang.
Doàn áo vải dẫn đầu hàng tự vệ.
Nắng rung trên những mái rạ vá quàng.

Ôi Bình Định buổi đèn mờ, nước lã.
Bóng nha môn nằm chặn lối ân tình,
Đêm bỗng dậy những ánh vàng xa lạ.
Sao mọc rồi, sông núi bớt lung linh.

Hồi mõ ngục hết xao trăng tình lự.
Chim ria lông cười ngai bệ hành cung
Hồ trụ biểu thụt vào nanh vuốt dữ.
Trống lầu tây đã đổi nhịp thu không.

Chim bồ câu hay đoàn xe sứ giả
Tung năng đào trong cánh trắng giao duyên.
Chim tu viện lên lầu hôn thánh giá.
Đầm sen đêm thao thức lá gieo tiền.

Tin xa lạ những Ba Tơ. Việt Bắc.
Người kề nhau như kể chuyện truyền kỳ.
Đất ê ẩm dưới đinh, giầy Pháp Nhật.
Vội trở mình ôm chặt gót thu đi.

Mỗi ký ước Kon-tum, Ban-mê-thuột.
Một mũi gai trong dĩ vãng tù đày.
Người cán bộ ngùi quên châm điếu thuốc.
Nhìn cột cờ phấp phới ánh sao bay

Ôi Bình Định, đau thương gài trước ngõ.
Mẹ ru con trong bóng tối phật phồng.
Trong tay áo còn nghe dài tiếng thở.
Bỗng thấy quanh thềm hát núi, ca sông.

Những thổ sơn vút cao đài vọng hải
Người chưa lên mà lòng bướm ra ràng.
Nhìn nở khắp trên ruộng, đồng, lạch, bãi.
Hoa: đoàn tàu - Hoa: những chuyến đò ngang.

Sông Côn chảy qua bảy tầng thác đập.
Tình Trung châu: hương mật nặng khoang thuyền.
Duyên cá nục, măng le về hội họp.
Phiên chợ Thành vụt tỉnh giấc cô miên.

Tôi đi giữa những vườn gòn thẳng tắp,
Ôm trong lòng biển lớn vỗ non cao
Bông rụng xuống mái đầu nghe ấm áp.
Như mái đầu lót tổ đón chim sao.

Qua trường cũ thấy rạc rào sóng ngói.
Lòng bỗng dưng thơm mùi giấy học sinh.
Trên trang sách của cuộc đời đổi mới.
Nghe thơ về bay vút cả trời xanh.

Tim còn rộn khúc "hành vân", "lưu thuỷ".
Đầu sôi lên điệu mới "Tiến quân ca".
Nét mực đỏ gạch dưới hàng nhật ký:
"Đây mùa thơ của dân chủ cộng hoà".

Phấp phới lá lay. ngõ chào cổng đón.
Có cuộc đi về, không cảnh tiễn đưa.
Vệt môi đỏ đã biết cười dưới nón.
Đàn bướm vàng lạc đến mộng ban trưa.

Cuộn liên lạc khi lững lò mây tháo:
Ai nhắn vè từ Phú Quốc–Nam Quan ?
Hỡi sứ mây, chờ tôi đề lên áo
Lời hẹn ngày gặp gỡ giữa Đồ Bàn.

Lầu Cửa Đông có nghe Em tâm sự
Em đi trong tình sử của lầu thơ.
Hai chúng ta bước qua đêm quá khứ
Ngoảnh đôi đầu không còn thấy bơ vơ.

Có ai dạo sênh tiền trong chạng vạng.
Nhạc cong theo xóm lao động Lò-rèn
Ôi Bình Định, hôm nay chào Cách mạng.
Đón bình minh trong nhà nhỏ không đèn.

(Trích "Kết giao" 1945)






Bình Định 1947

Mùa trở dạ, vườn tơ chờ trái đỏ.
Nắng lên đồi đỉnh tháp đứng chăn đê.
Đường dây thép chim về khao lúa trổ.
Dọc đường dài bụi đỏ phất mui xe.

Buồng phổi mới ngực phồng thân áo xám.
Trăng mái đường về hội nghị cơ quan.
Ôi Bình Định từ những ngày tháng Tám.
Bao đứa con xiêu lạc trở làng.

Chiều đại hội ráng lồng trên biếu ngữ.
Đời căng buồm vè xứ sở tự do.
Đường cách mạng thơm từng trang lịch sử.
Trong nhớ thương sông núi bớt mơ hồ.

Chim trắng lượn giàn, lá đang lát ngõ.
Mái hoa râm phường phố chục làm duyên.
Những hàng xén vừa nhún nha đến chợ.
Tin dữ bay về gương lược đổ nghiêng.

Cù lao Yến én bồng con chạy tổ.
Họng ca-nông ừng ực bãi Qui Nhơn.
Đường "Mười chín" cầu A dưng gãy đổ.
Móm giày đinh đến sục sạo chợ Đồn.

Người băng nẻo tuông qua lòng Bình Định.
Rứt quê hương như rứt tóc, rứt da.
Cuộc gian khổ đã bắt đầu nặng gánh.
Sông lại mong thuyền, tàu lại nhớ ga.

Người treo chiếu trên cành đa rễ phụ.
Người dìu cha nơi dịch xá lộ thiên,
Người vắt sữa lau mắt con gái ngủ.
Người đứng ngã ba úp mặt xin tiền.

Người khoả cát tính đoạn đường trụ số
Người ngóng chồng trong bát cháo tàn hơi,
Người thờ thẩn nhìn ánh đèn trong phố.
Người lạ lùng trước một quả vông rơi.

Người gối lưới mơ màu xanh nước biển
Người nằm rơm nhớ bụi mía chòi dưa
Người khâu giép tiếc mũi khoan bàn tiện.
Người nhẫm tiếng quà rao ngọt đường trưa.

Người ngồi nhắc nhịp đồng hồ quả lắc.
Người tưởng chuông, làm dấu hiệu Ba Ngôi,
Người nhớ sách, người nhớ hương, nhớ nhạc
Người nhớ người, người nhớ một làn môi.

Và Bình Định nằm thương em nhớ chị,
Ôm phố phường quấn quýt sắc trời xanh.
Một viên sỏi cũng cộm thành ý nghĩ.
Sáng trên đường chờ chận bước hôi tanh.

Gò lóc thịt đắp thêm nền chướng ngại.
Dứt đốt xương cầu lịm xuống dòng sông.
Chim tìm tổ dưới ngôi nhà đổ mái.
Chân ngựa còn quyến luyến cỗ xe long.

Tin hoả tốc bạt thếp đèn cửa quán.
Lửa mài gươm sáng rực xóm Lò-rèn,
Mẹ binh sĩ lòng khâu theo túi đạn.
Phòng tuyển binh người áo vải chân chen
Mõ lốc cốc, chó không còn tiếng sủa.
Quân lên đường chân đất bước như ru.
Quạnh hơi thở trong những nhà đóng cửa.
Cha mẹ phà đường, bà chúa tản cư.

Trai Bình Định ôm bom vào Tú Thuỷ,
Ngự đèo Nhong hay canh bãi Vân Sơn.
Gái quạt trấu cũng hoá thànhdũng sĩ,
cầu Bà Di đẩy dựng những toa goòng.

Đời co lại từng vắt cơm, nắm muối,
Hơi thở theo hồi kẻng, bóng đôi bồ.
Lòng Bình Định như go chèn chi rối,
Dệt lòng tin qua từng gút âu lo.

Tôi sống những ngày thân cò lặn lội.
Gánh gạo phá thành, đốt đuốc dời kho.
Cùng xứ sở chong ngọn đèn le lói,
Ngày như đêm tiếp mãi lửa căm thù.

Lan can đổ theo vọng lâu ba cửa.
Trăng đầu hôm im tựa trụ cờ cao.
Vườn gòn rộng như gian phòng goá bụa.
Dơi lạc đường về, thành luỹ đi đâu!

Hồn tôi trải: đây lầu chuông xóm Đạo.
Đây cây me Ty Niết, góc sân banh.
Đây từng ụ đất trơ màu hoang đảo.
Đem nhớ thương đỡ dậy những tâm tình.

Bài thơ nhỏ gửi qua tay bạn trẻ,
Tôi viết bên bia gãy nắng ngang đầu.
Từng nét chữ vùng lên hồn sóng bể;
Hải cảng lòng tôi chờ giặc đến chìm tàu.

Chân đi giữa những phố phường trống trải.
Xẻng cuốc người về áo lạnh hơi sương.
Trong bụi bậm những buổi chiều phá hoại.
Tôi ngạc mùi than khói ngất công trường.

Phấn vôi rã đã bay về chín hướng.
Rải căm hờn qua bãi thẳm rừng cao.
Ôi Bình Định khi thành quan ngã xuống,
Mắt con người thêm rộng nẻo tìm sao.

(Trích "Kết giao" 1945)










Ông Lão Bán Cò


Tôi gặp ông ta ở một quán nước trong làng An Ngãi. Gương mặt ông–người đã già, râu ria xồm xoàm-vẫn có vẻ quắc thước, phương phi. Ông mặc áo quần cộc trắng bằng vải thô, buộc giây lưng trắng che khuất hết nửa cái lá tọa buông xuông tận đầu gối.

Ông nói cười ròn rã như người không phải lo điều gì. Cô hàng nước đã phải mệt vì chạy đi tìm đóm, lục diêm để ông kéo, kéo không chán những mẫu thuốc lào to tướng.

Thấy người ta gọi ông là ông Mùi, tôi cũng góp chuyện cho vui.

- Kìa, ông hôm nay thong thả nhỉ, đồng áng có lẽ lo xong công việc rồi.

Ông Mùi cười ha hả, để lộ hàm răng đã rụng hơn phân nửa, nhìn cô hàng như phân bua:

Đấy cô xem, ai không bảo tôi là một nghiệp chủ! Rồi day mặt sang phía tôi ông bảo:

- Nhà tôi không có ruộng thầy ạ!

- Thì hẳng có vườn tược xum xuê.

- Cũng không!

Ông ta vắn tắt đáp lời tôi rồi nhìn cô hàng, nhìn chiếc điếu, có ý chờ đóm. Tôi chẳng hiểu ông lão làm gì mà phong lưu ra phết, ruộng không mà vườn đất cũng không. Có lẽ là một ông thợ cả, mà thợ cả thì chắc lành nghề

Như đọc rõ mối nghi ngờ trên nét mặt tôi, ông Mùi tự nhiên bảo:

- Tôi đi bẫy cò thầy ạ, hôm nay trời rét, tôi nghỉ ở nhà sưởi, buồn ra quán kiếm vài điếu thuốc lào cho ấm ruột.

Tôi không hỏi gì nữa, nhìn ra ngoài trời. Mưa bụi rơi từng lớp, từng lớp, vãi mình trong những khóm tre trước mặt tôi, chưa biết bao giờ tạnh. Làn núi xa đã mờ nhạt chỉ phảng phất từng tấm tím lờ mờ bên chân mây. Những con cò trắng, không, đó là những thi sĩ bay lượn đi tìm nguồn thơ của thế giới hảo huyền. Trời đất buồn thì có hạn, mà lòng tôi vui vẻ không hạn, vì trước cảnh xa vắng, mênh mông này, chưa đi đến nơi phải tới, tôi tạm nghĩ lại gian quán trống trải, mà lòng vẫn cảm thấy vui vẻ hồn nhiên.

Bỗng ông lão rung đùi ngâm:

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân

Rồi ông phá lên cười, nhìn cô quán còn trẻ, gương mặt hồng hào trông dễ yêu dưới làn khăn mỏ quạ. Ông Mùi ngâm xong hai câu thơ, chỉ ra ngoài trời, bảo tôi:

- Chắc có lẽ thầy phải ở đây suốt buổi, mưa thế này mà dai.

Rồi ông xóc cái điếu, nước dội nghe “ọc ạch” đoạn nhìn cô hàng dõng dạc:

- Đóm!

Cô hàng vẫn không lộ vẻ cáu kỉnh, với bẻ một thanh nang quạt đưa cho ông lão rồi bảo đùa: - Ông làm như của con của cháu gì ông!

- Thì một xu thuốc lào mua của chị chứ ít ỏi gì đâu?

Tôi hỏi ông lão: - ông bẫy cò có nhiều không, sao không thấy đem bán?

Ông Mùi dáng vẫn lạnh lùng:

- Đủ xào cho thằng cháu ốm nó ăn, vả lại còn đổi chác cho người làng thì cũng đủ gạo.

Trong lúc đắc chí, có lẽ vì vui vẻ quá, tôi làm lòng:

- Ở thành thị, chỗ tôi ở, người ta thích nuôi cò để mổ ruồi, hôm nào ông đem sang bán chắc được tiền.

Ông lão quắc mắc nhìn tôi như ý dò xét, rồi mỉm cười bảo:

- Thế mà lâu nay tôi tưởng không ai mua

Tôi ra dáng quả quyết: - Ông lầm, tôi chắc thế, vả lại tôi nói có bao giờ sai.

Cô hàng cũng chêm vào: - Vâng, thầy nói đúng, ở tỉnh thành người ta thích cò lắm, nuôi nó xem cũng đẹp, có tốn kém gì đâu, mà được cái lợi cho nó mổ ruồi.

Tôi được thể, nhìn cô hàng như có ý cảm ơn, rồi tôi day lại ông lão, bảo ông ta, dáng quả quyết hơn lúc đầu:

- Ông nghe tôi, hôm nào sang bán cò thì ghé nhà tôi chơi. Nhà tôi ở gần Chùa Ông, cạnh phố Thuốc Bắc đấy, ở đấy lại có điếu, có thuốc, mà ngon lắm cơ.

Ông lão gật gù ra dáng tự đắc lắm.


Sau ba hôm mưa tầm tã, khí lạnh cuối mùa-một mùa thu đầy vẻ sầu và cô tịch trong trời đất, vẫn còn dán sát vào da thịt mọi người. Ai nấy vẫn còn tự thấy uể oải, các cửa phố đã mở rộng nhưng ngoài đàng thấy vắng người đi.

Tôi đang nằm đọc sách ở trong hè, thì ở ngoài nghe rao:

- Ai mua cò o o...! Ai mua cò?

Tôi lắng nghe cho rõ rồi ngồi dậy nhìn ra. Ánh mặt trời nghẹn trong mây, mù mịt soi lên mái nhà tranh ướt đẫm những mưa, như vẫn còn có vẻ nhọc mệt, ngái ngủ.

Cũng vẫn bộ quần áo ấy, cái dây lưng ấy, duy chỉ khác là có gánh và nón, ông lão tôi gặp ở quán hôm nọ, nghênh ngang đi giữa đàng, rao lên những tiếng lạ tai. Người trong phố gần đấy đứng ngấp nghé ở cửa nhìn dáng điệu lạ lùng của ông lão rồi đua nhau cười sàng sặc. Tôi cũng bật cười theo, nhưng tôi vừa bước ra thì ông lão đã đi khỏi cửa một quãng xa và cất giọng rao như lúc nãy. Tôi lên tiếng gọi thật to :

- Ông lão! ông lão bán cò !

Ông ta quay đầu nhìn lại, lưỡng lự một lúc rồi bước nhanh lại trước mặt tôi.đã nhớ ra tôi rồi, ông ta để gánh xuống, lộ vẻ vui mừng, xoán xít bảo

- À quí hóa quá, thầy ở đây mà tôi tìm mãi không thấy nhà.

Rồi thu mình lại, ông Mùi ngáp dài mấy cái đoạn bảo:

- Tôi đi tận tang tảng sáng, gió hôm nay vẫn còn lành lạnh !

Tôi không nghe lời ông ta nói, nhìn vào giỏ cò, lẩm bẩm đếm, rồi hỏi:

- Chỉ có bao nhiêu đấy thôi ?

- Thưa thầy trời lạnh, bắt không được, mấy ngày rày tôi dầm mưa chỉ được có tám con nhưng chết mất một và đổi gạo một rồi!

- Nghĩa là ông chưa bán được con nào ?

Ông Mùi lúc bấy giờ cũng đưa mắt buồn rầu nhìn gánh hàng của mình, bỗng nghĩ sao, ông lấy vẻ cười bảo tôi :

- Thầy mở hàng cho tôi nhé ?

Tôi lúng túng chưa biết làm sao thì ông lão cũng dường đoán được ý, bảo :

- Thôi, thầy cho tôi điếu thuốc lào cho ấm bụng.

Nhắc đến thuốc lào, tôi nhớ đến cử chỉ ngang nhiên của ông ta ở trong quán hôm trước. Tôi so sánh hai hình ảnh, tôi thấy ông Mùi hôm trước với ông Mùi hôm nay khác nhau nhiều lắm.

Răng ông vì lạnh-có lẽ đi ngoài sương đã lâu, mặc dầu đang dừng ở một nơi kín đáo – va nhau cầm cập như người lên cơn sốt - ông chỉ mặc một chiếc áo, cái quần hai ống, vì lá tọa buông xuống quá, nên đã xếch cao lên.

Ông Mùi trừng trừng nhìn tôi, không hỏi nữa. Tôi chạy vào nhà, nhìn vào chiếc họp con đựng thuốc, thì ra, đêm qua thức khuya để viết, tôi đã hút hết cả rồi – Chẳng biết làm sao, mà muốn được bụng ông lão, tôi định mua mở hàng ông một con cò. Khốn nạn, tiền lưng cạn đã hai hôm nay, tôi đành ra với những ý nghĩ quay cuồng vì thất vọng.

Ông ta nhìn tôi như có ý muốn hỏi nữa mà sợ mếch lòng. Tôi âu yếm bảo :

- Sớm mai hết thuốc rồi, mà sai đi mua thì cũng lâu, ông hãy đi bán, chốc lại hút cho đã, và nói chuyện chơi.

Ông lão chất phác cúi đầu chào tôi rồi run rẩy gánh đi, ông lại cất tiếng rao :

Một giờ sau, giọng rao của ông lão bán cò ở đằng kia lại lanh lảnh đi đến gần. Tôi bối rối quá không biết làm sao, chỉ đưa mắt qua khe cửa mà nhòm.

Ông lão đi tới, bây giờ thì bước đi nặng nề hơn trước, tiếng rao đã rời rạc và gương mặt ông như ẩn vẻ căm tức điều gì ! Có lẽ ông căm tức tôi lắm thì phải, vì ngang qua nhà thấy cửa đóng, ông lão cau mày lại, hai hàm răng sít vào nhau, trông dữ tợn lạ thường. Ông nhìn thẳng vào chỗ tôi đang núp ngó, miệng lẩm bẩm như nguyền rủa, ông quảy gánh nặng nề đi. Tôi đếm trong giỏ vẫn còn đủ sáu con cò

Thoát tội rồi, nhưng lương tâm tôi như không chịu tha thứ cho tôi, bắt tôi phải đau đớn xót xa, nhất là cuối phố vẫn còn vọng lại :

- Ai mua còoo !

Tiếng rao như đầy vẻ căm hờn ai oán.

Bạn ạ, ngày hôm nay giá lạnh từ ngoài hồn cho chí trong hồn, khí lạnh của một ngày cuối mùa, mà những ngày cuối mùa lạnh lẽo như thế này đều nhắc lại cho tôi nhớ đến ông lão bán cò trên kia, tôi nhớ rõ lắm, từng cử chỉ ông ta, từng điệu bộ ông ta, ở trong quán, ở trong phố, tôi cảm thấy lòng tôi, đã tê tái, lại càng tê tái thêm.

Bạn hãy thương tôi, vì tôi là một tội nhân bị lương tâm cắn rứt, mỗi lúc gió lạnh tê tái thổi vào người như có ý nhắc lạị hình ảnh ông lão bán cò ấy. Bạn không cần phải tha thứ nữa, vì tôi không đáng tha thứ trong tuồng gió lạnh thổi làm tê buốt đôi tai, tôi nghe, phải tôi nghe rõ ràng lắm :

- Cò, ai mua cò ?

Rồi trước mắt tôi hiện ra cái giỏ đựng sáu con cò còn nguyên không bán được, đeo nặng trĩu trên vai ông lão run rẩy đi trong màn bụi bay từng lớp, từng lớp./.


TTTN số 1 
















Nguyễn Khải, Yến Lan, ........











 Và những tác phẩm khác






(thơ)


(thơ)


(tuyển thơ)


(thơ)


(thơ)


(truyện ngắn)


(ký)


(thơ)


(thơ)


(ký)


(tạp văn)


(truyện ngắn)


(truyện ngắn)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(tạp văn)


(thơ)


(văn hóa)


(tạp văn)


(tạp văn)


(thơ)















Vợ chồng nhà thơ Yến Lan









Vợ chồng nhà thơ Yến Lan và con gái


















Trở về 


MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả. 
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.