Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

Trần Thị Trường

 













Trần Thị Trường
(1950 - .....) Tuyên Quang
Nhà văn, Họa sĩ
Bút danh khác: Thu Thủy, Hưng Quang







“ tôi chưa bao giờ ngừng viết, chưa bao giờ thôi hy vọng các con chữ là một phương tiện hữu hiệu có thể tác động đến đời sống con người. Nhưng ngôn ngữ biểu đạt ngoài hình thức các con chữ ra còn có những hình thức khác, trong đó có hội họa.”

TTT







Tôi luôn ước được là một viên gạch
lát trên con đường Thời Gian

TTT












Trần Thị Trường nhà văn





Tác phẩm mới




11
Những người muôn năm "chưa" cũ









10
Phố Hoài



Bình luận của một chủ thư viện Helio Thư Quán

“Ngột ngạt, bức bối luôn thường trực khi đọc "Phố Hoài" của nhà văn Trần Thị Trường - cuốn truyện đời khiến ta phải lật đi lật lại từng dòng từng trang.
Sống trong "cái làng lớn", lớp thanh niên thời chiến / thời bao cấp vẫn phơi phới niềm tin vào đất nước công bằng, dân chủ, thế giới đại đồng ngày không xa. Họ, "... những người thuộc dòng dõi trí thức gốc Hà Nội, họ rất giỏi giang, nhưng họ đều bị "cán bộ thế hệ mới" đánh trượt họ xuống thành công dân hạng hai... Họ sống khổ sở, vẫy vùng trong cái thế giới hỗn độn không thể ngóc đầu lên được...". Đau đớn thay, cường quyền đã khuất phục họ.
Như chia sẻ của nhà văn Tạ Duy Anh: "nội dung chứa đầy nước mắt, dẫn đưa tôi vào cái đường hầm có thể đi xuyên cả một thời kì lịch sử bi đát và tăm tối của nó".







Có “Phố Phái” của hội họa, thì cũng có “Phố Hoài” của văn học.


Tiểu thuyết Phố Hoài (Trần thị Trường- NXB Hội Nhà văn, 2020) viết về Hà nội với khung thời gian 70 năm đang thu hút giới chuyên môn vì cách pha trộn hư cấu với phi hư cấu. Vì sao Trần thị Trường lại quyết định chọn thủ pháp kiểu “văn sử bất phân” cho tiểu thuyết mà chị mất hơn 10 năm để hoàn thành?

*Văn Bảy (Thực hiện)


- Vì sao chị quyết định gọi tên tất cả những hiện thực và hiện sinh trong tiểu thuyết này là Phố Hoài? Hoài lại viết hoa như một danh từ riêng?

-Tôi trăn trở rất nhiều khi đặt tên cuốn sách này, nhưng cuối cùng tôi vẫn chọn cái tựa đề Phố Hoài. Đơn giản, tôi cho rằng tên sách phải biểu hiện được cái tinh thần cốt lõi: đó là một thành phố của hoài niệm. Nếu có một Phố Phái của hội họa, thì có thể có Phố Hoài của văn học, tôi tự nhủ, miễn là nó xứng đáng: “Tôi hoài niệm, anh hoài niệm, nó hoài niệm cái phố ấy”. Phố cũng có thể là thành phố có thể là quốc gia.

- TT Phố Hoài có khung thời gian là 70 năm, với ngồn ngộn nhân vật và sự kiện, nhưng với chị, đâu là những gởi gắm, những ưu tiên khắc họa?

- 70 năm có thể cũng là tuổi của tôi, và chắc chắn hơn, đó là thời gian của những thay đổi mang tính lịch sử đối với một không gian mà tôi thấm đẫm/ am hiểu từng chi tiết. Từ một không gian ví dụ như Hà Nội nhỏ bé về diện tích trong đó có đời sống của những thị dân ảnh hưởng văn minh phương Tây, ưa trang nhã, lịch thiệp… đến một không gian rộng hơn bỗng nhiên nháo nhào hết thảy, các thang giá trị bị thay đổi, con người ở đó trở nên hoang mang, vùng vẫy thế nào cũng không thoát ra được…

- Vì sao hầu hết các nhân vật, các cớ sự trong này - ngay cả những ngạo mạn thời mới thắng cuộc, những tủi nhục thời bao cấp, thời mở cửa… đều được xây dựng hướng đến sự thiện lương?

-Câu hỏi của anh khiến tôi muốn khóc. Hệt như tôi đã khóc nhiều lần khi viết cuốn này. Cũng như tôi, các nhân vật của tôi người nào cũng được sinh ra trong các gia đình thiện lương, được giáo dưỡng chu đáo để biết nhận chân các giá trị và thực hành chu toàn các bổn phận để mong được sống bình an và hạnh phúc. Nhưng nông nỗi nào mà mọi thứ lại ra như thế, thì tôi muốn người đọc tự kết luận. Tuy nhiên, tôi lại nhận thấy ngay cả kẻ/những kẻ tạo ra cái nông nỗi đó họ cũng không tự biết, vì thế, tôi thương cả họ. Kinh Thánh có câu: “ Hãy tha cho những kẻ không biết việc nó làm”. Một bài toán rất khó giải phải không anh.

- Trang 209, có câu: “Tự nhiên, con người ta, những người tốt cứ tìm đến với nhau, những cái đẹp cứ nương vào nhau mà tồn tại, y như thể có bàn tay của một đấng nhân lành”. Đây là lý tưởng hóa, hay là chiêm nghiệm?

-Một chiêm nghiệm. Như đã nói ở trên, tất cả những nhân vật trong Phố Hoài trong đời thật đều gần như biết nhau, tìm đến nhau vì giống nhau ở lòng tốt, ở sự nhận biết các thang giá trị, về lẽ phải. Họ có mơ ước, khát khao riêng, nhưng gặp biến cố họ nương tựa vào nhau, thương nhau đứt ruột, nể trọng nhau… Tôi nhớ lắm những tình cảm đó, không thể quên được. Đẹp quá. Cũng xin nói thêm: trong Phố Hoài tôi đặc biệt dành những dòng viết về người Sài Gòn mà tôi gặp, họ cũng y như người Hà Nội một thời vậy. Sự thiện lương của mỗi người khiến cho người ta nhận ra nhau để rồi gần nhau, yêu mến và trọng nể nhau.

- Vì sao có nhiều nhân vật chị giữ nguyên tên, một số lại phải đổi tên?

- Đó là một thủ pháp. Tôi chắc chắn rằng vì thủ pháp này mà sách thêm phần hấp dẫn. Những người giữ nguyên tên thì phải viết sao cho chính họ không từ chối/phản ứng. Những người đổi tên thì phải miêu tả sao cho ai cũng nhận ra đó chính là ai đó. Làm được như thế sẽ tạo ra hấp dẫn. Tôi đã đọc những cuốn viết thật một trăm phần trăm tôi không thích. Cho phép tôi so sánh thế này: một bức chân dung của ai đó vẽ bằng sơn dầu sẽ thú vị hơn một bức ảnh chụp về họ. Tôi rất chú trọng điều này. Tôi thấy tác giả những phim truyện ăn khách nhất mọi thời đại đều dùng thủ pháp như vậy.

- Trăn trở nhiều năm giữa viết và không viết, có khi nào chị tự hỏi mình viết tiểu thuyết này làm gì không?

- Rất nhiều l;ần tôi đã tự hỏi: Viết để làm gì. 1/ vì nhuận bút ư? Không. Vì lưu danh ư? 
Không- Danh vọng là thứ rất phù phiếm. Tôi đã bỏ dở rất nhiều lần. Nhưng rồi có một điều gì đó thôi thúc: Hà nội còn nhiều góc khuất lắm, không lẽ quên, không thể thờ ơ với những đau đớn, tủi nhục…Viết là vì lương tri còn thôi thúc. Sau 10 năm, tôi mới hoàn thành, nhưng không một ý chính nào quên lãng, chỉ có một vài chi tiết nhỏ biên tập viên đề nghị tôi bỏ một vài câu nói tục tĩu hiện hành, của nhân vật, họ bảo nó không cần thiết, nó có thể làm hỏng sự thanh lịch của Phố Hoài. Và một nửa cuốn nữa tôi để lại vì thấy sách đã dày quá rồi. Thế thôi.

- Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện thẳng thắn này


Box: Một cá tính đa diện
Trần Thị Trường sinh năm 1950.
- Đỗ Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Khóa 1973- 1978 (học dở dang)
- Làm phiên dịch tại Bulgaria 1981-1986
- Làm báo, viết văn, vẽ tranh và tư vấn Luật SHTT.
- Tác phẩm xuất bản: Lời cuối cho em (tiểu thuyết NXB Thanh niên 1990); Kẻ mắc
chứng điên (NXB Hội nhà văn 1993). Chị cũng là tác giả của các tập truyện ngắn:
Bâng khuâng (1993). Tình câm (1995)’ Thời gian ngoảnh mặt (2003); Tình như chút
nắng (2006)
- Ngoài các Triển lãm Mỹ thuật nhóm và chị có Triển lãm cá nhân: 2019.





Tranh tĩnh vật của nhà văn - họa sĩ Trần Thị Trường.





ĐỌC PHỐ HOÀI
Tiến sĩ Đào Tuấn Ảnh


Qua lời giới thiệu ngắn gọn của nhà văn Tạ Duy Anh đăng tải trên FB tôi tìm đọc cuốn Phố Hoài của nhà văn Trần Thị Trường. Trước khi viết cảm nhận về cuốn sách này tôi đã đọc hầu hết những bài viết, những nhận xét của bạn đọc về nó. Ngoài sự “càu nhàu” khó chịu về việc sách đã dày thì chớ, co chữ lại nhỏ, chi chít, rất khó cho sự đọc, thì tất cả những ý kiến của mọi người đều tập trung ở một điểm: đây là cuốn sách viết một cách chân thật, cảm động về một thời chiến tranh, thời bao cấp, thời ấu trĩ, nghèo đói đã qua. Đọc bất kì trang nào của cuốn sách bạn đọc cùng thời với chị đều thấy mình có mặt trong đó. Những sự kiện, sự việc, hoàn cảnh của các nhân vật đều ứng với những gì họ từng trải qua. Nhiều người bảo họ đã khóc khi đọc cuốn sách này. Chạm đến trái tim người đọc là việc không phải nhà văn nào cũng làm được.

Gần 400 trang sách, nếu nhìn từ góc độ ngại đọc dài hiện nay, thì quả Phố Hoài dài thật. Nhưng với một không-thời gian mà nó muốn bao quát, thì số trang ấy lại là không đủ. Thời gian 70 năm, một đời người, bắt đầu từ chiến tranh chống Mỹ cho đến ngày nay, với hầu hết những sự kiện to lớn diễn ra: các cuộc chiến tranh liên miên, giai đoạn kinh tế bao cấp kéo dài ở miền Bắc; cải tạo công thương trong Nam; những vấn đề tôn giáo, văn hóa, xã hội; cuộc di tản lớn nhất trong lịch sử nước Việt; Kiều nạn; thời kì Đổi mới, mở cửa kinh tế, văn hóa.... Không gian thì ngoài Hà Nội, Sài Gòn là hai trường hoạt động chính của các nhân vật, nó còn mở rộng tới biên giới Tây Nam, sang Campuchia, lên biên giới phía Bắc, sang Hồng Kông, Trung Quốc, tới Đông Âu, rồi tới Mỹ. So với không – thời gian trong Phố Hoài thì “Chiến tranh và hòa bình” còn thua xa (có mỗi cuộc chiến tranh chống Napoleon năm 1812; Các sự kiện diễn ra chủ yếu ở Moskva và Peterbua). Ấy vậy mà cụ L. Tolstoi, viết theo kiểu cổ điển, đã phải cho ra một đại tiểu thuyết-sử thi hai tập dầy cộp. Nói thế để thấy tham vọng viết về một thời đại lịch sử ăm ắp sự kiện, con người, mà chỉ gói gọn trong ngần ấy trang sách, nhà văn đã đặt cho mình một nhiệm vụ lớn lao và hết sức khó khăn.
Là bởi, với số trang như vậy, muốn chuyển tải một không-thời gian hoành tráng như Phố Hoài, đòi hỏi một cách kể chuyện, dàn dựng kết cấu khác, phù hợp với nó và phải tỉnh lược rất nhiều thứ rườm rà, rối mắt. Trong Phố Hoài, lối kể chuyện tuyến tính thông thường, thật thà, không sử dụng bất kì thủ pháp trần thuật tân kì nào, buộc phải trải nhân vật ra, liên tục bổ sung lớp nhân vật mới, kể cả khi tác phẩm sắp kết thúc, ngõ hầu “gánh vác” các nhiệm vụ tiếp tục nẩy sinh trong ý đồ của tác giả. Ở đây, nhà văn đã phá vỡ mọi khung khổ, nguyên tắc xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết hiện thực đòi hỏi phải có tính cách điển hình bao chứa một thế giới nội tâm phong phú, được khắc họa bởi cái gọi là “chủ nghĩa tâm lí” .

Trong Phố Hoài các nhân vật được chia theo nhiều tuyến, nhóm do từng cặp tình nhân “phụ trách”: cặp Nam – Thanh; Hoàng – Lan; Quyết - Hằng; Hùng – Thúy; A Hòa – Liên... Mô tả số phận bi thảm của lớp trai thanh gái tú thời kì đó cùng những trí thức nổi tiếng khác, tác giả có tham vọng phục dựng, thông diễn thời đại lịch sử đã qua, cố tìm ra cái bản chất cốt lõi của nó, ngõ hầu lí giải những gì đang xảy ra ngày hôm nay. Tuy nhiên, những sự kiện, chi tiết, chất liệu sống ngồn ngộn được ồ ạt đưa vào tác phẩm, khiến chân dung các nhân vật vốn không được neo giữ trong tâm tưởng người đọc bằng tính cách tâm lí sắc nét, trở nên nhạt nhòa, không đủ sức gắn kết với nhau làm thành một bức tranh nghệ thuật tổng thể.

Nhưng, có vẻ như tác giả không để ý tới điều đó. Chị thậm chí còn muốn đưa vào càng nhiều càng tốt những con người – chứng nhân lịch sử, những sự kiện, những vấn đề, như thể sợ rằng hậu thế sẽ lãng quên cái thời cay đắng đó. Cái thời in quá đậm nét trong tâm hồn nhạy cảm và dễ tổn thương của nữ nhà văn-họa sĩ. Cái thời, như nhà thơ Esenin nói về thế hệ mình – “Chúng ta không sống, chúng ta buồn”.
Và tác giả đã mô tả cái thời gian khó ấy một cách hết sức trung thực, với tư cách người trong cuộc. Để nhấn mạnh tính trung thực, chị thậm chí còn bê nguyên xi “người thật, việc thật” - những trí thức lớn, những nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng với tên thật của họ vào sách của mình dưới dạng những phác thảo. Độc giả đói sự thật, khát khao một lịch sử được bạch hóa, cần và đánh giá cao tính trung thực đó.

Khát vọng phục dựng sự thật lịch sử, lí giải nó thông qua số phận con người, chất liệu sống ngồn ngộn, đa dạng thông tin, chính là sức mạnh của Phố Hoài, khiến người đọc thích thú đón nhận cuốn sách và dễ dàng thể tất một vài những khiếm khuyết về phương diện nghệ thuật của nó. Và, biết đâu đấy, thế hệ tương lai, dựa vào những cuốn sách như Phố Hoài, nếu không cho ra được Chiến tranh và hòa bình, thì ít nhất cũng viết được cái gì đó ngang ngửa với Con đường đau khổ của nhà văn-bá tước đỏ A. Tolstoi, trùng tên với cụ Lev Tolstoi vĩ đại, cũng bá tước, nhưng không đỏ."




Tranh tĩnh vật của nhà văn - họa sĩ Trần Thị Trường.




“Một đời người đã mất”, đó là ý nghĩ của Hoàng. “Sinh mệnh dân tộc đã đang bị người ta làm phép thử sai” (tr. 191), đó là câu giáo sư Trần nói với đại úy Quyết. Trần Thị Trường bằng văn chương ở “Phố Hoài” muốn trình ra một cách đọc lịch sử của mình – lịch sử một thành phố thủ đô, lịch sử mấy thế hệ người, lịch sử một dân tộc. “Phố Hoài” đã mở, người đọc hãy bước đi trên phố để cùng nhà văn quan sát và chiêm nghiệm những cảnh tượng “đã bày ra đấy / kiếp phù sinh trông thấy mà đau” (Nguyễn Gia Thiều) trong một lịch sử chưa xa. Và chưa hết.

Nhà phê bình Pham Xuân Nguyên








Tác phẩm đã in







1
Lời cuối cho em
(tiểu thuyết, 1989)




2
Kẻ mắc chứng điên
(tiểu thuyết, 1991)
Nxb Hội nhà văn




3
Bâng khuâng
(tập truyện ngắn, 1993)
Nxb Hội nhà văn




4
Tình câm
(1996)




5
Truyện ngắn Trần Thị Trường
(ttp truyện ngắn, 1999)
Nxb Lao động




6
Thời gian ngoảnh mặt
(tập truyện ngắn, 2003)
Nxb Hội nhà văn




7
Tình như chút nắng
(tập truyện ngắn, 2006)
NxbThanh niên




8
Hoa mưa
(tập truyện ngắn)




9
Những đóa hồng xanh
Nxb phụ nữ






Nhà văn Trần Thị Trường được xem là một trong những người say mê viết về thân phận phụ nữ. Các trang viết của bà xuất phát từ thực tế cuộc sống và sự trải nghiệm từ các chuyến đi nhiều nước trên thế giới.







Trần Thị Trường họa sĩ


Nhà văn Trần Thị Trường: Đa đoan giữa con chữ và sắc màu

KIỀU BÍCH HẬU


(HNMCT) - Tôi không ngạc nhiên lắm khi năm 2019 nghe tin nhà văn Trần Thị Trường có triển lãm tranh riêng tại Hà Nội, bởi tôi biết chị đã học vẽ khá kỹ lưỡng. Hơn nữa, đã có những nhà văn, nhà thơ dấn thân vào lĩnh vực hội họa đầy gian nan này và gặt hái thành công nhất định, như Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Quang Thiều, Bàng Ái Thơ..., thì việc có thêm một Trần Thị Trường nhà văn xông pha mảng hội họa cũng không còn gì lạ nữa.

1. Nhà văn Trần Thị Trường sinh năm 1950 tại “miền gái đẹp” Tuyên Quang. Trong làng văn, chị được liệt vào dạng top người đẹp cầm bút. Nữ sĩ được độc giả biết đến từ những năm 1990 nhờ những trang viết về thân phận phụ nữ, đi vào nội tâm nhân vật nữ, những góc buồn khổ, khó nói, nhưng văn của chị tế nhị, gợi cảm mà thâm trầm, nhiều ẩn ý. Tiểu thuyết đầu tay "Lời cuối cho em" của Trần Thị Trường do NXB Thanh Niên ấn hành năm 1990, lập tức đã làm nên tên tuổi của chị. Tuy 40 tuổi mới bắt đầu nghiệp viết, nhưng ngay khi xuất hiện, chị khẳng định một phong cách giàu màu “nam tính” trên văn đàn. Chị chọn cho mình quan điểm sáng tác riêng, hướng về phía người yếu thế. Đọc văn của Trần Thị Trường, ngay cả trong những câu chuyện ngột ngạt, vẫn thấy đó đây nụ cười cảm thông.

Ngay cả khi chị viết về “Tắc đường”, một vấn nạn giao thông đô thị, thì con người trong cuộc sống bế tắc, bấn loạn đó, vừa đáng trách nhưng cũng vừa đáng cảm thông. Chị nói về tác phẩm của mình: “Tắc đường có chứa đựng sự hài hước, sâu cay của một người vì yêu mà đanh đá”. Truyện ngắn của Trần Thị Trường tuy đứng bên những người mất mát, tổn thương nhưng không chung thủy với lối kết thúc “tối đen như mực” hay “ngày mai sẽ khác” (tên một truyện ngắn của chị), mà chị chọn lối kết như... bản tin thời tiết, lúc nắng, lúc mưa, khó đoán biết. Lối kết này thể hiện triết lý về tính hai mặt của cuộc sống, luôn xoay vần cuộc đời con người trong vòng xoáy bất tận của nó. Và, chính vì thế mà luôn bất ngờ, luôn hấp dẫn.

2. Năm 2019, Trần Thị Trường có triển lãm tranh đầu tiên. Nhưng, phải đến triển lãm tranh thứ hai của chị, chung với một họa sĩ khác là Lê Thiếu Ngân, diễn ra vào tháng 3 vừa qua thì tôi mới có cơ hội tham dự. Lúc ấy là cuối chiều, tôi cùng nhà thơ Thụy Anh đến phòng tranh trên phố Ngô Quyền. Chị hồ hởi kể: “Hôm khai mạc triển lãm (19-3-2022), người tham dự đông đúc, không còn chỗ chen chân, và chị đã bán được 20 bức tranh ngay trong hôm đó". Cho đến ngày 24-3, Trần Thị Trường đã bán được 30 bức tranh trong tổng số 40 bức trưng bày trong triển lãm này. Tôi ngắm nhìn những bức tranh vẫn treo trên tường nhà triển lãm, nhưng đã được đánh dấu son, cho biết tranh đã có chủ, mà vui cùng chị. Tỷ lệ bán tranh như vậy là khá cao trong một triển lãm chung thế này.

Khi tranh của mình được đông đảo người xem yêu thích và mua rất nhanh, hẳn tác giả phải mừng lắm? Nhưng nữ sĩ Trần Thị Trường lắc đầu bảo, vui thì có vui, nhưng cũng buồn. Hồi đầu, khi người ta mua tranh rồi mang đi mất, chị đã bật khóc vì tiếc nhớ. Quả vậy, vẽ được một bức tranh đẹp, rồi thương yêu bức tranh như người bạn thân của mình, thuộc về mình như máu thịt, vậy mà bỗng dưng lại phải chia xa, không khóc sao được!

Trần Thị Trường vẽ tranh theo phong cách hội họa hiện thực. Do đó, tranh của chị dễ cảm, dễ thấu và dễ được yêu. Hai năm qua, sáng tác gần trăm tác phẩm, tranh của chị đã được đông đảo người chơi tranh và bạn hữu sưu tầm. Chị vẽ chân dung các nhà ngoại giao và các nhạc sĩ, họa sĩ, các nhà văn hóa mà chị trân quý, ngưỡng mộ. Trong lần triển lãm riêng vào năm 2019, chị vẽ chân dung nhiều nhà ngoại giao, trong đó có bà Kamala Harris nay là Phó Tổng thống Mỹ. Bức tranh này đã được mua ngay và hiện đang được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Mỹ tại Hà Nội. Chị cũng vẽ đồng nghiệp báo chí, văn chương và người thân, bạn bè. Các bức tranh chân dung chị vẽ nhạc sĩ Trần Tiến, nhạc trưởng Lê Phi Phi, ca sĩ Ngọc Tân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Đoàn Lam Luyến, Phan Thị Thanh Nhàn... đều chinh phục "ngay tắp lự" đông đảo công chúng và chính nhân vật được vẽ. Ngoài mảng chân dung, chị tập trung vào tranh tĩnh vật, phong cảnh, hoa. Nếu như tranh chân dung của chị lột tả vẻ đẹp độc đáo riêng, thần thái của nhân vật thì tranh tĩnh vật giàu nữ tính, truyền cảm, dồi dào năng lượng tích cực. Đặc biệt, những bức vẽ bếp lửa, đèn dầu... được bán rất nhanh.


Tranh tĩnh vật của nhà văn - họa sĩ Trần Thị Trường.


Trần Thị Trường chia sẻ, chị vẽ tranh rất nhanh, mỗi tuần vẽ một bức, không cần chờ cảm hứng đến rồi mới vẽ. Sống tràn đầy, sôi nổi từng phút giây, từng bôn ba đây đó, làm ăn ở cả trong nước và nước ngoài, trải nghiệm sống giàu có, chị chỉ cần vung bút là có tranh. Không chỉ vẽ, chị còn viết và tham gia biết bao việc liên quan đến văn hóa nghệ thuật. Tay năm tay mười, bận không kịp thở. Nhưng cũng nhờ dồi dào năng lượng thế, cộng thêm tài năng và ý thức học hỏi, rèn giũa mình không ngừng nghỉ nên chị có nhiều tác phẩm cả văn học và mỹ thuật cống hiến cho đời.

Nói về tranh Trần Thị Trường, nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận xét: “Trần Thị Trường thật giỏi khi tả cái “chất” của ánh sáng trong ánh sáng. Nó rất rõ ràng đấy mà sao ta cứ thấy như mờ mờ đâu đó. Tôi đảo qua, đảo lại xem hết lượt, xem từng cái. Tôi ca ngợi các nét vẽ êm dịu và khe khẽ, nhẹ nhàng, không có dấu vết, kể cả cái bóng của hình cũng lẹ làng lẩn khuất đi đâu. Xem cả phòng tranh tôi không thấy tác giả lúc nào vội vã, hớt hải, thậm chí không có chút trạng thái bối rối ngập ngừng như của một số cây cọ là nhà thơ vẽ tranh. Trần Thị Trường tự tin vẽ với một tình cảm sâu và chín. Xem tranh của Trần Thị Trường vừa cho ta tâm trạng yên ả, lắng đọng như nghe một bản nhạc nhẹ với những giai điệu dịu dàng, thư thả”.

3. Dù đã trở thành hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam nhưng trong câu chuyện với chúng tôi ngay tại phòng triển lãm tranh của chị, Trần Thị Trường chỉ mê mải nói về thơ, về văn. Chị có thể đọc vanh vách những bài thơ của bạn đồng nghiệp, tán thưởng và phân tích thấu đáo từng câu thơ giàu tính triết lý của Đồng Đức Bốn, Đoàn Lam Luyến...

Có thể nhận ra một cuộc sống có những mảng màu rất khác nhau của chị, nhưng đã được chị khéo léo hòa thành một bức tranh đẹp, hấp dẫn. Cuộc đời của Trần Thị Trường cũng chính là một bức tranh cuốn hút, mà bất cứ màu sắc nào trên toan cũng đều đậm sắc, đều khiến ta tò mò. Vẻ đẹp bức tranh cuộc đời chị có được chính bởi niềm đam mê cộng thêm tài năng trời phú. Khi đã đam mê “món” gì, chị sẽ thực hiện cho bằng được. Và thật may mắn khi công chúng yêu nghệ thuật không chỉ được thưởng thức những tác phẩm văn chương của cây bút tài hoa Trần Thị Trường, mà còn được thưởng lãm những bức tranh đẹp nhuần nhị, lãng mạn mà thật ma mị trong đường nét, trong cách phối màu của họa sĩ Trần Thị Trường. Người phụ nữ đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng vẫn chưa khiến công chúng hết ngạc nhiên vì tài năng và năng lượng phi thường trong cống hiến nghệ thuật.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Trần Thị Trường đã có nhiều tác phẩm được bạn đọc biết đến như "Lời cuối cho em" (tiểu thuyết, 1990), "Kẻ mắc chứng điên" (tiểu thuyết, 1991), "Bâng khuâng" (tập truyện ngắn, 1993), "Tình câm" (1996), "Truyện ngắn Trần Thị Trường" (tập truyện ngắn, 1999), "Thời gian ngoảnh mặt" (tập truyện ngắn, 2003), "Tình như chút nắng" (tập truyện ngắn, 2006)...




Nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường: Cho đến một khi nào không biết được...


VOV.VN - "Nếu bây giờ cuộc sống cho phép làm lại, cũng có thể tôi đã tiếp tục vẽ và văn học không có chỗ chen chân vào. Nhưng tôi cũng không dám chắc. Bởi vì văn học có sức quyến rũ vô cùng..."

Triển lãm tranh Tháng ba của hai nữ họa sĩ Trần Thị Trường và Lê Thiếu Ngân vừa kết thúc. Điều gây chú ý đó là, những bức tranh ngay từ khi đang triển lãm đã được mua gần hết. Nhưng triển lãm nào của Trần Thị Trường cũng vậy, thường trở thành hiện tượng khi tranh bán rất nhanh. Độc giả vốn đã quen với cái tên Trần Thị Trường với vai trò nhà văn, từ những năm 1990 với tiểu thuyết đầu tay Lời cuối cho em (của NXB Thanh niên), rồi hàng loạt tập truyện ngắn sau này. Bà còn là một cây bút báo chí sắc sảo. Và giới văn nghệ cũng biết bà rất mát tay trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật.


Nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường trong phòng vẽ của mình


Tài hoa, đa tài, đa năng, bản thân những câu chuyện cuộc đời của bà đã có thể là một tiểu thuyết đầy màu sắc. Có lẽ nếu hiểu về thân thế sự nghiệp của Trần Thị Trường, người ta sẽ có hình dung rõ nét hơn về thế hệ văn nghệ sĩ của đô thị Hà Nội một thời.

Nhà văn – họa sĩ Trần Thị Trường chia sẻ về những câu chuyện về việc viết văn – vẽ tranh của bà.


PV: Xin chào nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường. Nhắc đến cái tên Trần Thị Trường, người ta sẽ nghĩ ngay đến một người rất đa tài. Thế nhưng riêng với cá nhân bà, nếu được chọn lựa giữa viết văn và vẽ, nếu mà làm lại thì bà sẽ bắt đầu đi trên con đường nào?

Nhà văn – họa sĩ Trần Thị Trường: Quả thật tôi cũng không biết nếu cho làm lại tôi sẽ làm như thế nào. Còn ban đầu tôi không nghĩ đến viết văn. Tôi thi đỗ đại học Mỹ thuật Công nghiệp khóa 1973 - 1978. Và tôi theo con đường hội họa được mấy năm, thì thấy ở nhà, chồng tôi cũng đã là họa sĩ. Cả hai đều làm họa sĩ thì nói vui một chút, có sự ganh đua về mặt nghề nghiệp, mà thời đại lúc đó cũng không cởi mở cho lắm nên tôi thấy tôi không thể tiếp tục con đường hội họa. Tôi phải làm tất cả các nghề khác để sống, để nuôi con, thậm chí là lúc đó có khi còn nuôi chồng. Bởi vì công việc sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi rất nhiều năng lực, thời gian. Và cuộc sống không cho phép cả hai người như vậy.

Nhưng nếu bây giờ cuộc sống mà cho phép làm lại, cũng có thể tôi đã tiếp tục vẽ và văn học không có chỗ chen chân vào. Nhưng tôi cũng không dám chắc. Bởi vì văn học có sức quyến rũ vô cùng. Tôi cũng là người mê văn học. Từ lúc mười mấy tuổi tôi đã đọc sách rất nhiều, đặc biệt quan tâm đến triết học. Ngày ấy tất cả những người như chúng tôi, đi học ở trường thì những câu hỏi về triết học cũng đã bủa vây, cũng thúc giục chúng tôi đi vào con đường đó ghê lắm. Vì thế, tôi nghĩ văn học là một thứ thường trực trong mỗi con người, còn hội họa thì đòi hỏi thêm điều kiện là cần phải có họa phẩm và họa phẩm tốt. Mà thời đó, họa phẩm tốt rất là hiếm.

PV: Có thể thấy là đa số các tác phẩm của Trần Thị Trường đều vẽ bằng ngôn ngữ hiện thực. Đây có phải là một lựa chọn của bà?

Nhà văn – họa sĩ Trần Thị Trường: Chắc chắn tôi không hối hận gì khi theo đuổi phương pháp hiện thực pha một chút ấn tượng. Và tôi rất thích. Cho đến bây giờ tôi chưa chán. Tuy nhiên tôi cũng có thử một số phương pháp diễn đạt khác nhưng tôi vẫn thấy thích nhất là phương pháp hiện thực pha chút ấn tượng. Vì nó phù hợp với cảm xúc của tôi, nó đem lại cho tôi những năng lượng tích cực và tôi cũng cho rằng có tác động đến người thưởng ngoạn nó.

Không biết các họa sĩ khác nghĩ như thế nào, nhưng với tôi thì hiện thực và lối vẽ trực họa của tôi, nếu tôi có sang những kiểu khác, thì có vẻ cái sự cơ bản ấy cũng giúp tôi dễ dàng hơn. Cho đến một lúc nào tôi cũng không biết được, cảm xúc dẫn dắt tôi đến chỗ nào thì sẽ chán và sang một ngã khác.

PV: Trong vòng mấy năm qua số lượng tranh vẽ của bà khá là nhiều. Ở cái tuổi này không nhiều người có khả năng lao động và sáng tạo như vậy, Có lúc nào bà nghĩ mình nên chậm lại một chút?

Nhà văn – họa sĩ Trần Thị Trường: Quả thật câu ấy cũng chính là tôi bảo với tôi đấy. Tôi cũng bảo với tôi rằng hãy chậm lại một chút chăng, hãy từ từ chăng... Nhưng mà hội họa cũng như văn học nghệ thuật, tôi nghĩ cảm xúc dẫn dắt mình đến đâu và kỹ thuật cho phép mình đẩy cảm xúc đến đấy, nếu có sức khỏe thì mình nên thực hiện ngay và luôn, tại sao lại phải bỏ đấy, dừng lại?

Tuy nhiên phải xem xét sự nhanh ấy nó có đem lại hiệu quả hay không. Bản thân tôi kể cả viết văn cũng như vẽ. Mỗi khi tôi vẽ xong, lúc đầu sung sướng lắm, có khi đưa ngay lên facebook, nhưng đó là thời kỳ đầu. Còn bây giờ tôi đã biết rằng vội vàng như thế có thể sẽ đem lại một sự tiếc nuối, thành ra tôi cũng để cho nó chín bằng cách một, hai tuần tôi ngắm lại tác phẩm của mình, sau đó tôi thấy nếu như có làm lại mình cũng không làm lại được, thì nó là thế thôi.

Câu hỏi của các bạn làm cho tôi nhớ đến một cô em, ngay từ đầu cô ấy rất thích một bức họa của tôi và vẫn giữ cho đến bây giờ. Năm nay cô ấy lại đưa lên facebook. Đó là bức vẽ của tháng đầu tiên khi tôi quay trở lại với hội họa. Tôi nhận ra sự non nớt của bức tranh đó. Tôi bảo: em có muốn đổi bức tranh khác không, chị đổi cho em. Nhưng cũng có những bức như bức Quả bí chẳng hạn. Tôi vẽ ngay từ những năm đầu cho đến bây giờ ngắm lại tôi vẫn thích, và có người mua tôi không muốn bán.

Tôi nghĩ sự nhanh, chậm hay dừng lại để suy ngẫm nó luôn nằm trong hành trình sáng tạo của mình. Và có thể những mải mê nó dắt mình đi nhanh quá, nếu như có điều kiện xem lại và thấy nó hỏng thì bỏ thôi. Còn hàng ngày mình vẫn vẽ. Đó chính là sự rèn luyện của mình, giúp cho nét cọ của mình sắc sảo hơn, sâu lắng hơn, có thể chuyển đổi một chút hiệu quả hơn. Và cũng không biết tôi trả lời như thế này, nhưng một tuần sau tôi lại nghĩ là quả thật đúng là phải dừng lại để suy ngẫm, thì đấy cũng là lẽ bình thường của người sáng tạo.

PV: Vâng bên cạnh những câu chuyện về vẽ, còn câu chuyện viết văn. Hiện nay bà có dự án văn học nào không? Có dự định về một tác phẩm nào đó sau Phố Hoài?

Nhà văn – họa sĩ Trần Thị Trường: Trong lòng tôi, như tôi đã nói, văn học là thường trực trong mỗi một con người. Cho nên có người nói đùa là cả nước làm thơ. Đấy chính là văn học, nhưng nó có đạt tới cái gọi là văn học đỉnh cao hay là văn học được tiếp nhận, được bạn đọc tìm đến, tìm mua và thú vị với những tác phẩm mà mình đã xuất bản hay không. Có thể nói nó vẫn thường trực trong tôi. Và trong khi ngồi vẽ có khi tôi lại xây dựng một nhân vật cho văn học.

Rồi các báo gọi tôi, cần phải có bài viết của tôi về một nhân vật nào đó, tôi vẫn viết. Đó là cách như là văn ôn võ luyện, luôn luôn để cảm xúc dẫn dắt. Và một khi nó chín rồi, mình phải viết ra rồi, lúc đấy tôi sẽ viết. Nhiều khi ban ngày vẽ xong, đến tối nghỉ không vẽ nữa tôi vẫn loay hoay nghĩ rằng nếu như một cuốn sau Phố Hoài thì nhân vật ấy sẽ chuyển tải những tư tưởng nào của tôi.

Những lời hứa trước - giống như hồi tuổi trẻ khi trả lời phỏng vấn tôi cũng hứa trước là sẽ có quyển này sẽ viết quyển kia - tôi nghĩ những lời ấy không cần thiết. Mà chỉ là, tôi thấy năng lực của tôi vẫn còn dồi dào, cũng như tôi muốn cất tiếng nói bằng các hình thức khác nhau: Trong hội họa tôi ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất nước, và con người bằng màu sắc. Tất cả tình yêu đó cần phải thể hiện bằng một lối ẩn dụ khác thì tôi sẽ thực hiện nó bằng văn học.

Chính vì thế, tôi nghĩ câu hỏi của các bạn rất thú vị nhưng đối với tôi, nó là sự khích lệ và giúp cho tôi thấy rằng bạn đọc vẫn có thể chờ tôi, mong muốn tôi có thêm những tác phẩm mới về văn học. Còn tôi cũng không biết là tôi có thể hoàn thành được hay không. Rất cám ơn những câu hỏi khích lệ của các bạn.

PV: Vâng. Xin cảm ơn nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường về cuộc trò chuyện này./.

Phi Hà/VOV5











Nhà văn Trần Thị Trường: “Tôi thấy mình không già khi đặt bút lên toan”

VIỆT QUỲNH


Gọi cô là nhà văn không tuổi, bởi mỗi khi gặp, lúc nào cũng đong đầy tiếng cười và đầy ắp tình thương. Trong nhiều câu chuyện vui, không ít nhà văn đồng nghiệp thích kể lại những ngây thơ hồn nhiên như thể có trải nghiệm qua bao nhiêu thì vẫn là lần đầu của nhà văn Trần Thị Trường, dù những trang văn cô viết, lại đong đầy những cảm thông thân phận buồn khổ đàn bà.

“Phụ nữ châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng luôn luôn bị chi phối bởi các quy tắc do đàn ông đặt ra. Với những quy tắc đó phụ nữ luôn bị xăm soi, xét nét không chỉ bởi đàn ông mà toàn xã hội. Đàn bà cũng xét nét lẫn nhau bởi cái quy tắc kia, nhất là vào cái thời tôi còn trẻ. Đàn ông ngược đãi vợ, đàn bà không thể thoát ra, nếu thoát ra, đàn bà mang tiếng xấu. Đàn ông hiển nhiên coi việc giúp đỡ vợ là hèn, coi việc chỉ biết một đàn bà là ngu, coi việc về nhà đúng giờ là bám váy vợ như cái thời đàn ông đi làm nuôi cả nhà, đàn bà chỉ nội trợ. Nhưng đàn bà thời tôi sống, phải đi làm, phải kiếm tiền nuôi sống mình và nuôi con, thậm chí nuôi chồng… Còn chồng uống rượu, hút thuốc, đá bóng… không sao, đàn bà chỉ một chút hưởng thụ là bị lên án, là bị nhìn bằng con mắt khác… Tôi xót thương những thân phận như thế, chứ không chỉ là góc nhìn từ chính cuộc đời tôi, - nhà văn Trần Thị Trường chia sẻ, khi tôi hỏi vì sao cô lựa chọn đề tài về phụ nữ trong suốt hành trình sáng tác.-Tôi không cổ vũ đàn bà sống khác với bản tính thiên phú, mà tôi muốn đàn ông hãy liều liệu. Bắt nạt vợ, không chia sẻ mọi vấn đề gia đình với vợ, không yêu thương vợ như một con người giống mình mà chỉ là vật sở hữu thì sớm muộn cũng chỉ nhận được sự chán ghét, coi thường của vợ. Thời chúng tôi có những cặp vợ chồng không ly dị, nhưng chả có hạnh phúc chung, mỗi người theo đuổi những niềm vui thầm kín. Và bây giờ nhiều người đàn bà nuôi con một mình họ sống rất hạnh phúc với tài năng của họ. Đàn ông ơi, hãy hiểu đi! Đó là thông điệp của tôi”.

Nhìn lại các tác phẩm đã viết, nhà văn Trần Thị Trường nói, cô vẫn xúc động khi đọc lại cuốn đầu tay “Lời cuối cho em”, cùng một số truyện ngắn khác như “Thị Lộ”, “Sóng vỗ mạn thuyền”, “Nô tỳ được trang sức”…

Còn với tiểu thuyết “Kẻ mắc chứng điên” (NXB Hội Nhà văn, 1991), nhiều bạn bè của cô vẫn thuộc từng câu thoại trong đó. Nhưng với nhà văn Trần Thị Trường, đây là cuốn “có vẻ như bị lãng quên”. “Tôi viết trong tình trạng mơ hồ về mọi điều, chỉ có bản năng dẫn dắt. Lúc đó, tôi còn đang ngây ngất với thành công của “Lời cuối cho em” (1990), cho nên có thể nói “Kẻ mắc chứng điên” chưa được đầu tư đủ tài năng cho ý tưởng ban đầu của tôi - miêu tả một xã hội lộn xộn, cá nhân trong xã hội đó bị xé nát”… Nhà văn Trần Thị Trường là một người phụ nữ tháo vát, làm rất nhiều nghề. Dù vậy, tên cô vẫn luôn gánh liền với danh từ “nhà văn” qua những tác phẩm mà cô đã đóng góp.

Nhà văn Trần Thị Trường kể lại về con đường văn chương của cô: “Ngay từ khi còn nhỏ, có một ông thày tướng đến chơi với anh trai tôi, có nói “chú tặng cháu câu này, giời giao việc khó cho người biết, cháu sẽ là con người vất vả”. Tôi không hiểu lắm, nhưng ghi vào sổ. Sau này, tôi thấm thía, việc gì cũng đến tay. Có việc buộc phải làm, nhiều việc tự mình gánh lấy, tự mình nhận lãnh trách nhiệm. Nhiều người bảo số đã thế thì phải thế, khi còn trẻ cũng nghĩ thế. Có lúc cũng oán số phận, nhưng khi trưởng thành lại thấy, nhờ thế mà mình có nhiều kinh nghiệm sống, nhờ thế mà mình biết được giá trị của hạnh phúc… Tôi đã từng làm đủ thứ: từ thợ may thời may vỏ chăn, lộn cổ sơ mi đến thời người ta mặc hàng hiệu tôi vẫn có thể may những thứ tương tự cho mình và bạn bè. Tôi đã từng học nghề hàn, học tiếng Nga để đủ cáng đáng việc phiên dịch trong một nhà máy có công nhân hàn của Việt Nam tại Bulgaria (từ tiếng Nga sang tiếng Bulgaria rất dễ), hai nghề đó nuôi sống tôi và gia đình tôi bốn miệng ăn vượt qua được thời kỳ bao cấp khốn khổ nhất… Nhưng đôi khi vất vả cực nhọc lại khiến cho người ta kiên nhẫn để nuôi ước mơ cho chín mùi. Tôi viết “Lời cuối cho em” khi đã 39 tuổi. Cái mơ ước văn học nghệ thuật nó giúp tôi lặn lội trong khốn khó mà không thấy khốn khó, cứ như thể nó là một màng bọc để khốn khó không làm tổn hại được tâm hồn”.



Nhìn lại những trải nghiệm đã qua, nhà văn Trần Thị Trường chia sẻ: “Cũng như mọi người phụ nữ Việt Nam, tôi luôn vất vả không chỉ việc lo việc gia đình, mà còn là người kiếm tiền chính trong gia đình. Chồng tôi là họa sĩ nhà điêu khắc, thời kỳ sáng tạo rực rỡ nhất của ông lại rơi vào tình trạng xã hội phân biệt thành phần tôn giáo, toàn bộ sáng tạo của ông không được đón nhận, sử dụng. Tôi không chỉ nuôi con theo cách thông thường, tôi muốn các con được chuẩn bị một khả năng tốt nhất để không bị nhấn chìm trong một xã hội nếu vẫn còn phân biệt thành phần mà không tôn trọng tài năng con người. Các con không chỉ học các chương trình phổ thông, chúng được hướng dẫn trau dồi các kỹ năng cộng với sử dụng tốt ngoại ngữ để có thể làm việc trong một thế giới rộng lớn hơn. Khi gia đình chúng tôi vượt thoát khỏi sự khốn khó, tôi còn gặp phải tình trạng phân biệt bằng cấp. Tôi làm báo viết văn mà không được đào tạo những nghề đó, nên tôi phải cố gắng rất nhiều mới tồn tại được với nghề. Tuy nhiên, với nghề văn bằng cấp chỉ là nấc đầu tiên, kinh nghiệm sống sẽ cho ta khả năng quan sát và đúc kết, trí tưởng tượng và khả năng suy ngẫm sẽ cho ta một tư tưởng. Viết văn cần những nấc như thế, và tôi chạm tới nghề. Sự kiên nhẫn luôn đem đến cho người những điều tưởng như không thể với tới”.

Thời gian này, nhà văn Trần Thị Trường khi rảnh rỗi lại quay về giá vẽ. Cô cảm xúc với những gam trầm buồn, vẽ từ bên trong những u hoài… khác hẳn với niềm vui tươi sáng bên ngoài. Tôi hỏi cô, vì sao khi còn thanh xuân, cô không theo đuổi hội họa thay vì vùi đầu vào nhọc mệt chữ nghĩa văn chương, cô nhẹ nhàng nói: “Thời của tôi, quả không nhiều phụ nữ thi Mỹ thuật, không chỉ vì đây là một nghề quá khó, với tính sáng tạo cao nó không dành cho sự hời hợt, nó đòi hỏi toàn tâm toàn trí cộng với năng khiếu bẩm sinh. Tôi mới chỉ có một. Với gánh nặng gia đình, chồng tôi đã dồn sức vào đó, tôi không thể theo đuổi ước mơ đó, mặc dù các thầy rất khuyến khích” .

Nhà văn Trần Thị Trường vẫn đùa với mọi người, cô là người rất dễ bằng lòng với bản thân. “Qua thời khốn khó, khi đã có chỗ ở, các con đã có công ăn việc làm, gia đình riêng của chúng hạnh phúc, tôi đã cho rằng mình không còn muốn gì hơn. Ngoài giờ đi làm, tôi dành thời gian tâm trí cho đọc sách. Tôi rất thích đọc sách Luật. Nhà văn cũng giống như luật sư phải am hiểu con người và xã hội để hiểu được điều đã xảy ra và làm thế nào để tương lai không rơi vào vết xe đổ, và trong đó mỗi số phận không bị phán xét oan trái”.

Cùng với vẽ, nhà văn Trần Thị Trường vẫn duy trì việc viết. “Có thể cuốn tiểu thuyết khá dày của tôi, viết trong 10 năm, sắp ra mắt. Thi thoảng thôi vẫn may, thêu và mang giá ra vẽ sơn dầu. Tôi thấy mình không già khi đặt bút lên toan, tôi luôn luôn khấp khởi như hồi trẻ vì không biết phác thảo có thành một bức tranh treo được trước mắt hay không, giống như hồi trẻ đi gặp một người, không biết người đó có thực lòng yêu mình hay không? Cảm giác đó thật tuyệt”.

Công việc thú vị mà nhà văn Trần Thị Trường đang song song làm là làm việc cùng nhạc sĩ Dương Thụ với chuyên mục Phim hàng tuần ở Cà phê thứ Bảy: “Sau thời gian làm việc ở Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, một công việc khiến tư duy Luật của tôi được phát huy, lại thường xuyên có điều kiện được hưởng thụ âm nhạc - điều mà tôi cũng đam mê không kém văn học và hội họa. Tôi rất hài lòng. Nhưng rồi, tôi muốn dành thời gian còn lại của mình cho hội họa và văn học nên tôi đã nghỉ đi làm cả tuần ở đó, tôi về làm với nhạc sĩ Dương Thụ ở Cà phê thứ Bảy với chuyên mục Phim hằng tuần. Tôi cũng muốn thể hiện khả năng diễn thuyết, nên đảm nhận vai trò MC, dẫn chương trình, bình luận phim. Và dường như… thích hợp. Tôi rất vui khi mỗi tuần đi xe máy từ nhà ở Phùng Khoang, cách 7 km, vào nơi làm việc tận hưởng không khí phố cổ Hà Nội, nơi ký ức thuở xa xưa, ngày còn bé tôi được sống lại”…






Tranh Trần Thị Trường














































































































Thủy Chung, Bài Ca Riêng Của Đàn Bà

Trần Thị Trường


Tôi vội vã dúi những bộ áo váy vào trong cái túi du lịch, miệng la hét thằng con trai. Nó cứ lươn khươn, dầm dề như thể định chống lại lệnh của tôi, như thể sẽ không đi cùng tôi, mà ngày thì đã trưa lắm rồi.

Hôm nay không đi xe của ông ấy, mẹ con tôi phải thuê xe ngoài bến. Để ông ấy khỏi biết, cũng là để trong nhà, kẻ ăn người làm không bàn tán xuýt xoa. "Kẻ ăn người làm", ý tôi muốn nói là những nhân viên dưới quyền chồng tôi quản lý.

Không thể để cho họ biết, thủ trưởng của họ "đang bị vợ con theo dõi bắt quả tang bồ bịch". Nếu họ biết, chắc rằng họ sẽ có cớ để lôi thêm vào đó những khuyết tật khác nữa và không khéo họ đánh bật ông khỏi cương vị này.

Loanh quanh với mấy bộ áo và thằng con, mãi rồi tôi mới đi được. Đến sân gôn thì trời đã về chiều. Một vùng cây cối xanh tươi, gió hồ man mác. Sơn thủy hữu tình, nhấp nhô đồi thông, bãi tắm, sân gôn và các nhà đa mái ẩn hiện trong những lùm cây xanh biếc. Người ra kẻ vào, những chiếc ô tô sang trọng, những cô gái xinh đẹp thoang thoảng mùi nước hoa. Một không khí quý tộc và trưởng giả. Thằng Nam nhà tôi háo hức nhìn, vẻ mặt bực bội của nó biến đâu mất, thay vào là hân hoan, thích thú. Nó bảo: "Đấy mới là thế giới của con người". Một tốp đàn ông quần soóc trắng, áo may ô, bước từ con đường rải đá răm vào phòng uống. "Câu lạc bộ - Bia - nước khoáng". Trông họ cường tráng, cơ bắp cuồn cuộn, đầy sức sống. Câu chuyện của họ xoay quanh bãi tập, đường ban, thi thoảng nhắc đến vài cái tên của các cô gái nhặt bóng nào đó: Nga, Huyền, Kiều, My, họ gọi đó là "sự gợi hứng cho nghệ thuật và thể thao". Họ trạc tuổi chồng tôi nên bất giác tôi ngượng ngập về thân thể mình: dù được khoác một bộ trang phục với những đường may tuyệt khéo và chất vải mềm mại, tôi vẫn là người hơi đậm, lùn và chậm chạp - đàn bà ở tuổi ngoài bốn mươi, không giấu được. Thằng Nam, khác hẳn lúc khởi hành, với vẻ mặt bất đắc dĩ, buồn bực, nó nói thẳng không thích thú cái việc đi đánh ghen với mẹ. Nhiều lần nó định quay về, tôi phải lấy cái quyền làm mẹ ra lấn át, bắt buộc nó mới xong. Tôi còn nói thêm:

- Danh dự và hạnh phúc gia đình ta đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nguy cơ mất tất cả đang đe dọa chúng ta. Con biết thế nào là người đàn ông mê gái không? Nhất là người đàn ông ấy có địa vị, có tiền bạc và tên tuổi?

Hai mẹ con dừng lại ở phòng tiếp đón. Tôi vào hỏi danh sách thuê phòng. Mấy cô gái tròn xoe mắt nhìn tôi, có cô hơi nhếch mép cười. Người mang số 36, một thanh niên, bảo: "Xin lỗi bà, đó là một việc không thể. Để làm đẹp lòng bà, chúng tôi phải xâm phạm vào bí mật của người khác và đó là tự do của họ, xin bà hết sức thông cảm cho". Tôi ứa nước mắt vì xấu hổ. Điều anh ta nói hết sức đúng, lại giản dị mà sao tôi không hiểu ra. Quyền làm vợ không phải là tất cả. Quyền làm vợ chỉ to trong căn hộ của mình thôi. Tôi cũng hiểu như vậy. Song nỗi đau lớn hơn sự xấu hổ ấy. Với nỗi đau, tôi có quyền làm mọi nhẽ. Tôi đưa mắt nhìn thằng con, nó đang ngắm cảnh vật ngoài sân gôn. Tôi phân vân một lát rồi quả quyết hành động, lần này thì chín chắn hơn. Tôi cười, đổi giọng:

- Bạn thân mến này, có chút hiểu lầm, không phải mình định tìm ai đâu; mình muốn thuê phòng nghỉ ấy mà. Cho mình lấy phòng đôi, đây là chứng minh thư của mình và khai sinh con trai mình...

Tôi đưa các thứ giấy tờ. Người tiếp viên số 36 nói:

- Xin trả lại bà giấy tờ của cậu nhà, chúng tôi chỉ cần biết một người để liên hệ mà thôi.

Hai mẹ con tôi lên lầu 2, buồng số 10. Đứng trong buồng nhìn qua cửa sổ có thể thấy toàn cảnh khu nhà nghỉ này. Những sân gôn cách nhau một hồ nước, nhìn rõ cả những người chơi gôn. Các quả bóng băng qua mặt hồ sang lỗ gôn bên kia, cũng có khi đường ban đi ngắn, quả bóng rơi xuống nước. Lập tức các cô gái còn trẻ, các cậu thiếu niên chạy ào xuống nhặt. Chồng tôi, người ta cũng mới biếu một cây vợt, nghe nói đến mười triệu đồng. Việc chơi bời kéo theo những lơ đãng trong quan hệ vợ chồng làm tôi chán nản, nhiều lúc tôi định đập gẫy cây vợt đó ra...

Cất quần áo vào trong tủ, trong khi cậu con trai tôi giơ ống nhòm nhìn ra sân gôn, tôi đi đặt bữa ăn chiều. Lúc ra cửa, tôi gặp một cô gái quá đỗi xinh đẹp. Làn da mịn màng đỏ au màu nắng, eo lưng thon nhỏ, ngực nở nang, gương mặt rạng rỡ, môi thắm hồng. Bộ đồ soóc may ô càng làm tăng vẻ trẻ trung của cô. Thảo nào đàn ông có thuật ngữ "tươi mát", cô cười cả với cánh cửa, với hành lang, với tôi, nụ cười rạng rỡ cả không gian. Cô mở phòng 12 rồi mất hút sau cánh cửa. Tôi đi xuống tầng dưới trong tâm trạng u buồn. Phải chi thời gian đừng trôi đi như đã trôi đi. Phải chi tôi có thể níu kéo thời gian, có thể đánh đổi bất cứ giá trị nào để tôi không già đi như thế này, để tôi dừng mãi mãi ở tuổi hai mươi như cô gái ban nãy.

Tiếng thở dài bật ra, tôi bất giác đưa mắt nhìn xuống lớp mỡ bụng. Rồi cố bước đi thật nhanh để chữa sự vụng về chậm chạp của mình. Tất cả đã vèo đi nhanh thế, chỉ còn lại đây các vết nhăn và nỗi u buồn cùng các cơ bắp nhão nhoẹt. Cái ngày tôi ở tuổi hai mươi cũng biết bao chàng trai vây quanh và ông ta là người đã trổ hết tài để lấy tôi. Còn bây giờ, ông đang hết sức thận trọng để tránh xa tôi mà không ai biết, kể cả tôi, ông cũng tưởng tôi không biết là ông chỉ ở gần tôi đúng như nghĩa vụ quy định. Còn đâu là đam mê, còn đâu khát khao cháy bỏng...

Người bán vé ăn cho tôi biết, nếu ăn ở phòng lớn thì bữa ăn khá ồn ào vì ở đấy gồm những người đầy phấn khích sau khi chơi thể thao. Còn nếu muốn yên tĩnh, nhà ăn sẽ phục vụ tại phòng riêng. Tôi đã có chủ đích bắt quả tang nên tôi mua vé ăn phòng lớn, hy vọng ông và cô bồ cũng đến ăn ở đó. Trong suốt bữa ăn tôi không nhìn thấy ông ấy đâu cả. Ngoài trời hoàng hôn dần thẫm. Thằng con tôi nhắc khẽ:

- Con thấy mẹ không lịch sự, cái nhìn nhớn nhác của mẹ hệt như một tên mật thám đang rình mò.

Tôi ngượng ngập nhưng cố thanh minh:

- Thì mẹ chỉ nhìn thôi chứ có làm gì đâu! Mẹ nén nhịn đến thế là tốt lắm rồi đó.

- Nhưng có ai rình mẹ đâu?

- Mẹ thì làm gì để bị rình cơ chứ?

- Mỗi người có sở thích riêng, có cách chơi riêng. Mẹ ưa gì, bố có bao giờ ngăn cản?

Tôi còn mải nhìn để tìm ông ta, nên không muốn tranh cãi với nó. Vả lại nó còn bé quá, làm sao hiểu được vợ chồng là một cuộc chơi chung ở mọi phương diện?

Thằng con nhắc lại:

- Có khi mẹ nghe nhầm, người như bố còn bao nhiêu việc, thì giờ đâu để làm những điều vô ích?

- Thế còn cây vợt? Tao thấy người ta bảo ông ấy thường xuyên lên đây, lần nào cũng vậy, vợt, quần áo thể thao, giày, mũ mang đi sạch cả, chơi bời chả là điều vô ích hay sao?

Nấn ná dùng món tráng miệng, vẫn không thấy tăm hơi ông ấy, mẹ con tôi đành ra về. Tôi lên phòng nghỉ, còn thằng Nam thì thả bộ ra đồi cây. Đến cửa phòng, tôi mới chợt nhớ ra rằng cô gái phòng 12 cũng không có mặt ở phòng ăn lớn. Không hiểu vì lẽ gì, tôi đột ngột nghĩ rằng ông ta ở trong phòng cô gái. Tim tôi thắt lại, mắt tôi hoa lên, đầu gối khuỵu xuống. Tôi tựa vào tường hồi lâu, tim mới đỡ thổn thức. Mệt mỏi rã rời, tôi ước ao cái chết. Nhưng trạng thái ấy được thay thế bằng câu hỏi: "Tại sao ta lại phải chết nhỉ, ta là người đàn bà đoan chính, lấy chồng một cách xứng đáng như tất cả các phụ nữ nề nếp gia phong, quý tộc và sang trọng, tại sao lại phải chết vì bọn "gái bao cướp chồng"?" Câu hỏi ấy giúp tôi thăng bằng lại. Đúng hơn là khỏe hẳn lên. Tôi định giang thẳng tay đấm mạnh cửa buồng số 12. Song lóe ra trong đầu tôi câu nói của tiếp viên số 36: "Thưa bà, điều đó không thể. Chúng ta không có quyền xâm phạm bí mật của người khác. Đó là quyền tự do tối thiểu của mỗi con người". Toát mồ hôi, tôi buông tay xuống rồi ủ rũ chậm chạp bước về mở khóa buồng số 10. Trong phòng mình, tôi như con hổ bị nhốt, gầm gừ với chính mình. Soạt. Tôi nghe tiếng phòng bên đổ một cái gì đó. Đúng là họ đang ham muốn nhau, khao khát nhau. Mịn màng là thế, đỏ au lên màu nắng, mọng, mát. Đến mình còn thấy đẹp, còn muốn áp má vào nữa. Tôi cũng muốn làm đổ một cái gì đó, thì cô đơn cũng cần tiếng động mạnh chứ sao! Không, không đủ, phải gào lên cơ. Nhưng rồi tôi không dám, cái môi cô tiếp viên nhếch lên cười mỉa lúc tôi đòi xem danh sách thuê phòng như chế giễu tôi. Tôi ngồi phịch xuống ghế, vơ lấy chai nước uống một hơi. Phải làm thế nào? Làm thế nào ngăn chặn cơn cuồng nhiệt của "chúng" bên kia? Tôi đứng lên thì tiếng thằng con trai vẳng đến: "Mỗi người được hành động theo sở thích của mình, mẹ làm gì ai rình mẹ? Sao mẹ đi rình bố?" "Phải rồi, tôi khát thì tôi uống không ai cấm, nhưng thứ nước tôi khát trong sạch biết bao, thứ mà ông ta khát, nhơ bẩn dường nào?". Nhơ bẩn nào? Đôi mắt cô gái mặc soóc như muốn hỏi tôi: "Nhơ bẩn nào, ai bảo bà tôi nhơ bẩn? Bà cho rằng thế thì tùy bà, đó là quan niệm riêng của bà. Còn tôi, tôi cười cả với thế giới là vì tôi trong sạch đấy. Thế gian không có điều nhơ bẩn. Có chăng đó là sự ích kỷ mà thôi"...

Lại có tiếng cười, tiếng cười của cô gái. Hẳn là ông ta đã làm cho cô ta mãn nguyện! Trời! Thế có điên không! Với tôi thì ông thờ ơ. Không, nói đúng ra thì tôi không muốn ông quá gần gũi, tôi ốm luôn mặc dù rất béo. Thân xác tôi rất mệt mỏi, song chỉ thân xác thôi. Tôi muốn ông vẫn phải say mê, ngưỡng vọng quấn quýt tôi như ngày thân xác tôi còn tươi tắn. Và bây giờ tinh thần tôi vẫn minh mẫn lắm, vẫn cần tình cảm lắm, còn ông thì hình như nếu đàn bà không có một thân thể quyến rũ, song hành với tinh thần thì là một bất hạnh cho ông. Đã có lần hai vợ chồng cãi nhau. Tôi bảo ông đã làm tuổi trẻ, sức lực, nhan sắc của tôi tàn tạ chứ ai? Ông cười: "Ô hay, thế tôi đã làm gì nào, cuộc vui nào chúng ta chẳng vui chung? Bà góp bao nhiêu sức thì tôi góp bấy nhiêu đấy chứ? Có khi tôi còn góp hơn ấy cơ!" Tôi thừa nhận, hai chục năm chung sống, vợ chồng tôi rất hài lòng về khoản tình cảm, chưa kể đến việc ông là một cán bộ cao cấp có trọng trách và làm được rất nhiều việc. Đuối lý, tôi đành viện cớ: "Vợ chồng là nghĩa trăm năm, phải thủy chung như nhất mới là người tốt". Ông lại cười: "Thì tôi vẫn thủy chung với bà đó thôi, bao nhiêu điều bà cần tôi đều đáp ứng cả, con cái nữa, thằng Nam, con Hải tôi chăm nom học hành, nuôi dạy, tôi có định bỏ bà lấy ai đâu. Thế là thủy chung nhất đấy". Tôi nói: "Nhưng dạo này, ông không đậm đà với tôi, ông cứ vắng nhà tuần một lần đó thôi?". Ông bảo: "Thế bà có muốn tôi đậm đà đâu?". Thế là hết nói. Đúng, nhiều khi ông ôm ấp ve vuốt tôi, tôi đã kêu lên: "Xin ông để cho tôi yên, tôi mệt lắm...."

"Dù sao thì...". "Dù sao thì, ông cũng không được phép ôm ấp một thân thể khác, như thế là ông phản bội tôi. Còn danh dự của tôi nữa, của gia đình nữa, nếu ông không định giữ lấy danh dự của ông!..." Suy nghĩ ấy khiến tôi một lần nữa định nhào ra đập phá căn phòng bên cạnh. Bỗng cánh cửa mở ra, thằng con tôi bước vào. Nó vui vẻ xin lỗi tôi:

- Đẹp quá mẹ ạ, lẽ ra con phải rủ mẹ đi cùng, để mẹ ở nhà một mình, thật có lỗi. Không khí dễ chịu, thoảng mùi hoa hồng, gió vi vu, xao động cành lá, mẹ cứ ở trong buồng làm sao thấy được?

Tôi thở dài, con trai tôi hồn nhiên hết chỗ nói. Tuyệt không một lời an ủi mẹ. Nó vào phòng tắm rồi trở ra với vẻ mặt tươi rói: "Thôi con đi ngủ đây"

Nhìn nó ngủ, tôi ghen với nó. Bao giờ thì tôi có giấc ngủ như vậy? - Không một thoáng ưu tư... Tôi cùng nằm giường đối diện, nhưng không sao ngủ được. Bỗng tôi bắt gặp bức tranh trên tường. Tranh sơn dầu vẽ chân dung người đàn bà trạc tuổi tôi. Trông bà bình thản, mà lại kiêu sa, mà lại sang trọng. Có lẽ họa sĩ thấy cần phải ca ngợi cái vẻ ấy của bà. Và họa sĩ có lý. Người trong tranh nhìn tôi như muốn nói: "Bạn không ý thức được hạnh phúc của bạn, bạn không biết tự hài lòng - Điều đó làm bạn trở nên bất hạnh. Đàn bà ai cũng có một thời và chỉ một thời thôi rồi nhan sắc sẽ tàn phai. Nhưng đàn bà vĩnh viễn đẹp, vĩnh viễn quyến rũ đó là sự yêu thương người khác. Bạn nghĩ đến bản thân nhiều quá!" Tôi cãi thầm: "Nào tôi có ăn ngon mặc đẹp mà quên đi chồng con tôi đâu". Tiếng nói trong tranh lại thì thầm: "Này nhé, bạn đòi chồng nghĩ đến mình, yêu mình, đem lại hạnh phúc cho mình, thủy chung với mình. Thế đã bao giờ bạn đặt câu hỏi ngược lại: "Mình đã làm gì cho chồng, đem lại gì cho chồng chưa?" Tôi lại cãi: "Tôi một đời chung thủy; tôi có ối kẻ theo nhưng tôi không tơ hào đến còn gì". "Thôi xin bạn, thực ra, bạn đã lựa chọn được cái mình ưng ý nhất, hài lòng nhất nên bạn không còn vấn vương điều khác mà thôi. Vả lại, nói nhỏ với bạn nhé, nếu bạn có vấn vương thì sức lực cũng không ủng hộ bạn. Trong những cuộc vui chung với chồng, bạn đã tiêu hết vốn bạn có rồi đấy! Và đó là hạnh phúc của đời người đàn bà nề nếp đoan trang. Bạn còn đòi hỏi gì nữa. Bạn không thấy sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà thì đó là một sai lầm. Đàn ông, trời cho một tâm sinh lý khác đàn bà. Họ có nhu cầu riêng và cũng có những hiệu quả lao động riêng. Bạn chỉ bất hạnh khi chồng bạn là kẻ ham gái mà lười lao động, hoặc không lao động có hiệu ích cho đời. Còn sai lầm thứ hai của bạn đó là sự ích kỷ nằm sâu trong tâm: bạn không còn khả năng chơi ván bài tam cúc cùng chồng, mà bạn không cho ai chơi với chồng bạn nữa... Này, hãy nhớ lời tôi nói và ngẫm lại. Khi thấy đúng bạn sẽ thanh thản vô cùng, sẽ ngủ ngon, sẽ hoạt bát, sẽ trẻ đẹp lại và mãi mãi hạnh phúc"...

Không biết bà còn thủ thỉ khuyên nhủ tôi thế nào nữa. Vốn cũng không phải người vô cảm, và bất khả tri nên tôi thấy bà nói hay quá, tôi không còn cãi được nữa, nhịp thở đều hơn, cơn bực tức không còn ùn tắc trong lồng ngực. Bình tĩnh lại tôi ngượng với chính tôi. Liếc nhìn sang thằng con trai, té ra nó "văn hóa" hơn tôi nhiều trong mọi hành động... Tôi thở đều đều và chìm vào giấc ngủ.

Sáng hôm sau, tôi trang điểm trước gương, ngạc nhiên vì vẻ tươi tắn của mình. Tôi rủ thằng con đi dạo ở chân đồi. Ban mai khoác lên vùng sân gôn một tấm voan mỏng, nhấp nháy các giọt sương. Thoang thoảng hương hoàng lan. Tiếng chim chuyền cành ríu rít. Thiên nhiên đẹp và huyền diệu vô cùng.

Khoảng chín giờ chúng tôi vào ăn sáng. Tôi bắt gặp nhiều ánh mắt của các tay gôn. Có tiếng trầm trồ. "Phụ nữ của chúng ta luôn luôn đẹp, họ đẹp ở mọi lứa tuổi ông ạ. Đàn ông chúng ta không cẩn thận họ cho ra rìa cả đấy!" Có tiếng suỵt nhỏ. Lại có ánh mắt nhìn. Lòng tôi rộn ràng, không biết có gì mà vui thế. Một tấm gương lớn treo ở cửa phòng ăn, tôi soi vào, thấy trong gương một người thon thả, kiều diễm và thanh thoát. Tôi nghiêng bên trái, thì người trong gương nghiêng bên phải, tôi giơ tay thì người trong gương cũng giơ tay. Đúng tôi rồi! ồ! Không có lẽ. Mà không thể. Thay đổi gì nhanh thế?
Làm gì để có thay đổi? Nhưng dù sao thì cũng chính là tôi. Tôi đang mải ngắm chính tôi thì tôi thấy cao hơn tôi cái đầu, một người cũng đang soi gương và hơn nữa đang nhìn tôi. Tôi ngượng nghịu cúi xuống, bỗng ông ấy cười lên há há: "Ôi vợ anh - em đến chơi gôn đó à?" Tôi nhận ra tiếng ông ấy. Đằng sau nữa là cô gái mặc soóc. Cô ấy vẫn đẹp như hôm qua. Tôi chìa tay bắt: "Chào cô - chúng ta hình như đã gặp nhau ở hành lang gác 2". Cô nói: "Vâng - thưa bà, cháu cũng mang máng nhưng hôm nay bà đẹp quá, hình như bộ áo váy này hợp hơn với bà thì phải - ông nhà chỉ cho cháu từ đằng xa và bảo: "Đó là vợ tôi!" Cháu không ngờ ở tuổi bà lại vẫn có thể đẹp đến thế này. Chúng cháu đến tuổi ấy dễ thành nắm bột nhão..." Chồng tôi đặt tay lên vai tôi trong lúc cô ấy ríu rít nói chuyện. Rồi ông bảo: "Nào, nào, ta làm chút gì đi chứ! Tôi đói ngấu đây này". Tôi hỏi: "Ông chưa ăn sáng sao?" Ông lúng túng và ngượng nghịu: "Chưa! Tôi dậy muộn quá". Tôi thoáng nghĩ điều gì đó, lại thôi ngay. Tôi chỉ còn nhớ, y như ở nhà lúc ông ấy đòi ăn, tôi vội vàng vào mua cà phê sữa và một lát bánh phết bơ cho ông, không quên hỏi và mua cho cô gái ổ bánh mì với hai quả trứng ốp lếp. Ông và cô gái có vẻ như ân hận điều gì đó.
Chiều đến. Ông thuê xuồng cho chúng tôi đi. Xuồng của gia đình tôi lao hết tốc lực làm mặt nước xé ra trắng xóa. Tôi hò reo thích thú như một cô gái trẻ, còn cô gái lại rất âu sầu. Bố con ông ấy luôn nhắc canh chừng: "Kẻo rồi hai chị em lại ngã xuống nước". Lúc trở lên bờ, ông hỏi mẹ con tôi thuê phòng nào. Tôi nó số phòng. Ông bảo: "Em và con về đi, lát nữa anh đến!" Rồi ông đến ngay.

Đêm ấy, chúng tôi còn chơi tam cúc đến khuya mới đi ngủ. Tôi quên mất không hỏi cô gái kia "quan hệ thế nào" với ông!

Cho đến bây giờ vợ chồng tôi thi thoảng đến sân gôn. Khi cao hứng, ông thường hát câu trêu chọc tôi: "Thủy chung, bài ca riêng của đàn bà". Những khi chồng tôi đi một mình, hình ảnh cô gái hiện ra làm tôi có chút chua xót. Song tôi dẹp ngay điều đó lại không cho nó có dịp phát triển. Tôi thấy rằng kể từ khi trò chuyện với người đàn bà trong tranh, tôi trẻ khỏe hẳn lại. Vợ chồng tôi lại đam mê nhau như xưa. Tôi sống trong tâm trạng vui vẻ và thanh thản. Nếu cô gái có xen vào cuộc sống của ông ấy, đi với ông ấy một quãng đường nào thì chưa chắc mọi việc đã xấu đi... Vả lại cũng ít khi ông đi sân gôn một mình. Có điều phải nói thêm rằng cái đêm ở sân gôn, thằng Nam nhà tôi đi dạo một mình, nó đã gặp bố và người bạn trai của ông. Họ đang chơi cờ vua, bên cạnh họ là cô gái trẻ. (Một là cô gái mặc soóc). Thấy nó, lúc đầu ông cũng lúng túng, sau thì bố con, bác cháu đã tranh luận nhiều điều... Mãi sau thằng Nam mới kể lại cho tôi nghe. Nó kết luận rằng: "Nhìn vào đàn ông là nhìn vào hiệu ích cho đời, cho xã hội, cho gia đình của họ, đừng nhìn những hành động chi tiết mà sai lầm mất".

Điều nó nói với tôi không hẳn đúng, theo quan niệm của tôi. Bây giờ, với tôi "ông thế nào" không quan trọng nữa, mà thiết yếu rằng "Tôi đã vươn tới tình yêu" đến đâu. Đó chính là hạnh phúc.











Trịnh Công Sơn & Trần Thị Trường






Trần Thị Trường, Phó Đức Phương, Trần Tiến













































Trở về








MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.