Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Hoàng Khởi Phong










Hoàng Khởi Phong

(1943 - .......) Hải Dương
Tên Thật: Nguyễn Vinh Hiển
Nhà văn, Nhà báo










Làm người đã khó
Làm người viết còn khó hơn
HKP






"Tôi mong mỏi mọi người đọc sách, bất cứ là quyển sách nào. Xin hãy đọc bằng lòng yêu chuộng văn chương, kế đó là bằng tấm lòng mở ra chứ không khép lại. Hãy đọc sách vì lòng yêu chữ nghĩa. Hãy để những ông chính ủy, những người bảo vệ chính nghĩa, bất cứ là chính nghĩa nào ở bên ngoài những quyển sách văn chương."

HKP 





Hoàng Khởi Phong tên thật là Nguyễn Vinh Hiển, quê quán Hải Dương, Bắc Việt. Theo gia đình vào Nam năm 1955. 
Cựu học sinh trường Chu Văn An Sài Gòn.
Bắt đầu viết văn từ 1963, năm bị động viên vào Trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức.
1967, ra mắt tập thơ đầu tay Mặt Trời Lên do nhà xuất bản Đại Nam Văn Hiến ấn hành tại Sài Gòn.
Sau 30/04 sống ở nước ngoài và cùng với Hoàng Chính Nghĩa thành lập nhà xuất bản Bố Cái năm 1977 tại Nam California, nhà xuất bản sách chữ việt đầu tiên của người Việt tại Hoa Kỳ.
Năm 1993 chính thức sống bằng ngòi bút khi phụ trách trang Văn Học cho Nhật Báo Người Việt và đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tạp chí Văn Học từ 1992 đến 1994.
Năm 2003 xuất bản phần đầu bộ trường thiên tiểu thuyết Người Trăm Năm Cũ (dự định trọn bộ 4 quyển, hoàn tất vào năm 2013).








Tác phẩm đã xuất bản








Thơ






1
Mặt Trời Lên
nxb Đại Nam Văn Hiến (1967)








2

Phục Hồi Quyền Chức Làm Người
Tác giả tự xuất bản (1970)








3

Tuyển Tập Thi Ca 1975 - 1977
In chung với 7 nhà thơ khác
nxb Bố Cái 























Truyện










4
Trong Hoàn Cảnh Khác
Tập truyện ngắn
Tác giả tự xuất bản (1973)












5
Ngẩng Mặt Nhìn Trăng Sáng

Tập truyện Hoàng Khởi Phong & Hoàng Chính Nghĩa 
nxb Bố Cái (1978)











6
Ngày N + .... 

Hồi Ký 
nxb Văn Nghệ (1988)










7
Thư Không Người Nhận 
Tập truyện 
nxb Thời Văn (1991)











8
Những Con Chuột Thời Thơ Ấu
Tập truyện 
nxb Người Việt (1995)










9
Viết Lên Trời Xanh
Tập truyện 
nxb Văn Khoa (1997)










10
Quán Ven Sông
Tập truyện 
nxb Thời Văn (2001)












11
Cây Tùng Trước Bão
Ký sự nhân vật 
nxb Thời Văn (2001)














12
Người Trăm Năm Cũ
Trường thiên tiểu thuyết
Quyển 1 & 2  
nxb Người Việt  (2003)











13
Đất Và Người
Truyện ngắn & Tùy bút 
nxb Tự Lực (2012)










14
Gối Đầu Lên Chữ Nghĩa
nxb Văn Mới



















Trương Thị Thịnh vẽ HKP









Phỏng vấn






Nguyễn Mạnh Trinh / Hoàng Khởi Phong:
"Cá nhân tôi bỏ đi không có gì đáng tiếc"




Nguyễn Mạnh Trinh (NMT): Ðối với chiến tranh Việt Nam, qua nhiều thời điểm từ 1970 cho tới nay 1989 hình như ở nơi anh có sự thay đổi cảm xúc cũng như suy nghĩ? 

Hoàng Khởi Phong (HKP): Khi tôi còn trẻ đi lính xa nhà, tuy buồn nhưng tôi không thể nào ngửi nổi những bản nhạc kiểu tâm lý chiến rẻ tiền như: «Anh là lính đa tình», «Kẻ ở miền xa», «Tiền lính tính liền», «Ðám cưới nhà binh».. .. Nhưng binh sĩ của tôi thì khác, họ hát ỏm tỏi mỗi bài hát suốt một hai tháng. Tôi rất ghét những anh thợ hát trốn lính, khi đi hát thì lại hay mặc đồ dù, đồ bông, đồ bay, đồ.. ..lặn. Cho tới một hôm cách đây mười năm, tôi ngơ ngẩn trong một khu thương mại của người Việt trên đất Mỹ, trong một dịp đi hội chợ Tết. Cũng vẫn những anh thợ hát đó, vẫn đồ dù, đồ bông, đồ bay, đồ.. ..lặn đó, vẫn «Kẻ ở miền xa» (bây giờ thì xa tuốt mù khơi), vẫn những lời hát ngô nghê, ngớ ngẩn của nhiều năm trước. Tôi nhìn lại những bộ dạng, nhân dáng đáng ghét đó, tự nhiên quặn đau trong lòng. Cả một trời xa đổ về, cả một thời cũ ùa tới. Tôi thấy thương thân mình, thương cả mấy anh thợ hát, cả những bài hát xưa đã nhiều lần làm tôi lộn tiết. 


Anh có thể kể những đụng chạm với chiến tranh, với chết chóc trong đời sống hậu cứ của anh? 

HOÀNG KHởI PHONG : 

Trong đời binh nghiệp gần 13 năm, tôi có mặt ở đủ bốn vùng chiến thuật. Tôi làm việc ở 15 tỉnh, một hải đảo. Có nhiều chỗ tôi đổi tới làm việc vài ba lần, như Pleiku năm 65, 70 và 75, Biên Hòa năm 64 và 69, Vũng Tầu 2 dạo.. .. Phần lớn những thuyên chuyển của tôi đều là bị phạt, khi thì vì vô kỷ luật thật, khi thì vì không chịu làm một cái bánh xe trong một guồng máy. Tôi là lính chuyên môn. Nếu kẻ tiểu ẩn ẩn mình trong thâm sơn cùng cốc, kẻ trung ẩn náu mình nơi chợ búa phố phường và kẻ đại ẩn nương mình trong chốn triều đình thì tôi là kẻ.. .. đại trốn lính, chuyên bắt những người khác đi lính. Nếu tôi nói tôi đánh giặc ghê gớm lắm thì các ông Cao Xuân Huy (Thủy Quân Lục Chiến), Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ, Khánh Trường (Nhảy Dù), Nguyễn Ý Thuần (Biệt Động Quân) sẽ cười. Nhưng quả thật trước 75, về chuyện giáp mặt kẻ thù thì các ông vừa kể không một ông nào theo kịp tôi. Tôi có tới 6 năm phục vụ trong các trại tù binh nên có dịp quan sát người lính của cả hai phía. Quân Ðội Miền Nam thì mỗi lúc mỗi mất đi cái thuần chất chuyên nghiệp và bị chính trị thẩm thấu càng ngày càng đậm. Ngoài ra, tệ trạng bè phái, tham nhũng cũng làm cho nó càng lúc càng giống như một con bệnh bị suy nhược. Còn những kẻ trong hàng rào, họ không phải chỉ ngu ngốc kiểu: «cái nồi ngồi trên cái cốc» hay nói ngọng «nàm nụng, nếu náo, lói mò..» như chúng ta vẫn giễu cợt. Ðằng sau cái đần độn bề ngoài đó, họ là một khối vững chắc, họ là những cái máy người. Gật và lắc do sự ưng thuận hay không của một vài kẻ khác. Họ cũng có những âu lo riêng tư như chúng ta, nhưng phản ứng trước một sự kiện thì đồng bộ. Ðây không phải là sự đoàn kết, mà là sự sợ hãi, muôn người như một. Tôi xót xa cho họ, tôi đau buồn cho những người lính của tôi và cho tôi. Tôi hồi hộp chờ đợi một điều tồi tệ nhưng không bao giờ nghĩ, điều tồi tệ đó lớn đến độ kinh hoàng như năm 75. 


Anh làm thơ phản chiến hồi đó có phải vì bốc đồng tuổi trẻ? Vì thích chống đối để tỏ ra mình tiến bộ? Hoặc vì nhận thức được vài trò tốt thí trong chiến tranh ủy nhiệm? 

HOÀNG KHởI PHONG : 
Tôi dứt khoát là người không «hiếu chiến» nhưng cũng không «phản chiến». Ðiều quan trọng là trận chiến và Tôi thèm làm lính của vua.. .. Quang Trung, tôi thèm làm lính của ông.. .. Ðề Thám. Tôi tiếc là mình quá trẻ để không thể làm một chiến sĩ có mặt tại Chapa, đánh trận Sông Lô, hay có mặt trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. tính chất của trận chiến. Nói tóm lại đó là những trận chiến chống ngoại xâm (vấn đề Quốc, Cộng là một chuyện khác đến sau). Tôi rất mê thơ Quang Dũng: «.. ..Rải rác biên cương mồ viễn xứ -- Chiến trường đi chẳng hẹn ngày xanh.. ..» Vậy thì tôi phản chiến ở chỗ nào? Tôi không phải là một người hùng mũ đỏ mũ xanh nhưng dứt khoát tôi không hèn. Tôi không phải là một sĩ quan gương mẫu nhưng cũng không nhu nhược, nhắm mắt nghe lệnh thượng cấp. Tôi là một người lính, có cơ hội suy nghĩ về mình, về đồng đội, về địch quân. Tôi cố gắng chống trả trong hiện tại, và mơ ước trong tương lai chúng ta có những người chỉ huy đúng nghĩa, có tài có đức. Nếu Miền Nam trụ được thêm 10 năm nữa, tôi nghĩ là chúng ta đã không ngồi tại chỗ đang ngồi ngày hôm nay, lái xe hơi tốt, mặc quần áo đẹp xong rồi cười sằng sặc về vụ «cái nồi ngồi trên cái cốc». 

Tôi không thích chữ «phản chiến». Nhạc của Trịnh Công Sơn nói lên niềm tha thiết của con người với hòa bình và cũng nói lên thân phận bèo bọt của con người trong thời chiến. Mà đã là con người thì ở đâu cũng vậy, ai cũng thích một đời sống bình yên, không chết chóc. Nhạc của Trịnh Công Sơn nếu có làm hao hụt tinh thần chiến đấu của Miền Nam như thế nào thì cũng làm hao hụt tinh thần chiến đấu của quân đội Bắc Việt y như vậy. Vấn đề là Miền Nam đã không vận dụng đúng mức cái chất nhạc u uất này, chẳng những thế chúng ta còn đẩy Trịnh Công Sơn mỗi ngày mỗi xa chúng ta, nên tôi không lấy làm lạ khi năm 1975 anh ta «hân hoan ngã về phía những người thắng trận». 

Bây giờ khi cầm bút, anh có nghĩ mình vẫn là người lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (QLVNCH)? 

HOÀNG KHởI PHONG : 
Nhà văn, nhiêu đó đủ rồi. Tôi có 13 năm ở lính nên hay viết về đời lính, nhưng không phải vì thế mà bây giờ vẫn tự coi mình là một quân nhân. Tôi là một cựu quân nhân QLVNCH, cái này không có gì lợn cợn. Nhưng giờ này mà vẫn muốn là lính, là cấp tá, cấp tướng, vẫn muốn được gọi bằng cấp bậc cũ thì không thể chấp nhận được. Cái mũ casquette của sĩ quan có một cái khiên, trong cái khiên này, ngay chính giữa là phù hiệu của QLVNCH, bên trên có một hàng chữ: TỔ QUỐC, DANH DỰ, TRÁCH NHIỆM. Ðó là ba tín niệm một sĩ quan phải đội trên đầu. Khi còn tại chức, anh đội lên đầu mấy chữ đó hay anh ngồi lên mấy chữ đó? 

Viết về những ngày tàn của cuộc chiến Việt Nam, qua Ngẩng Mặt Nhìn Trăng Sáng, Ngày N+.. .. và Cây Tùng Trước Bão, anh có mục đích gì? Vì dằn vặt của ký ức? Hay muốn từ những sự kiện ấy hướng tầm nhìn và dự phóng tương lai dân tộc Việt Nam? 

HOÀNG KHởI PHONG : 
Mục đích chính của tôi không lớn như anh đặt trong câu hỏi. Nó khiêm tốn hơn, tôi mong cống hiến cho những thế hệ sau một phần nhỏ của SỰ THẬT, những nhà văn khác cống hiến phần của họ. Những thế hệ sau sẽ có cơ hội ráp nối những phần nhỏ SỰ THẬT này, để có một SỰ THẬT tổng hợp của một giai đoạn lịch sử. Họ sẽ thấy những phần nào ÐÚNG, phần nào SAI, họ sẽ có những dữ kiện tốt, để chu toàn bổn phận của họ đối với giai đoạn lịch sử của họ. 

Ngày N+.. .. có phải là một hồi ký? Như vậy có phần nào hư cấu hiện diện ở trong không? Hay tất cả những chi tiết đều là 100% sự thật? 

HOÀNG KHởI PHONG : 
Ngày N+.. .. là một cuốn hồi ký, không có gì hư cấu trong đó. Tôi biết trí nhớ của tôi rất tốt, khiêm tốn thì tôi nhớ được 80%, 20% còn lại có thể là sai, nhưng nhớ lộn thì không phải là hư cấu. Trong trường hợp tái bản, tôi sẽ sửa lại vài chi tiết sai về tên người cũng như sự kiện. Hiện nay tôi biết đã lầm ba chi tiết, trong đó có một chi tiết liên quan đến người em họ tôi là Ðại Úy Ðàm Quang Thức, Nhẩy Dù. Anh ta không chết, đi học tập hơn 10 năm và đã về nhà. 

Có người nói trong Ngày N+.. .. có sự lãng mạn của những bài thơ. Vậy chất thơ ấy có phải là hư cấu? Hay chỉ là cốt lõi ngôn ngữ Hoàng Khởi Phong? 

HOÀNG KHởI PHONG : 
Cũng chỉ là cảnh mặt trời lặn mà có người thấy thê lương, có người thấy huy hoàng, lại có người chẳng thấy một chút ấn tượng nào. Trong cảnh hỗn loạn cùng cực của một cuộc rút lui, nếu viết lại ngay lúc đó, tôi chắc là sẽ có nhiều hình ảnh khác, sẽ có nhiều súng nổ, đạn bay, người chết như ngã rạ. Mười năm sau, những cái còn lại trong đầu chính là những hình ảnh mạnh mẽ nhất, sắc nét nhất và lắng đọng nhất. Nếu nó lãng mạn như một bài thơ, thì điều đó có nghĩa là ngay cả chiến tranh và cõi chết cũng có chất lãng mạn, chất thơ của nó. 

Từ Ngửng Mặt Nhìn Trăng Sáng cho tới Ngày N+.. .., anh có sửa đổi thêm thắt gì không? Sự thêm thắt ấy do nhớ lại nhiều chi tiết hơn hay là trộn lẫn thêm những suy tưởng và cả những hư cấu cần thiết? 

HOÀNG KHởI PHONG : 
Phần đầu của Ngày N+.. .. (Pleiku -- Tuy Hòa) gồm 70 trang giữ nguyên từ Ngẩng Mặt Nhìn Trăng Sáng. Phần hai (Qui Nhơn -- Phú Quốc) và phần ba (Sài Gòn -- Subic Bay) và lá thư gởi cho các em học sinh của Trường Tiểu Học Vườn Hồng được viết sau này. Lí do là khi thực hiện Ngẩng Mặt Nhìn Trăng Sáng, số tiền của nhà xuất bản Bố Cái dành cho cuốn sách đó của Hoàng Chính Nghĩa và tôi chỉ có thể in được bấy nhiêu. Ngày đó in tại nhà in Mỹ đắt gấp ba bây giờ in tại nhà in Việt. Sau này nhà Văn Nghệ muốn tái bản cuốn đó, tôi đề nghị để tôi viết trọn vẹn cuốn sách mà 10 năm trước tôi chỉ in được một phần thật nhỏ. 

Một đoạn trong Ngày N+.. .. anh viết về những em Thiếu Sinh Quân ở Pleiku, trong ngày di tản, hoặc các em Hướng Ðạo Sinh dắt dìu nhau ở Liên Tỉnh Lộ 7B, những đoạn ấy rất cảm động. Từ những trường hợp ấy, anh nghĩ gì đến những đứa trẻ trong đời sống hôm nay? Và liên tưởng nào khác xa hơn những cảnh anh đã chứng kiến? 

HOÀNG KHởI PHONG : 
Hơn một thế kỷ, các thế hệ trẻ thơ của nước ta đã quen thuộc với chiến tranh từ thời thơ ấu, đến độ nhìn súng đạn như đồ vật quen thuộc trong nhà. Ðến khi khôn lớn, được người ta nhét một khẩu súng vào tay thì không thấy nó là một vật bất tường. Kiểm điểm lại, trong thế kỷ 20 này người Việt tham dự bao nhiêu cuộc chiến tranh? Chống Pháp, chống Mỹ, chống lẫn nhau, rồi đánh Tầu, đánh Cao Miên. Ấy là chưa kể thời gian chống Nhật và một trận đánh ít người nhớ là chống Liên Quân Anh--Ấn khi đoàn quân này vào giải giới từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam. Thử hỏi trong thế kỷ 20 này, có trẻ thơ nước nào như trẻ thơ nước Việt không? 

Nếu có người đề nghị mang lá thư anh gửi cho các em học sinh của Trường Tiểu Học Vườn Hồng lên đầu cuốn Ngày N+.. .., anh nghĩ thế nào? Có phải đó là một phương cách mở đầu quyển sách với ấn tượng mạnh? 

HOÀNG KHởI PHONG : 
Lá thư gửi cho các em học sinh của Trường Tiểu Học Vườn Hồng phải ở cuối, bởi cuốn sách không nên đóng lại bằng những đớn đau, ê chề, nhục nhã. Cá nhân tôi bỏ đi không có gì đáng tiếc, nhưng tôi còn một chút hy vọng vào tương lai của xứ sở. Quốc gia chúng ta đã từng bị Bắc Phương đô hộ cả ngàn năm, đã bị Tây Phương cai trị cả trăm năm, mà nước Việt vẫn tồn tại trên bản đồ thế giới. 

Chúng ta mới có một cuộc chiến Nam Bắc 20 năm, nhưng chúng ta đã từng có một cuộc tương tranh Trịnh Nguyễn kéo dài tới hai thế kỷ. Lịch sử không bao giờ ngưng lại tại đây. 

Ðây chỉ là một giai đoạn lịch sử bất lợi cho miền Nam, cho toàn thể dân tộc. Tôi gửi những hy vọng của tôi qua tập sách này, đến các thế hệ kế tiếp. Tôi hy vọng họ sẽ thấy được những sai lầm của thế hệ chúng ta, ngõ hầu họ có thể tránh được những điều làm phương hại đến vai trò của họ, trong giai đoạn lịch sử sắp tới. Do đó trước khi được ngỏ lời với họ, tôi phải có can đảm đi qua những vũng bùn của chính tôi. 

Những tác phẩm khác của anh như Thư Không Người Nhận, Thư Gửi Người Bạn Cũ, Cháo Lú.. .. có thể sắp vào loại nào? Tạp ghi? Tùy bút? Nghị luận chính trị pha lẫn với văn chương? 

HOÀNG KHởI PHONG : 
Cả loạt bài anh đề cập đến có nhiều chất chính trị, nhưng điều quan trọng không phải là xếp nó và loại nào, mà là tôi làm bật được cái gì trong đó. Theo tôi một nhà văn không nhất thiết phải có hành vi chính trị, nhưng trong thời điểm của chúng ta, nhà văn phải có ý thức về chính trị. Ðây cũng chính là điểm mà anh Nguyễn Mộng Giác đôi lần tỏ ý băn khoăn về tôi, bởi vì đối với phần lớn các nhà văn, chữ «chính trị» bao hàm những ý nghĩa không mấy tốt đẹp. 

Ðối tượng của anh khi viết những bài văn trên là ai? Có phải là sẽ đi xa hơn là những tâm sự với những người thân, với Trần Hữu Lục, Vị Ý.. .. 

HOÀNG KHởI PHONG : 
Thời điểm chúng ta đang sống là một thời điểm thật lạ lùng và phức tạp. Chúng ta có thể bị quất ngã bởi một nghìn thứ. Trước tiên hết là hai phe Quốc và Cộng, phe nào cũng có thể đốn con người quỵ xuống như đốn một cây chuối. Xã hội miền Bắc có những khó khăn của họ, và xã hội trong Nam có những khó khăn khác. 

Thư gửi một người bạn văn có thể là những suy nghĩ giữa Trần Hữu Lục và tôi, có thể giữa anh và một nhà văn nào đó còn ở lại quê nhà, có thể giữa bất kỳ một nhà văn nào ở đây với một nhà văn phía bên kia. Nếu chúng ta nhìn rõ mình đang ở đâu trong cơn biến động này, và giới hạn những hoạt động của mình trong những gì mình có thể làm tốt, như thế là chúng ta đã tiến được một bước về phía hành trình tìm lại chính mình. 

Chiến tranh thì quá lớn, trong góc nhìn hạn hẹp của mỗi nhà văn, nếu còn để những thiên kiến, đố kỵ, hẹp hòi, thiển cận.. .. chi phối thì viết làm chi. Chúng ta là nhà văn, nhà văn Việt Nam ít người giầu có. Nhà văn chỉ có mỗi một tấm lòng, do đó tôi muốn mở toang nó ra và không ngần ngại đem chính mình ra làm một ví dụ. Xấu hay tốt cũng tùy vào các sự kiện, và bởi cách nhìn của những tấm lòng khác. 

Chuyện 30--4--75 có phải là chuyện dài Nhân Dân Tự Vệ không? Nếu có người tiếp tục viết về đề tài ấy, anh nghĩ sẽ có sự nhàm chán của độc giả không? (Xin loại trừ các cuốn hồi ký viết theo đơn đặt hàng, hay những lời chối quanh quẩn) 

HOÀNG KHởI PHONG : 
Chuyện 30--4--75? Nếu chúng ta còn một chút liêm sỉ, thì chúng ta phải giở trang sử u buồn này một cách nghiêm túc. 

Tôi viết cuốn Ngày N+.. .., không phải để bào chữa cho những hành vi của tôi, mà để nói lên những gì liên quan đến 45 ngày cuối cùng của tôi tại miền Nam, và tôi cũng tin rằng có nhiều người khác viết hồi ký về giai đoạn này, với một trái tim thắt lại. 

Về phía những người đọc, sau 15, 20 năm ổn định nơi xứ người, có nhiều người không muốn quay đầu nhìn lại, mà muốn xóa hẳn cái ký ức của giai đoạn u buồn tang tóc này. Tôi thông cảm với họ, đôi khi người ta phải quên đi để mà sống thanh thản. Tôi cũng biết có một số hồi ký được viết với thiên kiến lệch lạc, đổ tội quanh quẩn. Làm thế nào được, đến giờ này vẫn còn nhiều người ca tụng ông Thiệu là danh tướng, ông Khiêm, ông Viên là danh tướng. Ông Kỳ thì xui hơn, không được ai ca tụng là danh tướng, chỉ vì ông đã hết tiền, đã một lần khai «bankrupcy». 

Nhưng ông Kỳ đích thân viết một cuốn hồi ký cho ông, nên không cần những người khác viết hộ. Giờ này mà viết ca tụng các ông Thiệu, Khiêm, Viên, Toàn, Quang.. .. là danh tướng thì chẳng những hết thuốc chữa, mà còn là một hành vi phỉ nhổ vào những nấm mồ hoang vô chủ của những người lính vô danh, đã nằm xuống trong khi bảo vệ các phần đất càng ngày càng ngày thu hẹp lại, cũng như những người dân chết oan trong thời điểm tháng 4--75. 

Tôi không nghĩ là có sự nhàm chán của độc giả với những cuốn sách được viết bằng sự chân thành. Những ai muốn quên thì đã không đọc, có gí vào tận mắt họ cũng quay đi. Còn những độc giả muốn nhìn cho rõ sự thật, họ sẽ tìm đọc. Lấy ví dụ cuốn sách của anh Cao Xuân Huy, không đọc nó thì thôi, đã «bặp» được vài trang thì sẽ phải đi cho kỳ hết cuốn sách. 

Ðôi lúc tôi có cảm giác hình như thảm kịch đến từ phía đối phương ít hơn thảm kịch đến từ phía chúng ta đối với chúng ta. Ðừng bắt Nhân Dân Tự Vệ phải xấu hổ về sự thất bại của cả miền Nam. Nhân Dân Tự Vệ đâu có tầm vóc, kích thước lớn quá vậy? 

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác có nhận xét anh là người đi chênh vênh giữa suy tưởng và hành động, giữa lý thuyết và thực tế, mong tạo dựng một guồng máy khác với guồng máy hiện nay và khao khát hành động. 

HOÀNG KHởI PHONG : 
Anh Nguyễn Mộng Giác và tôi giao thiệp với nhau qua nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, đến nay cũng đã trên 20 năm. Anh Giác có một lúc nào đó sợ tôi sao lãng việc viết và sa chân vào con đường hoạt động chính trị. Ngày đó chúng tôi còn trẻ, mới 25, 26 tuổi đầu và mơ đội đá vá trời. Tôi thấy chính quyền miền Nam mỗi lúc mỗi xa chính nghĩa dân tộc, do đó trong thâm tâm, tôi mong có một sự thay đổi lớn. Nếu có sự tiếc nuối nào thì tôi tiếc là mình chưa bao giờ đích thực dấn thân. Nơi đây, bây giờ (1995) việc dấn thân trong lãnh vực chính trị đôi lúc làm cho tôi.. .. buồn cười. Tôi biết có những nhân vật cùng một lúc có mặt trong 5, 6 đoàn thể. Chỉ cần có mặt thôi, vì nhiều khi cuối tuần buồn chẳng biết đi đâu. Nhiều người lớn tuổi sợ rằng đời đã quên mình, nên hốt hoảng hành động, nói năng như người lên đồng. Nơi đây có những trò «chích máu ăn thề». Máu thì chích được một giọt, thề thì ăn toàn cao lương mỹ vị. Bây giờ tôi hết còn muốn dấn thân, nhưng những suy nghĩ thì không thay đổi được.

Anh có để ý đến những sinh hoạt chính trị bây giờ? Nếu có, anh nghĩ sao về những điều sẽ làm thay đổi thời thế hôm nay? 

HOÀNG KHởI PHONG : 
Chúng ta là những kẻ đã chạy trốn tổ quốc, bởi không thể chịu nổi cái khung cảnh mà hơn 2000 năm trước Khổng Tử gọi là: «hà chính mãnh ư hổ». Chúng ta chọn lựa tự do, cho dù tự do chỉ là những ý niệm vô cùng trừu tượng. Nói một cách khác: Chúng ta phải bỏ nơi phải bỏ, và tới nơi phải tới. Chỗ phải bỏ mới gần là địa ngục, chỗ phải tới thì không hẳn là thiên đường. Do đó mà có một số đông chúng ta sống ở đây, mà hồn thì ở nơi khác. Những người nào đã tìm thấy thiên đường nơi đây, thì không còn gì phải bàn. Còn những ai đột nhiên một buổi sáng tỉnh dậy, thấy hoa đào nở ở nơi góc vườn mà lòng quặn lại, nhớ tới những cánh mai vàng của chốn cũ; nhìn những cơn mưa rào gõ vào kính xe bỗng thấy ẩn hiện những đứa trẻ tắm mưa, cởi truồng chạy luông tuồng trong con ngõ hẹp; nửa khuya thức giấc chập chờn như nghe tiếng rao quà ban đêm, và mỗi năm cứ đến ngày 30 tháng Tư, không muốn tham gia bất cứ một cuộc hội họp nào, cứ lủi thủi trong căn phòng hẹp, hay leo lên xe tìm đến một chỗ vắng người; những người đó không thể không nghĩ đến chính trị. 

Nhưng bước vào vấn đề này, chúng ta bước vào một mớ chỉ rối nùi. Chưa bao giờ chúng ta có nhiều nhân sĩ cộng đồng như thời điểm hiện tại. Những nhân sĩ này mặc đồ lớn, xuất hiện ở chốn quan, hôn, tang, tế và chờ dịp lên micro phát biểu. Bây giờ chúng ta có tới 12 đài phát thanh, tôi lắng nghe nhiều lời phát biểu trong các cuộc hội luận chính trị trên làn sóng phát thanh, mà lỗ tai lùng bùng cả ngày. Tôi phục những vị phát biểu đầu Ngô mình Sở này ở chỗ họ là những người.. ..can đảm. Có nhiều lần tôi được thấy những lá cờ Việt Nam Cộng Hoà được may lên áo dài, cà vạt. Một lần trong hội chợ Tết tổ chức tại Pomona, tôi thấy một phụ nữ Mỹ cao, to, béo, trắng, mặc áo dài mầu vàng, ba sọc đỏ chạy vắt chéo ngang ngực, và tay ôm một con chó nhỏ xíu đi ve vẩy. Hình ảnh này trông vô cùng giễu cợt, lạ một điều là những nhân sĩ cộng đồng tổ chức hội chợ này không một ai cảm thấy khó chịu, và dường như họ còn hãnh diện đi bên cạnh người phụ nữ Mỹ phốp pháp ôm con chó nhỏ ấy, cười tươi như hoa những khi được chụp hình. Có một ông ca sĩ thuộc vào hàng lính kiểng ngày xưa, bây giờ đã trở thành thi sĩ, mỗi khi đi biểu tình còn sơn mầu cờ lên mặt. Tôi đã nhiều lần đưa tay lên vành mũ, lên chỗ ngang chân mày, ngước nhìn lá cờ đó bay lượn giữa trời xanh. Nó đã phủ lên quan tài của cả triệu người trong cuộc chiến. Nếu thật sự lá cờ đó ngự trị trong lòng chúng ta, thì không cần phải may lên áo, cà vạt, vẽ lên mặt lên trán, mà hãy ghi thật sâu trong tim, trong óc. Tôi nghe các bạn sang sau kể lại: Nhiều sĩ quan Quân lực Việt Nam cộng hoà, trong thời gian đi tù cải tạo, thà bị biệt giam, bỏ đói vài ngày, chứ không chịu lấy cờ may quần đùi. Tập quán của người Mỹ cho phép dùng quốc kỳ để may xi líp, nhưng với chúng ta thì không nên làm như thế. 

Tôi chưa bao giờ thấy nhiều lãnh tụ như hiện nay, có cảm giác như mỗi ngày gặp hàng trăm lãnh tụ, nhiều như thế e rằng không phải của thật. Lịch sử đã một thời có 12 sứ quân, bây giờ chúng ta có trăm, ngàn, vạn, mớ sứ quân. Chỉ tiếc rằng các sứ quân hôm nay đã hiếm tài, lại ít đức (Tôi nói có bằng chứng. Anh cứ chỉ cho tôi một sứ quân, tôi sẽ có cả chục bằng cớ của các sứ quân khác hạch tội). Trong chính trị chúng ta đang lạm phát lãnh tụ, thì cũng hệt như trong văn chương chúng ta đang ở vào triều đại thổi sáo bầy. Hãy lấy một con số khiêm nhường, trong hàng trăm lãnh tụ hiện nay đang bí bí, mật mật, đang hô hào, đang diễn thuyết, có bao nhiêu người thực sự làm công việc chính họ đang hô hào? Khi đặt nghi vấn như vậy, tôi biết rất rõ có nhiều người chống cộng vì sợ người đời quên mất cái địa vị cũ của mình. Có nhiều người chống cộng vì business, và thiếu gì người vì cái danh hão để được lòng người đẹp. Lấy ví dụ cụ thể: Vấn đề bang giao giữa Mỹ và Việt Nam. Việc này ảnh hưởng đến tất cả mọi người, trong nước cũng như ngoài nước, chống cộng hay không chống cộng, hoạt động chính trị hay không hoạt động chính trị. Nếu chúng ta chống việc bang giao, thì tại sao chống? Nếu cổ võ thì tại sao cổ võ? Những dấu hiệu của việc bang giao đã có từ nhiều nhiệm kỳ Tổng Thống Mỹ, thế mà ngày Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận, tôi đã nghe một lãnh tụ cộng đồng cho biết là ông ta bị «sốc». Không thể bị sốc trong khi hoạt động chính trị, phải tỉnh táo và chủ động trong việc làm. Không thể hoạt động chính trị trong cung cách hết sức thụ động, chờ coi người Mỹ làm gì. Nhiều người hoạt động chính trị còn giữ được nguyên vẹn tính nô lệ, trông chờ người Mỹ bật đèn xanh hay đỏ, rồi mới án binh bất động hay xắn tay áo vào việc. Ðối với cộng sản cũng chờ coi họ làm gì rồi mới có phản ứng. Tôi không đặt vấn đề chống hay thuận trong việc bang giao. Tôi đặt vấn đề nếu Hoa Kỳ và Việt Nam bang giao thì phải làm gì? Các đoàn thể và đảng phái chính trị hễ đăng đàn thuyết pháp thì luôn luôn kêu gọi đoàn kết, thế có nghĩa là chúng ta đang chia rẽ cùng cực. Hãy mở các tờ báo, lắng nghe các đài phát thanh để ước lượng được sự chia rẽ trầm trọng đến như thế nào. 

Viết với anh có phải là một nhu cầu cần thiết? Hay chỉ là một việc làm cợt đùa cho qua ngày ở xứ người? 

HOÀNG KHởI PHONG : 
Thú thật với anh, chính tôi cũng không biết rõ điều này. Có lúc tôi thấy mình đáng bị «bỏ» vào thùng cất kỹ, do đó trong vòng mười năm liền tôi không viết một chữ nào. Thời gian làm nhà xuất bản Bố Cái, tôi nhìn thấy sách của mình bị bầy bán tại những cái kệ trong các chợ thực phẩm Việt Nam, cạnh mắm tôm, nước mắm. Có thể với một số người nào đó, văn chương của tôi làm mắm thêm nặng mùi. Cho dù có như thế thật tôi cũng xấu hổ và thu sách về. Văn chương tôi có dở, tôi cũng không nỡ nhìn thấy nó nằm đó. Dường như tại đây, có nhiều người khéo làm ăn, tài xoay trở, kiếm được rất nhiều tiền, và dùng tiền để mua một cái danh hão. Danh hão nào dễ mua cho bằng cái danh «nhà văn, nhà thơ». Viết xem chừng cũng dễ, có tiền in sách ra, mời bạn bè đến ra mắt, có ăn, có dạ vũ, khéo khích động thì lại thu vốn về ngay trong lần ra mắt, rồi có phóng sự đăng báo, hàng vài chục tấm hình chi chít mấy trang báo, ai nấy đều ăn mặc như tài tử xi nê. Kế đó lại được vài nhà văn «cổ thụ» chuyên về khen, viết bài tường thuật. Tôi đã thấy một cuốn sách hơn hai trăm trang, có tới 40 người viết lời khen, in ngay trong cuốn sách, được các nhà văn lớn, nhỏ ấn chứng văn tài, ví với Nguyễn Du, Ðoàn Thị Ðiểm, Bà Huyện Thanh Quan.. .. ai ai cũng được chụp hình bên cạnh lời khen của mình, thành thử cuốn sách giống như một sưu tập hình ảnh nhiều hơn là một tác phẩm văn chương. Lại thêm mấy ông «đàn anh văn nghệ», ông nào khó tính và tưởng rằng mình ôm được cái «chiếu văn học» khi di tản, đuổi các người viết mới như đuổi tà. Có ông lại quá dễ tính, mang «chiếu văn học» ra, «ấn» mọi người ngồi xuống. Mấy ông dễ tính này cứ sờ vào ai là người đó thành nhà văn, nhà thơ ráo trọi. Việc lạm phát các nhà văn, nhà thơ làm cho văn chương dễ bị phá sản. Ðó là lý do có một thời gian tôi thấy mình không nên léo hánh tới chữ nghĩa. Tôi không bao giờ có ý định bỡn cợt với chữ nghĩa, nhưng tôi cũng không cho việc viết là một nhu cầu tối cần thiết. Ðiều quan trọng là mình viết cái gì, và quan trọng hơn nữa là phải viết cho tới, cũng như phải giữ được cái liêm sỉ tối thiểu của người cầm bút. Cái liêm sỉ tối thiểu này hạn hẹp trong việc cầm bút mà thôi. Tôi không đòi hỏi nhà văn phải là một nhà đạo đức, nhưng tôi đòi hỏi nhà văn không thể vì một mối lợi mà bẻ quẹo ngòi bút của mình, càng không thể vì phe nhóm, mà chụp mũ người này, ca tụng người khác. 

Anh có luôn luôn suy nghĩ, bây giờ chúng ta phải cầm bút như thế nào? 

HOÀNG KHởI PHONG : 
Nếu một nhà tu lên đường bằng niềm tin, thì nhà văn phải lên đường lòng chân thật. Vấn đề của những người cầm bút lưu vong chúng ta lại khác hẳn. Thực tế thì làm nhà văn quả có «dễ ẹc», nên nơi đây chúng ta có nhiều loại nhà văn. Ở đây không một ai vì viết văn mà bị dọa bỏ tù, cúp hộ khẩu, đuổi sở, công an áo vàng nhòm ngó, con cái không bị đuổi trường. Nhưng nếu không thích viết văn, thì cũng không một ai gí súng vào màng tang bắt phải viết. Chúng ta có những nhà văn chuyên về quảng cáo, nhà văn chuyên về đánh đấm, nhà văn chuyên về thời trang, chuyên về điện ảnh, thẩm mỹ và dĩ nhiên rất nhiều nhà văn chống cộng. Một trong những cách hữu hiệu nhất để chống lại bạo quyền là hãy làm tốt những gì mình phải làm, không nhất thiết là nhà văn, ai nấy đều làm đúng công việc của mình, tạo thành một cộng đồng có sức mạnh cụ thể, chứ không phải một cộng đồng cãi nhau ngày này sang tháng khác, năm này sang năm nọ như hiện nay. 

Vị nghệ thuật? Vị nhân sinh? Dấn thân? Viễn mơ? Anh có lựa chọn nào trong khi phác họa chủ đích cho bài viết của mình? 

HOÀNG KHởI PHONG : 
Vị nghệ thuật cũng được, vị nhân sinh cũng được, mà vị tiền cũng chẳng sao. Dấn thân cũng thế, viễn mơ cũng vậy. Khi viết phải biết mình định viết cái gì, định viết cho ai và quan trọng nhất là phải viết cho hay, cho tới, cho đạt. Nếu viết không tới, không đạt thì vị cái gì, viễn.. ..thân hay dấn.. ..mơ cũng vất, cũng vô ích. Nên dành thì giờ làm nghề khác có lợi hơn là viết văn, vừa làm mình hao hụt thì giờ và tiền bạc, vừa làm người đọc cũng hao hụt y như.. ..người viết vậy. 

Lúc này, qua 30 năm sinh hoạt văn chương của anh, anh có vẻ viết hăng nhất. Ðộng lực nào đã thúc đẩy? Vì cần thiết của thời thế? Vì yêu văn chương hơn sau một thời gian chán nản? Vì nhìn thấy được những tia nắng mới? 

HOÀNG KHởI PHONG : 
Tôi không viết trong mười năm liền, mỗi lần nhìn thấy các bạn văn có sách mới, tôi đều thấy thèn thẹn. Người xưa có câu: «Sĩ phu ba ngày không đọc sách, soi gương thấy mặt mũi khó coi». Là một nhà văn mà mười năm liền không viết, soi gương không còn là khó coi nữa, mà là tởm lắm, nếu vẫn cứ tìm mọi cách chường cái mặt nhà văn không viết của mình trong mọi chốn đông người. Ðúng như thế, hiện nay tôi có nhu cầu viết, tôi đang sống bằng nghề cầm bút, với một số lương tươm tất cho một mình tôi. Tôi không có nhu cầu nhiều, nhà không có, xe cũ không bảo hiểm, không ăn nhậu, không nhẩy đầm, không cờ bịch, quả tình tôi đang sung sướng với một số lương khiêm tốn so với những người làm sở Mỹ. 

Còn nhìn thấy tia nắng mới? Không. Hiện nay chúng ta đang ở trong một con đường hầm tối như bưng. Chính trị tối theo kiểu chính trị, văn học tối theo kiểu văn học, và ngay cả thương mại, cứ nghe đài, xem cách quảng cáo của các thương gia Việt Nam là thấy ngay về thương mại chúng ta cũng không sáng sủa gì. Bây giờ hành vi viết của tôi cứ cho là đang lần mò trong bóng tối, đi được bước nào hay bước ấy, lết tới trước, may ra có một ngày nhìn được ánh sáng nơi miệng hầm. Trên năm mươi thì khó ra khỏi căn hầm này, nhưng có thể nhìn thấy được một chút ánh sáng le lói cuối đường hầm. 

Thói quen của anh khi viết? Nơi chốn, thời gian, điều kiện thích hợp để viết? 

HOÀNG KHởI PHONG : 
Tôi làm việc thợ tiện, ca đêm, để cho không buồn ngủ, mỗi khi bấm cái nút cho máy chạy, tôi ngồi xuống và nghĩ ngợi xa gần, riết rồi tiếng máy không còn ứng được vào trí tôi. 

Cuốn Ngày N+.. .. được viết trong xưởng tiện, cuốn Thư Không Người Nhận được viết trong lúc bán hàng chợ trời, không có khách. Phần đầu của Người Trăm Năm Cũ được suy nghĩ và viết trong những lúc lang thang trên đường, suốt hai năm trời không có một địa chỉ nhất định. 

Trước kia viết bằng bút, tôi có thể viết tại bất cứ chỗ nào, bàn ăn, ghế đá công viên, trên tay lái xe, nằm dài trong sa--lông phòng khách, ghi chép cả trong phòng vệ sinh. Bây giờ viết bằng máy vi tính, nên phải ngồi vào bàn cẩn thận hơn, thế thôi. Tôi không kiểu cách phải có phòng yên tĩnh, vì trong khoảng 15 năm nay tôi không bao giờ có một căn phòng cho riêng mình. 

Anh có ước mơ nào cho tác phẩm của mình? 

HOÀNG KHởI PHONG : 
Mơ ước? Có chứ. Nhưng không mơ ước cho một mình tôi. khác. Bối cảnh chiến tranh Việt Nam có dư kích thước cho một tác phẩm lớn, không một chút mặc cảm nhược tiểu so với văn học của toàn thế giới. 

Chính trị, quân sự, kinh tế, kỹ thuật mới có vấn đề cường nhược, chứ còn văn học thì không có đại cường và nhược tiểu. Ðiều quan trọng là nhà văn phải làm việc nghiêm túc hơn là mê mải lo chức chủ tịch các trung tâm văn bút. Nay chiến tranh tàn đã được hai chục năm, cái dòng cuồng lưu cuồn cuộn máu đào đó giờ đây đã lắng, nước tuy chưa hẳn đã không còn tanh nồng, nhưng người viết đã có đủ thời gian chiêm nghiệm lại mình, nghĩ về đời sống, về tương lai, nghĩ về tác phẩm. Nhất là những nhà văn tại hải ngoại có nhiều điều kiện, đủ tài liệu cũng như phương tiện để sửa soạn cho một tác phẩm có kích thước, có chất lượng. Tôi tin vào những nhà văn trẻ hơn tôi, không bị chiến tranh o ép, không bị những thiên kiến của quá khứ chi phối, được đào tạo kỹ lưỡng, được hấp thụ một nền giáo dục cởi mở, họ sẽ đi xa hơn thế hệ chúng tôi. Trong thế kỷ này có thể văn học Việt Nam chưa chắc đã dương danh được với văn học toàn thế giới, nhưng 20 năm nữa, phải biết đâu chừng 20 năm nữa.. .. 

Hoàng Khởi Phong
(tên thật: Nguyễn Vinh Hiển) sinh năm 1943 tại Hải Dương; cựu học sinh trung học Chu Văn An, Sài Gòn 1961; cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà 1963--1975. 
Tác phẩm: Mặt trời lên (thơ, 1967), Phục hồi quyền chức làm người (thơ, 1970), Trong hoàn cảnh khác (tập truyện, 1973), Ngẩng mặt nhìn trăng sáng (kí sự, viết chung với Hoàng Chính Nghĩa, 1977), Ngày N+ (hồi kí, 1988), Thư không người nhận (tập truyện, 1991), Người trăm năm cũ (trường thiên tiểu thuyết, tập I, 1993), Cây tùng trước bão (kí sự, 1994), Những con chuột thời thơ ấu (tập truyện, 1995), Viết lên trời xanh (truyện dài, 1996), Quán ven sông (tập truyện, 2001), Người trăm năm cũ (trường thiên tiểu thuyết, tập II, 2002) 



Nguyễn Mạnh Trinh thực hiện









Hoàng Khởi Phong 

Phỏng vấn Nhà văn Thế Uyên









Nguyễn Mạnh Trinh/ Hoàng Khởi Phong
Những mảnh đời trong chiến tranh






















Đinh Cường vẽ HKP










Thơ Hoàng Khởi Phong phổ nhạc




Để Lại Cho Em

Thơ: Hoàng Khởi Phong - Nhạc: Lê Uyên Phương









Việt Nam và hòa bình

Thơ : Hoàng Khởi Phong - Nhạc: Nguyễn Quyết Thắng











Hoàng Khởi Phong
(Điêu khắc: Ưu Đàm)











Tham khảo thêm về tác giả Hoàng Khởi Phong









Nhân cái chết của nhà văn Nguyễn Mộng Giác – Những chặng đường của Tạp chí Văn Học


Hoàng Khởi Phong





Gửi hương hồn Cao Xuân Huy và Nguyễn Mộng Giác


Khi tôi viết những dòng chữ này, thì ở Nam California gia đình và thân hữu của nhà văn Nguyễn Mộng Giác đang tiến hành những nghi thức cuối, tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Trước đây gần hai năm cũng tại địa điểm này, cũng những thân hữu này, đã tiễn đưa nhà văn Cao Xuân Huy trong chuyến đi chót cùng của đời anh. Nguyễn Mộng Giác là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút đầu tiên và Cao Xuân Huy là chủ nhiệm kiêm chủ bút cuối cùng của tạp chí Văn Học, một nguyệt san văn chương, xuất hiện ở hải ngoại từ năm 1985 cho tới 2008, khi Cao Xuân Huy lâm vào căn bệnh hiểm nghèo và không thể cáng đáng nổi việc điều hành tờ báo. Nói như thế có nghĩa là tờ Văn Học đã không còn hiện diện trong cõi đời này vài năm, trước khi những người chủ trương quan trọng nhất của tờ báo vĩnh viễn nằm xuống.

Để viết về Văn Học, tôi phải nhắc tới một tờ báo khác với một cái tên dài hơn là Văn Học Nghệ Thuật, và cũng phải nhắc tới căn nhà đầu tiên tôi mua vào năm 1983, trên đường Dapplegrey, thành phố Garden Grove. Đó là một căn nhà 4 phòng ngủ, và đàng sau có một cover patio rất rộng. Khi mua căn nhà này gia đình tôi chỉ có hai bố con tôi và hai người cháu trai. Tôi không thể hình dung được nửa năm sau, vợ chồng con cái Cao Xuân Huy từ một thành phố ở phía Bắc Cali dọn xuống miền Nam. Huy và tôi vốn là hai anh em họ “Hồng Bàng”, đã biết nhau từ khi Huy học trung học, và ngay cả sau này khi đã vào quân đội, Huy đã từng ăn dầm nằm dề ở nhà tôi. Năm 1971 ở Pleiku, Huy đi phù rể với nhiệm vụ chụp hình cho đám cưới của tôi, nhưng rút cục tôi không có một tấm ảnh nào trong ngày cưới. Chẳng những thế tôi còn mất cả chiếc máy ảnh đi mượn, bởi vì anh còn mải uống rượu với những người bạn thân của anh và tôi từ Sài Gòn lên. Do đó đầu năm 1984 khi anh dọn xuống Nam Cali, nhà tôi tất nhiên là nơi trú ngụ ban đầu cho vợ chồng con cái anh. Chỉ vài tháng sau khi Cao Xuân Huy đổ bộ từ phía Bắc xuống, tới phiên bố con Nguyễn Mộng Giác thiên đô từ Texas qua. Nguyễn Mộng Giác và tôi vốn là bạn văn từ những năm đầu thập niên 70, nên khi anh dọn qua Nam Cali, nhà tôi chính là nơi anh sẽ tạm trú trong lúc chân ướt chân ráo mới đến. Rút cục căn nhà đó có một thời gần giống như một trại tị nạn, với số người lớn nhỏ cả thảy 16 người, và được phân phối như sau: Hai bố con tôi một phòng, bố con Nguyễn Mộng Giác một phòng, vợ chồng Cao Xuân Huy một phòng, hai người cháu tôi một phòng. Còn tất cả những cậu con trai bị dồn hết vào trong cái patio được làm thành một phòng ngủ tập thể. Trong thời gian này điều phiền nhiễu nhất cho chúng tôi chính là chỗ đậu xe, bởi vì vỉa hè trước cửa nhà tôi nhiều lắm chỉ có thể chứa được bốn chiếc xe, kể cả driveway, trong khi những người trong nhà có tới bảy chiếc xe, đó là chưa kể tới khách khứa văn nghệ của Giác và tôi, cùng với khách nhà binh của Cao Xuân Huy nườm nượp ra vào. Nhất là những dịp cuối tuần, chúng tôi làm phiền hai bên hàng xóm hầu như suốt từ chiều Thứ Sáu cho tới khuya Chủ Nhật. Thời gian này Cao Xuân Huy chưa chính thức viết, tuy nhiên anh đang ngấm ngầm viết những dòng đầu của cuốn hồi ký làm nên tên tuổi nhà văn Cao Xuân Huy sau này, đó là cuốn Tháng Ba gãy súng.

Tháng 4 năm 1985, nhà văn Nguyễn Bá Trạc từ San Jose xuống thăm chúng tôi, anh mang xuống miền Nam một không khí sôi nổi như con người anh. Trong lúc ngồi quán cà phê với Nguyễn Mộng Giác và tôi, cùng quan sát cộng đồng biểu tình, Nguyễn Bá Trạc nói với chúng tôi có lẽ bọn mình nên làm một cái gì đó, một tờ báo chẳng hạn. Nguyễn Bá Trạc đã từng một mình chủ trương tờ Thời Luận ở trên San Jose, đây là tờ báo sớm nhất trong vùng Bắc Cali từ năm 79, nhưng không thể trụ nổi vì thời gian đó việc buôn bán của người Việt trên San Jose chưa mấy phát đạt, mà tờ Thời Luận là một tờ báo tựa vào quảng cáo nên không thể tồn tại. Do đó tôi trả lời Nguyễn Bá Trạc là tôi không mặn vụ làm báo quảng cáo. Tối đó tại nhà tôi ngoài các gia chủ Nguyễn Mộng Giác, Cao Xuân Huy, Hoàng Khởi Phong còn có thêm Nguyễn Bá Trạc cùng hai thân hữu nữa, chúng tôi bàn thô về một tờ báo văn học thuần túy.
Sau khi Nguyễn Bá Trạc quay trở lại San Jose, Nguyễn Mộng Giác và tôi càng ngày càng nung nấu ý nghĩ về tờ báo thuần túy văn học này. Trước đó hai năm tờ báo văn chương thuần túy là tờ Văn Học Nghệ Thuật do hai nhà văn Võ Phiến và Lê Tất Điều chủ trương sống lây lất chưa đầy mười số thì phải đình bản, và bấy giờ trên thị trường chữ nghĩa của người Việt hải ngoại còn duy nhất một tờ Văn, do nhà văn Mai Thảo chủ trương. Lần họp thứ hai cũng ở nhà tôi, có nhiều anh em văn nghệ hơn, nhưng tựu trung có hai ý kiến: Một là tìm cách quy tụ hết tất cả những cây viết thành danh, bày hàng tất cả những người hiện đang sống bên ngoài đất nước trên trang bìa tờ báo. Ý kiến thứ hai dường như thiểu số tuyệt đối, vì chỉ có mình tôi cho là không cần các tên tuổi lớn, chỉ cần trong vài số đầu chứng tỏ cho độc giả thấy đây là một tờ báo văn học thuần túy. Ban đầu với những cây viết mới có thể không gây được tiếng vang, nhưng đó là tờ báo, mà những người chủ trương trân trọng từng bài thơ, từng mẩu chuyện. Tôi chủ trương tin vào chính mình, viết cho tới không sớm thì muộn độc giả cũng mở vòng tay đón nhận tờ báo.



Từ trái sang phải: Phan Nhật Nam, Khánh Trường, Hoàng Chính Nghĩa, Hoàng Khởi Phong và Cao Xuân Huy.


Rút cục tờ báo xuất hiện với sự tham dự của khá nhiều cây bút đã thành danh ở trong nước. Với sự hiện diện của nhà văn Võ Phiến ở vị trí Chủ nhiệm, tờ báo là sự tiếp nối, hay khác đi là sự tục bản tờ Văn Học Nghệ Thuật, và hầu như tất cả mọi thành viên đều cho là với cái tên này, ít nhất tờ báo không mang vẻ cạnh tranh với tờ Văn của nhà văn Mai Thảo. Vị trí Chủ bút do nhà văn Lê Tất Điều đảm nhiệm, và Nguyễn Mộng Giác là Tổng thư ký. Đó là bộ ba thực sự điều hành tờ báo, phần tôi là Chủ nhiệm trên phương diện pháp lý, nghĩa là có bổn phận hàng năm khai thuế. Ngoài ra nhà văn Nhật Tiến tuy không giữ một chức vụ nào, nhưng nhà anh là nơi mỗi tháng nhóm chủ trương họp một lần, ăn với nhau một bữa cơm, nhận báo mới, và đồng thời chọn chủ đề, phân chia bài vở cho số sắp tới. Sở dĩ chọn nhà anh Nhật Tiến vì ông Chủ nhiệm Võ Phiến ở hướng Bắc tại Los Angeles, chủ bút Lê Tất Điều ở phía Nam tại San Diego, nhà tôi thì đang là trại tị nạn, và nhất là chị Phương Khanh với các cháu gái con anh chị Nhật Tiến sẽ đãi nhóm chủ trương một bữa ăn đích đáng.
Chỉ sau vài số báo, Văn Học Nghệ Thuật được các cây bút hải ngoại tới tấp gửi bài tham dự, cũng như sự trợ giúp tài chánh của những người coi văn chương như là món ăn tinh thần. Khoa học gia Trương Vũ, là một thí dụ điển hình. Trương Vũ là người của khoa học, ông làm việc tại NASA, nhưng đã có những đóng góp đáng kể cho văn học Việt Nam ở hải ngoại. Năm 1995, hai mươi năm sau khi chiến tranh tàn, Nhà xuất bản Cub Stone ở tiểu bang Massasschusset dự định ấn hành một tuyển tập văn học về hậu chiến Việt Nam, quy tụ nhà văn của Việt Nam ở trong nước và nhà văn Mỹ. Chính nhờ sự đóng góp của Trương Vũ trong thành phần chủ biên, khi tuyển tập The Other Side of Heaven ra đời, nó có thêm tiếng nói của tám cây bút Việt Nam ở hải ngoại, cùng xuất hiện với mười hai cây bút Việt Nam ở trong nước và mười tám cây bút Hoa Kỳ. Nói tóm lại sau khi chiến tranh tàn được hai chục năm, đây là một tác phẩm quy tụ nhà văn của ba phe tham chiến, đã từng tận lực bắn giết nhau ngoài mặt trận. Không riêng gì Văn Học nhận được sự trợ giúp hết lòng của Trương Vũ, sau này khi tờHợp Lưu ra đời, anh cũng là một người lúc nào cũng mở hầu bao cứu cấp, mỗi khi hai tờ Văn Học và Hợp Lưu gặp phải những cơn khủng hoảng tài chánh.
Tròn một tuổi do những hoàn cảnh cá nhân, lại xa xôi cách trở, nhà văn Võ Phiến và Lê Tất Điều rút ra khỏi ban chủ biên, tờ Văn Học Nghệ Thuật đối diện với lần lột xác đầu tiên, trở về với cái tên dự định ban đầu là Văn Học. Trong lần cải tổ này Nguyễn Mộng Giác ở vị trí Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, tôi đảm nhiệm phần vụ cũ của Nguyễn Mộng Giác, nghĩa là Tổng thư ký cho tờ báo. Về công việc thì Nguyễn Mộng Giác vẫn gánh vác nhiều hơn cả, vì anh đang “viết thuê” cho một tờ báo chuyên về quảng cáo, nên có nhiều điều kiện lo cho tờ Văn Học hơn tôi. Thời gian này tôi vẫn là một người làm thợ tiện ca ba, nghĩa là đi làm từ 11 giờ đêm tới 6 giờ sáng, mỗi khi về tới nhà tôi lăn quay ra ngủ tới một, hai giờ chiều mới trở dậy, đi lấy thư với hy vọng có thêm nhiều độc giả dài hạn, có thêm tiền để lo trả nợ nhà in, mua thêm tem để gửi báo. Và rồi mỗi tháng một, đôi lần tôi và Cao Xuân Huy ôm một đống báo ra Bưu Điện. Tôi cũng có nhiệm vụ trả lời thư tín của thân hữu và bạn đọc. Riêng về Cao Xuân Huy, anh không còn là một người lính thuần túy như trước kia, lòng tiếc thương đồng đội cũ, càng ngày càng dìm anh lún sâu vào con đường chữ nghĩa. Đêm đêm khi tôi lên đường kiếm ăn trong xưởng tiện, thì ánh đèn trong phòng riêng của vợ chồng, con cái anh vẫn còn le lói, và tôi biết anh đang ráo riết hoàn thành những trang cuối của cuốn hồi ký viết về sự sụp đổ của miền Trung và nỗi uất hận của những người lính một đời thiện chiến, giờ đây ngơ ngác trước những mệnh lệnh chết người.


Hàng ngồi từ trái sang: Nguyên Sa, Mai Thảo và Võ Phiến.
Hàng đứng: Nguyễn Mộng Giác, Đỗ Ngọc Yến và Hoàng Khởi Phong.


Năm 1987, để sửa soạn đón gia đình qua đoàn tụ, Nguyễn Mộng Giác thuê một căn chung cư ở Tustin. Anh cũng đón ông Võ Thắng Tiết từ Alaska về chung sống. Tưởng cũng nên nhắc lại ông Võ Thắng Tiết chính là tu sĩ Từ Mẫn, Giám đốc Nhà xuất bản Lá Bối trước kia. Sau năm 75 dù không muốn ông cũng phải trở về đời sống bình thường. Năm 1980 ông vượt biên cùng chuyến tàu với gia đình nhà văn Nhật Tiến. Khi đến Mỹ ông chọn nghề làm cua ở Alaska trong ba, bốn năm liền, rồi tích lũy vốn liếng trở về Cali dựng Nhà xuất bản Văn Nghệ. Giờ đây sau hơn ba chục năm sống rải rác khắp năm châu, giả như người Việt có một dòng văn học Việt Nam ở hải ngoại, thì phải nói ông Võ Thắng Tiết là một trong những người có công đầu. Bởi lẽ nếu không có bệ phóng của Nhà xuất bản Văn Nghệ, thì có thể giờ đây rất nhiều tác giả ở hải ngoại vẫn còn chìm trong bóng tối. Gần hai chục năm sau khi hoàn cảnh buộc phải ngưng hoạt động, Nhà xuất bản Văn Nghệ còn tồn lại một kho sách, với mấy trăm đầu sách văn chương và biên khảo. Ông Võ Thắng Tiết cũng xuất bản những cuốn sách vì nhu cầu giải trí, thị hiếu của độc giả, và đồng thời cũng là một nguồn thu không nhỏ để nuôi sống những cuốn sách văn học. Nhưng những đầu sách này được in dưới nhãn của Nhà xuất bản Đồng Văn, không phải Văn Nghệ.
Năm 1988 vợ và con gái út của Nguyễn Mộng Giác được đoàn tụ, để được toàn tâm toàn trí lo cho gia đình sum họp, Nguyễn Mộng Giác có ý định rút lui ra khỏi ban chủ biên. Đây là một biến cố lớn của tờ Văn Học, đến độ Trương Vũ từ DC phải đích thân bay về Cali, với ý định thuyết phục Nguyễn Mộng Giác vẫn để tên trong ban chủ biên, còn công việc điều hành thật sự do Cao Xuân Huy và tôi sẽ làm thay. Nhưng anh Giác quyết liệt rút ra, và đề nghị tôi thay thế cho anh Giác. Ban đầu tôi định từ chối, vì nghĩ mình không đủ uy tín. Mặc dù trước đó không lâu cuốn hồi ký Ngày N+… của tôi đã gây được một tiếng vang đáng kể trong giới cầm bút, và trước đó một năm cuốn hồi ký Tháng Ba gãy súng của Cao Xuân Huy được coi như là một hiện tượng của văn học hải ngoại. Ngoài ra tôi chưa kể tới những trói buộc về sinh kế cho bản thân tôi cùng con và hai người cháu đang ăn học ở Mỹ, đồng thời vẫn phải yểm trợ tài chánh cho toàn bộ gia đình ở quê nhà. Thời điểm đó sau khi đổi tên và thành phần chủ biên Văn Học đã đứng vững được ba năm, với gần bốn chục số báo và ý kiến của Cao Xuân Huy cũng như Trương Vũ là phải duy trì tờ Văn Học bằng mọi giá, mà nhân sự thì chỉ còn hai người có thể cáng đáng là Cao Xuân Huy và tôi. Cuối năm 1988, nếu tôi nhớ không lầm thì Văn Học số 38, thành phần chủ biên giờ đây sẽ gồm: Hoàng Khởi Phong Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, Cao Xuân Huy Tổng thư ký, họa sĩ Khánh Trường lo phần trình bày. Nguyễn Mộng Giác, Trương Vũ và Nhật Tiến trong thành phần cố vấn.
Nhìn chung thì ba người trong ban chủ biên giờ đây đều là cựu quân nhân của QLVNCH, mà trong đó Cao Xuân Huy là sĩ quan TQLC, Khánh Trường thuộc binh chủng Nhảy Dù và đã từng ở trong Đại đội của Phan Nhật Nam là ĐĐT, và tất nhiên cả ba người “lính tẩy” chúng tôi không hề có ý định làm một tờ báo mà nội dung cũng như hình thức, quá nghiêm chỉnh và quý phái như hai vị tiền nhiệm vốn là nhà giáo. Ngay trong số đầu trách nhiệm, tôi cho đăng tải truyện ngắn Pháo đài trên sông Zyangty của nhà văn Trần Vũ, một cây bút mới thành danh cư ngụ ở Pháp. Nội dung truyện ngắn này quả là một trái bom, vì nó chứa đựng những pha làm tình của hai chị em ruột, sau khi vượt biên mà người chị vì muốn cứu mạng người em, đã bị dày vò, vùi dập bởi hàng chục tên hải tặc. Số kế đó Văn Học đăng tải truyện ngắn Có yêu em không của Khánh Trường. Nội dung của truyện ngắn này còn bạo liệt hơn cả truyện Trần Vũ, khi một người lính mang xác đồng đội về nhà, trong lúc gia đình lo tang lễ và quàn xác người chết ở dưới, thì trên gác xép người lính đã làm tình với em gái của người quá cố. Sau hai truyện ngắn này dư luận của giới văn nghệ rộn hẳn lên. Bản thân tôi khi chọn đăng tải hai truyện ngắn này không phải vì mối quan hệ đặc biệt với hai tác giả, mà vì đó là hai truyện ngắn hay, và tôi vốn không coi tính dục là một cấm kỵ trong văn chương.
Sau hai truyện ngắn này Nguyễn Mộng Giác mời tôi và Cao Xuân Huy đi uống cà phê, anh cũng cảnh báo chúng tôi là muốn thay đổi nội dung và hình thức tờ Văn Học thì nên từ từ, không thể gấp gáp quá e rằng sẽ gặp những phản ứng ngược từ chính những nhà văn đang cộng tác. Trong lần gặp gỡ này tôi đã giấu Nguyễn Mộng Giác vài lá thư của các văn hữu kết án nặng nề nhóm chủ biên mới. Trong phần thư tín với các văn hữu, tôi đã trả lời thẳng thừng về việc không viết tắt những chữ vốn được coi là kỵ húy trong văn chương Việt Nam. Tôi nghĩ rằng văn chương dù có ngôn ngữ riêng, nó cũng phải phần nào dung chứa ngôn ngữ đời thường, vả lại người đọc khi đọc đến những chữ viết tắt đó, ai cũng biết nghĩa đích thực của nó, thì không vì một lý do nào phải viết tắt. Tất nhiên khi quyết định đăng tải những đoạn văn này, tôi cũng đã cố gọt bớt những chữ quá thô tục, nhưng dứt khoát Văn Học không viết tắt bất cứ một chữ nào.
Để không khí nhẹ đi phần nào, hai số kế tiếp Văn Học giới thiệu những cây bút trẻ mới xuất hiện trên vòm trời chữ nghĩa và đang sinh sống ở Pháp và ở Úc, tiếc là ở Canada trong thời điểm đó không quy tụ nổi các cây bút trẻ xuất hiện đủ cho một số báo, nên không thể làm một số riêng biệt cho vùng đất này.
Cũng trong thời gian này ở trong nước, ông Nguyễn Văn Linh tuyên bố mở cửa về kinh tế và cởi trói cho văn nghệ, đã làm thay đổi bộ mặt thiếu sinh động của văn học trong nước, chuyên về minh họa. Chỉ trong một thời gian ngắn văn học trong nước trúng mùa bội thu, trên khắp các cánh đồng. Ở bất cứ bộ môn nào cũng có những thành tựu với các tác phẩm không còn viết theo chiều hướng cũ. Đã có những tác giả ở trong nước quay lưng lại với loại văn chương minh họa đã ngự trị suốt nửa thế kỷ trên những tờ báo chuyên về văn học ở trong nước.Văn Học là tờ báo đầu tiên ở hải ngoại đã lên tiếng cổ võ cho những tác phẩm này. Từ số 45 cho tới số 48, Văn Học đăng tải rải rác một số truyện ngắn và thơ được sáng tác trong buổi phôi thai, ngay khi lời tuyên bố của ông Nguyễn Văn Linh vừa ráo miệng, để sửa soạn cho số 49 và 50 là hai số chuyên đề về “văn chương phản kháng” ở trong nước. Hai số báo đó vô hình trung là mục tiêu đánh phá Văn Học, của những tờ báo coi hiện tượng này chỉ là phản kháng giả, hay là một đòn đánh phủ đầu của Nhà nước Việt Nam đối với giới cầm bút cả trong cũng như ngoài nước. Tuy Văn Học không chính thức trả lời những bài viết đầy ngôn ngữ quy chụp, nhưng một số tác giả khác không phải trong nhóm chủ trương đã gửi về Văn Học những bài viết giá trị nhận định về hiện tượng này, như là một hình thức gián tiếp trả lời cho những công kích đầy ác ý. Và nếu đúng là chế độ ra đòn như thế, thì quả thật những người cầm bút ở hải ngoại đã trúng đòn, vì cuộc tranh cãi ban đầu ngôn ngữ còn chừng mực, nhưng càng về sau càng tệ hại, đến độ giữa một số anh em cầm bút, đã có thời giao tình với nhau, sau hai số báo này đã không thể hàn gắn được, không thể ngồi chung với nhau trong bất cứ một cuốn sách nào.
Ngoài Văn Học là tạp chí văn chương chính thức công nhận hiện tượng văn chương phản kháng ở trong nước, một số các cây bút độc lập ở rải rác khắp nơi quy tụ lại thành lập Nhà xuất bản Lê Trần, mà tác phẩm duy nhất: Trăm hoa vẫn nở trên quê hương đã quy tụ được 27 nhà văn ở hải ngoại, viết về hiện tượng này, và đồng thời trích đăng tác phẩm của 69 nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia và kịch bản điện ảnh mà tác phẩm của họ gây xôn xao trong nước trong giai đoạn đầu cởi trói cho văn nghệ này. Hầu như tất cả các cây bút chủ chốt của tờ Văn Học đều đóng góp cho cuốn sách này. Nói cho cùng đây là những bài còn dư lại của hai số chuyên đề 49 và 50, nhưng đó cũng là một hình thức trả lời cho những người đã chỉ trích Văn Học hàng năm trời ròng rã, với những luận điệu quy chụp, thậm chí còn vu khống.
Năm 1990, tôi bị thất nghiệp. Ở đây tôi xin nói rõ: về tài chánh, tờ Văn Học, hay bất cứ một tờ báo thuần túy văn chương nào, cũng lỗ. Ngoại trừ tờ Văn của Mai Thảo, được một nhà in hào phóng in báo với giá tượng trưng chỉ bằng nửa giá in thị trường, và những người hâm mộ nhà văn Mai Thảo ở rải rác khắp nơi hết lòng ủng hộ. Tất cả những may mắn đó giúp cho Mai Thảo sống khá ung dung với hai nguồn tài chánh chính là tiền già và tiền bán báo. Tờ Văn Học tuy không lời, nhưng với 700 độc giả dài hạn, lúc nào nó cũng đủ tiền in, tiền tem. Phần lời là báo bán lẻ tại những tiệm sách rải rác trên toàn nước Mỹ và Canada. Nhưng có nhiều tiệm sách không chịu thanh toán nếu như tờ báo không có người đến kiểm kê số báo tiêu thụ hàng tháng. Tại Texas có một tiệm sách suốt hai năm trời không chịu thanh toán tiền báo và sách do Văn Học phát hành, cho tới khi ông chủ bán tiệm cho người khác, thì số tiền báo đã bán được khoảng hai ngàn đô la coi như bị xù. Ở đây Văn Học lúc nào cũng mang ơn chị Thụy Khuê, người đại diện cho Văn Học ở Pháp và Âu Châu, thỉnh thoảng chị gửi cho một khoản tiền, mà tôi nghĩ cho dù có bán hết báo mà chị nhận phát hành, cũng không thể được con số đó. Dù gì chăng nữa thì tờ báo coi như hòa, nhưng thỉnh thoảng có những khoản chi bất thường ngoài vụ in ấn, thí dụ một bạn văn thường xuyên gửi bài vở cộng tác, bỗng một hôm đến chơi với anh em vài ngày, thì khoản đãi đằng cơm tây, rượu chát trong thời gian đó phải móc từ túi ông chủ nhiệm.
Tôi đã làm thợ tiện được hơn mười năm, việc thất nghiệp ở Mỹ là chuyện bình thường, nếu chịu khó tìm tòi thế nào cũng có việc lại, nhưng nhân dịp này tôi muốn thay đổi không khí cho bản thân mình, muốn bỏ nghề và thử tìm một con đường nào gần hơn với việc viết lách, nên tôi dồn hết tiền bạc mà sở cũ trả cho tôi đâu khoảng mười ngàn, lên San Jose bỏ thêm vốn vào nhà in Lam Sơn của một ông bạn đã hoạt động được mười năm, tưởng chừng sẽ có lúc chính tôi sẽ đứng ra in tờ Văn Học. Vì quyết định dời lên phía Bắc của tôi, Văn Học lại một phen sắp xếp lại đội hình. Trương Vũ lại một phen từ thủ đô bay về, lần này Trịnh Y Thư là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, Cao Xuân Huy vẫn là Tổng thư ký. Trịnh Y Thư là một khuôn mặt mới của Văn Học. Anh đang du học ở Mỹ thì xảy ra vụ 75, anh có bằng MA và đang làm việc cho một công ty lớn, với số lương hậu hĩnh hơn trăm ngàn đô la một năm. Không phải vì Trịnh Y Thư khá giả mà anh bị anh em dồn anh vào chỗ phải chi tiền. Trịnh Y Thư là một người dịch rất hay, anh là một trong những người dịch Milan Kundera đầu tiên, và Đời nhẹ khôn kham là một bản dịch cực kỳ hay cuốn tiểu thuyết của nhà văn gốc Tiệp này. Thời gian này vì ở xa, tôi không có điều kiện để quan sát kỹ những thăng trầm của tờ Văn Học.
Việc làm tiệm in của tôi rút cục không khá, năm 1991 tôi một mình băng qua sa mạc Mojavie để tiến sang Texas, tìm một nơi lập nghiệp mới. Trong một năm trời tôi di chuyển qua đủ bốn thành phố lớn nhất của tiểu bang này là Houston, Dallas, San Antonio và Austin, làm đủ các nghề vớ vẩn. Khi thì đứng bán ở cây xăng, khi thì đứng bán cho các tiệm tạp hóa Stop and Go hay tiệm Seven – Eleven. Có lúc lại làm một loại việc khá giống như bốc vác cho một hãng sản xuất phụ kiện điện tử. Năm 1992 khi tôi quay trở lại Nam Cali thì mới biết Văn Học lại một lần nữa sắp xếp lại đội hình. Lần này nhà văn Nguyễn Mộng Giác quay trở lại vị trí Chủ nhiệm, Trịnh Y Thư là Chủ bút, Cao Xuân Huy không thay đổi. Một năm sau tôi chính thức đi làm báo và phụ trách trang “Văn Học Ngệ Thuật” cho tờ nhật báo Người Việt, mà lẽ ra tôi đã làm một nhân viên của tờ báo này từ số đầu tiên ra đời từ năm 1978. Tôi nhận chức biên tập viên cho tờ báo này, với mục đích có nhiều thời gian để bắt đầu viết bộ trường thiên Người trăm năm cũ. Tờ Văn Học vẫn hàng tháng có một bữa cơm chung, để các người chủ trương nhận báo mới, hàn huyên với những bạn văn từ khắp nơi về thăm Nam Cali. Bữa cơm chung này trước kia thường được tổ chức ở nhà Nhật Tiến, giờ đây nó được tổ chức tại nhà Nguyễn Mộng Giác. Đó là căn nhà anh Giác đã mua và ở cho đến khi qua đời.
Đầu thế kỷ XXI, khi internet phát triển cực độ, các trang web ra đời. Các cây viết trẻ đầy sung mãn và am hiểu tường tận kỹ năng điện toán, đã thiết lập hàng chục trang web chuyên về văn học. Đồng thời lứa độc giả văn chương của người Việt ở hải ngoại lớp thì qua đời, lớp thì làm biếng vì tuổi tác, đã khiến cho các tờ báo chuyên về văn học càng ngày càng tiến gần đến việc đình bản các tờ báo in.
Năm 2003, một buổi trưa Nguyễn Mộng Giác và Cao Xuân Huy đến chỗ tôi làm việc. Anh Giác có ý định cho tờ Văn Học đình bản, nên bàn với Cao Xuân Huy và tôi. Tôi chưa có ý kiến gì thì Cao Xuân Huy đã khẳng khái đứng ra nhận trách nhiệm chăm nom cho tờ Văn Học. Và anh đã chăm nom cho nó cho tới khi anh qua đời. Tất nhiên trong giai đoạn khó khăn này, lại chỉ có một mình xốc vác cho tờ báo, nên Văn Học trước tiên để tiết kiệm tiền in và tiền tem, thay vì phát hành mỗi tháng một số 120 trang, thì giờ đây hai tháng phát hành một số dày tồi thiểu là 200 trang và có khi lên tới 250 trang. Trong cơn ngắc ngoải của tờ báo, vẫn là Trương Vũ đã hết lòng khích lệ, yểm trợ cho Cao Xuân Huy. Số Văn Học cuối cùng sau rất nhiều lần trì hoãn đã ra đời vào cuối năm 2008. Thế có nghĩa là một mình Cao Xuân Huy xốc vác tờVăn Học trong suốt bốn, năm năm sau cùng.
Mặc dù không ở Mỹ lúc Cao Xuân Huy qua đời, song tôi biết khá tường tận diễn tiến căn bệnh của Cao Xuân Huy. Huy phát giác ra mình có một cái u trong mắt một cách tình cờ, khi đang đánh mà chược với tôi vào năm 2007. Đang xoa bài, đột nhiên anh dụi mắt, rồi lấy tay che đi một con mắt vài lần, rồi quay qua nói với tôi: “Sao kỳ quá, con mắt phải của em chỉ nhìn thấy từ ngực bác trở xuống”. Hôm sau Huy đi khám mắt, hai ông Bác sĩ Việt cho hai định bệnh khác nhau, một ông bảo là nấm, một ông bảo là có u nhưng không biết lành hay dữ. Nguyễn Thành Quan là bạn thân của Huy và tôi từ hồi nhỏ, và đã từng là sĩ quan trợ y của QLVNCH thấy vậy chen vào: “Ngày mai mày đi khám lại ở UCLA Medical Center cho chắc ăn”. Hai ngày sau Huy cho biết các Bác sĩ của UCLA xác nhận đó là u độc, và ở đây sẽ dùng xạ trị để chữa. Tính Huy ít nói, trong hai tuần chờ đợi đi điều trị anh vẫn đến xoa mà chược tại nhà tôi, và không bao giờ có vẻ mặt tư lự hay lo âu. Có điều anh giấu tất cả mọi người là căn bệnh của anh là một căn bệnh hiếm, hàng ngàn người bị ung thư mới có một người bị ung thư gần mắt, và quan trọng hơn hết là nếu may mắn xạ trị có thể khỏi luôn, nhưng nếu không chữa được tuyệt nọc thì nó có thể chạy thẳng lên óc, hay xuống gan.
Xạ trị xong vài ngày, anh lại có mặt tại nhà tôi trong những canh mà chược. Cứ như vậy trong hơn hai năm liền một tuần hai, ba canh mà chược. Các bạn hữu của Huy ai cũng nghĩ là sức khỏe của Cao Xuân Huy hoàn toàn bình phục. Bề gì thì cũng là Trung oái TQLC, sá kể gì ba cái cancer vớ vẩn. Khoảng giữa năm 2010, sau khi tái khám định kỳ Huy cho tôi biết anh bị di căn xuống gan. Khi nói về án tử của mình, anh không hề đổi sắc, và vẫn một tuần hai cữ mà chược ở nhà tôi. Thời gian này tôi đang sửa soạn làm đám cưới cho con trai tôi. Hai bố con tôi phải về Việt Nam, vì cô vợ chưa cưới của cháu là người Việt. Đám cưới diễn ra ở Sài Gòn vào ngày 31-10 năm 2010.
Huy bắt đầu được hóa trị vào giữa tháng 7. Anh cho biết sẽ có hai đợt hóa trị, mỗi đợt là 6 tuần, mỗi tuần một liều. Bọn chúng tôi nín thở nhìn Huy mỗi tuần đi chữa bệnh. Trong sáu tuần của đợt hóa trị đầu, tôi không thấy Huy bị những phản ứng xấu như rụng tóc, xuống cân… Và đặc biệt là anh có một tinh thần bằng thép, sống hệt như những ngày trai trẻ, không hề một phút băn khoăn lo lắng về bệnh trạng của mình. Sáu tuần lễ đầu qua đi, anh vẫn nhởn nhơ cười đùa với bằng hữu. Anh vẫn tự mình lái xe lên nhà tôi chơi bài. Hết đợt đầu, anh được nghỉ một tuần để sửa soạn hóa trị đợt hai, cũng sáu tuần lễ nhưng liều lượng gấp đôi. Đầu tháng 10, tôi phải về Việt Nam, lúc đó Huy đã chịu hai liều của đợt hai, ngoài vẻ mặt bình thản bên ngoài, tôi biết anh đau đớn dữ dội bên trong, vì có lần tôi hỏi Huy về bệnh trạng trước khi tôi sẽ đi xa thì được anh cho biết: “Người ta cứ nói đau xé gan xé ruột, không ăn thua gì vì em đang đau xé từng thớ thịt, bất cứ một thớ thịt nào từ trên đầu xuống tới chân giống như bị một bàn tay vô hình xé vụn ra”. Có một điều lạ là anh không bao giờ lộ vẻ đau đớn, đặc biệt là trước mặt vợ và hai cô con gái, lúc nào anh cũng cười và còn bông đùa cho không khí trong nhà bớt căng thẳng.
Ngày 15-10 năm 2010 tôi chia tay với Huy để về Việt Nam làm đám cưới cho con trai. Trong một bữa cơm tiễn tôi đi tại nhà Nguyễn Kỳ Hùng, cả hai vợ chồng Huy cố tham dự. Lúc này anh đã không lái được xe, khi chia tay ra về tôi thấy Huy lảo đảo, nhưng anh gạt phắt tay của một người bạn có ý định dìu anh đi. Anh nói với tôi giản dị: “Khi bác sang chắc là em không còn hiện diện trên cõi đời này. Thôi chúc bạn mọi điều tốt lành”. Đáng lẽ tôi là người sẽ phải nói những lời chúc tụng sức khỏe cho Cao Xuân Huy, thì anh đã chúc tôi trước, mà qua nội dung những lời cuối của anh, những lời chúc tụng của tôi sẽ trở thành vô nghĩa. Sau khi tôi đi khoảng mười ngày thì Huy mất. Anh sinh năm 1947, mất năm 2010 hưởng thọ 63 tuổi.
Năm 2004 Nguyễn Mộng Giác đi mổ lần đầu vì ung thư. Từ đây sức khỏe của Nguyễn Mộng Giác không còn như cũ. Năm 2008 anh về VN để chịu tang cùng an táng bà mẹ, trước khi lên máy bay về lại Mỹ anh bị đột quỵ, rồi kế đó anh bị mổ lần thứ hai vào năm 2009. Những năm cuối cùng của anh giống như là ngọn đèn sắp cạn dầu mà còn bập bùng trong gió. Gần đây anh phải vào ở trong một nhà dưỡng lão, vì không thể tự mình săn sóc cho mình, thành thử chị Diệu Chi có nhà mà hầu như không ở, cứ lẩn quẩn nơi anh nằm bệnh. Mới đây trong dịp trở lại Mỹ vào tháng 4 và tháng 5 năm 2012, tôi hai lần điện thoại để ghé thăm, nhưng không một ai bốc điện thoại trả lời. Tôi cũng lái xe đến bất ngờ hy vọng có ai ở nhà, để tôi chuyển lời thăm hỏi, song không một ai có nhà. Sau cùng việc gì đến đã đến, Anh qua đời vào ngày 3 tháng Bảy, năm 2012 tại nhà riêng, hưởng thọ 72 tuổi.
Sau cùng xin thông báo với các độc giả của tờ Văn Học:
Địa chỉ của tòa soạn hiện nay đã dời lên thiên đường từ năm 2008. Để tiện việc điều hành tờ báo, mới đây hai vị chủ nhiệm đầu tiên và sau cùng cũng đã dời về đó. Cho dù trong khi sống, nhà văn Nguyễn Mộng Giác và Cao Xuân Huy có thể làm phật lòng một số người, vì quan điểm văn chương, hay chính trị. Nhưng nghĩ cho cùng, sự khác biệt về quan điểm không bao giờ là một tội lỗi, càng không thể là một tội ác. Nghĩ cho cùng một nhà giáo hết lòng với học trò của mình, một nhà văn hết lòng với độc giả của mình, một người lính hết lòng với nhiệm vụ của mình sẽ có một chỗ ở nơi thiên đường. Nếu như thiên đường là một nơi có thật.

Sài Gòn 8 - 7 – 2012
H. K. P. 











Ngôi trường cũ










Hoàng Khởi Phong:

Xúc phạm tử sĩ và làm đau lòng thương binh của cả hai miền?







Nguyễn Mộng Giác:
Hoàng Khởi Phong, nhà thơ, người chứng ...
http://nguyenmonggiac.info/Phe-Binh/hoang-khoi-phong-nha-tho-nguoi-chung.html







Trăng Huyết

Anthony Grey & Nguyễn Ước
thay lời bạt của Hoàng Khởi Phong
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4n3nqnmn31n343tq83a3q3m3237nvn1nnn





Nguyễn Vy Khanh:

Gánh nặng lịch sử qua Người Trăm Năm Cũ của Hoàng Khởi Phong
http://truyenso.com/index.php?view=story&subjectid=11801






Hội thảo Văn học tại Seattle Public Library:

Phát biểu của Nhà văn Hoàng Khởi Phong
http://phonuipleiku.org/forum/viewtopic.php?f=97&t=1568






Hoàng Khởi Phong: 

Nhân Văn, "người và việc"
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10292&rb=0102






Một vì sao Nhân Văn vừa tắt
Hoàng Khởi Phong



Phùng Quán (1933-1995)


1.


Năm 1954, khi vết dao chém đứt ngang mình đất nước còn đang đổ máu, tổ quốc của chúng ta bị chia thành hai miền thù hận, và toàn thể dân tộc bị đẩy vào thế một mất một còn. Trong bối cảnh lịch sử đó hầu như miền Nam của những người Việt Nam không cộng sản, dưới sự cai trị không mấy sáng suốt của Đệ nhất Cộng hòa, có một nhãn quan thiếu nghiêm chỉnh với mọi sinh hoạt của miền Bắc, phóng ra hết đợt “Tố cộng” này đến đợt khác, bất cứ cái gì khởi đi từ miền Bắc đều không đáng quan tâm, đều bị bịt kín. Thậm chí quay lưng lại với những sai lầm độc ác của chính quyền miền Bắc trong các đợt cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ, tiêu diệt cường hào diễn ra trên đất Bắc.


Lẽ ra miền Nam phải hỗ trợ cho các cuộc tranh đấu của những người cầm bút bên kia vĩ tuyến 17, khi những người này gióng lên tiếng nói bất khuất của họ ngay từ năm 1956, trong một số sách báo xuất bản vào thời điểm này. Mãi cho tới năm 1959, khi những nhà văn đích thực của miền Bắc đã bị chính quyền cộng sản đàn áp, người thì chết, kẻ thì sống dở, đến độ tiếng ta thán ngút trời mây; chính quyền cộng sản phải trấn an dân chúng bằng những đợt “sửa sai” phát động trên toàn miền Bắc, thì trong Nam học giả Hoàng Văn Chí, sau một thời gian dài quan sát, thu thập tài liệu cho xuất bản một tác phẩm viết về các cuộc tranh đấu của giới trí thức và văn nghệ sĩ miền Bắc. Đó là quyển Trăm hoa đua nở trên đất Bắc. Công trình biên khảo này hoàn toàn có tính cách cá nhân, không hề được sự hỗ trợ của chính quyền miền Nam. Mãi tới lúc đó những người ham đọc sách, thích suy nghĩ và quan sát chính trị và lịch sử ở miền Nam mới có dịp thấy được một phần những sự kiện đang xẩy ra bên kia vĩ tuyến 17, bên kia vết thương chém ngang mình tổ quốc, một vết thương không bao giờ lành cho dù lịch sử có trôi đi thêm vài trăm năm nữa. Bởi vì vết thương nơi con sông Bến Hải chỉ là vết thương lập lại, làm rộng thêm miệng một vết thương cũ, kéo dài ba thế kỷ, nơi hai bờ sông Gianh trong thời Trịnh Nguyễn.


Trước khi tác phẩm biên khảo Trăm hoa đua nở trên đất Bắc ra đời, tên tuổi của Phùng Quán chỉ được biết tới trên đất Bắc. Khi miền Nam biết tới ông, chính là lúc ông đang sống không sống được, chết chẳng chết cho. Học giả Hoàng Văn Chí giới thiệu Phùng Quán như sau:



“Phùng Quán năm nay (năm 1959) 25 tuổi, là một thanh niên nghèo. Trước đi bộ đội, sau được giới thiệu về trường dự bị đại học để học thêm. Về Hà Nội anh lại tiếp tục công tác văn nghệ trong quân đội.

Anh viết theo lối hiện thực xã hội và được coi là Triệu Tử Long trong nhóm đối lập. Những bài thơ của anh được dư luận gọi là những “bom nguyên tử”.


Chúng tôi trích đăng bài Chống tham ô lãng phí đăng trong Giai phẩm mùa Thu, tháng 10. 1956 và bài Lời mẹ dặn đăng trong tờ Văn, tháng 9. 1957.


Anh không đòi hỏi gì hơn là quét sạch những rác rưởi trong xã hội và yêu cầu các nhà văn phảI trung thành với tâm hồn mình: “Yêu ai cứ bảo rằng yêu, ghét ai cứ bảo là ghét”. Anh bị khủng bố chỉ vì dám nói như vậy.


Phùng Quán bị đưa đi chỉnh huấn và phải viết bài thú tội. Trong bản thú tội này nhà thơ trẻ tuổi thú nhận rằng sau khi nhóm Nhân văn Giai phẩm bị giải tán thì suốt ngày chỉ chơi với con bú dù. Các bạn hỏi tại sao thích nuôi bú dù, Phùng Quán trả lời: “Chơi với người chán lắm rồi, thành phải chơi với bú dù.”


Một chế độ đã đào luyện cho thanh niên một tâm trạng như vậy đủ làm cho chúng ta suy nghĩ về chân giá trị của chế độ đó vậy”.

Trăm hoa đua nở trên đất Bắc đưa ra hai bài thơ của Phùng Quán. Một trong hai bài thơ này, bài Lời mẹ dặn có thể nói không còn là thơ như chúng ta hằng mong đợi ở thơ. Đó là một bản tuyên ngôn cho nhân phẩm, dưới dạng thi ca. Bản tuyên ngôn giản dị đến độ đọc xong chúng ta cảm nhận được trong hơi thơ của Phùng Quán có hơi thở của cuộc đời ông, và không phải chỉ là hơi thở của một mình ông, đó là hơi thở của cả một xã hội đang dồn dập gấp gáp vì thiếu khí trời để thở. Khi đọc thơ ông, tôi có cảm giác bắt gặp hình ảnh những con cá mắc cạn, hai cái mang nhấp nháy liên hồi, và càng quẫy động càng tiến dần đến cái chết.


Ông vốn là người nhiệt thành yêu nước, từ khi còn niên thiếu đã là liên lạc viên cho các mặt trận, rồi từ đó bước một bước Phù Đổng trở thành một người lính, chân thành bảo vệ tổ quốc chống quân cướp nước. Ông lao mình vào tên đạn của quân thù những mong rằng cuộc chiến đấu mà ông góp phần sẽ mang lại tự do, cùng cơm no o ấm cho đồng bào ông. Nào ngờ khi bóng quân thù mất đi, ông bỗng đối đầu với một chế độ cai trị còn hà khắc hơn cả quân xâm lược. Do đó trong thi ca của ông, người ta gặp lại anh lính tiền phong ngày nào, viết những dòng thơ như nhắm bắn thẳng vào quân thù trước mặt.


Chỉ với hai bài thơ, Phùng Quán đã hiện nguyên hình một anh lính thiện xạ trong thi ca. Cái đích bây giờ không phải là quân xâm lược mà là cả một guồng máy cai trị nặng nề và kệch cỡm. Trong Trăng hoàng cung, tác phẩm mới nhất của ông, do nhà Thanh Văn xuất bản tại Hoa Kỳ, ông viết:


...Từ năm 24 tuổi cho tới năm 56 tuổi, cơ chế quan liêu đã đánh trả tôi đến chí mạng. Tước đoạt của tôi quyền lao động thiêng liêng: sáng tác, xuất bản, quyền được sinh sống cho ra một con người. Và dìm ngập tôi trong bùn nhơ, lăng nhục trước công luận.


Chịu chừng ấy đầy ải, lim thép sắt cũng gẫy gục. Nhưng Thơ đã cứu tôi, giúp tôi đứng vững, dậy tôi dũng khí bền gan. 


Nếu cần đi trở lại 

Tôi lại đi đường này 
Để cuối cùng lại chấm hết ở đây...


2.


Nhà văn Phùng Quán sinh năm 1933. Năm 1954, sau hơn 80 năm dùng súng đạn cai trị nước Việt, khi người Pháp phải xuống tầu về nước ông 21 tuổi. Ông tự giới thiệu trong lời khai từ của Trăng hoàng cung như sau:


... Hai mươi mốt tuổi, tôi, người lính chiến bước thẳng vào làng văn với cuốn tiểu thuyết đầu tay kể chuyện 

những người vượt ngục thất bại. Ngay sau đó tôi được coi là nhà văn. Nhưng với tôi Thơ mới là tất cả. Thơ là mạng sống, lý lịch của đời tôi...

Năm 1957, cao điểm của phong trào Nhân Văn, ông 24 tuổi. Trước đó một năm, Phùng Quán viết bài thơ

Chống tham ô lãng phí, ngay lập tức ông trở thành “cái đích” của những “cái đích” do chính ông chọn. Tuy nhiên trong năm 1956 đó, lời kêu gọi “Bách gia tranh minh, bách hoa tề phóng” (Trăm nhà đua tiếng, trăm hoa đua nở) của Hồ Chí Minh chưa kịp ráo miệng, nên những “cái đích” của Phùng Quán nhịn ông một mũi giáo. Năm 1957, ông xả một đường gươm khốc liệt Lời mẹ dặn đúng vào lúc những “cái đích” của ông bắt đầu phản công. Trong thời điểm một mất một còn này, lẽ ra cần có một đạo quân mới mong đánh đổ được những con người trì trệ, quan liêu, máy móc thì nhóm Nhân Văn quanh đi quẩn lại có được một quân số không quá một trung đội. Vài chục người, ném vào một trận chiến mà bên kia là cả một đạo quân nghiêng nước. Thật là một trận chiến không cân xứng. Thế là đem trứng chọi đá, thế là trù dập bắt đầu.

Trong Cát bụi chân ai in cuối năm 1993, tác phẩm mới nhất của Tô Hoài, một trong những “cái đích” của Phùng Quán thời 24 tuổi, Tô Hoài hồi tưởng lại giai đoạn kinh hoàng này và tiết lộ cho người đọc những chi

tiết không một ai biết được: Có người quá sợ nuốt dao cạo tự tử. Hay một hoạ sĩ được chọn làm tiểu đội trưởng trong chiến dịch cải cách ruộng đất. Để tránh né cảnh mình phải đứng ra tổ chức những buổi đấu tố, lăng nhục con người, họa sĩ này đã giả vờ đi lạc trong rừng hai ngày đêm. Khi tìm được thì ngơ ngơ ngẩn ngẩn, giống như bị ma ám, mồm miệng đầy đất cát. Tô Hoài cũng cho biết đã gặp Phùng Cung, một nhân vật xung kích khác của nhóm Nhân Văn. Cách mô tả của Tô Hoài cho thấy Phùng Cung như một bóng ma, mới được móc từ huyệt ra, lôi từ bãi tha ma về, toàn thân là một tổng hợp của mọi thứ bệnh gây nên do đói, nghèo, bệnh hoạn...

Tôi không có ý so sánh kích thước văn chương giữa Phùng Quán và Phùng Cung, nhưng quả thật Lời mẹ dặn đau hơn Con ngựa già của Chúa Trịnh. Thành thử một bài thơ viết từ năm 24 tuổi đã khiến ông bị trù

dập, lăng nhục, tước đoạt quyền sống trong ba mươi hai năm trường, tới năm ông 56 tuổi.

Suốt ba mươi hai năm không được sống như một con người, Phùng Quán không bao giờ vì những áp lực mà uốn cho cong cái lưng thật thẳng của ông. Ông không thể đầu hàng, ông không thể thỏa hiệp bởi một lý do giản dị: ông là tác giả những dòng thơ, tuyệt không bóng bẩy, không kêu, không rỗng, chỉ giản dị nhưng quyết liệt với bất cứ ai làm cho đời sống của dân chúng trở nên tồi tệ. Tôi xin ghi lại đây toàn bài thơ Lời mẹ dặn của ông:



Phùng Quán

Lời mẹ dặn

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi 

Mẹ tôi thương con không lấy chồng 
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải 
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn 
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ 
Ngày ấy tôi mới lên năm 
Có lần tôi nói dối Mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn 
Nhưng không Mẹ tôi chỉ buồn 
Ôm tôi hôn lên mái tóc 
- Con ơi - Trước khi nhắm mắt 
Cha con dặn con suốt đời 
Phải làm một người chân thật.
- Mẹ ơi chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt 
Con ơi một người chân thật 
Thấy vui muốn cười cứ cười 
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu 
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều 
Cũng không nói yêu thành ghét 
Dù ai cầm dao dọa giết 
Cũng không nói ghét thành yêu.
Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin 
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi 
Như trang giấy trắng tuyệt vời 
In lên vết son đỏ chói.

Người làm xiếc đi giây thật khó

Nhưng chưa khó bằng nhà văn 
Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Năm nay tôi hai mươi nhăm tuổi 

Đứa bé mồ côi thành nhà văn 
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu 
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều 
Cũng không nói yêu thành ghét 
Dù ai cầm dao dọa giết 
Cũng không nói ghét thành yêu 
Tôi muốn làm nhà văn chân thật 
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi 
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã 
Bút giấy tôi ai cướp giật đi 
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá.

Với những người yêu thi ca bóng bẩy, lãng mạn thì có thể những dòng thơ trên chưa chắc đã hay, nhưng không một ai có thể phủ nhận kích thước của những dòng thơ này lớn. Không hề dùng những từ ngữ có tính bác học, ai đọc cũng thấm vào hồn, cũng lậm vào máu. Khi viết những dòng thơ này, Phùng Quán đã tuyên chiến với bọn giả hình đầy dẫy trong xã hội miền Bắc. Tất nhiên ông cũng tuyên chiến với bọn giả hình trong miền Nam, bọn giả hình trong hiện tại và trong tương lai vậy.


Bản chất của Phùng Quán là một người lính quật cường, bất khuất. Ông vùng vẫy trong nghịch cảnh, ông không chịu đầu hàng dù cho toàn thể nhóm Nhân Văn đã tan thành những con người tiều tụy, trở thành những mảnh đời vất vưởng không nơi ăn chốn ở. Nguyễn Hữu Đang, một trí tuệ lớn, một kẻ sĩ thứ thật vào ở trong một cái chuồng lợn. Những tên tuổi như Trần Dần, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Lê Văn, Sĩ Ngọc, Văn Cao... tan tác trong một sớm một chiều. Đó chỉ là danh tính của những người đã nổi lên trên mặt tầng, còn biết bao người đã ngã quỵ trong tăm tối như Tô Hoài cho biết trong Cát bụi chân ai.


Theo tiết lộ của Văn Xương, một người bạn cũng dân bộ đội phục viên như Phùng Quán, và đã dậy Phùng Quán nghề “câu cá“ độ nhật, khi cái bẫy đời đã ập xuống đầu ông: Những năm Phùng Quán 27, 28 tuổi mặt ông lúc nào cũng dàu dàu, nhầu nát, quân phục bạc mầu, gương mặt xanh xao hốc hác, ánh mắt buồn rầu u uẩn. Ông thường mua một bát cơm và một bát canh, với vẻ lơ đãng như không biết mình đang ăn gì. Câu cá hợp lệ phải mua vé hai đồng câu suốt ngày, nếu ngày nào không có cá cắn câu thì mất cả chì lẫn chài, do đó Phùng Quán đi theo phường câu trộm. Thời gian này ông hay đọc thơ của Essenin, đặc biệt là những câu:


Những số phận khác thường 

sinh ra thường định trước
Tôi không thành nhà thơ thì cũng thành 
trộm cướp...

Trước kia Phùng Quán chê bia, cho là đắng, giờ đây ông nốc rượu cuốc lủi tì tì. Vì không được phép viết dưới tên mình, trong suốt ba mươi hai năm trời mầy mò trong tăm tối, để có thể sống được ông đã “viết chui” hơn năm chục quyển sách dầy mỏng, dưới hàng chục bút hiệu. Ông cũng câu trộm hơn 4 tấn cá. Ông

được các bạn văn cùng thời vẽ chân dung ông thật giản dị: “Cá trộm - Rượu chịu - Văn chui” 


3.


Tôi có cảm giác không ổn, khi đọc lời giới thiệu tác phẩm Trăng hoàng cung của Phùng Quán do nhà xuất bản Thanh Văn ấn hành. Người viết lời giới thiệu dường như chỉ nhìn những dòng thơ trong tác phẩm này như những bài thơ tình thuần túy.


Tôi nghĩ có một cách hiểu Nàng Thơ của Phùng Quán khác hơn. Cả cuộc đời ông là một bài thơ hùng tráng, lẫm liệt, quật cường. Nàng Thơ của ông chính là cuộc đời, cho dù cuộc đời đối với ông có tệ bạc, phũ phàng thế nào chăng nữa, ông vẫn chiến đấu, vẫn làm thơ cho cuộc đời tươi tốt hơn. Giản dị mà nói thì toàn bộ tác phẩm ngắn gồm thơ trộn lẫn với văn này là một thí dụ điển hình cho thành ngữ: “Ý tại, ngôn ngoại”. Cho dù có một mối tình thật sự của Phùng Quán với một giai nhân nào đó, cho dù ngôn ngữ thi ca của ông

trong tác phẩm này đầy những “anh” và “em”, tôi vẫn không tin đây là những bài thơ tình thuần túy. Tôi tin tưởng mãnh liệt vào điều này bởi vì trong Khai từ của cuốn sách do chính ông viết, tôi đọc được những điều sau đây:

Có những phút ngã lòng 

Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy.
...........................

Cạn thơ giữa cuộc đời, tôi quyết định rời bỏ thành phố, gia đình, bạn hữu, giữa cái tuổi năm mươi, lên rừng đào tìm mạch thơ giữa thiên nhiên.


Tôi đã sống suốt ba năm trong cái lán lợp tranh nứa, giữa một bãi đất phù sa cổ hoang vu, vùng đồi núi Thái Nguyên, mọc lút đầu cỏ dại và cây trinh nữ xanh. Xung quanh bãi đất hoang, con suối lớn Linh Nham vây bọc. Bàn ghế là rễ cây chết tôi lặn lên từ lòng suối. Giường nằm là cây cơi cổ thụ bị bão xô bật gốc, con suối Linh Nham mang từ rừng đại ngàn về, dâng lũ lên đến tận thềm lán, trao tặng tôi. Tôi vạt bằng mặt trên thân cây bằng rìu, rồi đục lõm sâu xuống, phảng phất hình cái áo quan; mùa đông nằm vào đó tránh được cái giá rét và sơn lam chướng khí. Tôi sống cùng một con chó, một con heo, một bầy gà; ăn bắp, sắn, rau lang, ốc suối, tôm cá tự đánh bắt lấy.


Mưa lũ không ai dám vượt suối dữ Linh Nham, nên có khi mười ngày liền không nói tiếng người. Trong ba năm thì có hai người bạn lặn lội tìm đến thăm. Trần Quốc Vượng, giáo sư sử học; Đỗ Quốc Thuấn, một bạn làm thơ trẻ.


Trước mặt lán, sát bờ suối, tôi đào cái huyệt rộng một mét, dài hai mét, sâu mét rưỡi. Tôi nguyền nếu không tìm thấy Thơ, tôi sẽ lăn xuống đó...


Đàn mối đất phù sa 

Sẽ thay phu đào huyệt 
Bao nghiệt ngã trần gian 
Chỉ một tuần vùi hết...

Tôi chưa được đọc một tác phẩm nào trọn vẹn của ông ngoài Trăng hoàng cung. Theo cách nhìn rất chủ quan của tôi thì cuốn sách này không phải là một cuốn sách hay. Có lẽ lần đầu gặp thơ Phùng Quán trong Lời mẹ dặn tạo cho tôi ấn tượng quá lớn. Khi đó tôi hai mươi tuổi, nhìn cuộc đời giản dị và lý tưởng. Những lời thơ tôi đọc trong tuổi thanh xuân đó đã chỉ hướng phần nào cho cuộc đời tôi sau này. Vả lại hình ảnh Phùng Quán mà tôi mang trong đầu là hình ảnh của một “kẻ sĩ” trong thế trận bối thủy. Ông tựa lưng vào bờ sông, đánh những đường gươm chí tử cho bản thân ông và cho cuộc đời. Trước mặt ông, hàng hàng lớp lớp những con người, tiêu máu xương dân chúng như tiêu bạc giả đang ùn ùn kéo tới. Thế mà ông vẫn sống còn, cho dù sống như cánh cò trắng phau, bay qua nền trời chiều chập tối.


Trong các tác phẩm xuất hiện dưới tên Phùng Quán, người ta hay nhắc tới Vượt Côn Đảo và Tuổi thơ dữ dội, tôi chưa có dịp đọc hai tác phẩm này, nhưng cũng qua bài viết của Văn Xương, đăng trên báo Người Hà Nội, tôi nghĩ Tuổi thơ dữ dội gồm một bộ ba cuốn có thể là một tác phẩm hay. Nhân vật chính của tác phẩm này, một cậu bé liên lạc viên 13, 14 tuổi, bị nghi ngờ là Việt gian. Cuối cùng khi đã bị đạn, thương tích đầy thân thể, vẫn cố gắng liên lạc về với anh trung đoàn trưởng, chỉ để thều thào trước khi chết: ”... Anh ơi! Em không phải là Việt gian, em là Vệ Quốc quân...” Tôi tin chắc nhân vật chính này có mang phần nào hình ảnh của chính Phùng Quán. Ông từng là liên lạc viên trong thời niên thiếu.


Ông đã hoàn tất hơn năm chục tác phẩm dưới dạng “văn chui” với rất nhiều bút hiệu. Tôi không hiểu sau khi ông nằm xuống, những người làm văn học trong nước có bao giờ nghĩ đến những đóng góp âm thầm, như những bào thai phải đẻ non này. Cóp nhặt, tuyển chọn lại những đóng góp có giá trị cao, in thành một

Phùng Quán toàn tập. Phải có một cố gắng nào đó để trả ơn cho một nhà văn, nhà thơ đã vì sự sống còn của một xã hội, một dân tộc mà hứng chịu không biết bao nhiêu là oan khiên, cay đắng. Bị bỏ đói, bị lăng nhục, bị chèn ép đến độ không được sống như một con người. Thế mà ông vẫn không bao giờ oán hận cuộc đời. Ông chỉ thản nhiên sống như một con người.

Tôi không biết Phùng Quán có khi nào đọc Hermann Hesse, nhưng cách ông sống làm cho người đọc ông liên tưởng tới một ý tưởng của nhà văn Đức ấy: “Cho dù có phải đau đớn quằn quại cách mấy đi chăng nữa, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này...”


Nhưng chỉ cần có một bài thơ Lời mẹ dặn mà thôi, ông đã có một chỗ ngồi chắc chắn trong văn học Việt Nam cận đại. Tôi có cảm giác là những đóng góp của ông trên lãnh vực văn học tuy lớn, nhưng hình như không lớn bằng chính cuộc sống của ông.



4.


Hình như các nhà văn, nhà thơ luôn luôn là kẻ tiên tri cho chính mình. Phùng Quán cũng vậy, làm như ông đã nhìn thấy trước cái chết của ông trong một tầm gần. Cách đây chưa đầy một tháng, tôi nhận được số Xuân Văn Học. Cũng như thường lệ hàng năm số báo này là số báo đúp, dầy hơn hai trăm trang, như một quyển sách. Tôi lật qua những trang đầu. Nơi trang mục lục tôi đọc thấy tên Phùng Quán và bài viết Chút nghĩa cũ càng của ông. Lúc đó tôi đang bận làm một công việc gì đó trong tòa soạn Người Việt, nhưng tôi nhớ như in, tôi bỏ dở công việc đang làm, vào thư viện, ngồi một cách nghiêm chỉnh nơi bộ bàn ghế mới mua, còn thơm mùi vải mới. Tôi chọn một thế ngồi ngay ngắn, chăm chú đọc bài viết của một thi sĩ đã làm tôi chấn động trong tuổi thanh xuân. Tôi cũng phải thú thật một điều: Người viết lời giới thiệu cuốn Trăng hoàng cung làm cho tôi lơ là khi đọc tác phẩm này.


Thành thử giữa hai lần đọc Phùng Quán một cách nghiêm chỉnh, có một khoảng cách hơn ba mươi năm. Lần đầu đọc thơ Lời mẹ dặn, tôi 20, và lần này đọc văn Chút nghĩa cũ càng tôi đã 52. Hình như khoảng thời gian 32 năm cũng bằng khoảng thời gian Phùng Quán bị truy nã, trù dập. Ông và tôi có những tiểu dị trong các đại đồng: Ông và tôi cùng mặc quân phục, chỗ khác nhau là ông quân phục miền Bắc và tôi quân phục miền Nam. Ông và tôi cùng bị lưu đầy, tôi lưu đầy ngoài nước, còn ông lưu đầy ngay chính nơi chôn nhau cắt rốn. Ông và tôi cùng cơm hàng cháo chợ, ông ăn cơm “bụi”, tôi ăn “food to go”. Đó là tôi chưa kể tới ông và tôi cùng viết văn và làm thơ. Ông “văn chui”, còn văn chương của chúng tôi nơi đây, người ta rao bán ê hề như những đồ dùng một lần rồi bỏ.


Hai lần đọc ông tôi có hai cảm giác khác nhau. Lần đầu là máu chẩy bừng bừng trong huyết quản, lần này là một chút hiu quạnh trong lòng. Thơ của ông ngày trước cho tôi những phẫn nộ, tưởng như sắp xăn tay áo xông về phía trước. Văn của ông bây giờ cho tôi những đau xót bồng bềnh, như những đám mây trắng nõn trên trời. Chút nghĩa cũ càng ông viết về cái chết của nhà thơ Đoàn Phú Tứ, một thi sĩ lớn của văn học thời tiền chiến. Tất nhiên trước khi viết về cái chết của tác giả Mầu thời gian, ông duyệt qua những chông chênh cay đắng trong những năm tháng cuối đời Đoàn Phú Tứ. Nào có khác gì đoạn đời của chính ông mấy năm gần đây. Mỗi người khổ một cách khác, đau một cách khác, nhưng sống thì cùng chết dở như nhau. Tôi trích ra đây một đoạn ngắn Phùng Quán viết về Đoàn Phú Tứ, nhưng có lẽ ông cũng viết cho chính ông:


...Nhà thơ ngồi trên cái hòm gỗ thông xập xệ. Bức phản gỗ được dọn dẹp quang một góc làm bàn viết. Cạnh các tác phẩm của Ra-bơ-le, Stăng-đan, Íp-xen... mà ông đang dịch thuật theo một hợp đồng nào đó, là mùng mền cũ nát ám khói, những cái gối đen đúa mồ hôi, chiếc chiếu rách xơ cuộn tròn, một chai rượu sắp cạn đến đáy, vài cái chén sứt quai... Tóc ông ngả mầu bạc cổ, dợn sóng, đuôi tóc xoăn mềm mại lòa xòa quanh gáy, ria mép hơi vểnh lên, chòm râu nhọn được xén tỉa cẩn thận, làm tôn thêm vẻ đẹp thanh tú, quý phái của gương mặt ông. Nom ông như một đại công tước Nga, thời Sa Hoàng đang chơi trò giả trang. Tôi thường ngắm gương mặt ông và thầm nghĩ: Đó là một vẻ đẹp bền vững của thời gian, sự nghèo đói, túng quẫn không sao tàn phá nổi. Và tôi chợt hiểu tại sao vợ ông, chị Khiêm, kém ông những hai mươi tuổi, khá xinh đẹp, con nhà gia thế đã yêu ông say đắm, bỏ cửa bỏ nhà để theo ông...


Nhưng rồi năm tháng và cuộc sống cùng quẫn đói nghèo đã làm lụi tàn đi tất cả... Lụi tàn tình yêu, lụi tàn hy vọng, lụi tàn mộng mơ...


Chỉ một đoạn văn ngắn, người đọc bắt gặp không biết bao nhiêu là hình ảnh, trộn với tình cảm, cộng với xót xa, hòa với khổ đau của Phùng Quán dành cho Đoàn Phú Tứ và dành cho chính Phùng Quán. Thế nhưng văn phong lạnh lùng, thản nhiên, cam chịu, không có vẻ gì là quỵ lụy, phân bua mà kỳ diệu thay người đọc còn bắt gặp được cái nồng, ấm, dịu dàng, thương yêu giữa hai người bạn.


Tôi chưa bao giờ được nhìn thấy dung nhan ông, nhưng cảm giác về ông thì thật là gần gụi. Trong khi đó nơi tôi đang sống, đang lăn lộn với đời có những người tôi biết mặt, quen tên, thỉnh thoảng có bắt tay mà tôi thấy hình như xa hàng vạn dặm. Càng ngày tôi càng đọc được nhiều tài liệu nói về những nhà văn đích thực của miền Bắc. Bốn chục năm trước là những Phan Khôi, Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Văn Cao, Lê Đạt... và bây giờ là những Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lưu Quang Vũ, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Trần Văn Thủy... Tất nhiên tôi đang nói tới những người cầm bút ngoài miền Bắc, nên không thể liệt kê những tên tuổi như Doãn Quốc Sĩ vốn là nhà văn của miền Nam, mặc dầu Doãn Quốc Sĩ là người miền Bắc. Chao ôi! cái chữ Bắc, Nam này mỗi lần nghe thấy là một lần tôi phải nhìn trước ngó sau. Thiệt ra Nam và Bắc nếu có, chỉ nằm trong tấm lòng của mỗi con người.


Những tài liệu đã đọc khiến cho tôi cảm thấy tôi phải làm việc nhiều hơn nữa, bởi vì những nhà văn, nhà thơ đích thực trong nước hầu như đã làm được nhiều việc đáng kể, đã mô tả gần đủ xã hội họ đang sống. Để làm được điều này, trong gần nửa thế kỷ qua có nhiều nhà văn trước khi ngã xuống đã bị sỉ nhục, bị đầy ải, bị trấn áp, đè nén... Trong khi ở ngoài này dường như nhà văn chúng ta chỉ mới chạm được tới vành ngoài của sự thật. Chúng ta có quá nhiều điều để viết mà hình như chúng ta chưa... muốn viết. Nếu như sự thật có hai mặt, thì mặt bên trong dường như đã được vẽ lại gần đầy đủ, trong khi mặt ngoài ở phía chúng ta thì chỉ mới có đựoc vài nét phác họa sơ khởi.


Tin Phùng Quán mất đến với tôi thật ngỡ ngàng. Những cơn mưa bão bất thường của California tưởng như kéo dài bất tận. Tôi mang số Xuân Văn Học ra đọc lại bài viết của ông. Chữ và nghĩa còn rành rành, giấy còn thơm mùi mực. Tôi gọi điện thoại cho Kỳ Hùng, một người có duyên với ông hơn tôi, vừa mới gặp ông không đầy một tháng. Té ra anh đã biết trước tôi vài tiếng đồng hồ. Anh hứa cho tôi mượn tấm hình anh chụp Phùng Quán cách ngày ông mất không đầy một tháng. Anh lội mưa mang hai tấm hình tới tôi. Một tấm ảnh Phùng Quán đang đọc thơ, tấm còn lại đang hút điếu cầy. Trong ảnh Phùng Quán già hơn tuổi thật nhiều. Ông thua Hoàng Cầm, Văn Cao cả chục tuổi, thế mà trong ảnh ông có vẻ già hơn Văn Cao, hom hem hơn Hoàng Cầm.


Kỳ Hùng cho tôi biết khi anh gặp Phùng Quán thì cái bụng của ông đã to chướng lên. Với những người bị bệnh xơ gan cổ chướng như Phùng Quán, mà bụng bắt đầu to là bắt đầu có chuyện. Thế nhưng ông trấn áp những cơn tàn phá thể xác bằng một vẻ thản nhiên như không có gì. Ông vẫn cười nói tự nhiên, vẫn rượu, bia, thuốc lào, thuốc lá. Vẫn thức khuya, chong đôi mắt nhìn thấu bóng đêm, ngắm bóng mình trên vách. Tất nhiên ông hiểu bệnh trạng ông hơn ai hết, nên ông an nhiên chờ. Ông đã sống đời một người lính bảo vệ tổ quốc. Ông đã sống đời một nhà thơ, viết những bài thơ hệt như bản tuyên ngôn của những người cầm bút chống lại bạo quyền. Ông đã sống đời một nhà văn, dùng ngòi bút mình chấm vào Sự Thật, và chấp nhận bất cứ một hậu quả nào. Sống tới ba con người trong một thể xác như thế, mà kéo dài sự góp mặt với đời sống, dưới một chế độ cai trị lạnh lùng, khắc nghiệt của miền Bắc được hơn 60 năm, thì quả là một kỷ lục.


Mà lạ một điều, những con người phải đối phó với nhiều nghịch cảnh như ông thì lại hay sống dai. Cho tới nay những ngôi sao Nhân Văn còn nhiều. Trần Dần, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang, Hữu Loan, Trần Lê Văn, Văn Cao... vẫn còn là những chứng nhân cho một giai đoạn khốc liệt của lịch sử Việt Nam cận đại. Phùng Quán là tay xung kích trẻ tuổi nhất của toàn nhóm Nhân Văn. Ông vội về làm chi, trong khi các nhà văn lớn tuổi hơn ông, ngoài 70, thân thể chỉ còn da với xương, nhưng đứng thật thẳng trên đôi chân, và cái cổ tuy có gầy gò, khẳng khiu nhưng không bao giờ chịu gục xuống.


Ông vội về làm chi, đường trần vẫn còn nhiều điều cần nói. Vẫn theo bài viết của Văn Xương: Ông đã phát thệ ba điều, ông làm được cả ba điều. Nhà văn Việt Nam như thế là nhất, bởi vì ba điều đó thuộc về danh dự của người cầm bút. Thế là ông không còn nợ đời, mà chỉ với một bài thơ Lời mẹ dặn không mà thôi, đời cũng đã nợ ông nhiều lắm. Sao không sống thêm ít năm, xem chừng ra bánh xe lịch sử đang quay, đời sắp trả nợ ông thì ông lại cho đời một cơ hội quỵt. Ông đâu có giầu có gì, nhưng xem chừng vẫn hào phóng như tay lính trẻ trinh sát ngày nào. Đám tang ông diễn ra tại Hà Nội, mặc dù ông viết thơ cho một người bạn văn ở ngoài này là ông muốn được chôn trong mùi thơm của thông Ngự Bình. Theo một nguồn tin tôi đọc được, đám tang ông có 500 người đưa tiễn, một nguồn tin khác cho biết có tới 2000 người. Số người đi đưa như thế nhiều hay ít đối với một nhà văn, nhà thơ có ơn với đời? Tôi không nghĩ Phùng Quán coi điều này là quan trọng. Điều quan trọng với ông chính là ông đã Sống và Chết như thế nào? Và đó cũng là điều những người quan tâm đến văn học trong thời cận đại phải biết: Ông đã sống như một “Nhà văn – Nhà thơ”, và ông đã chết như một “Con Người”.


Trong đám tang ông, người đọc điếu văn hẳn là Hoàng Cầm, chứ còn ai vào đây nữa, bởi vì gần đây khi Hoàng Cầm suy sụp, chính Phùng Quán là một trong những người muốn vực Hoàng Cầm dậy. Phùng Quán đã làm một bài thơ để đẩy lui những mầm suy tàn trong con người Hoàng Cầm, để ươm lại mạch thơ cho bạn và cho chính ông. Ông cũng vẫn là một tiên tri cho cái chết của ông: đằng sau quan tài của ông, không phải chỉ có thân nhân và bằng hữu. Còn có cả những người ông không biết mặt quen tên. Ấy là không kể tới những người xa cách ngàn trùng, muốn về đưa tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng nhưng hoàn cảnh chính trị không cho phép. Tôi tin chắc đằng sau quan tài ông, có một chút nhỏ phần hồn của núi sông, của Đảo Côn Sơn, suối Linh Nham, sông Hương, núi Ngự, hay của những cái hồ mà ông câu trộm cá trong những năm khốn đốn nhất trong cuộc đời. Tôi xin chép lại đây bài thơ của Phùng Quán tặng Hoàng Cầm để chấm dứt bài viết sự ra đi của ông. Để hiểu rằng tại sao người đọc điếu văn trước mộ Phùng Quán phải là Hoàng Cầm, và bên cạnh đó phải là những ngôi sao đã tạo nên vòm trời Nhân Văn ngày nào.



Thơ Phùng Quán tặng thi sĩ Hoàng Cầm


Tôi tin núi tàn!

Tôi tin sông lấp!
Nhưng tôi không thể nào tin:
Một nhà thơ như anh lại ngã lòng suy sụp 
Tôi tin, nhà thơ anh đã viết:
Cách đây 30 năm 
Những vần thơ lẫm liệt!
Tiểu đội anh, những ai còn và ai mất?
Không ai còn ai mất,
Chỉ chết cả mà thôi!
Người sau kẻ trước lao vào giặc,
Giữ vững ngàn thu một giống nòi.
Thế gian có một ngàn con sông,
Và một ngàn nhà thơ lớn.
Nhưng chỉ có một giòng,
May được thơ xưng tụng,
Nhờ đó mà vang vọng,
Nhờ thơ mà vinh danh,
Đó là con sông Đuống,
Con sông của quê anh,
Mà anh xót xa như bàn tay anh ngón rụng.
Tôi có một niềm tin,
Chắc như đanh đóng cột.
Ngày mai anh nhắm mắt,
Đi sau linh cữu anh,
Ngoài bạn hữu gia đình,
Có cả con sông Đuống.
Sông Đuống sẽ mặc đại tang,
Khóc bên bồi bên lở,
Sóng cuộn bờ nức nở,
Ngàn đời chịu tang anh.
Tôi tin núi tàn!
Tôi tin sông lấp!
Nhưng tôi không thể nào tin 
Một nhà thơ như anh 
Lại ngã lòng suy sụp.

Việc Phùng Quán tin vào con sông Đuống sẽ khóc Hoàng Cầm bên lở bên bồi còn có thể hồ nghi, nhưng tôi tin khi nào còn những bà mẹ yêu thơ, dặn dò, dậy dỗ con cái thì ngày đó vẫn còn có người nhớ tới Phùng Quán, người đã làm bài thơ Lời mẹ dặn, và đem tặng những vần thơ này cho đời.


(Viết ngay khi nghe tin Phùng Quán mất ở Hà Nội) 

















Cát Bụi Chân Ai: Cuộc phiêu lưu cuối cùng của "con dế mèn"

Hoàng Khởi Phong





1. 



Vài năm trước đây, khi nhà xuất bản Lê Trần cho phát hành cuốn Trăm hoa vẫn nở trên quê hương, một cuộc bút chiến đã xảy ra ở hải ngoại. Tôi không có ý định khơi lại cuộc bút chiến này. Phản kháng hay không phản kháng phải được tranh cãi trong hòa khí. Ðập bàn cãi nhau, đâu còn không khí tranh luận nữa. Còn đối với nhà văn, điều quan trọng là tác phẩm, và bối cảnh để hoàn thành tác phẩm. 



Cát bụi chân ai là một tác phẩm mới của nhà văn Tô Hoài, do nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành vào cuối năm 1992. Chỉ vài ngày sau là đã không còn một cuốn. Chẳng phải vì bị cấm, bị tịch thu, mà bởi vì mọi người muốn đọc. Sách đã phát hành, cho dù muốn thu hồi cũng không còn kịp nữa. 



Quyển sách dày hơn ba trăm trang, in trên giấy trắng, là một tiến bộ trong ngành ấn loát nếu so với những quyển sách in trong nước khác. Mở đầu bằng mối giao tình giữa Tô Hoài và Nguyễn Tuân. Kết thúc bằng cái chết của Nguyễn Tuân. Giữa hai nhà văn đó là những kiếp nhân sinh chập chờn như những bóng ma trơi. Giữa hai nhà văn đó là không khí ngột ngạt của văn nghệ, kháng chiến, cách mạng và chính trị. Giữa hai nhà văn đó, cho tới khi có một người nằm xuống, đã một nửa thế kỷ trôi qua. Quốc gia đã thu về một mối, không còn vết chém đứt ngang mình. Có điều cái cách thống nhất đó mang lại cho quốc gia, dân tộc những gì, ngay bây giờ chúng ta đã có thể đánh giá, không cần phải đợi đến sau này lịch sử phê phán. Việt Nam, sau mười tám năm thống nhất, đã trở thành một trong vài quốc gia lạc hậu nhất, nghèo đói nhất, tham nhũng nhất... Tóm lại, Việt Nam nhất rất nhiều thứ, chỉ phiền một điều những thứ nhất này đều được tính theo tiêu chuẩn xấu. 





2. 



Cuốn sách mở đầu bằng một câu thật giản dị: “Tôi kém Nguyễn Tuân mười tuổi. Trước kia tôi không quen Nguyễn Tuân.” 



Những dòng chữ mở đầu tưởng chừng hờ hững kia gợi liên tưởng tới hàng triệu con người ta đã bắt gặp trên sân khấu cuộc đời. Nhưng rồi đám đông chung quanh nhòa dần đi, ánh sáng chỉ vừa vặn soi đủ một thân hình. Ông ta còn trẻ, mắt sáng, tóc hớt cao, áo quần giản dị. Ông ta hiền lành, ngơ ngác như một con dế... Tiếng gáy đầu đời của một anh dế nghe mới vui vẻ làm sao; nó rộn ràng, háo hức, nó mơ mộng đến những cung đường xa. Nhưng đường bay của một cánh dế phỏng có là bao so với không gian bao la, bát ngát, trời rộng sông dài. Do đó tiếng gáy đầu đời này Tô Hoài gọi là: Dế mèn phiêu lưu ký. 



Cuộc phiêu lưu của nhà văn bắt đầu từ cái ngôi làng Nghĩa Đô. Kể từ đó tới nay, đã nửa thế kỷ. Con dế hát ca cho đời xem chừng có khi lạc giọng, mặc dù đã đổi tông khá nhiều lần. 

Thập niên 40, không phải chỉ một mình Tô Hoài muốn làm một con dế hát rong cho đời. Những người đồng trang lứa với ông trên nhiều bộ môn nghệ thuật họp lại như một ban hợp ca thời đại. Đó là những con người tiên phong của một xã hội đang khao khát sự thay đổi. Cái dòng thơ ngắn gọn, kiểu đường thi, cổ phong, đầy điển tích Hán. Cái hơi văn biền ngẫu cân nhắc, chữ đối chữ đó sau cùng, cũng như thơ, bị đời sống cuốn đi. Những con dế không thể tiếp tục chỉ đứng bên lề cuộc sống đấu tranh chung của dân Việt mà nghêu ngao thơ thẩn. Họ phải chọn cho mình một thế đứng nào đó, trong một đoàn thể nào đó. Giọng ca bây giờ không còn là của riêng họ, ít nhiều nó phải có hơi hướm của đoàn thể, do đó, trong đời sống, họ cũng bị ảnh hưởng bởi đoàn thể. 

Mười năm sau, đoàn thể mà Tô Hoài cũng như phần đông những văn nghệ sĩ đồng trang lứa với ông góp mặt, đã thành công... một nửa. Người Pháp xuống tàu về nước, để lại một vết chém ngang lưng đất nước. Mới thành công một nửa mà máu đã chảy thành suối, xương đã cao thành gò. Nhưng, thành công một nửa thì không phải là là thành công. Giang sơn phải thu về một mối, tổ quốc phải là một. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Để cho có được điều quý giá này, chắc chắn máu phải chảy thành sông, xương phải cao thành núi. Còn những con dế, những con dế chỉ muốn hát rong cho đời, đã ứng phó thế nào trước những cơn ba đào của đời sống? Ðâu đâu cũng chỉ thấy biển máu và nước mắt. Có sá gì những giọt nước mắt của bất cứ ai trong những cuộc họp phê bình kiểm thảo nội bộ? 


3. 

Nếu đời sống là một sân khấu, thì quyển sách của Tô Hoài chỉ là một góc nhỏ, thu nhiều những khuôn mặt và những tên tuổi. Tất nhiên là những tên tuổi lớn trong lãnh vực văn nghệ, sáng tác của họ không ít thì nhiều cũng đã tạo ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng. Một Nguyễn Bính sau khi Lỡ bước sang ngang gia nhập vào đoàn thể, đã thôi không còn làm những bài thơ tình, đã đi Nam Bộ kháng chiến, đã làm bài “Hành phương Nam,” đã tập kết ra Bắc sau 54. Trước khi đi Nam Bộ, Nguyễn Bính chơi thân với Tô Hoài. Khi ra lại Bắc, Tô Hoài đã là đảng viên lâu năm. Lúc gặp lại, hai bên vồn vã, nhưng Tô Hoài ghi trong truyện: “Duy có cung cách thì thưa gửi, báo cáo anh, đề nghị đồng chí lôi thôi quá...” 

Thời đó ở ngoài Bắc, do ảnh hưởng của Trung Hoa, người ta đề ra khẩu hiệu: Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng. Nguyễn Bính làm báo Trăm Hoa, có lần đề nghị muốn vào Đảng với Tô Hoài, thì được trả lời: “Nói anh Trúc Đường làm đơn rồi hai đứa mình giới thiệu anh theo thủ tục.” Vốn bản tính hiền hòa, Nguyễn Bính tức, để bụng không nói. Trong thời gian này Nguyễn Bính ly dị với vợ, giữ được đứa con. Cảnh gà trống nuôi con nheo nhóc, nhất là với một ông bố thi sĩ, lại trong hoàn cảnh gạo châu củi quế. Có lần quá khổ, trong một lúc quẫn chí, lại rượu say ngà ngà, ông bố Nguyễn Bính bế con đi chơi thơ thẩn. Chợt một ý nghĩ thoáng qua đầu, người bố đưa đứa con cho một người đàn ông đang đi tới. Trở về nhà bố say nằm vật xuống. Khi nhớ lại thì thằng bé đã không còn nằm cạnh nữa. Theo Tô Hoài, thằng bé tên Hiền đã thất lạc cho tới ngày nay. Tô Hoài muốn viết truyện ngắn “Tên cháu là Hiền”, mấy chục năm mà không viết nổi. Bây giờ Nguyễn Bính đã chết quá lâu, cái truyện ngắn Tô Hoài định dùng như một lời nhắn tin đã không còn cần thiết. Mới đó mà đã hơn ba chục năm trời! 

Nguyên Hồng, một tên tuổi lớn khác, trước khi gia nhập vào phong trào cộng sản, từng bị thực dân bỏ tù, lại vô sản chính hiệu, nên chẳng bao lâu sau khi gia nhập đã trở thành Tổng thư ký của báo Văn, tiếng nói chính thức của Hội Nhà văn, và cũng là cơ quan tuyên truyền chính thức của Đảng Cộng sản. Vụ Nhân văn-Giai phẩm nổ ra. Những cây bút chủ trương bị vây đánh tứ phía trên những tờ báo của Đảng, lại không mua được giấy để ra báo trả lời, bị phong tỏa kinh tế, nói cho đúng hơn bị bóp chặt bao tử. Nhân văn tất nhiên phải đình bản. Nhóm Nhân văn phân tán, lặn sâu vào những tờ báo của Đảng. Đột nhiên, báo Văn đi những bài gây khó chịu. Nguyên Hồng là Tổng thư ký của báo Văn cũng bị truy, phê bình là hữu khuynh, bị lũng đoạn. Nguyên Hồng từ từ, cẩn thận, trịnh trọng đặt tập báo trước mặt. Nguyên Hồng nói: “... Tôi làm báo không kể giờ giấc, không quản thức đêm. Tôi bỏ hết sáng tác cố làm cho kịp. Suốt tuần tôi bận bịu về nó hơn lo con mọn, bỏ ăn, bỏ uống vì nó. Tôi đấu tranh thực hiện đường lối văn học nghệ thuật của Đảng. Thế thì làm sao tôi có thể làm sai... Tôi không thể, tôi không thể...” Rồi Nguyên Hồng khóc nức nở, như một người bị đồng ốp. 

Lúc đó ở miền Bắc, bầu không khí văn nghệ ngột ngạt, nghi kỵ giữa những người cầm bút. Theo dõi, tố giác, vu cáo nhau những điều không có thật, hay những điều chỉ nhỏ bằng cái móng tay được thổi phồng lên. Thậm chí Tô Hoài tiết lộ, đã có một nhà văn trẻ nuốt dao cạo tự tử. Chết rồi còn mất đảng tịch, có người thắt cổ. Nhóm Nhân văn bị truy nã đánh đuổi. Trần Dần cứa cổ mà không chết đến bây giờ vẫn còn sẹo, Phùng Cung bị tù biệt giam mười một năm, bị lao. Hoàng Cầm, Phan Khôi, Lê Đạt, Phùng Quán, Chu Ngọc, Hoàng Tích Linh, Trần Lê Văn... tan ra như những cánh bèo. Tới độ Nguyên Hồng không chịu nổi, bỏ về Nhã Nam, nơi mà trước kia trong thời kháng chiến, đã có dạo cơ quan của Nguyên Hồng trú đóng ở đó. Đó là nơi khỉ ho cò gáy, có điều, sau khi những người kháng chiến đóng ở đó thì làm gì còn khỉ với cò. Trước khi đi, Nguyên Hồng làm một bữa chả ram, nhân thịt là nhau bà đẻ, mời Tô Hoài tới ăn từ biệt. Trước khi ăn, Tô Hoài cho Nguyên Hồng coi một bài viết mới có liên quan tới cái không khí ngột ngạt này, sau khi xem Nguyên Hồng chửi: “... Tiên sư cha, thằng Câu Tiễn! Ông thì không, Nguyên Hồng thì không. Ông về Nhã Nam, ông đéo chơi với chúng mày nữa...” 

Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài cho ta biết hầu hết những khuôn mặt lớn của giới cầm bút ngoài Bắc. Một Xuân Diệu và cái tình... trai đeo đẳng tới già không thay đổi. Đồng tính luyến ái cho tới giờ này, thậm chí nhiều nơi ở Mỹ vẫn còn là một điều đại kỵ. Thế mà mấy chục năm trước, trong không khí kháng chiến bừng bừng, những đêm giá rét, Xuân Diệu chui vào giường của hầu hết những người cùng lán. Tô Hoài không bêu xấu người đã chết, bởi vì trong những cơn mê loạn vì thể xác, vì tình dục đó có cả... chính Tô Hoài. 

Ở trong nước bây giờ người ta gọi Cát bụi chân ai bằng cái tên khác: Cát bụi trần ai! Chỉ khác một chữ, song cái nghĩa của nó rộng lớn hơn nhiều lần. Nếu ở hải ngoại chúng ta tò mò muốn biết những gì đang xảy ra ở trong nước, ít nhất cuốn sách của Tô Hoài cũng cho thấy được nhiều điều. Nó không chỉ nói tới những khuôn mặt lớn. Nó đề cập tới rất nhiều những khuôn mặt bình thường. Nó không chỉ nói đến những người chiến thắng, nó nói cả tới những người bại trận, không phải chỉ bại từ năm 75. Cuộc tranh đấu giữa những người cộng sản và những người không cộng sản bắt đầu từ cách đây nửa thế kỷ. Những cuộc thanh toán lẫn nhau xảy ra khắp nơi. Tô Hoài thuật lại một vụ cộng sản xử tử bảy đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng. Một tử tội luôn miệng hỏi người dẫn mình đi xử bắn: “Ông bắn phát ân huệ phải không?” 

Trong tác phẩm, Tô Hoài cũng cho biết những Hoa kiều đã tham gia chiến tranh Việt Nam, và đã bị trục xuất như thế nào trong trận chiến Hoa Việt. Những hàng ăn ban đêm, những tiệm cà phê, bánh cuốn, cháo gà... và những khuôn mặt đặc biệt của chủ nhân. Đây là một nét đặc biệt trong quyển sách, như thể ban ngày không có gì cho nhà văn đáng quan sát, hoặc giả cái xã hội ấy không có một chút ánh sáng ban ngày, đã nửa thế kỷ nay lúc nào cũng tù mù tăm tối, lúc nào cũng rờn rợn. Xã hội dường như lúc nào cũng thiếu con người, toàn bóng ma trơi chập chờn ngay cả giữa ban ngày. Nó ngộp đến mức thiếu không khí để thở, ngay cả với những đảng viên công lao hãn mã. Còn với quần chúng, không thể lấy gì đo cho đủ được sự sợ hãi, nỗi khổ đau, lòng uất ức, tuyệt vọng... của họ. 

Thậm chí một bà già, khi đi mua hàng ở mậu dịch bị từ chối, vì hàng chỉ bán cho cán bộ. Bà già vỗ vào bẹn và gào lên: “Tiên sư mày sao mà dại thế, chỉ đẻ ra nhân dân mà không đẻ ra cán bộ.” Sự uất ức bị dồn nén quá lâu đến độ có lúc làm người ta quên cả sợ! 

Quyển sách không hề tỏ lộ một lời bào chữa hay kết tội nào đối với cái chế độ mà Tô Hoài phục vụ nửa thế kỷ ròng rã. Chỉ là những cảm nghĩ, những điều mắt thấy tai nghe. Chỉ là những lời thuật lại, không cường điệu cũng như bi thảm hóa. Cái lối kể chuyện của một bà già nhà quê, ngồi bệt xuống đất, ngay lề đường, đầu ngõ. Cái lối kể chuyện luôn bắt đầu bằng cách lấy gấu quần lau những giọt mồ hôi, có thể giấu trong những giọt mồ hôi này đôi ba giọt lệ mà người nghe phải tinh ý mới nhận thấy. Chính vì thế mà thái độ chính trị mới mạnh làm sao. Nó làm những người nghe phải đau đớn quằn quại cho sự thật. 
Một chế độ thản nhiên chà đạp lên tấm lòng của mọi con người, chế độ đó không thể nào tồn tại được. Một chế độ dựa vào sự dối trá và bạo lực, cho dù có khống chế được xã hội, thì cũng chỉ khống chế được một thời khoảng nào đó. Khi mọi con người trong xã hội đó hết còn sợ hãi, khi mà những nhà văn đã biết khát khao sự thật, khi mà những công thần đã phải đổi giọng, thì đó chính là giờ cáo chung của chế độ. 


4. 

Năm nay Tô Hoài đã trên bảy chục. Nửa thế kỷ trước ông vào đời với tư cách của một nhà văn, một nhà văn của dân quê nghèo khổ, của những người bị áp bức chà đạp. Ông muốn làm nhà văn, nhưng đồng thời cũng muốn đóng góp tuổi trẻ của ông vào công cuộc giải phóng đất nước. Đó cũng là tâm trạng của phần đông những người cùng thế hệ ông. Càng có học, càng hiểu biết thì lại càng dễ lao mình vào một đoàn thể, một đảng phái nào đó mà họ có dịp gặp gỡ, quen biết. Thập niên bốn mươi thật hiếm thấy một nhà văn nào độc lập. Họ không ở tổ chức này thì cũng ngã vào đoàn thể khác. Những đảng phái này có khi liên minh với nhau, có khi triệt hạ lẫn nhau, có khi che giấu cho nhau, và có khi thủ tiêu lẫn nhau. Năm năm sau khi nhập cuộc, ông vẫn là một nhà văn, song là một nhà văn cộng sản. Ông không thể không biến thái để có thể tồn tại trong một xã hội phải đấu tranh liên lục chẳng những với quân thù, mà còn ngay cả với những người đồng chí. Ngụp lặn trong đời sống đó suốt hơn bốn mươi năm, ông chỉ còn viết những quyển sách được đóng khung sẵn. Trong cái khung này, các nhà văn, nhà thơ trưng lên các khẩu hiệu đã được thi vị hóa. Và sản phẩm là những quyển sách chỉ có giá trị trong từng giai đoạn, những cuốn sách thời chống Pháp, thời cải cách ruộng đất, thời sửa sai và thời chống “Mỹ, Ngụy.” Đó là chưa kể tới những quyển sách viết chống lại những người đã một thời là bạn ông: Những nhà văn trong nhómNhân văn, những người chỉ có mỗi một tội là yêu sự chân thật và ghét điều giả dối. Chính những điều giả dối này đã làm cho quốc gia của chúng ta hiện nay đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất trong suốt bao năm trời. 

Con chim sắp chết cất tiếng bi ai, con người sắp chết nói lời nói thật. Huống hồ Tô Hoài là một nhà văn, lại có tài! Nếu ông không thật sự có tài thì những: O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Quê người chắc hẳn đã không được in lại ở miền Nam thời trước 75. Có rất nhiều lời nói thật không được may mắn tới tay chúng ta. Phan Khôi với “Nắng chiều,” Nguyễn Công Hoan với Đống rác cũ, và thơ văn của biết bao nhiêu người đã chết trong tăm tối, chúng ta thậm chí còn không biết tới tên. 

Tôi vẫn tin rằng Nguyễn Tuân, con người nổi tiếng là có những hành động bất ngờ, con người mà Tô Hoài đã dùng để mở và kết cho quyển hồi ký cuối đời, lại chết trong câm nín mà không để lại cho hậu thế một lời nói thẳng nào. Con người sắc cạnh đó không thể ra đi trong lặng lẽ như thế. Có thể ông ta đã không có đủ thời gian để sửa soạn, có thể cái chết ập đến khá đột ngột, có thể ông có để lại mà chúng ta chưa có cơ hội để thấy, hoặc giả chưa tới lúc thuận tiện để công bố. Có phải Nguyễn Tuân đã nói một câu bất hủ, tuy ngắn nhưng mô tả đúng nhất, cho thân phận những nhà văn xã hội chủ nghĩa: “Tao sống được tới ngày nay là nhờ tao biết sợ.” Có một người con làm đến cấp tướng mà còn sợ đến như thế, thử hỏi nhân dân làm sao mà sống cho ra người? 

Cát bụi chân ai rất có thể là cuộc phiêu lưu cuối cùng của Tô Hoài, nhưng đó không phải là một cuộc phiêu lưu không chủ đích, cho thỏa máu giang hồ của một nhà văn. Đó chính là hành trình trở về khởi điểm của một nhà văn, và con đường ông phải đi tiếp sẽ đầy chông gai cùng cạm bẫy. Bởi, trong xã hội cộng sản, ông đã chọn con đường của sự thật, một con đường sẽ chẳng có hoa và bướm. Cầu cho nhà văn chân cứng đá mềm! 

Trước đây vài năm, một số những tác phẩm trong nước được sáng tác trong giai đoạn Nguyễn Văn Linh tuyên bố cởi trói cho văn nghệ. Những tác phẩm này khi lọt ra ngoài đã được giới thưởng ngoạn văn chương ở hải ngoại nhiệt tình đón nhận. Trong giới cầm bút hải ngoại, có những nhận định trái chiều nhau. có nhà văn cho đó là những lời phản kháng thật, và cũng không ít người cho là phản kháng giả, theo chỉ thị. [Giả hay thật thì chưa ngã ngũ, nhưng có điều những quyển sách đó đã được khai thác tận tình trên lãnh vực thương mại.] 

Cát bụi chân ai là một tác phẩm có nằm trong lãnh vực phản kháng hay không khoan hãy xét tới. Nó là một tập hồi ký nên chỉ có vấn đề trung thực hay giả dối là quan trọng. Nó đã được viết không phải để ca tụng lãnh tụ. Kể cả một lãnh tụ đã được thần thánh hóa như Hồ Chí Minh cũng chỉ được nhắc tới tên một lần duy nhất, nhắc như một sự tình cờ. Nó cũng được viết không phải để bài xích ai, tấn công ai. Nó đã được viết như những lời thì thầm trong bóng tối, những lời thật thà mà vì sợ hãi quá lâu không dám nói to. Làm cho âm thanh của nó được to hơn, vang xa là công việc của chúng ta. 

California tháng Tư 1993























Tạ Tỵ vẽ HKP













Hoàng Khởi Phong Tác phẩm


































Phan Nhật Nam, Khánh Trường, Hoàng Chính Nghĩa, Hoàng Khởi Phong, Cao Xuân Huy
(trái sang)










Nguyễn Mộng Giác, Thụy Khuê, Đỗ Ngọc Yến, Hoàng Khởi Phong (hàng đứng)












Hoàng Khởi Phong, Phạm Duy, Ngô Vương Toại, Nguyễn Xuân Hoàng













Mai Ninh, Dạ Ngân, Nguyễn Quang Thân, Hoàng Khởi Phong.
Sài Gòn 2013









Hoàng Khởi Phong & Phan Nguyên













Thủ bút Hoàng Khởi Phong










Trở về






MDTG là một webb mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.